Nội dung
Nghệ thuật
Về thể loại, dựa vào nội dung chủ đề, có thể chia tranh Đông Hồ thành 7 loại chính, gồm tranh thờ, tranh chúc tụng (Đàn gà,...), tranh lịch sử (Bà Trưng, Phù Đổng thiên vương, Ngô Quyền… ), tranh truyện (Kiều, Thạch Sanh), tranh phương ngôn, tranh cảnh vật và tranh phản ánh sinh hoạt(Đánh vật, đánh đu, tiến sĩ vinh quy… ).
Về giá trị nghệ thuật, so với các dòng tranh khác, tranh dân gian Đông Hồ có tính biểu trưng, trang trí nhưng vẫn giữ được nét mộc mạc, dễ hiểu, gần gũi với đời sống của người dân vùng châu thổ Bắc Bộ, độc đáo trong việc sử dụng đường nét tiết giản và những mảng màu dẹt đều, là màu tự nhiên của cỏ cây, hoa lá, tươi sáng trên nền giấy dó quét điệp óng ánh.
Tranh dân gian Đông Hồ phản ánh sâu sắc đời sống tinh thần, vật chất của con người, xã hội theo quan điểm mỹ học dân gian của người dân nơi đây. Đó là những bức tranh khắc hoạ ước mơ ngàn đời của người lao động về cuộc sống gia đình thuận hoà, ấm no, hạnh phúc, về một xã hội công bằng, tốt đẹp. Tranh dân gian Đông Hồ góp phần không nhỏ vào việc lưu giữ những vốn văn hoá truyền thống của dân tộc, làm cho đời sống tinh thần của người Việt Nam thêm phong phú.
Tranh dân gian Ðông Hồ không áp dụng chặt chẽ về cơ thể học, các nguyên tắc về ánh sáng hay luật xa gần của tranh hiện đại. Những nghệ sĩ sáng tác tranh dân gian mang nhiều tính ước lệ trong bố cục, trong cách miêu tả về màu sắc. Tất cả đều sử dụng lối vẽ đơn tuyến bình đồ để thể hiện, do đó xem tranh dân gian ta thường bắt gặp cái thú vị ở những nét ngây ngô đơn giản nhưng hợp lý hợp tình.
Nét riêng giữa tranh Đông Hồ với các dòng tranh dân gian Việt Nam Trên phương diện đề tài Dòng tranh này có đề tài rất phong phú, nó phản ảnh hầu như tất cả những gì diễn ra trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày cũng như những mối quan hệ xã hội ở miền nông thôn Bắc Bộ. Do đề tài gần gũi tranh Đông Hồ đã được người dân đón nhận và sớm đi vào đời sống văn hoá của họ.
Trên phương diện chất liệu Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp: người ta nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ dán (hồ được nấu từ bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp, có khi nấu bằng bột sắn - hồ dùng để quét nền tranh thường được nấu loãng từ bột gạo tẻ hoặc bột sắn, hồ nấu từ bột nếp thường dùng để dán) rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó.
Nét riêng giữa tranh Đông Hồ với các dòng tranh dân gian Việt Nam Trên phương diện màu sắc Màu sắc được sử dụng trong tranh Đông Hồ là màu tự nhiên. Những chất màu thô này được trộn với nhau và hoà với một lượng bột nếp trước khi in để tạo một lớp hồ, làm cho giấy tranh cứng hơn sau khi phơi khô. Đây là những màu cơ bản, không pha trộn và vì số lượng màu tương ứng với số bản khắc gỗ, nên thông thường tranh Đông Hồ chỉ dùng tới 4 màu.
Trên phương diện mảng - nét Nếu như nét trong tranh Hàng Trống ưa sự mảnh mai, chau chuốt, tinh tế, thì ngược lại, trong tranh dân gian Đông Hồ là nét thực, nét tạo nên hình mảng trong tranh. Nét khoanh lấy các mảng màu giữ cho màu đằm trên giấy. Nét trong tranh dân gian Đông Hồ khỏe khoắn nhưng không thô cứng, chắc chắn nhưng mềm mại, uyển chuyển, thanh thoát, tạo nên vẻ riêng của tranh dân gian.
Chương II: Hồn dân tộc qua tranh dân gian Đông Hồ 1. Hình tượng nghệ thuật tiêu biểu của tranh dân gian Đông Hồ 2. Tranh Đông Hồ thể hiện quan niệm của người Việt trong cuộc sống đời thường
Hình tượng nghệ thuật tiêu biểu của tranh dân gian Đông Hồ
Hình tượng con lợn Con lợn trong tranh Đông Hồ là một trong những con vật được tạo hình đẹp nhất. Có lẽ vì Đông Hồ là làng tranh giữa một vùng quê, nên đã có cái nhìn đẹp như vậy về một con vật nuôi tượng trưng cho ấm no, sung túc.
Tranh Đông Hồ có rất nhiều chủ đề riêng cho lợn. Có ba chủ đề chính là: tranh lợn đàn; tranh lợn ăn cây ráy; tranh lợn độc - tất cả đều béo mũm mĩm – “mõm gầu giai, tai lá mít, đít lồng bàn” Tranh vũ con lợn khá siêu thực, thân lợn được tả theo góc nhìn ngang, nhưng mõm lợn lại theo góc nhìn thẳng. Sự phối màu rực rỡ từ những góc chế từ nguyên liệu dân gian dễ kiếm là đặc trưng độc đáo.
Những bức tranh lợn được diễn tả bằng ngôn ngữ ước lệ nhưng cũng chứng tỏ cá nghệ nhân đã quan sát rất kĩ, nguyên mẫu, đó là giống lơn ỉ thuần chủng. Giống lợn này thường có màu đen hoặc lang hồng, lưng võng, bụng xệ, trên thân thường có những đám lông mọc thành khoáy tròn. Theo kinh nghiệm của nhà nông thì những con lợn nào mà trên lưng có dải lông mọc khác chiều với chỗ khác thì đó là giống tốt. Điều này đã được các nghệ nhân nhấn mạnh bằng một vệt màu sẫm. Để làm nổi bật cái má và cái đùi nung núc mỡ, họa sỹ vẽ hẳn một mảng màu hình lưỡi liềm. Điều thú vị nữa là cái mũi, nếu ta nhìn nghiêng để trông thấy cả mình con lợn – thì không thể trông thấy hai lỗ mũi của nó. Ơ đây tác giả đặt điểm nhìn từ cả phía bên cạnh lẫn phía trước, vì vậy đã thể hiện rõ cái “mõm gầu giai” của con lợn.
Tranh lợn đàn Hình ảnh đàn lợn mẹ con âm dương-biểu tượng tín ngưỡng dân gian “sinh sôi nảy nở”, no đủ, phồn thực. Tranh lợn đàn là bức tranh tả cảnh 5 con lợn đang ăn cây ráy cùng nhau. Trong đàn có 1 con lợn mẹ và 5 con lợn con. Trên bụng và mông mỗi con đều có 2 vòng thái cực âm dương. Tranh Lợn đàn : hình tượng Lợn béo, dáng trông nghiêng. Nó vừa là cái đẹp hữu hình, vừa là ẩn chứa quan niệm về ngũ hành. Trong dân gian có rất nhiều những sự vật, hiện tượng mang tính biểu tượng. Con Lợn là một hình ảnh của sự sinh sôi, nảy nở, ấm no, phát triển. Chẳng vậy mà ông bà xưa có câu: “Giàu nuôi chó, khó nuôi heo”, hay: “Đàn bà thì phải nuôi heo/ Thời vận đang nghèo nuôi chẳng đặng trâu”. Hình ảnh người phụ nữ với tính âm như Đất, đại diện cho sự sinh sôi, nuôi nấng vạn vật, thì phải biết nuôi heo để tăng gia cho gia đình, giúp đức lang quân chăm lo cho gia đình sung túc, đầm ấm.
Tranh lợn ăn cây ráy Hình ảnh một chú lợn mô tả trong tư thế ngang với một thân hình đồ sộ, mũm mĩm chiếm gần hết bức tranh. Chú Lợn đang đứng, đuôi cong, tai vểnh, bốn chân hơi chụm tạo thế chống để dồn sức goặm cây ráy. Có thể hình ảnh trong đời sống sinh hoạt, có những chú lợn nhỏ, lợn gầy. Tuy nhiên, trong các bức tranh dân gian Đông Hồ, chú lợn luôn xuất hiện với dáng vẻ đầy đặn, béo tốt. Cũng như muốn thể hiện ước mơ bao đời của người nông dân: Heo béo tốt là kết quả lao động thành công theo năm tháng của người nông dân. Con heo là niềm vui, là nơi họ gửi gắm tình cảm: “Lợn đói một bữa bằng người đói nửa năm”. Nghệ nhân đã chọn lựa và sáng tác nó với cả một tình cảm yêu mến gắn bó thiết tha. Và vì thế, bức tranh lợn ăn cây ráy còn cầu chúc cho sự sung túc, ấm no và an nhàn. Mong cho cuộc sống và công việc luôn an nhàn, phát triển, sung túc và thịnh vượng.
Chúng ta thấy rõ những tranh lợn này có mối liên hệ với tục nuôi lợn thờ ở Niệm Thượng Từ Sơn. Dù thời gian trôi đi, các bản khắc có thể mòn, sứt nét, hỏng – nhiều nghệ nhân đã khắc những bản mới, có thể thay đổi đôi chút – nhưng một điểm bất biến ở tranh lợn là: Trên mỗi con đều có hai cái khoáy đựơc thể hiện bằng biểu tượng âm dương. Với cách thức diễn tả biểu thức Lưỡng như vậy ta thấy, ở tranh dân gian Đông Hồ, sự thể hiện biểu tượng Lưỡng nghi chủ yếu nhằm nhấn mạnh việc khởi nguồn cho âm dương giao hòa, khởi nguồn cho sự sinh trưởng bắt đầu. Chính vì lẽ đó, trong dòng tranh này, những bức vẽ mang hình tượng Lưỡng nghi thường là những bức tranh chúc phúc (con cháu đầy đàn), sự sinh sôi phát triển, sự mạnh khoẻ… Chúng ta hãy nhìn bức tranh “Lợn đàn” sẽ rõ. Ở đây, biểu tượng Lưỡng nghi được dùng bằng hai màu tương phản thể hiện âm dương giao hòa và một đàn lợn với những con lợn to nhỏ thuộc năm hành (Kim - Mộc Thuỷ - Hoả - Thổ).
Hình tượng con trâu Quan niệm xa xưa “con trâu là đầu cơ nghiệp”; trâu là loài vật hết sức gắn bó với người dân Việt Nam, đặc biệt tại các làng quê trong sinh hoạt nông nghiệp. Chính bởi vậy, hình tượng con trâu được nghệ nhân Đông Hồ dành nhiều tâm huyết, trở thành cảm hứng sáng tác cho nhiều bức tranh như “Mục đồng thổi sáo”, “Chăn trâu thả diều”, “Chọi trâu”, “Hiếu học”... Hình ảnh con trâu trong tranh Đông Hồ còn có thể tìm thấy trong các bức như “Cày bừa” thể hiện vẻ đẹp của người nông dân trong công việc ruộng đồng lúa nước, là sự chăm chỉ cần cù của người dân Việt hay bức “Chọi trâu” miêu tả một tục lệ thường thấy trong lễ hội ở một số địa phương của Việt Nam,...Ước vọng cuộc sống thanh bình.
Mục đồng thổi sáo Ý nghĩa tranh Đông Hồ chăn trâu thổi sáo thể hiện ước nguyện “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” để luôn có những vụ mùa bội thu bởi Việt Nam gắn với nghề trồng lúa nước . Trâu trong bức tranh chăn trâu thổi sáo có đôi tai vểnh lên nghe ngóng. Chân tung tăng như nhảy theo tiếng sáo, mặt vui vui nhìn đời, đuôi vây vẩy ngộ nghĩnh. Hình ảnh của chú trâu trông thật đáng yêu và ngộ nghĩnh. Cho ta sự liên tưởng một chú trâu tươi trẻ yêu đời và cũng đang thưởng thức tiếng sáo du dương. Cậu bé ngồi trên lưng trâu có khuôn mặt khôi ngô, khoẻ đẹp. Khôi ngô biểu hiện các đường nét trên khuôn mặt cân đối, hài hoà. Cậu bé cởi trần, mặc quần cộc để cưỡi trâu, thổi sáo. Đây là hình ảnh quen thuộc ta vẫn thấy ở chốn thôn quê. Trên đầu cậu bé có một tán lá sen rộng, được cậu ngắt kẹp giữa hai chân. Lá sen vươn lên trời xanh che nắng. Đôi lúc ta thấy tán lá sen cũng như muốn ngả nghiêng theo điệu sáo. Hàng chữ của tranh nguyên bản là “Diệp cái hà thanh thanh” (một chiếc lá sen che trời xanh), cũng có bản khác đề dòng chữ “Thiên thanh lộng địch suy” (trời xanh trong tiếng sáo).
Mục đồng thả diều
Tương tự như bức tranh dân gian Đông Hồ chăn trâu thổi sáo. Ở bức tranh thả diều cũng miêu tả cạnh cậu bé khôi ngô rất tài tình thả diều trên lưng trâu. Đó là một điều mà không phải cậu bé nào cũng làm được. Bức tranh có hình ảnh chú trâu với chân trước nhấc lên cũng như muốn bay cùng cánh diều. Sự thấu hiểu giữa trâu và người giúp cậu bé có được thể ngồi chắc chắn để thả diều. Trên bức tranh là hàng chữ: “Nhất tướng phúc lộc điền”, nghĩa là: “Được mùa nhất người dân”. Đáp lại câu “Diệp nhất cái thanh thanh” ở bên bức tranh Thổi sáo.
Người nông dân không chỉ lao động với nghề trồng lúa nước mà còn biết sáng tạo nghệ thuật. Ống sáo được làm bằng cành trúc mang tới âm hưởng réo rắt vào cuộc đời người nông dân thêm vui mỗi ngày. Những cậu bé nhỏ tuổi nhưng thông minh lanh lợi. Vừa giúp đỡ bố mẹ công việc chăn trâu, nuôi dưỡng “đầu cơ nghiệp” của gia đình. Vừa dũng cảm không sợ ngồi trên lưng trâu một cách thuần thục, vững chắc nhất. Vừa có khả năng tìm hiểu sáng tạo thổi sáo thêm yêu đời. Mong cho cuộc sống luôn an yên, ấm no hạnh phúc, và con cái thành đạt, thông minh, yêu thương lễ phép và ngoan ngoãn.
Hình tượng con gà Là vật nuôi từ được thuần hóa từ lâu trong lịch sử, gà gắn bó với cuộc sống con người, nhất là trong tôn giáo và thần thoại. Từ thời cổ đại, gà đã là một loài vật linh thiêng trong một số nền văn hóa[1] và gắn chặt với nhiều hệ thống tín ngưỡng và thờ cúng tôn giáo với tư cách là lễ vật (vật hiến tế hay vật tế thần). Tiếng gà trống gáy là tiếng đồng hồ báo thức cho con người ở những vùng quê êm ả, là nét chấm phá về một làng quê yên bình. Còn trong quan niệm dân gian, gà mang đủ 5 đức tính tốt của người quân tử: Văn, võ, dũng, nhân, tín và hình ảnh gà còn hàm ý xua tan đêm đen, mang đến những điều may mắn….
Gà mẹ con Gà mẹ và mười chú gà con được bố cục gọn ghẽ trong một hình chữ nhật nằm ngang, mỗi chú gà con một vẻ, con nào cũng “nghịch”- đang rỉa lông rỉa cánh hay đang nghỉ ngơi trên lưng mẹ – bỗng dỏng cổ sau tiếng cục cục của gà mẹ, hướng về phía con mồi của mẹ.
Cái “động” của gà con kết hợp với cái “tĩnh” của gà mẹ, lại đặt trong cái tĩnh của hình chữ nhật. “Động” biểu thị cho “dương”, “Tĩnh” biểu thị cho “âm”. Tông màu nóng (đỏ, vàng) là chủ đạo, khiến cho đàn gà thêm rực rỡ trong bầu trời tràn ngập nắng. Cũng như tranh lợn đàn, bức tranh này biểu trưng cho mong ước của người nông dân: “con đàn cháu đống”, gia đình đông vui, hạnh phúc.
Gà Đại cát nghinh xuân Hai con gà đối xứng nhau, hình thể, lông cánh, lông đuôi mang tính ước lệ hơn là tả thực. Chữ đại cát được tác giả đưa vào tranh đã đúc kết mong ước từ ngàn năm và cũng là mong ước hàng ngày của mọi người nông dân. Người nông dân trồng lúa nước chỉ mong mưa thuận gió hoà; chăn nuôi thì chỉ mong các con vật hay ăn chóng lớn, cuộc đời chỉ mong khoẻ mạnh, con đàn cháu đống v.v… tất cả đều là những ước mơ giản dị – điều lành lớn. Đôi tranh này có bố cục khác hẳn tất cả các tranh còn lại. Trong những tranh khác, chữ – tuy cũng là một phần trong bố cục của tranh, những chỉ chiếm một phần nhỏ, còn ở đây chữ và các hoa văn trang trí chiếm nửa bức tranh – tác giả đã nhấn mạnh ước vọng của người nông dân – đồng thời đó cũng là lời chúc tụng trong dịp xuân mới.
Gà dạ xướng, nhật minh
Một chú gà trống đứng co một chân (Kim kê độc lập – tư thế giống gà đại cát), mào, cánh, đuôi, lông mã được cách điệu rất đẹp. Trên tranh có chữ “Dạ xướng ngũ canh hoà” (Đêm gáy năm canh đều đặn). Vế kia của tranh, vẫn chú gà đó quay trở lại, và dòng chữ “Nhật minh tam tác thuỵ” (Ngày mang tới ba điều lành). Theo quan niệm xưa, tiếng gà gáy xua tan tà ma, quỷ quái, mang tới may mắn.
Kê cúc
Chú gà hùng dũng, một chân gân guốc xoạc ra, chân kia bám vào tảng đá, vươn mình lên như sắp gáy- mà cũng như sắp bước vào một trận quyết chiến. Nói theo cách của hội hoạ hiện đại, bức tranh này sử dụng bảng màu “tương túc” (tương phản và bổ túc). Hai màu tương phản: đỏ – xanh (tuy đỏ đã ngả nâu) và màu trung gian: vàng. Theo các nghệ nhân cao tuổi, hình ảnh gà trống oai phong, hùng dũng tượng trưng năm đức tính của người đàn ông: Văn, võ, dũng nhân, tín.
Tranh Đông Hồ thể hiện quan niệm của người Việt trong cuộc sống đời thường
Triết lý Âm dương Từ xa xưa, con người ở phương đông, qua trải nghiệm cuộc sống đã đúc rút ra triết lý âm dương. Ban đầu là những khái niệm rất cụ thể: Giống cái - âm, giống đực - dương, Đất - âm (biểu tượng là hình vuông), Trời - dương (biểu tượng là hình tròn), dần dần người ta đã suy ra nhiều cặp đối lập phổ biến khác: Phía Bắc, lạnh - thuộc âm, phía Nam, nóng - thuộc dương; mùa đông - âm, mùa hè - dương; Đêm - âm, ngày - dương và còn rất nhiều cặp âm dương khác: Mềm cứng; Tĩnh - động; Chậm - nhanh; Tối - sáng; Đen - đỏ; Thấp - cao… Về sau, người ta phát hiện ra những quy luật cơ bản của nguyên lý âm dương: Không có gì hoàn toàn âm hoặc hoàn toàn dương, trong âm có dương, trong dương có âm. Tranh cổ Đông Hồ luôn có đôi, bản thân hình thức đôi tranh đã thể hiện triết lý âm dương. Nội dung tranh lại càng làm rõ điều này: Ông tơ – bà nguyệt (ông tơ-dương, bà nguyệt – âm; Văn trường – Vũ trường (văn – âm, vũ – dương); v (hứng dừa: êm đềm, hạnh phúc – âm, đánh ghen: bất hạnh, náo động – dương); Dạ xướng ngũ canh hoà – Nhật minh tam tác thuỵ (đêm – âm, ngày – dương) v.v…
Ông tơ – bà nguyệt
Hứng dừa
Đánh ghen
Dạ xướng ngũ canh hòa
Tôn sư trọng đạo Xưa nay, tôn sư trọng đạo luôn là truyền thống quý báu bao đời nay của dân tộc Việt Nam. Người xưa dạy: “Không thầy đố mày làm nên”. Ở đời, không có sự trưởng thành nào toàn đi trên con đường trải đầy hoa hồng. Tất cả đều phải khổ luyện thành tài. Và, sự trưởng thành đó, từ xưa đến nay đều có công lao không nhỏ của các thầy, cô giáo, bởi “người thầy như ngọn nến, đốt cháy mình để thắp sáng nhân gian”...
Tranh Vinh quy bái Tổ Thể hiện tinh thần của người đi học: Luôn ghi nhớ ơn thầy – Người đã giáo dục và đào tạo mình nên người hôm nay. Người Việt luôn có câu: “Mồng một Tết cha (bên nội), mồng hai Tết mẹ (bên ngoại), mồng ba Tết Thầy”. Đó là ba ngày thiêng liêng của đầu năm mới, có ý nghĩa giáo dục truyền thống. Phải luôn có tinh thần “Tôn sư trọng đạo”. Do đó, trong ba ngày Tết thiêng liêng, phải dành một ngày cho Thầy sau hai ngày thực hiện chữ Hiếu.
Bức tranh Vinh Quy Bái Tổ không chỉ là vinh dự cho vị tân khoa, cho cha mẹ họ hàng, làng xóm mà còn là dịp để vị tân khoa bỏ bày lòng biết ơn đối với tổ tiên, cha mẹ và thầy dạy theo đúng đạo lý Việt Nam: “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”. Dân tộc Việt Nam rất hãnh diện với truyền thống văn hóa này.
Tranh Thầy đồ cóc Trong bức tranh là 12 con cóc được dàn trải ra khắp bề mặt bức tranh. Mang đến một khung cảnh lớp học đặc trưng sôi động với nhiều cảnh khác nhau. Màu sắc khác nhau nhưng đều được phân bố hài hòa, nét in sắc sảo. Trên bức tranh có dòng chữ “Lão Oa độc giảng”. Tức là ông Ếch một mình giảng dạy (Oa có thể dịch là “ếch”, nhưng trong dân gian vẫn gọi tranh này là “Thầy đồ Cóc”, chữ “độc” trong tranh dịch là đọc, nhưng cũng đồng âm với “độc” là cô độc, một mình). Tranh “Thầy đồ cóc” bên cạnh ý nghĩa ca ngợi sự học của con trẻ, và sự hiếu nghĩa dành cho bậc cô thầy. Nhưng cũng phần nào châm biếm lối dạy của thầy thời phong kiến, dùng roi vọt để dạy trẻ thơ. Qua bức tranh Thầy Đồ Cóc còn mang ý nghĩa châm biếm và có tính phê phán của ông cha ta về một lối giáo dục mà tồn tại hằng ngàn năm.
Tranh Mục Đồng Đọc Sách
Bức tranh khen ngợi em bé chăm chỉ học hành, qua đó cũng nhằm khuyến khích con trẻ học hành nỗ lực để mong rạng danh cho gia đình, dòng họ. Bởi vậy, ngày xưa, bức tranh này thường được các bậc cha mẹ mua về để dán ngay trên chỗ con cháu mình đèn sách. Tranh có ba chữ Hán chú giải là “Như quải giác” – nghĩa là sừng trâu treo sách đi học. Trên cuốn vở cua chú bé có câu câu đối:
Dịch nghĩa:
“Hoành ngưu bối Tín khẩu suy” Sách để ngang lưng trâu Miệng huyết sáo học bài
Lời chúc năm mới tốt đẹp Trong bức tranh Tết nhiều sắc màu, màu đỏ của pháo, màu xanh của bánh chưng, màu vàng hoa mai và hồng của đào phai, đào bích, người Việt thường không thể thiếu việc trang hoàng nhà cửa bằng những bức tranh treo tường sống động và nhiều màu sắc. Những bức tranh Ðông Hồ đã từng là một lựa chọn. Và sở thích ấy vẫn không thay đổi với những ai yêu mến dòng tranh dân gian này.
Tranh Vinh Hoa Phú Quý Tranh Vinh Hoa: Là bức tranh có hình bé trai ôm gà trống. Phía sau chú bé còn có một chậu hoa Cúc. Và trên bức tranh có đề hai chữ: “Vinh Hoa”. Tranh Phú Quý: Là bức tranh dân gian Đông Hồ được in khắc ván gỗ trên giấy dó, giấy hồ Điệp. Với hình ảnh một bé gái ôm con vịt. Phía sau là hoa Sen. Và có chữ “Phú Quý” trên bức tranh. Tranh Vinh Hoa Phú Quý đều có bố cục đơn giản, tập trung tả con người, con vật, hoa lá, màu sắc tươi vui. Mảng màu mạnh mẽ, đường nét to khỏe uyển chuyển. Khuôn mặt các bé bầu bĩnh, rạng ngời, đáng yêu. Gà, vịt tuy nằm thu phục nhưng vẫn ngẩng cao đầu biểu hiện khát khao vươn lên trong cuộc sống.
Tranh Tiến Tài - Tiến Lộc Trên mỗi tranh là một vị thần, một tay nâng bức quấn thư - tưọng trưng cho việc học hành, tay kia nâng biểu tượng thần quyền. Tranh tiến tài có chữ “tài hằng nguyên chí” (của như nước nguồn), tranh tiến lộc có chữ “lộc vị cao thăng” (lộc ngày càng tăng). Đó chính là mong ước của người nông dân thuở trước, họ dán hai bức tranh này ở hai cửa buồng (kiểu nhà năm gian hoặc ba gian hai trái thời xưa) với hy vọng thần tài phù trợ. Nhiều gia đình dán tranh ông tiến tàu và tiến lộc ngoài cổng với mong muốn đón nhiều may mắn, kinh tế dư giả trong năm mới. Có nhà còn dán cặp tranh thần hộ mệnh - ông tướng nhà trời - để xua đuổi ma quỷ, cầu mong một năm an khang, thịnh vượng.
Tranh Đàn cá Dựa theo truyền thuyết, tất cả những loài vật sống dưới nước sẽ biến hóa thành công nếu vượt qua long môn. Tuy nhiên gần như chỉ có cá chép mới nhảy được qua và biến hóa thành rồng. Chính vì vậy, cha ông ta từ xưa tới nay thường dùng câu chuyện “Cá hóa rồng” hay “Cá chép vượt long môn”. Để ví với sự thăng tiến, may mắn trên con đường công danh, sự nghiệp.
Không chỉ là biểu tượng của sự thăng tiến và may mắn. Cá chép còn được dùng để cầu chúc con đàn cháu đống do loài vật này đẻ rất nhiều trứng. Cụ thể, ngay từ thời nhà Hán, phía trên bề mặt đồ đồng thường được chạm khắc bốn chữ “Quân Nghi Tử Tôn” ở chính giữa và xung quanh là hình hai con cá chép, đây chính là biểu tượng của phong tục dùng cá chép để cầu chúc đông con. Đó là lời chúc sung túc, bình an, gặp nhiều may mắn, gia đình hạnh phúc trong những dịp Tết đến, xuân về.
Tưởng nhớ công lao của các anh hùng dân tộc Tranh Đông Hồ phản ánh quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước rất oanh liệt, vẻ vang của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử. Qua các bức tranh Đông Hồ về lịch sử phong phú, đa dạng, chúng ta thấy lịch sử dân tộc bằng tranh hiện lên thật sinh động và sâu sắc
Những bức tranh ca ngợi lịch sử thời kì đầu - sau công nguyên với các nhân vật như: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo…., cụ thể là các bức tranh: tranh Bà Triệu cưỡi voi, Bà Triệu đánh giặc, tranh Hai Bà Trưng, Vua Đinh Tiên Hoàng, Ngô Quyền đánh giặc, Trần Hưng Đạo, Ngựa Hồng,… Đến thời kì lịch sử chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ có các tranh: Văn minh tiến bộ tọa đăng xương- Phong tục cải lương moa tăng phú (Thời đại văn minh tiến bộ anh hãy cẩn thận- Phong tục thay đổi, tôi cóc cần), Tranh Bắt giặc lái Mỹ, Tranh Hòa bình,…
Tranh Hai Bà Trưng, Bà Triệu cưỡi voi, Bà Triệu đánh giặc Thời kì lịch sử Hai Bà Trưng được phản ánh nhiều trong tranh Đông Hồ, có thể thấy sự yêu mến của người nghệ sĩ dân gian với những nữ anh hùng thời kì mở đầu độc lập này. Đó cũng là sự kính trọng của nhân dân với những bậc anh hùng làm nên lịch sử đất nước này Hình tượng Bà Triệu trên tranh có tư thế thoải mái, như đang múa một đường quyền trên lưng voi. Con voi về tư thế như đang chồm lên, nhưng sắc thái thì lại như bị phục tùng. Phải chăng, bức tranh này muốn miêu tả hình ảnh Bà Triệu đang thuần phục voi dữ. Đây là giai đoạn chuẩn bị khởi nghĩa của Bà.
Tranh Vua Đinh Tiên Hoàng cưỡi rồng qua sông Tranh Vua Đinh Tiên Hoàng cưỡi rồng qua sông là ca ngợi công lao của vua Đinh. Đinh Tiên Hoàng tên húy là Đinh Bộ Lĩnh, là vị vua sáng lập triều đại nhà Đinh, lập ra nước Đại Cồ Việt trong lịch sử Việt Nam. Trong dân gian, Đinh Bộ Lĩnh còn được xưng tụng với những tên gọi: anh hùng Vạn Thắng Vương, Đại Thắng Minh Hoàng đế, Hoàng đế cờ lau... Liên quan đến sự kiện lịch sử “Loạn 12 sứ quân”. Hình ảnh Đinh Bộ Lĩnh thời niên thiếu đã đi vào thơ ca tuổi trẻ Việt Nam từ thời tiểu học: “Bé thì chăn nghé, chăn trâu Trận bày đã lấy bông lau làm cờ Lớn lên xây dựng cơ đồ Mười hai sứ tướng bây giờ đều thua”
Tranh Trần Hưng Đạo
Chiến thắng vang dội của tướng lĩnh Trần Hưng Đạo qua trận đánh quân Nguyên Mông cũng được khắc họa trên tranh Đông Hồ. Bức tranh Trần Hưng Đạo chỉ có tính minh họa nhưng phần nào đã thể hiện được hình ảnh một đại tướng lĩnh quân sự tài ba, lỗi lạc trong lịch sử dân tộc. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1226 - 1300) là danh tướng thời Trần, danh tướng trong lịch sử Việt Nam, có công lớn trong hai lần kháng chiến chống Nguyên Mông. Ông là tác giả của bộ Binh thư yếu lược (hay Binh gia diệu lý yếu lược) và Vạn Kiếp tông bí truyền thư (đã thất lạc).
Sáng tạo bám sát thời cuộc Nhiều sinh hoạt trong đời sống của người Việt cách đây gần ¾ thế kỷ được ghi lại trong các bộ tranh dân gian, cho thấy những góc nhìn thú vị Tranh dân gian Đông Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh vốn nổi tiếng là dòng tranh sớm có từ thế kỷ 15 - 16 và thịnh hành trong thế kỷ 17 -18. Suy tàn từ sau năm 1945, tuy nhiên vẫn được tiếp tục bởi các nghệ nhân đi theo kháng chiến chống Pháp. Mặc dù mục đích của các dòng tranh dân gian là để chúc tụng thường niên không có ý nghĩa phản ảnh hiện thực cuộc sống hàng ngày, nhưng từ sau năm 1900 tranh dân gian Đông Hồ dù không còn làm nhiều, nhưng lại đề cập đến rất nhiều vấn đề xã hội đương thời.
Tranh Nhảy đầm Bức họa Nhảy đầm, có lẽ là đề tài không mấy quen thuộc với người Đông Hồ và nông dân Việt Nam nói chung, nhưng nó là một cảnh có thực khi người phương Tây sang Việt Nam, không có lý do gì mà những họa sĩ dân gian từ chối không miêu tả lại. Bức họa cho thấy trong một quán bar, có treo đèn điện và quạt trần, cạnh bàn chủ quán có máy hát quay tay. Một chú bé hầu bàn đang bưng rượu, một đôi trai gái người Việt đang tán tỉnh nhau, còn hai cặp nam nữ Tây đang nhảy đầm. Bức họa được nhìn dưới góc độ dân gian mang tính châm biếm nhẹ nhàng về những phụ nữ vào làng Tây, học đòi theo lối người Tây.
Tranh Bình dân học vụ Hai bức họa khác về cảnh Đi cấy đổi công và Bình dân học vụ có lẽ ra đời trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, những năm 1952, 1953 trong các vùng tự do, do chính quyền ta quản lý. Ở đây, những vùng nông thôn tiếp tục được mở các lớp học xóa nạn mù chữ vốn được phát động ngày sau Cách mạng Tháng Tám - diệt giặc dốt, giặc đói và tiến hành lao động tập thể dưới hình thức đổi công cho nhau, nhà nọ đi làm cho nhà kia, dù hình thức sản xuất hợp tác xã chưa ra đời. Bức họa Bình dân học vụ có khẩu hiệu là “Huấn luyện bình dân học vụ”, tức đây là lớp dạy cho các cán bộ cốt cán - đào tạo giáo viên để họ xuống nông thôn đi dạy học chữ cho bà con. Trong lớp học nam nữ chia thành hai hàng ngồi đối diện nhau, có giáo viên giảng bài. Bức Đi cấy đổi công được vẽ khá sinh động với các dáng xoài người trên mặt ruộng cấy lúa. Phía trên đề dòng chữ: Đổi công góp sức cùng làm/ Thi đua tiếng hát rộn ràng đồng quê.
Chương III: “Thổi” nét hiện đại vào tranh dân gian Đông Hồ
Đối với làng tranh Đông Hồ Trở lại về hiện trạng của tranh Đông Hồ hiện nay, với xu hướng thay đổi về nội dung, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả khẳng định là nội dung không khác nhiều, có biến đổi, nhưng không nhiều và tùy thuộc vào mỗi bức tranh. Như tranh Tứ bình, Tứ quý về cơ bản các nghệ nhân vẫn tôn trọng các khuôn mẫu truyền thống, song có thay đổi, cải biến một số họa tiết trang trí sao cho đỡ rườm rà, gợi cảm giác thanh thoát. Tranh Tố nữ được cải biến về màu sắc, đường nét, kết hợp cả hai phong cách tranh Đông Hồ và Hàng Trống. Nghệ nhân Trần Nhật Tấn trên cơ sở tranh Tố nữ truyền thống đã sáng tác bộ tranh Tố nữ quan họ. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cải biến tranh khắc gỗ dân gian (theo lối khắc in âm bản) thành tranh khắc gỗ (in khắc dương bản) với hai màu đen, trắng. Nghệ nhân cho biết, có khá nhiều khách hàng thích loại tranh này.
Tính ứng dụng của các hình tượng nghệ thuật trong tranh dân gian Đông Hồ
Đồ hoạ và minh hoạ Để tranh Đông Hồ thích ứng được với thị hiếu trong xã hội hiện đại, các nghệ nhân đã tiến hành sáng tạo ra lịch tranh Đông Hồ, làm sổ tay, bưu thiếp giấy dó kết hợp với tranh Đông Hồ xen kẽ theo chương mục bên trong và thử nghiệm sáng tạo ra dòng tranh tô màu trên chất liệu giấy dó bên cạnh hai dòng tranh khắc gỗ và in nét thủy mặc truyền thống theo sự mở rộng kích cỡ, hình nét, kiểu dáng phù hợp với không gian ứng dụng trong ngôi nhà hiện đại.
Nhằm khẳng định sức sống trường tồn và giá trị đích thực của dòng tranh cổ truyền Việt Nam, triển lãm “VẼ LẠI TRANH DÂN GIAN”– dự án nghệ thuật đầu tay của họa sĩ trẻ Nguyễn Xuân Lam đã được lên kế hoạch thực hiện từ đầu năm 2016. Triển lãm không chỉ là dịp để người xem có cơ hội chiêm ngưỡng những tác phẩm hội họa dân gian qua phong cách đồ họa hiện đại và lăng kính nghệ thuật độc đáo của một họa sĩ trẻ, mà còn là cơ hội để mỗi chúng ta được sống lại không khí ngày Tết cổ truyển với những bức tranh tươi sáng, rực rỡ và ngập tràn không khí năm mới.
Năm 2018, Highland Coffee đã cho ra mắt dự án đương đại hoá tranh Đông hồ với thông điệp “Sức khỏe – Thịnh vượng – Hạnh phúc” Đó chính là niềm tin của hành trình Đương đại hoá tranh Đông Hồ – nơi những nghệ nhân, những hoạ sĩ trẻ và Highlands Coffee cùng nhau thổi hơi thở của thời đại vào các bức tranh Đông Hồ xưa cũ, hy vọng giữ được cái hồn dân tộc mãi sáng bừng. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế – một trong 2 nghệ nhân Đông Hồ duy nhất còn lại của Việt Nam đã cùng Highlands Coffee kết nối với nhiều hoạ sĩ trẻ và chia sẻ những nỗi niềm, tâm nguyện của mình đến các bạn. Từ đó, truyền cảm hứng để các bạn thổi hồn hơi thở người trẻ hiện đại vào nghệ thuật Đông Hồ.
Bao bì bia thủ công Con Trâu lấy cảm hứng từ dòng tranh Đông Hồ Dự án packaging cho Con Trâu, một nhãn hàng bia thủ công Việt Nam, thực hiện bởi nhà thiết kế Tiêu Hoàng Thiên Trang. Thương hiệu nổi tiếng với dòng bia lúa mì kinh điển Wheat Ale có mùi thơm và vị chua tự nhiên từ quả mâm xôi hoà cùng màu hồng dịu dàng. Ngoài ra, loại bia này còn có hương mật ong và chanh quýt thanh mát, thích hợp để giải khát cho những ngày nắng nóng xứ nhiệt đới. Sử dụng màu đỏ và vàng nâu gợi nhắc về một Việt Nam chân chất và bình dị, dự án bao bì đã thành công khi truyền tải được hình ảnh đất nước Việt Nam đến bạn bè năm châu.
Thời trang Hình ảnh của tranh Đông Hồ xuất hiện trong các mẫu thiết kế ngày càng nhiều, thậm chí trở thành xu hướng của thời trang Việt gần đây.
Thủy Nguyễn mang vẻ đẹp tranh Đông Hồ vào sưu tập ‘Tình tang’ Với những gì thể hiện ở ‘Tình tang’, Thủy Nguyễn muốn khẳng định, các giá trị thuộc về văn hoá dân gian chưa từng bị mai một mà ngược lại còn luôn tìm được chỗ đứng cho mình trong dòng chảy văn hoá đương đại của đất nước. Dáng váy cánh bướm nhẹ nhàng, quen thuộc trong phong cách thời trang Thủy Nguyễn được làm mới bằng chất liệu hợp mốt và họa tiết đính kết công phu, kỹ thuật thêu phong phú. Sự biến chuyển của tông màu từ nhẹ nhàng đến rực rỡ, từ thanh lịch nền nã đến trẻ trung, sôi nổi giúp bức tranh trong ‘Tình tang’ trở nên đa sắc và cuốn hút giới mộ điệu.
Hoa hậu H’Hen Niê tôn vinh tranh dân gian Đông Hồ trong bộ ảnh Tết Tân Sửu Trong bộ ảnh mừng Tết Tân Sửu 2021, Hoa hậu H’Hen Niê hoá thân thành quý cô xuân thì, tái hiện lại những hình ảnh quen thuộc của tranh dân gian Đông Hồ, truyền tải vẻ đẹp văn hóa truyền thống xưa của Việt Nam.
NTK Thiệu Vy quảng bá tranh dân gian qua bộ sưu tập ” Vũ điệu Đông Hồ” BST “Vũ điệu Đông Hồ” được lấy ý tưởng từ sắc màu và đường nét bay bổng của dòng tranh Đông Hồ, những bức hội họa sống động sáng tác trên giấy gió cán phủ một lớp sò điệp đã trở thành một loại hình nghệ thuật đáng tự hào, là một trong những di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Là một nhà sáng tạo, nhưng NTK Thiệu Vy còn dành nhiều tâm sức để nghiên cứu văn hóa dân tộc. Anh say mê những giá trị truyền thống và mong muốn dùng thời trang như một phương tiện để truyền tải, quảng bá những giá trị đẹp đẽ ấy.
Nhà thiết kế Dạ Thảo đưa tranh Đông Hồ trở lại thời trang sau 10 năm “Sự yên bình của làng quê, giữa thiên nhiên, trai làng đẽo khuôn, chị em thì pha bột, phơi giấy, dập in… Đó là hạnh phúc dung dị mà chúng ta cần giữ gìn giữa bối cảnh phát triển của đô thị hiện nay”, Dạ Thảo bày tỏ.
Chương III: Kết luận
Khẳng định và đánh giá giá trị của tranh dân gian Đông Hồ Với tuổi đời hơn năm thế kỷ, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã và đang để lại những dấu ấn đậm nét, mang sắc thái riêng trong sinh hoạt kinh tế, văn hóa làng và mối giao lưu nghề nghiệp. Nghề làm tranh còn là nhân tố gắn liền với tên làng, tên nghề và di tích “đình tranh”, danh tiếng “làng tranh dân gian Đông Hồ” quả thật đáng tự hào. Thách thức với làng tranh dân gian Đông Hồ hiện nay là rất lớn, tuy chỉ còn hai gia đình nghệ nhân còn gắn bó với nghề và quyết tâm bảo tồn, phát triển nghề tranh này, nhưng những việc họ làm thật ý nghĩa và thật đáng trân trọng. Về mặt ý nghĩa, tranh dân gian Đông Hồ vẫn luôn là sản phẩm tinh thần độc đáo của văn hóa và nghệ thuật Việt Nam, là đối tượng quan tâm tìm hiểu của nhiều người ở trong và ngoài nước.
Bảo tồn và phát triển Ngày nay, khi xã hội đã phát triển, đời sống được nâng cao thì nhu cầu thẩm mỹ cũng càng được nâng cao, nhu cầu sử dụng các những tác phẩm nghệ thuật cũng tăng cao đáng kể. Những hộ gia đình còn lại làm tranh ở Đông Hồ đã nắm bắt được xu thế đó để cải tiến hình thức, mẫu mã tranh cho phù hợp, nhưng không làm mất đi tính chất dân gian truyền thống của tranh. Từ đó, họ đã tạo ra được nhiều sản phẩm tranh phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Để lưu giữ văn hóa dân gian trong nghệ thuật truyền thống, ngoài những nghệ nhân, lớp trẻ Việt Nam cũng là những thành phần góp sức lan toả văn hoá dân gian đến các thể hệ sau, thậm chí là đem nó ra ngoài thế giới.