Ky Yeu 40 Nam K8 SPSG

Page 1

1


2


viết, thơ, truyện..và tiền bạc của tất cả các bạn cùng khóa, chúng tôi đã chọn ngày 8 / 8 / 2010 để tổ chức họp mặt kỷ niệm 40 năm Tốt nghiệp của Khóa 8 chúng mình.

Mùa Thu Sài Gòn 2010. Cùng toàn thể các bạn Khóa 8 , Vào những ngày này 40 năm về trước, chúng ta vừa bước vào Trường Sư Phạm Sài Gòn với biết bao bỡ ngỡ, xa lạ, tất cả đều mới, từ trường, lớp, Thầy Cô đến bạn bè cùng lớp, cùng khóa. Thế mà đã qua 40 năm rồi, một thời gian khá dài đủ để sửa soạn chấm dứt thời son trẻ của chúng mình. Có bao giờ những kỷ niệm của thời cắp sách đến trường vụt thoáng qua trong trí nhớ của bạn không? Những kỷ niệm dù chỉ xuất hiện thoáng trong một vài giây nhưng đủ để lòng mình se thắt lại. Vâng ngày hôm nay chúng tôi muốn đưa các bạn trở về lại 40 năm trước, để cùng quay chậm lại những thước phim của thời học tập làm Thầy Cô giáo. Mời các bạn cùng xem lại những hình ảnh vui chơi hoặc cùng nhau làm việc dưới mái trường Sư phạm. Những kỷ niệm sau hai năm dùi mài kinh sử, kỳ thi tốt nghiệp mau chóng qua đi để tới ngày nhận nhiệm sở. Lúc ấy tất cả đều mang trong mình bầu nhiệt huyết, ra đi để mang tài sức ra giúp bọn trẻ mở mang kiến thức. Háo hức ra đi đến nỗi chẳng còn ai nhớ mà ghi lấy địa chỉ của những người cùng chí hướng với mình. Thế rồi chiến tranh và những cuộc đổi thay của đất nước làm chúng ta càng xa nhau nhiều hơn nữa. Rồi một ngày nọ, nhận được thông báo từ bạn bè, là quý Thầy trường Sư Phạm tổ chức gặp mặt gia đình sư phạm vào ngày 1/1 hàng năm, thế là chúng tôi hăng hái tham gia. Sau đó được Quý Thầy Cô khuyến khích tổ chức họp mặt lớp và họp mặt khóa. Khóa 8 chúng mình đã tổ chức “ Kỷ Niệm 30 Năm Ngày Ra Trường ” vào năm 2001 tại Trường Trung Hoc cơ sở Ngô Sĩ Liên Quận Tân Bình, “ Kỷ Niệm 35 Năm Ngày Ra Trường ” vào năm 2006 tại Trường Trung học cơ sở Trường Chinh. Và Để đánh dấu 40 năm ngày chúng ta rời xa mái Trường Sư Phạm thân yêu, và cũng để tụ họp cùng nhau ôn nhắc lại những kỷ niệm của một thời cắp sách đến trường, của thời bảng đen, phấn trắng. Chúng tôi đã thành lập ban trù bị để chuẩn bị tổ chức “KHÓA 8 HỌP MẶT KỶ NIỆM 40 NĂM TỐT NGHIỆP” . Sau bao nỗ lực của các thành viên ban trù bị, sự đóng góp các bài

Hôm nay các bạn về dự đông đảo trong ngày vui họp mặt sau 40 năm rời xa mái trường Sư phạm, tập kỷ yếu các bạn đang cầm đọc đây là tâm huyết của tất cả chúng ta. Chúng tôi chỉ là những đồng nghiệp của các bạn biên soạn lại nên chẳng thể nào như ý muốn của các bạn, nhưng nó mang tất cả tấm lòng của chúng tôi mong muốn các bạn được ôn lại những kỷ niệm xưa và gặp gỡ lại cố nhân trong khung cảnh và môi trường mới. Chúng tôi cố gắng thực hiện bằng hình ảnh để các bạn có thể nhận ra những người bạn năm xưa. Và ngay bây giờ các bạn có thể “ cụng ly ” cùng những người thân, quen năm xưa. Hoặc nếu vì lý do nào đó mà có bạn vắng mặt, xin các bạn hãy nhấc điện thoại để hỏi thăm nhau vì đã 40 năm rồi còn gì !!!! Chúng tôi xin chân thành cám ơn quý Thầy Cô đã động viên, các bạn đồng môn đã khuyến khích và đóng góp nhân lực và tài lực cho việc thực hiện buổi họp mặt và tập kỷ yếu này. Qua đây, chúng tôi xin thành thật cáo lỗi một số Anh Chị đã nhiệt tình gửi bài viết, tài liệu, hình ảnh… đóng góp cho tập kỷ yếu, nhưng hoặc do khuôn khổ giới hạn, hoặc do nội dung chưa phù hợp, nên không thể chọn đăng. Thêm nữa, bài viết được chọn đăng trong tập kỷ yếu này đều được nhóm chủ biên chỉnh sửa đôi chút cho chính xác và phù hợp, nhưng vẫn cố gắng giữ đúng nội dung các bạn thể hiện. Vì thế mong các anh chị thông cảm và tha thứ. Tất cả đều vì cái chung nhằm hoàn thiện tập kỷ yếu này. Kính chúc quý Thầy, Cô các bạn đồng môn nhiều sức khỏe, hạnh phúc và luôn gặp may mắn, thành công trong cuộc sống. Nhóm Chủ Biên 3


Tiền thân của Trường Sư Phạm Sài Gòn khi xưa chính là Trường Sư Phạm Nam Việt, được thành lập năm 1950. Lúc đầu nằm trong khuôn viên Trường Đổ Hữu Vị, gần Chợ Bến Thành, phía sau Bệnh Viện Saigon trên đường Huỳnh Thúc Kháng ( Ngày nay là Trường Kỷ Thuật Cao Thắng ). Năm 1955 Trường Sư Phạm Nam Việt di chuyển về Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, gần Thảo Cầm Viên, sau nầy là Trường Trung học Võ Trường Toản. Năm 1956 Trường được dời về và sát nhập vào Trường Quốc Gia Sư Phạm, trước khi trường này được xây dựng mới tọa lạc tại góc đường Thành Thái - Cộng Hòa ( nay là An Dương Vương - Nguyễn Văn Cừ ). Trường Quốc Gia Sư Phạm có một cơ sở trực thuộc là Trường Sư Phạm Thực Hành nằm trên đường Trần Bình Trọng. Trường Sư Phạm Nam Việt lúc bấy giờ tuyển học sinh có bằng Tiểu Học - Đào tạo trong thời gian 4 năm. Trong 2 năm đầu học tập dưới dạng tổng quát như bậc trung học. 2 năm kế tiếp học thêm các môn nghiệp vụ như : Sư Phạm Lý Thuyết, Sư Phạm Thực Hành, Tâm Lý Giáo Dục, Quản Trị Học Đường…và thực tập. Cuối năm thứ 4, giáo sinh thi tốt nghiệp lấy Chứng Chỉ Khả Năng Sư Phạm CAP ( Certificate d’ Aptitude Pédagogique ) và thi lấy Bằng Trung Học DEPSI ( Diplôma d’ Éudes Primaire Supénieures Indochinoise ) Tương đương

Bằng Trung Học Đệ Nhất cấp sau nầy. Trường Quốc Gia Sư Phạm sau nầy đổi tên là Trường Sư Phạm Sài Gòn bắt đầu tuyển sinh năm 1955. học sinh phải có Bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp và được đào tạo phân ra 2 hệ : học 1 năm ngạch Giáo viên Tiểu Học, học 3 năm ngạch Giáo học Bổ Túc ( Ra trường có thể được bổ nhiệm dạy những lớp đầu cấp của bậc Trung học ). Từ năm 1962 trình độ dự tuyển vào trường của học sinh được nâng cao, phải có Bằng Tú Tài Phần I, học trong 2 năm. Chương trình đào tạo được cải tiến, học thêm nhiều môn học mới, cụ thể và chuyên sâu hơn trong nghiệp vụ giảng dạy trong lớp, quản trị học đường, giáo dục cộng đồng… Trong nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo Giáo Viên như nhiều nước phát triển khác: dạy bậc Tiểu Học cũng phải là người tốt nghiệp ngành Sư Phạm bậc Đại học, kể từ năm 1973, trình độ dự tuyển của học sinh cũng được nâng lên là phải có Bằng Tú Tài Phần II, học 2 năm chuẩn bị cho bước đầu đổi tên trường là Cao Đẳng Sư Phạm. Không chỉ cung cấp cho bậc Tiểu Học toàn Miền Nam nhiều Giáo Viên giỏi, Trường Sư Phạm Sài Gòn còn cung cấp cho bậc Trung học nhiều Giáo Viên ưu tú, vì đa số Giáo Sinh sau khi tốt nghiệp đi dạy học vẫn phấn đấu học thêm ở các Trường Đại Học Luật Khoa, Văn Khoa, Khoa Học… Tính chung từ năm 1962 đến năm 1975 Trường Sư Phạm Saigon đào tạo tất cả 13 Khóa. Sau Tháng 4-1975 Giáo Sinh tốt nghiệp vẫn được tiếp tục nhiệm vụ giảng dạy sau khi đã qua khóa bồi dưỡng nghiệp vụ và chính trị. Kinh qua những năm học dưới mái Trường Sư Phạm Sài Gòn, cùng với những khóa bồi dưỡng ngắn hạn về chính trị, nghiệp vụ…Các Giáo Viên giờ đây đã trưởng thành trong vai trò chủ chốt của ngành giáo dục là Giáo Viên dạy gỏi, Nhà Giáo ưu tú…và thành công trong vai trò cấp lảnh đạo của nganh Giáo Dục Quận, Huyện, Tỉnh, Thành…

( Nguồn : Thầy Nguyễn Duy Linh.) 4


Nói đến Khóa 8 Sư Phạm Sài Gòn, chúng ta phải nhắc tới một điều rất đặc biệt là: “ KHÓA ĐẦU TIÊN NAM VÀ NỮ HỌC CHUNG LỚP ”. Vì lý do đó khóa 8 Sư Phạm Sài Gòn của chúng ta đã lập kỷ lục về “ CỘNG CHỈ SỐ ”, hơn 30 CẶP.

Khóa 8 nhập học vào tháng 9 năm 1969 và ra trường ngày 17 tháng 9 năm 1971. Khóa 8 có hơn 500 giáo sinh, được chia thành 11 lớp mà tên gọi là Nhất và Nhị niên. Ngày 9 tháng 6 năm 1971 tất cả đã dự thi tốt nghiệp. Sau đó kết qủa công bố là có 477 giáo sinh được tốt nghiệp. Ngày 17 tháng 9 năm 1971, các bạn đã dự Lễ Tốt nghiệp và chọn nhiệm sở. Từ đó đến nay, 40 năm trôi qua, có bạn đã sớm rời xa bục giảng nhưng cũng có nhiều bạn vẫn còn gắn bó với nghiệp “ BẢNG ĐEN , PHẤN TRẮNG ” .

Và Khóa 9 Sư Phạm Sài Gòn là khóa duy nhất “ ĐƯỢC CHỌN NHIỆM SỞ TRƯỚC KHI VÀO HỌC ”, nghĩa là bạn nào muốn dạy tại Tỉnh nào thì nộp đơn tại Ty Tiểu Học Tỉnh đó, sau khi được chọn, các bạn được gửi về học tại Trường Sư Phạm Sài Gòn, và sau 2 năm học tập rồi tốt nghiệp thì các bạn sẽ trở về đơn vị gốc là Ty Tiểu Học Tỉnh mà các bạn đã chọn và được chấp thuận. Sau Ngày 30-4-1975 toàn bộ Giáo Sinh Khóa 12 và Khóa 13 được tập trung bồi dưỡng chính trị đến tháng 9-1975 được phân bổ nhiệm sở về các tỉnh từ Thuận Hải đến Cà Mau. Kể từ đó tên gọi “ TRƯỜNG SƯ PHẠM SAIGON “ chỉ còn là kỷ niệm trong ký ức của nhiều thế hệ Thầy Cô giáo

Đào Văn Đắc. Nhị 3.

5


TRƯỜNG SƯ PHẠM VÀ CA DAO. Nguyễn Hữu Phước. Dân Đồng Nai Cửu Long sống nhờ cá tôm trong các sông rạch. Do đó họ mượn tên cá tôm để “ nhập đề ” cho sự diễn tả tâm tình, hay đời sống hằng ngày. Canh bầu nấu với cá trê, Chồng ăn một miếng chồng mê tới già Cá bống đi tu, cá thu nó khóc, cá lóc nó rầu. Phải chi ngoài biển có cầu, Anh ra ngoài đó giải sầu cho em. Cá kèo mà gặp mắm tươi, Như nơi đất khách gặp người cố tri. Dưa leo ăn với cá kèo* Chỉ con nhà nghèo mới học Nọt man** Hai câu chót là đề tài của bài này. Cũng như hầu hết những câu ca dao khác, câu đầu ( dưa leo và cá kèo, chỉ là câu mượn để đi vào câu chánh ( nhà nghèo nên mới đi học Trường Sư phạm ) . Dùng con cá kèo để có vần “ nghèo ” cho ăn với câu sau. Trong thực tế, món cá kèo kho tiêu và dưa leo là một món rất ngon, nhứt là ăn với cơm nguội. *Cá kèo: Một loại cá bống, bằng ngón tay trỏ, sống trong sông rạch đồng bằng Đồng Nai - Cửu Long. “ Cá kèo kho tộ ”, và “ lẩu cá kèo ” hiện là hai món “ đặc sản ” trong các tiệm ăn ở Sài Gòn. ( Thầy Phạm Vũ Hòa Khóa 9 còn nhắc cho tôi là ngày xưa, đi xem hát, ngồi “ hạng cá kèo ” là ngồi hạng chót. Thầy Hòa cũng đề nghị viết “ Noọc man ” = normal. Cảm ơn thầy Hòa đã hiệu đính chính tả bài nầy. ) **Nọt ( Noọc ) man: Do chữ École Normal = Trường Sư Phạm. Tất cả những học viên của trường “ Normal ” đều có học bổng tuy ít nhưng cũng sống tạm theo mức sống của thuở ấy, không phải trông cậy vào sự giúp đỡ của cha mẹ. ( Con nhà khá giả thường học các trường chuyên nghiệp khác ). Chú thích: Tất cả những gì ghi tiếp theo đây về các trường Sư Phạm ( đào tạo giáo chức tiểu học, là ghi theo trí nhớ. Nhưng trí nhớ giờ đây, ở tuổi 70 ngoài, hơi “ thiếu kỷ luật ” , và dù không thiếu kỷ luật, thì những mốc thời gian, có thể nhớ sai, sau hơn 35 năm rời ngành huấn luyện giáo chức. Do đó xin quý vị chỉ dẫn, bổ túc thêm dùm những chỗ sai. Muôn vàn cảm tạ. ( Cảm ơn thầy Hòa đã hiệu đính chính tả bài này ). Khoảng 1950 do nhu cầu giáo chức bậc Tiểu học ( lúc đó các lớp tiểu học có tên là Lớp Năm = lớp 1 ngày nay, Lớp tư, Lớp Ba, Lớp Nhì và Lớp Nhất = lớp 5 ngày nay, gia tăng, Trường Sư Phạm Nam Việt được thành lập. Khóa cấp tốc đầu tiên khai giảng vào tháng 9, 1950. Một số tốt nghiệp khóa này mà tôi có may mắn được quen biết là các “ Thầy ” Huỳnh Hữu Hồng, Thầy Mã Tắc, v.v. và các Cô Trương Thị Tài, Cô Nguyễn thị Danh ( xin lỗi nếu tôi viết sai tên ). Vị Hiệu Trưởng đầu tiên của trường Sư Phạm Nam Việt là Thầy Hồ Văn Huyên. Nghe Thầy Huyên thuật “ chuyện đời xưa ” khi tôi về phục vụ ở Sư Phạm Sài Gòn vào tháng 2, 1969, thì lúc mới mở trường Sư Phạm Nam Việt, có 4 giáo sư cột trụ của trường lúc đó là Thầy Huỳnh Văn Hai, Chu Văn Dưỡng, Trương Hữu Tước, và Nguyễn Văn Thơ. Đa số ban giảng huấn là giáo sư thỉnh giảng từ các trường trung học quanh Sài Gòn như Pétrus Ký, Gia Long và một số giáo sư làm việc tại các Nha, Sở thuộc Bộ Giáo Dục. 6


Lúc đầu, Trường Sư Phạm Nam Việt mượn phòng ốc của trường Cao Thắng, sau vài năm dời về cơ sở gần Thảo Cầm Viên (mà sau này là trường Võ Trường Toản/Trưng Vương). Vào khoảng 1955 , trường mở lớp huấn luyện cho những học viên có bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp hay tương đương và học trình là 3 năm. Khoá tốt nghiệp này tôi biết vài người như các Thầy Dương Ngọc Sum (sau này là giáo sư Petrus Ký và Thanh Tra ở Bộ Giáo Dục), Thầy Trần Công Bằng ( sau này là Trung Tá Thủy Quân Lục Chiến). Khoảng năm 1958, cơ sở ở đường Thành Thái hoàn tất (do công lao của Thầy Hồ Văn Huyên, làm việc với phái đoàn giáo dục cố vấn Hoa Kỳ) trường dời về cơ sở mới này, với một trường Sư Phạm Thực Hành. Cả hai cơ sở đều nằm trên một phần đất của khu vực thuộc Trung Học Petrus Ký. Khi dời về đường Thành Thái, trường mang tên là Trường Quốc Gia Sư Pham ( vì toàn cõi Việt Nam chỉ có một trường Sư Phạm nầy mà thôi ). Sau cùng khoảng năm 1962 Trường Quốc Gia Sư Phạm đổi thành Trường Sư Phạm Sài Gòn, vì Việt Nam còn có thêm các trường Sư Phạm khác ở Qui Nhơn ( 1962 ), Vĩnh Long và Ban Mê Thuột ( 1964 ). Kể từ năm 1962, với mục tiêu nâng cao trình độ học vấn và lương bổng của giáo chức tiểu học, Trường Sư Phạm Sài Gòn, và Qui Nhơn, mở khóa huấn luyện “ Giáo Học Cấp Bổ Túc ” (Tú Tài I + 2 năm huấn luyện). Năm sau Trường Sư Phạm Vĩnh Long nối gót. Năm 1969 có thêm các trường Sư Phạm ở Huế, Định Tường, Long Xuyên. Năm sau, 1970 có thêm trường Sư Phạm ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Phước Tuy, Nha Trang, và Đà Lạt. Đến năm 1975, do nhu cầu giáo chức tiểu học gia tăng, Việt Nam có tất cả 16 trường Sư Phạm đào tạo giáo chức Tiểu Học. ( một lần nữa, trí tôi nhớ là con số 16 trường Sư Phạm, nhưng cố moi trí mãi mà vẫn không tìm ra tên của bốn trường, ngoài tên 12 trường đã ghi bên trên ). Ngoài ra ở Sài gòn còn có một Trung Tâm Tu Nghiệp Giáo Chức Tiểu Học, mượn một phần của Trường Sư Phạm Sài Gòn làm Trung Tâm. Vì có cơ sở chung trong một khu vực, để tiện việc quản trị, Bộ Giáo dục giao phó cho vị Hiệu Trưởng Trường Sư Phạm Sài Gòn kiêm nhiệm luôn chức vụ Giám Đốc Trung Tâm Tu Nghiệp. Tuy rằng, nhà nghèo mới đi học “ Noọt Man ” nhưng các giáo chức tốt nghiệp ở các trường Sư Phạm Tiểu Học đã góp phần quan trọng nhất trong việc đào tạo các con em Việt Nam trở thành những công dân tốt. Họ là những kỹ sư tâm hồn, có mặt trên tất cả các nẻo đường đất nước, từ thành thị đến thôn quê xa xôi, hẻo lánh, mà mọi gia đình có con em đến trường đều mang ơn họ. Dưa leo ăn với cá kèo Chỉ con nhà nghèo mới học Nọt man

TRAO NHAU. Người xưa thường nói : “Trí giả nhạc thủy, nhân giả nhạc sơn ” ( người trí thức vui với cảnh sông suối, người có lòng yêu thương con người thì vui với cảnh núi rừng ). Người ta thường làm hòn non bộ trong sân vườn chắc là vì thế. Nay chúng ta đã ở tuổi làm Ông làm Bà hết rồi. Người có tuổi thường lặng lẽ, sống với hiện thực mà lòng hay nghĩ lại việc đã qua. Kỷ niệm cũ, bạn bè xưa, tấm lòng yêu mến nhau thường hiện về với biết bao tình cảm… Lại có câu “ Quân tử chi giao đạm nhược thủy ” ( mối giao hảo của người quân tử thì lãnh đạm như nước lã ). Rõ ràng cổ nhân đã lấy nước để mô tả tính cách của người trí thức, mặt khác để giải thích cái sâu lắng, đậm đà, thành thực của “ quan hệ giữa người và người ” trong xã hội, những người được gọi là “ kẻ sĩ ” . Khi tôi chân ướt chân ráo bước vào Đại học Văn khoa Sài Gòn ( 1957 ), Thầy tôi là Linh Mục Bửu Dưỡng dạy chúng tôi bài học đầu tiên. Thầy hỏi : “ Triết học là gì ? bọn chúng tôi im như thóc. Thầy trả lời câu hỏi đó : “ Triết học là môn học nghiên cứu về người đời và đời người. ” Người đời và đời người. Biết bao giờ tôi mới hiểu thấu đáo ? ( nay người ta nói là “ quán triệt ” ). Tự cho bản thân là kẻ khờ dại, nhưng tôi trộm nghĩ rằng vượt lên trên, bao trùm cõi nhân gian này ( người đời và đời người ) là tâm tình của con người chúng ta… Bao năm tháng đã qua đi. Bao biến cố đã xảy ra. Chúng ta kẻ còn, người mất. Ở trong nước hay ở nước ngoài… Nhưng chúng ta biết rất rõ là chúng ta vẫn vậy. Vẫn vậy nhé !!!

Mùa Soccer World cup 2010. ĐOÀN VIẾT BỬU. 7


VỀ KHÓA 8. Nói đến Khóa 8 là nói đến tinh thần đoàn kết nhất hô bá ứng, sự khắng khít hòa đồng không tính toán so đo, sẵn sàng chia sẻ khó khăn không phải chỉ riêng trong một lớp, cũng không chỉ đóng khung trong Khóa của mình mà còn chan hòa tới tất cả các bạn đồng môn và lan tỏa tới các đồng nghiệp cùng công tác trong một địa phương. Tôi không hề nhìn thấy dấu hiệu nào của sự phân hóa hay cục bộ nơi Khóa 8. Khóa 8 có các cuộc họp mặt hàng năm cũng tấp nập đông vui không thua gì các Khóa đàn anh giàu truyền thống. Họ cũng là hạt nhân trong các kỳ họp mặt của các Giáo chức tại Tỉnh Bình Long mà chính họ đề xướng và cố gắng duy trì. Từ khi các cuộc họp mặt truyền thống hàng năm của Gia Đình Sư Phạm do

các Khóa đăng cai đảm nhiệm thì Khóa 8 luôn là nòng cốt trong các tập thể gắn kết góp phần quan trọng nhất cho việc tổ chức được thành công. Họ cũng đóng góp cho Ban Đại Diện những thành viên ưu tú, luôn quan tâm giúp đỡ mọi người trong hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, bệnh hoạn…Kỷ niệm của tôi với Khóa 8 khá nhiều. Có thể thuật lại đây một câu nói, mà tôi cho là rất thú vị không thể nào quên của một bạn Khóa này, cũng là một giáo viên dạy giỏi của thành phố. “ Trường Sư Phạm Sài Gòn, với chúng em, cũng giống như thánh đường của người hồi giáo ”. Câu nói cho thấy vừa là tình cảm, vừa là mối tự hào. Các Thầy Cô từng làm việc và gắn bó với trường này hẳn sẽ rất vui và cảm động vì cách đánh giá của học trò mình như thế.

NGUYỄN DUY LINH.

VỀ TRƯỜNG SƯ PHẠM SÀIGÒN. Sau khi tốt nghiệp lớp đào tạo “ Giáo sư Sư Phạm” vào năm 1968 ( sau Đại học ) tại Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, do Đại học Ohio ( Hoa Kỳ ) tài trợ tổ chức, tôi được bổ nhiệm về Trường Sư Phạm Sài Gòn. Trường Sư Phạm Sài Gòn tọa lạc tại đường Thành Thái ( hiện nay là đường An Dương Vương ). Sau năm 1975, Trường Sư Phạm Sài Gòn đã trở thành cơ sở của Trường Đại Học Sư Phạm TP HCM. Trường Sư Phạm Sài Gòn chuyên đào tạo giáo viên Tiểu học. Những năm đầu thành lập, Trường thi tuyển học sinh có bằng Trung học đệ nhất cấp, thời gian học là 3 năm. Khoảng năm 1961,1962, Trường thi tuyển học sinh có bằng Tú tài 1 trở lên, thời gian đào tạo là 2 năm. Đa số giáo sinh Sư Phạm Sài Gòn đều có bằng Tú tài 2 và đang theo học các Trường Đại học Văn Khoa, Đại học Luật, Đại hoc Khoa Học. Sở dĩ các em nam chọn thi vào các Trường Sư Phạm vì đồng lương tương đối cao so với Trường cùng cấp, nhưng mục đích chính là để trốn quân dịch. Dĩ nhiên cũng có nhiều em chọn Trường Sư phạm vì yêu thích nghề “ gõ đầu trẻ ”, vì ảnh hưởng nghề nghiệp của gia đình. Tuy nhiên vì bất cứ lý do gì, sau thời gian tiếp cận với giáo sinh, tôi nhận thấy các em hòa nhập nhanh chóng môi trường sư phạm, tỏ ra yêu thích gắn bó với nghề Thầy và tác phong, ngôn ngữ mẫu mực của một Nhà giáo tương lai. Trường Sư Phạm Sài Gòn có những môn học phù hợp với nhiệm vụ chức năng của Nhà giáo vừa là người Thầy đối với học sinh, vừa là Người tư vấn đáng tin cậy đối với người dân trong cộng đồng nơi Trường tọa lạc vì Trường là Trung tâm văn hóa của cộng đồng. Đó là các môn Quản trị học đường, Giáo dục cộng đồng, Giáo dục y tế, Luân lý chức nghiệp, Canh nông, Mộc, Thủ công, Điện, Nhiếp ảnh, Họa…ngoài các bộ môn văn hóa để giảng dạy các học sinh Tiểu học trên lớp. Do đó, giáo viên xuất thân từ Trường Sư Phạm Sài Gòn tháo vát trong công việc, vững tay nghề, giao tế tốt với cộng đồng. Khi ra trường các em có thể nhận nhiệm vụ từ Giáo viên đứng lớp đến chức vụ Hiệu Trưởng mà không phải qua Trường đào tạo cán bộ quản lý như hiện nay. Có lẽ các em Cựu Giáo sinh Khóa 8 và các Khóa khác không thể quên được quý Thầy Cô đã tận tụy truyền nghề cho các em, có thể vinh danh các vị là những Lương sư như Thầy Trần Văn Quế, Nguyễn Đình Phú, Nguyễn Gia Tường, Hồ Văn Huyên, Hoàng Trần Hoạch, Doãn Quốc Sĩ, Phan 8


Hữu Niệm, Bùi Quang Kim, Nguyễn Duy Linh, Đoàn Viết Bửu, Trần Thế Uy, Nguyễn Văn Thương, Tôn Thất Trung Nghĩa, Trần Thanh Thanh, Nguyễn Văn Lượm, Lê Thị Thu Thủy, Lưu Thị Kim Vân v…v…Nhiều Giáo sư đã tạ thế do tuổi cao nhưng đã để lại cho đời nhiều lớp giáo viên giỏi có tâm, có đức tiếp bước các Thầy. Sau ngày thống nhất đất nước, nhiều Giáo sinh Sư Phạm Sài Gòn đã có nhiều đóng góp cho Gia Đình Sư Phạm nói chung và Khóa 8 nói riêng như Vũ Cao Biền, Vũ Khắc Long, Trần Quang Dũng, Đào Văn Đắc…và nhiều Giáo sinh có địa vị trong lãnh vực giáo dục, hành chính v…v…, như Nguyễn Văn Hiến ( Giám đốc Sở Giáo Dục Bình Thuận ), Phan Châu Phi ( Giám Đốc Sở Giáo Dục Bà Rịa-Vũng Tàu ), Võ Hiền Phương ( Giám Đốc Sở Giáo Dục Tây Ninh ), Hồ Hoàng Minh ( Hiệu trưởng Trường Trung Học Phổ Thông chuyên Thể Dục Thể Thao Nguyễn Thi Định Thành phố Hồ Chí Minh ), Nguyễn Tá Quốc ( Hiệu Trưởng Trường Trung Học Thực Hành Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh ), Phan Hiếu Sinh ( Hiệu Trưởng Trường Trung Học Phổ Thông Phú Hòa, Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh ), Nguyễn Khải Hoàn ( Trưởng Ban Tôn Giáo Tỉnh Bình Dương ), Phan Văn Cheo ( Trưởng phòng Công chứng số 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Hồ Minh Đức ( Nghệ sĩ ưu tú, Phó phòng Thời sự Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh ) v…v… Do hoàn cảnh, nhiều bạn cựu giáo sinh Sư Phạm Sài Gòn định cư ở nước ngoài đều đã thành đạt trong cuộc sống, vẫn luôn nhớ Thầy Cô, bạn đồng học của Trường xưa. Các em có dịp thỉnh thoảng quay về mái nhà xưa, quây quần bên Thầy Cô và bạn cũ. Nhìn lại Thầy tóc nay đã bạc cả mái đầu, còn trò thì muối nhiều hơn tiêu nhưng chúng ta ai cũng thấy như trẻ lại, cảm thấy hạnh phúc vì nhiều thế hệ cùng qui tụ về một đại gia đình : “ Gia đình Sư Phạm Sài gòn ”. HUỲNH VĂN NGÔN.

VỀ ĐẶC SAN KHÓA 8 SPSG. KỶ NIỆM “40 NĂM TUỔI NGHỀ”. “ Nhất thiết chư pháp giai tòng tâm sinh ” ( Thiền sư VÔ NGÔN THÔNG ) “ tất cả các pháp đều tứ cái tâm ”

Bén duyên với Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn một thời gian tuy ngắn ngủi cũng đủ để hiểu đuợc rằng duy trì các hoạt động thuờng xuyên của Gia Đình Sư Phạm đòi hỏi một khối lượng công sức không nhỏ. Qua 14 lần họp mặt hàng năm, ban điều hành Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn gồm đủ đại diện của 13 khóa Sư Phạm hiện do Khóa 8 làm Truởng ban – đã hoàn thành công việc của mình một cách tuyệt vời. Anh chị em đã bỏ nhiều tâm trí, nhất là cái tâm - vào công

việc chung, dù tuổi tác và sức lực - ở cái tuổi trên 60 – đã không còn “ phơi phới ” như những ngày xưa cũ nữa… Xin đuợc chúc mừng toàn ban điều hành và hy vọng cái “ Tâm trong sáng “ đối với Sư Phạm của Anh Chị Em mãi mãi “sáng trong” trong tim mỗi thành viên của Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn chúng ta. Saigon 2010.

TÔ MINH TÍN.

9


Trích từ tuyển tập : “ Những thơ tình trong ngăn cặp ” Đinh Thị Thu Vân.

Rồi sẽ có một ngày cùng nhau ta ngoái lại, Bạn bè ơi khi đó có còn nhau? Cơn lốc đời đưa đẩy bạn về đâu? Ta ngoái lại tìm nhau e mất dấu.

Tha thứ nhé bạn ơi ngày càng đắng Ta quẩn quanh nuôi giữ xót xa mình Tha thứ nhé những niềm vui không vóc dáng Thuở yêu mê bè bạn khuất xa dần.

Ta ngoái lại tìm nhau mong ẩn náu, Góc bạn bè yên ấm cảm thông ơi Ta ngoái lại rụng rời đôi cánh mỏi Góc bạn bè tin cậy bớt chơi vơi.

Rồi sẽ có ngày, sau những tháng ngày dâu bể, Chúng mình cùng ngoái lại tìm nhau Ta nói yêu thương khi tóc đã đổi thay màu Bàn tay héo cầm lâu cho ấm mãi.

Ta ngoái lại tìm nhau đừng sòi đá, Đừng dập vùi chi nữa trái tim hoang Thôi đừng nhớ, đừng quên, đừng xa vắng Xin một lần tha thứ thưở đi hoang.

Trái tim héo, nụ cười xưa dẫu héo, Chỉ xin đừng tàn lụi chút niềm tin Dẫu mong manh vụn vỡ chẳng nguyên lành Xin hãy có một ngày nhen nhúm lại.

Tôi bước vào nghề khi tuổi đời vừa tròn đôi mươi. So với thế hệ hôm nay, có lẽ ngày ấy tôi đã qúa già so với tuổi ? Mới hôm qua còn là cậu Giáo sinh, sau một đêm sau ngày ra trường, tôi đã trở thành “Thầy “. Tự nhiên tôi thấy mình lớn lên hẳn. Về địa phương, nghe tin có Thầy giáo mới, ông Xã trưởng, ông Ấp trưởng một điều “ Thầy ” hai điều “ Thầy ” với lòng tôn trọng thật sự. Chưa nói đến học trò, phụ huynh thưa “ Thầy ” xưng “ con ” ngọt sớt khiến tôi tự ngượng với chính mình. Một chàng trai 20 mà lại là Thầy ư ! Thì ra đó là thiên chức của nhà giáo. Nhà giáo trong xã hội Á Đông vốn có truyền thống “ Tôn sư trọng đạo ”. Câu nói ấy hơn chục năm nay mới lại xuất hiện sau một thời gian bị coi là sản phẩm của nền giáo dục phong kiến lạc hậu. Đã có lúc người ta muốn lọai bỏ “ Vạn thế sư biểu Khổng Tử ” vì cho là ông cổ võ cho một xã hội chống lại nền dân chủ nhân dân khi ông đề ra chủ trương “ Trung với Vua ” và thứ bậc trong xã hội thời của ông là “ Quân, Sư, Phụ ”, nghĩa là coi trọng Vua Quan triều đình hơn Thầy giáo, Cha Mẹ, trái với thời đại hôm nay. Nhưng của đáng tội, thời của ông như vậy là tiến bộ lắm rồi. Nói dài dòng để trở lại vấn đề ở đây là cần xây dựng một nền giáo dục Việt Nam hôm nay Nhân bản, Hiện đại, cho mọi người và vì mọi người. Một nền giáo dục nhân bản nhất thiết phải có mối quan hệ con người hài hòa, có tình thương yêu bình đẳng lẫn nhau giữa các chủ thể tham dự ( Thầy, trò và những bạn đồng học ) và mỗi người đều được trang bị cả về kiến thức lẫn tinh thần để có thể tự giải phóng mình ra khỏi những mối ràng buộc do thực tế của đời sống đưa lại, khiến đôi khi “ mình không còn là mình ” nữa và mất hoàn toàn các khả năng lựa chọn. Một nền giáo dục nhân bản cũng có nghĩa là dạy cho học sinh ngay từ tuổi mẫu giáo lòng bao dung và ý thức muốn giúp đỡ người khác, thông cảm với những hoàn cảnh bất hạnh, biết yêu thiên nhiên cây cỏ, cầm thú. Biết lấy niềm vui của người khác làm niềm vui của mình, nỗi đau của người là nỗi đau của mình, từ đó mà có cách ứng xử thích hợp trong mỗi hoàn cảnh sống và làm việc, hướng tới tinh thần phục vụ vì nhân quyền xã hội chứ không chỉ bo bo ích kỉ muốn lợi cho mình mà hại người. Muốn được như vậy thì người Thầy phải được giáo dục nhân bản để truyền lại cho học sinh của mình. Chương trình, sách giáo khoa phải “ Văn dĩ tải đạo ” ( Đạo ở đây là đạo làm người ), ngoài việc cung cấp các tri thức khoa học, những thành tựu của nền văn minh nhân loại và ứng dụng được vào đời sống hầu phát triển con người toàn diện. Nhớ những ngày còn học dưới mái 10


trường Sư Phạm Saigon, chúng ta có môn “ Luân lý chức nghiệp ”, tôi được thầy Bùi Quang Kim giảng dạy. Vào lớp, những ngày cuối thu, thầy luôn luôn mặc áo vest , chân đi giày đen. Những ngày nắng nóng, áo sơ mi dài tay, thắt Cravate, tay xách cặp, dáng đi khoan thai, nghiêm nghị. Thầy dạy chúng tôi cách ăn nói, cách trình bày với người trên, cách xưng hô với học sinh, phụ huynh. Thầy dạy phải tôn trọng, thân mật gần gũi với đồng nghiệp. Thầy chỉ cho cách giao tiếp khi về trường, tạo mối quan hệ với địa phương, với nhân dân nơi mình giàng dạy, sinh sống. Thầy còn dạy phải ăn mặc thế nào cho “ Y phục xứng kỳ đức ”, tùy hoàn cảnh, tùy nơi ở mà xử trí nhưng nhất thiết không được bê bối, lè phè như áo bỏ ngoài quần đi dép lê với Thầy giào hay đầu tóc không chải, áo quần không ủi, mặc đồ bộ vào trường đối với Cô gíáo. Những điều tưởng rất tầm thường cỏn con ấy đã tạo ra một lớp nhà giáo mẫu mực. Nền giáo dục nhân bản hình thành trong con người giáo sinh từ đó. Rồi cách trao đổi, dặn dò học trò, dạy học trò chào hỏi : đứng dậy khi Thầy Cô vào lớp, đứng nghiêm chào Thầy Cô khi hết giờ học, đợi Thầy Cô ra khỏi lớp mới tuần tự ra về. Gặp người trên phải cúi đầu chào, Thầy Cô hỏi phải dạ thưa. Đi học phải thưa Cha Mẹ hay người lớn, về đến nhà phải trình . . . Những điều ấy có lạc hậu so với thời đại hôm nay? không rõ có còn môn học ấy hay những nội dung ấy ở các Trường Sư phạm hôm nay ? Chúng ta còn được học môn “ Quản trị học đường ” , “ Thanh tra học đường ” , “ Giáo dục cộng đồng ”.. . Học về vai trò vị trí người Hiệu trưởng, phó Hiệu trưởng, Tổ trưởng dù không phài để trở thành Hiệu trưởng mà học để biết vị trí của mình sau này khi ra trường phải làm việc ra sao … Được hiểu thế nào là tập sự, lên hạng, nâng ngạch, nâng bậc mà phấn đấu. Ngoài việc giáo dục tại nhà trường thì người giáo viên còn phải biết mối quan hệ giữa nhà trường với nhân dân trong vùng, với địa phương như thế nào để “ Trường ra trường - Lớp ra lớp ”, “ Thầy ra Thầy – Trò ra trò ”, chính vì thế người giáo viên tương lai thấm đẫm lòng nhân ái, nghĩa đồng bào khi thực thi nhiệm vụ của mình . . . Cộng với chương trình giáo dục về văn chương Việt Nam, lịch sử, địa lý nước nhà, các môn vệ sinh, công dân, đức dục mà nội dung từ những điều các em gặp ngay trong gia đình, thôn xóm, làng xã rộng ra là cả xã hội để học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, từ lớp 6 đến hết trung học được rèn luyện theo trình độ lứa tuổi của mình . Có như thế nền giáo dục của chúng ta mới đào tạo ra những con người có lòng nhân. Nhân là người mà Nhân cũng là lòng nhân ái. Nền giáo dục nhân bản không coi nhẹ tri thức nhưng không coi tri thức là mục tiêu hay cứu cánh tối hậu mà chỉ coi đó là phương tiện bắt buộc. Sự truyền thụ tri thức cũng phải nhắm tới nâng cao cuộc sống của con người, phục vụ cho con người cả tinh thần lẫn vật chất. Mạnh Tử đã từng nói : “ Cái đạo của học vấn không có gì khác, chỉ là để tìm lại cái lòng của con người đã bị đánh mất, bị tha hóa đi mà thôi ”. Cái “ LÒNG ” ấy chính là “ Nhân bản ” vậy .

Đỗ Công Minh . Nhị 2.

11


Nhân dịp Khóa 8 in Kỷ yếu kỷ niệm 40 năm tốt nghiệp của mình, tôi xin gửi bài này tôi viết cách đây đã 8 năm để cùng các bạn ôn lại nhưng kỷ niệm vui vui về một Ông Thầy cũ, một trong những cây đại thụ của Trường Sư Phạm Sài Gòn nay sắp bước chân vào lớp tuổi 90, mà nhiều người trong chúng ta đều yêu mến và kính trọng : “ ÔNG VĂN CHƯƠNG NHI ĐỒNG. ” Chúng tôi thường thân mật gọi Anh như thế vì đây chính là bộ môn giảng dạy mà Anh phụ trách và được nhiều giáo sinh yêu thích ở Trường Sư Phạm Sài Gòn. Tôi được gặp Anh lần đầu khoảng đầu thập niên 1960 trong Lễ khai giảng năm học khi cùng được giới thiệu với các giáo sinh trong thành phần Ban Giảng Huấn. Trước đó Anh làm việc tại Hà Tiên và đã thành danh với những truyện ngắn đăng trong tạp chí “ Sáng Tạo ” trong đó có truyện “ Chiếc chiếu hoa cạp điều ” được rất nhiều người hâm mộ. Cảm nghĩ ban đầu của tôi về Anh là : “ Ông này có vẻ nhà giáo hơn nhà văn ”, từ y phục đến cử chỉ hay lời nói tuyệt nhiên không một chút kiêu mạn hay kiểu cách, cố làm ra vẻ khác người ở những vị đã có đôi chút tiếng tăm. Sau này dự các buổi nói chuyện về văn học của Anh tại giảng đường Trường Sư Phạm hay tình cờ đi qua lớp Anh đang dạy, trong tôi lại nảy ra ý nghĩ: “ Ông này nhà văn hơn nhà giáo ”. Anh không có lối diễn tả hùng hồn hay tỏ ra uyên bác song có một sức cuốn hút riêng bằng một phong thái khoan thai, chậm rãi, nhẹ nhàng, thân mật và dí dỏm tựa hồ như đang kể chuyện, dẫn dắt cử tọa đi vào chiều sâu của vấn đề. Cặp mắt lim dim sau làn kính trắng, ngó đăm đăm vào khoảng không trước mặt như đang đắm chìm trong một cõi hư vô nào đó, như thể Anh đangnói cho chính mình nghe, không để ý đến ai. Với các giáo sinh thì không lúc nào thuận tiện hơn để chuồn ra khỏi lớp, để quần thảo trên sân bóng, nhâm nhi một tách cà phê hay vù tới một phân khoa đại học nào đó lấy “ cours ”. Song trong thực tế, chỉ rất ít em làm vậy. Anh thường trầm ngâm, ít nói, chỉ đưa ý kiến khi có người hỏi đến, có lẽ là để tránh những cuộc bàn luận dông dài vô bổ. Tuy nhiên Anh không phải dạng người lạnh lùng khép kín. Anh dung hòa được các ưu điểm của cả nhà giáo lẫn nhà văn : thận trọng mà tinh tế, nghiêm túc nhưng khoáng đạt. Từ

ngày quen Anh tới bây giờ, trên dưới 40 năm, tôi chưa từng thấy Anh to tiếng hay giận dữ với ai cũng như bình phẩm một người không có mặt. Với Anh, vật chất dường như chỉ là phương tiện, có cũng tốt, mà không có cũng chẳng sao. Còn thì dùng, mất thì thôi, có tiếc cũng chẳng tìm lại được. Anh thường đến Trường bằng chiếc ô tô hiệu DAIHATSU, loại gia dụng chở được nhiều người. Khi cả nhà cùng đi, Anh Chị ngồi phía trước, các con ( 4 trai, 4 gái ) chia nhau hai băng phía đằng sau. Một hôm, thấy Anh đi bộ tới, tôi buột miệng hỏi: “ xe của Anh đâu? ” , “ Mất rồi ! ” không tin ở tai mình, tôi hỏi lại : “ Mất !!! ” Anh trả lời giọng hững hờ cứ như để quên đâu đó một đồ vật rẻ tiền : “ Vâng, mất rồi anh ạ ! ” ít ngày sau anh đi lại bằng một chiếc xe Vespa kiểu cũ. “ Chú em họ cho ”, Anh nói với tôi. Chiếc xe này, nực cười thay, chỉ ít lâu sau cũng bị lấy đi song không mất. Lúc không thấy xe đâu, anh lững thững ra đường kiếm taxi thì thấy xe mình ở ngã tư gần đó, chìa khóa contact vẫn còn nguyên trong ổ, thì ra người quên không đổ xăng thêm khi đã chạy bằng bình xăng réserve. Nếu lấy đãng trí làm tiêu chuẩn xếp hạng ở trường thì ngôi quán quân dứt khoát phải về Anh. Nhà tôi, Anh có lạ gì, thỉnh thoảng cũng tạt vô mỗi khi Anh ghé chơi nhà Anh Phạm Xuân Ninh ( tức Hà Thượng Nhân) cùng ngõ và cách đó không xa. Vậy mà có lần Anh kể lại là đã loanh quanh suốt buổi sáng mà tìm không thấy. Khi biết chuyện các con của Anh bảo : “ chắc ở Trường không Bác nào biết biệt danh của Bố cháu là “ LÃNG ĐÃNG THIỀN SƯ ” Con đường văn chương anh theo đuổi đem lại cho anh không chỉ có vinh quang. Anh đã trả giá bằng 1 lần cải tạo tập trung và 1 án tù, cộng chung lại khoảng 10 - 12 năm gì đó. Dấn thân vào con đường này khác gì ngồi trên một chiếc thuyền thả trôi theo “ Dòng sông định mệnh ” sớm muộn gì cũng phải đối mặt với thác ghềnh, giông gió. Anh bình thản đón nhận những bão tố của cuộc đời mình, không hề run sợ hay khiếp nhược. Anh luôn giữ được vẻ an nhiên tự tại, không để mất thói quen thiền định hàng ngày. Nhờ vậy mà Anh không suy sụp cả về tinh thần cũng như thể chất. Đây quả là một cách “ gìn vàng giữ ngọc ” cho nhân cách của mình. Trái với nhiều người tôi gặp thường cao giọng khoe thời gian phải ngồi tù hay cải tạo, Anh không bao giờ đả động đến chuỗi ngày đen tối đã trải qua mà theo tôi có lẽ Anh đã coi 12


như hệ quả tất nhiên của những điều Anh đã viết. Mùa xuân 1995, Anh cùng Chị ra đi, định cư ở nước ngoài với sự bảo lãnh của người con trai cả. Anh Nguyễn Hải Phương đã viết thật chí lý lúc chúng tôi sắp chia tay : Đường đời thì bể thì dâu Nghiệp văn chương lắm cơ cầu văn chương Lọt lòng như đã tha hương Thì đi thêm một bước đường có sao… Và cảnh ngộ lúc sắp ra đi của anh: Phong trần đến trắng đôi tay Bảy ba lấy vạn dặm mây làm nhà… Tôi ngậm ngùi mường tượng ra cái cảnh lúc ban đầu sẽ có rất nhiều người ồn ào đón rước mong chụp ảnh với Anh, để quảng bá cho tất cả mọi người cùng biết trong hàng ngũ họ đã có Anh sát cánh để rồi cũng chính những người này sẽ mau chóng lãng quên hoặc lên án Anh khi không thấy Anh sẵn sàng đáp ứng những điều họ mong đợi. Tôi được tái ngộ cùng Anh Chị lần đầu trên đất Mỹ ngày 2 / 12 / 2000 ( nghĩa là gần 6 năm sau khi Anh Chị ra đi ) lần sau cũng tại đây ngày 29 / 1 / 2001 ( mùng 6 Tết Tân Tỵ ), trước khi tôi trở lại Việt Nam. Lại nhớ tới câu thơ Anh đọc: Gặp nhau tay bắt mặt mừng Vui thì vui vậy biết chừng nào xa. Anh vẫn vậy, không thay đổi chút nào. Vẫn cặp mắt lim dim, cái nhìn ấm áp, nụ cười cởi mở và trái tim nhân hậu, vẫn vững tin ở tương lai tươi sáng của dân tộc và kỳ vọng giới trẻ sẽ cố gắng vươn lên trong học tập để bằng người. Có điều Anh quên nhiều. Có gì lạ đâu khi đã 80 mùa xuân trôi qua trên mái tóc. Liệu có ích gì khi cứ giữ mãi trong đầu những điều cay nghiệt. Phải quên đi, để chỉ nhớ lấy những điều tốt đẹp. Trong ý nghĩ đó thì quên chính là một thứ hương thơm bắt được của Trời. “ forgive and forget ”, quên được tức là đã hoàn toàn tha thứ. Cho tới một lúc nào đó quên luôn chính bản thân mình, đạt tới chỗ “ vong ngã ” thì Anh thành Phật. .

Mùa xuân này, Nhâm Ngọ, Anh vừa chẵn 80. Nếu còn ở Việt Nam, Gia đình Sư Phạm thế nào cũng có mặt ở nhà Anh hôm mùng 2 Tết, ngày sinh nhật của Anh. Lại được xem các cháu nội, ngoại của Anh tưng bừng múa hát dưới sự điều khiển duyên dáng của Út Hương, một nét văn hóa rất đặc trưng và nhiều ấn tượng của Doãn gia. Nhìn những số báo Xuân bày bán khắp nơi trong thành phố tôi không khỏi ngậm ngùi nhớ tới những số Xuân Sư Phạm ngày nào tôi có vinh dự được cùng Anh hướng dẫn khối báo chí của trường từ Khóa 3 ( 1964 – 1966 ) trở đi. Cả trường hân hoan đón nhận những đứa con tinh thần còn thơm mùi giấy mới và tươi rói mực in được trình bày trang trọng với một nội dung lành mạnh và phong phú xung quanh 3 chủ điểm : văn hóa, giáo dục và sư phạm quy tụ những cây bút có triển vọng trong giới giáo sinh. Sau này, có em theo hẳn con đường văn chương và đã thành danh. Ở tuổi 80 người ta có quyền sống thanh thản với lòng mình, không cần phải bận tâm biện biệt đúng sai, hay dở, tốt xấu hay thiện ác. Kém Anh 10 tuổi, tôi còn trẻ chán nên cũng còn rất dài lời, những điều viết ra đây không tránh khỏi những chỗ chủ quan, phiến diện hay võ đoán, chưa đủ công phu hàm dưỡng để tới chỗ “ vô ngôn ” và còn luẩn quẩn với cái tôi, không dứt bỏ nổi nhiều điều ham muốn thì “ vong ngã ” làm sao được. Song có một điều tôi chắc chắn không lầm: với rất nhiều cựu Giáo sư và cựu Giáo sinh của Trường Sư Phạm Sài Gòn, Anh là một mối tự hào. Mãi mãi với riêng tôi, trong bất cứ cảnh ngộ nào, Anh vẫn là một người Anh lớn mà tôi kính trọng và yêu quý. Mong Anh Chị giữ vững sức khỏe như ngày ta tái ngộ trên đất Mỹ. ta còn luôn nhớ tới nhau, luôn nghĩ tốt về nhau thì ta sẽ có đủ túc duyên để còn được nhiều lần gặp lại. Tôi tin thế. Saigon, ngày 25 tháng 2 năm Nhâm Ngọ. NGUYỄN DUY LINH

.

Nhóm Chủ biên 13


Đâu phải là thi sĩ, Sợ không đủ ngôn từ để viết một bài thơ Nhưng tôi vẫn viết Một bài thơ Nhớ về kỷ niệm Trường Sư Phạm Sài Gòn Huy hiệu tròn em cài trên ngực áo Bên trái tim rạo rực tuổi đôi mươi Thương nét chữ nghiêng nghiêng màu mực tím mồng tơi Em viết Trên trang vở trắng Nhớ có lúc sân trường còn vương nắng

Chân em bước nhẹ,lối qua Có hàng cây lá me che mát Bốn mươi năm qua bởi nhớ câu ca ngày xưa em hát “ Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc” Mà anh vẫn mãi đi tìm “ Gió độc Gò Công “ Giờ trở lại trường xưa Hàng me lưa thưa lá Lớp lớp mái tường cao Che khuất nẻo em về. Long Thành ngày 7 tháng 5 năm 2010. BT. Lớp Nhị 4.

Kính Nhớ Hương Hồn Thầy Đặng Phúc Xuân. Tôi còn nhớ rất rõ, cách đây 40 năm đó là năm thứ 2 niên khóa 1970 – 1971 Trường Sư Phạm Sài Gòn. Giáo sư Hướng Dẫn Lớp Nhị 4 chúng tôi là Thầy Đặng Phúc Xuân. Tôi nhận ra Thầy ngay vì Thầy là một trong hai vị Giáo Sư chấm thi môn vấn đáp khi tôi thi vào trường Sư Phạm. Thầy đã cho tôi điểm số rất cao nên tôi đậu hạng 4 trên 600 giáo sinh trúng tuyển. Nhưng thời đó tôi thi vào trường Sư Phạm chẳng qua là do sự thúc ép của Cha tôi. Vì Cha tôi rất quý trọng nghề Sư Phạm và coi nghề dạy học là nghề : “ trồng cây trên bàn ” và đối với xã hội thì được mọi người yêu quý kính trọng. Riêng bản thân tôi vì sống trong thời buổi chiến tranh nên tuổi trẻ có ước vọng là xếp bút nghiên theo việc đao binh chứ đâu thích làm Ông Giáo “ gõ đầu trẻ ”. Chính vì mang trong mình mặc cảm như thế nên tôi chẳng thiết tha học hành trong suốt hai năm tại Trường Sư Phạm. Ngược lại tôi còn quậy phá vì nghĩ rằng mình không thể nào rớt tốt nghiệp được, hơn nữa tôi đã chọn nhiệm sở trước cho mình là Tỉnh Bình Long, nơi dành cho những Giáo sinh có thứ hạng thấp nhất.

Khi Thầy Xuân làm Giáo Sư Hướng Dẫn lớp tôi Thầy rất chú ý đến tôi, vì tôi là một giáo sinh khá nổi tiếng trong năm đệ nhất niên, tôi suýt bị một Giáo Sư đuổi ra khỏi trường vì những lời nói đùa cợt khiếm nhã. Tôi còn đánh một bạn giáo sinh cùng lớp ngay tại lớp hoc. Tuy thế, Thầy Xuân vẫn vui vẻ và không có thái độ phân biệt đối xử nào với tôi. Năm đó, tôi cũng trúng cử vào Ban Đại diện của Trường với chức danh Trưởng Khối Học tập. Đáng lẽ ra với chức danh này tôi phải là một người gương mẫu, nhưng tôi càng lợi dụng chức vụ này để ra khỏi lớp mà không bị điểm danh là vắng mặt vì nếu vắng mặt không phép sẽ bị trừ điểm hạnh kiểm, và vì tôi nghĩ rằng nhà trường sẽ không bao giờ đánh rớt một Trưởng Khối Học tập. Về phần Thầy Xuân, Thầy không trách cứ tôi một điều gì, Thầy còn tìm cách nhờ một bạn gái trong lớp kèm cặp tôi vào những tháng cuối trước ngày thi ra trường. Nhờ thế khi ra trường tôi cũng đạt thứ hạng khá nên đã được bổ nhiệm dạy tại Long Khánh. Tất cả những việc này, mười năm sau ngày ra 14


trường tôi biết được lòng yêu thương của Thầy do người bạn nữ được Thầy yêu thương trong lớp kể lại. Cũng qua người bạn này tôi mới biết được những hành động nông nổi của mình đã ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của Thầy và Thầy rất buồn tôi, nhưng Thầy không bao giờ phiền giận tôi. Thầy dạy chúng tôi môn “ Sư Phạm Thực Hành ” đồng thời là Giáo Sư Hướng Dẫn của lớp nên Thầy rất tận tâm trong việc giảng dạy, Thầy hướng dẫn từng ly từng tí cho các giáo sinh trong những buổi thao giảng. Năm 1985, gia đình Thầy được đi định cư ở nước ngoài, lớp chúng tôi có làm buổi lễ chia tay Thầy, trong đó có tôi, nhân dịp này tôi đã thành thật xin lỗi Thầy về những lỗi lầm ngày xưa của tôi và Thầy đã rộng lượng tha thứ cho tôi. Hai thầy trò chúng tôi đã ôm nhau khóc, trước khi chia tay Thầy nói với chúng tôi: “ Ngày hôm nay các Anh Chị đến đây tiễn Thầy, Thầy coi đây là một thành quả tốt đẹp của bao nhiêu năm dạy dỗ. Thầy sẽ khoe với các con của Thầy những bức ảnh ngày hôm nay khi Thầy bước xuống phi trường ”. Kể từ đó tôi không được gặp lại Thầy nữa. Năm 2006, được tin Thầy qua đời tại Canada. Tôi là đứa học trò đầu tiên nhận được tin buồn và tôi là người đại diện gia đình Sư Phạm đăng lời chia buồn trên đài truyền hình. Như có một linh cảm ngay hôm đó, con trai Thầy cũng đăng cáo phó nhờ thế chúng tôi mới biết được buổi lễ cầu siêu tại một ngôi Chùa trên đường Lê Văn Sỹ. Hôm đó có rất nhiều Thầy Cô và môn sinh của Thầy ở trường Sư Phạm đã đến tham dự. Đứng trước di ảnh của Thầy một lần nữa tôi xin Thầy tha thứ. Dường như Thầy mỉm cười với tôi. Rồi Lễ giỗ 100 ngày và giáp năm của Thầy, tôi cũng được gia đình của Thầy mời

tham dự. Trong những học trò dự lễ đều là những học trò ngoan của Thầy ngày xưa, có lẽ riêng tôi là học trò cá biệt. Thầy ơi ! Giờ Thầy đã đi đến một nơi rất xa có lẽ nơi đó Thầy sẽ không gặp những người học trò cá biệt quậy phá ngày xưa đã làm cho Thầy buồn lòng. Con xin hứa với Thầy những tháng ngày còn lại của đời con, sẽ sống xứng đáng là người học trò mà Thầy hằng mong mỏi. Con xin mượn mấy câu thơ của Anh Bùi Đăng Khuê như là một nén hương dâng lên hương hồn Thầy đồng thời nói lên phần nào công lao của Thầy dạy dỗ mà ngày nay đã thấm sâu vào máu thịt con .

CHO VÀ NHẬN. Thầy chẳng cho gì ngoài ánh mắt Lúc muộn phiền con chỉ thấy mây bay Thầy chẳng cho gì ngoài giọng nói Đượm tình người thành phấn trắng trên tay. Khi Thầy cho Thầy cũng không hề biết Con vô tình lúc nhận cũng chẳng hay Nhưng con hiểu Thầy đã cho tất cả Bởi lòng con bát ngát núi sông này. Vĩnh biệt người Thầy yêu của con. VŨ CAO BIỀN. Lớp Nhị 4.

Nhị 4 hạnh ngộ sau 33 năm. 15


Có bao giờ bạn tự hỏi mình đã có được bao nhiêu ngày hạnh phúc ? Và có bao giờ bạn hình dung lại chuỗi ngày đó với niềm sung sướng lâng lâng. Mấy mươi năm trôi qua trong cuộc đời tôi là mấy mươi năm mơ ước và hạnh phúc, dù cuộc đời tôi cũng có nhiều thăng trầm, gian nan vất vả nhưng trong lúc ấy tôi lại tìm được niềm vui mà tôi hằng mong đợi. Tôi đã có những năm tuổi thơ tươi đẹp trong gia đình tràn ngập tiếng cười. Tôi vẫn nghe xao động khi nhớ đến mỗi tối sau bữa cơm sum vầy, chị em tôi ngồi quây quần bên Ba tôi nghe đọc truyện hoặc lắng nghe âm thanh ngọt ngào réo rắt từ tiếng đàn của Ba tôi. Thỉnh thoảng chị em chúng tôi lại hát phụ họa theo điệu nhạc mà đến nay dư âm của nó vẫn làm tôi xao xuyến. Ba tôi, một người tài hoa, Ba vừa là Cha vừa là người Thầy của tôi. Tôi học được từ Ba sự nỗ lực không mệt mỏi. Ba tôi vẫn thường nói:”hãy vừa lòng với cái mình có, thoải mái với điều mình vừa đạt được và hạnh phúc khi đem lại niềm vui cho mọi người”. có lẽ Ba tôi hài lòng với cuộc sống của chính mình, một cuộc sống không dễ dàng với đứa trẻ mồ côi cha từ năm lên chín. Năm mười tuổi, Ba tôi đã phải đi bộ vượt hai mươi cây số lên tỉnh xin khai sanh để đi học. Có ai ngờ rằng cậu bé ốm yếu gầy gò đó đã đeo đuổi việc học tập đến cả cuộc đời mình. Ba tôi không kể cho chúng tôi thời niên thiếu của Ông. Chỉ khi về quê thăm Cô tôi, nghe Cô kể lại, tôi mới hiểu Ba tôi có ý chí và nghị lực phi thường đến nhường nào. Bà tôi chỉ có thể lo cho Ba tôi học hết tiểu học, còn lại là chuỗi ngày tự học qua sách vở. Thế mà Ba tôi đã đậu Diplôme rồi tú tài 1, tú tài 2 trước con mắt kinh ngạc của họ hàng, làng xóm. Chị em tôi suốt những năm học cấp 1, cấp 2, cấp 3 lúc nào cũng có Ba tôi bên cạnh chỉ bảo.

Ngay cả năm tôi ghi danh học đại học Văn khoa, tôi vượt qua được môn Hán văn cũng là nhờ Ba tôi dạy cho.

Ngày đó. Mỗi chiều tôi thường ngồi cạnh Ba tôi để kể cho Người nghe chuyện trường lớp, học hành. Chính Ba tôi đã truyền cho tôi tình yêu nghề nghiệp, lòng yêu trẻ. Vì thế mà tôi không ngần ngại khi nộp đơn thi vào trường Sư phạm Sài gòn sau khi tốt nghiệp tú tài Ba tôi đã bảo đây là nghề cao quý rất hợp với tôi vì tôi vốn thích sự tĩnh lặng và bình dị, lại biết khoan dung và chia sẻ. Quả thật, trải qua 35 năm dạy học, chưa bao giờ tôi nghĩ tới việc phải từ giã trường lớp. Những ngày đầu về hưu được nghỉ trước 6 tháng thật sự là những ngày khó khăn với tôi. Cái cảm giác mất mát, hụt hẫng thường xuyên làm tim tôi nhức nhối. Thỉnh thoảng tôi vẫn khát khao được đứng trên bục giảng, được trò chuyện với học trò. Thế giới học trò đã làm phong phú tâm hồn tôi. Tôi đã tìm được niềm vui và hạnh phúc từ nghề gõ đầu trẻ. Còn gì hạnh phúc hơn khi tình cờ gặp lại học trò cũ. Một chàng trai trẻ đã chạy xe theo tôi một đoạn đường từ trường đến tận nhà chỉ để gọi: “ Cô ơi! Phải Cô không ? ” cũng có lúc tôi không cầm được nước mắt khi cô học trò ngày nào đề nghị cho Cô mượn tiền mua nhà, khi thấy gia đình tôi sống chật vật trong một gian phòng tập thể ở tầng cao của một ngôi trường. Tôi cũng không quên, những ngày dạy ở Long Thành, có những đồng nghiệp yêu thương, học trò quý mến. Có lần tôi bị sốt rét đúng vào ngày cuối tuần, chỉ còn mỗi mình tôi ở lại trực trường, các học trò tôi đã tới chăm sóc cho tôi tận tình không kém gì người thân. Điều đó làm tôi cảm thấy ngọt ngào và xúc động. Cơn bệnh như một thử thách gắn bó tôi với ngôi trường nơi đây. Ngôi trường mà mỗi khi nghĩ đến đã thấy ấm lòng. Tất cả đều là kỷ niệm khó quên trong đời tôi. Giờ đây, tuổi đã về chiều nhưng tim tôi vẫn rộn rã tình yêu nồng ấm niềm vui, đậm đà nghĩa thầy trò. Và nhất là từng kỷ niệm nhỏ với học trò, mái trường mãi mãi là sức sống mạnh mẽ trong tâm hồn tôi. VIỆT TRÂM. Nhị 4.

16


Có một con số 280, một con đường mang tên Thành Thái, một ngôi Trường Sư phạm đào tạo Thầy Cô giáo, đó là nơi chúng tôi, những chàng trai, cô gái tuổi 20 cách đây 40 năm đã gắn bó nhau để hôm nay có dịp nhắc lại. Chỉ là một con đường bình thường như bao con đường khác trong thành phố, chỉ là ngôi trường đơn giản như bao ngôi trường, chỉ là những học trò vừa tốt nghiệp trung học chọn một nghề để theo học, thế nhưng những ký ức về những năm tháng đẹp đẽ đầu đời khi bắt đầu vào Trường Nghề để thành người lớn không thể không trở về mỗi năm khi đến mùa thi, mùa tuyển sinh đại học. Mỗi khi đi qua Trường Sư phạm năm xưa, tôi vẫn hình như thấy lại hình ảnh của mình, con bé 18 tuổi nhỏ xíu có 2 bím tóc, con bé tỉnh lẻ ngơ ngác giữa Sài gòn xa hoa, nhìn cuộc đời, nhìn mọi người mà không thấy ai, hàng ngày đi về giữa 2 Trường Sư phạm - Văn khoa, học để sống, sống để học. Mỗi ngày lặng lẽ vào chỗ thứ 2, bàn thứ 2, lớp nhị 7 của mình, quay cuồng với tài liệu, bài vở trong mùa thi, biết đâu được ngày sau sẽ ra sao? Tôi vẫn thường đi lang thang từ Trường Sư phạm qua Đại học Khoa học, qua Pétrus Ký, qua Sư phạm thực hành, vòng về Trường Sư phạm. Lang thang giữa dòng người qua lại và thấy mình bé nhỏ, lạc lỏng, trôi đi, trôi đi. Những Thầy Cô giáo tương lai ngày đó vào Trường Sư phạm mỗi người có một lý do, có người vì tình cờ, có người vì hoàn cảnh, có người vì nghề chọn mình. Dù xuất phát từ đâu, hai năm dưới mái Trường Sư phạm vẫn là những năm tháng đẹp đẽ của tuổi thanh xuân, mỗi khi có ai đó nhắc lại,t a vẫn hào hứng kể lại kỷ niệm như một trang cuộc đời. Cũng có người không muốn nhắc mình đã từng học Sư phạm,t ừng đi trên con đường Thành Thái, thế nhưng trong một góc nào đó của trái tim, chắc chắn không xóa được những hình ảnh của ngày xưa. Bây giờ, sau 40 năm, ta đã biết được con đường ta đi đến đâu, có người thành công, có người thất bại, có người đã bỏ nghề từ lâu. Chúng ta đã là những Ông Bà nội ngoại U 70, tóc bạc, da đồi mồi, có người đã không còn sống, có người sang nghiệp khác đã quên mất chữ nghĩa từ lâu.Ta còn lại gì? Có ai đó sẽ nói mấy ông bà già lẩm cẩm,gặp lại hay nhắc chuyện ngày xưa.Thì đã sao? Ít ra ta cũng có cái để mà nhắc, mà nhớ! Ngôi trường vẫn còn đó,cao tầng đẹp đẽ hơn,xứng tầm với những đổi thay của thành phố, con đường đã đổi tên.Thế nhưng, trong ký ức chúng tôi không có gì thay đổi,tất cả vẫn còn đó,như nhân chứng, như cuộc sống,như một thời để nhớ. 40 năm yêu một nghề không phải là dễ, 40 năm yêu một người lại càng khó hơn. Vậy mà con bé tỉnh lẻ ngày xưa đã làm được hai điều đó.Từng đó năm để tôi chiêm nghiệm rằng :dù nghề chọn ta hay ta chọn nghề,nếu ta tha thiết gắn bó với nghề thì nghề không phụ ta,nếu trái tim ta chân thành thì nhất định sẽ được đền đáp.Người ta tìm thấy hạnh phúc khi có một việc gì đó để làm, có một mục tiêu để vươn tới ,và có ai đó để yêu thương.Hóa ra cuộc đời cũng hết sức đơn giãn:đi sẽ tới, tìm sẽ thấy, gỏ cửa sẽ mở. Buổi sáng nào đó thức dậy,trầm ngâm bên ly cà phê nóng,thanh thản nhìn thành phố thức dậy dưới kia,nhìn lại 60 năm cuộc đời,nhắc lại những kỷ niệm đã qua, nhớ lại những người đã từng là bạn,ta sẽ thấy lòng mình ấm áp,nhẹ tênh,bình yên.Biết rằng tất cả sẽ qua đi,mọi thứ rồi sẽ không còn gì với thời gian theo đúng qui luật của cuộc sống,nhưng ta còn đây thì tại sao không sống và cảm nhận cuộc sống như nó vốn có? Cuộc đời đó,có bao lâu mà hững hờ,cứ cám ơn ta còn có một ngày nữa sống để yêu thương cuộc đời. Con đường năm xưa đưa tôi vào đời,đưa tôi vào nghề mãi mãi sẽ là con đường đẹp nhất, cho dù có bao nhiêu thay đổi,bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống nhưng trong tôi vẫn nhớ một địa chỉ: 280, Thành Thái.Thế còn bạn,bạn có nhớ không?

GIỆP. Nhị 7.

17


Người Thầy đầu tiên của tôi là Mẹ tôi. Ba năm đầu đời học sinh, tôi học ở nhà với Mẹ, trong lúc Ba tôi bận dậy công rồi dậy tư ở trường. Thỉnh thoảng Ba tôi cũng đưa tôi đến dự lớp do Ba tôi phụ trách. Năm 1960, Trường tiểu học Bình An (Quận 8) xây xong. Ngôi trường mới khang trang rất đẹp. Tôi vào học lớp 4 của Thầy Quyền. Thầy Triều là Hiệu trưởng. suốt một tuần làm việc, sáng chủ nhật, thầy hiệu trưởng lại chở vợ đến dậy cho con bọn con gái lớp 4 và 5 thêu thùa may vá, dù nhà Thầy rất xa trường. lúc ấy tâm hồn non nớt của tôi đã cảm nhận được sự hy sinh to lớn của các Thầy cô nên tôi rất yêu thích môn nữ công. Thầy Hiệu trưởng thứ nhì của Trường Bình an là Thầy Phan thúc Ngô cũng chính là giáo sư dạy chúng ta môn giáo dục cộng đồng ở Trường Sư Phạm. 1961 -1962, buổi tối và mùa hè tôi được dự lớp chuyên Toán do Thầy Luân, Thầy Thụ là bạn đồng nghiệp của Ba tôi giảng dạy. 1962 tôi thi đậu vào trường Nữ trung học Trưng Vương. Từ trên lầu cao nhìn sang bên kia là vườn bách thảo ( sở thú ), những bông sen, bông súng nở hoa trong tâm hồn mơ mộng của tôi. Đa số các giáo sư của trường là nữ. Ba tôi là giáo viên nên hay được các tác giả và nhà xuất bản tặng sách. Nhờ vậy tôi có .

nhiều sách để đọc. Tôi thường đọc cả những quyển “ Nguyệt san Giáo dục ”. Nội dung của Nguyệt san là những bài luân lý chức nghiệp, lý luận giáo dục, sư phạm lý thuyết, sư phạm thực hành, các bài soạn giảng mẫu…để bồi dưỡng khả năng sư phạm cho các giáo viên. Do đó, tôi không bị bỡ ngỡ khi vào trường Sư Phạm Sài Gòn ( 1969 ). Cô Vân dạy Sư Phạm lý thuyết, Giáo sư hướng dẫn lớp Nhị 4, Thầy Đặng Phúc Xuân dạy Sư Phạm Thực hành, rất thương tôi. Những bài soạn, giảng thực tập đầu tiên của tôi ở trường Sư Phạm thực hành đều làm Thầy hài lòng. Thầy Xuân rất thương quý tôi, nhiều lần Thầy gọi tôi là “ con gái ”. Tiếng gọi thân thương trìu mến ấy đến nay vẫn vang vọng trong tâm hồn tôi. Phần tôi ngoài học Thầy về chuyên môn Sư Phạm, tôi còn học ở Thầy tinh thần phấn đấu không ngừng để thăng tiến. Vẻ cần mẫn, nghiêm túc đến khắc khổ của Thầy đã in đậm trong lòng tôi, ảnh hưởng nhiều đến cách sống và làm việc của tôi cho đến tận bây giờ. Ngày dự Lễ Cầu siêu cho Thầy ở Chùa, bên ngoài tôi không khóc, nhưng trong lòng cứ rưng rưng thầm gọi : “ Thầy ơi ! Thầy ơi ! ”. VŨ THỊ XUÂN YẾN. Lớp Nhị 4

Hôm nay con được gặp Thầy, Gia đình Sư Phạm tràn đầy tình thương Tóc trò đã ngả màu sương Tóc Thầy bạc trắng vẫn luôn tình nồng Nhìn nhau cởi mở tấm lòng Đôi tay gầy guộc già trong tay già Trái tim thổn thức chan hòa Mắt Thầy ngấn lệ mắt tró rưng rưng Đầu Xuân năm mới chúc mừng Mong Thầy tuổi thọ an khương tràn đầy. PHAN HUYỀN LINH KHƯƠNG. LỚP NHỊ 8 KHÓA 8 SPSG.

18


.

Kết thúc bài giảng : “Tiếng Việt ta giàu đẹp” trong đó có giới thiệu các biện pháp tu từ như : so sánh, nhân hóa, điệp ngữ, ẩn dụ, nói giảm, nói quá, nói ngược…, Thầy Dzoãn Quốc Sỹ yêu cầu các giáo sinh Nhị 4: “ Hãy viết một đoạn văn có sử dụng nghệ thuật tu từ.” Thầy nhận được nhiều bài làm. Trong đó, có bài tựa đề : “Tỷ lệ nghịch với thời gian - Khi người phụ nữ ở tuổi trăng tròn lẻ, họ là quả bóng tròn. Có đến 22 chàng cầu thủ ra sức tranh giành…họ đoan trang lẫn kênh kiệu hoặc khiêm tốn chẳng nhìn ai. - Ở tuổi 30, họ như quả bóng chuyền …12 chàng tranh chấp qua lại. họ phân vân, cân nhắc : “không biết ai hơn?” - Sang tuổi 40, họ giống như quả bóng quần vợt…2 người, gồm chàng rể và Bố vợ, cứ đùn qua, đẩy lại. - Qua tuổi 50,họ tựa như quả bóng Golf…chỉ còn 1 người. chồng họ, cố gắng đẩy họ ra xa, càng xa càng tốt…nhưng vẫn phải đi theo họ…cho đến hơi thở cuối cùng. TẾU NHỊ 4. ( phóng tác ).

TRẦN VĂN HÙNG Nhị 11.

( Chư Ngạn Thư ) Khi trở lại Hàng hoa quỳ đã héo Áo măng tô không ấm nổi vai gầy Bay theo gió Phu la vàng vẫy gọi ngọn thông xanh Mùa rét trở về Khi trở lại qua một con lộ nhỏ Đám sỏi buồn thức giấc dưới chân Nhắc nhớ những đêm xưa Nụ hôn nồng nàn Trao nhau dưới con dốc tối Tình tôi có ngày nắng lụa Có đêm sương trầm Hạnh phúc thay Tháng ngày tôi chưa lưu biệt Đường gươm nào xẻ ngọt Chém tưa đôi mảnh đời ? Khi trở lại Mắt vẫn ráo nhưng hồn đà mềm sũng Sương đã chùng Tóc khép vạt cỏ đêm Và Chỉ có những dấu chân tôi Bơ vơ trên thềm đá cũ Tàn tro nào đã ngấm Thắp lên có đỏ loè ?

19


Ngày ấy, tôi ra trường chưa đầy 20 tuổi, được bổ nhiệm công tác ở một Trường Xã. Tuy nghèo nhưng họ rất tôn trọng lễ nghĩa, quí mến người thầy. Những ngày lễ cúng đình, làng, xã họ không bao giờ quên mời các thầy cô giáo, và tôi dù là cô giáo còn rất trẻ vẫn được mời lên ngồi tham dự cùng bàn với các vị chức sắc, bô lão của Xã, trước mặt không bao giờ thiếu chung rượu cúng. Đó là những năm 1971, 1972 …. ngày ấy đã xa rồi. Và hôm nay, trong các cuộc trò chuyện của các ông bố, bà mẹ chỉ nghe hỏi: “Cháu anh làm ở công ty nào ? Đã lên chức trưởng phòng chưa ? …..”. Không hề nghe : “ Con anh dạy ở đâu , trường nào ?” …. , ….. Rất chua xót, mới rồi lại có cả tin trường Bùi Thị Xuân cho học sinh được phép bỏ phiếu tín nhiệm thầy cô giáo. Những lá phiếu của các em, dù là Cấp 3 vẫn còn nông nổi, non nớt đã khiến một số thầy cô tâm huyết với nghề, tận tình với học sinh phải ngậm ngùi rời bục giảng. Chưa bao giờ viết báo, đêm đó tôi đã thức trắng để viết bài tham gia mục “ Ý kiến bạn đọc” cho kịp số báo sớm nhất. Thật ấm lòng, khi có rất nhiều bạn đọc cùng quan điểm với tôi. Và rồi cũng rất xót xa khi một số đồng nghiệp của chúng ta đã phải vừa dạy vừa làm thêm một nghề tay trái, đôi khi những nghề Có thể nói, đó là bài phát biểu cuối cùng và cũng là buổi gặp mặt cuối cùng trong Ngày Nhà Giáo tại trường cũ mà hàng năm tôi vẫn nhận được thiệp mời. Tận bây giờ, hơn 20 năm trôi qua tôi vẫn không quên được những ánh mắt mở to, sự im lặng đến tuyệt đối dưới hội trường và trên bục tôi vẫn cứ thao thao phát biểu. Tôi đã không để ý là ngay hàng ghế trước mặt tôi là Đại biểu của Quận, Bí thư của Phường, một Đại biểu Phụ huynh là cựu Giáo viên của Trường Trung học Sư phạm. Nhưng điều làm tôi bức xúc mãi khi một bạn giáo viên trẻ đến nắm tay và nói: “ Bài phát biểu của chị Vân hay quá , em nghe mà muốn khóc.” .Câu này đã ám ảnh, theo tôi suốt một thời gian dài. Tuy không trở lại trường cũ, chưa gặp lại các bạn Giáo viên trẻ ngày đó nhưng được biết các bạn vẫn bám trường, bám lớp và cuộc sống của Giáo

phụ này không phù hợp với bục giảng. Thầy Cô. àng yêu nghề, càng hết lòng vì thế hệ tương lai, gia cảnh càng thanh bần. Đành thế thôi, vì rằng chúng ta đang sống trong một xã hội còn nhiều bất công và bất hợp lý, nhưng tôi tin rằng tất cả rồi sẽ thay đổi và tốt đẹp ! Các bạn thân mến ! Khi Tốt nghiệp, chúng ta không như các bạn ngành Y có lời thề Hypocrates mà chỉ có hàng chữ: “ LƯƠNG SƯ HƯNG QUỐC” treo thật trang trọng giữa hội trường. Thế nhưng, khi rời bỏ nghề giáo giữa chừng, tôi có cảm tưởng rất rõ, mình là một kẻ hèn nhát, một tên đào ngũ, một người đã mất sức đề kháng với áp lực của cuộc sống, vì rằng tôi vẫn còn rất yêu nghề dù đó là nghề mà Bố đã chọn cho, khi tôi vừa đậu xong Tú tài . Tự trong thâm tâm và mãi mãi, với tôi không một tập thể nào ấm áp và chan hòa tình thân như tập thể Giáo viên. Thế nhưng, dù rất nhớ bạn bè, nhiều đêm thao thức bởi những ánh mắt thơ ngây, những bàn tay trắng hồng bé xinh, những điểm 10 đỏ chói đầy trang giấy trước mặt, tôi vẫn không trở lại nghề giáo. Hôm nay, khi nêu lên vấn đề này, tôi biết sẽ làm cho tâm hồn các bạn chùng xuống. Chỉ mong ước sao, dẫu không giúp được gì nhưng vẫn làm các bạn ấm lòng hơn..…… viên ngày nay đã được cải thiện tốt đẹp đúng như lòng tôi mong ước. Tôi vui lắm! Bây giờ, tôi rất thanh thản và trong giấc mơ vẫn không thiếu những buổi đứng lớp thật vui nhộn với một bầy học trò lí lắc chạy quanh lớp mà cô giáo không thể nào giữ trật tự được. Những buổi lớp được dự giờ mà cô giáo giảng bài quên đầu, quên cuối và đứng chào cờ luôn rồi cười vui vẻ với người dự giờ,……. Mãi mãi, thời gian làm cô giáo với tôi vẫn là thời gian tuyệt vời nhất, êm đềm nhất trong cuộc sống 59 năm và không một tập thể nào ấm áp, trẻ trung, chân tình sánh bằng tập thể Gia đình Sư Phạm./. Hè tháng 5 / 2010. P4.V Lớp Nhị 3.

20


Tôi xin được nghiêng mình đón nhận, Tấm chân tình các bạn dành cho Bao nhiêu năm làm kiếp đưa đò Đây mới thật gia tài có được.

Thiếu các bạn, tôi như mất bầu trời xanh biếc Vắng tôi rồi, các bạn nhớ hay quên ? Tôi muốn trở về những buồn giận không tên Và nghìn lẻ chuyện muôn đời nhớ mãi

Vốn đã thân quen ngày hai lượt Đi, về cùng các bạn ngược xuôi Nay ngẩn ngơ, bước lẻ một mình tôi Sao nén được ngậm ngùi luyến tiếc.

Chỉ muốn để lại đây những nụ cười Chỉ muốn để lại đây những tin yêu Và tâm nhà giáo luôn ngời sáng Mong bạn tròn vui với nghiệp Thầy. NHÀN – CHIẾN. ( Củ Chi ) Lớp Nhị 1.

Thấm thoát đã bốn mươi năm, một thời gian quá dài nhưng sao tôi thấy như mới vụt qua. Thời gian, thời gian xóa mờ trong lòng người ta nhiều kỷ niệm, nhưng với tôi, tôi vẫn nhớ như in những ngày ngồi ghế nhà trường. Mái trường Sư Phạm thân thương ngày nào, những buổi sáng thứ hai chào cờ, những ngày thực tập đứng lớp, những lúc bị Thầy giám thị bắt phạt vì quên mang phù hiệu Sư Phạm. Có lẽ tôi là người thường xuyên qua lại trường nhiều nhất. Sáng đi dạy rồi chiều đi về, ghế đá, hàng cây dãy lớp học của tôi ngày nào vẫn vậy nhưng Thầy Cô, bạn bè mỗi người một phương. Ra trường tôi dạy ở Bà Rịa bốn năm rồi về Sài Gòn. Sau những đổi mới của xã hội, tôi vẫn cố gắng giữ lấy cái nghề mà tôi yêu thích, mặc dù đời sống khó khăn, vất vả. Sau những giờ đứng lớp, tôi cặm cụi ráp quần áo thuê để kiếm thêm thu nhập mong giữ lấy cái từ “ Cô Giáo ” mà tôi yêu mến. Các Thầy, Cô của trường Sư Phạm Sài Gòn đã đào tạo ra rất nhiều Cô Giáo, Thầy Giáo vững chuyên môn, tốt về đạo đức. Dưới mái trường nào tôi cũng là một giáo viên dạy giỏi trong những lần thao giảng cho mọi người dự. Có lẽ tôi rất hãnh diện vì mình được đào tạo ở Trường Sư Phạm Sài Gòn. Sau ngày đất nước hòa bình, biết bao nhiêu đợt giáo viên được đi học để chuẩn hóa, nhưng riêng tôi thì không, vì tôi đã đủ chuẩn rồi. Nhưng đến năm 1999, tôi được gọi đi học hai năm ở Trường Cao Đẳng Sư Phạm ( nay là Đại Học Sài Gòn ). Để có tấm bằng Cao Đẳng tôi phải đến trường mỗi tuần 2 ngày. Cô giáo lại đi làm học trò sau 30 năm rời trường cũ ra dạy học. Lớp học thật đông vì học viên của nhiều quận về tập trung dự lớp này. Mỗi tuần đi học, lớp chỉ đông vào buổi sáng, buổi chiều thì học trò đua nhau nghỉ để còn đi dạy thêm kiếm tiền lo cho gia đình, cha mẹ, con cái. Làm học trò bây giờ thật vất vả, lo cho đàn học sinh của mình và cuộc sống gia đình nữa, không như ngày nào chỉ biết đến trường học tập vui đùa vô tư…ôi những ngày tháng đó đẹp làm sao!!! Thời gian trôi qua nhanh, tôi đã thi nhiều học phần và đạt với mức điểm khá có, giỏi có. Những ngày ôn thi làm tôi nhớ đến thời gian ngồi trên ghế Trường Sư Phạm, phóng ảnh làm tư liệu, làm đồ dùng dạy học … thật vui, những bưổi trưa ở lại trường hí hoáy vẽ vời cùng các bạn. Một năm học trôi qua, năm thứ hai lại đến. Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11 lớp trưởng thông báo mỗi học viên đóng tiền để mua quà kỷ niệm cho Thầy, Cô của lớp, nhìn sang trường cũ, lòng tôi thấy nhớ da diết những ngày học làm “Cô Giáo”. Kỷ niệm vui, buồn ùa về. Ôi Trường Sư Phạm SaiGon của tôi đã đào tạo tôi làm một cô giáo tốt nhưng cũng là nơi tạo trong tôi một nỗi buồn không ai hiểu được. Thầy, Cô của tôi ngày nào bây giờ đã già lắm, không biết còn hay mất. Tôi xin gởi đến các Thầy, Cô của tôi, những người đã dạy tôi làm “ Cô Giáo ” bao nhiêu năm nay một tấm lòng sâu sắc nhất. Tháng 1 năm 2010. Trần Nga. Lớp Nhị 1 21


VIẾT CHO KỶ YẾU KHÓA 8 SƯ PHẠM SÀI GÒN. Tôi là người có thân hình lùn thấp, bắp chân to, khỏe. Có lẽ thời tiểu học tôi luôn đi bộ đến trường. Trường cách xa nhà khoảng 9 km đường ruộng và đường đá đỏ. Thuở ấy, đường đá đỏ nơi đây chỉ có xe ngựa, chưa có xe lam nhưng tôi chọn cách đi bộ vì đi xe ngựa học sinh cũng phải trả tiền. Buổi sáng thức dậy đi học khi trời chưa sáng, trên trời vẫn còn trăng, sao. Mặc trời mưa lạnh, nắng nóng, gió sương tôi vẫn khỏe mạnh như măng non khi đã nhú lên rồi thì sẽ lớn lên thôi ít khi ốm đau bệnh hoạn. Lớn lên thời trung học, tôi vẫn là người có thân hình lùn thấp, bắp chân to, khỏe. Cũng có lẽ thời học sinh 15-18 tuổi tôi làm nghề vác mướn ở Bến Bình Đông, có khi vác cả ngày lẫn đêm, ban đêm được tăng tiền. Vác mướn, cái nghề buộc tôi phải làm thêm trong thời học sinh thật là nặng nhọc, vất vả. Tôi mồ côi Mẹ khi vừa 5 tuổi, còn 2 em nhỏ, Cha không nghề nghiệp ổn định, nhà bị cháy 2 lần : lần thứ nhất vào năm 1965 ở Cần Đước, và lần thứ hai vào năm 1968 ở Bình Tiên Quận 6, cả năm trời tôi phải ở trại tạm cư. Thuở nhỏ ít khi tôi có tiền. Năm 1969 tôi thi vào trường Sư Phạm Sài Gòn. Sau khi đậu vòng 1, vào vòng 2 thi vấn đáp, tôi gặp Thầy Nguyễn Duy Linh. Sau khi nhìn tướng cách của tôi Thầy chỉ hỏi một câu về người Anh hùng Nguyễn Trung Trực, trả lời được câu đó tôi chính thức có tên trong danh sách trúng tuyển vào trường Sư Phạm Sài Gòn niên khóa 1969 – 1971 với thứ hạng trên 100. Từ đó tôi là Giáo sinh Sư Phạm Sài Gòn, ngày 2 buổi đến trường, nơi đây từng ngày tôi được lớn lên, lớn lên trong tư tưởng, trong nhận thức, trong cuộc đời. Học sư phạm ngày 2 buổi nên tôi không vác mướn nữa vì thế nên khi học sư phạm tôi vẫn ít khi có tiền, đang sức lớn nên tôi luôn thèm ăn và ăn khỏe. Lớp tôi có 24 nữ và 19 nam, bao niêu năm xa rồi tôi vẫn nhớ, nhớ như in từng khuôn mặt bạn bè. Tôi nghĩ, lớp tôi ai cũng vậy vẫn nhớ nhau hoài vì ngày xưa chúng tôi vừa mới lớn không ai nghĩ nhiều đến chuyện ngày sau. Trong khóa học, trường có tổ chức đi cắm trại tham quan nghỉ mát ở Vũng Tàu tại khu nhà nghỉ Giáo chức, tôi cũng kịp nhảy theo khi xe vừa lăn bánh ( vì lúc ấy tôi không có đóng tiền mà rất thích đi ). Tuổi 20 lần đầu tiên tôi thấy biển. Cũng nhờ các bạn nữ chăm sóc chu đáo ( không có sự phân biệt ), tôi rất vui, được ăn ngon, no, thật là một kỳ nghỉ biển ấn tượng khó quên.

Bây giờ quá tuổi tri thiên mệnh rồi mà tôi vẫn ít khi có nhiều tiền. Đã làm nghề dạy học, tôi nhớ lời Thầy dạy năm xưa: “nghề dạy học không phải là một nghề kiếm sống” và tôi cũng không kiếm sống bằng nghề dạy học. Vả lại trong lớp học, phía trên trước mặt chúng tôi có hàng chữ : “ Đất nước tương lai trong tay giới trẻ hôm nay, giới trẻ hôm nay trong tay nhà giáo”. Yêu ngành, yêu nghề, tôi không lo nhiều đến chuyện kinh tế, rảnh rỗi tôi thường nhớ lại chuyện ngày xưa, ngày còn đi học rồi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ Thầy Cô, nhớ bạn bè… Khi viết những dòng chữ này tôi không thể không nhớ đến những Thầy Cô Trường Sư Phạm Sài Gòn đã có công dạy dỗ tôi, nhất là Thầy Nguyễn Duy Linh dìu dắt tôi bước vào con đường Sư Phạm, Thầy Đoàn Viết Bửu là Thầy tôi mà cũng là Thầy của con tôi ở Trường Cao Đẳng Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Bây giờ ở tuổi 60 năm cuộc đời, vẫn mãi trong tôi : “ Có những người Thầy, tôi có thể gặp và cũng có thể sẽ không bao giờ gặp lại, nhưng mãi là người tôi ấp ủ trong tim. ” ĐỖ VĂN BÊ. Lớp Nhị 4

Cát Bụi Với Người. ( Nói với Nguyễn Đức Thuấn Nhị 4. )

Hồn người nay ở nơi đâu ? Sao không thức dậy nối câu chuyện đời Hay còn ở chốn chơi vơi ? Chân mây đầu nắng mù khơi chốn nào Tuổi đời thân lá xanh xao Sớm bay theo gió bay vào thiên thu Gấp chi giũ áo ngục tù Thoát thân vội vã giã từ trần ai Bạn thân mấy đứa còn đây Nhắc bao kỷ niệm tháng ngày yên vui Ngày đi đường nở hoa cười Ngày về nguồn cội không người tiễn đưa. 22


Bạn Tôi. Ngày xưa mài gót sân trường Giờ đây mỗi đứa mỗi đường mỗi nơi Đứa đi vùng núi xa xôi Đứa về biển rộng đứa xuôi đồng bằng Vài thằng yên đất vĩnh hằng Xa quê mấy đứa dăm thằng còn đây! Chim non vỗ cánh rã bầy Bôn ba vào cuộc sinh nhai sống còn Biển dâu nhưng giữ lòng son Gian nan thời cuộc chẳng còn ước mơ

Thành công thất bại vẫn chờ Bao nhiêu bến nước bến bờ nào yên Thuở xưa nặng nợ sách đèn Thời nay vai gánh nợ duyên cuộc đời Bạn ơi son sắt một lời Dù sông có cạn, tình người biển dâng.

Phạm Đình Trân. Lớp Nhị 4.

Thứ ơi ! Côn ơi ! Viết những dòng này cho hai đứa , xin phép dùng cách xưng hô ngày xưa cho thân mật nhé ! và cả các bạn nhị 2 ngày ấy nữa . Chúng mình đã có 2 năm ngồi bên nhau theo nghĩa đen, tao, Thứ rồi đến Côn, trong cùng là Điêu văn Thiên. Vào đầu năm nhất niên, tình cờ gặp nhau nhưng thực ra đã đôi lần biết nhau qua sinh hoạt đoàn thể xã hội trước đó. Ba thằng chọn bàn cuối làm chỗ trụ. Học không đến nỗi nào phải không ? Riêng Thứ còn được bầu làm trưởng ban văn nghệ, năm nhị niên Thầy Bính dạy Anh văn bắt tập cho lớp bài Jingle Bells mà y phát âm tiếng Anh như tiếng . . .Em . Còn Côn , trước khi vào học đã có vợ, vào lớp học nhiều hôm ngáp là chính. Lúc ấy tao nhỏ tuồi nhất nhưng “ láu ” nhất cũng chưa hiểu gì về cuộc sống vợ chồng nên chê bai mày suốt. Nào là tối không chịu ngủ chỉ mê đánh cờ, mày là tay mê cờ tướng số một. Sau này mới biết , mày còn mê đánh cờ người với vợ nên vài tháng sau khi nhập học đã vất vả vì con khóc đêm, vợ thì ghếch con Xe chờ con Mã vào chuồng là đớp. Kể lại chuyện cũ để bạn bè thấy tụi mình thân nhau biết bao. Ra trường, ba đứa cùng chọn về Định Quán, trọ chung nhau một nhà, bà chủ là người quen của Côn. Cả ba cùng xin dạy buổi sáng để chờ đến thứ bảy thay nhau về Saigon cho sớm, sáng thứ hai vọt lên đi chuyến xe 5 giờ. Hẳn tụi mày còn nhớ những ngày đầu tiên mới về, Ông Chánh Năng ở cạnh bên cho dân vệ mời đến trụ sở Xã. Sợ hết vía, ai ngờ các Cụ bắt tụi mình ra mắt bằng một chầu nhậu với rượu đế, mỗi tua phải uống đủ một ly cao hơn ly cà phê bây giờ,. Tao yếu cơ nhất tìm cách qua tua, bị phát hiện và bị phê phán : Thà đui mà uống thiệt tình, Còn hơn có mắt rình rình qua tua. Sống với nhau hơn một niên học thì Côn về Cẩm Tân, tao về Gia Kiệm, còn lại một mình Thứ. Khóa 8 mình khi ấy còn có Nhật cũng về Định Quán nhưng vì học khác lớp nên không biết. Sau nghe kể lại, vào một đêm vừa gió lại vừa mưa, chàng Thứ bị lên cơn sốt rét, chẳng biết nhờ ai, bà hàng xóm chạy sang báo tin các Cô giáo cũng ở gần đó sang giúp. Nhật chạy qua xức dầu, đánh cảm .. chàng vẫn không hết lạnh bèn phải ủ ấm cho chàng. Hai đứa cộng chỉ số từ đó. Bạn bè ai nghe cũng mừng vì thằng bạn đào hoa, tình tứ nay đã có bến đậu. Hai năm sau, Thứ cũng xin chuyển về Gia Kiệm và chính thức lấy Nhật . Sau năm 1975, tao về Saigon, Thứ chuyển về Bàu Cá, còn Côn chuyển sang Trung học Long Khánh làm Giám thị. Những ngày đầu giải phóng, không biết nghe thế nào về thông báo, Côn đi đăng ký học tập với chức danh Giám thị, mà thực ra chỉ có giám thị trại cải huấn, trại giam là phải đi học tập, nhưng đã trót có danh sách, Côn cũng phải xa nhà cả năm trời. Ra trại, Côn như người thất thần, một lần đánh cờ ( lại đánh cờ ) bị chiếu bí, Côn thất chí chuyển thành bị tâm thần. Ít năm sau thì mất vì yếu sức. Thứ về Bàu cá, đã có lúc được cử làm Hiệu Trưởng, sau vì bệnh sạn thận xin thôi chức về dạy lớp, năm 2005 bệnh nặng rồi qua đời . Nhị 2 mình như vậy là mất đi 2 đứa mà tao biết, Năm 2001, Khóa 8 “ Kỷ niệm 30 năm ngày ra Trường ”. Biền, Long rồi sau này Đắc, Môn, Hoàng Minh kéo tao vào nhóm tổ chức, tao liên lạc với anh em Nhị 2 kéo thêm được Hiếu Sinh,Thiên, Chúng ( đi nước ngoài ), Gấm là nam, còn nữ chỉ gặp Phong, Khiên ( Đã đi Mỹ ) còn lại và còn nhiều nữa không liên lạc được ai. Nhớ lắm Dương ánh Tuyết, Trần thị Khứng, Chị Tư, Tuyết ( Củ Chi ), Ngọc Yến, Tâm ( Trước dạy ở Tân 23


Bình ). Riêng thằng Nguyễn Phụng Tiên, đã một lần điện thoại nhưng không thấy đến . Võ Hảo Nghĩa có gặp một lần sau Giải phóng bây giờ ở đâu ? Đẹp nữa … Thứ à ! Côn à ! Nếu chúng mày sống khôn thác thiêng thì nhắc các bạn Nhị 2 mình gặp lại nhau, Thằng Biền nó chửi tao với thằng Hoàng Minh hoài là không còn chơi với ai sao ? Tao biết cách nào. Qua bài viết này, tao gióng tiếng nói : NHỊ 2 ơi ! có còn nhớ ? Đỗ công Minh. Nhị 2.

HÈ NHỚ Tiếng ve nức nở gọi hè sang Phượng vỹ khoe thân dưới nắng vàng In đỏ sân trường màu phượng thắm Điểm vàng quanh lớp vết tường loang Đầu niên mắt sáng niềm nao nức Cuối khóa loang bao nỗi ngỡ ngàng Áo trắng quần xanh màu mực tím Thời gian nhòa nhoạt với thời gian. Phạm Đình Trân.

Nhị 4.

Tôi vào sư phạm Sài Gòn khi con gái đầu đi lẫm chẫm. Do đã có chồng con, nên tôi cứ nghĩ mình là người già nhất trong lớp và cứ gọi các bạn bè bằng em, xưng chị ngọt sớt. Ngọc Điệp ngồi kế bên, hay cự nự chuyện tôi xưng chị. Nhưng rồi sau đó chúng tôi thân nhau (cho tới bây giờ), các bạn hồi đó rất hồn nhiên đủ trò nghịch phá (riêng tôi cứ điềm nhiên ngồi yên hưởng thụ niềm vui đó). Vì tôi còn phải đi làm thêm nên chuông reo hết giờ là tôi biến, hay có giờ trống là tôi cũng biến luôn. Nên tôi không tham gia được nhiều những sinh hoạt của lớp. Qua năm sau, do phải đi làm ngày thứ bảy (bán vé cá ngựa ở trường đua Phú Thọ) nên tôi đành phải chuyển qua lớp Nhị 2 cho tiện. Rồi tôi lại có bầu đứa thứ hai. Do công việc làm thêm, tôi thường đến trường sát giờ vào lớp, không kịp gửi xe, nên hay tấp vào trước cửa lớp chờ giờ ra chơi sẽ gửi sau. Thương nhất là cô Quan giám thị ! Cô ngó lơ khi thấy bà bầu đi xe Honda SS 67 lật đật vào lớp. Những tiết học ở Sư Phạm thật là vui và đầm ấm. Khoảng cách Thầy trò thật gần gũi. Thầy Cô rất dịu dàng, nhiệt tình giảng dạy, tôn trọng giáo sinh, bao dung với những trò nghịch phá. Ngôi trường Sư Phạm như mái nhà thứ hai của tôi. Thời gian qua nhanh. Rồi cũng tới ngày ra trường. Ngày 5 tháng 6 chúng tôi nghỉ hè thì đến ngày 9 tháng 6 thi trốt nghiệp. Nhưng ngày 7 tháng 6 tôi “bể bầu”! Tôi năn nỉ cô nữ hộ sinh cố giúp tôi “mẹ tròn con vuông” để tôi còn kịp dự thi tốt nghiệp. Ngày đó đâu có siêu âm như bây giờ để biết trai hay gái. Tôi sinh được 1 hoàng tử lúc hơn 4 giờ khuya, thì 6 - 7 giờ sáng, trên giường đẻ đầy sách giáo dục cộng đồng, tâm lý giáo dục…3 ngày sau, tôi bị căng sữa, ngực sưng thật to rất đau đớn. nhưng bà giáo sinh vẫn đội khăn mang vớ, mặc áo lạnh, đi so từng bước một, từ chiếc xích lô bước xuống thềm vào phòng thi.trước những đôi mat821 ngỡ ngàng của bạn bè. Trưa hôm đó, Thụy lấy xe honda đưa tôi về nhà bảo sanh, c hiều tôi lại ngồi xích lô đi thi tiếp. nhưng rồi tôi cũng đậu hạng 68 trên 477 giáo sinh tốt nghiệp. tôi được chọn nhiệm sở tại Gia Định. Rồi bạn bè chia tay nhau, tan tác mỗi người mỗi nơi. Sau này, chúng tôi có cơ hội, mới tập họp lại ( tôi lại là người trở lại sau cùng .giờ đây, mỗi năm lớp nhất 4 chúng tôi họp mặt 3 lần trong một năm: ngày Tết Dương lịch 1/1 họp chung toàn Trường SP, ngày mùng 4 Tết Âm lịch và ngày Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5). Những gương mặt trẻ thơ ngày xưa đã là những Ông Bà Nội Ngoại cả rồi. Thắng lớp trưởng, Xuân Yến lớp phó, Cao Biền trưởng ban học tập, Bác Ái phó nháy, các bạn Thụy, Điệp, Năm. Phi, Huỳnh, Bê Vàng Thủy, Dũng, Huỳnh Mai, Băng Thinh, Hồ Nhỏ, dương Mai, Trân, và rất nhiều bạn nữa mà tôi khôn nhớ hết được…Vân Hồng luôn yêu các bạn. 24


Mai sau nếu nhó về trường cũ Trái tim băng giá sẽ ấm lòng Một làn gió mát đời giông nực Trái ngọt đỡ lòng cơn khát khao Ơn thầy dạy dỗ trò siêu quậy Lèo lái qua sông tới bến bờ Bảng đen, phấn trắng tình đã gởi Nhớ mãi mai sau một mái trường Viết thêm: ngày 16 tháng 4 âm lịch vừa qua, chúng tôi có một chuyến đi dự đám cưới con bạn Vàng ở Gò Công Đông – Tiền Giang. Trên xe, Biền đã ngâm mấy bài thơ. Tôi nghe xong, cứ suýt xoa, cảm thấy không thể nào viết được như thế ! Nhưng tôi cũng cố viết ( ở cái tuổi 64 ) vì phải có người hay, người dở. Bạn hay thì ta khen, nhưng bạn có chê ta viết dở đâu vì chân tình thì như nhau, Bạn nhỉ ! NGUYỄN VÂN HỒNG. “ xuân nhật ngưng trang thượng thúy lâu ” Vương Xương Linh ( TQ ) TRẦN VĂN HÙNG. Lớp Nhị 5.

( Chư ngạn thư ) Chẳng thượng cao lâu , ra quán cóc Uống rượu chờ say , chắc ngồi lâu ! Quán tưởng ngồi lâu tay hào sảng Ta rầu tàn rượu , bước về đâu ? Đâu biết về đâu , ngày xuân nhạt ! Đành ngồi quán cóc trước cao lâu Có phải mềm môi nghe rượu lạt Hay đôi môi ngậm lệ ai trào ? Bạn bè đôi đứa nơi viễn mộng Cách mặt , ta ‘ trừng ‘ cả chiêm bao Những muốn nhắn nhe thằng xa xứ Với ta thà mạt với quê nghèo

Ngẫm cuộc đời ta vướng lưỡi câu Tuổi trời cho đã ngoài bốn chục Dòm thấy trong gương , mặt dàu dàu ! Kiếm cơm sao phải thân điên đảo Chữ nghĩa nổi cơn quậy – xé – rào Thường mặc vợ lo đường cơm áo Thương em chưa nếm vị ngọt ngào Ngày xuân con chẳng thêm tấm áo Cơm nhìn chỉ thấy muối độn rau ! Ngày xuân thèm một thằng bạn cũ Ra quán cóc ngồi nhắm – tào – lao Chẳng thấy liễu xanh và áo đỏ Ngó chừng chai rượu , Sợ cạn mau !

Chợt bàn tay nhón râu con mực

25


Bắt đầu viết, làm sao đặt một cái tựa thật là khó ! Có người đặt là “ Bài không tên số …” À ! Thì ra người ta đặt cho bài cái tựa là một con số rồi tới bài cuối cùng ….Thôi thì cứ viết đi đã rồi đặt tên bài vậy . Nhắc đến số lại nghĩ về số mệnh . Trái đất có 6 tỷ người thì có 6 tỷ cái số . Tỳ lệ một phần sáu tỷ sẽ bằng không . Cái số không kia có đang gì mà phải bàn ? Nhưng cái số không tồn tại hay không lại là vấn đề lớn, không có lời giải . Dù bình thường thôi nhưng mình vẫn là một cái số nhỏ bé . Một ngày nọ , bởi cái số , chẳng biết có phải đường cùng hay con đường ước mơ , hắn được gọi là “Giáo sinh “ , một cái tên gọi lạ lẫm , mang tính gò bó , bắt buộc . Sau hai năm , hắn bắt đầu mang nghiệp vào thân , bám chặt không dứt ra được cho đến thế kỷ 21 . Bây giờ kỷ niệm như đồ trang sức quý giá được cất giữ vẫn sáng lên trong ký ức . Mùa Thu , mùa có thời tiết ôn hoà, nắng nhẹ , còn mưa , là mùa khai trường , đẹp và nên thơ như “ Tôi đi học “ của Thanh Tịnh . Mùa Thu ấy và nhiều năm sau , một chàng hiệp sĩ tay cầm thanh kiếm gỗ , cưỡi ngựa sắt , khoác chiến bào trên xa lộ , lòng tràn đầy tự tin , hy vọng xây dựng tương lai tốt đẹp , hăm hở vào trận chiến cam go . Chiến đấu với một tên gian ác đang cầm giữ nàng tiên Kiến thức , Văn minh , Tự do trong chiếc cối xay gió khổng lồ . Lúc ấy ngoại ô Thành phố còn những đồng lúa xanh tươi rập rờn trong gió . Vào mùa Đông , suơng mù che kín lối đi , không thấy cánh đồng lúa vẫy chào lúc sáng tinh mơ , Thành phố đang ngái ngủ . Một trường tiểu học cộng đồng trên đồi cao , chỉ có bóng mát của một cây điều , lợp ngói có , lợp tôn có , “ gió thổi bốn mùa “. Lũ học trò vùng ngoại ô chưa bị “ đô thị hóa “ , ngoan ngoãn kính trọng Thầy Cô . Mỗi lần tan học , thấy Thầy trên đường về , chúng dạt ra hai bên đường cúi chào như thần dân đón chào Đại Đế ! Chẳng bao lâu sau , chàng Don Quixote có một ngày “ Thần tiên gẫy cánh đêm xuân bước lạc rơi xuống trần “ chàng không còn trên mây nữa . Chàng phải đổi ngựa sắt Phù Đổng lấy con lừa chậm chạp cả đời không biết hí lại hay trở chứng được các lương y dao phay tài hoa chữa trị vẫn tung vó đường xa tuy châm chạp một chút nhưng có lợi cho sức khoẻ chàng hiêp sĩ qua đoạn đường khoảng bốn mươi cây số mỗi ngày . Thêm vào đó , chàng hiệp sĩ phải chiến đấu để thích ứng với cái mới : cơm hỗn hợp bột mì – khoai - bo bo , hút thuốc lào , giấy quyến , thuốc rê mốc, thuốc rê trộn lá khoai mì , rượu đế nhúng thuốc trừ sâu ( rượu ) cho tăng nống độ , thuốc xuyên tâm liên trị viêm họng mãn tính , ăn rau càng cua với mắm ba khía , mắm dưa chuột mặn chát , … những thứ mà cái dạ dày chưa được làm quen bao giờ . Chàng tự cứu mình trước khi Trời cứu bằng cách tập buôn lậu, không xong phải làm nghề đan sọt , tôn Phạm Ngũ Lão làm tổ sư , nhưng khác danh tướng ở chỗ không làm quốc sự , không làm tướng vì tài hèn sức yếu . Yếu đến nỗi được xếp vào bậc thang cuối cùng trong xã hội : Nông – Công - Thương - Binh – Sĩ . Lũ gian thương biết chàng suy yếu lắm nên cũng ra tay bóc lột chàng , lừa chàng nhiều cú ngoạn mục . Nhiều chàng Don Quixote đồng nghiệp chịu không xiết , hạ khí giới, ra đường chiến đấu trực diện với kẻ thù . Cũng có trường hợp giác ngộ , dứt bỏ con đường kiếm hiệp . Chuyện đến đây , chàng Don Quixote thương tích tơi tả thương tâm , mắt đã hoa , không nhìn thấy chiếc cối xay gió đâu nữa , chỉ còn mấy đứa nhãi nhép ! Chàng nhặt thanh kiếm gỗ gãy một nửa lên , vừa leo vừa tự động viên mới lên được yên ngựa. Kẻ thù biết chàng mang kiếm gỗ, không có khả năng sát thương nên chúng ngày càng hung hăng. Chúng lên án, chửi mắng, vu oan chỉ vì mang thanh kiếm gỗ không dọa được ai dù là trẻ nít. Không ai coi chàng là thần tượng, chẳng phải hiệp sĩ, chẳng trừng phạt được ai lại còn nghèo xác xơ , “ Giậu đổ bìm leo ”. Mùa hè nóng nực đang đến, theo thói quen, Don Quixote nắm chắc thanh kiếm gỗ chỉ còn cái chuôi , đâm qua trái qua phải vu vơ không tác dụng gì. Cuộc chiến chưa kết thúc, Don Quixote không huy chương, không thành tích, mang ít nhiều thương tích, ra khỏi cuộc chiến không tiếc nuối, chỉ lắc đầu nhè nhẹ. Chợt nhớ đến Tam Nguyên Yên Đổ muốn làm cây thông già đứng giữa trời, chột dạ, sợ lâm tặc mừng rỡ tìm được cây thông già đem cưa máy đến hạ . Mọi thứ đang thay đổi , môi trường ô nhiễm , dường như đang “ Sa mạc hoá ”.

VŨ OANH TÔN. Lớp Nhị 6. 26


Ngày tôi bước chân vào trường Sư Phạm, tôi chưa hề có một ý niệm nào về nghề giáo, hay một đam mê nào cho tương lai. Bởi vì thi vào trường Sư Phạm với một mục đích duy nhất: để được hoãn dịch. Hai năm học tôi cảm thấy chán nản, học để thi tốt nghiệp thôi. Tôi chưa hề siêng năng hay tha thiết học tập. cũng may trong số gần bốn trăm rưởi giáo sinh tốt nghiệp tôi có thứ hạng cao hơn ba mươi lăm đồng nghiệp. Cùng nhận nhiệm sở có hơn ba mươi lăm đồng nghiệp cùng khóa. Chúng tôi trình diện tại Ty Tiểu học Bình Long. Với tôi như là một chuyến du lịch dài hạn. Bình Long là một tỉnh lỵ rất đẹp, khí hậu se lạnh như Đà lạt, tỉnh lỵ nằm trên một ngọn đồi nhìn xuống chung quanh là các thung lũng xanh rì của những đồn điền cao su ngút ngàn. Buổi sáng sương mù đến chín mười giờ. Buổi chiều bầu trời tim tím thả nhẹ trên những ngọn cây cao su đong đưa theo làn gió hiu hiu. Những con đường thật thơ mộng, hai bên lề trồng toàn những cây Anh đào Nhật bản, nở hoa trắng vào cuối mùa đông, và tên các con đường còn thơ mộng hơn nữa, nào là “ đường chân trời tím ”, nào là “ đại lộ hoàng hôn ”… Trường tôi dạy cách tỉnh lỵ hơn năm cây số, mỗi buổi sáng chúng tôi đi uống cà phê tại góc ngã tư “ Tứ Hải ”, mùi cà phê Lộc Ninh thơm ngát, uống vào là ghiền. Ông chủ quán cà phê có 2 cô con gái gọi chúng tôi là Thầy, bởi tỉnh lỵ quá nhỏ, nên những người như chúng tôi ai cũng biết. Tôi chợt nhớ bản nhạc “ Còn một chút gì ” của Phạm Duy phổ nhạc từ thơ của Vũ Đình Huỳnh “ phố núi cao, phố núi thật gần nên phố tình thân, đi dăm phút đã về chốn cũ. Một buổi chiều nao lòng bỗng bâng khuâng…” Xong cà phê sáng, chúng tôi phóng xe máy xuống một thung lũng, lên một ngọn đồi. con đường ngoằn ngoèo chui dưới rừng cao su xanh ngắt, trời thật lạnh, chiếc áo ấm không đủ che chắn. Trường Xã Phú Miêng nằm trong khu đồn điền, trước trường là một khoảng sân rộng như sân đá bóng, cỏ xanh rì ướt đẫm giọt sương. Ngôi trường chỉ vỏn vẹn có 2 phòng học được xây bằng gạch lợp tôn đàng hoàng, nhưng tường thì bị bong vữa, vài nơi trơ gạch, toàn bộ màu hồng đỏ lem luốc. Bàn ghế cũ kỹ cũng bị ám một màu hồng, màu của đất bụi. Phía sau trường là một hàng mít sum xuê trái che cách dãy nhà lô từng căn nhỏ nhắn dành

cho các gia đình phu cạo mủ cao su. Khung cảnh chỉ hai màu: xanh của cỏ lá và hồng của tường nhà. Ngôi trường thật yên tĩnh khi học sinh vào lớp, thỉnh thoảng một cơn gió lùa làm rung hàng lá mít. Hình ảnh mà tôi còn nhớ rõ đến ngày hôm nay là cậu học trò lớp kế bên. Mỗi sáng cậu ta cưỡi một con bò, vai mang túi đệm, đến khoảng sân trường cậu bé cẩn thận cột bò vào cái cọc tre mà cậu vừa đóng, thả dây dài cho bò tự do ăn cỏ. Xong xuôi cậu vào lớp đúng lúc kẻng xếp hàng vào lớp. Tôi quan sát nhiều ngày thấy cậu bé ngày nào cũng đúng giờ. Đôi lần tôi bước sang lớp bên nhìn qua cửa sổ, trông cậu ngồi nghiêm chỉnh, nghe thầy giảng bài dáng dấp nhỏ nhắn, nước da trắng tái, xanh xanh, áo quần lem nhem màu đất đỏ. Giờ ra chơi tôi thấy cậu ta mang một cái thùng ra múc nước ở bể nước bên cạnh trường gần nhà vệ sinh cho bò uống. Xong xuôi cậu ta mới nô đùa cùng các bạn. Gần một tuần lễ lúc nào trước khi ngủ tôi đều bị hình ảnh cậu bé như đứng trước tôi nói điều gì đó. Tôi chợt nhận ra rằng tôi chưa xứng đáng với tiếng “Thầy”. Lương tâm tôi bị giằng xéo. Hai năm học Sư Phạm tôi đã bỏ phí một quãng thời gian vô ích. Tấm gương hiếu học của cậu học trò nghèo và con bò đã làm tôi hổ thẹn. Cũng từ đó trong tôi một lòng yêu nghề lớn dần, tôi đam mê công việc lúc nào không biết. Tôi đã trở thành một Thầy giáo nhiệt tình, gương mẫu. Sau mùa hè đỏ lửa 1972, tôi không bao giờ gặp cậu bé đó nữa. Chiến tranh đã chia cắt chúng tôi, nhưng không thể nào làm tôi quên hình ảnh cậu học trò cưỡi con bò được. Mãi gần 40 năm sau, có rất nhiều gương học trò chăm học, đủ mọi hoàn cảnh đã đi qua đời tôi nhưng chưa có điều gì có thể làm phai đi hình ảnh thật đẹp rạng ngời của buổi sáng nhiều sương mù, cậu bé hiện ra như một thiên thần ngồi ung dung trên lưng con bò tiến từ từ vào tâm hồn một người Thầy giáo giác ngộ muộn màng. Tôi thấy mình đang sống cuộc sống thực sự bình an, nhẹ nhàng và ý nghĩa. Thành phố, tháng 3 năm 2010.

TRẦN NGỌC SAN Lớp Nhị 11. 27


.

MỘT CHÚT SẺ CHIA CỦA CÁC BẠN. Melbourne ngày 12 / 3 / 2010. Các bạn Khóa 8 SPSG thân mến, Tôi rất vui vì anh chị em mình vẫn còn nhớ đến nhau mặc dầu đã qua nhiều năm không gặp. Nay nghe tin anh chị em mình bên nhà tổ chức kỷ niệm “40 năm tốt nghiệp”, thì tôi có bổn phận phải tiếp tay vào, đừng phải nói lời cám ơn. Thấy anh chị em mình tổ chức trong lòng tôi cũng nôn nao, nóng ruột muốn về để có cơ hội gặp nhau. Như các bạn biết ở bên này xin nghỉ phép cũng nhiêu khê lắm. đáng lý đến tuổi trên 60 rồi thì cũng là lúc nghỉ hưu nhưng hoàn cảnh chưa cho phép, thôi thì ràng “CÀY” vậy. Biết ngày giờ chính xác anh chị em bên quê nhà tổ chức họp mặt kỷ niệm “40 năm tốt nghiệp” là ngày 8 / 8 / 2010. Ngày mai đi làm tôi thử xin phép nếu ông Tổng Giám Đốc đồng ý thì tôi cũng cố gắng gom góp thêm ít tiền mua vé máy bay về chung vui với anh chị em, có cơ hội gặp lại nhau tôi nghĩ chắc thật là vui…Cho tôi biết anh chị em Khóa 8 của tụi mình còn đuợc bao nhiêu vậy? và hy vọng buổi họp mặt sẽ đến đuợc bao nhiêu? Dự định tổ chức tại đâu? Cầu chúc anh chị em ban tổ chức buổi họp mặt luôn mạnh khỏe và nhiều an lành. Cầu chúc buổi họp mặt THÀNH CÔNG. Thân ái,

Nguyễn Mạnh Hà. Nhị 6. Tổng thư ký NK. 1970 – 1971. Tái bút: tôi gửi 4.000.000$ ủng hộ tập kỷ yếu.

Bình Thuận, ngày…tháng…năm 2010. Các chiến hữu quý mến, Do công việc bận rộn, theo quy định đi họp phải là Giám đốc Sở, ra khỏi Tỉnh phải báo cáo Tỉnh ủy, UBND Tỉnh, nên Hiến chưa vào gặp các bạn xa cách 40 năm. Hiến gửi lời thăm các bạn cùng khóa, cùng trường năm xưa. Gia đình mình vẫn bình an, mạnh khỏe. Cho Hiến xin lỗi vì không dự các cuộc họp mặt do bạn bè thân thương mời. Thân chúc các bạn và gia đình luôn khỏe, hạnh phúc, bình an. Thân, NGUYỄN VĂN HIẾN. Nhị 1.

SUY NGHĨ. Mỗi lần nghĩ về Trường Sư Phạm Sài Gòn là lòng tôi lại nao nao. Tôi nhớ mái trường, nhớ con đường đi học mỗi ngày vì tôi ở trọ gần chợ Nancy nên đi bộ đến trường. Đúng là kỷ niệm khó quên. NGUYỄN VĂN QUÂN. Nhị 11. 28


California. ngày 18 / 5 /2010. Các bạn thân, Mấy ngày nay tớ cắm đầu cắm cổ viết bài để gửi đến các cậu nhưng chắc không kịp, thôi để tớ kiếm cách gởi sau vậy, ở đây thỉnh thoảng vẫn có người quen về: bà con trong họ hàng hoặc bạn bè của mấy ông anh hoặc mấy đứa em. Mấy ngày rồi tớ viết cũng đuợc khá nhưng đọc đi đọc lại thấy nó làm sao ấy nên viết lại, rồi lại chữa, lại sửa thấy nó có vẻ đầu Ngô mình Sở nên chưa dám chép lại để nộp bài cho các cậu. Đấy “mất dạy” đã lâu nên nó ra nông nỗi thế đấy, chưa kể viết lung tung lại sợ “ phạm húy ” thì cũng lôi thôi không những cho tớ mà cả các cậu và tập thể gia đình Sư Phạm nữa. Tớ dạo này cũng ki cóp để dành tiền mua cái xe làm chân làm cẳng, không có xe ngồi bó gối ở nhà chán lắm, đi đâu cũng phải nhờ người này người kia rất bất tiện, mà ai ở đây cũng bận. Kinh tế Mỹ xuống dốc, khó khăn, xe bus rẻ nhưng không có người đi, giảm chuyến, đi đâu thuờng 2, 3 chặng ( 2, 3 con đuờng khác nhau) chờ xe dài cả cổ, tớ từng chờ như vậy có khi đến một tiếng rưỡi đồng hồ ngoài trời lạnh. Có lần đi công chuyện giải quyết trong khoảng 15 – 20 phút mà đi từ 9 giờ rưỡi sáng đến 3 giờ chiều mới về đến nhà. Họp mặt Sư Phạm bên này năm ngoái, các cậu có báo mà mình chịu, không đi đuợc. Xe hơi bên này rất rẻ: xe TOYOTA nghiêm chỉnh, chưa rã máy, còn rất tốt đời 1995 - 2000 chỉ khoảng 3,000 – 4,000 USD một cái, xe 2005 – 2007 còn gần như mới chỉ 6,000 – 9,000 USD. Xăng còn rẻ hơn Việt Nam 2,8 - 3,0 USD / galon ( khoảng 3,8 L ). Nếu tớ không gởi bài kịp mong các cậu cũng thứ lỗi cho. Khoảng giữa tháng 7 chắc tớ sẽ về Việt Nam, hy vọng có thể cùng dự Lễ kỷ niệm “ 40 năm tốt nghiệp Sư Phạm ” với các cậu đuợc, lúc đó chúng mình sẽ nói chuyện nhiều. Tớ gởi kèm trong thơ hình đúng theo yêu cầu của các cậu rồi đấy nhé ! Còn bài thì đã cố gắng nhưng chưa xong, xin cáo lỗi, sẽ cố gắng nếu xong và kịp gởi. Thôi chúc các cậu tổ chức Lễ kỷ niệm thành công tốt đẹp, kết quả mỹ mãn. Chúc tất cả các bạn trong Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn dồi dào sức khỏe để còn nhiều dịp họp mặt. Thân, ĐỖ HUY HOÀNG. Nhị 3.

Sandiego, ngày 24 tháng 5 năm 2010. Các bạn thân mến, Tôi đã gửi thư kèm hình của tôi cho các bạn rồi, nhưng gửi qua bưu điện chắc lâu lắm các bạn mới nhận được. Nói thật với các bạn mấy chục năm nay lo cầm mỏ hàn để hàn mấy cái board nên chữ nghĩa dần mất hết. Chữ viết như gà bới vì ít khi được cầm bút mong các bạn thông cảm.Tiện đây tôi gửi 200 USD ( 100 USD để ủng hộ tập Kỷ yếu, và 100 USD nhờ các bạn chuyển hộ cho Chị Thời khi các bạn đi thăm Chị ấy ). Cho tôi gửi lời thăm hỏi đến gia đình các bạn, và nhất là các bạn học chung lớp Nhị 1. Chúc các bạn luôn khỏe mạnh, hạnh phúc, vạn sự như ý. Thân, VŨ THỊ MỸ LINH. Nhị 1.

29


Phú Hòa Đông, ngày 28 tháng 5 năm 2010. Thân gửi các bạn, Mình đã gửi cho các bạn hình của mình 2 lần mà sao các bạn vẫn chưa nhận được ? lần gửi này là lần thứ 3. Hy vong các bạn sẽ nhận được !!! Khi nhận được nhớ báo cho mình hay nhé ! chúc các bạn và gia đình nhiều sức khỏe. Thân, TỐNG VĂN TƯ. Nhị 1.

Thân gởi các bạn khóa 8, Thật tình cho mình xin lỗi các bạn nhé ! Mình ở Dĩ An chỉ cách Thành phố 25 Km mà trong thời gian qua không đến dự họp mặt được. Thật đáng buồn ! Chúng mình ra trường đã gần 40 năm, khoảng thời gian khá dài nhưng chắc chắn tình cảm lúc nào cũng tràn đầy không bao giờ vơi. Bây giờ bước vào lứa tuổi 60, nghĩ cũng nhanh thật, mỗi người đã có thể làm “ Ông, Bà ” với những đứa cháu nội, cháu ngoại. Ở Dĩ An, mình là nhóm trưởng của nhóm bạn học từ thời tiểu học ( đã hơn 50 năm ) và tổ chức họp mặt vào đầu năm mới Dương lịch, duy trì được 37 năm ( từ 1973 đến nay ) mỗi lần họp được khoảng 40 người, bên cạnh đó mình duy trì được mối quan hệ gắn bó ( phúng điếu Tứ thân Phụ Mẫu, khi có hữu sự, đám cưới, đám giỗ đều mời gọi nhau.) nên tình cảm ngày càng gắn bó hơn. Mong rằng trong lần họp mặt tới đây của cựu giáo sinh Khóa 8 (1969 – 1971), tôi nghĩ sẽ đạt thắng lợi. mà nhó đừng tổ chức ngày 1/1 nhé. Vài hàng thăm các bạn. cho mình gửi lời thăm hỏi gia đình, quý quyến các bạn luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, con cháu thành đạt. Thân ái,

NIỀM TỰ HÀO. Sư phạm Sài Gòn cái nôi đào tạo những nhà Sư phạm, những Thầy Cô giáo toàn diện. Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước cũng chính những Thầy Cô đó đóng góp công không nhỏ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, xây dựng một nền giáo dục mới . Trong đội ngũ giáo chức được đào tạo từ trường Sư Phạm Sài gòn không ít người tham gia công tác quản lý giáo dục, góp công không nhỏ xây dựng những tập thể, những đơn vị điển hình tiên tiến, đào tạo cho đất nứớc nhiều thế hệ nhân tài. Tự hào với tên gọi “ Giáo học bổ túc ”, những con người toàn năng được đào tạo có quy củ từ trường Sư Phạm Saigon. Cám ơn những người Thầy, những người bạn đã giúp tôi thành đạt như ngày hôm nay.

Văn Văn Phê. Nhị 11.

30


TƯỞNG NHỚ. Chúng tôi xin thắp lên 3 nén tâm hương : ĐỂ TƯỞNG NHỚ QUÝ THẦY CÔ , CÁC ANH CHỊ ĐỒNG MÔN ĐÃ RA ĐI VỀ CÕI VĨNH HẰNG.  Nén tâm hương thứ nhất xin Chân thành Kính Dâng : Quý Thầy Cô cựu Giáo sư Trường Sư Phạm SaiGon.  Nén tâm hương thứ hai xin Kính Dâng : Quý Anh Chị đồng nghiệp cựu Giáo sinh Trường Sư Phạm SaiGon.  Nén tâm hương thứ ba xin dành cho : những đồng nghiệp cựu Giáo sinh Khóa 8 Sư Phạm SaiGon.

DANH SÁCH QUÝ THẦY CÔ DẠY KHÓA 8 ĐÃ QUÁ VÃNG. STT 01/02/03/04/05/06/07/08/09/10/11/12/13/14/-

TÊN THẦY CÔ THẦY THẦY THẦY THẦY THẦY THẦY THẦY CÔ THẦY THẦY THẦY THẦY THẦY THẦY

TÔN THẤT TRUNG NGHĨA. VŨ VĂN TỊCH. PHẠM VĂN PHÚC. HOÀNG TRẦN HOẠCH. NGUYỄN NGỌC QUANG. TRẦN HỮU VĂNG. TRẦN HỮU ĐỨC. LƯU THỊ KIM VÂN. TRẦN QUANG MINH. HUỲNH HỮU THANH. PHẠM HỮU NIỆM. ĐẶNG PHÚC XUÂN. LÊ TRÙNG KHÁNH. BÙI QUANG KIM.

NGÀY MẤT

NƠI MẤT

23/09/1991 23/12/1991 23/05/1992 12/08/1993 19/10/1993 06/07/1996 23/09/1996 04/02/2001 15/02/2004 11/06/2005 04/11/2005 12/12/2006 07/10/2007 ?

Tại Hoa Kỳ. Tại Hoa Kỳ. Tại Việt Nam. Tại Hoa Kỳ. Tại Canada. Tại Việt Nam. Tại Bỉ. Tại Hoa Kỳ. Tại Hoa Kỳ Tại Việt Nam. Tại Hoa Kỳ. Tại Canada. Tại Việt Nam. Tại Hoa Kỳ.

DANH SÁCH ĐỒNG NGHIỆP KHÓA 8 ĐÃ QUÁ VÃNG. STT 01/02/03/04/05/06/07/08/09/10/11/12/13/14/-

TÊN THẦY CÔ NGUYỄN PHAN PHÚ NGUYỄN VĂN THỨ NGUYỄN QUANG CÔN NGUYỄN VĂN TẤU LÝ THỊ KHÁNH THÁI THỊ XIÊNG NGUYỄN ĐỨC THUẤN NGUYỄN THỊ LỆ NƯƠNG HÙYNH PHI BẰNG PHAN MINH TUẤN NGUYỄN VĂN LÝ LÊ NGỌC PHƯỚC TRẦN QUANG ĐÔNG NGUYỄN THỊ MỸ

LỚP N.1 N.2 N.2 N.3 N.3 N.3 N.4 N.5 N.5 N.7 N.8 N.9 N.10 ?

NGÀY MẤT 29 / 04 / 1975. 29 / 09 / 2005. ? 1972. 1979. ? 09 / 04 / 1993. ? Năm 2000. ? ? ? Năm 2004. ?

Và những đồng nghiệp khác mà chúng tôi chưa được biết. 31


DANH SÁCH CÁC BẠN GIÁO SINH KHÓA 8 ỦNG HỘ TÀI CHÁNH THỰC HIỆN KỶ YẾU.

HỌ NGUYỄN VĂN HỨA TƯ NGỌC NGUYỄN THỊ VŨ CAO NGUYỄN KIM ĐÀO VĂN NGUYỄN MỸ HUỲNH THỊ NGỌC LƯƠNG NGỌC NGUYỄN MẠNH NGUYỄN KHẢI ĐỖ HUY ĐỖ KIM VÕ THỊ KIM VŨ THỊ MỸ PHẠM THỊ VŨ KHẮC DƯƠNG THỊ HUỲNH THỊ TRẦN VĂN NGUYỄN HÒA NGUYỄN THỊ ĐOÀN THANH TRẦN THỊ PHAN VĂN PHẠM QUANG ĐINH CAO ĐINH TẤN TRẦN NGỌC NGUYỄN VĂN PHẠM VĂN TRẦN THỊ HUỲNH LỆ NGUYỄN THỊ TRANG ANH NGÔ VĂN NGUYỄN NGỌC ĐỖ NGỌC PHẠM MẠNH LƯƠNG NGỌC VŨ THỊ XUÂN

TÊN AN ẨN BA BIỀN CÚC ĐẮC DANH ĐIỆP GIÁO HÀ HOÀN HOÀNG LANG LIÊN LINH LOAN LONG MAI MAI MẠNH NAM NĂM NGA NGA NHÀN PHỐ PHÚC QUỐC SAN TA TÂN THÁI THU THỦY TÔ TÔN ƯỚC VIỆN VỌNG YẾN YẾN

USA.

AUS. USA.

USA.

USA.

USA.

LỚP

SỐ TIỀN

N. 11 N. 6 N. 3 N. 4 N. 3 N. 3 N. 8 N. 4 N. 9 N. 6 N. 8 N. 3 N. 8 N. 11 N. 1 N. 11 N. 1 N. 4 N. 4 N. 9 N. 7 N. 4 N. 7 N. 1 N. 1 N. 10 N. 1 N. 9 N. 11 N. 11 N. 9 N. 1 N. 8 N. 4 N. 7 N. 9 N. 1 N. 3 N. 1 N. 5 N. 4

200.000$ USD 100$ 1.000.000$ 1.000.000$ 100.000$ 1.000.000$ 100.000$ 100.000$ 200.000$ 4.000.000$ 2.000.000$ USD 100$ 100.000$ 200.000$ USD 100$ 100.000$ 1.000.000$ 100.000$ 100.000$ 1.000.000$ 500.000$ 100.000$ 100.000$ 100.000$ 300.000$ 200.000$ 500.000$ 200.000$ 100.000$ 2.000.000$ 1.000.000$ 200.000$ 100.000$ 100.000$ 100.000$ 100.000$ USD 100$ 1.000.000$ 200.000$ 100.000$ 500.000$

TỔNG CỘNG : 19.600.000 ĐỒNG và 400 USD ( Mười chín triệu sáu trăm ngàn đồng và bốn trăm đô la Mỹ. ) 32


33


34


35


36


37


38


SỔ HỘ KHẨU KHÓA 8 ( 1969-1971 ) SƯ PHẠM SAIGON K8 001 Nhị 4 K8 002 Nhị 11 K8 003 Nhị 6

K8 004 Nhị 3 K8 005 Nhị 11 K8 006 Nhị 1 K8 007 Nhị 3 K8 008 Nhị 4

NGUYỄN BÁC ÁI. Số điện thoại: 098.4890.717. Địa chỉ: 341 Nguyễn Thiện Thuật, Quận 3, Tp. HCM. NGUYỄN VĂN AN Điện thoại : 090.3873.962. Địa chỉ : 63 Rạch Bùng Binh, Phường 9, Quận 3, Tp.HCM. HỨA TƯ NGỌC ẨN. Số điện thoại: 253 – 838 - 4596. Địa chỉ: 4111 SW 325 th St. Federal way WA. 98023 USA. NGUYỄN THỊ BA. Số điện thoại: 090.8454.897. Địa chỉ: 7 A / 116 Thành Thái Q.10, Tp. HCM. NGUYỄN VĂN BÁ. Điện thoại: Địa chỉ: 1 / 32 Ấp 8 Tống Bình Hiệp, Thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương PHẠM HỮU BÁU. Số điện thoại: 3951.2608. Địa chỉ: 153 / 2 Phong Phú, Phường 11, Quận 8, Tp. HCM. HUỲNH VĂN BÉ. Số điện thoại: 3892.3746. Địa chỉ: 286 Ấp Bàu Tre 2, Xã Tân An Hội, Củ Chi, Tp.HCM. ĐỖ VĂN BÊ. Số điện thoại: 091.8868.369. Địa chỉ: Phòng GDĐT H. Long Thành, Đồng Nai. 39


K8 009 Nhị 4 K8 010 Nhị 6 K8 011 Nhị 7 K8 012 Nhị 6 K8 013 Nhị 9 K8 014 Nhị 11 K8 015 Nhị 11 K8 016 Nhị 15

VŨ CAO BIỀN. Số điện thoại: 38656617 – 090.3778.836. Địa chỉ: 205 Cách Mạng Tháng 8 Phường 7, Q. Tân Bình, Tp.HCM. NGUYỄN TẤN BỬU. Số điện thoại: 072.3880.538. Địa chỉ: Rạch Kiến Cần Đước, Long An. NGUYỄN CAO CÁC. Số điện thoại: 3990.2253. Địa chỉ: 120 / 98 / 8 Thích Quảng Đức, Phường 5, Quận Phú Nhuận, Tp. HCM. TRẦN VĂN CHÀO. Điện thoại: 3765.0792 – 090.3172.115. Địa chỉ: C 1/6 Ấp 3, Xã Vĩnh Lộc A, Huyện Bình Chánh, Tp.HCM. LÊ GIAO CHÂU. Số điện thoại: Địa chỉ: 206 D Lầu 4, Lương Nhữ Học Quận 5, Tp. HCM. PHAN VĂN CHEO. Điện thoại: 3875.0981 – 090.3911.444. Địa chỉ: 986 Hậu Giang, Quận 6, Tp. HCM. NGUYỄN THỊ CHIẾN. Số điện thoại: 3892.4829. Địa chỉ: 58 BB Tổ 1, Khu phố 6, Củ Chi, Tp. HCM. TRẦN MINH CHIÊU. Điện thoại : Địa chỉ : 1031 Glen Spring Dr. Knox Ville TN. 37922. USA.

40


K8 017 Nhị 10 K8 018 Nhị 3 K8 019 Nhị 8 K8 020 Nhị 8 K8 021 Nhị 9 K8 022 Nhị 4 K8 023 Nhị 1 K8 024 Nhị 11

NGUYỄN THỊ CHÓI. Số ĐT: 0123.8976.674 – 091.6784.449. Địa chỉ: Lộc An, Long Thành, Đồng Nai. NGUYỄN KIM CÚC. Số điện thoại: 3892.7140. Địa chỉ: 238/4 Nguyễn Tri Phương Phường 4, Quận 10, Tp. HCM. NGUYỄN CỬU DANH. Số điện thoại: 3718.0977 – 090.9730.676 Địa chỉ: 12/32 Tổ 15, Khu phố 1, P. Hiệp Bình Chánh, Quận 12, Tp. HCM. NGUYỄN MỸ DANH. Số điện thoại: 3897.8889. Địa chỉ: 37 Tây Hòa, P. Phước Long A, Quận 9, Tp. HCM. TRẦN THỊ DỄ. Số điện thoại: 3863.9828. Địa chỉ: 190 cư xá 14 Đường 3 tháng 2, Phường 14, Quận 10, Tp.HCM. ĐỖ THỊ DUNG. Điện thoại : 2909.1947 - 3990.3752. Địa chỉ : 165 / 5 Phạm Văn Hai, Phường 5, Quận Tân Bình, Tp. HCM. PHAN THỊ DUNG. Số điện thoại: 3516.0821. Địa chỉ: 330 / 45 A Phan Văn Trị, Phường 10, Quận Bình Thạnh, Tp. HCM. TRẦN NGỌC DUNG. Số điện thoại: 3940.1912. Địa chỉ: C 149 / 3 Tôn Thất Thuyết, Phường 15, Quận 4, Tp. HCM.

41


K8 025 Nhị 1 K8 026 Nhị 3 K8 027 Nhị 8 K8 028 Nhị 6 K8 029 Nhị 4 K8 030 Nhị 8 K8 031 Nhị 9 K8 032 Nhị 2

TRẦN QUANG DŨNG. Điện Thoại : 3864.4045 – 090.3693.585. Địa chỉ: 158 Nghĩa Phát, Phường 7, Quận Tân Bình, Tp. HCM. ĐÀO VĂN ĐẮC. Số điện thoại: 0168.6592.268. Địa chỉ: 268 Lý Tự Trọng, Phuờng Bến Thành, Quận 1, Tp.HCM. NGUYỄN ĐẠI. Số điện thoại: 3990.7709. Địa chỉ: 533 / 37 Huỳnh Văn Bánh, Phường 14, Q. Phú nhuận, Tp. HCM. VƯƠNG ĐẾ. Số điện thoại: 0650.3825.628. Địa chỉ: 2 Hưng Phước, Hưng Định, Bình Dương. HUỲNH THỊ NGỌC ĐIỆP. Số điện thoại: 3896.4669. Địa chỉ: 2 Lê Văn Duyệt, CX Kiến Thiết Hiệp Phú, Quận 9, Tp. HCM. PHẠM MINH ĐOAN. Số điện thoại: 0613.3760.311. Địa chỉ: S 3/74 Ấp Lê Lợi, Quang Trung, Thống Nhất, Đồng Nai. HỒ MINH ĐỨC. Số điện thoại: 091.3808.035 Địa chỉ: 247 A / 21 Huỳnh Văn Bánh, Phường 12, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM. VÕ THÀNH GẤM. Số điện thoại: 098.2234.952. Địa chỉ: 521 / 65 Cách Mạng Tháng 8, Phường 13, Quận 10, Tp. HCM.

42


K8 033 Nhị 9 K8 034 Nhị 7 K8 035 Nhị 6 K8 036 Nhị 4 K8 037 Nhị 7 K8 038 Nhị 6 K8 039 Nhị 1 K8 040 Nhị 1

LƯƠNG NGỌC GIÁO. Số điện thoại: 098.2361.358. Địa chỉ: 7 Chu Văn An, Khu phố 5, Dương Đông, Phú Quốc, Kiên Giang. NGUYỄN THỊ GIỆP. Số điện thoại: 3978.7148. Địa chỉ: 175 Trần Thủ Độ, Phường Phú Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. HCM. NGUYỄN MẠNH HÀ. Số điện thoại: 614.1186.7923. Địa chỉ: 15 Davencourt, Melbourne, Australia.

NGUYỄN VĂN HẢI. Số điện thoại: 3980.0541. Địa chỉ: 2900 B Phạm Thế Hiển Phường 7, Quận 8, Tp. HCM. PHẠM THỊ HẢI. Điện thoại : 090.8199.174. Địa chỉ : 76 NAM Cao, Phường Tân Phú Quận 9, Tp.HCM. NGUYỄN VĂN HIÊN. Điện Thoại: 3510.3487 – 098.9305.087 Địa chỉ: A 1 Cư Xá Nhiêu Tứ Quận Phú Nhuận, Tp. HCM. NGUYỄN VĂN HIẾN. Điện thoại : 0913.932.358. Địa chỉ : SGDĐT Bình Thuận. Bình Thuận. NGUYỄN VĂN HIỂN. Số điện thoại: 0650.3821.621 Địa chỉ: K 1 – D 131 Hiệp Thành, Thủ Dầu Một, Bình Dương.

43


K8 041 Nhị 11 K8 042 Nhị 8 K8 043 Nhị 3 K8 044 Nhị 9 K8 045 Nhị 6 K8 046 Nhị 7 K8 047 Nhị 4 K8 048 Nhị 1

HUỲNH THỊ KIM HOÀN. Số điện thoại: 0650.3746.242. Địa chỉ: 24 / 1 KP Thạnh Hòa B, An Thạnh, Búng, Thuận An, Bình Dương. NGUYỄN KHẢI HOÀN. Số điện thoại: 091.3951.779 Địa chỉ: UBND Tỉnh Bình Dương. Bình Dương. ĐỖ HUY HOÀNG. Số điện thoại: 714 – 638 - 7532 Địa chỉ : 10632 Allen Dr. GARDEN GROVE CA 92840. USA. HUỲNH KIM HOÀNG. Điện thoại : 0613.3870.891. Địa chỉ : 68 Hùng Vương, Xuân Lộc Đồng Nai. NGUYỄN KIM HOÀNG. Số điện thoại: 090.9279.747. Địa chỉ: 2 Tỉnh Lộ 15, Ấp Phú An, Xã Phú Hòa Đông, Củ Chi, Tp. HCM. NGUYỄN THỊ HỒNG. Điện thoại: 064.3862.273 – 091.3948.406. Địa chỉ: 97 / 3 Phan Chu Trinh,Tp. Vũng Tàu. Bà Rịa - Vũng Tàu. NGUYỄN VÂN HỒNG. Số điện thoại: 090.8585.253. ( Hạnh) Địa chỉ: 11 / 6 A Mỹ Hòa 4, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, Tp. HCM. LÊ VĂN HÙNG. Số điện thoại: 3833.0263 – 090.8784.525 Địa chỉ: 208 B Lý Thái Tổ, Phường 1, Quận 10, Tp. HCM.

44


K8 049 Nhị 11 K8 050 Nhị 5

051 Nhị 4

K8 052 Nhị 1 K8 053 Nhị 7 K8 054 Nhị 7 K8 055 Nhị 8 K8 056 Nhị 11

TRẦN VĂN HÙNG. Số điện thoại: 091.3860.350. Địa chỉ: Hưng Định, Hưng Thọ, Bình Dương. NGUYỄN THỊ NGỌC HUYỀN. Điện thoại : 063.3830.526. 47 B Hai Bà Trưng, Đà Lạt. Lâm Đồng. ĐOÀN NGỌC HUỲNH. Số điện thoại: 073.3945.718. Địa chỉ: Trường TH số 2 Bình Đông, Huyện Gò Công Đông, Tiền Giang. BÙI THỊ KẾN. Số điện thoại : 073.3512.159. Địa chỉ : 17/2 Nguyễn Trọng Dân, Kp 3 TX. Gò Công, Tiền Giang. PHAN KIỆN KHÁNG. Điện thoại : 097.9139.713. Địa chỉ : 11 Nguyễn Du, Trảng Bàng, Tây Ninh. PHẠM VĂN KHINH. Điện thoại : 072.3881.456. Địa chỉ : 22 Hồ Văn Huê, TT Cần Đước Cần Đước, LONG AN. PHAN HUYỀN LINH KHƯƠNG. Số điện thoại: 703 – 941 - 6591 Địa chỉ: 7811 Briston Dr Annandale Virginia 22003 USA. TRẦN THỊ LAN. Số điện thoại: 3923.7118. Địa chỉ: 68 Nguyễn Trãi, Quận 5, Tp. HCM.

45


K8 057 Nhị 3 K8 058 Nhị 8 K8 059 Nhị 9 K8 060 Nhị 9 K8 061 Nhị 4 K8 062 Nhị 11 K8 063 Nhị 5 K8 064 Nhị 1

TRẦN THỊ LAN. Điện thoại: 3842.1405 – 0168.8906.539 Địa chỉ: 61 / 1 Lưu Nhân Chú, Phường 5, Quận Tân Bình, Tp. HCM. ĐỖ KIM LANG. Điện thoại: 3758.2382 - 097.9897.592 Địa chỉ: A 33 / 20 D Ấp 1, Bình Hưng, Huyện Bình Chánh, Tp. HCM. HỨA TẤN LANG. Điện thoại: 068.3872.225 – 091.8874.996 Địa chỉ: Ấp Phước Nhân, Xã Xuân Hải, Huyện Minh Hải, Ninh Thuận. VÕ NGỌC LANG. Số điện thoại: 6670.4070. Địa chỉ: 40 / 8 / G 8 Trần Xuân Soạn, P. Tân Thuận Tây, Quận 7, Tp. HCM. NGUYỄN CHÍ LẬP. Số điện thoại : 090.7261.756 – 093.9383.287 Địa chỉ : Truờng THPT Vĩnh Bình, Gò Công Tây Tiền Giang. VÕ THỊ KIM LIÊN. Số điện thoại: 3860.0537. Địa chỉ: 77 / 39 KP Chợ Trần Văn Quang Phường 10, Quận Tân Bình, Tp. HCM. BÙI VĂN LIỄU. Số điện thoại: 098.4185.400. Địa chỉ: 56 Cầu Tràm, Long Trạch, Cần Đước, Long An. VŨ THỊ MỸ LINH. Điện thoại : 619 – 286 - 5734. Địa chỉ : 3814 Marron St. San Diego CA. 92115 USA.

46


K8 065 Nhị 3 K8 066 Nhị 11 K8 067 Nhị 1 K8 068 Nhị 9 K8 069 Nhị 10 K8 070 Nhị 3 K8 071 Nhị 4 K8 072 Nhị 4

NGUYỄN THỊ BẠCH LOAN. Số điện thoại: 3892.3746. Địa chỉ: 286 Ấp Bàu Tre 2, Xã Tân An Hội, Củ Chi, Tp. HCM. PHẠM THỊ LOAN. Số điện thoại: 064.3752.438. Địa chỉ: 60/38/3/16 Phạm Hồng Thái, Phường 7, Thành phố Vũng Tàu. VŨ KHẮC LONG. Điện thoại: 3849.7989 – 090.9959.161 Địa chỉ: 73/1/17 Tân sơn Nhì, P. Tân Sơn nhì, Q. Tân phú, Tp. HCM. ĐỖ THỊ LUẬN. Số điện thoại: 54086697. Địa chỉ: 259 / 38 D Cư Xá Tự Do, Phường 7, Quận Tân bình, Tp. HCM. TRẦN VĂN LUÔNG. Số điện thoại: 066.3881.718. Địa chỉ: PGD Trảng Bàng, Trảng Bàng, Tây Ninh. PHẠM VĂN LƯỢNG. Số điện thoại: 3931.7645. Địa chỉ: 258 / 18 / 23 Cách Mạng Tháng 8, Phường 10, Quận 3, Tp.HCM. DIỆP THỊ TUYẾT MAI. Số điện thoại: 3950.6253. Địa chỉ: 96 Đường 24 B, Phường Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, Tp.HCM. DƯƠNG THỊ MAI. Số điện thoại: 3717.4008. Địa chỉ: 715 Lê Thị Riêng, P. Thới An, Quận 12, Tp. HCM.

47


K8 073 Nhị 4 K8 074 Nhị 6 K8 075 Nhị 9 K8 076 Nhị 3 K8 077 Nhị 2 K8 078 Nhị 2 K8 079 Nhị 3 K8 080 Nhị 1

HUỲNH THỊ MAI. Số điện thoại: 3925.0475. Địa chỉ: 77 H Bùi Thị Xuân, P. Phạm Ngũ Lão, Quận 1, Tp. HCM. PHẠM THỊ TUYẾT MAI. Số điện thoại: 0613.848.618. Địa chỉ: Trường TH Phước Thiền 1, Nhơn Trạch, Đồng Nai. TRẦN VĂN MẠNH. Điện thoại:0613.845.364 – 090.9313.277. Địa chỉ: 199/8 Phước Long, Long Thành, Đồng Nai. TRẦN THỊ MIỆN. Số điện thoại: Địa chỉ: 30/15 Bùi Thị Xuân, Phường 3, Quận Tân Bình, Tp.HCM. ĐỖ CÔNG MINH. Điện thoại: 3864.7338 – 090.8610.686. Địa chỉ: 27 / 4 Hưng Hóa, Phường 6, Quận Tân Bình, Tp.HCM. HỒ HOÀNG MINH. Điện thoại: 3835.7842 – 090.3825.352. Địa chỉ: 32/41 Cao Thắng, Quận 3, Tp.HCM. LÊ VĂN MINH. Điện thoại: 3836.5043 – 097.5994.697. Địa chỉ: 148 / 22 Bùi Viện, P. Phạm Ngũ Lão, Quận 1, Tp.HCM. TÔ QUANG MINH. Điện thoại: 0663.854.858 – 094.9970.972. Địa chỉ: 105 A KP. 1, Gò Dầu, Tây Ninh.

48


081 Nhị 7

K8 082 Nhị 4 K8 083 Nhị 8 K8 084 Nhị 7 K8 085 Nhị 3 K8 086 Nhị 1 K8 087 Nhị 5 K8 088 Nhị 9

NGUYỄN HÒA NAM. Điện thoại: 382.5578 – 091.3663.398. Địa chỉ: 174/13 Lê Quốc Hưng, Quận 4, Tp.HCM. NGUYỄN THỊ NĂM. Số điện thoại: 3836.3446. Địa chỉ: 11 Phan Văn Trị, Phường 2, Quận 5, Tp.HCM. TRẦN VĂN NĂM. Số điện thoại: 3901.5740. Địa chỉ: 67/1 Đường 5, Phường 11, Quận 6, Tp.HCM. ĐOÀN THANH NGA. Điện thoại : 097.9738.923. Địa chỉ : 424 / 20 A Tùng Thiện Vương, Phường 13, Quận 8, Tp.HCM. NGUYỄN ANH NGA. Điện thoại: 0613.3925.355. Địa chỉ: Hộp Thư 21 Bưu Điện Trảng Bom, Trảng Bom, Đồng Nai. TRẦN THỊ NGA. Điện thoại: 3920.7138 – 0169.6105.865. Địa chỉ: C 33 c/c 300 Bến Chương Dương, P. Cầu Kho, Quận 1, Tp.HCM. HỒ VĂN NGHĨA. Điện thoại : 091.8187.753. Địa chỉ :Trường Thiếu sinh quân Củ Chi, Tp.HCM. TRẦN THÀNH NGHĨA. Điện thoại: 073.3870.318 – 090.8384.009. Địa chỉ: 74 / 7 Lê Thị Hồng Gấm, Phường 6, Mỹ Tho, Tiền Giang.

49


K8 089 Nhị 1 K8 090 Nhị 8

091 Nhị 6

K8 092 Nhị 11 K8 093 Nhị 7 K8 094 Nhị 1 K8 095 Nhị 1 K8 096 Nhị 4

NGUYỄN BÁ NGHIỆP. Điện thoại: 091.773.4566. Địa chỉ: Gò Công.

TRẦN ÁNH NGỌC. Điện thoại: 3875.6572. Địa chỉ: 146 Hồ Học Lãm, Quận Bình Tân, Tp.HCM. NGUYỄN THỊ NGUYỆT. Điện thoại : 095.5414.140. Địa chỉ : 68 / 8 A Đào Duy Anh, Phường 9, Quận Phú Nhuận, Tp.HCM. PHẠM BÁ NGỮ. Điện thoại: 0643.587.615. Địa chỉ: 17 Cô Bắc, Phường 4, Vũng Tàu Bà Rịa - Vũng Tàu. PHẠM THỊ THANH NHÀN. Điện thoại: 3842.7775 Địa chỉ: 326 CMT8 Phường 13, Quận Tân Bình, Tp.HCM. PHAN VĂN NHÀN. Điện thoại: 3892.4829. Địa chỉ: 588 A TT Củ Chi, Củ Chi, Tp.HCM. NGUYỄN THỊ NHẬT. Điện thoại: 0613.864.484 – 094.6423.542. Địa chỉ: 4 / 4 Ấp Nhân Hòa, Xã Tây Hòa, Trảng Bom, Đồng Nai. HỒ NHỎ. Điện thoại: 0623.827.221. Địa chỉ: 5 Cao Thắng, Bình Hưng, Phan Thiết, Bình Thuận.

50


K8 097 Nhị 9 K8 098 Nhị 1 K8 099 Nhị 3 K8 100 Nhị 4 K8 101 Nhị 9 K8 102 Nhị 11 K8 103 Nhị 4 K8 104 Nhị 7

ĐỖ THỊ NHUẬN. Điện thoại: 3837.1540. Địa chỉ: 212 B / D 47 Nguyễn Trãi, P. Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, Tp.HCM. TRẦN VĂN NHỰT. Điện thoại: 093.4130.661. Địa chỉ: 121 Hai Bà Trưng, Khu phố 1, Phường 3, TX Gò Công, Tiền Giang. PHẠM THỊ NỤ. Điện thoại: 0500.3872.803 - 093.5872.015. Địa chỉ : 161 Trần Hưng Đạo, TX. Buôn Hồ , Huyện Krông , Đăk Lăk. HOÀNG QÚY PHÁC. Điện thoại: 3974.1691 – 091.8638.550. Địa chỉ: 19 / 6 Hoàng Xuân Nhì, Quận Tân Phú , Tp.HCM. LU THÁI PHÁT. Điện thoại: 3931.0828. Địa chỉ: 358 Cách Mạng Tháng 8, Quận 10, Tp.HCM. VĂN VĂN PHÊ. Điện thoại: 091.8050.175. Địa chỉ: Trường PTTH Dĩ An, Thuận An, Bình Dương. NGUYỄN TẤN PHI. Điện thoại: 3836.3446. Địa chỉ: 11 Phan Văn Trị, Phường 2, Quận 5, Tp.HCM. PHAN CHÂU PHI. Điện thoại: 0643.862.273 – 091.3948.406. Địa chỉ: 97 / 3 Phan Chu Trinh,Tp. Vũng Tàu. Bà Rịa - Vũng Tàu.

51


K8 105 Nhị 2 K8 106 Nhị 1 K8 107 Nhị 10 K8 108 Nhị 1 K8 109 Nhị 10 K8 110 Nhị 8 K8 111 Nhị 11 K8 112 Nhị 9

NGUYỄN THỊ PHONG. Điện thoại: 0650.3821.621. Địa chỉ: K 1 D 131 P. Hiệp Thành, Thủ Dầu Một, Bình Dương. NGUYỄN THỊ PHỜ. Điện thoại: 0650.3821.621. Địa chỉ: K 1 D 131 P. Hiệp Thành, Thủ Dầu Một, Bình Dương. PHẠM QUANG PHỐ. Điện thoại : 480 – 966 - 9115. Địa chỉ : 1615 E Campbellave Gilbert. USA. ĐINH CAO PHÚC. Điện thoại: 098.3644.221. Địa chỉ: 106 Nguyễn Giản Thanh. Phường 15, Quận 10, Tp.HCM. NGÔ NGỌC QUANG. Điện thoại: 0663.841.751 – 098.4435.947 Địa chỉ: 45 / 8 KP 1, Phan Bội Châu, Hòa Thành, Tây Ninh. ĐỖ BÁ QUÁT. Điện thoại : 091.3835.361. Địa chỉ : 169 / 34 C Tổ 8, Khu phố 2, P. Tam Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai. NGUYỄN VĂN QUÂN. Điện thoại: 066.3844.281. Địa chỉ: 24 Đường số 4 Nguyễn Văn Sinh, Long Thành Bắc, Hòa Thành, Tây Ninh. ĐINH TẤN QUỐC. Điện thoại: 3846.8957 – 090.7339.051. Địa chỉ: 38 / 8 B Trần Khắc Chân, P. Tân Định, Quận 1, Tp.HCM.

52


K8 113 Nhị 11 K8 114 Nhị 7 K8 115 Nhị 11 K8 116 Nhị 6 K8 117 Nhị 2 K8 118 Nhị 5 K8 119 Nhị 6

K8 120 Nhị 8

NGUYỄN TÁ QUỐC. Điện thoại: 3883.0944. Địa chỉ: Trường TH Thực Hành. Quận 5, Tp.HCM. MAI VĂN QUYỀN. Điện thoại : 090.8199.174. Địa chỉ : 76 Nam Cao, Phường Tân Phú, Quận 9, Tp.HCM. TRẦN NGỌC SAN. Điện thoại: 0962.983.691. Địa chỉ: 63 Nguyễn Lâm, Phường 3, Quận Bình Thạnh, Tp.HCM. TRƯƠNG VĂN SANH. Điện thoại: 0613.844.464. Địa chỉ: 3 / 6 Tổ 13, Khu Phước Hải, Thị Trấn Long Thành, Đồng Nai. PHAN HIẾU SINH. Điện thoại: 3892.7723 – 090.9246.687. Địa chỉ: Trường THPT Phú Hòa, Phú Lợi, Phú Hòa Đông, Củ Chi, Tp.HCM. HUỲNH LAM SƠN. Điện thoại : 090.8882.862. Địa chỉ : 111 / 2 Ấp Lập Thành, Xuân Thạnh, Thống Nhất, Đồng Nai. PHẠM VĂN TRUNG SƠN. Điện thoại: 3853.0381. Địa chỉ: 001 BIS Lô M c/c Nguyễn Kim Quận 10, Tp.HCM. TRẦN ÁNH SƯƠNG. Điện thoại: 3895.0116. Địa chỉ: 436 / 17 Lê Đức Thọ, Quận Gò Vấp, Tp.HCM.

53


K8 121 Nhị 11 K8 122 Nhị 8 K8 123 Nhị 3 K8 124 Nhị 5 K8 125 Nhị 9 K8 126 Nhị 3 K8 127 Nhị 1 K8 128 Nhị 11

NGUYỄN VĂN TA. Điện thoại : 408 – 223 - 7627 Địa chỉ : 3151 Whitesand Drive, SanJose, CA 95148 USA. TĂNG TÀI. Điện thoại : 091.3766.949. Địa chỉ : 83 Đường 27 – 4 Thị xã Bà rịa, Bà Rịa – Vũng Tàu. NGUYỄN VĂN TAM. Điện thoại: 0663.789.328. Địa chỉ: Ấp Bình Phong, Châu Thành, Tây Ninh. HỒ THANH TÂM. Điện thoại: 091.8052.520. Địa chỉ: 320 B / 2 Ấp 2, Xã An Phú Tây, Huyện Bình Chánh, Tp.HCM. PHẠM VĂN TÂN. Điện thoại: 703 – 941 - 6591. Địa chỉ: 7811 Briston Dr Annandale Virginia 22003. USA. TRẦN VĂN TÂN. Điện thoại: 3974.7289. Địa chỉ: 55 B Lạc Long Quân, Phường 5, Quận 11, Tp.HCM. TRẦN THỊ THÁI. Điện thoại: 0663.881.467 – 090.8258.324. Địa chỉ: 6 Hòa Bình 2, An Hòa, Trảng Bàng, Tây Ninh. PHẠM NGỌC THANH. Điện thoại: 0673.665.128 – 096.8786.719. Địa chỉ : 163 An Lợi B, Xã Thịnh Yên, Huyện Lấp Vò, ĐỒNG THÁP.

54


K8 129 Nhị 4 K8 130 Nhị 7 K8 131 Nhị 1 K8 132 Nhị 5 K8 133 Nhị 4 K8 134 Nhị 2 K8 135 Nhị 4 K8 136 Nhị 1

PHAN HỒNG THANH. Điện thoại: 3838.0805. Địa chỉ: 159 Nguyễn Văn Cừ, Phường 2, Quận 5, Tp.HCM. PHAN THỊ THANH. Điện thoại: 3844.7648. Địa chỉ: 236 K Lê Văn Sỹ, Phường 1, Quận Tân Bình, Tp.HCM. NGUYỄN VĂN THÀNH. Điện thoại: 3504.8736 – 0122.8955.088. Địa chỉ: 56 / 40 A Nguyễn Thượng Hiền, Phường 1, Quận Gò Vấp, Tp.HCM. HOÀNG TƯỜNG THẮNG. Điện thoại : Địa chỉ : 529 / 33 Điện Biên Phủ, Phường 3, Quận 3, Tp.HCM. PHẠM ĐỨC THẮNG. Điện thoại: 095.7328.510. Địa chỉ: 25 A Nguyễn Thiện Thuật. Phường 1, Quận 3, Tp.HCM. ĐIÊU VĂN THIÊN. Điện thoại: 091.9696.440. Địa chỉ: Trường TH Long Bình 3, Gò Công Tây, Tiền Giang. LÊ THỊ BĂNG THINH. Điện thoại: 3865.6939 – 090.6990.299. Địa chỉ: 174 / 1 Bình Thới, Quận 11, Tp.HCM. AO THỊ THỜI. Điện thoại: 0650.2233.3469 Địa chỉ: Ấp Bình Hưng 1, Bình An, Dĩ An, Bình Dương.

55


K8 137 Nhị 1 K8 138 Nhị 8 K8 139 Nhị 10 K8 140 Nhị 4 K8 141 Nhị 4 K8 142 Nhị 1 K8 143 Nhị 7 K8 144 Nhị 9

NGUYỄN NGỌC THÔNG. Điện thoại: 617 – 653 - 1459. Địa chỉ: USA.

HUỲNH LỆ THU. Điện thoại : 3775.1991 – 098.2292.429. Địa chỉ : 274 Nguyễn Văn Linh, Phường Bình Thuận, Quận 7, Tp.HCM. HUỲNH THU THỦY. Điện thoại: 0663.881.718. Địa chỉ : PGD Trảng Bàng, Trảng Bàng, Tây Ninh. NGUYỄN THỊ THỦY. Điện thoại : 3865.4156 – 093.7662.146. Địa chỉ : 24 Đường số 3, CX Lữ Gia Phường 15, Quận 11, Tp.HCM. NGUYỄN THỤY. Điện thoại : 090.9577.631. Địa chỉ : 2 Lê Văn Duyệt, CX Kiến Thiết, P. Hiệp Phú, Quận 9, Tp.HCM. TÔ THỊ TIẾN. Điện thoại : 3857.2742 Địa chỉ : 010 Lô M C/C Nguyễn Kim, Quận 10, Tp.HCM. TRANG ANH TÔ. Điện thoại : 098.8943.114. Địa chỉ : 175 Trần Thủ Độ, P. Phú Thạnh, Quận Tân Phú, Tp.HCM. NGÔ VĂN TÔN. Điện thoại : 0122.6847.517. Địa chỉ : 1086 Tổ 36 Ấp Vĩnh Thuận, Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú, An Giang.

56


K8 145 Nhị 6 K8 146 Nhị 4 K8 147 Nhị 4 K8 148 Nhị 10 K8 149 Nhị 6 K8 150 Nhị 4 K8 151 Nhị 1 K8 152 Nhị 9

VŨ OANH TÔN. Điện thoại : 3916.0251. Địa chỉ : 25 / 506 A Lê Đức Thọ, Phường 16, Quận Gò Vấp, Tp.HCM. TRẦN THỊ TRÂM. Điện thoại : 0613.3843.654. Địa chỉ : 109 /41 / 11 Phan Chu Trinh, Quang Vinh, Biên Hòa, Đồng Nai. PHẠM ĐÌNH TRÂN. Điện thoại : 3883.3487 – 090.7385.985. Địa chỉ : 92/3 Trường Chinh, Quận 12, Tp.HCM. LÂM THÀNH TRUNG. Điện thoại : 090.9281.340. Địa chỉ : 46 / 40 / 11 Vườn Chuối, Phường 4, Quận 3, Tp.HCM. NGUYỄN VĂN TRUNG. Điện thoại : 095.5414.140 – 0122.6364.849. Địa chỉ : 68 / 8 A Đào Duy Anh, Phường 9, Q. Phú Nhuận, Tp.HCM. TRẦN BẠCH TUYẾT. Điện thoại : Địa chỉ : USA.

TỐNG VĂN TƯ. Điện thoại : 3797.3390. Địa chỉ : Tổ 90 Ấp Phú Định, Thị Trấn Củ Chi, Củ Chi, Tp.HCM. PHAN THỊ KHÁNH TƯỜNG. Điện thoại : 3844.2875 – 090.9370.117. Địa chỉ : 247 A / 21 Huỳnh Văn Bánh, Phường 12, Quận Phú Nhuận, Tp.HCM.

57


K8 153 Nhị 1 K8 154 Nhị 4 K8 155 Nhị 3 K8 156 Nhị 3 K8 157 Nhị 3 K8 158 Nhị 1 K8 159 Nhị 8 K8 160 Nhị 6

NGUYỄN NGỌC ƯỚC. Điện thoại : 951 – 215 - 1307. Địa chỉ : 23896 Orange Ave. Perris Riverside, 92570, USA.

CA.

NGUYỄN VĂN VÀNG. Điện Thoại : 0733.943.060 – 098.5094.075. Địa chỉ : Trường THCS Bình Nghị, Gò Công Đông, Tiền Giang. PHẠM THỊ VÂN. Điện thoại : 3845.1393. Địa chỉ : 320/406 CMT8, Phường 5, Quận Tân Bình, Tp.HCM. NGUYỄN THỊ VÂN. Điện thoại : 3820.4411. Địa chỉ : N 8 - 47 Huỳnh Khương Ninh, Phường Đakao, Quận 1, Tp.HCM. ĐỖ NGỌC VIỆN. Điện thoại : 090.9394.135. Địa chỉ : 55 B Điện Biên Phủ, Phường 21, Quận Bình Thạnh, Tp.HCM. PHẠM MẠNH VỌNG. Điện thoại : 0613.767.972 – 091.9513.148. Địa chỉ : Trường THCS Xuân Thiện, Thống Nhất, Đồng Nai. NGUYỄN THỊ KỲ VỌNG. Điện thoại : Địa chỉ : 1031 Glen Spring Dr. Knox Ville TN. 37922. USA. LÊ VĂN VÔ. Điện thoại : 091.9859.752. Địa chỉ : 237 Ấp Trung Bình, Xã Trung Lập Thượng, Củ Chi, Tp.HCM.

58


K8 161 Nhị 1 K8 162 Nhị 11 K8 163 Nhị 11 K8 164 Nhị 3 K8 165 Nhị 5 K8 166 Nhị 4

PHAN VĂN XẠ. Điện thoại : 090.9553.906. Địa chỉ : 156 / 26 Đặng Văn Ngữ, Phuờng 14, Quận Phú Nhuận, Tp.HCM. NGUYỄN THỊ XỪNG. Điện thoại : 0623.822.125 – 0169.3581.456. Địa chỉ : 140 Tuyên Quang, Thị Xã Phan Thiết, Bình Thuận. HUỲNH VĂN XƯỜNG. Điện thoại : 3797.4554. Địa chỉ : 72 / 4 Phú Mỹ, Ấp Phú Mỹ, Phú Hòa Đông, Củ Chi, Tp.HCM. NGUYỄN THỊ NHƯ Ý. Điện thoại : 3516.0776. Địa chỉ : 354 / 3 / 48 Phan văn Trị, Ph. 11, Quận Bình Thạnh, Tp.HCM. LƯƠNG NGỌC YẾN. Điện thoại : 3751.0139 – 245.2640. Địa chỉ : 16 G Khu 3, Phường An Lạc A, Quận Bình Tân, Tp.HCM. VŨ THỊ XUÂN YẾN. Điện thoại : 3810.0533. Địa chỉ : 11 Lê Tấn Quốc, Phường 13, Quận Tân Bình, Tp.HCM.

59


HÌNH ẢNH NGÀY NAY CỦA CÁC GIÁO SƯ GIẢNG DẠY KHÓA 8 ( 1969 – 1971 ) SƯ PHẠM SÀI GÒN.

ĐINH NGỌC ẨN

PHẠM HỮU BÍNH

NGUYỄN QUÝ BỔNG

ĐOÀN VIẾT BỬU

VŨ NGỌC ĐẠI

Cố GS HOÀNG TRẦN HOẠCH

NGUYỄN DUY LINH

NGUYỄN VĂN LƯỢM

Cố GS TRẦN QUANG MINH

HUỲNH VĂN NGÔN

DƯƠNG THỊ NINH

NGUYỄN HỮU PHƯỚC

NGUYỄN NGỌC QUAN

NGUYỄN TỬ QUÝ

DOÃN QUỐC SỸ

TRẦN THANH THANH

DƯƠNG MẠNH THƯỜNG

TÔ MINH TÍN

TRẦN THẾ UY

Cố GS ĐẶNG PHÚC XUÂN

60


2010 – http://suphamnsaigon.freeforums.org - 2010

61


Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.