Tiếp cận và kiểm soát nguồn lực:
Những vi phạm nhân quyền của phụ nữ trong các cộng đồng tái định cư huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hoạt động chia sẻ, phổ biến quyền phụ nữ của 04 thôn ở khu tái định cư Bến Ván 1,2,3,4 và bản Phúc Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thủy điện được coi là nguồn năng lượng sạch và rẻ, tuy nhiên việc mất đi rừng nhiệt đới, đa dạng sinh học, suy giảm hệ sinh thái thủy sinh, xói lở bờ sông,… và hơn hết là ảnh hưởng đến đời sống sinh kế, văn hóa bản sắc của cộng đồng người dân tái định cư do thủy điện thì việc đầu tư phát triển thủy điện là cái giá không hề rẻ. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở Việt Nam được đáp ứng nhờ nguồn năng lượng từ thủy điện. Với chỉ riêng 2 tỉnh ở Miền Trung là Quảng Nam và Thừa Thiên Huế cùng với 2 tỉnh ở Tây Nguyên là Đak Nong và Kon Tum đã có hơn 150 nhà máy thủy điện lớn nhỏ. Dự án hồ chứa Tả Trạch, tỉnh Thừa Thiên Huế được khởi công năm 2004 đã khiến 3.978 người phải tái định cư ở khu vực huyện Phú Lộc, làm mất đi 3.908ha diện tích đất. Lời hứa bồi thường đất sau 10 năm tái định cư chỉ mới thực hiện được 50%, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, sinh kế chưa được đảm bảo, thiếu đất sản xuất, thiếu nước cho sinh hoạt là những vấn đề cấp thiết đang diễn ra. Nữ giới là đối tượng dễ bị tổn thương về nhiều mặt, trong khi đó vấn đề xâm hại Quyền Phụ nữ ở các khu tái định cư ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của phụ nữ nơi đây.
Những khó khăn mà phụ nữ tái định cư đang gặp phải: Điều kiện sống ở các khu tái định cư chưa đảm bảo về nhiều mặt, thiếu công ăn việc làm, thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt, y tế, …mà đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất là nữ giới. Họ phải bỏ thời gian và công sức lao động nhiều hơn nam giới trong khi những lợi ích tạo ra chưa được gia đình và xã hội ghi nhận. Bên cạnh đó, những người phụ nữ ở đây vẫn chưa nắm rõ Quyền phụ nữ và thường là đối tương của bạo lực gia đình. Thiếu tự tin trong giao tiếp, trình bày ý muốn bản thân và việc chiếm một tỷ lệ mù chữ không nhỏ là những bất lợi mà phụ nữ ở đây gặp phải. Việc hạn chế đóng góp ý kiến và tham gia bàn bạc, đưa ra quyết định trong gia đình hay ngoài xã hội ảnh hưởng rất nhiều đến lợi ích của phụ nữ. Họ thường tự ti về trình độ học vấn, sức khỏe và năng lực trong việc đảm nhận công việc ngoài xã hội. Ở những khu tái định cư này, giữ các chức vụ trong thôn, bản bao giờ cũng là nam giới. Các tổ chức xã hội về phụ nữ tại các cộng đồng tái đinh cư hoạt động chưa tốt, chưa giải quyết hiệu quả những xung đột về mặt lợi ích giữa phụ nữ và nam giới.
Hệ thống bơm thủy lực được đầu tư hàng tỷ đồng nhưng cũng chỉ để “bỏ hoang”.
Phụ nữ mong muốn được tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội.
Một số thông tin liên quan đến khu vực tái đinh cư huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế: - Bản Phúc Lộc, xã Xuân Lộc là một bản với đa số là đồng bào dân tộc thiểu số người Vân Kiều. Năm 2004, họ chuyển về khu tái định cư này. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề trồng ngô, sắn và làm thuê (bóc vỏ keo, tràm. - Khu tái định cư Bến Ván với 4 thôn tái định cư là Bến Ván 1,2,3,4. Người dân nơi đây tuy đã chuyển về định cư 10 năm nhưng số đất nhà nước hứa cấp đổi đến nay mới chỉ đạt 50%.
QUYỀN PHỤ NỮ VÀ BÌNH ĐẲNG GIỚI Chia sẻ liên quan đến Quyền phụ nữ và Bình đẳng Giới:
“Tham gia khóa tập huấn, tôi cũng hiểu rõ hơn về quyền của mình, việc tham gia bàn bạc trong gia đình người phụ nữ cũng nên có ý kiến,…” chị Hồ Thị Cương (bản Phúc Lộc, xã Xuân Lộc) chia sẻ thêm. “Chúng tôi đồng ý cho vợ mình tham gia các hoạt động xã hội để đảm bảo quyền lợi chính đáng nếu vợ mình thực sự có mong muốn và năng lực. Việc chồng chia sẻ vợ trong công việc gia đình cũng là điều nên làm, tuy nhiên không phải nói là thay đổi được liền mà cần có thời gian” – ông Hồ Đức Lê (thôn Bến Ván 2).
Sơ đồ tổng hợp số lượng nam, nữ giới tham gia các buổi chia sẻ tại huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế (Tháng 9/2014).
Phụ nữ và nam giới cùng nhau thảo luận, chia sẻ và đóng góp ý kiến cho bài thảo luận nhóm. (thôn Bến Ván 2, 23/09/2014)
Kết quả chung: Đối với các trưởng thôn: Theo sự thống nhất và thỏa thuận giữa người dân (phụ nữ và nam giới)- Trưởng thôn – Dự án, các trưởng thôn đã cam kết và nhất trí với việc sẽ đảm bảo một tỷ lệ nữ giới tham gia nhất định trong các cuộc họp thôn, cùng tham gia thảo luận, bàn bạc và ra quyết định trong những trường hợp cần có ý kiến của người dân trong thôn, xóm. Đối với các chị phụ nữ: Trước đây việc không tham gia được vào các buổi họp thôn với lý do là sau một ngày lao động, buổi tối là thời gian dọn dẹp nhà của, nghĩ ngơi, chăm sóc con cái,…nên các chị phụ nữ thường không tham gia mà “đẩy” trách nhiệm đó sang nam giới, cộng với suy nghĩ họp hành là việc của đàn ông, đàn bà chỉ nên giỏi bếp núc và việc nhà,…(theo ý kiến của số đông các chị phụ nữ). Tuy nhiên, với những quyền lợi và nghĩa vụ đã được phổ biến, các chị đã nhất trí tham gia nếu được mời đi.
Những mong muốn của người dân khu tái định cư (bao gồm cả nam và nữ): Cấp đất sản xuất sau tái định cư, hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi sinh kế (đặc biệt là nữ giới), cung cấp con giống và vốn vay cho sản xuất chăn nuôi. Đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng trường học cấp 3 để con em có thể hoàn thành bậc học phổ thông. Đầu tư thiết bị y tế, cơ sở chăm sóc, khám chữa bệnh cho người dân khu vực tái định cư. Khắc phục vệ sinh môi trường, cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất. Có nhiều hơn các khóa tập huấn cho cả nam và nữ giới trong việc nâng cao nhận thức cho người dân về Quyền Phụ nữ, Bình đẳng Giới. Cần có ban hòa giải tại địa phương để giải quyết các vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình, vi phạm Quyền Phụ nữ và Bình đăng Giới.
Trung tâm nghiên cứu Phát triển Xã hội (CSRD) 2/33 Nguyền Trường Tộ, thành phố Huế. ĐT: 054.3837714 – www.csrd.vn
Diễn đàn Phụ nữ châu Á, Thái Bình Dương, Luật pháp và Phát triển (APWLD), Chiang Mai, Thái Lan www.apwld.org