7 minute read

"CANH BẠC CỦA NGHỆ THUẬT"

ART INVESTMENT

Đầu tư vào nghệ thuật có thể là một ý tưởng hấp dẫn cho những ai vừa ngưỡng vọng nghệ thuật, vừa muốn sinh lời từ chúng. Thế nhưng, cũng như bất kỳ hình thức đầu tư nào khác, “canh bạc” này tràn đầy rủi ro và chiến thắng chỉ đến với những ai đã nghiên cứu kỹ từng đường đi nước bước.

Advertisement

Nghệ thuật làm được nhiều điều hơn là chỉ đơn giản làm đẹp cho không gian sống của chúng ta. Trong những năm gần đây, thị trường nghệ thuật dần nóng lên và trở thành cơn sốt mới, tạo nên xu hướng các nhà sưu tập “mở hầu bao” mua các tác phẩm để cho vào danh mục đầu tư. Thế nhưng, liệu đầu tư vào nghệ thuật có thật sự mang lại lợi nhuận hay chỉ là sự phóng đại của những kẻ mộng mơ?

THẾ NÀO LÀ ĐẦU TƯ VÀO NGHỆ THUẬT?

Giống như cổ phiếu và trái phiếu, tác phẩm nghệ thuật hoàn toàn có thể tăng giá trị. Nếu một nghệ sĩ đang có sự nghiệp thăng hoa đồng nghĩa với giá bán tác phẩm của họ sẽ tăng vọt. Báo cáo thường niên của Art Basel ước tính doanh số thị trường nghệ thuật toàn cầu đạt hơn 67 tỷ đô la vào năm 2018.

Đây cũng là một hình thức đầu tư dài hạn. Lợi nhuận từ nghệ thuật sẽ không đến trong một sớm một chiều. Các chuyên gia khuyến nghị nên đầu tư nghệ thuật nếu bạn là một nhà đầu tư kiên nhẫn với khoảng thời gian từ 10 năm trở lên và cho tương lai lâu dài. Đây chỉ nên là một phần nhỏ trong danh mục đầu tư của bạn. Bạn có thể thu được lợi nhuận, nhưng rất khó có khả năng kiếm được khoản tiền lớn chỉ từ nghệ thuật. Hãy coi chúng giống như khoản đầu tư bất động sản không thiết yếu. Đừng dựa vào đầu tư nghệ thuật để có thu nhập ổn định, và cũng đừng quên rằng bạn sẽ phải trả thuế cho chúng. Nhiều nhà đầu tư nghệ thuật đã lựa chọn cách để lại những tác phẩm hội họa làm tài sản thừa kế cho con cháu.

Một đặc điểm nổi bật của nghệ thuật là giá trị sẽ không tăng hoặc giảm theo thị trường chứng khoán. Ngay cả khi cổ phiếu của bạn xuống dốc thì khoản đầu tư nghệ thuật vẫn có thể mang lại hiệu quả tốt. Đây quả thực là một tin vui cho những nhà đầu tư muốn đa dạng hóa danh mục và giảm thiểu rủi ro.

Thế nhưng, con đường đầu tư này không chỉ trải đầy hoa hồng. Mỗi tác phẩm nghệ thuật là độc nhất vô nhị trên đời, và thị trường nghệ thuật cũng có những thăng trầm giống như bất kỳ thị trường nào khác. Bởi vì chúng ta không thể xác định được giá trị thực sự của một tác phẩm nghệ thuật — điều này phụ thuộc rất nhiều vào danh tiếng của nghệ sĩ và vào tình hình nền kinh tế nói chung — nên bạn phải lường trước một số rủi ro.

Điều quan trọng cần nhớ là nghệ thuật là một tài sản không có tính thanh khoản hoặc không có tính thanh khoản cao. Điều này có nghĩa là chúng rất khó để chuyển đổi thành tiền mặt ngay lập tức, khác với các tài sản thanh khoản như cổ phiếu, trái phiếu và tài khoản tiết kiệm vốn có thể tạo ra tiền mặt dễ dàng hơn. Các tài sản kém thanh khoản, như bất động sản và nghệ thuật, mất nhiều thời gian hơn để bán ngay cả khi chúng có giá trị tiền tệ lớn. Một điều nữa là những nhà đấu giá uy tín thường thu phí rất cao từ bạn.

Một nhà đầu tư nghệ thuật khôn ngoan cần biết cách kiểm soát tài sản của mình, đồng thời phải có trách nhiệm giữ cho tác phẩm nghệ thuật ở tình trạng tốt nhất, nghĩa là sát sao theo dõi các yếu tố như độ ẩm và ánh sáng mặt trời. Nếu bạn quyết định trưng bày chúng, bạn sẽ cần đảm bảo tác phẩm sẽ duy trì được chất lượng ban đầu. Còn nếu bạn bí mật cất giữ thì chi phí cũng không thấp, thêm vào đó là tiền bảo hiểm và chứng chỉ xác thực.

NHỮNG LƯU Ý KHI ĐẦU TƯ VÀO NGHỆ THUẬT

Hãy bắt đầu bằng cách quyết định ngân sách. Đây phải là một con số mà bạn có thể chi trả trong trường hợp tác phẩm nghệ thuật bị mất giá. Sau đó, cố gắng tìm hiểu càng nhiều về thế giới nghệ thuật càng tốt. Hãy chăm chỉ ghé thăm các phòng trưng bày địa phương để xem qua những gì họ đang có; trò chuyện cùng với người phụ trách bởi vì họ thường sẽ sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi nào của bạn.

Nếu bạn sống gần một thành phố, có thể bạn đang có cơ hội tuyệt vời để tham dự những buổi khai mạc phòng trưng bày và hội chợ nghệ thuật. Ngoài ra, bạn còn có thể dạo một vòng các trang web như Artnet và các nhà đấu giá trực tuyến như Sotheby’s để hiểu cách thị trường nghệ thuật vận hành.

Chúng ta có thể tự mình mua tác phẩm nghệ thuật hoặc mua cổ phần tác phẩm nghệ thuật thông qua thị trường trực tuyến. Vì đây là thời đại 4.0 nên rất nhiều tác phẩm nghệ thuật cao cấp được bán trực tuyến. Tuy nhiên, trước khi mua qua Internet, hãy đảm bảo rằng mình đang giao dịch từ một phòng trưng bày, đại lý hoặc công ty đầu tư hợp pháp và uy tín.

Hầu hết các nhà đầu tư nghệ thuật đều bắt đầu với tư cách là nhà sưu tập. Thế nhưng, bạn cũng không cần phải là một nhà sưu tập để bắt đầu đầu tư vào nghệ thuật. Tuy nhiên, kiến thức về thế giới nghệ thuật - hoặc nhận được tư vấn từ một người sành về nghệ thuật - chính là chìa khóa dẫn đến thành công.

Khi đã xuất hiện một tác phẩm hoặc nghệ sĩ lọt vào “mắt xanh” của bạn, hãy bắt đầu thu hẹp phạm vi nghiên cứu để xem giá của một tác phẩm nghệ thuật cụ thể là bao nhiêu. Bạn nên tự đặt ra những câu hỏi sau:

• Các tác phẩm của họ có được đưa vào bất kỳ viện bảo tàng hoặc bộ sưu tập nổi tiếng nào không?

• Họ đã giành được giải thưởng hoặc được giới nghệ thuật công nhận tài năng chưa?

Ngoài ra, ứng dụng Magnus cung cấp thông tin giá cả cập nhật cho các nhà đầu tư tiềm năng – chỉ cần chụp ảnh tác phẩm nghệ thuật và họ sẽ cho bạn biết chi tiết. Bước tiếp theo của bạn là đưa tác phẩm nghệ thuật đến chỗ một thẩm định viên chuyên nghiệp để xác định chất lượng của nó.

Dưới đây là những tác phẩm nghệ thuật mà nhà đầu tư nên ưu tiên lựa chọn:

• Tác phẩm gốc hoặc tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị thường có giá cao nhất nhưng tiềm năng thu được cũng lớn nhất.

• Bản in hoặc bản sao có giá cả phải chăng hơn nhưng ít có khả năng thu được lợi nhuận hơn. Bản in chất lượng tốt nhất được gọi là giclée (zhee-klay). Nó giống với tác phẩm gốc hơn các bản in khác và dĩ nhiên cũng đắt hơn.

Bản in hiếm sẽ có giá trị hơn. Một bản in từ một số lượng nhỏ các phiên bản giới hạn sẽ có giá trị hơn một bản in có nhiều bản sao trôi nổi.

• Các bản sao là bản sao được sản xuất hàng loạt mà không có giới hạn. Chúng là lựa chọn hợp vừa túi tiền nhưng cũng có giá trị thấp nhất, gần như không thể sinh lời.

• Với những khoản đầu tư đắt tiền, bạn nên chi thêm để được thẩm định.

Với con mắt nghệ thuật am tường và tinh thần phóng khoáng sẵn sàng chấp nhận rủi ro, các nhà đầu tư có thể thấy đầu tư nghệ thuật là một hạng mục vô cùng thú vị. Độc đáo và có chút gì đó mơ mộng, khoản đầu tư này sẽ là điểm nhấn độc đáo trong danh mục phong phú mà bạn đang sở hữu, đồng thời góp phần mở ra một hướng đi mới cho giới nghệ thuật trong tương lai.

This article is from: