Cộng đồng người dân với các mô hình hướng đến thích ứng và giảm thiểu BĐKH Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một rõ ràng hơn, bên cạnh đó là việc xuất hiện ngày càng nhiều những hiện tượng thời tiết cực đoan. Việt Nam là quốc gia được dự báo sẽ chịu tác động không nhỏ do BĐKH gây ra. Trong khi đó, hoạt động nông nghiệp ở nước ta hiện nay cũng thải ra môi trường một lượng khí nhà kính không nhỏ. Điều này càng làm tăng thêm tính bức thiết hơn trong việc tìm ra những biện pháp giúp giảm thiểu và thích ứng với BĐKH. Giải pháp bền vững hướng đến thích ứng và giảm thiểu BĐKH. Với sự tài trợ của Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NAV) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD) đã thực hiện dự án “Năng lượng tái tạo - Giảm thiểu BĐKH” và “Thích ứng BĐKH – Giảm thiểu rủi ro thiên tai”. Dự án với 6 mô hình như bình nước nóng NLMT, hầm khí biogas, phân vi sinh, chuồng lợn vượt lũ, rau trên giàn và bếp lò cải tiến được thực hiện trên địa bàn 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Trị, được thực hiện từ tháng 912/2013 với tổng kinh phí hỗ trợ lên đến gần 1 tỷ 400 triệu đồng. Bên cạnh việc thực hiện các mô hình dự án còn có hơn 25 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật và phổ biến kiến thức liên quan tới BĐKH cho hơn 700 người dân. Bước đầu người dân đã được cung cấp những kiến thức cơ bản về BĐKH và đưa ra những biện pháp có thể thực hiện tại địa phương mình. Đối tượng mà dự án dự này hướng đến là những người nghèo, thiểu số và cộng đồng dễ bị tổ thương do BĐKH gây ra, ngoài ra cũng hướng đến các tổ chức tôn giáo với sức lan tỏa rộng trong cộng đồng. Thay đổi ở thực tại… Các mô hình dự án triển khai cũng đã đi vào hoạt động. Đến với cô nhi viện Ưu Đàm (Phú MỹPhú Vang-T.T.Huế) nơi đây là 1 trong 5 cơ sở được lắp đặt hệ thống bình nước nóng NLMT trong khuôn khổ dự án. Gặp gỡ sư cô Thích nữ Phước Thiện hiện đang là giám đốc điều hành của cô nhi viện chia sẻ: “Ở đây hiện đang nuôi gần 50 em, em nhỏ nhất là 2 tháng tuổi và em lớn nhất hiện đang là sinh viên đại học năm 3”.
Bình nước nóng NLMT sẽ giúp cô nhi viện Ưu Đàm tiết kiệm được nhiều chi phí trong sinh hoạt. Hệ thống bình nước nóng ở đây được lắp đặt với tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 16 triệu đồng và đã đi vào hoạt động. Việc lắp đặt hệ thống nước nóng ở các cơ sở nhà trẻ mẫu giáo, côi nhi viện sẽ giúp giảm thời gian trong việc nấu nướng do các sư cô ở đây dùng nước trong bình nước nóng để đun nấu, vào mùa mưa các em cũng có nước ấm để vệ sinh nên giảm được các bệnh ngoài da viêm nhiễm. Sư cô ở đây cũng cho biết thêm: “Nếu bỏ ra hơn 16 triệu đồng để lắp đặt hệ thống bình nước nóng NLMT cô nhi viện không đủ khả năng, nay được dự án hỗ trợ, cô cám ơn và thấy rất vui. Ngoài ra vì hoạt động bằng NLMT nên cũng giảm chi phí và góp phần bảo vệ môi trường”. các cộng đồng địa phương… Bên cạnh việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo dự án cũng đã hướng đến việc bảo vệ môi trường đó là việc xây dựng hầm khí biogas phục vụ cho việc đun nấu của người dân. Tổng kinh phí hỗ trợ là 6,4 triệu đồng cho mỗi hộ gia đình, các hộ gia đình sẽ góp thêm công đào, các vật dụng và chi phí phát sinh khác. Thể tích các hầm chứa có thể từ 6-9m3 tùy vào kinh phí từng hộ. Tiếp xúc với hộ gia đình ông Hồ Văn Dương (xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông), một trong những hộ gia đình đã bắt đầu sử dụng gas từ hầm để đun nấu, ông chia sẻ: “Nhờ dự án hỗ trợ mà nhà tôi đã có bếp ga để nấu, không phải đi hơn 5km để lấy củi nữa, để thời gian đó xay gạo, nấu rượu kiếm thêm tiền cho gia đình”.
Nhờ có khí gas từ hầm biogas ông Dương không còn phải đi xa để kiếm củi đốt. Hộ gia đình ông Dương hiện đang nuôi gần 25 con lợn, mỗi năm ông cho suất chuồng 3 lứa, mỗi lứa cũng cho lãi từ 4-5 triệu đồng. Bên cạnh nuôi lợn ông Dương còn nấu rượu và xay gạo đây là nguồn thu nhập chính của gia đình, nhờ có hầm khí biogas nên bây giờ mỗi tháng gia đình tăng thu nhập thêm 500.000đ. Ông cũng cho biết thêm: “Tôi dự định thả thêm vài con lợn nữa để lấy gas nấu rượu, vừa có thu nhập từ bán rượu lại phát triển chăn nuôi”. Việc sử dụng phân gia súc để làm khí gas dùng cho sinh hoạt đã hạn chế vấn đề ô nhiễm từ nguồn chất thải gia súc, phần nước thải ở hầm biogas có thể dùng làm nước tưới cho rau màu, giúp cây tăng trưởng và phát triển tốt. Ngoài 2 mô hình kể trên, các mô hình khác của dự án cũng đem lại những hiệu quả nhất định đối với người nông dân. Mô hình trồng rau trên giàn ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền ở tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã giúp các hộ gia đình ở vũng thấp trũng này đảm bảo kinh tế ngay cả trong mùa lũ. Gia đình ông Hoàng Nhơn (xã Quảng Thọ 1, huyện Quảng Điền, T.T.Huế), với diện tích đầu tư là 50m2, gia đình ông đang ươm 2 giống cây là ớt và cải.
Vườn rau trên giàn đã được ông Nhơn tiến hành ươm cây giống phục vụ cho vụ màu sắp tới. Ông cho biết: “Mô hình này giúp đảm bảo trồng được ngay cả trong mùa lũ, vào mùa hè thì có thể trồng ở trên giàn và trồng những loại cây ưa bóng như cây rau má ở phía dưới...”.Khi bị ngập lụt sẽ không thể trồng rau màu ở mặt đất trong khi đó rau trên giàn vẫn sẽ phát triển bình thường, ông Nhơn cũng chia sẻ thêm: “Nếu ngập lụt xảy ra, tôi có thể ươm giống bán cho các hộ gia đình khác, mỗi vụ như vậy thu nhập có thể thu từ 10-15 triệu đồng”. Mô hình rau trên giàn tỏ ra khá phù hợp cho tất cả các địa phương thấp trũng. …để hướng đến tương lai bền vững hơn. Các mô hình trong khuôn khổ dự án bước đầu đã có những hiệu ứng tích cực thông qua đó người dân có thể hình dung ra vấn đề bảo vệ môi trường là cấp thiết, nâng cao năng lực cho người dân trong việc ứng phó và gảm thiểu BĐKH. Bên cạnh đó dự án cũng hướng đến một tương lai không xa đó là sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, giảm thiểu BĐKH.