THỰC THI TINH GỌN - Ứng dụng TƯ DUY THIẾT KẾ để biến ý tưởng thành hiện thực

Page 1

1

i


THỰC THI TINH GỌN Ứng dụng tư duy thiết kế biến ý tưởng thành hiện thực Bản quyền © Huỳnh Hữu Tài, 2022

Mọi ý kiến đóng góp về nội dung và hợp tác, vui lòng liên hệ: Huỳnh Hữu Tài Email: tai@wetransform.vn Website: www.wetransform.vn

2


GIỚI THIỆU TÁC GIẢ Huỳnh Hữu Tài là tác giả, dịch giả, diễn giả và founder của WeTransform.vn. Thực thi tinh gọn là cuốn sách đầu tay của anh với vai trò là tác giả. Anh đã từng biên dịch khoảng 20 cuốn sách nổi tiếng thuộc dòng sách công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế số... Một số cuốn sách tiêu biểu đã biên dịch: Cuộc cách mạng nền tảng, Cuộc dịch chuyển đại dương xanh, Chiến lược dữ liệu, Thực hành Tư duy thiết kế, Ứng dụng Trí Tuệ Nhân Tạo để dẫn đầu, Chiến lược mua bán và sáp nhập, Chuyển đổi số dành cho nhà lãnh đạo, Inbound Marketing… Trước khi tham gia biên dịch và viết sách, anh có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc ở các công ty nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ thông tin-viễn thông (ICT). Anh đang làm mentor cho các bạn sinh viên theo học trường Đại học Anh Quốc (BUV), trường đại học FUNiX, chương trình GIVE IT BACK, Curieous… Anh đã từng cộng tác viết bài cho tạp chí Forbes Việt Nam, tạp chí Nhà Quản Lý… Anh là diễn giả về các chủ đề: Tư duy thiết kế (Design Thinking), Chiến lược đại dương xanh (Blue Ocean Strategy/Shift), Inbound Marketing… Anh đã từng chia sẻ các chủ đề này tại Saigon Innovation Hub, Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng, Vườn ươm doanh nghiệp Đà Lạt, Cantho Startup and Innovation Hub

3


(CASTIHUB), Meet To Read - JCI Central Saigon, Đại Học Quốc Tế (IU), Đại Học Tài chính-Marketing… Kết nối với tác giả thông qua các hình thức bên dưới:

4


NỘI DUNG GIỚI THIỆU TÁC GIẢ LỜI MỞ ĐẦU BẢNG THUẬT NGỮ CHƯƠNG 1 Ý TƯỞNG TỪ SỰ THẤU CẢM - CHÚNG TA LUÔN BẮT ĐẦU TỪ ĐÂY CHƯƠNG 2 XÁC ĐỊNH VẤN ĐỀ - VẤN ĐỀ TRƯỚC HAY GIẢI PHÁP TRƯỚC? CHƯƠNG 3 GIẢI PHÁP KHẢ THI - SỨC MẠNH TỪ ĐỘI NGŨ LIÊN NGÀNH CHƯƠNG 4 HIỆN THỰC HÓA Ý TƯỞNG - TRĂM NGHE KHÔNG BẰNG MỘT THẤY CHƯƠNG 5 THỬ NGHIỆM THỰC TẾ - VAI TRÒ TO LỚN CỦA KHÁCH HÀNG CHƯƠNG 6 CASE STUDY – MỘT CÂU CHUYỆN THỰC TẾ TRỌN VẸN LỜI KẾT LỜI CẢM ƠN NHỮNG Ý KIẾN ĐÓNG GÓP TỪ ĐỘC GIẢ NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ TƯ DUY THIẾT KẾ TỪ ĐIỂN BỎ TÚI VỀ TƯ DUY THIẾT KẾ TÀI LIỆU THAM KHẢO QUÀ TẶNG DÀNH CHO ĐỘC GIẢ TỪ WETRANSFORM 5


LỜI MỞ ĐẦU Tôi vốn là người yêu thích đọc sách. Khi tham gia công tác biên dịch và phát hành sách, tôi lại càng đọc nhiều sách hơn. Thời gian gần đây, tôi đọc khoảng 2 đến 3 cuốn sách mỗi tháng, chủ yếu vẫn là sách tiếng Anh, nghĩa là mỗi năm tôi đọc ít nhất là 30 cuốn sách. Đối với một số người, 30 cuốn sách vẫn chưa là nhiều. Tuy nhiên, khi so với mặt bằng chung, bình quân một người Việt đọc 1 quyển sách mỗi năm1, thì số lượng sách tôi đọc hàng năm là một con số tương đối lớn. Cùng với đó, tôi cùng đội ngũ của mình cũng đã biên dịch/phát hành hơn 20 cuốn sách (tính đến thời điểm năm 2021)2. Tôi thường đọc những cuốn sách về chủ đề đổi mới sáng tạo, công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, chuyển đổi số, tinh thần doanh chủ… Và điều đặc biệt là những cuốn sách này mang nhiều tính thực chiến. Phần lý thuyết cũng được giới thiệu trong sách, nhưng không quá nặng nề. Phần chính của sách vẫn là những câu chuyện thực tế thú vị, được trình bày rất dễ hiểu, dễ áp dụng… Trong quá trình đó, tôi nhận ra rằng: không quan trọng là chúng ta đọc bao nhiêu cuốn sách, mà quan trọng là chúng ta ứng dụng được gì từ những cuốn sách đó. Từ đó tôi lại liên tưởng đến một câu nói của Khổng Tử mà tôi rất 1 2

https://tphcm.chinhphu.vn/binh-quan-mot-nguoi-viet-doc-1-quyen-sach-moi-nam Bạn có thể tham khảo danh sách những cuốn sách này đây: http://wetransform.vn/books

6


tâm đắc: “Những gì tôi nghe, tôi sẽ quên; Những gì tôi thấy, tôi sẽ nhớ; Những gì tôi làm, tôi sẽ hiểu.” Tôi cực kỳ thích cuốn sách Thực hành tư duy thiết kế (Design Thinking Playbook),3 cuốn sách này đã được ra mắt vào đầu năm 2021. Đây là cuốn sách mà tôi và nhóm WeTransform biên dịch. Những cuốn sách thể loại playbook này sẽ hướng dẫn cho chúng ta thực hành ngay những bước nhỏ, để từ đó chúng ta tiến đến đạt được những kết quả to lớn hơn. Và từ đây, ước muốn viết một cuốn sách trong tôi lại trỗi dậy. Nhưng rồi tôi lại tự hỏi chính mình, tôi có gì giỏi giang, tôi có gì nổi bật, tôi có gì thành công vang dội… mà lại viết sách. Những câu hỏi này như một gáo nước lạnh dội thẳng vào mặt tôi, chúng làm tôi chùn bước với ước muốn viết sách. Tuy nhiên, tôi lại nhớ đến một câu nói mà tôi tóm gọn như thế này: bạn chia sẻ không phải vì bạn biết nhiều hơn người khác, đó chỉ là bạn học được một vài bài học hay để chia sẻ lại cho mọi người. Vâng, vậy thì đã rõ. Viết sách cũng là một hoạt động chia sẻ, tôi viết sách là để chia sẻ lại những gì tôi học được cũng như những gì tôi trải nghiệm thông qua công việc của tôi, công việc của những người mà tôi tư vấn, hướng dẫn… Chỉ đơn giản là vậy! Và khi tư tưởng đã thông, tôi bắt đầu ngồi xuống và viết những chương sách đầu tiên. Nhắc đến chữ chia sẻ, nó làm tôi nhớ đến quán cà phê Sharing Coffee mà tôi và một người bạn đã xây dựng 3

Bạn có thể tìm hiểu cuốn sách Thực hành tư duy thiết kế tại đây: http://bit.ly/thuchanhtuduythietke 7


vào năm 2015. Biết đâu được rằng, có ai đó đang đọc cuốn sách này, cũng đã từng ghé quán cà phê của tôi. Vậy ngoài những lý do bên trên, còn lý do gì khác khiến tôi phải bắt tay viết cuốn sách này? Và đây là câu trả lời: 1. Tạo ra một cuốn sách với những câu chuyện thực tế của các doanh nghiệp Việt Nam mà tôi đang còn thiếu trong chuỗi những cuốn sách mà tôi và nhóm WeTransform đã biên dịch/phát hành. 2. Tạo ra một cuốn cẩm nang dễ thực hành với những bước cụ thể để độc giả tự tin biến ý tưởng của mình thành hiện thực. 3. Đưa phương pháp tư duy thiết kế vào công việc và cuộc sống để tạo ra những giải pháp đổi mới sáng tạo, tập trung vào con người, mang lại những trải nghiệm khách hàng tuyệt vời… Tôi hi vọng rằng những câu chuyện “nội địa” trên chính đất nước Việt Nam sẽ khỏa lấp phần nào khoảng trống khi có sự khác biệt về môi trường, bối cảnh, hệ sinh thái… trong những cuốn sách nước ngoài đối với độc giả Việt. Đó là một trong những “nỗi đau” mà độc giả đã gửi về cho tôi trong các bài khảo sát trực tuyến thông qua các kênh như Facebook, LinkedIn, trang web của tôi wetransform.vn, hoặc chia sẻ với tôi trong những lần gặp gỡ trực tiếp. Những “nỗi đau” còn lại của độc giả Việt đối với dòng sách nước ngoài được biên dịch sang tiếng Việt, tôi sẽ lần lượt giới thiệu ở phần sau của cuốn sách này. Từ “nỗi đau” sẽ 8


còn xuất hiện nhiều lần nữa trong cuốn sách này. Càng giúp được nhiều người giải quyết “nỗi đau” thì tôi càng cảm thấy cuốn sách này có ích. Đó chính là một thước đo giá trị cho cuốn sách này. Điều gì ngăn cản chúng ta áp dụng một điều mới mẻ vào cuộc sống? Nếu bạn là người có thể áp dụng mọi kiến thức mới mẻ vào cuộc sống mà không có chút khó khăn nào, thì xin chúc mừng bạn. Và bạn cũng không cần phải đọc cuốn sách này, bạn nên tặng nó cho một ai đó. (Bạn có thể xem đây là lời nói đùa!). Còn nếu bạn vẫn cảm thấy khó khăn khi áp dụng kiến thức mới vào cuộc sống và công việc của mình thì chúng ta tiếp tục đi tìm lời giải. Tôi muốn giới thiệu với bạn về một mô hình có tên là “Xung lực của sự phát triển” mà tôi học được từ cuốn sách Demand-Side Sales 101: Stop Selling and Help Your Customers Make Progress.4

4

Bạn có thể tìm hiểu cuốn sách Demand-Side Sales 101 trên Amazon: https://amzn.to/3g2UcCX 9


Hình: Xung lực của sự phát triển Giả định rằng chúng ta là những người cấp tiến, luôn học hỏi, lĩnh hội những kiến thức mới. Nhưng khi chúng ta áp dụng những kiến thức đó vào thực tế lại là một câu chuyện khác. Như hình trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng chúng ta đang bị “giằng xé” giữa cái cũ và cái mới. Hợp lực phía bên trên (lực kéo + lực đẩy) được gọi là tạo nhu cầu, hợp lực bên dưới (lo lắng + thói quen) được gọi là giảm nhu cầu. Hai hợp lực này ngược chiều, đối lập nhau. Nếu như hợp lực tạo nhu cầu lớn hơn hợp lực giảm nhu cầu, khi đó cái mới sẽ thắng thế, chúng ta sẽ áp dụng cách thức mới mẻ này vào cuộc sống. Trong trường hợp ngược lại, vì quán tính quá lớn, chúng ta sẽ “trung thành” với cách thức cũ. Cuộc sống chúng ta là một chuỗi của rất nhiều lựa chọn và quyết định, vì thế mô hình này sẽ đi theo chúng ta trong một thời gian rất dài. Tóm lại, để thúc đẩy một điều mới mẻ được diễn ra, chúng ta cần gia tăng cho hợp lực tạo nhu cầu và cắt giảm cho hợp lực giảm nhu cầu. Để hiểu hơn về mô hình này, chúng ta hãy lấy một ví dụ về việc ứng dụng quy trình tư duy thiết kế vào cuộc sống, công việc của mình.

10


Hình: Ví dụ về Xung lực của sự tiến triển Mỗi khi chúng ta có ý định biến một ý tưởng nào đó thành hiện thực, chúng ta lại đem mô hình này ra để sử dụng. Đừng vì quá bận rộn mà không thay đổi mình theo hướng tốt đẹp hơn. Chính bạn là người đưa ra quyết định lựa chọn nhân vật nào như trong hình biếm họa bên dưới.

Hình: Bạn có quá bận rộn để đổi mới sáng tạo? Và khi tôi viết được những dòng này, tôi đã chiến thắng được chính mình, chiến thắng được sức ỳ của mình để làm một điều gì đó rất mới mẻ đối với tôi: viết một cuốn sách mang lại giá trị cho độc giả. 11


Cuốn sách này dành cho ai? 1. Những ai muốn tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới từ những ý tưởng tuyệt vời của mình với một cách tiếp cận nhanh chóng, tiết kiệm nguồn lực và được khách hàng đón nhận, yêu mến. 2. Những ai muốn đưa lý thuyết khởi nghiệp tinh gọn, tư duy thiết kế vào công việc, cuộc sống của mình. 3. Những ai muốn tích hợp những phương pháp thực thi mang tính đổi mới sáng tạo với những phương pháp hiện có trong doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả công việc, tạo ra những đột phá mới. Cách tốt nhất để sử dụng cuốn sách này là gì? 1. Chúng ta cần thực hành, thực thi một tinh gọn theo đúng như tinh thần của Khởi nghiệp tinh gọn (Xây dựng – Đo lường – Học hỏi) để từ đó chúng ta nhanh chóng biết được sản phẩm/dịch vụ mà chúng ta xây dựng có khả thi hay không, giảm thiểu rủi ro, thất bại.

12


2. Ứng dụng tư duy thiết kế trong toàn bộ quá trình thực thi tinh gọn để giúp chúng ta có được những giải pháp đổi mới sáng tạo, đột phá nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp. Chúng ta sẽ lần lượt đi qua năm bước của quy trình tư duy thiết kế như hình bên dưới: thấu cảm, xác định vấn đề, xây dựng ý tưởng, tạo nguyên mẫu, thử nghiệm. 3. Chúng ta dần tập làm quen với việc lai, kết hợp những phương pháp khác nhau để tạo ra kết quả tốt nhất cho công việc của mình, cụ thể ở đây là chúng ta kết hợp phương pháp khởi nghiệp tinh gọn với tư duy thiết kế. Với tôi, hai phương pháp này sẽ bổ sung cho nhau giúp chúng ta nhanh chóng biết được rằng chúng ta có đang xây dựng sản phẩm/dịch vụ mà khách hàng cần đến hay không. Đây cũng chính là phương pháp mà các doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp trên thế giới đang áp dụng. 4. Bắt tay hàng động với “Phần thực hành dành cho độc giả” ở cuối mỗi chương sách.

13


Hình: 5 bước của Tư duy thiết kế Những gì bên ngoài phạm vi của cuốn sách? 1. Cuốn sách này không giải thích lại chi tiết về lý thuyết, vì thế bạn đọc nên tham khảo thêm phần lý thuyết liên quan từ phần tham khảo được ghi chú ở cuối trang hoặc lấy từ khóa để tìm hiểu thêm trên Internet. 2. Cuốn sách này không đề cập chi tiết đến các mô hình kinh doanh (Business Model Canvas), bạn nên tham khảo và chọn lọc ra mô hình kinh doanh phù hợp để phát triển doanh nghiệp của mình. Chúng ta không thể chỉ cần đọc một cuốn sách tự học bơi là chúng ta có thể bơi tốt được. Chúng ta cần phải nhảy xuống hồ bơi, vùng vẫy, thực hành nhiều lần thì chúng ta mới có thể bơi được. Với cuốn sách này cũng vậy, bạn cần đọc kết hợp với thực hành để có thể thấu hiểu nội dung mà 14


cuốn sách truyền đạt. Và hơn hết là bạn có thể biến ý tưởng của bạn thành hiện thực như chính tựa đề của cuốn sách này. Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 6-2021, những ngày giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19

15


CHƯƠNG 1 Ý TƯỞNG TỪ SỰ THẤU CẢM CHÚNG TA LUÔN BẮT ĐẦU TỪ ĐÂY Giá trị của một ý tưởng nằm ở cách nó được sử dụng. Thomas Edison Trước hết, tôi nói rõ hơn về định nghĩa ý tưởng được đề cập trong cuốn sách này. Đó là ý tưởng cho một sản phẩm/dịch vụ mới, ý tưởng cho một mô hình kinh doanh mới, ý tưởng cho doanh nghiệp và tổ chức mới. Ngoài ra, đó cũng là ý tưởng mới trên nền các sản phẩm, dịch vụ đang có sẵn. Tùy vào tình huống, bối cảnh mà chúng ta hiểu theo ý nghĩa tương ứng. Ý tưởng: đắt hay rẻ, điều đó có quá quan trọng? Mọi người đều biết, chúng ta không thể thực hiện một điều gì đó nếu như không có ý tưởng. Ý tưởng luôn là nguyên liệu đầu vào của bất kỳ quá trình nào. Có người cho rằng, ý tưởng rất đắt giá, ý tưởng quyết đến đến thành công của cả dự án, doanh nghiệp. Cũng có người cho rằng, ý tưởng rất rẻ, nó có mặt khắp nơi trong không khí. Theo ý kiến của cá nhân tôi, chỉ khi bạn cho mọi người nhìn thấy được hình hài thật sự của ý tưởng thì bạn sẽ nhận được những nhận 16


xét khách quan và công tâm từ mọi người về ý tưởng đó của bạn. Ngoài ra, họ còn đóng góp những ý kiến mang tính xây dựng, lời khuyên và cả sự giúp đỡ để bạn hoàn thiện sản phẩm/dịch vụ của mình ngày một tốt hơn. Khi đó, vai trò của quá trình thực thi là điều cực kỳ to lớn. Vâng, chúng ta không xem xét ý tưởng khi nó đứng độc lập, mà chúng ta xem xét ý tưởng khi nó đã được biến thành sản phẩm/dịch vụ (có thể ở dạng nguyên mẫu) và mang lại giá trị cho người dùng thực tế. Lúc này, ý tưởng không còn “non trẻ” nữa mà nó đã có được độ “chín” nhất định. Người dùng sẽ háo hức đón nhận một nguyên mẫu (prototype) hơn là một ý tưởng thuần khiết. Bởi vì người ta có thể cảm nhận nguyên mẫu bằng nhiều giác quan hơn, hay như cách dân gian mà ông bà ta thường nói: “trăm nghe không bằng một thấy”. Và chắc bạn còn nhớ câu nói này “nói thì dễ, làm mới khó”. Khi bắt tay vào làm thì chúng ta đã tự mình nâng cao cơ hội thành công. Và càng khai thác sâu một ý tưởng lớn, chúng ta sẽ lại chạm đến khái niệm “mô hình kinh doanh”. Trong cuốn sách này, chúng ta không chỉ nói đến ý tưởng với nghĩa chỉ đơn thuần là ý tưởng, mà là chúng ta nói đến ý tưởng trong bối cảnh của một vòng đời từ ý tưởng đến sản phẩm/dịch vụ. Chúng ta cũng sẽ bàn đến khái niệm này ở phần sau của cuốn sách. Tôi muốn kể cho bạn nghe về những kỷ niệm của tôi đối với cuốn sách Platform Revolution (tựa tiếng Việt: Cuộc cách mạng nền tảng). Khi đọc xong bảng tiếng Anh của cuốn sách này, tôi rất thích thú với mô hình kinh doanh 17


mới mẻ mà cuốn sách đưa ra, vì thế tôi đã bắt tay vào biên dịch luôn chương đầu tiên của nó. Biên dịch xong, tôi gửi email cho anh Bình (người sáng lập Alphabooks) để xem, cùng với đó là tôi đã ngỏ lời biên dịch nguyên cuốn sách này. Thật bất ngờ khi tôi biết được rằng anh ấy cũng vừa mua xong bản quyền biên dịch sang tiếng Việt cho cuốn sách này. Thế là tôi bắt tay vào biên dịch luôn cho cả cuốn sách. Chuyện biên dịch cuốn sách đầu tiên của tôi là như vậy đó. Giờ đây, tôi và nhóm WeTransform đã biên dịch, biên tập và phát hành cũng được gần 20 cuốn sách rồi. Ngoài hợp tác với Alphabooks, tôi còn hợp tác với các công ty sách khác như: First News, Thái Hà Books, Nhà xuất bản thông tin truyền thông… Nhờ bản dịch thử nghiệm cho cuốn sách đầu tiên mà mọi thứ nó suông sẻ đến vậy, mặc dù trước đó, tôi chẳng có chút kinh nghiệm nào về lĩnh vực biên dịch và biên tập sách. Vậy đó, nếu bạn yêu thích ý tưởng của mình, hãy bắt tay vào hành động. Ý tưởng đắt giá hay rẻ không quan trọng. Quá trình thực thi để biến ý tưởng thành hiện thực mới đóng vai trò quan trọng hơn nhiều. Câu chuyện của một doanh nhân Việt Kiều: giải pháp thị trường hay giải pháp công nghệ. Ngày này, nhiều người trong chúng ta biết đến ví điện tử MoMo khi ứng dụng này đã cán mốc 20 triệu người dùng vào năm 2020. Nhưng nếu nhắc đến ví điện tử Mobivi, thì ít 18


người biết đến. Có một điểm chung là cả 2 ứng dụng công nghệ tài chính này (Fintech) đều được thành lập vào năm 2007. Đến năm 2012, Mobivi đã chuyển đổi mô hình hoạt động, Mobivi đã chuyển hướng sang một thị trường ngách, kết hợp giữa thương mại điện tử và kinh doanh truyền thống để khai thác phân khúc chưa từng được quan tâm: Chương trình Phúc lợi cho người lao động, với tên mới là iCare Benefits. Điều thú vị là người sáng lập của Mobivi, anh Dung Tấn Trung, có thành tích khá đáng nể trong giới khởi nghiệp ở Mỹ. Anh đã IPO thành công cho công ty OnDisplay do chính mình thành lập với giá là 1,7 tỷ đô la ở thị trường Mỹ.

Hình: anh Dung Tấn Trung, người ngồi giữa, tham gia một sự kiện vào cuối năm 2017 19


Vào cuối năm 2017, tôi có tham dự một sự kiện mà anh chia sẻ ở chương trình Cà phê thứ bảy. Theo anh, một trong những lý do để anh chuyển từ Mobivi sang mô hình iCare Benefits là bởi vì Mobivi đang cung cấp một giải pháp công nghệ chứ không phải là giải pháp thị trường. Giải pháp công nghệ mà Mobivi đang cung cấp là công nghệ tài chính, thị trường vẫn chưa thật sự cần vào thời điểm này (trước năm 2012). Giải pháp thị trường mà họ hướng đến là phải đi giải quyết những nỗi đau, nhu cầu, mong muốn của khách hàng. Chính iCare Benefits đã làm được điều đó khi phát triển chương trình phúc lợi dành cho công nhân nhà máy, cung cấp cho họ cơ hội mua những sản phẩm, hàng hóa thiết yếu và giúp họ cải thiện đời sống. Trong quá trình viết câu chuyện này, tôi có vào trang web của công ty để tìm hiểu thì biết được rằng công ty này đã được một doanh nghiệp nước ngoài mua lại và đổi tên thành Movi. Mặc dù đây là lần thứ 2 mà anh khởi nghiệp, nhưng cũng phải mất 5 năm để nhìn nhận ra đâu là giải pháp công nghệ, đâu là giải pháp thị trường để từ đó điều chỉnh cho hợp lý. Vì thế, đây là một bài học bổ ích để chúng ta chiêm nghiệm về việc cung cấp cho khách hàng những gì họ cần hay cung cấp những gì chúng ta có nhưng họ lại không cần. Và chúng ta cũng sẽ sẵn sàng “bẻ lái” khi cần, không thể mãi bám vào ý tưởng ban đầu nhưng không phù hợp, không mang lại giá trị cho doanh nghiệp và xã hội. Sự 20


thích ứng là vô cùng cần thiết. Một lần nữa, chúng ta lại thấy được sự cần thiết phải đưa ý tưởng vào thực tế cuộc sống. Làm gì để mang đến cho độc giả nhiều giá trị gia tăng từ sách trong thời đại công nghệ? Từ những ngày đầu tham gia biên dịch sách, tôi luôn nghĩ rằng mình nên mang thêm nhiều giá trị gia tăng cho những cuốn sách mà mình biên dịch. Nhưng cụ thể là sẽ gia tăng giá trị gì và làm như thế nào thì tôi vẫn chưa rõ đường đi, vì thế tôi vừa làm vừa tìm tòi học hỏi. Dù cho giá trị đó là gì thì trước tiên tôi phải tự nâng cấp chính mình về những kiến thức xung quanh cuốn sách đó. Tôi đã chọn cách nâng cấp chính mình bằng các khóa học, và cách học của tôi cũng khá đa dạng. Đối với cuốn sách “Cuộc dịch chuyển đại dương xanh” (tựa sách tiếng Anh: Blue Ocean Shift), tôi đã tham gia workshop 3 ngày được tổ chức tại Singapore. Đơn vị tổ chức workshop này là BOGN (Blue Ocean Global Network), được chính 2 tác giả của cuốn sách này thành lập ra, đó là giáo sư Chan Kim và Renée Mauborgne. Không ai không biết đến 2 vị giáo sư đáng kính này khi nhắc đến chiến lược đại dương xanh: theo đuổi đồng thời chiến lược khác biệt hóa và chi phí thấp. Ở workshop này, các nhóm sẽ được hướng dẫn để tìm ra đại dương xanh cho chính mình. Đây là lúc chúng tôi áp dụng những kiến thức từ sách vào thực tế công việc và cuộc sống của mình. Sau ba ngày, 21


chúng tôi thấy được rằng việc áp dụng này là không quá khó, miễn là chúng ta chịu bước đi những bước đầu tiên, có đội nhóm cùng thảo luận, trao đổi và đặc biệt là có người đi trước, có kinh nghiệm để hướng dẫn. Đó cũng là những gì tôi đã áp dụng cho những doanh nghiệp Việt Nam khi tôi có cơ hội đào tạo cho họ về chủ đề chiến lược đại dương xanh.

Hình: Chứng nhận từ Blue Ocean Academy cho workshop Blue Ocean Explorer Đối với cuốn sách “Thực hành tư duy thiết kế”, tôi đã bổ sung kiến thức bằng các khóa học từ Coursera, một nền tảng học trực tuyến chất lượng hàng đầu thế giới. Dưới đây là 2 trong những khóa học mà tôi đã hoàn thành. 22


Hình: chứng nhận từ Coursera cho khóa học Design Thinking for Innovation

Hình: Chứng nhận từ Coursera cho khóa học Design Thinking and Global Startup

23


Đối với cuốn sách “Inbound Marketing”, tôi bổ sung kiến thức thông qua các khóa học từ Hubspot Academy.

Hình: Chứng nhận từ Hubspot Academy cho khóa học Inbound Marketing Đó chính là những hoạt động học tập, nâng cấp chính mình mà tôi đã thực hiện. Giờ là lúc tôi mang những kiến thức đó áp dụng vào thực tế, để mang lại giá trị gia tăng như tôi đã lên kế hoạch từ ban đầu. Hoạt động đầu tiên là buổi Platform Talks với chủ đề “Xây dựng nền tảng kết nối: Dễ hay khó?”5 được tổ chức vào cuối năm 2017. Khách mời của tôi ở buổi chia sẻ này những CEO, founder thực 5

Những hình ảnh của buổi chia sẻ này được đưa vào mục điểm sách của chương trình Chuyển động kinh doanh trên đài truyền hình HTV: https://youtu.be/8wxfYkdCO7o

24


chiến. Khách mời thứ nhất là anh Nguyễn Trọng Thơ, founder của nền tảng học trực tuyến Unica. Khách mời thứ 2 là Phạm Lan Khanh, founder của nền tảng freelancerViet. Khách mời thứ 3 là Lê Mai Tùng, founder của nền tảng quảng cáo trên xe ShareCarforAds. Thông qua buổi chia sẻ này, tôi muốn đưa đến cho độc giả những câu chuyện gần gũi ở chính đất nước Việt Nam mình trong việc xây dựng nền tảng số, để từ đó mọi người hiểu hơn những lý thuyết về nền kinh tế nền tảng (được đề cập trong cuốn sách tôi biên dịch Cuộc cách mạng nền tảng), có cái nhìn đa chiều hơn về các doanh nghiệp nền tảng, từ quy mô toàn cầu như Google, Facebook, Amazon… đến các doanh nghiệp quy mô trong nước như vừa kể ở trên.

Hình: Buổi Platform Talks: Xây dựng nền tảng kết nối: Dễ hay khó? 25


Tiếp nối buổi chia sẻ này, tôi lại tiếp tục chia sẻ ở một số sự kiện khác, như là chương trình Vietnam Mobile Day và Vietnam Web Summit được TopDev tổ chức. Đối với các tổ chức khởi nghiệp, tôi cũng đã có những buổi chia sẻ ở Trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Cần Thơ, Đà Nẵng, Lâm Đồng… Đối với các trường đại học, tôi có chia sẻ cho các bạn sinh viên ở Đại học Quốc Tế (IU), Đại học Tài Chính-Marketing (UFM), chương trình IPL Scholarship thuộc trường Doanh nhân PACE… Vậy thì tư duy thiết kế có vai trò gì trong những hoạt động mà tôi vừa nêu ra? Câu trả lời là tư duy thiết kế có vai trò rất lớn. Cụ thể là tôi đã chủ động khảo sát độc giả về những khó khăn mà họ gặp phải khi ứng dụng kiến thức từ sách vào thực tế. Từ đây, tôi biết được “nỗi đau” của họ là gì để mà đưa ra những giải pháp phù hợp. Đây chính là bước thấu cảm, bước đầu tiên trong quy trình tư duy thiết kế. Nếu bạn đã tìm hiểu qua về tư duy thiết kế, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy quen thuộc với hình bên dưới với quy trình năm bước của tư duy thiết kế. Nếu bạn vẫn còn thấy xa lạ với tư duy thiết kế, bạn cũng đừng lo lắng bởi vì tôi sẽ giới thiệu ngắn gọn từng bước của quy trình này trong xuyên suốt cuốn sách mà bạn đang cầm trên tay.

26


Hình: 5 bước của Tư duy thiết kế Trong chương này, chúng ta tập trung nói về thấu cảm. Ngoài việc khảo sát như tôi vừa nêu, chúng ta còn có thể phỏng vấn, quan sát khách hàng để có được sự thấu cảm đối với họ. Tạo hóa đã tạo ra chúng ta với 2 lỗ tai và 1 cái miệng. Theo logic thì chúng ta sẽ nghe nhiều hơn nói, nhưng thực tế là chúng ta đã làm điều ngược lại: nói nhiều hơn nghe! Nhờ tham gia công việc biên dịch và phát hành sách, tôi có cơ hội gặp gỡ rất nhiều các nhà sáng lập/điều hành của các công ty khởi nghiệp. Ngồi đếm lại số lượng các cuộc gặp gỡ đó mà tôi đã ghi lại trên Google Calendar, tôi có chút bất ngờ khi con số đó là: 100 cuộc gặp mặt. Càng lắng nghe tích cực những câu chuyện họ kể, tôi càng phát hiện những điều thú vị về hành trình khởi nghiệp, hành trình biến ý tưởng thành hiện thực của họ. Và tôi cũng không quên đặt những câu hỏi để tìm hiểu sâu hơn về 27


hành trình khởi nghiệp của họ. Sự tương tác đó đã giúp họ hăng say hơn trong việc chia sẻ. Vì thế, tôi đã có được sự thấu cảm đối với họ. Cũng từ đây, tôi tự hỏi chính mình rằng: vì sao lại không mang những câu chuyện thú vị này đến cho rộng rãi mọi người hơn? Và ý tưởng đó cũng đã được hiện thực hóa khi cuối năm 2020, tôi đã bắt tay vào việc sản xuất chương trình podcast dành cho các bạn khởi nghiệp. Chương trình podcast có tên là Startup Stories6 – Câu chuyện khởi nghiệp, với hình thức là một cuộc trò chuyện thân mật, gần gũi giữa tôi và một người sáng lập/điều hành của một start-up. Thông qua chương trình này, mọi người sẽ có được góc nhìn đa chiều về những câu chuyện khởi nghiệp với cả thành công và thất bại, để từ đó rút ra được bài học cho riêng mình để áp dụng vào chặng đường khởi nghiệp sắp tới.

Hình: Chương trình podcast Startup Stories

6

Các bạn có thể xem chương trình Startup Stories trên kênh YouTube của WeTransform: https://youtu.be/FCQ4Cfcr6cA

28


Hoạt động tiếp theo mà tôi thực hiện để mang lại giá trị gia tăng cho độc giả là tham gia mentoring cho các bạn trẻ và các startup. Các bạn trẻ này là những con người sáng tạo, thích làm điều mới mẻ, dám nghĩ dám làm. Họ quan tâm đến những cuốn sách mà tôi biên dịch và cũng mong muốn áp dụng những kiến thức mới mẻ đó vào những dự án và startup của mình. Vì thế, tôi đã trở thành mentor (người cố vấn) cho các bạn sinh viên ở các trường như: trường đại học trực tuyến FUNIX (một thành viên của FPT Education), trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV), chương trình Give It Back và một số chương trình khác nữa. Tôi sẽ chia sẻ chi tiết về hành trình trở thành mentor của tôi ở phần sau của cuốn sách. Trong tình hình giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19, việc tổ chức những sự kiện chia sẻ trực tiếp hầu như rất khó diễn ra. Do đó, webinar – chia sẻ trực tuyến là một hình thức thay thế. Vì thế, webinar về chủ đề “Design Thinking – Từ lý thuyết đến thực tế”7 đã ra đời từ tháng 6-2021 và diễn ra hàng tháng. Trong năm 2021, tôi đã tổ chức được 7 webinar như thế. Những hoạt gia tăng giá trị cho sách mà tôi kể ở trên không quá mới mẻ, các tác giả nổi tiếng thế giới đã áp dụng rất nhiều trong thời gian qua và chính bản thân tôi cũng đã hưởng lợi rất nhiều từ những hoạt động này. Vì thế, tôi quyết định áp dụng phương pháp này ở Việt Nam nhằm tạo ra một hệ sinh thái nho nhỏ xung quanh sách 7

Các bạn có thể đăng ký tham qua webinar tại đây: https://wetransform.vn/webinar/

29


bao gồm: sách ở các phiên bản ebook, audiobook, các buổi đào tạo, tư vấn, mentoring… Hành trình mang những giá trị gia tăng đến với độc giả của tôi vẫn còn dài. Tôi vẫn phải còn tiếp tục đi tìm những nỗi đau của độc giả, để từ đó thấu cảm hơn nữa và đưa ra những giải pháp phù hợp hơn, đổi mới sáng tạo hơn. Làm thế nào để có thật nhiều ý tưởng? Một nhà khoa học đã từng 2 lần đạt giải Nobel ở 2 lĩnh vực khác nhau, Linus Carl Pauling,8 đã từng phát biểu: “Nếu bạn muốn có được ý tưởng hay, trước hết bạn cần phải có thật nhiều ý tưởng.” Vậy thì làm sao để chúng ta có thật nhiều ý tưởng. Nếu bạn tìm kiếm trên Google thì câu hỏi trên, bạn sẽ nhận được rất nhiều phương pháp khác nhau. Một trong những phương pháp mà tôi rất thường hay sử dụng, đó chính là brainstorm, trong tiếng Việt người ta gọi là “động não” hoặc cũng có thể được gọi là “bão não”. Tôi dùng nó cho đội ngũ WeTransform cũng như cho các tổ chức, doanh nghiệp mà tôi đã đào tạo. Phương pháp brainstorm này cũng được nhắc đến rất nhiều trong cuốn sách mà tôi biên dịch, đó là cuốn sách “Cuộc dịch chuyển đại dương xanh” và “Thực hành tư duy thiết kế”. Nếu bạn đã đọc những cuốn sách này thì bạn sẽ không còn lạ lùng gì với phương pháp động não để tạo ra nhiều ý tưởng. Tôi có một vài lưu ý khi thực hiện một phiên brainstorm: 8

https://en.wikipedia.org/wiki/Linus_Pauling

30


1. Trước tiên, chúng ta chú trọng đến số lượng ý tưởng (giai đoạn tư duy phân kỳ), sau đó mới chú trọng đến chất lượng của ý tưởng (giai đoạn tư duy hội tụ). Và cần đưa ra một chủ đề rõ ràng để định hướng cho buổi brainstorm. 2. Trong giai đoạn tư duy phân kỳ, nhiệm vụ chính của chúng ta là tạo ra thật nhiều ý tưởng, không đánh giá, phán xét, chỉ trích bất kỳ ý tưởng nào, cho dù ý tưởng đó có vẻ điên rồ. Điều chúng ta cần làm lúc này là tạo ra không khí thoải mái, cởi mở, vui vẻ để mọi người cảm nhận được sự tôn trọng lẫn nhau, từ đó tự tin để chia sẻ tất cả những ý tưởng của mình. Chúng ta cần để mọi người làm việc độc lập với nhau. Tốt nhất là mọi người nên ghi ý tưởng của mình ra giấy, không đọc hoặc nói ý tưởng của mình cho người khác, để khỏi phải ảnh hưởng/định hướng luồng suy nghĩ của người khác, tránh tâm lý đám đông. Điều này cũng đảm bảo rằng những người có hướng nội và hướng ngoại đều đóng góp ý tưởng của mình ở mức tối đa. Những nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ở giai đoạn này, khi làm việc độc lập thì số lượng ý tưởng sẽ được sản sinh nhiều hơn so với làm việc nhóm. Keith Sawyer, một nhà tâm lý học tại Đại học Washington, đã tóm tắt như sau: “Nhiều thập kỷ nghiên cứu đã liên tục chỉ ra rằng các nhóm động não nghĩ ra ít ý tưởng hơn so

31


với cùng một số người làm việc một mình và sau đó tổng hợp các ý tưởng của họ.”9 3. Ở giai đoạn tư duy hội tụ, chúng ta ngồi lại với nhau để sàng lọc ý tưởng. Sẽ có một số ý tưởng được dùng, một số ý tưởng sẽ được gộp vào các ý tưởng khác và một số ý tưởng bị loại bỏ. Chúng ta nên tổ chức bầu chọn để thể hiện sự khách quan và minh bạch trong việc chọn lựa ý tưởng. 4. Nên mời người tham gia với những kỹ năng, nền tảng khác nhau, đến từ những phòng ban khác nhau (nếu có thể) để có được những ý tưởng với góc nhìn đa chiều, liên ngành (ví dụ, góc nhìn từ các nhóm phát triển sản phẩm, marketing, bán hàng…). 5. Trình bày các ý tưởng ở dạng trực quan nhất để mọi người dễ quan sát, dễ hiểu. 6. Có thể mời một người điều phối (facilitator) để hỗ trợ cho việc tổ chức phiên động não tốt hơn. 7. Thời gian cho việc động não nên gói gọn trong vòng 60 phút, bởi vì nếu chúng kéo dài thời gian thì hiệu quả sẽ bị suy giảm rất nhiều. Theo quan sát của tôi, bước đầu thực hiện việc brainstorm, mọi người có nhiều bỡ ngỡ, nhưng khi đã thực hiện xong một phiên brainstorm, mọi người thường gắn kết nhau hơn, hiểu nhau hơn và sẵn lòng hợp tác cho những dự án 9

https://www.washingtonpost.com/opinions/brainstorming-an-idea-past-itsprime/2012/04/19/gIQAhKT5TT_story.html

32


trong thời gian sắp tới. Và khi nhìn lại số lượng ý tưởng mà nhóm đã tạo ra, mọi người sẽ tự nhận ra rằng, việc tạo ra nhiều ý tưởng cũng không quá khó như mọi người suy nghĩ ban đầu. Mọi người nên áp dụng cho đội nhóm của mình để có những trải nghiệm của riêng mình, khi thực hiện đúng cách, nó sẽ phát huy tính “lợi hại” của nó. Và biết đâu, bạn có thể khám phá ra được những điều thú vị khác trong quá trình thực hiện những phiên động não như thế này, bởi vì ý tưởng, sự sáng tạo của chúng ta là vô hạn. Chúng ta không chỉ ứng dụng kỹ thuật động não này chỉ một lần duy nhất, mà chúng ta có thể áp dụng nhiều lần, tạo nên văn hóa động não trong đội ngũ, doanh nghiệp của bạn. Vâng, bởi vì đây là cuốn sách nói về việc thực thi, nên chúng ta phải bắt tay vào hành động thôi. Nếu bạn đang cần nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết một vấn đề gì đó, thì kỹ thuật brainstorm là một đề xuất dành cho bạn. Những điều tích cực, thú vị, bất ngờ đang chờ đón bạn. Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp đã cho nhân viên của mình làm việc tại nhà (work from home). Do đó, các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu áp dụng phương pháp động não trực tuyến (online brainstorm). Các bạn cũng có thể tìm hiểu để áp dụng cho đội ngũ và doanh nghiệp của mình. Và đây là hình ảnh của phiên động não mà tôi đã hướng dẫn cho các bạn trong những buổi đào tạo của tôi. 33


Hình: Môt phiên động não của các bạn IPL

Hình: chia sẻ lại ý tưởng đã thu hoạch được từ phiên động não

34


ACTION – Framework giúp chúng ta biến ý tưởng thành hiện thực Nếu muốn có kết quả, chúng ta phải bắt tay vào hành động. Từ HÀNH ĐỘNG trong tiếng Việt và từ ACTION trong tiếng Anh đều có âm điệu mạnh mẽ. Khi tôi ngồi xuống phân tích từng chữ cái của từ ACTION, tôi lại thấy nó phù với bối cảnh của cuốn sách này đến lạ. Thế nên, tôi quyết định giới thiệu framework ACTION trong cuốn sách này. Ask – hỏi, đặt câu hỏi. Dân gian ta có câu: “muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”. Trong tiếng Anh cũng có câu: “if you don’t ask, you don’t get”. Vì vậy, việc đặt câu hỏi là cực kỳ quan trọng. Khi ứng dụng tư duy thiết kế vào thực tế, chúng ta sẽ đặt nhiều câu hỏi trong quá trình phỏng vấn, khảo sát khách hàng ở giai đoạn thấu cảm để khám phá nỗi đau, nhu cầu và mong muốn của họ. Sau đó, chúng ta cũng sẽ đặt nhiều câu hỏi để khách hàng phản hồi, nhận xét, đánh về những nguyên mẫu của chúng ta ở giai đoạn thử nghiệm. Collaboration – Cộng tác. Đây chính là kỹ năng quan trọng trong thời đại này. Theo một nghiên cứu của LinkedIn10 trong năm 2020, cộng tác là một trong 5 kỹ năng mềm mà các doanh nghiệp đang rất cần. Sự cộng tác giúp chúng ta có góc nhìn đa chiều, liên ngành từ những người tham gia, có chuyên ngành khác nhau đến từ các bộ phận khác nhau. 10

Tham khảo nghiên cứu của LinkedIn tại đây: https://www.linkedin.com/business/talent/blog/trendsand-research

35


Test – Thử nghiệm. Mọi giả định, ý tưởng, nguyên mẫu đều phải được thử nghiệm với khách hàng. Trong quá trình này, chúng ta nhận được phản hồi, nhận xét, đánh giá từ khách hàng về nguyên mẫu của chúng ta. Dựa vào đây, chúng ta có thể cải thiện nguyên mẫu của mình. Thử nghiệm sớm và thường xuyên để chúng ta nhanh chóng có được phiên bản hoàn chỉnh nhất. Integrate – Tích hợp. Những thành phần đơn lẻ sẽ được tích hợp lại với nhau để có được một hệ thống hoàn chỉnh, mang lại nhiều giá trị. Chúng ta tích hợp những nguyên mẫu đơn giản thành một sản phẩm, giải pháp hoàn chỉnh. Tích hợp những ý tưởng nội bộ của chúng ta với những insight thu thập được từ những báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường, những insight từ đối tác… để đưa ra những giải pháp tốt nhất. Option – đưa ra nhiều lựa chọn, giải pháp cho mỗi vấn đề. Như chúng ta đã nói ở trên, muốn có được ý tưởng hay thì chúng ta cần có nhiều ý tưởng. Điều này cũng đúng khi chúng ta nói rằng: muốn có được giải pháp hay thì chúng ta cần có nhiều giải pháp. Hãy khuyến khích mọi người tạo ra nhiều giải pháp để từ đó chọn ra giải pháp tốt nhất để triển khai. Non-stop – Không dừng lại, cứ tiếp tục quy trình này. Một khi bánh đà11 đã quay thì chúng ta không nên dừng lại. Hãy tiếp tục quy trình này để tạo nên thói quen, văn hóa 11

Bánh đà: một khái niệm được tác giả Jim Collins đã dùng trong cuốn sách của mình: Turning the Flywheel: A Monograph to Accompany Good to Great

36


trong đội ngũ, doanh nghiệp của mình, từ đó đạt được những kết quả tốt đẹp và to lớn hơn. Chúng ta sẽ dùng framework này trong xuyên suốt cuốn sách cùng với những ví dụ và câu chuyện thực tế. Mục đích cuối cùng vẫn là giúp bạn tự tin trong việc biến ý tưởng thành hiện thực. Các tác giả best-seller trên thế giới làm sách như thế nào? Hai tác giả rất nổi tiếng trên thế giới mà tôi muốn nhắc đến ở đây là Peter Thiel, tác giả của cuốn sách Không đến Một (Zero to One) và Reid Hoffman, tác giả của cuốn sách Tăng trưởng thần tốc (Blitzscaling). Cả 2 tác giả best-seller này đều có cách tiếp cận gần giống nhau khi cho ra đời 2 tác phẩm này. Tuy nhiên, tôi là người biên dịch cuốn sách Tăng trưởng thần tốc nên đã tìm hiểu kỹ về cuốn sách này. Vì thế tôi sẽ chia sẻ cách làm rất đổi mới sáng tạo của Reid Hoffman (người đồng sáng lập của Linkedin) và đội ngũ của ông ấy dành cho dự án sách này. Cuốn sách được chính thức ra mắt trên Amazon vào tháng 10-2018. Tuy nhiên, trước đó 3 năm (2015), Reid Hoffman và đội ngũ của mình đã tổ chức các buổi chia sẻ tại trường đại học Stanford với khóa học có tên là CS183C: Technology-enabled Blitzscaling. Khóa học không chỉ có lý thuyết mà còn có những ví dụ, câu chuyện thực tế từ những vị khách mời (guest speaker) của khóa học. Những 37


vị khách mời này là những founder, CEO thực chiến và đã đạt được những thành tựu nhất định. Có thể kể ra đây một vài cái tên tiêu biểu như: Reed Hasting - CEO của Netflix, Eric Schmit - cựu CEO của Google, Brian Chesky - CEO của Airbnb… Từ những cuộc trò chuyện này, tác giả đã có thêm được những insight và câu chuyện thú vị để bổ sung vào cuốn sách của mình. Khi mà độc giả ngày càng mong muốn được đọc những cuốn sách có nhiều câu chuyện thực tế, thì đây là một cách làm khôn ngoan, đánh đúng tâm lý và nhu cầu của độc giả. Trong các buổi học này, sinh viên trường đại học Stanford đã đặt ra rất nhiều câu hỏi cho người dạy và khách mời, khi đó tác giả và đội ngũ của mình lại thấu hiểu hơn về độc giả của mình. Có thể xem các bạn sinh viên này là những nhóm khách hàng thích nghi nhanh (early adopter) cho cuốn sách của tác giả. Đây là cách thử nghiệm ý tưởng của cuốn sách trong một nhóm nhỏ người dùng thực tế, cụ thể là các bạn sinh viên trong lớp CS183C của trường đại học Stanford trước khi hoàn thiện và đưa cuốn sách này đến đông đảo độc giả. Cách thử nghiệm này khiến tôi nghĩ đến câu chuyện ra đời của Facebook. Khi mới ra đời, mạng xã hội Facebook cũng chỉ phục vụ cho các sinh viên của trường đại học Harvard, một quy mô khá nhỏ. Sau đó mới mở rộng phạm vi hoạt động ra các trường khác, các địa phương khác, các quốc gia khác và cuối cùng là toàn cầu. Song song với những hoạt động giảng dạy trực tiếp tại trường đại học Stanford mà tôi vừa đề cập ở trên, đội ngũ 38


của tác giả đã ghi hình lại buổi học và phát trực tuyến trên kênh Youtube12 của họ để mọi người có thể theo dõi, cùng với đó là những bài viết thu hoạch về từng buổi học, những bài luận của sinh viên được đăng tải trên trang Medium. Từ đây, tác giả cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, nhận xét, phản hồi từ mọi người. Dựa vào đó, tác giả có thể đưa ra những điều chỉnh hợp lý cho nội dung cuốn sách của mình. Tác giả không ngừng tương tác với độc giả ở môi trường trực tiếp cũng như trực tuyến để có được sự thấu cảm đối với độc giả của mình. Vì vậy, khi cuốn sách ra mắt, độc giả đã đón nhận rất nồng nhiệt. Chính Bill Gates cũng đã viết lời tựa cho cuốn sách này và khuyên mọi người nên đọc. Theo tìm hiểu của tôi, Reid Hoffman cũng sắp ra mắt cuốn sách Masters of Scale sau khi đã có được thành công với chương trình podcast cùng tên. Chúng ta cùng chào đón cuốn sách đầy giá trị với nhiều insight và câu chuyện thực tế thú vị từ những vị khách “xịn xò” đã tham gia chương trình podcast của ông. Vậy đó, khi chúng ta có ý tưởng, hãy triển khai từng bước ý tưởng, cho chúng tương tác, “va đập” với những khách hàng tiềm năng của chúng ta, luôn rộng mở đón nhận phản hồi từ mọi người để từ đó chúng ta ngày càng hoàn thiện sản phẩm/dịch vụ của mình. Có được những early adopter cũng là điều cực kỳ quan trọng trong giai đoạn này. 12

Xem những video tại đây: https://youtu.be/s3RrVmv5WwA

39


Tôi kết lại chương này bằng một báo cáo về 20 lý do thất bại của các công ty khởi nghiệp, được CB Insight thực hiện vào năm 2019.13 Với 5 trong số 20 lý do thất bại như hình bên dưới, lý do thất bại dẫn đầu chiếm đến 42%, một tỷ lệ rất cao, có thể nói là chiếm đa số. Đó là “không có nhu cầu thị trường”, có nghĩa là các startup đã tạo ra những sản phẩm/dịch vụ mà thị trường không cần đến. Chúng ta vẫn làm việc siêng năng, vẫn cố gắng học tập, nghiên cứu để đưa ra những sản phẩm, dịch vụ mới, nhưng chúng ta đã chưa có sự đầu tư đầy đủ về một mảnh ghép quan trọng, đó là chưa nghiên cứu kỹ về thị trường, về nhu cầu khách hàng. Vì thế, chúng ta cố gắng ghi nhớ điều này để không phải rơi vào trường hợp thất bại như liệt kê ở bên dưới. Có thể ai đó trong chúng ta nghĩ rằng, những trường hợp thất bại là từ những “tay mơ”, thiếu kinh nghiệm, thiếu năng lực… Nhưng thực tế là nhiều “ông lớn” cũng thất bại nặng nề. Chúng ta có thể dẫn chứng ra đây với những thất bại từ Google với những dự án: Google Glass, Google Answers, Google Wawe. Bạn cũng có thể dễ dàng tìm kiếm thêm những câu chuyện thất bại từ những ông lớn để rút ra những bài học quý giá nhằm tránh phải đi vào vết xe đổ.

13

Tham khảo chi tiết tại đây: https://www.cbinsights.com/research/startup-failure-reasons-top/

40


Hình: Top 5 trong số 20 lý do khiến startup thất bại

41


#Tóm lại là:

1. Chúng ta cần ý tưởng để bắt đầu, quan trọng hơn cả là việc hiện thực hóa, thực thi để biến ý tưởng thành hiện thực. 2. Ý tưởng nên luôn gắn liền với nỗi đau, nhu cầu, mong muốn của khách hàng, người dùng. Chúng được khám phá qua những “vũ khí” rất lợi hại như phỏng vấn, khảo sát, quan sát khách hàng. 3. Có hành động mới tạo ra kết quả, vì thế hãy nhớ đến framework mang tên ACTION để nhắc nhở chúng ta hành động và hành động quyết liệt hơn nữa để có được những kết quả mong muốn.

42


Phần thực hành dành cho độc giả Giờ là lúc bạn ứng dụng những gì học được từ chương sách này vào thực tế công việc, cuộc sống của bạn. Hãy viết ra danh sách 3 nhu cầu/mong muốn/nỗi đau của khách hàng mà bạn đang phục vụ hoặc khách hàng tiềm năng mà bạn đang nhắm đến. …………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………… ……………………………………………………………………..…………………………….

43


CHƯƠNG 2 XÁC ĐỊNH VẤN ĐỀ VẤN ĐỀ TRƯỚC HAY GIẢI PHÁP TRƯỚC? Nếu bạn xác định vấn đề một cách chính xác, hầu như bạn đã có giải pháp. Steve Jobs Vào tháng 2-2020, thời kỳ đầu của đại dịch Covid-19, Tổng thống Mỹ, Donal Trump, đã đưa ra nhận định rằng: “Hãy đối phó với dịch bệnh này giống như khi bạn đối phó với bệnh cúm”. Chính nhận định sai lầm này, chính quyền Trump đã bỏ qua “thời kỳ vàng” để phòng chống dịch hiệu quả. Hậu quả là chỉ vài tháng sau đó, nước Mỹ đã dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm Covid-19, từ đó dẫn đến rất nhiều thiệt hại nặng nề về người, kinh tế, anh ninh xã hội… Chúng ta nhận thấy rằng, khi xác định sai vấn đề thì giải pháp mà chúng ta đưa ra sẽ không mang lại hiệu quả. Như trong trường hợp bên trên, nó lại gây ra những hậu quả khủng khiếp, gây ra những vấn đề khác mà nước Mỹ phải xử lý. Cũng may mắn là họ đã nghiêm túc nhận định lại vấn đề, hiểu được tác động to lớn của đại dịch, dần dần khắc phục và kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Vào tháng 11-2020, công ty Pfizer của Mỹ là một trong những công ty đầu tiên đã nghiên cứu và sản xuất thành công vaccine ngừa 44


Covid-19. Một tín hiệu tuyệt vời trong cuộc đại dịch này. Đó là niềm hi vọng để chúng ta đẩy lùi dịch bệnh, quay trở lại một cuộc sống bình thường. Việc xác định không đúng vấn đề sẽ dẫn đến giải quyết sai vấn đề, từ đó lại nảy sinh ra vấn đề mới, rồi chúng ta lại tiếp tục đi giải quyết vấn đề đó. Đôi khi nó lại tạo ra một vòng lặp vô tận, làm chúng ta mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Đó là một ví dụ, một bài học về việc xác định vấn đề ở tầm vĩ mô, tầm thế giới. Giờ thì chúng ta đến với một vấn đề nhỏ hơn, đó là vấn đề “thang máy chậm” mà tôi trích ra từ cuốn sách Kỹ năng giải quyết vấn đề (What’s your problem?)14 của tác giả Thomas Wedell-Wedellsborg, một nhà tư tưởng được đề cử vào danh sách THINKERS50 RADAR 202115 (chúng tôi cũng đã biên dịch cuốn sách này sang tiếng Việt). Câu chuyện là, ở một tòa nhà nọ, người ta phàn nàn rằng thang máy ở đây quá chậm, người đi thang máy phải chờ đợi rất lâu. Và dưới đây là các họ xác định vấn đề và đưa ra giải pháp tương ứng. Nếu người chủ tòa nhà/người quản lý nhìn nhận vấn đề là chiếc thang máy bị chậm, họ sẽ đưa ra những giải pháp để làm cho thang máy nhanh hơn với các hoạt động như nâng cấp động cơ của thang máy, cải thiện thuật toán hoặc lắp đặt một thang máy mới như hình minh họa bên dưới.

14

Bạn có thể tham khảo sách tiếng Việt tại đây: https://play.google.com/store/books/details?id=JkMlEAAAQBAJ 15 Xem chi tiết danh sách THINKERS50 RADAR 2021 tại đây: https://thinkers50.com/scanning/on-theradar-2021/

45


Hình: Xác định vấn đề thang máy chậm và giải pháp tương ứng Tuy nhiên, nếu họ nhìn nhận đây là vấn đề về sự khó chịu của người đi thang máy khi phải chờ đợi quá lâu, thì giải pháp cho vấn đề này là đặt một chiếc gương nơi mọi người đợi thang máy. Họ có thể ngắm nghía mình trong gương, chỉnh lại trang phục, chỉnh lại mái tóc… trong khi chờ đợi thang máy. Đây là một cách “giết thời gian” rất hiệu quả. Một cách tiếp cận khác, chúng ta có thể lắp bình rửa tay để mọi người rửa tay sát khuẩn như chúng ta thường thấy trong thời kỳ đại dịch Covid-19, vừa đảm bảo sức khỏe cho mọi người, vừa làm người ta quên đi thời gian chờ đợi. Hoặc chúng ta có thể mở nhạc phù hợp để mọi người tận hưởng trong lúc chờ đợi. Đó là kỹ thuật nhận thức lại được áp dụng vào việc xác định vấn đề này như thể hiện ở hình bên dưới.

46


Hình: Kỹ thuật nhận thức lại được đưa vào để xác định vấn đề Với câu chuyện về thang máy chậm này, chúng ta thấy được 2 góc nhìn khác nhau cho cùng một vấn đề khi chúng ta tiến hành xác định vấn đề. Do đó, chúng ta sẽ có những giải pháp tương ứng với cách xác định vấn đề của chúng ta. Bạn còn nhớ chữ O (Option) trong framework ACTION trong chương 1 chứ? Cho dù chọn giải pháp nào thì chúng ta hãy luôn cố gắng nhìn nhận vấn đề ở nhiều cách tiếp cận khác nhau để tránh việc xác định sai vấn đề. Giờ thì chúng ta đã hiểu được việc xác định vấn đề có vai trò quan trọng như thế nào. Như nhà bác học thiên tài Albert Einstein đã từng phát biểu: “Nếu tôi có một giờ để giải quyết vấn đề và cuộc sống của tôi phụ thuộc vào điều này, tôi sẽ dành 55 phút để xác định vấn đề và dùng 5 phút 47


còn lại để giải quyết nó.” Qua đây, chúng ta cũng lưu ý đến lỗi mà chúng ta hay mắc phải: chúng ta thường nhảy ngay vào tìm giải pháp cho vấn đề thay vì đi tìm hiểu kỹ vấn đề thực sự là gì. Chúng ta có thể làm được gì với nỗi đau, nhu cầu và mong muốn của khách hàng? Như ở chương 1 chúng ta đã thấy rằng, sau quá trình thấu cảm, chúng ta đã biết được nỗi đau, nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Đó chính là nguyên liệu để chúng ta tích hợp lại với nhau nhằm tạo ra một mô tả vấn đề mà chúng ta cần giải quyết. Để xác định vấn đề chúng ta cần giải quyết, chúng ta sẽ bắt đầu bằng câu hỏi: “Làm thế nào chúng ta có thể…?” Đây là một công cụ trong tư duy thiết kế. Nó có cấu trúc như sau: Làm thế nào chúng ta có thể giúp [người dùng, khách hàng] đạt được [một mục tiêu cụ thể]? Khi tôi đang viết cuốn sách này, đại dịch Covid-19 vẫn chưa được đẩy lùi, đối với các nhà lãnh đạo, một câu hỏi đau đáu trong đầu có thể là: Làm thế nào chúng ta có thể giúp được người dân trở lại làm việc, học tập, kinh doanh… bình thường một cách an toàn nhất có thể? Còn đối với tôi, khi đã biết được những nỗi đau, nhu cầu, mong muốn của những độc giả đang đọc thể loại sách mà 48


tôi đang biên dịch/phát hành, tôi đã viết ra mô tả vấn đề và những câu hỏi tương ứng như sau: Độc giả gặp nhiều khó khăn trong việc ứng dụng những kiến thức mới mẻ, sáng tạo từ những cuốn sách hay của nước ngoài (được biên dịch sang tiếng Việt) bởi vì thiếu những buổi chia sẻ, đào tạo, những câu chuyện thực tế ở địa phương, sự cố vấn từ những người có kinh nghiệm chuyên môn… Làm thế nào chúng ta có thể giúp độc giả của mình tự tin khi biến ý tưởng thành hiện thực? Làm thế nào chúng ta có thể giúp các doanh nghiệp ứng dụng tư duy thiết kế để giải quyết vấn đề của họ một cách đổi mới sáng tạo? Giờ tới lượt bạn, bạn muốn giải quyết vấn đề gì? Hãy ghi ra giấy mô tả vấn đề và những câu hỏi “Làm thế nào chúng ta có thể…?” của chính bản thân bạn như những ví dụ ở bên trên. Một khi chúng ta đã xác định chính xác vấn đề mà chúng ta cần giải quyết thì những bước thực thi tiếp theo sẽ trở nên rõ ràng hơn. Nếu bạn vẫn chưa có được nỗi đau, mong muốn, nhu cầu của khách hàng để xây dựng nên mô tả vấn đề thì bạn cần thực hiện lại bước thấu cảm như đã trình bày ở chương 1, bước này rất quan trọng, bạn không thể bỏ qua nó. Không có đầu vào được chuẩn bị kỹ càng thì không có đầu ra (kết quả) tốt đẹp. Trong giai đoạn đầu này, đừng giải quyết vấn đề cho tất cả mọi người, hãy tập trung vào một nhóm 49


khách hàng cụ thể mà bạn thật sự hiểu rõ về họ. Bạn còn nhớ về những ngày đầu của Facebook chứ? Họ không phục vụ tất cả mọi người trên thế giới, họ chỉ phục vụ cho các bạn sinh viên trường đại học Harvard chứ không phải tất cả mọi người trên thế giới. Sau đó, nền tảng này mới dần dần mở rộng và thống trị cả thế giới như hiện nay. Đó chính là ý nghĩa của câu nói: “think big, do small”. Một khi đã có được mô tả vấn đề, chúng ta cũng nên dừng lại đôi chút và tự hỏi rằng: vấn đề này có đáng để chúng ta giải quyết hay không? Bởi vì con đường phía trước còn rất dài, chúng ta chỉ nên đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc cho những điều mà chúng ta cảm thấy có giá trị và ý nghĩa. Những người bên ngoài tổ chức có thể giúp gì cho chúng ta trong việc xác định vấn đề? Khi xác định vấn đề, thường thì chỉ có đội ngũ của chúng ta tham gia. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, chúng ta cần đến những người bên ngoài tổ chức của mình. Như đã được giới thiệu ở chương 1, chúng ta có thể mời người điều phối từ bên ngoài nhóm hoặc tổ chức của chúng ta để cùng thực hiện các phiên động não. Nếu có được một người mentor để dẫn dắt chúng ta, đó sẽ là một điều tuyệt vời. Hiện nay, phong trào mentoring (cố vấn) đang được phát triển mạnh, chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm cho mình một mentor phù hợp. Những người cố vấn này cũng 50


sẽ tích cực hỗ trợ chúng ta trong quá trình giải quyết vấn đề. Tôi đã từng là mentee (người được hướng dẫn, được cố vấn) của chương trình SME Mentoring 1on116 vào năm 2015, và là mentor của chương trình Give It Back17 từ năm 2020 đến nay. Đó là những điểm đến tin cậy dành cho bạn. Lưu ý rằng, những người cố vấn sẽ giúp chúng ta có thêm những thông tin đầu vào trong quá trình xác định vấn đề của chúng ta, chứ họ không đưa ra giải pháp để chúng ta thực hiện. Với sự phát triển của mạng xã hội, chúng ta có thể đưa vấn đề lên môi trường này để có được những đóng góp ý kiến, phản hồi, tư vấn bổ ích. Nếu làm tốt việc này, chúng ta sẽ phát huy được trí tuệ tập thể trong việc giải quyết vấn đề. Tôi có dịp ngồi cùng bạn sáng lập của dự án “Sách chuyền tay”18 để xác định vấn đề mà bạn đang gặp phải trong giai đoạn đầu vận hành. Trong buổi tư vấn đó, chúng tôi xác định rằng cần ưu tiên giải quyết vấn đề vận chuyển sách với ngân sách hầu như bằng 0 bởi vì đây là dự án phi lợi nhuận. Một thời gian sau, bạn trẻ này báo tin vui là đơn vị 247Express đã tài trợ vận chuyển sách của dự án hoàn toàn miễn phí đến các bạn đọc có nhu cầu mượn sách. Bạn biết không, tại thời điểm đó, tôi cũng đang cần giải quyết về cắt giảm chi phí vận chuyển sách của WeTransform. Thế rồi, chính bạn trẻ này đã kết nối tôi với 247Express để tôi có được gói tài trợ vận chuyển sách 16

https://www.mentoring1on1.com/ https://gib.leadthechange.asia/huynh-huu-tai/ 18 https://sachchuyentay.com/ 17

51


trong thời gian 6 tháng. Tôi không ngờ rằng, khi tham gia giải quyết vấn đề của người khác lại giúp tôi giải quyết được vấn đề của chính mình. Cho đến nay, tôi và bạn trẻ kia vẫn còn hỗ trợ lẫn nhau. Mô hình của dự án đã phát triển ra ngoài thành phố Hồ Chí Minh để đi đến Hà Nội, Đà nẵng và nhiều tỉnh thành khác. Sách của tôi và nhóm WeTransform biên dịch cũng được bố trí một góc trên chiếc xe bus của dự án này. Vì thế chúng ta nên chủ động đưa ra vấn đề của mình để mọi người giúp đỡ giải quyết vấn đề. Ngoài ra, chúng ta cũng chủ động giúp đỡ người khác khi có ai đó cần đến bạn.

52


Hình: Sách của tôi và nhóm WeTransform biên dịch được trưng bày một góc trên xe bus “Sách Chuyền Tay” Vậy là một lần nữa, chúng ta lại cần đến kỹ năng cộng tác. Ở chương 1, chúng ta đã thấy sự cộng tác giữa các thành viên/đội ngũ liên ngành, giờ đây là sự cộng tác giữa bên trong và bên ngoài tổ chức. Đó là lý do vì sao tôi đưa Collaboration (cộng tác) vào framework ACTION của mình để giới thiệu đến các bạn. Mô hình “kéo” hay “đẩy”? Đôi khi chúng ta tự hỏi, vì sao chúng ta không triển khai ý tưởng liền mà phải trải qua nhiều giai đoạn của phương pháp tư duy thiết kế. Đến thời điểm này, chúng ta đã trải qua 2 trong 5 giai đoạn của tư duy thiết kế. Mục đích cũng là nhằm để bám sát nhu cầu thị trường, tạo ra sản phẩm/dịch vụ mà khách hàng, thị trường sẽ đón nhận, yêu thích. Không ai trong chúng ta muốn phải thất bại với lý do “không có nhu cầu thị trường” mà 42% số startup đều gặp phải như đã đề cập ở cuối chương 1, chưa kể là những lý do khác nữa.

53


Hình: 5 giai đoạn của Tư duy thiết kế Vì thế, thay vì dùng cơ chế “đẩy” (push): vùi đầu trong phòng lab với 4 bức tường đóng kín, tự mình tạo ra những sản phẩm/dịch vụ rồi đưa thị trường và chờ đợi thần may mắn gõ cửa, chúng ta chuyển sang dùng cơ chế “kéo” (pull). Đó là cách chúng ta đang làm: “kéo” tín hiệu thị trường về phía chúng ta và tạo ra những sản phẩm/dịch vụ từ đó. Đây chính là cách tiếp cận thành công trên thế giới được giới thiệu thông qua các phương pháp hiện đại: Khởi nghiệp tinh gọn, Tư duy thiết kế, phương pháp phát triển phần mềm linh hoạt (Agile)… Sự tinh gọn thể hiện ở đây, chúng ta không phải lập nên những kế hoạch dài dòng, mà chỉ là những mô tả vấn đề ngắn ngọn nhưng đầy đủ, súc tích và chính xác. Nếu bạn đã nghe cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, thì đây chính là cách làm mà chúng ta đang theo đuổi và thực hiện. Đây cũng chính là cách tiếp cận được sử dụng trong quá trình chuyển đổi số và trải nghiệm khách hàng. Như 54


Cindy Alvarez, tác giả của cuốn sách Lean Customer Development19 đã chia sẻ: “mỗi giờ chúng ta nói chuyện với khách hàng, chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc.” Tôi cũng đã truyền đạt tinh thần này cho các bạn CEO của các công ty công nghệ mà tôi tư vấn. Cụ thể, tôi đã dẫn một bạn CEO và đội ngũ bạn ấy xuống hai nhà máy ở khu công nghiệp Tân Phú Trung và Trảng Bàng để tìm hiểu vấn đề cần tối ưu hóa cho một số hệ thống máy móc trong nhà xưởng của khách hàng. Các bạn thật sự hứng thú khi được tiếp xúc với những vấn đề thực tiễn như thế này. Sau đó, các bạn cũng đã có được phiên bản phần mềm thử nghiệm để doanh nghiệp sử dụng, đánh giá và thảo luận cho những bước triển khai tiếp theo…

Hình: Nói chuyện với khách hàng giúp bạn tiết kiệm thời gian và tiền bạc

19

Tham khảo sách tại đây: https://amzn.to/3rBoAJZ

55


Nếu bạn đã quen với việc nói chuyện với khách hàng, thì bạn cứ tiếp tục làm tốt công việc này. Nếu như bạn vẫn còn chưa biết cách nói chuyện với khách hàng, cách phỏng vấn khách hàng thì bạn có thể học từ sách vở, từ các khóa học, từ những câu chuyện thực tiễn. Bạn cũng có thể chủ động tìm cách tham gia những buổi phỏng vấn khách hàng mà những đơn vị, doanh nghiệp khác thực hiện. Tôi cũng đã học được rất nhiều điều từ những cuộc phỏng vấn mà tôi tham gia cùng với Vietcetera (một công ty truyền thông) và GoGoX (một nền tảng công nghệ cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa). Bài học thứ nhất là vào cuối buổi phỏng vấn với Vietcetera, họ còn hỏi thêm về kết quả trắc nghiệm tính cách MBTI của tôi. Hóa ra, Vietcetera muốn biết thêm về tính cách của những người tham gia để có thể cá nhân hóa những nội dung sắp tới. Bài học thứ hai là cách lắng nghe, ghi chép cẩn thận của đội ngũ phỏng vấn và thậm chí là xin phép ghi hình lại cuộc phỏng vấn để làm tư liệu phân tích về sau. Không phải ai trong chúng ta đều có kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực sales và marketing, vì thế chuyện đi tìm kiếm và nói chuyện với khách hàng là một việc không hề đơn giản. Tuy nhiên, đây là việc cần phải làm, vì trước sau gì bạn cũng phải đụng đến nó. Bạn còn nhớ chữ Ask trong framework ACTION tôi giới thiệu trong chương 1 chứ? “If you don’t ask, you don’t get!” Hãy chủ động hỏi nhiều hơn mỗi khi bạn có cơ hội tiếp xúc với khách hàng.

56


Và chúng ta nên nhớ tặng một món quà nhỏ như một lời cảm ơn gửi đến những người đã tham gia buổi phỏng vấn hoặc khảo sát của mính. Với tôi, vốn là người nhiều sách, nên tôi thường chọn sách làm quà tặng trong những trường hợp này.

Hình: Những cuộc hẹn phỏng vấn độc giả, khách hàng từ Vietcetera và GoGoX Có thể bạn đã nghe ai đó nói rằng: Nếu bạn tạo ra sản phẩm, khách hàng sẽ tìm đến bạn (If you build it, then they will come). Nếu xét trong bối cảnh thị trường đầy cạnh tranh, xét đến cơ chế “kéo” mà chúng ta vừa nhắc đến, xét 57


đến việc lấy con người làm trung tâm, thì điều này không còn phù hợp nữa. Chúng ta có thể điều chỉnh thành: bạn hãy xây dựng sản phẩm/dịch vụ cùng với khách hàng, rồi họ sẽ tìm đến bạn. Chúng ta nên nhớ rằng, chúng ta tạo ra sản phẩm là để phục vụ cho khách hàng chứ không phải cho riêng mình. Nếu làm tốt, khách hàng cũng sẽ đồng sáng tạo (co-create) với bạn trong việc phát triển sản phẩm. Chúng ta sẽ bàn chi tiết về vấn đề này trong chương 5, Thử nghiệm. Có một điều mà chúng ta cần lưu ý khi làm việc với khách hàng, đó là quy tắc “2 mức độ tách biệt khách hàng” mà tôi rất tâm đắc từ cuốn sách The Agile Enterprise.20 Quy tắc này có nghĩa là nếu một nhân viên ở bộ phận phát triển sản phẩm không có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với khách hàng thì nhân viên đó có thể lấy thông tin khách hàng từ một bộ phận khác, ví dụ như bộ phận chăm sóc khách hàng hoặc marketing hoặc nghiên cứu thị trường… như hình bên dưới. Ông bà ta thường nói “tam sao thất bản”, câu nói đó rất đúng trong trường hợp này. Chúng ta nên tuân theo quy tắc này để đảm bảo rằng chúng ta thật sự vẫn hiểu được khách hàng, từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn. Hãy tự hỏi mình xem lần gần nhất mà bạn nói chuyện với khách hàng là khi nào? Nếu đã quá lâu rồi mà bạn vẫn chưa nói chuyện với khách hàng thì đây là lúc bạn khởi động lại việc này. Nói chuyện để có thể lắng nghe trực

20

https://www.amazon.com/Agile-Enterprise-Building-Running-Organizations-ebook/dp/B06XPBRLS7

58


tiếp và thấu hiểu khách hàng, giảm bớt những dự đoán và giả định không chính xác.

Hình: Quy tắc 2 mức độ tách biệt khách hàng Khi chúng ta nhìn ở góc độ đơn giản nhất, mọi hệ thống đều có 3 thành phần chính cơ bản: đầu vào, hệ thống xử lý và đầu ra. Nếu chúng ta không có được đầu vào chất lượng thì khó mà có được đầu ra chất lượng dù cho hệ thống xử lý của bạn tinh vi đến đâu. Đây là lúc tự hỏi chính mình, liệu rằng khi chúng ta không có được những thông tin đầu vào chất lượng về vấn đề đang cần giải quyết, chúng ta có tạo ra được những giải pháp chạm đúng nhu cầu khách hàng không? Tôi mượn hình ảnh minh họa “garbage in, garbage out” để bạn dễ hình dung cho điều tôi đang nói: đầu vào là rác, đầu ra cũng sẽ là rác, không thể là vàng!

59


Hình: Lưu ý cho việc lựa chọn những đầu vào chất lượng Sự dịch chuyển đang diễn ra mạnh mẽ từ hô hình “đẩy” sang mô hình “kéo”. Vì thế, chúng ta cũng không nên bỏ lỡ cơ hội này để chuyển dịch tư duy của chính mình để chọn ra mô hình đúng đắn và phù hợp trong thời đại số này. Chúng ta cũng có thể kết hợp cả hai mô hình này để tận dụng lợi thế của cả hai. Đến đây, chúng ta cũng hiểu được tầm quan trọng của việc xác định kỹ càng và chính xác vấn đề trước khi đi đến giải pháp ở chương tiếp theo. Để kết lại chương này, tôi chia sẻ với bạn về tầm quan trọng của kỹ năng giải quyết vấn đề. Theo báo cáo The Future of Jobs 202021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), kỹ năng giải quyết vấn đề, mà cụ thể hơn là kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp (complex problem-solving) được xếp trong top 3 của những kỹ năng có nhu cầu cao nhất. 21

https://www.weforum.org/reports/the-future-of-jobs-report-2020

60


Chúng ta là những người tạo ra những sản phẩm, dịch vụ, giải pháp mới, điều đó cũng đồng nghĩa rằng chúng ta đang giải quyết một vấn đề gì đó trong xã hội. Vì thế việc nâng cao kỹ năng giải quyết cho chính mình cũng như cho doanh nghiệp, tổ chức của mình là điều cực kỳ quan trọng.

61


#Tóm lại là:

1. Chúng ta cần dành ra nhiều thời gian cho việc xác định vần đề, nhận thức lại vấn đề. 2. Hãy nói chuyện với khách hàng nhiều hơn để có được những hiểu biết sâu sắc về nhu cầu thực tế của họ. 3. Chúng ta cần viết ra những câu hỏi “Làm thế nào chúng ta có thể…?” (HMW – How might we…?) nhằm xác định rõ ràng vấn đề chúng ta cần giải quyết và mọi người trong nhóm đều có sự hiểu biết vấn đề một cách thống nhất.

62


Phần thực hành dành cho độc giả Giờ là lúc bạn ứng dụng những gì học được từ chương sách này vào thực tế công việc, cuộc sống của bạn. Hãy viết ra danh sách 3 câu hỏi “Làm thế nào chúng ta có thể…” đối với vấn đề mà bạn đang tập trung giải quyết. …………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………… ……………………………………………………………………..…………………………….

63


CHƯƠNG 3 GIẢI PHÁP KHẢ THI SỨC MẠNH TỪ ĐỘI NGŨ LIÊN NGÀNH Khách hàng không quan tâm đến giải pháp của bạn. Họ chỉ quan tâm đến vấn đề của họ. Dave McClure, 500 Startups Trong chương 1 và chương 2, chúng ta làm việc với không gian vấn đề. Giờ đây, chúng ta bắt đầu chuyển sang không gian giải pháp. Chúng ta lại có cơ hội dùng đến kỹ thuật brainstorm một lần nữa, hi vọng là các bạn vẫn còn nhớ kỹ thuật này, yêu thích nó và tạo ra được nhiều ý tưởng hơn trong lần áp dụng này. Một lưu ý nhỏ là ý tưởng được đề cập ở chương này chính là ý tưởng trong không gian giải pháp, khác với ý tưởng trong không gian vấn đề ở chương 1. Luôn ghi nhớ rằng, chúng ta cần thực hiện giai đoạn tư duy phân kỳ trước và giai đoạn tư duy hội tụ sau. Không thể kỳ vọng rằng với chỉ một buổi brainstorm là chúng ta sẽ có được nhiều ý tưởng hay, độc đáo, táo bạo… Để có được cơ bụng sáu múi, chúng ta cần tập luyện. Để có được vòng eo con kiến, chúng ta cũng cần phải luyện tập rất nhiều. Và não ta cũng cần phải luyện tập, chúng ta cần tập luyện và thực hành kỹ thuật động não rất nhiều để cả đội cùng làm chủ kỹ năng này. 64


Khi ghép không gian vấn đề và không gian giải pháp lại với nhau, chúng ta có được mô hình như bên dưới. Dựa vào hình dạng của nó mà người ta đặt tên là kim cương kép (double diamond). Hình này sẽ giúp cho cả đội biết rằng mình đang trong giai đoạn nào của quá trình brainstorm, từ đó có những cách ứng xử phù hợp.

Hình: Kim cương kép trong tư duy thiết kế Chúng ta luôn háo hức đi tìm giải pháp, đây là thời điểm thích hợp để bạn làm công việc đó. Như đã nói ở trên, chúng ta luôn tìm kiếm nhiều giải pháp cho vấn đề của mình. Nhưng khi có nhiều giải pháp, thì tiêu chí nào để chọn lựa giải pháp để triển khai trước, giải pháp triển khai sau? Vì ở giai đoạn này, chúng ta không có quá nhiều nguồn lực để triển khai tất cả các giải pháp. Đó là điều chúng ta cần chú ý ở giai đoạn này. Những giải pháp này luôn bám vào mô tả vấn đề mà chúng ta đã nêu ra ở 65


chương 2. Các chương sách này có sự liên quan chặt chẽ với nhau, đầu ra của chương trước đó chính là đầu vào của chương này. Tư duy thiết kế - một môn thể thao đồng đội Bóng đá là một môn thể thao đồng đội. Và ai trong chúng ta cũng biết rằng, đội bóng trên sân cần đến các vị trí như: thủ môn, hậu vệ, tiền vệ, tiền đạo. Đó là chưa kể đến ban huấn luyện, bộ phận y tế, hậu cần… Tương tự như vậy, đội ngũ đa ngành trong môn thể thao đồng đội mà tôi nói đến ở chương sách này là đội ngũ phát triển sản phẩm, marketing, bán hàng… Môn thể thao đồng đội nào cũng cần đến sự phối hợp nhịp nhàng. Điều đó không hề dễ dàng. Trong tư duy thiết kế, khi những thành viên có nền tảng kiến thức khác nhau làm việc với nhau sẽ mang đến cho chúng ta nhiều góc nhìn khác nhau, đa dạng hơn. Tuy nhiên, chúng ta cần phải trải qua giai đoạn “phá băng” giữa các đội nhóm khi họ cùng làm việc chung với nhau bởi vì trong những lần đầu làm việc với nhau, nhóm nào cũng có cái “tôi” thật lớn, kế đến là chưa hiểu cách làm việc của nhau, cách giao tiếp thế nào cho hiệu quả… Chúng ta cũng nghe nhiều về việc bước ra khỏi vùng an toàn (comfort zone) của mình, thì đây là lúc để chúng ta thực hành nó, để có được những sự kết nối tích cực với những người đồng đội mới của chúng ta. Chúng ta có thể đã quen với việc 66


ứng dụng tư duy thiết kế vào công việc, vậy thì những nhóm khác đã biết đến phương pháp này chưa, có thích thú với phương pháp này không và có sẵn lòng ứng dụng phương pháp này không? Đó chính là điểm mấu chốt của vấn đề: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.” Hãy thiết lập một nền tảng chung cho nhóm liên ngành này khi quyết định áp dụng tư duy thiết kế vào công việc chung: vì sao chúng ta lại áp dụng tư duy thiết kế, nó mang lại lợi ích gì, những dự án đã ứng dụng tư duy thiết kế đã cho kết quả tốt như thế nào... Khi chúng ta có được tiếng nói chung thì những công việc sau này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Ngoài ra, chúng ta cũng cần trang bị cho mình những tư duy mới như hình bên dưới. Đây là lúc chúng ta học hỏi cái mới, cho phép chúng ta thất bại để học hỏi và tiến lên, không ngừng thử nghiệm và luôn tập trung vào con người. Thời gian đầu, bạn sẽ còn nhiều hoài nghi về cách làm này, sẽ bị những thói quen cũ níu kéo bạn lại như trong hình xung lực về sự phát triển ở phần mở đầu của cuốn sách này. Nhưng một khi bánh đà đã lăn, thì bạn chỉ có tiến về phí trước mà thôi. Bạn còn nhớ câu nói này trong cuốn sách Nhà giả kim: Khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được điều đó.

67


Hình: So sánh giữa Tư duy truyền thống và Tư duy thiết kế Đọc tới đây, có ai đó sẽ hỏi: vì sao chúng ta lại phải sử dụng phương pháp cộng tác này? Câu trả lời là: cách làm này sẽ huy động được sức mạnh tập thể, đưa mọi người cùng nhìn về một hướng, cùng có được sự thấu hiểu thống nhất về những gì chúng ta đang và sẽ mang đến cho khách hàng… Một câu hỏi tiếp theo sẽ nảy ra trong đầu những bạn với những nhóm chỉ có 1 hoặc 2 người: làm sao mà có sự đa dạng đây? Đây là lúc chúng ta cần đẩy mạnh việc tương tác, kết nối sớm với khách hàng tiềm năng của mình. Đây là lúc chúng ta đồng sáng tạo cùng họ, huy động sức mạnh đám đông. Thật ra, chúng ta sẽ làm công việc này nhiều hơn ở giai đoạn thử nghiệm mà tôi sẽ đề cập ở chương 5, chỉ có điều chúng ta thúc đẩy việc này diễn ra sớm hơn. Lúc này, chúng ta và khách hàng tiềm năng là 68


một đội. Khi tôi viết được 2 chương sách đầu tiên của cuốn sách này, tôi đã gửi độc giả để họ xem và phản hồi, chứ không cần chờ đến khi viết trọn vẹn một cuốn sách. Tôi tận dụng các nền tảng số như: Google Play Books, Issuu, Soundcloud để mang đến cho độc giả các phiên bản sách điện tử và sách nói. Một số ý kiến đóng góp điển hình của độc giả được tập hợp lại và chia sẻ ở phần cuối của cuốn sách này, các bạn có thể tham khảo chi tiết. Từ việc thu thập phản hồi của các độc giả, tôi đã xác định được nhu cầu lớn nhất và rõ rệt nhất là: đưa nhiều hơn nữa những câu chuyện thực tế của Việt Nam vào sách. Nhờ những ý kiến này mà tôi ngày càng hoàn thiện cuốn sách để đưa đến tay độc giả một tác phẩm tốt nhất, phù hợp nhất có thể. Nếu bạn chưa bao giờ thử nghiệm với cách làm này, thì hãy kéo giãn mình ra để bắt đầu. Làm việc với con người chưa bao giờ là công việc dễ dàng, vì vậy đầu tư cho việc cộng tác với đồng đội, các bên liên quan không bao giờ là dư thừa cả. Bạn sẽ nhận được những món quà xứng đáng cho những nỗ lực của chính mình. Ngoài kỹ thuật brainstorm này, các bạn có thể sử dụng các kỹ thuật khác như sơ đồ tư duy (mindmap), vẽ phác thảo (sketching) trong quá trình lên ý tưởng của mình. Chọn lựa những kỹ thuật mà bạn và đồng đội của mình ưa thích, thoải mái, tự tin để sử dụng. Một khi bạn và đội nhóm đã áp dụng thành thạo các kỹ thuật để lên ý tưởng, lúc đó các giải pháp cho vấn đề sẽ tuôn trào. Vấn đề đặt ra tiếp theo 69


sẽ là: chúng ta chọn lựa giải pháp nào để triển khai cho giai đoạn tiếp theo - tạo nguyên mẫu? Chúng ta dự vào tiêu chí nào để chọn lựa giải pháp? Khi tôi tiếp xúc và nói chuyện với các thành viên sáng lập của các công ty khởi nghiệp, tôi nhận ra rằng vấn đề làm họ đau đầu là bởi vì họ có quá nhiều ý tưởng, giải pháp chứ không phải là không có ý tưởng. Trong tình huống này, chúng ta sẽ phải làm gì? Chúng ta sẽ lên danh sách ưu tiên như thế nào để triển khai các ý tưởng, giải pháp này? Câu trả lời nằm chính trong định nghĩa về tư duy thiết kế của Tim Brown (chủ tịch & CEO của IDEO): Tư duy thiết kế là phương pháp tiếp cận đổi mới sáng tạo lấy con người làm trung tâm, sử dụng các bộ công cụ của nhà thiết kế để tích hợp nhu cầu của con người (desirability), tính khả thi của công nghệ (feasibility) và tính bền vững (viability) trong kinh doanh. Trong ngữ cảnh ứng dụng tư duy thiết kế để biến ý tưởng thành hiện thực, chúng ta cần xem xét các giải pháp của mình trong sự kết hợp của ba yếu tố: nhu cầu khách hàng, tính khả thi và tính bền vững. Chúng ta cùng phân tính sâu hơn từng yếu tố.

70


Hình: Các tiêu chí để xác định mức độ ưu tiên khi đánh giá giải pháp Nhu cầu khách hàng: chúng ta có đang chọn ra những giải pháp để giải quyết những vấn đề “nhức nhối” nhất của khách hàng, người dùng? Khách hàng mong muốn điều gì từ giải pháp của chúng ta? Khách hàng gặp vấn đề gì với giải pháp hiện tại trên thị trường? Tính khả thi: chúng ta có đang chọn ra những giải pháp sẽ được hiện thực hóa trong khả năng của chúng ta? Chúng có phù hợp với giá trị cốt lõi của chúng ta? Chúng ta sử dụng công nghệ nào, hệ thống nào, nhân lực nào cho giải pháp này? Chúng có phải là những giải pháp “trên trời” mà chúng ta không thể nào biến chúng thành hiện thực? Giải pháp này thể hiện sở trường hay sở đoản của bạn? Tính bền vững (mục tiêu của tổ chức): chúng ta có tạo ra doanh thu thông qua giải pháp này? Khách hàng có quay 71


lại dùng giải pháp của chúng ta? Giải pháp này hỗ trợ cho tầm nhìn của chúng ta như thế nào? Chúng ta có thể cắt giảm chi phí như thế nào khi sử dụng giải pháp này? Từ đây, cả nhóm sẽ cùng bầu chọn để có được bảng tổng kết như bên dưới. Cuối cùng, chúng ta sẽ có được độ ưu tiên cho từng giải pháp. Dựa vào mức độ ưu tiên này, chúng ta sẽ đưa vào hiện thực hóa ở giai đoạn tạo nguyên mẫu trong chương tiếp theo. Giải pháp Tiêu chí Nhu cầu khách hàng Tính khả thi

Tính bền vững Độ ưu tiên

Giải pháp 1

Giải pháp 2

Giải pháp 3

Cao (H) H H 1

Trung bình (M) M M 2

Thấp (L) L L 3

Trong đợt giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, tôi cũng lên ý tưởng cho những sản phẩm số như sách điện tử, sách nói, podcast, webinar. Những sản phẩm số này sẽ giúp cho độc giả tiếp cận và tiêu thụ nội dung dễ dàng trong giai đoạn đại dịch này. Chúng ta cùng phân tích, đánh giá các giải pháp này theo các tiêu chí vừa được nêu ra ở trên. Như chúng ta thấy, sách điện tử có độ ưu tiên để triển khai cao nhất vì những lý do chi tiết sau đây: 72


- Độc giả của WeTransform cũng đã dần quen với việc đọc sách ebook trên các nền tảng Google Play Books, Amazon Kindle (nhu cầu khách hàng). - Việc sản xuất ebook đã trở nên dễ dàng rất nhiều khi WeTransform đã cho ra mắt hơn 10 cuốn sách ebook. - Google Play Books, Amazon Kindle đều là các nền tảng tự xuất bản nên việc đưa sách ebook lên các nền tảng này tương đối đơn giản và nhanh chóng (tính khả thi). - Đây cũng là hoạt động nằm trong định hướng lâu dài của WeTransform, khi mà chi phí sản xuất được cắt giảm tối đa trong khi thời gian ra mắt độc giả lại được rút ngắn đáng kể (tính bền vững). Giải pháp về webinar có độ ưu tiên thứ 2, mọi người cũng đã dần quen với những buổi webinar chia sẻ kiến thức trực tuyến qua các công cụ Google Meet, Zoom, MS Team… trong mùa dịch này. Đó là điều kiện thuận lợi để tôi tổ chức webinar hàng tháng với chủ đề “Design Thinking – Biến ý tưởng thành hiện thực”. Các giải pháp về audiobook và podcast có độ ưu tiên thấp hơn bởi vì cần đến sự hợp tác với các đối tác khác. Giải pháp eBook Tiêu chí Nhu cầu khách hàng Tính khả thi

Audiobook

Podcast

Webinar

H

M

M

M

H

M

M

H

73


Tính bền vững Độ ưu tiên

H

H

1

3

L 4

H 2

Câu chuyện đồng kiến tạo ở trường Đại học Fulbright Việt Nam Ở phần trên, tôi đã nhắc đến việc đồng sáng tạo với khách hàng của mình trong quá trình phát triển sản phẩm/dịch vụ. Giờ đây, chúng ta lại cùng tìm hiểu về đồng kiến tạo (co-design), một cách tiếp cận mang tính đổi mới sáng tạo cũng thường được sử dụng trong tư duy thiết kế. Trong thực tế, trường Đại học Fulbright Việt Nam đã ứng dụng đồng kiến tạo cho năm học đầu tiên mà trường có mặt ở Việt Nam. Với mô hình đào tạo của Fulbright là dựa trên những trao đổi và thảo luận về ý tưởng giữa sinh viên và giảng viên. Do đó, trong năm 2018-2019, trường đã khởi động năm học Đồng Kiến tạo với 54 sinh viên đầu tiên.22 Những sinh viên này tham gia trải nghiệm và hoàn thiện hành trình đại học dưới sự đồng hành và dẫn dắt của các giảng viên tận tâm đến từ các trường đại học hàng đầu trên khắp thế giới. Năm học Đồng kiến tạo là một cơ hội chưa từng có tiền lệ bởi vì đây không chỉ là lần duy nhất Fulbright triển khai năm học đồng kiến tạo, mà còn bởi vì đây cũng là hình thức đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Điều này cho phép Fulbright mở rộng và bồi đắp một trải nghiệm giáo dục đại học đáng giá, từ chương trình giảng 22

Tham khảo về năm Đồng kiến tạo tại đây: https://fulbright.edu.vn/vi/nam-hoc-dong-kien-tao-20182019/

74


dạy, đời sống sinh viên, cho đến các hoạt động ngoại khóa và học tập qua trải nghiệm thực tiễn trên khắp các vùng miền của đất nước. Năm học đồng kiến tạo cho phép Fulbright định hình một nền tảng văn hóa đại học mà ở đó sinh viên chính là những người được trao quyền và đóng vai trò như những người làm chủ quá trình học tập của mình. Năm học này cũng giúp Fulbright thiết kế mô hình lớp học và trải nghiệm giáo dục lấy sinh viên làm trung tâm, xây dựng những chiến lược học tập hiệu quả giúp sinh viên chuyển từ cách học thuộc lòng thụ động sang cách học tập chủ động, hướng tới giải quyết vấn đề thực tiễn. Đây thật sự là một trải nghiệm thú vị cho cả sinh viên và giảng viên của nhà trường. Đúng bản chất lấy con người làm trung tâm như trọng tâm của tư duy thiết kế. Sinh viên được nói lên mong muốn, nguyện vọng của mình và nhận được sự thấu cảm từ giảng viên, nhà trường. Tôi cũng đã có cơ hội hỗ trợ cho một dự án nhỏ của một bạn sinh viên năm nhất của trường đại học Fulbright Việt Nam. Tôi nhận thấy rằng kỹ năng đặt câu hỏi của em sinh viên này rất sắc bén, có chiều sâu, có nghiên cứu kỹ vấn đề trước khi đặt câu hỏi. Qua đây, tôi cũng biết được rằng trường đã trang bị kiến thức về tư duy thiết kế cho các bạn sinh viên từ những ngày đầu nhập học. Fulbright Việt Nam cũng là một trong số ít các trường ở Việt Nam đã đi đầu trong việc áp dụng và giảng dạy tư duy thiết kế cho sinh viên của mình.

75


#Tóm lại là:

1. Đây là lúc bạn cần phải vượt ra khỏi vùng an toàn của mình khi phải làm việc, cộng tác với nhiều “người lạ” từ các phòng ban, đội nhóm khác nhau, ngay cả phải làm việc với khách hàng. 2. Để xác định độ ưu tiên cho các giải pháp, chúng ta dựa vào ba tiêu chí cơ bản: nhu cầu khách hàng, tính khả thi, tính bền vững. 3. Ứng dụng đồng sáng tạo, đồng kiến tạo để đưa khách hàng vào quá trình phát triển sản phẩm/dịch vụ của mình sớm nhất có thể.

76


Phần thực hành dành cho độc giả Giờ là lúc bạn ứng dụng những gì học được từ chương sách này vào thực tế công việc, cuộc sống của bạn. Hãy viết ra danh sách 3 giải pháp theo thứ tự ưu tiên mà bạn cùng đội ngũ đã xác định. …………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………… ……………………………………………………………………..…………………………….

77


CHƯƠNG 4 HIỆN THỰC HÓA Ý TƯỞNG TRĂM NGHE KHÔNG BẰNG MỘT THẤY Nếu như một bức ảnh có giá trị hơn ngàn lời nói thì một nguyên mẫu có giá trị hơn ngàn buổi họp. Tom & David Kelley (IDEO) Giờ là lúc chúng ta hiện thực hóa những giải pháp mà chúng ta có được ở chương 3, đây chính là quá trình tạo nguyên mẫu (prototype). Ở các giai đoạn trước, chúng ta đã động não, giờ là lúc chúng ta “động chân, động tay”, chúng ta sẽ được vận động tay chân rất nhiều. Điều này sẽ làm cho mọi người cảm thấy rất hứng thú. Và đây cũng chứng minh rằng, tư duy thiết kế không chỉ là tư duy thuần túy mà chúng ta còn phải hành động rất nhiều, vì thế một số người còn gọi giai đoạn này là giai đoạn design doing. Đó là lúc đôi tay (hand) của chúng ta lên tiếng. Ở phần trước, chúng ta đã thấu cảm khách hàng bằng trái tim nóng (heart) và dùng trí não (head) để động não rất nhiều. Tất cả đã tạo ra 3H: sự phối hợp linh hoạt, nhịp nhàng của trái tim, trí óc và đôi tay của chúng ta.

78


Hình: Mô hình 3H: Head, Heart, Hand Chiến thắng ấn tượng của một sản phẩm ở giai đoạn nguyên mẫu Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp gặt hái được những thành công vang dội. Nó phần nào nói lên một thực tế là: trong nguy luôn có cơ. Đó chính là câu chuyện của công ty Arevo với chiếc xe đạp Superstrata được giới thiệu trong chiến dịch gọi vốn cộng đồng trên nền tảng Indiegogo.23

23

https://www.indiegogo.com/projects/superstrata-bike#/

79


Hình: Xe đạp Superstrata trên nền tảng Indiegogo Vào thời điểm tháng 7-2020, chiếc xe đạp mà bạn thấy ở hình trên chưa phải là một sản phẩm thương mại, nó chỉ là một sản phẩm mẫu mà thôi. Tuy nhiên, nó đã thu hút rất nhiều người đặt mua từ Indiegogo. Theo số liệu từ trang này, khi chiến dịch kết thúc, số tiền thực tế thu được cao hơn 71 lần số với số tiền mà đội ngũ Arevo đã đặt ra (kêu gọi được hơn 7,1 triệu đô la so với mục tiêu ban đầu là 100.000 nghìn đô la). Tìm hiểu kỹ hơn thì tôi biết được rằng, chiến dịch này đã đạt được mục tiêu chỉ trong vòng 2 phút 37 giây, một con số thật ấn tượng cho mẫu xe đạp in 3D đầu tiên trên thế giới. Sự thành công của chiến dịch này bao gồm rất nhiều yếu tố, nhưng xét về phương diện tư duy thiết kế thì đội ngũ Arevo đã tạo ra những nguyên mẫu xe với độ trung thực cao (hi-fi), tính tương tác cao, rất bắt mắt… Trong video giới thiệu chiếc xe đạp này, Arevo cũng đã sử dụng người có tầm ảnh hưởng để tăng độ tin tưởng đối với khách hàng tiềm năng. Đó là sự góp mặt của vận động viên đua xe đạp người Mỹ Sky Christopherson, người 80


đã 2 lần giành huy chương vàng Olympic thế giới, đồng thời đang nắm giữ kỷ lục thế giới. Chúng ta không thể không nhắc đến Sonny Vu, CEO của Arevo và cũng chính là người sáng lập của Misfit, một công ty đã được Fossil mua lại vào năm 2015. Trước đó, anh cũng đã có một chiến dịch thành công trên chính nền tảng gọi vốn Indiegogo này với các thiết bị đeo của Misfit.24 Một sản phẩm tốt, giá cả hợp lý, một câu chuyện thú vị, cộng với những kinh nghiệm gây quỹ và digital marketing nhắm đúng phân khúc khách hàng là những yếu tố thành công được Sonny Vu và Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ trong chương trình Nguy Cơ.25 Cũng không thể nhắc đến mức giảm giá rất hấp dẫn dành cho những người đặt hàng sớm (early bird) khi đặt mua sản phẩm trong chiến dịch gọi vốn này, mức giảm giá lên đến 50%. Vào thời điểm tôi viết cuốn sách này (tháng 11-2021), những chiếc xe đạp in 3D đầu tiên đã được giao cho khách hàng. Đó là một tín hiệu vui khi thấy những chiếc xe đạp được sản xuất ở Việt Nam lên đường chinh phục khách hàng trên toàn thế giới. Đó là nỗ lực rất lớn khi đội ngũ Arevo phải đảm bảo sản xuất “3 tại chỗ” ở nhà máy trong điều kiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong những tháng cao điểm về phòng chống dịch Covid-19 ở thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với đó là doanh nghiệp phải tìm kiếm các

24 25

https://www.indiegogo.com/projects/misfit-shine-an-elegant-wireless-activity-tracker#/ https://youtu.be/5N_4foZKBuo

81


phương án khả thi khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy nghiêm trọng. Ngoài thành công trong việc gọi vốn cộng đồng, Arevo cũng đã thành công trong việc gọi vốn ở Series B với số tiền 25 triệu đô la vào tháng 8-2021.26 Đây thực sự là một câu chuyện truyền cảm hứng để mọi người bắt tay vào hành động với tinh thần “make it happen” như chính cuốn sách này muốn hướng đến. Từ nguyên mẫu với độ trung thực thấp (lo-fi) đến nguyên mẫu với độ trung thực cao (hi-fi) Nguyên mẫu được dùng làm phương tiện để cả nhóm trao đổi, truyền đạt với nhau, cũng như đối với khách hàng. Nó giúp chúng ta giảm “tam sao thất bản” trong việc truyền đạt bằng lời nói. Có lẽ bạn đã nghe đến câu nói: “Trăm nghe không bằng một thấy”, nhưng đứng ở phương diện tạo nguyên mẫu, tôi nhận thấy rằng: “Trăm thấy không bằng một prototype”. Khi bạn trải nghiệm với quá trình tạo nguyên mẫu, bạn sẽ cảm nhận được điều đó. Ngay cả khi ý tưởng của bạn được thành hình, đó cũng là lúc “đứa con tinh thần” của bạn dần lộ diện, bạn có thể cảm nhận nó bằng nhiều giác quan nhất có thể, và khách hàng của bạn cũng sẽ bắt đầu có được những trải nghiệm tương tự qua từng phiên bản nguyên mẫu của bạn. Ở câu chuyện bên trên, chiếc xe đạp nguyên mẫu mà Arevo giới thiệu trên nền tảng gọi vốn Indiegogo quá trung 26

https://www.arevo.com/news

82


thực và có tính tương tác cao, chúng ta có thể sử dụng chiếc xe đạp này như một sản phẩm hoàn chỉnh đã xuất xưởng. Chúng ta gọi đó là nguyên mẫu có độ trung thực cao (hi-fi). Ở mức độ thấp hơn, chúng ta có nguyên mẫu giấy, nguyên mẫu ở dạng các bản vẽ sketch. Chúng ta gọi đó là nguyên mẫu có độ trung thực thấp (lo-fi). Tùy vào mục đích, chiến lược, yêu cầu ở từng giai đoạn mà chúng ta nên chọn lựa việc thực hiện nguyên mẫu ở mức độ trung thực tương ứng. Trước khi Arevo có được nguyên mẫu với độ trung thực cao như chiếc xe Superstrata để giới thiệu đến khách hàng, công ty cũng đã trải qua những nguyên mẫu ở mức độ trung thực thấp. Một số đặc điểm của 2 loại nguyên mẫu này được thể hiện ở hình bên dưới.

Hình: Đặc điểm của các loại nguyên mẫu Chúng ta cùng đi đến một câu chuyện khác về việc tạo nguyên mẫu trong quá trình khởi nghiệp. Đó là câu chuyện về Dat Bike với người sáng lập Nguyễn Bá Cảnh Sơn đã từ bỏ giấc mơ Mỹ để về Việt Nam khởi nghiệp. Khi còn ở Mỹ, 83


chàng trai này vừa làm việc cho một công ty phần mềm ở thung lũng Silicon, vừa mày mò chế tạo ra một chiếc xe máy điện đầu tiên từ chính đam mê của mình. Vì xuất thân là một kỹ sư phần mềm, thế nên khi chuyển sang làm một sản phẩm phần cứng như xe máy, Sơn đã tìm hiểu và thực hành rất nhiều các lĩnh vực mới như cơ khí, thiết kế mạch, thiết kế công nghiệp… Cuối cùng, quyết tâm ấy cũng đã được đền đáp với sự ra đời nguyên mẫu đầu tiên của chiếc xe máy điện. Sơn cũng đã đưa các nguyên mẫu đó lên Facebook để xem phản ứng của bạn bè, nguyên mẫu đầu tiên bị chê rất nhiều, nhưng may mắn là những nguyên mẫu sau lại được đón nhận, và đã có một số người đã đặt cọc để mua những chiếc xe này khi xuất xưởng sản phẩm thương mại. Khi thấy được tín hiệu tốt từ thị trường cho chiếc xe máy của mình, Sơn đã khăn gói quay về Việt Nam và thành lập Dat Bike. Cho đến nay, công ty đã cho ra mắt hai dòng sản phẩm là Weaver và Weaver 200. Công ty có kế hoạch sẽ cho ra mắt một mẫu xe mới hàng năm. Ngoài chiếm được tình cảm từ người tiêu dùng, công ty cũng có được niềm tin từ các nhà đầu tư khi đã gọi vốn thành công từ Shark Tank Việt Nam (năm 2019) và từ quỹ đầu tư mạo hiểm Jungle Ventures (năm 2021). Đây là chiếc xe máy điện “made in Vietnam” đầu tiên được bộ Giao thông Vận tải công nhận.

84


Còn đối với cuốn sách mà bạn đang đọc này, tôi đã tạo ra rất nhiều nguyên mẫu cho nó: nguyên mẫu cho bìa sách, nguyên mẫu cho khung sườn của sách, nguyên mẫu cho các phiên bản sách điện tử, sách nói… Rất đa đạng! Tôi sẽ tiếp tục đào sâu các loại nguyên mẫu này ở phần thử nghiệm nguyên mẫu (chương 5). Về cơ bản, chúng ta có nguyên mẫu kỹ thuật số và nguyên mẫu vật lý như chúng ta đã thấy ở những câu chuyện bên trên. Đối với từng loại nguyên mẫu, chúng ta lại cần những không gian, công cụ khác nhau. Đối với nguyên mẫu kỹ thuật số, chúng ta có thể thực hiện ngay trên máy tính với những phần mềm, công cụ để tạo nguyên mẫu như Sketch, Figma, Mockflow... Vì thế cả nhóm không cần thêm nhiều không gian để làm việc, chỉ cần sử dụng không gian hiện có là được. Đối với nguyên mẫu vật lý đơn giản, chúng ta có thể làm việc với LEGO, đất sét Play Doh, giấy bìa cứng… Với những nguyên mẫu phức tạp hơn, chúng ta cần đến 85


một không gian rộng hơn để làm một phòng Lab nhỏ với những vật liệu cần thiết và rất nhiều công cụ như: máy hàn, mạch điện, đồng hồ đo… Dù ở dạng nào đi nữa thì chúng ta nên tận dụng các môi trường số để giới thiệu đến khách hàng, người dùng những nguyên mẫu mà chúng ta vừa hoàn thành. Các môi trường số đó là các trang mạng xã hội (Facebook, Instagram, LinkedIn…), các nền tảng chia sẻ video (YouTube, Vimeo, TikTok…) và trang web cá nhân hoặc của tổ chức. Trong thời đại số này, ai trong chúng ta cũng đang sử dụng một hoặc nhiều nền tảng số mà tôi vừa kể ra đây, vì vậy không thể bỏ qua môi trường số khi chúng ta giới thiệu những nguyên mẫu của mình. Ngoài thất bại hoặc thành công, nguyên mẫu còn mang đến cho chúng ta những điều gì khác? Như chúng ta biết, tư duy thiết kế được xuất phát từ nước Mỹ. Khi nghiên cứu tài liệu gốc, trong quá trình tạo nguyên mẫu, chúng ta sẽ nhận thấy một số câu nói như: “Thất bại sớm để thành công sớm” (fail faster, succeed sooner) hoặc “Thất bại sớm, thất bại nhanh, thất bại rẻ” (fail early, fail fast, fail cheap). Những câu nói rất đậm chất Mỹ và đậm chất thung lũng Silicon. Còn ở Việt Nam, nếu nói nhiều đến thất bại, nó sẽ là rào cản lớn cho hành động của chúng ta bởi vì đa số mọi người ngại thất bại. Vì vậy, chúng ta có thể hiểu câu nói trên theo nghĩa tích cực hơn: học 86


sớm, học nhanh, học rẻ từ quá trình tạo nguyên mẫu. Và cho dù là thất bại hay thành công, chúng ta đều thấy được sự trưởng thành của từng cá nhân và của cả nhóm sau mỗi phiên bản của nguyên mẫu. Tôi thích câu nói này của Thomas Edison: “Tôi không thất bại. Tôi chỉ là đã tìm ra 10.000 cách không hoạt động”. Và chắc bạn cũng không quên một câu nói rất quen thuộc của ông bà ta: “Thất bại là mẹ thành công.” Vì vậy, cách bạn nhìn nhận thất bại cũng sẽ có tác động lớn đến thành công của bạn sau này. Sự hoàn hảo cũng là một rào cản khi chúng ta bắt tay vào làm nguyên mẫu, đặc biệt là đối với nguyên mẫu với độ trung thực thấp. Vì những người theo “chủ nghĩa hoàn hảo” luôn muốn có được một sản phẩm thật sự hoàn thiện khi trình diễn cho khách hàng, chứ họ không muốn cho khách hàng xem những nguyên mẫu này. Tuy chúng ta không có sản phẩm hoàn hảo từ đầu, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể có được một phiên bản hoàn hảo sau nhiều vòng lặp khi đã tích hợp những ý kiến đánh giá, nhận xét của khách hàng. Chúng ta nên nhớ rằng, ngay cả những công ty đỉnh cao như Apple, Facebook, Google… cũng hàng ngày đi vá lỗi để hoàn thiện hơn cho sản phẩm, dịch vụ của mình. Khi chúng ta luôn có tinh thần học hỏi và cải tiến thì những kết quả tốt đẹp đều có thể xảy ra. Show, don’t tell - Hãy để sản phẩm của bạn lên tiếng

87


Trong thế giới mà mọi người đang giành giật sự tập trung của con người, sẽ là một ý kiến hay khi chúng ta cho mọi người thấy (show) một sản phẩm, dịch vụ gì đó thay vì chỉ huyên thuyên nói (tell) về nó. Điều đó cũng thể hiện sự cam kết cao của chúng ta khi đầu tư thời gian, tiền bạc, công sức vào việc hành động chứ không chỉ nói. Và bạn biết rồi đó, người nói luôn luôn nhiều hơn người làm, vì thế bạn khi bạn bắt tay vào việc tạo nguyên mẫu là bạn đang tạo ra được những lợi thế cạnh tranh nhất định cho chính mình. Bạn biết từ NATO là có nghĩa gì không? Nghĩa chính thống của nó là The North Atlantic Treaty Organization (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương). Nhưng còn có một nghĩa vui khác nữa là Not Action Talk Only, ám chỉ phê phán những người chỉ nói mà không làm. Nếu bạn đã đi đến gia đoạn tạo nguyên mẫu này thì bạn không phải là những người NATO. Chúng ta đã xoắn tay lên để hành động rồi, chỉ có hành động mới tạo ra kết quả. Đến đây, tôi lại nhớ đến câu nói của Khổng Tử mà tôi rất tâm đắc: “Những gì tôi nghe, tôi sẽ quên; Những gì tôi thấy, tôi sẽ nhớ; Những gì tôi làm, tôi sẽ hiểu.” Trước khi chuyển qua giai đoạn thử nghiệm, tôi có một lưu ý dành cho bạn: đừng quá yêu thích nguyên mẫu của mình. Vì sao lại thế? Bởi vì chúng ta sẽ thử nghiệm và điều chỉnh rất nhiều trên phiên bản nguyên mẫu đầu tiên này, nếu tình yêu bạn dành cho nó quá lớn sẽ tạo ra sự ngăn cản trong việc điều chỉnh, hoặc thậm chí vứt bỏ nó.

88


#Tóm lại là:

1. Chúng ta có thể tạo nguyên mẫu kỹ thuật số hoặc nguyên mẫu vật lý tùy thuộc vào dự án của mình. 2. Chúng ta nên bắt đầu với nguyên mẫu với độ trung thực thấp và từng bước hoàn thiện với nguyên mẫu với độ trung thực cao. 3. Chủ nghĩa hoàn hảo là một rào cản lớn ngăn cản chúng ta bắt tay vào việc tạo nguyên mẫu. 4. Đừng quá yêu thích nguyên mẫu của mình.

89


Phần thực hành dành cho độc giả Giờ là lúc bạn ứng dụng những gì học được từ chương sách này vào thực tế công việc, cuộc sống của bạn. Hãy viết ra danh sách 3 tính năng của sản phẩm/dịch vụ để bạn và đồng đội bắt tay vào việc tạo nguyên mẫu. Nếu đây là lần đầu tiên tạo nguyên mẫu, hãy bắt đầu với tính năng dễ nhất để bạn có được những thành tựu nhanh chóng, ngắn hạn nhằm mang lại động lực để tiếp tục tạo nguyên mẫu cho tính năng khó hơn. …………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………… ……………………………………………………………………..…………………………….

90


CHƯƠNG 5 THỬ NGHIỆM THỰC TẾ VAI TRÒ TO LỚN CỦA KHÁCH HÀNG

Nếu bạn tập trung vào đối thủ cạnh tranh, bạn phải đợi cho đến khi có đối thủ cạnh tranh làm điều gì đó. Tập trung vào khách hàng cho phép bạn tiên phong hơn. Jeff Bezos (Amazon) Chúng ta bắt đầu giai đoạn đầu tiên của tư duy thiết kế bằng việc thấu cảm khách hàng, giờ đây chúng ta đi đến giai đoạn cuối cùng của quy trình này cũng với khách hàng, đó chính là giai đoạn thử nghiệm nguyên mẫu với khách hàng. Tuy nhiên, có một điều mà chúng ta cần biết rằng không phải khách hàng nào cũng sẵn lòng để làm “chuột bạch” trong các thử nghiệm của chúng ta. Vì thế, chúng ta cần nhắm đến nhóm khách hàng thích nghi nhanh khi thực hiện việc thử nghiệm sản phẩm. Dựa vào những thử nghiệm thực tế cùng với chiến lược cụ thể mà chúng ta có thể đưa ra quyết định về “số phận” cho sản phẩm/dịch vụ của mình. Chúng ta có thể tiếp tục phát triển các nguyên mẫu này thành các sản phẩm thương mại như trường hợp xe đạp SuperStrata và xe điện Dat Bike được đề cập ở chương 4. Trong một số trường hợp khác, chúng ta cũng có thể dừng lại, không tiếp tục phát triển 91


nguyên mẫu đó trở thành sản phẩm thương mại. Và đây là một ví dụ như thế. Vietcetera đã thử nghiệm chương trình open publishing được hơn 3 tháng. Theo giới thiệu của Vietcetera, “Open publishing là nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.” Tuy nhiên, chương trình phải tạm dừng vì định hướng mới của Vietcetera. Và sau đó Vietcetera đã tiếp tục thử nghiệm nhiều chương trình khác thú vị, có thể kể ra đây một số chương trình podcast mới ra mắt như: Vietnam Innovator, Have a sip, Have a sip – After Hours, EduStation… Ngoài ra, Vietcetera còn tổ chức cuộc thi CastCamp để hỗ trợ những người làm podcast nhằm hướng đến tạo ra một cộng động podcast lớn mạnh ở Việt Nam.

Hình: Vietcetera thông báo tạm dừng chương trình Open publishing

Chúng ta nên thiết lập những chỉ số nào trong các thử nghiệm? 92


Chúng ta đang sống trong một thế giới, nơi mà các mạng xã hội có tác động lớn đến cuộc sống và công việc của chúng ta. Vì vậy những chỉ số về like, share, comment… cũng đã ăn sâu vào suy nghĩ của chúng ta. Nhưng khi thử nghiệm sản phẩm/dịch vụ của mình thì còn nhiều chỉ số khác mà chúng ta cần quan tâm, đo lường và theo dõi. Ví dụ, nếu bạn thiết kế một ứng dụng di động, thì chúng ta cần đo đạc số lượng người tải (download) ứng dụng về điện thoại, số lượng người thực sự sử dụng ứng dụng sau khi tải về, số lượng người thực hiện một số tác vụ trong ứng dụng đó… Nếu bạn là người yêu thích tạo ra một trang đích (landing page) để thu hút người dùng thử nghiệm trên môi trường kỹ thuật số, bạn có thể thực hiện thêm một hành động nhỏ, đó là cài đặt ứng dụng heatmap để đo đạc những tương tác của người dùng trên trang đích của bạn. Ứng dụng này sẽ cho bạn biết người dùng đã tương tác ở đâu nhiều nhất, ở đâu ít nhất, có bấm vào những nút kêu gọi hành động (call to action) như chúng ta mong đợi hay không… Mọi thứ rất trực quan để cả đội ngũ của bạn theo dõi, từ đó có thể đưa ra những điều chỉnh phù hợp.

93


Đối với phiên bản ebook của cuốn sách này, tôi đo đạc một số chỉ số như: bao nhiêu người tải về phiên bản miễn phí, bao nhiêu người mua nó với mức giá tối thiểu 9.000 đồng, bao nhiêu người mua nó với mức giá tối đa 99.000 đồng, bao nhiêu người liên hệ tác giả để phản hồi, đóng góp ý kiến cho cuốn sách, bao nhiêu người sẵn sàng đặt trước bản sách giấy khi sách ra mắt… Vì thế, tùy thuộc vào tính chất của sản phẩm/dịch vụ và tùy thuộc vào giai đoạn thử nghiệm mà chúng ta thiết lập những chỉ số khác nhau để đo lường trong quá trình thử nghiệm của mình. Một số chỉ số mà chúng ta có thể đặt ra trong quá trình thử nghiệm như: số lượng người tham gia thử nghiệm, số lượng phản hồi, số lượng người sẵn sàng đặt trước sản phẩm/dịch vụ, số lượng người tham gia chiến dịch crowdfunding, số lượng người giới thiệu sản phẩm của chúng ta đến những người dùng khác…

94


Nền tảng số - nơi chúng ta tăng cường các thử nghiệm Như chúng ta đã biết, các nền tảng số (digital platform) là nơi tập trung rất nhiều người dùng. Vì thế, chúng ta có thể tìm đến những nền tảng có người dùng phù hợp với sản phẩm của chúng ta để thử nghiệm. Gần gũi nhất với chúng ta là các mạng xã hội: Facebook, Instagram, LinkedIn… Bạn còn nhớ câu chuyện Dat Bike ở chương 4 chứ? Người sáng lập của Dat Bike đã chụp hình nguyên mẫu chiếc xe điện mình làm ở giai đoạn đầu và đưa lên Facebook để thử nghiệm người dùng. Còn đối với Arevo, họ đã tiếp cận người dùng toàn cầu thông qua nền tảng gọi vốn Indiegogo với nguyên mẫu là chiếc xe đạp SuperStrata có độ trung thực và tính tương tác cao. Đối với bản ebook của cuốn sách này, tôi đã thử nghiệm chính trên 2 nền tảng Google Play books và Issuu. Talk with data - Hãy để dữ liệu của bạn lên tiếng Trong quá trình thử nghiệm này, chúng ta sẽ thu được khá nhiều dữ liệu từ những người dùng thực tế mà chúng ta tiếp cận. Về cơ bản, chúng ta thường yêu quý những nguyên mẫu của mình. Ở cuối chương 4, tôi có nói rằng bạn đừng quá yêu thích nguyên mẫu vì chính điều đó ngăn cản bạn điều chỉnh hoặc vứt bỏ nó. Hãy xem nguyên mẫu là bước đệm, bước trung gian để chúng ta tiến đến sản phẩm hoàn chỉnh. Việc điều chỉnh hoặc vứt bỏ nguyên mẫu đều phụ thuộc vào những dữ liệu mà bạn nhận được 95


trong quá trình thử nghiệm, tập trung vào những chỉ số mà chúng ta đã đặt ra ở trên. Sẽ thật đau lòng khi phải vứt bỏ nguyên mẫu của chính mình, nhưng bạn sẽ phải làm điều đó nếu như dữ liệu cho bạn thấy rằng chẳng có người dùng nào thấy được giá trị từ nguyên mẫu của bạn, nguyên mẫu đó cũng chẳng giúp họ giải quyết được bất kỳ vấn đề nào. Dữ liệu không biết nói dối! Đây là lúc chúng ta thực hành việc đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu, gạt bỏ những thành kiến, cảm tính. Vậy đó, con đường đi từ giả định đến khẳng định phải “bước qua xác của dữ liệu”. Đi theo “tiếng gọi” của dữ liệu, không quá yêu thích nguyên mẫu, hãy yêu vấn đề chúng ta đang giải quyết để từ đó tìm ra những giải pháp mà khách hàng yêu thích. Nói đến dữ liệu, chúng ta không thể không nhắc đến Google Analytics, một nền tảng dữ liệu rất đáng để sử dụng cho việc theo dõi, thu thập, phân tích dữ liệu cho các trang web, ứng dụng của mình. Tiếp theo, Google Trends là công cụ dành cho những ai thích “bắt trend” để có được những sản phẩm vừa giải quyết được vấn đề của người dùng vừa mang tính thời thượng. Từ Output đến Outcome Chúng ta cần lưu ý rằng, nguyên mẫu mà chúng ta vừa hoàn thành là một output, đó là đầu ra của một quá trình xây dựng sản phẩm/dịch vụ với một số tính năng nhất định. Còn outcome là một sản phẩm mang lại giá trị cho 96


khách hàng, giải quyết được vấn đề của khách hàng. Và mục tiêu cuối cùng trong quá trình biến ý tưởng thành hiện thực của chúng ta là đưa output thành outcome. Tất nhiên đây không phải là con đường thẳng, mà đó là phép lặp: thử nghiệm, tiếp nhận phản hồi, điều chỉnh… Tức là từ quá trình này, chúng ta sẽ giữ lại những tính năng nào mang lại giá trị thực sự cho khách hàng, chúng ta cải thiện những tính năng để làm rõ giá trị theo phản hồi của khách hàng, chúng ta loại bỏ những gì không cần thiết, không mang giá trị khách hàng… Đến đây chúng ta có thể tự trả lời cho câu hỏi: khi nào thì chúng ta dừng lại việc tạo và điều chỉnh nguyên mẫu? Đó là khi sản phẩm của chúng ta giải quyết được vấn đề của khách hàng, hay nói cách khác là khách hàng hài lòng và chấp nhận cách thức chúng ta giải quyết vấn đề của họ. Chúng ta có thể ngầm hiểu rằng outcome chính là đích đến của output. Do đó, chỉ số về outcome quan trọng hơn nhiều so với chỉ số về output. Hãy luôn tự nhắc nhở rằng, chúng ta tạo ra sản phẩm/dịch vụ nhằm giải quyết một vấn nào đó cho xã hội và luôn lấy khách hàng làm trung tâm của quá trình này. Và xa hơn nữa là chúng ta tạo ra những sản phẩm mà khách hàng yêu thích, tạo ra được những tác động tích cực đến xã hội.

97


Từ làm việc thủ công đến hệ thống tự động Chúng ta đang sống trong thời đại số, vì thế những nhà sáng lập của các công ty khởi nghiệp đều muốn ứng dụng hoặc tạo ra những công nghệ mới nhất trong quá trình phát triển những sản phẩm/dịch vụ của họ. Những công nghệ mới đó có thể là: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), VR, AR, Blockchain, Web 3.0… Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà sáng lập đã ý thức được rằng họ cũng cần phải xác định lại xem vấn đề mà mình đang giải quyết có thực sự là vấn đề hay không. Nói cách khác, họ có đang cung cấp một sản phẩm/dịch vụ mà thị trường cần hay không. Để trả lời câu hỏi đó, họ không vội vàng xây dựng sản phẩm với nhiều tính năng, tích hợp nhiều công nghệ xu hướng mà tôi vừa kể ở trên, thay vào đó họ đã tạo ra một sản phẩm rất thủ công ở giai đoạn đầu trong quá trình phát triển sản phẩm của mình. Câu 98


chuyện của Curieous là một ví dụ như vậy. Đây là một công ty khởi nghiệp ra mắt vào cuối năm 2021, hoạt động ở lĩnh vực EdTech 3.0, cung cấp dịch vụ KaaS (Knowledge as a service). Họ đã “think big” về một nền tảng tự động hóa trong việc kết nối mentor với mentee thông qua hệ thống đề xuất với độ chính xác, trung thực, minh bạch cao được hỗ trợ bởi AI, big data, blockchain… Nhưng họ đã “do small” khi bắt đầu kết nối mentor với mentee một cách thủ công từ những yêu cầu được mọi người điền vào Google forms. Họ thường nói đùa rằng, hệ thống AI của họ đang chạy bằng “cơm”. Bên cạnh đó, họ cũng đang sử dụng một số công cụ sẵn có trên thị trường như: ứng dụng Discord để nhóm khách hàng “siêu sớm” trao đổi, ứng dụng Google Meet, Gather Town để mentor và mentee gặp mặt nhau… Họ đang thử nghiệm một số giả thuyết của mình để biết chắc rằng đó có thật sự là vấn đề hay không, từ đó họ đưa ra quyết định dồn hết tâm huyết để giải quyết hoặc chuyển hướng. Tôi cũng là một người dùng “siêu sớm” ở nền tảng Curieous này, tôi thật sự ấn tượng với cách họ làm và những giá trị thực sự mà cộng đồng nhận được với định hướng “Teach & learn to earn & network!” Hi vọng rằng Curieous sẽ lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa tinh thần mentorship, từ đó Curieous cũng sẽ lớn mạnh và mang lại nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng, người dùng. Hơn ai hết, tôi cũng mong muốn được sử dụng hệ thống EdTech 3.0 với AI chạy bằng điện, bằng dữ liệu được thừa hưởng những insight có được từ hệ thống chạy bằng “cơm” này. 99


Điều đó hoàn toàn là khả thi vì tôi biết rằng họ có đội ngũ công nghệ rất vững vàng và đã trải qua rất nhiều dự án thành công trước đó. Từ mở miệng đến mở ví Như đã được đề cập, trong suốt quá trình biến ý tưởng thành hiện thực, chúng ta đã tương tác với khách hàng, người dùng rất nhiều. Qua những tương tác đó, họ đã “mở miệng” nhận xét, đánh giá, phản hồi cho các nguyên mẫu của chúng ta trong quá trình thử nghiệm. Điều đó thật bổ ích. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên tiến thêm một bước nữa để hiểu được mức độ cam kết của họ đối với sản phẩm/dịch vụ tương lai của chúng ta. Chúng ta có thể thực hiện việc này bằng cách cho những khách hàng tiềm năng đặt trước sản phẩm của mình, hoặc mời họ tham gia các chiến dịch gây quỹ cộng đồng. Tất nhiên rằng không phải khách hàng nào hứa hẹn mua sản phẩm của bạn cũng sẽ “xuống tiền”, bởi vì giữa lời nói và hành động luôn có một khoảng cách nào đó. Có bao giờ bạn đã lên các trang thương mại điện tử, chọn mua hàng nhưng rồi lại quên hoàn thành đơn hàng hay không? Thậm chí món hàng đó vẫn nằm trong giỏ hàng qua nhiều tháng, nhiều năm rồi chìm vào quên lãng. Nếu bạn đã từng trải qua những tình huống như vậy, bạn có thể hiểu được tâm lý của những khách hàng của mình. Đơn giản là lúc đầu chúng ta cần đến sản phẩm đó, nhưng rồi sau đó, chúng ta không cần 100


đến nó nữa chứ không phải chúng ta “nói một đằng, làm một nẻo”. Chúng ta cũng có thể đã có được sản phẩm thay thế để giải quyết vấn đề của mình, hoặc là vấn đề đó tự động biến mất bởi một lý do nào đó. Hành trình từ “khó nhai” đến insight khó phai Đối với những ai lần đầu đi trên hành trình biến ý tưởng thành hiện thực, thì đây là một hành trình không hề dễ dàng, đôi khi còn “khó nhai” nữa. Tuy nhiên ở cuối hành trình, chúng ta sẽ gặt hái được những quả ngọt. Đó chính là những insight “khó phai”, những hiểu biết sâu sắc về khách hàng, người dùng mà mình hướng đến. Với dự kiến ban đầu, cuốn sách này có khoảng 5 câu chuyện của các doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, khi thử nghiệm với độc giả, đa số mọi người đều mong muốn có nhiều câu chuyện Việt hơn nữa, thế là tôi tiếp tục tìm tòi thêm nhiều câu chuyện để giờ đây cuốn sách đã có được gần 10 câu chuyện, gấp đôi dự kiến ban đầu. Bạn nhớ hết những câu chuyện đó chứ? Đó là những câu chuyện của Mobivi, Arevo, Dat Bike, trường đại học Fulbright Việt Nam, Vietcetera, Curieous… Thêm một insight nữa mà tôi muốn chia sẻ với bạn, đó là câu chuyện về xuất bản sách điện tử của tôi. Tôi là tín đồ của Amazon Kindle, nên hầu như tôi chỉ đọc sách điện tử trên nền tảng này. Vì vậy, khi bắt đầu tự xuất bản những cuốn sách điện tử của mình, tôi cũng mặc định chọn 101


Amazon Kindle. Thế rồi, một số độc giả hỏi tôi vì sao không đưa sách lên Google Play Books. Tôi nghĩ rằng, khách hàng ở đâu thì sách mình phải có mặt ở đó nên tôi đã tự học cách đưa sách lên nền tảng Google Play Books. Kết quả thật bất ngờ, chỉ sau 1 tháng mà lượng sách bán ra đã vượt mặt số sách mà tôi bán được trong hơn 6 tháng qua trên Amazon Kindle. Tôi tìm hiểu kỹ hơn thì mới biết được rằng lượng độc giả dùng Google Play Books là khá nhiều. Đây là một số hỗ trợ từ nền tảng này cho độc giả Việt Nam: độc giả được cung cấp hình thức thanh toán rất đa dạng: MoMo, thẻ thanh toán nội địa, thẻ thanh toán quốc tế… Trong khi đó Amazon chỉ hỗ trợ thanh toán bằng thẻ quốc tế, tuy nhiên tỷ lệ sử dụng loại thẻ thanh toán này ở Việt Nam là rất thấp nên nó không tạo được sự thuận tiện về việc thanh toán như Google Play Books. Google Play Books cũng cung cấp những cơ chế để người xuất bản sách chạy những chương trình khuyến mãi hấp dẫn, linh hoạt để tiếp cận đến nhiều độc giả hơn nữa. Giờ đây, Google Play Books là nền tảng chính để tôi tự xuất bản những cuốn sách điện tử của mình, những nền tảng khác sẽ ở những vị trí ưu tiên thấp hơn.

102


Trải qua hành trình “khó nhai” này, chúng ta thu thập được những insight để từ đó tiếp tục điều chỉnh cho nguyên mẫu của mình. Nếu có được nhiều insight, hãy đặt thứ tự ưu tiên cho chúng dựa vào mức độ quan trọng, tính khẩn cấp… để từ đó chúng ta thực hiện việc tích hợp dần dần vào nguyên mẫu. Hackathon: nơi bạn thực hành việc biến ý tưởng thành hiện thực một cách nhanh chóng Năm 2021, tôi mentor cho một bạn trẻ vừa mới tốt nghiệp trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV). Trước khi ra trường, bạn trẻ này đã tích lũy một số kiến thức thực tế về phát triển sản phẩm (product design) thông qua một số cuộc thi Hackathon và Challenge. Một số cuộc thi có thể kể ra đây như: Youth Digital Citizen Challenge (2021) được UNDP Vietnam tổ chức, Art Hackathon “Tương lai gặp truyền thống” do TEDxTrangThiSt phối hợp tổ chức với 103


cộng đồng công nghệ Facebook Developers Circle Hanoi và cộng đồng nghệ thuật IVINA Hub, The a program: product management challenge 2021 được AIESEC in Vietnam tổ chức… Đây là nơi các bạn thể hiện kỹ năng làm việc nhóm, trải qua một chu kỳ trọn vẹn trong việc biến ý tưởng thành hiện thực trong thời gian ngắn, khoảng 24, 48 hoặc 72 giờ… Các bạn xem đây là bước đệm để quyết định cho việc phát triển những ý tưởng lớn hơn, quy mô lớn hơn với thời gian dài hơn của mình trong tương lai. Hiện tại, bạn trẻ mà tôi vừa đề cập trên đang dấn thân vào quá trình phát triển sản phẩm số trong lĩnh vực ngân hàng. Bạn tiếp tục học tập các khóa học về UX Design của Google trên Coursera27 để nâng cao kỹ năng về thiết kế trải nghiệm khách hàng của mình. Từ ý tưởng đến phần thưởng: chặng đường phía trước Cảm ơn bạn đã đồng hành cùng tôi đến những trang cuối của cuốn sách này. Khi bạn hoàn thành sản phẩm của bạn thì tôi cũng hoàn thành sản phẩm của tôi, đó chính là cuốn sách này. Đó chính là phần thưởng xứng đáng quý đền đáp cho những nỗ lực, thời gian, tiền bạc mà chúng ta đã đầu tư khi bắt tay vào việc biến ý tưởng thành hiện thực. Chúng ta sẽ nhìn lại toàn bộ quá trình này như một case study ở chương 6.

27

https://www.coursera.org/professional-certificates/google-ux-design

104


Nếu bạn vẫn chưa hoàn thành sản phẩm của mình thì không sao, bạn vẫn có thể tiếp tục hành trình này. Nếu bạn yêu thích nó thì hãy thể hiện tình yêu bằng chính sự cam kết của mình, của cả đội ngũ của mình. Khi bạn hoàn thành đầy đủ một quy trình biến ý tưởng thành hiện thực, bạn sẽ học được rất nhiều điều, sự tự tin cũng sẽ tăng lên và bạn lại tiếp tục quá trình này cho những ý tưởng, sáng kiến tiếp theo. Đó là một quá trình luôn lặp lại, luôn tiến lên, luôn đổi mới sáng tạo. “Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân.”

105


#Tóm lại là:

1. Thiết lập chỉ số rõ ràng từ đầu để đo lường trong những cuộc thử nghiệm nguyên mẫu của bạn. 2. Dữ liệu không biết nói dối, hãy dựa trên dữ liệu thực tế để đưa ra những quyết định quan trọng của bạn. 3. Lấy khách hàng làm trung tâm, luôn giữ tinh thần này trong toàn bộ quá trình thiết kế sản phẩm.

106


Phần thực hành dành cho độc giả Giờ là lúc bạn ứng dụng những gì học được từ chương sách này vào thực tế công việc, cuộc sống của bạn. Hãy đọc lại những nhận xét, đánh giá, góp ý của khách hàng để rút ra insight thú vị và có giá trị nhất đối với sản phẩm/dịch vụ của bạn. …………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………… ……………………………………………………………………..…………………………….

107


CHƯƠNG 6 CASE STUDY MỘT CÂU CHUYỆN THỰC TẾ TRỌN VẸN

Mỗi người đều có một câu chuyện của riêng mình. Câu chuyện của bạn cũng có giá trị và quan trọng như câu chuyện của tôi. Oprah Winfrey Case study mà tôi chia sẻ ở đây là câu chuyện của chính tôi khi ứng dụng tư duy thiết kế để viết cuốn sách mà bạn đang đọc. Khi trao đổi về chủ đề tư duy thiết kế với một số người đã từng thực hành phương pháp này, tôi có chia sẻ với họ về ý tưởng viết sách theo cách thức này. Những người này đã khá ngạc nhiên vì họ chưa thấy ai làm việc này cả. Thật ra thì trước kia tôi cũng chưa biết đến cách này cho đến khi bắt tay vào biên dịch cuốn sách Thực hành tư duy thiết kế. Nhóm tác giả đã ứng dụng tư duy thiết để để viết một cuốn sách về chủ để tư duy thiết kế. Với tôi, đó là một điều rất thú vị, thế nên tôi đã học hỏi và làm theo. Khi đã hoàn thành cuốn sách theo cách này, tôi hoàn toàn đi đúng hướng và đã có được kết quả như mong đợi. Hình bên dưới là tóm tắt những bước mà tôi đã thực hiện, tôi cũng tham khảo từ chính cuốn sách Thực hành tư duy thiết kế. 108


109


Bước 1: Thấu cảm

Đầu tiên là bước thấu cảm, tôi đã phỏng vấn và khảo sát độc giả đang đọc và quan tâm đến dòng sách mà tôi đang biên dịch, phát hành để thấu hiểu nỗi đau, nhu cầu và mong muốn của họ. Và đây là những gì nổi bật nhất mà tôi thu nhận được: 1. Độc giả cần những buổi chia sẻ, đào tạo chuyên sâu về chủ đề trong những cuốn sách mà họ đọc để họ thực sự có được hiểu biết sâu sắc về chủ đề đó và tự tin ứng dụng vào thực tế. 2. Độc giả cần những câu chuyện thực tế (case study) ở Việt Nam. 3. Độc giả cần người mentor, tư vấn để đồng hành cùng họ trong quá trình chuyển hóa những kiến thức bổ ích từ sách vào thực tiễn doanh nghiệp và cuộc sống.

110


Bước 2: Xác định vấn đề

Khi đã có được những nỗi đau, nhu cầu, mong muốn của độc giả đang đọc thể loại sách mà tôi đang biên dịch/phát hành, tôi đã viết ra mô tả vấn đề như sau: Độc giả gặp nhiều khó khăn trong việc ứng dụng những kiến thức mới mẻ, sáng tạo từ những cuốn sách hay của nước ngoài (được biên dịch sang tiếng Việt) bởi vì thiếu những buổi chia sẻ, đào tạo, những câu chuyện thực tế ở địa phương, sự cố vấn, tư vấn từ những người có kinh nghiệm chuyên môn…

111


Bước 3: Xây dựng ý tưởng

Từ mô tả vấn đề vừa xác định được. Tôi cùng nhóm WeTransform của mình đã xây dựng ý tưởng cho các giải pháp khả thi như sau: 1. Tổ chức chia sẻ, đào tạo chủ đề TƯ DUY THIẾT KẾ cho một số trường đại học, doanh nghiệp, cộng đồng LinkedIn… 2. Viết một cuốn sách về việc ứng dụng tư duy thiết kế vào thực tiễn với case study từ những doanh nghiệp Việt Nam. 3. Tổ chức cố vấn, tư vấn cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có nhu cầu ứng dụng tư duy thiết kế vào thực tiễn.

112


Bước 4: Tạo nguyên mẫu

1. Thiết kế chương trình webinar với chủ đề “Design Thinking – Biến ý tưởng thành hiện thực”. 2. Bắt tay vào viết những chương đầu tiên của cuốn sách THỰC THI TINH GỌN ở định dạng ebook và audiobook: định dạng ebook đưa lên các nền tảng Google Play Books và Issuu, định dạng âm thanh được đưa lên soundclound và Spotfiy. 3. Thiết kế chương trình cố vấn, tư vấn cho các tổ chức, cá nhân muốn ứng dụng tư duy thiết kế vào thực tế.

113


Bước 5: Thử nghiệm

1. Triển khai thử nghiệm chương trình webinar hàng tháng với chủ đề “Design Thinking – Biến ý tưởng thành hiện thực” cho cộng đồng LinkedIn từ tháng 62021 đến tháng 12-2021. 2. Triển khai lấy ý kiến đóng góp, nhận xét từ độc giả và từ đó chỉnh sửa, bổ sung tương ứng cho cuốn sách. Bạn đọc có thể tham khảo những ý kiến điển hình ở phần “Những ý kiến đóng góp từ độc giả”. Bắt đầu bán sách ebook với các mức giá 9.000 đồng và 99.000 đồng để thử nghiệm về độ “mở ví” của độc giả. 3. Tham gia cố vấn cho 5 đội thi trong chương trình Hackathon của Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) và các bạn trẻ trong top 5 của chương trình Bệ phóng tài

114


năng 2021 (SVF) nhằm giúp các bạn biến ý tưởng thành hiện thực với việc ứng dụng tư duy thiết kế.

115


NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ TƯ DUY THIẾT KẾ

Câu hỏi: Những ai có thể ứng dụng tư duy thiết kế? Trả lời: Tất cả mọi người. Câu hỏi: Tư duy thiết kế có thể ứng dụng vào lĩnh vực nào? Trả lời: Tất cả các lĩnh vực. Câu hỏi: Những rào cản nào khiến chúng ta khó ứng dụng Tư duy thiết kế? Trả lời: Dưới đây là một số rào cản: 1. Tình trạng chia cắt giữa các phòng ban trong tổ chức (silo). 2. Văn hóa sợ sai, sợ thất bại. 3. Chủ nghĩa hoàn hảo. 4. Thiếu văn hóa học tập, văn hóa đọc sách. Câu hỏi: Tư duy thiết kế có thể kết hợp với các phương pháp nào? Trả lời: Khi ứng dụng vào thực tế, chúng ta có thể kết hợp tư duy thiết kế với Agile, Lean Startup (Khởi nghiệp tinh gọn), Data Science (khoa học dữ liệu)… Câu hỏi: như tên gọi của tư duy thiết kế, có phải đó chỉ là phương pháp tư duy chỉ dành cho dân thiết kế? Trả lời: Tư duy Thiết kế không chỉ là tư duy mà chúng ta còn phải hành động rất nhiều trong suốt các bước của quá trình này. Tư duy Thiết Kế không chỉ là thiết kế mà còn được sử dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực.

116


TỪ ĐIỂN BỎ TÚI VỀ TƯ DUY THIẾT KẾ A/B testing: phương pháp thử nghiệm thường được dùng ở giai đoạn thử nghiệm nguyên mẫu trong quy trình tư duy thiết kế. Brainstorm: kỹ thuật động não được chúng ta sử dụng nhiều trong quá trình lên ý tưởng. Collaboration: tư duy thiết kế mang đến sự cộng tác hiệu quả cho những người tham gia. Data Analysis: chúng ta cần phải phân tích dữ liệu để đưa ra những insight nhằm giải quyết vấn đề một cách sáng tạo. Empathy: bước đầu tiên trong quá trình tư duy thiết kế là thấu cảm, được xây dựng qua khảo sát, phỏng vấn, quan sát... Feedback: phản hồi từ khách hàng/người dùng là những thông tin quan trọng để chúng ta hoàn thiện sản phẩm/dịch vụ của mình. Games: một số trò chơi nhỏ sẽ được tổ chức trong buổi workshop về design thinking để mọi người vui vẻ, thoải mái, hợp tác với nhau tốt hơn... How might we...: “làm thế nào chúng ta có thể...” là câu hỏi được dùng trong mô tả vấn đề. Innovation: tư duy thiết kế mang đến những giải pháp đổi mới sáng tạo trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp. Job to be done (JTBD): công việc cần làm giúp chúng ta tập trung vào khách hàng/người dùng và tìm ra những giải pháp mới. Kid's mindset: luôn giữ tâm trí như 1 đứa trẻ để luôn tò mò, tìm tòi, khám phá để tìm ra những vấn đề và giải pháp sâu sắc. Lean Startup: chúng ta sẽ thường dùng khởi nghiệp tinh gọn trong quá trình triển khai quy trình tư duy thiết kế. MVP: sản phẩm khả dụng tối thiểu, chúng được xem là nguyên mẫu với độ trung thực cao (hi-fi) ở cuối giai đoạn thử nghiệm. 117


NABC: là công cụ để xác định ý tưởng về các khía cạnh: nhu cầu (need), cách tiếp cận (approach), lợi ích (benefit), cạnh tranh (competition). Observe: ngoài việc phỏng vấn, khảo sát, chúng ta cũng nên quan sát khách hàng để thấu hiểu hơn về khách hàng của chúng ta. Prototype: là những nguyên mẫu được hiện thực hóa từ những giải pháp mà chúng ta đưa ra, được dùng để thử nghiệm. Question: các loại câu hỏi mà chúng ta thường dùng là hỏi 5 lần câu hỏi tại sao, đặt các câu hỏi 5W+1H. Reframe: nhận thức lại vấn đề giúp chúng ta thấu hiểu hơn, có thể xây dựng nhiều mô tả vấn đề từ những quan điểm người dùng khác nhau. Storytelling: kể chuyện là một phương pháp được dùng để chia sẻ với các thành viên trong nhóm những insight về người dùng. Testing: đưa khách hàng những nguyên mẫu của chúng ta để họ thử nghiệm và phản hồi để từ đó hoàn thiện sản phẩm/dịch vụ của mình. Understand: chúng ta thực hiện việc phỏng vấn, khảo sát, quan sát khách hàng để có được sự thấu hiểu, thấu cảm hơn về họ. Visualization: trăm nghe không bằng mắt thấy, vì thế chúng ta cần phải trực quan hóa những gì chúng ta đang làm. WH: áp dụng việc hỏi 5 lần câu hỏi WHY (tại sao) để tìm hiểu nguyên nhân sâu xa, gốc rễ của vấn đề. “X is finished” prototype: loại nguyên mẫu với những tính năng quan trọng và chi tiết trước khi tiến tới nguyên mẫu cuối cùng. Yes/no question: hạn chế đặt câu hỏi yes/no cho khách hàng, hãy đặt những câu hỏi mở trong các cuộc phỏng vấn khách hàng. Zero-error culture: văn hóa sợ mắc lỗi sẽ không được dùng trong design thinking, chúng ta chấp nhận mắc lỗi để học hỏi nhiều hơn.

118


NHỮNG Ý KIẾN ĐÓNG GÓP TỪ ĐỘC GIẢ Như các bạn đã biết, tôi viết cuốn sách này theo lối: vừa viết, vừa lấy ý kiến độc giả. Cho đến thời điểm này, tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ độc giả. Họ đóng góp ý kiến cho tôi thông qua email, chat, gọi điện thoại… Đó là những đóng góp rất chân thành, mang tính xây dựng, thực tế để tôi điều chỉnh kịp thời nội dung cuốn sách nhằm mang đến độc giả một cuốn sách có nội dung tốt nhất có thể. Tôi nêu ra đây một đóng góp ý kiến điển hình: 1. Đỗ Trà Ngân: điều chỉnh lại tên sách với nội dung bên trong để độc giả cảm nhận rõ được sự liên kết; định hình rõ phong cách của tác giả. 2. Trần Thảo Uyên: điều chỉnh sự kết nối chặt chẽ hơn giữa các đoạn trong chương để độc giả chuyển đoạn không gặp phải sự bất ngờ, hoặc phải đọc lại đoạn trước đó; cần đưa thêm nhiều hơn câu chuyện Việt Nam vào sách. 3. Phạm Văn Đoàn: cần đưa thêm những câu chuyện Việt Nam với những khó khăn, thách thức và cách vượt qua chúng. 4. Trần Lê Ngọc An: cần đưa thêm phần giới thiệu về nghiên cứu định lượng và định tính vào phần thấu cảm trong chương 1 để độc giả dễ dàng thực hiện khi khảo sát khách hàng; thêm phần thực hành ở cuối mỗi chương để độc giả ứng dụng nhằm củng cố kiến thức. 119


5. Nguyễn Minh Châu: cần làm rõ nghĩa một số đoạn trong sách để đọc giả dễ hiểu hơn, cần sắp xếp lại một nội dung, đặc biệt là giữa phần nguyên mẫu (chương 4) và phần thử nghiệm (chương 5).

120


QUÀ TẶNG DÀNH CHO ĐỘC GIẢ TỪ WETRANSFORM Cảm ơn các bạn đã trải nghiệm trọn vẹn cuốn sách này của chúng tôi. Để đáp lại sự ham học hỏi của các bạn, chúng tôi gửi tặng bạn những sách e-book mà chúng tôi phát hành trên Google Play Books, đó là những cuốn sách: Kỹ năng giải quyết vấn đề, Tư duy thiết kế, Thực thi tinh gọn… Vui lòng đăng ký nhận https://wetransform.vn/quatang/

ebook

tại

đây:

Hoặc quét mã QR:

Và bạn cũng có thể gửi tặng miễn phí cuốn sách ebook này cho một người mà bạn nghĩ rằng người ấy đang cần cuốn sách này. Tôi sẽ thay mặt bạn làm điều đó. Vui lòng điền theo form này: https://bit.ly/surpriseebook

121


Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.