7 minute read

Nghiễm Mậu

Tỉnh, tôi thật đây.

Vừa nói Kha vừa nắm lấy tay tôi: Tôi đang đi kiếm các anh, khi tới Triệu thì tôi nghe Tiệm Ly đã chết, tôi nghe ở Hàn có hàng thịt chó rất ngon, đoán chắc các anh ở đó, quả không sai.

Advertisement

– Hóa anh chưa chết, tôi không hiểu được.

Sau khi anh đi chúng tôi hỏi nhau hôm gặp anh thực hay mơ, và cho đến bây giờ vẫn vậy, anh đã tha chết để cho hắn hành động như vậy sao?

Chàng Kinh lặng đi, chúng tôi trở về quán, nhìn thấy một chiếc ống sáo của Tiệm Ly còn để lại chàng Kinh cầm lấy mà khóc:

Tôi đâu nào sợ cái chết, giết hắn đâu phải là khó với tôi, nhưng chính là tôi đã nghe người, quả tôi không có mắt thấy được người.

Bây giờ chàng Kinh tóc đã có những sợi trắng, má đã nhăn, nhưng khí dũng vẫn còn cương cường. Trong cảm xúc nghẹn ngào Kha đã nói lại với chúng tôi:

– Chắc chắn sau này sử sách sẽ viết rằng: năm ấy, ngày ấy có một tay dũng sĩ tên là Kinh Kha đã mang một con chủy thủ vào đất Tần bất trắc mưu mô giết vua Tần nhưng việc không thành. Nào phải thế, như tôi đã nói hôm gặp lại các anh trên bờ sông Dịch đó. Giữa chốn triều đình nhà Tần, tôi đã tay trái túm lấy ngực hắn, tay phải áp con chủy thủ vào cổ hắn, tôi muốn mang hắn về Yên cho Thái tử Đan hài lòng, sau là moi gan hắn mà tế anh linh của Thầy Điền Quang, Phàn tướng quân, tôi cũng muốn như Tào Mạt xưa kia bắt hiếp Tề Hoàn Công ký giấy trả đất cho chư hầu.

Tôi nghe hắn hỏi tôi: nhà ngươi sẽ làm gì với một nước Trung Hoa này, ta không muốn chết một cách ân hận. Lật bỏ một chế độ là người ta muốn có một chế độ tốt đẹp hơn. Xô đổ một ngai vàng là để lập một ngai vàng mới, nhưng ngày nay ai là kẻ đáng mặt lên ngôi? Tôi so sánh giữa hai chế độ: những ngày đầu tiên trong chế độ nhà Tần và tình cảnh Trung Hoa trong chia cắt, phân tán, mỗi kẻ hùng cứ một phương tác oai tác quái, nỗi khốn khổ của dân chúng kéo dài quá lâu. Tôi không muốn thấy mãi một tình trạng tranh chấp liên miên, không muốn thấy một thời liệt quốc mới. Tôi muốn có một nước Trung Hoa thống nhất, một nền cai trị mạnh, hữu hiệu, sáng suốt.

Thủy Hoàng nói với tôi cũng muốn vậy đó là lý do khiến ông tiến tới thống nhất Trung Hoa, phá bỏ các chư hầu. Chúng tôi thảo luận với nhau và tôi đồng ý tha chết cho Tần Thủy Hoàng để cùng nhau bàn kế hoạch, chúng tôi làm việc hoàn toàn bí mật: phải thống nhất một nước Trung Hoa, phải thay đổi hẳn căn bản xã hội, phải làm lại hết cả…

– Anh đã đồng ý để chôn học trò, đốt sách? – Từ sau thời Thầy Trọng Ni tư tưởng của

Thầy đã bị không biết bao nhiêu kẻ làm sai lạc, sách vở nhảm nhí không biết bao nhiêu, để những sách ấy tôi hỏi anh di hại biết đến bao giờ. Phải chỉnh lại văn hóa, cuộc sống chỉ yên vui được khi xã hội chỉ sống với một tư tưởng, một cuốn sách cho một chân lý, một lẽ phải. Còn chôn sống học trò thì không đúng, giết hết những người có học thì lấy ai để điều khiển guồng máy cai trị. Nhưng không thể dung túng những tên khuyển nho những kẻ có học mà sống xa nghĩa sách thánh hiền, học ba chữ thánh hiền chưa vỡ mà tưởng mình đội đá vá trời được, muốn nước hùng mạnh xã hội trật tự cuộc sống hạnh phúc thì phải chôn đi những kẻ không chấp nhận sự tiến bộ, chôn đi những kẻ mãi mãi muốn duy trì địa vị quyền lợi của mình.

Anh chấp nhận để xây Vạn-lý trường-thành bằng xương máu của người dân?

– Chúng tôi nhân danh sự bền vững muôn đời, sự sống còn của nước Trung Hoa mà xây trường thành. Muốn có đời sống buộc mọi người cùng nhau đóng góp hy sinh… Nhưng thôi anh đừng hỏi tôi nữa, tôi là một kẻ có tội, tôi cũng đã bị phản bội… Mộng tưởng của tôi chỉ là ảo tưởng, Tần Thủy Hoàng đã đổi thay, Hoàng đế nhà Tần ngày nay không phải là kẻ mà xưa kia tôi đã tha chết cho hắn.

– Vậy ai đã chết thay cho anh?

– Như tôi đã nói đó, tôi thất vọng với Thái tử

Đan nên đã thấy Tần Thủy Hoàng có lý, chúng tôi cộng tác với nhau, Thủy Hoàng nguyện thi hành những kế hoạch tôi đã đề ra, để cho vua Tần có thêm uy thế chúng tôi vẽ ra cái chuyện Kinh Kha nát thây dưới lưỡi kiếm vua Tần. Nhưng ai ngờ khi đã thu thiên hạ về một mối, dẹp tan các chư hầu, ổn định được tình thế thì vua Tần thay lòng đổi dạ. Khi đã thống nhất được giang sơn, diệt hết các địch thủ hắn không còn nghĩ tới lý tưởng tới đất nước nữa, hắn nghĩ tới hắn, hắn nghĩ tới trường sinh bất tử, tôi biết tôi đã bị phản bội, không làm cách gì khác hơn là bỏ đi.

Chàng Kinh lấy ra con chủy thủ mỉm cười:

Anh nhớ cái này không? – Nhớ. – Nó nguyên là của Từ Phu nhân nước Triệu, lúc trước Thái tử Đan mua với giá một trăm lạng vàng, đã được tẩm thuốc độc, tôi còn giữ nó đây và đi tìm các anh. Bây giờ mình phải bắt đầu lại, bắt đầu lại trong khó khăn, thiếu vắng bạn hữu và một chế độ đã được củng cố… Xưa kia cầm con chủy thủ vào một đất Tần bất trắc tôi chỉ nghĩ tới lúc giết được bạo chúa, nhưng nay cũng với con chủy thủ này vào một đất Tần bất trắc gấp trăm lần tôi nghĩ tới một xã hội sau khi đã giết được bạo chúa, điều đó khiến tôi yên tâm hơn, nhất nữa nay tôi không phải vào đất Tần với một tên giết mướn mà vào đất Tần với anh…

Hai người dừng lại, người đứng tuổi ngồi xuống một cành cây, trăng đã ngả xuống, ánh sáng đục hơn, trước mặt họ con sông vẫn lờ lững chảy, người trẻ tuổi nhận ra họ đã đến một bến sông, hai bên bờ sông có mấy quán lá xơ xác, không một bóng người, dưới bến có một chiếc thuyền cột vào một gốc cây. Người lớn tuổi nói:

– Người kể câu chuyện cho tôi nghe đã dừng lại ở đó. Tôi hỏi rồi sau đó ra sao? Người anh cả trả lời: không biết, tôi chỉ thấy cuốn sách hết ở đấy. Còn sử chép: Thủy Hoàng chẳng hề bị giết mà sau chết vì dư máu, như thế có nghĩa rằng chàng Kinh Kha kia đã thất bại, nhưng đó đâu phải là kết luận của cuốn sách.

Người trẻ tuổi tư lự:

– Tôi cho rằng đây là huyền thoại do một người nào đó tạo ra để gửi gắm tâm sự của mình.

Lịch sử còn chép rành rành ra đó.

Anh tin sử ký đều là sự thực?

– Chẳng lẽ nó đều là những điều dối trá sao?

Tôi không nói vậy. Đó là sự thực theo một con mắt nào đó. Anh cũng đã từng tham dự vào một số những biến động lịch sử trong những ngày gần đây, anh đã biết những vụ Ôn Như hầu, Cổ

Am, Vĩnh Yên… vô phúc lịch sử lại được viết bởi những người vừa bỏ tù chúng ta thì anh sẽ thấy, có khi chúng ta còn được gọi là những kẻ phản quốc nữa. Những người sau này đọc còn biết đâu là sự thật. Nếu những người đã chết đều đội mồ mà sống lại được thì chắc lịch sử còn được làm sáng tỏ nhiều uẩn khúc. Có thể câu chuyện chàng

Kinh tôi vừa kể với anh chỉ là một huyền thoại, nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn tin rằng một kẻ như Kinh Kha đâu chỉ hành động để hành động hay hành động để lấy chết.

Hai người im lặng theo đuổi những ý nghĩ riêng, họ đưa mắt nhìn lơ đãng xuống bến sông mơ hồ trước mặt, mấy quán lá quạnh hiu trong màn sương đục, bên kia sông lờ mờ hình bóng những lũy tre mỏng đi như nét bút vờn nhẹ trong bức tranh thủy mạc đã lâu đời. Người lớn tuổi nói: – Chúng ta phải chia tay nhau thôi.

– Sao vậy?

Nơi chúng ta đang đứng đây người ta gọi là vùng tự do hay vùng giải phóng; còn bên kia sông được gọi là vùng địch hay vùng tề. Muốn cộng tác với Pháp thì qua sông, muốn sống trong giam hãm, đày đọa hay chết thì ở lại đây. Anh thấy chưa, bây giờ đâu phải là thời của Kinh Kha, còn Kinh Kha thì Kinh Kha cũng bó tay. Bây giờ có nhiều đất Tần bất trắc, nhiều Tần Thủy Hoàng, nhiều sông Dịch phải vượt qua… Chiến sĩ một đi không trở lại, tôi không chấp nhận quan niệm ấy, lên đường là phải nghĩ đến ngày trở về, nhưng đó lại là chuyện khác, bây giờ anh qua sông hay ở lại?

– Còn anh, anh lựa chọn đường nào?

– Tôi từ chối lựa chọn cả hai con đường ấy. Ai buộc chúng ta phải chấp nhận những con đường có sẵn?…

This article is from: