Liệu Pháp Tâm Hồn _ Trial

Page 1



LIỆU PHÁP TÂM HỒN Chữa lành bằng trị liệu biểu tượng nâng cao


Biên mục trên xuất bản phẩm của Thư viện Quốc gia Việt Nam Angeli, Patricia d’ Liệu pháp tâm hồn : Chữa lành bằng trị liệu biểu tượng nâng cao / Patricia d’ Angeli ; Nguyễn Vân Anh dịch. - H. : Dân trí ; Công ty Xuất bản Thiện Tri Thức, 2021. - 364 tr. ; 24 cm ISBN 9786043444391 1. Liệu pháp tâm lí 2. Thôi miên 615.8512 - dc23 DTM0390p-CIP

PSYCHOTHERAPIE Copyright @ 2007 by Patricia d’Angeli Originally published in 2007 by IFHE Editions, France This book is published under the agreement between IFHE Editions., a corporation pursuant to the laws of France, with principal place of business at 60 rue Carnot, 92100 Boulogne-Billancourt, France, And ThienTriThuc Publishing Company, No 75B, Yen Phu street, Yen Phu ward, Tay Ho district, Ha Noi capital, Viet Nam. LIỆU PHÁP TÂM HỒN, Patricia d’Angeli Cuốn sách được xuất bản theo hợp đồng bản quyền giữa Nhà xuất bản IFHE Editions, 60 rue Carnot, 92100 Boulogne-Billancourt, France, và Công ty TNHH Xuất bản Thiện Tri Thức, số 75B, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam.

Không chấp nhận mọi hình thức sao chép, in ấn hoặc chuyển thể sang các hình thức xuất bản điện tử nào mà chưa có sự cho phép của Thiện Tri Thức. Team thực hiện: Thảo Triều – Cơ Lương – Bùi Mai – Biko – Áo Nâu – Mầu Quang Hưng



CẢNH BÁO: Nội dung của cuốn sách này dựa trên kiến thức và kinh nghiệm của tác giả. Nó được thiết kế cho mục đích giáo dục. Trước khi thực hành bất kỳ kỹ thuật nào trong cuốn sách này, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia y tế, chuyên gia chăm sóc sức khỏe hoặc nhà tâm lý để được tư vấn. Việc thực hành các kỹ thuật của cuốn sách này là trách nhiệm của người đọc. Tác giả và nhà xuất bản của cuốn sách này không ủng hộ hay tán thành việc tự điều trị ở người không có chuyên môn, và tác giả và nhà xuất bản không chịu trách nhiệm cho bất kỳ tổn hại về thể chất hoặc tâm lý nào có thể xảy ra như là kết quả của việc thực hành các hướng dẫn có trong cuốn sách này. Những người không có kiến thức và không đủ tiêu chí quan tâm đến các phương pháp điều trị được đề cập đến trong cuốn sách này nên tham khảo ý kiến của một nhà thực hành chuyên nghiệp có trình độ.


MỤC LỤC Về tác giả

7

Lời người dịch

9

Lời nói đầu

15 PHẦN 1: VÀI KIẾN THỨC TÂM LÝ

21

Chương 1: Câu hỏi chính yếu: "tôi là ai?"

25

Chương 2: Vô thức là ai vậy?

33

Chương 3: Các nguyên mẫu

43

Chương 4: Tổn thương là bạn hay là thù?

111

Chương 5: Chấn thương và mối quan hệ cặp đôi

151

PHẦN 2: QUY TRÌNH ĐIỀU TRỊ

213

Chương 6: Đầu tiên, cái cơ bản...

215

Chương 7: Dẫn nhập vào thôi miên: Một phương tiện chuyển tiếp

219

Chương 8: Làm việc lên các nguyên mẫu

235

Chương 9: Để tang và vượt qua nỗi đau mất mát

301

Chương 10: Trị liệu cặp đôi

317

Chương 11: Sử dụng giấc mơ

333

Kết luận

355

Tài liệu tham khảo

361



VỀ TÁC GIẢ Patricia d’Angeli là một nhà trị liệu, chuyên nghiên cứu về các mối quan hệ với bản thân, với người khác và về sự hòa hợp đôi lứa. Patricia d’Angeli là đồng sáng lập của Viện thôi miên nhân văn và thôi miên Erickson (IFHE), nơi cô tham gia đào tạo chuyên nghiệp. Cô cũng điều hành các hội thảo về mối quan hệ với bản thân và người xung quanh, trị liệu cặp đôi, diễn giải giấc mơ,... Được đào tạo về tâm lý học phân tích trường phái Jung (phân tích biểu tượng, giải nghĩa giấc mơ) cũng như NLP, Rebirth và kỹ thuật thở Holotropic, Patricia d’Angeli là đồng sáng lập Thôi miên Nhân văn, mà “Liệu pháp biểu tượng nâng cao” được trình bày trong cuốn sách này là một trong những công cụ quan trọng nhất. Nó còn có mục đích chữa lành những tổn thương gốc rễ của cá nhân, nhằm cân bằng các khía cạnh tính nữ và tính nam nội tâm mang đến trợ giúp trong các giai đoạn quan trọng của cuộc sống: kết hôn, sinh con, ly dị, mất người thân, thay đổi sự nghiệp, cũng như những khó khăn trong quá trình tiến hóa tâm thức và xã hội của chúng ta. Để tìm hiểu thêm về tác giả, mời ghé trang web: www.Patricia-dangeli.com.



LỜI NGƯỜI DỊCH Cảm ơn các bạn đã lựa chọn cuốn sách này. Tôi hy vọng bạn sẽ tìm thấy trong đó thật nhiều lợi ích cho bản thân cũng như người thương, gia đình, bạn bè; cũng như chúng tôi, khi mới biết đến hai tác giả-hai vợ chồng người Pháp rất thú vị là Patricia d’Angeli và Olivier Lockert. Tôi ấn tượng với hình ảnh hai vợ chồng “chung lưng đấu cật” phát triển một phương pháp trị liệu tâm lý hiệu quả, cân bằng giữa sức mạnh nam tính và nữ tính, hòa thuận Âm và Dương; cứ dần dần mở rộng lý thuyết của mình cho những ai quan tâm, như kiến tha lâu cũng đầy tổ, và hiện nay sách của họ đã có mặt trên 60 quốc gia. “Hữu xạ tự nhiên hương”, họ xây dựng tên tuổi của mình theo cách thật giản dị, không phô trương, không kỹ thuật marketing màu mè, mà tự nhiên như đất trời, thuận theo quy luật của thời thế và lịch sử. Bạn có như tôi, thấy hình ảnh đó thật nhiều cảm hứng không? Đây là một cuốn sách sẽ cho bạn biết về chính bạn, về tâm hồn sâu thẳm của bạn và nhiều khía cạnh của nó: nhà thông thái hay đứa trẻ nội tâm, tính nam và tính nữ. Bản thân là người đến với ngành tâm lý sau khi đã trải qua lĩnh vực khác (thương mại, tài chính), sau khi dịch và thực hành cuốn sách này, tôi đã hiểu hơn về chính mình rất nhiều: tổn thương nào đã khiến tôi chọn con đường mình đã đi, tôi đã bị “kẻ chỉ trích nội tâm” ảnh hưởng biết bao lâu trước khi dám kết nối với “đứa trẻ nội tâm” và bứt phá, đi tìm con đường mới? Tôi đã sống với tổn thương của “tính nữ nội tâm” như thế nào? Có bao nhiêu người phụ nữ và đàn ông Việt Nam đang chịu tổn thương của tính nam và tính nữ


10 * Patricia d’Angeli

nội tâm giống như tôi, và giống như những người phương Tây được minh họa trong cuốn sách này? Khi vừa đọc vừa dịch cuốn sách này, tôi dường như đã trải qua một loạt những “vỡ òa”, như thể những vết thương sâu bị đánh thức, và rồi được chuyển hóa, đúng như lời miêu tả của Trị liệu Biểu tượng Nâng cao: “Làm trị liệu là giúp một người khỏe hơn, nhưng không nhất thiết phải sửa đổi hoặc thay đổi những gì là thực chất con người họ. Tâm lý trị liệu là giúp một người chữa lành vết thương bằng cách cho phép họ thay đổi những gì “còn chưa khỏe” trong con người họ, ở sâu thẳm bên trong.” Giống như Vô thức – nàng công chúa đang say ngủ trong toà lâu đài giữa rừng sâu, đang chờ đợi một vị hoàng tử – ánh sáng của ý thức – đến, đánh thức và mang đến tình yêu, nhằm giúp nàng bừng tỉnh khỏi đêm tối và màn sương của những lời nguyền trăm năm. Cuốn sách này sẽ giúp bạn khám phá một phương pháp trị liệu cho tâm hồn bằng cách du hành trong một thế giới của biểu tượng và thơ ca, của những mối tương quan đầy tinh tế, hiểu được về Vô thức – với những huyền thoại đã đúc tạc nên nó và các nguyên mẫu đang biểu trưng cho nó. Từ đó, sự chuyển hóa đầy phép màu sẽ đến với bạn. Nhiều người đọc Việt Nam có thể thấy hơi xa lạ với vài khái niệm và phân tích nghiêng về thần thoại Hy Lạp, về phân tâm học của Jung và Freud, cũng như e dè với khái niệm Thôi miên. Bản thân tôi cũng đã từng như vậy: một quá khứ đã từng bị bủa vây bởi thật nhiều ngôn ngữ của vô thức (với thần tiên, ma quỷ) được thừa hưởng bởi các tôn giáo và nghi thức bản địa đã khiến tôi tìm kiếm những cách cắt nghĩa mang tính lý trí và logic hơn để bù đắp. Không những thế, tôi đã trải qua vài năm làm việc trong lĩnh vực phân tích tài chính vô cùng lý trí và giàu “tính nam” (như một người thân chủ được minh họa trong cuốn sách này) trước khi nhận ra rằng bên trong mình có một tính nữ đang bị tổn thương, và đang chối bỏ những sức mạnh và nguồn


Liệu pháp tâm hồn * 11

lực của chính nó (ngôn ngữ trực giác, mơ mộng và đầy chất thơ). Chỉ đến khi đã sinh sống ngoài Việt Nam, cũng như tìm hiểu và khám phá nhiều tài liệu của cả tây lẫn ta, tôi – và hẳn là nhiều bạn – mới thấy ở bên trong bản thân luôn chứa đựng một sự minh triết không phân biệt giới tính, văn hóa, quốc gia. Do đó, các bạn khi đọc sách sẽ thấy có những sự tương đồng giữa các khái niệm như tính nam, tính nữ trong trường phái phân tích tâm lý của Jung với sức mạnh Âm, Dương trong Lão giáo; như Toàn thức và Chúa, hay ông Trời, Đấng Tạo tác, Tự nhiên,... Những mô tả khúc chiết trong cuốn sách này đã mang đến cho trực giác Á Đông của tôi nguồn ánh sáng mới từ những phân tích thừa hưởng từ nhiều ngành tâm lý học, phân tâm học, thần thoại và biểu tượng học, kèm với óc phân tích và ghi chép có tính hệ thống của Tây phương. Tôi đã được trợ giúp rất nhiều trong việc hiểu bản thân cũng như giúp đỡ các thân chủ của mình; và tôi hy vọng nó cũng sẽ giúp ích nhiều cho bạn đọc. Một khi đã hiểu rằng tâm lý bản thân đang bị chi phối bởi những sức mạnh nào từ vô thức, từ lịch sử gia đình, địa phương, quốc gia và toàn bộ loài người; cũng như những nguồn lực dồi dào nào từ “Toàn thức”, “Tự ngã” hay “Cái tôi lý tưởng” – những khái niệm được nghiên cứu kỹ lưỡng và được định nghĩa bởi óc tư duy phương Tây – chúng ta sẽ cảm thấy con đường sự sống trở nên thật mở rộng, thênh thang và bình an do biết hòa quyện giữa tri thức và kinh nghiệm của cổ nhân với các nghiên cứu hiện đại, phổ quát, có tính ứng dụng cao; không những thế, còn được hưởng lợi từ sự giao thoa giữa nhiều nền văn hóa. Chỉ cần bạn mở lòng ra và cho bản thân cơ hội được chữa lành bởi trực giác của bản thân, cùng với sự dẫn dắt của nhà trị liệu hiểu biết và giàu khả năng lắng nghe, cuộc sống của bạn sẽ hé mở những cánh cửa kỳ diệu và mọi thứ bỗng chốc trở nên lung linh đến không ngờ.


12 * Patricia d’Angeli

Hiện nay tôi đã là thạc sĩ tâm lý phát triển trẻ em và thanh thiếu niên, với nhiều kiến thức về tâm lý của cả người lớn và trẻ nhỏ, nhưng khi nói về phương pháp trị liệu, bản thân tôi đã mất một thời gian tìm hiểu và trải nghiệm, cho đến khi tìm thấy phương pháp của hai vợ chồng nhà tâm lý Lockert, nhờ sự giới thiệu của chị Vũ Phi Yên. Chị Yên là bác sĩ, nhà di truyền học và nhà tâm lý, người đầu tiên giới thiệu kỹ thuật Thôi miên Nhân văn đến với độc giả Việt Nam thông qua bộ tiểu thuyết “Những người tạo ra hiện thực” của tác giả Olivier Lockert. Cảm thấy tò mò và bị thu hút bởi các phương pháp được trình bày trong bộ tiểu thuyết, tôi đã tiếp bước chị và dịch thêm các giáo trình chuyên môn, cũng như tham gia đào tạo chuyên sâu về Thôi miên trị liệu nói chung cũng như Thôi miên Nhân văn nói riêng, và càng lúc tôi càng được chứng kiến những hiệu quả vượt trội của phương pháp này. Không cần trình bày lý thuyết vòng vo, không cần mất hàng năm trên chiếc ghế bành để được phân tích tâm lý, hay nhiều năm luyện tập ngồi thiền, cũng không bị nhà trị liệu chỉ dẫn đường đi nước bước (và không còn nỗi sợ bị thao túng), Thôi miên Nhân văn, được trợ giúp bởi Trị liệu Biểu tượng, đảm bảo sao cho thân chủ được làm việc lên bản thân một cách hoàn toàn có ý thức, nhờ những nguồn lực sẵn có trong Vô thức của chính người đó, và còn từ bầu Toàn thức – nơi khai sinh ra vạn vật nữa – do người đó đã biết “giương ăng-ten” để tiếp cận nguồn tài nguyên vô hạn kia. Khi thấy thân chủ hạnh phúc trở về nhà sau một khoảng thời gian không quá dài, và thấy con người mình đã chạm vào được “mỏ vàng” của biết bao tiềm năng chưa được khám phá, tôi cảm thấy một niềm vui tuyệt diệu. Hiện nay TS. BS. Vũ Phi Yên và tôi là hai người Việt Nam đầu tiên được đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề Thôi miên Nhân văn, do viện Pháp về Thôi miên Nhân văn và Thôi miên kiểu Erickson cung cấp; do vậy, nếu bạn đã là một nhà trị liệu tâm lý, hy vọng cuốn sách này sẽ hỗ trợ cho công việc của bạn với thân chủ của mình, còn nếu


Liệu pháp tâm hồn * 13

như bạn đọc cuốn sách để hiểu hơn và bản thân và tự chữa lành, vậy khi có những thắc mắc cần giải đáp về Thôi miên Nhân văn và Trị liệu Biểu tượng, bạn có thể liên hệ với chúng tôi qua các địa chỉ sau: TS. BS. Vũ Phi Yên: Nơi công tác hiện tại: Công ty Cổ phần Hành trình đích thực (Better Living Life Coaching & Training Center) Email: info@betterliving.edu.vn Website: http://betterliving.edu.vn/ ThS. Nguyễn Vân Anh: Nơi công tác hiện tại: Viện Tâm lý học & Truyền thông (Institute of Psychology & Media) Email: ipm.hanoi@gmail.com Website: http://vientamlyhocvatruyenthong.com.vn/ Blog chuyên môn: https://vanhpsychologie.wordpress.com/ Một lần nữa, chúng tôi gửi đến bạn lời cảm ơn vì đã chọn cuốn sách, chúc mừng bạn đã biết đến một công cụ đầy quyền năng, và hẹn gặp lại bạn qua những trang tâm tình, chia sẻ trải nghiệm thành nhân. Dịch giả, thạc sĩ Nguyễn Vân Anh


“Tôi so sánh cuộc đời một con người với vẻ đẹp đáng sợ của một cái cây cảnh hay một cây thông cổ thụ trên các rạn san hô bên bờ biển đã bị gió uốn cong theo thời gian. Ta tán thưởng vẻ đẹp vào giai đoạn mùa thu của cuộc đời nó, nhưng nó đã phải hy sinh điều gì để có thể vươn lên và phát triển như thế? Người đó có biết chăng, cái cây này đã có một số phận đặc biệt. Câu chuyện là từ khi còn nhỏ, nó đã phải trải qua biết bao nhiêu phong ba bão táp. Bị nhổ bỏ, chuyển dời từ môi trường này sang môi trường khác, chịu đựng những đau đớn để thích nghi với những hoàn cảnh sống kỳ lạ, nó sẽ chẳng bao giờ thấy thoải mái dù ở nơi này hay nơi khác... Thế nên nó cứ tìm kiếm mãi, ráo riết, không biết mệt mỏi, cái sự hợp nhất nguyên thủy mà nó đã đánh mất.” Fabienne Verdier (trong La passagère du silence – Hành giả trầm lặng)


LỜI NÓI ĐẦU Trị liệu tâm lý là gì? Theo nghĩa đen, trị liệu tâm lý là “liệu pháp cho tâm hồn”. Vì vậy, để thực hành tâm lý trị liệu, bạn phải hiểu được cái tinh thần sâu sắc đã thổi cho con người sự sống: Vô thức. Không phải trên lý thuyết, mà là trong thực tế – bởi vì trên hành trình đồng hành cùng người đang đau khổ, bạn sẽ không phô trương kiến thức của bản thân. Ta cần mang đến cho họ một sự trợ giúp cụ thể. Vô thức của chúng ta đã được rèn giũa không chỉ qua các mối quan hệ gia đình ta có, mà còn cả xã hội, thông qua cộng đồng kiến tạo nên quốc gia và cả thời đại của chúng ta, vì vậy điều quan trọng là phải có những kiến thức tối thiểu về cội nguồn của Nhân loại, hiểu biết về những huyền thoại, truyền thuyết lâu đời nhất và đã được truyền thụ đến đời chúng ta. Và cuối cùng, bất cứ kiến thức nào cũng chỉ được xác minh bằng hành động, bằng quá trình thực thi mà nó cho phép ta – người thực hành liệu pháp tâm lý cần biết rõ về các cấu trúc can thiệp tốt – có khả năng tác động đến người mà anh ta giúp đỡ, có khả năng đi vào những tầng lớp sâu thẳm và tinh tế nhất của Vô thức chính mình, vốn cũng phức tạp và đầy tính biểu tượng như người kia vậy. Và, nếu có thể, hãy sử dụng các kỹ thuật đơn giản, thích ứng với mọi tình huống và mọi cách hiểu, và chúng cần có khả năng trợ giúp được càng nhiều người càng tốt. Kiến thức về Vô thức, về thần thoại và biểu tượng sẽ trợ giúp cho các thao tác trị liệu, và việc thực hành các cấu trúc trị liệu cần đơn


16 * Patricia d’Angeli

giản và có khả năng thích nghi cao: ba điểm cốt yếu này phải là nền tảng của bất kỳ phương pháp trị liệu tâm lý nào. Theo nghĩa này, cuốn sách của Patricia d’Angeli xứng đáng với tiêu đề: “Liệu pháp cho tâm hồn: Chữa lành bằng trị liệu biểu tượng nâng cao”, bởi vì trong những trang tiếp theo bạn sẽ khám phá tất cả những gì hữu ích và cần biết nhất, theo ba nguyên tắc cơ bản nói trên. Trong hơn 25 năm hành nghề trị liệu, tôi đã nghiên cứu nhiều cách tiếp cận được cho là có khả năng giúp hỗ trợ thân chủ tốt hơn... Thật không may, rất ít trong số chúng phù hợp cho việc thực hành lên người thật: có rất nhiều lý thuyết, vâng, và ý tưởng đôi khi nghe còn rất hay ho và lời văn thì trác tuyệt, nhưng cuối cùng lại chẳng vận dụng được là bao. Đó là điều khiến tôi chuyển sang Thôi miên trường phái Erickson1 và Thôi miên Mới2: mặc dù hiểu biết về Vô thức mà chúng

Các chú thích trong sách đều là của dịch giả Thôi miên trường phái Erickson, do bác sĩ Milton Erickson phát triển, cũng là một hình thức thôi miên phân ly ý thức-Vô thức của bệnh nhân, giống với nguyên lý của Thôi miên cổ điển, cũng sử dụng nhiều ngôn ngữ ám thị nhằm đưa bệnh nhân vào trạng thái trance Theta (trance với sóng não Theta) nhưng tinh vi hơn và bổ sung thêm các kỹ thuật như kỹ thuật gây nhầm lẫn, không thể đoán trước,... vốn không tồn tại trong Thôi miên cổ điển. Bản thân bác sĩ Erickson không phát triển các quy trình chuyên biệt cho kỹ thuật thôi miên của mình. Sau này các học trò của bác sĩ Erickson mới hệ thống hóa, quy trình hóa các kỹ thuật này và đặt tên là Thôi miên trường phái Erickson, cũng như phát triển các trường phái khác như NLP (Neuro Linguistic Programming - Lập trình ngôn ngữ tư duy) và Thôi miên Mới. 1

Thôi miên Mới, do Araoz, chuyên gia thôi miên, nhà trị liệu tâm lý, nhà tình dục học tạo ra, khác với “Trường phái thôi miên mới” của Bernheim, cũng dựa trên những nền tảng của Thôi miên cổ điển, nhưng phong phú hơn (ở cấp độ kỹ thuật) và hiện đại hơn (về mặt tinh thần). Nó cũng kết hợp một số kỹ thuật của Thôi miên trường phái Erickson, nhưng theo cách mềm dẻo, linh hoạt hơn và kỹ thuật cũng được cải tiến hơn (ít hoặc không có kỹ thuật gây nhầm lẫn, bệnh nhân không bị giao cho những nhiệm vụ khó khăn,...). Nhà thôi miên không đưa ra những ám thị trực tiếp, mà là gián tiếp, bằng cách gợi lên những phương hướng mà bệnh nhân có thể thực hiện (bằng ẩn dụ, ám chỉ), người này sau đó có cảm giác đã lựa chọn các giải pháp của riêng mình (nhưng trên thực tế, chúng đã được nhà trị liệu đề xuất và ám thị, vẫn ở đó để hướng dẫn sự thay đổi ở bệnh nhân) 2


Liệu pháp tâm hồn * 17

đem lại chỉ rất cơ bản, cả hai vẫn mang lại các công cụ hiệu quả, có thể kiểm chứng được, giúp thỏa mãn công việc hàng ngày của bất kỳ nhà trị liệu nào: đó là làm sao cho thân chủ rời phòng khám với trạng thái ổn hơn một chút. Sau đó, do các kỹ thuật của Mỹ này vẫn không mang lại nhiều ý nghĩa và sự tự nhận thức cho thân chủ, tôi bị thôi thúc chuyển sang câu hỏi “nên hành động thế nào” thay vì câu hỏi “tại sao tôi lại đau đớn?” và, với sự giúp đỡ của Patricia d’Angeli, chúng tôi đã phát triển công cụ mà ngày nay được gọi tên là Thôi miên Nhân văn1. Một sự tiếp cận mở, tập trung vào việc tiếp cận Vô thức và Toàn thức – cái Ý thức cao hơn đã mang lại cho chúng ta sự sống. Chúng tôi đã khám phá ra một cách mới để khám phá tâm trí con người, nhưng các kỹ thuật trị liệu của tôi cũng bộc lộ giới hạn: chúng cho phép tôi thực hành “trị liệu”, nhưng không phải là “trị liệu tâm lý”... Đây mới là đỉnh cao trong việc tiếp cận trực tiếp, mở ra cho ta con đường đến với tâm hồn mình!

Thôi miên Nhân văn là một trong bốn hình thức Thôi miên hiện có, và được phát triển gần đây nhất (2000). Nó là một phần của phương pháp tiếp cận “siêu cá nhân” – theo nghĩa là mức độ can thiệp của nó có tính đến cá nhân và hệ thống bao quanh người đó. 1

Thôi miên Nhân văn có điểm đặc biệt, khác với các loại Thôi miên còn lại là không mang tính phân ly giữa Ý thức và Vô thức, mà đưa thân chủ tiếp cận với phần Ý thức cao hơn (Toàn thức) để chữa lành Vô thức mà không làm cho người đó mất ý thức về những gì đang xảy ra xung quanh. Trạng thái trance của Thôi miên nhân văn là Trạng thái Ý thức Tăng cường, hay trance Gamma, giống với trạng thái thiền sâu. Sự khác biệt của Thôi miên Nhân văn nằm ở cả kỹ thuật (đảo ngược so với các hình thức thôi miên còn lại, khiến người nghe trở nên “ý thức” hơn, thay vì rơi vào trạng thái trance Theta như ngủ gà) lẫn các nguyên tắc, ý tưởng và giả định hướng dẫn cho các can thiệp trị liệu. Nói chung, Thôi miên Nhân văn ít mang tính thao túng bệnh nhân hơn các hình thức còn lại. Bệnh nhân là người hoàn toàn chịu trách nhiệm cho việc hiểu và chữa lành bản thân.


18 * Patricia d’Angeli

Sự khác biệt giữa trị liệu và trị liệu tâm lý là gì? Rất cụ thể, dưới sự hướng dẫn qua lời nói, trị liệu có thể điều trị các vấn đề mang tính “kết cấu”, có thể nói là thuộc về thể lý: nghiện hút thuốc, kiểm soát cân nặng, các chứng ám ảnh, dị ứng, giúp gây mê... Trị liệu chỉ sửa chữa cái Vô thức, mà không thực sự biết tại sao Vô thức gặp vấn đề – vì vậy không giúp thân chủ tự nhận thức, người đó không tự trưởng thành lên được. Nó chẳng động chạm gì đến cái gốc rễ của cuộc đời người đó, vết thương sâu cũng như những vòng xoáy luẩn quẩn, tái diễn đang quyết định sự sinh tồn hàng ngày của anh ta... Do đó Milton Erickson giải thích rằng: việc một vấn đề tâm lý tái phát lặp đi lặp lại trong cuộc sống của bệnh nhân là điều khá bình thường, vì cảm lạnh có thể quay trở lại mỗi mùa đông khi hệ miễn dịch trở nên yếu ớt... Nói như vậy thì vấn đề sẽ có vẻ hợp lý và dễ được chấp nhận! Ngoại trừ một điều là, lời giải thích này rõ ràng không thỏa mãn tinh thần của tâm lý trị liệu, cái lý tưởng đã đem lại động lực cho nhiều nhà trị liệu – những người luôn tìm kiếm một phương pháp chữa bệnh “thực sự”, thật dứt khoát, đem lại một sự an bình nội tâm và niềm hạnh phúc lớn lao hơn, một phương pháp bao trọn những gì chạm được vào tâm hồn con người. Do đó, trị liệu tâm lý là một liệu pháp của tâm hồn, theo nghĩa thực sự: nó không chỉ xử lý việc ngừng hút thuốc, gây mê hoặc giảm cân. Nó khiến một con người thay đổi những gì người đó đang là, bên trong sâu thẳm của chính anh ta, để trở thành con người lý tưởng mà anh ta có thể đạt đến trong cuộc đời này. Khi một người mô tả cho tôi một loạt các vấn đề dường như xuất phát nhiều hơn từ câu chuyện cốt lõi về căn tính: “người đó là ai” và


Liệu pháp tâm hồn * 19

tính cách của anh ta như thế nào, thay vì từ một sự kiện chấn thương cần chữa lành, tôi thấy mình gặp khó khăn. Tôi phải nói với người này rằng, về mặt kỹ thuật, người đó chẳng bị gì cả. Anh ta cứ “như thế” thôi. Những gì anh ta phàn nàn, đó là do con người anh, cuộc đời anh như vậy. Anh khổ sở vì con người hiện tại của mình... Nhưng tôi không thể làm bất cứ điều gì khác bằng các kỹ thuật trị liệu của mình – nó sửa chữa được đấy, nhưng không thay đổi được gì (gốc rễ của vấn đề). Tuy nhiên, hiện nay, gần hai phần ba số người đến điều trị lại bộc lộ những vấn đề động chạm đến con người họ, câu hỏi sâu thẳm “họ là ai”... Trong họ không có gì là thực sự rạn vỡ cả. Cuộc sống đã khắc tạc nên họ như hiện giờ. Vậy anh chị muốn tôi làm gì với nó đây? Tôi có thể giúp họ băng bó vết thương, nhưng tôi không thể thay đổi những gì họ đã trở thành vì những vết thương này. Vì thế, ta sẽ phải tiếp cận với cái nền tảng của tâm hồn họ. Và đó là những gì Patricia d’Angeli đề xuất ở đây, nhờ vào các kỹ thuật đơn giản, thuộc “Liệu pháp biểu tượng nâng cao” của cô! Thế là, đối với một nhà trị liệu như tôi, cô đã tạo ra một phép màu! Một trong những điều đẹp nhất trong cuộc sống. Bởi, chỉ trong một thời gian ngắn, bạn sẽ có thể học cách trao lại sự sống, hy vọng và tình yêu cho những linh hồn đã đánh mất tất cả, và với họ, sự tồn tại không còn là gì khác ngoài một địa ngục mênh mông. Việc trị liệu đã trở nên khắc khổ, nặng tính kỹ thuật và lý thuyết, giống như hình ảnh của tính nam đã đàn áp xã hội của chúng ta trong nhiều thiên niên kỷ. Trị liệu tâm lý của Patricia d’Angeli giúp ta dung hòa với phần tính nữ trong mình, với tính toàn diện và sáng tạo trong ta. Nó chữa lành tâm hồn ta.


20 * Patricia d’Angeli

Điều kỳ diệu cũng nằm ở “cuộc hôn phối thiêng liêng” này mà toàn xã hội chúng ta hiện đang cố gắng đạt được. “Liên minh” giữa trái tim và lý trí. Một cuộc hôn phối mở ra một kỷ nguyên mới cho toàn nhân loại và trong đó bạn có thể là “đứa trẻ thiêng liêng” đầu tiên. Olivier Lockert Đồng sáng lập Thôi miên Nhân văn Chủ tịch Viện thôi miên nhân văn & trường phái Erickson của Pháp


PHẦN 1

VÀI KIẾN THỨC TÂM LÝ “Trong mỗi tiếng khóc kinh hoàng của một đứa trẻ, Tôi nghe tiếng xích sắt do tinh thần hun đúc nên.” William Blake


22 * Patricia d’Angeli

“Xin làm ơn, hãy giúp đời tôi dễ chịu hơn một chút. Tôi không thể chịu đựng được nữa rồi.” Đó là lời than khóc của trái tim, lời than khóc của tâm hồn. Tiếng kêu khóc của đứa trẻ trong chúng ta hướng về thế giới và hỏi nó tại sao sự sống lại tồn tại, nếu đó chỉ là đau khổ? Tại sao tôi lại được sinh ra? Đó là tiếng kêu khóc tôi nghe thấy mỗi ngày, từ miệng của những người tôi đồng hành trong trị liệu tâm lý, nhưng cũng từ miệng của nhiều người mà tôi gặp, theo ý nguyện của cuộc đời này. Lời than khóc mà chính tôi cũng thốt lên trước khi hiểu được những gì đang xảy ra trong sâu thẳm tâm hồn mình. “Xin làm ơn, hãy giúp đời tôi dễ chịu hơn một chút. Tôi không thể chịu đựng được nữa rồi.” Câu này rõ ràng đã tóm tắt rất nhiều điều. Tuy thế, nó thuộc về một bức tranh lớn hơn. Vấn đề chính, cái cốt lõi của vấn đề vẫn là ở đó: cuộc đời của tôi đang tệ hại. Tuy nhiên, khi ta nhìn vào cuộc sống của những người đàn ông và phụ nữ này, ngoại trừ những trường hợp cực đoan, chúng vẫn được coi là cuộc đời bình thường. Bệnh nhân nào cũng có một nơi để sống, một cái gì đó để ăn. Nhiều người còn có một công việc được trả lương và một gia đình. Đây là những người đã đi học từ khi còn nhỏ, nhiều người thậm chí còn có trình độ học vấn rất cao. Tuy nhiên, lời cầu cứu này nghe như thể nó đến từ sâu thẳm tâm hồn của những người đã đánh mất ý nghĩa cuộc đời mình. Họ không hiểu mình sống vì cái gì nữa.


Liệu pháp tâm hồn * 23

Khi tôi hỏi họ: “Anh chị có biết cơn đau khổ này đến từ đâu không?” Tôi thường không nhận được câu trả lời. Trong khả năng tốt nhất thì những người này dẫn lại cho tôi những gì họ có thể hiểu được trong một số sách trị liệu liên quan đến triệu chứng mà họ đã tham khảo trước khi quyết định tìm kiếm sự giúp đỡ, hoặc những gì tự họ hiểu được sau chuyến thăm khám gần nhất với nhà tâm lý. Chẳng cần đến cả một quá trình nghiên cứu và hỏi chuyện lâu dài với những người này, ta hiểu ngay rằng đau đớn mà họ đang gánh chịu xuất phát từ một phần của chính họ nhưng họ chưa hề hay biết: Vô thức của họ. Và đó là lý do tại sao họ không biết cơn đau đến từ đâu. Cũng chính vì lý do này mà họ thất bại trong việc thay đổi mọi thứ. Thật vậy, làm sao thay đổi những gì chúng ta không biết, cái không-đượcý-thức-đến: Vô thức. Trước khi nói về các phác đồ trị liệu và chăm sóc, một điều rất quan trọng tôi phải làm là giải thích những điều cơ bản: • Vô thức là gì? • Vô thức vận hành như thế nào? • Vô thức có tác động lên cuộc đời chúng ta như thế nào? Và đặc biệt: •

Liệu ta có thể dễ dàng hành động để thay đổi mọi thứ không?

Và làm thế nào?

Và sau đó, ta sẽ khám phá rằng Vô thức cá nhân của ta chủ yếu được xây dựng dựa trên những thứ đến với ta từ những người khác, từ xã hội chúng ta và thời đại chúng ta đang sống.


24 * Patricia d’Angeli

Ký ức của nhân loại lưu giữ dấu vết lịch sử của nó trong những truyền thuyết và thần thoại. Và những câu chuyện này tiếp tục ảnh hưởng đến chúng ta hàng ngày. Do đó, chúng tôi sẽ nói rất nhiều về những “nguyên mẫu (archetype)”1 này, chúng là gì, chúng được hình thành và ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào. Đây là những nguyên mẫu, mang tính cơ bản nhất, như các khía cạnh tính nữ và tính nam của chúng ta, cho đến tính cá nhân và đặc trưng nhất như Đứa trẻ Nội tâm – cái đang mang những tổn thương của chúng ta. Câu hỏi ở đây sẽ là học cách nhận ra những tổn thương trong tâm hồn chúng ta, để hiểu rõ hơn về cách ta chăm sóc và điều trị chúng. Tất cả những thứ này không đến từ hư vô. Lịch sử lâu đời nhất của chúng ta cho ta biết các cơ chế của tinh thần, các khía cạnh và vết thương của nó, và cách điều trị chúng. Tôi sẽ cho bạn một ví dụ, thông qua một câu chuyện nổi tiếng. Sau đó, bạn sẽ hiểu cách thức đọc vị những biểu tượng của tâm trí bạn, bao gồm cả những giấc mơ của bạn, và cách sử dụng chúng.

Nguyên mẫu (archetype): Khái niệm do bác sĩ tâm thần Carl Gustav Jung đề xuất, là một khuynh hướng bẩm sinh hình thành và biến đổi bản ngã/ý thức cá nhân. 1

Nó là một xu hướng tự nhiên nhằm định hình sự vật hơn là một tập hợp các nội dung được kế thừa như hình ảnh, ý tưởng, khái niệm; đó là một ma trận ảnh hưởng đến suy nghĩ và niềm tin của con người trên các cấp độ đạo đức, luân lý, tôn giáo và văn hóa. Jung nói về nguyên mẫu (còn gọi là “hình ảnh nguyên thủy”) giống như các mẫu hành vi của các nhà sinh vật học (các mẫu hành vi bẩm sinh). Nói tóm lại, nguyên mẫu là những khuynh hướng bẩm sinh định hình nên hành vi của con người.


Chương 1 CÂU HỎI CHÍNH YẾU: "TÔI LÀ AI?"

Tôi biết đến một phần của con người mình. Tôi nhìn thấy nó mỗi ngày, trong gương. Tôi có một ý tưởng về việc tôi là ai bởi tôi nhớ câu chuyện của mình, ít nhất là có nhiều yếu tố của nó vẫn còn lưu lại trong trí nhớ của tôi. Tôi cũng biết một số câu chuyện về người thân tôi, có thể là tổ tiên tôi. Điều này đặt tôi vào một bối cảnh rộng lớn hơn bản thân mình, nhưng điều đó cũng cho phép tôi định vị chính mình, do đó giúp tôi hiểu chính mình hơn. Ví dụ, tôi biết là mình thừa hưởng một số đặc điểm từ cha, mẹ hoặc ông bà mình... Tôi tìm thấy cái thuộc về mình bằng cách quan sát những điểm chung về mặt di truyền hoặc tính cách của người thân tôi. Và điều đó trấn an tôi. Tôi ở đúng vị trí của mình, tôi được công nhận là một phần của gia đình, của một cộng đồng – vì vậy, tôi tồn tại. Tôi cũng là những gì tôi nhận thức về bản thân mình. Những gì tôi cảm nhận về cơ thể mình. Tôi định danh tôi với cái cơ thể mà tôi đang trú ngụ. Tôi có thể nói về bản thân mình như sau: Tôi là đàn ông hoặc là phụ nữ, tôi nhỏ bé hay cao lớn, tôi gầy hay béo,... Tất cả điều này dĩ nhiên có liên quan đến những người khác xung quanh tôi: Tôi nhỏ bé so với một nhóm người khác cao lớn hơn tôi và những người mà tôi có thể gọi là “những người lớn”. Nếu mọi người có cùng kích thước với tôi, tôi sẽ “bình thường”.


26 * Patricia d’Angeli

Do đó tôi tự định nghĩa bản thân trong tương quan với một “quy chuẩn” được xác định bởi nhóm người xung quanh tôi. Vì vậy, bây giờ tôi có thể suy luận là không có định nghĩa tự thân về bản thân tôi. Chính những người khác xung quanh tôi mới là những người định nghĩa tôi: nhỏ, to, mập hay “bình thường”. Tuy nhiên, tôi chấp nhận định nghĩa của họ bởi vì, việc chấp nhận các giá trị chung khiến tôi trở thành người được chấp nhận vào nhóm. Nhờ đó, tôi được nhóm bảo vệ, tôi sống còn, tôi tồn tại. Và như vậy, toàn bộ bản dạng của tôi cho câu hỏi: “Tôi là ai?” Tôi có thể trả lời: “Tôi là những gì tôi nhìn nhận về bản thân mình, bằng suy nghĩ và các giác quan của tôi” (nhìn, cảm thấy, chạm, ngửi, nghe). Và tôi cũng là những gì tôi nghĩ về nhóm người mà tôi sống cùng vì tôi chấp nhận bản dạng này để ở lại trong nhóm và tồn tại. Hầu hết đàn ông và phụ nữ định nghĩa mình là như vậy. Do đó ta có thể suy luận rằng bản dạng của họ là “bản dạng kép”. Đầu tiên là những gì họ nghĩ về bản thân họ và sau đó là những gì người khác nghĩ về họ. Bằng cách từ bỏ và rút lui, vì quá mệt mỏi khi liên tục mâu thuẫn với nhóm người thân của chúng ta, ta thường không còn nghĩ về bản thân mình theo cách mà những người khác nghĩ về ta nữa. Đó là nơi vấn đề bắt đầu. Bởi những người khác xung quanh ta có thể có những ý tưởng khác biệt về ta hoặc đối nghịch với con người mà ta là. Ta bắt đầu phải mang nhiều bản dạng và không còn thực sự biết mình là ai nữa. Ta trở nên “đa diện”. Và một số người trong chúng ta thậm chí ngừng tin tưởng vào giác quan của chính mình. Với câu hỏi: “Bạn là ai?” Họ chỉ có thể trả lời bằng cái cúi đầu: “Tôi không biết mình là ai nữa. Tôi nghĩ tôi chỉ là những gì người


Liệu pháp tâm hồn * 27

khác nghĩ về tôi. Chỉ có họ mới định nghĩa được tôi là ai... Tôi đã đánh mất con người thật của mình và tôi đã nhận lại một bản dạng không phải là tôi, mà là một bộ trang phục, một bộ cánh mà những người thân yêu của tôi đã dệt nên cho tôi”. Vấn đề với những bộ cánh áo là chúng không thay đổi kích thước khi ta lớn lên hoặc phát triển. Vì vậy, cuối cùng chúng trở nên chật thít, và ta bắt đầu nghẹt thở. Điều này dẫn đến một cuộc khủng hoảng đầu tiên của cuộc đời (ở tuổi thiếu niên): Tôi nhận ra rằng tôi không phải là những gì người thân nghĩ về tôi. Hay dẫu sao tôi cũng không chỉ là mỗi thế. Tôi cảm thấy mình rộng lớn hơn, ngay cả khi tôi chưa thể định nghĩa chính mình. Nhưng tôi đau khổ vì không được công nhận như cái bản dạng “mới” mà tôi cảm thấy đang nổi lên trong mình. Nó thậm chí có thể khiến tôi chạy trốn khỏi gia đình gốc của mình để cố gắng được nhận ra ở nơi khác, để tồn tại trong một nhóm mang lại cho tôi bản dạng mới này. Đây là cách người trưởng thành đi ra khỏi gia đình của mình để hòa nhập với người khác. Vấn đề là lịch sử vẫn sẽ lặp lại. Thật vậy, gia đình mới này cũng sẽ cung cấp cho anh ta một bộ đồ như một thứ bản dạng. Trang phục này phù hợp với anh ta trong những năm đầu tiên, sau đó sẽ bắt đầu trở nên quá chật hẹp, bởi vì dần dần theo sự phát triển và tiến hóa của anh ta – mà cuộc sống được hình thành bởi hàng loạt sự tiến hóa – anh ta sẽ cần phải thay đổi trang phục, thay đổi nhóm. Nếu ta có thể tự xác định bản dạng của mình, thay vì phụ thuộc vào người khác thì sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Ta có thể tự làm ra trang phục cho mình mà không cần phải chạy theo người khác để được công nhận. Không bị buộc phải tồn tại trong cái khung nhỏ hẹp được người thân ta chấp nhận và công nhận!


28 * Patricia d’Angeli

Đây là một điểm quan trọng cần nhớ: Từ khi sinh ra đến tuổi thiếu niên, đứa trẻ cần những cột mốc để xây dựng bản dạng của mình. Thật vậy, nhóm người này sống theo các quy tắc phải được đứa trẻ nhập tâm. Không có những quy tắc này, một cá nhân sẽ cảm thấy lạc lõng và nhanh chóng bị trục xuất khỏi nhóm. Vì vậy, đứa trẻ cần người thân của mình nói cho nó biết nó là ai, cũng như vị trí và khả năng của nó trong xã hội. Đây là lý do tại sao cuộc khủng hoảng đầu tiên của tuổi thiếu niên là phổ biến đối với mỗi cá nhân. Và chính từ cuộc khủng hoảng này, ta nên tập trung vào chính mình và xác định bản thân theo cái nhìn bên trong của chúng ta chứ không phải con mắt của người khác... Nhưng ta chưa học được cách làm điều đó. Chính sự thiếu hiểu biết này sẽ khiến ta, cho đến hết đời, vẫn mãi không trưởng thành về mặt tâm lý. Một con người sẽ liên tục cần sự công nhận của những người xung quanh để định nghĩa chính mình và có cảm giác tồn tại.

Tìm kiếm bản dạng thực sự của tôi Bản dạng của tôi bao gồm tổng thể những gì tôi là (bẩm sinh) và tổng thể những gì tôi đã học được (những gì có được). Cái toàn thể đó quá rộng lớn đến nỗi tôi chỉ có thể nhận thức được một phần nhỏ của toàn bộ chúng thôi. Vì lý do này, ta có thể sử dụng hai thuật ngữ khác nhằm xác định toàn bộ bản dạng của chúng ta. Đó là: những gì tôi biết về bản thân và nằm ở trong ký ức tức thì của tôi, cũng như những gì còn lại với tôi như những ký ức trong quá khứ của tôi, chúng được sống, trải nghiệm hoặc chuyển tiếp bởi những người thân của tôi; và Vô thức của tôi: những gì tôi không biết về bản thân và những gì nằm trong ký ức sâu thẳm của tôi, trong ký ức của cơ thể và các tế bào của tôi.


Liệu pháp tâm hồn * 29

Hai phần này, mặc dù cùng xác định nên toàn bộ con người tôi, nhưng thường thì chúng không biết rằng chúng cùng tồn tại bên nhau. Chính xác hơn, ta thường không biết rằng mình sở hữu bên trong một Vô thức và cái Vô thức này có thể rất khác với những gì ta nghĩ về bản thân. Về phần Vô thức, nó lại không hiểu các cơ chế của ý thức và không hay biết rằng phần này của tâm trí cũng chẳng hề biết đến sự tồn tại của nó, và ta sẽ khám phá nó trong suốt cuốn sách này. Trên thực tế, một cách tự nhiên, nếu ta không bị cái bản dạng giả của mình làm ta mù quáng, cái “trang phục” mà tôi đã đề cập trước đó, ta sẽ liên tục lắng nghe cơ thể và nội tâm của chúng ta, rất có ý thức về một phần tốt đẹp của Vô thức chúng ta, bởi vì Vô thức giao tiếp thông qua cơ thể, các cảm giác, trực giác và giấc mơ, các biểu tượng và hình ảnh bên trong. Tuy nhiên hiện nay, chúng ta đang ở trong một thời đại và một xã hội nơi cơ thể, trực giác, cảm giác và giấc mơ đã mất đi vị trí của chúng. Ta chê bai, chỉ trích và nhốt hết chúng lại. Và một cá nhân càng chỉ trích và loại bỏ chúng khỏi cuộc sống của anh ta, thì dường như anh ta lại càng được tập thể ngưỡng mộ và tôn trọng. Biểu tượng và hình ảnh chỉ được dành cho những câu chuyện cổ tích. Ta chẳng nghiên cứu gì chúng. Ta đọc chúng vào ban đêm cho trẻ em nghe mà không biết chúng đang truyền đạt những gì... Chỉ còn lại mỗi tâm trí thuộc trí tuệ. Và cái tâm trí này, như tôi đã đề cập trước đó, bị người xung quanh ta thao túng ngay từ những giây phút đầu tiên của cuộc đời. Kết quả là, ta không còn giữ lại mấy sự thật về bản thân mình nữa, và cánh cửa giao tiếp với Vô thức bị đóng lại, khiến ta chìm trong bóng tối và trong một nỗi lo lắng sâu sắc mà ta cố gắng phớt lờ bằng cách lao mình vào một hoạt động điên cuồng nào đó: làm việc chăm chỉ, sử dụng các chất kích thích, có thật nhiều cuộc tình, hoặc chạy trốn vào những thực tế ảo như truyền hình, trò chơi video,...


30 * Patricia d’Angeli

Khi tâm trí có Ý thức và Vô thức của chúng ta bị cô lập và tách riêng khỏi nhau, điều khá dễ hiểu là mỗi phần trong hai phần này của chúng ta sẽ có một hoặc nhiều mục tiêu khác nhau. Một cách ý thức, ta có thể có những ham muốn, đó là những ham muốn cụ thể cho những gì ta ước ao trong cuộc sống, và phần vô thức của chúng ta hoàn toàn có thể có một chương trình khác và hướng cuộc đời ta đến một thứ khác. Điều này đem lại cho ta ly cocktail hỗn hợp: “Tôi cảm thấy đang không ở đúng vị trí của mình trong cuộc đời, tôi không biết Tôi là ai, chẳng có giấc mơ nào của tôi trở thành sự thật được cả”. Hoặc “Tôi không biết phải làm gì với đời mình nữa, tôi chẳng ham muốn bất cứ thứ gì, công việc và cặp đôi của tôi khiến tôi chán ngấy, tôi chắc chắn mình được sinh ra trên trái đất này để sống với cái gì đó khác..., một cuộc đời tốt đẹp hơn. Tại sao tôi không có quyền hưởng thụ nó?” Một số người thêm vào: “Như thể trong tôi, có một phần muốn tiến về phía trước, và một phần khác cứ ngồi im chẳng làm gì cả.” Thực ra câu chuyện là thế này: hai phần dường như đi theo những hướng khác nhau. Ý thức đi hướng này và Vô thức lại rẽ hướng kia... Thật không may, mặc dù có trí thông minh tuyệt hảo, con người vẫn không nghĩ rằng cần phải hiểu và kiểm soát bộ não của chính mình để nó bắt đầu phục vụ giấc mơ của mình. Vì vậy, trong những tình huống mà những ham muốn vô thức và ý thức khác biệt hoặc đối lập với nhau, thì những ham muốn của Vô thức thường được ưu tiên thỏa mãn trong cuộc sống. Bằng cách dùng từ “ưu tiên thỏa mãn”, ý tôi là mỗi người sẽ cảm nhận thấy tất cả năng lượng, tất cả tiềm năng sự sống của mình đi đến phục vụ một phần “khác” đó của chính anh ta. Không phải là


Liệu pháp tâm hồn * 31

anh ta, mà là cái Vô thức mà anh ta thậm chí còn không biết rằng nó tồn tại. Và vì tất cả những điều này được thực hiện một cách vô thức, con người sẽ không bao giờ hiểu tại sao cuộc sống của mình lại không phù hợp với những mong muốn của anh ta và nó dường như trốn tránh anh ta hoàn toàn. Vì vậy, ta sẽ nghĩ rằng “cuộc sống là như vậy”, rằng “ta không thể có mọi thứ mà mình muốn”, rằng ta biết “ta chẳng có ích cho bất cứ ai, hay bất cứ điều gì”... thậm chí “ta chỉ xứng đáng chịu đau khổ mà thôi”. Người đó cũng sẽ nói với ta rằng “đó là nghiệp chướng” và vô số niềm tin tiêu cực về bản thân, gia đình anh ta, biện minh cho anh ta tại sao tất cả những rắc rối đó lại đổ lên mình. Do đó, Vô thức, theo một cách nào đó, mới là chủ nhân thực sự của chúng ta. Nhưng vì nó là một phần của chúng ta, nên chúng ta vẫn cần “chịu trách nhiệm” cho cuộc sống của mình... Cần phải hiểu rằng trong mọi trường hợp, ta không “có tội” vì ta phải thừa nhận rằng, ở vài khía cạnh, những lựa chọn của chúng ta đâu có thuộc về chúng ta – đúng ra là vì ta không nhận thức được về cái Vô thức của mình và những hành động của nó mà thôi.

Chúng ta là con rối, nạn nhân của Vô thức Để hiểu làm sao Vô thức có thể mạnh mẽ như vậy, trước tiên hãy làm quen với nó.


Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.