Bước đi nhỏ từ chiến lược lớn

Page 1


Tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều cuốn sách hay về mô hình kinh doanh mới, xu hướng mới, công nghệ mới… trên thế giới thông qua công việc biên dịch và biên tập sách của tôi từ năm 2017. Có thể kể ra một số cuốn sách mà tôi và đội ngũ WeTransform của tôi đã thực hiện trong thời gian qua: 1. Cuộc cách mạng nền tảng (Platform Revolution) 2. Cuộc dịch chuyển đại dương xanh (Blue Ocean Shift) 3. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để dẫn đầu (AI in Practice) 4. Chiến lược dữ liệu (Data Strategy) 5. Inbound Marketing 6. Chuyển đổi số doanh nghiệp theo định hướng dữ liệu 7. Chiến lược mua bán và sáp nhập 8. Trải nghiệm khách hàng … Tuy nhiên, để áp dụng những kiến thức từ sách vào thực tế là một điều không hề dễ dàng. Bởi vì hầu hết những cuốn này đang viết về những doanh nghiệp lớn ở Mỹ và các nước châu Âu. Bối cảnh và cơ sở hạ tầng của họ rất khác với các doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, chúng không thể sao chép 100% mô hình từ sách để đưa vào doanh nghiệp của mình. Việc chúng ta cần làm là phải hiểu được khách hàng của chúng ta, cơ sở hạ tầng, bối cảnh… ở Việt Nam, từ đó chúng ta sẽ lên kế hoạch và triển khai chúng. Có như vậy thì, chúng ta sẽ có cơ hội thành công cao hơn. Trong quá trình làm sách của mình, tôi luôn đặt mục tiêu làm sao để “mềm hóa” các cuốn sách mà tôi và các đối tác mang về


Việt Nam. Tôi gọi đó là những hoạt động mang lại giá trị gia tăng cho sách. Tôi đã tổ chức hoặc phối hợp tổ chức gần 20 sự kiện để mời những vị khách mời đến chia sẻ cho cộng đồng về những chủ đề trong sách tôi biên dịch. Những vị khách mời sẽ chia sẻ về kinh nghiệm “thực chiến” của họ ở Việt Nam, những khó khăn và thất bại họ phải đương đầu và vượt qua. Sôi nổi hơn là phần hỏi đáp của từ khán giả, những khó khăn mà họ đang gặp phải và mong có được một lời khuyên từ người đi trước. Tiếp theo là những bài báo mà tôi viết cho tạp chí Forbes Việt Nam, tạp chí Nhà Quản Lý… Rồi gì nữa nhỉ, là những buổi training dành cho các doanh nghiệp về các chủ đề Chiến lược đại dương xanh, Chiến lược nền tảng số, Inbound Marketing… Kế đến là các hoạt động mentoring cho các dự án của các bạn trẻ… Những hoạt động này sẽ được tôi trình bày chi tiết ở những bài viết nhỏ. Tôi hi vọng rằng, những giá trị gia tăng mà tôi mang lại cho sách sẽ giúp ích cho chính bạn trên con đường triển khai những chiến lược lớn từ sách để đưa và thực tiễn công việc và cuộc sống của bạn. Tôi đặt tên cho cuốn sách này là “Bước đi nhỏ từ chiến lược lớn”, đâu đó nó có hơi hướng của một cụm từ mà tôi thường nghe “Think big, do small”. Vâng, hãy cùng thực hiện những bước đi nhỏ. Nếu không có những bước đi nhỏ này thì những kế hoạch lớn lao, những chiến lược hay ho đều vô nghĩa. Chỉ có hành động mới tạo ra kết quả, và từ đó mang lại những thành công cho bạn.


HÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI “ĐẠI DƯƠNG XANH” Đây là bài viết tôi viết cho tạp chí Forbes Việt Nam. Bạn có thể đọc bài viết gốc tại đây.

Năm 2005, “Chiến lược đại dương xanh” (Blue Ocean Strategy) đã được xuất bản để bàn về các chiến lược tạo lập thị trường, vô hiệu hoá sự cạnh tranh. Cuốn sách đã được dịch ra 46 ngôn ngữ khác nhau với 3,6 triệu bản đã được bán ra trên toàn thế giới.


Năm 2017, tức 12 năm sau đó, hai tác giả Chan Kim và Renée Mauborgne đã tiếp tục cho ra mắt cuốn sách “Cuộc dịch chuyển đại dương xanh” (Blue Ocean Shift). Đến nay, cuốn sách đã được dịch sang 29 ngôn ngữ trên toàn thế giới. Cả hai cuốn sách vẫn theo đuổi hai chiến lược khác biệt hoá và chi phí thấp, đặc biệt nhấn mạnh đến sự thực thi. Việc thực thi (execution) đóng vai trò rất quan trọng trong thành công của các doanh nghiệp. Khi nói đến thực thi, người ta nhấn mạnh đến sự thực thi mạnh mẽ, quyết liệt và tốc độ. Vì thế, có lẽ những câu chuyện “cá nhanh nuốt cá chậm” thường được ngheđến nhiều hơn là “cá lớn nuốt cá bé”. Kết quả sau cuộc dịch chuyển này chính là bước nhảy vọt về giá trị mang lại cho khách hàng cũng như cho chính tổ chức. Điều đó thường được biết đến thông qua thuật ngữ “Đổi mới sáng tạo về giá trị” (Value Innovation).

Lý do chính nằm ở chỗ những tổ chức này chưa hội đủ cả ba yếu tố: nhận thức về đại dương xanh, công cụ tạo lập thị trường với hướng dẫn chi tiết và tính nhân văn trong quy trình. Yếu tố con người, sự tự tin của con người, tính nhân văn… được đề cập rất nhiều trong cuốn sách. “Con người thường rất mâu thuẫn. Chúng ta muốn tạo ra sự khác biệt, muốn biến thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn. Đó là điều khiến năng lượng của chúng ta ở mức cao nhất, tim chúng ta đập nhanh hơn, cảm xúc của chúng ta luôn sẵn sàng bùng nổ. Thế nhưng, cùng lúc đó chúng ta cũng do dự và sợ rằng mình không thể làm được điều đó… Vì


vậy, xu hướng của chúng ta là trung thành với thực tại, thay vì khám phá những điều mới mẻ khác.” Hai tác giả của cuốn sách đưa ra hướng dẫn cách thức khơi gợi sự tự tin để hành động thông qua sự chia nhỏ, khám phá trực tiếp và quy trình hợp lý. Cùng với đó là những quy trình đã được chứng minh, được rút ra từ hơn 150 công ty thành công trên toàn thế giới, hoạt động trong 30 ngành và lĩnh vực khác nhau. Với quy trình năm bước có tính hệ thống đã được xây dựng, bạn không còn phải mò mẫm dò đường đi nữa, bạn cũng không phải thực hiện việc thử - sai nữa, từ đó bạn tránh được những hỗn loạn trong quá trình thực hiện và rủi ro gặp phải sẽ ở mức thấp nhất.

“Đại dương xanh nào rồi cũng trở thành đại dương đỏ”. Vì thế, doanh nghiệp cần có kế hoạch để xem xét bản đồ PMS (người tiên phong - người di cư - người định cư), để biết rằng các dòng sản phẩm, dịch vụ của mình đang ở đâu, từ đó có được những phương án phù hợp. Hãy giữ cho sự đổi mới sáng tạo (innovation) trở thành một văn hoá trong doanh nghiệp: đổi mới sáng tạo về sản phẩm, dịch vụ


và cả về phân phối. Chính bởi sự đổi mới sáng tạo không ngừng nghỉ mà Apple đã trở thành công ty 1.000 tỉ đô la Mỹ đầu tiên. Họ đã liên tục tạo ra được những đại dương xanh của mình với các dòng sản phẩm như: iTunes, iPad, iPhone... Ngoài ra, cuốn sách còn dẫn ra những câu chuyện thành công của chuỗi khách sạn CitizenM, chương trình giải trí dành cho thiếu nhi Sesame Street, Viagra… Nhận thức rõ về chiến lược đại dương xanh, trang bị những công cụ thể để thực hành và hiểu được tính nhân văn trong quy trình là những hành trang mà cuốn sách mang lại cho những ai muốn bước lên thuyền để đến với “đại dương xanh”.


Video giới thiệu cuốn sách này từ đài truyền hình HTV:

Ngoài ra, bạn có thể tham gia bài trắc nghiệm kiến thức về chủ đề “Chiến lược đại dương xanh” tại đây: http://wetransform.vn/bosquiz Hoặc quét mã QR này:


GIẢI MÃ INBOUND MARKETING Đây là bài viết dành cho tạp chí Nhà Quản Lý của tôi và bạn Nguyễn Thị Tố Như (một thành viên của WeTransform). Bạn có thể đọc bài viết gốc tại đây.

Ngày nay, cuộc cách mạng công nghệ số làm thay đổi căn bản hành vi tiêu dùng. Thiết bị di động trở thành vật bất ly thân, Facebook là ứng dụng được kiểm tra đầu tiên và cuối cùng trong ngày; Google được mặc định là thư viện “biết tuốt” cho mọi tìm kiếm và còn nhiều ví dụ khác nữa. Cuộc dịch chuyển marketing từ môi trường offline sang online dường như không còn là điều phải bàn cãi. Tuy nhiên, đây là vẫn một sân chơi rộng lớn, đòi hỏi nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Cuốn sách Inbound Marketing của tác


giả Brian Halligan và Dharmesh Shah cung cấp một cách thức và chiến lược tiến vào môi trường trực tuyến (online). Theo Brian Halligan và Dharmesh Shah - hai nhà đồng sáng lập Hubspot, Inbound Marketing là một phương thức kết nối với khách hàng mục tiêu qua ba giai đoạn: Attract (Thu hút), Engage (Dẫn dắt mua hàng), Delight (Khiến khách hàng hài lòng). Trong đó, môi trường tương tác chính là tổ hợp các kênh trực tuyến như website, trang blog, truyền thông mạng xã hội (social network), nền tảng di động (mobile), các nền tảng kết nối (platform)… Khác với Outbound Marketing - phương pháp marketing truyền thống - chỉ bao gồm việc quảng cáo, mua danh sách liên hệ khách hàng và mong chờ người có nhu cầu tìm đến, Inbound Marketing chú trọng vào thu hút khách hàng một cách tự nhiên nhất, thông qua nội dung chất lượng cao được truyền tải bằng tổ hợp các kênh trực tuyến. Phải thừa nhận rằng, người tiêu dùng ngày nay thuần thục hơn trong việc ngăn chặn các quảng cáo phiền phức. Thay vì quấy nhiễu khách hàng, Inbound Marketing là cách để giúp khách hàng tìm thấy sản phẩm và dịch vụ trên môi trường trực tuyến một cách chủ động, đúng nhu cầu, đúng kênh và đúng thời điểm. Marketing vì vậy trở thành một hoạt động nhân văn sinh lợi nhuận, mang lại giá trị không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả khách hàng. Xét về chi phí, marketing thường là hoạt động tốn kém và trở thành rào cản đối với các công ty khởi nghiệp, đặc biệt trong môi trường cạnh tranh đã có nhiều tập đoàn lớn luôn sẵn sàng “rút hầu bao” cho các hoạt động quảng cáo trên truyền hình (TVC), quan hệ công chúng (PR), sự kiện… thì Inbound Marketing mang đến một cách thức làm marketing sáng tạo, tự chủ và đặc biệt ít tốn kém. Hoạt động Inbound Marketing còn cho phép bạn có thể đo lường hiệu quả của từng hoạt động marketing và thu thập dữ liệu khách hàng thực. Theo thời gian, các hoạt động marketing được tinh chỉnh sẽ trở nên ngày càng chính xác hơn, các quyết định chi tiêu cho marketing sẽ trở nên dễ dàng hơn. Cộng hưởng với một sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt, Inbound Marketing có thể giúp biến khách hàng trở thành cánh tay nối dài của doanh nghiệp trong việc lan truyền, cổ vũ, khuyến khích bạn bè, người thân và cả những người không thân quen khác đến với doanh nghiệp. Hoạt động marketing nhờ đó được nhân rộng theo cấp số nhân và hoàn toàn không mất phí.


Hai tác giả Brian Halligan và Dharmesh Shah đã đưa ra những hướng dẫn chi tiết về cách thức khởi động hành trình Inbound Marketing: 1 Bước 1: Xây dựng trang web với nội dung cuốn hút, có khả năng thu thập thông tin khách hàng. 2 Bước 2: Mở rộng phạm vi tiếp cận đến khách hàng thông qua hệ thống blog và mạng xã hội. 3 Bước 3: Biến khách hàng tiềm năng trở thành khách hàng trả tiền và quản lý các thông số kinh doanh. 4 Bước 4: Quản lý nguồn lực nội bộ để tạo ra một guồng máy hiệu quả giúp vận hành inbound marketing. Chuyển đổi từ marketing 3.0 sang marketing 4.0, từ offline sang online là một hành trình đòi hỏi sự kiên nhẫn, chỉn chu và toàn tâm của người làm kinh doanh. Trong kỷ nguyên mới, khi sự phát triển của công nghệ đóng vai trò then chốt trong nhiều hoạt động kinh doanh và marketing, việc nắm giữ một công cụ hữu hiệu nào đó kết hợp với các kiến thức chuyên môn sâu sắc có thể mang đến cho bạn một lợi thế kinh doanh đáng kể, giúp tiết kiệm chi phí và lan tỏa niềm tin của khách hàng.


Video giới thiệu cuốn sách này từ đài truyền hình VITV:

Ngoài ra, bạn có thể tham gia bài trắc nghiệm kiến thức về chủ đề “Inbound Marketing” tại đây: http://wetransform.vn/inboundmarketingquiz/ Hoặc quét mã QR này:


VÌ SAO CÓ “CUỘC CÁCH MẠNG NỀN TẢNG”? Đây là bài viết của tôi được đăng trên trang Doanh Nhân Sài Gòn. Mọi người có thể tham khảo bài viết gốc tại đây. Trong thời đại hiện nay, người ta nói rất nhiều về platform, trong tiếng Việt có nghĩa là nền tảng kết nối. Vậy nền tảng kết nối (platform) là gì, hãy cùng đi tìm hiểu về nó thông qua quyển sách Cuộc cách mạng nền tảng (tựa tiếng Anh là Platform Revolution). Theo như quyển sách này: “Nền tảng là hình thức kinh doanh dựa trên việc kích hoạt sự tương tác tạo-nên-giá-trị giữa các nhà sản xuất bên ngoài với người tiêu dùng. Mục đích tổng thể của nền tảng: để tương thích hoàn toàn giữa người dùng với sự thuận lợi trong việc trao đổi hàng hoá, dịch vụ hoặc tiền tệ xã hội, qua đó kích hoạt việc tạo ra giá trị cho tất cả người tham gia.” Để dễ hiểu, tôi sẽ đưa ra một vài ví dụ về các platform trên thế giới và ở Việt Nam. Ví dụ 1: Uber là một nền tảng hoạt động trong lĩnh vực vận tải, nó kết nối tài xế với người những khách hàng có nhu cầu đi lại. Giá trị mà Uber tạo ra đó là những chuyến xe chở khách hàng đến nơi cần đến. Sự thuận lợi mà nó mang lại cho khách hàng là: dễ dàng gọi xe trên điện thoại thông minh, tài xế dễ dàng biết được chính xác khách hàng đang ở đâu, khách hàng dễ dàng thanh toán bằng tiền mặt hoặc là bằng thẻ tín dụng…


Ví dụ 2: Lazada là một nền tảng hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử. Giá trị mà Lazada tạo ra đó là giúp người bán và người mua có thể thực hiện việc mua bán một cách dễ dàng. Sự thuận lợi mà nó mang lại cho khách hàng: tạo được một marketplace (chợ trực tuyến) để mọi người có thể mua bán dễ dàng, có thể mua hàng mọi lúc mọi nơi, hình thức thanh toán đa dạng… Thực tế thì hình thức này đã diễn ra từ khá lâu rồi. Có thể nói những chợ truyền thống cũng được xem là một nền tảng kết nối, nó kết nối người bán và người mua. Những sàn chứng khoán cũng là nền tảng kết nối…Nhưng ngày nay, người ta biết đến các platform thường gắn liền với các yếu tố về công nghệ. Nhờ có công nghệ mà các platform có thể kết nối người sản xuất và người tiêu dùng một cách chính xác, nhanh chóng và dễ dàng hơn bao giờ hết. Đặc biệt với sự nổi dậy của các platform như Uber, Facebook, Airbnb…làm cho người ta quan tâm đến chủ đề này nhiều hơn bao giờ hết. Với những hiểu biết như vậy, giờ chúng ta thử nhận diện và liệt kê ra những doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động theo mô hình platform để hiểu rõ hơn nhé. Qua đây chúng ta thấy được rằng platform nó hiện hữu trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống chúng ta, vì thế việc trang bị những kiến thức về platform là cần thiết. Nó cần thiết cho người muốn xây dựng một platform cho doanh nghiệp của mình, điều đó là không còn gì để bàn cãi. Và nó cũng cần thiết cả cho tất cả những người khác, dù bạn làm bất kỳ ngành nghề gì, một khi bạn có kiến thức về nó để có thể dùng những platform thích hợp để phục vụ cuộc sống cho chính mình.


Cùng đến với một ví dụ nữa để chúng ta hiểu thêm platform đã phục vụ cuộc sống của mình như thế nào nhé. Nền tảng tôi muốn giới thiệu ra đây đó là Wattpad.com – một nền tảng dùng để chia sẻ những câu chuyện, truyện ngắn của mình. Taran Matharu là một chàng trai trẻ có niềm đam mê về viết lách, anh ta đã đăng những trích đoạn của quyển sách mình đang viết lên lên trang Wattpad này. Sự hấp dẫn của câu chuyện công với một cộng đồng độc giả lớn của Wattpad đã tạo ra được sự thành công bất ngờ của anh ấy: nó đã thu hút hơn 5 triệu độc giả. Sau đó, quyển sách này đã xuất bản rộng rãi trên nhiều nước, và anh cũng đã quyết định trở thành một tác giả chuyên nghiệp. Rõ ràng là nền tảng Wattpad đã mở ra một chân trời mới dành cho những người những người viết sách không chuyên như Taran Matharu.


Khi chúng ta nói đến platform thì không thể không nhắc đến một bài toán kinh điển của nó, đó là bài toán con gà-quả trứng. Platform là một nền tảng trung gian giữa người bán và người mua, người tạo ra giá trị và người tiêu thụ giá trị…Vì thế người bán, người tạo ra giá trị sẽ không tham gia nền tảng nếu như ở đó không có người mua, người tiêu thụ giá trị. Và ngược lại, người mua, người tiêu thụ giá trị cũng sẽ không tham gia vào nền tảng nếu như ở đó không có người bán, người tạo ra giá trị. Bài toán nào rồi cũng có lời giải. Bài viết sau, tôi sẽ giới thiệu đến các bạn những cách thức mà người ta đã dùng để giải bài toán con gà-quả trứng này. Khi nào thì phát triển người bán trước, khi nào thì phát triển người mua trước, hoặc là khi nào phải phát triển cả người bán lẫn người mua đồng thời. Video giới thiệu cuốn sách này từ đài truyền hình HTV:


Ngoài ra, bạn có thể tham gia bài trắc nghiệm kiến thức về chủ đề “Platform” tại đây: http://wetransform.vn/platformquiz/ Hoặc quét mã QR này:

To be updated


Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.