7 minute read

Thị trường phục hồi, hoạt động ngân hàng khởi sắc

an bình Sự sôi động của thị trường chứng khoán, bất động sản đã khiến mặt bằng lãi suất có biến động trong tháng 3/2021. Tuy nhiên định hướng chung của NHNN vẫn là ổn định thị trường để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dự báo thị trường sẽ có nhiều thay đổi khi cơ quan quản lý có nhiều quyết sách mới trong bối cảnh dịch Covid 19 được kiểm soát tốt.

lãi suẤt biến Động trái chiều

Advertisement

Trong hiện tượng tăng lãi suất huy động đầu tháng 3/2021, đáng chú ý nhất là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) khi NH này tăng tới 0,5-0,9%/ năm lãi suất tiết kiệm nhiều kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Tuy nhiên, lãi suất huy động cao nhất tại Techcombank vẫn chỉ ở mức 5,9%/ năm, thấp so với mức 6,8%/năm của một số NHTMCP khác. Hiện vẫn có một số NHTM niêm yết lãi suất huy động cao nhất lên đến 8%/năm nhưng chỉ dành cho khách hàng có số dư tiền gửi hàng trăm tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, thị trường cũng ghi nhận một số NHTM lại giảm lãi suất huy động. Trên thị trường liên ngân hàng nguồn vốn khá dồi dào khi lãi suất bình quân VND duy trì ở mức thấp: lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 01 tuần và 01 tháng lần lượt là 0,33%/năm, 0,51%/năm và 0,76%/ năm; Đối với các giao dịch USD: Lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần kỳ hạn qua đêm, 01 tuần và 01 tháng lần lượt là 0,1%/năm, 0,12%/năm và 0,11%/năm. Có thể nói mặt bằng lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức thấp kỷ lục trong khi nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chưa thể hồi phục. Sức nóng của thị trường chứng khoán bắt đầu giảm. Những phiên gần đây ghi nhận các nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng, cộng thêm lỗi nghẽn lệnh liên tục của sàn HOSE, khiến tâm lý nhà đầu tư không vững nhưng vẫn là kênh thu hút nhiều nhà đầu tư mới. Bên cạnh đó, sự sôi động của thị trường bất động sản là lực hút đối với nguồn tiền nhàn rỗi. Song lãnh đạo NHNN cho rằng, vốn rẻ cũng sẽ khó chảy mạnh vào BĐS khi chủ trương của NHNN là tiếp tục kiểm soát chặt các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Trả lời phỏng vấn báo giới gần đây, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), khẳng định: NHNN yêu cầu các tổ chứ tín dụng hạn chế và kiểm soát chặt mức độ tập trung tín dụng vào BĐS. NHNN sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động cấp tín dụng đầu tư, kinh doanh BĐS…

Ngày 5/3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành văn bản số 1370/NHNN-TD yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch. NHNN yêu cầu các TCTD tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, phí, cho vay mới... theo thẩm quyền và theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020; Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21/1/2013. Thực tế, từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,3 - 1% so với cuối năm ngoái. Hiện các TCTD, đi đầu là NHTM nhà nước như BIDV, Vietcombank, Agribank… tiếp tục triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi nhằm đẩy mạnh dòng vốn ra thị trường. Mặt bằng lãi suất

sẽ tiếp tục được duy trì ở mức thấp, vốn tín dụng được đẩy mạnh vào sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

thêm sỨc ép phát triển dịch vụ ngân hàng số

Sự kiện đáng chú ý trong tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 316/QĐ-TTg về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Quyết định 316). Thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money là 2 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên thực hiện thí điểm được chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ này. Kết quả thí điểm triển khai dịch vụ Mobile Money sẽ là cơ sở thực tiễn để cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét, xây dựng và ban hành các quy định pháp lý chính thức cho hoạt động cung ứng dịch vụ tại Việt Nam.

Với gần 125 triệu thuê bao di động, khoảng 30% người trưởng thành chưa có tài khoản ngân hàng, cơ hội cho việc phát triển dịch vụ Mobile Money (dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ) tại Việt Nam là rất lớn. Về cơ bản, Mobile Money hướng đến đối tượng khách hàng là người dân miền núi, vùng sâu vùng xa, các vùng nông thôn, chưa có tài khoản ngân hàng cũng như điều kiện sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại. Khi được triển khai rộng khắp Mobile Money chắc chắn sẽ gây thêm sức ép cạnh tranh đối với hệ thống ngân hàng. Từ đó buộc NHTM phải thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số, cung cấp cho thị trừng nhiều sản phẩm, dịch vụ tiện ích hơn, nhất là dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong tháng Ba, NHNN cũng đã tiến hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 cho các TCTD. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đến 17/3, tín dụng tăng 1,2%, cả quý I ước tăng 2% so với cuối năm trước. Con số này cao hơn quý I/2020 quanh 0,68%. NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 là 12%. Sau khi đưa ra hạn mức tăng trưởng cho từng TCTD vào đầu năm, tùy theo diễn biến thị trường NHNN sẽ có đợt nới “room” tăng trưởng tín dụng cho một số NHTM lần hai vào nửa cuối năm. Điểm đáng chú ý đối với tăng trưởng tín dụng của các TCTD trong năm nay là NHNN đang đưa ra lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Thông tư quy định việc TCTD mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trên cơ sở kế thừa Thông tư số 22/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 (Thông tư 22), Thông tư 15/2018/TT-NHNN ngày 18/6/2018 và bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung để phù hợp với thực tiễn, tình hình hoạt động của các TCTD. Mục đích của dự thảo Thông tư là nhằm bảo đảm kiểm soát hoạt động mua, bán TPDN của các TCTD phát triển lành mạnh, bền vững; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động mua, bán TPDN của các TCTD; qua đó quản lý các hoạt động này thống nhất với các hoạt động cấp tín dụng và hoạt động mua, bán nợ của TCTD. Nhìn chung Hoạt động mua bán TPDN của TCTD sẽ bị siết chặt hơn so với trước đây.

Quy định mới khác, sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các TCTD trong thời gian tới là sửa đổi bổ sung Thông tư 01. NHNN và Bộ Tài chính thống nhất trình dự thảo sửa đổi Thông tư 01 (mới) theo hướng sẽ tiếp tục cho phép giữ nguyên nhóm nợ để doanh nghiệp tiếp tục được vay nợ với lãi suất bình thường như trước đây. Tuy nhiên, các ngân hàng sẽ phải bắt đầu trích lập dự phòng rủi ro căn cứ vào bản chất của các khoản nợ trong ba năm, bắt đầu từ năm 2021. Theo nội dung sửa đổi, TCTD sẽ cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ đáp ứng đầy đủ các điều kiện. Thứ nhất là các khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Thứ hai là phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong thời gian từ 23/1/2020 đến 31/3/2021. Thứ ba là khách hàng không có khả năng trả nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký do doanh thu, thu nhập giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Từ 1/1/2024, các TCTD tiếp tục phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro như quy định của NHNN.

Tháng ba cũng bắt đầu mùa Đại hội đồng cổ đông của NHTM. Nhìn chung các NH đều đặt mục tiêu tăng trưởng cao về lợi nhuận, tiếp tục tăng vốn điều lệ và mở rộng hoạt động kinh doanh trên nền tảng công nghệ số. Kỳ vọng một giai đoạn “bình thường mới” nhiều thành công cho hoạt động ngân hàng.

This article is from: