6 minute read

Cơn sốt tiền ảo – Kênh đầu tư siêu lợi nhuận siêu rủi ro

Cơn sốt tiền ảo

kênh đầu tƯ Siêu lợi nhuận, Siêu rủi ro

Advertisement

Thùy Liên

Giá trị đồng tiền ảo Bitcoin (BTC) đang đứng ở mức cao nhất lịch sử, cao gấp đôi so với đầu năm khiến làn sóng đầu tư vào tiền ảo tăng mạnh. Lợi nhuận hấp dẫn từ Bitcoin nói riêng và tiền ảo nói chung khiến nhiều nhà đầu tư lao vào, tuy nhiên, mức độ biến động và rủi ro quá lớn khiến bitcoin không phải là kênh đầu tư cho những người “yếu tim”.

tăng gẤp Đôi từ Đầu năm, bitcoin Đánh bại mọi kênh Đầu tư

Giá bitcoin bật tăng mạnh mẽ từ năm 2020 đến nay. Đặc biệt, từ đầu năm 2021 đến nay, giá trị đồng bitcoin liên tục vượt các mốc lịch sử, chạm tới gần 62.000 USD/BTC, giá trị vốn hóa vượt 1.100 tỷ USD. So với đầu năm ngoái, giá Bitcoin đã tăng 12 lần, còn nếu so với đầu năm nay, BTC cũng đã kịp tăng giá gấp đôi.

Cơn sốt Bitcoin đã khiến đồng tiền này nói riêng và thị trường tiền ảo nói chung trở thành kênh đầu tư hấp dẫn nhất. Ngoài Bitcoin, các đồng tiển ảo có giá trị vốn hóa lớn cũng tăng giá mạnh: Ethereum tăng giá 2,5 lần so với đầu năm, Binance cũng Coin tăng giá gần 7 lần…

Có rất nhiều nguyên nhân đẩy giá Bitcoin tăng chóng mặt thời gian qua: Tiền ngập thị trường, vàng và USD giảm giá trong khi lạm phát có nguy cơ tăng mạnh, cộng với cách mạng 4.0 lan rộng khiến nhà đầu tư tìm kiếm Bitcoin như một tài sản thay thế, một loại “vàng kỹ thuật số”.

Bên cạnh đó, việc nhiều nhà đầu tư tổ chức nhập cuộc, tham gia sân chơi tiền ảo cũng khiến thị trường này thêm sốt nóng. Tháng 8/2020, một công ty của Mỹ là MicroStrategy bắt đầu mua Bitcoin để đầu tư, mở đường cho làn sóng đầu tư vào tiền ảo của các tập đoàn lớn. Hồi đầu năm nay, Tập đoàn Tesla của tỷ phú Elon Musk đã chi tới 1,5 tỷ USD đầu tư vào Bitcoin. Cùng với Tesla, một loạt tập đoàn tài chính và các quỹ đầu tư khác cũng liên tiếp thông báo đầu tư vào Bitcoin. Các đại gia thanh toán như PayPal, Venmo, Square cũng chấp nhận Bitcoin làm phương tiện thanh toán…. càng đẩy giá trị đồng tiền này tăng vọt.

Hiện đang có rất nhiều dự báo lạc quan về Bitcoin, theo đó đồng tiền ảo này có thể vượt 100.000 USD/BTC trong thời gian tới. Tuy nhiên, không ai có thể chắc chắn khả năng này.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc tăng giá của Bitcoin nói riêng và các loại tiền ảo nói chung hoàn toàn phụ thuộc vào niềm tin của nhà đầu tư, nếu nhà đầu tư tin, đà tăng của Bitcoin sẽ không dừng lại, còn nếu nhà mất niềm tin, giá sẽ rớt thảm.

“Không có yếu tố nào bảo đảm Bitcoin sẽ tiếp tục tăng, nếu nhà đầu tư không có niềm tin, nhu cầu giảm thì giá bitcoin sẽ lao dốc mạnh như từng diễn ra giai đoạn 20172018”, ông Hiếu nói.

rủi ro lớn, nhà Đầu tư có nguy cơ bị lừa

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc đầu tư Công ty chứng khoán Maybank Kimeng cho rằng, bitcoin đã chuyển từ kênh đầu cơ sang một kênh đầu tư. Tuy nhiên, đây là kênh đầu tư siêu rủi ro vì mức độ biến động giá rất lớn.

Thực tế, Bitcoin đã từng đạt mốc giá hơn 19.000 USD/BTC vào năm 2017 nhưng đã mất tới hơn 80% giá trị (chỉ còn hơn 3.000 USD/BTC) vào năm 2018. Mặc dù từ đầu năm đến nay, Bitcoin tăng rất mạnh, song cũng đã kịp làm không ít nhà đầu tư đau tim. Trong 2 tuần đầu tháng 3/2021, Bitcoin tăng giá tới hơn 40% song cũng chỉ vài ngày sau đó lại quay đầu giảm 10%.

Tuy nhiên, sự biến động của Bitcoin chưa thấm vào đâu so với nhiều loại tiền ảo “rác”. Có những đồng tiền ảo tăng giá cả trăm lần trong vài giờ đồng hồ, song sau đó cũng lao đầu đi xuống với tốc độ tên lửa.

Đơn cử như đồng tiền ảo Friends With Benefits ( FWB), vào đầu tháng 3/2021 mới chỉ có mức giá 18 USD/FWB thì ngày 12/3 đã lên tới 77 USD/FWB, sau đó quay đầu đi xuống. Riêng trong ngày 14/3, giá đồng tiền ảo này lao dốc từ hơn 65 USD xuống còn 1,1 USD/FWB (giảm 60 lần chỉ trong vòng 1 này. Hiện tại, mỗi đồng FWB chỉ còn niêm yết với giá hơn 0,4 USD, tức giảm giá tới 200 lần so với ngày 12/3. FwB chỉ là một trong vô số đồng tiền ảo trên thị trường từng tăng giá tới mặt trăng rồi lại rơi xuống mặt đất, tất cả chỉ diễn ra chỉ tính theo ngày, thậm chí theo giờ, theo phút khiến nhà đầu tư không kịp trở tay.

Tại thị trường Việt Nam, mức độ rủi ro của Bitcoin và tiền ảo nói chung còn lớn hơn vì không được pháp luật công nhận. Đấy là chưa kể những rủi ro kỹ thuật khác và dễ mất tiền như quên địa chỉ bí mật của ví điện tử, bị hacker xâm nhập…

Một rủi ro lớn nữa với nhà đầu tư Việt Nam là các hình thức lừa đảo liên quan đến tiền ảo đang nở rộ. Thực tế, rất nhiều đồng tiền ảo được công khai mời chào đầu tư trên mạng xã hội thời gian vừa qua đều là hình thức lừa đảo đa cấp, được các bộ, ngành liên tục cảnh báo, đơn cử như: tiền ảo Gem, Vitea, BBO, Win, CBR, Silling, ETM, BKC…

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN khẳng định, tiền ảo không phải đồng tiền pháp lệnh, không phải là phương tiện thanh toán và pháp luật Việt Nam không cho phép thực hiện chức năng của đồng tiền tại Việt Nam. Chính vì thế, việc sử dụng đồng tiền ảo này làm phương tiện thanh toán hay làm phương tiện chức năng như đồng tiền của Việt Nam hiện nay là vi phạm pháp luật.

Trong khi đó, Bộ Tài chính thừa nhận, Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, đồng thời cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo.

Bộ Tài chính được Thủ tướng Chính phủ giao làm đầu mối triển khai nghiên cứu và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo. Tháng 5/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có quyết định thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo. Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Tuy vậy, cho đến nay, chưa có văn bản pháp lý nào về lĩnh vực này được ban hành, giải pháp được đưa ra vẫn là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tài sản ảo, tiền ảo, đồng thời tăng cường cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo bất hợp pháp.

This article is from: