BẢO TÀNG DÂN TỘC HỌC VIỆT NAM MUSÉE D’ETHNOGRAPHIE DU VIETNAM - VIETNAM MUSEUM OF ETHNOLOGY
QUÝ IV
Trưng bày trống độc mộc của Philippines Nhằm làm phong phú thêm hiện vật cho không gian trưng bày Văn hóa Đông Nam Á và phục vụ nhu cầu của khách tham quan, Bảo tàng DTHVN đang khẩn trương hoàn tất các công việc chuẩn bị để trưng bày chiếc trống này tại sảnh tầng 1 tòa Cánh diều vào cuối năm 2016. Đây là loại trống độc mộc, một mặt da, dùng trong thánh đường Hồi giáo ở Tugaya, tỉnh Lanao del Sur thuộc đảo Mindanao của Philippines. Vào các dịp quan trọng như thời gian bắt đầu và kết thúc tháng thánh lễ Ramadan, Ban trị sự thánh đường mời người đàn ông có uy tín nhất vùng, thường là Sultan (thủ lĩnh địa phương), tới đánh trống để mời gọi các tín đồ đến thánh đường dự lễ. Chiếc trống này do một người Maranao quyền quý thuê thợ làm vào những năm 60 của thế kỷ 20. Trống cao 3,68m, đường kính 1,2m, được chế tác từ một thân cây lớn. Người ta khoét rỗng gỗ, chạm khắc hoa văn trên toàn bộ bề mặt thân trống và bịt mặt trống bằng da trâu rừng. Hai dùi dùng để đánh trống được làm bằng gỗ, đầu dùi bọc vải. Trong thánh đường, trống được treo nằm ngang ở độ cao thích hợp. Ngày nay, loại trống lễ này đã bị thay thế bởi các phương tiện hiện đại. Trống độc mộc của Philippines
Dự án nghiên cứu, sưu tầm hiện vật 54 dân tộc ở Việt Nam Bảo tàng DTHVN hiện đang lưu giữ và bảo quản khá nhiều hiện vật, tư liệu, phim ảnh, băng hình, đĩa CD… về đời sống và văn hóa của 54 dân tộc ở Việt Nam. Tuy nhiên, do phương tiện, thiết bị bảo quản đã xuống cấp, diện tích kho hạn chế nên chất lượng hiện vật, ảnh và băng hình ít nhiều bị ảnh hưởng. Khu trưng bày văn hóa 54 dân tộc Việt Nam đến nay đã phục vụ công chúng gần 20 năm , nhiều hiện vật độc bản đã xuống cấp và cần được thay thế. Hơn nữa, từ nhiều năm qua, diện mạo nông thôn, kể cả nông thôn miền núi, đã có những thay đổi rõ rệt. Các yếu tố văn hóa truyền thống của các tộc người đã và đang mai một dần. Vì thế, việc sưu tầm hiện vật, nhất là hiện vật đặc trưng cho các dân tộc, ngày càng khó khăn. Trong bối cảnh đó, để bổ sung và cập nhật tư liệu về đời sống văn hóa của các dân tộc hiện nay, sau nhiều lần thảo luận và tư vấn chuyên gia, Bảo tàng DTHVN thống nhất xây đựng và đề xuất dự án Nghiên cứu, sưu tầm hiện vật 54 dân tộc ở Việt Nam, với thời gian thực hiện trong 5 năm trình Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Nhìn lại chương trình Trung thu 2016 Chương trình Trung thu Sắc màu văn hóa Bạc Liêu đã thu hút hơn 15.000 lượt khách đến tham quan và tham gia các hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng DTHVN trong hai ngày 10 và 11 tháng 9. Gần 200 lượt tin, bài trên các báo, kênh truyền hình và đài phát thanh đã đưa tin về chương trình. Năm nay, sự góp mặt của các loại hình văn hóa đến từ Bạc Liêu đã làm cho chương trình thêm phong phú và sống động hơn. Du khách được xem tiết mục múa lân sư sôi động với kỹ thuật độc đáo và dàn múa Mai hoa thung (nhảy múa trên các cọc gỗ xếp theo hình hoa mai) hấp dẫn; được đắm mình trong những lời ca, tiếng nhạc của nghệ thuật Đờn ca tài tử; thưởng thức những món ăn dân dã của vùng đất Bạc Liêu ngay giữa lòng Hà Nội... Mảng hoạt động mang đậm màu sắc Trung thu như làm đèn Trung thu, ông tiến sỹ giấy, đèn kéo quân, làm bánh dẻo, giã cốm làng Vòng, nặn hoa quả bằng bột, tô vẽ tàu thủy sắt tây… luôn được du khách yêu thích và tham gia nhiệt tình. Hàng nghìn em nhỏ cùng gia đình đã trải nghiệm các hoạt động này với sự hướng dẫn của thợ thủ công, cán bộ Bảo tàng và tình nguyện viên. Bên cạnh đó, những du khách năng động còn được khám phá và tham gia nhiều trò chơi dân gian trong khuôn viên Bảo tàng.
Chương trình Trung thu thường niên của Bảo tàng DTHVN là dịp để giới thiệu và quảng bá văn hóa của các vùng miền. Với hoạt động này, Bảo tàng mong muốn tăng cường cơ hội cho chủ thể văn hóa tự giới thiệu văn hóa của mình đến công chúng. Du khách được khám phá văn hóa thông qua việc trải nghiệm và giao lưu với nghệ nhân. Điều này có ý nghĩa trong việc khơi gợi ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.
Múa lân sư
Hội thảo Quản lý sinh vật gây hại trong công tác bảo quản phòng ngừa các bộ sưu tập Hội thảo diễn ra từ ngày 24 đến ngày 31/7/2016 tại Jakarta (Indonesia) với sự tham gia của 11 bảo tàng quốc gia đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á. Mục đích của Hội thảo là nâng cao kiến thức cho đội ngũ nhân viên bảo tàng trong lĩnh vực quản lý sinh vật, côn trùng và nấm mốc gây hại. Hội thảo được tổ chức tại Dipa do Bảo tàng quốc gia Indonesia tài trợ. Ngoài các chuyên gia bảo quản làm việc tại các bảo tàng, Hội thảo còn thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia về hóa học, côn trùng học ở các trường đại học và Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Indonesia. Sau năm ngày làm việc, Hội thảo đã thành công trong việc nâng cao nhận thức về môi trường bảo quản, các loại côn trùng, nấm mốc và sinh vật gây hại, cũng như cách phòng ngừa, xử lý hiện vật bị hư hại cho những người làm công tác bảo quản ở các nước Đông Nam Á. Đây cũng là cơ hội để các bảo tàng trong khu vực trao đổi, giao lưu kinh nghiệm với nhau.
Hoạt động đào tạo năm 2016 Tiếp nối những thành quả đạt được về đào tạo trong những năm vừa qua, trong năm 2016, Bảo tàng DTHVN có thêm một cán bộ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Nhân học và 4 cán bộ bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ các chuyên ngành: Dân tộc học, Văn hóa học và Chính sách công tại Học viện Khoa học xã hội. Hiện tại, một cán bộ của Bảo tàng đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành Nhân học văn hóa ở Đại học Toronto (Canada). 9 cán bộ tiếp tục hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ, 7 người đang theo học chương trình đào tạo thạc sĩ, trong số đó có 2 người trúng tuyển và được cử đi học trong năm nay. Bảo tàng DTHVN đã tạo điều kiện cho các cán bộ, viên chức, người lao động ở các vị trí công việc và chuyên môn khác nhau tham gia đào tạo dài hạn, các cuộc hội thảo, tập huấn ngắn hạn trong và ngoài nước để họ có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao hơn nữa năng lực chuyên môn và áp dụng hiệu quả vào công việc thực tế tại Bảo tàng.
Hoạt động năm 2016 dự án Tác động của ti vi đối với sự bối đổi gia đình người Thái ở Việt Nam Năm 2016 là năm kết thúc dự án này. Theo kế hoạch, các cán bộ của Bảo tàng DTHVN và Văn phòng dự án tiến hành 4 chuyến công tác, trong đó có hai chuyến triển khai hợp phần photovoice vào tháng 5 và tháng 8; hai chuyến thu thập dữ liệu về chủ đề Chênh lệch giới tính trong việc tiếp tục học lên bậc học THPT. Đối tượng phỏng vấn gồm giáo viên cấp 3, học sinh đang theo học cấp 3, học sinh bỏ học ở tuổi 16 đến 18 và phụ huynh học sinh (đã thực hiện một chuyến trong tháng 8). Vào tháng 10, dự án sẽ triển khai chuyến công tác thứ hai. Trong khuôn khổ các hoạt động của dự án, cuối năm nay, Bảo tàng DTHVN sẽ tổ chức lễ tổng kết và báo cáo kết quả 5 năm thực hiện dự án tại huyện Quế Phong; đồng thời, trao quà cho 7 bản người Thái chưa được tặng ti vi của các xã thuộc huyện Quỳ Châu.
Hội thảo về phương pháp bảo quản sản phẩm dệt truyền thống ở các nước Đông Nam Á Từ tháng 3 đến tháng 7 năm 2016, Trung tâm Khảo cổ và Nghệ thuật khu vực Đông Nam Á (SEAMEO SPAFA) và Bảo tàng đồ dệt Queen Sirikit, Thái Lan, đã thành lập một nhóm nghiên cứu tham gia chương trình Nghiên cứu và chia sẻ các phương pháp bảo tồn sản phẩm dệt truyền thống ở Đông Nam Á.
Để kết thúc thời gian nghiên cứu và báo cáo kết quả, một cuộc hội thảo đã được tổ chức từ ngày 23 đến ngày 25/8/2016 tại Bangkok, Thái Lan. Tham dự nhóm nghiên cứu này có các nhà bảo quản, nhà nghiên cứu của các bảo tàng ở các nước: Brunei, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Tại Hội thảo, các thành viên nhóm nghiên cứu đã báo cáo, chia sẻ kết quả thực địa và cùng nhau thử nghiệm, điều chỉnh các công thức làm sạch sản phẩm dệt truyền thống để tìm ra một công thức chuẩn, dự kiến sẽ giới thiệu trong một cuốn sách xuất bản năm 2017. Cán bộ Phòng Kiểm kê - Bảo quản của Bảo tàng DTHVN tham gia nhóm nghiên cứu này đã trình bày tại hội thảo những kinh nghiệm dân gian của một số dân tộc ở Việt Nam trong việc làm sạch y phục bằng nước tro bếp, quả bồ kết, quả bồ hòn…
Tạp chí Bảo tàng & Nhân học Năm 2016 là năm thứ tư Tạp chí Bảo tàng & Nhân học (Museum & Anthropology Review) của Bảo tàng DTHVN đến với bạn đọc. Các bài nghiên cứu và thông tin đăng tải trong ba số tạp chí đã phát hành trong năm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, cung cấp một số kiến thức cập nhật về chuyên môn Bảo tàng học và Nhân học. Một số bài viết đáng chú ý của các chuyên gia bảo tàng học và nhân học đề cập đến công tác bảo quản, thiết kế đồ họa, đưa sưu tập mẫu vật vào phục vụ việc đào tạo và nghiên cứu, kinh nghiệm gắn kết cộng đồng vào một số hoạt động bảo tàng, các tri thức dân gian liên quan đến nghề dệt truyền thống của người Tàôi, chăm sóc sức khỏe của người Thái, thực phẩm lên men của người Dao, nghệ thuật múa rối nước, quan hệ tộc người ở chợ vùng biên… Dự kiến, số chuyên đề về bảo tồn di sản văn hóa ở Việt Nam với nhiều bài viết phân tích công tác bảo tồn di sản văn hóa nói chung và một số nghiên cứu trường hợp sẽ được giới thiệu tới độc giả trong quý 4.
Tiếp nhận thực tập sinh quý IV Bảo tàng DTHVN không chỉ là điểm tham quan hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước, mà còn là nơi đón nhận sinh viêc các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội đến thực tập. Trong tháng 9, Bảo tàng đã tiếp nhận 2 đợt sinh viên thực tập với 21 sinh viên Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) thực tập tại Phòng Bảo tàng ngoài trời (từ 27/9/2016 đến 25/2/2017) và 8 sinh viên Khoa Âm nhạc (Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương) thực tập tại Phòng Giáo dục (từ 26/9/2016 đến 23/10/2016) và 05 sinh viên thực tập tại Phòng Truyền thông & Công chúng (26/9/2016 đến 25/2/2017). Hầu hết các thực tập sinh tham gia công việc tại Phòng Bảo tàng ngoài trời và Phòng Giáo dục, Phòng Truyền thông & Công chúng đều mong muốn nâng cao kiến thức thực địa về nghiệp vụ chuyên môn được đào tạo, kỹ năng làm việc theo nhóm và tìm hiểu về văn hóa các dân tộc ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Khách tham quan quý III
Khách tham quan Bảo tàng DTHVN
Trong quý III, Bảo tàng DTHVN đón tiếp 90.296 lượt khách tham quan với 60.800 khách Việt Nam (67%) và 29.496 khách nước ngoài (33%). Khách quốc tế đến từ nhiều quốc gia, đông nhất là khách đến từ Pháp, Hoa Kỳ, Đức, Hàn Quốc và Australia. Lượng khách đến Bảo tàng tăng 6.705 lượt so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, chương trình Trung thu Sắc màu văn hóa Bạc Liêu thu hút hơn 15.000 lượt khách tham quan.
Thuyết minh: Tiếng Việt, Pháp, Anh, liên hệ trước với Lễ tân nếu tham quan theo nhóm, theo chủ đề và tham quan đặc biệt Hoạt động cho trẻ em: Phòng khám phá (in tranh Đông Hồ, dệt, nhuộm và tạo hoa văn trên vải, làm đồ chơi…) Sự kiện thường niên: Các chương trình Tết Nguyên đán, ngày Quốc tế thiếu nhi, tết Trung thu Truyền thống dân gian: Trình diễn nghề thủ công, múa rối nước, nghệ thuật dân gian, do người dân các dân tộc đến từ nhiều địa phương thực hiện Cửa hàng lưu niệm: Hợp tác với Craft Link, giới thiệu sản phẩm thủ công Cửa hàng sách: Các ấn phẩm về văn hóa, lịch sử Việt Nam, đặc biệt về các dân tộc: sách, catalogue trưng bày, bưu thiếp… có nhiều ấn phẩm của Bảo tàng Dịch vụ: Nhận tổ chức sự kiện văn hóa tại Bảo tàng cho công ty du lịch, cơ quan, nhóm gia đình có yêu cầu; phối hợp tổ chức sự kiện văn hóa theo yêu cầu: hát ca trù, múa rối, hát xoan, cồng chiêng, làm gốm, quạt, nón, đèn trung thu, mặt nạ, dệt vải, làm bánh truyền thống… Ba không gian trưng bày thường xuyên • Các dân tộc Việt Nam – giới thiệu 54 dân tộc ở Việt Nam
• Đông Nam Á – giới thiệu văn hóa các dân tộc Đông Nam Á • Vườn kiến trúc – trưng bày ngoài trời, giới thiệu nhà cửa của 10 dân tộc ở Việt Nam Các thứ bảy và chủ nhật có trình diễn của các phường múa rối nước dân gian, miễn phí
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Ng Cầ u
Giấ
uy
ễn
Kh
án
y
hT oà
Đường Bưởi
Công viên Nghiã Đô
Hướng đi Hồ Tây Nguyễn Văn Huyên
Hoàng Quốc Việt Nguyễn Phong Sắc
Đi sân bay Nội Bài
n
Khách sạn Daewoo
BẢO TÀNG DÂN TỘC HỌC VIỆT NAM Đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội Tel : (84. 4) 3756 2193 | Fax : (84. 4) 3836 0351 information.vme@gmail.com | www.vme.org.vn — Giờ mở cửa: 8:30 – 17:30 nghỉ các thứ hai và Tết Nguyên đán — Xe buýt : 7, 12, 13, 14, 38, 39 Bảo tàng có lối đi cho người khuyết tật
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đứng thứ 4 trong 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á năm 2014 Hãy chia sẻ cảm nhận của bạn trên TripAdvisor!
Bản quyền thuộc về Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Trình diễn rối nước dân gian Các thứ bảy và chủ nhật – 10:00, 11:30, 14:30, 16:00
• Tháng 10 Phường rối nước Thanh Hải (Hải Dương)
• Tháng 11 Phường rối nước Tế Tiêu (Hà Nội)
• Tháng 12 Phường rối nước Đào Thục (Hà Nội)
Trưng bày mới & chuyên đề •
Tiếp tục trưng bày
Một thoáng châu Á, Vòng quanh thế giới, Trưng bày trống Philippines Hoạt động năm 2017 • Chương trình Tết: Vui xuân Đinh Dậu Ngày 4-5/2/2017 (8, 9/giêng âm lịch), (thứ bảy, chủ nhật, 8:30 - 17:30)
• Chương trình ngày 30/4 - 1/5 Ngày 30, 31 & 1/5/2017, (thứ năm, sáu, bảy, 8:30 - 17:30)
• Chương trình ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 Ngày 27, 28/5/2017, (thứ bảy, chủ nhật , 8:30 - 17:30)
• Chương trình Trung thu Ngày 30/9 & 1/10/2017 (11, 12/8 âm lịch) (thứ bảy, chủ nhật, 8:30 – 12:00 và 14:00 –17:30)