18 minute read
Phía Ngoài
164 bốn mươi lăm tác giả Q Phía Ngoài uán quay mặt ra bờ sông, thuộc một dãy phố thấp, cũ kỹ, với những cửa tiệm bán đồ bazar, gạo, than, cùng những sản phẩm đặc biệt của địa phương, tất cả nghèo nàn, mặc dầu vẻ phát đạt bề ngoài của chúng; đó là nơi tôi vẫn ngồi vào những buổi chiều không phải vào lớp, những ngày không phải về Saigon hay đến một tỉnh lỵ nào khác, những giây phút trống rỗng, bao giờ cũng vậy, để dễ bắt gặp cảm giác của lần đầu tiên bước vào một cuộc khám phá tình cờ, đúng vào buổi chiều đầu tiên đặt chân tới đây tìm mua những món vật dụng hàng ngày (bàn chải, xà bông, ly uống nước...), tôi đã uống ly cà phê nhạt nhẽo, gớm ghiếc, nhìn ra quang cảnh tẻ lạnh, lam lũ, xa lạ, chán ngắt bên ngoài, hương vị cà phê vẫn không hề thay đổi, cũng như bầu không khí chung quanh, trước mặt, nhưng không hiểu tại sao tôi vẫn tiếp tục trở lại đó, tìm lại chỗ ngồi đã bắt đầu quen thuộc, một cảm giác phải nói là khó chịu, một cảm giác mà tôi chấp nhận một cách dễ dàng. Chỗ ngồi kê sát bên cửa ra vào: một chỗ để nhìn ngắm, nghe ngóng, có lúc tôi tự nhủ thầm như vậy. Tôi đã nhìn qua bờ sông bên kia, lũ trẻ con nô đùa ngụp lặn dưới nước, tôi nhớ ra, để không bao giờ quên nữa, những âm thanh mơ hồ của nước, của những tiếng reo hò, có thể nào tôi đã nghe vang dội vào tai mình, qua một khoảng cách quá xa như vậy, có thể tất cả bắt đầu từ một hình ảnh tươi sáng xuất hiện bất ngờ, đúng vào lúc đó, dưới cái nhìn lơ đãng của tôi.
Tôi sẽ bước vào ngồi chỗ của mình, tâm hồn bình thản, rỗng không. Bờ sông bên kia, đúng vào chỗ có những cây dừa lả ngọn, những cành lá chết, buông xuôi, khô cóng: tôi
Advertisement
Huỳnh Phan Anh.
chờ đợi lũ trẻ xuất hiện. Ở đó, tôi tiếp tục mường tượng những hình ảnh, những âm thanh hãy còn mơ hồ, vướng vít đâu đó. Và tôi ngồi như đang nghe ngóng, bằng trọn thân thể của mình, những động tĩnh chung quanh. Buổi chiều (ôi, những buổi chiều của cuộc sống ngái ngủ, giả mơ giả chết) được ghi nhận bằng những sinh hoạt chậm lại, loãng dần, yếu ớt. Tôi sẽ chờ đợi sự thầm lặng đang trở về, hay vẫn có mặt từ bao giờ, sự thầm lặng kéo tôi ngồi nán lại, trói buộc mọi ước muốn viễn vông trong tôi. Lúc bấy giờ, mặt sông trở nên bằng phẳng, sóng rất khẽ, lấp lánh dưới những tia nắng sau cùng rất nhạt, rất dịu, ánh lên rất khẽ, gây ảo tưởng về một thứ âm thanh nồng nàn. Bên kia sông (tôi tiếp tục nhìn qua, tìm kiếm): cây lá dày kịt ven bờ, những mái nhà lưa thưa nằm lẩn khuất sau những bóng dừa sầm uất, mây xám và trong, thấp xuống. Nhìn ra xa, về phía trái, chiếc cầu sắt vắt ngang sông, thẳng băng, ở đó vào giờ tan học buổi chiều, những chiếc áo trắng kết thành hàng, thành một chuỗi dài tưởng chừng bất tận. Cảnh sắc đâu đây vẫn vậy, quen thuộc và nhàm chán. Tôi nhìn ra cõi mênh mông, không đối tượng. Tôi sợ từng sự vật bất ngờ nào có thể gây chú ý, từng sự chuyển biến đột ngột quanh tôi. Thật ra không còn gì nữa ngoài sự trống vắng, mơ hồ, một cái gì đang âm thầm chuyển bước hoặc âm thầm đứng lại, hoặc tan đi, không còn nữa, một cái gì đã là một sự vắng mặt. Còn tôi, tôi cũng mong manh, chới với. Tôi đã ở một nơi nào. Một nơi nào ở tận cùng cái nhìn kia. Ở đâu không biết.
Thỉnh thoảng, một khuôn mặt trong đám người qua lại dưới hiên quán, lơ đãng nhìn vào, bất chợt nhận ra một hình ảnh quen thuộc mỗi ngày, sẽ trở nên lúng túng, mất
tự nhiên, sẽ vội nghiêng đầu bỡ ngỡ, một phản ứng gượng gạo, không thể cưỡng chống lại được. Tôi sẽ nghiêng đầu đáp lại hay tôi vẫn ngồi yên trong vị trí chết đờ khép chặt. Hay thật ra tôi chỉ mới chuẩn bị một tác động chào hỏi, lỡ dở và muộn màng; những cử chỉ, những mưu toan của tôi trong đời có bao giờ đúng lúc, nhịp nhàng, ăn khớp. Sau đó, liệu tôi còn tiếp tục đáng ngồi buông thả như trước hay sự bình yên đã mất, còn lại tôi loay hoay tìm kiếm một thế ngồi khác. Tôi sẽ rút một điếu thuốc (một cử chỉ, bất luận một cử chỉ nào, tôi nghĩ). Ở đây không ai buồn chú ý tới tôi. Điều này khiến tôi dễ chịu. Có thể đối với mọi người, sự có mặt của tôi không hề mang một ý nghĩa nào đáng kể. Lão chủ quán người Tàu, tóc bạc, vẻ mặt gân guốc, giọng nói sang sảng, ngồi sau quầy, mắt láo liên, thỉnh thoảng vẫn nhìn về phía cửa, trông chừng từng người khách bước vào, cái nhìn lão lướt qua tôi, không hề dừng lại ở tôi. Có lẽ vì lão đã quen thuộc quá rồi tôi, đối với lão, cả tên hầu bàn, thằng bé luôn luôn toét miệng cười, đã tỏ ra thân thuộc với tôi ngay từ những phút đầu, nó không còn lạ gì nữa thức uống của tôi, giờ khắc tôi ngồi trong quán, giờ khắc tôi đứng dậy bước ra ngoài. Nó tỏ ra tôn trọng sự im lặng của tôi, mặc dù đôi lúc, tôi vẫn bắt gặp một khoé nhìn xét nét kín đáo của nó. Lúc đó, không hẹn, chúng tôi sẽ gặp nhau trong một nụ cười gượng gạo pha lẫn chút cảm tình. Tôi tìm kiếm, trông đợi gì? Trước mặt tôi chỉ còn là một sân khấu trống trải, trần truồng, chết. Buổi chiều lịm dần ngoài kia, trên mặt nước, ở tận cùng những ngọn cây bên kia sông. Tôi nghe ngây ngất như trong một cơn say ngà ngà đang đẩy nhẹ, đưa nhẹ, một cơn choáng váng mơ hồ. Tất cả bắt đầu từ một khoảng trống, một lỗ hổng
trước mặt đang thu hút tôi, chiếm đoạt tôi (nếu tôi có thể nói như vậy).
Đó là những phút sau cùng bắt chợt trở nên hối hả khi tôi sắp sửa đứng dậy đồng thời nghe ra những tiếng thì thầm trong cổ họng, vô nghĩa, chưa thành lời. Tờ giấy bạc dằn dưới đáy ly, tôi sẽ đứng dậy, khẽ quay nhìn vào trong (một dấu hiệu mơ hồ, một cử chỉ phác họa thừa thãi), cho gói thuốc, hộp quẹt vào túi quần, nhìn một lượt trên mặt bàn đen đúa (một cuộc kiểm điểm lấy cớ, vô hại), bước ra khỏi quán. Tôi sẽ đi trên những bước chậm, đều, thân thể nhẹ nhàng, tâm hồn lêu bêu. Lúc bấy giờ trời đã chạng vạng, cảnh vật bên kia sông chỉ còn là một dãy đen kịt chạy dài, lập lòe những ánh lửa cách khoảng, lẻ loi. Trời xám thẫm, nặng trĩu. Đâu đây có tiếng sóng tấp vào bờ, tiếng mái chèo khua nước nghe như vẳng lại từ xa (những chuyến đò ngang muộn màng của một ngày). Tôi đi giữa những khuôn mặt câm nín, những dáng đi vội vàng như trốn tránh: tất cả chỉ còn là những bóng dáng mờ loang. Đèn đường bật sáng. Đêm tỉnh lỵ, không hẹn hò, chợt trờ tới, trơ trẽn (lớp phấn trên đôi má quê mùa). Tôi đi về phía trung tâm tỉnh lỵ (bữa cơm tối một mình trong một quán ăn, cạnh rạp hát). Những dĩa vọng cổ khàn giọng giờ đây đã bắt đầu. Tôi sẽ dừng lại ở một sạp báo. Ừ, một tờ báo trong khi chờ cơm dọn lên.
Vài hàng về tỉnh lỵ đã nói, ít ra một lần ở đâu đó. Nói chung: một tỉnh lỵ khá nên thơ (cỏ, cây, lúa thóc, sông rạch, mây trời...). Qua khỏi cầu bắc, con đường nhựa thẳng tắp đưa vào trung tâm tỉnh lỵ, chạy giữa những đồng ruộng xanh mướt, những vườn dừa sầm uất, lạnh vắng, những đồn canh lặng lẽ, bí ẩn, những cột đèn ngã
quị, những sợi dây thép đứt phăng, những tấm bảng tuyên truyền, lời lẽ đanh thép, v.v. Người ta nói chiến tranh, tàn phá, giết chóc, chỗ này mìn mới giựt, chỗ này nữa trận phục kích hôm nào. Qua một ngã rẽ, bắt đầu từ góc đường có tấm bảng viết hàng chữ in “Kính Chào Quí Khách”, nhà cửa hai bên đường trở nên san sát, loáng thoáng sau những hàng cây thưa. Công trường với đài chiến sĩ đứng sững giữa lộ (bên trái: ty thanh niên, sân vận động, bến xe đò... bên phải: bến xe lôi, đồn lính...): cửa ngõ chính thức đưa vào tỉnh lỵ, bắt đầu từ đây, con đường nới rộng hơn với khu công viên hai bên, với những hàng cây dương cao ngắt che rợp bầu trời, những chiếc bảng đá, những thảm cỏ... tất cả tạo nên một cảm tưởng tốt đẹp, có lẽ, trong cái nhìn đầu tiên của người mới đặt chân tới. Tôi hy vọng tôi đã nói với một ai khác hay với chính mình? Sẽ thích được nơi này, sẽ ở đây luôn nếu cần, tại sao không, một ước mong nào khác, một đời sống nào khác, một nơi nào khác, tất cả, tôi tự hỏi để làm gì, đối với tôi, có thể mọi sự chưa đến đỗi muộn màng lắm đâu nhưng đôi khi chính tôi không biết phải làm gì trước cả những mưu toan kịp thời, đúng lúc chỉ còn chờ thực hiện, tôi thấy sự gãy đổ từ đầu, thật ra sự gãy đổ bắt đầu từ đâu, Hạnh nói, tôi có cảm tưởng anh sống lêu bêu, chân không chấm đất, nghĩa là anh vẫn như vậy, bao nhiêu năm rồi anh không thay đổi gì, tôi làm sao biết được, tôi nghĩ chính anh tự ý bớt đi hay thêm vào, anh định sống hết đời như thế sao. Tôi nhớ đã hỏi gặng lại nàng, một cái gì khi đã bắt đầu liệu còn biết tiếp tục cách nào khác? Tôi nhớ đã cười đắc thắng sau câu nói đùa của mình. Tôi cười thì phải giống đứa con nít, như Hạnh đã một lần nói như vậy.
Gian phòng nơi tôi trở về rất muộn, ban đêm, khi gió từ dưới sông ùa lên lạnh buốt, gian phòng, nơi những câu chuyện thường kéo dài tới khuya, khi bốn bề lặng ngắt, khu vườn ngoài cửa sổ đã im ngủ, chỉ thỉnh thoảng đưa lại những tiếng rì rào, ớn lạnh. Hãy tưởng tượng tới những gian phòng, những câu chuyện trao đổi trong bầu không khí bịt bùng, thân mật đó, những câu chuyện tưởng chừng vô tận, những câu chuyện chỉ cần được khơi lên. Có phải mỗi con người là một câu chuyện (hay nhiều hơn) đang chờ được kể ra (kể điều cần nhất, điều ghê gớm nhất). Tôi nói: “Đầu óc tôi nặng trĩu trí nhớ”. Tôi nói: “Tôi biết nói những điều nào khác những gì tôi đã sống qua”. Tôi nói: “Ta phải sống, có lẽ vì ta đã sống”. Tôi nói như kẻ đối diện tôi (thí dụ: Hạnh) chỉ còn là sự vắng mặt, và tệ hại hơn nữa, như thể chính tôi không còn tự chủ nữa, lời nói tôi tự kiếm cho nó một cách phát biểu. Chúng tôi ngồi dối diện nhau, có khi mỗi người quay mặt về một phía khác, một cách để tránh nhìn nhau trong khi đang nói (hoặc đang lắng nghe), như vậy có lẽ mỗi người sẽ được tự nhiên hơn, thong thả hơn (không ai giục giã ai, mỗi người được tự do hoàn toàn, làm chủ lời nói, cả sự im lặng của mình). Hạnh thường xuất hiện trong phòng tôi, dưới lớp áo ngắn, rộng, tay dài, một cách che giấu bớt thân thể mảnh dẻ của nàng, loại áo nàng vẫn mặc ở nhà, không hiểu sao dễ gây ở tôi cảm giác dễ chịu hơn. Tôi sẽ thấy mình gần gũi với nàng hơn, đúng ra, với thân hình yếu đuối, với chính sự yếu đuối của nàng. Tôi không bao giờ nói cho Hạnh biết là tôi vốn thích mẫu đàn bà mảnh dẻ, ốm yếu: một cách giải thích cho những cảm giác thân mật một cách tự nhiên của tôi lúc gần nàng. Cho tới khi, lần đầu tiên, đứng sát
vào người Hạnh (hai người bỗng nhận ra mình đứng sát vào nhau, nhận ra sự gãy đổ những khoảng cách đã có từ trước), tôi không có một ý nghĩ nào đáng kể, điều này có nghĩa là tôi vẫn mặc nhiên chấp nhận Hạnh trong mối liên hệ thường tình như tự thuở nào: một người bạn, nếu cần một người chị; thế ngồi im lìm bất động của Hạnh lúc đó đáp ứng phần nào những động tác của tôi: không một phản ứng bất thường nào hứa hẹn bộc lộ (thí dụ, một cái nhìn kinh ngạc, một câu nói vất vả: tại sao anh làm vậy, tại sao chúng ta làm vậy), không ai nói một lời nào nữa dù để chối từ, dù để mời mọc, tất cả những gì xảy ra sau đó tưởng chừng vượt ngoài, thoát khỏi ý muốn mỗi người, tất cả không hứa hẹn xảy ra, nhưng đã xảy ra (những cử chỉ đầu tiên của một nhân loại nào đó, có thể như vậy).
Tại sao câu chuyện đó, câu chuyện xảy ra đêm trước (một đêm trước) hầu đã lùi xa, thoát khỏi đời sống mỗi người: câu chuyện của một thời nào mất biệt, của một ai, những ai hoàn toàn xa lạ. Tôi nhận ra vẻ thản nhiên của nàng, ngay cả những tiếng “tại sao” lạc loài trong những câu nói, những lời chuyện vẫn bình thường khi tinh cờ nhắc lại “câu chuyện”, khi “câu chuyện” tự dưng hiện đến, trở về. Tôi tránh khói cảnh lúng túng, khó ăn, khó nói. Tôi có thể lướt qua những phút khó khăn một cách không mệt nhọc, “Không tại sao cả”. Đó là câu giải thích của tôi. Tôi không giải thích được gì, và dầu vậy, nàng vẫn không hề tỏ vẻ thắc mắc, điều khiến tôi hài lòng, dễ chịu. Không tại sao cả. Đúng vậy. Tôi đã đến gần nàng. Chúng tôi đã đứng sát bên nhau, thân thể gục vào nhau trên những bước chân dìu nhau tìm kiếm (một chỗ để ngồi, một chỗ để nằm), điều tôi còn nhớ lại, đó là đôi mắt của Hạnh, cái nhìn
của nàng: một sự bình thản lạ kỳ. Chúng nhìn tôi từ phía dưới, cái nhìn khô, rỗng, tẻ nhạt: nó ở ngoài thân thể và cử chỉ của nàng lúc bấy giờ, nó ở ngoài những câu chuyện chúng tôi đang nói (những lời, những chữ...). Nó biến tất cả thành một sự trống vắng, rỗng không. Hoặc chính nó đang khởi sự xóa nhòa... Dù sao, nó làm tôi cảm động. Tôi đã hôn lên đôi mắt đó (tôi muốn bày tỏ một tình cảm dịu dàng hay tạo một cơ hội cho sự việc đó) để tức thì bắt gặp một nỗi ngượng ngùng, đủ cho tôi nghe nóng ran hai bên thái dương. Tôi xấu hổ vì một cử chỉ tầm thường, vô nghĩa của mình. Tại sao tôi thấy cần phải làm một cử chỉ nào khả dĩ mang một ý nghĩa, một nội dung. Ai, cái gì cho phép tôi bộc lộ một cách trắng trợn như vậy, dù một tình cảm trìu mến, dù một nỗi thương hại - một cách chân thật hay dối trá - cử chỉ thừa thãi, vượt ngoài sự chờ đợi của mỗi người, cử chỉ đó thay vì một im lặng biểu đồng tình, một thỏa ước mặc nhiên (tốt hơn tôi không nên làm gì, nói gì trong sự chuẩn bị, cần nhất phải đánh tan mọi ẩn ý đang ẩn nấp, rình rập sau mỗi lời nói, mỗi cử chỉ), như vậy có lẽ hay hơn, hoặc ít ra, người ta không có gì để phàn nàn: một cuộc gặp gỡ tốt đẹp, có thể nói như vậy.
Gian phòng nơi tôi trở về rất muộn ban đêm khi gió từ dưới sông ùa lên, lạnh buốt, một ý nghĩ quen thuộc bấy giờ, “nơi yên nghỉ của tôi sau một ngày”, thật ra tôi biết rằng tôi không muốn nói như vậy, điều tôi muốn nói, nghĩ đến, hẳn là một điều gì hãy còn mơ hồ, nhưng chắc chắn đó là một nỗi sợ sệt, một sự lo lắng, một điều mong ước bắt đầu từ công việc hình dung trong đầu tôi ý nghĩ về nó. Tại sao? Hẳn là nó vẫn ở đó, ở cuối khu vườn, im lìm trong bóng tối. Có sự gì khiến tôi luôn tìm cách trì hoãn
việc trở về. (Trở về? Thật ra đó chỉ là những bước chân: tôi chỉ đi theo những bước chân của mình, điều này thật buồn cười, nhưng có những lúc tôi chợt thấy như vậy, nhận ra rằng trên những bước chân đó, tôi đang trở về gian phòng của mình), nó như một niềm xấu hổ trong vô thức mà tôi tìm cách lẫn tránh, nó như một thói quen đã bắt đầu mòn rỉ, tôi phải cố gắng rất nhiều để có thể chịu đựng được, nó như... Tôi chỉ cần một ý nghĩ tầm thường, đơn giản này khi ngồi trong quán nước, nhìn ra bờ sông, lúc bấy giờ, sau bữa cơm, trời sụp tối, tôi đã trở lại chỗ ngồi ban chiều, một chỗ yên tĩnh hơn, một cách để tránh nghe những tiếng ồn ào của khu rạp hát, lại là một cách để... “gian phòng nơi tôi trở về, nhưng rồi sau đó?”, bấy nhiêu đã đủ cho tôi thấy rõ sự buồn nản xâm chiếm tâm hồn, tưởng chừng đó cũng là cơ hội tốt đẹp giúp tôi nhìn, một lượt, trọn vẹn đời sống mình (hẳn là sự việc không đơn giản như vậy, phải không?) cái nhìn rươm rướm nước mắt, thứ nước mắt tủi thân (hẳn là sự việc không quá bi thảm như vậy, phải không?). Trước mặt tôi, bấy giờ, là một sân khấu bát ngát, hút sâu với những ánh lửa lặp loè đơn chiếc trong bóng tối và hơi lạnh, tôi mường tượng một mái nhà bên kia sông, một con thuyền câu trên mặt nước, trí tưởng tôi dừng lại ở đó, hẳn là nó đang ở bước đường cùng, hẳn là nó đã uể oải: nó không còn đủ sức bén nhạy để hoạt động. Tôi chỉ còn lại những hình ảnh vụn vặt, đứt đoạn, tản mạn trong đầu. Cuộc sống tôi bây giờ bị chặt ra thành nhiều mảnh. Như một khoảng trời sao lấp lánh. Nó không ra làm sao cả. Không một liên lạc nội tại nào. Không một trật tự. Lỗi ở đâu. Ở đời sống tôi, ở trí nhớ tôi. ở những khoảnh khắc nhạt phèo, rời rã, đang gặm
mòn tôi một cách dửng dưng, tàn bạo. Tôi muốn biết. Tôi không cần biết, để làm gì. “Cần nhất bây giờ là một sự yên ổn trước khi đứng dậy, dời khỏi quán...” Đứng dậy. Dời khỏi quán. Trở về. Tôi mường tượng con đường, trên đó, dù muốn dù không, tôi sẽ lần bước trở về, cánh cửa phòng đứng sững trước mặt tôi, ở tận cùng lối đi vòng trong bóng tối, và chiếc giường. Tôi bắt đầu thấy sợ hãi trong ý nghĩ sẽ bước lên chiếc giường đó, một ý nghĩ kinh khiếp, chết chóc: ý nghĩ đó hầu như đặt tôi ở cuối đường mọi sự, ở tận cùng đời sống, nó ném tôi về phía trước, nơi xa tít mù, nó bóp nát mọi ước vọng tôi đang có, nó là sự hủy diệt. Đó là khoảnh khắc chờ đợi. Đó là giây phút sau cùng. Tôi sẽ ngã lưng xuống, tôi không còn lại gì, chỉ còn lại ở trên kia, chập chùng, bóng tối của một đêm, một đời. Cái gì bảo đảm cho tôi rằng sáng hôm sau, mọi sự vẫn không thay đổi: tôi vẫn ngồi bên cửa sổ nhìn mặt trời đang lên từ phương Đông đó chứ! Tôi nói với Hạnh: “Thuở nhỏ, tôi chỉ lo phút tận thế đến khi mình đang ngủ”. Hạnh nói về một tình cảm thất trận nào đó trong tôi. Nàng lại nói không phải, nàng không muốn nói vậy, nàng chỉ muốn nói rằng... Tôi không biết nàng định nói gì. Tôi tiếp lời: “Thật ra không có gì... không có gì thật cả”.
HUỲNH PHAN ANH