THỦY ĐIỆN MIỀN TRUNG: LỢI BẤT CẬP HẠI Trong khoảng 2 thập niên trở lại đây ở khu vực miền Trung, đặc biệt là từ các tỉnh Quảng Bình đến Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên đã hình thành và phát triển nhiều dự án thủy điện có quy mô, công suất khác nhau trên các hệ thống sông, suối. Với sự phát triển nhanh về mật độ thủy điện miền Trung đang dần bộc lộ nhiều vấn đề liên quan đến môi trường và xã hội, đôi khi còn xuất hiện những sự cố về mặt kỹ thuật gây nhiều hậu quả xấu cho sự phát triển bền vững thủy điện trong khu vực. Thủy điện đã góp một phần đáng kể vào năng lượng quốc gia, khoảng 35%-40% tổng năng lượng cả nước và con số này được kỳ vọng sẽ tăng lên 60% vào năm 2015. Tuy nhiên, năm 2010 do tình hình hạn hán kéo dài tỷ lệ chỉ còn 19%. Năm 2013 nhiều hồ thủy điện còn rơi vào tình trạng thiếu hụt nước nghiêm trọng, gây khó khăn cho các ngành dùng khác, điều này càng thấy rõ ở miền Trung. Thủy điện ngày càng thiếu ổn định về công suất phát điện do tác động của biến đổi khí hậu với nhiều diễn biến bất ổn về thời tiết. Theo Báo cáo kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành các dự án thủy điện trên cả nước năm 2013 của Bộ Công thương đã cho rà soát lại 1.237 dự án thủy điện kết quả là 338 dự án bị loại và 169 dự án chưa được nhà đầu tư quan tâm so với phê duyệt chiếm một tỷ lệ khá cao (trên 40%). Vấn đề này cho thấy việc phê duyệt trước đó thiếu những phân tích kỹ lưỡng về mặt kinh tế, xã hội và môi trường, đặc biệt ở các dự án thủy điện nhỏ và vừa, chủ yếu tập trung ở miền Trung Việt Nam. Đã có rất nhiều các văn bản pháp lý liên quan đến việc xây dựng và phát triển thủy điện Việt Nam, thông qua các luật và nghị định về việc xây dựng thủy điện, tuy nhiên khi một công trình thủy điện tiến hành xây dựng thì đa phần những quy định này đã không được xem xét một cách chính xác và khoa học nhất. Quảng Nam: Thủy điện, vấn đề và thách thức Nhiều vấn đề như cuộc sống sau tái định cư của người dân, các dự án bảo vệ và trồng lại rừng, điều tiết nước của hồ chứa,…hầu như chưa được quan tâm đúng mức ở các công trình thủy điện của Quảng Nam với 44 dự án thủy điện có công suất phát khác nhau. Đối với các chương trình tái định cư (TĐC) thủy điện cũng đang đặt ra nhiều vấn đề và cần được giải quyết một cách thấu đáo. Nhiều người dân không quen với nơi ở mới, quá trình tái định cư vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc đền bù, phân bố đất sản xuất vẫn chưa hợp lý. Người dân không muốn xây dựng các đập thủy điện ở đây vì tương lai và cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cuộc sống tái định cư do thủy điện Đak Mi 4Quảng Nam của hơn 40 hộ người dân tộc là hết sức khó khăn. Thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, thu nhập thấp (dưới 500.000đ/tháng). Người dân “cố gắng” thích nghi bằng việc chặt phá rừng làm rẫy và việc làm này được coi là “bất đắc dĩ”, nếu được cấp đất sản xuất thì phải đi gần…1 ngày mới tới nơi và loại đất này chứa đá nhiều hơn đất, khiến bà con không thể nào canh tác được. Một người dân cho biết: “Nếu biết trước khó khăn về đời sống thế này từ nhà cửa, đến cái ăn thì bà con sẽ không di chuyển đến khu tái định cư”. Bên cạnh việc cung cấp năng lượng cho quốc gia thủy điện còn đóng một vai trò quan trọng trong việc điều tiết nước, tuy nhiên điều đáng nói ở đây là hiện tại quy trình vận hành hồ chứa chỉ tập trung cách điều tiết nước vào mùa lũ mà chưa đề cập đến cách điều tiết nước vào mùa khô gây ra tình trạng khô hạn không có nước cho sản xuất nông nghiệp, xâm nhập mặn sâu vào đất liền và để hạn chế thì cần…xây dựng thêm đập ngăn mặn. Việc xả nước không được tính toán kỹ lưỡng và khoa học, thông báo chỉ trước đó 34 ngày, xả nước bất thường theo kiểu “thích lúc nào là làm lúc đó” và mọi thứ của người
dân sống dưới vùng hạ lưu đều trôi ra “biển Đông”. Người dân ở đây cho biết thêm: “Năm 2009, mưa lũ cộng với việc thủy điện xã bất ngờ, nước ngập cao tới gần mái nhà, người dân chúng tôi khổ lắm”. Việc thực hiện giám sát bảo tồn đa dạng sinh học là chưa bao giờ và khó thực hiện được. Môi trường sau các công trình thủy điện đang là vấn đề đáng quan tâm bởi tính pháp lý và trách nhiệm là chưa cao. Đặt biệt là công tác bảo về và tái tạo rừng chưa được quan tâm đúng mức, nhiều loại động thực vật bây giờ có lẻ bà con ở nơi đây sẽ không còn được thấy nữa. Sự tham gia của cộng đồng trong quá trình quy hoạch, phê duyệt, triển khai dư án nói chung cũng như công tác đánh giá tác động môi trường còn rất mờ nhạt. Những gì đến với người dân là đã xảy ra rồi và họ chỉ còn biết “cắn răng mà chịu”, kêu ai cũng chẳng thấu. “thủy điện làm chúng tôi chết khô cũng có mà chết nước cũng có”-một người dân chua xót chia sẻ. Quảng Bình: Khả năng loại bỏ 5/6 dự án thủy điện đã phê duyệt. Kết quả rà soát thủy điện của Bộ Công thương, khả năng có thể loại bỏ 5/6 dự án nằm trong quy hoạch trên sông Long Đại với tổng công suất là 32,9MW (dự án thủy điện trên sông Long Đại bao gồm 6 đập thủy điện khác nhau), vì các dự án không phù hợp với địa phương. Các đánh giá tác động của Quy hoạch thủy điện ở Quảng Bình trong đánh giá tác động môi trường, các đánh giá về rừng đều chỉ ra là diện tích rừng bị mất là không đáng kể trong khi thực tế là rất lớn, hầu hết là rừng phòng hộ đầu nguồn. Do đó, quan điểm của ông Xơn (Chi cục Thủy lợi và Phòng chống bão lũ tỉnh Quảng Bình) là nên hạn chế phát triển thủy điện. Nhận thức về vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, hậu quả của việc phá rừng làm thủy điện, hiệu quả đầu tư không xứng đáng, cuộc sống khó khăn của người dân tái định cư. Ngoài ra, khả năng lâm tặc lợi dụng hồ chứa vận chuyển gỗ lậu là rất cao, tình trạng này đã từng diễn ra trước đây. Vì vậy, quan điểm chung của Tỉnh là không ủng hộ phát triển thủy điện. Quảng Bình có 20 dự án thủy điện và nếu các dự án được triển khai ở đây thì vấn đề làm mất nơi cư trú, nguồn sinh sống của các cộng đồng ven sông và làm ngập nhiều vùng đấy thấp, vùng tương đối bằng phẳng sẽ rất cao.Vấn đề tái định cư và ổn định sinh kế-sản xuất là vấn nạn lớn và không dễ dàng giải quyết.. Nhiều vấn đề được đưa ra khi xây dựng thủy điện nhưng người dân hầu hết đều “mù mờ”, không biết và không thể xác định được quyền lợi hay những vấn đề khó khăn xoay quanh việc tái định cư bởi họ chưa hề có những thông tin chính xác và cũng không ai nói cho họ biết. Người dân không biết cán bộ có trách nhiệm cũng làm “ngơ” cho qua, hậu quả là người dân phải tự mình gánh chịu. Có quá nhiều thứ thay đổi nhưng đa phần là theo chiều hướng xấu, tác hại là không thể ngờ hết, bao giờ thì con sông lại chảy tự nhiên và bao giờ thì người dân ở đây lại thấy màu xanh của dòng sông đã gắn bó với họ từ ngàn đời nay. Thủy điện có thể đem lại một số lợi nhuận từ nguồn sản xuất điện và đóng góp vào ngân sách địa phương với những khoảng đầu tư khổng lồ, nhưng nếu xem xét các tác động tiêu cực về lâu dài thì thiệt hại do mất rừng, ảnh hưởng đối với dòng chảy phía hạ lưu và sinh kế của người dân thì dường như phần mất mát là cao hơn phần lợi nhuận từ tài chính. Đối với nhà quản lý về môi trường đặc biệt là ở miền Trung, thủy điện không nên là lựa chọn ưu tiên phát triển.