5 minute read

Định hướng mới cho quản trị rủi ro hiện đại

MINH HằNG

Các cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã đặt hệ thống ngân hàng trước thách thức lớn về quản trị rủi ro cùng những yêu cầu thay đổi về phương thức hoạt động, cấu trúc tổ chức bên trong các ngân hàng.

Advertisement

tháCh thứC đổi mới

Thông lệ quản lý rủi ro (QLRR) hiện đại với tiêu chuẩn Basel II, III đã đặt ra các yêu cầu về quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn vốn cho các ngân hàng. Nắm bắt xu thế quản trị rủi ro mới, BIDV đã chủ động nghiên cứu và hiện đại hóa các công cụ đo lường rủi ro như: Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, xây dựng các mô hình PD (xác suất vỡ nợ), LGD (tổn thất ước tính tại thời điểm vỡ nợ)…, sẵn sàng chuẩn bị cho một cuộc chuyển mình lớn của cả hệ thống ngân hàng.

Cùng chung xu thế đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành hàng loạt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đổi mới trong quản trị rủi ro có thể kể đến như: Thông tư 41 năm 2016 về quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Hướng dẫn phân loại tài sản có rủi ro, quy định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, chế độ báo cáo và công bố thông tin công khai minh bạch đáp ứng trụ cột 1, 3 của tiêu chuẩn Basel II. Với mục tiêu luôn hướng đến hình mẫu là một định chế tài chính vững mạnh, BIDV đã được Thống đốc NHNN Việt Nam công nhận đáp ứng yêu cầu của Thông tư 41 trước thời hạn hiệu lực của Thông tư kể từ ngày 1/12/2019.

Tiếp theo đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 13 năm 2018 quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ trong kiểm soát nội bộ, QLRR theo mô hình 3 tuyến bảo vệ độc lập, tạo lập quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (ICAAP) khép kín. Triển khai thành công dự án MRA&ICAAP, BIDV đã hoàn thành 100% 3 trụ cột theo tiêu chuẩn Basel II. Tại thông tư 13, danh sách các loại rủi ro trọng yếu được mở rộng từ 3 loại cơ bản (theo trụ cột 1) đến 6 loại (theo trụ cột 2).

quản lý rủi ro toàn Diện tại BiDv

Những quy định mới về quản trị rủi ro đòi hỏi các ngân hàng cần có sự thay đổi thích ứng. Thay đổi đó không chỉ là cải thiện chức năng nhiệm vụ của một số bộ phận, phòng ban mà còn thay đổi tổng thể về văn hóa rủi ro toàn hệ thống. Nhằm quán triệt tư duy QLRR trong toàn hệ thống, năm 2020, Hội đồng Quản trị BIDV ban hành Nghị quyết số 534 về văn hóa kiểm soát rủi ro áp dụng cho toàn hệ thống; đồng thời, thiết lập hệ thống ba tuyến phòng thủ. Có thể nói tại BIDV, việc quản trị rủi ro toàn ngân hàng thực sự hiệu quả hơn khi tất cả các thành viên đều phải tham gia vào quy trình QLRR.

Với quyết tâm quản lý tổng thể, toàn diện rủi ro, Ban Quản lý tín dụng đã được HĐQT đổi tên thành Ban Quản lý rủi ro toàn hàng và bổ sung chức năng quản lý các loại rủi ro trọng yếu, tích hợp rủi ro ở cấp độ toàn hàng bắt đầu từ tháng 6/2021. Với việc ra đời Ban Quản lý rủi ro toàn hàng, BIDV một lần nữa khẳng định năng lực quản trị rủi ro theo

các tiêu chuẩn quốc tế để: Sẵn sàng đáp ứng các thay đổi, thách thức trong công cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, cùng định hướng quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ, kế hoạch kinh doanh trong năm 2021; Mở đầu giai đoạn thực hiện chiến lược đến 2025, tầm nhìn đến năm 2030 gắn liền với phương châm hành động của BIDV “Kỷ cương - Chất lượng - Chuyển đổi số”.

những mụC tiêu đặt ra

Quản trị rủi ro luôn được Ban Quản lý rủi ro toàn hàng chú trọng và hướng đến triển khai rộng khắp từ xây dựng văn bản chính sách, các công cụ đo lường rủi ro, công tác báo cáo giám sát, nâng cao văn hóa, nhận thức quản trị rủi ro. Những nguyên tắc mới về QLRR được thể hiện rõ nét trong khung QLRR tổng thể, góp phần hỗ trợ nhận diện, đánh giá rủi ro, quản lý thay đổi, giám sát và báo cáo, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro cũng như minh bạch trong công bố thông tin.

Mặt khác, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền văn hóa, chính sách QLRR thông qua các chương trình truyền thông, đào tạo theo hướng từ trên xuống, cũng như tổ chức tọa đàm, trao đổi với toàn thể cán bộ trong hệ thống.

Ban Quản lý rủi ro toàn hàng đã tích cực phối hợp cùng những đơn vị trong các mảng số hóa như RLOS, Quickwin để: Rà soát các chính sách, sản phẩm số hóa bán lẻ; tham gia các tổ số hóa của BIDV, luôn sẵn sàng phối hợp với các đơn vị trong hành trình số hóa của BIDV.

Cùng với định hướng triển khai Basel II, những năm gần đây, nhiều dự án đã được Ban Quản lý rủi ro toàn hàng triển khai thành công và đạt được những kết quả ấn tượng. Có thể kể đến những dự án như: Hoàn thành phương pháp tính toán tài sản có rủi ro tự động, xây dựng khung công bố thông tin, kiện toàn công tác QLRR, quy trình ICAAP được thực hiện khép kín và được đánh giá đầy đủ, chính xác.

Quản trị rủi ro tại BIDV cũng như tại Ban Quản lý rủi ro toàn hàng đã trở thành một phần cốt lõi trong kế hoạch chiến lược của BIDV. Thực thi QLRR hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng của NHNN và hội nhập mạnh mẽ với nền tài chính quốc tế sẽ giúp BIDV hoạt động an toàn hơn, hiệu quả hơn và gia tăng niềm tin cũng như sự hài lòng của cổ đông, đối tác và khách hàng.

This article is from: