Nắm lấy khó khăn: Bí mật bất ngờ của hạnh phúc Rio Lam / August 5, 2015 Tác giả: Emma Seppälä – Tiến sĩ Tâm lý học, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Lòng thương và Vị tha tại Đại học Stanford. Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng Nghiên cứu cho thấy chúng ta có nhiều trải nghiệm tích cực hơn trải nghiệm tiêu cực, nhưng nghiên cứu cũng cho thấy bộ não của chúng ta có xu hướng tập trung vào những khía cạnh tiêu cực của cuộc sống. Chúng ta coi nhẹ những điều tốt đẹp và thổi phồng lên những vấn đề. Vì thế mà chúng ta có xu hướng rơi vào những phiền toái và những mối quan tâm vụn vặt trong cuộc sống, mặc cho chúng định đoạt hạnh phúc của mình. Những cựu chiến binh trở về từ những trải nghiệm khủng khiếp của chiến tranh mà tôi làm việc với gọi những vấn đề của chúng ta là “những vấn đề của thế giới thứ nhất” [First World Problems] (ví dụ như xe không nổ máy, đồng nghiệp khó chịu, hay trời đang mưa). Hệ quả là mức độ căng thẳng của chúng ta tăng cao và chúng ta không được hạnh phúc như chúng ta nên được hạnh phúc. Làm thế nào chúng ta có thể tận dụng những món quà của cuộc sống thay vì để cho những trải nghiệm tiêu cực làm lu mờ hạnh phúc? Bằng cách nắm lấy chứ không phải là kháng cự lại những thách thức. Hãy đối mặt với nó: thế giới được tạo nên từ cả cái tốt và cái xấu: những vị thánh và những kẻ giết người cùng tồn tại, cơn sóng thần hung dữ xảy ra trên chính những bãi biển nhiệt đới trong những kỳ nghỉ mơ ước, cuộc
chiến tàn bạo đang tiếp diễn ở Afghanistan trong khi mua sắm vẫn nhộn nhịp trên các con phố của Istanbul, người nghèo suy dinh dưỡng ở Ấn Độ nhưng béo phì ở Mỹ, phụ nữ mại dâm và bị bán ở Nepal nhưng chiếm tỉ lệ cao hơn trong các sinh viên tốt nghiệp từ Harvard và Yale, và trong khi bà, cô dì chú bác, anh chị em, con cái và cháu chắt cùng sống nghèo khổ bên nhau trong một căn hộ ở Mexio thì nhiều người thiếu vắng tình cảm, cô đơn, và bị cô lập trong những căn biệt thự đắt tiền ở Mỹ… Những gì mang lại cho chúng ta niềm vui lớn nhất cũng mang lại nỗi đau lớn nhất. Những ai phải chịu tổn thương ghê gớm nhất cũng là những người có thể chữa lành tốt nhất cho những ai đang trải qua những điều tương tự… Ngày càng có nhiều nghiên cứu dựa trên Phương pháp tiếp nhận và cam kết [ACT] và Phương pháp lưu tâm [Mindfulness] chỉ ra rằng việc nắm lấy – chứ không phải kháng cự – những tình huống khó khăn (ví dụ như đau ốm hay lệ thuộc do bệnh tật) làm tăng hạnh phúc. Chúng ta có thể chọn hoặc để mặc cho những trải nghiệm tiêu cực mà chúng ta phải đối mặt nhấn chìm chúng ta, hoặc nắm lấy chúng và từ đó vượt lên trên.
Lantern and glass wall by Hai Những thách thức vốn có thể là khó chịu cũng có khả năng cho chúng ta một cơ hội tuyệt vời để học tập. Thường thì khi đánh mất điều gì rồi chúng ta mới bắt đầu trân trọng nó: Chúng ta trân trọng sức khỏe khi bị cảm lạnh, chúng ta trân trọng sự hiện diện của bạn bè, người thân và gia đình khi chúng ta nhớ họ bởi họ đã đi xa, chúng ta trân trọng những dòng nước sạch, những con đường trải nhựa, và những con phố an toàn sau khi đến thăm một đất nước không có những điều đó. Những tình huống tăm tối nhất có thể
mang lại những cơ hội lớn nhất cho sự tử tế. Nếu như người đưa thư trông không mệt mỏi đến thế thì chúng ta sẽ không có cơ hội để hỏi thăm sức khỏe của cô, nhắc cô bảo trọng và chúc cô một ngày tốt lành, nếu người bạn đời không cáu giận với chúng ta thì chúng ta sẽ không được học cách tha thứ cho họ hoặc tự đứng lên để bảo vệ chính mình và nói [giận giữ] như thế là không được, và nếu chúng ta không có quá nhiều thứ để làm mà thời gian lại thật ít ỏi thì chúng ta sẽ không có động lực để tu dưỡng sự cân bằng và thanh thản trong tâm hồn. Nếu động đất không xảy ra thì chúng ta sẽ không có cơ hội để thể hiện lòng trắc ẩn và quyên góp những đồng tiền mà đáng ra chúng ta đã phung phí vào một đôi giày xếp xó sau tủ quần áo. Câu ngạn ngữ Trung Quốc “cật khổ thị phúc” [吃苦 是福] (chịu khổ là phúc) nhấn mạnh ý tưởng rằng trong đau khổ cũng có cơ hội cho sự khôn ngoan và trưởng thành. Sự trưởng thành sau tổn thương là trải nghiệm về ý nghĩa sâu sắc hơn có thể xảy đến như một hệ quả của sự tổn thương. Nhiều người trong số những cựu chiến binh mà tôi làm việc với có mức độ khôn ngoan và cam kết phụng sự hơn hẳn những người chưa từng trải qua nỗi đau và thảm kịch mà họ phải chịu đựng. Dù không thể kiểm soát những tình huống mà cuộc sống đem lại, chúng ta vẫn có thể lựa chọn cách phản ứng lại chúng. Trong hành trình “truy cầu hạnh phúc” nói riêng, chúng ta có thể chọn để cho các sự kiện tiêu cực nhấn chìm mình xuống. Hoặc bằng quan niệm nền tảng rằng cuộc sống được đặc trưng bởi những sự tương phản, chúng ta có thể bắt đầu
học cách biết ơn và trưởng thành tới một mức độ hạnh phúc, triển vọng, và khôn ngoan cao hơn. Nguồn: Embracing Hardship, a Surprising Secret to Happiness,” Psychology Today, 29/06/2015