4 minute read
Phật giáo và những phong tục, tập quán tốt đẹp của người Myanmar
Phật giáo
VÀ những phOng tục, tập quán tốt đẹp của người myanmaR
Advertisement
nguyễn Văn Bẩy Hai nước Việt Nam và Myanmar chia sẻ nhiều nét tương đồng về văn hóa, tôn giáo và lịch sử phát triển. Và điều đặc biệt thú vị là người Myanmar có nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp mang đậm dấu ấn của Phật giáo – tôn giáo chính của nước này.
Phật giáo có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày của người Myanmar. Người dân sống lương thiện, chú trọng gìn giữ truyền thống và bản sắc, quan hệ gia đình khăng khít, kính trọng người già, sùng bái đạo Phật và trang phục giản dị.
Tính tương thân tương ái trong cộng đồng người Myanmar rất cao, dù ở thành thị hay nông thôn, người dân cư xử với nhau rất lễ độ, rất hiếm thấy dân chúng cãi cọ ở chỗ đông người. Những gia đình hoặc nhóm dân cư ở gần đường giao thông ở thành phố và nông thôn thường có trách nhiệm đặt những vò nước sạch cạnh đường đi cho khách vãng lai uống miễn phí, coi đó là một hình thức bố thí. Tự giác chấp hành pháp luật là một nét đẹp trong đời sống xã hội Myanmar. Săn bắt chim, thú hoặc tùy tiện chặt cây xanh là điều cấm kỵ đối với dân chúng Myanmar. Đó cũng là nét văn hóa chịu ảnh hưởng từ đạo Phật của người Myanmar. Những người vi phạm sẽ bị cộng đồng lên án và bị chính quyền xử phạt rất nặng.
“Không phải sở hữu của mình thì không được dùng” cũng là nếp sống đẹp của dân chúng Myanmar. Hiện tượng trộm cướp hoặc ăn cắp vặt nơi công cộng rất ít xảy ra ở Myanmar; đương nhiên, những người vi phạm sẽ bị cộng đồng và pháp luật xử lý rất nghiêm khắc. Với nếp sống đó, hiện tượng ngoại tình dẫn đến ly hôn trong xã hội rất ít xảy ra. Người dân Myanmar rất sợ và rất xấu hổ nếu “phạm tội” ngoại tình hoặc có con ngoài giá thú vì sẽ bị cả cộng đồng xã hội và gia đình lên án, xa lánh.
Cung tiến cho tăng ni đi khất thực cũng là một nét văn hóa truyền thống của người dân Myanmar. Nhiều người dân tuy nghèo khó nhưng luôn sẵn sàng cung tiến, bố thí đồ ăn, tiền bạc của mình cho tăng ni và cảm thấy rất hạnh phúc, mãn nguyện với hành động từ thiện đó. Khách du lịch nước ngoài đến Myanmar sẽ rất thú vị khi chứng kiến mỗi sáng sớm hàng đoàn tăng, ni mặc trang phục tu hành cầm chiếc ang đi khất thực trên đường phố. Nhiều thí chủ đã đứng đợi sẵn trước cổng nhà mình với nồi cơm và chảo đựng thức ăn, cung kính xới, múc cho từng tăng
ni. Lễ nghi khất thực và bố thí diễn ra rất trật tự và trang nghiêm. Khi đoàn tăng, ni khất thực đi qua chợ hoặc khu buôn bán, người bán hàng đều tự nguyện bố thí cho một hoặc nhiều tăng ni tùy theo khả năng của mình.
Tuy đời sống vật chất chưa phong phú nhưng nhiều người Myanmar từ thành thị đến nông thôn có thiện tâm giành một phần lương thực nhỏ của gia đình để “bố thí” cho những động vật hoang dã như chim, sóc, chó, mèo… Trong các chợ của người Myanmar thường có quầy hàng bán những gié lúa buộc thành túm để khách hàng mua về treo trước cửa nhà cho chim đến ăn. Nhiều khách du lịch nước ngoài rất ngạc nhiêu và thú vị khi thấy ở Yangon và các thành phố lớn ở Myanmar có rất nhiều loại chim, sóc sống thành đàn và nhiều bầy chó đùa giỡn trên hè phố. Chúng rất dạn dĩ và thân thiện với con người.
Người dân Myanmar có văn hóa “tặng quà”. Khách đến nhà hoặc công sở tùy theo mức độ thân quen đều được tặng quà kỷ niệm dù có thể là rất nhỏ. Trong kinh doanh cũng vậy, vì thế, doanh nhân nước ngoài đến làm việc tại Myanmar nên tặng quà cho đối tác khi gặp gỡ lần đầu, ký kết hợp đồng hoặc khi công việc thành công...
Khi đến thăm đền chùa, đoàn du khách nước ngoài thường được mời thắp hương, dâng hoa lên đức Phật. Trong trường hợp đó, doanh nghiệp và du khách nước ngoài nên “cung tiến” một khoản lễ nhỏ bằng tiền mặt, trao trực tiếp cho Ban quản lý đền chùa hoặc bỏ vào hòm công đức. Các sư quản lý chùa sẽ làm lễ tiếp nhận rất trang trọng tiền cung tiến và cầu kinh phù hộ bình an cho quan khách.
Việc nắm bắt và hiểu sâu văn hóa và phong tục, tập quán của nước sở tại rất quan trọng đối với các nhà đầu tư, doanh nhân nước ngoài. Bên cạnh đó, càng hiểu sâu thì lại càng thêm yêu và gắn bó. Vào những ngày này, tại Myanmar đang diễn ra nhiều biến động chính trị. Mong là với những phong tục, tập quán tốt đẹp mang đậm dấu ấn Phật giáo của người Myanmar sẽ những nhân tố hỗ trợ đem lại sự ổn định và hòa bình cho đất nước mến yêu này.