10 minute read

LINH HỒN CỦA CHAMPAGNE

PERRIER-JOUËT

Chẳng thể vắng mặt trong những cuộc vui và trường tồn cùng nhân loại qua hàng thế kỷ biến động, Champagne vẫn luôn dùng hương vị nồng nàn của mình để chứng minh sự quyến rũ và thăng hoa tinh tế mang đậm chất Pháp. Nếu khí hậu khắc nghiệt vùng Champagne có công dưỡng cất nên từng giọt rượu thơm nức long lanh, thì đôi bàn tay tài hoa của con người sẽ nâng tầm chúng trong những chiếc ly pha lê tinh xảo. Đó cũng chính là sứ mệnh của Andrea Mancuso, nhà thiết kế đến từ Milano, Ý, đang hợp tác cùng thương hiệu Champagne nổi tiếng Perrier-Jouët.

Advertisement

THEO Y-JEAN MUN-DELSALLE

Khi rảo bước qua hội chợ thiết kế Miami vào tháng 12 năm ngoái, khách tham quan sẽ không thể rời mắt khỏi gian hàng cầu kỳ phức tạp của Perrier-Jouët. Thay vì “chiêu đãi” người xem một không gian đơn giản được dựng nên từ những bức tường trắng và rải rác bài trí các vật dụng nội thất của các nghệ sĩ và nhà thiết kế, nhà sản xuất champagne đã tạo nên một “kỳ quan” nho nhỏ dưới hình dáng những căn hầm ngầm huyền thoại nhưng lấp lánh ánh sáng rực rỡ từ những vườn nho. Được thành hình nhờ công của nhà thiết kế Andrea Mancuso và hai nghệ nhân gốm người ý Alessio Sarri và Nuevoforme, 11.000 mảnh gốm tròn được gắn trên các bức tường nhấp nhô để tạo nên hiệu ứng như vô số chai rượu vang xếp chồng lên nhau trong hầm rượu, ngạt ngào tỏa hương và lóng lánh các sắc độ màu cam, xanh lá cây và nâu. Phông nền quyến rũ tuyệt vời này đã làm nổi bật lên những kiệt tác sáng tạo được trưng bày trong sáu căn hộ và quầy trung tâm, chẳng hạn như bộ sưu tập Metamorphosis được thiết kế bởi Mancuso, gồm sáu ly champagne và chân ly champagne, kết hợp khéo léo giữa nghệ thuật thủ công truyền thống và công nghệ tiên tiến. Các tác phẩm như một bức tranh họa nên sự biến chất của tự nhiên, di sản nghệ thuật tân thời của Perrier-Jouët, và cách thức biến đổi những quả nho mọng nước thành những chai champagne tao nhã thông qua kiến thức chắt lọc được trong hai thế kỷ qua, kể từ khi thương hiệu được thành lập vào năm 1811 bởi Pierre- Nicolas Perrier và Rose-Adélaïde Jouët.

Sáu ly uống rượu thủy tinh được mang họa tiết thực vật phức tạp lặng lẽ phản chiếu trọn vẹn sự quyến rũ đến từ hương vị và lẫn đặc tính của sáu loại rượu vang Perrier-Jouët khác nhau (chẳng hạn Blanc de Blancs vốn rất hoạt bát), theo như cuộc chuyện trò và nếm thử rượu mà Mancuso đã thực hiện cùng với Celler Master Hervé Deschamps tại Épernay. Trong khi phần bầu ly chứa champagne thông thường vẫn đường giữ nguyên thì phần chân và thân ly lấy cảm hứng từ thực vật tự nhiên sẽ dẫn lối thưởng khách đến với một nghi thức dùng rượu champagne nghệ thuật hoàn toàn mới. Một bệ thủy tinh sẽ được lồng trong lớp vỏ của một thân cây cong cong, hoặc được tô điểm bởi hai chiếc lá màu xanh lá cây, rễ leo và cánh hoa mềm mại như dải ruy băng hồng dịu dàng. Sắc xanh lá tượng trưng cho thiên nhiên, màu hồng gợi nhớ về hoa hồng – “nữ vương các loài hoa” và màu hổ phách lại miêu tả xuất sắc sắc màu của champagne.

Việc chế tác từ chất liệu thủy tinh thủy tinh Murano đã chứng tỏ được mức độ khó khăn của quy trình. “Mặc dù tôi đã cộng tác với những nghệ nhân rất lành nghề, nhưng vẫn có nhiều vấn đề xuất hiện và cần giải quyết trong quá trình chuyển từ bản vẽ thiết kế thành sản phẩm”, Mancuso tiết lộ. “Ví dụ, mỗi chiếc ly cần đến một tuần để hoàn thiện thủ công và quá trình này dẫn đến rất nhiều sự cố đổ vỡ. Để cho ra đời một tác phẩm thủ công phức tạp đến mức này, tôi đã hợp tác chặt chẽ với Fondazione Berengo, một tổ chức Murano đã có 30 năm không ngừng giới thiệu thủy tinh đến cho giới nghệ thuật đương đại. Việc sử dụng công nghệ mới cho phép tôi thực hiện nhiều thử nghiệm, bằng cách in 3D thân cây thủy tinh và kiểm tra các khía cạnh công thái học, tiếp đến là tạo nên được những hình dạng rất phức tạp để mô tả nét tinh tế và mong manh của thiên nhiên. Quá trình sản xuất rất tốn thời gian và đầy thách thức, bởi thủy tinh vô cùng dễ vỡ. Để chinh phục chúng, tôi đã sử dụng kỹ thuật đúc sáp từng được sử dụng trong thời kỳ nghệ thuật đỉnh cao để tạo nên tác phẩm điêu khắc tinh xảo bằng pha lê”.

Phần bầu ly cũng được sản xuất với kỹ thuật tương tự, với những cánh hoa lãng mạn gợi nhớ về đóa hải quỳ mà Émile Gallé đã tạo ra cho Maison vào năm 1902.

Sinh ra tại Rome năm 1982, tuổi thơ của Mancuso gắn liền với những con đường ngoằn ngoèo và những quảng trường bé nhỏ nhưng đầy sức sống của Trastevere – một khu phố đẹp như tranh vẽ và mang đậm hơi thở lịch sử. Trải qua tuổi thơ êm đềm dưới sự bảo bọc của mẹ là một nhà tâm lý học và cha làm việc trong ngành quảng cáo, bắt đầu từ khi ông của Mancuso nghỉ hưu và chuyển đổi gara của nhà thành xưởng chế tạo mô hình gỗ, chàng trai trẻ đã học cách sử dụng cách công cụ cũng như áp dụng ý tưởng sáng tạo vào cuộc sống hàng ngày. Bước vào độ tuổi 20 ngập tràn lý tưởng, anh đã nuôi dưỡng cho mình niềm đam mê điện ảnh và trở thành biên tập viên cho các bộ phim, trong khi vừa theo học thêm về thiết kế. Anh chia sẻ: “Tôi muốn nắm vững mối quan hệ giữa những yếu tố quen thuộc và bất ngờ. Không gian và đồ vật hàng ngày đại diện cho chính chúng ta, quá khứ, ký ức, lịch sử và văn hóa. Thiết kế, bài trí và xếp đặt nội thất có thể là phương tiện để kể chuyện cũng như khơi gợi cảm xúc từ trong sâu thẳm mỗi con người”.

Dẫn bước thưởng khách trên chuyến hành trình vượt qua cả không gian lẫn thời gian, những thiết kế của Mancuso vừa mang đến sự bất ngờ, cũng vừa khơi gợi vô vàn tình cảm. Chẳng hạn như, chiếc bàn Goldfish ngạo nghễ khoe bày phần đỉnh bằng đá cẩm thạch được tạo hình thành ao nước tối tăm với đàn cá đang quẫy lội, hay những chiếc bình Booming tràn ngập những chiêm nghiệm đối lập của không khí và vật chất thông qua gốm – và đã từng một lần phát nổ trong quá trình sản xuất thử nghiệm.

Không hề bị bó buộc bởi các giới hạn vật chất, Mancuso lao mình vào những cuộc thử nghiệm với khát khao truyền tải trọn vẹn cả sự vững chắc lẫn dễ tổn thương của chất liệu gốm. Anh lựa chọn cho mình lối đi độc đáo, đó chính là biến những trải nghiệm thường ngày trở thành một phần của nghệ thuật kỳ diệu, đan xen quá khứ với hiện tại để khơi dậy sự tò mò tiềm ẩn trong mỗi chúng ta. Từ đó, vũ trụ được tôn vinh, thiên nhiên hoang dã được tái hiện và mang đến niềm vui cho tất cả mọi người.

Anh tuyên bố rằng: “Sự hội ngộ của tôi với Maison Perrier-Jouët là một cuộc đối thoại trên cả tuyệt vời, truyền cảm hứng mạnh mẽ về rượu vang và cũng thống nhất tầm nhìn chung trong việc tái mê hoặc thế giới này bằng sự tái tạo mạnh mẽ”. Cảm nhận về thiên nhiên của nhà thiết kế tài năng cũng vô cùng hòa hợp với chủ đề chung của Design Miami 2019, nói về các nguyên tố cũng như chú trọng vào tương lai của các nguồn nguyên vật liệu. Anh bổ sung thêm: “Tự nhiên và sự bền vững là hai yếu tố rất quan trọng, tương đương với cả truyền thống và văn hóa của chúng ta. Hầu hết các dự án của tôi được phát triển cùng với những nghệ nhân địa phương, là phiên bản giới hạn và mang vẻ đẹp bất chấp mọi thời đại. Công chúng đang trở nên nhạy cảm hơn về các vấn đề biến đổi khí hậu, và tôi hy vọng rằng giới thiết kế sẽ nắm bắt được điều này. Chúng tôi được khuyến khích nên thay đổi trong sáng tạo, và tôi tin rằng mình hoàn toàn có khả năng làm như vậy”.

PERRIER-JOUËT

Henri Gallice và em trai là Octave, chắt của người sáng lập Perrier-Jouët, đều mang trong mình niềm nghệ thuật, nhưng trong khi Henri điều hành công việc gia đình ở Épernay thì Octave dành phần lớn thời gian ở Paris để tận hưởng nhịp sống Belle Époque thế kỷ 20 hào nhoáng, khi mà nước Pháp đang ở độ kiêu hãnh nhất về những thành tựu trong nghệ thuật và khoa học. Tại thủ đô, ông đã gặp Émile Gallé, một trong những cái tên tiên phong của phong trào nghệ thuật Pháp, phong cách cách mạng trong ngành mỹ thuật cũng như ứng dụng các họa tiết đường cong tự nhiên xuất hiện vào cuối thế kỷ 19. Họ đã ủy thác cho nghệ nhân thủy tinh tài năng này tạo ra một thiết kế đặc biệt cho thương hiệu. Lấy cảm hứng từ niềm đam mê thực vật học của mình, Gallé đã nghĩ ra chiếc nắp bật hình hải quỳ trắng Nhật Bản để điểm tô lên chai rượu sâm banh. Vào năm 1902, bốn “tác phẩm” nhỏ bé được tráng men và khoác lên mình lớp áo họa tiết xa hoa mạ vàng đã được chuyển giao, để rồi trở thành biểu tượng không chỉ của Belle Époque mà còn của chính Maison, tồn tại bất diệt cho đến tận ngày nay.

Hiện tại, thương hiệu danh giá này đã sở hữu bộ sưu tập nghệ thuật tư nhân quý giá nhất châu Âu, sánh ngang chất lượng với các hiện vật trong bảo tàng và được cất giữ tại ngôi nhà mang phong cách đồng quê thế kỷ 18 của Maison Belle Époque dọc theo Đại lộ Champagne của Épernay, được kết nối với những căn hầm lưu giữ hàng ngàn chai rượu champagne lâu năm quý hiếm. Hơn 200 món đồ nội thất, trang trí và tác phẩm nghệ thuật vô giá theo phong cách art nouveau - từ Louis Majorelle,

Hector Guimard cho đến René Lalique và Henri de Toulouse- Lautrec và Auguste Rodin – tất cả đã hợp sức trang hoàng lộng lẫy cho căn biệt thự rộng 1.200 m 2 để chào đón những vị thượng khách. Perrier-Jouët thậm chí còn cho các bảo tàng mượn các tác phẩm tuyệt mỹ từ bộ sưu tập của mình, với mong muốn góp phần vào phổ biến nghệ thuật Pháp. Nhờ vào mối thâm tình của người sáng lập với nghệ thuật và thiên nhiên, thường xuyên chế tác nên nhiều tác phẩm lấy cảm hứng từ tinh thần nghệ thuật, bắt tay cùng các nghệ sĩ và nhà thiết kế đương đại mới nổi, như Daniel Arsham, Noé Duchaufour-Lawrance, Miguel Chevalier, Makoto Azuma, Tord Boontje, Studio Glithero, Simon Heijdens, Vik Muniz, Mischer’traxler, Ritsue Mishima, Bethan Laura Wood, Andrew Kudless và Luftwerk.

This article is from: