2 minute read
I.4 San đắp nền, tiêu thủy
from SMAC Review | Quy chuẩn xây dựng Vol.13 - Chủ đề: Quy hoạch xây dựng khu dân cư nông thôn
by PMC WEB
I.4.1. San nền
Quy hoạch san đắp nền khu dân cư phải đảm bảo các yêu cầu sau: • Nền các công trình phải cao hơn mực nước lũ thường xuyên xảy ra, đặc biệt đối với các công trình quan trọng: nhà kho, (nhất là các kho chứa phân hóa học, thuốc trừ sâu, thóc giống), trường học, nhà trẻ, trạm y tế, nghĩa trang. Đối với đồng bằng sông cửu Long, nơi chung sống với lũ hàng năm, cần tôn nền để không úng ngập các công trình quan trọng nêu trên. • Nước mưa thoát nhanh và không gây xói lở nền đường, nền công trình. • Giao thông, đi lại thuận tiện, an toàn. • Tận dụng tối đa địa hình tự nhiên, hạn chế tối đa khối lượng đất san, đắp. • Bảo vệ tối đa cây lưu niên, lớp đất mầu.
I.4.2. Thoát nước mưa, nước lũ
Quy hoạch thoát nước mưa, nước lũ cần kết hợp với các yêu cầu khác: • Đối với sông suối chảy qua khu vực dân cư cần cải tạo, gia cố bờ, xây bến làm nơi tắm giặt bơi lội. • Đối với điểm dân cư trong vùng thấp, hàng năm đều bị úng ngập phải nghiên cứu toàn diện quy hoạch đào kênh, mương, đắp nền với quy hoạch đường giao thông thủy, bộ và nuôi trồng thủy sản.
Ghi chú: 1. Không san đắp nền khi chưa xác định được vị trí xây dựng công trình và chưa có quy hoạch thoát nước mưa. 2. Chỉ nên san đắp nền cho phần đất xây dựng công trình (nhà ở, nhà công cộng, nhà sản xuất, đường giao thông).
Phần đất còn lại nên giữ nguyên địa hình tự nhiên. Cao độ thiết kế được xác định tùy tính chất công trình. 3. Hệ thống thoát nước nên chọn hệ thống hở: sử dụng hệ thống mương hở, gia cố bằng vật liệu địa phương (gạch, đá). 4. Đối với khu dân cư nằm bên sườn đồi, núi phải thiết kế các mương đón, hướng dòng chảy trên đỉnh đồi, núi xuống không tràn qua khu dân cư.