22 minute read

BƯỚC CHUYỂN GIAO CỦA THỜI ĐẠI

FROM GALLERY TO E-COMMERCE

Advertisement

Ngày nay, khi việc mua sắm online trở nên ngày càng thông dụng thì những gallery danh tiếng thế giới đang dần chuyển sang nền tảng trực tuyến nhằm quảng bá các tác phẩm nghệ thuật đến công chúng rộng rãi hơn. Thay cho phương thức thưởng lãm nghệ thuật truyền thống, sự chuyển đổi này mang lại những giá trị tối ưu hơn về mặt tài chính và thay đổi hẳn cách nhận thức và quan điểm thưởng lãm tranh và nghệ thuật dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

THEO TALLULAH LU

SỰ CHUYỂN ĐỔI KỸ THUẬT SỐ CỦA CÁC TRIỂN LÃM NGHỆ THUẬT HẬU ĐẠI DỊCH

Liệu các tác phẩm nghệ thuật xa xỉ có nằm trong danh sách mua hàng trực tuyến của khách hàng? Ý tưởng này không còn xa vời khi hiện nay, tất cả mọi sản phẩm từ dây chuyền ngọc lục bảo đến rượu whisky quý hiếm đều có thể được mua qua mạng - một hình thức bất chấp tính đa đoan của khách hàng và tính xác thực của sản phẩm. Lẽ dĩ nhiên, nghệ thuật và xa xỉ phẩm không nằm trên cùng một bình diện, nhưng khi các phòng triển lãm buộc phải đóng cửa trong đỉnh điểm đại dịch, tình thế đã thay đổi: các tác phẩm nghệ thuật được mua bán trực tuyến, đấu giá được thực hiện qua điện thoại, nhiều giao dịch phức tạp và tốn kém được thực hiện an toàn trên các sàn thương mại điện tử.

Vậy phòng triển lãm truyền thống đóng vai trò gì? Có ý kiến cho rằng, đó là nơi để khách hàng kiểm tra các tác phẩm nghệ thuật quan trọng trước khi chính thức giao dịch, còn thủ tục giấy tờ sẽ được thao tác bằng kỹ thuật số. Tương tự như vậy, những buổi đấu giá có các danh mục đều cần được chứng thực trực tiếp tính xác thực và giá trị thực tế.

Bên cạnh đó, bầu không khí háo hức từ đêm khai mạc - yếu tố then chốt không thể có ở một sự kiện ảo - đóng vai trò quan trọng trong việc bán các tác phẩm nghệ thuật. Các chuyên gia cho rằng, chỉ những nhà sưu tập thực thụ mới xuất hiện tại các buổi thưởng lãm riêng, thường là trước đêm khai mạc, để đánh giá toàn bộ bộ sưu tập. Hoặc, họ có thể xem các tác phẩm đó khi nó được gửi đến nhà riêng của họ.

Quá trình chuyển đổi số hóa là điều không thể tránh khỏi ở thời điểm hiện nay. Quá trình này đã được chứng minh có nhiều lợi ích cho các phòng trưng bày vì đã tái tạo một buổi triển lãm thực, hỗ trợ cho giáo dục, truyền thông và xây dựng thương hiệu. Xét cho cùng, đây vẫn là một phần dịch vụ mà các gallery nên mở rộng đến với công chúng.

SỰ NỞ RỘ CÁC GALLERY TRỰC TUYẾN

Hoạt động ở Hoa Kỳ, Châu Âu, Trung Đông và Châu Á, Opera Gallery nổi tiếng với những buổi triển lãm công phu nhằm giới thiệu những tác phẩm có giá trị được yêu thích nhất từ các nghệ sĩ danh giá Manolo Valdes, Lita Cabellut và Andre Brasilier. Đây cũng là nơi diễn ra Annual Master Show nhằm giới thiệu một kho tàng tác phẩm nghệ thuật của những tên tuổi lớn trong làng nghệ thuật.

Vào cuối tháng 3, với tốc độ lây nhiễm COVID-19 không có dấu hiệu chậm lại, chính phủ Singapore đã quy định đóng cửa hầu hết các cơ sở thương mại, không lâu sau đó là đóng cửa một phần toàn quốc và dần dần thắt chặt các biện pháp bảo vệ. Các sự kiện nghệ thuật, từ biểu diễn đến triển lãm và lễ hội, lần lượt bị hoãn đến vô thời hạn. Khi lệnh phong tỏa được công bố ở Singapore, Open Gallery đang chuẩn bị một cuộc triển lãm mới trong năm 2020.

Đứng trước nỗi lo lắng và sợ hãi, Stephane Le Pelletier - Giám đốc Opera Gallery khu vực Châu Á Thái Bình Dương - đã tập hợp toàn thể nhân viên để giải quyết những vấn đề cấp bách nhất. Đầu tiên, họ tối ưu hóa độ ẩm và nhiệt độ trong phòng trưng bày để bảo vệ tất cả các tác phẩm nghệ thuật. Sau đó, họ đóng gói để bảo quản các kiệt tác đặc biệt trong gallery, trong số đó có Chagalls, Legers và Picassos và lưu trữ tại các cơ sở được chỉ định.

Sau đó, Le Pelletier và các nhân viên đã xem xét kỹ lưỡng nền tảng trực tuyến để tiếp tục tạo nội dung tiếp thị và giao dịch bán hàng cho cả khách hàng địa phương lẫn quốc tế. Ban đầu, họ đã tương tác thành công với khách hàng qua trang web chính thức, bản tin điện tử và Instagram, sau đó họ thích nghi với “trạng thái bình thường mới” bằng cách thiết kế và phát triển các nội dung khác bao gồm các video có sự xuất hiện của nghệ sĩ, hướng dẫn tham quan và phòng xem trực tuyến. “Các công cụ kỹ thuật số mà chúng tôi sử dụng chắc chắn sẽ giúp xây dựng các mối quan hệ mới,” Le Pelletier nhấn mạnh, “cũng như tạo cơ hội cho khán giả xem và tương tác với các nghệ sĩ và tác phẩm yêu thích của họ.”

Trong thời gian phong tỏa, sự hiện diện trực tuyến của qua 12 phòng trưng bày được thiết lập trên toàn thế giới đã tạo ra một tác động to lớn. “Chúng tôi luôn quan tâm đến việc tạo ra sự hiện diện trực tuyến mạnh mẽ hơn và tình hình toàn cầu hiện tại đã tạo điều kiện cho chúng tôi thúc đẩy quá trình này.

“Giống như bất kỳ không gian bán lẻ nào khác, việc duy trì một phòng triển lãm thực tế xoay quanh việc trưng bày và bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật.” Le Pelletier nói. “Chúng tôi luôn phải tính toán về chi phí hậu cần. Không gian triển lãm vật lý thực sự quan trọng vì trải nghiệm thưởng lãm nghệ thuật thực tế không thể thay thế hoàn toàn bằng kỹ thuật số..”

Bên cạnh đó, Le Pelletier cũng chỉ ra rằng những nhà sưu tập nghệ thuật đang bắt đầu có ý tưởng mua tác phẩm nghệ thuật từ các các phiên chợ và buổi đấu giá trên mạng. “Dù sao đi nữa, việc chuyển sang kỹ thuật số hoàn toàn sẽ rất khó khăn cho các phòng trưng bày nghệ thuật vì nó không thể tái tạo trải nghiệm thưởng thức thực tế. Thậm chí, việc chỉ nhìn các tác phẩm qua mạng cũng làm các nhà sưu tập ngao ngán.”

Ông khẳng định tuy vai trò của các gallery sẽ thay đổi và thích ứng theo thời đại, trọng tâm chính của chúng trong việc quảng bá nghệ thuật sẽ tiếp tục tồn tại nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng và nghệ sĩ. Bất chấp những hạn chế hiện tại, Opera Gallery vẫn sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc triển lãm. “Với mỗi buổi triển lãm, chúng tôi luôn sẵn sàng phương án thay thế tùy theo những thay đổi ở thời điểm đó, như việc tổ chức các sự kiện được nới lỏng hay có lệnh phong tỏa khác,” Le Pelletier nhận xét với tình hình khó lường như hiện tại, mọi chuyện đều có thể xảy ra.

SỰ THAY THẾ TẠM THỜI

Khi có lệnh phong tỏa vào tháng Ba, Mucciaccia Gallery buộc phải đóng cửa các triển lãm đang diễn ra ở London, New York, Rome và Singapore. Dù đến nay, một số chúng đã được mở cửa cho khách tham quan, nhưng “với sự không chắc chắn này, và để có lợi cho các nghệ sĩ, chúng tôi cũng quyết định hoãn chương trình triển lãm trong tương lai đến năm 2021,” Valter Spano, giám đốc Mucciaccia Gallery chia sẻ. “Trong thời gian ngừng hoạt động, các phòng trưng bày của chúng tôi vẫn tiếp tục tương tác với khách hàng ở mức độ cá nhân hơn và có những triển lãm trực tuyến nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng.”

Spano thừa nhận rằng sự hiện diện của một gallery thực tế đóng vai trò vô cùng quan trọng. “Đây là ngôi nhà của các nghệ sĩ, và là nơi các nhà sưu tập có thể đến thăm và nhìn thấy những tạo tác bằng xương bằng thịt. Phần lớn các doanh nghiệp hiện đã chuyển sang môi trường kỹ thuật số, nhưng điều này có thể tiếp diễn trong bao lâu, ”ông hỏi đầy thách thức. “So với việc nhìn ngắm trên mạng, tận mắt thưởng thức tác phẩm là một trải nghiệm hoàn toàn đặc biệt. Triển lãm ảo có lớn mạnh và tạo tiếng vang đến đâu trong thời điểm này, suy cho cùng cũng chỉ là phương án thay thế.” Điều này đặc biệt đúng với Mucciaccia Gallery. Khi gallery tầm vóc quốc tế này mở cửa tại Gillman Barracks vào năm 2012, công chúng đã lập tức chú ý vì nơi đây có những kiệt tác chỉ có thể nhìn thấy trong sách nghệ thuật, bao gồm các tác phẩm của Lucio Fontana, Sam Francis, Stephane Graff, David LaChapelle và Cristiano Pintaldi. Được lòng giới mộ điệu và những nhà sưu tập khó tính, nơi đây liền trở thành một địa điểm nhất định phải ghé qua nếu muốn được tận mắt chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật quý hiếm.

“Doanh thu của chúng tôi trải dài suốt năm”, Spano xác nhận và nói thêm rằng chỉ có gallery của họ ở Cortina d’Ampezzo hoạt động theo mùa hè và mùa đông. “Chúng tôi quyết định một chương trình triển lãm phải đảm bảo sự cân bằng và đa dạng về nội dung hoặc đối tượng mà chúng tôi thể hiện trong khi vẫn duy trì tầm nhìn bình đẳng cho tất cả các nghệ sĩ.”

Mucciaccia không ngồi chờ đợi phong tỏa kết thúc. Thay vào đó, họ đã tổ chức một cuộc đấu giá từ thiện trực tuyến Heartbid với sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ Ý - tổ chức đang dẫn đầu cuộc chiến chống đại dịch. Tập hợp 20 nghệ sĩ quốc tế như Michelangelo Pistoletto, Milo Manara và Ian Davenport, buổi triển lãm từ thiện đã quyên góp được hơn 83.000 Euro và được trao toàn bộ cho Hội Chữ thập đỏ Ý.

“Các mạng xã hội như Instagram và Facebook giúp chúng tôi tăng cường sự hiện diện trực tuyến bằng cách truyền thông về hoạt động và khuyến khích khách hàng tham gia trực tuyến những buổi hội chợ, đấu giá từ thiện và các cuộc triển lãm,” ông giải thích.

Quan trọng hơn, Spano khẳng định đã đầu tư vào công nghệ ứng dụng phức tạp nhất hiện có trong thế giới công nghệ kỹ thuật số nhằm quảng bá nghệ thuật. “Chúng tôi đã tạo ra một triển lãm ảo với tính năng phát trực tuyến trên đám mây lần đầu tiên được áp dụng”. Sau triển lãm Yayoi Kusama rất thành công được tổ chức tại Mucciaccia Gallery New York vào tháng 11 năm 2019, triển lãm ảo Yayoi Kusama trong phát trực tuyến đám mây 3D đã được ra mắt và kéo dài đến cuối tháng 8.

“Giờ đây, chúng tôi rất vui mừng được giới thiệu triển lãm của Frank Holliday dưới hình thức phát trực tuyến đám mây 3D,” Spano hào hứng. “Nhằm khám phá ngôn ngữ hình ảnh của Holliday, triển lãm cá nhân này hiện đang ở gallery New York của chúng tôi cho đến cuối tháng 9.”

Hoạt động hoàn toàn trực tuyến trong thời gian phong tỏa chắc chắn đã mở rộng phạm vi hoạt động của Mucciaccia. Spano thừa nhận, “Tuy nhiên, việc duy trì lâu dài cũng như củng cố các mối quan hệ mới đến một lúc một đó sẽ liên quan đến việc thưởng thức trực tiếp. Việc kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số sẽ là phương án ở thời điểm này, nhưng sự hiện diện và trải nghiệm thực tế của một gallery luôn là yếu tố cốt lỗi không thể bỏ qua. Hiện tại tình thế vẫn đang khó khăn, nhưng tôi tin rằng chúng tôi sẽ trở lại mạnh mẽ hơn khi các hạn chế được dỡ bỏ.”

Hiện tại, thưởng thức trực tuyến vẫn là hoạt động quan trọng của gallery. Sau khi quan sát các phòng trưng bày, hội chợ và đấu giá nghệ thuật khác ở trên mạng trong thời gian ngừng hoạt động, Spano kết luận “Hình thức này tiếp cận thành công đến mọi người trên khắp thế giới. Chúng tôi đang nghĩ đến một chương trình triển lãm trực tuyến cũng như các hình thức khác để thu hút khán giả với các nghệ sĩ, chẳng hạn như các chuyến tham quan studio nghệ sĩ, các buổi trò chuyện trực tuyến sẽ được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động của gallery.”

Spano muốn xây dựng một nền tảng mạnh mẽ để hỗ trợ tất cả ý tưởng khả thi. “Đây là lý do tại sao chúng tôi cũng đang cải thiện trang web của mình và bắt đầu xây dựng nội dung trực tuyến. Chúng tôi đang chuyển đổi chương trình hoạt động của mình để tiếp tục tiếp cận khán giả mới trong nước và quốc tế. Điều quan trọng là phải linh hoạt điều chỉnh theo bất kỳ chính sách nào của chính phủ.”

KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT SỐNG ĐỘNG

Những tuần trước khi có thông báo phong tỏa, phòng trưng bày Art Porters đã rất bận rộn. Melvin Sim, một nhà nghệ thuật của phòng trưng bày nhớ lại họ đang chuẩn bị khởi động triển lãm cá nhân của Priyageetha Dia. Đồng thời, triển lãm các tác phẩm của Wu Kuan-Te, Wayan Novi và Jamie Teo ở phòng trưng bày Liaigre cũng nằm trong kế hoạch sắp tới của họ. Việc phong tỏa đồng nghĩa với việc đóng cửa không gian triển lãm vật lý. “Điều này liên quan đến việc du khách không thể thưởng thức và trải nghiệm các tác phẩm nghệ thuật trực tiếp, cũng có nghĩa doanh số bán hàng sẽ bị ảnh hưởng. Người mua có xu hướng ít mua hơn nếu không thể tận mắt trải nghiệm các tác phẩm,” ông giải thích.

Trong khi triển lãm của Priya vẫn ở trong gallery, đội ngũ nhân viên đã đăng tải video và hình ảnh lên mạng khi họ bắt đầu làm việc tại nhà. “Rất may, gallery hoạt động khá tốt trong thời gian phong tỏa,” Sim phỏng đoán. “Chúng tôi đã nhìn thấy các cơ hội để tăng cường các nỗ lực tiếp thị kỹ thuật số trong thời gian này.” Bên cạnh việc quảng bá triển lãm đang diễn ra, họ đã dành thời gian để tiếp thị các tác phẩm nghệ thuật nổi bật trong phòng thứ hai của gallery. “Kết quả đã thành công,” anh nói một cách tự hào. “Chúng tôi đã nhận được một số yêu cầu từ khách hàng, đã bán được một số sản phẩm và thậm chí còn thu xếp được một phần hoa hồng đặc biệt cho khách hàng mới.” Họ cũng tung ra thành công bản xem thử độc quyền triển lãm của Emmanuel Tolentino Santos trên mạng và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình khi quảng bá triển lãm cá nhân của Alex Face.

Đặt thành công trực tuyến sang một bên, Sim không loại bỏ giá trị của một không gian triển lãm vật lý. Anh nhắc lại, “Một không gian gallery vật lý quan trọng vì tại đó có nhiều cơ hội kết nối và hợp tác, du khách và các nhà sưu tập được kết nối hữu hình với nghệ thuật, điều mà các định dạng ảo ít có khả năng thể hiện. Một số tác phẩm sắp đặt và triển lãm sẽ thể hiện tính khái niệm của chúng lên chính không gian vật lý mà chúng chiếm giữ. Vì thế, không gian vật lý là điều kiện bắt buộc để đem đến một trải nghiệm đa giác quan.”

Kết nối con người là một khía cạnh quan trọng của triển lãm nghệ thuật. “Mặc dù có thể duy trì hoạt động kinh doanh ảo, nhưng phần lớn trải nghiệm nghệ thuật sẽ bị mất đi nếu không có không gian triển lãm thực tế,” Sim giải thích.

Trong thời gian phong tỏa, họ đã tương tác với khách hàng trên WhatsApp và mạng xã hội nhằm khảo sát thị trường, đồng thời cũng liên lạc trò chuyện với các nghệ sĩ qua Zoom. “Vào tháng 5, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện tuyệt vời với nhiếp ảnh gia - nghệ sĩ từ Melbourne, Emmanuel Tolentino Santos, người sưu tập Tessa Maria Guazon, và các thành viên của công chúng.”

Sim chia sẻ, “Khi lệnh phong tỏa được công bố, chúng tôi biết rằng sẽ phải ghi lại tất cả các tác phẩm nghệ thuật trong cả hai phòng trưng bày để sử dụng cho việc tạo nội dung khi làm việc tại nhà. Mục tiêu chính của chúng tôi trong việc sử dụng các nền tảng kỹ thuật số là giảm thiểu sự gián đoạn trong thời điểm phong tỏa. Đây là một cơ hội tốt để chúng tôi kiểm tra tính hiệu quả của định dạng này và nó đã mang lại kết quả khả quan.”

Việc số hóa hoạt động kinh doanh đã mở rộng phạm vi tiếp cận, thúc đẩy doanh số và xây dựng thương hiệu Art Porters Gallery trên trường quốc tế. Sim ước tính, “Với sự nhất quán và hiện diện, đây sẽ trở thành một nguồn doanh thu bền vững lớn. Tôi nghĩ rằng một môi trường kinh doanh số hóa cao sẽ có lợi cho các gallery nghệ thuật nhưng chỉ ở một mức độ nhất định,” ông cảnh báo. “Số hóa sẽ giúp tiếp thị, tăng trưởng thương hiệu và tiếp cận, nhưng chỉ nên là một hình thức bổ trợ cho gallery truyền thống vì không gì có thể thay thế được cảm giác say mê tận mắt thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật.” Các gallery phi thương mại có thể đóng vai trò giáo dục nhiều hơn, trong khi gallery thương mại có thể tập trung vào thị trường nghệ thuật và duy trì hệ sinh thái nghệ thuật. Sim nói., “Tôi nghĩ gallery trong tương lai sẽ tiếp tục làm những gì có thể và sẽ đảm nhận thêm các vai trò khác ngoài hoạt động chính của chúng.”

Cho đến khi tìm được phương pháp chữa trị dứt điểm, anh thấy trước đại dịch sẽ gây hạn chế cho các hoạt động quan trọng như hội chợ nghệ thuật và khai mạc triển lãm. “Để tồn tại chúng tôi phải thích nghi. Việc tăng cường hoạt động tiếp thị kỹ thuật số của chúng tôi đã phát huy được tính hiệu quả trong giai đoạn và sẽ hoạt động bổ trợ song song với không gian triển lãm chúng tôi có sẵn.”

CON ĐƯỜNG DUY NHẤT

“Tất cả chúng ta đang sống trong thời đại kỹ thuật số. Dù thế giới phản địa đàng của Huxley vẫn còn ở xa, tôi tin khi gallery trưng bày vật lý không còn được coi là nhu cầu thiết yếu, một thế giới cũng sẽ loại bỏ hoàn toàn sách và vật chất đang dần đến gần.” Isabelle Miaja, chủ sở hữu hai phòng triển lãm Miaja Gallery và Miaja Art Collections, đã trích dẫn lời văn từ quyển sách yêu thích nhất mọi thời đại của cô, Brave New World của tác giả Aldous Huxley khi bàn về vấn đề này.

Miaja Gallery đại diện cho TeamLab (Nhật Bản), Soonik Kwon (Hàn Quốc), Gus Albor (Philippines), Hom Nguyen (Pháp) và Ieo Gek Ching (Singapore). Miaja Art Collections, đại diện cho David Yarrow (Anh), Jisbar (Pháp) và Nissa Kaupilla (Mỹ), gần đây nhất đã ký hợp đồng với Stefanie Hauger - nghệ sĩ, nhà thiết kế và người phụ trách chuyên mục Singapore từng đoạt giải thưởng cho ấn phẩm này.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh chính của Miaja là kiến trúc và thiết kế nội thất, chủ yếu là cho các dự án ở nước ngoài. Các phòng trưng bày được kết nối với doanh nghiệp thiết kế nội thất theo cách họ hỗ trợ quá trình thiết kế, với các nghệ sĩ thích hợp hoặc tác phẩm của họ thường được đưa vào các đề xuất thiết kế. “Chúng tôi tiếp cận tư vấn nghệ thuật trên cơ sở dự án,” cô giải thích. Khi lệnh phong tỏa được công bố, cả hai gallery của cô đều có triển lãm đang diễn ra. “Lệnh phong tỏa đã ảnh hưởng lớn đến chúng tôi vì quá đột ngột. Có thể chúng tôi đã lường trước được phần nào, nhưng chuyện đã rồi chúng tôi vẫn cảm thấy bất ngờ.” Khi đại dịch tạm lắng trong chuỗi ngày lễ, từ Giáng sinh vào tháng 12 đến Tết Nguyên đán vào tháng Giêng, Miaja và các cộng sự đã dành thời gian tổ chức lại và lên kế hoạch cho các chương trình trong tháng Ba. Miaja Art Collections cũng đang chuẩn bị cho triển lãm cá nhân của Adrian Houston, nhiếp ảnh gia người London chuyên chụp ảnh cây cối. Đây là lần đầu tiên anh ấy đến châu Á - một buổi trình diễn nghệ thuật chụp ảnh các loài địa phương, và Miaja đã sắp xếp để Houston chụp ảnh tại Vườn Bách thảo.

Hiện nay, khi các kế hoạch vẫn bị trì hoãn và các tác phẩm nghệ thuật vẫn chưa được trình chiếu ngoài đời thực, họ đang “điều hướng cách vận hành một phòng trưng bày trong thời kỳ đại dịch,” Miaja nói. “Một cách mới để thể hiện nghệ thuật đang trong quá trình thực hiện vì sự tương tác (công khai) là một nguyên nhân lan truyền Covid-19.”

Ngoài nỗi thất vọng, việc đóng cửa gallery đã khiến nhiều nghệ sĩ và các nhà trưng bày gặp khó khăn vì họ đã mất rất nhiều thời gian để tạo ra các tác phẩm và phải chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho triển lãm. Miaja nhấn mạnh, một chương trình triển lãm cần tác phẩm nghệ thuật và nghệ sĩ. Truyền thông (về triển lãm), thông qua mạng xã hội và báo chí đòi cần phối hợp để đảm bảo thành công không chỉ về lượng khách tham dự mà còn về doanh số bán hàng. “Một gallery cần những người hiểu biết về nghệ thuật và sẵn sàng làm việc chăm chỉ bằng cả sức lực,” Miaja nói.

Miaja nói, “Thời gian phong tỏa đã cho tôi thời gian suy nghĩ. Các gallery vật lý có phải là một đề xuất khả thi không? Về mặt tài chính hiện còn nhiều thách thức và sẽ cần vài năm để chúng có thể tự duy trì. Hiện tại, các dự án của Miaja Design Group đang giúp duy trì chúng phần nhiều”. Nhưng cuối cùng, cô vẫn quyết định giữ lại các gallery vì thế giới nghệ thuật bảo thủ sẽ không chấp nhận một phòng triển lãm ảo.

Song song đó, Miaja dành thời gian cập nhật tình hình Singapore cho các nghệ sĩ hải ngoại. “Họ ngạc nhiên rằng chúng tôi không thể tổ chức bất kỳ buổi triển lãm nào hoặc cho phép hơn năm người cùng một lúc đến gallery. Tình hình ở Châu Âu quá khác biệt, do đó họ không tin nên tôi gần như phải gửi bản sao các quy định của địa phương để thương thuyết.” Với những khách hàng quan tâm, Miaja như có sự đồng cảm với họ. Vì nhiều tổn thất tài chính và tình trạng bất ổn liên tục, chi tiêu giờ đây được cân nhắc rất kỹ lưỡng. “Tôi giữ liên lạc mà không chèo kéo họ,” cô nói.

Với một hệ thống kỹ thuật số hiện có để tổ chức chuyển tiền và vận chuyển tác phẩm nghệ thuật, Miaja cảm thấy không cần phải thay đổi mạnh mẽ cách tiếp cận của mình. Một cách sáng tạo, họ xuất bản một loạt các thiết kế hàng tuần bao gồm các tác phẩm của các nghệ sĩ của họ trên blog chính thức ‘Designing homes by Isabelle Miaja’, các nền tảng truyền thông xã hội và báo tất cả các khách hàng dự án và gửi phòng trưng bày của họ. “Phản hồi vô cùng tích cực đã giúp chúng tôi tạo ra một kết nối thực sự mà không cần thực hiện một lời rao bán hàng nào. Cá nhân tôi không thích bị ngập đầu bởi chúng, vì vậy chúng tôi nghĩ rằng bằng cách thể hiện thiết kế và làm cho nó mang tính hướng dẫn để khơi dậy sự quan tâm. “

Miaja chấp nhận rằng những thay đổi đang xảy ra với những sự kiện như AXS Art và Insta Auction sắp tới là những cách giới thiệu nghệ thuật đến các thế hệ trẻ. “Chúng ta phải đón nhận sự thay đổi, nhưng tôi tin rằng mỗi gallery sẽ tìm thấy con đường riêng của mình”.

This article is from: