7 minute read
Thí điểm tiền kỹ thuật số tại Việt Nam – Lợi và hại?
Thí ĐiểM TiềN Kỹ ThUậT Số TẠi việT NAM
Lợi và hại
Advertisement
PHạm HạnH - Quang Hưng
Trong bối cảnh các đồng tiền số như Bitcoin đang thu hút sự quan tâm, cũng như nhiều Ngân hàng Trung ương đã và đang nghiên cứu phát hành tiền kỹ thuật số (KTS), việc Việt Nam có kế hoạch xây dựng và thí điểm loại tiền KTS của riêng mình là một bước đi phù hợp với xu thế chung.
Tại Quyết định 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (Blockchain) giai đoạn 2021 - 2023.
Xu hướNg phát triỂN
Xét trên góc độ toàn cầu, quá trình phát hành đồng tiền KTS do Ngân hàng Trung ương (NHTW)phát hành (Central Bank Digital Currency - CBDC) có sự khác biệt lớn giữa nhóm nước phát triển và nhóm nước mới nổi, có thể chia thành 3 nhóm:
Nhóm tiên phong bao gồm các quốc gia như Trung Quốc, Thụy Điển, Uruguay, Barbados, Bahamas… Trong đó, Trung Quốc đã phát hành đồng CBDC dựa trên cơ chế hai tầng, phục vụ bán buôn và bán lẻ, thử nghiệm bắt đầu từ cuối năm 2020. NHTW Thụy Điển phát hành đồng e-Krona từ tháng 11/2018, Uruguay với đồng e-Peso từ tháng 4/2018,...v.v.
Nhóm ủng hộ tích cực và đang nghiên cứu phát hành như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sỹ, Pháp, Ả rập Xê út và Các tiểu vương quốc Ả rập, Campuchia, Ecuador, Đông Caribê, Canada, Thái Lan, Singapore,… Trong đó, Pháp có kế hoạch thử nghiệm đồng CBDC cũng như đề xuất xây dựng đồng CBDC chung của khối EUR (e-EURO). Đặc biệt, gần đây NHTW Trung Quốc, Thái Lan, UAE và Hồng Kông đang cùng nhau triển khai dự án tiền KTS xuyên biên giới.
Nhóm thận trọng xem xét gồm có Mỹ, Đức, Anh, Nga… bởi lo ngại những tác động tiêu cực, rủi ro do CBDC mang lại đối với sự ổn định tài chính, cấu trúc ngân hàng, sự gia nhập của các tổ chức phi ngân hàng trong hệ thống tài chính và truyền tải chính sách tiền tệ. Điển hình là Đức chưa muốn sử dụng tiền CBDC và có quan điểm không rõ ràng với việc tạo ra đồng CBDC chung của khối EUR.
Có thể thấy rằng, CBDC đang trở thành xu thế tất yếu được các
NHTW trên thế giới quan tâm. Vì thế, việc Chính phủ giao NHNN nghiên cứu và thí điểm CBDC tại Việt Nam là một bước đi phù hợp với xu hướng của ngành tài chính ngân hàng hiện đại cũng như bối cảnh chuyển đổi số nói chung của nền kinh tế Việt Nam.
Lợi ích đột phá
Đồng CBDC, được xây dựng trên nền tảng công nghệ Blockchain và sự đảm bảo bởi uy tín của NHNN, được kỳ vọng sẽ tạo ra những tiến bộ đột phá trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, từ đó mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, nổi bật như:
Một là, thúc đẩy thanh toán, giao dịch không dùng tiền mặt và sự phát triển của dịch vụ thanh toán hiện đại. Thậm chí, CBDC có thể dễ dàng được sử dụng hơn các loại hình thanh toán không tiền mặt khác. Theo nghiên cứu của Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) và IBM, một lợi thế trên lý thuyết của CBDC là người dân không cần có tài khoản ngân hàng, mà chỉ cần thiết lập một ví điện tử là có thể lưu trữ và sử dụng đồng tiền này. Điều này có ý nghĩa lớn tại Việt Nam khi còn nhiều người dân sinh sống tại những nơi khó tiếp cận mạng lưới ngân hàng (hiện Việt Nam chỉ có 3,9 chi nhánh ngân hàng trên 100.000 người lớn; 40% người lớn có tài khoản ngân hàng, 27% có sử dụng thẻ ghi nợ), góp phần đạt mục tiêu tài chính toàn diện quốc gia.
Hai là, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, thông qua thúc đẩy kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, các mô hình kinh doanh trên nền tảng số, giao dịch số…
Ba là, góp phần tăng cường khả năng đối phó với các hoạt động phi pháp như rửa tiền, trốn thuế, tài trợ khủng bố, tham nhũng, hacker và tội phạm mạng nhờ tính minh bạch và công khai hơn. CBDC có thể được xây dựng để cho phép NHNN theo dõi được các giao dịch, từ đó có thể phát hiện và truy vết các giao dịch đáng ngờ.
Vì bản chất tiền KTS có chủ quyền quốc gia là hình thức “điện tử hóa” dạng vật chất của tiền mặt, nên không ảnh hưởng nhiều đến lượng cung tiền, vẫn có thể tạo dư địa cho chính sách tiền tệ và điều tiết tốt hơn các chính sách vĩ mô khác. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19.
CBDC là một đồng tiền pháp định (fiat), được phát hành và quản lý bởi NHTW, có vai trò như tiền truyền thống, nhưng ở dạng số dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain). Các nghiên cứu sơ bộ của các NHTW, tổ chức tài chính lớn trên thế giới đều có chung nhận định rằng: các đồng tiền CBDC có tiềm năng rất lớn, với nhiều ứng dụng có thể mang lại những đột phá trong hoạt động tài chính ngân hàng trong tương lai”.
rủi ro cầN Xem Xét
Đi đôi với những lợi ích, việc xây dựng và triển khai CBDC cũng có nhiều rủi ro, thách thức mà Việt Nam cần nghiên cứu kỹ để có thể lường đón một cách hiệu quả.
Một là mức độ chấp nhận thấp do tâm lý, hiểu biết kỹ thuật chưa nhiều. Tại Việt Nam, một trong những nguyên nhân làm cho người dân chưa sử dụng nhiều các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt là do tâm lý e ngại cũng như mức độ hiểu biết về công nghệ còn thấp. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới sự chấp nhận của người dân với CBDC.
Hai là rủi ro ảnh hưởng đến uy tín của các tổ chức tài chính, trung gian thanh toán khi lỗi hay vi phạm xảy ra. Đồng CBDC cũng giống như hệ thống ngân hàng, luôn tiềm ẩn các rủi ro lỗi hệ thống, hay gian lận, vi phạm đạo đức nghề nghiệp…, nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của NHNN cũng như các tổ chức tín dụng có liên quan.
Ba là những vấn đề liên quan đến quyền riêng tư và rủi ro gian lận, rửa tiền. Đồng CBDC có thể được thiết lập để NHNN kiểm soát được mọi giao dịch, từ đó phát hiện các giao dịch đáng ngờ. Tuy nhiên, nó cũng khiến nhiều người cảm thấy bị xâm phạm quyền riêng tư, từ đó làm giảm khả năng chấp nhận của người dân với CBDC. Nếu NHNN thiết lập để cho phép người dùng ẩn danh (giống với tính chất của tiền mặt) thì sẽ giúp CBDC dễ được chấp nhận hơn, nhưng sẽ tạo ra nhiều vấn đề như rửa tiền, tài trợ khủng bố, hoạt động tội phạm… Việc tìm ra sự cân bằng giữa những vấn đề này sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả của việc tạo ra đồng CBDC tại Việt Nam.
Bốn là, thách thức đối với điều hành của NHTW và các cơ quan quản lý, nhất là đối với các giao dịch xuyên biên giới vốn có tính chất phức tạp hơn so với các giao dịch nội địa. Tuy nhiên, nếu thành công trong việc tạo ra một đồng CBDC có khả năng tương thích với nhiều quốc gia khác nhau sẽ là bước đột phá, giúp cải thiện các giao dịch xuyên biên giới “chậm chạp, đắt đỏ và thiếu minh bạch” hiện nay.
Chính vì vậy, tương tự một số quốc gia khác, Việt Nam cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng với bước đi phù hợp, nhưng cũng không nên quá thận trọng đến mức cản trở tiến trình chuyển đổi số quốc gia.