Những ngày đầu khởi nghiệp của tôi Những năm 1986-1989, trong đầu lứa học sinh cấp 3 trạc tuổi tôi dường như không tồn tại từ doanh nhân. Khi đó, khái niệm làm giàu và kiếm tiền là cái gì đó không tốt, không đẹp trong suy nghĩ của mọi người.
Tháng 8/1988, tôi có viết trên báo rằng thanh niên không nên chỉ biết học, mà còn phải biết kiếm tiền nữa. Bây giờ, nói như vậy thật bình thường, nhưng ngày đó phát biểu của tôi rất khác lạ, là bất bình thường, nhất là với những đứa đang là học sinh như tôi, dù hồi đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản là để kiếm tiền thì cần làm việc, là lao động chân tay gì đó thôi, chứ không nghĩ xa xôi gì. Thời đó, hầu như cũng không có sách dạy về kinh doanh. Sách dễ kiếm nhất chỉ có các cuốn dạy kiểu lắp đài bán dẫn như thế nào, cách chữa TV ra sao… Cuốn sách đầu tiên về kinh doanh tôi mua được là cuốn “Người Mỹ kinh doanh như thế nào” xuất bản quãng năm 1989-1990, in trên giấy xấu, chữ typo, liệt kê những tính cách rất thực dụng của người Mỹ và so sánh với người Liên Xô. Tôi đọc thấy rất lôi cuốn, hấp dẫn và khác lạ. Dù những suy nghĩ và kiến thức kinh doanh hồi đó cũng rất mơ hồ và sơ sài. Nói như thế để thấy suốt những năm đại học, lứa sinh viên chúng tôi không hào hứng nhiều với kinh doanh như thế hệ trẻ ngày nay thì cũng là điều dễ hiểu. Chúng tôi không chuẩn bị được gì nhiều, chứ đừng nói là chuẩn bị được tốt cho công việc kinh doanh sau này, trừ một số người, nhất là những tay học ở Đông Âu, phải đi kiếm tiền nuôi mình từ rất sớm. Ông Nguyễn Cảnh Bình hiện là Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần sách Alpha, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC). Một số cuốn sách dịch, viết tiêu biểu của ông như “Hiến pháp Mỹ được làm ra thế nào?”, “Gương danh nhân. Những người anh hùng Hy Lạp cổ đại”, “Cuộc đời và sự nghiệp của Alexander Hamilton”… Ông đã nghiên cứu nhiều về luật hiến pháp, mô hình tổ chức nhà nước, đồng thời ông cũng tham gia giảng dạy, nói chuyện về kỹ năng lãnh đạo và quản lý, chiến lược…
Khi tốt nghiệp đại học năm 1994, tất cả đám bạn thân của tôi đều về cơ quan Nhà nước, hay "xịn" nhất khi đó là các tổng công ty, loại tổng 90-91 theo cách gọi ngày ấy. Khi đó chưa có chữ tập đoàn như bây giờ. Tôi cũng không muốn ở lại trường làm giáo viên vì không biết bao giờ mới vào được biên chế, và ở lại cũng chẳng dễ dàng gì, lương cũng cực kỳ “bèo”. Chúng tôi cũng không nghĩ về làm cho một công ty tư nhân vì thời đó công ty tư nhân rất ít hầu như ở quy mô nhỏ lẻ, lèo tèo, không có mấy tên tuổi. Các hãng nước ngoài cũng rất ít. Không chỉ vậy, gia đình tôi, bố mẹ tôi (và tôi tin là hầu hết lứa cán bộ, phụ huynh khi đó) đều nhìn công ty tư nhân là cái gì đó mập mờ, không tốt, không tin tưởng. Các cụ cho rằng nếu chúng tôi không về các cơ quan Nhà nước, thì sẽ xin về các tổng công ty là năng động nhất và có lẽ có thu nhập tốt nhất. Sau vài tháng “nhờ vả, xin xỏ”, chúng tôi hầu hết được vào một cơ quan hoặc tổng công ty nào đó. Chúng tôi cũng không phải thi tuyển. Sau khi nhờ được người quen xin cho, phòng tổ chức cơ quan (tổng công ty) gọi lên nhìn mặt mũi, hỏi han mấy câu… thấy mặt mũi sáng sủa, nói năng gãy gọn, thế là OK. Tôi về Tổng công ty P. Bạn tôi, đứa về Tổng cục Bưu điện, đứa về Tổng công ty Hàng không (Vietnam Airlines), đứa về Tổng cục Đầu tư… hay có cậu bạn vào Vũng Tàu làm cho ngành dầu khí, lương đâu khoảng 400-600 đôla gì đó là rất cao rồi. Chỉ có mấy cậu bạn “tỉnh lẻ”, không quen biết không xin vào đâu được mới ra làm ngoài… Nhiều người lớn tuổi thường nghĩ doanh nhân là những người thực dụng, chỉ nghĩ đến tiền và có kiểu gì đó giống con buôn ở ngoài chợ Giời. Họ không chỉ thuê mà thậm chí còn lợi dụng người thân của mình, lợi dụng nhân viên, lợi dụng mối quan hệ, lợi dụng cơ chế và cái gì cũng làm, làm chỉ để kiếm tiền. (Bây giờ, có thể vẫn có người vẫn nghĩ như vậy). Còn lứa chúng tôi ngày đó nghĩ về doanh nhân có cái gì đó xa vời, không thật và luôn thấy có khoảng cách. Chúng tôi không có động lực và lòng khao khát trở thành doanh nhân mãnh liệt như các bạn trẻ bây giờ. Nếu có, chỉ là mong muốn đi làm thuê, kiếm chỗ nào lương cao và chỉ vậy thôi. Trong đám bạn tôi, chỉ có một người sau khi ra trường 1-2 năm làm kinh doanh, mở một công ty bán máy vi tính nhưng tôi cũng không hào hứng gì với cậu ta. Ngày đó và cả nhiều năm sau đó, tôi không nhìn thấy những “cái được” mà họ mang lại cho xã hội, cho mọi người. Tôi chỉ thấy họ mang lại lợi ích cho họ mà thôi. Vì thế, tôi không hề có mong muốn, cũng chẳng có dự định nào trở thành doanh nhân… Sau đó, trong suốt những năm làm việc ở một doanh nghiệp nhà nước, tôi cũng không học nhiều về kinh doanh, không hiểu nhiều lắm về công việc này. Mọi sự việc, hiện tượng, như việc mua bán trang thiết bị, việc triển khai một chương trình và công nghệ mới nào đó, thì tôi cũng chỉ nhìn dưới góc độ kỹ thuật thuần túy. Họa chăng có nhìn được góc độ tiết kiệm tiền nếu mua ít đi, hay mua loại khác chứ không hề nhìn nhân ở công suất và tính hiệu quả của các việc này. Gần đây, tôi gặp lại một người bạn học cùng đại học ngày trước, giờ làm giảng viên đại học. Cậu ấy bảo tôi nên làm cái này, cái kia. Tôi nói rằng: "Không hiệu quả, không nên làm". Cậu ấy ngạc nhiên: “Sao cậu cứ nói cái từ hiệu quả thế, hiệu quả là thế nào…”. Thế mới thấy tôi đã trưởng thành nhiều và khác đi nhiều. Bây giờ nhìn lại nhiều hoạt động ở chỗ này, chỗ kia, tôi thấy thật lãng phí hay được thực hiện theo một cách không hiệu quả.
Sau khi làm việc cho nhà nước tới 8 năm tôi mới rời ra ngoài. Ban đầu, tôi cũng không có ý định lập doanh nghiệp, nhưng sở thích xuất bản sách, viết sách, đọc sách khiến tôi gặp nhiều người đồng chí hướng. Dần dần, tôi nghĩ rằng, lập một doanh nghiệp là cách tốt nhất để sống và làm được điều mình thích. Càng làm, cái thấy ham thích công việc kinh doanh, thấy ý nghĩa, thấy được cái môi trường thể hiện được mình, được cái tôi, được làm điều mình thích, được tự do về suy nghĩ, về hành động có một cuộc sống vật chất tốt hơn… Công việc kinh doanh cũng đầy thách thức và hấp dẫn, lôi cuốn tôi. Mỗi ngày lại gặp phải những vấn đề mới cần phải suy nghĩ và xử lý. Mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ lại có những thách thức lớn đặt ra và cần phải giải quyết, những thách thức sau lại lớn hơn thách thức trước và phạm vi cũng rộng hơn, trừu tượng hơn và có tác động/hậu quả lớn hơn. Tôi nghĩ việc kinh doanh khiến mỗi cá nhân phải sử dụng, tận dụng và phát triển rất nhiều kỹ năng cho mình. Khả năng lôi kéo, vận động, thuyết phục cho đến ý tưởng, chọn người hay triển khai… Ngày xưa, tôi không hình dung được những khó khăn mà doanh nhân gặp phải lớn đến vậy, phức tạp đến vậy. Từng có lúc tôi nghĩ mình sẽ làm rất tốt nhưng ban đầu, hầu như tôi không chuẩn bị tinh thần và kỹ năng làm doanh nhân cho mình nên rất vất vả và cái giá phải trả rất lớn. Bây giờ, tôi vẫn chưa thấy mình giỏi, chưa thấy đủ… mà vẫn cần phải học nữa, học cách tổ chức công việc, học cách tìm ý tưởng và phát triển, xây dựng dự án và rất, rất nhiều việc cần làm, cần học hỏi.