5 minute read
Văn hoá doanh nghiệp: Chìa khóa của phát triển bền vững
Chìa khóa của phát triển bền vững Văn Hóa DoanH ngHIệp
PhươNg LiNh
Advertisement
Một chia sẻ trên mạng xã hội gây chú ý của một chuyên gia, trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, số lượng các doanh nghiệp tìm đến công ty anh để tư vấn xây dựng, chuẩn hóa lại văn hóa doanh nghiệp tăng đột biến. Lý giải cho hiện tượng này, vị chuyên gia cho biết: dịch bệnh khiến cho hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chững lại, cuộc đua về tăng trưởng tạm lắng xuống, doanh nghiệp có điều kiện nhìn sâu lại vào hệ thống, sốc lại nhân sự, công nghệ và các giá trị văn hóa... đây chính là dịp tốt để củng cố lại nền tảng của doanh nghiệp để chờ khi kinh tế phục hồi sẽ có sức bật tốt hơn...
Doanh nghiệp nào cũng có VHDN của riêng mình, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng có được một văn hóa phù hợp và đủ mạnh để phát huy hiệu quả thế mạnh của mình. Và như tất cả mọi hoạt động quản trị doanh nghiệp khác, không thể “tự nhiên” mà một tổ chức có thể có VHDN mạnh và đúng hướng, mà nó phải là sự tính toán, cân nhắc rất nhiều yếu tố và sự đầu tư tâm huyết, nỗ lực của doanh nghiệp. Xây dựng VHDN đòi hỏi có sự tiếp cận tổng thể về nhiều vấn đề: chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, quản trị nhân sự và các nguồn lực khác, chiến lược thương hiệu và định hướng khách hàng/thị trường, định hướng và các nguyên tắc của doanh nghiệp trong việc quan hệ và làm việc với các đối tác khác, hoạt động truyền thông và Marketing đối nội...
Chúng ta thường được nghe nói nhiều về văn hóa doanh nghiệp của FTP, Vingroup hay Viettel... những doanh nghiệp ngàn tỷ của Việt Nam, rằng họ có một cá tính văn hóa rất nổi bật. Họ trở nên mạnh mẽ không chỉ vì có tư duy, chiến lược kinh doanh bài bản, sản phẩm dịch vụ có chất lượng, đội ngũ nhân sự chất lượng cao... mà quan trọng hơn, tất cả những thành tố đó được đặt trong hệ giá trị ngầm định được
thừa nhận và thực hành trong toàn bộ doanh nghiệp. Từ những giá trị văn hóa cốt lõi hay còn gọi là DNA của doanh nghiệp, những quy tắc hành xử được xây dựng và là kim chỉ nam để mọi thành viên trong doanh nghiệp thực hiện. Không chỉ quy định ứng xử của cán bộ trong môi trường công sở hay gặp gỡ làm việc với đối tác, nhiều doanh nghiệp như Tập đoàn Long Giang còn quy định chuẩn mực ứng xử của cán bộ khi tham gia vào các hoạt động mang tính cá nhân như tham gia giao thông, tham gia các sự kiện tín ngưỡng, tôn giáo...
Đối với BIDV, qua 64 năm hình thành và phát triển, BIDV đã gây dựng được một cơ đồ lớn mạnh, không chỉ là cơ sở vật chất, mạng lưới, nhân sự, quy mô tổng tài sản, dư nợ... mà còn là các giá trị văn hóa, lịch sử đã tích lũy, bồi đắp qua nhiều thế hệ. Vậy nhưng nếu ai đó hỏi bạn, tính cách – giá trị văn hóa nổi bật của BIDV là gì? Đâu là DNA của người BIDV, là điều làm nên sự khác biệt của văn hóa – con người BIDV với các doanh nghiệp còn lại trên thị trường? Chắc hẳn bạn sẽ lúng túng tự hỏi liệu câu trả lời của mình đã thực sự đúng?!
Nói vậy không có nghĩa, một hệ thống đã tồn tại vững chãi và lớn mạnh như BIDV, qua suốt 64 năm phát triển, không lẽ chưa xây dựng được “văn hóa doanh nghiệp” chưa tạo dựng được cho mình DNA? Câu trả lời chắc chắn là Không – BIDV đã và đang xây dựng, bồi đắp được một bản sắc Văn hóa doanh nghiệp có nhiều nét riêng biệt của một Ngân hàng thương mại lâu đời nhất, luôn đồng hành và phát triển với lịch sử đất nước; BIDV đã và đang hình thành, phát triển một hệ thống nhiều tính cách văn hoá nổi bật như Bản lĩnh, Tiên phong, Đoàn kết, Sáng tạo....
Ngay từ năm 2006, BIDV đã triển khai Đề án Xây dựng và Phát huy Văn hóa doanh nghiệp và sau đó xây dựng 2 bộ Quy chuẩn Đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc ứng xử. Trong đó, bộ quy chuẩn đạo đức gồm 31 quy chuẩn và 2 phụ lục đưa ra hệ thống các điều khoản làm cơ sở tham chiếu cho cán bộ BIDV thực hiện nghiệp vụ chuyên môn của mình, đảm bảo đúng với qui định chung của pháp luật và qui định nội bộ của BIDV. Bộ quy tắc ứng xử gồm 4 chương, 45 điều và 2 phụ lục qui định về giao tiếp ứng xử cá nhân với đồng nghiệp; cấp trên với cấp dưới; bên trong với bên ngoài; nghi thức công việc; hội họp... Các văn bản này không chỉ đơn thuần là cam kết mà còn định hướng các giá trị, là cơ sở để chỉ dẫn và xây dựng các chương trình hành động của BIDV; đồng thời nó còn có tác dụng điều chỉnh hành vi ứng xử của mỗi cán bộ nhằm đảm bảo lợi ích của BIDV. Để truyền thông 2 bộ quy chuẩn, BIDV cũng đã tổ chức các chương trình tập huấn và tổ chức cuộc thi tìm hiểu VHDN để lan tỏa các nội dung và giá trị của VHDN trong nội bộ. Tuy nhiên, do nội dung của 2 bộ quy chuẩn tương đối dài, việc duy trì các hoạt động lan tỏa 2 bộ quy chuẩn trong hệ thống không được duy trì thường xuyên vì vậy nên việc định hình văn hóa doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, mặc dù đã hình thành nhiều tính cách văn hóa nổi bật song BIDV chưa chắt lọc, hệ thống hóa thành DNA của doanh nghiệp – vừa có tính di truyền từ quá khứ vừa linh hoạt, phù hợp với nhu cầu phát triển trong tương lai.
Đi tìm DNA của BIDV chắc chắn là một vấn đề không đơn giản bởi nó ảnh hưởng sâu sắc đến thành công tiếp theo và sự trường tồn của BIDV. Và công việc này sẽ không thể thành công nếu không có sự đồng lòng nhất trí, đồng tâm thực hiện của Ban lãnh đạo cũng như toàn thể cán bộ nhân viên trong hệ thống.