Hoa Tay Nhãn nghệ sĩ

Page 1


HOA TAY

NHÃN NGHỆ SĨ

Brandon Tho Harris

Brandon Tho Harris (sinh năm 1995, Houston, Texas) là một nghệ sĩ đa ngành đang sinh sống và làm việc tại Brooklyn, New York. Quá trình sáng tạo của anh dò xét lịch sử của bản thân với tư cách là hậu duệ của người tị nạn chiến tranh. Qua quy trình nghiên cứu chuyên sâu về cộng đồng người Việt di cư liên quan đến chủ đề lịch sử gia đình, Harris xem xét các khái niệm về chấn thương liên thế hệ, sự trục xuất, và mặt đất như là nơi lưu giữ kỉ niệm. Các tác phẩm của anh thường có chân dung tự họa, tài liệu lưu trữ của gia đình, vật thể tìm thấy, nguyên liệu thô, và hình ảnh lịch sử mô tả chiến tranh Việt Nam. Thông qua phương pháp nhiếp ảnh, video, trình diễn, và các tác phẩm quy mô lớn, anh mang lại tầm nhìn sâu sắc và phức tạp cho người xem xung quanh vấn đề di cư.

H-Town Till I Drown (‘XÓM H ĐẾN KHI ĐUỐI’) là một lời tri ân hài hước dành cho quê bản địa Houston của Harris, được trộn lẫn với những nét phong tục Việt Nam. Được cân bằng trên bốn bánh xe và một bề mặt phản chiếu, một cái ‘slab’ (viết tắt của ‘slow - chậm’, ‘low - thấp’, ‘and - và’, ‘banging - đỉnh’) phản chiếu một lớp vàng óng ánh. Bánh xe khuỷu tay bằng bạc sáng bóng, hay còn gọi là ‘swangas’, được gắn vào cả bốn bánh xe. Trên xe, Harris phủ một miếng dán ‘SCREWSTON’ để vinh danh Robert Earl David Jr., được gọi là DJ Screw, người sáng tạo của kỹ thuật DJ nổi tiếng chopped và screwed. Màu sắc của chiếc xe liên quan trực tiếp đến chất liệu của nó - giấy vàng mã. Đốt giấy vàng mã, thường có hình dạng tiền, là một tập tục phổ biến ở Việt Nam. Người ta tin rằng việc đốt ‘tiền’ này sẽ cung cấp cho các linh hồn và người thân ở thế giới bên kia, mang đến cho họ những thứ cần thiết từ trần gian. Giấy vàng mã thông thường được mạ vàng và mỏng manh để có thể cháy nhanh. Nhưng làn sóng hiện đại hóa đã giới thiệu ngày càng nhiều hình dạng giấy vàng mã phong phú - giờ đây người ta có thể tìm thấy iPad, iPhone, đồng hồ và quần áo xa xỉ làm từ giấy vàng mã, dành cho người đã khuất. Trong trường hợp của Harris, một chiếc xe chất chơi, xa xỉ, và lộng lẫy đã được chuẩn bị cho người từ trần.

Trong tác phẩm collage (một kỹ thuật được tạo nên từ việc gắn kết các hình thức khác nhau) đầy tham vọng này, Harris khảo sát một phần lịch sử vừa quen thuộc với anh qua những ký ức được gia đình truyền lại và vừa xa lạ qua cách phương tiện truyền thông Mỹ miêu tả. Anh dò xét bản chất của những hình ảnh chiến tranh trứ danh, đưa ra giả thuyết rằng điều thường khiến chúng trở thành biểu tượng chính là nỗi đau khổ và sự bất lực của người Việt Nam được khắc hoạ. Phần lớn nghệ thuật được giao nhiệm vụ tưởng nhớ, nhưng đây là ký ức của ai?

Những hình ảnh này thường không phản ánh nhiều về cuộc sống của người dân Việt Nam. Harris chống đối sự huyền thoại hóa của chiến tranh và nhân cách người Việt Nam bằng cách kết hợp các dấu hiệu của tính cá nhân - ảnh từ kho lưu trữ gia đình, giấy khai sinh, tấm bảng kỷ niệm ngày cưới của ông bà. Qua đó, anh trình bày một bản sắc Việt Nam đa chiều, có nhiều kết cấu và tầng lớp nội

tâm hơn so với bất kỳ hình ảnh chiến tranh khét tiếng nào có thể truyền tải. Tác phẩm collage của Harris được ướm màu với lịch sử cá nhân, như tấm bưu thiếp với hình bàn tay có móng tay dài bất thường đã được anh tô màu và đính đá lại

để phản ánh dòng nghề nghệ thuật làm móng phổ biến trong cộng đồng người Việt nhập cư, ngay cả trong chính gia đình của Harris. Anh mang lại nhận thức

cho những khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử người Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ

bằng cách phối hợp vào hình ảnh chiếc thuyền của Ku Klux Klan đang bốc cháy

ở Galveston, Texas. Sau nhiều năm bị Ku Klux Klan (viết tắt là KKK hoặc Klan, là một nhóm thù ghét của người Mỹ da trắng nhắm mục tiêu vào các cộng đồng thiểu số ở Mỹ nhưng chủ yếu vào người Mỹ gốc Phi) quấy rối để tranh giành lãnh

thổ đánh tôm, bao gồm cả việc đốt thuyền nghi lễ, Hiệp hội Ngư Dân Việt Nam đã đệ đơn kiện liên bang chống lại Ku Klux Klan với sự giúp đỡ của Trung tâm Luật Nghèo Miền Nam. Vụ kiện năm 1981 của Hiệp hội Ngư Dân Việt Nam chống lại Hiệp sĩ Ku Klux Klan đã trở thành một vụ kiện mang tính bước ngoặt, dẫn đến việc giải tán lực lượng dân quân và các hoạt động bán quân sự của tổ chức tệ hại này.

Trong tác phẩm này, Harris chất vấn về sự mất kết nối thường gặp khi ta chứng kiến lịch sử qua các phương tiện truyền thông trực tuyến và mời người xem suy nghĩ về ý nghĩa của việc tiếp thu ký ức từ một khoảng cách tách biệt. Anh cung cấp ngữ cảnh cho cuộc chiến tranh qua các chi tiết cá nhân của những người tham gia. Thông qua nỗ lực này, Harris muốn xóa bỏ lời nguyền của các hình ảnh ‘mang tính biểu tượng’ thường gây ảnh hưởng đến sự nhận thức của thế giới về cuộc chiến tranh và về nhân cách của người Việt Nam. Nghệ sĩ điền vào những khoảng trống ký ức cho người xem, đồng thời ngâm mình vào trong một lịch sử vừa công khai vừa riêng tư.

Dan Lynh Pham

Dan Lynh Pham (sinh năm 1993, Sài Gòn) là một họa sĩ minh họa đa ngành

người Việt Nam. Sinh ra tại Việt Nam và lớn lên tại Tulsa, Oklahoma, Pham

đã nhận bằng Cử nhân Mỹ thuật liên ngành với chuyên môn màu nước và

điêu khắc tại Đại học Tiểu bang Oklahoma. Pham tiếp cận tác phẩm bằng

cách phân tích để tạo ra sự pha trộn độc đáo giữa ngôn ngữ đồ họa Tây với truyền thống nghệ thuật Việt Nam. Quá trình nghệ thuật của cô đóng vai

trò như một cuốn nhật ký, tích hợp các yếu tố 2D và 3D để khám phá về bản sắc, xã hội hóa và những trải nghiệm khi lớn lên với tư cách là hậu duệ của người tị nạn.

I Bear the Fruits of My Ancestors - Tôi Mang Trái Ngọt của Tổ Tiên là minh chứng cho sự sống qua cam kết tôn vinh dòng dõi tổ tiên. Dựa trên tập tục văn hóa thờ cúng tổ tiên, tác phẩm xoay quanh bàn thờ, một địa điểm cố định trong hầu hết các hộ gia đình Việt Nam. Bàn thờ là nơi diễn ra các hoạt động gia đình cũng như là không gian linh thiêng để tưởng nhớ những người đã khuất. Bàn thờ được sắp xếp tỉ mỉ, thường trưng ảnh người đã từ trần, cùng với các lễ vật cúng như bia, trái cây và hương trầm. Pham nói về mối quan hệ giữa người đã mất và người còn sống vượt thời gian này, “Bàn thờ là một sợi dây liên kết hữu hình với tổ tiên của chúng ta. Các nghi lễ hàng ngày, ví dụ là việc thắp hương, được coi như lời nhắc nhở trân thành về bản chất phù du của cuộc sống.” Những chiếc lồng đèn lớn mô phỏng ánh sáng dịu nhẹ thường đi kèm với bàn thờ tổ tiên. Tác phẩm vừa dâng hiến lòng biết ơn đối với tổ tiên của Pham và vừa là biểu hiện vật chất của sự ngọt ngào và kiên trì mà phước lành của tổ tiên đã mang lại. Bởi vì tổ phụ luôn được tôn vinh, người đã khuất vẫn tiếp tục sống và tồn tại vượt ra ngoài ranh giới của cuộc sống - được tưởng nhớ là được tái sinh. Mặc dù trái cây có thể mục nát, lịch sử sẽ tiếp tục chảy qua các mạch máu của người sống, như Pham tuyên bố, “Cuộc sống mà tôi đang sống bây giờ là nợ cha mẹ, ông bà và tổ tiên của tôi, những người không có lựa chọn nào khác ngoài việc sinh tồn và đóng góp cho một cuộc sống tốt đẹp hơn cho các thế hệ tương lai.”

Cám Ơn, Bà Nội, Suy Ngẫm và Thở Sâu thuộc về loạt tranh đang trong quá trình hoàn tất của Pham, được gọi là “nhật ký hình ảnh” của cô, khám phá sự phức tạp của bản sắc văn hóa và sự gắn bó với cộng đồng, cũng như cách cô điều hướng sức ép giữa quá khứ và hiện tại, truyền thống và sự thích nghi. Trong tác phẩm này, Pham tiết lộ những trải nghiệm cá nhân sâu sắc - cô viết rằng “Cám Ơn, Bà Nội đánh dấu cảm giác luôn thay đổi của tôi về quê hương và sự an toàn. Khi còn nhỏ, gọi điện cho Bà Nội ở Việt Nam (trong khi phải cẩn thận hạn chế số phút gọi điện thoại quốc tế) là điểm tựa của tôi với nền văn hóa và gia đình mà tôi đã bỏ lại phía sau. Giọng nói của bà đã giúp tôi bình tĩnh lại, gợi lại sự ấm cúng vượt qua các múi giờ và biên giới. Bây giờ, qua nghi lễ thờ cúng tổ tiên, tôi chào đón linh hồn của bà vào nhà của tôi ở Oklahoma. Tác phẩm này thể hiện những biến chuyển

giữa sự kết nối, ký ức và sự gắn bó.” Trong Suy Ngẫm, Phạm mô tả những cảm xúc mâu thuẫn của cô sau khi bị chẩn đoán mắc bệnh tâm lý - tìm thấy sự bình yên trong việc học cách kiểm soát các triệu chứng của mình trong khi vật lộn với sự kỳ thị của xã hội. Hơn nữa, trong Thở Sâu, Phạm học cách nghỉ ngơi và vượt qua cảm giác tội lỗi bắt nguồn từ cách cô được nuôi dạy, một môi trường coi thường thời gian thư giãn và nhàn rồi như là một thứ xa xỉ, vì chúng ta chỉ được tập trung vào chuyện sinh tồn.

Vi Tuong Bui

Vi Tuong Bui (cô/cô ấy) là một nhiếp ảnh gia và nhà làm phim đồng tính về

cộng đồng người Việt di cư sinh sống và làm việc tại Lenape Hoking (New York). Các tác phẩm của cô được làm bằng phim 16mm và khám phá các chế

độ phi tuyến tính của thời gian, ký ức và tương lai phi thực dân của cộng đồng LGBTQ+ Việt Nam. Các bộ phim của Vi đã được trình chiếu tại Liên Hoan Phim New Orleans, Liên Hoan Phim Third Horizon và Liên Hoan Phim Ngắn Quốc

Tế Bắc Kinh, cùng nhiều nơi khác. Bộ phim Thời Thơ Ấu (Childhood) của cô

hiện đang được phát trực tuyến trên POV Shorts (PBS). Vi là Nghiên cứu viên

Xưởng sản xuất năm 2022-2023 tại Third World Newsreel và là nghệ sĩ lưu trú

tại Casa Do Xisto (Barcelos, Bồ Đào Nha) vào năm 2023. Cô được trao khoản tài trợ của Hội đồng Nghệ thuật Tiểu bang New York năm 2025. Vi dạy làm phim

màu 16mm tại Mono No Aware. Cô ủng hộ sự giải phóng của Palestine.

Nhuốm màu hoài niệm, Thời Thơ Ấu muốn tìm hiểu sâu đậm về nhà làm phim

Vi Bui qua việc suy ngẫm các chủ thể của nó. Bui điều tra những vai trò được giao cho cha mẹ cô, tìm cách hiểu họ như những “cá nhân rộng lớn” vượt ra ngoài những nhãn mác hạn chế mà họ mang theo - “cha mẹ”, “người nhập cư”, “người tị nạn”. Bộ phim mở đầu bằng câu hỏi đơn giản “Mẹ ơi, mẹ có nhớ bà ngoại không?”, qua đó nhắc nhở người xem về dòng dõi lâu đời của mỗi cá nhân. Nhà làm phim thí nghiệm với sự vắng mặt ở đây, khi hình bóng của cha mẹ cô xuất hiện mờ ảo trong và ngoài khung hình - chúng ta mất đi những ký ức nào theo thời gian, và chúng ta chọn buông bỏ những ký ức nào? Khi cha của Bùi, bác Tuấn, hỏi cô có nhớ Vũng Tàu, quê hương của ông không, câu hỏi tu từ này đọng lại trong không gian mơ hồ của ngôn ngữ học vì từ “nhớremember” và “nhớ - missing” là như nhau trong tiếng Việt. Bùi tự hỏi, ‘Tôi sẽ học được gì khi ôm trọn ba mẹ vào lòng?’ Câu trả lời mà cô tìm kiếm nằm giữa những thước phim của bác Lan, mẹ của Bùi, trong những khi bà trân trọng những bông hoa giấy mỏng manh, trong những suy tư của bác Tuấn về Vũng Tàu, trong nỗi khao khát được cha mẹ của họ chăm sóc lại như xưa, và vượt xa những gì ngôn từ có thể diễn tả.

Millian Pham Lien

Millian Pham Lien Giang (gọi là Millian hoặc Giang) đã nhận bằng MFA từ Đại học Florida và bằng BFA từ Đại học Tulsa, Oklahoma. Các cuộc điều tra thị giác của Phạm bắt nguồn từ trải nghiệm đau thương của cô khi sống ở Việt Nam sau chiến tranh và sau đó là trong cảnh nghèo đói ở Hoa Kỳ. Mỗi tác phẩm đều thử nghiệm với các quy tắc thẩm mỹ và khuôn khổ khái niệm của nhiều nền văn hóa, phương tiện nghệ thuật và ngôn ngữ. Hoạt động nghệ thuật của Phạm bao gồm các tác phẩm quy mô lớn, thực nghiệm hình ảnh tĩnh và chuyển động, các vật thể thủ công và tìm thấy, và những màn trình diễn. Hiện cô đang thực hành và giảng dạy nghệ thuật tại Alabama.

Bộ tác phẩm Việt Kitsch: Lacquer Luster của Pham chuyển hóa một hình thức nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Tranh sơn mài là một kỹ thuật nổi tiếng của người Việt, sử dụng những tấm vải gỗ được chuẩn bị kỳ công và lớp sơn bóng lấp lánh thường có nguồn gốc từ xà cừ hoặc vật liệu vỏ trứng. Pham hay đặt các văn bản và hình ảnh rời rạc cạnh nhau để chất vấn về các quy ước đã được thiết lập trước của mỹ thuật. Buffalo Bum thường được dịch lóng là ‘Trẻ trâu’ trong tiếng Việt, ám chỉ giới thanh niên nổi loạn có cái tôi quá lớn. Trong bối cảnh này, nó cũng có thể trỏ đến một người ngồi quanh cả ngày mà không có việc gì cấp bách để làm. Phạm trích dẫn sự khác biệt trong giao tiếp giữa cô và cha mẹ, cả về mặt ngôn ngữ và ý thức hệ, là một trong những nguồn cảm hứng đằng sau tác phẩm. Cô viết: “Những hình ảnh lãng mạn về cuộc sống nông thôn được pha trộn với các câu hỏi về các khái niệm truyền thống về giới tính, giai cấp và văn hóa”. Sau chiến tranh, nhiều gia đình người Việt ở Mỹ phải vật lộn để hòa nhập, cả về mặt tài chính lẫn xã hội. Hậu quả của việc khó khăn này thường biểu hiện qua những cuộc trò chuyện căng thẳng với con cái và kỳ vọng cao gây ra rạn nứt trong các mối quan hệ gia đình. Với tác phẩm có tựa đề là Buffalo Bum: Cycle Breaker (‘Trẻ Trâu: Phá Bỏ Chu Kỳ’), có lẽ Phạm đang dẫn dắt người xem đến một không gian mà sự thư giãn và chậm rãi là chìa khóa đến một tương lai tốt đẹp hơn, và chu kỳ kỳ vọng độc hại cuối cùng cũng có thể bị phá vỡ.

Kimberly Ha

Kimberly Ha (sinh năm 1989) sinh ra tại Houston, Texas và lớn lên tại New Orleans, Louisiana. Khi còn trẻ, Ha đã bị thu hút bởi phong cách thời trang đường phố và nghệ thuật graffiti, chịu ảnh hưởng của The B-Boys, K-Pop và Japanese Rock. Ngay sau đó, thế giới xa hoa của các tạp chí và danh mục Haute-Couture (thời trang cao cấp) đã mê hoặc tầm nhìn nghệ thuật của cô. Cụ thể, cô bị cuốn hút bởi các bộ ảnh chụp của các nhà mốt tiên phong, ví dụ như xu hướng xóa nhòa giới tính của Yves Saint Laurent, một nhà mốt không ngại giới thiệu phụ nữ trong trang phục nam giới. Mặc dù thời trang cao cấp là nguồn cảm hứng ban đầu cho tác phẩm gần đây nhất của cô, Full Set (‘Trọn Bộ’), bộ ảnh này đã vượt ra ngoài lăng kính thời trang và chuyển hoá thành một bức thư trìu mến dành cho mẹ cô, Calinh Do, và chung quát hơn, đến sức mạnh và sự tự tin của nữ giới và những người phụ nữ da màu. Tiệm làm móng của mẹ là bối cảnh hình thành nên tuổi thơ của cô, qua đó trở thành nguồn tư liệu quan trọng cho Full Set. Phụ nữ Việt Nam, như bà Calinh, đã xây dựng ngành công nghiệp làm móng thành hình như ngày nay. Sau chiến tranh, nhiều người đã quay sang ngành làm móng để hỗ trợ gia đình - lựa chọn này lấy phần cảm hứng từ nữ diễn viên Tippi Hedren vào năm 1975, khi bà giới thiệu dịch vụ chăm sóc móng theo phong cách Hollywood cho phụ nữ tị nạn. Tuy nhiên, chỉ trong vài thập kỷ, ngành công nghiệp này đã phát triển và có giá trị hơn 8 tỷ đô la. Trong loạt tác phẩm này, Ha kết hợp những ký ức thân mật với các mẫu thiết kế móng tay tỉ mỉ của thế kỷ 21, thể hiện rõ trên từng bộ móng được chăm sóc cẩn thận - kết nối nghề thủ công vào lĩnh vực nghệ thuật. Ha vừa là người chỉ đạo quá trình sáng tạo đằng sau Full Set và một cộng

tác viên nhiệt tình - hợp tác chặt chẽ với các nghệ sĩ trang điểm và làm móng

như Katalina Mitchell, Nails by Lorsace, Amanda Lee Harvey và Jane Chaisson.

Trong toàn bộ tác phẩm này, Ha tô điểm những chi tiết hoa mỹ khắp mọi nơi, như có thể thấy trong tác phẩm A Family Affair (‘Chuyện gia đình’). Trong hình

ảnh này, Ha tập trung vào trò chơi bầu cua cá cọp, thường được chơi trong Tết Nguyên đán, và đôi bàn tay đeo ngọc bích của đầu bếp kiêm tác giả nổi tiếng của New Orleans, Nini Nguyễn. Hơn nữa, một số tác phẩm từ Full Set gợi đến cảm giác hoài niệm tuổi trẻ, chẳng hạn như Empress 1 (‘Thái Hậu 1’) và Empress 2 (‘Thái Hậu 2’). Hai tác phẩm này gợi lên những bộ phim võ thuật thời thơ ấu của Ha và ký ức của cô khi nhìn thấy “hình ảnh đầu tiên của một người phụ nữ quyền lực trên màn hình TV”. Những bộ phim này đã thách thức nguyên mẫu giới tính dành cho phụ nữ châu Á qua cách trưng bày sự chủ động và sức mạnh của nhân vật nữ, những đặc điểm hiếm thấy trong phương tiện truyền thông phương Tây. Tuy nhiên, trong Jackie, Ha bộc lộ bản chất hướng nội và thanh tú trong sự kiên trì của phụ nữ. Trong tác phẩm này, cô so sánh hai người phụ nữ đều chịu nhiều khó khăn và truyền tải hình ảnh người mẹ của mình thông qua đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy. Jackie được lấy cảm hứng từ bộ phim cùng tên năm 2016 của Pablo Larraín. Hoa sen ở góc trên bên trái cử chỉ đến tình yêu làm vườn của mẹ cô, nơi trú ẩn của bà. Ha viết, “Jackie là bằng chứng của một người phụ nữ thực sự kiên cường sau một trải nghiệm đau thương. Nó khiến tôi nhớ đến mẹ tôi, người đã vượt qua tất cả những trải nghiệm đau thương của mình để mang lại cuộc sống trọn vẹn cho các con của bà.”

Marion Hoàng Ngọc

Hill

Marion Hoàng Ngọc Hill là một nghệ sĩ và nhà làm phim đến từ New Orleans, có nguồn gốc từ Việt Nam, Pháp và Vương quốc Anh. Tác phẩm của cô khám phá động lực của tình yêu, quyền lực, giới tính và sự lãng mạn giữa các nền văn hóa. Quá trình sáng tạo của cô ưu tiên sự khám phá - cô tin rằng trong quá trình tập thể đang diễn ra, những thước phim có thể tạo nên câu chuyện riêng của nó. Sau bộ phim đầu tay giành giải thưởng Sundance Ma Belle, My Beauty, Marion đã tập trung vào việc tạo nên những tác phẩm vừa làm nổi bật cộng đồng người Việt di cư và vừa đóng vai trò một phương tiện kết nối lại với các nghệ sĩ và nền văn hóa đương đại của Việt Nam.

Từ Nước có thể được dịch là Của Nước hoặc Từ Nước, qua đó “phản ánh sự tương đồng của cuộc sống dựa trên nước của Louisiana và Việt Nam.” Bộ phim được đặt bởi Oxford American và theo chân đầu bếp Nini Nguyễn ở New Orleans khi cô chuẩn bị một bữa tiệc truyền thống cho Tết Nguyên đán 2023 cùng với những người lớn tuổi và những thành viên cộng đồng người Việt thế hệ thứ hai. Bộ phim tài liệu tả lại cảm giác nôn nao và bầu không khí nhiệt liệt lao động liên thế hệ trước lễ hội lớn, được quay trên khắp New Orleans. Với nhịp độ nhẹ nhàng và ít đối thoại, Hill tạo ra một tâm trạng yên bình từ sáng đến tối, âm thầm theo chân đầu bếp quan sát việc rửa cá, hái rau thơm, nấu thịt kho, luộc gà và chiên chả giò với sự tĩnh lặng và bài bản của người đầu bếp chuyên nghề. Hill viết rằng, “Đối với trẻ em Việt hải ngoại, bản sắc Việt Nam của chúng tôi bắt nguồn từ trải nghiệm giác quan. Thông qua sự chu đáo, tận tụy, và sâu sắc cùng với thói quen truyền thống của những người lớn tuổi; thông qua bàn tay cẩn thận chuẩn bị thức ăn, và mùi vị của bữa ăn của chúng tôi -- dù không có ngôn ngữ chung, chúng tôi vẫn hiểu nhau. Những cảm giác này là điều hiếm hoi và đẹp đẽ mà chúng ta phải ghép lại với nhau để hiểu về cội nguồn của bản thân.” Dylan Trần, người sáng tác bản nhạc gốc cho phim, lưu ý, “Tôi thấy nhiều nét đẹp văn hóa trong điệu múa lân uy nghi cũng như trong đôi bàn tay già nua đang hái rau mùi. Đối với bộ phim này, tôi muốn tạo ra một âm thanh để duy trì được cảm giác gần gũi và kết nối cộng đồng, dù qua những khúc nhạc dịu nhẹ, hay những nốt nhạc mãnh liệt.”

Lien Truong

That Mimetic Waltz of the Moirai (‘Điệu Vanxơ Moirai Bắt Chước’) là một trong năm bức tranh khổ lớn trong loạt tác phẩm Mutiny in the Garden (‘Cuộc Nổi Loạn Trong Vườn’) của Truong, với mục tiêu khảo sát các điều kiện chính trị trong triết lý sáng lập của nước Mỹ. Các tác phẩm tái hiện lại các chủ đề trong Course of Empire (‘Khóa học của đế chế’) của Thomas Cole, một loạt các bức tranh ngụ ngôn khám phá sự trỗi dậy và sụp đổ của đế chế thông qua phong cách Romanticism (Chủ nghĩa lãng mạn). “Consummation of Empire” (‘Đế chế’ hoàn thành) của Cole là một trong những bức tranh trong loạt tác phẩm này, mô tả đế chế trong thời kỳ hoàng kim của nó. Cole phản đối chủ nghĩa đế quốc Mỹ và coi loạt tác phẩm của mình là một câu chuyện đạo đức, tuyên bố rằng bức tranh cho thấy “... một lễ hội chiến thắng sẽ chỉ ra rằng con người đã chinh phục con người - các quốc gia đã bị khuất phục.”

Điệu Vanxơ Moirai Bắt Chước bác bỏ những ảo tưởng lãng mạn của truyền thống tranh phong cảnh đầu tiên của Mỹ. Truong tạo ra một không gian tường thuật với sự tạp chủng hỗn loạn, sáng tác nên phong cảnh và các phương thức kể chuyện bao gồm những trải nghiệm lịch sử và đương đại. Tựa đề sử dụng thần thoại Hy Lạp làm bối cảnh, trích dẫn trách nhiệm của số phận trong việc ủng hộ các hệ tư tưởng để biện minh cho chủ nghĩa thực dân toàn cầu. Ở góc dưới bên trái của tác phẩm, cô vẽ một hình ảnh mờ nhạt của

Castillo San Felipe del Morro, một pháo đài ở Puerto Rico do Tây Ban Nha xây dựng vào thế kỷ 16. Tây Ban Nha cuối cùng đã nhượng quyền sở hữu lãnh thổ này, cùng với Cuba và Guam cho Hoa Kỳ trong Chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ theo Hiệp ước Paris.

Lịch sử thiết kế vải minh họa lịch sử cổ đại của việc di cư và quyền lực. Khúc giữa bên phải, Truong đã vẽ một mẫu váy rèm nhung xanh lá cây từ bộ phim Gone With The Wind (‘Cuốn theo chiều gió’), tượng trưng cho hành động nổi loạn của phụ nữ trong truyền thông, qua một bộ phim từ lâu đã ăn sâu vào tâm lý người Mỹ da trắng được đặc quyền trong xã hội. Nhiều thiết kế vải sơn đề cập đến thế kỷ 16 đến thế kỷ 20 từ Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico và Tây Ban Nha.

Để tôn vinh tư tưởng nghệ thuật của Cole, Truong đã minh họa vô số nhân vật và biểu tượng trên thước lụa: tượng đài của Andrew Jackson và Ulysses S. Grant, những bó hoa quý giá màu trắng tượng trưng cho những đứa trẻ di cư trong những tấm chăn bạc, bị tách khỏi cha mẹ và ở trong các trại giam giữ, và những nhân vật kkk (Ku Klux Klan). Ở phía trên bên trái trên lụa là bức chân dung với những mảnh ghép từ Joaquin Murrieta Carillo: một thợ đào vàng người Mexico thế kỷ 19 ở California, được cho là đã truyền cảm hứng cho nhân vật hư cấu Zorro. Mặc dù bằng chứng còn hạn chế, Murrieta đã trở thành một kẻ ngoài vòng pháp luật huyền thoại, được các cộng đồng trong thế kỷ 20 và 21 coi là biểu tượng của sự phản kháng và niềm hy vọng ở California, trên vùng đất do các bộ lạc bản địa và người Mexico độc lập chiếm đóng trước khi nơi này bị thực dân hóa.

Christian Đinh

Trong đầm, gì đẹp bằng sen? là bộ bàn tay thứ chín trong loạt tác phẩm ‘Tiệm làm móng’ của Christian Đinh. Loạt tác phẩm này minh họa cách mà ngành công nghiệp làm móng của cộng đồng người Việt tại Mỹ đạt được thành công vang dội trong nền kinh tế Mỹ. Mỗi bộ bàn tay trong loạt tác phẩm của Đinh là những bản đúc bằng gốm sứ của những bàn tay trưng bày thường thấy trong các tiệm làm móng, trở thành những vật thể cao cấp thông qua việc sử dụng sứ và lụa tinh xảo. Sứ và lụa của Đông Nam Á là những món đồ xa xỉ - nghệ thuật này vẫn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đinh tìm cách kết nối truyền thống này với cộng đồng người Việt di cư tại Hoa Kỳ sau

Chiến tranh Việt Nam.

Tương tự như văn hóa Việt-Mỹ ở Louisiana, Trong đầm, gì đẹp bằng sen? đan xen văn hóa Đồng bằng sông Mississippi ở miền Nam nước Mỹ và văn hóa Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam. Lớp men xà cừ trên đầu móng tay và

viền cẳng tay gợi nhớ đến nghề nuôi ngọc trai ở Sông Mississippi vào đầu thế kỷ XX và nghề khảm ngọc trai truyền thống của Việt Nam. Những viên ngọc trai Sông Mississippi được thu hoạch từ những loài nhuyễn thể trong khu vực này chủ yếu được sử dụng để làm cúc áo, tuy nhiên, ngọc trai từ lâu cũng đã

được xem như một biểu tượng của vẻ đẹp ở nhiều vùng miền Nam. Đồng thời, trong văn hóa Việt Nam, khảm ngọc trai là một kỹ thuật thủ công phổ biến đòi hỏi phải cắt ngọc trai bằng tay, sau đó được nhúng vào gỗ sơn mài và chạm khắc chính xác. Qua đó, Đinh tham khảo những bức tranh trang trí

khảm ngọc trai thường thấy trong các hộ gia đình người Mỹ gốc Việt.

Nằm ở phía trong cẳng tay là một bài ca dao truyền thống của Việt Nam, có nghĩa là bài hát không có nhạc. Bài ca dao được khắc trên bàn tay như sau:

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng

Nhụy vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Hoa sen là quốc hoa của Việt Nam, vì loài hoa này tượng trưng cho vẻ đẹp, sự trường thọ và sức bền bỉ của người Việt. Hoa sen là hoa bản địa của cả đầm lầy

Đồng bằng sông Mississippi và vùng đồng bằng ngập lụt rộng lớn của Đồng bằng sông Cửu Long. Trong bài ca dao, hoa sen được mô tả ở dòng thứ hai là “Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng” và được nhắc lại ở dòng thứ ba là “Nhụy vàng bông trắng lá xanh”. Đinh so sánh sự vang vọng của hai dòng ca dao này với trải nghiệm song song của hai vùng miền Nam của Tây và ta, cùng với trải nghiệm của người Mỹ gốc Việt. Giống như hoa sen và ngọc trai, cộng đồng người Mỹ gốc Việt tìm cách gắn bó sâu sắc với nhau dù ở xứ xa.

Kenny Nguyen

Kenny Nguyen sinh năm 1990 tại tỉnh Bến Tre, một vùng nông thôn miền Nam của Việt Nam, và lớn lên tại một trại dừa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trước khi chuyển đến Bắc Carolina cùng gia đình vào năm 2010, anh đã xây dựng sự nghiệp vững chắc trong ngành thời trang ở Việt Nam. Khi Nguyen gặp khó khăn với rào cản ngôn ngữ mới và đối mặt với cảm giác cô lập xứ xa, anh quay sang nghệ thuật như một lối thoát để thể hiện, giao tiếp và hiểu thêm những trải nghiệm của bản thân. Các tác phẩm gợn sóng và mang tính nhân hóa của anh, mà anh gọi là “tranh giải cấu trúc”, mang tính trừu tượng, khái niệm và ẩn dụ - gợi lên cả địa hình của đất liền và cơ thể con người. Quá trình giải cấu trúc và tái thiết của Nguyen phản ánh hành trình xây dựng lại chính mình trong một cuộc sống mới - mỗi sợi lụa quý giá đều trải qua một quá trình phá hủy, khi chúng bị xé bằng tay, ngâm trong sơn và sau đó được dán vào vải thô để tạo thành một vật thể hoàn toàn mới. Anh lưu ý rằng “Lụa vốn đã là một sự biến đổi: từ con tằm, thành sợi tơ, thành một mảnh lụa. Vì vậy, bản thân chất liệu nắm giữ một phép ẩn dụ. Mọi người coi lụa là một thứ rất mỏng manh, nhưng thực ra nó là một trong những sợi chỉ bền nhất trên trái đất.”

MyLoan Dinh

MyLoan Dinh (sinh năm 1972, Sài Gòn, Việt Nam) là một nghệ sĩ đa ngành với những tác phẩm khám phá các chủ đề về địa điểm, bản sắc, khả năng hiển thị và kết nối của con người, đồng thời đối mặt với các vấn đề về phân biệt

chủng tộc, phân biệt giới tính và di sản của chủ nghĩa thực dân trong văn hóa đương đại. Qua việc kết hợp khéo léo các phương pháp thủ công truyền thống vào hoạt động nghệ thuật đương đại của mình, Dinh biến đổi các vật thể và trải nghiệm mang tính cá nhân sâu sắc thành các biểu tượng toàn cầu và những câu chuyện liên quan phổ quát. Cô hiện đang sống và làm việc tại Charlotte, Bắc Carolina và Berlin, Đức.

Cùng với cha, mẹ và anh trai, MyLoan Dinh đã thoát khỏi Việt Nam bằng thuyền vào năm 1975 khi Sài Gòn thất thủ. Trải nghiệm thời thơ ấu đau thương khi là một người tị nạn chiến tranh - từ nhà ra biển, ra đến các trại tị nạn, và cuối cùng là ở những ngọn núi ở Bắc Carolina - đã có ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động nghệ thuật của cô. Lớn lên trong một gia đình Việt Nam truyền thống ở miền Nam nước Mỹ cũng đã góp phần hình thành nên quan điểm thế giới và quá trình trong studio của cô, mang đến cho cô một góc nhìn rộng mở. “Trong tác phẩm của mình, tôi đan xen những câu chuyện riêng tư bằng cách sử dụng ảnh, văn bản, video, âm thanh, hình ảnh với các biểu tượng Đông Nam Á và phương Tây, và sử dụng sự thay đổi mã văn hóa như một phương tiện thể hiện bản chất cá nhân”, Dinh nói. “Thông qua các cuộc điều tra của bản thân về văn hóa vật chất, tôi thường sử dụng các đồ vật hàng ngày không chỉ mang ý nghĩa gia đình mà còn có mối liên hệ toàn cầu với giai cấp, chủng tộc, giới tính và quyền lực”.

Theo lời nghệ sĩ,

“Khi lớn lên trong cộng đồng người Việt nhập cư, chúng tôi được bảo phải làm việc chăm chỉ và giữ đầu xuống. Hòa nhập, và bạn sẽ thành công. Hay nói cách khác, đừng làm rung chuyển con thuyền. Với những “Người thuyền nhân” vượt biên, không làm rung chuyển con thuyền thực sự là điều cần thiết để tồn tại.

Mẹ tôi cúi đầu, kiệt sức sau nhiều giờ làm việc trong nhà máy, không ai nhìn thấy. Nhưng tôi đã thấy. Tôi đã chứng kiến được sự kiên cường, sức mạnh và thường là sự thất vọng của bà, bị chôn vùi dưới sự im lặng như những ngọn núi không thể di chuyển.

Qua nhiều năm, sự nín lặng của bà đã lấp đầy mong muốn được người khác nhìn thấy và thấu hiểu của tôi, và quan trọng hơn là được lắng nghe. Sự tiến bộ của chúng ta phải dựa trên những người đi trước. Phá vỡ những quy tắc và đường bước quen thuộc là điều không thể tưởng tượng được đối với mẹ tôi, vì bên dưới đôi chân kiệt sức của bà là một rào cản mỏng manh lơ lửng trên vực thẳm của chiến tranh và nghèo đói. Nhờ sự hy sinh của bà, tôi đã có cơ hội tồn tại an toàn trong không gian mỏng manh ở giữa, đứng trên đôi chân của bà

để với lên được những kỳ tích ở trên.

Tôi hy vọng có thể tạo ra những vật thể tượng trưng cho khoảng không trung gian qua loạt tác phẩm này. Những vật dụng này được bao phủ trong vỏ trứng và có vẻ mỏng manh, nhưng chúng rất chắc chắn... đủ chắc chắn để phá vỡ mọi thứ. Tuy nhiên, tôi dùng những công cụ này không chỉ để phá vỡ rào cản mà còn để xây dựng những con đường mới hướng tới tự do và bình đẳng. Nhiều thứ, như đá và đạn, có thể phá vỡ mọi thứ xung quanh nó. Nhưng mục đích của tôi là để đắp xây.”

“Những công cụ của Chủ nhân sẽ không bao giờ phá hủy được Ngôi nhà của Chủ nhân” - Audre Lorde, Sự im lặng của bạn sẽ không bảo vệ bạn.

Kiss My Grits là tác phẩm mới nhất trong Series Boxing Glove (‘Găng tay đấm bốc’) của MyLoan Dinh, được truyền cảm hứng từ tên ‘Hoa Tay’ của buổi triển lãm này. Sử dụng nghệ thuật sơn mài truyền thống của Việt Nam, cô đã khéo léo biến đổi một đôi găng tay đấm bốc với vỏ trứng. Tựa đề Kiss My Grits bắt nguồn từ câu nói thách thức của miền Nam được nhân vật Florence Jean “Flo” Castleberry trong bộ phim hài tình huống ‘Alice’ những năm 1970 làm nổi danh. Những chi tiết tinh tế ở mặt trước của đôi găng tay là Magnolia

Floribunda, một loài hoa mộc lan có nguồn gốc từ Việt Nam, Lào, Thailand, Myanmar và Nam Trung Quốc. Dinh cho biết: “Khi tôi nghĩ về bản sắc miền Nam và những bông hoa của miền Nam nước Mỹ, hoa mộc lan chắc chắn hiện lên trong tâm trí tôi. Loài hoa này có nhiều ý nghĩa trong nhiều nền văn hóa khác nhau - bao gồm cả sức mạnh và sức bền vững.”

“Loạt tác phẩm này khai thác những sự phức tạp của tinh thần Hoa Kỳ-Mỹ đương đại. Tôi khám phá các vấn đề về giới tính và chủng tộc thông qua các đồ vật và hình ảnh mang tính liên tưởng.

Loạt tác phẩm này thăm dò ý thức văn hóa đang thay đổi và đôi khi bất ổn của chúng ta ở nhiều cấp độ—nhất là những vấn đề căng thẳng hiện tại trong xã hội. Tôi dán vỏ trứng lên găng tay đấm bốc và kết hợp chúng lại với nhau bằng những hình thêu có tính cộng hưởng về mặt chính trị. Găng tay đấm bốc, mặc dù mềm mại về mặt vật lý, theo truyền thống mang hàm ý về sức mạnh, bạo lực và nam tính. Ngược lại, việc thêu thùa theo truyền thống được gắn liền với sự nữ tính và tinh tế, mặc dù công cụ chính của nó vừa sắc và nhọn. Hơn nữa, vỏ trứng, mặc dù mỏng manh, cũng gợi lên nơi trú ẩn, nuôi dưỡng và khả năng sinh sản theo nghĩa rất cơ bản. Các quá trình khâu và phủ các vật thể bằng vỏ trứng đòi hỏi nhiều thời gian, sự cẩn thận và chủ ý.

Tác phẩm này chứa đựng rõ ràng mong muốn của tôi về quyền bình đẳng và sự cân bằng quyền lực; điều này tôi nghĩ là không thể tranh cãi được. Nhưng ý nghĩa chính xác của những từ này, chưa nói đến cách chúng ta có thể nhận ra chúng, vẫn còn mập mờ. Cách cá nhân chúng ta tham gia, cả nội và ngoại

tâm, trong các cuộc đấu tranh giành tự do và bình đẳng đều khó điều hướng; là một người nhập cư và phụ nữ da màu, tôi không thể tách mình khỏi những tình huống khó xử này.

Nhiều câu hỏi quen thuộc được đặt ra, nhưng tôi không đưa ra câu trả lời cụ thể nào cả—chỉ là những cú lao xuống, đâm và đấm.”

Loc Huynh

Loc Huynh (sinh năm 1992, Austin, TX) là một nghệ sĩ đương đại sống và làm việc tại Houston, Texas. Trong quá trình sáng tạo ở studio, Huynh lấy cảm hứng từ những câu chuyện cá nhân và gia đình, văn hóa đại chúng, hình ảnh quảng cáo, và các tài liệu tham khảo về lịch sử nghệ thuật để tạo ra những tác phẩm năng động và vui tươi, phản ánh trải nghiệm của anh với tư cách là một người Mỹ gốc Việt và là người Texas bản địa.

Về mặt hình thức, tranh của Huynh kết hợp các dấu hiệu cơ học của kỹ thuật phun sơn với các kỹ thuật vẽ tranh truyền thống để tạo ra các bề mặt căng mịn và bóng. Đôi khi, anh phá vỡ bề mặt phẳng bằng kết cấu hoặc ảnh ghép, làm nổi bật các dấu hiệu trực quan thông qua việc khám phá vật liệu. Trong tranh của Huynh, hình thức của thế giới (cả được xây dựng và hữu cơ) được chắt lọc thành các đường nét tinh khiết, đơn giản theo trường màu hình học. Với độ chính xác tuyến tính, Huynh xây dựng các câu chuyện vừa mang tính cá nhân vừa mang tính phổ quát thông qua các bề mặt vừa quen thuộc vừa mới mẻ đến kinh ngạc.

“Từ vựng trực quan mà tôi sử dụng là đặc biệt, nhưng nó cũng đóng vai trò là bằng chứng về tiểu sử của tôi. Lớn lên trong một gia đình người Mỹ gốc Việt ở Texas, tôi đã tiếp xúc với hình ảnh liên quan đến cả văn hóa Việt Nam/

Trung Quốc và Mỹ. Đối với tôi, bao lì xì và đèn lồng giấy cũng tương tự các

loại đồ sến súa khác của Mỹ. Tôi khai thác các khuôn mẫu của hai nền văn hóa trong tác phẩm của mình, để tạo cơ hội cho những câu chuyện mới bằng ngôn ngữ quen thuộc. Bằng cách mượn các khía cạnh của những

hình ảnh được phổ biến rộng rãi, tôi tạo ra những tác phẩm mà người xem

có thể tiếp cận dễ dàng. Sự lai tạo đầy sắc thái này tượng trưng cho bản sắc của tôi, qua đó tái tạo hoặc ít nhất là đặt ra câu hỏi về những kỳ vọng gắn liền với văn hóa phương Đông và phương Tây.” – Loc Huynh

Huynh lấy rất nhiều cảm hứng từ kinh nghiệm của chính mình với tư cách là một người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ hai trong quá trình thực hành có tính tự sự tại xưởng vẽ của anh. Ký ức tuổi thơ và ảnh gia đình đóng vai trò lớn trong việc tạo nên các tác phẩm của anh, tạo nên những bức tranh đôi khi mang tính hoài niệm, đôi khi mang tính hài hước và thường chạm lòng người xem với những khoảnh khắc ấm lòng giữa các thế hệ. Mazda 626 khắc họa hình ảnh nghệ sĩ và Ông Ngoại của anh trong một kỷ niệm đáng yêu. Bằng cách tôn vinh mối quan hệ gia đình giản đơn và trân trọng ký ức này, bức tranh của anh trở nên dễ tiếp cận với bất kỳ người xem nào, đóng vai trò như một cây cầu cho những trải nghiệm chung.

No-No Boy

Julian Linh Saporiti và Emilia Halvorsen Saporiti là cặp vợ chồng và bộ óc

sáng tạo đằng sau No-No Boy, một dự án âm nhạc nảy sinh từ luận án tiến sĩ

của Julian về lịch sử người Mỹ gốc Á. Dự án kết hợp âm nhạc và khảo cứu này

đã sản xuất hơn 100 bài hát, một số chuyến lưu diễn toàn quốc và hai album

được phát hành qua Smithsonian Folkways. NPR Music đã ca ngợi đây là “một trong những bản nhạc nổi loạn nhất mà bạn từng nghe, tái khám phá nhạc

Mỹ với hiệu ứng đau thương... Một hành động lật đổ theo chủ nghĩa xét lại”.

Ngoài việc đồng sản xuất No-No Boy và tham gia cùng Julian trên sân khấu, Emilia Saporiti đã thêu tay chiếc áo khoác sân khấu được trưng bày tại đây và

đạo diễn các video ca nhạc được trình bày trong triển lãm này. Hai vợ chồng sống tại Oregon, nơi Emilia làm luật sư và Julian tận hưởng thiên nhiên.

“Em bé Mê Kông”

Đạo diễn bởi Emilia và Julian Saporiti Từ album Empire Electric (‘Đế Chế Điện’), Smithsonian Folkways, 2023

Bài hát này đến rất nhanh. Tôi đang thu âm tiếng chim hót trong công viên tiểu bang cạnh trường luật của Emilia, vợ tôi, nơi tôi thường dạo quanh lúc cô ấy ở trong lớp. Sử dụng một máy lấy mẫu cầm tay nhỏ, tôi làm chậm tiếng chim hót và bắt đầu sáng tác cùng chúng—tôi thường làm điều này như một quá trình thiền định. Tôi nghĩ ra một số giai điệu đối lập và một chuỗi hợp âm được chơi trên một chiếc shakuhachi lấy mẫu từ bảo tàng lịch sử Portland. Tôi hát một điệp khúc đơn giản vào máy: “ra khơi đi em bé Mê Kông.” Vài tiếng sau, tôi đi bộ ra khỏi rừng và đón Emilia, sau khi đã thu âm hầu hết “Mekong Baby.”

Đây là một bài hát ru cho đứa trẻ bên trong của tôi lẫn gia đình, giữa những mảnh vỡ của những ký ức nứt tan, đẹp đẽ, và khó khăn. Nhưng tôi muốn bạn có thể nhảy theo điệu nhạc. Qua chiến tranh và mất mát, chúng ta vẫn tiếp tục sống, tiếp tục làm tốt nhất có thể. Điều đó rất quan trọng để hiểu. Chúng ta không phải là những con người không có chiều sâu, không phải những bức ảnh đen trắng về thời kỳ đau thương nhất của dân tộc, không chỉ là “những người tị nạn”. Tôi vô cùng kính trọng mẹ tôi, chị gái của bà, và Bà Ngoại. Họ đã sống với sự khoan hậu và lòng kiên trì vô bờ bến. Họ đã xử lý những cái chết, sự di dời và những gia đình tan vỡ bằng nghệ thuật, đức tin và tình yêu.

Trong nhiều bài hát của No-No Boy (xem “Tell Hanoi I Love Her”), tôi dựa vào những câu thơ dân gian dài dòng để chuyển tải những nghiên cứu lịch sử của mình thành bài hát. Ở đây, âm thanh làm nên tác phẩm, bao gồm những bản nhạc mẫu của quá khứ, âm thanh của thiên nhiên và những đợt bùng nổ của chiến tranh, một nỗ lực để tạo nên điều gì đó đẹp đẽ, sau tất cả những vết

sẹo để lại. Biểu tượng nhạc pop người Mỹ gốc Việt Thái Hiền đã cho tôi mượn giọng hát của cô cho bản dịch tiếng Việt mà tôi đã thu lại để tạo ra một bản song ca song ngữ, trong khi vẫn nghĩ về quá khứ của mẹ, dì và bà tôi. Ngoài

ra, tôi đã tìm ra những clip ghi âm tiếng pháo binh và tiếng súng của Mỹ trong chiến tranh và sử dụng chúng như một bộ gõ chói tai để làm gián đoạn những khoảnh khắc yên tĩnh và trầm ngâm của nước, chim chóc và những lớp hoạ âm.

Bài hát này được sáng tác rất nhanh, nhưng phải mất 75 năm để hình thành. Khu rừng là nơi chữa lành. Đôi khi, việc chậm lại một phút có thể mở ra cánh cửa dẫn đến những điều kỳ diệu: nghệ thuật, ân sủng, hòa bình.

Để phản ánh điệu nhạc này, Emilia và tôi muốn đạo diễn một video sống động và vui tươi. Với nhiều bối cảnh đầy màu sắc, tôi đang thao tác băng, bộ tổng hợp mô-đun và ghi âm, cho thấy các quy trình cơ bản để sáng tác bài hát này. Nhưng màn trình diễn chính là một cuốn nghi lễ từ một dân tộc thiểu số Bắc Việt Nam gọi là Yao. Như trong phim, chúng tôi ngẫu nhiên tìm thấy cuộn nghi lễ này trong một cửa hàng đóng sách ở vùng nông thôn Oregon. Cô ấy cho phép chúng tôi nghiên cứu chúng và treo chúng lên trong nhà kho mà chúng tôi đang sử dụng làm không gian thực hành. Chúng tôi đã mời người dân địa phương đến xem chúng và chia sẻ về lịch sử của chúng. Người Yao, một dân tộc du mục, thường treo những cuộn giấy này và chuyển biến không gian xung quanh thành một ngôi đền. Chúng tôi hy vọng chúng sẽ tìm được đường đến một bảo tàng, đó là lý do tại sao chúng tôi muốn quay chúng cho video này.

Nhắn Hà Nội rằng tôi yêu cô ấy

Đạo diễn bởi Emilia Saporiti

Từ album 1975, Smithsonian Folkways, 2021

Phải mất 45 năm mẹ tôi mới trở về Sài Gòn. Bà đã đưa tôi và em trai đi vào năm 2013, bằng số tiền ít ỏi được thừa kế sau khi Bà Ngoại mất. Chúng tôi ở khách sạn đẹp đẽ và còn có cả hướng dẫn viên du lịch. Chúng tôi ở cạnh bờ biển. Tôi thấy đất nước này thật đẹp.

Mẹ tôi rời Việt Nam vào cuối những năm 60 bằng thị thực du học. Gia đình chúng tôi là những cộng tác viên lâu năm với chế độ Pháp và có nhiều mối quan hệ cũng như khá giả. Chúng tôi vẫn giữ nhiều ảnh hưởng Pháp. Ông cố của tôi (ông nội của mẹ) giữ chức vụ trong Quốc hội Nam Việt Nam. Ông bị ám sát trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Cả gia đình đều có mặt khi thảm kịch xảy ra, trong ngôi nhà của chúng tôi ở Vĩnh Long khi quả lựu đạn phát nổ. Mẹ tôi đã may mắn. Bà đã rời đi ngay sau vụ ám sát.

Đôi lúc tôi tự hỏi liệu mẹ tôi có cảm thấy tội lỗi khi thoát ra sớm trong khi

những thành viên gia đình khác phải ở lại cho đến năm ‘76, một năm sau khi

Cộng Sản lên nắm quyền. Bà Ngoại đã trở về vào khoảng năm 1980. Dì Nicole

sẽ không bao giờ trở về nữa. Vài đứa bạn người Việt của tôi nhất quyết không

về cho đến khi cha mẹ họ qua đời. Tôi cảm thấy mâu thuẫn với sự bế tắc trong quá khứ này, nhưng tôi hiểu. Tôi là người miền Nam nhân hai. Tôi đến từ hai nền văn hóa tươi đẹp, giàu có, đầy khiếm khuyết và mất mát. Tôi giữ chỗ trong tim mình cho những người không thể buông tay những cuộc chiến tranh đã mất.

MV ca nhạc này được thực hiện cho một buổi hòa nhạc trực tuyến của Carnegie Hall trong thời kỳ đại dịch. Mệt mỏi vì phải quay các buổi biểu diễn và quay video trong căn hộ studio của chúng tôi ở Portland, Emilia và tôi lái xe tới phía

Núi Hood và đáp lại ở một lề đường rộng có tầm nhìn đẹp ra ngọn núi. Với một chiếc iPhone, cô ấy đã quay một vài cảnh tôi biểu diễn trong chiếc áo khoác sân khấu mà cô ấy đã thêu tay. Các ‘cảnh nhảy’ được quay tại một cửa hàng tạp hóa Việt Nam ở Portland, nhưng lúc đó không phải quay với mục đích là một video ca nhạc. Chữ karaoke và cảnh quan ấn tượng là để gợi nhớ phong cách video ca nhạc pop Đông Nam Á cổ điển những năm 90-00.

Áo khoác sân khấu của No-No Boy

Được tạo ra bằng kỹ thuật thêu tay và tô điểm, chiếc áo khoác sân khấu là một hiện vật đã mất của người Mỹ gốc Á, gợi nhắc một cảm giác hoài niệm về một lịch sử của Mỹ mà có thể cân nhắc chuyện người châu Á như một phần không thể thiếu, thay vì tách biệt khỏi, lịch sử Hoa Kỳ. Chiếc áo khoác lấy cảm hứng từ truyền thống đồng quê miền Tây và những bộ “Nudie suits” do Nudie Cohn, một người tị nạn Do Thái gốc Ukraine-Mỹ, sáng tác. Phía sau áo có một con rồng đấu tranh một con đại bàng đầu hói, dựa trên một bức tranh màu nước được phát hiện trong trại giam người Nhật trong Thế chiến thứ II ở Wyoming, do một tù nhân vô danh vẽ trong một lớp học nghệ thuật của trại. Mặt áo bên phải minh họa cảnh Việt Nam vào những năm 1960, đất nước thời thơ ấu của mẹ Julian trước khi bà tị nạn vào năm 1968. Mặt áo bên trái minh họa tuổi thơ của Julian khi anh là con lai Việt Nam lớn lên ở Nashville, dưới lá cờ Việt Nam ba sọc và lá cờ Tennessee ba sao. Dù nhạc cụ trên ve áo trông rất giống đàn banjo, đây thực chất là đàn nguyệt, hay còn gọi là “đờn kìm”, phản chiếu sự pha trộn giữa các nhạc cụ truyền thống châu Á với những bài hát lấy cảm hứng từ nhạc dân gian Mỹ và truyền thống đồng quê trong album Empire Electric của No-No Boy.

Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.