Hungvuong2016 complete (1) (1)

Page 1

Nguyên Nguyên

THỬ ĐỌC LẠI TRUYỀN THUYẾT HÙNG VƯƠNG

In Search of the Origins of the Vietnamese

eBook Version 2016


Thử Đọc Lại Truyền Thuyết Hùng Vương (In Search of the Origins of the Vietnamese) Nguyên Nguyên

eBook Version Text Illustration Drawing – Copyright © 2016 by V. Nguyen

All Rights Reserved.


Giới Thiệu eBook Không ngờ kỹ thuật internet tiến rất nhanh. Lúc viết xong và trình bày quyển sách này vào khoảng 2008-2009 dưới khổ A5 (148 x 210) cho tiện việc in ấn (theo đề nghị một ông chủ nhà in), chúng tôi theo kiểu thủ công nghệ rút khổ từ A4 (210-297) xuống A5, từng trang một. Việc làm rất tốn thì giờ và lại gây ra nhiều bất tiện, nhất là các hình vẽ phụ họa bị nhỏ bớt đọc không được nếu đem ra in. Khoảng thời gian cuối thập niên 2000-2010 cũng là thời gian Internet bắt đầu thay thế vai trò in ấn, thông tin, truyền thông, mua bán, liên lạc, phổ biến và trao đổi kiến thức, v.v.. Quyển sách nay được phục hồi theo khổ A4 trở lại và đưa trình bày theo dạng eBook. Nhìn lại, luận đề cốt lõi của quyển sách vẫn cần được giữ nguyên. Một số phương pháp về chứng liệu nếu viết lại có thể phải thay đổi, nhất là về chứng minh ngôn ngữ. Theo đó, mặc dù quyển sách có lập đi lập lại nhiều lần về quan trọng của tiền đề nhưng cho đến gần đây câu chuyện tiền đề vẫn là một chuyện hết sức khó khăn trên thực tế. Bởi nếu muốn thay thế tiền đề xưa thì phải thay thế bằng cái gì đây. Lấy thí dụ cụ thể, trong vài bài đầu quyển sách nêu nghi vấn về các tên gọi như Hùng Vương, Văn Lang, Lạc Long Quân đều mang gốc tiếng Hán. Như vậy tiền đề xử dụng chính là “tiếng Hán” khác “tiếng Việt”, hoặc đấy là tên gọi của người nước khác, hoặc không có giao tác gì giữa các dân tộc khác nhau cách đây 34 nghìn năm, v.v. Nhũng thứ tiền đề này đều có thể nhanh chóng dẫn lập luận vào ngõ bí hoặc đi vòng vòng. Một lí thuyết đang tạo dựng gần đây cho biết rất có thể: (a) ngôn ngữ hình thành không nhất thiết phải qua dạng có chữ viết; (b) có sự giao tác mật thiết giữa những người tiền sử mà ngày nay thuộc nhiều “chủng tộc” khác nhau, có tiếng nói khác nhau; (c) Bởi ngôn ngữ phát xuất từ âm trước nên những chữ như Văn Lang không phải là gốc “tiếng Hán” nhưng dược ghi âm bằng chữ viết của Hán tự. Theo lí thuyết này, Văn Lang mang nghĩa trăng sáng, và trong tiếng Việt cổ bộ văn có nghĩa mặt trăng, rất giống buwan (trăng), tiếng Tagalog (Phi-líp-pin). Hai chữ bộ văn hoàn toàn là sáng tác của quốc ngữ, ghi theo kiểu “Hán-Việt”, và thật sự rất khó định ra âm của thời chưa có quốc ngữ ra sao. Những tiền đề khác đang được nghi vấn có thể bao gồm (i) phân biệt giữa tiếng Nôm và tiếng “Hán Việt”; (ii) tác động và biến đổi do chữ quốc ngữ tạo dựng theo kiểu kí âm của tiếng Bồ Đào Nha (Portuguese) rồi sau cùng mang ảnh hưởng tiếng Pháp (đầu thế kỉ 19); (iii) hệ thống cơ bản của số đếm; v.v. Như vậy trình bày quyển sách này theo dạng eBook thật ra gần như 99.9% là bản có vào năm 2009. Chỉ có thay đổi về trình bày theo khổ A4 và điền vào chỗ trống cho một số bảng liệt kê đối chiếu dữ kiện. Ngày đầu năm 2016 NN


LỜI MỞ ĐẦU Công việc viết nên loạt bài về truyền thuyết Hùng Vương, để rồi hợp chung lại thành một quyển sách toàn là những chuyện mang tính cách tình cờ. Thoạt đầu đề tài viết dự tính nằm trong việc thu thập những quốc hiệu nước Việt đã có từ thời Hồng Bàng cho đến tên Việt Nam hiện nay. Đến lúc viết được đến bài thứ 2, rồi thứ 3, mãi cho đến thứ 7, thứ 8, thật sự chúng tôi đã nghĩ có thể chỉ đến bài thứ 10 là phải chấm dứt, bởi lúc ban đầu chỉ dự kiến chừng ấy đề mục mà thôi. Nhưng ở một mặt khác, nhiều đề tài dự tính chỉ cần một bài, lại tự nhiên lan rộng đến hai, đến ba. Từ đó lan man đến bài 17 và 18, với bài cuối bắt buộc chia làm 9 phần để giữ vững con số 18, biểu hiệu cho 18 đời Hùng Vương. Và công việc thử giải mã một truyền thuyết quan trọng vào hàng đầu này, đã tốn trọn hai năm trời mới có thể hoàn tất. Nếu viết quyển sách này theo kiểu các tiền bối ở thế kỷ trước, tức viết bản thảo một loạt bằng tay hay bằng máy đánh chữ, chắc chắn chúng tôi đã phải bỏ cuộc từ lâu. Thêm vào đó nếu không có phương tiện tra cứu internet, có lẽ nếu thực hiện được chừng 1 phần 10 số trang của sách, cũng có thể được coi là đã kiên nhẫn lắm rồi. Quyển sách này có lẽ cũng là một quyển sách nghiên cứu hỗn hợp xuyên qua dữ kiện thuộc nhiều bộ môn khác nhau - trong đó đáng kể nhất: lịch sử, văn hoá và ngôn ngữ - nhưng tập trung vào một đề tài chính và duy nhất, về nguồn gốc của tộc người Việt Nam. Dựa trên những lý luận của nền tảng khoa học. Nhiều tài liệu và dữ kiện, kể cả một vài quyển sách dẫn cũng như những trang mạng, dùng trong loạt bài chỉ xuất hiện sau năm 2000 mà thôi. Tuy nhiên, bởi loạt bài được thực hiện theo kiểu ‘vừa học vừa viết’, nhiều bài mang chi tiết lập đi lập lại và đan xen lẫn nhau. Cũng bởi lý do này, chúng tôi không bao giờ nghĩ có khả năng viết lại, theo thứ tự lô-gích hay một thứ tự nào khác, trước khi cho in thành sách. Điểm đặc biệt cần nhấn mạnh là loạt bài đã đặt ra một số câu hỏi đối với một số tiền đề khá xưa cũ vẫn thường xuyên được xử dụng từ trước đến nay, ở phương Tây cũng như ở phương Đông. Quan trọng nhất chính là vấn đề ngôn ngữ và chủng tộc ở mỗi một quốc-gia, từ xưa đến giờ thường xem như những ‘đại lượng’ thuần nhất, và ít thay đổi. Ở Trung Hoa từ lúc nhà Hán nhất thống được hai miền Hoa Bắc và Hoa Nam (thế kỷ 3 TCN), và ở nước Việt xưa vào khoảng Ngô Quyền giành lại độc lập thực thụ từ Bắc phương (939-965), hoặc trước đó, đánh dấu bằng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (40), hay của Lý Bôn tức Lý Nam Đế (544-548). Phương pháp làm việc của các học giả Tây Phương từ trước đến nay, vẫn thường dựa trên những tiền đề theo kiểu ‘thuần nhất’ ở trên. Từ đó, các công trình nghiên cứu ưa mang khuynh hướng truy tầm gốc ngọn và luôn dính líu đến những cuộc di dân, thường to tát, của i


cả một khối dân tộc từ miền này đến miền kia. Và chúng tôi đã tạm gọi đó là mô hình theo kiểu Cây-và-Cành. Mô hình của việc giải mã truyền thuyết Hùng Vương ở đây lại khác. Nó dựa vào một quan sát rất thông thường và thực tiễn: Hai cây đứng cạnh bên nhau trong một khu vườn có thể do những chất bổ dưỡng giống nhau, nhưng phân lượng tức số phần trăm của từng chất một do rễ cây thu hút từ lòng đất hoàn toàn và luôn luôn khác nhau. Giống như tiếng nói của hai hoặc nhiều dân tộc láng giềng, theo sắp xếp địa lý, có một số từ vựng và cấu trúc giống nhau, và một phần lớn hơn lại khác nhau. Nhưng rất có thể không có vấn đề vay mượn, nhất là trong một quá khứ xa xưa. Chỉ có đóng góp khác nhau của mỗi thành phần sắc tộc đóng góp ở mỗi dân tộc láng giềng với nhau. Mô hình này được tạm gọi là mô hình theo kiểu Cây-và-Đất. Điểm chính yếu của lý thuyết trình bày trong quyển sách này do đó bao gồm một luận cứ cho rằng tiếng Việt là một hỗn hợp lâu dài của nhiều tộc người khác nhau, với hạ tầng cơ bản là Môn-Khmer phối hợp với Thái-cổ (thành phần chủ lực của tiếng Mường) cộng với khối Đa-Đảo. Chồng chất và đan xen với lớp hạ tầng cơ bản đó là các thứ tiếng xuất phát từ khối Bách Việt xưa ở miền Hoa Nam, từ Vân Nam (Điền Việt) trải qua Quảng Tây, Quảng Đông (Tây và Đông Việt) cho đến tận Chiết Giang (Ngô), Phúc Kiến - Triều Châu (Mân Việt), và Hải Nam, v.v. Và hỗ trợ bằng hai nhóm từ miền cực Bắc nước Tàu, thời Xuân Thu thường gọi khối Đông Di tập trung ở khu vực tỉnh Sơn Đông ngày nay. Đó là hai nhóm khi xưa ưa sống gần gũi nhau: Hẹ (Hakka) và Miêu-Dao (Miao-Yao hay Hmong-Mien). Đó là những tộc người tiến tạo nên tộc người Việt Nam đề ra trong quyển sách. Nhưng trong khoảng thời gian ngắn sau khi viết xong loạt bài về Hùng Vương trình bày trong sách, chúng tôi lại tiếp tục phát hiện ra thêm một thành phần nòng cốt nằm trong lớp bản địa hạ tầng, trước giờ vẫn bị che lấp bởi lớp bụi thời gian, mà một số học giả vẩn xếp vào nhóm Môn-KhờMe. Đó là nhóm Munda nằm ở bờ biển phía Đông Ấn Độ. Đóng góp vào từ vựng tiếng Việt của nhóm này rất đáng kể, có tóm lược sơ qua trong bài viết về phương ngữ Quảng Trị trình bày trong các báo mạng, đặc biệt khoahoc.net. Cũng xin đơn cử thêm một thí dụ nhỏ: Trong tiếng Munda, [MijDa] đọc giống và mang nghĩa y hệt như “Miếng Đất’, và [Mur-Da?] giống y như ‘Mùa Đác’ hay ‘Mùa Nác’ (Nước) hoặc ‘Mùa Mưa’, trong tiếng Việt. Chúng tôi hy vọng sẽ có dịp phổ biến thêm về đóng góp của tiếng Munda trong tiếng Việt vào những dịp khác. Tất cả những phát hiện nòng cốt của lý thuyết đều rất lạ và khá mới đối với rất nhiều người, kể cả chúng tôi. Tuy vậy nếu nhìn kỹ lý thuyết mới này luôn có những điểm đồng thuận với hầu hết các lý thuyết có sẵn, chỉ trừ 3 khối người ngày trước ít được chú ý đến: Người Đa Đảo, người Chăm tức Champa, và người Hakka (Hẹ) hợp với nhóm Miêu-Dao tức HmongMien. ii


Hai thứ từ cho thấy sự hiện diện của các thứ tiếng Đa Đảo trong tiếng Việt: ‘hiu-hiu’ (gió thoảng – breeze) và ‘Có’ (there are – ‘Có ba người đang đứng trên đồi’). Tiếng Chăm mang rất nhiều từ phát âm giống tiếng Việt, trong đó nhiều từ của hệ thống số đếm từ 1-10, nếu xem xét qua tổng hợp với tên gọi các số đếm tiếng Môn-Khmer. Nhóm Hakka mang những điểm đặc thù hết sức Việt-Nam, với tên gọi thời xa xưa là [Ho] thường phiên thiết là ‘Hạc’ với chữ viết Hán tự giống y như chữ Lạc viết theo bộ Trãi. Đó chính là chữ Tàu dùng để viết họ Lạc của Lạc Long Quân, thân phụ của Hùng Vương thứ nhất. Người Hẹ cũng còn dấu ấn trong tiếng nói tại một số khu vực ở tỉnh Sơn Đông. Đó là họ ưa dùng âm chữ ‘V’ thay cho âm ‘W’ của các phương ngữ khác ở Trung Hoa, kể cả tiếng quan-thoại, và ‘Dz’ thay cho các âm ‘Y’. Thí dụ: [wong] => [vong] => vương. Yang => Dzang => Dzuong. Đông Yi => Đông Dzi. Nhiều điểm quan trọng sử sách xưa nay vẫn thường thiếu sót, theo thiển ý, đã được quan sát khá tỉ mỉ. Nhất là việc đối chiếu truyền thuyết Hùng Vương với truyền thuyết vua Đại Vũ nhà Hạ bên Tàu, và Xuy Vưu của thời Bai-Dal (Bội Đạt) ở xứ Triều Tiên (Cao Ly) vào thời huyền sử xa xưa. Cả 3 triều đại này ở 3 nước khác nhau đều kéo dài đến 18 đời mới kết thúc. Thần Nông ông tổ mấy đời của Hùng Vương cũng được quan sát theo sử của Thái Lan. Theo đó, ở Thái Lan cũng như tại nhiều mường bản người Mường ở Việt Nam, người ta vẫn thờ Thần Nông như một thánh tổ gốc. Giống như người Hàn vẫn thờ phượng Xuy Vưu, mà vua Lý Anh Tôn ở nước Việt xưa đã cho lập đền thờ vào năm 1160, một lượt với đền thờ Hai Bà, tại phường Bố Cái (Thăng Long). Quyển sách cũng đã phân tích một giả thuyểt thứ hai về vua Hùng Vương, đề cập trong bộ Đại Việt Sử Lược, từng thất lạc bên Tàu lâu năm, cho mãi đến đời nhà Thanh mới được hoàn về chủ cũ. Theo đó, Hùng Vương là một nhà ảo thuật ở Gia Ninh, biểu diễn nhiều phép lạ rồi thu phục nhiều bộ lạc địa phương dựng nên nước Văn Lang vào thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên. Sau khi xem xét khá kỹ về giả thuyết thứ hai này, và so sánh với truyền thuyết Âu Cơ - Lạc Long Quân, và 100 người con, cũng như đối chiếu với truyền thuyết về Ngu Kơ và Long Wang của người Mường, đã được trình bày trong quyển sách về người Mường của Jeanne Cuisinier, đề nghị được nêu lên ở nhiều chỗ là không nên dùng lí thuyết thứ hai này. Thế Hùng Vương con trai đầu của Âu Cơ và Lạc Long Quân có thật hay không? Quyển sách thật ra tránh né việc tìm trả lời cho câu hỏi này, và cho rằng vấn đề vượt trên tầm mức của khoa học và ngay cả triết học. Nó cũng giống như việc người ta không thể tìm thấy mô tả chi tiết về Niết Bàn trong các sách Phật Giáo, hoặc thảo luận về chuyện ông Adam và bà Eve vóc dáng ra sao và hai người được bao nhiêu tuổi khi họ gặp nhau, hay địa đàng mang tên Eden nằm ở nơi nào, trong các sách vở về khoa học hay thần học của Tây phương. iii


Tuy nhiên, quyển sách đặt trọng tâm nghiên cứu vào ngay ở truyền thuyết Âu Cơ - Lạc Long Quân từ lúc ‘họ’ đến xứ Việt cổ, cho đến quyết định chia tay. Tổng cộng hơn 700 trang giấy (khổ A5), và hai năm trời ròng rã, vượt ngoài mọi dự kiến ban đầu. Sau cùng, chúng tôi xin được ghi nhận nơi đây lòng biết ơn, và lời chân thành cảm tạ đối với những giúp đỡ của những vị sau đây, bằng cách này hay cách khác, đã khuyến khích, cung cấp tư liệu, góp ý, phê bình, hoặc thảo luận, trong suốt thời gian thực hiện loạt bài này: -

Mai Anh Tuấn, đã sốt sắng cho lên trang mạng 7ND (Mitchong) các bản thảo đầu tiên. Tôn Thất Phương, Nguyễn Quý Đại và các đồng nghiệp trong báo Khoahoc.net đã giúp đăng các bản đầu tiên trên Khoahoc.net. Lm. Trần Cao Tường đã giúp phổ biến trên báo Dunglac.net. Trần Thị Vĩnh Tường xem đi xem lại bản sau cùng và cùng với Đào Hoàng Yến cung cấp thêm nhiều tư liệu khó tìm. Nguyễn Đức Hiệp, Nguyễn Cung Thông, Cung Đình Thanh (quá vãng), Trần Nam Bình, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyên Giao, Phạm Quang Tuấn, Trần Quang Hải, Nguyễn Văn Thanh, Hồ Đắc Duy, Nguyễn Quốc Lập, Trần Thiên Dũng, Từ Minh Tâm, Trần Thành Minh, Nguyễn Ngọc Đính, Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Trọng Do, Đặng Thành Danh, Đỗ Tiến Đức, Mai Hữu Hùng, Đoàn Minh Hoá, Lê Quý, Quách Đại, và nhiều bằng hữu gần xa.

Trân trọng Nguyên Nguyên (Nguyễn Văn Ưu) Sydney - một ngày đầu mùa Đông, 2008

iv


MỤC LỤC 18 Đời vua Hùng Vương: Một ý niệm về liên tục Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương: (1): Hùng-Vương, quốc tổ mang hai giòng máu (2): Nước Sở: Cái nôi của dân Việt (3): Nước Xích-Quỷ (4): Nước Văn-Lang (5): Mô hình nước Văn-Lang (6): Lạc Việt và Việt-Nam (7): Hakka (Hẹ) và tộc Lạc Việt (8): Thịt Cầy, dân Triều-Tiên và người Hẹ (Hakka) (9): Tiếng Việt và tiếng Hẹ (Hakka) (10): Tây-Thi, gái nước Việt (11): Tản mạn về tiền-đề (12): Lạc-Việt từ xứ Mân (13): Nôm na từ thuở Tây-Thi (14): Hán-Việt vào lúc xưa khi bên Tàu (15): Tháng Giêng, tháng Chạp và 12 con Giáp (16): Hiên Viên, Xuy Vưu và Thần Nông (17) Phần I: Bà Âu ông Lạc và người Hakka (17) Phần II: Nhận diện người Việt cổ (17) Phần III: Tiếp-tục nhận-diện người Việt cổ (18) Phần 1: Ảnh-hưởng của chủng Thái (18) Phần 2: Xem lại tiền-đề: Hoa Việt & Việt Hoa (18) Phần 3: Người Việt thuở ban đầu (18) Phần 4: Biên-giới xứ Việt cổ (18) Phần 5: Dấu vết Mẫu-hệ trong xã-hội Việt (18) Phần 6: Người Miao, nhóm Việt-tộc nấp sau người Hakka? (18) Phần 7: Nhận-diện Miao tộc (18) Phần 8: Hai chữ Việt Nam (18) Phần 9: Hùng Vương và người Việt Nam Phụ trang Hình ảnh

1 12 30 49 59 72 87 102 115 127 142 153 166 180 191 202 217 230 243 255 272 288 300 317 344 352 362 377 389 i-vii


18 đời vua Hùng Vương: Một ý niệm về liên tục Bài này được chuẩn bị viết cách đây cũng 3-4 tháng. Nhưng bận chuyện này chuyện nọ nên cứ bị đình hoãn hoài. Hay cũng không bằng hên. Chính nhờ ở việc trì hoãn đó, nhiều chứng liệu rất quan trọng liên tiếp đập vào mắt người viết. Đặc biệt qua những phim kung fu thời 60-70 của Shaw Brothers, ngày nay được tung ra lại thị trường dưới dạng DVD. Đề tài chính của bài này: Chuyện 18 đời vua Hùng Vương có thật hay không? Con số 18 có chính xác chỉ 18 đời vua hay không? Hoặc giả được ghi sai chép trật? Từ 80 đời hoặc 180 đời, chép lộn ra thành 18 đời? Hoặc không có gì hết. Sau đây xin quan sát 'chuyện 18 đời vua' dưới một góc độ tương đối mới, và sẽ cố gắng tránh đề cập đến những vấn đề liên hệ, như: trăm con, gốc gác Âu Cơ và Lạc Long Quân, Hùng Vương, Văn Lang, v.v. Xin để dành cho những dịp khác. Viết về Họ Hồng Bàng, quyển Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim [1] có chép: 'Cứ theo tục truyền thì Vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam đến Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc, và phong Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ. Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía Bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm thành), phía Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía Đông giáp bể Nam Hải. Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào quãng năm Nhâm Tuất (2879 trước Tây Lịch?) và lấy con gái Động Đình Quân là Long nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai. Lạc Long quân bảo Âu Cơ rằng: ''Ta là dòng dõi Long-quân, nhà ngươi dòng dõi thần tiên, ăn ở lâu với nhau không được. Nay được trăm đứa con thì nhà ngươi đem 50 đứa lên núi, còn 50 ta đem xuống bể Nam Hải.'' Sau đó vẫn theo 'truyền thuyết' Lạc Long Quân phong cho người con trai trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương. Hùng Vương cai trị nước Văn Lang theo lối cha truyền con nối đến 18 đời, thì bị Thục Phán, từ biên cương phía Bắc, đánh bại. Thục Phán lên ngôi, xưng là An Dương Vương, đổi quốc hiệu là Âu Lạc. Đó là năm 258 trước Công Nguyên (TCN). Theo sách vở cũ, các đời vua Hùng bắt đầu từ năm 2879 và kết thúc vào 258 TCN. Tổng cộng 2622 năm. Nếu chia ra 18 đời thì mỗi một đời vua kéo dài trung bình 146 năm. Một chuyện hết sức hoang đường, nếu nhớ: (i) Các triều đại vua chúa bên Tàu vào thời Xuân Thu Chiến Quốc kéo dài trung bình khoảng 10-20 năm, như Châu Trang Vương (696-682 TCN), 14 năm chẳng hạn; và (ii) Đời sống con người thời đó trung bình chỉ kéo dài khoảng 50 năm. Hơn thời sống trong hang động chừng 20 năm. 1


Đại Việt Sử Ký Toàn Thư [2], xuất hiện khoảng 1479 dưới đời vua Lê Thánh Tôn, chính là bộ sử đầu tiên đưa truyền thuyết Âu Cơ - Lạc Long Quân, rồi Hùng Vương vào sử sách nước Việt. Trước thời Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, có 2 bộ sử nữa, nhưng hoàn toàn không đề cập đến truyền thuyết Lạc Long Quân. Đó là Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu, xuất hiện năm 1272, và Đại Việt Sử Lược với tác giả khuyết danh, ra đời trong khoảng cuối thế kỷ 14 dưới đời nhà Trần. Bộ sách của Lê Văn Hưu, tuy thất truyền từ lâu nhưng phần lớn được Ngô Sĩ Liên xử dụng khi soạn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Đại Việt Sử Lược thất lạc nhiều năm, nhưng về sau được một vị quan nhà Thanh tìm được ở một thư khố bên Tàu. Chuyện tích vua Hùng với 18 đời, cùng những truyền tích khác như: Phù Đổng Thiên Vương, Sơn Tinh Thủy Tinh,... thật ra được Ngô Sĩ Liên nhập vào bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (ĐVSKTT), từ những sách thuật chuyện u linh hoang đường như: 'Việt Điện U Linh Tập' và 'Lĩnh Nam Chích Quái', xuất hiện khoảng thế kỷ 14. Đặc biệt 'Lĩnh Nam Chích Quái', do tiến sĩ Vũ Quỳnh hiệu đính, thuật lại những chuyện thần thoại ở phía Nam rặng núi Ngũ Lĩnh (Lĩnh Nam), tức phía Nam của nước Sở ở vào thời Xuân Thu Chiến Quốc xa xưa (722-221 TCN). Trong những quyển truyện thần thoại và u linh này, đặc biệt Lĩnh Nam Chích Quái, mẩu chuyện về Âu Cơ và Lạc Long Quân cũng hơi khác với truyền thuyết thuật lại trong ĐVSKTT, nhất là việc Âu Cơ nguyên là vợ của Đế Lai về sau lại phải lòng Lạc Long Quân, em chú bác của Đế Lai. Trở lại với năm đầu và năm cuối của thời Hồng Bàng. Trần Trọng Kim dùng thẳng tài liệu của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (2879-258 TCN) - nhưng đặt thêm một dấu hỏi (?) sau năm khởi đầu: 2879 TCN. Bởi thật ra, chính Ngô Sĩ Liên cũng chỉ đề cập đến 18 đời ở bên ngoài phần 'Ngoại Kỷ' (từ thời Hồng Bàng đến Ngô sứ quân). Đặc biệt Ngô Sĩ Liên có chép lời bàn ở cuối 'chương' về thời Hồng Bàng [2], bày tỏ mối ngờ vực về truyền thuyết Âu Cơ: 'Cái thuyết nói 50 con theo mẹ về núi, biết đâu không phải là thế'. Còn Sơn Tinh Thủy Tinh thì ông cho: 'rất là quái đản, tin sách chẳng bằng không có sách, hãy tạm thuật lại chuyện cũ để truyền lại sự nghi ngờ thôi'. Ngô Sĩ Liên đã đoán rất đúng: Khi nhét các truyền tích vào cổ sử, ông đã tiếp tục gieo nghi ngờ và thắc mắc với mọi người Việt từ lúc đó cho mãi đến ngày nay. Mặc dù đã căn dặn kỹ: 'tin sách chẳng bằng không có sách' (tận tín thư bất như vô thư) [7]. Mãi cho đến cuối thế kỷ 20, nỗ lực của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đã đưa đến một số điều chỉnh về năm tháng. Trong đó niên đại kết thúc đời Hồng Bàng (và bắt đầu thời Thục Phán) được dời về năm 208 TCN (xem ghi chú trong [3]). Đặc biệt, gần đây, họ phối hợp những luận cứ dựa trên các khám phá khảo cổ học về thời đại văn minh Đông Sơn với một đoạn ngắn của quyển Đại Việt Sử Lược [2], thất truyền lâu năm nhưng về sau tìm lại được ở thời Mãn Thanh (bên Tàu): 'Đền đời Trang Vương nhà Châu [4] (696-682 TCN), ở bộ Gia Ninh có người lạ dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, đặt quốc hiệu là Văn Lang, phong tục thuần lương chơn chất, chính sự dùng lối kết nút. Truyền được 18 đời, đều xưng là Hùng Vương'. Xin chú ý đến một vài điểm: (i) Đại Việt Sử Lược vẫn cho thời đại Hùng Vương kéo dài 18 đời. (ii) Không có ghi chi tiết Cha Mẹ của Hùng Vương. Tức 'giấy khai sinh' của Hùng Vương không có tên Lạc Long Quân và Âu Cơ. 2


(iii) Vua Hùng thứ nhất khởi đầu 'sự nghiệp' vào khoảng năm 688 TCN, và kết thúc vào năm 208 TCN. Bình quân 26 năm cho mỗi một đời vua. (iv) Chính sự dùng dây kết nút để... truyền thông với nhau. Tức không có chữ viết. Không có sử sách gì hết. Tức không giống như văn minh Hoa Hạ ở khu vực bình nguyên sông Hoàng Hà. Tóm tắt: - Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, 18 đời vua Hùng: 2879-258 TCN - Theo nhiều tài liệu sử hiện nay, dựa trên tài liệu khai quật và Đại Việt Sử Lược, 18 đời Hùng Vương: khoảng 688-208 TCN. (Xin nhấn mạnh, tài liệu khảo cổ vẫn chưa liên kết chắc chắn, Hùng Vương với đồ vật khai quật}. Thế nhưng vẫn có nhiều người hãy còn ... 'ấm ức' không đồng ý, bởi làm như vậy số năm văn hiến của nước Việt sẽ bị rút xuống còn dưới 3000 năm, thay vì 4000 năm văn hiến như xưa. (Xem [8]). Tức trong khi văn minh Hoa Hạ đã nở rộ, đời sống con người ở nước Nam hãy còn khá ...man di. Sau đây chúng ta thử nhìn vấn đề dưới một góc độ khác. Một góc nhìn chịu ảnh hưởng của toán học. Trong đó có số âm, số dương, số thực và ... số ảo. Có hệ thống đếm số 10, hệ thống đếm số 5 (như dân Khmer ở cổ thời [11]), hệ thống đếm số 2 (như trong máy điện toán). Cũng như ý niệm về tập hợp. Những con số 18 Để ý con số 18 hầu hết trên toàn thế giới ngày nay thường được dùng để định mức tuổi trưởng thành của người công dân. Tuổi công dân. Bất cứ mọi dân tộc nào trên thế giới cũng biết đến số 18 này. Đối với văn hoá miền Hoa Nam, nhất là đối với người Quảng Đông và Hongkong, số 18 là một con số hên. Phát âm số 18 theo kiểu Quảng Đông: /xập bát/ (mười tám, thập bát). Âm điệu rất giống với /xật phát/ (tất phát), mang nghĩa ‘thế nào cũng phát tài’. Số 18 cho tuổi công dân, và số hên của người Quảng Đông không có liên hệ gì hết đối với 18 đời vua Hùng. Tuy nhiên, nếu nhìn trở lại cội nguồn của lịch sử nước Tàu chúng ta sẽ thấy ngay con số 18 đã xuất hiện khi người Hoa bắt đầu viết sử sách. Trước hết họ thêu dệt câu chuyện ông Bàn Cổ, thủy tổ loài người, tức dân Trung Quốc. ‘Theo tục truyền’, thuở ban đầu trời đất lẫn lộn với nhau thành một khối, rất hỗn độn. Vũ trụ là một cái trứng khổng lồ chứa Bàn Cổ trong đó [13]. Bàn Cổ ngủ trong trứng đến ‘18 ngàn’ năm, rồi mới thức dậy. Để ý: 18 nghìn năm. Thấy ngột ngạt, Bàn Cổ mới lấy cây rìu rộng đập vỡ vỏ trứng. Ánh sáng và khí thoát lên trên tạo thành Trời, và phần lạnh và đục như chất bùn lắng xuống phía dưới tạo thành Đất. Bàn Cổ đứng chính giữa, đầu đội trời chân đạp đất. Cả ba thực thể đó đều tăng trưởng với mức độ mỗi ngày dài thêm một trượng, tức chừng 3.3 thước (mét) tây. Rồi 18 ngàn năm nữa trôi qua, Bàn Cổ vẫn đứng chính giữa, ngăn cách Trời và Đất. Đến lúc Bàn Cổ mất, chiều cao của Bàn Cổ đã đạt đến 9 triệu lí (xin để ý 18 chia cho 2 ra 9). Hơi thở Bàn Cổ trở thành gió và mây, tiếng thành sấm. Một con mắt trở thành mặt trời, con mắt kia thành mặt trăng. Thân và tay chân biến thành 5 ngọn núi lớn. Máu thành sông biển. Râu tóc trở nên bao nhiêu ngôi sao và tinh tú ở trên trời. Vân vân và vân vân.

3


Xin để ý, con số 18 trong chuyện Bàn Cổ có vẻ thuần nhất chỉ một chuỗi trình liên tục, một thứ chu kỳ [4]. Những sự kiện hay sự vật trong đó mang cùng chung một số đặc tính. Trong 18 ngàn năm đầu: Bàn Cổ chìm trong giấc ngủ. Một liên tục: Ngủ. Liên tục kế tiếp: Thức, trong thế đứng, thế chổng, đầu đội trời chân đạp đất. ‘Liên tục’ này cũng kéo dài 18 ngàn năm. Cuối cùng, khi kết thúc liên tục ‘thức’, hay chu kỳ ‘thức’, Bàn Cổ cao được 9 triệu lí (1 lí = 600 thước). Con số 9 thật ra chỉ là 18 chia cho 2. Sau Bàn Cổ một ít lâu, xã hội của chủng Hoa nguyên thuỷ bên sông Hoàng Hà có 3 vị vua trứ danh (Tam Hoàng), và 5 đế nổi tiếng (Ngũ Đế). Tuy nhiên có chừng 5-8 giả thiết khác nhau về tên họ của những vị này. Danh sách Tam Hoàng đáng kể và thường thấy nhất chính là: Phục Hi, Thần Nông và Hoàng Đế [14] [18]. Bà Nữ Oa cũng có tên trong một số danh sách Tam Hoàng. Trong số các danh sách Ngũ Đế, một số có tên vua Nghiêu và vua Thuấn. Theo thiển ý, những vị Tam Hoàng – Ngũ Đế kiểu này chỉ mang tính chất biểu tượng cho khối chủng tộc. Thí dụ: Vua Thần Nông chỉ mang nghĩa: dân Hoa thời đó bắt đầu sinh sống bằng nghề Nông. Bà Nữ Oa đội đá vá Trời: Hoa chủng thuở xa xưa mang Mẫu Hệ. Chỉ có vua Nghiêu (Yao) và Thuấn (Shun) là có vẻ ‘bán-huyền-thoại’ [12]. Thuấn sau cùng truyền ngôi lại cho ông Yũ (Vũ), khởi đầu triều đại đầu tiên của nước Tàu: nhà HẠ. Nhà Hạ kéo dài được 18 đời với vua cuối là Kiệt. Vua Kiệt là một bạo chúa, ham mê trụy lạc, nên bị Thành Thang hội chư hầu lật đổ và thiết lập nên nhà Thang hay Thương (còn gọi Ân (Yin), 1070-1027 trước Công Nguyên). Cho đến nay vẫn chưa có tài liệu khai quật để minh chứng hiện diện của nhà Hạ. Nhưng có rất nhiều chứng tích về nhà Thương [9] [12] [17]. Một lần nữa, con số 18 xuất hiện chỉ 18 đời vua nhà Hạ. Có thể để ý: - Sử gia Trung quốc biết rất ít về nhà Hạ, ngoài những truyền tích trong dân gian. Đặc biệt vua Kiệt vì mê nàng Muội Hỷ nên mất nước. - 18 đời vua Hạ một lần nữa lại chỉ một liên tục có cùng chung một số đặc tính. Đó là chu kỳ đời nhà Hạ. Chi tiết không được rõ! - Số 18 do đó có thể hàm ý một ẩn số. Một ẩn số khá hoa mỹ trong ngôn ngữ và văn minh Hoa Hạ, thay vì ‘x’ như trong toán học ngày nay. Xin quan sát tiếp. Vào một dịp tình cờ, trong những ngày nghỉ nhân dịp Giáng Sinh và đầu năm 2005, tại hạ tìm ra được một tiệm chuyên cho mướn đĩa DVD chuyên về phim Hongkong, phim Hàn quốc, nhất là loại kiếm hiệp trữ tình. Loạt phim kiếm hiệp thuộc thời vàng son điện ảnh Hongkong, của Shaw Brothers (Run Run Shaw và Runme Shaw), vào thập niên 1960-70 được cho in lại vào dạng DVD. Thế là liên tiếp nhiều hôm, tại hạ cho đĩa DVD vào máy rồi ngồi xem lại những phim kungfu cũ do các tài tử gạo cội thời đó thủ diễn. Như: Trần Quan Đại, La Liệt, Trần Tinh, Vương Yũ, Khương Đại Vệ (David Chiang), Phó Thanh. Phải nhìn nhận phim kiếm hiệp Hongkong thời đó thật hay. Hay đến nỗi nhà đạo diễn lừng danh Mỹ Quentin Tarantino gần đây đã làm 2 phim Kill Bill với Uma Thurman, để vinh danh thời vàng son của điện ảnh Hương cảng. Liên tiếp hai phim Hongkong đã xử dụng ý niệm ‘18’ để chỉ một liên tục, một chu kỳ. Thứ nhất, bộ phim 3 điã DVD về ‘Xạ Điêu Anh Hùng Truyện’ phóng tác theo tiểu thuyết của Kim Dung, với tài tử đoản mệnh Phó Thanh trong vai Quách Tĩnh. Và thứ hai, phim ‘Thế võ Bọ Ngựa’ (Shaolin Mantis) do David Chiang (Khương Đại Vệ, Kang Da Wei) đóng vai chính.

4


Ở phim ‘Xạ Điêu Anh Hùng’, đoạn Bắc Cái bị rắn của Tây Độc cắn, tàn phế võ công. Bắc Cái Hồng Thất Công mới truyền ngôi Bang chủ Cái Bang cho Hoàng Dung. Lúc truyền chức vụ Bang chủ, Hồng Thất Công có nói với Hoàng Dung, đại khái:’Bây giờ thầy xin truyền lại cho con chức vụ Bang Chủ của Cái Bang. Từ khi Bang ta được thành lập, đến đời của Thầy là đời thứ 18,…’ Cũng lại con số 18, trong một câu chuyện hoàn toàn hư cấu. Một con số ảo, trong một bối cảnh với nhân vật ảo. Nhưng trên một nền tảng văn minh…có thật và thứ thiệt. Con số 18 ở đây lại đánh dấu kết thúc 1 chu kỳ, một liên tục trong chiều thời gian. Chu kỳ đó là một chu kỳ của các Bang Chủ thuộc nam phái. Nó kết thúc và truyền sang cho Hoàng Dung. Hoàng Dung là một người nữ, con gái của Đông Tà Hoàng Dược Sư, trở thành một Bang chủ mới. Phim thứ hai kế tiếp, cũng dùng con số 18, đã cuối cùng thuyết phục được tại hạ và đem lại hứng khởi viết nên bài này. Đó là phim ‘Thế võ Bọ Ngựa Thiếu Lâm’ (Shaolin Mantis) do Khương Đại Vệ thủ vai chính. Chuyện phim nói về vụ người Hán lúc nào cũng lén lút tụ tập lo bài Mãn phục Minh. Vua Mãn Thanh ngày nọ mới phái đại hiệp Wai Fong (David Chiang) văn võ toàn tài đi truy tầm một đám phục quốc lợi hại ở miền Giang Nam. Wai Fong phải trá hình làm một ông đồ ngốc nghếch, để len vào một gia đình vọng tộc, có tinh thần phục quốc cao, với võ nghệ rất siêu quần. Gia đình ấy có một người con gái rất khoái võ nhưng không chịu học chữ. Thầy đồ nào đến nhà dạy dỗ cho cô ta thường chỉ chịu được năm bảy ngày, rồi cũng phải cuốn gói chuồn êm. Lúc Wai Fong đến thị trấn, y gặp thị đang đánh đập và đuổi ông Thầy đồ già bởi không được vừa ý với lối dạy của ông. Thấy Wai Fong đẹp trai, nho nhã, cô ta mới mời dọn về nhà để làm lão sư mới cho cô. Trước khi cho việc thầy Wai Fong, cô này báo động trước, đại khái: ‘Anh có chắc đủ sức làm thầy tôi không. Anh coi chừng rồi cũng như ông thầy già, ban nãy bị tôi đuổi việc. Anh biết hôn, ông Thầy đó là ông Thầy thứ 18 rồi đó.’ Thật quá rõ: số 18 được dùng để chỉ một tập hợp, một liên tục, hay chu kỳ. Trong trường hợp phim ‘Quyền Bọ ngựa’ nói trên, nó chỉ một chu kỳ hay tập hợp những ông thầy đồ già, có mạng ngũ hành không khắc được cô học trò ngỗ nghịch hư hỏng kia. ‘Liên tục’ đó sẽ được khép kín lại sau khi thầy Wai Fong nhận việc. Bởi thầy Wai Fong sẽ mở màn cho một ‘liên tục’ mới. Một liên tục, tràn đầy những ca khúc tình yêu, dẫn đến tình vợ chồng giữa cô học trò tinh ý và ông thầy Wai Fong. Ta để ý, trong tất cả các trường hợp dùng 18 - từ 18 đời vua nhà Hạ cho đến 18 ông thầy không trị được học trò – danh tánh và chi tiết về 18 vị đó hoàn toàn mang tính cách… không quan trọng. Không thành vấn đề. Người phát ngôn ra con số 18 đó có vẻ chỉ muốn chúng ta biết ‘đó là một con số nào đó’, có thể lớn hơn 2, hoặc nhiều hơn 3. Và cũng có thể là một con số Không (0). Số chính xác không quan trọng. Bởi thực chất của nó chẳng có quan trọng. Nhưng quan trọng hơn chỉ ở chỗ những phần tử trong ‘tập hợp’ đó mang cùng một số đặc tính chung. Xin được lập lại, số 18 trong văn minh Hoa Hạ có vẻ mang chung một ý nghĩa như ‘ẩn số X’ trong toán học. X= 0,1, 2, 3,…. Nhưng ký hiệu ‘18’ đó có vẻ hoa mỹ hơn, chải chuốt hơn X. Và cũng có ý của một số bán xác định hay bất chợt, tương đương với N trong toán học. Với ngụ ý: không cần tìm hiểu rõ chi tiết về đặc tính của những nhân vật mang số từ 1 đến 18 làm gì. Chỉ cần hiểu đó là một tập hợp, một liên tục, chu kỳ, hay chuỗi trình kín, nay đã hoàn toàn kết thúc. Bội số của 18 và 9 5


Bất cứ ai cũng đều biết rõ 18 chính là: 9 nhân cho 2. Khoảng cách từ mặt đất đến trời xanh, theo ý niệm người Hoa thời cổ đại, bằng chiều cao của Bàn Cổ, tức 9 triệu lý (= 4600000 km). Cũng dùng con số 9. Rất nhiều số đếm của văn minh Trung quốc vẫn dùng đến 9 hoặc 18, và bội số của chúng. Về võ nghệ, ta có ‘thập bát ban võ nghệ’ tức 18 kiểu đánh võ khác nhau. Gồm: đánh côn, đi quyền, v.v. Nhưng thật sự ít khi thấy sách vở Tàu ghi lại đầy đủ 18 lối đánh võ khác nhau đó. Nếu đọc truyện Tàu xưa, ta cũng thường thấy: ‘tam thập lục kế yĩ đào vi thượng’: trong 36 kế, kế chạy trốn là hay nhất. 36 chính là = 18 nhân 2. Cũng ít thấy ai cho biết chi tiết của từng mưu kế trong con số 36 kế đó. Chùa Thiếu Lâm cũng vậy. Nhiều phim kungfu hư cấu cho thấy phái Thiếu Lâm có đến 36 phòng luyện võ. Mỗi phòng một kiểu luyện khác nhau. Nhưng ít khi phim cho thấy đầy đủ 36 phòng đó. Đọc Tây Du Ký, ta để ý hai nhân vật có bùa phép thần thông quảng đại nhất. Người thứ nhất là Tôn Ngộ Không, tức Tề Thiên Đại Thánh. Người thứ hai, Dương Tiễn tức Nhị Lang. Cả hai đều có đến 72 thứ phép tắc thần tiên. Thường gọi: thất thập nhị huyền công. Xin kể vài thứ phép. Tôn Ngộ Không có thể bứt một cọng tóc thổi phù một cái. Presto! Cọng tóc biến ngay ra thành một Clone Tôn Ngộ Không khác, với khả năng bùa phép, võ nghệ y hệt như Tôn Ngộ Không thiệt. Tôn Ngộ Không cũng có thể uốn người nhảy lên không trung một cái, lập tức biến thành con chim. Nhị Lang Dương Tiễn cũng vậy. Cũng đầy đủ 72 thứ bùa phép y như Tôn Ngộ Không. Nhưng có lẽ vì y thuộc loại quan ở trên Trời, đi đâu cũng có chó theo, nên tác giả cho y thuộc phe chánh đạo, phải trên rơ phe tà đạo đại diện bằng Tề Thiên. Cũng có thể y mang mạng Kim, phía Tây, nên có vẻ trên cơ hơn một chút và khắc được Tôn Ngộ Không, mạng Mộc, phía Đông. Tuy cả hai cùng có ‘thất thập nhị huyền công’ như nhau. Nhưng đặc biệt để ý, tác giả Ngô Thừa Ân không bao giờ liệt kê đầy đủ 72 thứ phép thần thông đó gồm những thứ phép nào. Ta chỉ biết 72 là một bội số của 18, và tất nhiên của 9: 72= 18 x 4; 72= 9 x 8. Như vậy có thể tóm tắt: Trong văn minh người Hoa, họ rất thích dùng những con số như 9, 18, 36, 72, 108 (108 anh hùng Lương Sơn Bạc trong ‘Thủy Hử’),… Tất cả đều là bội số của 18, đặc biệt cũng là bội số con số 9. Tại Việt Nam vào thời xa xưa, người Việt cổ cũng đã dùng con số 18, hoặc con số 9. Số 18 trong lễ nõ - nường (dương và âm vật) [16B], và số 9 như một cơ số trong việc đếm số (Xem phía dưới). Thế tại sao họ lại thích con số 9? Có nhiều lý do, và xin để lý do chính qua phần sau. Lý do thông thường: số 9 là số dùng để chỉ vua chúa. Người Trung quốc từ thời xa xưa đã dành số lẻ để chỉ đàn ông, và số chẵn chỉ đàn bà. Con số 9 tượng trưng cho người đàn ông có uy quyền nhất. Số 9 do đó dùng để chỉ các bậc đế vương. Theo chuyện kể của Ngọc Phương [10], ‘những toà điện trong Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh gồm 9900 gian nhà. Các tháp canh ở bốn góc cung điện đều có 9 xà và 18 cột. Còn trên các bức từơng bình phong có trạm khắc 9 con rồng… Một ví dụ điển hình nhất về con số 9 huyền thoại là bệ thờ ở Thiên Đàn Bắc Kinh – nơi các hoàng đế thời Minh và Thanh hàng năm thường tế Trời để cầu cho quốc thái dân an. Bệ thờ có hình tròn, xây thành 3 cấp. Mặt trên của bệ thờ ghép bằng 9 vòng đá đồng tâm. Vòng đá 6


trong cùng gồm 9 phiến đá hình quạt, vòng thứ hai gồm 18 phiến (9x2), vòng thứ ba 27 phiến (9x3), … cho đến vòng ngoài cùng, vòng thứ 9 gồm 81 phiến (9x9) ghép lại.’ Hệ số đếm dùng con số 9 Giải đáp số 9 là số của vua chúa, tuy tiến thêm 1 bước nhưng vẫn chưa giải thích được toàn diện tại sao người Hoa từ xưa vẫn ưa dùng các bội số của 9, như 36, 72, 108, và nhất là 18. Mặc dù rằng chúng ta đã khá đủ tư liệu, kể trên, để chứng minh rằng: số 18 trong ‘18 đời vua Hùng’ chỉ là một con số quy về ý niệm của một liên tục, một châu kì, một tập hợp kín. Đóng góp quan trọng thứ hai của bài này chính là giả thuyết: Người Hoa nguyên thủy, kể luôn cả chủng Yueh (Việt) ở phía Nam sông Dương Tử, vào thuở khai thiên lập địa, tạo dựng nên xã hội, đã dùng hệ thống đếm dựa trên con số 9, chứ không phải con số 10 theo hệ thống thập phân hiện nay. Phát hiện này, mặc dù còn trong dạng giả thuyết sơ khởi, có vẻ từ xưa đến nay chưa thấy bàn đến trong sách vở. Và có lẽ chính người Hoa cũng không ngờ tới chuyện này. Thế nào là hệ thống đếm số 9? Muốn hiểu hệ thống đếm số 9 ta thử nhờ một em bé đếm thử từ 1 đến 20. Em đếm, bằng mọi ngôn ngữ trên thế giới: 1 – 2 – 3 – 4 – 5 – 6 – 7 – 8 – 9 rồi 10. Tức con số lớn nhất trong hệ thống thập phân. Sau đó, em đếm tiếp: 10+1, em gọi tắt ‘mười một’, rồi 10+2, gọi tắt 12, 10+3, gọi tắt 13,… tuốt đến 19 (tức 10+9). Sau đó, em đếm 10+10. Nhưng 10+10, em nghĩ có vẻ bất tiện, nên thế bằng: 2 lần 10, gọi tắt thành ‘hai mười’, tức ‘hai mươi=20’. Tiếp theo đó: 20+1, tức 21; 20+2, tức 22, v.v. Như đã phân tích kỹ trong bài viết về hệ thống đếm số của người Mường (hệ 9) [11], ở thời cổ đại có nhiều hệ thống đếm số khác nhau. Thí dụ, người Khờ-Me tức Cam Bốt ngày nay, dùng hệ thống đếm số 5. Tức khi đếm tới số 5 là hết. Họ phải đếm lại dùng số 1 ban đầu. Nghĩa là họ xem số 6 như là 5+1. Tiếp tục: 7=5+2,… Phát âm về số đếm trong tiếng Cam Bốt, từ 1-12, xin liệt kê như sau: 0 = son {đọc như: /sohn/} => không 1 = múay /mooeh/ => một 2 = bpii /bpee/ => hai 3 = bey /bay/ => ba 4 = buan /booan/ => bốn 5 = bram /blam/ => năm => Số lớn nhất trong hệ 5. Muốn đếm tiếp, phải dùng đến số 5, rồi cộng thêm: 6 = bram-múay /blam-mooeh/ => sáu => sáu (6)= bram (5)+muay (1): bram-muay 7 = bram-bpil /bram-bpee/ => bảy=> bảy (7)= bram (5)+bpil (2): bram-bpil 8 = bram-bey /bram-bay/ => tám => 8= bram (5)+bey (3) 9 = bram-búan /bram-booan/ => chín => 9= bram (5)+buan (4) 10 = dop /dup/ => mười => một tên gọi mới có nghĩa 2x5 11 = dop-muay /dup-mooeh/ => 11= dop (10)+muay (1), mười một 12 = dop-bpii /dup-bpie/ => 12= dop (10)+bpie (2), mười hai …………………… 16 = dop-brammuay /dup-blammơoeh/ => 16= dop (10)+bram(5)+muay(1) 7


Như vậy, đối với hệ đếm số 5, số 5 là số lớn nhất. Hệ đếm này dựa vào lối đếm dùng bàn tay 5 ngón. Đối với hệ thống đếm số 10 gần như toàn cầu xử dụng hiện nay, số 10 là số lớn nhất. Hệ đếm số 10 xử dụng cả 10 ngón tay. Đối với hệ thống đếm số 9, số 9 là số lớn nhất. Trong hệ đếm đó, số 9 lớn nhất đã được dùng để chỉ vua chúa. Hệ thống đếm số 9, theo thiển ý, đã dựa vào thời gian thụ thai và sinh nở của loài người là 9 tháng. Số lớn nhất là số 9. Muốn đếm qua số 10, người ta phải đếm như 9+1 => chin muay, với [muay] là tiếng Khmer chỉ số 1. Về sau dưới sức ép của chế độ đơn âm, chin-muay bỏ bớt chin ở đầu và còn lại [muay] đọc trại ra thành [mười] (10). Hệ thống đếm số 9 vận hành ra sao? Như thường, đếm từ 1 đến 9. Số 10 đã được đếm như 9+1. Mười một: 9+2, v.v. cho đến 17= 9+8. Rồi 18 sẽ được gọi “2 lần 9”. Tức 29. Số 19 sẽ trở thành ‘2 lần 9 + 1’. Đếm tuốt đến 27 ta sẽ đếm theo hệ thống cơ số 9 thành 39, tức 3 lần 9. Ba lần chín = 39 = 3x9 = 27. Đúng là những con số Bình Nguyên Lộc [5] đã nêu lên thắc mắc không hiểu tại sao người Mường lại đếm số khác với Việt. Việt gọi số đếm 27, trong khi Mường gọi đó 39. Số 39 của Mường mang nghĩa 3 lần 9, thuộc hệ thống đếm dùng cơ số 9. Việt 27 = Mường 39. Hai mươi bảy bằng vơí ba nhân cho chin lần, 27= 3x9. Mường đọc ‘ba chỉn’, tức 39. Muốn biết rõ về người Mường, và nếp sống cùng văn hoá của họ xin xem tác phẩm của Jeanne Cuisinier về xã hội Mường xuất bản vào năm 1946 [15]. Rất có thể người Hoa ở thời mới tạo dựng xã hội đã dùng hệ thống đếm 9, bởi những lý do sau: (a).Họ đã dùng số 9 để chỉ người đàn ông có quyền lực nhất. (Số lẻ chỉ phái nam, số chẵn, phái nữ). Số 9 là số lớn nhất trong hệ thống đếm số 9. Lí giải ở đây khác với hệ thống đếm số 10 như Ngọc Phương đã trình bày [10]. (b).Vào thời cổ đại, thật cổ, văn minh Trung Đông chưa truyền đến Trung Quốc. Người Hoa chắc chắn phải có một hệ thống đếm hơi khác với hệ đếm số 10, của Trung Đông. Mặc dù rằng có thể đến đời nhà Thương, hoặc đầu đời nhà Châu (khoảng năm 1000 trước Công Nguyên), hệ thống đếm số 10 đã du nhập đến Khu vực sông Hoàng Hà. (c).Người Hoa vẫn thích dùng bội số của 9, như 18, 36, 72,…Y như người quen hệ thống 10, sẽ thích dùng: 10, 20, 30, 40… (d).Người Mường cho đến giữa thế kỷ 20 vẫn còn dùng hệ thống đếm số 9, họ đã mang theo khi di cư về phía Nam. Người Mường là ai? Đại khái họ cũng cùng chung chủng Yueh (Việt), nhưng thuộc chi Thái. Khi xưa họ tập trung ở vùng phía Nam sông Dương Tử, đặc biệt tại nước Ba và Thục, giáp giới với nhà Tây Châu (770-476 TCN). Sau khi nước Thục bị nhà Tần dứt điểm, họ thiên cư về Nam, và gia nhập cộng đồng Tây Âu ở khu vực Quảng Tây, Quí Châu, ngày nay. Bởi những gì họ còn giữ, rất có khả năng đã được chia xẻ qua lại với Hoa chủng bên nước Châu ngày trước. Nên nếu họ còn giữ hệ thống đếm số 9, người Hoa thứ thiệt tại nước Châu ngày xưa thật xưa chắc cũng đã dùng hệ đếm số 9 đó. (e).Nếu ở cổ thời, lúc văn minh phương Tây chưa mang sang hệ đếm số 10, rất có khả năng cả hai vùng Hoa Nam và Hoa Bắc đều xử dụng và quen thuộc với hệ đếm theo số 9. Từ đó họ sẽ quen dùng những bội số như 18, 24, 36, 72, v.v. (f).18 đời vua nhà Hạ, triều đại khởi thủy của nước Tàu, đã xử dụng con số 18 theo thói quen của hệ thống đếm số 9 đó. Và từ đó việc vay mượn ý niệm triều đại Hồng Bàng của Tàu đưa vào truyền thuyết dựng nước ở phía Nam, chắc cũng không có gì lạ cả. 8


Tóm tắt Bài này thử nhìn vấn đề ’18 đời vua Hùng’ dưới góc độ toán học và văn minh Hoa Hạ. Kết quả cho thấy con số 18 thật ra chỉ là một con số bất chợt, không liên hệ đến chi tiết lịch sử. Số 18, trong văn hoá Trung quốc, thông thường được dùng để chỉ một chu kỳ. Hoặc một liên tục, một tập hợp, mà những phần tử trong tập hợp đó có cùng chung một số đặc tính. Ở một mặt khác, nó là một con số che lấp những thiếu thốn về hiểu biết và chi tiết về tính chất của từng phần tử trong tập hợp đó. Nói một cách khác, số 18 chỉ là một lối nói cho văn vẻ, dùng toán số (2x9= 18) của giới sĩ phu Trung quốc. Có lẽ với mục đích… để hù những người không biết chữ, và cũng để cho bài viết, bài văn cho được trôi chảy, không có những điều ‘không biết’. Số 18 là một con số dùng để…che mắt, lấp loát những cái không biết. Số 18 hoặc 36, 72, hay về sau ‘Bách’ tức 100, như dùng để chỉ khối chủng Yueh (Bách Việt), đã được xử dụng hết sức tiện nghi. ‘Bách’ dùng để chỉ số nhiều, đếm không hết, chứ không phải 100. Bởi vào thời Xuân Thu, ở phía Bắc sông Dương Tử có đến trên dưới 1000 nước [12]. Khối Yueh ở phía Nam chắc cũng tương tự, vượt trên 100 rất xa. Do đó nếu ‘Bách’ (100) là một con số bất chợt, thì ‘thập bát’ (18) cũng chỉ như vậy mà thôi. Nhìn lại công trình của Ngô Sĩ Liên dười góc độ của thế kỷ 21 hiện nay, bắt buộc ta phải có một cái nhìn khác. Trong góc nhìn đó, chúng ta phải nhớ, Ngô Sĩ Liên và cộng sự đã có tư duy rất khó vượt khỏi lối suy nghĩ, lối viết lách của những sư phụ ở Bắc phương. Họ phải theo một khuôn khổ định trước để chứng tỏ tri thức đã đạt tới mức chuẩn của giới khoa bảng ở phương Bắc. Từ đó ta có thể thấy: (1).Truyền thuyết viết ra sao, họ chép y lại như vậy. Chỉ được phép than thở hoài nghi trong phần luận bàn mà thôi. Đặc biệt nhất, Ngô Sĩ Liên đã căn dặn hậu bối: ‘Hoàn toàn tin vào sách chẳng bằng không có sách’. (2).Lối viết sử kiểu Tàu ra sao, họ sẽ theo y như vậy. Tàu không biết nhiều về nhà Hạ, nên phải gom góp các chuyện cổ tích, các truyền thuyết, rồi đưa vào con số 18 rất phổ thông, để gói ghém một trang sử cổ cho được đẹp mắt. Không có cách gì khác, phía bên An-nam cũng làm theo y như vậy. Họ làm việc qua nhiều tác phẩm và nhiều năm tháng, để rồi sau cùng, Ngô Sĩ Liên và các cộng sự thu thập tất cả, đặc biệt 18 đời vua Hồng Bàng, rồi đưa vào bộ Sử Ký có tầm vóc đầu tiên của nước Nam. (3).Đặc biệt 18 đời vua Hồng Bàng Việt Nam, rập y khuôn 18 đời nhà Hạ, triều đại hồng bàng ở bên Tàu. Rất nhiều bài viết trong vài thập kỷ qua ưa liệt kê danh sách các đời vua Hùng. Khổ nỗi tất cả đều viết tên hiệu bằng…chữ Hán ròng. Thí dụ, Hùng Huệ Vương, Hùng Tấn Vương, v.v. Y như là cái nước của mấy vua Hùng giống như mấy cái nước chư hầu ở đời nhà Châu phía bắc sông Dương Tử, thời Xuân Thu Chiến quốc. Và những vua Hùng này có lẽ nói với thần dân của các ông bằng tiếng Tàu, trước khi người Tàu đến nước đó cả ngàn năm. (4).Truyền thuyết dựng nước đó, ở mặt cội nguồn, cũng không quên lôi thêm một trong những biểu tượng xã hội nguyên thủy của Trung Hoa là ‘vua’ Thần Nông. Theo thiển ý, Thần Nông chỉ là một biểu tượng, chỉ một xã hội đã tiến lên ngành canh nông để kiếm ăn, sinh sống. Nó cũng giống như thời bây giờ, người ta dùng ‘Thế Kỷ 18’ để chỉ thời đại con người đạt đến cách mạng công nghệ. Hoặc, trong một tương lai nào đó, có thể người ta dùng ‘thời đại Bill Gates’ để chỉ thời đại điện toán, và internet. Chứ không phải Bill Gates là ông tổng thống toàn cầu ở thế kỷ 21, đối với hậu thế 4 ngàn năm sau, có thể đoán nhầm, v.v. (5).Con số 18, thường dùng trong văn hoá Trung quốc để chỉ một chuỗi trình nào đó theo với chiều thời gian, mà chi tiết thường không biết rõ. Như một tập hợp, như một liên tục nay đã 9


khép kín. Bản chất chi tiết của từng phần tử trong tập hợp hay liên tục đó vẫn là ẩn số cho đến ngày nay. Tháng 3, 2005. Ghi Chú [1] Trần Trọng Kim ( 1971) Việt Nam Sử Lược. Trung Tâm Học Liệu của Bộ Giáo Dục xuất bản. Đại Nam tái xuất bản tại Hoa Kỳ. [2] Ngô Sĩ Liên và cộng sự (1697). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Thanh Việt và Phạm Ngọc Luật hiệu đính theo bản dịch Đào Duy Anh. Nxb Văn Hoá Thông Tin (2004). [3] Khuyết Danh (1377-1388) Đại Việt Sử Lược. Bản dịch của Nguyễn Gia Tường. Nxb Thành Phố HCM. Bộ Môn Á Châu Á Học. Đại Học Tổng Hợp, TP HCM. [4] Họ Châu và họ Chu là hai họ hoàn toàn khác nhau. Từ phát âm, ý nghĩa, lối viết chữ Hán. Họ Châu có: Châu Nhuận Phát, Châu Ân Lai, nhà Châu bên Tàu (Đông Châu liệt quốc), Châu Chỉ Nhược (Ỷ Thiên Đồ Long Ký), v.v.. Họ Chu có: Chu Nguyên Chương (Minh Thái Tổ), Chu Dung Cơ (cựu Tổng Lý), v.v. Từ ‘châu’ và ‘chu’ cũng vậy. ‘Châu báu, Trân Châu Cảng,…’ đáng nhẽ phải được viết và phát âm ‘chu báu, Trân Chu Cảng,…’. Ngược lại ‘Chu kỳ, Đông Chu liệt quốc,…’ đúng ra phải được viết và đọc ‘châu kỳ, Đông Châu liệt quốc,…’. Người Việt ưa lẫn lộn hai thứ họ và từ 'châu' và 'chu', do việc kị húy chúa Nguyễn Phúc Chu. Xin xem [6]. [5] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu (USA) tái bản. [6] Nguyên Nguyên (2004) Loạt bài: ‘Từ chữ Nôm đến quốc ngữ’ (tổng cộng 8 bài). Có đây đủ.tại các mạng: Khoahoc.net, Aihưucongchanh.com, etc. [7] Ở một đoạn bàn luận về Lạc Long Quân, Ngô Sĩ Liên [2] cho thấy ông cũng có một viễn kiến đi trước Charles Darwin khá lâu: 'Trong buổi trời đất mới mở mang có người do khỉ mà hoá ra...' [8] Nguyễn Vũ Tuấn Anh (2002) Thời Hùng Vương qua truyền thuyết và huyền thoại. Nxb Văn Hoá Thông Tin. [9] Arthur Cotterell (1995) China. A History. Pimlico (Random House) [10] Ngọc Phương (2003) Kể chuyện Văn Hoá Truyền Thống Trung Quốc. Nhà Xuất Bản Thế Giới (Hànội) [11] Nguyên Nguyên (2004) Thử tìm hiểu số đếm 1-10 trong văn minh Đông Sơn. Xem các báo mạng: khoahoc.net, honque.net, aihuucongchanh.com, perso.wanadoo.fr/charite,... [12] Nguyễn Hiến Lê (2002) Sử Trung Quốc. Nxb Văn Hoá [13] Janet McRae & Peg White (1984) The Chinese Way. Brooks Waterloo [14] Phục Hy, đặt ra bát quái, căn bản của Kinh Dịch. Thần Nông: tổ nghề nông và dược thảo. Hoàng Đế: biểu tượng của vua đất màu vàng (Hoàng). Đất vàng có tên khoa học là loess, chính là đất bồi do gió mang đến. Ở Trung thổ có lớp dày đến 3 thước. Rất phì nhiêu bởi nước thẫm dễ dàng. Người Hoa cho dân tộc họ mang mạng Thổ, màu vàng, ở miền chính giữa: Trung. Bởi vậy nước của họ gọi Trung Hoa hay Trung Quốc. Thời xưa, nếu đối chiếu với bên ngoài họ vẫn gọi đất của họ: Trung nguyên. Thí dụ, trong truyện của Kim Dung, giới giang hồ ưa hỏi nhau: ‘Không biết tin đồn Tạ Tốn đã trở lại Trung nguyên có thật hay không’. Hiện diện của bà Nữ Oa, được sắp xếp rất lộn xộn, chỉ chứng tỏ giai đoạn cổ thời theo Mẫu hệ của Hoa chủng. Theo đó bà Nữ Oa đáng lẽ phải được sắp xếp trước tiên. Điển hình, Thái Dương Thần Nữ bị kẹt cứng thành mẫu tổ của dân Nhật. Dân Trung Hoa xưa sau khi chuyển qua Phụ hệ đã thay đổi thứ tự và đưa bà Nữ Oa xuống. [15] Jeanne Cuisinier (1946) Les Mương – Géographie humaine et sociologie. Institut d’Ethnologie. Paris 10


[16] (A) Cũng có thể ‘tá’ ở thời thượng cổ dùng để chỉ ‘hai chục’ theo hệ 9. Hai chục trong hệ 9 tức là 2x9 = 18. Bởi ‘tá‘ ( 打 /da/ = ‘đôi’(?) = đôi chín = đôi chục?) ngày xưa tại Viêt Nam, có nơi chính là 18. Một tá xoài= 18 trái xoài = 2 x 9 trái xoài. Tất nhiên khi văn minh các nơi khác đến, ‘tá’ được đem ra dùng để dịch ‘dozen’, rồi trở thành 12. Nhưng đây chỉ là tản mạn mà thôi. (B) Xem lễ Nõ-Nường và đánh phết ở: www.vanhoanghethuat.org.vn/sach/tuchi/phan19.pdf [17] Xin để ý ngoài cái mốt 18 cho một liên tục về thời đại, cổ sử Hoa ưa cho việc mất nước vì đàn bà đẹp. Có lẽ ‘suy diễn ngược’ từ vụ Đường Minh Hoàng với Dương Quí Phi. Đầu tiên vua Kiệt nhà Hạ vì mê nàng Muội Hỉ nên bị Thành Thang diệt. Kế đó vua Trụ nhà Thang vì sủng ái Đắt Kỉ nên mất nước với nhà Châu. Tiếp theo đó, vua nhà Châu vì mê Bao Tự nên thua giặc rợ Khuyển Nhung và bị giết. Sau đó phải di đô về phía Đông: Đông Châu. [18] Sử Việt Nam có vẻ mang khuynh hướng dễ dãi xem những vị Tam Hoàng Ngũ Đế này có thật. Người Tây Phương lại khác. Họ ưa xem những vị thần thánh nguyên thủy này như biểu tượng xã hội.

11


Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (1): Hùng Vương: Quốc tổ mang hai giòng máu Bài này thử quan sát lại truyền thuyết ‘Con rồng cháu tiên’ dưới một góc độ tương đối mới, dựa vào những sự kiện, hiểu biết nửa cũ nửa mới. Đặc biệt, những sự kiện xưa cũ vẫn thường dễ quên, bỏ sót hoặc lướt qua trong quá khứ. Truyền thuyết con rồng cháu tiên của dân Việt, hay sự tích mối tình duyên giữa Âu Cơ và Lạc Long Quân là một câu chuyện đã trở thành cổ sử, được truyền tụng trên dưới 600 năm. Bởi vấn đề quá rộng và hết sức phức tạp, chúng tôi đã cố gắng tách rời ra nhau thành từng đề tài một, nhỏ và giới hạn. Bài này, viết tiếp theo ngay bài '18 đời vua Hùng: Một ý niệm về liên tục', sẽ viết một cách khái quát về truyền thuyết vua Hùng, vị quốc tổ mang hai giòng máu Việt và Thái, và sẽ tránh đi vào chi tiết các vấn đề liên hệ tương cận, như nước Xích Quỷ, nước Văn Lang, cũng như bờ cõi ranh giới của các ‘nước’ này. Và lại chia thành 2 bài (phần): Bài 1: Dữ kiện của truyền thuyết: Đối chiếu với ‘truyện cổ’ của người Mường Bài 2: Bối cảnh của truyền thuyết: Nước Sở của thời Xuân Thu Chiến Quốc. 1. NHỮNG ĐIỂM QUAN TRỌNG DỄ QUÊN Viết về Họ Hồng Bàng, quyển Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim [1] có chép: 'Cứ theo tục truyền thì Vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam đến Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc, và phong Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ. Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía Bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm thành), phía Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía Đông giáp bể Nam Hải. Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào quãng năm Nhâm Tuất (2879 trước Tây Lịch?) và lấy con gái Động Đình Quân là Long nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai. Lạc Long quân bảo Âu Cơ rằng: ''Ta là dòng dõi Long-quân, nhà ngươi dòng dõi thần tiên, ăn ở lâu với nhau không được. Nay được trăm đứa con thì nhà ngươi đem 50 đứa lên núi, còn 50 ta đem xuống bể Nam Hải.'' Sau đó vẫn theo 'truyền thuyết' Lạc Long Quân phong cho người con trai trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương. Hùng Vương cai trị nước Văn Lang theo lối cha truyền con nối đến 18 đời, thì bị Thục Phán, từ biên cương phía Bắc, đánh bại. Thục Phán lên ngôi, xưng là An Dương Vương, đổi quốc hiệu là Âu Lạc. Đó là năm 258 trước Công Nguyên (TCN). Truyền thuyết Âu Cơ và Lạc Long Quân, rồi 18 đời Hùng Vương, tự nhiên trở thành một thứ 'quốc sử' chính thống cũng bởi truyền thuyết đã được đề cập đến trong hai bộ sử có tầm 12


vóc, có thể nói lớn nhất, của nước Nam. Thứ nhất là bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên, và thứ hai, bộ Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư [2], xuất hiện khoảng 1479 dưới đời vua Lê Thánh Tôn, chính là bộ sử đầu tiên đưa truyền thuyết Âu Cơ - Lạc Long Quân, rồi Hùng Vương vào sử sách nước Việt. Trước thời Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, có 2 bộ sử nữa, nhưng hoàn toàn không đề cập đến truyền thuyết Lạc Long Quân. Đó là Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu, xuất hiện năm 1272, và Đại Việt Sử Lược [3] với tác giả khuyết danh, ra đời trong khoảng cuối thế kỷ 14 dưới đời nhà Trần. Bộ sách của Lê Văn Hưu, tuy thất truyền từ lâu nhưng phần lớn được Ngô Sĩ Liên xử dụng khi soạn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Đại Việt Sử Lược thất lạc nhiều năm, nhưng về sau được một vị quan nhà Thanh tìm được ở một thư khố bên Tàu. Chuyện tích vua Hùng với 18 đời, cùng những truyền tích khác như: Phù Đổng Thiên Vương, Sơn Tinh Thủy Tinh,..., thật ra được Ngô Sĩ Liên nhập vào bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, từ những sách thuật chuyện u linh hoang đường như: 'Việt Điện U Linh Tập', và 'Lĩnh Nam Chích Quái', xuất hiện trong khoảng thế kỷ 14. Đặc biệt 'Lĩnh Nam Chích Quái', do tiến sĩ Vũ Quỳnh hiệu đính, thuật lại những chuyện thần thoại ở khu vực phía Nam rặng núi Ngũ Lĩnh (Lĩnh Nam), tức phía Nam của nước Sở ở vào thời Xuân Thu Chiến Quốc xa xưa (770-221 TCN). Những ai đã đọc qua một hai chương sách đầu của bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đều để ý Ngô Sĩ Liên có chép lời bàn ở cuối 'chương' về thời Hồng Bàng [2], bày tỏ mối ngờ vực về truyền thuyết Âu Cơ: 'Cái thuyết nói 50 con theo mẹ về núi, biết đâu không phải là thế'. Còn Sơn Tinh Thủy Tinh thì ông cho: 'rất là quái đản, tin sách chẳng bằng không có sách, hãy tạm thuật lại chuyện cũ để truyền lại sự nghi ngờ thôi'. Ngô Sĩ Liên đã đoán rất đúng: Khi 'cóp' các truyền tích từ 'Việt Điện U Linh' hoặc 'Lĩnh Nam Chích Quái' vào cổ sử, ông đã gieo nghi ngờ và thắc mắc với mọi người Việt từ lúc đó cho mãi đến ngày nay. Mặc dù đã căn dặn kỹ: 'tin sách chẳng bằng không có sách' (tận tín thư bất như vô thư) [2]. Trước khi đi vào việc quan sát trở lại nội dung và ý nghĩa của các chi tiết câu chuyện Âu Cơ và Lạc Long Quân, chúng ta hãy nhìn lại một vài điểm quan trọng, sơ khởi, vẫn thường dễ bị quên lãng, hoặc thiếu sót trong quá khứ. (i)

Vua chúa thời huyền sử và biểu tượng

Khi nghiên cứu về cổ sử, các sử gia cũng như nhà khảo cứu từ Đông sang Tây vẫn thường xuyên dựa trên những chuyện cổ tích và truyền thuyết trong dạng trinh nguyên (thí dụ: xem [5]). Trinh nguyên, được nhấn mạnh ở đây để phân biệt với những bản được thêu dệt, thêm mắm thêm muối. Thí dụ: dạng thêm mắm của chuyện Lạc Long Quân có thể như thế này: 'Sau khi chia tay, Lạc Long Quân mới dặn đám con đi theo mẹ, tức Âu Cơ, khi có chuyện gì cứ lên núi hú lên 9 tiếng, Lạc Long Quân sẽ bay về cứu cấp.' Hoặc đưa ra đầy đủ danh sách của 18 vị Hùng Vương, nhưng luôn luôn quên rằng các tên vua Hùng viết toàn bằng chữ Hán, thí dụ: Hùng Huệ Vương, Hùng Tấn Vương, ..., y như thể nước Văn Lang là một trong mấy trăm nước chư hầu nhà Châu ở miền phía Bắc sông Dương Tử vào thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Tàu. Và tự đưa truyền thuyết vào một ngõ cụt của mâu thuẫn: Hùng Vương, bởi xưng vương hiệu bằng tiếng Hoa, chắc nói với dân Lạc bản địa toàn bằng tiếng 13


Hoa, trước các sắc tộc Hoa Nam, và trước khi người Hán mang tiếng Hoa đến xứ đó, cả ngàn năm. Thêm vào đó, rất ít khi chúng ta nhìn vào những nhân vật ở thời huyền sử như một biểu tượng của thời đại, chứ không phải…người thật. Xin viện dẫn thí dụ cụ thể bằng cách sơ lược các huyền sử người Hoa. Người Tàu ban đầu tự xưng nước họ là Trung thổ, Trung nguyên, rồi Trung quốc. Nước ở chính giữa mặt đất. Khi nền văn minh của họ đã tiến lên chế độ phong kiến đế quốc, bất cứ cái gì ở ngoài biên cương họ cũng đều cho man di mọi rợ hết. Phía Bắc có Bắc địch, Đông thì Đông Di, Nam gọi Nam man, và Tây có Tây Nhung. Họ cho họ mạng Thổ (theo thuyết Ngũ Hành), bởi ở miền Trung thổ, màu vàng theo sát với màu đất loess (có người dịch: hoàng thổ), tạo nên bởi cát phù sa do gió và bão táp tải đến. Họ sống bên bờ sông có nước màu vàng (của đất loess) - nên gọi sông đó luôn là sông vàng, tức Hoàng Hà. Một trong 3 ông vua đầu tiên của họ mang tên Hoàng Đế, với nghĩa: vua của đất vàng. Từ đó, Tần Thủy Hoàng Đế, mới 'chôm' luôn để đặt cho tước hiệu của ông, mang nghĩa ông Hoàng Đế nguyên thủy của nhà Tần, tức Ch'in. Người Tây phương phiên âm Tần, đọc Ch'in, thành ra Chine, rồi China, để chỉ nước Tàu. Truyền thuyết dựng nước của Tàu thường được kể như sau. Trước hết là Bàn Cổ. Bàn Cổ từ trong trứng nhảy ra đầu đội trời chân đạp đất, đến 18 ngàn năm, rồi chết. Thân thể và tứ chi, lông tóc, mắt mũi của Bàn Cổ biến thành muôn vật trong vũ trụ, với trung tâm là nước...Tàu. Sau Bàn Cổ ít lâu đến thời Tam Hoàng và Ngũ Đế. Có nhiều giả thiết khác nhau về tên của 3 vị Hoàng với 5 vị Đế đó. Tam Hoàng thường kể đến nhất gồm có: Hoàng Đế, Phục Hi, và Thần Nông. Còn những vị Ngũ Đế quen thuộc nhất bao gồm: bà Nữ Oa (đội đá vá trời), vua Nghiêu (Yao) và Thuấn (Shun). Nghiêu truyền ngôi cho Thuấn. Thuấn truyền ngôi cho Yũ (Vũ). Vũ thiết lập nên nhà Hạ, triều đại đầu tiên của Trung Hoa. Nhà Hạ truyền đến 18 đời thì bị mất về tay Thành Thang, dựng nên nhà Thương (Shang), cũng còn gọi Ân (Yin). Theo thứ tự từ đầu, chỉ có Nghiêu và Thuấn là có vẻ bán huyền thoại [6], tức có thể là ‘người’ có thật. Cũng có thể không phải người. Còn mấy vị Tam Hoàng, Ngũ Đế thì hoàn toàn mang đầy tính huyền thoại, dùng làm biểu tượng cho thời đại, cho nền văn minh, có vẻ đúng hơn. Nhà Hạ có thật hay không, cũng không chắc. Nhưng nhà Thương đã được chứng minh là có thật, bằng các tài liệu khai quật của ngành khảo cổ. Tuy nhiên các niên đại cho đến nay vẫn chưa có thống nhất. Bởi sử sách chỉ được viết rầm rộ sau khi nhà Hán của Liu Bang nhất thống được nước Tàu vào năm 206 TCN. Đại khái, nhà Thương bắt đầu khoảng năm 1700 TCN và kết thúc vào khoảng 1100 TCN. Tây Châu: 1100-771 TCN và Đông Châu: 770-221 TCN. Và nhà Tần ở vào giữa Đông Châu và Hán: 221-207 TCN. Tam Hoàng với Ngũ Đế hoàn toàn mang tính huyền thoại. Nhìn một cách khoa học và khách quan hơn, các vị này phải được xem như biểu tượng cho thời đại, cho nền văn minh. Biểu tượng cho một khối dân tộc, hoặc nền văn minh và trình độ làm lụng sinh sống của dân tộc đó, ở vào thời đó. Thí dụ, Phục Hi đặt ra bát quái, Kinh Dịch. Một chuyện hoang đường, nhưng có thể cho biết vào thời đó người Hoa bắt đầu biết sắp xếp đời sống tâm linh, và tư tưởng của họ cho ra hệ thống, cho có bài bản. Thần Nông, còn mang tên Viêm Đế, là ông vua dạy dân chúng về nghề nông và trồng dược thảo, chữa bệnh. Thần Nông cũng là 14


người khám phá ra trà. Biểu tượng thời đại Hoa chủng tiến lên canh nông như một phương tiện kinh tế chính. Xin tạm gác lại quan sát về thứ chủng tộc gốc của Thần Nông. 'Hoàng Đế' (tức Hiên Viên Hoàng Đế) rất có thể được dùng để chỉ một ý niệm về quyền lực của xã hội vừa mới được hình thành. Hoàng đế cũng có thể chỉ thủ lĩnh của bộ lạc nguyên thủy tại đất màu vàng. Hay tù trưởng liên minh của một số bộ lạc. Tên đầu tiên của nước Tàu có thể là đất Hoàng. Và dân Hoa là dân ở đất màu Vàng (Hoàng). Cũng ở dạng biểu tượng, rất có thể bà Nữ Oa thuở ban đầu đứng đầu danh sách. Nhất là danh sách về Tam Hoàng. Bởi bà tượng trưng cho xã hội theo Mẫu hệ. Nhưng về sau, khi xã hội đã biến sang Phụ hệ rồi, người Hoa xê dịch vị trí nguyên thủy của bà xuống dưới, rồi qua lại lung tung. Khác với xã hội Nhật, Thái Dương thần nữ vẫn giữ vững vị trí tổ Mẫu dân Nhật, bất chấp thay đổi từ Mẫu hệ sang Phụ hệ. Nhiều xã hội còn theo mẫu hệ ngày nay vẫn còn dùng một vị nữ thần làm thánh tổ cho xã hội hoặc cho một ngành canh nông kinh tế nào đó. Như bà Thần Lúa của dân Mạ ở Việt Nam theo trích dẫn từ [7], như sau: 'Uur Yaang Koe, bà Thần Luá xuất hiện dưới dạng hình của chim Sum Tôk vàng tươi và chim Sum Tii đỏ rực... Chúng đậu trên cây đa Jrii và trên dây leo Klac. Chúng ỉa cứt xuống, cứt hoá thành lúa... ... Rồi khi trồng hột lúa, con người gặt về trăm hột. Bà Thần Lúa sống nơi đất có mặt trời ấm áp sưởi cho hột lúa, nơi có mưa trời làm mát thân lúa, nơi có mưa lớn tràn suối tràn hồ...' (Dân ca Mạ) [7]. (ii)

Mâu thuẫn dễ quên trong truyền tích Hùng Vương

Thời Thần Nông trước thời nhà Thương, nhà Châu cũng cả mấy ngàn năm. Ngay đến thời nhà Thương, Hoa chủng nguyên thủy chỉ tập trung ở một hai tỉnh ở bên sông Hoàng Hà, như Thiểm Tây, phía Nam của Hà Bắc và Sơn Tây, và phía Bắc của Hà Nam, ngày nay. Đất khác của người khác: Ngay ở thời Xuân Thu (thế kỷ 8-5 trước Công Nguyên), chỉ nội ở miền Hoa Bắc có đến trên dưới 1000 'nước' lớn nhỏ khác nhau [6]. Không hề có chuyện tuần thú đi qua nước này nước kia như ở các đời sau. Tức Đế Minh, nếu chỉ cháu 3 đời của Thần Nông, chưa thể có được một lãnh thổ lớn hơn 1 tỉnh hiện nay của nước Tàu. Không cách gì ông ta đi tuần thú được tới phương Nam của sông Dương Tử. Bởi Bắc và Nam được ngăn cách bởi một rặng núi mang tên Wuling (Ngũ Lĩnh), tại khu vực tỉnh Hồ Nam ngày nay, bao gồm hằng nghìn đỉnh núi với cao độ cả nghìn mét tây. Ở phương Nam đó, người ta hãy còn nói nhiều thứ tiếng Yueh (Việt) [17] khác với tiếng Tàu. Như vậy Đế Minh chỉ có thể đi ‘tuần thú’ tuốt xuống phía Nam của rặng Ngũ Lĩnh, nếu và chỉ nếu ông ta là người đồng chủng với các bộ lạc ở khu vực đó. Không thể nào ông ta một người thuộc Hoa chủng có thể xuyên rừng băng núi đi vào lãnh thổ các chủng Yueh (Việt) như vậy được. Bởi, như sẽ trình bày trong bài tới, ngoài lý do phải xuyên qua một vùng đất lạ (rặng Wuling và khu Ling-Nan tức Lĩnh Nam), chủng Yueh [17] rất man rợ (dưới mắt chủ quan ‘ta đây’ của Hoa chủng), và ngôn ngữ hãy còn rất nhiều bất đồng. Chủng Yueh ngay vào thời Xuân Thu Chiến Quốc hãy còn chiếm địa bàn phía Nam sông Yương Tử và một số vùng ngay ở phiá Bắc lan tới sông Hoàng Hà. Tiêu biểu nhất, là nước Sở, tức phần lớn Hồ Bắc và Hồ Nam, và khu vực Động Đình Hồ - được thành lập vào khoảng năm 1100 TCN. Hai sự kiện chứa nhiều mâu thuẫn vẫn thường bị bỏ sót:

 Thứ nhất: Tên hiệu của tổ tiên gần và ngay cả của Hùng Vương đều viết theo chữ Hán ròng.

15


Đặc biệt, Kinh Dương Vương hoàn toàn một thứ tên hiệu thuần Hán, rất có khả năng mang nghĩa vua của đất Kinh và Dương. Hai châu Kinh và Dương chính là hai châu chính của nước Sở (sẽ đi vào chi tiết trong bài 2). Các vương hiệu của Hùng Vương, theo ‘truyền thuyết’ cũng hoàn toàn viết bằng chữ Hán: Hùng Huệ Vương, Hùng Tấn Vương,… trước khi người Hán đến xứ đó trên dưới 2800 năm.

Bởi ‘Hùng Vương’ là một tên hiệu chữ Hán ròng, chỉ có một trong hai chuyện đã xảy ra: MỘT: Hùng Vương là người gốc Tàu, hay lai ‘Tàu’, không biết tiếng của dân bản địa. Do Lạc Long Quân dẫn đến áp đặt làm ‘vua’ cai trị dân địa phương. Như vậy Hùng Vương chỉ có thể một quan thái thú đầu tiên chứ không thể nào là quốc tổ được. Không có huyết thống và DNA giống như loại của dân địa phương. Truyền thuyết theo như ‘Việt Nam Sử Lược’, khác với kiểu Mường, như sẽ trình bày phía dưới, đặc biệt nhấn mạnh 100 con của Âu (Cơ) và Lạc (Long Quân) toàn là con trai. Như vậy không có cách gì Hùng Vương đã trở thành thủy tổ của dòng giống Lạc Hồng hết. Chỉ có thể vua Hùng các đời sau, nếu vua thứ 1 và các vua kế tiếp đều lấy dân bản địa làm vợ [8]. Về việc ‘gốc Tàu hay lai Tàu’, rồi đây chúng ta sẽ thấy rõ, Hùng Vương không có mang một giọt máu Tàu nào hết. Chỉ thuần chủng Yueh trong khối ‘Bai Yue’ (tức Bách Việt). Đặc biệt, khối chủng Bách Việt có hai chi lớn: Chi Âu Việt (tức Thái) và Lạc Việt (tức tộc Việt ở vùng biển Đông). HAI: Nếu Hùng Vương là người có giòng máu Lạc như họ của cha (Lạc Long Quân), và có DNA giống y như dân bản địa, Hùng Vương không bao giờ xưng hiệu là Hùng Vương cả. 16


Bởi như vậy dân trong xứ sẽ không hiểu đó là gì. Nhất là nếu kể năm 2879 TCN năm bắt đầu. Ngay lúc đó ở bên Tàu chế độ phong kiến hãy chưa hình thành. Hoàn toàn không có chuyện ‘vương tước’ cùng các nước chư hầu. Chính vào lúc đó ở bên Tàu, lãnh thổ chỉ chừng 1-2 tỉnh bây giờ, người ta chưa hề biết đến những chức tước như ‘vương hầu bá tử nam’.

 Thứ hai: Truyện tích theo bản Việt, dựa theo và xuất xứ từ bản Mường, chú ý đến đám theo Lạc Long Quân. Còn truyện Mường, chính là bản gốc, chỉ chú ý đến bà Âu Cơ và đám con theo bà lên miền rừng núi.

Cả hai bản đều nói lên sự chia tay giữa chồng Lạc Long Quân và vợ Âu Cơ, rất giống nhiều vụ ly dị thời thế kỷ 21. Mỗi bên có quyền giữ phân nửa con. Không bản nào nói rõ những gì xảy ra cho đám kia. Mẹ ai và Cha ai nấy giữ, nấy thờ. Đây chính là điểm sơ suất trầm trọng nhất của giới khảo cứu Việt, kể cả Ngô Sĩ Liên, người đầu tiên đã ‘cóp’ truyền tích người Mường vào sử Việt, mà không để ý đến sự chia tay đó. Chỉ trừ Bình Nguyên Lộc [4], không một quyển sách nào từ xưa đến nay có trích dẫn bản Mường về truyện cổ Âu Cơ, đầu tiên đã được dẫn trong quyển sách nghiên cứu về xã hội và phong tục Mường của Jeanne Cuisinier [9] xuất bản thời tiền chiến. Bản Mường cũng đã đề cập đến vụ chia tay đầy nước mắt đó. Sơ suất thứ nhất về danh xưng Hùng Vương, đã từng được bàn cãi từ thời tiền chiến [4]. Nhất là khi có xu hướng cho rằng lãnh tụ của xứ Văn Lang đã được gọi Lạc Vương. Danh xưng ‘Lạc Vương’ này cũng lại một danh xưng chỉ xuất hiện sau khi người Hán đến chiếm đóng và đô hộ Giao Chỉ quận. Cũng là một thứ từ Hán ròng, được đặt bởi người Tàu. Bắt nguồn từ những khám phá đầu tiên của người Hán đối với tổ chức xã hội Việt ở thời thượng cổ. Cũng có nghĩa vào lúc phát hiện được hình thái tổ chức xã hội của Giao Chỉ thời chưa bị xâm chiếm, chưa chắc đã chính xác, người Tàu không hề gọi đó là nước Văn Lang với lãnh tụ là Hùng Vương. Thật vậy, theo trích dẫn [4], tên Văn Lang và Hùng Vương hoàn toàn vắng bóng trong tất cả thư tịch của Tàu thời xưa. Danh xưng ‘Lạc Vương’ khởi xuất trước tiên từ một đoạn ngắn thường được các sách trích dẫn, từ các bộ sách cổ như Thủy Kinh Chú, Quảng Châu Ký, Giao Châu Ngoại Vực Ký (xem [4] hoặc [10]): ‘Khi xưa, vào thời mà xứ Giao Chỉ chưa chia thành quận huyện, đất đó có ruộng Lạc, nước lên xuống ở ruộng tùy thủy triều. Dân làm ruộng đó mà ăn. Vì vậy gọi đó là dân Lạc. Lập ra Lạc Vương, Lạc hầu, Lạc tướng để coi các quận huyện. Có nhiều Lạc tướng mang ấn đồng giải lụa xanh’. Nhiều tác giả từ đó thêu dệt thêm: Lạc hầu chỉ quan văn, và Lạc tướng chỉ quan võ. Chử văn Tần [11] có lẽ cũng cảm thấy có cái gì lấn cấn, nên cho rằng các tác giả thời sau đã nhìn tổ chức xã hội cổ xưa với quan điểm của chế độ phong kiến: phân biệt quan văn và quan võ. Tức dùng các thứ ngôn ngữ hoặc phân loại của đời sau gán ghép cho đời trước [13]. Theo thiển ý và xin được nhấn mạnh, điểm lổng chổng và to tát nhất chính ở danh xưng ‘Hùng Vương’, hoặc ngay cả ‘Lạc Vương’, đều là những từ Hán ròng. Không có chất gì nôm-na theo kiểu tiếng bản địa trong đó hết. Nó được đặt nên có thể vài trăm năm sau khi người Hán đã áp đặt nền đô hộ lên dân xứ đó. Sơ suất thứ hai về một kết cục tràn đầy nước mắt giữa nàng Âu và chàng Lạc, bị bỏ sót hằng thế kỷ, có lẽ gây ra bởi thiếu thốn hiểu biết về văn hoá người Mường, và không để ý đến truyện cổ Ngu Cơ được dẫn trong quyển sách về Mường của Jeanne Cuisinier [9]. Gần đây sơ suất này đã được Cung Đình Thanh, trong một quyển biên khảo mới nhất [12] thiên nặng về chủ thuyết cho rằng văn minh Á Châu xuất phát từ miệt dưới chứ không phải ở Hoa 17


Bắc, để ý đến và ‘hiệu đính’ với trích dẫn các tài liệu ‘ngoại vi’ và không có nơi truyền tích nguyên trinh của đồng bào Mường. Theo hiệu đính đó, hai nhóm con theo cha và theo mẹ, trước khi chia tay đã nhất trí ‘bầu’ người con trưởng lên ngôi vua, lấy hiệu Hùng Vương, và cai trị cả hai miền rừng núi và đồng bằng ven biển. Chử văn Tần [11] và Cung Đình Thanh [12] đã để ý đến cả hai điểm lổng chổng nhất của truyền thuyết. Nhưng rất tiếc, lại lướt nhanh qua. Có lẽ do ở một tiền đề cứng nhắc: thuyết Âu Cơ có đã lâu đời, và Âu Cơ là một người có thật. Sau đây chúng ta hãy xem qua truyền thuyết nguyên trinh của người Mường mà chính Ngô Sĩ Liên đã chép từ quyển ‘Lĩnh Nam Chích Quái’. Quyển này lại ghi chép và biến đổi, truyện cổ tích người Mường từng được truyền miệng qua nhiều năm trong chốn dân gian. 2. MỘT TRUYỆN CỔ HAI TRUYỀN THUYẾT Theo quyển sách đồ sộ nhất về người Mường của Jeanne Cuisinier [9], người Mường có rất nhiều truyện cổ tích và truyền thuyết. Hai truyền tích lớn người Việt đã vay mượn thẳng từ nguồn Mường chính là chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh và bà Âu Cơ, mà người Mường phát âm theo kiểu Quảng Đông: Ngu Kơ. Truyền tích bà Ngu Kơ của Mường được kể như sau [9]: Ngày xửa ngày xưa, có một nàng công chúa xứ Mường tên là Ngu Kơ, mang tiền kiếp một con nai có đốm ngôi sao (cerf étoilé), cưới một ông hoàng tử con byua Yịt tên Lương Wong, gốc vốn loài cá. Ít lâu sau, Ngu Kơ sinh được 50 con gái và 50 con trai. Nhưng rồi cơm không lành canh chẳng ngọt. Từ ở chỗ con cái không đủ đồ ăn thức uống, Ngu Cơ và Lương Wong ưa cãi vã với nhau. Cuối cùng, Ngu Kơ và Lương Wong đành phải chia tay, đôi ngả đôi ta. Ngu Kơ dẫn 50 người con lên miền rừng núi, và Lương Wong dẫn 50 người con kia xuôi về miền sông biển. Ngu Kơ và đám con tạo nên những dòng vua chúa mặc áo màu đen, và Lương Wong, các gia đình vua mặc áo màu vàng. Dân Mường thờ kính bà Ngu Kơ như mẫu tổ và thường làm cờ có hình con nai đốm sao, như một vật tổ để tưởng nhớ đến bà. So sánh truyền thuyết Ngu Kơ của Mường với Âu Cơ của Việt, ta có thể thấy: Cả hai truyền thuyết đều kết cục bằng một sự chia tay. Một đám 50 người con theo papa Lạc xuôi về miền sông biển đồng bằng. Năm mươi người con kia đi theo Mẹ Ngu Cơ (hay Âu Cơ) đi lên miền rừng núi. Nhưng cần để ý ngay, bản Việt chỉ ròng con trai, không có con gái. Bản Mường có 50 trai, 50 gái. (i)

Ngu Kơ và Âu Cơ

‘Ngu Kơ’ là lối phát âm của người Mường, và cũng của tiếng Quảng Đông, cho ‘Âu Cơ’ theo tiếng Việt [14]. Vòng đai ở biên giới Hoa-Việt kéo từ Vân Nam qua Quí Châu, đến Quảng Đông, vào thuở cổ thời chính là địa bàn của chủng Việt, chi Thái. Hai nước oai hùng nhất ở vùng này chính là Tây Âu và Nam Chiếu. Thường, đặc biệt Tây Âu (tức Quảng Tây bây giờ), do người Thái làm chủ.

18


Qua một vài bài khác, chúng ta sẽ thấy người Mường chính là hậu duệ của người Tây Âu. Và dân Tây Âu rất có khả năng được bổ sung trong vòng thiên niên kỷ trước Công Nguyên bởi dân Thục và dân Sở (xem bản đồ). Cả Thục (tức Tứ Xuyên bây giờ), lẫn Sở (Hồ Bắc & Hồ Nam) khi xưa do chủng Yueh (Việt) làm chủ. Trong đó có chi Âu (= Thái) và chi Lạc (= Việt), và một số các nhóm người dân tộc khác. Đặc biệt dân Âu làm chủ lực, tức thành phần nòng cốt đa số. Nhưng vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên, cả Thục lẫn Sở đều bị nước Tần, thuộc chủng Hoa (Tàu), thôn tính. Khi mất nước dân Thục và Sở đều phải chạy riết về phía Nam, rồi bổ sung vào dân bản địa có sẵn tại Nam Chiếu và Tây Âu (xem [18] & [19] cùng những tra cứu từ internet [20]). Nam Chiếu, trước đó mang tên Điền Việt, rồi Đại Lý (với ngón Nhất Dương Chỉ trong truyện Kim Dung), và hiện nay chính là tỉnh Vân Nam. Nam Chiếu đã từng chống trả bước Nam tiến của người Hán, mãi cho đến khoảng thế kỷ 13, thì bị quân Mông Cổ (nhà Nguyên) thôn tính. Nhà Nguyên sau đó đưa di dân từ miệt Bắc xuống định cư ở Nam Chiếu (thí dụ: xem [6]). Chính ở vào thời điểm này, người Nam Chiếu và các sắc tộc ở miền biên giới, dưới sức ép của việc tìm lãnh thổ riêng để sinh sống, đã tràn sang An Nam và khu vực Lào và Thái Lan ngày nay, tạo dựng nên nước Xiêm và nước Lào. Nhiều khối người dân tộc ở Bắc phần hiện nay cũng từ phía Bắc tràn qua vào thời đó. Đọc lịch sử nước Thái Lan, ngay cả trên internet, chúng ta sẽ thấy người Thái Lan nhìn nhận dân họ gốc ở miền Hoa Nam, đặc biệt Nam Chiếu. Và vương quốc Thái đầu tiên mang tên Sukhothai được thành lập vào năm 1238 sau Công Nguyên [21]. Tây Âu cũng giống như nước Sở ở thời Xuân Thu Chiến quốc, đã là một vùng đất của chủng Thái, có một quá khứ hết sức oai hùng. Đó là cuộc chiến chống Tần bằng lối du kích kéo dài suốt 3 năm [16]. Đây là một chủng Việt (chi Âu) rất kiên cường, mà sử Việt rất thường hay nhầm lẫn là dân Việt Nam, mãi cho đến thời hiện tại (thí dụ [11]). Sự thật, như sẽ đề cập trong những bài sau, họ là một trong 3 thành phần nòng cốt tiến tạo nên tộc người Việt Nam. Nói chung, nếu nhìn vào bản đồ ta có thể thấy địa bàn chủng Thái (tức Âu) nằm ở miền Trung nước Tàu, trong khoảng Hồ Bắc (phía Bắc sông Dương Tử và Hồ Động Đình), và kéo xuống đến biên giới Hoa-Việt ngày nay. Chủng Việt (tức Lạc) lại chiếm dãi đất ven biển ở phía Đông nước Tàu. Chạy từ khu vực tỉnh Sơn Đông xuống đến tận Phúc Kiến (tức nước Mân Việt hồi xưa). Nổi tiếng nhất trong chi Âu là các nước: Sở, Tây Âu và Nam Chiếu. Sở ban đầu là một nước bao gồm toàn các thứ rợ (đặc biệt chủng Yueh). Nhưng chỉ vài trăm năm sau, trở nên Hoa hoá, hùng cường và thật … văn minh. Sở Trang Vương chính là một trong 5 vị Bá hạng nhất vào cuối thời Xuân Thu. Lừng danh nhất trong chi Lạc chính là nước Ngô, nước Việt (Câu Tiễn) và nhóm du mục nay đây mai đó, gọi Bách Bộc hay Bộc Việt, ngày xưa xuất phát từ miền Sơn Đông, địa bàn của rợ Đông Yi hay Lai Yi (xem [4] và [22]). Nước Việt dưới thời Câu Tiễn cũng là một nước oai hùng nằm ở địa bàn Chiết Giang - Thượng Hải ngày nay. Việt thôn tính Ngô dưới thời Ngô Phù Sai. Nhưng về sau, vào năm 333 TCN, bị Sở hợp sức với Tề tiêu diệt. Trở lại với Ngu Kơ và Âu Cơ. Người Lưỡng Quảng và người Mường có khuynh hướng đổi âm qua lại giữa /Âu/ và /Ngu/. Âu Cơ, người Mường phát âm như Ngu Kơ, theo tiếng của họ. ‘Âu Cơ’ cũng là một tên của người phái nữ gốc Sở. 'Âu Cơ' đọc theo quan 19


thoại là /Yu ji/ hay có khi /Ou ji/. Và theo Quảng Đông chính là /Ngu Kơ/. Độc giả các truyện Tàu chắc còn nhớ Tây Sở Bá Vương Hạng Yũ (Xiang Yu) vào đêm cuối cùng khi đại bại bởi Lưu Bang, đã được một người ái cơ họ Ngu (có phát âm như /Yu/ theo kiểu quan thoại) múa kiếm để giải sầu. Người Hoa có thể gọi người ái cơ đó của Hạng Yũ là 'Ngu Cơ' 虞 姬 [15], nếu đọc theo lối phát âm Quảng Đông (và...Mường). Y hệt như 'Ngu Cơ' dùng để gọi bà 'Âu Cơ' 嫗 姬 . Tóm lại, /Ngu Cơ/ đọc theo quan thoại là /Yu ji/. / Âu Cơ/ cũng vậy. Có thể là /Yu ji/ và cũng có thể /Ou ji/. Ngu Cơ chính là Âu Cơ. Người Việt gọi Âu Cơ, Quảng Đông và Mường phát âm như Ngu Cơ. Nhưng, xin để ý: (ii)

Âu Cơ theo bản Việt là người gốc Động Đình Hồ, cũng thuộc Sở (chủng Thái). Ngu Cơ theo bản Mường, là công chúa Mường (chủng Mường, cũng là chủng Thái) Bước nhảy vọt về thời gian và không gian

Có một điểm rất quan trọng trong truyền thuyết, theo bản Việt, đã cần đến một số ý niệm của văn minh Tây Phương, mới có thể hiểu rõ được. Các ý niệm này thật ra chỉ được phổ biến rộng rãi vào thế kỷ 20. Đó là các ý niệm ‘quantum’ và ‘fast forward’. ‘Quantum’ là một ý niệm của khoa vật lý học, do Max Planck đề ra vào đầu thế kỷ thứ 20. Đại khái, Max Planck cho biết có một số đặc tính vật lý chỉ có thể giải thích được bằng số lượng riêng theo từng đơn vị trọn. Thí dụ, so sánh giữa các bậc thang, xây bằng bê tông để leo lên núi, và cách lên núi bằng con đường dốc lài lài. Khi lên núi bằng cách bước lên những bậc thềm xi măng, mỗi một mức sẽ gia tăng một độ cao nhất định. Không có cái vụ nửa mức thang, một phần sáu bước thang, v.v. Chỉ có: 1, 2, 3, … N, bước thang mà thôi. Riêng biệt từng đơn vị trọn. Đối với người đi lên núi theo đường dốc lài lài, có khi bước này dài hơn bước kia, ngắn hơn bước nọ. Sự gia tăng bất chừng, khi lớn khi bé. Gia tăng độ cao biến chuyển từ 0 cho đến bước dài nhất người có thể bước được. Bước dài nhất lại khác nhau tùy người. Người chân dài bước dài hơn, người chân ngắn bước ngắn hơn. Tức không biết chắc chắn được mỗi bước đi lên núi sẽ thu ngắn quãng đường đến đâu. Nhưng lên núi theo bậc thang lại xác định được theo từng bước một. Đó là ‘quantum’. Mỗi một quantum bằng với một bậc thang. ‘Fast forward’ là một ý niệm dễ hơn. Bởi ra đời sau khi các máy cassette nghe nhạc, hoặc đầu máy video. ‘Fast forward’ chính là bấm vào nút cho băng quay nhanh về trước. Để nghe các bản nhạc phiá sau của băng nhạc, hay xem những đoạn sau của phim. Ngày nay, ý niệm này đã đi vào ngôn ngữ Tây phương. Thí dụ đọc một bài viết trên báo thuật lại chuyên xưa, tự nhiên ta thấy người viết ghi: ‘Fast forward’. Rồi tiếp theo ngay bằng những gì xảy ra 10-20 năm sau. Cả hai ý niệm ‘Quantum jump’, tức nhảy lùi, hay nhảy vọt tới bằng những lượng xác định và đo được, và ‘Fast forward’ tức quay nhanh thời gian, đều hiện rất rõ trong truyền thuyết ‘con rồng cháu tiên’. QUANTUM JUMP: 20


 Biên giới xứ Xích Quỷ của chủng Yueh ở thời Kinh Dương Vương: rất rộng. Giáp nước Thục, Động Đình Hồ, biển Nam Hải, nước Chiêm.

 Biên giới nước Văn Lang thời Hùng Vương: tự nhiên bị thu lại rất nhỏ - chỉ trong

vòng Bắc Việt mà thôi. Nhỏ hẹp hơn bằng rất nhiều ‘quanta’ - rất đột xuất. Ai cũng có thể dễ dàng suy đoán ra lãnh thổ nhỏ hẹp này, nếu căn cứ vào đoạn sử về việc Triệu Đà thôn tính nước Âu Lạc và sát nhập vào Nam Việt sẵn có, bao gồm phần lớn Lưỡng Quảng. Nước Âu Lạc trước đó lại chính là xứ của người Lạc đã bị Thục Phán với dân quân từ Tây Âu đến xâm chiếm [19].

Việc biên cương của dân ‘Việt’ tự nhiên nhảy xuống một cái rụp, đã cho thấy: - Vào đầu truyện, ở thời Đế Minh cháu 3 đời của Thần Nông, không có những địa danh như Thục, Động Đình Hồ, biển Nam Hải, nước Chiêm,…, hoặc nhân danh như ‘Kinh Dương Vương’, Lạc Long quân,… Toàn những tên dùng tiếng Hoa ròng. Bởi vào thời huyền sử, ngót 3 ngàn năm trước Công Nguyên, cái chủng Hoa hãy còn là những bộ lạc nhỏ ở bên sông Hoàng Hà, chưa thể có một kiến thức hoặc ý niệm gì hết về các địa danh nói trên, tại các vùng đất thuộc chủng khác. - Nếu nhìn dưới một góc độ khác, chủng của Thần Nông, Đế Minh, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, kéo luôn đến đám con của bà Âu và ông Lạc,… đều không phải chủng Tàu. Họ phải thuộc một số chủng khác có địa bàn kéo suốt phía Nam sông Yương Tử, nên mới có thể đi tuần thú hoặc thay đổi biên cương lãnh thổ của từng nhóm con cháu như vậy. - Việc suy giảm lãnh thổ hay địa bàn sinh sống của dân Bách Việt hoặc hai chi chủng Âu và Lạc, xuống rất nhiều ‘quanta’, chỉ có thể giải thích bằng một cuộc bỏ chạy hay di tản của đám dân đó. Hoặc vì ‘mất nước’, hoặc chạy đến một địa bàn mới nhỏ hẹp hơn. FAST FORWARD Fast forward mới thật ly kỳ, và đã trốn tránh được bao nhiêu quan sát dưới kính hiển vi, kéo dài hằng thế kỷ.

 Đế Minh: cháu 3 đời Thần Nông => một ‘nhân vật’ huyền sử. Xuất hiện ít lắm 2800

năm TCN. Vào thời này: nước Tàu chỉ bằng 1-2 tỉnh bây giờ ở khu vực bên sông Hoàng Hà, tỉnh Thiểm Tây & Sơn Tây. Hoa chủng chưa làm chủ đến vùng đất Kinh (tức nước Sở), ở phía Nam. Rất có thể tổ chức hãy còn trong dạng bộ lạc hay liên minh bộ lạc.  Đế Minh đi tuần thú phương Nam, đến Ngũ Lĩnh, gặp nàng tiên. Rồi lấy nàng tiên đó sinh ra hai con: Đế Nghi + Lộc Tục. Lộc Tục xưng là Kinh Dương Vương, làm vua nước Xích Quỷ, vào khoảng năm Nhâm Tuất (2879 TCN).  Kinh Dương Vương ‘thành hôn’ với con gái vua xứ Động Đình Hồ => sinh ra Sùng Lãm lấy hiệu Lạc Long Quân. Rõ ràng tác giả chính của ‘truyền thuyết’ đã bấm nút Fast forward (quay băng nhanh) ngay từ lúc cho ‘Đế Minh’ đi tuần thú phương Nam. Với những địa danh và nhân danh chỉ xuất hiện vào thời Xuân Thu, trên 2000 năm sau khi Đế Minh vừa mới chào đời. Nói một cách nôm na:

21


 Vào thời Đế Minh ra đời, không ai biết Động Đình Hồ hoặc Ngũ Lĩnh ở đâu. Chưa

có nước Sở, chưa có đất Kinh và đất Dương. Không ai có khái niệm thế nào là ‘Vương’. Chỉ có thể có Hoàng Đế, một trong Tam Hoàng.  Đến lúc Đế Minh bắt được chuyến bay của China Airlines, chuyến 2879-TCN, người ta thấy xuất hiện những nơi danh lam thắng cảnh, những địa danh nhân danh, ít lắm 2000 năm sau khi Đế Minh ra đời, mới có.  Fast forward một lần nữa. Đến lúc Âu Cơ chia tay với Lạc Long Quân. Lạc đi về miền đồng bằng gần biển, chọn người con trưởng lên ngôi vua, xưng là Hùng Vương. Để ý họ Hùng là một họ của vua nước Sở. Trước sau có đến hai mươi mấy đời mới dứt. Toàn họ Hùng, tiếng Sở gọi là Mị (xin xem bài số 2). Tính trung bình 30 năm một thế hệ, ta thử làm một bài toán: - từ Đế Minh đến Lộc Tục tức Kinh Dương Vương: 30 năm - từ Kinh Dương Vương đến Sùng Lãm, tức Lạc Long Quân: 30 năm - từ Lạc Long Quân đến 100 đứa con với Âu Cơ: 30 năm - từ lúc sinh ra 100 con đến khi chúng trưởng thành: 30 năm Như vậy từ khi Kinh Dương Vương lên làm vua nước Xích Quỷ đến lúc Hùng Vương số 1 xưng vua ở xứ ‘Văn Lang’ có thể kéo dài khoảng 90-100 năm. Năm Kinh Dương Vương lên ngôi vua: 2879 TCN Năm Hùng Vương bắt đầu cai trị xứ ở phương Nam: 2879 – 100 = 2779 TCN. Vào năm 2779 TCN, ở toàn cõi lục địa bây giờ gọi Trung Quốc, trừ triều đại nhà Hạ thuộc huyền sử, những chỗ khác chưa biết đến chế độ thế tập. Đặc biệt đất Kinh Cức tức Kinh man chưa được nhà Châu biết đến. Và cũng chưa có nước Sở với những ông vua mang họ Mị tức Hùng. Việc khai sinh Hùng Vương, trước sau chỉ 6 đời sau Thần Nông chính là kết quả của việc bấm nút Fast Forward của tác giả. Quay nhanh từ khoảng năm 2779 TCN đến khoảng 1122 TCN, khi nước Sở thành lập. Bởi chỉ từ thuở đó (1122 TCN) người dân Sở mới bắt đầu biết đến ý niệm: vua mang họ Hùng và tước Vương: Hùng Vương [23]. Thật ra truyền tích ngay từ lúc Đế Minh bắt đầu đi tuần thú phương Nam đã bị Fast Forward, quay nhanh, đến tận thời Xuân Thu Chiến Quốc ở bên Tàu (770-221 TCN). Theo thiển ý một hệ luận hết sức quan trọng đã bắt nguồn từ chỗ không để ý đến vấn đề Quantum Jump và Fast Forward trong truyền tích Âu Cơ. Đó là các sử gia từ đời này sang đời nọ đều quên đối chiếu cổ sử với biến động lịch sử chung quanh. Bởi ở chỗ truyền tích đã bị FAST FORWARD không có báo động, người khảo cứu khi chăm chú vào những huyền thoại di cư xảy ra vào thời Đế Minh, Lạc Long Quân, rồi Hùng Wang thường lầm tưởng mấy ông tổ này đi đến xứ của người nước Nam trong khoảng 2880-2780 TCN mà thôi. Họ hoàn toàn không biết câu chuyện đã được Fast Forward đến đời Xuân Thu Chiến Quốc ở bên Tàu. Tức thời có chiến tranh loạn lạc gây ra bao nỗi kinh hoàng, chết chóc. Cũng là thời có di cư di tản hằng khối. Toàn là Nam tiến bằng đường bộ lẫn đường thủy. Chỉ trừ một vài nhà khảo cứu thời tiền chiến như Aurousseau, Madrolle,…, còn như tất cả các sử gia hay những nhà nghiên cứu, viết lách, đều dễ bị rơi vào cái hố đã được đào sẵn. Ở chỗ truyền tích có Fast Forward mà không có báo động. 22


Aurousseau cho rằng chính đám thần dân nước Việt của Câu Tiễn, sau khi bị Sở thôn tính (333 TCN), đã di tản bằng đường bộ về hướng nước Nam. Rồi hội nhập với dân bản địa dựng nên nước Nam [4] [10]. Madrolle bài bác thuyết của Aurousseau và cho rằng chỉ có dân Mân Việt (tức Triều Châu & Phúc Kiến ngày nay) mới là thành phần chủ lực. U Việt, tức nước Việt của Câu Tiễn, xa xôi quá [4] [10]. Một lí do khác đã gây nên sơ suất đáng tiếc này, nay đã trở thành một thông lệ lớn, bắt nguồn từ chỗ nhiều vị bắt đầu tra cứu từ ở cổ sử Tàu. Nhưng vô tình, không để ý sử Tàu, từ cổ chí kim, luôn luôn bị sức ép chính trị của một quốc gia lớn có quá nhiều chủng tộc khác biệt. Và được viết trên quan điểm 'trung ương' của một nước Tàu nhất thống của chủng Hán. Tất nhiên sẽ không chú ý đến mọi sắc tộc đã bị đàn áp hay thua trận, mất nước. Hoặc đã được 'đồng hoá'. Và sẽ ít khi đề cập đến các vụ di tản khổng lồ của dân các nước đã bị...nuốt, ngay từ thời Thượng cổ cho đến loạn lạc thời sau nhà Đường (Ngũ Đại, v.v.). Thời Xuân Thu Chiến Quốc (770-221 TCN), tiếp theo là nhà Tần rồi Hán Sở tranh hùng, v.v. là một thời khủng khiếp nhất, kéo dài khoảng gần 800 năm. Chiến tranh liên miên. Ở nhiều trận chiến, khi bị đại bại quân sĩ bị chém đầu như rạ. Ngoài ra còn nạn đói kém vì thiên tai mất mùa, và do ảnh hưởng chiến tranh. Các chủng tộc hồi đó khác biệt về ngôn ngữ hãy còn ít, nhất là có nhiều chi chủng rất gần nhau trong đám Bách Việt. Hoặc nếu có khác, cũng không quan trọng, bởi đất đai còn trống. Bộ lạc dùng tiếng này có thể sống cạnh bộ lạc nói tiếng nọ. Lại đặc biệt không có đòi hỏi hộ chiếu hay thị thực khi đi qua vùng này hay vùng khác. Như vậy chuyện di tản hằng khối người đáng được xem như một chuyện rất khả thi, và quan trọng nhất trong việc khảo cứu về nguồn gốc dân tộc. Thế nhưng, đây cũng là chuyện hay bị bỏ sót. Bình Nguyên Lộc [4] quan sát rất tỉ mỉ về cổ sử Tàu và bảo vệ luận thuyết của ông, cho rằng Mã Lai I đến Bắc Việt cách đây 5000 năm, rồi được bổ xung bằng Mã Lai II, cách đây 2500 năm. Tác giả Mã Lai duyệt hết sách vở, Đông Tây đủ thứ, nhưng đã không dành đến 1 dòng để cho biết thời điểm Mã Lai II, chính là cực điểm thời Xuân Thu ở bên Tàu, cách đây khoảng 2500 năm. Chử văn Tần [11] thu thập các bài viết trong nhiều năm của ông, và cho xuất bản thành quyển sách dày về 'Văn minh Đông Sơn'. Trong đó ông có đưa một nhận xét rằng kiểu dáng của nhiều đồ khai quật cho thấy có sự xuất hiện của một nhóm người mới vào khoảng thế kỷ thứ 6-7 trước Công Nguyên. Nhưng hoàn toàn không đề cập đến những biến động chiến tranh loạn lạc ở bên Tàu vào thời đó (thế kỷ 8-2 trước Công Nguyên). Cung Đình Thanh [12] tìm về nguồn gốc văn minh Việt Nam, bằng những tài liệu khoa học mới, cho biết rất có thể văn minh Hoa Hạ được xuất phát từ khu Hoà Bình hoặc khu Sundaland, thuộc vùng Mã Lai - Inđô, nay đã chìm dưới biển. Nhiều tài liệu dẫn cho biết những cuộc di dân rầm rộ cách đây trên 5000 năm, được đối chiếu với mực nước biển lên xuống. Ngược lại ở phần nhận xét về di dân, tác giả chỉ qui cho loạn lạc ở đời nhà Tần là nguyên nhân của các cuộc di dân Nam tiến. Khá trễ, và lại bỏ quên thời khủng bố của Đông Chu liệt quốc. Nếu đối chiếu với lịch sử lập quốc Thái Lan chẳng hạn, ngay bằng cách truy cập trên mạng, ta sẽ thấy vấn đề có vẻ giản đơn hơn. Sử nước Thái cho biết rõ họ có gốc gác miền Hoa 23


Nam nước Tàu. Đặc biệt nước Nam Chiếu, tức Đại Lý (của Đoàn Dự trong truyện Kim Dung), hay Điền Việt thời xa xưa. Chủng Thái có được quốc gia đàng hoàng rất trễ, vào thế kỷ 13. Sau khi quân Mông Cổ đánh chiếm và đưa di dân từ phía Bắc xuống để trị bọn này. Trước khi nước Thái Lan và Lào được thành lập - chủng Thái cũng bơ vơ như nhiều sắc tộc khác (như Hmong), ở miền Hoa Nam, và thường hay quấy phá nước An-Nam và miền cực Nam nước Tàu. Đặc biệt sử Thái ghi rõ: vào khoảng năm 600 trước Công Nguyên, có một đám di cư thuộc chủng Thái tràn vào đất Thái Lan hiện nay, xuất phát từ miền Hoa Nam. Thời đó đúng vào lúc cực điểm của chiến tranh Xuân Thu. Chiến tranh giữa nhà Châu hay Tần với nước Ba và nước Thục, hay đám rợ Tây Nhung. 3. THỬ GIẢI MÃ MỘT TRUYỀN THUYẾT Đọc đi đọc lại hai truyền thuyết, một Mường một Việt, ta có thể chú ý đến những điểm nổi bật như sau: (i)

Bản Mường của chính người Mường ‘sáng tác’

Bản Mường có những nét đặc trưng cho thấy do chính người Mường ‘sáng tác’. Trước hết, vấn đề Mẫu hệ. Người Mường thờ phượng và xem Âu Cơ như tổ mẫu của họ. Tức cho đến lúc truyền thuyết được tạo dựng xã hội Mường hãy còn một xã hội theo mẫu hệ. Âu Cơ và 50 người con theo bà tạo nên những gia đình vọng tộc lãnh đạo các xã hội Mường. Điểm này cho thấy họ vẫn nhìn nhận xã hội Mường vào thời tạo dựng truyền thuyết bao gồm nhiều bộ lạc tuy cùng chung chủng tộc nhưng có khác nhau chút ít. Ăn khớp với mô tả của Cuisinier về xã hội Mường ở từng khu vực khác nhau. Để ý, giới lãnh đạo tộc Mường, theo Âu Cơ, mặc áo màu đen, giới lãnh đạo Việt, theo Lạc Long Quân, mặc áo màu vàng. Không ăn khớp với thuyết Ngũ Hành của người Tàu. Nếu cho đám Lạc mang mạng Thủy (loài cá, loài rồng), họ phải có áo màu đen, chứ không phải vàng. Đám Lạc đi về miền biển hướng Đông, cũng có thể mang mạng Mộc, màu xanh, chỉ hướng Đông. Nhưng truyền thuyết Mường lại cho họ mặc áo màu vàng. Tương tự đám con theo Âu Cơ lên rừng núi, nói theo người Hoa, sẽ mang hành Mộc (rừng có nhiều cây) hoặc hành Thổ (núi toàn đất lô nhô), nằm ở phía trong. Mộc có màu xanh, Thổ màu vàng. Nhưng truyền thuyết Mường cho họ màu Đen. Tức cả hai màu áo cho biết người Mường không bị tiêm nhiễm bởi cái thuyết Ngũ Hành, rất phổ thông với văn hoá Hoa từ xưa đến nay. Truyền thuyết của Mường chắc chắn không có bàn tay người Hoa sáng tác hay hiệu đính. Quan trọng hơn nữa, do ở điểm ‘gia đình các vua chúa mặc áo đen’, truyền tích đã cho biết xã hội Mường từ thuở đó vẫn không tiến lên xã hội vua chúa phong kiến, hình thái quốc gia nhà nước như xã hội Lạc Việt, theo như bản truyền thuyết của Việt chủng. Bởi ‘gia đình vua chúa’ mang nghĩa những người con theo Âu Cơ mỗi người làm thủ lĩnh một bộ lạc riêng nhưng liên hệ với nhau. Quan trọng hơn hết, Âu Cơ mang trong người huyết thống và DNA của người Mường 100%. Người Mường thuộc chi chủng Thái xuất phát từ miền cực Nam nước Tàu, và có lẽ tới xứ dân Lạc rất sớm, khoảng vài trăm năm, và có khi cả ngàn năm, trước Công Nguyên. Tên Âu Cơ y hệt như tên người ái cơ gốc dân Sở của Hạng Vũ, và cũng y hệt như tên cái xứ có chủng Thái làm thành phần chủ lực: Tây Âu [24]. (ii)

Lạc Long Quân và giòng máu Việt 24


Truyền thuyết Việt khi dựa vào truyền thuyết Mường, đã đổi Lương Wong sang họ Lạc nhằm chỉ chủng tộc ông Long Quân này chính là chủng Việt (Việt Nam). Bởi truyền thuyết Việt có đề cập đến Kinh Dương Vương, truyền thuyết đã không để chỗ hở khi kèm một người thuộc chủng Việt vào nước Sở. Thật vậy khi nước Sở mới được thành lập, nước này chỉ bao gồm phần chính là châu Kinh, tức đất Kinh Cức hay Kinh Man hoặc Kinh Việt. Trong một bài tới, chúng ta sẽ thấy thành phần chủ lực ở đất Kinh Việt chính là người Yueh (Việt) thuộc chủng Thái. Vài trăm năm sau, nhất là dưới thời Sở Trang Vương, nước Sở trở nên hùng cường, văn minh hơn. Nhưng đồng thời cũng bị đồng hoá với Hoa chủng. Khi đó, Sở bành trướng thêm lãnh thổ. Lan xuống vùng Hồ Nam chung quanh Động Đình Hồ. Rồi tiến chiếm đất đai ở hướng Đông, của vùng đất nước Ngô và Việt xưa. Đặt tên miền đất phía Đông đó là châu Dương hay Dương Việt. Khác với châu Kinh, rất có khả năng, châu Dương chứa phần lớn người dân thuộc chủng Lạc, chứ không phải chủng Âu. Như vậy nếu hiểu theo biểu tượng, Kinh Dương Vương bao gồm hai chủng lớn ở đất Kinh và đất Dương. Đất Kinh có chủng Âu, tức Thái. Đất Dương, chủng Lạc, tức Lạc Việt hay Việt Nam sau này. Tác giả truyền thuyết muốn cho ‘chắc ăn’ đã gán cho ông Long Quân cái họ LẠC, để cho mọi người không thể nào lầm được. Lạc Long Quân là một người Việt chủng Lạc 100%. Như vậy, Hùng Vương con trai cả của Âu Cơ và Lạc Long Quân, nếu là người thiệt, chắc chắn là một người mang hai giòng máu: Thái và Việt. Tức chủng Âu và chủng Lạc. (iii) Ý nghĩa khác của truyền thuyết Như đã bàn đến phía trên, theo bản Việt, Âu Cơ sinh ra 100 người con toàn là trai. Như vậy Hùng Vương số 1 không thể nào trở thành quốc tổ được. Chỉ có bua Hùng các đời sau nếu họ tiếp tục lấy vợ người bản địa. Trên bình diện này, bản Mường có vẻ hay ho hơn. Có nam có nữ. Đầy đủ cơ sở để các byua Hùng, ngay từ số 1, trở thành quốc tổ của chủng lạc hồng. Mặc dù chúng ta vẫn biết chuyện anh em bà con gần lấy nhau không phù hợp với khoa học và luân lý Khổng Mạnh, nhưng ở vào thời nhiễu nhương chưa được hoàn toàn văn minh đó, từ Ai Cập đến Trung quốc của thời Xuân Thu Chiến quốc, anh em họ hàng vẫn thường lấy nhau. Đọc Đông Châu Liệt quốc chúng ta vẫn thấy vua nước Sở ngủ với cháu gái, và vua nước Tề giao hoan với em gái ruột. Điểm lấn cấn này lập tức sẽ được ‘hoá giải’ ngay nếu chúng ta xem Âu Cơ, Lạc Long Quân, và ngay cả Hùng Vương chỉ là những biểu tượng, chứ không phải người thật. Bởi thực tế vẫn có những dấu hiệu cho biết họ chỉ là biểu tượng. Thứ nhất là Thần Nông. Ngày nay ở Hồ Bắc có nhiều tượng thờ Thần Nông với đầu mang sừng tlâu. Thần Nông do đó là biểu tượng, qua hình người đầu trâu, chỉ thời đại dân chúng bắt đầu biết canh nông. Thứ hai: Kinh Dương Vương, ngầm chỉ dân chúng hai đất Kinh và Dương, thuộc địa bàn nước Sở. 25


Thứ ba: Theo kiểu Mường, Âu Cơ chính là con nai có đốm sao. Người Mường thờ con nai, như thờ Âu Cơ. Con nai ưa sống ở miền núi rừng. Âu Cơ biểu tượng cho nhóm dân tộc có địa bàn miền rừng núi. Chính là chủng Âu, tức Thái, tức Mường. Thứ tư: Theo kiểu Mường và Việt, Lạc Long Quân mang giống cá hoặc rồng. Cá và rồng đều sống dưới nước. Lạc Long Quân chính là biểu tượng dân sống vùng đất gần sông gần biển. Ăn khớp với địa bàn chủng Yueh (Việt), tức Lạc, kéo dài từ vùng Sơn Đông xuống tận đến Nam Phúc Kiến, và ở vùng Giao Chỉ - Bắc Việt, bình nguyên sông Hồng. Thứ năm: Hùng Vương rất có khả năng chỉ nhóm người đầu tiên ‘di tản’ đến sinh sống tại bình nguyên sông Hồng, bổ sung với dân bản địa. Dân bản địa có thể bao gồm 2 chủng chính: Âu (Thái) và Lạc (Việt), cộng với một chủng bản địa thứ 3 khá đông đảo (sẽ bàn đến chi tiết trong những bài tới), kéo tận xuống phía nam. (iv) Một phân ly không tránh khỏi Nhìn lại bản Việt, chúng ta thấy truyền thuyết chịu ảnh hưởng của Hán tộc, sau nhiều thế kỷ dưới ách đô hộ Bắc phương. Thứ nhất, bản Việt cho thấy dân Lạc chuyển sang phụ hệ trước dân Mường. Có con trưởng trở thành vua Hùng và truyền lại 18 đời theo lối thế tập. Ảnh hưởng chủng Hoa. Bản Việt lại mang tính trọng Nam khinh nữ cho đám con bà Âu Cơ toàn con trai. Điểm này dẫn ngay đến hố mâu thuẫn cho biết Hùng Vương số 1 không thể nào thành quốc tổ dân bản địa ở đó được trừ phi ông và các con cháu đời sau lấy vợ từ dân bản địa. Bản Việt cũng không được hay ho, hoặc được lô-gích, bằng bản Mường, ở chỗ không thèm để ý những gì sẽ xảy ra cho Âu Cơ và 50 người con trai kia sau khi phân ly. Những gì sẽ xảy ra cho chính Lạc Long Quân. Cụ Lạc về hưu, hưởng thú điền viên, ngày ngày đi bắt tôm hay chăng? Bản Mường ghi rõ: Đám theo Âu Cơ trờ thành một đại gia đình các vua chúa mặc áo màu đen. Mang ý nghĩa, đứa nào cũng trở thành quan lang, hay lãnh tụ từng bộ lạc riêng hết. Đám theo Lạc Long Quân cũng vậy. Tuy xuôi miền đồng bằng gần sông gần biển, họ cũng trở thành đại gia đình các tù trưởng bộ lạc mặc áo vàng. Ý nghĩa truyền thuyết cũng cho thấy đám theo Âu Cơ lâu năm chày tháng da sẽ trở màu đen, và đám theo papa Lạc da sẽ giữ vững màu vàng. Nhưng cả hai bản đều kết thúc bằng một sự phân ly. Rất ăn khớp với lịch sử. Tình duyên giữa Âu Cơ và Lạc Long Quân có thể biểu tượng cho việc Thục Phán, người gốc nước Thục chủngÂu ( Thái), đem quân dân từ nước Tây Âu sang chiếm lĩnh xứ sở của dân Lạc. Tạo thành nước Âu Lạc. Thục Phán lên ngôi vua và xưng là An Dương Vương. Mở đầu một thí nghiệm thử thách hợp chủng Âu và Lạc. An Dương Vương phải chăng mang nghĩa Vua đã trị An được dân xứ Dương. Xứ Dương tức Dương Việt hay châu Dương bao gồm thành phần chủ lực là dân Lạc ở vùng phía Đông của nước Sở xa xưa. Đó là năm 258 TCN [25]. 26


Về sau, Triệu Đà sát nhập xứ Âu Lạc với Nam Việt, tức một phần lớn của nước Tây Âu cũ. Rồi đến năm 111 TCN, tướng Hán Lộ Bác Đức đem quân chiếm hết miền Hoa Nam, kể cả nước Nam Việt. Sau đó ít lâu, nhà Hán tách rời phía Bắc Nam Việt ra khỏi xứ của người Lạc. Phiá Bắc bao gồm dân chủng Âu (tức Thái) gọi tên Quảng Châu. Phía Nam đặt tên Giao Châu với phần lớn là dân Lạc. Chia ly giữa Âu Cơ và Lạc Long Quân chính là sự tách rời nhau giữa hai chủng Âu và Lạc, qua phân chia Nam Việt thành Quảng Châu và Giao Châu. Riêng ở Giao Châu người chủng Âu, tức binh lính và di dân đã theo Thục Phán, cũng như dân chúng (nói chung), có lẽ không thích sống dưới ảnh hưởng Hoa chủng, hoặc cảm thấy bơ vơ nên di tản về miền rừng núi và lâu năm trở thành người Mường. Âu cũng lại chia tay với Lạc ngay trong đất hợp chủng Giao Châu. Tháng 3, 2005 N.N. Ghi Chú [1] Trần Trọng Kim ( 1971) Việt Nam Sử Lược. Trung Tâm Học Liệu của Bộ Giáo Dục xuất bản. Đại Nam tái xuất bản tại Hoa Kỳ. [2] Ngô Sĩ Liên và cộng sự (1479). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Thanh Việt và Phạm Ngọc Luật hiệu đính theo bản dịch của Đào Duy Anh. Nxb Văn Hoá Thông Tin (2004). Bản của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam được trình bày đầy đủ trên mạng internet: perso.wanadoo.fr/charite [3] Khuyết Danh (1377-1388) Đại Việt Sử Lược. Người dịch: Nguyễn Gia Tường. Người hiệu đính: Nguyễn Khắc Thuần. Nxb Thành Phố HCM (1993). Có bản được lên mạng tại perso.wanadoo.fr/charite hay 'nhanai.fr'. [4] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu (USA) tái bản. [5] Stephen Oppenheimer (2001) Eden in the East – The Drowned Continent of Southeast Asia. 2nd Impression. Phoenix [6] Nguyễn Hiến Lê (2002) Sử Trung Quốc. Nxb Văn Hoá [7] Phan Lạc Tuyên (2000) Nghiên Cứu & Điền Dã. Nhà Xuất Bản Trẻ. [8] Bên Tàu, thời nhà Châu anh em bà con, nhất là trong hoàng tộc, vẫn thường lấy nhau. Y hệt như bên Ai Cập vào thuở cổ thời. Muốn kiểm chứng, xin đọc lại Đông Châu Liệt Quốc, một truyện hư cấu phần lớn, nhưng dựa sát vào các sách cổ sử Trung Hoa như: Xuân Thu, Kinh Thi, Sử Ký, Tả Truyện,… [9] Jeanne Cuisinier (1946) Les Mương – Géographie humaine et sociologie. Institut d’Ethnologie. Paris [10] Keith Weller Taylor (1983) The Birth of Vietnam. University of California Press. [11] Chử Văn Tần (2003) Văn Hoá Đông Sơn - Văn Minh Việt Cổ. Nxb Khoa Học Xã Hội. [12] Arthur Cotterell (1995) China – A History. Pimlico (Random House) [13] Thí dụ về lối dùng phân loại đời sau để gán cho đời trước: Dùng cụm từ ‘Cố vấn an ninh quốc gia’ để gán cho Quản Trọng, quân sư của vua nước Tề. Gọi bà Trưng Nhị bằng chức ‘Tổng Tham Mưu Trưởng’ của quân đội bà Trưng Trắc,… 27


[14] Xin xem: Nguyên Nguyên (2005) ‘Phải chăng người Việt cổ đã biết tiếng Anh? I = Ai = Tôi’. Báo mạng: Talawas.org [15] /Ji/ {姬 } quan thoại = 'Cơ' trong tiếng Việt. ‘Cơ’ có thể được phát âm như 'Kỹ', thí dụ người Ca Kỹ 歌 姬 . Nhưng tiếng Hoa (quan thoại) chỉ có một lối viết, một lối đọc: 姬 /Ji/ . Chuyện người hùng Hạng Yũ (Vũ) có thể tìm thấy trên nhiều mạng khi tìm 'Xiang Yu'. [16] Hoài Nam Wương Liu An (cháu của Liu Bang) thuật rõ trận chiến theo lối du kích của dân Tây Âu trong quyển 'Hoài Nam Tử', 'xuất bản' trong khoảng thế kỷ 2 trước Công Nguyên (xem [4] & [10]. Trong cuộc chiến đó, quân Tần giết được vua Tây Âu là Trạch (Dịch) Hu Tống. Dân Tây Âu (tức Âu 'Việt') rút vào rừng kháng chiến và giết lại được tướng Tần là Uất Đồ Thư. Một nhầm lẫn khác: nước Tây Âu Lạc. Thật ra không có nước nào mang tên nước Tây Âu Lạc cả. Chỉ có nước Tây Âu và nước Âu Lạc. Nước Âu Lạc nằm về phía Tây của Nam Hải. (xem [4] & [10]). Đặc biệt Bình Nguyên Lộc đã dành cả một chương để bàn về vấn đề này cùng những dụng ý của những học giả Pháp, khi họ xuống cấp Trạch Hu Tống, vua nước Tây Âu, thành tù trưởng. Thảo luận về Tây Âu của tác giả ‘quyển sách Mã Lai’, có thể xem khá giống với kết luận của các nhà nghiên cứu Âu Mỹ ngày nay (thí dụ: xem [10] & [19]) [17] 'Việt' là một trong những từ bị biến âm bởi quốc ngữ. Đại đa số những sắc tộc chung quanh đều phát âm 'Việt' bắt đầu bằng âm /Y/. Mường gọi /Yịt/. Nam bộ phát âm /Byiệt/. Nhật gọi /Beto/ rất gần với kiểu Nam bộ /Byiệt/. Dân Quảng Đông gọi /Yuet/ hay /Yueh/. Hồ Nam (Sở) đọc /Yuệ/. Quan Thoại phát âm như /yuế/. Người Hẹ (tức Hakka) gọi /Yuet/. Chỉ có người Triều Châu (Mân Việt xưa) đọc /Wật/. [18] Henri Roux (1954) Quelques Minorités Ethniques du Nord-Indochine. France-Asie. Janvier-Février 92-93. Tome X. Đặc biệt, theo tài liệu này, người Thái đen và Thái trắng tại Bắc phần chính là hậu duệ người nước Thục (tức Tứ Xuyên ngày nay). [19] Xem website của British Council về gốc gác của binh lính Thục Phán: dân Tây Âu, Viet%5FNam/Directories/Vi_ACYAIw-7879_ADs-t_Nam_Cultural_profile/-3194.html [20] Website sau đây cho đầy đủ danh sách các triều vua chúa bên Tàu: hostkingdom.net/china.html#Ch’u. Một vài pinyin cho việc tra cứu: Sở = Chu (hay Ch’u); Châu = Zhou; Tề = Qi (hay Chi); Tần = Qin; Tấn = Jin; Thần Nông = Shen Nong; Hồ Nam = Hunan; Hồ Bắc = Hubei; Thiểm Tây = Shaanxi; Cam Túc = Gansu; Việt = Yue (hay Yueh); Đông Đình Hồ = Dongtinghu; Tứ Xuyên = Sichuan; Thục = Shu; Vân Nam = Yunnan; Dương Tử = Yang Tze; Hoàng Hà = Huang he; Người Miêu = Hmong; Hẹ = Hakka;… [21] Để ý người Thái rất lận đận về chuyện lập quốc. Nhưng cũng còn may mắn hơn nhiều sắc tộc còn bị kẹt lại Trung Hoa và VN, như người Hmong và Choang. Đặc biệt người Choang dân số khoảng 19 triệu xấp xỉ bằng dân số nước Úc. Người Thái Lan tuy không bị hội chứng 5000 năm văn hiến nhưng cũng có vẻ thích nhận vu vơ những nền văn minh cũ ở miền đất đó là do ở tiền nhân của họ. Đặc biệt văn minh trồng lúa nước (Non Nok Tha, gần Korat – 4000 TCN), di vật bằng đồng (Ban Chiang gần Udon – 3600 TCN),… Đặc biệt trong tiếng Thái, có từ ‘KOW’ mang hai nghĩa, dùng để chỉ ‘gạo’ và ‘bữa ăn’. Có phát âm và lối dùng y như tiếng Việt: CƠM. ‘Cơm’ nghĩa chính là ‘gạo đã nấu chín’ và nghĩa khác cũng là ‘bữa ăn’: ‘Anh ăn cơm chưa?’. ‘Ăn cơm’ ở đây có nghĩa ‘bữa ăn’. Y như tiếng Thái. [22] Đường Nhạn Sinh, Bạo Thúc Diễm & Chu Chính Thư (2002) Mưu Trí thời Xuân Thu. (Ông Văn Tùng & Vũ Ngọc Quỳnh dịch). Nxb Văn Nghệ, TP HCM [23] Thật ra họ Hùng của vua chúa nước Sở là từ phiên dịch của người Hoa từ một tiếng nước Sở: Mị, mang nghĩa ‘con gấu’ (xin xem bài số 2). Hùng Yịch chính là một đại thần nhà Châu được vua Thành Vương ban cho đất Kinh Việt để cai trị và ngăn chận bọn rợ Việt ở đó cho khỏi quậy vào ‘Trung thổ’. Đó là năm 1122 TCN. Đến đời Hùng Thông, con cháu mười mấy đời của Hùng Yịch thấy nước mình đã hùng cường nên tự ý vỗ ngực xưng 28


vương: Sở Vũ Vương (740-689 TCN). Con cháu tiếp nối của Hùng Thông tiếp tục xưng vương, và vẫn giữ họ Hùng. Nhiều người vẫn thường lấy cớ tự dạng Hùng Vương của nước Nam viết khác với Hùng Vương nước Sở. Nhưng điều này chẳng có gì quan trọng, bởi những từ này đều được viết bằng tiếng… Tàu. Do người Tàu tự ý cải biên. Y hệt như tên Âu Cơ chỉ mẹ của Hùng Wang và tên người ái cơ của Hạng Vũ. Viết khác nhau, nhưng phát âm như một. [24] Keith Weller Taylor trong website của riêng ông có thể tìm thấy trên mạng internet, qua bài phỏng vấn của đài BBC đã đề cập đến Hai Bà Trưng có quê quán nằm trong lãnh địa người Mường: Mê linh. Giả thuyết Hai Bà Trưng mang gốc Mường rất có khả năng, nếu chúng ta đối chiếu với một hai dữ kiện lịch sử rất quan trọng. Thứ nhất, gia đình hai Bà có vẻ theo Mẫu hệ, kiểu người Mường. Thứ hai, khi Hai Bà dấy quân khởi nghĩa chống lại Tô Định, hai Bà được sự hưởng ứng của toàn dân ở vùng Nhật Nam, Cửu Chân và Hợp Phố. Đặc biệt để ý đến Hợp Phố thuộc Quảng Châu, chứ không phải Giao Châu. Quảng Châu tức Tây Âu cũ: chủng Thái, nguồn gốc người Mường. Những anh hùng dân tộc khác cũng có thể mang chủng Mường (tức Thái) gồm có: Lê Lị (tức Lê Lợi), Lê Hoàn (chúng tôi không đồng ý với Taylor về việc ‘Lê Đại Hành thuộc chủng Thái-cổ’), và Đinh Bộ Lĩnh. Bởi Lê Lị người khởi xướng triều đại nhà Lê mang gốc Mường, nên Nhượng Tống trong bản dịch đầu tiên của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, theo trích dẫn [4], đã cho rằng Ngô Sĩ Liên vì muốn bợ đỡ các vua nhà Lê nên đã đem các truyền tích rặt Mường nhét vào quyển sử ký đồ sộ của nước Nam. [25] Gần đây các sách Việt Nam ưa sửa đổi năm Thục Phán sang chiếm nước Nam là năm 208 TCN. Theo thiển ý, những quan tâm đến chi tiết hay các lối phát âm, phiên dịch chữ Hán đã dễ đưa việc khảo cứu đi lạc hướng.

29


Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (2): Nước Sở: Cái Nôi của dân Việt Trong một bài trước, truyền thuyết Âu Cơ và Lạc Long Quân đã được giải mã theo lối nhìn của thế kỷ 21. Dước góc độ đó chúng ta bắt buộc phải để ý đến: * Thời điểm chính xác của câu chuyện: Do ở chỗ nhân danh và địa danh câu chuyện chỉ có thể có tại nước Sở vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, chúng ta đã suy ra rằng thời điểm chính xác câu chuyện chỉ có thể xảy ra sau thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên. Khi nước Sở đã đạt đến tột đỉnh của quyền lực và ảnh hưởng; * Chia tay giữa Âu Cơ và Lạc Long Quân: Biểu tượng cho phân ly giữa hai chủng Âu (tức Thái) và Lạc (tức Việt). Trước sau ít lắm cũng đến 3 lần. GIẢI MÃ TRUYỀN THUYẾT Xin tóm tắt truyền thuyết theo giải mã, như sau: 1. Chuyện Âu Cơ - Lạc Long Quân là một chuyện di tản hằng khối, hoặc chuyện cố gắng hợp chủng, của hai chi chủng Thái (Âu) và Việt (Lạc), đều có mặt tại địa bàn nước Sở thời xưa. Hợp tác, hợp chủng để cùng chống lạì chủng Hoa. Nhưng cuối cùng ước mơ không thành và đành phải chia tay. 2. Truyền thuyết này bắt nguồn từ một truyền tích cổ của người Mường. Bối cảnh thật sự của câu truyện được dựng chung quanh nước Sở ở thời Xuân Thu Chiến quốc bên Tàu. Sở, trước khi bị nước Tần thôn tính vào năm 221 TCN, bao gồm hai tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc ngày nay, và chung quanh Hồ Động Đình, lan rộng đến bờ biển phía Đông. 3. Truyền thuyết Âu Lạc, như đã đề cập ở bài 1 (Hùng Vương mang hai giòng máu), và khác với bản Mường, có một đọan Fast Forward (quay nhanh), khiến người Việt, kể cả những nhà khảo cứu, thường không để ý đến, hoặc bỏ sót. Đó là đoạn Đế Minh bắt chuyến máy bay China Airlines 2879 TCN đi 'tuần thú' phương Nam. Thời Đế Minh, khoảng cuối thiên niên kỷ thứ 3 trước Công Nguyên, Hoa chủng nguyên thủy không biết gì đến các địa danh như châu Kinh và Dương (cho ra tên Kinh Dương Vương), rặng Ngũ Lĩnh, Động Đình Hồ,... Bởi đó là những địa danh, nhân danh của nước Sở, chỉ được thành lập ngót 2000 năm sau khi Đế Minh ra đời (khoảng năm 1000 TCN). Toàn bằng chữ Tàu ròng và chỉ có vào thời Xuân Thu Chiến Quốc (770-221TCN). Đặc biệt, diễn biến câu chuyện từ khi Kinh Dương Vương xuất hiện, hoàn toàn xảy ra sau năm 1000TCN. Tức chuyện Âu Cơ và Lạc Long Quân chỉ là chuyện di tản hai tộc Âu và Lạc xuống khu vực xứ Việt cổ khi sức ép khủng bố của chủng Hoa nguyên thủy quá sức dữ dằn. 4. Người Sở có gốc chủng Thái. Người Mường cũng vậy. Và rất nhiều bộ tộc Mường khởi xuất di tản từ Sở, vào thời loạn lạc của Đông Chu liệt quốc. Họ chạy xuống phía Nam, hội nhập với đồng chủng tại các xứ ven biên giới Việt Hoa ngày nay như: Tây Âu (tức Âu Việt) và Điền Việt (tức Nam Chiếu). Rồi sau đó theo với truyền thuyết, và cũng theo cổ sử Tàu, đặc biệt quyển Hoài Nam Tử của Liu An, họ vẫn bị quân Tần rượt bén nút. 5. Bắt đầu của truyền tích: 'Đế Minh cháu 3 đời của vua Thần Nông' đã gây ra lộn xộn, và bao hiểu nhầm, suốt 600 năm qua. Mục đích của việc kéo Thần Nông vào truyền tích chỉ ở chỗ cho người Hoa biết dân Việt cũng phát xuất cùng thời với chủng Hoa. Thật ra, 30


trong lối cấu tạo truyện thần thoại, không có cách nào khác hơn là việc đưa Thần Nông vào câu chuyện. Các tác giả cũng đã biết rõ, Thần Nông, nếu người thật, thuộc chủng Yueh (gồm Thái và Việt), chứ không phải chủng Tàu. Bởi, như chúng ta sẽ thấy phía sau, Thần Nông, Đế Minh, Đế Nghi, v.v. đều là 'dân' Sở, với khối Yueh làm chủ lực. Không có DNA hay giọt máu Tàu nào trong người hết. 6. Thần Nông nên được xem như một biểu tượng, cho biết dân đó xứ đó thời đó đã tiến lên sinh sống bằng canh nông. Thần Nông, người Tàu đã nhận bá vơ là một trong những ông tổ của họ. (Cũng như vào thế kỷ 21 này, họ nhận luôn Xy Vưu, thánh tổ Miêu tộc là một trong 3 thủy tổ người Hoa). Và đây chính là chỗ đã gây ngộ nhận trong giới nghiên cứu Việt Nam, suốt mấy thế kỷ qua. Sự thật, Thần Nông, nếu người, lại là người Sở chủng Yueh (chi Thái). Bởi ngày nay, tại Hồ Bắc có rất nhiều tượng thờ Thần Nông. Có tượng mang đầu sừng trâu. Và Hồ Bắc chính là địa bàn chính và ban đầu của nước Sở thời xa xưa. Ngoài ra, tại Việt Nam, nhiều bộ tộc Mường hãy còn thờ Thần Nông như thánh tổ nghề nông [1]. Rất có khả năng, do đó, nhiều bộ tộc Mường đã di tản từ khối Yueh ở nước Sở. 7. Nếu xem tên các nhân vật như biểu tượng - ta sẽ thấy thật rõ:  Kinh Dương Vương: chỉ dân châu Kinh và châu Dương, đều là hai châu chính của nước Sở. Đất Kinh bao gồm dân chủ lực thuộc chủng Âu (tức Thái). Đất Dương nằm về phía Đông của đất Kinh, chứa dân Việt chi Lạc. Châu Dương bao gồm vùng đất Sở chiếm về sau này ở vùng ven biển: nước U Việt (Câu Tiễn) và nước Ngô (Phù Sai).  Âu Cơ: tiêu biểu cho nhóm dân tộc hãy còn theo Mẫu Hệ. Nhóm người Âu (Thái) ưa sinh sống ở miền núi rừng. Rất rõ 'Âu Cơ' mang họ 'Âu' của chủng Âu hay người nước Tây Âu. Bản Mường cho Âu Cơ mang tiền kiếp con nai đốm sao, cũng loại thú sống miền rừng núi. Bản Việt ám chỉ Âu Cơ chính là tiên, viết theo chữ Hán chính là 'người xuất hiện trên núi': 'người + núi' = nhân (ren) + sơn (shan): 仙 ( 仙 = 人 + 山 => tiên = nhân + sơn) đã xác nhận rõ ' Âu Cơ' là dân miền núi rừng, tức chủng Thái cổ hay Mường. 'Âu' trong 'Âu Cơ' cũng khẳng định bà 'Âu Cơ' mang trong người máu và DNA của chủng Âu, tức Thái. Nước có chủng Thái (Âu) bị tiêu diệt trễ hơn Sở chính là Tây Âu, đại khái nằm ở địa bàn Quảng Tây ngày nay.  Bởi cái tên 'Kinh Dương Vương' có chứa chữ 'Dương', chỉ đất Dương, tác giả truyền thuyết mới dựng nên được một nhân vật chủng Lạc (Việt) mang tên Lạc Long Quân. Lạc Long Quân, với họ Lạc, tên lót ‘Long’, tức rồng chỉ dân miền đồng bằng gần sông biển. Tiêu biểu cho chủng Lạc (Việt). Đây có thể là điểm 'tuyệt chiêu', hoặc nói cho nôm na, 'sâu sắc', của các tác giả truyền thuyết, chứng tỏ tác giả đã không để một sơ sót về hồ sơ chủng tộc của Lạc Long Quân. Bởi nếu cho cha của Lạc Long Quân mang tên không có chữ 'Dương' trong đó, như 'Kinh Vương' chẳng hạn - vấn đề sẽ đổ vỡ ngay tại chỗ, bởi đất Kinh chỉ có chủng Thái chủ lực mà thôi. Đất 'Dương' mớí có chủng Lạc [30]. Muốn cho chắc ăn hơn, tác giả cho thêm họ LẠC vào tên 'Long Wang' từ bản nguyên thủy của Mường, thành Lạc Long Quân, để nhấn mạnh y có máu và DNA của chủng Việt (Nam). Do ở chỗ tác giả đã bao gồm 'Dương' trong tên 'Kinh Dương Vương', việc cho Lạc Long Quân mang máu Lạc 100% mới được hợp lí . Về sau, để ý đến tên hiệu An Dương Vương của Thục Phán. 'An Dương' có thể mang nghĩa 'trị an xứ Dương', ám chỉ một người chủng Âu (tức Thái) trị AN được xứ DƯƠNG của chủng Lạc. 8. Hôn nhân giữa Âu Cơ và Lạc Long Quân là thứ hôn nhân của hai người dị chủng, một thứ 'tình không biên giới', biểu tượng cho thí nghiệm hợp chủng giữa Âu và Lạc, qua chuyện di tản thuở ban đầu của dân chúng ở hai châu Kinh (Thái) và Dương (Việt), chạy trốn sức ép của vua quân nước Chu, nước Sở (chuyên đi dẹp các đám rợ), nước Tần, ... 31


HOẶC qua việc Thục Phán, người chủng Âu chiếm xứ Lạc và lập nên nước Âu Lạc. Hay biểu tượng cho việc Triệu Đà sát nhập miệt dưới của xứ Âu Lạc, gồm đa số chủng Lạc, với đất Nam Việt thuở ban đầu bao gồm phần lớn Quảng Đông, thuộc chủng Âu, tức Thái. Hợp chủng Việt với Thái theo truyền thuyết có thể xảy ra từ lúc hai chủng còn sinh sống bên nhau ở nước Sở, qua các địa danh và nhân danh như: Hồ Động Đình, Ngũ Lĩnh, Kinh Dương Vương (châu Kinh hợp với châu Dương), Thần Nông (vị thần có đầu mang sừng tlu (trâu), hiện còn được thờ tại Hồ Bắc, tức Sở ngày xưa),… 9. Truyền thuyết, cả Mường lẫn Việt, nói rất rõ vợ Âu Cơ và chồng Lạc Long Quân thuộc hai chủng tộc khác nhau: Âu Cơ chủng tiên hay nai có đốm sao, Lạc Long Quân, giống rồng hay cá. Ở nhau lâu dài không đặng. Nên đành phải chia tay. Nàng Âu dẫn 50 con đi về quê thật sự của mình: tức miền rừng núi. (Để ý cả ‘tiên’ lẫn ‘nai’ đều là biểu tượng của rừng núi). Trong khi chàng Lạc dẫn con xuôi về miền đồng bằng gần sông gần biển (giống rồng hay cá đều có môi trường sinh sống là nước). 10. Cuộc chia tay giữa vợ Âu và chồng Lạc nói thật rõ: chủng nào nên trở về địa bàn sinh sống nguyên thủy của chủng ấy. Trên thực tế, chúng ta đã thấy người Hán sau khi xâm chiếm toàn cõi Hoa Nam đã tách nước Nam Việt thành 2 phần: phía Bắc gọi Quảng Châu bao gồm toàn dân Âu tức Thái. Phía Nam gọi Giao Châu với thành phần chủ lực là dân Lạc, tức Việt. Quảng Châu có rất nhiều núi rừng thích hợp với dân Âu. Giao Châu trở thành nơi tụ tập hoặc tiếp nhận dân Việt chủng Lạc, thích địa bàn gần sông gần biển. 11. Ngay tại địa phận Giao Châu, những người gốc Âu (Thái) cũng cảm thấy việc hợp chủng có mòi thất bại, và cũng theo truyền thống can cường xưa cũ không chịu được thế lực đô hộ Bắc phương, nên một số lại di cư về miền rừng núi. Lâu ngày họ trở thành người Mường. Người chủng Lạc (Việt), cùng với một số chủng Âu, ở lại miền đồng bằng châu thổ, trở thành người Kinh. Đó là ý nghĩa của Âu Cơ dẫn nửa đám con lên núi, và Lạc Long Quân đưa con xuôi về miền sông biển, của cả hai truyền thuyết Việt lẫn Mường. Sau đây chúng ta hãy xem lại cổ sử Tàu, và đặc biệt chú ý đến nước Sở của thời Xuân Thu Chiến Quốc (khoảng 770-221 TCN) bên Tàu. TRUNG HOA Ở VÀO THỜI XA XƯA (i)

Thần Nông và vua chúa thời huyền sử

Truyền thuyết có nhắc đến Thần Nông. Thần Nông là ai? Thần Nông là một trong những Tam Hoàng và Ngũ Đế của người Hoa. Người Hoa ban đầu tự xưng nước họ là Trung thổ, Trung nguyên, rồi Trung quốc. Nước ở chính giữa mặt đất. Họ cho dân tộc họ mạng Thổ (theo thuyết Ngũ Hành), bởi ở miền Trung thổ, màu vàng theo sát với màu đất loess (tức 'hoàng thổ'), tạo nên bởi cát phù sa do gió và bão táp tải đến. Họ sống bên bờ sông có nước màu vàng (của đất loess) - nên gọi sông đó luôn là sông vàng, tức Hoàng Hà. Một trong 3 ông vua đầu tiên của họ mang tên Hoàng Đế, với nghĩa: vua của đất vàng. Đầu tiên là Bàn Cổ, tốn 18 ngàn năm tạo ra trời đất và nhất là Trung Nguyên, ở tại trung tâm mặt đất. Sau Bàn Cổ ít lâu đến thời Tam Hoàng và Ngũ Đế. Có nhiều giả thiết khác nhau về tên của 3 vị Hoàng với 5 vị Đế đó. Tam Hoàng thường kể đến nhất gồm có: Hoàng 32


Đế, Phục Hi, và Thần Nông. Còn những vị Ngũ Đế quen thuộc nhất bao gồm: bà Nữ Oa (đội đá vá trời), vua Nghiêu (Yao) và Thuấn (Shun). Nghiêu truyền ngôi cho Thuấn. Thuấn truyền ngôi cho Yũ (Vũ). Yũ thiết lập nên nhà Hạ, triều đại đầu tiên của Trung Hoa. Nhà Hạ truyền đến 18 đời thì bị mất về tay Thành Thang, dựng nên nhà Thương (Shang), cũng còn gọi Ân (Yin). Tam Hoàng với Ngũ Đế hoàn toàn mang tính huyền thoại. Nhìn một cách khoa học và khách quan hơn, các vị này phải được xem như biểu tượng cho thời đại, cho nền văn minh. Biểu tượng cho một khối dân tộc, hoặc nền văn minh và trình độ làm lụng sinh sống của dân tộc đó, ở vào thời đó. Thí dụ, Phục Hi đặt ra bát quái, Kinh Dịch. Một chuyện hoang đường, nhưng có thể cho biết vào thời đó người Hoa bắt đầu biết sắp xếp đời sống tâm linh, và tư tưởng của họ cho ra hệ thống, cho có bài bản. Thần Nông là ông vua dạy dân chúng về nghề nông và trồng dược thảo, chữa bệnh. Thần Nông cũng là người khám phá ra trà. Biểu tượng thời đại Hoa chủng tiến lên canh nông như một phương tiện kinh tế chính. 'Hoàng Đế' rất có thể được dùng để chỉ một ý niệm về quyền lực của xã hội vừa mới được hình thành. Hoàng đế cũng có thể chỉ thủ lĩnh của bộ lạc nguyên thủy tại đất màu vàng. Hay tù trưởng liên minh của một số bộ lạc. Tên đầu tiên của nước Tàu có thể là đất Hoàng. Và dân Hoa là dân ở đất màu Vàng (Hoàng).

Cũng ở dạng biểu tượng, rất có thể bà Nữ Oa thuở ban đầu đứng đầu danh sách. Nhất là danh sách về Tam Hoàng. Bởi bà tượng trưng cho xã hội theo Mẫu hệ. Nhưng về sau, khi xã hội đã biến sang Phụ hệ rồi, người Hoa xê dịch vị trí nguyên thủy của bà xuống dưới, rồi qua lại lung tung. Khác với xã hội Nhật, Thái Dương thần nữ vẫn giữ vững vị trí tổ Mẫu dân Nhật, bất chấp thay đổi từ Mẫu hệ sang Phụ hệ. 33


Thời Thần Nông trước thời nhà Thương, nhà Châu cũng cả mấy ngàn năm. Ngay đến thời nhà Thương, Hoa chủng nguyên thủy chỉ tập trung ở một hai tỉnh ở bên sông Hoàng Hà, như Thiểm Tây, phía Nam của Hà Bắc và Sơn Tây, và phía Bắc của Hà Nam, ngày nay. Đất khác của người khác: Ngay ở thời Xuân Thu (thế kỷ 8-5 trước Công Nguyên), chỉ nội ở miền Hoa Bắc có đến trên dưới 1000 'nước' lớn nhỏ khác nhau [2]. Không hề có chuyện tuần thú đi qua nước này nước kia như ở các đời sau. Tức Đế Minh, nếu chỉ cháu 3 đời của Thần Nông, chưa thể có được một lãnh thổ lớn hơn 1 tỉnh hiện nay của nước Tàu. Không cách gì ông ta đi tuần thú được tới phương Nam của sông Dương Tử. Ở phương Nam đó, người ta hãy còn nói nhiều thứ tiếng Yueh (Việt) khác với tiếng Tàu. Và người Hoa chính tông thường rất sợ dân đó, bởi họ ‘cài vạt áo phía bên trái’ (tả nhậm) [13]. Chỉ trừ phi, như sẽ thấy rõ, Đế Minh có cùng chung chủng tộc với khối người ở 'phương Nam' đó, Đế Minh mới có thể đi ‘tour’ xuyên qua đất phương Nam dễ dàng như vậy được. Như sẽ trình bày phía dưới, gốc gác tổ tiên của 'Hùng Vương' nằm tại địa bàn nước Sở ngày xưa, tức phần lớn Hồ Bắc và Hồ Nam, phía bắc và nam sông Dương Tử, khu vực Động Đình Hồ. Dân nước Sở, ở thời ban đầu (khoảng năm 1000 TCN), bao gồm nhiều chủng mà quan quân nhà Châu ưa gọi giống rợ, tức rất nhiều chủng Yueh (Việt) thuộc khối Bách Việt. Kinh Dương Vương hoàn toàn một thứ tên hiệu tiếng Hán ròng, rất có khả năng mang nghĩa vua của đất Kinh và Dương. Hai châu Kinh và Dương chính là hai châu chính của nước Sở. Đất Kinh còn gọi Kinh Man, hay Kinh Cức, hoặc Kinh Việt. Đặt theo tên núi Kinh, phía Tây sông Hán, và phía Bắc sông Dương Tử. Còn đất Dương cũng mang tên Dương Việt, nằm về phía Đông của châu Kinh. Bao gồm hai nước thuộc chủng Lạc (Ngô và U Việt) mà Sở đã thôn tính sau khi trở nên hùng mạnh (333TCN). Địa bàn châu Dương nói theo thời bây giờ gồm các tỉnh: Giang Tây, An Huy, Chiết Giang, và Giang Tô. Nước Sở đầu tiên được thiết lập như một vùng đất chư hầu, ‘phên dậu’ của nhà Châu vào khoảng năm 1122 trước Công Nguyên (TCN), khi vua Châu Thành Vương ban cho một đại thần gốc Hoa tên Hùng Yịch với chức Tử, trông coi vùng đất Kinh Man - với nhiệm vụ cai trị và ngăn chận quấy phá của bọn rợ Yueh ở địa phương. Một người cháu mấy đời sau của Hùng Dịch là Hùng Cừ (khoảng 887 TCN) [3], sau khi diệt được một số nước nhỏ của rợ Yueh chung quanh, bắt đầu đưa vùng đất Kinh Cức trở thành một nước chư hầu hùng cường của nhà Châu [4]. Đến khoảng đầu thời Xuân Thu, lãnh tụ của Sở là Hùng Thông tự ý xưng Vương, tức Sở Vũ Vương (740-689 TCN). Những thế kỷ tiếp nối chứng kiến một nước Sở càng ngày càng trở nên hùng mạnh, và đạt đến tột đỉnh trong thời Sở Trang Vương, một trong Ngũ Bá của toàn nước Tàu ở thời Xuân Thu Chiến Quốc [2]. Để ý tất cả các vua nước Sở đều mang họ Hùng, phát âm y hệt như Hùng Vương. Và truyển thuyết Âu Cơ, bởi do chính người Mường, hậu duệ dân nước Sở bỏ xứ đi di cư, ‘sáng tác’, đã có đầy đủ những danh xưng, địa danh, nhân danh hoàn toàn thuộc từ vựng của nước Sở thời xa xưa. Trong đó, danh xưng Hùng Vương, chính là ‘cóp’ từ những danh xưng của vua chúa nước Sở. Suốt hàng chục đời, lãnh tụ nước Sở bao giờ cũng có họ HÙNG và tước VƯƠNG, nhất là từ đời Hùng Thông. Quê hương Thần Nông cũng ở tại địa bàn của tỉnh Hồ Bắc (phía Bắc Hồ Động Đình), tức phần lớn của nước Sở thời Xuân Thu Chiến quốc. Xin trở lại quan điểm phía trên, Thần Nông nên được xem là một biểu tượng của thời đại hơn là tên của một người thật. Ngày nay, nhiều nơi tại Hồ Bắc có hình tượng 'ông Thần Nông' mang hình người có sừng trâu ở trên đầu. Đặc biệt, theo thiển ý, tên 'Thần Nông' hoàn toàn mang dấu vết tiếng người bản địa nước Sở, chứ không phải tiếng Tàu. Bởi 'Thần Nông' được sắp xếp theo thứ tự của cú pháp không phải tiếng Tàu: Shen Nong (神 农), theo tiếng phổ thông. 'Thần' {神} đứng trước 'Nông' {农}, chứ không phải 'Nông Thần' như theo tiếng Tàu. Tiếng người bản địa 34


nước Sở lúc mới lập quốc chính là tiếng Thái (xin xem Bảng Đối Chiếu 'tiếng Sở' phía dưới). Và người nước Sở chủng Thái chính là tiền thân của người Mường tại Việt Nam. Nhiều 'lang' của người Mường hiện vẫn thờ 'Thần Nông' như một thánh tổ nghề nông của họ. {Ở Thái-Lan, người Thái gọi Thần Nông bằng 'Chan-Nong' và tôn thờ như thánh tổ của dân họ}. Sau khoảng 800 năm xưng hùng xưng bá ở phía Nam của miền Trung thổ chính gốc - với cao điểm thôn tính nước U Việt phía Đông - nước Sở cuối cùng bị nước Tần tiêu diệt vào năm 223 TCN. Tiếng nước Sở cũng bị Hoa ngữ hoá trước đó cả trăm năm. (xem tài liệu đại học Massachusetts [5], và ghi chú [6]). Mặc dù vậy giọng nói tiếng Tàu ngày nay của người ở địa bàn Sở xưa, tức dân tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam (quê hương Mao Trạch Đông) vẫn còn giữ ‘accent’ của tiếng Sở xưa. Người Hoa gọi đó là giọng Hồ Quảng. Tên của các 'vua' giòng họ 'Đế', như Đế Minh, Đế Nghi, Đế Lai, v.v. cũng vậy. Những tên này chỉ xuất hiện khi Hoa chủng biết đến Yueh (Việt) chủng ở nước Sở, và ngược lại. Bởi Đế Minh và con cháu xuất phát từ dòng Thần Nông, và tên họ sắp xếp theo kiểu văn phạm Thái-Việt ('Đế', mang nghĩa theo âm 'vua', đi trước tên riêng 'Minh'), nên họ cũng toàn dân Sở, tức thuộc chủng Yueh, chi Thái cổ. Tên bà Âu Cơ cũng là một tên của người gốc Sở. 'Âu Cơ' đọc theo quan thoại là /Yu ji/ hay có khi /Ou ji/. Và theo Quảng Đông chính là /Ngu Kơ/. Độc giả các truyện Tàu chắc còn nhớ Tây Sở Bá Vương Hạng Yũ (Xiang Yu) vào đêm cuối cùng khi đại bại bởi Lưu Bang, đã được một người ái cơ họ Ngu (có phát âm như /Yu/ theo kiểu quan thoại) múa kiếm để giải sầu. Người Hoa có thể gọi người ái cơ đó là 'Ngu Cơ' 虞 姬 [7], nếu đọc theo lối phát âm Quảng Đông (và...Mường) y hệt như 'Ngu Cơ' dùng để gọi bà 'Âu Cơ' 嫗 姬 . (Xin xem bài Ai= I= Tôi [8]). Trở lại truyền thuyết, có thể tóm tắt:  Thần Nông: tên ‘Shen Nong’ hoàn toàn theo cú pháp của tiếng chủng Yueh ở nước Sở (như Thái & Việt), chứ không phải tiếng Tàu: Hình dung từ ‘Nong’ đi theo sau ‘Shen’. Ngày nay tỉnh có nhiều tượng thờ Thần Nông nhất chính là Hồ Bắc, cũng thuộc địa bàn nước Sở thời xa xưa. Có thể kiểm chứng qua truy cập internet. bằng 'Shen Nong' hoặc 'Hubei'. Nhiều tượng 'Thần Nông' có mang sừng tlâu (trâu) trên đầu, cho biết rất có thể đó chỉ là biểu tượng.  Cháu 4 đời của Thần Nông là Lộc Tục xưng hiệu Kinh Dương Vương, rất có thể mang nghĩa vua của 2 châu Kinh và Dương, cũng thuộc đất Kinh Man và châu Dương ở nước Sở. Đất Dương nằm ở phía Đông của đất Kinh, phần lớn nhờ ở sát nhập đất Việt vào năm 333 TCN. Lộc Tục, do đó cũng người mang gốc Sở. Nhưng, qua tước hiệu Kinh Dương Vương, Lộc Tục cho biết y bao gồm hai chủng của đất Kinh (Âu=Thái) và đất Dương (Lạc=Việt). Kinh Dương Vương, do đó chính là biểu tượng hai chủng chính yếu đã di tản sang vùng đất của người Việt Nam sau này.  Kinh Dương Vương lấy con gái của Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm tức Lạc Long Quân. Động Đình Quân cư ngụ tại Động Đình Hồ, cũng thuộc địa bàn nước Sở mở rộng.  Bởi Lạc Long Quân là con của Kinh Dương Vương, tức có chứa máu của dân đất DƯƠNG (= máu chủng Lạc) và nhấn mạnh với họ LẠC, Lạc Long Quân đã được tác giả xác định người mang chủng Lạc (tức Việt) 100%. Đây là điểm rất ‘tuyệt chiêu’ của tác giả truyền thuyết. Không để lộ sơ hở như kiểu tiểu thuyết của Kim Dung.  Âu Cơ, mẹ của Hùng Vương, là con Đế Lai (theo [9] [10]). Đế Lai cũng là cháu thuộc dòng Thần Nông, cũng người thuộc lãnh thổ nước Sở, nơi chứa rất nhiều dân chủng Âu (tức Thái). Ngoài ra Âu Cơ mang tên rất giống tên người ái cơ của một người hùng gốc 35


Sở: Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ. Âu Cơ cũng mang họ Âu, chỉ rõ thuộc chủng Âu như nước Tây Âu của chủng Âu (tức Thái). Do đó, Âu Cơ đã được tác giả truyền thuyết minh định thuộc chủng Âu, tức Thái cổ, 100%. (ii)

Các chủng tộc trong nhóm Bách Việt

Sử sách Việt cũng thường rất mù mờ về các chủng thuộc khối Bách Việt thời xa xưa. Vấn đề này một phần lớn do ở những tài liệu lộn xộn trong cổ sử Tàu, thường quan tâm đến những vấn đề riêng của họ là một nước lớn và hợp chủng. Rồi mấy ông Tây thời tiền chiến như: Aurousseau, Jansé, Madrolle, Maspéro, ...đưa ra quá nhiều thuyết tréo cẳng ngỗng nhau, dựa trên những hiểu biết hãy còn hạn hẹp ở thời đó [19]. Và cũng có thể, theo quan điểm của người Pháp đang cai trị nước Nam. Ngày nay có khác, bất cứ vấn đề gì nếu hiểu được cách phiên âm bằng pinyin quan thoại, hay bằng tiếng Anh, người ta đều có thể truy cập khá dễ qua mạng internet. Rất nhiều website đăng tải các bài viết có giá trị từ các giáo sư đại học hoặc những vị có học vị tiến sĩ chuyên ngành (thí dụ [5]). Nghiên cứu vẫn xảy ra dài dài tại các đại học lớn trên thế giới về những vấn đề liên hệ đến cổ sử Á Châu. Tóm tắt: Rất nhiều chủng được người Hoa thời cổ đại gọi 'man yi' hay 'rợ', đặc biệt ở phía Nam và phía Đông, đều có thể quy về chủng Yueh, tức chủng Việt, hay Lạc. Hay nôm na hơn: Khối Bách Việt Chúng ta có thể để ý đến hai điểm rất quan trọng sau đây, về các chủng man di mọi rợ đối với người Hoa thuở cổ thời: (a) Thứ nhất: Rợ hay chủng Yueh (Việt) không phải chỉ có ở phía Nam sông Dương Tử, mà còn rải rác khắp nơi ở miệt Hoa Bắc, ngay cả phía Bắc sông Hoàng Hà (xem bản đồ). Điển hình nhất là nước Sở (thời mới dựng nước), và các nước chung quanh như Thái, Trần và Trịnh. Rồi đến các nước nhỏ ở vùng lân cận với nước Tề, Tấn và Lỗ, tức khu vực tỉnh Sơn Đông ngày nay [11]. Đặc biệt các nước chư hầu nhà Châu như Tề, Sở, Lỗ lúc ban đầu đều là những vùng đất 'phên dậu' do triều nhà Châu phong cấp cho những đại thần đến để bình định và ngăn chận đám rợ địa phương ([2], [3], [4]). Để ý năm nhà Châu phong đất thành lập nước Tề và Sở đều là 1122 TCN. Đa số các sử sách đều ghi như vậy mặc dù, ở những nơi khác họ ghi triều đại nhà Châu chỉ bắt đầu vào khoảng 1100-1050 TCN, tức sau khi nhà Châu phong đất lập nước phên dậu Sở và Tề. Nhưng đây chỉ là chi tiết nhỏ. Nổi tiếng nhất về man rợ và hung bạo phải kể đến nước Sở (thí dụ: xem [2] [4]). Chính người Hoa thời mới tạo nên văn minh Hoa Hạ đã để ý đến họ qua lối ăn mặc 'ngược đời' theo lối thuận tay trái, cài vạt áo phía bên trái (tả nhậm) [13]. Cũng ở mạn Bắc hay xích xuống phía Nam sông Dương Tử một chút, còn có một số quốc gia ban đầu cũng rợ như ai, nhưng nhanh chóng đồng hoá theo Tàu, trước khi bị tiêu diệt. Khác với Sở chủng Âu, các đám này thuộc chủng Lạc (hay Việt) có địa bàn ở vùng ven biển. Đó là nước Ngô (ở khu vực Giang Tô ngày nay) và U Việt (tỉnh Chiết Giang). Ngô và Việt rất nổi tiếng với chuyện tích Tây Thi - Phạm Lãi, và vua Việt Câu Tiễn. Vua nước 'rợ' Câu Tiễn cũng như Ngô Phù Sai, Sở Trang Vương đều dễ dàng lọt vào danh sách 'chung kết' của Ngũ Bá thời Chiến Quốc. Đáng kể trong các đám chủng Lạc còn có một nhóm, nay đây mai đó, thường có mặt tại nhiều chiến trường ở thời Đông Chu Liệt Quốc, gọi tên Bộc Việt, xuất xứ từ đám rợ Lai Yi ở vùng Sơn Đông, về thời Xuân Thu xuống tạm trú tại miền Đông Nam nước Sở (đất Dương) [4] [12]. Thật ra tất cả các nhóm 'rợ' ở phía Bắc sông Dương Tử (tức Trường giang) đã bị (hay được) Hoa hoá khi nhà Tần dứt điểm họ vào thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên, hoặc cùng lắm vào khoảng đầu Công Nguyên. Những đám rợ chưa bị đồng hoá thông thường 36


đã vượt {越} núi băng đồng mà... tẩu lâu rồi. Nhất là trong thời Xuân Thu Chiến quốc, kéo dài từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên. Đồng hoá đám ‘rợ’ phía Nam (phía Nam sông Dương Tử) có vẻ kéo dài lâu hơn. Và đến thế kỷ thứ 20, rợ Yueh (Việt) được hoàn toàn xem y như người Hán. Danh sách các khối chủng tộc chính tại Trung quốc chỉ bao gồm: Hán, Tạng, Mông, Mãn, và Hồi hoặc Choang. Tức Hoa với Yueh (Việt) ngày nay đã hợp nhất thành 1 chủng tộc. Thường mang tên gọi chung là HÁN. Và người Trung-Hoa thường rất hãnh diện với sự hợp chủng Hoa-Yueh này. Họ cũng thường che lấp chủng Yueh, tộc khác biệt thời xa xưa. Ngày nay hoàn toàn được xem như người Hán. Xin để ý, đầu tiên khi người Hoa chủng khám phá ra chủng Yueh (Việt) ở phía Bắc sông Dương Tử, họ gọi đó nhóm Bách Bộc hay Bộc Việt. Hoặc có thể: Cửu Lê. Về sau đến thời Xuân Thu, họ khám phá thêm một khối Yueh ở phía Nam sông Dương Tử, họ mới gọi đó 'Bách Việt'. (b) Thứ hai: Rất nhiều nhà khảo cứu Tây phương lẫn Việt ít khi quan tâm đến những chi tiết phân biệt các thứ chủng Yueh ở nước Tàu, nhất là ở miền Hoa Nam, trong thiên niên kỷ trước Công Nguyên. Phải nhìn nhận, Bình Nguyên Lộc trong quyển Mã Lai [4] đã dày công tham khảo, khá đầy đủ, cổ sử Tàu, cũng như rất nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu người Pháp như đã kể trên, để vạch ra một số phân loại tương đối khá vững chắc về các chủng Yueh đó. Mặc dù vậy, có lẽ bởi đặt nặng chuyện bảo vệ thuyết Mã Lai, tác giả vô hình chung lại quên đi phân biệt hai chủng lớn trong nhóm Bách Việt, Âu (tức Thái) và Lạc (tức Việt), mà lại thường xuyên gộp trở lại thành chủng Mã Lai, đợt I và II. Tức hai chủng khác nhau chút ít, Thái và Việt, trước được phân biệt, nhưng sau lại bị nhập chung thành chủng Mã Lai. Từ đó tác giả 'quyển Mã Lai' ưa nhầm lẫn như rất nhiều học giả khác về hai chủng tranh giành đất sống này, nhất là về địa bàn nguyên thủy - như nước Sở chẳng hạn. Nói nôm na, tác giả 'Mã Lai' cho rằng dân Sở nói tiếng...Việt (Yueh), hay tiếng Mã Lai cổ. Nhưng không minh định thêm một bước tiếp quan-trọng. Đó là thứ tiếng Yueh nào. Khảo cứu ở thế kỷ 21, theo thiển ý, bắt buộc đòi hỏi tiến thêm một bước nữa, đặt chú tâm đến phân biệt các chi chủng khác nhau thuộc khối Bách Việt (hay 'Mã Lai') đó. Như vậy, có tất cả bao nhiêu thứ chủng Yueh (Việt)? Rất nhiều - hơn 100 chủng, lớn nhỏ đủ thứ. Ngày nay ta vẫn có thể kiểm chứng như thường. Ai đi du lịch Trung quốc có thể để ý, ở rất nhiều nơi, người ta chỉ cần di chuyển trên dưới 30 cây số, tiếng nói hay ngôn ngữ có thể khác nhau rồi. Và có khi khác thật xa. Phân bố các chủng hồi xưa hay bây giờ cũng vậy. Thí dụ: Người Hmong (tức Miêu tộc) có đến 5-6 thứ tộc khác nhau; người Choang ở khu vực Quảng Tây, có đến cỡ 10 phương ngữ, tương ứng với 10 tiểu chi tộc có phong tục hơi khác với nhau. Tóm tắt: vào thuở cổ thời, trước khi bị nhà Tần đánh phá và nhà Hán tiếp theo dứt điểm, ở miền Hoa Nam, có rất nhiều chủng tộc khác nhau. Đại khái có đến 4 chi Lạc - trong đó có 2 chi nằm về phía Tây, và 2 chi chiếm cứ địa bàn chính giữa và ven biển ở phía Đông. Hai chi sau này, chiếm cứ địa bàn Trung và Đông, chính là Chi Âu (tức Thái), và chi Lạc (tức Việt). Mỗi chi lại có rất nhiểu 'tiểu chi'. Cả hai chi Âu và Lạc có thể thuộc vào nhóm Cửu Lê (Jiu Li - tức 9 thứ Lê), ban đầu ở phía Bắc (sông Dương Tử). Mỗi một thứ lại có nhiều nhóm có phương ngữ hơi hơi khác nhau. Xin chú ý riêng đến chi Âu (Thái) và chi Lạc (Việt).

37


Địa bàn chi Thái (tức Âu) vào thời cổ đại bao gồm: nước Thục (về sau bị Tần tiêu diệt, rồi sau này chính là Tứ Xuyên, quê của Đặng Tiểu Bình) [14], nước Sở (tức Hồ Bắc và một phần Hồ Nam – quê hương Mao Trạch Đông), Dạ Lang (tức Quí Châu sau này), Điền Việt (tức Nam Chiếu, rồi Đại Lý, và hiện nay Vân Nam), và lớn mạnh nhất ở Hoa Nam chính là Tây Âu, đại khái ở khu Quảng Tây bây giờ. Đặc biệt các địa bàn tộc Thái xưa, như Tứ Xuyên, Hồ Bắc & Hồ Nam, và Vân Nam đều có thức ăn cay bằng hoặc hơn thức ăn Thái Lan ngày nay [14]. Địa bàn chi Lạc (tức Việt) hơi khác địa bàn chi Âu ở chỗ gần sông gần biển hơn. Đa số nằm ven bờ biển phía Đông nước Tàu. Có thứ ở tận miệt Sơn Đông, Hoa chủng thường gọi: Đông Di, cũng có nhóm ở Giang Tô (nước Ngô ngày xưa), nhóm ở Chiết Giang (tức hậu duệ lê dân nước Việt của Câu Tiễn xa xưa). Cũng có nhóm ở Mân Việt tức tỉnh Phúc Kiến ngày nay, v.v. Cũng có nhóm chuyên du mục, trước ở phía Bắc Hoàng Hà, sau di dân đến Sở, gọi là Bộc Việt. Để ý, theo kiểm chứng bỏ túi, thức ăn chủng Việt từ Sơn Đông đến Phúc Kiến, sang qua Việt Nam, không cay bằng của chủng Âu tức Thái, phía trên [14]. Tóm tắt: Có chừng 4 chủng Lạc (hay Yueh) khác nhau. Rất lộn xộn. Nhưng chúng ta chỉ cần nhớ đại khái, 2 chủng liên hệ: Chi Âu (Thái) ưa sống ở vùng núi rừng, thường xa biển. Chi Âu được biểu tượng bằng Âu Cơ, tiền kiếp con nai đốm sao (Mường) hoặc tiên (Việt). 'Tiên' viết theo chữ Tàu: người (ren) + núi (shan). Chi Lạc (Việt) ưa sống gần biển, ở vùng đồng bằng. Tức vùng ven biển từ Sơn Đông chạy xuống tới phía Nam tỉnh Phúc Kiến ngày nay. Biểu tượng cho chi Lạc chính là Lạc Long Quân, thuộc loài cá (Mường) hay 'Rồng' (Việt). Một điểm giúp trí nhớ xin đề nghị ở đây: Ngày nay, các địa bàn của chủng Âu (Thái) xa xưa đều có thức ăn thật cay y như đồ ăn Thái Lan [14]. Điểm cần được nhấn mạnh: Luôn luôn phải phân biệt hai chủng tuy tương tự, và cũng được gọi Việt vào thời xa xưa, nhưng thật ra lại khác nhau và thường xuyên cạnh tranh với nhau: Thái (Âu) và Việt (Lạc). Hai chủng này cuối cùng đã đành chia tay với nhau. Y hệt như Âu Cơ và Lạc Long Quân. Thiếu thốn phân biệt hai chủng lớn ở phía Nam Trung quốc sẽ đưa đến những kết luận thông thường, và dễ thấy ngay từ lúc bộ sử của Ngô Sĩ Liên ra đời. Các sử gia Tây phương hiện đại (thí dụ: Taylor [17], website của British Council [18]) đều đã giải toả phần lớn vấn đề tối tăm này, kéo dài suốt đến thế kỷ 20, đồng thuận với quan điểm của tác giả quyển Mã Lai [4]. Theo đó quyển Mã Lai đã dành riêng hai chương sách để bàn về nước Tây Âu, và những sai lầm của các nhà khảo cứu Tây và Tàu ở thời tiền chiến. Tuy nhiên, quyển Mã Lai rất tiếc lại vướng phải khuynh hướng tổng quát hoá tất cả các chi chủng trở ra thành chủng Mã Lai duy nhất, đợt I (cách đây 5000 năm) và đợt II (cách đây 2500 năm). Cách qui các chi chủng khối Bách Việt toàn về chủng Mã Lai (hay Inđô-nêsiên) rất phổ thông trong thời thập niên 70 ([20]). Nhầm lẫn thông thường nhất chính là cuộc kháng chiến của dân Việt chống với quân lính xâm lăng của nhà Tần vào thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên. Bởi người Hoa vào thời cổ đại ưa dùng Yueh (Việt) để chỉ các chủng miền Hoa Nam, rất nhiều vị (thí dụ: xem [15]) dễ bị mang tiếng thấy chủng khác sang bắt quàng làm họ. Họ lầm chủng Việt đó là dân Việt Nam cổ. Thật ra đó là dân Âu (tức Thái). Và cuộc kháng chiến theo lối du kích đó là cuộc chiến của dân nước Tây Âu, bao gồm Quảng Tây và một phần Quảng Đông ngày nay [16]. Những người lính và dân nước Tây Âu này mang chủng Thái. Những vị hiệu đính bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư [2] có lẽ cũng thấy chuyện nhận người 38


Tây Âu là người Việt (Nam) cổ, khá vu vơ - nên chỉ trích dẫn đoạn mô tả của Hoài Nam Tử rồi cho rằng 'chắc’ (= có lẽ) quân Tần sau khi đánh được Tây Âu, thế nào cũng nhào vô xứ người Lạc Việt. Nhưng, không có kết luận chắc chắn bởi sử ... Tàu không có ghi. (iii)

Những chủng tộc cư dân tại nước Sở

Xác định được chủng tộc chiếm đa số ở nước Sở gần như giải quyết được một vấn đề khá gút mắt trong việc tìm hiểu cội nguồn của người nước Nam. Xin nhắc lại vào khoảng đầu thiên niên kỷ trước Công Nguyên vua Thành Vương nhà Châu phong đất cho một số đại thần ở những vùng đất nổi tiếng có nhiều 'rợ' để bình định và cũng để ngăn chận sự quấy phá của đám người này. Con ông Châu Công, tức người có công lớn phát triển văn minh Hoa Hạ, được phong đất Lỗ (theo với truyền thống, nước Lỗ sau này sản xuất được Khổng Tử). Lã Vọng được thưởng công bằng đất Tề (tỉnh Sơn Đông ngày nay), nơi nổi tiếng với đám Đông Yi. Hùng Yịch được phong đất Kinh Man, tức Sở sau này. Và các đại thần khác lập nên nước Yên, nước Tống, v.v. (thí dụ: xem [6]). Tên vùng đất nguyên thủy của Sở là Kinh Man hay Kinh Cức, hoặc Kinh Việt, có rất nhiều rợ... Việt, tức Yueh [4] [6] [20], sinh sống. Dân nước Sở được nổi tiếng rất thô bạo và ... mọi rợ. Ở mặt khác cũng có nhiều bài viết dựa trên những quyển cổ sử Tàu như Sử Ký, Xuân Thu, Tả Truyện, Chiến quốc sách, v.v. cho biết nước Sở bắt đuổi theo văn minh Hoa Hạ rất nhanh [6]. Cung điện vua Sở thời Trang Vương nguy nga tráng lệ hơn của nhà Châu rất xa. (Để ý lâu đài và chùa chiền khá nguy nga ở Thái Lan ngày nay). Những khai quật tại địa bàn nước Sở ngày xưa cho thấy những ngôi mộ của những vị vương tước (như mộ của Tử tước Yi) chứa nhiều đồ đồng hơn mộ vua chúa đời Châu đời Thương. Đặc biệt có rất nhiều đồ vật sơn mài và hàng tơ lụa rất đẹp [22]. Theo một số websites đồ sơn mài vào thời đó trị giá cao hơn đồ đồng rất xa. Về văn học, Khuất Nguyên, tác giả của áng thi văn nổi tiếng Ly Tao và Cửu Ca, viết theo kiểu Sở Từ, cũng là người nước Sở, thời Sở Hoài Vương [27]. Sau này Sở Bá Vương Hạng Yũ và Liu Bang, người thiết lập nên nhà Hán huy hoàng, cũng gốc người nước Sở mở rộng (tỉnh Giang Tô bây giờ) [23]. Rất nhiều tài liệu (thí dụ [20][24]) vạch rõ tiếng nước Sở trong thời mới lập quốc rất khác với tiếng Hoa mà Khổng Tử, Mạnh Tử thường dùng. Tư Mã Thiên có viết trong Sử Ký: 'Người nước Sở họ Mị, người nước Việt họ Tự' (xem [4]). Điểm này cũng dễ bị lầm. Tác giả quyển Mã Lai [4] cũng như rất nhiều nhà khảo cứu Việt lầm Mị ở đây là Mị Nương. Mị là Mệ, dùng để chỉ phụ nữ, theo họ Mẹ, của mẫu hệ. Sự thật, theo trích dẫn của nhóm nghiên cứu tại đại học Massachusetts [24], 'Mị' thật ra là 1 trong 5 từ hiếm hoi thuộc tiếng Sở ròng, may mắn còn sót lại cho đến ngày nay 'Mị' trong tiếng Sở mang nghĩa 'con gấu'. Tiếng Hán đọc kiểu Việt chính là: HÙNG. Bởi vậy tất cả hai mươi mấy đời vua chuá nước Sở đều mang họ Hùng: Hùng Yịch, Hùng Cừ, Hùng Thông, Hùng Sì, .v.v. Mặc dù về sau, sau vụ Hùng Thông tự ý xưng vương (tức Sở Vũ Vương), các con cháu kế vị vẫn giữ họ Hùng. Đó là lối gọi họ của dòng vua chúa nước Sở theo tiếng Hoa. Chứ theo tiếng Sở đó là MỊ: 'Người nước Sở họ Mị, người nước Việt họ Tự'. Đúng y như sử gia đầu tiên của Á Châu, Tư Mã Thiên đã ghi lại. Nước Việt ở đây là U Việt của Tây Thi.

39


Như vậy đối với lê dân nước Sở, lãnh tụ của họ thường xưng là 'Vương' và mang tên giòng họ là 'Hùng', 'phiên dịch' thẳng từ tiếng Sở: 'Mị'. 'Hùng Vương' của thời Hồng Bàng nước Việt, do đó có thể là sản phẩm của trí tưởng tượng của dân nước Sở sau khi đã di dân đến miền đất khác, trong hồi ức với ngày xưa, ở vài thế kỷ sau. Trở lại vấn đề truy tầm tiếng Sở, ta thấy ngay nếu tìm ra được tiếng chủng nào hiện nay có từ nào mang âm gần giống với /Mị/, và mang nghĩa 'con gấu' sẽ giải quyết dứt khoát dân của chủng nào đã là dân 'chủ lực' của nước Sở thời xa xưa. Rất tiếc trang web của nhóm nghiên cứu đại học Massachusetts chỉ cho biết tiếng Lào (cũng chủng Thái) có từ chỉ gấu là /Hmị/. Và tiếng Thái, chính là /Mik/. Ngoài ra, cũng có một hai mạng đặt giả thiết có thể người Hmong (tức Miêu) đã là chủ nhân nước Sở. Rất may, chúng tôi sưu tầm được đầy đủ các từ tiếng Thái, tiếng Mã Lai, tương đương với các từ hiếm của tiếng Sở, và xin trình bày trong bảng đối chiếu ở trang kế. Chúng ta thấy khá rõ từ bảng đối chiếu, chủng Thái chính là thành phần lê dân chủ lực của nước Sở vào thời xa xưa. Và cũng từng là cư dân của các khu vực như: Tứ Xuyên (Thục), Quí Châu (Dạ Lang), Vân Nam (Điền Việt), Lưỡng Quảng (Tây Âu). Còn những chủng nào ở tại Sở hay không? Muốn biết xin tra cứu trên mạng, về tỉnh Hồ Bắc (Hubei) và Hồ Nam (Hunan), cũng như nước Sở, theo pinyin (phiên âm) quan thoại là 'Chu'. NHỮNG TỪ THUỘC TIẾNG SỞ CÒN SÓT LẠI (trích từ [24]) SỞ Mị Guk Mik Glap U tu

VIỆT Gấu Bú Mặt-trời Gươm Cọp/hổ

ENGLISH Bear Suckle Sun Sword Tiger

THÁI Mee (mii) Duut (đút) Aathit Krabee Suea

MALAY Beruang MenyeDut MATahari Pedang Harimau

HMONG Dais Nqus Hnub Ntaj Tsov txaij

Ghi Chú Sở= Th Sở~Th~ M Sở=V=M~Th Sở= Th ~V Sở ~ Th

Chú thích: 1) Dấu '=' mang nghĩa: ‘rất giống âm’. Dấu ' ~ ' chỉ: ‘có âm gần gần giống’. V= Việt. M = MãLay. Th = Thái. 2) 5 từ còn sót lại của tiếng Sở được trích dẫn từ trang mạng của một nhóm nghiên cứu tại đại học Massachusetts ở Boston (Mỹ): umass.edu/wsp/tools/languages/Chu/history.html. 3) Để ý tiếng Việt cũng dùng 'ĐÚT' nhưng mang nghĩa khác, 'mớm ăn' spoon feed. Không phải 'Guk' như tiếng Sở, hay 'Duut' như tiếng Thái, mang nghĩa 'Bú'. 'Guk' tiếng Sở phiên âm ra như 'Cấu' - xem Đông Chu Liệt Quốc, sẽ thấy tên một vị tướng Sở: 'Đậu Cấu Ô Đồ'. 4) Bởi cũng có một vài giả thuyết cho rằng người Hmong (tức Miêu) là hậu duệ của dân Sở - nên chúng tôi đã truy cập tại địa chỉ: ww2.saturn.stpaul.k12.mn.us/Hmong/sathmong.html để trích ra các từ Hmong tương ứng với 5 từ thuần Sở này. Kết quả cho thấy tiếng Hmong có vẻ ít máu bà con với tiếng Sở nhất. Để ý: người Hmong xưng 'tôi' bằng /Kuv/. Có lẽ người Quảng Đông vay mượn /kuv/ của người Hmong và biến sang ngôi thứ 3: /koi/ = nó, cô ấy,... [Koi] sang tiếng Việt chính là 'kẻ' hay 'gã'. 5) Kết quả cho thấy rõ: Tiếng Thái giống tiếng nước Sở nhất. Do đó, thành phần Yueh (Việt) chủ lực ở nước Sở thời mới lập quốc chính là chủng THÁI. Đây là một trong những đóng góp chính của bài. 6) Để ý tiếng Mã Lai: Hari = ông Trời. Mat => Mặt. Do đó, Mặt Trời => MATaHari (Mã Lai). “Mặt’ của tiếng Việt, rút tỉa một phần từ /Myịện/ của một phương ngữ Trung Hoa (xem loạt bài ‘Từ chữ Nôm’ [25]), một phần từ tiếng Mã Lai, y hệt: /Mat/ như trong ‘Matahari’. Để ý thêm, tiếng Mã Lai gọi 'cọp' bằng 'HariMau' (Trời+Cọp). Cọp => Harimau (ông trời Cọp!) - cũng có ít nhiều tính chất ngôn ngữ Việt Nam. 7) Đa số những từ cổ Sở này được gạn lọc từ những quyển cổ sử Tàu như: Xuân Thu, Sử Ký, Tả Truyện, v.v. Riêng cái tên 'Đấu Cấu Ô Đồ' chính là tên của một tướng nước Sở có trong bộ truyện 'Đông Châu Liệt Quốc'. Bản dịch của Nguyễn Đỗ Mục (Nxb Văn Học, Hànội) có ghi: 40


Cấu = Bú, Ô Đồ = Cọp. Ông tướng Ô Đồ này hồi còn nhỏ bị bỏ rơi trong rừng, sống và lớn nhờ bú sữa cọp. Trong 'quyển Mã Lai', Bình Nguyên Lộc, tác giả đầu tiên, đã chú ý đến vấn đề này, nhưng không hiểu rút tài liệu từ đâu, ông ghi lộn 'Ô Đồ = bú sữa' => rồi liên kết với /Susu/ của tiếng Mã Lai, và 'Nậu = Cọp', (thay vì 'U tu'), rồi kết với 'HariMau', tiếng Mã Lai. Mặc dù dùng dữ kiện hơi sai trật (Nậu= cọp, thay vì đúng ra: U Tu), và quá chú tâm đến tiếng Mã Lai, nhưng Bình Nguyên Lộc cho thấy ông có thể đã xử dụng phương pháp khảo sát khá giống, và đi trước các nhà khảo cứu Mỹ cũng vài chục năm. _______________________________________________________

Đai khái có vài ba nhóm người dân tộc hiện vẫn còn cư ngụ tại địa bàn nước Sở xưa. - Người Thổ gia (Tujia): Có giả thuyết cho họ xuất thân từ đám Rợ đen (Wu Man) ở phía Nam Hồ Nam. Cũng có giả thuyết cho họ là hậu duệ của người nước Ba ngày xưa. Nước Ba nằm cạnh nước Thục ở khu vực Tứ Xuyên ngày nay. Phía Tây của Hồ Nam và Hồ Bắc. Cũng có thể họ là một trong đám rợ Tây Nhung hay Khuyển Nhung, đã đánh phá nhà Tây Chu khiến vua Chu thiên đô về Đông vào khoảng năm 770 TCN. Ít có khả năng nhóm người Thổ gia lại chính là hậu duệ dân Sở. Bởi họ từ các khu vực khác di cư đến, và những nếp sống của họ khác xa với dân Sở. Ngôn ngữ của họ giống Hoa ngữ hơn Sở ngữ. Với hình dung từ đi trước danh từ, chứ không phải theo kiểu Thái - Việt, và Sở (như Thần Nông). Dân Sở - tuy gốc rợ - nhưng đuổi kịp mốt Hoa Hạ rất nhanh. - Người Hmong (tức Miêu [26]): Bình Nguyên Lộc [4] viện dẫn nhiều lý do để bác bỏ chủng Miêu là nguồn gốc dân Việt Nam. Trong đó có: (i) sọ người Miêu có chỉ số khác người Hoa và người Việt; (ii) Nếp sống, cho đến ngày nay, vẫn còn dựa trên chăn nuôi săn bắn hơn là trồng lúa, làm rẫy; và (iii) Ngôn ngữ của họ không giống tiếng Việt chút nào, như đã kiểm chứng phía trên. Một vài trang mạng cho biết có giả thuyết cho rằng người Tàu cóp chữ viết của Hmong tộc và tạo ra Hán tự. Gần đây trên báo mạng Viễn Du [26], Trần Trúc-Lâm có cho một bài về người Miêu tại Trung Hoa và Việt Nam. Chúng tôi không đồng ý với tác giả quyển Mã Lai, và sẽ trở lại với người Hmong vào các bài kế tiếp. - Nhiều chủng khác, rất khó là chủng chủ lực tại Sở, như: Đồng, Yao (thường xem như một chi của Hmong), Lo Lo, v.v. - Và chủng Việt chi Lạc (tức Việt nam cổ), cũng đã có mặt tại nước Sở. Nhưng không phải là thành phần chủ lực đa số. Và họ rất dễ hoà chủng với dân Thái chủ lực, bởi Thái và Việt cổ chỉ là hai chủng lớn của Yueh mà thôi. Rất giống nhau ở cổ thời. Chắc chắn chủng Việt cổ (Lạc) đã có mặt chung quanh nước Sở, nhất là các nước nhỏ ở chung quanh, như: nước Quân, Dong, Trịnh, Trần,... Và hai nước thật lớn ở ven biển là Ngô (Hạp Lư & Phù Sai) và Việt (Câu Tiễn). Chủng Lạc còn có một nhóm không có đất nước gì hết, nhưng 'nay chỗ này mai chỗ nọ' y như dân du mục, thường gọi Bách Bộc hay Bộc Việt [4] [12] [20]. Để ý, theo [12] viết dựa trên các quyển cổ sử Tàu, ban đầu nước Sở ưa liên minh với các nước cùng chủng như nước Thái (vâng, có nước gọi tên thẳng là Thái chỉ chủng Thái (hay Âu), ở phía Bắc Dương Tử giang), để đi đánh các nước chư hầu khác. Đến một hai trăm năm sau, vào khoảng năm 500 TCN, Sở có vẻ được Tàu hoá kỹ rồi nên bắt đầu đấm đá với các khối chủng Yueh (trong đó có nước Thái và đám Bách Bộc), và gọi họ đám giặc Man. Chủng Lạc đặc biệt tập trung rất đông ở phía Đông của Hồ Động Đình, kéo ra tận biển. Đó chính là 'châu Dương' bao gồm các vùng đất chiếm được của hai nước Ngô và Việt.

41


TÓM TẮT: Cư dân chủ lực của nước Sở ở thời Xuân Thu Chiến quốc bên Tàu, trước khi được Hoa hoá, chính là dân thuộc chủng Thái, hỗn hợp với dân chủng Hoa từ các nơi khác (như nước Châu chẳng hạn) di cư đến. Đặc biệt đám Bộc Việt (thuộc chủng Lạc) có mặt ngay tại nước Sở. Và cư dân của vùng đất Sở đã chiếm được từ Ngô và Việt. Vùng đất mới này thường được gọi Châu DƯƠNG. TRUYỂN THUYẾT CỦA NGƯỜI SỞ DI CƯ Xin trở lại với truyền thuyết Âu Cơ và Lạc Long quân, và trích dẫn trang sử sách quen thuộc [9] về truyền thuyết con rồng cháu tiên: 'Cứ theo tục truyền thì Vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam đến Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc, và phong Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ. Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía Bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm thành), phía Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía Đông giáp bể Nam Hải. Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào quãng năm Nhâm Tuất (2879 trước Tây Lịch?) và lấy con gái Động Đình Quân là Long nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai. Lạc Long quân bảo Âu Cơ rằng: ''Ta là dòng dõi Long-quân, nhà ngươi dòng dõi thần tiên, ăn ở lâu với nhau không được. Nay được trăm đứa con thì nhà ngươi đem 50 đứa lên núi, còn 50 ta đem xuống bể Nam Hải.'' Qua bảng đối chiếu sự kiện trình bày ở trang bên, chúng ta sẽ thấy rõ truyền thuyết con rồng cháu tiên chỉ là một sản phẩm trí tuệ của con cháu những người di cư đến nước Nam, khởi xuất từ nước Sở của thời Xuân Thu Chiến Quốc xa xưa. Một truyện cổ tích của người Mường, hậu duệ của người Thái cổ - hợp chủng với người Lạc - nhưng vẫn giữ phần lớn cá tính của người chủng Âu (tức Thái) tại nước Sở. Một nước nổi tiếng với văn hoá lãng mạn, 'sexy', cũng như những chuyện cổ tích u linh hoang đường. Cũng một nước thuộc chủng Việt (chi Thái) suýt một chút có thể nhất thống nước Tàu và thay đổi lịch sử tự cổ chí kim. SỰ KIỆN Thần Nông Đế Minh Ngũ Lĩnh nàng tiên Đế Nghi

TÍNH CHẤT 'SỞ' (a) tên viết theo văn phạm Thái-Việt; (b) có tượng với đầu mang sừng trâu tại Hồ Bắc (Sở); (c) người Mường cũng thờ Thần Nông. (a) Đế = Vua, đặt trước tên riêng 'Minh'; (b) đi 'tour' loanh quanh trong khu vực thuộc chủng Yueh - chi Âu; (c) chỉ đi về hướng Nam mà thôi 5 rặng núi thuộc địa bàn nước Sở, gần Động Đình Hồ, thuộc Hồ Nam (Sở khi xưa) (a) Vụ Tiên nữ, gốc phía Nam nước Sở; (b)Vụ Tiên nữ mạng chòm sao trông coi Bắc Việt [17] (a) tên theo văn phạm tiếng Thái; (b) làm vua phương Bắc: chắc chắn trong địa phận Hồ Bắc (Sở); (c) Cổ sử Hoa cũng mơ hồ chỗ này, bởi họ nhận cho oai Thần Nông là 'người' Hoa. 42

GHI CHÚ gốc Sở, 'người' Sở

'dân Sở' địa danh Sở địa bàn của TIÊN: núi ở Sở cũng trong vòng nước Sở


Kinh Dương Vương Xích Quỷ

Biên giới Xích Quỷ Động Đình Quân và Long Nữ Lạc Long Quân Âu Cơ

Hùng Vương

Phân ly Văn Lang

Người từ châu KINH và châu DƯƠNG. Cả hai đều thuộc Sở. Kinh= Thái. Dương= Việt. Cha (Đế Minh) người Sở gốc Âu. Mẹ (Vụ tiên nữ) máu Lạc (Việt). (a) có thể mô phỏng 'nước' Xích Địch, dân màu da đỏ; (b) địa bàn phía Nam Ngũ Lĩnh có nhiều dân da màu thổ chu, phân biệt với dân rợ da màu đen: U man; (c) Khu vực Tứ Xuyên (Thục), chủng Thái, gồm đất đỏ (a) giống như biên giới khối Bách Việt, với chủng Âu tại Sở làm chủ lực; (b) Khối Bách Việt này gồm 2 chi chính: Âu (Kinh) và Lạc (Dương) (a) Địa chỉ: Khu Động Đình Hồ, thuộc Sở; (b) Dân miền sông nước => chủng Lạc

di cư của hai chủng từ đất Kinh và Dương

(a) Cha=Kinh DƯƠNG Vương > gốc dân xứ Dương (tộc Lạc);(b) Mẹ=Long nữ, gốc sông nước (a) Họ như chủng Âu; (b) con gái Đế Lai, chủng Thái; (c) gốc nai đốm sao hay tiên: địa bàn núi rừng; (d) Người Mường xem như tổ mẫu; (d) tên giống y như ái cơ của Sở Bá Vương Hạng Yũ (a) tên hiệu y như các vua chúa nước Sở: họ Hùng, tước Vương => Hùng Vương; (b) 18 đời vua Hùng cóp y như 18 đời vua Hạ của Hoa chủng; (c) Mang hai giòng máu Thái và Việt, biểu hiệu cho hợp chủng, để chống Hoa. (a) Âu Cơ và Lạc Long Quân đều chia tay trong hai bản Mường và Việt, bởi là hôn nhân dị chủng; (b) Trên thực tế, ít nhất có 3 lần chia ly giữa 2 chủng Âu * Lạc (a) Hoàn toàn không có trong thư tịch cổ Tàu; (b) có vẻ mô phỏng tên xứ 'Dạ Lang' (Quí Châu ngày nay), phía Nam Hồ Nam (Sở), gồm Âu và Hmong.

quốc tịch Sở, chủng Lạc.

sẽ trở lại vấn đề 'Xích Quỷ' ở một bài khác.

Sở chính là 'minh chủ' khối Bách Việt. Giới thiệu chủng Lạc của khối Bách Việt

Nhấn mạnh: Chủng Âu, tức Thái Xem bài: '18 đời vua Hùng: Ý niệm về liên tục'

Phân ly Âu Lạc ít nhất 3 lần {Nam nước Sở} Xem bài: 'Văn lang'

Đọc kỹ lại truyền thuyết bằng đọan văn ngắn ngủi phía trên chúng ta sẽ thấy đoạn văn đó thật hết sức cô đọng, và nói lên hết tất cả những gì thuộc về nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, chúng ta để ý: 1. Truyền thuyết ghi thật rõ huyết thống và DNA của từng mỗi một nhân vật. Rất chính xác và không hề sơ suất. 'Sâu sắc' nhất là cái tên Kinh Dương Vương. Y cũng biểu tượng cho cả hai chủng Thái (châu Kinh) và Việt (châu Dương), xuất phát từ Sở di cư về phía Nam. Kinh Dương Vương cũng biểu tượng cho một người Thái lai Việt, bởi có Cha là Đế Minh (Thái) và mẹ Vụ Tiên nữ (Việt). Bởi mẹ có mạng là chòm sao trông coi vùng đất Bắc Việt [17]. Rồi Kinh Dương Vương 'lấy' Long nữ con gái của Động Đình Quân, dân miền sông hồ, thuộc chủng Lạc, nên sinh ra Lạc Long Quân có máu và DNA gần như hoàn toàn Lạc (Việt). 2. Tác giả cũng đã minh định rất khéo, theo lối ẩn dụ, trong thời gian câu chuyện xảy ra, cả hai khối dân di tản, đặc biệt khối Thái cổ, tức Âu hay Mường về sau, vẫn còn theo 'Mẫu Hệ' (matrilineal system). Bởi ở chỗ: - Tác giả cho những người được lên làm vua, chung một họ mang nghĩa 'vua': ĐẾ. Như Đế Minh, Đế Nghi, Đế Lai, v.v. Nhưng tên cúng cơm của họ cứ khác nhau loạn xà ngầu: Lộc Tục, cha của ... Sùng Lãm, chứ không phải Lộc Lãm. Sùng Lãm có con mang tên Lạc Long Quân, họ Lạc cho tiện nghi mang máu chủng Lạc (Việt). Theo mẫu hệ, con gái mới có quyền mang họ Mẹ [4] [32]. Chỉ có Âu Cơ có vẻ mang họ Mẹ, nhưng tác giả tránh, và không tiết lộ tên họ Mẹ của Âu Cơ. 43


- Đám theo Lạc Long Quân có vẻ thích theo văn minh Hoa Hạ, nên vội bỏ mẫu hệ, chuyển mình theo phụ hệ, kiểu thế tập, qua việc chọn con trưởng lên làm vua, xưng Hùng Vương. Xin nhấn mạnh, theo bản Mường, hai phe vẫn giữ chế độ tù trưởng bộ lạc, hoặc cùng lắm kiểu 'liên minh bộ lạc' chứ chưa đến kiểu 'nhà nước thế tập' như các nước chư hầu thời Xuân Thu Chiến quốc ở miền Hoa Bắc. 3. Mỗi đám con theo Âu Cơ và Lạc Long Quân đều mang trong người hai giòng máu, Thái và Việt. Điểm này cho biết sự tự do lựa chọn, ai muốn theo mẹ lên núi thì theo, và ai muốn đi với cha về vùng đồng bằng gần sông biển, thì đi. Trên thực tế, chắc chắn có một số đông người Thái cổ thích ở lại miền đồng bằng, để rồi về sau trở thành người Kinh. Và ngược lại đã có một số khác thuộc chủng Việt không thích Tàu và lên miền rừng núi, trở thành Mường. Bình Nguyên Lộc [4] cho biết có một bộ tộc Mường đã được khám phá có gốc Việt chay. Ngoài ra, sự hợp chủng, hay ít ra sống gần bên nhau, giữa Thái và Việt có thể diễn tiến hằng trăm năm trước đó khi còn giao tác bên sông Dương Tử. Đến khi họ di cư tới khu bình nguyên sông Hồng, hai chủng vẫn sống hợp bên nhau, xuyên qua thời Âu Lạc của Thục Phán, Nam Việt của Triệu Đà. Rồi cho đến lúc kẻ thù năm xưa là Hoa chủng tái xuất hiện, vào khoảng thế kỷ thứ 1 trước Công Nguyên, hai chủng mới nghĩ đến sự chia tay. Đó là lúc Âu Cơ và Lạc Long Quân cãi vã với nhau và sau cùng xé bỏ hôn thú cũ, đã làm tại nước Sở. KẾT Còn rất nhiều điểm về việc giải mã truyền thuyết 'con rồng cháu tiên' chưa được trình bày, dù trong dạng đơn sơ nhất, trong hai bài qua. Qua phần tham khảo các tài liệu để viết nên bài này chúng tôi đã thu lượm một vài nhận xét, như sau: 1. Thật ra vẫn có nhiều bài viết vài chục năm trước, như [4] và [20], đã từng đề cập đến 2 chủng chủ yếu ở nước Sở là Thái và Việt. Tuy nhiên, những tác giả này thường phải dựa được vào một số khung đối chiếu có sẵn, và không vượt ra khỏi các khung đối chiếu đó. Bởi khung đối chiếu của Tàu luôn có khuynh hướng không thèm phân biệt các chi chủng của khối Bách Việt. Các vị tiền bối của ta cũng dễ rơi vào tình trạng tương tự. Thông thường họ vẫn phải gộp chung lại các chủng Bách Việt thành một khối Mã Lai hay chủng In-đô-nê-siên. Từ đó điểm căn bản nhất, sự phân biệt và cuối cùng, phân ly giữa hai chủng Âu và Lạc, rất dễ bị lướt qua. 2. Những vị tiền bối thường xem những gì do người Tàu hoặc Tây, hay Nhật viết đều có nhiều sức nặng hơn tự mình tìm tòi. Nhưng rất thường, các tác giả Âu Mỹ Nhật, lại cũng dùng tài liệu Tàu hay của chính Việt Nam để viết về sử Việt. Lại một cái vòng lẩn quẩn, rất khó thoát. Thí dụ: Bửu Cầm [20] có một đoạn cho biết dân chủ lực tại Sở bao gồm chủng Bách Việt, nhưng dẫn từ một tác giả Nhật Bổn. Đọc mãi mới thấy ông Nhật này lại dựa vào 'Đại Việt Sử Ký Toàn Thư' của Ngô Sĩ Liên. 3. Việc bỏ sót quan sát nước Sở như một cái nôi của dân Việt có lẽ bắt nguồn từ chỗ cổ sử Việt mang nặng ảnh hưởng của sử sách Tàu. Sử sách Tàu luôn cố ý che đậy việc khác chủng giữa Hoa tộc với các nhóm 'rợ thật tiến bộ', như Sở, Ngô, Việt (Câu Tiễn), Bộc Việt (chúng tôi sẽ chứng minh chính là người Hẹ), v.v. Từ đó, người Việt từ ngàn xưa, ngay cả những người thích đọc Đông Châu Liệt Quốc, không bao giờ ngờ rằng người Sở trong vài trăm năm đầu thuở lập quốc, toàn nói tiếng Thái và tiếng Việt cổ.

44


4. Những người viết sử Việt cũng thường không ra khỏi cái khung nghiên cứu người Tàu đã vạch ra. Họ ưa chú trọng nhiều đến các chi tiết, phần lớn có thể sắp vào hạng 'ngoại vi'. Đọc các tài liệu sử Việt, chúng ta thường thấy, chữ này đáng lẽ phải viết làm sao đọc làm sao mới đúng. Gần như cứ vài trang là có chuyện lỉnh kỉnh như thế, kể cả những quyển sử đồ sộ, như [9] [10] [28]. Thí dụ: Trạch Hu Tống, vua nước Tây Âu, có phải thật ra mang tên là Dịch Hu Tống hay chăng. Và gần đây có thêm một cái mốt: Bỏ bớt tên 'Sách' của ông Thi Sách, chồng bà Trưng Trắc, viện dẫn 'Sách' viết tiếp theo 'Thi' có thể mang nghĩa 'Hỏi': ông Thi 'hỏi' (đồng nghĩa với: Sách) bà Trắc có chịu làm vợ ông Thi hay không? Dựa trên các tài liệu viết bằng chữ Hán, và hoàn toàn không ngờ rằng người Hán (Tàu) cũng rất mù mờ về các chi tiết hết sức gút mắt của sử nước Việt cổ. Nhìn chung, truyền thuyết con rồng cháu tiên khi mới nhìn có vẻ mang tính chất 'đầu Ngô mình Sở'. Nhưng khi đọc đi đọc lại và so sánh với bản Mường, chúng ta đã được dịp thấy rõ, rất có thể truyền thuyết đã được dàn dựng và 'hiệu đính' với những 'lô-gích' hết sức chặt chẽ, gói ghém rất nhiều dữ kiện súc tích lẫn thông điệp rất quan trọng dành cho hậu thế. Phần lớn bài này tập trung vào chủng Âu tức Thái, như chủng chủ lực ban đầu tạo dựng nên dân tộc và nước Việt Nam. Ở một bài khác chúng tôi sẽ cố gắng phân tích đóng góp của các chủng Việt khác, theo 'truyền thuyết con rồng cháu tiên' đã được biểu tượng bằng đám con đi theo Lạc Long Quân. Ghi Chú [1] Jeanne Cuisinier (1946) Les Mương – Géographie Humaine et Sociologie. Institut d’Ethnographie. Paris [2] Nguyễn Hiến Lê (2002) Sử Trung Quốc. Nxb Văn Hoá [3] Website sau đây cho đầy đủ danh sách các triều vua chúa bên Tàu: hostkingdom.net/china.html#Ch’u. Một vài pinyin cho việc tra cứu: Sở = Chu (hay Ch’u); Châu = Zhou; Tề = Qi (hay Chi); Tần = Qin; Tấn = Jin; Thần Nông = Shen Nong; Hồ Nam = Hunan; Hồ Bắc = Hubei; Thiểm Tây = Shaanxi; Cam Túc = Gansu; Việt = Yue (hay Yueh); Đông Đình Hồ = Dongtinghu; Tứ Xuyên = Sichuan; Vân Nam = Yunnan; Dương Tử = Yang Tze; Hoàng Hà = Huang he; Người Miêu = Hmong; Hẹ = Hakka;… [4] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu (USA) tái bản. [5] Website về khảo cứu nước Sở ở đại học Massachusetts (thành phố Boston): umass.edu/wsp/tools/languages/Chu/history.html OR lexicon.html [6] Muốn hiểu tiến trình đồng hoá về ngôn ngữ và lối sống, đặc biệt giữa những chủng có cùng màu da, và trong hoàn cảnh hội nhập ... văn minh, xin xem 'mô hình' nhận di dân ngày nay của các nước như Úc, Mỹ, Canada, đặc biệt từ Âu Châu. Hội nhập và xử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ có thể xảy ra chỉ trong vòng 1-2 thế hệ, hay năm sáu mươi năm. [7] 'Cơ' trong tiếng Việt có thể phát âm như 'Kỹ', thí dụ người Ca Kỹ 歌 姬 . Nhưng tiếng Hoa (quan thoại) chỉ có một lối viết, một lối đọc: 姬 /Ji/ . Chuyện người hùng Hạng Yũ (Vũ) có thể tìm thấy trên nhiều mạng khi tìm 'Xiang Yu'. [8] Nguyên Nguyên (2005) Phải chăng người Việt cổ đã biết tiếng Anh: Ai= I= Tôi. Xem báo mạng talawas.org, tháng 3, 2005 [9] Trần Trọng Kim (1971) Việt Nam Sử Lược. Trung Tâm Học Liệu của Bộ Giáo Dục xuất bản. Đại Nam tái xuất bản tại Hoa Kỳ. [10] Ngô Sĩ Liên và cộng sự (1497). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Thanh Việt và Phạm Ngọc Luật hiệu đính theo bản dịch của Đào Duy Anh. Nxb Văn Hoá Thông Tin (2004). Bản của 45


Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam được trình bày đầy đủ trên mạng internet: perso.wanadoo.fr/charite [11] Nicola Di Cosmo (2002) Ancient China and its Enemies - The Rise of Nomadic Power in East Asian History. Cambridge University Press [12] Đường Nhạn Sinh, Bạo Thúc Diễm & Chu Chính Thư (2002) Mưu Trí thời Xuân Thu. (Ông Văn Tùng & Vũ Ngọc Quỳnh dịch). Nxb Văn Nghệ, TP HCM [13] Chuyện cài áo bên trái cũng là một nét hết sức đặc trưng thuộc hội chứng dzị ứng của chủng Hoa. Họ thấy người chủng Yueh, có lẽ thuận tay trái ngày xưa, ưa cài vạt áo phía bên tay trái nên cho là kì, là man yi, … rợ. Người viết có hỏi một bằng hữu người gốc Hải Nam. Bằng hữu cho biết mấy ông bà cụ thật già vẫn còn có vạt áo trái. Người ngoài đường vẫn có thể chú ý như thường, và xem cái đó ‘không hợp thời trang’, hoặc kém văn minh! [14] Một điểm trùng hợp của các địa bàn của chủng Âu tức Thái: Thức ăn tại các nơi này đều rất cay. Y hệt như đồ ăn Thái Lan ngày nay. Mặc dù thức ăn Thái về sau mang ảnh hưởng cà-ri Ấn Độ. Trước hết, đồ ăn Trùng Khánh - Tứ Xuyên (tức khu nước Thục thời xưa, quê hương Đặng Tiểu Bình). Tiếp đến đồ ăn Hồ Bắc - Hồ Nam. Rồi Vân Nam (tức Đại Lý hay Nam Chiếu, hoặc Điền Việt). Tứ Xuyên, Hồ Bắc Hồ Nam, Vân Nam là 3 nơi có thức ăn cay nhất nước Tàu. Người viết đặc biệt đã có zịp nếm được thức ăn thật ‘thuần túy cay’ của Tứ Xuyên (Chinatown), Hồ Nam (Burwood), và Thái Lan (Redfern), ngay tại Sydney. Đặc biệt, món lẩu Tứ Xuyên và cà-ri cổ truyền Thái, có chứa trong đó chừng một chục trái ớt hiểm, hai ba ‘chùm’ tiêu hột, xanh đen đủ thứ. Cay nhớ đời đến một hai ngày sau. (Độc giả truy cập mạng về trang du lịch của mấy nơi này trên internet sẽ thấy họ đều quảng cáo có một chuyện chung chung: thức ăn các nơi này rất cay. Phải chăng đó hơn một sự trùng hợp ngẫu nhiên của các địa bàn chủng Âu tức Thái cổ?) [15] Chử Văn Tần (2003) Văn Hoá Đông Sơn – Văn minh Việt Cổ. Nxb Khoa Học Xã Hội. [16] Hoài Nam Wương Liu An (cháu của Liu Bang) thuật rõ trận chiến theo lối du kích của dân Tây Âu trong quyển 'Hoài Nam Tử', 'xuất bản' trong khoảng thế kỷ 2 trước Công Nguyên (xem [4] & [17]. Trong cuộc chiến đó, quân Tần giết được vua Tây Âu là Trạch (Dịch) Hu Tống. Dân Tây Âu (tức Âu 'Việt') rút vào rừng kháng chiến và giết lại được tướng Tần là Uất Đồ Thư. Một nhầm lẫn khác: nước Tây Âu Lạc. Thật ra không có nước nào mang tên nước Tây Âu Lạc cả. Chỉ có nước Tây Âu và nước Âu Lạc. Nước Âu Lạc nằm về phía Tây của Nam Hải. (xem [4] & [17]). Đặc biệt Bình Nguyên Lộc đã dẫn công trình nhiều học giả Pháp xem Trạch Hu Tống, vua nước Tây Âu, như một vị tù trưởng. [17] Keith Weller Taylor (1983) The Birth of Vietnam. University of California Press [18] Xem website của British Council về gốc gác của binh lính Thục Phán: dân Tây Âu, Viet%5FNam/Directories/Vi_ACYAIw-7879_ADs-t_Nam_Cultural_profile/-3194.html [19] Keith Weller Taylor [17] có dẫn một học giả Pháp thời tiền chiến, cho rằng có một ngôi mộ ở miền Hoa Nam có thể là mộ của...Kinh Dương Vương. Theo thiển ý, nhầm lẫn 'huyền sử' với ''người thật' của lịch sử, theo kiểu 'mộ của Kinh Dương Vương', đã cho thấy ai cũng có thể bị 'tẩu hỏa nhập ma' với các vấn đề cổ sử. [20] Bửu Cầm (1971) Tương quan giữa những hình chạm trên trống đồng Việt tộc và bài 'Đồng Quân' trong Sở Từ. Tập san SỬ ĐỊA, năm thứ VIII, số 25, tháng 1-3, 1971. [21] 'Việt' trong 'Việt Nam' là một từ do quốc ngữ biến đổi từ 'Yiệt'. Bởi chỉ trừ phương âm Triều Châu (và Phúc Kiến) có phát âm như /Wiật/ tất cả những thứ tiếng khác, như Mường, Quan thoại, Quảng Đông, Sơn Đông, Hẹ, Nhật, ... đều phát âm với âm /Y/ ở đầu, y như Yuệt. YUEH cũng chính là lối gọi tắt tỉnh Quảng Đông. Nhưng viết khác, 'Việt' chỉ Quảng Đông, viết theo bộ Mễ: 粤. Trong khi từ 'Việt' dùng để chỉ 'Việt Nam' họ viết 越, bao gồm {Tẩu}+{Qua}. [22] Để ý Thái Lan (và Việt Nam) ngày nay cũng khá nổi tiếng với đồ sơn mài và hàng tơ lụa. 46


[23] Để ý người thiết lập nên nhà Hán và đưa từ HÁN vào để chỉ người Hán, Hán tự, Hán tộc, v.v. là Liu Bang, gốc người xứ Giang Tô (Jiang su). Giang Tô chính là địa bàn nước Ngô (với Ngô Phù Sai), một nước của rợ Việt, thuộc chủng ...Lạc. Ngô về sau bị Câu Tiễn của U Việt dứt điểm. Sau đó Việt bị Sở thôn tính (333 TCN), sau khi liên kết với Tề. Bởi đất Giang Tô thuộc Sở trước khi Tần thôn tính, nên cả Hạng Yũ và Lưu Bang đều được xem như người nước Sở. Cũng có thể Liu Bang mang chút ít máu...Việt? [24] Website của đại học Massachusetts cho từ vựng của Sở: umass.edu/wsp/tools/languages/Chu/history.html [25] Nguyên Nguyên (2004) Từ chữ Nôm đến quốc ngữ. Xem tại các báo mạng: aihuucongchanh.com, honque.net, khoahoc.net, v.v. [26] Người Hmong không thích người khác gọi họ bằng Miêu. Miêu chính thật không phải nghĩa Mèo, như thường nhầm, nhưng mang nghĩa: Hạt giống. Có rất nhiều websites về người Hmong trên mạng. Trong đó có các tạp chí của giới khoa bảng nghiên cứu về người Hmong: hmongnet.org. Gần đây có bài viết tiếng Việt rất sâu rộng về người Hmong, được đăng trên mạng: Trần Trúc-Lâm (1999) Người Miêu: Lịch Sử của một dân tộc lưu vong. Xem báo mạng Viễn Du: viendu.com [27] Một trong những đóng góp của Sở vào nền văn hoá Trung Hoa chính là Sở Từ, thường được xem ngang hàng với Kinh Thi của chủng Hoa. Nổi tiếng nhất là bài Cửu Ca, do nhà thơ yêu nước Khúc Nguyên sáng tác. Khúc Nguyên (340-278 TCN) là một đại thần, bà con với vua nước Sở. Sau khi dâng sớ xin vua hãy đề phòng nước Tần, và nên liên kết với Tề ở phía Đông, cũng như đề nghị vua nên bài trừ tham nhũng, Khúc Nguyên bị đám nịnh thần ghen ghét. Vua Sở sau đó nghe lời đám nịnh thần cách chức và tống Khúc Nguyên đi lưu vong. Trên bước đường lưu vong, Khúc Nguyên đã sáng tác nhiều áng văn thơ bất hủ. Đặc biệt bài Cửu Ca, theo thể Sở Từ, rất 'ăn khớp' với các hình chạm trên trống đồng. Bài Cửu Ca [20] cũng như hình chạm trên trống đồng (hay thạp Đào Thịnh [4]) miêu tả hoạt cảnh lên đồng (shamanism) mà tột điểm chính là giao hoan giữa người đồng cốt và thánh thần [4] [20]. Để ý việc lên đồng chính là một 'cái đinh' cho nhiều nhà khảo cứu tìm tòi về nguồn gốc dân Việt (Nam) (thí dụ: [4]). Theo thiển ý, thật ra cũng có thể shamanism (lên đồng) phổ thông đối với chủng Thái cổ, hơn là chủng Việt. Rất tiếc sự phân biệt các chủng Yueh (Việt) trong nhóm Bách Việt di cư đến bình nguyên sông Hồng trước tiên, từ trước đến nay luôn luôn bị bỏ sót hay bi che mờ bởi nạn gộp các chủng lại thành 1 khối, nên các nhà khảo cứu thường xem việc lên đồng là của chủng Việt nói chung. Theo thiển ý, 'tông' giáo 'lên đồng' có vẻ của chủng Âu tức Thái cổ, thời chưa di cư đến Bắc Việt, hơn là của chủng Lạc. [28] Khuyết Danh (1377-1388) Đại Việt Sử Lược. Người dịch: Nguyễn Gia Tường. Người hiệu đính: Nguyễn Khắc Thuần. Nxb Thành Phố HCM (1993). Có bản được lên mạng tại perso.wanadoo.fr/charite [29] Stephen Oppenheimer (2001) Eden in the East – The Drowned Continent of Southeast Asia. 2nd Impression. Phoenix [30] Thật ra một số từ tiếng Hán viết có thay đổi. Chung qui có lẽ người sau vì không hiểu rõ vấn đề nên cố ý viết chữ Hán với một tự dạng khác. Y hệt như viết 'Ngu Cơ' và 'Âu Cơ' bằng hai chữ Hán khác nhau. Thật ra phát âm như một, cho bất kỳ sắc tộc nào ở Trung Hoa hiện nay. Cũng ở vấn đề này, những nhà khảo cứu trong nhiều thế kỷ sau dễ lướt qua, không chịu để ý đến cội nguồn hoặc những từ vay mượn có tính ẩn dụ. Thí dụ: Kinh Dương Vương 經 楊 王 nếu viết y như vậy người đọc sẽ thấy ngay đó là châu Kinh và châu Dương. Thế nhưng 'Dương' trong tên Kinh Dương Vương lại viết khác, viết như 陽 , nghĩa 'thái dương', để tránh chữ 'Dương' 楊 dùng để chỉ họ, mang nghĩa 'dương liễu'. Thí dụ khác: Hùng Vương tại nước Sở được viết khác với Hùng Vương tại 'nước Văn Lang'. Vua Hùng ở Sở chính là chữ Tàu dịch từ 'Mị' tiếng Sở, mang nghĩa con gấu: Hùng = 熊 . Vua Hùng theo truyền thuyết mang nghĩa 'Hùng mạnh', hùng dũng, viết như: 雄 . 47


[31] Khúc Nguyên, tác giả Cửu Ca, Ly Tao, cùng những áng thi văn bất hủ khác, sau khi nghe tin nước Sở đã thất thủ trước quân Tần, đã tự trầm tại sông Mịch La vào ngày 5 tháng 5. Ngày 5 tháng 5 từ đó trở thành Tiết Đoan Ngọ, một ngày cực nóng ở Trung Hoa. Đó cũng là ngày nhân vật Trương Vô Kỵ của Kim Dung lên núi Thiếu Lâm chiến đấu với 3 vị cao tăng để giải cứu Tạ Tốn. Vô Kỵ mạng Hỏa, rất cần ngày tiết Đoan Ngọ để mạng Hỏa trở nên cực thịnh, mới chống lại được 3 cao tăng kia, thuộc mạng Thủy (Xem: Thử đọc lại Kim Dung (5): Cô gái Đồ Long). [32] Website về một giống người vẫn còn theo mẫu hệ ngày nay: thingsasian.com/goto_article/article.1862.html

48


Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (3): Nước Xích Quỷ Viết xong 3 bài Hùng Vương, chúng tôi định nghỉ xả hơi một thời gian. Nhưng, bất cứ độc giả nào đều có thể thấy vẫn còn rất nhiều vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng, hoặc giải thích với ít nhiều sức thuyết phục, trong cái thuyền thuyết hết sức đồ sộ này. Cộng vào đó một nỗi tức bực vì phải làm công việc khá cực nhọc, có thể đưa đến 'tẩu hỏa nhập ma' như chơi, mà đáng lẽ nhiều vị tiền bối hay đương thời phải giải quyết từ lâu. Tuy nhiên, công việc giải mã đó đã đem lại không ít hứng thú cho người viết. Bởi thật sự viết lại được ý nghĩa của truyền thuyết dựa trên hiểu biết về văn minh Hoa và Việt, nhất là Hoa, cũng giống như việc thu lại được lợi nhuận sau bao nhiêu năm tốn tiền của và thì giờ, say mê xem truyện Tàu, truyện chưởng Kim Dung, phim kiếm hiệp Hong Kong, và những sách vở từ Đông sang Tây, đã đọc và học được từ trước đến nay. Từ đó, như có một sợi dây ràng buộc đã bắt buộc phải viết cho xong việc 'giải mã' một truyền thuyết xưa cũ nhất, với một tầm quan trọng rất lớn. Bởi hiểu rõ được truyền thuyết, chúng ta có thể yên tâm hơn về hồ sơ lý lịch căn cước của chính mình. Tuy nhiên bắt buộc phải nhìn nhận, khám phá quan trọng nhất đã mạnh mẽ thúc đẩy chúng tôi phải làm cho xong việc này chính là cái truyền thuyết 'con rồng cháu tiên' đó, chỉ trong vòng vài đoạn văn xuôi ngắn, lại hết sức phức tạp và súc tích. Vượt xa bất kỳ bộ tiểu thuyết nào mà người ta thường ưa thích nhất từ trước đến nay. Kể cả những bộ truyện chưởng của Kim Dung. Xin nhấn mạnh, chỉ về mặt phức tạp và súc tích. Nó đã cho thấy các tác giả truyền tích này hoàn toàn không phải 'tay vừa', mà là những thứ cao thủ đã đạt đến mức 'tam hoa tụ đỉnh' như cỡ Trương Tam Phong hay Phong Thanh Dương, hoặc ba vị cao tăng Thiếu Lâm, trong các truyện kiếm hiệp của Kim Dung. THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN CỦA TRUYỀN THUYẾT Như những bài đầu đã phân tích, truyền thuyết 'Âu Cơ' thoạt nhìn có vẻ như rất giản đơn, không có gì có thể gây thắc mắc, nhưng thật sự nếu quan sát kỹ, nó giống như các quyển võ công bí kíp trong các truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Tràn đầy những lối nói ẩn dụ, lối 'fast forward' (quây băng video nhanh), các ý niệm rất sâu sắc trong đó có ý niệm giống như 'nhảy vọt quantum' của Max Planck, và những thông điệp ẩn tàng khá kỳ bí. Nó ghi lại hết nguồn gốc dân tộc Việt Nam, cũng như những vấn đề khó khăn ở thời buổi ban đầu. Cái gút lớn và phức tạp nhất của truyền thuyết kì bí này nằm trọn ở chỗ 'phải xác định cho thật đúng thời gian và không gian của diễn biến câu chuyện'. Chúng tôi đã minh chứng bằng một bảng đối chiếu trình bày trong bài thứ 2, thời điểm xảy ra câu chuyện chính là thời Xuân Thu Chiến Quốc ở bên Tàu (770-221 TCN), và chốn không gian của truyền tích ban đầu được dựng nên tại nước Sở, hoặc địa bàn sinh hoạt của hai chủng Thái-cổ và Việt-cổ, cả hai đều thuộc vào một khối thường được người Hoa gọi nôm na: khối Bách Việt (Bai Yue). Qua hai bài trước, chúng ta đã thấy:

49


1. Có một khế ước bất thành văn thảo tại nước Sở ở thời Xuân Thu Chiến Quốc, kêu gọi sự hợp chủng giữa Âu và Lạc, cùng toàn thể các chủng thuộc khối Bách Việt khác, để cùng chống lại chủng Hoa. Chủng Âu (Thái), đại diện bằng Âu Cơ, sẽ nắm vai trò lãnh đạo. Tương ứng truyền thuyết: Các chủng 'rợ' thuở đó còn theo mẫu hệ. 2. 'Minh chủ' của khối Bách Việt chính là nước Sở, một nước do nhà Châu thành lập với đông đảo dân chúng thuộc khối rợ Yueh (Việt), nhưng 'chính quyền' của nước Sở do đa số người thuộc chủng Hoa lãnh đạo. Một vài đời vua Sở có lai chủng Yueh [1] [2]. Chính sách của nước Sở cũng khá phức tạp. Một mặt làm 'phên dậu' cho nhà Châu, đàn áp và tiêu diệt các bộ tộc rợ Yueh ở trong nước và chung quanh để bành trướng lãnh thổ. Mặt khác, dựa vào lực lượng dân quân phần lớn là rợ Yueh, ra sức cạnh tranh với các nước khác, nhất là Tần, và dòm ngó 9 cái đỉnh của nhà Châu [3] [4]. 3. Thành phần chủ lực của nước Sở thời mới dựng nước chính là chủng Thái (Âu). Tiếp theo đó là các chủng như: Khương, Miêu, Hẹ-cổ, và Thổ gia [Tujia]. Vài trăm năm sau, nước Thục, một nước lớn cũng thuộc chủng Thái ở phía Tây bị nhà Tần tiêu diệt. Người chủng Âu tức Thái từ Thục di cư về Sở, và xuống phía Nam hội nhập với dân Tây Âu. Lẫn lộn trong các đoàn người di tản đó cũng có một số thuộc chủng Lạc, ngày xưa xuất phát từ vùng Đông Bắc nước Tàu, thường gọi nhóm Đông Di. Hoặc có thể các nhóm Lạc từ khu vực các nước Ngô (Giang Tô) và Việt (Chiết Giang). Và nhóm thuộc siêu-tộc Để - Khương. Nhóm Lạc du mục thuộc khối Đông Di, cũng còn mang tên Bách Bộc, chính là nhóm chủng Lạc có mặt lâu đời tại miền Hoa Bắc (phía Bắc sông Dương Tử). 4. Nước Sở về sau trở nên hùng mạnh, nới rộng lãnh thổ đến tận bờ biển phía Đông - bao gồm 2 nước Việt (của Câu Tiễn) và Ngô (của Hạp Lư / Phù Sai). Phần đất ban đầu của Sở gọi là đất Kinh (tức Kinh Việt hay Kinh Man). Và phần đất phía Đông, tức vùng đất của hai nước Ngô Việt hồi trước, bao gồm phần lớn chủng Lạc có tên đất Dương. Từ đó truyền thuyết dựng nên nhân vật Kinh Dương Vương dùng để chỉ người xứ Kinh và Dương hợp lại với nhau. 5. Hai chủng Thái - Việt này nắm tay nhau chạy giặc và đàn áp khủng bố gây nên bởi chủng Hoa, bởi chính quyền nước Sở, bởi chiến tranh khắp nơi,... xuống tuốt đến xứ Việt cổ rồi định cư tại đó. Hôn nhân hoà hợp với người bản địa. Diễn biến từ lúc có khế ước hợp chủng đoàn kết cho đến lúc tới xứ Việt cổ xảy ra trên dưới 1000 năm, trước Công Nguyên. Đúng vào thời điểm nhà Châu thay thế nhà Ân (Thang), kéo dài qua thời Xuân Thu Chiến Quốc (770-221TCN), cho đến lúc nước Nam Việt bao gồm 2 chủng nói trên bị nhà Hán dứt điểm vào năm 111 TCN. 6. Cao điểm của cuộc chiến tranh chống xâm lược và đồng hoá của chủng Hoa chính là cuộc chiến 'anh dũng' của quân dân chủng Thái tại xứ Tây Âu, với địa bàn tỉnh Quảng Tây ngày nay và các vùng lân cận. Cuộc chiến này đã được ghi đầy đủ trong sách sử cổ của Tàu, như bộ Hoài Nam Tử của Lưu An, cháu của Hán Cao Tổ Lưu Bang. 7. Hợp đồng hợp chủng và đoàn kết giữa hai chủng Thái và Việt cuối cùng bị xé bỏ. Đó chính là lúc Âu Cơ ly hôn với Lạc Long Quân dẫn 50 người con về miền núi và Lạc Long Quân dẫn 50 người con kia xuôi về miền đồng bằng gần sông gần biển. Trên chiều hướng dùng nhân vật và hành động nhân vật để thay, hoặc biểu tượng cho, sự kiện, ta có thể thấy việc cãi vã giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ, rồi dẫn đến chia ly, cũng giống như việc gia đình phải phân tán khi phải di tản hay chạy giặc. Âu Cơ đại diện cho khuynh hướng bảo thủ đem con trở về quê hương của mình, tức địa bàn rừng núi của chủng Thái-cổ, duy trì 'Mẫu hệ' 50


theo tập quán cũ. Lạc Long Quân dẫn đám con kia xuống vùng đồng bằng để 'dựng nước', chạy theo trào lưu 'phụ hệ' của Hoa chủng, và truyền 'chính quyền' theo lối thế tập. 8. Cũng có thể giải mã sự chia tay giữa bà Âu và ông Lạc theo dạng: Thế lực đô hộ Bắc phương sau khi đã bình định được xứ sở của hai chủng Âu và Lạc, đã chia cắt nước Nam Việt ra làm hai. Phía Bắc bao gồm chủng Âu chủ lực, gọi Quảng Châu. Phía Nam mang tên Giao Châu, gồm một phần khá lớn dân chủng Lạc (tức dân từ vùng biển bên Tàu). Riêng tại Giao Châu, việc chia ly cũng được thể hiện bằng chuyện có rất đông một số người, với chủng Âu (Thái cổ) chủ lực, kéo lên miền núi rừng sinh sống, rồi lâu năm hợp với các chủng địa phương như Đa đảo (Polynesians), Negrito (dân lùn tóc quắn) và Melanesians (dân đảo da đen), trở thành người Mường. Phần còn lại ở vùng đồng bằng trở thành người Kinh. 9. Cả hai bản của truyện tích Mường và Việt đều ghi rõ hai chủng Thái và Việt cổ đều theo mẫu hệ. Điều này rất hợp lý, bởi khi di tản xuôi Nam, cả hai chủng đều đi một lượt với nhau. Chủng Âu, tức Thái cổ, còn theo mẫu hệ, với chứng tích các con trai đều không theo họ cha lẫn họ mẹ, như Sùng Lãm con của Lộc Tục (xem bài số 2). Hai bộ tộc, một Âu một Lạc cùng di tản với nhau thì không cách gì chỉ có bộ Âu còn giữ mẫu hệ mà thôi. Chỉ ở đoạn cuối của bản Việt, các tác giả đã gượng ép thay đổi một số chi tiết để ám chỉ chủng Lạc (Việt) đổi ngay sang phụ hệ, vào lúc chia tay. Bằng cách cho con trưởng, mang hai giòng máu Thái-Việt, lên ngôi vua xưng là Hùng Vương và truyền lại 18 đời theo lối thế tập phụ hệ. Có lẽ dưới sức ép phải minh chứng với người nghe kể chuyện là đám con theo Cha cũng đã tiến lên phụ hệ cùng một lúc với Hoa tộc ở Bắc phương, từ thời nhà Hạ bên Tàu. 10. Để tránh lộn xộn, xin tóm lược vài 'đẳng thức cơ bản' của loạt bài này, như sau: * Bách Việt = Nhiều chủng tộc có các ngôn ngữ gần giống nhau, nhưng khác Hoa ngữ * Việt (Nam) = Thái (cổ) + Việt (cổ) + Một số các chủng có sẵn bản địa (như Negrito, Đa đảo, Hắc đảo, Môn, Khmer, v.v.), từ đây gọi tắt 'các chủng khác', CCK. * Việt (Nam) = Thái-cổ + Việt-cổ + CCK = Âu + Lạc + CCK * Thái (cổ) = Nhiều chi chủng Thái (Âu) khác nhau (> 7) * Việt (cổ) = Nhiều chi chủng Lạc (Việt cổ) khác nhau (> 5) * Người Việt Nam thời sơ khai = Mẹ Thái + Cha Việt * Người Thái Lan, xưa và nay = Mẹ Thái + Cha Thái * Hmong (Miêu) tộc = hậu duệ của đám Cửu Lê (Jiu Li), với lãnh tụ Xy Vưu (Hoa phát âm [Chi Yâu]) - từng đại bại trước phe Hoa chủng của Hiên Viên 'Hoàng Đế', trong thời huyền sử. Ngày trước, chủng Hmong thường được gộp chung với khối Bách Việt. Bây giờ họ được tách ra khỏi khối này bởi có nhiều khác biệt về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, chỉ số sọ và có lẽ DNA. {Chúng tôi sẽ trở lại khối tộc người này vào một bài tới}. Chúng ta có thể thấy rõ, một khi đã giải mã được truyền thuyết như một câu chuyện đời xưa liên hệ đến cuộc di tản hằng khối của 2 chủng Âu và Lạc, kết thúc bằng chia ly, tất cả những vấn đề liên hệ đều có thể được sắp xếp trở lại, 'đâu vào đó' rất êm xuôi. Phần sau đây chúng ta sẽ phân tích riêng về nước Xích Quỷ. Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim [5] có chép: 'Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc, và phong Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ. 51


Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía Bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm thành), phía Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía Đông giáp bể Nam Hải. Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào quãng năm Nhâm Tuất (2879 trước Tây Lịch?) và lấy con gái Động Đình Quân là Long nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai. Lạc Long quân bảo Âu Cơ rằng: ''Ta là dòng dõi Long-quân, nhà ngươi dòng dõi thần tiên, ăn ở lâu với nhau không được. Nay được trăm đứa con thì nhà ngươi đem 50 đứa lên núi, còn 50 ta đem xuống bể Nam Hải.'' Sau đó vẫn theo 'truyền thuyết' Lạc Long quân phong cho người con trai trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương. XÍCH QUỶ 'Quốc hiệu' nguyên thủy của nước Nam chính là Xích Quỷ. Theo 'truyền thuyết giải mã', địa bàn 'nước' Xích Quỷ chính là địa bàn của khối Bách Việt ở phía Nam sông Dương Tử. Không kể đến những chủng Việt khác đã sinh sống hàng trăm hàng ngàn năm trước ở miền Hoa Bắc. Để ý thêm, bởi các tác giả truyền thuyết thuộc chủng Âu (Thái-cổ), ta thấy toàn bộ truyền thuyết đã được viết riêng theo quan điểm chủng Âu, tức gốc tổ người Mường. Viết y theo gia phả bên vợ của Lạc Long Quân, đại diện chủng Lạc tức Việt-cổ. Xin phép nhấn mạnh thêm một lần nữa: Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng Đế Nghi làm vua phương Bắc. Tác giả mập mờ không cho biết địa bàn phương Bắc gồm những vùng đất nào, nhưng đến khi được biết 'ranh giới' Xích Quỷ chúng ta có thể đoán ngay 'phương Bắc' bao gồm nhiều lắm là địa bàn tỉnh Hồ Bắc ngày nay, tức phần lớn đất Kinh Việt, tức châu Kinh của nước Sở. Phương Nam của nước Xích Quỷ do đó chỉ là một sản phẩm tiểu thuyết, của một truyện cổ tích lâm ly. Bởi một khi đã xác định thời gian và không gian nhằm vào nước Sở ở thời Xuân Thu Chiến Quốc, chúng ta có thể thu thập các dữ kiện lịch sử rất chắc chắn như sau: (i) Vào thời đó, ở miền Bắc sông Dương Tử, có đến trên 1000 nước lớn nhỏ khác nhau, bao gồm nhiều bộ tộc chủng tộc khác nhau. Với tiếng nói và phong tục khác nhau. Chỉ đến khi nước Tần trở nên hùng cường, diệt được Sở cùng với Hàn, Triệu, Ngụy, Tề và Yên và nhất thống được nước Tàu, lúc đó hãy còn loanh quanh ở Hoa Bắc, họ mới bắt đầu công cuộc Nam chinh, đánh vào các bộ tộc rợ miền Hoa Nam. (ii) Miền Hoa Bắc trước khi nhà Tần nhất thống đã là một hỗn hợp rất nhiều bộ tộc và 'quốc gia'. Miền Hoa Nam của khối Bách Việt chắc chắn cũng y như vậy. Sử sách chính thức của Tàu không bao giờ đề cập đến 1 nước nhất thống được tất cả hằng trăm bộ tộc khác nhau của khối Bách Việt, ở Hoa Nam, trước và sau khi nhà Tần, nhà Hán khởi động chiến tranh xâm lược miền Hoa Nam. Bởi ở lý do hết sức đơn giản: Họ mãi lo chinh chiến ở miền Hoa Bắc nên hiểu biết rất ít về đám rợ ở Hoa Nam. Như vậy tên gọi Xích Quỷ chỉ là một sản phẩm của chuyện cổ tích, với một mục đích đơn giản ghi lại cội nguồn của các chủng Bách Việt, đặc biệt hai chủng 'chủ lực' đã cuối cùng định cư tại đất Bắc Việt ngày nay: Âu và Lạc. 52


Sau đây chúng ta thử phân tích những lý do nào đã khiến tác giả chọn tên Xích Quỷ cho 'quốc hiệu' đầu tiên của nước Nam. Tên nước 'Xích Quỷ' xuất hiện chính thức và đầu tiên với bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên [6], vào đời vua Lê Thánh Tôn, khoảng năm 1479. Trước đó, nước Nam có hai bộ sử, với đặc điểm không có chép về truyền thuyết dựng nước của Hùng Vương, con trai trưởng của Sùng Lãm tức Lạc Long Quân, và Âu Cơ. Thứ nhất, Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu, soạn năm 1272, thất truyền từ lâu. Thứ hai, Đại Việt Sử Lươc [7], khuyết danh, ra đời vào khoảng 1377-1388, dưới thời nhà Trần. Cả hai bộ Sử Ký và Sử Lược đều không có ghi chép gì hết về cái danh xưng 'Xích Quỷ'. Như đã tóm lược phía trên, toàn bộ truyền thuyết xuất phát từ một chuyện cổ tích của người Mường. Chuyện đó chỉ bắt đầu vào đoạn 'Có một nàng công chúa Mường tên Ngu Kơ (Âu Cơ) lấy thái tử con bua Yịt là Long Wang (Lạc Long Quân)', chứ không có các tổ tiên như Thần Nông, Đế Minh, Kinh Dương Vương, hoặc lãnh thổ như 'Xích Quỷ', ... Và kết thúc ở chỗ Ngu Kơ dẫn 50 đứa con trai và gái lên miền rừng núi, trong khi Long Wang đưa 50 người con trai và gái xuôi về miền đồng bằng gần sông biển. Hai bên tạo dựng nên các gia đình vua chúa. Ngụ ý những bộ tộc hai phe đều do các người con đứng vào vị thế lãnh đạo. Tức bản Mường không hề có Hùng Vương, hoặc hình thái nhà nước như Văn Lang. Nói về tên nước Xích Quỷ, chúng ta có thể để ý đến các điểm chính như sau: (i) Địa bàn của nước Xích Quỷ rất rộng lớn, nằm ở giữa khu vực Hoa Nam bên Tàu. Tức phiá Nam sông Dương Tử. Nhượng Tống, dịch giả đầu tiên của bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư [6], theo trích dẫn của Bình Nguyên Lộc [1] cho rằng tên Xích Quỷ ... quá xấu nên không có gì đáng tin cậy. Bình Nguyên Lộc, mặc dù lăng xê thuyết Mã Lai bằng tiếng Việt nhưng vẫn tin có Xích Quỷ và Văn Lang, đã ra sức biện giải cho tên Xích Quỷ và cho rằng có thể nằm đâu đó phía Nam tỉnh Quí Châu ngày nay. Quí Châu nằm ở phía Bắc và giáp giới tỉnh Vân Nam. Phía Đông của Quí Châu là tỉnh Hồ Nam. Khi xưa tỉnh Quí Châu có tên Quỷ Phương, cũng chứa từ 'Quỷ' trong đó, nằm ở phía Nam nước Sở thuộc khu vực Hồ Động Đình, cạnh sông Dương Tử. (ii) Đọc sử Trung quốc, chúng ta cũng thấy vào thời Xuân Thu (770-476 TCN) có một bộ tộc rất 'man di' mang tên 'Xích Địch' quấy nhiễu nhà Châu, sau nhờ Tấn Văn Công hội chư hầu đánh dẹp [4]. Dân Xích Địch cũng có 'choảng' với các nước chư hầu khác, trong đó có nước Sở, đang chạy theo văn minh Hoa Hạ [3]. Nên để ý, mặc dù người Tàu thời cổ đại bày đặt phân biệt các đám rợ gọi theo phương hướng: Tây Nhung, Bắc Địch, Đông Yi, và Nam Man, chúng ta thấy rất thường họ gọi lẫn lộn lung tung. Dân rợ phía Nam, thỉnh thoảng họ cũng gọi chung 'Man Di'. Lý do? Bởi ban đầu họ đã sắp xếp phân loại một đám rợ thuộc chủng này ở miền này, nhưng về sau họ lại gặp một đám rợ khác, ở hướng khác miền khác, có dáng dấp, phong tục và màu da y hệt như đám cũ trước kia. Thí dụ, người Hoa đầu tiên có thể gặp đám rợ Yueh ở khu vực Sơn Đông (nước Tề xưa), họ gọi đó là rợ Di, Lai Di. Đôi khi họ gọi đám Yueh đó Bách Bộc, tức nhiều bộ tộc mang tên Bộc giống giống với nhau. Cũng có lúc họ gọi một đám nào trong đó Yueh (Việt), như Việt Thường chẳng hạn [10]. Về sau họ gặp lại những nhóm rợ tương tự ở phía Nam sông Dương Tử, sống chung hay gần gũi các đám Nam Man khác, nên họ vẫn có thể gọi đám rợ phía Nam là 'Di'. Tức mặc dù đã đặt tên mới nhóm rợ Nam sông Dương Tử là Bách Việt hay Nam Man. Đôi khi họ vẫn lẫn lộn Di với Man cho cả hai đám. Bởi thật ra về chủng tộc rất có khả năng, hai khối thuộc chung một chủng lớn. Tức một thứ tộc người với nhau. Tương tự cho Xích Địch, mang 53


nghĩa 'rợ có da màu đỏ'. Rất có thể, đầu tiên họ biết đám rợ này từ phương Bắc (nên mang tên Địch), nhưng hoàn toàn không có nghĩa dân Xích Địch không có ở phía Nam sông Dương Tử. Đây là một điểm khá gút mắt của đầu óc người Hoa, mà rất nhiều nhà nghiên cứu, kể cả Âu Mỹ, ít phân biệt cặn kẽ. (iii) Ta cũng để ý đầu óc mấy ông Tàu cũng rất phức tạp và tinh vi ở chỗ hết dùng phương hướng họ lại dùng đến màu sắc để phân biệt đám rợ này với nhóm rợ kia. Y hệt như cái thuyết Ngũ Hành. Theo ngũ hành họ có Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, tương ứng với Tậy Đông Bắc Nam Trung, và với các màu Trắng Xanh Đen Đỏ Vàng. Đủ kiều dáng để tha hồ phân biệt. Đối với 'Xích Địch' họ gọi đó đám rợ da màu thổ chu (đất đỏ) để phân biệt với các đám U Man (Wu man), tức rợ da màu đen đen - có lẽ chỉ Thái đen, hay dân Hắc nụy (Négrito), và đám Bạch Man hay Bạch Di, tức rợ da hơi trắng. Đám U man, có tài liệu [11] cho biết, cư ngụ tại địa bàn Nam Chiếu (Vân Nam) và Dạ Lang (Quí Châu), cũng thuộc địa bàn chủng Thái, chứ không phải chủng Lạc. Đặc biệt nước rợ Việt của Câu Tiễn cũng từng được gọi U Việt, hay Ngô Việt. Theo Lăng Thuần Thanh, thư tịch Trung Hoa cổ thời gọi hai khối Yi (Di) và Yueh (Việt), là đám rợ đen (U man) [12]. Rất lộn xộn, nhưng theo thiển ý, có vẻ cả hai khối Đông Yi ở miệt Sơn Đông và Bách Việt phía Nam sông Dương Tử đều có các nhóm da màu đen đen. (iv) Phân biệt 'U man', 'Xích địch' cũng là phân biệt với 'Bạch Man' hay 'Bạch Yi'. một đám quỷ, đám rợ, có da trăng trắng. Bạch Man có lẽ được người Hoa dùng để chỉ đám rợ Nguyệt Chi (còn gọi Nhục Chi) tức Turkistan hay Tokhares hoặc Tocharians, mà ngày nay có thể họ dùng hai chữ 'Thổ gia' [Tujia] để miêu tả nhóm người này. Người Tujia (Thổ gia) - có thể mang gốc da trắng. Ngày xưa, có khả năng họ là chủ nhân nước Ba [15], nằm cạnh nước Thục. Đám Thổ gia (Tocharians) chính là đóng góp của chủng da trắng đối với chủng Tàu nguyên thủy [1]. Họ xuất phát từ Trung Á, và thiết lập nên nhiều tiểu quốc trên con đường Tơ Lụa (Silk Road). Sau cùng có một nhóm về định cư ở Trung Đông, trở thành nước Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) ngày nay. (v) 'Xích Quỷ' mang nghĩa loài quỷ có da màu đỏ, và ở cuối 'quyển Mã Lai' [1], tác giả có mô tả một loại người dân tộc (người Kha Lá Vàng ở biên giới Việt Lào) nói thứ tiếng Việt rất cổ có da màu đất đỏ, màu 'thổ chu'. Với hàm ý, rất có thể người Kha là hậu duệ của dân ‘Xích Quỷ’. Ở một đoạn khác tác giả 'Mã Lai' cho biết dân Khả Lá Vàng có rất nhiều đặc tính cổ thời của dân Việt, mà chúng tôi mạo muội bắt đầu phác hoạ sự phân biệt giữa chủng Thái-cổ và Việt-cổ. Dân Kha có đủ thứ sắc thái của chủng Yueh-cổ: xâm mình, nhuộm răng, ăn trầu, và điêu đề (xâm trán), cũng như nói tiếng Việt rất cổ [13]. Tuy nhiên, tiếng Việt cổ của dân Kha gần với tiếng Mường hơn tiếng Việt. Điều này cho biết, theo với thuyết giải mã ở đây, người Kha thuộc chủng Thái cổ chứ không phải Việt cổ. Thuộc đám theo Âu Cơ, với chủng Âu (Thái-cổ). (vi) 'Xích Quỷ' là một tên gọi thuần Hán. Do các tác giả Việt có thể thân-Mường, hay thânThái-cổ tức nghiêng về 'phe' của vua Lê Lợi (gốc Mường), đặt ra nhằm đề cao vai trò lãnh đạo của chủng Thái-cổ trong cuộc di tản về Nam hay dựng nước. Hoặc vinh danh chính triều đại nhà Lê vào lúc các bộ truyện như 'Việt Điện U Linh' hay 'Lĩnh Nam Chích Quái' ra đời. Nó đi đôi với tên xưng và địa danh của toàn bộ truyền tích con rồng cháu tiên. Đặc biệt những chuyện tích thơm danh chủng Việt như những cây gươm báu của Việt Vương Câu Tiễn, hai thanh kiếm Mạc Da và Can Tương ở nước Ngô (chủng Việt) [4], hoặc truyện tích Tây Thi gái nước Việt, đã 'bị' hoàn toàn gạt ra khỏi các truyền tích nằm trong cổ sử Việt. Chúng tôi hy vọng sẽ trở lại đề tài này trong một bài khác. 54


(vii) Trở lại với chuyện chủng Thái-cổ có thể có một số mang da màu thổ chu (đất đỏ), nhiều tài liệu về việc khai quật các ngôi mộ cổ ở Bắc Bộ (thí dụ: xem [8]) cho thấy người chết được chôn cất, co gấp hai tay hai chân trong thế bó gối, giống như dân ở hải đảo Thái Bình Dương [14]. Ngoài ra ở chung quanh 'ngôi mộ còn thấy dấu vết của thổ hoàng màu đỏ như màu máu và càng về sau, người ta thấy cùng chôn với người chết còn có những dụng cụ như rìu, nạo và sau có cả đồ gốm thì người ta hiểu rằng có thể những người tối cổ đã tin tưởng là con người còn có linh hồn và khi chết thì linh hồn sẽ đi sang một thế giới khác để có một đời sống khác,.. [8]'. (viii) Đọc lại sử sách hoặc địa lý Trung quốc (thí dụ [4]) chúng ta sẽ thấy vùng đất ở khu vực Trùng Khánh Tứ Xuyên, tức nước Thục cổ xưa với chủng Thái chủ lực, gồm toàn đất ... đỏ. Như vậy, khá rõ, chủng Hoa ngày xưa dùng chữ 'Xích địch' để chỉ đám rợ có da màu thổ chu của đất đỏ. (ix) Dân của nước Xích Quỷ cũng có thể mang liên-hệ với 'Xích Đế' tức vua 'Xích Quỷ' còn mang tên gọi Xy Vưu [Chi Wu], tức Chi You theo kiểu gọi người Hoa. Xy Vưu tức là lãnh tụ của khối Cửu Lê, hiên nay có hậu duệ là nhóm người Hmong-Mien (Miêu-Dao). Vua Xích Quỷ (Red Devil) - Chi Wu - cũng là thánh tổ của dân tộc Triều Tiên, tức Hàn hay Cao Ly. Thời xa xưa, phía Bắc nước Tàu có 3 ông lãnh tụ vĩ đại: Hiên Viên (Hoa), Thần Nông (Thái-Việt) và Xy Vưu (Hẹ-Miêu). Xin thử ghi lại các sự kiện liên quan đến 'Xích Quỷ' ở trên: - Tác giả chính hay nguyên thủy của truyền thuyết là người Việt chủng Thái-cổ; - Xích Quỷ là quốc hiệu đầu tiên của truyền thuyết rồng tiên; - Xích Quỷ mang nghĩa chính: giống Rợ có da màu đỏ. Một thứ từ do Hoa chủng đặt ra; - Khối dân tộc chủ lực của Xích Quỷ là chủng Âu, tức Thái cổ; - Người Kha Lá Vàng ở biên giới Việt-Lào có da màu thổ chu; - Một số ngôi mộ của người Việt-cổ đã khai quật cho thấy dấu vết của đất đỏ; - Nước Thục, chủng Thái, ở vùng Tứ Xuyên ngày nay, có rất nhiều đất đỏ; - Thục bị Tần tiêu diệt vào khoảng năm 316 TCN; - Dân Thục chủng Thái di tản sang Sở, và một số xuôi về Nam gia nhập cộng đồng ở Tây Âu (tức Âu Việt), Điền Việt (Nam Chiếu) và sau cùng, bình nguyên sông Hồng. Như vậy chúng ta có thể tổng hợp lại như sau: Xích Quỷ chính là một 'nước' trong trí tưởng tượng rất phong phú của các tác giả truyền thuyết - người Việt thuộc chủng Thái-cổ hay thân-Thái-cổ. Những người 'lãnh đạo' nước Xích Quỷ đó bao gồm những người di tản Việt chủng Thái, xuất phát từ một xứ có nhiều đất đỏ mang tên Thục. Nước Thục bị nước Tần tiêu diệt vào khoảng năm 316 TCN. 'Nước Xích Quỷ' do đó được đặt ra và nhét vào truyền thuyết con rồng cháu tiên, để tự an ủi việc mất lãnh thổ vào tay Hoa chủng - có lẽ khởi đầu bằng nước Thục (316 TCN). Sau đó đến lượt nước Sở rồi Tây Âu. Cũng có thể để ghi lại lý lịch ban đầu cho thật rõ: dân Việt có nguồn gốc dân từ những nước đã bị mất về tay Hoa chủng. Đặc biệt Thục và Sở. Câu chuyện di tản do ở chuyện mất nước kết thúc khi một người nước Thục mang tên Phán (Thục Phán) lãnh đạo được đoàn người di tản - đa số xuất phát từ những nước đã mất về tay Hoa chủng - đến xứ Việt cổ và thiết lập nên xứ Âu Lạc, bao gồm hai chủng nòng cốt Âu và Lạc. Đó cũng là lúc Âu Cơ thành hôn với Lạc Long Quân. KẾT 55


Qua loạt bài về giải mã truyền thuyết con rồng cháu tiên, đến đây chúng ta đã thấy, mặc dù câu chuyện bắt đầu với Thần Nông, Đế Minh, và Đế Nghi - nhưng đến lúc Lộc Tục xuất hiện với danh xưng Kinh Dương Vương, câu chuyện đã bị 'fast forward' theo kiểu bấm nút cho băng video quay nhanh sang đến thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Tàu với địa điểm xảy ra câu chuyện là nước Sở. Nước Sở là một nước được thành lập theo kiểu chư hầu phên dậu cho nhà Châu. Thành phần dân chúng chủ lực của Sở chính là chủng Thái-cổ, thường gọi Âu vào thời đó. Từ đó câu chuyện giới thiệu bà Âu Cơ, tiêu biểu cho chủng Âu, con gái theo họ mẹ y như mô hình mẫu hệ. Nhân vật Kinh Dương Vương cũng là một cái đinh của câu chuyện, bởi Kinh Dương Vương biểu tượng cho những người dân ở châu Kinh và châu Dương. Cả hai đất Kinh và Dương cũng đều thuộc nước Sở ở vào thời cực thịnh trong thế kỷ thứ 4 trước Công Nguyên. Đất Kinh còn gọi Kinh Cức hay Kinh Việt, hoặc Kinh Man. Kinh chỉ núi Kinh, và Cức là một loại cây có gai ở vùng đó. Đất Kinh là địa bàn ban đầu của Sở chứa đa số dân Việt thuộc chủng Thái. Đất Dương nằm về phía Đông Nam của đất Kinh, ra tận tới biển, bao gồm những vùng đất quân Sở đã thôn tính được từ đám dân Việt chủng Lạc ở hai nước Ngô và Việt xa xưa. Bởi trong tên Kinh Dương Vương có chữ 'Dương', chỉ chủng Lạc tức Việt-cổ, con của Kinh Dương Vương là Lạc Long Quân mới mang được huyết thống của chủng Việt-cổ 100%. Phối hợp với Âu Cơ, chủng Âu tức Thái-cổ 100%. Hôn nhân giữa Âu và Lạc sinh ra 100 người con mang hai giòng máu Thái và Việt. Cuộc hôn nhân dị chủng đầu tiên nổi tiếng nhất của Á Châu đã nhằm vào mục đích nhất thống hai chủng tộc lớn và kiên cường nhất của khối Bách Việt để chống lại chủng Hoa rất hung hăng và dữ tợn. Cuối cùng đành phải thua, và hai chủng dắt tay nhau thối chạy về phương Nam. Họ dựng 'nước' nhưng rồi ý kiến bất đồng nàng Âu và chàng Lạc đành phải chia tay, đôi ngả đôi ta. Mỗi người dẫn nửa đám con về trở lại địa bàn nguyên thủy của chủng họ. Việc chia tay giữa Lạc Long Quân với Âu Cơ xảy ra cùng lúc với việc nhà Hán thừa hưởng di sản 'tinh thần nhất thống và đế quốc' của nhà Tần, đưa quân xuống tiến chiếm hết miền Hoa Nam, đặc biệt khối chủng Việt (Lạc) ở vùng đồng bằng ven biển hướng Đông. Trong đó có phần đất Dương của nước Sở xa xưa, nước Mân Việt (Phúc Kiến ngày nay), và Nam Việt của Triệu Đà. Thế lực đô hộ sau đó tách rời phần đất chủng Âu (tức Thái-cổ) ra khỏi vùng đất chủng Lạc (tức Việt-cổ). Rồi ở tại nước Âu Lạc (cũ), đổi tên thành Giao Châu, nhiều người địa phương không thích chung sống với các quan trên người Tàu, đã di tản một lần nữa về miền rừng núi (cùng với Âu Cơ). Nhiều thế kỷ sau, qua quá trình hợp chủng với các sắc dân địa phương như Negrito, Melanesian, Polynesian, Môn-Khmer, v.v. họ trở thành người Mường. Truyền thuyết còn mang rất nhiều điểm gút mắt và bí ẩn chúng tôi hy vọng sẽ lần lượt giải mã trong những bài tới. Nhưng ở đây chúng tôi xin mạo muội đưa ra vài đề nghị về đổi chác lịch sử, hiện thức được từ việc giải mã truyền thuyết. Trước hết xin tóm tắt lại một vài điểm cao về nước Sở, cái nôi của dân tộc Việt. (i) Sở mặc dù mang tiếng rợ thuở ban đầu, đã nhanh chóng thu nhập và rượt theo văn minh Hoa Hạ rất nhanh. Sở suýt một chút có thể thay thế vai trò nước Tần, nhất thống nước Tàu và thay đổi toàn bộ lịch sử. Chủng Việt (Yueh) thay chủng Hoa làm xếp nước Tàu và Hoa chủng có thể di cư xuống Đông Nam Á. 56


(ii) Xin để ý đến 3 câu ngạn ngữ sau, cho thấy người Sở rất 'nổi' (dân xịn) ở thời Xuân Thu Chiến quốc bên Tàu: - Tần phì Việt sấu: người Tần ưa ăn thịt mỡ nên mập béo. Người Việt (Thái+Việt) ở Sở thích ăn rau cá nên người thon thả hơn. - Gỏi Sở nem Tần: giống như trên, dân Tần ưa ăn thịt hơn dân Sở. Theo [1] Tản Đà rất thích câu ngạn ngữ này. - Đầu Ngô mình Sở: câu này cho biết lý trí thiên về chủng Việt (nước Ngô), và tình cảm (trái tim, thân mình) nằm ở chủng Thái (dân chủ lực của nước Sở). Cũng có thể mang nghĩa một người lai giống (Việt + Thái), không giống ai. Hoặc, nghĩa thông thường: Nói chuyện chẳng ra đâu vào đâu [16]. (iii) Sở có những sinh hoạt văn hoá rất đậm nét. Văn minh của Sở đã đóng góp rất nhiều vào văn minh Trung quốc, và cũng là một tiền thân của văn minh Việt Nam và Thái Lan. Tông giáo 'đồng bóng' (shamanism) đã có với chủng Yueh (chi Thái và Việt) ngay từ lúc họ còn sinh sống tại đất Kinh và Dương thuộc nước Sở.. (iv) Nổi bật nhất trong lĩnh vực văn minh và văn hoá chính là trống đồng (đã có tại Sở), và thể thi ca Sở Từ, một lối thơ gieo vần của dân Sở. Theo [4], so với Kinh Thi của Hoa chủng ở phía Bắc: - Sở Từ dài trường thiên, Kinh Thi gồm những bài ca ngắn; - Sở Từ dùng nhiều thần thoại, Kinh Thi nghiêng về nhân sự; - Sở Từ lãng mạn, Kinh Thi tả chân; - Sở Từ tác phẩm văn nhân, Kinh Thi thuộc giới bình dân. Tác giả nổi tiếng nhất về Sở Từ chính là Khuất Nguyên (343-277 TCN) - đã sáng tác bản Cửu Ca trên bước đường lưu vong về phía Nam (xem bài số 2). Khuất Nguyên cũng rất nổi tiếng với thiên Ly Tao, bày tỏ tâm sự nỗi lòng của ông. (v) Hai tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam, ngày xưa từng là địa bàn nước Sở, ngày nay xem như trung tâm văn hoá số một của Trung quốc [1]. Đến đây chúng ta có thể thoáng thấy một vài điểm quan trọng trong cổ sử nước Việt cần được chú ý, như sau: (a) Giữ 4000 năm văn hiến - xem kỹ vấn đề 'dựng nước' trong 1000 năm đầu. (b) Thời gian tiền-nhân dân Việt bắt đầu tụ tập 'đông đảo' tại xứ Việt cổ: 500-1000 TCN. (c) Di dân của nhiều khối Việt tộc xuất phát từ nước Sở. (d) Xem lại vấn đề tộc người thừa kế và hậu duệ của chủ nhân tất cả trống đồng và quan trọng nhất: Sở Từ, một thể thi ca bất hủ ngang ngửa với Kinh Thi của Hoa chủng. Phải chăng Sở Từ mang chất Bách Việt nhiều hơn chất Hoa Hạ? (e) Để ý đến lý lịch của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Một người xuất thân từ đất Bái, địa bàn chủng Việt ở vùng biển Đông, và ông lại dùng đất Hán sông Hán, nằm trong địa bàn nước Sở để đặt tên triều đại đầu tiên huy hoàng của Hoa chủng. Ấn tượng của triều nhà Hán mạnh mẽ đến độ người Hoa, và khối Bách Việt ở phía Nam sông Dương Tử, từ dạo đó về sau ưa gọi mình Hán tộc.

Ghi Chú

57


[1] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu (USA) tái bản. [2] Bửu Cầm (1971) Tương quan giữa những hình chạm trên trống đồng Việt tộc và bài 'Đồng Quân' trong Sở Từ. Tập san SỬ ĐỊA, năm thứ VIII, số 25, tháng 1-3, 1971. [3] Đường Nhạn Sinh, Bạo Thúc Diễm & Chu Chính Thư (2002) Mưu Trí thời Xuân Thu. (Ông Văn Tùng & Vũ Ngọc Quỳnh dịch). Nxb Văn Nghệ, TP HCM [4] Nguyễn Hiến Lê (1997) Sử Trung quốc. Nxb Văn Hoá. [5] Trần Trọng Kim ( 1971) Việt Nam Sử Lược. Trung Tâm Học Liệu của Bộ Giáo Dục xuất bản. Đại Nam tái xuất bản tại Hoa Kỳ. [6] Ngô Sĩ Liên và cộng sự (1497). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Thanh Việt và Phạm Ngọc Luật hiệu đính theo bản dịch của Đào Duy Anh. Nxb Văn Hoá Thông Tin (2004). Bản của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam được trình bày đầy đủ trên mạng internet: perso.wanadoo.fr/charite [7] Khuyết Danh (1377-1388) Đại Việt Sử Lược. Bản dịch của Nguyễn Gia Tường. Nhà Xuất Bản Thành Phố HCM. Bộ Môn Châu Á Học Đại Học Tổng Hợp TP.HCM. [8] Cung Đình Thanh (2003) Tìm về nguồn gốc văn minh Việt Nam dưới ánh sáng mới của khoa học. Nhà xuất bản Tư Tưởng. Sydney - Australia [9] http://www.chinaknowledge.de/History/Altera/south.html#ba [10] 'Việt Thường' có thể là một tên sớm nhất người Hoa đặt cho một nhóm thuộc Bách Bộc, hay Bách Việt sau này. Xin xem bài 'Văn Lang'. [11] http://www.chinaknowledge.de/History/Altera/south.html#ba [12] http://www.geocities.com/Tokyo/Bay/7051/DRAVIDIANS.html [13] Bình Nguyên Lộc cũng như tất cả các tiền bối đều tiện nghi hợp hai chủng Âu và Lạc lại thành một nhóm trong những phân tích khó khăn. Những đặc tính chủ lực của chủng Yueh thời sơ khai bao gồm: nhuộm răng, ăn trầu, văn thân (xâm mình), điêu đề (xâm trán), lên đồng (shamanism), ... đều có thể tạm thời quy hết về chủng Âu, tức Thái-cổ. Chủng Lạc (Việt), như đám Bộc Việt ở miệt Sơn Đông, cũng có những đặc tính giống như vậy. [14] Việc tìm thấy xương và sọ của chủng Polynesian (dân đa đảo) và Melanesian (dân da đen hải đảo) không những tại các ngôi mộ ở Bắc Bộ mà còn lan rộng tận miền Hoa Bắc. Tài liệu internet ghi trong [11] cho biết những người cổ ở Ngưỡng Thiều đã biết trồng kê, lúa, nuôi ngựa, dê và cừu. Họ sản xuất đồ gốm (đen và đỏ) truy về khoảng niên đại 3000-1800 TCN. Tuy nhiên xương họ để lại, giống xương người Polynesian hoặc Melanesian nhiều hơn là giống chủng Mongoloid (gần chủng Hoa). Rất có thể người Hoa thời cổ đại cũng dùng 'U Man' để chỉ người Melanesian này. [15] Người nước Tần thuở ban đầu cũng giống như Sở, làm nước phên dậu cho nhà Châu. Cũng một giống rợ nhưng có thể một đám thật dữ dằn, và có lẽ lai chủng giữa nhóm rợ Hồ, Tây Nhung (Để - Khương), và Nhục Chi (tức Turkestan). [16] Trong 'Hồn Bướm Mơ Tiên' của Khái Hưng, ở đoạn đầu chú tiểu Lan có nói với anh chàng Ngọc: "Mộng mị của ông đầu Ngô mình Sở đến buồn cười."

58


Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (4): Nước Văn Lang Trong bài thứ 3 của loạt bài Hùng Vương, chúng ta đã quan sát ý nghĩa của tên Xích Quỷ thường viết trong các sách giáo khoa, quốc hiệu đầu tiên của nước Việt. Cũng đồng thời xác định lại thời điểm xảy ra câu chuyện con rồng cháu tiên chỉ trong vòng thiên niên kỷ đầu trước Công Nguyên. Địa điểm lúc bắt đầu câu chuyện xoay quanh địa bàn nước Sở của thời Xuân Thu Chiến Quốc, đặc biệt tại địa bàn của chủng Thái-cổ (còn gọi Âu) với sự hội nhập của chủng Việt-cổ (tức Lạc). Từ đó, sau khi kiểm chứng với lịch sử, đặc biệt với sự kiện thật rõ: miền Hoa Nam cho đến khi nhà Hán tiến quân thôn tính, chưa hề có một nước nào lớn rộng và nhất thống như cái nước Xích Quỷ trong truyện cổ tích đời xưa của người Mường, chúng ta có thể thấy Xích Quỷ chỉ là một sản phẩm của tưởng tượng, của truyện tích. Sự thật miền Hoa Nam của nước Tàu ở thời xa xưa, bao gồm rất nhiều chủng tộc khác nhau. Với ngôn ngữ, huyết thống và phong tục tập quán khác nhau. Nội ở khu vực Quảng Đông Quảng Tây, mặc dù chủng lớn ở đó vẫn là chủng Âu khi xưa, nay đã được (hay bị) đồng hoá thành 'Hán' tộc, người ta vẫn thấy có rất nhiều chủng khác lớn nhỏ đủ thứ vẫn góp mặt như một nhóm người dân tộc hay một khu vực tự trị. Điển hình là người Choang, rất có khả năng chính là hậu duệ của người Tây Âu năm xưa, ngày nay vẫn còn trên dưới 10 bộ tộc khác nhau tuy đồng chủng, với dân số lên đến gần 20 triệu, bằng nước Úc. Trong bài này chúng ta sẽ quan sát tiếp ý nghĩa của tên nước Văn Lang cũng như thử xem lại những chứng tích hoặc dấu ấn, nếu có, và đặc biệt biên giới của Văn Lang. Trước hết xin tóm tắt một vài điểm quan trọng đã được trình bày trong những bài trước: (i) Trước tiên, chúng ta đã xem lại con số 18 được dùng để chỉ 18 đời vua Hùng, và 'phát hiện' được rằng trong nền văn minh Hoa Hạ, số 18 được dùng như một ý niệm liên tục để chỉ một tập hợp có thể trống không, hay chi tiết hãy còn ẩn số, không biết rõ. Số 18 cũng rất phổ thông ngày xa xưa, rất có thể do ở hệ thống đếm của văn minh Hoa Hạ trong thời huyền sử đã xử dụng con số 9 làm cơ bản, hệ đếm số 9. Trong hệ đếm số 9, số 18 coi như 2 lần số hệ 9 (= 2 chín), tương đương với 20 trong hệ đếm số 10 (Xem: [1]). Chúng ta cũng đã ghi nhận con số 9, số lớn nhất của hệ đếm theo 9, thường dùng để chỉ vua chúa, tột đỉnh của quyền lực xã hội. (ii) Truyền thuyết 'con rồng cháu tiên' được giải mã dưới một góc độ khá mới của thế kỷ 21. Trong đó chúng ta đã xử dụng đến những ý niệm 'đương đại', như 'nhảy vọt theo trọn đơn vị' (kiểu thuyết quantum của Max Planck) hoặc 'quay băng video nhanh', và xem xét kỹ tất cả các nhân danh và địa danh của truyền thuyết. Từ đó chúng ta đã xác định được, thời gian xảy ra câu chuyện của truyền thuyết được giới hạn trong vòng thiên niên kỷ thứ nhất trước Công Nguyên (0-1000 TCN), và ở tại địa bàn nước Sở. (iii) Để giải mã truyền thuyết, lần đầu tiên chúng ta bắt buộc phải phân biệt từng chủng một trong khối Bách Việt cũng như địa bàn sinh sống của họ. Có hai chi lớn thuộc chủng Việt nổi bật: Âu (Thái) và Lạc (Việt). Chúng ta cũng phải xem những nhân vật của câu chuyện như biểu tượng cho một nhóm người, một bộ tộc, v.v. (iv) Từ đó tình duyên giữa Âu Cơ với Lạc Long Quân được xem như một cuộc hợp chủng để gây sức mạnh chống cản đàn áp và sức tiến của chủng Hoa. Những vụ 'tuần thú' của mấy 59


ông 'vua' tưởng tượng thuộc địa bàn nước Sở được xem như những cuộc di tản hằng khối của các nhóm Bách Việt xuôi về hướng Nam. Đặc biệt để ý đến hai chủng chủ lực là Thái và Việt cổ. (v) Tình vợ chồng giữa bà Âu và ông Lạc cuối cùng phải kết thúc, bởi lý do chính, như đã ghi rõ: dị chủng. Và như sẽ thấy sau này: khác nhau về tập tục xã hội. Theo bản Mường, vào lúc chia tay, nhóm lên rừng núi vẫn còn theo mẫu hệ, và dưới chế độ bộ lạc. Cả hai nhóm đều có các con nắm giữ vai trò lãnh đạo của các bộ lạc riêng biệt thuộc chủng của mình. Chưa hề tiến đến hình thái của chế độ nhà nước hay quốc gia. Cuộc chia tay đó ăn khớp với việc chia cắt nước Nam Việt thành hai phần: phần Quảng Châu phía trên thuộc chủng Thái (cổ) và phần Giao Châu phía dưới có chủng Việt đa số. Nó cũng đại diện cho việc một số người địa phương - đa số thuộc chủng Thái cổ (Âu) với địa bàn gốc là khu rừng núi - đã không thể sống chung với thế lực đô hộ Bắc phương, bỏ miền đồng bằng kéo lên rừng lên núi mà sống. Ở đó họ hội nhập với các sắc dân bản địa như Negrito (thấp, tóc xoăn), Polynesian (đa đảo), và Melanesian (đen ở hải đảo), rồi lâu ngày trở thành người Mường, người Tày, người Kha,…. Những người ở lại thành người Kinh. Về sự chia ly giữa bà Âu và ông Lạc, Việt Nam Sử Lược [2] có chép: 'Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai. Lạc Long quân bảo Âu Cơ rằng: ''Ta là dòng dõi Long-quân, nhà ngươi dòng dõi thần tiên, ăn ở lâu với nhau không được. Nay được trăm đứa con thì nhà ngươi đem 50 đứa lên núi, còn 50 ta đem xuống bể Nam Hải.’ Truyền thuyết đã nói quá rõ: Âu Cơ và Lạc Long Quân, mỗi người thuộc một chủng khác nhau. Sau đó vẫn theo truyền thuyết, Lạc Long quân phong cho người con trai trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương. Truyền được 18 đời thì bị mất nước về tay Thục Phán. Thục Phán mang 'quốc tịch' cũ của nước Thục, đã bị nước Tần dứt điểm vào năm 316 TCN. Theo rất nhiều sử sách dân Thục thuộc chủng Thái-cổ. Theo phần ghi chú của dịch giả bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên [3], 'những truyện Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Hùng Vương được chép lần đầu tiên ở sách 'Lĩnh Nam trích quái', Ngô Sĩ Liên bắt đầu đem vào quốc sử.' Tức, những nhân danh như Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và ngay cả Hùng Vương đều được chép vào Đại Việt Sử Ký Toàn Thư [3] từ một số chuyện u linh hoang đường được đầu tiên giới thiệu với người nước Nam, qua bộ truyện 'Lĩnh Nam Trích Quái', xuất bản vào khoảng thế kỷ 14. Riêng sử thần Ngô Sĩ Liên đã bàn ở cuối chương về Hùng Vương [3]: 'Cái thuyết nói 50 con theo mẹ về núi, biết đâu không phải là thế? Vì là mẹ làm quân trưởng, các con đều làm chủ một phương. Cứ xem như tù trưởng Man ngày nay, xưng là nam phụ đạo, nữ phụ đạo (hiện nay đổi chữ phụ đạo 辅 导 làm phụ đạo 父 道 có lẽ như thế [8]). Còn như việc Sơn Tinh, Thủy Tinh thì rất là quái đản, tin sách chẳng bằng không có sách, hãy tạm thuật lại chuyện cũ để truyền lại sự nghi ngờ thôi.' Có thể nói một trong những cảm hứng dẫn đến việc truy tầm sách vở để viết nên loạt bài này bắt nguồn từ dặn dò của Ngô Sĩ Liên: 'tin sách chẳng bằng không có sách, hãy tạm thuật lại chuyện cũ để truyền lại sự nghi ngờ thôi.' Văn Lang, con ngựa và chữ viết Khởi điểm của loạt bài này nằm ở chỗ xem xét trở lại toàn bộ các thứ từ dùng chữ Hán ròng, để mô tả tình hình sử địa và nhân sự trong truyền thuyết Hùng Vương. Cách xử dụng 60


những từ Hán ròng này, như Kinh Dương Vương, Hùng Vương, Xích Quỷ, Văn Lang, v.v. cho thấy ngay tính cách vô lý, và mâu thuẫn với rất nhiều sự kiện lịch sử cực kỳ quan trọng: (a) Hoa chủng cho tới khoảng nhà Châu lên thay nhà Thương (tức khoảng 1120 TCN) thật sự chỉ làm chủ được một vùng đất rộng bằng hai ba tỉnh, ở miệt Hoa Bắc bên sông Hoàng Hà. (b) Hầu hết những cuộc chiến tranh, hoặc tranh chấp lãnh thổ trong thời Đông Châu liệt quốc, biết được qua sử sách, đều giới hạn trong vùng đất ở miền Hoa Bắc, phía Bắc sông Dương Tử. Chỉ có một hai ngoại lệ, như nước Việt của Câu Tiễn, nằm ở khu Chiết Giang - Thượng Hải ngày nay, hoặc miền Nam của nước Sở (Hồ Nam), là thuộc miền Hoa Nam. Đặc biệt cả hai nước Sở và Việt đều có cư dân đa số thuộc chủng Yueh (Việt), bao gồm phần chính: Thái và Việt. (c) Ở đầu thời Xuân Thu, khoảng thế kỷ thứ 8 TCN, miền Hoa Bắc có đến hơn 1000 nước lớn nhỏ khác nhau [17]. Tương tự, miền Hoa Nam cũng y như vậy. Bởi mỗi chủng lớn cũng có đến hằng chục thứ chi chủng khác nhau. Thí dụ: người Hmong (Miêu) cũng có đến khoảng 5 chi lớn. Người Thái (chủng Âu) cũng vậy, đủ thứ Thái: Thái nước Thục, Sở, Điền Việt, Tây Âu, Dạ Lang (Quí Châu), v.v. Mỗi chi như vậy có thể có đến cả chục tiểu chi khác nhau. Đối với người dân tộc ở Trung Hoa và ở Việt Nam, thí dụ người Choang và Mường, tuần tự, tình trạng này hãy còn tồn tại đến ngày nay. Lý do chính: trai gái thường thường chỉ lập gia đình với nhau lẩn quẩn ở trong làng (Xem [4]). (d) Tình trạng ý niệm và tổ chức nhà nước, hay nước nhà đối với người dân tộc ngày nay ra sao thì ngày xưa cũng y hệt như vậy, và có thể tệ hơn rất nhiều. Bởi thiếu thốn các định chế hoặc cơ viện của ngày nay, như: tiền tệ, tổ chức tiện nghi vật chất, hành chánh, và quan trọng nhất, chữ viết và các phương tiện truyền thông. Tức, từ xưa đến nay, tổ chức nhà nước hoàn toàn không phải là một thực thể đơn giản chủng nào cũng có thể đạt đến được. Nói một cách khác, quốc gia hay 'nước', không phải là chuyện đương nhiên chủng nào cũng có được. Tình hình miền Hoa Nam trước khi Hoa chủng tràn xuống gây chiến tranh 'xâm lược', rất có khả năng, chỉ gồm một số rất nhiều các bộ lạc, hay cùng lắm liên minh một vài bộ lạc cùng chi chủng với nhau. Sẽ bàn tiếp phía dưới. (e) Vấn đề ngôn ngữ cũng khó khăn tương tự. Ngay ở miền Hoa Bắc nơi xảy ra chiến tranh qua lại của hằng trăm hằng ngàn nước lớn nhỏ khác nhau, không phải dân nước nào cũng 'piết’ tiếng ...Tàu. Rất nhiều nước, nhiều bộ tộc vẫn xử dụng tiếng của chủng họ qua hàng trăm hàng ngàn năm, và thông thường vẫn còn giữ giọng nói cho mãi đến ngày nay. Tại nhiều nước lớn như Sở, Tề, Lỗ, Tấn, Ngô, Việt. và gần như toàn thể miền Hoa Nam trước khi nhà Tần và nhà Hán xua quân xâm chiếm, đa số dân chúng có tiếng nói khác với chủng Hoa. Thường thường tiếng Thái cổ và Việt cổ. Tuy vậy tình hình ngôn ngữ ở Hoa Nam và phía Lĩnh Nam nói chung, vẫn thua xa Hoa Bắc, ở chỗ Hoa Bắc có chữ viết và ngôn ngữ là tiếng Hoa, thường xuyên xử dụng tại các nước lớn mạnh, và được các nước chư hầu bắt chước noi theo. (f) Đặc biệt có thể khẳng định vùng đất thuộc Bắc Bộ ngày nay, cho đến lúc nhà Hán thôn tính nước Nam Việt, vào năm 111 TCN, dân chúng ở đó, đa số thuộc chủng Âu, Lạc, và Môn-Khmer, đều không biết gì về chữ Hán và tiếng Tàu. (g) Quan trọng nhất và cũng là một điểm hầu như những nhà khoa học đủ mọi ngành, kể cả những khoa học gia Âu Mỹ, thường lướt qua, không để ý đến: ‘Văn minh’ nhất là ở khía cạnh kỹ thuật chiến tranh và truyền thông, được xử dụng trong việc quản lý hành chánh của một ‘tổ chức quốc gia’, nhất là ở vào thời xa xưa, rất thường sẽ xác định được nước đó bé nhỏ hay rộng lớn đến cỡ nào. Nói nôm na, cương giới hoặc diện tích của lãnh thổ của một nước, nhất là ở vào những thời đại xa xưa, hoàn toàn mang tỷ lệ thuận với trình độ kỹ thuật hay văn minh, nhất là về chiến tranh và truyền thông, của dân chúng ở xứ đó. Hai thành tố, theo thiển ý, đã đưa chủng Hoa nhanh chóng tiến lên xã hội theo hình 61


thái quốc gia rồi đế quốc, chính là: con ngựa và chữ viết. Hai thành tố này góp phần song song và hỗ tương lẫn nhau. Thành tố 'tổ chức hành chánh' qua dạng triều đình, chỉ là một hệ luận đương nhiên của hai thành tố chính yếu kể trên. (h) Thành tố thứ nhất: Con Ngựa. Con ngựa theo nhiều sách vở, có thể truy cập ở mạng internet, xuất hiện theo thuyết tiến hoá vào khoảng năm 3000 TCN, tại miền Trung-Á, khu vực người Turkestan (Tokharians hay Nhục Chi), cũng như người Hung Nô, Mông Cổ. Con ngựa thật sự chỉ được con người luyện cho thuần thục và xử dụng khoảng 1000 năm sau đó, tức năm 2000 TCN. Chuyện Đế Minh đi tuần thú bằng xe ‘lô ca chân’, vào khoảng năm 2879 TCN, xuống miền Hoa Nam do đó hoàn toàn là một chuyện, đúng như tựa sách, u linh và ‘chích quái’. Bởi ông ta chỉ có thể đi bằng voi, hoặc bằng trâu (như Tôn Tẫn), hay đi bộ. Rất chậm chạp, lâu lắc. Vào thời Đế Minh, ngựa hãy chưa trở thành phương tiện di chuyển. Như vậy, nếu dùng ngựa, thật ra Đế Minh phải chờ khoảng 1000 năm nữa, ngựa mới thuần thục và xử dụng được. Chuyện Đế Minh đi tuần thú cũng giống y như ta nói Elvis Presley sau khi đã thành danh mua cho bạn bè mỗi người một chiếc xe Lexus và một dàn máy Tivi và DVD kiểu màn hình plasma. Hoặc Tư Mã Thiên đã cho in bộ Sử Ký của ông được 4000 ấn bản tại Nam Hoa Thư Xã, sau đó có bản in dịch ra tiếng La-tinh gửi bằng FedEx. tặng cho Hoàng Đế La Mã. Hay Charles Darwin lần đầu tiên cho xuất bản thuyết tiến hoá của ông qua mạng internet với sự giúp đỡ của Bill Gates. (i) Thành tố thứ hai chính là Chữ Viết. Có chữ viết mới có hệ thống nhà nước, có trên có dưới, có chức này chức nọ, có thưởng có phạt. Mới có được một hệ thống đầu não, quản lý cho những sinh hoạt chung của nước nhà. Quản lý đi đôi với luật pháp, dù ở bất cứ dạng đơn sơ nào. Quan trọng nhất là thông tin, liên lạc. Không có chữ viết chỉ có thể có được một hai chức vụ trong một xã hội nhỏ mà thôi. Thí dụ: tù trưởng và gia đình tù trưởng. Hay Thổ Lang và Quan Lang trong xã hội Mường. Hoặc Lạc Hầu và Lạc Tướng theo với các truyền thuyết về 'xã hội Văn Lang'. Xã hội nhỏ đó rất khó vượt ra khỏi hình thức bộ lạc hay liên minh vài ba bộ lạc gần gũi với nhau. Hai thành tố: con ngựa và chữ viết, là hai thành tố cơ bản cho kỹ thuật chiến tranh, truyền thông và hành chánh. Theo thiển ý, hai thành tố cơ bản này, vào ngày xưa, là 'điều kiện đủ' khiến quốc gia mới hình thành được, trên một lãnh thổ rộng hơn hai-ba tỉnh ngày nay của Việt Nam. Và chính hai thành tố này đã giúp cho chủng Hoa tiến nhanh tiến mạnh lên hình thái nhà nước, rồi nhất thống được nước nhà. Y hệt như mô hình đế quốc do đại đế Alexander tạo dựng tại bán đảo Hy Lạp cổ vào thế kỷ thứ 4 trước Công Nguyên. Trước hết, nhờ ở ngựa và chữ viết, Hoa chủng đã nhất thống được tất cả các nước ở miền Hoa Bắc. Xong rồi nhanh chóng tiến lên cấp đế quốc, thôn tính được tất cả các nhóm rợ phía Nam. Chúng ta cũng có thể dùng nhận xét sau đây để hỗ trợ cho luận cứ này. Chỉ riêng việc nhất thống miền Hoa Bắc, nhà Châu rồi nhà Tần phải tốn gần 800 năm. Bởi các 'nước' ở Hoa Bắc đều biết xử dụng ngựa và chữ viết. Chiến tranh ở Hoa Nam chỉ tốn tổng cộng trước sau, trên dưới 8 năm là xong. Bởi Hoa Nam ít có ngựa và không có một hệ thống chữ viết hoàn hảo như Hoa Bắc. Các bộ tộc ở Hoa Nam cũng chưa có hệ thống nhà nước chặt chẽ và chu đáo như Hoa Bắc. Và tổ chức xã hội ở Hoa Nam có thể hoàn toàn khác biệt với lối tổ chức xã hội - theo hình thái nhà nước, vua chúa thế tập - của miền Hoa Bắc. Từ những nhận xét khái quát phía trên, chúng ta sẽ thấy bất cứ quyển sử nào nếu đề cập một 'nước' nào đó ở miền Hoa NAM trong vòng 1000 năm trước Công Nguyên, có được một lãnh thổ lớn hơn một tỉnh ngày nay của nước Tàu, thì đó hoàn toàn chỉ là một chuyện cổ tích mang tính u linh hoang đường, hay ‘chích quái’. Nói cách khác, một khi kiểm chứng được thời điểm câu chuyện, một nước như Xích Quỷ [1] hay Văn Lang, theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư [3], với một địa bàn rộng lớn chiếm hết miền Hoa Nam và kéo đến tận 'nước' Hồ Tôn [5], chắc chắn chỉ là một chuyện hết sức 'u linh'. Với trực giác đơn sơ nhất, ai cũng 62


có thể thấy, một cái nước nhất thống được hàng ngàn các bộ lạc khác nhau, với các chủng dị biệt trên một địa bàn bao la như vậy, chắc chắn phải có tổ chức nhà nước rất cao siêu. Ít lắm cũng bằng miền Hoa Bắc, với di sản một đống sách vở thánh hiền rất đồ sộ, và hàng chục các thứ lí thuyết về chính trị hoặc đạo lý, hay kỹ thuật chiến tranh. Nhất là một chủ thuyết chính trị tạo thành xương sống cho riềng mối nước nhà. Tệ lắm cũng phải có một hệ thống chữ nghĩa thật đàng hoàng, và một phương tiện chiến tranh, truyền thông, truyền lệnh (con ngựa, xe ngựa hay chiến xa) mới có thể quản trị hành chánh được một lãnh thổ bao la như vậy. Như vậy, chuyện kể trong [3]: 'Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là nước Văn Lang (nước ấy phía Đông giáp Nam Hải, phía Tây đến Ba Thục, phía Bắc đến hồ Động Đình, phía Nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam,...' đề cập đến một 'đế quốc' Văn Lang rộng lớn như vậy chắc chắn chỉ là một chuyện mơ tiên, 'u linh chích quái'. Theo Đại Việt Sử Lược [7], tức quyển sách khuyết danh thất lạc về sau tìm ra được tại một thư khố nhà Thanh bên Tàu, vào thời vua Châu Trang Vương ở bên Tàu (696-682 trước Công Nguyên) 'ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật quy phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương đóng đô ở Văn Lang, đặt quốc hiệu là Văn Lang, phong tục thuần lương chơn chất, chính sự dùng lối thắt gút'. Như vậy, chuyện cái nước Văn Lang có ‘phong tục thuần lương chơn chất, chính sự dùng lối thắt gút’ đã cho thấy dân nước Văn Lang chưa có chữ viết, rất khó có thể có một cương giới rộng lớn hơn hai ba tỉnh nước Nam, theo lối sắp xếp ngày nay. Cho dù có chữ viết, câu hỏi kế tiếp sau đây sẽ lập tức đưa 'nước' Văn Lang đến chỗ trống không: Chữ viết đó thuộc chủng nào? Nếu nhớ địa bàn Bắc Việt vào thuở sơ khai chắc chắn bao gồm rất nhiều chủng tộc và bộ tộc khác nhau: Thái cổ, Tày cổ (cũng một chi của Thái), Môn, Khmer, Việt cổ, Negrito, Melanesian, Polynesian... Và mỗi một chủng có rất nhiều chi chủng nhỏ khác nhau, với tiếng nói hơi khác với nhau. Chỉ riêng trong chủng đó mà thôi. Sự kiện này ngày nay vẫn còn tiếp diễn dài dài tại các làng bản của dân tộc ít người ở miền Hoa Nam và tại Việt Nam. Đặc biệt có thể để ý, muốn một chủng nổi bật lên và dùng ngôn ngữ của mình lấn áp hết ngôn ngữ các chủng khác, để tiến đến nhất thống tạo thành một ‘nước’ lớn hơn 23 tỉnh, chủng đó phải có một nền văn minh hay văn hoá và kỹ thuật ‘hoàn toàn trên cơ’ các chủng kia. Như trường hợp tiếng Hoa tại Hoa Bắc ở thời Đông Châu Liệt quốc, và tiếng Anh tiếng Mỹ vào vài thế kỷ gần đây. Sử sách hoàn toàn không hề ghi nhận tình hình vượt trội như vậy đối với bất kỳ chủng nào trong khối Bách Việt tại vùng Lĩnh Nam. Phần ghi chú phía dưới trang 66 của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư [3] cho biết về 'kinh đô' của Văn Lang: 'Cương giới của nước Văn Lang chép ở đây là tương đương với miền mà sách Trung quốc xưa gọi là đất Bách Việt. Sách 'Thái bình hoàn vũ' chép thành Văn Lang ở huyện Tân Xương đời Đường, huyện Tân Xương thuộc Châu Phong. Sách 'Đại Nam nhất thống chí' đặt thành ấy ở khoảng đền Hùng Vương, xã Hy Cương huyện Lâm Thao tỉnh Vĩnh Phú.' Do đó, đối với kinh đô của nước Văn Lang, trong chiều hướng 'cóp' lại các mô hình của các nước phía Bắc sông Dương Tử thời Xuân Thu Chiến Quốc, chúng ta cũng đã thấy có nhiều điểm khá lổng chổng. Một kinh đô - hai ba địa điểm khác nhau. Tên kinh đô, tên nước và 63


địa điểm địa lý toàn bằng tiếng Tàu, đối với một khối dân gồm hằng trăm chi chủng khác nhau, không piết tiếng Tàu và sống rất xa Tàu, chứ không phải như dân nước Sở. Vô lý hơn nữa, không có một tư liệu nào cho biết các chủng đó đã có một dạng chữ viết nào hay chưa, để quản trị hành chánh số người khổng lồ (ở thời đó) trên một lãnh thổ hết sức bao la. Ngoài ra, ta có thể đặt luôn câu hỏi: Đối với hàng chục chi chủng khác nhau như vậy, chủng nào là chủng chủ lực nắm hết các cơ viện nhà nước ở trong tay? Và hình thù các cơ viện nhà nước đó ra sao? Tóm tắt, vấn đề nước Văn Lang của Hùng Vương đã gặp lấn cấn ngay khi người ta đọc đoạn mô tả nước đó trong quyển sử của Ngô Sĩ Liên [3]. Như đoạn ghi chú phía trên đã cho biết, có hai thứ cương giới của nước Văn Lang: (i) Một thứ thật rộng bao gồm Hoa Nam và Bắc bộ cộng với bắc Trung bộ của nước Việt ngày nay; và (ii) Một thứ nhỏ hơn, chỉ gồm khu Bắc bộ mà thôi. Lãnh thổ nhỏ của Văn Lang thông thường có thể suy đoán qua một trang sử kế tiếp, viết về việc Triệu Đà sát nhập xứ Âu Lạc vào Nam Việt. Âu Lạc chính là ‘tên nước’ theo ngay sau Văn Lang. Theo với luận cứ ‘con ngựa và chữ viết’, chúng ta có thể loại bỏ thứ lãnh thổ bao la của Văn Lang. Thứ lãnh thổ Văn Lang nhỏ hơn, và giới hạn trong vòng Bắc bộ sẽ được quan sát tỉ mỉ hơn ở đoạn sau. Bây giờ xin thử quan sát tên nước Văn Lang của người nước Nam, đã được viết bằng tiếng Tàu ròng. Văn Lang và tiếng Tàu Tên nước đầu tiên của người Việt chắc chắn không phải là tên bằng tiếng Tàu ròng. Một lần nữa ta thấy truyền thuyết đã ẩn chứa một đoạn Fast Forward (quay băng video nhanh) rất quan trọng. Nếu thời kỳ dựng nước xảy ra vào khoảng năm 2800 TCN, xứ Văn Lang chưa có ngựa và không biết được tới một chữ Tàu nữa chứ đừng nói tới việc đặt tên vua, tên nước thế này thế nọ, viết bằng tiếng Tàu. Theo [10], thư tịch cổ của Tàu hoàn toàn không có ghi nước nào mang tên Văn Lang hết. Tên Văn Lang lần đầu tiên xuất hiện [11] trong sử sách Việt qua quyển Đại Việt Sử Lược [7] vào khoảng thế kỷ 14, có lẽ lại 'cóp' theo thư tịch của Tàu vào thời nhà Đường [11], năm 618-907 sau Công Nguyên. Tức tên Văn Lang chỉ được ghi chính thức vào sách vở ít lắm 800 năm sau khi nước đó bị 'biến mất', ít nhất trên danh hiệu. Và lại một thứ tên hiệu bằng tiếng Hán ròng trên một khối dân tộc, vào lúc 'nước' Văn Lang còn tồn tại, không biết một chút gì về chữ Hán. Thấy rõ điểm mâu thuẫn rất lớn từ chỗ tiếng Hán ròng cho một nơi mà hằng trăm hằng ngàn năm trước người Hán chưa hề đặt chân đến, rất nhiều vị tiền bối đã ra sức biện giải cho những khía cạnh 'nôm na' của tên nước Văn Lang. Trước hết, theo rất nhiều giả thuyết quen thuộc 'Văn Lang' mang nghĩa 'đàn ông có xâm mình' - một đặc tính của hầu như toàn thể các giống dân thuộc khối Bách Việt ở thời cổ đại xa xưa. Khối Bách Việt lại chính là tiền thân của một số đông các dân tộc ngày nay ở miền Đông Nam Á. 'Xâm mình' tiếng Hán quốc ngữ gọi 'văn thân'. 'Đàn ông' gọi 'lang'. 'Văn Lang' do đó mang nghĩa: đàn ông xâm mình. Bởi 'văn lang' mang vẻ thuần Hán nên đã có rất nhiều nhà nghiên cứu cố gắng tìm tòi những giả thuyết khác, giải thích 'Văn Lang' cho có vẻ đượm nhiều sắc nôm-na dân tộc Việt hơn.

64


Hoàng Thị Châu [12] đưa ra giả thuyết dựa trên tài liệu ngôn ngữ. Theo đó, tiếng gọi 'người' của các dân tộc khối Nam Á (Austro-asiatic) thường liên hệ đến tiếng Mã Lai 'ORANG'. Orang = người. Orang kampung = người dân làng. Âm /O/ có thể biến chuyển qua lại với âm /ou/ ở thời cổ đại, chưa có chữ viết theo a-b-c. /Ou/ có thể biến âm qua lại với /U/ hoặc /wu/. Và cũng có thể /wu/ sinh ra, hoặc do người Tàu phát âm thành /wen/, tức /văn/ theo kiểu quốc ngữ. /Rang/ có âm /r/ thông thường biến chuyển qua lại với âm /l/. /Rang/ => /Lang/. Từ 'lang' du nhập đến Trung Hoa và thường mang nghĩa 'đàn ông'. Do đó /O-Rang/ biến dạng thành /Văn Lang/ qua lối phát âm của người Hoa. Đơn thuần, 'văn lang', xuất phát từ 'orang' chỉ mang nghĩa 'nơi hoặc xứ sở của người'. Quyển 'Thời Đại Hùng Vương' [13] có ghi tóm tắt: 'Vậy có thể cho rằng: Những tộc danh Lang, Văn Lang, Dạ Lang... đã bắt nguồn từ một danh từ chung, có nghĩa là "đàn ông", "người", với những hình thái biến đổi khác nhau tùy theo ngôn ngữ, phương ngữ và tuỳ theo từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Phụ âm đầu trong những tộc danh như Văn Lang, Việt Lang nếu đọc theo cách phát âm của tiếng Việt cổ và trong tiếng Hán cổ thì đó là âm w, một phụ âm môi-môi có bộ vị cấu âm rất gần với các nguyên âm tròn môi như ô, u đến nỗi người ta còn gọi phụ âm này là bán nguyên âm u. Do đó, những âm trên hoàn toàn có khả năng biến đổi từ trạng thái nọ sang trạng thái kia. Trong phương pháp so sánh của ngôn ngữ học lịch sử, những từ như Văn Lang, Việt Lang với urang, ôrang, cũng như Dạ-lang với Đrang trong từ đranglô đều có thể xem là những từ giống nhau, nhưng nếu chỉ căn cứ vào hình thức bên ngoài thì không sao nhận ra được.' Bình Nguyên Lộc [10] dựa vào việc đồng âm dị nghĩa của tiếng Hán đưa ra giả thuyết rằng 'Văn Lang' là một từ Hán dùng để chỉ một thứ cau, gọi là cau sọc. Cau sọc tức một thứ cau có sọc trắng trên nền xanh của trái cau. Cũng còn gọi là 'cau vằn'. Bởi theo tiếng Hán, cây cau hoặc trái cau được gọi ‘tân lang’. Tiếng Mã Lai có từ dùng để chỉ ‘cau’ là ‘Pin nang’, cũng gồm 2 âm, rất dễ đọc trại ra thành ‘Tân Lang’ theo kiểu người Tàu. Bởi ở pên Tàu nhất là miền Hoa Bắc, ngày xưa không có ‘cau’ nên có lẽ họ phải vay mượn từ ‘pin-nang’ để gọi cau, rồi biến ra thành ‘tân-lang’. Và 'Văn Lang' chính là tiếng Hán dùng để chỉ thứ ‘cau sọc’. Hay 'cau vằn'. Tức 'Văn Lang', theo [10], có thể chỉ là từ Hán dùng để phiên dịch từ tiếng dân bản địa, chỉ ... 'nước cau sọc'. Đối với các hình người trên trống đồng có đội mũ lông chim thật to, Bình Nguyên Lộc đặt ra nghi vấn: phải chăng đó là ‘tàu cau’ chứ không phải lông chim. Cũng theo Bình Nguyên Lộc, vào cổ thời dân Việt rất trọng cây cau, và xem cau như một vật tổ quan trọng, với dẫn chứng, rất nhiều địa điểm thiêng liêng ở Việt Nam đều có vết tích cây cau. Đền thờ Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư, Chùa Thiên Phúc ở Sơn Tây, Tháp Bình Sơn ở Vĩnh Yên, chùa Thiên Phúc ở Bắc Ninh, Chùa Keo ở Thái Bình, chùa Một Cột tại Hà-nội, tất cả đều có cây cau. Thuyết 'nước cau sọc' sẽ có thêm cơ sở, nếu biết nước Chăm (Chiêm Thành, Champa, Chàm) vào thời cổ đại có phân chia thành hai bộ tộc Bắc và Nam, vẫn thường 'choảng' với nhau. Phiá Nam có vật tổ là 'Cau', mang hiệu 'nước Cau' hay 'bộ tộc Cau' (Kramuka Vamsa) và phía Bắc, vật tổ 'Dừa', 'bộ tộc Dừa' (Narikela Vamsa) (xem [6]). Dân các bộ lạc Dừa chính là hậu duệ, hoặc bà con rất gần với dân Phù Nam [14]. Dân các bộ lạc Cau ở phía Nam chính là dân Lạc Lê [10] có chủng bà con với dân Hải Nam nguyên thủy [15]. Bộ lạc Cau rất gần gũi với nước Văn Lang xa xưa. Nước cau sọc (Văn Lang) có láng giềng là một 'nước Cau' khác, nên việc tự xưng 'nước Cau Sọc' có thể cũng là một chuyện không nằm ngoài lý lẽ thông thường.

65


Taylor [11] trích dẫn Trần Quốc Vượng và Henri Maspero về những thuyết khác biện giải cho tên Văn Lang. Theo Trần Quốc Vượng, Văn Lang chính là tên một thứ chim thần linh totem của bộ tộc các vua Hùng. Lý giải này cũng không giải tỏa được những lấn cấn về chữ Hán ròng, dù rằng dành cho tên...con chim. Maspero đưa ra biện giải rất có thể Văn Lang là một phát âm đọc sai từ Dạ Lang (Yạ Lang), một xứ khi xưa nằm tại tỉnh Quí Châu ngày nay. Chúng ta đã thấy theo trích dẫn ở trên [13], Yạ Lang và Yiệt Lang là hai âm rất gần nhau. Nhưng từ Yạ Lang chuyển sang Wăn Lang, con đường biến âm bắt đầu dựa trên một số quy luật khác (xem [20]), như biến âm giữa /W/ và /Y/ (Yun-nan và Wân-nam (Vân Nam), Wang Yũ => Vương Vũ), vẫn có thể chấp nhận được. Tuy vậy, Yạ Lang hay Wăn Lang cũng không giải tỏa việc thiếu thốn tính cách nôm-na trong tên Văn Lang. Vấn đề có thể được minh giải sáng sủa hơn, đơn giản hơn nếu chúng ta dựa vào mô hình của nước Xích Quỷ như đã đề ra trong một bài trước. Theo đó các tác giả truyền thuyết có lẽ đã dựa vào một khu vực được người Tàu, ở thời bắt đầu xâm lấn xuống Hoa Nam, gọi tên là Yạ Lang, rồi biến đổi chút ít thành ra Văn Lang, cũng dùng để ám chỉ việc xâm mình, tức 'Văn thân' của người bản địa. Y hệt như họ đặt tên nước tưởng tượng Xích Quỷ dựa vào lối gọi một thứ rợ có da màu thổ chu của người Hoa: Xích Địch. Ở một trường hợp khác, nếu tên Văn Lang được quần chúng biết đến sau đời nhà Đường (618-907), chuyện 'Văn Lang' xuất hiện trong các truyện cổ tích rồi về sau, 'Đại Việt Sử Lược', cũng chỉ là chuyện người nước Nam thấy các sư phụ Tàu gọi tên 'nước' mình hồi xưa ra sao, thì bắt chước gọi y như vậy. Và nếu Văn Lang do các sư phụ Tàu sáng tác, rất có khả năng, Văn Lang bắt nguồn từ ý nghĩa hay âm vận của: Orang (Hoàng Thị Châu), Yạ Lang (một địa bàn của tộc Thái & Miêu ở Quý Châu), Cau Sọc (Bình Nguyên Lộc), Dân Xâm mình (tiếng Hán ròng). Các ý niệm chung quanh nước Văn Lang Muốn minh định rõ hơn sự việc nước Văn Lang có thật hay không, chúng ta hãy thử xem lại những ý niệm về quốc gia, về nước nhà. Trước hết xin để ý đến những điểm chính sau đây: 1. Ý niệm về quốc gia mới xem có vẻ rất đơn giản, nhưng thật ra vô cùng phức tạp, bởi nó luôn biến chuyển theo từng thời đại, từng khối hoặc nhóm chủng tộc khác nhau, và trào lưu chính trị. Thí dụ vào thời xa xưa, thông thường không có đòi hỏi giới cầm quyền phải cùng một thứ chủng tộc với dân tộc đa số trong nước đó. Thí dụ nước Sở, nước Tấn, nước Tề,... ở thời Xuân Thu Chiến quốc bên Tàu có những người cầm quyền là Tàu, hoặc lai Tàu, hoặc đa số thuộc chủng Tàu, tức chủng Hoa Hạ ban đầu, trong khi khối lê dân thuộc vào một khối các chủng khác với giới cầm quyền. Thí dụ khác, nước Trung Hoa nhất thống dưới thời Nguyên, thời Thanh có khối dân to tát không mang cùng một thứ chủng như giới cai trị, nắm chính quyền. 2. Ngày nay đa số thảo luận của giới khoa bảng về ý niệm quốc gia thường kèm theo đòi hỏi rất 'thời thượng': Nước đó, nếu được gọi 'nước', phải đạt được 'độc lập' và 'tự chủ'. Tức nhóm người cầm quyền phải cùng chủng tộc với khối lê dân. 3. Dưới khía cạnh chủng tộc, lại cũng có rất nhiều mô hình khác nhau. Có nước gần như thuần chủng, như nước Nhật, hay một vài nước ở Bắc Âu, các hải đảo Thái Bình Dương, nhiều quốc gia ở Phi Châu, ... Có nước bao gồm hai ba chủng lớn chung sống với nhau, như Canada với chủng Anh và Pháp. Có nước hoàn toàn một thứ hợp chủng, rất thành công. Một nước tương đối mới: HOA Kỳ. Một nước hợp chủng từ ngàn xưa: Trung HOA. Và gần như ở mọi nước trên thế giới, nước nào cũng có thổ dân, với những dấu 66


tích 'văn minh' rất xưa cũ. Thí dụ: Thổ dân Úc (Aborigine) vẫn thường tự hào đã biết vẽ hình trên động đá cách đây 40000 năm. 4. Đặc biệt đối với người Hoa, chúng ta cần lưu tâm đến một vấn đề mấu chốt liên hệ đến việc minh xác địa bàn nước Văn Lang ở đây. Đó là thật sự cái ý niệm về 'Quốc gia' của người Hoa vào thuở cổ thời ra sao? Đối với họ, khi nào họ gọi một vùng đất có một khối người sinh sống ở đó là 'nước'. Đại khái, có thể nói họ đã phân biệt khá rõ, nhưng thường chỉ riêng cho những 'xứ' thuộc vòng bang giao hay chiến tranh với họ mà thôi. Nghĩa là trong vòng 'hiểu biết' của các 'nước' chư hầu hoặc thiên triều của chủng Hoa (nhà Châu). Chỉ có nước minh chủ, như nhà Châu, mới có Hoàng đế hay Thiên tử. Đế ở trên hết. Tiếp theo, Vua một xứ láng giềng có bang giao hữu nghị hoặc chiến tranh với họ, hoặc thường hơn, chư hầu, họ gọi 'Vương'. Vua hay 'tù trưởng' một xứ xa xa mà họ biết đến rất ít, họ gọi: 'Quân'. Thí dụ: Tây Âu Quân, vua xứ Tây Âu. Lãnh tụ một xứ xa thật xa, thỉnh thoảng đem lễ vật đến tặng, cầu cạnh sống chung hoà bình, hay trao đổi hàng hoá, họ gọi là: 'Chúa' [10]. Thông thường họ gọi một 'nước' mà họ biết rất ít bằng một thứ từ liên hệ đến chủng tộc hay bộ tộc: Thị. Và sự thật người Hoa thời xưa dùng chữ 'quốc' (nước) để chỉ riêng một THỊ TỘC chứ không phải cương giới lãnh thổ. Thí dụ: Việt Thường Thị, tức một bộ tộc nào đó tự xưng hoặc được gọi Việt Thường, đã cử đại diện đem con chim Trĩ đến tặng vua Châu Thành Vương (khoảng 1123 TCN) để làm quen [7] [18]. Thí dụ khác, xứ Dạ Lang, thư tịch cổ của Tàu thường gọi Dạ Lang Thị (xem [10]). 5. Tóm lại, 'nước' đối với người Tàu ở thời cổ đại, nhất là đối với khối Bách Việt, là một ý niệm hết sức lỏng lẻo. Dùng cách nào cũng rất thuận lợi cho đoàn quân chiến thắng của chủng Hoa. Nếu họ dùng từ 'nước', như nước Tây Âu, nước Thục, nước Dạ Lang, nước Mân Việt, ... họ dùng cho nó oai vì họ đã thắng và thôn tính được một 'nước' chứ không phải một bộ lạc nhỏ xoàng xĩnh. Nếu họ dùng 'Thị' hay 'bộ tộc' họ xác nhận được danh chính ngôn thuận ngay tại chỗ, theo chủ thuyết terra nullius, đất trống không có loài người văn minh. Y như thực dân hàng chục thế kỷ sau. Cũng là cái lý do chính đáng để họ ở lại đó luôn. Bởi xứ đó hãy còn man rợ, cần họ giúp đỡ quản lí hành chánh và chỉ dẫn ánh sáng của văn minh. Tóm lại, đối với người Tàu, phân biệt 'nước' hay 'Thị', đường nào cũng có lợi cho họ hết. Họ không hề quan tâm. Đặc biệt chúng ta có thể để ý, theo sát và dính liền với ý niệm quốc gia họ tặng cho 'nước' mà họ thôn tính được, chính là những tên huyện quận và cả tên nước đều dùng tiếng Hán ròng. Luôn luôn họ nhấn mạnh, các tên tiếng Hán này đã có từ xưa. Với hàm ý: nước đó thời cổ đại người Hoa cũng đã biết đến rồi và đã đặt tên cho các phân bộ hành chánh từ khuya [19]. Tiền nhân tại nước Việt gần như không có sự chọn lựa nào hết, nhưng thường thích quan niệm tổ chức nước nhà và nhà nước đã có sẵn, trước khi Hán tộc đến thôn tính. Bởi trên quan điểm đó mới có thể dẫn đến những cuộc chiến giành độc lập, và cuối cùng nền độc lập và tự chủ. Tuy vậy tiền nhân ở nước Việt rất thường dễ dãi với ý niệm rất sâu sắc (‘xấu’) đã kèm sát theo ý niệm 'nước' người Hoa đã tặng cho: tên nước, tên quận huyện toàn bằng tiếng Hoa, và đã có từ xưa, trước khi có chiến tranh thôn tính. Tức một khi người ta chấp nhận tên nước, tên bộ phủ bằng tiếng Hán ròng, ta đã ngầm chấp nhận luôn chủ nhân các vùng đất ấy từ ngàn xưa cũng là người Hoa, bởi họ dùng tiếng Hoa để đặt tên cho những khu vực đó. Nhiều khi chỉ ở việc dễ dãi nhận các tên quận huyện bằng tiếng Hán này, rồi nói chính ‘vua Hùng Vương’ đã phân chia bộ và đặt tên, đã gây một vết lem nho nhỏ cho nền độc lập nguyên thủy của nước Nam. Bây giờ chúng ta thử quan sát thêm một số ý niệm về quốc gia, về nước nhà và nhà nước.

67


Ý niệm 'bình dân' nhất thường cho rằng một nước phải có đủ 3 thành tố: lãnh thổ, dân tộc và chính quyền. Nhưng chúng ta sẽ thấy 3 thành tố đó chỉ tạo nên điều kiện cần, chứ không phải luôn cho điều kiện đủ, cho một quốc gia ở thời cổ đại. Lịch sử thế giới chỉ nội trong thế kỷ 20 vừa qua đã cho thấy lãnh thổ có thể co giãn, thu hẹp lại, hoặc bành trướng, hay bị cắt đôi chia ba. Thí dụ: Ấn Độ sinh ra thêm Pakít-tăn rồi tách ra Bangla-Đesh. Nước Do Thái được thiết lập trở lại. Trung quốc nuốt luôn Tây Tạng. Nhiều nước bị chia đôi xẻ ba. Thí dụ: Triều Tiên, Liên Xô (cũ),... Dân tộc lại càng phức tạp hơn. Ý niệm dân tộc cũng lại mơ hồ. Rất nhiều nước có rất nhiều chủng. Nhất là các quốc gia mới thành lập trong vòng vài trăm năm qua, như Mỹ, Úc, Canada, ... Rồi vấn đề di tản tị nạn được quốc tế nhìn nhận đưa đến ý niệm 'xin chọn nơi khác làm quê hương' mỗi khi con người thấy bị kỳ thị áp bức do ở quan điểm chính trị, tôn giáo hay chủng tộc. Việc di tản thường xảy ra mỗi khi có chiến tranh binh lửa khốc liệt. Và người di tản xin tị nạn ở nước khác, an bình hơn, có khả năng hoặc nhu cầu kinh tế khá cao, để có thể thu nhận họ. Ngoài ra còn việc di dân đối với những người có ngành nghề thuộc nhu cầu tại các nước tiên tiến khác. Đó là việc 'chảy não'. Vài năm sau khi định cư, người di tản hoặc di dân được mang quốc tịch mới, và gia nhập vào khối 'dân tộc' của nước mới. Kết quả: ý niệm 'dân tộc' càng ngày càng trở nên sinh động bởi luôn luôn thay đổi, mặc dù rất chậm. Nhưng cũng sinh động hơn ngày xưa. Chính quyền, tuy là một trong ba thành tố, nhưng thường rất quen thuộc và nổi bật nhất trong vấn đề ‘quốc gia’. Bởi chính quyền thông thường vừa là một ý niệm, cũng vừa là một thực thể. Mặc dù dân tộc và lãnh thổ là thành phần nòng cốt, nhưng nước nào cuối cùng phải được biểu hiện và đại diện bằng chính quyền. Chính quyền cũng là một thực thể, bao gồm một nhóm người trực tiếp chịu trách nhiệm về an ninh, cơm ăn áo mặc, cho dân chúng và bảo toàn lãnh thổ quốc gia. Nhưng ta cũng để ý, hầu hết và gần như đến 99% các quốc gia ngày nay đều có vài ba dạng thức chính quyền giống giống với nhau. Tức bao gồm 3 thành phần: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Một nguyên thủ, như quốc trưởng, hay tổng thống, nữ hoàng, hoặc Vua, hoặc chủ tịch, kiêm luôn hay cộng với một chức vụ (như thủ tướng) cầm đầu nội các. Nước nào cũng giông giống như vậy. Đặc điểm của nội các là phân chia 'chuyên ngành'. Nội các nước nào cũng có những Bộ chính như: giáo dục, tài chánh, quốc phòng, ngoại giao, kinh tế, v.v... Đối với các nước ở miền Hoa Bắc (phía Bắc sông Dương Tử) ở thời Xuân Thu Chiến Quốc, chúng ta thấy họ hội khá đầy đủ 3 thành tố kể trên của một quốc gia, theo với khung đối chiếu của thời đó. Mặc dù biên giới từng nước chưa được xác định rõ, nhưng sau một cuộc chiến tranh một sống một còn, người ta có thể thẩm định được biên giới của nước đã bị tiêu diệt, ngày trước đã rộng đến đâu. Thành tố dân tộc cũng không thua hay hơn thời bây giờ bao nhiêu. Các chủng cứ sống chung nhau trong cùng một lãnh thổ trước đã, rồi sau vài mươi năm, vài trăm năm - dưới sự điều động và tác động của chính quyền (trung ương), hoặc do ở sinh hoạt chung với nhau - sẽ tạo được thành một dân tộc đặc thù cho nước đó. Chính quyền của các nước ở Hoa Bắc cũng được thể hiện rất rõ nét. Đặc biệt họ đã tiến đến những thể chế chính trị rất siêu đẳng vào thời đó. Bởi họ có đầy đủ chính quyền trung ương, cầm đầu tất cả chính quyền địa phương. Có ‘nội các’, có một số ‘hiến pháp’ không thành văn quy định các chức vụ trong triều, phân chia giai cấp thứ bực, luật pháp, quyền đại diện (như quan lớn có công trạng được quyền tiền trảm hậu tấu), và trên một hai địa hạt đã đi trước văn minh Tây Phương cả ngàn năm. Điển hình nhất là cái chức ‘Quân Sư’ của những tay như Thúc Nha, Quản Trọng, Tôn Tử, Khổng Tử, Mạnh Tử… Thời bây giờ thường gọi: Cố Vấn An Ninh Quốc Gia. 68


Miền Hoa Nam hay ‘Lĩnh Nam’, so với Hoa Bắc thì sao? Buồn năm phút: Thua xa. Lãnh thổ và dân tộc: Có vẻ như hãy còn trong tình trạng các bộ lạc sống gần gũi với nhau, rất nhiều khi khác nhau qua chi chủng, hay hoàn toàn khác chủng với nhau. Chính quyền: Không có chính quyền thực thụ ở trung ương theo như mô hình của các nước ở miền Hoa Bắc. Lý do chính: a) Hoa Nam không bị sức ép của thiếu thốn thực phẩm như phía Tây Bắc nước Tàu (rợ Nhục Chi, Hung Nô). Để ý, rất ăn khớp với thuyết Ngũ Hành: Tây khắc Đông. Chu diệt Thương. Tần diệt Chu – sau khi Chu dời đô về Đông. Sở thôn tính nước U Việt ở phía Đông. Tần diệt Sở rồi gồm thâu lục quốc, phần nhiều ở hướng Đông.Tây khắc được Đông nhờ ở thế 'thượng phong' của con ngựa và chữ viết, xuất hiện đầu tiên ở phía Tây. b) Hoa Nam - mặc dù có thể có 3 điều kiện cần cho hình thái ‘nước nhà’ kể trên, trong dạng thô sơ nhất – nhưng lúc nào cũng thiếu 2 điều kiện đủ kia: ‘con ngựa’ và ‘chữ viết’. Có con ngựa mới có phương tiện mạnh mẽ hỗ trợ cho chiến tranh, và truyền thông từ trung ương và tạo dựng đời sống cộng đồng quốc gia. Có chữ viết mới có người viết, mới sinh ra chủ thuyết hỗ trợ cho nhà nước quân chủ, hay các lí thuyết về việc an dân trị nước. Mới có được sinh hoạt quốc gia: như trồng trọt canh nông, làm lụng tập thể, sáng tạo nghệ thuật, thi văn, ca hát (thí dụ: Sở Từ), xâm lăng hay phòng thủ, bang giao với các xứ lân cận, v.v.. Mới có được những cơ viện trung ương, như Triều Đình, trung tâm quyền lực nhà nước. Mới có được pháp lệnh, thưởng phạt đối với từng cá nhân trong xã hội. Duy trì an ninh trật tự. Đến đây chúng ta có thể đi đến một kết luận sơ khởi: Nước Văn Lang, có vẻ là một nước không thể có thật. Dù ở dạng với biên giới thu hẹp trong vùng đất Bắc Bộ ngày nay. Nếu có thật chăng nữa, ý niệm về ‘nước’ của các chủng ở khu Lĩnh nam (Hoa Nam) đã có nhiều điểm khác biệt với các nước ở Hoa Bắc thời Đông Châu liệt quốc. Nói nôm na hơn, nước Văn Lang không thể nằm ngoài hình thái của tất cả các nước khác của nhóm Bách Việt ở Hoa Nam. Tức bao gồm một số bộ lạc đông dân gần gũi với nhau, thường hợp sức hợp quần với nhau khi có đe dọa từ bên ngoài, từ một chủng khác dữ dằn hơn và đầy đủ phương tiện văn minh hơn. TÓM TẮT Trong bài này, chúng ta đã thử quan sát một vài sự kiện thực tế để tìm giải đáp cho câu hỏi: 'Nước Văn Lang có thật hay không? Nếu có, lãnh thổ Văn Lang đã rộng đến đâu?' Tiện dịp chúng ta đã tóm tắt ghi lại những lý giải có vẻ có chất lượng nhất cho một cái tên nước toàn dùng tiếng Tàu ròng trên một vùng đất trước đó, những người sinh sống không hề biết đến một chữ Tàu. Và cũng thuộc nhiều chủng khác nhau. Những ý niệm về nước nhà và nhà nước cũng được xem qua, và chúng ta đã phát hiện thêm hai thành tố quan trọng đã tạo nên toàn bộ năm (5) điều kiện cần và đủ để một thực thể có thể xem đã tiến tới hình thái quốc gia và nhà nước, nhất là vào thuở cổ thời. Đó là: Con ngựa và chữ viết. Năm thành tố, tạo nên một tập hợp các điều kiện cần và đủ cho hình thành của 'nước', là: (1) Lãnh thổ; (2) Dân tộc, (3) Chính quyền (triều đình), (4) Con ngựa, và (5) Chữ viết. Hai thành tố sau (4) và (5) phải có mới có thể quản lý sinh hoạt và điều động được tổ chức quốc gia. Cũng chính nhờ hai thành tố này, chủng Hoa đã tiến nhanh tiến mạnh đến việc hình thành nước nhà và nhà nước, để rồi sau khoảng 800 năm nhất thống được cả lục địa phía Bắc sông Dương Tử. Sau khi nhất thống, nhà Tần, tiếp theo bằng nhà Hán đã tiến chiếm trọn miền Hoa Nam (Lĩnh Nam), rất thần tốc như thế chẻ tre. Nguyên do chính: Khối Bách Việt ở Hoa Nam vào 69


thời đó còn rất nhiều lủng củng trong cách thức tổ chức xã hội. Nhất là 5 thành tố cần và đủ kể trên vẫn chưa đạt được đến một góc, một phần nhỏ của hình thái ở miền Hoa Bắc. Khối Bách Việt cũng không có kinh nghiệm xương máu của chính trị, chiến tranh và hoà bình, như Hoa Bắc trong suốt hằng trăm năm Xuân Thu Chiến Quốc. Trong bài tới, chúng ta sẽ thử vạch ra một mô hình để nhận diện lại ý niệm về nước trong khối Bách Việt. Đặc biệt sẽ thử xem nước Văn Lang, nếu có, đã có thể rộng đến đâu. Ghi Chú [1] Nguyên Nguyên (2005) 18 đời vua Hùng Vương: Một ý niệm về liên tục. Xem khoahoc.net, aihưucongchanh.com, honque.net. v.v. [2] Trần Trọng Kim (1971) Việt Nam Sử Lược. Trung Tâm Học Liệu của Bộ Giáo Dục xuất bản. Đại Nam tái xuất bản tại Hoa Kỳ. [3] Ngô Sĩ Liên và cộng sự (1497). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Thanh Việt và Phạm Ngọc Luật hiệu đính theo bản dịch của Đào Duy Anh. Nxb Văn Hoá Thông Tin (2004). Bản của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam được trình bày đầy đủ trên mạng internet: perso.wanadoo.fr/charite [4] Jeanne Cuisinier (1946) Les Mương – Géographie Humaine et Sociologie. Institut d’Ethnographie. Paris [5] Đọc sử 'nước' Chăm [6] chúng ta thấy cho đến thế kỷ thứ 7 sau Công Nguyên, Chăm hãy còn bao gồm rất nhiều tiểu quốc trong một dải đất rất hẹp. Đừng nói chi đến nước Hồ Tôn ở thời huyền sử. [6] Ngô Văn Doanh (2003) Văn hoá cổ Champa. Văn Hoá Dân Tộc. [7] Khuyết Danh (1377-1388) Đại Việt Sử Lược. Bản dịch của Nguyễn Gia Tường. Nhà Xuất Bản Thành Phố HCM. Bộ Môn Châu Á Học Đại Học Tổng Hợp TP.HCM. [8]Phụ đạo viết theo 辅 导 mang nghĩa người Thầy dạy học, có thể Thầy dạy kèm con vua. Viết như 父 道 nghĩa: con đường của Cha, ‘đạo’ làm Cha, hoặc vai trò Cha Chú.. [9] http://www.bsos.umd.edu/CSS97/papers/competin.html http://www.slovak.sk/magazin_slovakia/496_Slovakia/history/history1.htm http://repositories.cdlib.org/csd/03-09/ http://college.hmco.com/history/west/mosaic/chapter13/source388.html http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_date_of_nationhood [10] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu (USA) tái bản. [11] Keith Weller Taylor (1983) The Birth of Vietnam. University of California Press. [12] Hoàng Thị Châu (1969) Nước Văn Lang qua tài liệu ngôn ngữ. Nghiên cứu lịch sử 120. pp.37-48. [13] Văn Tân, Nguyễn Linh, Lê Văn Lan, Nguyễn Đổng Chi và Hoàng Hưng (1973) Thời đại Hùng Vương. Nxb Khoa Học Xã Hội. [15] Chuyện cổ tích của miền Nam Cam-Bốt, tức địa bàn xứ Phù Nam xa xưa, vẫn đề cập đến Bà Chúa Lá Dừa. [16] Quyển 'Mã Lai' của Bình Nguyên Lộc có dẫn chứng lịch sử cho rằng mỗi khi có biến loạn tại nước Chăm, người hoặc binh lính Chăm ưa chạy về đảo Hải Nam để tị nạn. Người Chăm và Hải Nam ở thời cổ đại có lẽ bà con hay ít lắm hiểu được tiếng nói của nhau. [17] Nguyễn Hiến Lê (1997) Sử Trung Quốc. Nxb Văn Hoá [18] Đây cũng là một điểm sử sách Việt dễ bị lộn xộn nhầm lẫn. Theo với những luận cứ của loạt bài này, bộ lạc Việt Thường chỉ có thể là đám rợ chủng Yueh ở lưu vực sông Hoàng Hà gần miền Sơn Đông (rợ Đông Yi). Rợ Đông Yi tại Sơn Đông cũng có nhuộm 70


răng, xâm mình y hệt như dân Lạc Việt. Chỉ có đám rợ này mới có thể đi đến Hảo Kinh, kinh đô Tây Châu nằm trong tỉnh Thiểm Tây ngày nay. Không có cách gì bộ tộc Việt Thường nằm ở Hoa Nam hay khu vực Bắc Việt được bởi ở lí do đường xá xa xôi và phải xuyên qua hàng ngàn bộ lạc rợ khác ở miền Hoa Nam. Và chuyến đi giao hảo xa xôi như vậy hoàn toàn không cần thiết. Theo thiển ý, chính ở chỗ có một bộ tộc Việt nào đó muốn tặng vua nhà Châu con chim Trĩ, nên từ đó người Hoa gọi thứ chủng Lạc đã tính tặng họ con chim Trĩ đó là chủng Lạc viết theo bộ Trĩ (còn gọi Trãi): Lạc bộ Trãi ở miền Sơn Đông, Giang Tô và Chiết Giang ngày nay: 貉 phân biệt [10] với Lạc bộ Chuy chỉ dân Môn và Miến Điện 雒, Lạc bộ Mã 駱 chỉ dân Mân Việt ở Phúc Kiến, và Lạc bộ Khương 羌各 tiền thân của dân Khmer. Hy vọng sẽ trở lại vấn đề này vào một dịp khác. [19] Rất nhiều quyển sách sử Việt Nam (xem [2], [3], [7]) đều trích một đoạn, chắc chắn do những quan từ Bắc Phương soạn giúp: Ở thời cổ đại xa xưa, vua Tàu có biết đến một xứ Giao Chỉ hay Việt Thường nào đó, và họ chia sẵn xứ đó ra thành 15 Bộ. Bí quá họ viết tiếp thêm tên 15 bộ bằng tiếng Hán ròng, dựa trên tên các quận huyện ở đời sau, tức những tên họ đặt ra cả trăm năm sau khi thiết lập được thể chế đô hộ lên xứ sở của người nước Nam. Các vị sử gia Việt vội vã ‘Việt Nam hoá’ cho rằng chính Hùng Vương đã phân chia ‘nước’ ra 15 bộ rồi đặt tên toàn bằng chữ Hán ròng. [20] Nguyên Nguyên (2004) Từ chữ Nôm đến quốc ngữ. Toàn bộ 8 bài. Có trên các web: Khoahoc.net, Aihưucongchanh.com, Honque.net.

71


Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (5): Mô hình nước Văn Lang Ở bài trước [1], chúng ta đã đi đến một kết luận sơ khởi rằng thật sự rất khó có một nước Văn Lang rộng cỡ vùng đất Bắc Bộ ngày nay. Nhiều chứng cớ trình bày cho thấy đất nước nguyên thủy của người Việt, ngay cả trong vòng thời gian một hai trăm năm trước khi quân nhà Hán đến xâm chiếm (111 TCN), vẫn chưa hội đủ các thành tố để có thể tiến đến được hình thái nhà nước theo như mô hình của các chư hầu thời Xuân Thu Chiến quốc bên Tàu. Những thành tố tạo nên tập hợp điều kiện cần và đủ, thường hỗ tương với nhau, để một xứ ở vào thời xa xưa, có thể tiến đến hình thái nhà nước và nước nhà, xin tóm tắt như sau: - Lãnh thổ: Lãnh thổ càng lớn bao nhiêu thì kỹ thuật liên lạc, truyền tin và phối hợp phải đạt được một cấp cao bấy nhiêu. - Dân tộc: Cũng y như 'lãnh thổ', dân tộc, tuy không nhất thiết phải thuần chủng, bắt buộc phải có trình độ tổ chức xã hội ở một cấp cao hơn tổ chức bộ lạc. Nếu vùng đất đó bao gồm nhiều chủng tộc khác nhau, phải có một nhóm người thuộc một chủng nào đó bị sức ép của đòi hỏi thực phẩm và giải quyết nạn nhân mãn, đứng ra kêu gọi đoàn kết, hay thực hiện giấc mơ minh chủ thôn tính các chủng và bộ lạc lân cận để luôn luôn bành trướng lãnh thổ. Chủng minh chủ này không những phải hung hãn hơn những chủng hay bộ lạc kia, mà còn phải hoàn toàn 'trên cơ' những chủng hay bộ lạc khác về kỹ thuật tổ chức xã hội, chiến tranh, và phân phối tài nguyên, nhân lực và thực phẩm. Các kỹ thuật này vào cổ thời, từ Đông sang Tây, đều được thể hiện bằng hai thành tố: Con Ngựa và Chữ Viết. - Chính quyền: Mới xem tưởng đơn giản, chỉ cần một tù trưởng hay một vị vua với đám quần thần phụ tá là xong. Trên thực tế không phải như vậy. Muốn có chính quyền, phải có nhiều yếu tố hỗ trợ cho việc tồn tại lâu dài. Trong đó, quan trọng nhất phải có một chủ thuyết, kiểu này hay kiểu kia, tạo nên xương sống cho riềng mối quốc gia. Chủ thuyết đó phải được đa số dân chúng chấp nhận và tin tưởng. Thí dụ: Ở bên Tàu, thiên tử lên được ngôi vua do ở mệnh trời. 'Thiên tử' mang nghĩa: con của trời. Và đó tự nó cũng đã là một chủ thuyết rồi. Ở nước Nam cho đến thời Lê Lị (Lê Lợi) luôn luôn vẫn có những huyền thoại về mẹ của vua nằm mơ thấy mình được thánh thần mời vào phòng ngủ nghỉ ngơi chốc lát, rồi mới sinh ra nhà vua, v.v. Hoặc vua phải có quí tướng, như có một vài nốt ruồi ở đâu đó trên thân thể chẳng hạn, cộng với một thứ dung mạo 'đế vương', v.v. - Con Ngựa hay Kỹ thuật chiến tranh và truyền tin, truyền pháp lệnh: Vào thời xa xưa, kỹ thuật tổ chức quốc gia, chiến tranh và truyền tin liên lạc được thể hiện bằng 'Con Ngựa'. Xứ nào dùng ngựa trước sẽ có lực lượng quân sự mạnh mẽ hơn. Có ngựa và không có ngựa, vào thời xa xưa, cũng giống y như có vũ khí tiêu hủy khối lớn, hay không vào thời bây giờ. Nước Văn Lang thuở đó hãy còn dùng voi, hay cùng lắm con trâu. Con ngựa xuất hiện đầu tiên ở miền Tây Bắc nước Tàu, ngay vào thời điểm chín muồi giúp cho nền văn minh Hoa Hạ bộc phát dữ dội, tức trong vòng thiên niên kỉ thứ hai trước Công Nguyên. - Chữ Viết: Có chữ viết mới có giao hẹn, có khế ước, có luật pháp hay pháp lệnh đàng hoàng. Có chức này chức kia trong xã hội. Mới hợp thức hoá được phân chia giai cấp theo mô hình nhà nước của Engels [2]. Mới tổ chức được triều đình, tức chính quyền ở thời phong kiến xa xưa. Mới phân biệt ra đâu là chính quyền trung ương đâu là địa phương. Có chữ viết mới có trước có sau, có giấy tờ văn bản giúp cho việc tổ chức chính quyền ở cấp bậc nhà nước hoặc nước nhà. Có chữ viết mới có sử sách. Có sử sách mới tạo nên được truyền thống, và chủ thuyết về quốc gia, dù ở dạng đơn sơ nhất. 72


Khi xử dụng 5 thành tố đó để kiểm chứng lại xứ sở nguyên thủy của người Lạc chủng Âu và Việt, chúng ta đã đến một kết luận sơ khởi: Nước Văn Lang, có vẻ là một nước không thể có thật. Dù ở dạng với biên giới thu hẹp trong vùng đất Bắc Bộ ngày nay. Nếu có thật chăng nữa, ý niệm về ‘nước’ của các chủng ở khu Lĩnh nam (Hoa Nam) đã hoàn toàn khác với các nước, dù ở thế 'chư hầu', ở Hoa Bắc vào thời Đông Châu liệt quốc. Nói nôm na hơn, nước Văn Lang không thể nằm ngoài hình thái của tất cả các nước khác của nhóm Bách Việt ở Hoa Nam. Ngay cả vùng Đông Nam Á, và tại nhiều nơi ở Âu Châu, kể cả Anh Quốc và Pháp quốc [9] [22]. Tức bao gồm một số bộ lạc đông dân gần gũi với nhau, thường hợp sức hợp quần với nhau khi có đe dọa từ bên ngoài, tứ một chủng khác dữ dằn hơn hoặc/và đầy đủ phương tiện văn minh hơn. Hoặc tiến lên hình thái quốc gia từ từ, qua hằng trăm năm, bằng lối quy phục của những bộ lạc chung quanh đối với một bộ lạc lớn mạnh ở chính giữa, có một tù trưởng to khoẻ, thông minh hơn người, cộng với một sức thu hút lãnh đạo huyền nhiệm. Mô hình của các nước ở khu Lĩnh Nam Trong một bài trước, chúng ta đã khảo sát 3 thành tố cơ bản và bình dân của một nước, gồm: lãnh thổ, dân tộc và chính quyền. Để rồi đi đến kết luận, phải có thêm hai thành tố Con Ngựa và Chữ Viết nữa mới có thể quản lí được tổ chức nước nhà đối với lãnh thổ to rộng hơn một tỉnh ngày nay. Ý niệm ‘nước’ nhìn dưới một góc độ đơn giản hơn, và hiện đại hơn sẽ đòi hỏi sự hiện diện của một hay một số chủng tộc đã từng chia xẻ với nhau: một chuỗi trình lịch sử chung, ngôn ngữ và văn hoá chung (xem các websites ghi ở [9]). Ý niệm đơn giản này, tuy vậy không được hoàn chỉnh cho lắm - bởi nó không đề cập đến lãnh thổ và chính quyền. Biến động ở nhiều khu vực trên thế giới vào thế kỷ 20-21 thường gây ra bởi nạn một chủng tộc đã có lịch sử dài lâu, văn hoá và ngôn ngữ từ xưa, nhưng hãy còn thiếu lãnh thổ đất đai để nhận đó làm quê hương. Hiện nay, những dân như Kurds, Palestines ở Trung Đông, người Zhuang (Choang), người Hmong ở Trung quốc, v.v. là những khối người rất khát khao có đất, có lãnh thổ để có thể gọi nơi đó là quê hương. Dù vậy, nếu đem các ‘nước’ ở thời Đông Châu liệt quốc thuộc miền Hoa Bắc ra đối chiếu với định nghĩa 'nước' theo ý niệm hết sức đơn giản này, một lần nữa, chúng ta sẽ thấy các nước ở Hoa Bắc sau cả ngàn năm đấm đá chiến tranh với nhau đã đủ sức hun đúc mỗi khu vực trở thành một ‘nước’ đàng hoàng. Trở lại nước Văn Lang. ‘Giao Châu Ngoại Vực Ký’ do một quan Đô Hộ Tàu sáng tác vào khoảng thế kỷ thứ 4 sau Công Nguyên (xem [10] & [11]), có ghi: ‘Khi xưa, vào thời mà xứ Giao Chỉ chưa chia thành quận huyện, đất đó có ruộng Lạc, nước lên xuống ở ruộng tùy thủy triều. Dân làm ruộng đó mà ăn. Vì vậy gọi đó là dân Lạc. Lập ra Lạc Vương, Lạc hầu, Lạc tướng để coi các quận huyện.’ Nếu so đoạn văn mô tả ngắn về thể chế ‘xứ’ Lạc ở trên với truyền thuyết Ngu Cơ (Âu Cơ) của người Mường (xem bài 1), chúng ta sẽ thấy có rất nhiều điểm tương đồng. Quan trọng nhất, xã hội Lạc đó có tổ chức y hệt như các mường bản của các dân tộc ít người, xưa và nay. Tức chỉ có một hai chức vụ chính trông coi các bộ lạc nhỏ có liên hệ lỏng lẻo với nhau. Để ý, một đoạn ngắn như vậy cũng đã chứa một mâu thuẫn lớn. Phía trên viết: ‘thời mà xứ Giao Chỉ chưa chia thành quận huyện’. Phía dưới lại tiếp: ‘Lập ra Lạc Vương, Lạc hầu, Lạc Tướng để coi các quận huyện’. Chưa có ‘quận huyện’, thì làm sao mà ‘coi các quận huyện’ được. 73


Chúng ta có thể giải tỏa mâu thuẫn to tát rất quan trọng đó như sau:  Trước khi người Hán đến xứ Lạc: chưa có quận huyện theo kiểu phân loại của người Hán;  Trước khi người Hán đến xứ Lạc, có vẻ có phân chia thành quận huyện nhưng quận huyện thời xưa, lúc người Hán chưa đặt chân đến, mang ý nghĩa hoàn toàn khác. Nhỏ hơn và quyền hành ở từng ‘quận huyện’ không quy về trung ương hay phủ Đô Hộ (hay phủ của Thứ Sử, Thái Thú, Tiết Độ Sứ, v.v.) như ở thời Bắc thuộc. Rất khả năng, quận huyện ở câu sau, mang nghĩa của ‘Bộ Lạc’, hay mwang bản theo tổ chức của người Mường.  Lạc Vương, theo bộ Thủy Kinh Chú của Lịch Đạo Nguyên, mang hàm ý số nhiều: nhiều Lạc Vương. Còn Lạc hầu, Lạc tướng chắc chắn mang số nhiều;  Mỗi hay một số quận huyện do Lạc hầu và Lạc tướng trông nom. Có thể đứng đầu một nhóm bộ lạc (quận huyện) gần gũi hay liên minh với nhau là Lạc Vương. Và không phải chỉ có 1 Lạc Vương, mà nhiều Lạc Vương.  Lạc hầu và Lạc tướng có thể không mang nghĩa quan văn và quan võ theo chế độ phong kiến ở Hoa Bắc [2], mà người sau theo thói quen thời đại, đã gán ghép cho chức vụ tưởng tượng trong thời huyền sử. Tức, rất có thể đó là những chức vụ tiếng Tàu gọi thay cho chức vụ theo tiếng địa phương: Thổ lang và Quan lang [4].  Lạc Hầu và Lạc Tướng như vậy có rất nhiều, và chắc chắn không phải là những chức vụ ở trung ương. Và rất có khả năng, không có...Trung Ương.  Trung ương, nếu có, chỉ có một mình Lạc Vương. Như vậy không có cơ chế của ‘Triều Đình’ của chính quyền. Rất có thể, Lạc Vương chỉ là một thứ Thổ Lang lớn hơn những thổ lang khác ở cấp trung bình.  Lạc Vương do đó chỉ có thể là một đại tù trưởng, làm xếp một số các ‘quận huyện’ (bộ lạc) liên minh kết hợp với nhau để chống ngoại xâm, hay chỉ gần gũi nhau vì lí do kinh tế hay ‘đất lành chim đậu’. Luôn luôn: có nhiều Lạc Vương.  Tất cả các chức của xã hội Lạc này vẫn có thể không phải đúng là tên những chức vụ do chính người bản địa đã gọi theo tiếng của họ, đúng vào thời đó. Tức những chức gọi Lạc Vương, Lạc hầu, Lạc tướng, có thể do chính tác giả quyển sách đặt ra, phỏng đoán một xã hội Lạc xưa cũ, dựa trên nhận xét về xã hội mà tác giả đã sinh sống và làm việc trong đó, ở nhiều thế kỷ sau.  Để ý: Chữ Lạc ở đây được viết với bộ Chuy 雒 giống chữ Hùng trong Hùng Vương: 雄 và khác với Lạc của Lạc Long Quân viết với bộ Trãi 貉, thường dùng chỉ chủng Lạc Việt (Việt Nam). Lạc bộ Chuy dùng để chỉ dân Lạc chủng Môn (giống chủng Miến Điện ngày nay): 雒 [10]. Chúng tôi mạo muội đề ra hai giải thích cho việc lộn xộn này: (a) Tác giả của ‘Giao Châu Ngoại Vực Ký’ (thế kỷ 4) cũng như tác giả 'Thủy Kinh Chú', tức thứ sử Lệ (hay Lịch) Đạo Nguyên (thế kỉ 6), có lẽ xác nhận hoặc người Lạc ở khu vực tác giả đặt chân đến, hoặc đa số người Lạc ở xứ Lạc vào thời xưa trước khi người Hán đặt chân tới, thuộc chủng Môn-Khờme; hoặc (b) Hiểu biết của họ về xã hội Lạc đó rất mù mờ, không xác nhận được chủng nào ở vùng nào, và chưa thể nói đến 'vương quốc' nào ở đó hết. Bây giờ xin thử xem qua mô hình (Hình 1) về ‘nước’ ở miền Hoa Nam, mà rất có thể tiêu biểu cho các ‘nước’ có dân thuộc khối Bách Việt, kể cả Văn Lang. Mô hình này, theo thiển ý, chính là ý niệm về ‘nước’ mà lực lượng đô hộ dũng mãnh ở Hoa Bắc đã dùng để gọi những ‘xứ’ họ đã chiếm và thôn tính được ở miền Hoa Nam.

74


Theo mô hình này, có một số bộ lạc sống gần gũi với nhau. Các bộ lạc đó, biểu hiệu bằng những vòng nhỏ trong hình, rất thường có cùng một thứ chủng tộc và nói cùng một thứ tiếng, nhưng không nhất thiết phải vậy. Khi sự tồn vong họ bị đe doạ hay khi có xâm lăng từ một chủng khác, biểu hiệu bằng những mũi tên đậm, vài bộ lạc gần nhau sẽ tạo thành một khối liên minh với nhau. Phe tấn công, theo với hiểu biết của họ thu thập ở miền Hoa Bắc sẽ đương nhiên xem những bộ lạc liên minh với nhau như vậy, chống trả sức tiến công của họ, trực thuộc chỉ huy của một chính quyền trung ương. Họ cũng xem các bộ lạc liên minh để đối kháng với họ chỉ là đoàn tiền quân của một ‘nước’. Trong dạng số 3 của Hình, rất có thể các bộ lạc này không có sức chống trả nào ‘có chất lượng’ hết. Khi đoàn quân xâm lăng tiến sâu vào trong họ gặp hai ba bộ lạc lớn với số dân cư đông đúc. Họ có thể cho rằng đó là khu vực ‘kinh đô’ của ‘nước’ mới bị xâm chiếm. Tù trưởng lớn tuổi nhất hoặc của một bộ lạc lớn nhất, có thể bắt chước tự xưng, hay được quân xâm lược gọi là ‘Vua’. Xin nhấn mạnh nhận xét đã ghi trong bài trước: Gọi xứ vừa bị thôn tính bằng ‘nước’ hay bằng ‘bộ lạc’ hay liên minh bộ lạc, kiểu gì cũng đều rất thuận lợi cho người Hoa xâm lăng từ Bắc Phương. Nếu gọi đó bằng 'nước', họ thiết lập được danh sách các 'nước' đã bị thôn tính, và thảo ra được một kế hoạch nào đó cho cuộc xâm lăng tiếp theo đến những vùng khác. Rất tiện cho việc 'quản lý' chiến tranh từ trung ương. Họ bất chấp định nghĩa chính xác của 'nước' theo thời Xuân Thu Chiến Quốc, hay theo thời nhà Hán sau đó. Bởi chính trị chưa thành một 'khoa học', và việc phân loại không có quan trọng. Tuy nhiên luôn luôn họ ghi nhận vào sử sách của họ: Nước đó mang tên bằng tiếng Tàu, và đã được chia thành bộ (như 15 bộ của Văn Lang) hay quận huyện từ mấy ngàn năm trước đó. Như có ý cho mọi người biết họ đã cắm cờ nhận chủ quyền trên vùng đất đó ngay từ thời huyền sử xa xưa. Nếu gọi xứ đó bằng 'Thị' hay 'Bộ Tộc' họ thiết lập ngay được danh chính ngôn thuận, y như các chủ thuyết thực dân thuộc địa từ Âu Châu hàng ngàn năm sau. Xứ đó là đất trống không có người văn minh cư ngụ. Trời có lẽ đã giao cho họ nhiệm vụ khai phá và mang ánh sáng văn minh đến xứ đó. Xứ đó sẽ vĩnh viễn là xứ của họ. Mô hình của nước Văn Lang, nếu có, như vậy bao hàm: hoặc một số bộ lạc đông đúc dân cư ở gần nhau, hay một liên minh các bộ lạc gần gũi nhau để chống trả ngoại xâm. Hoặc các bộ lạc sống đông đúc gần gũi nhau do ở lí do thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Sự thật cho đến đời Triệu Đà rồi tướng Lộ Bác Đức của nhà Hán, theo sử sách chính thống hoặc trên văn bản (xem [11]) không có một cuộc chiến tranh nào đã xảy ra giữa tiền nhân cư trú tại lưu vực sông Hồng, sông Mã đối với bất cứ thế lực nào từ Bắc phương [16]. Tức mô hình nước Văn Lang có thể được qui về một số bộ lạc đông đúc cư dân ở gần nhau, tại lưu vực sông Hồng, hay sông Mã. Cũng có thể đó là một cái ‘mạng’ bao gồm nhiều trung tâm cư dân sống quây quần với nhau, mà ngày trước các sử gia phương Tây ưa bị lạc lối do ở lối mô tả ‘nước’ thiếu thận trọng và chính xác của thư tịch cổ Trung Hoa [22]. Sau đây chúng ta thử tìm xem các dấu vết có thể minh giải cho mô hình kể trên: 1. Trước hết, theo các sử gia Hà nội hiện nay (xem [2]), nước Văn Lang có thể được phân loại như một 'tù trưởng quốc' (chiefdom) tức nằm đâu đó giữa hình thái bộ lạc và nước như kiểu các nước chư hầu ở thời Đông Châu liệt quốc. Chử văn Tần [2] [17] viết: 'Khái niệm nhà nước sơ khai cũng khá mơ hồ và thật co giãn. Nó có thể dừng lại ở các tổ chức xã hội dạng các tổ chức mường ở người Mường, Tày, Thái, ở đó chúa mường cai quản theo dòng họ, hoặc có thể gộp vào dạng các vương quốc cổ đại thực 75


sự kiểu Âu Lạc.' Lý giải kiểu này, theo thiển ý, thật sự vẫn chưa xác định nhà nước Văn Lang là một nhà nước loại Bộ Lạc, hay loại Vương Quốc - bởi ở thiếu thốn những mô tả về thứ 'vương quốc cổ đại thực sự kiểu Âu Lạc', đặc biệt về những cơ viện của nó. 2. Việc vùng đất Bắc Bộ có cư dân cơ bản thuộc nhiều chi chủng khác nhau đã được ghi rõ, và nhiều lần, trong [2]. Theo luận cứ phía trên, rất khó tiến đến hình thái một nhà nước trung ương khi chưa có một chủng đặc biệt nào hoàn toàn 'trên cơ' các chủng kia, hay trội hẳn về khả năng quân sự, văn hoá hay tổ chức cơ cấu nhà nước hơn chủng khác. Quyển 'Văn hoá Đông Sơn - Văn minh Việt cổ' [2] viết: 'Như đã biết, cư dân cơ bản của văn hoá Đông Sơn là nhóm tộc nói tiếng Nam Á cổ, một thứ tiếng có cái nền Môn Khơme với cơ chế vận hành ngôn ngữ Tày Thái, vào khoảng những thế kỷ IV-III tr. CN, được hoà thêm vào mình yếu tố Inđônêđiêng mới (cùng với những yếu tố Inđônêđiêng cổ hơn đã có ở đây) chảy từ duyên hải Hoa Nam tới, sau khi các vương quốc Ngô, Việt bị giải thể.'

Hình 1: Mô hình của các ‘nước’ ở miền Hoa Nam theo quan điểm thời xưa. 3. Rất nhiều sách vở ([10] [2]) cho biết hai điểm khá lạ: (i) Nếu kinh đô các vua nước Văn Lang hay Âu Lạc đặt tại lưu vực sông Hồng, tại sao văn minh sáng rực lại tụ tập ở Đông Sơn tại lưu vực sông Mã. Nếu để ý thuở cổ thời kinh đô luôn luôn là tụ điểm tất cả các sinh hoạt chính của quốc gia. Kinh đô thông thường thành lập sau khi một số lớn sinh hoạt của cư dân được hội tụ ở một vùng đất nào đó. Chưa có hiện tượng thành phố lớn về kinh tế hay kỹ nghệ nằm xa thủ đô, đặc biệt như sau thời cách mạng công nghệ ở thế kỷ 18. (ii) Chi nhánh văn minh tại khu sông Mã có vẻ khác với văn minh ở khu Hoà Bình - Phú Thọ, hay lưu vực sông Hồng nói chung. Chử Văn Tần [2] có viết về chuyện này như sau: 'Với các đặc điểm điạ phương của văn hoá Đông Sơn 76


thể hiện trong 3 loại hình cơ bản: Đường Cồ (sông Hồng), Đông Sơn (sông Mã) và Làng Vạc (sông Cả) liệu có thể nghĩ đến một tổ chức liên bộ (lạc) trước khi hình thành cộng đồng quốc gia thống nhất không? Hiện chưa có nhiều chứng cứ để đoán xét, song có thể cho rằng ở mỗi lưu vực sông đó, đã từng sống chắc không phải chỉ có một bộ lạc.' Điểm này cũng đã được Trần Quốc Vượng [24] phát biểu ít nhiều đồng thuận, mặc dù cũng giữ vững quan điểm có vua Hùng ở dạng một thủ lãnh cấp trên, như vai trò một thứ 'pò khun', của những vị lãnh đạo các 'mwang' địa phương. Chế độ của vua Hùng, theo [24], dựa trên một nền móng chính trị rất thô thiển, phong tục bản địa và thiếu thốn chữ viết. Theo thiển ý, một chế độ như vậy không thể nào quản lý được một vùng đất rộng hơn một hai tỉnh ngày nay. 4. Quyển Mã Lai [10] có ghi nhận từ sử sách cổ của Tàu, cũng như bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên [3]: 'Dân Giao Chỉ đã giỏi làm ruộng, có dư thóc để bán cho Hợp Phố và Cửu Chân, dân Hợp Phố chỉ mò trai chứ không trồng trọt, còn dân Cửu Chân thì cứ săn hái, câu kéo'. Ở một đoạn khác, xin nhắc lại Cửu Chân là vùng đất phiá nam sông Mã, tác giả viết: 'Hiểu như vậy rồi ta thấy có một sự chênh lệch lớn lao, về văn hoá giữa Giao Chỉ và Cửu Chân. Mà không thế nào mà vua Hùng Vương lại để hai vùng của một nước chênh lệch nhau đến như thế, nếu dân Cửu Chân không phải là dân khác và đất không phải là đất của dân khác [25].' Đọc lại [3] chúng ta thấy vào khoảng những năm 30 SCN, thái thú Giao Chỉ là Tích Quang, và thái thú Cửu Chân (phía nam sông Mã) là Nhâm Diên: 'Tích Quang là người quận Hán Trung, khi ở Giao Chỉ lấy nghĩa dạy dân. Sau nhà Hán lại lấy Nhâm Diên làm thái thú Cửu Chân. Diên là người Uyển Huyện. Tục người Cửu Chân chỉ làm nghề đánh cá đi săn, không biết cày cấy. Diên mới dạy dân khai khẩn ruộng đất, hàng năm cày trồng, trăm họ no đủ' [3]. Ngoại suy trở về trước vài trăm năm, chúng ta thấy rõ xã hội Văn Lang của Hùng Vương, tập trung ở Giao Chỉ, và xã hội Cửu Chân, rất có khả năng, là hai thứ xã hội khác nhau, có văn hoá và sinh hoạt kinh tế khác với nhau. Cửu Chân chỉ tiến đến 'tiệm cận' với dạng Giao Chỉ và hội nhập thành một khối dân tộc và lãnh thổ với nhau, đặc biệt sau nhiệm kỳ 4 năm của Nhâm Diên, nếu có thể dựa vào dẫn chứng trong quyển 'Lịch Sử Việt Nam' [23], về tình hình canh nông sau thời Hai bà Trưng (năm 43 SCN): 'Chính sử Trung quốc cho biết: lúa ở Cửu Chân rất tốt, 150 gốc mà được những 768 bông. Còn ở quận Giao Chỉ thì người ta có thừa thóc để bán sang Hợp Phố.' 5. Quan trọng nhất, nhận xét sau đây đã được ghi rõ trong sử sách: đó là xứ Tây Yu (Vu). Theo Madrolle, dẫn trong [10], xứ Tây Yu (西 于 - xi yu) bao gồm địa bàn các tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bắc Ninh, Sơn Tây và Phú Thọ. Ở khu vực giao lưu giữa sông Đáy và sông Hồng. Một khu vực rất đông dân: 32 ngàn hộ, và có thể đến 160000 khẩu [10]. Có thể chăng xứ Tây Yu chính là hậu thân (được phát triển và nới rộng) của nước Văn Lang cũ, nếu có, ở thời xa xưa. Câu chuyện 'nước' Tây Vu được ghi vào cổ sử Tàu (Hán Thư) [10], như sau: Tây Yu là một 'nước' thuộc Nam Việt của Triệu Đà. Tây Vu Vương là một phiên thần của vua Triệu ở Phiên Ngung (thành phố Quảng Châu ngày nay). Khi nhà Triệu bị quân của Phục Ba tướng quân Lộ Bác Đức tiêu diệt, Tây Vu Vương toan tính nổi loạn, nhưng bị tùy tướng là Hoàng Đổng hạ sát. Hoàng Đổng được nhà Hán xem như công thần. Để ý, có 'Tây Vu Vương' tức phải có xứ, hay nước Tây Vu. Nước Tây Vu như vậy rất nhỏ. Nhỏ hơn Giao Chỉ và Văn Lang rất nhiều, ngay ở khoảng thời gian năm 111 TCN. Dùng phép ngoại suy một lần nữa, lùi lại thời gian trước thời Thục Phán, đến khoảng năm 400 TCN, chúng ta có thể hình dung được một nơi chốn có thể rất đông dân nằm ngay tại trung tâm 'nước' Tây Vu. Xứ ấy chắc hẳn là tiền thân 'nước' Tây Vu và nhỏ hơn Tây Vu rất nhiều, và có thể bao gồm phạm trù của một tỉnh mà thôi. Như Phú Thọ chẳng hạn. Phải chăng nước Văn 77


Lang nếu có chỉ có một địa bàn rất nhỏ hẹp, bao gồm khu vực Phú Thọ đến Mê Linh mà thôi? Và đó chính là tiền thân của xứ Tây Yu sau này. 6. Rất nhiều 'nước' chung quanh xứ Văn Lang, cho đến khoảng thế kỷ thứ 10 hãy còn bao gồm rất nhiều tiểu 'vương quốc' theo dạng Tây Yu. Ở phía đàng trong có nước Lâm Ấp hay Chăm, hoặc Bộ tộc 'Cau' và bộ tộc 'Dừa', theo [6], mãi cho đến thế kỷ 7 hãy còn bao gồm nhiều 'tiểu vương quốc' nho nhỏ quây quần bên nhau. Ở phía Tây Bắc, có 'nước' Nam Chiếu (tức tỉnh Vân Nam bây giờ) cho đến thời Cao Biền, người chủ xướng xây lại thành Đại La (thế kỷ 9), thật ra có đến 6 'tiểu vương quốc' khác nhau. Mỗi tiểu vương quốc chắc chắn bao gồm một số bộ lạc lớn bé quây quần chung quanh. Phía Tây, địa phận Lào ngày nay, xưa chứa dân Khơme mang danh nước Lục Chân Lạp, cũng chưá nhiều nước nhỏ khác nhau. Trong đó có một nước tên Đạo Minh [10], bây giờ không biết nằm ở chỗ nào. Nước Tây Âu ở khu vực Quảng Tây ngày nay cũng vậy. Hậu duệ nòng cốt của dân Tây Âu chính là người Choang, hiện dân số lên đến gần 20 triệu, bằng dân số Úc. Theo nghiên cứu của Jeff Barlow [19], dân Choang ngày nay cũng gồm chừng 10 bộ tộc khác nhau, với ngôn ngữ, phong tục, tập quán khác nhau. Mặc dù có cùng một chủng gốc với nhau. Rất nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á, từ Java đến Miến Điện đều lâm vào tình trạng tương tự cho đến khoảng thế kỷ thứ 10 [26]. 7. Quyển sách về người Mường của Cuisinier [4] cho biết một số điểm có thể giúp minh giải cho mô hình Văn Lang ở đây: (i) Người Mường khi nói về 'byua Yiệt', hay Việt tộc, họ xem như láng giềng tốt, hoặc cùng lắm là chủ nhân vùng đất chung chung ở gần đó. Tức vua Việt, nếu có, không phải là vua của họ. Và có rất nhiều vua Việt khác nhau theo từng vùng. Tổ mẫu của chủng họ chính là bà Âu Cơ (Ngu Cơ) biểu tượng bằng con nai có đốm sao. Những ông Thánh của tộc Mường cũng thường khác nhau, giữa các 'mwang' khác nhau. Mwang tức là 'mường', mang nghĩa: đơn vị xã hội người Mường. Có mwang thờ thần Tản Viên (Sơn Tinh) như Việt tộc. Có mwang thờ Thần Nông như hồi còn ở tại nước Sở. Có mwang lại gọi thần gạo thóc bằng một tên khác, chứ không phải Thần Nông. Có mwang thờ Thục Đế, tức Thục Phán, lãnh tụ đầu tiên của họ đã cai trị một số bộ lạc nào đó chung quanh Cổ Loa. (ii) Theo truyền thuyết Âu Cơ bản Mường (xem bài 1), sau khi chia tay với Lạc Long Quân, Âu Cơ dẫn 50 người con (trai và gái) về vùng rừng núi. Còn ông chồng thì dẫn 50 người con kia về vùng đồng bằng gần sông gần biển. Cả hai đám con đều tạo dựng thành hai đại gia đình của những vua chúa của các bộ tộc hay bộ lạc. Đám theo ông Lạc trở thành đám hoàng gia mặc áo màu vàng. Đám theo bà Âu, hoàng gia mặc áo đen. Trong nhiều truyện tích người Mường, ta vẫn thấy họ theo sát với truyền thống đó, gọi bua Việt bằng vua Yịt Yàng. Giải thích của chúng tôi ở đây: 'Yịt' chính là lối gọi Việt (Yiệt) của người Mường. Nguyên thủy mang nghĩa cái rìu. 'Yàng' chính là từ của tiếng Mường cổ, có âm giống bộ tộc Kha Lá Vàng: /Yềng/, mang nghĩa 'màu vàng' [21]. Yịt Yàng có nghĩa vua Việt thuộc khối 'hoàng gia' mặc áo màu Vàng. Điều này có nghĩa những nhân chứng khách quan đã để lại nhận xét: Văn Lang thật ra chỉ bao gồm một số bộ tộc hay bộ lạc có tổ chức không khác với tổ chức xã hội Mường bao nhiêu. Tức gồm một số bộ lạc cư ngụ tại vùng đồng bằng, có thể có hoặc không có liên hệ huyết thống với nhau. (iii) Ngoài tên gọi 'bua Yịt Yàng', cũng có một vài mwan gọi 'vua' Yiệt bằng Hùng Wang. Cho thấy có rất nhiều cách gọi vua Việt - tùy theo vùng, tùy theo mwan. Nhưng cũng không thấy tên Văn Lang ở đâu, trong tất cả các truyện cổ tích của Mường. Riêng 'Hùng Wang', theo lối giải mã loạt bài này, là một tên gọi người Mường đã bắt chước gọi các vua Sở khi họ còn là 'công dân' nước Sở ở thời xa xưa. 8. Người Việt ngày nay hãy còn nhớ câu ngạn ngữ xa xưa: 'Phép vua thua lệ làng'. Ngạn ngữ này cũng có thể dùng để minh giải cho thuyết về mô hình Văn Lang trình bày ở đây: Phải chăng Việt tộc cho đến thời Ngô Quyền (thế kỷ 10 sau CN) mới thực sự tiến 78


đến hình thái nhà nước độc lập, mặc dù chỉ trong vòng 7 năm ngắn ngủi. Dù vậy, chúng ta cũng không thấy dấu vết gì về cơ viện xã hội nước nhà mà Ngô Quyền đã tạo dựng được, ngoại trừ mô tả về việc Ngô Quyền 'sắp định bá quan, chế triều nghi, định màu sắc triều phục tỏ rõ được tinh thần độc lập, quyền tự quyết của dân ta' [7]. Nói một cách nôm na hơn: 'Phép vua thua lệ làng', phải chăng đã nói lên một sự thật: Lối sống theo tổ chức 'làng xã' hay bộ lạc độc lập nhưng rời rạc, không lệ thuộc vào sự chỉ đạo của trung ương đã kéo dài quá lâu, từ khoảng năm 2000 TCN cho đến năm 1000 SCN. Lâu đến nỗi nó đã đi vào xương tủy của người Việt. Lâu đến nỗi đến khi quốc gia được hình thành trong nền độc lập thực sự ở nhiều thế kỷ sau, người Việt vẫn còn giữ vững những thói quen lề cũ. Nguyên Thủ Hùng Vương

Niên đại ~2800-258 TCN ~258-208 TCN 207-140 TCN

Triệu Văn Vương, Triệu Minh Vương,… Nhà Hán & các thế lực đô hộ phía Bắc Hai bà Trưng

139-111 TCN

Cội nguồn quyền bính (a) Con rồng + tiên [3]; (b) Phép ảo thuật [7]; (c) Tù trưởng theo thế tập [cổ tích bản Mường] (a) Đã là lãnh tụ khối dân Âu; (b) ‘Hoàng thân’ nước Thục, dân Âu (Thái cổ) hậu thuẫn. (a) Kế nhiệm Nhâm Ngao, quan nhà Tần; (b) Thôn tính Quế Lâm & Tượng quận; (c) Âu Lạc & Mân Việt khuất phục [7] => Cội nguồn quyền lực = 'làm quan' nhà Tần Con cháu Nam Việt Vương, nguồn quyền bính trao truyền theo kiểu thế tập.

110 TCN939

Phe chiến thắng của chiến tranh xâm lược. Quan đô hộ = đại diện của 'Thiên Tử', con Trời.

40-42 SCN

Lý Bí (Lý Bôn)

544-548

Triệu Quang Phục

548-571

Lý Phật Tử

571-602

Khúc Thừa Dụ Khúc Hạo Khúc Thừa Mỹ

906-907 907-917 917-923

Dương Đình Nghệ Ngô Quyền

930-937

Đinh Bộ Lĩnh

968-980

Con của Lạc Tướng tại khu vực chủng Âu (Thái cổ): Mê Linh. ‘Lạc tướng’ là dạng Hán hoá của Thổ lang hay Quan lang trong xã hội Mường. Nguồn quyền lực: Lạc Tướng. Cội nguồn: Giành độc lập. Đặt quốc hiệu Vạn Xuân. Ban đầu tự xưng Nam Việt Đế, với ý dựa vào nguồn quyền lực của Triệu Đà. Nguồn: Do Lý Bí trước khi chết trao quyền. Chiếm khu đầm Dạ Trạch, xưng Dạ Trạch Vương. Có lẽ người đầu tiên 'lăng xê' thần linh Chử Đồng Tử và truyện tích Dạ Trạch.. Nguồn: Đảo chánh Triệu Quang Phục với danh nghĩa con cháu, họ hàng của Lý Bí. Cũng dựa nguồn Phật giáo lúc đó bắt đầu thịnh hành. Cội nguồn: Chức vụ Tiết Độ Sứ của nhà Đường Cội nguồn: thừa kế di sản quyền bính của Cha. Khúc Thừa Mỹ: thừa kế. Khúc Hạo người đầu tiên thiết lập cơ viện nhà nước cho nước Nam. Gốc quyền bính: Tướng cũ của 'chính quyền' họ Khúc. Đánh bại quan đô hộ Lí Tiến. Tiếp tục xưng Tiết Độ Sứ Con rể Dương Diên Nghệ. Đánh bại Kiều Công Tiễn, người ám sát Dương Đình Nghệ. Thiết lập triều đại độc lập đầu tiên và khá lâu da`i. Nguồn quyền lực: những dấu hiệu siêu nhiên khi ra đời và ở tuổi niên thiếu. Con ruột thứ sử Đinh Công Tráng. Con nuôi sứ quân Trần Minh Công, chiếm giữ Kỳ Bố (tỉnh Thái Bình). Có công dẹp 12 sứ quân. Quốc hiệu: Đại Cồ Việt.

Thục Phán Triệu Đà

939-965

9. Một điểm nữa cũng rất quan trọng trong các lý thuyết về chính quyền và chính trị cũng không thấy được thể hiện trong truyền thuyết về nhà nước Hùng Vương. Đó là chính quyền, từ xưa đến nay, thường tồn tại do ở dân chúng đã tạo được thói quen 79


nhìn vào một nhóm người nào đó như giới lãnh đạo, giới cầm quyền. Hoàn toàn không có dấu ấn gì về 'thói quen' này trong sử Việt. Bằng chứng: (i) Khi Lý Bí, tức Lý Bôn, phất cờ khởi nghĩa và lần đầu tiên giành được độc lập cho nước nhà vào giữa thế kỷ thứ 6, ông đóng đô ở cửa sông Tô Lịch (Hànội ngày nay) [23], và đặt quốc hiệu là Vạn Xuân. Vạn Xuân, chứ không phải Xích Quỷ hay Văn Lang, rất có thể chính là quốc hiệu thật đầu tiên của nước Nam. Lý Nam Đế đã không nghĩ đến việc dùng đến một thứ tên thiêng liêng là Văn Lang. Bởi có thể Lý Nam Đế và dân Việt ở các vùng đất của ông không hề biết đến nước nào mang tên Văn Lang hết. Như vậy, hoặc không có nước Văn Lang, hoặc nếu có, đó chỉ là tập hợp một số bộ lạc đông dân, chưa đạt đến dạng đầu não trung ương trong tổ chức quốc gia của một vùng đất lớn [18]. (ii) Khi Thục Phán dẫn dân xứ Tây Âu đến định cư, hay tị nạn chiến tranh gây nên bởi quân Tần, hoặc thôn tính xứ Văn Lang, ở vùng lưu vực sông Hồng, chính sử không có ghi gì về 'quân đội' chống trả của vua Hùng. Sử Việt chỉ chép lại một số truyện cổ tích Mường về vụ Thục Phán hỏi con vua Hùng làm vợ, nhưng không được. Tức giận Thục Phán mới đem 3 vạn quân dân Âu sang chiếm xứ Lạc và tạo nên 'nước' Âu Lạc. Và con số 3 vạn quân này do người Hoa viết lại vào khoảng trên 600 năm sau ('Giao Châu Ngoại Vực Ký'). Hoàn toàn không có vụ phục quốc nào hết do 'quần thần', hay con cháu, của vua Hùng khuấy động để khôi phục lại 'nước Văn Lang'. Cả nước Việt tự cổ chí kim, từ thế kỷ -28 (TCN) cho đến thế kỉ +21 (SCN), cũng không thấy một người Việt nào mang họ Lạc, hay họ Sùng theo tên Sùng Lãm Lạc Long Quân, con cháu của vua Hùng, mà sử sách ưa nhận rằng đã theo Phụ hệ, tức giữ họ Cha: họ Lạc của Lạc Long Quân. Rất ngộ, không có một người Việt thuần túy nào mang họ Lạc, hay họ Sùng hết, dù rằng dòng vua đó kéo dài đến hằng ngàn năm, và truyền 18 đời. (iii) Thục Phán cũng đã tạo được chính danh trên dưới nửa thế kỷ. Thế mà khi Triệu Đà hô 'a lê hấp' sát nhập Âu Lạc vào Nam Việt, là sát nhập liền, rất êm thắm. Không một chút binh lửa. Ngọai trừ một chuyện cổ tích về Trọng Thủy-Mị Châu, mang nhiều nét rặt cổ tích Mường. Cũng không có chống đối, binh lửa chiến chinh, hay kháng chiến phục quốc gì hết. Tức có thể nói đất đó của các chủng đó, ở thời đó (và đến nhiều thế kỷ sau, theo mô hình ở đây), vẫn chưa tiến đến hình thái nước nhà và nhà nước. Và cũng có thể nói chủng chủ lực ở khu lưu vực sông Hồng chắc phải cùng một thứ chủng với khối dân chủ lực ở miền Quảng Châu (Hợp Phố, Nam Việt, Long Xuyên và Phiên Ngung), tức chủng Thái-cổ. Hai vùng đất phải có một thứ chủng đa số nên mỗi khi thay đổi 'ê-kíp' hay nhóm người cai trị, đều diễn ra rất êm đẹp. Rất ăn khớp với truyền thuyết giải mã ở đây: Hai chủng Thái-cổ và Việt-cổ di cư sang đồng bằng ở Bắc Bộ từ miền Hoa Nam nước Tàu. Vào những thế kỷ đầu, chủng Thái cổ nắm thế chủ lực. (iv) Nếu chúng ta để ý quyền lực nhà nước thường đi đôi với 'thói quen' trong đầu óc của quần chúng, ta sẽ thấy một chính quyền càng ở lâu chừng nào, và lãnh thổ một nước lớn chừng nào, thì khi thực thể đó biến mất đi, người dân sẽ tìm cách khôi phục nó. Mặc dù thường thường bánh xe lịch sử vẫn tiếp tục chuyển bánh không ngừng. Thí dụ: Ở pên Tàu, khi nhà Tần hay nhà Hán có mòi yếu thế, rất nhiều cuộc nổi loạn đã xảy ra tại các đất nước thuộc chư hầu xưa cũ ở thời Đông Chu Liệt quốc. Họ cũng xưng là hậu duệ vua Sở, hoặc con cháu các quan lớn trong triều Hán. Nhất là vào thời Tam Quốc với ba nước Thục, Ngụy và Ngô. Tên ba nước này có địa bàn rất gần hay trùng hợp với lãnh địa những nước xưa cũ tại đó vài trăm năm trước. Ở Trung Hoa, chuyện phục quốc vẫn xảy ra dài dài có khi suốt hằng trăm năm sau khi nước cũ bị mất. Thí dụ: Phản Thanh phục Minh, mặc dù lúc cầm quyền nhà Minh cũng rất độc tài, tàn ác. Như vậy, nếu Hùng Vương có thật và truyền đến 18 đời, trải qua trên 2000 năm, dấu ấn của các bua Hùng phải ăn đến tận xương tủy của dân Lạc thời đó. Thế mà, hai bà Trưng, rồi bà Triệu qua đến Lý Bí, Phùng Hưng, cho đến Ngô Quyền và Đinh Bộ Lĩnh, v.v. không một vị nào cần đến, hoặc mượn danh nghĩa vua Hùng để đánh đuổi ngoại xâm, hay nhất thống nước nhà. 80


(v) Đặc biệt có thể tra cứu bằng bất cứ quyển sách sử nào về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (năm 40 SCN). Để ý cái chính danh rất cần thiết: phục hưng lại nước Văn Lang hay Âu Lạc, hay tìm con cháu hay chắt của các vua Hùng để phục hồi 'triều đại' Hồng Bàng, đã hoàn toàn vắng bóng, từ đầu đến cuối của khởi nghĩa chống quân Đông Hán. Chúng ta chỉ biết hai bà là con của Lạc tướng xứ Mê Linh thuộc Châu Phong, một vùng rừng núi vào thời đó có rất nhiều người thuộc chủng Thái-cổ cư ngụ, mà ngày nay thường gọi người Mường. Thi Sách, chồng bà Trưng Trắc, cũng là con một Lạc Tướng. Nếu vua Hùng có thật và nước Văn Lang có kinh đô đặt tại Châu Phong trên dưới 2000 năm, người ta sẽ rất ngạc nhiên khi thấy chính danh khôi phục lại triều đại Hồng Bàng đầu tiên không hề được dùng đến. Ngô Sĩ Liên [3] có chép: 'Vua (Trưng Trắc) khổ về thái thú Tô Định bó buộc vào pháp luật, lại thù vì Định giết chồng mình, mới cùng với em gái là Nhị nổi binh đánh lấy trị sở của châu. Định chạy về Nam Hải'. Cũng có thể để ý một vài điểm khác: (a) Hệ thống luật pháp của nhà Hán qua thái thú rất khắt khe so với lề lối của xã hội bộ lạc, tức trước thời Hán thuộc xứ Văn Lang hay Âu Lạc chưa có tổ chức quốc gia; (b) Cái chức Lạc Tướng (và Lạc Hầu, Lạc Vương) chỉ thật sự xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 4 SCN (quyển 'Giao Châu Ngoại Vực Ký'). Vào thời bà Trưng (năm 40-42 SCN), chắc chắn Lạc Tướng được gọi bằng một thứ tên nôm na hơn chưa được Hán hoá. Rất có thể đó là Thổ lang hay Quan lang [4], tù trưởng bộ lạc thời đó. (vi) Cũng ở thời gian ngắn ngủi (2 năm) sau khi hai bà Trưng đánh đuổi được Tô Định trở về Tàu, và trước khi Mã Yuện (Viện) tiến quân sang, có tài liệu [23] cho biết 'Đối với nhân dân chính quyềnTrưng Vương xá thuế 2 năm liền'. Tức xá thuế suốt thời gian vua Trưng Trắc trị vì. Giới khảo cứu có quyền thắc mắc về vấn đề thuế má, bằng cách viết lại câu ghi chép trên, nhưng hoàn toàn vẫn giữ tất cả các ý chính: 'Đối với nhân dân, chính quyền Trưng Vương không có thu thuế trong suốt thời gian trị vì'. Tức chính quyền Trưng Vương hoàn toàn không có thu thuế má. Có nghĩa chính quyền đó vẫn còn là một hình thái tổ chức nhà nước không cao hơn cấp bộ lạc bao nhiêu. Bởi ai cũng có thể mường tượng thuế má chính là nhiên liệu cho tổ chức quốc gia. Nhất là đối với một quốc gia mới đánh đuổi được giặc ngoại xâm và phải đề phòng địch mang quân tấn công trở lại. Cần nhiều chi tiêu về huấn luyện binh sĩ, và củng cố nền quốc phòng. 10. Ý niệm 'thói quen' quần chúng xem một nhóm người, một ê-kíp như những người thuộc thành phần lãnh đạo 'muôn thuở', dù tốt hay xấu, hay hoặc dở, luôn luôn đi đôi với cái ý niệm về 'di sản quyền bính' hay 'cội nguồn quyền lực'. Nói một cách nôm na, 'di sản quyền bính' thường được hiểu như một cái gì liên hệ đến 'truyền thống' trong xã hội loài người. Nó luôn luôn có ở trên mọi địa hạt, và là một ý niệm lúc nào cũng được chính trị gia xử dụng. Từ Đông sang Tây, xưa và nay. Nó nói lên nguồn gốc của quyền bính, quyền lực. Quyền hành ở đâu mà ra? Bởi thật sự nếu quyền bính không có nguồn gốc (hay không có 'thói quen' như đề cập ở trên), xã hội rất khó tiến tới trật tự của một hình thái quốc gia. Thí dụ: Ngày nay, ở những nước thuộc khối Muslim, người lãnh đạo nước phải được sự chuẩn nhận của những vị lãnh đạo tôn giáo. Nguồn gốc của quyền bính của các vị này lại có thể truy về thánh kinh Coran, hay lời giảng huấn của thánh Mohammed. Ở bên Tàu, xưa có thuyết thiên mệnh. Vua là thiên tử, con riêng của Trời. Nhiều vị vua khi lập nên triều đại hay khi soán ngôi người khác chỉ cần có diện mạo hoặc tướng tá hơi khác phàm một chút là xong. Ở các xứ tân tiến Tây phương, cội nguồn của quyền bính nằm trong hiến pháp. Dù vậy người dân luôn luôn được nhắc nhở đến cội nguồn qua các ý niệm hết sức bình dân. Thí dụ, khi một tổng thống mới nhậm chức tại Hoa Kỳ, báo chí ưa nói ông ta là tổng thống thứ mấy, như tổng thống Bush hiện là tổng thống thứ 43, với hàm ý nguồn quyền bính hành pháp đã truyền đến 43 đời với tổng thống George Washington là người đầu tiên đã kiến tạo nên quyền đó từ chiến tranh giành độc lập, tạo dựng nên Liên Bang Mỹ. Thí dụ khác: Đối với nhiều tổng thống Mỹ, nếu còn trẻ và đẹp trai, giới truyền thông ưa so 81


sánh với tổng thống John Kennedy, được mến chuộng nhất trong vài thập niên vừa qua. Lúc Bill Clinton nhậm chức tổng thống báo chí ưa đem tấm hình Kennedy bắt tay cậu bé Bill Clinton, rồi chua thêm đâu đó Kennedy đã trao ngọn lửa thiêng lại cho Clinton. Cội nguồn quyền bính mới xem ra rất tầm thường, nhưng không có không được. Nó là xương sống của một chính thể, của nhà nước. Để có thể quan sát lại vấn đề cội nguồn hay di sản quyền lực, xin xem bảng tóm tắt các 'chính quyền' từ thời Hùng Vương (xin tạm chấp nhận) cho đến thời Đinh Bộ Lĩnh. Ta có thể thấy rất rõ những điểm nổi bật sau đây: (i) Hùng Vương lên ngôi vua dựa vào một trong ba nguồn quyền lực như sau: Thứ nhất, ông thuộc dòng vua chúa từ bên nước Sở ở thời Xuân Thu Chiến Quốc ở pên Tàu, và theo tính cách siêu nhiên, ông là con rồng cháu tiên, mang hai giòng máu Thái-cổ và Việt-cổ. Hoàn toàn không có DNA kiểu Tàu. Thứ hai, theo Đại Việt Sử Lược ông dùng bùa phép ảo thuật như nhiều vị tù trưởng ở thời đó, thuyết phục dân chúng để mình lãnh đạo. Thứ ba, theo truyện cổ tích Âu Cơ bản của người Mường [4], không phải chỉ có một vua, mà rất nhiều vua anh em với nhau trong một đại gia đình của các tù trưởng. 'Vua' theo bản Mường chỉ là một tên gọi thay cho tù trưởng. (ii) Dù với nguồn quyền lực nào đi nữa, chúng ta có thể thấy rất rõ cho dù có thật một nguyên thủ gọi Hùng Vương, 'triều đại' của các vua Hùng rất khó truyền đến 18 đời qua hằng ngàn năm. Lý do: Cội nguồn quyền lực rất tầm thường không thể thuyết phục được dân chúng mãi mãi tôn thờ một gia đình 'vua chúa' đến lâu như vậy. Tầm thường ở chỗ cả Lạc Long Quân và Âu Cơ, hoặc Hùng Vương, theo truyền thuyết [3], không người nào biết bay hay trường sinh bất tử cả. Cụ Lạc phải 'dẫn' 50 người con xuôi về miền đồng bằng, và bà Âu lại 'dẫn' 50 người con kia, cuốc bộ hay cưỡi voi lên núi. Cũng tầm thường ở chỗ, nếu theo nguồn 2 ghi trong [7], Hùng Vương thứ 1 đã dùng ảo thuật để cho dân chúng theo. Nhưng không lẽ phép ảo thuật đó có thể truyền lại trong một dòng họ đến 18 đời và qua hơn 2000 năm? Có lẽ chỉ nguồn thứ 3 theo cổ tích Mường có lí hơn cả. (iii) Cội nguồn quyền lực, hay di sản quyền bính, hoặc nói nôm na theo kiểu mấy lý thuyết chính trị của người Tàu: 'chính danh', đều được thể hiện khá rõ rệt ở bất cứ 'chính quyền' nào theo bảng tóm tắt phía trên. Tuy vậy, ngay đối với những vị có công với đất nước như Dương Đình (hay Diên) Nghệ, Đinh Bộ Lĩnh, việc ám thích soán đoạt ngôi vua vẫn xảy ra như thường. Việc ám thích soán ngôi soành soạch cho thấy muốn một chế độ truyền lại qua nhiều đời, cội nguồn quyền lực phải thật sự hết sức siêu nhiên. Hoặc tất cả những vị vua ở cùng triều đại nào đó, vị nào cũng phải thật 'anh minh', dũng mãnh, giải quyết thật hay thật công bằng mọi vấn đề khó khăn của xã hội. Nhất là ở xã hội đơn sơ chưa có chữ viết hay những nhà tư tưởng siêu đẳng nghĩ ra được những chủ thuyết chính trị hỗ trợ cho quyền bính. Về phương diện này, một lần nữa có thể thấy kết quả ưu việt của chữ nghĩa và tư tưởng, nếu nghĩ đến mô hình các nước phân tranh ở miền Hoa Bắc thời Xuân Thu Chiến Quốc. Từ đó, có thể suy diễn việc Hùng Vương truyền ngôi đến 18 đời, trải qua hằng ngàn năm, rất có khả năng, chỉ là một chuyện mơ tiên. (iv) Qua bảng tóm tắt phía trên, chúng ta cũng thấy mặc dù đã có nguồn huyết thống từ Lý Bí, Lý Phật Tử [27] lần đầu tiên đã xử dụng đến tôn giáo (đạo Phật) như một cội nguồn của quyền lực. Sau này Lý Công Uẩn đã tiếp tục truyền thống đó trong lúc lật đổ Lê Ngọa Triều.

82


(v) Đặc biệt và quan trọng nhất, ta để ý trong suốt chiều dài lịch sử nước Việt, từ ngàn xưa cho đến khoảng cuối thế kỷ 20, không có một nhà cầm quyền nào đã xử dụng đến triều đại Hồng Bàng tức các vua Hùng như cội nguồn hoặc di sản quyền lực. Tức, có lẽ Hùng Vương, nếu có, chỉ là tù trưởng của một bộ lạc đông dân ở miền bình nguyên sông Hồng, hay đại tù trưởng của một vài bộ lạc thuộc chủng Lạc hay Việt-cổ, hoặc Thái-cổ và Việt-cổ ở gần gũi nhau. Và lãnh thổ mà Hùng Vương cai trị có thể là một xứ Văn Lang nào đó, bao gồm một số khu vực rộng nhất trải dài từ Hoà Bình, qua Sơn Tây đến Phú Thọ mà thôi. ************ Qua các bài trước và phân tích phía trên chúng ta đã thấy cũng y như nước Xích Quỷ, nước Văn Lang có lẽ chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng người xưa. Một mô hình được cấp tốc dựng lên trong khung đối chiếu của văn minh Hoa Hạ với mục đích chứng tỏ người nước Nam cũng đã lập quốc từ xưa, cùng một lượt với mấy anh Ba. Bởi được dàn dựng trong tình huống khẩn trương, tiền nhân đã sơ sót rất nhiểu điểm rất hệ trọng, khiến nước Nam vẫn không vượt khỏi quỹ đạo của Trung Quốc. Bởi đó chỉ là một mô hình cóp theo mô hình có thật của các nước chư hầu ở thời Đông Chu liệt quốc ở miền Hoa Bắc. Trong mô hình 'Đông Chu' đó, tiền nhân đã dựa vào các chuyện cổ tích của người Mường (đa số thuộc chủng Thái-cổ), và đã chuẩn nhận: (a) Tên nước đầu tiên bằng tiếng Tàu; (b) Tên các quận bộ (15 bộ) cũng toàn bằng tiếng Tàu, dựa trên tên quận huyện được đặt ra hằng trăm năm sau; (c) Nước Văn Lang có biên cương rất rộng, nhỏ nhất là vùng Bắc Bộ ngày nay; (d) Hùng Vương là các vua đầu tiên của nước Nam, truyền đến 18 đời; Và: (e) Rất nhiều chuyện u linh hoang đường trong suốt thời đại các vua Hùng, kéo dài đến nhiều thế kỷ sau. Trong dịp xem lại truyền thuyết Hùng Vương, chúng ta đã phát hiện nước Văn Lang, nếu có, không thể nào rộng hơn được một hai tỉnh ngày nay tại Việt Nam. Lý do chính: Không như miền Hoa Bắc, nước Văn Lang và các bộ tộc tại Hoa Nam nói chung, hãy thiếu thốn 2 thành tố rất quan trọng để tạo dựng và quản lý tổ chức quốc gia: Con Ngựa và chữ Viết. Phía Hoa Nam, vào thời nhà Tần nhà Hán, vẫn còn dùng Con Woi [28]. Chữ viết có lẽ cũng chưa có. Hoặc nếu có, chỉ áp dụng riêng cho một chủng hay một số bộ lạc nào đó thôi. Và thật sự có rất nhiều bộ lạc thuộc nhiều chi chủng khác nhau. Nhưng không một chi chủng nào đã có thể vượt lên trên các chi chủng khác để ép buộc họ phải theo văn minh hay tiếng nói, chữ viết của chủng mình. Chúng ta cũng đã thấy, với tâm lý chung sợ chia rẽ người Việt trong nhiều năm qua đã không thèm để ý đến cuộc chia ly giữa bà Âu và ông Lạc, và từ đó lướt qua rất nhiều điểm có thể phản lại ý định trung thực của tiền nhân: (a) Lướt qua chuyện ông Lạc và bà Âu, hai người thuộc hai chủng khác nhau: rồng (Việtcổ) và tiên (Thái-cổ); (b) Lướt qua chuyện Hùng Vương, nếu có, phải là một người mang hai giòng máu. (c) Không để ý đến chuyện cổ tích này theo bản Mường. Ở đó, người Mường chỉ chú trọng đến Âu Cơ, xem như tổ mẫu dân họ. (d) Không để ý đến chuyện Hùng Vương chỉ cai trị có vùng đồng bằng. Tức cái nước Văn Lang của Hùng Vương không có bao gồm những vùng núi rừng thuộc địa bàn của bà Âu (hay chủng Âu). 83


(e) Luôn luôn mơ hồ ở những điểm xuất xứ của dân tộc. Thông thường quan niệm Hùng Vương nhảy lên cai trị một số dân cư có sẵn ở đó, rất ngoan ngoãn. Kéo luôn theo quan điểm sai trật, vùng Bắc bộ hoặc chỉ có một chủng Việt duy nhất đều là con cháu vua Hùng, hoặc có rất nhiều chủng và tất cả đều khuất phục trước vua Hùng. Từ những thiếu sót hoặc dễ dãi bỏ quên một số chi tiết quan trọng đó, những người sau rất thường mù mờ với một số câu hỏi khá quan trọng như sau: Trước khi nước Việt được hình thành, hoặc trước thời Bắc thuộc những chủng nào đã cư ngụ tại vùng Bắc Bộ của Việt Nam? Những đợt di dân nào chính là đợt di dân mấu chốt gầy dựng nên nước Việt thuở ban đầu? Những đợt di dân đó thuộc chủng nào và xuất phát tại những chốn nào? Và vào lúc nào nảy sinh ra người Việt đầu tiên ở tại cái xứ đó? Ghi Chú [1] Nguyên Nguyên (2005) Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (4): Nước Văn Lang. Xem Khoahoc.net. [2] Chử Văn Tần (2003) Văn Hoá Đông Sơn - Văn Minh Việt Cổ. Nxb Khoa Học Xã Hội. [3] Ngô Sĩ Liên và cộng sự (1497). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Thanh Việt và Phạm Ngọc Luật hiệu đính theo bản dịch của Đào Duy Anh. Nxb Văn Hoá Thông Tin (2004). Bản của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam được trình bày đầy đủ trên mạng internet: perso.wanadoo.fr/charite [4] Jeanne Cuisinier (1946) Les Mương – Géographie Humaine et Sociologie. Institut d’Ethnographie. Paris [5] Đọc sử 'nước' Chăm (thí dụ [6]) chúng ta thấy cho đến thế kỷ thứ 7 sau Công Nguyên, 'nước' Chăm hãy còn bao gồm rất nhiều tiểu vương quốc trong một dải đất rất hẹp. Đừng nói chi đến nước Hồ Tôn ở thời huyền sử. [6] Ngô Văn Doanh (2003) Văn hoá cổ Champa. Nxb Văn Hoá Dân Tộc. [7] Khuyết Danh (1377-1388) Đại Việt Sử Lược. Bản dịch của Nguyễn Gia Tường. Nhà Xuất Bản Thành Phố HCM. Bộ Môn Châu Á Học Đại Học Tổng Hợp TP.HCM. [8] Phụ đạo viết theo 辅 导 mang nghĩa người Thầy dạy học, có thể Thầy dạy kèm con vua. Viết như 父 道 nghĩa: con đường của Cha, ‘đạo’ làm Cha, hoặc vai trò Cha Chú.. [9] Quan điểm thời đại thành lập được quốc gia có vẻ rất khắt khe theo từ điển bách khoa của internet: http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_date_of_nationhood Xem vài thảo luận khác về 'quốc gia' tại: http://www.bsos.umd.edu/CSS97/papers/competin.html http://www.slovak.sk/magazin_slovakia/496_Slovakia/history/history1.htm http://repositories.cdlib.org/csd/03-09/ http://college.hmco.com/history/west/mosaic/chapter13/source388.html [10] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu (USA) tái bản. [11] Keith Weller Taylor (1983) The Birth of Vietnam. University of California Press. [12] Hoàng Thị Châu (1969) Nước Văn Lang qua tài liệu ngôn ngữ. Nghiên cứu lịch sử 120. pp.37-48. [13] Văn Tân, Nguyễn Linh, Lê Văn Lan, Nguyễn Đổng Chi và Hoàng Hưng (1973) Thời đại Hùng Vương. Nxb Khoa Học Xã Hội. [14] Nguyễn Hiến Lê (1997) Sử Trung Quốc. Nxb Văn Hoá [15] Đây cũng là một điểm sử sách Việt dễ bị lộn xộn nhầm lẫn. Theo với những luận cứ của loạt bài này, bộ lạc Việt Thường chỉ có thể là đám rợ chủng Yueh ở lưu vực sông Hoàng Hà gần miền Sơn Đông (rợ Đông Yi). Chỉ có đám rợ này mới có thể đi đến Kiểu Kinh, kinh đô Tây Châu nằm trong tỉnh Thiểm Tây ngày nay. Không có cách gì bộ tộc Việt 84


Thường nằm ở Hoa Nam hay khu vực Bắc Việt được bởi ở lí do đường xá xa xôi và phải xuyên qua hàng ngàn bộ lạc rợ khác ở miền Hoa Nam. Và chuyến đi giao hảo xa xôi như vậy hoàn toàn không cần thiết. Theo thiển ý, chính ở chỗ có một bộ tộc Việt nào đó muốn tặng vua nhà Châu con chim Trĩ, nên từ đó người Hoa gọi thứ chủng Lạc đã tính tặng họ con chim Trĩ đó là chủng Lạc viết theo bộ Trĩ (còn gọi Trãi): Lạc bộ Trãi ở miền Sơn Đông, Giang Tô và Chiết Giang ngày nay: 貉 phân biệt [10] với Lạc bộ Chuy chỉ dân Môn và Miến Điện 雒 , Lạc bộ Mã 駱 chỉ dân Mân Việt ở Phúc Kiến, và Lạc bộ Khương 羌各 tiền thân của dân Khmer. Hy vọng sẽ trở lại vấn đề này vào một dịp khác. [16] Chiến tranh giữa Thục Phán và vua Hùng thứ 18, theo thiển ý, chỉ có trong truyện cổ tích. Thục Phán thuộc chủng Thái, có lẽ có công dẫn một đoàn người dân xứ Tây Âu vào định cư ở khu lưu vực sông Hồng. Trên đường chạy giặc Tần, trước đó đã tiêu diệt nhiều xứ thuộc chủng Âu, tức Thái cổ. Trong đó có nước Thục ở khu Tứ Xuyên ngày nay. So với sử Tàu, mô tả về Nghiêu Thuấn, Thục Phán là nhân vật bán huyền sử xuất hiện trước tiên trong sử Việt. Thục Phán có thể là người có thật, có thể không. Nhưng 'nước' Âu Lạc của Thục Phán vẫn chưa có khả năng rộng lớn bằng khu vực Bắc Bộ ngày nay. [17] Nhiều sách xuất bản tại Việt Nam xưa nay vẫn thường thiếu sót ở phần hình ảnh trang trí. Quyển 'Văn Hoá Đông Sơn' [2] dày ngót 1000 trang - đề cập rất nhiều đến 'trống đồng' nhưng rất tiếc không có hơn một hình vẽ, hay ảnh về trống đồng. Chỉ có vài trang hình vẽ về mấy cái lưỡi rìu lưỡi cuốc, dao găm. Quyển 'Mã Lai' [10] ngày xưa cũng vậy. Tác giả trình bày các chữ Hán thế này thế nọ nhưng không viết in ra được một chữ Tàu, giúp người đọc hiểu hay theo dõi vấn đề dễ hơn. [18] Một thành tố quan trọng thường được các học giả Việt đề cập đến trong việc minh chứng hình thành của xã hội có nhà nước: Phân chia giai cấp, thể hiện qua việc phân cấp các ngôi mộ cổ. Có mộ cho thấy rõ mộ của người giàu, với dụng cụ canh nông, bảo vật, đồ trang sức, chôn cùng với người chết. Có mộ cho biết đó là mộ người nghèo. Theo thiển ý 'phân hoá xã hội' chỉ là điều kiện cần cho xã hội có nhà nước. Chứ không phải điều kiện đủ. Bởi xã hội bộ lạc bán khai vẫn có thể có hình thức mộ táng phân biệt theo ngôi thứ. Mộ của tù trưởng, chẳng hạn, vẫn có thể chứa nhiều đồ vật hơn mộ dân nghèo. [19] mcel.pacificu.edu/as/faculty/barlow.html [20] Nguyên Nguyên (2004) Từ chữ Nôm đến quốc ngữ. Toàn bộ 8 bài, tại Khoahọc.net hay aihuucongchanh.com. [21] 'Yịt' chính là âm gọi chỉ 'Việt', người Việt, của tiếng Mường cổ. Nguyên thủy nó mang nghĩa 'cái rìu' viết như một cái móc, phần dưới của từ 'Việt' chỉ tỉnh Quảng Đông (ngày nay): 粤 . Phần trên của chữ Việt chỉ Quảng Đông chính là bộ Mễ, nghĩa: lúa thóc. 'Việt' dùng để chỉ Việt Nam, người Tàu cũng phát âm bắt đầu bằng âm /Y/: Yueh hay Yue, mang nghĩa yượt (vượt) 越 . Chỉ trừ dân Mân Việt (Phúc Kiến - Triều Châu) có phát âm /Wật/ gần giồng với âm /V/ trong Việt, còn lại có đến 8-10 sắc tộc khác phát âm Yiệt bắt đầu bằng âm /Y/. Loạt bài chữ Nôm [20] đã ghi chi tiết phát hiện các tôn sư cấu tạo quốc ngữ đã nhập hai âm riêng của tiếng Nôm /W/ và /Y/ lại thành một, biểu hiện bằng âm /V/. 'Yàng' ở đây là âm của chủng Thái cổ. Dần dà về sau, âm biến theo tiếng Tàu, 'Hoàng' hay 'Wàng', chỉ màu vàng và 'vàng bạc châu báu'. Bởi 'vàng' (kim loại) có màu vàng. Tiếng Tàu dùng để chỉ vàng lại là 'Kim' (Jin). [22] Hermann Kulke (1986) The Early and Imperial Kingdom in Southeast Asian History. IN: David G. Marr & A.C. Milner (Ed.) (1986) Southeast Asia in the 9th to 14th centuries. Institute of Southeast Asian Studies – Singapore & Research School of Pacific Studies – ANU Canberra. pp 1-22. [23] Huỳnh Công Bá (2004) Lịch Sử Việt Nam. Nxb Thuận Hoá. [24] Trần quốc Vượng (1986) Traditions, Acculturation, Renovation: The evolution of Vietnamese culture. IN: David G. Marr & A.C. Milner (Eds) (1986) Southeast Asia in the 85


9th to 14th centuries. Institute of Southeast Asian Studies - Singapore & Research Schơol of Pacific Studies - ANU Canberra. pp 272-277 [25] Để ý Bình Nguyên Lộc có vẻ đã vô tình đặt một tiêu chuẩn quản lý nước nhà, theo kiểu nguyên thủ nước Văn Lang (Hùng Vương), hoặc ban tham mưu gồm các Lạc hầu, Lạc tướng, chắc phải có người mang học vị PhD về Chính Trị Kinh Doanh hay MBA từ Yale hay Harvard, nên đã góp ý rằng Hùng Vương không thể nào để việc chênh lệch giữa hai khu vực Cửu Chân và Giao Chỉ đó xảy ra. [26] John K. Whitmore (1986) 'Elephants can actually swim': Contemporary Chinese views of late Ly Dai Viet. IN: David G. Marr & A.C. Milner (Eds) (1986) Southeast Asia in the 9th to 14th centuries. Institute of Southeast Asian Studies - Singapore & Research School of Pacific Studies - ANU Canberra. pp 118-133 [27] Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử thật ra mỗi người chỉ làm 'chúa' một khu vực mà thôi. Đặc biệt Triệu Quang Phục chiếm giữ khu đầm (chằm) Nhật Dạ và tự xưng Dạ Trạch Vương. Có lẽ ông là người đầu tiên đã lăng xê chuyện 'Chử Đồng Tử', con rể của Hùng Vương, về báo mộng sẽ giúp ông gầy nên nghiệp đế. Cũng y như Cao Biền sau này lăng xê chuyện nằm mơ thấy nhà phát minh ra nỏ thần cho Thục Phán mang họ y hệt như ông, Cao Lỗ [7]. Cao Lỗ qua giấc mơ đã phò hộ và giúp Cao Biền rất nhiều trong cuộc chiến chinh với quân xứ Nam Chiếu (Vân Nam sau này). Choảng nhau giữa Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử chính là cuộc nội chiến đầu tiên xảy ra trên đất nước người Việt. [28] Con voi vẫn là thứ 'chiến xa' của các bộ tộc miền Đông Nam Á, chứ không phải 'con ngựa'. Điển hình, ai có đi tham quan Bangkok thường có dịp đị thưởng ngoạn một làng du khách đặt ở ngọai ô thủ đô Thái Lan. Ở đó mỗi giờ có màn trình diễn sống trận giặc giữa hai bộ lạc lân cận. Họ dùng voi xả laáng. Phim ảnh (vĩ đại) thì có SURIYOTHAI. Phim Thái Suriyothai cho thấy vào thế kỷ 16, Thai-Lan vẫn còn xử dụng con voi trong chiến trận, và chút ít tàn dư của Mẫu Hệ. Hai bà Trưng, bà Triệu, các vị anh hùng giành độc lập tại nước Nam vẫn thường cưỡi voi ra trận mạc. Theo [26] tới đời nhà Lý vẫn có căng thẳng giữa thiên triều bên Tàu với chính quyền nước Nam ở chỗ Tàu đòi cống hiến voi để họ tế lễ, nhưng người nước Nam không thuận bởi họ xem voi như thần.

86


Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (6): Lạc Việt và Việt Nam Những độc giả đã theo dõi loạt bài này đều có thể để ý đến một vài điểm rất kì lạ trên vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt Nam, thường ghi chép rất nghiêm túc trong sử sách: 1) Thời điểm nguyên thủy tạo dựng nên xứ và dân Việt hoàn toàn mơ hồ: Theo truyền thuyết, trong khoảng thế kỷ 27-28 trước Công Nguyên (TCN), khi Đế Minh cháu 3 đời của vua Thần Nông đi tuần thú phương Nam. Nhưng đến lúc một nhân vật mang tên Kinh Dương Vương xuất hiện, như chúng ta đã thấy qua những bài trước, tất các nhân danh và địa danh đều được bao hàm trong nước Sở của thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Tàu (770-221 TCN). Kinh Dương Vương, theo giải mã, rất có khả năng mang nghĩa những người ở châu Kinh và Dương, hai châu chính của nước Sở. Tiêu biểu, theo tuần tự, chủng Âu (Thái cổ) và chủng Lạc (Việt cổ). 2) Câu chuyện truyền thuyết tiếp nối với con của Kinh Dương Vương là Lạc Long Quân phải lòng bà Âu Cơ, con của Động Đình Quân (‘tiểu vương’ của một xứ ở khu Động Đình Hồ, phía Nam nước Sở). Bà Âu với ông Lạc, ăn ở với nhau sinh được 100 người con. Nhưng sau đó chính ông Lạc xác nhận đó là một hôn nhân dị chủng, và hai người đi đến quyết định li hôn. Bà Âu, bảo thủ hơn, dẫn 50 người con về khu địa bàn cũ gồm nhiều núi rừng, và ông Lạc dẫn 50 người con kia xuôi về miền đồng bằng gần sông gần biển. Đám con theo ông Lạc mới tôn người con trưởng lên làm vua lấy hiệu Hùng Vương. Còn bà Âu Cơ và đám con kia đi về núi nào, khu rừng nào, không cần biết đến. Thỉnh thoảng ông Lạc có lên núi thăm vợ cũ và 'phân nửa' đàn con dại hay không, Hùng Vương có vẻ không cần biết tới. Sử sách cũng tùy tiện bắt chước Hùng Vương luôn. Hoặc giả ông Lạc có lập gia đình thêm một vài lần nữa không, và có cơ hội ông gặp ý trung nhân cùng tông cùng chủng với ông hay không. Không ai thèm biết hết. Truyện tích theo bản người Mường [1] lại chỉ chú tâm đến bà Ngu (Âu) Cơ mà thôi. Họ cũng không mảy may chú ý đến đám con đi theo Papa Lạc, nhưng có cho biết, đám con đó về sau ai cũng trở thành xếp bộ lạc hết. Đặc biệt, qua nhiều truyện cổ tích của người Mường [1], chúng ta có thể thấy: (a) Họ không hề xem Hùng Vương là vua của họ; (b) Hùng Vương chỉ là một trong nhiều tên gọi khác nhau để chỉ những tù trưởng của các bộ tộc chủng Yịt (Việt), phe mặc áo màu yàng (vàng), sinh sống gần những bộ lạc Mường, tức Thái cổ; và (c) Chỉ có bà Âu Cơ (Ngu Kơ) mới là tổ mẫu của chủng họ mà thôi, và họ không hề quan tâm đến cụ Lạc và phân nửa đám con theo ông. 3) Những điểm kì lạ kế tiếp mà sử sách, đa số dựa vào hai bộ 'Việt điện u linh tập' và 'Lĩnh Nam chích quái', vẫn thường lướt qua gồm có: a) Truyền thuyết hoàn toàn không xác nhận, những thần dân ở tại cái xứ mà Hùng Vương trị vì là những ai và thuộc chủng nào. Nếu dân xứ đó thuộc chủng của Hùng Vương, rất có thể họ đã di tản đến đó cùng một lúc với Hùng Vương. Bằng không và nếu họ đã cư ngụ tại xứ đó từ lâu, thì gia đình Âu-Lạc phải là một đại gia đình đã dã tâm xâm chiếm đất đai của những chủng khác, hoặc đến đó xin tá túc hay thường trú vĩnh viễn. Rất khó mà họ có thể đương nhiên lên làm vua, hay cho dù làm tù trưởng một bộ lạc thật lớn ở xứ đó đi chăng nữa. Từ điểm mơ hồ này, rất nhiều, có thể nói đa số, người Việt đều vẫn đinh ninh trong trí rằng, trước và sau thời đại Hùng Vương, xứ Việt hoàn toàn gồm một chủng người, và chỉ một chủng mà thôi, đoàn kết với nhau. Chủng Việt này có một thứ tiếng và không có dính dáng hoặc liên hệ huyết thống gì đến một hoặc vài chủng nào đặc biệt trong khối Bách Việt ở bên Tàu. Hoặc chung chung, họ là một tổng hợp các chủng 87


thuộc khối Bách Việt, ngay từ thời Thần Nông xa xưa. Hoàn toàn không cần biết những chủng đặc biệt nào chính là nguồn gốc dân Việt [4][5]. b) Truyền thuyết, theo lối giải thích thêu dệt từ các chuyện thần thoại từ trước đến giờ, thường tránh né việc liên kết hoặc đề cập đến các cuộc chiến tranh binh lửa rầm rầm kéo dài gần 1000 năm của thời Xuân Thu Chiến quốc ở bên Tàu, cũng như những cuộc di tản rầm rộ gây ra bởi tàn phá và khủng bố của chiến tranh. Có lẽ với mục đích tránh chuyện bà con xa gần với người Hoa, bởi thiếu thốn hiểu biết về sử cổ của Tàu, và cũng sợ người Tàu thừa thế thắng xông xuống. Tức những lối giải thích truyền thuyết từ xưa đến nay, bởi nhầm lẫn ở thời điểm xảy ra câu chuyện, không bao giờ liên tưởng đến việc Kinh Dương Vương và gia đình gồm các con cháu và dâu, như Lạc Long Quân, Âu Cơ và 100 người con, chỉ là những đợt người di tản chạy về phía Nam đúng vào thời cao điểm chiến tranh của Đông Chu Liệt quốc. Và thật sự Lạc Long Quân, Âu Cơ cho đến Hùng Vương, nếu là những người thật bằng xương bằng thịt, đều chỉ có mặt tại vùng Bắc Bộ (ngày nay) trong vòng 800 năm trước Công Nguyên mà thôi. Toàn thể đại gia đình Âu Lạc này hoàn toàn không có một giọt máu Tàu nào hết. Sai lầm quan trọng nhất chính là quan điểm cho rằng người Việt cổ ở khu vực Bắc Bộ, trước thời Hán thuộc, vẫn yên bình ngày ngày cấy lúa, chèo thuyền ngao du, thỉnh thoảng đánh vài tiếng trống đồng, không bị ảnh hưởng gì hết từ những cuộc chiến đẫm máu xảy ra ở phía Bắc, trong suốt 1000 năm trước Công Nguyên. Sai lầm khác nằm ở chỗ: Không có cuộc di tản hằng khối nào từ vùng Hoa Bắc lẫn Hoa Nam đến xứ đó hết, trong hằng trăm năm khói lửa của thời Đông Chu Liệt Quốc. c) Những sơ sót này, ban đầu bắt nguồn từ chỗ thiếu thốn hiểu biết về cổ sử Tàu, đã luôn luôn được hỗ trợ bởi những sư phụ Trung Hoa, do ở chính họ lúc nào cũng có vấn đề. Bởi nước Tàu là một xứ quá lớn, hợp chủng đến cả ngàn chủng tộc lớn nhỏ khác nhau, và có một quá trình tranh chấp nội chiến cũng khá dài lâu. Từ đó chúng ta thấy rõ rệt nhất sử sách Việt từ xưa đến nay không hề dám đào sâu đến tận cội nguồn, liên hệ huyết thống, mặc dù đã quá xa xưa, giữa người Việt với các chủng riêng biệt thuộc khối Bách Việt và Bách Bộc ở cả hai miền Hoa Nam và Hoa Bắc. Ngay đến truyền thuyết Âu Cơ, một số sai lầm to tát cũng đã khiến rất nhiều người không còn hứng khởi để bắt tay vào việc nghiên cứu. Điển hình là lối phân chia (sai lầm) ông này bà nọ, như Đế Minh, Âu Cơ, v.v, lai Tàu, hay Tàu thuần chủng (thí dụ, xem [4]). Sự thật theo hiểu biết ngày nay, một phần cũng nhờ ở internet, và đã trình bày trong các bài trước, không có một nhân vật nào trong cả truyền thuyết Âu-Lạc, mang một giọt máu Tàu nào hết. Tất cả đều thuộc chủng Yueh, Khương tộc, hoặc Thái-cổ hoặc Việt-cổ mà thôi, và truyền thuyết đã do chính những người thuộc chủng Yueh, đặc biệt Thái-cổ, sáng tác. d) Từ ở chỗ thiếu nghiên cứu tận gốc, theo tinh thần khoa học Tây Phương, khuynh hướng hiện nay của giới viết sử hoặc khảo cổ tại Việt Nam có vẻ tạm tránh né hoặc bỏ rơi truyền tích Âu-Lạc, và thích dùng một thuyết khác về việc dựng nước của một người giỏi về ảo thuật ở khu vực Gia Ninh, qui phục được các bộ lạc, tự xưng Hùng Vương. Thuyết này được ghi ngắn gọn vài dòng trong bộ Đại Việt Sử Lược [2], một bộ sách khuyết danh, ra đời trước Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên [3], nhưng thất lạc bên Tàu đến cả vài trăm năm, được người Hoa, người Mãn hiệu đính rất kỹ trước khi trao tặng lại cho nước Nam. Giới nghiên cứu tại Việt Nam hiện nay có vẻ thích thuyết này hơn thuyết Âu Cơ bởi nó qui thời gian dựng nước vào thời Châu Trang Vương (696682 TCN), tức tránh được lấn cấn về Đế Minh với mấy ngàn năm mù mờ với chỉ 18 đời vua Hùng, và cũng tránh né được cái gốc Tàu (hiểu lầm) của Hùng Vương. Nhưng vô hình chung, việc dựa vào thuyết nhà ảo thuật Hùng Vương lại đưa sự hiểu biết về nguồn gốc dân Việt đến một ngõ cụt khác. Đó là nó không nói lên được nhà ảo thuật ấy đã nói thứ tiếng gì và thuộc chủng nào. Ngoài ra, trên danh xưng thuyết đó vô tình lại mặc cho 88


nhà ảo thuật đó một chiếc áo hoàn toàn Tàu. và quê quán ông ta được mang địa danh chữ Hán. Tình hình cổ sử bên Tàu cho đến khoảng đầu thập kỷ 1980's, thật ra cũng không khá hơn phía bên Việt bao nhiêu. Người Hoa bị vướng phải nhiều hội chứng khác. (i) Trước hết, họ bị ám ảnh bởi những tiền đề hay những nền tảng lí luận cứng nhắc. Đặc biệt cũng về nguồn gốc dân tộc và nhất là về chữ viết. Thí dụ: Từ ngàn xưa họ cho chữ Tàu do chính người Tàu sáng tác. Những chủng khác toàn là rợ không thể nào đủ khả năng trên cơ chủng Hoa, mà sáng tác ra chữ Tàu. Họ cũng biết rất lờ mờ, hoặc không cần biết gì về đám Cửu Lê, hay những thứ rợ từ đủ mọi phương hướng, mà sử sách của họ đã vùi lấp từ lâu. Thế nhưng đi theo với tiến bộ nhân loại, nhất là việc nghiên cứu và thông tin internet, gần đây có nhiều lý thuyết và bằng chứng cho biết người Tàu cổ đã bắt chước chữ viết của người Hmong tức Miêu tộc. Lãnh tụ của người Hmong trong thời huyền sử chính là Xy Yâu (Vưu) đã từng choảng với Hiên Viên (Hoàng Đế) của Hoa chủng, nhưng sau bị đại bại và bị chặt đầu. Chủng Hmong cũng như các chủng Yueh (Việt) trong đó có đám Đông Zi ở khu Sơn Đông, thật ra chính là những chủ nhân đầu tiên của toàn cõi lục địa Trung Hoa, có lẽ trước khi Hoa chủng ra đời [4][8]. Chủng Hmong có đến cả chục chi chủng khác nhau, tất cả 81, thuộc 9 nhóm Lê (Li), tức Cửu Lê (Jiu Li) [17]. Còn chủng Yueh, có đến hằng trăm thứ chi chủng khác nhau, nhưng đại khái được phân thành hai chủng lớn chính yếu: Thái và Việt. Chúng tôi xin được phép nhấn mạnh, sai lầm hai phía Hoa và Việt từ trước đến giờ vẫn là 'khối Bách Việt (Bai Yue) ngày xưa chỉ tập trung ở miền Hoa Nam. Thật sự khối Bách Việt, đặc biệt các chi chủng thuần Yueh-cổ (phân biệt với chủng Thái-cổ), và những người thuộc các chủng Hmong đã có mặt tại miền Hoa Bắc, từ thời xa xưa, có lẽ trước cả Hoa chủng ban đầu [4][8]. Đặc biệt, theo [8] khối Bai Yue (Bách Việt) từ lưu vực sông Vị ở Thiểm Tây bắt đầu di tản xuống Hoa Nam và hội nhập với những đồng chủng tại đó vào khoảng đầu thời Đông Chu, tức thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên. (ii) Cũng không hơn gì phía Nam, người Tàu lúc nào cũng bị ám ảnh bởi hội chứng kị phân ly, bởi họ có quá nhiều chủng tộc khác nhau. Từ đó những cuộc nghiên cứu chuyên biệt về một thứ chủng nào đó hoàn toàn bị cấm chỉ, cho đến vài thập kỉ gần đây. Nhất là về các phương ngữ lớn ở nước Tàu. Ở chuyện này chúng ta có thể để ý: (a) Tại Trung Quốc cho đến thập niên 1950, mỗi khu vực vẫn xài phương ngữ riêng của họ như xưa; (b) Từ khoảng năm 1952 đến nay tất cả mọi nơi đều phải xử dụng tiếng Phổ thông (tức quan thoại). Không thể hoặc rất khó tìm mua tại Trung quốc một quyển sách giáo khoa hay từ điển riêng một phương ngữ, như tiếng Thượng Hải hoặc Phúc Kiến chẳng hạn; (c) Cả một thế hệ mới người Hoa, đều biết tiếng Phổ thông, tuy vẫn có thể nói tiếng địa phương, nhưng hoàn toàn không rành hoặc rất mù mờ về cú pháp của phương ngữ, nhất là phiên âm theo lối pinyin hoặc quốc tế riêng cho phương ngữ của họ; (d) Thế hệ hiện đại người Hoa thường nói tiếng địa phương với cha mẹ ở nhà, nhưng khi ra ngoài thì nói tiếng phổ thông, nên phát âm phổ thông của họ bị ảnh hưởng phương ngữ, còn tiếng địa phương mẹ đẻ của họ lại bị nhuốm giọng phổ thông; (e) Nhiều nỗ lực nghiên cứu riêng về các chủng lớn nhỏ ở Tàu trong những thập kỉ gần đây thường được người Âu Mỹ thực hiện, nhất là những học giả Âu Mỹ gốc Hoa; (f) Sau cùng, thời đại internet đã làm sống dậy những ước muốn tìm hiểu cội nguồn của từng chủng một đã từng sinh sống trên nước Tàu và khắp miền Đông Nam Á, vào thời xa xưa. Ở kỉ nguyên internet ngày nay, sắc tộc nào cũng muốn tìm hiểu thật rõ về cội nguồn của chủng mình, trong một tinh thần đoàn kết mới dựa trên nền tảng đa văn hoá, sự hiểu biết, và một ước nguyện 89


chung, chứ không phải do ở sự ép buộc, lệnh truyền như vào những thời nước mới được nhất thống, độc lập xa xưa. (iii) Liên hệ đến loạt bài này chính là chủng Yueh tại Trung Hoa. Ngày nay tất cả người Hoa đều cho chủng Yueh cũng là chủng Hán. Tức đã được (hay bị) đồng hoá thành chủng Hán rất kỹ. Đọc bất cứ quyển sách Tàu nào, kể cả Lộc Đỉnh Ký của Kim Dung, chúng ta thấy người Tàu thường liệt kê 5 chủng tộc chính trong nước của họ: Hán, Mông, Tạng, Mãn, Hồi (hoặc Choang) - không có danh sách nào có chủng Yueh (Việt) trong đó hết. Hỏi bất cứ người Tàu nào, dù Thượng Hải hay Hải Nam, họ cũng nói họ thuộc chủng Hán. Chữ Yueh (Việt) chỉ còn được dùng để gọi tắt tên một tỉnh hồi xưa chứa chủng Yueh chi Thái ở phía cực Nam. Đó là tỉnh Quảng Đông. Yueh (Việt) là tên tắt của tỉnh Quảng Đông, cũng y như Tương (Xiang) là tên tắt của tỉnh Hồ Nam, có con sông mang tên 'sông Tương' (Xiang jiang). Hay Mân (Min) là tên gọi tắt tỉnh Phúc Kiến, với cội nguồn xứ Mân Việt thời xa xưa. Hoặc Tề-Lỗ (Qi-Lu) là tên tắt của tỉnh Sơn Đông, địa bàn xưa của đám Đông Zi. Bởi Việt đã được dành cho Quảng Đông nên một tỉnh khác hay phương ngữ khác cũng đáng lẽ mang tên Việt chỉ được gọi 'Ngô' (Wu). Đó là phương ngữ Chiết Giang - Giang Tô, địa bàn ngày xưa của hai nước Việt (Câu Tiễn) và Ngô (Phù Sai). Từ điểm này, rất nhiều tài liệu khoa học, nhất là trên mạng internet, vẫn nhầm lẫn rằng chủng Yueh ngày trước chỉ gồm chủng Thái-cổ mà thôi. Họ thường bỏ sót ba-bốn chủng Việt-cổ ở miền duyên hải phía Đông nước Tàu, bao gồm: Ngô (Giang Tô), U Việt (Chiết Giang) {'U' là một lối phát âm cho 'Ngô'}, Mân Việt (Phúc Kiến), Đông Việt (Giang Tây) [7], và đám du mục Bộc Việt tức rợ Đông Zi ngày xưa ở khu vực Sơn Đông. (iv) Tình hình nghiên cứu về khối Bách Việt cũng tương tự như vậy đối với Đài Loan. Theo nhiều tài liệu truy cập được từ internet, Taiwan cho đến gần đây cũng không muốn đá động gì đến nguồn gốc Bách Việt của dân bản địa. Tức trên toàn cõi Đông Á và Đông Nam Á, từ Trung Quốc sang Đài Loan, xuống Việt Nam, đến tận đảo Java của nước Inđônêxia, cách đây chừng 30 năm, ít ai muốn tìm hiểu các thành phần chủng tộc của khối Bách Việt ngày xưa, cũng như đóng góp của các chủng này vào nguồn dân tộc của từng quốc gia một trong cả khu vực Á Châu Thái Bình Dương. Rất may, với phát triển internet, và với việc tăng gia phát triển kinh tế trên toàn thể Châu Á trong vòng vài mươi năm qua, việc nghiên cứu về cổ sử Á Châu đang được hồi sinh mãnh liệt. Một trong những động cơ chính đã thúc đẩy sự hồi sinh của ngành nghiên cứu này chính là nguyên tắc đầu tiên của việc kinh tế đầu tư, bởi người Âu Mỹ thật sự đang muốn biết rõ hơn những cá tính đặc thù nguyên thủy của người Á Châu, khối người hiện nay, dù muốn dù không, vẫn là đối tác chính trong công chuyện hợp tác 'làm ăn' và mậu dịch với nhau. Qua những bài trước của loạt bài này, chúng ta đã nhận diện có hai chủng chính đã tạo dựng nên 'nước' Việt Nam vào thời buổi ban đầu. Đó là chủng Thái-cổ (còn gọi Âu) và chủng Việt-cổ, tức Lạc. Trước khi hai chi chủng này ào ạt di cư, có thể xem như biểu tượng chuyến đi của đôi vợ chồng Âu Cơ - Lạc Long Quân [19], để chạy giặc 'Đông Châu', đến vùng bình nguyên sông Hồng sông Mã, nơi đó đã có sẳn rất nhiều chi chủng khác nhau. Điển hình là các chi chủng thuộc khối Yueh cổ, như Môn Khờ-me, các thứ dân Lạc Việt, Lạc Lê, chủng Âu tức Thái cổ, người Mê-la-nê, Nê-gri-tô, Poly-nê-siên tức Đa-đảo, v.v. Trong những đợt di cư suốt thời Xuân Thu Chiến Quốc (770-221 TCN), của hai chủng Thái và Việt cổ, chủng Thái giữ phần chủ lực. Nguyên thủ đầu tiên có chất lượng và có thể là người thật bằng xương bằng thịt chính là Thục Phán, một người có gốc từ xứ Thục (Tứ Xuyên ngày nay), mang chủng Thái-cổ. Sau đó đến Triệu Đà, tức Nam Việt Vương, một người từ phía Bắc, ban đầu làm quan cho nhà Tần. Khi thấy triều đình Tần suy yếu và bị khủng hoảng, Triệu Đà mới nắm cơ hội, nhảy ra giành độc lập cho phần đất bao gồm rất 90


nhiều bộ lạc tại Lưỡng Quảng và Bắc bộ ngày nay, đặt tên nước Nam Việt. Triệu Đà được quần chúng hai miền ủng hộ nhiệt liệt, bởi có lẽ ông là người đầu tiên, và cũng cuối cùng, đã dám đại diện cho khối Bách Việt, đặc biệt chủng Thái-cổ đa số, đương đầu với triều đình nhà Hán ở phương Bắc. Qua những bài kế tiếp theo ở đây, chúng ta sẽ quan sát những chủng Việt thuần túy nào, từ miền zuyên hải Trung Hoa đã đến Việt Nam theo với chủng Thái-cổ ban đầu, để rồi hợp chủng với dân bản địa, bao gồm phần lớn dân Môn-Khờme, Đa-đảo (Pô-ly-nê), Mê-la-nê (Hắc đảo), và Nê-gri-tô (Hắc nụy), v.v. tạo dựng nên chủng Việt Nam ngày nay. Nhưng trước hết chúng ta thử xem lại những chủng nào, người Tàu ngày trước thường gọi là chủng Lạc, và họ đã phân biệt các thứ Việt khác nhau ra sao. 1. Lạc Việt Người Việt từ thời Lê Lợi - Nguyễn Trãi đã tạo nên thói quen bắt chước các sư phụ Tàu gọi chủng mình là Lạc Việt (Luo Yue). Thật ra người Tàu hiểu Luo Yue, tức 'Lạc Việt' khác với lối hiểu biết của người Việt. Đối với Tàu, Lạc Việt thường được dùng để chỉ chung các thứ chủng Yueh thuộc khối Bai Yue (Bách Việt), thường không phân biệt Lạc miền biển với chủng Âu Việt, tức Thái-cổ. Còn chủng Thái-cổ họ thường gọi là Yue (Việt). Đặc biệt tỉnh Quảng Đông ngày nay vẫn còn mang tên tắt: tỉnh Yue (Việt). Đối với Việt, chúng ta thường hiểu mơ hồ rằng Lạc Việt chính là chủng Việt-Nam, bởi mang họ của nội tổ Lạc Long Quân. Hiểu biết của người Việt về nguồn gốc lý lịch của chính dân mình, từ trước đến giờ luôn luôn quên truy về cội nguồn, hay bỏ sót đi chủng Thái-cổ. Bởi hoàn toàn không biết đến chủng thật của Âu Cơ và các chi chủng đã dùng Âu Cơ như biểu tượng, mà loạt bài này đã giải mã, cũng như chi tiết các chủng - đa số thuộc Thái-cổ - sống ngay bên kia biên giới Việt-Hoa. Nói rằng người Tàu gọi những nhóm Yueh nào, không phải Thái-cổ, là Lạc Việt, cũng có vẻ hơi tổng quát hoá vấn đề. Thật ra họ có một số kiến thức rất sâu sắc về các thứ chủng Yueh ở cả Hoa Nam lẫn Hoa Bắc. Trước hết ta có thể để ý người Hoa có vài lối gọi những đám rợ và các chủng Bai Yue (Bách Việt) vào thời xa xưa. Thông thường phối hợp với lối phân chia theo phương hướng Đông Tây Nam Bắc. Đông thì Đông Yi, Tây gọi Tây Nhung - đôi khi Khuyển Nhung, hay tắt thành rợ 'Nhung', Nam là Nam Man, và Bắc - Bắc Địch. Yi, Nhung, Man, Địch cũng đều mang nghĩa 'rợ' hết. Lối phân biệt này ra đời vào khoảng thời gian nhà Chu nhảy ra thay thế nhà Thương, tức thế kỷ 11 trước Công Nguyên. Lúc chủng Hoa bắt đầu xử dụng chữ viết khá nhuần nhuyễn và chế độ phong kiến đã được phát triển mãnh liệt. Phân biệt 'ta và rợ' có lẽ cũng là một thứ nhận thức nhị nguyên, bởi những hành vi và lối sống của những đám rợ hoàn toàn khác hay tương phản với chủng Hoa. Những đặc tính nổi bật của đám 'rợ' Yueh gồm có: tóc ngắn, nhuộm răng, xâm mình (có thứ xâm trán nữa), nếu có mặc áo thì áo cài bên trái, rất nhiều nhóm theo ‘tông giáo’ đồng bóng. Sau khi phân loại các rợ theo phương hướng và địa bàn, cũng như lối gọi Yue (Việt) dành cho những khối người ở phía Nam sông Dương Tử (miền Hoa Nam), người Hoa dần dà phát hiện được khá nhiều lủng củng, và thiếu thốn chính xác trong lối gọi các chủng khác với họ. Bởi hai lý do chính. Thứ nhất, theo với thời gian, họ thường gặp đám rợ đáng lẽ thuộc phương hướng A tại địa bàn của phương hướng B, và lộn xộn lung tung. Rợ Đông Zi, tức Lạc bộ Trãi, ban đầu họ gặp ở miệt Sơn Đông, nhưng sau lại 'tái ngộ' hoặc gặp một đám rợ khác rất giống rợ Zi ở phía Tây miệt Tứ Xuyên và phía Nam. Họ vẫn gọi rợ Yi phía Nam 91


bằng Yi, nhưng đổi cách viết. Rợ Khương cũng vậy. Đầu tiên họ sắp xếp vào đám Tây Nhung, nhưng sau gặp lại ở phía Nam, và cũng thấy đám Khương này có nhiều đặc tính giông giống đám rợ Lai Yi, tức Đông Yi. Trong đám Đông Zi, có một số nhóm Việt ở đó lâu đời, được họ gọi những nhóm Bách Bộc hay Bộc Việt. Bộc xuất phát từ 'sông Bộc' [Pu 濮] ở gần nước Lỗ của Khổng Tử ngày xưa. Việt, viết nguyên thủy mang nghĩa cái rìu có tay cầm (xem Hình 2, và phần sau). Đến thời Xuân Thu, họ bắt đầu khám phá ra nhiều nhóm rợ khác ở phía Nam sông Dương Tử, có nhiều đặc tính giống đám Đông Zi - như nhuộm răng, xâm mình, cắt tóc ngắn,... - nên họ gọi chung đám đó Nam Man hay Bách Việt. Có đến hằng ngàn thứ rợ khác nhau sống trên toàn cõi lãnh thổ nước Tàu. Do đó người Hoa đặt ra các thứ tên gọi khác nhau, và nếu tên có cùng âm, họ sẽ tạo lối chữ viết hơi khác với nhau. Bởi trong đầu óc họ, những thứ chủng khác với họ thường là rợ, nên khi viết nên danh tự để mô tả chi chủng họ ưa kèm theo tên một con vật. Thí dụ: rợ Khuyển Nhung mang chữ 'Khuyển' có nghĩa con chó. Chính đám rợ này đã cướp phá và làm cỏ kinh đô nhà Tây Chu vào khoảng năm 770 TCN, giết Chu U Vương, khiến nhà Chu thiên đô về phía Đông, bắt đầu thời Đông Chu. Những chủng Lạc thuộc khối Bách Việt cũng không tránh khỏi tệ nạn này của chủng Hoa. Những ai đọc quyển sách về cổ sử Việt của Taylor [6] đều có thể để ý ở một trang phụ chú đối chiếu tên Việt và Hán phía sau, tác giả có ghi đến 3 chữ Lạc tiếng Hán viết khác nhau. Đó là các chữ Lạc viết theo cách hợp phần chính của chữ Lạc dùng để chỉ sông Lạc [洛] ở tỉnh Hà Nam và Thiểm Tây, với một chữ khác chỉ con thú: - Bộ Trãi 貉 (Lạc bộ Trãi) - Bộ Chuy 雒 (Lạc bộ Chuy) - Bộ Mã 骆 (Lạc bộ Mã) Nhưng tác giả không ghi chú thích tại sao cùng một chữ 'Lạc' lại có 3 thứ chữ viết khác nhau. Thật ra trong thư tịch cổ của Tàu, còn có thêm một thứ 'Lạc' nữa. Đó là Lạc bộ Khương [4], ngày nay thường viết tắt 'Khương': 羌. Ngoài ra cũng còn có đám Lê (Li 黎), thổ dân đảo Hải Nam [10], cũng có nơi gọi Lạc Lê [Luo Li], dễ bị nhầm và lộn xộn với đám gýp-xi Luo Li. Chúng ta sẽ điểm qua từng thứ Lạc một, đặc biệt để ý đến Lạc bộ Trãi ở phần sau. Lạc bộ Chuy theo [4] được dùng để chỉ đám rợ Lạc ở phía Tây nước Tàu, tiền thân của người Môn, và người Myanmar ngày nay. Xuất xứ từ khu vực bình nguyên Trung Á. Lạc viết với bộ Chuy [雒] mang nghĩa con ngựa ô (đen) có bờm trắng, tức chòm lông trắng ở cổ. Bộ 'Thủy Kinh Chú' của Lệ Đạo Nguyên, một thứ sử Tàu, cũng như một bộ sách đã thất truyền 'Giao Châu Ngoại Vực Ký', xuất hiện ít lắm 400 năm sau thời Thục Phán, đã chép các tên gọi Lạc Hầu, Lạc Tướng, với chữ Lạc viết theo bộ Chuy (xem [3]&[4]), chứ không phải Lạc viết theo bộ Trãi [貉] dùng cho Lạc Long Quân. Cho thấy, các tác giả Tàu hoặc đã quan sát có rất nhiều dân chủng Môn sống ở xứ Lạc, hoặc họ chưa gặp nhiều dân chủng Lạc bộ Trãi, hoặc họ mới còn chân ướt chân ráo, chưa trở thành chuyên viên về các thứ Lạc khác nhau, đã có mặt tại miền Giao Chỉ vào cổ thời. Lạc bộ Khương thường được gộp chung với Lạc bộ Chuy, tiêu biểu cho đám rợ Tây Nhung, hay Khuyển Nhung, hoặc ngắn gọn hơn: rợ Nhung (Rong: 戎 ). Lạc bộ Khương, 92


ngày nay thường viết tắt 'Khương' (Qiang) để chỉ dân thuộc tộc Khương, tức Qiang: 羌.Lạc bộ Chuy rất khó truy cập ở mạng, nhưng Lạc bộ Khương, viết tắt 'Khương' (Qiang 羌 ), có thể truy cập khá dễ dàng. Khương, tức Qiang 羌 được viết gộp hai từ Yang (dương 羊) mang nghĩa 'con cừu', và Ren (nhân 人), nghĩa 'người'. 'Qiang' có thể mang nghĩa 'người chăn cừu'. Theo [4], rợ Khương chính là tiền thân của người Khờ-Me ngày nay. Trong một trang web, ghi chú về tộc Qiang cho biết có một bộ tộc còn sót của nhóm này mang tên 'Gao Mian'. /Gao/ là âm pinyin của Cao, và /Mian/, âm Việt chính là Miên, mang nghĩa 'tơ sợi'. Như vậy, một bộ tộc ngày nay ở bên Tàu, vùng Miên Dương (Mian Yang), có tiền thân rợ Khương, mang tên Gao Mian, tức Cao Miên. Nhiều trang web lại cho biết các tư liệu khác nhau về gốc gác chủng Khương (Qiang). Tuy vậy tất cả có vẻ như đồng thuận ở chỗ họ có ngôn ngữ xưa thuộc nhóm Tạng-Miến, bao gồm Tây Tạng và Miến Điện, và xuất thân từ vùng bình nguyên chân núi Himalaya. Các nhà khoa học Tây phương cũng thường gộp hai chủng Chuy và Khương với nhau, khi mô tả hai tộc dân sống ở miền Đông Nam Á, có lẽ lâu đời nhất, từ khoảng Myanmar cho đến Việt Nam, sang qua đến In-Đônêxia và Mã Lai Á, và gọi đó là nhóm Môn-Khmer. Lac bộ Mã 骆 với chữ Lạc thường dùng để chỉ con Lạc-đà, 骆 驼 . Nhưng từ điển sẽ cho biết chữ 'Lạc' (bộ Mã) nếu đứng một mình sẽ mang nghĩa 'bạch mã' (ngựa trắng) có bờm đen ở cổ. Lạc bộ Mã được dùng để chỉ chủng Yueh cư ngụ tại những khu vực chung quanh Phúc Kiến. Tức người Mân Việt (Min Yue) ngày xưa. Tiền nhân nước Việt cũng khá rõ về nguồn gốc các chủng Yueh (Việt) và Âu có mặt tại nước Việt vào thời dựng 'nước'. Trong khoảng những năm 0-800 TCN. Cùng một tên gọi chủng Lạc nhưng họ bắt chước người Hoa viết thành 3 lối khác nhau, có lẽ với một ngụ ý hết sức sâu sắc, cho hậu thế biết đầy đủ các thành phần chủng Việt-cổ, đã hợp chủng với các chủng Âu (tức Thái-cổ), tạo dựng ra người Việt Nam. - Âu-Lạc: chữ Lạc được viết theo bộ Mã 骆, chỉ dân Mân Việt [4]. - Lạc Hầu, Lạc Tướng: Lạc được viết theo bộ Chuy: 雒 chỉ dân Môn KhờMe - Lạc Long Quân, ông tổ dân Việt (Nam): Lạc viết theo bộ Trãi 貉. Lạc bộ Trãi có lẽ quan trọng hơn hết. Và người Tàu ưa dùng Lạc bộ Trãi để chỉ dân Việt Nam. Lạc bộ Trãi chính là đám rợ Đông Di, thường gọi Bộc Việt mà chúng tôi có nhiều bằng chứng (sẽ trình bày sau) cho biết chính là tiền thân người Hẹ ngày nay, với địa bàn miền cực Bắc nước Tàu (khu Sơn Đông, Hà Bắc, Sơn Tây), cộng với đám dân nước Việt (Câu Tiễn) và Ngô (Phù Sai), sau khi các nước này, cộng với nước Lỗ (Khổng Tử) bị Sở dứt điểm. Tất cả thường được viết bằng Lạc bộ Trãi. Lạc bộ Trãi 貉, có lẽ là chữ Lạc đầu tiên người Hoa đã ghi ra để mô tả chủng Lạc Việt. Chủng Hoa, trái với rất nhiều huyền sử thêu dệt, có lẽ thật sự chỉ biết đến rợ Yueh lần đầu tiên vào thời Chu Thành Vương (khoảng thế kỷ 11 TCN) khi một đám thị tộc tên Yiệt Thường đem dâng con chim 'bạch trĩ' để cống lễ cho vua nhà Chu [2]. 'Trĩ' (chim) 雉 trong tiếng Hoa đọc y hệt như 'Trãi' 豸. 'Trãi' mang hai nghĩa: (a) Nghĩa 1: loại sâu không có chân, tiếng Tàu gọi 'Trãi'. Sâu có chân, họ gọi: Trùng; (b) Nghĩa 2: con thú, trong trí tưởng tượng, giống như con chồn, đầu có sừng. Theo giải lý của chúng tôi, bởi 'Trĩ' có âm tiếng Tàu /zhi/ giống như 'Trãi', nên khi người Tàu sáng tác ra chữ Lạc để chỉ đám rợ có chủng giống như Việt Thường Thị [9], họ nhớ đến kỷ niệm 'gặp gỡ' với con chim Trĩ (một thứ gà rừng) hồi xưa, và viết bằng Lạc mang bộ Trãi 貉. Lạc bộ Trãi, theo [4] đầu tiên sáng tác để chỉ đám rợ Đông Zi, ở miền Sơn Tây, Hà Bắc, Hà Nam, và đặc biệt Sơn Đông. Kiểm chứng 93


các trang web của người Triều Tiên (Korean) ngày nay, ta có thể thấy họ hãnh diện nói rằng người Đông Zi (còn gọi Lai Di, hay rợ Tam Hàn) chính là tiền thân của người Koreans. Do ở chỗ người Đông Yi, có chữ viết trước người Hoa. Theo thiển ý, đây có thể một điểm sai lầm tiêu biểu của rất nhiều trang web dàn dựng ở internet. Bởi rất có thể rợ Đông Zi đã bao gồm luôn đám Tam Miêu, tức người Hmong hay Miêu tộc, giống người có thể đã phát minh chữ viết đầu tiên tại khu Á Châu, và chính người Hoa đã nhanh tay 'cóp' lấy và phát triển mạnh mẽ về sau. Người Triều Tiên cũng giống như người Việt Nam, và ngay cả người Hoa, thường rất dễ bị lộn xộn và 'tẩu hỏa nhập ma' mỗi khi cần dùng đến cổ sử để tìm hiểu thêm về lí lịch căn cước của mình.

Hình 1: Bản đồ ghi lại hành trình chạy giặc, và di tản của hai chủng Âu (miền núi rừng), và Lạc (miền duyên hải), vào thời cổ đại. Hành trình vượt Hoàng Hà, từ khu vực nước Lỗ (Sơn Đông), của đám Bách Bộc du mục xuống hội nhập với các đám Yueh khác tại nước Sở, để rồi cùng chạy giặc với chủng Âu, không có ghi trong bản đồ. Xin phép tóm tắt một số điểm quan trọng: (i) Người Tàu đặt ra chữ Lạc để chỉ nhiều chủng Yueh (Việt) nằm ngoài và khác với chủng Yueh mà họ biết khá rõ là chủng Âu, tức Thái-cổ. (ii) Có rất nhiều cách viết chữ Lạc dùng để chỉ các thứ chi chủng khác nhau, tất cả đều đã có mặt lâu đời tại xứ Cổ Việt:  Lạc bộ Chuy dùng để chỉ dân Môn hoặc dân Miến (cổ). Ở bên Tàu, Lạc Chuy chính là một thành phần của rợ Khuyển Nhung hay Tây Nhung. Lạc Vương, Lạc Hầu, Lạc Tướng, xuất hiện trong 'Thủy Kinh Chú' đều có 'Lạc' viết theo bộ Chuy. 94


 Lạc bộ Khương, miêu tả dân Khờ-Me (cổ), thường xuất hiện chung với đám Lạc bộ Chuy. Hai khối Chuy & Khương thường được gọi Môn-Khmer.  Lạc bộ Mã chỉ người Mân Việt, tức Triều Châu - Phúc Kiến ngày nay. Chữ Lạc trong 'Âu Lạc' hoặc 'Lạc Việt' thường viết theo bộ Mã.  Lạc Lê, phần lớn tiền thân của người Hải Nam, Đài Loan, và...Chăm.  Lạc bộ Trãi: chính là thứ Lạc 'thuần túy' nhất. Đã hiện diện từ thời xa xưa, phía Bắc sông Hoàng Hà, vùng Hà Bắc-Sơn Đông, đầu tiên được biết đến bằng tên gọi: rợ Đông Yi, hay Lạc Yi, hay Lai Yi (tức Lê Yi), hoặc rợ Tam Hàn. Có một nhóm di dân về bán đảo Triều Tiên gần đó, hợp chủng với các sắc tộc Bắc Địch, đặc biệt khối Tungus, và địa phương tạo nên dân Triều Tiên, tức người Hàn. Một số đám khác vượt sông Hoàng Hà tiến về phía Nam, mang cuộc sống dân du mục, nay đây mai đó [13]. Thành lập nhiều bộ tộc du mục chung quanh nước Sở, rồi về sau theo người Âu (Thái-cổ) ở nước Sở di dân xuống Hoa Nam, rồi Cổ Việt. Thường được người Tàu gọi Bách Bộc, bởi có nhiều đám Bộc khác nhau. Hoặc Bộc Việt, bởi họ có rất nhiều đặc tính của chủng Yueh, như tóc ngắn, nhuộm răng và xâm mình. Chính ở chỗ 'vượt sông Hoàng Hà' này, nên đám này mang thêm một tên mới 'Vượt', đọc theo tiếng người nước Nam là: Việt. 'Vượt' trong nghĩa của một danh từ, cũng có thể hàm ý: dân du mục. Sẽ trở lại chuyện dân Bộc Việt và Hẹ trong một bài khác. 2. Việt Nam Như đã đề cập nhiều lần trong loạt bài này, Bình Nguyên Lộc [4] có lẽ là người đầu tiên đã nghiên cứu rất kỹ về các lối gọi chủng Việt khác nhau của người Hoa. Mặc dù, theo thiển ý, có một vài điểm chưa được chính xác, ở vào thời phương tiện nghiên cứu hãy còn chật hẹp và thiếu thốn, nhiều điểm phát hiện của 'quyển Mã lai' đã được dựa trên một số lý luận khá vững, và đi trước phát hiện của các nhà nghiên cứu người Hoa và Tây Phương cũng cả vài chục năm.

Hình 2: Chữ 'Yiệt' bên trái mang nghĩa 'cái rìu' là chữ Tàu đầu tiên dùng để chỉ chủng Yueh. Về sau người Hoa chồng chữ 'Mễ', mang nghĩa 'thóc gạo', lên trên để đặc biệt chỉ chủng Yueh, chi tộc Thái-cổ, (chữ bên phải). Chữ 'Yiệt' này hiện vẫn còn được dùng để chỉ tỉnh và dân Quảng Đông. Một trong những phát hiện rất đáng kể của quyển Mã Lai [4] chính là cái từ 'Yiệt' đầu tiên để chỉ chủng Yueh (Việt), bao gồm chủng Âu và Lạc, trình bày trong Hình 2(a), mang nghĩa cái rìu hình lưỡi liềm có tay cầm. Người Mường vẫn còn nhớ cách phát âm của từ này vào thời xa xưa, và hãy còn gọi đó là Yịt, qua lối gọi: byua Yịt Yàng [11]. Chữ Yiệt nguyên 95


thủy này xuất hiện vào khoảng đời nhà Thương bên Tàu, giữa thiên niên kỷ thứ 2 trước Công Nguyên. Từ 'Yiệt' mang nghĩa 'cái rìu' gần đây được Barlow [12] xác nhận chính là ý nghĩa nguyên thủy của Yueh (Việt). Nhưng tác giả [12] cũng cho biết loại rìu có vai được tìm thấy ở vùng duyên hải nhiều hơn vùng nội địa, như khu vực Quảng Tây chẳng hạn. Đến đây chúng tôi xin phép mở một dấu ngoặc để bàn về phát âm Yiệt và Việt. Theo tài liệu trình bày trong loạt bài 'Từ chữ Nôm đến quốc ngữ', gần như hầu hết các dân chung quanh và ngay tại Việt Nam đều phát âm 'Việt' theo âm /Y/ (tức phiên âm quốc tế /J/): 'Yiệt'. Thí dụ: - Nam Bộ: Byiệt Nam - Nhật Bản: Betonamu - Mường (xưa): Yịt-Nam - Quan Thoại: Yue Nan - Quảng Đông: Yueh Lam {Yueh Nam} - Hẹ: Yue Nam - Sơn Đông: Yue Nam - Thượng Hải: Yue Ne Chỉ trừ có một số tiểu thổ âm của khối người Mân Việt (xưa) tức Triều Châu - Phúc Kiến ngày nay, có phát âm như 'Wiật Nam', và như sẽ quan sát rất kỹ ở những bài sau, các nhóm Lạc Việt tối cổ, ở khu vực tỉnh Sơn Đông (ngày nay), và bên sông Lạc, Hoàng Hà, sông Bộc, có thói quen thay âm [W] quan thoại ra [V]. Tương tự như biến chuyển qua lại giữa các âm như 'Hạng Yũ' thành Hạng Wũ, và 'Mã Yuen' thành Mã Wiện, trong phương ngữ Phúc Kiến. Điều này cho thấy chữ Nôm ngày xưa, trong lúc ký âm sang quốc ngữ dùng AB-C, các âm chữ /W/ và /Y/ đã hoàn toàn được gạt ra khỏi bộ chữ cái quốc ngữ, và biến chuyển từ Nôm sang quốc ngữ:  Hoặc: chịu ảnh hưởng mỗi một nhóm tộc một số cách phát âm cho một số từ. Thí dụ: 'Duyên phận' mang ảnh hưởng quan thoại, đọc: Yuan fen; hoặc ảnh hưởng Hẹ hay Hải Nam, phát âm: Zuan fen. Nhưng 'Mã Yuen / Yiệt Nam' lại chịu ảnh hưởng Triều Châu (Mân): 'Mã Wien/ Wiat Nam', đưa đến quốc ngữ: Mã Viện / Việt Nam.  Hoặc: được cài vào một số âm chữ /V/ bởi trong khu vực cư ngụ của một số tác giả cốt cán 'chủ lực' nào đó của chữ quốc ngữ, có rất nhiều người di cư từ khu vực Phúc Kiến Triều Châu chạy giặc Mãn Thanh. ‘Yuet Nam’ biến thành ‘Việt Nam’. Hay theo lối phát âm chữ 'W' thành 'V' của người Hẹ (Hakka). Sẽ bàn thêm khá kỹ, trong các bài tới.  Hoặc: đã được âm thầm biến đổi lúc chữ quốc ngữ nhảy vào thay thế chữ Nôm. Trong chuỗi trình đó, các Tôn sư sáng chế ra chữ quốc ngữ đã cố ý làm một công cho hai chuyện. Thứ nhất vin ngay vào phương âm Hakka hay Ngô Việt (cũng những thứ tộc Việt ngày xưa) để tách Việt Nam ra khỏi quỹ đạo của Hoa tộc, rồi đưa vào quỹ đạo người Pháp, và tránh nhầm lẫn với nhiều nhóm Yueh đã được (hay bị) Hán hoá từ lâu. Nhất là khối người chủng Thái-xưa ở Lưỡng Quảng, vẫn còn xưng là người Yueh. Và thứ hai, tránh dùng chữ 'W' của người Anh. Tránh được lộn xộn với chính quyền ở mẫu quốc. Để tránh lộn xộn, từ đây, chúng tôi sẽ cố gắng dùng chữ Yueh để chỉ chủng Việt (bao gồm Âu) khi còn ở pên Tàu, và Việt khi đã định cư lâu năm tại Việt Nam. Xin đóng lại dấu ngoặc. Trở lại với các thứ từ Việt kế tiếp. Theo quyển Mã Lai [4], chữ 'Yiệt' dùng để chỉ cái rìu (giống như kiểu rìu Quốc Oai) sau đó được thay thế bằng chữ 'Phủ', viết khác: 斧. Còn chữ Yiệt để chỉ chủng Yiệt, thường thường chi Âu tức Thái-cổ, được viết lại theo một dạng tự khác, ở vào thời Xuân Thu Chiến Quốc. 96


Đó là chữ Yiệt viết bằng cách nhập chữ 'Mễ' (mi 米) chỉ 'thóc gạo', với chữ 'yiệt' ban đầu chỉ cái rìu đặt ở phía dưới hạt thóc, 粵, như Hình 2(b). Chữ Yiệt bộ Mễ này mang nghĩa tượng hình rất sâu sắc. Nó dùng để chỉ giống dân biết dùng rìu và trồng lúa (nước). Chữ Yiệt [粵] này chính là Yiệt, hồi trước thế kỷ 20 thường phân biệt thành Tây Việt chỉ Quảng Tây, và Đông Việt cho Quảng Đông. Hiện nay, 'Yiệt' vẫn còn dùng như tên tắt tỉnh Quảng Đông, để chỉ thức ăn Quảng Đông (Yue tsai, Việt thái), tiếng Quảng Đông (Yue yu, Việt ngữ), và kịch nghệ Quảng Đông (Yue ju, Việt kịch). Tức dùng riêng cho chủng Yueh chi Âu, tức Thái-cổ. Cả hai chữ Việt này đều được ghi trong bộ 'Xuân Thu' do Khổng Tử biên soạn, được đăng tải đầy đủ vào các mạng internet thời đó. Cũng trong pho Xuân Thu, đến đoạn miêu tả sự việc xảy ra khoảng năm 672 TCN, chuyện Sở Thành Vương được lệnh thiên tử nhà Chu phải tận sức tiêu diệt bọn rợ Yueh (Việt) đang cư ngụ chung quanh nước Sở, Khổng Tử lại dùng Phông Unicode viết một chữ Yueh mới để mô tả bọn rợ Việt này: 走戌 . Mang nghĩa, và phát âm Tàu y hệt như: 'yượt (vượt)', viết bằng cách gộp chữ Tẩu 走, mang nghĩa 'chạy', với chữ Tuất 戌, một trong 12 con giáp. Theo lý giải chúng tôi, hơi khác với [4], Khổng Tử, người nước Lỗ tại chính địa bàn của đám rợ Lạc bộ Trãi, tức Đông Zi, hay đám Bộc Việt, chắc hẳn đã biết rõ đám rợ Việt này đã 'vượt' sông Hoàng Hà (phía cực Bắc), xuống định cư tại các khu vực chung quanh và trong nước Sở. Nhất là miền Nam và Đông Nam nước Sở, tức Hồ Nam và An Huy ngày nay. Đám này khác với nhiều đám rợ cũng gọi Việt, nhưng thuộc chi Âu, tức Thái-cổ, đang cư ngụ tại đất Kinh Việt, tức khu vực tỉnh Hồ Bắc ngày nay. Có lẽ ông tổ của Nho giáo là người đầu tiên đã đặt cho dân Việt một cái tên mới, với lối viết mới, 走戌, mang nghĩa “vượt”. Đó là tự dạng thứ 3 của 'Việt'. Nhưng đó vẫn chưa phải tự dạng cuối cùng. Tự dạng thứ 4 của 'Việt' mới chính là tự dạng cuối cùng, vẫn còn dùng để chỉ Việt Nam theo sách vở và báo chí Tàu ngày nay. Tự dạng đó vẫn phân biệt với Việt Quảng Đông, và do chính Hoài Nam Vương Liu An, cháu Hán Cao Tổ Liu Bang, xử dụng trong bộ sách Hoài Nam Tử, viết về những trận giặc thôn tính các bộ lạc Việt lớn nhỏ đủ thứ ở vùng Lĩnh Nam của Tần Thủy Hoàng. Tác giả Liu An đã dùng một chữ Việt mới để chỉ nhiều đám Yueh khác nhau, từ Mân Việt, Đông Âu cho đến Tây Âu. Chữ Việt đó chính là 越, viết y như Việt kiểu thứ 3, nhưng thay bộ Tuất bên phải bằng chữ 'Qua (gua)' mang nghĩa 'dáo mác', cộng với một cái 'móc' ở giữa. Chữ Việt này từ đó luôn được dùng để chỉ Nam Việt và Việt Nam. Ý nghĩa của chữ Việt thứ 4 này vẫn mang nghĩa 'Vượt' như chữ thứ 3, nhưng viết kèm 'người chạy giặc (tẩu)' với 'qua' (dáo mác) cộng với cái 'móc', tóm tắt như chữ 'thích', mang nghĩa cái rìu. Theo như một danh từ, có thể dịch chữ Việt này bằng: dân du mục, tức dân Lạc Việt du mục phía Bắc sông Dương Tử. Chữ Việt 越 này đã được dùng để chỉ nước Việt của Câu Tiễn ở khu Chiết Giang ngày nay. Tóm tắt:  Chữ Việt kiểu dáng 1: Yiệt như Hình 2(a) phía trên, xưa nhất, nghĩa 'cái rìu' (có vai)  Chữ Việt kiểu dáng 2: Mễ (gạo) + Yiệt (rìu): 粵, xuất hiện thời Xuân Thu. Hiện chữ Việt này được dùng để chỉ tỉnh Quảng Đông (Việt thuộc chủng Thái-cổ).  Chữ Việt kiểu dáng 3: Tẩu (chạy)+Tuất: 走戌, nghĩa 'Vượt'. Dùng để chỉ chủng Yueh thuộc đám Bách Bộc, Lạc bộ Trãi.

97


 Chữ Việt kiểu dáng 4: Tẩu (chạy) + Qua (dáo mác): 越. Dùng để chỉ đám Ngô Việt, Lạc bộ Trãi ở miệt Sơn Đông. Mang nghĩa ‘vượt’, hay 'Du Mục' theo nghĩa một danh từ, và chính là ‘Việt’ trong ‘Việt Nam’: 越 南. Bây giờ xin quan sát Nam Việt và Việt Nam. Quốc hiệu Nam Việt có lẽ là quốc hiệu có thật đầu tiên của người nước Nam. Nhưng quốc hiệu này bao gồm cả miền Lưỡng Quảng, tức xứ Tây Âu xưa cộng với khu vực Nam Hải / Long Xuyên, khu cai trị đầu tiên của tướng Triệu Đà. Thông thường quốc hiệu mang hàm ý của từ dùng để chỉ dân tộc sinh sống ở địa bàn xứ đó. Thí dụ: nước Pháp 'la France' là nước của người Pháp les 'Francais'. Nước Nhật ‘Nihon’ là nước của người Nhật ‘Nihonjin’. Như vậy, Nam Việt chính là nước của người Việt ở phía Nam, người Nam Việt. Thứ tự 'Nam Việt' xếp đặt theo cú pháp tiếng Hán: Hình dung từ 'Nam' đặt trước danh từ 'Việt': người Việt ở phương Nam. Nước Nam Việt của nhà Triệu tồn tại được khoảng 70 năm thì bị nhà Hán dứt điểm vào năm 111 TCN, khởi đầu thời kỳ Bắc thuộc. Khoảng cùng một lúc với tất cả các tộc Yueh ở khắp nơi trên nước Trung Hoa. Sau đó, tên gọi người Việt hay tộc Việt ở nước Nam, trên phương diện 'quốc hiệu' hoàn toàn biến mất trên 1000 năm. Cho đến năm 968, khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên các sứ quân cát cứ, và nhất thống xứ sở, ông đem chữ 'Việt' ra xử dụng trở lại và đặt tên nước là Đại Cồ Việt (nước Việt cực lớn). Quốc hiệu Đại Cồ Việt duy trì suốt thời Đinh (968-979), Tiền Lê (980-1009) và đầu thời Lý (1010-1053). Đến năm 1054, nhân một hiện tượng sao sáng trên trời, vua Lý Thái Tôn cho đổi tên nước là Đại Việt, và quốc hiệu này được giữ nguyên đến hết thời nhà Trần. Đến khi Hồ Quý Ly soán ngôi nhà Trần vào năm 1400, ông đổi quốc hiệu thành Đại Ngu, dựa vào nguồn quyền lực của vua Thuấn, thời huyền sử bên Tàu, có lẽ với mục đích dọa khỉ thế lực xâm lăng ở Bắc phương. Sau 10 năm kháng chiến (1418-1427), cuộc khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược của Bình Định Vương Lê Lị (Lợi) toàn thắng. Năm 1428, Lê Thái Tổ đặt lại tên nước là Đại Việt. Quốc hiệu Đại Việt được giữ qua suốt thời Hậu Lê (1428-1787) và thời Tây Sơn (1788-1801). Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua và cho đổi tên nước là Việt Nam. Thật ra ban đầu triều Nguyễn xin lại tên Nam Việt cũ của Triệu Đà, nhưng Thanh triều có vẻ không bằng lòng, với nhiều lí do, và chỉ chuẩn nhận với tên mới: 'Việt Nam'. Trong các lí do để bác bỏ tên Nam Việt cũ, có viện dẫn cho rằng 'Nam Việt' sẽ không được chính xác bởi đã có Tây Việt và Đông Việt, dùng để chỉ, theo tuần tự, Quảng Tây và Quảng Đông [15]. Theo thiển ý, ngoài việc dị ứng với cái tên Nam Việt, một mầm hy vọng tạo dựng đế quốc phía Nam của Triệu Đà, nhà Thanh có lẽ đã cảm thấy việc xử dụng tên cũ không còn hợp thời nữa bởi hai lẽ chính: Thứ nhất, Tây Việt và Đông Việt hãy còn đa số chủng Thái-cổ dù đã đồng hoá thành Hán, trong khi ở xứ Nam một khối dân tộc Việt đã bắt đầu bớt dần liên hệ huyết thống bà con với chủng Thái-cổ bên Tàu; và Thứ hai, tiếp tục gọi Nam Việt sẽ không hợp với tiếng Nôm, tiếng của người nước Nam. Việt Nam thật sự chính là lối gọi theo Nôm của... Nam Việt. Việt Nam: đất của người Việt ở phương Nam. Theo đúng cú pháp tiếng Việt: Nam đứng sau Việt. 98


Việt Nam: xứ của người Việt ở phương Nam. Đó chỉ là 'Nam Việt' viết và đọc theo lối tiếng Nôm. Điển hình, ngay từ thế kỷ 14, hai chữ “Việt Nam” đã xuất hiện ở tiêu đề sách “Việt Nam thế chí” (ghi chép về các đời ở Việt Nam) của Trạng nguyên Hồ Tông Thốc (theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, thế kỷ 19). Cuốn “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi (soạn năm 1434) cũng đã nhiều lần nhắc đến hai chữ Việt Nam. 'Việt Nam' cũng đã được Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) xử dụng nhiều lần trong các tác phẩm của ông, như: “Trình tiên sinh quốc ngữ văn” và 'Sơn hà hải động thường vịnh' (Vịnh về núi non sông biển). Trên nhiều tấm bia, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hai chữ “Việt Nam”, như trên tấm bia khắc ở chùa Bảo Lâm (Chí Linh, Hải Dương) năm 1558, có câu “Việt Nam đại danh lam bất tri kỳ cơ”, bia chùa Cam Lộ (Phú Xuyên, Hà Tây), năm 1590, có câu “Chân Việt Nam chi đệ nhất”. Thời Lê Trung Hưng (1533-1787), cả Đàng Trong và Đàng Ngoài đều trở lại tên Đại Việt, song hai chữ “Việt Nam” xuất hiện khá nhiều trong văn bia có niên đại sớm như: Bia chùa Thiên Phúc (Bắc Ninh, soạn năm 1648), bia làng Phú Mẫn (Bắc Ninh, 1649), bia chùa Phúc Thánh (Bắc Ninh, 1664), bia chùa Am Linh (xã Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội, năm 1670) [18]. Đến đời vua Minh Mạng, quốc hiệu được đổi thành Đại Nam (năm 1838). Trong khi dưới thời đô hộ hay bảo hộ của Pháp, người Tây phương nói chung vẫn còn quen gọi nước Nam bằng nước An-Nam. Tên nước Việt Nam, đầu tiên do triều Nguyễn lăng xê với sự phê chuẩn của Thanh triều, lại bị quên lãng gần một trăm năm. Đến đầu thế kỷ 20, nhiều nhà ái quốc Việt bắt đầu lôi hai chữ 'Việt Nam' trở ra để kích thích lòng yêu nước của người nước Nam. Hăng hái nhất có lẽ là Sào Nam Phan Bội Châu [14], và nhà ái quốc họ Phan đã xử dụng hai chữ 'Việt Nam' rất nhiều lần trong những tác phẩm của ông, như: 'Việt Nam vong quốc sử' (1905), 'Việt Nam quốc sử khảo' (1908), v.v. Từ đó đến nay, hai chữ 'Việt Nam' đã đi thật sâu vào tâm khảm của người Việt Nam. TÓM TẮT Trong phần trình bày phía trên, chúng ta đã phân tích các chủng Lạc thuần túy vào thuở cổ thời đã hợp với chủng Âu tạo dựng nên chủng Việt-Nam. Có tất cả chừng 4 thứ chủng Lạc chính: (i) Lạc bộ Trãi: xuất xứ từ miền cực Bắc nước Tàu, phía Đông. Khu vực phía Bắc sông Hoàng Hà chạy đến Sơn Đông. Có mặt tại 'Trung Hoa lục địa' cách đây ít lắm cũng 5000 năm. Ngày trước người Hoa gọi những đám này Bách Bộc, đa số có cuộc sống 'nay đây mai đó' của dân du mục [13]. Đám Bách Bộc còn được gọi Bộc Việt, theo Tả Truyện dẫn trong [4], đã từng lãnh đạo một đám các thị tộc Yueh khác chống lại nước Sở vào thời Sở Trang Vương (thế kỷ 7 TCN). Rất nhiều nhóm Bách Bộc đã di tản vào định cư ở khu vực nước Sở, chung quanh sông Hán và sông Dương Tử (tức Trường Giang) sau khi bị các xứ chư hầu thân thiên triều chủng Hoa, như: Tề, Lỗ, Tấn,... đánh đuổi. Ngay tại nước Sở cũng có một khối đông đa số thuộc chủng Âu, tức Thái-cổ. (ii) Lạc bộ Trãi định cư ở nước Sở trên dưới 100 năm lại được bổ sung bằng các thứ Lạc khác, cũng được người Tàu miêu tả bằng 'bộ Trãi', tức người chủng Việt-cổ. Đám 99


Việt này xuất xứ từ các nước Ngô (của Phù Sai) và Việt (Câu Tiễn) đã bị Sở tiểu diệt vào thế kỷ thứ 4 TCN. Xứ sở cũ của họ bị sát nhập vào nước Sở. (iii) Đến khi nhà Hán tiếp tay với nhà Tần tràn quân xuống thôn tính cả miền Hoa Nam, dân Lạc lại được bổ sung bằng đám Lạc bộ Mã, cư ngụ tại địa bàn Phúc Kiến - Triều Châu ngày nay. Đó là cư dân xứ Mân Việt. Trước đó, Mân Việt cũng có thể đã thu hút đám di tản chạy giặc Ngô-Việt và Việt-Sở, từ nước Việt của Câu Tiễn, tức Chiết Giang ngày nay. (iv) Phía bên hướng Tây nước Tàu, sau thời Tây Chu, nước Tần thay mặt thiên triều nhà Chu không ngừng ra sức đàn áp và tận diệt các đám rợ Nhung. Đầu tiên các đám Lạc bộ Chuy (Môn), Lạc bộ Khương (Khờ-Me) buộc lòng phải tẩu tán và di cư về phía Nam và Tây Nam. (v) Sau đó nước Thục, chứa đa số những bộ lạc thuộc chủng Âu, bị giải thể. Di dân Âu phải chạy qua nước Sở, xin thẻ xanh để định cư tại hai miền Bắc và Nam sông Dương Tử. Một số người Âu tràn xa xuống phía Nam, hội nhập với cộng đồng Tây Âu có sẳn ở đó, tức khu Quảng Tây ngày nay. (vi) Quân nhà Tần vẫn rượt bén gót đám chạy giặc thuộc chủng Âu. Trong những đợt chạy giặc sau cùng, trước khi một nước Tàu rộng lớn được hình thành, trên những con đường chạy giặc trên khắp miền Hoa Nam, người ta thấy các chi chủng Âu - Lạc, cộng với đám Miêu tộc (Hmong) cùng nắm tay nhau chạy tán loạn về phía Nam. Trong các bài tới, chúng ta sẽ cố gắng phân tích ảnh hưởng và đóng góp của từng thứ chủng Lạc trên ngôn ngữ và cá tính của người Việt Nam. Ghi Chú [1] Jeanne Cuisinier (1946) Les Mương – Géographie Humaine et Sociologie. Institut d’Ethnographie. Paris [2] Khuyết Danh (1377-1388) Đại Việt Sử Lược. Bản dịch của Nguyễn Gia Tường. Nhà Xuất Bản Thành Phố HCM. Bộ Môn Châu Á Học Đại Học Tổng Hợp TP.HCM. [3] Ngô Sĩ Liên và cộng sự (1497). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Thanh Việt và Phạm Ngọc Luật hiệu đính theo bản dịch của Đào Duy Anh. Nxb Văn Hoá Thông Tin (2004). Bản của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam được trình bày đầy đủ trên mạng internet: perso.wanadoo.fr/charite [4] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu [5] Một quyển sách đi sâu nhất vào vấn đề các chi chủng của khối Bách Việt chính là 'quyển Mã Lai' ghi phiá trên [4]. Nhưng rất tiếc, mục đích chính của thuyết Mã Lai lại qui tất cả các chủng Bách Việt trở lại thành chủng Mã Lai duy nhất, xuất phát từ khu Trung Á vùng bình nguyên Tây Tạng. Chia thành 2 đợt: Proto-Malay và Deutero-Malay, tức Mã Lai đợt I và đợt II, tuần tự, đi đến miền Đông Nam Á cách đây 5000 năm, và 2500 năm. Hai đợt cách nhau một khoảng thời gian rất dài: 2500 năm. [6] Keith Weller Taylor 1983) The Birth of Vietnam. University of California Press [7] Đông Việt thường gọi là Đông Âu, theo [4] có cư dân thuộc chi Âu, tức Thái cổ. [8] Randy J. LaPolla (2000) The role of migration and language contact in the development of the Sino-Tibetan language family. IN: Areal Diffusion and Genetic Inheritance: Case Studies in Language Change. Ed. R.M.W. Dixon & A.Y. Aikhenvald. Oxford University Press [9] Sách vở Việt Nam vẫn thường lầm bộ tộc Việt Thường là nước Việt Thường nằm ở Bắc Bộ ngày nay. Thật ra lúc đó kinh đô nhà Châu chính là Cảo Kinh nằm ở phía Đông Thiểm 100


Tây. Rất gần với địa bàn Đông Zi tại Sơn Tây kéo dài đến Sơn Đông gần biển. Và Việt Thường Thị chỉ có thể là đám rợ Đông Zi đó mà thôi. Nếu Việt Thường Thị ở Bắc Bộ, họ phải đi xuyên qua trên 1000 bộ lạc khác nhau mới đi đến được Cảo Kinh. Cực kỳ gian nan và nguy hiểm. Ngoài ra họ chỉ đi được bằng cách cuốc bộ hay cỡi trâu. Chỉ có thể đi thôi chứ không hẹn ngày trở lại. Hai chữ Việt Thường lại được lôi ra xử dụng thay cho khu Hoan Châu (tức Nghệ Tĩnh) vào thời nhà Đường, gây thêm lộn xộn. [10] Có hai giả thuyết về gốc gác người Lê (Li 黎): Giả thuyết 1: Người Lê là 1 trong 81 bộ lạc nhỏ của 9 nhóm Lê (Cửu Lê), tức người Hmong (Miao), đệ tử của Chi-You (tên tiếng Hmong, mang nghĩa 'Cha-Ông', tức thủ lĩnh, mà tiếng Việt quốc-ngữ thường bắt chước Hán, ghi thành Xuy Vưu). Đám Li này xuất phát từ vùng Đông Bắc nước Tàu (khu Sơn Đông), zi tản đến Hải Nam và Đài Loan rất sớm, cách đây trên 3000 năm; Giả thuyết 2: Người Lê có chủng tộc và ngôn ngữ rất giống người Choang ở Quảng Tây, tức người Tây Âu khi xưa (chủng Thái-cổ), hoặc một số bộ tộc ở khu vực Vân Nam, Quí Châu, gồm nhiều người Hmong. Nhiều tính tương đồng đã được ghi lại giữa một số bộ tộc người Choang, người Hải Nam, và người Mường, người Chăm. Tộc Lê chính là một gạch nối, dù khá xưa cũ, của 5 thứ người: Choang, Hải Nam (cổ), Mường, Việt cổ và Chăm. Theo khám phá loạt bài này, người Lê chính là người Lai (Hlai), một chi của khối Môn-Khmer. Hy vọng sẽ trở lại vấn đề này vào một zịp khác. [11] Sách vở Việt thường ghi nhận người Mường gọi vua Việt là vua Yịt Yàng, nhưng không có sách nào đưa ra giải lý, bởi ít ai đọc qua truyền thuyết Âu-Cơ theo bản của người Mường, có chép lại trong [1]. Theo đó, vua Yịt Yàng chính là một trong những tù trưởng thuộc 50 người con đã theo Cha Lạc Long Quân đi về miền sông biển. Những người xếp bộ lạc này thuộc đám mặc áo màu vàng, tiếng Mường-xưa và tiếng Kha Lá Vàng gọi 'Yềng'. Đám theo Âu Cơ, thuộc dòng vua chúa (tù trưởng) mặc áo màu đen. Để ý, khi người Mường gọi tù trưởng bộ tộc Việt bằng Yịt Yàng, họ mặc nhiên thừa nhận vua Việt không phải là vua của họ. [12] Jeffrey G. Barlow (2000) The Zhuang: Ethnogenesis. Research Report. Department of History - PACIFIC UNIVERSITY, 2043 College Way - Forest Grove, Oregon, 97116. AT: http://mcel.pacificu.edu/as/resources/zhuang/zhuangintro.htm [13] Đường Nhạn Sinh, Bạo Thúc Diễm & Chu Chính Thư (2002) Mưu Trí thời Xuân Thu. (Ông Văn Tùng & Vũ Ngọc Quỳnh dịch). Nxb Văn Nghệ, TP HCM [14] Vĩnh Sính (2001) Việt Nam và Nhật Bản: Giao Lưu Văn Hoá. Văn Nghệ TP HCM. [15] Cao Xuân Dục (1908) Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu. Dịch giả: Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Nxb Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa Việt Nam. Chuyển sang internet: Lê Bắc, Doãn Vượng, Công Đệ. Xem: perso.wanadoo.fr/charite [16] Trần Trọng Kim ( 1971) Việt Nam Sử Lược. Trung Tâm Học Liệu của Bộ Giáo Dục xuất bản. Đại Nam tái xuất bản tại Hoa Kỳ. [17] Để ý: người Tàu vẫn thích dùng Cửu Lê, dùng số 9, rồi số 81 để chỉ 81 bộ tộc khác nhau của tộc Lê. Số 81 chính là 9 x 9. Trong hệ số đếm dùng số 9 làm cơ bản, số 81 tương đương với 100, người Tàu xưa gọi Bách: Bách Bộc, Bách Việt, Bách Lê. Như vậy chúng ta đã thấy một lần nữa, rất có khả năng hệ thống đếm ngày xưa của người Tàu chính là hệ dùng số 9. Xuất xứ từ đám Việt tộc ở phía Nam. Giống y như hệ đếm người Mường xử dụng cho đến giữa thế kỷ 20. (Xin xem bài: 18 đời Hùng Vương). [18] Theo tài liệu do Thông Tấn Xã Việt Nam trích dẫn (27/4/2004). [19] Theo nhà văn Nobel Trung Quốc Cao Hành Kiện, cư dân khu vực sông Dương Tử vào thời Đồ Đá Mới cách đây khoảng 7000 năm đã có khả năng di chuyển xa bằng đường thủy. (xem: http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=245&rb=06)

101


Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (7): Hakka (Hẹ) và tộc Lạc Việt Trong lúc truy cập tìm thêm tài liệu để viết tiếp loạt bài này, chúng tôi phát hiện người Triều Tiên (Chosun) cũng mang một số hội chứng về cổ sử nước họ. Đặc biệt nhất, họ cũng có 18 đời vua Bai-dal kéo dài hơn 1500 năm, bắt đầu vào khoảng thiên niên kỷ thứ 3 trước Công Nguyên [1], y hệt như thời Hồng Bàng của nước Việt, đã được thêu dệt thành 'truyền thuyết' bắt chước theo lối người Hoa. Người Triều Tiên cũng nhìn nhận họ chính là hậu duệ của một trong ba nhóm rợ Đông Yi, hay rợ Tam Hàn. Cũng như nhiều nhóm rợ khác trong cổ sử Tàu, nhóm Đông Yi bao gồm rất nhiều nhóm tộc khác nhau, nhưng nổi bật nhất có lẽ là các nhóm: Miêu tộc (tức Hmong), Lê tộc (còn gọi Lai hay Hlai Yi) và Bộc Việt, tức nhóm Lạc bộ Trãi đã được giới thiệu đến trong bài trước. Đặc biệt người Triều Tiên chọn vua Xuy Vưu (Chi-You), lãnh tụ của đám Cửu Lê [2], tức phần lớn người Hmong-Mien (Miêu-Yao), làm thánh tổ dân tộc họ. Vua Xuy Vưu (hay Yâu) đã từng tranh chấp đất đai và bộ lạc với Hoàng Đế Hiên Viên của Tàu, rồi sau cùng đại bại và bị chặt đầu. Họ rất hãnh diện làm hậu duệ nhóm Miao hay Hmong bởi gần đây nhiều nhà khoa học phát hiện rằng chính người Miao là tộc người đã sáng tạo ra chữ viết đầu tiên ở Á Châu, để rồi bị người Hoa nhanh tay chôm và phát triển thành chữ Tàu hỗ trợ cho nền văn minh Hoa Hạ. Xin tóm tắt những điểm song song trong huyền sử 3 nước Tàu, Việt và Hàn: thời Hồng Bàng đời vua niên đại thánh tổ

Trung Hoa nhà Hạ 18 khoảng năm 2600 TCN Hiên Viên Hoàng Đế

Việt Nam Hùng Vương 18 khoảng 2798 TCN Thần Nông

Triều Tiên Bai-dal 18 khoảng 3898 TCN Xuy Vưu (Chi Wu)

Như vậy, không còn ngờ gì nữa, con số 18 dùng trong 18 đời vua ở thời huyền sử, chỉ là một ẩn số X, thường xuyên được xử dụng trong văn hoá cổ thời, có lẽ khi hệ thống số đếm hãy còn dựa trên cơ số 9 (xem [2]), chứ không phải 10. Với số 18 bằng X, và X có thể bằng 0 (18= X, và X= 0), chuyện 18 đời Hùng Vương lại được minh giải, chỉ là một lối nói, văn vẻ, cho qua chuyện, với chi tiết không ai biết rõ, của nền văn hoá cổ thời. Thêm một nhận xét quan trọng: 'Vua' Xuy Yâu tưởng tuyệt tích giang hồ đã lâu, không ngờ lại chính là thánh tổ dân tộc Triều Tiên. Điều này cũng có nghĩa, gần như tất cả những diễn viên chính yếu của sân khấu thời huyền sử hoặc cổ sử Trung Hoa, đều có hậu duệ còn tồn tại cho đến ngày nay. Trong bài này chúng ta sẽ thử quan sát người Hakka, tức Khách Gia, hoặc thường gọi nôm na: người Hẹ, trong bối cảnh của giả thuyết: Người Hakka chính là tiền thân của tộc Việt, thành phần chủ lực của nhóm tộc Việt phối hợp với tộc Thái-cổ, đã đến xứ Việt cổ trong khoảng thiên niên kỷ trước và sau Công Nguyên. Nói một cách khác, chúng tôi sẽ cố gắng chứng minh, Lạc Long Quân mang trong người huyết quản của một người Hẹ cổ.

102


Nhưng trước khi bắt đầu quan sát hành trình người Hakka (Hẹ), thường được gọi dân Do Thái của Trung Hoa, trong suối nguồn tộc Việt, chúng ta thử nhớ lại một vài điểm liên hệ quan trọng như sau. (i) Thứ nhất, trong loạt bài 'Từ chữ Nôm đến quốc ngữ' (xem 'aihuucongchanh.com') chúng tôi đã đưa ra nhận xét đồng thuận với rất nhiều nhà khảo cứu tiếng Hán (thí dụ [5] & [6]), rằng tiếng Hán đọc và viết theo kiểu quốc ngữ, thường gọi Hán Việt, giống với tiếng quan thoại (phổ thông) nhiều hơn tiếng Quảng Đông. Mặc dù Quảng Đông gần gũi Việt Nam hơn khu vực nói tiếng quan thoại gốc, phía cực Bắc nước Tàu, miền Bắc sông Hoàng Hà. Lý giải thông thường ưa cho rằng người An Nam ngày xưa học tiếng Tàu từ những ông quan ông tướng người Tàu từ triều đình ở miệt Bắc nên thâu nhập lối phát âm phía Bắc nhiều hơn ở phía Nam. Lý giải kiểu này từ ngàn xưa, luôn được hỗ trợ bởi các kiến thức do người Tàu bày ra. Đó là tộc Việt nếu xuất phát từ pên Tàu chỉ có thể xuất phát từ nhóm Bách Việt ở Hoa Nam, như dân Phúc Kiến (Mân Việt), Quảng Đông (Đông Việt), và Quảng Tây (Tây Việt hay Tây Âu hoặc Âu Việt), v.v. Tiếng Hán do người An Nam học được từ những ông quan Tàu có đầu óc khai phóng, dạy dỗ. Thật ra, như chúng ta đã thấy, ở các bài trước, vào thuở cổ thời tộc Việt và Hmong (Miêu) đã có mặt ở khắp nơi trên nước Tàu, nhất là miền Hoa Bắc, chung quanh lưu vực sông Hoàng Hà (xem [5] & [7]). Tức vào thời xa xưa, tộc Hoa và Yueh sinh sống gần gũi nhau, ở miền Hoa Bắc. Do đó, tiếng Hán-quốc-ngữ có giống tiếng quan thoại là do tiếng quan thoại mang nhiều ảnh hưởng, hoặc có nhiều từ mang phát âm giống, tiếng Việt cổ của đám Lạc bộ Trãi có địa bàn tại miền Bắc sông Hoàng Hà, chung quanh các tỉnh Sơn Đông, Hà Bắc, Sơn Tây ngày nay. (ii) Thứ hai, trong các nhóm người dân tộc ở phía Bắc, có một nhóm gọi 'người Nguồn' với địa bàn tại khu vực Quảng Bình. Người 'Nguồn' là một trong số ít thuộc khối người dân tộc mang chủng ... Việt-cổ (xem [8]). Cuisinier (4) đưa ra giải thích rằng 'Nguồn' mang nghĩa 'nguồn' suối, nguồn sông, cội nguồn của sự sống. Chúng tôi mạo muội nghĩ khác, và dựa vào một từ nguyên thủy của con người thời tiền sử, thường được dùng để chỉ 'dân tộc'. Đó là từ dùng để chỉ 'Người', con người. Tiếng Mường, đó là 'mwang'. 'Mwang' ở tiếng Mường thời xa xưa, mang nghĩa 'người' [13]. Về sau mang nghĩa 'mường bản' hay đơn vị xã hội người Mường. Cũng y như 'Orang' mang nghĩa 'người' mà Hoàng Thị Châu [9][10] cho rằng đã biến âm dần dà sang 'Văn Lang', tên gọi nước của Hùng Vương (xem bài Hùng Vương (4): Nước Văn Lang). Như vậy tộc người Nguồn, theo thiển ý, có thể đã xuất phát từ 'Ngin' của tiếng Hẹ, và 'Nguin' hay 'Ruin' theo tiếng người Sơn Đông. 'Ngin' và 'Nguin' hay 'Rin' đều mang nghĩa 'Người'. Khu Sơn Đông chính là một địa bàn lớn của đám Đông Yi, trong đó có Lạc bộ Trãi. (iii) Thứ ba, khi Trần Thủ Độ ép buộc Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi lại cho chồng là Trần Cảnh (người gốc Mân Việt [12]), vào đầu thế kỷ 13, nhà Trần khởi nghiệp và nhà Lý cáo chung. Một nhóm hoàng thân quốc thích của nhà Lý thấy không yên nên mới lên tàu căng buồm, di tản chạy về phía Bắc. Tàu bè trôi dạt về bán đảo Triều Tiên và họ định cư tại đó cho đến ngày nay. Hậu duệ của những người họ Lý này về sau trở thành người Hàn, và có vị làm đến tổng thống (Lý Thừa Vãn - Syngman Rhee). Trong mấy năm gần đây có một nhóm trở về Việt Nam tham quan nơi chôn nhau cắt rốn của tổ tiên. Theo đăng tải ở nhiều sách báo, hậu duệ của những hoàng thân họ Lý cho biết sở dĩ tổ tiên họ trở về bán đảo Triều Tiên là vì gốc gác của họ là ở nơi đó. Khi di tản họ nhắm về hướng đó. Có thể có thật hay chăng, cái hướng thật sự các hoàng thân lưu vong nhà Lý đã nhằm vào chính là quê hương của tộc (Lạc) Việt. Quê hương đó thật ra nằm ở khu vực bán đảo Sơn Đông, phía bên kia eo 103


biển bán đảo Triều Tiên. Nhưng sau một hành trình xa xôi và la bàn thời đó không mấy chính xác, nên các hoàng thân đã bị lạc lối vào xứ Triều Tiên?

Hình 1: Bản đồ chỉ hướng Nam tiến của hai chủng Âu + Lạc, và lộ trình di tản trở về cố quận của hoàng thân nhà Lý. Bản đồ cho thấy lộ trình Nam tiến của hai chủng Âu và Lạc vào thời 'dựng nước', và con đường di tản tìm về quê cũ của tổ tiên dòng họ nhà Lý sau khi bị họ nhà Trần tiếm ngôi. Câu hỏi đặt ra ở đây: Phải chăng cái hướng đến đích thực, theo dự tính của các hoàng thân nhà Lý, chính là khu Sơn Đông chứ không phải Triều Tiên? Nhưng vì, hoặc, khu Sơn Đông đã rơi vào Hoa tộc từ lâu; hoặc, tàu bè bị trôi dạt; hoặc, họ biết các tộc Miêu & Hẹ đã định cư ở Triều Tiên, nên các hoàng thân nhà Lý cuối cùng đã đổ bộ vào định cư ở xứ Hàn. Thêm một lý do khác: Khu đất tổ họ nhà Lý ở miệt Sơn Đông đã bị người Hoa chiếm đóng từ lâu, nên họ phải chạy về Triều Tiên? (iv) Thứ tư, để ý đến câu ngạn ngữ: 'Trên Bộc dưới dâu (hay: trong dâu) - Bộc thượng tang gian'. Đó là một thứ ngạn ngữ người Hoa xưa và nay ít khi biết đến. Nhưng nó lại đặc biệt khá quen thuộc đối với người Việt, và xuất hiện trong nhiều từ điển Việt, như từ điển của Đào Duy Anh, Lê Ngọc Trụ, v.v. Thế nào là 'trên Bộc dưới dâu'? Trước hết, sông Bộc 濮 xuất phát từ tỉnh Sơn Đông rồi xuyên qua các tỉnh lân cận như Hà Bắc, Hà Nam (thành phố Bộc-Dương 'PuYang'), và chảy vào sông Hoàng Hà, chính là địa bàn của nhóm Bộc Việt thuộc khối Bách Bộc. 'Trên Bộc', có nghĩa 'trên bãi sông Bộc', và 'dưới dâu', nghĩa 'trong ruộng dâu', với lá dâu 104


dùng để nuôi tằm kén tơ. Nhiều địa điểm ở sông Bộc và ruộng dâu gần đó, chính là nơi trai gái nước Trịnh và Vệ ưa dùng để hẹn hò tình tự ở thời Đông Chu Liệt Quốc. Nước Trịnh và Vệ, cũng như các nước lớn như Tấn và Tề gần đó, chứa rất nhiều đám 'rợ' Lạc bộ Trãi [14]. 'Trên Bộc dưới dâu' là ngạn ngữ xuất phát từ nhận xét của Hoa tộc về đám rợ phía Bắc sông Hoàng Hà. Ngạn ngữ này, có lẽ đã theo vết chân đám rợ này đến xứ Việt cổ, vào thời xa xưa. (v) Thứ năm, Đại Việt Sử Lược [11] có ghi gặp gỡ đầu tiên của thị tộc Việt Thường với triều đình nhà Châu (đời vua Thành Vương, khoảng năm 1120 TCN), khi 'đại sứ' Việt Thường, một bộ tộc có xâm mình, xâm trán, nhuộm răng đến cống hiến con chim Trĩ (Trãi). Lúc đó kinh đô nhà Tây Châu còn ở đất Kiểu Kinh thuộc tỉnh Thiểm Tây ngày nay. Sự kiện này cho thấy: (a) tộc Yueh mang tính hiếu hoà từ thời xa xưa, (b) tộc Yueh Thường phải có địa bàn ở gần đất Cảo Kinh (tỉnh Thiểm Tây), vùng lưu vực sông Hoàng Hà, miền Hoa Bắc. Có lẽ bên sông Vị như LaPolla [7] đã đề cập. Chỉ có địa bàn gần như vậy mang chim mới tới. Chứ nếu ở tận Bắc Bộ phía cực Nam, phải lội bộ qua hàng ngàn bộ lạc dữ dằn khác nhau. Một chuyện khá hoang đường. (c) người Hoa đầu tiên mô tả tộc Việt này bằng cách viết nên chữ Lạc, theo bộ Trãi 貉 nhắc đến cái tích tặng chim Trĩ ngày xưa (Trĩ đọc như Trãi, theo phát âm Tàu /zhi/). Lạc bộ Trãi dùng để chỉ riêng nhóm Yueh tộc có địa bàn ăn khớp với địa bàn của đám rợ Đông Yi, chung quanh Sơn Tây, Hà Bắc, và Sơn Đông. Phân biệt với Lạc (bộ Mã) 骆 cho nhóm Mân (Phúc Kiến) và Lạc Chuy và Khương, 雒 và 羌,cho khối Môn-Khmer, nhóm người có lẽ có mặt tại Việt cổ trước tiên (Xem bài 6). Cũng có thể người Hoa đặt tên Lạc cho đám này bởi có lúc họ tập trung ở khu vực sông Hoàng Hà và sông Lạc 洛 ở tỉnh Hà Nam và Thiểm Tây ngày nay. Như vậy tộc Việt liên hệ với người Hẹ (Hakka) thế nào và người Hakka là ai? Người Hakka, thường gọi Khách Gia (Ke Jia), hay nôm na hơn: người Hẹ, có lẽ là một tộc dân kì bí nhất của Trung Quốc hiện nay. Kì bí bởi họ còn giữ được nhiều tục lệ cổ truyền cũng như ngôn ngữ [15], mặc dù đã trải qua cả ngàn năm hội nhập với các tộc địa phương. Rất nhiều giả thuyết về gốc gác của người Hẹ đều đi đến các ngõ cụt khác nhau. Chung qui cũng bởi lý do người Hoa đã tự đánh lừa chính họ. Người Hoa rốt cuộc đã rơi vào cái bẫy họ giăng ra từ thuở xa xưa, cho rằng tộc Việt không có mặt ở phía Bắc sông Dương Tử. Mặc dù họ biết có đám Bộc Việt (Pu Yue) thuộc khối Bách Bộc (Bai Pu), đã từng có mặt trên nhiều chiến trường thời Đông Chu Liệt Quốc, nhưng họ vẫn bị nhầm lẫn với nhiều đám Việt khác đã vượt sông Hoàng Hà rất sớm và hội nhập với các đám Lạc Việt và Âu Việt, ở phía Tây (Tứ Xuyên) và phía Nam hoặc Đông Nam của nước Sở. Cũng như trong suốt hằng ngàn năm lịch sử, có rất nhiều đợt di tản của Yueh (Việt) tộc từ phương Bắc xuống Hoa Nam. Đợt này cách đợt kia có khi cả trăm năm. Mặc dù cùng chung một thứ chủng tộc với nhau, các đợt Yueh tộc di tản này có thể khác nhau ít nhiều, bởi thuộc những bộ lạc khác nhau, và đã thấm nhuần biến đổi theo phong thổ địa phương, theo kiểu người tới trước kẻ đến sau [19]. Từ đó, người Hoa rất có thể đã quên nhiều đám Việt tộc, như nhóm Lạc bộ Trãi chẳng hạn (xin xem bài số 6), khi xưa từng có địa bàn nguyên thủy tập trung tại các nước Tề, Lỗ, và Tấn, ở lưu vực phía bắc sông Hoàng Hà, hay ngay cả bên bờ sông Vị thuộc tỉnh Thiểm Tây ngày nay [7]. Người Hán đã quên đi các nhóm Việt tộc đó, một phần có lẽ bởi họ đinh ninh một số lớn đã đi theo nhóm Bách Lê (Cửu Cửu Lê, tức 9 nhóm Cửu Lê, mỗi nhóm lại có 9 tiểu chi), tức người Miao-Yao (Hmong-Mien) di tản về hướng Đông Bắc để rồi thành lập nước Triều Tiên về sau. Hoặc, nếu không đi sang bán đảo Triều Tiên, thì cũng đã theo các nhóm Đông Di khác (nhất là Miao và Lê) xuôi về phía Nam sông Dương Tử rồi định cư tại các khu vực như Quí Châu, Vân Nam, Giang Tây, Quảng Tây, v.v.

105


Thêm vào đó cái tên Hakka, tức Khách Gia, hay Hẹ chỉ là một tên gọi mới chỉ đám du mục tràn đến Hoa Nam vào đời nhà Nam Tống (thế kỷ 13). Từ những kiến thức chủ quan và sai lầm như vậy, người Hoa từ cả ngàn năm vẫn đinh ninh hễ tộc nào xuất xứ từ phía Bắc sông Dương Tử chỉ có thể là Hán tộc thuần túy mà thôi. Ngoài ra, và xin nhấn mạnh điểm này, rất nhiều vị lãnh đạo, cấp 'vĩ nhân' của thế kỉ như Đặng Tiểu Bình, Lý Quang Yiệu, gia đình anh chị em nhà họ Tống (Tống Khánh Linh, Tống Mỹ Linh, Tống Tử Văn), và kể luôn cả Mao Trạch Đông theo một giả thuyết mới có trên internet, đều là người gốc Hẹ. Cho nên không có cách nào khác hơn là việc cho người Hẹ mang gốc Hán tối cổ hoặc Hán thuần túy, nghe mới xuôi tai về mặt chính trị. Từ đó, chúng ta thấy trên cả trăm trang web về người Hẹ, không ai có thể xác định được gốc gác hoặc tộc cổ của người Hẹ là gì, ngoài việc cho họ thuộc giòng Hán cổ. Hakka là phương âm Quảng Đông của tiếng quan thoại 'Ke jia' (客 家, khách gia) mang nghĩa 'người khách', đối nghĩa với 'dân bản địa'. Tiếng Việt thường gọi tắt là Hẹ. 'Khách gia' đối với dân Hoa Nam, cũng y như 'khách trú' hay 'Cắc Chú' do người Việt dùng miêu tả người Hoa tị nạn giặc Mãn Thanh, chạy sang đất Việt từ thế kỷ 17. Theo rất nhiều tài liệu từ mạng internet, người Hẹ ngày nay thường tập trung tại các khu vực ở Giang Tây, Quảng Đông (Meixian), Phúc Kiến, Tứ Xuyên và Đài Loan. Họ cũng di tản đến khắp nơi ở Đông Nam Á, đặc biệt tại In-đônê-xia, Mã Lai Á và Singapore. Và từ khoảng thế kỷ 17 trở về sau, người Hẹ đã đặt chân đến tận Châu Âu, Châu Mỹ. Dân số Hẹ tại Trung Quốc khoảng chừng 35 triệu, và nếu kể hết toàn cầu có thể hơn 60 triệu. Khác với hầu hết các tộc người tại Trung Hoa, người Hẹ mang bản chất xa xưa là dân du mục, nay đây mai đó. Bởi là dân du mục, người Hẹ có rất nhiều khả năng thích hợp với mọi môi trường sinh sống mới. Họ khôn khéo lanh lợi và làm việc cần cù siêng năng. Nhưng họ rất 'cứng đầu', thí dụ như không theo tập tục 'đàn bà bó chân' theo kiểu người Hoa. Thật ra, ở phương diện nhân chủng, một vài trang mạng cho biết người Hẹ có tóc dợn sóng, so với Hoa tộc tóc thẳng, và sóng mũi giữa đôi mắt cao hơn loại Hoa tộc. Quyển 'Mã Lai' [5] ngày trước cho biết dân Bách Việt (Bai Yue) thuộc chủng Mã Lai cũng có tóc dợn sóng, mũi cao và da trắng hơn chủng Hoa. Ngày nay, chúng ta có thể để ý da người Thượng Hải (Chiết Giang, Yueh chi Lạc), người Quảng Đông hay Hong Kong (chủng Yueh chi Âu), có vẻ trắng hơn da người Hoa ở miệt Bắc Kinh. Ngày trước, cả Tây Thi và Dương Quí Phi đều mang giòng máu chủng Yueh, hay ít lắm sinh trưởng tại các địa bàn chủng Yueh. Hầu hết các giả thuyết về người Hẹ đều chú tâm đến gốc gác và các đợt di tản lớn của họ. Có tất cả 3 loại giả thuyết về gốc gác. Thứ nhất, địa bàn cũ người Hẹ là các khu vực Hà Bắc, Sơn Tây và Hà Nam, tức lưu vực sông Hoàng Hà ở phía Bắc. Thứ hai, người Hẹ thuộc gốc các tộc Yueh (Việt) ở Hoa Nam, đặc biệt người 'She' {畲}, mang nghĩa 'khách từ vùng núi', thuộc chủng Hmong [21], có ngôn ngữ nhiều chỗ giống tiếng Hẹ. Và sau cùng, thứ ba, người Hẹ có tổ tiên là người Hung nô. Thuyết nào cũng có lý, nhưng đa số có vẻ chấp nhận thuyết thứ nhất qui gốc người Hẹ về khu lưu vực sông Hoàng Hà, đặc biệt Thiểm Tây, Sơn Tây, Hà Bắc, phiá Tây Bắc Sơn Đông, tức địa bàn của các nước Tấn, Trịnh, Vệ, Ngụy, Tề, Lỗ ở thời xa xưa. Thuyết về gốc người Hẹ nổi tiếng nhất chính là thuyết của La Hương Lâm (Luo Xiang Lin), xuất bản vào năm 1933. Thuyết của La Hương Lâm ra đời rất đúng lúc, nhằm vào việc giải tỏa ngộ nhận phổ biến thời đó, rằng người Hẹ không có mang máu Tàu [17]. Theo họ La, người Hẹ có tất cả 5 đợt di tản chính, từ phía Bắc xuống phía Nam: - Đợt 1 vào thời Tần Thủy Hoàng, thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên; - Đợt 2, cuối đời Đường và đầu đời Tống (thế kỷ 10 sau Công Nguyên); - Đợt 3, cuối thời Bắc Tống và bắt đầu thời nhà Minh (thế kỷ 12-14): chạy Mông Cổ; 106


- Đợt 4, cuối đời Minh cho đến bắt đầu nhà Mãn Thanh (thế kỷ 17); - Đợt 5, khoảng cuối thời nhà Thanh (thế kỷ 19-20), trùng hợp với loạn Thái Bình Thiên Quốc của Hồng Tú Toàn, một người Hẹ. Đợt 5 này, có lẽ vì dính líu đến nhiều người Hẹ, thuộc đám phiến loạn, đã khiến một số người Hẹ phải phân tán ra khỏi tỉnh Quảng Đông chạy đi nơi khác. Tuy nhiên như chúng ta sẽ thấy phía sau, La Hương Lâm cũng như hầu hết các học giả Hoa Việt rồi đến Âu Mỹ, theo thiển ý, đều có vẻ bỏ sót hoặc đã vô tình lướt qua những cuộc di tản rầm rộ xảy ra vào thời binh lửa của Xuân Thu Chiến Quốc, rồi Hán Sở tranh hùng, diễn biến ngay tại địa bàn nguyên thủy của người Hẹ, và đám rợ Bộc Việt hay Bách Bộc, trong suốt 6-7 trăm năm trước Công Nguyên. Gần đây, LaPolla [7] có thu thập một bảng kết toán di dân khắp nơi tại Trung Quốc qua các thời đại. Theo đó cuộc di dân sớm nhất là do ở người Bách Việt, thiên cư về Nam từ miền lưu vực sông Vị ở tỉnh Thiểm Tây vào thế kỷ 7 trước Công Nguyên. Một kiểm chứng khoa học tường trình trên mạng internet lại đưa mọi người đến lộn xộn mới. Đó là kiểm chứng về di truyền thể DNA. Theo đó, DNA của người Hẹ không giống, hoặc cùng thứ với người Hoa ở phía Bắc, mà lại cùng loại với dân Hoa Nam [16]. Kết quả có vẻ ngược đời này thật ra rất thích hợp với lý giải của chúng tôi ở đây. Bởi người Hẹ chỉ có thể là Yueh (Việt) tộc bị 'lạc loài' ở phương Bắc từ thời xa xưa, nên mới có DNA giống DNA của dân Hoa Nam, thuộc khối Bách Yueh (Việt) cũ. Nay người Hẹ về Hoa Nam hội nhập với đồng chủng của họ (như người Chiết Giang, Phúc Kiến, Triều Châu, v.v.), nên kiểm chứng DNA dễ bị nhầm rằng họ ngày xưa xuất phát từ Hoa Nam, bởi họ có DNA y như dân Hoa Nam. Thật ra DNA của người Hẹ giống như DNA dân Hoa Nam từ 5000 năm trước. Ở thời xa xưa, họ còn sinh sống ở Hoa Bắc với một số tên khác người chủng Hoa đã đặt cho họ. Đó là nhóm Bách Bộc hay Bộc Việt, hoặc đám rợ Đông Yi, hoặc Lai Yi. Hay cũng có thể có liên hệ bà con với nhóm Bắc Địch từ phương cực Bắc. Hoặc đó là thị tộc Việt Thường với con chim Trĩ, hay khối Lạc Việt, với chữ Lạc viết theo bộ Trãi (quan thoại phát âm /zhi/ giống phát âm chỉ chim 'Trĩ') 貉 [20], y như Lạc trong họ của Lạc Long Quân. Sau đây chúng ta sẽ truy tầm thêm những chứng liệu khác dùng để minh giải một đẳng thức hết sức quan trọng, mà gần như tất cả học giả hay nhà khoa học từ Đông sang Tây, tự cổ chí kim thường xuyên bỏ sót. Đẳng thức đó là: Việt Thường = Bộc Việt (thuộc Bách Bộc) = Lạc Việt (Trãi) = HẸ (Hakka) (1) Đẳng thức (1) này thuộc một phần Đẳng thức chính (2), cốt lõi của loạt bài này: Việt (Nam) = Âu Việt + Lạc Việt // Môn-Khmer+Polynesian +Negrito & Melanesian (2) Tức người Việt Nam biến thân từ hợp chủng giữa tộc Âu Việt (Thái-cổ) và Lạc Việt (Việt-cổ) trên nền tảng hai chủng Môn và Khmer, và khối Đa-Đảo Polynesians. (Dấu // ở đây mang nghĩa: ‘trên nền tảng’ hay ‘có hạ tầng’). Tộc Hẹ hay Bộc Việt hoặc Việt Thường, ở đẳng thức Hakka (Hẹ) (1) phía trên, là một chi tộc quan trọng thuộc tộc Lạc Việt, tức chủng Việt-cổ. Trước hết như phía trên đã đề cập, tất cả những diễn viên trên sân khấu lục địa Trung Hoa vào thời Đông Châu Liệt Quốc hay sớm hơn nữa, đều còn đầy đủ hậu duệ tồn tại đến ngày nay. Thí dụ, đám rợ Lạc Chuy, Khương (còn mang tên Tây Nhung hay Khuyển Nhung) tiến về Nam trở thành dân Môn-KhờMe, và một số đông dân tộc ít người tại Nam Trung quốc và khắp miền Đông Nam Á ngày nay. Cùng chủng với người Môn là người Myanmar, tức Miến Điện ngày 107


nay. Còn tộc Khmer ban đầu di tản sang chiếm nhiều địa bàn ở Đông Dương, kể cả Bắc bộ và Lào, nhưng về sau nhượng Lào lại cho thị tộc Ai Lao từ khu Vân Nam. Cư dân nước Sở, Thục và Tây Âu, tức các nhóm Âu hay Thái cổ, trở thành vô số khối người dân tộc ở Hoa Nam, đặc biệt người Choang ở Quảng Tây, người Nùng, Mường, Tày, Thái,.... Họ cũng đã hợp chủng với các nhóm Lạc Việt tạo nên người Việt Nam, trên lớp người bản địa sẵn có từ lâu là tộc Môn và Khmer. Người Thái-cổ tại Vân Nam trở thành người Lào, người Thái Lan ngày nay, sau những đợt khủng bố của quân Mông Cổ tại Vân Nam vào thế kỷ 13. Người Miao tức Hmong, với thánh tổ là Xy Vưu, được người Triều Tiên nhìn nhận một trong những tộc chủ lực tạo nên dân tộc Hàn. Thế còn người Bộc Việt thuộc khối Bách Bộc thì sao? Chỉ có một trong hai: Hoặc họ có hậu duệ còn tồn tại, hoặc họ đã bị biến đi đâu mất tiêu. Thế đặc tính cổ thời của nhóm Bộc này ra sao? Vài ba điểm nổi bật. Họ là đám dân du mục khét tiếng, có mặt trên nhiều chiến trường ở thời Đông Châu Liệt Quốc [18]. Có lúc họ lãnh đạo một khối liên minh các bộ tộc thuộc chủng Yueh (Việt) để đương đầu với 'chính quyền' nước Sở [5], một nước rất hung hăng chuyên đàn áp các đám rợ, đa số thuộc chủng Yueh, trong và ngoài nước. Rất có khả năng, họ chính là thị tộc Việt Thường, ngày trước đã cử 'đại sứ đặc mệnh và toàn quyền' đem con chim Trĩ đến tặng vua nhà Châu để giao hảo làm quen. Địa bàn nguyên thủy người Bộc ở phía Bắc nước Tàu, gần gũi với Hoa tộc khu bình nguyên sông Hoàng Hà. Bởi là dân du mục họ có khuynh hướng 'nay đây mai đó' [18], và di tản rất sớm đến vùng phía Đông và phía Nam nước Sở. Đối với dân thuộc tộc Âu tức Thái cổ, mà người Tàu thường gọi Yue, dân Bộc dễ bị sức thu hút như nam châm. Thư tịch cổ của Tàu, cũng như các tài liệu trên internet cho thấy người Bộc (Pu) thường có mặt tại các khu đông người Thái-cổ và người Miao (Hmong) như: Giang Tây, Tứ Xuyên, Quí Châu, Vân Nam, Quảng Tây, và Quảng Đông. Còn người Hẹ? Hẹ là tiếng gọi tắt của Haagga theo tiếng Hẹ, Ke Jia theo quan thoại, hoặc Hakka theo Quảng Đông. 'Ke Jia' đọc theo quốc ngữ là 'Khách Gia' tức 'người khách', người từ phương xa đến tạm trú, chứ không phải người bản địa có địa bàn cổ ở chính nơi đó. Họ cũng là một tộc dựa vào thế du mục, không chịu Hán hoá dữ dội như dân Chiết Giang, Thượng Hải hay Quảng Đông. Cũng bởi họ là dân du mục với số dân khá đông, nên ngày nay họ mang tiếng là khối người dân tộc du mục 'nổi bật nhất', hay người Jo Thái, của Trung quốc, mặc dù từ thế kỷ 17-20 họ di tản ra khỏi nước thường hơn là đi đến một địa điểm khác trong nước Tàu. Bởi người Hẹ có gốc du mục, nên ít ai chịu khó truy về cội nguồn ban đầu. Chính họ có lẽ cũng không nhớ rõ. Nhưng đa số nhìn nhận họ xuất xứ từ phương Bắc miệt sông Hoàng Hà. Từ đó rất dễ lầm lẫn họ là thứ Hán tộc thuần túy. Cũng giống như đám Bách Bộc, họ chiến đấu rất can cường và đã từng đối kháng với quân Mông Cổ, quân Mãn Thanh trong những lần các đám rợ này xâm chiếm nước Tàu. Lại giống như người Bộc, người Hẹ có vẻ dư thừa khả năng lãnh đạo. Chủng Hẹ sản xuất ra nhiều nhà lãnh đạo, những tài năng xuất chúng của thế kỉ 20 (Đặng Tiểu Bình, Lee Kwan Yew, Chou Yun Fat, Han Suyin). Nhiều trang mạng hãnh diện phô trương chính quyền Singapore luôn luôn được lèo lái bởi ê-kíp người Hẹ. Bởi là giống dân mang gốc du mục, người Hẹ mang nhiều tính giống các sắc dân du mục khác trên thế giới. Trong đó việc kiến trúc các đền đài lớn luôn luôn được trì hoãn vô hạn định. Ở điểm này, ta có thể để ý nếu so sánh các đền đài tại Việt Nam và các nước lân cận như Kam-pu-chia, Thái Lan, v.v., gia sản kiến trúc do tiền nhân nước Nam để lại, có vẻ rất nghèo nàn. Ở phương diện chôn cất người chết, tài liệu internet cho biết người Khương (rợ Khương Nhung), cùng tộc với Môn-Khờme, ngày trước có tục lệ hoả táng. Người Chăm ngày xưa cũng vậy. Nhưng người Bộc, Hẹ, và Thái-cổ không có tục hoả táng này. Ở xứ Việt-cổ, những công 108


cuộc khai quật cho biết có chừng 4 lối mai táng chôn cất khác nhau [25]. Theo thiển ý, chúng ta có thể liên kết cách thức mai táng với tập tục của chủng tộc rồi suy ra chủng nào có mặt tại xứ Việt cổ vào khoảng niên đại nào. Chôn kiểu bó gối, tứ chi co quắp. Rất có thể thuộc tộc Thái-cổ và nhóm Đa đảo Polynesians/Melanesians, tìm thấy tại các khu vực nhiều chủng Thái-cổ bên Tàu và ở các hải đảo Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, nhiều mộ đã được trét thêm đất đỏ (thổ chu), rất giống kiểu người Thái-cổ ở vùng đất đỏ Tứ Xuyên, tức ‘nước’ Thục cũ. Mộ bó gối tại Mái Đá Điều, Mái Đá Nước, khu Hoà Bình (trên 65% dân người Mường) mang niên đại 17 ngàn năm trước Công Nguyên. 2. Mộ vò, tức xương người chết tìm thấy trong vò (còn gọi: 'lu' hay 'chum') có nấp đậy đàng hoàng. Thông thường, xương trẻ em nhiều hơn xương người lớn. Tra cứu trên internet (xem: burial jar) cho thấy tập tục này thường đi đôi với lối chôn 2 lần. Theo đó, sau khi chôn lần đầu một thời gian, người thân thu nhặt hài cốt người chết, rồi sắp xếp lại cho vào trong một cái vò ('hũ' hay 'chum') bằng đất nung, rồi mai táng lại thêm một lần nữa. Tập tục chôn mộ vò có mặt tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt Trung Hoa và Đông Nam Á (nổi tiếng nhất: Palawan, Philíp-pin), kể luôn các hải đảo. Theo thiển ý, đây cũng là tập tục của người Môn [27], tiền thân người Myanmar (Miến Điện), thuộc nhóm Môn-Khmer tầng lớp cơ bản và lâu đời nhất ở bán đảo Đông Dương, Thái Lan và Myanmar. Cũng có thể Yueh chi Lạc (Lạc Việt) ở khu vực Chiết Giang, Giang Tô và Phúc Kiến. Tại Việt Nam, mộ vò được tìm thấy ở khu Nghệ Tĩnh, có niên đại cỡ năm 2000 TCN. Ở Trung quốc, khu vực Ngưỡng Thiều vào khoảng đời Đông Chu (770222 TCN). 3. Mộ thuyền trong đất cạn: Cái hòm làm từ thân cây lớn, đục rỗng theo hình chiếc thuyền. Được trình bày ở nhiều trang web trên mạng. Rất ‘phổ biến’ tại phía Tây nước Sở, khu Tứ Xuyên, tức ‘nước' Thục xưa. Tìm thấy ở Hà Sơn Bình, vài trăm năm trước Công Nguyên. Theo thiển ý, mộ thuyền là tập tục mai táng của chủng Thái-cổ. Chủng Thái-cổ di dân đến xứ Việt-cổ bằng nhiều đợt, và đợt ‘mộ thuyền’ là đợt thời Xuân Thu Chiến quốc. 4. Mộ nằm thẳng, thường thường nằm ngửa, như hiện nay. Lối mộ này phổ biến nhất trong tộc Hoa từ ngàn xưa. Tìm thấy tại Việt Nam ở các địa điểm: Núi Nấp, Quỳnh Chữ, Đông Sơn, vào niên đại khoảng năm 500 TCN, tức cực điểm thời Xuân Thu Chiến Quốc pên Tàu. Theo thiển ý mộ táng kiểu này là ở đám Lạc Việt từng sống gần gũi chủng Hoa bên sông Hoàng Hà. Họ đã cóp cách mai táng tộc Hoa và đem sang xứ Việt cổ trên bước đường di tản chung với các chủng khác, đặc biệt Thái-cổ. 1.

Tóm tắt, thuở cổ thời hai nhóm Môn-Khmer có mặt tại xứ Việt cổ sớm nhất. Tộc Khương (tức Khmer về sau) có tập tục hoả táng nên không, hay rất ít, để lại dấu vết. Tộc Môn, Thái cổ và một số tộc đa đảo (Polynesians) có lối chôn kiểu bó gối và kiểu mộ vò. Họ cũng có mặt tại xứ Việt cổ rất sớm. Riêng các nhóm Thái cổ đến xứ Việt bằng nhiều đợt, cách nhau cả trăm năm. Các đợt sau cùng xảy ra vào thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Tàu khi các nước chứa nhiều chủng Yueh, chi Thái, như Thục, Sở, Tây Âu bị giải thể. Trong các đợt sau cùng đó, trong vòng 500-600 năm trước Công Nguyên, trong các nhóm Thái cổ, có các đám Miao (Hmong) và Lạc Việt. Lạc Việt bao gồm các nhóm Bộc Việt, Ngô-Việt (Câu Tiễn-Tây Thi), và Mân Việt (Phúc Kiến). Đặc biệt, nhóm Bộc Việt hay Bách Bộc là một nhóm du mục xuất xứ từ khu bình nguyên các sông Bộc, sông Vị, và Hoàng Hà. Địa bàn nguyên thủy của họ rất gần với các nơi định cư ban đầu của tộc Hoa, ở phía Bắc nước Tàu. Họ có kinh nghiệm giao tác với người Hoa nhất. Và chính họ đã đem lối mai táng nằm ngửa, bắt chước từ người Hoa, đến xứ Việt cổ.

109


Người Bộc Việt có một quá khứ, có lẽ oai hùng nhất nhì trong các đám rợ Việt. Ngang ngửa với tộc Âu, tức chủng Thái cổ. Họ chính là một trong những nhóm người Hoa ưa gọi: Lạc Việt, hãy còn hậu duệ tồn tại đến ngày nay. Và nếu vậy chỉ có dân Hẹ là ứng viên duy nhất có thể vào chung kết là hậu duệ của đám Bộc Việt hay Bách Bộc, xưa có địa bàn chung quanh sông Hoàng Hà. Chúng ta hãy quan sát tiếp những chi tiết lý thú khác, chung quanh ngôn ngữ, để minh giải đẳng thức nòng cốt của loạt bài này, đã ghi phía trên: Việt Nam = Thái-cổ + Việt-cổ // Môn-Khmer và Đa-đảo với Nê-gri-tô {2} Và người Hakka (Hẹ) chính là thành phần chủ lực của khối Việt-cổ trong đẳng thức đó. Tuy nhiên, khuôn khổ bài có hạn, chúng tôi xin phép dời phần so sánh tiếng Hẹ và tiếng Việt đến một bài kế tiếp. Ở đây chỉ xin điểm qua: Chúng ta & Chúng tôi Trong loạt bài 'Từ chữ Nôm đến quốc ngữ', chúng tôi có lưu ý phân biệt giữa 'Chúng ta' và 'Chúng tôi' và cho rằng rất ít ngôn ngữ có phân biệt kiểu này [26]. Thử để ý: - Chúng tôi vừa mới đi ăn phở ở Bankstown về. và: - Bây giờ chúng ta ra Bankstown ăn phở chứ? Bất cứ người Việt nào cũng đều thấy rõ, 'chúng tôi' ở câu trên không có bao gồm người 'nghe' câu nói đó. Tức trong nhóm người có mặt tại đó, sẽ có ít lắm một người bụng hãy còn đói bởi chưa có đi ăn phở. Ở câu sau, 'chúng ta' bao hàm tất cả mọi người có mặt. Nếu đi ăn phở, có vẻ tất cả sẽ cùng nhau đi. Rất ít ngôn ngữ có hai thứ từ khác nhau phân biệt hai 'đại danh từ ngôi thứ nhất, số nhiều', một 'bao gồm', một 'phân cách', như tiếng Việt. Đa số vẫn dùng một 'đại từ', thí dụ như WE trong tiếng Anh, NOUS trong tiếng Tây, cho cả hai trường hợp. LaPolla [7] dẫn Mantaro Hashimoto, cho rằng tiếng Tàu quan thoại ở phía cực Bắc, chịu nhiều ảnh hưởng nhóm ngôn ngữ Altai (bao gồm tiếng Hàn, Mãn, Mông, Tungesic), nên có hai đại từ khác nhau cho hai trường hợp 'bao gồm' và 'phân cách'. Bởi nước Tàu, đặc biệt phía cực Bắc, trong lịch sử đã tiếp cận thường xuyên với các tộc người có ngôn ngữ thuộc nhóm Altai, bên kia biên giới phương Bắc, và nhiều thế kỷ lâm vào thế bị chiếm đóng bởi các tộc này. Tra cứu một quyển từ điển Hoa-Việt, chúng ta thấy: Chúng ta = zan men (qt) = 咱 們 Chúng tôi = wo men (qt) = 我 們. (Để ý: /ta/ có âm khá giống như /zan/ ở phát âm quan thoại) Chúng tôi kiểm chứng với một vài bằng hữu người Chiết Giang, Thượng Hải, Hồ Nam và Quảng Đông, và tất cả xác nhận rằng: - Phân biệt 'chúng ta - chúng tôi' không có trong các phương ngữ phía Nam, và - Cũng không có, ngay cả trong tiếng Quan thoại (phổ thông) xử dụng ở miền Hoa Nam - Phân biệt đó chỉ có ở phía cực Bắc, bắc sông Hoàng Hà và chung quanh Bắc Kinh 110


Kiểm chứng với tiếng Hẹ (Hakka), chúng ta thấy có một sự phân biệt tương tự giữa 'chúng ta chúng tôi', như sau: Chúng ta = 'za' hay 'zam' (Hakka) (bao gồm cả người nói lẫn người nghe) Chúng tôi = Ngai-teu (phân cách với một hoặc nhiều người nghe) Như vậy, 'chúng tôi' đã được dịp hân hạnh trình bày cho 'chúng ta' thấy rõ có một sợi giây liên hệ giữa Việt ngữ và phương ngữ Hakka (Hẹ) cùng với thứ tiếng Quan thoại được xử dụng ở miền cực Bắc, trong cách phân biệt giữa 'chúng ta' và 'chúng tôi'. Chúng ta có thể để ý những điểm khác như sau: - Trong tiếng Triều Tiên (thuộc nhóm ngữ Altai), chúng ta = /xam/ & chúng tôi = /A/. Mang phân biệt giữa 'chúng ta' (bao gồm) và 'chúng tôi' (phân cách). - Trong tiếng Hakka (Hẹ) đại từ ngôi 1, tức 'Tôi' hay 'chúng tôi', là 'Ngai', còn có thể phát âm 'Ai'. Tiếng Hẹ /Ai/ rất giống phát âm tiếng Triều Tiên /A/ và chính là 'Ai' trong Việt ngữ: "Ai ở ngoài cửa đó?'. Tương tự như chữ 'Nong' trong tiếng Yueh (Chiết Giang) chỉ đại từ ngôi 2, tức 'You' tiếng Anh, được dời sang ngôi 3 trong tiếng Việt thành 'Nó', 'Ai' nguyên thủy trong tiếng Việt mang nghĩa 'Tôi', 'chúng tôi', được chuyển sang ngôi 3 cho câu nghi vấn: - Ai đã lấy điện thoại di động của tôi? ĐÁP: - Ai biết đâu. (Xem [22]). - 'Tôi' trong Việt ngữ có thể xuất phát từ 'tjano' (Miến), 'teu' (Hẹ: ngai-teu => chúng tôi) - 'Chúng' trong 'chúng tôi' có bà con gần với nhóm ngôn ngữ thuộc khối Môn-Khmer hoặc khối Tạng-Miến (Tây Tạng + Miến Điện): Có thể biến dạng từ Yiung (tiếng Khmer) chỉ 'chúng tôi', hay 'Chi' (= chúng) trong một ngôn ngữ thuộc nhóm Tạng-Miến: 'Chi-mi' => chúng mi, chúng mầy => 'You'. - 'Ta' có lẽ liên hệ nhiều với nhóm ngữ phía Bắc hơn. 'Ta' rất gần với 'zan' quan thoại, 'zam' Hakka, 'zaa' Quảng Đông, và 'tachi' tiếng Nhật. 'Chúng ta' = watashi-tachi tiếng Nhật. - 'WaTashi' (hay [watakushi])= ta, tôi - tiếng Nhật - bà con với 'ta' tiếng Việt, 'wa' hay 'goa' tiếng Phúc Kiến, 'qua' phát âm Nam Bộ do kí âm quốc-ngữ, 'wa' tiếng Mường, 'kwa' tiếng MônKhmer. TÓM TẮT Hầu hết người Việt đều biết đến câu ca dao: Bầu ơi thương lấy bí cùng Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn Qua loạt bài này chúng ta đã bắt đầu thấy rõ vấn đề 'giống', hay đúng hơn hợp giống, là vấn đề cốt lõi của tộc người Việt Nam. Trước và trên hết, câu nói duy nhất Lạc Long Quân đã thốt ra khi chia tay với Âu Cơ: 'Nàng là giống tiên, ta là giống rồng', đã chứa trọn cái từ chính yếu 'Giống'. Câu ca dao 'bầu-bí' ở trên cũng đề cập đến chuyện 'giống', hay đúng hơn: 'khác giống' đó. Như vậy chuyện Âu Cơ có thể được phối hợp với ca dao bầu-bí, dùng để hỗ trợ cho đẳng thức số (2) phiá trên nói về nguồn gốc dân tộc Việt Nam, như sau: 'Cây bầu (Lạc) và cây bí (Âu) đã được trồng tại một thửa đất và leo trên chung một zàn (Môn-Khmer)'. Qua chứng minh sơ khởi rằng người Hẹ chính là người Bộc Việt ở thời Đông Chu, chúng ta đã dựa vào nhiều chứng cớ, từ cổ sử, điển tích đến nhân chủng học đại cương, v.v. Nhưng quan 111


trọng hơn hết, chúng ta đã dựa vào lối suy luận rất bình dân: 'Nếu chủng Bộc Việt là một trong những diễn viên của sân khấu Đông Chu Liệt Quốc, và nếu gần như tất cả những diễn viên sân khấu đó đều có hậu duệ tồn tại đến ngày nay, tộc Bộc Việt đó chắc chắn phải có hậu zuệ'. Đa số các tộc thuộc nhóm Bai Yue (Bách Việt) đó đều, một phần ở lại nước Tàu để hội nhập trở thành người Hoa (Nam), hay thành người dân tộc, một phần, 'vượt biên' di tản ra khỏi nước Tàu đến vùng đất khác gầy dựng nên nhóm thị tộc rồi về sau trở thành quốc gia. Người zu mục Bách Bộc, theo giả thuyết ở đây, zi tản thành nhiều đợt ra khỏi vùng Hoa Bắc. Một số đi khá sớm, rồi hoà nhập với các sắc tộc khác ở vùng Quý Châu, Vân Nam trở thành những nhóm người dân tộc chủng Yue, đặc biệt nhóm Bộc (Pu). Một nhóm khác lẫn lộn với đám Âu, và những đám Lạc khác như Ngô-Việt, Mân Việt chạy sang xứ Việt cổ, địa bàn ban đầu của các chủng Môn-Khmer, Đa đảo và Nê-gri-tô, tạo nên xứ Việt cổ, thường gọi Văn Lang hay Âu Lạc. Đám cuối cùng còn kẹt lại, tử thủ, chung đụng với Hoa tộc ở phía Bắc một thời gian khá dài lâu, nhưng vẫn giữ bản sắc Yueh tộc, chi Lạc bộ Trãi. Nhiều thế kỷ sau, nhóm người này cuối cùng đành phải theo vết chân người xưa, di chuyển địa bàn du mục về phía Nam. Với tính cố cựu giữ vững bản chất sắc tộc tại các địa bàn tạm cư mới, họ được gọi: Ke jia, tức Khách Gia, tức Haagga, hay Hakka. Nôm na chính là người HẸ. Trong bài tới chúng tôi sẽ tiếp tục truy tầm thêm các chứng tích khác, nhất là các tài liệu ngôn ngữ, để minh giải hai đẳng thức nòng cốt phiá trên. Đặc biệt, người Hẹ và tộc Lạc Việt, tuy mang tiếng là hai, nhưng thật ra chỉ là một thứ với nhau. Tháng 6, 2005 Ghi Chú [1] http://www.kimsoft.com/2004/go-chosun.htm [2] Cổ sử Tàu cho biết có 9 nhóm Lê (Cửu Lê), mỗi nhóm có 9 chi tộc. Tổng cộng tất cả có 81 (= 9 x 9) bộ lạc Lê khác nhau. Để ý, một lần nữa, người Tàu rất thích con số 9 và số 81. Theo viện dẫn trong một số bài trước (thí dụ [3]), người Hoa trong thời huyền sử có thể đã xử dụng hệ thống đếm theo cơ bản số 9, y hệt như người Mường cho đến giữa thế kỷ 20 [4]. Trong hệ đếm theo số 9, người ta đếm từ 0, 1, 2, ... cho đến 9 thì quay trở lại đếm tiếp theo bằng 9+1, 9+2, 9+3,... Số 18 chính là 2 lần 9, tức 29 (đọc hai-chín) trong hệ đếm số 9. Trong hệ đếm số 10, 2 lần số hệ, tức 2 lần 10, ta gọi 20, Hai chục. Có thể thấy, chữ 'chục' có vẻ có âm vận rất gần với 'chín'. Ngoài ra 100 (Bách) trong hệ đếm số 9 tức là 9x9 = 81. Người Tàu do đó có thể gọi tất cả các nhóm Lê bằng khối Bách Lê, trong hệ 9 chính là 81 nhóm Lê. Y hệt như họ đã gọi Bách Việt, Bách Bộc, v.v. Bách Việt, Bách Bộc như vậy trong hệ số 9 của thời huyền sử, mang nghĩa 81 nhóm Việt, 81 nhóm Bộc, tức một con số lớn mà thôi. Bách = 81 = một con số thật lớn, họ không đếm rõ. [3] Nguyên Nguyên (2004) 18 đời vua Hùng Vương: Một ý niệm về liên tục. Xem khoahoc.net, viendu.com, aihưucongchanh.com, petruskylhp.org,... [4] Jeanne Cuisinier (1946) Les Mương – Géographie Humaine et Sociologie. Institut d’Ethnographie. Paris [5] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu, tái bản tại Hoa Kỳ. [6] Vũ Thế Ngọc (1989) Nghiên cứu chữ Hán và tiếng Hán Việt. East-West Institute.

112


[7] Randy J. LaPolla (2000) The role of migration and language contact in the development of the Sino-Tibetan language family. IN: Areal Diffusion and Genetic Inheritance: Case Studies in Language Change. Ed. by R.M.W. Dixon & A.Y. Aikhenvald. Oxford University Press [8] Đặng Nghiêm Vạn (2003) Cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam. Nxb Đại Học Quốc Gia TPHCM. [9] Hoàng Thị Châu (1969) Nước Văn Lang qua tài liệu ngôn ngữ. Nghiên cứu lịch sử 120. pp.37-48. [10] Văn Tân, Nguyễn Linh, Lê Văn Lan, Nguyễn Đổng Chi và Hoàng Hưng (1973) Thời đại Hùng Vương. Nxb Khoa Học Xã Hội. [11] Khuyết Danh (1377-1388) Đại Việt Sử Lược. Bản dịch của Nguyễn Gia Tường. Nhà Xuất Bản Thành Phố HCM. Bộ Môn Châu Á Học Đại Học Tổng Hợp TP.HCM. [12] Ngô Sĩ Liên và cộng sự (1497). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Thanh Việt và Phạm Ngọc Luật hiệu đính theo bản dịch của Đào Duy Anh. Nxb Văn Hoá Thông Tin (2004). Bản của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam được trình bày đầy đủ trên mạng internet: perso.wanadoo.fr/charite [13] 'Người' có thể xuất xứ từ 'Ngin' tiếng Hẹ. 'Ngin' cũng có thể là gốc chung của các từ của nhiều nhóm người dân tộc mang âm 'Ngài', với nghĩa 'Người' (xin xem: 'Khuôn trăng đầy đặn nét người nở nang'). 'Ngài' trong Việt ngữ về sau biến đổi ý nghĩa, thành 'danh xưng' với sự kính trọng. [14] Chúng ta có thể suy luận rất dễ người xứ Trịnh và Vệ thuộc giống 'rợ' chứ không phải Hán tộc. Bởi họ dùng nhưng nơi công cộng như bờ sông Bộc hoặc ruộng dâu để tư tình với nhau. Người Hoa thời đó đã phát triển một nền văn hoá khá khác biệt với các đám rợ tại Trung nguyên. Và họ thường nhanh nhẩu chụp mũ 'rợ' cho những nhóm người có hành vi khác với họ, đặc biệt về các chuyện Sex và phòng the. Việc chụp mũ, hay phân biệt ‘rợ‘ dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó có chuyện Sex, mà người Hoa ưa gán các chủng khác bằng miêu tả ‘dâm bôn’. Vấn đề Sex ở sông Bộc còn được ghi chép ở một ngạn ngữ khác: 'Bộc thượng chi âm', ngụ ý chê âm nhạc dâm đãng những đám rợ ưa chơi bên bờ sông Bộc. Có lẽ bởi họ kiêng kị về Sex ở chốn công cộng và có nhiều taboo khác về Sex, nên khi Khổng Tử ở nước Lỗ 'sáng tác' ra Nho giáo, và bày các thứ cấm đoán lỉnh kỉnh về Sex, cho chủng Hoa, ông ta được nhiệt liệt hoan nghênh, không mấy chốc trở thành Vạn Thế Sư Biểu. [15] Hai món ăn phổ thông của người Hẹ vẫn thường thấy tại Việt Nam là: Món cháo gà và món đậu phụ (tàu hủ) dồn thịt chiên. Tài tử Châu Nhuận Phát (phim Ngọa Hổ Tàng Long của Ang Lee), cũng như nhà văn Han Suyin (Hàn Tố Âm) đều là người Hẹ. [16] http://www.asiawind.com/hakka/ [17] L. Sagart (2001) Gan, Hakka and the formation of Chinese dialects. Centre de Recherches Linguistiques sur l'Asie Orientale. Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales (UMR 8563 du CNRS), Paris - France. [18] Đường Nhạn Sinh, Bạo Thúc Diễm & Chu Chính Thư (2002) Mưu Trí thời Xuân Thu. (Ông Văn Tùng & Vũ Ngọc Quỳnh dịch). Nxb Văn Nghệ, TP HCM [19] Chuyện một số sắc dân di tản từng đợt cách nhau vài chục hay vài trăm năm, xuất phát từ những bộ lạc khác nhau, tuy cùng một tộc người, vẫn thường gây lộn xộn khắp nơi. Khi truy cập mạng chúng ta sẽ thấy người Hoa miêu tả người Pu (Bộc), Qiang (Khương), Yi (Di), HmongYao (Miêu-Dao), v.v., rất lộn xộn, và bằng nhiều tên khác nhau. Bởi có thể họ thuộc những đợt di tản cách nhau hằng trăm năm và xuất xứ từ các bộ lạc khác nhau. Tại Việt Nam, cho đến ngày nay giới thẩm quyền vẫn chưa minh giải được người Mường thuộc chủng nào và từ đâu tới. Đa số ưa gộp Việt-Mường với nhau thành một khối. Theo thiển ý, người Mường chính là hậu duệ của khối Thái cổ di dân sang Việt cổ, trước hay cùng lúc với nhóm Môn-Khmer, nhưng rất sớm và bằng nhiều đợt. Một trong những đợt sau cùng chính là đám dân quân theo Thục Phán, thuộc chủng Thái-cổ (Âu), đến xứ Việt-cổ, cùng với các đám Việt tộc khác (Lạc). Chủng tộc gốc của 113


họ giống y như những đợt di dân Thái-cổ ở các thế kỷ sau như: Nùng (Choang ở Quảng Tây, tức Tây Âu xưa), Tày, Thái trắng, Thái đen, v.v. Hy vọng sẽ trở lại vấn đề này, một yịp khác. [20] Lạc bộ Trãi 貉 có chữ Trãi 豸 (còn gọi Trĩ, quan thoại: 'zhi'), mang nghĩa con sâu không có chân. Sâu có chân gọi 'Trùng'. Chữ 'Trãi'豸còn có nghĩa con thú hoang đường giống con dê có sừng. [21] Người ‘She’ cũng có gốc zu mục. Họ thờ cúng tổ tiên. Nhưng khác với Hẹ họ mang thói quen của một số nhóm người dân tộc tại Trung Hoa, thường gọi ‘slash & burn’, tạm dịch 'Đốn & Đốt'. Tức sau khi thu hoạch được hoa mùa, họ cắt đốn cây cối rồi châm lửa đốt tiêu hết trước khi dọn đi nơi khác. Đặc biệt, nguời She kiêng kị không ăn thịt ...cầy (chó). [22] Nguyên Nguyên (2005) Phải chăng người Việt cổ đã biết tiếng Anh: I= Ai= Tôi. talawas.org, aihưucongchanh.com. [23] Từ điển Hakka trên mạng: sungwh.freeserve.co.uk/sapienti/hdindexc.htm [24] Charles Hamblin (1988) Languages of Asia & The Pacific. Angus & Robertson [25] Cung Đình Thanh (2003) Tìm về nguồn gốc văn minh Việt Nam dưới ánh sáng mới của khoa học. Nxb Tư Tưởng (Sydney) [26] Thật ra các ngôn ngữ khác thỉnh thoảng cũng có cách phân biệt ‘chúng ta & chúng tôi’, nhưng không dùng từ khác. Thí dụ tiếng Anh ưa kèm theo ‘all’ để chỉ ‘bao gồm’: * Shall we all go to Bankstown to have some Beef Noodle? Chúng ta đi Bankstown ăn phở chứ? * The PM’s decision will affect us all: Quyết định của thủ tướng sẽ ảnh hưởng tất cả chúng ta. [27] Người Khasi ở khu vực Miến Điện-Ấn Độ, nói tiếng Môn-Khmer có tục mộ vò: http://www.hoklo.org/YuetCulture/Articles/?item=3

114


Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (8): Thịt Cầy, dân Triều Tiên và người Hẹ (Hakka) Trong bài trước, chúng ta đã thấy người Hẹ có gốc gác và đặc tính rất giống người thuộc chủng Yueh, loại ở miền cực Bắc nước Tàu. Rất gần gũi với Hoa tộc nguyên thủy gốc, và thuộc nhóm Đông Di, trong đó có người Hmong, thường gọi Miêu tộc. Chúng ta cũng để ý, người Triều Tiên đã nhìn nhận Xuy Vưu, lãnh tụ nguyên thủy của người Hmong, cũng chính là vị nguyên thủ thánh tổ của người Hàn. Nhiều tượng thờ Xuy Vưu, trình bày trên mạng, cho thấy đầu ông này có sừng, giống y như kiểu tượng Thần Nông. Tượng Thần Nông có rất nhiều tại hai khu vực bao quanh Động Đình Hồ: Hồ Bắc và Hồ Nam, tức địa bàn nước Sở năm xưa. Chỉ ở việc so sánh Thần Nông với Xuy Vưu, một lần nữa, chúng ta có thể kiểm chứng được một góc nhỏ của thuyết giải mã trình bày trong suốt loạt bài này. Người Hàn thờ Xuy Vưu rõ rệt bởi họ nhìn nhận tộc mang chủng giống Xy Vưu là tộc chủ lực của người Hàn. Trái lại, tại Việt Nam, người ta ít thấy bàn thờ Thần Nông hay tượng Thần Nông, nhất là ở vùng đồng bằng. Chỉ có hai chốn thờ Thần Nông khá nồng nhiệt. Thứ nhất, tại khu Hồ Bắc ở bên Tàu, tức địa bàn nước Sở năm xưa, có chủng Thái cổ làm chủ lực. Thứ hai, tại một số mường bản của người Mường, ở Việt Nam. Điều này có nghĩa, người Việt Nam nói chung là một hỗn hợp hai tộc chính Thái-cổ và Việt-cổ dựa trên tầng lớp phía dưới và bản địa, Môn-Khmer. Thần Nông, nếu người thật, rất có khả năng mang chủng Thái-cổ. Kế đến là huyết quản Lạc Việt, hoặc Môn-Khmer. Ngoài ra thành phần chủ lực của khối Lạc Việt lại là nhóm người du mục, mà chúng tôi cho rằng chính là nhóm Bách Bộc hay Bộc Việt, tiền thân của người Hẹ ngày nay. Nhóm du mục này, rất có khả năng, hồi xưa, khi di chuyển địa bàn sinh sống, không có mang theo thần thánh. Hoặc tộc Lạc Việt chính cống, tức Lạc bộ Trãi, bởi gốc du mục, không chuyên khoa về nghề nông, nên Thần Nông không có trong danh sách thánh tổ của họ. Thêm một hai lý do khác. Thứ nhất, người Việt từ xưa hiểu biết rất ít về Thần Nông (xem bài số 2: Nước Sở, cái nôi dân Việt). Họ bảo thủ không dám thờ ông này bởi tưởng ông là Tàu chay, vì thấy người Tàu cũng thờ ông, cũng như thường thờ vị vua thủy tổ của họ là Hiên Viên Hoàng Đế). Tuyệt đại đa số đều không ngờ rằng Thần Nông, nếu có thật, chắc đã nói tiếng Thái cổ, rất giống tiếng Việt cổ, thứ tiếng mà người Bộc Việt (zu mục) hay người nước Trịnh, nước Vệ, v.v. vẫn xử dụng. Thứ hai, như những bài đầu đã trình bày, truyền thuyết Thần Nông và Âu Cơ thật ra được lăng xê bởi những người Việt mang gốc Thái cổ, mà ngày nay thường được gọi người Mường. Dân Thái cổ, nhóm xuất xứ từ nước Sở xưa, rất nổi tiếng về các chuyện cổ tích u linh hoang đường. Truyền thuyết này được nhét vào quyển sử ký đồ sộ 'Đại Việt Sử Ký Toàn Thư' [1] vào thời đại nhà Lê, thành lập sau khi Lê Lợi đánh đuổi được quân Minh và giành độc lập cho nước Nam. Lê Lợi, theo nhiều tài liệu [2] [3], mang dòng máu Thái-cổ. Do đó, ở Việt Nam ngày trước, rất ít người, đặc biệt những người thuộc tộc Lạc Việt hay Môn-Khmer, biết đến hoặc thờ phượng Thần Nông. Bây giờ chúng ta hãy thử xem một hiện tượng ngược lại, truy về ảnh hưởng của nhóm Hẹ trong lòng tộc Việt Nam. Một số ảnh hưởng mang tính cách 'thói tục' nào đó ăn rất sâu vào 115


một khối người, nhưng không được phổ biến trên toàn thể tộc người hỗn hợp trong vòng thiên niên kỷ đầu tại vùng đất Việt cổ. Nhắc lại, qua bài số (7) 'Hakka (Hẹ) và tộc Lạc Việt' chúng ta đã xem qua mối liên hệ giữa người Triều Tiên (Hàn) và người Việt Nam, qua nhóm rợ trung gian Đông Zi, trong đó có hai thứ chủng chủ lực: Miao (tức Hmong) và Lạc Việt ở khu Hoàng Hà, cũng có nơi gọi Bộc Việt. Lạc Việt ở khu Hoàng Hà chính là Hakka (Hẹ) cổ, đã có mặt tại hai nơi Triều Tiên và Việt cổ, ở thời kỳ dựng nước. Chúng ta đã nhấn mạnh rất nhiều đến đẳng thức nòng cốt: Việt Nam= Thái-cổ (A) + Việt-cổ (B) // {Môn-Khờme+Nê-gri-tô+Đa đảo} (C)

(1)

Tức người Việt Nam là biến thân của hợp chủng Thái-cổ (A) và Việt-cổ (B) trên tầng lớp bản địa (có mặt lâu đời hơn) là tộc Môn và Khmer, cộng với người Nê-gri-tô và Đa đảo. Trong nhóm Việt-cổ (B) đó, người Hẹ (cổ) là thành phần chủ lực. Nếu nhớ cả hai đám Hmong và Lạc bộ Trãi (Hẹ-cổ) đều thuộc khối rợ Đông Zi ở khu vực tỉnh Sơn Đông, theo thiển ý, trong đẳng thức Việt Nam kể trên, nếu thay phần (A) bằng Hmong và (C) bằng dân bản địa ở bán đảo Triều Tiên, chúng ta sẽ có một đẳng thức tương tự qui về nguồn gốc dân tộc Triều Tiên, một cách rất tổng quát. Tức dân Lạc Việt khu cực Bắc (hay người Hẹ cổ) là một mẫu số chung giữa hai dân tộc Triều Tiên và Việt Nam. Lạc Việt, tức người Hẹ cổ có mặt ở hai nơi: Hàn và Việt. Đại khái: Hàn= Miao-Yao (Hmong-Mien) + Lạc Việt cực Bắc (Hẹ cổ) // dân Bản Địa

(2)

Đẳng thức số (2) rất giống đẳng thức số (1), đại khái chỉ thay thế chủng Thái-cổ bằng Hmong tức Miêu tộc. Cả hai nhóm Hmong và Lạc Việt ngày trước bị (hay được) người Tàu gộp tất cả lại thành một nhóm mang tên Đông Yi. Có bằng chứng nào để hỗ trợ luận cứ hoặc giả thuyết này hay chăng? Thưa có. Đó là món thịt Cầy, rất phổ biến tại xứ Hàn (Triều Tiên), và ở Việt Nam - còn được gọi theo kiểu nói lái, 'mộc tồn', tức 'cây còn' hay 'con cầy'. Trên khắp các nước trên thế giới, Triều Tiên là nước đứng đầu về ngón ăn thịt Cầy. Hai chỗ khác cũng thường dùng thịt cầy là Việt Nam (đặc biệt Bắc Bộ), và một vài nơi ở phía Nam Trung Quốc. Từ trước đến giờ, người ta vẫn mù mờ không biết chính xác sắc tộc nào ở miền Hoa Nam hâm mộ món 'Mộc Tồn'. Ngày nay với phương tiện internet, người ta có thể nhanh chóng kiểm chứng được ngay thứ tộc người Hoa ưa chơi món mộc tồn đó chính là người Hẹ (xem [5] & [12]). Mặt khác, chúng ta cũng đã xác nhận người Bách Bộc (hay Lạc Việt khu Hoàng Hà), đều có mặt như thành phần hợp chủng nòng cốt tại cả hai nơi Hàn-cổ và Việt-cổ. Bách Bộc đã có mặt trong nhóm Đông Yi, và là một thành phần chủ lực hợp với nhóm Hmong (Miêu) di tản sang Triều Tiên vào thuở cổ thời. Một thành phần chủ lực khác đã vượt Hoàng Hà xuống khu nước Sở, rồi hội nhập với Thái-cổ ở đó, di tản xuống hướng Nam vào xứ Việt cổ. Như vậy, người Hẹ thêm một lần nữa, trở thành ứng viên sáng giá nhất trong qui định họ chính là nhóm Bách Bộc hay Bộc Việt cũ, bởi ngày nay, người Hẹ chính là cái khoen nối giữa Hàn và Việt qua món thịt Cầy. Giả thuyết chúng tôi xin minh giải ở đây: Sở dĩ người Hàn và Việt rất thích món mộc tồn cũng bởi trong lòng dân tộc của hai nơi, Hàn và Việt, từ ngàn xưa đã có sự hiện diện của chủng Hẹ cổ, tức Bộc Việt, một thứ dân du mục khét tiếng ở Trung Hoa từ thời Đông Chu Liệt Quốc mãi cho đến thế kỉ 20. 116


Xin thử quan sát, và theo dõi bước chân của người Lạc du mục, hay Hẹ cổ, cũng như món thịt Cầy mang theo, kiểu 'Food to Go' của họ. Trước hết chúng ta để ý chính những người thích món mộc tồn ở Việt Nam, rất ít khi gọi đó là Chó, mà là Cầy. Con Cầy. Thịt Cầy. Lý do chính, 'Chó' là một từ thuần Nôm, của nhóm tộc ít dính dáng đến thịt Cầy. 'Chó' trực thuộc từ vựng của nhóm Môn-Khmer. 'Chó' là biến thái, hay một từ cùng gốc với [tsow] hay [gu-so] hoặc [so-lo] của tiếng Môn-Khmer. Môn và Khmer chính là hai nhóm tộc có mặt lâu đời nhất tại xứ Việt. Xin điểm sơ qua từ CHÓ trong vài thứ tiếng các dân tộc khác: - Tiếng Persia, tức Ba-Tư hay Iran: [sag] - Tiếng Hindi (Ấn): [kutaa] => gần âm [cẩu] - Bengali (nước Bangladesh): [kukur]=> gần âm [cẩu] hay [kuli] tiếng Đa đảo - Myanmar (Miến Điện): [kwei] => gần âm [kwi] hay [cầy] - Khmer (Cam Bốt): [chkăe], mang âm đầu [ch], giống với [chó] và [k], như [kầy] - Thái Lan & Lào: [Maa] => sinh ra [má] tiếng Việt: [Chó Má] - Người Mường gọi [kó] hay [k'a]. Một số người ở khu vực Quảng Bình phát âm như [khai] [6]. Người dân tộc A-Kha gọi [a-k'ừ] và P'u Noi gọi [K'hừ] [10]. Thông thường, người Hẹ gọi 'con Chó' bằng [gau] hay [Kieu] hoặc [giu], tương ứng với [cẩu] Việt, hay [kau] Phúc Kiến hoặc [gou3] 狗 Quan thoại hay [gau] Quảng Đông. Âm [kieu] tiếng Hẹ theo phát âm một người In-đô-nê-xia gốc Hẹ có vẻ giống như [Kiểu], hoặc [kiẻu li] hay [kảo-li], rất giống [kuli] của tiếng dân Đa đảo (Polynesians), với [kiẻu] mang thanh gần dấu hỏi [?]. Để ý âm [cẩu] hay [gọu 3], hoặc [kiểu], hay [Chó] thuộc thanh âm nhóm dấu 'sắc' hay dấu 'hỏi'. Trong khi [Cầy], mang thanh âm dấu [huyền `]. Trong tiếng Hoa, 'chó' cũng được gọi [kien] hay [kian] theo kiểu Hẹ, tương ứng với [khian] Phúc Kiến, và [quan] 犬 quan thoại, tức [Khuyển] đọc theo quốc ngữ [7]. Cũng thuộc thanh âm nhóm dấu hỏi hoặc dấu sắc, chứ không phải dấu huyền như 'Cầy'. Người Hàn, tức Triều Tiên, dân tộc ưa chuộng món thịt Chó nhất thế giới [8] gọi Chó theo tiếng Hàn là [Gaa] hay [Kaa], rất gần gũi với âm vận của [Kầy] tiếng Việt. 'Cầy' theo thiển ý, biến thái từ những âm vận của từ chỉ con 'Chó Sói'. Trong tiếng Hoa có hai từ dùng để chỉ chó Sói, hay chó rừng. Thứ nhất [lang] theo quan thoại và quốc ngữ, và [long] 狼 theo Hẹ và Quảng Đông. Thứ hai, 'Sói' người Bắc Kinh đọc [chai]: 豺, Hakka phát âm [sai], chính là [sài] trong tiếng Hán phát âm kiểu quốc ngữ. Ta nhớ, 'sài lang' thường đọc kiểu Nôm bằng 'lang sói'. Đặc biệt để ý 'sài'. Quảng Đông gọi [chaai] và Phúc Kiến phát âm [chhai]. Theo thiển ý tiến trình biến âm từ [sài] sang [cầy] diễn ra như sau: - Bộc Việt (hay Hẹ cổ) lấy âm đầu [g] hay [k] (tức [c]) của [gou] hay [cẩu] chỉ con chó; - Ráp âm đầu này với những âm chỉ [sài] tức [sói] trong các phương ngữ Hoa: [chaai] Quảng Đông, và [chhai] Phúc Kiến. Sinh ra [k'a] hay [k'ai] theo kiểu Mường; - [k'a] Mường, chính là [khai] như một số vùng ở Quảng Bình; - [khai] tiến đến [khaY] và rồi trở thành [Cầy]. - Ở Hàn (Triều Tiên), không có ảnh hưởng của chủng Môn-Khmer với âm cuối [Y] nên [K'a] vẫn giữ y nguyên [Kaa]. (Âm cuối [ay] trong [cầy] chính là một âm tiêu biểu trong tiếng Môn-Khmer, không có trong các phương ngữ tiếng Hán (Hoa). Thí dụ: [likey] => tiếng Chăm, mang âm cuối [ey], 117


mang nghĩa 'đàn ông'. [CamaY] (Chăm/Môn-Khmer), nghĩa 'mẹ', 'giống cái'. Tiếng Việt chịu ảnh hưởng 'đơn âm' của tiếng Hoa, tách [camay] ra thành 'Cái' và 'Mái'. [Malay] tiếng Mã Lai có âm cuối [ay], nhưng người Việt đọc theo kiểu Hoa thành [Lai]. Ảnh hưởng MônKhmer chính là gốc gác âm cuối dùng chữ /Y/: may, say, thấy, cày cấy,...) Tóm tắt: - [gou] hay [gau] hay [cẩu] (nghĩa: chó) => âm [k] ở đầu } - [s-ai] hay [cha-ai], hoặc [chh-ai] (= sói) => âm [ai] ở cuối } Ráp lại => [k'ai] - Ráp lại sinh ra: [k'a] hay [kaa] hoặc [k'ai] => [khai] - [khai] xử dụng âm cuối [aY] của tiếng Môn-Khmer => [khaY] => [Kầy] (lột âm hơi thở [Kh])=> [Kầy] đánh vần theo quốc ngữ: 'cầy'. Vắn tắt hơn, có thể thấy: Cầy = Cẩu (Chó) + Sài (Sói) Như vậy loại thịt chó mà người Bộc Việt (hay người Hẹ cổ), hay các dân du mục nói chung, đã ưa ăn nhậu cách đây hàng trăm hàng ngàn năm chính là con chó Sói, hay chó Rừng. Không phải thứ chó nuôi trong nhà, bởi họ là dân du mục, không nhà cửa cố định. Như vậy món 'Mộc Tồn' tình cờ trở thành chiếc chìa khoá, giúp chúng ta rất nhiều trong việc truy về nguồn gốc chủng Lạc Việt. Xem lại đẳng thức (1) và (2) ở trên nói về thành phần gốc gác của hai tộc Triều Tiên và Việt Nam, chúng ta thấy: - Cả hai tộc đều biết đến ngạn ngữ: 'Có thực mới vực được đạo'; - Cả hai tộc Hàn & Việt đều có một khối người hâm mộ món mộc tồn; - Cả hai tộc đều có nhóm người Việt-cổ thuộc đám Đông Di - xuất xứ từ bán đảo Sơn Đông và khu lân cận bên sông Hoàng Hà, vào thời cổ đại; - Nhóm Việt-cổ của 2 tộc Hàn và Việt đó, còn được gọi Lạc Việt hay Bộc Việt, một nhóm người du mục nay đây mai đó, từng có mặt ở nhiều chiến trường thời Đông Chu Liệt Quốc. So với người Hẹ: - Người Hẹ cũng có xuất xứ từ khu vực cực Bắc chung quanh lưu vực các sông Bộc, Vị, Lạc và Hoàng Hà; - Người Hẹ cũng là nhóm du mục nổi tiếng nhất của Trung Quốc; và đặc biệt nhất, - Người Hẹ nổi tiếng một phần cũng nhờ ở chuyện họ rất khoái món 'Mộc Tồn'. - Cả hai dân tộc Hàn và Việt đều thích cái món 'mộc tồn'. Như vậy tộc Hẹ cổ phải có mặt trong tộc người Việt Nam và người Hàn. Chung qui cũng tại những tộc người này rất thích chơi món 'mộc tồn' [7]. Thế tạo sao người Hẹ, xưa và nay, lại mang một thói tục thích 'mộc tồn'? Bởi vì họ là dân du mục, loại không dừng lâu một chỗ để sinh sống bằng chăn nuôi hay trồng trọt hoa mùa. Muốn kiểm nhận, chúng ta hãy nhớ lại các chi tiết sau. (i) (ii)

Con chó trở nên thuần thục, làm bạn loài người cách đây trên dưới 10000 năm; Dù vậy, giên hoặc di-truyền-tính của chó khác giống, có thể khác nhau đến 25%. So với sai biệt trên dưới 6% giữa các tộc người khác nhau. Bởi giên-chó sai biệt lớn lao như vậy, người ta ưa nói con Chó hãy còn nằm trong tiến trình tiến hoá khá năng động so với nhiều loài thú khác. Điển hình, bất kỳ ở nước nào, thỉnh thoảng báo chí và truyền thông vẫn đăng tin con chó đang được yêu thương trong nhà tự nhiên quay ra cắn chủ gây 118


thương tích hay mạng vong. Tại Úc, có một loại chó xem như chó rừng gọi Dingo, thường dùng như chó săn và bạn thân những người thổ dân Aborigines, cũng lên báo chí rầm rộ cách đây hơn 25 năm, bởi nó đã gặm và tha đi mất một em bé sơ sinh. Người mẹ bị tình nghi giết con tế thần, rồi vào tù, nhưng sau vài năm được trả tự do và bồi thường một món tiền khá lớn vì bị kết án lầm. (iii) Chó chỉ trở nên bạn thân với loài người khi chó được thuần thục, nuôi trong nhà hay tại nơi trang trại. Hoặc làm bạn với chủ, hoặc giúp chủ coi nhà, canh chừng hoặc chăn lùa các thứ súc vật khác. Trong những trường hợp đó, loài người ít khi chịu 'mần thịt' con chó để rồi đánh chén với món 'mộc tồn'. Điển hình, cũng có nhiều thứ dân du mục như người 'She' ở miền Giang Tây - Quảng Đông, thuộc tộc Miêu-Dao (Hmong-Mien), rất kiêng kị món mộc tồn. Lý do: người She là dân du mục nhưng thiên về chăn nuôi trồng trọt, thường dùng Chó để chăn súc vật. (Và cũng thường xem Chó là một thứ Totem). Họ đến định cư ở một chốn nào đó trong một thời gian. Sau khi thu hoạch được hoa mùa, hay bán buôn hoặc làm thịt ăn hết đám súc vật hay gia cầm rồi, họ chặt đốn cây cối rồi phóng hỏa tiêu hủy nơi đó. Rồi dọn đi nơi khác. Theo một thân hữu (ĐP), người Rhade ở vùng cao nguyên Trung bộ ngày xưa cũng có thói lề sinh sống tương tự như vậy. (iv) Xin quan sát trở lại từ chữ Hán mang nghĩa 'Việt' do Khổng Tử sáng tác, rồi sau này được Hoài Nam Vương Lưu An 'hiệu đính': 越, đọc [yue] theo quan thoại. Chữ [yue] tức [Việt] này là chữ 'Việt' cuối cùng, hiện nay vẫn được người Hoa dùng để chỉ 'Việt Nam'. Cần phân biệt với [yue] 粵 viết để chỉ dân [Yue] (Việt) thuộc tộc Thái-cổ, tiền thân dân miền Quảng Đông và Quảng Tây ngày nay. (v) Từ [yue] (Việt) dùng để chỉ 'Việt Nam' mang nghĩa nguyên thủy 'yue' tức ‘yượt’ hay 'vượt' chỉ rất rõ một thứ tộc người chuyên môn vượt suối băng đồng, trong sinh hoạt hằng ngày của họ. Tức người Tàu ngay từ thời cổ đại đã biết rõ chủng chủ lực Lạc Việt (bộ Trãi) là một thứ người 'du mục', du mục hơn những đám du mục khác, primus inter pares. Rõ ràng hơn Khổng Tử, Liu An đã viết kỹ: * Việt = {Tẩu} + {cái xiên (móc) + cái qua (giáo mác)} * 越 ={走}+{ 戉 } * Chữ cuối, bên phải, chính là [qua] 戈, quanthoại đọc [ge] mang nghĩa cái giáo hay mác. Như vậy người Tàu từ đầu thời nhà Hán, đã biết rõ về chủng Lạc Việt (bộ Trãi 貉), thành phần Lạc Việt chủ lực trong tộc người Việt Nam. Chữ 'Việt' để chỉ Lạc Việt khác với 'Việt' chỉ dân Âu Việt, tức Thái-cổ, tiền thân người Lưỡng Quảng. 'Việt' 粵 trong Âu Việt chỉ nhóm người ăn đâu ở đó, chuyên về việc trồng lúa. 'Việt' 越 trong 'Lạc Việt' (bộ Trãi) hoàn toàn là thứ dân du mục. Họ miêu tả rất kỹ về chữ Việt đó. Bao gồm chữ 'tẩu' 走 mang nghĩa 'đi', 'chạy', 'dông', (kuai zou => chạy nhanh lên). Thứ người Lạc di chuyển thường xuyên đó lúc nào cũng mang theo cái móc và cây dáo 戉. Cây giáo còn gọi cây mác hay thương 戈. Để chi vậy? Để săn thú vật. Tiền thân chủng Lạc Việt, cũng là tiền thân người Hẹ là một thứ người du mục sinh sống bằng lối săn bắn thú vật, chứ không phải loại du mục hay bándu-mục sống bằng lối chăn nuôi gia súc, hay trồng trọt. Và chỉ như vậy họ mới hâm mộ món thịt chó sói hay chó rừng, y hệt như các hậu duệ ở Triều Tiên và Việt Nam. Cũng bởi lí do đó, người Tàu dùng một từ Lạc khác để chỉ đám Lạc Việt cư ngụ tại vùng Phúc Kiến, gọi Mân Việt. Đó là Lạc bộ Mã 駱 viết khác với Lạc bộ Trãi 貉 chỉ dân du mục gốc Việt xa xưa ở khu vực sông Hoàng Hà. Cũng khác với chữ Lạc 雒 dùng để chỉ dân Môn (tiền thân Miến Điện) và Lạc bộ Khương, hay Khương chỉ dân Khờ-Me 羌. 119


Tóm lại thành phần chủ lực của chủng Yueh (Việt) trong tộc người Việt Nam chính là thứ Lạc bộ Trãi, hay thứ 'Việt' được người Hoa cách đây hơn 2000 năm mô tả bằng cách ghép từ [zou] 走 mang nghĩa 'đi', 'chạy', tức chỉ dân du mục, VỚI một từ 戉 viết bao gồm từ có dáng như cái móc và từ [ge] 戈 chỉ 'cái giáo' hay 'cây mác', miêu tả rất rõ thứ vũ khí mà họ luôn mang theo. Loại vũ khí đó được dùng để săn bắn thú vật. Tức 'Việt' trong 'Việt Nam' mang nghĩa động từ là 'vượt', nhưng trong nghĩa 'danh từ riêng' lại chính là: 'Một tộc người du mục thuộc loại lấy săn bắn làm phương kế sinh nhai'. Chúng ta thấy sơ sót rất quan trọng của bao nhiêu nhà nghiên cứu về cổ sử Việt, xưa và nay đều có thể qui về chỗ họ đã quá chú tâm đến sách vở do người Hoa truyền lại. Trong đó các sư phụ chỉ dạy 'Việt' mang nghĩa động từ: 'Vượt'. Từ đó họ quên đi lối chiết tự cơ bản cho biết 'Việt' dùng như một danh từ chỉ đến một giống người du mục, nay đây mai đó, sinh sống bằng lối săn bắn. Trong những con thú mà họ thích săn bắn để rồi nấu nướng thành món mộc tồn chính là con chó sói hoặc chó rừng mà họ mang thói quen gọi đó 'con Cầy'. Thói tục chơi món mộc tồn 'rựa mận' này có lẽ đã ăn sâu vào xương tủy của người Lạc cực Bắc, tức người Hẹ cổ trước đây ít lắm 3000 năm. Họ đã mang thói tục này vào xứ Triều Tiên khi di tản với tộc Hmong, và vào xứ Việt-cổ khi họ 'dừng bước giang hồ' tại đó với tộc Thái-cổ. Như vậy, chúng ta đã phát hiện một giả thuyết cực kì quan trọng, nhưng không kém lí thú, giải quyết cùng một lúc vài ba vấn đề nằm trong thắc mắc lớn của nhiều người: (a) liên kết Hẹ-cổ với tộc Hàn và Việt qua món Mộc Tồn; (b) liên kết việc ăn thịt cầy với nếp sống du mục nay đây mai đó lấy săn bắn làm phương kế sinh sống; và (c) xác định được người Hẹ chính là hậu duệ của người Bộc Việt, một giống dân du mục khét tiếng từng sinh sống cạnh địa bàn Hoa chủng, ở lưu vực sông Hoàng Hà vào thời cổ đại. Đối với một giả thuyết cực kì quan trọng như vậy, chúng ta cần phải kiểm chứng thêm. Xin thử quan sát một số nơi nổi tiếng đã dùng món 'Mộc tồn': Hoa Nam, Thái Lan, Lào, Miến Điện (Myanmar), Phi-líp-Pin, In-đô-nê-xia, Ghana, Congo, và loại người Vikings.  Hoa Nam: chứa rất nhiều thứ người dân tộc, trong đó chắc chắn có nhiều người dân tộc hậu duệ của các đám du mục khác nhau. Mỗi một thứ dân địa phương ngày nay, như người Phúc Kiến, người Hẹ chẳng hạn, có đến chừng một đến hai chục thứ tiểu chi khác khác với nhau, nói tiếng địa phương hơi khác nhau. Người Hmong cũng là một đám du mục. Có thứ xơi thịt cầy, có thứ không. Như người SHE chẳng hạn, bởi họ là loại du mục loại 'chặt cây - đốt lửa' có chăn nuôi gia súc, và có totem là con Chó, chúng ta thấy họ kiêng kị ăn thịt cầy.  Thái Lan, Lào và Miến Điện: có lịch sử lập nước rất giống với nhau. Cả ba xứ thuở ban đầu là địa bàn của hai tộc người chính vùng Đông Nam Á: Môn và Khmer. Đặc biệt, trong nhiều thế kỉ sau Công Nguyên, xứ Lào là xứ của dân Khmer, mang tên Lục Chân Lạp. Đến khoảng thế kỷ 13, quân nhà Nguyên quyết định dứt điểm xứ Đại Lý (tức Vân Nam ngày nay, hay Nam Chiếu hoặc Điền Việt xa xưa). Tộc người thuộc chủng Thái-cổ mang tên Ai-Lao, bỏ chạy và tràn vào xứ Lục Chân Lạp, đuổi người KhờMe chạy xuống dưới khu Thủy Chân Lạp, và lập nên nước Lào. Thái Lan và Myanmar cũng giống như vậy. Địa bàn Myanmar cũng có lúc do người Thái chiếm giữ và ngược lại địa bàn Thái Lan do người Môn và các tộc khác nhau của người Myanmar sinh sống. Người Môn và Khmer chính là những thành phần nòng cốt của đám rợ Tây Nhung đã từng làm cỏ Cảo 120


Kinh của nhà Tây Châu và khiến triều đình Hoa tộc phải dời đô về phía Đông tạo dựng nên Đông Châu. Cuối cùng, vào thế kỷ 13 người Thái từ miền Nam Chiếu (Vân Nam) và lân cận cũng tràn đến xứ Thái Lan ngày nay, hợp với dân bản địa gồm cả những người cùng tộc đã đến trước, đuổi người Môn-Khmer và các tộc Myanmar ra, rồi thành lập nước Xiêm. Người Miến cũng vậy, cũng tràn xuống vùng đất Myanmar ngày nay từ các bình nguyên Trung Á hoặc phía Tây nước Tàu, nhưng trễ sau người Thái cũng hai ba thế kỷ. Như vậy trước khi ổn định đời sống có nước non đàng hoàng, các tộc người Myanmar, Thái Lan và Lào đều là những tộc người di động thường xuyên. Họ rất khó nuôi chó đem theo. Do đó họ không xem chó là bạn và mặc tình ăn nhậu thả cửa. Phi-líp-Pin (Phi-luật-Tân): theo chính sử, họ bao gồm nhiều nhóm tộc Mã Lai và nhóm Nê-gri-tô. Họ rất thích món 'Hột Vịt Lộn' và gọi đó Balut. Trứng vịt lộn có lẽ xuất xứ từ chủng Thái-cổ, rất đông đúc ở miền Hoa Nam. Có mặt tại Việt Nam, Lào, Thái Lan, Lưỡng Quảng, và Vân Nam. Những nơi này đều ăn hột vịt lộn, đặc biệt rất hâm mộ ở Thái, Lào, và Việt. Như vậy trong các chủng Mã Lai (Bách Việt) có mặt ở xứ Phi-cổ đã có tộc Thái-cổ. Và như vậy, thế nào cũng có Hẹ-cổ và đám Môn-Khmer. Người Phi-lipPin có tên cũ là 'Người ăn thịt Chó' Dog-Eaters do người Mỹ đặt cho họ khi bắt đầu tiếp xúc vào cuối thế kỷ 19. Nhưng 'thịt cầy' không phổ biến tại Phi bằng ở Việt và Hàn, bởi chủng Hẹ vẫn là chủng thiểu số, và Phi chịu ảnh hưởng đạo Hồi khá sâu đậm từ khoảng thế kỷ 15-16. In-đô-nê-xia: Giống Việt Nam ở chỗ có trống đồng và đàn bầu (độc huyền cầm). Chúng tôi mạo muội cho rằng trống đồng là sản phẩm trí tuệ của Thái-cổ - Yueh (Việt) bộ Mễ 粵 - và đàn bầu là của đám Môn-Khmer, bởi đàn bầu cũng có tại Nam Ấn [2]. Ít mang tiếng ăn thit chó nhất. Lý do chính: In-đô-nê-xia chịu ảnh hưởng đạo Hồi rất mạnh. Người Hẹ-cổ bị văn hoá bản địa lấn áp, và người Hẹ-hiện-nay tuy là thành phần Hoa kiều lớn tại In-đô-nê-xia, nhưng họ là đám đến sau (thời nhà Thanh bên Tàu). Và chính quyền In-đô-nê-xia nhất là thời Suharto, thường có chính sách nghiêm ngặt đối với Hoa kiều. Ghana và Congo: là hai xứ ở tận Phi Châu. Chắc chắn không phải người Việt, Hẹ hay Hàn đã khơi động phong trào hâm mộ món 'mộc tồn'. Nhưng người Ghana và Congo đều có quá trình di dân y hệt như Myanmar và Thái Lan. Tức Ghana và Congo ngày xưa không phải là địa bàn của người Ghana và Congo ngày nay. Họ từ những nơi khác mò đến và đánh đuổi người bản địa đi chỗ khác. Với quá trình di tản du mục như vậy, người Ghana và Congo ngày nay có thói tục ưa xơi thịt chó. Vikings: là những đám nông dân từ các xứ Đan Mạch, Thụy Điển và Na-Uy ở Bắc Âu, vào thế kỷ thứ 8 nhảy lên những chiếc tàu thật dài căng buồm ra biển đi đến những vùng đất lân cận, thí dụ miền Bắc nước Anh, để đánh phá thu giựt lương thực. Tức để tìm phương kế sinh sống thoải mái hơn. Thông thường họ ở lại canh tác ở nơi đến chiếm đóng, một thời gian, làm giàu rồi lại lên tàu trở về quê cũ. Tài liệu internet cho biết người Vikings có ăn thịt chó, nhưng chỉ vào những lúc ngặt nghèo mà thôi. Ăn khớp với lý thuyết 'ăn thịt cầy' của chúng tôi ở đây. Họ ăn thịt cầy, mặc dù thỉnh thoảng, bởi họ là những đoàn người di động, xa quê. Trên bước đường di chuyển đó họ không có tình bạn gì với những con chó tìm thấy ở vùng đất hay hải đảo họ tạm cặp bến. Họ chỉ bị sức ép của cơn đói, và món thịt chó là món đã giúp họ giải quyết vấn đề sinh tử hữu hiệu nhất.

Mặt khác, chúng ta cũng để ý người Eskimo, mặc dù cũng một thứ du mục, rất trọng con CHÓ. Đối với họ Chó không những là bạn thân, còn là thú giúp việc trung thành và hữu hiệu. Họ không bao giờ dám nghĩ đến món mộc tồn cả. 121


Tóm lại, du mục chỉ là một điều kiện cần dẫn đến việc hâm mộ món mộc tồn, nhưng không phải là điều kiện đủ. Điều kiện đủ phải là luôn luôn không phát triển được tình bạn với con vật mà người ta làm thịt để ăn. Dù đó là con heo, con bò, con trâu, và nhất là con cầy, theo thiển ý vào thời xa xưa chính là con chó sói hay chó rừng. Người Pháp rất thích măng-giê thịt thỏ. Nhưng con thỏ hiện đang trở thành một con thú nhỏ nuôi trong nhà. Trong tương lai có lẽ cô đào văm năm xưa, nay đã là bà cụ Brigitte Bardot lại phải quay về tấn công thói tục ăn thịt thỏ của đồng hương thay vì tiếp tục chỉ trích người Hàn trong chuyện ăn thịt Cầy của họ. Người Bách Bộc ngày xưa, bởi là giống dân du mục chuyên săn bắt thú nên giữa con chó rừng và họ đã có đầy đủ những điều kiện cần và đủ giúp họ phát minh ra món Mộc Tồn. Hậu duệ dòng chính của họ là người Hẹ. Hậu duệ dòng thứ của họ là người Hàn và Việt. Những tộc người này hãy còn mang thói tục 'truyền thống ngàn đời' đó mãi cho đến ngày nay. Đề tài Mộc Tồn ban đầu chỉ là một đề tài phụ, dưới ý định ban đầu thử xử dụng các tài liệu ngôn ngữ để minh chứng tiếp 'Người Hẹ chính là hậu duệ nhóm Bộc Việt, tức Lạc bộ Trãi'. Nhưng sau đó chúng tôi như bị một mãnh lực nào đó hút sâu vào món 'Thịt Cầy 7 món' hoặc 'Cầy tiềm Ginseng' nên đã lãng phí hầu hết những trang giấy dành riêng cho bài này. Do đó chúng tôi lại xin phép dời thêm một lần nữa phần lớn minh giải đẳng thức: Hẹ = hậu duệ Bách Bộc = hậu duệ Lạc Việt (bộ Trãi), Bằng lối so sánh những đặc tính giống nhau giữa tiếng Hẹ và Việt, đến một bài tới, và chỉ trình bày tiếp ở đây thêm một hai điểm tương đồng độc sáng giữa hai thứ tiếng. Nhắc lại, trong bài trước qua quan sát 'chúng ta & chúng tôi', chúng ta đã bắt đầu ghi nhận người Hẹ có vẻ có xuất xứ từ khu vực cực Bắc nước Tàu. Ở đó người ta ưa nói tiếng Tàu theo giọng quan thoại. Và kiểu quan thoại ở đó chịu ảnh hưởng của nhóm ngôn ngữ Altai, thường cho là bao gồm các thứ tiếng Hàn, Mãn, Mông, Tungesic. Trong ảnh hưởng đó, đặc trưng nhất là việc phân biệt 'chúng ta', với hàm ý 'bao gồm', và 'chúng tôi' mang ý 'phân cách'. Tiếng Việt cũng vậy. Cũng phân biệt 'chúng ta & chúng tôi' y hệt như vậy. Phân biệt đó rất ít khi được dùng, xưa và nay, trong các phương ngữ tiếng Hoa tại miền Hoa Nam, phía Nam sông Dương Tử (Trường Giang). Cũng rất ít khi được dùng đến ngay trong tiếng quan thoại xử dụng ở Hoa Nam. Ở phần trên chúng ta đã để ý đến con Cầy, bây giờ xin quan sát tiếp đến: Con gà mái 'Gà mái' cũng lại một thứ tiếng nôm gốc Hoa Nam, người Tàu đã vay mượn. Ở tiếng Việt 'mái' mang nghĩa 'giống cái' hoặc xưa hơn: 'Mẹ'. Trong bài 'Bố Cái Đại Vương' chúng ta đã xem qua một số rất nhiều từ ở bán đảo Đông Dương, ngày trước dùng để chỉ 'Mẹ'. Trong đó có: Mái = Mẹ. "Mái' có thể xuất phát từ tiếng của khối Bách Việt, ngày nay còn giữ ở tiếng Mã Lai bằng từ chỉ 'Mẹ' là: 'eMak'. Tiếng Mã Lai cũng gọi Mẹ bằng 'iBu'. 'eMak' biến thành 'Mái', còn 'iBu' biến chuyển sang tiếng Thái, tiếng Việt thành ra 'Bu' rồi 'Bố' dùng để chỉ 'Cha', theo với chuyển biến Mẫu hệ sang Phụ hệ. Tiếng Chăm, 'eMak' biến thành 'CaMay'. 'CaMay' chịu ảnh hưởng đơn âm tiếng Tàu, khi sang tiếng Việt tự tách ra làm đôi: 122


'CaMay' => 'Cái' và 'Mái'. Nhưng lối dùng rất lộn xộn. Cả 'Cái' và 'Mái' ở thời xa xưa, đều dùng để chỉ 'Mẹ' trong tiếng Việt. Thí dụ: Bố Cái Đại Vương; Con 'gà Mái' tức 'gà mẹ'. Lâu ngày, 'cái' và 'mái' (biến thể: 'nái') dần dà khoác lên nghĩa 'giống cái' phân biệt với 'giống đực': Người con gái (cái <=> gái), con chó cái, bò cái, heo nái, gà mái, v.v. 'Mái' chắc chắn mang nghĩa 'Mẹ', bởi 'gà mái' tiếng Quan thoại gọi [Mu Ji] với 'Mu = Mẹ', và tiếng Quảng Đông: [Mou Gai], [mou]= Mẹ. Tiếng Phúc Kiến [Bo ke]. Tiếng Hán-quốcngữ là 'mẫu kê'. Hải Nam: [Mai Goi] (Mai = Má). Nhưng, trong lối đàm thoại thông thường, người Hải Nam gọi 'gà mái' bằng [Goi Bo], đảo ngược thứ tự văn phạm tiếng Hoa, đưa [goi] tức 'Gà' ra phía trước, y như tiếng Việt. Thế tiếng Hẹ dùng chỉ 'gà mái' là gì? Họ nói: 'Gai Ma' 'Gai Ma' (Hẹ) = 'Gà Mái' (Việt) => Hẹ y hệt Việt. 'Gai Ma' là một trong những cái đinh chính giúp chúng ta đóng chặt đẳng thức: Hẹ = Lạc Việt (bộ Trãi). Bởi những lý do sau: 1. [Gai ma] giống y như lối nói lái của 'gà mái'. Nói lái, được phát hiện nhiều lần khi so sánh tiếng Việt với các phương ngữ Hoa Nam, hoặc giữa các thứ tiếng Nam Á với nhau: 'yêu cầu' => 'yâu kiều' (Phúc Kiến). Tiếng Mã Lai 'Laki' (đàn ông, chồng) => Licay (đàn ông), tiếng Chăm. Giống như nói lái với nhau. 2. [Gai] mang âm rất giống 'gà', và 'ma' giống 'mái' và y hệt như 'má', cũng mang nghịa 'má' tiếng Việt. Nhưng độc đáo nhất và nổi bật nhất: 3. Người Hẹ đã giữ y văn phạm của Việt tộc từ ngàn xưa cho đến ngàn sau: 'Má' hình dung từ đặt sau danh từ 'con gà' => GAI MA. Hoàn toàn đảo ngược lối nói của Hoa tộc Mai Ga tức Mu Ji 母 鸡 . 4. Người Hải Nam cũng vậy. Mặc dù bị Hán hoá, họ phải nói [Mai goi] (mai => y hệt như 'mái' tiếng Việt, mang nghĩa Mẹ, goi = gà) - nhưng, thật sâu bên trong, và trong cách nói thông thường, họ vẫn nói: [Goi Bo], theo y hệt cú pháp tiếng Việt. 'Goi' (=gà) đi trước từ chỉ Má, tức Mái, là [Bo]' cùng gốc gác với từ Mã Lai, 'iBu', và [Bo] Phúc Kiến. Như trên đã viết 'Bu' biến thành 'Bố', ban đầu chỉ 'Mẹ', nhưng biến thành 'Cha', có lẽ, theo với chuyển hệ từ Mẫu hệ sang Phụ hệ. [Goi Bo] Hải Nam chính là [Gai Ma] Hẹ, hoặc 'Gà Mẹ' Việt, hay 'Gà Mái' Trở lại tiếng Hẹ, con gà mái, một sinh vật rất gần gũi trong đời sống con người, thật ra đã giúp chúng ta rất nhiều trong việc truy tầm gốc Lạc Việt của người Hẹ. Bởi họ gọi 'gà mái' là [GAI MA], gợi nên một ý niệm về những 'cặp tối đa', rất giống nhau, giữa hai ngôn ngữ. Quan trọng hơn nữa, cặp tối đa: 'gà mái & gai ma' phản ánh luôn văn phạm y hệt như nhau giữa tiếng Việt và tiếng Hẹ cổ. 'Gà mái' tiếng Việt giống 'Gai Ma' tiếng Hẹ trên mọi phương diện, âm vận, ý nghĩa, văn phạm, cấu trúc hợp từ, để cho thấy hai thứ tiếng đó ở vào thời xa xưa thật ra chỉ là một. 'Gai ma = gà mái' giống như 'Mok = mất = chết' (sẽ trình bày ở bài tới) đã cho thấy tiếng Hẹ và Việt có chung những cấu trúc văn hoá thật sâu. Mang cùng sắc thái của các ngôn ngữ chủng 123


Yueh. Mặc dù người Hẹ có xuất xứ tận miền cực Bắc nước Tàu, và người Việt đã định cư tại xứ Việt cổ từ ngàn xưa. Với món 'Mộc tồn' và món 'cháo Gà (mái)' ta đã có thể bắt đầu minh xác người Hẹ mang máu tộc Việt cổ (Lạc Việt). Cũng giống như Thần Nông, nếu là người bằng xương bằng thịt, phải là người mang chủng Thái-cổ (bài 2). TÓM TẮT Trong một bài trước, chúng ta đã dẫn nhiều dữ kiện lịch sử bị bỏ quên hằng trăm hằng ngàn năm về gốc gác của chủng Lạc Việt, đặc biệt đám Lạc bộ Trãi một thành bộ của đám rợ Đông Yi, từng có địa bàn ở lưu vực các sông Bộc, Vị, Lạc và Hoàng Hà. Rất gần gũi Hoa tộc vào thời cổ đại. Trong đó chúng ta đặc biệt lưu ý đến: (a) Hành trình vượt biên tìm về nơi chôn nhau cắt rốn của các hoàng thân triều Lý, sau khi bị Trần Thủ Độ đảo chánh trong thầm lặng. Đoàn người này đã căng buồm về hướng Sơn Đông và Triều Tiên; (b) Ngạn ngữ 'Trên Bộc trong dâu' ban đầu do người Hoa sáng tác để chế nhạo đám rợ ưa thích làm SEX trên bãi sông Bộc và trong những ruộng dâu gần đó. Ngạn ngữ này người Hoa ít biết đến, nhưng rất phổ biến tại Việt Nam; (c) Gặp gỡ đầu tiên của triều đình Hoa tộc với thị tộc Việt Thường xảy ra vào khoảng thiên niên kỷ thứ 1 trước Công Nguyên, khi nhóm Việt này cử 'đại sứ' đem con chim Trĩ họ săn được, đến tặng vua nhà Châu. Có lẽ từ chỗ đó người Hoa miêu tả đám này là đám Lạc bộ Trĩ (Trãi); (d) Một nhóm người dân tộc tại khu Quảng Bình mang tên người Nguồn. Tiếng Hẹ và tiếng Sơn Đông mang nghĩa 'người' chính là [Ngìn] rất giống âm 'Nguồn'; v.v. Qua bài này, nhân dịp đối chiếu 18 đời vua Hùng với 18 đời vua nhà Hạ bên Tàu, và 18 đời vua Bai-dal ở Triều Tiên, chúng ta đã quan sát rất kỹ một món ăn đã ăn sâu vào thói tục của cả người Hàn lẫn Việt và Hẹ. Đó là món mộc tồn, hay nôm na hơn, món thịt Cầy. Thảo luận và quan sát về món thịt Cầy đã xác nhận người Hẹ-cổ chính là người Bách Bộc, hay Bộc Việt, hoặc Lạc Việt (bộ Trãi), thành phần của đám Đông Yi, vào thời Đông Châu Liệt Quốc xa xưa. Chúng ta kiểm chứng tiếp theo bằng lối so sánh những cặp tối đa giữa tiếng Hẹ và tiếng Việt, trước tiên qua từ chỉ con Gà Mái, trong tiếng Hẹ là [Gai Ma]. Cũng trong lúc kiểm chứng đó, chúng ta đã phát hiện một điểm chiết tự chữ Hán hết sức sâu sắc mà hầu hết các bậc tiền bối đã vô tình bỏ sót. Đó là từ 'Yue' tức VIỆT trong 'Việt Nam'. Từ xưa đến nay, hầu hết các sách vở thường ghi chép 'Việt' theo nghĩa của một động từ: Vượt. Nhưng rất ít hoặc không có sách nào chiết tự 'Việt' theo nghĩa một Danh Từ. Theo nghĩa danh từ, 'Việt' chỉ có thể mang nghĩa 'Một tộc người du mục lấy săn bắn làm phương kế sinh sống'. Phát hiện này cho chúng tôi một cảm tưởng khá kì lạ. Đó là những nhà trí thức người Hoa (như Lưu An & Khổng Tử) vào thuở cổ thời có vẻ như đã sở hữu được những chiếc điện thoại di động NOKIA rất hiện đại, chụp ảnh được. Họ chụp lấy hai tấm ảnh của hai người Yueh cổ. Một người ở vùng sông Bộc, sông Vị hay sông Hoàng Hà (tạm gọi L) - nhưng sau đó lưu lạc đến khu nước Sở. Ở đó người này (L) gặp một người khác (tạm gọi A), không thích đời sống nay đây mai đó. Hai người mới nắm tay nhau đi về hướng Nam tìm chỗ định cư lâu dài. Tại đó họ gặp người bản địa ở sẵn khá lâu, tạm gọi M-K. Hình chụp người L, tải từ máy Nokia thứ xịn của Hoài Nam Vương Lưu An xuống máy điện toán như sau: 越 cho thấy người đó đang sống cuộc đời zu mục, di động, tay vác cái móc và cây giáo. 124


Trong khi, hình người A, tải xuống từ cell phone của Khổng Tử: 粵 cho biết người này là loại người sống bằng nghề trồng lúa và gặt hái, tay cầm lưỡi rìu và những hạt thóc. Hình ảnh của người thứ 3 bản địa (M-K: 雒 羌.), đã ra khỏi xứ đất vàng (Tàu) trước đó, nên bộ nhớ của 'điện-thoại-chụp-ảnh-được' của Liu An đã xoá mất rồi. GHI NHẬN: Chúng tôi xin chân thành cảm tạ Ts Nguyễn Đức Hiệp đã cho mượn các tài liệu ngôn ngữ về Hakka và Môn-Khmer. Ghi Chú [1] Ngô Sĩ Liên và cộng sự (1497). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Thanh Việt và Phạm Ngọc Luật hiệu đính theo bản dịch của Đào Duy Anh. Nxb Văn Hoá Thông Tin (2004). Bản của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam được trình bày đầy đủ trên mạng internet: perso.wanadoo.fr/charite [2] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu, tái bản tại Hoa Kỳ. [3] Keith Weller Taylor, tác giả quyển 'The Birth of Vietnam', trong bài phỏng vấn với đài BBC cho biết các vị anh hùng dân tộc như Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Hai Bà Trưng, Lê Lị (Lợi), v.v. xuất thân từ những vùng có đông cư dân người Mường. Theo dẫn ở [2], Nhượng Tống, dịch giả đầu tiên của 'Đại Việt Sử Ký Toàn Thư' đã minh chứng Lê Lị (Lợi) mang gốc người Mường. [4] Randy J. LaPolla (2000) The role of migration and language contact in the development of the Sino-Tibetan language family. IN: Areal Diffusion and Genetic Inheritance: Case Studies in Language Change. Ed. by R.M.W. Dixon & A.Y. Aikhenvald. Oxford University Press [5] * http://www.jphpk.gov.my/English/June02%209K.htm http://www.recipeland.com/encyclopaedia/index.php/Dogs#Ancestry_and_history_of_dome stication [6] Jeanne Cuisinier (1946) Les Mương – Géographie Humaine et Sociologie. Institut d’Ethnographie. Paris [7] Nhân vật 'Lỗ Trí Thâm' trong pho truyện 'Thủy Hử' của Thị Nại Am cũng có thể được dàn dựng chỉ một người Hẹ cổ (Bộc Việt) trong cái áo bên ngoài: Hán tộc nguyên thủy. Lỗ Trí Thâm, gốc gác không rõ rệt, có địa bàn sinh hoạt chung quanh thủ đô Đông Kinh tức Khai Phong (Kaifeng) thuộc tỉnh Hà Nam ngày nay. Tỉnh Hà Nam rất gần Sơn Đông và nằm phía Nam sông Hoàng Hà, cũng một địa bàn của đám Lạc Việt phía Bắc. Lỗ Trí Thâm giúp Thủy Hử nổi tiếng cũng nhờ ở chuyện y là một nhà sư rất thích món mộc tồn. [8] Ở Hàn quốc (Nam) hiện có trên 6000 tiệm ăn chuyên khoa về thịt Cầy. So với trên dưới 60-600 hiệu ăn mộc tồn tại Việt Nam. Món đắt tiền nhất có lẽ là Cầy hầm nhân sâm ginseng. Họ cũng có giáo sư đại học chuyên giảng dạy và nghiên kíu về món thịt Cầy. [9] Người P'u Noi mang gốc Môn lai Thái (xem Henri Roux [10]) có tục chỉ làm món thịt cầy vào dịp Tết. Họ cúng quảy bằng món Mộc Tồn rất trịnh trọng. [10] Henri Roux (1954) Quelques Minorités Ethniques du Nord-Indochine. France-Asie. Janvier-Février 92-93. Tome X. Đặc biệt, theo tài liệu này, người Thái đen và Thái trắng tại 125


Bắc phần chính là hậu duệ người nước Thục (tức Tứ Xuyên ngày nay). Đừng nhầm nước Thục này với nước Thục của con cháu Lưu Bị ở thời Tam Quốc: Ngụy, Ngô và Thục. [11] Phạm Quỳnh (1997) Hành trình nhật ký. Ý Việt (France) tái bản. Trong quyển sách này, Phạm Quỳnh đã dùng âm cũ của 'thất' là 'sất'. Ông viết 'sất phu' thay vì 'thất phu'. [12] Có một hiệu ăn của người Hẹ tại thành phố Seattle ở Mỹ đăng quảng cáo có vẻ tự châm biếm về những món ‘giả cầy’ của Mỹ chỉ mang chữ DOG (chó) mà thôi: Chili dog, Hot Dog, tức các thứ bánh mì mềm nhét xúc xích Mỹ, v.v.

126


Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (9): Tiếng Việt và tiếng Hẹ (Hakka) Trước khi tiếp tục quan sát và so sánh 2 thứ tiếng Hẹ và Việt, chúng ta thử nhắc lại những điểm chính dùng để minh chứng đẳng thức về chủng Lạc Việt (bộ Trãi): * Lạc Việt (Trãi) = Bách Bộc (thuộc Đông Yi) = HẸ (cổ) Những điểm đó gồm có: 1. Người Hẹ xuất xứ từ khu vực Hoàng Hà, chung quanh các sông Vị, Bộc và Lạc. Nhóm Lạc bộ Trãi thuộc rợ Đông Yi. Địa bàn chính của đám Đông Yi nằm ở khu vực tỉnh Sơn Đông ngày nay. Đông Yi được biết một thứ rợ có tục nhuộm răng, xâm mình. 2. Hẹ tức Hakka là một thứ dân du mục khét tiếng của Trung quốc. Người Bách Bộc (bao gồm Bộc Việt) cũng vậy. Chữ 'Việt' 越 dùng trong 'Lạc Việt' (Bộ Trãi) viết tượng hình một nhóm người du mục sinh sống bằng nghề săn bắn, nay đây mai đó (bài 8). 3. Bởi là dân du mục sinh sống bằng săn bắn, người Hẹ cổ trong nhóm Đông Zi không ngại ăn thịt Cầy, y hệt như dân Triều Tiên (Hàn) và Việt Nam. Thuở cổ thời, chính đám Lạc bộ Trãi 貉 đã cùng với người Miao (Hmong) di tản sang Triều Tiên, và trở thành một trong ba đám rợ Tam Hàn. Món thịt Cầy mà người Lạc du mục thường dùng bữa cách đây trên dưới 3000 năm, thông thường có lẽ là con chó rừng tức Sói (bài 8). 4. Tiếng Việt, nhất là những từ gốc Hán, thường có phát âm gần giống với tiếng Hán quan thoại hơn tiếng Quảng Đông. Chúng tôi đưa ra lý giải rằng thứ tiếng Hán dùng ở cổ Việt mang ảnh hưởng nhiều của tiếng người Lạc bộ Trãi. Nhóm người này chính là tộc Yueh đã từng sống gần gũi với Hoa tộc nhất trong hằng nghìn năm. 5. Khi Trần Thủ Độ đưa Trần Cảnh lên soán ngôi nhà Lý, một số hoàng thân nhà Lý kéo nhau lên tàu căng buồm chạy về nơi chôn nhau cắt rốn của tổ tiên ở khu vực bán đảo Sơn Đông và Triều Tiên. Trùng hợp với địa bàn xưa của đám Đông Zi, bao gồm nhóm Lạc Việt (cổ). 6. Một nhóm người dân tộc thuộc chủng Việt cổ tại khu vực Quảng Bình tự gọi 'người Nguồn'. 'Nguồn' theo thiển ý là âm đọc trại từ 'Ngìn' - một từ người Hẹ-cổ còn giữ đến ngày nay, mang nghĩa 'Người' (bài 7). 7. Chúng ta cũng để ý đến cách dùng 'Trên Bộc dưới dâu' có vẻ phổ biến nhiều tại Việt Nam hơn ở bên Tàu. 'Trên Bộc dưới dâu' là câu nói người Hoa dùng để chế nhạo dân Lạc Việt thuộc nhóm Đông Yi đã khá phóng túng trong việc Sex với nhau, trên bãi sông Bộc và dưới ruộng dâu vào thời Đông Chu Liệt quốc [17]. Dân Lạc Việt lúc đó sinh sống rất nhiều ở nước Trịnh và Vệ, thuộc khu vực Sơn Đông. 8. Lạc Việt (bộ Trãi) chính là thị tộc Việt Thường lúc đó sống di động tại khu sông Vị, sông Lạc, sông Bộc, và Hoàng Hà. Rất gần với kinh đô Hảo Kinh nhà Tây Châu. Vào khoảng năm 1100 TCN, thị tộc Việt Thường có cử 'đại sứ' mang một con chim Trĩ (một loại gà rừng) rất lớn, họ săn được, đến dâng biếu vua nhà Châu. Có lẽ từ việc này người Hoa mô tả tộc Lạc Việt bằng chữ Lạc viết kèm với bộ Trãi. Trong tiếng Hoa 'Trãi' và 'Trĩ' phát âm [zhi] như nhau. 'Trãi' mang hai nghĩa, hoặc con sâu không chân (sâu có chân, gọi 'Trùng'), hoặc con thú tưởng tượng giống con chồn, có sừng trên đầu. 9. Người Hẹ có tóc dợn sóng, sóng mũi giữa đôi mắt cao hơn Hoa-tộc một chút. Người Hoa thuần túy ở phía Bắc tóc thẳng. Rất nhiều người Hoa Nam (Bách Việt) và cả Đông Nam Á có tóc cũng dợn sóng như người Hẹ. 10. Theo kết quả đo lượng về chỉ số sọ [10] đăng trong quyển Mã Lai [1], chỉ số sọ người Việt bình quân vào khoảng 82.13, rất gần với chỉ số sọ người Thái (82.25), người Phi127


luật Tân, Inđô-nêxia, Mã Lai (tổng trung bình: 82.19). Trong khi chỉ số sọ người Hoa là 78.27. Đặc biệt người Hoa tại tỉnh Sơn Đông - tức hậu duệ đám Lạc bộ Trãi và Đông Zi nói chung - theo đo đạc của Shirokogoroff là 81.70 gần bằng với chỉ số sọ người Việt hơn là Hoa tộc. Chỉ số sọ người Hàn cũng vậy: 82.88. Gần với Việt tộc, qua liên hệ Sơn Đông. Trích dẫn kết quả chỉ số sọ trình bày trong quyển Mã Lai của Bình Nguyên Lộc cũng là một dịp để nhấn mạnh vài điểm then chốt khác nhau giữa quyển Mã Lai và thuyết về nguồn gốc Âu Lạc giải mã trong suốt loạt bài này. Quan trọng nhất, loạt bài này có lẽ lần đầu tiên đã cố gắng phân biệt từng tộc khác nhau trong khối Bách Việt ở Hoa Nam và Bách Bộc tại Hoa Bắc. Đặc biệt quan tâm đến những tộc đã di tản đến xứ Việt cổ trong khoảng thiên niên kỷ đầu trước Công Nguyên. Quyển Mã Lai, ngược lại, tuy có nhiều đoạn phân biệt các chi chủng khác nhau, nhưng chung chung lại gộp họ lại với nhau thành một chủng Mã Lai. Việc làm này, nhất là qui về MỘT chủng mang tên Mã Lai rất dễ gây hiểu lầm. Mọi người dễ hiểu lầm người Mã Lai ngày nay là thủy tổ của khối Bách Việt. Quyển Mã Lai lại vướng phải một nhầm lẫn về đám người Hẹ. Trong khi tác giả đã cho biết tiếng Hẹ rất giống tiếng Việt, nhưng kết luận lại cho là Hẹ (Hakka) chính là đám di dân từ xứ Ba Thục cũ (Tứ Xuyên) và có bà con rất gần, hay hậu duệ, đám dân quân theo Thục Phán. Quyển Mã Lai, cũng không tránh khỏi thiếu sót thời đó ở chỗ không nhấn mạnh thuyết Mã Lai do những ai đầu tiên đề xướng. Đặc biệt, 'Mã Lai' vẫn không phát hiện Hùng Vương, nếu có, là một quốc tổ mang hai dòng máu. Lại cho rằng Hùng Vương chinh Nam phạt Bắc, có nhiều thuộc địa ở các khu lân cận [3]. Trái lại thuyết giải mã ở đây cho rằng có hai tộc chính tràn vào cổ Việt, trước sau, và cùng một lúc trong vòng 1000 năm trước Công Nguyên: Chủng Âu (Thái cổ) và Lạc (Việt cổ). Tại xứ Việt cổ họ gặp nhiều nhóm thuộc tộc Môn - Khmer, cũng như các nhóm Thái đã đến đó từ trước. Những từ cơ bản của tiếng Việt ngày nay chỉ đầu mình, tứ chi, môi miệng, mắt mũi, bộ phận sinh dục, sex, ... lên đến hơn 60% tổng số từ cơ bản, theo kiểm chứng chúng tôi, cho thấy có gốc gác là tiếng của dân bản địa đến trước: Môn-Khmer [14]. Những từ gọi số đếm, đặc biệt từ 1 đến 10, cũng xuất phát từ tiếng Môn-Khmer. Người Âu và người Lạc từ phương Bắc đến sau, hợp chủng với nhau, tạo nên người Việt và tiếng Việt. Trong bài này, chúng tôi sẽ tiếp tục minh giải đẳng thức 'Hẹ chính là người Lạc Việt cổ (bộ Trãi)' qua việc tiếp tục quan sát và so sánh một số điểm đặc trưng của hai thứ tiếng Hẹ và Việt. Nhắc lại trong hai bài trước chúng ta đã xem qua 'chúng ta & chúng tôi' và cặp từ cùng gốc 'Gà Mái' (Việt) và 'Gai Ma' (Hẹ). 'Chúng ta-chúng tôi' cho thấy người Việt có gốc gác ở miệt cực Bắc của nước Tàu. Y hệt người Hẹ. Bởi chỉ ở khu vực này tiếng quan thoại mới phân biệt ra 'chúng ta' mang ý 'bao gồm' và 'chúng tôi' ngụ ý 'phân cách'. Theo ảnh hưởng của nhóm ngôn ngữ Altai. Ở 'gà-mái' và 'gai-ma' chúng ta thấy một số điểm tương tự bao gồm cú pháp, văn phạm, âm vận, ý nghĩa, và đủ mọi thứ giữa tiếng Hẹ và Việt. Bây giờ xin tiếp tục quan sát: Chết = Mất Một điểm đặc trưng khác đã cho thấy tiếng Hẹ giống y như tiếng Việt, và người Hẹ (Hakka) mang chủng Bách Yueh chứ không phải Hoa tộc. Đó là từ miêu tả sự chết, tiếng Việt còn gọi: 'Mất'.

128


'Chết' trong tiếng Việt, có vẻ chỉ gần gũi với âm của từ chỉ 'Chết' trong tiếng Mân (tức Phúc Kiến). Đó là [Chi]. Thật ra, tiếng Việt có rất nhiều từ để chỉ 'chết': Ra đi, thất lộc, từ trần, đi rồi, tử, xẩy (mạng), thiệt mạng, mất mạng, ngủm, thành người thiên cổ, táng mạng, vong mạng, quá vãng, về bên kia thế giới, trở về với Chúa, về cõi Phật, phiêu diêu nơi miền cực lạc, về chốn vĩnh hằng, hồn lìa khỏi xác, về chầu Diêm Vương, hui (hay ‘đi’) nhị tỳ, đi bán muối, đi đời nhà ma, qua đời, tịch, quá cố, mãn phần, từ bỏ chốn trần tục, tắt thở, trút hơi thở cuối cùng, vĩnh biệt thế gian, tim đã ngừng đập, hẹn em kiếp sau, giã từ dương thế, v.v. Nhưng chính yếu, và thường dùng hằng ngày có hai từ: 'chết' và 'mất'. Mất = Chết. Trong các thứ tiếng khác: - Tiếng Miến (Myanmar): chết = [thei-de], có vẻ giống 'thiệt' (mạng), hay 'thất' (lộc). 'Thất lạc' hay 'mất mát' họ gọi [Baud'te] rất gần với 'mất'. Âm [B] (baud'te) rất giống âm [M] (mất) bởi cả hai đều là âm môi-môi, các địa điểm phát âm giống nhau, nhưng một tắc-âm (tỏ), [b], một tỵ-âm (âm dùng mũi), [m]. - Tiếng Hải Nam, gọi 'chết' bằng [di] (= si (tử) quan thoại). [Di] có vẻ bà con gần với 'đi' tiếng Việt: 'đi' hay 'đi luôn' = chết, hoặc 'que' (giống như 'qua đời', pass away, trong Việt ngữ). Họ gọi 'đánh mất một vật gì' bằng: 'lak', giống với 'lạc' trong 'thất lạc'. - Tiếng Quảng Đông nói 'chết' bằng: [sei] phát âm giống [xẩy], tức 'tử'. Âm rất giống [sei] (tứ) mang nghĩa số 4. Từ đó người Quảng và Hong Kong rất kiêng kị con số 4. 'Mất' (thất lạc) họ gọi [xat]. Để ý, trước khi quốc ngữ thịnh hành, người Việt vẫn phát âm 'thất' bằng [xất] hay [shất] (Xem [2]). - Tiếng Khmer của 'Chết' là [slap] và 'mất' (thất lạc, mất mát)= [bat]. Âm [b] là âm tắc (tỏ) của âm mũi 'm'. Cả hai đều là âm môi-môi, có nhiều động tác lưỡi, vòm miệng, môi, rất gần giống nhau. Đặc biệt, chỉ có tiếng Hẹ, tiếng Việt và tiếng Mã Lai, nơi này cách chỗ kia chừng 2 ngàn dặm, có từ diễn tả 'Chết' bằng một âm giống như 'Mất' hay bà con rất gần với 'Mất': Chết = Mất (Việt) => Mok (Hakka) => Mati (Mã Lai). Như vậy tiếng Hẹ, chúng ta đã phát hiện, có một từ rất ăn sâu vào cấu trúc bên trong, mang âm vận rất giống với một từ tiếng Việt, và cùng gốc với một từ ở tiếng Mã Lai: Mất (Việt) <=> Mok (Hakka) [Mất] có âm cuối: tắc âm nứu [t] và [Mok] cũng kết thúc bằng một tắc âm [k] vòm mềm. Người Hẹ cũng giống như người Việt gọi ‘Chết’ bằng ‘Mất’, và 'Mất' cũng có nghĩa 'đánh mất', 'mất mát' hay 'thất lạc'. Trong khi ở tiếng Mã Lai 'Mất mát' họ gọi: 'hilang' hoặc 'kalah'. Tiếng Myanmar và Khmer, tuần tự gọi 'mất mát' [baud'te] và [bat]. Âm đầu [b] rất gần với [m] của [mất], và cả hai đều là âm 2-môi, ký âm khác nhau có thể do ở quốc ngữ. [Mok] tiếng Hẹ, có nơi gọi [Mong], viết theo tiếng Hoa: 亡 chính là [wang2] quanthoại, hay [vong] theo quốcngữ. Chiết Giang (Ngô-Việt) đọc [vanz] và Phúc Kiến [bong] [4]. [Vong] quốcngữ cũng mang hai nghĩa: Mất và Chết: 'vong quốc' = mất nước, 'vong mạng'= mất mạng= chết [9]. Nhưng âm [wang] hay [vong] lại khác với [Mất] và [Mok]. Tóm lại, 'Mất' trong tiếng Việt mang hai nghĩa: 'Chết' và 'đánh mất'. Trong tiếng Hẹ, từ có giống âm với [mất] là [Mok] cũng hai nghĩa: 'Chết' và 'đánh mất'.

129


[Mất] và [Mok] là một cặp tối đa của hai từ thuộc hai thứ tiếng khác nhau, mang cùng gốc, có cùng một cấu trúc thật sâu. Và chỉ có [Mok] và [mất] mới giống nhau được toàn diện, trong khi đối với các thứ tiếng khác, [Mất] chỉ giống được một mặt mà thôi. Si mê và Xi nê Trong một bài về 'Ảnh hưởng chủng Thái' (của loạt bài này) theo với đẳng thức: Việt (Nam) = Âu (Thái-cổ) + Lạc (Việt-cổ) // Môn Khờ-Me + Nêgritô + Đa Đảo tức người Việt Nam là kết quả hợp chủng và tiến hoá từ 2 chủng chính Âu (Thái-cổ) và Lạc (Việt-cổ), trên nền tảng chính Môn-KhờMe, chúng ta đã nhấn mạnh, âm vận của chủng Thái-cổ tiêu biểu ngày nay bằng tiếng Quảng Đông, tiếng Thái Lan, và tiếng Mường, tất cả đều chỉ có âm 'X' (theo quốc tế: [s]) chứ không có âm 'S' (quốc tế: [sh]). Ảnh hưởng tộc Thái-cổ phản ánh qua tiếng Việt tại những khu vực người Việt (Kinh) có khuynh hướng phát âm 'X' [s] và 'S' [sh] hoàn toàn bằng [X] hoặc lẫn lộn qua lại với nhau. Thí dụ: - 'bổ sung' họ phát âm như 'bổ xung'. - 'Sung sướng' thành 'Xung xướng'. 'Si mê' họ nói 'Xi mê'. - 'sâu sắc' như 'xâu xắc', v.v. Bởi người Việt và tiếng Việt có 2 cội nguồn Âu (Thái)+Lạc (Việt) trên nền tảng MônKhmer (cũng không có âm 'SH') cho nên âm 'SH' (thí dụ: sâu sắc) len vào tiếng Việt ngày nay, là do ở một số các tộc Lạc (Việt), đặc biệt Hẹ (Hakka) - ở phía Đông nước Tàu. Để ý người Chiết Giang, Giang Tô (tiếng Ngô-Việt) chỉ có âm gần 'S' thôi chứ không hoàn toàn 'S'. Thí dụ: Tên thành phố Thượng Hải, người Chiết Giang & Giang Tô phát âm 'X'an-hei' trong khi quan thoại: SHanghai. Sau đây chúng ta sẽ xem tiếng Hẹ ảnh hưởng trên tiếng Việt ở âm 'S' (tức 'SH' quốc tế) ra sao, và trong đó có âm nào gần giống tiếng Việt hay không. Từ đó chúng ta sẽ có thêm một thành tố để qui tiếng Hẹ (Hakka) về phía cùng gốc tiếng của dân Lạc bộ Trãi, một gốc nguồn ngôn ngữ của người Việt Nam. Bảng ghi chú sau tóm tắt âm 'x' [s] và 's' [sh] trong các phương ngữ bà con với tiếng Việt: Việt thiếu (= ít) sĩ (sĩ phu) sinh (sống) thạch (đá) xuyên/sông xấu (sửu) Xuân (mùa) xưởng (cơ) số (con số) sắc (màu) song (đôi) xã (hội) xà (rắn)

Hẹ shau/ xau xii / xu xang shak / xak chon / tson chiu / tsiu chun / tsun chong xu / xii xet / xek xung/xong xa / sha sha

Mân (PK) chio xu chhenN chieh chhoan chhiu chhun chhiang xiau xek xiang xia choa

Yue (QĐ) xiu xi xaang sek / daam xyun tsau tcheon tchong xou // xok xik xoeng xe xe

Ngô-Việt* xao zi xang za ts'uan ts'aw ts'eng ts'ang xu xak xang zoe zoe

Phổ Thông shao shi sheng shi chuan chou chun chang shu she// xe shuang she she

Ghi-Chú /sh/ => /Th/ Ngô: âm 'Z' sh: V & QT Daam=> đá x: Q. Đ. x (V)=s (H) X <= ch X => ch sh: Q.T. sh: Q.T. sh => QT sh:Hẹ &QT sh:Hẹ &QT

* Ngô-Việt là phương ngữ Chiết Giang-Giang Tô-Thượng Hải. Địa bàn của nước Việt của Câu Tiễn và Ngô của Phù Sai - Hạp Lư. * Mân: phương ngữ Mân Việt tức Phúc Kiến (PK) - Triều Châu. * Yue, tức Việt (Âu) gồm hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. ** Dấu / có nghĩa: 'hay là' 130


Bảng đối chiếu âm 'X' và 'S' trên có thể đưa đến những nhận xét sau: (a) Như trong loạt bài 'Từ chữ Nôm đến quốc ngữ', chúng ta thấy phân biệt âm 'X' và 'S' trong tiếng Việt có vẻ bất chợt, chứ chung chung, không theo sát với biến chuyển giữa 'X' và 'S' (tức [SH] theo ký âm quốc tế), giữa các phương ngữ Trung Hoa, nhất là quan thoại. (b) Phân biệt 'X' và 'S' trong tiếng Việt, có lẽ do các tôn sư quốc ngữ đặt ra để giải toả bớt cảnh đồng âm dị nghĩa trong tiếng Việt. Thí dụ: 'xướng ca' phân biệt với: 'sung sướng'. 'Xá' (tha tội, qt: [she]) phân biệt 'sá gì', 'sá chi',.... Điển hình, từ 'Hán quốc ngữ' 'sửu' mang nghĩa 'xấu', nhưng thật ra 'sửu' chỉ hợp với âm gần giống [chou] của quan thoại mà thôi. Đối với các phương ngữ khác, 'sửu' phát âm gần 'xửu' hơn. (c) Đặc biệt trong số các tộc Yueh (Việt), chỉ có tiếng Hẹ chứa âm [sh], góp phần vào hình thành tiếng Việt (Nôm), mang âm [sh] như 'sâu sắc'. Quảng Đông tuyệt nhiên không có âm [sh] bởi họ có gốc Yueh chi Âu, tức Thái-cổ. Tiếng Thái Lan và Mường cũng không có âm [sh] và chỉ có [x] mà thôi. (d) Tiếng Mân (Phúc Kiến) có âm gần gũi [sh] và xa [x] hơn, là [ch] hay [chh] (phiên âm quốc tế /tsh/). (e) Tiếng Ngô-Việt (Thượng Hải) chỉ có âm [ts] hay [x] chứ không có âm hoàn toàn [sh]. (f) Âm 'X' tiếng Việt không nhất thiết biến chuyển thẳng từ âm 'X' của quan thoại hay của Hẹ. Ngược lại, âm 'SH' của quan thoại hay của Hẹ không nhất thiết biến thành âm 'SH' (tức 'S') của tiếng Việt. Thí dụ: Xã hội <= she hui (qt), sha hoi (Hẹ). Xà (rắn) <= she (qt), sha (Hẹ). Thí dụ khác: Sĩ (V) <= SHi (QT) & Xii (Hẹ). (g) Đặc biệt, từ chỉ 'sông' tiếng Hẹ phát âm như [tson] rất gần với [sông] Việt, và mang cùng gốc với [sungai] tiếng Mã Lai. Một lần nữa [sh] tiếng Việt tương ứng [x] Hẹ và Mã Lai. Quan thoại đọc 'Chuan' nhưng các tôn sư quốc ngữ ký âm là 'Xuyên'. Một chuyện rất ngộ nghĩnh: 'Sông' là một từ Nôm kiểu Hẹ và Mã Lai. Tiếng Hán bắt chước gọi 'chuan' 川. Các tôn sư quốc ngữ ký âm trở ra thành 'xuyên', và người Việt xưa nay lầm tưởng đó là một từ thuần Hán, và gọi đó từ Hán-Việt của 'sông'. Thật ra 'xuyên' là một phiên âm chạy một cái vòng lớn của 'sông'. Y hệt như 'tửu' cho 'tjiu' hay 'jiu' hay 'rượu' ('jựợu'). 'Jau' hay 'jiu' hoặc 'yiu' cho 'giàu' và 'nhiêu'. 'Sửu', dùng /s/ thay cho /x/, đáng lẽ viết 'xửu' hay 'xẩu', tức 'xấu' (như âm [tsau] quảng đông) - chứ thật ra 'sửu' không phải là từ Hán Việt của 'xấu'. 'Xấu' tự nó là một từ gốc 'Hán', có lẽ Hán Hoa Nam, tức Bách Việt, chứ không phải thuần Nôm. Y hệt với [mất] xuất xứ từ [mok] của Hakka, như bàn phía trên. (h) Đặc biệt nhất, so sánh với toàn thể các phương ngữ, tiếng Hẹ mang âm gần giống tiếng Việt nhất trong bảng đối chiếu ở trên: sĩ= xii; sinh= sanh= xang; thạch= shak; xuyên= sông= tson; xuân= tsun; xưởng (hãng)= chong; số= xu; sắc= xek; xấu (sửu)= tsiu//chiu; song= xong; xã= xa; xà= sha. Tổng cộng 12 từ trong số 13 từ. Từ còn lại ('thiếu') có thể nằm luôn vào danh sách đó nếu nhớ lại luật biến chuyển âm vận giữa âm 'au' và 'iu' giữa các phương ngữ tiếng Hoa. Đó là 'thiếu' => 'thau' => shau. Y hệt như: Andy Lau => Liu De Hua (Lau => Liu (Lưu), Liu Đức Hoa); cầu => kiều; Nam Chiếu => Nan-Zhao, như đã trình bày trong bài 3 của loạt bài 'Từ chữ Nôm đến quốc ngữ'. (i) So sánh 13 từ này giữa tiếng Việt và Hẹ, và tạm vay mượn ý niệm 'cặp tối thiểu của 1 sinh ngữ' (như: pear (lê) & bear (con gấu), shop (tiệm) & chop (chặt)), chúng tôi mạo muội xếp chúng vào 13 'cặp tối đa giữa 2 ngôn ngữ' Việt và Hẹ. 'Cặp tối đa', như: tson (Hẹ) & sông (Việt), xà (Việt) & Sha (Hẹ), v.v. chính là những cặp từ lấy từ hai thứ tiếng khác nhau, giống nhau tối đa, chỉ trừ chừng một âm, và mang cùng một nghĩa y hệt nhau. Khác biệt chút ít đó có lẽ do quá trình hằng ngàn năm cọ xát với các ngôn ngữ chung quanh, tại hai môi trường khác biệt, ở pên Tàu và bên Việt Nam, cũng như do sự biến đổi âm vận từ ký âm dùng a-b-c khi tạo dựng chữ quốc ngữ. 131


Tóm tắt, tiếng Việt mang thêm âm chữ 'S' (tức [SH] quốc tế) do ở hiện diện của người Hakka (Hẹ) tại xứ Việt cổ, có lẽ cùng lúc với chủng Thái-cổ. Tiếng Hẹ trước đó mang ảnh hưởng âm [sh] từ phát âm 'quan thoại' của tộc Hoa sống gần gũi tại lưu vực sông Hoàng Hà. Đóng góp [SH] vào tiếng Việt là đóng góp bổ xung cho âm [X] độc nhất của tộc Tháicổ. Ngoài đóng góp âm, chúng ta thấy tiếng Hẹ có nhiều từ dễ dàng tạo nên những 'cặp tối đa' với những từ tương ứng trong tiếng Việt. Tường và Vách 'Tường' và 'vách', một lần nữa, sẽ cho thấy lối kí âm đánh một vòng tròn lớn của thứ tiếng các bậc tiền bối thường gọi: tiếng 'Hán-Việt' [5]. Chung qui cũng do ở thiếu thốn phương tiện kiểm chứng với các phương ngữ tiếng Hán, đặc biệt tiếng Hẹ. Tiếng Hán Việt của 'Vách' là 'Bích', và chúng ta sẽ thấy y như 'nhiêu= giàu', 'tửu= rượu', 'xửu= xấu', 'bích' thật ra chính là lối phát âm gần đúng của 'biách' tức 'vách'. Chứ không phải Hán Việt gì hết. Tiếng Tàu thường có 2 từ khác nhau để chỉ WALL tiếng Anh: qiang 墻 (tường), và bi 壁 (bích). Thông thường họ gọi chung 2 từ với nhau: 'qiang bi' => tường bích. Người Hải Nam phát âm: 'xio' cho 'qiang' và 'biá' cho 'bi'. Thượng Hải: 'Chiang bei'. Gạt 'tường' sang một bên, chúng ta nhớ người Nam Bộ phát âm 'Vách' như [Byách]. Thế ở thời Nôm na, người Việt phát âm 'Vách' ra sao? Từ điển chữ Nôm của Vũ Văn Kính ghi có 3 lối phát âm tùy theo cách viết:  Cách 1: Vay mượn 'Bích', tức [Bi] của Tàu: 壁  Cách 2: Biến đổi chút ít bằng cách kẹp chữ 'Thổ' ([tu] 土) đằng trước 'bích': 土壁 tạo thành một từ 'thuần Nôm', gợi lên ý làm bằng đất: nhà tranh vách (byák) đất.  Cách 3: Giống cách 2, nhưng viết 'Bích' trước rồi kẹp với chữ 'Phí' ([fei] 費 = lệ phí, phí tổn), 壁費 có vẻ mang hàm ý cái thứ vách tường thật kiên cố, rất tốn kém. Cả ba cách đánh vần chữ Nôm đều xử dụng âm đầu [B] của âm 'Bích' ([Bí] hay [Bik] tiếng Hán). Như vậy, ở thời chữ Nôm chưa có quốc ngữ, người nước Nam phát âm 'Vách' dựa trên âm 'B': 'Byách'. Y như kiểu người Nam bộ và người Mường [6]. Thế tiếng Hẹ của 'Vách' là gì? Họ phát âm [Byak] (xem: [7] & [8]). Giống kiểu Nam bộ, chứ không giống âm chữ 'V' của quốc ngữ. Tức một số điểm khá ngộ nghĩnh đã được phát hiện: - 'Vách' xưa nay tưởng thuần Nôm, thật ra là một từ mang gốc chủng Yueh từ hồi còn ở pên Tàu, được các tôn sư quốc ngữ biến thể từ âm nguyên thủy: [biák]. - 'Bích' xưa nay tưởng từ Hán Việt, lại chính là lối phát âm Nôm-Hẹ và Nôm-na nguyên thủy ở thời chưa có quốc ngữ. 'Bí' 壁 có lẽ là một từ chủng Hoa đã vay mượn từ chủng Yueh. Vay từ [Biak] hay [Bjách] mà các tôn sư quốc ngữ viết lại thành: 'Vách'. Tiếng Hẹ lại chia xẻ cùng với tiếng Việt thêm một cặp tối đa nữa, 'vách & biak', ăn thật sâu vào cấu trúc ngôn ngữ thời xa xưa. Cặp tối đa

132


'Cặp tối đa giữa hai ngôn ngữ' là một ý niệm ngoại suy từ 'cặp tối thiểu của một ngôn ngữ' tạm đề ra để minh giải sự giống nhau như hai giọt nước của một số từ tiếng Hẹ và tiếng Việt. Đặc biệt có nhiều cặp tối đa có cấu trúc ăn thật sâu vào tiếng Hẹ và Việt. Tóm tắt, có 2 điểm tương phản nhưng lại đồng thuận với lý thuyết: - Người Hẹ và tiếng Hẹ có những đặc tính cho biết họ từng sống gần gũi với người Hoa, xuất xứ từ miền cực Bắc nước Tàu, nhưng: - Người Hẹ và tiếng Hẹ lại có những đặc tính khác cho thấy họ không thuộc Hoa tộc mà lại bà con rất gần với nhóm Bai Yueh (Bách Việt) ở Hoa Nam xưa, và nhất là với tộc người Việt-Nam. Các cặp tối đa giữa tiếng Việt và Hẹ (Hakka) trình bày như sau: Tiếng Việt bò (ngưu) dạ dùng (use) chiếm muỗi (con) hưu (nghỉ) gả gắp hả kết (thúc) kiều (cầu) nghiêm (túc) phổi phạm (tội) quạ (chim quạ) giếng ngông (ngu) hùng (dũng) lạnh Nam (south) mong (hy vọng) buá (phủ) gặp (kiến) sát (giết) bạt (bộp tay) lũy (đồn lũy) vãn (kết) kiện (tụng) khoa học có thể học sinh (sanh)

Tiếng Hẹ ngiu za // ya ** zung//yung* chim mun hiu // hieu ga gap ha ged // ked kiao ngiam fui fam vu-a jiang ngong / ngo hiung lang Lam mong bu kian xad pok // pak lui van kien khox hok kon theux hokxang

Tiếng khác # ngâu (QĐ) shi yong zhan wenzi(QT), Muh(Kh), nyaMuk(ML) hiu (Pk) jau (Qđ) jia gap (QĐ) hor (QĐ) jie shu qiao yian fei fan zui wu ya zing (Qđ) jing ngong/ngoh (QĐ) iong (Pk) xiong leng Nan xi wang fu hian (Pk) jian sha p'a (NV)phah(Pk) lui (Pk) leoi (Qđ) oan (Pk) wan kian (Pk)/gin(Qđ) ke xue ke yi hok xaang(Qđ)

GHI CHÚ mưa ngâu Dạ = vâng. Hẹ [z] Hẹ có [z]=> [Dz] xâm chiếm Muỗi (V) ~ Hẹ, Khmer, Mã Lai [hưu] gần Hẹ. QT: xiu gả chồng. Hẹ ~ Việt gắp=> dùng đũa gắp. what? = hả. Anh đó hả? V= Hẹ. [g]=[k]&[d]= [t] Hẹ [K] giống Việt. * Hẹ có /ng/ và /m/ Hẹ [pui]= [fui] cho 'phổi' Hẹ có phụ âm cuối 'm' [vu-a]=> quạ.[V] ~ [W] Việt = Hẹ > Qđ & Qt Thái: [ngo]. Hẹ có [NG] Hẹ[H] ~ Việt <=> [X] QT Hẹ không phân biệt[N]cuối Hẹ có âm cuối /M/. wang => vọng Búa (V) = Bu (H) # QT [k] V = [k] Hẹ, 0 hơi thở Âm [d] cuối Hẹ ~ [t] Việt bạt tay => Hẹ. QT: pai Việt= Hẹ= PK. QT: lei [v] Việt= [v] Hẹ =>[w] Qt [k] Hẹ = [k] Việt.QT [jian] Hẹ [KH]. /K/ QT= [Kh]* Hẹ [k] giống [c] => 'có' Âm [sh] V = âm [sh] QT

CHÚ THÍCH: # Pk = Phúc Kiến; Qđ = Quảng Đông; NV = Ngô Việt (Chiết Giang, Giang Tô, Thượng Hải) # Kh = Khmer’. Âm Quan thoại (Phổ thông) không có dấu ngoặc. * QT ít có âm [k] trơn, nhưng âm [Kh] có hơi thở như [kan] => khán 133


** Để ý tất cả âm bắt đầu bằng /Y/ quan thoại, khi chuyển sang Hẹ phân cực thành 2 âm /y/ và /z/ Từ bảng đối chiếu các cặp tối đa tiêu biểu những từ tiếng Việt và Hẹ ở trên, chúng ta có thể thấy: 1. Tiếng Việt và tiếng Hẹ rất giống nhau. Sở dĩ tiếng Hẹ còn giữ được nhiều nét giống tiếng Việt hơn hầu hết các thứ phương ngữ Bách Việt khác là do ở tính ít chịu hội nhập của người Hẹ với người Hán, cũng như những tộc người chung quanh, như người Hmong, Yao, Quảng Đông, Hồ Nam, v.v. Người Hẹ vẫn thường được gọi một thứ Do Thái của Trung Hoa. 2. Tiếng Hẹ có rất nhiều âm giống với các phương ngữ tộc Yueh, chứ không giống tiếng Hán quan thoại ở phía Bắc. Đặc biệt: (a) Cũng giống như tiếng Việt, tiếng Thái, tiếng Quảng, Hẹ và các phương ngữ gốc Yueh (Âu và Lạc) còn giữ âm [NG] - trong khi Hán quan thoại không có. Thí dụ: [ngiu] = [ngâu] = ngưu = bò; [ngiam] = nghiêm; [ngo] = ngu, ngố (b) Âm [g] tiếng Việt và Hẹ, tương ứng với âm [j] quan thoại. Thí dụ: [gai] = [ji] = gà; [ga] = gả (gả chồng) = [jia] qt. (c) Như tất cả các phương ngữ tiếng Hán, Hakka không có nhị-âm cuối theo dạng [ay] hay [uy] như tiếng Việt. Điểm này cho thấy ảnh hưởng quan trọng của hạ tầng Môn-Khmer. Một thứ tiếng có âm cuối theo dạng [uy] [ay]: [camay]: cái / mái; [Malay]: Mã Lai; [licay]: đàn ông, chồng; [nei]: nầy. Theo trích dẫn trong bảng phía trên: 'Đồn lũy' mang âm cuối [uy] có tương đương âm Hakka [Lui], không phải [uy]. (d) Hakka cũng có âm đầu [h] y như tiếng Việt, trong khi tương đương trong quanthoại là âm [X]: hùng=> hiong (Hẹ)=> xiong (qt); học sanh=> hok xang (Hẹ)=> xue sheng (qt); hưu=> hiu (Hẹ)=> xiu. (e) Hakka có âm đầu [K] không-hơi-thở y như tiếng Việt. Quan thoại không có, mà chỉ có [k]-hơi-thở, thông thường viết theo Việt quốc ngữ phải kèm [h] thành => [Kh]. Thí dụ: kiều (cầu)=> kiao (Hẹ)=> qiao (qt); kết=> ked (Hẹ)=> jie (qt); kiện=> kian (Hẹ)=> jian (qt). KHoa học=> KHox hok (Hẹ)=> Ke xue (qt) {để ý [K]-qt có hơi thở}; khẩu (miệng)=> khieu (Hẹ)=> Khau (Pk)=> Kou (qt). {[kh] Việt= [kh] Hẹ = [k] qt} (f) Từ 'búa' một lần nữa cho thấy tính bất chợt của tiếng Hán-quốc-ngữ. 'Búa' thường xem một từ thuần Nôm, nhưng thật ra thuần ...Hẹ. Tiếng Hẹ là [Bu] rất giống 'Búa', trong khi Hán Việt gọi [phủ] bắt chước quan thoại [Fu]. (g) Tiếng Hẹ cũng mang một 'tật' chung của các phương ngữ miền Hoa Nam, trong việc thiếu phân biệt giữa tử âm [L] và [N]. Trong tiếng Việt, cũng có nhiều khu vực y hệt như vậy: - Anh nàm gì thế? Thay vì: - Anh làm gì thế? theo kí âm của quốc ngữ. Thật sự theo thiển ý, đã từng trình bày nhiều lần trước đây, phân biệt âm [L] và [N] hoàn toàn không cần thể hiện trong môi trường Nôm, hoặc Hán, không dựa trên thứ chữ cái a-b-c. Cả hai (l và n) đều là âm nứu, một biên (l) một mũi (n), có cách phát âm lưỡi va chạm vào nứu ở những vị trí rất giống nhau. Ở bảng trên, ta thấy (hướng) 'Nam' người Hẹ có thể thoải mái đọc [Lam], y như người Quảng Đông. Để ý âm cuối 'Nam / Lam' là [m] trong khi quan thoại chỉ toàn [n]=> [Nan]. Toàn bộ âm cuối {p t k m n ng nh} Bảng so sánh phía trên cũng cho thấy phần nào tiếng Hẹ giữ vững toàn bộ âm cuối p, t, k, m, n, và ng, y hệt như tiếng Việt. Trong khi Quan thoại chỉ có hai âm cuối /n/ và /ng/. Xin xem thêm chi tiết về âm cuối qua bảng so sánh sau: 134


âm p p t t k k k k m n ng

Việt thiếp pháp luật thất thạch ngọc bích (vách) mực chìm kiến (gặp) hướng

Hẹ ziap fap lut sik sak ngiuk biak met chim kian hiong

Q. Đ. tsip fat leot sat sek yuk bek mak zam (zhầm) jin hoeng

Q.T. gie fa lu shi shi yu bi mo zhen jian xiang

Mân chhiap hoat lut gek chieh gek piah bak sim hian hiong

Ghi Chú qt không p p => p qt không t t => k (Hẹ) k <=> k k <=> k qt không k k => t (Hẹ) qt không m qt có 'n' qt có 'ng'

Chú Thích: Q.Đ.: Quảng Đông. Q.T.: Quan Thoại. Mân: Phúc Kiến Bảng so sánh trên cho thấy tiếng Việt và Hẹ có chung tất cả âm cuối {p t k m n ng} như các phương ngữ Hoa Nam, trong khi quan thoại chỉ có 2 âm cuối {n ng}. Tiếng Việt còn có thêm âm cuối {nh} như trong: lanh tanh, nhanh, canh, nhánh, v.v. Theo thiển ý do ở ngôn ngữ hạ tầng và bản địa của nhóm Môn Khmer (thí dụ: inh-jut= nặng nhọc; inh-tsơng= thon thả). Theo trang web [7], một số chi bộ tiếng Hẹ vẫn còn giữ âm đầu [ny] tức [nh] y như tiếng Việt: nhanh nhẹn, nhăn nhó như khỉ, nhằm nhò, ... Cũng giống tiếng Môn-Khmer: [nyai] => nhai; [nyou]=> màu nâu (tiếng Việt lột mất âm [y]); [Nyunt]=> phát âm kiểu Việt: [Nhunt], tên một họ Miến Điện (Myanmar). Phân cực phát âm từ bên Tàu Trước khi kết thúc ba bài về người Hakka, chúng ta hãy lướt qua vài lối phân cực trong cách phát âm một số chữ hoặc từ trong tiếng Việt. Đề tài này thật ra rất rộng, đã được phân tích nhiều trong loạt bài 'Từ chữ Nôm đến quốc ngữ', và ở đây xin liên kết với phân cực tương tự trong tiếng Hẹ. Tóm tắt các thứ phân cực như giữa âm [V] & [Bj], [Y] & [Dz], các từ [Chu] & [Châu], v.v., đều có đồng bệnh giữa các phương ngữ tiếng Hoa với nhau. Các tôn sư quốc ngữ, có thể vì một số lí do nào đó, đã khuyến khích duy trì các phân cực này, trong việc truyền bá chữ quốc ngữ cho người nước Nam vào thuở ban đầu. 1. Âm [V] & [Bj] Người Việt phía Bắc phát âm những từ như: về, vợ, vui, voi, văn, vững vàng, vách, ... hoàn toàn theo âm [V] của quốc tế như Vérité (Pháp) hoặc Verification (Anh). Người phía Nam phát âm [V] như kiểu phiên âm quốc tế [Bj] (hoặc chữ cái Hi-Lạp 'beta') - đọc ra như âm [By]: byề, byợ, byui, byoi, byăn, byững byàng, biách, ... Hãy xem 'Vân Nam' và 'Lĩnh vực'.  Vân Nam: Quảng Đông đọc 'Wen Lam' - Quan thoại, 'Yun-Nan' => cho thấy phân cực [W] và [Y] giữa hai phương ngữ Hoa.  Lĩnh Vực: Quảng Đông phát âm 'Ling Wiq', trong khi Quan thoại, 'Ling Yu' => phân cực [W] & [Y].

135


Phát âm chữ V theo kiểu [Bj], như 'Beauty [Bju:ti]' Anh ngữ, hiện vẫn còn giữ trong nhiều từ thuộc tiếng Mường. Thí dụ: Bua [bjua] => Vua; Biết [bjiết]=> Viết; Bải [bjải]=> Vái, v.v.. Nhưng theo một lí do kĩ thuật của ngành ngữ học, khi kí âm sang dạng a-b-c các tôn sư đều lột bỏ âm thứ 2 của [Bj] và chỉ giữ [B]: ông Bua = ông Vua. Âm [Bj] cũng đã hiện diện trong tiếng bản địa xưa nhất: Môn Khmer, và còn tồn tại đến ngày nay trong tiếng Myanmar và Khmer. Thí dụ: - Myanmar (Miến Điện): byaun-de = đổi xe (vận chuyển), bya-de = màu xanh - Khmer (Cam-Bốt): biak = chữ (word); raw-biang= hành-lang Ở phần trên chúng ta cũng đã thấy phát âm [Byách] Nam Bộ của từ 'Vách' giống y như phát âm của người Hẹ, và gần với gốc [Bi] quan thoại, và [Bích] Hán đọc theo quốc ngữ, hơn 'vách' rất nhiều. Tra cứu những trang web viết về ngôn ngữ Hẹ cũng cho thấy tiếng Hẹ và một số phương ngữ gốc Lạc Việt, đặc biệt Ngô-Việt (tức Chiết Giang - Giang Tô), hiên vẫn giữ âm [V]. Thí dụ: con 'quạ' tiếng Hẹ có phát âm theo chữ [V] => Vu-a. Trong khi quan thoại và quảng đông (gốc Thái-cổ) không có âm [V]. Chỉ có âm [W]: Quan thoại: [Wu-ya] = con quạ. Tiếng Mường, hoặc Việt cổ: con Way => con Voi. Một Vạn, tức 10000, có âm y hệt trong tiếng Hẹ: [Van]. Trong phương tiện ngày nay, người ta có thể phân loại trở lại, từ nào hồi xưa, có khuynh hướng phát âm theo [V] (Việt-cổ) (Van (Hẹ)= vãn (V)= kết), hay [W] (Thái-cổ) (con Woi), từ nào có khuynh hướng phát âm như [Y] hay [Bj], cho cả hai chủng Việt và Thái-cổ (ông Bjua= vua; bjách tường= vách). Bằng cách đối chiếu với các thứ tiếng của người dân tộc và quan trọng hơn hết, tra cứu lối đánh vần trong chữ Nôm như trình bày ở trên. Tóm lại, qua [biák = vách] và [van = vạn = 10000] chúng ta thấy tiếng Hẹ rất giống tiếng Việt, ngay trong phân cực giữa [Bj] và [V] (hay [W]). 2. Âm [Y] và [Dz] Phân cực giữa âm [Y] và [Dz] đã được phân tích rất tỉ mỉ trong các bài 'Từ chữ Nôm...'. Từ điển người Hẹ ([7] & [8]) cho thấy người Hẹ cũng phân cực y hệt như vậy. Nhắc lại ở Bắc bộ, phát âm những từ Việt bắt đầu bằng chữ 'D' như: dạ (đêm), diệp (lá ), diều, dầu, dược, dương (dê), dụng (dùng), ...hoàn toàn theo âm [dz]: dzạ, dziệp, dziều, dzầu, dzược, dzương, dzụng, ... Và cũng có nhóm (Nam bộ) đọc tất cả theo âm [Y] (quốc tế: [J]): Yạ, yiệp, yiều, yầu, yược, yương, yụng,... Quan thoại và Quảng Đông không phân biệt giữa [Y] và [Z] hay [Dz]. Chỉ có âm [Y], thỉnh thoảng biến âm với [W]: Wân= vân= mây => Yun (qt). HẸ: Yun, giống Quanthoại. Nhưng đặc biệt Hẹ phân cực [Y] và [Dz] (kí âm [Z] hay [J] trong từ điển), y kiểu Việt: Có nhóm phát âm theo [Y], y như kiểu Nam bộ: Ya, yab, yao, yiu, yok, yong, yung,... Và có nhóm toàn theo âm [Z], y như kiểu Bắc bộ (11): 136


Za, zab, zao, ziu, zok, zong, zung,... 3. Châu Nhuận Phát và Đông Chu Liệt Quốc. Trong bài 'Từ chữ Nôm' chúng tôi đưa ra giả thuyết sở dĩ có sự phân cực 'Chu & Châu' là do ở phía Nam ưa kị húy Chúa Nguyễn Phúc Chu với tên riêng 'CHU' nên đã đổi tất cả những từ phát âm 'Chu' thành 'Châu'. Tra cứu bất cứ quyển từ điển tiếng Hán nào, chúng ta thoạt tiên sẽ thấy có vẻ như có sự lầm lẫn đâu đó của tiền nhân, bởi lí do: Những từ pinyin (quanthoại) ghi [zhou] tức [châu] 周, phía Việt ngữ thường biến thành 'Chu': Zhou (Châu) 周 = tuần lễ, tuần hoàn. Zhou ji (Châu kỳ)=> Chu kỳ (period, cycle); Zhou nian (Châu niên)=> Chu niên; Zhou Wei (Châu Vi)= Chu vi; Zhou You = Chu du; Zhou En Lai = Chu Ân Lai, đáng lí Châu Ân Lai, Đông Chu đáng lý Đông Châu [15], v.v.. Những từ người Hoa gọi là [Zhu] (Chu) 珠, người Việt cũng gọi 'Chu', như 'chu hồng' (màu đỏ thắm) 朱 và đôi khi cũng gọi 'Châu': Zhu 珠= ngọc trai => Zhu Bau => Chu báu, hay 'Châu báu'; Họ ZHU: Zhu Yuan Zhang => Chu Nguyên Chương (rất đúng); Zhu Rong Ji => Chu Dung Cơ. NHƯNG: Zhen Zhu Gang => Trân Châu Cảng, đáng lẽ phải Trân Chu Cảng. Nhưng bởi 'Trân Châu Cảng' [16] được Việt-hoá trước tiên từ triều đình ở Huế hoặc tại phía Nam, nên 'Trân Châu Cảng' (dùng 'Châu') được dùng luôn từ đó đến nay. Ngoài ra 'Chu' cũng ưa biến thành 'Châu' ngay tại phía Bắc, trong tên riêng: Bích Châu, Hồng Châu, Ngọc Châu, v.v. Hoa: ZHOU (Châu) 周=> Việt: CHU. Hoa: ZHU (Chu) 珠=> Việt: CHU / CHÂU Tiền nhân học tiếng Tàu không đến nơi đến chốn hay chăng? Hay vì ở phía Bắc toàn là thần dân chúa Trịnh không cần kị húy chúa Nguyễn, nên mang khuynh hướng dùng 'Chu' thả cửa? KHÔNG, Không phải. Người Việt biến chuyển 'Châu' & 'Chu' qua lại với nhau, không phải ở kị húy, mà bởi họ là hậu zuệ phần nào của người Hẹ-cổ tức giống Bách Bộc xưa ở bên lưu vực sông Hoàng Hà. Người Hẹ-cổ đã chuyển âm Hoa 'Zhou' thành 'Zhu' và giữ vững 'Zhu' như 'Zhu' (Chu), hay đôi khi 'Châu' trước khi họ zi cư sang xứ Việt cổ. Biến chuyển này nằm gọn trong một biến chuyển thường xuyên hơn giữa các phương ngữ ở Hoa Nam. Đó là biến chuyển giữa âm [iu] và [âu] (hay [ou] hoặc [ao]). Thí dụ: cầu => kiều. Quảng Đông: gau => Phúc Kiến: Kau => Hẹ: Giu / Kieu. Tài tử Andy Lau (QĐ) => De Hua Liu (qt, tức Lưu Đức Hoa). Yêu cầu (V)=> Yau kieu (P.Kiến). Hưu (trí)=> Jau (qđ) => Hiu (Hẹ). Định luật 'au-iu' phát hiện qua loạt bài 'Từ chữ Nôm': 'Nếu một phương ngữ tiếng Hoa có từ mang âm [iu], thế nào cũng có từ tương đương thuộc phương ngữ khác mang âm [au] (hay [ou] hoặc [ao]). Và ngược lại, có [ou] ở chỗ này, thế nào cũng có [iu] chỗ khác'. Do đó khi quan thoại cho âm [Zhou] tức 'Châu': - Quảng Đông gọi [zau] - Phúc Kiến hay Triều Châu, lại gọi: [Chiu] - Thượng Hải: [zhou], và đặc biệt 137


-

HẸ: [zhiu] hay [ZhU]. [Zhu] chính là [zhiu] lột bỏ đi âm [i] khi đọc tắt và nhanh. Hẹ đọc [Zhu] y hệt như kiểu Việt cho từ cả quan thoại lẫn quảng đông đều đọc [zhâu]. Thí dụ: Mùa Thu, quan thoại đọc [qiu], quảng đông: [tsau] => Hẹ: [tsiu] => lột [i] => [tsu] => THU (mùa Thu).

Trong khi đó, lúc quan thoại phát âm [Zhu] tức 'Chu'. Khuynh hướng vẫn giữ nguyên âm [zhu] bởi không phải [zhiu] (để có thể biến qua trở lại với [zhou]): - Quảng Đông gọi [zyu] (tức không hẳn là [ziu] để cho phép chuyển sang [zou]) - Phúc Kiến và Triều Châu gọi [Chu] - Thượng Hải: [zhi], và - HẸ: [zu] hay [zhu] => Việt: vẫn giữ [Zhu] => 'Chu'. Tóm lại người Việt, đặc biệt phía Bắc, không phải vì lộn xộn kị húy Chúa Nguyễn Phúc Chu, khi họ tống các từ đáng nhẽ phát âm [Châu] luôn hết vào [Chu], nhưng vì họ đã đọc và nói y hệt trung thực với bản năng của người có gốc Bách Bộc tức Hẹ-cổ. Bởi phát âm [Zhou] khi sang phương ngữ Hẹ cổ đã được biến âm hai lớp. Lớp đầu [Zhou] trở thành [Zhiu]. Lớp thứ hai [Zhiu] đọc rất nhanh sẽ bị lột mất âm [i] và trở thành [Zhu], tức [Chu] tiếng Việt. Viva [Châu] * [Chu]. TÓM TẮT Trong bài thứ 3 có vẻ khá khô khan này, chúng tôi đã cố gắng kết thúc một lối minh giải rất sâu rộng, lôi ra hết các thành tố quan trọng và chủ lực, để có thể kết luận: Người Hẹ chính là hậu zuệ của nhóm tộc du mục Bộc Việt, ngày xưa sống cuộc đời nay đây mai đó, bên bờ sông Hoàng Hà, sông Bộc, sông Vị, sông Lạc ở miền cực Bắc nước Tàu. Trước sự đàn áp khủng bố khốc liệt của Hoa chủng, họ lần lượt di tản về những nơi khác. Một khối đi theo tộc Hmong (tức Miêu-Yao) sang miền Mãn-Châu và Triều Tiên. Một nhóm khác lần mò về hướng Nam, đa số chia xẻ địa bàn với chủng Thái-cổ tại nước Sở chung quanh sông Dương Tử và sông Hán. Từ đó, trong hằng trăm hằng nghìn năm, họ tản mác di động khắp miền Hoa Nam. Có một số đông chán ngán cuộc đời du mục nên cùng với chủng Thái-cổ xuống sâu phía Nam rồi cuối cùng định cư ở xứ Việt cổ. Nơi đó đã có những người Môn - Khmer, cùng những chi tộc Thái-cổ khác, đến trước rồi. Xin tóm tắt 9 lối lập luận chính đã dẫn đến kết luận rất quan trọng kể trên, như sau. 1. Ngạn ngữ: 'Trên Bộc dưới dâu', phổ biến ở Việt Nam hơn Trung Hoa 2. Địa điểm xuất xứ người Hẹ giống y như đám Đông Yi, trong đó có Bách Bộc, sau này xuống Sở, được gọi Bộc Việt. Đông Di có đám nhuộm răng đen, xâm mình. 3. Bách Bộc là dân du mục. Hẹ cũng vậy. Từ Yue = Việt có cách viết 越 bao gồm 'tẩu', nghĩa 'đi, chạy' + 'cái móc' + 'giáo, mác'. Tức Việt, một danh từ riêng, chỉ có thể mang nghĩa 'Một giống dân du mục sống bằng nghề săn bắn'. 4. Bách Bộc thuộc đám Đông Zi, y như người Hmong (Miêu). Đám Đông Zi di tản sang Triều Tiên, hoặc đi về hướng Bắc, địa bàn nhóm Đông Hồ (Tungus). Người Bách Bộc có đám khác chạy xuống nước Sở, rồi về sau cùng chủng Thái-cổ (Âu) di tản tuốt sang xứ Việt cổ. Ngày nay cả ba thứ người Hẹ, Triều Tiên (Hàn) và Việt, nhất là người Hàn, đều thích món 'mộc tồn'. 5. So sánh về di truyền, nhân chủng cho biết: Người Hẹ có DNA giống thứ của dân Hoa Nam, chứ không giống Tàu. Diện mạo người Hẹ, với tóc dợn sóng, sóng mũi cao, chiều cao 138


khác với Hoa tộc ở miền Hoa Bắc. Chỉ số sọ người Sơn Đông, tức địa bàn ban đầu của dân du mục Bách Bộc rất giống với chỉ số sọ của dân Việt Nam, và trên chỉ số sọ Hoa tộc đến khoảng 5 đơn vị. 6. Sử Việt thường liên kết dân Việt với thị-tộc Việt Thường, nhóm người rất hiếu hoà đã cử đại sứ đem con chim Trĩ đến biếu vua nhà Châu vào khoảng năm 1120 TCN để làm quen. Địa bàn thị tộc Việt Thường này rất gần với kinh đô nhà Châu ở đất Thiểm Tây. Việc họ tặng con chim Trĩ cho thấy họ là dân du mục sinhsống bằng sănbắn. Người Tàu đầu tiên viết Lạc bộ Trãi dùng mô tả Việt tộc, từ kỉ niệm con chim Trĩ ban đầu đó, bởi chữ Trĩ và Trãi có phát âm y như nhau [zhi] trong tiếng Tàu. 7. Khi Trần Thủ Độ soán ngôi nhà Trần, hoàng thân quốc thích nhà Lý vội vã đánh con bài 'tẩu'. Họ căng buồm chạy về hướng Sơn-Đông / Triều Tiên, và cho rằng đó chính là nơi chôn nhau cắt rốn của tổ tiên họ, tức Việt tộc (nhóm Lạc). 8. Tại Quảng Bình, có một nhóm người dân tộc gốc Việt mang tên người Nguồn. 'Nguồn' theo thiển ý, chính là âm lệch đi của 'Ngìn'. Trong tiếng Hẹ, [Ngìn] mang nghĩa 'Người'. 9. So sánh các tài liệu ngôn ngữ thật sâu rộng trải ra trọn 3 bài đã giúp chúng ta kết luận khá vững chắc người Hẹ chính là người Bách Bộc (cũ), và chính là thành phần nòng cốt của chủng Lạc Việt, đã phối hợp với chủng Âu (tức Thái cổ), tạo dựng tiến hoá nên người Việt Nam, trên nền tảng bản địa sẵn có là Môn-Khmer. Ba thứ từ thông dụng chỉ 'con Chó' có thể tóm tắt được thành phần chủng tộc căn bản của người Việt Nam: Chó <=> MônKhmer, Má <=> Thái-cổ, và Cầy <=>Việt-cổ (Hẹ cổ). Tuy nhiên, vẫn còn một điểm khá gay cấn. Đó chính là sự kiện từ xưa đến nay người ta rất ít khi, hoặc chưa hề, tìm được xương sọ thuộc chủng Yueh, tức Bách Việt, ở miền Hoa Bắc (phía Bắc sông Dương Tử) [1]. Mặc dù đã tìm thấy sọ người Miao và người Khương. Bình Nguyên Lộc đi quanh vấn đề này và cho rằng Việt tộc chỉ mới định cư tại Hoa Bắc chừng 510 năm thì bị Hoa chủng do Hiên Viên Hoàng Đế lãnh đạo đánh đuổi chạy hết về miền Hoa Nam, hoặc tuốt sang bán đảo Triều Tiên cùng với người Miêu (Hmong) và nhiều đám rợ khác. Lối giải thích này có vẻ rất gượng ép và mâu thuẫn với nhiều dấu vết cho thấy đám Bách Bộc (Lạc Việt bộ Trãi) vẫn còn tồn tại ở Hoa Bắc vào thời Chiến quốc và mãi về sau. Sự thật theo lí giải chúng tôi, tộc Việt thuở chưa ra khỏi địa bàn Hoa Bắc chắc chắn mang tục chôn cất người chết bằng lối hỏa táng. Người Khương, tức Qiang 羌, hồi xưa có khi Hoa tộc gọi Lạc bộ Khương, chính là tộc người chuyên môn việc hoả táng người chết. Khoảng thời gian cách đây 5000-10000 năm và lùi về trước, người Khương có lẽ là tiền thân, hoặc có bà con rất gần với tộc Thái-cổ (Âu) và tộc Việt-cổ (Lạc). Một trong những hậu duệ của người Khương chính là người Chăm, với tục hỏa táng được rất nhiều người biết đến. Một số tộc người Khương thuần túy vẫn còn tồn tại đến ngày nay tại khu vực Tứ Xuyên bên Tàu. Thuyết về Khương tộc cũng rất nhiều. Có thuyết cho rằng người Khương xuất xứ từ miền Tây nước Tàu, và chính họ cũng đã góp phần với các chủng như Hung Nô, Mông Cổ, Tôkha-res,... tạo nên Hoa chủng. Có thuyết cho rằng họ là tiền thân hoặc bà con rất gần với hai chủng Âu và Lạc thuộc khối Bách Việt xa xưa. Đặc biệt điểm có thể nhìn nhận văn minh người Khương có vẻ phát triển khá sớm. Từ đó chúng ta sẽ không lấy làm lạ để đặt lên một giả thiết rằng khi văn minh Hoa Hạ chưa nổi lên lấn át các nền văn minh khác, có lẽ văn minh chủ lực tại Hoa Bắc chính là văn minh người Khương. Hay của người Miao (Hmong). Theo đó tục hỏa táng được rất nhiều tộc du mục ở phía Bắc hâm mộ và bắt chước. Trong những tộc xử dụng lối hỏa táng người chết đó, có đám Bách Bộc, tức Hẹ-cổ, thuộc chủng Yueh. 139


Ghi Chú [1] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu, tái bản tại Hoa Kỳ. [2] Phạm Quỳnh (1997) Hành trình nhật ký. Ý Việt (France) tái bản. Trong quyển sách này, Phạm Quỳnh đã dùng âm cũ của 'thất' là 'sất'. Ông viết 'sất phu' thay vì 'thất phu'. [3] Bình Nguyên Lộc trong Quyển Mã Lai [1] cũng đã tổng quát hoá và thu gọn thành 2 đợt di dân đến xứ Việt cổ, cùng một chủng duy nhất Mã Lai, cách đâ 5000 năm và 2500 năm, và hoàn toàn không liên kết với biến động thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Tàu. Xuất xứ 2 đợt này, rất lộn xộn. Khi thì từ khu vực Tây Tạng ghé Tàu, lúc thì từ Hoa Bắc, và có lúc lại từ nước Sở. Và tất cả các giống dân Đông Nam Á đều mang cùng một chủng: Mã Lai. Theo thuyết giải mã loạt bài này, di tản từ Hoa lục sang xứ Việt cổ xảy ra từ thời xa xưa, và trải ra rất nhiều đợt. Những đợt đông đảo nhất, xảy ra trong vòng 800 năm trước Công Nguyên. Vào các thời điểm đó, rất khó còn một chủng zuy nhất sống trên một địa bàn rộng lớn như miền Nam sông Dương Tử của nước Tàu ngày nay. [4] Để ý trong các phương ngữ, từ [vong] tiếng Việt có tương đương với [bong] Mân (Phúc Kiến). Cho thấy âm [V] biến chuyển qua lại với âm [B] giữa các phương ngữ Bai Yue (Bách Việt) như kiểu [vách] với [biak], giữa Việt và Hẹ, hay Bắc bộ và Nam bộ. [5] Qua các phân tích trong loạt bài 'Từ chữ Nôm...' chúng tôi mạo muội cho rằng 'Hán-Việt' là một từ dùng sai trật nếu với hàm ý rằng tiền nhân ở Việt Nam phát âm chữ Hán theo tiếng 'Hán Việt'. Thí dụ: [Mất] từ xưa tưởng là một từ 'thuần Nôm'. Qua bài này, ta thấy [mất] chính là [mok] hay [mong], hoặc [bong] hay [vong]. [Vong] chính là [wang] Hán quan thoại. Như vậy, có phải chăng tiền nhân thật ra phát âm [wang] tức [vong], như là [mong] hay [bong] hoặc [mok] rồi biến ra [mất] bởi quốc ngữ. Vấn đề tiền nhân phát âm chữ Hán ra sao, từ trước đến nay chưa hề có một cuộc nghiên cứu sâu rộng nào hết. Do đó chúng tôi có khuynh hướng dùng cụm từ 'Hán-quốc-ngữ' để thay cho 'Hán Việt'. [6] Âm [By] (phiên âm quốc tế [bj]) theo kiểm chứng với lối đánh vần chữ Nôm (xem 'Từ chữ Nôm đến quốc ngữ') đã chiếm đến 50% của những từ đánh vần bắt đầu bằng chữ 'V': vách, vua, vợ, việc, vui,... Đó là âm [bj] trong từ 'beauty' (đẹp) tiếng Anh, người Mường vẫn còn giữ, khá đúng với cách phát âm thời Nôm. Các tôn sư quốc ngữ, đã gộp tất cả những âm [bj], [w] như: con woi, đi wir, wững wàng, ... (gốc Thái cổ), và [v] (gốc Hẹ) lại thành kí âm bằng một chữ 'V' duy nhất. Âm [bj] vẫn được dùng trong quyển từ điển đầu tiên An-NamBồ-Latin của Alexandre de Rhodes (giữa thế kỉ 17), và ngày nay đối với tiếng Mường. Nhưng theo qui luật kí âm của những vị 'sáng chế' chữ quốc ngữ, âm [y] tức [j]-quốc-tế bị lột khỏi [bj], để trở thành 'B' trong lối đánh vần: ông Bua ([bjua] = vua), bà Bợ ([bjợ] = vợ). Việc gộp 3 âm [bj], [w], [v] thành 'V' duy nhất tạo nên phân cực: phía Bắc đọc [v] theo quốc tế, nhưng phía Nam (nhất là Nam bộ) giữ 'phân nửa' kiểu cũ vẫn đọc [bj]. Ở phía Bắc người Mường và một số người dân tộc hãy còn giữ phát âm [bj] cho một số từ có lối đánh vần tiếng Việt bắt đầu bằng 'V'. Điển hình với việc dẹp bớt âm [j] là chữ 'Bưu' trong 'Bưu Điện'. Âm Nôm của 'Bưu' bắt buộc phải là [Byưu] mới đồng thuận với tất cả phương ngữ bên Tàu: Quan thoại: [You Ju]: bưu cục, với [you] => âm [byau] hay [byưu]. Triều Châu: [yiu kuk], Quảng đông: [Yau kuk], Hải Nam: [Jiu dian] (bjiu điện). [7] http://www.asiawind.com/hakka/language.htm#compared http://www.sungwh.freeserve.co.uk/sapienti/cjkvnum.htm [8] Từ điển Hakka trên mạng: sungwh.freeserve.co.uk/sapienti/hdindexc.htm [9] Tiếng Anh, động từ 'to lose' (mất, thua) cũng mang nghĩa 'chết'. Nhưng cách dùng hơi khác: 140


-

A fireman lost his life when he tried to rescue three persons still trapped inside the house: Một người cứu hỏa mất mạng khi ông cố cứu 3 người hãy còn bị kẹt trong nhà. - The Enemy: 9 dead; our side, we lost 5. Sau một trận đánh, phe địch tổn thất 9 người, trong khi phe ta mất 5. [10] Chỉ số sọ tức cephalic index hay cranial index là tỉ số bề ngang tối đa của sọ trên chiều dài lớn nhất, nhân cho 100. Sọ tròn có chỉ số trên 80. Sọ dài, chỉ số 75-80. Tròn hay dài không ảnh hưởng gì đến thông minh hết. Trước khi người ta tìm ra di-truyền thể DNA, chỉ số sọ rất phổ biến. [11] Trong chừng 60 năm nay, nhiều giới tại và bên ngoài nước Việt Nam, ưa cổ vũ việc thay thế chữ /D/ bằng /Z/. Nhưng rất tiếc, có vẻ không một nhóm nào có thể biện giải đề ra một căn bản lý thuyết hay lịch sử, cho có 'bài bản'. Cũnggiống như hiệntượng thích biến tiếngViệt thành đa-âm, viết haibatừ dínhliềnnhau. Theo thiển ý vấn đề hết sức phức tạp, bởi tiếng Tháicổ không có âm [Z], còn tiếng của tộc Việtcổ phảnánh qua tiếng Hẹ cũng cho thấy tìnhtrạng phâncực 50:50, phânnửa theo [Z] phânnửa theo [Y]. QuảngĐông và Quanthoại chuyên yùng [Y] cho các âm Việt bắtđầu bằng [D]. Hải Nam, có từ dùng âm nằm giữa [Z] và [Dz], có từ lại dzùng [Y]. Thay /D/ bằng /Z/ trong tiếng Việt lại cũng không chínhxác về ngữ-âm. Bởi âm [D] người phía Bắc phátâm có vẻ là 'âm tắc sát tỏ' [Dz] hơn là kiểu âm sát (nứu) [Z] như theo tiếng Anh: haZard, craZy, Zero. Điểm khó khăn khác: Trong khi có thể kiểm chứng tiền nhân phát âm [V] (tức [W]) hay là [Bj] (bà vợ [bjợ]), qua đánhvần chữ Nôm, kiểmchứng âm [D] rất khó, bởi những từ gốc Hán dzùng 'D' (như: dinhdưỡng) chưa hề và không thể qui về, hoặc đốichiếu riêng với một phươngngữ nào trong tiếng Hoa: Ở Trung Hoa cũng như ở Việt Nam, đều có phân cực giữa âm 'Y' và âm 'Dz' cho chữ đầu quốc ngữ 'D'. Phát âm 'Hán Việt', theo thiển ý, lại thiếu thốn sự tin tưởng tuyệt đối, bởi nó hoàntoàn lệ thuộc vào phátâm quốcngữ. [12] Randy J. LaPolla (2000) The role of migration and language contact in the development of the Sino-Tibetan language family. IN: Areal Diffusion and Genetic Inheritance: Case Studies in Language Change. Ed. by R.M.W. Dixon & A.Y. Aikhenvald. Oxford University Press [13] L. Sagart (2001) Gan, Hakka and the formation of Chinese dialects. Centre de Recherches Linguistiques sur l'Asie Orientale. Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales (UMR 8563 du CNRS), Paris - France. [14] Thí dụ: Chân = cẳng = giò. Tiếng Việt sau nhiều năm, có vẻ phân biệt ra 'giò' để chỉ thú vật: 'giò heo'. Tiếng Hẹ: [ka] => cẳng, và [giok] => giò. Quảng Đông: [geuk] hay [gok] => cẳng & giò. Quanthoại: Jiao => giò. Ngô-Việt: [Tsa] => chân. Môn-Khờ-Me: [Zâng]=> Chân, hay [Kơng]=> Cẳng. [15] 'Châu Nhuận Phát' giữ vững họ 'Châu' trong tiếng Việt, y hệt như âm tiếng Quảng Đông. Bởi Châu Nhuận Phát tuy người gốc Hẹ, nhưng tên tuổi vang lên như cồn như một tài tử người HongKong. Và người HongKong phát âm họ của tài tử này bằng: [Zhau]. [16] Trân Châu Cảng = Pearl Harbor, thuộc quần đảo Hạ-Uy-Zi. Nhật dội bom vào căn cứ quân sự Mỹ sáng chủ nhật 7 tháng Chạp 1941, khiến Mỹ quyết liệt tham chiến thế chiến thứ II. [17] Khác biệt giữa Hoa và Việt cũng thể hiện qua chuyện Sex. Trang: http://www.vanhoanghethuat.org.vn/sach/tuchi/phan19.pdf cho biết khá chi tiết về tục đánh phết và lễ 'nõ - nường'.

141


Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (10): Tây Thi, gái nước Việt Trong bài này chúng ta tiếp tục quan sát những tộc Lạc Việt khác với nhóm du mục Lạc ở miền cực Bắc thuộc khối Đông Di (tức Hakka cổ), đã đến xứ Việt vào thời cổ đại, rồi hợp chủng với các tộc khác, tạo dựng nên tộc người Việt Nam. Đặc biệt chú ý đến các nhóm Lạc Việt ở phiá Nam sông Dương Tử, ở miền đất ven biển Đông. Điển hình là cư dân các 'nước' U Việt (tức Ngô Việt) và Mân Việt, mà khuôn mặt tiêu biểu được rất nhiều người biết đến chính là nàng Tây Thi, mỹ nhân nước U Việt dưới thời Câu Tiễn. Qua những bài trước, chúng ta đã phát hiện được một cội nguồn chủ lực rất quan trọng của tộc Lạc nằm trong lòng chủng Việt-Nam, từng bị quên lãng suốt hằng nghìn năm. Đó chính là nhóm Bách Bộc bao gồm Lạc bộ Trãi, loại người du mục, vào thời cổ đại xa xưa, đã từng sinh sống bên cạnh Hoa tộc ở miền cực Bắc nước Tàu, bên sông Hoàng Hà và thuộc khu vực Sơn Đông ngày nay. Chúng ta cũng đã đưa ra rất nhiều dẫn chứng rất cụ thể, trong đó có nhiều tài liệu về ngôn ngữ, để đưa đến kết luận rằng người du mục kì bí và khét tiếng nhất của Trung Hoa ngày nay, người Hakka tức Hẹ, chính là hậu duệ của nhóm Lạc bộ Trãi đó. Một trong những phát hiện thú vị nhất trong việc minh giải tộc Lạc bộ Trãi chính là đám Đông Yi hay Bách Bộc du mục, tức người Hakka (Hẹ) cổ, từ khu vực Sơn Đông, là việc phát hiện các hoàng thân quốc thích nhà Lý bôn đào chạy về nơi chôn nhau cắt rốn của tổ tiên ở hướng Sơn Đông và Triều Tiên, sau khi Trần Thủ Độ tiếm ngôi nhà Lý cho cháu là Trần Cảnh, tức Trần Thái Tôn (1225-1258). Đó là việc hậu vận nhà Lý. Nhân dịp đọc bộ Đại Việt Sử Ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên [4] để viết bài này, chúng tôi tình cờ phát hiện thêm một chứng cớ rất quan trọng xác định chung cuộc: thị tộc nhà Lý chính là dân Bách Bộc, hoặc Đông Zi hay Lạc bộ Trãi xuất thân từ địa bàn chung quanh khu vực Sơn Đông ngày nay. Đó là chứng tích thuộc loại 'đương vận' nhà Lý. Chứng tích này dễ bị lướt qua từ xưa đến nay bởi ngày trước và thông thường, chúng ta đã thiếu thốn rất nhiều hiểu biết về cổ sử Trung quốc và các tộc người ở thời cổ đại, nhất là đám Hmong, thường gọi Miêu tộc, thành phần chủ lực tạo dựng nên dân tộc Triều Tiên, tức Hàn. Người Hmong và Hàn ưa thờ thánh tổ của họ là Xuy Vưu. Tiếng Hoa, theo đa số phương ngữ gọi Chi-You [蚩 尤], với [You 尤] theo âm Việt [Vưu], hay đôi khi [Ưu] hay [Iu]. Tiếng Hán phát âm theo kiểu Hàn (Triều Tiên): Chi-Wu hay Chi-U. Chỉ có người Triều Tiên và người Miêu-Yao mới thờ 'vua' Xuy Vưu. Trong tiếng Hmong, 'Txiv Yawg' tức 'Chi-You', đọc kiểu Việt là 'Xuy Vưu' mang nghĩa 'Cha Ông' hay 'lãnh tụ', tức 'đại tù trưởng'. Hoa chủng mặc dù có chỗ thờ Thần Nông của tộc Âu Việt, nhưng tuyệt nhiên - cho mãi đến gần đây - không có một người Hoa thuần túy nào thờ hay nhắc nhở đến Xuy Vưu cả. Bởi đối với người Hoa, Xuy Vưu là một lãnh tụ ngoại chủng đại bại trước Hoàng Đế Hiên Viên thuộc Hoa tộc ở thời huyền sử. Chứng tích hết sức độc đáo chúng tôi phát hiện được, nhờ ở việc giải mã truyền thuyết đầy gút mắt về Âu Cơ và Lạc Long Quân này, chính là dấu vết về Xuy Vưu tại xứ Việt xưa, vào thời vua Lý Anh Tôn (1138-1175), vị vua thứ 6 kể từ Lý Công Uẩn, tức Lý Thái Tổ (1010-1028). Chứng tích hết sức độc đáo đó được ghi lại vỏn vẹn có một câu (trang 401) trong bộ sử của Ngô Sĩ Liên [4], vào thời vua Lý Anh Tôn: 142


''Canh Thìn, năm thứ 21 (1160) (Tống Thiệu Hưng năm thứ 30). Mùa Xuân, tháng giêng, làm đền Hai Bà và đền Xuy Vưu ở phường Bố Cái." Presto! Có đền Xuy Vưu tại nước Nam? Có. Đó là đền thờ Xuy Vưu được xây cùng một lúc với đền Hai Bà Trưng, vào năm 1160, do lệnh vua Lý Anh Tôn. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tên họ Xuy Vưu được nhắc đến trong toàn bộ lịch sử nước Nam. Như vậy dòng họ nhà Lý chắc chắn xuất phát từ nhóm Đông Di hay Cửu Lê, còn gọi Lai Yi hoặc Tam Hàn, khi xưa cũng từng di tản sang Triều Tiên và tạo dựng nên dân Hàn, một tộc người hâm mộ nhân sâm ginseng và thịt Cầy nhất thế giới. Chi tiết 'Xuy Vưu' có vẻ rất tầm thường kể trên cũng nói lên một hai sự việc hết sức quan trọng. Thứ nhất, chính trị của nhà Lý rất cao. Mặc dù trước đó, vua Lý Thái Tổ đã dời đô từ khu Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) về La Thành (Đại La), rồi đặt tên mới: Thăng Long (rồng hiện). Theo thiển ý, Lý Thái Tổ dời đô về Đại La với mục đích chính là tìm hậu thuẫn chính trị ở người thuộc tộc Hmong hay Lạc Việt (bộ Trãi), cùng chủng với dòng nhà Lý, bởi Hoa Lư, quê hương Đinh Bộ Lĩnh, là chốn tập trung của người Âu Việt thuộc chủng Thái cổ, bà con cật ruột với người Mường [6]. Thứ hai, việc xây dựng đền Hai Bà và Xuy Vưu, thuộc hai tộc người khác nhau, cho thấy rất rõ, có một nhu cầu nhắc nhở hai chủng khác nhau Âu và Lạc cần sống hoà thuận với nhau trong thời đại tự chủ đầu tiên, rất huy hoàng, kéo dài lâu nhất kể từ thời lập quốc xa xưa. Thứ ba, cũng có khả năng, tộc Miêu-Yao với thánh tổ là Xuy Vưu, đã có mặt rất đông tại xứ Việt cổ, và chính là tộc của dòng nhà Lý [8]. Một giả thuyết khá quan trọng, chúng tôi hy vọng sẽ trở lại vào một bài sau. Xin trở lại với các tộc Lạc Việt ở mạn phía Nam sông Dương Tử. Có nhiều lý do đã khiến tất cả mọi người kể cả những học giả có tầm vóc, đủ mọi ngành nghề, từ Á sang Âu, xưa và nay, bỏ sót đi và rồi không thể nào phát hiện được mối liên hệ cực kì quan trọng giữa đám Lạc bộ Trãi, người Hakka (Hẹ), và tộc Việt Nam. Một trong những lý do đã che lấp cội nguồn Lạc Việt thuần túy nhất, chính là chuyện lạc hướng của bao nhiêu tiền bối, bắt đầu từ việc đặt nhiều chú ý đến những nhóm Lạc Việt khác, xuất xứ từ các 'nước' Ngô (Việt), U Việt, và Mân Việt, tức 3 tỉnh nằm ven biển từ Bắc xuống Nam: Giang Tô, Chiết Giang và Phúc Kiến. Điển hình là của Madrolle và Aurousseau, vào thời tiền chiến. Hai vị này dựa vào sử sách người Hoa, tạo dựng nên hai lí thuyết tréo cẳng ngỗng nhau, rất phiến diện, chỉ thiên về một góc nhỏ của nguồn gốc tộc Việt. Aurousseau đưa ra một giả thuyết, chỉ chú trọng đến giai cấp lãnh đạo nước U Việt của Câu Tiễn, cho rằng sau khi U Việt nới rộng bị Sở thôn tính vào năm 334 TCN, đám lãnh đạo này đã di tản sang các miền lân cận như Mân Việt (Phúc Kiến), rồi sau cùng chạy tuốt xuống xứ Việt cổ thành lập nên 'nước Văn Lang'. Câu Tiễn chính là một trong 18 vị Hùng Vương. Một sai lầm rất to tát. Madrolle và Maspero phản bác và gạt bỏ thuyết này. Riêng Madrolle viện dẫn thêm lí do con đường từ U Việt, tức Chiết Giang - Thượng Hải ngày nay, rất dài, đầy chông gai hiểm trở, và lại phải xuyên qua nhiều bộ lạc khác nhau. Từ đó Madrolle đặt riêng cho mình một giả thuyết cho rằng xứ Việt cổ được thành lập hoàn toàn bởi người Mân Việt, tức Triều Châu-Phúc Kiến ngày nay, di tản đến đó bằng đường thủy. Những lí thuyết thời tiền chiến này (xem [8] & [10]) đã hoàn toàn bỏ sót đám du mục rất thiện chiến là người Hẹ cổ, cũng như một khối người đông đảo thuộc tộc Âu Việt, tức Thái cổ, cũng di tản đến xứ Việt cổ từ những khu vực Tứ Xuyên (Thục), Hồ Bắc - Hồ Nam (Sở), Quí Châu, Quảng Tây (Tây Âu) và Quảng Đông (Nam Việt),... Những lí thuyết hết sức 143


phiến diện này cũng không kể đến tộc người có mặt tại xứ Việt cổ từ trước, ngoài nhóm Thái cổ, là người Môn-Khmer. Tức, ở thời tiền chiến, có vài ba lý thuyết về nguồn gốc tộc Việt Nam, do những học giả Tây đề ra, nhưng rất tiếc tất cả đều thiếu sót, bỏ quên hai khối chủ lực Âu Việt và Lạc Việt (bộ Trãi), và hoàn toàn không đối chiếu với truyền thuyết Âu Cơ-Lạc Long Quân.

Bản Đồ cho thấy những địa bàn khác nhau của các tộc Âu và Lạc, thời còn ở tại Trung Hoa. Ba vòng tròn chỉ 3 nhóm Lạc khác nhau: Lạc bộ Chuy và Khương, Lạc bộ Trãi (chủ lực) và Lạc bộ Mã. Hình vuông chỉ các chi tộc Âu. Thuyết của các học giả thời tiền chiến chỉ chú ý đến 'thành phần lãnh đạo' của vòng tròn Lạc bộ Mã ở vùng gần biển, phía Đông nước Tàu. Xin nhắc lại đẳng thức nguôn gốc tộc Việt-Nam, của loạt bài này: Việt Nam = Thái cổ (Âu) + Việt-cổ (Lạc) // Môn-Khờme + Đa Đảo + Nê-gri-tô {1} Người Việt Nam là hợp chủng giữa Thái-cổ và Việt-cổ, trên tầng lớp chính Môn-Khờme. Người bản địa ở đó từ trước, ngoài nhóm Môn-Khờme và Thái cổ, còn bao gồm loại người Đa Đảo và Nê-gri-tô, có tóc xoắn. Chỉ trừ người Hmong, tức Miêu-Yao, và thỉnh thoảng tộc Âu Việt (tức Thái cổ), các tộc khác thường được người Hoa gọi Lạc. Thông thường có 4 thứ Lạc: - Lạc bộ Trãi, tức Hẹ cổ, và người Việt tại xứ Ngô & Việt - 貉 144


- Lạc bộ Mã, tức người Mân Việt (Phúc Kiến) 駱 - Lạc bộ Chuy, tức người Môn 雒 - Lạc bộ Khương, tiền thân người Khmer 羌各 thường viết tắt: Khương [Qiang] 羌. Trái với hiểu biết thông thường, người Lạc Việt theo phân loại của người Tàu, thường chỉ bao gồm: Lạc bộ Trãi, tức đám Bộc Việt ở khu vực Sơn Đông cộng với hai nhóm Ngô (tỉnh Giang Tô ngày nay) và Việt (U Việt của Câu Tiễn, địa bàn ở Chiết Giang) - cùng với nhóm Lạc bộ Mã tức dân Mân Việt ở khu vực tỉnh Phúc Kiến ngày nay. Lạc Việt, trong ý nghĩa thuần túy không có bao gồm dân Âu Việt, thuộc chủng Thái cổ; hoặc các thứ Lạc bộ Chuy và Khương, dùng để chỉ dân Môn-Khờme, dân bản địa chủ lực ở xứ Việt cổ. Tuy thế, sử sách Tàu ngày nay vẫn thường cho thấy họ vẫn ưa rối nùi hai nhóm Âu và Lạc với nhau. Lạc Việt theo họ, và cóp-pi bởi các học giả Âu-Mỹ, cũng có thể mang toàn gốc Thái-cổ. Tức Lạc Việt có thể hiểu toàn là Âu Việt. Trong ba bài trước, chúng ta đã quan sát khá kỹ về nhóm chủ lực Lạc bộ Trãi, và đã xác định được rằng nhóm này chính là nhóm Bách Bộc hay Bộc Việt, tiền thân của người Hẹ (Hakka) ngày nay. Cách xử dụng các từ 'Lạc' thường phân biệt như sau: - Lạc bộ Trãi, 貉, thường viết cho họ Lạc của Lạc Long Quân, thành phần Lạc 'chủ lực' [19]. - Lạc bộ Mã, 駱, là chữ 'Lạc' dùng trong: 'Âu-Lạc' và 'Lạc Việt' - Lạc bộ Chuy, 雒, thường bao gồm luôn 'Khương' 羌, chỉ dân bản địa Môn-Khmer, dùng trong: Lạc hầu, Lạc tướng [1]. Tộc Việt vào thời cổ đại bao gồm tất cả các thứ Lạc kể trên, công với tộc Âu, tức Thái cổ. Tiền nhân, cả hai bên Hoa và Việt, đã xử dụng tất cả các chữ Lạc đó để chỉ dân Lạc Việt, không phải vì thiếu thốn lô-gích hoặc lộn xộn, nhưng có lẽ bởi muốn nhắn với hậu thế chủng Lạc sinh sống ở xứ Việt cổ thật sự đã bao gồm tất cả những thứ Lạc khác nhau đó. Trong đẳng thức về nguồn gốc {1}, tộc Thái-cổ, tức Âu Việt bao gồm ít lắm cũng 5 chi tộc khác nhau, với những chi có mặt tại xứ Việt cổ có thể, hoặc là chi tộc từ xứ Tây Âu ngày xưa, hay Quảng Tây bây giờ, hoặc là dân Thái-cổ từ miền xứ Thục (Tứ Xuyên), hoặc từ Điền Việt (Vân Nam), hoặc từ nước Sở (Hồ Nam / Quý Châu). Chủng Âu có thể là chủng đã phát minh ra 'du kích chiến', lợi dụng địa bàn rừng núi của mình để kháng chiến với quân xâm lược nhà Tần vào khoảng cuối thời Chiến Quốc (222 TCN) [2]. Một trong những danh nhân nước Nam thuộc chủng Thái cổ, chính là Bình Định Vương Lê Lị, tức Lê Lợi, do ở kị huý [12], tức vua Lê Thái Tổ, người khai sáng nhà Lê. Nếu muốn phân biệt các tộc ở xứ Việt cổ, dựa trên chữ [Yue] ('Việt'), người Hoa xưa nay thường viết ra hai chữ {Yue] khác nhau:  Việt bộ Mễ, chỉ tộc Âu Việt, tức Thái-cổ, hãy còn dùng để chỉ tỉnh Quảng Đông: 粵  Việt bộ Tẩu, chỉ tộc Lạc Việt, dân vùng ven biển, gồm phần chính: Lạc (Trãi) và Lạc (Mã): 越. Lạc (Trãi) ban đầu dùng cho dân du mục Bách Bộc, nhưng về sau bao gồm luôn dân xứ Ngô (Giang Tô), và Việt (Chiết Giang) - ngày nay gọi: Ngô-Việt.

145


Ngoài ra, một đôi khi người Hoa cũng dùng đến chữ 'Việt' mang nghĩa cái rìu đánh trận ưa dùng trong lễ nghi: 鉞 , đã khai quật được tại Hàng Châu (Chiết Giang), để chỉ dân Việt ở phía Nam sông Dương Tử, như U Việt và Mân Việt xưa [3]. Trong những bài trước, chúng ta đã xem qua các tộc Âu, và phần chủ lực của Lạc bộ Trãi, tức người Đông Di hay Hẹ cổ, một thứ người du mục. Trong bài này chúng ta hãy tìm hiểu phần 'không-dumục' của Lạc bộ Trãi, cùng với nhóm Lạc bộ Mã. Phần 'không-dumục' của nhóm Lạc bộ Trãi chính là cư dân ngày xưa của hai xứ Ngô và Việt ở vùng ven biển phía Đông, chung quanh cửa sông Dương Tử tức Trường Giang. Xin nhắc lại lịch sử oai hùng của hai nhóm Lạc bộ Trãi tại hai xứ Ngô và Việt như sau. Tại bờ biển phía Đông, dưới sông Dương Tử, vào khoảng cuối thời Xuân Thu có một tiểu quốc tên Việt, chính là tỉnh Chiết Giang ngày nay, quê hương của Kim Dung, tác giả những truyện chưởng thật tuyệt chiêu vào thời thập niên 60. Ngay ở phiá Bắc nước Việt là nước Ngô. Dân Ngô và Việt đồng chủng với nhau và nói cùng một thứ tiếng Việt-cổ. Chuyện tranh chấp giữa Ngô và Việt cũng dài y như chuyện Hoa Sơn luận kiếm trong bộ 'Xạ Điêu Anh Hùng' của Kim Dung. Đầu tiên vua xứ Ngô là Hạp Lư dùng tướng Ngũ Tử Tư, gốc người nước Sở, đánh bại được Sở, nhưng sau đánh với xứ Việt bị trọng thương rồi chết. Con cháu Hạp Lư là Ngô Phù Sai tìm cách trả thù, đánh bại được Việt và bắt được vua Việt, Câu Tiễn, đem về cầm tù, bắt coi ngựa trên dưới 10 năm. Câu Tiễn có tướng giỏi Phạm Lãi giúp bày mưu đem cống hiến mỹ nhân Tây Thi cho Phù Sai để làm cùn mũi dùi quân sự của Phù Sai, và làm cho vua nước Ngô xao nhãng việc nước. Câu Tiễn chịu nhục nếm phân Phù Sai lúc Phù Sai bị bệnh, nên được trả tự do trở về quê cũ. Câu Tiễn, sau đó chiêu mộ binh hùng tướng mạnh nổi lên đánh lại Phù Sai và tiêu diệt được nước Ngô, tạo nên uy thế vang lừng vào thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên. Tên tuổi Câu Tiễn đước đứng vào hàng võ lâm ngũ bá của thế giới nước Tàu vào thời nhiễu nhương Đông Châu Liệt Quốc đó. Sau khi nước Việt tiêu diệt được Ngô, Phạm Lãi, có lẽ làm gương cho Trương Lương sau này, rút lui về ở ẩn. Có giả thuyết cho rằng Phạm Lãi, khi rút lui đã cùng với Tây Thi cưỡi ngựa chạy về hướng mặt trời lặn, y như những phim cao-bồi western ở thế kỉ 20. Việt Vương Câu Tiễn thừa thắng xông lên đánh tiếp phương Bắc và hùng cứ một bờ cõi rộng lớn bên cửa sông Dương Tử, chảy ra biển Hoàng Hải của Thái Bình Dương. Ở phía Tây nước Việt chính là nước Sở, chứa nhiều tộc Việt chi Âu tức Thái-cổ, lúc đó cũng rất hùng cường, nhưng mang tiếng rợ và thô bạo dã man. Thừa cơ nước Việt ngày càng suy yếu sau khi Câu Tiễn qua đời, Sở hợp lực với Tề (ở khu vực Sơn Đông) đem quân sang dứt điểm nước Việt vào năm 334 TCN. Nước Sở tiếp tục bành trướng lãnh thổ và chiếm luôn nước Lỗ của Khổng Tử vào năm 249 TCN. Nhưng cuối cùng Tần, ở phía Tây, mạnh mẽ hơn, gồm thâu được lục quốc, trong đó có Sở, rồi nhất thống được nước Tàu ở vùng Hoa Bắc (năm 221 TCN). Một số dân nước Việt (bao gồm Ngô), chịu không nỗi thô bạo của quân Sở, rồi đến Tần, đã kéo nhau di tản về phía Nam, đặc biệt định cư rất nhiều tại xứ Mân Việt, tức khu tỉnh Phúc Kiến ngày nay. Mân Việt sau đó tồn tại không lâu thì bị nhà Hán đem quân đánh chiếm. Mân Việt cuối cùng thất thủ cùng một lúc với xứ Nam Việt của Triệu Đà, vào năm 111 TCN.

146


Nhân vật nổi tiếng nhất tại nước Ngô vào thời cổ đại chính là Tôn Tử, tác giả bộ sách 'The Art of War' tức binh thư Tôn Tử, một bộ sách tiếng Tàu có lẽ được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất từ xưa đến nay. Tôn Tử sống cùng thời với Khổng Tử, vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên. Ông là dòng dõi con quan nhà binh, về sau được người tiến cử lên gặp vua nước Ngô. Gây ấn tượng tốt đẹp với vua Ngô sau buổi thao dượt tập trận dùng các thứ phi và cung tần thường được nhà vua sủng ái, Tôn Tử được vua Ngô tin dùng và phong làm quan tướng. Nước Ngô dưới thời Hạp Lư cũng nổi tiếng với cặp kiếm Can Tương và Mạc Tà. Nhưng, có thật chính là những cây kiếm báu của Ngô Phù Sai, Việt Vương Câu Tiễn, v.v., đã được khai quật cách đây vài mươi năm (xem bài viết về 'Bảo Kiếm' của Nguyễn Duy Chính tại trang web về chưởng-học: Vietkiem.com). Thế còn Tây Thi thì sao? Tây Thi có chung huyết thống nào đó với người Việt (Nam) cổ hay không? Đây chính là một câu hỏi hết sức gút mắt và phức tạp. Bởi do ở trực giác, chúng ta thường có cảm tưởng bàng bạc mơ hồ rằng Câu Tiễn, Phạm Lãi, và Tây Thi mang chủng Việt cổ nguyên thủy. Nhưng trên thực tế, người Việt Nam, dù đôi khi có thể rất muốn nhận, nhưng lại không dám. Lý do chính: Không ai thấy bóng dáng Tây Thi ở đâu, trong toàn bộ kho tàng cổ tích Việt Nam. Lí do phụ: Người ta thường có thói quen dè dặt, nhất là đối với những gì mình không biết rõ, mà lại liên can đến Tàu. Qua truyền thuyết Âu Cơ được giải mã trong loạt bài này, chúng ta bắt buộc tìm cách xem lại vấn đề này dưới một góc nhìn hoàn toàn mới. Câu hỏi được đặt ra: Các thứ Việt tộc (Lạc) xuất thân từ các xứ Ngô (Giang Tô), Việt (Chiết Giang), và Mân (Phúc Kiến), đã góp phần hợp chủng với các chủng Lạc khác, như đám Hakka (Hẹ) cổ, hoặc chủng Âu (Thái) và Môn Khmer (bản địa), để biến tạo nên người Việt ra sao? Nói một cách nôm na: Ngoài nhóm du mục Bách Bộc tức Hẹ cổ, những loại người Lạc ở khu vực ven bờ biển phía Đông nước Tàu, có di dân đến xứ Việt-cổ hay không? Trả lời câu hỏi này thoạt đầu có vẻ xem rất khó, nhưng thật ra cũng không đến nỗi khó như chuyện mò trai dưới biển. Nếu chúng ta nhân cơ hội kiểm chứng thêm việc ăn khớp với nhau, giữa truyền thuyết giải mã ở đây với các chứng liệu lịch sử quen thuộc. Trước hết là Thục Phán, nhà lãnh đạo đầu tiên của xứ Việt cổ, rất có khả năng một người có thật, bằng xương bằng thịt. Trước tiên họ Thục là lãnh tụ đám dân quân ở một vùng đất thuộc khu Tây Âu (Quảng Tây ngày nay). Thục Phán chắc chắn một người mang chủng Thái cổ. Hiên tại nhiều mwang bản ngài Mường, người ta có thờ Thục Đế. Tiếp đó, Hai Bà Trưng xuất thân từ huyện (bộ lạc) Mê Linh [4], khu Châu Phong - Phú Thọ, ái nữ một Lạc Tướng, nổi lên chống giặc Đông Hán (40). Rất có khả năng, thuộc chủng Thái cổ, theo chế độ Mẫu hệ [17]. Cũng có nhiều đền thờ Hai Bà tại những khu vực Mường. Về sau, có bà Triệu thị Trinh (Triệu Âu) xuất thân từ miền núi huyện Nông Cống, quận Cửu Chân, tức khu vực sông Mã – Thanh Hoá ngày nay, dấy quân chống nhà Ngô (248). Bà Triệu, cũng rất có khả năng, thuộc chủng Thái cổ, hay Môn-KhờMe. Thêm hai nhà lãnh đạo thuộc chủng Thái cổ, rất rõ: Đinh Bộ Lĩnh và Lê Lợi. Đinh Bộ Lĩnh xuất thân từ động Hoa Lư - Ninh Bình, con Đinh Công Trứ. Họ Đinh Công là môt họ khá phổ biến của chủng Thái cổ, bà con cật ruột người Mường. Khu vực Hoa Lư cũng là khu tập trung rất nhiều người Mường. Lê Lợi, anh hùng áo vải đất Lam Sơn tỉnh Thanh Hoá, xử dụng du kích chiến, truyền thống tộc Âu Việt (Thái), kháng chiến ròng rã suốt 10 năm đánh 147


đuổi được quân nhà Minh ra khỏi nước Nam. Theo dẫn chứng [5], Nhượng Tống dịch giả đầu tiên của bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã minh giải khá vững chắc Lê Lợi mang chủng Thái cổ. Cuisinier [7] cho biết họ Lê tại Thanh Hoá rất phổ biến trong các cộng đồng Mường. Chủng Lạc Việt, viết theo bộ Trãi, tức nhóm người Bách Bộc xưa hay Hakka ngày nay, ngày trước có địa bàn chung quanh tỉnh Sơn Đông và sông Hoàng Hà, có đại diện sáng giá nhất là thị tộc nhà Lý, bắt đầu bởi Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ, người khởi nghiệp nhà Lý. Vào năm 1160, vua Lý Anh Tôn ra lệnh xây đền thờ 'đại tù trưởng' Xuy Vưu, mặc nhiên xác nhận thị tộc nhà Lý là một nhánh hậu duệ khá lẫy lừng của nhóm du mục Bách Bộc hay Đông Di. Dân Bách Bộc, hay Đông Di, qua danh tướng Lý Thường Kiệt, cho thấy họ đã sản xuất được những vị lãnh đạo quân sự hết sức xuất sắc. Xích xuống phía Nam, sự có mặt của dân Mân Việt (Triều Châu - Phúc Kiến) tại nước Nam được thể hiện sáng chói với thị tộc nhà Trần. Sử Ký của Ngô Sĩ Liên [4] ghi ở nhiều chỗ thị tộc họ Trần mới di dân sang nước Nam vài đời mà thôi. Từ xứ Mân Việt, đa số dân mang chủng Lạc bộ Mã. Họ Trần bước vào hành lang của quyền bính nhờ ở tướng Trần Thủ Độ, người đã dẫn cháu Trần Cảnh, khi còn nhỏ, vào cung làm bè bạn với công chúa cuối đời nhà Lý là Lý Chiêu Hoàng. Về sau, Trần Cảnh thành hôn với Chiêu Hoàng, rồi Thủ Độ dựa vào nguyên lý giữ cội nguồn quyền bính, bắt ép Chiêu Hoàng nhường ngôi vua lại cho Trần Cảnh. Thật sự, nhà Trần là một triều đại sáng chói, huy hoàng. Thủ đoạn chính trị của Trần Thủ Độ, hoặc những đòn chính trị, quân sự của nhà Trần nói chung, đã cho thấy một vài điểm khá lí thú. Thứ nhất, có vẻ như rằng dân Việt xứ Mân, nhất là đám 'ê-lít' nhà Trần, trước khi di tản sang nước Nam, đã học được rất nhiều đòn phép của Hoa chủng. Bởi hai xứ Mân Việt và Ngô (U) Việt, khu ven biển phía Nam, qua nhiều thời đại, là các khu vực có nhiều biến động chính trị và quân sự nhất ở bên Tàu. Thứ hai, nhà Trần qua những hành vi sex và trai gái lấy nhau giữa những người trong họ [13], cho thấy họ là một thị tộc khép kín. Mang nhiều đặc tính của những đám di dân mới đến định cư ở một chốn mới xa lạ. Thứ ba, đòn phép tuyệt chiêu nhất của thị tộc nhà Trần chính là chuyện Trần Anh Tôn gả Huyền Trân công chúa cho vua Chăm-pa Chế Mân để đổi lấy châu Ô và châu Rí (1307), tức Thuận châu và Hoá châu, gây mầm mống cho việc mở mang bờ cõi nước Nam, sau này. Thế những người mang huyết thống của Câu Tiễn và Tây Thi có đến nước Nam hay chăng? Cũng có luôn. Đó là những thị tộc của Hồ Quý Ly và Nguyễn Huệ. Cả hai đều truy về nguồn gốc tổ tiên từ Chiết Giang [18], quê hương của Kim Dung, và chính là địa bàn của nước Việt mở rộng (bao gồm Ngô) của Câu Tiễn năm xưa. Cả hai vị, Hồ Quý Ly và vua Quang Trung, đều là những người mang đầu óc cải cách canh tân. Riêng Quang Trung Nguyễn Huệ, cho thấy ông không thua gì thiên tài quân sự Tôn Tử của nước Ngô Việt năm xưa. Tóm tắt, hãy xem lại đẳng thức về tộc Việt Nam: Việt Nam = Thái cổ (Âu) + Việt cổ (Lạc) // Môn Khmer + Đa đảo + Nê-gri-tô (Lạc) Việt cổ= Bộc Việt (Hẹ) + Ngô Việt + Mân Việt {2} {Ngô Việt= Chiết Giang+Giang Tô. Mân Việt= Phúc Kiến} Phân bố các triều đại và danh nhân hoặc thiên tài quân sự: 148

{1}


 Âu: Thục Phán, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Lợi  Lạc: gồm có - Bộc Việt: Nhà Lý & Lý Thường Kiệt [20] - Ngô Việt: Hồ Quý Ly, Nguyễn Huệ - Mân Việt: Nhà Trần & Trần Hưng Đạo Tây Thi, qua hiện diện của nhà Hồ và Tây Sơn, do đó chắc chắn có chung một thứ huyết thống nào đó với người Việt Nam. Dựa vào những phát hiện kể trên, chúng ta cũng có thể đi đến một số nhận xét sau. (a) Các chủng Âu và Lạc mặc dù đã di tản đến xứ Việt cổ trong suốt thời gian Xuân Thu Chiến Quốc ở bên Tàu (770-221 TCN), nhưng di dân vẫn tiếp tục dài dài cho đến thời nhà Lý, nhà Trần, v.v. Trừ ê-kíp của Thục Phán, những đám di dân đầu tiên có vẻ thiếu thốn thành phần ưu tú 'ê-lít'. Chỉ đến thời Lý Bôn (năm 544), người ta mới thấy những đợt di dân của những người đã quen thuộc với hành lang quyền bính, hoặc như trường hợp thị tộc nhà Trần, giới thương gia thành công từ lúc ở bên Tàu, hay tại xứ định cư mới, hoặc con cháu nhà quan nhà tướng từ bên Tàu. (b) Cũng bởi những đợt di dân trước Công Nguyên chỉ bao gồm đám thường dân chạy giặc, việc hợp quần để chống trả quân xâm lăng Bắc phương bị vướng phải rất nhiều khó khăn. Trong đó, việc quan trọng nhất: tộc người Việt Nam vẫn chưa hình thành, ít lắm cũng đến một hai thế kỷ đầu sau Công Nguyên [16]. Nhóm người bản địa, gồm: Thái-cổ tập trung ở vùng Hoà Bình [14], dân Môn-Khờ-me, và lớp người Đa đảo và Nê-gri-tô, thấp và có tóc xoăn. Chủ lực trong tiếng nói chính là dân Môn-Khmer. Từ chỉ số đếm từ 1-10 có âm vận y như tiếng Môn-Khmer. Những từ chỉ miệng, mũi, mắt, đầu mình, tứ chi cũng mang gốc gác Môn-Khmer. Tiếng Việt thời sơ khai chính là tiếng của dân Môn-Khmer. Tộc Môn Khmer, phản ánh qua người Chăm-pa, hãy còn theo mẫu hệ dài dài. Người Thái-cổ, qua hình ảnh bà Trưng bà Triệu, có lẽ cũng vậy. Chỉ có giống Lạc Việt, chạy sang xứ Việt cổ sau cùng, trước sau vài trăm năm, có lẽ đã khởi xướng việc chuyển sang phụ hệ, mang nặng ảnh hưởng của Hoa chủng. (c) Lý Bôn đầu tiên xác nhận giòng họ ông chỉ mới định cư tại nước Nam có 7 đời, tức khoảng 250-300 năm. Nhà Lý của Lý Công Uẩn cũng không phải là dân bản địa. Họ là người Bách Bộc có đồng chủng sang xứ Việt sớm hơn. Nhưng chính họ chắc cũng không lâu, nên đã nhớ rõ thánh tổ Xuy Vưu của họ, và đám Đông Di ở Sơn Đông. Sau cùng, họ đã lên tàu căng buồm nhắm hướng quê cha đất tổ ở miệt Sơn Đông - Triều Tiên mà bôn đào, sau khi chính quyền nhà Lý bị mất về tay Trần Thủ Độ. Nhà Trần cũng tương tự. Sử sách ghi rất rõ họ xuất xứ từ Mân Việt và chỉ định cư tại nước Nam có mấy đời. Nhưng tuyệt nhiên, ta không hề thấy một quyển sách nào ghi lại chuyện dị đồng ngôn ngữ giữa các tộc Lạc và Âu, với nhau. Từ đó, có thể suy ra, tiếng Việt hình thành trong một khoảng thời gian khá dài lâu, trên nền tảng cơ bản là tiếng của người Môn Khờme. Những từ vựng, đa số chúng ta thường lầm là tiếng Nôm hay tiếng Hán Việt thật ra là một hỗn hợp khá phức tạp và gay cấn giữa các tộc Việt từ phía bờ biển Đông nước Tàu, chung đụng với thứ tiếng Thái cổ, trên nền tảng Môn-Khờ-me. Thái cổ và Môn Khờme có mặt tại xứ Việt cổ sớm hơn hết. Thêm một câu hỏi quan trọng đặt ra ở đây. Đó là: bởi những lý do nào, Tây Thi cùng những nhân vật cổ sử thuộc tộc Lạc Việt, đã hoàn toàn nằm bên ngoài kho tàng cổ tích nước Nam?

149


Trước hết, chúng ta thấy 'lịch trình chính trị' tại xứ Việt cổ cho đến thời Lý Bôn (tức Lý Nam Đế), hoàn toàn do những vị thuộc chủng Thái cổ, hay người bản địa nói chung, điều động: Thục Phán, Hai Bà, và bà Triệu. Những đợt di dân rầm rộ ở thời Xuân Thu Chiến Quốc lại bao gồm hai đám chính, Âu (Thái) và Lạc (Việt) xuất phát từ nước Sở, và các khu vực phía Nam như Động Đình Hồ, Dạ Lang, Tây Âu và Nam Hải. Chủng Lạc ở đây đa số gồm người Bách Bộc thuộc đám Đông Di từ khu vực Hoàng Hà - Sơn Đông, xuống Sở từ trước. Nhưng đông nhất phải là chủng Âu. Trong hành lý của khối di dân đó có rất nhiều kỷ vật văn hoá và tông giáo (thờ cúng tổ tiên, lên đồng). Đặc biệt, rất nhiều chuyện cổ tích mang tính u linh hoang đường, sở trường của dân Thái tại nước Sở, được truyền tụng lan tràn trong chốn dân gian. Đám Bách Bộc du mục ngược lại, có rất ít chuyện về anh hùng để kể lại cho con cháu. Bởi họ luôn luôn chia thành nhiều đám di động nay đây mai đó. Những đám di dân từ các xứ Ngô, Việt hay Mân, trước khi đến xứ Việt cổ, cũng đã di dịch thay đổi địa bàn sinh sống rất nhiều phen. Thêm vào đó, bởi vùng gần biển là vùng dễ sống, sử Tàu (thí dụ [9] & [15]) cho thấy người Hoa từ mạn Bắc đã nhiều lần tràn xuống định cư ở những khu Giang Tô, Chiết Giang và Phúc Kiến. Trong khi người bản địa tại những khu này chạy sang nơi khác, thí dụ từ U (Ngô) Việt (Chiết Giang) chạy xuống Mân Việt (Phúc Kiến). Bao nhiêu chuyện tích anh hùng qua nhiều lần di cư cũng dễ bị xoá nhoà trong tâm khảm những người Việt xa xứ. Thêm vào đó, chúng ta có thể phân biệt bản chất khác nhau giữa lê dân hai miền: Khu rừng núi Hoa Nam chung quanh Quế Lâm (Dạ Lang) của tộc Thái cổ, và khu bình nguyên ven biển miền Chiết Giang (U Việt) của dân Lạc. Bản chất dân sống ở khu rừng núi, rất có khả năng, hãy còn dưới thể chế bộ lạc: Dân chúng gần gũi thân mật với nhau. Dân ở miền Giang Tô - Chiết Giang, hai 'nước' Ngô và Việt, sống dưới chế độ quân chủ phong kiến. Trong đó sự phân biệt lối sống giữa giai cấp thống trị và bị trị rất rõ nét. Đặc biệt nhất, những chuyện chính trị và quân sự, chiến tranh hoàn toàn là chuyện của vua chúa, lê dân không nên biết tới. Từ đó, việc Tây Thi, Phạm Lãi, Câu Tiễn, Phù Sai, hay Ngũ Tử Tư hay những vị anh hùng tộc Việt ở vùng biển thời xa xưa, có nằm ngoài toàn bộ kho tàng cổ tích nước Nam đi chăng nữa, cũng chỉ là một chuyện rất thường tình mà thôi. Dù vậy, chúng ta cũng đã ghi nhận ngạn ngữ: 'Trên Bộc dưới dâu' (Bộc thượng tang gian), miêu tả chuyện sex của tiền nhân chủng Lạc Việt (bộ Trãi) cư dân hai nước Trịnh và Vệ, bên bờ sông Bộc và trong ruộng dâu - đã len vào ngạn ngữ bình dân nước Nam, ngày ấy đã lâu rồi. Rất có khả năng do thị tộc nhà Lý, hoặc những người cùng tộc trước đó, đã mang sang xứ Việt xưa. Trong bài tới chúng ta sẽ kiểm chứng lại, ở chỗ có khả năng, những nhận xét này qua góc nhìn ngôn ngữ. Tháng 7, 2005

Ghi Chú [1] Một sai lầm kéo dài từ đời này sang đời kia: Các chức Lạc Hầu & Lạc Tướng toàn là những tên bằng tiếng Tàu, do người Tàu sáng tác để gọi những chức vụ địa phương dùng 150


tiếng địa phương. Người Việt cổ trước khi người Hán đến cai trị, hoàn toàn không biết gì đến các chức vụ mang tên Lạc Hầu & Lạc Tướng hay Lạc Vương hết. Cũng y như việc người Anh gọi 'cái bàn' là 'Table'. Hai thứ chữ, cái bàn và table, là hai chữ thuộc hai thứ tiếng khác nhau, chỉ cùng một sự vật. [2] Cuộc kháng chiến của Việt tộc (chủng Âu) chống quân Tần được ghi rõ trong bộ Hoài Nam Tử của Lưu An, cháu của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Phe Tần đầu tiên giết được đại tù trưởng xứ Tây Âu tên Trạch Hu Tống. Sau đó dân Âu Việt chống trả bằng cách rút vào rừng núi xử dụng 'chiến thuật du kích', và giết được tướng nhà Tần là Đồ Thư. [3] www.nationmaster.com/encyclopedia/Yue-(peoples) [4] Ngô Sĩ Liên và cộng sự (1497). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Thanh Việt và Phạm Ngọc Luật hiệu đính theo bản dịch của Đào Duy Anh. Nxb Văn Hoá Thông Tin (2004). Bản của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam được trình bày đầy đủ trên mạng internet: perso.wanadoo.fr/charite [5] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu, tái bản tại Hoa Kỳ. [6] Keith Weller Taylor, tác giả quyển 'The Birth of Vietnam' [10], trong bài phỏng vấn với đài BBC cho biết các vị anh hùng dân tộc như Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Hai Bà Trưng, Lê Lị (Lợi), v.v. xuất thân từ những vùng có đông cư dân người Mường. Theo dẫn ở [5], Nhượng Tống, dịch giả đầu tiên của 'Đại Việt Sử Ký Toàn Thư' đã minh chứng Lê Lị (Lợi) mang gốc người Mường. Chúng tôi có thể đồng ý với Taylor về những vị: Đinh Bộ Lĩnh, Hai Bà, và Lê Lợi thuộc gốc Thái cổ (bà con gần với Mường). Nhất là Đinh Bộ Lĩnh, con của Đinh Công Trứ, bởi theo Jeanne Cuisinier [7] họ 'Đinh-Công' là một họ rất phổ biến trong giới người Mường. Nhưng 'Lê Hoàn' tức Lê Đại Hành của nhà Tiền Lê, chúng tôi mạo muội không cho rằng Lê Đại Hành mang chủng Thái cổ, và tương lai, nếu có dịp sẽ trở lại vấn đề này. [7] Jeanne Cuisinier (1946) Les Mường, Géographie et Sociologie humaine. Université de Paris. Một công trình rất đồ sộ về người Mường, nhưng rất tiếc không có bản dịch ra chữ Việt. Một điểm đáng để ý trình bày trong quyển sách này về các họ phổ biến của người Mường, tức thuộc tộc Thái-cổ phần lớn đã hợp chủng với tộc Lạc Việt, và dân Môn-Khmer ở vùng đồng bằng, tạo nên người Kinh. Tóm tắt những họ thường gặp thuộc tộc Thái cổ gồm: Cao và Cao-Viết ở khu Hoà Bình, Đồng Hới; Đinh Công, Đinh Thế và Đinh Văn ở khắp các tỉnh, đặc biệt Hoà Bình; Bùi ở Thanh Hoá, Sơn Tây; Bạch ở Hoà Bình, Ninh Bình; Ái ở Thanh Hoá; Hà và Hà Công, tại Phú Thọ, Thanh Hoá, Hoà Bình; Hoàng ở Phú Thọ, Sơn Tây, Hoà Bình; Lê ở Thanh Hoá (thí dụ: Lê Lị (Lợi)); Phạm Bá, Phạm Văn, ở Thanh Hoá, Vinh; Quách, tại Hoà Bình, Thanh Hoá, Sơn Tây, Ninh Bình; Trần, ở Yên Báy; Trịnh, ở Thanh Hoá; Vũ ở Vinh; Trương hay Tlương ở Vinh, Thanh Hoá; và đặc biệt 'Nguyễn' ở khắp nơi. Họ Nguyễn tăng gia vùn vụt sau khi Trần Thủ Độ đàn áp những người mang họ Lý, bắt buộc họ phải đổi họ. Về sau họ Nguyễn lại gia tăng khi chúa Nguyễn bắt đầu hùng cứ một cõi phương Nam. Hiên nay, trên toàn nước Việt Nam có đến hơn 40% số người mang họ Nguyễn. Phía Bắc nhiều Nguyễn hơn phía Nam. Họ Nguyễn cũng còn tồn tại ở Hoa Nam, đặc biệt khu Lưỡng Quảng, Triều Châu, Phúc Kiến. Cũng có tại Thái Lan, dưới tên gọi 'Yuyen'. [8] Người Hmong, còn gọi Miêu-Yao, ưa sống chung với đám Bộc Việt tức người Hẹ cổ. Tại khu vực Giang Tây ngày nay, có một nhóm người 'She' sống chung đụng và rất gần gũi với người Hakka (Hẹ). Gần đến nỗi người She xài luôn tiếng nói hoặc nhiều từ vựng của người Hakka, đưa đến nhiều lộn xộn, tranh cãi giữa các nhà nhân chủng & ngôn ngữ học (xem [11]). Nhóm di tản sang Triều Tiên thuộc rợ Tam Hàn, có 2 thành phần chủ lực lớn: Người Hmong và Bộc Việt (Lạc Việt bộ Trãi). 151


[9] Randy J. LaPolla (2000) The role of migration and language contact in the development of the Sino-Tibetan language family. IN: Areal Diffusion and Genetic Inheritance: Case Studies in Language Change. Ed. by R.M.W. Dixon & A.Y. Aikhenvald. Oxford University Press [10] Keith Weller Taylor (1983) The Birth of Vietnam. University of California Press. [11] Sagart, L. (2001) Gan, Hakka and the formation of Chinese dialects. Centre de Recherches Linguistiques sur l'Asie Orientale. Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales (UMR 8563 du CNRS). Paris, France. [12] Tên thật của Lê Lợi là Lê Lị. Trước đó, 'lị' 利 mang nghĩa 'lợi' trong 'lợi nhuận', 'lợi tức', có phát âm rất giống tiếng Hoa. Nhưng vì kị huý tên vua, dân bị bắt đọc tất cả các từ mang âm 'lị' ra 'lợi'. Sau thời Lê Lợi, dân chúng quên mất từ mang âm 'lị' và dùng 'Lợi' cho 'Lị'. Lê Thái Tổ (Lê Lợi) tự nhiên mất đi phát âm tên cúng cơm của mình (Lị), và tên thật bị thế bằng tên kị húy, 'Lợi'. [13] Theo [4], Hưng Đạo Đại Vương, nhà quân sự có lẽ lỗi lạc bậc nhất của dân Việt, có vợ là một người bà con trong họ. Bà vợ này ban đầu vua đã hưá gả cho một hoàng thân khác. Hưng Đạo sau khi nghe tin người yêu sắp lấy chồng, tự nhiên đánh mất bản đồ quân sự. Đang đêm đang hôm, ông xông qua khu vực phi quân sự của người yêu, và rốt cuộc ông hoàng thân kia đành phải ôm một mối hận tình. [14] Hoà Bình hiện nay có hơn 65% dân người Mường. Hoà Bình có một nền văn minh khá xưa (khoảng năm 5000 TCN) ở Đông Nam Á. [15] Nguyễn Hiến Lê (1997) Sử Trung Quốc. Nxb Văn Hoá. [16] Trần Trọng Kim trong quyển Việt Nam Sử Lược [18] có viết: “Khi đất Giao Châu còn gọi là Văn Lang hay là Âu Lạc thì người bản xứ ăn ở thế nào, phong tục làm sao, nay cũng không có di tích gì mà kê cứu ra cho rõ được. Có lẽ cũng tự hồ như Mường hay là Mán ở mạn thượng du đất Bắc Việt bây giờ. Giả sử có đem vua Hùng Vương họ Hồng Bàng hay An Dương Vương họ Thục mà sánh với mấy người Quan Lang ở mạn thượng du thì dễ thường cũng không xa sự thực là mấy.’ [17] Phim Thái Lan SURIYOTHAI cho thấy một hoàng hậu nước Xiêm La vào thế kỷ 16 vẫn điều động được chính trường và cưỡi voi ra trận đánh với quân Miến Điện. Vẫn còn dấu vết Mẫu hệ. [18] Trần Trọng Kim ( 1971) Việt Nam Sử Lược. Trung Tâm Học Liệu của Bộ Giáo Dục xuất bản. Đại Nam tái xuất bản tại Hoa Kỳ. [19] Thật ra có chừng 4 lối phát âm khác nữa cho chữ 'Lạc': 貉. Chúng tôi sẽ lần lượt đề cập đến trong những bài tới. [20] Lý Thường Kiệt thật ra mang họ Ngô, có thể gốc Mân Việt, nhưng đổi sang họ Lý và gia nhập chủng chủ lực của họ Lý.

152


Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (11): Tản mạn về Tiền đề Điểm chính yếu của loạt bài này thật ra bắt nguồn và xoay quanh ở chỗ đặt một câu hỏi đối với những nền tảng cơ bản các nhà nghiên cứu hoặc các học giả vẫn thường xuyên xử dụng từ trước đến giờ. Theo thiển ý, tất cả những công trình nghiên cứu đều dựa trên những nền tảng cơ bản hay cơ sở lí luận, thường gọi nôm na là 'tiền đề', rồi xây dựng trên đó những thao tác lý luận, phân tích và tổng hợp, dùng các dữ kiện sẵn có, hoặc mới tìm tòi được, và theo tinh thần khoa học, càng khách quan càng tốt. Nhân dịp viết loạt bài này, chúng tôi phát hiện được rất nhiều công trình nghiên cứu, tìm tòi - phương Đông cũng như phương Tây - đã mặc nhiên tiếp diễn từ đời này sang đời khác, mà không bao giờ khắt khe xem xét lại nền tảng cơ bản, hay tiền đề, đã được dùng để xây dựng mớ suy luận dẫn đến kết quả các công trình đó. Một điểm khác: Có vẻ như mục tiêu chính của tiến trình khoa học là tổng quát hoá vấn đề, thiết lập nên một số định luật nào đó giải thích cho một hiện tượng. Rất tiện, rất hay. Nhưng đôi khi, công việc tổng quát hoá một vấn đề cũng có thể đưa mọi người vào cái vòng lẩn quẩn, mê hồn trận. Nhất là khi luôn luôn dựa vào các tiền đề sẵn có. Xin thử quan sát một vài khía cạnh về tiền đề như sau. 1. Câu chuyện di dân thời tiền sử Đa số những thuyết về nguồn gốc dân tộc, từ Mã Lai đến Myanmar, từ Phi-líp-pin đến các dân đa đảo Pô-li-nê-ziên, đều do những nhà khoa học Tây phương đề ra. Bắt nguồn sâu xa từ làn sóng đi tìm và xâm chiếm đất dân da màu làm thuộc địa ở vài thế kỉ trước. Sau này, có thêm những nhà khoa học Á Châu được huấn luyện ở Âu Mỹ và mang học vị từ các đại học phương Tây. Dường như có bao nhiêu nhà khoa học tên tuổi, là có bấy nhiêu lí thuyết khác nhau. Thông thường, họ ưa truy tầm một nguồn gốc đâu đó rồi mở cửa cho dân chúng tràn ra di tản về một địa điểm khác. Thí dụ, đối với dân đa đảo, chúng ta thường nghe đến thuyết 'Xuất phát từ Đài Loan'. Theo đó, dân Á Châu từ đảo Formosa (Đài Loan) thấy buồn tình hay thiếu ăn sao đó, kéo nhau lên thuyền bè di tản đến các hải đảo ở miền Tây và Nam của Thái Bình Dương. Tại các hải đảo này, vào khoảng thời gian cách đây vài nghìn năm, di dân từ Đài Loan mới hợp chủng với các sắc dân bản địa tạo nên người dân đa đảo như: Samoa, Fiji, Tân Calêđônia, Timor, Vanuatu, Papua New Guinea, v.v. Ngược lại cũng có thuyết cho rằng các người hải đảo thích phiêu lưu, lên tàu bè chạy lên mạn Bắc. Hợp với dân bản địa tạo thành người Nhật, người Taiwan, v.v.. Hoặc giả, ngày xưa vào lúc mực nước biển xuống thấp, nên quần đảo Inđô-nê-xia hãy còn nối liền với lục địa Á Châu, khiến họ cuốc bộ di tản, đi lên miệt trên (thí dụ, xem [1]). Đến tận phía Bắc nước Tàu, hoặc sang Ấn Độ cùng những nơi xa xôi khác. Nhìn chung, những điểm đặc trưng của các lý thuyết kiểu này, thông thường bao gồm:  Những người tiền sử di tản đều thuộc một thứ chủng tộc với nhau, nói cùng một thứ tiếng, và thường thường chạy xuôi chạy ngược trong cùng một khoảng thời gian. Cách thời hiện tại ít nhất là 5000 năm, và trước thời gian tuổi tác xác định từ những di vật khai quật được. Hầu hết các lí thuyết đều tránh nói rõ khoảng thời gian những người tiền 153


sử này đi di tản kéo dài bao lâu. Năm-mười năm hay cả trăm năm, hằng ngàn năm, thường không được bàn vào chi tiết; Những người tiền sử thường di tản trong hoà bình, và giao tác với nhau bằng mậu dịch thương mại. Nhiều lý thuyết còn lạc quan đi sâu vào tình bà con đến độ cho rằng người từ khu này đã di tản hằng ngàn dặm để chỉ bà con nơi khác cách thức trồng lúa hoặc chăn nuôi. Các lí thuyết này gần như không bao giờ đề cập đến những vụ xung đột, choảng nhau, giành đất sống, thực phẩm, v.v. giữa những bộ lạc của người tiền sử. Cũng như những vụ bắt tù binh làm nô lệ, làm Bát-bơ-kiu 7 món ăn thiệt, hoặc để tế thần, v.v.. Theo thiển ý, các lý thuyết này có thể khác đi rất nhiều, nếu tiền đề đặt quan tâm đến kích thước các thứ bộ lạc khác tộc nhau, và những vụ xung đột vẫn thường xuyên xảy ra giữa các thị tộc, bộ lạc khác nhau; Người tiền sử thích ứng với khí hậu và môi trường thiên nhiên rất giỏi. Giỏi hơn hậu bối của họ trong khoảng 2000-3000 năm trở lại đây. Các lí thuyết này cứ cho người tiền sử tất cả di tản khá thoải mái từ khu nhiệt đới sang qua ôn đới, từ vùng núi rừng xuống vùng sông biển, hay ngược lại, khá dễ dàng. Nhảy lên thuyền bè rồi chèo hay căng buồm lướt sóng đi tới vùng khác, như chơi. Thực tế cho thấy dân ở đâu ưa làm quen khí hậu ở đó. Chỉ trừ phi có những biến động khủng khiếp lắm, như nạn lụt lớn, như chiến tranh triền miên kéo dài gần cả ngàn năm ở vùng Hoa Bắc thời Xuân Thu Chiến Quốc, thì người ta mới chịu di tản đi xa. Dù vậy, ngay trong những cuộc di tản thời Xuân Thu Chiến Quốc, hay mãi về sau, cho đến thời Mãn Thanh, người ta ít khi thấy người Tàu thuộc Hoa chủng thuần túy, ở phía Bắc, hoặc người Mông Cổ di cư xuống địa bàn Đông Nam Á, bởi đối với họ, miệt dưới này khá nóng [7]. Những lí thuyết này thường quan tâm đến điểm xuất phát ban đầu của toàn khối người tiền sử di tản đó. Gần như, có bao nhiêu địa điểm khai quật, với nhiều di vật mang 'chất lượng', là có bấy nhiêu điểm xuất phát của những đợt sóng di tản, truyền bá văn minh. Xây dựng lí thuyết kiểu này luôn luôn có ít nhất một khối từ vài chục triệu đến cả trăm triệu người ủng hộ nhiệt liệt. Khối người này chính là, qua tiếng nói của học giả hoặc chính trị gia bản địa, những người dân hiện cư ngụ tại quốc gia chứa những địa điểm xuất phát các nền văn minh đó; Khảo sát dựa trên DNA, đặc biệt loại mt-DNA (xem [1]), rất thời thượng hiện nay, theo thiển ý, vẫn có thể lướt qua một số vấn đề rất quan trọng. Đó là việc hợp chủng giữa các tộc người qua hằng ngàn năm sinh tồn với nhau tại một vùng đất. Chúng ta vẫn chưa thấy một cuộc nghiên cứu dựa vào di truyền thể DNA, cho biết đích xác một chủng tộc A nào đó ở thế kỉ 21 chính là sản phẩm hợp chủng của 3 tộc người hơi khác nhau hồi xưa, mang tên X, Y và Z. Bởi, như Oppenheimer [1] đã nhìn nhận, kỹ thuật DNA cũng vẫn bó tay trong việc xác định thời điểm lúc một chủng tách ra khỏi chủng mẹ, và số lượng cốt bộ, xương xẩu tiền nhân để lại rất hiếm hoi, mang tính cách ‘trơ’ và phần lớn nằm ngoài sự kiểm soát và quy hoạch của nhà khảo cứu. Ngoài ra, mức độ biến đổi của ‘giên’ giữa người cùng tộc cao hơn khác biệt giữa giên khác tộc với nhau. Dựa vào các khảo sát về ngôn ngữ, tác giả này trích dẫn kết quả tác giả kia, nhưng ít khi kiểm chứng lẫn nhau, rồi ấn định khoảng thời gian ngôn ngữ hình thành vào những thời điểm thuộc tiền sử, cách đây trên 3000 năm. Những lý thuyết như vậy mang khuynh hướng đặt điểm mốc thời gian vào những thời Băng Kì (nước sông đóng băng, gần Bắc cực và Nam cực) cách đây ít lắm 20000 năm, hay Hồng Thủy (lụt lớn) cách đây cũng 4000 năm. Ít khi đá động đến những cảnh chém giết kinh hoàng vào thời Đông Châu Liệt Quốc tại nước Tàu, cách đây khoảng 2500 năm. Theo thiển ý, chỉ việc tản mác xuống miền Đông Nam Á của khối người ở Hoa Nam, xưa gọi Bai Yue (Bách Việt), khoảng 800 năm Trước và ngay cả Sau Công Nguyên, cũng đủ gây mầm cho biến đổi 154


chủng tộc và ngôn ngữ [11]. Sự thật, ngôn ngữ có thể biến đổi rất nhiều trong vòng vài trăm năm, tùy theo mức độ giao lưu và nhu cầu giữa các khối dân mang tiếng nói khác nhau. Còn rất nhiều các điểm đặc trưng khác cho thấy sự thiếu thốn quan tâm đến tiền đề, vẫn luôn luôn là đầu giây mối nhợ cho nhiều kết luận khá lộn xộn về sau. Nhưng ở đây, chúng ta hãy quan sát một số chi tiết hạn hẹp đề ra ở trên. Trước hết hãy xem qua một số kết luận thường gặp. Hồi đầu thế kỷ 20, ở bên trời Tây, có lý thuyết về chủng Mã Lai rất ăn khách [19]. Có 2 đợt: Proto-Malay và Deutero-Malay [19], mà Bình Nguyên Lộc [5] đã chuyển ngữ ra Mã Lai đợt I và Mã Lai đợt II. Đợt I di tản từ phía Tây nước Trung Hoa sang Hoa Nam rồi xuống Đông Nam Á cách đây 5000 năm. Đợt II theo sau, cách đây 2500 năm. Tiền đề ẩn tàng là cả hai đợt Mã Lai đó hoàn toàn là những khối người rất lớn, thuần chủng, và nói cùng một thứ tiếng. Nội bao nhiêu đó cũng đưa đến bao nhiêu kết luận tách rời xa sự thật. Điểm lộn xộn lớn của tất cả những lý thuyết mang hàm ý một nhóm người cùng chủng phát xuất từ đâu đó nằm ở địa điểm xuất xứ, và nơi đến hoặc chốn định cư cuối cùng. Cứ theo thuyết Mã Lai, như vậy người Mã Lai Á rất dễ dàng bị hiểu lầm là người thuần chủng nhất của tộc Mã Lai, bởi có vẻ sau khi di tản suốt chặng đường dài, ghé vào chỗ này chỗ nọ, họ thấy mỏi mệt nên đã dừng lại lập ra nước Mã Lai Á. Nhiều sai lầm ngộ nhận khác liên tiếp xảy ra: Nhiều vị khác tự nhiên thấy người Chăm-pa có nhiều nét và tiếng nói giống người Mã Lai nên lập ra thuyết người Chămpa do người Mã Lai hợp với người đa đảo, đổ bộ lên và tạo thành. Thay vì dùng tên chủng Malay, có người dùng tên In-đô-nê-siên, hay đôi khi Nam Á, hoặc Nam Mông-gô-lích thì cũng vậy thôi. Sự thật từ khi có khoa sử học, dù dưới dạng Xuân Thu (Khổng Tử), Tả Truyện (Tả Khâu Minh), Chiến quốc sách (khuyết danh), Sử Ký (Tư Mã Thiên), v.v. chúng ta luôn thấy nhiều chi chủng khác nhau trước khi thành lập các nước Mã Lai, hay In-đô-nê-xia. Việc gọi chung bằng tên một chủng lớn, có vẻ tổng quát hoá vấn đề nhưng hãy còn loanh quanh, bởi không nói lên đích xác một dân tộc A nào đó thuở mới lập quốc và hình thành dân tộc, thật sự là hỗn hợp những tộc người khác nhau như thế nào. Mà gần như hầu hết những quốc gia trên thế giới đều theo mô hình hợp chủng này [8], phản ánh quan điểm của nhiều sử gia cho rằng ‘quốc gia’ được thành lập do ở việc đòi hỏi phải hợp quần với nhau để đối phó với mối đe dọa chung từ phía bên ngoài ([2] & [9]). Lí thuyết một khối người, thông thường thuộc một thứ chủng tộc với nhau, di tản bằng đường bộ hay bằng thuyền bè, hoặc bằng voi, hay 'máy bay trực thăng' bốc đi, vẫn luôn luôn là tiền đề ẩn tàng sau những lí thuyết dù mang tiếng rất hiện đại ở thế kỉ 21. Thí dụ, quyển sách mang tựa chữ Việt: 'Địa đàng phương Đông' [1], tuy khá đồ sộ nhưng dành phần lớn miêu tả về những lí thuyết trái ngược nhau đã có từ trước, và dùng hơn nửa quyển sách chuyên chú về các truyền thuyết, chuyện cổ tích xưa ở vùng Đông Nam Á, rồi vẫn phải tạm dùng những truyền thuyết này để hỗ trợ thêm cho giả thuyết của tác giả. Chỉ một phần rất nhỏ của sách ở chương 6-7 (trang 177-218, trong 560 trang) là bàn đến kết quả dựa trên thử nghiệm DNA. Quan trọng nhất, kết luận có vẻ vẫn dựa vào một tiền đề xưa: Một khối người, có vẻ như cùng một chủng, tản mác từ khu vực Sundaland (gần bán đảo Mã Lai ngày nay) mang văn minh đến những nơi khác, kể cả Ấn Độ và Trung Hoa, sau một trận đại hồng thủy làm chìm cả lục địa với một nền văn minh sáng chói. Có rất nhiều điểm hết sức lấn cấn của tất cả những lí thuyết dựa vào chuyện 'di tản hằng khối thuộc một chủng tộc'. Chung qui do ảnh hưởng của 'tiền đề', hay cơ sở lí luận ban đầu. Thứ nhất, đối với các thuyết xây dựng chung quanh Sundaland, người ta có thể đặt câu hỏi 155


tại sao những người di tản đó không chạy thẳng lên khu vực sau này trở thành đảo Borneo, rất to lớn và đất đai phì nhiêu hơn nhiều vùng đất ở lục địa Á Châu. Hoặc đất Sundaland chắc phải có cái gì hấp dẫn lắm, khiến nhiều người cuối cùng chọn nơi đó làm chốn định cư, sau khi di cư từ phía Tây xuyên qua nhiều nơi chốn phong cảnh hữu tình, đất đai phì nhiêu và nhiều lương thực hơn ở đó. Để rồi, sau khi đã xây dựng nền văn minh, gặp nạn hồng thủy làm chìm hết đất đai, họ lại tản mác lên Bắc, sang Tây, lần mò về hướng xuất phát ban đầu. Thứ hai, theo nhiều khám phá của các nhà sử học (thí dụ [2] & [9]), hầu như tất cả những vùng đất ở Đông Nam Á, cho đến khoảng 800 năm đầu sau Công Nguyên hãy còn nằm trong tình trạng bộ lạc, hay liên minh bộ lạc của những người sinh sống gần nhau. Chứ không phải dưới dạng vương quốc với mô hình ‘nhà nước’ theo kiểu miền Hoa Bắc. Những bộ lạc khác chủng sinh sống gần nhau chắc chắn không tránh khỏi xung đột, chiến tranh lẫn nhau. Ở miền Hoa Nam thuộc Trung Hoa lục địa cũng vậy. Có rất nhiều chi chủng khác nhau, và tổ chức chính trị rất rời rạc, lỏng lẻo, chưa đến hình thái nhà nước. Và cũng bởi lý do đó, Hoa chủng đã mất đến 800 năm để nhất thống các vương quốc miền Hoa Bắc, nhưng chỉ tốn trên dưới 8 năm để nuốt trọn các bộ lạc, hay 'tiểu quốc', tại Hoa Nam. Dữ kiện ngày nay còn cho biết nội người Dao (bà con gần với người Hmong) cũng có đến 300 chi chủng khác nhau [3]. Thứ ba, việc di tản một khối người, lớn hơn số người trung bình của một bộ lạc, cùng một chủng tộc, nhất là trong một thời gian ngắn, là một chuyện rất khó có khả năng, nếu không có một tổ chức 'trung ương'. Ở mức cơ bản, tổ chức trung ương đó cần phải có một ngôn ngữ chung, có chữ viết càng tốt, và bắt buộc phải có quyền có uy. Có quyền uy trên một khối người lớn, tất phải có nhà nước, hay cấu trúc chính trị đầu não. Thứ tư, cho đến ngày nay, các nhà khoa học, từ nhân chủng đến khảo cổ xuyên qua y khoa - sinh vật dựa trên DNA, chưa thể cho biết ở vào thời điểm nào, 5000 năm, hay 10000 năm, hoặc 50000 năm, 100000 năm, 500000 năm trước đây, con người hoặc một chủng lớn nào đó bắt đầu tách ra thành các chủng khác nhau. Nhưng chúng ta đều biết rõ, một khi có sử học thì đã có những tộc người khác nhau. Đó là một sự thật hiển nhiên. Cổ sử Đông Nam Á cho thấy rất nhiều nhóm người cùng một thứ chủng tộc, chỉ di tản đến một vùng đất nào đó, trước sau một hai trăm năm là có giặc, tranh giành địa bàn sinh sống lẫn nhau. Điển hình là giặc giã vẫn thường xuyên xảy ra giữa người Khờ-Me và người Chăm-pa, ở thời xa xưa, người Môn với người Myanmar, xưa và nay, mặc dù họ có thể có bà con rất gần với nhau, v.v. [10]. Đến đây, chúng ta có thể tự hỏi: 'Tại sao các tác giả Âu Mỹ gần như bao giờ cũng có thói quen nghiên cứu dưới những thứ tiền đề như vậy?'. Theo thiển ý, đó là một vấn đề nằm trong cốt lõi văn minh thuộc truyền thống GiuĐà-KiTô [6]. Nếu người Đông phương ưa thấm nhuần đạo Khổng, Lão, hay đạo Phật, thì người Tây phương thường 'hành sự' dưới ảnh hưởng Ki-Tô giáo. Họ nhìn rất nhiều vấn đề trên quan điểm của văn hoá và lịch sử Tây phương. Quan trọng nhất và liên hệ trực tiếp đến thảo luận ở đây chính là: (a) Ảnh hưởng của thánh kinh Cựu Ước. Theo đó, loài người đều con cháu của Adam và Eve. Có trận lụt hết sức lớn và chuyến tàu di tản của Noah. Cũng như chuyện thánh Moses dẫn một khối người toàn chủng Do Thái di tản khỏi Ai Cập. Đi di tản hằng khối người thuộc một chủng duy nhất. (b) Chủ thuyết Ki-Tô lên án việc ăn thịt người, hoặc loài người chém giết lẫn nhau. Từ đó, chúng ta luôn luôn thấy những cuộc di tản thời tiền sử được mô tả như những cuộc di tản hết sức êm thắm, và trong tinh thần huynh đệ đùm bọc lẫn nhau. Sự thật, việc Hiên Viên Hoàng Đế choảng nhau với lãnh tụ Xuy Vưu của tộc Hmong-Mien, tức Miêu-Dao, và nhiều tù trưởng tên tuổi khác, có lẽ cũng không nằm ngoài chuyện giành địa bàn sinh sống trong lúc và sau khi di tản đến một vùng đất mới. Việc chém giết nhau giữa 5 thị tộc lớn ở thời Hiên Viên - Xuy Vưu: Miêu, Hạ (tức Hán sau này), Khương, Địch, 156


Nhung, cho biết cách đây 5000 năm, người Á Châu ở Tàu đã phân tán ra nhiều chi chủng khác nhau. Tương tự, thơ văn và thư tịch cổ của Tàu vẫn có những đoạn miêu tả nạn ăn thịt người tại các bộ lạc ở Hoa Nam, hay chính vua nhà Châu dùng người man-di để tế thần [5]. (c) Lối nhìn của họ đối với cổ sử phương Đông, cũng dễ bị méo mó bởi lịch sử phương Tây. Theo đó, văn minh được tồn tại và phát triển do ở việc lan tràn từ một điểm gốc. Ánh sáng văn minh đầu tiên ló dạng ở khu vực Trung Đông, đặc biệt Ai Cập. Sau truyền sang Hy Lạp. La Mã thừa hưởng và phát triển tiếp văn minh Hy Lạp. Rồi lan ra khắp Âu Châu. Tiền đề này rất quan trọng, và từ đó ta thấy bất cứ công cuộc nghiên cứu nào về cổ sử Á Châu cũng đều có thể quy về thứ tiền đề này hết. Phải có một chỗ xuất phát rồi lan tràn qua những vùng đất chung quanh. Chung chung, nhiều tác giả vẫn mang thói quen truy tầm điểm gốc xuất phát một nền văn minh nào đó. Thí dụ, thuyết 'Địa đàng phương Đông' [1], qui văn minh Tàu và Ấn trở lại một gốc, từ khu Sundaland ở miệt đảo Java nay đã chìm xuống biển. Sundaland rất dễ khơi cho chúng ta hình ảnh đô thị văn minh Atlantis đã bị chìm xuống biển, trong truyền thuyết Tây Phương. Gốc văn minh nằm ở Sundaland cũng phảng phất âm vọng thuyết khảo cổ xưa nói rằng người vượn Java có trước người vượn Bắc Kinh. (d) Quan trọng nhất, chúng ta có thể để ý khoa học các ngành thuộc cổ sử phát triển khá rầm rộ từ khoảng đầu thế kỷ 20. Vào lúc đó chủ thuyết thực dân thuộc địa bắt đầu trình diễn đến màn cuối. Từ thập niên 1950’s trở về sau, ta để ý nghiên cứu của các nhà khoa học Tây phương, một phần vì lịch sự hoặc thiếu thốn am tường, bắt đầu tôn trọng ‘tiền đề’ do chính các học giả bản địa thiết lập. Tức họ lâm vào cảnh, đối với một số vấn đề nào đó, tiền đề của họ lại phải dựa vào, hay phối hợp với, một mớ tiền đề khác. Mà thật ra, mớ tiền đề bản địa này đã hoàn toàn trốn thoát được các lối kiểm chứng khắt khe với kính hiển vi của khoa học. Xin thử quan sát tiêu biểu một mớ tiền đề bản địa của người Hoa như sau. 2. Các thứ tiền đề của người Hoa Văn minh Hoa Hạ lưu truyền đến ngày nay cũng vướng phải nhiều hội chứng về tiền đề không kém gì Tây phương. Nhưng các thứ tiền đề của họ lại phức tạp hơn Âu Mỹ rất nhiều, do khác biệt ở nền tảng văn minh. Nói chung, văn minh Tây phương phát triển trên nền tảng khám phá những luật về thiên nhiên, và xem chế ngự thiên nhiên là thử thách của đời sống. Trong khi Đông phương ưa hoà điệu với thiên nhiên, và thích sinh sống, lý luận dựa vào thiên nhiên. Điểm đặc trưng nổi bật nhất của văn minh Trung Hoa, như một quốc gia lớn mạnh ngày nay, có lẽ không phải ở chỗ họ có nhiều di sản văn hoá, hay tài nguyên nhân lực hoặc chất xám, mà chính ở chỗ Trung Hoa là một Hợp Chủng Quốc tạp-pín-lù xưa cổ nhất, và kì lạ nhất. Kì lạ ở điểm họ chỉ nhất thống được chữ viết. Còn tiếng nói thì có đến cả ngàn thứ phát âm và phương ngữ khác nhau. Nếu so sánh Trung Hoa với Liên Xô (cũ) hay Yugoslavia (cũ), chúng ta thấy có vẻ như rằng chính cái căn cước lý lịch của Hoa tộc, có chung một quá trình lịch sử dài lâu, đã giúp họ rất nhiều trong việc sinh tồn gắn bó với nhau trong thế kỉ 21, như một quốc gia lớn mạnh. Dù rằng người Hoa nào cũng biết Hoa tộc ngày nay là một hợp chủng lớn nhất với dấu vết hãy còn hiện rõ qua nhân dạng và ngôn ngữ. Những tiền đề chính xuất phát từ Trung Hoa, liên hệ thẳng với đề tài ở đây gồm có: (i) Hoa tộc với nền văn minh Hoa Hạ là một thứ chủng số dzách, hết sức cao siêu, có nhiều khả năng thiên phú ở mọi mặt. Sự thật: Hoa chủng thuần túy, ở thời Nghiêu Thuấn, thường mang tiếng có đầu óc hết sức thực tế, và thuần lí khô khan. Rất khó là tác 157


giả của những áng thi văn bất hủ để đời. Nhiều địa điểm khai quật cho thấy những nền văn minh xưa cũ lại nằm trong các địa bàn của chủng Yue xa xưa [13]. Chữ viết cũng vậy. Hoa tộc vẫn thường tự hào chính họ phát minh ra chữ viết, ngày nay thường gọi Hán tự. Nhưng gần đây nhiều tác giả, có thể tìm thấy trên các trang mạng, cho rằng Miêu tộc, tức nhóm Miêu-Yao còn gọi Hmong-Mien, mới chính là tác giả chữ viết [13] mà Hán tộc đã chôm lấy rồi tiếp tục phát triển về sau. Nhóm Hmong-Mien còn mang tên vào thuở cổ thời là Cửu Lê [Jiu Li], một bộ tộc khá lớn thuộc khối Đông Di dưới sự lãnh đạo của Xuy Vưu, về sau bị đại bại dưới tay Hiên Viên Hoàng Đế, và bị chặt đầu. Người Triều Tiên (Hàn) hiện nay nhìn nhận Xuy Vưu là một thánh tổ quan trọng của họ, và như vậy người Hmong chính là một giòng tổ tiên của dân Triều Tiên. Đặc biệt, chủng Lạc Việt và Âu Việt, hoặc nói chung các thứ Yue, ngày nay được xem như một thứ Hán tộc thuần túy, bởi đóng góp của họ đối với Hoa tộc sau hai ngàn năm quá sức lớn lao. Dân Bách Việt ở miền Hoa Nam, tức phía Nam sông Dương Tử, đã được đồng hoá thành Tàu từ lâu. Và họ chỉ di tản xuống miền Đông Nam Á vào thời Ngũ đại hay Thập quốc, thế kỷ thứ 10, trở về sau, nhất là vào thời Mãn Thanh. Tức người ở Trung Hoa lục địa chỉ di tản ra ngoài, xuống miền Đông Nam Á, sau khi họ đã thành Tàu. Trước đó không có. Đây là một thứ tiền đề hết sức quan trọng, đã khiến rất nhiều công cuộc khảo cứu về cổ sử Đông Nam Á chạy lệch sang một hướng khác. Rất nhiều hệ luận khá lệch lạc bắt nguồn từ chỗ tiền đề méo mó này. Quan trọng nhất người ta thấy rất nhiều thuyết về nguồn gốc các dân tộc miền Đông Nam Á ít khi hoặc không bao giờ đề cập đến khối người chạy trốn giặc giã vào cái thời Xuân Thu Chiến Quốc (770-221 TCN) kinh hoàng xảy ra khi các nước ở miền Hoa Bắc tranh hùng xưng bá với nhau. Ảnh hưởng khốc liệt của chiến tranh miền Hoa Bắc tràn xuống Hoa Nam, bắt đầu từ thời xa xưa, từ những cuộc đụng độ giữa Hoa tộc với đám rợ Nhung ở phía Tây, và binh biến chung quanh các nước Sở, nước Việt ở miền Hồ Bắc, Hồ Nam và Chiết Giang. Nạn binh lửa đau thương trong các nhóm thuộc Bách Việt ở Hoa Nam có lẽ leo thang lên đến tột điểm, vào thời Tần Thủy Hoàng, rồi kéo đến đời nhà Hán khi Hán Cao Tổ ra lệnh tiến chiếm Mân Việt và Nam Việt (111 TCN), để rồi tạo dựng nên một nước Trung Hoa hết sức rộng lớn. Nhưng nếu để ý, như rất nhiều sử sách đã ghi, mỗi lần có binh lửa là có chém giết, chết chóc hết sức kinh hoàng. Hằng vạn người thuộc phe thất trận thường bị cúp-pê, hay trảm mất cái đầu như chơi. Và như vậy chắc chắn có chuyện chạy giặc và di tản, hằng khối. (iii) Ẩn tàng sau lưng hai tiền đề phía trên là một tiền đề khác, do ở việc đánh trống rầm rĩ của những học giả và chính trị gia người Hoa từ đời này sang đời nọ, riết rồi ai cũng đành dễ dãi chấp nhận. Đó là trừ những người dân tộc ở miền rừng núi, dân Tây Tạng, dân Mãn, Mông, Hồi, Choang, v.v. Hoa tộc chỉ là Hán tộc, một tộc người thuần chủng duy nhất làm chủ lục địa Trung Hoa và những vùng đất lân cận như Đài Loan, v.v.. Tức hễ là người Tàu, họ phải, hoặc thuộc vào khối đa số Hán tộc, hoặc dân tộc ít người. Thật ra, trái với tuyên truyền của người Hoa, không ai biết rõ Hoa tộc như ngày nay, thật sự bắt đầu hình thành vào khoảng thế kỉ nào. Tiền đề một Hoa tộc lớn lao thuần chủng này rất quan trọng, và dẫn ngay đến hai hệ luận khác. (ii)

Hệ luận thứ nhất: Khối người Tàu ở Hoa Nam ngày nay, xưa nay vẫn là Hán tộc - không liên hệ gì đến khối người Á Châu khổng lồ ở khu vực Đông Nam Á. Có lẽ chỉ trừ dân Thái Lan, Lào, Myanmar, Triều Tiên, Khmer là biết rõ nguồn gốc dân mình từ nhóm nào ở bên Tàu vào thời xa xưa, còn những dân khác như Inđô-nêxia, Phi-líp-pin, v.v. hoàn toàn mù mờ hoặc không để ý gì đến liên hệ chủng tộc thời xưa với khối Bai Yue ở Hoa Nam. Tuy nhiên ở điểm này, chúng ta có thể nhìn nhận cổ sử Tàu ở một mặt nào đó siêu hơn cổ sử Tây phương. Nhất là trong việc phân biệt các chi chủng khác nhau, ngay vào thời tiền sử, 158


kéo đến Xuân Thu Chiến Quốc. Đặc biệt họ biết rõ từ lâu những chủng như Miêu tộc (Hmong), Khương tộc, và nhiều chi chủng thuộc khối Bai Yue ở Hoa Nam. Hệ luận thứ hai: Hệ luận về ngôn ngữ, rất giống với hệ luận phía trên. Tất cả các phương ngữ ở Trung Hoa đều bị (được) xếp vào nhóm Hán Tạng. Sự thật rất nhiều phương ngữ Hoa Nam mang liên hệ hết sức mật thiết với nhóm ngôn ngữ Nam Á, ít ra trong gốc gác. Việc sắp xếp thành nhóm này hoặc nhóm kia, thí dụ: Nam Á và Nam Đảo, đã gây không ít lộn xộn. Bởi giữa các nước Á Châu gần gũi với nhau và có chung một mối liên hệ với khối Bách Việt ở Hoa Nam từ xưa, mà nay đã hoàn toàn tách rời ra, ta có thể thấy nhiều từ vựng giữa ngôn ngữ của ba nhóm: Hán Tạng (phía Hoa Nam), Nam Á và Nam Đảo, thường gối đầu lên nhau. Phân loại của nhiều học giả tên tuổi, như Paul Benedict với siêu-nhóm Austro-Thai của ông, vẫn gây lộn xộn và bắt buộc phải sửa đi chữa lại như thường [1] [14]. (iv) Một tiền đề khác của người Hoa cũng thường xuyên đánh lạc hướng các công trình nghiên cứu khoa học, xưa và nay. Đó là tiền đề cho rằng ngày xưa Yue tộc hoàn toàn không có mặt ở miền Hoa Bắc, tức phía Bắc sông Dương Tử. Chúng ta đã quan sát rất kỹ tiền đề này trong vài bài trước khi minh giải người Hakka (Hẹ) chính là người Bộc Việt hay Bách Bộc năm xưa. Một nhóm người du mục có địa bàn ban đầu bên sông Bộc, gần thành phố Bộc Dương [PuYang], tỉnh Hà Nam, và khu vực tỉnh Sơn Đông, thường sinh sống gần gũi với dân Tam Miêu, tức người Hmong-Yao, thường gọi đám rợ Đông Di, hay đôi khi Tam Hàn, Lai Di, về sau di tản qua bán đảo Cao Ly và lập nên nước Triều Tiên (Hàn). Tiền đề này dẫn đến hai hệ luận chính. Thứ nhất: Nếu một nhóm người nào đó, thí dụ người Hẹ, có xuất xứ từ phương Bắc, họ phải là một thứ người thuộc Hán tộc, tối cổ và nguyên thủy. Thứ hai: Trong các công trình nghiên cứu về phương ngữ, các sắc dân không phải xuất phát từ Hoa Nam ở thời xa xưa, như người Hakka, đều được xem như Hán gốc. Do đó, khi nghiên cứu về biến chuyển các phương ngữ, như tiếng Hẹ (Hakka) chẳng hạn, các nhà ngôn ngữ học thường đối chiếu với tiếng Tàu khu Bắc Kinh. Tức dựa trên một tiền đề có thể dẫn đến nhiều câu hỏi. Xin phép dành một đôi dòng để bàn về việc nghiên cứu so sánh dựa trên ngôn ngữ. Những lý thuyết về gốc gác tộc người, hoặc truy tìm tộc người nào đã là tác giả của những di vật khai quật được, thông thường dựa trên khảo sát dùng nhân chủng học, khoa khảo cổ, chứng liệu lịch sử, văn hoá, truyền thuyết và ngôn ngữ học. Thời thượng hơn, nhưng có vẻ hãy còn khá mới, ngay cả đối với những nhà nghiên cứu thuộc các ngành nghề khác với y khoa, hay sinh vật học, người ta có thể dùng di truyền thể DNA (xem [1]). Tuy nhiên, chúng ta thấy rất ít khi một công trình nghiên cứu nào đó có thể bao gồm hết những khảo sát xuyên qua hết mọi ngành nghề kể trên. Thường thường, nhà khảo cứu ưa đề cập tới vấn đề ngôn ngữ, nhất là như một khởi điểm, hay một chặng kiểm chứng sau cùng. Theo nhiều bài viết gần đây (thí dụ: Sagart [15]), khác với thời Paul Benedict cách đây khoảng nửa thế kỉ, những nhà ngôn ngữ chuyên nghiệp ngày nay có vẻ xa dần việc đơn thuần đối chiếu từ vựng giữa các ngôn ngữ với nhau, mà lại chú tâm nhiều đến những 'đổi mới có chia sẻ', cũng như những 'điểm đặc trưng có chung', giữa 2 ngôn ngữ khác nhau [16]. Chính ngay ở kỹ thuật ngôn ngữ có vẻ mới mẻ này vẫn có thể trật đường rầy như thường nếu dựa vào tiền đề mang hệ luận thứ hai ở trên, cho rằng mọi phương ngữ bên Tàu đều chung một gốc Hán Tạng như tiếng quan thoại. Ngoài ra, lối khảo sát ngôn ngữ qua 'đổi mới có chia sẻ' cũng có thể gặp khó khăn khi dùng để phân tích một thứ ngôn ngữ tiến hoá do ở sự hợp nhất giữa ba, bốn phương ngữ với nhau. 3. Tiền đề phía Việt Nam và truyền thuyết Hùng Vương 159


Khó khăn về nghiên cứu cổ sử phía Việt Nam, theo thiển ý, có lẽ nằm ở chỗ bị vướng phải sức nặng cả hai khối tiền đề rất to lớn của Âu Mỹ và của Trung Hoa. Quan trọng nhất, theo thiển ý, truyền thuyết Hùng Vương thông thường đã đánh mất đi một chi tiết chính. Đó là việc Lạc Long Quân và Âu Cơ thuộc hai tộc người khác nhau. Và, chúng ta thường đánh mất chi tiết cực kì quan trọng trong truyền thuyết quý nhất của người Việt, ngoài ở chỗ vô tình bị dẫn dắt bởi các thứ tiền đề của Tây - Tàu, có lẽ còn do ảnh hưởng từ lối nói ẩn dụ của người xưa: con Rồng cháu Tiên. Lạc hướng bởi quá thích thú với chuyện Rồng và Thần Tiên, chúng ta hoàn toàn không để ý đến Rồng và Tiên là hai giống khác nhau và quên đi, không quan tâm đến việc li hôn giữa 'thái quốc tổ' Lạc và 'thái quốc mẫu' Âu, như chính cụ Lạc đã xác nhận. Nếu có dịp so sánh với các chuyện cổ tích về thời phát sinh ra dân tộc, của các tộc người láng giềng như Mã Lai, Nhật, Triều Tiên, Lào, Java, v.v. có lẽ không có chuyện nào lại có vẻ thiếu ‘feng shui’ như chuyện Âu Cơ và Lạc Long Quân. Đó là chuyện hai vợ chồng ‘thủy tổ’ một dân tộc lại phải chia tay nhau. Nhưng thật ra hết sức chính xác và tuyệt chiêu. Bởi truyền thuyết này có lẽ là thứ truyền thuyết rất hiếm có, so với nhiều truyền thuyết các thứ dân khác, nhìn nhận tộc người Việt Nam là một hỗn hợp kì diệu giữa 2 tộc bên ngoài di cư đến cộng với các sắc dân bản địa. Truyền thuyết Âu-Lạc còn chính xác ở chỗ có một ấn bản khác [18] của người Mường, hãy còn truyền tụng cho đến ngày nay. Những chi tiết trong bản Mường đã hỗ tương với chi tiết bản Việt, và cả hai thứ đều ăn khớp với nhiều chi tiết lịch sử. Không những vào thời Hồng bàng ban đầu, mà kéo đến các thời nhà Đinh, Lê, Lý, Trần, và Hậu Lê, v.v. Những điểm đặc trưng sau đây đã được phát hiện qua truyền thuyết giải mã: 1. Thời điểm Lạc Long Quân thành hôn với Âu Cơ có vẻ vẫn bất định, nhưng cũng rất có thể là vào thời Xuân Thu Chiến Quốc ở bên Tàu, tức bình quân khoảng năm 500 TCN; 2. Hùng Vương, nếu có thật, bắt buộc phải mang hai giòng máu; 3. Đại gia đình Âu - Lạc, theo ấn bản người Mường, tức 100 người con của bà Âu ông Lạc, cả trai lẫn gái, về sau đều làm ‘xếp’ dân bản địa đã ở đó từ trước. Có nghĩa tộc người Việt Nam là hỗn hợp dài lâu giữa các tộc khác nhau: Âu, Lạc, và dân bản địa. 4. 18 đời Hùng Vương thật ra chỉ là một ý niệm về ‘đại khái’ vào thời cổ đại. Mười tám (18) đời vua thời Hồng Bàng thật ra đã được cóp lẫn nhau, giữa cổ sử 3 nước: Việt Nam (Hùng Vương), Trung Hoa (nhà Hạ) và Triều Tiên (Bai-dal). Cả triều đại nhà Hạ của Tàu, và Bai-dal của Triều Tiên đều trải qua 18 đời vua rồi mới ‘xụm’, mới kết thúc, y như 18 đời Hùng Vương. 5. Tác giả truyền thuyết này là những người Việt, đặc biệt chủng Âu với sự giúp sức và hiệu đính của chủng Lạc, và trái với bao nhiêu hiểu lầm từ xưa đến nay, cả bà Âu và ông Lạc không vị nào mang giọt máu Tàu nào hết. Gần đây tại Việt Nam, có vẻ có khuynh hướng xử dụng một ‘câu chuyện’ khác về Hùng Vương, xem ông như một nhà ảo thuật đại tài. ‘Câu chuyện’ này dựa trên một đoạn của quyển Đại Việt Sử Lược [17], tức quyển sách khuyết danh thất lạc về sau tìm ra được tại một thư khố nhà Thanh bên Tàu. Quyển sử này chắc đã được người Tàu hiệu đính khá kỹ trước khi trao lại cho nước Nam. Theo đó, vào thời vua Châu Trang Vương ở bên Tàu (696-682 trước Công Nguyên) 'ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật quy phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương đóng đô ở Văn Lang, đặt quốc hiệu là Văn Lang, phong tục thuần lương chơn chất, chính sự dùng lối thắt gút'. 160


Theo thiển ý, chi tiết xuất xứ của Hùng Vương dựa theo Đại Việt Sử Lược, kiểu 'nhà ảo thuật', chỉ có một lợi điểm là phù hợp với những phát hiện của khoa khảo cổ về văn minh Đông Sơn, ở chỗ thời điểm 'dựng nước' (khoảng năm 600-700 TCN), nhưng rất tai hại về chứng liệu lịch sử, và hoàn toàn dở về 'feng shui', tức phong thủy. Nếu đọc thật kỹ chỉ một vế nhỏ của miêu tả về nhà ảo thuật: ‘Ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật quy phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương,…’, chúng ta có thể thấy một số điểm lấn cấn như sau. Thứ nhất, câu chuyện Hùng Vương nhà ảo thuật, không phải là một truyền thuyết. Nó hoàn toàn xa lạ với dân gian, và lại ‘rặt mùi Tàu’. Nó chỉ xuất hiện độc nhất trong một bộ sách thất lạc pên Tầu lâu năm. So với truyền thuyết Âu Cơ, rất phổ biến tại nước Nam từ thời xa xưa, và có luôn một bản đối chiếu của người Mường, đồng tác giả của truyền thuyết, ‘câu chuyện’ này phải thua xa ở tính xác thực, dù chỉ ở mặt truyền thuyết. Thứ hai, nếu phân tích kỹ (Ở bộ Gia Ninh có người lạ), ta thấy nhà ảo thuật Hùng Vương có thể thuộc bất kì chủng nào có mặt, hay tạm dừng chân ở bộ Gia Ninh. Để ý, ‘Gia Ninh’ là một cái tên rặt Tàu, do người Tàu đặt nên. Nhà ảo thuật đó có thể là người Lê, người Tây Âu, người Ba, người Thục, người Địch, người Khương, người hắc nụy tóc xoăn, người Lạc Việt từ vùng biển, người du mục Bách Bộc, người Thổ gia, và ngay cả người Đông Di. Nhà ảo thuật này cũng có thể là một người Hung Nô cưỡi ngựa đi lạc đến khu Gia Ninh, và biểu diễn lối nhào lộn trên lưng ngựa làm màn ảo thuật, gây nhiều ấn tượng, làm lác mắt cho người xem. Ông cũng có thể là một người Jo-Thái, người Hy Lạp, người Ai Cập, người Aryan, người xứ 1001 đêm, v.v. Rất có thể, theo ý tác giả, ông là người Hoa Hạ chạy giặc từ phương Bắc xuống. Không biết ảo thuật gia họ Hùng đó nói thứ tiếng gì. Từ đâu đến hay thuộc chủng nào không rõ, chỉ biết ông ta, có vẻ một người khách lạ, xuất hiện ở Gia Ninh vào một buổi chiều đầu Xuân hay tàn Thu nào đó, dùng ảo thuật quy phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương. Tức, chi tiết đã mô tả xác định rất rõ nhà ảo thuật đó không nhất thiết cùng chủng với dân bản địa, và đã lập gia đình rồi hay chưa. Nếu nhà ảo thuật đã có vợ, và mang vợ theo đến Gia Ninh, ta có thể thắc mắc vợ ông ta thuộc tộc nào. Nhưng nói chung, chỉ nội câu hỏi về huyết tộc của nhà ảo thuật ở bộ Gia Ninh, đã cho thấy ông ta rất khó thành quốc tổ của dân Việt Nam. Thứ ba, câu chuyện một nhà ảo thuật trở thành nguyên thủ đầu tiên thời dựng nước, dễ bị lấn cấn nhiều mặt. Trước hết, vị đại tù trưởng tạo dựng nên nước Nam này đã hoàn toàn thiếu thốn ‘cội nguồn quyền lực’. So với truyền thuyết Âu-Lạc, Thục Phán, ông này thua xa. Mấy vị kia đều là con cháu vua chúa, biết rõ cội nguồn quyền lực, và biết thế nào là quyền bính và cai trị, còn ông này thì không! Nghề nghiệp của ông chỉ là ảo thuật, và thuật trị nước, truyền đến 18 đời, theo quan sát lịch sử nhân loại rất khó xây dựng trên những kỹ năng ảo thuật. Thêm vào đó, ‘câu chuyện’ ảo thuật có vẻ cố ý xuống cấp giới lãnh đạo, cho dù của một số các bộ lạc, mầm mống của nước Nam về sau. Rất có khả năng đó là dụng ý các sư phụ Tàu, mà nhiều tiền bối đã thiếu khắt khe, vô tình lướt qua. Vấn đề sử sách nước Nam vô tình dựa vào ‘thư tịch cổ Tàu’ cùng các thứ tiền đề của Tàu, trong tinh thần thiếu khắt khe của khoa học, trong khi lại bị lạc hướng trong việc bỏ rất nhiều thì giờ và công phu lo kiểm chứng địa điểm này thật ra tên viết làm sao, ông này bà nọ tên đánh vần ra sao mới đúng, theo thiển ý, đã và sẽ tiếp tục gây nhiều nhầm lẫn và lạc hướng. Xin đơn cử vài thí dụ về việc dựa vào thư tịch cổ của Tàu, nhưng thiếu thốn suy nghiệm khắt khe. Thứ nhất, chuyện ‘tỵ ẩm’. Người Tàu ngày xưa ưa chế nhạo dân man di 161


bằng nhiều cách. Trong đó có chuyện ‘tỵ ẩm’ tức uống nước bằng … mũi, có ghi lại trong bộ ‘Thủy Kinh Chú’ [12]. Đó là một chuyện nhạo báng phản khoa học, nhưng một hai quyển sách Việt lại tiếp tục chép và ghi thêm chuyện ông Trạng nào đó biểu diễn ở triều đình Bắc phương lối uống nước bằng mũi. Thứ hai, chuyện bà Triệu Âu (Triệu Thị Trinh) ra trận với vú dài ba thước, được ghi lại y chang trong bộ sử của Ngô Sĩ Liên. Chúng tôi hy vọng sẽ đưa ra lí giải những hiện tượng khá kì quặc này trong một dịp khác. Tóm lược Trong bài này, chúng ta đã xem qua ‘Tiền đề’ như một ảnh hưởng rất quan trọng của nghiên cứu khoa học, mà giới sử học hay ngay cả ngôn ngữ, trong bối cảnh cổ sử Á Đông và đặc biệt Việt Nam, vẫn thường dễ dãi lướt qua. Trong cái khung đối chiếu của truyền thuyết Âu Cơ cổ điển của Đại Việt Sử Ký, và câu chuyện nhà ảo thuật Hùng Vương của Đại Việt Sử Lược, chúng ta thấy cả hai đều vướng phải nhiều lấn cấn, và tạo thành những thứ tiền đề cứng nhắc, không thể nào giải thích được hết các hiện tượng hay biến cố lịch sử kéo dài từ thời Hồng Bàng cho đến cận kim. Những thứ tiền đề đó dễ bị vướng vấp ở hai điểm chính như sau. 1. Việt Nam lập quốc từ xưa, và dân Việt sống ở thời Hùng Vương và người Việt ngày nay, trước sau chỉ là một tộc người mà thôi. Thứ tiền đề này thật sự hoàn toàn tách rời sự thật, hết sức hiển nhiên. Chỉ cần so sánh với các nước chung quanh hiện nay, ta thấy vào thời điểm đó, không có nhóm người nào, hay tộc người nào tiến được đến hình thái nhà nước với lãnh thổ to lớn như ngày nay. Các quốc gia lớn ngày nay như Myanmar, Thái Lan, v.v. phải chờ đến sau thế kỉ thứ 10 mới thành lập được. Ngay cả chuyện so sánh với nước Trung Hoa. Trái với tuyên truyền của họ, đất nước họ, trong thiên niên kỷ đầu sau Công Nguyên, chỉ nhất thống được trong một hai trăm năm rồi lại tan rã, chia năm xẻ bảy, và nhiều lần như vậy. Đáng kể nhất, chỉ có nhà Đường (618-907) là gây nên ấn tượng nhất thống huy hoàng trong lịch sử mà thôi. Cũng bởi lí do đó người Hoa ưa tự gọi họ là ‘Thoòng dành’ hay ‘Tang ren’ theo quan thoại, tức Đường nhân, hay người Đường. Cho đến việc biết được vào thế kỉ nào Hoa chủng bắt đầu hình thành, hiện hãy còn là một vấn đề chứa nhiều bí ẩn. Tuy nhiên, người ta có thể để ý Hoa tộc chỉ thật sự hình thành sau khi Trung Hoa bị quân Mông Cổ chiếm đóng (1279-1368), tức sau khi có một mối đe dọa chung từ bên ngoài. Giống như ý kiến về ‘hình thành nước nhà’ của nhiều sử gia [2]. 2. Trong khi có thể nhìn nhận chuyện gạt bỏ nhanh chóng thứ chữ Nôm xưa cũ là một việc làm hết sức thực tiễn và cấp bách, nhiều ngộ nhận trong vấn đề ngôn ngữ, đương nhiên phải xảy ra. Những ngộ nhận này thông thường dính liền với tiền đề Việt tộc là một tộc người thuần chủng sinh sống ở bình nguyên sông Hồng từ ngàn xưa. Và cũng liên hệ đến việc đánh mất cái khoen nối liên tục giữa hai thế hệ học và xử dụng chữ Hán-Nôm, và thế hệ dùng chữ quốc ngữ. Đặc biệt, bởi dựa vào thứ mô hình xưa về tộc người có sẵn từ lâu, chúng ta thường ít để ý những lí giải từ xưa đến nay, thông thường vẫn chưa đạt mức thỏa đáng. Xin đơn cử một vài thí dụ.  Phân biệt âm đầu 'S' và 'X' => 'bổ sung' ưa đọc thành 'bổ xung'. Lý giải mới theo truyền thuyết giải mã: Tộc Thái cổ, phản ánh qua các thứ tiếng Mường, Thái, Quảng Đông, v.v. hoàn toàn không có âm 'S' (phát âm như 'SH'). Tộc Thái cổ là một trong ba bốn tộc chủ lực tạo thành người Việt Nam.  Phân biệt hỏi-ngã thông thường vắng bóng ở Trung và Nam bộ. Lý giải mới: Phải chăng các tộc cổ chủ lực tại phần lớn các khu vực này ngày trước, ngay cả thời chữ Nôm, chỉ 162


xử dụng 5 thanh âm, thay vì 6 thanh âm (bằng hỏi ngã sắc nặng huyền). Việc số thanh âm khác nhau hoàn toàn không thành vấn đề giữa các phương ngữ Trung Hoa, một phần do ở việc tiếng Tàu không như tiếng Việt, không dựa vào, hay không cần biết đến, mẫu tự Latinh A-B-C. Thí dụ: Quảng Đông có 9, Hakka thường có 6, một vài nhóm có đến 7 thanh âm, Quan thoại chỉ có 4. Chúng tôi hy vọng sẽ trở lại vấn đề này, đặc biệt quan sát các từ thường gọi Hán Việt, vào một dịp khác. Trong những bối cảnh khác, 'tiền đề' có thể xem như chia sẻ chung ý niệm với 'định kiến', hay khuynh hướng 'bảo thủ'. Sự thật, rất khó gạt bỏ quan niệm thông thường cho rằng 'định kiến' hoặc lối suy nghĩ bảo thủ, chính là một trong những bản năng thiết yếu của loài người, giúp kiến tạo nền móng xã hội vững chắc. Tuy nhiên, cũng không thể chối bỏ tiến bộ của cá nhân hay nhân loại lại cũng tùy thuộc vào cải tiến dựa trên hiểu biết mới hoặc xem xét lại những định kiến hay lối suy nghĩ bảo thủ đã có từ trước. Trong lãnh vực khoa học, việc xem xét và kiểm chứng tiền đề, từ lâu vẫn là một thứ thao tác đứng hàng đầu. NN Tháng 8-2005 Ghi Chú [1] Stephen Oppenheimer (2001) Eden in the East - The Drowned Continent of Southeast Asia. Phoenix (Orion Books Ltd). (Hiện đã được dịch ra tiếng Việt, và xuất bản tại VN) [2] David G. Marr & A.C. Milner (Ed.) (1986) Southeast Asia in the 9th to 14th centuries. Institute of Southeast Asian Studies – Singapore & Research School of Pacific Studies – ANU Canberra. [3] Võ Mai Phương (Chu Thái Sơn chủ biên) (2005) Người Dao. Nxb Trẻ [4] Ngô Sĩ Liên và cộng sự (1497). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Thanh Việt và Phạm Ngọc Luật hiệu đính theo bản dịch của Đào Duy Anh. Nxb Văn Hoá Thông Tin (2004). Bản của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam được trình bày đầy đủ trên mạng internet: perso.wanadoo.fr/charite [5] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu, tái bản tại Hoa Kỳ. [6] Giu-đà - Ki-Tô = Ju-đà & Kitô = Judaism Christianity. Để ý ‘Judaism’ chính là từ phiên âm tiếng địa phương, phiên âm tiếp sang tiếng Hoa là 'Yu Tai'. Sang tiếng Việt: Do-Thái. Một lần nữa, ta thấy biến chuyển qua lại giữa âm [Y] và âm [J] - như đã trình bày trong một bài trước (số 9) - khởi đầu khi còn ở bên Tàu. Người Hẹ có thể phát âm 'Jo-Thai' hay 'JuThai', hoặc 'Yu-Tai' tương ứng với quan thoại 'Yu-Tai'. Sang tiếng Việt các tôn sư quốc ngữ dùng vần chữ /D/: Do Thái. Phía Bắc có thể phát âm theo một lối Hẹ: Jo Thái (Dzo Thái), và phía Nam xử dụng kiểu kia, cũng thể hiện trong tiếng Hẹ và nhiều phương ngữ tiếng Hoa, dùng âm [Y]: Yo-Thái. Theo thiển ý, chữ ‘D’ do các tôn sư quốc ngữ đề ra, có lẽ để hoá giải việc phân cực giữa âm ‘Dz’ và ‘Y’, mà chính các nhóm Hẹ cũng phát âm khác nhau như vậy. Do đó, khi gặp những từ ký âm bắt đầu bằng chữ ‘D’, người Việt tùy ý chọn lựa lối phát âm, phù hợp với thói quen ‘thị tộc’ mình từ ngàn xưa. Hiện tượng tôn sư quốc ngữ thu gọn 2 âm cũ thành 1 âm qua 1 cách đánh vần dzuy nhất còn được thể hiện qua: ‘Lưu’ dùng cho ‘Liu & Lau’; Âm chữ ‘V’ cho 3 thứ: ‘W’ (con Woi), ‘V’ (theo kiểu Lạc Việt và Hakka): văn chương, và ‘By’ theo rất nhiều phương ngữ Bách Việt: đi byào & byách tường (đánh vần theo chữ Nôm tương ứng bằng âm [B]); v.v.

163


[7] Quân Mông Cổ thua trận tại Việt Nam, Mã Lai và Nhật Bản, có lẽ một phần vì họ không quen thủy chiến. Hay không bằng hên, tại Nhật đoàn thuyền chiến của quân Mông Cổ bị bão tố làm đắm chìm trước khi đến Nhật. [8] Ngay cả dân tộc thường tự hào thuần chủng nhất thế giới, người Nhật, vẫn biết rõ họ là một hợp chủng giữa tộc Jomon và Yayoi, với người Ainu trong bối cảnh. [9] Donald G. McCloud (1995) Southeast Asia. Tradition and Modernity in the Contemporary World. Westview Press, Inc. (Boulder - Colorado) [10] Y như chiến tranh giữa người Zo Thái và Á rập. Hai giống người này vào thời Abraham, chỉ là một chủng người. Tiếng Anh có từ miêu tả chung cả người Yo Thái lẫn Á rập, là Semites. Anti-semitism mang 2 nghĩa có vẻ tương phản nhau: Chống Do Thái, hoặc: Chống Á rập. [11] Có thể viện dẫn rất nhiều từ vựng, cho thấy liên kết giữa tiếng của miền Hoa Nam với tiếng Việt, và tiếng Mã Lai, ít nhất trong việc nhiều từ có cùng chung một gốc với nhau. Thí dụ: * Mất (chết) => Mok (Hẹ) => Mati (Mã Lai). * Quê= Làng => gKue (Phúc Kiến) => Kẻ/ Kuel (Việt/Mường) => T'lang (Mã Lai). * Cẳng/chân=> Ka-tui (Phúc Kiến, tui <=> túc) => Kaki (Mã Lai) => Kaat (Chăm-pa) => Jeung (Cam-bốt). * Cây (gỗ) => Ki (Nhật) => Ki (Kha) => Kayu (Mã Lai) => poKok (Mã Lai) * Béo / Mập => Bui (Phuc Kiến) (= phì) => Besar (Mã Lai) (=Bự) => leMak (Mã Lai) * Ô / Dù => Yu-san (quan thoại) => hOh-san (Phúc Kiến) => paYung (Mã Lai) [12] Lịch Đạo Nguyên (chú); Dương Thủ Kính & Hùng Hội Trinh (sớ); Đoàn Hy Trọng (điểm hiệu); Trần Kiều Dịch (phúc hiệu) (1999) Thủy Kinh Chú Sớ. Nguyễn Bá Mão (dịch). Nxb Thuận Hoá. [13] Khu vực khai quật Liangzhu (Lương Chúc) { 梁祝 } tức Hàng Châu ngày nay, gần Thượng Hải, thuộc tỉnh Chiết Giang cho thấy đã có ở đó một nền văn minh khá cổ (33102250 TCN). Lương Chúc nằm trong địa bàn chủng Yue và có đề nghị cho rằng, cư dân cổ thời ở đó là tiền bối của dân Tam Miêu tức người Miêu-Dao (Hmong-Mien) sau này. Khai quật ở Liangzhu cho thấy dấu vết chữ viết, xưa dùng để tiên đoán thời tiết. [14] Lộn xộn trong phân loại trong tiếng Việt: Ngày trước, nhiều học giả xếp tiếng Việt trong nhóm Môn-Khmer, thuộc khối Nam Á. Bây giờ đổi thành Việt Mường. Theo thiển ý, vẫn chưa được chính xác. Bởi theo luận cứ, và chứng cớ trình bày trong loạt bài này, tiếng Việt thuở ban sơ chính là tiếng Môn Khmer. Người bản địa thời xa xưa có thể gồm 2 tộc Môn Khmer và Thái cổ. Về sau, vào thời Xuân Thu Chiến quốc, có thêm gia nhập của các đợt chủng Thái cổ (Âu), Cửu Lê, rồi nhiều nhóm Lạc Việt từ vùng bờ biển phía Đông nước Tàu. Rất nhiều từ vựng của các nhóm Âu và Lạc đã trở thành tiếng Nôm, và tiếng Hán. Một phần lớn người Việt thuộc chủng Thái cổ và Việt cổ (Thái nhiều hơn Việt) sống biệt lập ở miền rừng núi, hợp chủng với dân đen tử đảo và dân nêgritô, lâu ngày trở thành người Mường. Theo thiển ý, tiếng Việt phần chính là giao tác giữa tiếng Môn-Khmer, Âu, Lạc và các thứ tiếng 'Bách Việt' ở miền Hoa Nam. [15] L. Sagart (2001) Gan, Hakka and the formation of Chinese dialects. Centre de Recherches Linguistiques sur l'Asie Orientale. Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales (UMR 8563 du CNRS) Paris - France [16] Trong phần chứng minh 'Hẹ= Việt cổ', chúng tôi đã cố gắng áp dụng lối so sánh kiểm chứng của các nhà ngôn ngữ học, truy tầm những điểm đặc trưng có chung, hoặc những 'đổi thay chia sẻ', giữa tiếng Hẹ và Việt. Thí dụ: Mất (Chết) <=> 'Mok'. 'Gà Mái' <=> 'Gai Ma'. 'Chúng tôi /Chúng ta'. 'Châu & Chu'. 'Vách & Biách'. Âm V. Âm 'Dz & Y' có trong tiếng Hẹ và Việt, v.v. để hỗ trợ cho nhiều luận cứ khác dẫn đến đẳng thức: Một bộ phận của khối Lạc Việt = Hẹ cổ. 164


[17] Khuyết Danh (1377-1388) Đại Việt Sử Lược. Bản dịch của Nguyễn Gia Tường. Nhà Xuất Bản Thành Phố HCM. Bộ Môn Châu Á Học Đại Học Tổng Hợp TP.HCM. [18] Jeanne Cuisinier (1946) Les Mường, Géographie et Sociologie humaine. Université de Paris. [19] Thuyết Mã Lai (Proto Malay & Deutero Malay) được đề xướng bởi hai anh em bà con chú bác Fritz Sarasin & Paul Sarasin.

165


Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (12): Lạc Việt từ xứ Mân Trong một bài trước, chúng ta đã thử xem lại ảnh hưởng rất quan trọng của các thứ tiền đề trên mọi nghiên cứu và viết lách về những vấn đề liên hệ đến cổ sử, văn minh và văn hoá. Đặc biệt để ý đến lối suy nghĩ của nhiều người Việt, đặc biệt giới ê-lít nói chung, từ xưa đến nay thường dễ vướng phải sức nặng của hai khối tiền đề to tát của người Tây Phương và Trung Hoa, và cách thức làm việc vẫn chưa đạt được mức đòi hỏi thông thường của khoa học là thỉnh thoảng cần phải đánh giá lại tính xác thực của các thứ tiền đề đó. Chỉ ở nhận xét có vẻ khá thường tình này thôi, chúng ta có thể dựa vào đó để giải thích được rất nhiều hiện tượng lịch sử nước Nam, và chúng tôi đã mạo muội thử bắt đầu bằng việc xem lại và giải mã truyền thuyết Âu-Lạc, từ ngàn xưa vẫn gây nhiều ngộ nhận. Trong bài này, chúng ta thử xem xét một sự khác biệt lớn giữa tư dzuy cơ bản của người Hoa và Việt, mà tiền nhân từ xưa vì không để ý đến tiền đề, và có thể không được trang bị đầy đủ lối suy nghĩ độc lập, nên đã nhập khẩu mô hình của Hoa tộc, đem gán vào hoàn cảnh khác biệt của nước Nam. Cũng có khả năng, lối suy nghĩ thiếu thốn tính cách độc lập đã do chính người Hoa, hoặc người Ấn, áp đặt hoặc gây ảnh hưởng sâu đậm lên rất nhiều tộc người ở khu Đông Nam Á, từ Myanmar đến Việt Nam, Mã Lai Á, v.v., qua hằng ngàn năm đối tác chính trị và chịu ảnh hưởng văn minh với nhau. Sự khác biệt lớn đó nằm chính giữa 'truyền thuyết Âu Lạc giải mã' ở đây. Khác biệt đó chính là khác biệt về phân biệt giữa Hoa tộc với người dân tộc ở bên Tàu, với phân biệt giữa người Kinh và các loại người dân tộc ở Việt Nam, hay ở Myanmar, ở Thái-Lan, v.v. Nói nôm na theo kiểu toán học, nếu dùng X để chỉ thước đo phân biệt giữa Hoa chủng và một nhóm người dân tộc nào đó ở bên Tàu, như người Hmong, người Choang chẳng hạn. Và gọi Y, thước đo khoảng cách giữa người Kinh và một nhóm người dân tộc nào đó tại Việt Nam (thí dụ: người Mường, Tày, Bahnar, Mạ, v.v.). Theo lối hoàn toàn dựa vào mô hình của Trung Hoa, từ xưa đến nay, ta có: * X=Y Có nghĩa nếu rập khuôn theo sát mô hình Tàu, khác biệt giữa Hoa chủng và các thứ người dân tộc bên Tàu, sẽ y như khác biệt giữa người Kinh và các dân tộc ít người tại Việt Nam. Nhưng nếu dựa vào 'truyền thuyết giải mã', hoặc xem lại tiền đề, ta sẽ thấy rất rõ: * X khác Y. Đặc biệt: X > Y tức X khác với Y, rất nhiều, và luôn luôn X lớn hơn Y. Có nghĩa: khác biệt về giên, hay tộc chủng, giữa Hoa chủng thuần túy tập trung ở vùng Hoa Bắc với các nhóm dân tộc miệt Hoa Nam, lớn hơn khác biệt tương tự, giữa người Kinh và Dân tộc ở nước Nam. Tại sao vậy? Bởi người dân tộc khắp nơi ở nước Tàu, đặc biệt Hoa Nam, từ ngàn xưa đã mang giên khác với Hoa chủng. Những người lên núi rừng mà sống, tạo nên người dân tộc ngày nay, chính là người bản địa Hoa Nam ngày xưa, luôn từ chối hoà mình hoà hợp với Hoa tộc 'mới' và cũ, sinh sống ở vùng đồng bằng thành thị. Trong khi tại Việt Nam, người Kinh có trong người ít nhiều huyết quản và giên của những nhóm người dân tộc, bởi tuyệt 166


đại đa số người Kinh thuộc vào ba bốn chủng chính, bao gồm: Âu tức Thái cổ, Lạc tức Việt cổ, và vài nhóm bản địa như Môn, Khmer, và Thái cổ. Những chủng này đều là những chi chủng tiền bối, đã truyền 'giên' lại cho những nhóm người dân tộc. Những nhóm người ban đầu từ chối việc hoà mình với thế lực phong kiến Bắc phương. Qua tiến trình lịch sử họ giữ lại lối sống thời bộ tộc xa xưa, để rồi sau hằng trăm hằng ngàn năm, xã hội và nếp sống của họ trở nên khác biệt với người Kinh. Đọc lại lịch sử nước Nam trong suốt thời Bắc thuộc, chúng ta thấy rất nhiều cuộc nổi loạn do người Việt ở vùng rừng núi khởi xướng, chống với thế lực đô hộ Bắc phương. Quan đô hộ Bắc phương thường gọi người nổi loạn, người Man, bởi đối với họ bất kỳ đám rợ nào không phải Hoa chủng, ở miền Hoa Nam và sâu xuống, nhất là ở miền rừng núi, họ đều gọi Man. Người ở vùng kinh đô, dưới quyền cai trị trực tiếp của đám Bắc phương, do đó dễ có khuynh hướng bắt chước các quan phương Bắc, và gọi Mán. Nhưng lộn xộn có lẽ thật sự bắt đầu với những cuộc di dân xảy ra vào những thời sau những đợt di dân ban đầu thời tiền sử. Sau nhiều thế kỷ. Những đợt di dân thời sau, cũng do ở giặc giã loạn lạc bên Tàu, xảy ra sau khi nước Nam đã tạo dựng được một xã hội 'nước nhà', khoảng cuối đời nhà Đường bên Tàu, và chuyển tiếp giữa Tiền Lê qua nhà Lý tại xứ Việt. Khối người di tản đến sau đó, trừ các thành phần ê-lít và thương gia, tiêu biểu qua thị tộc nhà Lý và nhà Trần, đều có khuynh hướng lên thẳng miền rừng núi để định cư. Bởi chỉ có nơi đó mới còn đất trống, và phù hợp với nếp sống cũ của họ thời còn ở pên Tàu. Mặc dù huyết tộc của họ rất có khả năng cùng thứ với nhiều người Kinh. Cộng với biến đổi xã hội và nếp sống, cũng như khuynh hướng người Nê-gri-tô và người-đa-đảo thích sống chung với người miền rừng núi hơn vùng Kinh, lâu ngày có sự phân cực Kinh và Thượng, hoặc Kinh và Mán. Nhưng sự phân cực Kinh - Dântộc, nếu nhìn kỹ, khác rất nhiều với 'khoảng cách' giữa Hoa chủng và các cộng đồng dân tộc tại Trung Hoa. Việc phân biệt khá tế nhị này thật ra sẽ đưa đến một chiếc chìa khoá giúp mở được nhiều cánh cửa hết sức gút mắt trong nhiều trang sử sách của vùng Đông Nam Á. Trong đó có luôn cả vấn đề tiếng Việt, tiếng Hán, và tiếng Nôm. Tại Việt Nam, số người dân tộc chiếm khoảng 13% (mười ba phần trăm) tổng dân số. Trong khi tại Vân Nam và Myanmar, tỉ số này lên đến 33%, tức 1/3 (một phần ba), và tại Thái Lan, 1/4 (25%). Tại Quí Châu, khoảng 1/3, đa số: Hmong, Buyi và Dong. Trong khi ở Quảng Tây: 2/5 (40%), đa số người Choang, xưa bà con gần với người Nùng ở Việt Nam, thuộc chủng Thái-cổ. Theo [2] phân biệt giữa người Kinh và các dân tộc ít người, sinh sống ở miền rừng núi khác nhau tùy theo từng quốc gia. Người Trung Quốc gọi họ 'người dân tộc' và luôn khuyến khích họ gìn giữ tập tục và văn hoá cổ truyền. Bởi thật ra Hoa chủng thuần túy (hồi xưa ở phía Bắc) khác xa với người dân tộc ở miệt Hoa Nam. Người Thái Lan gọi họ 'những bộ lạc miền đồi núi' và có chính sách bao hàm lối sống của họ vào lối sống của người Thái. Chính quyền Myanmar lại khác, họ gọi dân ít người, 'quân phiến loạn', và đối xử với họ y hệt như đối xử với quân phiến loạn thực thụ. Mô hình dân tộc ít người ở Myanmar và Thái Lan, thật ra, giống mô hình Việt Nam hơn mô hình Tàu. Tức khi xưa dân Kinh và Thượng tại các nước này rất có khả năng, có bà con họ hàng với nhau. Mô hình người dân tộc theo luận thuyết ở đây thật ra chỉ phản ánh, một trăm phần trăm, truyền thuyết Âu Cơ và Lạc Long Quân, theo hai bản Mường-Việt tổng hợp. Nhóm người dân tộc nguyên thủy ban đầu chính là đám con đi theo bà Âu Cơ, lên rừng núi sinh sống sau khi chia tay với cụ Lạc Long Quân. Hoặc nếu theo cổ sử, người dân tộc ban đầu có một phần là đám dân quân đi theo Thục Phán. Theo thiển ý, từ xưa đến nay rất nhiều người Việt 167


thường lướt qua điểm căn bản này trong truyền thuyết Âu Cơ, do những nguyên nhân chính như sau: (i) Không để ý đến sự khác nhau trong bản chất của mô hình dân tộc Tàu và Việt; (ii) Đối với thế lực đô hộ của người Hoa, họ chỉ truyền bá có một mô hình, của riêng họ mà thôi. Người bản địa ưa dễ dãi áp dụng mô hình của quan thầy Bắc phương; (iii) Người Âu Mỹ, qua giới học giả, thông thường cũng thích chấp nhận mô hình của Tàu hơn bất cứ mô hình nào khác. Bởi mô hình của Tàu rất giống với mô hình thực dân Âu Châu, đi chiếm đất khắp nơi trên thế giới làm thuộc địa, rồi đẩy người dân bản địa lên vùng rừng núi xa xăm, trở thành dân tộc ít người. Đó là trường hợp các xứ như Tân Tây Lan, Ca-na-đa, Ô-xtrây-ria (Úc), Hoa Kỳ, v.v. Ở các quốc gia này, giên người dân tộc hoàn toàn khác với giên thực dân hồi xưa, và khối dân đa số làm chủ, ngày nay. Thật ra, theo thiển ý, rất ít học giả Đông Nam Á để ý đến vấn đề này, bởi tuyệt đại đa số theo Tây học nên dễ tiêm nhiễm mô hình Âu Tây. Điểm chính giữa của mô hình này là người thành thị và người dân tộc có 'giên' hoàn toàn khác nhau. Rất đúng với Canada, Úc, Tân Tây Lan, và ngay cả Tàu Hoa Bắc. Nhưng rất khó chính xác đối với đa số các nước ở Đông Nam Á. Phân biệt được điểm hết sức cơ bản này, sẽ giúp ta thấy rõ vấn đề lịch sử, ngôn ngữ, văn hoá, tập tục, v.v. của rất nhiều dân tộc khắp miền Đông Nam Á. Trong đó có Việt Nam. Cũng từ phân biệt khá tế nhị này, chúng ta cũng có thể tìm được câu trả lời thỏa đáng cho nhiều vụ tranh cãi, từng kéo dài triền miên, lâu lắc. Xin đơn cử một vài thí dụ. Trước hết, vấn đề vật tổ 'totem' của dân Việt Nam. Có người cho rằng đó là con rồng. Bình Nguyên Lộc [3] dựa theo các truyền thuyết người Mường (theo thiển ý, gốc 'Âu Việt'), cho rằng 'con nai' mới là totem. Trần Quốc Vượng (dẫn trong [4]) cho đó là con chim, v.v.. Nhưng nếu theo mô hình hợp chủng ở đây, sát với truyền thuyết Âu Cơ, ta sẽ thấy bởi là dân hợp chủng, người Việt cổ, cũng như nhiều dân tộc khác ở Đông Nam Á, đã không hề nhất thống được thứ nào là 'totem' chung của dân tộc hết. Bởi thật ra khi dân tộc Việt Nam được hình thành, vấn đề 'totem' đã quá 'đát', quá ngày 'use by', và trở nên không cần thiết so với nhiều vấn đề khác cấp bách hơn. Thí dụ khác, về 'xuất xứ'. Nhiều dân tộc trên thế giới rất thích cho rằng dân mình đặc biệt, do Thượng Đế gởi xuống trái đất để làm rạng danh nhân loại. Từ đó dẫn đến ý niệm thuần chủng, từ thời tạo dựng quốc gia, hay ngay cả tạo thiên lập địa. Phối hợp với một tiền đề quan trọng của Tây Phương, tự nhiên dính liền với 'nguồn gốc' của rất nhiều dân tộc. Đó là tiền đề tất cả loài người xuất phát từ một chỗ, từ khuôn viên địa đàng của ông Adam và bà Eve, theo truyền thống Juthái-Kitô. Từ đó, chúng ta thấy rất nhiều khảo cứu ưa truy về điểm xuất xứ của dân tộc. Ưa xây dựng lí thuyết trên mô hình liên tục. Liên tục giữa tác giả của những nền văn minh khai quật được (thí dụ: Ngưỡng Thiều, Lương Chúc, Long Sơn, v.v.) với khối dân của quốc gia hiện có lãnh thổ bao gồm các địa điểm di chỉ đó. Từ điểm xuất xứ hoặc di chỉ, học giả phương Tây thường có khuynh hướng ấn định phương hướng di chuyển của cả một tộc người, giống như chuyện thánh Moses dẫn dân Jo-Thái ra khỏi xứ Ai Cập. Từ Tây sang Đông, hay ngược lại. Bắc xuống Nam, hay Nam lên Bắc. Thí dụ cụ thể nhất là thuyết Mã Lai. Theo đó chỉ có 2 đợt người di tản cùng một chủng xảy ra, đợt trước - đợt sau, cách nhau 2500 năm. Họ dừng chỗ này thành dân tộc này, dừng chỗ kia thành dân tộc kia, rồi sau cùng đóng lều cắm trại tại hai xứ Inđô-nêxia và Mã Lai, rồi tạo dựng nên hai nước này. Lý thuyết giải mã ở đây đưa đến một góc nhìn mới. Theo cơ sở lí luận ẩn chứa trong ‘truyền thuyết giải mã’ ở đây, đa số các dân tộc ở Đông Nam Á đều là kết quả của 168


hợp chủng. Nếu có một số từ vựng hoặc ngữ pháp, hoặc điểm đặc trưng văn hoá, giống y hệt nhau giữa dân tộc A và B, ta chỉ nên khảo sát giả thuyết có vẻ hợp lý nhất là hai dân tộc A và B đều chia sẻ hay có chung, ở thời xa xưa, một tộc người nào đó, tạm gọi X, như thành tố của hợp chủng. Thành tố chung cho hai hợp chủng A và B, tại hai quốc gia khác nhau. Tộc X đã có số từ vựng hoặc các điểm đặc trưng văn hoá đó. Phản ánh đến ngày nay, qua hai dân tộc A và B. Thí dụ: (a) Dân Mã Lai, người Hakka (Hẹ), và người Việt nói 'chết' hay 'qua đời' bằng, tuần tự, [mati], [mok] và [mất]. Theo khuynh hướng của các lí thuyết thông thường, người ta đặt ngay giả thuyết dân Mã Lai là thủy tổ dân Việt, người Hẹ, hoặc dân Việt là nguồn gốc dân Mã Lai. Nhưng theo góc nhìn mới kiểu ‘truyền thuyết giải mã’, ta có thể đặt câu hỏi khác đi: ‘Phải chăng đã có một tộc người nào đó nằm trong 3 tộc người ngày nay khác nhau: Hakka, Việt Nam và Mã Lai, hồi thời xa xưa ưa dùng một từ có âm giống như [mất] để tả ‘sự chết’. (b) Cả dân Mã Lai và Việt Nam, đều có ngạn ngữ y như nhau: 'Chuột sa hũ nếp', ngụ ý 'người nghèo sung sướng vì tìm được tiền bạc của cải dễ dàng'. Theo thuyết xưa, người ta nghĩ đến hoặc Mã Lai hoặc Viêt Nam, chủng này đã là gốc gác của chủng kia. Nhưng theo thuyết ở đây, câu hỏi sẽ là ‘Phải chăng có một tộc nào đó, xưa đã đóng góp, cùng nhiều chủng khác và ảnh hưởng các văn minh khác, tiến tạo nên hai tộc khác nhau Mã Lai và Việt Nam. Tộc ‘đóng góp’ này trước đó, đã có thói quen ví người nghèo tìm gặp của cải, với chuyện 'chuột sa hũ nếp'. (c) Tại Việt Nam đôi khi người ta có thói quen gọi ‘Vợ tôi’ (hay ‘Chồng tôi’) bằng ‘Nhà tôi’. Tại xứ In-đô-nê-xia, ‘nhà tôi’ họ gọi: ‘Rumah Saya’. ‘Vợ tôi’ gọi bằng ‘Istri Saya’. Rất nhiều khi tại Inđônêxia, người ta cũng hay dùng ‘Rumah Saya’ (=nhà tôi) để chỉ ‘bà boss’ tức ‘Vợ tôi’. Khảo cứu nguồn gốc dân tộc theo kiểu ở đây sẽ bắt đầu phân tích trên căn bản rằng hai tộc Inđônêxia và Việtnam, thời xưa có chia sẻ chung một 'thành phần tộc người' nào đó, mang thói quen xem vợ như ‘bà chủ của tổ ấm trong nhà tôi’, tức ‘chủ nhà tôi’. Rồi dẫn đến việc dùng 'nhà tôi', hay 'rumah saya' như ở Inđônêxia, để chỉ 'vợ tôi' [5]. (d) Dân Phi-líp-Pin, dân Thái Lan, Lào, Việt có món hột vịt lộn. Ngày trước, ít người để ý bởi không có giả thuyết nào nói dân này là nguồn gốc dân kia. Nhưng với 'truyền thuyết giải mã' nhấn mạnh ở chuyện hợp chủng, ta có thể đặt ra một giả thuyết: ‘Phải chăng, trong ba bốn dân tộc thích chơi món 'balut' (trứng vịt lộn) đó, có một thành phần tộc người nào đó đã phát minh ra cái món này, ở thời xa xưa, trước khi họ di tản đến mấy cái xứ đó. Thành phần tộc người này đều hiện diện trong lòng dân tộc các xứ ưa ăn món 'hột vịt lộn' đó.’ (e) Phân tích về ngôn ngữ cũng có thể dựa vào lý thuyết này, và tiền đề ẩn tàng chính là: Ngôn ngữ A của dân tộc A ngày nay là một hỗn hợp của ba bốn thứ tiếng nói của các thị tộc hay chi tộc người, ngày xưa đã góp phần chủ lực trong việc tiến tạo dân tộc A ngày nay. A=X+Y+Z Thí dụ: A = tiếng Việt ngày nay; X = tiếng Môn-Khmer cổ; Y = tiếng Thái cổ; Z = tiếng Lạc Việt cổ, bao gồm tiếng Lạc Sơn Đông (Hẹ cổ), tiếng Ngô-Việt (GiangTô / ChiếtGiang), tiếng Mân Việt (PhúcKiến / TriềuChâu), v.v. Tức chúng ta có thể suy luận về cấu tạo nguyên thủy của ngôn ngữ qua lí thuyết mới, và ngược lại dùng phân tích đóng góp từ vựng hay cú pháp, thanh âm của từng nhóm chi tộc, vào ngôn ngữ, để kiểm chứng lại lí thuyết hợp chủng đó. Những điểm đặc trưng về văn hoá và từ vựng, cú pháp cũng giống như chất phẩm màu dùng trong thí nghiệm để theo dõi di động của một chất lỏng trong cơ thể con người, hoặc thẩm 169


thấu xuống đất di chuyển đến một nơi khác. Cũng giống như câu chuyện đăng trên nhiều báo dạo trước (xem [12]) kể một kỹ sư Việt đi công tác tại miền quê đâu đó ở Phi Châu, tự nhiên nghe một thanh niên bản xứ cất giọng ca 6 câu vọng cổ mùi tận ruột. Hỏi ra, mới biết thanh niên này có nửa giòng máu Việt. Hay ở vào thế kỉ 21 này, nếu đi ngang một khu hoàn toàn chỉ có người Mỹ da trắng, tại một thành phố nào đó ở Hoa Kỳ, ta thấy phảng phất mùi Phở đâu đấy. Nhìn quanh để tìm điểm xuất xứ mùi Phở, nếu thấy từ nơi xuất phát hương vị phở bò, có một thanh niên trông như dân Mỹ chuyên nghiệp, nhưng nhân dạng, nhất là tóc đen, cho thấy anh ta có vẻ Âu lai Á, ta có thể đoán được hoặc Cha hay Mẹ thanh niên này, là một người Việt Nam. Thử quan sát trở lại đẳng thức về hợp tộc của người Việt Nam: Việt Nam = Âu Việt + Lạc Việt // Môn-Khmer + Đa đảo + Nêgritô Trong đó, Âu Việt chính là chủng Thái, thời cổ đại, có địa bàn rất rộng từ Ngũ Lĩnh xuống tận biên giới Việt Hoa. Phía Tây, từ khu vực Tứ Xuyên, cho đến đất Đông Việt, tức Giang Tây ngày nay. Tộc Âu Việt cũng chứa hằng trăm chi tộc lớn nhỏ khác nhau. Lạc Việt, bao gồm những thứ Việt xưa sinh sống ở vùng ven biển phía Đông. Từ trên xuống dưới, gồm có:  Nhóm Bách Bộc, hay Bộc Việt, hoặc Lạc ở Sơn Đông, xưa có địa bàn vùng sông Bộc thuộc tỉnh Hà Nam - Sơn Đông ngày nay. Sông Bộc chảy qua thành phố Bộc Dương (Puyang), thủ phủ tỉnh Hà Nam, kinh đô nước Vệ thời Xuân Thu Chiến quốc, và cái nôi của nền văn minh Hán tộc ngày xưa. Nhóm Lạc Việt này là một nhóm du mục lâu đời nhất nhì của Trung quốc. Trong 3 bài liên tiếp chúng tôi đã minh giải hậu duệ của họ chính là người Hakka, tức Hẹ, ngày nay. Và triều đại nhà Lý ở nước Nam, đã xuất thân từ nhóm Bách Bộc này. Điểm đặc trưng của nhóm Yue này chính ở chỗ họ là nhóm Yue sống gần gũi với Hoa tộc nhất, ở miệt Hoa Bắc, ngay từ thời xa xưa. Họ cũng sống rất gần và mang nhiều ảnh hưởng qua lại với nhóm Hmong-Mien tức Miêu-Dao, từ xưa đến nay. Nhóm Hmong-Mien ngày nay tập trung đông nhất (khoảng 8 triệu) tại tỉnh Quí Châu, gần Hồ Nam. Xưa, Quí Châu chính là xứ Dạ Lang. Và ở khu vực nội địa, nhóm Hmong-Mien sống gần gũi với nhiều nhóm người hậu duệ của tộc Thái-cổ.  Nhóm Ngô Việt, tập trung tại hai tỉnh Giang Tô và Chiết Giang ngày nay. Sử cổ nổi tiếng về Ngô Việt chính là chuyện Việt Vương Câu Tiễn chịu nằm gai nếm mật suốt 10 năm để đánh bại vua Ngô là Phù Sai. Những nhân vật sử Việt có gốc gác miền Ngô Việt phải kể đến: Hồ Quý Ly (nhà Hồ) và Quang Trung Nguyễn Huệ (Tây Sơn) [13]. Tuy nhiên, nếu so sánh với thời nhà Lý, gốc Bộc Việt, và nhà Trần, gốc Mân Việt, nhà Hồ và Tây Sơn khá ngắn ngủi, và thiết lập mãi về sau. Do đó ảnh hưởng của phương ngữ Ngô trên tiếng Việt, không lớn lao bằng ảnh hưởng của hai nhóm kia, Bộc và Mân.  Nhóm Mân Việt, từ tỉnh Phúc Kiến ngày nay. Đối với Hoa kiều ở Đông Nam Á, tộc Mân ngày nay bao gồm hai chi lớn: Triều Châu và Phúc Kiến. Riêng tiếng Phúc Kiến, cũng có đến cả chục thứ phương ngữ khác nhau. Đất Mân chính là quê hương của triều đại nhà Trần ở nước Nam, có công lớn trong việc đánh bại quân Nguyên. Cả hai nhóm Âu và Lạc hợp chủng với nhau trên nền tảng dân bản địa sẵn có, bao gồm: Môn-Khmer, tộc Thái cổ có mặt từ ngàn xưa [6], và các giống Đa đảo (Polynesian) & Hắc đảo (Melanesian) cũng như Nêgritô, thấp người tóc xoăn, người Tàu thường gọi 'hắc nụy'. Cả hai nhóm Đa đảo và Hắc nụy cũng có mặt ở Tàu vào thời cổ đại.

170


Trong một bài trước, chúng ta đã khảo sát khá kỹ về đóng góp của tiếng Hakka (Hẹ) trong tiếng Việt. Trong bài này, và một bài sau, chúng ta hãy xem qua góp phần của tiếng Ngô & Việt, người Tàu thường gọi phương ngữ Wu (còn gọi 'U'), tức Ngô (吳), và góp phần của tiếng Mân Việt tức phương ngữ Min {闽}, hoặc Phúc Kiến-Triều Châu, vào tiếng Việt của người nước Nam. Trung tâm của phương ngữ Wu (Ngô), hiện nay có lẽ là thành phố Thượng Hải. Trung tâm tiếng Mân chính là Phúc Châu, tỉnh lỵ của Phúc Kiến. Cả hai phương ngữ Ngô và Mân, mỗi thứ đều có hằng chục tiểu chi phương ngữ khác nhau. Theo kết quả của ngành khảo cổ, tóm tắt trong [7], dân cư tại xứ Mân ngày trước không chuyên nghiệp với ngành trồng lúa. Họ sống bằng nghề đánh cá, bắt tôm. Người họ mắt to, mũi thấp và có tục xâm mình. Mân Việt có lẽ được Hoa chủng ở Bắc phương biết đến nhiều sau khi nước Việt, của Câu Tiễn năm xưa, bị nước Sở đánh bại và sát nhập vào năm 333 TCN. Hoàng thân quốc thích và dân chúng nước Việt di tản về, và xin nhập cư, tại xứ Mân. Mân Việt sau đó duy trì địa vị như một vương quốc, cho đến khi bị nhà Tần ra lệnh hủy bỏ. Sau đó đến khi Hán Sở tranh hùng, lãnh tụ Wuzhu của xứ Mân gởi quân hỗ trợ cho phe Hán, nên khi Liu Bang bình định được nước non, ông bèn trả ơn bằng cách cho Mân nâng cấp trở lại như một tiểu quốc chư hầu Hán triều. Về sau, khi Wuzhu đã qua đời, xứ Mân vẫn giữ truyền thống gây hấn quân sự với các nước láng giềng, đặc biệt xứ Đông Âu (Đông Việt), cho đến khi triều đình nhà Hán thấy đó là một mối nguy cơ cần phải dẹp sớm, nên ra lệnh cho Phục Ba tướng quân Lộ Bác Đức đem một đoàn quân xuống dứt điểm Mân Việt, và Nam Việt, vào năm 111 TCN. Sau thời đại nhà Hán, dân di cư rầm rộ từ phía Bắc tràn xuống phía Nam sông Dương Tử, chia làm hai đợt: Đợt thứ nhất, liền sau khi nhà Hán tan rã. Khu vực xứ Mân chính là nước Ngô của Tôn Quyền, thời Tam Quốc, thay thế nhà Đông Hán cai trị Nam Việt (bao gồm xứ Việt cổ), và đã tách Nam Việt xưa thành hai phần: Quảng Châu (Lưỡng Quảng) và Giao Châu (Bắc Việt). Đợt thứ hai, khi nhà Đường bước vào giai đoạn cáo chung. Tiếp đó là thời Ngũ Đại - Thập Quốc vào đầu thế kỷ thứ 10. Tàu bị loạn lạc tơi bời. Nhất là ở phía Bắc bị đám Ngũ Hồ xâm lấn. Di dân ào ạt tràn đến Hoa Nam. Đó là sử phía bên Tàu. Luôn luôn có thói quen không ghi chép, dân địa phương như người Mân, có chạy đi ra ngoài hay không, khi xứ sở họ bị nạn binh lửa, hay tràn ngập những người di cư từ các nơi khác đến. Cũng không bao giờ ghi chép những vụ di tản trước đó, trước khi Hoa tộc từ Hoa Bắc tràn xuống chiếm đóng và làm chủ Hoa Nam. Theo thiển ý: Có, dân chúng miền Hoa Nam chắc chắn đã di tản trốn khỏi xứ Tàu loạn lạc đó, trước, đang khi, và sau khi Hoa tộc tiến đánh, chiếm cứ miền Hoa Nam. Và những nơi người Mân Việt, hay người U Việt (còn gọi Ngô Việt), đã chạy đến chính là xứ Việt cổ và nhiều nơi khác khắp miền Đông Nam Á. Bằng đường biển lẫn đường bộ. Lý do đơn giản: Ngay từ thời xa xưa, trước cả thời Xuân Thu Chiến Quốc, đã có dấu vết một số bộ tộc thuộc khối Bách Việt sinh sống ở đó rồi. Nhất là người Bách Việt thuộc tộc Thái cổ và Môn Khmer. Sau đây chúng ta hãy thử kiểm chứng đóng góp của tiếng Mân và Ngô (bài sau) vào Việt ngữ qua một số điểm đặc trưng tiêu biểu. MÂN VIỆT Trước hết để ý, tiếng Mân, gọi nôm na vắn tắt là tiếng Phúc Kiến - Triều Châu, bao gồm rất nhiều phương ngữ khác nhau. Đại khái người ta thường chia hai khối: Bắc Mân và Nam 171


Mân. Nhưng phức tạp hơn, họ lập ra 5 phân loại: Bắc Mân, Trung Mân, Đông Mân, Xinghua, và Nam Mân (Min-nan). Trong đó khối lớn nhất là Nam Mân, thường bao gồm thứ tiếng Phúc Kiến xử dụng ở Taiwan, Hạ Môn (Amoy), Hải Nam, Triều Châu, và cộng đồng Hoa kiều tại nhiều nơi ở Đông Nam Á. Mỗi một phân loại của tiếng Mân thường có đến cả chục tiểu chi (phương ngữ) nữa. Thứ này khác với thứ kia một ít. Tiếng Mân, có 7 thanh âm khác nhau, so với quan thoại: 4, tiếng Việt: 6, Quảng Đông: 9, Thái/Mường: 5. Thanh âm, còn gọi: thinh, được thể hiện qua âm điệu trầm bổng lên xuống khác nhau, tùy theo 'dấu' như kiểu: không sắc hỏi ngã nặng huyền, của quốc ngữ. Đặc biệt, tiếng Triều Châu (Tiều), một phân chi của Mân, có đến 8. Những tử âm đầu quen thuộc của tiếng Mân, chi Triều Châu, gồm có: B, Bh, C (ts), D, G, Gh, H, K, L, M, N, NG, P, R, S (tức X - Việt), T, Z (Tch). Tử âm cuối, cũng giống nhiều phương ngữ miền Hoa Nam, và khác với quan thoại (chỉ có N và NG), bao gồm rất nhiều thứ: {p t k m n ng}. Đặc biệt, rất nhiều phân chi tiếng Mân, có âm cuối [nh] y như tiếng Việt: nhanh, lạnh, linh tinh, ... Thí dụ: * XuaNH (Pk)= Shan (qt)= Sơn= Núi. * TsêNH (Pk)= Lu (qt)= Luk (qđ)= Lục= Xanh (màu Xanh lục, green). 'Xanh' tiếng Việt (Nôm), như vậy rất có thể, xuất xứ từ tiếng Mân Việt: Tsênh hay Xênh. Bảng I: Tóm tắt các âm cuối {p t k m n ng} trong tiếng Việt âm p p t t k k k k m m n ng

Việt thiếp thập (10) luật vượt lạc (mất) ngọc túc (chân) mực chìm diêm (muối) kiến (gặp) hướng

Hẹ ziap zap lut jet lak ngiuk zuk met chim jam kian hiong

Quảng Đông tsip xaap leot yut lok yuk zeok mak zam (zhầm) jim jin hoeng

Quan Thoại gie Shi lu yue luo yu zu mo zhen yan jian xiang

Mân (PK) chhiap jap lut oat lak gek chiok bak sim iam hian hiong

Ghi Chú qt không p p => p qt không t t=> t (Mân) lac => lak k <=> k qt không k mực= mặc qt không m giam (Tiều) qt có 'n' qt có 'ng'

GHI CHÚ: Đặc biệt, tiếng Triều Châu: âm cuối 'NG' => BhuaNG (Biạn (Nam bộ))= Màn(Qđ)= Wan (Qt)= Vạn (Bắc bộ)= 10000). Các âm cuối thông thường {p t k m n ng} xin tóm tắt ở Bảng I phía sau. Bây giờ xin thử khảo sát những âm đầu quen thuộc:  [SH]: Âm [SH] như trong 'so sánh' cũng không có trong tiếng Mân. Giống như tiếng Quảng Đông, tiếng Mường, tiếng Thái Lan, Mân chỉ có âm [X], hoặc gần nhất, âm [TS], như [tsênh]= màu Xanh lục. Âm [SH] nói chung có vẻ rất 'hiếm' trong các phương ngữ ở Hoa Nam, dưới ảnh hưởng chủng Thái cổ, chỉ có âm [X]. Du nhập của âm [SH] vào tiếng Việt do đó, rất có khả năng, qua 'đường dây' nhóm Bách Bộc, hoặc Hakka (Hẹ), tức Lạc ở Sơn Đông, khi xưa sinh sống tại các địa bàn cực Bắc, gần gũi với Hoa tộc nguyên thủy (có âm 'SH').  [K]: Âm 'K' là một thứ tử âm đặc thù của tiếng Mân. Trong quan thoại kí âm pinyin dùng 'K' như: [keyi] (khả dĩ), [Kaifeng] (Khai phong), [kan] (khám), [kao] (khảo), [kun] 172


(khốn), v.v. rất thường là một thứ âm '[K]-hơi-thở'. Giống như [K] trong tiếng Anh: Kennedy, Kenneth, carry, v.v. lúc phát âm luôn có âm [h] nho nhỏ theo sát với [K]. Do đó khi chuyển sang tiếng Việt, ta để ý, [K] quan-thoại, biến thành [Kh] trong tiếng Việt, như trình bày phía trên. Đặc biệt, âm [K]-trơn, không hơi thở, giống âm tiếng Anh [k] trong: 'Skill' (kỹ năng), Skewer (cây xiên nướng thịt), school (trường học), skip (nhảy bỏ), thường tương đương với kí âm [J] của quan thoại: [jian] (kiến), [jie] (kiệt), [jin] (cận), v.v. Sang tiếng Việt, âm [J] đầu từ của quan thoại, đôi lúc mang khuynh hướng biến thành âm [K] trong tiếng Việt. Tra cứu tiếng Mân cho thấy biến đổi từ âm [K]quan-thoại, sang [KH] tiếng Việt, thường chia sẻ chung với tiếng Mân. Tương tự, âm [J]-quan-thoại, nếu biến sang [K] tiếng Việt, cũng biến y hệt qua âm tiếng Mân, tức Phúc Kiến. Tức tiếng Mân và tiếng Việt có một số 'biến đổi chia sẻ chung với nhau' nếu so sánh với quan thoại. Tuy vậy, cũng nên ghi nhận ở đây cả hai âm [K] và [KH] đều hiện diện trong các tiếng Myanmar, Khmer, và Thái-Lan ngày nay, tức đã có sẵn trong các thứ tiếng bản địa xa xưa: Môn-Khmer và Thái cổ. Bảng đối chiếu (II) sau đây cho thấy âm [K] và [Kh] tiếng Việt và Mân, thường giống nhau. Việt khán (xem) khoa (học) kim (vàng) khoái (lẹ) kim (cận/gần) cầu (kiều) kẻ (gả) kinh (đô) cố (cựu / cũ) số 9 (cửu) cậu (uncle) khổ (đắng) cương (cứng) khẩu (miệng)

Mân (PK) khan kho kim khoai kin kiau ga keng kou kau kiu khou kiong khau

Hẹ kan ko gim kwai kiun kiau ke gin gu giu kau ku giong keu

Quảng Đông hon fo gam faai gan/kan kiu găa ging gu gau kiu fu goeng hau

Quan Thoại kan ke jin kuai jin jiao jia jing gu jiu jiu ku jiang kou

Ngô (Wu)

Ghi Chú

khO kh U txing khua txing txiO ka txing ku txiw txiw khu jiang khaw

kh: khác chút ít với [KH] kh: âm K-hơi-thở âm [g] giống [k] & [c] [k] quanthoại: âm hơi thở Việt giống Mân và Q. Đ. Biến thái âm [âu]<=> [iu] gả:=Hẹ / QĐ. Kẻ:= Mân âm cuối [nh]<=> [ng] / [n] Ngô=Hẹ=Mân=QĐ=QT biến đổi [au] <=> [iu] so với số 9: [au] <=> [iu] khổ qua = mướp đắng 'giong' đọc giống 'GHiong' Mân y hệt Việt

 [H] là một thứ âm, cũng rất đặc trưng trong phương ngữ Mân. Để ý, hai chữ Phúc-Kiến dưới hệ thống kí âm Wade Giles thời tiền chiến được ghi: Hokkien. Đến thời phiên âm pinyin ra đời, người ta đổi thành: Fujian, theo sát phát âm quan thoại ở phía Bắc. Như vậy, mô thức biến chuyển âm xảy ra như sau: - Âm [K] Phúc Kiến và Việt ngữ => âm [J] quan thoại, như bàn phía trên. Thông thường, xin nhấn mạnh âm [J] quanthoại sang tiếng Việt, thành [Gi]: Jiang => Giang; Shi-jie=> Thế giới; jiao => giao, v.v. Nhưng khi [J] => [K] phúckiến, thì cũng thành => [K] tiếng Việt. Đặc biệt xem qua ‘Gả’ (= Kẻ), mang nghĩa 'gả con gái' (marry off) hay ‘người ấy’. ‘Gả’ tương ứng quanthoại ‘Jia’. Chuyển sang tiếng Hẹ, y hệt: [Ga]. Sang tiếng Mân: [Ke], y hệt như tiếng Việt: Kẻ (ấy) hay Gã (ấy), cũng giống tiếng Môn-Khmer: [Ke] hay [Qe]. [Ke] tiếng Mân, mang nghĩa 'gả - lấy chồng' có âm rất gần với [cưới] (cưới vợ gả chồng) trong tiếng Việt. - Âm [H] Phúc Kiến => âm [F] tiếng Nhật: Fujiyama / Fujisan (Phú Sĩ Sơn). Viết theo mẫu tự latinh là /F/ nhưng phát âm giống như chụm môi thổi thức ăn nóng, bắn ra âm chữ /H/ rất mạnh. Rất gần với âm [pH] trong 'pHú Sĩ' (núi Phú Sĩ) [8]. - Âm [H] Phúc Kiến <=> tương đương với [F] quan thoại, và [PH] Việt ngữ. Thí dụ: 173


feiji => huigki => phi cơ; gongfen => konghun => công phân (phân tây, cm); fengsu => hongsiok => phong tục; zhengfu => tsiéng-hú => chánh phủ fa-lu => huat-lut => pháp luật Tuy nhiên, giống như cặp [K] và [Kh] ở trên, cả hai âm [P] và [Ph] đều hiện diện đầy đủ ở các tiếng Myanmar, Khmer và Thái Lan (xem [9][10]).  [W] và [Y]: Tiếng Mân không có âm chữ [V] như kiểu tiếng Ngô và Hẹ, nhưng có âm [W] giống như Quảng Đông và quan thoại, hay chính xác hơn, một thứ âm gần giống [W] là [U]. Riêng âm [Y] của tiếng Mân, theo thiển ý, chính là đầu giây mối nhợ gây ra phát âm của 'bán-mẫu-âm' [Y] (đầu từ) trong tiếng Việt, trở nên gần giống với âm [I], hơn là âm [Y] quốc tế (IPA viết [j]) - như [Y] trong nhiều tiếng khác: Yamamoto, FujiYama, Yang Gui Fei (Dương Quí Phi), Yellow, Yell, Yul Brynner, ... có phát âm [yờ] hoặc [dờ] theo kiểu Nam bộ. Nhưng một số từ bắt đầu bằng âm [Y]-quanthoại chuyển sang Phúc Kiến hay sang Việt ngữ, nếu giữ nguyên âm đầu bằng [Y], rất thường sẽ chuyển qua cách phát âm HOẶC gần gũi âm [I] hơn, HOẶC của một nguyên âm khác, lột mất [Y]. Thí dụ: - yaoqiu (quanthoại) => yiukauh (qđ) => iâu-kiu (Phúckiến) => yêu cầu (Việt: đọc 'iêu') - dayue (quanthoại) => joyau (quảngđông) => dai-'iohk (phúckiến) => đại-ước (đại khái) - yinwei (qt) => yanwaih (qđ) => 'In'uih (pk) => nhân-vì (bởi vì). Để ý: vì => uih (pk) - yiyi (qt:= ý nghĩa) => yisih (qđ) => 'i-suh (pk: ý tứ) => ý-tứ (= í-tứ) - yinyue (qt) => yam-ngohk (qđ) => im-gak (pk) => âm-nhạc (âm = 'im, bị lột [y]) - ying (qt) => yehng (qđ) => 'ianh (pk) => ăn (thắng cuộc) Trở lại âm đầu [W] trong tiếng Phúc Kiến (Mân). Quan sát biến chuyển qua lại với âm [W] của quan thoại, hoặc quảng đông, chúng ta thấy, khác với tiếng Hẹ (Hakka) và Sơn Đông trong đó [W] thường biến thái thành [V] - một số từ 'quan thoại' bắt đầu bằng [W] khi chuyển sang tiếng Mân biến đổi ra nhiều âm khác, trong đó có âm [u], [w], [b] và [m]. Riêng trong tiếng Mân, [b] và [m] thường phát âm lẫn lộn với nhau. Y hệt như trường hợp "[l] và [n]" trong nhiều phương ngữ Hoa Nam và Việt ngữ: Anh nàm (làm) gì thế? Bởi ở ní do, trong môi trường thuần Hán và Nôm, không biết gì đến thứ mẫu tự A-B-C do mấy ông Tây bày ra, cặp '[l] và [n]' đều là âm nứu, [b] và [m] âm môi-môi, nhất là [p] và [b] trong tiếng Tàu cũng môi-môi và một thứ tắc âm với nhau, tuy một tỏ, một điếc. Lúc phát âm các từ dùng đến âm vị của những cặp như vậy, động tác môi lưỡi đều không thể phân biệt, trong môi trường không biết gì đến A-B-C. Thí dụ về biến thái một số từ 'quanthoại' (hay quảngđông) bắt đầu bằng [W] sang Phúc-Kiến, hoặc biến đổi qua lại giữa [m] và [b]: - wu (qt) = yeh (qđ) = mih' (pk) = vật {(Để ý: w => m, và m có thể => b) => [byật] Nambộ} - wazi (qt) = maht (qđ) = be' (pk). Be' (pk) có thể chuyển: bí-tất + vớ (byớ, Nam bộ) - yundong (qt) = wan-duhng (qđ) = 'Uhn-dong (pk) = vận động - man (qt) = măahn (qđ) = ban (pk) = mạn (= chậm) - wen (qt) = mahn (qđ) = mng / buhn (pk) = vấn (= hỏi). - xi-wang (qt) = hei-mong (qđ) = 'ing-bong = hy vọng. Để ý: vọng <=> bong - mạỉ (qt) = mảaih (qđ) = buáe (pk) => mua (b <=> m) - mái (qt) = maaih (qđ) = buae (pk) => bán (m <=> b) Sau đây xin quan sát những cặp tối đa giữa tiếng Mân và tiếng Việt:

174


Tiếng Việt bay béo (mập) bị (bịch) chống đương nhiên đũa âm nhạc hoan hỉ hành lý không khí kén (chọn) nguyệt Ô (dù) học đường quê (làng)

Phúc Kiến b-pe bui biek kiong diah-nhioun duu Iam nyak huan hi hieng li kong kih gKieng guet hOh-san houh dang gKue

Quan Thoại fei fei dai // bao fan dui dang ran kuaizi yin yue gao xing xing li kongqi xuan yue yu-san xue xiao cunzi

Ghi Chú fei=> phi. bpe ~ bay. b-p =>giữa [b]&[p]. [Bpe] ~ [Bay] Mã Lai: mập => leMak. béo = bự => besar biek => bịch. Việt nhập 2 từ: chống &phản đối 'Đang' hoán chuyển với 'đương' Mã Lai giống Phúc Kiến=> Duu /Iam nyak/ Phúc Kiến giống Việt gao xing = cao hứng; hỉ hoan (QT)= xi huan => 'thích' Khuynh hướng QuanThoại: X=>H âm /k/ trong tiếng Tàu bao gồm/kh/ /gK/ phát âm giữa /g/ và /K/ Quảng Đông: yuht // nguyệt = tháng hOh = Yu = yũ = mưa. Ô & Dù<=hOh & Yu. 'San'=che xue xiao= học hiệu cunzi= thôn tử= chyun (QĐ). gKue => Kẻ =>quê=> Kuel (Mường). Mã Lai => T'lang từ ‘Hán Việt’ ‘quảng’ thật ra gốc ‘Mân’

quảng kuah' kuo de (rộng) sau (về sau) i'au yi hou yi hou = dĩ hậu. [I’au]=> giống ‘sau’ sợ hãi (kinh) g-kianh hai pa gkianh= kinh sợ. Âm 'gk' xem 'kén' tranh (họa) tsiong huar QĐ => wa. Mường: Wã => Wẽ: Vẽ trạm cảnh gkiengJing cha ju cảnh sát cục = cảnh sát cuộc sát chat-gkiek quần gkun qunzi QĐ: qwahn => quần; gKun => củn mắt kính QĐ: ngahn geng. 'Bahk' ~ /mahk/ bahk-gKianh yen jing vải vóc boh bu boh=> biok (vóc),đọc kiểu Nam bộ khoẻ (dũng) 'Iong xiong xiong=> hùng. 'iong => dũng. Yũng => iong chân (cẳng) ka-tui zu zu => túc. Ka => cẳng. Tui => túc Bảng III: Đối chiếu vài từ Mân xâm nhập vào (hay mang cùng gốc với) tiếng Việt, xưa và nay.

Từ bảng đối chiếu ‘Mân-Việt’, có thể ghi lại một số nhận xét sau: (i) Một số từ Phúc Kiến, rất giống tiếng Việt. Ta để ý, khi thì tiếng Việt giống Hẹ, khi giống Quảng Đông, khi giống Phúc Kiến. Nhưng lúc từ nào đó giống Phúc Kiến chẳng hạn, rất ít khi lại giống luôn cả Hẹ, hoặc Quảng Đông, Thượng Hải (Ngô), hay Quan thoại. Đôi khi, một dạng giống Hẹ, dạng khác giống Phúckiến: Gả => Ga (Hẹ) => Kẻ (Việt) => [Ke] (Phúckiến). Nhưng [gả] = [kẻ], khác [jia] qt. (ii) Có nhiều từ xưa cũ tiếng Việt, rất giống tiếng Phúc Kiến. Đó là: làng (kẻ), béo (bui), quần (củn, gKun), chim (chiau), cũ (Ku), tôi (wa => 'wa' tiếng Mường, 'qua' Nam bộ, watashi tiếng Nhật), sợ (kinh), v.v. Đặc biệt để ý đến KẺ. Nhiều học giả Việt đã để ý đến từ này, nhưng có thói quen quan sát qua từ 'Hán Việt' tương đương 'Cổ': Cổ Nhuế, Cổ Chiên. Nếu quan sát 'Kẻ' trực tiếp, người ta ưa nhắc đến 'Kẻ Chợ' tức thành Thăng Long. Quan sát của chúng tôi, xuyên qua các phương ngữ các tộc Việt cổ ở pên Tàu cho biết một sự việc khá bất ngờ: 'Kẻ' đọc theo tiếng Mường là 'Kuel', và tiếng Mân: 'gKue'. Âm [gK] giống [g] và [K], nhưng cũng rất giống [Q]. Như vậy 'Kẻ' chính là ‘gKue’ hay 'Quê'. ‘Kẻ’ và ‘Quê’ là hai từ mang cùng gốc. Tương đương: 'T'lang' tiếng Mã Lai. Kẻ= gKue= Quê= Làng= T'lang. 175


(iii) Những từ xuất hiện khi bắt đầu có tí văn minh: tháng (nguyệt= guet), học đường, chọn (kén), đũa (đuu)… cũng đều có chung gốc với tiếng Phúc Kiến. (iv) Những từ liên hệ với nền văn minh trong vài thế kỷ qua: hộ chiếu, thêu, mắt kiếng, không khí, bị (bịch), cảnh sát cuộc, v.v. cũng tương ứng với những âm giống giống của Phúc Kiến. (v) Đặc biệt, tiếng Mân cho thấy khuynh hướng mô thức chuyển biến giữa cặp âm [m] và [b], cặp [d] và [t] (tắc âm nứu). Một chuyện ắt có, đối với các thứ tiếng không dùng kiểu ráp mẫu tự như quốc ngữ, với a-b-c. Thí dụ về biến thái giữa [d] và [t]: Phiên âm Wade Giles dựa trên phát âm Hokkien: Mao Tse Tung, Teng Hsiao Ping; khác với phiên âm pinyin ngày nay: Mao Ze Dong, Deng Xiao Ping. [T] => [D] (vi) Đổi mới chia sẻ chung giữa tiếng Mân và Việt, rõ rệt nhất, mà các tôn sư đã kí âm ngay vào quốc ngữ, chính là âm đầu từ của chữ Y-dài: Yao (qt) => iau (pk) => Yêu (Việt), đọc lột luôn âm [yờ] ở đầu, thành ra => iêu. Yũ (mưa, yusan: cây dù, ô) => Ôsan (pk) => Ô. ‘Ô’ chính là [yô] trại từ [yu], bị lột mất âm [yờ]: [yô] biến thành => Ô. Thật ra cả hai ‘yu & ô’, chỉ mang nghĩa ‘mưa’. ‘San 伞’ mới chính là ‘dụng cụ’ để che mưa, viết chữ Tàu rất giống cái ‘ô‘ (dù): 伞. (vii) Đổi mới chia sẻ, cũng khá đặc trưng, chính là biến đổi âm [F] quanthoại sang [H]phúckiến, [F]-Nhật, và [PH]-tiếng-Việt. Gong fen (công PHân, cm) => gKong Hun (pk). Yuan fen (duyên phận)=> wan Hun (TC). Zheng Fu (chính phủ)=> tsieng Hu. (viii) Một đổi mới nữa, cũng chỉ chia sẻ giữa PhúcKiến và Việtngữ: [J] quanthoại => [K] phúckiến và Việtngữ. Thông thường, [J]-quanthoại=> [GI] Việt: jiang: giang. Nhưng một khi [J] quanthoại tương ứng [K] phúckiến, nó cũng ưa chuyển thành [K] tiếng Việt: jing=> keng (pk)=> kinh (đô). Jiao (cầu)=> kiau (pk)=> kiều (cầu). (ix) Quan trọng nhất, chúng ta đã và sẽ thấy, rất nhiều từ, xưa nay thường xem thuần Nôm hay Hán-Việt, thật ra không thuần Nôm, hay gần Hán, tí nào hết. Đó chính là những từ thuần Việt, của các tộc thuộc khối Bách Việt xa xưa. Thí dụ: Fei (qt)= Phi (Bay, V)= B-pe (TC & PK): B-p đọc giữa B và p. ‘Phi’, Phúc Kiến đọc giống như ‘Bay’. BAY: một từ tưởng ‘thuần Nôm’, nhưng không Nôm, thật ra chỉ là biến dạng âmvị của ‘Fei’ hay ‘Phi’, hoặc ‘Bpe’. Thí dụ khác: ‘quần’ phát âm có vẻ y hệt ‘gKun’ Phúckiến, tương đương: [qun zi] quanthoại. ‘Quần’ cũng không Nôm. Có một phát hiện khác hết sức gay cấn đã trình bày trong loạt bài ‘Từ chữ Nôm…’ cho thấy một từ tiếng Việt có phát âm kiểu phía Bắc chỉ giống phát âm Phúckiến-Triềuchâu và của Hẹ mà thôi. Chứ không giống quanthoại, HảiNam, Quảng Đông hoặc Chiếtgiang gì hết. Đó là DUY, phát âm đúng nhất: ‘Dzuy’. ‘Dzuy’ mang nghĩa: ‘nối liền’ 维 (duy trì), hoặc: ‘chỉ có’, ‘thiên về’, ‘duy nhất’: 唯 hay 惟 như trong: Duy Vật, Duy Tâm, … Quan thoại đọc [Wei], chứ không phải [Yei] hay [Yui]. Quảng Đông cũng [Wei]. Hải Nam: [Uy]. Thượng Hải-Chiết Giang: [Uw]. Hakka (Hẹ) miệt Meixian thuộc tỉnh Quảng Đông: [Vui]. Thật lạ, các tôn sư quốc ngữ hoặc tiền nhân đã chôm âm DUY từ ở đâu - khiến DUY có vẻ không đồng thuận với các âm Hán chung quanh? Đây cũng một thắc mắc khá nhức đầu. Tự nhiên có một từ ngoại lệ không theo quy luật nào cả. Rất có thể DUY xuất hiện từ lâu, từ thời mấy ông thánh hiền Tàu cho tung ra bao nhiêu triết thuyết, lời dạy khuôn vàng thước ngọc lưu lại muôn đời. Hay không bằng hên, qua một người bạn Triều Châu chính gốc chúng tôi biết được: DUY được phát âm ‘Jzuee‘ trong tiếng Triều Châu – Phúc Kiến. Chỉ có người Triều Châu Phước Kiến và người Hẹ ở Taiwan (mang ảnh hưởng dân Mân) mới đọc Dzuy như kiểu Việt. Hẹ (Taiwan) đọc DUY như [zu’iux] theo một từ điển trên mạng. Những phương ngữ 176


khác của tiếng Hoa đọc theo âm chữ /W/: [Wei] hay [Wui]. Thật ra ‘DUY’ là một từ thật hiếm gốc ‘Hán Mân’ hay ‘Hán Hẹ’ chúng tôi đã xác định được mang phát âm ‘Dz’ của người Việt cổ, do ảnh hưởng Phúc Kiến-Triều Châu. Những từ khác ở tiếng Việt mang âm chữ ‘D’ ở đầu rất khó khẳng định ngày trước phát âm theo ‘Dz’ hay ‘Y’. Thông thường 50:50 theo kiểu người Hakka và Hải Nam (xin xem các bài trước), y như phân cực Bắc Bộ (Dz) và Nam Bộ (Y) ngày nay. Như vậy tiếng của người nước Nam từ ngàn xưa đã có mối liên hệ thật chặt chẽ với Hoa ngữ, đặc biệt thứ Hoa ngữ xuất phát từ xứ Mân Việt cũ, tức Phúc Kiến - Triều Châu ngày nay. Mối liên hệ này thật sâu sắc. Bởi hơn cả tiếng Quảng Đông, dù gần gũi ở mặt địa lý, và quan thoại, qua quan hệ chánh trị, liên hệ Phúc Kiến (Mân Việt) đi sâu đến lời ăn tiếng nói của người nước Nam, từ thời cổ đại cho đến thế kỷ 19. Riêng trong khối Lạc Việt, tức không kể đến Âu Việt (Thái cổ), ảnh hưởng tiếng Mân trên tiếng Việt có lẽ, nếu thua, chỉ thua nhóm Bách Bộc tức Hakka hay Hẹ mà thôi. Kết Lạc Việt từ xứ Mân thời xa xưa được viết theo dạng Lạc bộ Mã: 骆 thường xuất hiện trong các từ như: Lạc Việt. Trái lại 'Lạc Long Quân' có chữ Lạc viết theo bộ Trãi 貉, tức đám Lạc ở miệt Sơn Đông, thường gọi Bách Bộc hay Đông Di, tức người Hakka cổ. Lạc Hầu - Lạc Tướng lại viết theo Lạc bộ Chuy {雒} chỉ chung nhóm Môn-Khmer, cùng với nhóm Âu Việt, chính là người bản địa nguyên thủy tại xứ Việt cổ. Qua bài này chúng ta đã có dịp quan sát đóng góp của tiếng Mân vào tiếng Việt, như một thành tố của tiếng nói và của dân tộc Việt Nam. Nhiều kết quả và lý giải trình bày phía trên cho ta thấy khá rõ điểm chính của 'truyền thuyết Hùng Vương - giải mã' nằm ở chỗ: Âu Cơ và Lạc Long Quân, nếu có, là hai người thuộc hai chủng tộc khác nhau, di cư đến một vùng đất có sẵn dân bản địa, đa số, thuộc một hai chủng khác nữa. Chi tiết cực kì quan trọng này, rất tiếc, từ trước đến giờ thường bị bỏ sót, hoặc vô tình lướt qua. Theo thiển ý, tình trạng này liên tục xảy ra, do ở sức nặng của hai khối tiền đề Âu Mỹ và Trung Hoa, ngay từ thời xưa, giới học giả và nghiên cứu Việt Nam vẫn thường xuyên dựa vào, nương tựa. Quan trọng nhất của tiền đề Trung Hoa, đã dẫn đến lạc hướng bên phía Việt Nam và Tây phương, chính ở điểm: 'Các phương ngữ Trung Hoa, như: Hakka, Quảng Đông, Thượng Hải, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, v.v. đều là những thứ biến chuyển cách phát âm của tiếng Tàu nguyên thủy, tức lối phát âm miền Hoa Bắc, ngày nay đã biến chế thành quan thoại'. Tiền đề đó chính là thứ tiền đề gộp các phương ngữ đó vào nhóm 'Hán Tạng', được đầy đủ chuẩn nhận của học giả Tây phương. Sự thật tất cả các phương ngữ Hoa Nam, trong thuở ban đầu, có thể đến thời Tam Quốc, rất ít dính dáng đến tiếng Tàu, mà lại liên hệ nhiều đến các thứ tiếng ngày nay được gộp vào nhóm 'Nam Á', trong đó có tiếng Việt. Nói một cách nôm-na, các vị tiền bối đã trân trọng theo sát thư tịch của Tàu, và luôn luôn chỉ đối chiếu tiếng Việt với tiếng Tàu ở Bắc phương, mà không ngờ rằng tiếng Việt và người Việt xuất phát từ khối đông người, đông chủng tộc ở miền Hoa Nam. Rất may, tiếng Tàu cực Bắc mang nhiều giao lưu với tiếng của nhóm Yue tộc du mục, ngày nay thường gọi người Hẹ, tức Khách Gia. Rất tiếc, các thứ tiếng 'Tàu' ở Hoa Nam, như Phúc Kiến, Hải Nam, Thượng Hải, Quảng Đông, v.v. không bao giờ được liu tâm đến do ở quan niệm sai lầm, do các sư phụ Tàu dẫn dắt, rằng những phương ngữ này chỉ là tiếng Tàu gốc, phát âm sai lệch đi thôi. Tình trạng này cho đến ngày nay hãy còn khó được cải tiến, bởi lí do, ngay cả 177


những giáo sư Tây phương cũng vẫn vô tình bước vào con đường, cố ý làm cho sai lệch, do các lão sư Tàu đã bày sẵn. 'Truyền thuyết giải mã' trình bày ở đây bắt đầu bằng cách liên kết những hiện tượng văn hoá, nét nhân chủng (dân tộc), sự kiện lịch sử, những tập tục cố hữu,... có chung, giữa các khối dân tộc mang tên khác nhau từ Hoa Nam xuống Đông Nam Á. Rồi truy về một tộc nào đó ở Hoa Nam, tạm gọi X, hãy còn mang một thứ tên dân tộc riêng (thí dụ: Mân, Hẹ, v.v.). Từ đó ta đi đến một kết luận sơ khởi rằng tộc X đó, có mặt trong lòng khối dân tộc của quốc gia A và B, hay X là một trong những thành tố ban đầu của dân hai nước A và B. Sau đó, trong phương tiện hạn hẹp của khoa học ngày nay, ta kiểm chứng với ngôn ngữ, đặc biệt 'biến đổi có chia sẻ', hoặc với di truyền tố DNA khi có khả năng, v.v. Thí dụ: Đối với người Môn-Khmer và Thái cổ, hai chủng được xem như thủy tổ của dân Việt, chúng ta thấy những từ gần gũi với đầu mình tứ chi, hệ thống số đếm đều mang gốc Môn Khmer. Đối với Thái cổ, có rất nhiều bằng chứng, nhất là hiện diện của trên 1 triệu người Mường, một tộc người tôn thờ chỉ tổ mẫu là Ngu-Cơ (Âu Cơ) mà thôi. Tiêu biểu về 'chia sẻ ngôn ngữ' có thể dựa vào một từ khá cơ bản, người Thái Lan hãy còn xử dụng cho đến nay: [Kow] mang phát âm nằm giữa [gạo] và [cơm], tiếng Việt. Trong tiếng TháiLan, [Kow] cũng mang một lượt 2 nghĩa, như tiếng Việt: gạo (cơm) và bữa ăn (anh ăn cơm chưa?). Qua bài này, chúng ta thấy tiếng Mân (Việt) cũng đóng góp rất nhiều vào tiếng Việt, từ thời xa xưa cho đến những đợt di tản sau cùng vào thời Mãn Thanh, và sau đó ít lâu. Cũng giống như tiếng nói của người Hakka (Hẹ) cổ, tức nhóm Bộc Việt. Rất nhiều từ, xưa nay vẫn lầm là thuần Nôm, hay Hán Việt, thật ra chỉ là Mân Việt, hay như trong 3 bài trước: Bộc Việt tức Hẹ, hay nhóm Lạc du mục ở khu Sơn Đông. Theo quan sát của chúng tôi, hy vọng sẽ trình bày trong các bài tới, tiếng Việt, cũng như tộc Việt (Nam), là một tổng hợp rất có bài bản giữa các thành tố chính yếu sau đây:  Thời tiền sử: Môn-Khmer + Thái-cổ + Đa đảo + Nêgritô  Thời lập quốc đến thế kỷ 15: Thái cổ (Âu) + Việt cổ (Lạc) {= Hakka+ Ngô + Mân} [11] - (Ngoài ra còn một tộc người ẩn kín lâu năm: Hmong-Mien, tức Miêu-Dao)  Đại biểu sáng giá nhất của nhóm Bộc Việt (Hẹ / Hakka): Nhà Lý (năm 1010-1225)  Đại biểu nổi bật nhất của nhóm Mân Việt (PhúcKiến-TriềuChâu): Nhà Trần (12251400) Theo sát với nguyên lý cơ bản của di tản: Con người luôn luôn có khuynh hướng đi di tản xuôi về cùng một hướng đường tổ tiên hay thân nhân của họ đã di tản từ trước, hoặc ngay từ thời xa xưa. Trong kiểm chứng của bài này, nhiều từ xưa nay vẫn xem thuần Nôm, thật ra chỉ thuần Hẹ hay thuần Mân hoặc thuần Ngô, hay Âu. Những thứ từ thường gọi Hán Việt cũng tương tự như vậy. Thật ra, nếu nhìn lại thật kỹ, ta thấy chỉ có cách người Việt lúc còn ở bên Tàu đã có lối phát âm 'Hán Việt' như vậy, thì những từ đó mới được xử dụng nhuần nhuyễn tại nước Nam. Chứ nếu chỉ do ở thế lực đô hộ, mà tiếng Việt có đến 60 phần trăm từ gốc Bắc phương (thường gọi lầm là Hán), được xử dụng thoải mái, thật là một chuyện rất khó khả năng. Thí dụ: * Những từ tưởng thuần Nôm, nhưng thật ra là tiếng Việt ở bên Tàu: - gả (marry) => ga (Hẹ) => ke (Mân). Gã = kẻ (người ấy) => ga (Hẹ) => ke (Mân) 178


- nghèo (poor) => ngion (Hẹ) => jyun (QĐ) & ruan (quanthoại) => cùng (bần cùng) * Từ thuần Hán, đọc trại thành tiếng Hán Việt, thật ra lối đọc xưa người Việt ở Tàu: - bần (nghèo)=> pin (Hẹ)/ pan (QĐ)/ pin (qt)/ ping (Ngô)/ pin (Mân) - duy (duy nhất) => vui (Hẹ - Meixian) / zu'iux (Hẹ - Taiwan) / jzuee (Triều Châu), trong khi quanthoại và quảngđông phát âm như [wei]. Hy vọng sẽ trở lại vấn đề này vào một zịp khác. Ghi Chú [1] Trang mạng: www.culturalprofiles.org.uk/Viet_Nam/Directories/Vi_ACYAIw7879_ADs-t_Nam_Cultural_Profile/-3590.html [2] http://berclo.net/page00/00en-sea-people.html [3] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu, tái bản tại Hoa Kỳ. [4] Ngô Sĩ Liên và cộng sự (1497). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Thanh Việt và Phạm Ngọc Luật hiệu đính theo bản dịch của Đào Duy Anh. Nxb Văn Hoá Thông Tin (2004). Bản của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam được trình bày đầy đủ trên mạng internet: perso.wanadoo.fr/charite [5] Để ý điểm khác biệt văn hoá: Người Anh-Mỹ ưa gọi 'nhà tôi', tức 'vợ tôi' bằng 'my other half' hoặc 'my better half', mang nghĩa 'phần nửa kia tốt hơn tôi'. Có thể có liên hệ đến câu chuyện Chúa Trời tạo dựng nên Adam và Eve, theo thánh kinh Cựu Ước. [6] Để ý tiếng Chăm, có thể gọi hậu duệ của Môn Khmer, chỉ có 4 thanh âm (dấu); tiếng Khmer hiện nay không có phân biệt thinh; tiếng Quảng Đông, Thái, Mường có 5 thanh âm. So với 6 thanh trong tiếng Việt. Thiếu thốn phân biệt hỏi (?) ngã (~) trong giọng nói của người Trung và Nam bộ, theo thiển ý, là một chuyện khá hiển nhiên. [7] http://www.economicexpert.com/a/Fujian.htm [8] Thời tiền chiến, tại Việt Nam phát âm [ph] hãy còn khác với phát âm [f] như ngày nay. Âm [PH] thật ra là âm [P]-kéotheo-hơithở-[H]. Rất gần giống tiếng Anh: pen, poor, possible,... Trong khi âm [P] trơn, tiếng 'Việt quốc ngữ' không có. [P]-trơn trong tiếng Anh không mang hơi thở, như: spear, spit, span, ... Trong băng video 'Vân Sơn in Bangkok', người ta thấy ở phần cuối, trong phóng sự những người Việt chạy giặc thời xưa sang định cư ở Thái, một ông cụ phát âm [ph] rất chuẩn theo kiểu [P]-hơithở, trong những từ như: phương pháp, phong phú, v.v. [9] David Bradley, Jason Roberts, Joe Cummings, Anita Ramly, Paul Woods, Kristina Sarwao Rini, Jonh U Wolff and Nguyen Xuan Thu (1997) Southeast Asia Phrasebook. Lonely Planet Publications Pty Ltd [10] Vicky Bowman (2001) Burmese Phrasebook. (3rd Ed). Lonely Planet Publications Pty Ltd [11] Những đợt di dân sau thế kỉ 15, tức sau thời nhà Minh bên Tàu và nhà Hậu Lê tại nước Nam, có thể được sắp xếp vào phần ngoại kiều. Bởi vào lúc đó dân tộc Việt (Nam), có thể nói, đã hoàn toàn hình thành. [12] http://www.viet.no/content/view/235/98/ [13] Trần Trọng Kim ( 1971) Việt Nam Sử Lược. Trung Tâm Học Liệu của Bộ Giáo Dục xuất bản. Đại Nam tái xuất bản tại Hoa Kỳ.

179


Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (13): Nôm-na từ thuở Tây Thi Qua những bài trước chúng ta đã thấy ảnh hưởng hay đóng góp của nhóm dân Lạc Việt từ hai xứ Ngô (Phù Sai) và Việt (Câu Tiễn / Tây Thi) trên tiếng Việt có vẻ hết sức khiêm nhường so với hai nhóm Việt khác: nhóm Đông Di hay Lạc du-mục từ Sơn Đông, có hậu duệ bên Tàu là người Hakka (Hẹ) ngày nay, và nhóm Mân, từ khu vực Phúc Kiến-Triều Châu. Chúng ta có thể viện dẫn nhiều lý do để giải thích cho hiện tượng này, như sau. Khoảng một thế kỷ, sau khi Việt đánh bại và chiếm được xứ Ngô, nước Việt mở rộng bị nước Sở từ phía Tây đến dứt điểm vào năm 333 TCN. Từ dạo đó cho đến lúc nhà Hán xua quân tiến chiếm các xứ miền Hoa Nam, như Mân Việt và Nam Việt, phong trào chạy loạn, di cư xảy ra khắp mọi nơi trên nước Tàu. Đặc biệt Hoa tộc hoặc các nhóm du mục Đông Di, như người Bách Bộc (tức Hakka và Hmong sau này), chạy từ miệt Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Tây & Sơn Đông xuống miền Giang Tô & Chiết Giang. Một số đông khác xuôi hướng Hồ Bắc, Hồ Nam và Giang Tây. Trong khi dân Giang Tô-Chiết Giang (tức Ngô & Việt) chạy xuống xứ Mân hoặc qua miền Đông Việt, tức Giang Tây ngày nay. Do đó, rất có khả năng có hiện tượng dân xứ Việt của Câu Tiễn, đã di tản sang xứ Mân và các vùng lân cận, rồi định cư, sinh sống tại các nơi đó một thời gian, cũng hằng trăm năm, trước khi chạy tiếp đến nơi khác, như Việt cổ chẳng hạn. (ii) Ảnh hưởng phương ngữ Bách Bộc (Hẹ) và Mân (Phúc Kiến) trở nên đậm nét trong tiếng Việt (Nam), đặc biệt ở khu lưu vực sông Hồng, một phần lớn nhờ ở hai triều đại tự chủ kéo dài khá lâu xử dụng hai thứ phương ngữ đó: nhà Lý (1010-1225) và nhà Trần (1225-1400). Mỗi triều đại kéo dài khoảng 200 năm. Nhà Lý chính là hậu duệ đám Đông Di (Lạc bộ Trãi) từ khu Sơn Đông, trong khi nhà Trần có gốc gác ở xứ Mân. (iii) Di dân xứ Ngô và Việt mang đến ảnh hưởng ít hơn trong tiếng Việt, cũng bởi giới êlít của họ 'nắm được' chính quyền hơi trễ và chỉ trong một thời gian ngắn ngủi: nhà Hồ (1400-1407) với Hồ Quý Ly và nhà Tây Sơn (1789-1801) với Quang Trung Nguyễn Huệ. Cũng vào lúc nhà Hồ và Tây Sơn nắm chính quyền, nhất là vào thời Tây Sơn, chuỗi trình tiến hoá hình thành dân tộc và tiếng nói người Việt được xem như đã hoàn tất. (i)

Gần đây, LaPolla [1] cho một bài viết khá chi tiết về các đợt di dân từ vùng này đến vùng kia trên khắp nước Tàu, từ thời Thượng Cổ cho đến thế kỷ 20, và ảnh hưởng kèm theo đó, trên ngôn ngữ. Chúng ta có thể để ý đến 2 điểm khá quan trọng. Thứ nhất, dân nói tiếng phương Bắc tràn vào phía Nam: Nam Kinh (Giang Tô - An Huy) trở thành kinh đô của nước Đông Tấn (317-420) và Nam triều (420-589). Trong khi Hàng Châu (Chiết Giang) ghi nhận du nhập của rất nhiều người di tản từ phía Bắc khi nhà Tống dời đô đến đó vào năm 1127. Thứ hai, những vùng đất chung quanh thành phố Bắc Kinh luôn bị xâm nhập và nhận di dân từ những tộc người phía cực Bắc như Mãn Châu, Khiết Đan, Liêu, Kim, Đông Hồ (Tungus), v.v.. Nhiều đến nỗi sử sách phải ghi nhận rằng trong suốt 1000 năm qua, chỉ trừ thời đại nhà Minh kéo dài khoảng 300 năm, thành phố Bắc Kinh luôn được xem là thủ đô chính trị của những tộc người khác với Hoa tộc. Tức phát âm theo kiểu Bắc Kinh cũng như rất nhiều từ vựng tiếng quan thoại không nhất thiết là của người Hoa 'chính cống' ngày xưa, hay đã biến đổi rất nhiều trong thiên niên kỷ vừa qua. Ngược lại, giọng nói các phương ngữ vùng bờ biển phía Nam lại mang ít nhiều ảnh hưởng của Hoa tộc thuần túy chạy giặc từ phương Bắc. 180


Cũng trong một bài trước, chúng ta đã xác nhận thêm một lần nữa, hai điểm rất quan trọng, như sau: 1. Nhiều từ trước giờ vẫn tưởng thuần Nôm, nhưng thật ra thuần Hẹ, thuần Mân hoặc thuần Ngô. Thuần Nôm, theo quan điểm thông thường, là tiếng nói riêng của người bản địa, tức thứ tiếng Việt không có dấu vết của chữ Hán. Theo 'truyền thuyết giải mã' ở đây, chỉ có tiếng Thái cổ và Môn-Khmer mới là tiếng Nôm nguyên thủy và cơ bản. Xin tạm gọi tiếng Nôm lớp dưới cùng. Tiếng Nôm lớp trên thật ra lại là thứ tiếng Nôm do các nhóm di dân thuộc khối Bách Việt, như Âu-Việt (Lưỡng Quảng), hay Lạc Việt thuộc Hẹ-cổ, Mân, Ngô, từ nước Tàu mang đến. 2. Tiếng Hán Việt cũng vậy. Cũng là một số rất lớn các từ vựng của các nhóm Âu và Lạc, đa số Lạc Việt, đã từng được xử dụng bên Tàu trước khi nhập khẩu vào xứ Việt cổ. Quan điểm này khá mới mẻ, bởi theo thiển ý, chuyện tiếng Việt có hơn 60% những từ mang gốc Hán (thường gọi 'Hán Việt') được xử dụng rất thoải mái tại Việt Nam từ xưa đến nay, có thể được lý giải khá hợp lý, qua giả thuyết cho rằng tiền nhân xứ Việt, đã từng xử dụng những từ mang 'gốc Hán' này, ngay từ thời họ còn ở bên Tàu. Thật ra hai điểm trên ngày trước đã được Lê Ngọc Trụ đề cập đến, trong hoàn cảnh hạn hẹp, thiếu thốn phương tiện, nhất là kiểm chứng với các phương ngữ của khối Bách Việt cổ, hoặc nhóm Hakka. Nhưng quan điểm của học giả họ Lê thật ra khác với những lý giải trình bày trong loạt bài này [11]. Theo [6] và [10], Lê Ngọc Trụ cho rằng những từ Nôm đều mang gốc Hán, hoặc biến chuyển từ Hán tự, dựa trên tiếng 'Hán Việt'. Thí dụ: - 'Chìm' xuất phát từ 'trầm'; - 'Trễ' xuất phát từ 'trệ'; - 'Đâm' biến đổi từ 'châm', - 'Giặc' có gốc là 'tặc', v.v. Khác biệt với 'lí thuyết' ở đây: (i) Không phải từ Nôm nào cũng mang gốc Tàu. Chúng tôi phân biệt và tách ra được tầng lớp Nôm na ở dưới cùng của hai nhóm bản địa lâu đời nhất: Môn-Khmer và Thái cổ. Thí dụ: Chân/Cẳng => Jeung (Khmer) / Kaat (Chăm-pa) / Ka (Phúc Kiến). Cơm/Gạo => Kow (Thái) mang âm nằm giữa 'cơm' và 'gạo'. Hoặc /cơm/, /gạo/ và /kow/ chỉ là 3 lối kí âm khác nhau của một âm vị duy nhất của tộc Thái xa xưa; (ii) Thứ gốc Hán mà Lê Ngọc Trụ đề cập đến, đa số, thật ra không Hán chút nào hết. Chúng là những từ thuộc các thứ phương ngữ Bai-Yue (Bách Việt). Hán luôn có những từ rặt Hán, cùng mang một nghĩa. Thí dụ: Xuyên= Sông => tson (Hakka) => Chhoan (Mân) => xyun (Quảng Đông) => ts'uan (Ngô) => Chuan (quanthoại) => Sungai (Mã Lai) => XUYÊN ('Hán Việt') { 川 }. 'Xuyên' mang gốc 'Bách Việt' chứ không phải Tàu. Chữ tương đương của người Tàu: Hà => He {河}. Thí dụ khác: Bích= Vách (tường): 'Vách' là tiếng Nôm 'Hẹ': [Biak] rất giống phát âm Nam Bộ, [Biách]. Các phương ngữ khác: Bik (Quảng Đông) sinh ra 'Bích' ('Hán Việt') => pI? (Ngô) => piah (Mân/Phúckiến) => Bi (quanthoại) {壁 }. 'Bích' và 'Biak' thật ra chỉ là hai cách phát âm khác nhau của 2 nhóm Bách Việt, chứ không phải Hán.Tiếng Tàu tương đương với ‘Bích’: 'Tường' => [qiang 墻 ]. 181


Tiện dịp chúng tôi xin đưa ra thêm một vài thí dụ minh giải hai điểm quan trọng trên. Cưới vợ - lấy vợ - gả chồng Từ thuần Hán nhất của 'cưới vợ', 'lấy chồng' chính là: 'kết hôn', phát âm theo quanthoại: jiehun {結婚}. Phát âm rất gần với 'kết hôn' chính là phát âm Hẹ và Mân: [Kiat hun (hay 'get fun')] kiểu Hẹ; [kat hon] kiểu Mân (Phúckiến). Tiếng Việt còn có 'gả chồng' mang nghĩa 'gả con gái cho một người đàn ông nào đó làm chồng'. Mới nhìn ai cũng tưởng 'Gả' là một từ thuần Nôm. Nhưng không, 'gả' thật ra thuần Hakka. Tiếng Tàu viết bằng 'Nữ'+'Gia': 嫁 đọc theo quanthoại là [jia], 'Hán-Việt' thành [giá] (giấy hôn nhân giá thú). Theo Hẹ thành [ga] giống như [gả] tiếng 'Nôm'. Phương ngữ Ngô (Chiếtgiang/Thượng Hải) đọc thành [ka] và Mân (Phúckiến) đọc [ke]. Để ý, tiếng Khmer của 'kết hôn' hoặc 'cưới' là [kar]. Chúng ta thấy rõ, [kar] Khmer rất gần [ka] Ngô-Việt, và [ke] Mân Việt. Và [ka] hay [ke], nếu phối hợp với [gui] tức [quy] trong {vu quy}, rất dễ chuyển âm sang [cưới]. Như vậy trong tiếng 'Nôm', [gả] và [cưới] viết chung 1 tuồng chữ Hán: 嫁 [giá] => {xuất giá}, hoặc [giá] (tức [gả]) phối hợp với [gui] tức [quy] trong {vu quy}, hay [kui] tiếng Mân: 歸, cho ra [cưới]. Nhưng [gả] xuất xứ từ nhóm Hẹ (nhà Lý), và dùng cho phái 'nữ': 'gả chồng', trong khi [cưới] thường dùng cho phái nam: 'cưới vợ', mang gốc gác từ tiếng Mân (nhà Trần). Thế 'lấy vợ' lấy ở đâu ra? 'Lấy' tương đương với tiếng Anh: to take. Quanthoại chính là [qu] 取, gọi nôm na theo Hán-quốcngữ là 'thủ'. ‘Lấy’ thật ra là một từ thuần Nôm bản địa ở tầng lớp dưới cùng: Thái-cổ. Tiếng Thái ngày nay là: [lêuak] => 'lấy' [4]. Tiếng Quảng-Đông cũng giống vậy: [leok] hay [lou] hay [lei]. Xin quansát tiếp 'chồng' và 'vợ'. 'Chồng' xưa nay vẫn thường được xem hết sức 'Nôm-na'. Nhưng không. 'Chồng' trong tiếng Hán có rất nhiều lối gọi khác nhau: phu quân, lang quân, v.v. Mỗi phương ngữ có vẻ thích dùng một thứ từ riêng, y như: hà, xuyên, giang, v.v. dùng để chỉ 'sông'. Một trong những từ dùng để chỉ 'chồng' khá phổ thông chính là 'trượng', thường gọi chung với 'phu': trượng phu. [Trượng] là lối kí âm quốcngữ của [zhang] theo quanthoại, [jeung] theo Quảngđông, [zaz] theo Ngô-Việt, [tiuN] theo Mân, và [Chong] theo Hakka tức Hẹ. [Chong] không kể đến thinh, có đánh vần y hệt như quốc ngữ [chồng]. Do đó: Chồng <=> [chong] Hẹ <=> [zhang] QT <=> [trượng] quốcngữ 丈. Cặp tối đa: [Chồng] Việt= [Chong] Hẹ, cho thấy, một lần nữa, ảnh hưởng rất đậm nét của người Hakka (tức Hẹ) trong lòng tộc người Việt-Nam. Và ‘chồng’ cũng không thuần Nôm, thật ra thuần ‘Hẹ’. Trong một bài trước, chúng ta cũng để ý tại Inđônêxia, cũng giống như ở Việtnam, người ta có thói quen dùng 'Nhà tôi' để chỉ 'Vợ tôi'. Nhà tôi: Rumah Saya; Vợ tôi: Istri Saya. Thông thường, Rumah Saya được dùng luôn cho Istri Saya. Tức ở Inđônêxia và Việtnam, người ta có thói quen dùng ‘nhà tôi / rumah saya’ để chỉ ‘bà boss’ tức ‘vợ tôi’. Trong tiếng Hán, người ta cũng có thói quen tương tự. Thói quen liên kết người vợ với 'mái nhà'. Tiêu biểu trước hết là từ 'AN' trong hai chữ 'bình an'. AN được viết theo Hán tự bằng 'mái nhà che lên người nữ' 安, y như hàm ý 'chỉ khi có phụ nữ trong nhà, nhà mới thật ... an bình'. Một ý niệm thời Mẫu Hệ. Rất nhiều từ mang nghĩa 'nhà', nhất là 'phòng', cũng được dùng để chỉ 'Vợ'. Thí dụ: Thất => shi 室 => nhà / phòng => 'vợ' (=> chánh thất= vợ chính). Phòng => fang2 房 = nhà/phòng/buồng, cũng dùng để chỉ 'vợ' [8]. Đặc biệt trong tiếng Hmong (Miêu182


Dao), từ mang nghĩa 'vợ' chính là 'po nia', với 2 âm [po] và [nia] rất gần [vợ] và [nhà]. Tiếng Thái Lan: Mia, hay: penaya; Myanmar: măya; Khmer: priya, hay Măai, v.v.. Nhưng trước khi quansát tiếp 'vợ' biến chuyển hoặc mang cùng gốc với từ nào trong hàng chục phương ngữ Âu-Lạc khác nhau, chúng ta hãy truy tầm ở thời chưa có quốcngữ, 'vợ' thông thường đã được phát âm ra sao? Người Mường có 2 cách phát âm 'Vợ': [byợ] và [vợ], tùy theo khu vực. [Byợ] giống kiểu Nam và [Vợ] theo kiểu Bắc. Tra từ điển tiếng Nôm của Vũ Văn Kính, ta thấy [vợ] có lối đánh vần chữ Nôm gần như luôn luôn dựa vào âm đầu 'hai môi' tỏ [B]. Tức, thời chưa có quốcngữ, người nước Nam thường phát âm [vợ] như [bợ] hay [byợ]. Một cách nômna hơn, đánh vần chữ Nôm cho biết [vợ] đại khái được viết theo những kiểu thông dụng như sau: (i) Vay mượn âm Hán [thê] 妻 (ii) Kẹp chữ [Thê] 妻 với [Bị] 備. [Thê] cho nghĩa, [Bị] cho âm [B]: 妻備 => [bợ] (iii) Viết liền hai chữ [Nữ]女 và [Bị]备 với nhau: 女备,mang âm đầu [B] => [bợ] Tức thời chưa có quốcngữ, [vợ] thường được phát âm như: [bợ] hay [byợ]. [Bợ] cũng có thể có liên hệ xa gần với chữ [Bu] dùng trong 'Tắt đèn' của Ngô Tất Tố, chỉ 'vợ' và 'mẹ'. Do đó khi truy tầm từ cùng gốc với [vợ] chúng ta bắt buộc phải xem xét những từ thuộc các phương ngữ mang âm đầu bằng [B] hay [P]. Có rất nhiều phương ngữ, đúng hơn tiểu chi phương ngữ, có từ mang nghĩa /vợ/, với âm đầu giống [B], rất có khả năng cùng gốc với [bợ] hay [vợ]: - tiếng Ngô-Việt (Thượng Hải): lao bo => bo => bợ => vợ - tiếng Triều Châu: cha bau => bau => bợ => vợ - tiếng Mân: pong / bou => bợ => vợ - tiếng Hakka (Hẹ) gọi 'vợ' bằng: pu-ngiong, mang âm đầu [p]: Pu => Po => 'Bu' hoặc 'Bo' => Vợ Cũng ở khía cạnh phương ngữ của người Hakka (Hẹ), xin để ý đến từ 'Ốc' tức quanthoại [Wu] 屋 dùng để chỉ cả 'nhà' lẫn 'phòng', thí dụ: địa ốc. Theo với ý niệm 'nhà' gắn liền với 'vợ', ta có thể thấy phát âm tương đương của [ốc] tức [wu]-quanthoại, theo phương ngữ Hakka (Hẹ) chính là: [Vuk] hay [Vu], theo thinh thứ 3. [Vu] trong tiếng Hẹ đôi khi được dùng để chỉ 'nhà tôi' tức 'Vợ tôi', hay 'Vợ'. [Vu] có thể biến thái sang [Vợ] rất nhanh và dễ dàng. Nói một cách khác, [Vu] và [Vợ] chỉ là 2 lối kí âm hơi khác dùng cho một âm vị duy nhất của một vài nhóm Hẹ-cổ nào đó, mang nghĩa: 'vợ'. Như vậy cả hai 'Vợ' & 'Chồng' ngày xưa đều mang gốc gác ở các phương ngữ Hoa Nam. Ăn Uống Nếu có những động từ nào người Việt thường đoan chắc 'thuần Nôm', 'Ăn' và 'uống' phải đứng hàng đầu. Nhưng thật ra: Không hoàn toàn như vậy. 'Ăn uống' vừa thuần Nôm - tầng lớp Môn-Khmer, vừa thuần Hán kiểu Lạc Việt, vùng bờ biển phía Đông. 噍 * Nôm kiểu Môn-Khmer: ma-ka?ân / ka?ân / ?ân [5] => giống Mã-Lai: makAn => ăn 'Uống' tiếng Khmer phát âm như [pwk], rất giống [ực] tiếng Việt. 183


Để ý trong tiếng Thái-Lan: Ăn => [Gin], Uống => [Deum]. * Các từ chỉ 'Ăn' và 'uống' trong các phương ngữ 'Lạc Việt', được trình bày trong Bảng đối chiếu phía trên. Trong Bảng đối chiếu, cột 'Việt' bao gồm lối đánh vần quốcngữ của những từ thường gọi Hán-Việt. Cột 'Ngô' dùng để chỉ phương-ngữ Wu tức Ngô của miền ChiếtGiang-GiangTô. Hán 食 吃 喝 用 飲 呷 茹 餌 饈 蝕 噍

Việt thực ngật hát dùng nhẩm hạp như nhĩ Tu Thực tiêu

Hẹ sit ngat hot jung jim/lim hap ri / ji nhiap siu set /sat ts'iau

Q. Đông sik gat hot yung yam haap yue nei sau sit jau /jiu

Q.Thoại shi chi he yong yin xia ru er xiu shi jiao

Ngô za? tshiơ? hok iong yin hop nyo el sioe za? dzio

Mân chiah khit hat eng i-ing hap ju ji / li siu sih ziao

Ghi-chú = sực ăn uống ăn & uống* ẩm (uống) hớp / hút nhấm / ăn nháp / ăn ăn xơi => thời ăn chậm

Bảng đối chiếu các từ 'Ăn Uống' giữa các phương ngữ Hoa Nam. Từ bảng đối-chiếu các từ Hoa-Nam dùng để chỉ chuyện 'ẩm-thực', ta có thể đi đến một số nhận xét như sau: 1. Cũng giống như thí dụ về 'vợ-chồng', phương ngữ này thích dùng từ này, phương ngữ kia lại quen dùng từ kia. Thí dụ: Quảng Đông và Hẹ thích dùng [sik] hay [sit] 食 tức [xực] để chỉ 'ăn'; trong khi Quan-thoại ưa dùng [chi] tức 'ngật' Hán-Việt: 吃. 2. Rất nhiều từ 'Hán-Việt' có lối phát âm y hệt trong phương ngữ Bách Việt. Thí dụ: 'Ngật' tức [Chi]-quanthoại, có phát âm y hệt: [ngat] trong tiếng Hẹ. [Hát]-HánViệt phát âm như [He]-quanthoại, mang nghĩa 'uống', 'hớp', tương đương phát âm [Hat] trong tiếng Phúckiến (Mân): [Hát] (Hán) Việt => [Hát] Mân. 3. Rất nhiều từ trông có vẻ rất Nôm-na, nhưng lại mang gốc 'Hán-Việt' Hoa Nam. Thí dụ: 'Nhấm nháp' chỉ lối ăn nhâm nhi, chầm chậm, có từ Hán tương đương: [như] và [nhĩ]. Đặc biệt [nhĩ] tức [nháp] giống y hệt phát âm tiếng Hẹ: [nhiap]. 4. Nhưng quan trọng nhất: 'Ăn' và 'Uống' lại xuất phát từ một từ Hán dùng để chỉ cả hai động tác: [Yong]-quanthoại, tức 'dùng': 'Thưa bà, bà muốn dùng thứ chi?'. [Dùng] ở đây bao hàm luôn 'dùng thức ăn' hay 'thức uống'. Khi [Yong] chuyển sang tiếng Ngô, âm [Y] đầu bị lột mất, thành ra âm [I]-ngắn, y hệt như 'Y' trong 'yêu' tiếng Việt. [Yong] trở thành [I-ong] rất dễ chuyển thành, hay mang cùng gốc với [uống]. Tương tự, sang tiếng Mân (Phúckiến), [Yong]-quanthoại, tức [Dùng]-Việt, biến thành [Eng], sau khi bị lột mất âm đầu [Y]. 'Eng không eng taét đèn đi ngủ?', chính là phương ngữ Mân chạy đến xứ Việt, qua từ [Eng]-Mân, tức [Ăn]-Việt. [Ăn]-Việt cũng có bà con gần với [?ân] thuộc tiếng bản địa Môn-Khmer. TÓM TẮT: [Dùng] một từ mang hai nghĩa: 'ăn' và 'uống', có tương đương 100% trong tiếng Hán: [Yong]. Sang tiếng Ngô, thành [i-ong] sinh ra [uống]. Qua tiếng Mân biến thành [Eng] tức [Ăn]. [Ăn] cũng giống tiếng Môn-Khmer: [?Ân]. 5. Những từ Hán tuy cùng mang nghĩa 'ăn' hay 'uống', nhưng cách thức ăn hoặc uống thường khác nhau. Đặc biệt nhiều phương ngữ không xử dụng từ này hoặc từ kia. Y như 184


trong tiếng Việt, khi dùng hơi trang trọng, ta dùng: DÙNG chứ không xài 'Ăn' hay 'Uống' như kiểu bình dân. Cũng giống như 'Xơi' (Bắc) hay 'Thời' (Trung). Thế 'Xơi' và 'Thời' xuất phát từ đâu? Trước hết như loạt bài 'Từ chữ Nôm...' đã nhận xét, có một quy luật hoán chuyển, âm đầu [X] hay [SH] hay [CH] của Tàu sang tiếng Việt thành [TH], theo sức ép tiếng bản địa Môn-Khmer: - [Shi] => [Sikh]-qđ => [Xực] => Thực (Ăn) - [Shui] => [Seoi]-Hẹ => Thủy (nước) - [Shu] => [Chu]-Mân => Thư (sách:=> thư viện) Biến chuyển này cũng phản ánh tương tự trong tiếng Myanmar, đã do chính chánh phủ Myanmar ra lệnh thay đổi cách đánh vần dùng [th] trở lại, thay cho [s]. Thí dụ: Bassein=> Pathein (tên thành phố), và Salween=> Thanlwin (sông). Chấp nhận [S], tức [X]-Việt, có thể biến chuyển qua lại với [Th] (8) sẽ cho thấy động từ 'xơi' (Bắc) hay 'thời' (Trung) rất có khả năng xuất phát từ một hay tất cả những thứ động từ Hoa Nam sau đây:  Thực => Quảng Đông [xik], Ngô [za?] {âm [?] là tắc âm thanh môn [5]}  Tu => Hẹ [xiu], Quảng Đông [xau]  Thực => Hẹ [xat], Quảng Đông [xit], Mân [xih] Nhất là tiếng Mân [xih] (= thực), rất dễ tiến đến [xơi]. [Xơi] không những có vẻ cùng gốc với âm-vị các phương ngữ Hoa Nam, mà lại còn rất giống với tiếng Khmer có phát âm cho độngtừ 'Ăn': [sIu] (giống Hẹ) và [biSa]. [Xơi] dễ dàng biến qua [Thời] theo qui luật [X] => [TH], như: [xực]  [thực], [xủi]  [thủy], [xanh]  [thanh]. Như vậy hầu như tất cả những từ Việt dùng để chỉ ‘ăn’ và ‘uống’ đều cùng gốc với những từ thuộc các phương ngữ người ‘gốc’ Lạc Việt ở Hoa Nam Sơ lược tiếng Lạc từ xứ Ngô Xin để ý những thứ từ mang cùng một nghĩa xuất phát từ các phương ngữ Lạc Việt: * Gả / Cưới: Hẹ dùng [ga]5, rất giống [gả]. Trong khi, Phúckiến (Mân) dùng [ke]3 có phát âm gần với [cưới], và cũng gần tiếng Khmer: [kar]. Tiếng Nôm bản địa xưa nhất là: [lấy] => 'lấy vợ', mang cùng gốc với tiếng Thái: [lêuak]. Có thể nhận xét một vài điểm khá đặc trưng như sau: - Từ đến sau, như 'gả' (Hẹ => nhà Lý), 'cưới' (Mân => nhà Trần) được dùng trang trọng hơn từ bản địa có sẵn: 'lấy'. Không bao giờ người Việt dùng: 'Đầu tháng sau, nhân dịp 'lễ lấy' của con trai lớn chúng tôi, v.v.', mà lại thích dùng hoặc những từ đến sau, như 'cưới' hoặc Hán-ròng như: thành hôn, lễ thành hôn, trưởng nam, v.v. - Gả / Cưới, từ xưa đến giờ vẫn tưởng 'thuần Nôm', nhưng thật ra 'thuần Hẹ' và 'thuần Mân'. Tức loại tiếng Nôm, nhập khẩu từ các đám Lạc Việt ở bên Tàu. * Xanh lục / xanh lam: 'Xanh' cũng thường lầm thuần Nôm, và 'thanh' Hán Việt. Thật ra, 'xanh' biến đổi qua lại với 'thanh', theo quy luật 'X' <=> 'TH', và 'xanh' cũng là một từ Lạc Việt, Triều Châu - một nhóm Mân: [xuênh]. Phát âm từ tương đương phía quanthoại là [ts'ang] hoặc Hakka (Hẹ) [ts'ong] 蒼 hoặc quanthoại [qing] hay Hẹ [ts'iang] 青. Cả hai thứ 185


[ts'ang] hay [qing] tương đương với [Thanh], và đều mang nghĩa [xanh], hai thứ: 'xanh lục' và 'xanh lam'. 'Xanh lục' còn gọi 'xanh lá cây', và 'xanh lam' là 'xanh da trời'. Thật ra tiếng Tàu khi phân biệt 'lục' hay 'lam' họ chỉ dùng có một từ 'lục' hoặc 'lam' chứ không cần phải kèm theo 'thanh' để chỉ màu xanh. 'Lục' 绿 quan thoại phát âm [lu], tương đương với Hẹ: [luk], quảngđông [luk], Ngô [lo?], Mân [lek]. 'Lam' 蓝 phát âm theo quanthoại bằng [lan], Hẹ [lam], Quảngđông [laam]. * Dù / Ô: Hai từ này cũng thường lầm Nôm. Thật ra 'jù' và 'ô' chỉ là hai cách phát âm khác nhau của từ chỉ MƯA dùng bởi người Hẹ: [Yũ] hay [Jũ], và người Mân: [Ôh]. Dù / Ô là một cặp từ có một lối viết Hán tự chung: [Yu]3 雨. Tiếng Hán viết thật đúng phải kèm theo chữ 'san' (quốcngữ đọc: [tản]) 伞, mang nghĩa ' vật che': Yu-san hay O-san {雨伞} do đó mang nghĩa 'vật che mưa', tức cái dù, hay cái ô. Để ý dưới sức ép của từ đơn âm, người Hẹ và Mân định cư ở xứ Việt cổ đã vô tình lột mất từ cốt lõi chỉ 'vật che' là 'san' tức 'tản' mà chỉ để dành một âm duy nhất, nhưng lại chỉ 'Mưa' là [Yu] và [Ô]. Chúng ta thấy được 3 điểm quan trọng về Hán-Nôm: 1. Nhiều từ hằng tưởng thuần Nôm, nhưng thật ra lại thuần Hakka, hoặc thuần Mân. Rất thường những từ đó chỉ là biến thái của những từ Hán, hoặc lối gọi một sự vật hay một động tác, v.v. của những người Lạc Việt gốc Mân, gốc Hakka, hoặc gốc Ngô, ngay từ khi họ còn ở bên Tàu; 2. Nhiều từ thường cho là Hán Việt, cũng mang gốc gác Lạc Việt như vậy. Thí dụ: xuyên (biến thái của [sung] Hẹ, hay [sông], hoặc [chhuan] Mân); Bích (biến âm của [Bi] quanthoại, [Biak] Hẹ, tức 'vách' tiếng Nôm). Tuy vậy, cũng có những từ hoàn toàn nhập khẩu từ Hán tộc: 'thành hôn', 'kết hôn' thay vì 'lấy chồng', 'cưới vợ', v.v.; 3. Những từ hoàn toàn đồng nghĩa, viết cùng một tuồng chữ Tàu, nhưng lại có âm vị khác nhau, cho ta thấy dấu vết của đóng góp từ vựng của những bộ tộc, những tộc người khác nhau vào trong tiếng nói chung, hay ngôn ngữ của một tộc người hiện đại. Xa hơn một chút, ta thấy số thinh (thanh điệu / dấu) giữa các tiểu chi phương ngữ (bên Tàu) thường khác nhau, có thể đưa đến lý giải cho một số hiện tượng trong tiếng Việt, về một số từ nào đó mang cùng nghĩa tương tự, nhưng thinh lại khác, và nhiều khi đối chọi với nhau. Thí dụ: - dải núi => dãy nhà, dãy ghế: [dải] ? & [dãy] ~ - sài => sói: [sài] ` & [sói] ' - đôi ngả đôi ta => ngõ hẻm: [ngả] ? & [ngõ] ~ - bãng (thiết bãng) => bổng: [bãng] ~ & [bổng] ? - khoảng đường => quãng đời: [khoảng] ? & [quãng] ~ Trong một bài tới, chúng tôi sẽ mượn 12 con Giáp để minh giải thêm 3 phát hiện quan trọng này, đặc biệt điểm thứ ba, về việc tộc người này gọi một sự vật hay động tác, v.v. bằng từ này, tộc kia dùng một từ khác. Trước khi chấm dứt bài này, xin tóm tắt một vài điểm đặc trưng của thứ tiếng Việt xứ Ngô, tức tiếng nói của khu Chiết-Giang / Giang-Tô ngày nay, hoặc xứ Ngô của Phù Sai và Việt của Tây Thi-Câu Tiễn vào thời Xuân Thu Chiến Quốc xa xưa. 186


1. Tiếng Ngô là phương ngữ lớn nhất nước Tàu - sau tiếng quanthoại Mandarin, hay tiếng phổ thông. Hiện có đến khoảng 100 triệu người xử dụng tiếng Ngô. 2. Theo thống kê ghi trên mạng, có tất cả 94 tiểu chi phương ngữ Ngô khác nhau. Số 'thinh' (thanh điệu / dấu) và phát-âm thinh thường khác nhau, giữa tiểu chi (phương ngữ Ngô) này với tiểu chi kia. Thông thường tiếng Ngô có từ 6 đến 8 thinh khác nhau. So với quanthoại 4, quảngđông 9, việt (bắc) 6, việt (trung-nam) 5, thái 5, myanmar 5, v.v. Đặc biệt tiếng Ngô có biến-đổi thinh sandhi rất phức tạp, so với tiếng quanthoại. 3. Tử Âm (phụ âm) bao gồm - các âm tỏ: {b d g v z zh dz j r m n l ...}; - các âm điếc không hơi thở: {p t k}. - các tử âm có hơi thở: {ph th kh}. Đặc biệt ba loại tử âm này {ph, th, kh}, rất có khả năng mang phát âm giống tiếng Việt. Một trang web về tiếng Thượng Hải (zanhe.com) nhấn mạnh đừng lẫn lộn âm vị [ph] với âm [f]. Thí dụ: PH: - Phi (thường) => Pi (quanthoại) => Phi (Ngô / Thượng Hải). - Phi (bay) => Fei (quanthoại) => Fi (Ngô) - Phách (vỡ, đập) => pai (qt) => Pha (Ngô) - Phổ (thông) => pu (qt) => pu (Hẹ) => phou (Mân) => Phu (Ngô) TH: - Thoát (- y, - hiểm) => Tuo (qt) => Thuô (Ngô) {thoát y => tuột quần áo} - Tả (anh ta, cô ta, y) => ta (qt) => ta (Hẹ) => Tha (Ngô / Mân) => tha nhân - Thiên (trời) => tian (qt) => t'ian (Hẹ) => thiN (Ngô / Mân) KH: - Khách => ke (qt) => kak / hak (Hẹ) => Kha? (Ngô) - Khẩu (miệng) => kou (qt) => hau (qđ)=> Keu (Hẹ)=> Khaw (Ngô) - Khốn (khó khăn) => kun (qt / Hẹ) => kwan (qđ) => khun (Mân) => khuơn (Ngô) Theo thiển ý, âm vị [ph] của tiếng Việt (xưa) mang ảnh hưởng của tiếng Ngô và Mân, trong khi [kh] & [th] có thể có cùng gốc với tiếng Mân, Ngô, và Hẹ. Âm tỏ [V] có biến thái không hoàn toàn từ [W]-quanthoại như tiếng Hẹ. Nhiều khi [V]-Ngô tương đương với âm [F]-quanthoại. [V]-Ngô thường biến thái với [F]-quanthoại, bởi cả hai đều là 'sát-âm' môi răng, một tỏ (v) một điếc (f). - Wen (văn) (quanthoại) => ven (Ngô / Hẹ), nhưng: - Feng (phụng) (quanthoại) => fung (Hẹ) => vong (Ngô) - Fan (phàn = cơm) (qt) => faan (qđ) => fan (Hẹ) => vE (Ngô) - Tử âm đầu cũng có cặp {nh ng} giống tiếng Việt và nhiều phương ngữ Lạc khác. NH: - Nhiệt => re (qt) => ngiet / nhiat (Hẹ) => yịt (qđ) => nhI? (Ngô) NG: - Ngã (đói) => E (qt) => ngo (qđ) => ngo (Hẹ) => Ngou (Ngô) 4. Mẫu âm (nguyên âm) tiếng Ngô cũng rất thường kết thúc bằng tắc âm thanh môn (màng họng), rất khác với nhiều phương ngữ khác của tiếng Hoa. 187


Xin xem qua bảng so sánh các cặp tối đa giữa tiếng Việt và Ngô, đối chiếu với các phương ngữ Lạc Việt khác. Việt ăn-uống liềm thỏ mắt cố / cũ bạn hữu hổ / khổ tiếu ông túc dung yêu quỉ phủ cẩu song (2)

Ngô i-ong lI? thu mo? ku ban hiw khu sio Ong ts'o? iong io vu kâw sang

Hẹ jung /yung liap tu muk gu pen jiu ku siau vung zuk jung jau/ jeu fu geu/ kieu song

Q. Đông yung lap tou muk gu pang-yau fu siu ung zeok yung yiu fu gau seung

Q.Thoại yong li tu mu gu peng-you ku Xiao wung zu rong yao fu gou shuang

Mân eng liap thou bak kou pang-iu khou chhiau ang chiok / tui iong iau hu kau xiang

GHI CHÚ dùng= i-ong = eng liếm-láp thố [m] => [b] Mân cũ = ku (Ngô) giống Ngô nhất hổ qua= mướp đắng tiếu = cười ông=>tiếng Ngô ? = tắc âm thanh môn dung = chứa Ngô/Mân/Việt lột [Y] phủ-phục. [F] => [V] Việt=Mân= Ngô = đôi. (Ngô/Hẹ)

Để ý: (a) Có một số cặp tối đa cho thấy tiếng Việt giống tiếng Ngô hơn các phương ngữ khác. Nhất là: khổ = đắng = khu, cũ = ku, bạn hữu = ban hiw, ông = Ong, cầu = kâw, yêu = io. Cặp {yêu & io} cho thấy tiếng Ngô cũng giống Mân và Việt có khuynh hướng lột mất âm [yờ] đầu của quanthoại và quảngđông, và Ngô-Mân-Việt mang cùng gốc với nhau trong việc cho phát âm từ bắt đầu bằng /Y/ trong quốcngữ y hệt như âm [I]-ngắn: Yêu => [iêu]. (b) Trong khi âm [F] quanthoại, quảngđông và hẹ, có khuynh hướng chuyển sang âm [H]mạnh trong tiếng Mân, khi chuyển sang Ngô, [F]-quanthoại có 3 khuynh hướng. Hoặc chuyển thành [F] như thường, hoặc chuyển sang âm [PH], hoặc biến sang [V] (phủ=> vu). (c) Âm cuối tiếng Ngô có vẻ phân biệt rõ rệt [at], [ak] và [a?], [iat], [iak] và [ia?]; [wat], [wak] và [wa?]; v.v. cũng có thể gợi cho ta cách phân biệt rõ các âm như [ách], [ác] và [át] trong lối phát âm tiếng Việt ở phía Bắc. KẾT Qua phần trình bày ở trên, nhất là việc minh giải hai cặp động từ 'Ăn - Uống' và 'Cưới - Gả' có gốc gác từ 3 phương ngữ: Ngô, Mân và Hẹ, chúng ta, một lần nữa, thu thập thêm chứng liệu quan trọng hỗ trợ cho đẳng thức cơ bản của tộc người Việt Nam: Việt (Nam)= Âu Việt + Lạc Việt (Hẹ +Mân +Ngô) // Môn-Khmer + Đa đảo + Nêgritô Để ý trong đẳng thức hợp tộc đó, đặc biệt tộc Âu Việt, tức Thái cổ, cũng có thành phần bản địa có sẵn tại xứ Việt cổ, y như dân Môn-Khmer. Điểm đáng chú ý trong đẳng thức tộc nguồn ở trên có lẽ xoay quanh so sánh giữa ảnh hưởng của hai nhóm Việt tộc làm chủ đất nước tổng cộng trên dưới 400 năm. Đó là nhà Lý 188


(1010-1225) và nhà Trần (1225-1400). Tiếng Việt do thị tộc nhà Lý mang đến chính là thứ tiếng Hẹ cổ. Tiếng Việt nhà Trần là tiếng Việt xứ Mân pha trộn với xứ Ngô.

(Bản đồ cho thấy 3 thành phần di cư thuộc khối Lạc Việt: Hẹ (Sơn Đông), Ngô Việt (chung quanhThượng Hải) và Mân Việt (Phúc Kiến)). Với nhà Lý và nhà Trần, nền chính trị và quân sự ở nước Nam bắt đầu nổi bật, nếu không nói sáng chói. Chúng ta có thể tạm lý giải hiện tượng này bằng cách cho rằng, bởi là những nhóm người di cư đến sau, họ đã học được nhiều bài học từ ở, và đối tác với, người Hoa trong nhiều thế kỷ còn bị kẹt ở bên Tàu. Chính nhà Lý và nhà Trần đã tạo dựng được đầy đủ các định chế và cơ viện rất vững chắc, để về sau, khi Lê Lợi đánh đuổi được giặc Minh, ông thiết lập nên triều đại nhà Lê (14281788) huy hoàng và lâu dài nhất (360 năm) cho nước Nam. Ghi Chú [1] Randy J. LaPolla (2000) The Role of Migration and Language Contact in the Development of the Sino-Tibetan Language Family. IN: Areal Diffusion and Genetic Inheritance: Case Studies in Language Change. Ed. by R.M.W. Dixon & A.Y. Aikhenvald. Oxford University Press. [2] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu, tái bản tại Hoa Kỳ. [3] Ngô Sĩ Liên và cộng sự (1497). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Thanh Việt và Phạm Ngọc Luật hiệu đính theo bản dịch của Đào Duy Anh. Nxb Văn Hoá Thông Tin (2004). Bản của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam được trình bày đầy đủ trên mạng internet: perso.wanadoo.fr/charite 189


[4] 'Lấy' thật ra có thể mang một nghĩa hơi khác với 'kết hôn' hoặc 'cưới vợ'. Có thể mang nghĩa 'ăn ở', 'ăn nằm' (have sex with), chứ không chính thức có cưới hỏi đàng hoàng. [5] Dấu [?] trước [ân] là kí hiệu của 'tắc âm thanh môn', hay âm màng họng. Đó là thứ âm thật ngắn chuyển tiếp giữa [uh] và [oh] khi đọc nhanh: [uh-oh]. Trong tiếng Việt, chữ 'ác' thường được kí âm như [?ák]. Phát âm dấu ngã [~] thường được biểu diễn bằng một con số chỉ thinh thấp, tiếp theo bằng tắc âm thanh môn [?], rồi kết bằng thinh cao: [2?5]. [6] Lê-Ngọc-Trụ (1959) Việt Ngữ Chánh-tả Tự-Vị. Nxb Thanh-Tân [7] Biến chuyển giữa [S] và [TH] có thể gây nên bởi đổi âm hoặc trong tiếng Quanthoại, hoặc trong các phương ngữ Hoa Nam, hoặc âm tương đương giữa bản địa Môn-Khmer và Hoa hay Hoa Nam, trong hằng ngàn năm qua.. [8] Tiếng Việt, vẫn thường dùng ‘phòng’ để chỉ ‘vợ’: ‘Nghe nói, anh Ba dạo này đã có phòng nhì rồi’ => ‘phòng nhì’ ở đây mang nghĩa ‘vợ 2’ hay ‘đào nhí’.. [9] http://www.chineselanguage.org/cgibin/query.php?table=hakka&mode=english&sound=no&beijing=pinyin&canton=jyutpin&h akka=default&fields=pinyin,english&lang=en&show=frequent [10] Lê Ngọc Trụ (1960) Chánh Tả Việt Ngữ. Nxb XuânThu 1991. Trường Thi Xuất Bản [11] Khác biệt quan trọng nhất: Lê Ngọc Trụ và gần như tất cả học giả xưa và nay, Việt và Tây, đều cho rằng nếu có giống nhau giữa từ vựng Việt ngữ và những từ thuộc các thứ ngôn ngữ khác, như tiếng Chăm, Khmer, Thái, Tàu, v.v.; đó là kết quả của 'vay mượn'. Lý thuyết ở đây đặc biệt nhấn mạnh ở chỗ: Có thể không có vay mượn. Người Việt và tiếng Việt biến đổi và tiến hoá theo thời gian, và theo sự hợp chủng giữa những tộc người mang nhiều điểm đặc trưng văn hoá giống nhau, và có cùng một hướng nhìn về tương lai.

190


Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (14): Hán-Việt vào lúc xưa khi bên Tàu Một trong những điểm thường được nhấn mạnh trong loạt bài này nằm ở chỗ mô hình 'nguồn gốc dân tộc' Việt Nam rất giống với các nước ở miền Đông Nam Á. Trong đó, tộc người ngày nay, nước nào cũng vậy, gồm hợp chủng vài ba tộc người khác nhau ở thời xa xưa, từ chốn khác, cộng với lớp dân bản địa đã có mặt tại đó từ trước. Phân bố thành phần hỗn hợp khác nhau tùy theo từng quốc gia. Có xứ chứa nhiều nhóm dân Môn hoặc Khmer, hoặc cả hai thứ Môn-Khmer, có xứ nhiều tộc Thái cổ. Cũng có nơi gồm cả thành phần các tộc Lạc Việt từ miền biển Đông nước Tàu, như tại Việt Nam. Một điểm đặc trưng khác của mô hình này là những khối dân tộc ít người tại khắp các quốc gia ở Đông Nam Á đều có tình bà con gần xa với khối người Kinh, nhất là ở vào thời xa xưa. Lý do chính họ trở thành người dân tộc là bởi ngay từ đầu họ vẫn có ý thích yêu chuộng tự do, thích duy trì nếp sống cổ truyền của tổ tiên, và rất dị ứng với chế độ phong kiến do người Hoa áp đặt trên lãnh địa của ông cha. Như vậy rất có khả năng, người dân tộc là những người đã kinh qua hơn một lần di tản. Lần thứ nhất, chạy giặc Xuân Thu Chiến Quốc, Hán Sở tranh hùng, loạn Vương Mãng, Tam Quốc, Tàn Đường, thập triều - ngũ đại, v.v. ở bên Tàu. Lần này chia thành nhiều đợt, cách nhau có khi hằng thế kỷ, và theo sát nguyên lý căn bản của di tản: 'Luôn luôn di tản theo hướng mà ông cha ngày trước đã đi qua'. Những lần sau, từ miền kinh chạy tuốt lên miền rừng núi khi những kẻ thù năm xưa lại xuất hiện tại xứ mà ông cha họ đã di tản đến định cư. Theo sát với truyền thuyết Âu Cơ và Lạc Long Quân. Một khi chấp nhận được cơ sở lí luận của mô hình hết sức đơn giản, nhưng không kém phần thực tế này, chúng ta thấy ngay việc truy tầm nguồn gốc dân tộc không mấy khó khăn. Ít ra công việc đó đơn giản hơn rất nhiều những lí thuyết trên trời dưới biển do mấy ông Tây ông Tàu bày ra, trong những thế kỉ qua. Xem kỹ mô hình đơn giản này với những hiểu biết người Việt đã có từ xa xưa, chúng ta sẽ thấy nó đưa ra được lý giải cho những gút mắt khó khăn từ trước đến nay, trên nhiều bình diện quan trọng của tộc người Việt Nam, xuyên qua các vấn đề văn hoá, nghệ thuật, lịch sử và nhất là vấn đề hóc búa: ngôn ngữ. Xin đơn cử một hai thí dụ. Nhiều người Việt đã có dịp chứng kiến 'múa tre' kiểu Phi-líp-Pin. Họ múa rất nhuần nhuyễn, rất đẹp. Theo đó những người múa, thường một cặp nam-nữ, nhảy theo điệu nhạc, bước chân qua lại giữa hai ống tre dài, song song, do hai hoặc bốn người nắm và điều khiển, đập theo nhịp xuống sàn, vài nhịp lại đánh khép vào nhau, và người nhảy sẽ nhảy múa làm sao để chân khỏi bị kẹt giữa hai ống tre. Đối với nhiều người thuộc thế hệ trẻ, khi họ thấy kiểu 'vũ tre' này biểu diễn tại Việt Nam, có thể họ sẽ cho rằng dân mình bắt chước kiểu múa của người Phi. Nhưng theo với cơ sở của 'truyền thuyết giải mã' ở đây, chúng ta bắt buộc trước hết phải rà một lượt qua mạng, với Google chẳng hạn, dùng tiêu đề 'bamboo dance', và sẽ thấy 'múa tre' rất phổ biến tại Phi-líp-pin, Thái Lan và Nam Ấn. Cả 3 nơi nầy khi xưa có sự hiện diện của dân Môn-Khmer. Từ đó, có thể giải thích 'múa tre' nếu có tại Việt Nam là do ở việc góp mặt của tộc người tối cổ Đông Nam Á là Môn-Khmer, vào lòng dân Việt Nam. (ii) Cách đây trên mười năm, chúng tôi xem được ở đâu đó một màn vũ múa do các thiếu nữ Việt trình diễn. Điểm ngạc nhiên, điệu vũ rất giống kiểu vũ múa Thái Lan, ở chỗ uốn cổ tay trong lúc múa. Lúc đó chúng tôi, với hiểu biết hết sức hạn hẹp, vô tình cho rằng (i)

191


dân Việt, thời mới bây giờ, bắt chước Thái trong điệu vũ nặng nhiều về 'uốn' cổ tay, với bàn tay năm ngón xoè xoè ra. Nhưng gần đây trong lúc viết nên loạt bài này, chúng tôi được dịp xem một 'phim Nam' mang tựa 'Nợ Đời' phỏng tác theo tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Trong phim có đoạn dân làng kéo nhau đi xem múa ở đình, và trong màn múa đó, các thiếu nữ làng biểu diễn chính kiểu múa uốn cổ tay của Thái Lan. Hoàn toàn phù hợp với 'giả thuiết' ở đây: tộc Thái-cổ là một trong 3 thứ tộc nòng cốt tạo dựng, tiến hoá nên người Việt Nam. (iii) Câu chuyện ngôn ngữ có lẽ cũng vậy, 'truyền thuiết giải mã' sẽ cho thấy một chuyện hết sức ngộ nghĩnh, rất kì lạ nhưng không kém lí thú, đã có từ lâu, nhưng tuyệt đối rất ít người để ý đến. Đó là việc tìm kiếm cho được một dân tộc thứ hai nào trên thế giới, mang tiếng thuần chủng, có hơn phân nửa dân số, đặc biệt đếm luôn giới ê-lít, lúc nào cũng có vấn đề 'viết sai chính tả' nhất là phân biệt hai thứ thanh 'hỏi' và 'ngã'. Chúng tôi hi vọng sẻ trỡ lại câu chuyện ngộ ngỉnh này vào một dịp khác. Nói luôn luôn dễ, nhưng làm thường rất khó. Sở dĩ những học giả bản địa của nhiều nước ở Á Châu, kể cả Tàu, dễ bị lạc vào cái vòng lẩn quẩn, vướng vào sức nặng của hai khối tiền đề to lớn Hoa và Tây phương, là do ở chuyện chính họ nếu không là đệ tử, đồ đệ của người Tàu, thì cũng sinh viên học trò người Tây. Tra cứu tất cả sách vở và ngay cả những trang mạng về cổ sử Trung Hoa, chúng ta sẽ thấy một điểm đặc trưng nhất: 'đám nào, chỗ nào cũng có họ, cũng có người Hoa'. Thí dụ cụ thể, khi viết về nước Việt hùng cường của Câu Tiễn, họ nói hồi tiền sử vua nhà Hạ nhà Châu nào đó đã phong đất chỗ đó cho một ông Công ông Hầu nào đó mang máu Hoa tộc. Người Mông Cổ hay Hung Nô họ cũng không tha. Họ cho rằng xưa có một ông Chúa nào đó đem văn minh Hoa Hạ sang xứ Hung Nô rồi truyền lại cho dân bên đó. Rồi Vân Nam (Nam Chiếu / Đại Lý) cũng vậy, họ ưa bàn những di vật khai quật được có chung nền văn minh với kiểu tìm thấy ở Ngưỡng Thiều [1]. Đối với xứ An Nam, họ tìm thấy quyển Đại Việt Sử Lược thất lạc bên Tàu lâu năm, hiệu đính rất kỹ rồi trao trả lại cho nhà nước An Nam. Trong bản sử hiếm có đó [2], ngay ở đoạn đầu tiên, người Hoa đã không quên xí phần nguyên trọn xứ Giao Chỉ. Đại Việt Sử Ký [2] viết, ngay ở trang đầu tiên: 'Xưa Hoàng Đế dựng nên muôn nước, thấy Giao Chỉ xa xôi, ở ngoài cõi Bách Việt, không thể thống thuộc được, bèn phân giới hạn ở góc tây nam, có 15 bộ lạc là: (1) Giao Chỉ, (2) Việt Thường Thị, (3) Vũ Ninh, (4) Quân Ninh, (5) Gia Ninh,...'. Thật hay, thời Hiên Viên Hoàng Đế, người 'Tàu' đã biết đến toàn cõi Bách Việt, rồi chia đất người khác thành 15 bộ. Sự thật, như nhiều trang mạng có bản đồ đã ghi rõ, cho đến đời nhà Thương, ranh giới Hoa tộc thuần túy chỉ bao gồm chừng 1-2 tỉnh nước Tàu tập trung tại khu vực bên sông Hoàng Hà. Họ không hề biết gì đến dân Bách Việt ở Hoa Nam. Người Tây Phương cũng phức tạp không kém người Hoa. Một mặt họ nghiên cứu rất kỹ về các tộc người khác nhau ở Đông Nam Á. Có thể nói vào thời đó (thế kỷ 17-20) đội ngũ học giả trí thức của họ về các vấn đề Á Châu cũng đông đảo không kém giáo sư đại học ngày nay chuyên khoa về vấn đề Trung Đông. Nhưng mặt khác, họ vẫn vướng phải một số các tiền đề đã ăn sâu vào cốt lõi văn hoá của họ. Quan trọng hơn hết là ám ảnh về một tộc người thuần chủng, như dân Jo-Thái chẳng hạn, được Moses dẫn đi di tản, tách rẽ biển, chạy trốn nạn khủng bố ở nước Ai Cập. Rất nhiều lí thuyết về nguồn gốc dân tộc tại Á Châu, cho mãi đến ngày nay, vẫn thường dựa vào thứ tiền đề 'thuần chủng' này. Ở một góc độ khác, chính sách thuộc địa của họ có vẻ luôn luôn dựa vào những gì thuận lợi cho họ, giữa hai ý niệm hoặc hiểu biết trái nghịch với nhau: 'Một dân tộc gồm nhiều chủng khác nhau' và 'Một dân tộc thuần chủng'. Tức khi cần chia để trị, họ nói dân bị trị gồm nhiều chủng khác nhau. Khi cần tổ chức hành chánh thành một mối cho gọn, hoặc để tránh dòm ngó của các cường quốc khác, họ cho biết cái xứ họ đang khai thác thuộc địa bao gồm một chủng tộc duy nhất. 192


Nghiên cứu Tây Phương về những tộc người Á Châu, cho mãi đến ngày nay, lại bị vướng bởi những thứ tiền đề thuận lợi cho người Hoa, do chính người Tàu bày ra. Thí dụ cụ thể nhất là lối khẳng định sau đây rất dễ tìm thấy trong các bài viết của những nhà ngôn ngữ học, nhiều vị rất nổi tiếng, khi viết về các phương ngữ Hoa Nam. Đại khái, mỗi khi muốn nêu lên so sánh khác nhau giữa tiếng quanthoại và các thứ phương ngữ khác ở Hoa Nam, họ viết tiếng Tàu kiểu quanthoại xưa cũng giống như các phương ngữ Hoa Nam, nhưng trong nhiều thế kỉ qua, bị lột mất hầu hết các âm cuối, chỉ còn giữ lại hai âm tận cùng [n] và [ng]. Thí dụ: màu lục, rất nhiều phương ngữ Hoa Nam phát âm có âm [k] ở cuối [luk], nhưng quan thoại không có [k], và phát âm với âm [u] trơn ở cuối: [lu]. Phía 'Nam', hoặc màu xanh 'lam', rất nhiều phương ngữ phát âm như: [Nam] và [laam] hay [lam], nhưng quanthoại chỉ biết có, và chỉ còn giữ âm cuối [n]: [Nan] và [lan], có thể mang ảnh hưởng tiếng Mãn Thanh. Ngoài âm [n], còn có âm [ng] vẫn còn giữ nguyên: [shuang] => song (đôi). Những âm cuối như [p] (pháp), [t] (xất / thất), ... hoàn toàn đã bị lột mất trong quanthoại: [fa] {fáp} & [shi] {xất=thất} => thiếu mất âm [t] ở cuối. Lối kết luận như vậy đã dựa vào thứ tiền đề nào, chưa được khắt khe xem lại? Đó là tiền đề cho rằng người Hoa Nam và người Hoa Bắc khi xưa cùng chung một tộc, ngôn ngữ giống nhau. Ngày nay họ hướng dẫn các giới thẩm quyền Tây Phương gọi đó nhóm ngữ Hán-Tạng, tức tiếng Tàu quanthoại và các phương-ngữ Hoa Nam xưa có cùng chung một gốc Hán-Tạng với nhau. Chỉ có phía Bắc, tiếng quanthoại bị lột mất một số nhiều âm cuối do giao tác với 'rợ' Bắc phương. Dụng ý chính của tiền đề 'Hán Tạng' này có lẽ để hoà nhập hai thứ tộc người chính trên Hoa lục, lại làm một. Đó là Hoa tộc và tộc người Bách Việt ở thời xa xưa. Sự thật hai tộc chủng thật lớn này vào thời xưa, rất có khả năng, đã khác nhau rất nhiều, thì không hề có vụ tiếng quanthoại chính của Tàu xưa rất giống các tiếng khối Bách Việt, nhưng ngày nay bị lột mất các âm cuối, chỉ còn chừa lại [n] và [ng]. Thật ra, người Hoa hiện đại rất thích cái tiền đề kiểu này. Gần đây họ còn đi xa thêm bằng cách cho rằng tiếng Việt (Yue), tức tiếng Quảng Đông, hồi xưa có nhiều điểm tương đồng với tiếng Hán cổ [14]. Sau một thời gian dài cho rằng người Hẹ (Hakka) chính là người Hán... thuần túy nhất. Tiền đề Hán-Tạng đó, theo thiển ý, không được chính xác ngay trong cơ bản, và cần được xem lại thật kỹ. Một thứ tiền đề khác cũng do người Hoa bày ra, đã khiến mọi công cuộc nghiên cứu về nguồn gốc dân tộc rất nhiều nơi ở Đông Nam Á bị rơi vào cái mê hồn trận của người Tàu. Đó là việc sử sách Tàu không bao giờ đề cập đến mỗi khi có loạn lạc 'ping' lửa pên Tàu, lê dân ở đó có di tản ra ngoài biên giới hay không. Có vẻ như người Hoa luôn tránh đề cập đến vấn đề này. Thêm vào đó vụ phân tán di tản lớn gần nhất từ Trung Hoa xảy ra vào thời nhà Mãn Thanh bên Tàu (1644-1911), đúng vào lúc, các dân tộc của từng quốc gia ở Đông Nam Á đã bắt đầu hình thành. Những người thuộc đợt di tản lớn, cuối cùng này từ Trung Hoa, chỉ còn nước trở thành Hoa Kiều, chứ không góp phần vào việc hình thành tộc người địa phương như thời xa xưa, ở nhiều thế kỷ trước [7]. Và chính cũng ở chỗ khác nhau rõ rệt của các tộc người bản địa với Hoa Kiều, vào thế kỷ 17 trở về sau, cộng với một nguyên lý cơ bản của di tản thường bị bỏ quên [3], đã khiến cho mọi công cuộc nghiên cứu, Đông cũng như Tây, dễ bị lạc hướng, rơi vào một thứ tiền đề lệch lạc ngay từ cơ bản. Đó là, người bản địa là người ở tại chỗ từ ngàn xưa, không có từ đâu đến hết, nhất là dính dáng đến chuyện xưa tích cũ ở bên Tàu. Dân tộc ở khắp các quốc gia miền Đông Nam Á, mỗi một thứ tộc đều thuần chủng. Lớp người di tản chạy giặc Mãn Thanh hoàn toàn là Tàu, không liên hệ huyết thống gì hết với các dân ở Đông Nam Á, dù ở thời xa xưa. Trên cơ sở lí thuyết của loạt bài này, một khi chấp nhận được mô hình 'dân tộc mỗi quốc gia Đông Nam Á là một hợp chủng', khác kiểu với mô hình Trung Hoa, chúng ta sẽ thấy việc 193


truy tầm các thành phần hợp chủng thuở 'ban đầu' trở thành một công tác không mấy khó khăn. Đơn giản nhất: truy cập tổng số từng khối dân tộc ít người hiện có, và để ý đến khoảng thời gian họ đã di tản đến xứ đó. Đặc biệt để ý đến những những loại người dân tộc có số đếm đông đảo nhất. Nhìn lại đẳng thức tộc người Việt Nam: Việt-Nam = Thái cổ + Việt cổ // Môn-Khmer + Thái-cổ + Nêgritô + Đa đảo Tóm lược số người dân tộc chia thành từng nhóm, theo thống kê [4]: (a) Thái (thường gọi Thái-Kadai), bao gồm: Bố Y, Giáy, Lào, Sán Chay, Lự, Nùng, Tày, Thái. Cờ Lao, La Chí, La Ha, Pu Péo. Tổng cộng: 3,891,560 (b) Việt-Mường: Chứt, Mường, Thổ, và Kinh (Việt). Tổng cộng (trừ KINH): 1,209,738 (c) Môn-Khmer: Ba-na, Brâu, Bru VânKiều, Chơ-ro, Co, Cơ-ho, Cơ-tu, Gié Triêng, Hrê, Kháng, Khmer, Khơ-mú, Mạ, Mảng, Mnông, Ơ-đu, Rơ-măm, Tà-ôi, Xinh-mum, Xơđăng, Xtiêng. Tổng cộng: 1,972,480. (d) Nam Đảo (Malay-Pôli-nêziên): Chăm, Chu-ru, Ê-đê, Gia-rai, Ra-glai. Tổng-số: 515,130 (e) Hán-Tạng & Tạng-Miến: Cống, Hà-nhì, La-Hủ, Lô-Lô, Phù-Lá, Si-La, Hoa, Ngái, SánDìu. Tổng cộng: 1,032,727 (f) Hmong-Mien (tức Miêu-Dao): Dao, Hmong, Pà Thẻn. Tổng cộng: 1,413,711 Theo thiển ý: (i) Tộc người Kinh là hỗn hợp qua nhiều thế kỷ của các thành phần dân tộc kể trên, đã ở lại miền đồng bằng, CỘNG với nhiều đợt di tản kéo dài từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, cho đến đời nhà Trần, của các nhóm Lạc Việt ở phía bờ biển phía Đông nước Tàu. (ii) Tộc Thái-cổ có thể bao gồm phần (a) và (b), tức Thái và Mường, hợp lại với nhau. (iii) Tộc người bản địa xưa Môn-Khmer (c) cũng có thể được phối hợp với nhóm Nam Đảo (ở trên. Trong nhóm Nam Đảo (d), đặc biệt để ý đến nhóm Chăm, với thành phần nòng cốt, theo thiển í: Môn-Khmer. Xếp người Chăm vào nhóm Nam Đảo, theo kiểu trên, hoàn toàn dựa vào phân loại ngôn ngữ của người Tây Phương đối với tiếng Chăm. (iv) Nhóm Hán-Tạng và Tạng Miến cũng có thể là những đợt di tản từ miền Hoa Nam, sau khi 'đồng bào' ở đó đã tiến hoá thành người Tàu. (v) Nhóm Hmong-Mien (tức Miêu-Dao) là một nhóm tiêu biểu cho những người đến định cư tại xứ Việt sau này. Tuy nhiên, cũng có một vài chứng tích cho biết họ cũng đã đến đó vào thời xa xưa. Thứ nhất, họ là một thứ tộc người ưa sống gần người Hakka (Hẹ) ngay từ khi còn ở bên Tàu. Điển hình, người She (dân số khoảng 700000) ngày nay sinh sống tại Chiết Giang / Giang Tây có ngôn ngữ rất giống Hẹ mặc dù họ thuộc tộc Hmong-Mien. Những nơi nào thấy người Hẹ thì thấy người Hmong, như ở Triều Tiên. Tại Quý Châu, người Hmong có đến khoảng 8 triệu người, ưa sống hoà nhập với tộc Thái. Thứ hai, vua Lý Anh Tôn cho lập đền thờ Xuy Vưu vào năm 1160. Xuy Vưu là thánh tổ dân Hmong-Mien có hậu duệ chính là dân Triều Tiên. Thứ ba, họ Lý (hoặc Ly) là một trong những họ chính của người Hmong [6]. Như vậy phân bố người dân tộc ngày nay, tóm lược sau đây, có thể cho biết đại cương phân bố tộc người vào thời cổ đại: - Thái cổ, gồm cả Mường: trên 5 triệu - Môn-Khmer (kể luôn Chăm-pa): trên 2 triệu - Hmong-Dao: khoảng 1.5 triệu - Nam Đảo + Nêgritô: Khoảng 0.5 triệu 194


Rất có thể, một thứ phân bố như vậy đã ở lại miền đồng bằng để rồi hợp chủng với các tộc Lạc Việt - như các nhóm Hẹ-cổ [5], Ngô và Mân - tạo dựng, tiến hoá nên người Việt Nam. Xin tóm lược thành tích các tiền bối Việt tộc theo từng nhóm một: a) Môn-Khmer: Hiện diện gần như khắp nơi ở Đông Nam Á, nhất là các dải đất giáp với Ấn Độ Dương kéo đến các quần đảo ở Thái Bình Dương, trong đó có Myanmar, Khmer, Mã Lai, Inđô-nêxia, Phi-líp-Pin, v.v. Siêu tộc thuở ban đầu của họ có lẽ là nhóm Để & Khương (Di Qiang), xuất hiện từ phía Tây nước Tàu, tiền thân của rất nhiều chủng tộc ở khối Bách Việt lẫn Tây Tạng. Rất có khả năng, đám rợ Khuyển Nhung (Quan-rong) từng làm cỏ kinh đô Hảo Kinh (Haojing gần Xian - Tây An) của nhà Tây Châu vào năm 770 TCN thuộc vào tộc này. b) Thái-cổ: Địa bàn nguyên thủy, phối hợp với nhóm Khương, nằm ở phía trong lục địa Trung Hoa, tại các vùng như Tứ Xuyên (Thục), Hồ Bắc / Hồ Nam (Sở), xuống Quý Châu (hợp với Hmong-Dao), Vân Nam (Điền), và Lưỡng Quảng (Âu Việt và Nam Việt). Lãnh đạo có chất lượng của khối này vào thời Đông Châu Liệt Quốc chính là nước Sở, cái nôi Việt tộc. Tộc Thái-cổ, theo thiển ý, cũng chính những nhà phát minh các loại trống đồng mà người Mường (VN) và người Choang ở Quảng Tây hãy còn xử dụng đến ngày nay. c) Lạc Việt: Gồm ba nhóm chính: Lạc (Đông Di), U (tức Ngô), và Mân- tương ứng với ngày nay, tuần tự, Hẹ/ Sơn Đông, Chiết Giang/ Thượng Hải, và Phúc Kiến/ Triều Châu. Minh chủ sáng giá nhất: Phù Sai và Câu Tiễn của hai nước Ngô và Việt. Nhóm lãnh đạo di động do thế du mục: nhóm Bách Bộc (tức Hẹ ngày nay), có mặt tại nhiều chiến trường thời Xuân Thu Chiến quốc. d) Hmong-Dao, tên khác: nhóm Cửu Lê, có hậu duệ nhìn nhận là dân Triều Tiên. Lãnh tụ nhóm này nổi tiếng nhất chính là Xuy Vưu có thành tích đối đầu trực tiếp với Hiên Viên Hoàng Đế của Hoa tộc. Đây là tộc người nấp kín nhất trong lòng tộc người Việt Nam (sau lưng triều nhà Lý và khối người Hẹ-cổ ở bình nguyên sông Hồng). Như vậy khác với nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á, tộc Việt bao gồm toàn những tộc có đầy đủ kinh nghiệm phân tranh với Hoa tộc. Đặc biệt nhất hiện diện của các nhóm Lạc Việt từ miền biển. Quan sát thật kỹ bằng việc so sánh tiếng Việt và các thứ tiếng Lạc Việt từ miền biển ở các bài trước, chúng ta đã đi đến một vài nhận xét cực kì quan trọng như sau: Thứ tiếng thường gọi Hán Việt, thật ra là những phương ngữ của các tộc người Lạc Việt, và ngay cả Âu Việt, từng xử dụng từ thời họ còn ở bên Tàu. Theo thiển ý, chỉ có như vậy ta mới giải thích được hiện tượng tiếng Việt có đến 60% từ 'Hán'-Việt, mà mọi người Việt đều 'xử dụng' rất 'tự nhiên'. Những mô hình tương tự có thể được nghiên cứu cho các trường hợp Nhật và Hàn. Hai xứ này hoặc không bị Tàu đô hộ, hoặc đô hộ trong thời gian ngắn hơn nước Nam, nhưng hiện diện của các từ gốc 'Hán' cũng rất đậm nét. (ii) Một số lớn từ vựng của tiếng Nôm, xưa nay vẫn tưởng thuần Nôm, thật ra lại là đóng góp của nhiều phương ngữ khác nhau của các tộc người Bách Việt ở thời xa xưa, trên tầng lớp bản địa Mon-Khmer và Thái cổ. Mỗi phương ngữ chứa một số thanh điệu khác nhau. Mỗi phương ngữ lại có rất nhiều tiểu chi. Chỉ riêng tiếng Ngô có đến 94 tiểu chi phương ngữ khác nhau. Đưa đến 3 sự việc chính như sau trong tiếng Việt, lý giải theo 'giả thuyết' ở đây:  Mỗi một sự vật hoặc động tác, trạng thái, thường có những từ dùng khác nhau. (i)

195


Thí dụ: động từ 'Dùng' chỉ 'ăn' và 'uống'. Phương ngữ Hakka phát âm 2 cách: [jung] và [yung]. [Jung] giống kiểu Bắc, và [Yung] kiểu Nam hoặc Quảng Đông - Quanthoại. Ngô (Thượng Hải - Chiết Giang) phát âm như [i-ong] sinh ra [uống]. Trong khi Mân (Phúc Kiến - Triều Châu) đọc như [eng], tiến đến [ăn] rất dễ khi phối hợp với một lối phát âm của người bản địa Môn-Khmer: [?an]. Tương tự, 'Gả'-chồng và 'Cưới'-vợ. [Gả] là phát âm 'Nôm' giống tiếng Hẹ của từ Hán Việt [giá] tức [jiá] 嫁 y hệt phía quanthoại, và [ka] Ngô, [ke] Mân. [Ke] Mân hợp với [kuÊ] Ngô, hay [kui] Mân dễ dàng tiến đến 'Cưới'. [Kuê] Ngô chính là [quy] Hán-Việt: {vu quy} mang nghĩa 'đàn bà lấy chồng'. Tương đương [quy] trong quanthoại là [gui] 歸.  Phát âm dựa trên mẫu âm (nguyên âm) chính của mỗi từ, trong phương ngữ, hay ngay cả trong một tiểu chi phương ngữ, cũng có thể khác nhau. Y hệt như trong tiếng Việt. Thí dụ: Biến chuyển giữa âm [u] và [ô], như [tui] & [tôi]: [Chủng] => [giống] {tộc người}. Giữa các phương ngữ Yueh: [zhung] Hẹ => [tsong] Ngô. [Thất] (mất) => [Thiệt] (thiệt hại). Sang phía phương ngữ Hoa Nam: [Xất]-quảng đông => [Xiit]-Hẹ. [Thật] => [thiệt] cũng vậy. Từ phương ngữ Bách Việt: [Chat]-Mân, [xat]-quangdong, [shi]-quanthoại => [xiit]-Hẹ. Ngay cả biến thái môi-môi trong tiếng Việt, như: [muộn] => [buồn] => [phiền], cũng được thể hiện giữa các phương ngữ Bai-Yue. Các phương ngữ cũng có 3 thứ từ mang cùng gốc như vậy nhưng viết Hán tự khác nhau, cùng nghĩa: 'Sad' (buồn): [Muộn]<=>[miau-1]-Hẹ, hay [miau-3]-Hẹ, và [mian2]-quanthoại[8] [Buồn] <=> [bui-1]-Hẹ & [bei-1]-quanthoại, quảngđông. [Phiền] mang Hán tự y hệt như [bei1], tức [buồn], có phát âm gần giống của Ngô [pei] và Mân [pi].  Thanh điệu có thể khác nhau giữa hai từ (Việt) mang cùng gốc, như {sài} => {sói}, {khoảng} => {quãng}, {đỉnh} => {đĩnh}, {ngõ} => {ngả}, {Giu Đà} => {Jo Thái}, v.v. giờ đây có thể giải thích bằng việc khác thanh điệu giữa các phương ngữ, cũng như khác thanh điệu giữa các tiểu chi trong cùng một phương ngữ. Thí dụ: [sói] có tương đương với: [sai-1]-Hẹ + [sai-2]-Hẹ, cũng như [chaai-2]-quảngđông, và [chhai-5]-Mân, tương ứng [sài]-hánviệt. Cho thấy, thanhđiệu cho cùng một từ trong các phương ngữ Bai-Yue luôn biến chuyển thanhđiệu (dấu) tùy theo tiểu chi phươngngữ. [Sài] chuyển sang Nôm có lẽ bị sức ép của các tiếng bản địa như Môn-Khmer và Thái, như Kwêi (kúi), chkăe, maa (má), nên chuyển sang dấu sắc, thành [Sói]. [Đỉnh], thường lộn xộn 'hỏi'? và 'ngả'~ trong tiếng Việt, cũng lộn xộn hai ba thanh trong tiếng Tàu. [Đỉnh] mang nghĩa 'cao cấp nhất' hay 'cái đỉnh 3 chân' (thường để phô trương uy quyền), viết tiếng quanthoại thành [ding-3], Hẹ [din-1] và [den-3], quảngđông [ding-2], Ngô [ting-5], Mân [teng-2]. Trong khi [Đỉnh] mang nghĩa 'đỉnh núi' phát âm theo quanthoại bằng [dian-1], Hẹ [dien-1], quảngđông [din-1], và Mân [tian-1], tất cả có vẻ cùng thinh số 1, tức thinh 'bằng'. Do đó 'đỉnh núi' trong các phương ngữ phía Hoa, thông thường mang thanh điệu khác với 'chiếc đỉnh'. Một trong những lí do chính gây ra lộn xộn trong các thinh và ngay cả cách đánh vần, phát âm, trong tiếng Việt, do đó bắt nguồn từ chỗ tiếng Việt là một tổng hợp của các thứ tiếng Việt nguyên thủy bản địa, với các thứ tiếng Việt, như các phương ngữ Âu Việt (Thái) và Lạc Việt (Việt cổ), nhập khẩu từ bên Tàu. Đối với tất cả các phương ngữ này, tổng cộng có thể lên đến vài trăm, tiêu biểu cho hằng trăm bộ lạc khác nhau ở thời xa xưa, mỗi một sự vật, trạng thái, hay động tác đều có thể dùng nhiều từ khác nhau tùy theo từng phương ngữ hoặc tiểu chi phương ngữ. Ngay cả đối với những từ có chung một lối viết Hán tự, tức một kiểu từ duy nhất, cách phát âm có thể khác nhau, tùy theo từng tiểu chi phương ngữ. 196


Chúng ta cũng để ý trong tiến trình quy định các thinh (thanh điệu) của những từ, đặc biệt các từ Hán Việt, các vị học giả tiền bối ở đầu thế kỷ 20 (xem [9]) trong những hoàn cảnh thiếu thốn phương tiện (dùng internet hết sức đơn sơ thời đó, vận hành bằng xe xích-lô đạp), với lòng kính phục hãy còn đó, đã quy hoạch dấu hỏi ngã, sắc huyền trên tiếng Hán Việt bằng cách đối chiếu với ... tiếng Hán nằm trong các từ điển đồ sộ, nhưng thiếu thốn pinyin, bởi lúc ấy pinyin chưa ra đời. Một sai lầm ngay trong cơ bản, bởi như đã và sẽ trở đi trở lại nhiều lần, theo thiển ý, tiếng Hán Việt chính là thứ tiếng Việt có từ tương đương bên tiếng Hán do chính tiền nhân tộc Việt xử dụng và phát âm ngay từ lúc họ còn ở bên Tàu. Tiền nhân tộc Việt này, ngày nay còn có hậu duệ đã trở thành người Hoa, cư ngụ khắp nơi trên nước Tàu. Hậu duệ của họ chính là người Quảng Đông Quảng Tây, người Hẹ, người Chiết Giang Thượng Hải và người Phúc Kiến Triều Châu. Bảng đối chiếu tóm tắt ở đây sẽ cho thấy gần như từ Hán Việt nào, kể cả những từ thật...kì bí, cũng đều có phát âm tương đương hay gần giống trong các phương ngữ Hoa Nam. Chúng ta có thể tóm tắt vài nhận xét quan trọng từ bảng đối chiếu Hán-Việt với ... HánBách-Việt ở trên, như sau. a) Gần như hầu hết các từ mang tiếng Hán-Việt đều có phát âm gần giống, hay y hệt, trong ít lắm một (1) phương ngữ của khối Bách Việt ở Hoa Nam, bao gồm các phương ngữ, kể cả các tiểu chi, hai khối Âu và Lạc. b) Rất nhiều từ mang biến thái âm vị trong tiếng Việt thường có gốc gác tương ứng, giữa các chi phương ngữ Hoa Nam. Thí dụ: Bấc > Bắc => Bet > Bak > Baak (phương Bắc). Bảng Đối Chiếu dưới đây cho thấy gốc từ Hán-Việt nằm ở phương ngữ Hoa Nam: Hán-Việt áp (lực) bấc bằng-hữu bích cấp cố / cựu kiều chi dược dung điếm én ký kế giáo hạt hi ngậm (im) kê khán lang mục mộng nghiêu ngan

Nôm ép / áp bắc bạn vách cấp cũ / xưa cầu cành(cây) thuốc chứa quán chim én ghi nhớ (mẹ) ghẻ dạy hột, hạt hy (vọng) ngậm miệng gà khám/xem lang sói mắt mộng vua Nghiêu (con)ngan

Hẹ ap bet/ biet beng biak kip gu kiau zhi /gi jok /yok jung/ yung diam jen/yen gi gi / kie gau het/ fut hi gim / im gai/ ke kon/kan long muk mung ngieu ngan

Q.Đông at baak bang bik kap gu / gwu kiu kei yeuk yung dim yin gei gai gaau hat hei kam/ gam gai hon long muk mung yiu ngaan/aan 197

Q.Thoại ya bei peng bi ji gu jiao zhi yao rong dian yan ji ji jiao he xi jin ji kan lang mu meng yao yan

Ngô a? po? ban pI? tshI? ku tshio tsie ia? iong tI I5 tshi tshi tshio hơ?/ha? tshi djin tshI khƠ loz mO? mong gnio I5

Mân ah pak pang piah kip kou kiau ki ioh iong tiam iN ki ke kah hek hi gim ke khan long bak bang giau ngan

Ghi Chú Hẹ QĐ Ngô (*g) QĐ QĐ S-K: ko Mân/ QĐ Hẹ. Jap: 'ki' QĐ Hẹ /QĐ Hẹ /QĐ Hẹ / Mân Hẹ/ Mân Mân / Hẹ * QT QĐ Hẹ / Mân = im / câm Mân / Hẹ Mân Q.Thoại để ý: m = b m > b (M) Hẹ, y hệt = = Hẹ


nga ngỗng ngo ngo / o e ngou go Hẹ - QĐ nam nam nam/ lam lam/ nam nan nơ lam Hẹ / QĐ oan oan jan/yan yun yuan yO oan Mân ông ông vung ung weng ong ang Ngô phủ búa bu fu fu fu hu Hẹ, Qđ, QT phách đập, vỡ pak paak pai pha phah >phá-phách quán (thói)quen gwan gwaan guan kuE koan quan>quen quang ánh sáng kwong gwong guang kuang kng QT tửu rượu ziu jau jiu tshiw tjiu Ngô/ M/QT nhặng ruồi jin/sin ying ying i-ing sin KH: Ruy sư thầy sii / su si shi si-i sai sai > thầy sửu xấu chiu tsau chou tchiw chhiu Nôm+Hán sắc màu xek/ xet xik she /se xok xek S <> SH trinh trinh zhin jing zhen tseng cheng Hẹ / QĐ trầm chìm chim sam/zam zhen seng sim Hẹ / QĐ thiết sắt tiet tit tie thI? thiat Mân / Hẹ ủy ủy thác vui/ we wai wei uÊi ui QT, Ngô ưng ưng thuận jin /en ying ying i-ing eng S-K: ung vị mùi vị wi/mui mei wei vi / mi Bi rất giống xử(dụng) xài xii / xu xi / xai shi si sai Hẹ, QĐ, M yêu yêu cầu jau / yau yiu yao io iau Qđ, Ngô,M CHÚ-THÍCH: S-K= Sino-Korean (tiếng Hán-Hàn). // M = Mân (Phúc Kiến) // Qđ= Quảng Đông // QT= Quanthoại // KH = Khmer. // Phát âm [kwan] còn dùng trong tiếng Hẹ cho [gwan] tức 'quán'. c) Phát âm chữ {V} tiêu biểu Nam bộ, như [biák]<{vách}, cũng có phản ánh qua phương

ngữ chủng Lạc ở từ 'Hán Việt' {Bích} mang nghĩa 'vách tường'. Âm [Bi] như tiếng Anh [beauty], tiếng Pháp [bienvenue], tiếng Việt [byua > vua], [byợ > vợ], [byui / bui / bôi > vui],... đã hoàn toàn bị che lấp trong kí âm quốc ngữ. Lê Ngọc Trụ [9] nhầm lẫn âm vị đó bằng ảnh hưởng phát âm của người Chăm-pa. Trong khi rất nhiều nhà ngôn ngữ Việt khác lướt qua cách phát âm [Bi] của người Mường, và người Tày Nùng,... Âm [By] là sát-âm tỏ môi-môi trong khi [V] là sát-âm môi-răng. [V] trong tiếng Hẹ thường tương ứng với [W]-quanthoại, nhưng ưa hoán chuyển với sát âm điếc [F] trong phương ngữ Ngô ở Chiết Giang-Thượng Hải. Để ý trong bảng đối chiếu trên âm {V} trong {vị} cũng hoán chuyển với {B} sang tiếng Mân. d) Nhiều từ thường tưởng Hán-Việt có âm vị hoàn toàn Nôm giữa các phương ngữ Bách Việt: gà > kê, ngậm > im > câm (mồm),... e) Để ý biến thái [m] > [b] trong tiếng Mân, tức Phúc Kiến: Wang > Mong > Vọng > bong. Mung > Mộng > Bang. Tiêu biểu trong vấn đề này là {Mua} và {Bán}. Trong quanthoại chỉ có một âm vị nhưng khác thanh: {Mai} => [măi]-3 买 (買) (đọc gần như [mại], nhưng hán-việt: {mãi})= MUA & [mài]-4 卖(賣) (đọc giống như [mái], hánviệt: {mại})= BÁN. Sang tiếng Hmong: [muag]= Mua & [muas]= Bán [10]. MUA, tiếng Hẹ: [mai-0]-thinhbằng > 'mua' > Mân: [bue]-2, rất giống [bué]. BÁN, Hẹ [mai-3] > 'bán' > Mân: [bue]-0. Tiếng Việt chộp lấy âm [B] tiếng Mân (Phúc Kiến), và một thinh bổng nào đó phân biệt thành [Bán] khác với [Mua]. Nhưng thật ra [mua] và [bán] trong tất cả phương ngữ Tàu, kể cả quan thoại và Hmong, có phát âm giống nhau nhưng chỉ khác có thanh điệu (thinh): [măi] / [mài] & [muag] / [muas] & [buè] / [bue]. Nói một cách khác, biến chuyển một âm vị hai thinh (mãi & mại = muag & muas) sang hai âm vị hai thinh (mua & bán) dựa vào biến thái ở tiếng Mân: {m} > {b}, và do đó, tộc Mân chính là một trong những tộc Lạc Việt nòng cốt trong người Việt Nam. 198


f) Những nghiên cứu về Hán Nôm từ nay về sau, theo thiển ý, nên gộp vào so sánh tiếng

'Hán-Hàn' (Sino-Korean) và/hoặc tiếng 'Hán-Nhật' Kanji. Theo bảng đối chiếu phía trên, tiếng Hán Việt lại giống tiếng Hán-Hàn nhất, trong các từ: 'ưng' (thuận) và 'cố' (ko)= cũ. Tiếng Hán-Hàn đã giúp chúng tôi giải toả được một thắc mắc quan trọng nhất đối với người Việt Nam, chưa từng được giải quyết trong suốt vài trăm năm qua. Chúng tôi sẽ hân hạnh tiết lộ vấn đề hết sức kì bí này vào một bài khác. g) Một điểm khác cũng rất quan trọng trong tiếng Việt: âm chữ [R], trước giờ vẫn ít khi truy ra gốc gác. Lật một quyển từ điển Hán-Việt, hoặc Nôm, chúng ta sẽ thấy âm [R] Việt rất thường tương đương với âm [j] quanthoại: jiu > rượu (11). Nhưng nếu so với các thứ tiếng như MônKhmer, ta thấy rất có khả năng, âm [R] trong tiếng Nôm-bản-địa chính là âm [R] của Môn-Khmer: 'con ruồi' > 'Ruy' (Khmer). Người phía Bắc gọi {ruồi} bằng {nhặng}, một biến chuyển của phương ngữ Hoa Nam: [ying] quảngđông và quanthoại: [Y]-tàu > [NH]-việt: [Ya] > [Nha]= răng. [Ying] > [nhặng]. [Rễ], như 'rễ cây' có tương đương tiếng Thái là [rak]. h) Xin để ý đến nguyên lí: Khi một sự vật hoặc hiện tượng xuất hiện ở xứ nào trước tiên hay được người khác biết đến bằng ngôn ngữ chốn phát khởi đó, từ vựng nguyên thủy thường được giữ rất vững, khi chuyển sang nhiều ngôn ngữ khác. Thí dụ: các từ như tennis, phone, fax, internet, ice-cream (cà-rem /kem),... được dùng trên khắp thế giới. Gần như bất kì ai ở chỗ nào cũng có thể biết các từ này dù phát âm khác chút xíu. Chẳng hạn ngày trước, con ngựa xuất hiện đầu tiên tại khu vực Hung Nô. Tra một quyển từ điển tiếng Mông Cổ về 'con ngựa' ta thấy: Ngựa = Morb (Mông Cổ). [Morb] > [mă]quanthoại > [mã]-hánviệt. Tức người Tàu ngày xửa ngày xưa bắt chước người Hung Nô gọi 'ngựa' bằng 'Mă' tức 'Mã', thinh trầm. Dựa vào nguyên lý này, đặc biệt để ý 'vua Nghiêu' (sau truyền ngôi cho Thuấn) trong huyền sử Tàu, theo bảng đối chiếu phía trên chỉ có người Hakka (Hẹ) là có phát âm tương tự: [Ngieu] - còn những thứ phương ngữ khác ưa đọc kiểu khác. Cho thấy, thêm một lần nữa, người Hẹ-cổ có bà con rất gần với người Việt. i) Xem qua chữ 'cố' mang nghĩa 'cũ'. [Cũ] cũng lại một từ gốc 'Hán-Bách-Việt'. Tuy vậy, phản nghĩa 'cũ' là 'mới' lại rất thuần Nôm. Mang phát âm giống với tiếng Thái: [măi], tiếng Lào: [maai], và tiếng Khmer: [tmey]. Phát âm Thái-Lào cho [cũ] cũng hao hao giống tiếng Bách Việt: [gau]. Nhưng tiếng Khmer lại dùng [jah] tức [già] trong tiếng Việt, để chỉ [cũ]. Đặc biệt xin để ý tiếng Khmer chỉ có một (1) thanh điệu mà thôi. KẾT Điểm chính trình bày phía trên: tiếng Hán Việt có cội nguồn từ các khối người Bai-Yue (Bách Việt) ngay từ khi họ còn ở bên Tàu. Từ chỗ này, chúng ta thấy những thanh điệu đặt để cho mớ từ vựng thuộc tiếng Hán Việt mang nhiều tính cách 'bất chợt' và nhân tạo. Bởi, như trình bày trong [9], lúc quy định thanh điệu cho nhiều từ Hán Việt ở đầu thế kỷ 20, các vị tiền bối Việt và Tây, đã dựa rất nhiều vào các quy luật phát âm của tiếng quanthoại tra cứu từ các từ điển lớn của Tàu. Vào lúc chưa có phiên âm pinyin cho tiếng quanthoại. Cho dù có pinyin, việc đơn thuần đối chiếu với phát âm quanthoại để định đoạt các thanh điệu hóc buá của tiếng Hán Việt và Nôm, cũng đã bị lạc hướng ngay từ cơ bản. Bởi chính chúng đã không được đối chiếu với nguồn gốc trung thực là cách phát âm của từng từ theo đúng với các phương ngữ chủ lực phía Bách Việt, bao gồm: tiếng Hồ-Nam/Hồ Bắc, Quảng Đông, Hẹ, Ngô, và Mân,... Tra cứu tiếng Việt phải luôn luôn được đối chiếu với các phương ngữ Bách Việt.

199


Nhưng đó cũng là một cái may. Bởi nếu tìm tòi trong phương tiện hết sức thiếu thốn thời đó, công trình hoàn hảo quốc ngữ gồm cả Hán Việt chắc chắn sẽ bị rối bời. Chính Lê Ngọc Trụ [9] đã nhìn nhận, nghiên cứu khá sâu sắc của ông về các quy luật chánh tả đã phải dựa vào thứ tiền đề hết sức mù mờ là cổ sử của tộc người Việt Nam. Thứ tiền đề mù mờ đó luôn luôn ám ảnh mọi nghiên cứu ở nhiều lãnh vực quan trọng, nhất là về ngôn ngữ và văn hoá. Thông thường nhất người ta cho rằng phát âm và từ vựng chịu ảnh hưởng của 'phong thổ' và khí hậu địa phương, hay vay mượn từ những tộc người chung quanh. Nhưng trình bày phía trên có vẻ đưa đến lối nhìn dưới một góc độ mới. Quan trọng hơn hết, lí luận này đã dựa vào việc nhìn thẳng vào thực trạng của các phương ngữ tại Trung Hoa ngày nay, và đi đến nhận xét rằng sau hai ngàn năm, các ngôn ngữ địa phương, tức phương ngữ như tiếng Mân, Ngô, Hẹ,..., vẫn không lột bỏ được những nét đặc trưng cố hữu của chúng. Những nét cố hữu ngàn đời đó cũng được bảo tồn trong tiếng Việt, một tổng hợp kì diệu giữa các phương ngữ Bách Việt với hai thứ tiếng bản địa là Môn-Khmer và Thái cổ. Nhìn lại truyền thuyết Hùng Vương, ta nhớ các quyển sử cũ (xem bài 1) đều viết: Bờ cõi nước Xích Quỷ (hay Văn Lang) bấy giờ phía Bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm thành), phía Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía Đông giáp bể Nam Hải. Bây giờ nếu chấp nhận ý niệm về 'quốc gia’ hay ‘nước' theo giống như cách đây năm bảy thế kỷ, rồi phối hợp với các chứng liệu trình bày ở phía trện và các bài trước, chúng ta thấy rõ tiền nhân nước Việt, đặc biệt tác giả truyền thuyết Âu-Lạc, đã không hề sai trật chút nào hết, khi họ ghi chép lại cho hậu thế những gì đã xảy ra cho khối dân tộc Bách Việt khi nước Nam hãy còn nằm trong trạng thái nguyên khai. Ý niệm ‘nước nhà’ ở vài thế kỷ trước cũng có thể mang đặc thù tính chất Bách Việt bản địa, chỉ chú trọng đến trả lời cho câu hỏi: Các tổ tiên chủng tộc ngày trước cư ngụ tại đâu. Dù vậy chúng ta cũng có thể thấy rõ truyền thuyết có một sơ hở quan trọng, bởi tác giả truyền thuyết chỉ gồm những người thuộc tộc Âu và Lạc. Đó là họ quên hẳn khối người bản địa chủ lực đã sinh sống tại đó từ trước: Môn-Khmer và các nhóm Nam đảo. Nếu tác giả truyền thuyết đã nhớ và kể đến các nhóm người bản địa này, bờ cõi phía Nam của nước Xích Quỷ không phải giáp với nước Hồ Tôn, mà kéo tận đến mũi Cà Mau như ngày nay. Ghi Chú [1] Chiêm Toàn Hữu (2004) Văn Hoá Nam Chiếu Đại Lý. Nxb Văn Hoá Thông Tin [2] Khuyết Danh (1377-1388) Đại Việt Sử Lược. Bản dịch của Nguyễn Gia Tường. Nhà Xuất Bản Thành Phố HCM. Bộ Môn Châu Á Học Đại Học Tổng Hợp TP.HCM. [3] Nguyên lí cơ bản di tản: 'Người di tản luôn luôn có khuynh hướng chạy giặc về hướng đi tổ tiên, ông cha, bà con họ hàng hoặc bạn bè đã đi qua từ trước'. [4] Võ Mai Phương (Chu Thái Sơn chủ biên) (2005) Người Dao. Nxb Trẻ [5] Xin tạm dùng từ Hẹ hoặc Hakka để chỉ dân Bách Bộc hay Bộc Việt, hoặc Đông Di, từ khu Sơn Đông. [6] Trần thị Thu Thủy (Chu Thái Sơn chủ biên) (2005) Người Hmong. Nxb Trẻ. [7] Tại Việt Nam, thường gọi họ 'Khách trú', biến thành 'Cắc chú'. Có lẽ mô phỏng theo tên gọi nhóm Việt tộc chạy xuống miền Nam sau cùng vào thế kỉ 10-13, lúc loạn thập quốc ngũ đại rồi đến Mông Cổ: 'Khách gia', phát âm theo vài phương ngữ khác thành: Hakka, tức Hẹ. 200


[8] Con số 1,3, 2 đi theo phiên âm pinyin, dung để chỉ số thanh điệu. Quanthoại có 4 thanh: Bình=1 {-}, Thượng=2 {'}, Khứ=3 {v}, Nhập=4 {`}. [9] Lê Ngọc Trụ (1991) Chánh tả Việt ngữ. Nxb Xuân Thu (tái bản). Trường Thi xuất bản. Lê-Ngọc-Trụ (1959) Việt Ngữ Chánh-tả Tự-Vị. Nxb Thanh-Tân [10] Tiếng Hmong-Yao đặc biệt cho thinh (dấu) bằng ghép chữ cái ở cuối: {b i g v m s} (6 thinh). Thí dụ: [MUAg] => sell / bán. Thinh [g] bắt đầu ở giữa rồi hạ thấp, gần giống dấu huyền tiếng Việt. Trong khi [MUAs} => buy / mua, với thinh [s] rất giống [mua] tiếng Việt. [11] Để ý phát âm [rượu] ở tiếng quảngđông là [jau] > mường: [rão]. Thêm một chứng tích rất nhỏ: Mường (phần lớn) thuộc tộc Thái-cổ. [12] Trần Trọng Kim ( 1971) Việt Nam Sử Lược. Trung Tâm Học Liệu của Bộ Giáo Dục xuất bản. Đại Nam tái xuất bản tại Hoa Kỳ. [13] Ngô Sĩ Liên và cộng sự (1497). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Thanh Việt và Phạm Ngọc Luật hiệu đính theo bản dịch của Đào Duy Anh. Nxb Văn Hoá Thông Tin (2004). Bản của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam được trình bày đầy đủ trên mạng internet: perso.wanadoo.fr/charite [14] Lau Chun-Fat and Man Vicky Ching Han (2004) Reconstruction of the ‘Old Yue’ dialect and its relationships with Modern Cantonese: http://218.193.48.222/works/liuzhenfa/NACCL-12%20(2).doc

201


Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (15): Tháng Giêng, tháng Chạp và 12 con Giáp Qua bài này chúng ta sẽ mượn 12 Con Giáp để thử xem lại tên gọi 12 địa-chi, với mục đích kiểm chứng một vài điểm khá quan trọng trong 'truyền thuyết giải mã' [1] ở đây. Nhưng trước hết xin thử xem lại phát hiện rất quan trọng trong một bài trước. Đó là chuyện [1] người Tàu rất thích phân loại 'nhóm ngôn ngữ Hán Tạng', với hàm ý: tất cả các phương ngữ bên Tàu, nhất là khối Bách Việt ngày xưa, có cùng chung một gốc với tiếng Hán ròng ở miệt Hoa Bắc của Hoa tộc 'thuần túy', gộp chung nhau thành nhóm Sino-Tibetan tức Hán Tạng. Tiền đề này thật ra hoàn toàn tương phản với lý thuyết chúng tôi ở đây. Nói nôm-na, các lý thuyết lớn về Hoa chủng tương phản với lý thuyết chúng tôi ở chỗ, cả hai bên đều giành người Hẹ, người Mân, người Ngô, người Yuệt (Quảng) ở thời xa xưa, về phía tộc người của mình. Người Tàu có hỗ trợ của rất nhiều học giả Tây Phương lúc nào cũng cho rằng các phương ngữ miền Hoa Nam, khi xưa có chung một gốc với tiếng Hán, và hai khối tộc người, Hán và Bai-Yue (Bách Việt) ở Hoa Nam đó tuy hai mà một. Rất tiện nghi cho mô hình một nước Tàu nhất thống kéo luôn đến Tây Tạng. Bởi trong tên gọi 'Hán-Tạng' đã bao gồm sẵn 'Tây Tạng'. Một trong những hệ luận hoặc kết quả của thứ tiền đề này chính là công trình tạo dựng lại cách phát âm tiếng Tàu ở thời cổ đại và thời Trung cổ. Nổi tiếng nhất là công trình của nhà ngữ học Bernhard Karlgren. Trong đó việc tái thiết lại các âm cổ bên Tàu, nhất là thời Trung cổ (từ thế kỷ thứ 6 đến 10), đã dựa vào những trang sách rời rạc của một hai bộ sách 'văn vần', như quyển Qie-Yun 切韻 tức Thiết Vận, của Lu Fayan và cộng sự, 'xuất bản' vào năm 601 (đời nhà Tùy), và đối chiếu với lối phát âm của ... các phương ngữ Bách Việt hiện nay. Quan trọng nhất trong các nhóm ngôn ngữ họ jùng để đối chiếu thường bao gồm tiếng Hẹ, Mân, Ngô, và đặc biệt tiếng Hán Hàn, tức tiếng Hán 'du nhập' vào xứ Triều Tiên, và ... tiếng Hán Việt, xử dụng ở thế kỷ 20 tại Việt Nam. Thí dụ: (i) 'Thác' trong 'phó thác' tiếng quanthoại hiện tại gọi [tuo]. Mấy học giả căn cứ vào phát âm Hán-Việt gọi 'thác', Hán-Hàn gọi [thak], Mân đọc [thok], Hẹ [thok] rồi kết luận tiếng Tàu Trung cổ đã phát âm: [thak]. (ii) Phòng= Buồng. Quanthoại hiện nay: [fang]. So với Hán-Hàn: [pang], Hẹ: [fong] (=> phòng), và Mân (Phúc Kiến): [bang]. Rồi để ý tiếng Việt: 'buồng', họ cho tiếng Tàu thời xưa phát âm: [bwang]. (iii) Từ 'Văn' trong 'văn chương / văn hoá', quanthoại đọc [wen], Hẹ: [Vun] (=> văn), Ngô-Việt: [vâng]. Họ dựa thêm vào một chứng liệu nào khác rồi phối hợp với âm quảngđông: [man], và âm Hán-Hàn là [mwun] rồi cho phát âm trungcổ là [mun] [2] (iv) Dù có dễ dãi tạm chấp nhận thứ lí luận 'tầm nguyên' hoặc 'phiên thiết' loại này, theo thiển ý, ai cũng có thể thấy kiểu truy nguồn phát-âm 'cổ đại' hay Trung-cổ của các học giả Tây Tàu có vẻ hơi lủng củng, ngay ở chỗ họ cho ông vua, có lẽ nổi tiếng xưa nhất của họ là Nghiêu, ngày nay tuy mang phát âm [Yao]-quanthoại, nhưng vào thời cổ đại mang phát âm y hệt như tiếng Hẹ và tiếng Việt (Nam) ngày nay: [Ngieu]. Tại sao vậy? Bởi họ luôn cho rằng người Hẹ là người Hoa nguyên thủy nhất, và đã từng sinh sống ở lưu vực sông Hoàng Hà gần chỗ ông vua cổ xưa của 'Hán tộc' mang tên Nghiêu đó. Hoàn toàn lướt qua, không để ý đến câu hỏi then chốt: 'Thế nhỡ người Hẹ-cổ không phải thuộc Hoa tộc thì sao?'. Hoặc: 'Nền tảng tiếng Hán Việt là gì?' Truy tầm phát âm Hoa cổ đó chỉ có thể đúng khi chính tiếng Hoa đã được phát âm y hệt như vậy vào thế kỷ thứ 6-10 tại xứ An Nam, hay tại Triều Tiên. 'Có thật như vậy hay chăng?' Chúng ta có thể thấy rất rõ và rất nhanh, rằng nếu trả lời các 202


câu hỏi trên nằm trong dạng phủ định, hay ngay cả lưng chừng, lừng khừng, tất cả kết quả các công trình tầm nguyên phát âm tiếng Tàu thời Trung-cổ cần được xem lại kỹ hơn. Thật ra, nếu đứng ở bờ sông bên này - phía lý thuyết trình bày ở đây - chúng ta có thể nhận ra thêm một vài điểm khá lấn cấn của việc xử dụng tiền đề 'Hán-Tạng' như một nhóm ngôn ngữ chung của các tộc người ở Trung Hoa ngay từ thời cổ đại, trong việc truy tầm phát âm Trung-cổ tiếng Hán, như sau: Trước hết, ta thấy Hoa tộc, cũng như rất nhiều tộc người ‘thông minh’ khác trên thế giới, rất ít khi chịu khó kiểm chứng lại mớ tiền đề sẵn có. Họ có vẻ rất dễ dãi hoan nghênh chấp nhận công trình nghiên kíu có vẻ rất khoa học của mấy học giả Tây phương. Không để ý rằng những công trình này hoàn toàn dựa trên những tiền đề do người Hoa đã bày sẵn. Điển hình, rất nhiều học giả Âu Mỹ cho rằng Hoa ngữ ngày xưa y hệt như các phương ngữ Hoa Nam, nhưng nay bị biến đổi khá nhiều. Thí dụ, Hoa ngữ theo kiểu quanthoại nay bị mất các âm cuối như {p t k m nh} và chỉ còn lại {n ng}: Yue NaN / YaNG Gui Fei (Việt Nam / Dương Quý Phi). Nếu để ý đến thứ tiền đề này, người ta có thể thắc mắc: 'Tại sao các phương ngữ Hoa Nam (của người Bách Việt cổ) vẫn giữ được nhiều sắc thái ngôn ngữ như xưa trong khi Hoa tộc thuần túy lại không?' (ii) Nếu người Hẹ là Hán tộc thuần túy, tại sao ngôn ngữ họ lại giống với phương ngữ Hoa Nam (và ... Việt Nam) nhiều hơn giống với tiếng Hán. Tương tự, nếu họ người Hán thuần túy tại sao họ lúc nào cũng cố gắng gìn giữ tập tục ông cha, juy trì văn hoá và tiếng nói dữ dội như vậy, và trong tất cả những bản chất văn hoá họ dzuy trì và gìn giữ được qua cả ngàn năm đó, rất ít điểm giống với thứ của Hoa tộc? Thí dụ: Người Hẹ không hề theo tập tục Hoa chủng, trong việc bắt phụ nữ phải bó quặp bàn chân cho sang. (iii) Mô hình trình bày trong loạt bài này cho thấy tiếng Hán-Việt và ngay cả một phần khá lớn của tiếng Nôm, đều có gốc gác với các thứ phương ngữ Bách Việt, nhiều hơn với tiếng quanthoại ở phương Bắc [2]. Nhiều dấu hiệu cho thấy tiếng 'Hán-Việt' thật sự chỉ phát triển tại nước Nam, bắt đầu từ thế kỷ 11, tức sau khi đã tạm vượt khỏi ách đô hộ 1000-năm của Bắc phương. Một phần lớn tiếng Hán-Việt đó đã do các người thuộc tộc Lạc Việt từ bên Tàu mang sang, tiêu biểu bằng nhà Lý và nhà Trần. Do đó, việc đối chiếu tiếng Hán Việt (phát triển tại Đại Việt từ thế kỷ 11 về sau) để truy tầm phát âm tiếng Hán ở thế kỷ 6-10 bên Tàu là một việc làm dựa trên tiền đề có thể vướng khá nhiều lấn cấn. (iv) Quan trọng nhất, việc phiên thiết âm vận xưa dựa vào những quyển sách (không đủ bộ) như Qie-Yun cũng có thể dựa vào một số điểm cơ bản không được chuẩn. Nhất là huyết thống của tác giả những quyển văn vần đó. Bởi nếu chính tác giả mang Việt tộc, hoặc sinh sống ở khu vực có đa số là Việt tộc, âm vận của tác giả vẫn có thể không phải thứ âm vận do người Hoa cổ phát ra vào thời đó. Nói một cách khác, người Hoa hiện nay thật sự cũng hãy còn mù mờ trong phân bố của các tộc người, nhất là Hoa tộc thuần túy, vào thời cổ đại ở miền Hoa Bắc (phía bắc sông Dương Tử). (i)

Bây giờ chúng ta hãy 'thử xem lại' 12 con Giáp. Văn hoá xoay quanh '12 Con Giáp' được thể hiện tại hầu hết các quốc gia vùng Đông Á và Đông Nam Á, trừ một vài nước mang nặng ảnh hưởng Hồi giáo như In-đô-nê-xia, và Mã Lai Á, dù rằng cộng đồng người Hoa tại những nước này vẫn còn hâm mộ việc ăn Tết và xem tuổi coi ngày theo 'Tử Vi 12 Con Giáp', gọi 'Sinh Tiêu' (生 肖 [shengxiao]). Sự thật, 12 địa-chi có lẽ xuất phát đầu tiên từ 12 tháng tính theo âm-lịch, tức theo chuyển động mặt trăng. Người xưa, sau vài ngàn năm sinh sống trên trái đất bắt đầu phát hiện cứ 203


thấy 12 lần trăng tròn thì thấy khí hậu trở lại giống như cái 'chu kỳ' cũ: Ấm áp (xuân), nắng chói (hạ), mát mẻ / lá rơi (thu), và băng giá/lạnh lẽo (đông). Từ đó sinh ra 12 tháng. Thường gọi chung với ‘trăng’ bằng một từ duy nhất. Tức ‘tháng’ mang nghĩa nguyên thủy ‘một chu kỳ Trăng’. Thí dụ: Tiếng ‘Hán’ (Hẹ) gọi cả ‘trăng’ lẫn ‘tháng’ bằng [ngiet], quốcngữ đã ký âm thành: [nguyệt], có lẽ sau khi phối hợp âm Hẹ [ngiet] [1], với lối phát âm Mân [goeh] và Hải-Nam, [guet]. ĐịaChi Tý Sửu Dần Mão Thìn Tỵ Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi

Hán 子 丑 寅 卯 晨 巳 午 未 申 酉 戌 亥

Hẹ zii* chiu Jin* mau* shin* tsih* ng Mui* shin ju / riu sut* hoi*

Quảng chi chau yan* maau* san ji ng mei* san* yau* seut* hoi*

Q. Thoại zi* chou yin mao* chen si wu wei shen* you xu hai

Ngô tsưi tshơw iing mo zhen zy ngu* vi* seng yeu siq ghe

Mân chi thiu in myo sin chi ngou bi+ sin yu sut hai

Hải Nam zi* siu* yan* mao* dièn ki ngo* muat diẹn jiu tuat* hai

Thú Chuột Trâu (Bò) Cọp Thỏ (Mèo) Rồng Rắn Ngựa Cừu (Dê) Khỉ Gà Chó Heo

Hán 鼠 牛 虎 兔 龍 蛇 馬 羊 猴 雞 狗 豬

Bảng đối chiếu (I) ở đây tóm tắt 12 con Giáp, tiếng Tàu gọi 12 địa-chi. Dấu [*] cho thấy tương đồng của phương ngữ Hoa Nam với tiếng Hán Việt.

Rất nhiều ngôn ngữ do đó dùng chung một từ cho 'trăng' và 'tháng'. Tiếng Persia / Ba-Tư (Iran) gọi cả 'trăng' lẫn 'tháng' bằng [măh]. Tiếng Tàu quanthoại có [yue], Hán-Việt đọc [nguyệt] theo kiểu Hẹ, mang nghĩa 'tháng' và 'trăng'. Tiếng Khmer cũng vậy: [khai] mang hai nghĩa 'tháng' và 'trăng'. Tiếng Myanmar: [lá] => tháng & trăng. Người dân tộc A-Kha gọi ‘tháng’ bằng [bala] và ‘trăng’ [pala]. Người P’u-Noi, tháng= trăng= [ula]. Tiếng MãLai: [bulan] => tháng & trăng. [Bulan] sinh ra [blang] => [blăng] => tiến đến [trăng] do tác động của kí âm quốc ngữ. Nhưng [bulan] không tiến thẳng đến [tháng] trong Việt ngữ. 'Tháng' lại có vẻ phối hợp [blăng] hay [tlăng] với một từ tiếng Thái chỉ 'mặt trăng' và 'tháng': [deuang]. [Duang] tiếng Thái mang hai nghĩa: {tháng} và {trăng}. Đối với {trăng} rất thường tiếng Thái kèm theo [Jan]: [Duang Jan]. [Jan] sinh ra [giăng] tại một số khu vực Bắc Bộ. [Duang] sinh ra 'tháng' cũng như một lô từ chỉ 'tháng' của các nhóm người dân tộc. Người Pu-Noi gọi 'tháng Giêng' bằng [Dưon Chieng]. Người Mường: 'khảng Chiêng' (tháng Giêng {1}), 'khảng Môch' (tháng 11), 'khảng khảu' (tháng 6), 'khảng chap' (tháng chạp). Người Tày-Nùng [6] yùng [Bươn chiêng] cho 'tháng Giêng', [Bươn nhỉ]: tháng hai, [Bươn êt]: tháng một (mười một), [Bươn lap]: tháng Chạp. Theo thiển ý, ‘tháng’ có vẻ khác với ‘trăng’ do ở kí âm quốcngữ cố tổng hợp 2 âm [duang] và [tlăng]: Tháng = {duang} + {tlăng}. Hoặc đã dựa vào lối phát âm [thang] của người Mân cho từ 朣, mang nghĩa 'trăng mọc'. Theo Jeanne Cuisinier [7], dẫn từ các công trình của Coedès và Maspéro, người Mường cũng có chu kì 12 năm tương ứng với 12 con Giáp. Nhưng có vẻ như rằng 10 thiên-can (Giáp Ất Bính Đinh Mậu Kỷ Canh Tân Nhâm Quý) đến với các mường bản rất trễ. Rất 204


giống với thư tịch tối cổ của Tàu, ít thấy miêu tả đến chu kỳ 60 năm, phối hợp 10 thiêncan với 12 địachi. Theo [5] cho đến đời Đông Hán bên Tàu (tương đương với Hai Bà Trưng xứ Việt cổ), vẫn chưa thấy xuất hiện 10 thiên-can. Tuy vậy người Mường vẫn có thói quen chia 1 tháng ra làm 3 tuần, mỗi tuần 10 ngày. Đặc biệt một ngày có 12 giờ, mỗi giờ xưa như vậy tương ứng với 2 giờ ngày nay. Giờ Tý đầu tiên bắt đầu từ 11giờ đêm và chấm dứt lúc 1 giờ sáng. Tiếp đó giờ Sửu: 1giờ-3giờ sáng, v.v. Tuy nhiên, theo Cuisinier, 12 con Giáp du nhập sang Thái Lan và các mường bản, từ người Khmer. Người Yi [4] [8], với dân số ngày nay khoảng 8 triệu tập trung tại Tứ Xuyên, Quí Châu và đông nhất tại Vân Nam - giáp giới với Việt Nam, ngày trước dùng lịch 10 tháng. Mỗi tháng 36 ngày, tức một năm 360 ngày. Năm (5) ngày còn lại của năm họ dùng để ăn...Tết, không tính vào năm [5]. Có lẽ họ tính lịch theo chuyển vận hằng ngày của mặt Trời. Một năm gồm {360 + 5} lần vận chuyển 'mọc' và 'lặn' của mặt trời. Năm 10 tháng của người Yi, được chia thành 5 quí. Một (1) quí = 2 tháng, tức 72 ngày. Mỗi tháng có 3 tiết khí [4]. Mỗi tiết khí có 12 ngày. Tức vào thuở cổ thời, có hai con số đáng nhớ trong khung đối chiếu ngày, tháng, và năm. Đó là số 12 và số 10. Ngoài ra, còn có thêm một con số đáng nhớ nữa. Con số 5. Số 5 tiêu biểu cho thuyết 'âm dương' Ngũ Hành, rất thông thường liên hệ mật thiết đến 12 địa chi và 10 thiên-can (Giáp - Ất - Bính - Đinh - Mậu - Kỷ - Canh - Tân - Nhâm - Quý). Điểm đáng ghi nhớ: Vân Nam, tức Đại Lý năm xưa, là một ngã 3 rất quan trọng nối liền Trung quốc, Việt Nam với văn minh phương Tây vào lúc cổ thời. Nhiều sách vở mới của Trung Quốc [5] [8] cho biết Vân Nam chính là cái nôi văn hoá Đông Nam Á, do ở vị trí ngã ba đường, tiếp xúc với ba nền văn minh Đông, Tây và Nam, cũng như phong cảnh thần tiên u linh, khí hậu mát mẻ. So với nhiều 'xứ' ở khu vực Bách Việt hay Hoa Nam, nền độc lập 'địa phương' của khu Vân Nam (Điền Việt / Nam Chiếu / Đại Lý), cũng được giữ khá vững, cho đến khi nhà Nguyên của tộc Mông Cổ quyết định dứt điểm xứ này vào giữa thế kỷ 13. Bây giờ xin phép trở lại vấn đề then chốt của bài này: 'Thử mượn 12 con Giáp để tiếp tục minh giải câu chuyện 'hợp chủng' của tộc người Việt Nam'. Đặc biệt chúng ta sẽ tìm cách lý giải tại sao nhiều tộc người tại Đông Dương và khu vực Lưỡng Quảng - Vân Nam lại có thói quen gọi 'tháng 1' bằng 'tháng Giêng' hay những âm vận tương tự. Với chút ít trực giác, chúng ta thấy nếu tìm được lý giải cho 'tháng Giêng / tháng Chạp' chúng ta có thể hiểu rõ hơn một chút những điểm hết sức mù mờ từ trước đến giờ trong lòng cổ sử dân tộc, cũng như của các khối người láng giềng. Tuy nhiên trước hết xin ghi lại một số nhận xét thu thập được từ sách vở và internet. 1. Hệ thống tử vi Đông và Tây tính theo lịch 12 tháng hoặc chu kỳ 12 năm (địa chi) xoay quanh với 10 thiên-can là một hệ thống hết sức tinh vi. Những tộc người nào phát triển chúng đến nơi đến chốn bắt buộc, theo thiển ý, phải hội đủ các điều kiện sau: (a) Phải có sẵn một hệ thống số đếm và chữ viết. Bởi quá phức tạp để phát triển bằng lối truyền miệng trong dân gian; (b) Phải kinh qua hằng trăm hằng ngàn năm để thu thập dữ kiện, tạo nên các định luật tổng hợp; (c) Phải thu thập được rất nhiều chứng liệu lịch sử qua giao tác giữa người với người, dân tộc này với dân tộc kia. Cá tính và cuộc đời của rất nhiều cá nhân khác nhau; (d) Có sự đóng góp trong cốt lõi của các nhà khoa học hay những ‘tu sĩ’ cỡ bự, dù dưới dạng đồng bóng, phù thủy hay tiên tri thời tiết, chứ lê dân bình thường không đủ sức để phân tích / tổng hợp hằng ngàn hằng trăm ngàn dữ kiện khác nhau để hệ thống hoá phương cách 'sinh tiêu' tức xem tử vi bằng 12 con Giáp (Tây và Đông) đối chiếu với ngày năm sinh và cuốn lịch; và quantrọng nhất: (e) vào cổ thời 205


các dân tộc này phải rất quenthuộc với 'con Ngựa' thuộc địachi thứ 7 của 12 'con Giáp'. Xin xem chi tiết phía sau. 2. Trên góc độ thuần lý, chúng ta có thể thấy những tộc người đã thật sự góp công phát triển hệ thống ‘tử vi 12 con Giáp’ đến nơi đến chốn, rất khó hiện thực được nếu địa bàn cư trú của họ nằm ở những nơi xảy ra chiến tranh triền miên, hay họ đã sinh sống bằng lối 'ju mụk' nay đây mai đó. Chúng tôi thật sự cố ý dùng động từ ‘phát triển’ thôi, chứ không dám dùng ‘phát minh’, bởi thật ra hệ thống tử vi biểu tượng bằng sự vật hay sinh vật, đã hiện diện ngay từ thời xa xưa, từ Trung đông sang Âu châu, kéo đến Á châu. Theo nhà nghiên cứu người Hoa, Thường Tuấn [5], cổ Ai Cập, cổ Babylon, Ấn Độ, Hy Lạp và Trung Quốc đã có tập tục ghi lịch bằng 12 loài vật từ rất sớm. Tại cổ Ai Cập và Hy Lạp, 12 con Giáp gồm có: trâu đực, dê, sư tử, lừa, cua, rắn, chó, chuột (hoặc mèo), cá sấu, hồng hạc, vượn, chim ưng. Cổ Ấn Độ có 12 con giáp rất giống với Trung quốc: chuột, trâu, sư tử, thỏ, rồng, rắn độc, ngựa, dê, khỉ Ma-các, gà, chó, heo. Để ý, con sư tử trở thành 'hổ' (cọp) khi đến Trung Hoa, hoặc ngược lại, bởi bên Tàu, sư tử rất hiếm. Mười-hai con giáp của xứ Babylon ở thời cổ đại là mèo, chó, rắn, bọ-hung, lừa, sư-tử, dê đực, trâu đực, chim cắt, khỉ, hồng hạc, và cá sấu. Trong 12 con giáp Nhật Bản hiện tại, con lợn biến thành lợn rừng giống đực, đồng thời lịch của họ cũng đã biến đổi từ âm-lịch sang dương-lịch. Trong khi, tại nước Hung-ga-ri, do ở ảnh hưởng chiếm đóng ngày xưa (thế kỷ 4-5) của dân 'Hun' (lãnh tụ Hốt Tất Liệt - Attila), 12 con giáp xứ này giống y như của Trung Hoa. 12 con giáp kiểu Tàu cũng được áp dụng trong khối dân Turkestan, và dân xứ Bul-ga-ri ở Đông Âu. 3. Chúng ta cũng có thể thấy trong khi tử vi Tây Phương quây quần với 12 giáp: Bảo Bình, Song Ngư, Miên Dương, Kim Ngưu, Song Nam, Bắc Giải, Hải Sư, Xử Nữ, Thiên Xứng, Hổ Cáp, Nhân Mã, và Nam Dương, tương ứng với khoảng thời gian trung bình 30 ngày, bắt đầu từ 'khoảng' ngày 20 mỗi tháng tây, tử vi Đông phương vượt luôn qua chu kì 12 tháng, lên đến 12 năm và 10 phân loại (thiêncan), phối hợp với nhau thành 1 chu kỳ chung là 60 năm, tương ứng trên dưới một đời người. Sở dĩ, Đông phương tiến mạnh đến một chu kì con giáp 12 năm, chứ không phải 12 tháng có lẽ bắt nguồn ở chỗ các nhà thiên văn Đông phương, đã dựa 'khoa tử vi' theo sát với vận chuyển của các tinh tú, đặc biệt 'nhị thập bát tú', tức 28 chòm sao trên trời. Những nhà thiênvăn thuộc các tộc người 'phát triển' tử vi 12 'năm-giáp', đã quan sát chuyển động các hành tinh và biết được rằng Tuế tinh, tức sao Mộc, đi được một vòng quanh bầu trời trong khoảng thời gian đúng 12 năm [5]. Tuy nhiên, có vẻ chưa có luận cứ 'chắc nịch' tương tự về chu kì thiên-can gồm 10 thứ: Giáp Ất Bính Đinh Mậu Kỷ Canh Tân Nhâm Quý, ngoài việc cho rằng số 10 cho 10 năm, có lẽ xuất xứ từ lịch cổ 10 tháng (mỗi tháng 36 ngày) của người Yi ở xứ Điền Việt (Nam Chiếu/Đại Lý) xa xưa, hoặc, theo thiển ý, thuyết Âm-Dương Ngũ Hành, bao gồm 5 hành, nhân (x) với nhị nguyên (2) 'Âm' và 'Dương' (Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ (5) nhân với Âm Dương (2) cho ra 10). 4. Xin được phép nhấn mạnh, tất cả các thư tịch cổ cũng như sách vở hiện đại của người Hoa, không bao giờ ghi chép tên của 12 địa-chi là tên của 12 con cầm-thú tương ứng. Thí dụ: {Mùi} chỉ là địa chi thứ 8, chứ không phải {Mùi} mang nghĩa {con Dê}. Trong chữ Hán ghi ở bảng phía trên, ta để ý, một lần nữa, phát âm Việt giống phát âm Hẹ nhất: [Mui]. {Mùi} viết theo Hán tự: 未 có nghĩa 'mùi vị' được thể hiện khá đầy đủ trong các phương ngữ Hoa Nam. [Mùi] tương ứng với quanthoại [Wei] chính là [vị] theo tiếng Việt. Phát âm y hệt [vi] trong tiếng Ngô-Việt (Chiết Giang / Thượng Hải). [Vi] lại được phát âm [bi] trong phương ngữ Mân (tức PhúcKiến / TriềuChâu), khá giống [byị] phát âm Nambộ, kí âm quốc tế (lột [y]) thành [bi]. Kiểm chứng với bất cứ người Hoa nào chúng ta sẽ thấy, tên 12 địachi không mang nghĩa 12 con thú hoặc cầm đó. Cả hai quyển từ điển về tiếng Hán và Nôm, của Huình Tịnh Của và Đào Duy Anh, đều cho kết quả 206


tương tự. Không bao giờ có sự việc: Tý = con Chuột, Sửu = con Trâu, Dần = con Hổ, v.v. Tuy nhiên, ở phía dưới, chúng tôi sẽ mạo muội thử tìm tòi, và kiểm chứng, với tính cách sơ lược và tiêu biểu, mối dây liên hệ trong ngôn ngữ giữa tên địachi với tên con cầm-thú tươngứng. Bây giờ xin xem 10 thiêncan theo phát âm các phươngngữ (Bảng II): Thiên-Can Hán P'u-Noi Dao

Giáp Ất Bính Đinh Mậu Kỷ Canh Tân Nhâm Quý

甲 乙 丙 丁 戊 己 庚 辛 壬 癸

Cáp Chạp Hăp Dật Hoài Pềnh Mừng Tềnh Púc Mù Căt Kỳ Côt Cành Nuông Phiền Táu Nhiêm Ca Cuồi

Hẹ

Quảng

Q.Thoại

Ngô

Hải Nam

Mân

gap jat/ jet biang den meu gi gang sin nhim gui/ kui

gaap yut bing ding mou gei gang san yam gwai

jia yi bing ding wu ji geng xin ren gui

tsia? ìI? ping ting vu i keng sin gnin/zen kue

ga yat bing ding mao ki keng tien jam hui

kah it peng teng bou ki keN sin jim kui

Bảng III tiếp theo, phía trên, cho thấy 12 địa chi, phát âm theo các thứ tiếng Mường, Thái, Cam-Bốt, và các thứ tiếng người dântộc P'u-Noi và A-Kha được thu thập từ tài liệu của Cuisinier [7] và Roux [10], hoặc internet [13], bổ túc với bảng đối chiếu 12 địachi ở trên. Địa-Chi Tý Sửu Dần Mão Thìn Tỵ Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi

Hán 子 丑 寅 卯 晨 巳 午 未 申 酉 戌 亥

Mường Khmer ti jut kheu chlauv rân khal mẻo thos sin raung tê masagn ngọ momi mùi momê thân vok râu roká tất tso hơi kaur

Thái chuat châlu khăn thóh mărong maseng mamia mamaê wó?k raka tso kun

P'u-Noi Dao [11] chò chây páu tsáo nhi diền mau mảo si chiàn so chẩy sănga hử môt mảy san siên hau diểu sêt phút khơ hơi

Thú Chuột Trâu (Bò) Cọp Thỏ (Mèo) Rồng Rắn Ngựa Cừu (Dê) Khỉ Gà Chó Heo

Thú (Mường) tsuôt tlu / klu khal/khan tho ròng ran / zan ngưa dê /tê/bê vok ka tsó kwi /kul/ kun

Quan sát 3 bảng đối chiếu 12 địachi và 10 thiêncan, ta có thể đi đến các nhận xét sau. 1) Tất cả các tên địachi và thiêncan ở tiếng Việt đều có âm tương ứng ngay trong các phương ngữ Hoa Nam. Giống nhất là các thứ tiếng Hẹ, Quảng Đông và Hải Nam. Trong khi Hẹ cho ra 2 từ đặc sệt Việtnam: [Mui] (mùi) và [Hoi] (hợi), Hải Nam cho biết [Ngo] và [Tuat] phát âm y hệt như vậy trong tiếng Việt: [Ngọ] & [Tuất]. Tiếng Quảng Đông cho thấy người Yuệt ở đó có phát âm 12 địachi và 10 thiên-can giống tiếng Việt nhiều nhất, cũng như ảnh hưởng phát âm [Y] cho chữ [D] theo kiểu Nambộ: [Yan] => [Dần] và [Yâu] => [Dậu]. Xin nhắc lại, trong các phươngngữ BáchViệt cổ, chỉ có phân nửa khối người nói tiếng Hẹ có phátâm [Y] quanthoại thành ra [J]: Duyên-phận (Yuan fen) 207


=> [Jen-fen]. Tộc người khác cũng có chút khuynh hướng đổi biến âm [Y] quanthoại chính là người Mân (Phúc Kiến) và Hải Nam. Thông thường tiếng Mân sẽ lột âm [yờ] của [Y] để biến thành [I] như tiếng Việt: [Yao] quanthoại => [iau] Mân => [yêu= iêu] Việt. [Yang] quanthoại (= dê / cừu) => [yeung] quảngđông (= dương) => [jong] Hẹ => [iong] Mân. Trong khi tiếng Hải-Nam chỉ biến một số âm [Y]-quanthoại ra âm [J] mà thôi. Thông thường vẫn giữ âm [Y]: [Yuan fen] => [Juan-fen]. Nhưng [Yao] (dược=thuốc) vẫn giữ [Y]: [Yuk]. 2) Có một điểm trùng hợp: {Mão}, địa chi thứ 4, có phát âm rất giống từ tiếng Việt dùng để chỉ con Mèo. Tiếng Hán Việt thật ra là [miêu] hay [mao], tương ứng với quanthoại [miau] hay [mao], quảngđông [maau] và Hẹ, hai thứ [miau = miêu] và [meu = meo]: Nam xực như hổ nữ thực như miêu. Thật ra địachi {Mão} viết Hán tự 卯 rất khác với Miêu = Mèo: 貓. Địachi {Mão} mang tên một ngôi sao của 'nhị thập bát tú' ở trên trời. Địachi {Mão} thông thường tương ứng với 'con Thỏ'. Đến xứ Việt đổi thành con Mèo. Hay ngược lại. Rất giống hiện tượng 'sư tử' ở Ấn-Độ, nhưng 'hổ' (cọp) tại Đông Á và Đông-Nam-Á 3) Theo [5], các loại cầm thú liên kết với 12 địachi trong tử vi Đôngphương mang xuất xứ từ những vật tổ totem của thời bộ lạc xa xưa. Nhiều bộ lạc khác nhau, tuy cùng một tộc người, vẫn có thể có vật tổ khác nhau. Đó là một giải thích cho việc biến đổi giữa con Thỏ với con Mèo, trong địachi thứ 4 {Mão}. Đặc biệt con Hổ rất phổ biến là một totem chung cho rất nhiều tộc người miền rừng núi Á Châu: Sở Hùng, Xuyên (Thục), Điền Việt, v.v. Con cừu cũng khá phổ biến, và totem của siêu tộc Khương. Để ý từ Khương [qiang] 羌 mang cách viết y hệt hàm ý 'người chăn cừu (hay dê): [Qiang] 羌 giống như [yang] (dương) mang nghĩa 'cừu': 羊 viết chung với [ren] (nhân), tức 'người': 人. Cũng có bộ lạc như Thái Hạo thờ 'con Rồng', Thiếu Hạo thờ 'con Chim' (tiến đến 'con Gà', tức địachi 'Dậu). Các thần thánh cổ thời như Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông đều có thân rắn: Rắn cũng là một totem khá phổ biến. Con Hổ với con Gà từ ngàn xưa nổi tiếng trong việc 'trấn tà, trị iêu ma'. Khai quật tại Hemudu thuộc tỉnh Chiết Giang (tức xứ Việt của Câu Tiễn hồi xưa) tìm thấy nhiều đồ sứ có hình con Heo, chứng tỏ con Heo có thể là một totem của nhiều bộ tộc ở đó. Ngành khảo cổ cũng cho biết trong số những động vật hoá đá tìm thấy trong nhiều hang núi, con Nai và con Thỏ xuất hiện nhiều nhất, với 'tuổi đời' cũng đến 50000 năm. Nhiều vụ khai quật gần đây tại Tứ Xuyên (địa bàn xưa của rất nhiều tộc 'man-di', như Khương, Thái cổ, ...) [14] tìm thấy một di vật con rắn đầu chó uốn mình quanh thân cây dài 4 thước tây. Trong khi mô-típ hình 3 con Thỏ đuổi nhau thành vòng tròn, với tai chạm vào đầu, tìm được ở miền Tây nước Tàu (khu Tứ Xuyên) cũng rất giống với 3 con thỏ rượt đuổi tương tự tại các thánh đường thời Trung Cổ ở Anh Quốc. 'Chó' cũng là một loại totem khá phổ biến, ở các sắc dân: Mông Cổ, Yi (một nhánh của tộc Khương), Choang (Quảng Tây), Tạng, Miêu, Bố-Y, v.v. Ngoài ra, người ta cũng để ý đến liên hệ giữa cầm thú với địa chi qua tiến trình thuần thục của thú vật, làm bạn hoặc giúp việc với loài người, hay nuôi trong nhà: Chó, heo, bò, trâu, gà, dê, cừu, ngựa, v.v. trước đây khoảng 5000 năm. 4) Tên tháng dùng tên địa chi có lẽ xuất hiện trước tiên, có thể do ở chỗ tên tháng được đặt nên trước khi số đếm được phổ biến trong dân gian. Cũng như vậy, mới liên kết được với thiên văn, bói toán và không lệ thuộc hoàn toàn vào số đếm. Tây phương cũng trải qua kinh nghiệm tương tự. Tên tháng thường nối kết với tên của thánh thần, vua chúa La Mã. Thí dụ: Tháng Ba March, tên gọi thần chiến tranh Mars - ngày xửa ngày xưa chính là tháng số 1. Tháng Bảy July, sau tên hoàng đế Julius Caesar. Tháng tám August đặt theo tên hoàng đế LaMã Augustus. Tháng Chín September đăt theo số 7: septem, bởi ngày trước chính ra tháng thứ 7. Tháng Mười October, thật ra trước là tháng 8. Số 8: 208


octo. Xin nhắc lại: bát độ trong âm nhạc: octave. Tử vi đôngphương khi xưa cũng quen gọi tháng theo sát với địachi: tháng tý, tháng sửu, tháng dần, tháng mão, tháng thìn, v.v. 5) Qua 3 bảng đối chiếu trên, để ý phương ngữ Ngô Việt có nhiều khoảng chừa trống nhất. Không có từ xử dụng hằng ngày tươngứng với Hán tự đối chiếu trong cột thứ hai. Hoặc họ là tộc người ít liên hệ đến việc ‘phát triển’ hay thích thú xử dụng 12 con giáp. Hoặc rất có thể người Ngô-Việt gọi thẳng những địachi này bằng tên con Giáp. Tình trạng này cũng thể hiện qua những thứ tiếng khác như: Mường, Thái, Khmer, P'unoi. Chúng ta lại có thể giải thích điểm gút mắt này bằng 'lí thiết' ở đây, cho rằng tiếng Việt, nhất là Hán Việt, thật sự do tiền nhân các tộc người thuộc khối Bai-Yue như: Hẹ, Quảng Đông, Mân, Hải-Nam, Ngô-Việt, mang đến xứ Việt-cổ, ngay từ thời xa xưa. Tộc người Việt Nam chính là hỗn hợp của các tộc người Bách Việt di tản xuống phối hợp với các dân bản địa chủ lực: Môn-Khmer và Thái cổ. Nhiều từ chỉ 'con Giáp' tiếng Thái, Khmer cũng rất giống tiếng Việt: chuat => Chuột; Thoh => Thỏ. Đặc biệt để ý đến: Trâu và Khỉ. 'Trâu' trong tiếng Việt do tôn-sư quốc-ngữ kí âm ra. Có thể dựa theo tiếng Chăm-pa [trêy]. Nhiều giả thuyết ngày trước dựa trên các thư tịch hồi quốc-ngữ mới ra đời cho rằng: ‘Trâu’ xuất thân từ [Tlu] biến thể từ [Klu] hay [Blu], y như: Chúa Blời => Chúa Tlời => Chúa Trời. Để ý tiếng ‘nước’ nào cũng vậy, thường có ít nhất hai từ để chỉ cùng một sự vật. Do ở đóng góp của các bộ tộc khác nhau, sống gần hoặc chung tại một địa bàn. Tiếng Chăm-pa (tộc chủ lực: Môn-Khmer) có ít lắm hai từ chỉ con Trâu, do đóng góp vài bộ tộc khác nhau: [trêy] và [kabau] (hay [kapau]). [Trây] rất gần với [Trâu]. [Bờlu] có âm sau [lu] rất giống tiếng Khmer và Thái: [Chalu]. [Kabau] lại có vẻ (chỉ ‘có vẻ’ thôi) hợp thức giống kiểu tiếng Tàu: [Thủy Ngưu] tức [Shui Niu], 'Ngưu' mang nghĩa {Bò}, 'Thủy' = nước. Tiếng Champa cũng vậy: 'Bau'= bò (giống tiếng P'unoi= pau); [Ka] một tiếp vĩ ngữ hoặc tiếp đầu ngữ của vài từ Chăm chỉ ‘nước’ như: [nưKar] hay [Karam]. Trâu, tức Bò sống dưới nước: Shui Niu / Ka-bau. [Shui niu] tức ‘bò nước’ hay ‘trâu’ có thể dẫn ta đến một giả thiết kiểu bỏ túi: ‘Phải chăng con giáp thứ 2: {Sửu}, đại diện bằng ‘con Trâu’, chính là lối phát âm biến từ nhị âm {Shui Niu} sang đơn âm [Shui] đọc nhanh thành [Sửu]’? Một giả thiết khác, mới nhất và có lẽ hữu lí nhất, dựa trên cách phát âm của tiếng Hẹ, so với quan-thoại. Hễ quanthoại đọc [Zou]-1, tức ‘Trâu’ (Trâu: một nước gần Lỗ ở Sơn-Đông. Trâu chính quê hương Mạnh Tử), thì Hẹ phát âm như [zeu], tức [Sửu]. Còn 'Khỉ' tiếng Khmer đọc [vok], Thái [wo?k] và Mường [vok] thì sao? Ta nhớ tiếng Việt thỉnh thoảng ưa dùng từ kép: 'khỉ dộc', và 'dộc' có bà con rất gần với [vok] tiếng Khmer hiện tại. Truy cứu tiếng Môn-Khmer [15], ta thấy có đến cả chục từ dùng để chỉ 'khỉ'. Nhưng một số lớn mang âm cuối [wak]. Thí dụ: 'Khỉ' = [rawak]. Có nơi: [riwak] hay [reyak]. [Riwak] hay [wak] sinh ra [vok] Mường và Khmer, hoặc [wo?k] tiếng Thái hiện nay, và [reYak] => [dộc] trong tiếng Việt. Cũng có bộ tộc dùng [uKi] hay [duk]. [uKi] và [duk] có thể mang cùng gốc với ‘Khỉ đột’. 6) Thìn = Rồng. [Rồng] có thể là âm quốc ngữ của [Long] tiếng ‘Tàu’. Nhưng ‘Thìn’ có thể xuất xứ từ phát âm Hẹ: [Then] cho từ 螣 mang phát âm quanthoại [theng] hay [zhen] mang nghĩa con rồng thiêng không cánh. 7) Thử quan sát con Dê hay con Cừu. Cừu hoặc Dê chính là một yếu điểm của tiếng Tàu, bởi Hoa ngữ dùng chung một từ 'Yang' (Dương) 羊 để chỉ cả hai, Cừu và Dê. Tuy thỉnh thoảng người Hoa phân biệt 山羊 'sơn dương' [shan yang] (sơn= núi) để chỉ con Dê, và 绵羊 'miên dương' [mian yang] (miên= tơ sợi= mien Hakka) chỉ con Cừu, rất thường họ ưa dùng chỉ một từ 羊 [yang] để chỉ cả Dê lẫn Cừu. Vào bất cứ một tiệm ăn Tàu nào, nếu nhìn thực đơn tiếng Anh thấy món 'Lamb Hotpot' hay 'Lamb steam-boat' (tiếng Tàu: [shuang yang rou]), ta phải hiểu đó chính là món 'lẩu Dê' chứ không phải 'lẩu cừu non (lamb)' gì hết. So sánh 'cừu' và 'dê' ở phương diện môi trường sinh sống, cũng giống như 209


'Thỏ' với 'Mèo'. Cừu và Thỏ thường thích hợp với khí hậu miền ôn đới hơn là Dê và Mèo. Đó là lí-jo chính tử vi con Giáp tại Việt Nam lại dùng 'Dê' và 'Mèo' thay cho 'Cừu' và 'Thỏ', tuần tự, của tử vi Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật, Khmer, và Thái-Lan. Một điểm khác, có liên hệ về ngôn ngữ giữa 'Mùi' với 'Dê' hoặc 'Cừu' hay chăng? Cũng có thể: Có. Hai dẫn chứng tuy không đủ mạnh, nhưng vẫn là dẫn chứng cho những công việc tiếp nối về sau. Thứ nhất, theo bảng trên, địachi 'Mùi' ở tiếng Thái là [mamaê] và Khmer [momê]. Nhưng trong tiếng Ấn Độ, con Cừu được gọi [Memnaa] và tiếng Samoa, thuộc Đa-đảo, là [Mamoe]. Cả hai có phát âm bắt đầu với [M] như [Mùi] nhưng mang nghĩa 'con Cừu'. Thứ hai, tiếng kêu 'be he' của cả cừu lẫn dê trong tiếng Tàu thường bắt đầu bằng âm [M]: Hakka (Hẹ): [moi] hay [mai]; Quảng đông: [me] hay [mai], và quanthoại, 咩 [mie] hoặc [mai]. Tất cả đều giống âm [Mùi]. 8) Con Heo tức con Lợn thì sao? Rất nhiều người Việt thường nhầm lẫn 'Bắc-Nam' giữa 'ô' và 'dù', 'hoa' và 'bông', 'heo' và 'lợn', v.v. Loạt bài này đã giải toả rất nhiều ngộ nhận như vậy. Xin nhắc lại, [ô] chỉ có nghĩa [mưa] trong phương ngữ Phúckiến (Mân), giống y như [jù] hay [yù] đọc theo kiểu Hakka, hay 'HánViệt' là [vũ] hay [yũ], mang nghĩa 'mưa'. Thật ra tiếng Tàu jùng để chỉ 'cây Dù' phải dùng nguyên hai chữ [Yu San] (quanthoại) hoặc [Oh San] (phúckiến). [San] mới thật sự mang nghĩa 'vật che' viết tượng hình giống như cái Ô hay 'cây Dù': 伞. Quốcngữ học thói đơn-âm rất nồng nhiệt nên tự ý gạt bỏ từ then chốt [san] để giữ lại [ô] và [dù], thuần mang nghĩa 'cơn mưa' mà thôi. Lí luận này đã được dùng để lí giải địachi [Sửu] có thể là lối đơn-âm-hoá một từ kép [Shui Niu] 'Thủy-Ngưu' (chỉ giữ [Shui] => Sửu) dùng để chỉ con Trâu. 'Hoa' và 'Bông' đúng hơn một chút. 'Hoa' xuất xứ từ 花 [hua], đọc theo quảngđông hoặc Hẹ là [waa] hay [faa]. Ngô-Việt: [ho] giống một hai địaphương tại ViệtNam và Phúckiến, y hệt đánh vần: [hoa] [17]. Nhưng [bông] lại cùng gốc với tiếng Môn-Khmer, Chămpa, và Mã-Lai: [bunga], và, rất đặc biệt, cũng cùng gốc với một từ Hán rất cổ ít khi dùng: 菶 [beng] hay [peng]. Hakka và Quảngđông đọc [bung] y hệt như tiếng Môn-Khmer bị đơn-âm-hóa, và tiếng Hán-Hàn có phát âm y hệt: [pong]. Heo và Lợn cũng y như vậy. Người Nam-bộ rất ít khi dùng 'Lợn' để chỉ 'Heo' nhưng họ vẫn giữ một thói quen xa xưa gọi một thứ bánh ngọt rất phổ biến: 'bánh Da Lợn'. 'Lợn' thật ra mang cùng gốc với tiếng người bản địa: Môn Khmer. Có chừng cả chục từ khác nhau của các bộ lạc xưa, nhưng có nhiều từ mang phát âm cùng gốc với 'Lợn': [ja-lo] (Semelai), [kaLek] (Danaw), [Le?] (Palaung) (? tắc âm thanhmôn, giống âm giữa [uh] và [ah] khi nói: 'uh-ah'), và [Lik] (proto-Waic). Nhưng 'Hợi' lại mang chút ít gốc Hoa-Nam. Tiếng Hoa chính cống là 'Trư' tức 猪 [zhu]. Tiếng Hẹ chỉ 'Heo' là 豨 [Hi] mà người Quảngđông đọc [Hei] rất giống [Hợi] và [Heo]. Để ý tiếng Hẹ và Quảng đọc địachi 'Hợi' y hệt như tiếng Việt: [Hoi]. Thêm một trườnghợp cho thấy tên địachi giống tên ... conthú? [18]. 9) Địa-chi 'Tuất', thứ 11, tương đương với 'Con CHÓ'. Tiếng Hán gốc có nhiều từ dùng chỉ 'Chó', nhưng thường dzùng nhất: - [khuyển] 狗 tức [khian] phát âm theo Hẹ và Mân (Phúc Kiến), [khyen] theo 'Zhongyuan'. - [cẩu] 犬 tức [kiu] Hẹ, [kau] Quảng và Mân. [kiu] cho ra [kuli] từ gọi 'chó' của nhiều dân đa đảo. 'CHÓ' trong những thứ tiếng khác: - Mông Cổ: [nokhoy], chứa âm [khoy], có thể cùng gốc với [khian] Hẹ, tức [khuyển]. - Ấn Độ: [kuttăa] => tách ra [kut] và [taa]. [Kut] có thể cùng gốc với [kuli] theo dân đa đảo và Maori ở Tân Tây Lan, và [cẩu]-Việt/Quảng hay [kiu] Hẹ. [Taa] có thể biến thái thành 'Tuất' theo kiểu Hải Nam và Việt Nam. - Myanmar: [kwei] có thể cùng gốc [cầy] hay [cẩu] tiếng Việt. 210


- Khmer: [chkae] & [tso] => [chó] và [kầy]. Tức 'tiếng Nôm' CON CHÓ rất khó có xuất xứ từ bên Tàu. Tiếng Thái thường dùng [maa] để chỉ CHÓ. Tiếng Việt chính là [má], thường gọi chung: [chó má]. Tiếng Thái cũng có một từ khác chỉ CHÓ: [tso]. Y hệt tiếng Khmer và Mường: [tso]. Âm vị [Tso] rất dễ tiến đến [Chó] qua ký âm hoàn toàn 'nhân tạo' bởi các tôn-sư quốc ngữ. Để ý thêm, tiếng cổ thuộc tộc bản địa Môn-Khmer ở xứ Việt thời tiền sử, dùng chỉ 'CHÓ' bao gồm: [suq], [asu], [tso-o], [so?], [tsoh], [chuq], và nhất là [cho:q] theo tiếng Mlabri thuộc khối Mon-Khmer, v.v. 'Tuất' do đó rất có khả năng là một lối kí âm y hệt như lối gọi của người Hải-Nam [tuat], với gốc là những âm-vị của các từ thuộc tiếng Môn-Khmer dùng để chỉ CHÓ. Đặc biệt: [tso-o] + [so?] + [chuq] + [suq]. {Dấu ? ở [so?] tiêu biểu cho 'tắc âm màng họng' phát ra gần giống với âm cuối [k], nhưng thể hiện bằng âm nối tiếp giữa [uh] và [oh] khi đọc nhanh [uh-oh]}. Như vậy: TUẤT = ký âm tổng hợp [tso-o]+[so?]+[chuq]+[suq] mang nghĩa 'CHÓ'. Xin nhắc lại, có rất nhiều giả thuyết cho rằng tử vi 12 con Giáp có xuất xứ từ khu vực Vân Nam, với hai khối tộc người chủ lực: Thái-cổ và Khương (Qiang) tộc. Siêu tộc Khương, tiền thân của nhóm Môn-Khmer, và tộc Thái-cổ chính là 2 tộc người bản địa tối cổ tại xứ Việt (Nam). Người Hải Nam cũng thường nhìn nhận họ là hậu duệ của hai tộc: Miêu và Lê (tức một nhánh Khương hay Thái-cổ). Như vậy không có gì lạ, khi tại Hải Nam và Việt Nam, người ta dùng 'Tuất' để chỉ địa-chi thứ 11 biểu tượng bằng con Chó. [Tuất] thật ra cũng mang nghĩa 'con Chó' theo với các lối phát âm thời xa xưa của những khu vực đó. Con Chó từng là vật tổ 'Totem' của nhiều dân tộc vào thuở cổ thời. Đứng đầu là nhiều bộtộc Mông Cổ. Rồi đến các dân như Choang (bà con gần với người Tày-Nùng ở Việt Nam), Miêu, Di, Tạng, Phổ Mễ, Bố Y, Duy Ngô Nhĩ, v.v. [5]. Theo nhiều truyền tích thần thoại [5], chính con chó đã mang hạt giống ngũ cốc cho loài người. Tục ngữ Trung Quốc có câu: "Con không chê mẹ xấu, chó không chê chủ nghèo". 10) Con Ngựa có lẽ là con thú định đoạt nơi 12 con Giáp được phát triển đến độ hoàn chỉnh. Bởi 2 lí do. Thứ nhất, nó là một trong những con thú chủ lực và nòng cốt của 12 con Giáp. Con Trâu có thể thành Bò. Thỏ thành Mèo. Heo ra Voi [19], Lợn ra Lợn Rừng, Cừu thành Dê, Sư Tử ra Hổ, v.v. Nhưng Ngựa nói chung vẫn giữ nguyên con Ngựa, con chiến Mã. Thứ hai – con Ngựa xuất phát từ vùng bình nguyên phía Tây nước Tàu, địa bàn xưa của người Hung Nô / Mông Cổ, cách đây trên dưới 5000 năm. Ở miền Hoa Nam kéo xuống Đông Nam Á, con Ngựa đến khá muộn. Ở những vùng này, con ‘Woi’ phổ biến hơn [20]. ‘Ngựa hơn Voi’ trong chiến tranh, cũng là lý do chúng tôi đã viện dẫn cho thế giặc mạnh như vũ bão của Hoa tộc khi họ kéo quân tiến chiếm Hoa Nam vào thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên. Chúng tôi đã liu ý phải tốn đến 800 năm mới nhất thống được Hoa Bắc trong khi chiến trận thôn tính Hoa Nam chỉ kéo dài trên dưới 8 năm. Chung quy cũng tại con Ngựa. Theo nguyên lí của ngôn ngữ, nơi nào sự vật xuất hiện đầu tiên, từ vựng nguyên thủy của địa phương đó có khuynh hướng được giữ rất vững, dù 'chuyển ngữ' sang những ngôn ngữ khác. Thí dụ: cà-phê, xuất hiện đầu tiên ở Trung Đông, nơi đó người ta gọi [kaffa] để ghi nhớ nơi chốn tìm ra càphê đầu tiên. Con Ngựa cũng vậy. Rất nhiều tiếng tả Ngựa bằng âm đầu [M] như [momi] (Khmer), [mamia] (Thái) và nhất là [Mã] (Hoa), tất cả đều mang gốc với tiếng Mông-Cổ: [Morb]. Chỉ có tiếng Việt gọi con Mã bằng Ngựa và dính với địa-chi Ngọ, y như tiếng Hải Nam [Ngo] jùng cho địa chi thứ 7 [21]. Xem thật kỹ các thứ tiếng khác, ta sẽ thấy Ngựa (hay Ngọ) có thể mang cùng gốc với các thứ tiếng sau đây: 211


* Hindi (Ấn Độ): [ghoraa]; Bengali (Bengladesh): [ghora]; * Sinhalese (Tích Lan): [aswaya] và Hmong-Mien (Miêu-Dao): [nees] Cũng rất có thể người Yi, người Bạch, người Thoãn, người Điền, người Ai-Lao ở Vân Nam, ít ra vào thuở cổ thời, có phát âm cho con Mã giống với kiểu Ấn-Việt: [Gho] => Ngọ => Ngựa. Vân Nam tức nước Điền xa xưa, rồi Nam Chiếu rồi Đại Lý của ngón Nhất Dương Chỉ, chính là nơi có nhiều truyền thuyết về một con ngựa đen tuyền thật tốt mang tên Nguyên Mã [8]. Địa điểm xuất phát của những con Thiên Lý mã này là hai ngọn núi gần nhau mang cả hai tên [Mã] và [Ngọ]: 'Mã Đầu' và 'Ngọ Trà Sơn'. Tức tiếng Nôm 'Ngọ' hay 'Ngựa' có cùng gốc với các thứ tiếng ở Vân Nam => [Ngọ]. Presto! Truyền tích về loại ngựa đặc biệt này ở xứ Vân Nam (nơi có vẻ hội đủ rất nhiều tiêu chí chúng tôi đề ra ở phía trên) đã được Kim Dung xử dụng trong truyện 'Lộc Đỉnh Ký' ở đoạn đua ngựa do Vi Tiểu Bảo và thái-tử kiêm thái-giám Ngô Ứng Hùng (con trai tướng Ngô Tam Quế) tổ chức. Xin quay về với đề tài chính: Các vị tiền bối phát triển 'thuyết tử vi 12 con Giáp', xin tạm cho ở khu vực Vân Nam, có liên hệ huyết thống với tộc người Việt Nam sau này hay chăng. Thưa Có. Qua liên hệ giữa tộc Thái cổ hoặc Khương (Di & Bạch, v.v.) ở Vân Nam, với người Mường tại xứ An Nam. Việt Nam Sử Lược [12] có ghi rằng vào cuối đời nhà Đường bên Tàu, dân Mường Mán bất mãn với chế độ đô hộ, lôi kéo đồng chủng thuộc xứ Nam Chiếu kéo quân qua can thiệp nội bộ An Nam. Ở xứ Nam Chiếu, người ta gọi 'vua' bằng 'Chiếu'. Có tất cả 6 xứ: Mông Huề, Việt Thác, Lãng Khung, Đằng Đạm, Thi Lãng, và Mông Xá. Chiếu Mông Xá ở cực Nam nên gọi Nam Chiếu. Khoảng những năm 713-742, chiếu Bi-La-Cóp lo đút lót quan tiết độ sứ ở Kiếm Nam là Vương Dục để thôn tính 6 chiếu lại làm 1. Từ đó Nam Chiếu rất mạnh, đem quân đánh Thổ Phồn (Tây Tạng). Năm Bính Dần (846) quân Nam Chiếu tràn sang cướp phá Giao-Châu bị quan kinh lược sứ Bùi Nguyên Dụ đánh đuổi đi. Giặc giã với Nam Chiếu kéo dài đến năm Quí Mùi (863) khi Nam Chiếu chiếm được xứ An Nam và phong Đoàn Tù Thiên (họ hàng với Đoàn Dự) làm Tiết-độ-sứ Giao Châu. Sau 10 năm loạn lạc với Nam Chiếu, trung-tướng Cao Biền chiếm lại được xứ An Nam cho nhà Đường vào năm 856. Cao Biền chính là người đề xuất xây lại thành Đại La bên bờ sông Tô Lịch năm xưa. Bây giờ xin dùng chuỗi trình lí thuyết ở đây để thử minh giải một vấn đề khá lí thú: Tại sao người Việt có thói quen gọi tháng Mười Một, tháng Mười Hai, và tháng Một, tuần tự, bằng tháng Một, tháng Chạp và tháng Giêng? Với chút ít trực giác, chúng ta thấy nếu dùng lí thuyết Âu Lạc ở đây lý giải được cội nguồn của tên gọi 3 tháng cuối năm và đầu năm này, lí thuyết sẽ được tăng thêm sức thuyết phục, và người Việt sẽ có dịp tìm hiểu thêm những nét văn hoá cổ thời của tộc người Việt Nam. Tệ nhất, lí giải cũng sẽ tạo nên được một đường hướng mới để thử nhìn lại con đường mà tiền nhân đã đi qua. Cộng thêm vào chút ít trực giác đó với một mớ lô-gích căn bản, chúng ta có thể thấy 'bí ẩn' của cả ba tên gọi tháng 1, tháng Chạp và tháng Giêng, có thể được giải quyết cùng một lượt, bằng một phương pháp phân tích chung. 212


Trước hết, tháng Một. Hồi còn tuổi ấu thơ, chúng tôi nhớ có nghe đâu đó gọi tháng 11 bằng tháng Một. Xưa nay, vẫn tưởng đó chỉ là một lối gọi tắt: 'Mười Một' => 'Một'. Nhưng không phải. Xem lại phần tóm tắt phía trên, ta thấy ngài Mường gọi tháng 11 bằng [khảng Môch]. 'Môch' chính là 'Một'. Người Tày-Nùng cũng vậy [6]. Họ gọi tháng 11 bằng [Bươn Êt]. [Bươn] = tháng, và [Êt] = 1. {'Êt' tức là 'Ít' tiếng Việt hay [Ich] tiếng Nhật - mang nghĩa số 1}. Như vậy, người Việt xưa chắc chắn không thể nào nhầm lẫn hoặc gọi tắt 11 thành 1 được. Họ có ít lắm hai 'đồng minh' thuộc tộc Thái cổ, là Mường và Tày - Nùng [22], cùng gọi tháng Mười Một là tháng Một. Xem lại 12 con Giáp chúng ta sẽ thấy các tên gọi tháng được phân bố như sau: Tháng Tý= tháng 11; tháng Sửu= tháng 12; tháng Dần= tháng 1; tháng Mão= tháng 2; tháng Thìn= tháng 3; tháng Tỵ= tháng 4; tháng Ngọ= tháng 5; tháng Mùi= tháng 6; v.v. Như vậy tháng 11 người xưa ưa gọi tháng Tý. Tý là địa chi đầu tiên hay địa chi số 1 của 12 địa chi. Từ đó tháng Tý, tháng số 1 của 12 địa chi, được gọi 'tháng 1'. Tháng Mười Một gọi theo địachi là tháng Tý, tức tháng Một. Tháng Chạp? Chính là tháng thứ 2, theo kiểu 12 con giáp. Còn gọi tháng Sửu. 'Sửu' phát âm ra sao trong các phương ngữ bên Tàu? Tiếng Hẹ: [chiu], Quảngđông: [chau], Quanthoại: [chou], Ngô-Việt: [tshơw], Mân: [thiu], Hải-Nam: [siu]. Phát âm Hải Nam giống 'Sửu' nhất, và Quảngđông & Quanthoại giống [chạp] nhất. Xin để ý tóm tắt phía trên, cho biết người Tày Nùng gọi tháng Chạp bằng [Bươn Lap]. Tại sao [chap] lại biến thái với [lap]. Tra cứu vài quyển từ điển tiếng Tàu trên internet (thí dụ [16]) chúng tôi phát hiện ra 3 từ đặc sệt Hoa, thuần túy dùng để chỉ tháng 11, tháng 12, và tháng Giêng. Phía dưới sẽ bàn đến tháng Giêng. Tháng 11 người Tàu xưa gọi [Dong Yue] 冬月 (Đông Nguyệt), dần dà về sau tách Đông 冬 ra dùng để chỉ mùa Đông. Tháng 12 họ gọi [La Yue] 腊 月 'tháng Lạp' giống người Tày-Nùng thuộc tộc Thái-cổ. 'Lạp' 腊 nghĩa là gì? 'Lạp' tiếng Hẹ đọc y hệt [lap]. Quảng: [laap]. Quanthoại: [la]. Ngô: [la?]. Mân: [lah]. Mang nghĩa: (i) lễ tế vật săn bắn vào cuối năm; (ii) khoảng thời gian cuối năm âm lịch; (iii) làm muối, hoặc phơi khô thức ăn (Thí dụ: lạp xưởng 臘 腸 laap cheung, là thứ 'xúc xích' phơi khô của người Quảng Đông); (iv) giỗ cúng tháng Chạp. (Để ý từ điển của Huình Tịnh Của [23] không có ghi 'tháng Lạp' mà chỉ ghi 'tháng Chạp' với ý nghĩa của 'Lạp'. Luận cứ chúng tôi nhấn mạnh cội nguồn âm [CH] trong [Chạp], và đầu tiên phô trương ra chữ 'Lạp'. Như vậy ta thấy rõ tháng 12 xưa được gọi tháng Sửu, tức [chou] quanthoại và [chau] quảngđông. Đồng thời, có những bộ tộc khác bên Tàu gọi tháng 12 bằng 'tháng' Lạp, dựa trên một tập tục khác không dính dáng đến 12 địachi. Người Tày-Nùng vẫn giữ lối gọi 'Lạp' này. Nhưng người Việt ở nước Nam, bao gồm nhiều tộc người khác nhau, ra sức tổng hợp hai âm [Chau] (tháng 'Sửu') và [Lạp] (tháng 'Lạp') với nhau thành ra [Chạp]: {Chạp} = {Chau} + {Lạp} Tháng Giêng? Lý giải về 'tháng Giêng' cho thấy chỉ có 'lí-thiết' của loạt bài này mới có thể đưa đến một giải thích (đầu tiên) ăn khớp với tháng Một - tháng Chạp. Người Hoa vào lúc cổ thời ưa yùng [Zou yue] 陬 月 để chỉ tháng Giêng. [Zou] phát âm theo Hẹ chính là [zeu], và quảngđông: [zau]. Không liên hệ đến 12 con giáp đếm theo tháng, tuy âm hán-việt chính là 'tchâu' như nước 'Trâu' của Mạnh Tử. Thế nhưng đối với hệ thống tử vi 12 địa-chi, tháng Giêng chính là tháng Dần. 'Dần' phát âm ra sao ở các phương ngữ Bách Việt? Quanthoại 213


đọc [Yin], với âm [Y] ở đầu giống Quảng Đông: [Yan]. Ngô-Việt: [Iing]; Mân: [In] và HảiNàm: [Yan], giống Quảngđông. Để ý 2 âm tiếng Hẹ chỉ tháng Giêng: [zeu] và [Jin]. [JIN] chính là phát âm 'Dần' (Jần hoặc Dzần) trong tiếng Hẹ. Tháng Dzần (Jần) chính là tháng Giêng. [JIN] => 'Jiêng' hay 'Giêng'. Âm [zeu] và nhất là âm [JIN] (chỉ tháng Dần) đều có thể tiến đến âm [Giêng] với trợ júp của quốc-ngữ: (Tháng) GIÊNG = Tháng [JIN] từ tiếng Hẹ. Ngoài ra còn có thể để ý đến biến thái giữa âm [ân] và [in] (Dần => Giêng). Theo kiểu: - (Họ) Trần => Chen. // - Nhà Tần => Qin // - Xứ Mân => Min Như vậy: tháng Giêng = tháng Dần TÓM TẮT Qua bài này chúng tôi thử quan sát 12 con Giáp dưới góc độ của 'truyền thuyết giải mã' ở đây. Nhân tiện, một số lý giải mới đã được đề ra, dựa trên lý thuyết hợp chủng, để giải thích tại sao người Việt có thói quen dùng tháng Một, tháng Chạp, tháng Giêng để chỉ, tuần tự, tháng 11, 12 và tháng 1. Đi sâu vào vấn đề lý thuyết và tiền đề, chúng ta bắt đầu thấy rất nhiều công trình hàn lâm rất nổi tiếng xưa nay, vẫn có thể dựa vào một số các tiền đề mà nền tảng hãy còn chứa ít nhiều lấn cấn. Quan trọng nhất là thứ tiền đề đã đưa đến hệ luận tìm tòi lối phát âm xưa của người Tàu dựa trên phát âm của tiếng Hán Việt, hoặc tiếng Hẹ, tiếng Mân ngày nay. Đặc biệt tiếng Hán Việt. Nếu nhớ lại hầu hết sách vở các tiền bối tại Việt Nam đều cho rằng tiền nhân nước Nam đã 'biến chế' cách đọc chữ Hán của người Tàu, theo kiểu Việt để giữ vững tinh thần độc lập kiểu ta. Từ đó sinh ra thứ phát âm Hán Việt. Thế nhưng ở phần đầu, chúng ta đã thấy các học giả hàng đầu Tây Tàu lại ưa dùng tiếng Hán Việt để truy tầm phát âm cổ tiếng Tàu bởi họ cho rằng, người An Nam học cách phát âm y như người Tàu hồi thời An Nam đô hộ phủ. Chúng tôi tình cờ phát hiện được điểm tréo cẳng ngỗng ở trên trong tư duy Việt và Hoa, và đã dẫn Lê Ngọc Trụ [3] trong việc nhìn nhận phát âm Hán Việt nhất là các dấu, các thinh. đã được quy định khá cấp tốc, thiếu thốn kiểm chứng với âm Hán tiêu chuẩn. Mà thật ra rất khó minh định thứ Hán nào là thứ Hán tiêu chuẩn. Nó luôn luôn tùy theo thời và tùy theo chủng tộc chủ lực đã nắm được chính quyền vào thời đó. Thêm vào đó chúng tôi đã minh giải trong 3 bài vừa qua, tiếng Hán Việt thật ra là một hỗn hợp rất kì diệu giữa các phương ngữ Hoa Nam, đặc piệt: Hẹ, Quảng Đông, Phúc Kiến - Triều Châu, và Hải Nam. Tiếng Nôm cũng y hệt như vậy. Xưa nay vẫn tưởng là sản phẩm bản địa, nhưng một phần lớn lại chính do người Việt mang sang từ bên Tàu. Rất nhiều thanh điệu được biến đổi, và nhiều từ hoán chuyển tổng hợp với mớ từ vựng có sẵn ở người bản địa: Môn Khmer và Thái cổ. Giữa một tình trạng rối bời như vậy, tiền nhân nước Nam lại nhất thống được tiếng nói - cả Nôm lẫn quốc-ngữ - và chữ viết (quốc-ngữ) và để lại cho hậu thế cả một kho tàng văn hoá và thi văn bất hủ. Trong những tình huống luôn luôn khẩn trương với đe dọa từ những thế lực bên ngoài. Đặc biệt, họ đã để lại rất ít dấu vết về những khó khăn đã kinh qua. Trong trang sử cũng như trong ngôn ngữ. 214


CẢM TẠ: Xin thành thật cám ơn anh Nguyễn Cung Thông (Melbourne), đã gợi ý 'thử xem lại 12 con giáp', cùng những trao đổi email, tài liệu riêng về đề tài khá quan-trọng này. Ghi Chú [1] Phát âm 'chuyện' => 'chiễn' trong tiếng Mường. Để ý âm vận tiếng Mường khá giống phát âm một số vùng Nam Bộ, trên rất nhiều âm, trong đó có 'uyê', như 'truyền thuyết', đọc như [triền thiết]. Thí dụ: 'chuyện' người Mường phát âm như 'chiễn', 'duyên' Mường đọc như 'diên'. Rất giống biến thái giữa quanthoại và quảngđông: âm [chuan] thường tương ứng với 'chuyền', 'chuyển', 'chuyện' - nhưng biến thái với Hakka rất thường [chon] mang chỉ một mẫu âm [o], quảngđông [chyun] như đảo ngược với tiếng Việt. Biến thái từ [chuan] có vẻ giống Mân nhất bằng âm [chhoan], nhưng đôi khi Mân cũng chuyển thành một mẫu âm, [chheng] hay [chhun]. Một trong những dẫn chứng khá gay cấn chính là 'Việt' trong 'Việt Nam'. Quảngđông đọc 'Yuet' gần giống với 'yuyệt', và quanthoại [yue], cũng một thứ nhịâm có [u] ở đầu. Một âm nữa của 'việt' chính là 'vượt'. Hakka đọc [zat] hay [jet]. Nhưng Mân đọc [oat] hay [wat], vẫn mang âm [u] trước. Như vậy một ký âm khác có thể lối đọc tiền nhân chính là [vuat] hay [vuợt] với âm [u]. Nhưng các tôn sư quốc ngữ không sáng tác nhị âm [uơ] và đành phải dùng [iê] => [việt]. Như vậy âm [iê] kiểu Mường / Nam bộ thay cho [uyê]: [chiện] < [chuyện] / [Việt] < [Vuyệt] hay [vuật] lại một điểm cần để ý. Tương tự: [giả thiết] mặc dù mang nghĩa hẹp hơn [giả thuyết] nhưng cũng cho thấy tương cận giữa [thuyết] > [thiết]. [2] 'Phiênthiết' của học giả Tây phương và Tàu có vẻ không khác với lối 'phiênthiết' của các tiền bối tại Việtnam vào đầu cho đến giữa thế kỷ 20, khi họ tìm cách đánh dấu lại các từ Hán Việt ít dùng (bởi không ai biết tiền nhân thật sự phát âm ra làm sao). Thí dụ: Lê Ngọc Trụ [3] phân tích phiên thiết 'cây BÚT' và cho rằng đáng lẽ 'Bút' được phát âm 'Bất' mới đúng. Lý giải thật ra, với kính phục hãy còn đó, đã dựa vào một cái vòng lẩn quẩn: {bút}= {bi + ất}, viết và phân âm theo ... tiếng Hán Việt. Thật sự, tra từ điển liên phương ngữ chúng ta sẽ thấy: Hẹ: [bit] => cây biết. Quảng: [bat]=> bất, giống Lê Ngọc Trụ [3]. Quanthoại: [bi3]. Ngô: [pI?] (? tắc âm thanh môn). Mân: [pit], giống Hẹ, nhưng âm đầu [b] => [p]. [3] Lê Ngọc Trụ (1960) Chánh tả Việt ngữ. Nxb Xuân Thu 1991. Trường Thi tái bản. Lê Ngọc Trụ (1959) Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị. Nxb Thanh-Tân [4] Người Yi có lẽ thuộc nhóm Môn-Khmer. Ngôn ngữ họ thuộc nhóm Tạng-Miến, và có chữ viết cổ lâu đời khắc trên những mảnh đá hoặc trong động đá. Tộc gốc của họ theo sách vở Tàu chính là siêu tộc Để (hay Địch) + Khương (Di Qiang). Cũng có thể, theo thiển ý, họ thuộc tộc Thái-cổ. Tiền thân của họ chính là nhóm người tạo dựng nên xứ Nam Chiếu, tức Đại Lý của ‘Nhất Dương Chỉ’ Đại sư Đoàn Nam Đế trong truyện của Kim Yung. [5] Thường Tuấn (2005) Văn Hoá về 12 Con Giáp. (Hàn Ngọc Lan biên tập). Nxb Tổng Hợp Tp HCM. [6] Hoàng Văn Ma - Lục Văn Pảo - Hoàng Chí (1974) Từ điển Tày-Nùng-Việt. Nxb KhoaHọc XãHội (Hànội) [7] Jeanne Cuisinier (1946) Les Mường - Géographie humaine et Sociologie. Institut d'Ethnologie. Paris [8] Chiêm Toàn Hữu - Lý Tinh Ích (hiệu đính) (2004) Văn hoá Nam Chiếu Đại Lý. Bản dịch: Nguyễn Thị Thanh Huệ, Nguyễn Mai Lan, Nguyễn Hương Giang, Phan Minh Thanh. Nxb Văn Hoá Thông Tin.

215


[9] http://www.chineselanguage.org/cgibin/query.php?table=hakka&mode=english&sound=no&beijing=pinyin&canton=jyutpin&h akka=default&fields=pinyin,english&lang=en&show=frequent [10] Henri Roux (1954) Quelques Minorités Ethniques du Nord-Indochine. France-Asie. Janvier-Février 92-93. Tome X. [11] Võ Mai Phương (Chu Thái Sơn chủ biên) (2005) Người Dao. Nxb Trẻ [12] Trần Trọng Kim ( 1971) Việt Nam Sử Lược. Trung Tâm Học Liệu của Bộ Giáo Dục xuất bản. Đại Nam tái xuất bản tại Hoa Kỳ. [13] http://eprints.anu.edu.au/archive/00000512/00/thai_time.html [14] Benjamin Robertson (2005) Ancient ruins rewriting China history. IN: http://english.aljazeera.net/NR/exeres/6D639A4C-D735-4CD2-A215-A593EC27D5D9.htm [15] http://home.att.net/~lvhayes/Langling/Glossary/glosspg1.htm [16] www.njstar.com / www.zhongwen.com / www.chineselanguage.org/cgibin/cedict.php?dbase=ce&query=81D8&first=0&encoding=utf8-tw [17] Những người học quanthoại sẽ dễ thắc mắc tại sao chử ‘Hoà’ tiếng Việt lại tương đương với lối đọc [He] 和 quanthoại. ‘Hoà’ chính là kí âm của tiếng Mân [hoa] hay Hẹ [wa]. [Wa] giống phát âm Nam Bộ hơn. Chúng ta thấy các tôn-sư quốcngữ đã hết sức lúng túng ở việc kí âm rất nhiều từ sau khi quyết định không dùng chữ cái [W]. Điển hình họ đặt ra [qua] để chỉ ‘Tôi’ theo lối nói Phúckiến, Mường, Nhật và Nam bộ. Thật ra [qua] chỉ {tôi} phải kí âm [wa] hay [gua] mới đúng, bởi người nam bộ không hề phát âm như [kwa] mà chỉ có [wa]: ‘Ngày mai nếu em ở nhà, wa sẽ (k)wa thăm em’. Thí jụ khác: con Quạ (chim) người Hẹ phát âm như [vua], [v] thay [w], vẫn nhẹ hơn [kwạ]. Hiện tượng dùng [kw] thay [w], và [v] thay cho [w] và [by] nhẽ ra phải được nghiên kíu từ lâu. Đối với [v] thay cho [w], mọi việc sẽ đâu ra đó nếu chỉ thay cho [w] y như phát âm người Hẹ và người Sơn Đông hiện nay. Nhưng sai lầm ở chỗ [v] ôm đồm thay luôn cho [by]: ông byua => ông Vua. Hiện tượng [v] biến thái với [w] có thể dễ dàng tìm thấy trong ngôn ngữ Âu Châu: Rượu vang (chát): Vino (Ý) => Vin (Pháp) => Wine (Anh). [V] <=> [W]. [18] Xem bảng đối chiếu phía trên, sẽ thấy còn một từ nữa để chỉ con Heo: [cúi] theo kiểu Mường [kwi] / [kul], hoặc Khmer [kau], hay Thái [kun]. Hiện ‘cúi’ vẫn còn dùng tại một số khu vực bắc Trung bộ. Thêm lần nữa: mỗi bộ tộc có lối dùng từ riêng để chỉ cùng một sự vật. Tiến bộ của văn minh qua phương tiện truyền thông như báo chí, truyền thanh, truyền hình, internet, v.v. đã dẫn đến việc chiết lược bớt những từ đồng nghĩa, và chỉ dùng những từ quen thuộc nhất do người thành thị xử dụng. [19] Nguyễn Cung Thông (2005) Trao đổi i-meo về 12 con Giáp. (Tháng 8 - 2005) [20] Thời hai bà Trưng, rồi bà Triệu, xứ Việt cổ vẫn dùng Voi. Hoa tộc đã dùng ngựa trước đó ít lắm cũng 500 năm. Hoa tộc ưa chế giễu Bà Triệu (khởi nghĩa năm 284), ra trận dùng voi bằng cách miêu tả bà không mặc áo để lộ vú dài 3 thước. Sử gia Ngô Sĩ Liên và rất nhiều vị khác đã vô tình không minh giải vấn đề này và ghi lại y chang từ thưtịch cổ của Tàu. Thật ra vú dài 3 thước, theo thiển ý, được dùng để tả cái ‘vòi’ của con voi. ‘Thước’ đọc theo Hải Nam là [xiớk] (Hán-Bách-Việt), HánViệt là [xích]. Hẹ: ch’ak, Quảng đông: [tsek], Ngô: [tsha?], Mân: [chhek]. 1 thước = 0.3333 thước tây (m). Do đó 3 thước xưa gần bằng 1 mét tây. Đúng với chiều dài bình quân của cái vòi đi trước con voi. [21] Người Hải Nam ngày nay là hậu duệ của hai sắc tộc cổ thời: Lê tộc và Miêu tộc, cộng với nhiều đợt ji tản từ Hoa lục, đông nhất người Mân tức Phúc Kiến - Triều Châu. Tộc Lê có bà con xưa với khối Địch-Khương (Môn Khmer). Cũng có thể, người Choang ở Quảng Tây, và Tày-Nùng, Mường ở ViệtNam, thuộc chủng Thái cổ. [22] Nên nhớ: Tiếng Tày-Nùng hoàn toàn KHÔNG có dấu 'ngã' ~. [23] Huình Tịnh Paulus Của (1998) Đại Nam Quấc Âm Tự Vị - ấn bản 1895-1896. Nhà xuất bản Trẻ 216


Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (16): Hiên Viên, Xuy Vưu và Thần Nông Nước Trung Hoa vào cuối thế kỷ 19 là một nước rất yếu ớt, bạc nhược 'hết xí quách', bởi triều đình nhà (Mãn) Thanh đang lâm vào cảnh thoái hoá suy tàn, nhất là sau cuộc chiến tranh Nha Phiến xảy ra vào hai thập niên 1840's và 1850's. Thêm vào đó Thanh triều đã phải chia cắt đất ở vùng biển Đông, nhượng lại cho rất nhiều cường quốc như: Vương quốc Anh, Pháp, Nga Sô, Nhật, và Hoa Kỳ. Ước muốn độc lập, giành lại chủ quyền đất nước đã dẫn đến cuộc cách mạng Tân Hợi, 10 tháng 10 năm 1911, chấm dứt chế độ phong kiến nhà Thanh trên toàn lãnh thổ nước Tàu. Bác Sĩ Tôn Dật Tiên, tức nhà cách mạng Tôn Trung Sơn, tạm ngưng cuộc sống lưu vong bên Nhật trở về nước và đảm nhận chức vụ Đại Tổng Thống lâm thời của Cộng Hoà Trung Quốc vào ngày 1 tháng Giêng năm 1912. Ngoài việc đề xuất chủ nghĩa Tam Dân, dựa trên ý tưởng của Alexander Hamilton và Abraham Lincoln [1], Tôn Dật Tiên còn rất nổi tiếng khi chủ xướng rằng dân Trung Hoa hiện đại bao gồm 5 tộc người chính: Hán, Mông, Mãn, Tạng, và Hồi. Hoàn toàn sát nhập Việt tộc (tộc riêng của Tôn Văn) vào chung với Hán tộc thành một mối. Tiếp theo Tôn Dật Tiên là công trình nghiên cứu của học giả Laa Hương Lâm (Luo Xiang Lin), đặc biệt về người Khách Gia (Hakka) [2] tức người Hẹ. Học giả họ Laa đại khái cũng đồng ý với Tôn tiên sinh, cho rằng Việt (Yue) không khác gì Hán qua mấy ngàn năm lịch sử với nhau. Bởi cả hai vị, Tôn và La, đều là những người miền Hoa Nam, nhưng lại cổ vũ chuyện Hán-Việt đề huề, nên từ dạo đó (đầu thế kỷ 20), trên toàn cõi nước Tàu, người Hoa thường chỉ phân biệt chủng tộc theo 5 phân loại chính như trên. Như đã âm-vọng qua ngòi bút của Kim Dung – sinh trưởng tại Chiết Giang, địa bàn của Việt Vương Câu Tiễn năm xưa - trong 'Lộc Đỉnh Ký' và 'Thiên Long Bát Bộ'. Cái gốc Yue-tộc của những người thuộc khối Bách Việt ở thời xa xưa hoàn toàn được xoá bỏ và sát nhập thẳng vào Hán tộc. Hoặc ngược lại, Hán tộc của những vị thánh hiền năm xưa, đã được ‘bổ xung’ vào khối Việt tộc thuở cổ thời ở Hoa Nam. Từ đó đưa đến những thứ lí thuyết và tiền đề xây dựng chung quanh chuyện Hán-Yue đề huề như một tộc người duy nhất, có một thứ ngôn ngữ chung, xưa cùng một gốc theo phân loại: nhóm ngữ Hán-Tạng. Dù rằng bất cứ người Hoa nào cũng đều biết rõ cách đây hai ngàn năm, họ là tập hợp của hằng ngàn bộ tộc khác nhau, mà tiếng nói và nhân dạng vẫn còn hiện rất rõ nét cho đến ngày nay. Có lẽ cũng do ở công đề xuất việc nhất thống hai tộc Hán và Yue, Tôn tiên sinh luôn luôn được sùng bái như một quốc tổ hiện đại ở cả hai nơi: Trung Hoa lục địa và Đài-Loan (Taiwan). Thật ra, dưới góc nhìn tổng quan, vấn đề phân biệt hai tộc Hán-Yue, nhất là sau thời Chu Nguyên Chương đánh đuổi được quân Nguyên, thiết lập nhà Ming, từ lâu đã trở nên hết sức phức tạp và khó khăn. Khó khăn và lộn xộn cũng từng thể hiện ngay từ cái thời Nghiêu Thuấn và Đông Châu Liệt Quốc, đối với những đám man zi ở miền Hoa Bắc. Đáng kể nhất là nhóm Lạc bộ Trãi mà chúng tôi đã minh giải rất nhiều lần chính là tiền thân nhóm người Khách Gia (Hakka), tiếng Việt gọi là Hẹ. Bởi địa bàn sinh sống giữa các bộ tộc thường đan xen và lẫn lộn với nhau. Thí dụ tại nước Sở, với vua mang họ Hùng, hầu hết thư tịch cổ người Hoa đều ghi đó một nước chứa rất nhiều 'rợ'. Triều đình nước Sở cũng có rất nhiều vị, kể cả các Sở Vương, mang hai giòng máu Hoa và Việt. Vua Thuấn cũng có nhiều giả thiết 217


[4] cho mang dòng máu Việt. Các nước Lỗ, Tấn, Trịnh, Vệ, Trâu, Trần, Thái, v.v. ở miệt Sơn Đông, Hà Bắc, Sơn Tây, v.v. đều mang tiếng chứa rất nhiều đám rợ Đông Di, bao gồm phần lớn nhóm Miêu tộc (Hmong-Dao), và nhóm Lạc bộ Trãi, tức chữ Lạc 貉 viết theo họ của 'thái quốc tổ' LẠC Long Quân. Câu nói phổ biến 'Trên Bộc, dưới dâu' (Bộc thượng tang gian) ngày xưa được dùng để châm biếm lối SEX hết sức 'tự nhiên' của người man-zi nước Trịnh và Vệ bên bờ sông Bộc và trong ruộng dâu gần đó. Tên sông Bộc, tại thành phố Bộc Dương (Pu-Yang) ngày nay, đã cho ra 'dân' Bách Bộc hay Bộc Việt, theo minh giải của loạt bài này, tiền thân của dân Hakka (Hẹ) sau này. Có lẽ đã có một gián đoạn nào đó trong cổ sử Tàu. Hoặc người Hoa đã không ghi lại lịch sử liên tục trong thời Tần Thủy Hoàng kéo đến nhà Hán, nhà Đường, đối với đám Đông Zi xưa ở miệt Sơn Đông. Hoặc cũng có thể người Hoa cho rằng tất cả đám Đông Di ở khu vực đó đều đã di tản sang xứ Triều Tiên (bán đảo Cao Ly) dưới tên 'rợ' Tam Hàn. Cho nên trong ký ức của họ nhiều thế kỷ về sau, họ thường đinh ninh rằng nhóm Lạc bộ Trãi đã biến đi đâu mất hết. Từ hiểu biết sai lầm kéo dài nhiều thế kỷ đó, sau thời Thập triều-Ngũ đại (thế kỷ 10) cho đến lúc quân Mông Cổ chiếm đóng nước Tàu thiết lập nên nhà Nguyên (1279-1368), người Hoa thường có quan niệm 'chắc nịch' rằng hễ tộc người nào xuất xứ từ miền Hoa Bắc, bắt buộc tộc đó phải thuộc thứ tộc Hán thuần túy, hay ít lắm một bộ tộc riêng rẽ có cùng thứ huyết thống với những bộ tộc tiền thân của Hán tộc. Theo quan điểm riêng chúng tôi, được chứng minh dài dài trong loạt bài này, người Hakka (Hẹ), với nhiều danh nhân thế kỷ 20 như: Đặng Tiểu Bình, Lý Quang Diệu, Tôn Dật Tiên, Châu Nhuận Phát, v.v., đã rơi vào loại tư duy này của người Hoa - và trở thành Hoa tộc thuần túy nhất, mặc dù thật sự họ chính là hậu duệ của đám Bách Bộc hay Đông Di lưu lạc sống cuộc đời du mục ở miền Hoa Bắc ngày xưa [2]. Quan điểm 'chắc nịch' Hoa-Việt đề huề ở miền Hoa Bắc thật ra bắt nguồn ngay giữa giòng cổ sử Trung Hoa. Một tiền đề rất 'Tàu' ngay từ thời 'lập quốc': Ở miền Hoa Bắc, ngày xưa thật xưa, chỉ có Hoa tộc mà thôi, dù định nghĩa Hoa tộc lúc ban đầu vẫn chịu khó gộp luôn một vài tộc người khác như các tộc người Bắc Địch thông minh, Khương và Việt. Đặc biệt siêu tộc Khương, với xuất xứ từ miền Tây nước Tàu, khu vực Tây Tạng. Vấn đề nguồn gốc Hoa tộc thật ra cũng hết sức rối rấm đối với chính người Hoa do ở ảnh hưởng chính trị trong suốt những thế kỉ cận đại. Nói chung có vẻ họ tránh né đề cập đến 2 tộc người chính, trong số chừng 4 tộc người, là tiền thân của Hoa tộc hiện đại: Người Hung Nô và người Nguyệt-Chi (thường gọi NhụcChi) tức Tocharians hay Turkestans (tức Thổ tối-cổ) [3]. Đặc biệt thị tộc Nhục-Chi 月支 [Yue Zhi] là một thứ tộc người Ấn Âu, da trắng mắt xanh [3], có địa bàn ban đầu là khu vực Cam Túc ở sát phiá Tây của tỉnh Thiểm Tây, ngày xưa là địa bàn của nhà Tây Châu và nhà Tần. Người Hoa mặc dù có lẽ vì lý do chính trị, chưa thừa nhận tộc Nguyệt Chi là 1 tộc thủy tổ, nhưng trong những năm gần đây họ ra công nghiên cứu rất nhiều về tộc người da trắng này trong lòng Hoa tộc. Gần như nghiên cứu để sẵn đó, chờ khi có cơ hội thuận tiện, hoặc tự tin dân tộc hơn, có thể họ sẽ thừa nhận đàng hoàng. Mặt khác, bởi Hoa chủng cũng mang gốc Hung Nô - Mông Cổ cho nên các nhà dân tộc học phân loại ra chủng Mông-gôloiđ dùng để chỉ Hoa chủng. Cổ sử chính thống cho rằng người Hoa bắt nguồn từ những bộ tộc dưới sự lãnh đạo của Hiên Viên Hoàng Đế (Xuan Yuan Huang Di), về sau gọi tộc người Hoa Hạ. Để ý 'Hoàng Đế' mang nghĩa sơ khởi 'vua cai trị đất màu Vàng', bên sông Hoàng Hà. Đất màu vàng chính là 'hoàng thổ' tức đất 'loess' do phù sa bồi đắp nhiều năm, được vận tải bằng gió bão từ hướng Tây. Ở nhiều nơi độ dày lớp đất vàng, phì nhiêu này có thể lên đến 3 mét tây. 218


Thư tịch cổ của Tàu có chép vào thuở cổ thời Hoàng Đế sinh tại Thọ Khâu (phía bắc Sơn Đông ngày nay), và lớn lên ở gò Hiên Viên, nên mang tên Hiên Viên Hoàng Đế. Cũng có sách chép Hoàng Đế sinh ở hang Hiên Viên thuộc tỉnh Cam Túc. Cách đây khoảng 4400 năm, tức thế kỷ 24 trước Công Nguyên. Thuở cổ thời có 3 bộ lạc thật lớn ở miền Hoa Bắc: Viêm, Hoàng, và Lê. Viêm tộc còn gọi là Thần Nông Thị, với lãnh tụ Thần Nông, mà chúng tôi cho rằng thánh tổ của Việt tộc, đặc biệt nhánh Âu Việt, tức Thái cổ. Hoàng tộc chính là Hoa tộc, dưới sự lãnh đạo của Hiên Viên. Thị tộc của Hiên Viên còn gọi 'Hữu Hùng Thị'. Lê tộc, còn gọi Cửu Lê, tiền thân người Hmong-Mien (Miêu-Dao), với lãnh tụ Xi Vưu (Chi You), ngày nay được dân Triều Tiên thờ như một thánh tổ. Cổ sử của Tàu có vẻ đều nhất trí với nhau rằng: Hiên Viên và bộ tộc ông ta, chỉ choảng nhau một sống một còn với Xy Vưu và nhóm đệ tử Cửu Lê (MiêuDao) tại trận Trác Lộc ở gần sông Bộc mà thôi. Tại Trác Lộc Xy Vưu đại bại, bị bắt và chặt đầu. Dân Cửu Lê tản mác khắp nơi. Một số lớn chạy qua bán đảo Triều Tiên với đám Lạc bộ Trãi, trở thành một trong 3 đám rợ Tam Hàn. Một số khác chạy về phía Nam rồi trở thành Miêu tộc và Lê tộc. Liên hệ giữa đám Yuệt-tộc theo Thần Nông, tức thị tộc Viêm, và chủng Hoa Hạ của Hiên Viên có vẻ phức tạp hơn. Hiên Viên cũng có choảng với Thần Nông, và khắc phục được thị tộc này. Sau kết nghĩa 'anh em' với nhau. Thần Nông Thị, tức thị tộc mang tên hoặc có lãnh tụ tên Thần Nông, theo chính sử Tàu có vẻ thuộc siêu tộc Khương, hoặc một nhánh Thái cổ, bà con hoặc tiến hoá từ siêu tộc Khương. Hiên Viên Hoàng Đế được người Hoa nhớ đến như thánh tổ của tộc người Trung Hoa cũng nhờ ở việc chính Hiên Viên là người đầu tiên đề xướng hôn nhân dị chủng với nhau. Đề huề giữa hai tộc Hoa và Việt có lẽ bắt đầu từ lúc đó, ở thời tiền sử. Giữa Hoàng tộc (Hoa Hạ) và Viêm tộc (Khương / Thái / Việt). Để ý trong trí nhớ người Hoa, tộc người Việt Nam vẫn dính liền với Thần Nông của chủng Thái-cổ [7]. Cao Xuân Dục [8] đã ghi lại phán quyết Thanh Triều dùng hai từ 'Viêm Giao' [9], để chỉ tộc người nước Việt khi họ từ chối quốc hiệu Nam Việt do triều Nguyễn cầu xin (năm 1802), và thay vào đó bằng: 'Việt Nam'. Chúng ta có thể để ý, toàn thể thị tộc Thần Nông (Shen Nong) đều viết tên theo như cú pháp văn phạm của tộc Âu Việt và Lạc Việt: 'Thần' đi trước 'Nông', y hệt như: 'người đẹp' chứ không 'mỹ nhân' ('nhân' sau 'mỹ') theo kiểu chữ Hán. Những vị 'vua' theo dòng Yuệt-tộc cũng viết y hệt như vậy. Đó là những vị như Đế Nghi, Đế Minh, v.v. Trong phiên âm (pinyin) quanthoại tìm thấy trên internet người ta vẫn thường viết Di (Đế) trước tên riêng của những vị vua thuộc Việt tộc. Thí dụ: Di-Ku theo pinyin (phiên âm) dùng để chỉ Đế Cốc (vua Cốc), [Di] viết trước [Ku]. So sánh với Hoa tộc, vua đất màu vàng họ gọi Hoàng Đế, chứ không 'Đế Hoàng'. Trong khi bất kì vị vua nào của Việt tộc, họ gọi đúng cách, đặt 'Đế' trước tên riêng. 'Minh Đế' viết thành 'Đế Minh'. Theo đúng văn phạm tiếng Việt, tiếng Thái. Siêu tộc Khương cũng đóng góp trực tiếp vào Hoa tộc ngay từ lúc ban đầu. Qua vị vua đầu đời nhà Hạ tên 'Đại Vũ' [Da Yu]. Theo [5], vua Vũ vốn người Tây Di, xuất thân từ một địa điểm thuộc tỉnh Tứ Xuyên ngày nay. Tây Di là một tên khác dùng để chỉ siêu tộc Khương, một tộc người thường được cho thủy tổ của rất nhiều tộc khác, trong đó có người Di, Thái cổ, và cũng có đề nghị: cả khối Bách Việt. Dân Tây Tạng nhiều khi cũng được xem như một hậu duệ của siêu tộc Khương [10]. Tuy vậy để cho nghe hợp tai, sử Tàu viết cha của Vũ là 219


Cổn đã tậu nhà mới dọn về cư ngụ tại khu vực Hoa tộc (tỉnh Hà Nam), khi thành thủ lĩnh của bộ lạc mang họ Sùng (họ hàng với thái quốc tổ Sùng Lãm tức Lạc Long Quân hay chăng?). Ông Vũ có lẽ là vị kỹ sư công chánh đầu tiên của Hoa tộc. Ông ta phát minh ra những biện pháp thủy lợi rất hay (bằng cách chia nhánh hạ lưu sông Hoàng (Hà)) để chế ngự nạn lũ lụt do Hoàng Hà gây nên. Sau Hoàng Đế tới Chuyên Húc Cao Dương Thị. Chuyên Húc nhường ngôi cho Đế Cốc Cao Tân Thị (rất có thể thuộc Việt tộc: 'Đế' đứng trước 'Cốc'). Đế Cốc truyền ngôi cho Nghiêu (Hakka gọi y hệt: Ngieu). Nghiêu nhường ngôi cho Thuấn. Thuấn truyền lại cho một người gốc tộc Khương là Vũ, tức Đại Vũ, kỹ sư công chánh đầu tiên Á Châu. Đại Vũ (Da Yu) bắt đầu triều đại nhà Hạ, truyền đến 18 đời, thì được thay thế bằng nhà Ân (Thương). Triều đại nhà Hạ vẫn thuộc huyền sử, bắt đầu từ khoảng năm 2070 đến 1600 TCN, tức cách hiện tại lối 4000 năm. Theo thiển ý, 'siêu' thị tộc người Tàu thường gọi 'Khương' chính là tộc các học giả Âu Mỹ thường gọi In-đô-nê-ziên, Malay (Mã Lai), hay đôi khi Nam-Á (Austro-asians), hoặc nômna hơn: Môn-Khmer. Cũng chính là siêu tộc khi định cư ở miền Hoa Nam ở thời xa xưa, chia ra hằng ngàn bộ lạc khác nhau, được tộc Hoa Hạ ở phía Bắc sông Dương Tử gọi nhóm 'Bai Yue' tức Bách Việt. Tộc Khương thường được xem như tiền thân của người Tây Tạng ngày nay. Như vậy, người Hoa cũng có lý lẽ riêng của họ khi họ phân loại nhóm ngôn ngữ của họ là Hán-Tạng (Sino-Tibetan). Nếu chúng ta tóm tắt những gì viết ở đây bằng đẳng thức 'Tam Đoạn Luận': 1. Khương = Tạng => Hán-Tạng = Hán Khương 2. Siêu tộc Khương là tiền thân khối Bách Việt: Khương=> Bách Việt, tức Khương= Việt. Do đó: Hán-Khương= Hán-Việt. Từ đó: 3. Hán-Tạng = Hán-Khương = Hán-Việt => Hán-Tạng = Hán Việt Như vậy nhóm ngôn ngữ Hán-Tạng của Hoa tộc hiện nay, chính thật có thể mang nghĩa 'Hán-Việt', là một nhìn nhận hợp chủng Hán-Việt đề huề trên toàn cõi Trung Hoa. Y như khởi xướng của Tôn Dật Tiên, từ thế kỷ 20 về sau, nước Tàu không còn phân biệt Hán và Việt nữa. Việt tức Hán, Hán bao gồm cả Việt. Một chân lý được hầu hết người Tàu ngày nay chấp nhận. Kể cả nhà 'phát minh' truyện chưởng nổi tiếng Kim Dung, đặc biệt trong các bộ 'Lộc Đĩnh Ký' và 'Thiên Long Bát Bộ'. Bí quyết thành công của Hoa tộc và nước Trung Hoa nói chung, đặc biệt trên vấn đề hợp chủng, như vậy đã dựa trên hai nhận thức có vẻ rất mâu thuẫn với nhau. Một mặt, ai cũng biết mỗi một phương ngữ tại Trung Hoa, thông thường tương ứng với một thứ tộc người khác nhau, ở thời xa xưa. Mặt khác, các tộc Việt-xưa tập trung ở miền Hoa Nam (phía Nam sông Dương Tử) ngày nay hoàn toàn được xem như người Hán 100%. Không có phân biệt Việt Hán trên toàn cõi nước Tàu. Có thể nói Việt đã đồng hoá Hán, hay ngược lại, Hán đồng hoá Việt. Việc này thật ra không quan trọng bằng: Trên toàn cõi nước Tàu, tộc người chủ lực chỉ mang một một nhãn hiệu chung: Hán, hay Hán tộc. Đến đây, xin phép ghi lại một vài nhận xét sau: (i) Để ý hai cường quốc lớn ở Á Châu, Nhật và Trung Hoa, đều biết rất rõ những tộc người nào đã tiến hoá nên dân Nhật và Tàu, ngày nay. Ở Nhật, có hai tộc chính Jomon và Yayoi, trên bối cảnh người Ainu. Ở Trung Hoa: Hung Nô, Mãn, Nhục Chi, Khương, 220


Bách Việt, ... Nhưng vấn đề nguồn gốc ‘khởi thủy ban sơ’ của người Nhật, người Hoa, hãy còn vài điểm khá mù mờ. (ii)

Đối với nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á, các học giả Âu Mỹ cho rằng tinh thần quốc gia hãy còn khá nóng bỏng, đã vô hình chung cản lại phần nào bước tiến những nổ lực tìm tòi khoa học, giống như tình trạng Âu Châu vào thế kỷ 18-19.

Danh Nhân Trung Hoa sinh trưởng tại các địa bàn Bách Việt: DANH TÁNH Đại Vũ Thần Nông Thuấn Thái Luân Mao Trạch Đông Đặng Tiểu Bình Lưu Bang Chu Nguyên Chương Tôn Dật Tiên Tưởng Giới Thạch Cát Hồng Thiền Sư Huệ Năng Khang Hữu Vi Hồ Thích Khuất Nguyên Tô Đông Pha Lỗ Tấn Lương Khải Siêu Hoàng Đạo Bà Trịnh Hoà Lý Thời Trân Quản Trọng Vương An Thạch Lý Hồng Chương Vương Sung Chu Hy Vương Dương Minh Vương Phu Chi Lưu Tri Kỷ Tào Tháo Tôn Quyền Bao Công Văn Thiên Tường Cố Viêm Vũ Hoàng Tông Hy

Niên Đại ~ 2100 TCN ~ 3000 TCN ~ 3000 TCN ? - 107 1893-1976 1904-1997 256-195TCN 1328-1398 1866-1925 1887-1975 284-364 638-713 1858-1927 1891-1962 340-280TCN 1037-1101 1881-1936 1873-1929 thế kỷ 13 1371-1433 1518-1593 730-645TCN 1021-1086 1823-1901 27-97 1130-1200 1472-1528 1619-1692 661-721 155-220 182-252 999-1062 1236-1283 1613-1682 1610-1695

Đóng Góp vua nhà Hạ Viêm đế 1 vị Ngũ đế tổ làm Giấy Chủ Tịch Canh tân Nhà HÁN Nhà MINH Cách mạng Tổng thống Luyện đan Thiền Tông Duy tân Cải lương Sở Từ (thơ) Đường thi Nhà văn Tư tưởng Dệt bông Hàng hải Y Dược sĩ Kinh tế Chính trị Công nghiệp Tư tưởng Tư tưởng Duy tâm học Triết cổ Sử học Chính trị Quân sự Quan toà chống Mông Tư tưởng Tư tưởng

Nơi Sinh Tứ Xuyên Hồ Bắc Hà Nam Hồ Nam Hồ Nam Tứ Xuyên Giang Tô An Huy Quảng Đông Chiết Giang Giang Tô Quảng Đông Quảng Đông An Huy Hồ Bắc Tứ Xuyên Chiết Giang Quảng Đông Thượng Hải Vân Nam Hồ Bắc An Huy Giang Tây An Huy Chiết Giang Giang Tây Chiết Giang Hồ Nam Giang Tô An Huy Chiết Giang An Huy Giang Tây Giang Tô Chiết Giang

Chú Thích Khương tộc Thái / Việt cổ Tộc Ngu Địa bàn Sở ĐB Thái-Miêu Gốc Hẹ ĐB Ngô Việt Sở / Việt ĐB Yuệt (Âu) ĐB Ngô Việt Ngô Việt (Âu) Việt (Âu) Việt Châu Dương Sở Khương/ Thái Ngô Việt Duy tân Ngô Việt Điền Việt Sở Sở / Việt ĐB Thái-Miêu Dương Châu thời Đông Hán Thái-Miêu Ngô Việt Thái + Miêu Ngô - Việt Ngụy (3 quôc) Ngô (3 quốc) (Bao Chửng) Thái-Hẹ-Miêu Ngô Việt Minh-Thanh

Ghi Chú: ĐB = Địa Bàn. Cố Viêm Vũ có xuất hiện trong 'Lộc Đỉnh Ký' của Kim Dung. Trở lại chuyện Hán Việt đề huề trên toàn nước Tàu. Chúng ta xin hãy để ý đến một bí quyết thành công khác của họ. Đó là người Hoa nói chung, đều có những đồng ý đồng thuận với 221


nhau, về những đóng góp văn hoá hay lịch sử của từng tộc người một, cũng như công tội của rất nhiều nhân vật lịch sử trong suốt chiều dài sinh hoạt quốc gia. Thí dụ: Khổng Tử, người Thầy muôn đời, họ nhìn nhận thuộc tộc Hoa Hạ. 12 con Giáp họ đồng ý với nhau xuất phát từ tộc Di, hay Thái cổ ở vùng Vân Nam [11]. Những loại tôn giáo cổ, như đồng bóng, thờ cúng tổ tiên, thờ anh hùng dân tộc như Quan Công, Nhạc Phi, xuất phát từ các chủng Việt ở miền Hoa Nam [15]. Nhất trí về anh hùng và nịnh thần, như: Nhạc Phi => công thần, Tần Cối => nịnh thần, đáng nguyền rủa. Bảng tóm tắt, trình bày ở đây ghi lại những danh nhân xuất thân từ những vùng thuộc tộc người khác với chủng Hoa Hạ ở thời cách đây trên 2000 năm, trích lược từ [5], cho thấy trong số 100 danh nhân tột chúng của nước Trung Hoa, do trên 50 học giả gạn lọc và soạn thảo trong vòng 10 năm ròng, đã có đến khoảng trên 30 vị mang gốc Hoa Nam, tức thuộc địa bàn các chủng Bách Việt ở thời xa xưa. Danh sách này thật ra cũng không được hoàn toàn đầy đủ. Ở chỗ thiếu thốn những phát minh khoa học mang ảnh hưởng rất sâu đậm cho nhân loại như 'xe kút kít' (wheelbarrow) dựa trên nguyên tắc 'đòn bẩy' khoa vật lý của Newton, nhưng ra đời trước Newton cả ngàn năm, xuất hiện ở Tứ Xuyên (Sichuan) vào thời cổ đại. Tứ Xuyên thời xưa chính là địa bàn hai nước Ba và Thục, chứa nhiều tộc Khương và Thái-cổ, cũng như rợ Khuyển Nhung.

Nhìn vào bảng này và đọc qua quyển '100 Danh Nhân có ảnh hưởng đến Lịch Sử Trung quốc' [5], chúng ta phải nhìn nhận đóng góp về tư tưởng, trong đó thường có lý thuyết chính trị và quyền bính, của những vị thuộc tộc người Hoa Hạ, như: Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão 222


Tử, Trang Tử, Tuân Tử, v.v. thật sự hết sức siêu đẳng. Chúng tôi đã lưu ý, trong một bài trước, nền văn minh Trung quốc, ngay từ thời xa xưa, cách đây trên 2500 năm, đã có những cơ viện hết sức độc đáo. Điển hình những chức vụ như Quân Sư, hoặc những vị quan có nhiệm vụ can gián nhà vua, v.v. Chức vụ Quân Sư ngày nay hiện diện tại nhiều nước với tên gọi mới: Cố Vấn An Ninh Quốc Gia. Đóng góp danh-nhân đủ loại từ những khu vực thuộc địa bàn Bách Việt xa xưa, lên đến trên 1/3 (một phần ba) của tổng số danh nhân chọn lọc trên toàn lịch sử nước Tàu, đã đưa đến một lý do hết sức mạnh mẽ dẫn đến việc sát nhập tộc Hán vào Việt, hay Việt vào Hán, rồi gọi chung một tên: Hán tộc. Cũng cần để ý một điểm nhỏ: ‘Hán’ chỉ Hán tộc hoặc nhà Hán của Lưu Bang, bắt nguồn từ tên con sông Hán, ‘phụ lưu’ sông Dương Tử (Trường Giang) thuộc địa bàn nước Sở. Bên bờ sông Hán vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, có rất nhiều rợ Việt (Thái + Lạc) sinh sống [6]. Phân tích ý nghĩa 'nhóm ngữ Hán Tạng' đưa đến một nhận xét tương tự phù hợp với truyền thuyết Âu-Lạc được giải mã trong loạt bài này. Đó là lối phân loại tiếng Việt ngày nay thuộc nhóm ngữ 'Việt Mường'. 'Mường' là gì? 'Mường' là lối phiên âm quốc ngữ của một từ tiếng Thái [Mwang] mang nghĩa: Người, vùng, xóm làng, thị trấn. Những người dân tộc ở miền đồi núi [12] tại Lào, Myanmar, Thái Lan, Vân Nam, thường gọi chính người Thái Lan bằng: [Kon Mwang]. Trong đó: [Kon] cũng mang nghĩa 'Người' và [Mwang] mang nghĩa 'Thái'. [Kon] truyền sang tiếng Việt lâu năm biến thái sang hai nghĩa: [Con] => con (children), [Con] : mạo từ => con người, con cá. Tức [Mwang] ngay trong cơ bản là một từ tiếng Thái (cổ và kim) chỉ Người (Thái). Tại các bộ lạc Mường khác nhau, [Mwang] phát âm thành nhiều âm vị khác nhau [14]: Mwan (Hoà Bình - Thanh Hoá), Mwon (Phú Thọ), và Mwai (Cổ Nam). Đặc biệt [Mwai] bởi mang âm [W] rất dễ tiến thành [NG], giống như tiếng Tàu [wai] => [ngoại] => [ngoài]. Do đó trong vài bộ tộc miền Thượng [Mwai] => [Ngai]. {Ngai] chính là ‘Ngài’ mang nghĩa, và biến thái thành: ‘người’. Theo một thói quen xưa chêm âm [i] sau phụ âm đầu: [ngiai]. [Ngiai] tiến đến [người] rất dễ. Giống như [liạng] = [lạng => [lượng]. [Yang]= [Yiang]=> [Yeung] => [Dương] (Quý Phi). Vấn đề {Mường} là một từ tiếng Thái cho thấy {Mường} có thể được xem đồng nghĩa với tộc ‘chủ lực’ Thái-cổ, tức ÂU, theo lối gọi người Hoa thời xa xưa. Còn {Việt} trong lối nói nhóm ngữ ‘Việt Mường’ nghĩa là gì? Đó chính là lối gọi lộn xộn của tiền nhân, theo thiển ý, dùng để chỉ các nhóm Lạc Việt từ vùng bờ biển Đông, như Hẹcổ (Bộc), Ngô, và Mân (Phúc Kiến). Thường gọi tắt là LẠC. Theo đó: - Việt = Lạc - Mường = Âu. => Dẫn đến: Việt Mường => Âu Lạc - Âu Lạc => phối hợp giữa Âu Cơ và Lạc Long Quân. Chúng ta một lần nữa lại chứng minh được lý lịch căn cước tộc người Hoa & Việt, qua phân loại nhóm ngữ các nhà ngôn ngữ học. 223


Trung Hoa: nhóm ngữ Hán Tạng => Hán-Việt Việt Nam: nhóm ngữ Việt Mường => Âu Lạc Khá chính xác, nhưng không tuyệt đối chính xác trong trường hợp Việt Nam. Bởi lý do giản tiện, đã lược bỏ bớt miêu tả đóng góp bản địa lâu đời nhất: ‘Môn Khmer’. Trước khoảng thập niên 1970, tiếng Việt (Nam) đã từng được xếp vào nhóm ngữ Môn Khmer. Cũng khá chính xác đối với gốc gác khởi thủy ban sơ. Điển hình những từ cơ bản, như mắt mũi mặt và tên gọi các số đếm từ 1 đến 10 hoàn toàn mang hình thái và gốc gác tiếng Môn Khmer. Đến đây chúng tôi xin phép minh định một vấn đề hết sức quan trọng, rất dễ nhầm lẫn nếu truy cứu qua internet hay sách vở có sẵn từ xưa đến nay. Đó là chỉ một sự kiện, nhưng có hai quan niệm trái ngược nhau, giữa Hoa và Việt. Ở bên Tàu, khi họ nói [Luo Yue / Lạc Việt], họ thường liên kết với chủng Thái-cổ. Nhưng tại Việt Nam, khi dùng đến 'Lạc Việt', chúng ta thường mường tượng một chủng duy nhất tiền thân dân Việt Nam ngày nay, nhưng lại hậu duệ chung của dân Lạc. Nói cách khác, người Tàu khi nghĩ đến 'Viêm tộc' của xứ 'Đồng Cổ' [16] [18], họ nghĩ đó là hậu duệ tộc Thái-cổ (Âu), chủ nhân của những chiếc trống đồng. (‘Đồng Cổ’ [16] [18] mang nghĩa ‘trống đồng’ và có lẽ một tên gọi thật xưa cho vùng đất người Thái cổ sinh sống từ khu Lưỡng Quảng / Vân Nam đến Hoà Bình, bình nguyên sông Hồng [21]). Người Việt thông thường trong tiềm thức không phân biệt giữa Âu và Lạc, nhưng cũng có khuynh hướng dùng Lạc chỉ phần người Yue (Việt) từ biển Đông, và gồm luôn tộc Âu ở bên trong lục địa Trung Hoa. Phân biệt Âu Lạc xem ra có vẻ tầm thường nhưng dễ đánh lạc hướng chuyện truy tầm nguồn gốc tộc người Việt Nam. Điển hình, trên hầu hết những bài khảo cứu của các học giả Âu-Mỹ về Yue tộc, về các phương ngữ gốc Việt, ở bên Tàu, họ luôn có khuynh hướng không phân biệt ra Yue tộc, tức Lạc Việt ở vùng biển Đông, một nhánh khác với chủng Thái-Kadai từ Giang Tây tiến về hướng Tây nước Tàu. Thí dụ: Khi nghiên cứu về tiếng Ngô (Chiết Giang - Thượng Hải), tiếng Hẹ, tiếng Mân (Phúc Kiến), tiền đề họ dựa vào là những phương ngữ đó thuộc, hay xuất phát từ, tiếng Thái-cổ, hoặc chỉ là các nhánh tiếng Thai-Kadai. Đối với họ, hoàn toàn không có các tộc Lạc Việt từ vùng biển Đông. Theo thiển ý, đó là một nhầm lẫn, dựa trên tiền đề của người Hoa. Tẩu hỏa nhập ma về cổ sử có lẽ nước nào cũng có. Người Tàu có lẽ nhầm lẫn Lạc Việt với Âu Việt, từ bộ Hoài Nam Tử của Liu An. Liu An chính là cháu của Hán Cao Tổ Liu Bang, được phong vương (Hoài Nam Vương) ở vùng đất gần sông Hoài, phía gần Thượng Hải, rất xa mặt trận kháng chiến du kích [17] chống quân nhà Tần của người Tây Âu. Cả thời gian lẫn không gian. Liu An đã nhầm lẫn dùng từ 'Lạc Việt' để chỉ dân Tây Âu. Từ đó các bộ sử Việt có khuynh hướng chép y như vậy. Dẫn đến hậu quả: quên mất đám con đi theo bà Âu Cơ. Rồi lẫn lộn giữa Âu với Lạc. Nhầm lẫn Âu với Lạc còn được thể hiện qua bộ 'thư tịch' cổ: Thủy Kinh Chú [18], trong đó có chú thích miêu tả về tộc Lạc Việt, được trích từ bộ 'Từ Hải': 'Lạc Việt: một nhánh của người Việt cổ, là một bộ phận miền tây của Bách Việt, dân tộc cổ, thời Tần, Hán về trước đã phân bố rộng rãi ở phía nam vùng trung, hạ du sông Trường Giang, gồm nhiều bộ lạc, cho nên gọi là Bách Việt. Họ làm nghề đánh cá, săn bắn, làm ruộng, đã biết luyện kim loại, nổi tiếng về nghề đi sông, biển. Họ có tục cạo đầu, xăm mình. Thời Tần, Hán, chủ yếu phân bố ở 2 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây Trung Quốc và vùng 224


Bắc Bộ nước Việt Nam ngày nay. Có quan hệ nguồn gốc mật thiết với các dân tộc như Choang, Thái, Lê... (theo Từ Hải)'. Miêu tả về tộc Lạc Việt như vậy, theo thiển ý, không được chính xác. Bởi hai lẽ. Thứ nhất, không để ý đến các nhóm Lạc Việt ở vùng biển Đông, từ trên xuống dưới, như: Lạc Đông Di (tức Bộc), Ngô, và Mân. Thứ hai, không phù hợp với hai tự dạng chữ Việt [Yue] khác nhau: 粵 Yue 'Âu' [Ou] và 越 Yue 'Lạc' [Luo]. Yue chỉ chủng Âu ngày nay vẫn còn dùng để chỉ dân Yue ở hai tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông. Yue dùng cho 'Âu' 粵 ngày nay cũng là tên gọi tắt của Quảng Đông. Yue 'Lạc' 越 hiện được dùng cho nước 'Việt Nam': 越 南. Theo thiển ý, người Hoa nhầm lẫn hai thứ ‘Việt’ với nhau do ở chuyện nước Việt của Câu Tiễn bị giải thể khá sớm (năm 333 TCN), tên Việt từ đó ít được dùng cho dân Việt ở biển Đông. Trong khi ‘Yue’ (Việt) ở khu Quảng Đông có ‘nhãn hiệu’ trademark ‘cầu chứng tại toà’ bằng vương quốc Nam Việt {Nan Yue] của Triệu Đà, gây nên dấu ấn rất đậm nét, kéo dài đến hằng ngàn năm sau. Phát hiện về phân biệt Âu - Lạc ở trên cho thấy nếu có dịp đọc kỹ các thư tịch cổ của Tàu, dù trong những bản dịch, và sau khi đối chiếu với kiểm chứng khách quan, chắc chắn chúng ta sẽ tìm thấy rất nhiều điểm lấn cấn mà hầu hết các tiền bối, kể cả các học giả phương Tây, bởi quá tôn trọng những gì người Tàu viết và có lẽ thiếu thốn trang bị những dụng cụ khoa học, đã thường xuyên vô tình lướt qua. Để kết thúc bài này, xin xem lại hai phát hiện quan trọng: (a) Một phần lớn tiếng Nôm có xuất xứ từ các phương ngữ của khối Bách Việt xa xưa; và (b) Tiếng Hán-Việt có những lối phát âm giống y như phát âm phương ngữ bên Tàu ngày nay, đặc biệt tiếng Hẹ, Quảng Đông, Phúc Kiến, và Chiết Giang. Nói cách khác, những từ của tiếng Hán-Việt có lối đọc phát xuất từ các phương ngữ Hoa Nam. Chúng ta hãy xem qua một vài từ cơ bản, có vẻ thuần Nôm để minh giải một lần nữa, cho thật 'chắc ăn': 1. Tiếng Nôm: Nôm chính là một biến thái của 'Nam'. Tiếng Nôm là tiếng của người nước Nam. Kiểm chứng các phát âm Hoa Nam, ta thấy: Hẹ: [Lam] hay [Nam]. Quảng: [laam] hay [nam]. Mân: [lam]. Đặc biệt, Ngô: [Nơô] hay [Nơôm]. [Nôm] là một lối phát âm của [Nam] xuất xứ từ phương ngữ [Ngô] thuộc Chiết Giang - Thượng Hải - Giang Tô ngày nay. [Quảng Nam] có nhiều người phát âm rất đúng với giọng xưa, mang ảnh hưởng Ngô Việt: [Quảng Nôm]. Gió Nồm chính là Gió Nam. ‘Nồm’ mang dấu (thanh điệu) huyền {`} cũng giống như người ta thường gọi [Hải Nam] bằng [Hải Nàm]. 2. Trâu = Sửu. [Trâu] đọc theo giọng Bắc chính là [zou] quan-thoại, hay [zeu] tức [sửu] theo phát âm Hakka. Quảng Đông phát âm [jau] rất giống [trâu] theo phát âm Bắc. Sở dĩ các tôn sư quốcngữ đưa ra ký âm [TR] cho [trâu] là để phối hợp với một âm gần giống tiếng Môn-Khmer được người Chăm dùng: [trây], cũng mang nghĩa 'trâu' như [kabau]. Để ý, tiếng Hán Việt của 'xấu' (có âm rất gần với 'trâu') chính là [sửu], mang lối viết y hệt như [sửu] của địa chi số 2 thuộc 12 con Giáp. [Zou] (tchâu) hoặc [Chou] 丑 tiếng Hán có chừng 10 thứ chữ viết khác nhau. Các nghĩa thông thường: tên một Họ, nước Trâu của Mạnh Tử, huyện Trâu nước Lỗ - nơi sinh Khổng Tử, tham khảo ý kiến, địa chi số 2 của 12 con Giáp, xấu xí, ... Trong tiếng Hán Việt, lại có âm giống tiếng địa phương [trêy] nên dần dà [tchâu] mang nghĩa con Trâu. Điểm quan trọng: [Zeu] tức [Sửu] chính là lối phát âm tiếng Hẹ của 'Trâu'. Trong bài trước, chúng tôi có ghi lại người Tàu xưa cũng dùng chữ [Zou] (tức Trâu) để chỉ tháng Giêng. Tức tháng Giêng là tháng Sửu. 225


Tháng Giêng cũng là tháng Dần, và người Hẹ phát âm 'Dần' y hệt như [JIN]. [Jin] rất dễ biến thái ra [Giêng] với trợ giúp của quốc-ngữ. Thế nhưng tại sao có sự lộn xộn giữa tháng Sửu [Zeu] và tháng Dần [Jin] - cả hai cùng chỉ tháng 1 (Giêng) theo lịch ngày nay? Sự thật Tàu cũng như Tây, có quá trình đổi lịch đổi tháng lung tung. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, miền Hoa Bắc có nước Tống theo lịch của nhà Thương (chấm dứt khoảng năm 1020 TCN) [20], trong đó họ dùng tháng 12 bây giờ là tháng Giêng. Tháng 12 tương ứng với tháng Sửu. Do đó tháng Giêng theo lịch nhà Thương chính là tháng Sửu. Trong khi đó nhà Châu dùng tháng Tý, tức tháng 11 bây giờ, như tháng Giêng. Từ đó chúng ta đã đưa ra giải thích tháng 11 còn gọi tháng Một, tức tháng Tý, tháng bắt đầu của chu kỳ 12 tháng. Trong khi đó, nước Tấn, ở vùng Sơn Tây bây giờ lại có tập tục theo lịch nhà Hạ, dùng tháng Giêng bây giờ như tháng 1. Tháng Giêng người Hẹ phát âm [Jin], phương âm của [Dần] theo tiếng Quảng và Việt. [Jin] dễ dàng tiến đến [Giêng] qua kí âm quốc-ngữ. 3. Trong Anh ngữ động từ ‘To Throw’ mang nghĩa 'liệng', 'vứt',... Có nhiều động từ tương đương mang nghĩa gần giống: cast, toss, eject, fling, hurl,... Trong Việt ngữ, động từ này có vẻ mang khá nhiều hình thái, mô tả những động tác có thể khác nhau chút ít: Liệng, quăng, vứt, chọi, ném, thẩy, đôi, phóng,... Xin thử xem có thể đối chiếu với các phương ngữ quen thuộc của lý thuyết ở đây. Xem từng từ một, đối chiếu với các từ mang cùng nghĩa, hoặc gần giống ‘to throw’, chú ý đến âm vận: - LIỆNG: giống như hợp âm hay biến thái của:  亂 [lon] Hẹ, [lyun] Quảng, [luan] quanthoại, [loan] Mân.  甩 [lot] Hẹ, [lat] Quảng  [LEBDA] tiếng Mon-Khmer  [LAIM] tiếng Hmong (Miêu). {Đọc như [lại] hay [lài]} - QUăNG: có thể xuất phát bằng hợp âm hoặc biến thái giữa các từ sau:  控 phát âm như: [kiong] Hẹ, [khong] Quan-thoại/Ngô/ Mân.  摜 [gwon]Hẹ, [gwaan] Quảng, [guan]quanthoại,[koan] Mân.  [KWAHNG] tiếng THÁI - CHỌI: giống với hợp âm hay biến thái các từ sau:  摔 [soi] Hẹ, [seui] Quảng, và [shuai] quan-thoại  甩 [shuai] quan-thoại.  [JAOL] tiếng KHMER - THẨY  撻 [tat] Hẹ, [taat] Quảng, [ta] quan-thoại  投 [teu] Hẹ, [tou]quan-thoại, [tau] Quảng & Mân (PK).  抬 [toi] Hẹ / Quảng, [tai] quanthoại, [thay] Hán-Hàn  [TUDAQ] Mon-Khmer  [TAORA] tiếng Tahiti - VỨT: có thể liên hệ với âm [B] hay [P], hoặc thẳng với [W]  撲 [puk] Hẹ, [puk] Quảng, [pu] hay [bao] quanthoại  Rất gần âm [byi?te] của tiếng Myanmar (Miến Điện) theo kiểu phát âm Nam bộ: [byứt] hay [byụt]  扤 [wat] Quảng, [wu] quan-thoại - NÉM  揇 [niam] Hẹ, [naam] Quảng, [nan] quan-thoại 226


     

抩 [naam] Quảng-Đông. (Giống cách viết ‘ném’ chữ Nôm) ĐÔI 盪 [dong] Quảng, [dang] quan-thoại [nDOR] tiếng Hmong [DA?] hay [DAQ] hay [DOR] tiếng Môn-Khmer PHÓNG 拋 [pau] Hẹ, [paau] Quảng, [pao] quanthoại, [pho] Ngô, [pha] Mân 覂 [fung] Hẹ, [faan] Quảng, [feng] quan-thoại

4. GIÀU & NGHÈO. Có rất nhiều từ dùng để chỉ Giàu – Nghèo, nhưng xin để ý đến một hai từ cơ bản dùng tiếp tục minh giải phát hiện quan trọng của chúng tôi: ‘Cả hai thứ Hán-Việt và (phần lớn) Nôm đều mang xuất xứ từ bên Tàu’. - GIÀU: Tiếng Hoa phổ biến nhất là [Fu], tức [Phú] 富. Hai từ khác thường xem ‘thuần Nôm’ cũng xuất xứ từ Hoa Nam luôn: [Giàu] và [Sang]. [Giàu] mang tương đương ‘HánViệt’ là [Nhiêu]. Nhưng thật ra cả [Giàu] lẫn [Nhiêu] là hai cách phát âm khác nhau của cùng một từ 裕 giữa hai phương ngữ Hoa Nam. Quảng Đông đọc 裕 như [YIU]. [Yiu] phiên âm sang quốc-ngữ chính là [Nhiêu]. Trong khi Phúc Kiến (Mân) phát âm 裕 như [Jau], đưa đến [Giàu] trong tiếng Việt. [Sang] cũng vậy. [Sang] là lối phát âm Quảng Đông [xang] cho 貹. Quan-thoại đọc [sheng]. Hẹ đọc [xen]. Âm [sh] của [sang] các tôn sư quốc ngữ dựa vào pinyin của quan-thoại. - NGHÈO: Có 4 từ phổ biến, theo pinyin quan-thoại: [Ruan] 軟, [Kun] 困, [Pin] 貧, và [Hon] 寒. Phát âm Hakka của [Ruan] 軟 chính là [Ngion], và theo Ngô-Việt [Ngio]. [Ngion] và [Ngio] đã biến thái thành ra [Nghèo] quốc-ngữ. Phát âm tương đương cho quanthoại [Kun] 困, trong tiếng Mân là [Khun] và Ngô (Chiết Giang) là [khuơng]. [Khun] và [Khueng] đưa đến [Khốn] tiếng Việt. Quảng Đông phát âm [Pin]貧 như [Pan], dẫn nhanh đến [Bần] tiếng Việt. [Hàn] 寒 Việt ngữ phát âm y hệt như quan-thoại và Mân (Phúc Kiến). Hẹ đọc [Hon]. . Nhìn qua biến thái [Ruan] quan-thoại => [Nghèo] quốc-ngữ, chúng ta có thể thấy phát âm họ NGUYỄN, một thứ họ lên đến gần 40% (40 phần trăm), đặc thù Việt Nam và còn sót lại nhiều nơi ở Hoa Nam, được kí-âm từ lối gọi ‘Nguyễn’ của người Hẹ (Hakka). Thật vậy, ‘Nguyễn’ 阮 phát âm theo quan-thoại là [Ruan] hay [Yuan]. Quảng Đông đọc [Yun] hoặc [Yuen]. Mân (Phúc Kiến) cho âm [Goan]. Nhưng Hẹ (Hakka) đọc [NGIEN]. Như một bài trước đã cho thấy âm [uyê] tiếng Việt có biến thái với [iê]: [chuyện] <=> [chiện] vài nơi Nam Bộ và Mường, [NGUYỄN] đã biến thái từ [NGIEN] Hakka. Âm [UYÊ] đã len vào quốc ngữ do phối hợp [NGIEN] của Hẹ với các phương ngữ khác mang nhị âm [UY] hoặc gần giống: [Yuen] Quảng, [Yuan] quan-thoại, và [Goan] Mân. Ghi Chú [1] Bộ Trưởng Tài Chính đầu tiên & Tổng Thống thứ 16 của Hoa Kỳ. [2] Để ý, người Hoa di tản sang nước An Nam, vào lúc quân Mãn Thanh sang chiếm nước Tàu, được gọi: 'Khách Trú' (tiến đến 'Cắc Chú'), rất giống lối gọi 'Khách Gia' dành cho người Hakka tức Hẹ, khi họ chạy xuống định cư ở vùng Quảng Đông - Phúc Kiến trong đợt cuối cùng, vào khoảng thế kỷ 10-13. 227


[3] Có lẽ chính trong hợp chủng Hoa tộc có giống Tocharian (Nguyệt Chi) nên có nhiều truyền tích cho rằng Tần Thủy Hoàng và Vũ Tắc Thiên, có cặp mắt màu xanh. Thời thập niên 1960, các học giả Việt biết ít về giống Nguyệt Chi, thường phiên thiết thành ra ‘Nhục Chi’ [6]. Theo tài liệu internet, Quản Trọng viết ‘Nguyệt Chi’ theo âm [Niu Zhi] ngày nay. Có lẽ đó lý do [Niu] => [Nhục]. Tuy nhiên âm [niu] tương ứng với âm [ngưu]. ‘Niu rou’ => ngưu dục (Thịt bò). [4] Mạnh Tử từng cho rằng vua Thuấn có gốc rợ Đông Zi [6]. [5] Vương Tuệ Mẫn (chủ biên) (2002) 100 Danh Nhân có ảnh hưởng đến Lịch Sử Trung Quốc. Nxb Văn Hoá Thông Tin. [6] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu (tái bản tại Hoa Kỳ). [7] Một số lớn mường bản của người Mường vẫn còn thờ Thần Nông như thánh tổ của nghề trồng trọt. [8] Cao Xuân Dục (1908) Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu. Nxb Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa Việt Nam. Bản điện tử của: Lê Bắc, Doãn Vượng, Công Đệ. Đăng tải trên báo mạng Nhân Ái Charité: perso.wanadoo.fr/charite [9] Theo thiển ý, hai chữ 'Viêm Giao' nhà Thanh dùng chỉ tộc người Việt bao gồm tộc Viêm, tức Thần Nông Thị ngày xưa, cộng với 'tộc Giao' (do kiến thức mơ hồ của người Hoa), có lẽ dùng để chỉ tộc người bản địa có sẵn ở xứ Giao Chỉ, hoặc các thị tộc Lạc Việt ở vùng biển Đông nước Tàu, hoặc những thị tộc Miêu-Dao (Hmong-Mien). [10] Người Tàu xưa và nay ưa dùng hai từ 'Di Qiang' chung với nhau. 'Di' phiên âm theo 'Hán Việt' là [Để] hay [Địch]. 'Qiang' tức là [Khương]. Rất có khả năng, do đó [Di Qiang] là lối gọi người Hoa cho tộc người có mặt khắp miền Đông Nam Á: Môn-Khmer. Người CamBốt hiện nay, theo Coedes [6], là một hợp chủng giữa các nhóm Môn-KHMER xưa và loại người Đa Đảo da đen Mê-La Nê-ziên. [Khương] ([Qiang]qt 羌 ) là phiên âm 'Hán-Việt quốcngữ' dựa trên tổng hợp 3 âm: Hẹ [kiong] + Quảng [geung] + Mân [khong]. [11] Trong bài trước, chúng tôi cho biết tộc Di (thường được xem phát triển tử vi 12 con Giáp) có thể là Khương hoặc Thái cổ. Đó cũng là điểm bất nhất của các học giả người Hoa. Nghiên cứu riêng chúng tôi cho thấy tộc Khương có một đặc tính văn hoá có vẻ bất biến. Truyền đến tộc Chăm (Chiêm Thành) và Cam Bốt. Đó là lối hoả táng người chết. Tộc Tháicổ và Lạc Việt đa số không có vụ này. Như vậy nếu tộc người nào đó phát triển ra Tử Vi 12 con Giáp nếu không thực hành lối 'hoả táng' chắc không phải thuộc tộc Khương. [12] Người Thái Lan gọi người dân tộc= 'người bộ lạc miền đồi núi'. [13] Trần Trí Dõi (2001) Ngôn ngữ và sự phát triển Văn Hoá Xã Hội. Nxb Văn Hoá Thông Tin. Quyển sách này trình bày những từ mang âm giống [Ngài] chỉ [Người] trong các tiếng người dân tộc: - tiếng Nguồn: ngàj - tiếng Sách: ngàj - tiếng Mày: ngàj - tiếng Rục: ngàj - tiếng Xơ Đăng: mơngê - tiếng Kơ Tua: moi ngàj - tiếng Dêh: ngaj - tiếng Triêng: ngaj - tiếng Ba Na: ngaj (mơ-ngaj) - tiếng Hrê: ma ngaj - tiếng Gié Triêng: ma ngaj - tiếng Việt: người, ngài [14] Jeanne Cuisinier (1946) Les Mường, Géographie et Sociologie humaine. Institut d'Ethnologie. [15] Tập tục thờ phượng ‘anh hùng dân tộc’ của các tộc Bai Yue cũng được mang sang nước Nam, qua việc thờ phượng Thánh Gióng, đức Trần Hưng Đạo, Thục Đế (tại các mường bản), Hai Bà, v.v. 228


[16] Xứ 'Đồng Cổ' tức 'nước Trống Đồng' chính là một từ tối cổ dùng để chỉ địa bàn nhóm dân bản địa bao gồm chủng chủ lực Thái-cổ, sinh sống từ miệt Vân Nam / Quảng Tây xuyên đến cả khu bình nguyên sông Hồng ngày nay. Cổ = [Gu] = trống // Đồng cổ = trống đồng. Ở Bắc Bộ hiện hãy còn một vài nơi có đền thờ 'thần Đồng Cổ' [6]. Đặc biệt theo nguyên lý ngôn ngữ chúng tôi đã đề cập nhiều lần, cái tên gọi một sự vật rất thường có thể cho biết nơi xuất xứ đầu tiên của sự vật đó. [Cổ] là tiếng 'Hán-Việt' dùng để chỉ 'trống'. [Cổ], quanthoại [Gu] 鼓 nhại theo phát âm của Hẹ: [ku] hay [gu]. Mân: [kou], Quảng: [gu] hay [gwu]. Có một thứ trống nhỏ người Hoa dùng chữ khác, với phát âm gần 'trống' hơn, chỉ ở âm [t] đầu: Hẹ: [tau], Quảng: [tou] và Quanthoại: [tao]. Nhưng đặc biệt, để ý tiếng Ngô (Việt) {Câu Tiễn} không có từ tương đương với [gu] & [tao]. Có vẻ như tộc Ngô ngày trước không có, hoặc ít dùng trống. 'Đồng' 銅 đại khái cũng giống như vậy. Hẹ & Quảng: [tung]. Quanthoại: [tong]. Mân: [tang]. Đặc biệt, Ngô cũng không thấy ghi âm cho từ chỉ Bronze, tức Đồng. NHƯNG tiếng Thái hiện vẫn dùng: [Klong dong] để chỉ 'Trống đồng'. [Klong] theo quy luật cấu tạo quốc ngữ chính là âm xưa cũ của [trống] ở xứ An Nam trước thế kỷ 17. Giống như [Klu] => [klâu] => [trâu]. Bronze tức Đồng là một hợp kim các chất: sắt (Fe), đồng (Cu) (copper), chì (Pb), thiếc (Sn). [17] Dân Tây Âu, tiền thân người Tày Nùng ở Việt, và Choang ở Quảng Tây, thuộc chủng Thái cổ, có thành tích kháng chiến chống quân Tần bằng chiến tranh du kích. Có lẽ họ là tộc người phát minh 'chiến tranh du kích' còn dùng cho mãi đến ngày nay. [18] Lịch Đạo Nguyên chú, Dương Thủ Kính, Hùng Hội Trinh sớ, Đoàn Hy Trọng điểm hiệu, Trần Kiều Dịch phúc hiệu (1999) Nguyễn Bá Mão dịch (2005). Thủy Kinh Chú Sớ. Nxb Thuận Hoá. [19] Phạm Minh Huyền - Nguyễn Văn Huyên - Trịnh Sinh (1987) Trống Đông Sơn. Nxb Khoa-Học Xã-Hội. [20] www.uglychinese.org/indx.htm [21] http://www.hawaii.edu/cseas/pubs/explore/v2/han.html

229


Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (17): PHẦN I: Bà Âu ông Lạc và người Hakka Phát hiện về tiếng Hán Việt và phần lớn tiếng Nôm, do chính người có gốc Việt-tộc (Yue zu), từ miền Giang Nam bên Tàu, mang theo khi họ di tản sang xứ Việt cổ hoặc An Nam, có thể gây rất nhiều ngạc nhiên. Nhưng thật ra, đó chỉ là một hệ luận tất yếu của truyền thuyết về 'Âu-Cơ và Lạc-Long-Quân'. Một thứ điều kiện ắt có và đủ, nằm trọn trong 'nguyên-lý chính giữa' của truyền thuyết 'con Rồng cháu Tiên': Điều kiện ắt có và đủ để người Việt có thể tự xưng mình ‘con Rồng cháu Tiên’ là tiếng Việt phải mang dấu vết của các thứ tiếng mẹ đẻ của cả Lạc Long Quân và Âu Cơ. Nói cách khác: ‘Nếu Âu Cơ và Lạc Long Quân có quê quán, tuần tự, ở vùng rừng núi nội địa, và vùng bờ biển sông ngòi phía Đông, của lục địa Trung Hoa, thì khi đi định cư ở một vùng đất khác, bà Âu và ông Lạc chắc chắn sẽ mang theo ngôn ngữ các bộ tộc riêng của họ'. Càng hiển nhiên hơn, nếu nhìn bà Âu và ông Lạc như biểu tượng cho hai khối người di tản thuộc tộc Thái-cổ và tộc (Lạc) Việt-cổ. Khi di tản, bắt buộc hai khối người này phải mang theo đầy đủ tiếng nói hay phương ngữ các tộc người của họ. Nói nôm na theo kiểu khoa học: Một tập hợp A chứa nhiều phần tử mang chung một số N đặc tính giống với nhau. Nếu một phần tử X nào đó được xem như thuộc tập hợp A, phần tử X bắt buộc mang đầy đủ N đặc tính chung đó. Ngôn ngữ là một đặc tính quan trọng vào bậc nhất trong số N đặc tính đó. Như vậy nếu Âu Cơ tiêu biểu cho nhóm người Bách Việt có trọng tâm địa bàn nằm ở khu Đông Đình Hồ của vùng Lĩnh Nam, và Lạc Long Quân đại diện cho các tộc Lạc Việt ở vùng bờ biển phía Đông, dẫn đầu là nhóm Lạc bộ-Trãi 貉 viết y hệt như họ Lạc của Lạc Long Quân, khi hai khối người này đến xứ Việt cổ, chắc chắn họ đã mang theo tiếng nói của các bộ tộc của họ. Rõ ràng và 'chắc nịch' như một với một là hai. Nói một cách khác, một khi ta chú ý và chấp nhận truyền thuyết 'Hùng Vương' theo mô hình Âu-Cơ phối hợp với Lạc Long Quân [1], ta không thể nào tiếp tục cho rằng người Việt hiện nay, là hậu duệ của những người Việt cổ sinh sống ở bình nguyên sông Hồng từ thời cổ đại, nói sẵn tiếng Nôm địa phương, và về sau chỉ thu nhập thêm tiếng Hán, sửa đổi thanh-âm cho hợp khẩu vị và tinh thần tự chủ của người nước Nam, khi xứ này rơi vào ách thống trị Bắc phương gần một nghìn năm. Phối hợp của hai thứ tộc người zi cư, Âu và Lạc, với những tộc người bản địa ở đó từ xưa, như Thái-cổ, Môn-Khmer, và các nhóm đa-đảo và hắc nụy, thật ra không mấy khó khăn, nhất là trên vấn đề 'lời ăn tiếng nói'. Bởi Âu chính là tộc Thái cổ, và Môn-Khmer chính là một trong rất nhiều hậu duệ của siêu tộc Địch & Khương. Hồi còn ở phía Tây nước Tàu (Tứ Xuyên - Vân Nam), cũng như vùng rừng núi ở Lĩnh Nam, và cho mãi đến ngày nay, hai nhóm Thái-cổ (Âu) và Môn-Khmer, thường có địa bàn lân cận và đan xen với nhau. Mặt khác, Âu với Lạc cũng lại gắn bó keo sơn hơn hết, qua nhiều chứng liệu ở cổ thời. Trước hết nước Sở, với thần dân đa số thuộc chủng Thái-cổ nhất là khu sông Hán - phía Bắc Động Đình Hồ (Hồ Bắc) và vùng Lĩnh Nam (Hồ Nam - Quý Châu), đã thôn tính nước Ngô-Việt (Giang Tô / Chiết Giang), địa bàn tộc Lạc Việt miền biển, vào năm 334 TCN. Nước Sở cũng là nơi chứa chấp đám người zu mụk Bộc Việt (tức Hakka sau này), bộ sách cổ Nhĩ Nhã của các môn đệ Khổng Tử (có dẫn trong [3] & [4]) đã miêu tả bằng chữ Lạc viết với bộ Trãi 貉, y như họ Lạc của Lạc Long Quân, chạy giặc từ khu vực Sơn Đông, Hà Bắc và 230

2 3 0


Sơn Tây. Theo Nhĩ Nhã, đám Lạc bộ Trãi ngày trước thuộc nhóm Đông Zi, cũng có tục nhuộm răng xâm mình. Đặc biệt một phát hiện mới nhất của chúng tôi chắc chắn người Hoa cũng không ngờ đến đã đưa đến một kết luận chung cuộc: Đám rợ có chữ viết Lạc bộ Trãi 貉, người Hoa ngày xưa phát âm theo quan-thoại Mandarin, y hệt như [He]-2 hay [Hao]-2 [14]. [He] hay [Hao] chuyển sang Việt ngữ chính là HẸ (xem [15]). Định nghĩa bên cạnh từ này: 'Một bộ tộc rợ ở miền cực Bắc nước Tàu vào thời xa xưa'. Đặc biệt hơn, không có phiên âm của các phương ngữ khác như Quảng Đông, Mân (Phúc Kiến), và Ngô-Việt (Chiết Giang Giang Tô), cho chính từ duy nhất miêu tả và mang nghĩa HẸ này. Có nghĩa lúc từ này được xử dụng (khoảng đời Thương và Tây Chu, cách đây 3000 năm), người Yuet ở miệt Hoa Nam, không hề biết đến nhóm người bà con cùng họ Lạc (Hẹ) mang thứ tên này. HẸ trong tiếng Việt, do đó có xuất xứ thẳng từ lối gọi người Hoa Hạ gọi chính người Hẹ vào thời xa xưa đó. Các bậc tiền bối đã phiên thiết ra 'Lạc bộ Trãi 貉, chứ sự thật Hoa tộc từ ngàn xưa đã gọi họ '貉 là Hẹ. Một điểm hay ho khác: Chỉ có người Việt mới gọi đó là 'Hẹ', chứ tuyệt đại đa số người Hoa ngày nay cũng không biết đến lối gọi ‘Hẹ’ hoặc từ '貉 này. Họ gọi đám zu mục đó là [Ke jia] 客 家 (Khách Gia), tức Hakka theo lối đọc người Quảng Đông. Chỉ có dân Việt Nam mới gọi khối dân đó theo đúng tên [Hẹ] người Hoa gọi họ cách đây hơn 3000 năm. Khi họ còn là đám Lạc Việt, với bộ Trãi, tức họ Lạc của Lạc Long Quân, mang cuộc sống zu mục nay đây mai đó tại bình nguyên sông Hoàng Hà. Như vậy, chỉ có cách một bộ tộc chủ lực người Việt đã tiến hoá từ bộ tộc zu mục phía bắc nước Tàu mang tên 'Hẹ', nên chỉ có người Việt zuy nhất mới biết được tên 'cúng cơm' của bộ tộc đó là HẸ 貉. Trên toàn thế giới, chỉ có người Việt mới gọi đúng tên người Hẹ, đã có cách đây 3000 năm. Tên gọi này, rất có khả năng do chính khối người Lạc (Hẹ & Miêu) 貉 (viết với bộ Trãi) đem sang xứ Việt cổ trước, hoặc vào thời nhà Lý cách nay khoảng 1000 năm. Theo thiển ý, những đám Lạc bộ Trãi (Hakka), Lạc bộ Mã (Mân Việt - Ngô Việt), Lạc bộ Chuy (Khương), Lạc thuộc tộc Âu, ngày xưa thật xưa, Hoa tộc đã nhận diện ra họ lần đầu tại các địa bàn sinh sống ở lưu vực sông Lạc (Luo Shui / Lạc Thủy 洛水), gần kinh đô Lạc Dương (tỉnh Hà Nam) của nhà Hán. Từ đó mang tên viết với chữ Lạc. Người Hẹ (Hakka) cũng có khuynh hướng sống gần gũi với người Hmong-Mien (tức Miêu-Dao), xưa và nay [5] [15]. Những đợt di tản nhiều thế kỷ sau Công Nguyên của người Hẹ, cuối cùng cũng dẫn đến những chốn định cư thuộc địa bàn của tộc Thái cổ: Quảng Đông, Giang Tây, hay Thái, Khương và Miêu: Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu. Một điểm khá quan trọng cần lưu ý về người Hakka và Miêu-Dao. Cả hai thứ tộc người này đều nổi tiếng tại Trung Quốc, thường so sánh với người Jo-Thái, ở chỗ ngày trước, họ rất ít chịu hoà mình với các tộc người láng giềng khác. Cả hai cũng không biết xuất xứ nguyên thủy từ chốn nào. Bởi họ mang gốc du mục sống nay đây mai đó. Riêng tộc Miêu, có nhiều bộ tộc mang truyền tích tổ tiên họ ở chốn 6 tháng ban ngày 6 tháng ban đêm, rất giống với miền Bắc Cực. Sở dĩ rất nhiều công trình nghiên cứu trước đây đều gạt bỏ người Hakka và Miêu tộc ra khỏi nguồn gốc tộc người Việt Nam, bởi những lý do tuy khá đơn giản nhưng cũng rất dễ vướng phải. Trước hết, nghiên cứu của Tây Phương và chút ít của các vị tiền bối Việt, đặc biệt trước thời đại internet, đều bị trở ngại ngôn ngữ. Đa số cho rằng tiếng Miêu khác xa tiếng Việt, và người Miêu chỉ tới xứ An-Nam vào thời quân Mãn Thanh tràn sang chiếm cứ Trung quốc. Người Hẹ lại càng kì bí hơn. Ngay ở Trung Hoa, các học giả cũng hãy còn mù mờ không biết họ là Việt tộc, hay Thái-tộc, hoặc Hoa tộc nguyên si. Bình 231

2 3 1


Nguyên Lộc [4] cũng chịu khó học tiếng Hẹ, với những phương tiện hết sức chật hẹp thời đó, để rồi sau cùng cũng lâm vào, với sự kính phục hãy còn đó, cảnh 'mê hồn trận' khi cho rằng người Hẹ chính là hậu duệ của đám quân dân đi theo Thục Phán. Tức Hẹ thuộc tộc Thái cổ ở xứ Tây Âu. Một nhầm lẫn đáng tiếc. Lý do khác đã khiến mọi người, dù đã đọc qua bộ sử của Ngô Sĩ Liên [1], không hề nghi ngờ mối dây liên hệ giữa Việt tộc với người Hẹ và người Miêu, là rất ít người biết được Xuy Vưu là ai. Chi tiết về vua Lý Anh Tôn vào năm 1160 cho xây đền thờ thánh Xuy Vưu [5] [24], một thánh tổ của dân Cửu Lê tức Miêu tộc, và của dân tộc Triều Tiên, tại phường Bố-Cái, rất dễ bị lướt nhanh qua, dù dưới những cặp mắt hết sức 'nhà nghề' [24]. Chi tiết này, theo thiển ý, đã xác nhận dòng họ nhà Lý là một nhánh chủ lực của đám Đông Di hay Cửu Ly với thánh tổ là Xy Vưu. Không những chỉ riêng Xuy Vưu, cái lối nghiên cứu sử 1-D một chiều, dựa hoàn toàn vào sách Tàu hay sách Tây (của nhiều vị ở trường Viễn Đông Bác Cổ xưa), đã vô tình đưa Hiên Viên và Thần Nông ra ngoài tiêu cự kính hiển vi của các sử gia Đông và Tây. Xin nhắc lại, ở thời huyền sử có 3 ông thánh-đế làm xếp 3 thị tộc lớn ở bên Tàu. Hiên Viên Hoàng Đế, trùm tộc Hoa Hạ. Xuy Vưu là đại tù trưởng dân Cửu Lê (tức Miêu-Dao và Lê tộc sau này). Viêm đế Thần Nông lãnh tụ Thái-cổ (Việt nhánh Âu) và Khương tộc, có thể gọi chung: Viêm tộc (kể cả Việt), thời đó tập trung tại địa bàn nước Sở (thời Xuân Thu), và về sau có mặt tại các khu Hồ Bắc, Hồ Nam, Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam, Lưỡng Quảng, Giang Tây,... Hiện nay Hoa tộc hãy còn thờ Hiên Viên (Xuan Yuan) như một vị thánh tổ. Dân Triều Tiên thờ Xy Vưu. Người Mường và Thái Lan vẫn còn thờ Thần Nông. Thần Nông là ông tổ về canh nông trồng lúa, và dược thảo. Tiếng Thái-Lan gọi Thần Nông bằng 'CHANON'. [Chanon] hay [Thần Nông] viết theo sát văn phạm Thái & Việt: 'Thần' đi trước 'Nông', ông Thần về nghề Nông. Bởi người Việt Nam là một hợp chủng 50:50 giữa Âu và Lạc trên tầng lớp bản địa Môn-Khmer, có vẻ như Việt tộc từ lâu vẫn lâm vào cảnh lưỡng lự, phân nửa muốn nhìn Thần Nông, phân nửa lại không. Đây là một điểm khá gút mắt và phức tạp khi muốn truy nguồn dân tộc Việt Nam. Vấn đề có vẻ bị chặn đứng ngay từ khởi điểm: 'Một dân tộc hợp chủng không thể nào có một thánh tổ chung' [6]. Xem qua có vẻ rất tầm thường, nhưng thật sự là cội nguồn bao khó khăn, nếu so với Triều Tiên và Thái Lan. Chúng ta cũng có thể để ý, trong 3-4 tộc người chủ lực trong lòng dân Việt Nam, chỉ có tộc gốc bản địa Môn-Khmer không còn giữ được tên gọi riêng tộc mình mà thôi. So với hai tộc chủ lực khác là Âu Việt (Thái cổ) và Lạc Việt (Lạc miền biển), bởi hai chữ 'Việt Nam' vẫn còn giữ kỹ chữ 'Việt' để chỉ hai nhóm Âu Việt và Lạc Việt với nhau. Ngày trước, tiếng Việt (Nam) còn được xếp vào nhóm ngữ 'Môn Khmer', nhưng ngày nay lại đổi tên thành nhóm 'Việt Mường'. Theo thiển ý, trình bày trong bài trước, 'Việt Mường' chỉ là một lối gọi tương đương với 'Âu-Lạc', tên 'nước' dưới thời Thục Phán. Việc đánh mất tên gọi tộc người nguyên thủy, có thể được dùng lý giải tình tương thân gắn bó của những hậu duệ tộc người bản địa lâu đời nhất nhì tại nước Nam. Dưới một góc nhìn khác, chúng ta cũng có thể thấy thêm một lý do chính đáng khác, ngoài lý do: 'Thần-Nông (Chanon) chỉ là thánh tổ 1 phần tộc người Việt" [8], đã khiến tiền nhân tạo nên thói quen cho rằng người Việt tiến hoá ngay từ bản địa với sự học hỏi thêm tiếng Hán từ những lớp 'Đàm thoại Hán ngữ' do các giáo sư chuyên khoa văn minh Đông phương từ các đại học nổi tiếng ở Lạc Dương, Trường An bay sang đảm trách, chung quanh những phái đoàn quân sự từ thiên triều. Đó là lối nhìn bảo thủ từ quan điểm của hai tộc người Việt lâu đời ở bản địa: Thái-cổ và Môn-Khmer. Hoặc của chính những tộc người di cư vì không hợp với Hán tộc: người Hẹ (nhà Lý) và người Mân (nhà Trần). Nhất là người Hẹ (Hakka), 232

2 3 2


tức người Bách Bộc hay Đông Di năm xưa. Cả 3 tộc người Âu, Môn Khmer, và Lạc, đều đã có đầy đủ 'tự tin' hun đúc từ thành tích lâu đời của tổ tiên họ. Tộc Âu với trống đồng và phát minh 'du kích chiến', cũng như nền văn hoá của các xứ Nam Chiếu, Tây Âu, và nhất là Sở. Tộc Âu cũng là thành phần nòng cốt xứ Nam Việt của Triệu Đà. Môn-Khmer, hoặc siêu tộc Khương, với thành tích làm cỏ Hạo Kinh, thành đô của nhà Tây Châu (770 TCN), và những kiến trúc vĩ đại của hậu duệ họ ở nhiều nơi miền Đông Nam Á, đặc biệt Đông Dương. Lạc Việt từ miền biển, có: Nhóm Bách Bộc du mục từng có mặt tại nhiều chiến trường thời Đông Châu Liệt Quốc, với nhiều hậu duệ trở thành danh nhân thế kỷ 20. Lạc từ miền biển còn có: Việt Vương Câu Tiễn, vua của hai xứ Ngô - Việt, đứng vào danh sách 'Võ Lâm ngũ bá' thời Xuân Thu Chiến Quốc. Hậu duệ Chu Nguyên Chương (An Huy), Trần Hữu Lượng (Phúc Kiến) lãnh đạo các lực lượng kháng chiến chống quân Mông Cổ. Sau cùng Chu Nguyên Chương toàn thắng, thiết lập nên nhà Minh (1368-1644), triều đại phong kiến 'Hán tộc' cuối cùng ở Trung Hoa. Kiểm nghiệm hệ luận quan trọng: 'Tiếng Hán Việt và phần lớn tiếng Nôm, tại Việt Nam, bắt nguồn từ những phương ngữ Việt tộc ở khu vực Giang Nam, do những người di cư thuộc Yue tộc đã mang sang, khi họ chạy giặc rồi định cư tại xứ Việt cổ', sẽ dễ dàng trang bị cho chúng ta đầy đủ phương tiện để nhận định về một truyền thuyết Hùng Vương khác, do Đại Việt Sử Lược [2] đề ra. Đại Việt Sử Lược [2], là một bộ sử lưu lạc bên Tàu dưới thời nhà Minh, sau này được một ông quan nhà Thanh tìm được, rồi trao trả lại cho nước Nam. Theo đó, vào thời vua Châu Trang Vương ở bên Tàu (696-682 trước Công Nguyên) 'ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật quy phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương đóng đô ở Văn Lang, đặt quốc hiệu là Văn Lang, phong tục thuần lương chơn chất, chính sự dùng lối thắt gút'. So với Hùng Vương ở truyền thuyết Âu Cơ - Lạc Long Quân, Hùng Vương ở bộ Gia Ninh, theo [2], rất có khả năng không có liên hệ huyết thống với người bản địa. Theo dụng ý tác giả, rất có thể nhà ảo thuật Hùng Vương này là một người rặt tộc Hoa. Và cũng có thể ông đã lập gia đình rồi. Cho dù thuyết 'nhà ảo thuật' mặc nhiên nhìn nhận tộc người Việt Nam đã tiến hoá từ một hợp chủng 'các bộ lạc' nhà ảo thuật quy phục được, thuyết này thật sự rất khó đứng vững ở mặt ngôn ngữ và dân-tộc học. Tuy có vẻ rất hấp dẫn đối với những vị bám sát theo chủ thuyết dân Việt Nam tiến hoá từ các tộc người bản địa. Ở phương diện ngôn ngữ, nó thua xa truyền thuyết Âu Lạc, ở chỗ 'Âu-Lạc' quy định rõ rệt những tộc người nào, từ những chốn nào, đã di tản sang xứ Việt cổ để rồi qua nhiều năm, nhiều thế kỷ, gầy dựng nên nước đó. Những người di tản thuộc Việt tộc đã mang sang nước Nam cả hai thứ tiếng Hán Việt, và một phần khá lớn tiếng Nôm. Một điểm hết sức hay của truyền thuyết, xưa nay vẫn thường xuyên bị lướt qua, là truyền thuyết đã mặc nhiên minh định, hết sức rõ: 'tiếng Việt là một hỗn hợp các thứ phương ngữ Bách Việt cùng với những thứ tiếng Nôm bản địa như tiếng Thái-cổ và Môn-Khmer'. Ở chỗ nào? Ở chỗ truyền thuyết đã hiệu đính ấn bản nguyên thủy của người Mường, thay đổi đám con, 50 trai - 50 gái của bà Âu ông Lạc, thành 100 người con toàn là trai. Một trăm người con trai của bà Âu ông Lạc có vấn đề gì không? Thưa có, đó là vấn đề 'đôi bạn' khi chúng trưởng thành. Bạn gái, rồi vợ của 100 vị hoàng tử mang hai dòng máu Âu (Thái) và Lạc (Việt) này bắt buộc phải thuộc một tộc người bản địa, đã nói sẵn tiếng Nôm 'bản xứ', pha trộn giữa Môn-Khmer, Thái-cổ, Miêu-Dao, Pô-ly-nê và Mê-la-nê. Truyền thuyết Âu-Lạc đã cho một phán quyết 'chắc nịch': Hùng Vương thứ 1 mang hai giòng máu, Âu và Lạc, và bắt buộc ông phải lấy vợ 233

2 3 3


dân bản địa. Do đó, Hùng Vương từ thứ 2 trở đi, mang trong người ít nhất 3 giòng máu. Trong đó giòng máu thứ 3 chính là giòng máu người bản địa. Nói theo kiểu nhiễm thể di truyền DNA, mt-DNA dân Việt dẫn xuất từ bà Âu Cơ vẫn còn tồn tại dài dài và bổ xung bằng DNA khác của dân bản địa. Tiếng Việt do đó bắt buộc là một thứ tiếng hỗn hợp của các tộc Âu, tộc Lạc và các tộc người bản địa. Thuyết 'nhà ảo thuật Hùng Vương' cũng khá lấn cấn về mặt tộc người, dưới góc độ của khoa dân-tộc-học. Thật ra ở tổ chức bộ lạc, tù trưởng rất thường phải mang đúng huyết thống của bộ lạc đó. Bởi tù trưởng thông thường là người dẫn đầu một nhóm người 'trưởng lão' có uy tín cao, trông coi những việc liên hệ đến tế lễ và pháp lệ. Ngoài ra, chiến tranh giữa các bộ lạc, vẫn thường được xem một điểm khá đặc trưng của đời sống bộ lạc [9]. Một nhà ảo thuật lạ quắc, rất khó thu phục được những bộ lạc xa xôi bởi ông và bà xã không nói được thứ tiếng địa phương và không biết gì về các phương thức thờ phụng tế lễ của những bộ lạc đó. Ở đây ta có thể thấy mô hình này cũng rặt mùi phong kiến thời Xuân Thu ở miền Hoa Bắc. Nhưng có vẻ nửa mùa. Thư tịch cổ của Tàu ưa ghi, vào đầu thiên niên kỷ thứ 1 trước Công Nguyên, vua nhà Châu phong đất này cho ông này, đất kia cho ông nọ, để thành lập các nước chư hầu. Thí dụ, các nước Sở, Tấn, Tề, Lỗ, v.v. đều do các vua nhà Châu phong cho các vị công thần hay hoàng thân quốc thích vào lúc lập nước ban đầu [10]. Có thể chấp nhận luận cứ lập 'nước' theo mô hình này, bởi các bộ lạc ngày xưa chỉ có thể nhất thống với nhau, bằng ở một cội nguồn quyền lực hết sức mạnh mẽ dựa trên một số nền tảng lí thuyết hết sức cao siêu, từ bên ngoài áp đặt [11]. Thuyết 'nhà ảo thuật xa lạ' có khác. Thuyết này cho nhà ảo thuật tự tạo dựng lấy đất nước, mà không cần cội nguồn quyền lực thiên triều. Nhưng lại nhấn mạnh ở chỗ ông là một 'người laạ'. Có lẽ mang hàm ý một người thuộc tộc Hoa Hạ. Thuyết này có vẻ rất lấn cấn, dước góc độ khoa dân tộc học [9]. Theo đó, thể hiện quan trọng nhất của 'bộ-lạc-tính' chính là trí hiểu biết hạn hẹp chỉ riêng về tộc người của mình, luôn cho 'tộc-mình-hạng-nhất'. Một 'người lạ' chỉ giỏi về phép ảo thuật, do đó, rất khó được chấp nhận làm 'tù trưởng' cho một vài bộ lạc hoàn toàn khác chủng với mình. Nhìn kỹ lại việc hiệu đính truyền thuyết Âu-Lạc ấn bản Mường, thay đổi 50 trai / 50 gái, thành ra 100 người con trai, của các tác giả người Việt ở vùng KINH, chúng ta cũng có thể tìm thấy chút ít dấu vết của cuộc di tản xuống xứ Việt-cổ từ miền Hoa Nam, của hai khối người Âu và Lạc. Có vẻ như rằng, chuyện thay đổi đám con nửa trai nửa gái thành một loạt con trai ròng mang ngụ ý nhấn mạnh, lúc dân di tản định cư tại xứ Việt cổ, chế độ phụ hệ đã hoàn toàn thay thế mẫu hệ. Hay ít lắm, truyền thuyết đã được hiệu đính từ bản Mường, sau khi mẫu hệ đã cáo chung ở khu vực người Kinh trong xứ Việt cổ. Hoặc nói khác đi, sau khi khối người Lạc Việt từ vùng biển Đông đã tràn sang khá đông đảo ở vùng Kinh, với hành trang chứa đầy thể thức chế độ phụ hệ, mang từ Tàu sang. Cũng có thể, chế độ mẫu hệ đã đi vào quên lãng, ngay trên bước đường phiêu lạc di tản đầy gian truân, đòi hỏi sức mạnh và lãnh đạo của đàn ông [12]. Tóm tắt: truyền thuyết Âu-Lạc và việc du nhập tiếng Hán Việt và một phần khá lớn tiếng Nôm vào nước Nam, là hai sự việc luôn luôn đi song đôi, và dính liền với nhau. Có cái này tất phải có cái kia. Xin thử kiểm chứng thêm một lần nữa, như sau. 1. ÍT & NHIỀU Nếu có những từ thường xem 'thuần Nôm', ÍT và NHIỀU phải đứng hàng đầu. Nhưng không, cả ÍT lẫn NHIỀU cũng lại những từ nôm-na có xuất xứ ở miền Hoa Nam. 234

2 3 4


 ÍT: tiếng Hoa thường dùng: [thiểu / xiao] 小 hay [thiếu / shao] 少. Nhưng thật ra 'ít' xuất xứ từ một từ rất ít dùng ngày nay ở Trung Hoa, mang nghĩa 'ít'. Đó là [yi] 一 còn mang nghĩa 'số 1'. Quảng Đông gọi [yat] tức [dách]. Hẹ gọi [jit] hay [yít] dễ tiến đến => [ít]. Khi biết âm [y]-dài các tôn sư quốc ngữ dùng y như [i]-ngắn, ta thấy [yít] tiếng Hẹ biến thành => [ít] rất dễ. Ngô-Việt phát âm rất giống [ít] tiếng Việt: [iI?] tức gần giống [Ít] quốc-ngữ, với [?] tắc âm thanh môn, âm phát ra giữa [uh] và [oh] khi đọc nhanh [uh-oh]. [Ít] 一 tiếng Hoa ngày trước cũng mang nghĩa 'ít', nhưng hiện nay thường chỉ mang nghĩa 'Một', số 1. Số 1 tiếng Nhật là [Ich] cũng có cùng gốc với [Ít].  {CHÚT} trong {chút ít} cũng y như vậy. Cũng một từ phát âm gốc Giang Nam. {Chút} 逐 mang nghĩa {chút ít} và phát âm y hệt trong tiếng Hẹ [ch'ut], tiếng Quảng [juk], trong khi Quanthoại, hơi khác: [zhu], không âm cuối [k] [13].  NHIỀU: Tiếng Hoa thông dụng nhất, là [đa / duo]: 多. Nhưng có một từ hết sức cổ, tiếng Hoa, cũng mang nghĩa 'nhiều' và phát âm y hệt 'nhiều' trong phương ngữ Hẹ và Quảng Đông. Hẹ: [nhiau]. Quảng: [yiu]. Phát âm Hán-Việt: [nhiêu]. Quan thoại: [rao] 饒 Ngô-Việt (ChiếtGiang / Thượng Hải) phát âm cũng gần: [nhiơ]. [Nhiều] và [nhiêu] trong tiếng Việt thường dùng như {phì nhiêu}, chỉ đất đai màu mỡ. Ở thời chưa có quấcngữ, [nhiêu] phát âm lẫn với [nhiều] và mang một nghĩa. Kiểm chứng về ÍT & NHIỀU ít ra cũng cho ta thấy rất nhiều ngộ nhận về tiếng Việt vẫn thường xuyên xảy ra, bởi nhiều thế hệ người Việt đã đánh mất cái khoen nối quan trọng giữa tiếng Nôm và quốc-ngữ. Ngộ nhận thường gặp nhất là phát âm quốc-ngữ rất giống với phát âm tiếng Nôm. Sự thật, phát âm quốc ngữ không hoàn toàn giống Nôm, và vẫn duy trì phát âm của nhiều tộc người đã đóng góp vào chuỗi trình tiến hoá thành người Việt Nam. Và phát âm Nôm rất khác phát âm quốc ngữ, nhất là trên bình diện phương ngữ, và tộc người đa số của phương ngữ đó. ‘ÍT & NHIỀU’ đã dễ dàng trốn khỏi mọi nghiên kíu về Việt ngữ, một phần cũng do ở lối học chữ Hán theo kiểu ‘tam thiên tự’: Thiên là Trời. Địa là Đất. Đa là Nhiều. Thiểu là Ít, v.v. Tiền nhân đã quên mất, có những thứ tiếng ‘Hán’ khác đã ghi thật rõ: Nhiêu là Nhiều. Ít là Ít. Xin tiếp tục kiểm chứng. 2. VÂN ĐÀI LOẠI NGỮ của Lê Quý Đôn Lê Quý Đôn (1726-1783), quan Thượng Thư, và cũng là một học giả rất uyên-bác ở thời nhà Lê, đã để lại đời sau rất nhiều bộ sách giá trị. Trong đó có bộ Vân Đài Loại Ngữ [3], chứa nhiều tư liệu thuộc loại Kiến thức Bách Khoa. Chúng ta thử đưa ra vài điểm nhỏ có thể lý giải bằng, hay phù hợp với, lý thuyết ở đây, như sau.  THÔI NÔI: Thôi nôi là một thứ tiệc mừng em bé được 1 tuổi đầu trong đời. Trong bữa mừng 'Thôi nôi', phụ huynh bày đặt một mớ cung tên, giấy bút trước mặt bé trai. Hoặc thước kéo, kim chỉ, các thức ăn uống trước bé gái. Thứ đồ vật mà em bé nắm lấy trước tiên sẽ cho biết tính tình sau này của em bé khi lớn lên. Theo Lê Quý Đôn đây là một tập tục nhập khẩu từ miền Giang Nam.  PHIÊN ÂM NÔM BẰNG HÁN TỰ: Để ý Vân Đài Loại Ngữ cho một số từ dùng Hán tự để phiên âm tiếng Nôm: (i) Tháng => phiên âm bằng [đãng] - tiếng Hán. Nhìn kỹ, [đãng] chính là phiên âm tiếng Thái [Duang] chỉ 'Tháng' hay 'Trăng'. Do đó, giống như giả thiết chúng tôi, tôn sư quốc ngữ đã tạo ký âm 'Tháng' tổng hợp hai âm [duang] và [tlăng] {bài số 15}. (ii) Ngày => phiên âm bằng [ái]. 'Ngày' có xuất xứ từ tiếng Khmer: 235

2 3 5


[th'Ngay]. Để ý, âm [ng] đôi khi bị lột mất giữa các tiểu-chi phương ngữ bên Tàu: 'Ngu Cơ' => 'Ou Cơ' => Âu Cơ; [Ngai] <=> [Ai]: Ai đó? [Ai] hay [Ngai] trong tiếng Hẹ mang nghĩa 'Tôi'. Lâu ngày chuyển sang ngôi thứ 3. Do đó, [ái] dùng phiên âm cho [ngày] chắc chắn sẽ có phương ngữ kẹp [ng] ở đầu. Đó là tiếng Quảng Đông và Hẹ: Họ phát âm hoán chuyển thường xuyên: GIỮA [ai] hay [oi] VÀ [ngai] hay [ngoi]. (iii) Tàu phiên âm 'TRỜI' => bằng [lôi]. Để ý âm Thái-cổ trong tiếng Quảng Đông không có âm [R] => fried rice => fly lice = cơm chiên => con rận bay. Nhưng cũng để ý tiếng Việt-cổ MônKhmer có âm [R]: Trêy (trâu), Ruay (ruồi). Bởi âm Thái-cổ và Mường không có [R] nên trước khi có quấc-ngữ, [Trời] phát âm như [BLời] hay [TLời]. Tôn sư quốc ngữ tổng hợp âm [ZH] hay [TCH] của tiếng Hán (ZHong Guo => TRung quốc), với âm [BL] hay [TL] hoặc [KL] bản địa, và dùng chung như [TR]: con Trâu => phát âm Bắc: [Tchâu] theo kiểu âm [TR] Trung Quốc. Do đó, tiếng Hán chỉ có 1 cách phiên âm [Blời] => [Lôi].  NÓI LÁI: Đa số người Việt thường lầm chỉ có tiếng Việt mới nói lái. Lê Quý Đôn thuật một chuyện, trích từ sách Tàu, cho biết 'Nói Lái' cũng xuất xứ từ các phương ngữ 'Hán Việt' ở miền Giang Nam. Hồi xưa, thời nhà Đường có người tên Trương Dật nằm mơ thấy 4 chữ: 'Nhiêm Điều Bái Tướng' 任 調 拜 相 (Hakka: Nhim Diau Bai Xiong), tức 'Nhiêm Điều được mời ra làm Tể Tướng'. Trương Dật rất làm lạ nhưng buồn vì biết trong họ, nội ngoại, không có ai mang tên Nhiêm Điều cả. Tức mình ông đem hỏi một người cháu. Hậu sinh khả úy, người cháu lí giải như sau: Nhiêm Điều 任 調 đọc lái thành Nhiêu Điềm 饒 甜 (Hakka: Nhiau Tiam). Nhiêu nghĩa là Nhiều (cùng âm vị xem phía trên). Điềm = Ngọt. Nhiêu Điềm = thứ gì nhiều chất ngọt. Chắc không gì khác hơn 'Cam Thảo' 甘草. Cam Thảo thường được xem một loại thuốc quý, gọi 'Trân Dược' 珍 药. 'Trân' là 'quý', 'Dược' là 'thuốc'. 'Trân Dược' nói lái ra 'Trương Dật' 张 逸. Mừng cho Chú. Về sau, quả Trương Dật được gọi ra làm Tể Tướng.  BỒ HÒN = VÔ HOẠN. Dịch giả bộ 'Vân Đài Loại Ngữ' cho biết nhờ Lê Quý Đôn, người Việt được biết cây 'Bồ Hòn' lý ra phải được gọi cây 'Vô Hoạn' mới đúng tiếng 'Hán Việt'. Thật ra, tiền nhân không bao giờ nhầm lẫn trong lối phát âm tiếng nước Nam. Họ chỉ trung thực với lối phát âm của bộ tộc nguyên thủy của họ cả nghìn năm trước. Chỉ có những thế hệ sau khi quốc ngữ ra đời, đã đánh mất đi cái khoen nối quan trọng giữa tiếng Nôm và quốc ngữ. Trước hết 'VÔ' tương ứng âm quan-thoại [wu] viết nhiều cách mang nhiều nghĩa. Phát âm phương ngữ mỗi thứ mỗi khác. Thông thường tiếng Hẹ mang khuynh hướng thay [W]-quanthoại bằng [V], trong khi tiếng Quảng Đông (Tháicổ) vẫn giữ [W]. Đôi khi Hẹ và Quảng thay [W] bằng [M], trong khi Mân (Phúc Kiến) biến [W] ra [B]. Tương ứng biến chuyển [V] <=> [B] hay [By], giữa Bắc và Nam bộ. Thí dụ: [wang] quanthoại mang nghĩa 'vọng' (hy-vọng), Hẹ phát âm khi [vong], khi [mong]. Quảng Đông: [mong]. Trong khi Mân: [bong] => [byọng]-Nam-bộ. [Wu]quanthoại tùy theo thinh, mang rất nhiều nghĩa. [Wu] = vũ (vũ khí), Hẹ phát âm [vu], Quảng [mou], và Mân [bu], âm [b] giống Nam bộ. [Wu] (cũng phát âm [Mu]) mang nghĩa 'vợ', 'mẹ', Hẹ đọc như 'mu' hay 'vu' (vợ), Quảng [mou] tức 'mẫu', Mân [bo] => 'bố' hay 'bợ'. Do đó phát âm 'Vô' trong 'Vô Hoạn', tương ứng với [wu] trong phát âm Mân sẽ giống như [bo] => 'Bồ'. 'HOẠN' thì sao? [Hoan] thường tương ứng với [huan] quanthoại, và [hoan] Mân, [hwan] tiếng Hán-Hàn. Nhưng cũng rất thường mang phát âm [Hon] trong tiếng Hẹ và Quảng Đông. Do đó [Hoạn] => 'Hòn'. [Vô Hoạn] hoàn toàn rất hợp lý được phát âm như [Bồ Hòn] [16] [24]. 236

2 3 6


3. Những điểm đáng chú ý Trên vấn đề gốc gác Giang Nam, có một số chi tiết cần chú ý:  Có lẽ dưới sức ép của rất nhiều vấn đề hết sức cấp bách và khó khăn, tiền nhân có vẻ thường có khuynh hướng dấu giếm hậu bối một số sự việc đáng lẽ nên biết - nhất là ở nhiều thế kỷ về sau. Dù rằng rất có thể những sự việc đó nằm trong 'bí mật quốc gia' của một nước mà nền độc lập tự chủ rất mong manh, và thường xuyên bị đe dọa từ bên ngoài. Điển hình là tên họ những vị người bản địa, hay có gốc gác từ miền Giang Nam, được Bắc triều bổ nhậm vào những chức vụ quan trọng, như Tiết Độ Sứ, Thứ Sử, v.v. rất thường không 'được' ghi vào sử sách nước Nam [18]. Lê Quý Đôn [3] đưa ra thí dụ, dựa trên bộ 'Thông Giám', về Tĩnh Hải Tiết Độ Sứ Khúc-Thừa-Dụ vào năm 906, được Chiêu Tuyên Đế nhà Đường gia thăng lên chức Đồng Bình Chương Sự, tức tương đương với chức Tể Tướng, hay nôm-na kiểu thời nay: Đệ Nhất Phó Thủ Tướng. Lê Quý Đôn, cùng phục vụ triều đại nhà Lê (tộc Thái-cổ) như sử thần Ngô Sĩ Liên, ghi rõ việc này không được chép vào 'chính sử'. Thật vậy kiểm chứng với 'Đại Việt Sử Ký Toàn Thư' của Ngô Sĩ Liên [1] hay 'Đại Việt Sử Lược' [2], ta sẽ thấy hoàn toàn vắng bóng tên họ Tiết Độ Sứ Khúc Thừa Dụ, mà chỉ thấy tên con cháu ông là Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ. Chỉ sau này, sau khi bộ 'Việt Nam Sử Lược' của Lệ Thần Trần Trọng Kim có đề cập đến giai đoạn Khúc Thừa Dụ làm Tiết Độ Sứ xứ Tĩnh Hải, người ta mới thấy dịch giả bộ 'Đại Việt Sử Lược' mới chua thêm 'Khúc Thừa Dụ' vào phía dưới đoạn về Khúc Hạo.  Ngoài ba nhân vật lịch sử được sử sách cho biết có gốc phương Bắc (có lẽ do lệnh trên): Lý Bí (có thể gốc Mân), Lý Công Uẩn (chắc chắn gốc Lạc miền Sơn Đông - tộc HẹMiêu), Trần Cảnh (cháu Trần Thủ Độ - gốc Mân), rất nhiều nhân vật lịch sử khác mang gốc Bắc phương, nhưng các thế hệ sau ít người biết đến. Thí dụ: Trần Lãm - cha nuôi Đinh Bộ Lĩnh - gốc người Quảng Đông. Nguyễn Siêu một trong 12 sứ quân thời Đinh Bộ Lĩnh, có cha gốc Phúc Kiến, mẹ người bản địa [19]. Nhưng đáng để ý nhất họ người Việt có tương đương họ bên Tàu, nhất là vùng Hoa Nam, dễ dàng lên đến 90% (xem [4] [19]). Đặc biệt để ý họ Nguyễn, hiện lên đến gần 40% [19] là một họ 'bao thầu', gồm rất nhiều họ khác, nhất là Lý và Trịnh.  Xin thử xem lại một từ vẫn thường lầm thuần Nôm: SÁCH (quyển sách). Theo Hoa ngữ hiện đại, 'Sách' thường chỉ mang nghĩa 'sách lược', 'chính sách',... Tam Thiên Tự chỉ cho biết 'Thư' là 'Sách'. Cũng quên đi những từ đồng nghĩa trong 'Hán tự' ngày xưa dùng để chỉ 'Sách'. Một trong những từ đồng nghĩa đó là 'Sách'. 'Sách' 策 tiếng Hán xưa chính là 'Sách'. Vân Đài Loại Ngữ có ghi rõ: Giản 簡 mang nghĩa thẻ trát thường làm bằng tre để viết chữ lên đó: thẻ Giản. Thứ dài thì 2 xích (thước = 0.33 mét tây) , thứ ngắn thì 1 xích. Thẻ giản chỉ chứa được một hàng chữ. Nhiều thẻ Giản kết liền với nhau gọi 'SÁCH' 策.. 'Sách' là 'Sách'. 'Thư' cũng là 'Sách'. Nhầm lẫn 'Sách' là tiếng Nôm bắt nguồn từ việc dạy học: 'Thư' mới là 'Sách'. Phát âm 'sách' theo quanthoại là [ce], quảngđông rất giống: [chaak], Hẹ: [tsak], Ngô: [tshâ?] và Mân: [chhek]. Tiếng Hàn cũng vậy: [chaak]. Cũng có một từ Hán khác rất phổ biến dùng để chỉ 'quyển sách'. Đó là [juan]-quanthoại 卷 [kian]-Hẹ, [gyun]-quảngđông, và [koan]-Mân. Tất cả các phát âm này đều có thể dẫn đến [quyển] hay [cuốn] trong tiếng Việt. 'Cuốn sách' hay 'quyển sách' cũng không thuần Nôm, như thường nghĩ. 4. Văn Lang theo Lê Quý Đôn 237

2 3 7


Trong những bài đầu, chúng tôi có vẽ ra mô hình của nước Văn Lang theo quan niệm hiện đại, kéo lùi về vài ngàn năm trước và cho thấy với phương tiện truyền thông hạn hẹp (bằng voi hay trâu), thiếu thốn chữ viết và chủ thuyết chính trị / quyền bính, rất khó có một 'nước' Văn Lang rộng trên hai-ba tỉnh hiện nay. Ở bên Tàu cũng y như vậy, triều đại nhà Hạ của kỹ sư Vũ cũng rất khó thống trị được hơn hai ba tỉnh của Trung Hoa ngày nay. Tuy vậy, ở một bài khác chúng tôi cũng xác nhận, nếu nhìn lại quan niệm 'nước nhà' theo lối suy nghĩ của tiền nhân, thời xa xưa, nước Văn Lang hay Xích Quỷ dễ dàng bao gồm một địa bàn rộng lớn, từ miệt Tứ Xuyên, xuyên qua Động Đình Hồ đến biển Đông, và phương Nam kéo tận đến mũi Cà Mau, nếu kể luôn đến tộc người bản địa lâu đời là Môn-Khmer. Quan niệm 'nước' kiểu xưa chính là: Hễ tộc người nước tôi đã từng ở đâu thì nước tôi đã kéo dài đến đó. 'Vân Đài Loại Ngữ' [3] có ghi chép về 'nước' Văn Lang như sau: 'Phong Châu (xưa là nước Văn Lang) tức quận Thừa Hoá có 5 huyện: 1. Gia Ninh, 2. Thừa Hoá, 3. Tân Xương (chung với đất huyện My Linh), 4. Cao Sơn, 5. Chu Lục.' Ái Châu (tức quận Cửu Chân) và Hoan Châu (Nhật Nam) hoàn toàn nằm bên ngoài Phong Châu (tức Văn Lang). Phong Châu bao gồm 5 huyện cùng cỡ với My Linh (tức Mê Linh) do đó rất khó rộng hơn 5 tỉnh ngày nay. Về 15 bộ của nước Văn Lang ghi trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư [1], Lê Quý Đôn [3] đưa ra nhận xét khá tương đồng với lý thuyết chúng tôi: 'Huyện, ấp, hương lý được sắp đặt theo xưa hay đổi mới không thể nào rõ được. Tôi nhận xét đời Hùng Vương, trên nối theo đời Hồng Bàng, văn tự (chữ viết) không có truyền lại, 15 bộ đặt ra thấy lẫn lộn với những danh hiệu quận huyện mới lập ra vào thời nhà Hán, nhà Ngô đáng nghi là do các nhà Nho đời sau đã lén lấy mượn, thật không phải chép đúng sự thật'. LẠC LONG QUÂN 貉 龍 君 - Ngài là ai? Một phát hiện hết sức ngỡ ngàng khi viết bài này chính là họ Lạc ([Luo] quan-thoại) 貉 của thái quốc tổ Lạc Long Quân, rất thường được phát âm như [He] hay [Hao] [20], với thinh thứ 2 quanthoại, giống như giữa thinh-dấu-hỏi và thinh-dấu-nặng tiếng Việt. Phát âm [He] trong tiếng Hakka là [Ho]-2 với thinh dấu nặng kéo khá dài. Thành ra [Hẹ] trong tiếng Việt chính là [Hẹ] 貉 nguyên thủy trong tiếng Hán, phát âm theo tộc Hán gốc (quanthoại) và theo chính người Hẹ. Theo phiên thiết của các bậc tiền bối, tất cả người Việt, các học giả Âu Mỹ, khi gặp từ 貉 thông thường chỉ phát âm như 'Lạc' kiểu họ của cụ Lạc Long Quân. Không bao giờ ngờ rằng từ 貉 có phát âm thường dùng hơn là [He] mang nghĩa: 'một bộ tộc rợ ở miền Bắc nước Tàu', và người Việt là tộc người duy nhất trên thế giới gọi người Khách-Gia tức Hakka, theo đúng với tên cúng cơm họ là Hẹ. Thử xem qua 'Tam đoạn luận': 1. Theo [4], bộ Nhĩ Nhã, do các đồ đệ của Khổng Tử soạn [3], có miêu tả nhóm rợ ở miền Bắc nước Tàu, viết theo chữ Lạc 貉 với bộ Trãi 豸 đặt bên trái. Nhóm rợ này đặc biệt nhuộm răng xâm mình. Cũng theo Nhĩ Nhã, nhóm rợ này còn mang tên Đông Di (hay Bộc Việt), có địa bàn gần sông Bộc thuộc tỉnh Sơn Đông. 238

2 3 8


2. Từ điển internet hiện nay đều ghi 貉 mang phát âm như [He] rất giống 'Hẹ' tiếng Việt, mang nghĩa 'nhóm rợ du mục ở phía Bắc nước Tàu'. Người 'Hakka' tức Khách Gia là một nhóm người du mục có xuất xứ từ phía Bắc nước Tàu, có tên gọi tiếng Việt là 'Hẹ'. Chỉ có người Việt mới gọi đó người Hẹ mà thôi. 3. Do đó người Hẹ chính là người Lạc Việt cổ, có xuất xứ từ nhóm Đông Zi với địa bàn quanh khu vực Sơn Đông ngày nay. Hẹ = Lạc = 貉 . 'Hẹ' 貉 ngoài nghĩa 'tên bộ tộc zu mục xưa ở miền Bắc Trung Hoa', cón mang nghĩa 'con Chó có mõm nhọn', tiếng Anh: Racoon Dog. Trong nghĩa 'chó mõm nhọn', 'Hẹ' 貉 còn được phát âm như [ma]-4 hay [mo]-4, theo quanthoại; [met]-8 theo Hakka, và [maak] theo Quảng-Đông. [Ma] hay [mot] hoặc [maak] chính là âm tương đương các phương ngữ Hoa của âm [maa]-tiếng Thái, và [má]-tiếng Việt. [Má] tiếng Việt và Thái chính là 'má' trong 'Chó Má', một từ đồng nghĩa với 'Chó'. Chúng tôi sẽ trở lại với phát âm [Mo] cho từ 'Lạc' hay 'Hẹ' 貉, vào một bài tới. Xin quan sát thật kỹ về cội nguồn của từ 'Hakka' dùng chỉ người Hẹ. Trước hết, theo lối viết chữ Tàu ngày nay, Hakka chính là 'Khách Gia' 客家 - quan-thoại đọc [Ke Jia], mang nghĩa 'người khách đến tạm trú'. Để ý ngay trong chữ 'KHÁCH' 客 đã có chữ Lạc 洛 (phần bên phải từ chỉ sông Lạc) nằm sẵn rồi. Nói cách khác, từ 'Khách' trong 'Khách Gia' (Hakka = Hẹ) bao hàm nghĩa mơ hồ người Khách đó thuộc chủng Lạc hay ít nhất xưa từ sông Lạc (Lạc Thủy) đến. Các phương ngữ tiếng Hoa khác, phát âm 'Khách' như sau: - Hẹ: [hak]; - Quảng Đông: [haak]; - QuanThoại: [Ke]-4; - Ngô: [kha?]; - Mân: [kheh] Do đó, [Khách] tiếng Việt có cùng gốc với phương ngữ Ngô và Mân cộng lại nhau. Thế tại sao Hakka lại đọc 'Khách' thành [Hak]? Họ không có âm [Kh] hay sao? Ta thấy ngay lý giải được câu hỏi này là mở thêm chìa khóa về nguồn tộc 1/3 người Việt Nam! ĐÁP: Người Hẹ tại Trung Quốc, với đồng tình của người Quảng Đông, không chịu đổi [Hak] thành [Kha?] hay [Kheh] mà vẫn giữ [Hak] bởi âm [Hak]-8 gần giống với âm-vị tộc người của họ: [Hok]-8, với chữ viết: 貉. Tiếng Việt chính là 'Hẹ'. Giống như họ Lạc của Lạc Long Quân. Sự thật, rất thông thường họ chịu hoà mình đưa ra âm [Kh] như nhiều phương ngữ khác. Thí dụ: 'Khạc' (nhổ) hoặc 'Ho': 咯. Quan-thoại đọc [ka]-4. Mân phát âm [KhehN]. Quảng Đông đọc [kaa], đôi khi [haak]. Nhưng Hakka đưa ra âm có [kh] và rất giống tiếng Việt: [Khak] => 'khạc'. Thí dụ khác: Trần truồng, Hán tự viết: 裸. Quan thoại đọc [luo]-3 đưa đến tiếng Việt: [lõa]. Quảngđông phát âm [lo] cho tiếng Việt: [lồ] => 'lõa lồ'. Tiếng Hẹ chìa ra âm [kh]: [kwo], đưa đến tiếng Việt: [khỏa] trong [khỏa thân]. Như vậy, lí zo người Hẹ tại Trung Hoa, với sự đồng tình người Quảng, tự gọi mình người Hakka hay Haagga, không phải bởi tiếng Hẹ không có âm [Kh] cho: [Ke] hay [Kha?] hay [Kheh] hoặc [Khách], nhưng vì họ muốn gìn giữ tên 'cúng cơm' của bộ tộc nguyên thủy của họ 'He = Lạc = 貉' lúc còn liu lạc bên sông Hoàng Hà cách đây trên 3000 năm. Họ cũng đã 239

2 3 9


hết sức cẩn thận căn dặn hậu duệ của họ là tộc nhà Lí tại xứ An Nam, phải luôn nhớ lấy tên gọi nguyên thủy của bộ tộc Lạc Long Quân là HẸ và chỉ được gọi HẸ mà thôi. Đừng nên bắt chước đám Mân, đám Hán, gọi 'khách gia' hay 'khách trú' gì hết. Trước khi kết thúc bài này, xin thử quan sát thêm về chữ 'Trĩ' 豸 tiếng Tàu đọc [zhi], cùng âm với chim Trĩ 雉 (một loại gà rừng). 'Trĩ' còn được các tiền bối đọc 'Trãi'. 'Trĩ' thường mang 2 nghĩa. Nghĩa 1: Con trùng không có chân. Nghĩa 2: Một loài thú hoang đường giống con dê, đầu có một sừng. Người Hoa thời cổ đại có vẻ ỷ họ biết chữ nên ưa dùng các bộ chữ chỉ súc vật để miêu tả các nhóm người (rợ) không thuộc chủng Hoa. Thí dụ: Lạc bộ Mã 駱 dùng con ngựa (Mã) để chỉ đám Lạc Việt ở xứ Mân (Phúc Kiến - Triều Châu). Lạc bộ Chuy 雒, mang nghĩa con ngựa đen bờm trắng, dùng để chỉ đám Lạc Khương-Nhung (MônKhmer), ... Để ý dụng ý của tiền nhân viết 'Lạc' trong 'Lạc Việt' dùng 'Lạc (Mã)': 駱. 'Lạc' cho Lạc Hầu, Lạc Tướng xử dụng Lạc (Chuy) 雒.. Và 'Lạc' trong họ Lạc của Lạc Long Quân dùng Lạc (Trĩ) 貉 của người Hẹ. Cũng một âm vị [Lạc] trong quốc-ngữ, nhưng tiền nhân Hoa-Việt đã dzùng 3-4 thứ Hán từ để viết nên. Có lẽ không ngoài mục đích chỉ cho hậu thế biết rõ có rất nhiều thứ 'Lạc' đã đến xứ Việt cổ cùng với chủng Âu. Thử nhìn thêm những từ người Hoa yùng để chỉ 'Rợ', theo với 4 hướng: Nam Man, Bắc Địch, Đông Zi và Tây Nhung [20].  Man (Nam Man): [Man] 蛮 viết theo lối xưa mang nghĩa 'sự hỗn loạn' trên vùng đất đầy côn trùng và rắn rít.  Địch (Bắc): [Di] 狄 tượng hình 'con Chó với lông màu đỏ'.  Nhung (phía Tây): [Rong] 戎 với cách viết 'dáo mác dựa trên (áo) giáp'. Có lẽ hơi ngán lối đánh giặc của rợ Khuyển Nhung, từng làm cỏ Hảo Kinh của nhà Tây Chu.  Di (Đông Di): [Yi] 夷 tượng hình người cầm cung tên săn thú. Đông Di cũng là thứ tên dùng để chỉ người HẸ, tức đám Lạc bộ Trãi. Chữ 'Yi' cho thấy tổ tiên người Hẹ chính là người zu mục sinh sống bằng nghề săn bắn. Giống y hệt chữ Việt 越 trong 'Việt Nam', bao gồm chữ 'Tẩu' (đi / chạy) viết chung với cây dáo cái mác, miêu tả một bộ tộc Việt cổ, cũng một nhóm người zu mục sinh sống bằng nghề săn bắn. Tháng 12, 2005 CẢM TẠ: Xin chân thành cám ơn bs Hồ Đắc Duy đã tặng bộ sách 'Vân Đài Loại Ngữ' của Lê Quý Đôn, xử dụng rất nhiều trong bài. GHI CHÚ [1] Ngô Sĩ Liên và cộng sự (1497). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Thanh Việt và Phạm Ngọc Luật hiệu đính theo bản dịch của Đào Duy Anh. Nxb Văn Hoá Thông Tin (2004). Bản của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam được trình bày đầy đủ trên mạng internet: perso.wanadoo.fr/charite [2] Khuyết Danh (1377-1388) Đại Việt Sử Lược. Bản dịch của Nguyễn Gia Tường. Nhà Xuất Bản Thành Phố HCM. Bộ Môn Châu Á Học Đại Học Tổng Hợp TP.HCM. [3] Lê Quý Đôn (1726-1784) Vân Đài Loại Ngữ (1773). Tạ Quang Phát dịch. Nxb Văn Hoá Thông Tin (1995). Trọn bộ 3 tập. [4] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu (tái bản tại Hoa Kỳ) 240

2 4 0


[5] Nhà Lý do Lý Công Uẩn thiết lập (năm 1010), có hậu thuẫn là nhóm người Bộc Việt (Hakka) và Miêu sống tập trung ở bình nguyên sông Hồng. Bởi lí do đó, sau khi lên ngôi vua, Lý Thái Tổ lập tức dời đô về thành Đại La (Thăng Long), ra khỏi khu vực chủng Thái cổ là vùng Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình ngày nay). Đặc biệt để ý, vào năm Canh Thìn 1160 vua Lý Anh Tôn cho xây đền thờ Hai Bà và thánh tổ Miêu tộc là Xuy Vưu (Tsiv Yawg) ở phường Bố-Cái. Như lý giải tại [14], Xuy Vưu có thể là lãnh tụ chung cho các nhóm rợ Đông Zi (cũng mang tên 'Cửu Lê'), bao gồm 3 tộc chủ lực Hẹ - Miêu và Lê. Xuy Vưu cũng chính là một quốc tổ của dân Triều Tiên. Y như Hiên Viên của Hoa tộc, và Thần Nông của Thái-Việt cổ. Về sau, khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, thuộc tộc Mân Việt (Phúc Kiến - Triều Châu), triều đại nhà Lý cáo chung. Một nhóm hoàng thân quốc thích họ Lý, sợ Trần Thủ Độ truy bắt và tận diệt, lên tàu bôn đào, về hướng Sơn Đông - Triều Tiên, nơi chôn nhau cắt rốn của tổ tiên họ. Dòng nhà Lý lưu vong đó hãy còn sinh tồn cho đến ngày nay. Có vị làm đến chức vụ tổng thống nước Đại Hàn, tức Nam Triều Tiên. Họ Lý cũng là một họ rất phổ biến trong tộc Miêu-Dao. Sau chính biến Lý-Trần, rất nhiều người Việt họ Lý đã đổi sang họ Nguyễn. Họ Nguyễn nhiều nhất ở người Việt cũng từ lý do đó. [6] Vấn đề Totem cũng y như vậy. Đã và sẽ không bao giờ có chuyện các học giả Việt hay Tây hoặc Tàu, có thể đi đến một kết luận nhất trí về một thứ totem nào đó cho toàn thể dân tộc Việt Nam. [7] Phạm Quỳnh (1997) Hành Trình Nhật Ký. Ý Việt (France)táibản. [8] Lý do Thần Nông: Thần Nông chỉ là thánh tổ của một phần ba (1/3) đến phân nửa (1/2) tộc người Việt Nam. Không giống Xy Vưu của dân Triều Tiên hay Thần Nông của dân Thái Lan, Lào, Mường. [9] http://en.wikipedia.org/wiki/Tribalism & http://en.wikipedia.org/wiki/Neo-Tribalism Ở các nước tiên tiến Tây Phương, một khi người cùng một nước choảng nhau, những bên xung đột mang tộc gốc khác nhau, họ lập tức gợi lên hình ảnh xung đột thời bộ lạc. Thí dụ cụ thể nhất là vụ xung đột ấu đả tại khu bờ biển Cronulla ở Sydney (Ôx-trây-lia) giữa hai đám thanh niên thích trượt sóng gốc Li-băng và Úc gốc Ăng-Lê trong hai ngày 11-12 tháng Chạp 2005. Báo Sydney Morning Herald vào sáng ngày 12/12 đã cho một hàng tít trang 1: 'Nasty Reality surfs in - as ugly tribes collide' lôi chữ 'Tribes' mang nghĩa bộ lạc ra xử dụng liền: 'Thực trạng rối rấm trượt sóng vào - trong lúc các bộ lạc xấu xa đụng độ với nhau'. [10] Sử Tàu có nhiều điểm rất hay về 'nguyên lý cội nguồn quyền lực'. Như nước Tề chẳng hạn. Sử viết đất Tề ở Sơn Đông được phong cho ông Lã Vọng (tức Khương Thượng) sau khi lật đổ được nhà Thương. Ông Lã Vọng thật là một ông già gân, có lẽ rất thích món chả cá. Thời còn chổng đi câu cá ở sông Vị, ông cũng đã ngoài 70. Về sau, ông được Châu vương mời về triều làm đại nguyên soái tổng tư lệnh dẫn quân đi đánh nhà Thương. Lúc xong giặc ông cũng phải ngoài 80, đối với người thường chắc đã hết xí quách. Nhưng với ông, ông vẫn còn sức để tạo dựng thêm một nước chư hầu mới, thuộc nhà Chu. [11] Mô hình lập quốc thông thường đã được đề cập ở phần đầu của loạt bài này: Quốc gia được thành lập do sự kết hợp nhiều bộ lạc, để chống lại mối đe dọa chung từ phía bên ngoài. So với mô hình các nước chư hầu bên Tàu thời xa xưa, đề cập trong bài này: Triều đình nhà Chu ở trung ương phong đất cho các quan lớn hoặc hoàng thân quốc thích, lập nên các nước chư hầu. Đám thần dân tại các xứ chư hầu không nhất thiết thuộc tộc Hoa Hạ, và tại nhiều nơi (như Sở, Tấn, Tề, Lỗ, Trịnh, Vệ,...) bao gồm rất nhiều đám 'man zi'. [12] Chuyển biến từ mẫu hệ sang phụ hệ tại xứ Việt cổ hoàn toàn là một đề tài rất xa lạ đối với giới nghiên kíu tại Việt Nam. Theo sát mốt người Tàu. Thật ra rất ít tài liệu về vấn đề này ở phía Tàu. Có vẻ như rằng dân miền thành thị bên Tàu theo phụ hệ khá sớm, trong khi dân miền quê hay rừng núi vẫn giữ mẫu hệ. Một vài chỗ vẫn còn giữ ngay cho đến thời hiện 241

2 4 1


tại. Tần Thủy Hoàng chúa ghét mẫu hệ. Theo [4], Tần Thủy Hoàng bắt lính và đày ra chiến trường đánh giặc với Hung Nô, những chàng trai đã có vợ và đi 'ở rể'. [13] Để ý các phương ngữ bên Tàu không phân biệt rõ ràng âm cuối [t], [c], [k], [?] trong các âm vị [chút] hay [ít]: [juk] quảng đông, [ch’ut] kiểu Hẹ, v.v. [Yi] tức [nhất] hay [ít] chuyển sang tiếng Nhật thành [ichi]., mang nghĩa ‘số 1’. Phân biệt âm cuối [t] trong [chút] và [ít] đã dựa vào tiếng Hẹ. [14] Số 2 viết theo [He]-2 dùng để chỉ thinh thứ 2 trong 4 thinh tiếng quanthoại. Như đã trình bày trong một bài trước, các bộ lạc bên Tàu nhiều khi dùng thinh khác nhau cho cùng một từ, chỉ một nghĩa. Chuyển sang quốc ngữ, các tôn sư quốc ngữ lại có khuynh hướng thống nhất thành 1 thanh điệu duy nhất cho mỗi một từ. Trừ một số trường hợp ‘ngoại lệ’: Đĩnh & Đỉnh. Ngõ & Ngả, v.v. Thật ra âm-vị tiếng Hán [He] dùng để chỉ dân Lạc cách đây trên 3000 năm lại có hai cách phát âm khác mang thinh số 4: [mo]4 và [ma]4. [Mo] và [ma] chính là âm vị tiếng Thái [maa] hay tiếng Việt [má] chỉ con Chó (chó má). Thuở cổ thời hai tộc Hẹ và Miêu ưa sống gần gũi với nhau, người Hoa dùng một từ 貉 gọi họ bằng 'Luo' (Lạc), bằng [He], và Đông Zi. Họ gần nhau đến độ có thể Xuy Vưu là nhà lãnh đạo chung cho hai nhóm Hẹ và Miêu, gọi chung là Cửu Ly (Jiu Li). Nhắc lại, Xuy Vưu có choảng với Hiên Viên, đại bại và bị chặt đầu. Cũng ở lí do đó vua Lý Anh Tôn đã cho lập đền thờ Xy Vưu (Chi You - Tsiv Yawg) vào năm 1160 tại phường Bố Cái. Có thể cũng ở lí dzo đó, Việt tộc có vẻ đặc biệt rất 'anti' con cháu của Hiên Viên Hoàng Đế. [15] Từ điển CCDICT của chineselanguage.org: http://chinalanguage.com/cgibin/query.php?table=hakka&mode=english&sound=no&beijing=pinyin&canton=jyutpin&h akka=default&fields=pinyin,english&lang=en&show=frequent [16] Như đã đề cập trong một bài trước, nhiều địa phương tại Việt Nam có khuynh hướng nuốt âm chữ 'a' theo sau 'o' ('oa'), như [hoa] đọc như [ho] {phát âm Ngô-Việt}, [hoàn] đọc như [hòn] {Hakka}. Thói quen này xuất xứ từ các phương ngữ Hoa Nam. Không có đánh vần kiểu a-b-c quốc ngữ, sẽ không có vấn đề này. [17] J.B.P. Trương Vĩnh Ký (1924) Petit Dictionnaire Francais - Annamite. Imp. de l'Union - Nguyễn Văn Của. [18] Lịch Đạo Nguyên chú, Dương Thủ Kính, Hùng Hội Trinh sớ, Đoàn Hy Trọng điểm hiệu, Trần Kiều Dịch phúc hiệu (1999) Nguyễn Bá Mão dịch (2005). Thủy Kinh Chú Sớ. Nxb Thuận Hoá. Bộ 'THỦY KINH CHÚ' do các học giả người Hoa soạn từ thời Tam Quốc (220-265), cho biết vài vị làm nên chức Thứ Sử tại Giang Nam hay Giao Chỉ có gốc 'Man'. [19] Lê Trung Hoa (1992) Họ và tên người Việt Nam. Nxb Khoa học Xã hội - Hànội. [20] Xin xem các từ điển mạng njstar.com và zhongwen.com [21] Jeanne Cuisinier (1946) Les Mường, Géographie et Sociologie humaine. Institut d'Ethnologie. [22] Đường Nhạn Sinh, Bạo Thúc Diễm & Chu Chính Thư (2002) Mưu Trí thời Xuân Thu. (Ông Văn Tùng & Vũ Ngọc Quỳnh dịch). Nxb Văn Nghệ, TP HCM [23] Nicola Di Cosmo (2004) Ancient China and its Enemies – The Rise of Nomadic Power in East Asian History. Cambridge University Press. [24] ‘Bô`’  ‘Vô’ còn được thể hiện trong quốc ngữ qua lối nói chuyện ‘bồ lái bồ khự’ tức ‘vô lai vô khứ’, mang nghĩa ‘không trước không sau’. Xem: Vương Hồng Sển (2003) Tạp Bút năm Nhâm Thân 1992. Nxb Trẻ. Trong quyển này Anh Vương cũng loại bỏ chi tiết về đền thờ Xuy Vưu, mặc dù có đề cập đến đền thờ Hai Bà, do Lý Anh Tôn thiết lập.

242

2 4 2


Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (17): PHẦN II: Nhận diện người Việt cổ Những vị từng say mê Tam Quốc Diễn Nghĩa hoặc Đông Chu Liệt Quốc, hay truyện Tàu xưa nói chung, ngày nay khi đọc lại có thể bắt đầu để ý dấu vết của người Việt cổ (tức Bách Việt) - vẫn thường tản mác đó đây trong các bộ truyện đó. Chìa khoá chính là địa bàn xuất xứ của các nhân vật anh hùng hào kiệt. Đáng để ý nhất: các nước như Sở, Trịnh, Vệ, Ngô, Việt, Thục, cộng với đám du mục Bách Bộc; cũng như các tỉnh lớn ngày nay như: Sơn Đông, Tứ Xuyên, Giang Tô, Chiết Giang, An Huy, và đặc biệt xứ Vân Nam của Đoàn Nam Đế, Đoàn Dự theo truyện chưởng của Kim Dung. Xin đưa ra một thí dụ. Ở đoạn đầu của bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa, người ta có thể để ý đến đám giặc Hoàng Cân (Huang Jin 黄 巾 ), gọi nôm na: loạn Khăn Vàng. Tức nhóm người, đầu bịt khăn màu vàng, dấy quân nổi lên chống lại triều đình nhà Đông Hán vào những năm 184-204, dẫn đến suy xụp toàn diện của nhà Hán vào năm 220. Tiếp đó, nước Tàu lâm vào thế phân tranh tam quốc, rồi nhị quốc (Tấn), thập lục quốc, v.v., hoàn toàn không có chính quyền thống nhất trung ương kéo dài trên 300 năm. Thế tại sao giặc 'Khăn Vàng' ở cuối đời Hán, có khả năng là một đám Việt tộc? Trước hết, đầu họ quấn khăn. Người Hoa thời xưa ưa phân biệt họ với các đám rợ bằng nhiều hình thái (sẽ chi tiết phía dưới), và trong đó họ để ý Hoa tộc thích đội nón (mũ), trong khi nhiều đám rợ lại ưa quấn khăn. Dù rằng nhiều hoa văn trên trống đồng Đông Sơn cho thấy người Việt cổ cũng có thứ mũ làm bằng lông chim dài. Để ý người Thái, người Khmer và người Việt ngày nay vẫn còn thích chít khăn trên đầu. Đặc biệt thứ 'khăn rằn' người nông dân Khmer và Nam bộ vẫn thường thắt trên đầu. Những vị thích võ Thái, tức Thai kick-boxing, cũng có thể để ý các võ sĩ Thai lúc nào cũng ưa quấn cái khăn trên đầu khi lâm trận đấu Muay Thai. Muay Thai= Võ Thái? Xin phép mở dấu ngoặc, dùng Muay Thai, để nhắc lại phát hiện của lý thuyết ở đây về biến chuyển âm-đầu rất quan trọng trong Việt ngữ, xuất xứ từ các phương ngữ Hoa Nam. Đó là biến chuyển âm [W] ròng quan thoại thường thường thành [V] tiếng Hẹ, tiếng Ngô. Âm [W] tiếng phổ thông cũng thường chuyển sang âm [B] Phúc-Kiến, và đặc biệt biến chuyển ra âm [M] rất thông thường trong tiếng Quảng Đông. Thí dụ: - Vấn (hỏi)=> quanthoại [Wen]=> phúckiến (pk) [meng] => Hẹ [mun] => Ngô [vâng] => QĐ [man]. * Tóm tắt: Vấn <=> Wen <=> Man - Vọng (mong) => qt [wang] => pk [bong] {để ý nam-bộ: [byọng]} => qđ/hẹ [mong]. * Vọng= Mong<=>Wang<=>Bong<=>Mong [21] - Vô (không có) => qt [wu] => pk [bo] {nam-bộ: byô} => hẹ [vu / wu] => qđ [mậu] - Vô <=> Wu / Vu <=> Bo <=> Mou - Vũ (khiêu vũ / múa)=> qt [wu] => pk [bu] => hẹ [vu / wu]=> qđ [mou] => việt [múa] - Vũ = Múa <=> Wu / Vu <=> Bu <=> Mou - Vạn (=10000, Muôn)=> qt [wan] => pk [ban] => hẹ [van] => qđ [maan] {=> muôn} - Vạn= Muôn(nambộ)<=>Hakka: [Van]<=>QĐ:[Maan]<=>PK: [Ban] - Võ (vũ / kung-fu)=> qt [wu]=> pk [bu] => hẹ [vu / wu] => qđ [mou]=> [muay] Thái. - Võ (Vũ)<=> Wu / Vu <=> Bu <=> Mou => Muay (Thái) => Muu (Hàn) [1] [21]. 243

2 4 3


Đặc biệt để ý, tiếng Quảng Đông có khuynh hướng biến âm, hay đúng hơn, mang âm tương đương, [W] quanthoại ra âm [M]. Từ đó [Wu] (tức 'Võ' nghệ) dễ chuyển thành [Mou] tiếng Quảng Đông (tộc Thái-cổ). Vào thế kỷ 13, người Thái ở khu Nam Chiếu (Vân Nam) chịu không nổi đàn áp của quân Nguyên (Mông Cổ) nên tràn sang vùng đất Lào và Thái Lan ngày nay, rồi thiết lập nên các quốc gia này. Họ mang theo biến chuyển âm [W] quanthoại (tức [V] Hẹ & quốc-ngữ) ra [M] rồi biến [WU shu] (Võ thuật - kick-boxing) thành ra [MUAY] tương đương âm Việt là 'múa' (tức 'vũ')=> Muay Thai = Võ Thái. Các từ tương đương Wu= vũ= võ= bu (pk)= mou (quảng đông)= múa= muay (Thái), một lần nữa cho thấy gốc Hoa Nam của Việt và Thái ngữ. Xin đóng dấu ngoặc. Trở lại câu chuyện giặc Huỳnh Cân trong Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung. Lý do thứ nhất gợi nên mối nghi ngờ đám 'Khăn vàng' này mang chủng Việt, chính là cái khăn chít trên đầu họ. Lý do thứ hai: giặc 'Khăn Vàng' (tra internet: Yellow Turban) xuất xứ từ miệt 'Sơn Đông' địa bàn cố hữu của đám rợ Đông Di tức Bách Bộc hay Lạc bộ Trãi. Lý do thứ 3: trước khi tan hàng đám Hoàng Cân này chạy sang khu Thiểm Tây và phối hợp với đám rợ Khương Nhung (tức tiền thân của các nhóm Môn-Khmer) ở Tứ Xuyên. Cũng nên để ý mức độ chính xác (hoặc sai trật) những văn kiện lịch sử của người Hoa lẫn giới học giả Tây phương. Ở đây chính là nhóm chi tiết thứ 4 về đám giặc Khăn Vàng. Rất lộn xộn, do ở lối diễn dịch theo trí hiểu biết của các tác giả đời sau. Đó là tính cách tôn giáo của giặc Khăn Vàng. Theo từ điển bách khoa Internet 'Wikipedia', và nhiều tài liệu khác 'cóp' qua lại với nhau, đám Khăn Vàng thuộc đạo Lão (Taoist). Từ điển Britannica cũng vậy, nhưng có ghi thêm lãnh tụ Trương Giác có tài chữa bệnh ôn dịch bằng 'nước phép'. Đọc lại Tam Quốc Diễn Nghĩa, ta sẽ thấy chi tiết về đạo Lão Trang chỉ thoang thoáng ở chỗ Trương Giác, trước khi dấy quân khởi nghĩa, có cơ duyên gặp một cụ già xưng là Nam Hoa lão tiên, truyền lại cho y quyển sách 'Thái bình yêu thuật'. Hai sự kiện khá tương phản - 'lão tiên' v. 'yêu thuật' - sẽ dễ gây nên khó khăn để có thể kết luận ba anh em họ Trương của đám Hoàng Cân theo đạo Lão Trang. Thật ra cho dù Trương Giác thuộc phái Lão Trang, người tò mò nhưng khắt khe một chút cũng không thể lập tức sắp xếp đám Khăn Vàng vào khối Hán tộc. Bởi việc xác định tôn giáo đám nổi loạn này, dù rằng hoàn toàn xác định, chỉ mới giúp được phần nào cho việc định đoạt thứ chủng tộc của họ. Cái khối vài trăm ngàn người theo 3 anh em nhà họ Trương (Trương Giác, Trương Bảo và Trương Lương), đều chít khăn vàng, rất có khả năng lại thuộc giới nông dân biết rất ít chữ nghĩa. Thêm vào đó, cũng không thấy sử sách xác định được những người theo đạo Lão vào cổ thời có phải chỉ toàn Hoa tộc mà thôi, hay bao gồm luôn cả những người không thuộc tộc Hoa Hạ. Điểm thứ 5 hỗ trợ cho giả thiết giặc Huỳnh Cân có thể thuộc đám Việt tộc du mục, chính là cả nơi xuất xứ (Sơn Đông) và những con đường bôn đào khi họ đại bại, cùng với những địa điểm cuối (Thiểm Tây / Cam Túc / Tứ Xuyên), rất phù hợp với các nơi chốn di dịch của các nhóm người: Bách Bộc, Miêu tộc và người Hakka (xem phía sau). Trước khi kiểm điểm lại những tiêu chí người Hoa thường dùng để nhận diện các đám 'rợ' không thuộc tộc Hoa Hạ, xin phép nhấn mạnh một vài điểm sau. Trước hết xin khảo sát 'RỢ'. Tiếng Anh: barbarian. Xuất phát từ tiếng Hy Lạp: 'barbaros' mang nghĩa 'xa lạ', 'dốt nát'. Tiếng Latinh: 'barbaria' => 'nước ngoài'. Cũng có thể mang gốc tiếng Á-Rập: 'barbar', nghĩa: 'cư dân ở Bắc Phi Châu', tức 'dân bên ngoài', hoặc động từ 244

2 4 4


'barbara' với nghĩa 'nói năng lộn xộn, khó hiểu' [2]. 'Barbara' rất có thể cùng gốc với động từ tiếng 'Tây' 'bavarder', tức nói ba-hoa, bép xép. Người Hoa kiểu cách hơn, như đã đề cập nhiều lần, họ phân biệt 'rợ' theo phương hướng: Tây Nhung, Đông Di, Bắc Địch và Nam Man. Mỗi từ họ mô tả bằng cách viết chữ tượng hình khác nhau. Đại khái: - Man (Nam): [Man] 蛮 viết theo lối xưa 蠻 mang nghĩa 'sự hỗn loạn' trên vùng đất đầy côn trùng và rắn rít. Thông thường dùng để chỉ dân Bách Việt ở Giang Nam, tức phiá Nam Trường Giang hay sông Dương Tử. - Địch (Bắc): [Di] 狄 tượng hình 'con Chó với lông màu đỏ'. Phát âm tiếng Quanthoại cũng có thể y như [He]-2 (thinh số 2: thượng-thinh), ám chỉ đám Bắc Địch có thể bao gồm cả người Hẹ (thường xếp trong nhóm Đông Zi), và người Hẹ có gốc phía cực Bắc sông Hoàng Hà. Âm [He]-2 (tức [Hẹ] hay [Hạc] [14]) cũng chính là âm phát cho chữ 貉, tiếng Việt thường đọc 'Lạc' như họ của Lạc Long Quân. - Nhung (Tây): [Rong] 戎 với cách viết 'dáo mác dựa trên (áo) giáp'. Dùng để chỉ thành phần nòng cốt: các nhóm Để / Khương. Còn gọi Khuyển Nhung hay Khuyển Tuất. - Di (Đông): [Yi] 夷 tượng hình người cầm cung tên săn thú, chỉ người zu-mục. Đông Di có địa bàn nguyên thủy ở khu Sơn Đông, bao gồm phần chính: các nhóm Bách Bộc, Miêu tộc (Hmong) và ...Hẹ (Việt). Nói chung hễ một dân tộc nào đã tiến lên đến lối sống 'văn minh' thành thị, họ thường dùng những từ về sau mang nghĩa 'Rợ' để chỉ người 'nước ngoài', hoặc khác tộc với họ. Đặc biệt để ý, thông thường họ chả dám gọi 'người nước ngoài' ở một nước lớn mạnh hơn họ, hoặc trên 'cơ' họ, bằng 'rợ', như đối với những nước khác ngang hàng với họ, hoặc có nền văn minh gốc khác họ, hay lập quốc sau họ, hay dưới 'cơ' họ chút ít. Hiểu như vậy, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy nhiều tộc người láng giềng ngày trước, ngoài người Hoa, vẫn dùng các từ mang nghĩa 'man di' để gọi người Việt: - Chăm-pa: Yuavana hay Yuan. - Cam-bốt: Yuồn (cáp-yuồn: khủng bố và giết người Việt). - Thái-Lan: Yuôn. Tất cả những từ này đều có gốc gác ở tiếng Phạn bên Ấn Độ. Thế chữ 'Rợ' quốc-ngữ lấy ở đâu ra? Theo thiển ý, 'rợ' là ký âm quốc-ngữ đặt ra để phiênâm từ 'dã' 野 trong 'dã man', phát âm theo kiểu người Việt cổ gốc Hakka (Hẹ): [Ra] hay [Za] hoặc [Ya]. Quảng Đông và Quan-thoại đọc như [Ye]. Trong khi PhúcKiến (Mân) và Ngô dùng âm [Y] như [I] mà quốc-ngữ đã dựa theo, đọc [yã] như: [Ia]. Điểm thứ hai, chúng ta cần để ý chính là hiểu biết về tộc Việt cổ của bao nhiêu học giả Tây phương lẫn Á Đông từ trước đến giờ thường vẫn lộn xộn, rối nùi với nhau. Với sự khâm phục hãy còn đó, tất cả hiểu biết trong việc nhận diện người (Lạc) Việt cổ, có vẻ như phiến diện hoặc chủ quan, theo kiểu các nhân chứng trong phim Rashomon của Akira Kurosawa, hay 5 người bịt mắt miêu-tả con voi trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Nguyên do chính nằm ở chỗ 'tiền đề' về một khối dân tộc thuần chủng xưa nay vẫn ăn đâu ở đó. Vùng đất đó ngày xửa ngày xưa trống không, không người ở, cho đến lúc bà Âu và ông Lạc kéo một trăm người con trai đến đó sinh sống và lập nên nước Văn Lang (thu hẹp). Tiền đề đó bất chấp mọi đối chiếu với các sự kiện lịch sử cũng như tảng lờ đi thảm kịch ly thân giữa bà Âu và ông Lạc bởi hai người thuộc hai chủng tộc khác nhau. Và cũng không thèm để ý những tộc người nào đã cư ngụ tại đó trước khi hai nhóm Âu và Lạc di dân đến đó. Tiền đề đó cũng rất 245

2 4 5


cứng nhắc và ít khi được cập nhật bởi khám phá mới của khoa học. Thí dụ báo chí gần đây có đăng tải kiểm chứng mt-DNA cho biết người thổ dân Maori ở Tân Tây Lan có gốc gác ở miền Nam Trung Hoa [3]. Những người hoàn toàn đứng ngoài, rất có thể sẽ tự hỏi: 'Nếu Tân Tây Lan xa Hoa Nam đến như vậy mà vẫn có người Bách Việt di dân đến đó, hoặc từ Tân Tây Lan đi ngược trở lên Hoa Nam, thì một xứ lân cận với miền Giang Nam như xứ Việt cổ - không lẽ họ đã không thèm chiếu cố ghé ngang hay sao?' Tuy vậy, quan trọng hơn hết vẫn là việc rất nhiều học giả đã không để ý đến việc hợp chủng xảy ra tại Văn Lang, rồi An-Nam, giữa 3-4 tộc người hơi khác khác với nhau, trong nhiều thế kỷ trước và sau Công Nguyên. Lý do chính có thể nằm ở chỗ: Người Tàu hoặc đã biết nhưng không có thì giờ đào sâu vấn đề, hoặc hoàn toàn không biết hay không để ý, bởi Trung Hoa từ ngàn xưa vẫn có vấn đề tương tự như vậy nhưng to lớn hơn gấp cả trăm lần. Xin đơn cử một hai thí dụ về lối nhận diện người Việt cổ theo kiểu phiến diện. Thứ nhất, hình như bất cứ người Việt nào cũng biết người Việt cổ có tục nhuộm răng xâm mình. Nhưng thường họ lại cho rằng chỉ có người Việt cổ mới có tục đó. Sự thật, không phải như vậy. Gần như toàn khối Bách Việt, các dân Nam Á và Nam Đảo đều có tục nhuộm răng và xâm mình. Nhất là xâm mình, tiếng 'Hán-Hẹ' gọi Văn Thân. Xâm trán (tức Điêu Đề) cũng vậy. Người Maori ở Tân Tây Lan cũng có xâm mình, xâm trán (điêu đề), và luôn cả 'xâm' mặt. Mặc dù, sau này họ thay thế 'xâm' bằng 'sơn' qua loa cho nó tiện và nhanh - nhất là trong những vụ trình diễn trước quan khách hay ngoại giao đoàn. Tục ăn trầu (betel) và cau (areca), thêm chút thuốc lá và vôi, cũng có đầy dẫy khắp miền Đông Nam Á, và trong mấy chục năm nay, giới y khoa lại liên kết với chứng bệnh ung thư. Thứ hai, nhiều nhà nghiên cứu Việt ưa dẫn các công trình của giáo sư Hoa và Âu Mỹ, liệt kê ra các tiêu chí nhận diện người Việt cổ. Nhưng thường không ngờ những tiêu chí đó lại hết sức phiến diện. Chỉ miêu tả được một hay vài bộ lạc trong hằng trăm bộ lạc Âu hay Lạc Việt khác nhau thuở cổ thời. Hoàn toàn phiến diện và thiếu thốn chính xác khi áp dụng đến người Việtnam (cổ). Thí dụ, bài tường trình rất công phu của Jeffrey Barlow [4] đăng tải đầy đủ trên mạng, đã dẫn những tiêu chí theo Yu Tianjin và cộng sự, dùng nhận diện người Lạc Việt (cổ), tóm tắt như sau: 1. Cắt tóc ngắn và xâm mình 2. Nhà xây dựng trên cột hoặc cọc 3. Mặc áo quần váy cụt và ưa chít khăn trên đầu 4. Ưa dùng các thứ trai-sò và động vật vừa ở cạn vừa dưới nước, trong thức ăn 5. Nhổ bớt vài cái răng, thông thường răng hàm trên 6. Đàn ông tham gia giúp đỡ sản phụ trong lúc sinh, và trông coi ấu nhi sau khi sinh 7. Đúc và xử dụng trống đồng, như một nhạc cụ, thể hiện quyền uy, dùng trong việc truyền lệnh và thờ phượng. (Đặc biệt các học giả đều nhìn nhận khối Lạc Việt ở miền biển Đông không có trống đồng. Có lẽ bởi miền Đông có ít mỏ đồng so với miền rừng núi phía trong và miền tây nam.) 8. Dùng xương chim, nhất là xương gà trong việc bói toán 9. Thờ chim, các loại bò sát, động vật vừa ở cạn vừa dưới nước, như vật tổ totem. Phối hợp các tiêu chí văn hoá theo Chen Guojiang và cộng sự, như sau: 1. Tập tục chôn cất trên sườn núi 2. Xử dụng tàu bè rất thành thục và chuyên gia về thủy chiến 246

2 4 6


3. Đồ gốm và sứ trong trạng thái phôi thai được làm theo dạng cân đối hình học 4. Kỹ thuật thêu dệt được phát triển cao độ. Nếu đọc đi đọc lại những tiêu-chuẩn nhận-diện này một vài lần, ai cũng thấy được chúng không thể nào được áp dụng bất biến cho mọi cuộc nhận diện người Âu hay Lạc Việt (cổ). Sơ sơ, chúng ta thấy: (a) Nội chuyện vật-tổ tôtem cũng đã nhức đầu: Liệt kê trên khá rộng rãi, bao gồm gần như đủ thứ: chim chóc, các loại bò sát, động vật 'lưỡng cư'. Chỉ còn thiếu loài súc vật, như dê, nai, chó, ngựa, mà thôi. Thế nhưng, nhiều sách vở cho biết có một số bộ tộc người Di (cũng như người Mông Cổ) thờ con chó như vật tổ [xem bài thứ 15]. Một số bộ tộc người Khương lại dùng con cừu làm totem [5]. Người Lạc Việt ở khu Chiết Giang lại dùng con Heo. Người Choang (Thái-cổ) ở Quảng Tây, bà con gần với người Tày Nùng, lại ưa thờ mặt trăng và có bộ lạc thờ con cóc như totem, v.v. Tức nói chung, chuyện thờ vật tổ totem, thông thường bị giới hạn ngay ở ranh giới của bộ lạc, hoặc một vài bộ lạc láng giềng mang cùng một thứ tộc chủng. Mỗi thứ bộ lạc thường chọn một totem riêng. (b) 'Tập tục chôn cất trên sườn núi' cũng rất khó được xem là tập tục chôn cất của tất cả người Âu-Lạc. Thật ra theo vài trang mạng [6] lối chôn xác người chết trên sườn núi cũng được tìm thấy tại những khu định cư người 'Hán' và thông thường chỉ lòng vòng ở những đồi núi bên sông Dương Tử mà thôi. Mặt khác, ở xứ Việt-cổ, những công cuộc khai quật cho biết có chừng 4 lối mai táng chôn cất khác nhau (xem: Cung Đình Thanh [7]), như đã trình bày trong bài thứ 7: - Chôn kiểu bó gối, tứ chi co quắp. Mộ bó gối tại Mái Đá Điều, Mái Đá Nước, khu Hoà Bình (65% dân người Mường) mang niên đại 17 ngàn năm trước Công Nguyên. - Mộ vò, tức xương người chết tìm thấy trong vò (còn gọi 'lu' hay 'chum') có nấp đậy đàng hoàng. Mộ vò được tìm thấy ở khu Nghệ Tĩnh, có niên đại cỡ năm 2000 TCN. Ở Trung quốc, khu vực Ngưỡng Thiều vào khoảng đời Đông Chu (770-222 TCN). - Mộ thuyền trong đất cạn, tức lối chôn cất trên sườn núi: Cái hòm làm từ thân cây lớn, đục rỗng theo hình chiếc thuyền. Rất ‘phổ biến’ tại phía Tây nước Sở, khu Tứ Xuyên, tức ‘nước' Thục xưa. Tìm thấy ở Hà Sơn Bình, vài trăm năm trước Công Nguyên. Theo thiển ý, mộ thuyền là tập tục mai táng của chủng Thái-cổ. Chủng Thái-cổ di dân đến xứ Việt-cổ bằng nhiều đợt, và đợt ‘mộ thuyền’ là đợt thời Xuân Thu Chiến quốc. - Mộ nằm thẳng, thường thường nằm ngửa, như hiện nay. Lối mộ này phổ biến nhất trong tộc Hoa từ ngàn xưa. Tìm thấy tại Việt Nam ở các địa điểm: Núi Nấp, Quỳnh Chữ, Đông Sơn, vào niên đại khoảng năm 500 TCN, tức cực điểm thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Tàu. Theo thiển ý mộ táng kiểu này là ở đám Lạc Việt (đặc biệt nhóm Hẹ của khối Đông Di) từng sống gần gũi chủng Hoa bên sông Hoàng Hà. Họ đã cóp cách mai táng tộc Hoa và đem sang xứ Việt cổ trên bước đường di tản chung với các chủng khác, như Thái-cổ. Ngoài ra, còn có lối hoả táng rất phổ biến với siêu tộc Để - Khương, vẫn thường sống gần gũi với các nhóm Thái-cổ hoặc Lạc Việt ở Hoa Nam. Cũng chính là người Lạc viết theo bộ Khương và Chuy, một trong những nhóm cư dân tối cổ ở Đông Dương. Theo lối hỏa táng, người chết trở về với cát bụi, không còn dấu vết. Vấn đề nhận diện theo kiểu 'một mặt', tức phiến diện, còn kể đến những tiêu chuẩn khá quen thuộc như 'cắt tóc ngắn' (tiễn phát) đã từng gây tranh cãi lôi thôi [8] bởi nhiều hình chạm trên các trống đồng cho thấy người Việt cổ lại để tóc dài, hay mang tóc búi [12], chứ không 247

2 4 7


phải tóc ngắn. Bộ Thủy Kinh Chú [9] cũng xác nhận có nhiều bộ lạc Bách Việt lại thích kiểu tóc dài, chứ không phải tóc ngắn, hớt 'cua'. Ngoài 5 biệt sắc khá phổ biến như: tiễn phát (cắt tóc ngắn), văn thân (xâm mình), tả nhậm (cài vạt áo bên trái), thuận tay trái, nhuộm răng đen, Bình Nguyên Lộc [8] đã dẫn tiêu chuẩn 'búi tóc' theo Lê Chí Thiệp, rồi đặc biệt nhấn mạnh đến biệt sắc 'điêu đề' (tức xâm trán) dựa trên bài thơ 'Chiêu Hồn' của nhà thơ Tống Ngọc - sau thời Khuất Nguyên (332-296 TCN) [10]. Tác giả quyển Mã Lai, với sự kính trọng hãy còn đó, đã cho thấy ông khá lúng túng khi say mê dựa vào loại tiền đề cố hữu cứng nhắc về 'tộc người thuần chủng'. Xin thử sơ lược một vài khó khăn quyển Mã Lai đã vướng phải như sau: Trước hết, cái bẫy của thuyết Mã Lai (do các học giả Tây Phương, đặc biệt hai anh em họ Sarasin, lăng xê khoảng đầu thế kỷ 20) là dân Đông Nam Á chỉ có một thứ tộc gốc, là tộc Mã Lai. Chia thành 2 đợt: đợt Proto (I) và đợt Deutero (II). Đợt I đến Việt cổ cách đây 5000 năm. Đợt II, cách đây 2500 năm, tức khoảng Xuân Thu chuyển sang Chiến Quốc. (Nhưng đặc biệt, thuyết Mã Lai tránh đề cập mối dây nguyêndo-hậuquả giữa giặc giã thời Xuân Thu Chiến Quốc đối với di tản đợt II). Bởi Thái-cổ, Miêu-tộc, Hẹ, Mân, Ngô, Khương, v.v. cũng đều là Mã Lai, nên rất khó nói lên đám nào chính là đám gốc người Việt cổ. Còn như, nếu nói người Việt (Nam) cổ thuộc đợt I hoặc đợt II, thì tên gọi riêng của họ là gì trước khi họ đến xứ Việt cổ - quyển Mã Lai hoàn toàn tránh né. Thư tịch cổ của Tàu và Ấn Độ hoàn toàn không có ghi nhận một đám nào riêng biệt thuộc Mã Lai I hoặc II, mang đầy đủ cá tính giống người Việt (Nam). (ii) Thêm vào đó, trước sau chỉ có 2 đợt di tản, cách nhau 2500 năm. Trong khoảng 2500 năm đó giữa hai đợt, hoàn toàn, theo mấy tác giả Âu Tây, ai ở đâu ở luôn đó. Không có di tản gì hết. Như vậy khi đợt II ào ạt đến Việt cổ, ở đó đã có sẵn đợt I, làm thế nào hai đợt, I và II, có thể cảm thông và chấp nhận nhau, sau 2500 năm bà con họ hàng xa cách với nhau? Theo toán học, hai đợt di tản này có vẻ thuộc loại hàm số rời rạc, với một ẩn số chứa một trị số đơn mà thôi. Hay thuộc vào thứ phương trình bậc nhất aX+b= c, chứa một ẩn số X, và chỉ một ẩn số X mà thôi. Nguồn gốc một tộc người thuần chủng lồng trong hai đợt Mã Lai riêng rẽ, sẽ cùng một lúc, làm đơn giản lý thuyết, nhưng cũng khiến nó hết sức cứng nhắc, che lấp rất nhiều dữ kiện lịch sử quan trọng, rất khó thích hợp với lối quan sát của ngành khoa học nhân văn. Thí dụ: Việt cổ thuộc đợt I hay đợt II? Thật khó. Nếu nói đợt I thì có tóc dài, có rìu lưỡi liềm, nhưng không có trống đồng. Nói đợt II, có trống đồng, rìu hình chữ nhật, nhưng lại kẹt với tóc ngắn. (i)

Sau đây chúng tôi xin cố gắng kiểm điểm qua một số các tiêu chí thường gặp và thêm vào những 'biệt sắc' tương đối ít khi được miêu tả, người Hoa vào cổ thời, đã từng xử dụng để nhận diện người Âu hay Lạc Việt. TÓC NGẮN Tóc ngắn là một biệt sắc để nhận diện người Việt cổ [11]. Người Tàu gọi [duan fa] tức 'đoản phát', nhưng thường hơn: [jian fa] tức 'tiễn phát' (cắt tóc). Nhận xét 'tiễn phát' cũng như một lô các thứ nhận xét khác có lẽ được 'lăng xê' trong thời Xuân Thu Chiến Quốc, khi người Tàu bắt đầu 'giao tiếp' với các đám rợ thuộc Yueh tộc. Nó cũng giống như khi người Tây phương phát hiện dân Á Châu ưa dùng đũa hay dùng bàn tay để ăn cơm - khi họ đi tìm và khám phá thuộc địa ở những vùng đất này, vào thế kỷ 16. Người Tàu đầu tiên tiếp cận 248

2 4 8


với các đám 'rợ' Yueh, với tư cách 'kẻ cả' đã văn minh, tại các vùng dọc theo sông Dương Tử từ Tây sang Đông. Từ khu Tứ Xuyên xuyên qua khu vực Hồ Bắc của nước Sở năm xưa cho đến khu Chiết Giang của Việt Vương Câu Tiễn. Trước đó khá lâu, họ cũng có gặp những đám rợ Đông Di có địa bàn từ khu vực sông Lạc đến tỉnh Sơn Đông, bên và ngay cả phía Bắc sông Hoàng Hà. Những vùng này thường có nhiều sông và gần biển. Yueh tộc do đó lấy sông biển làm địa bàn sinh sống và bắt buộc phải thăm viếng tiệm hớt tóc thường xuyên, để cắt tóc cho ngắn. Điều này có nghĩa những đám Yueh tộc khác, nhất là dân Âu ở miền rừng núi phía trong hoặc phía Nam không nhất thiết để tóc ngắn. Sự thật, nhiều vụ tranh cãi lôi thôi ở Sàigòn thời thập niên 60's đã xảy ra bởi chỗ các vị tiền bối, có lẽ vì lịch sự, ít khi phản bác lại ý kiến hay kết luận của các học giả Tàu - Tây. Theo đó, nếu đã có một tiền đề 'người Việt cổ tóc ngắn - người Hoa cổ tóc dài', thì cứ thế mà đi tàu suốt. Bởi ... người Việt trước sau chỉ là một tộc thuần chủng, và tất cả đều cắt tóc ngắn. Tranh cãi đó xảy ra bởi nhiều hoa văn trên trống đồng cho thấy rất nhiều hình người xoã tóc dài (thí dụ [8] & [12]), hay búi tóc sau gáy, và để tóc kiểu đuôi gà [12]. Bộ Thủy Kinh Chú [9] cũng cho biết có rất nhiều bộ lạc từ miền Lĩnh Nam [13] trở xuống, ngày trước người ta ưa để tóc dài. Bởi dùng mô hình riêng rẽ hai đợt Mã Lai như đã đề cập phía trên, Bình Nguyên Lộc [8] có vẻ khá lúng túng khi cố gắng tháo gỡ vấn đề tóc dài bị rối nùi từng loọng với nhau. Trước hết ông cho Hùng Vương thuộc Mã Lai đợt I, đám Lạc bộ Trãi chạy giặc thời Hiên Viên Xy Vưu. Đợt I không có trống đồng. Đám này để tóc dài, bởi thư tịch cổ Trung Hoa không có tả Xy Vưu cắt tóc ngắn. Tạm trôi, nhưng rốt cuộc cũng bị rối nùi, khi Bình tiên sinh, ở một chương khác, cho biết chính đợt II đã mang trống đồng đến xứ Việt cổ, dựa trên một truyện cổ tích Mường có ghi trong quyển sách của Cuisinier [17]. Đợt II ưa cắt tóc ngắn 'bôm-bê'. Thế nhưng trống đồng của đợt II lại có hình người Việt cổ xoã tóc dài, hay búi tóc, hoặc để tóc kiểu đuôi gà [12]. Có lẽ sớm thấy chuyện tóc ngắn - tóc dài không ổn, tác giả quyển Mã Lai [8] đã ghi một đoạn ngắn (tr. 829) cho rằng thời trang tóc dài - tóc ngắn có thể thay đổi với thời gian: 'Cả 5 biệt sắc ấy ta đều có, trừ biệt sắc thứ nhứt (tiễn phát) mà sự thay đổi qua các thời đại khiến nó không thành biệt sắc vĩnh cửu'. XÂM TRÁN Sách vở người Hoa viết 'xâm trán' theo tiếng Hán là [diao di], tức 'điêu đề'. Bình Nguyên Lộc [8] đã dựa vào bài 'Chiêu Hồn' của Tống Ngọc, và cho biết dân Man ở phía Nam nước Sở có tục 'điêu đề'. Thư tịch cổ Tàu (như Từ Hải, Tư Mã Thiên), có ghi dân Giao Chỉ và binh sĩ của Đinh Bộ Lĩnh cũng xâm trán như ai. Để ý tiếp, 5 biệt sắc kia: "tóc ngắn, nhuộm răng, xâm mình, cài áo bên trái, thuận tay trái", gần như hầu hết các nhóm tộc người trong khối Bách Việt đều có. Từ đó tác giả quyển Mã Lai bám sát vào 'biệt sắc' điêu đề, cho đó là biệt sắc quyết định nguồn gốc tộc người Việt Nam. Sự thật, các nhà dân tộc học đã cho biết hầu như bất cứ dân tộc nào trên thế giới, tự cổ chí kim, đều có cái vụ xâm mình, gồm cả xâm trán. Đáng kể nhất về xâm trán là: dân da đỏ ở Mỹ Châu, dân Nhật, dân Lapita thuộc khối Nam đảo ở Thái Bình Dương, dân Maori ở Tân Tây Lan, dân Hawaii, v.v. Lý do dẫn đến xâm trán thường khác nhau đối với những tộc người khác nhau. Thường thường theo thói tục bộ tộc. Cũng có thể dùng để làm dấu nghề nghiệp, hay địa vị (như Tù trưởng) trong 'xã hội' nhỏ. Thuở cổ thời, tại Hy Lạp và La Mã 249

2 4 9


người ta ưa xâm trán để làm dấu tù binh và tội phạm. Ở Nhật và Trung Hoa, thời xưa người ta ưa xâm trán với hoa văn để che lấp dấu vết của những vụ trừng phạt trước đó. Thời nay, hồi Saddam Hussein chưa di dân sang Mỹ sinh sống, có tin một vài bác sĩ đã bị hành quyết bởi không tuân lệnh Saddam đem các lính đào ngũ ra xâm trán. Hiện ở Mỹ có cái mốt xâm trán để quảng cáo lấy tiền thù lao, một đợt khoảng $10000 [15]. Ngay ở Trung Hoa vào thời xa xưa, miêu tả về xâm trán dành cho rất nhiều tộc người, không phải chỉ có dân Âu Lạc hay Giao Chỉ mà thôi. Đặc biệt theo Thủy Kinh Chú [9] ở miền rừng núi phía nam sông Uất Thủy (thuộc Quý Châu) có Ly Nhĩ quốc (nước chạm trổ tai) và Điêu đề quốc (nước xâm trán). (Đọc Thủy Kinh Chú ta không tránh khỏi để ý các tác giả dùng từ 'quốc', hết sức xả laáng, tả nước này, rồi đặt tên cho nước kia. Thí dụ: 'Lang Hoang quốc' = nước ở trần ở truồng. Thường không có trong 'chính sử'. Nhiều khi chỉ một bộ lạc nhỏ mang cùng một biệt sắc, họ cũng cứ gọi là 'quốc'. Tuy vậy nước 'Văn Lang' hay 'Xích Quỷ' hoàn toàn vắng bóng trong bộ Thủy Kinh Chú). Ở những chương khác, Thủy Kinh Chú [9] cho biết người Di ở khu Vân Nam cũng có nhiều nhóm xăm trán. Trang 421 của bản dịch [9]: 'Theo Chu Lễ, ở phía Nam có tám giống Man, xăm trán, giao ngón chân, có giống không ăn ngũ cốc.' Như vậy, cho dù có thể đồng ý với tác-giả quyển Mã-Lai rằng người Kha (Lá vàng) mang nhiều biệt sắc, trong đó có 'điêu đề', cho thấy họ là một nhóm thuộc chủng Việt tối cổ [20], 'điêu-đề' tức xăm trán, cũng chưa hẳn là một biệt sắc quyết định chung cuộc để nhận diện người Việt cổ. NHUỘM RĂNG & XÂM MÌNH Nếu phải kể nhầm lẫn nào to tát nhất trong việc nhận diện người Việt cổ, đó phải là 'Nhuộm răng và Xâm mình'. Bởi cả nhuộm răng lẫn xâm mình - nhất là xâm mình - đã có mặt tại nhiều nơi trên thế giới từ ngàn xưa. Nhuộm răng đen rất được phổ-biến ở Nhật cho đến thời Minh Trị Thiên Hoàng mới bớt dần. Có lúc áp dụng cho cả phái nam lẫn phái nữ. Đến thời Edo (tức Sứ quân, thế kỷ 1719), nhuộm răng mới bớt phổ biến phía nam giới, và trở thành cái mốt làm dấu cho phụ nữ đã có chồng. Nhuộm răng cũng rất phổ thông ở khắp miền Đông Nam Á, đặc biệt tại Philíp-pin và In-đô-nê-xia. Tại hai xứ này, ở tuổi dậy thì, người ta còn có tục mài dũa bớt vài chiếc răng cửa. Ở Sumatra tệ hơn, răng bị dũa mòn kinh khiếp, rất đau [16]. Người Kanay ở biên giới Lao-Viet và người Bulang ở Vân Nam, cả hai thuộc chủng Môn-Khmer có luôn các tục của người Việt cổ: nhuộm răng, xâm mặt và ăn trầu. Nhưng nổi tiếng nhất về món nhuộm răng trong khối Bách Việt, còn tồn tại đến ngày nay chính là người Thái ở Vân Nam, thường gọi theo ký âm Âu Mỹ là người Dai. Ở đảo Hải Nam, cách đây vài chục năm người ta vẫn thấy nhiều người hãy còn nhuộm răng. Nhưng nhuộm theo kiểu đa sắc technicolor, gồm cả màu vàng, màu bạc. Nói chung, nhuộm răng chỉ là một trong nhiều biệt sắc của toàn khối Bách Việt, từ thời xa xưa, khác hẳn với chủng Hoa. Người Tàu hoàn toàn không hâm mộ món nhuộm răng này.

250

2 5 0


Xâm mình thì sao? Có lẽ có mặt trên toàn cầu, từ thời xa xưa (cách đây trên 5000 năm) và hãy còn tồn tại cho đến ngày nay [19]. Các kiểu dáng xâm mình nổi tiếng trên thế giới ngày nay bao gồm: Dân da đỏ ở Mỹ, Người bản địa Bắc Mỹ, Da đỏ phía Tây Bắc - Thái Bình Dương, Phi Châu, Ai-Cập, Mayan (Trung Mỹ), Aztec, Hawaiian, Samoan, Maori (nổi tiếng với món xăm mặt), Nhật, Hoa, Ấn, Nhóm Đa Đảo, Inuit, vô thần, Á đông, Thổ dân Úc, Phù phép, Celtic, và theo kiểu 12 con giáp Tử vi Tây phương. Từ tiếng Anh chỉ xâm mình là 'tattoo'. Có tài liệu [16] cho biết tiếng Tahiti 'tatu' mang nghĩa 'đánh dấu / làm dấu'. Người Đa-đảo dùng động từ 'tatao' chỉ 'khỏ' / hay 'đánh khẻ'. Người Samoa gọi xâm mình bằng 'tatau'. 'Tattoo' do đó, rất có khả năng do chính thuyền trưởng Cook cho du nhập vào tiếng Anh từ [tatau] và [tatu], qua những cuộc du hành của ông đến những vùng hải đảo này. 'Xâm mình' vào cổ thời có thể được dùng để đánh dấu là thành viên thuộc một cộng đồng hay tộc người nào đó. Hoặc cho 'thiên hạ' biết niềm tin hay tín ngưỡng của mình. Một cuộc khai quật ở khu Tân Cương (phía Tây Trung Hoa) cho thấy vết xâm trên thân xác ướp (nước đá) của vị tù trưởng có vẻ ghi mỗi một vết xâm mình đã được dùng đánh dấu một đối thủ đã bị hạ. Riêng ở miền Hoa Nam, hay Lĩnh Nam, phụ nữ ngày xưa chỉ 'mê' đàn ông xâm mình mà thôi [9]. Ở phía Bắc Trung Hoa xâm mình đã bị cấm đoán ngay từ thời Tần Thủy Hoàng. Xâm mình cũng bị cấm đoán trong đạo Giu-đà của người Gio-Thái, và trong nhiều thế kỷ trước, không được hâm mộ bên phía đạo Ki-Tô. Ngày trước, xâm mình trong xã hội da trắng thường chỉ giới hạn trong giới thủy thủ, giới anh chị [17] hoặc chốn kỹ nữ giang hồ. Ngày nay, có vẻ trở thành cái mốt cho giới trẻ khắp nơi. Tại Mỹ thống kê [16] cho biết có đến 12 triệu người có ít lắm một nét xâm mình trên thân người. Tại xứ An Nam xưa theo nhiều tài liệu (thí dụ [16]), tục xâm mình rất phổ biến khi Hưng Đạo Đại Vương ra lệnh xâm hai chữ 'Sát Đát' trên tay binh lính, lúc chống quân Nguyên. Nhưng chính cũng từ đời nhà Trần, tục lệ xâm mình bắt đầu phai nhạt dần trong chốn dân gian khi vua Trần Anh Tông (1293-1314), anh của công chúa Huyền Trân, cãi lệnh vua cha từ chối không xâm mình. Như vậy, nhìn chung trái với hiểu biết từ xưa đến nay, nhuộm răng và đặc biệt xâm mình không phải là biệt sắc đặc thù của người Việt cổ. Tuy thế, nhuộm răng và xâm mình lại rất hữu hiệu trong việc nhận diện sơ khởi tộc người nào ngày xưa ở bên Tàu, có thể đã di tản sang, và cuối cùng định cư ở xứ Việt cổ. Thí dụ: người Hẹ cổ, hay người Bách Bộc, miêu tả với chữ Hán 貉 => 'Lạc' viết với bộ Trãi, thuộc đám Đông Di, theo sách Nhĩ Nhã do môn đệ Khổng Tử soạn ([8] & [18]), ngày còn ở khu nước Vệ, nước Trịnh - bên sông Bộc và Hoàng Hà - đã có tục nhuộm răng và xâm mình. Bài đã dài, xin tạm dừng. Chúng tôi sẽ viết tiếp về những tiêu chí đặc biệt khác có thể dùng để nhận diện các nhóm Việt cổ khác nhau, vào thuở cổ thời, đã xuất phát từ những khu vực khác nhau, khắp nơi ở Trung Hoa. GHI CHÚ [1] (i) Một phim kiếm hiệp Hàn quốc 'dàn cảnh đại quy mô' mang tên MUSA 武士 với tài tử khách Zhang Zi Yi của Trung Quốc (nổi tiếng với phim 'Ngọa Hổ Tàng Long' và đầu năm 2006: 'Hồi ức một kỹ nữ geisha'). MUSA tương đương tiếng Việt: VÕ SĨ. [MU] chính là [VÕ] tiếng Việt, mang âm [M] biến chuyển từ [W] tiếng Hán: [WU] => VÕ. [SA] theo tiếng Hán-Hàn chính là SĨ theo Hán-Việt. Tương tự: geisha= nghệ sĩ. (Để ý ngày nay Zhang 251

2 5 1


Zi Yi nói tiếng Anh thông thạo, và đã đổi họ ra phía sau, theo kiểu Mỹ, trong phim 'geisha': Zi Yi Zhang). (ii) Âm-đầu [W] tiếng Hán mang ít nhiều khuynh hướng chuyển sang: (a) [V] theo Hẹ và Sơn Đông; (b) [B] kiểu Phúc Kiến (và Mường + Nam Bộ); và [c] [M] theo tiếng Quảng Đông (cũng thường âm [M] tiếng Hán-Hàn => Võ-sĩ = Musa). * Biến chuyển giữa [M] và [B] đã đưa đến phân biệt giữa hai từ 'mua' và 'bán' trong tiếng Việt. Tất cả phương ngữ tiếng Hoa kể cả nhóm Hmong đều xử dụng cùng một âm vị cho 'mua' và 'bán'. Nhưng chỉ đổi thinh (tức dấu tiếng Việt). MUA= mãi => Quanthoại [măi] = hakka [mai]-1= Miêu [mua]-g. BÁN= mại => Quanthoại [mài] = hakka [mai]-3= Miêu [mua]-s. Trong khi Phúckiến, dùng âm đầu 'B' cho cả 'mua' và 'bán': MUA= [be]-2. BÁN= [be]-7. Quốc-ngữ đã xử dụng âm [B] Phúc-kiến cho 'BÁN' và 'M' của các phương ngữ kia cho 'MUA'. Một đổi mới của quốc-ngữ rất hay và hữu hiệu, để lại một chút dấu vết lịch sử cho MUA & BÁN. * Chúng tôi cũng tìm thấy biến chuyển giữa 'M' và 'B' trong bộ Thủy Kinh Chú [9]. Trong đó có ghi 'Man-Cốc' quốc-đô xứ Tiêm-La, tức Xiêm La hay Thái Lan ngày nay. 'Man-cốc' cho thấy biến âm từ 'B' sang 'M': 'Man-cốc' <=> Băng-cốc => Bangkok. Người Quảng Đông ngày nay vẫn gọi ‘Mân-Gkok’ cho ‘Bangkok’. Biến chuyển [V]-Hẹ => [M]-Quảng cũng có thể tìm thấy trong quyển tiểu thuyết 'Mẹ ghẻ con ghẻ' của Hồ Biểu Chánh, trong đó thay vì xử dụng liên từ 'với lại' {Hôm gwa, wa không đến nhà em là tại wa bị bận, 'với lại' wa mắc đi gánh nước} - Hồ Biểu Chánh đã dùng 'mới lại' thay vì 'với lại', theo kiểu Thái-cổ và tiếng Quảng Đông. [V] mang khuynh hướng biến chuyển sang [M] trong tiếng Quảng Đông ngoài biến chuyển với [B] theo kiểu PhúcKiến (+ Mường, Nam bộ). 'Với lại' có thể cùng gốc với: 'vả lại'. [2] http://www.etymonline.com [3]http://www.time.com/time/magazine/1998/int/980907/south_pacific.history_i9a.html Kiểm chứng vội của chúng tôi cho thấy người Maori đặc biệt giữ âm đầu [NG] của các NGười Bách Việt ở Hoa Nam như Quảng Đông, Hakka, Việt. Họ cũng có âm [W] của Quanthoại và Quảng Đông. Thí dụ: Ngahau = vui chơi. Ngaronga = vắng mặt. Kawanga= cống hiến, trịnh trọng. Rawaka= nhiều, đầy đủ. Waka= tàu bè. Đặc biệt: {Con chó} họ gọi [kuri] rất giống tiếng Hẹ ở Indônêxia: [Kuli] trong đó có âm [ku] chính là biến âm của [Cẩu] - từ 'Hán-Việt' mang nghĩa 'con chó'. 'Tôi' họ gọi [au] hay [aku] rất giống [ai] trong tiếng Hẹ, và y hệt [aku] trong các tiếng Mã-Lai, Khả, cũng như tiếng Mạ. 'Chúng tôi' => [tătau] hay [taua], có vẻ khá giống 'tụi tao' hay 'tao' trong Việt ngữ. [4] Jeffrey Barlow (2005) The Zhuang: A Longitudinal Study of Their History and Their Culture. http://mcel.pacificu.edu/as/resources/zhuang/contents.html [5] Chiêm Toàn Hữu - Lý Tinh Ích (hiệu đính) (2004) Văn hoá Nam Chiếu Đại Lý. Bản dịch: Nguyễn Thị Thanh Huệ, Nguyễn Mai Lan, Nguyễn Hương Giang, Phan Minh Thanh. Nxb Văn Hoá Thông Tin. [6] Cliff burial: http://www.travelchinaguide.com/picture/yangtze/wanxian/0018441.htm & http://www.chinadaily.com.cn/english/doc/2004-02/14/content_306114.htm [7] Cung Đình Thanh (2003) Tìm về nguồn gốc văn minh Việt Nam dưới ánh sáng mới của khoa học. Nxb Tư Tưởng. Sydney - Australia [8] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu (tái bản tại Hoa Kỳ). [9] Lịch Đạo Nguyên chú, Dương Thủ Kính, Hùng Hội Trinh sớ, Đoàn Hy Trọng điểm hiệu, Trần Kiều Dịch phúc hiệu (1999) Nguyễn Bá Mão dịch (2005). Thủy Kinh Chú Sớ. Nxb Thuận Hoá. Bộ 'THỦY KINH CHÚ' do các học giả người Hoa soạn từ thời Tam Quốc 252

2 5 2


(220-265), chuyên về miêu tả sông ngòi, núi non khắp nước Tàu, kéo đến xứ Lâm Ấp ở trung-bộ nước Việt Nam ngày nay, kèm với các điển tích lịch sử xa xưa. [10] Khuất Nguyên (Qu Yuan) là một nhà thơ yêu nước lớn của Trung Hoa. Làm quan nước Sở, can ngăn vua Sở đừng lọt vào âm mưu của vua quan nước Tần, mà hãy liên minh với nước Tề ở phía Đông. Vua không nghe theo ông, ông bị giáng chức và tống đi lưu đày về miền Lĩnh Nam. Về sau, trên đường lưu vong, ông nghe tin vua Sở bị sát hại, đâm tuyệt vọng ôm đá nhảy xuống sông Mịch La tự trầm. Đó là ngày Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5 - một ngày hết sức nóng ở Trung Hoa. Có thuyết cho Khuất Nguyên mang dòng máu Việt (Âu hoặc Khương) xuất từ khu vực Tứ Xuyên (tức nước Thục xưa). Ông rất nổi tiếng với áng thơ như Ly Tao, Cửu Ca, v.v. thuộc thể thơ Sở Từ. Tống Ngọc (Song Yu), khoảng 290-223 TCN, cũng là một nhà thơ trong cùng trường phái Sở Từ với Khuất Nguyên, nhưng thuộc đời sau. Có giả thuyết cho Tống Ngọc là cháu Khuất Nguyên. Nhiều học giả hiện vẫn tranh cãi về tác giả bài 'Chiêu Hồn' (Zhao Hun) - giữa Khuất Nguyên và Tống Ngọc. [11] Xin nhắc lại: 'Lạc Việt' là một từ dễ bị nhầm lẫn nhất. Tại Trung Hoa, các học giả thường dùng 'Lạc Việt' để chỉ người Việt cổ thuộc chủng Thái. Lạc Việt có địa bàn trên toàn thể miền Hoa Nam, tức phía Nam sông Dương Tử. Có lẽ trừ hai ngoại lệ lớn là người Hẹ & người Hmong-Dao, tức Miêu tộc. Ngày nay họ vẫn dùng 'Lạc Việt' để chỉ gốc gác các khối dân tộc ít người, ở Hoa Nam. Bất cứ người nào có tổ tiên xưa thuộc chủng Việt hay Lạc hiện sống ở vùng 'Kinh' nói tiếng Hoa, đều được xem Hán tộc thuần túy. Họ đã quên đi hai từ xưa dùng để chỉ chủng Thái cổ: Thái (phát âm [Dai] hoặc [Cai] hay [Nong] quanthoại, [Tày] / [Nùng] quốcngữ, v.v.), và [Ou] tức 'Âu' của xứ Tây Âu, bao gồm phần lớn Quảng Tây ngày nay. Jeffrey Barlow [4] tuy không phân biệt rõ giữa Ou (Âu) và Luo (Lạc), nhưng ông đã phân biệt rất chính xác đám Việt ở phía Bắc và miền bờ biển, với đám Việt ở phía Nam và miền trong. Chúng tôi, lần đầu tiên đã thử phân biệt Âu và Lạc và thấy rõ sự phân biệt này đã giúp ích rất nhiều trong tìm hiểu gốc gác tộc người Việt Nam. Do đó chúng tôi xin đề nghị dùng 'Việt-cổ' thay cho 'Lạc Việt', xưa nay thường dùng để chỉ người Việt khi còn ở bên Tàu. Ngoài ra, loạt bài này đã xác định được người Hẹ chính là người Lạc Việt tối cổ ở miền cực Bắc nước Tàu. Chữ 'Hẹ', mang nghĩa tên một bộ tộc du mục cổ thời ở vùng sông Hoàng Hà, viết theo tiếng Hán 貉 còn đọc [Luo] tức 'Lạc' trong họ Lac của Lạc Long Quân. [12] Phạm Minh Huyền - Nguyễn Văn Huyên - Trịnh Sinh (1987) Trống Đông Sơn. Nxb Khoa Học Xã Hội. [13] Lĩnh Nam còn gọi Lĩnh ngoại, chỉ phía nam rặng Ngũ Lĩnh. Đại khái vùng Hoa Nam hay Giang Nam, phía nam sông Dương Tử (Trường Giang). [14] 'Hẹ' = 'Hạc' cho thấy một thí dụ tiêu biểu về lối phiên thiết để tạo nên âm quốc ngữ cho từ gốc 'Hán'. Tình trạng này thường xảy ra vào những thập niên 40-60 tại Việt Nam. Do ở việc chữ quốc ngữ các tôn sư để lại luôn luôn thiếu thốn một số từ ít dùng, cả Nôm lẫn Hán. Lúc đó phiên âm chính thức cho tiếng Tàu - gồm tất cả phương ngữ kể cả giọng Bắc Kinh hãy còn thiếu thốn hoặc chưa có. Nhất là vấn đề thinh, tức thanh điệu định đoạt dấu (sắc hỏi ngã, v.v.). Thêm vào đó trong mỗi phương ngữ, mỗi một từ lại có thể mang nhiều thinh khác nhau tùy theo địa phương, và tùy theo từng bộ lạc gốc ở thời xa xưa. Các tiền bối đã, một phần áp dụng - một phần tạo dựng, các quy luật về phiên thiết để tạo nên vần quốc ngữ cho các từ ít dùng. Hoàn toàn không có đảm bảo các từ 'tân tạo' đó đã được phát âm y như vậy hay không, vào những thế kỷ trước, tại xứ An Nam. Thí dụ: Nôm = Nam, có thể đổi thành Nồm (gió Nồm). 'Tả Nhậm' (vạt áo ở bên trái) - 'Nhậm' theo tự điển Đào Duy Anh lại viết thành 'Nhẫm'. Sông Hồng ngày xưa gọi Nhị Hà, xuất xứ từ biển hồ Nhĩ Hải (Er Hai) ở Vân Nam. Thành ra Nhị Hà vẫn có thể mang phát âm khác: Nhĩ Hà. Một tác giả của Thủy Kinh 253

2 5 3


Chú có tên 'Lịch Đạo Nguyên', Bình Nguyên Lộc phiên thiết thành 'Lệ Đạo Nguyên'. Họ Lê viết như 黎 theo tiếng Hán chính là [Li] của khối Cửu Lê (Jiu Li - Cửu Ly), còn gọi rợ Đông Di, bao gồm Miêu tộc (Hmong) và những nhóm Lê khác, ngày nay đang có khuynh hướng phiên thiết trở thành [Ly]. Trở lại chuyện phiên thiết [Luo] hay [He] thành [Hạc]. Chữ [Hạc] quốc-ngữ có lẽ đã gợi ý cho một học giả Việt lập nên giả thuyết totem dân Việt Nam là 'con chim Hạc' 鶴. Chúng tôi, với nhiều kính phục, thấy rất khó đồng ý với quan điểm này dù rằng có nhiều hoa văn trống đồng mang hình nhiều con chim. Nhưng cũng thường kèm theo những con thú khác như: trâu, bò, hươu, v.v. Và cũng có con cóc. Lý do: (i) Có thể đặt nghi vấn về độ chính xác của phiên thiết 貉 [Hẹ] thành [Hạc]. Người xưa có thật phát âm [Hạc] hay không khi họ muốn nói đến từ 貉. Nếu có phát âm đó chủng nào ưa xử dụng nhất. (ii) Chữ [Hạc] chỉ con chim tương ứng với từ khác: 鶴 với thành phần cấu trúc không liên hệ đến từ 貉 kia. (iii) Các học giả người Hoa ưa mò totem từ chính lối viết chữ tiếng Hán, chứ không phải theo âm gần giống. Thí dụ: Nếu họ xem vua Đại Vũ (Da Yu 大 禹) đầu đời Hạ như một nhóm tộc người, họ đặt giả thuyết totem nhóm đó là con sâu Vũ, dựa trên lối tượng hình hay ý nghĩa của chữ viết. Thành ra nếu dùng từ [Lạc] hay [Hẹ] 貉, để truy ra totem, totem đó theo ý nghĩa của từ chính là 'con chó mõm nhọn' chứ không phải chim Hạc. Và: (iv) Ở miền Giang Nam, thường mỗi một bộ tộc có một totem khác nhau, dù họ có thể cùng một tộc gốc. Do đó nếu các tộc Việt-cổ có totem, họ phải có khá nhiều totem khác nhau. Không thể nào chỉ có mỗi một totem. [15] http://www.japantimes.co.jp/cgi-bin/getarticle.pl5?fb20050717dr.htm http://www.crystalinks.com/tattoo.htm http://news.com.com/2061-10786_3-5770822.html [16] http://www.thingsasian.com/goto_article/article.897.html http://www.tattoojohnny.com/modern-tribal-tattoo-designs.asp http://www.tattooheaven.com/CentAsia.html http://www.powerpassion.nl/tattoo-and-body-piercing/tatinfo.html http://www.quangduc.com/xuan/32namty.html Dũa răng: ở VN ngày trước có kiểu nói ‘người CÀ RĂNG căng tai’ [17] Jeanne Cuisinier (1946) Les Mường, Géographie et Sociologie humaine. Institut d'Ethnologie. [18] Lê Quý Đôn (1726-1784) Vân Đài Loại Ngữ (1773). Tạ Quang Phát dịch. Nxb Văn Hoá Thông Tin (1995). Trọn bộ 3 tập. Trong Vân Đài Loại Ngữ, Lê Quý Đôn so sánh cau Việt và cau Quảng Đông, cho biết thứ nào chát hơn hoặc ngon hơn. [19] 'Xâm mình' trong giới anh chị, phải kể đến nhóm Yakuza ở Nhật. [20] Kiểm chứng riêng của chúng tôi dựa trên các dữ kiện ở quyển Mã Lai [8], cho biết người Kha (Lá Vàng) mang đủ thứ biệt sắc người Việt cổ. Có thể ban đầu từ khối Đông Di, di tản sang miệt xứ Ba - Thục ở vùng Tứ Xuyên, rồi đổ xuống khu vực Vân Nam - Quảng Tây. Chính món canh chua (Việt) và Tom-Yum (Thái) có thể xuất xứ từ món canh chua và cay của dân Việt cổ xưa ở Tứ Xuyên - vùng đất đỏ. [21] Âm tương đương [M]  [W] quanthoại còn thể hiện qua: Mùng (màng) dùng để chặn muỗi: Mùng = 網 Hẹ phát âm [miong]3&5. Quảng [mong]. Quanthoại [wang]3. Ngô [moZ]. Mân [bang]. Hàn (Hán Hàn – Korea) [mang]. Thai & Khmer: [MUNG]. [M] (mùng) => [W] (wang) quanthoại. [Wang] 網 hiện viết gọn thành 网 [Wang] (võng) mang nghĩa ‘lưới’ => wang jiu = võng cầu = quần vợt tennis.

254

2 5 4


Thử đọc lại truyền-thuyết Hùng-Vương (17): Phần III: Tiếp-tục nhận-diện người Việt cổ Những ai thích đào sâu các vấn đề cổ sử trình bày ở đây đều có thể xem lại tất cả các thứ tin liệu hoặc tài liệu sử sách, cho dù và kể cả bộ Đại-Việt Sử-Ký Toàn-Thư của Ngô Sĩ Liên, với một ít tinh thần khách quan, kèm theo chút ít kiểm chứng. Từ đó, chúng ta sẽ thấy, rất dễ, nhiều điểm hiển nhiên hết sức lổng chổng, từ xưa đến giờ chúng ta vì lý do này hay lý do nọ, đã mặc nhiên chấp nhận, không một chút thắc mắc. Xin phép đưa ra một vài thí-dụ. Trước hết vấn đề nước này giao-tác với nước kia. Đọc 'chính sử' của Ngô-Sĩ-Liên [1], chúng ta có thể để ý ngay, trong thời nhà Tần, bộ binh và kỵ binh của Tần Thủy Hoàng không hề kéo gần đến khu vực biên giới Việt-Hoa ngày nay. Quân Tần thật sự chỉ choảng nhau với 'nước' Tây Âu, tức các bộ lạc lớn ở khu vực Quảng-Tây ngày nay, mà thôi. Như vậy, xem lại truyền tích, với chút ít kiểm chứng, một vị anh hùng nước Việt (cổ) to khoẻ như Lý-ÔngTrọng [1] [2], không có cách gì đi lạc từ khu sông Hồng lên đến miệt sông Hoàng Hà rồi gia-nhập quốc-tịch Tần, mang 'quân-hàm thiếu-tướng' cầm quân đi đánh giặc chống Hung Nô cho nhà Tần được. Bởi lẽ muốn cỡi voi hay ngựa, hoặc cuốc bộ, từ khu Hồng-Hà lên đến Hoàng-Hà, họ Lý phải xuyên qua bao nhiêu núi rừng, và trên 1000 bộ lạc dữ tợn khác nhau. Sự tích Lý Ông Trọng, nếu có, bắt buộc phải bắt nguồn từ các cộng đồng Việt tộc, khi xưa hãy còn sinh sống ở các khu vực gần sông Lạc hay sông Bộc, nhất là gần nước Tần ở phía cực Bắc nước Tàu. Câu chuyện Thánh Gióng Phù-Đổng Thiên-Vương cũng tương tự như vậy. Ngày nay, nếu tra cứu internet, chúng ta sẽ thấy ở thời Ân (Thương), ranh giới về 'nước' của chủng Hoa-Hạ thật ra chỉ bao gồm chừng 2-3 tỉnh như Sơn Tây, Hà Bắc và Hà Nam, bây giờ. Xứ Văn Lang, nếu có, lại quá xa xôi, không có mâu thuẫn lãnh thổ hay kinh tế gì, hoặc ân oán giang hồ, với nước Ân Thang hết. Lại có hằng ngàn 'nước' trái độn nằm ở giữa, mang nhiều thứ chủng tộc và tiếng nói khác nhau. Thành ra không thể có chuyện giặc giã giữa 2 'cường quốc' Ân và Văn-Lang với nhau. Tuy vậy, câu chuyện vẫn có thể xảy ra, và Thánh Gióng vẫn có khả năng có thật, nếu nghĩ rằng người anh hùng trẻ tuổi ở làng Phù Đổng đó, đã cầm quân chống giặc Ân thật, khi bộ tộc của người, và làng Phù Đổng nguyên thủy, hãy còn tạm cư đan xen với Hoa-tộc ở vùng phía Bắc sông Dương Tử và phía Nam sông Hoàng-Hà. Nếu muốn đi thêm vào chi tiết để hỗ trợ cho luận cứ Thánh Gióng xuất hiện khi dân Việt còn ở bên Tàu, chúng ta cần để ý thêm: (i) Thời đại nhà Ân bên Tàu ở vào khoảng những năm: 1700-1100 TCN. Thời Hùng Vương thứ 6 theo truyền tích Thánh Gióng xảy ra khoảng năm 1950 TCN, tức trước nhà Ân ít nhất cũng 250 năm. (ii) Thánh Gióng có con ngựa bằng sắt - vào khoảng năm 1950 TCN, trước khi Sắt được xử dụng tại Trung Hoa trên dưới 1000 năm. Thời đại đồ Sắt bắt đầu vào các thời điểm khác nhau, tại các nơi khác nhau trên thế giới, nhưng sớm nhất cũng cỡ năm 1400 TCN. Ở Trung Hoa mãi đến đời nhà Đông Châu (khoảng năm 600 TCN) mới khởi sự thời đại Sắt. 255


(iii) Con Ngựa xuất hiện đầu tiên trên địa cầu với hình thù khác, cách đây cũng cả chục triệu năm. Nhưng Ngựa tiến hoá, và trở nên thuần thục phục vụ cho loài người cách đây chỉ khoảng 3000 năm, tức vào khoảng đầu đời nhà Châu (năm 1100 TCN). Vào thời Hùng Vương thứ 6 (khoảng năm 1950 TCN), có lẽ ở khắp nơi trên thế giới rất ít người biết con ngựa là thứ con gì. (iv) Nếu để ý đến các cuộc khởi nghĩa của bà Trưng (năm 40) và bà Triệu (năm 246), xảy ra sau thời Thánh Gióng ít lắm cũng 1000 năm. Các vị anh hùng dân tộc, tư lệnh quân sự, phái nữ này hãy còn dùng con woi để ra trận, thì chuyện Thánh Gióng dùng ngựa (dù đó một con ngựa thần thoại bằng sắt) đánh giặc phải là một chuyện thiếu thốn cơ-sở lôgích. Tuy vậy gần như tất cả những điểm lấn cấn này có vẻ có khả năng được giải toả êm xuôi nếu ta xem truyền tích về Thánh Gióng đã xảy ra tại vùng trong bên Tàu, khi nhiều bộ tộc chủng Việt hãy còn cư trú tại đó, chưa di cư đến xứ Việt cổ tại bình nguyên sông Nhĩ-Hà. Tin tức đăng tải trên báo chí Tây Phương vào đầu năm 2006 [3] cho biết một cuộc khai quật gần đây đã tìm được bộ xương của người đàn bà cao cỡ 1.50 thước, khoảng tuổi 20-30, chôn vùi tại Phú Thọ (cách Hà-nội khoảng 80 km) cùng với hằng trăm thứ đồ gốm, cách đây 3200-3700 năm, vào thuở thời-đại đồ Đồng. Mẩu tin đã vội vàng kết luận rằng cuộc khai quật ở Phú Thọ đó, đã cho bằng chứng sớm nhất về triều-đại Hùng Vương. Sự thật từ xưa đến nay, ngành khảo cổ khai quật vẫn chưa có đầy đủ chứng liệu để có thể xác nhận sự hiện hữu thời Hùng-Vương như một 'triều-đại' theo sát ý nghĩa chính xác kèm theo mô hình của các vương quốc bên Tàu ở thời Xuân Thu Chiến Quốc, hay bên Ấn Độ vào khoảng đức Phật Gautama ra đời. Trên phương diện này, Chử Văn Tần [4] đã miêu tả nước Văn Lang của các vua Hùng như một thứ 'Tù Trưởng Quốc', rất có khả năng chưa đạt đến tiêu chuẩn 'triều đại' kiểu các nước như Yên, Tề, Hàn, Ngụy, Tần, Sở, v.v. Ngay ở bên Tàu, giới khoa học hiện chưa xác nhận được nhà Hạ (với 18 đời vua) đã có thật hay không, và chỉ xác nhận được nhà Ân (Yin) còn gọi nhà Thương (Shang), khoảng năm 1766 đến 1121 TCN, bao gồm 30 đời vua. Mặt khác, tin tức từ báo chí, rồi các sách sử chép đi chép lại, rất thường mang khuynh hướng không khắt khe phân biệt giữa 'văn-hoá' và 'văn-minh' [5]. Dù rằng có thể nói khác biệt giữa 'văn-hoá' và 'văn-minh' còn tùy thuộc vào các lối định nghĩa khác nhau, nhưng có vẻ mọi người có thể đồng ý với nhau rằng 'văn-hoá' là một thành phần nòng cốt, hay một 'tập-hợp-cấp-dưới', của 'văn-minh'. Có văn-minh thì chắc chắn có văn-hoá, nhưng có văn-hoá không nhất thiết đã có văn-minh. Bởi văn-minh rất thường đòi hỏi một tiêu chỉ hết sức cơ bản. Đó là đời sống và tổ chức thị trấn hay thành thị. Durant [5] nhấn mạnh điểm này khi cho biết nếu đồ vật khai quật được chỉ gồm toàn đồ gốm, đồ trang sức hay mộ táng, v.v. - người ta chỉ có thể nói di chỉ ấy cho thấy một văn-hoá nào đó vào thuở cổ thời mà thôi. Muốn được nâng cấp lên 'văn-minh' di-chỉ đó phải có dấu vết của 'thành quách' và một hệ-thống đường xá khá rộng rãi. Văn-minh do đó rất khó tách rời khỏi ý-niệm về tổ-chức nhà nước. Để ý tài liệu internet về các di-chỉ khai quật lớn bên Tàu ngày nay, người ta chỉ dùng từ 'văn-hoá', thí dụ: địa điểm văn-hoá Long-Sơn [Long-Shan], chứ không dám dùng 'văn-minh' (xem [6]). Trở lại chuyện Lý Ông Trọng và Thánh Gióng. Lịch sử di dân nhiều nơi trên thế giới, xưa và nay, cho biết những 'người-thay-đổi-chỗ-ở' thường có khuynh hướng mang tên thành thị, làng mạc cũ của mình, và đặt lại cho chốn định cư mới. Thí dụ: Little Tokyo ở Los Angeles, Little Saigon ở Orange County. Canterbury là một 'quận' lớn ở Anh Quốc. Thành phố 256


Sydney và Melbourne ở Úc, cả hai đều có thị xã mang tên Canterbury. Tại thành phố Christchurch ở Tân Tây Lan, Canterbury là tên một đại học khá cổ kính rất giống kiểu 'Ăng Lê'. Ở bang Minnesota bên xứ Hoa Kỳ cũng có một công viên thật lớn mang tên Canterbury. Những tên quen thuộc khác như New England, Liverpool, Brighton, v.v. cũng rất dễ tìm thấy tại các nước như Úc, Mỹ, Canada, và Tân Tây Lan. Tương tự, nhiều chuyện cổ tích cũng được gói ghém mang theo hành trình của người di cư. Như chuyện viễn chinh của Ulysses trong cổ tích Hi Lạp, bỏ lại vợ dại con thơ. Đến khi trở về Ulysses phải chứng tỏ mình là người hùng năm xưa bằng cách giương một cây cung cũ thật cứng. Có một truyện thần thoại Ấn Độ cũng na ná như vậy [5]. Trong bối cảnh xứ Việt cổ, quyển sách về người Mường của Cuisinier [7] có kể một chuyện cổ tích của người Mường về Bà Cua On, một trong những người vợ của bua Hùng Wương, mà nhiều mường bản ở khu Hoà Bình vẫn còn thờ phượng. Bà Cua On, sau khi chồng mất, trở về mường cũ sinh sống cho đến khi qua đời. Về sau bà hiển thánh nhờ sự trợ giúp hai con cá vàng. Điểm đáng chú ý là câu chuyện cổ tích về Bà Cua On, có một phó bản y hệt như vậy, nhưng ở tại xứ Putri Sadong của Mã Lai. Đặc biệt xứ Putri Sadong là một nơi không có động đá núi vôi như ở Hoà Bình, nhưng truyện cổ tích Mã Lai về một bà Chúa qua đời, sau thành thánh thần nhờ hai con cá vàng, lại mang bối cảnh động núi đá vôi như của khu Hoà-Bình. Sự giống nhau giữa hai chuyện cổ tích Mã-Lai và Hoà-Bình do đó có thể dùng để lý giải cho những truyền tích thiếu thốn lô-gích về không-gian và thời-gian như chuyện Lý Ông Trọng và Phù Đổng Thiên Vương. Có nghĩa, làng Chèm (huyện Từ Liêm) của Lý Ông Trọng [8] hay làng Phù Đổng, nguyên thủy, của Thánh Gióng, nếu có, có lẽ nằm ở phía Bắc sông Dương Tử và gần sông Hoàng Hà. Khi các nhóm Việt tộc thuần túy hãy còn sống đan xen với khối tộc người Hoa Hạ, vào thời huyền sử xa xưa. Bây giờ xin hãy trở lại việc nhận diện các nhóm tộc Việt cổ, vào lúc họ còn ở bên Tàu. Trong bài trước, chúng ta đã xem qua: (a) Đầu chít khăn; (b) Tóc ngắn; (c) Xâm trán; (d) Nhuộm răng; và (e) Xâm mình. Bây giờ, xin tiếp tục quan sát tiếp những biệt sắc sau. TỴ ẨM 'Tỵ ẩm' mang nghĩa nôm-na: 'uống nước bằng mũi'. Thường cho là một biệt sắc của các nhóm Yuet tộc phía Nam sông Dương Tử, nhắc đến nhiều lần trong bộ 'Thủy Kinh Chú' [10]. Đại khái: 'người Nam Man ăn bằng miệng và uống bằng mũi', trích dẫn như sau: - 'Theo Hán thư 'Giả Quyên Chi Truyện' người Lạc Việt bắt chước nhau uống bằng mũi'. - 'Nam Việt Vương Triệu Đà, theo tục của người Di phương Nam, búi tóc ngồi chồm chỗm. Búi tóc dài ở đây có lẽ nói búi tóc của người Di. Ăn bằng miệng, uống bằng mũi'. Có vẻ rất phản khoa-học, nhưng gần đây lại có nhiều tin-liệu từ internet (thí dụ: [9]) cho biết thói tục này khá phổ biến trong các cộng đồng Yue tộc ở Hoa Nam. Trong kiểu uống nước bằng mũi này, người uống hít nước hay chất lỏng (như Coca Cola) vào mũi. Sau đó, nước hay chất lỏng tự nhiên theo đường trong của mũi, chảy xuống cuống họng, thực quản, rồi thẳng xuống dạ dày. Nếu không tin chuyện 'uống bằng mũi' có thật, người ta có thể nghĩ rằng một số tộc người du mục hoặc còn man dã ở Hoa Nam [11], ngày trước thiếu thốn chén bát ly tách nên có 257


thói quen múc nước bằng cách chụm hai bàn tay lại với nhau. Sau đó họ úp mặt vào lòng bàn tay mà uống nước. Người đứng xa xa không biết uống nước cách đó có thể ngỡ rằng người uống nước với hai bàn tay chụm lại đó, đã uống bằng kiểu hít vào mũi. Theo thiển ý, người Hoa, vào đời sau, một phần có lẽ khi thêu dệt thêm lối uống nước bằng mũi của Việt tộc, họ đã dựa vào một câu chuyện về lối chiêu hiền đãi sĩ của Việt Vương Câu Tiễn, chúng tôi đã tình cờ phát hiện khi đọc 'Thủy Kinh Chú' [10]. Đại khái, ngày xưa khi nước Việt bị nước Ngô đánh bại, Việt Vương dẫn một đám tàn quân và hơn 5000 dân chúng đến ở núi Kê Sơn, thuộc Cối Kê. Vua nhún mình đãi kẻ sĩ, thi ân từ trên xuống dưới. Lúc vua thu mua được nhiều rượu, ông sai binh sĩ đem trút xuống khu thượng lưu sông Chiết Giang. Rượu hoà với nước sông chảy xuống phía dưới. Dân và binh sĩ cắm trại hoặc sinh sống hai bên bờ sông, được phép 'tỵ-ẩm' thả cửa. Uống tới xỉn mới thôi. Nhưng sau khi hết xỉn, tinh thần chiến đấu gia tăng gấp bội. Việt tộc có lẽ bắt đầu nổi tiếng với lối 'uống bằng mũi' từ truyện tích 'uống rượu bằng cách úp mặt xuống sông Chiết Giang' tại Cối Kê ở thời Câu Tiễn, kể trên. TẢ NHẬM 'Tả nhậm' tức cài vạt áo ở phía bên trái. Người Hoa, xưa và nay, lại cài vạt áo bên phía tay mặt. 'Tả nhậm' cho thấy thói tật cố hữu của loài người, thời nào cũng vậy. Hễ tộc người mình ưa làm cái gì với một khối đa số, ai làm gì hơi khác bị cho là lập dị, chướng, ngược đời, man di, chưa văn-minh, gàn, v.v. Thí dụ: Trong thập niên 1940's, thế giới bắt đầu biết đến người Mỹ qua lính GI của họ. Lính GI có cái mốt bắt buộc là cắt tóc ngắn. Thế giới (nhất là thế giới thứ 3) từ chỗ để ý mấy anh chàng GI, hay trước đó họ đã để ý lối cắt tóc ngắn của người da trắng qua lại buôn bán hay cho việc thuộc địa, hoặc mấy cố đạo, nên có khuynh hướng cho văn-minh là phải đi tiệm hớt tóc đàng hoàng. Đùng một cái, vào giữa những năm 1950 tại Sàigòn nghệ sĩ Trần Văn Trạch để tóc dài, và lập tức được gán cho biệt hiệu 'quái kiệt'. Ở phương trời Âu Mỹ, và đi sau quái kiệt họ Trần cũng 5-7 năm, ban nhạc The Beatles cho lăng xê trở lại mốt đàn ông để tóc dài. Mốt đàn ông tóc dài trở nên khá thông thường và khá phổ biến cho đến ngày nay, nhất là sau khi phong trào Hippies ra đời trong khoảng thập niên 1960's, tiếp tay với ban The Beatles. Thí dụ khác: Thuận tay trái, tay phải (mặt). Đa số (90%) con người thuận tay phải. Người Âu Tây lấy thế tay phải là thế 'chính thống'. Họ gọi 'phải' là 'right' (Anh) hay 'Droit' (Tây) mang nghĩa chính là 'đúng', 'thẳng', 'lề luật', hay 'quyền lợi (chính đáng)'. Thuận tay trái, thường bị xem như 'không chính thống'. Tiếng Latinh 'sinister' (= bên trái) chuyển sang Anh ngữ mang nghĩa như 'quái gở', hay 'nham hiểm, hung ác'. Tiếng Việt cũng nhanh chóng bỏ lối gọi cổ Việt là 'đăm và chiêu' [16], hoặc kiểu Tàu: 'tả và hữu' (trái và mặt) chạy theo Tây gọi 'Trái và Phải', theo nghĩa: 'sai và đúng' [17]. (Xem tiếp phía dưới). Lối mặc áo với vạt cài 'nút' bên phía trái có lẽ thịnh hành trong các cộng đồng Yuet tộc tại các nước đã bắt kịp văn-minh Hoa Hạ như Sở (khu Động Đình Hồ), Ngô và Việt. (GiangTô / Chiết-Giang). Người Hoa lại luôn luôn cài áo bên tay phải. Trái lại, nhiều tượng người bằng đất nung đào được tại Nhật Bản cho thấy người Nhật cổ xưa thường cài vạt áo bên phía tay trái như Yuet tộc. Một số hậu duệ người Việt cổ ngày nay vẫn còn mang tục 'tả nhậm' ở một vài nơi miền Giang Nam như người dân tộc Lahu (Lạc Hổ) ở Vân Nam, người 258


ở đảo Hải Nam. Tuy vậy họ dễ 'bị' để ý khi mặc áo theo mốt 'tả nhậm' ra đường. Xem phim hiệp-sĩ đạo của Nhật, ngày nay tái tạo bằng DVD, chúng ta có thể để ý một số samurai cài áo bên phải, nhưng cũng có một số vẫn cài bên trái. Để ý, biệt sắc 'tả nhậm' này ít thấy đề cập đến trong các bài viết về dân Lạc-Việt [Luo Yue] của các học giả Âu Mỹ ngày nay {thí dụ: [12]}. THUẬN TAY TRÁI Tiếng Tàu tả việc 'thuận tay trái' bằng 'tả phiết tử' [zuo pie zi] hay 'dụng tả thủ' [yong zuo shou]. Có thể nói 'tả nhậm' tức việc cài áo bên phía trái, là một thứ kim-chỉ đầu tiên chỉ về hướng 'thuận tay trái' của người Việt cổ. Thật ra có nhiều thứ dấu hiệu khác cho thấy rất có khả năng có một số đông thuộc các nhóm người Việt-cổ, ngày xưa 'thuận tay trái', hơn tay mặt. Trước hết, một số tộc Việt có tập quán búi tóc đằng sau gáy. Giống như một số tộc người ở Nam Ấn (có lẽ thuộc chủng Môn-KhờMe) [13]. Người Việt ngoài mốt xoã tóc hay để tóc đuôi gà, cũng đã búi tóc từ thời xa xưa. Dấu vết búi tóc có thể tìm thấy trên hoa văn mặt trống của một số trống đồng [14], và có ghi lại nhiều nơi trong bộ 'Thủy Kinh Chú' [10]. Đặc biệt chúng tôi tình cờ phát hiện từ 'Thủy Kinh Chú': Một số người Hoa Nam khi xưa, nếu có búi tóc, họ búi tóc bên phía tay trái [10]. Quyển sách của William Durant [5] về văn-minh Ấn Độ ra đời vào đầu thế kỷ 20 cũng miêu tả một số người Ấn ưa búi tóc phía bên...trái. Quan sát về hoa văn trên mặt trống đồng Đông Sơn cho biết có nhiều hình người hay thú vật với chuyển động di dịch, ngược chiều kim đồng hồ (xem hình 1). Nhiều tài liệu nghiên cứu về trống đồng tại Việt Nam (thí dụ: [14]) có vẻ rất thích lối lý giải của bà Colani, người đầu tiên đã tìm thấy văn-hoá Hoà Bình vào đầu thế kỷ trước. Theo lí giải của Colani, hướng đi của người và động vật trên trống, ngược với chiều chuyển động của kim đồng hồ, chính biểu hiệu hướng quay của quả đất quanh mặt trời. Mang hàm ý người Việt cổ biết trái đất hình cầu và xoay quanh mặt trời trước rất nhiều dân tộc khác trên thế giới. Việc quả đất quay chung quanh mặt trời hoàn toàn một ý niệm hết sức mới mẻ ở Á Châu thời đó. Có lẽ không dân tộc nào ở Đông Á biết đến, dù rằng ở xứ Hy Lạp cổ vào năm 240 TCN, Eratosthenes đã bắt đầu ước lượng được chu vi của quả đất. Lí giải của Colani ngày trước có vẻ bị lấn cấn khi các chuyên gia về trống đồng tại Việt Nam cho biết tiếp: 'Ở một vài trống muộn lại có hướng theo chiều kim đồng hồ (trống Chợ Bờ). {Trang 231}. Tức theo Colani, lúc lo đúc mấy chiếc trống đồng đầu tiên, nhà sản xuất cho rằng chiều quay trái đất đi từ Tây sang Đông, tức ngược chiều kim đồng hồ, nhìn từ Bắc Cực. Nhưng vài trăm năm sau, nhà sản xuất lại đổi ý, cho trái đất quay chiều ngược lại, theo sát chiều kim đồng hồ, từ Đông sang Tây. Đại khái trống đồng Đông Sơn có niên đại từ khoảng thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên, kéo đến thế kỷ thứ 5 sau Công Nguyên [18]. 'Trống muộn' do đó có thể mang ý nghĩa những loại trống xuất hiện sau khi nhà Hán bắt đầu tròng ách đô hộ lên xứ Việt cổ, vào năm 111 TCN. Như vậy, có gì liên kết chiều di động của người và vật trên mặt trống, với ảnh hưởng của Hán tộc trên lối sáng tạo mỹ thuật của người Việt cổ hay chăng? 259


Trước khi tìm cách giải đáp câu hỏi trên, chúng ta được biết theo ngành dân tộc học, mô-típ trên trống đồng ghi chuyển động của người và vật, nhất là chim, theo ngược chiều kim đồng hồ, có thể được liên kết với việc 'thuận tay trái' hay 'quen xử dụng tay trái' của người Việt cổ [37]. 'Thuận tay trái' theo hoa văn trên trống đồng có vẻ ăn khớp với hai sự việc khác, trình bày phía trên. Đó là: 'Tả nhậm', tức cài áo với vạt bên trái, và 'búi tóc bên trái'.

Hình 1: Mặt trống Quảng Xương (Thanh Hoá ) (trích từ quyển 'Trống Đông Sơn' của Phạm Minh Huyền - Nguyễn văn Huyên - Trịnh Sinh [14]) cho thấy đàn chim và đoàn người (với vật) di chuyển theo ngược chiều kim đồng hồ. Vấn đề 'thuận tay trái' hiện vẫn còn một đề tài nghiên cứu khá phì nhiêu [15] của nhiều ngành khoa học khác nhau: y khoa, thần kinh học, dân tộc học, khảo cổ, tâm lý học, v.v. Nhiều danh nhân cổ kim vẫn 'bị' cái nạn 'thuận tay trái': Albert Einstein, George H W Bush, Bill Clinton, Mahatma Gandhi, Julius Caesar, Lee Hsien Loong, Pablo Picasso, Gerald Ford, Leonardo da Vinci, Napoleon Bonaparte, Tôn Tử, Benjamin Franklin, Nelson Rockefeller, John McEnroe, Jimmy Connors, Rod Laver, Pol Pot, v.v. Vẫn chưa có một lý thuyết nào được xem 'chắc nịch' nhất, mặc dù phổ biến nhất vẫn là thuyết về bán cầu phía trái của não bộ. Theo thuyết này, bởi bán cầu trái của não thường tập trung kỹ năng về ngôn ngữ và điều hành động tác bắp thịt, và hễ đầu não nằm ở bên nào thì động tác được điều khiển cho phía bên kia. Do đó nếu phía trái não bộ điều khiển động tác 260


thì động tác nhận lệnh trực tiếp từ 'trung ương' phải thiên về bên mặt. Những người cổ xúy cho lý thuyết này ưa viện dẫn các thú vật như khỉ đột và đười ươi bởi không có tiếng nói đàng hoàng nên chúng thường thuận cả hai tay. Những vị đứng về phía phản bác thuyết, lại đưa ra bằng cớ rằng không phải tất cả những người thuận tay mặt đều có kỹ năng ngôn ngữ điều khiển từ não bên trái, và nơi chỉ huy ngôn ngữ của những vị thuận tay trái lại biến đổi khôn lường, khi trái khi mặt, và có khi cả hai bên. Lý thuyết phổ biến đứng hàng thứ nhì dựa trên 'di truyền'. Nếu người cha 'thuận tay trái' thì xác suất, tức cơ hội, sinh ra con thuận tay trái chỉ lên đến 10 phần trăm. Nếu người mẹ thuận tay trái, xác xuất con cũng thuận tay trái lên đến 20%. Nếu cả cha và mẹ đều thuận tay trái, cơ hội con thuận tay trái luôn sẽ đến 40%. Đặc biệt trong số anh chị em sinh đôi như đúc, tỷ số thuận tay trái lên đến 1/3 (một phần ba). Nhưng tất cả các thứ tỷ số thuận tay trái vẫn không lên hơn 50:50 để lý thuyết dựa trên di truyền có một chỗ đứng vững chắc hơn. Tuy vậy xác suất 40% con thuận tay trái, nếu cả cha và mẹ đều thuận tay trái, khiến chúng ta có thể chú ý đến giả thuyết cho rằng một số khá lớn người Việt cổ, có khả năng thuận tay trái. Chuyện này có vẻ giống như chuyện người Âu Lạc ngày xưa thường có hai ngón chân cái mang khuynh hướng chĩa xoè bên ngoài, tách khỏi 4 ngón chân kia [19]. Trong thế đứng, với hai bàn chân gần nhau, chân không, và không mang giày Bata hay Nike, người ta sẽ thấy hai ngón chân cái như gặp nhau, như giao nhau. Đó là lý thuyết phổ biến nhất, được bộ Thủy Kinh Chú [10] xác nhận là nguồn gốc của hai chữ 'Giao-Chỉ' (ngón chân giao nhau), tên quận chính của xứ Việt cổ trong thời buổi ban đầu của việc lệ thuộc Bắc phương. Phối hợp 3 sự việc với nhau: tả nhậm, búi tóc bên trái, và hoa-văn chim bay ngược chiều kim đồng hồ, chúng ta thấy có khả năng một phần khá lớn của một hay nhiều nhóm Việt tộc nào đó ngày trước thuận tay trái hơn tay mặt. Dù rằng khoa dân-tộc-học cho biết con người mang khuynh hướng thuận tay mặt từ thời ngàn xưa - dựa trên những hình chạm vẽ trong động đá, hay những mảnh vụn từ đồ vật do rìu đẽo tạo nên, v.v. - chúng ta vẫn có thể giữ vững luận cứ cho rằng ở miền Hoa Nam có thể có nhiều nhóm Việt tộc có nhiều người (tỉ dụ: khoảng > 25%) thuận tay trái hơn. Bởi ở lý do giản dị: khoa dân-tộc học chưa hề nghiên cứu sâu rộng về vấn đề này đối với các nhóm Bách Việt vào thuở cổ thời. Tạm chấp nhận như vậy, chúng ta có thể đưa ra một lý giải cho hoa-văn trên trống đồng về di động của người và chim thú, thay đổi từ chiều ngược kim đồng hồ sang chiều thuận. Thuở ban đầu (khoảng thế kỷ 6 TCN): chiều ngược. Muộn về sau: chiều thuận. Lý giải này dựa vào thói quen của Hán tộc, thường chê bai lối tả nhậm của người Việt cổ. Tức sau khi chiếm đóng xứ Việt cổ, rất có khả năng, các quan quân Bắc phương, vốn dị ứng với... tay trái, đã bắt ép dân địa phương tập xử dụng tay phải thường xuyên hơn - mà kết quả sau cùng chính là hoa-văn người và chim trên các trống đồng muộn, di dịch theo chiều y như chiều kim đồng hồ. NHÀ CỬA Bài tường trình nghiên cứu về người Choang của Gs Jeffrey Barlow [20] có dẫn các tiêu-chí do Yu Tianjin và cộng sự đề ra, dùng để nhận diện người Lạc Việt cổ. Trong đó tiêu chí thứ 2 chính là: 'Nhà xây dựng trên cột hoặc cọc'. 261


Ở phương diện này, có vẻ giới nghiên cứu tại Việt Nam đã thu thập nhiều dữ kiện phong phú hơn. Trước hết, quyển Mã Lai của Bình Nguyên Lộc [13] cho biết nhà cửa của người Việt cổ có kiến trúc rất giống nhà cửa của người dân tộc tại Việt Nam, cũng như của các dân Mã Lai Á và In-đô-nê-xia. Quyển 'Trống Đông Sơn' của Phạm Minh Huyền - Nguyễn Văn Huyên - Trịnh Sinh [14], có vẻ cũng đồng quan điểm như vậy, và thêm rằng kiến trúc nhà cửa của người Điền ở Vân Nam cũng thuộc kiểu nhà sàn, như kiểu nhà tìm thấy ở hoavăn của trống đồng Đông Sơn. Đặc biệt hơn hết, biệt sắc của kiến trúc Việt cổ khác với kiểu Hoa Hạ, được dàn dựng chung quanh: nóc oằn và mái cong. Theo [13], chính kiểu nhà nóc oằn và mái cong cũng đã lan tràn sang Nhật Bản, trước khi người Hoa mô phỏng lại, và áp dụng tại Trung-Hoa vào thời nhà Đường. Ngoài ra nhà ở xứ Việt cổ thường chỉ có 2 mái (đôi khi thêm 2 chái) trong khi nhà người Hoa xưa thường có 4 mái (hình tam giác) [13] [36]. Theo [14], dựa trên hoa-văn tìm thấy trên các trống đồng, chính yếu có hai kiểu nhà sàn: 'Kiểu thứ nhất là nhà sàn mái cong đã khá quy mô, đầu đao cong vút, hai mái hình thang sát đất và đáy lớn là nóc. Nhà có 4 cột chính, có cầu thang lên xuống. Phần chái nhà được mở rộng nên người ta có thể ngồi dưới đất đánh trống (trống Ngọc Lũ) hoặc là nơi để trống, thạp.' ... 'Kiểu thứ hai là loại nhà sàn mái tròn, vững chãi, có sàn thấp, chiếm khoảng 1/4 chiều cao nhà, có từ 4 đến 6 cột, mà có người hiểu lầm là 'những cặp chân'. Đáng lưu ý là chân cột tiếp xúc với mặt đất được làm to bè ra, cho thêm vững vàng. Nhà sàn kiểu này có mái phủ 4 bên và có thể là một loại nhà kho chứa lương thực...'. Kiểu nhà sàn thấp có lẽ là thứ mà quyển Mã Lai [13] đã gọi 'nhà rầm' để phân biệt 'nhà sàn', hãy còn rất nhiều ở vùng Kinh vào đầu thế kỷ 20. Khoảng cách từ mặt đất lên tới sàn của loại nhà rầm chỉ chừng 6 tấc là cùng. Trong khi nhà sàn khoảng trống bỏ không dưới sàn có thể cao hơn nhiều. Đặc biệt để ý đến loại nhà sàn mái TRÒN thuộc kiểu thứ hai. Truy cập mạng về nhà cửa của người Hẹ tức Hakka, hoặc người Mông Cổ chúng ta có thể thấy kiến trúc nhà cửa của những tộc người zu mục này rất thường có kiểu dáng hình ... tròn [21]. Văn hoá Ngưỡng Thiều (Yang-Shao) [22] cho thấy nhà cổ thời của Hoa tộc cũng có mái hình tròn, tuy rằng thường cấu trúc bằng lối đào đất, và ở dưới mặt đất. VẾT CHÂN NGƯỜI XƯA Nhận diện người Việt cổ, theo thiển ý, cũng có thể được thực hiện bằng cách xem kỹ mô tả [22] về các cuộc khai quật nền văn hoá xưa cũ, tại các địa bàn Bách Việt, như:  HEMUDU (năm 5000 TCN) ở Chiết-Giang, với đặc điểm chính là 'lúa nước'. Cũng là nơi tìm thấy đồ gỗ sơn mài sớm nhất.  QINGLIAN'GANG (3300 TCN) Bắc sông Dương Tử kéo xuống tận miền Lĩnh Nam bao gồm phía Đông Vân Nam, Quảng Tây, Quí Châu, Giang Tây và An Huy. Trồng lúa, nuôi heo và chứa 2 loại đồ gốm. Xương khai quật cho thấy dấu vết người Đa đảo và chủng Mông-gô-lích.  DAWENKOU (4300-2500 TCN) tại Sơn Đông, địa bàn dân Lạc bộ Trãi. Đồ vật khai quật đáng chú ý gồm: rìu chữ nhật bằng ngọc thạch, và bàn tay người chết ưa nắm vài 262


  

 

chiếc răng nai. (Để ý một số mường bản vẫn còn thờ con nai, và nai cũng là biểu tượng cho bà Ngu Kơ (Âu Cơ) trong truyền tích Mường). LONGSHAN (2500-2000 TCN) đồ gốm đen, phụ hệ. Nuôi chó, heo, bò. Có thể đã làm đồ gốm dùng kỹ thuật bánh xe. LIANGZHU (3310-2250 TCN) phía Đông Nam giữa cửa sông Dương Tử và vịnh Hàng Châu. Thời đá mới (muộn), nổi tiếng với ngọc thạch. Có giả thuyết cho rằng di chỉ Liangzhu khi xưa thuộc tộc Hmong (Miêu) hay tộc Yueh [22]. MAJIABANG (5000-3000 TCN) Cũng ở tại khu vực cửa sông Trường-Giang (DươngTử) và phía bắc vịnh Hàng-Châu. Văn hoá này lan rộng đến bắc Chiết Giang luôn tận đến Giang-Tô. Tức địa bàn của hai nước Ngô và Việt năm xưa. Đặc điểm: trồng lúa và sản xuất đồ vật bằng ngọc thạch. DAXI (4000-2800 TCN) Thuộc thời đá mới, tìm thấy tại khu hẽm núi Wutang thuộc huyện Wushan bên sông Dương Tử (Yang Zi), thuộc tỉnh Tứ Xuyên ngày nay. Cư dân xưa có trồng lúa, làm đồ ngọc thạch, và sống quây quần trong những chốn định cư khá kiên cố. SHIJIAHE (3000-2000 TCN) Bên sông Dương Tử, thuộc khu vực tỉnh Hồ Bắc. Tìm thấy đồ gốm, ngọc thạch và đồng. Thời đồ đá mới (muộn). V.v.

Những di-chỉ văn-hoá này thông thường cho thấy hiện diện của những tộc người tại Trung Hoa ở thời tiền sử. Trước xa sự hình thành của chủng Hoa-Hạ và các chủng Bách Bộc và Bách Việt. Bách Bộc, theo thư tịch cổ của Tàu (thí dụ: Tả Truyện, Xuân Thu, Nhĩ Nhã) thường dùng để chỉ đám rợ Đông Di với nhiều tộc khác nhau, trước khi họ phát hiện ra đám Bách Việt, mãi về sau. Bách Việt cũng có nhiều biệt sắc rất giống khối Bách Bộc, nhưng ở miền Nam sông Dương Tử. Nếu chúng ta tạm gác sang một bên tất cả những lý thuyết từ trước đến nay về di chuyển của các nhóm Lạc Việt hay người Hakka (tức Hẹ), kể cả lý thuyết nổi tiếng của học-giả La Hương Lâm [Luo XiangLin], và chỉ chú trọng đến những địa điểm mang tên Luo (Lạc) hay Bộc (Pu) trên nước Tàu, chúng ta sẽ thấy lộ ra những vết chân xưa cũ, từng bị lớp bụi thời gian che lấp, của hành trình dời cư của người Việt cổ. Hoàn toàn phù hợp với lý thuyết đề ra ở đây: Có tất cả 3 nhóm Việt-cổ chính:  Âu Việt ở vùng rừng núi phía trong từ khu vực Động Đình Hồ (vị trí khoảng số 4 trong Hình 2) sang qua Tứ Xuyên và xuống phía Nam, khu An Huy / Giang Tây / Quảng Tây / Quảng Đông / Vân Nam.  Lạc Việt ở miền biển, từ khu Sơn Đông kéo dài xuống Giang Tô / Chiết Giang / Phúc Kiến và một phần của An Huy và Quảng Đông. Nhóm Lạc Việt ở phía cực Bắc chính là nhóm Hẹ (Hakka) ngày trước mang nhiều tên khác nhau: Bách Bộc, Đông Di, Bộc Việt, Hák, Lạc. Người Hẹ xưa thường sống gần gũi với người Miêu-Yao.  Khương Việt ở khu miền Tây, nhất là Tứ Xuyên và Vân Nam. Còn có thể gọi Lạc bộ Chuy và Khương. Cùng với nhóm Thái cổ, Đa-đảo và Nê-gri-tô, tạo nên người bản địa lâu đời nhất tại Việt Nam. Chúng ta có thể để ý: 263


 Hai nhóm Âu và Khương, và nhất là các nhóm Hmong-Mien (tức Miêu-Dao) rất có khả năng đã hiện diện trong nhóm Đông Di tức Bách Bộc tại khu Sơn Đông (địa điểm 1 khoanh tròn) trước khi tan hàng chạy đi nơi khác. Dẫn chứng: Ở phía Tây và Tây Nam nước Tàu luôn luôn có các nhóm Di khác nhau. Chữ Yi 夷 được viết y hệt như Yi trong nhóm Đông Yi. Vùng Tây và Tây Nam cũng có các nhóm Bộc Việt [Pu Yue], với Bộc 濮 viết y hệt như Bộc dùng cho các khối Bộc Việt từng sống bên sông Bộc (Bộc Thủy - Pu Shui) ở khu Hà Nam - Sơn Đông ngày xưa. Theo [23] người Tàu thời nay dùng Tây Di để chỉ tộc Khương, và Nam Di để chỉ các nhóm Bộc Việt (Pu Yue) ở khu vực Vân Nam - Quí Châu.  Nhóm Hmong-Mien tức Miêu-Dao cũng ưa quây quần gần gũi với nhóm Hakka, xưa và nay. Sách vở Trung Hoa hiện đại bởi lỡ kẹt với tiền đề người Hakka là giòng dõi vua chúa thuần túy Hán tộc, nên chỉ có thể viết 'người Hakka thường sống gần gũi với các nhóm Yue (Việt => Thái), Mân (Phúc-Kiến) và Yao (Miêu). [24].' Họ hoàn toàn không ngờ người Hakka (Hẹ) chính là nhóm (Lạc) Việt tối cổ, khi xưa mang tên Bộc, và được Tả Truyện (của Tả Khưu Minh, đồ đệ của Khổng Tử) xác nhận thuộc khối Đông Di.

Hình 2: Vết chân của người Việt cổ trong thời gian từ khoảng năm 1000 TCN cho đến khoảng năm 1000 SCN. Để ý 4 điểm khoanh tròn: 1, 2, 3 và 4. Đường hướng di chuyển thứ nhất của nhóm Lạc từ khu sông Bộc (số 1) theo hướng 1-2-3. Một số lớn dừng lại ở xứ Thục (số 2). Đường thứ hai, từ khu số 1 xuống miền Hoa Nam đi ngang khu nước Sở, xuống An Huy rồi Giang Tây / Quảng Đông. Lộ trình 1 đến 4. Đó chính là hai đường di tản chính của người Lạc thuộc tộc Hák hay Hẹ (tức Hakka sau này). 264


 Để ý đến hai đoạn đường di tản của người Bách Bộc ghi trong Hình 2: Đoạn từ vùng sông Bộc đến nước Thục (Tứ Xuyên) rồi băng trở lại nước Sở, hoặc kéo xuống Vân Nam & Quảng Tây (1-2-3). Đoạn từ khu sông Bộc kéo thẳng xuống miền Nam, xuyên qua nước Sở (xưa), đi An Huy, rồi Giang Tây và Quảng Đông (1-4). - Chiều hướng 1-2-3 chính là chiều hướng của giặc Hoàng Cân tức Khăn Vàng. - Chiều hướng 1-4 ăn khớp với đám giặc Hoàng Sào ở cuối đời nhà Đường, rất có khả năng cũng một đám Việt tộc, thuộc hệ Hẹ sau này. Hoàng Sào [Huang Chao] cũng giống như anh em Trương Giác, người gốc Sơn Đông. Thi rớt PhD (tiến sĩ) hàm thụ, Hoàng Sào chuyển sang nghề buôn muối, làm ăn rất khấm khá. Văn võ song toàn, Hoàng kết hợp với Vương Tiên-Chi (Wang Xian-Zhi), dùng hậu thuẫn đám nông dân đứng lên chống lại triều đình đang suy thoái của nhà Đường. Nhà Đường dùng quân lính thuộc rợ Sa Đà (Đột Quyết) [25] (tức đám Turkestan ở vùng sa mạc Gobi) đánh dẹp được đám Hoàng Sào. Hoàng Sào đem quân chạy về hướng Nam xuyên qua An Huy và chiếm đóng Quảng Đông. Ít lâu sau họ Hoàng chạy trở về Bắc, chiếm được Lạc Dương rồi Tràng An (năm 880), xưng vua nước Đại Tề (thời Xuân Thu Chiến Quốc, nước Tề có địa bàn ở Sơn Đông). Đến năm 883, quân Sa Đà phản công, Hoàng Sào bị thua chạy trở về quê xưa ở Sơn Đông rồi tự kết liễu cuộc đời {Tra internet: Huang Chao uprisings}. - So sánh với 4 đợt di tản người Hakka (Hẹ) từ phía Hoàng Hà, ta thấy các học giả Hoa đã tránh né đề cập hoặc liên kết Đợt 1 với đám Huỳnh Cân, tuy có nhiều nơi họ chịu ghi Đợt 1 di tản của Hakka xảy ra vào cuối thời Đông Hán. Tuy nhiên họ có ghi Đợt 2 là để chạy giặc Hoàng Sào. Nhưng rất ngộ, đường chạy giặc của dân Hakka lại trùng hợp 'y chang' với đường bôn đào của đám Hoàng Sào. Đợt thứ 3 không đáng kể ở đây, thuộc thời Nam Tống kéo đến đời nhà Minh (thế kỷ 12 đến 14). Đợt thứ 4 cũng vậy, lúc đó người Hẹ năm xưa (Bách Bộc) đã trở thành người Hakka, di tản ra ngoài Trung Quốc và xuyên các tỉnh ở Hoa Nam để chạy giặc Mãn Thanh, hoặc đám Thái Bình Thiên Quốc, chống đối nhà Thanh, dưới lãnh đạo của người Hakka tên Hồng Tú Toàn) [26]. Tóm lại: phát hiện của chúng tôi cho thấy Đợt 1 và Đợt 2 của luồng sóng dời cư của người Hakka ăn khớp với hai đám loạn mang nặng mùi Việttộc: Hoàng Cân và Hoàng Sào [27]. Chúng ta hãy để ý đến hai từ Lạc và Bộc, và quan sát thông thường: tộc người dời cư ưa mang tên sông núi ở nơi cũ đặt cho chốn mới. 1. Khu vực chung quanh sông Bộc Thủy [Pu Shui] [Pu: 濮 hoặc đôi khi, 蒲] nguyên thủy chính là cái rốn của dân Lạc Việt thuộc đám zu mục Đông Di ở Sơn Đông. Sông Bộc nguyên thủy xưa nằm gần thành phố Bộc Dương tức Puyang [30] ngày nay, và Puyang (tỉnh Hà Nam) chính là kinh-đô 'nước Tàu' thời huyền sử của vua Xuyên Húc (còn được 'phiên-thiết: Chuyên Húc - [Zhuan Xu]), một trong 5 ông vua thánh của Trung Hoa, như: Đế Khốc, Đế Thuấn, Nghiêu, Hoàng Đế. Rất tiếc sông Bộc nguyên thủy ngày nay không còn nữa do ở những cơn lũ lụt lớn từ sông Hoàng Hà. Một số sông khác, từ những dạo dời cư của người Bách Bộc, tiếp tục mang tên gọi 'Bộc', như ở khu vực Tứ Xuyên (tức nước Ba, nước Thục xưa), hay ở tận Vân Nam, bên kia ranh giới Hoa-Việt. Sông Bố Bộc ở Tứ Xuyên chảy gần Thành Đô và có đi qua 'Việt Tủy'. Còn sông Bộc ở Vân Nam theo Thủy Kinh Chú [10] chảy vào đầm Điền Trì ở Côn Minh rồi nhập vào sông Lao Thủy (Lan Thương), tức Mêkông. Khu sông Bộc ở Tứ Xuyên có rất nhiều người Hakka 265


[31], và sông Bộc ở Vân Nam có rất nhiều người Pu Yue (Bộc Việt), cũng được gọi Nam Di. 2. Sông Lạc, (Lạc = [Luo] 洛), nổi tiếng hơn bởi đó chảy qua thành đô của nhà Đông Hán. Theo thiển ý sông Lạc chính là địa bàn nguyên thủy, ngay từ thời huyền sử, của hai tộc Âu Việt và Lạc Việt, bởi có rất nhiều chi tiết cho biết quân nước Sở nhiều lúc phải đi bình định các rợ 'Lạc' ở phía Bắc tỉnh Hồ Bắc bây giờ [10]. Dân Lạc Việt cư ngụ tại khu sông Lạc trước khi đến sông Bộc, hoặc rải rác từ khu vực Lạc Thủy đến Bộc Thủy. Có vài con sông khác cũng mang tên Lạc. Thí dụ: sông Lạc ở Tứ Xuyên, và Sơn Đông. Điểm chúng ta cần để ý, tại bất cứ chỗ nào có tên Bộc, chúng ta cũng thấy có địa điểm khác mang tên Lạc hoặc 'Việt' - hay ngược lại. (Thí dụ: một sông Lạc chảy ngang qua khu Bộc Khẩu. Sông Lạc khác đi qua 'Việt Tủy'). Đặc biệt có con sông ở Sơn Đông, ngày nay viết theo chữ LẠC 濼 (Lạc Thủy), mang nghĩa 'vui tươi' / 'an-lạc'. Nhưng từ điển tiếng Tàu cho biết sông Lạc này cũng có thể được phát âm như: PU tức Bộc, và ... YUE tức Việt. Một số tài liệu internet chữ Hoa, cho biết, ngoài những chi tiết khác: - Thị tộc mang tên Bộc có di dân sang Hồ Bắc rồi Tứ Xuyên. - Tả Truyện của Tả Khâu Minh đã xác định: Bách Bộc Chi Tộc = Đông Di (xưa ở Hà Bắc, Hà Nam & Sơn Đông). Ngoài ra quyển Mã Lai [13] cũng có ghi chỉ số sọ của dân Sơn Đông gần giống với chỉ số sọ của người Việt Nam nhất trong các thứ chỉ số sọ của người Hoa ngày nay. TẬP TỤC VỀ SEX Sự thật, có thể các thói tục về bản năng duy trì nòi giống, thường gọi nôm na thời nay là SEX, mới đập mạnh vào mắt người Hoa, trong việc nhận ra khác biệt giữa tộc Việt và tộc Hoa, vào các thời đại xa xưa. Thủy Kinh Chú [10] ghi lại một số các sự việc như sau: - Ở quận Chu Nhai, phía Đông Bắc Hải-Nam, thuộc Quảng Đông: 'Nhân dân có khoảng hơn 10 vạn nhà, đều là những giống người khác lạ, xoã tóc, xăm mình. Con gái phần nhiều tướng mạo đẹp, làn da trắng trẻo, tóc dài, tóc mai đẹp. Trai gái tụ tập với nhau như loài dê, loài chó, không chịu giáo hoá về đạo đức'. Đặc biệt từ điển của Đào Duy Anh và của Lê Ngọc Trụ đều có ghi thành ngữ bất hủ, ngày nay chính người Hoa cũng đã quên mất: 'Trên Bộc trong dâu', tức 'Bộc thượng tang gian'. Những trích dẫn về ‘trên Bộc trong dâu’ bù lại có thể mang xuất xứ từ vế 507 của Truyện Kiều: ‘Ra tuồng trên Bộc trong dâu Thì con người ấy ai cầu làm chi’ Ghi lại thói tục về Sex, về trai-gái, hết sức tự nhiên, phóng túng của người xưa (Đông Di) trên bãi sông Bộc, hay trong ruộng dâu gần đó, ở nước Trịnh và Vệ vào thời Đông Chu Liệt Quốc xa xưa. Hoàn toàn không kiêng kị theo kiểu 'Nam nữ thụ thụ bất thân'. Khác biệt về thói tục luyến-ái cũng đã được phản ánh qua các tập tục thờ âm và dương vật tại rất nhiều nơi trên thế giới {Tra Internet: phallus worship}, nhưng có lẽ thiếu thốn nơi Hoa tộc. Tập tục thờ Âm & Dương vật (Yoni-Linga) rất phổ biến ở thời xa xưa. Từ Ai Cập, 266


Hy Lạp đến Bắc Âu. Nhất là tại Ấn Độ. Ở đó tập tục này được thể hiện qua thần Shiva - vị thần tàn phá hủy diệt. Tại các cộng đồng Bách Việt ngày xưa, tập tục này được liên kết với việc cầu nguyện cho sự sinh nở (Xem [38] về tục 'Nõ Nường'). Đến thế kỷ 20 vẫn còn tồn tại ở nhiều bộ lạc miền đồi núi của người dân tộc ở Thái Lan và nhiều nơi ở Hoa Nam, và cả ở Đông Dương (thí dụ: xem [13], [28], [38]). Thường thường, người ta có thói quen liên kết các nét văn hoá hay tập tục với ảnh hưởng tôn giáo. Thí dụ: lề lối 'đạo đức' của người Hoa được xuất phát từ giáo lí Khổng Mạnh. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên để ý rất có thể những vị như Khổng Tử, Phật Thích Ca, thiên sứ Mohammed, thật ra chỉ hiện thức cho có hệ thống, và thêm thắt vào đó một số điều hay đẹp họ đã thiên khải, hoặc phát kiến được, trong những lúc xuất thần hay thiền định - trên một nền tảng văn hoá đã sẵn có, hay những tập tục mà những tộc người đó đã có trước đó cả nghìn năm. Tháng 2, năm 2006 GHI CHÚ [1] Ngô Sĩ Liên và cộng sự (1497). Đại-Việt Sử-Ký Toàn-Thư. Thanh Việt và Phạm Ngọc Luật hiệu đính theo bản dịch của Đào Duy Anh. Nxb Văn Hoá Thông Tin (2004). Bản của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam được trình bày đầy đủ trên mạng internet: perso.wanadoo.fr/charite. [2] Kiều Văn (tuyển soạn) (2002) Giai-Thoại Lịch-Sử Việt-Nam - (Bộ 2 Tập). Nxb VănHoá - Thông-Tin [3] Deutsche Presse-Agentur, M&C Science & Nature (23 Jan 2006). [4] Chử Văn Tần (2003) Văn Hoá Đông Sơn - Văn Minh Việt Cổ. Nxb Khoa Học Xã Hội. [5] Will Durant {Nguyễn Hiến Lê dịch} (1989) Lịch Sử Văn Minh Ấn-Độ. Nxb Lá Bối 1971. T & T tái bản (Califormia - Hoa-Kỳ). [6] http://www.ancienteastasia.org/special/sandaichronology.htm [7] Jeanne Cuisinier (1946) Les Mường, Géographie et Sociologie humaine. Institut d'Ethnologie. [8] (i) Đánh nhau giữa Tây Âu và Tần được ghi lại đầy đủ trong bộ Hoài Nam Tử của Lưu An. Chính sử chỉ biết về sau, nhà Tần thiết lập nên 3 quận lớn: Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Quận ở bên kia vùng biên giới Việt-Hoa bây giờ. (ii) Lý Ông Trọng có lẽ một trong những người Việt đầu tiên làm quan lớn trong xã hội Hoa tộc. Ông Trọng người to lớn dị thường. Bất mãn với quan lại địa phương, ông bỏ làng ra đi lưu lạc đến nước Tần. Ở đó ông đầu quân cho Tần Thủy Hoàng và nhanh chóng được phong quân hàm 'Tư lệ hiệu úy'. Sau đó ông được Tần Thủy Hoàng ký sắc lệnh bổ nhiệm làm tư lệnh miền Tây (khu Cam Túc) để chống giữ đất Lâm Thao, chống quân Hung Nô. Khi về hưu, ông trở về quê cũ, làng Chèm (huyện Từ Liêm, Hà nội ngày nay). Tần Thủy Hoàng nhiều lần gửi email triệu ông về Bắc không được. Có lẽ bởi ông thay đổi địa chỉ imeo, hay i-meo của Tần bị tường lửa gạc bỏ hết. Thất vọng, Tần Thủy Hoàng mới đặt thợ làm một tượng hình ông bằng đồng, đem đặt trước cổng thành Hàm Dương. Để dọa khỉ quân Hung Nô. Kết quả rất tốt: quân Hung Nô cỡi ngựa từ xa trông thấy tượng Lý Ông Trọng uy nghiêm, được cử động bằng máy điện toán do binh lính điều khiển, tưởng thật, đâm sợ và tìm cách thoái quân lập tức. Để ý: Ông Trọng mang họ Lý, một họ rất phổ biến ở miệt Sơn Tây - Sơn Đông, và trong cộng đồng người Hakka hay người Hmong (Miêu). Và 267


Ông Trọng không có khó khăn gì hết về vấn đề ngôn ngữ bất đồng với ông Chính (Tần Thủy Hoàng). [9]http://www.gotheborg.com/glossary/glossaryindex.htm?http://www.gotheborg.com/gloss ary/data/nosecups.shtml [10] Lịch Đạo Nguyên chú, Dương Thủ Kính, Hùng Hội Trinh sớ, Đoàn Hy Trọng điểm hiệu, Trần Kiều Dịch phúc hiệu (1999) Nguyễn Bá Mão dịch (2005). Thủy Kinh Chú Sớ. Nxb Thuận Hoá. Bộ 'THỦY KINH CHÚ' do các học giả người Hoa tiếp nhau soạn từ thời Tam Quốc (220-265), chuyên về miêu tả sông ngòi, núi non khắp nước Tàu, kéo đến xứ Lâm Ấp ở trung-bộ nước Việt Nam ngày nay, kèm với các điển tích lịch sử xa xưa. [11] Như đã nhiều lần nhấn mạnh, 'man di' chỉ là một lối miêu tả rất chủ quan về các 'ngoại tộc' mà người ta biết rất ít về họ. Sự thật, rất nhiều công cuộc khai quật gần đây cho thấy những di-chỉ như Hemudu hay Daxi hay Majiabang, hoặc các địa điểm ở miệt Vân Nam, nằm trọn trong khu vực Hoa Nam, mang dấu vết những nền văn hoá sáng chói của các tộc Bách Việt. Có khi còn hơn cả văn hoá Ngưỡng Thiều của Hoa tộc. Những địa điểm phát triển kinh tế bậc nhất nước Trung Hoa ngày nay, đều nằm trong các địa bàn của các đám Đông Di hay Nam Man hoặc Tây Nhung ngày xưa. Có lẽ chỉ trừ Quảng Tây với khu rừng núi khá rộng lớn của người Choang. [12] Jeffrey Barlow (2005) The Zhuang: A Longitudinal Study of Their History and Their Culture. http://mcel.pacificu.edu/as/resources/zhuang/contents.html [13] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu (tái bản tại Hoa Kỳ). [14] Phạm Minh Huyền - Nguyễn Văn Huyên - Trịnh Sinh (1987) Trống Đông Sơn. Nxb Khoa Học Xã Hội. [15] Thuận tay trái: http://hcs.harvard.edu/~husn/BRAIN/vol2/left.html http://www.his.com/~pshapiro/left.handed.html http://abcnews.go.com/Technology/story?id=498707&page=1 http://en.wikipedia.org/wiki/Left-handed http://home.entouch.net/dmd/mankind.htm http://home.highpoint.edu/%7Ebblatchl/essay/RightBrainLeft.html#cerebral [16] Tự vị của Huình Tịnh Của và của Lê Ngọc Trụ có lẽ là hai quyển tự vị hiếm hoi tiết lộ hai từ Việt cổ dùng để chỉ 'mặt (phải)' và 'trái', tuần tự, là 'đăm' và 'chiêu'. Từ 'đăm chiêu' tiếng Việt chuyển ý thành 'lưỡng lự / phân vân': 'đăm chiêu tư lự' hay 'đăm chiêu suy nghĩ'. Đăm và Chiêu thật ra là những từ 'thuần bản địa', có cùng gốc gác với các thứ tiếng Môn Khmer và Mường: [đăm] hay [spaM] và [chi?iaw]. Đặc biệt, 'Đăm' lại có vẻ mang ảnh hưởng của tiếng Tàu: [đắc] phát âm kiểu Hẹ: [det] hay Ngô-Việt: [đă?], viết như: 得 mang nghĩa: phải, đúng. Cũng có thể gần gũi với 'đúng' tiếng Tàu đọc như [dui]: 對. Ngoài ra cũng có thể để ý lối viết thật giống nhau (chỉ khác có một nét đánh xuống bên trái) giữa từ [you] 右 => hữu (bên phải), và [shi] 石 => thạch. Từ điển của Lau Chun-Fat & Kai-hui Chang cho biết chữ 石 [shi] có một âm cũ không kể đến thinh, là [dan] tương đương âm quốc-ngữ [đăm], tức 'bên mặt' hay 'bên phải'. [17] Gốc gác 'Mặt' (Phải) và 'Trái' ra sao? * Tiếng Tàu thông dụng cho 'bên Mặt' hay 'bên Phải' chính là [you] tức [hữu] 右. Hẹ và Hải Nam có thể đọc [ziu]. [Mặt]: mang cùng gốc với tiếng Nhật [Migi]. Có thể xuất phát từ [mu]-4 quanthoại 穆, tương đương với [mok]{Hàn} hay [muk]{Hẹ}, với nghĩa nguyên thủy: bên 'Mặt' của lăng mộ tổ tiên. 'Mặt' cũng giống các từ chỉ 'bên phải' của các tiếng đa đảo: [Matau]/{Fiji} hay [tauMatau]/{Samoa}. 'Phải' có vẻ phức tạp hơn nhiều, nghiêng về ý nghĩa: đúng, thật, chính, sửa chữa. Có thể bắt nguồn từ những động từ có phát âm như 268


[fei]{quanthoại} hay [phil]{Hàn} 拂 hoặc: [pet]{Hẹ} hay [bat]{quảng-đông} hay [pit]{Mân} 弼 cùng mang nghĩa 'sửa sai cho phải, cho đúng'. Tiếng Mã Lai là: [tePat]. Hoặc tiếng Chăm là [tapă?] => thẳng, đúng. Gần nhất có lẽ [pai goi] 批改, tiếng Quảng Đông, mang nghĩa giống như “phải rồi”. * [Tả] 左 là tiếng Tàu thông dụng chỉ bên Trái. Âm quan-thoại là [zuo], Hakka: [tso] rất giống [tả] và [trái]. 'Trái' tiếng Việt mang cùng gốc với 'Sai'. 'Sai & Trái' (đọc kiểu Bắc) chính là âm Hẹ, Quảng Đông, hay Quan-thoại, tuần tự: [tsai], [tsaai], hay [chai]-4: 差. Tiếng Tàu còn một từ khác cũng dùng chỉ 'sai trật': 錯, phát âm như [tsuo]4 {quan-thoại}, [tsok] {Hẹ} và {Quảng-Đông}, hay [tsho] {Ngô-Việt}. [18] Trống đồng tìm được tại Việt Nam, do ở: Hoặc những vụ khai quật, hoặc những ông Tây thời tiền chiến đã mua lại từ các gia đình 'vọng tộc' như quan-lang hay thổ-lang, trong các cộng đồng Mường. [19] Hai ngón chân cái chĩa ra ngoài có thể gây nên bởi việc thường xuyên đi lại chốn đầm lầy, bờ sông bờ biển, trơn trợt. Keith Weller Taylor trong quyển luận án tiến sĩ về cổ sử Việt Nam {The Birth of Vietnam (1983) University of California Press}, lại đưa ra một thuyết có vẻ mới về nguồn gốc của hai chữ 'Giao Chỉ'. Theo đó người dân ở vùng Lĩnh Nam ngày xưa ưa ngủ chung một đám với nhau trong thế nằm gần nhau theo vòng tròn, đầu ở phía ngoài, và chân giao nhau ở phía trong, gần tâm điểm vòng tròn. [20] Xem [12] [21] http://en.wikipedia.org/wiki/Hakka_architecture http://www.pilotguides.com/destination_guide/asia/china/hakka_tribe.php & http://www.bootsnall.com/articles/01-09/the-transsiberian-railroad-from-beijing-to-moscowrussia.html [22] http://www.ac.wwu.edu/~kaplan/eas201/201-03.pdf http://spp.pinyin.info/abstracts/spp017_yue.html http://en.wikipedia.org/wiki/Longshan_culture http://www.mnsu.edu/emuseum/cultural/oldworld/asia/liangzhu_culture.html http://en.wikipedia.org/wiki/Majiabang_culture http://travelchinaguide.com/river/yangtze_attraction/qutang/daxi_culture.htm http://www.chinaculture.org/gb/en_artqa/2003-09/24/content_39179.htm http://stickyrice.itgo.com/hmongchina.html http://www.wujiaquan.com/his.htm http://depts.washington.edu/chinaciv/archae/2dwkmain.htm http://archaeology.about.com/od/cterms/g/civilization.htm [23] Chiêm Toàn Hữu-Lý Tinh Ích (hiệu đính) (2004) Văn hoá Nam Chiếu Đại Lý. Bản dịch: Nguyễn Thị Thanh Huệ, Nguyễn Mai Lan, Nguyễn Hương Giang, Phan Minh Thanh. Nxb VănHoá Thông Tin. [24] http://www.bookrags.com/history/worldhistory/hakka-languages-ema-02/ www.kepu.net.cn/english/nationalitymse/han/200312240028.html [25] Nguyễn Hiến Lê (1996) Sử Trung Quốc. Nxb Văn Hoá. [26] Để ý hai chữ 'Thái Bình' được dùng ở cả đợt 4 (Hồng Tú Toàn) và đợt 1 (Hoàng Cân). Cũng như hai màu 'đỏ' và 'vàng' rất phổ biến trong các tộc Hoa và Việt. VÀNG: Hoàng Hà, Hoàng Đế, Hoàng Cân, Hoàng Thổ (đất loess), màu vàng của mạng Thổ, v.v. ĐỎ: Hồng Hà, màu Đỏ chỉ hướng Nam trong thuyết Ngũ Hành, Xích Quỷ, Xích Địch, Xích Đế (tổ-tiên của Lưu Bang). Hai màu này là hai màu chính trong các lá cờ cho đến ngày nay. Cũng có thể để ý tính cách ‘đồng dạng’ của hai từ chỉ SÔNG: [Hà] và [Giang]. Ở Trung Hoa: Hoàng Hà và Trường Giang (hay Dương Tử Giang). Ở Việt Nam: Hồng Hà và Hương Giang. Hà và 269


Giang, tại 2 nước nằm vào vị thế ‘đồng dạng’ với nhau. Xin nhấn mạnh: Ghi chú [26] này nhằm mục đích tản mạn, tán rộng thêm mà thôi. [27] Xin để ý tương quan thời gian giữa Lý Bí và nhóm Hoàng Cân, Lý Công Uẩn và nhóm Hoàng Sào: (i) Sử Việt biết rõ vua Lý Nam Đế, tức Lý Bí người khởi quân giành độc lập vào năm 543, có tổ tiên 7 đời trước mang gốc gác từ bên 'Tàu'. Tính nhẩm, ta thấy 7 đời tương ứng với khoảng đầu thế kỷ thứ 3, đúng vào lúc đám giặc Hoàng Cân tan hàng chạy về Tứ Xuyên và những nơi khác. (ii) Giặc Hoàng Sào tan hàng vào khoảng cuối thế kỷ thứ 9. Có sự trùng hợp nào đó chăng khi ta thấy một vị tướng họ Lý có tổ tiên thờ Xy Vưu (một lãnh tụ ở vùng Sơn Đông thời xa xưa, quê hương của Hoàng Sào) đã đứng lên 'đảo chính' ấu vương con của Lê Ngọa Triều, vào khoảng 200 năm sau khi loạn Hoàng Sào tan rã bên Trung Hoa. [28]http://www.britishexpat.com/Life___Sex_in_History.583.0.html http://www.studio925.com/phallus.htm [29] Lê Quý Đôn (1726-1784) Vân Đài Loại Ngữ (1773). Tạ Quang Phát dịch. Nxb Văn Hoá Thông Tin (1995). Trọn bộ 3 tập. [30] Người Hoa ưa xem thành phố mang tính 'Dương' khi nó nằm phía Bắc một con sông, hay phía Nam một ngọn núi. Bởi các sông chính ở Trung Hoa thường chảy từ Tây sang Đông. Thí dụ: Lạc Dương => thành phố nằm phía Bắc sông Lạc, kinh đô nhà Đông Hán. Tuy nhiên cũng có nhiều ngoại lệ về 'Âm & Dương' theo vị thế bờ sông. (Xem [29]). [31] Đặng Tiểu Bình có gốc người Hẹ từ Tứ Xuyên, xứ có đồ ăn rất cay nóng. Bình Nguyên Lộc [13] có học qua tiếng Hẹ từ những người Hẹ gốc Tứ Xuyên. Từ đó ông nhầm lẫn Tứ Xuyên là địa bàn nguyên thủy người Hakka (Hẹ), rồi cho rằng người Hẹ chỉ là đám dân quân của Thục Phán (An Dương Vương). [32] Khuyết Danh (1377-1388) Đại Việt Sử Lược. Bản dịch của Nguyễn Gia Tường. Nhà Xuất Bản Thành Phố HCM. Bộ Môn Châu Á Học Đại Học Tổng Hợp TP.HCM. [33] Phạm Quỳnh(1997) Hành Trình Nhật Ký. Ý Việt (Paris)tái bản. [34] Từ điển CCDICT: http://www.chineselanguage.org/cgibin/query.php?dbase=&mode=english&sound=0&pagesize=20&beijing=pinyin&canton=jy utping&meixian=default&fields=pinyin,english&lang=en&level=6 [35] Thí dụ: Thuyết luân hồi, ý niệm về 'nghiệp', về 'bất nhị', v.v. đã có tại Ấn Độ cả ngàn năm, trước khi đức Phật Gautama ra đời [5]. [36] Nguyễn Khắc Ngữ (1981) Mỹ thuật cổ truyền Việt Nam. Tủ sách nghiên cứu Sử Địa (Montreal - Canada). [37] Di động của người, chim, và vật, ngược chiều kim đồng hồ cũng có thể được lý giải theo kiểu kiến trúc Angkor Wat * Angkor Thom. Theo đó chuyển động theo hướng Đông sang Tây có ý: Hướng Đông= sự sống & Hướng Tây= sự chết (mặt trời lặn). [38] Xem lễ tục 'Đánh phết' và 'Nõ nường’ tại: www.vanhoanghethuat.org.vn/sach/tuchi/phan19.pdf. Nõ: dương vật, Nường: âm vật, di tích văn minh nông nghiệp cổ. Việt hồn nhiên dùng Nõ Nường làm lễ vật linh thiêng/chính thức ngày hội xuân. Trong lễ tế thần hai làng Khúc Lại, Dị Nậu (Vĩnh Phú) đám rước 18 nõ, 18 nường (đẽo bằng gỗ) được thanh niên/thiếu nữ rước quanh làng. Cuối lễ, ai cướp đựơc nõ nường, coi như điềm may mắn, con cái, gia súc, hoa quả sung mãn nẩy nở quanh năm. Tạp Bút Năm Nhâm Thân 1992, Vương Hồng Sển, cũng nhắc đến lễ hội “36 Nõ Nường” ở thôn Khúc Lạc (Phú Thọ), nam nữ vừa rước vừa hát những câu khêu gợi tình ái. Tuy nhiên, ở một số gia đình người Bắc chịu ảnh hưởng Khổng giáo, nghĩa ban đầu ‘nõ nường’ bị hiểu sai, và đọc trại là “nõn nường”. Các bà mẹ thường 270


quở mắng con gái, mỗi khi các cô đứng ngồi hớ hênh, khép mở xuân thì: “con gái con lứa, băm sáu cái nõn nừơng chửa, ngồi khép chân vào”. Không bao giờ các cậu trai bj bố mắng như thế. [39] Người Lahu 拉祜 ở Vân Nam thuộc tộc Yi, một nhánh của Môn Khmer, cài áo bên phải, theo tục hỏa táng, thường thích mặc quần áo màu đen như truyền thuyết Ngu-Kơ của Mường. Có nhiều kiểu phiên thiết cho từ 拉 [La] trong Lahu. Nhưng phổ thông nhất là ‘Lạp’ và ... [Lạc] hay [Laai]. [Lạc] (dùng trong bộ phim ‘Mekong Ký Sự ‘) theo kiểu Hakka [lat] và [Laai] Quảng Đông.

271


Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (18): Phần 1: Ảnh hưởng của chủng Thái Như đã đề cập trong một bài trước, có thể tìm thấy rất nhiều chứng cớ hỗ trợ cho luận thuyết trình bày ở đây bằng cách đọc lại những bộ truyện Tàu xưa, hay sách vở của giới học giả Việt Nam xuất bản vào ngày trước, kèm theo một số nhận xét khách quan và chút ít tính tò mò hiếu kỳ. Thí dụ, đọc quyển 'Khổng Tử' (551-479 TCN) của Nguyễn Hiến Lê [1], chúng ta thấy một vài điểm khá đặc biệt như sau: (a) Những 'nước' Khổng Tử đã từng bôn ba đi tìm minh chúa để phò tá, chỉ tập trung lòng vòng các tỉnh ở phía Đông (Bắc) ngày nay, như: Sơn Đông, Hà Bắc, Hà Nam và Sơn Tây. Ngày trước là những nước: Trịnh, Vệ, Trần, Thái, Lỗ, Tấn, Triệu, v.v., từng có rất nhiều bộ tộc 'rợ' thuộc khối Đông Di và Bắc Địch, tiền thân các tộc người ngày nay mang những tên như: Thái, Trần, (Lạc) Việt, Hẹ, Miêu-Dao, v.v. (b) Nước Thái (xem bản đồ) có thể gồm các tộc Thái cổ, bà con gần với các bộ lạc miền trong nước Tàu, ở các khu vực như: Hồ Bắc, Hồ Nam, Quý Châu, Vân Nam và Lưỡng Quảng. Dân chúng ở 'nước' Trần cũng có thể những người thuộc tộc Lạc Việt bởi vua đầu tiên của họ thuộc giòng 'Đế' Thuấn (vua Thuấn, viết theo văn phạm tiếng Việt, 'Đế' trước 'Thuấn'), Mạnh Tử từng cho thuộc tộc Việt, và chữ Trần 陳 viết y hệt như họ Trần (Chen) của người Phúc Kiến, hay nhà Trần, họ Trần tại Việt Nam. (c) Có lần Khổng Tử bị 'cấm vận' lương thực tại nước Thái. Thầy trò đói meo. Môn sinh hỏi: 'Người quân tử cũng có khi cùng khốn ư?'. Khổng Tử đáp: 'Người quân tử có khi khốn cùng là lẽ cố nhiên'. Theo Khổng Tử, phép trị nước cũng cần: - Ngồi xe nhà Ân. Đội mũ miện nhà Chu. - Nhạc thì theo nhạc vũ Thiều. - Dùng lịch nhà Hạ. Sở dĩ Khổng Tử đề nghị nên dùng lịch nhà Hạ bởi lịch nhà Hạ rất tiện cho nhà nông: tháng Dzần (tháng thứ 3 ngày xưa) => Giần (tức Giêng), được dùng như tháng 1, bắt đầu cho năm. Trong khi lịch nhà Chu dùng tháng Tý (tháng 11 bây giờ) là tháng 1, theo y như chu kỳ 12 tháng con Giáp. Lịch nhà Ân dùng tháng Sửu (tháng 12 ngày nay) là tháng 1. Lịch ngày nay bắt đầu tháng Giêng (Giầng) do đó bắt nguồn từ đề nghị dùng lịch nhà Hạ, của Khổng Tử [15]. (d) Có những lúc, Khổng Tử chán nản muốn sang miền Đông sống với đám Cửu Di (tức Cửu Lê hay Cửu Li), hoặc lên tàu di tản ra hải ngoại. Có người can: 'Các nơi đó bỉ lậu làm sao ở được?' Khổng Tử đáp: 'Người quân tử đến đó ở, (giáo hoá họ) thì còn gì bỉ lậu nữa'. Nói đến đám rợ Di-Địch, Khổng Tử vinh danh Quản Trọng, tể tướng của Tề Hoàn Công: 'Quản Trọng giúp Tề Hoàn Công, khiến Hoàn Công làm bá chủ các chư hầu, thiên hạ qui về một mối, nhân dân đến ngày nay còn mang ơn ông. Nếu không có ông thì ngày nay đã phải gióc tóc, mặc áo có vạt bên trái, như người Di - Địch rồi'. Việc tán dương công trạng của Quản Trọng cho thấy suýt một tí nữa văn minh nước Tàu có thể đã phát triển theo hướng khác, do những người có thói tục gióc tóc, và mặc áo với vạt áo bên trái, chỉ đạo. Đọc tiếp Nho-Giáo của Trần Trọng Kim [2], ta thấy rõ một biến chuyển tiếng Việt: Chữ 'tôn' trong 'Tôn giáo' 宗 教, hay 'tôn chỉ', cho đến thời thập niên 1950's vẫn được gọi 'tông': 'Tông giáo', 'tông chỉ'. Âm [tông] 宗 theo sát với các âm Hán và Bách Việt: [zung] 272

2 7 2


Hẹ/Quảng, [zong]-quanthoại, [tsong]-Ngô-Việt, và [chong]-Phúckiến. [Tông] lột mất [g] thành [Tôn], [tông giáo] thành [tôn giáo], chỉ xảy ra trong vòng 20 năm. Thật ra âm [tông] trong tông giáo cũng có thể liên hệ đến tông tộc 種族 [zung zuk] (Quảng) tức ông bà tổ tiên. Bây giờ xin xem qua một vấn đề, thoạt xem có vẻ rất tầm thường, nhưng thật ra không kém quan trọng trong việc tìm hiểu nguồn gốc tộc người Việt Nam. Đó là: 'nguồn gốc dấu ngã ~'.

Hình 1: Bản đồ (theo [1]) cho thấy khu vực Khổng Tử bôn ba tìm job, thật xứng với khả năng, lòng vòng ở phía Đông, địa bàn khá tập trung của các bộ tộc Đông Di [15]. 1. Nguồn gốc của Thinh dấu ngã ~ Hiểu được nguồn gốc thinh dấu ngã [ ~ ], chắc chắn sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong việc tổng kết truyền thuyết Âu-Cơ và Lạc-Long-Quân. Sở dĩ dấu ngã dấu hỏi và bao nhiêu ngộ nhận 'chính tả' thường xuyên xảy ra từ thập niên 50's ở thế kỷ trước mãi về sau, là do ở việc thiếu sót kiểm chứng tiếng nói của hằng chục sắc dân nội địa lẫn các tộc người láng giềng chung quanh. Kiểm chứng với tinh thần hết sức khách quan, không bị ám ảnh bởi các tiền đề - thường sai trật - do những học giả Âu Mỹ dựng lên, hay các thư tịch cổ của Tàu, hoặc những bộ sách sử, các truyện tích u linh hoang đường, của những bậc tiền bối, hoặc nhà Nho ngày trước ở nước Nam. Những ai theo dõi tiến trình hiện-đại-hoá tiếng Hán đều biết rõ lý do bên ngoài người Hoa đưa ra để giữ vững các thứ từ cũ, thay vì theo mốt ráp vần kiểu mẫu tự Latinh a-b-c, như loại romaji của tiếng Nhật, hay phiên-âm pinyin tiếng Tàu, là sử sách và văn chương thi phú nước họ chứa toàn các thứ từ đó. Nếu bỏ đi, để theo mốt a-b-c, cả một truyền thống văn hoá 273

2 7 3


hết sức to tát lại phải đi vào bảo tàng viện thì quá uổng và dân tộc họ không biết phải bám víu vào một nền tảng nào để sinh tồn và phát huy tiến bộ như ngày nay. Đó thật ra chỉ là một lý do bên ngoài, không đi vào tâm điểm của bí quyết thành công người Hoa, trong việc nhào nặn thành một khối tộc người hợp chủng của một quốc gia đang vươn đến địa vị một cường quốc ở thế kỷ 21. Lý do sâu xa bên trong, mà người Hoa, Thái, Nhật, Hàn, Khmer, Lào, Myanmar [31], v.v. với lòng quyết tâm, đã gìn giữ nguyên vẹn lối viết chữ cổ truyền của tổ tiên, không để kiểu chữ a-b-c xâm lấn, nằm ở một nguyên lý hết sức cơ bản nhưng có vẻ rất ít học giả Tây phương chú tâm đến. Đó là: Một hệ-thống phiên-âm (kèm theo lối ráp vần) dựa theo mẫu tự a-b-c, chỉ có thể phiên âm được một, và chỉ một phương ngữ mà thôi. Nói một cách khác, nếu tiếng Hoa 'bị' hoàn toàn phiên âm theo mẫu tự a-b-c, tiếng Hoa theo chữ viết sẽ có trên 1000 kiểu đánh vần ráp vần khác nhau, tả-pín-lù. Đó là chưa kể đến số thinh, tức 'tone', hay phát âm theo dấu. Mỗi một phương ngữ có một số thinh với thanh âm trầm bổng khác nhau. Phương ngữ nào do đó cũng bị cái nạn sai chính tả hết. Nhưng nếu giữ y như hiện nay, với hệ thống pinyin (phiên âm) chỉ dùng cho quan-thoại mà thôi, tiếng Tàu vẫn mang được nét thống nhất, một cách viết cho hằng trăm hằng ngàn phương ngữ khác nhau. Bất chấp số thinh kiểu thinh của từng phương ngữ. Không có nạn sai chính tả. Xuyên luôn qua Nhật, Triều Tiên, Taiwan, Singapore, và tất cả cộng đồng người Hoa trên thế giới. Một lý do khác không kém quan trọng: Điểm đặc-trưng nhất của Hoa-ngữ khác với các thứ tiếng dựa vào a-b-c, là Hoa-ngữ đặt trọng tâm ở chữ viết bao gồm những ý niệm, dựa theo hình vẽ, nhại âm, hay miêu tả sự vật của người xưa. Thí dụ: 'Cây' {[mu]} viết rất giống hình vẽ: 木. Hợp hai chữ [mu] lại ta có: [lin](lâm)=rừng 林. Hợp 3 chữ [mu]= mộc 木 lại với nhau sẽ cho ra [sen]= sậm, rậm, 森 trong nghĩa 'rậm rạp', 'rừng rậm' dày đặc cây và lá. Xin dẫn chứng thêm: (a) Xin để ý đến nước láng giềng In-đô-nê-xia, có đến 3000 đảo lớn nhỏ, một xứ cũng được người Hoà Lan tạo dựng chữ viết dùm. Tiếng In-đô là một thứ tiếng đa-âm với một thinh duy nhất, dùng phương ngữ Bahasa tại Jakarta như lối phát âm chuẩn. Mặc dù tiếng Bahasa là tiếng chuẩn, nhưng tiếng ấy vẫn khác với giọng và tiếng của hằng trăm phương ngữ khác, nhất là khác với tiếng Sundanese ở phía Tây của cùng đảo Java. Luôn luôn có nạn sai chính tả đối với cả những vị có học vị cao, nhưng tiếng mẹ đẻ thuộc phương ngữ khác với kiểu Jakarta. (b) Tiếng xứ chùa Tháp Cam-bốt, được người Pháp phiên âm ra a-b-c dùm. Nhưng cuối cùng không được dùng. Gần đây một nhà ngữ học cho biết lối phiên âm của Tây đã biến âm [w] ra âm [v], nhưng không thành công. Người ngoại quốc học tiếng Khmer học bằng chữ [v] nhưng người bản địa phát âm như [w] [3]. (c) Tra cứu các Hán Tự tự điển trên internet, hoặc bằng các quyển sách 'thứ thiệt', nhất là các thứ cho phương ngữ như Hakka, Thượng Hải, Quảng Đông, v.v. ta thấy luôn luôn hệ thống phiên âm pinyin chỉ được dùng cho tiếng quan-thoại mà thôi. Những phương ngữ khác không thể dùng pinyin, bởi rất nhiều lý do, trong đó có vấn đề âm đầu âm cuối, và các thinh khác với kiểu quan-thoại. Thí dụ: tiếng Hakka có lối phiên âm mới do ts ChunFat Lau phát triển. Tiếng Quảng Đông theo kiểu Yale, kiểu Jyutping, Sidney Law, v.v. Hoàn toàn không theo, hay đúng ra: không thể theo, hệ thống pinyin (phiên âm) dùng cho tiếng quan-thoại. (d) Một điểm đặc trưng của các phương ngữ tiếng Hoa, có thể lan tràn sang tiếng Việt, là các thinh của họ không tiếng nào giống tiếng nào. Riêng mỗi từ, trong cùng một thứ 274

2 7 4


phương ngữ, thường có những thinh-âm khác nhau tùy theo từng vùng. Nhất là tiếng Hẹ, quan-thoại và Quảng-đông. Thí dụ trong tiếng Việt: 'thâm' mang nghĩa 'sâu', xuất xứ từ tiếng Tàu [shen]. Tiếng Việt chứa rất nhiều 'thinh' cho từ [thâm]: Thinh 'ngang' cho [thâm] & [sâu], thinh 'nặng' cho [sậm], thinh ngã cho [sẫm]. Những từ khác: [đỉnh] v [đĩnh], [ngả] v [ngõ], [dải] v [dãy], [rưởi] v [rưỡi], [khoảng] v [quãng], và rất nhiều cặp từ khác nhiều bậc tiền bối về quấc ngữ như J. Génibrel, Guatave Hue, Cordier, Huình Tịnh Của, v.v. vẫn thường xuyên không đồng ý nhau. Những từ này khi viết thành thứ chữ Nôm hay Hán, có thể chỉ dùng 1 kiểu viết mà thôi. Thinh của tiếng Ngô-Việt, với 'đại diện' là tiếng Thượng Hải lại vô cùng phức tạp: Họ chỉ có hai thinh, trầm và bổng, (và nhiều từ với tắc âm màng họng), với biến thái hết sức phức tạp mà chính những người Thượng Hải với học vị thật cao, nhưng không phải thuộc ngành ngôn-ngữ, vẫn có thể mù mờ không quán triệt được, mặc dù họ vẫn xử dụng nhuần nhuyễn hằng ngày. (e) Bất cứ một học viên tiếng quan-thoại nào cũng có thể thấy, sau một thời gian chừng 1 năm học tiếng quan-thoại, lối đánh vần tiếng Tàu bằng mẫu tự a-b-c theo pinyin của họ có thể đúng 'chính tả' hơn đa số người Hoa, kể cả những người từ phía Bắc chung quanh Beijing. Chúng ta cũng có thể để ý hằng triệu người Hoa, dù có học vị rất cao ngày nay, nếu không thuôc ngành dạy tiếng Hoa cho người ngoại quốc, thường ngọng, tức đánh vần không được chuẩn, khi xử dụng pinyin (phiên âm theo a-b-c) để ký âm Hoa ngữ theo mẫu tự Latinh. Đối với những vị này, thông thường họ viết tiếng Anh tiếng Nga đúng 'chính tả' hơn là viết tiếng mẹ đẻ của họ (tiếng Tàu) theo kiểu pinyin. (f) Bởi phiên âm một ngôn ngữ hay phương ngữ dùng mẫu tự a-b-c luôn có những chuyện lấn cấn như vậy, giới ngữ học Tây Phương mới tạo ra những ký hiệu phiên âm quốc tế, thường gọi phiên âm theo cách IPA. Nhưng dù vậy, để ý các phương ngữ hay ngôn ngữ tuy có dùng một số ký hiệu cơ bản giống nhau, nhưng luôn luôn có nhiều ký hiệu khôngcơ-bản khác với nhau. Điều này mặc nhiên xác nhận thứ nguyên lý về ký âm đã đề ra phía trên: Một hệ-thống phiên-âm (kèm theo lối ráp vần) dựa theo mẫu tự a-b-c, chỉ có thể phiên âm được một, và chỉ một phương ngữ mà thôi. Và chỉ gần đúng chứ không được hoàn hảo như chính thứ chữ do dân tộc đó tự sáng chế. Truy tầm nguồn gốc dấu ngã dẫn chứng sau đây hy vọng sẽ làm sáng tỏ vấn đề này. Trước hết xin để ý 'Thinh' hay 'Thanh', là phiên dịch của 'tone' tiếng Anh, mô tả nguyên lý nếu thay đổi thinh trên cùng một chữ, ý nghĩa của chữ sẽ thay đổi theo. Thí dụ: 'Tư' không dấu mang nghĩa 'riêng tư', số 4. Cho dấu huyền thành 'từ' (thinh huyền), có thể mang nghĩa 'từ giã', 'chữ', sẽ khác với 'tư' mang thinh hỏi: 'tử' = chết. Và sẽ khác với 'tư' mang thinh nặng: 'tự' = chùa, hay 'tự do'. Cho dấu sắc, thành 'tứ' = số 4, ý tứ. Những thứ tiếng dùng đơn âm như Hoa ngữ và Việt ngữ có khuynh hướng dùng 'thinh' để phân biệt hai từ khác nhau, nhưng có cùng một 'đơn-vị-âm' như nhau. Thí dụ, các chữ: từ, tử, tự, tứ, có 'đơn-vị-âm' là 'tư'. Tiếng Thái: đơn-vị -âm [kaow] => cơm, gạo. Nếu cho vào thinh dấu hỏi (hay ngã) sẽ thành [kaỏw] => màu cơm, tức 'màu trắng'. Cho thinh giống dấu huyền tiếng Việt sẽ sinh ra [kaòw] => tin tức. Bài giảng của các nhà ngôn-ngữ học cho biết thinh là một dải 'micro' âm (vi-âm), hợp liền, liên tục với nhau, với mỗi một vi-âm giống như một nốt nhạc, nhưng thời gian phát âm rất ngắn. Thông thường, một thinh bao gồm 2 vi-âm. Thinh hỏi hay ngã có thể lên đến 3 hay 4 vi-âm. Thinh tắc-âm màng họng [?] phát giữa [uh] và [oh] khi nói nhanh [uh-oh], chỉ mang 1 vi-âm thật ngắn. Mỗi vi-âm mang cường độ thấp cao, theo mức thước từ 1 đến 5. Mức 1 chỉ âm trầm nhất, mức 5, cao bổng nhất. Thí dụ: thinh số 2 quan-thoại (thượng thinh) 275

2 7 5


thường được biểu diễn bằng [214] tức: âm từ mức 2 xuống 1, xong cất lên mức 4. Đại khái giống như dấu huyền trước, theo sát bằng dấu sắc. Rất giống dấu hỏi [?] tiếng Việt. Thinh dấu sắc {'} tiếng Việt: [35], tức bắt đầu ở mức 3, cất lên đến 5. (Xin xem bài giảng của James Campbell về 'thinh' trong các thứ tiếng Hoa [4]). Đặc biệt ta để ý, lối ký âm thinh theo mức độ hỗn hợp từ 1 đến 5, cho mỗi ngôn ngữ hay phương ngữ cũng thường khác nhau tùy từng nhà nghiên cứu, tùy từng địa phương, và tùy kiểu phát âm mỗi người. Nhưng tổng quát cũng có thể rất giống nhau, và sắp xếp được thành từng loại thinh riêng biệt với nhau. Thinh dấu hỏi tiếng Việt theo Campbell được biểu diễn bằng [214?], tức từ mức 2 xuống 1, lên 4 rồi tắc âm [?]. Giống dấu huyền tiếp nối bằng dấu sắc. Theo Campbell, dấu ngã biểu diễn giống dấu hỏi, nhưng tắc âm nằm giữa: [2?5]. Dấu nặng: [21?], tức mức 2 xuống 1, rồi tắc đột ngột [?]. Thế thinh (dấu) ngã tiếng Việt xuất phát từ đâu? Lê Ngọc Trụ [6] có lẽ người đầu tiên đã dẫn Henri Maspero cho biết có một số đông người Thái [7] chỉ có thinh dấu ngã - chứ không có dấu hỏi - và thinh ngã của họ tương đương với thinh hỏi của tiếng Việt: - [h-nõ] => nở. - [h-yũ] => ở. - [phõng] => phỏng. Gần đây Jerold Edmondson [5] cho biết trong nhiều phương ngữ tiếng Tàu, chỉ có dân Côn Minh (thủ đô của Vân Nam - Yun-nan) có một thinh rất giống dấu ngã tiếng Việt. Nhưng họ chỉ có một thinh ngã mà thôi, chứ không phải cả hai thứ dấu [?] và [~]. Ta cũng cần quan tâm đến các nhận xét sau: a) Tiếng Thái-Lan có tất cả năm (5) thinh. Trong đó có một thinh chung cho dấu hỏi và ngã (Việt). Một số người Thái phát âm như dấu hỏi, nhưng cũng có một số khác phát âm như 'ngã'. Nhưng chính thức, nằm chung vào 1 thinh. Nhiều trang mạng tiếng Thái cho thấy phát âm thinh kiểu trầm-bổng nối tiếp này, khi giống dấu hỏi tiếng Việt khi lại giống dấu ngã. Nhưng tựu trung chỉ có một thinh duy nhất. Điểm đáng tiếc: nhà ngôn-ngữ học say mê tiếng Thái, thông thường Âu-Mỹ, lại không chú tâm đến tiếng Việt. Nhà ngôn-ngữ học chuyên về tiếng Tàu lại ít biết đến tiếng Côn Minh, tiếng Thái, và tiếng Việt. b) Người Thái-Lan ngày nay nhìn nhận tổ tiên họ xuất phát từ xứ Nam Chiếu xưa, tức Vân Nam ngày nay. Tất nhiên cũng bao gồm các tộc người Thái khác ở khu Quảng Tây và Quảng Đông. Ở những nơi đó, dấu hỏi được xử dụng nhiều hơn dấu ngã. Thường mỗi một bộ tộc gốc Thái-cổ xử dụng hoặc toàn dấu hỏi, hoặc toàn dấu ngã. c) Tiếng người Tày Nùng tại Việt Nam, cũng chỉ có 5 thinh. Tuyệt đối không có thinh ngã, mà chỉ toàn thinh hỏi. Thí dụ: 'chữ' tiếng Việt - họ phát âm [chử]. Người Tày Nùng cũng mang cùng tộc gốc Thái cổ - như số lớn người Vân Nam. Chữ [Tày] thật ra chỉ là một biến thái của [Thái] hay [Dai] phiên âm theo Âu-Mỹ. d) Người Mường, thuộc chủng Thái-cổ chủ lực, giống như người Việt ở phía Bắc có phân biệt hai thinh, hỏi (?) và ngã (~). Nhưng tiếng Mường cũng chỉ có 5 thinh, không có thinh dấu nặng [21?]. Sở dĩ tiếng Mường và tiếng Việt chung quanh bình nguyên sông Hồng có hai thinh hỏi ? và ngã ~, là bởi họ có sự góp phần của tộc người Thái-cổ thuộc hệ Côn-Minh (Vân-Nam), những người chỉ xử dụng thinh dấu ngã - ngoài những tộc người, giống như Tày-Nùng, chuyên xử dụng chỉ một dấu hỏi. Để ý trong các thinh của phương ngữ tiếng Hoa khác, thông thường cũng chỉ có một thinh 'uyển chuyển' duy nhất chứ không có cả hai thứ hỏi (?) và ngã (~).

276

2 7 6


Như vậy, dấu ngã (~) (ký âm: [2?5]) trong tiếng Việt không phải mang xuất xứ từ các tộc Lạc Việt ở miền biển Đông, mà lại từ tộc người bản địa lâu đời nhất nhì tại xứ Việt cổ: Người Thái-cổ, thuộc hệ chung quanh thành phố Côn Minh của tỉnh Vân Nam ngày nay. Xin xem những ảnh hưởng khác của chủng Thái-cổ trong tiếng Việt. 2. Sơ lược tiếng Thái, Quảng Đông, Mường, và Tày-Nùng Nhắc lại bên kia biên giới Hoa-Việt, vào cổ thời chính là điạ bàn của chủng Thái. Khi đó họ thường tự xưng chủng Âu hay Thái. Rất nhiều nước thuộc về chủng Thái này, từ xưa đến giờ chúng ta thường nhầm lẫn, cũng giống y như người chủng Việt (Nam). Bởi người Tàu ngày trước gọi chung các chủng rợ đặc biệt ở phía Nam sông Dương Tử là khối Bách Việt. Đụng thứ gì họ cũng gọi là Yueh (Việt) hết. Hoặc đôi khi họ gọi chủng Lạc. Rồi lẫn lộn Lạc Việt với Âu Việt, và Âu nhầm với Lạc và Việt, lộn xộn với nhau. Khó khăn và lộn xộn xảy ra bởi ngày xưa từng cặp: Thái (Âu) và Việt (Lạc), Thái (Âu) và Hmong-Mien (tức Miêu-Dao), đặc biệt Hẹ (Bộc Việt / Lạc Việt) và Hmong-Mien, Thái (Âu) và Mân Việt (Phúc Kiến), v.v., ưa sống gần gũi, hoặc có địa bàn đan xen với nhau. Nhưng đặc biệt tiếng chủng nào, tuy mang ảnh hưởng tiếng của chủng láng giềng thân cận, vẫn giữ y nguyên tiếng chủng đó, sau trên 2000 năm. Chủng Âu (Thái) chiếm vùng đất phía trong ngay trục thẳng đứng đối chiếu với nước Việt Nam trên bản đồ. Chủng Âu tức Thái-cổ bao gồm tộc người xưa ở nước Thục (khu Trùng Khánh - Tứ Xuyên), nước Sở (Hồ Bắc - Hồ Nam), Dạ Lang (Quí Châu), Điền Việt (tức Nam Chiếu, Đại Lý, hiện nay: Vân Nam), Quảng Tây và Quảng Đông, ngày nay. Riêng khu Quảng Tây, giáp giới với Vân Nam ở thời Chiến Quốc là một 'nước' rất kiên cường mang tên Tây Âu. Nổi tiếng nhất ở thời Xuân Thu Chiến quốc chính là nước Sở. Một nước ban đầu được xem như vùng đất của rợ, nhưng về sau trở nên văn minh hùng cường suýt chút có thể lãnh đạo thống nhất nước Tàu. Đến thời cực điểm, Sở Trang Vương được xếp vào hàng 'võ lâm Ngũ Bá' cùng với Việt Vương Câu Tiễn, Tề Hoàn Công, v.v. Chủng Lạc (Việt) chiếm vùng gần biển, kéo dài từ khu vực Sơn Đông tận sông Hoàng Hà đến phía nam tỉnh Phúc Kiến (tức Mân Việt thời xa xưa). Ngoài ra còn có một nhóm 'du mục' rất kiên cường xuất xứ từ vùng sông Hoàng Hà, sông Bộc, gọi Bách Bộc hay Bộc Việt [8] [9], thường có mặt trên nhiều chiến trường thời Xuân Thu. Chúng tôi cho rằng chính nhóm Hẹ đã được biểu tượng bằng Lạc Long Quân, bởi chữ Hẹ ngày xưa 貉 viết ra y hệt như họ Lạc 貉 của Lạc Long Quân. Cũng thường được gọi: 'Lạc bộ Trãi'. Nhóm Hẹ cũng là thành phần nòng cốt của hai đám loạn nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa: Hoàng Cân và Hoàng Sào. Về sau những tộc người Lạc này di dân vào định cư 'tạm' ở vùng Đông Nam nước Sở, và ở miền Tây (Tứ Xuyên) và Tây Nam (Vân Nam / Quý Châu). Chúng tôi cũng đã ghi nhận: Sau khi đám Hoàng Cân tan rã chừng 200 năm tại xứ Việt cổ có ông Lý Bí tức Lý Nam Đế dấy quân nổi lên chống lại thế lực đô hộ Bắc phương. Tương tự, khoảng 2 thế kỷ sau đám Hoàng Sào, ở An Nam, Lý Công Uẩn bắt đầu dựng nên thời đại huy hoàng của nhà Lý (1010-1225 SCN). Ngày trước, họ Lý rất phổ biến trong đám Đông Di ở khu vực Sơn Đông. Truyền thuyết Âu Cơ - Lạc Long Quân chính là câu chuyện di tản hằng khối của hai chủng Âu và Lạc, chạy trốn chủng Hoa, đi sang một địa bàn sinh sống mới. Đầu tiên với dụng ý 277

2 7 7


hợp nhập lại thành 1 chủng mới để chống trả với Hoa chủng. Nhưng ước mơ ban đầu nhiều phen đã đưa đến thất bại. Y hệt như tình vợ chồng giữa Âu Cơ và Lạc Long Quân, sau cùng cũng dẫn đến phân ly. Phân ly đầu tiên: Phong kiến phương Bắc sau khi thôn tính Nam Việt, tách rời chủng Thái ra khỏi chủng Việt. Chủng Thái phía Bắc trở thành Quảng Châu. Chủng Việt phía Nam - đa số cư ngụ miền đồng bằng - đặt tên: Giao Châu. Phân ly thứ hai: Chủng Âu tại Giao Châu có một số người không chịu được thống trị của Hoa chủng, kéo nhau trở về địa bàn rừng núi xưa cũ. Ở đó, hoặc cùng dời cư với họ, họ hội nhập với các sắc dân bản địa lâu năm như người Négrito, người Polynesian & Melanesian (Đa và Hắc Đảo), người Môn-Khmer, và trở thành người Mường. 'Mường' nguyên thủy là một từ tiếng Thái mang nghĩa 'người (Thái)'. Lâu ngày trở thành 'mường bản', 'làng mạc', 'đô-thị'. Tiếng Thái ngày nay vẫn còn từ [Mwàng] mang nghĩa 'đô-thị'. Nhóm chủng Lạc (đa số) ở lại miền đồng bằng ven sông biển, cùng với nhóm Thái biến chuyển được, trở thành người Kinh. Đặc biệt xin nhấn mạnh, trong số người dân tộc như Mường cũng có thể có hiện diện của chủng Lạc gốc. Đặc biệt các nhóm Lạc Việt ở miền biển, nhất là nhóm Mân (Phúc-kiến) với âm đầu chữ [B] thay cho âm [V] quốc-ngữ: Vạn (10000) => ban (bjạn) => Muôn {xem [19]}. Và trong số người Kinh cũng có thể vẫn có người chủng Âu (Thái cổ) chọn lựa ở lại (với dấu tích ở dấu 'ngã ~'). Y hệt như hai đám con của Âu Cơ và Lạc Long Quân. Đám nào cũng mang hai giòng máu, Âu và Lạc. Phân ly thứ ba: Thử thách qua nhiều thế kỷ của chủng Thái từ xứ Nam chiếu, bằng cách đánh phá nước Nam, với mục đích chính xin 'đoàn tụ' hai chủng trở lại, đã bất thành. Nhất là vào thời Tiết Độ Sứ Cao Biền đem quân bình định nước Nam Chiếu, vào cuối thế kỷ thứ 9. Để ý trên nhiều trận chiến giữa quân nước Nam và Nam Chiếu, người 'Thổ Man', tức người Mường, ưa đứng về phía bên Nam Chiếu. Bởi họ cùng chủng với nhau. Đến khi sức ép của Bắc phương (Mông Cổ / nhà Nguyên) càng ngày càng nặng nề khốc liệt. Cuối cùng dân Thái ở Nam Chiếu đành theo vết chân người xưa, tràn qua chiếm vùng đất phía Nam, thành lập nên Lào và Xiêm La (Thái Lan), vào thế kỷ 13. Hai chủng Thái - Việt vĩnh viễn phân ly. Ăn khớp với cuộc chia tay giữa Âu Cơ và Lạc Long Quân. Khi quan sát về ảnh hưởng chủng Thái, cần nhớ không phải bất kỳ người chủng Thái (Âu) nào cũng đi theo bà Âu Cơ đi về miền rừng núi, rồi trở thành người Mường. Ngược lại, rất có thể có một số đông tiếp tục hợp chủng với chủng Lạc và trở thành người Kinh. Điển hình, nước Nam đã có nhiều nhà lãnh đạo tài ba và triều đại huy hoàng gốc Mường (tức Thái cổ) như: Hai Bà Trưng, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Lị (tức Lê Lợi), v.v. [11]. Ảnh hưởng ngôn ngữ Thái (cổ) trong tiếng Việt rất sâu đậm. Ngược lại ảnh hưởng ngữ ngôn của chủng Lạc trên khối người Mường (hiện nay trên 1 triệu người) cũng rất đậm nét. Xin xem qua một vài nét đại cương: 1. Tiếng Thái Lan có 5 thanh điệu (dấu) => Tiếng Mường cũng 5 thanh điệu. Nhưng tiếng Việt có đến 6 thanh điệu (thêm dấu NẶNG). Tiếng Tày-Nùng cũng có 5 thinh, giữ thinh Nặng, nhưng không có thinh Ngã (~). 2. Tiếng Thái Lan, tiếng Mường, tiếng Quảng Đông đều KHÔNG có phân biệt âm [SH] và âm [X]. Cả 3 thứ tiếng của cùng một chủng gốc Âu đều chỉ có 1 âm [X]. Trong khi chủng Việt (Nam) mang ảnh hưởng nhóm 'Bộc Việt' xuất phát từ các khu vực miền Hoa Bắc nên giống quan thoại, có cả âm [SH] và [X]. Điểm này sẽ giải thích tại sao rất nhiều 278

2 7 8


nơi ở Bắc Bộ người Việt thường không phân biệt [X] và [S] (tức 'sh') trong cách phát âm: 'Bổ sung' ưa phát âm như 'bổ xung'. Bởi những nơi đó chắc chắn có rất nhiều người gốc Thái cổ hay người Mường cư trú. Thí dụ: Suy nghĩ => Mường: Xy Ngĩ. Sửa soạn => Mường: Xứa xãn. 3. Tiếng Thái Lan cổ xưa cũng có khuynh hướng không có [R]. Âm [R] được 'bổ sung' bằng những âm [J] xưa cũ, hoặc âm [L], nhất là khi ảnh hưởng Tây phương trờ tới. Ở Việt Nam, thể hiện qua chữ quốc ngữ. Y hệt như tiếng Quảng Đông, tiếng Mường, Việt ngữ và ... tiếng Hẹ. Thí dụ: Rượu, người Mường đọc 'Rão', xuất từ [jiu] quan thoại, và [jẩu] quảng đông, [txiu] tiếng Triều Châu (Phúc Kiến). Từ [txiu] sinh ra [tửu] người Bắc Bộ phát âm như [tỉu]. Nếu để ý, như đã trình bài trong loạt bài 'chữ Nôm & quốc ngữ', âm 'iu' và 'ou' (hay 'ao') ưa biến chuyển qua lại với nhau trong các phương ngữ Bách Việt (tức Hoa Nam), ta có từ Thái chỉ rượu là [Lao]: R <=> L: giống Mường [Rão]. Âm [ao] biến sang [iu] sinh ra [Rượu] đọc theo giọng Bắc: [rịu]. Rượu (Việt) <=> Lao.(Thái) => Rão (Mường). Tương tự [L] và [N] cũng ưa hoán chuyển với nhau y như tiếng Quảng Đông: Tiếng Thái của động từ 'to float' (nổi) là [Loi], cho biết rất rõ [L] (loi) nhảy qua [N] (nổi) như tiếng Quảng Đông, y như tiếng Việt: 'Anh nàm (làm) gì thế?'. 4. Hệ thống đếm của tiếng Thái có số đếm rất giống số đếm tiếng Quảng Đông: Việt: Một Hai Ba Bốn Năm Sáu Bảy Tám Chín Mười Mường: Môch Hal Pa Pươn Đăm Khẩu Páy Thảm Chỉn Mươl Thái: nung song sam si ha hok jet paet kau sip Q Đ: yat yi sam sei ung luk chat băat gau sap Để ý: Số 2 Thái gọi [song]. Tương đương tiếng Quảng: [song] hay [leung] (lưỡng). Trong khi đó, tiếng Mường có vẻ vẫn còn mang hai ảnh hưởng. Thứ nhất: ảnh hưởng hệ đếm số 9 của thời cổ đại (xem bài '18 đời Hùng Vương). Thứ hai: ảnh hưởng tiếng Việt cho tên gọi các số đếm. 5. Ảnh hưởng ngôn ngữ bà con giữa Thái / Quảng Đông / Mường, còn được thể hiện qua: (a) Cả 3 thứ tiếng không có âm giống [Z]. Nhiều chữ Mường cho thấy sự qua lại giữa âm quốc ngữ D ([Y] hay [Dz]): Con dzê => quốc ngữ viết là 'dê'. Xut Dả <= sụt Giá, [D][Gi]. (Nhiều phương ngữ Mường không có dấu nặng (tức chỉ có 5 thinh), trong khi tiếng Tày Nùng không có dấu ngã (cũng chỉ 5 thinh), như kiểu Nam/Trung Bộ. (b) Quảng Đông và Thái đều không có âm 'V', như 'đi về', mà chỉ có âm 'W': 'Wir' (về). Thái: Wong Klom => vòng tròn. Wang => vọng => mong. Quảng Đông: Wân Nam => Vân Nam. Mường cũng vậy. Thời xa xưa cũng không có âm 'V', mà chỉ có âm [W]: con Way => Việt cổ: con Woi => con Voi (quốc ngữ). Ngoài việc thay thế âm chữ 'W', chữ 'V' trong quốc ngữ được dùng kí âm thay phát-âm theo kiểu Phúc-Kiến (Mân), Mường, Nam bộ, Chăm-pa, đôi khi Hakka, thành như [B] (xem [19]). Khi thay thế 'W', chữ 'V' trong quốc-ngữ cho thấy ảnh hưởng của các nhóm Lạc Việt xưa thuộc khối Đông Di ở Sơn Đông. Tại đây, nhất là trong cộng đồng người Hakka (Hẹ), người ta luôn dùng 'V' thay cho 'W' của các thứ tiếng Hoa khác: aWan => vân (mây). Wang => vãng. Wang => vọng. Nhưng, khi 'W' bước sang phương ngữ Mân (hay Mường / Nam bộ) lại chuyển thành [B]. Tương đương với một số âm [M] tiếng Quảng Đông, tiếng Thái (xem [19]). Giống như hỏi-ngã, người Mường có cả 3 thứ: [V], [W] và [B]. Bà vợ = bà byợ. Ông byua = ông vua. Bải = vái. Con way = con voi. Wan nài = van nài. (c) Tiếng Mường cho thấy vài ảnh hưởng trên phát âm Nam Bộ:  Một số âm ngày nay ký âm bắt đầu bằng [V] ngày trước có 2 âm: [W] và [By] ký âm theo IPA là [Bj]: 279

2 7 9


=> [W]: xiêu wẽo=> xiêu vẹo // wã lây=> vạ lây // wiệc=> việc // wan nài=> van nài // wàng lá=> vàng lá // con wè=> con ve // va-li (valise)=> wa-li => viết theo quốc ngữ: hoa ly (Hồ Biểu Chánh) [32]. => [B]: ông b(j)ua => ông vua // bãn => vạn (muôn => [maan] QuảngĐông) // bỗi bàng => vội vàng. // bjiết => viết // bỡi lãi => với lại // bải => vái. Lạc Việt cũng có âm gốc ở dạng [Bi] biến đổi thành [V]quốcngữ: [Biak] Hẹ => [Bjách] (Nam) => Vách (quốcngữ).  Phát âm Nam Bộ của những âm như 'hoa' hoàn toàn dựa theo Mường: [wa]. Thí dụ: sinh hoạt=> xinh wat / hiền hoà => hiền wà / hoà hoãn=> wà wãn. / chịu oan => chĩu wan / hoan nghênh => wan ngênh / hoa-ly => wa-ly (va-li).  Tiếng Mường cũng có [mần] = [làm] (việc), y hệt kiểu Trung & Nam bộ.  Phân biệt âm cuối giữa [cúC] và [cúT] hoặc âm cuối [N] [20] cũng không rõ rệt giữa các phương ngữ Mường, Tày Nùng, và Nam Bộ: ngoch (M) => ngọt // maích tjã => mát dạ // môch (M) => một // cốch => cốc // hao pớch => hao bớt // roch (Trung Bộ) => ruột // liênh => lêN // miềnh (Trung Bộ) => mình // cho điênh => cho nêN // noọng (T-N) = em // loỏng (T-N) = lóng // pja coòng= cá ngạch // moong = xám. Tiếng Tày Nùng [noọng] và [moong] có phát âm rất giống Nam bộ, mặc dù có thể viết theo quốc-ngữ: 'nọn' & 'mon'. (d) Phát âm Mường cũng cho thấy 2 kiểu đặc thù Nam Bộ như sau: (i) Phát âm 3-âm thành 2-âm-nhập-1: duyên (quốcngữ) => diên / chuyến => chiển / tri huyện => tli wiễn [33]. (ii) Đặc biệt 'ba mươi' biến thành 'băm' như trong: 'băm sáu' = 36, cũng có tương đương trong tiếng Mường: [păm] => Năm nay nả vừa đủng păm khẩu = Năm nay nó vừa đúng băm sáu (tuổi). Số Năm {5}, đặc biệt người Bắc bộ thường phát âm như 'dăm': dăm ba mái nhà. 'Dăm' xuất xứ từ tiếng Mường [đăm] (= 5). Ký âm theo kiểu quốc tế đã dẹp bớt âm phụ [j] tức [y] theo ngay sau [đ]: [đjăm] (5). [Đjăm] theo kí âm dựa trên nguyên lí 'cặp tối thiểu', sẽ lột mất [j] cho ra [đăm]. Nhưng trong tiếng nói có thể sẽ cho ra [Jăm] => [Dăm] [18]. (e) Thái / Quảng Đông / Mường đều có âm [Y] như trong 'Yeung Gui Fei' (QĐ), bua Yịt Yàng (Mường: vua Việt chủng màu Yàng), Ya (Thái: dược, thuốc men). Tiếng Việt phía Bắc mang khuynh hướng của một nhóm lớn của Hẹ chuyên zùng âm [Z] hay [Dz] cho [Y]. Trong khi phía Nam vẫn giữ âm [Y] của nhiều phương ngữ tiếng Hoa và của tiếng Lưỡng Quảng, tiếng Mường.. Sau đây, xin liệt kê bảng đối chiếu các từ Việt, Thái, Quảng Đông hiện tại để xem những dấu vết dư âm xưa cũ. Việt

Thái

Quảng Đông

Ghi chú

Đơn độc Than (coal) tròn rễ (root) Ho Trái măt (phải) vô (mậu 無 ) Mây (vân) (cá) mực Sắc (màu)

dod dio Than Klom Rak Ai Sai khwa mai-mii mek (pla) mưk si

daan duk than yuen gan khaat juo yau bin mou (không có) wan maak-yu sik

Thái: dod dio, có âm giống: độc đơn 3 thứ tiếng y hệt. Để ý âm /TH/ klom => tròn, yuen => viên gan => căn. Âm c <=> g khaat => khạc nhổ * juo => tả. Nhật: hidari yau => hữu. Nhật: migi. A Kha: amá Mường: [mao]. qt: wu, Mân: bo Quảng Đông giống Mã Lai: aWan pla= cá= pja (Tày Nùng). Mặc墨 [17] Color

280

2 8 0


Xài Mu`ng cơm dược (thuốc) La (lừa) Chín (muồi) sương mù hy vọng

chai mung kow ya la sook mok wang

chai = xài tiền= dùng đồ vật ** Hẹ: [miong]. QT: [wang] thời cổ xưa – gần âm 'phàn' *** để ý âm /d/ tương ứng /y/ Donkey - con la (lừa) T=QĐ. muồi <= M-Kh: mudir / hmede Fog mong (Việt) => Quảng Đông

tsai / yong mong fan yeuk la suhk mo-o hèi mong

CHÚ THÍCH * Việt: Ho => Thái: Ai. Chuyển biến âm giữa Ho => Ai, giống y như giữa: Hai => Ôr, Ê, Ơi, quan thoại 'Er' (=2). Số 2 tiếng Việt mang gốc từ tiếng Myanmar cổ: [Er](Hơ) & [hnyi] phản ánh qua tiếng Mã Lai ngày nay: [Hai] <=> Ơi (ơi ới). [Er] và [Hnyi] sinh ra tiếng quan-thoại [Er] & quảngđông [Nhị] = 2. Để ý tiếng Việt thu nhập 'khạc' rồi mang vào nghĩa hơi khác với một từ tương đương 'Ai' dành cho 'Ho'. ** Cần phải để ý đến điểm này - rất quan trọng. 'Xài' trong tiếng Việt mang hai nghĩa: Xài tiền', và 'Xử dụng đồ vật', 'dùng đồ vật'. 'Hôm đi chơi Thái Lan, anh đã xài hết bao nhiêu?' hoặc: 'Anh đã xài chiếc xe hơi nầy được bao lâu rồi, mà bây giờ mới tính bán cho tôi?' Tiếng Thái cũng Y HỆT như vậy. Từ điển ghi rõ, 'Chai' = spend money, xài tiền. 'Chai' = Use, xài đồ vật. Điểm độc đáo đi sâu vào văn hoá dân tộc, một từ cùng mang 2 nghĩa trong hai thứ tiếng cho thấy hai dân tộc chắc chắn đã từng sống bên nhau, hoặc có tình bà con chị em với nhau vào thuở cổ thời. Thí dụ khác: 'Yue' (nguyệt) trong tiếng Tàu vừa mang nghĩa 'Tháng' vừa mang nghĩa 'mặt trăng' (y như: bulan, Mã Lai). Thoạt nhìn tửơng tiếng Việt có 2 thứ 'tháng' và 'mặt trăng'. Nhưng từ tiếng Thái chỉ 'mặt trăng' là /Duan Jan/. 'Duan' chuyển thành 'Tháng' và 'Jan' chính là 'Giăng', là Trăng. Tiếng Việt trước hồi quốc ngữ là Bulăng (y như tiếng Mã Lai), chuyển qua 'Blăng', rồi quốc ngữ biến /L/ thành /R/: Blăng => Brăng => Trăng. Giống như: Blời => Tlời (Mường) => Trời (Việt). *** Đây cũng là từ độc đáo. 'Cơm' mang hai nghĩa: 'gạo nấu chín' và 'bữa ăn'. Thí dụ: 'Nồi cơm chưa chín mà anh đã dọn bàn rồi' / Cơm= gạo nấu chín, và 'Anh chị đã ăn cơm tối chưa?' / Cơm= bữa ăn. Tiếng Thái có từ 'Kow' có âm sinh ra 'Cơm' và 'Gạo' tùy theo cách phát âm gần giống. Và ‘KOW cũng vừa mang nghĩa ‘cơm/gạo’ vừa nghĩa ‘bữa ăn’. Đặc biệt, từ chỉ 'Gạo' của tiếng Mã Lai là PA-ĐI. Từ 'Pa-đi' đã sinh ra tiếng Anh Paddy, như paddy field: ruộng luá [12]. Người dân tộc Rhađê => Pơ-đai. Gia-rai => Pơ-đai. Chăm => Pơ-đai. Mường => Pơ-đuông (cũng dùng từ ‘cơm’ như Việt) Mường chịu ảnh hưởng đơn âm của Tàu nên bỏ bớt 'Pơ' còn lại 'Đuông' => sông Đuống. Người Quảng Đông (có gốc Thái cổ) cũng bỏ bớt một âm, nhưng âm cuối của 'Pa-Đi' còn lại 'PA'. Theo thiển ý, [PA] sinh ra [Pan], rồi tiến đến [Phàn] không bao lâu. [Phàn] cũng mang 2 nghĩa: cơm và bữa ăn. 'xik fan' = ăn cơm, 'chow fan' = cơm chiên Tiếng Quan Thoại cũng vay mượn tương tự: [mi fan] = cơm. [fan dian] = tiệm ăn. **** Ảnh hưởng của đóng góp dân hải đảo (Polynesian & Melanesian) cũng có thể tìm thấy qua số ngữ vựng thông thường. Thí dụ: Bên mặt (phải) tiếng Fiji gọi: Matau, rất giống 'mặt' tiếng Việt. Tương tự, tiếng Tonga: taoMatau. Trễ (muộn) có âm giống tiếng Tahiti: Taere, v.v. ***** Những ai đã học tiếng Thái đều thấy tiếng Thái rất giống tiếng Việt. Từ cú pháp, văn phạm, đến cách xử dụng thì quá khứ và tương lai. Giống như nhận xét của (Đại tá) Henri Roux [14] ở thời thập niên 1950's. 281

2 8 1


3. Những dấu tích khác của chủng Thái cổ Điểm đặc trưng nhất trong mọi công trình khảo cứu về người Mường, cũng như về An Dương Vương Thục Phán, từ xưa đến nay không bao giờ dám xác nhận người Mường (hay Thục Đế) thuộc đích chủng nào. Một tình trạng ngập ngừng kéo dài khá lâu. Ta cũng để ý giới nghiên cứu Á Châu nói chung, với lòng ngưỡng mộ và kính trọng hãy còn đó, có vẻ vẫn chưa đủ tự tin đế cáng đáng những công trình nghiên cứu quan trọng. Nhất là đi đến những kết luận trái với thứ tiền đề các tiền bối Tây Tàu đã đưa ra. Bên Tàu, họ loay hoay tìm nguồn gốc người Hẹ hằng chục năm, vẫn chưa có kết quả, trong khi bị 'lậm' với thứ tiền đề sai trật: Đám Lạc bộ Trãi 貉 đã tuyệt tích giang hồ, biến mất từ lâu. Ngược lại, chúng tôi mạo muội cho rằng Lạc bộ Trãi không có biến mất đâu hết. Họ chính là tiền thân của người Hakka (Hẹ) ngày nay, và cũng là người Việt cổ có phát âm chữ [V] cho [W] quanthoại (Wu => Vũ), và [Z] cho [Y] quanthoại (Ziang Gui Fei => Yang Gui Fei). Ở Việt Nam, mặc dù có công trình nghiên cứu về người Mường của Jeanne Cuisinier [16], Bình Nguyên Lộc [12] và rất nhiều vị tiền bối khác đã không thể nhận diện được tính chất hết sức Thái của người Mường, mặc dù thường đi gần đến đích. Chung qui cũng do ở việc không dám thẳng tay đả phá những thứ tiền đề xưa cũ của mấy ông Tây ông Tàu. Quan trọng nhất, học giả Âu Mỹ thường cho rằng người Mường không hề hiện diện ở bên kia biên giới Việt Hoa. Tức bên Tàu không có người Mường [12] [29]. Theo thiển ý: Bên Tàu xưa nay vẫn có tổ tiên và bà con cật ruột người Mường. Đó là người Thái ở Vân Nam, Tứ Xuyên, Quý Châu, và nhất là người Choang (Zhuang) ở Quảng Tây. Người Choang cũng là bà con gần với người Mường và Tày Nùng. Có một hai điểm hết sức gay cấn và mâu thuẫn trong cách nghiên cứu về người Mường: (i) Người Mường, thuộc tộc Thái-cổ, so với người thành thị xấu hơn và thấp hơn, bởi lai với các nhóm Hắc nụy (Négrito) [24]; (ii) Chủ nhân của các trống đồng thật ra chính là người Việt thuộc chủng Thái-cổ, bà con với người Việt-cổ hệ Vân Nam, tức tổ tiên trực tiếp người Mường [21]. Khuôn khổ bài viết có hạn, chúng tôi xin phép tóm tắt các điểm quan trọng về người Mường - phần chủ lực mang gốc thuộc về tộc người Thái cổ. A. Trước hết, 'Mường' là gì? 'Mường' là một từ Thái (Lan) thuần túy. Nghĩa ban đầu: 'người (Thái)'. Về sau này, các người dân tộc miền đồi núi tại Lào, Myanmar hay Thái Lan dùng chữ [Mwâng] tức Mường để chỉ 'người Thái-Lan'. Trong khi đó, người Thái dùng 'Mwâng' để chỉ đô thị. Tương đương với 'Mường bản' do chính người Mường xử dụng với hàm ý: làng mạc, đô thị, chỗ đông người ở. Từ 'người' trong tiếng Thái ngày nay chính là [Kon], mà tiếng Việt biến nghĩa như một mạo từ hay một danh từ: [Con] (người), [con cái]. [Mwầng] trong tiếng Mường biến thái ra thành [Mwai]. [Mwai] sinh ra [mọi] rất dễ. Hoặc có thể bị lột mất âm [M] phía trước rồi sinh ra [ngài]. [Ngài] = người. Trong tiếng Việt [người] có thể xuất xứ từ [ngài] hoặc biến chuyển từ tổng hợp các thứ tiếng Quảng Đông [gwai] 貴 (tức [quý], Hẹ [kwui]) + Hẹ [ngin] 人 (tức [nhân]) [25]. [Gwai] có thể liên hệ đến 'Ngài', và [Ngin] rất giống âm 'Người' (hay 'Ngài'). Đối với nhiều cộng đồng dân tộc tại Việt-Nam, chữ [người] phát âm như [ngàj][23]. Trong khi tiếng Việt chuyển 'Ngài' sang nghĩa hàm chứa sự kính trọng: 'thưa Ngài', tiếng Thái đổi âm chữ [Kon] (= người) ra [Kun] => [Khun] = [Ngài]. 282

2 8 2


B. Truyền tích Âu-Cơ và Lạc Long Quân thật ra là một truyện cổ của người Mường. Nhiều tác giả thời nhà Trần đã hiệu đính truyện cổ tích này và đổi tên Long Wang thành Lạc Long Quân với chữ Lạc viết theo bộ Trãi, 貉, y như lối viết chỉ một bộ tộc Đông Zi mang tên [He] 貉 mà chúng tôi cho rằng thủy tổ tộc người Hakka (Hẹ). Bà Âu Cơ (Mường đọc theo Quảng Đông: Ngu Kơ) là một người thuộc tộc Âu tức Thái-cổ. Bằng chứng: Hiện còn rất nhiều mường bản vẫn thờ phượng bà Ngu Kơ, được biểu tượng bằng con nai có đốm sao [16]. Long Wang cũng dẫn phân nửa đám con đi về miền đồng bằng gần sông biển. Nhưng người Mường không có thờ Long Wang, tức Lạc Long Quân theo ấn bản Việt. C. Bua Hùng Vương thỉnh thoảng cũng được nhắc nhở trong các truyện tích người Mường. Nhưng mang hàm ý ông vua, hay tù trưởng một bộ lạc thân thuộc láng giềng. Chứ không phải 'xếp' bộ tộc thuần Mường. Thường thường họ gọi bua Yịt Yàng, mà chúng tôi lý giải theo quyển sách của Cuisinier: các vua Việt thuộc những bộ lạc áo vàng. Theo sát với ấn bản Âu-Cơ và Long Wang của người Mường: hai đám con theo mẹ Âu Cơ và cha Long Wang về sau đều trở thành vua chúa CÁC bộ tộc của họ. Tức có đến 50 vị Hùng Vương cho Việt tộc, và 50 wị bua hay nữ wàng gì đó lãnh đạo những người sinh sống ở địa bàn núi rừng của bà Âu Cơ. Tức có rất nhiều Lạc Vương, chứ không phải chỉ 1 Lạc Vương (= Hùng Vương) như nhiều sử sách tiếng Việt đã ghi chép. Vấn đề cơ cấu hành chánh tại xứ Việt cổ có NHIỀU Lạc Vương, Lạc Hầu và Lạc Tướng đã được bộ Thủy Kinh Chú [28] ghi nhận rất rõ. Những tên gọi này do mấy sử gia Tàu hồi xưa đặt ra để gọi những chức vụ địa phương như quan lang, thổ lang, v.v. Hoàn toàn chúng không phải tiếng nôm của người bản địa. D. Theo Cuisinier [16], có khá nhiều mường bản người Mường hãy còn thờ An Dương Vương Thục Phán (họ gọi Thục Đế) và Hai Bà Trưng. Tức Thục Đế và Hai Bà là những người Việt mang gốc Thái-cổ. Họ cũng thờ chỉ mỗi thần Tản Viên Sơn Tinh Nguyễn Tuấn, và có vẻ tảng lờ đi Thủy Tinh. Nguyễn Tuấn cùng với Nguyễn Hương và Nguyễn Lang là ba vị thánh của núi Ba Vì. Để ý trong truyện tích Việt có vẻ người Việt rất trung lập giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Nhưng trong cổ tích Mường, họ chỉ vinh danh Sơn Tinh, bởi Nguyễn Tuấn biểu tượng cho dân miền núi (Sơn) tức người Mường. Cuisinier [16] cũng cho biết nếu chọn 10 người đàn ông Mường thuộc hàng 'quý tộc', người ta sẽ thấy có 4 người giống người Thái, 4 người giống người Việt, và 2 người vừa giống Việt vừa giống Thái. E. Một điểm hết sức độc sáng để có thể kết luận thành phần chủ lực người Mường mang gốc Thái-cổ ở miền Nam và Tây Nam Trung Hoa là nét văn hoá trong chuyện hôn nhân. Trong công trình nghiên cứu về người Choang, Barlow [26] cho biết một số bộ tộc người Choang có tục con gái sau khi thành hôn vẫn ở lại gia đình cha mẹ một thời gian đôi ba năm. Thỉnh thoảng vào những ngày lễ người vợ có thể về nhà chồng. Chỉ sau khoảng thời gian được ấn định trước đó, người vợ mới được trọn quyền 'xuất giá tòng phu' dọn về nhà chồng. Phong tục này cũng hiện diện tại nhiều bộ tộc khác nhau như Lê, Khương, ở miền Nam hoặc Tây Nam nước Tàu. Và cũng được Cuisinier [16] tìm thấy tại nhiều mường bản ở Việt Nam. Để ý luôn đến rất nhiều nét tương đồng giữa tiếng Mường và tiếng Việt, thành phần chủ lực người Mường rất có khả năng, chính là tộc người Thái cổ. Cũng giống như người Tày Nùng, Thái đen - Thái trắng, v.v. Cũng có tộc Lạc (Việt) trong lòng tộc Mường. Đông nhất: người từ xứ Mân và đám Lạc bộ Trãi tức người Hẹ cổ.

283

2 8 3


Trong những bài tới chúng ta sẽ có dịp thấy rõ hơn những ‘thành phần tộc người hỗn hợp’ khác, trong quá khứ xa xưa, đã góp phần tiến tạo nên tộc người Việt Nam.

GHI CHÚ [1] Nguyễn Hiến Lê (1992) Khổng Tử. Nxb Văn Nghệ [2] Lệ Thần Trần Trọng Kim (1957) Nho-Giáo. Nxb Tân Việt (SG) [3] David Bradley, Jason Roberts, Joe Cummings, Anita Ramly, Paul Woods, Kristina Sarwao Rini, Jonh U Wolff & Nguyen Xuan Thu (1997) SouthEast Asia phrasebook. Lonely Planet Publications [4] James Campbell (2005) Chinese Tone Tutorial. Trang mạng: www.glossika.com/en/dict/tones/tutorial.htm [5] Dấu ngã ở Côn Minh: http://www.de-han.org/vietnam/chuliau/lunsoat/sound/4.htm. Dấu tiếng Thái: http://phonetics.ucla.edu/course/chapter10/thai/thai.html [6] Lê Ngọc Trụ (1960) Chánh Tả Việt Ngữ. Nxb Xuân Thu - California USA (tái bản) [7] Lê Ngọc Trụ dẫn Maspero cho rằng người Thái ở bình nguyên sông Menam, phát âm dấu ngã. Kiểm chứng với người Thai-Lan cho biết tiếng Thái 'Menam' chỉ có nghĩa 'sông', chứ không phải tên một con sông. [8] Đường Nhạn Sinh, Bạo Thúc Diễm & Chu Chính Thư (2002) Mưu Trí thời Xuân Thu. (Ông Văn Tùng & Vũ Ngọc Quỳnh dịch). Nxb Văn Nghệ, TP HCM [9] Charles Higham (1996) The Bronze Age of Southeast Asia. Cambridge University Press. [10] Keith Weller Taylor (1983) The Birth of Vietnam. University of California Press. [11] Tất cả những vị này đều xuất thân từ những khu vực tập trung nhiều người Mường. Keith Weller Taylor [10] ở trang website của ông, trong bài phỏng vấn của đài BBC đã nêu lên vấn đề chủng tộc nguyên thủy của những vị anh hùng dân tộc này. Tuy nhiên chúng tôi không đồng ý với Gs Taylor về gốc gác của Lê Hoàn. Rất có thể Lê Hoàn thuộc tộc Lê hay Lạc Lê - kiểu người Hải Nam chứ không phải tộc Thái cổ ở Vân Nam hay Quảng Tây. Đặc biệt, theo thiển ý, rất có khả năng Hai Bà Trưng có giòng máu Thái cổ, bởi vào thời đó có lẽ người Mường hãy còn giữ Mẫu hệ, theo như truyền thuyết Âu (Ngu) Cơ của họ. Lý do khác: Khi hai Bà khởi nghĩa có sự hưởng ứng của dân Nhật Nam và Hợp Phố. Đặc biệt, Hợp Phố thuộc tỉnh Quảng Đông ngày nay, có chủng Thái, chưa bị Hán hoá vào thời đó. Riêng Lê Lị (Lợi), đã được Nhượng Tống, theo trích dẫn [12], chứng minh rất rõ mang chủng Mường. Rất nhiều học giả, trong đó có Nhượng Tống, đã chỉ trích Ngô Sĩ Liên vì muốn bợ đỡ triều Lê đã đem rất nhiều truyền tích rặt Mường vào quyển Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Theo quyển từ điển Mường Việt [13] tổng dân số Mường ở tỉnh Hoà Bình, ngày nay, chiếm đến gần 70% dân toàn tỉnh. Như vậy rất rõ chủ nhân của nền 'văn hoá' Hoà Bình, theo khám phá của Colani, và theo xác suất, chắc chắn thuộc chủng Thái cổ, chứ không phải Lạc Việt. [12] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu (tái bản tại Hoa Kỳ). [13] Nguyễn Văn Khang (chủ biên), Bùi Chỉ - Hoàng Văn Hành (2002) Từ Điển Mường Việt. Nxb Văn Hoá Dân Tộc. Hànội. [14] Henri Roux (1954) Quelques Minorités Ethniques du Nord-Indochine. France-Asie. Janvier-Février 92-93. Tome X. Đặc biệt, theo tài liệu này, người Thái đen và Thái trắng tại Bắc phần chính là hậu duệ người nước Thục (tức Tứ Xuyên ngày nay). Đừng nhầm nước Thục này với nước Thục của con cháu Lưu Bị ở thời Tam Quốc: Ngụy, Ngô và Thục. Nước Thục của Liu Bị có địa bàn lớn hơn nhưng cùng phía Tây như Thục ở thời Xuân Thu. 284

2 8 4


[15] Để ý: Khổng Tử không hề đi vào nước Tần, và địa bàn hoạt động lób-bi của ông cũng không bao gồm nhà Chu. Ta có thể đặt một giả thuyết sơ khởi như sau: Văn minh Hoa Hạ lúc đó chỉ tập trung khá mạnh ở phía Đông. Ít ra có thể có ít nhiều khác biệt giữa văn minh / văn hoá của khối cộng đồng miền Đông và thứ của giòng dõi vua chúa (và có thể dân chúng) ở nước Tần. Thường được xem có bà con huyết tộc gần với đám rợ Turkestan (Nhục Chi), hay đám Hung Nô. Như vậy có thể giải thích phần nào phong trào dập tắt văn hoá Khổng Mạnh (đốt sách - chôn học trò) do Tần Thủy Hoàng khởi xướng vài trăm năm sau, khi lần đầu tiên nước Tàu thống nhất lại thành một mối. [16] Jeanne Cuisinier (1946) Les Mường, Géographie et Sociologie humaine. Institut d'Ethnologie - Paris, France [17] Chuyện có thật: Một linh mục Việt từ Melbourne (Úc) đi công tác ở Bangkok. Vào một tiệm ăn, ông hỏi có món Mực không. Ông nói bằng tiếng Anh, sang qua tiếng Tây. Người hầu bàn không hiểu gì hết. Sau cùng bí quá ông vẽ hình con mực trên tấm giấy. Người hầu bàn vui mừng reo lên: 'Ah! Mưk! Pla mưk'. Việt 'Mực'= Thái 'Mưk', âm y hệt. Tiếng Tàu của 'Mực' là [mo] 墨., đọc theo quảng đông là [maak]. 'Cá mực' là [maak-yu], theo Hakka: [miet ngiu] => mặc ngư. Màu đen' hồi xưa chính là màu 'mực' do ở chất bã màu đen con (cá) mực phun ra. Cũng từ đó mực dùng để viết cũng được gọi [mo shui] tức 'mặc thủy', nghĩa 'nước màu đen', hay 'nước mực', gọi tắt sang tiếng Việt thành 'mực' (ink). Tiếng 'mực' chỉ màu đen còn giữ lại trong tiếng Việt qua: con chó mực (chó đen). [18] Vấn đề lột mất âm nguyên thủy khi kí âm bằng quốc ngữ xảy ra khá thường. Đặc biệt với âm [By] trong các thứ phương ngữ tiếng Việt: Hakka: [biak] => vách. Mường: [ông bjua] => ông bua => ông vua. Vô số các từ bắt đầu bằng âm [B] hay [P] trong tiếng Chămpa, các ông Tây hoặc Việt (theo Tây học) chỉ kí âm bằng [B] hay [P]. Tiếng Tày-Nùng bị lột mất [l]: [slẳn slàng] => sẵn sàng. Ngoài ra kí âm quốc ngữ còn dị-ứng với âm [l] đứng sau, và biến hết thành [r]: Mường [tlổng] = Thái [klong] = Việt [trống]. Tiếng Tàu của 'trống' là [gu] tức [cổ]: đồng cổ = trống đồng. Mường: Tlu => Việt: Trâu. Blời => Tlời (M) => Trời (quốc ngữ thế kỷ 19). [19] Đáng tiếc nghiên cứu của ngành ngôn-ngữ học Việt Nam từ xưa đến giờ thường dựa vào một số tiền đề xưa cũ. Với những kiến thức mới đầy dẫy trên mạng, ngày nay chúng ta thấy có một nhu cầu hết sức thiết thực đòi hỏi kiểm chứng lại các thứ tiền đề đó. Quan trọng hơn hết có lẽ vấn đề nguồn gốc chữ Nôm cũng như những từ xưa nay thường gọi 'Hán Việt'. Ở một cấp khác: nguồn gốc và độ chính xác của các âm bắt đầu bằng chữ 'V'. Theo dõi loạt bài này, chúng ta thấy âm 'V' thông thường chỉ là một âm tương đương, với âm phổ quát 'W', của người Hẹ (Hakka) tại địa bàn nguyên thủy ở khu vực Sơn Đông ngày nay. Gần như hầu hết các thứ phương ngữ tại Trung Hoa và khắp miền Đông Nam Á chỉ có âm 'W' (con Woy => con voi) chứ không có âm 'V'. Chỉ có người Sơn Đông ngày nay còn giữ âm chữ 'V' giống kiểu người Hẹ và người Hmong (tức Miêu), và âm Bắc của quốc ngữ. Âm [W] của Tàu mang 1 khuynh hướng chuyển sang: (i) Âm [B] tiếng Mân (+ Mường + Nam bộ + ); (ii) Âm chữ [M] tiếng Quảng Đông * Thái * Nam bộ. Thí dụ: wang (qt) => vọng (việt) => mong (quảng/Hẹ/việt) => bong (pk) => byọng (nam) wu => vu (Hẹ) => võ / vũ (qn) => mou (quảng) => múa (việt) => muai (Thái) => bo (pk) wan => vạn (Hẹ/việt) => maan (quảng) => muôn (việt) => ban (mân (pk)) => byạn (nam) wu => vu/mo (Hẹ) => vô (không có) => mou (mậu) => bo (Mân). (Bồ hòn= vô hoạn). [20] Hoàng Văn Ma, Lục Văn Pảo, Hoàng Chí (1974) Từ điển Tày-Nùng -Việt. Nxb Khoa Học Xã Hội - Hànội. [21] Xin phép nhắc lại một ghi nhận: Các trống đồng có ở Việt Nam do ở: Hoặc (i) từ các công trình khai quật khảo cổ; Hoặc (ii) các ông Tây bà Đầm mua lại từ những gia đình Thổ Lang, Quan Lang của các mường bản ngài Mường. 285

2 8 5


[22] Phân biệt âm cuối [N] như trong: lòng soN, sơN nhà, aN, ... kiểu Bắc bộ có thể mang ảnh hưởng từ phương ngữ Mân Việt (Phúc Kiến - Triều Châu), rồi được nhấn mạnh bởi quốc-ngữ. [23] Trần Trí Dõi (2001) Ngôn ngữ và sự phát triển Văn Hoá Xã Hội. Nxb Văn Hoá Thông Tin. Quyển sách này trình bày những từ mang âm giống [Ngài] dùng chỉ [Người] trong các thứ tiếng của người dân tộc: - tiếng Nguồn: ngàj - tiếng Sách: ngàj - tiếng Mày: ngàj - tiếng Rục: ngàj - tiếng Xơ Đăng: mơngê - tiếng Kơ Tua: moi ngàj - tiếng Dêh: ngaj - tiếng Triêng: ngaj - tiếng Ba Na: ngaj (mơ-ngaj) - tiếng Hrê: ma ngaj - tiếng Gié Triêng: ma ngaj - tiếng Việt: người, ngài [24] Chỉ số sọ người Mường (79.98) do đó khác xa với chỉ số tộc Việt (82.20) {xem [12]} [25] 'Thưa QUÝ NGÀI' => [Quý] tiếng Hẹ [kwui] + [Ngài] tiếng Quảng [gwai] cùng viết y một chữ 'Tàu': 貴 . [26] Jeffrey Barlow (2005) The Zhuang: A Longitudinal Study of Their History and Their Culture. http://mcel.pacificu.edu/as/resources/zhuang/contents.html [27] Chiêm Toàn Hữu - Lý Tinh Ích (hiệu đính) (2004) Văn hoá Nam Chiếu Đại Lý. Bản dịch: Nguyễn Thị Thanh Huệ, Nguyễn Mai Lan, Nguyễn Hương Giang, Phan Minh Thanh. Nxb Văn Hoá Thông Tin. [28] Lịch Đạo Nguyên chú, Dương Thủ Kính, Hùng Hội Trinh sớ, Đoàn Hy Trọng điểm hiệu, Trần Kiều Dịch phúc hiệu (1999) Nguyễn Bá Mão dịch (2005). Thủy Kinh Chú Sớ. Nxb Thuận Hoá. Bộ 'THỦY KINH CHÚ' do các học giả người Hoa soạn từ thời Tam Quốc (220-265), chuyên về miêu tả sông ngòi, núi non khắp nước Tàu, kéo đến xứ Lâm Ấp ở trung-bộ nước Việt Nam ngày nay, kèm với các điển tích lịch sử xa xưa. [29] Bình Nguyên Lộc, trong quyển Mã Lai [12], lại đưa ra một kết luận chúng tôi thấy rất khó đồng ý. Bởi BNL bị kẹt với thứ tiền đề Mã Lai I và Mã Lai II, bắt buộc ông phải xếp người Mường thuộc đợt I hay đợt II. Ông chọn đợt II cho Mường, và I cho Việt. Khổ nỗi đợt II đến xứ Việt cách đây chỉ 2500 năm, vào thời Xuân Thu bên Tàu. Rất khó giải thích tại sao ở Hoà Bình hiện nay có đến 70% người Mường, và văn hoá Hoà Bình do Colani tìm ra có ở đó cách đây trên 5000 năm. [30] Tra cứu internet qua sử lược của các quốc gia như Miến Điện (Myanmar), Siam (Thailand), Cambodia (Khmer), và đặc biệt lịch sử thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Tàu, v.v. sẽ đưa đến một lối nhìn rộng hơn, và một bức tranh toàn diện hơn. Thí dụ: Lịch sử Myanmar cho biết dân họ xuất phát từ miền Trung Á, tức phía Tây nước Tàu, địa bàn của rợ Tây Nhung đã sách nhiễu nhà Châu, giết được Châu U Vương, và khiến nhà Châu thiên đô về Đông (770 TCN). Sử Thái Lan, cho biết rõ dân họ xuất xứ từ miệt Hoa Nam, đặc biệt nước Nam Chiếu (Nan Zhao), tức Điền Việt, hay Đại Lý (Nhất Dương Chỉ của Kim Dung), và chính là Vân Nam bây giờ. [31] Tiếng Myanmar (Miến Điện hay Burma xưa), cũng lâm vào khó khăn với chữ viết không tương đồng với âm. Bởi chữ Myanmar dựa vào chữ Môn. Môn lại mang gốc gác tiếng Pali. Pali lại dựa vào Brahmi ở Ấn Độ. Chữ Brahmi lại là phiên âm các thứ tiếng ẤnÂu, nên chữ 'quốc ngữ' Myanmar hoàn toàn không thích hợp với phát âm của người Myanmar. {Xem:http://www.nvtc.gov/lotw/months/may/Burmese.html} [32] Trong một buổi BBQ ở nhà một kiến trúc sư Việt gốc Bà Rịa vào khoảng cuối năm 2005, chúng tôi để ý người bạn kiến trúc sư phát âm chữ [W] cho những từ đánh vần với chữ [V], như: hy wọng, wấn đề, v.v. Dấu vết ‘ít dùng’ âm [V] của tộc Âu-Việt. 286

2 8 6


[33] Thật ra ‘duyên’ trong ‘duyên hải’ (ven biển) nguyên thủy cũng đọc là ‘diên hải’. Xem từ điển của Đào Duy Anh (Vương Hồng Sển (2003) Tạp bút năm Nhâm Thân. Nxb Trẻ)

287

2 8 7


Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (18): Phần 2: Xem lại tiền đề: Hoa Việt & Việt Hoa Trở ngại lớn lao nhất của công việc truy tầm cội nguồn một dân tộc, đặc biệt ở Đông Nam Á, thông thường nằm ngay ở những tiền đề hết sức to lớn do các học giả Âu Mỹ đề ra. Đặc trưng nhất: những lối phân chia các nhóm ngôn ngữ, Hán-Tạng, Tạng-Miến, Môn-Khmer, Nam-Á, Nam-Đảo, v.v.; và thói quen đặt giả thuyết di-dân theo kiểu cổ sử Trung Á hoặc Âu Châu cho rằng mỗi dân tộc thường thuần chủng, xuất phát từ một địa điểm. Cả hai điểm đặc trưng này thường đan xen chặt chẽ, dính liền với nhau. Tất cả những thứ lấn cấn của tiền đề đều có thể qui về sự khác biệt giữa văn minh và lối suy nghĩ, làm việc của Tây phương và Đông phương. Nói một cách đơn giản, Tây phương tiến mạnh về khoa học và kỹ thuật, tạm cho là trước Đông phương theo tiêu chuẩn của họ. Đến lúc họ đem áp dụng các phương pháp khoa học (Tây phương) vào những vấn đề nhân-văn hay lịch sử Đông phương - nhất là ở giai đoạn ban đầu - họ không thể nào hiểu rành rọt mọi vấn đề như người Đông phương. Trong khi đó, người Đông phương, theo nhu cầu sinh tồn, phải gấp rút học hỏi khoa học và phương pháp khoa học theo kiểu Tây phương. Trong tiến trình đó, họ lại đánh mất, hoặc không còn thì giờ để thu thập, một số hiểu biết hay kiến thức về văn hoá hay lịch sử của chính xã hội của họ. Hoặc những người theo Tây học lại không thuộc tầng lớp ê-lít được huấn luyện đầy đủ về văn hoá cổ truyền. Họ dễ mang khuynh hướng đem những phương pháp, kể luôn những thứ tiền đề, họ vừa học hỏi được, vào áp dụng cho những vấn đề lịch sử hay văn hoá cổ truyền của đất nước họ. Trong khi văn hoá cổ truyền vẫn thường được bao phủ bởi những cảm xúc chủ quan có sẵn từ xưa. Nôm na hơn, lịch sử các nước Đông Á kể cả Trung Hoa, luôn có những vấn đề cổ sử hãy còn bất định hay chưa được sáng tỏ, hoặc đã được 'hiệu đính' thay đổi theo tính (hay nhu cầu) tự hào dân tộc. Đến khi các học giả Âu Mỹ nghiên cứu đến những vấn đề đó, họ có thể hoặc 'hiệu đính' những vấn đề đó theo khả năng từng người, hoặc chỉ đơn thuần khoác lên chúng một lớp vỏ bên ngoài rất ấn tượng mang đầy tính khoa học. Một thứ bình mới cho rượu cũ. Hãy còn lòng vòng chưa đến đích của sự thật. Tức vẫn còn thứ rượu cũ. Những lý thuyết của người Âu Mỹ thông thường dễ được hoan nghênh, bởi nó ít khi đi ngược lại những gì đã có sẵn, mà lại còn đánh bóng cho sáng sủa hơn lên. Thêm vào đó, và sau thế chiến thứ hai, những học giả Á Châu từng được huấn luyện tại các đại học phương Tây, vẫn có thói quen kính nể những bậc tôn sư, nên vô hình chung họ ưa dựa theo những 'khám phá' của các giáo sư Âu Mỹ, ít khi để ý những điểm lổng chổng ẩn hiện thường xuyên trong các lí thuyết đó. Trải qua chừng hai ba thế hệ thầy trò, những lý thuyết về cổ sử, hay ngay cả các hiểu biết về ngôn ngữ Đông phương, của các học giả Tây phương dễ dàng trở thành những thứ tiền đề hay định đề bất biến cho những công cuộc nghiên cứu về sau. Một điểm quan trọng khác: Bởi khoa học nói chung, và khoa cổ sử nhân văn nói riêng, chỉ được người Á Châu biết đến, học hỏi và xử dụng trên dưới 100 năm, nên các học giả địa phương hãy còn thói quen dựa vào các khám phá từ phía Âu Mỹ. Trong khi đó con số các 'nhân tài' bên trời Tây, chuyên ngành về cổ sử từng nước ở Á Châu lại một con số đếm được trên đầu ngón tay, và không phải công trình của học giả nào cũng có giá trị cao. Từ đó ta có thể thấy khá rõ, một công trình nổi bật, bất chấp gần với sự thật hay không, thường đòi hỏi ít lắm vài chục năm mới có vị khác đưa ra dữ kiện hay lí luận mới phản bác lại công trình hoặc những lí thuyết cũ trước đó. Như vậy rất nhiều công trình nghiên cứu từ trước đến nay, có thể chỉ loay hoay chung 288


quanh một số các tiền đề khá cũ, thiếu thốn kiểm chứng, và mức độ chính xác, mà sử sách vẫn thường xuyên xử dụng không hề hay biết. Nổi bật nhất trong tất cả các tiền đề do người phương Tây dựng nên cho sử học Đông phương chính là tính cách 'nhị nguyên' của mọi vấn đề. Chính nguyên lý Nhị Nguyên đã đưa đức Phật Gautama đến ý niệm giải thoát khổ đau cuộc đời qua 'Bất Nhị', không & sắc sắc & không, và từ 'Bất Nhị' nhiều người thường lầm Nhị Nguyên là một triết lý hoàn toàn Ấn Độ. Thật ra Nhị Nguyên là một đặc tính cốt lõi của văn minh Tây phương, phản ánh qua tính siêu việt của khoa học và kỹ thuật phương Tây. Trong các vấn đề dân tộc học, khảo cổ học, hay truy tầm cổ sử, các học giả Âu Mỹ luôn luôn trầm mình vào vùng biển rộng của thế giới Nhị Nguyên. Ở thế giới Nhị Nguyên, bắt buộc họ phải phân biệt, trước hết và luôn luôn: Họ & Ta, Đối & Đãi, Đi & Về, Ranh Giới & Lãnh Thổ, Bắt Đầu & Kết Thúc, Bạn & Thù, Bà Con & Người Lạ, Dân đen & Vua Chúa, Trước & Sau, Nguồn Gốc & Hậu Duệ, Phát Minh & Tiêu Dùng, Văn Minh & Lạc Hậu, Ngựa & Voi, Xâm lăng & Bị trị, v.v. kéo dài và trải rộng trên mọi khía cạnh của vấn đề. Sâu đậm nhất và thường được giới cầm quyền khơi động, xưa cũng như nay, chính là: Họ & Ta. Một trong những điểm đặc trưng nhất của Nhị Nguyên trong khoa nhân văn Á Đông có lẽ nằm ở chỗ Nhị Nguyên mang khuynh hướng bắt người nghiên cứu ở mọi chặng đường, phải lựa chọn Một trong Hai hình thái tương phản nhau của Nhị Nguyên. Thêm vào đó, học giả Âu Mỹ và đám sinh viên / đệ tử của họ đã bất chấp và không để ý đến cái tinh thần của tác giả các thư tịch cổ Đông Phương,,hay ngay cả truyền thuyết ngắn gọn như Âu-Cơ và Lạc Long Quân , khi họ viết nên những bộ sách, hoặc ghi chép lại các truyền thuyết đó. Tinh thần này rất có khả năng, theo thiển ý, không hoàn toàn Nhị Nguyên, mà phần lớn nào đó, mang tính Đa Nguyên hay Bất Nhị, hoặc thuyết Trung Dung của Nho giáo. Xin phép đơn cử một thí dụ sau. Trong vấn đề cổ sử Việt lẫn Hoa, tiền đề lấn cấn nhưng ít người để ý nhất, là thứ tiền đề khẳng định sự vắng bóng của tộc Yue (Việt), đặc biệt ở miền Hoa Bắc, trong tiến trình tạo nên Hoa tộc ngày nay. Tiền đề này là một sơ sót, có thể vô tình (bởi đời sau thiếu thốn hiểu biết) hoặc cố ý do ở nhu cầu một tộc người thuần chủng nhất thống và 'làm xếp' một lục địa to lớn và đông dân nhất thế giới. Thật ra lại bắt nguồn từ những tiền đề sai trật về người Đông Di, tức đám Lạc bộ Trãi 貉, bao gồm hỗn hợp các tộc chủ lực Việt, Miêu, Khương và Thái, sinh sống rất đông ở địa bàn tỉnh Sơn Đông ngày nay và những vùng lân cận, thuộc lưu vực sông Hoàng Hà. Đông nhất có lẽ là hai đám Bộc-Việt và Miêu-Dao sống gần gũi và đan xen với nhau. Điểm chính giữa của tiền đề, theo thiển ý thiếu chính xác đó, chính là: đám Lạc bộ Trãi hoặc đã di tản tất cả sang bán đảo Triều Tiên, thường gọi đám rợ Tam Hàn, hoặc đã tuyệt tích giang hồ vào lúc Tần Thủy Hoàng nhất thống nước Tàu, hay Lưu Bang chính thức thiết lập nhà Hán trên toàn cõi Trung Hoa. Nói một cách khác, theo tiền đề mang nhiều nghi vấn này (của riêng lý thuyết ở đây), Việt tộc chỉ có thể có mặt vào thời cổ đại ở phía Nam sông Dương Tử mà thôi. Phía Bắc Dương Tử giang chỉ toàn người Hoa-Hạ. Tiền đề này là một trong những tiền đề rất quan trọng, rặt tính Nhị Nguyên, đã khiến cho việc viết sử - Hoa lẫn Việt - luôn đi về một hướng khác. Một đường hướng phiêu lưu vô bờ bến, kéo dài hằng trăm năm qua. Đưa ra rất nhiều hệ luận, trong mọi ngành nghề. Đặc biệt ngôn ngữ học, và bang giao quốc tế. 289


Nếu chịu khó nhìn lại và tạm chấp nhận thứ tiền đề khác biệt của chúng tôi, cho rằng ở phía Bắc sông Dương Tử, từ ngày xưa cho đến khoảng thế kỷ thứ 10, và mãi về sau này, luôn luôn có sự hiện diện của một số đông mang gốc thuộc chủng Việt, dù ở thời xa xưa, chúng ta có thể thấy nhiều hệ luận bắt buộc phải thay đổi, như sau. 1) Đóng góp của tộc Việt trong tiến trình tạo tác nên Hoa chủng: Từ xưa đến giờ, bởi theo tiền đề sẵn có ta thấy Hoa chủng có thể đồng hoá Việt chủng ở Hoa Nam khá dễ. Bởi nếu họ chiếm toàn thể miền Hoa Bắc thì họ rất đông, bằng hoặc hơn Hoa Nam, cộng với ưu thế văn minh sẵn có, phát triển mãnh liệt ở thời Đông Châu liệt quốc. Quan sát và nhận định đã được trình bày suốt loạt bài này cho thấy, tiền đề này chứa khá nhiều lấn cấn. Đám Lạc bộ Trãi 貉 không hề biến mất như người ta thường rêu rao, mà đã thay hình đổi dạng trở thành người 'khách gia' 客家 tức người Hẹ (Hakka), ngày trước vẫn được miêu tả bằng người [He] viết y hệt 貉 như họ Lạc của Lạc Long Quân hay Lạc bộ Trãi, xưa sinh sống bằng 'nghề' du mục ở địa bàn Sơn Đông. Thêm vào đó, theo sát cổ sử của Trung Hoa, chúng ta được biết đa số dân chúng sinh sống tại nhiều nước ở phía Bắc sông Dương Tử, như các nước Ngô, Việt, Sở, Tấn, Trần, Thái, Tần, v.v. cũng không phải thuộc chủng Hoa mà lại được xếp vào các đám rợ khác nhau. Cộng với một khối lớn Việt tộc ở miền Hoa Nam, chúng ta thấy khá rõ, cái khối người thuở ban đầu không thuộc chủng Hoa Hạ, là một khối đa số, bởi bao gồm toàn thể Hoa Nam, và phần đáng kể của Hoa Bắc. Do đó, ảnh hưởng Việt tộc trong việc tiến tạo Hoa chủng (ngày nay) chắc chắn không phải nhỏ như thường nghĩ. 2) Cũng do ở tiền đề (lấn cấn) về Hoa chủng 'thuần túy' ở Hoa Bắc kể trên, người Hoa không hề ngờ, hoặc đã tiện nghi theo một thỏa thuận nào đó, rằng người Khách Gia (Hẹ) của họ với nhiều lãnh tụ sáng giá ở thế kỷ 20 như Lý Quang Diệu, Đặng Tiểu Bình, Tôn Trung Sơn, v.v. lại là những người có thể có tổ tiên là người... Việt. Cũng y như trong quá khứ, họ có vẻ không rõ, hoặc không xác định được, chủng tộc gốc của những nhân vật, huyền thoại hoặc lịch sử, đã góp phần tạo dựng nước Tàu như: Đế Thuấn, Thần Nông, Đại Vũ, Đế Cốc, cho đến Hán Cao Tổ Lưu Bang [1],... Rất có khả năng, thuộc Việt (hay Khương) tộc. 3) Tiền đề phía Bắc không còn Việt hay Miêu tộc đã gây vô số khó khăn cho việc truy tầm nguồn gốc của người Khách Gia tức người Hẹ [5], từ khoảng thế kỷ thứ 10 mang khuynh hướng định cư tại Hoa Nam, chung quanh khu Quảng Đông, phía Đông cũng như Tây. Người Việt lại hoàn toàn không ngờ một thành phần nòng cốt tộc người Việt Nam lại xuất phát từ miền Hoa Bắc. Đặc điểm nổi bật nhất của người Hẹ và người Hmong-Mien (tức Miêu-Yao) chính là chỉ có hai đám Hẹ và Miêu mới có phát âm chữ [V] (thay cho quanthoại [W]), như [wang] => Hẹ [vong] (vọng / mong), và âm chữ [Z] thường thay cho [Y] quan-thoại => [Yiang] (Dương) => Hẹ: [Ziang]. Trên khắp nước Tàu ngày nay chỉ có khu vực Sơn Đông, và các cộng đồng Hẹ / Hmong, còn giữ âm chữ [V] và [Z]. Bình Nguyên Lộc [2] có vẻ gần đến đích nhất trong việc khám phá ra Lạc bộ Trãi từ những thư tịch cổ của Tàu. Nhưng ông lại bị ám ảnh bởi tiền đề mới mẻ Mã Lai vào thời đầu thế kỷ 20, cũng như tiền đề xưa: Lạc bộ Trãi đã biệt tích giang hồ, nên cuối cùng phải đưa thuyết của ông chạy lạc xuống tận Mã Lai, không ngờ đám Lạc bộ Trãi chính là tiền thân của người Khách Gia (tức Hẹ) ngày nay. 4) Tiền đề Lạc bộ Trãi tuyệt tích giang hồ sinh ra 2 hệ luận khá quan trọng về ngôn ngữ học. Hai hệ luận này liên hệ mật thiết với nhau. Hệ luận thứ nhất: Âm vận tiếng quan thoại ngày xưa cũng rất giống các thứ phương ngữ Hoa Nam, như tiếng Quảng Đông, tiếng Hẹ, Phúc Kiến, v.v. trong việc có đầy đủ các âm cuối như: [nh] => xinh, [m] => 290


làm, [k] => cúc / phát. Hay âm đầu như: [ng]=>ngạp (ya = vịt). Ngày nay nhiều âm cuối quanthoại hoàn toàn bị lột mất chỉ còn giữ [n]: Yue-naN => (Việt-NaM), ju => (cúc), fa => (phát), ya => (ngạp). Thứ hai, cũng giống như người Việt và người Hoa, các nhà ngôn ngữ học Âu Mỹ thường cho rằng tiếng Hán Việt là tiếng người Việt bắt chước từ người Hán khi người Hán sang đô hộ nước Nam. Hoặc các thứ tiếng như Phúc Kiến, Thượng Hải, và đặc biệt nhất: tiếng Hẹ, chính là tiếng Hán ngày xưa, nên họ ra công dựng lại hay phiên thiết các âm tiếng Tàu thời Xuân Thu Chiến Quốc và nhất là thời Trung Cổ tức giai đoạn nhà Tùy (581-617) nhà Đường (618-907), phần lớn dựa vào các âm Hán Việt, Hán Hàn, và tất cả các phương ngữ Bách Việt xưa, hiện ở Hoa Nam (như Hẹ, Phúc Kiến, Giang Tô, Quảng Đông, Hải Nam, v.v.). Lý thuyết ở đây đặc biệt không thể dựa vào hai hệ luận này. 5) Ở hệ luận 'lột mất các âm cuối', các học giả sở dĩ đi đến kết luận như vậy bởi họ cho tiếng Tàu ở Hoa Bắc là 'thủy tổ' tiếng Tàu ở Hoa Nam. Hoặc hai khối Việt và Hoa-Hạ xưa nay tuy hai mà một. Người ta có thể đặt câu hỏi: Nếu là thủy tổ chỉ tiếng Hoa, tại sao tất cả các phương ngữ Hoa Nam (tức địa bàn khối Bách Việt xưa), lại vẫn giữ các âm vận cũ, trong khi tiếng Hoa ở phía Bắc lại tự mình thay đổi, lột mất nhiều thứ âm cuối? [3]. Đa số phần nòng cốt những phương ngữ này hãy còn giữ từ ngàn xưa cho đến ngàn sau [3]. Điểm khó đứng vững nhất của hệ luận này: Tại sao các phương ngữ 'con cháu' lại không thay đổi (trong âm cuối) mà ngôn ngữ 'nguyên thủy' (quanthoại) lại đổi thay. Giống tiếng Nhật: [shusho => thủ-tướng, lột mất [ng] ở phía sau - chữ [sho] = tướng {xiang - qt}. Lấn cấn của hệ luận nằm ở một hiểu biết thường tình: Người ta chỉ có thể so sánh rằng: Phương ngữ A này bị lột mất âm đầu hay âm cuối, hoặc âm giữa, so với phương ngữ B, C, D, khi, và chỉ khi, cả A, B, C, và D, đều là phương ngữ của một khối có cùng chủng tộc gốc với nhau. Rõ rệt cho đến đời nhà Hán, khối người Bách Việt ở Hoa Nam mang rất nhiều thứ tiếng nói khác hẳn với thứ tiếng nói chung quanh lưu vực sông Hoàng Hà. Và phần lớn phát âm, hoặc ngay cả cách dùng từ [3], của những thứ phương ngữ mang gốc Bách Việt vẫn còn khác biệt với quan-thoại cho đến ngày nay. Thử xem một lý do khác: Phía Bắc nước Tàu trong thời gian cộng lại đến khoảng 1000 năm luôn có sự lan tràn xâm chiếm của nhiều đám 'rợ' ở phía Bắc, thường gọi Bắc Địch, trong đó nhiều nhất là đám Hồ, Thác Bạt, Đột Quyết, v.v. Cũng có thể do ảnh hưởng các tiếng nói những đám Bắc Địch này, tiếng quan-thoại không mang nhiều âm cuối như phương ngữ Hoa Nam. Nhưng lý do này vẫn không xác định được thứ tiếng Hoa ở thời nhà Chu hay trước đó, nhà Thương, nhà Hạ thật sự ra sao. Nó có thật giống các phương ngữ Bách Việt ở Hoa Nam hay không? 6) Hệ luận đưa đến việc truy tầm các âm Hán Trung cổ thường gọi Middle Chinese, điển hình qua công trình của Bernhard Karlgren, theo thiển ý cũng gặp các khó khăn tương tự trên căn bản lí thuyết. Thật ra chưa hề có công trình nghiên cứu sáng giá nào về nguồn gốc các thứ tiếng Hán-Việt, Hán-Hàn. Ngoài một thứ giả định đầy nghi vấn, theo thiển ý chúng tôi. Giả định mang nhiều dấu hỏi đó là: người Việt phát âm tiếng Hán y như tiếng Hán Việt ngày nay khi nước Nam nằm dưới sự thống trị của Bắc phương. Cộng với tiền đề sẵn có: Ký âm vài phương ngữ Hoa Nam bằng Hán tự, rồi từ đó quên rằng phương ngữ Hoa Nam là những thứ tiếng xưa và nay, khác với tiếng Tàu gốc. Cả 2 điểm mù mờ này không đủ làm nền tảng để xử dụng các thứ phương ngữ Hán Việt, Hán Hàn, Hán Nhật, Phúc Kiến, Ngô Việt, Hồ Nam - Hồ Bắc, Hẹ, v.v. mà truy tầm ra lối phát âm chữ Tàu ở thời Trung cổ [4]. 7) Đọc kỹ những lí luận chung quanh các phương pháp học giả Âu Mỹ dùng để truy tầm phát âm tiếng Hoa thời Trung cổ, ta sẽ thấy cả một cái vòng lẩn quẩn. Đập mạnh nhất vào mắt có lẽ thứ lý giải khi họ cho người Hẹ là một thứ người Hoa thuần túy nhất chạy 291


giặc từ những địa điểm ở cực Bắc nước Tàu. Họ phiên thiết những bài thơ cổ xưa, và thấy âm vận đọc hay hơn nếu được đọc theo phát âm người Hẹ ngày nay. Lý giải này sẽ được trôi qua dễ dàng, nếu tiền đề phía Bắc sông Dương Tử hoàn toàn chỉ có tộc Hoa Hạ, vào thời cổ đại xa xưa, và đám Đông Di không hề biết viết chữ Tàu, đạt được độ chính xác 100%. Nhưng thật sự không thể như vậy. Thứ lí giải này và cả nguyên toàn khối tiền đề hay hệ luận kiểu đó sẽ xụp đổ hay ít lắm cũng chứa rất nhiều lổng chổng cần xem lại, nếu biết người Hẹ (và Miêu) xuất xứ từ phương Bắc thuộc thứ chủng Việt, hay ít lắm thuộc thứ chủng tộc khác với Hoa, và chữ Tàu rất có thể không do người Hoa 'sáng chế', mà có thể lại được 'chôm' từ các tộc người khác theo như những vụ khai quật gần đây, đặc biệt tại Longshan và Yanghe thuộc Sơn Đông và các di chỉ ở Chiết Giang, đã cho thấy [6]. Sự kiện các áng thi văn cũ đọc nghe hay hơn nếu đọc theo tiếng Hẹ, cũng có thể có nghĩa những áng văn đó do chính người Hẹ sáng tác xử dụng chữ viết Hán-tự nhưng đọc theo tiếng Hẹ. 8) Những thứ lấn cấn về tiền đề liên hệ đến nguồn gốc Hoa tộc luôn luôn mang ảnh hưởng đến mọi công cuộc nghiên cứu về tộc người Việt Nam. Khuôn khổ bài viết có giới hạn, và chúng tôi chỉ xin lưu ý đến một giả thuyết khá mới: Phải chăng có một sự thoả thuận nào đó vào thuở cổ thời, khi đám Bách Việt (Hoa Nam) cộng với đám Bách Bộc (Hoa Bắc) hãy chưa biết đến các thứ tên gọi (Bộc, Việt, Lạc, Khương, Để, v.v.) do chính người Hoa Hạ đặt cho họ. Thoả thuận đó nằm ở chỗ lựa chọn một tên chung để gọi nhiều tộc người khác nhau đang cư ngụ và sinh sống trên lục địa Trung Hoa. Tên đó: Hán tộc, hoặc người Hán hay người Hoa. Thoả thuận này đã dựa vào nguyên tắc liêndoanh (người có công người có của) để hợp quần thành một thứ tộc người mang tên chung: Hán tộc hay Hoa tộc, cùng nhau làm chủ lục địa Trung Hoa. Bởi, rất có khả năng, văn minh Trung Quốc chính thực bao gồm một phần rất lớn đóng góp của Việt tộc (khối đa số). Phần cốt lõi đóng góp của tộc Hoa-Hạ có lẽ chỉ xoay chung quanh: Nho giáo, Lão giáo cộng với triết lý và kỹ thuật về chiến tranh và chính sự. Ngoài việc không thể dựa vào những tiền đề quen thuộc sẵn có, lý thuyết dùng để giải mã truyền thuyết Âu-Cơ và Lạc Long Quân của chúng tôi, cũng tạm tránh né không xử dụng hai nguyên lý quen thuộc trong vấn đề ngôn ngữ: (i) Biến âm, và (ii) Âm hay từ vay mượn. Ngược lại, chúng tôi đã mạo muội đề ra một nguyên lý về ngôn ngữ liên hệ đến vấn đề hợp chủng. Xin dẫn chứng bằng các thí dụ như sau. (a) Trễ= Muộn= Chậm,... Theo các lý thuyết cũ: Hoặc biến âm, hoặc tộc này vay mượn tiếng nói người địa phương. Lý thuyết ở đây: Mỗi thứ từ (thí dụ: trễ), là tiếng nói tộc người khác nhau. Khi hợp chủng trở thành một thứ tộc người lớn hơn, những từ này thường được giữ lại ở những khu vực hay địa phương mà tộc người chủ lực hãy còn dùng thứ tiếng đó. Luôn luôn có sự cạnh tranh giữa các từ với nhau. Đưa đến một vài hậu quả tiêu biểu: Hoặc: (i) Một từ sẽ chiếm ưu thế - thường từ đó thuộc tộc chủ lực cư ngụ tại kinh đô. Hoặc (ii) Các từ thuở xưa tương đương nghĩa với nhau sẽ dần dà thay đổi ý nghĩa ít nhiều để kho tàng từ vựng phong phú thêm lên. Hoặc (iii) Hai từ, mỗi từ mang gốc tộc xử dụng khác nhau, hợp lại để cho dạng đa âm nghe êm tai và dung hoà để tộc nào nghe cũng hiểu ý nghĩa: tâm-địa, thân thể, thân mình, màu sắc, đường xá, bông hoa, sinh đẻ, v.v. Trong tiếng Anh: muộn = late = slow = tardy = delayed, v.v. Xin để ý đến 'tardy'. Có vẻ cùng gốc với 'tard' (hay 'en retard') tiếng Pháp, và 'tarde' tiếng Tây-Ban-Nha, tức mang gốc Âu Châu. Ở tiếng gốc Pháp hay Tây Ban Nha, 'tarde' có thể mang nghĩa thuần túy 'muộn' như 'late' tiếng Anh. Thế nhưng trong Anh ngữ, 'tardy' tuy mang nghĩa chính 292


'muộn' nhưng bao hàm một ý phụ 'chậm trễ' bởi lý do 'biếng nhác' hay 'sao nhãng' công chuyện. Trở lại tiếng Việt: - [Muộn] cùng gốc với [maahn] 亡 Quảng-Đông, sang tiếng Mân & Hải Nam đọc [ban] rất giống 'bận' tiếng Việt, mà Hoa ưa viết chung với 'tâm': 忙 và Việt thường nói 'đừng 'bận tâm''. - [Trễ] gốc tiếng Đa đảo: [taere] (Tahiti). Phát âm giọng Bắc lại giống tiếng Quan-thoại & Hẹ [chi] 遲 và Quảng-Đông [chih] - [Chậm] cùng gốc tiếng Thái [Chah] và Lào [sah] (b) Mình = thân thể = chắc. Thí dụ này xác định thêm một lần nữa, những từ xưa nay thường gọi Nôm cần được phân loại thành Nôm Hoa Nam hay Bách Việt, Nôm MônKhmer, Nôm Đa đảo, Nôm Thái. Từ đó ta có thể hiểu rõ hơn nguồn gốc tộc người ViệtNam. Rất nhiều từ (như: sách, ít, nhiều, đầu, sống, đẻ, tay, v.v.) từ trước đến giờ thường nhầm thuần Nôm, nhưng thật ra là những từ thuần Nôm kiểu Bách Việt bên Tàu. Đó là những từ khác hẳn với từ 'thuần Hán' (cũng một vấn đề khá nhức đầu) xưa chỉ có tiếng nói. Nhưng khi Trung Hoa hợp chủng được Bắc Nam, người ta cho vào đó chữ viết, người bên ngoài rất khó biết chúng đã được Hán-tự hoá. - [Thân] mang cùng gốc với [shen] 身 quan-thoại. Biến chuyển giữa [sh]-Hoa với [th]Việt là biến chuyển thông thường giữa tiếng Tàu với tiếng Việt cổ theo hệ Môn-Khmer, xuất hiện trong các tiếng Myanmar (Myiến Điện) và tiếng Chàm (Champa). Cũng mang cùng gốc với tiếng Môn-Khmer: [itheng], hay đa-đảo: [thino] (Samoa). Phản ánh qua tiếng Chàm: [thăp]. - [Thể] xưa nay thường tưởng tiếng đệm hay láy => thân thể. Nhưng đứng một mình vẫn mang nghĩa 'body'. Mang gốc Nôm Bách Việt: 體 tiếng Quanthoại và Ngô-Việt đọc [thi] và Mân đọc [the]. Tiếng Việt dành cho người chết: [thi thể]. - [Chắc] một thứ từ đặc thù Trung bộ, mang nghĩa 'thân mình', mang xuất xứ từ tiếng Môn-Khmer: [sa?ak] hay [ts?ak] hoặc [?ak] và [ng?ak]. Dấu [?] chỉ tắc âm thanh-môn, một âm nghẹn phát nhanh giữa [uh] và [oh] khi đọc nhanh [uh-oh]. [?ak] sinh ra [ức] và [ng?ak] ra [ngực]. - [Mình] cho thấy giao tác giữa {mình = tôi} với {mình = thân mình}. Có thể qui về tiếng Thái. Tiếng Thái có từ chỉ thân mình bằng [tuai] => [tôi]-Việt. Thái-cổ (tức Mường) dùng [miềnh] để chỉ [mình] mang nghĩa 'thân mình' và cũng nghĩa 'tôi'. [Mình] cũng có thể mang gốc tiếng Hán-Bách-Việt dùng để chỉ 'thân cây' 枚 [mi] theo phát âm tiếng Hẹ, [mei] quan-thoại, và [mE] Ngô-Việt. (c) Hùng trong Hùng Vương. Một số tác giả Việt (thí dụ: Nguyễn Cung Thông [7]) rất thích dùng phương thức biến chuyển âm vận, mà chúng tôi tạm tránh né. Theo cách này, người ta truy ra từ biến thái giữa 2 ngôn ngữ, như [s] hay [sh] tiếng Hoa sang [th] tiếng Việt cổ (Môn-Khmer) - thí dụ: sông Salween đổi lại thành sông Thanlwin, âm [S] <=> [Th], thành biến thái trong cùng tiếng Việt với nhau. Thí dụ: ca <=> hát, những tác giả này sẽ cho âm [k] (trong 'ca') do người Việt (thuần chủng) biến từ, hay thành, âm [h] ('hát') ở một thời đại xa xưa nào đó. Từ đó, họ sẽ nới rộng suy luận sang những âm của các từ khác tương tự: [Hùng] => [Kun] => [Khun]. Rồi liên kết với một từ Mường [Kun] mang nghĩa vị chúa một bộ lạc. Nguyên lý về 'đóng góp từ vựng' của chúng tôi lại khác. Chúng tôi, mạo muội cho rằng 'ca' và 'hát' là hai từ khác nhau, từ hai thứ tộc khác nhau, nhập khẩu vào tộc ‘Việt-Nam nhất thống’ trong thời kỳ hợp chủng. Chứng minh: tra cứu bất cứ một từ điển phương ngữ 'tiếng Hoa' nào ta sẽ thấy:  Xướng: tiếng Tàu quen thuộc nhất của [Ca] là [xướng] 唱 đọc rất gần với tiếng Mân (Phúc Kiến): [chhiang]. Ta thường có: 'hát xướng', 'xướng ca'. 293


 Hát: Do biến đổi kiểu quốc ngữ từ âm Hán-Bách-Việt của từ 歐 hay 謳 hoặc 誐 : [eu]Hẹ, hay [au]-Mân. Hai từ sau, Hẹ hay Quảng Đông còn có thể phát âm [ngo] hay [ngau] rất dễ sinh ra [ngâm] => ngâm thơ. Thật ra tiếng Quảng-Đông có từ 吟 phát âm y hệt như [ngâm], và mang nghĩa ‘ngâm thơ’. Tương tự 喊 , nghĩa ‘hét’ có phát âm khá giống ‘hét’ là [hE] trong tiếng Ngô-Việt (Chiết Giang / Giang Tô).  Hò: viết như 賦 'hát hò'. Nhưng 'hò' thường biến nghĩa thành 'hò... lơ'. Nghĩa ban đầu: 'ngâm thơ'. Âm Mân Việt: [hu] rất gần 'hò' tiếng Việt.  Ca: 'Hán tự' viết 歌 y như 'Hát' chứng tỏ hai từ đặt ra để phiên âm hai âm vận khác nhau của người Bách Việt ở Hoa Nam. Dù vậy theo nhiều từ điển (thí dụ [8]) 'ca' mang nghĩa 'bài hát' chứ không phải động từ 'ca hát'. 'Ca' có phát âm Mân & Hải Nam [ko] và phát âm Hán Hàn giống nhất: [ka]. (d) Sinh = Đẻ. Sinh bắt nguồn từ âm quanthoại [sheng] 生 , hoặc Hẹ [sien], dùng như động từ= sinh đẻ, hay hình dung từ: [sheng ri] = sinh nhật. Tiếng Việt cũng thường dùng từ 'sống' hay từ kép: 'sinh sống'. 'Sinh' cũng ưa đi với 'hoạt': sinh hoạt, với [hoạt] 活 mang phát âm y hệt [hoat] trong tiếng Mân (Phúc Kiến). Còn 'đẻ' = sinh, cũng không phải biến âm từ 'sinh' như các lý giải thường gặp, mà lại là lối nói của người Hải Nam: [deh] mang nghĩa 'sinh đẻ'. Tiếng Hán có lẽ đã phiên âm 'đẻ' thành 誕 đọc theo kiểu Hẹ: [dan]. (e) Ngựa = Ngọ = Mã. Chúng tôi xin đưa ra lý giải Bách Việt, khác với lý giải Việt/Hán Việt theo 'Thuyết 12 Con Giáp' của Nguyễn Cung Thông [7]. Thuyết chúng tôi cho rằng hai từ có âm khác nhau mang cùng nghĩa thường xuất phát từ hai tộc người khác nhau trong khối Bách Việt, hoặc là 2 từ chỉ hai sự vật hơi khác nhau. Trong quá trình hợp chủng người ta quên đi gốc gác của từng từ. Chứ không phải do biến âm tại chỗ. Thuyết 12 Con Giáp [7], cũng như rất nhiều công cuộc nghiên cứu về tiếng Việt xưa nay, thường cho đó là biến âm tại chỗ của một khối tộc thuần chủng. Theo thiển ý: Mã: xuất xứ từ tiếng Mông Cổ [Morb], viết theo Hán tự 馬 đọc [ma] rất giống tiếng Việt. Nhưng, 'Ngọ' trong năm Ngọ, lại liên hệ đến 'Ngựa', có một gốc khác: [ghora] thuộc tiếng Ấn & Bangladesh. Sang đến khu vực Bách Việt: Ngọ => Ngựa: rất có khả năng là thứ phát âm Nôm (Hoa Nam) dùng thẳng từ 猊 phát âm kiểu Hẹ [ngi] hoặc Quảng-Đông [ngai] mang nghĩa 'con ngựa rừng'. Hoặc là âm Nôm của từ 驁 phát âm kiểu Hẹ [ngau] và Quảng Đông [ngou] mang nghĩa con ngựa chứng, chưa được thuần thục. Tiếng Việt ngày nay hãy còn phảng phất âm hưởng 'con ngựa chứng' [ngou] qua lối nói: 'thằng này ngầu quá'. (f) Năm Thân = năm con Khỉ => Thân <=> Khỉ.  Thân: theo nguyên lý biến âm giữa tiếng Hán và Việt cổ (Môn-Khmer), tiêu biểu qua rất nhiều từ Việt gốc Hoa Nam (thường gọi: Hán Việt), và từ điển tiếng Chàm [9]. Âm [Th]-Việt (hay Chàm) có thể tương ứng với [Sh] hay [X] bên 'Hoa'. Ngay như trong tiếng Miến Điện (Mynmar) cũng còn dấu biến âm từ Salween (do người Anh phiên âm) trở lại ra Thanlwin. [Thân] do đó viết 申 và đọc [shen] theo quanthoại. Những từ điển Hoa thông thường không bao giờ có chuyện viết nên: '[shen] = khỉ' hết. Và thật ra [Thân] xuất phát từ 猻 phát âm như [sun] tiếng Hẹ, hay [syun] Quảng Đông, mang nghĩa: con Khỉ.  Khỉ: tiếng Hán ròng có lẽ là 猴 [Hầu], đọc y như vậy trong tiếng Quảng Đông [hau]. Tiếng 'Khỉ' cũng lại xuất phát từ âm Quảng Đông của 蠼 [kheoi], mang âm gần nhất với [khỉ] nhưng mang nghĩa nguyên thủy 'khỉ cái'. (g) Năm Tuất = năm con Chó. Từ nôm 'chó' đã được trình bày nhiều lần trong các bài trước. Tiếng Thái: [maa] đã sinh ra [má] => chó má. Tiếng Hoa thường dùng: Khuyển 犬 có 294


lối đọc y hệ [kien] trong tiếng Hẹ, và [khian] trong tiếng Mân {để ý âm Hoa Nam rất giống kiểu Nam bộ hay Mường (wiết => huyết): lột mất âm [uy] => [kh(u}iển]. Từ khác là [cẩu] hay [kỉu] 狗 rất giống kiểu Hẹ [kieu] và Mân / Quảngđông: [kau] hay [gau]. Tiếng đa đảo là [kuli]. Nhưng [Tuất] lại xuất xứ từ một tiếng khác: 嗾 đọc kiểu Hẹ: [tsuk], Quảng Đông [zuk]. Ban đầu mang nghĩa tiếng gọi cho con chó đến: [tsút - tsút]. Phát âm Hải Nam cho năm Tuất 戌 chính là [tuat]. (h) năm Mùi = năm con Dê. Xin để ý định lý âm-tương-đương giữa các phương ngữ Hoa Nam: Một số các âm [W] quan thoại (thí dụ: wan = vạn) có khuynh hướng mang âm tương đương, như:  âm [M] trong tiếng Quảng Đông: [wan] => [maan] (muôn = 10000)  âm [V] trong tiếng Hẹ: [wan] => [van] => (vạn)  âm [B] tiếng Mân: [wan] => [ban] hay [man] => [byạn] kiểu Nambộ & Mường Áp dụng định lý này, ta thấy [Mùi] xuất xứ từ biến âm [Mei]-quảng-đông, của [wei] quan-thoại, tức [vi]-Hẹ, hay [vị]-quốc ngữ => mùi vị. Và: [bi]-Mân, tức [byi] Nambộ và Mường. Ta thấy ngay: [byi] là một âm gần gũi với [yi] tiến đến [dê] rất dễ. Tiếng quanthoại cho Cừu/Dê là [yang], phát âm theo Ngô Việt là [Iyaz], rất gần [bê] hay [byê] tiếng Mường. [Mùi] lại có thể mang cùng gốc với [mamaê] tiếng Thái. Âm [Mei] tiếng Quảng-Đông cho [mùi] cũng là âm cho tiếng kêu của con cừu hay con dê, phiên âm theo Hán tự bằng 羋. Toàn bộ 12 con Giáp với âm chính thức Bách Việt, được tóm tắt trong bảng trình bày phía dưới - với chú thích sau: 1. Trước hết ta thấy các âm điệu Tí, Sửu, Dần, Mẹo, ... hoàn toàn mang nghĩa các con thú tương ứng theo với tiếng các tộc Bách Việt ngày xưa. Cột 1 mang nghĩa cột 7. Theo với minh giải trình bày ở cột 4. 2. Cột 4 chính là âm nguyên thủy Bách Việt, đã được 'Hán hoá' bằng Cột 3. 3. Khi người Hán phía Bắc Hán hoá các âm gọi 12 con Giáp từ phía Nam, họ thấy các âm này là âm ... tiếng 'người nước ngoài' xa lạ, nên họ hệ thống hoá thành 12 địa-chi, mang phát âm quan-thoại theo cột 3. Tên họ quen gọi họ vẫn giữ, cột 8. Thí dụ: cọp, họ gọi [hu]=> hổ. Khỉ= [hou]=> hầu. Rồng:[long]=> long [15]. 4. Truy tầm âm vận Bách Việt chứng minh quyết liệt tên 12 địa chi - đích thị là tên gọi đúng 12 con Giáp từ miền Hoa Nam, đặc biệt người Quảng Đông, thuộc chủng Thái cổ (tức Âu Việt) bà con cật ruột với một phần khá lớn của người Việt Nam và Thái Lan. Những âm bây giờ phiên âm thành tiếng Hán, trình bày ở cột 4-5 cho thấy rõ rệt điều đó. 5. Phương pháp chúng tôi đặc biệt khác với phương pháp Nguyễn Cung Thông ở chỗ căn bản lý thuyết ở đây dựa vào biến âm (hay đúng hơn: âm tương đương) của các tộc người khác biệt trong nhóm Bách Việt, trong khi phương pháp của một trong những vị khởi xướng 'phong trào' tìm về nguồn [7] [11] chú tâm đến biến âm (tại chỗ) trong tiếng Việt của người Việt (Nam) cổ. Bây giờ xin trở lại phân tích hai chữ Hùng Vương. Đặc biệt nhấn mạnh ở chỗ 'biến âm' từ [K] sang [H], do ở vài đề nghị (thí dụ: Trần Quốc Vượng [11]) cho rằng có thể tiếng Mường tương đương với 'vua Hùng' là [Po Khun] - trong đó [Khun] mang nghĩa 'tù trưởng'. 'Vương' 王 khá đơn giản, chỉ là lối phát âm Hẹ (mang chữ V) [vuong] hay [vong] của quanthoại [wang] hay quảng-đông [wong]. Đặc biệt từ điển của Lau Chun-Fat cho biết tiếng

295


quan-thoại cũng có lối phát âm [yu]-4 cho [wang]. [Yu] sẽ dễ dàng cho ra âm [byua] theo kiểu Nam bộ, hay [bua] kiểu quốc ngữ thời Alexandre de Rhodes. Đ.Chi Tý Sửu Dần Mão Thìn Tỵ Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi

Hán 子 丑 寅 卯 晨 巳 午 未 申 酉 戌 亥

Q. Thoại B.Việt Chữ Hoa zi* syu / tsy 鼠 chou siu / zeu 犨 / 丑 yin yau / zan 貅 / 倀 mao miau/mau 貓 / 猫 chen then 虯 si tuo + chi 蛇 wu ngai/ngou 猊 / 驁 wei mei 羊/羋 shen* sun / syun 猻 you yiu / yau 雓 xu tsut / tuat 嗾 hai hei 豨

Dialect Con Giáp QĐ/ Ngô Chuột Hẹ Trâu (Bò) Q. Đ Cọp Hẹ / Q. Đ Mèo (thỏ) Hẹ Rồng Q. T. Rắn Q. Đ. Ngựa Q. Đ. Cừu (Dê) Hẹ / Q Đ Khỉ Q. Đ. Gà Hẹ /H-N Chó Q. Đ. Heo

Q. Thoại shu shui-niu hu mao shen she ma yang hou/ you ji gou zhu

Thú (Mường /Thái) tsuôt / chuat tlu / klu / salu khal/khan mèo / thoh Ròng [15] ran / zan Ngưa dê/tê/bê(byê)/mamaê Vok Ka Tsó kwi / kul/ kun [14]

Chú Thích: QĐ= Quảng Đông. QT= Quan Thoại. H-N= Hải Nam Chữ [kun] tiếng Mường (có thể kèm âm [H] hơi thở, đọc [khun]) thật ra lại mang nghĩa 'chúa', hay 'thủ lãnh', hoặc tù trưởng. Tương đương tiếng Hán là 'quân' 君 phát âm y hệt [kun] trong tiếng Mân. (Quảng đông đọc [gwaan] và Hàn quốc đọc [kwun]). Chữ 'Hùng' viết như 雄 mang bộ 'Chuy' (thật ra bộ Gia) giống như chữ Lạc viết theo bộ Chuy 雒 dùng để chỉ Lạc Hầu - Lạc Tướng [12]. Do đó, có một dạo tại Việt Nam, nhiều học giả ưa cho rằng Hùng Vương = Lạc Vương. {Chúng tôi sẽ bàn tiếp về Hùng Vương và Lạc Vương vào dịp khác}. Hùng 雄 trong 'Hùng Vương' mang nghĩa 'hùng mạnh' hoặc người Hùng. Quan-thoại đọc [xiong]. Ba âm Bách Việt rất giống âm Việt [hùng]: Mân [hiong]. Hẹ [hiung] và giống nhất Quảng Đông (tộc Thái cổ) [hung]. [Hung] QĐ = [Hiung] Hẹ = [Hùng] Việt cho thấy gốc gác tên gọi [Hùng] nằm trong chủng Thái-cổ, tộc chủ lực của người Mường (Việt). Nhưng âm [Kun] trực tiếp cho chữ 雄 (và thay cho [Hung]) hoàn toàn vắng bóng trên 'diễn đàn' Bách Việt, bởi Hải Nam và Ngô Việt đọc như [yong] hay [iong]. Âm của chữ 強 mới có âm [K] ở đầu, đọc theo tiếng Mân: [kiong], Quảng: [keong], và Hẹ [kiong] mang nghĩa 'hùng mạnh' y như 'Hùng' 雄 phía trên. Một từ khác cũng mang nghĩa 'hùng mạnh': 鞏 mang phát âm [kiong] Mân, [giung] Hẹ, và [gung] hay [kung] Quảng Đông. Chúng ta nên để ý lối viết chữ Hán tròng lên các phương ngữ Hoa Nam là lối viết có sau - thực tế chỉ phiên âm theo mẹo luật chính tả chữ Hán. Do đó, ngày xưa, rất có khả năng âm [Hùng] và [Kun] lẫn lộn với nhau giữa các phương ngữ, và cũng có thể hoán chuyển ý nghĩa với nhau: * Hùng = Mạnh => [hung], [kiong], và [kung] Kun = Vua = Chúa tể = Quân = Quan (Kun T’lang = Quan Lang) => [kun] <=> [hung]. * [Hùng] trong tiếng Hoa (hay Hoa Nam) còn mang ý nghĩa: 'Nam giới' hay 'đầy sinh lực'. Một từ khác tiếng 'Hán' cũng mang nghĩa 'nam tính' chính là 'Công' 公 đọc theo Quảng Đông hay Hẹ là [gung] rất gần với [kung]. 296


Thế [Po] trong [Po Khun] ở tiếng Mường ra sao? Tra cứu từ điển Mường [13] chúng tôi thấy chỉ có [Pổ] mới điền được vào chỗ trống cho hợp nghĩa. 'Pổ' mang nghĩa= Ông Cha. Pổ = Bố. => [Pổ Khun] hay [Pổ Kun] => Người làm Quan - giống như vị Cha già cho cả Bộ Lạc. Cũng không tránh được để ý: Pổ Cảy = Bố Cái = Cha Mẹ => giống như 'Bố Cái Đại Vương' (Phùng Hưng). Đến đây - chúng ta có thể tạm đi đến một số nhận xét như sau: (a) 'Hùng Vương' là sản phẩm trí tuệ của người Việt thuộc các chi chủng di cư từ phương Bắc. (Xin tạm gác vấn đề 'Hùng Vương' có thật hay không). Đặc biệt tộc Thái cổ và tộc Lạc Việt phía Bắc (tức Hẹ) có phát âm gần giống tiếng Việt ngày nay nhất. (b) Tộc Thái cổ, còn gọi Âu Việt, chính là tộc chủ lực của người Mường, thời xưa nổi tiếng theo mẫu hệ, giống như tộc Việt cổ: Môn Khmer, với đại biểu là người Chàm (Chăm) xưa nay thường bị gọi thuộc chủng hỗn hợp Mã Lay - Đa đảo. (c) Tộc Lạc Việt phía Bắc có thành phần chủ lực là tiền thân người Hẹ ngày nay. Người Hoa ngày xưa ưa gộp họ với các tộc khác, nhất là đám Tam Miêu (tức Miêu-Dao), ở khu bán đảo Sơn Đông, thành một khối, gọi Đông Di. Bởi nhóm Đông Di thường xuyên giao tác với người Hoa từ thời Đông Châu liệt quốc cho mãi về sau, nên có thể họ theo phụ hệ khá sớm. (d) Việc hợp chủng Âu - Lạc, một bên theo mẫu hệ, một bên theo phụ hệ, luôn được phản ánh khá đầy đủ trong truyền thuyết 'cẩm nang' của dân tộc Việt Nam: truyền thuyết ÂuCơ / Lạc Long Quân và Hùng Vương. (e) Phiên thiết hai chữ 'Hùng Vương' qua các tiếng Việt ở Hoa Nam (kể cả tiếng Mường) ở trên cho thấy tác giả truyền thuyết đã nhấn mạnh: Chế độ Hùng Vương, nếu có, là một chế độ theo phụ hệ. Tuy nhiên chúng tôi xin phép dành phần luận bàn về thời điểm các tác giả truyền thuyết đã ghi chép hay dùng các 'phần từ' với hàm ý 'nam tính' trong chữ Hùng của quốc tổ Hùng Vương. Nhất là điểm mâu thuẫn khi thấy ông Phùng Hưng được danh xưng Bố Cái Đại Vương vào thế kỷ thứ 8, trong khi Hùng Vương, nếu có, đã có trước Bố Cái Đại Vương ít lắm cũng 1000 năm, lại chỉ mang tước hiệu Bố Quan (Pổ Kun) nhấn mạnh về phía người Cha của phụ hệ. Trong một bài tới, chúng tôi sẽ khai triển lý thuyết trình bày phía trên về hướng Bắc, nhưng áp dụng cho hướng Nam, để nhận diện tộc người Việt đã làm chủ dải đất hình chữ S sớm sủa nhất. Từ đó chúng ta sẽ có dịp xem và nhìn lại vấn đề Nam tiến ở một góc nhìn hoàn toàn mới mẻ, cho thấy đó chỉ là việc một người em trong bộ tộc trở về quản lý dải đất thuộc tổ tiên người Việt thuở ban đầu. Tháng 5 - 2006 GHI CHÚ [1] Chúng tôi xin mạo muội đưa ra thêm 2 giả thuyết, dành cho những vị thích nghiên cứu cổ sử Hoa và Việt: (i) Tần Thủy Hoàng có huyết thống không thuộc tộc Hoa-Hạ. Có thể một thứ tộc Bắc Địch hay Nhục Chi (Turkestan), hoặc rợ Hồ. Ông đã thẳng tay ra lệnh đốt sách chôn học trò - thuộc Nho giáo - bởi Nho giáo là một sản phẩm thuần túy Hoa-tộc, của những vị thánh hiền tộc Hoa ở vùng bán đảo phía Đông. (ii) Hán Cao Tổ Lưu Bang, xuất thân ở xứ Giang Tô (Ngô-Việt), lại lấy tên sông Hán Thủy ở nước Sở, nơi có nhiều cộng 297


đồng Việt tộc (gốc Thái hay Âu) sinh sống, làm tên nước Trung Hoa đầu tiên nhất thống Hoa-Nam và Hoa-Bắc, có vẻ cũng một người mang huyết thống... tộc Việt. Lý do: Người Hoa từ Nam chí Bắc (bao gồm phần lớn tộc...Việt, tức Bách Việt) luôn luôn thích tự gọi họ người Hán, tiếng của họ tiếng Hán. Họ thích gọi họ người Hán và không hề thích gọi họ người Tần. Trong khi người Anh-Pháp-Mỹ đều gọi họ người Chinese hay Chinois, tức người Tần. Bởi China bắt nguồn từ Ch'in, tức... Tần. Phải chăng bởi Lưu Bang có huyết thống Việt tộc trong người nên đám Bách Việt trên toàn cõi Trung Hoa đã để cho ông yên, hợp tác và tiện nghi hãnh diện với triều đại nhà Hán? {Một thứ tên khác người Hoa, nhất là Hoa kiều ở bên ngoài Trung Hoa, thích gọi là Thoòng Yàhn, tức Đường nhân, hay người Đường. Thời nhà Đường (618-907) là thời đại huy hoàng nhất nhì văn minh Trung Hoa). Thêm một điểm đáng để ý: Người sáng lập nên nhà Đường mang họ Lý (Lý Thế Dân) có gốc ở khu bán đảo Đông Bắc nước Tàu (Sơn Tây / Sơn Đông), nơi ngày xưa tập trung đám rợ Đông Di. [2] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu (tái bản tại Hoa Kỳ). [3] Thí dụ: 'Anh/Chị/Mày' quanthoại và quảngđông gọi [ni] 你 nhưng Ngô-Việt (Thượng Hải - Chiết Giang - Giang Tô) gọi [nong] 侬 viết khác, đọc khác. Tiếng Việt có thể biến [nong] thành [nó] và dời sang ngôi thứ 3. Cũng giống như [ai] tiếng Hẹ có nghĩa 'tôi' dời sang ngôi thứ 3 (ai đó?) và lẫn lộn với ngôi thứ 1 {ai biết đâu = tôi đâu biết}. Thí dụ khác: 'Nó / cô ấy' quanthoại đọc [ta] 他, nhưng quảngđông đọc [kei] 其 giống tiếng Thái. [4] Thí dụ: âm quanthoại [jiu] mang 2 thứ từ chính: 九 (chín) và 久 (cựu, cố cựu). Truy tầm phát âm trung-cổ dựa vào âm Phúc Kiến: [kao] hay [kiu]. Tiếng Việt quốc ngữ [cửu], theo thiển ý là âm giữa [kiu] và [kao], đọc [kiu] hay [kao] cũng được. Các họcgiả nếu dựa vào quốcngữ hay tiếng Phúc kiến cho rằng âm Hán trung-cổ là [kơw] có thể sẽ bị ... hố. Bởi theo lý thuyết chúng tôi, chính người Việt ở Phúc Kiến (và/hay Quảng Đông) đã mang lối gọi [cửu] hay [cựu] vào nước Việt, theo các đợt di dân, chứ không phải do thế lực đô hộ Hán-Ngô-Tùy-Đường đem tới. Vào thời đó, đa số quần chúng nước Nam, cho riêng phát âm [kiu]/[kao]= cổ, có lẽ dùng các từ Môn-Khmer như: [kra]=>già, [kone]=>cũ, [ja]=>già, Thái: [gau]=>[cũ], hay Chăm: [takoy]=>cổ. [5] Xin lưu ý: Thỉnh thoảng chúng tôi chỉ ghi: Hẹ, mà không nhắc đến Miêu-Dao tức Hmong-Mien. Xin vui lòng để ý hai nhóm Hẹ và Miêu-Dao ưa nhập chung với nhau khi di tản ra khỏi nước Tàu. Nhóm Hmong-Mien tại Việt Nam thời xa xưa (nhà Lý trở về trước) ưa nấp kín sau lưng nhóm Hẹ. Nhóm Hẹ cũng thường che dấu gốc gác của họ, và cũng thường dấu luôn tên tộc Bộc Việt hay Lạc Việt. Họ thuộc khối Bách Bộc hay Đông Di hoặc Cửu Lê. [6] http://chineseculture.about.com/library/weekly/aa101699.htm http://www.travelchinaguide.com/intro/history/prehistoric/longshan_culture.htm http://www.chinapage.com/archeology/ancient-site.html Một số trang mạng về cổ sử Hàn quốc cũng cho rằng người Hàn là hậu duệ đám rợ Tam Hàn, trong đó người Hmong làm nòng cốt. Họ cũng cho rằng chính người Hmong-Mien (tức Miêu-Dao) đã sáng tác ra chữ viết đầu tiên tại Hoa lục. [7] Nguyễn Cung Thông (2006) Nguồn gốc tên 12 con Giáp (và các liên hệ Việt, Hán Việt với ngôn ngữ láng giềng qua tiếng nói) - Tập I. Tác giả xuất bản. [8]http://www.chineselanguage.org/cgibin/query.php?table=hakka&mode=english&sound=no&beijing=pinyin&canton=jyutpin&h akka=default&fields=pinyin,english&lang=en&show=frequent 298


[9] Gerard Moussay, Nại Thành Bô, Thiên Sanh Cảnh, Lưu Ngọc Hiến, Đàng Năng Phương, Lưu Quang Sanh, Lâm Gia Tịnh, Trương Văn Tốn (1971). Tự Điển Chàm-ViệtPháp. Trung tâm Văn-hóa Chàm - Phan-Rang. [10] Charles Hamblin (1984) Languages of Asia & The Pacific. Angus & Robertson. [11] Nguyễn Cung Thông (2006) Trao đổi tư liệu - 1 tháng 5, 2006. [12] Cần nhớ: Ý tưởng người xưa để lại: 'Lạc' trong Lạc Long Quân, họ thường viết với bộ Trãi 貉, dùng để chỉ Lạc bộ Trãi ở miệt sông Hoàng Hà. 'Lạc' trong 'Lạc Việt' viết theo bộ Mã 骆, thường dùng chỉ người Mân Việt, cho thấy hai chữ Lạc Việt khá thịnh hành ở thời nhà Trần, mang gốc tộc người Mân. 'Lạc' trong 'Lạc Hầu - Lạc Tướng' viết theo bộ Chuy 雒, cho biết rất nhiều Lạc Hầu - Lạc Tướng mang gốc tộc Để-Khương, thường gọi Môn-Khmer. Tất cả những chữ Lạc đó đều chứa chữ 'Lạc' gốc chỉ sông Lạc 洛, và dùng cho chữ 'Khách' 客 trong 'Khách Gia' 客 家 tức người Hẹ. [13] Nguyễn Văn Khang (chủ biên), Bùi Chỉ - Hoàng Văn Hành (2002) Từ Điển Mường Việt. Nxb Văn Hoá Dân Tộc. Hànội. [14] Lối gọi ‘cúi’ cho con lợn (heo) phát xuất từ tộc người Việt cổ gốc Thái (Mường). Từng được Nguyễn Khuyến xử dụng, trong bài Chỗ lội làng Ngang (Xem: http://chimviet.free.fr/15/nddg071.htm): Đầu làng Ngang có một chỗ lội Có đền ông Cuội cao vòi vọi Đàn bà đến đấy vén quần lên Chỗ thì đến háng chỗ đến gối Ông Cuội ngồi trên mỉm mép cười Cái gì trăng trắng như con cúi Đàn bà khép nép đứng liền thưa Con trót hớ hênh ông xá tội ... Tiếng Thái (Lan) hiện đại có 2 từ dùng chỉ on Heo: [kui] và [mủ]. [Kui] chính là [cúi] tiếng Việt, trong tiếng Thái mang hàm ý không được thanh tao, ít dùng. Rất có khả năng mang chút ít ý nghĩa của ‘cúi’ theo kiểu xử dụng của Nguyễn Khuyến. Tiếng Khmer gọi năm Hợi là [Kaor] có gốc gác rất gần [Cúi]. [15]Thìn = Rồng. [Rồng] có thể là âm quốc ngữ của [Long] tiếng ‘Tàu’. Nhưng ‘Thìn’ có thể xuất xứ từ phát âm Hẹ: [Then] cho từ 螣 mang phát âm quanthoại [theng] hay [zhen] mang nghĩa con rồng thiêng không cánh.

299


Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (18): Phần 3: Người Việt thuở ban đầu Cách đây vài năm, chúng tôi đọc được đâu đó, bài viết của một vị thuộc nhóm chuyên gia phụ trách về vụ khai quật thành Đại La. Đại khái, tác giả đã thành thật và thận trọng, cho biết kiến thức hiện thời của giới hữu trách về sử, khảo cổ, cũng như dân tộc học, áp dụng vào 'di chỉ' Đại La, thật ra chưa được đầy đủ để có thể lý giải toàn bộ vấn đề với mức chính xác cao. Nên đành phải tạm gác lại một thời gian. Trước đó ít lâu chúng tôi được một người bạn Tân Tây Lan, bà Allison Vũ, một chuyên gia về đồ sứ xứ An-Nam, cho biết một trong những điểm khá li kì của kiến trúc Đại La, chính là sắc thái mang nhiều ảnh hưởng Chiêm Thành (Chăm), thay vì Trung Hoa hay 'Việt tộc', như thường nghĩ. Gần đây, đúng vào lúc chuẩn bị viết bài này, chúng tôi được đọc một quyển sách cũ của Lê Văn Siêu [1], trong đó học giả họ Lê có ghi, trang 97: 'Tuy nhiên, sự thờ thần tượng thể cách hoá thành linga của Brahman, Visnu, Siva thì người Việt không thờ theo, mà trong các đền đài vua quan hay các anh hùng dân tộc, như ở đền Lý Bát Đế - Bắc Ninh, ở lăng quận công Nguyễn Diễn cạnh chùa Lim, ở chùa Thầy - Sơn Tây, đều có hai phỗng đá chầu hầu tạc theo hình người Chàm, quỳ chân chắp tay phía trước, bụng phệ và mắt lõm. Nói không thờ theo là nói chung tất cả, chớ cũng có làng thờ ông Đùng bà Đàng (phiên âm tiếng Chàm Yan nghĩa là linh ứng) hàng năm còn rước thần tượng Linga và Yoni [9] bằng gỗ sơn son thiếp vàng. Có lẽ đó là phong tục cũ của một làng xưa có những tù binh Chàm bị nhà vua bắt an trí và bắt khai khẩn ruộng đất.' [35] [36]. Xin để ý hai thứ lí giải khá phổ biến trong giới nghiên cứu Việt Nam, thường dựa vào mớ lý thuyết của các học giả Âu Tây, dựa rất nhiều vào nguyên lý Nhị Nguyên, tiêu biểu qua phân biệt 'Họ và Ta': (i) Ảnh hưởng văn hoá Chiêm [12] trên xứ Việt cổ toàn là do ở dấu vết các tù binh Chiêm. (ii) 'Nước' Chiêm Thành tan rã bởi họ lo chinh chiến nhiều quá, không để ý đến việc kiến thiết an dân. Chúng tôi, qua bài này, sẽ xin phép trình bày một khía cạnh khác của lý thuyết ở đây đặt 'tập trung' về phía Nam - và một phần của kết quả sẽ đưa đến hai thứ lý giải hoàn toàn khác biệt với các thứ đã có sẵn từ trước. Nhưng trước hết xin ghi thêm về lối làm việc của những học giả Tây phương trong vấn đề cổ sử Á Đông. Có thể tóm tắt một vài điểm đặc trưng như sau. 1. Theo phương pháp khoa học, việc đầu tiên của họ là phân loại, xếp nhóm với nhau. Nhất là về ngôn ngữ. Đáng kể ở Đông Nam Á, họ chia thành hai loại chính: Nam Á (Austroasiatic) và Nam đảo (Austronesian). Nam-Á có 2 nhánh: Môn Khmer và Munda, hiện diện ở Đông Bắc Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam, một hai tỉnh miền Nam Trung Hoa, Mã-Lay-Á, và rất nhiều đảo chạy dọc theo Ấn Độ Dương. Nhóm tiếng Nam-Đảo trong khi đó có mặt từ đảo Madagascar ở Phi Châu đến đảo Easter ở Thái bình Dương, thọc lên tận Formosa (Đài Loan), và bao gồm quần đảo Inđô-nêxia, xuống tận Tân Tây Lan. 2. Ở thời buổi ban đầu trong việc nghiên cứu về cổ sử và ngôn ngữ các nước Đông Nam Á, các học giả phương Tây có lẽ chưa đạt được hiểu biết đầy đủ về những chuyện hết sức 300


gút mắt của văn hoá từng tộc người ở vùng này, và có thể cũng mang chút ít thành kiến: Họ đặt tên các nhóm ngôn ngữ rồi dẫn đến chủng tộc, dựa vào quan sát việc tộc người nào có đền đài và kiến trúc cổ, to và đẹp nhất. Hay dân chỗ nào đông và có nền văn hoá lẫy lừng nhất. Từ đó ta thấy Hán-Tạng, Tạng-Miến, Mã-Lay, Môn-Khmer, Indonesia, rồi Thai-Kadai trở thành những ứng viên sáng giá nhất. Bởi chủng Việt, một phần lớn đã sát nhập chung với tộc Hoa Hạ tạo nên người Hán [4], phần kia nằm dưới ách đô hộ của người Pháp, nên tiếng Việt nằm ngoài vòng sắp xếp của các học giả Tây phương. Dù vậy họ đoan chắc tiếng Việt, ít ra một phần lớn tiếng Nôm xưa, nằm trong nhóm MônKhmer, thuộc khối Nam-Á. 3. Phối hợp vào đó với thứ tiền đề đã có sẵn, dựa trên sự kiện người vượn đảo Java có trước người vượn Bắc Kinh, họ tạo dựng nên một số các tiền đề phụ, mà kết quả là luôn luôn đánh lạc hướng mọi công trình tìm về cội nguồn dân tộc, nghiên cứu về cổ sử, ngôn ngữ, và luôn cả khảo cổ. Tóm tắt có chừng 4 hướng di-chuyển của người tiền sử: Bắc xuống Nam, Nam lên Bắc, Đông sang Tây, Tây qua Đông. (Thuyết Địa Đàng Phương Đông của Oppenheimer là một thứ thuyết với hàm ý: từ Nam lên Bắc và từ Đông sang Tây). Thí dụ nôm na hơn: Họ thường cho người Chàm (Chăm) là thuộc gốc MalayoPolynesian, tức Mã-Lay+Đa-đảo. Tức nhóm người Chàm đầu tiên phải là nhóm người dùng thuyền bè từ các hải đảo phía Nam, ghé vào bán đảo Mã Lay, rủ rê một số đồng bào thích phiêu lưu mạo hiểm, cùng nhau chèo thuyền về phía Bắc rồi sau cùng đổ bộ lên khu vực Hội An sau này. Kiến tạo nên nền văn hoá Sa Huỳnh (và Mỹ Sơn) nổi tiếng. Ngược lại, họ cho dân đa-đảo xuất phát từ đảo Formosa, tức Đài Loan ngày nay. Tiếp tục suy luận: Dân Formosa xưa có tiếng nói hơi giống dân Hoa Nam. Do đó, khối Đa đảo được xếp chung với thổ dân Formosa vào nhóm Nam-Đảo, tức Austronesian. Giả thuyết người Java có trước người Bắc Kinh thông thường đưa đến việc cho vùng đất MãLai-Á chính là thủy tổ dân Á Châu. Tức dân Java mò lên tận Trung Hoa trước. Vài nghìn năm sau, vào lúc cực điểm của chiến tranh Đông Chu liệt quốc, họ lại chạy ngược trở xuống, trở về Nam. Toàn bộ các thứ tiền đề liên hệ đến 3 điểm chính yếu kể trên đã đưa đến vô số những lý thuyết về ngôn ngữ, chủng tộc, và lịch sử của các thứ dân miền Đông Nam Á kéo dài suốt thế kỷ 20. Đa số các học giả, nhất là người gốc Á Đông, đều không ngờ rằng, tất cả những tiền đề đó đã được dàn dựng từ thời xa xưa. Khi học giả Tây phương hãy chưa am tường, nắm vững hay phối hợp được các chi tiết hết sức gay cấn và đôi khi mâu thuẫn với nhau. Trên cơ bản, theo thiển ý, những lý thuyết có vẻ rất khoa học và đầy ấn tượng đó có thể chứa khá nhiều lổng chổng lấn cấn. Xin thử đưa ra vài thí dụ, như sau. (i)

Điển hình nhất trong lối sắp xếp phân biệt Nam Á với Nam Đảo chính là vấn đề xứ Chăm-pa. Quyển 'Luật tục Chăm & Luật tục Raglai' [5], dựa vào lối phân biệt Nam-Á và Nam-đảo của các tác giả Tây phương, cho rằng: 'Người Chăm thuộc chủng tộc Nam Á, tiếng nói của họ rất gần gũi với các dân tộc Raglai, Churu, Jarai, Êđê, thuộc ngôn ngữ Austronesian (nhóm ngôn ngữ Malayo-Polynesian).' Chủng tộc thuộc khối Nam-Á, nhưng ngôn ngữ lại theo phe Nam Đảo. Rõ ràng có chuyện lấn cấn đâu đó. Hay nôm na hơn, lấy râu ông nọ cắm vào cằm bà kia. Thêm một thí dụ khác: Theo Nguyễn Đức Hiệp [13] một số sắc người dân tộc ở phía Nam, như: Mạ, Stiêng, Churu, v.v. thường có tiếng 301


nói được xếp vào nhóm Môn-Khmer, nhưng nhiều học giả Tây phương lại xếp tộc chủng (hoặc đôi khi cả ngôn ngữ), của họ vào nhóm Nam-Đảo. (ii) Nhìn lại lối sắp xếp Nam Đảo với Nam Á, ta thấy họ sắp tiếng Mã-Lay vào nhóm Nam Á, nhưng In-đô-nê-xia lại chạy vào nhóm Nam Đảo. Thế, chúng ta được biết tiếng Mã Lay rất giống tiếng In-đô (như tiếng Lào giống tiếng Thái Lan). Như vậy toàn bộ việc phân biệt Nam Á và Nam Đảo chắc chắn đã tổng quát hoá vấn đề bằng một đường lối nào đó khá li kì. (iii) Lối phân chia Nam Đảo / Nam Á, đem vào áp dụng cho người Chăm rất dễ bị gảy đổ. Bởi một mặt, người Tây phương thấy người Chăm giống người Việt và Khmer, như Mường ở giữa Thái và Việt. Tam đoạn luận tiếp theo (mà người Việt thuộc khối Nam Á), sẽ bắt buộc sắp người Chăm vào nhóm Nam Á. Mặt khác, họ lại thấy tiếng Chăm giống tiếng Mã Lai - phối hợp với tiếng Đa đảo, nên họ cho tiếng Chăm thuộc khối Nam Đảo. Nhưng họ vẫn chưa 'shuua', và để cho chắc ăn, họ đặt ra một phân loại ngôn ngữ khác dành cho Chàm và Mã Lai: Malayo-Polynesian (Mã Lay - Đa đảo). (iv) Phân biệt Nam đảo / Nam Á của mấy bậc tiền bối Tây phương đã vô tình tảng lờ đi khối ngôn ngữ của dân Bách Việt ở Hoa Nam. Qua những bài trước chúng ta đã thấy rất nhiều dấu vết của những phương ngữ Hoa Nam trên tiếng Việt. Thế nhưng, các phương ngữ Hoa Nam lại cho vào nhóm Hán-Tạng, trong khi Việt lại thuộc hệ Nam Á. Ảnh hưởng biến chuyển giữa các phương ngữ Bách Việt cũng phản ánh đầy đủ trong các thứ tiếng Nam đảo (Đa đảo). Thí dụ: 'Cẩu' hay 'Kiủ' mang nghĩa con Chó. Sang đến nhiều đảo Thái Bình Dương, 'Chó' ở tiếng Bách Việt [Kiủ => Kủ] trở thành [kuli]. Nhưng tại Tân Tây Lan, dân Maori gọi đó [kuri]. Thấy rõ âm [l] ([kuli]) ở các khối dân Nam đảo trở thành [r]: [kuri], trong tiếng Maori. [L] => [R] y hệt như 'Fried Rice' (cơm chiên) phát âm như '"Flied" Lice' (Lice= rận) kiểu người Quảng Đông, bởi tiếng họ không có âm [R] như Mon-Khmer. (v) Lộn xộn trong câu chuyện khoa học về Đông Nam Á của mấy ông Tây phải kể đến xứ Hải Nam. Từ xưa đến nay, có lẽ người Hải Nam nào cũng biết, ngoài những món độc chiêu: cơm gà Hải-Nam, trồng nhiều cây dừa (tiếng HN: [ya zhi]), nhảy múa theo nhịp đập hai thanh tre - tộc người nguyên thủy bản địa của xứ Hải-Nam chính là Miêu tộc và Lê tộc (Miao & Li). Và tiếng Hải Nam là một thứ tiếng 'thuộc nhóm Hán-Tạng' (do mấy học giả Tây phương phân loại), nhưng chỉ có 1 thinh, y hệt như các thứ tiếng Inđô-nêxia, Mã-Lay, và nhất là tiếng Khmer. Gần đây họ lại đổi ý và cho tiếng Hải Nam giống MãLay nhất. Xin để ý hiện tượng các 'cặp bài trùng' ưa nương tựa nhau: Âu (Việt)+Lạc (Việt) {tức Thái-Việt}, Hẹ-Miêu, Miêu-Dao (Hmong-Mien), Môn-Khmer, Thái-Hẹ, Thái-Mân, Miêu-Lê, v.v. Xin tập trung và dừng lại ở Lê tộc (Li zu 黎族 ), một trong 2 tộc người bản địa Hải Nam. Sách vở các học giả Âu Mỹ không hề liên kết tộc người cốt lõi của người Chăm với người Hải Nam, và khá mơ hồ bất nhất với tộc Lê ở Hải Nam. Từ xưa đến giờ có lẽ chưa một sử gia nào, đặc biệt Hoa hay Việt, đưa ra lí giải hiện tượng ghi lại ở một vài tài liệu rải rác đó đây [6][7]: 'Sau khi lính Chiêm bị bắt làm tù binh hay nô lệ ở nước An-Nam hay Đại Việt, lúc trốn thoát được, họ có khuynh hướng trốn về ... Hải Nam'. Theo thiển ý, nguyên do chính của thế bí Nam-đảo / Nam-Á / Malayo-Polynesian / Mon-Khmer / Li, trong vấn đề Chăm-pa & Hải-Nam chính là lối phân biệt hết sức bất chợt, thiếu thốn hiểu biết rành rọt các chi tiết gút mắt của ngôn ngữ và chủng tộc, ở Đông Nam Á. Lý thuyết chúng tôi ở đây đặc biệt không dựa trên các tiền đề quen thuộc Tây phương: 302


(i) Xuất xứ: Java hay Peking. (ii) Nếu ngôn ngữ mang dấu Malayo-Polynesian, thì tộc người đó có xuất xứ từ phía Mã Lai - Đa đảo. (iii) Tộc người thuần chủng và ngôn ngữ ở thời cổ đại vay mượn lẫn nhau [22]. Và cũng không dựa vào thứ tiền đề nhiều nhà nghiên cứu Việt rất thích: văn hoá Hoà Bình hay Đông Sơn là thứ văn hoá thủy tổ trong vùng. Sự thật nhà nghiên cứu Tây phương có khuynh hướng dùng tên di chỉ họ khai quật được (đầu tiên) để làm tên chung cho thứ văn hoá cùng thể loại. Nó hoàn toàn không có nghĩa đó là địa điểm trước tiên của thứ văn hoá đó. Đặc biệt không thể gọi ngay là 'văn minh'. Điểm này đã được Wilhelm G. Solheim II [24] xác nhận, khi ông cho biết người ta đã tìm thấy tại phía Bắc Thái Lan khuôn đúc đồng hai lớp có tuổi đời trên 3000 năm trước C.N.. Ngược lại chúng tôi cố gắng thiết lập một số quan điểm nền tảng: 1) Không tập trung ở, hoặc xin tạm gác, nguồn gốc nguyên thủy - ở thời xa xưa, cách đây trên 4000 năm: Chúng tôi đã dựa vào các nhận xét sau. Thứ nhất, không nhất thiết lập quốc càng lâu chừng nào, dân tộc càng hưởng được nhiều hạnh phúc thái bình, hay càng giàu mạnh chừng nấy. Thái-Lan lập quốc rất muộn, sau thế kỷ thứ 10, nhưng Thái-Lan luôn giữ vững nền độc lập trước sức tiến của Tây phương, và ngày nay giữ ngôi vị xuất khẩu gạo hạng 1 đúng như truyền thống tổ tiên họ là Yue tộc viết với bộ Mễ (gạo): 粤. Xin-ga-po (Singapore) 'lập quốc' không đầy một thế kỷ nhưng mức lương bình quân đã bắt đầu qua mặt lợi tức người Úc. Nước Hoa Kỳ được khám phá vào khoảng thời gian các nước Âu Châu còn tranh hùng xưng bá với nhau, nhưng chỉ trong vòng hai trăm năm trở thành minh chủ các quốc gia Tây phương. Úc, Tân Tây Lan, Gia nã Đại, có tuổi đời non trẻ hơn rất nhiều nước ở Á Châu, nhưng mức sống thì đi trước cả trăm năm. Thứ hai, lịch sử, văn hoá, văn minh, cũng như cá tính dân tộc ngày nay được hun đúc cao lắm là 2500 năm. Thường chỉ khoảng 500-1000 năm mà thôi. Trong khoảng thời gian dài đó có bao nhiêu chuyện vật đổi sao dời, di dân hợp chủng đủ thứ. Nếu muốn hiểu rõ lịch sử, ưu tiên số một cần dành cho khoảng thời gian 2500 trở lại đây thôi. Thêm vào đó, có lẽ rất ít quốc gia trên thế giới, kể cả người Ý và người Hoa, có thể tự hào rằng họ hiểu biết rõ về cổ sử trước đây trên 2500 năm. 2) Không dựa vào lối phân loại thông thường của Âu Mỹ để từ đó cho rằng tộc này là hậu duệ tộc kia. Thí dụ: Chăm là Malayo-Polynesian, như vậy người Chăm là hậu duệ của hai chủng Mã Lai và Đa đảo. Hay tiếng Việt có nhiều từ giống tiếng Mã Lai, nên người Việt thuộc Mã Lai đợt I theo kiểu thuyết Mã Lai [7]. Ngược lại, chúng tôi đặt tập trung ở các chi chủng: Môn-Khmer, Lê tộc, Thái-cổ, Hakka, Mân, Ngô, Hmong-Mien, Đađảo, v.v. Sau đó, tìm những đặc tính riêng của từng tộc người. Đặc biệt nhất, các tính chất ngôn ngữ và văn hoá. Sau đó, nếu thấy dân một nước nào có những tính đặc trưng dân tộc nào đó, chúng tôi sẽ đi đến kết luận tạm: có sự hiện diện của tộc đó trong lòng dân nước kia. Thí dụ: dân bản địa ở Hải Nam có món vũ ống tre. Dân Phi-líp-Pin cũng có vũ múa ống tre. Do đó một thứ tộc bản địa Hải Nam (người Lê) đã có mặt ở Phi-lípPin. Inđônêxia có trống đồng, Thái Lan có trống đồng, Việt Nam (phía Bắc), và khu Vân Nam cũng có trống đồng. Như vậy có một thứ tộc nào đó ngày trước, chuyên đúc chế trống đồng đã có mặt tại những nơi có trống đồng. Chúng tôi sẽ tạm gác lại tính tự hào dân tộc thường đổ dồn nổ lực nghiên cứu xem xuất xứ nó ở đâu. Và tiền đề quan trọng chúng tôi đề ra: Gần như tất cả dân tộc miền Đông Nam Á đều là hợp chủng. Có thể một vài quốc gia có một tộc chủ lực chiếm đa số, nhưng thường thường nằm ở tình trạng một chín một mười. 3) Không dựa vào chuyện vay mượn 'ngôn ngữ' ở thời cổ đại [22]. Chúng tôi cho đó chuyện bất khả thi, ít nhất trên bình diện tổng quát, bởi thời đó không có báo chí, radio, 303


Tivi, internet, điện thoại cầm tay, v.v. Không lẽ khi bí về sự vật hay động tác nào đó, người bộ lạc này phải cỡi trâu hay voi, hoặc chạy bộ để cho khoẻ và tiêu mỡ cholesterol, sang bộ lạc hàng xóm để hỏi họ dùng tiếng gì để chỉ việc đó. Chỉ có chuyện hỗn hợp các thứ tiếng của các bộ lạc khác nhau. Như đã đề cập trong một bài trước, chuyện 'hợp-chữ' có thể đưa đến 3 kết quả chính: (a) hai từ chỉ chung một sự vật sẽ cạnh tranh mãnh liệt với nhau, cuối cùng tiếng của tộc người nào cư ngụ đông đúc tại khu kinh đô sẽ đạt được thế phổ biến nhất. Thí dụ: chân > cẳng > giò. (b) các từ tương đương chỉ cùng một động tác hay sự vật sẽ dần dà thay đổi ý nghĩa để kho tàng từ vựng trở nên phong phú thêm lên: trễ / muộn / trì trệ; khuân / vác / cầm / mang / bưng / đem [23], và (c) hai từ, mỗi từ xuất từ một bộ tộc khác nhau sẽ hợp lại cho ra một hợp-từ đa âm, nghe êm tai hơn, và tộc nào nghe cũng hiểu: tâm địa, nước non ('non' cũng có nghĩa: 'nước'), màu sắc, thâm sâu, đen huyền, thân thể, thân mình, đường xá, sinh đẻ, bông hoa, v.v. Ở khía cạnh này chúng tôi để ý, khi một quốc gia hãy còn trong tình trạng chưa hoàn toàn nhất thống, một từ tiếng Tây hay tiếng Việt rất thường mang nhiều từ cùng nghĩa trong tiếng 'nước' đó. Điển hình: tiếng 'nước' Chăm-pa [8], làm lễ= hayăm, katăt, ngă?, đayôw?, thaw băh. 4) Không dựa vào tiền đề cố hữu của người Hoa: dân tộc ít người, không phải Hoa-Hạ, thuộc giống thiếu văn minh. Có thể đúng một phần nào trên quan điểm của người HoaHạ thuần túy, ở phía Bắc. Nhưng hoàn toàn sai trật đối với miền Hoa Nam và hầu hết các quốc gia ở Đông Nam Á. Đây có lẽ là thứ định kiến tai hại nhất do thế lực phía Bắc truyền đến phía Nam và rất nhiều nơi ở miền Đông Nam Á. Hãy còn mang dấu ấn rất mạnh cho đến ngày nay tại nước Myanmar. Ở đó nhà cầm quyền dán vào các nhóm người dân tộc một nhãn hiệu 'phiến loạn'. Rất tiếc các nhà nghiên cứu Tây phương cũng có vẻ không mấy để ý đến chuyện hết sức gút mắt và phức tạp nầy. Tuy vậy, đôi khi có vẻ họ cũng chứng tỏ họ đã rành nghề 6 câu, khi họ xử dụng nó như một công cụ phục vụ cho những mục tiêu chiến tranh và chính trị. Ngược lại, chúng tôi cho rằng có một mối liên hệ rất mật thiết giữa các sắc người dân tộc với người Kinh, trong vấn đề huyết thống, và cốt lõi văn hoá, ít nhất trong thời cổ đại xa xưa. Bây giờ chúng tôi xin phép bàn về một vấn đề gút mắt khác. Đó là chuyện xếp loại nhóm ngôn ngữ tiếng Việt. Ngày trước, tiếng Việt thuộc nhóm Môn-Khmer, thuộc hệ Nam Á. Từ khoảng những năm 1970, tiếng Việt thay đổi tên nhóm, và khoác lên một tên mới: nhóm Việt-Mường. Từ dạo đó về sau, các công trình nghiên cứu tại Việt Nam, có vẻ vì quá thích thú với tên gọi mới, đã dần dà mang khuynh hướng tách xa khỏi tên cũ là Môn-Khmer. Cái thói quen chuộng mới quên cũ rất phù hợp với 'Nguyên Lý Heisenberg' còn gọi 'Nguyên Lý Bất Định', thuộc khoa Vật Lý. Một trong hai nguyên lý của khoa học cứng mà chúng tôi cho rằng có thể đem áp dụng rất hữu hiệu cho các ngành thuộc khoa nhân văn. (Nguyên lý kia là 'nguyên lý bảo toàn năng lượng'). Đại khái, nguyên lý Bất Định cho biết khi một vật thể được miêu tả bằng hai hay ba đại lượng, một khi ta đo được khá rõ về đại lượng này, thì mức chính xác của đại lượng kia sẽ bị suy giảm. Nôm na hơn, nếu hạt điện tử được miêu tả bằng vị trí và cái trớn chuyển động của nó, một khi ta biết rõ về vị trí thì sẽ mù mờ một chút về cái trớn của hạt điện tử. Hoặc ngược lại. Trong văn hoá Á Đông ngày trước, người xưa ưa nhìn nhận 'tài đức vẹn toàn' hay 'văn võ song toàn' là một chuyện rất khó. Hết sức khó. Nguyễn Du cũng ghi lại: 'Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau'. Được cái này phải mất cái kia. Giới nghiên cứu tại Việt Nam, chụp được tên Việt Mường, dần dà sẽ phải quên đi tên cũ của nhóm tiếng Việt: tiếng Việt ở tầng lớp cơ bản thuộc nhóm Môn-Khmer.

304


Thật ra không những chỉ giới nghiên cứu Việt Nam bị rơi vào 'nguyên lý Bất Định', học giả Âu Mỹ cũng không hơn gì, và cũng như rứa mà thôi. Xin xem kỹ một số vấn đề sau: a) Như đã trình bày phía trên, phân loại Nam Á, Nam Đảo, Malayo-Polynesian, MonKhmer, rồi... Indonesian cho các thứ tộc người và ngôn ngữ, là thứ phân biệt khá lủng củng của các học giả Tây Phương. Có vẻ như kết quả tất yếu khi chưa thấu đáo vấn đề, cũng như thiếu thốn hợp tác chặt chẽ giữa giới ngôn ngữ học và khảo cổ / dân tộc học. Tộc người Indonesian là tộc người thế nào? Tộc này liên hệ đến tộc Môn-Khmer ra sao? Có gì khác nhau giữa tộc Indonesian với tộc Malay (trong hợp chủng MalayoPolynesian) hay chăng? Thế ngôn ngữ cốt lõi của tộc Inđônêsiên là gì? Phải là tiếng Inđônesian cổ hay chăng? Họ lộn xộn tả pín lù cả lên. Nhưng rất ít ai để ý. Nhất là chủng Inđonesian. Học giả Đào Duy Anh thích xử dụng tên Inđônêsiên cho chủng nguồn gốc tộc người Việt Nam, trong khi Bình Nguyên Lộc lại khoái Mã Lai. Để ý, lúc họ tập trung với một trong các thứ tộc họ đặt tên cho khối Đông Nam Á, họ thường lu mờ đối với các tộc khác. b) Để ý ở phương diện 'dân-tộc-học', người Hoa có vẻ đi trước Tây Phương cũng trên cả nghìn năm. Từ ngàn xưa, khi đối tác với các nhóm rợ ở 4 phương, họ đã miêu tả khá rõ bằng chữ viết tượng hình, đã trình bày trong một số bài trước: Tây Nhung, Bắc Địch, Đông Di và Nam Man. Xin chú ý đến nhóm Tây Nhung, xuất phát từ hướng Tây. Đây chính là nhóm người đã làm cỏ Cảo Kinh, thành đô của nhà Tây Châu vào năm 770 TCN, khiến cho vua mới phải dời đô về Lạc Dương ở phía Đông. Phần chính yếu của đám rợ Tây Nhung, tức Khuyển Nhung, chính là hai đám Để 氐 và Khương 羌, gọi chung Để-Khương, mà chúng tôi cho rằng chính là lối gọi người Hoa, dành cho 'cặp bài trùng' Môn-Khmer. Tra cứu trên internet cho biết có một đám Khương dừng chân tại nước Tàu và định cư ở một vùng đất mang tên Gao Mian (Cao Miên) mang nghĩa 'người ở vùng đồi núi cao, sản xuất tơ sợi'. Tương tự, ngày trước người Hoa-Việt ưa gọi nước Lào bằng 'Ai Lao'. Ai Lao chính tên một rặng núi tại Vân Nam, nơi xuất phát nguyên thủy của người Lào. Tóm lại đối với kiến thức người Hoa, không có tộc nào mang tên Inđônexia hay Mã Lai hết, mà chỉ có nhóm người từ phía Tây, mang tên: Để-Khương hay Môn-Khmer. Thường gọi tắt Khương tộc. Điểm gốc xuất phát của họ chính là vùng bình nguyên chung quanh xứ Tây Tạng ngày nay. c) Rõ nét nhất trong 'nguyên lý bất định' đối với 'các' tộc người Việt cổ xưa, cũng vẫn là cặp bài trùng 'Môn-Khmer'. Phản ánh qua người Chiêm (Thành), tức Chăm-pa. Hễ tập trung vào Môn, thì Khmer sẽ lu mờ. Hay ngược lại. Bởi người Tây phương sắp xếp lộn xộn cho dân Chiêm thuộc gốc Malayo-Đa-đảo, nên họ quên khuấy đi mất tộc người chủ lực từ vùng Thanh Hoá chạy qua Inđônêxia, Phi-Luật Tân, xuống Mã Lay Á, và nhiều quần đảo dọc theo Thái Bình Dương, theo thiển ý, là nhóm: Môn Khmer. Điểm vô lí nhất trong câu chuyện Malayo / Inđônexia / Mon-Khmer, chính là ta ít khi hoặc không hề nghe tiếng nói cốt lõi của các tộc Inđônêxia hay Malay là gì, và cũng ít khi nghe đến tộc chính xử dụng các thứ tiếng thuộc hệ Môn-Khmer. Họ cũng mơ hồ trong gạch nối giữa chủng Inđônêxia và dân nước Inđônêxia ngày nay. Cũng như tộc Mã Lai và dân nước Mã Lay Á. Theo lý thuyết chúng tôi, tộc Mon-Khmer là một trong các tộc chủ lực của rất nhiều nước ở Đông Nam Á, gồm cả Inđônêxia và Mã Lay Á. 'Nguyên Lý Bất Định' xảy ra cho xứ Chăm, ở 2 cấp. Cấp 1, họ sắp dân Chăm vào khối Malay-Đa-đảo, nên quên đi Môn-Khmer. Ở cấp 2, nếu mơ hồ liên kết tiếng Chăm với nhóm MônKhmer, họ chỉ tập trung được 1 trong 2 đặc tính sau: (i) Tiếng Môn (bà con với tiếng Myanmar ngày nay) có vài ba 'thinh', tức tone, từ mang thanh điệu kiểu có dấu. (ii) 305


Trong khi tiếng Khmer lại chỉ một thinh, giống tiếng Hải Nam, Inđônêxia, Mã Lay, phần phía bắc Trung Bộ,... Hoặc (i) Người Môn có khuynh hướng chôn người chết trong mộ chum (vò). (Điển hình là văn hoá Sa Huỳnh, xem [13]). (ii) Trong khi Khương tộc nổi tiếng với lối hỏa táng, từ khi họ còn ở bên Tàu, phản ánh qua lối hỏa táng của vua Chế Mân, phu quân của Huyền Trân Công Chúa. d) Chi tiết bất định kể trên đã khiến các học giả Tây Phương khó dứt khoát về tộc gốc của người Chiêm, hay nguồn gốc tiếng Chiêm (xem [17] [18]). Họ đưa ra một giải pháp thứ ba: tộc hỗn hợp Mã Lay - Đa đảo. Họ cũng ít khi xác nhận văn hoá Sa Huỳnh (thuộc Quảng Ngãi ngày nay) thuộc nhóm tộc người nào ngày trước. Bởi theo sử sách, của Tây và Tàu, nước Chiêm lập quốc vào khoảng thế kỷ thứ 2, sau văn hoá Sa Huỳnh cũng khoảng 3-7 thế kỷ. Một trong những điểm đặc trưng của văn hoá Sa Huỳnh, chính là mộ chum, mộ vò, kéo dài sang cánh đồng Chum bên Lào. 'Nước Chăm' thật ra cũng không phải đơn thuần 1 nước như nhiều người thường nghĩ, mà thật ra có đến (ít nhất) 5 tiểu quốc (Indrapura, Amaravati, Wijaya, Kauthara, Panduranga [19]) thường xuyên choảng với nhau (xem [15][16][17][18]). Po Dharma [15] cũng cho biết kết quả những nghiên cứu mới nhất, rằng toàn thể các xứ Chiêm Thành tan rã không phải vào năm 1471 theo sử Việt, mà chính là năm 1832 khi cứ địa cuối cùng Panduranga (Phan Rang - Phan Rí) giải thể. e) Nguyên lý bất định phản ánh qua tiếng Chăm như sau: Theo từ điển Chăm [8], do Trung Tâm Văn Hoá Chàm - Phan Rang xuất bản, tiếng Chăm có 4 thinh (thanh điệu), tức có 4 thứ dấu - trong đó có dấu nặng khá nhiều. Nhưng gần đây, Lafont [18] cho biết từ điển Chăm được soạn dựa trên phát âm vùng Phan Rang. Tiếng Chăm ở Châu Đốc và bên Cam-Bốt thật ra chỉ có 1 thinh mà thôi. Lý giải chúng tôi: Ở hạ tầng, người Chăm thuộc khối Môn-Khmer. Hỗn hợp Môn và Khmer. Tiếng Môn, cùng gốc với tiếng Myanmar ngày nay, là thứ tiếng có nhiều (~ 4) thinh. Tiếng Khmer lại chỉ có 1 thinh. Do đó ở những vùng có tộc Môn làm chủ lực, tiếng Chăm có nhiều thinh. Ở những khu vực xử dụng tiếng Khmer cơ bản, tiếng Chăm lại chỉ có 1 thinh. Thường thường thinh dấu nặng. Phân tích này cho thấy, nếu dựa vào các phân loại Nam đảo hay Malay-Đađảo, và hoàn toàn không biết đến nguyên lý Bất Định Heisenberg, rất khó lý giải 2 hệ thanh điệu cơ bản của tiếng Chăm. f) Nguyên lý Bất Định Heisenberg thật ra trở nên rất quan trọng trong việc truy nguồn gốc tộc các dân miền Đông Nam Á. Đại khái, nguyên lý luôn nhắc nhở người nghiên cứu không nên tập trung vào một tộc người duy nhất trong vấn đề sử, dân tộc, khảo cổ học, v.v. mà cần để ý trong mọi trường hợp đóng góp hay ảnh hưởng của từng bộ tộc trong chiều dài lịch sử. Xin trở lại câu chuyện đảo Hải Nam. Nếu tra cứu trên mạng về đảo Hainan, hay tộc người Hmong (Miêu hay Miao) và Li (Lê), chúng ta thấy những nguồn từ các tác giả Hoa hoặc dựa trên tài liệu Hoa, cho biết: dân Hải Nam = Miao + Li + Hán tộc (tức di dân từ lục địa). Họ khá mơ hồ về tộc Li tức Lê. Chỗ nói họ thuộc nhóm ThaiKadai, chỗ nói thuộc Khương tộc,... Một vài chỗ lại miêu tả thổ dân họ thuộc nhóm Malayo-Polynesian, y hệt như Chiêm Thành. Nhưng khi dùng Malayo-Polenesian, không thấy họ dùng tộc 'Li', tức Lê. Nếu thử phối hợp các chi tiết sau đây: (i) Tiếng Hải Nam là một trong ít thứ phương ngữ Trung Hoa, chỉ có 1 thanh điệu (thinh) mà thôi. (ii) Tiếng Môn-Khmer có một bộ phận (Khmer) chỉ mang 1 thinh mà thôi. (iii) Người Chiêm ngày xưa vào những lúc hoạn nạn khốn cùng, có khuynh hướng chạy về Hải Nam ẩn nấp. (Giống như các tôn thất nhà Lý chạy về miệt Sơn-Đông / Triều Tiên, sau những đàn áp và khủng bố của Trần Thủ Độ). (iv) Cả Hải Nam và Chiêm Thành đều có tộc bản địa thuộc khối Malay-Đađảo. (v) Đặc biệt Hải-Nam có 2 tộc bản địa lâu đời: 306


Miao và Li. DO ĐÓ, ta thấy khá rõ, Lê tộc chính là một nhánh của Khương tộc hay nôm na hơn, thuộc khối Môn-Khmer. Giống như Chăm. Và tộc người Malay có thành phần nòng cốt thuộc khối Môn-Khmer. Bây giờ xin xem lại đẳng thức hợp chủng người Việt: Việt Nam= Âu (Thái) + Lạc (Việt) // Thái + Môn-Khmer + Đa đảo + Nê-gri-tô.  Dấu // mang nghĩa: 'trên nền tảng bản địa'.  Chủng Âu tức Thái cổ bao gồm nhiều sắc dân Bách Việt, sống ở miền trong nước Tàu, từ khu vực Vân Nam chạy theo sông Dương Tử sang Động Đình Hồ, xuống phía Tây An Huy, phía Tây Phúc Kiến, rồi Quảng Đông. Phân biệt này mang tính cách tổng quát, chú trọng đến chủng chỉ đạo khu vực mà thôi. Có nghĩa tại Quý Châu, phía Bắc Quảng Tây, có thể có rất nhiều người thuộc Miêu tộc. Ở Vân Nam, có khá nhiều Khương tộc từ khu Tứ Xuyên hoặc miền Tây, và Bộc Việt chạy từ khu Hoàng Hà xuống từ thời xa xưa.  Chủng Lạc, do chúng tôi phân biệt và tách ra khỏi lối dùng 'Lạc Việt' [Luo Yue] hết sức lộn xộn của người Hoa & Âu Mỹ. Bao gồm phần lớn, các nhóm Việt hay Lạc xưa sinh sống ở miền ven biển nước Tàu: Hẹ (kể cả Hmong-Mien) xuất xứ từ khu vực Sơn Đông, Ngô-Việt từ vùng Giang Tô - Chiết Giang, Mân Việt, gồm Phúc Kiến-Triều Châu. Mỗi một tộc chính như vậy (thí dụ: Hẹ hay Hakka) có thể bao gồm ít nhất là 10 bộ tộc tuy cùng chủng nhưng khác ... họ với nhau.  Ba chủng chủ lực sinh sống lâu đời tại bản địa chính là: Thái, Môn-Khmer, và Đa-Đảo. Nhóm Nê-gri-tô người thấp tóc xoăn, cũng có mặt ở miền Hoa Nam, còn gọi Hắc Nụy. Chủng Thái-cổ có mặt tại Việt Nam trước hoặc cùng thời với chủng Môn Khmer. Văn hoá xưa nhất của họ chính là văn hoá Hoà Bình do bà Madeleine Colani khám phá hồi đầu thế kỷ 20. Ngày nay tại Hoà Bình dân Mường chiếm tỷ số gần 70 phần trăm. Người Môn Khmer, theo thiển ý chính là chủ nhân của văn hoá Sa Huỳnh tìm ra ở Quảng Ngãi. Thật ra rất khó xác định ai là người Việt đầu tiên giữa: Thái-cổ và Môn-Khmer. Tuy nhiên chúng tôi nghiêng hẳn về Môn-Khmer bởi các lý do sau: a) Mặc dù chủng Thái cổ ngày nay đông đảo hơn người Môn Khmer (Thai-Kadai= 3.9 triệu & Môn-Khmer= 2.5 triệu nếu kể luôn 0.5 triệu thuộc Nam-đảo, theo đề nghị chúng tôi), nhưng chủng Thái-cổ chỉ tập trung ở phía Bắc (đặc biệt khu biên giới Việt-Hoa & Việt-Lào) cho đến Quảng Bình, trong khi tộc Môn-Khmer [30] hiện diện từ khu vực Thanh Hoá chạy tuốt đến gần Cà Mau, cộng với một hai địa điểm gần sông Đà và biên giới nước Lào. b) Tiếng Việt cổ nhất, phản ánh qua hệ thống số đếm và các từ 'Nôm' cơ bản mang gốc gác Môn-Khmer [30]. Trước hết xin xem qua hệ thống số đếm trong tiếng Việt, trình bày đối chiếu với các thứ tiếng Môn-Khmer [25], tiếng Cam-Bốt ngày nay [26], tiếng Chăm-pa [8], Hmong [27] và Mường [28], trong Bảng I. Xin khảo sát nguồn gốc từng số đếm:  0 => tương ứng với [kong] hay [ling] tiếng Hoa. Sang tiếng Việt: 'không' và 'linh'. 'Linh' thay đổi ý chút ít, chỉ số lẻ (td: 308). 'Không' (Hoa) mang nghĩa khác: 'ở không', 'trống không'. 307


1 => cùng gốc với Môn-Khmer / Khmer. Tiếng Mường: [moch] cho thấy không phân biệt âm cuối [t] hay [c], như kiểu Nam bộ.  2 => Liên hệ mật thiết với tiếng Mon [Aai] mang nghĩa con trai trưởng. Cũng liên hệ với [Hnyi] tiếng Myanmar, cùng gốc với vài bộ tộc Môn. [Hnyi] trong thế giới đơn âm, tách ra làm hai: [Hờ] và [nyi]. [Hờ] (và [Ar] tiếng Môn-Khmer) tiến đến => [Hal] tiếng Mường, và [Hai] theo ký âm quốc-ngữ. [Hờ] cũng sinh ra [Er] quan-thoại. Bảng I: Hệ thống số đếm tiếng Việt Môn (M-Kh) Khmer** Chăm*** Hmong Mường Ghi Chú Suon soan thôh / ôh voj không = [khong] PK / [ling] Hoa muờ mwai/sa muay tha / sa ib môch KhM / Mg //Malay: satu baar/er/ar /aai bpie twa/ dua: ob hal = Hnyi (MĐ), Hal (Mg) pi / poe bei / bay klow peb [bei] pa KhM / Hmong pôn / par / pa' buôn /pôn pa? plaub pôn KhM / Mg mxun/ peson brăm Lamư tsib đăm KhM / Mg bram-muay năm * rau/tchau khảu parau/kerao Hmong/Môn //Taiwan: num* poh/thapal brăm-pia Tasuh xya páy M / Mg hơcham, brăm-bay talipan yim (đọc thảm Chăm/M / Mg/ aTa tapan, takual, [zi]) Sinhalese takôl brămpirow / cuaj chỉn M / Mg 9 (chin) dachit, samlân buan thalipan [tchuat] M (V:chục)/ Mg 10 choh/sadop pluh/ kaum [kảu] mươl (mười) pluh/tswas sapluh băar-choh mopey đwa pluh neesnkaum halmươl số > khổ (Mg) 20 ratuh, tsus ruoy tha rituh (ib=1) puas tlăm 100 dta thàun, meun tha meem/(ib) muôn / [wan], qđ 10000 tsaquâ, swas tamưn vam vãn [maan].Triệu=100vạn muôn GHI CHÚ: ** 6 = còn gọi [prau]; 7 = 5+2; 8 = 5+3 (brăm-bay); 9 = 5+4 (brăm-buan) *** 8 = còn gọi [tapan] giống tiếng Môn. Số 6 (Môn) cũng còn gọi [nam]* giống năm (5) Viet. Số 7 (Môn) còn gọi [tajuh]. + Việt 20 = hai mươi (rất giống [hal-mươi] Mường). Việt 10000= muôn= vạn +

Số 0 không 1 (một) 2 (hai) 3 (ba) 4 (bốn) 5 (năm) 6 (sáu) 7 (bảy) 8 (tám)

Trong khi đó: [Nyi] sinh ra [yì] tiếng Quảng Đông, và [nhị] hay [nhì] (hạng nhì) tiếng Việt. Ta thấy khá rõ, người Hoa cũng xài chữ đếm số 2 của tộc Môn-Khmer. Để ý [Er] quanthoại có phát âm giữa [ê] và [ơi]. Ở tiếng Mã-Lai (cũng có phần thuộc gốc Môn-Khmer) [Hai] mang nghĩa giống tiếng Mỹ [Hi] => Nôm-na [ơi] hay [hỡi]. [Hai] Mã-Lai = [Ơi] Việt, do đó có gốc tiếng Môn: [Hnyi].  3 => cùng gốc Môn-Khmer. Thấp thoáng tiếng Hmong cũng có âm rất giống: [bei]. Cũng để ý cách gọi [ba] (3) cũng có thể hoán chuyển từ số 2 của một bộ tộc thuộc MônKhmer, gọi 2 bằng [baar].  4 => Cùng gốc Môn-Khmer. Tiếng Môn-Khmer giống tiếng Chăm [pa?]. Trong khi tiếng Khmer giống rất rõ: [pôn]  5 => Có thể cùng gốc tiếng Khmer: [bram]. Phát âm [lăm] trong [mười lăm] (15) lại cùng gốc tiếng Chăm: [lămư]. [Dăm], trong 'dăm ba túp lều' lại là phát âm Mường: [đăm] <=> [đjăm] => [jăm]. Bởi hệ thống đếm người Khmer dựa trên hệ số 5, người Mường dựa trên hệ số 9, nên có một ít lộn xộn xảy ra khi cả hai nhập lại dùng hệ số đếm 308


    

theo cơ 10 như ngày nay [29]. Đó là tiếng Việt xử dụng [năm] của tiếng Chăm và MônKhmer dùng cho số sáu (6) {xem Bảng 1} mà đọc lên con số 5 => [năm]. 6 => cùng gốc với tiếng Môn-Khmer: [prau] và Chăm: [rau] và [tchau]. Tiếng MônKhmer và Chăm cũng cho [năm] đã chuyển về số 5. Số 6 cũng có gốc Ba-Tư (Iran) [shesh] và Myanmar (cùng gốc Môn): [chow]. 7 => bảy => giống tiếng Môn-Khmer: [poh] và [(tha)pal]. Cũng có thể chuyển từ số 8 trong tiếng Khmer: bram-bay (5+3) => bay (=3) từ số 8, chạy xuống 1 cấp thành: 7 (bảy). 8 => cùng gốc Môn-Khmer và tiếng Chăm. Tiếng Persia (Ba Tư) là [hasht] sinh ra [hachi] tiếng Nhật, [aath] tiếng Ấn, và [aTa] tiếng Sinhalese của Sri Lanka. [aTa] có âm thứ 2 cũng giống 'tám' (8). 9 => chín. Cùng gốc tiếng Môn-Khmer [dachit] và khá giống tiếng Hmong: [tchuat]. Xa xa, tiếng Ấn gọi số 6 là [cheh] khá giống 'chín'. 10 => mười. Có thể do ở lộn xộn giữa cơ số 5 tiếng Khmer, cơ số 9 tiếng Thái-cổ, và 10 do người Hoa đem tới. Xuất phát từ tiếng Khmer cho số 11: [dop-mooyh] hay [dopmuay] (10+1). Chỉ xử dụng âm [mooyh] ở cuối => [mười]. Để ý tiếng Môn-Khmer cũng có [choh] dành cho 10. [Choh] sinh ra [chục] tiếng Việt rất dễ. 10000 => vạn / muôn. Chúng ta đã biết 'vạn' là lối đọc người Hẹ cho quanthoại [wan], và [muôn] là lối đọc Thái Quảng Đông [maan] cho vạn. Ở đây ta thấy cặp 'vạn - muôn' có bạn đồng hành: [meun] Khmer, [tamưn] Chăm, [meem] hay [vam] tiếng Hmong. Đặc biệt trong tiếng Hy-Lạp cổ, chữ [mu] mang nghĩa 'muôn' hay 'vạn'.

Bây giờ xin xem qua Bảng II, đối chiếu Việt và Môn-Khmer. Bảng II. Đối chiếu các từ thông dụng giữa Việt và Môn-Khmer Việt Môn Khmer Chăm Tiếng khác Ghi Chú cằm cây/ gỗ cắt bụng mày (mi) tóc môi khạc to (mập) trâu mũi mặt mắt

zanka/ kuam kaxu, kixe pas (vạt, vát), tak pung, bunga mei, mai, mi?, mơ?, maiq xok/xoăk/xo/usuk nh?joy/nzoy/ mboy/ tmor khak/khaak/rkhaak toar, toh, tơr, ma?, gemak trak,krapư/ kơpô/tâk/krak muq/muqa/mu[õ]h paras, parat, mukh, meat, mêl, mat, măt măt, mat, mơt, mơtaq

kang kayow kêh/caKă? pingu limay

Kang (Thái), kam(qđ) kayu (Malay= ML) kat (Hẹ) 刻 bunga (ML), beng- qt mei mao (qt)

Ke=Hai(qt)> 颏 cằm / hàm ki (Nhật) quanthoại [ke] bung (Hẹ) 菶 ?=tắc-âm >mi?=miq

bu? caBoy

bulu (Malay), rambut wen (qt) 吻

Mường: thăk man (QĐ) => môi

kahak limưq

kak Hẹ, ke/hai (qt) 咳 besar (ML)=>bự, béo

khat (Thái) =ho (ho < hai qt) gemuk,leMak >mập

kabau, trêy tlu / klu (Mg)

trâu= trak + tlu

atung mưta, mata mưta

Thái: jamuh men Hẹ, min qđ. myen (Hàn)> diện Lính mả-tà

qbBui (Dao) mian (qt) 面, mak (Hẹ) 墨 Mata (Malay)

309


miệng/ mõm/ mồm mẹ má Máu cổ Tay bụng * lưỡi đầu chân/ cẳng / giò

Monh, mong, muanh, mpaq, mot, mănh, mom, tamun me? mo/taMoq/boq/ tambok mam, mia, mahêam, mayam ko/kong/kok/koah têy, đai, đay, ti, thay, taiql pôn, pung, palung, pul lataak, lơntak, loai, liơh tu/pơtaw/nqooqm/qo-oq chêng, jun, jơng, koq, chin, djoong, jong, djan

mabah, cabong

mulut (ML), mồm & mẽnh(Mg)

Hoa: 呡 [man] hay [mai]咡 =khoé miệng mang âm gần.

me?, meh miêng

meh (T), mère (P) biadab (ML)

nhiều tiếng âm M Thái: [kam] > cằm

măn-ni

Hiet (Hẹ) 血 => huyết

[maak](Hẹ)脈 >[mo]

ri?, takôy tangin

kôl (Mg), gô (Thái) thay (Mg),shou (qt)手

M-K <=> Thái tangan ML 提 tai (qđ)

tung, tyan

bung (T), tlung (Mg)

T=Thái. Mg= Mường

dilah, đalăh akô?,halo w le, đanoq

lìn (T), lidah (ML)

lei (qđ)月利 she (qt) 舌

tou (qt) tau (qđ) 投

oq => óc. qo => sọ

chơn / choo (Mg)

ka (Hẹ) 脚

GHI CHÚ: * cũng gọi: lòng;

Xem qua Bảng II, ta thấy rất rõ: Có mối liên hệ hết sức mật thiết, giữa những từ cơ bản của nền văn hoá cổ thời, trong tiếng Việt, Môn-Khmer và tiếng Chăm. Chúng tôi không nhấn mạnh ở điểm tương đồng giữa tiếng Việt và Mường, bởi đã thiết lập: Người Mường mang ảnh hưởng đậm nét của chủng Thái-cổ, bà con gần nhất với một trong 3 tộc người chủ lực tiến tạo nên người Việt Nam. Để ý tiếng Môn-Khmer có khá nhiều từ cho cùng một nghĩa, bởi hãy còn trong tình trạng chưa nhất thống các bộ lạc. Đặc biệt âm [muanh] hay [manh] mang nghĩa 'mồm' / 'miệng' giống y như tiếng [manh] do đại sứ thời Nguyên (thế kỷ 13) Trần Cương Trung ghi lại, với nghĩa chữ 'khẩu' (Hoa), trong 'Sứ Giao Châu Tập' than phiền tiếng An-Nam là tiếng man-di (xem [1]). Xin tiếp tục quan sát các từ chỉ những sự vật gần gũi nhất của người xưa, như đầu mình tứ chi, trong Bảng III. Bảng III. Các từ cơ bản từ ngàn xưa. (Gốc Hoa Nam và Môn-Khmer) Việt Đầu

Tiếng Hoa cùng Gốc tou, tau

Hán tự 頭

thânth shen (1), thi ể thi- (2), the (2) thể Mình mi, mei, mE

身 (1) 體 (2)

Tay

提 (1) 手 (2)

tai (1), sau (2)

Phương ngữ gốc Hoa QT:quanthoại QĐ: quảngđông (1) QT, Hẹ. (2) Ngô / Mân Hẹ, QT, Ngô

Chăm

QĐ (1) (2)

tangin tangơl

310

kô, tau? thăp

drey

Nôm cùng Gốc - tu (đầu => tù,tù trưởng) - paTAU - tuar - iThâng - thino chắc(Trung) <= saqaq Tay Thay

Xuất xứ Nôm M-Kh Chrau, Jeh, Bahnar - Thái - M-Kh. - Đa-đảo M-Khmer -Khmer -Mường


Cẳng, chân chân, giò Cổ neck cơm / gạo

thịt

rau / cải

nước

Mưa

người

kiok

Mân

chiuk (1), giok (2) Geng (1) gong (1) zok, tsao (1) wo, ho (2), gwo,go, koe (3) gang (4) tit (1), thiq (2), sit (3), zi (4) kiet, kwai, koe (1), kwan, kun (2) kwan (3) zau (1), gau, gaau (2) tsai (3) kuai, kwi (4) tsaa, tsai (5) daan, dun (1) non, nyun, nuan (2) nong, nang (3) muk, muk, mu (1) mak, mak, mai/mo (2) ngin (1) ngai (2)

足 (1) 脚 (2) 頸 (1) 亢 (1) 鑿 (1) 禾 (2) 粿 (3) 秔 稉 (4)

QĐ (1) Hẹ (2) QĐ (1)

剔 (1,2) 腊 (3) 胏 (4) 鱖 (1) 鯀 (2) 鰥 (3)

Kar

Thai

Joeng

Khmer

Takôy, mưnưng Prăh

QeR, kelkeir (gáy). Kô Kaow

- M-Kh - Mường Thái

Hẹ (1) Ngô (2) Hẹ(3) QĐ (4) Hẹ, QĐ, Mân (1), QĐ , Mân (2), QĐ (3) Hẹ (1), Hẹ, QĐ (2-3), QT(4), QĐ QT (5)

Athăr

sihn (1) sat (2)

Lao (1) Khmer (2)

Ikan

kan, ka, kaa, ka?

Mon-Khmer

Răm

ka-lam

Lao, Thai

澶 (1) 渜 (2) 灢 (3)

QĐ QT (1) Hẹ, QĐ QT (2) Hẹ QĐ QT (3)

Nưghăr

- đác => nác - đaq, nhyom, om, danum,...

- Mường - MonKhmer

霂 (1) 霡 (2)

Hẹ QĐ Qt (1) rapuqHẹ Qđ Qt (2) tatho, hasan

人 (1) 顖 (2)

Hẹ (1) QĐ (2)

- mưa - miaq, mia, miq, miiwh - ua, uran, uha ho, nqul, qalawu, ngol, mơnui

-Mường -MonKhmer -Nam-đảo Mon-Khmer

油 (1) 茭 (2) 薺 (3) 蕢 (4) 荼 (5)

danoq

QĐ, QT(1) QĐ, Mân (23) QĐ (4)

urang, mưnuy

Cũng giống như Bảng II, mối liên hệ giữa các từ cơ bản trong tiếng Việt - Chăm - MônKhmer - Thái, được thể hiện hết sức mật thiết. Đặc biệt hơn nữa, chúng ta thấy các phương ngữ tiếng Hoa cũng có những từ, tuy chỉ mang nghĩa gần giống, nhưng lại có âm rất giống. Thí dụ: tiếng Việt: 'mưa' chỉ 'cơn mưa' hay 'trận mưa' với nghĩa chung chung. Âm gần giống trong phương ngữ Hoa Nam: [muk] hay [mu], hoặc [mak] hay [mai] hay [mo] của các thứ tiếng Hẹ, Quảng Đông, Quan Thoại, mang nghĩa: 'mưa phùn'. 'Nước' tiếng Việt, tương đương tiếng Mường là 'đác' hay 'nác'. Các phương ngữ Hoa có: [daan] rất giống 'đác', và [nyun], [nuan] hay [non] gần với 'nước' hay 'nác'. Để ý [non] gợi cho ta ý tưởng 'non' trong 'nước-non' cũng có thể đồng nghĩa với 'nước'. Ngoài nghĩa 'non' = núi nhỏ, mang gốc Khmer: phnom. Những từ này ở tiếng Hoa không mang thẳng nghĩa 'nước', nhưng có thể mang những nghĩa phân loại như: 'nước sâu', 'nước lặng', 'nước ấm', v.v. Tiếng Chăm của 'nước' là [nưghâr] có âm rất giống 'nước' nhưng ở trạng thái đa-âm, không chịu ảnh hưởng tiếng Hán. Tương đồng của tiếng Nôm kiểu Chăm-pa hay Môn-Khmer với phương ngữ Hoa Nam cho biết một điểm rất quan trọng: Những tộc người ngay như Chăm-pa ngày xưa cũng đã có mặt ở Hoa Nam. Một số trang mạng về người Li (thí dụ [14]), mà chúng tôi cho rằng 311


cùng hệ với người bản địa Hải-Nam và Chăm, cho biết người Li (Lê) 黎 thường tập trung ở vùng bờ biển phía Nam nước Tàu [31]. Bây giờ xin thử xem lại hiện tượng chữ 'M' trên 'mặt' tiền nhân. Hiện tượng chữ M có lẽ đầu tiên do Nguyễn Cung Thông [11] trình bày trong một quyển sách khảo luận ngôn ngữ do tác giả xuất bản. Theo đó đa số các từ tiếng Việt dùng để chỉ bộ phần trên mặt đều bắt đầu bằng âm chữ M: mặt, mắt, mũi, miệng, mồm, má, mụn, mi, mày, môi. Bảng IV do chúng tôi đúc kết so sánh các từ này giữa tiếng Việt và các thứ tiếng Hoa Nam [33], Chàm [8], Đa-đảo [26], và hai tiếng bản địa: Môn-Khmer [25] và Mường [28]. Lần đầu tiên, trong các công trình khảo sát tiếng Việt, chúng tôi trình bày tiếng Đa đảo, qua các thứ tiếng Tahiti, Samoa, New Guinea, và Maori [26]. Bảng IV. Hiện tượng chữ 'M' [11] Việt Mặt

Mắt

Mi Mày Mũi

Tiếng HoaNam Hẹ Qđ Qt Ngô (1) Hẹ, V, Qđ Ngô (2)

Đa-đảo

Chăm

mata

Mưta Bo? => bộ mặt

mata kamo

Mưta

目 (1)

(1) Hẹ, Ngô, Mân (PhúcKiến)

Hẹ, QĐ, QT

kamo

-----

Hẹ, QĐ, QT, Ngô QĐ (Quảng Đông), QT

tukemata ihu

liMay laMay

QĐ (1-2)

mangai momoh o ngutu

caboy, cabong

QĐ (1-2) Hẹ, QĐ, QT

ngutu

Hẹ, Qđ, Qt, Ngô, Pk (1) Qt(2)

paparinga

Tiếng Hoa cùng Gốc men, min, mian, mI (1) met/mặc/m aak/ mâq (2) muk/ mOq/ b-mak

Hán tự

mi, mei, mei mi, mei, mei, mE bei, bi

面 (1) 墨 (2)

眉 鼻

Miệng Mồm

man (1) mai (2)

Môi

man (1)(2) men, man, min (3)

mau, maau, mao, mO, mau(1) yan (2)

呡 (1) 咡 (2) 肳 (1) 脗 (2) 抿 (3) 貌 (1) 顏 (2)

Chúng ta có thể để ý đến những điểm sau: 312

Tiếng bản địa - Muk - Măt

Xuất xứ

mat,măt, mengta, metaq, taq katiq met

+ MonKhmer / Mường

- mi - hak kitaq j'ra-moh mùi, muk, mũ, muyh, muh - mồm, mẽnh

-Mường -M-Kh. -Khmer -Mường -MonKhmer -Mường

tong-caboy

- moa-ut - môi

- Khmer -Mường

Miêng

mả

Mường

iđung ađung

-Khmer -Mường

Mon-Khmer


 Các từ mang âm chữ M ở trên bộ mặt đều được thể hiện trong các phương ngữ tiếng Hoa. Đặc biệt [bei] hay [bi] (= mũi) ngày trước được các tôn sư quốc ngữ chuyển thành 'tỵ' (tỵ ẩm = uống bằng mũi), thật ra cũng là âm môi-môi [B], giống y như [M]. Các nhà ngôn ngữ học phân biệt thêm: [M] là âm môi-môi mũi, [B] âm môi-môi tỏ. Âm [M] và [B] ưa lẫn lộn với nhau (khi chưa biết a-b-c), và được chọn một trong hai, khi chuyển từ Bách Việt sang quốc ngữ. Thí dụ: [mai]-4 = bán & [mai]-3 = mua. Hmong: [muas]= mua & [muag] = bán. Tiếng Việt dùng 'bán' từ tiếng Mân: [buan]-7, cũng có âm giống như [buan]-2 = 'mua'. [Buan]-2 cũng sinh ra tiếng Việt 'Buôn'. Tương tự: Âm quanthoại của 'Bí Mật' chính là 'mi - mi': [mi]4+[mi]4= 祕 密.. [Mi] đầu biến sang [Bí] do ảnh hưởng tiếng Hẹ: [bi] hoặc Quảng Đông [bei].  Tương tự với biến chuyển quốc ngữ [B] <=> [M] còn được thể hiện qua tiếng Chăm dùng chỉ Mồm / Miệng: [caBoy] & [caBong], và Môi => [tong-caBoy].  Tiếng Đa đảo cho thấy âm M cũng đã được dùng khá rộng trên bộ Mặt người xưa.  Để ý trong tiếng Chăm, ngoài chữ [Mưta] => Mặt, ta còn có [Bo?] = Mặt. Chữ [Bo?] có thanh-điệu gần giống thinh dấu nặng, chính là [Bộ]. Cho thấy thêm một biến chuyển [B] <=> [M] gây ra bởi ký âm A-B-C. Bộ = Mặt. Đó là lý do tại sao tiếng Việt ưa dùng 'bộ' và 'mặt' đi đôi với nhau: 'bộ mặt', mỗi từ mang gốc tộc khác nhau, theo đúng nguyên lý 'tiếng nói hợp chủng' chúng tôi ghi ra phía trên.  Tiếng Môn-Khmer hoàn toàn tương đồng với tiếng Việt trên tất cả các âm 'M'. Giống như tiếng Hoa cho các từ có nghĩa tương đương, hay gần giống. Trong khi tiếng Chàm giữ được số từ 'M' khá nhiều nếu liên kết biến chuyển [B] <=> [M].  Dựa trên những cặp giống nhau trong tiếng Việt và Nôm (gốc Hoa): mồm/môi. Mặt/Mắt, Mày/Mi... chúng tôi xin tạm đưa ra lý giải sau cho hiện tượng M. Thuở cổ thời, tiền nhân khá nghèo về từ vựng. Bởi xã hội chưa có nhu cầu phân biệt 'mắt' và 'mặt', v.v. Tiền nhân cứ dùng 1 từ chỉ chung cho toàn thể 'bộ mặt': Mặt. Phân biệt 'mắt mũi mồm miệng môi má' là những phân biệt về sau. Mượn âm chính của 'Mặt' ở thời buổi ban đầu. Trong bài tới, chúng ta sẽ tiếp tục khảo sát thêm hai điểm quan trọng khác: (i) giao tác giữa nhóm Việt bản địa tối cổ Môn-Khmer với những tộc Việt khác, và (ii) nguyên lý 'kinh nghiệm về chính sự'. Để đi đến một số lý giải mới cho đẳng thức hết sức quan trọng đã đi vào quên lãng trong suốt thiên niên kỷ qua: Người Việt bản địa tối cổ= Thái-cổ + Môn-Khmer + Đa-Đảo Từ đó chúng ta có thể đi đến một lý giải mới về 'biên giới' xứ Việt cổ, cũng như lý do tan rã của 'vương quốc' Chăm-pa. Tháng 5, 2006 GHI CHÚ [1] Lê Văn Siêu (1983) Việt Nam Văn Minh Sử Cương. Nxb Sống Mới (Hoa Kỳ) [2] http://www.geocities.com/Tokyo/8908/firemount/austroframes.html http://alibataatpandesal.com/masaka.html http://www.answers.com/main/ntquery;jsessionid=gwtw7j9vmcom?method=4&dsid=2222& dekey=Plain+of+Jars&curtab=2222_1&sbid=lc01b&linktext=Plain%20of%20Jars 313


[3] http://www.newsgd.com/culture/culturenews/200603140021.htm http://www.chinaculture.org/gb/en_aboutchina/2003-09/24/content_23984.htm [4] Xin xem bài 18(2). Đặc biệt để ý cả Tôn Dật Tiên lẫn Kim Dung mỗi khi liệt kê các sắc tộc chính ở Trung Hoa, họ không bao giờ liệt kê Yue (Việt) tộc bởi họ là người Hoa, họ đã biết rất rõ Việt tộc đã mang tên mới Hán tộc cách đây khoảng 2000 năm. Hỏi bất cứ một người Hoa nào ở vùng Hoa Nam: Thế 'Yue zu' (Việt tộc) bây giờ ra sao? Chắc chắn sẽ nghe câu trả lời 'Yue tộc' chính là 'Hán tộc'. Để ý 'Hán tộc' chứ không phải Hoa tộc. Bởi Hoa và Việt đã nhất thống với nhau dưới một tên chung khác: HÁN. [5] Phan Đăng Nhật (chủ biên) (2003). Luật tục Chăm & Luật tục Raglai. Nxb Văn Hoá Dân Tộc [6] http://www.csuchico.edu/~gt18/Papers/cham_mar1.pdf [7] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu (tái bản tại Hoa Kỳ). [8] GERARD MOUSSAY, Nại Thành Bô, Thiên Sanh Cảnh, Lưu Ngọc Hiến, Đàng Năng Phương, Lưu Quang Sanh, Lâm Gia Tịnh, Trương Văn Tốn (1971). Tự Điển Chàm-ViệtPháp. Trung tâm Văn-hóa Chàm - Phan-Rang. [9] Charles Hamblin (1984) Languages of Asia & The Pacific. Angus & Robertson. [10] Linga & Yoni = bộ phận sinh dục của phái nam & nữ [11] Nguyễn Cung Thông (1997) Tiếng Việt Tuyệt Vời - Âm M trong tiếng Việt. Tác giả xuất bản (Melbourne, Australia). ISBN 0646 35730 1. [12] Chúng tôi sẽ dùng vài cách gọi xưa, bởi đã khám phá tính cách vội vã trong việc 'hiện đại hoá' tiếng Việt. Thí dụ: thay hết 'chữ' bằng 'từ' => lấn cấn trong cách dùng 'chữ' trong Kiều: 'Chữ tài liền với chữ tai một vần' (Phải giữ 'chữ' bởi ai cùng quen với 'chữ' trong câu thơ này. Không thể thay bằng 'từ'). Tương tự: 'Chiêm' hay 'Chàm' khó đổi thành 'Chăm' nếu không đổi luôn luá Chiêm thành lúa ... Chăm. Lúa Chiêm là thứ lúa do người Chiêm gây giống. Lúa Chiêm trồng độ 3 tháng là có thóc ăn rồi. Nếu giữ 'lúa Chiêm' mà đổi tên xứ Chiêm-Thành, thành ra 'Chăm', chừng 100 năm nữa không ai còn biết lúa Chiêm là thứ lúa nào. [13] Nguyễn Đức Hiệp (2006) Một thoáng Đông Nam-Bộ - Địa chí và Lịch Sử. Báo mạng "Khoahoc.net", ngày 4 tháng 5, 2006 [14] http://www.csuchico.edu/~gt18/Papers/cham_mar1.pdf http://www.eumon.org/his_inscriptions.php mon--http://www.csuchico.edu/~gt18/Papers/Crawfurd's%20Champa%20Malay.pdf http://www.seacrc.org/media/pdfiles/ChamBook.pdf http://www.newsgd.com/culture/culturenews/200603140021.htm [15] Po Dharma (1988) Status of the latest research on the date of absorption of Champa by Vietnam. IN: Proceedings of the Seminar on Champa (Copenhagen), http://www.seacrc.org/media/pdfiles/ChamBook.pdf [16] Tâm-Quách Langlet (1988) Geographic setting of ancient Champa. IN: Proceedings of the Seminar on Champa (Copenhagen). http://www.seacrc.org/media/pdfiles/ChamBook.pdf [17] Bernard Gay (1988) New perspectives on the ethnic composition of Champa. IN: Proceedings of the Seminar on Champa (Copenhagen): http://www.seacrc.org/media/pdfiles/ChamBook.pdf [18] Pierre Bernard Lafont (1988) Research on Champa and its evolution. IN: Proceedings of the Seminar on Champa, (Copenhagen): http://www.seacrc.org/media/pdfiles/ChamBook.pdf 314


[19] Chúng tôi xin phép ghi lại Wijaya thay vì Vijaya theo kiểu người Pháp, bởi từ điển Chăm [8] cho thấy tiếng Chăm không có âm [V] mà chỉ có âm [W]. Tương tự, tiểu 'quốc' Vvyar (phía dưới) đáng nhẽ viết là: Wyar. Người Tàu biết đến Chiêm Thành qua các thứ tên: Lâm Ấp, Hồ Tôn, Tượng Lâm, Hoàn Vương. Năm xứ Chiêm Thành (Champa) dựa vào các tên Ấn Độ, bao gồm: - Indrapura: khu vực Quảng Nam ngày nay. Phía Bắc Indrapura khá mơ hồ, bởi mất về nước Đại Việt khá sớm (1069), thời Chế Củ - Lý Thánh Tôn, bao gồm: Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính, tức khu Quảng Bình, Quảng Trị (từ đèo Ngang đến cửa Nhật Lệ). Rất có thể 3 vùng đất này khi xưa là 3 tiểu quốc: Vvyar, Jriy và Traik [20]. Tiếp theo vào khoảng năm 1309, Chế Mân dâng Châu Ô và Châu Rí (Nam Quảng Trị + Thừa Thiên) làm quà cưới Huyền Trân Công Chúa. Có thể Châu Ô / Rí ngày trước là tiểu quốc Ulik [20]. - Amaravati: Khu vực Quảng Ngãi - Wijaya: Khu vực Trà Bàn, Bình Định. - Kauthara: Khánh Hoà - Panduranga: Phan Rang - Phan Rí. [20] Trần Kỳ Phương (2005) Vương quốc (?) thuộc miền Bắc vương quốc cổ Chiêm Thành (Champa) tại miền Trung Việt Nam khoảng giữa thế kỷ 11 và 15. Trong: 'Nhịp Sống': http://www.ivce.org/html/nhipsong/2005/baiviet26.asp [21] Các trang mạng khá chi tiết về Chăm-pa và mẫu hệ: http://vi.wikipedia.org/wiki/T%C6%B0%E1%BB%A3ng_L%C3%A2m http://vi.wikipedia.org/wiki/Ho%C3%A0n_V%C6%B0%C6%A1ng_Qu%E1%BB%91c http://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C6%B0%E1%BB%9Di_%C3%8A_%C4%90%C3%AA http://www.ninhthuanpt.com.vn/SacCham/Index.htm http://www.chamyouth.com/vijaya/ban-ve-van-de-ten-ho-cham.html [22] Hy vọng sẽ trở lại đề tài ngôn ngữ vay mượn vào một dịp khác. Đại khái, chúng tôi cho rằng vay mượn ngôn ngữ xảy ra mãnh liệt nhất khi hai nền văn hoá chênh lệch nhau, dù muốn dù không, phải đối tác với nhau. Nó cũng cho ta biết hệ thống chính sự, trước và sau thời gian đối tác. Bởi vay mượn ngôn ngữ thường tập trung ở các từ thiên về tư tưởng hoặc ý niệm. Vay mượn những từ về sự vật, cũng có thể ào ạt hơn, khi sự giao tác thiên về khoa học, kỹ thuật. [23] Lê Hương (1969) Người Việt gốc Miên. Tác giả xuất bản. Quyển sách này cho biết trong tiếng Khmer có đến 17 chữ khác nhau để mô tả động tác: mang / khuân / vác, v.v. của động từ 'porter' tiếng Pháp, và 'to carry' tiếng Anh. Trong đó: kann => cầm (V), po / bey => bồng / bế (em bé). [24] Wilhelm G. Solheim II (1975?) New light on a forgotten past. AT: http://mevietnam.org/NguonGoc/fv-newlight.html [25]http://home.att.net/~lvhayes/Langling/Glossary/Glospag1/glosf027.htm - Hồ Lê (2002) Từ Nam Á trong tiếng Việt. TRONG: Tiếng Việt trong nhà trường phổ thông và các ngôn ngữ dân tộc. Nxb Khoa Học Xã Hội 2002. tt 84-134 [26] Charles Hamblin (1984) Languages of Asia & The Pacific. Angus & Robertson. & http://www.learningmedia.co.nz/nz/online/ngata/ [27]http://ww2.saturn.stpaul.k12.mn.us/Hmong/dictionary/enghmong/newmenu.html [28] Nguyễn Văn Khang (chủ biên), Bùi Chỉ - Hoàng Văn Hành (2002) Từ Điển Mường Việt. Nxb Văn Hoá Dân Tộc. Hànội. [29] Cơ số đếm là số cao nhất của hệ thống đếm. Thí dụ: hệ thống đếm số 10, có cơ số 10. Các số trên 10, sẽ đếm như 10+1 (11), 10+2 (12), ..., 10+9 (19), 10+10 (2 lần 10 = 20). Tiếp theo: 20+1 (21), dẫn cho đến 90+9 (99), rồi 90+10 = 10 x 10 = 100. Tương tự, trong 315


hệ thống đếm với cơ số 5 của người Khmer xưa, số 1= muay => số 5= bram. Đến số 6, người Khmer bắt đầu đếm lại: 5+1, tức họ đếm: bram-muay = 5+1 = 6. Với lối đếm người Mường dựa trên cơ số 9: số 27 thuộc cơ 10, họ sẽ đọc như 3 lần cơ số 9. Số 27 họ đọc như 39 (3 lần cơ số 9) = 3 x 9 = 27. [30] Những bộ tộc thuộc chủng Môn-Khmer gồm có: Bahnar, Brau, Bru-Vân-Kiều, ChơRo, Co, Cơ-Ho, Cơ-Tu, Gié-Triêng, Hrê, Kháng, Khmer, Khmu, Mạ, Mảng, Mnong, Ơ-Đu, Rơ-măm, Tà-Ôi, Xinh-Mun, Xơ-Đăng, Xtiêng. Thuộc nhóm Nam-Đảo, chúng tôi xin đề nghị gộp luôn vào khối Môn-Khmer: Chàm (Chăm), Chu-Ru, Ê-Đê, Jarai, Raglai. [31] Theo 'Đại Việt Sử Ký Toàn Thư' của Ngô Sĩ Liên [32], ông Lý Phật Tử gốc người 'Lái' ở Giao Châu. "Lái' là gì? Chúng tôi xin trình bày như sau: 'Lái' chính là tên tộc người 'Hlai' bị lột mất chữ 'H' ở đầu bởi tiếng Hán. Tộc 'Hlai' chính là tộc Lê hay Li, viết như họ Lê của 'Lê Lợi' 黎,, Tộc người Môn-Khmer bản địa tại Hải Nam, và Trung + Nam bộ của xứ Việt cổ. Xem: http://en.wikipedia.org/wiki/Li_Chinese [32] Ngô Sĩ Liên (1479) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. (Cao Huy Giu & Đào Duy Anh dịch và hiệu đính). Nxb Văn Hoá - Thông Tin. (2004). [33]http://www.chineselanguage.org/cgibin/query.php?table=hakka&mode=english&sound=no&beijing=pinyin&canton=jyutpin&h akka=default&fields=pinyin,english&lang=en&show=frequent [34] Charles Higham (1996) The Bronze Age of Southeast Asia. Cambridge University Press. [35] Ảnh hưởng mỹ thuật Chiêm Thành trong mỹ thuật Việt cũng được đề cập đến trong: Nguyễn Khắc Ngữ (1981) Mỹ thuật cổ truyền Việt-Nam. Tủ Sách Nghiên Cứu Sử Địa (Montreal) [36] Xem http://www.vanhoanghethuat.org.vn/sach/tuchi/phan19.pdf về lễ tục 'Đánh phết' và 'Nõ & Nường' (tương đương: 'Linga & Yoni'). Đặc biệt lễ 'Nõ & Nường' xử dụng đến 2 con số 18 & 36.

316


Thử đọc lại truyền-thuyết Hùng-Vương (18): Phần 4: Biên giới xứ Việt cổ Nếu có một điểm đặc-trưng nào, hết sức đặc-trưng nhưng cũng rất phổ-quát, dùng để miêutả nguyên lý 'nhị nguyên' áp dụng cho xã-hội loài người, cũng như tất cả mọi sinh vật trên quả địa cầu, đó phải là phân-biệt 'Họ và Ta'. 'Họ và Ta' có vẻ như một nền tảng vững chắc nhất cho tiến bộ cá nhân, xã hội, nhưng cũng đồng thời là nguyên do cơ-bản cho sự hủy-diệt, cho chiến-tranh, đàn-áp và khủng-bố. Có thể nói, nhị-nguyên 'Họ và Ta' sinh ra muôn vạn thứ nhị-nguyên khác, diễn-biến không ngừng, cùng với một thứ nhị-nguyên cơ-bản bất-biến khác là sự sống và sự chết. Thật ra nguyên lý nhị-nguyên 'họ và ta' mang cường-độ phân-biệt luôn thay-đổi, theo từng thời-đại, cá tính chủng-tộc, từng quốc-gia, từng cộng đồng trong một quốc-gia, và dính liền với những 'đại-lượng' văn-minh văn-hoá khác, như tôn-giáo, thể-chế chính-trị, truyền thống văn hoá và lịch sử, tình hình kinh-tế của từng cộng-đồng hay quốc-gia. Thí dụ: tình-trạng 'họ và ta' giữa Anh-quốc và Tân-Tây-Lan, Mỹ với Nhật, Hoa-Kỳ với Trung-Hoa, v.v. luôn thay đổi chỉ trong vòng phần nửa sau của thế kỷ 20. Do-Thái và khối Á-rập, tuy mang cùng gốc chủng-tộc (Semitic), nhất là vào thời Abraham, nhưng phân biệt 'họ và ta' từ những thập-niên cuối thế-kỷ 20 trở lại đây, càng ngày càng trở nên gay gắt khốc-liệt. Các quốc-gia có tiếng mẹ đẻ là Anh-ngữ (như Hoa-Kỳ, Úc, Tân Tây Lan) đối với Anh-quốc, cũng có tương-quan 'Họ và Ta' thay đổi, đi đôi với quyền-lợi kinh-tế, chỉ nội trong cuối thế kỷ 20, sang qua thế kỷ 21. Nhị-nguyên 'Họ và Ta' thông thường dính liền với vấn-đề căn-cước lý-lịch [1]. Nhưng, thật ra, cường độ mâu-thuẫn 'Họ & Ta' không nhất thiết là một hàm-số của sự thông suốt về căncước lý-lịch. Hoặc hiểu-biết rành rọt về căn-cước không nhất thiết sẽ đưa đến kết-quả tốt đẹp hơn trong tranh-chấp 'Họ & Ta'. Ngược lại, có thể để ý, trong khi 'Họ & Ta' là một nhu cầu không thể thiếu của sinh hoạt con người và quốc gia, thiếu thốn hiểu biết về căn-cước lí-lịch có thể dẫn đến vận-hành thiếu tính nhất-quán, thiếu bài bản của nguyên-lý 'Họ & Ta', hao-hụt tài-nguyên và tiềm-năng, cũng như kềm hãm sức tiến của dân-tộc. Ở khía cạnh này, chúng ta có thể viện-dẫn chuyện canh tân quốc-gia của Nhật và Thái-Lan vào thế kỷ 19-20, so với nhiều quốc-gia khác ở Á Châu, kể cả Trung-Quốc, dựa trên sự hiểu biết căn-cước lýlịch, cũng như mâu thuẫn nhị nguyên 'Họ và Ta'. Trong chuyện này, có thể để ý đến một quan điểm thường thấy, quy vào tinh-thần thủ-cựu của triều-đình nhà Nguyễn, vào đầu thế kỷ 19, trong việc chờ đợi xem triều-đình nhà Thanh ở phía Bắc có chiêu nào mới trong việc đối phó với sức tiến của Tây Phương hay không. Quan-điểm này hoàn-toàn lướt qua xem xét cá-tính và sự thấu-đáo về căn cước của người Việt Nam, cũng như đã vướng phải những hiểu biết về 'Họ và Ta' khá lộn xộn, hay ít nhất thiếu chính xác, được hun đúc qua nhiều thế-kỷ trước. Mâu thuẫn và thay đổi của hệ nhị nguyên 'Họ và Ta' xưa nay vẫn thường bắt nguồn ở lý do tôn-giáo hoặc ý-thức-hệ chính trị. Thí dụ: Vào giữa thế kỷ 20, Pakistan (Hồi quốc) tách ra khỏi Ấn Độ chỉ vì lý do tôn-giáo. Sau đó Đông Pakistan tách ra khỏi Pakistan, và trở thành một quốc-gia khác, mang tên Bengladesh, viện dẫn lý-do khác nhau về truyền- thống văn317


hoá và lịch-sử. Những tiểu quốc nằm trong 'nước' Chăm-pa xưa, thường xung đột với xứ An-Nam hay Đại Việt ở phía Bắc, và các tiểu quốc thuộc 'khối Chân Lạp' (tức Cam-Bốt ngày nay) ở phía Tây và Nam, mặc dù có chung một thứ tộc bản địa: Môn-Khmer. Rất có khả năng do ở việc Chăm mang ảnh hưởng văn hoá và tôn-giáo Ấn-Độ và Hồi-giáo, trong khi xứ Chân-Lạp chịu ảnh hưởng Ấn-Độ và Phật-giáo, nhiều hơn Hồi-giáo, cũng như tộc chủ lực Khmer đông hơn khối Môn hay Thái ở phía Chân-Lạp. Chăm cũng khác với Việt tộc ở phía Bắc từ khoảng thế kỷ thứ 8 về sau, ở chỗ Việt tộc chịu ảnh hưởng 'Hán tộc' và đang chớm nở hệ tam giáo đồng-nguyên. Cũng như đang nhận nhiều di dân thuộc khối Lạc Việt (vùng biển). Trong các nhóm di dân này, có nhóm người Hẹ cổ (với đại biểu sáng chói là triều đại nhà Lý) và Mân-Việt, trong vài thế-kỷ đã trở thành nhóm chủ lực ở phía Bắc. Theo phụ-hệ giống như người Hoa phía Bắc. Trong khi tộc người Chăm, từ khoảng thế kỷ 8 trở về sau, mặc dù mang chủng chủ lực bản địa Môn-Khmer giống vùng đất phía Bắc, đã mang nặng ảnh hưởng văn-hoá Ấn-Độ, và 2 thứ tôn-giáo khác với nước Nam, là Bà-LaMôn và Hồi giáo. Ngoài ra, Chăm vẫn giữ mẫu hệ. Nếu đọc kỹ lại Việt sử, nhất là bộ 'Đại Việt Sử Ký Toàn Thư' của Ngô Sĩ Liên [5], chúng ta sẽ thấy rất rõ đầu dây mối nhợ của bao nhầm lẫn giới nghiên cứu sử ở Việt Nam từng vướng phải nằm ở chỗ phân-biệt 'Họ và Ta' đã bị rối nùi hằng trăm, hằng nghìn năm trước. Chung quy ở chỗ lịch-sử nước Nam đã được viết theo sát các thư-tịch cổ của Tàu. Tai-hại nhất, phân-biệt 'Họ & Ta' được viết theo quan-điểm 'Họ và Ta' của các sư-phụ Tàu. Nói nôm-na, 'Họ' theo người Tàu, đôi khi và đúng ra, lại chính là 'Ta', nếu viết đúng theo quan-điểm khách quan. Nếu có hiệu-đính, các bậc tiền-bối Việt lại có khuynh-hướng 'hiệu-đính' theo lời dạy của vua quan nước Nam, hoặc theo trí hiểu biết rất hạn hẹp hay tinh thần 'quốc-gia' của các tiền-bối đó. Nội ở chỗ chép các thư-tịch cổ của Tàu, ta cũng có thể thấy rất dễ nhiều điểm sai trật ngay trên cơ bản. Thí dụ: (a) Xem sơ sơ căn cước lý lịch của các quan cai trị 'nước' Nam vào thuở ban đầu, như Sĩ Nhiếp (được người nước Nam tôn vinh là Sĩ Vương), Đái Lương, v.v. Sĩ Nhiếp, tổ tiên người nước Lỗ (Sơn Đông), (một địa-bàn ban đầu của khối Đông Di hay Cửu Lê), nhưng di cư về miệt Quảng Tây đến 6 đời, chắc chắn có mẹ hay bà ngoại, bà cố, thuộc chủng Việt (chi Thái). Đái Lương là thái-thú đầu tiên do 'chínhquyền' nước Đông Ngô của Tôn Quyền bổ nhiệm. Kinh đô Đông Ngô nằm ở Kiến Nghiệp thuộc tỉnh Chiết Giang ngày nay, địa bàn lâu đời của tộc Lạc Việt từ thời Câu Tiễn. (b) Đại sứ 'nước' Việt-Thường mang con chim Trĩ trắng dâng cho vua nhà Châu vào khoảng năm 1120. Tư Mã Thiên trong bộ Sử Ký, theo [6], ra đời khoảng 1000 năm sau, miêu tả 'nước' Việt-Thường nằm ở phía Nam xứ Phù Nam, tức khu Mã Lai ngày nay. Có thể vừa đúng vừa sai. Đúng ở chỗ dáng dấp một thứ người Việt-cổ có thể giống người xứ Java. Nhưng người Việt đời sau có thể hiểu sai bởi ghi chép đó đã không kể đến các bộ tộc Việt khác, như nhóm Âu (Thái) và nhóm Lạc (Việt) ở miền biển Đông. Sai lầm sẽ trở nên to tát, nếu 'Sử Ký' thật sự cho rằng bộ tộc Việt-Thường nào đó ở khu Mã-Lay / Java, là bộ tộc nguyênthủy của dân tộc Việt-Nam. (c) Sử sách Tàu thường thường rất hay và luôn được giới sử gia Tây phương hâm mộ. Tuy nhiên, cũng có nhiều điểm hết sức lổng chổng. Trong đó, có nhiều điểm rất tiếc lại liên hệ đến tộc người Việt Nam. Đặc biệt nhất, họ dùng xả laáng hai chữ 'Luo Yue' (tức Lạc Việt), đưa ra cạnh tranh với các thứ Việt khác như: Bách Việt, Bộc Việt, Mân Việt, U Việt, Âu Việt, v.v. Tuy vậy trong cái hỗn-độn lộn xộn cũng có gói-ghém những thứ trật tự hết sức tuyệt-chiêu, khác hẳn với định-luật thứ 2 của khoa Nhiệt-ĐộngHọc, mà chúng tôi đã cố gắng trình bày trong suốt 18 bài qua. Trước hết để ý, trong các thứ 'Yue' (Việt) ở tại Trung Hoa, như Đông Việt, Mân Việt, Tây Việt, Ngô Việt, v.v. có lẽ chỉ có hai đám Bộc Việt và Lạc Việt là không có địa bàn nhất định vào ngày nay. Còn những 318


thứ Việt khác đều có: Mân Việt => Phúc Kiến, Tây Việt => Quảng Tây, Nam Việt => Quảng Đông, v.v. Điểm thứ hai, chính là chữ 'Lạc' trong 'Lạc Việt'. Khi viết chữ 'Lạc' [Luo], người Hoa lại viết thành 3 thứ chữ khác nhau. Mỗi một thứ chữ Lạc, lại được dùng để chỉ 1 trong 3 thứ tộc người chủ lực xứ An-Nam xưa. Nếu viết theo quốc-ngữ chỉ có một: 'Lạc'. Nhưng viết theo Hán tự, 'Lạc', mang tên tộc người, lại viết thành 3 từ khác nhau. Đó là:  Lạc bộ Chuy 雒 dùng để chỉ tộc Môn-Khmer. Dùng ghép trong: Lạc-Hầu, Lạc-Tướng.  Lạc bộ Mã 骆 dùng chỉ tộc 'Mân+Ngô' (PhúcKiến, ChiếtGiang,...), và để viết chữ 'Lạc' trong 'Lạc-Việt'.  Lạc bộ Trãi (còn gọi bộ Trĩ) 貉 dùng cho dân Bộc-Việt (tức Hẹ-cổ), và họ Lạc của 'Lạc Long Quân'. Lạc bộ Trãi, theo thiển ý, được viết ra để miêu tả đám Việt cổ ở gần lưu vực sông Hoàng Hà, nhất là phía Đông. Lạc bộ Trãi này đôi khi cũng được phát âm như [Mo] chỉ một tộc người ở miền Bắc nước Tàu [31]. Đặc biệt chữ Lạc 'nguyên-thủy' có vẻ không bao gồm tộc Thái cổ (Âu). Nhưng ngày nay lại được dùng lẫn lộn chỉ cả 2 đám Âu và Lạc, trong các sách vở Tây phương lẫn Đông phương. Lý thuyết chúng tôi bắt đầu bằng cách tỉ mỉ phân biệt và tách rời Âu ra khỏi Lạc, và tạm cho rằng 'Lạc Việt' chỉ nên dùng riêng cho đám Lạc ở vùng bờ biển nước Tàu. Việt (Yue) cũng có 2 cách viết chính khác nhau:  Việt bộ Mễ 粤 dùng để chỉ người Việt thuộc chi Âu. Ngày nay là tên tắt của tỉnh Quảng Đông. Mễ mang nghĩa 'thóc / gạo'. Việt bộ Mễ do đó chỉ thứ dân Việt chuyên sống bằng nghề trồng lúa. Việt-tộc thuộc chi Âu này (Việt bộ Mễ) chính là tiền thân chủ lực của dân Thái-Lan, hiện đứng đầu thế giới về ngành xuất cảng gạo, và cũng chính là một trong hai ba tộc người chủ-lực bản-địa ở xứ Việt-cổ.  Việt bộ Tẩu 越 dùng để chỉ những nhóm người Việt khác, sống bằng nghề du mục / săn bắn hay chăn nuôi. Thuở xa xưa, mang hàm ý những đám Việt không phải chi Âu. Đặc biệt, Hẹ-Miêu, Môn-Khmer, và những nhóm Việt khác ở vùng bờ biển phía Đông nước Tàu. * Nói nôm na theo kiểu toán-học, phương trình bậc 3, 'Lạc = x' có tất cả 3 trị số cho x: x1= Chuy (Môn-Khmer); x2= Mã (Mân+Ngô); x3= Trãi (Hakka+Hmong){tức Hẹ-Miêu} x1= 雒. x2= 骆. x3= 貉. * Ẩn số 'y' trong 'Việt = y' cũng có 3 trị số: y1= Mễ (Thái); y2= y3= Tẩu (Hẹ-Miêu) / (Môn-Khmer) {không chuyên nghề trồng lúa} y1= 粤. y2= y3= 越. {Chữ 'Việt' trong 'Việt Nam' viết theo bộ Tẩu: 越 南 }. Để ý một trường hợp đáng ghi nhận ở đây: 'Luo Yue' nếu viết theo quốc-ngữ (dùng a-b-c) là 'Lạc Việt', tức dựa trên tiếng nói, có thể bao hàm tất cả các thứ 'Lạc' và 'Việt', trong khi viết theo Hán Tự, chữ viết theo ý-nghĩa, người ta phải phối hợp 3 chữ Lạc với 2 chữ Việt mới nói lên gần hết các hỗn-hợp tộc người tiến tạo nên dân Việt-Nam vào thuở ban đầu. Ngoài ý niệm 'Họ & Ta' (sẽ bàn thêm phía sau), muốn hiểu rõ vấn đề cổ sử Việt Nam, ta cần nhắc lại 2 ý niệm quan trọng khác. Đó là ý niệm về 'nước' (tức quốc-gia) và ý niệm của toán-học cuối thế kỷ 20 về tập-hợp fuzzy, hay lô-gích fuzzy. Fuzzy mang nghĩa, đại khái: sởn xơ, mù mờ, mơ hồ, không rõ rệt. Cũng như phương pháp nội suy, và ngoại suy trong toán-học cơ bản. Xin sơ lược từ dưới lên trên, như sau. 319


Phương pháp nội-suy / ngoại-suy thường mang giả định: trị-số thay đổi theo một đường thẳng. Thí dụ: nếu biết lương hướng của một nhân viên cấp cao nhất, và của một nhân viên cấp thấp nhất, của một cơ quan, người ta có thể suy ra gần đúng lương của một nhân viên ở cấp giữa. Nếu biết mức lợi tức của một kỹ sư Phi-Líp-Pin, và Thái-Lan, người ta có thể suy ra gần đúng mức lương của một kỹ sư ở Hàn quốc, nhất là khi được biết 'tổng sản lượng quốc-gia' của ba nước đó. 'Tập-hợp fuzzy' (Fuzzy set) do Lotfi Zadeh, giáo sư đại học California - Berkeley phát kiến vào năm 1965. Được người Nhật hâm mộ, đem về xứ Phù-Tang phát triển khá rầm rộ, từ đó đến nay. Lô-gích fuzzy hiện nay trở thành một trong vài đường hướng chính được áp-dụng trong khoa 'Thông-minh nhân tạo'. Đại khái 'tập hợp fuzzy' đặt ra để khai triển tiếp ý-niệm của một 'tập-hợp' cổ-điển. Thí dụ về tập hợp cổ điển: 'tập hợp các xe gắn máy mang hiệu Honda', 'tập hợp những đàn ông con trai trong lứa tuổi 18-35'. Đặc tính chính yếu của 'tập hợp cổ điển' là một sự vật chỉ có hai trị-số 1 hay 0, tùy theo sự vật đó có nằm trong tập hợp nào đó hay không [14]. Tức cũng một dạng của 'Nhị Nguyên', theo kiểu Cartesian. (Cartesian dualism, dùng để vinh danh nhà toán-học và triết gia Pháp René Descartes). Trong khi tập hợp fuzzy là một thứ tập hợp theo kiểu: 'tập hợp các bộ suit hàng ngoại đắt tiền', hoặc 'tập hợp những sinh viên to con ở Harvard', hay 'tập hợp những người Mỹ thầm lặng', hoặc 'tập hợp các ca sĩ nổi tiếng'. Ta thấy ngay, tập hợp fuzzy kéo theo một số tiêu chuẩn chọn lựa cho vào tập hợp, thông thường mang tính chủ quan. Chứ không đơn thuần giữa hai trị số 0 và 1, như trong tập hợp cổ điển [14]. Bởi việc muốn sắp xếp một sự vật vào trong tập hợp fuzzy, luôn luôn vướng phải chuyện tìm trả lời thích đáng cho câu hỏi theo kiểu: 'giá bộ suit cao đến bao nhiêu thì gọi đắt tiền?', 'to con' cỡ nào mới được gọi 'to con'?', ''thầm lặng' ra sao mới được cho vào tập hợp người Mỹ thầm lặng?', v.v. Điểm quan trọng cần để ý là trong khi tập hợp cổ điển có lằn ranh giới phân chia rõ ràng (trong và ngoài tập hợp), tập hợp fuzzy không có lằn mức phân chia rõ rệt, và giống như một áng mây mờ. Nhắc đến ý-niệm tập-hợp fuzzy, chúng ta thấy ngay, và chỉ cần nhớ, khi căn-cước thànhviên của một tập-hợp hãy còn mang tính mơ-hồ, bất định kiểu fuzzy (có trị số nằm giữa hai số 0 và 1), biên giới của tập hợp đó chắc chắn cũng fuzzy, cũng mơ-hồ, chứ không rõ nét như thứ tập-hợp cứng-dòn. Quan niệm về 'nước', về 'quốc-gia' vào thế kỷ 20-21 thật ra cũng hoàn toàn khác hẳn với quan-niệm 'nước', như nước Văn Lang, nước Hồ Tôn, Phù Nam, v.v., ở thời cổ đại tại miền Hoa Nam và hầu như khắp mọi khu vực miền Đông Nam Á. 'Nước' ngày nay, có thể mang rất nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng tựu trung nhấn mạnh đến 4 thành tố: (i) lãnh thổ, (ii) dân tộc, (iii) chính quyền, và (iv) những người cầm quyền thuộc và xuất thân từ khối dân tộc đó. Thành-tố (iv) sau cùng, đặc-biệt nhấn-mạnh tinh-thần độc-lập tự-chủ của quốc-gia. Mới được hiện-thức trong vòng thế-kỷ 20. Đối với người Hoa ngày xưa, nhất là trước thời Đông Chu (trước năm 770 TCN), quan niệm 'nước' tập trung ở thành tố thứ 2 (dân tộc), còn thành tố thứ 1, thứ 3 và nhất là thứ 4, hoàn toàn không quan trọng. Tại rất nhiều nước chư hầu, giới cầm quyền thuở ban đầu là giới quan lớn có nhiều công trạng hoặc hoàng thân quốc thích của triều đình nhà Châu, do chính các vua nhà Châu bổ nhiệm [6]. Trong khi lê dân thường lại thuộc những chủng tộc khác. Đa số là các đám rợ chưa biết nhiều về chữ nghĩa và chính quyền, theo kiểu tộc HoaHạ. Thường họ chỉ biết tuân-lệnh chính-quyền để đổi lấy sự sống và hai chữ bình yên, với nghĩa tương-đối. Lãnh thổ cũng không quan-trọng đối với ý niệm 'quốc-gia' ở thời xa xưa. 320


Bởi lãnh-thổ chỉ trở nên quan trọng khi dân cư trở nên đông đúc, và một khối 'dân-tộc' chia xẻ với nhau một số đặc-tính, và truyền thống chung, cư ngụ ở vùng đất đó, đã hoặc đang hình thành. Khi việc khai thác tài nguyên thiên nhiên đã tiến triển qua một lằn mức nào đó. Hoặc nền kinh-tế hay truyền-thống văn-hoá tín-ngưỡng (thí dụ: đất tổ) đã quy-định được 'trị giá' (tinh-thần và/hay vật-chất) của lãnh-thổ đó đối với quốc-gia. Hoặc đã có một mối liênhệ hết sức mật-thiết giữa tộc người cư-dân và lãnh-thổ quốc-gia. Tức ý-niệm lãnh-thổ là tàisản của dân-tộc và quốc-gia đã được hiện-thức rõ rệt. Để rồi, lên đến cấp cao nhất, lãnh-thổ sẽ dính liền với 'tinh-thần' quốc-gia, với niềm tự hào dân-tộc. Có thể nói, ở thời đại trước Công Nguyên, tại Á Châu, kể cả Trung Hoa, quan-niệm lãnh-thổ, là một thành-tố cơ-bản, hay tài-sản cơ-bản, của quốc-gia, hãy chưa được hiện-thức đầy đủ. Bởi vậy chúng ta vẫn thấy, các thư tịch cổ Trung Hoa thường dùng từ 'nước' để miêu tả xả láang một khối tộc người nào đó, mà họ đã gặp (như 'nước' Lang Hoang ở vùng Lĩnh Nam - gồm tộc người không mặc quần áo), hay đã có lần đối tác, hoặc chống cự việc tiến quân của họ. Cũng ở lý do này, chúng ta thấy ở những vùng dân thưa, như khu Phù Nam hay Thủy Chân Lạp, hoặc ngay cả khu Hồ Tôn (Chiêm Thành) giới 'cầm quyền' ưa cắt đất nhượng đất xả láang, mệt nghỉ, bởi quan niệm về 'nước' tập trung chỉ ở đám dân đen cùng chủng mà thôi. 'Dân tộc' là thành tố to tát nhất trong ý niệm về 'nước' ở thời xa xưa. Đây là một cái đinh rất quan trọng nếu muốn giải-mã truyền-thuyết Âu-Cơ và Lạc-Long-Quân. Xin mở một dấu ngoặc nhỏ để ghi nhận: Không có tiền-nhân nước nào lại thương đám con cháu về sau như tổ tiên người Việt Nam. Truyền thuyết Hùng Vương nhìn kỹ thật ra là một cẩm nang rất quý báu của dân tộc. Truyền thuyết đã ghi lại rất rõ về khối người hợp chủng, những mối nguy cơ cần phải tránh né. Và quan-trọng hơn hết, đã đề cập thẳng đến, và nhấn mạnh, thành tố thứ 4 ở trên. Tức giới cầm quyền phải có cùng chủng với đa số khối dân chúng. Sự thật, theo kiến thức ở thế kỷ 21, chúng ta đều biết khi một nhóm người di tản hay di dân sang một nơi khác để sinh sống - dù một thời gian ngắn chừng 5 năm - luôn luôn có cái nạn trai thừa gái thiếu. Vấn đề thứ hai là vấn đề mitochondrial-DNA, thứ di-truyền thể, thường thường được bảo toàn khá kỹ từ người mẹ ban đầu [4]. Phối hợp hai dữ kiện hiện đại này, rồi lùi lại 2000-3000 năm, ta sẽ thấy các chính quyền chư hầu nhà Chu bên Tàu, không chóng thì chầy, cũng đã thu nhận dòng máu của mỹ nhân các đám rợ, nhất là khối Đông Di, bao gồm phần lớn: Hẹ, Miêu, Khương, Thái, Ngô, Mân, v.v. Tức mt-DNA của Việt tộc đã len vào Hoa tộc ngay từ thời Đông Chu. Vấn đề này cũng lại được phản ánh đầy đủ ở truyền thuyết Hùng Vương, ấn bản Việt hiệu đính từ bản Mường, do các đồng tác giả Thái - Hẹ thực hiện. Ở chỗ nào? Ở chỗ trong nguyên bản Mường, 100 đứa con của bà ÂuCơ và ông Long Wang gồm 50 trai - 50 gái. Sang đến bản Việt, ta thấy 100 người con toàn là con trai. Nếu lấy vợ, chắc chắn cả 100 vị hoàng tử này bắt buộc phải lấy vợ người bản địa, tức vợ Thái, hay Môn-Khmer, hay Đa-đảo. Hùng Vương đời thứ hai, nếu có, là một người biểu tượng cho giới cầm quyền thời lập quốc, mang trong người 3 giòng máu: Âu, Lạc, và bản-địa. Xin đóng dấu ngoặc. Tiếp tục phân-tích về ý niệm 'Nước' qua 'chữ nghĩa' ta thấy, 'nước' là một từ 'thuần Nôm' kiểu Môn-Khmer, phản ánh qua tiếng Chăm: [nưghar]. 'Nưghar' lại mang gốc gác từ Ấn-Độ qua tiếng Sanskrit (Phạn) là [nagara]. 'Nagara' mang nghĩa sơ khởi là 'đô-thị', chỗ đông người tụ tập. Tiếng Mã-Lay cũng giống như vậy: 'Negeri'. 'Nước', xuất xứ từ 'nagara' cũng có gốc chung với tiếng Tamil (Sri Lanka / Tích Lan) là [naadu], tiếng Hàn là [nara]. Tiếng đa-đảo cũng mang một âm (thứ 2) giống 'nước': [foNua] và [atuNu?u]. Đặc biệt tiếng Maori là 'wheNua', có âm thứ 2 [nua], rất giống 'nước'. Tiếng Khmer xưa biến đổi 'nagara' thành 321


ra: Angkor, xứ Angkor, cho ra tên hai đền đài nổi tiếng: Angkor Wat và Angkor Thom. Chúng ta đã đánh một cái vòng. Tiếng Anh của 'nước' là gì? Chính yếu là: Country, state và nation. Mỗi một thứ từ nhấn mạnh đến một thành tố khác nhau. 'Country' nhấn mạnh đến lãnh-thổ. 'State' nhấn mạnh đến chính-quyền, liên-hệ đến tình-hình kinh-tế. 'Nation' tập trung vào khối dân-tộc chủ lực của quốc-gia. Xin để ý đến 'nation'. 'Nation' xuất phát từ tiếng Latin 'nationem' , cùng gốc với 'native', mang nghĩa ban đầu 'một khối người mang cùng thứ chủng tộc với nhau', hoặc 'nhóm người sinh đẻ tại bản địa / dân bản xứ'. Tức tiếng Anh 'nation' mang nghĩa 'quốc-gia' (hay 'nước'), lúc ban đầu chỉ tập trung vào khối dân tộc cư ngụ trên một vùng đất nào đó mà thôi. Ý niệm về nước của người Á Châu (kể cả Trung Hoa) vào thời cổ đại cũng y hệt như ý niệm 'nation' trong tiếng Anh. Tức tổ-tiên dân-tộc ở đâu thì cương-giới của nước, đã kéo dài đến đó. Y hệt như truyền-thuyết Âu-Lạc cho rằng nguyên vùng đất Lĩnh Nam (tức Hoa Nam) là 'nước' của chủng Bách Việt. 'Nation' sinh ra nationalism (tinh thần quốc-gia), nationality (quốc-tịch), v.v. Để ý, tiếng Anh gọi quốc-tịch chỉ bằng 'nationality' chứ không bao giờ: 'countrility' hay 'stateness'. Và 'X National' mang nghĩa 'người mang quốc-tịch X', chứ không phải là 'nồi cơm điện', như nồi cơm điện National của Nhật (!). Việt

Chăm

Việt

Chăm

GHI CHÚ

ông cái ỉa (đại tiện) bởi đó cho nên mỡ khăng ta vui-vẻ khom (lưng) nó nước (uống) quai kẹo gỗ (cây) cắt (ngắt)

ông gai? eh mưđuh yôwnăn rưma khăng ita buy-baiy khum nyu ya, nya kway kew kayôw keh

trật (chân) bông (hoa) muỗi (con) bỏ (muối vào đồ ăn) mụn còng (vòng) múa (vũ) mực hóc (xương) trước Nước (state) lạnh bút (viết) câm bóng vía

chut bingu jamauk buh mun kong mya mưk hoq (ho?) tahlow,tlow Nưgar laăn but kamlo pingu yawa

ông= [ong] Ngô-Việt cái nầy / cái kia eh = ỉa = cứt bởi => mởi/m <=> b (môi-môi) M-K: mỡ: mơnh, muâ khăng khăng= cứng đầu Thái-Lan: muay => võ = tiếng Thái [mưk] khum:[khu]N.[kheng]M [tsO] Ngô {N} nước= đác / nác (Mg) [leng]qt viết = wă? = tă? (Chăm) cây/gỗ: pokok /kayu-ML [mong]QĐ.[bu]qt.[vu]N

Bảng I. Từ tiêu biểu đối chiếu Việt - Chăm (theo [10]). Viết tắt: N= Ngô-Việt (Chiết Giang / Giang Tô). ML= Mã-Lay. M-K= Môn-Khmer. QĐ= Quảng-Đông. M= Mân (TriềuChâu Phúckiến). Mg= Mường. Thế 'nước' trong 'nước uống', tức H2O, thì sao? 'Nước' (water) mang cùng gốc với [nam] tiếng Thái, [nac] hay [dac] hay [non], tiếng Lào, Mường, và Hoa Nam. [Duik] tiếng CamBốt. Tiếng Myanmar là [yei]. Đa đảo [vai], có vẻ bắt chước [wara]-tiếng New Guinea, [wai]-Maori, và 'water' tiếng Anh. Nhưng [wai] hay [vai] cũng có thể nằm trong biến chuyển [y] <=> [v] của các phương ngữ Hoa Nam, nếu để ý [vai] gần giống âm sau với [yei] tiếng Myanmar. [Yei] tiếng Myanmar lại rất giống [Ya] tiếng Chàm (Chăm). Người Việt-cổ (tộc Môn-Khmer) ở khu vực Chăm-pa về sau, có vẻ là dân-tộc duy nhất trên thếgiới đã 'đồng-hoá' ý niệm 'đất-tổ', tức 'nước' hay 'quốc-gia', trong khung ý niệm hết sức thôsơ ban đầu, với nguồn nước, 'nước uống'. Họ có khuynh hướng ghép, hoặc xí phần, hay theo kiểu nói ngày nay: 'cắm cờ', nơi chốn một nguồn nước, hay dòng sông dòng suối, với tên gọi của bộ tộc, thành 'lãnh-thổ' (tức 'nước') của bộ-tộc. Xin dẫn hai thí dụ. Thứ nhất, [Ya Krum] 322


với [Ya] mang nghĩa dòng sông hay dòng nước, và [Krum] tên riêng bộ tộc Krum, từng ở khu đó, có nhiều tre hay lau (Krum = tre / lau). Quốc-ngữ trờ tới, ký âm theo với mẹo luật chính tả, biến [Ya Krum] thành 'Nha Trang', tên thành phố Nha Trang. Thứ hai, [Ya Lat] hay [Ya Lạc] mang nghĩa dòng suối của bộ tộc mang tên [Lat]. Quốc-ngữ kí âm thành [DaLat], với 'Da' hàm chứa âm [Y]. Người Pháp rất thích lên đó nghỉ mát, và thấy chữ 'D' trong 'Da' tưởng lầm là âm [D] tiếng Tây, nên phát âm: [Đa-Lat], sinh ra tên thành phố gọi 'ĐàLạt'. Cũng có thể liên-kết 'Đà' trong 'Đà-Lạt' với từ 'Đác' của tiếng Sơ-Đăng (như trong: Đak-Tô, Đak-lắk), cũng mang nghĩa: 'Nước'. 'Nước' trong tiếng Việt do đó mang hai nghĩa rất khó tách rời nhau trong sự sống của dân-tộc: nước uống, và quốc-gia. 'Nước' mang nghĩa 'quốc-gia', quyện chung với 'nước' trong 'nước uống', là một từ 'tuyệt chiêu' của tiếng Việt, xuất xứ từ hai tộc người bản địa lâu đời ở miền đất hình chữ S: Thái-cổ và Môn-Khmer. Trước khi trở lại phân-biệt 'Họ & Ta' trong vấn-đề tộc người Việt bản-địa tối cổ, xin phép trình bày thêm những thứ từ tiêu-biểu khá tương đồng, giữa tiếng Việt và Chăm, Bảng I. Nhìn bảng I, chúng ta có thể để ý, có nhiều từ Chăm, hay cụm từ, giống tiếng Việt như hai giọt nước, tuy mang hình thái đa-âm. Đặc biệt: nước, kẹo, bút, mụn, viết (để ý: [tă?] giống tiếng Hoa hiện đại: [xie] => tả. [wa?] rất giống 'wiết'), ông, ta, con muỗi, bởi đó cho nên, khom (lưng) {cũng mang cùng gốc tiếng Hoa miền biển: [khu] & [kheng]}, v.v. Liên-hệ gốc-gác tiêu-biểu giữa tiếng Việt, Chăm và Môn-Khmer, xin trình bày trong Bảng II (theo [10] [12]). Xin ghi nhận các từ thuộc tiếng Môn-Khmer trình bày ở đây luôn mang tính cách không được thấu-đáo hoặc toàn-vẹn, phản ánh qua tính cách 'rất' đa dạng của nhiều từ dùng để tả một sự vật, trạng thái hay động tác. Lý do: Mỗi bộ tộc, dù cùng chung một thứ chủng gốc, có khuynh hướng dùng từ khác nhau. Thí dụ: có bộ tộc dùng 'mặt' để chỉ 'face' tiếng Anh, nhưng cũng có bộ tộc dùng 'bộ'. Tiếng Việt chịu khó thống nhất, nên nói: 'bộ mặt', 'đường xá', 'tâm địa', 'chút ít', v.v. Dù vậy Bảng II , cũng như Bảng I và các Bảng đối chiếu trong các bài trước, cho thấy một số đông các từ cơ bản tiếng Việt có chung gốc-gác với tiếng Chăm, và tiếng người Việt bản địa lâu đời: Môn-Khmer. Tìm cách lý-giải nhiều hiện-tượng lịch-sử, dựa trên phân-tích 'Họ & Ta', có thể cho thấy một vài điểm khá gút mắt của chuyện hợp-chủng tiến tạo nên dân-tộc Việt-Nam. Xin thử đặt câu hỏi: 'Tại sao trước sức ép lịch-sử, dân Việt xưa gần như không bao giờ nghĩ đến chuyện nới rộng 'lãnh thổ' hay di chuyển về phía Tây (tức vùng Lục Chân-Lạp và 'nước' Lào sau thế kỷ 13)?' và câu hỏi: 'Tại sao truyền thuyết Âu-Lạc cho rằng 'biên-giới' phía Nam chỉ đến 'nước' Hồ Tôn, tức Chiêm Thành, ở phía Nam?'. Trả lời 2 câu-hỏi này có thể giúp chúng ta rất nhiều trong việc tìm hiểu truyền thuyết Hùng Vương và cổ sử người nước Nam. Để ý đến vùng đất ngày xưa của các tỉnh miền Tây và Tây Bắc. Những tỉnh như Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hoà Bình, Thanh Hoá (phía Tây) [15]. Khu vực miền Tây này có vẻ hoàn toàn nằm ngoài 'ranh giới' fuzzy của Giao Châu, trong bản đồ trang 45, 'Việt-Nam Sử-Lược' của Trần Trọng Kim [24]. Đó là địa bàn chính của tộc người Việt tối cổ thuộc chi Âu, với một phần nhỏ (miệt Sơn La, Lai Châu, 323


Thanh Hoá) thuộc chi Môn-Khmer. Tộc người chủ lực bản địa chạy từ nam Thanh Hoá đến tận khu Mã Lay chính là khối Môn-Khmer. So với các tộc người Việt bản-địa, thuộc chi Âu (Thái) và Môn-Khmer, phần lớn khối tộc người Việt ở bình nguyên sông Hồng là những người Việt 'mới', mới di cư sang, từ miền biển Đông nước Tàu. Liên-tục trong vòng 20 thế kỷ, từ khoảng thế kỷ 8 TCN (đầu đời Đông Chu) đến khoảng thế-kỷ 12 SCN (nhà Nguyên (Mông-Cổ) ở bên Tàu). Có thể nói, chỉ từ đời nhà Trần, toàn khối dân-tộc mang tên chung Việt-Nam (hay đúng hơn: An-Nam) mới bắt đầu hình-thành. Tương tự, ở bên Tàu, theo thiển ý, một tộc người chia xẻ nhiều cá tính dân tộc, và truyền thống lịch sử, với nhau cũng hình thành vào khoảng đời nhà Nguyên (1279-1368). Việt ăn (xơi) bụng (dạ) bông (hoa) cá cột (thắt)

chim

chết (mất) cằm (hàm) lạnh, rét liếm mây (vân) mía

Chăm-pa Môn-Khmer băng suam, som, sam, ăn, sa, kuon tiya:n, pung, bung, tung tian, kapung bangu, bông, pung, bunga piar, pkau ikan, kan ka, kaq, ika

Việt muỗi

Chăm camôq

Môn-Khmer munh, muweh, moich, mach, xơmah

nhỏ (đẹt)

nêh, sit

yoh, onoh, dét, del, dikih

kăq/ikă?/ kơt, kơc, côwq/gă kơlơc, tôk, ng, thăq đăk, đơk, teh cim chêm, sim,xêm, chium mưtay, kchit, chhơt, ngêng kachêt, ... kăm Ka, jangKa, kap, kăng laăn lngiơ, mret, rơ-lêh lyăh lali, dilaq, lit, lim, liam hawêy, kamâl, bol,... ramưl, mâl tabôw kmiê, meq, mai, kơlme

ruồi

ói,ộc,khạc oq

oi, ô, ooq, haq, kâta

ruột

pRuac, prôyq rôy

rooc, ruaq, roiq, ruơch, ruak

rừng

ralông, răm

krông, rơng, bri,rứng

sông, (M: không) tai

krung

krông, không, rong, sungai, klong,

tangi

tôr, talinga, thai

tay

tangin

têy/đai, đay, ti, atêi, toek, taiql, tơi, đêi

cắp (trộm) vay (mượn) nhà

kleq

kaw, cakaw, kumlaw

mưthre

wai, vuai, / yưm

thang

nha, nya, nhi, nghia

ruai, ruy, rooy, ruwey, rul/ruôi, r-hai

Bảng II. Đối chiếu vài từ cơ-bản Việt - Chiêm và Môn-Khmer. Cũng cần để ý những sự kiện sau: 1. Gần như tất cả các dân-tộc khu vực Đông-Nam-Á, mãi cho đến khoảng thế kỷ thứ 6 sau Công Nguyên, vẫn chưa đạt đến hình-thái quốc-gia với một chính quyền trung-ương (xem [7] [8]). Những nước như Lâm-Ấp, Hồ Tôn, Khu Liên, Phù Nam, Chân Lạp, Đạo Minh, v.v. hoàn toàn là những tên 'nước' do người Tàu đặt ra theo tiêu chuẩn phân-biệt tộc người, và kiến thức mù mờ của họ. Sự thật đó là những vùng đất, mà những gì xảy ra 324


2.

3.

4.

5.

6.

trước khoảng thế kỷ thứ 6, vẫn còn nằm trong ức đoán của nhiều sử gia tên tuổi. Đặc biệt Oliver Wolters, như David Chandler [7] và David Marr [8] đã dẫn, cho rằng đó là những 'tiểu quốc' mang dạng 'mandala' kiểu Ấn-Độ. Ở phía Bắc xứ Việt cổ, theo thư-tịch cổ của Tàu, chúng ta chỉ biết có 'nước' Nam-Việt do Triệu-Đà nhất thống - nhưng sự thật biên giới Đông-Tây-Nam-Bắc của nước này cũng rất mù mờ. Phía Tây, chắc chắn không bao gồm khu Vân Nam và phía Nam, không đến lằn mức Ái Châu (hay Cửu Chân), tức Thanh Hoá ngày nay. Bởi khu Vân Nam (xứ sở của ngón Nhất Dương Chỉ của Kim Dung) là một vùng đất 'bán độc lập' cho mãi đến khoảng thế kỷ 13. Cho đến thời Cao Biền (thế kỷ 9), xứ Vân Nam hãy còn phân chia ra ít nhất là 6 'tiểu quốc'. Về sau bộ tộc phía Nam nhất thống được vùng đất này, và mang tên chung là Nam-Chiếu, trước khi cạnh tranh gây rối với quân nhà Đường ở xứ An-Nam. Để ý, sử sách Việt Nam viết theo thư-tịch cổ của Tàu mang khuynh hướng phân-biệt người Nam-Chiếu là Họ, còn đám Cao Biền là...Ta. Nước Lào ngày nay, cho đến thế kỷ 13, vẫn chưa hình thành. Vùng đất Lào có vẻ vẫn là một vùng đất với nhiều cộng đồng tổ chức theo dạng 'mandala' như Wolters {[7] [8]} mô tả. Tộc người bản địa ở Lào bao gồm: Thái-cổ và Môn-Khmer. Có thể cũng có người Hmong-Mien (tức Miêu-Dao). Phía Hạ Lào, cùng lằn mức với Nghệ-An bên Việt Nam, trở xuống, rất có khả năng là 'nước' Lục Chân Lạp, của khối dân Môn-Khmer, với dân Khmer đông hơn dân Môn, càng tiến về Nam. Theo một nhà thẩm quyền người Mã-Lai gốc Chăm-pa, Po Dharma [16], 'nước' Chăm-pa từ xưa vẫn chứa nhiều 'tiểu quốc' khác nhau. Bằng chứng cho đến khi 'nước Chăm-pa' bước vào giai-đoạn suy-thoái, thế kỷ 15-19, để rồi hoàn toàn giải thể vào năm 1832, Chăm-pa gồm có tất cả chừng 5 tiểu quốc khác nhau. Việc nhất-thống ít khi xảy ra, hoặc nếu có, chỉ là những mối liên-minh tạm bợ, theo thiển ý, như kiểu các 'mandalas' khác ở xứ Chân Lạp phía Tây và Nam (xem [7]). Dân-tộc ở nước nào thuộc miền Đông Nam Á cũng vậy, nhất là vào thời cổ đại. Họ chưa hình thành rõ rệt. Biên-giới các nước cũng chưa được phân chia, minh định rõ ràng. Giống như tập-hợp fuzzy. Cho đến thời cận đại, ý niệm biên-giới mơ hồ của thứ tập-hợp fuzzy hãy còn phản ánh khá đầy đủ qua các 'tập-hợp' (nhóm) ngôn-ngữ, như: Hán-Tạng, Tạng-Miến, Nam-Á, Nam-Đảo, v.v. Biên-giới mang tính cách mơ hồ phía Tây và Nam, và phân-biệt 'Họ & Ta' hết sức lộn xộn, dựa theo cổ sử Tàu, là hai đặc tính quan-trọng của lịch sử nước Nam. Nhìn kỹ một bản đồ nào chú trọng đến phân-bố người dân-tộc ngày nay , hoặc biên giới xứ Giao Châu ngày xưa (xem [15] [24]), ta thấy ngay gần đến phân nửa vùng Bắc bộ về phía Tây (mạn biên giới với Lào / Vân Nam) là những vùng rừng núi tập trung khối người dân tộc, với người Mường / Miêu làm chủ lực. Trùng hợp với biên giới phía Tây của xứ Giao Châu ấn định lằn mức của vùng đồng bằng quay ra biển phía Đông. Theo tính cách 50:50 về diện-tích giống y như truyền thuyết 50:50 người con theo Âu-Cơ và Lạc Long Quân. Đọc lại những giai đọan lịch sử ban đầu từ bộ sử của Ngô Sĩ Liên chẳng hạn, chúng ta thấy rất rõ, tranh chấp giữa hai miền Kinh và Thượng (giữa hai đám con) vẫn thường xuyên xảy ra. Nhất là trong các thời kỳ Bắc thuộc. Sử Việt, bởi theo sát sách Tàu, ghi luôn đó là sự nổi loạn của đám người Nam Man, chống lại chính quyền đô-hộ. Chứ không hề quan sát rằng đó chính là những cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô-hộ Bắc phương, của các tộc người Việt bản-địa lâu đời. Ở phía Nam cũng vậy. Từ thời xa xưa, luôn luôn có quấy phá từ phía Nam. Ban đầu đối với chính quyền đô hộ. Đến cuối thiên niên kỷ đầu của Công Nguyên, xung đột trở thành giữa Việt và Chiêm. Nhưng cả hai bên đều không ngờ đó là xung đột giữa Việt mới và Việt cũ. Việt mới có đồng chủng từ miền Hoa Nam gia nhập. Trong khi Việt cũ 325


mang nặng ảnh hưởng văn hoá và tôn giáo (Ấn và Hồi) từ hướng Tây. Sở dĩ truyền thuyết nói rằng biên giới phía Nam chỉ đến xứ Hồ Tôn, là do ở việc ngày trước nhà Hán không thích tiến sâu về phía Nam bởi ở khí hậu ác nghiệt, dân cư thưa thớt, ... và cũng theo sát với vùng đất đã thần phục Triệu Đà trước đó, mà thôi. Hiểu được bối cảnh và phân bố tộc người Việt ở thời cổ đại như trên chúng ta sẽ thấy rõ những hiện tượng sau: a) Theo phương cách nội suy của toán học, và dùng phía Nam, phía Bắc, phía Tây làm điểm mốc so-sánh, hình thái quốc-gia của xứ Việt cổ, cho ngay tới thời 'nội-chiến', nếu có [19], giữa Lý Phật Tử và Triệu Quang Phục, tức Triệu Việt Vương (thế kỷ 6), rất khó tiến đến một tổ chức nhà nước thống nhất, theo mô-hình các quốc-gia ngày nay, hay những nước lớn thời Chiến Quốc ở miền Hoa Bắc bên Tàu. b) Điểm đặc-trưng nhất của xứ Việt cổ, từ lúc 'thành lập' ở thời tiền sử, cho đến khoảng cuối nhà Lê, là tính cách thu nhận bà con thân thuộc, cùng hệ tộc, qua nhiều làn sóng di cư từ Bắc, kể cả Tây Bắc & Đông Bắc, xuống phía Nam. Ở một khía cạnh nào đó, có thể so sánh việc tạo dựng nên tộc người nước Nam, với phần nào của mô hình các nước Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc và Tân Tây Lan. Nhưng phải để ý, mô hình Hoa-Kỳ, Canada, Úc, Tân Tây Lan, xảy ra sau nước Nam ít lắm cũng 800 năm. c) Phía Tây xứ Việt cổ, chính là cứ địa của người Việt bản địa: Thái-cổ và Môn-Khmer. Người khách di-cư (về sau có tên 'khách trú' (cắc chú), nếu đến muộn vào thời Mãn Thanh, hay 'khách-gia' (Hakka), nếu dừng chân ở bên Quảng Đông), lúc nào cũng có nhiều vùng đất miền đồng bằng để định cư. Phân biệt ra hai địa bàn: Vùng núi: đám con theo bà Âu-Cơ, và vùng sông-biển: đám con theo Lạc Long Quân [22]. Bởi những người khách di-cư này có mối tương kính chủ-khách của những người cùng tộc Việt, cho nên tự ngàn xưa, trong tâm khảm người Việt không có chủ ý tiến chạy về phía Tây. Ngược lại, đọc bộ sử của Ngô Sĩ Liên, chúng ta thấy trong suốt chiều dài lịch sử, nhất là vào 10 thế kỷ đầu trong Công Nguyên, tộc người 'Lão' (tức Lão Qua => Lào), hay người 'Man' ở phía Tây luôn giúp đỡ những vị anh hùng tranh đấu cho nền độc lập nước Nam [23]. d) Biên giới nước Nam đối với phía Bắc (và Tây), hiểu theo nghĩa 'nước' là khối dân-tộc, hoàn toàn rất 'fuzzy'. Ngay trong thời đại trống đồng, hay văn hoá Đông Sơn. Điểm này đã được Charles Higham [17] để ý đến khi ông cho giải đất từ Bắc bộ chạy đến tận phía Nam của Vân Nam, Quảng Tây và Quảng Đông, ngày xưa là một vùng đất của một thứ tộc chủng, hay nếu nhiều, cũng là những thứ tộc chủng cùng gốc rất thuận thảo với nhau. e) Đối với phương Nam, các quyển sử cơ bản (như của Ngô Sĩ Liên) đều viết biên giới phía Nam của nước Văn Lang hay Xích Quỷ, kéo đến xứ Hồ Tôn - dựa trên 'Lĩnh Nam Chích Quái', một quyển sách chuyên về những chuyện u linh hoang đường ở miền Lĩnh Nam, địa bàn chính của người nước Sở xa xưa, rất nổi tiếng về các truyện truyền kì. Quyển Lĩnh Nam Chích Quái ra đời khoảng thế kỷ 15. Lúc đó, các tác giả quyển sách này mới biết đến xứ Hồ Tôn. Chứ vào cả ngàn năm trước, ở thời đại của Đế Nghi, Đế Minh, Kinh Dương Vương, không ai - kể cả những người mang quốc-tịch Hồ Tôn - biết được xứ Hồ Tôn là xứ nào, và ở đâu. Ngay cả tên gọi Hồ Tôn, sử sách cũng thường viết mơ hồ rằng đó tên cũ của nước Lâm Ấp, tên người Hoa gọi xứ Chiêm Thành ở vào cuối thế kỷ thứ 2. Chính xác hơn, những nhóm tên như: Lộc Tục, Đế Minh, Đế Nghi, v.v. và 'nước' Hồ Tôn, thuộc vào hai thời đại khác nhau, cách nhau ít lắm 1000 năm. Gạt ra ngoài tính cách cơ bản 'không hợp rơ' về thời gian, ta để ý 'Lĩnh Nam Chích Quái' ra đời vào thế kỷ 15. Vào thời đó có gì đặc biệt khiến ta phải để ý? Vào thời đó, dân chúng những xứ như Nhật Nam và Tượng Lâm, tức những khu Chiêm Thành xa xưa do nhà Hán đặt tên, đã hoàn toàn khác hẳn với dân ở các miền Cửu Chân và Giao Chỉ thời 326


trước. Bởi từ thời đầu Công Nguyên, xứ Chăm-pa (về sau), với tộc người bản địa chủ lực Môn-Khmer và Đa đảo, đã bắt đầu nhuốm ảnh hưởng văn hoá Ấn Độ, và về sau Hồi giáo, hết sức đậm nét. Trong khi, từ Cửu Chân về phía Bắc, ảnh hưởng tam-giáo đồng nguyên từ phía Bắc diễn tiến song hành, và ‘từ từ’, với sự tiến tạo của tộc người nước Nam. Thật ra, khối tộc người bản-địa phía Nam đã chia tay với phần lớn khối tộc người bản địa phiá Bắc, từ sau thế kỷ thứ 8. Được đánh dấu ở thời Lê Đại Hành (980-1009) qua chiến tranh giữa Đại Cồ Việt và Chiêm. Rồi thường xuyên xảy ra từ đó về sau [18]. Như vậy, chính lối viết sử theo hiểu biết của đời sau, dựa sát vào thư tịch cổ của Tàu ở đời trước, đã biến một 'fuzzy set' thành 'crisp set', đưa đến phân-biệt 'Họ và Ta', khá lộn xộn trong một thời gian dài. Trước khi quan sát biên giới hết sức fuzzy (tập trung về tộc người) ở phía Nam xứ Giao Châu hay An-Nam xưa, xin phép ghi một vài nhận xét sau: 1) Tín-ngưỡng cốt lõi chung của khối người ở Đông Á, kể cả Trung-Hoa (sau khi sát nhập Hán-Việt), và Đông-Nam-Á, ngày xưa, có vẻ như mang một khuynh hướng nhập chung anh-hùng dân-tộc, vua quan, với thánh-thần, lại làm một. Những vị thánh-thần nhập chung với những nhân-vật lịch-sử địa-phương, không nhất thiết phải thuộc tôn-giáo địaphương, mà có thể là những vị thánh-thần từ những tôn-giáo phía ngoài nhập vô. Thí dụ: (i) Người Hoa có gốc Hoa Nam xưa nay vẫn có tục lập bàn thờ những vị anh hùng như Quan Công, Nhạc Phi ở trong nhà, hay tại cửa tiệm buôn bán. (ii) Ở bên Nhật cũng như Thái-Lan, người dân luôn một lòng sùng bái Nhật Hoàng hay vua Thái, mặc dù nhânloại đã tiến sang thế kỷ 21, tràn đầy những internet với điện-thoại di-động [25]. (iii) Vua chúa xứ Cambodia, từ ngàn xưa, vẫn có khuynh hướng thay mặt cho các vị thần Ấn Độ Giáo, như Siva, Vishnu, v.v. trong việc cai trị dân và cầu nguyện cho chuyện mưa thuận gió hoà, mang lợi lộc cho mùa-màng (xem [7]). 2) Điểm quan-trọng nằm chính giữa những vấn-đề cổ-sử ở Đông Nam Á, chính là Mẫu-hệ và Phụ-hệ. Kéo theo tên họ. Đại-khái, họ của con đặt theo họ mẹ, nếu thuộc Mẫu-hệ [21]. Họ Cha, nếu thuộc Phụ-hệ. Chúng ta được biết khá rõ những sự kiện sau đây về Mẫu-hệ và Phụ-hệ: (i) Tần Thủy Hoàng chúa ghét Mẫu-hệ (xem [5]). Có lẽ văn-hóa tộc người nước Tần thuộc Phụ-hệ khá sớm. Thủy Hoàng Đế ưa ra lệnh bắt những đàn ông đi ở rể, một dấu vết của Mẫu-hệ (xem [5] [20]), cho đi làm binh lính tại những tiền đồn, chốn biên thùy với giặc Hồ phía Bắc. (ii) Cho tới khi nhà Hán tiến chiếm Hoa Nam vào thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên, miền Hoa Nam / Lĩnh Nam / kéo đến tận khu Mã-Lay, rất có khả năng, vẫn còn theo Mẫu-hệ. Chế độ Mẫu-hệ vẫn còn duy trì dài dài tại 'nước' Chiêm Thành, và hãy còn tồn-tại tại nhiều cộng đồng dân-tộc ở miền 'Thượng du' Trung bộ. Cũng như tại nhiều bộ tộc ở Indonesia và Mã Lay, thí dụ: Minangkabau. (iii) Có vẻ như rằng, mô hình quốc-gia với chính quyền trung-ương chỉ thích hợp với phụ-hệ. Hay nói một cách khác , khi có chiến tranh giữa 2 cộng-đồng, xin nhấn mạnh 'cộng-đồng' (chứ không phải cá nhân), một theo mẫu hệ, một theo phụ-hệ, theo thống kê lịch sử, cộng đồng theo phụ-hệ thường nắm phần thắng. Cũng bởi lý-do đó, chúng ta có thể thấy, truyền thuyết Hùng Vương có vẻ như lúc nào cũng muốn phân bua, rằng dân Lạc Việt đã chạy theo phụ hệ từ xưa. Bởi chỉ theo phụ-hệ mới có thể đương đầu với tộc người Hoa Hạ ở phía Bắc, con cháu của Hiên-Viên Hoàng-Đế. Chúng tôi xin mạo muội đưa ra một giả thuyết bỏ túi: Phải chăng cũng ở lý do mẫu-hệ / phụ-hệ, nước Tần trở nên 327


mạnh mẽ, qua mặt nước Sở, rồi sau cùng gồm thu lục quốc, ở miền Hoa Bắc, vào cuối thời Chiến Quốc (thế kỷ 3 TCN)? 3) Đối với họ tên người Việt, giống họ người Hoa ở miền Hoa Nam, chúng ta cần để ý đến những điểm sau: (i) 'Họ' viết theo tiếng Tàu là 姓 đọc [xing] hay 'tính / tánh' (danh tánh), gồm hai chữ 女 (nữ) và 生 (sinh). Hàm ý, lúc người Hoa Hạ (ở phía Đông) sáng tác ra từ 'họ' (tánh) 姓 , họ hãy còn theo Mẫu-hệ. (ii) Những vị anh hùng cứu 'nước' bắt đầu từ thời bà Triệu (năm 248), cho đến Lý Bôn, trở về sau, mang họ tộc của người Bách Việt ở Hoa Nam. Rất phù hợp với thuyết di-cư hai khối tộc Âu và Lạc, phối hợp với người bản-địa qua hôn nhân. Từ lúc giao tác với khối người Hoa Hạ phía Bắc sông Dương Tử, đến thời điểm khởi nghĩa của bà Triệu từ quận Cửu Chân (Thanh Hoá), thời gian kéo dài trên dưới 500 năm. Một thời gian khá dài để chúng ta có thể cho rằng khối người Lạc Việt di cư đến xứ Việt cổ đã chuyển sang phụ-hệ. Theo với nguyên lí 'gái thiếu trai thừa' của bất cứ một cuộc di-cư nào, hôn nhân giữa người Việt-cũ và Việt-mới là một chuyện hết sức hiển nhiên. (iii) Những nhà chính-trị hay các vị anh-hùng khởi nghĩa tranh đấu cho nền độc-lập trong suốt chiều dài lịch-sử dân-tộc đều mang những đặc tính chung như sau:  Họ thường xuyên dựa vào nguyên lý 'cội nguồn quyền lực'. Thí dụ: Hai Bà Trưng là con cháu của Lạc Tướng. Lý Phật Tử có họ hàng bà con với Lý Nam Đế (Lý Bôn). Triệu Quang Phục là đại tướng tổng tham mưu trưởng của Lý Bôn. Lê Hoàn là đại tướng của Đinh Tiên Hoàng. Đinh Bộ Lĩnh là con của ông Đinh công Trứ, thứ sử Hoan Châu (tức khu Hà Tĩnh), cũng là con nuôi sứ quân Trần Lãm. Ngô Quyền (tổ tiên gốc Mân Việt) là rể của Tiết độ sứ Dương Diên Nghệ. Dương Diên Nghệ trước kia là tướng của của Tiết độ sứ Khúc Hạo, Khúc Hạo là con của Khúc Thừa Dụ, 'đệ nhất phó thủ tướng' chính quyền Trường An, nhà Đường (bên Tàu) kiêm Tiết độ Sứ An-Nam, v.v.  Nếu không dựa vào 'cội nguồn quyền lực', họ có thể dựa vào nguyên lý 'vào ra khu hành lang quyền lực'. Nguyên lý 'Hành lang quyền lực', có nghĩa một vị tướng hay đô úy nào đó nhờ ở chức vụ được vào ra chốn quyền lực và thấm nhuần được các phương thức hành sự quyền bính. Thí dụ: Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Trần Thủ Độ, Trần Cảnh, v.v. Để ý hai nguyên lý xem rất tầm thường: cội nguồn và hành lang (quyền lực), vẫn còn được áp dụng dài dài trên thế giới ngày nay. Cội nguồn quyền lực: gia đình Kennedy, gia đình tổng thống Bush, chủ tịch Kim ở Bắc Triều Tiên, gia đình họ Tưởng ở Taiwan, họ Lý ở Singapore. Hành lang quyền lực: thời gian tập sự tổng thống với vai trò phó tổng thống tại Mỹ, của Truman, Nixon, Ford, Bush, v.v. Đối với các danh nhân lịch sử nước Nam, hành lang quyền lực, cũng có nghĩa tổ tiên của họ cũng có thời làm tướng (kháng chiến) hay làm quan to, ở các quận huyện bên Tàu, nhất là miền Hoa Nam, địa bàn của dân Bách Việt xưa.  Cũng có những vị anh-hùng có lối tranh đấu mang nhiều tính chất bản-địa, nhưng thường không đi đến thành công lâu dài. Có lẽ bởi thiếu-thốn am tường về kỹ thuật chính-sự, gọi nôm na theo tiếng Anh là 'Statecraft', của phương Bắc. Nơi đó 'chínhsự', tức kỹ thuật chiến-tranh và lãnh đạo dân chúng, đã phát triển trên cả nghìn năm. Điển hình là khởi nghĩa của ông Mai Thúc Loan (Mai Hắc Đế) ở Hoan Châu, tức khu Nghệ Tĩnh, vào năm 722. Chúng tôi mạo muội cho rằng ông Mai Hắc Đế mang ít nhiều dòng máu tộc Môn-Khmer (tức người Việt cổ, bà con cật ruột với người Chăm). Bởi những lý do: (a) mẹ người gốc phía Nam (Việt-Chăm) [27], (b) sử sách ghi ông Mai Thúc Loan mang họ mẹ [26], (c) ông ở khu vực phía Hoan Châu, tức 328


Nhật Nam cũ, sát 'biên giới' quận Tượng Lâm tức 'nước' Lâm Ấp. (d) phần lớn binh lính của ông từ miền Lâm Ấp sang [24]. (iv) Bởi trong các lý thuyết về 'chính-sự' thuở cổ thời, lý thuyết 'cội nguồn quyền lực' mang tầm vóc quan trọng rất lớn, ta thấy những vị được làm quan to, thường có khuynh hướng giữ vững dòng họ của họ, truyền tụng đến cả chục đời sau. Ngược lại, nếu là thường dân mon men được đến cõi quyền bính, họ phải hư cấu cho ra một cội nguồn quyền lực nào đó, để tạo được niềm tin của dân chúng. Thí dụ: Hồ Quý Ly tại nước Nam, cho rằng ông là hậu duệ của Đế Thuấn của nhà Ngu bên Tàu, nên đổi quốc hiệu nước Nam thành Đại Ngu. Không ai có thể kiểm chứng được việc này. Kể cả bà con cháu chắt mấy chục đời của Đế Thuấn, một nhân vật huyền sử mà Mạnh Tử cho là có máu Việt. Việt Vương Câu Tiễn cũng y như vậy, khi ông tuyên bố với đài BBC hồi đó, ông là hậu duệ của hoàng thân Vô Dư thuộc đời nhà Hạ, mà người sáng lập là kỹ sư Đại Vũ, thường xem là thuộc tộc Khương. Đại khái: "Con vua thì được làm vua - Cháu của thầy chùa thì quét lá đa" Ở bên Tàu, nhiều khi ngụy tạo nên cội nguồn quyền-lực của tổ tiên, mãi không được, bí quá, họ lại xử dụng đến thuyết đầu-thai luân-hồi. Bây giờ xin ghi sơ lược một vài điểm rất quan trọng, trích từ bộ Đại Việt Sử Ký [5], mà rất nhiều sử sách đời sau vô tình lướt qua, do ở quan niệm rối nùi 'Họ & Ta'. Dùng để lý giải biên giới mơ hồ phía Nam, và tộc người Việt bản địa lâu đời Môn-Khmer. (a) Địa bàn 12 sứ quân trước thời Đinh Bộ Lĩnh, hoàn toàn nằm ở khu đồng bằng phía Đông, ở Bắc Bộ, gồm các tỉnh như: Thanh Hoá, Hà Tây, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, v.v. Có vẻ như những cư dân ở phía Tây (Thái cổ) và Nam Thanh Hoá (MônKhmer) đứng ngoài tranh chấp 12 sứ quân. (b) Những vị sứ quân đều có họ mang xuất xứ từ Hoa-Nam. Đáng kể nhất sứ quân Nguyễn Siêu và Trần Lãm (tức Trần Minh Công) - bố nuôi Đinh Bộ Lĩnh - có tổ tiên gần là người Phúc Kiến / Triều Châu. (c) Vào đầu thế kỷ thứ 1 SCN, Tích Quang làm thái thú ở Giao Chỉ, Nhâm Diên thái thú ở Cửu Chân (về sau đổi tên thành Ái Châu, tức Thanh Hoá ngày nay). Nơi tập trung dân Mường đông ngang ngửa với Hoà Bình, vào đầu thế kỷ 20. Cửu Chân rất khác với Giao Chỉ ở chỗ dân ở đó chỉ sống bằng nghề đánh cá đi săn, trong khi đa số dân Giao Chỉ sinh sống bằng nghề trồng lúa, cày cấy. Tên họ thái thú ở Nhật Nam (sau đổi Hoan Châu, khu Nghệ-Tĩnh bây giờ) rất ít khi được đề cập đến, và có vẻ Nhật Nam như một châu quận dân thưa, ở vùng biên giới phía Nam, và hết sức fuzzy. Dân chúng thường xuyên nổi loạn ở Nhật Nam, trước cả thời bà Triệu Thị Trinh (248). Có lúc quân lính từ Cửu Chân phải điều sang bình định Nhật Nam. Thái thú Cửu Chân, như Hạ Phương (cỡ năm 160), cũng thường kiêm nhiệm luôn chức thái thú ở Nhật Nam. (d) Phân chia Giao Chỉ - Cửu Chân - Nhật Nam của ngườ i Hán có lẽ dựa vào phân bố của các thứ tộc người Việt cổ. Và xứ An-Nam có lẽ chỉ thật sự bao gồm luôn Cửu Chân và Nhật Nam vào thời Ngô Quyển làm 'quân quản' khu vực Ái Châu (tức Cửu Chân). Tiếp theo, là Đinh Công Trứ, cha của Đinh Bộ Lĩnh, được cha vợ Ngô Quyền là Dương Đình Nghệ phong làm quyền thứ sử xứ Hoan Châu (Nhật Nam, hay khu Nghệ Tĩnh bây giờ). Đến thời Lê Đại Hành khai lập nhà Tiền Lê (980) rồi bình Chiêm phạt Tống, hai khu vực Ái Châu và Hoan Châu (tức Cửu Chân và Nhật Nam) hoàn toàn thuộc lãnh thổ nước Nam. (e) Điểm đáng để ý, mặc dù khu Nghệ Tĩnh (Hoan Châu) đến đời nhà Lý trực thuộc nước Nam đã khá lâu, nhưng nhiều miêu tả cho thấy ở chốn kinh đô thành Thăng Long, người 329


ta vẫn cho đó nơi khỉ ho cò gáy đầy người man di. {Điển hình là cố vấn an ninh Lý Đạo Thành, bởi có lỗi nên bị đày ra trấn khu Nghệ Tĩnh (1073), mà Ngô Sĩ Liên cho rằng đó là chốn người man di}. (f) Rất nhiều nhà hành chánh ở Giao Châu rồi An-Nam, mang gốc Việt bản-địa. Nhiều vị khác mang gốc Bách Việt (Hoa Nam) - cũng có khả năng có mẹ hay bà ngoại thuộc tộc người nước Nam. Có thể kể: - Sĩ Nhiếp (tức Sĩ Vương) (187-226), tổ tiên người nước Lỗ (khu Sơn Đông), sau dời về quận Thượng Ngô (khu Quảng Tây). Đến Vương được 6 đời. - Lý Tiến: người sinh đẻ ở Giao Châu làm thứ sử vào năm 186. - Lý Cầm, cũng người Giao Châu, làm đến tư lệnh hiệu úy - Trương Trọng, thái thú Kim Thành - Thái thú Cửu Chân, Lý Tốn, làm phản chiếm giữ lấy châu (380). Rất có khả năng ông mang giòng máu Giao Châu hay ít nhất Bách Việt Hoa Nam. - 'thiếu-tướng' Tôn Xác, người Nam Dương (rất có khả năng thuộc tộc Môn-Khmer) theo thứ sử Giao Châu Đàn Hoà Chi đi đánh Lâm Ấp vào năm 436. - Người địa-phương Lý Tường Nhân (468) rồi cháu là Lý Thúc Hiến (479) tự động nổi lên nắm chức thứ sử Giao Châu. - Hai nhân vật nước Nam làm đến chức tương đương 'đệ nhất phó thủ tướng' chính quyền Trung Hoa phía Bắc: - Khúc Thừa Dụ (khoảng cuối thế kỷ 9), cũng kiêm luôn Tiết độ sứ An-Nam, cha của tiết độ sứ Khúc Hạo, không biết vì lí do gì hoàn toàn bị gạt ra ngoài trong quyển sử của Ngô Sĩ Liên. - Tiến sĩ Khương Công Phụ, quê ở quận Cửu Chân (Thanh Hoá), có công với vua nhà Đường rất nhiều (khoảng năm 784). Em là tiến sĩ Khương Công Phục cũng làm đến chức Bắc Bộ Thị Lang thuộc chính quyền TrườngAn nhà Đường. Để ý họ Khương ở khu Cửu Chân / Nhật Nam. 'Khương' chính là tên đọc theo tiếng Hán [Jiang], mặc dù viết hơi khác, nhưng mang căn gốc giống chữ 'Khương' [Qiang] của bộ tộc Khương tức Khmer. Giống như họ Lê một họ đặc thù chung gốc với Lê tộc, bởi cả hai đều viết chung một chữ Hán 黎. Họ Lê xuất xứ từ Lê tộc ở vùng phía Đông Hoa Nam, cùng với họ Nguyễn, đã biến thành hai họ đặc thù Việt Nam. 'Lê' đọc theo giọng Quảng Đông chính là [Lai] và Hẹ [Lái]. Quan-thoại đọc như [Lỉ]. Người Lê tại Hải Nam gọi tộc họ là [HLai] - theo [5], chính là tộc của Lý Phật Tử [28]. Trước khi chấm dứt bài này, xin tóm tắt những lý do xa gần dẫn đến sự tan rã của 'vương quốc' Chăm-pa, như sau: a) Xã hội Chăm theo mẫu hệ. Xã hội Việt phiá Bắc theo phụ hệ. Tương quan lực-lượng giữa Bắc & Nam, dưới cái ô mẫu hệ / phụ hệ, y hệt như giữa quân nhà Tần / Hán đối với các cộng đồng Bách Việt miền Hoa Nam ở thời xa xưa. b) Xã hội Chăm chưa hề tiến đến hình thái một quốc gia thống nhất với một chính quyền mạnh ở trung ương. Những dữ kiện mới của Po Dharma [16] xác định 'vương quốc' Chăm-pa trong suốt sự nghiệp lịch sử thật ra là một chuỗi liên minh chính trị giữa những tiểu-quốc, chưa được đầy đủ cơ hội để chia xẻ quá trình lịch sử với nhau. c) Chăm-pa cũng bị dằn co bởi những mâu thuẫn về văn-hoá và tôn-giáo của những bộ tộc sinh cư trên khắp đất nước. Nhiều paley (làng) tại Trung bộ ngày nay hãy còn phản ánh được nét dị biệt giữa văn-hoá và tôn-giáo. Nhưng muộn còn hơn không, paley theo đạo Hồi ngày nay vẫn sống hoà thuận với paley láng giềng theo Ấn-giáo [20]. So với phía Bắc, từ xưa cho đến lúc giao tác với Tây phương: Tam giáo đồng nguyên, chạy song song với Trung Hoa, được hội nhập khá suôn sẻ qua một thời gian dài. 330


d) Chăm-pa cũng đã 'mệt đừ' với khác biệt về chủng tộc trong lòng dân-tộc. Thật sự có chừng 3 nhóm chính: Nhóm Môn, nhóm Khmer, nhóm Đa-đảo. Mỗi một nhóm - giống y như bất cứ một nhóm dân tộc nào ở Hoa Nam nước Tàu ngày nay - thông thường có chừng 10 chi bộ tộc hơi khác với nhau, với tiếng nói cũng khác khác với nhau [30]. Việc này hãy còn phản ánh rất rõ qua tra cứu từ điển Môn-Khmer hay của tiếng Chăm. Mỗi một sự vật, động tác, hay trạng thái, thường có nhiều từ khác nhau để miêu tả. Thí dụ: động từ 'to carry' tiếng Anh (hay 'porter' tiếng Tây), mang nghĩa: khuân, mang, vác, ... có tất cả 17 từ tương đương trong tiếng Khmer. e) Xã hội phía Bắc, gần gũi với Trung Hoa và cũng từng thu nhận nhiều ‘nhân tài’ từ miền Hoa Nam, quen thuộc và đạt được thứ kỹ thuật chính sự (statecraft) cao siêu hơn phía Nam. Mặc dù, phía Nam cũng đã thu nhập một số kỹ thuật chính sự từ Ấn Độ, cũng như đã có thể thu nhận một số thành phần ê-lít từ vùng biển phía Bắc, như Phúc Kiến - Chiết Giang, đến bằng đường biển Nhưng ‘nhân tài’ từ Hoa Nam đến nước Nam có vẻ dễ tiếp tục phát triển và được trọng dụng hơn, bởi hai xã hội Hoa và Việt luôn có một mẫu số chung về văn hoá và tín ngưỡng. f) Cũng ở chuyện kỹ thuật chính sự, chúng ta thấy nước Tàu, từ thời xa xưa, đã có đến hằng trăm quyển sách chỉ nam, cũng như những bài học thực hành hết sức linh động về chiến tranh và chính trị. Và chúng ta cũng thấy một đặc tính quan trọng của chính sự Hán-Việt khá giống với giai đoạn rất gay go trong phát triển dân chủ của mô hình các nước Tây Phương. Đó là tôn giáo, mặc dù rất thiết yếu, phải tách rời khỏi chính trị. Rất có khả năng, xã hội Chăm chưa hề biết đến chuyện đó, đã phải đi đến tan rã. 6 tháng 6 năm 06 GHI CHÚ [1] Xin ghi nhận biến chuyển ý-nghĩa khi ngôn-ngữ du nhập vào một quốc-gia khác. Ở bên Tàu, họ gọi 'identity' là 'thân-phận' [shen fen]. Thẻ căn-cước = 'thân-phận chứng'. 'Lý-lịch' [lu li] ở tiếng Tàu cũng mang nghĩa khác: 'giấy tờ cá-nhân'. Tiếng Việt 'thân-phận' mang một nghĩa khác. Thường với hàm ý: thân-phận hèn kém, thân-phận mồ côi,... [2] Samuel P. Huntington (1996) The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order. Simon & Schuster. (‘Cuộc xung đột giữa các nền văn-minh và việc tái lập trật-tự thếgiới’). [3]http://www.thanhhoa.gov.vn/Hienthichitiet.php?ID_TT=163&ID_CM1=%20c1&ID_CM 2=%20cc6&ID_CM3=%20ccc1 [4] http://www.actionbioscience.org/evolution/ingman.html http://genealogy.about.com/cs/geneticgenealogy/a/dna_tests.htm http://www.continuitypress.com/melmyssolved7.html http://www.pbs.org/wgbh/nova/neanderthals/mtdna.html http://en.wikipedia.org/wiki/DNA [5] Ngô Sĩ Liên (1479) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. (Cao Huy Giu & Đào Duy Anh dịch và hiệu đính). Nxb Văn Hoá - Thông Tin. (2004). [6] Thí dụ: Chu Công, chú của Chu Thành Vương được phong đất Lỗ. Khương Tử Nha (Lã Vọng), nước Tề. Hùng Dịch (Xiong Yi) được nước Sở. Châu Công là một trong những 'thánh hiền' đầu tiên của Trung Quốc. Chính 'Khổng Tử' cũng có những hôm tinh thần bị suy xụp vì nằm mơ không thấy Chu Công (xem: quyển 'Khổng Tử' của Nguyễn Hiến Lê). [7] David P. Chandler (1993) A History of Cambodia. (2nd Edition). Silkworm Books (Thailand). 331


[8] David G. Marr & A.C. Milner (Ed.) (1986) Southeast Asia in the 9th to 14th centuries. Institute of Southeast Asian Studies - Singapore & Research School of Pacific Studies ANU Canberra. [9] Annales Annamites & Quốc Triều (1909) Sử Ký Đại Nam-Việt. Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa (1974 Saigon / 1986 Montreal). [10] GERARD MOUSSAY, Nại Thành Bô, Thiên Sanh Cảnh, Lưu Ngọc Hiến, Đàng Năng Phương, Lưu Quang Sanh, Lâm Gia Tịnh, Trương Văn Tốn (1971). Tự Điển Chàm-ViệtPháp. Trung tâm Văn-hóa Chàm - Phan-Rang. [11] Charles Hamblin (1984) Languages of Asia & The Pacific. Angus & Robertson. [12] - http://home.att.net/~lvhayes/Langling/Glossary/Glospag1/glosf027.htm - Hồ Lê (2002) Từ Nam Á trong tiếng Việt. TRONG: Tiếng Việt trong nhà trường phổ thông và các ngôn ngữ dân tộc. Nxb Khoa Học Xã Hội 2002. tt 84-134 [13] Lê Hương (1968?) Tìm hiểu ANGKOR (Đế Thiên, Đế Thích). Nxb Quình Lâm. (ĐạiNam tái bản tại Hoa Kỳ) [14] Gọi 'tập-hợp' là gọi theo kiểu toán-học, chứ trong ngôn-ngữ thông-thường, ta dùng những thứ chữ khác: hội ái-hữu cựu học-sinh trường Bưởi, tập-đoàn lãnh-đạo xứ East Timor, nội-các của thủ-tướng Howard, hội văn-bút thế-giới, các cây bút hiệu Parker, các thứ xe hiệu Lexus, nhóm ái-hữu sinh viên Mitchong, v.v.. Đó là những thứ 'tập-hợp' cổ điển. Bất kỳ một người Úc nào cũng có một trị số 0 hay 1 đối với tập-hợp nội-các ông John Howard. Nếu người đó là dân thường, trị số là 0. Nếu người đó mang chức vụ đại biểu quốc hội và đảm nhận một vai trò nào trong chánh phủ Howard, trị-số sẽ là 1, đối với tập hợp đó. Thí dụ về tập hợp fuzzy: Giới ê-lít (hay sĩ-phu) của nước Việt, giới văn-nghệ-sĩ yêu nước, những chiếc áo sơ-mi đắt tiền, những ca-sĩ 'tân-nhạc' nổi tiếng, những nhà lãnh-đạo 'thànhcông' hay 'xuất chúng' trong thế-kỷ 20, tập-hợp những quốc-gia nghèo. Ta thấy ngay, thường thường rất khó khi muốn xếp một người hay một sự vật vào một tập-hợp fuzzy. Bởi tiêu chí định nghĩa thành viên thường đòi hỏi một sự thẩm định, đi trước, khá chủ quan. Thế nào là ê-lít? Học hành đỗ đạt đến đâu mới được gọi sĩ-phu? Thế nào là yêu nước? Giá áo sơ-mi bao nhiêu thì mới gọi đắt tiền? Đắt tiền theo giá US dollar, hay Euro? Lãnh đạo ra sao thì gọi 'thành công' hay 'xuất chúng'? Hai đặc-điểm chính của tập-hợp fuzzy, luôn đi đôi với nhau: (i) Trị số của thành-viên tập-hợp thay đổi từ 0 đến 1, (ii) Biên-giới tập-hợp không rõ-rệt, và mù mờ như một đám mây. [15] http://www.angelfire.com/co/hongnam/vnmap.html [16] Po Dharma (1988) Status of the latest research on the date of absorption of Champa by Vietnam. IN: Proceedings of the Seminar on Champa (Copenhagen), http://www.seacrc.org/media/pdfiles/ChamBook.pdf [17] Charles Higham (1996) The Bronze Age of Southeast Asia. Cambridge University Press. [18] Lý do 'tù binh' Chiêm Thành xây thành Đại La lại phải gác sang một bên. Bởi vào thời xây thành Đại La (thế kỷ 8), chưa có xung đột 'tay đôi' đáng kể giữa hai xứ Việt / Chiêm. Chỉ có hỗ trợ của người Việt-cổ mang quốc-tịch Chiêm ở phía Nam, trong việc đối kháng với thế lực đô-hộ. Cũng như chỉ có chiến tranh giữa 'nước' Java cùng với cả hai xứ Chiêm và Việt. Cuộc chiến này (năm 774) đã được ghi vào bia ký ở tháp Bà Ponưgar ở Nha Trang [13]. Trước đó quân Java tấn công vào Bắc Việt đánh thủng đến miệt Sơn Tây (767). Nhưng bị thái thú Tchang-Po-Yi (Trương Bá Nghi), người xây thành Đại La, đánh bật ra biển (xem [13]). Tuy nhiên vấn đề này không chỉ đơn giản như vậy, bởi thành Đại La về sau được tu bổ nhiều lần. Đáng kể: thời Cao Biền (866) và thời nhà Lý (1078). [19] Giai đoạn nội chiến (đầu tiên) giữa Lý Phật Tử và Triệu Quang Phục là một trang sử do chính các sử gia Việt ghi chép theo các truyện tích (xem [5]). Hoàn toàn không có trong các 332


thư-tịch cổ của Tàu. Bởi đó là vấn-đề tranh chấp 'nội-bộ' xứ Giao Châu. Đặc biệt ta thấy chút ít dấu vết mẫu hệ trong việc con trai của Lý Phật Tử đi ở rể nhà vợ, tức con gái Triệu Quang Phục. Chàng rể này, theo y như chuyện Trọng Thủy Mỵ Châu (thời Triệu Đà - Thục Phán), ăn cắp bí mật quân sự gia đình bên vợ, khiến nhạc phụ Triệu Quang Phục về sau phải thua trận. [20] Phan Đăng Nhật (chủ biên) (2003). Luật tục Chăm & Luật tục Raglai. Nxb Văn Hoá Dân Tộc [21] Một hai đặc tính mẫu-hệ hãy còn tồn tại đến ngày nay trong xã hội Tây Phương: * Một người được coi như người Do Thái, chỉ và chỉ khi nào Mẹ người đó là người Do Thái. Tại những nhà dưỡng lão lớn của người Do Thái tại Úc, chỉ có những người có mẹ ruột là người Do Thái mới hội đủ điều kiện nhập viện. * Chỉ những người mang cùng huyết thống với nữ hoàng Anh, mới được xem như thuộc dòng Hoàng gia. [22] Truyền thuyết Âu-Lạc cũng được phản ánh đầy đủ bên kia biên giới Việt-Hoa. Đó là phân biệt giữa Quảng Đông và Quảng Tây / Quý Châu.. Hai tỉnh Quảng Tây và Quý Châu hãy còn rất nghèo, so với Quảng Đông. Bởi gồm địa bàn rừng núi, và đông đảo người dântộc (Choang và Miêu-Dao), sinh sống theo truyền thống cổ truyền. [23] Ngay cho đến thời Lê Lợi nổi lên đánh đuổi quân Minh (1418-1427), sau lần bại trận tại Chí Linh (1419), cùng lúc Lê Lai qua đời, Lê Lợi cũng sai người sang Ai Lao xin trợ viện binh lính. [24] Trần Trọng Kim (1971) Việt Nam Sử Lược. Bộ Giáo Dục, Trung Tâm Học Liệu (Sàigòn). Đai Nam tái bản. [25] Bên trời Tây, nữ hoàng Anh cũng là người đứng đầu của Anh quốc giáo. [26] http://www.e-cadao.com/lichsu/Maihacde.htm http://vietsciences.free.fr/vietnam/danhnhan/vua/maihacde.htm [27] Nguyễn Đức Hiệp (2006) Trao đổi tư liệu. [28] Ở Việt Nam, khu vực Thanh Hóa có nhiều người mang họ Lê, họ Bùi, Đinh, Cao Viết, v.v. được liệt kê trong quyển nghiên cứu về Mường của Cuisinier là những vọng tộc trong cộng đồng Mường ngày xưa. Sách vở trên internet khá lộn xộn về tộc người Lê, giữa Thái cổ và Môn-Khmer. Chúng tôi cho rằng tộc gốc chính là Môn-Khmer, nhưng có lai nhiều với Thái-cổ bởi địa bàn gần gũi với nhau. Lê Hoàn, chúng tôi cho thuộc tộc Lê. Bởi vào thời đại Lê Đại Hành, ông thường xuyên gặp khó khăn với đám Man thuộc tộc Thái-cổ. Họ Lê có rất ít ở bên Tàu. Hiện có một trong 3 ca sĩ hàng đầu Hongkong mang họ Lê: Li Ming (Lê Minh). Họ Nguyễn có thể xuất phát từ khu vực Triều Châu bên Tàu. Có một gia đình, người Sydney - chồng họ Nguyễn, vợ họ Thái. Khi về quê tổ ở Triều Châu, ông chồng thấy toàn làng mang họ Nguyễn. Tương tự bà vợ về thăm làng tổ tiên ở bắc Trung bộ, cũng tìm thấy cả làng mang họ Thái. Điểm đáng để ý: Họ LẠC hãy còn tồn tại bên Tàu, và nằm trong nhóm họ chiếm 10% số họ Tàu. Nhưng có vẻ biến đâu mất khi di dân sang Việt Nam. Chúng ta có thể tìm lí do nào đó để lý giải hiện tượng khá kì bí này hay không? Âm tương đương [hLai] (tức Lê)  [Li] còn thể hiện qua tiếng Mường: [khai] => [khỉ] (V) [29] Khúc thừa Dụ, người Hải Dương - xem: http://vietsciences.free.fr/vietnam/danhnhan/anhhung/khucthudu.htm http://vi.wikipedia.org/wiki/Kh%C3%BAc_Th%E1%BB%ABa_D%E1%BB%A5 [30] Thí du: người Choang, người Mân, người Miêu, người Hẹ, v.v. - mỗi một thứ nhóm có bình quân 10 'tiểu chi bộ' hay 'tập-hợp' khác nhau, với ngôn ngữ hơi khác nhau. Thành ra Bách Việt thật ra có thể rất chính xác, với nghĩa 100 thứ Yue (Việt). Mười bộ tộc lớn như Hẹ, Ngô, Mân, Quảng, v.v. Mỗi thứ có 10 tiểu chi: 10 x 10 = 100 thứ Việt. QED. [31] Nicola Di Cosmo (2002) Ancient China and its enemies - The rise of nomadic power in East Asian history. Cambridge University Press. 333


Thử đọc lại truyền-thuyết Hùng-Vương (18): Phần 5: Dấu vết Mẫu-Hệ trong xã-hội Việt Một trong những hình-dung-từ được giới khoa-học, nhất là toán-học, ưa dùng nhất, đối với một nguyên-lý hay định-luật mới, chính là 'robust', mang nghĩa nôm-na: chắc nịch, cứng cáp, vững chải. Trên phương-diện một lý-thuyết, như lý-thuyết về nguồn-gốc dân-tộc ViệtNam ở đây, lý-thuyết đó chỉ được xem là khá 'robust' (chứ không phải 'robot') khi nó được đem ra lý giải càng nhiều sự-kiện hay hiện-tượng lịch-sử, văn-hoá, càng tốt. Dưới một góc độ khách-quan, hay tương-đối hoặc 'cố-gắng' khách-quan. Thông thường, một lý thuyết được dàn-dựng và hiện-thức dựa trên quan-sát một số những sự-kiện chung quanh một đề tài chính. Xong rồi, phân-tích và tổng-hợp. Dùng những phương-pháp lý-luận càng khách-quan càng tốt. Dọc đường, nếu bắt gặp thêm một sự-kiện nào khác, lại phải lôi khía cạnh nào đó của lí-thuyết để thử lí-giải sự-kiện đó. Khó khăn nhất có lẽ ở chỗ gần như bất kỳ hiện-tượng nào cũng đều có lí-giải sẵn rồi. Nhưng cũng rất may, đa số những lí-giải có sẵn, bây giờ - trong thời đại internet - nếu nhìn lại rất dễ nhận ra những điểm lổng chổng trong đó. Thí dụ: Ngày trước, các học giả Tây phương ưa đưa ra lí-do 'một xã-hội nông-nghiệp' để giải thích hiện tượng một số xã hội ưa dùng nhiều từ khác nhau để gọi, Cô-Chú-Bác, như: Bác, Chú, Thím, Cô, Dì, Cậu, Mợ, v.v. - trong khi một số xã hội, đã 'công-nghiệp-hoá' nhất là xã hội Tây Phương, thường thường lại chỉ phân biệt: Uncle (Chú / Bác) và Aunt (Cô) mà thôi. Một khi đã nhận-thức rằng một trong những lý-do đưa đến xáo-động lịch-sử ở Đông Nam Á, kể cả Trung Hoa, chính là sự điều-chỉnh từ mẫu-hệ sang phụ-hệ của nhiều cộng đồng khác nhau, ta hãy thử kiểm-chứng một thứ lý-giải mới về: 'bà con Cô Bác' dựa trên Mẫu hệ và Phụ hệ. Đặc biệt để ý, trong xã hội theo Mẫu-hệ, vai trò người Cậu (anh hay em của Mẹ) rất quan trọng. Nhất là trong vấn đề thừa kế [1]. Tức những thứ từ như Chú / Bác không quan trọng bằng Cậu. Và ngược lại, trong xã hội Phụ-hệ, 'Cha - Chú' thường được dùng hơn 'Cậu'. Tra cứu các từ Nôm gốc Hoa Nam, nơi chúng tôi cho rằng phần lớn chỉ dần dần chuyển sang Phụ-hệ sau khi nhà Hán nhất-thống sơn-hà, chúng ta có thể thấy đầy đủ các từ mang phát âm giống hệt tiếng Việt, như: Cậu [舅 ], Mợ [妭 / 嚊 / 妺 / 母 ] [2], Dì [姨 ], Dượng [姻 / 丈], Cô [姑 ], Thím [嬸 ], Chú [叔], Bác [伯]. Kiểm chứng với một tự-điển tiếng Chăm [3], nơi còn giữ Mẫu hệ cho đến khi giải-thể, ta thấy các từ vựng có vẻ nhấn mạnh, hay phân biệt, hơn về vai vế người Cậu: Cậu = [wa], Cậu (anh Mẹ)= [wa likey], Cậu (em Mẹ)= [cêy] {mang âm rất giống 'cậu'}, Dì (chị Mẹ)= [wa kamêy] (dùng chung 'wa' như 'cậu'}, Cô / Dì= [mi?] hoặc [nay], Chú (em Cha)= [mi? cêy], Bác= [wa], hay rõ hơn: [wa po]. Xin để ý hai điểm: (i) Chữ chính dùng chỉ 'cậu' là: [wa] (anh) và [cêy] (em). Biến thêm, và dựa vào hai từ gốc [wa] và [cêy], sinh ra: [wa likey] => anh mẹ (Cậu), [wa Po] => anh Cha (Bác), và [mi? cêy] {miq cêy} => em cha (Chú). (ii) Bởi vai-vế 'cậu' (trong mẫu hệ) rất 'bảnh', nên tiếng Việt dùng luôn để xưng hô 'người em' hay 'bạn trẻ' được 'quý trọng', bằng => cậu (em), hay 'cậu công tử'. Hoàn toàn có tương đương trong tiếng Chăm: patra-patri => cô cậu. Tiếng [nay] nghĩa 'Cô' cũng được dùng như 'cô' kiểu: Mademoiselle hay Miss [4]. 334


Vấn-đề mẫu-hệ còn được phản ánh trong văn-hoá hay văn-minh Đông phương, qua hình ảnh Phật Bà Quan Thế Âm. Có nhiều giả thuyết về gốc gác của Phật Bà Quan Âm (Kwan Yin) [5]. Đại khái: (i) Một số giả thuyết cho rằng người Hoa Nam biến một Ông Phật từ bi là Avalokitesvara sang phái nữ thành Phật bà Quan Shi Yin (Quan Thế Âm). (ii) Giả thuyết khác cho rằng Phật Bà chính là hình ảnh của một công chúa nước (Ngô) Việt của Câu Tiễn (về sau) ở vùng Chiết Giang vào khoảng năm 700 TCN, mang tên Miao Shan. Chính công chúa Miao Shan đã chuyên cứu vớt, giúp-đỡ thủy thủ có tàu bè bị đắm ngoài khơi quần đảo Chusan gần khu Chiết Giang ngày nay. Tức Phật Bà 'xuất-hiện' trước tiên tại miền HoaNam, một cứ-địa, hay hậu-tuyến, lớn cuối cùng của chế-độ mẫu-hệ. Nhìn vào văn-minh Tây Phương, chúng ta sẽ khó tránh khỏi để ý đến sự trùng hợp giữa những xã hội Âu Châu sinh sau đẻ muộn [6], sau thời mẫu-hệ chuyển sang phụ-hệ rất lâu, với phong trào gầy dựng nên đạo Ki-Tô Tin Lành sau thế kỷ 15 ở Âu Châu. Đặc biệt ở chỗ, vai trò Đức Mẹ Đồng Trinh Maria, theo tinh-thần của thần-học, ở đạo Tin-Lành, không quan-trọng như trong khối Công-Giáo hay Chính-Thống. Cũng bởi đa số xã-hội hay các quốc gia Âu Châu chỉ được thành lập sau Giáng Sinh, tức rất muộn và nhảy vọt qua khỏi thời mẫu-hệ vào lúc 'dựng nước', nghiên-cứu của Tây-phương về vấn-đề mẫu-hệ xưa nay vẫn mang tính 'cho có lệ' và rất 'lơ là'. Từ những ghi nhận tổng-quan về Mẫu hệ và Phụ hệ kể trên, ta có thể thấy chuyện 'cơm không lành canh chẳng ngọt' của cặp vợ chồng Âu-Cơ & Lạc-Long-Quân [7] có lẽ bắt nguồn từ xung đột giữa Mẫu-hệ và Phụ-hệ. Xung đột giữa hai thứ 'luật-tục' hoặc 'tín-ngưỡng xã hội', khác nhau, ở thời ấy. Không biết bà Âu và ông Lạc đã làm thủ-tục ly-hôn tại toà-án gia-đình nào, nhưng kết quả của phán-xét toà-án đó xem ra hết sức tốt, và có vẻ không thua bất cứ một toà gia-đình nào ở thế-kỷ 21. Phán-xét đó, hay sự đồng-thuận phân chia tài sản của bà Âu ông Lạc, trước lúc chia tay, cũng lại rất phù hợp với phong-tục tập-quán của cả hai bên. Mẫu-hệ có thể xem như tượng trưng của Tình-Thương hay Tình-Cảm. Phụ-hệ, của Lý-Trí và Thực-Tế. Hai đối cực của một thứ Nhị-nguyên. Một âm, một dương. Việc dunghoà hay cân-bằng giữa hai đối cực của Nhị nguyên này, có lẽ là một điều kiện thiết-yếu cho hạnh-phúc cuộc đời. Thật ra, lối chia tay của bà Âu ông Lạc đã vượt ra khỏi cái vòng lẩn quẩn của thứ Nhị-Nguyên khác (Thắng-Thua), phản ánh qua mô hình đối-địch của hệ-thống kiện-tụng dân-sự ở các quốc-gia kiểu Anh-Mỹ. Tức trong cuộc chia tay kiểu đó, không có người thắng hoặc người thua. Dưới góc độ biểu-tượng hai khối người, chia tay đó sẽ không mang tính vĩnh-viễn, và luôn có cơ hội tái-hợp với nhau. Xin trở lại với tính 'cứng cáp' của lý-thuyết. Trong suốt 18 bài qua, chúng ta đã thử dùng lý thuyết để lý-giải cho một số các sự-kiện hoặc hiện-tượng xưa nay tương đối chưa được hoàn-toàn sáng tỏ. Chúng ta đã xem qua: - Gốc gác tháng Giêng => tháng Dần (Dzần) [8] - Một bộ phận Việt tộc quan-trọng có gốc Hẹ, mang họ Lạc của Lạc Long Quân; - Tộc người nhà Lý và Chuyến 'lưu-vong' trở về quê cũ của các tôn thất sau khi nhà Trần lên thay nhà Lý; - Trên Bộc trong dâu; - Người Triều Tiên, người Hẹ (gốc du mục), và món mộc tồn; - Chữ Việt (xưa)丂 = 'cái rìu', Việt (Mễ)粤 = 'dân trồng lúa', Việt (Tẩu) 越 = 'dân du mục'; - Gốc gác 12 con Giáp - ảnh-hưởng các phương ngữ Bách-Việt; - Màu trắng chính là màu Trăng, hay màu Gạo (tiếng Thái) [10] 335


- Quan-sát giao-tác chủng tộc Hoa Việt & Việt Hoa; - Ảnh hưởng của những tiền-đề xưa cũ; - Ảnh hưởng chủng Thái cổ; - Tương quan 'Họ & Ta' đối với phiá Bắc, Nam và Tây; - Người Việt bản-địa tối cổ: Môn-Khmer; - Văn hoá Sa Huỳnh: di-sản người Việt bản-địa, tộc Môn-Khmer; - Văn hoá trống đồng (Đông Sơn): Di-sản người Việt bản-địa tộc Thái-cổ; - Văn-hoá Hoà Bình: Di-sản Việt (Mường) thuộc chủng Thái-cổ; - Nguyên lý Heisenberg: Tập-trung chỗ nầy, lu mờ chỗ kia; - Biên-giới fuzzy & Ý-niệm NƯỚC của các nước ở Đông Nam Á vào thời cổ đại; - Nước Sở: cái nôi. Sông Bộc: cái rốn; - Nhóm ngữ Việt-Mường và hai nhóm di-dân Âu & Lạc; - Gốc gác chữ Nôm: Hoa-Nam, Thái, Môn-Khmer và Đa-đảo; - Tiếng Hán-Việt mang xuất-xứ từ những phương-ngữ Bách-Việt; - Thứ tiếng viết theo a-b-c, được ký-âm cho một và chỉ một phương-ngữ mà thôi; - Các thanh-điệu (thinh) trong tiếng Việt. (Về nhạc ru con, xem Trần Quang Hải [11]). - Nguồn-gốc thinh dấu Ngã (~) trong tiếng Việt; - 18 đời Hùng Vương= 18 đời nhà Hạ= 18 đời Bai-dal ở Triều-Tiên; - Mâu-thuẫn giữa Mẫu-hệ và Phụ-hệ bắt đầu bằng cuộc ly-hôn giữa bà Âu ông Lạc; - Những biệt-sắc của người Việt cổ, ngoài: Nhuộm răng, xâm mình. - Xem xét và gạt bỏ 'thuyết Hùng Vương, nhà ảo thuật ở Gia Ninh'; - Danh nhân Trung-Hoa mang dòng máu Việt; - Loạn-lạc và chạy giặc ở Trung Hoa, qua nhiều thời đại; - Giặc Hoàng Cân và Hoàng Sào; - Thần Nông, Xy Vưu và Hiên Viên; - Quan-sát những định-nghĩa, ý niệm về quốc-gia hay 'Nước'; - v.v. Sau đây, xin thử xem lại một số điểm lổng chổng khác thuộc nhiều sự-kiện lịch-sử. Người Đa-Đảo Ngộ nhận thường gặp nhất có lẽ là người Đa đảo ngày xưa chỉ có mặt ở miền Trung nước Việt. Ngộ nhận này thường được hỗ-trợ bởi một lý thuyết khá fuzzy, khá lùng-tùng-phèo, là người Chăm mang gốc chủng-tộc Malayo-Polynesian (Mã-Lay Đa-đảo). Thật ra cả người Đa-đảo và người hắc-nụy Négrito, đã hiện diện khắp miền gần biển ở Hoa Nam và Đông Nam Á. Thêm một hai thứ phân-loại cần nhớ: Đa-đảo Polynesians khác với Hắc-đảo Melanesians. Đa-đảo thường kể đến: Tahiti, Tân Tây Lan (Maori), Fiji, Hawai'i, Tonga, Samoa, Easter Island, Vanuatu, New Guinea, v.v. Hắc đảo, gồm cả dân hắc-nụy Negrito, thuộc nhóm da đen tập trung ở đảo Celebes (Indonesia) và Papua New Guinea, cũng như thổ dân ở Bắc và Đông Bắc nước Úc. Kéo dài và gối đầu với nhiều quần đảo chứa dân Đađảo, ở phía Nam Thái-bình-Dương. Nhiều dân bản địa ở các nước Đông Nam Á, kể cả ViệtNam, mang dấu vết của hai nhóm Đa-đảo và Hắc-đảo. Đa-đảo có vẻ chiếm đa số đối với Hắc đảo. Hiện vẫn có nhiều lý thuyết khác nhau về nguồn-gốc của dân Đa-đảo [13]. Có thuyết cho rằng nguồn-gốc đặt tại Taiwan. Thuyết trái ngược, lại cho Taiwan là điểm cuối của những 336


đợt di dân, chứ không phải khởi điểm. Cũng có thuyết cho gốc-gác nằm ở phía Đông nước Indonesia. Chung quanh khu đảo chứa 'di-sản' đồ gốm Lapita. Và cũng có thuyết cho rằng bờ biển phía Tây của Nam Mỹ mới là điểm gốc. Thuyết Nam Mỹ hiện nay là thuyết yếu nhất. Việt nó / y tôi sữa rộng rãi của tao hôm nay gỗ (cây) muỗi mosquito hoà-bình hỏi (câu) lời (nói) áo phòng trễ, muộn xinh(đẹp) cười tí (nhỏ) uống đúng ăn tắm đậu (xe) cua (con) khác(đổi)

Đa Đảo ne, em, ia au (~ [ai]) susu raraba ta?u he?aho ni kau, ?akau namu

Đa Đảo eni, lenei ?o-ai?, wai ?o fea tei hea po?o te-le?a a?o malosi, maita?i hau vách banis, pa fehu?i vế (đùi) vae lea thêu tuitui, thu?i ?aofutino thay đổi t(h)aui potu chó (má) kuli, maile Taere tomui mưa ua-timu sini, msin đường xá sala Kata tù trưởng turaga Iti cái ni(nầy) ko eni Inu cá ika donu, dodonu cỏ -grass co ?ai, ?amu có e tiko, ko tă?ele cứng kaukaua tau người ta taNGAta Kuka mặt mata Duidui/Kehe tới (đến) tae,taunu? Việt ni, nầy ai? ở đâu? tại đâu? hoặc/hay thunglũng học mạnh

Ghi Chú tiếng Thượng Hải [yi] = nó ai =>ai đó?. [ai] Hakka = tôi [?] tắc-âm thanh-môn rộng <= [kwong] QĐ / [ruan] QT [huo]-QT 和, [hwa] Hán-Hàn [?] giữa [uh]&[oh] trong [uh-oh]* âm [g](gỗ) ~ [k].[gon] He -[kan] PK + muỗi <= [mu]Khmer,[mok] ML + mạnh => [man]QĐ / [men]Hẹ 暋 byách (Nam) = biak (Hẹ) bắp vế. [byế]= [bei]QĐ.[dwl]MK [zeoi]QĐ 綴 / [zyut], [tseot]QĐ 絀 ?aofu ~ 'âo phục' hay 'y phục' kuli <=> kuri <= kẩu / Maa (Thái) mưa = vũ = yũ = ôh (ô = dù) => ua Chăm:salan, zalan.MK: dza, ka-la tù => tộc => [zu] quanthoại 族 tí <= [si] Ngô-Việt 細 uống => [iong]Ngô-Việt {dùng} [kou] Phuckien 苟 there are: koe <= có (hai người lạ) [kong] Phúckiến (Mân) 剛 [ngin]Hẹ / [ngai]Mường mắt = cũng là 'mata' [to]Ngô 到 & [ta?]Ngô 達

Bảng I. Đối chiếu một số từ cơ bản Việt và Đa-đảo. Các chữ tắt: QT= quan-thoại, QĐ=Quảng Đông, N= Ngô-Việt, M-L= Mã-Lai, M-K= Môn-Khmer, [?]=tắc-âm thanh-môn - Âm sinh giữa [uh] và [oh] khi đọc nhanh [uh-oh]. Nhận diện người Đa-đảo trong lòng tộc người Việt cổ ở đây tập trung ở ba điểm: (a) Thói tục kị húy; (b) Giống nhau về một số từ vựng và văn phạm giữa tiếng Việt và các thứ tiếng Đa đảo; và (c) Theo ông Nguyễn Phụng, Giám Đốc trường Quốc Gia Âm Nhạc tại Sàigòn hồi xưa [21], cây đàn bầu 'một dây' (độc huyền cầm) cũng có mặt tại nhiều quần đảo thuộc người Đa Đảo. Kị húy trong tiếng Tahiti rất giống kị húy tiếng Việt: Tránh dùng hay kêu tên nhà lãnh đạo, và thay thế bằng một từ khác mang âm gần giống. Thí dụ, [Tu] tại nhiều quần đảo mang nghĩa 'Đứng' (to stand) [42], nhưng trong tiếng Tahiti phải nói [Ti?a] hay [Tiqa] tránh tên 'vua' Tū-nui-’ē’a-i-te-atua. Giống như ở xứ Đại Việt, người ta nói 'lợi' thay vì 'lị', cố tránh tên vua Lê Lị tức Lê Thái Tổ [14]. Dần dà về sau, [lị] biến mất và được thay thế thường trực 337


bởi [lợi]. Hay như 'Huỳnh' dùng thay cho họ 'Hoàng' kị tên chúa Nguyễn (Hoàng), đặc biệt ở Đàng Trong. Bảng I (theo [16]) cho thấy rất nhiều từ Đa-Đảo mang cùng gốc với tiếng Việt. Nhiều từ mang âm giống khá kì lạ. Như: tới (đến), con cua, đậu (xe), ăn, uống, tí (nhỏ), (của) tao, gỗ (cây), sữa, cá, cỏ (grass), có (there is, il y a), vế (bắp vế), xinh (đẹp), v.v. Ngoài ra còn một từ xưa nay vẫn tưởng thuần Nôm cũng mang tương đương trong tiếng Đa Đảo, theo với biến chuyển giữa âm “iu” và “âu” (Liu De Hua => Lau Tak Wa (Andy Lau)). Đó là: (gió) hiu-hiu (breeze), có tương đương trong tiếng Rapanui (Easter Island) là [hau-hau]. Về văn phạm cú pháp, các tiếng Đa-đảo có những tương đồng như sau với tiếng Việt:  Hai thứ nhóm chữ phân biệt 'đại danh từ ngôi 1 - số nhiều': 'Chúng Ta' (bao gồm) và 'Chúng Tôi' (phân cách) y như tiếng Việt và các phương ngữ phía Bắc Trung Hoa. Đặc biệt các thứ từ Đa-đảo chỉ 'Chúng Tôi' (không kể đến 'người nghe') thường mang âm [tau] giống như 'tao' tiếng Việt => tụi tao, chúng tao, ... Các từ chỉ 'chúng ta' (bao gồm mọi người) thường dùng âm [ma] có vẻ liên hệ gần xa với tiếng Việt 'mình': tụi mình, chúng mình, ...  Không phân biệt số ít - số nhiều cho danh từ: Một bạn gái / Nhiều bạn trai.  Các 'Thì' của động từ mang sắc thái y hệt Việt ngữ. Thí dụ, trong tiếng Samoa: - đã đi= na alu, - vừa đi= ua alu, - đang đi= e alu, - sẽ đi= ole a alu. Đặc biệt nhiều thứ tiếng có động từ có âm giống [Có] tiếng Việt và cách dùng cũng y như 'there is / there are' hay 'il y a' tiếng Tây: Có= Koe (Tonga), E Tiko (Fiji). Có một cái bị mà thôi= Koe kato pe ia 'e taha (Tonga). Có một chiếc xe hơi (ô-tô)= E tiko e dua na motoka (Fiji).  Thể mệnh lệnh cũng khá giống tiếng Việt: Đặt những 'lệnh từ' như 'hãy', 'đừng', 'xin' trước động-từ. Phân biệt luôn 'mệnh lệnh' hoặc 'đề nghị nhẹ nhàng'. Thí dụ tiếng Tahiti: Eiaha e parahi= Đừng có ngồi (mệnh lệnh) // Eiaha parahi= Xin chớ ngồi (ghế còn ướt). Tiếng Samoa, dùng [se'i] trong cách nói nhẹ: Ta đi hỉ? => Se'i Ta alu.  Hình dung từ thường theo sau danh từ như trong tiếng Việt: người đẹp. Samoa: le tamaloa malosi = người đàn ông mạnh; le fafine umi= người đàn bà cao. Trong tiếng Fiji: na sala balavu= con đường xa / đường xá xa xôi. Để ý: [na] là mạo từ, con / cái. [sala] cho ra âm tiếng Việt [xá] => đường xá. 'Xá' trong 'đường xá' cũng giống tiếng Chăm: [salan] hay [zalan] hoặc Môn-Khmer: [dza]. Từ nhận xét tổng-quát về các thứ tiếng Đa-đảo như trên, chúng ta có thể đúc-kết một lý-giải quan-trọng theo dạng câu hỏi với 'nhiều lựa chọn giải-đáp' như sau: Người đa-đảo mang gốc-gác tự nơi nào? Đáp: A. Tộc người đa-đảo Polynesian là một thứ tộc Việt bản-địa lâu đời, tức một tộc có sẵn trong lòng tộc người Việt Nam, xuất-xứ từ những hải đảo Thái Bình Dương; HOẶC: B. Người đa-đảo chính là người Việt cổ, mang danh 'thuyền-nhân đầu tiên' di tản bằng tàu bè chạy giặc từ miền duyên hải [41], ra sinh sống ở những hải đảo xa xôi, với mục đích chính: duy-trì và bảo-vệ tập-tục và lối sống cổ truyền của tổ-tiên [20]; HOẶC: C. Cả hai câu giải đáp A và B, ở trên. Xin phép ghi nhận: Nghiên cứu tiếng Việt (hay ngay cả tiếng Hoa) từ xưa đến giờ luôn luôn bỏ sót ảnh-hưởng của các tộc người Đa-đảo. Theo sát khuynh-hướng của các sử-gia hay nhà ngôn-ngữ Trung Hoa. Hoặc chờ đợi các khám-phá của người Âu-Mỹ. Ở góc cạnh này, và từ nhận xét về đối chiếu các tiếng Đa-đảo với tiếng Việt như trên, chúng ta có thể đánh một 338


dấu hỏi về cách phân xếp các nhóm ngôn-ngữ như Nam-Á hay Nam-Đảo, của các học-giả Tây-phương. Họ Lê hay họ Ly? Từ lúc bắt đầu viết loạt bài Hùng Vương này, chúng tôi vẫn mang một thắc mắc khá lẩm cẩm: Phải chăng họ Lê, trong một số phương-ngữ, có thể được phát âm như Ly? Và một số nhân vật đáng lẽ mang họ Lê lại được người sau viết nhầm ra thành họ Lý, bởi chỉ cần thay đổi thanh-điệu (thinh) chữ 'Ly' [17] - thêm dấu sắc kiểu quốc-ngữ - 'Ly' sẽ biến ra 'Lý'. Thí dụ: Lý Phật Tử, theo sách Tàu dẫn trong [18], mang tộc [Lái], tức [Hlai] theo cách phát âm của họ. Tộc [HLai] chính là tộc Lê (quan-thoại: [Li]), một trong hai tộc người bản-địa chính tại Hải-Nam. (Tộc kia: Miêu tộc). Phải chăng họ Lý của Lý Phật Tử, thật ra chính là Lê, đọc theo một phương ngữ nào đó, thành ra ‘Ly’ rồi sang ‘Lý’? Theo thiển ý, nếu hiểu rõ được biến-chuyển giữa [Lê] và [Ly] chúng ta có thể tháo ra thêm được một điểm gút mắt khá lớn trong câu chuyện truy tầm cổ sử Việt Nam. Trước hết xin để ý: - Họ 'Ly' là một họ rất phổ thông trong cộng đồng người Dao (thuộc nhóm Miêu-Dao tức Hmong-Mien) {xem [15]}; - Nhóm Miêu-Dao, xưa nay vẫn được xem thuộc khối Cửu Lê, phát âm theo quanthoại chính là [Jiu Li] {Lê <=> Li}; - Âm [ê] trong tiếng Việt phiên thiết từ tiếng 'Tàu' có thể cho ra dạng âm [i] => Tácgiả bộ 'Thủy Kinh Chú' được phiên thiết [21] như 'Lệ Đạo Nguyên'. Gần đây bản dịch mới 'Thủy Kinh Chú' [22] viết lại thành 'Lịch Đạo Nguyên': [Lệ] <=> [Lịch]. - Chữ 'Lệ' 麗 (dạng đơn giản: 丽) trong 'mỹ lệ', 'tráng lệ',... mang nghĩa 'đẹp', cũng thường được 'phiên thiết' sang quốc-ngữ là 'Ly'. Phát âm [le] cho từ 丽 này chính là âm của khối Mân Việt (Phúc Kiến). Hakka, quan-thoại và Ngô đọc theo [li], trong khi Quảng-Đông đọc [lai] hay [lei], gần với [lê] như Mân Việt. - Tương tự họ Lê 黎 đọc như 'Lê' chính là theo phát âm [Le] của người Việt gốc Mân (Phúc Kiến). Hakka, Ngô và quan-thoại đọc [Li], trong khi Quảng-Đông cũng như một vài nhóm Hakka phát âm như [Lai] hay [Lei]. Người 'Lê' (Lê tộc) ở Hải Nam tự gọi họ là [HLai]. Để ý, phát âm phương-ngữ giống căn nguyên nhất do ở thứ tộc xử dụng đã sống gần gũi với 'khổ chủ' nhất. Thí dụ: 'Ngựa' xuất phát từ khu vực Mông Cổ. Người Mông gọi đó là [Mohr] và người Tàu Hoa Bắc đọc gần giống [Ma] => mã. Tương tự, người Hakka sống gần Miêu-Dao, hay các tộc thuộc Cửu Lê, nên họ gọi 'họ Lê' vừa giống thứ Lê 'Miêu-Dao' là [Li] (=> [Ly]), vừa giống thứ Lê 'MônKhmer' là [Lai] y hệt như chính người [HLai]. - Tiếng Hán ‘Ly’ hay ‘Lê’ 黎 cũng mang nghĩa ‘Đen’ (màu đen). Tộc 'ly dân' [li min] chính là tộc da đen, gần đây có giả thuyết, liên kết tiếng Hán và Manding, cho rằng một thứ tộc thủy tổ từ Mandé (Phi Châu) của chủng Hoa Hạ [13]; - Trái lê (pear) viết theo Hán tự: 梨 , lại có phát âm Việt giống Quảng Đông nhất: [lei]. Hakka, quanthoại và Ngô đọc [li], trong khi Mân đọc trại ra [lai]. Một trang mạng cho biết họ Lê cũng dính dáng đến nghĩa 'người trồng cây lê' - nhưng chữ 'lê' lại lẫn lộn với 'ly' và họ Lý [32]. Còn nhớ ngày trước có tên gọi 'trái xá lỵ' (quanthoại: [ya li]=> [ya]= vịt nước) cho quả Nashi Pear theo tên gọi ngày nay? 339


-

Họ LÝ 李 của Lý Công Uẩn vẫn nằm trong cái vòng lộn xộn này. Hakka, quanthoại, Ngô và Mân đều đọc theo [li] tuy thanh-điệu (tone) hơi lộn xộn lẫn lộn với phát âm họ Lê (hay LY - không dấu) trong tiếng Việt. Chỉ có Quảng Đông lại đọc trệch thành [lei] giống [lê]. Bởi một ông vua nhà Lý có cho lập đền thờ Xy Vưu (xem [18]) và tôn-thất nhà Lý có vượt biên trở về cố quận ở khu Sơn-Đông & CaoLy (địa bàn xưa của nhóm Cửu Lê, trong đó chủ lực là Hakka và Miêu-Dao) - nên chúng ta có thể cho phát âm Hakka là phát âm nguyên thủy của [Lý].

Như vậy có thể kết luận: họ Lê có phát âm nguyên thủy chính là [Lai] khá gần [Lê] - dành cho thứ Lê tộc gần chủng Môn-Khmer - phía Hải Nam và Chiêm Thành. Lê cũng có phát âm kiểu Hakka và Miêu-Dao là [Li] (tức họ Ly, người Dao) - cho một thứ tộc Lê (Ly) khác thuộc nhóm Cửu Lê, hay Cửu Ly [Jiu Li]. Ngoài ra tộc Lê thuộc khối Cửu Lê cũng có thể đã được dùng để chỉ chủng Thái-cổ. Trong trường hợp này có thể phát âm xưa nghiêng về [Lai] tức gần 'Lê' hơn 'Ly'. Nói một cách khác: Họ Lê cũng như nhiều họ khác, có thể mang nhiều gốc khác nhau.  Gốc 'Lai' như người bản-địa ở Hải Nam - thuộc hệ Môn-Khmer: (a) Lý Phật Tử (thật ra, rất có khả năng: Ly (hay Lai) Phật Tử). (b) Lê Hoàn, tức Lê Đại Hành.  Gốc Thái-cổ, rất gần với người Mường: Bình Định Vương Lê Lợi. Rất tiếc chúng tôi chưa hề đọc được lý giải của Nhượng Tống, dịch-giả đầu tiên của bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, cho rằng người anh hùng đất Lam Sơn mang gốc tộc Mường (xem [21]). Tuy nhiên, chúng tôi xin mạo muội trình bày những lý do sau, gạn lọc từ bản dịch mới của bộ sử Ngô Sĩ Liên [18], để chứng minh người anh hùng đất Lam Sơn, rất có khả năng mang huyết thống chủng Thái-cổ: a) Tổ tiên 3 đời trước đã chọn đất Lam Sơn, thuộc Thanh Hoá, làm quê hương. Đất Thanh Hoá là nơi tập trung đông đảo cộng đồng người Mường, ngang ngửa với Hoà-Bình cho đến giữa thế kỷ 20 (theo [23]). b) Sau chừng 3 năm lập nghiệp tổ tiên Lê Thái Tổ gầy nên 'nghiệp lớn', đời đời làm chức 'Hùng Trưởng' tại địa phương [18]. 'Hùng Trưởng' chính là một lối gọi theo tiếng Hán, rất có khả năng tương đương với ... 'Hùng Vương', tức 'chef' một khu vực Mường bản. c) Mẹ của Lê Lợi có tên húy là Quách. Ta có thể đoán thân mẫu vua Lê, có thể mang họ Quách hay có bà con rất gần mang họ Quách. Theo [23], cả hai họ Lê và Quách đều là hai họ thuộc giới vọng tộc trong cộng đồng người Mường ở Hoà Bình & Thanh Hoá. d) Khối người (khoảng 100) đi theo Lê Lợi trong những ngày đầu, xuất thân từ một mường bản, mang tên Mường Yên, gần núi Chí Linh (Bù Ginh) [25] ở Thanh Hoá. e) Bộ sử ký của Ngô Sĩ Liên [23] cho biết điạ bàn hoạt động du kích của Lê Lợi nằm trong các mường bản nằm giữa Thanh Hoá và xứ Ai Lao (cùng chủng Thái-cổ). Toàn những 'đơn-vị hành-chánh' nầy bắt đầu bằng chữ 'Mường': Mường Yên, Mường Một, Mường Chánh, Mường Thôi, Mường Xỉa, Mường Lễ, Mường Mộc, v.v. f) Trong nhiều giai-đoạn của cuộc chiến 10 năm chống giặc Minh, Lê Lợi thường nhận được giúp đỡ từ phía Ai-Lao (xưa cũng có tên: Mường Qua [25]). g) Bộ tham mưu gần gũi của Lê Lợi, trừ Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn [24], đa số gồm những người cùng mang họ Lê. Có thể, hoặc thay đổi (hay được ban) họ Lê cho giống vua, hoặc chính bà con giòng họ người đất Lam Sơn. Kể sơ sơ: Lê Vấn, Lê Sát, Lê Văn Xảo, Lê Ngân, Lê Lý, Lê Văn Linh, Lê Quốc Hưng, Lê Chích, Lê Văn An, Lê Liệt, Lê 340


Miễn, Lê Lễ, Lê Chiến, Lê Khôi, Lê Đính, Lê Chuyết, Lê Lỗi, Lê Nhữ Lâm, Lê Sao, Lê Kiệm, Lê Lật, v.v. Theo lý giải kiểu nào, vua ban hay bà con vua, hằng trăm quần thần cùng mang họ Lê, cho thấy tính cách khá đặc biệt về Họ ở thời Lê Lợi. Riêng Lê Lai, trong chức vụ cỡ tham mưu trưởng, trái với hiểu biết thông thường, và theo [18], bị giết vì tội ngạo mạn, trước khi quân kháng chiến của Lê Lợi đánh đuổi được giặc Minh. Sử sách đời sau viết trệch Lê Lai liều mình cứu chúa (giỗ: 21 Lê Lai 22 Lê Lợi), có lẽ để xoa dịu bất mãn quần chúng đối với tính 'vắt chanh bỏ vỏ - được chim bỏ ná - được thỏ bẻ cung' - của các vua đầu nhà Lê. Chúng ta cũng thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề 'cội nguồn quyền lực' qua những sự kiện lịch sử sau: (i) Sau khi đánh được giặc Minh (1428), Lê Lợi phải chờ đợi vài năm mới được nhà Minh chính thức tấn phong ngôi vương xứ An Nam. Vua Lê sai sứ sang Tàu nhiều lần để thuyết phục với vua Minh con cháu dòng nhà Trần đã tuyệt tự cả rồi. Lần sau cùng (1431) mang thêm chứng cớ con cháu cuối cùng nhà Trần là Trần Cảo đã qua đời, mới xong. (ii) Có lẽ trong những năm chờ đợi phong vương, các cố vấn chính trị của vua Lê đã có lăng-xê một số tin đồn trong dân-gian là vua Lê Thái Tổ thuộc dòng dõi của vua Lê Đại Hành tức Lê Hoàn. Điểm này không thấy nhắc đến trong bộ Sử của Ngô Sĩ Liên [18], bởi bộ sử này được viết sau khi nhà Lê đã tạo dựng nền móng chính quyền vững chắc. Không còn cần thiết nữa. Tuy nhiên những thứ tin-đồn đó vẫn được truyền tụng qua vài quyển sử khác, thí dụ [19], và rất phổ thông trên những trang mạng lịch-sử internet ngày nay. (iii) Khi Nguyễn Phúc Ánh nhất thống được nước Nam vào năm 1802, ông sai quyền bộtrưởng quốc-phòng Lê Quang Định sang triều đình nhà Thanh xin thọ phong chức Vương, với quốc-hiệu Nam-Việt. Chính phủ ở Bắc Bình từ chối đôi ba lần, và mãi đến năm 1804 mới chính thức chấp-thuận với quốc-hiệu hơi khác là Việt-Nam [26]. Tiện dịp, cũng xin liệt-kê vội một số lý-do cho biết ông Đinh Tiên Hoàng có thể mang tộc gốc thuộc chủng Thái cổ, thường gọi nôm na là Mường: a) Vua Đinh Tiên Hoàng là con ông Đinh Công Trứ, thứ sử Hoan Châu. Hoan Châu là tên xưa của Thanh Hoá, nơi tập trung nhất nhì của người Mường vào giữa thế-kỷ 20. b) Chức vụ (quyền) 'thứ sử' Hoan Châu là do tướng Dương Đình Nghệ phong cho ông Đinh Công Trứ. Họ Dương 杨 [Yang] của Dương Đình Nghệ có xuất xứ từ khu vực Vân Nam [27], xưa gọi Nam Chiếu, địa bàn ban đầu của dân Thái Lan ngày nay. c) Họ 'Đinh Công' thuộc vào nhóm họ vọng tộc lãnh đạo trong cộng đồng người Mường ở Thanh Hoá (theo [23]). d) Bộ sử của Ngô Sĩ Liên [18] viết: 'Vua...quét sạch các hùng trưởng, nối lại đại thống của Triệu Vũ Đế' - đã cho một gạch nối giữa sự nghiệp của Đinh Bộ Lĩnh với Triệu Quang Phục, đại tướng của vua Lý Nam Đế tức Lý Bôn. Triệu Quang Phục thu nhận 'cội nguồn quyền lực' từ Lý Bôn (hay Lý Bí). Lý Bôn và anh là Lý Thiên Bảo, trong suốt sự nghiệp chinh chiến giành độc lập đều có hậu thuẫn là khối người Lão (tức Mường gần phía Ai Lao). Cũng như cứ địa ẩn náu của vua là động Khuất Lão thuộc khu vực người Mường ở Phú Thọ. e) Theo [18]: 'Vua còn nhỏ bồ côi cha; mẹ là họ Đàm cùng với gia thuộc vào ở động bên cạnh đều thờ Sơn thần'. Sơn thần, rất có khả năng, chính là Sơn Tinh. Theo [23] người 341


Mường chỉ thờ có Sơn Tinh, trong khi, chúng ta có thể thấy, người Kinh thường giữ thế 'trung lập' giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. f) Trong suốt thời nhà Đinh, không có cuộc nổi loạn nào do người Man (Mường) gây ra. Nguồn gốc tên gọi 'Người Tàu' và 'nước Tàu' Xin thử chọn một trong nhiều giải-đáp sau cho câu hỏi kiểu: 'Từ ngàn xưa cho đến thế kỷ 19, người Việt thường dùng thứ tên gọi nào để gọi 'người Tàu' hay người Hoa, ở phía Bắc?' - ĐÁP: A. Người Hán B. Người Hoa C. Người Đường D. Hoa kiều E. Người Ngô Có thể nói đa số chúng ta (kể cả người viết) đều chọn sai câu giải đáp. Điều này cho biết: (i) Dân Việt rất bận rộn trong vòng vài trăm năm qua; (ii) Kiến-thức thông-thường của người Việt về ngôn-ngữ, lịch-sử, và xã-hội, của chính dântộc Việt-Nam từ khoảng đầu thế-kỷ 20 đến nay, có vẻ mất một khoen nối liên-tục khá quantrọng [28]; (iii) Biến chuyển xã-hội từ lúc giao-tác với người Tây-phương quá sức to-tát. To-tát đến nỗi cái mớ kiến-thức hoặc chất xám, cần thiết cho giới sĩ-phu hay ê-lít để họ có thể ghi lại truyền cho đời sau, luôn đòi hỏi những công-trình liên-tục dài hơn một đời người. (iv) Vân vân, và vân vân. Câu giải-đáp đúng nhất cho câu hỏi trên chính là (E): Người Ngô, nước Ngô và giặc Ngô. Dẫn chứng: (a) Lời kêu gọi toàn dân toàn quân đứng lên đánh đuổi giặc Minh có tên 'Bình NGÔ Đại Cáo', do Ức-Trai tiên-sinh Nguyễn Trãi viết. (b) Nhiều câu ngạn ngữ vẫn thường dùng 'Ngô' thay cho 'Tàu': 'Răng trắng như răng Ngô', hàm ý: Người Tàu không có tục nhuộm răng. Hoặc: 'Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng' [40]. (c) Những quyển sách như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên [18], hay Sử Ký Đại Nam Việt xuất bản vào đầu thế kỷ hai mươi [19] vẫn thường dùng 'nước Ngô', hay 'giặc Ngô' để chỉ nước Tàu hay Trung Hoa. Bộ 'Sử Trung Quốc' của Nguyễn Hiến Lê [29] cũng như quyển 'Mã Lai' của Bình Nguyên Lộc [21], đều có ghi người Việt xưa thường dùng 'nước Ngô' để chỉ nước Tàu. Và tên gọi 'nước Tàu' chính thức đi vào sách vở, có lẽ từ dạo 'Việt Nam Sử Lược' của Trần Trọng Kim [30]. Chữ 'Tàu' thật ra chỉ từ từ thay thế chữ 'Ngô' vào đầu thế kỷ 20. Thay thế bằng cách bỏ bớt đi 'Ô' trong 'Tàu Ô', hay 'giặc Tàu Ô'. Chữ 'Ô' trong 'Tàu Ô' ngày trước thường cho mang nghĩa 'màu Đen' [34]. Thế nào là 'Tàu Ô'? Theo luận-chứng ngôn-ngữ của chúng tôi dùng để hỗ trợ lí-thuyết ở đây, [Ô] dùng trong [Tàu Ô] không phải [ô] màu đen, như 'chim quạ ô' mà lại là một lối phát âm của chữ ... Ngô {吳 }. Tàu Ô => giặc Tàu nước Ngô. Nước Ngô chính là nước Đông Ngô của Tôn Quyền (孙 权 ) trong thế chân vạc Tam Quốc, tranh giành Trung nguyên với Tây Thục (Lưu Bị) và Bắc Ngụy (Tào Tháo). Đông Ngô xưa nằm ở mạn các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, An-Huy, Chiết-Giang, v.v. tức phía bờ biển Đông, địa bàn của các chủng Lạc-Việt. Ở thời Câu Tiễn (Phạm Lãi - Tây Thi), vùng Chiết Giang đã mang tên nước Việt (viết như 越 y hệt chữ Việt của 'Việt Nam'). Đất này còn gọi 'Ngô Việt' hay 342


'U Việt' [31] {[U] hay [Ô] là phát-âm biến đổi của [Ngô]}, để xác nhận sự xáp nhập nước Ngô (Giang Tô) của Phù Sai vào nước Việt, khi Lạc Câu Tiễn (Câu Tiễn mang họ Lạc viết theo bộ Chuy: Luo Gou Jian ( 雒 句 踐 ) đánh bại Phù Sai vào năm 478 TCN. Tóm tắt: 'Ngô' là tên nước rất tốt của một vùng lãnh địa ở Trung Hoa, thuộc nhiều đám Việt tộc rất trứ danh: một (Ngô Việt) vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, và một (Đông Ngô) của Tôn Quyền vào thời Tam Quốc. Phát âm của [Ngô] (tức [WU]) qua các phương ngữ ra sao? Xin xem bảng đối chiếu sau: Việt

Hán-tự

Hẹ

Q. Đ.

Quanthoại Ngô-Việt

Ốc (nhà) Ô (quạ) Ngô (U/Ô)

屋 烏 吳

vuk vu / vua* ng / ngu

uk/ nguk wu ng

wu wu wu

o? u Hu

Phúc-Kiến ok ou ngou

Chúng ta có thể để ý: 1. Âm [v] là một âm đặc thù Hẹ, tương đương với [w] của quảng-đông và quan-thoại. 2. Con quạ, tiếng Hẹ phát âm nhẹ hơn, giống như: [vuạ]. Cả âm [q] và dấu nặng là phó sản của quốc-ngữ. 3. Lấy âm [wu] quan thoại làm chuẩn, biến âm các phương ngữ khác có thể cho ra: [U] (Ngô-Việt), hay âm rất gần [Ô] của Mân-Việt (Phúckiến-Triềuchâu) 4. Âm [wu] quanthoại cũng cho ra các âm tương-đương: [Ng] của Hẹ và Quảng Đông, phát âm rất giống [ưng], như [ửng] tiếng Quảng dùng cho [ngũ] (số 5). Bài thơ 20 chữ của vua Minh Mạng đặt tên lót hoàng tộc nhà Nguyễn có chữ 'Ưng' [33], có khả năng là một lối phát âm của chữ 'Ngô': Miên Hường ƯNG Bửu Vĩnh / Bảo Quý Định Long Trường / Hiền Năng Kham Kế Thuật / Thế Thoại Quốc Gia Xương. 5. Một biến thái của [Wu] qua tiếng Hẹ và Phúc-kiến chính là [Ngu] hay [Ngô] 6. Lối lột âm [ng] đằng trước là một thứ biến thái rất thông thường của phương ngữ Quảng và Hẹ: Ngu Kơ => Âu Cơ; Ngô Việt => U Việt, Ngai => Ai (tôi / tiếng Hẹ). Như vậy phát-âm [Ô] chính là phát âm của một số người Việt mang gốc Ngô & Phúc Kiến cho từ [Ngô] 吳 mang nghĩa 'người Ngô, nước Ngô'. Theo lối đặt họ-tên của người xưa, họ Ngô rất nhiều khi mang nghĩa người có gốc gác từ nước Ngô [38] [39]. Và cũng là một trong nhiều lý do chính khiến người Việt xưa có thói quen gọi người Tàu bằng người Ngô. Bởi người Ngô cũng là một bộ phận nòng cốt thuộc Việt tộc đã sát nhập với Hoa chủng tạo nên Hán tộc của Trung Quốc ngày nay. Lý do kia là nước Đông Ngô của Tôn Quyền chính là nước đô hộ xứ Giao Châu thay thế nhà Đông Hán - sau khi nhà Hán tan rã - trong thế chính trị chân vạc Tam Quốc (189-280). Tên gọi 'Ngô' cùng một lúc gợi nên rất nhiều dấu ấn lịch sử xa xưa, tổng hợp được một lượt 3 thứ: Họ, Ta, và Lịch sử oai hùng của Việt tộc ở hai phía, Bắc phương lẫn nước Nam. Tức phản ánh được lý lịch hết sức phức-tạp và gút mắt của một bộ phận quan-trọng tộc người Việt-Nam. Như vậy trong hằng nghìn năm, người Việt đã gọi Bắc phương là người Ngô, nước Ngô, và giặc Ngô. Rồi tên gọi 'Tàu' bắt đầu thay thế dần 'Ngô' từ nhóm chữ: 'tàu giặc Ngô', hay 343


'người Tàu từ nước Ngô', hoặc 'người Tàu Ngô' và 'giặc Tàu Ô', với 'Ô' thay cho 'Ngô' trong một phát-âm địa-phương. Nhưng tại sao lại gọi 'Tàu'? 'Tàu' thật ra cũng tiếng 'Tàu' theo phát âm Hoa Nam. Có thể mang những gốc gác sau:  Biến thái từ phát âm Hẹ [tsau] và Quảng-Đông [tsou] của 艚 mang nghĩa: tàu bè  Phát âm Quảng-Đông [zau] của 舟 cũng mang nghĩa: Tàu (boat)  Phát âm Ngô-Việt [zO] của phát âm Quảng-Đông [syun] hay Việt [thuyền]: 船  Phát âm [to] của Hẹ và Quảng Đông cho 柁 , nghĩa: bánh lái tàu.  Phát âm [tan] tiếng Hẹ cho 蜑 , nghĩa: 'Thuyền-nhân từ vùng Quảng Đông-Phúc Kiến'  Từ tiếng Hẹ [tsau] hay tiếng Quảng [zaau] 櫂 , một từ tổng quát mang nghĩa: chiếc tàu.  Phát âm Hẹ y hệt [tau] 盗 tương đương quan-thoại [dao] tức 'đạo' trong 'đạo tặc'.  [Tau] trong tiếng Hẹ 盗 đi đôi với [ba] 霸 có thể cho ra [ba tau] (Hẹ), rất giống: Ba Tàu. Thật ra [ba] 霸 đó có phát âm Hải Nam y hệt như tiếng Việt: [Bá Đạo]. 'Ba Tàu' rất có khả năng một lối phát âm của 'Bá Đạo'. 'Bá' viết y hệt như trong 'Bá Vương'. Chữ 'Bá' trong 'Bá Vương' hay 'Bá Đạo', thường hàm ý xấu (trong tiếng Tàu nguyên thủy): tay anh chị, nhà lãnh đạo độc tài khắc nghiệt.  Âm [tau] cũng có thể tương ứng với âm “Hán Việt” thô (粗), Quảng Đông [tsou], chỉ người thô bạo hay to lớn (rất có thể thuộc thành phần di dân chạy giặc Mãn Thanh), hoặc phát âm quốc ngữ cho chữ 曹, âm theo tiếng phổ thông [cao], mang nghĩa một nhóm người, bọn người. Chữ 'Tàu' trong “Ba Tầu” hay 'Tàu Ô' có thể mang gốc từ một hay nhiều ý nghĩa kể trên. Và đến thế kỷ 20, chữ 'Ô' đọc thay cho 'Ngô', trong 'Tàu Ô', hoàn toàn biến mất khỏi từ vựng Việt-ngữ. Chúc Anh Đài, Hoàng Dung, và nguồn gốc tên đệm 'Thị' Nghiên-cứu lịch-sử của người Tây phương, chúng tôi tình cờ phát-hiện, thật ra hết sức yếu về vấn đề Mẫu-Hệ. Chung qui, cũng ở lý do, lúc các quốc gia ở Âu Châu ngày nay bắt đầu hình thành, xã-hội của họ đã vượt khỏi Mẫu hệ khá lâu. Khiến ảnh hưởng Mẫu-Hệ trên những biến động lịch-sử không còn dấu vết, hoặc là một chuyện hoàn toàn không có, hay không cần phải quan-tâm trong công cuộc nghiên-cứu sau này. Khi nghiên-cứu về cổ sử Á Châu, nhất là với Trung-Hoa, người Tây phương lại vướng phải hội-chứng (hay mặc cảm) Tần Thủy Hoàng của chính người Hoa. Đó là thứ hội-chứng luôn luôn chối bỏ, không thèm biết đến thời gian xã-hội đã theo Mẫu hệ. Hoặc cố-tình bóp méo lịch-sử cho rằng xã-hội Trung-Hoa đã chuyển sang Phụ-hệ rất sớm, cách đây trên 4000 năm. Nhưng nếu đọc kỹ sách vở về văn minh hay lịch-sử Trung-Hoa, chúng ta sẽ thấy rất dễ dư-âm của thời Mẫu hệ hãy còn vọng mãi cho đến ngày nay. Ít ra chuyển hệ từ Phụ sang Mẫu, nhất là trong khối người đông đảo ở Hoa-Nam, không có sớm sủa như người Hoa thường thích rêu rao. Xin dẫn chứng sơ sơ:  Chữ 'tánh' [xing] 姓 dùng chỉ 'Họ' [35], có bộ nữ 女 bên trái, viết chung với 'sinh' (sheng) 生 bên phải; 344


 Tên vua Nghiêu 姚 (Hẹ đọc rất giống: [ngiau]), cũng dùng bộ nữ bên trái;  Vua Nghiêu truyền ngôi cho rể là Thuấn tức Đế Thuấn, dấu vết một loại Mẫu hệ?  Trong vương hiệu Tần Thủy Hoàng Đế 秦 始 王帝, chữ 'Thủy' 始 cũng chứa bộ nữ. 'Thủy' cũng như nhiều tên Họ khác của người Hoa, mang khuynh hướng chứa bộ Nữ;  Chiến tranh gồm thâu lục quốc của Tần Thủy Hoàng, và tiếp theo bằng việc tiến chiếm phía Tây Hoa-Nam, theo thiển ý phản ánh một phần lớn xung đột giữa Mẫu Hệ và Phụ Hệ. Phe thắng cuộc là phe nhà Tần. Và các cộng đồng hoặc thị tộc của xã hội nước Tần, có lẽ đã theo Phụ Hệ trước nhất;  Tần Thủy Hoàng chúa ghét Mẫu Hệ (cũng như các thứ đạo giáo, tín ngưỡng không giống thứ của nước Tần, như Nho giáo chẳng hạn). Ông ra lệnh bắt những anh chàng đi ở rể (dấu vết Mẫu hệ) đem đi lính đánh giặc Hồ ở phương Bắc, hay ở vùng Ngũ Lĩnh phía Nam;  Theo các tự dạng tìm được ở mu rùa [21], vào đời nhà Thương (khoảng 1650-1120 TCN), tục thờ cúng tổ tiên tập trung ở Mẹ và Bà Ngoại;  Việc nhường ngôi vua ở đời nhà Thương [21], cũng theo thói tục nhường lại cho các em cùng mẹ, chứ không phải truyền lại cho 'hoàng tử', con trai vua;  Để ý chữ Hôn trong 'hôn nhân', 'thành hôn' được viết theo lối tượng hình 婚 bao gồm 3 chữ: Nữ 女, Thị 氏 (thị tộc), và Nhật 日 (ngày). Dịch thẳng nghĩa: Ngày đánh dấu bắt đầu một thị tộc mẫu hệ mới.  Trong văn hoá người Hoa (lẫn Việt), cho đến ngày nay, người nữ sau khi lấy chồng vẫn giữ vững họ riêng của mình (Thí dụ: Ông Quách Tĩnh * Bà Hoàng Dung).  Tên họ người Hoa, nhất là ở Hoa Nam, cho đến ngày nay, vẫn thường ít phân biệt giữa tên người nam và người nữ. Đọc truyện hay xem phim ảnh Tàu, chúng ta vẫn thấy cảnh gái giả làm trai đi hành hiệp chốn giang hồ mà ít ai hay biết. Thí dụ: Chúc Anh Đài (sau cặp bồ với Lương Sơn Bá), Hoàng Dung (vợ Quách Tĩnh), trung tướng Hoa Mộc Lan, v.v. Bởi ngoài việc trai gái Hoa vẫn để tóc dài như nhau, lối đặt tên của họ ít khi phân biệt nam hay nữ: Hoàng Dung => Chu Dung Cơ. Chúc Anh Đài => Diệp Kiếm Anh. Trương Mạn Ngọc => Phương Thế Ngọc. Ở điểm 'giả-vờ không có qua mẫu-hệ', Việt-tộc có vẻ đã từ chối không chịu cóp người Hoa. Họ thẳng-thắn không chịu mang theo hội-chứng Tần-Thủy-Hoàng, lúc đi di tản. Bởi chính ước muốn ban đầu, muốn duy trì mẫu hệ trong lối sống, đã là một trong những lý do chính thúc đẩy một số đông các thị tộc Bách Việt (trừ nhóm Lạc Việt ở khu Hoàng Hà, theo Phụ hệ một lượt với tộc Hoa Hạ), cuốn khăn gói, lũ lượt di tản ra khỏi Hoa Nam, và chạy về định cư tại xứ Việt cổ. Họ đã truyền tụng lại cho con cháu một số các chuyện cổ tích xoay quanh vấn-đề tranh chấp giữa Mẫu hệ và Phụ hệ. Xin phép tóm tắt như sau. 1) Câu chuyện 'cơm không lành canh chẳng ngọt', rồi chia tay giữa bà Âu và ông Lạc, chính ra biểu tượng đầu tiên của tranh chấp Mẫu hệ và Phụ hệ, trong xã-hội Việt. 2) Muốn cho chắc ăn, tiền nhân truyền khẩu thêm hai chuyện cổ tích nữa: (i) Chuyện Trọng Thủy đi ở rể và dụ Mỵ Châu (ái nữ của An Dương Vương Thục Phán) cho biết bí mật nỏ thần, rồi fax phó bản, hoặc gửi email, về cho Cha là Triệu Đà; (ii) Chuyện con trai của Lý Phật Tử lấy con gái của Triệu Quang Phục, tức Triệu Việt Vương. Triệu Việt Vương có vũ khí tối tân là cái móng rồng do (thần) Chử Đồng Tử trao tặng. Con trai Lý Phật Tử là Nhã Lang, ở rể, cũng dụ vợ theo sách Trọng Thủy, và lấy được móng rồng, cho cha. Sau đó (năm 571), Lý Phật Tử khởi binh đánh cho sui gia Triệu Quang Phục 345


phải thua chạy về, rồi tự trầm tại, cửa biển Đại Nha (sông Đáy). Khác với truyền tích Âu-Lạc, hai huyền thoại Trọng Thủy và Nhã Lang, có vẻ nhấn mạnh, thứ nhất, trên bình diện quân-sự, mẫu hệ có vẻ lép vế với phụ hệ, và thứ hai, có lẽ xã hội cần phải chuyển sang phụ hệ mới có thể đối đầu với Bắc phương. 3) Tiếng Việt có nhiều thứ động từ chỉ 'hôn nhân': dựng vợ, gả chồng, cưới vợ, ... Nhưng, xin để ý: 'Lấy'. 'Lấy' có thể dùng cho hai bên: lấy vợ, lấy chồng. 'Lấy' là một tiếng có gốc Thái (Thái Lan và Quảng Đông có những từ phát âm rất giống), có vẻ phát xuất bằng 'lấy chồng' từ thời mẫu hệ. Về sau, chuyển sang phụ hệ, biến ngay thành: lấy vợ. Rồi vẫn giữ cách dùng cân đối hai bên: lấy vợ - lấy chồng [43]. Nhưng dấu vết sâu đậm nhất của mẫu-hệ tại nước Nam chính là tên đêm 'THỊ' cho rất nhiều người nữ tại Việt Nam từ xưa đến nay. 'Thị', như trong 'Lâm Thị Chín', nghĩa là gì? THỊ viết theo Hán tự 氏; [shi] là chữ 'thị' dùng cho Thị Tộc (Clan), tức một khối người có chung một huyết tộc, hay có thể truy về một thứ tổ tiên chung. Dễ hiểu hơn, Thị Tộc bao gồm một phần nào đó của một bộ lạc lớn, cỡ vài nghìn người. Thị Tộc có thể dựa trên Mẫu Hệ hoặc trên Phụ Hệ. THỊ thông thường mang 3 định nghĩa: (i) một chức tước, do triều đình ban cho (Thị Lang); (ii) Thị tộc, hay tên Họ; và (iii) tên đệm đặt tiếp sau tên họ cũ người nữ trước khi lấy chồng. THỊ 氏; trong nghĩa quan trọng nhất liên-hệ đến Thị-tộc, chính là một thứ Phó-Họ, tức loại Họ dành cho ... phó thường dân. Tên Họ [35] dành cho dòng dỏi con vua cháu chúa chính là Tánh [xing] 姓 trong 'Danh Tánh'. Nhưng ngày nay phân-biệt giữa Thị và Tánh (Họ) trở nên mù mờ. Tuy vậy, trong ý nghĩa hiện-đại, nhiều người cùng một Họ, chẳng hạn họ Phan Huy, họ Đặng, họ Thân-Trọng, họ Hồ Đắc, v.v. có thể cùng chung một Thị tộc, nếu nhận ra một tổ-tiên nguyên-thủy chung. Từ những nhận xét đó, chúng tôi xin đưa ra lý giải rằng, tên đêm 'Thị' cho người nữ tại Việt Nam, được đặt ra từ thời mẫu-hệ, tại khu vực Hoa Nam, hay xứ Việt cổ. Nó mang nghĩa ban đầu tên họ của Mẹ, là tên đặt trước chữ Thị. 'Lâm Thị Chín' có nghĩa họ của Bà Chín trước khi đi lấy chồng chính là họ Lâm. Sau khi về nhà chồng, bà Chín sinh con mang họ của Chồng (họ Phạm chẳng hạn). Hoặc tên họ người nữ bắt buộc hàm chứa tên Thị Tộc theo tinh thần Mẫu Hệ [36]. Tức chỉ có con gái mới được mang họ (Thị) của Mẹ hay của dòng tộc. Tên đệm Thị đã có tại xứ Việt vào thời xa xưa: Bà Triệu Thị Trinh. Thế 'Văn' dùng tên đệm cho người nam xuất từ đâu ra? Có lẽ chỉ đơn thuần phản ánh biến chuyển từ Mẫu hệ sang Phụ hệ của người Hoa Nam và Việt cổ. Nó cho biết tinh thần yêu chuộng văn chương, chữ nghĩa của dân Việt, xưa và nay [37]. 4 tháng 7 năm 2006 Ghi Chú 346


[1] Xem: http://en.wikipedia.org/wiki/Matrilineal. Trong nhiều cộng đồng theo Mẫu hệ, gia tài người Cậu có khi được để lại cho con trai của người Mẹ. [2] Xin chú ý nguyên lý trích dẫn chữ Nôm gốc Hoa Nam trình bày ở đây, ít khi dựa vào âm Hán-Việt, mà bao gồm những âm gần giống trong nguyên bản, trước thời chưa dùng ký âm kiểu a-b-c. Một số âm Nôm du nhập qua lại trước thời người Bách Việt biết đến pinyin hay phiên âm theo a-b-c. Thí dụ: âm cho ra chữ [Mợ] có thể xuất xứ từ [bợ] hay [bei], hoặc [mo] - đôi khi mang nghĩa hơi khác. Để ý âm [bei] và [mei] rất giống nhau bởi cả hai đều là âm môi-môi. [Mợ] cũng có thể xuất xứ từ tiếng Chăm [miq] mang nghĩa 'cô'. Chúng tôi cũng để ý: Có vẻ vào thời cổ đại, không có phân biệt giữa hai từ quan trọng 'vợ' và 'mợ' (hay 'mẹ'). Thí dụ: gà mái = gà mẹ. Tiếng 'Mợ' (vợ Cậu) nói theo kiểu Hải Nam chính là [jiu ma] => 'má cậu' => 'mợ cậu'. Để ý đến âm của 母, tức [mẫu] hay 'mẹ': Hakka (Hẹ): [mu] hay [me]. Quảng Đông: [mou] hay [mau]. Quan thoại: [mu] hay [wu]. Ngô: [mu]. Mân (Phúckiến): [bo]. Phát âm quan-thoại có thời là [wu]. [Wu] quanthoại thường có tương đương Hakka (Hẹ) là [Vu]. [Vu] tiến đến [vợ] rất dễ. Tương tự [Wu] tương đương với [bo] Mân. [Bo] tiến đến [byợ] kiểu Nam bộ cũng rất dễ. Để ý tiếng gọi 'vợ' hay 'mẹ' phía Bắc thời Ngô-Tất-Tố có thể là [Bu]. [Bu] / [vợ] / [mợ] hoàn toàn nằm trong vòng biến âm giữa các phương-ngữ Hoa-Nam. Cũng xin để ý đến một lối gọi người CHA - bằng 'Bố'. Tiếng Huế xưa là 'Bọ'. Tiếng Thái: [Po] = Bố, [Me] = Mẹ. Tiếng Chăm gọi người được kính trọng là [Po] (ngài). Một từ Hoa 甫 đọc [Po] theo kiểu Hàn, [Pu] Hakka, [Bu] quan-thoại và [Fu] Ngô, cũng mang nghĩa 'Bố'. 'Bố' vẫn có thể xuất phát từ phát âm [Bo] 母, dành cho Mẹ của người Mân (Phúc Kiến). Lúc chuyển từ Mẫu hệ sang Phụ hệ. Từ 嫜 [zhang] đọc theo quanthoại, và [zong] kiểu Hẹ (Hakka) mang nghĩa Cha chồng, có chứa bộ 'Nữ' 女 bên phía trái. [3] GERARD MOUSSAY, Nại Thành Bô, Thiên Sanh Cảnh, Lưu Ngọc Hiến, Đàng Năng Phương, Lưu Quang Sanh, Lâm Gia Tịnh, Trương Văn Tốn (1971). Tự Điển Chàm-ViệtPháp. Trung tâm Văn-hóa Chàm - Phan-Rang. [4] Một bộ phận chủ lực phía Bắc trong lòng tộc người Việt Nam, cho thấy có xuất xứ từ miền cực Bắc nước Tàu, tức người Hẹ (Lạc) cổ, theo phụ hệ trước khối Bách Việt ở Hoa Nam khá lâu. Tộc người Việt gốc Hẹ (Lạc) cổ này mang khuynh hướng dùng Chú / Bác/ Cô là chính yếu. Vai trò quan-trọng của người 'Cậu' trong Mẫu-hệ ở phía Nam, hãy còn để lại dư-âm trong bản 'tân-nhạc' trong những năm 90 của thế kỷ qua: 'Rau đắng sau hè'. Có một dạng Phụ-hệ hơi 'lai căng': trong cộng-đồng người Miêu (Hmông) ở Việt-Nam, vai trò người Cô ([phâux], chị hay em của Bố) rất quan-trọng. Ý kiến của bà Cô rất quan-trọng trong việc cưới-gả cháu trai cháu gái, và tổ chức ma chay cho Bố Mẹ các cháu [9]. [5] http://www.goddess.ws/kuan_yin.html [6] Thật ra cộng-đồng các quốc-gia Âu Châu và Anh-quốc ra đời rất muộn so với TrungĐông, Hy-Lạp và La-Mã. Benjamin Disraeli, thủ tướng Vương quốc Anh cuối thế-kỷ 19, mang gốc Do Thái, trong một lúc bực mình đã phát biểu với đồng viện ở quốc hội, đại khái: 'Ngày xửa ngày xưa, trong khi tổ tiên chúng tôi đang thờ phượng Đấng Bề Trên, tổ tiên các ngài hãy còn... ăn lông ở lỗ, đi săn bắt thú trong rừng'. [7] Tiếng Việt: 'vợ-chồng', 'hai vợ chồng', 'cặp vợ chồng', ... có vẻ phảng phất âm hưởng Mẫu Hệ, đưa 'vợ' đi trước 'chồng'. Trong khi trong Anh ngữ, thường Husband đi trước Wife: Husband and Wife. [8] Hai thí dụ cho thấy phát âm 'Giêng' có thể chuyển từ / sang 'Dần' ([iên] <=> [ần]): Nhà Tần, tiếng Quanthoại là 秦 đọc [Qin]. Họ Trần: 陳 đọc theo Hakka: [Chin] hay quan-thoại: [Chen]. Ngoài ra trong tiếng người Dao (trong 'cặp bài trùng' Miêu-Dao, tức Hmong-Mien) tại Việt Nam, năm Mậu Dần họ phát âm như: 'Mù diền' [15]. 'Diền' phát âm Hakka hay Bắc chính là 'Dziền' hay 'Giền' => 'Giêng'. 347


[9] Trần Thị Thu Thủy (Chu Thái Sơn chủ biên) (2003) Người Hmông. Nxb Trẻ. [10] Rất nhiều dân tộc trên thếgiới dùng chung 1 từ cho 'Trăng' và 'Tháng'. Thí dụ: tiếng Aborigine (thổ dân) Úc: [gakgalak]. Tiếng Persia (Iran): [măh]. Tiếng Myanmar (Miến): [là]. Mã-Lay: [bulan]. Việt cổ (bản địa): [bulăng] => [blăng] => [trăng] {theo kiểu kí-âm quốc-ngữ}. Nhưng [tháng] lại rút từ cách gọi người Thái: [deuan], phối hợp với [thang] thuộc tiếng Phúc Kiến (Mân) hàm ý 'trăng mọc'. Người Việt cổ ngày xưa gọi màu trắng là màu trăng (màu của trăng). Giống y như người Thái gọi sắc trắng là sắc [gãow] tức màu [gaow] (gạo). Tiếng Tàu chỉ màu trắng là [Bai] (bạch). [Bai] mang cùng âm với một từ cũng đọc [Bai] (tuy có thể khác thinh) 粺 mang nghĩa 'gạo trắng'. Một từ khác chỉ màu trắng trong tiếng Hán là 精 [tinh] => trắng tinh. 'Tinh' cũng mang nghĩa gạo trắng, và dùng từ ghép như: tinh-xảo, tinh-vi, tinh-tế, tinh-trùng, quỷ-tinh (oan hồn => màu trắng). Trở lại tiếng Việt: màu trắng là màu của trăng. Theo Terry Crowley trong quyển 'An Introduction to Historical Linguistics' (1987) do Nguyễn Cung Thông (2005) dẫn: Tiếng Kara của New Ireland thuộc Anh-quốc, từ 'mặt trăng' cũng là [bulan] hay [fulan]. Tức bên trời Âu đã có từ [bulan] dùng để chỉ mặt trăng. Tiếng Tây dùng chỉ màu trắng là gì? Là BLANC, cho thấy mang âm cùng gốc với BULAN, chỉ mặt trăng. Việt xưa giống Tây chỗ đó. [11] Trần Quang Hải (2005) Dân Ca Việt Nam. Đặc San - Hội Ái Hữu Petrus Ký (Úc Châu), số 6. Theo Gs Trần Quang Hải, âm giai dùng trong loại hát ru em thay đổi theo từng vùng. Bắc: thanh âm ngũ cung - do re fa sol la do. Trung: âm giai tứ cung - do fa sol sib do. Nam: âm giai ngũ cung - do mib fa sol la do. Website: http://tranquanghai.info & http://tranquanghai.multiply.com [12] Nguyễn Cung Thông (2005) Vài suy nghĩ về nhóm từ 'Bố Cái Đại Vương' và nguồn gốc chữ Nôm. (Tư liệu chưa xuất bản) [13] Polynesians: http://www.pbs.org/wayfinders/polynesian.html http://hpgl.stanford.edu/publications/PNAS_2000_v97_p8225.pdf http://www.answers.com/topic/tahitian-language (kị húy) http://www.geocities.com/Tokyo/Bay/7051/blshang.htm [14] Về sau, [Lợị] thay luôn cho [Lị], và thay luôn tên húy hay tên gọi ban đầu thật của vua Lê Lị. [15] Võ Mai Phương (Chu Thái Sơn chủ biên) (2005) Người Dao. Nxb Trẻ [16] Charles Hamblin (1984) Languages of Asia & The Pacific. Angus & Robertson. [17] Cách đây một hai năm, tại thành phố Bankstown (Sydney) có một tiệm uốn tóc hiệu Vân Ly hay Vân Lee. 'Ly' hay 'Lee' đó viết bằng 黎 , chính là họ Lê của người Việt. [18] Ngô Sĩ Liên (1479) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. (Cao Huy Giu & Đào Duy Anh dịch và hiệu đính). Nxb VănHoá ThôngTin (2004). [19] Annales Annamites & Quốc Triều (1909) Sử Ký Đại Nam-Việt. Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa (1974 Saigon / 1986 Montreal). [20] Nếu dựa vào triết lý, không ai có thể xác định đời sống ở hải đảo và cuộc sống tại các đô-thị văn-minh của các quốc-gia tiên tiến, thứ nào hơn thứ nào. Bằng chứng đơn giản là rất nhiều hải-đảo ngày nay vẫn thường được gọi 'nơi chốn thiên đường paradise', dành riêng cho các tài tử xi-nê có nhiều tiền. [21] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu (tái bản tại Hoa Kỳ) [22] Lịch Đạo Nguyên chú, Dương Thủ Kính, Hùng Hội Trinh sớ, Đoàn Hy Trọng điểm hiệu, Trần Kiều Dịch phúc hiệu (1999) Nguyễn Bá Mão dịch (2005). Thủy Kinh Chú Sớ. Nxb Thuận Hoá. Bộ 'THỦY KINH CHÚ' do các học giả người Hoa soạn từ thời Tam Quốc 348


(220-265), cho biết nhiều vị làm nên chức Thứ Sử tại Giang Nam hay Giao Chỉ có gốc 'Man'. [23] Jeanne Cuisinier (1946) Les Mường, Géographie et Sociologie humaine. Institut d'Ethnologie - Paris, France [24] Nguyễn Trãi bên ngoại thuộc dòng tôn thất nhà Trần (Trần Nguyên Đán). Ức Trai tiên sinh có bà con với tướng Trần Nguyên Hãn (có thời được Lê Lợi đổi sang họ Lê => Lê Hãn). Cả hai Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn, mặc dù đã xin về hưu, nhưng vẫn không yên. Đều bị các vua Lê sát hại. [25] Bù Ginh => núi Chí-Linh. [Bù] => [Pu] là tiếng Thái mang nghĩa 'núi'. 'Ging' có thể phát âm giống như [Jing] hay [Ring]. [Ring] trong tiếng Thái (giống âm 'r' Quảng Đông) dễ biến sang [Ling] mang nghĩa con khỉ => phát âm [Linh] => Chí Linh. Tiếng Tàu có vài phương ngữ cho ra âm [li] hay [zi] hoặc [gi] chỉ con khỉ. Núi Chí Linh thời xa xưa có thể là núi có nhiều khỉ? Cũng có thể lý giải [Ginh] có cùng xuất xứ với tiếng Thái [Jit] mang nghĩa 'linh thiêng', 'linh hồn'. [Jit] => [Ginh] => [Linh]. 'Mường Qua' = nước Lão Qua, tức Ai-Lao => chủng Thái. Mường => chủng Thái-cổ. [26] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (chủ biên: Cao Xuân Dục) (1998) Quốc-Triều ChínhBiên Toát-Yếu. Biên soạn: Trần Đình Phong. Hiệu đính: Đặng Văn Thụy & Lê Hoàn. Nxb Thuận-Hoá. [27] http://en.wikipedia.org/wiki/Chinese_surname http://www.tocatch.info/en/Chinese_surnames.htm http://www.geocities.com/tokyo/3919/ http://en.wikipedia.org/wiki/Song_Dynasty_(960-1279) http://www.geocities.com/tokyo/3919/ http://www.geocities.com/james_lee.geo/Chinesewords.htm http://www.yutopian.com/names/06/6Ruan179.html http://www.mayrand.org/meaning-e.htm [28] Điển hình qua một vài từ cơ bản: 'Trăng' ngày trước phát âm như [Bờ-lăng]. 'Tôn giáo' cho đến những năm 1950's hãy còn phát âm như 'Tông giáo'. 'Trời' như 'Blời'. 'Trẻ con' như 'tlẻ kon', và hằng ngàn từ khác. Đặc-biệt giới ê-lít Việt theo Tây-học từ giữa thế kỷ 20 đến nay, có vẻ lúc nào cũng cho rằng tiếng Việt ngày xưa mang phát âm y hệt như chữ quốc-ngữ dùng để ký-âm truyện Kiều in ấn trong các sách giáo-khoa bậc trung-học. [29] Nguyễn Hiến Lê (1997) Sử Trung Quốc. Nxb Văn Hoá [30] Trần Trọng Kim (1971) Việt Nam Sử Lược. Nxb Trung-Tâm Học Liệu (Bộ Giáo Dục). Nxb Đại Nam tái xuất bản tại Hoa Kỳ. [31] Một học giả Hán-Nôm tại Việt Nam, với sự kính trọng và ngưỡng mộ hãy còn đó, có viết trong một quyển sách, ông không hiểu tại sao người Nam bộ lại phát âm sai 'tôi' thành ra 'tui'. Thật ra, như chúng tôi đã trình bày nhiều lần, biến chuyển phát âm trong tiếng Việt phản ánh 100% biến chuyển âm-vận giữa các phương ngữ Hoa Nam. Thí dụ: [V] => [W] => [Y] => [B] => [M], v.v. Âm [U] đặc biệt ưa qua lại với [Ô]. Thí dụ: nước U Việt, bây giờ ưa viết thành NgÔ Việt. [Vui] {Byui} => [Bôi] => ông Hồ Văn Bôi cũng gọi Hồ Văn Vui, nhạc phụ vua Minh Mạng. [Wung] hay [Ung] trong vài phương-ngữ tiếng Hoa, biến thành [Ông] trong tiếng Việt và Chiêm Thành. Họ Hoàng tại Việtnam được kí âm như Huang ('u' thay 'o') trong phiên-âm pinyin tiếng Quanthoại. Kung-Fu => Công-Phu. Trong thí dụ ‘Ba Tàu’ <=> ‘Bá Đạo’ ở trên chúng ta lại thấy lí do tại sao phát âm Nam bộ không phân biệt âm cuối [u] và [o], theo kiểu [Tàu] và [Tào]. Bởi phương ngữ gốc của họ, rất có khả năng đã biến đổi qua lại giữa âm [au] (tau) của Hẹ với âm [ao] (dao) quan-thoại hay Mân. Tức Nam bộ mang nhiều gốc Mân trong âm [o] cuối. 349


[32] http://www.yutopian.com/names/ [33] 'Ưng' chính là tên đầu của vua Hàm Nghi: Ưng Lịch. 'Ngô' (tức Ô hay Ưng) trong nghĩa nguyên thủy (tiếng Ngô Việt) là to lớn, vĩ đại. Trong âm tiếng Hoa Nam có thể biến chuyển với 'Hưng' trong 'hưng thịnh'. Theo vài trang mạng, ‘Ưng’ [Ng] tức họ Ngô, cũng mang nghĩa ‘người trọng tình huynh-đệ’. Tự vị của Paulus Huình Tịnh Của, có ghi thêm nghĩa của chữ ‘Ưng’: tiếng chúc, tiếng trù. ‘Ưng’ tiếng Nôm còn mang nghĩa thông thường: ‘ưng chịu’, ‘đáng lý’, ‘chim ưng’. [34] Lý giải ngày trước liên kết chữ 'Tàu Ô' với giặc 'cờ đen' của Lưu Vĩnh Phúc, gốc người Quảng Tây. Thật ra đám cờ đen chỉ là một trong 3 đám tàn quân của giặc Thái Bình Thiên Quốc ở miền Quảng Tây - Quảng Đông. Hai đám kia là cờ vàng và cờ trắng. Giặc cờ đen chỉ 'quậy' trong vòng vài năm (khoảng 1869) cho đến khi Lưu Vĩnh Phúc trở về Phúc Kiến làm quan tướng. Trong khi, cách dùng chữ 'Ngô' (tức 'Ô' hay 'U' hoặc 'Ưng') cho Trung quốc đã có tự ngàn đời. Thật ra, có khá nhiều tranh cãi về vai trò của tướng Liu Vĩnh Phúc trong cuôc chiến chống Pháp tại Việt Nam và Trung Hoa. Giới mộ điệu xi-nê cũng cần nhớ nhân vật có thật Hoàng Phi Hồng (Huang Fei Hung), do Lý Liên Kiệt (Jet Li) thủ vai, từng là cánh tay mặt của Lưu Vĩnh Phúc khi ông này trở lại Phúc Kiến. [35] Theo hiểu biết thông thường, Họ xuất xứ từ Hộ, mang nghĩa: nhà, gia đình. Nhưng chúng tôi cho rằng 'Họ', thật ra xuất phát từ một phát âm Hẹ hay Quảng Đông [Hon] cho 傼 mang nghĩa: Họ. [36] Chúng ta có thể đặc biệt chú ý, tiếp theo trình bày mẫu hệ của xã hội phía nam (Chămpa và Chân-Lạp) ở bài trước, cách dùng tên đệm THỊ có vẻ hãy phổ biến ở phía Nam nhiều hơn ở phía Bắc. [37] Tài tử Trung-Quốc/Hongkong chuyên phim kung-fu mang tên lót VĂN: Triệu Văn Trác (Vincent Zhao). Vincent Zhao là tài tử mới nhất thủ vai: Hoàng Phi Hồng. Thật ra rất khó truy tầm tên đệm ‘Văn’ xuất hiện từ lúc nào tại Việt Nam xưa, bởi những nhân vật lịch sử hay những người có chức vị ưa ‘fancy’ thêm thắt tên lót để phân biệt các chi nhánh của vọng tộc, không dùng ‘Văn’. Nhưng, ‘Văn’ có thể phổ thông trong dân gian. [38] - Họ TRẦN 陈: xuất phát từ tên một nước nhỏ tên Trần ở miền cực Bắc nước Tàu, vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, khi Trung Hoa có gần 2000 'nước' lớn nhỏ khác nhau. Gần nước Thái, nơi Khổng Tử có đi qua. Sau khi nước Trần phiá Bắc bị giải thể đến cả nghìn năm, trung tướng Trần Bá Tiên (Chen Ba Xian) của nhà Lương, sau khi từ chiến trường Giao Châu (đánh với Triệu Quang Phục) trở về, kéo quân lật đổ Lương triều và dựng nên nhà Trần ở miền Phúc Kiến (557-589). Từ đó nhiều người Phúc Kiến (Mân) thường mang họ Trần. Triều đại nhà Trần tại Việt Nam, cũng có gốc gác từ xứ Mân. 'Trần' theo chiết tự có thể mang nghĩa 'xứ thần phục nhà Tần, ở hướng Đông'. Họ Trần một trong 4 họ phổ thông nhất tại Trung Hoa. - Họ NGUYỄN 阮: mang nghĩa nguyên-thủy 'một loại nhạc cụ'. Họ 'Nguyễn' xuất xứ lâu đời từ nước Nguyễn ở phía Đông Nam tỉnh Cam Túc, gần tỉnh Tứ Xuyên, địa bàn của Khương tộc, Thái tộc và Việt tộc. Lúc đó Trung Hoa có chừng 2000 nước lớn nhỏ khác nhau. Nước Nguyễn bị Châu Văn Vương sát nhập rất sớm và con cháu tản mác về hướng Hoa Nam hoặc phía Đông, vẫn giữ họ Nguyễn. Thứ sử tại Giao Châu (xứ Việt cổ) thời nhà Trần của Trần Bá Tiên, là một người mang họ Nguyễn: Nguyễn Tá. Trong thời Lục triều (thế-kỷ 3-6) ở phía nam nước Tàu, có anh em nhà thơ Nguyễn Tịch và Nguyễn Hàm, thuộc Trúc Lâm thất hiền. Nhà Minh cũng có vị đại tướng mang họ Nguyễn (Ruan Dacheng), và nhà Thanh, thầy giáo của nhà vua cũng một người mang họ Nguyễn (Ruan Yuan). Để ý: Hakka có phát âm gần ‘Nguyễn’ nhất: [Ngien]. Trong khi quan-thoại: [Ruan] hay [Yuan]. 350


[39] Những người phải di tản rời quê hương ưa dùng tên quê-hương để đặt tên hay họ cho con cháu. Bộ phim video Vân Sơn in Bangkok cho biết khá nhiều Việt kiều sinh sống ở Thái Lan, qua đó hồi thế kỷ 19, chạy giặc Tây, mang họ là An-Nam. Thí dụ: An-Nam văn Dũng, An-Nam thị Mỹ. [40] Hai câu trong 'Cao Đẳng Quốc Dân Di Cảo' của Sào Nam Phan Bội Châu có xử dụng chữ ‘NGÔ’: 'Tháp cổ (đã?) có Ngô xây // Việc gì vợ góa lo ngày lo đêm'. Bs Trần Ngọc Ninh trong bài thuyết trình ‘Tiếng Ta - tiếng Tàu’ [42] cũng nhắc lại câu lụcbát châm biếm: Đem vàng đi đổ sông Ngô // Đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương. [41] ‘Duyên hải’ cũng có thể phát âm [diên hải] theo kiểu Nam bộ. Xem tự điển của Đào Duy Anh (Vương Hồng Sển (2003) Tạp bút năm Nhâm Thân 1992. Nxb Trẻ). [Diên] có phát âm quan-thoại là [yan-2] 沿, tương ứng với âm Hakka (Hẹ) là [yiên] ([jen]) mang nghĩa ‘dọc theo’. Duyên hải = diên hải = dọc bờ biển. [42] Gs Trần Ngọc Ninh trong bài thuyết trình ‘Tiếng Ta, tiếng Tàu’ tại ‘Hội Thảo tiếng Việt’ ở Viện Việt Học - Orange County (July-Oct. 2006 - Điều hợp viên: Bs Nguyễn Hy Vọng) cho biết động từ ‘Đứng’ có gốc Hán là [Tung], có vẻ cùng gốc với từ Đa Đảo: [Tu]. [43] Trong một số phương ngữ, [lấy] mang nghĩa ‘ăn nằm’ (to have sex with).

351


Thử đọc lại truyền-thuyết Hùng-Vương (18): Phần 6: Người Miao, nhóm Việt-tộc nấp sau người Hakka? Bộ Sử Ký 'Quốc Triều Chỉnh Biên Toát Yếu' do Cao Xuân Dục chủ-biên [1], trong đoạn nói về việc vua Gia Long xin nhà Thanh phong vương, có ghi 'quốc thơ' đầu tiên, gởi cho vua Thanh vào năm 1802, viết rằng: 'Mấy đời trước mở đất Viêm Giao, càng ngày càng rộng, gồm cả nước Việt Thường và nước Chân Lạp, đặt quốc hiệu là Nam Việt, truyền nối hơn 200 năm nay. Nay tôi lấy hết cõi Nam, có toàn cả đất Việt, nên theo hiệu cũ để chánh quốc danh'. Khối Cửu Lê, người Cao Ly và Miêu tộc Xin thử xem kỹ hai chữ 'Viêm Giao' do chính vua đầu nhà Nguyễn dùng để miêu tả đất nước Việt. Hai chữ này có vẻ khá xa lạ đối với đời nay, nhưng có thể rất thông dụng ở thời xưa, và có lẽ là thứ tên người Hoa xưa ưa dùng để gọi nước Nam. Như lối người Việt xưa quen gọi nước Tàu là nước Ngô. Như vậy Viêm-Giao được dùng với ngụ ý gì? Trước hết, 'Viêm', rất có khả năng, liên hệ trực tiếp đến Viêm Đế (Yan Di 炎 帝 ) tức Thần Nông, ông thánh tổ của nghề nông và dược thảo. Thuộc một thị tộc khác với tộc Hoa Hạ (ban đầu) của Hiên Viên Hoàng Đế. Thường gọi 'Thần Nông Thị'. Thần-Nông xưa nay vẫn được xem thánh tổ thứ 2, sau Hiên Viên, của người Trung Hoa. Chủng-tộc gốc của Thần Nông rất có khả năng chính là Tháicổ. Bởi vài lý do chính: (i) Tượng thờ Thần Nông có nhiều nhất tại tỉnh Hồ Bắc, địa bàn nước Sở năm xưa. Lê dân (dân đen) nước Sở hiện thường được xem thuộc tộc Thái-cổ (xem bài số 2); (ii) Người Thái-Lan hiện tại cũng thờ Thần Nông như một thánh tổ, và gọi 'Chan-Nong'; (iii) Nhiều mường-bản tại Việt Nam, vẫn thờ Thần Nông, như thánh tổ của nghề nông, lúa gạo, và thực phẩm; (iv) Thần Nông cũng là một ông vua đầu của thời đại Đế Nghi - Đế Minh, dẫn đến Kinh Dương Vương, có mẹ là Vụ Tiên Nữ, mang chủng Lạc Việt; (v) Thần Nông cũng như Đế Cốc, Đế Thuấn, Đế Minh, v.v. có tên viết theo văn-phạm Việt hay Thái (Lan) - chữ 'Thần' đứng trước 'Nông'. Nhưng xin để ý, khi người Hoa nhìn nhận Thần-Nông cũng là một thánh tổ của dân tộc, có thể họ cho Thần Nông đảm-nhận vai-trò đại-diện cho các nhóm tộc khác với Hoa Hạ, đặc biệt nhóm siêu tộc Để - Khương, cũng như các nhóm thuộc Bách Việt. Nhà trí thức Cố Viêm Vũ (có xuất hiện trong bộ Lộc Đĩnh Ký của Kim Dung) theo [7] cho rằng Thần-Nông mang họ (tánh) là Khương. Mặt khác, ngày xưa, người Hoa ưa dùng chữ 'Thị' (chỉ Thị Tộc) theo sau Thần Nông: Thần Nông Thị. Giống như: Hữu Hùng Thị [You Xiong Shi], Toại Nhân Thị [Sui Ren Shi], Hữu Miêu Thị [You Miao Shi], Phục Hy Thị [Fu Xi Shi], v.v. Hữu Hùng Thị chính là thị tộc 'ruột' của Hiên Viên Hoàng Đế [2], vị hoàng đế đầu tiên của tộc Hoa-Hạ. Thế còn 'Giao' thì sao? 'Giao' có thể mang hai ý nghĩa khá giống nhau. Thứ nhất, 'Giao' là viết tắt từ 'Giao Chỉ' {交 阯 hay 交 趾 } hoặc 'Giao Châu' {交 州 }. Thứ hai, 'Giao' theo sát lối đọc người Hẹ [giau], có thể mang nghĩa 'khu biên giới': 徼 . 'Viêm Giao' do đó có thể hàm ý đất của con cháu Viêm-Đế (Thần-Nông) ở biên giới phía cực Nam. 352


Nhưng chúng ta có thể thấy có cái gì hơi lấn cấn ở chỗ cho Giao mang nghĩa Giao Chỉ hay 'biên giới'. Ngoài những nghĩa khác như: Giao = bàn chân 腳 hay 脚 ; Giao => Giao long 蛟 , chỉ một giống Thuồng Luồng. Có vẻ hơi tự ti, yếm thế. Và thiếu tính cân xứng, đối với từ 'Viêm' kia. Nhất là từ một người như Gia Long. Thử đặt giả thiết Giao là phát âm 'Yao' tộc, đọc theo kiểu chính người Hẹ (hay người Việt phía Bắc) và có thể người Miêu-Yao, chính là [Zao] hay [Giao]. {Phát âm quan-thoại lại là [Yao]}. Tức khi đề cập đến xứ 'Viêm Giao' trong lá thơ gởi cho Hoàng Đế nhà Thanh, vị vua đầu nhà Nguyễn phải chăng đã xác nhận qua âm thanh, dân ở đất nước đó chính là hợp chủng giữa con cháu Thần-Nông và con cháu Xy-Vưu, thánh tổ của đám Miêu-Dao. Và Miêu-Dao theo hiểu biết của người xưa, trong ý nghĩa rợ Đông Di, thông thường bao gồm cả nhóm Hẹ-cổ (Hakka) tức nhóm Lạc Việt ở miệt cực Bắc nước Tàu. Xin nhắc lại vua Lý Anh Tôn vào năm 1160 đã ra lệnh cho xây đền thờ Hai Bà Trưng, và đền thờ thánh Xy Vưu của khối Cửu Lê, bao gồm phần chính là nhóm Miêu-Dao. Vấn-đề thật ra hết sức phức-tạp, và chúng tôi xin phép tóm tắt: 1) Nếu thử truy cập mạng về cổ sử Hàn Quốc, tức Triều Tiên hay Cao Ly (theo kiểu gọi xưa), chúng ta sẽ thấy, giống như Thái Lan nhìn nhận Thần Nông là thánh tổ, họ nhận Xy Vưu là thánh tổ của dân Triều Tiên, tức Hàn. Xy Vưu cũng chính là lãnh tụ của khối Cửu Lê, tức 9 nhóm lớn thị-tộc họ Lê (hay Ly 黎). Mỗi nhóm lại có 9 tiểu chi hay bộ lạc khác nhau, và tổng cộng có đến '9 x 9', tức 81 bộ lạc khác nhau [3] [4] [12]. 2) Hiện nay, người Hoa cũng còn mù mờ về tên của 81 nhóm thuộc tộc Cửu Lê (Jiu Li 九 黎) với Li = Lê 黎, viết y như họ Lê tại Việt Nam [12]. Nhưng họ biết chắc chắn trong khối Cửu Lê, đã có: tộc Miêu-Dao (tức Hmong-Mien), tộc Hakka (Hẹ) bởi người Hẹ ưa sống gần Miêu-Dao, xưa và nay. Cửu Lê cũng bao gồm nhóm Lê tộc ở Hải Nam - tộc người bản địa, rất giống một tộc chủ lực của người Chăm, hay tộc người Việt bản-địa: Môn-Khmer. Và cũng có thể bao gồm đám Lạc Lê [LuoLi], tức nhóm gíp-xi nay đây mai đó ở Trung Hoa vào thế kỷ thứ 13-14. 3) Miêu tộc viết theo tiếng Hán là: 苗 族 so với con Mèo viết 猫 tức âm con Mèo kêu [miao] cũng rất giống âm người Miêu, tức Hmong gọi tộc họ. Vấn đề tên gọi Hmong hay Miêu cũng khá phức tạp. Ở chỗ tên gọi Hmong chỉ là tên gọi của nhóm Miêu tộc ở vùng biên giới Việt-Hoa, Lào & Thái-Lan, và ở Việt Nam. Người Miêu tại nội địa Trung Quốc, như khu vực tỉnh Quý Châu (trên Quảng Tây, gần Hồ Nam), vẫn thích gọi họ người Miao (Miêu) hơn. [Miao] theo tiếng Miao mang nghĩa 'hạt giống' chứ không phải 'Mèo'. Miêu tộc có cùng chung chủng gốc với Dao tộc và địa bàn của họ thường gần gũi đan xen với nhau. Miêu-tộc ở trên núi cao (trên 1000 thước) - trong khi Dao tộc ưa chiếm cứ một độ cao lưng chừng (~ 500 thước). Tổng số Miêu tộc (kể luôn Dao) hiện nay khoảng 10 triệu, phần lớn (8.5 triệu) ở lại Trung Hoa, tập trung ở tỉnh Quý Châu [9]. 4) Miêu tộc viết theo Hán: 苗 族 . Dao tộc: 瑶 族 hay 猺 族 , theo kiểu xưa. Hẹ phát âm [Zau] {tiền thân của [Giao]-quốc-ngữ) hay [Yau]. Quảng Đông: [Yiu] và Quanthoại, [Yao]. Người Miêu-Dao đến xứ Việt cổ từ thời xa xưa. Có thể chính họ là tộc chủ lực của triều đại nhà Lý. Từ xưa đến nay, bộ tộc gần họ nhất chính là người Lạc Việt mang tên riêng là Hẹ (Hakka), có lối viết chữ Hán y hệt như họ Lạc của Lạc Long Quân. Nhưng cũng như nhiều sắc tộc khác từ Trung Hoa, họ chạy giặc Mãn Thanh, ra khỏi nước Tàu một lần nữa vào thế kỷ 17-18. Ở thời điểm đó, các dân tộc khắp nơi tại Đông 353


Nam Á đã hoàn-toàn hình thành. Người Miêu-Dao do đó, giống như 'Hoa kiều', rất khó hội nhập vào dân địa phương như vào thời xa xưa. Tại Việt Nam, đôi khi họ bị gán với thứ tên gọi: 'Mán'. Nhưng cũng bởi họ, cũng như 'Hoa kiều' nói chung, di tản ra khỏi nước Tàu bằng rất nhiều đợt, cách nhau hằng trăm năm. Nên những đợt trước, vì đã hoà mình hợp chủng với dân bản địa, thông thường khó nhìn bà con với những đợt về sau. Nhất là những đợt sau thế kỷ 15. 5) Thánh Xy Vưu của dân Triều Tiên và nhóm ngưới Hmong-Mien (Miêu-Dao) theo sử sách Tàu chỉ lãnh đạo có 72 bộ tộc trong số tổng cộng 81 bộ tộc của khối Cửu Lê [12]. Đến chỗ này, sử Tàu khác với sử Triều Tiên. Sử Tàu cho rằng Hiên Viên Hoàng Đế (tức Hữu Hùng Thị) có choảng nhau với Xy Vưu tại trận Trác Lộc [ZhuoLu]. Sau đó Xy Vưu bị đại bại, rồi khối Cửu Lê tách ra làm 2: Miêu 苗 và Lê 黎. Miêu chạy về hướng Tây Nam, tức Quý Châu * Vân Nam. Trong khi Lê chạy xuống Đông Nam, tức khu Quảng Đông * Hải Nam. Sử Triều Tiên lại khác. Xy Vưu không hề đánh nhau với Hiên Viên nhưng lại tạo dựng nên triều đại BAI-DAL (khoảng năm 3000 TCN) rất huy hoàng gồm 18 đời vua. Vương quốc Bai-Dal (= Bội-Đạt), giống như Văn Lang, kéo dài từ bán đảo Triều Tiên - Sơn Đông đến tận vùng Tây Tạng. Tức nếu nước Văn Lang rộng theo chiều dọc (Bắc-Nam), thì nước Hàn-cổ (Bai-Dal) rộng theo chiều ngang ở khu cực Bắc nước Tàu. 'Vua' Xy Vưu còn có một biệt danh rất quen thuộc với cổ sử Việt-Nam: vua XÍCH QUỶ. 6) Một thứ tên gọi khác của thời đại Bai-Dal chính là Gu-Ri 九 黎 - cách đọc tiếng Hàn cho Cửu Lê (hay Cửu Ly). Một tên tương tự khác là: nước KOGURYO. Ko = Cao. Guryo= Guri = Cửu Lê= Cửu Ly. Koguryo => 'Cao Cửu Ly' hay CAO (Cửu) LY => CAO LY => KOREA => Corée. Theo định lý hoán chuyển [ao] <-> [iu] giữa các phương ngữ Tàu, của chúng tôi [8], [Cao Ly] chỉ là biến chuyển của [Cửu Ly] tức 'Cửu Lê'. {[Cao] => [Ciu] tức [Cưu]. Và: Lê <=> Ly} [18]. BAI-DAL là tiếng Hán-Hàn của Bội-Đạt => 倍 達 國, (Bội Đạt Quốc). Tóm lại: Bội Đạt [Bai-Dal] = Cửu Lê [JiuLi]. Người Cao Ly cũng thường gọi nước Bai-Dal của họ bằng một cái tên, mang chữ 'Hùng', cũng rất quen thuộc với người Việt: Hàn HÙNG 桓 雄 với chữ 'Hùng' viết y hệt như Hùng trong [Hùng Vương]. Như vậy: Bai-Dal 倍 達=Guryo=Cửu Lê (Cao Ly)九 黎=Hàn Hùng 桓 雄 Tức: trong cổ sử xứ Cao-Ly cũng có, vừa XÍCH QUỶ (biệt danh của Chi Wu, tức Xy Vưu), vừa HÙNG trong tên triều đại Hàn HÙNG. 7) Chữ ‘Hàn’ trong ‘Hàn Hùng’ ở đây, mặc dù mang âm Hán là ‘Hoàn’ như trong tên Tề Hoàn Công: 齊 桓 公 nhưng thật ra phiên âm từ tiếng Triều Tiên, có thể mang ý ‘nhà lãnh đạo’ – như chữ Hàn trong đám rợ Tam Hàn (Samhan). Có liên hệ trong âm vận với Hàn trong ‘Hàn quốc’: 韓 國. ‘Hàn’ trong nghĩa ‘nhà lãnh đạo’ cũng liên hệ đến âm ‘Hãn’ như trong Thành Cát Tư Hãn. Âm [H] tương đương với âm tiếng Mông Cổ/Turkic [KH]. Hãn => Khan. Thành Cát Tư HÃN => Genghis KHAN. 8) Chữ 'Hàn' 桓 trong 'Hàn Hùng' là phiên thiết theo kiểu người Hẹ (đọc [hen] hay [han] hay [fan]). Nhưng các bậc tiền bối ưa phiên thiết bằng [Hoàn] theo sát phát âm Phúc Kiến: [hoan], hay Quảng Đông [wun], và Quan-thoại [huan]. 'Hoàn' 桓 mang nghĩa: to tát, vĩ đại, có hiệu quả, lãnh đạo. Phát âm [Huan] thời xưa rất giống với [Huang] 皇 (Hoàng) mang nghĩa 'vua chúa', 'nhà lãnh đạo' tức ... Vương. 'Hàn Hùng' do đó chỉ là một lối viết hay lối nói của dân Triều Tiên (xưa), mang đúng ý nghĩa, tiếng Việt: HùNG VƯƠNG. 354


9) Đọc cổ sử nước Triều Tiên (Hàn) trên mạng, chúng ta cũng thấy thuở cổ thời nước Cao Ly cũng trải qua giai đoạn 'Tam Quốc' phân tranh. Tam Quốc kiểu Cao Ly bao gồm 3 nước Goguryeo, Silla và Baekje. Goguryeo chiếm phần Triều Tiên (Bắc Hàn) ngày nay cộng với một phần bên trong lục địa hướng Bắc, Silla và Baekje phần Hàn quốc ngày nay, với Silla bên bờ biển Đông. Điểm cần để ý là Silla người Hoa phiên âm thành Tân La hay Tân Lạc, có chứa chữ Lạc [17]. Và Baekje họ phiên âm như Bách Tề, có chứa chữ Tề, mang hàm ý hậu duệ nước Tề ở cực Bắc bán đảo Sơn Đông thời Đông Chu Liệt Quốc. 10) Âm vận của Xy Vưu có lẽ xuất phát thẳng từ tiếng Hàn (Cao Ly): [Chi Wu]. Người Miêu gọi đó là [Tsiv Yawg]. Hai âm cuối [v] và [g] trong [Tsiv Yawg] chính là dấu (thinh) trong tiếng Hmong, y như dấu hỏi dấu ngã dấu sắc, ... trong tiếng Việt. Ý nghĩa của [Tsiv Yawg] trong tiếng Hmong = Cha Ông. Để ý [Chi] rất giống [Cha]. [Wu] (tiếng Hàn) có liên hệ đến phát âm Hẹ [wung] hay [vung] cho từ 翁 , mà tiếng Quảng Đông đọc [yung], quanthoại [weng]. Ngô-Việt chính là [ong]. Việt-ngữ và Chiêm-ngữ là [ông]. Âm tiếng Việt có lẽ theo sát âm cổ, của chính người Miêu-Dao: Wu => Vưu. Nhưng người Miêu hiện đại có thể bị ảnh hưởng phương ngữ nào đó của tiếng Tàu trên cả nghìn năm nên đọc [Yawg] y như quan-thoại [You]. 11) Có cái gì lạ trong tên gọi Xy Vưu mang nghĩa Cha-Ông hay không? Thưa có. Rất có thể đó không phải tên riêng của một người, mà là lối gọi của người Cửu Lê (Ly) xưa với ý: Thị Tộc của Cha-Ông chúng tôi. Hay theo kiểu Hoa: Xy Vưu Thị=Chi You Shi. 12) Nhờ ở Xy Vưu, chúng ta có thể minh chứng thêm một lần nữa, là người Hoa đã thao túng chữ viết của họ rất nhiều bởi ở toàn cõi miền Đông Á, ngày xưa, chỉ có chữ Tàu được phát-triển toàn-diện nhất. Mặc dù nguồn gốc của chữ Tàu ngày nay đã có nhiều giả thuyết cho rằng được 'chôm' từ các tộc khác. Rất có thể, từ Miêu tộc (hay Việt tộc) ở vùng Giang Tô, Chiết Giang hoặc Sơn Đông (xin xem các trang mạng về khảo cổ, cổ sử Trung Hoa, hay Cao Ly). Mặc dù gần đây, Xy Vưu đã được cho vào hàng thánh tổ nhân dân Trung Hoa, ngồi ghế thứ 3 sau Hiên Viên và Thần Nông, ngày trước ông được xem như kẻ thù của con cháu Hoàng Đế 黄帝 & Viêm Đế 炎帝, tức Hiên Viên (Tàu) & Thần Nông (Việt). Do đó hai chữ Xy Vưu được kí âm theo chữ Tàu thành những từ khá bết bát: Xy Vưu= 蚩 尤. Trong đó [Xy 蚩 ] mang toàn nghĩa xấu: Một loại côn trùng, Xấu XÍ [5], Ngu Si, v.v. Và [Vưu 尤] mang nghĩa: đặc biệt, cay đắng, lầm lỗi, đỗ lỗi cho kẻ khác, v.v. Hoàn toàn chỉ kí âm, bất chấp ý nghĩa. Nhiều khi ý nghĩa cực kì tương phản với nhau. Ta nên ghi nhận điểm này để có thể thận trọng hơn đối với những khuynh hướng xa xưa theo sát thư tịch cổ Trung Hoa trong việc nghiên cứu về cổ sử Việt Nam [6]. Nhất là kiểu chiết tự trên một số từ đã chọn sẵn. 13) Cũng bởi Xy Vưu mới được vào danh sách của các thánh tổ người Hoa gần đây nên sau chữ 'Xy-Vưu' người ta không thấy chữ 'Thị', như các thị-tộc khác, như: Hữu Hùng Thị (Hiên Viên), Thần Nông Thị, Toại Nhân Thị, Phục Hy Thị, Hữu Sào Thị, Hữu Miêu Thị, v.v. Lối dùng ghép chữ 'Thị' rất hay, bởi ý nghĩa có thể thay đổi tùy theo trình độ. Đối với dân chúng nói chung, khi không dùng 'Thị', người ta có thể hiểu Phục Hy, Thần Nông, Hiên Viên, ... là những người thật. Nhưng nếu dùng 'Thị' đi kèm, chúng có thể mang nghĩa: thời đại của thị tộc nào đó. Thí dụ: Thần Nông Thị= thời đại thị tộc biết nghề nông đến Tàu. 14) Cũng nên để ý, do ở hội chứng 'trận đánh Trác-Lộc' (Hiên Viên v. Xy Vưu), hay ở những thứ hội-chứng thường-tình về chủng-tộc, người Hoa ngày trước có vẻ không muốn nghiên-cứu nhiều về người Miêu. Từ đó nhiều chuyện chúng tôi thấy khá hiển nhiên (sẽ trình bày trong bài tới), về Miao tộc, vẫn thường xuyên được lướt trôi qua. Đối 355


với lối chiết-tự, người Hoa vẫn thường xuyên rơi vào chính những thứ tiền-đề do chính họ dựng lên. Họ cứ nhắm vào một kiểu viết chữ chính, rồi đua nhau phân tích chữ đó. Chứ không hề để ý từ lúc văn minh Hoa-Hạ nở rộ, chữ viết các tộc khác tại Trung Hoa phải chìm trong bóng tối. Và thật ra người Hoa cổ thời, rất có khả năng, không chỉ hoàn toàn gói ghém ý nghĩa trong chữ viết, mà nhiều khi lại xử dụng âm-vận, như ngôn-ngữ Tây-phương. Tức cần phải cẩn thận khi chỉ dựa hoàn toàn vào lối chiết tự trên một số từ đã chọn sẵn. Nguyên lý rất quan trọng, mà cả người Hoa lẫn người Việt, khi nghiên cứu về 'chữ nghĩa', đều quên bẵng là: 'Những thứ chữ đó thật ra có phải do chính tộc người đó sáng tác hay không. Hay do người 'bên ngoài' sáng tác dùm'. Thí dụ: Các từ như 'Miao' viết: 苗 , là do người Hoa viết chữ Hoa, để miêu tả Miao tộc. Không phải do chính Miao tộc viết ra. Tức khi một người tinh-thông Hán-học, theo lề lối làm việc xưa, chụp lấy chữ nào đó mà chiết tự, hay phiên-thiết, họ dễ rơi vào cái vòng nhị nguyên lẩn quẩn, rất khó có thể đưa đến một sự thật. Như Bình Nguyên Lộc [7] đã vướng vào, khi ông theo sách Tây đem chiết tự chữ Miao 苗 , và suy ra đó chính là hợp từ 'Điền' 田 chỉ Ruộng, và 'Thảo' 艹 nghĩa Cỏ. Chiết tự lẩn quẩn không xem lại tiền-đề, sẽ dẫn đến miêu tả: 'Người Miao làm ruộng rất dở, họ để cỏ dại mọc đầy trên ruộng!' Phân-tích chữ nghĩa tiếng Tàu, bất chấp âm-vận hay ý-nghĩa của tiếng chính người bản-địa hay địaphương, dễ đưa tới chuyện lạc-hướng. Vấn-đề này, với sự kính trọng các vị học-giả tiềnbối hãy còn đó, luôn luôn nằm chính giữa trong nghiên-cứu về ngôn-ngữ và cổ sử tại Việt-Nam. Để tránh lộn xộn, từ đây chúng tôi xin chỉ dùng 1 tên: Miêu tộc [Miao zu], để chỉ nguyên khối Miao-Yao (Miêu-Dao), mà tiếng Anh thường gọi Hmong-Mien ([Mien] hay [Mian] 勉 là một tên gọi cũ của [Yao]). Và ghi nhận thêm một lần nữa, người Miao ở phía Cực Nam Trung Hoa và định cư tại các nước Âu-Mỹ sau 1975 {[4] [10]}, thường thích gọi bằng Hmong hơn. Trong khi đa số Miêu tộc ở phía Quý Châu có vẻ không mấy quan tâm với tên 'Miao'. Khởi sự của Thời-đại Hùng-Vương Trước khi tìm hiểu xem người Miêu có bà con họ hàng với, hay chính là một thành phần quan-trọng của, người Việt-cổ hay không - dù dưới nhãn hiệu che đậy: Lạc Việt hay Hẹ chúng ta hãy thử rút tỉa một vài điểm quan-trọng về thời Hồng Bàng ở 3 quốc-gia: Cao Ly, Trung Quốc, và Việt Nam. a) Cả 3 nước đều bắt đầu bằng 18 đời vua: 18 đời Hùng Vương (Việt = 18 đời vua nhà Hạ (Hoa)= 18 đời vua Bai Dal ở Cao Ly. b) Cả Việt Nam và Cao Ly đều thích xử dụng hai chữ XÍCH QUỶ, cho thời-đại cổ sử. Việt dùng 'nước Xích Quỷ'. Hàn dùng 'vua Xích Quỷ' để chỉ Xy Vưu. c) Cả 3 nước đều dùng đến chữ HÙNG cho thời Hồng Bàng:  Ở Trung Quốc, họ gọi thời đại Hiên Viên Hoàng Đế chính là thị tộc mang tên 'Hữu Hùng': Hữu HÙNG Thị 有 雄 氏 [You Xiong Shi]. Chữ 'Hữu' ở đầu, chỉ mang nghĩa của thứ tên lót: Hữu Hùng Thị, Hữu Miêu Thị, Hữu Sào Thị, v.v.  Ở Cao Ly, thời Bai-Dal cũng mang tên: Hàn Hùng 桓 雄 (tức Hùng Vương).  Tại Việt Nam: 18 đời Hùng Vương, cũng dùng chữ Hùng y hệt như trên: 雄 王 356


d) Ở nước Sở thời Xuân Thu (khu vực gần Động Đình Hồ và sông Hán Thủy), địa bàn đầu tiên của Thần Nông Thị, người được vua nhà Châu phong tước Hầu cai trị vùng đất Kinh Cức mang tên Hùng Dịch. 'Hùng' ở đây mang nghĩa con gấu 熊.. Phát âm Quảng Đông [hiung], Hẹ [Hung], và Quan-thoại [xiong], y như 'Hùng' trong Hùng Vương. Tiếng Sở xưa còn đọc [Mị] [14]. Họ Hùng (hay Mị) thay nhau làm vua nước Sở cả mấy mươi đời. Bắt nguồn từ giáo-sư tiến-sĩ Chu Hùng (Zhou Xiong), thầy dạy học của vua Chu Văn Vương. Hùng Dịch là cháu cố của Chu Hùng. e) [Hùng] 雄 trong 'Hùng Vương', ngoài nghĩa thông thường: hùng dũng, cũng mang nghĩa: Nam tính, hay 'giống Đực'. Phản nghĩa với giống Cái: [Thư 雌 ]. Trong khi [Hùng] viết con gấu 熊., còn mang nghĩa 'anh minh'. 'Gấu' cũng là tên biểu tượng của một trong hai bộ tộc chính của người Miao (biểu tượng kia: con Cọp), và người Cao Ly. Đối với người Cao Ly, Gấu chính là biểu tượng của thái quốc mẫu, mẹ của vua Tan-gun, sáng lập ra xứ Cao Ly đầu tiên vào năm 2333 TCN. Vua Tan-gun cũng được xem như thần núi Sơn Tinh [San-Shin], rất giống thần núi kiêm phò-mã Sơn-Tinh ở thời đại Hùng-Vương tại xứ Việt cổ. f) Theo một vài bằng hữu người Hoa, bộ chữ Tàu viết bên phải chữ HÙNG 雄 thật ra không phải bộ Chuy [zhui] như từ xưa đến giờ, các học giả Hán Nôm tại Việt-Nam thường lí giải, mà là bộ GIAI [jia] viết 佳 rất giống với chữ Chuy 隹 [zhui]. Chỉ có bộ Giai [jia] mới chiết tự cho được ý nghĩa thật đúng cho chữ HÙNG 雄 trong Hùng Vương. Bởi 'Hùng' mang nghĩa 'hùng mạnh' hay 'nam tính' (con Giai) là tổng hợp của việc 'xử dụng cánh tay' hết sức 'tuyệt chiêu'. Hùng= Hoành [hong] [15] + Giai [jia]. Trong đó, Hoành= cánh tay, và Giai= giỏi, tuyệt chiêu (giai nhân, giai phẩm). Tức: Hùng [Xiong] 雄 = Hoành [Hong] 厷 [15] + Giai [Jia] 佳 . Với sự kính trọng hãy còn đó, lí-giải dùng bộ Chuy [zhui] 隹 trong chữ HÙNG 雄, thường dùng xưa nay, thật ra rất khó mang đến ý nghĩa chính xác của 'Hùng' trong 'Hùng Vương'. g) Chữ Hùng 雄 cũng viết rất giống chữ Lạc 雒, và cả hai, theo hiểu biết thông thường ngày xưa, đều dùng bộ Chuy 隹 [zhui] viết bên phải. 'Chuy' đứng một mình mang nghĩa loài chim có đuôi ngắn. Lạc Vương, Lạc Hầu, và Lạc Tướng người Hoa viết với bộ Chuy: 雒 . Lạc bộ Chuy [zhui] này thường dùng để chỉ dân Khuyển Nhung (tức Khương). Ngoài nghĩa 'ngựa đen với bờm trắng', chữ Lạc này còn mang nghĩa 'sợ hãi'. Rất thích hợp với miêu tả cho đám rợ Khuyển Nhung ở miền Tây, ngày xưa đã từng làm cỏ kinh đô Hảo Kinh của nhà Châu khiến họ thiên đô về hướng Đông. Do đó, hiểu biết xưa nay rằng 'Lạc' 雒, và 'Hùng' 雄, cùng dùng chung một bộ Chuy có vẻ bị sai lạc trên căn bản. Sự thật chỉ có 'Lạc' mới có thể (chỉ 'có thể') dùng bộ Chuy. 'Hùng' có vẻ bắt buộc phải dùng bộ Giai [jia] mới lột được ý nghĩa: Hùng mạnh, hay 'con Giai' (nam tính) [16]. h) Thời Hồng Bàng nước Tàu chính là thời nhà Hạ 夏 , của kỹ sư công chánh Đại Vũ [Da Yu]. 'Hạ' ngoài nghĩa 'mùa hè' ngày nay, xưa còn mang nghĩa chính: Vĩ Đại. Ông Đại Vũ, theo nhiều tài liệu, mang tộc gốc là Khương, một trong những tộc người ngày nay được nhìn nhận thành phần tiến tạo nên tộc Hoa, trong thuở ban đầu. i) Tên 'Hoa Hạ' dùng để chỉ người 'Tàu' ở thời cổ đại có chữ 'Hạ' mang ý nghĩa Vĩ Đại đó. 'Hoa' mang nghĩa chính 'màu sắc rực rỡ', và người Hoa xưa có thói quen phân biệt sắc 357


tộc theo như màu quần áo họ mặc. Như họ đã phân biệt người Miao xanh, Miao trắng, Miao rằn, v.v. j) Tên húy của kỹ sư Đại Vũ chính là Si Wen Ming 姒 文 命 {Từ Văn Mệnh [19]} cho thêm chứng liệu cho biết ông Vũ mang dòng máu Việt (Khương tộc): (i) Quyển Sử Ký có viết: Người nước Sở họ Mị, nước Việt (Ngô-Việt) họ Từ. (ii) Tên lót của ông có chữ Văn, trong khi họ [Si] của ông có mang bộ Nữ của Mẫu hệ, ở bên trái [11]. k) Xin tóm tắt thánh-tổ các quốc-gia Á Châu như sau: Trung-Hoa Hiên-Viên Thần Nông Xy Vưu

Triều-Tiên Xy Vưu

Thái-Lan Thần Nông

Việt-Nam ? Thần Nông ? Xy Vưu

Ghi-Chú * nội tổ ông Lạc * Vua Nhà Lý lập đền thờ, năm 1160

l) 18 đời vua của thời đại huyền-sử ở 3 nước bắt đầu và kết thúc, đại khái: - Nhà Hạ: 2200-1800 TCN (Hoa). - Hùng Vương: 2879-258 TCN (Việt). - Bội Đạt (Bai-Dal): 3898-2333 TCN (Hàn). Từ những nhận xét trên, chúng ta có thể đúc kết một số điểm cơ-bản chung quanh truyền thuyết về Hùng Vương như sau: 1. Hùng Vương, dưới dạng này hay dạng kia, xuất hiện tại 3 xứ khác nhau nhưng gối đầu với nhau về gốc gác ở thời huyền sử: Cao Ly, Việt Nam, và Trung Hoa. 2. Cả 3 quốc gia đều có chung 18 đời vua trong thời Hồng Bàng. 3. Mười tám đời vua đó tại 3 quốc gia đều gối đầu chung nhau khoảng thiên niên kỷ thứ 3 trước Công Nguyên. 4. Cả 3 quốc-gia đều dùng chữ HÙNG 雄, cho thời bán huyền sử. HÙNG mang 2 nghĩa chính: Hùng mạnh, và Nam tính. Rất có thể bao hàm nghĩa 'Phụ Hệ', do đời sau đặt. 5. Trong khoảng thời gian mờ ảo của 18 đời vua đó, một 'đời vua' rất có thể hàm ý: thời gian một thị tộc nào đó đóng vai trò chủ động của xã hội. Khác với ý nghĩa 'đời vua' trong hai ngàn năm sau Công Nguyên. 6. Bởi 3 dân tộc: Việt, Hàn, và Hoa đều có cội nguồn từ khu vực Hoa Bắc, chuyện 18 đời vua Hồng Bàng ở 3 nơi khác nhau như vậy, rất có thể có cùng chung một nhóm tác giả với nhau. Cũng, rất có khả năng, đem tỷ số 2 (Việt+Hàn) đối với 1 (Hoa), nhóm tác giả đó thuộc chủng khác với Hoa Hạ. Có thể là Miao, Khương, Thái, và Việt. 7. Riêng tại Việt Nam, truyền thuyết Âu Cơ + Lạc Long Quân, rất có khả năng, do người Thái (cổ) đầu tiên đem sang. Về sau được nhóm người Miao+Hakka (Miêu-Hẹ) hiệu đính, bằng cách đổi tên thái quốc phụ thành 'LẠC Long Quân', và toàn 100 con trai. 8. Cũng bởi 18-đời-vua là một ghi chép hay 'sáng tác' tập thể của một lượt 3 nhóm 'tổ sư' của 3 quốc-gia - nó đã tự khoác lên một thứ áo hết sức huyền nhiệm. Vượt ra khỏi lăng kính - lề lối quan-sát của khoa-học, và trên cả 'triết-học' ít nhất cũng đến 9 cấp. 9. Truyền thuyết 18-Đời-Vua thật ra lúc nào cũng kèm theo một yêu cầu tối thượng. Đó là thời-điểm khởi-sự phải nằm vào khoảng thiên niên kỷ thứ 3 trước Công Nguyên. Trong bài tới chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn về Miao tộc, đã di tản sang xứ Việt cổ vào thời xa xưa. Cùng một lượt với những bộ tộc khác của nhóm Cửu Lê, như: Thái cổ, Hẹ cổ, và người

358


Hlai tức Môn-Khmer. Cũng như ảnh hưởng của họ trong chuỗi trình tiến tạo nên dân tộc Việt Nam. Tháng 7, 2006 Ghi Chú [1] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (chủ biên: Cao Xuân Dục) (1998) Quốc-Triều Chính-Biên Toát-Yếu. Biên soạn: Trần Đình Phong. Hiệu đính: Đặng Văn Thụy & Lê Hoàn. Nxb Thuận-Hoá. [2] Nhiều người Việt và Hoa, mang tên 'Họ+Hữu-Hùng', rất có khả năng mang gốc gác từ Hữu-Hùng Thị, thị tộc chính gốc của người Trung Hoa. [3] http://www.pureinsight.org/pi/pdf_version.php?id=4058 http://www.itmonline.org/arts/dynasties.htm http://www.answers.com/topic/list-of-common-chinese-surnames http://www.greecetravel.com/archaeology/mitsopoulou/language.htm (greek & chinese) http://www.peopleteams.org/miao/MiaoHmong.htm http://www.miaoupg.com/miao_or_hmong.htm http://www.newadvent.org/cathen/03681a.htm http://en.wikipedia.org/wiki/Manchus http://www.omniglot.com/writing/jurchen.htm http://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%C3%A0_T%E1%BB%91ng http://www.uglychinese.org/manchurian.htm http://manas.kg/pdf/sbdpdf13/Makaleler/05.pdf http://www.hku.hk/linguist/program/world4.html http://www.chinahistoryforum.com/index.php?showtopic=2740 http://www.chinaculture.org/gb/en_aboutchina/2003-09/24/content_24064.htm http://en.wikipedia.org/wiki/Names_of_Korea [4] Để ý quần áo có nhiều màu sắc của người Hmong tại Sapa và của phụ nữ Hàn quốc. Một bộ áo phụ nữ Hmong tại Sapa có thể tốn một năm trời để hoàn tất việc thêu may. [5] Xấu Xí: bắt nguồn từ hai chữ cùng nghĩa, và cùng gốc Hoa Nam: Xấu 倠 đọc [seoi] hay 丑 [tsau] theo Quảng Đông {tức 'Sửu' theo Hẹ}, và Xí 媸 (không đẹp - dành cho phái nữ), hay 蚩 viết ra y hệt như 'Xy' trong 'Xy Vưu'. 'Xấu xí' do đó cũng không phải tiếng thuần Nôm, mà là Nôm Hoa Nam. [6] Người Hoa cũng có thói quen quơ hết các cộng đồng nằm trong lãnh thổ và cho rằng đó Hoa tộc nguyên thủy. Họ hoàn-toàn lờ đi một sự-kiện rất quan-trọng: Đa số các nước chư hầu phong kiến ở miền Hoa Bắc vào thời Đông Chu Liệt Quốc, đều có khối lê dân mang chủng tộc khác với đám hoàng tộc ở triều đình. Đặc biệt các nước: Sở, Tần, Tấn, Trịnh, Trần, Thái, Yên, v.v. Có thể họ thuộc tộc Miêu, Khương, Thái, Hẹ, Bắc Địch, rợ Hồ, và Việt. Quyển Đại Việt Sử Lược, biệt tích giang hồ nhiều năm ở bên Tàu, cũng đã bị hiệu đính theo kiểu đó. Họ mở đầu bằng một đoạn nói nước Việt cổ cũng trực thuộc Hoàng Đế từ xưa. Và Hoàng Đế cũng đã chia đất đó ra thành 15 bộ, v.v. Một chuyện hết sức hoang đường, bởi Hoàng Đế không có phi cơ trực thăng hay Boeing 747, hoặc không ảnh Google từ vệ tinh, để có thể biết đến những vùng đất, cách mấy túp lều của triều đình 'Hữu Hùng Thị' rất xa. Xa thật xa. [7] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu (tái bản tại Hoa Kỳ) 359


[8] Theo định lý này, khi một phương ngữ Hoa Nam có âm [AU], thế nào cũng có phương ngữ khác đọc [IU]. Đông Châu => Đông Chiu => Đông Chu. [Liu De Hua] (họ Liu / Lưu) => Andy Lau. Xứ Nam Chiếu => Nan Zhao. Ưu => Âu (lo) (ưu & âu, có chung 1 chữ Hán: 忧). 'Xấu' => Sửu (xỉu). Rượu => Rão (Mường). [9] Kim Dung đã không quên đến Miêu tộc khi tiên sinh viết bộ Tuyết Sơn Phi Hồ, trong đó có tranh chấp giữa Hồ gia và Miêu gia. Tài tử nổi tiếng Hongkong từng thủ vai chính nữ trong phim Mãnh Long quá Giang, quay tại Roma, với Lý Tiểu Long và Chuck Norris cũng mang họ Miêu: Miêu Khả Tú (Nora Miao). Phật Bà Quan Âm từ xứ Việt của Câu Tiễn, cũng có tên húy là Miao Shan, với họ Miêu (Miao). {Tiếng Miao dùng để chỉ con Mèo là [Miv] với [v] cuối dùng như dấu thinh}. [10] Tướng Vang Pao của Lào năm xưa cũng người gốc Hmong. Hiên nay người Hmong (Miao) có lẽ là nhóm cộng-đồng sắc-tộc hoạt-động hăng-say nhất trong việc giới thiệu vănhoá họ với người Âu Mỹ. Họ xuất-bản khá nhiều bài vở sách báo về người và văn hoá Hmong. Tại Mỹ trung tâm nghiên-cứu về Hmong-học đặt tại đại-học Minnesota ở tiểu bang cùng tên. [11] Để ý chữ Hôn trong 'hôn nhân', 'thành hôn' được viết theo lối tượng hình 婚 bao gồm 3 chữ: Nữ 女, Thị 氏 (thị tộc), và Nhật 日 (ngày). Dịch thẳng: Ngày đánh dấu bắt đầu một thị tộc mẫu hệ mới. [12] Chúng tôi đã đưa ra giả thuyết rằng người Tàu vào thời tiền sử, đếm số theo cơ số: 9. Giống như người Mường cho đến thế kỷ 20. Bởi vậy rất nhiều hiện tượng trong văn hoá họ ưa dựa vào con số 9: số 9 chỉ Hoàng Đế (số lớn nhất); 18 đời vua Hồng Bàng ở Trung Hoa, Việt Nam và Triều Tiên; các con số thường dùng 36, 72, 81, 108, đều là bội số của 9; chốn cửu trùng cũng dùng số 9. Chín (9) bộ tộc tên Lê, tức khối Cửu Lê (Cửu Ly / Cao Ly / Jiuli). Và chúng tôi cho xuất xứ con số 9 nằm ở thời gian chờ đợi khoảng 9 tháng, hay 9 tuần trăng (tròn) - trong bụng mẹ trước khi đưá bé ra chào đời. Sử sách Tây Phương rất khó nhận diện điểm này bởi rất dễ vướng phải hội chứng của người Hoa: ưa khoe văn minh của họ cũng giống như Tây, ngay ở thời xa xưa: Theo hệ thống thập phân rất sớm và biết tạo ý niệm về con số 0 (zero) khoảng thế kỷ 16 TCN, trước người Tây Phương hằng chục thế kỷ. Nhưng, thật ra hệ thống đếm theo cơ số 9 vẫn có thể xuất hiện ở Hoa Nam và ngay cả ở Hoa Bắc trước thế kỷ 16 TCN như thường. Không tùy vào con số Không (0). [13] Ngô Sĩ Liên (1479) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. (Cao Huy Giu & Đào Duy Anh dịch và hiệu đính). Nxb Văn Hoá - Thông Tin. (2004). [14] Một số người họ Mị từ nước Sở năm xưa đã đổi thành họ PHAN [Pan] 潘 . Mang xuất xứ từ khu Nội Mông Inner Mongolia. Họ Phan trở thành một họ khá phổ biến tại Việt Nam (theo với di dân chủng Thái-cổ từ nước Sở của Khuất Nguyên). Theo chiết tự, họ PHAN 潘 có thể mang nghĩa 'Ruộng Lúa Nước'. Họ PHẠM lại có phát âm đầu không giống họ Phan, trong tiếng Tàu: [Fan] 範 viết bên trái chữ 'xe' chở 'cây trúc' kèm với âm chữ 'phạm'. Họ Phạm 範 và họ Đỗ 杜 có cùng tổ tiên xưa, là công thần cho một ông vua nhà Chu. Sau được phong đất vùng Hà Nam / Sơn Đông ngày nay. [15] 'Hoành' (hay 'Hoằng') [hong-2] 厷 là lối phiên thiết do chúng tôi mạo muội đề ra. Dựa trên âm của 'hoành đại' 宏大 hay 'hoằng đại'. Nhiều nơi đã phiên thiết chữ này là [Quăng] dựa trên phát âm Quảng Đông [gwang] hay Hẹ [kwen].

360


[16] Chữ Hùng 雄 dùng bộ [jia] tức 'Giai' còn được minh chứng qua chữ 'Thư' [ci] chỉ Nữ tính. Thư [Ci] 雌 dùng chữ 'Thử' 此 mang nghĩa 'bên kia' (khác phái tính), bên ấy, một điểm nào đó; viết chung với bộ Giai [jia] 佳 , mang nghĩa: giỏi, đặc biệt, tuyệt chiêu: giai nhân, giai phẩm. Tức con Trai giỏi bằng cánh tay (kung-fu, cử đỉnh, đánh kiếm, v.v.) {Hùng 雄}. Con gái (phái nữ) giỏi về mặt ... kia: Thư [ci] 雌 . [17] Silla cũng có nhiều lối phiên âm sang tiếng Hán. Nhưng phổ thông nhất có lẽ: Tân La hay [Xin Luo] 新 羅 , với âm [Luo] giống hệt như [Luo] trong chữ ‘Lạc’貉 hay 玀. Chữ Lạc sau: 玀 người Hoa về sau ưa dùng theo phát âm [Lo] của người Hẹ để chỉ nhóm người dân tộc nói tiếng gốc Miến, mang tên Lo Lo. Còn Vương quốc Baekje, tức ‘Bách Tề’ theo quốc-ngữ, ký âm chữ Hán: 伯 濟 . [18] Cũng có giả thuyết cho rằng ‘Cao Cửu Ly’ [Goguryeo] là phiên âm theo chữ viết 高 句 麗 hay 高 勾 麗 hay 高 駒 麗. (Cao Câu Lệ). Theo tiếng Hàn, Cao Ly có thể mang nghĩa ‘thành phố có tường chung quanh’ hay ‘trung tâm đô hội’. [19] Cũng có thể phiên thiết như: Tỹ văn Mệnh.

361


Thử đọc lại truyền-thuyết Hùng-Vương (18): Phần 7: Nhận-diện Miao tộc Điểm quan-trọng nhất, xưa nay sử sách nước Việt thường thiếu sót chính là sự kiện vào năm 1160 vua Anh Tôn nhà Lý ra lệnh cho xây cất đền thờ Hai Bà Trưng và thánh Xy Vưu. Xy Vưu là lãnh tụ của khối Cửu Lê, ở miền Đông Bắc nước Tàu, vào thời huyền sử xa xưa. Đại biểu chủ lực của Cửu Lê chính là tộc người Miao-Yao. Cũng như Thần Nông là thánh tổ dân Thái Lan - Lào và Mường, Xy Vưu từ lâu được xem như thánh tổ dân Triều Tiên (Bắc) và Hàn quốc (Nam). Trong khi, ngày trước tại Trung Hoa, Xy Vưu có vẻ không ai muốn biết đến. Nhưng ngày nay, người Hoa đã nhìn nhận Xy Vưu là thánh tổ dân tộc họ. Đứng vào hàng thứ ba, sau Hiên Viên (Hoàng Đế) và Thần Nông (Viêm Đế). Trong bài trước chúng ta đã xem qua những điểm quan-trọng sau: 1) Truyền thuyết về thời Hồng Bàng tại ba quốc-gia, Trung Hoa, Triều Tiên (Hàn), và Việt Nam, rất giống nhau. Giống đến nỗi người ta phải ngờ rằng các truyền thuyết đó đều có chung một nhóm tác giả với nhau. Những điểm chính giống nhau, có thể kể:: (a) 18 đời vua; (b) thời đại Hồng Bàng, tại 3 nơi, đều bao gồm chữ Hùng 雄 hay Hùng Vương; (c) lãnh thổ của cả 3 quốc gia vào thuở cổ thời đều hết sức rộng lớn: Cổ Cao Ly (Triều Tiên) kéo dài từ Hàn quốc cho đến miền Tây Tạng, nhưng phía trên sông Hoàng Hà, cổ Trung Hoa gồm miền Hoa Bắc và mơ hồ kể luôn Hoa Nam, và cổ Việt, từ khu vực sông Dương Tử - Động Đình Hồ ở miền Hoa Nam kéo đến Hồ Tôn (Chiêm Thành); (d) Riêng hai nước Cao Ly và cổ Việt đều xử dụng đến 2 chữ Xích Quỷ: ở Cao Ly, biệt danh của 'vua' Xy Vưu, và tại cổ Việt, tên nước Xích Quỷ. 2) Xin xem lại hai bảng tóm-tắt sau: (a) Thánh-tổ: Trung-Hoa Hiên-Viên Thần Nông Xy Vưu

Triều-Tiên Xy Vưu

Thái-Lan Thần Nông

Việt-Nam ? Thần Nông ? Xy Vưu

Ghi-Chú * nội tổ ông Lạc * Vua Nhà Lý lập đền thờ, năm 1160

(b) Thời đại huyền-sử với 18 đời vua, ở 3 nước Việt, Hàn và Hoa: VIỆT Hùng Vương 2879-258 TCN

HÀN (Triều Tiên) Hàn Hùng (Bai Dal) - Xy Vưu 3898-2333 TCN

HOA Hạ (vua Đại Vũ) 2200-1800 TCN

Đối với bảng (a) ta để ý Việt Nam là quốc-gia duy nhất trong 4 nước kể trên, hãy còn do dự về, hoặc hoàn-toàn không quan-tâm đến, vấn-đề thánh-tổ. Đặc biệt Xy Vưu hãy còn hết sức xa lạ đối với hơn 99.9% dân Việt Nam. Mặc dù đã được nhắc đến một lần trong bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên [1], về việc vua Lý Anh Tôn vào năm 1160 cho lập đền thờ Xy Vưu cùng với đền thờ Hai Bà Trưng. Còn Thần Nông, có lẽ chỉ có những người thuộc thế-hệ sinh sung, hay đã có dịp học qua cổ-sử thời Trần Trọng Kim thì còn nhớ ông là 362


nội tổ của Lạc Long Quân, thân phụ của Hùng Vương số 1. Trong khi tại nhiều Mường bản, tại Lào và Thái Lan, Thần Nông có vẻ khá quen thuộc đối với người dân thường. Vấn đề hai vị Thần Nông và Xy Vưu, (nhất là Xy Vưu), đã đi vào quên lãng trong tâm khảm các sử gia Việt Nam nói riêng, và người Việt nói chung, có lẽ nằm ở vị trí khá xa xôi của địa-bàn ban đầu của Xy Vưu và nhóm Cửu Lê, đối với xứ Việt, so với các nước như Triều Tiên và Trung Hoa. Cũng như vấn đề hợp-chủng xưa nay vẫn nằm sâu ở phía dưới những mặt bằng quan sát của các sử gia. Ở bảng (b) làm một con tính nhẫm ta thấy thời gian bình quân của mỗi một đời vua trong 18 đời vua ở mỗi nước như sau: Trung Hoa: 400/18 = 22 năm; Cao Ly (Triều Tiên/Hàn): 1565/18 = 87 năm; Việt Nam: 2621/18 = 146 năm. Như vậy - mỗi một đời vua Hùng Vương tại xứ Việt cổ kéo dài lâu nhất (146 năm). Đời nhà Hạ bên Tàu, mỗi vua kéo dài trung bình chỉ khoảng 22 năm, hợp lí nhất. Nhưng cả 3 thời Hồng Bàng tại 3 xứ vẫn hãy còn xếp vào thời huyền sử, tức chưa có một chứng cớ nào để xác định nó có thật hay không. Số 18 được dùng tại ba nơi cho thấy đó có thể một con số về ý niệm cho sự liên tục như đã trình bày trong một bài đầu. Hai điểm quan-trọng có thể suy diễn từ những sự kiện giống nhau về thời Hồng Bàng ở 3 xứ khác nhau (ngày nay): (a) Có thể 3 thời Hồng Bàng này do cùng một nhóm tác giả sáng tác hay ghi lại (truyền tụng) cho hậu thế, HOẶC 3 thời Hồng Bàng thật ra chỉ là một khi 3 quốc-gia đó chưa hình thành rõ rệt, xảy ra tại khu vực gối đầu của 3 khối chủng tộc. Hoặc, ngày nay tuy gồm 3 dân tộc khác nhau, nhưng ngày xưa có thể chỉ một khối chung chung. (b) Vua Hùng Vương thứ nhất, cũng có thể chính là vua Đại Vũ (nhà Hạ), hoặc Xy Vưu (thời Bai-Dal ở Cao Ly), hay Hùng Vương số 1 ở nước Sở, thời Đông Châu. Miao tộc, các người là ai? Xin trở lại việc vua Gia-Long dùng đến hai chữ 'Viêm Giao' trong lá thơ gởi cho vua nhà Thanh bên Tàu, về việc xin phong vương [2]. Và chúng ta đã xem sơ qua giả thuyết: 'Viêm' => Thần Nông (Viêm Đế), và 'Giao' => tộc Dao => Xy Vưu => tộc Miao-Yao. Việc kèm theo Miao tộc vào nhóm người Việt di tản sang, rồi định cư ở xứ Việt cổ với các sắc dân bản địa đã gây tranh cãi khá sôi nổi tại Sàigòn, vào những năm 60's thuộc thế-kỷ trước. Đặc biệt giữa tác giả quyển Mã Lai [5] và các tiền bối như: Lm Kim Định, Lê Chí Thiệp, Nguyễn Bạt Tụy, Mộng Văn Thông (người Hoa), v.v. [6]. Chung quanh vấn đề có nên đem Miao tộc vào gộp chung với Việt tộc hay không. Có lẽ bắt nguồn từ những thư tịch cổ của Tàu, và cũng từ hai chữ 'Viêm-Giao' dùng trong lá thơ xin phong vương gởi cho nhà Thanh của vua Gia Long. Bình Nguyên Lộc [5], có lẽ quá nồng nhiệt với thuyết Mã-Lai ở đầu thế kỷ 20 [22] mà ông giúp lăng-xê, đưa ra nhiều luận-cứ để gạt bỏ Miêu tộc ra khỏi đẳng thức tộc người tiến tạo nên người Việt Nam. Nhưng, cả tác giả quyển Mã-Lai và hằng chục hằng trăm học-giả khắp nơi trên thế giới, kể cả những vị thuộc tộc Hmong, cho đến mãi ngày nay, đều vẫn chưa, hay tảng lờ đi, xác định tộc gốc của người Miao là gì, và họ từ đâu đến. 363


Câu hỏi then chốt của chúng ta ở đây chính là: 'Nếu biết người Miao khi xưa ưa sống bên cạnh người Hakka, tức Hẹ, và vua Lý Anh Tôn vào năm 1160 có lập đền thờ Xy Vưu [1], thánh tổ của người Miao, chúng ta có ... dám đưa người Miao vào danh sách, thành một trong những tộc người di cư đến xứ Việt cổ, bên cạnh người Hẹ, rồi trở thành một trong những tộc người tiến tạo nên người Việt Nam hay chăng?' Bất cứ ai muốn tìm trả lời cho câu hỏi này đều phải vướng vào những vấn đề hết sức gút mắt, liên-hệ đến hiểu biết hãy còn khá mù mờ, mặc dù có lẽ chỉ ở bề ngoài, của người Hoa đối với tộc người kì bí mang tên Miao-Yao, hay Hmong-Mien. Mù mờ trên hết là thành phần của khối Jiu Li, tức Cửu Lê. Thông thường lẫn lộn. Khi thì họ gộp chung với nhóm Đông Di ở địa bàn Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Bắc, Hà Nam. Khi cho vào nhóm Tam Hàn đi di tản sang các nơi khác: Jin Han => Mãn Châu, Ma Han => Cao Ly, Bun Han => Bắc Kinh [15]. Tức có liên hệ với đám rợ phía Bắc mang tên chung: Bắc Địch [北 狄.]. Khi thì họ cho ra những đám 'rợ' mang tên khác như Bách Bộc, Bộc Việt, He (viết y hệt như họ Lạc 貉, và thật ra chính là Hẹ ngày nay), cũng xuất hiện ở chung quanh khu vực sông Hoàng Hà vào thời Xuân Thu Chiến Quốc. Nhưng nói chung họ cho khối Cửu Lê (hay Ly) có tất cả 9 nhóm [7]. Mỗi một nhóm có 9 bộ tộc hơi khác với nhau. Như vậy tổng cộng có tất cả 9 x 9 = 81 tiểu chi Cửu Ly, mà chúng tôi đã cho rằng chính là số 100 (Bách) theo hệ thống đếm theo cơ số 9. Một hệ thống đếm rất xưa, có thể của một hai bộ phận nào đó của siêu tộc Khương, mà chưa có sách vở nào đề cập đến. Hệ thống đếm theo cơ số 9 chính là hệ đếm của người Mường tại Việt Nam. Theo hệ này, số đếm lớn nhất là 9 chứ không phải 10. Đếm từ 1 đến 9, rồi tiếp theo gọi là 9+1, 9+2,... cho đến 9+9, đọc là 29 (hai lần chín), tức bằng 18 trong hệ đếm theo cơ số 10. Bởi vậy quyển 'Les Mường' của Jeanne Cuisinier [16] đã nêu thắc mắc không hiểu tại sao Việt đếm 27 trong khi Mường đọc 39 (tức 3 x 9 = 3 lần 9 = 27 trong cơ 10). Hệ thống đếm theo số 9, chính là đầu dây mối nhợ cho các 'cụm từ' hay ý niệm dùng 9, hay bội số của 9, như: chốn cửu tuyền (chín suối), cửu trùng, chín tầng mây, 18 đời vua, 9 cái đĩnh vua nhà Châu, 36 kế, thất thập nhị (72) huyền công, 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, Giáng Long thập bát (18) chưởng của Kim Dung, v.v. Chúng tôi cũng mạo muội cho rằng, hệ thống đếm dựa trên cơ số 9 xuất phát hay được hiệnthức từ nhận xét về bào thai nằm 9 tháng, tức 9 tuần trăng, trong bụng mẹ. Theo cổ sử Tàu, Chi You (Xy Vưu) chỉ lãnh đạo có 72 chi tộc trong tổng số 81 nhóm Cửu Lê. Và họ không thể kể ra được 72 chi tộc theo Xy Vưu đó thuộc những đám nào. Dù vậy một vài tài liệu mới {website 12 của [3]}, cho biết khối Khiết Đan (Khitan), tộc người của Tiêu Phong trong Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung, ngày xưa bao gồm 72 bộ tộc. Vấn đề nhận diện gốc gác của người Miêu lại gặp thêm nhiều khó khăn ở chỗ: (a) Người Miao có nhiều lối hành xử rất giống người Do-Thái. Không phải giống ở chỗ có tín ngưỡng mạnh và giỏi về những vấn đề tài chánh hay tiền bạc, nhưng ở chỗ họ giữ vững lối sống, tập tục tổ tiên, và rất gắn bó với tình đồng tộc. Giống người Nhật, họ ít chịu sống hoà mình với các tộc khác. Cũng bởi lí do này, có một hai học giả Tây phương đưa ra giả thuyết họ là một trong những bộ lạc thất tung của người Do Thái. (b) Cũng lại có những học-giả đặt ra giả thuyết gộp họ vào nhóm Tai-Kadai (tức Thái-cổ). Và cũng có thuyết cho họ thuộc khối siêu tộc Để-Khương. (c) Tôn-giáo cổ truyền của họ rất giống nhiều bộ tộc tại Trung Hoa thời cổ xưa. Đó là thờ cúng tổ tiên, và shamanism, tức tông giáo đồng bóng. 364


(d) Cũng giống như người Hẹ, bởi có một quá trình du mục nay đây mai đó, họ không nhớ rõ quê-hương ban đầu của họ ở tại đâu. Tuy vậy họ có thể kể một vài truyện cổ tích cho biết họ rất gần gũi với con gấu (Bắc Cực) - và đã từng ở chốn có đến sáu tháng ban ngày và sáu tháng toàn ban đêm. Tức khu vực rất gần miền Bắc Cực. (e) Ngôn-ngữ của họ lại không giống tiếng Thái, mà cũng không giống các tiếng MônKhmer. Cũng rất khó cho vào nhóm Hán-Tạng, bởi cũng không giống Hán ngữ trên phương diện từ-vựng. (f) Bởi ngày nay, người Miao chỉ tập trung tại miền Hoa Nam (phía Nam sông Dương Tử), đông nhất tại Quý Châu, và liên hệ giữa nhóm Cửu Lê (phần lớn là người Miao) với dân Cao Ly (Hàn) chỉ được ghi lại ở thời tiền sử, cho nên liên kết giữa người Miao với người Đông Hồ (tức Tungus) hoàn toàn bị bỏ sót. Đó là không kể đến một khuynh hướng cố-hữu của người Hoa là bỏ sót hay không chú trọng nhiều đến người Miao. (g) Người Miao sống ở miền Hoa Nam ngày nay, bởi vẫn giữ vững lối sống tổ tiên nên tình hình kinh tế tại những tỉnh họ tập trung, như Quý Châu, có vẻ phát triển chậm hơn những vùng khác. Nhiều cộng-đồng người Miao-Yao cũng khá nổi tiếng với lối canh tác 'đốn & đốt', như cộng đồng người SHE tại Phúc Kiến, Giang Tây và Chiết Giang. Tuy nhiên cũng có rất nhiều cộng đồng Miêu-Dao rất thành công về tài chánh, buôn bán ở Hoa Nam và Thái-Lan. (h) Đặc biệt người She mặc dù tộc gốc rất có thể là Yao, nhưng tiếng nói họ pha lẫn với tiếng Hakka (Hẹ) rất nhiều. Cho thấy trong quá khứ họ sống rất gần người Hakka. (i) Trong rất nhiều cộng đồng người Dao, người ta kiêng kị xơi món mộc tồn. Bởi giống như nhiều cộng đồng người Mông Cổ, totem của họ là con Chó. Họ cũng có chuyện cổ tích về Chó Bàn Hồ [Pan Hu] 盤 瓠 hoặc Bàn Cổ [Pan Gu] 盤 古, như sau: Ngày xưa, có vua Tàu tìm người dẫn quân đánh giặc chống ngoại xâm. Sau cùng, vua tìm ra con Chó chịu đảm nhận chức vụ thiếu tướng tư lệnh quân-đoàn hoàng-gia. Nhưng chó Pan Hu đòi vua phải gả công chúa, và chia giang san, dành phân nửa cho nó nếu diệt được giặc. Thắng trận trở về, nó cưới được công chúa nhưng vua chỉ cho nó phần đất trên không, tức vùng cao nguyên chướng khí. Nó phải ngủ nhiều ngày để trở thành người. Nhưng đến ngày thứ 7, nó bị đánh thức nên cả thân hình đã trở thành thân người. Chỉ chừa cái đầu, vẫn còn đầu 'khuyển' như xưa. Có thể để ý đến 3 chi tiết nhỏ từ chuyện chó Bàn Hồ. Thứ nhất, tên Bàn Hồ mang chữ 'Hồ' mang âm vận rất giống đám rợ Hồ 胡 ở phía Bắc nước Tàu (Nhớ chuyện: Chiêu Quân cống Hồ). Thứ hai, Bàn Hồ cũng có một lối phát âm giống như Bàn Cổ [Pan Gu], và Bàn Cổ chính là tên ông thủy tổ tạo nên nước Tàu khi thức dậy, sau một giấc ngủ kéo dài 18000 năm. Thứ ba, hoàng hậu đầu tiên của người Miêu chính là một công chúa Tàu. Do đó người Miêu-Dao đã mặc nhiên nhìn nhận họ cũng mang máu Hoa như ai. Bây giờ xin tiếp-tục truy-tầm nguồn-gốc tộc Miao-Yao theo các chứng liệu ngôn-ngữ gần xa, với mục-đích xem qua có phải tộc người Miao đã nằm sẵn trong lòng tộc người ViệtNam hay không. Đi đôi với việc vua Lý Anh Tông cho lập đền thờ thánh Xy Vưu. Bảng I trình bày dưới đây cho thấy, lần đầu tiên, một số từ khá tương đồng giữa tiếng Việt và Miao, điển hình qua tiếng Hmong, phần lớn trích từ quyển từ-điển Hmong-Anh / AnhHmong do trung tâm Saturn tại St Paul (Minnesota) xuất bản [8]. Bảng I cho thấy một số từ hay cụm từ, giữa tiếng Hmong và tiếng Việt, giống nhau như đúc. Thí dụ: lớn => loj. lùn => luj. khoe => khav. chết => cheej. đảo => daj. rượt => raws. 365


me (trái me - tamarind) => miv. chỗ => chaw. nước (H20, đác/nác) => dej. nhà => nyob. tụi nó => tej no. chùi => cheb. muôn (10000) => meem. gõ (cửa) => khog (khỏ). lai (áo - seam) => leeg. rau (vegetable) => zaub (giống Hẹ). mua => muas. bé => me. Việt

Hmong

Việt

Hmong

GHI CHÚ

thế tro xe một tí xương chết thứ 8 từ từ mắt lông mày vườn rượt rút nước người lớn ngựa cổ họng lưỡi muôn đầu gối lớn, to bé cuối mua

thiaj tshauv tsheb ntsis txha cheej thib yim (8) zuj zus muag plaub muag vaj raws rho dej neeg laus neeg qa, caj pas plaig meem hauv caug log, dav me kawg muas

(chu) vi tre, trúc lớn lùn khoe nợ (lừa) đảo bà mặt mi mắt me (trái) nhà tay chỗ chùi tụi nó Xy Vưu răng /nha vạn gõ (cửa) hoànghậu cám ơn lai (áo) bán

vij xyoob loj luv khav nuj nqi dag pog ntsej muag di muag miv nyob txhais Tes chaw cheb tej no Txiv Yawg hniav vam khog poj-huabtais cham o leeg muag

rau= zaub-Hm/Hẹ. [Jăm] Chăm tro <= [zeon]Q. Đông mạnh: muaj (Hm). lùn= talut (Chăm) khoe <kho Ngô. Chhoe Mân chết: tsa? Ngô. Se & chiong Mân đảo (lừa) <= tao Ngô từ từ <= tun QT, zi Ngô mưta, mata - Chăm, Đa đảo rượt => edjoeT (Khmer) Thái: me <= maekham M-Khmer: niơ, nyia, hniơm Nhật: te. Taha (Đađảo) nước<= đác/ nác. chỗ: tsasM (Mon-Khmer) chỗ: tsu Hẹ. chốn: tsong,tiong - PK [ngi] Hẹ. [ngai] QĐ Txiv=cha/Yawg=ông. [Chi You] qt [ya] QT <= 'nha' (nha sĩ) muôn=vạn=> [maan]QĐ [van]Hẹ khỏ = gõ= khog. [g] => [kh] [poj] => Bà. [huabtais]= vua cham o=tiếng Yao-Thái-Lan lai (quần / áo) = seam [mai]3 & [mai]4. [buan]2&[buan]7 PK. => buôn*bán => mua*bán.

Bảng I: Đối chiếu một số từ giống nhau giữa Việt & Miêu. QT= quan-thoại. QĐ= quảngđông. PK= Phúc-kiến. Hm= Hmong. MK= Môn-Khờme. Xin nhắc lại trong chữ viết các thứ tiếng Miao-Yao, thinh (tức 'tone' hay phát âm theo dấu cho thanh điệu) được kí âm bằng các phụ âm viết cuối từ. Thí dụ: [muas] = mua, có thinh biểu diễn bằng chữ 's'. [muag] => bán, thinh viết bằng 'g'. Để ý: [bé] => [me]. Cả 'b' và 'm' đều là âm 'môi-môi', 'b' âm tỏ, trong khi 'm' âm mũi. Trong môi trường không dùng chữ viết dựa trên a-b-c, âm 'b' dễ lẫn lộn với 'm'. Những điểm đặc-trưng sau cho biết tiếng Miao đã từ lâu nằm ngay trong lòng tiếng Việt: 1) Tiếng Miao có nhiều thinh (tone). Có bộ tộc dùng 5. Có nơi: 8. Giống như rất nhiều phương ngữ Hoa Nam, như Quảng Đông, Mân, Hẹ, v.v. Họ kí âm thinh bằng phụ âm đặt cuối các từ: 0, b, j, g, v, m, s, và d. Nhiều học-giả cho rằng thinh của tiếng Miao là thủy tổ thinh của nhiều thứ tiếng ở miền Hoa Nam, và Đông Nam Á. 2) Khác nhiều phương ngữ Hoa, nhưng giống Hẹ, tiếng Miao dùng âm [V] thay cho [W].

366


3) Tiếng Miêu là một thứ tiếng có thể gọi Đơn-Âm giống tiếng Việt, tiếng Hán. Tuy vậy, tiếng Miao có khá nhiều phụ âm kép không giống tiếng Hán: [Hl] => người Hlai (tức người Lê ở Hải Nam; Hluav => lửa; [Hm] => Hmong; [Nq] => nqaij (thịt), v.v. 4) Tiếng Mien (Yao) có phụ âm [NG] ở đầu giống tiếng Việt, Hakka, Quảng Đông: guh nguaaic = ở phía trên. Cũng có [NY] giống tiếng Việt [NH]: Mienh nyei laangz = làng (người) Mien. Ăn = Nyanc. Nhà = Nyob. {Ãm cuối 'b' dùng cho thinh} 5) Thông thường, hình-dung-từ theo sau danh từ: dlev luj => chó lớn (luj = lớn) [10] 6) Phó từ chỉ thời gian, đi trước: Sau đó, tôi mới ăn cơm => Maaj-mam, kuv yuav noj mov [10]. Phó từ hỗ trợ hành động thường đặt phía sau: Tôi ăn thật nhiều => kuv noj ntau. Tôi ăn lẹ lẹ => kuv noj ceev ceev. {Tôi = [kuv]. Ăn = [noj]} 7) Động từ 'To Be' của tiếng Hmong gần tiếng Việt hơn tiếng Anh. Nó giỏi thật (không cần dùng 'To Be') = Nws zoo heev. Nws= nó, zoo= giỏi, heev= thật (lắm). Dùng 'Có' thay To Be (Is there): Có nước (uống) không? = Puas muaj dlej? (muaj => có). Trường hợp dùng To Be: Nó là người Tàu = Nws yog Suav [10]. 8) Độc đáo hơn chính là những từ hay cụm-từ sau đây giữa tiếng Hmong [8] và Việt: Hmong

Việt

Ghi Chú

nga(g) ki(s) qai(b) vì(m) / vi(m) chi(j) de(j) mua(j) zo(g) Txha hlua(s):: [plua(s)] no(j) hno(v)

ngày kia (mốt) con gà vì (bởi vì) /chỉ vì nước (đác / nác) mạnh giỏi xương trẻ ăn (no) nghe

= ngày sau ngày mai. (g) và (s) là 'dấu' đọc như tiếng Quảng: Gáy => gà. Dấu 'b' phát âm rất giống nhau. [vì chỉ] đảo lộn. Rất giống [đác] => Nôm (Mường/ M-K) (j) và (g) đều là dấu (thinh) tiếng Hán: [gu] tức Cốt. Việt cổ: [plẻ] hay [tlẻ]. Tiếng Khả: [plở] Xem chú thích [11] => Cơm no áo ấm [hnov] phát âm gần với: [hngo] => nghe

9) Nhưng độc-đáo nhất là lối cấu trúc sau đây của tiếng Miao (Hmong) từ lâu vẫn có trong tiếng Việt. Nhưng nằm im lìm, ít người để ý. Đó là lối đặt 'túc-từ' ở phía trước, bắt đầu câu. Thông thường, tiếng Miao cũng như tiếng Việt: Chủ từ + động từ + túc từ. Kov noj mov= Tôi xơi cơm. {Kov= tôi. noj= xơi. mov= cơm}. Nhưng đôi khi trong tiếng Hmong, túc-từ được đặt ở đầu câu, kèm với chữ [mas]: Mov mas, kuv nyam noj ntau= Cơm hả, tôi thích xơi thật nhiều. Mov= cơm, kuv= tôi, nyam= thích, noj= xơi/ăn [11], ntau= nhiều. Thử xem những lối nói sau đây trong tiếng Việt, có cùng cấu trúc đặt túc-từ ra phía trước:  Cơm, tôi đã để dành phần anh rồi. HAY: Cơm - anh về cứ ăn trước, đừng đợi.  Hành trang, tôi đã xếp xong. Nửa đêm lúc cậu đến, thì xách đi ngay.  Mền chiếu, em đã dọn ra ngoài chuồng heo. Tối nay anh ra ngoài đó ngủ.  Bài làm thầy cho, tớ đã làm xong.  Cơm nước, tụi tôi ăn rồi.  Nợ nần, tôi vừa thanh toán hết rồi. Bây giờ anh lại rủ đi Las Vegas nữa!  Thi cử, tôi đã xong. Bây giờ, chuyện cưới vợ, tôi phải tự lo.  Bia ôm, anh mới đi hồi tối, bây giờ lại đòi đi nữa. Lối cấu trúc kể trên, đưa túc-từ ra đằng trước, rất giống tiếng Miao-Yao (Hmong-Mien).

367


Nhưng xin ghi nhận: Từ vựng tiếng Miao trong tiếng Việt không được dồi dào bằng các thứ tiếng Hẹ, Mân (Phúc Kiến), và Quảng Đông, trong các thứ Nôm từ phía Bắc. Và Miao tộc trong hằng nghìn năm luôn luôn nấp kín sau tộc Hẹ tức Hakka. Cũng giống như người Đa đảo nấp sau người Thái-cổ và Môn-Khmer. Trong lòng tộc người Việt Nam. Xuất xứ Miao tộc Tìm ra được chứng tích hiện diện của Miao tộc, đại biểu của nhóm Cửu Lê, trong lòng tộc người Việt Nam, chúng ta sẽ không dằn được tò mò muốn biết họ xuất xứ tự nơi nào. Mặc dù đã biết rõ các học giả Tây lẫn Tàu xưa nay vẫn bó tay, chịu nước cờ bí. Có lẽ do ở việc người Hoa mang một chủ trương nào đó không thích nghiên cứu về Miao tộc chăng? Tuy vậy chúng ta vẫn có thể ức đoán được một hai sự việc dựa trên những quan-sát khá mới mẻ, như sau: 1) Trước hết, xin để ý người Hmong có thói quen dùng lịch xem ngày tháng của nhà Châu, ở thời Xuân Thu Chiến Quốc. Lịch nhà Châu có tháng 1 bắt đầu bằng tháng Tý, tức tháng 11. Trong khi lịch nhà Tần bắt đầu tháng 10. Nhà Tống theo nhà Thương bắt đầu tháng Sửu (12). Nhà Tấn bắt chước nhà Hạ dùng tháng Dần (Giêng) như tháng 1. Việc người Hmong theo nhà Châu dùng tháng Tý (11) như tháng 1 cho biết họ đã có mặt ở miền Hoa Bắc trong thời Xuân Thu, vào lúc nhà Châu làm bá chủ các chư hầu ở miền Hoa Bắc. Họ có địa bàn xưa ở phía Đông, chứ không phía Tây như nước Tần. 2) Người Miao có tục búi tóc đằng sau giống như nhiều bộ tộc Lạc Việt, hay Môn-Khmer hoặc Nam Ấn, ở thời xưa (xem [5]). 3) Chỉ số sọ, mặc dù nay có vẻ lỗi thời [9], trình bày trong quyển Mã Lai [5] cho biết chỉ số sọ bình-quân của Miao tộc là 80.6, nằm trong khoảng 79.0-81.4 của người Mãn Châu và Tungus (Đông Hồ). Người Tungus là ai? Người Tungus là một trong những nhóm người, như Turkic, Mông-Cổ, Hàn, v.v. có ngôn ngữ xếp vào nhóm Altai. (Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về nhóm ngôn ngữ Altai). Địa bàn ban đầu của họ chính là khu vực chung quanh Hắc Long Giang ở vùng Siberia (Tây Bá Lợi Á) & Manchuria - nơi có núi Lộc Đĩnh, được dùng trong bộ Lộc Đỉnh Ký của Kim Dung. Địa bàn Siberia của người Tungus cũng là nơi lạnh nhất (-71oC hay -159.8 oF) sau Nam Cực và Bắc Cực. Tungus, gọi theo tiếng Hán: Đông Hồ 東 胡, cũng là tên chung cho nhiều bộ tộc, đa số du mục, mang khá nhiều tên khác nhau, phía Đông Mông Cổ. Mặc dù hiện nay, có rất nhiều lí thuyết về phân bố của các bộ tộc dưới tên, hoặc cùng tên như, Tungus, đại khái chúng ta có thể biết dải đất của người Tungus nằm giữa Mông Cổ và Mãn Châu. Có học-giả cho rằng họ là tộc tiền-Mông-Cổ. Có nơi cho họ là tiền-Mãn-Châu. Tên những khối tộc người liên hệ khá mật thiết với khối Tungus bao gồm:  Jurchen 女 真, (Nữ Chân) => nhà Kim 金 朝 của Hoàng Nhan Liệt trong bộ Xạ Điêu Anh Hùng Truyện của Kim Dung. Một bộ tộc của Jurchen cũng mang tên Mohe (Malgal) viết như 靺 鞨 [Mohe] hay 莫 贺 弗 [Mohefu], trực thuộc Sushen-Shi 肃 慎 氏 (Túc Thận Thị) ở bờ biển Đông Bắc nhìn qua nước Nhật. Dân Kim xuất xứ từ khu vực thượng du của Hắc Long Giang (Amur), trở đi trở lại quấy phá nước Tàu. Lần sau cùng họ mang tên: Mãn Thanh, tức nhà Thanh.  Khitan, tức Khất Đan (Khiết Đan) 契 丹 , quê hương Tiêu Phong, với nhà Liêu 遼 朝 (đầu thế kỷ 10) được nhắc đến rất nhiều trong 'Thiên Long Bát Bộ' của Kim 368


Dung. Liêu bị Kim (tộc Jurchen) thôn tính vào năm 1125. Người Nga đọc Khitan như Kitai. Ngày xưa, họ có lý do để lẫn lộn với Trung Hoa. Tức Nga gọi Trung Hoa (phía Bắc) bằng Kitai. Kitai được Marco Polo đọc như [Catai] [4]. Catai sinh ra Cathay, tên gọi nước Tàu người Anh vẫn dùng cho đến thế kỷ thứ 19. {Hãng hàngkhông nổi tiếng: Cathay Pacific Airways}. Giống như ngày trước, người Việt gọi Tàu bằng nước Ngô, người Ngô.  Xianbei (Tiên Ti) 鲜 卑 , còn gọi [Murong] 慕 容 tức Mộ Dung, quê hương của Mộ Dung Công Tử, trong 'Thiên Long Bát Bộ'. Bộ tộc chủ lực của nước Yên, và rất nhiều nước miền Bắc ở thời Ngũ triều - Thập quốc vào thế kỷ 10. Ở những nơi dùng chữ Hán để miêu tả, chúng ta có thể đặt giả thiết: 'Mộ' trong Murong (Mộ Dung) và 'Mo' trong Mohe có thể chỉ là một từ trong tiếng của người bản địa. Có tài liệu cho biết bộ tộc Mộ Dung bị bộ tộc Mohe thôn tính vào năm 494 {website 14 của [3]}. Xianbei (Tiên Ti) có xuất xứ từ núi Xianbei ở cùng khu vực, và cũng được gọi, ở vài nơi, là 'Đông Hung Nô'. Cũng có nơi miêu tả Tiên-Ti chia thành 2 nhóm: (i) Nhóm Murong Xianbei (Mộ Dung Tiên Ti) phía Đông Bắc, có liên hệ đến tiểu quốc Buyeo một tiền thân của nước Hàn bây giờ. (ii) Nhóm Tuoba Xianbei (Thác Bạt Tiên-Ti) ở phía Bắc, thiết lập nên nhà Bắc Ngụy (Bei Wei) (386-534). Mẹ của hai vị vua nhà Tùy và Đường, đều mang giòng máu Thác Bạt.  Evenki: tên mới của Tungus 鄂 温 克 族, chỉ một tộc người thuộc nước Nga, phía Bắc - trong khi Mãn Châu ở phía Nam.  Tuoba, tức Thác Bạt 拓 拔 t bộ tộc chủ lực của nước Bắc Ngụy (386-533). Có thể có liên hệ bà con với đám Tartars hay Turkic (tóc nhạt, còn gọi: Nhục-Chi), phía Tây.  Xibe 錫 伯 đọc theo tiếng Hán là [Xi Bo]. Sinh ra 'Tây Bá Lợi Á' tức Siberia, theo tiếng Nga. Giả thuyết [Sibe] sinh ra Siberia là do Gs Pamela Kyle Crossley của Dartmouth College đề xướng. Nhưng để ý, phiên âm 'Tây Bá Lợi Á' cho Siberia, là do ở một người Tàu nào đó không rành tiếng Xibe, lẫn lộn âm [S] và [X]. [Si] trong [Siberia], được phiên âm như [Si] cho ra âm quốc ngữ 'Tây', là dựa trên âm [X]. Chứ thật ra người bản địa phát âm đúng là [SHE], chứ không phải [Xi]. 4) Đông Hồ đặt ra có lẽ để phân biệt với nhóm Ngũ Hồ, từng làm chủ nhiều 'triều đại' ở phía Bắc (16 nước), vào cuối thời Tam Quốc và Tây Tấn (cuối thế kỷ 3). Phân biệt Ngũ Hồ thay đổi theo từng tác giả. Nhưng đại khái gồm: Hung Nô 匈 奴 , Tiên-Ti [Xiānbēi] 鮮 卑, Để 氐 [Dī], Khương [Qiāng] 羌, và Kiết [Ket] [Jié] 羯 {có liên hệ bà con với nhóm Tocharians (tức Turkic hay Nhục Chi), ở gần sông Obi & Ket, phía tây của Siberia}. 5) Để ý trong tên Tungus, đọc theo tiếng Hán xưa chính là Đông Hồ, tức đám giặc Hồ ở phía Đông (Bắc). Tungus ngày nay thường được nhắc đến nhờ ở tai-biến Tunguska vào năm 1908. Đó là một vụ nổ lớn (hơn bom nguyên tử ở Hiroshima khá xa) tại Siberia, mà rất nhiều giả thuyết khác nhau được dựng lên. Nhưng phổ biến nhất có lẽ là va chạm giữa một thiên thạch với quả đất. Nhưng trong tên SIBE dùng để chỉ nhóm người ở Tây Bá Lợi Á, chữ SI ở đầu người địa phương phát âm là [SHE] chứ không phải [XI]. Nếu chúng ta để ý tại các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang, Giang Tây, Quảng Đông, ngày nay có một khối người dân tộc mang tên là SHE nói tiếng Miao-Yao pha lẫn nhiều tiếng Hẹ (xem [3]/15), chúng ta có thể kéo được một gạch nối, liên kết người SHE 畲 (Yao tộc) ngày nay với người Xibe, tự gọi SHE-Bo, ở miền Siberia. Mặc dù SHE 畲 ở Hoa Nam 369


viết khác với SHE 錫 trong SHE-Bo ở miền Cực Bắc. Chúng ta cũng không khỏi để ý, chữ SHE 畲 là tên một nhóm người Yao ở Hoa Nam:  Người Hẹ (Hakka) có những cách phát âm sau đây cho chữ SHE 畲 : [tsia] hay [yi] hoặc [zi]. [Yi] hay [Zi] dễ gợi đến tên gọi xa xưa: ' Đông Yi', tức đám Lạc bộ Trãi ở Sơn Đông.  Tiếng Quảng Đông và Quan-thoại, ngoài âm cơ bản [se] hay [she], đều có phát âm [yu]-2 hay [yu]-4 mà chúng tôi cho rằng có liên hệ rất mật thiết với âm [yue] chỉ 'dân du mục' (vượt sông băng rừng) hay... 'Việt tộc'. Sẽ bàn tiếp phía dưới. 6) Ngay trong tên Tungus, tiếng Turkic nghĩa: heo rừng, phiên âm tiếng Hoa là Dong Hu (Đông Hồ) 东 胡 , chúng ta cũng có thể suy diễn nhiều sự kiện khá lí thú như sau:  Thứ nhất, nó vẫn giữ tên [Hu] dùng để chỉ đám rợ Hồ 胡 , tức bọn Hung Nô / Bắc Địch. Tên totem thủy tổ người Yao, Chó Bàn Hồ, vẫn giữ vững tên 'Hồ'. Cho thấy, rất có khả năng - người Yao chính là hậu duệ của người Đông Hồ xa xưa [14].  Nhưng để ý thánh tổ Bàn Hồ, có vợ là một công chúa người Hoa. Do đó người Yao, trong tiềm thức, đã nhìn nhận người Mẹ đầu tiên của họ có DNA của Hoa chủng. Nói cách khác, Hoa chủng và Miao tộc có tình bà con cật ruột nhau [17]. 7) Để ý đến tên gọi Hmong cho người Miao ở miền Nam. Phát âm trong tiếng Hmong là [Hmoo(b)], với 'b' mang ý của thinh (dấu). Như vậy phát âm [Hmoob] gần với [Mao] hay [Mo] trong từ [Mohe] dùng để chỉ một bộ tộc Tungus năm xưa. [Miao] cũng có thể biến chuyển qua lại với [Mao] và [Miu] giữa các phương ngữ Hoa Nam [12][13]. 8) Người Miao-Yao nhiều khi kể chuyện cổ tích có nhắc đến tổ tiên họ ở khu vực sáu tháng ban ngày sáu tháng ban đêm. Tức vùng... Tây Bá Lợi Á (Siberia). 9) Bây giờ xin để ý đến hiện-tượng âm [M] bám sát với âm [Y] trong các phương ngữ tiếng Hoa và Đông Nam Á như sau:  Nước Myanmar, ngày xưa có hai phiên-âm: Miến Điện và Diến Điện - M và Y. Thay phiên nhau dùng 1 trong 2 âm đầu của MYanmar;  Miao 妙, có thể [myao]. Sang tiếng Việt, chỉ dùng âm [Y]: Diệu=> đẹp tuyệt diệu; [Myao] => [Yao].  Mian 面 có thể kí âm [myan] phiên âm ra 'Diện' = khuôn Mặt. Lột bỏ âm 'M'. Trong khi âm 'M' ở đầu gần với các phương ngữ Á Châu hơn: Mặt, mata (Mã Lai /Đa đảo), mI (Ngô Việt), myen (Hán Hàn). Để ý âm Hàn: [myen] bao gồm [Y] theo sát [M]  Chà 茶 mang nghĩa 'trà' (tea) là chữ Hoa Nam. Hoa Bắc thời xa xưa có một thứ trà khác mang tên [ming] 茗 , tức Camellia sinensis. Hẹ đọc [miang], và Cao-Ly đọc [myeng]. Cũng âm [Y] bám sát theo [M]. Tiếng Việt xưa gọi là [Dánh] [5]. Lột mất âm đầu [M] còn [D].  Tiếng Việt có từ chỉ tôi (thân mật) là [Mình]. Phát âm Thừa Thiên ngày trước có dạng [Myềnh], hay gần giống. Cũng âm [Y] theo sau [M].  [Minh] (= sáng, thông minh) theo tự vị Huình Tịnh Của ngày trước có thể đánh vần như [Miêng], tức rất có thể phát âm như [Myêng].  Chữ [Min] 民 chỉ 'dân chúng' hay dân tộc, có thể người Miao ngày xưa phát âm giống như [myân], và từ đó lột mất [M] cho ra 'Dân', khi chuyển ra quốc ngữ. Nên 370


nhớ người Yao cũng có tên gọi là người [Mien] (tộc Hmong-Mien). 'Mien' tiếng Dao mang nghĩa 'dân', 'người'. Như vậy biến chuyển MIAO => YAO cũng có thể nằm trọn trong qui luật về âm [Y] bám sát âm [M] ở đây. Giống như biến chuyển [Miao] <=> [Mao] bàn qua phía trên. 10) Xin để ý đến các kiểu viết chữ Tàu cho 'Dao' (Yao) như 傜 hoặc 猺 hay 瑤 . Phát âm Hẹ của các từ này là [rau] hay [zau]. Quảng Đông đọc [yiu]. Quan-thoại đọc [yao]-2. Phúc Kiến (Mân) phát âm theo kiểu quốc-ngữ (lột [y] như trong 'yêu') => [iou] hay [iu]. Nhiều phiên âm ghi người [Yao] là người [Iu] chính là âm kiểu Phúc-Kiến. Nhưng để ý âm [yao]2 quan-thoại hoặc [iu] Phúc Kiến cũng chính là âm vận y hệt của từ 尤 trong Chi You tức Xy Vưu. Phát âm của 'Vưu' trong quan-thoại là [you] hay [yao]. Phúc Kiến cũng là [Iu] như trong [Iu] cho tộc [Yao]. 11) Để ý đến tên viết 'Yao' (quanthoại) chỉ tên vua Nghiêu, đọc theo kiểu Hẹ [ngiau]. Có chừng 3-4 kiểu viết khác nhau (thí dụ: 姚 [18] & 堯 & 尧 ) cho ông vua đầu đời này. Nhưng có một lối viết người Hoa [19] cho là chính xác nhất miêu tả tên vua Nghiêu là 陶 . Trong kiểu viết Nghiêu 陶 (tức [ngiau] Hakka), ta thấy có bộ [fou] 缶 luôn luôn dùng trong những từ như: 傜 hoặc 猺 hay 瑤 , để chỉ người Yao. [Fou] mang nghĩa cái vò, hay cái chum bằng sành [20]. 12) Từ điển CCDICT của nhóm 'chineselanguage.org' [19] cho biết từ chính xác nhất dùng để chỉ nhóm Tungusic tại cực Bắc Trung Hoa ở thời cổ đại là 鞨 , phát âm theo tiếng Hẹ là [hot] đọc giống như giữa âm Việt [họ] và [hò]. Quảng Đông có hai âm: [hot] và [maat]. Gợi nên ý của hai từ phiên âm đời nay là: Hẹ và Miêu. Phát âm Quan-Thoại qua nhiều thời đại bao gồm: [he]-2 => Hẹ & Hoa; [she]-2 => gần với [she] cho người SHE ngày nay, và 'She' cho [She-bo] tức Siberia; [mo]-4 có thể liên kết với tộc Mohe mô tả phía trên, hoặc Mộ-Dung (Murong) trong Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung; và [ta]-4 rất gần với âm [tuoba] của dân Thác Bạt hay Tatars (quân Thát Đát). Chữ 畬 trong miêu tả người SHE (chủng Yao) ở vùng Giang Tây ngày nay cũng có một phát âm theo quan-thoại là [yu], mang cùng âm vận với [yu] 逾 mang nghĩa 'vượt' thường dùng chỉ người Việt du mục, tức Hẹ-xưa. 13) Ngay chữ Lạc 貉 trong Lạc Long Quân. Ngoài phát âm nguyên thủy sinh ra chữ Hẹ, chữ 貉 (= Lạc= Hẹ) qua nhiều thời đại xa xưa, còn mang những âm [19]:  [mo]-4 hay [ma]-4 => gần với âm [miao] hay [mao] hay [Mộ-Dung]  [he]-2 hoặc [hao]-2 => rất gần với âm sinh ra 'Hẹ' và ... 'Hoa'  Âm [He] và [Ho] ưa biến chuyển qua lại với [Hoa] giữa các phương ngữ Trung Hoa. Thí dụ: (a) Nhà hàng hải lừng danh người Hoa gốc Hồi ở Vân Nam mang tên Zheng He (1371-1433), theo pinyin Quan-Thoại. Zheng He (Cheng Ho) phiên thiết sang tiếng Việt chính là ‘Trịnh Hoà’. [He] hay [Ho] => [Hoà]. (b) Tại Việt Nam, có vài địa phương miền biển vẫn giữ phát âm [Ho], hay [Ho-o] cho [Hoa]. 14) Một con sông ở Sơn Đông (địa bàn xưa của đám Đông Di hay Lai Di 來 義 [lai yi]), viết như 濼 mang những âm như: Quảng Đông, [lok] và [bok], tức Lạc và Bộc. QuanThoại, [luo] tức Lạc, [Li] tức Lê tộc (Cửu Lê), [liao] rất gần với [Liao] để chỉ nhà Liêu, [pu] hay [po] tức Bộc, và [yao] hay [yue], tức 'Yao' và 'Việt' (yue). Nói một cách khác, 371


âm [yao] và [yue] có thể biến đổi qua lại với nhau, tùy bộ tộc. Hay tộc [Yao] (tức Miao) và [Yue] (tức Hẹ ) đã từng sống đan xen lẫn lộn với nhau. 15) Để ý đến chữ 逾 đọc [yu]-2, hay [dou]-4 mang nghĩa 'vượt' y hệt và có thể dùng thay với 'việt' 越 trong 'Việt Nam', nhất là trong lối nói 'càng ngày càng lạnh' (càng= [yu]= [yue]). Ở trên, chúng ta thấy chữ SHE miêu tả người She ở Phúc Kiến / Giang Tây, cũng có thể đọc như [Yu] mang nghĩa 'vượt', tức Việt. Âm chữ 'Việt' 越 trong 'Việt Nam' theo tự điển CCDICT [19] cũng có một phát âm khác là ... [Hoa]-2. Y hệt như [Hua]-2 華 trong Trung Hoa 中 華 . Gợi cho ta ý tưởng người Hẹ cũng là một bộ tộc gầy dựng nên người Hoa, thuở ban đầu [21]. Xin nhắc lại 'Hoa' trong tộc 'Hoa Hạ' mang nghĩa nguyên thủy: 'rực rỡ'. Phải chăng do ở màu sắc rực rỡ của y phục phụ nữ người Miao từ xưa đến nay?

Bản Đồ: Ảnh hưởng của 4 khối rợ Tây Nhung, Bắc Địch, Đông Di và Nam Man, đối với chủng Hoa-Hạ ban đầu. Đông Di và Bắc Địch đều có đám rợ Hồ từ phía Bắc. Dấu vết tiếng Tungusic trong tiếng Việt Ở phần trên chúng ta đã thoáng thấy công việc truy tầm nguồn gốc dân Miao thật ra phức tạp hơn hằng nghĩ. Bởi họ đã giao tác rất nhiều với người Việt gốc Hẹ trong quá khứ, và có những bộ tộc bà con thân thuộc luôn quấy nhiễu nước Trung Hoa, qua 20 thế kỷ trước. 372


Bản đồ trình bày ở đây cho thấy địa bàn khối người Hoa Hạ đầu tiên nằm giữa các khối rợ: Tây Nhung, Bắc Địch, Đông Di, và Nam Man. Cả bốn khối rợ này đều gối đầu với nhau về mặt địa lý cũng như về mặt hành trình di tản. Đặc biệt nhất hai khối Đông Di và Bắc Địch (đại biểu bằng người Miao và chủng gốc Tungus) có địa bàn và chuỗi trình giao tác lịch sử đan xen với nhau. Trước khi kết thúc bài này, xin xem thêm về một đặc tính trong tiếng Việt, chúng tôi cho rằng đã được nhập khẩu trực tiếp từ tiếng Tungusic. Như ở trên chúng ta đã thấy, người Hmong ưa dùng 'mas' đặt sau túc-từ để phía trước câu, thay vì đặt sau động từ như nhiều thứ tiếng khác. Thí dụ: Thường thường họ nói: 'Tôi thích ăn cơm nhiều'. Nhưng y như tiếng Việt, họ có thể đưa 'Cơm' ra phía trước: 'Cơm Tàu hả, tôi rất thích ăn'. Túc-từ 'cơm Tàu' được đặt ra phía trước. 'Hả' hay 'riêng', hay 'phần' (phần nó: 'Phần nó, tôi đã chỉ dẫn thật kỹ') có tác động rất giống [mas] trong tiếng Hmong (Miao). Cũng tương đương với [wa] trong tiếng Nhật. Thật ra lối dùng [mas] trong tiếng Hmong: Mov mas, kuv nyam noj ntau = Cơm hả, tôi thích ăn thật nhiều chỉ là một dấu vết nhỏ đã chịu rất nhiều sức ép của nhóm ngữ Hán-Tạng. Biến thái khá nhiều. Dạng nguyên thủy của cấu trúc chính là cấu trúc văn phạm tiếng Tungusic, phía Bắc Trung Hoa, với thứ tự: Chủ từ + Túc Từ + Động Từ. Quan trọng hơn hết: ĐộngTừ sau Túc-Từ. Ảnh hưởng này nằm trọn trong tiếng Hàn và tiếng Nhật, cũng như tiếng Môn/Miến Điện: - Watashi wa terebi o mimasu = Tôi xem Tivi Tôi (wa) tivi (o) xem => Tôi + Tivi + xem {'wa' và 'o' là những từ đệm} - Anata wa sensei dewa arimasen = Anh không phải là thầy giáo Anh (wa) thầy giáo (dewa) không phải là => Anh + thầy giáo + không phải (là) - Watashi wa benkyo o shimasu = Tôi học bài Tôi (wa) bài (o) học. Xin thử xem các lối nói sau đây trong tiếng Việt, cũng có cấu trúc y hệt tiếng Tungusic, Hàn, Nhật, Miến Điện, v.v.: Chủ-từ + Túc-từ (hoặc Tương-đương) + Động-từ [23]. - Anh hả, đẹp trai thì còn lâu. {Hả = wa} - Anh hả, người anh trai thì được, người yêu của em thì còn lâu. - Ông đó hả, xấu bụng thì không bao giờ. - Phần tôi, cơm nước ăn xong rồi. {Phần ~ (tương đương với) wa} - Riêng nó, Tây Tàu, đều đi cả rồi. {Riêng ~ wa} - Cháu ơi, xe sửa xong chưa? => Cháu sửa xe xong chưa? - Em, tóc chị uốn ngắn ngắn nghe. - Anh Tư, bài tập cô cho, làm giùm được không? - Bà chủ nhà, tiền thuê, đã cho khất đến tuần sau - Tôi, 'The Da Vinci Code', đã đọc lâu rồi. Nhưng phim xi-nê (vai chính, Tom Cruise đóng), chưa có xem.

373


Cũng xin xem lại một vài câu (tiêu biểu) trong Truyện Kiều, với chữ đậm xem như động-từ, đi theo sau túc-từ: 247. Sầu, đong càng khắc càng đầy Ba thu dọn lại một ngày dài ghê 931. Lầu xanh quen lối xưa nay, Nghề này thì lấy ông này tiên sư. 1525. Vầng trăng, ai xẻ làm đôi? Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường. 2055. Kệ kinh câu cũ thuộc lòng Hương đèn việc cũ, trai phòng quen tay. 2929. Xót thay chiếc lá bơ vơ, Kiếp trần, biết giũ bao giờ mới xong? 2939. Rắp mong treo ấn từ quan, Mấy sông cũng lội mấy ngàn cũng qua. Cũng xin xem 2 câu thơ của Nguyên Sa, động-từ nằm sau túc-từ: Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám Tuổi của nàng anh nhớ chỉ mười ba. (Tuổi Mười Ba) Hoặc câu thơ quen thuộc: Áo anh sứt chỉ đường tà, Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu. Hay trong một bản nhạc của Phạm Duy: Bà, bà Mẹ quê, mưa nắng không nề hà chi Bà, bà Mẹ quê,chợ sớm đi chưa thấy về. (Bà Mẹ Quê) Như vậy trong tiếng Việt, có sự hiện-diện hai hệ cú pháp song hành, rất độc đáo. Thứ thường dùng, động-từ đi trước, và thứ Tungusic - động từ đi sau. Bất cứ người Việt nào cũng có thể xử dụng, và thông hiểu, cùng một lúc hai hệ song hành này. Một cách rành rọt tự nhiên. Từ đó, chúng ta sẽ không còn ngạc nhiên khi thấy rất, rất nhiều người Việt ưa hâm mộ chuyện làm thơ, và ngâm thơ. Cũng như xướng hoạ và hát hò. Nhận diện lối 'đảo ngữ' trong cú pháp tiếng Việt cũng cho thấy, những cách đưa đặt túc-từ (hay tương đương) nằm trước động từ, trước giờ thường tưởng sáng tác riêng của những nhà thơ, hay nhạc sĩ, thật ra chỉ là một loại cú pháp có sẵn trong tiếng Việt, mang ảnh hưởng từ ngôn ngữ của nhóm người Tungus hay người Miao. Tháng 8, 2006 GHI CHÚ [1] Ngô Sĩ Liên (1479) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. (Cao Huy Giu & Đào Duy Anh dịch và hiệu đính). Nxb Văn Hoá - Thông Tin. (2004). [2] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (chủ biên: Cao Xuân Dục) (1998) Quốc-Triều Chính-Biên Toát-Yếu. Biên soạn: Trần Đình Phong. Hiệu đính: Đặng Văn Thụy & Lê Hoàn. Nxb Thuận-Hoá. 374


[3] http://www.pureinsight.org/pi/pdf_version.php?id=4058 http://www.itmonline.org/arts/dynasties.htm http://www.answers.com/topic/list-of-common-chinese-surnames http://www.greecetravel.com/archaeology/mitsopoulou/language.htm (greek & chinese) http://www.peopleteams.org/miao/MiaoHmong.htm http://www.miaoupg.com/miao_or_hmong.htm http://www.newadvent.org/cathen/03681a.htm http://en.wikipedia.org/wiki/Manchus http://www.omniglot.com/writing/jurchen.htm http://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%C3%A0_T%E1%BB%91ng http://www.uglychinese.org/manchurian.htm http://manas.kg/pdf/sbdpdf13/Makaleler/05.pdf http://www.hku.hk/linguist/program/world4.html http://www.chinahistoryforum.com/index.php?showtopic=2740 http://www.chinaculture.org/gb/en_aboutchina/2003-09/24/content_24064.htm http://en.wikipedia.org/wiki/Names_of_Korea http://stedt.berkeley.edu/pdf/JAM/Xixia_Qiangic-Gong_Festo.pdf [4] Marco Polo gọi Hoa Bắc bằng Catai và Hoa Nam bằng Manji (Man Di). [5] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu (tái bản tại Hoa Kỳ) [6] Một số lớn tác phẩm và bài viết của Lm Kim Định hiện đã được lên trang mạng Dũng Lạc, www.dunglac.net [7] Chúng tôi đã đưa ra giả thuyết rằng người Tàu vào thời tiền sử, đếm số theo cơ số: 9. Giống như người Mường cho đến thế kỷ 20. Bởi vậy rất nhiều hiện tượng trong văn hoá họ ưa dựa vào con số 9: số 9 chỉ Hoàng Đế (số lớn nhất); 18 đời vua Hồng Bàng ở Trung Hoa, Việt Nam và Triều Tiên; các con số thường dùng 36, 72, 81, 108, đều là bội số của 9; chốn cửu trùng cũng dùng số 9. Chín (9) bộ tộc tên Lê, tức khối Cửu Lê (Cửu Ly / Cao Ly / Jiuli). Và chúng tôi cho xuất xứ con số 9 nằm ở thời gian chờ đợi khoảng 9 tháng, hay 9 tuần trăng (tròn) - trong bụng mẹ trước khi đưá bé ra chào đời. Sử sách Tây Phương rất khó nhận diện điểm này bởi rất dễ vướng phải hội chứng của người Hoa: ưa khoe văn minh của họ cũng giống như Tây, ngay ở thời xa xưa: Theo hệ thống thập phân rất sớm và biết tạo ý niệm về con số 0 (zero) khoảng thế kỷ 16 TCN, trước người Tây Phương hằng chục thế kỷ. Nhưng, thật ra hệ thống đếm theo cơ số 9 vẫn có thể xuất hiện ở Hoa Nam và ngay cả ở Hoa Bắc trước thế kỷ 16 TCN như thường. Không tùy vào con số Không (0). [8]http://ww2.saturn.stpaul.k12.mn.us/Hmong/dictionary/enghmong/newmenu.html [9] http://www.newsreel.org/guides/race/whatdiff.htm http://www.catchpenny.org/race.html http://raceproject.aaanet.org/pdf/myth_reality/jantz.pdf [10] David Bradley, Paul Lewis, Nerida Jarkey, Christopher Court (1999) Hill Tribes Phrasebook. Lonely Planet Publications (2nd Ed). [11] Để ý một điểm khá hay: 'NO' trong tiếng Việt có nghĩa 'ăn đủ rồi': 'ăn no', 'cơm no áo ấm', ... Nhưng thật ra [no] xuất xứ từ tiếng Hmong (Miao) [noj] mang nghĩa 'ĂN'. Trong khi 'ăn' xuất xứ từ Nôm phía Môn-Khmer / Chàm. Bởi có việc hợp chủng hay hợp-ngôn-ngữ, cho nên 'NO' nhảy sang đóng vai trò một phó từ: Ăn No. Phát âm trong tiếng Miao của [Noj] khá giống như 'No' (Việt) với chữ [j] ở cuối chỉ thinh (thanh điệu) mà thôi. Nhưng, No = Ăn, trong lối nói: 'Cơm no, áo ấm', cùng với ' ấm', lại đóng vai trò của hình dung từ, hay phó từ. 375


[12] Theo định lý này, khi một phương ngữ Hoa Nam có âm [AU], thế nào cũng có phương ngữ khác đọc [IU]. Đông Châu => Đông Chiu => Đông Chu. [Liu De Hua] (họ Liu / Lưu) => Andy Lau. Xứ Nam Chiếu => Nan Zhao. Ưu => Âu (lo) (ưu & âu, có chung 1 chữ Hán: 忧). 'Xấu' => Sửu (xỉu). Rượu => Rão (Mường). [13] Cũng có thể mơ hồ thấy rằng, do ở việc đàn áp Miao tộc qua hằng nghìn năm, rất có khả năng, nhiều người họ Miao đã đổi thành 'Mao', nhất là ở những vùng đồng bằng của các tỉnh như: Hồ Nam, Quý Châu, Giang Tây, Chiết Giang, Phúc Kiến. Thật ra âm [Miao] và [Mao] vẫn thường hoán chuyển với nhau: Chữ 'miều' 媌 trong 'mỹ miều' mang nghĩa 'đẹp' có hai phát âm quan-thoại [miao]-2 và [mao]-2 cho thấy [miao] có thể biến sang [mao]. [14] Họ Hồ (胡 ) về sau rất phổ biến tại Trung Hoa. Gốc gác nằm ở Chiết Giang, Giang Tây, Hồ Bắc. Nên nhớ vài di chỉ khai quật tại Chiết Giang cho biết văn hoá tại những khu vực đó, rất có khả năng, có chủ nhân là Miao tộc. [15] Một điểm cần lưu ý: sử Tàu khác với sử Triều Tiên về xuất xứ đám Đông Di. Sử Tàu luôn luôn có vẻ tránh né gốc người Hoa từ khối Tungus-ĐôngHồ, tức Mãn Châu. Và cho rằng người Triều Tiên có gốc Đông Di (tức xuất phát từ Tàu). Lúc nào họ cũng có vẻ còn hậm hực việc người Mãn trên cơ họ chiếm đóng cả xứ Tàu hằng trăm năm. Họ luôn luôn từ chối việc xem kỹ giả thuyết người Hồ cũng là thành phần nòng cốt tiến tạo nên Hoa chủng. Cả Tôn Dật Tiên lẫn Kim Dung đã phản ánh tâm tư người Hoa trong chuyện này bằng cách xếp dân Mãn Thanh thành 1 trong 5 đám 'dân tộc': Hán, Mãn, Tạng, Mông, Hồi. Tộc Việt, trong khi đó được (hay bị) nhập chung với Hán. Sử Triều Tiên trái lại, luôn cho họ là một khối người ít liên hệ đến Hoa chủng, và cương giới họ ngày xưa bao gồm nhóm Tungus. [16] Jeanne Cuisinier (1946) Les Mường, Géographie et Sociologie humaine. Institut d'Ethnologie - Paris, France [17] Giặc Hồ quấy phá, và chiếm đóng, phía Bắc Trung quốc thường xuyên kéo dài từ thời nhà Hán cho đến khi người Mãn Châu thôn-tính nước Tàu vào năm 1644. [18] Tiếng Việt thường phiên thiết [yao] 姚 là 'Diêu' như họ Diêu của siêu sao về bóng rổ YAO MING => Diêu Minh 姚 明 . Trong âm quan-thoại [yao] chỉ người Dao, [yao] cho họ Diêu, hay [yao] trong 'Nghiêu' (vua Nghiêu, 2357-2255 TCN) dùng một phát âm. [19]http://www.chineselanguage.org/cgibin/dict.php?query=yao&mode=pinyin&sound=1&lang=en&encoding=&first=100&pagesiz e=20&beijing=pinyin&canton=jyutping&meixian=pinjim&fields=hakka,cantonese,mandari n,wu,minnan,korean,japanese,english&level=6 [20] Thiều Chửu Hán-Việt Tự Điển: http://perso.orange.fr/dang.tk/langues/hanviet.htm [21] Cũng bởi lí do này, các học giả Trung Hoa vẫn có lí thuyết rằng người Hẹ là một thứ Hoa tộc thuần túy. Người Hẹ có một đặc điểm: phát âm tiếng Tàu (cũng như tiếng Việt) của họ nghe rất hay. Nhiều bài thơ tiếng Hán cổ nếu được phát âm theo tiếng Hẹ sẽ cho ra âm thanh hay vô cùng. Bởi họ gắn bó với người Miao, nên cũng có thể cho 'thanh điệu' tiếng Tàu (phía Bắc) xuất phát ở họ. Bởi là dân du mục trong hằng nghìn năm trước, họ có một thứ tình gắn bó với thành phố họ sinh trưởng rất đặc biệt. Điển hình: bài hát 'tân nhạc' ca tụng các thành phố lớn ở Việt Nam đã lên đến hằng trăm, trong khi những bài hát mang những tên như Tokyo, Osaka, Sydney, London, San Francisco, Perth, Marseilles, Frankfurt, Belfast, Bangkok, Phnom Penh, Bombay, v.v. có thể đếm trên đầu ngón tay. [22] Fritz Sarasin & Paul Sarasin. [23] Có thể kể luôn tiếng Miến Điện, bà con gần với tiếng Môn trong khối Mon-Khmer: chủ từ+túc từ+động từ, hoặc: túc từ+chủ từ+động từ. 376


Thử đọc lại truyền-thuyết Hùng-Vương (18): Phần 8: Hai chữ Việt-Nam Trong suốt 18 bài qua, chúng ta đã xem xét khá kỹ, gần như đầy đủ những khía cạnh liên-hệ và chung quanh truyền thuyết Hùng Vương, và câu chuyện Con Rồng Cháu Tiên. Trong công việc trình bày kết-quả của nghiên cứu mới mẻ về truyền thuyết Hùng Vương, ở thời đại Internet, chúng tôi sau cùng đã quyết định giữ vững con số 18 làm số đánh dấu cho bài cuối cùng. Và như vậy phải chia làm nhiều phần. Nhưng rất may, theo thiển ý, những phần nằm trong bài thứ 17 và 18 bao gồm những khám phá hết sức mới lạ và bất ngờ, về các tộc người Hlai (Li), Đa-đảo, và Miao, ngay cả đối với chúng tôi. Lí thú nhất có lẽ là đã nhận-diện được một thứ tộc người đã góp phần tiến tạo nên người Việt Nam, trước giờ gần như hoàn-toàn nằm trong bóng tối. Đó chính là Miao tộc, còn gọi nôm-na là Miêu-Dao hay Hmong-Mien, theo cách đánh vần Âu Mỹ mà người Miao ở phía Nam, hoặc đã định cư ở Âu-Mỹ, thường yêu cầu gọi họ như vậy. Việc tìm ra được người Miao, thường nấp sau người Hẹ, trong lòng tộc Việt, cũng kéo theo được một lý giải khá quan-trọng về cú pháp 'văn phạm' tiếng Việt. Đó là cách xử dụng cú pháp theo kiểu đặt Túctừ (hay tương đương) đứng trước Động-từ, theo kiểu tiếng Nhật, tiếng Hàn, và tiếng Tungusic, nói chung. Thử xem, thí dụ tiếng Nhật: - Watashi wa ringo ga suki desu = Tôi thích (ăn) táo (pom). Watashi {Tôi} (wa) ringo {táo} (ga) suki desu {thích}. Túc-từ 'ringo' {pom/táo} đi trước động từ 'suki desu' {thích} => Tôi + táo + thích - Watashi wa niku o tabemasu = Tôi ăn thịt Watashi {Tôi} (wa) niku {thịt} (o) tabemasu {ăn} > Tôi+ thịt + ăn So với cấu trúc tiêu biểu trong tiếng Việt, cũng đặt túc-từ (hay tương đương) trước động từ: - Cháu (à), xe bác sửa xong chưa?= Cháu sửa xong xe bác chưa? - Em, tóc chị uốn ngắn ngắn nghe = Em uốn tóc chị ngắn ngắn nghe. - Rắp mong treo ấn từ quan, Mấy sông cũng lội mấy ngàn cũng qua. (Nguyễn Du: Kiều) - Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám Tuổi của nàng anh nhớ chỉ mười ba. (Nguyên Sa: Tuổi Mười Ba) - Trò Ba đi học đường xa Cơm canh ai nấu mẹ già ai coi (Ca dao Bình Định [15]) - Áo anh sứt chỉ đường tà, Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu. (Thi-văn bình-dân) Và rất nhiều áng thi-văn dùng chữ Nôm hay quốc-ngữ - cũng như ca nhạc - đã thường xuyên xử dụng lối 'đảo ngữ' kiểu này. Mà từ trước đến giờ, người ta vẫn lầm tưởng một thứ sáng tác (hay 'phát minh') tuyệt chiêu của những bậc văn-hào thi-bá ở thời xa xưa, hay cận đại hoặc đương đại. Chúng ta, từ đó, có thể đúc kết lại một số nhận xét hết sức quan-trọng như sau: 377


 Loại cú pháp 'đảo ngữ' đưa túc-từ (hay tương đương) ra trước động-từ, đã tiềm tàng có sẵn trong lòng dân-tộc Việt Nam, do ảnh hưởng của thứ tiếng Altai hay Tungusic [1]. Qua ảnh hưởng và đóng góp của nhóm Miêu tộc, xưa nay vẫn ưa sống gần gũi nhóm Lạc Việt ngày trước là đám du-mục ở khu vực các sông Bộc, Lạc và Hoàng Hà, thường tự gọi là người 'He' tức Hẹ - và được các tộc người Mân và Quảng gọi Hakka, tức Khách Gia.  Những thi-nhân, văn-gia hay nhạc-sĩ xử dụng lối đảo ngữ này do ở bản năng tự nhiên của người Việt, chứ không phải do ở sáng tác făng-têi-zi. Ngừơi Việt bất kể trình độ học vấn, khi nghe hay đọc, thường hiểu được ngay.  Trước giờ, các sách giáo-khoa về văn-chương hay tiếng Việt thường ca ngợi lối 'đảo ngữ' này bởi người Việt chúng ta học văn-phạm cú pháp tiếng Việt đầu tiên từ người Tây Phương. Những tôn sư Tây Phương này thật ra đem văn-phạm cú pháp các ngôn ngữ Âu Châu tròng lên tiếng Việt địa phương [13], trong thế nhị-nguyên đúng / sai, dựa trên tiêu chuẩn các thứ ngôn-ngữ Tây Phương. Mặc dù, họ không thể nào thông hiểu tiếng Việt rành rọt như thứ tiếng mẹ đẻ. Bây giờ xin xem lại toàn thể những tộc người chủ lực đã đến xứ Việt cổ, định cư, rồi sống hoà mình hỗn hợp với các sắc dân bản-địa, chia sẻ quá trình lịch sử dài lâu, để rồi tiến-tạo nên người Việt-Nam. Qua bản đồ tóm lược phía dưới. 1. Những tộc người bản địa, đánh dấu {8}, gồm: Khương (tức Để-Khương, bây giờ thường gọi: Môn-Khmer), Thái (cổ), và Đa Đảo - kể cả Hắc Đảo và Nê-gritô. Cũng có thể có một số nhóm Lạc Việt từ vùng biển Đông bên Tàu, hoặc nhóm Hakka-Miao từ phía Bắc nước Tàu [4]. Đặc điểm chính của những tộc người bản-địa là họ đã có mặt tại xứ Việt cổ cách đây cũng trên 4000 năm, tức ít lắm vào năm 2000 trước Công Nguyên. Tức vào thời huyền sử của nhà Hạ (vua Đại Vũ) bên Tàu, nhà Bai-Dal (vua 'Xích-Quỷ' Xy Vưu) ở Cao Ly, và đầu thời-đại Hùng Vương tại Việt Nam. 2. Những tộc người Di-dân gồm tất cả 7 nhóm: (a) Nhóm 1: khối Đông-Di, người Hoa còn gọi: Cửu-Lê hay Tam Hàn. Thành phần chủ lực của nhóm Cửu Lê này gồm có: Miao tộc và Lê tộc. Miao tộc bao gồm cả nhóm Lạc Việt du mục ngày xưa sinh sống ở vùng chung quanh sông Hoàng Hà. Trong khi, Lê tộc [Li zu], với phần chính là siêu tộc Khương - còn gọi [Hlai] tức 'Lê' [10] - và kể luôn cả người Thái-cổ hoặc Lạc Việt ở miền biển [2]. (b) Nhóm 2: hỗn-hợp hai khối Âu và Lạc từ địa bàn ban đầu nước Sở năm xưa (tỉnh Hồ Bắc ngày nay - phiá Bắc Động Đình Hồ). Trong các 'cường quốc' ở thời Xuân Thu Chiến Quốc, nước Sở nổi tiếng là một nước chứa nhiều đám rợ Việt. Cũng là nơi tụ tập dân chạy giặc từ miền Đông Bắc nước Tàu. (c) Nhóm 3: Lạc Việt từ miền biển. Địa bàn Ngô Việt của Câu Tiễn vào thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên, cộng với khối Mân-Việt. Nhiều di-chỉ khai quật ở vùng này cho thấy dấu vết của tộc người Miao-Yao [3]. (d) Nhóm 4: Một địa-bàn hỗn-hợp 'tứ xứ', nhất là các tộc Lạc và Hoa-Hạ từ miền Bắc và Đông Bắc chạy xuống, qua nhiều thời đại. Gọi chung những nhóm Lạc Việt từ các xứ: Mân Việt, Đông Việt và Nam Việt [5]. (e) Nhóm 5: Phần lớn từ những nhóm Việt từ miền rừng núi, thường gọi Âu-Việt, cộng với nhóm Để-Khương, cũng thường gọi đám Tây Nhung. 378


(f) Nhóm 6: Khối người Đa Đảo, gồm cả nhóm Hắc Đảo và Nê-gri-tô (Hắc nụy). Khối người Đa Đảo ngày xưa còn có mặt ở miền biển và miền Nam Trung Hoa. (g) Nhóm 7: Hai tộc người bản-địa ở đảo Hải-Nam: Miao tộc và Li (Lê) tộc. Do ở vị trí gần gũi miền duyên hải Việt Nam.

Một cách tổng quát và đơn-giản: 1) Tộc người Việt Nam được tiến tạo và hình thành từ chuỗi trình di dân và định cư của 7 khối tộc người chính yếu tóm tắt ở trên, hỗn hợp với những tộc người bản địa {8}. 2) Những tộc người di dân phần lớn xuất phát từ nước Trung Hoa ở phía Bắc, nhưng mang chủng Việt, chứ không phải Hoa-Hạ. 3) Những tộc người di-dân thuộc khu bọc bởi vòng tròn hay bầu-dục ê-líp (1-3-4) thường bao gồm các nhóm Lạc Việt chuyên sống ở vùng gần sông biển. Trong khi di-dân bọc bằng hình chữ nhật (2-5-7) thường quen sống miền rừng núi, có thành phần chủ lực là, và có thể gọi chung bằng, chủng Âu (Việt) Tuy vậy vấn đề Hoa-Việt & Việt-Hoa, vẫn luôn luôn mang tính hết sức phức-tạp. Bởi rất nhiều lý-do, xin trình bày như sau: (i) Chính ở tộc người Trung Hoa, thuở xa xưa gọi tộc Hoa-Hạ, cũng là một hợp chủng. Ngày nay, họ thu gọn lại các tộc người đã tiến tạo nên Hoa tộc, và xếp thành 3 nhóm chính, biểu hiệu bằng 3 vị lãnh tụ: Hiên Viên, Thần Nông, và gần đây, Xy Vưu. Tương ứng với 3 thị tộc: Hữu Hùng Thị, Thần Nông Thị và 'Xy Vưu Thị'. 379


(ii) Thành phần cấu tạo nên Hữu Hùng Thị (Hiên Viên), tức tộc cốt lõi của người Hoa hiện cũng vẫn còn mơ hồ. Nhưng đại khái, chúng ta có thể biết có tộc người Hung Nô hay Mông Cổ, và Nhục Chi (Turkestan) ở trong đó. Thần Nông Thị, rõ rệt bao gồm: siêu tộc Khương, Thái-cổ, và Việt. Tất cả có xuất xứ từ phía Tây Tạng, với phần lớn hậu duệ là khối Bách Việt ở miền Hoa Nam. Còn Xy Vưu Thị, mang thành phần chủ lực là nhóm Cửu Lê, bao gồm 2 bộ phận chính: Miêu tộc và Lê tộc. Miêu tộc mang gối đầu gốc gác với khối người Tungus, bao gồm nhiều bộ tộc, trong đó có: Nữ Chân, Khiết Đan, và Mãn Châu ở phía Đông Bắc. Còn Lê tộc [Li zu], còn gọi người Hlai tức Lai Di, lại rất khó phân biệt với Khương tộc (và Thái cổ) ở phía Tây và Nam. (iii) Đặc biệt nhất chính là người Hẹ, mà ngày nay người Hoa gọi là Hakka, tức Khách Gia. Chữ viết nguyên thủy cho bộ tộc này là 貉 mang rất nhiều phát âm. Những phát âm cho từ 貉 này, từ xưa đến nay gồm có: - [Luo] tức Lạc, như họ của Lạc Long Quân => người Hẹ thuộc tộc Lạc Việt. - [He] hay [Ho], tức Hẹ theo tiếng Việt. Riêng [Ho] - hay [Ho-o] - cũng có thể đọc như [Hoa], chỉ tộc Hoa-Hạ, tức Trung Hoa. => người Hẹ thuộc tộc Hoa-Hạ. - [Mo] hay [Ma], liên hệ gần gũi với [Miao] hay [Mao] hoặc 'Mộ-Dung' chỉ một bộ tộc Tungus (Đông Hồ) ở phiá Bắc, bà con với người Mãn Châu. Hoặc chính là Miao (Miêu) tộc, luôn luôn sống gần gũi với người Hẹ. - [Hu] tức 'Hồ' theo âm Việt => chỉ người Hẹ cũng có thể người Hồ (Bắc Địch) - họ hàng với người Mãn Châu và Miêu tộc. Đồng thời cũng cùng gốc tổ với người Hoa và Việt. Hoa tộc và Việt tộc, ở thời sơ khai, do đó có chung những gốc gác như sau: 1) Gốc ở 2 nhóm Đông Di và Bắc Địch: Hai tộc người Hẹ và Miêu-Dao đều có mặt ở địa bàn Đông Di và Bắc Địch. Ở địa bàn Đông Di, họ còn mang tên nhóm Cửu Lê. Phía Bắc Địch, theo khám phá riêng của chúng tôi, người Miao-Yao có gốc gác từ khối Tungus, tức Đông Hồ. Còn người Hẹ, chúng tôi cho rằng thuộc khối Đông Di, rất có khả năng thuộc Việt tộc lưu lạc đến phía Bắc. Lãnh tụ Xy Vưu của khối Cửu Lê, ngày nay được xếp vào ghế thứ 3, của các thánh tổ Trung Hoa. 2) Gốc Khương tộc: Qua những vị vua đầu đời như Đại Vũ [Da Yu] vua số 1 của 18 đời vua nhà Hạ. Khương tộc cũng là tộc người bản địa lâu đời nhất nhì ở Việt Nam. Thần Nông Thị, có DNA của người Thái cổ, từ lâu được xem như đại biểu của Khương tộc ở Trung Hoa. Thần Nông chiếm ghế thứ 2, sau Hiên Viên, của các thánh tổ nước Tàu. Thật ra, từ lâu người Hoa đã nhìn nhận Khương tộc là một trong những tộc người cốt lõi, thuở ban đầu, đã đóng góp tiến tạo nên người Hoa ngày nay. Ở phía Tây Bắc và phiá Nam, tộc người Việt Nam cũng có bà con họ hàng với 2 thứ tộc bản địa: Thái cổ và Môn-Khmer (tức Để - Khương hay Hlai hay Lai Di (hoặc Lê tộc)). Tộc Thái-cổ thể hiện qua người Mường, các xứ Tây-Âu và Nam Chiếu. Đặc biệt Nam Chiếu, tức Điền Việt hoặc Đại Lý hay Vân Nam, xưa nay nổi tiếng chứa nhiều chủng tộc khác nhau nhất nhì Trung Quốc. Trong đó có tộc Khương (Hlai). Ở phía Nam, Chiêm Thành, gọi theo kiểu bây giờ Chăm hay Chăm-pa, mang liên hệ bà con qua người Môn-Khmer, tộc Việt bản địa tối cổ. Giống như liên hệ Hải Nam: Miêu và Lê. 380


Trở lại với truyền thuyết Hùng Vương, xin xem lại hai bảng tóm-tắt: a) Thánh-tổ: Trung-Hoa Hiên-Viên Thần Nông Xy Vưu

Triều-Tiên Xy Vưu

Thái-Lan Thần Nông

Việt-Nam ? Thần Nông ? Xy Vưu

Ghi-Chú * nội tổ ông Lạc * Vua Nhà Lý lập đền thờ (1160)

b) Thời đại huyền-sử với 18 đời vua, ở 3 nước Việt, Hàn và Hoa: VIỆT Hùng Vương 2879-258 TCN

HÀN (Triều Tiên) Hàn Hùng (Bai Dal) - Xy Vưu 3898-2333 TCN

HOA Hạ (vua Đại Vũ) 2200-1800 TCN

Từ hai bảng tóm tắt này, có thể nhận xét một vài điểm quan trọng: 1) So với các nước Trung Hoa, Triều Tiên (Hàn), Thái Lan, nước Việt - nói theo 'nghi thức ngoại giao' - không có thánh tổ cỡ 'bự' ngang hàng với: Hiên Viên, Thần Nông, và Xy Vưu. Hùng Vương, và ngay cả Lạc Long Quân, hay Âu Cơ, theo vai vế vẫn thuộc hàng con cháu các thánh tổ: Thần Nông (Chanon) của Thái Lan, Xy Vưu (Chi Wu) của Triều Tiên (Cao Ly), và Hiên-Viên, Thần Nông, và Xy Vưu của Trung Hoa. 2) Vấn đề thiếu thốn thánh tổ có vai vế ngang hàng với thánh tổ các nước láng giềng, có vẻ xuất phát từ sơ suất của các sử gia tiền bối, cộng với thiếu thốn hiểu biết về cội nguồn dân-tộc, cũng như ám ảnh về hội-chứng Hoa-Việt / Việt-Hoa. 3) Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy, tiền nhân vẫn có một thứ trực giác hết sức bén nhọn, tinh-vi. Đó là họ đưa thời điểm khởi sự thời Hồng Bàng của dân Việt, vào khoảng đầu thiên niên kỷ thứ 3 trước Công Nguyên. Tại sao như vậy? Bởi thời điểm khởi sự việc lập quốc {bao hàm ý niệm dân-tộc}, rất quan-trọng giữa các quốc-gia có quá trình phântranh lâu dài với nhau. Nếu dân-tộc xứ này dựng nước, sau một nước láng giềng đến 1000 năm trên, chắc chắn sẽ có lấn cấn về chuyện, dân-tộc này là hậu duệ dân-tộc kia. Hoặc nước này xuất phát từ nước kia, hay do nước kia thành lập. Như kiểu nhà ảo thuật Hùng Vương trong Đại Việt Sử Lược [14]. Các tác giả của truyền thuyết 'Con Rồng Cháu Tiên' như vậy đã hết sức cẩn thận. Họ vẫn giữ và theo sát bản chính truyền thuyết, xuất xứ từ khu vực Đông Bắc nước Tàu. Giữ vững thời đại lập quốc của 3 xứ Trung Hoa, Triều Tiên, và Việt Nam, trong khoảng thiên niên kỷ thứ 3 trước Công Nguyên. Và chỉ đem thêm vào đó ý niệm Fast Forward, bấm nút vượt thời gian, cho Kinh Dương Vương xuất hiện vào thời Xuân Thu Chiến Quốc ở bên Tàu [11]. 4) Tuy nhiên, nếu nhìn toàn diện thánh tổ của các quốc gia như Thái Lan, Trung Hoa, và Triều Tiên, cũng như điểm giống nhau độc đáo về 18 đời vua tại Việt, Hoa và Hàn, chúng ta thấy dân tộc 3 xứ Việt, Hoa và Hàn có chung một thứ truyền thuyết về thời dựng nước, của cùng một nhóm tác-giả với nhau. Nói cách khác, dân tộc 4 nước Thái Lan, Việt Nam, Trung Hoa và Hàn (hay Triều Tiên) chia xẻ tình bà con với nhau ít lắm một thế hệ tổ tiên (bên nội hay ngoại), vào thời xa xưa. 5) Dưới góc nhìn 'truyền thuyết có chung nhóm tác-giả', chúng ta có thể nhớ tên gọi MiaoYao, nhất là Yao, được một số phương ngữ phát âm như [Iu], theo kiểu Phúc Kiến, lột mất âm [Y] (tức [yờ]) đằng trước. Nhưng [Iu] lại có thể biến chuyển qua lại với [Âu], như kiểu: Andy Lau => De Hua Liu. Tân Trào => Thủy Triều. Nam Chiếu => Nan Zhao. Do đó có thể thấy [Âu] trong 'Âu Cơ' cũng có thể xuất phát từ tên gọi ban đầu của 381


một tộc chủ lực trong nhóm Cửu Lê: 'Âu' => 'Yao' (Miêu-Dao) => 'Iu'. Tức chuyện tách rời 50 người con theo Âu Cơ cũng có thể đã đặt ra để miêu tả chung việc chia tay giữa nhóm người thích tiếp tục sinh sống ở địa bàn rừng núi, với nhóm người thích ứng được với đời sống ở miền đồng-bằng, gần sông biển. Tại Trung Hoa, việc chia tay đó đã thể hiện giữa người Miêu-Dao (miền rừng núi) và người Hẹ (du mục, miền đồng bằng). Đem sang xứ Việt, việc chia tay 50:50 đó, đã được xử dụng để ghi lại: (i) Chia tay giữa người Choang ở Quảng Tây, với tộc Thái-cổ chủ lực ở Quảng Đông, (ii) Chia tay giữ các tộc Thái + Lê + Miêu với người Lạc Việt ở vùng đồng bằng. Các tộc Thái, Lê và Miêu, với Thái chủ lực, sống biệt lập ở miền rừng núi, cùng với người Đa Đảo, lâu ngày trở thành người Mường. 6) Thế người Hẹ là người Tàu thuần túy ban đầu, như nhiều trang mạng về Hakka thường xác định, hay là người Việt nguyên thủy? Trả lời câu hỏi này rất khó nếu dùng lô-gích nhị nguyên. Hoặc cái này hoặc cái kia. Tức theo kiểu thông thường, chỉ có 2 trị số zero (0) và Một (1), được dùng đến trong giải đáp. Hoặc Hoa hoặc Việt. Không có lưng chừng. Thử dùng lô-gích fuzzy. Lô-gích fuzzy cho phép ta dùng một trong dải trị số kéo dài, liên tục, từ 0 đến 1. Ta thấy: Hakka= một tộc Việt, có thể mang 'độ tin tưởng' khoảng 0.68 trong dải trị số biến đổi từ 0 đến 1. Và Hakka= Hoa, với trị số độ-tin-tưởng khoảng 0.50. Bởi những lý do chính sau đây:  Việt tộc có ít tộc người hỗn hợp hơn Hoa tộc. Việt có trên dưới chừng 5 tộc chủ lực, trong khi Hoa có thể đến 18 thứ tộc chủ lực (ban đầu) khác nhau.  Người Hakka hoàn toàn hoà mình thành người Việt, với sức nặng chủ lực nòng cốt. Mặc dù có thể ban đầu do sức ép: 'nhập gia tùy tục' do người Việt bản địa MônKhmer và Thái-cổ đòi hỏi. Ở Việt Nam, ít khi nghe nói đến cộng đồng người Hẹ riêng rẽ. Trong khi ở Trung Hoa, cộng đồng người Hẹ lên đến khoảng 35 triệu người, sống đan xen với các cộng đồng khác, nhưng với những biệt sắc rõ nét.  Địa điểm cuối cùng người Hakka dừng chân lại định cư, luôn nằm ở khu vực đông đảo những tộc Bách Việt, như: Quảng Đông (Meixian), Khương (Tứ Xuyên), MiaoYao (Giang Tây, Quý Châu, Hồ Nam, Tứ Xuyên, Vân Nam), v.v.  Nhóm Đông Di, trong đó có người Hakka, ngày xưa có tục nhuộm răng xâm mình.  Phụ nữ Hakka không chấp nhận lối bó quặp chân như đàn bà Trung Hoa.  Trên toàn thế giới chỉ có người Việt mới gọi người Hakka (Khách gia) là người Hẹ. Đúng y hệt với tên cúng cơm, người Hoa Hạ (hay chính người Hẹ) gọi họ vào thời huyền sử xa xưa: 貉 [He] hay [Ho] {Hoặc [Mo] chỉ tộc Miao hay Mao} [12]. Tất cả những nơi khác, nhất là người Hẹ tại Trung Hoa ngày nay, đều gọi họ là Hakka, tức Khách Gia. Dù rằng trong chữ 'Khách' 客 có chữ 'Các' 各' dùng trong chữ Lạc 洛 chỉ sông Lạc hay họ Lạc 貉 của Lạc Long Quân {y hệt chữ [He] 貉}, hoặc Lạc 駱 trong Lạc Việt, hay Lạc 雒 trong Lạc Hầu, Lạc Tướng. Trước khi quan-sát âm 'cơ bản' của chữ 'Việt' trong 'Việt-Nam' chúng ta xin xem lại một lần nữa một vài từ thường cho là nôm-na nhất để tìm lại vết chân của người Việt cổ xưa. • Nẫu: Thuộc phương-ngữ xứ Quảng, mang nghĩa nguyên thủy: Nó, Chúng nó, tức Đạidanh-từ ngôi thứ 3. Tiếng Tàu chỉ có phương ngữ Ngô-Việt (Thượng Hải) dùng [Nong] thay cho [Ni] chỉ đại danh từ ngôi thứ 2: anh, chị, ông, bà, v.v. [Ni] viết như 你. Trong khi [Nong] viết 儂 hay theo kiểu đơn-giản: 侬 {[8]}. Nhưng âm [nong] cũng được dùng để chỉ 'Nó' - giống như âm tiếng Việt [nó]. [Nong] Thượng Hải => Anh/Chị hoặc: 382


 

Nó. [Nong] chỉ là phát âm kiểu Thượng Hải hay Chiết Giang, và Quan-thoại - cho từ mang nghĩa 'Anh/Chị' hay 'Cô/Bác', hoặc 'Nó / Hắn / Cô ấy / Chúng nó'. Phát âm Quảng Đông cho [nong] 侬 là [nung] hay [lung]. Hakka (Hẹ) có hai lối phát âm chính cho [nong]: [Nung] và ... [Neu]-2. [Neu] chính là phát âm tiếng Hẹ của 'Nẫu', rất giống [nẫu] và mang ý nghĩa tương tợ => 'nó', 'chúng nó'. Mường gọi [pẫu]. Ca dao Bình Định: Thưong chi cho uổng công trình // Nẫu về xứ nẫu nẫu bỏ mình bơ vơ [15]. Trey: Một từ Khmer (hiện đại) mang nghĩa 'cá' (fish). Ngày trước tiếng Môn-Khmer có những từ chỉ Cá mang âm [ka] hay [kaq] hoặc [?ika:n], rất giống tiếng Việt. Riêng [ikan] cũng giống tiếng Chăm-cổ. [Trey] chỉ Cá chính là [Tre] trong 'Bến Tre' [6] (ban đầu, mang nghĩa: bến chợ Cá). Nhưng âm [Trei] chỉ là một âm quốc ngữ, hay Môn-Khmer. Tiếng Tàu không có âm bắt đầu với [Tr] này, như [Trei]. Âm tương đương của [Tr] trong tiếng Tàu thường là [zh] hay [Ts], hoặc [Ch]. Thí dụ: Trang (họ) => Trương => [Zhang]. 'Trang' tiếng Việt, mang âm [Zhang] tiếng Tàu (quan-thoại) và [Cheung] Quảng-Đông. Tra một quyển từ điển Quảng Đông hay quan-thoại ta sẽ thấy: Chữ 鮆 cũng mang nghĩa 'con Cá' có phát âm Quảng Đông là [zai] hay [tsai] và quan-thoại là [tsi] hoàn toàn tương đương với âm [trei] tiếng Khmer, ở âm lẫn ý nghĩa. Như vậy ta có thể thấy, người Môn-Khmer có mặt tại xứ Việt cổ lẫn xứ Tàu. Ná = Nỏ: Tiếng Khmer là [sna]. Quan-thoại đọc [nu] 弩. Quảng Đông: [nou]. Đặc biệt rất giống tiếng Hàn (Hán-Hàn): [no] [8]. Hên = May. Tiếng Khmer là [hêng] [6]. Tiếng Tàu có một hai từ, có lẽ xuất phát từ các thứ tiếng Bách Việt. Từ 倖 Hakka phát âm y hệt [hen]. Trong khi Phước Kiến: [heng] giống như Khmer. Riêng 'May' hay 'May mắn' rất có thể có cùng gốc với: 蓂 , mà Quảng Đông và Quan thoại phát âm như [ming] hay [mi] (=> [may]). Còn Hakka phát âm khá gần 'mắn': [men]. Nhưng tiếng Tàu ngày nay thường dùng: 'hạnh vận' hoặc 'có phước' để chỉ sự 'may mắn'. 'Xui' hoặc 'rủi' cũng có từ mang âm tương tự trong các phương ngữ Hoa Nam, nhưng thay đổi ý nghĩa 180 độ: 瑞 mang nghĩa 'điềm hên', hoặc 'may mắn'. Hakka, Quảng Đông và Phúc Kiến phát âm [sui] hay [seoi] (=> xui) và Quan-thoại giữ [rui] như [rủi] tiếng Việt. Ói = Ọc. Tiếng Khmer y hệt [bòng-ọc] [6]. Cùng gốc với tiếng Tàu 嗀 với phát âm Hẹ (Hakka) rất giống: [Ok], hoặc Quảng Đông: [hok]. Trong khi, 'Ói' tương ứng với 嘔 có phát âm Hẹ là [eu] và Quảng Đông [au] {[8]}. 'Khạc' cũng tương tự trong tiếng Tàu: 衉 với phát âm y hệt tiếng Hẹ: [khak]. Cũng giống y tiếng Thái (Lan): [khat]. Nhưng [khak] tiếng Tàu, có nghĩa thường dùng: 'khạc ra máu', 'ói ra máu', như 'thổ huyết'. 'Thổ' {tức [tu] 吐 } chưa được nôm-na-hoá như 'ói = ọc = khạc', nên thường được xếp như một từ 'Hán-Việt'. Chia sẻ: ‘Chia xẻ’ trở thành chữ ‘Nôm-quốc-ngữ’ có lẽ do ở phân biệt ‘nhân tạo’ trong cách đánh vần giữa [sẻ] và [xẻ]. 'Chia sẻ' thường viết khác với 'chia xẻ', để phân biệt hai động từ, hai ý niệm hơi khác nhau trong tiếng Anh: 'to divide' (chia xẻ, chia cắt, chia chác), và 'to share' (chia sẻ, góp phần). Nhưng 'chia sẻ' lại mang trọn ý niệm của tiếng Hoa-Việt, tức tiếng Hán dùng ở bên Tàu mang ảnh hưởng khối Bách Việt. Ý niệm đó là ý niệm ‘chia cắt phần cho đồng đều’ (thông thường), chứ không theo ý niệm Tây Phương, trong đó ‘to share’ có thể không hàm ý một sự chia cắt, mà là đóng góp, hoặc cáng đáng chung một công việc, không nhất thiết phải đồng đều. Hai ý niệm hơi khác nhưng dùng chung một thứ từ. Nói theo kiểu triết lý nôm-na, 'chia sẻ' dựa nhiều hơn trên ý niệm thời điểm cuối: Chia sẻ lợi nhuận, trong khi 'to share' nhấn mạnh ở thời điểm ban 383


đầu: Hùn hạp làm ăn, cổ đông viên, chia phòng thuê, chia cắt công việc. Tức ‘sẻ’ trong ‘chia sẻ’ mang nghĩa ‘xẻ’ như thường, và cũng có thể viết 'chia xẻ': [sẻ] = [xẻ] = [cắt] = [phân chia]. Tiếng Tàu cho ‘chia’ thường là 分 [phân], Quanthoại đọc [fen]. Nhưng Mân và Hẹ có thể phát âm như [bun] hay [hun]. [Hun] chính là âm tương đương với tiếng Việt: 'Hùn'. Hoặc 'cắt' 割 , hay 隔 phát âm y hệt tiếng Mân [kat], hay Ngô [kâ?], hoặc Hẹ [gak]. Rất giống, trong các thứ tiếng Ấn [kaatna] hay Bengali [kati], hoặc Đa Đảo [katim / kotiva], hoặc Chămpa [catwa] hay Khmer [cat]. ‘Chia’ hay ‘Sẻ’ có thể mang xuất xứ từ 除 hoặc 析 , đều mang nghĩa ‘chia’, mà Hẹ phát âm: [tsiu] hay [sit]. Hẹ ở Taiwan phát âm rất giống: [chied]. Quan thoại: [chu]. Quảng Đông: [tseoi] hay [tsyu] và [tsik]. Khá giống 'chia cắt' trong tiếng Myanmar: [pya-de]. Riêng [Sẻ] hay [Xẻ] có thể xuất từ 析 theo phát âm Mân: [sek], hay Hakka: [sak]. Tiếng Hàn có phát âm cho từ 除 là [tsey] rất giống [xẻ]. Đặc biệt từ người Hoa dùng để miêu tả ước muốn được chia phần nhiều hơn người khác là 貪 đọc theo Quảng Đông; [taam], Phúc Kiến: [tham], và chính là ‘tham’ trong tiếng Việt. Tiếng Thái Lan cũng có vẻ giống tiếng Việt trong việc không phân biệt giữa 'chia xẻ' và 'phân chia', hay 'chia cắt'. Họ gọi cả 'chia cắt' và 'chia sẻ' là [han] hay [baeng], nhưng cũng dùng [yak] cho 'chia phần'. Đặc biệt [baeng] cũng có gốc Hoa Nam: 攽 mang phát âm rất giống trong tiếng Quảng [baan] và Hẹ [ban]. Cũng viết gần với 頒 [ban] mang nghĩa 'ban phát'. Bây giờ xin xem lại âm chữ 'Việt' trong 'Việt Nam'. 'Việt' là kí âm kiểu quốc-ngữ cho chữ [Yue] viết theo Hán tự là 越 (Việt Nam và Ngô-Việt của Câu Tiễn) hay 粵, chỉ tỉnh Việt tức Quảng Đông. Người Mường phát âm giống như [Yịt] (vua Yịt Yàng = vua Việt mặc áo vàng), thiên về âm [Y] chứ không phải [V]. Người Nhật đọc theo kiểu [by] Nam bộ. Họ gọi 'Việt Nam' bằng: [Beto-Namu]. Quảng Đông, cũng tự gọi là 'Việt' viết theo bộ Mễ (gạo), phát âm như: [Yuet]. Câu hỏi xin đặt ra đây: Trước thời quốc-ngữ người Việt bản xứ, tự gọi họ là gì? 'Việt' hay 'Byiệt'? Trước đây, việc trả lời câu hỏi này là một vấn-đề rất gay-go và hóc-buá. Nhưng ngày nay, khi chứng minh được tộc người Việt-Nam thật ra đã được tiến tạo và thành hình qua cả nghìn năm hợp chủng, vấn-đề trở nên đơn-giản hơn xưa rất nhiều. Câu hỏi do đó có thể thu gọn thành: 'Tộc Việt nào đã phát âm như 'Yuệt' hay 'Byiệt', và những tộc nào đã nói như 'Việt' hay 'Wiệt'?" Trước hết chúng ta đưa ra nhận xét: Đối với các từ Hán có âm bắt đầu bằng [Y], thông thường khi cả hai phía, quan thoại và quảng đông, đều dùng âm [Y], khi chuyển sang Việt ngữ, sẽ chuyển sang âm [D]. Thí dụ: Do Thái= [you tai]. Doanh nghiệp= [ying ye]. Doanh thương= [ying shang]. Dung dich= [rong yè]. Du lịch= [yu lì]. A dua= [a yú]. Tình dục= [qíng yù]. Du thủ du thực= [you shou yóu shí]. Duyên phận= [yuan fen]. Duyệt= [yué]. Dư âm= [yu yin]. Dư luận= [yú lùn]. Dì= [yí]. Diễn viên= [yăn yuán]. Ẩn dật= [yin yì]. Dưỡng dục= [yang yu]. Dương= [yang]. Dạ (đêm)= [ye]. V.v. Âm [D] tiếng Việt lại có 2 cách phát âm, phản ánh kiểu đa số các phương ngữ ở Hoa Nam (D = Y), và phản ánh kiểu Hakka. Kiểu Hakka có thể chuyển tất cả âm [Y] sang qua [Dz]: dzuyên dzáng, anh dzũng, người Dzao (Yao),... 384


Nhưng không phải âm [Y] nào tiếng Tàu cũng chuyển thành âm [D] qua tiếng Việt. Có một vài ngoại lệ. Trong những ngoại lệ đó, [Y] quan-thoại, khi chuyển sang tiếng Việt, chuyển ra âm [V]. Thí dụ:  Yue-Nan: Việt Nam  Wang Yu: Vương Vũ (đáng lẽ Vương Yũ hay Vương Dũ)  Gong Yuan: Công viên (thay vì: công yiên hay công diên)  Yu zhou: Vũ trụ (đáng lẽ: Dũ trụ / yũ trụ)  Yuan zhu: viện trợ (đáng lẽ: yiện trợ / diện trợ)  Yong bie: Vĩnh biệt (đáng lẽ: yĩnh biệt / dĩnh biệt) – v.v. Xin nhắc lại:  Hiện tượng biến chuyển thông thường: [Y] quan thoại pinyin sang [D] tiếng Việt. Thí dụ: Yang Yu> Dưỡng Dục.  Ngoại lệ: [Y] pinyin quan-thoại biến ra [V] khi sang tiếng Việt: [Yue]=> Việt. Thí dụ: Xiang Yu=> Hạng Vũ; Gong Yuan=> Công Viên; Yun (Mây)=> Vân. Muốn quan-sát thật kỹ biến chuyển từ âm [Y] trong quan-thoại sang [V] tiếng Việt, trong chữ 'Việt', xin xem Bảng I, đối chiếu từ tiêu biểu cho ngoại lệ '[Y]-Hoa => [V]-Việt'. Xem từng cột một, và tập trung ở so sánh cột 2 và 5, ta thấy:  Phát âm tiếng Hakka (Hẹ) vẫn giữ vững khuynh hướng đổi âm [Y] sang [Dz], như trong tiếng Việt (D). Tuy nhiên ký âm a-b-c cho tiếng Hẹ dùng chữ [Z] chứ không phải [Dz] như kiểu 'Dzũng' tiếng Việt: 'vưu' = [you]=> [zu], 'viết' [yue]=> [zet].  Tiếng Quảng Đông (hiện đại) có vẻ theo sát âm quan-thoại, giữ vững [Y]. Trừ trường hợp 'vĩnh' như tiếng Việt: [yong] => [wing]. Ngoài ra, không liệt kê trong bảng: 'vân' (mây / Khmer: mek) = [yun] (quanthoại) => [wen].  Phát âm Ngô-Việt cho thấy mang chút ảnh hưởng tiếng Mân (Phúc Kiến) bằng cách lột mất âm 'yờ' tức [Y] để nguyên-âm đứng đầu, theo kiểu tiếng Mân và tiếng Việt: [yêu] đọc [iêu].  Trong khi tiếng Mân, giống như tiếng Việt, âm [yờ] quan-thoại (tức [Y]) hoàn toàn bị lột mất, chỉ còn để nguyên âm: người [Yao] => người [Iu]. Chi You => Chi Iu. [vũ] / [yu] => [u] {cái ô (dù) xuất phát từ âm [u] này}.  Tiếng Hải Nam (cột 9) cho thấy mang ảnh hưởng vừa của nhóm Hakka ([Y] => [Z]), vừa của âm Quảng-Đông cổ ([Y] => [U] hay [W]), ở thế kỷ 19 theo từ điển của Roy T. Cowles [7] (cột 11). Rất có khả năng từ điển của Roy T. Cowles đã dựa vào một tiểu chi nào đó của phương ngữ Quảng Đông, mang ảnh hưởng tiếng Triều Châu - Phúc Kiến.  Âm Quảng-Đông khoảng thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 (cột 11 - QĐ19) cho thấy khá giống kiểu biến đổi [Y] sang thành [V] của tiếng Việt. Và rất giống [W] tiếng Hán-Hàn (cột 8) Xin xem tiếp Cột 12 nối tiếp (cột HTC), trình bày phát âm tiếng Tàu thời Trung Cổ (đời nhà Tùy - Đường), thế kỷ 6-9. Như chúng tôi vẫn thường đề cập, lối truy tầm lại âm tiếng Hán cổ và Trung-cổ đều dựa vào những giả định hàm chứa rất nhiều dấu hỏi. Bởi những âm này dựa trên âm các tiếng Hán385


Hàn, các phương ngữ Hoa Nam, và chính tiếng Việt Nam. Giả định này do đó xây dựng trên cơ bản là những nơi này, xưa nay, nói tiếng Tàu 'đúng phong phóc', và vẫn giữ âm xưa cũ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin trích dẫn ra đây [9] để cho thấy vấn đề truy tầm âm cổ, hoặc Trung cổ, là như vậy. Rất giống âm, và dựa trên, tiếng Hàn và Việt, và không phải học-giả người Hoa nào cũng hâm mộ các âm Hán cổ truy tầm theo kiểu này. Phần A: Hán 1 尤 员 宇 援 又 永 曰 越 粤 雨 远 院 园 羽

Việt 2 vưu viên vũ viện vừa vĩnh viết Việt vũ viễn viên viên vũ

zu zen zi/ zu zen zeu zun zet zat/zet zi / yi zen zen zen zi/ ri

QĐ 4 yau yun yu yuen yau wing yoek Yuet yu yuen yun yun yu

QT 5 you yuan yu yuan you yong yue yue yu yuan yuan yuan yu

Ngô 6 Iw yO y yO Iw iong yI? yI? y yO yO yO yu

CS 10 iou yen yi yen iou in ye ye yi yen yen yen yi

QĐ19 11 yau uen ue uen yau wing uet uet ue uen uen uen ue

HTC 12 hjuw wen wo wen hhew waing wet wet hhu wen wen wen wo

Ghi Chú 13 vưu như trong: Xy Vưu nhân viên hoàn-vũ viện trợ hựu ~ Ngô / Mân / CS vĩnh biệt nói (cổ). Viết= nói vượt Mưa = xa sân / viện công viên lông chim

Hẹ 3

Mân 7 iu oan u uan iu eng uat Uat u hưng iN iN u

Phần B: Hán 1 尤 员 宇 援 又 永 曰 越 粤 雨 远 院 园 羽

Hàn 8 wu wen wu wen wu yeng wal wel wu wen wen wen wu

HN 9 ziu zoan zi zoan ziu zong ziet zuat zi wui wui wui zi

BẢNG I: ĐỐI CHIẾU [Y] => [V]. Chú Thích: (a) QĐ = Quảng Đông. QT = Quan-Thoại (pinyin). Ngô = Ngô-Việt => Giang Tô, Chiết Giang & Thượng Hải. Mân = Phúc Kiến + Triều Châu. Hàn = Hán-Hàn (Sino-Korean). HN = Hải Nam. CS = giọng Chang-Sha (tỉnh Hồ Nam). QĐ19= phát âm Quảng-Đông vào đầu thế kỷ 20, theo từ điển của Cowles [7]. HTC = tiếng Hán thời Trung Cổ (thế kỷ 6-9). (b) Tiếng Hmong: Vưu = [zoo] giống Hakka, Viên (chức) = [vaj] giữ âm [v], [j] cuối là dấu. Viên (vườn, công viên) = [vaj]. Vừa {[you] Q.T.} = [tbya-m], giống [byừa] Nam-bộ, [m] là dấu (thinh). 386


Nhìn chung bảng đối chiếu từ mang âm [Y]-quan-thoại sang [V] tiếng Việt, ta thấy:  Tiếng Chang-Sha (Trường Sa) tại Hồ Nam (cột 10), mang chút ít ảnh hưởng tiếng Mân: Lột âm [Y] (yờ) trong 3 từ: [you] => [iou] (vưu), [yong] => [in] (vĩnh), và [you] => [iou] (vừa). Nhưng hoàn toàn không liên hệ đến âm [V] tiếng Việt.  Biến chuyển [Y] sang [V] rất giống nhau giữa tiếng Việt và tiếng Hàn (cột 8). Tuy vậy kí âm [V] tiếng Hàn lại là [W].  Âm Quảng Đông khoảng đầu thế kỷ 20 (cột 11), cũng chia sẻ một số âm đầu bằng [U] giữa âm [V] và [W], rất giống biến chuyển từ [Y] quan-thoại sang [V] tiếng Việt.  Kế đến là âm tiếng Mân, tức Phúc Kiến - Triều Châu (cột 7). Một vài âm rất quan trọng, như: Việt [yue] => [Uat]. viết [yue] => [uat]. viện [yuan] => [uan]. viên [yuan] => [oan], cho thấy, rất có khả năng các kí âm dùng [V] trong tiếng Việt, cho nhóm chữ ngoại-lệ từ âm Hoa [Y] ở trên, đã dựa vào âm người Việt có gốc xứ Mân.  Một vài chữ Hmong trùng hợp (phần Chú Thích), cho thấy tiếng Hmong khi mang ảnh hưởng giao tác với tiếng Hán, cũng mang biến chuyển giống tiếng Hakka [Z], và tiếng Triều Tiên, nhưng dùng chữ [V] hay âm [By] kiểu phía Nam.  Ngoại-lệ biến chuyển âm [Y]-Quanthoại thành ra [V]-Việt, do đó có thể đã kéo dài dọc theo miền biển, từ khu vực Sơn Đông - Triều Tiên (Hàn) kéo đến miền biên giới Phúc Kiến và Quảng Đông. Dân (Bách) Việt ở miền trong, từ khu Hồ Nam xuống miền Tây Nam (Vân Nam) có vẻ theo lối phát âm Hồ Nam - Hồ Bắc và quan thoại. Tức giữ vững âm [Y] cho những từ ‘ngoại lệ' tiêu biểu kể trên.  Như vậy có thể thấy, chuyển âm [Y] thành [V] có khả năng phản ánh việc di-dân hay chạy giặc hoặc thiên đô, của khối người có liên hệ đến dân Triều Tiên, hoặc đám Cửu Lê gốc Việt từ phía Đông Bắc nước Tàu. Chạy xuống định cư ở khu vực Phúc Kiến Triều Châu, và miền Đông tỉnh Quảng Đông.  Các tôn-sư quốc ngữ khi cho âm [V] vào các từ 'ngoại lệ' (về [Y]) ở trên, nhất là trong chữ 'VIỆT', có lẽ đã dựa trên phát âm có tính phương ngữ của nhóm di dân từ hướng Đông Bắc này. CẢM TẠ: Chúng tôi xin cám ơn TS Yun Ji Wu, Asian Institute, University of Melbourne đã cung cấp tài liệu về phát âm Chang-Sha. 21 tháng 8, 2006. Ghi Chú [1] Hiện vẫn có nhiều tranh cãi về việc tạo nên nhóm ngôn-ngữ Altai. Đặc biệt nếu bao gồm cả tiếng Hàn, tiếng Nhật và... tiếng Mã Lai. Lý do: Một trong những điểm đặc trưng của tiếng nói dân miền Tungus, chính là tính chất 'agglutinative' - có nghĩa từ mới có thể được tạo nên bằng cách 'kết dính' hai ba từ với nhau. Nhiều khi theo kiểu 'tiếp đầu ngữ', 'tiếp vĩ ngữ'. Thí dụ: rumah = nhà => rumah-rumah = nhà nhà => nhiều nhà. Makan= ăn => memakan = đang ăn => makanan = thức ăn, đồ ăn. Sapu = quét => penyapu = cây chổi. Gunung = núi => gunung-ganang = núi-non = nhiều núi (rặng núi). [2] Các nước như Thái, Trần, Trịnh, Vệ, v.v., ở thời Xuân Thu, đều có địa bàn xưa nằm tại khu vực các tỉnh Sơn Đông, Hà Bắc và Hà Nam, gần sông Hoàng Hà. [3]www.geocities.com/kaoly_y/HistoireCultureLanguage/ZhangXiaoEnglish112603.html http://www.uglychinese.org/prehistory.htm http://mcel.pacificu.edu/as/resources/zhuang/Zhuang1.htm 387


http://www.rogerblench.info/Archaeology%20data/CH4-BLENCH.pdf http://en.wikipedia.org/wiki/Hmong_people [4] Nguyễn Khắc Ngữ (1981) Mỹ thuật cổ-truyền Việt-Nam. Tủ Sách Nghiên Cứu Sử Địa (Montreal - Canada). Trang 72, có trình bày hình vẽ thanh quất đào được tại Sơn Tây (VN) với chuôi khắc hình 3 mặt người và hình mặt trời giống y hệt một thanh quất tìm thấy ở HàNam, phía Bắc Trung Hoa. [5] Đông Việt chính là quê hương của Từ Hải trong truyện Kiều. Nằm trong khoảng Giang Tây và An Huy ngày nay. [6] Nguyễn Hữu Phước (2006) Chữ Việt gốc Kampuchia. Trong: Nghiên Cứu Văn Hoá Đồng Nai - Cửu Long. Tả Quân Lê Văn Duyệt Foundation ấn hành. Số 4 - Tháng 7, 2006. [7] Roy T. Cowles (1914 ) A Pocket Dictionary of Cantonese. Hongkong University Press Ed 1999 [8] http://www.chineselanguage.org/cgi-bin/dict.php [9] http://www-personal.umich.edu/~wbaxter/etymdict.html http://starling.rinet.ru/cgibin/query.cgi?flags=eygtnnl&basename=%5Cdata%5Cchina%5Cbigchina&recode=yes&hie ro=gif [10] Cũng bởi khối Cửu Lê có bao gồm người [Hlai] tức Lê [Li] tộc - tộc người của Lý Phật Tử - nên Cửu Lê đôi khi cũng gọi Lai Di. Tức nhóm Đông Di mang tộc Lai (Lê). [11] Kinh Dương Vương, có thể bao hàm ý nghĩa ông vua cai trị hai Châu: Kinh và Dương. Châu Kinh tức nước Sở ban đầu, ở khu vực Hán Thủy, và tỉnh Hồ Bắc. Châu Dương, bao gồm các nước Ngô và Việt ở miền biển sau khi bị Sở thôn tính. [12] Tiếng Hẹ có nhiều từ phát âm giống tiếng Việt một cách kì lạ. Sơ sơ: Nguyễn => [Ngien]- Hakka. Vua Nghiêu => Ngieu (trong khi Quanthoại đọc [Yao]). Vách (Nambộ: [byách] => [biak] Hakka. Độc đáo nhất: Đổi âm quanthoại [W] => [V] và [Y] => [Dz]. [13] Tròng= đội trên đầu. Mang gốc Hmong: [ntaeng] & [tjong]. [14] Khuyết Danh (1377-1388) Đại Việt Sử Lược. Bản dịch của Nguyễn Gia Tường. Nhà Xuất Bản Thành Phố HCM. Bộ Môn Châu Á Học Đại Học Tổng Hợp TP.HCM. [15] Trần Đình Mười (2006) Tản mạn về xứ sở và con người Bình Định. Đặc San Bình Định. Nam California, USA

388


Thử đọc lại truyền-thuyết Hùng-Vương (18): Phần 9: Hùng-Vương và người Việt-Nam Điểm làm chúng tôi ngạc nhiên nhất khi khảo sát về truyền-thuyết Hùng Vương, chính là tính cách khá bí-ẩn của một truyền-thuyết thường tóm tắt chỉ chừng dăm ba hàng chữ, trong các sách giáo-khoa, hay sử học. Những điểm bí-ẩn hoặc các lối nói ẩn-dụ tiềm tàng trong truyền-thuyết, ngày trước, rất khó có thể phát hiện. Nhất là khi các phương-tiện internet chưa xuất hiện và chưa được xử dụng ào-ạt như hiện nay. Tuy nhiên, nếu hoàn-toàn dựa thẳng vào các bài viết trên internet, dù những bài đó do các giáo-sư đại-học viết, cũng có thể dẫn đến chuyện 'tẩu hỏa nhập ma' như chơi. Bởi cổ sử nước nào cũng rối nùi. Chỗ nhiều chỗ ít. Và môi trường internet đã và sẽ luôn luôn là một môi trường chứa tin-liệu dễ dãi cho đại đa số khối quần chúng. Thêm vào đó, vấn đề sử học ở Á Châu, kể cả Trung-Quốc, xưa nay vẫn mang nặng tinh thần quốc-gia, những cảm xúc chủ-quan, và ám ảnh Nhị-nguyên 'Họ và Ta'. Cũng như rất nhiều công cuộc nghiên cứu ở Âu lẫn Á, cho đến khoảng cuối thế kỷ 20, hãy còn mang nặng ảnh hưởng của mớ tiền đề xưa cũ, kể cả những thứ có từ thời Tư Mã Thiên. Khó-khăn nhất trong việc viết lên đầy đủ ý nghĩa được giải mã chính là làm thế nào tóm tắt được các ý nghĩa đó. Chứ nếu không, có viết đến 180 bài cũng không đủ. Như thế, mặc dù đã gạt bỏ bớt rất nhiều tin-liệu hoặc thảo luận dài dòng, chúng tôi bắt buộc phải tóm lược rất nhiều, những điểm muốn trình bày. Mặt khác, chúng tôi thỉnh thoảng dùng những tên gọi đời sau, áp-dụng vào đời trước theo đúng kiểu của truyền thuyết. Cũng như thỉnh-thoảng phải lập đi lập lại một vài khám phá hoặc ý tưởng mới. Dù vậy, việc giải-mã truyền-thuyết cũng đã tốn đến 18 bài, với bài 17 gồm 3 phần, và bài 18 gồm 9 phần. Tổng cộng trên dưới 30 bài, mỗi bài bình quân 15 trang giấy, theo khổ A4. Tức tổng cộng khoảng 400 trang giấy. Mỗi một trang giấy chứa cỡ 600 từ, tức tổng cộng 400 x 600 ~ 240000 từ. Xin đếm thử số từ của đoạn văn tóm lược truyền-thuyết trong 'Việt Nam Sử Lược' [1]: 'Cứ theo tục truyền thì Vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam đến Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc, và phong Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ. Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía Bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm thành), phía Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía Đông giáp bể Nam Hải. Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào quãng năm Nhâm Tuất (2879 trước Tây Lịch?) và lấy con gái Động Đình Quân là Long nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân.

389

3 8 9


Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai. Lạc Long quân bảo Âu Cơ rằng: ''Ta là dòng dõi Long-quân, nhà ngươi dòng dõi thần tiên, ăn ở lâu với nhau không được. Nay được trăm đứa con thì nhà ngươi đem 50 đứa lên núi, còn 50 ta đem xuống bể Nam Hải.'' Tổng cộng chừng 222 từ. Như vậy bình-quân chúng tôi đã tốn giấy mực khoảng 1080 từ (240000 / 222) cho mỗi một từ trong đoạn tóm tắt trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim [1]. Tức khoảng 2 trang giấy (A4) cho mỗi một từ, của đoạn văn tóm-lược trên. Xin nhắc lại sơ sơ một thí dụ nhỏ để cho thấy tính cách cực kì phức-tạp của truyền-thuyết thường tóm-tắt chừng 15 dòng, như trên. Thí dụ: Lạc Long Quân => chúng ta đã khảo sát những điểm chính sau: (i) truyền thuyết bản Việt khác với bản Mường trong việc đổi tên 'Long Wang' thành Lạc Long Quân; (ii) các tự dạng khác nhau của chữ 'Lạc'; (iii) Lạc Long Quân = giống Rồng, khác với giống Tiên của Âu Cơ; (iv) Vấn đề tranh chấp giữa Mẫu Hệ của bà Âu và Phụ Hệ của ông Lạc; (v) Chữ Lạc 貉 trong Lạc Long Quân viết theo bộ Trãi (Lạc bộ Trãi 貉 ). Lạc bộ Trãi ngày trước được dùng để chỉ một đám du mục, có thể bao gồm nhiều sắc tộc khác nhau, có mặt trong khối Đông Di, ở tỉnh Sơn Đông ngày nay; (vi) Chữ Lạc [Luo] 貉 nầy ngày xưa cũng có phát âm như [He] hay [Ho] hoặc [Mo] {xem [2] [19]}. Phát âm [He] hay [Ho] chính là tiền âm của chữ [Hẹ] tiếng Việt. Và [Mo], cũng viết 貉 y như 'Lạc' [19], chúng tôi cho rằng tiền thân của [Hmoob] có thể dùng để chỉ người 'Miao-Yao', tức Hmong-Mien, xưa ưa sống gần người Lạc Việt, thuộc chi 'Hẹ'. Phát âm [Ho] cũng mang âm hưởng của chữ [Hoa] đọc theo một phát âm địa-phương tiếng Việt {[Ho-o]}, và [Hua] tiếng Tàu, chỉ gốc người Hoa-Hạ. Theo từ điển CCDICT {chineselanguage.org} [2], từ [Luo] tức 'Lạc' mang nghĩa xưa: một nhóm rợ ở phía Bắc nước Tàu. (vii) [He] hay [Luo] có mang phát âm [Ho] tức 'Hoa' gợi cho ta ý tưởng: Rất có khả năng, người Hẹ (tức một nhóm Lạc Việt cổ) cũng chính là một trong những tộc người tiến tạo nên Hoa tộc sau này. (viii) Tiếp theo chúng ta khảo sát đến người Hẹ và thấy họ có rất nhiều bản sắc giống người Việt Nam, tiếng Hẹ cũng rất giống tiếng Việt, đặc biệt phát âm [Y] quan-thoại như [Dz], và [W] ở nhiều phương-ngữ khác thành ra [V], giống kiểu phía Bắc. Nhắc đến Lạc Long Quân, tất phải nói đến bà Âu Cơ. Chúng tôi đã ghi nhận rất nhiều điểm chung quanh vị Thái quốc mẫu này. Xin phép tóm tắt như sau: (i) Trong khi người Kinh ít khi nghiêng về một bên, bà Âu hay ông Lạc - hay nếu có, lại nghiêng về ông Lạc nhưng lại không có đền thờ - người Mường thiên hẳn về bà Âu Cơ, mà họ gọi theo kiểu Quảng Đông: Ngu Kơ. Tương tự, xã hội Kinh ưa giữ thế 'trung lập' giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, trong khi xã hội Mường tập trung thờ phượng chỉ một mình Sơn Tinh (xem Cuisinier [3]). (ii) Âu Cơ, theo thiển ý biểu tượng cho chế độ mẫu hệ - của người Việt cổ ở vùng Hoa Nam, và dải đất hình chữ S - trước thời nhà Hán nhất thống Trung Hoa. Cuộc chia tay giữa bà Âu và ông Lạc là biểu tượng cho tranh chấp giữa mẫu-hệ và phụ-hệ. Âu Cơ cũng có thể biểu tượng cho tất cả các thứ Việt tộc thích duy trì nếp sống xưa cũ tại các địa bàn rừng núi. Trong tiếng Tàu, 'Cơ' 姬 thường dùng để chỉ một người phụ-nữ đẹp. 'Âu' (hay [Ngu]) 嫗 mang liên hệ gốc gác (âm) với hai từ khác cũng chỉ dân sinh sống ở miền rừng núi: (a) 'Âu' [Ou] trong tên xứ Tây Âu, tức Tây Việt hay Âu Việt, mang cùng một thứ địa bàn với tỉnh Quảng Tây ngày nay. Và (b) 'Âu', như một biến chuyển với 'Iu', theo định luật 'Lau' <=> 390

3 9 0


(iii)

'Liu'. 'Iu' thường dùng để chỉ người 'Yao' một nhánh lớn của khối Miao-Yao [4]. Chia tay Âu & Lạc có thể biều tượng cho tách rời địa bàn giữa Miao và Hẹ. Tại Việt Nam, ngày xưa tộc Miao-Yao cũng mang tên gọi là 'Mán', mà chúng tôi đã dành trọn hai bài để đưa ra giả thuyết mới, rằng người Miao-Yao mang gốc Đông Hồ / Mãn Châu. 'Mán' rất có khả năng chỉ là một âm tắt của 'Mãn Châu'. Xưa nay ít người để ý, bởi khá giống 'Man' trong 'Nam Man' người Tàu dành gọi người Hoa Nam khi xưa. Một điểm khác cũng cần để ý: Trong tâm thức người Hoa, họ cho chủng Hoa-Hạ đã có thế sát nhập với hai khối Nam Man và Đông Di. Nhưng đối với Bắc Địch và Tây Nhung thì không [19]. Bắc Địch cũng có hai nhóm lớn [19]: Xích Địch và Bạch Địch. Xích Địch mang từ 'Xích' (đỏ), có thể mang liên hệ với 'nước Xích Quỷ' và biệt danh 'Xích Quỷ' của Xy Vưu. Cả bà Âu và ông Lạc đều biểu tượng cho hai thứ chủng Việt chính, xuất phát từ hai khu vực khác nhau từ xứ Trung Hoa cổ. Âu Cơ: những nhóm người Việt từ miền Tây và Trung nước Tàu, mang khuynh hướng mẫu hệ. Lạc Long Quân: các khối người Việt ở vùng biển Đông, từ khu vực Sơn Tây - Hà Bắc - Sơn Đông (phía cực Bắc), kéo xuống tận khu vực Phúc-Kiến - Triều Châu. Nhóm người Lạc Việt viết theo bộ Trãi, mà chúng tôi đã chứng minh chính là người Hẹ, bởi cũng xuất xứ từ, hoặc lân cận với, địa bàn Hoa Hạ (ban đầu) nên đã chuyển sang phụ hệ, khi đến định cư tại xứ Việt cổ [5].

Trước khi thử tóm tắt một vài điểm chính của giải mã truyền thuyết Hùng-Vương, trình bày trong suốt 18 bài qua, chúng ta hãy lý giải hoặc trình bày thêm một lần nữa, vài điểm rất quan trọng như sau. Việt Thường Sử sách nước Việt thường đề cập đến xứ Việt Thường, thỉnh thoảng với vài dẫn chứng. Thứ nhất, cuộc gặp gỡ của người Việt Thường với các vua Nghiêu Thuấn, ở vào thời huyền sử xa xưa, do ở sáng tác của Trịnh Tiều [8], trên 2000 năm sau. Thứ hai, việc đại sứ Việt Thường mang con chim trĩ trắng tặng vua nhà Chu vào khoảng năm 1120 TCN [9]. Thứ ba, vào cuối đời nhà Đường, người Hoa đặt tên 'Việt Thường' cho một quận huyện, nằm ở khu vực Quảng Bình - Quảng Trị ngày nay [10]. Do ở việc danh xưng 'Việt Thường' tại nhiều chỗ khác nhau trong sử Hoa, sử nước Nam đời sau rơi vào vùng ảo ảnh hết sức mù mờ. Trước hết xin xem hai sự kiện về gặp-gỡ ở đời Nghiêu Thuấn, và đời nhà Chu. Vào đời Nghiêu Thuấn, tộc người Hoa-Hạ thuần túy dù có tổ chức đến cấp 'quốc-gia' vẫn không thể nào rộng hơn một tỉnh ngày nay, như Hà Bắc chẳng hạn. Đến đầu đời nhà Chu cũng vậy. Tộc người Hoa-Hạ thuần-túy, nếu có, luôn được bao bọc, và sống chung với, hằng ngàn bộtộc - bộ-lạc láng giềng khác nhau. Với các thứ tiếng nói khác nhau. Hoàn-toàn chưa có những trung-tâm sinh-ngữ hay phiên-dịch để tộc người này cảm thông với tộc kia. Đặc biệt xin chú tâm đến thời điểm năm 1120 TCN, khi đại-sứ đặc-nhiệm và toàn-quyền của xứ Việt Thường đáp máy bay hãng Cathay Pacific sang thủ đô nước Trung Hoa trình ủy nhiệm thơ, và tặng cho chủ tịch Chu Thành Vương một con chim trĩ. Có gì lạ ở thời điểm năm 1120 TCN? Đó là cái năm mà sử sách Tàu, viết vào khoảng 1000 năm sau, nói là vua nhà Chu phong đất thả cửa cho họ hàng thân thích hay quan lớn có công trong triều. Cũng một loại chuyện hoang-đường, viết theo kiểu 'chính sử' của người Hoa. Với mục đích chính là đóng chặt cái đinh pháp-lí của, hay xí phần chủ quyền trên, toàn lãnh thổ Trung Hoa. Đất nào, 391

3 9 1


nước chư hầu nào, cũng có cội nguồn từ thiên tử nhà Chu - thời đại có thiệt 100% đầu tiên của lịch sử nước Tàu. Nước Sở (Kinh Sở) được phong cho Hùng Dịch [Xiong Yi], cháu của ông thầy dạy vua. Nước Lỗ phong cho con cháu ông Chu Công, chú của vua và cũng là nhà hiền triết đầu tiên của Á Châu. Nước Tề phong cho ông Lã Vọng, tức Khương Thượng, v.v. Mặc dù rằng người Hoa biết rõ đa số thành phần khối lê dân trong các nước chư hầu này không nhất thiết thuộc chủng Hoa-Hạ, nhưng họ cố tình tảng lờ đi dưới đòi hỏi thiết bách của việc tạo dựng quốc-gia. Từ đó, ta thấy cái năm 1120 TCN, hay khoảng Chu Thành Vương vừa lên ngôi vua, đầu tiên được Khổng Tử hoặc sử-gia Tư Mã Thiên lăng xê, với chuyện phong đất phong tước, nhanh chóng trở thành một tiêu chuẩn khuôn vàng thước ngọc, cho sử gia đời sau bắt chước. Việc miêu tả đại sứ Việt Thường đến gặp vua Chu Thành Vương vào năm 1120 TCN, trình bày trong Đại Việt Sử Lược [9], soạn ra trên 2000 năm sau cuộc 'tiếp kiến', do đó không nằm ngoài việc 'cóp' lối viết sử của các sử gia thiên triều. Tuy vậy, trong việc chép kiểu viết sử đó, sự kiện con chim trĩ cũng có thể hé ra cho ta thấy một vài điểm quan trọng sau: a) Đại Việt Sử Lược [9] nhìn nhận tộc người Việt-Thường khác với tộc Hoa-Hạ, vào lúc khởi thủy của thời 'thực sử', năm 1120 TCN. b) Chữ 'Thường' [shang] 裳 trong hai chữ 'Việt Thường' mang nghĩa 'quần áo' cho phần dưới thân thể, tức 'cái khố' hay, rất có thể là 'sarong' hoặc 'sulu' hay 'pareo' của các tộc người Thái-Lào hay Đa đảo. 'Việt Thường', do đó, đã miêu tả đầy đủ cách ăn mặc của vị đại sứ, đi gặp vua Châu Thành Vương, hay của tộc người Việt-Thường. c) Miêu tả về Việt Thường Thị của Đại Việt Sử Lược [9] cũng chứa nhiều mâu thuẫn: - Người Hoa đã biết, và đặt tên cho 15 bộ lạc phía tây nam vào thời Hoàng Đế (Hiên Viên) - trong thiên niên kỷ thứ 3 trước Công Nguyên. Vào thời đó lãnh địa của Hiên Viên Hoàng Đế chỉ chiếm một khoảng đất nhỏ, bên sông Hoàng Hà, lớn nhất cỡ một tỉnh ngày nay. Đất 'vàng' của tộc Hoa Hạ, chưa tiến đến chế độ phong kiến, to rộng, và khi đó, vùng đất Trung Hoa ngày nay, chứa trên 2000 bộ lạc lớn nhỏ khác nhau. - Tên của 15 bộ lạc ở phía cực Nam nước Tàu đó, bao gồm Văn Lang, Việt Thường Thị, Giao Chỉ, Gia Ninh, v.v., toàn là những thứ tên đặt ra vào lúc nhà Hán nhất thống được toàn cõi nước Tàu, tức 3000 năm sau thời đại Hiên Viên (Hoàng Đế). - Đại Việt Sử Lược [9] lại xác nhận rằng tuy gọi tên 15 bộ lạc như vậy, nhưng những thứ tên này hoàn toàn không có trong danh sách 9 châu của thiên Vũ Cống do vua Đại Vũ nhà Hạ, thiết lập. Kỹ sư Đại Vũ khởi nghiệp 18 đời nhà Hạ, sau thời Hiên Viên cũng vài trăm năm, và thường được xem một người thuộc tộc Khương (Môn-Khmer). - Khi đại sứ của Việt Thường Thị mang con chim bạch trĩ (một thứ gà rừng) tặng vua Chu Thành Vương (khoảng năm 1120 TCN), xứ Việt cổ chưa có Hùng Vương. Bởi theo [9], Hùng Vương, một nhà ảo thuật đại tài, lạ mặt, chỉ làm cho dân địa phương ở 'bộ lạc' Gia Ninh thán phục và tôn làm vua vào đời Chu Trang Vương - khoảng năm 696-682 TCN, sau vụ dâng chim trĩ hơn 400 năm. d) Không cần quan tâm đến cuộc gặp gỡ đó, hoặc ngay cả chuyện phong đất phong tước, có thật hay không, chúng ta cũng có thể biết được, và chỉ cần biết, đã có sự hiện diện của bộ tộc Việt Thường, vào thời khởi thủy của lịch sử Trung Hoa. e) Theo [8], bộ Sử Ký của Tư Mã Thiên cho biết địa điểm xứ Việt Thường nằm đâu đó ở phía Đông Nam nước Phù Nam, tức khoảng khu vực đảo Java ngày nay. Nên nhớ mặc dù Tư Mã Thiên có đi chu du nhiều nơi lúc soạn bộ Sử Ký [8] [19], nhưng ông không có đặt chân đến miền Hoa Nam, lãnh địa của khối Bách Việt. 392

3 9 2


f) Do ở địa hình địa lý, và thực trạng của chính trị thời cổ đại - cũng như hiện diện của hằng nghìn bộ tộc khác nhau trên nước Tàu ở thời cổ sơ - bộ tộc Việt Thường đó phải có địa bàn rất gần với lãnh địa của người Hoa-Hạ. Đâu đó trong khu vực tỉnh Sơn Đông, Hà Bắc hay Sơn Tây, tức ở vùng Đông Bắc nước Tàu. g) Sự việc vào cuối đời nhà Đường, người Hoa lôi tên Việt Thường trở ra và đặt cho miền cực nam xứ An-Nam, có lẽ không ngoài xác nhận thứ tộc người ở khu Việt Thường thuộc nước An-Nam có nhiều biệt sắc giống bộ tộc tại bắc Trung Hoa mà ngày xưa tổ tiên họ gọi là 'Việt Thường'. h) Tộc Việt Thường cũng có tục điêu đề (xâm trán), và do đó rất có khả năng là một bộ phận của khối Đông Di hay Cửu Lê. Nếu nhớ hai thành phần chính của khối Cửu Lê là Miêu tộc và Lê tộc (còn gọi Lai Di, tức [Hlai]). Và Lê tộc có bà con họ hàng gần với, hay một chi tộc của, khối Khương, tức Môn-Khmer, có mặt ở đảo Hải Nam, xứ Việt cổ, và Chiêm Thành. Chúng ta thấy ngay 'Việt Thường' đích thị là người Việt bản địa tối cổ, mang tên Môn-Khmer. Khi xưa ở bên Tàu còn mang tên Khương tộc. i) Để ý thư tịch cổ của Tàu thường gọi kèm chữ 'Thị' vào 'Việt Thường' => Việt Thường Thị. Mang ý nghĩa bộ tộc Việt Thường, nhấn mạnh ở chỗ họ không thành lập quốc gia. Mặc dù quan-niệm về 'nước' (quốc) của người xưa rất lỏng lẻo, khác hẳn với 'nước' đòi hỏi vài ba yếu tố căn bản như ngày nay. Tại sao như vậy? Bởi trong các nhóm bộ tộc thuộc khối Đông Zi, có rất nhiều nhóm chuyên sinh sống với nếp sống du mục, nay đây mai đó, không có địa bàn cố định. Không xin nhận một nơi nào đặc biệt làm quê hương. Nổi tiếng nhất trong các đám du mục thuộc khối Đông Di chính là người (Lạc) Việt viết với bộ Trãi, ngày nay mang tên là người Hakka tức Hẹ (tiếng Việt). Như vậy, tộc Việt Thường vào đầu đời nhà Chu (khoảng 1120 TCN) cũng có thể chính là người Lạc Việt mang tên nôm là Hẹ. Khương, hay Hẹ, bộ tộc Việt-Thường có lẽ đã có mặt ở xứ Việt cổ, và trước đó cũng có mặt tại địa bàn gần gũi, và cũng có thể đan xen, với người Hoa-Hạ vào thời khởi sử xa xưa, tại miền cực Bắc nước Trung Hoa. Tiền-đề về ngôn-ngữ Tiền đề về ngôn-ngữ thường đi theo các tiền-đề về sử học. Cả hai thứ tiền-đề, xưa nay vẫn thường được lướt qua, ngay cả ở Trung Hoa. Như đã trình bày nhiều lần, việc dựa trên những tiền-đề xưa cũ, sẽ rất dễ dẫn đến cái vòng lẩn quẩn cho công cuộc tìm tòi nghiên cứu hao tốn nhiều thời gian. Bởi nhiều, nếu không nói đa số, tiền đề về ngôn-ngữ và sử học tại Á Châu, đều vướng phải những định-kiến xa xưa, xuất phát từ phía triều đình thể theo nhu cầu giải quyết xung đột chính-trị, hay trị dân của giới cầm quyền. Cũng có thể nói những tiền đề này thật ra chưa thoát khỏi ảnh hưởng của các thư tịch cổ của Tàu, nhất là những thứ như Thi Kinh, Xuân Thu, Chiến Quốc Sách, Sử Ký, v.v. Khi người Tây Phương đến Á Châu và bắt tay vào việc nghiên-cứu ngôn ngữ và cổ sử, chuyện đầu tiên là họ phải dựa vào lối diễn-dịch hay lí-giải về những vấn-đề địa-phương theo sách vở sẵn có, hay theo quan-điểm do giới cầm-quyền trình bày. Mặt khác, giới viết sử hay nghiên cứu về ngôn-ngữ ở Á Châu, ngày trước cũng ít khi ngờ rằng học-giả Tây Phương cũng có vấn-đề liên-hệ đến những tiền-đề xưa cũ, theo sát với tiến triển khoa học phương Tây. Nói một cách khác, học giả Á Châu ở thế kỷ trước có thể đã tin tưởng 'chắc nịch' rằng khoa-học Tây Phương đã tiến đến tột đỉnh rồi. Những gì người Tây Phương công 393

3 9 3


bố hay viết thành sách phải là chân lí, hoặc sự thật. Cũng giống như lời dạy của các vị thánh hiền ngày xưa. Thật ra, đối với khoa-học và kỹ-thuật, có lẽ không bao giờ có chuyện tột đỉnh cả. Tột đĩnh có lẽ chỉ xảy ra đúng vào lúc tận thế của loài người. Do đó, những công trình, dù có thể to-tát, của các học-giả Tây Phương, rất có khả năng, đã chất chứa khá nhiều công việc 'đánh bóng' tiền-đề sẵn có ở Đông Phương. Đứng giữa các thứ tiền đề về ngôn-ngữ, có thể là thứ công trình phiên-thiết lại các âm xưa cũ của tiếng Tàu. Tức tìm xem người Tàu phát âm từ này từ nọ ra làm sao vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, hay thời Trung Cổ. Giả-định quan-trọng nhất các công-trình loại này đã dựa vào chính là: Dân Tàu xưa nay vẫn là một thứ dân thuần chủng. Một thứ giả-định mang tính chất hoang đường, đã bị uốn nắn theo một xu hướng hay nhu cầu nào đó, hoặc mang nặng ảnh hưởng của các tiền đề xưa cũ, ở cả Đông lẫn Tây phương. Ở Việt Nam, ngày trước các tiền bối, có lẽ bối rối khá nhiều trước tình-trạng tạp-pín-lù của chữ Nôm, đã đề ra một vài lối giải thích tính cách đa dạng của âm tiếng Việt. Những lối giải thích này, thường dựa trên các công bố của người phương Tây, hay trên các mô-hình có sẵn của người Hoa. Trong đó có: (a) Vay mượn; (b) Biến đổi âm Hán cho hợp khẩu vị người Việt; (c) Thay đổi theo phong-thổ và qua giao tác với dân địa phương; (d) Học tiếng Hán qua các trường dạy sinh ngữ do Bắc triều thiết lập; và (e) Biến đổi 'khơi khơi' theo thời đại, hoặc theo địa phương. Những lối giải thích về biến đổi, hay chuyển âm, trong tiếng Việt theo kiểu trên, có vẻ dính chặt vào tâm thức của mọi giới ở Việt Nam, kể cả giới ê-lít đã được hấp thụ thêm một hai ngoại ngữ nào đó. Nhưng lại thường bất kể đến những tiến bộ trong khảo cứu về biến thái ngôn ngữ, hay đồng-hoá (lẫn nhau) về ngôn ngữ - giữa những phương ngữ xử dụng bởi những tộc người khác nhau. Xin phép dành một vài dòng để minh giải vấn đề 'chuyển âm' liên hệ đến đề tài Hùng Vương. Ngày trước, có vài học giả Việt cho rằng 'vua Hùng' là tiếng của người Mường: Pò Khun. [Pò] tương đương với 'vua' và [Khun] là 'biến âm' của 'Hùng', theo kiểu qua lại giữa âm [Kh] và [H] theo kiểu: [Khan] => [Hãn] / Genghis Khan => Thành Cát Tư Hãn. Thoạt nhìn rất hay, nhưng nhìn kỹ khá lấn cấn. Xin tóm tắt như sau:  Người Mường không dùng âm [Po] để chỉ 'Vua'. Gần âm [Po] có chữ 'Pổ' mang nghĩa 'Bố' (Cha). Âm [Po] mang nghĩa 'Ngài', 'Bà Chúa', hay một người có địa vị cao sang lại thuộc tiếng Chăm-pa ở phía Nam, mà người Chăm-pa, chúng tôi cho rằng xưa có bà con gần với người Việt bản địa tối cổ: Môn-Khmer.  Từ 'vua' tiếng Mường đọc như 'Byua' (kí âm là [Bua] theo một quy luật ngữ học dành cho một số tiếng Âu Châu [14]) - giống kiểu Nam bộ và quốc ngữ thời thế kỷ 17. Theo thiển ý, âm [byua] có cùng gốc với một âm quan-thoại xưa [yu] cho từ 王 , mà phát âm thông thường là [wang] tức 'vương'.  Tiếng Mường có âm gần [Khun] nhất là [Cun] hay [Kun] mang nghĩa 'Quan'. Kun Lang (hay: Lang Cun) = Quan Lang.  Biến âm [Kh] <=> [H] có thể là một thứ biến âm giữa tiếng Hán và tiếng Mông Cổ [12] [13]. Âm [Kh] tiếng Mường thường tương đương với âm [S] tiếng Việt, chứ không phải [H]. Thí dụ [11]: 394

3 9 4


- sông => không (giống âm Thái: [khung]). Sông Mekong = Me + Kong. Me, tiếng Thái = Mẹ, cái gì to tát. Kong => Khong => sông. Mekong => sông lớn, sông mẹ. Rất giống 'Menam', trong đó: 'nam' mang nghĩa 'nước', hay nghĩa rộng là 'sông'. - khủng ống = súng ống. - khổ măl = số may. - khứu = sửu (thuối khứu = tuổi sửu) khon = son. Bâm khon = mâm son (Để ý: [B] => [M]: Bangkok => Mân Gốc) [27]. - khay khướt = say khướt. - khăc đác = sặc nước. - khăc mùi rão = sặc mùi rượu khủng mũi = sống mũi (để ý âm [u] <=> [ô], như [tui] <=> [tôi]). - khẩu = sáu (6). - khúp mẽnh = súc miệng. - khup tố = sụp đổ. - khức = sức.  Cũng không chính xác khi dùng hai từ 'biến âm'. Bởi vẫn mang ý nhị nguyên. Từ tiếng A sang tiếng B, với tập trung ở A. Tiếng A giữ vai chính. 'Biến âm' cũng mang tính chất 'nhị nguyên' Trước-với-Sau, thường che mờ những đường hướng khảo sát khác của các khoa học tương cận như: sử, dân tộc, xã hội, hoặc khảo cổ [18]. Chính xác hơn một chút có lẽ phải dùng 'âm tương đương'. Thí dụ: Tra từ điển Mường [11] ta thấy âm [Kh] Mường mang khuynh hướng tương đương âm [S] Việt, bởi có đến hằng chục từ như vậy. {Xem phía trên}. Nhưng nếu muốn thiết lập một định lý tương tự cho [Th] <=> [R] chúng ta bắt đầu thấy sự gượng ép. Ở chỗ chỉ có lác đác vài từ mang biến chuyển: [Th] Mường <=> [R] Việt. Thí dụ: [thăng] <=> [răng]. [tha] <=> [ra]. [thẳm] <=> [rắm] (đánh rắm). [thảnh] <=> [rắn] (không thuần nguyên âm ở sau). Và đa số vẫn giữ: [Th] => [Th]: thăm <=> thăm; thơ ký <=> thư ký. Âm [R] vẫn giữ [R], [R] <=> [R]: rão <=> rượu. Định luật [Th] <=> [T] mang nhiều thí dụ hay chứng tích cụ thể hơn: [thắc] => [tóc]. [Thay tăm] <=> [Tay đăm] => [Tay mặt]. Từ điển Huình Tịnh Của ghi [đăm] = mặt, phải, [chiêu]= trái. 'Đăm' & 'Chiêu' mang gốc Mường (Thái-cổ). [Thuối]=>[tuổi]. [Thà] (ảo)=> [tà] (áo). Thơ thằm=>Tơ tằm.  Nhóm âm tương đương thể hiện rõ nét hơn giữa các phương ngữ Hoa Nam, và điểm chúng tôi thường nhấn mạnh chính là: Một khi ta thấy có hiện tượng âm tương đương trong tiếng Việt và âm tương đương giữa các phương ngữ Hoa Nam, chúng ta cần phác họa nên một định luật và thường xuyên kiểm chứng định luật đó. Nếu nhiều kiểm chứng các nhóm âm tương đương đạt được kết quả tốt, chúng ta sẽ có thêm một chứng cớ khá vững, tiếng Việt là một hỗn hợp các phương ngữ đó, và tộc người Việt đã là một hợp chủng các tộc Bách Việt đó. Hoàn toàn tránh khỏi cảnh tộc người này là thủy tổ tộc người kia. Chỉ là bà con vào lúc ban đầu. Không phải do ở tinh thần quốcgia, nhưng do ở tinh thần khoa-học. Qua nhiều thí dụ viện dẫn, thí dụ: ka/gia, kẻ/gã, ăn/uống, đường-xá, tâm-địa, v.v., chúng ta thấy âm tương đương trong tiếng Nôm và tiếng Hán Việt đều được phản ánh đầy đủ trong các phương ngữ Hoa Nam, tiếng Thái, tiếng Hmong-Mien (Miêu-Dao), tiếng Đa-Đảo, tiếng Chăm và tiếng MônKhmer.  Chứng cớ vững chắc nhất cho nguyên lý về 'âm tương đương' chính là phương ngữ nào ở Hoa Nam thường vẫn giữ vững phần lớn âm vận xưa cũ của nó [18]. Tiếng Quảng Đông có những âm đặc thù Quảng Đông. Phúc Kiến cũng vậy. Và Hẹ cũng thế. Thí dụ 1: Tương đương giữa âm [W] quan-thoại với [V] Hẹ, [M] Quảng Đông, và [B] Phúc Kiến: 'Vô' mang nghĩa 'phủ định', tức 'không có'. Âm Quanthoại: [wu] => Hẹ [vu] (vô) => Quảng [mou] (mậu) => Ngô-Việt [hhu] => Phúc Kiến [bo] (=> Nam bộ: [byô]). Thí dụ 2: Quanthoại [wan] (10000) => Hẹ [van] (vạn) => Quảng [maan] (muôn) => NgôViệt [vE] => Phúc Kiến [ban] (byạn). Thí dụ 3: Nó, anh ta, cô ta - phát âm phổ biến nhất tiếng Tàu là [ta]. Nhưng quảng-đông vẫn giữ âm cũ: [koi] hay [keoi] hoặc [gei] hay [heoi]: 其 hay 渠 . Cùng gốc với [kẻ] (ấy) hoặc [gã] (đó), hay [hắn] trong tiếng Việt. Rất giống tiếng Thái: [kão] cho nam, và [te] (giống [ta]) cho nữ. [Nó] trong tiếng Việt lại 395

3 9 5


mang xuất xứ từ tiếng Ngô-Việt [nong] dùng để chỉ đại từ ngôi thứ 2 (anh, chị, ông, bà) và cả ngôi thứ 3 => 'nó'. Thí dụ 4: Những cặp từ như: Đa/Nhiều, Bông/Hoa, Ô/Dù, Thiểu/Ít, v.v. [18], đều được phản ánh đầy đủ giữa các phương ngữ Trung Hoa, nhưng với tự dạng khác nhau. Sơ sót ngày xưa chính là khi học tiếng Hán, các tiền bối học theo kiểu một đối một, 1 <=> 1, nhầm tưởng một từ là Hán, một là Việt. Đơn thuần 1 => 1, theo kiểu Tam Thiên Tự: thiên là trời, địa là đất, đa = nhiều, thiểu = ít. Thật ra một sự vật hay động tác ngày xưa đều có nhiều từ khác nhau, tùy theo phương ngữ và cách phát âm, để diễn tả. Nếu cùng một từ, lại có những lối phát âm khác nhau tùy phương ngữ. Các phương ngữ tiếng Hoa phần lớn vẫn còn giữ nhiều dấu vết của việc hợp chủng và hợp ngôn ngữ, cho đến ngày nay. Hùng Vương và Hùng Thị Thế vua Hùng Vương có thật hay không? Thật ra, rất khó trả lời câu hỏi này, theo dạng nhị nguyên: Có - hoặc - Không. Bởi như đã trình bày, nó liên hệ đến một mức độ tư tưởng thật cao, cao hơn cả khoa-học và triết-lí. Tuy nhiên, nếu cố gắng chúng ta có thể thiết lập một số mô-hình giải đáp gần đúng như sau. 1) Hùng Vương là người Việt đầu tiên. Tức trước thời Hùng Vương, chưa có người Việt theo nhân dạng, cá tính và DNA của người Việt ngày nay. Do đó, Hùng Vương có thể thuộc bất cứ thứ chủng nào, hoặc, hợp lý hơn, một người mang hai ba dòng máu. Có thể: Hẹ, Miêu, Thái, Khương, Lê, Lạc (miền biển), Đa Đảo, v.v. Theo mô-hình này, chủng Việt (Nam) chưa hình thành khi Hùng Vương xuất hiện - cũng có nghĩa vua Hùng số 1, có thể là vua Đại Vũ (nhà Hạ) mang gốc Khương tộc, hay vua Xy Vưu, thủ lãnh nhóm Cửu Lê - bà con dân Hàn (Triều Tiên) - thuộc Lê tộc hay Miêu tộc. Cả hai thời đại nhà Hạ của ông Vũ (Trung Hoa) và Bai-Dal của ông Xy Vưu (Hàn) đều kéo dài đến 18 đời mới chấm dứt. Hai thời Hồng Bàng ở Trung Hoa (Hiên Viên) và Triều Tiên (BaiDal), đều mang chữ 'Hùng' y như 'Hùng Vương': Hữu Hùng Thị (Hiên Viên) và Hàn Hùng (Bai Dal). Tương tự, chủ tịch Xy Vưu của Bai-Dal với biệt hiệu vua 'Xích Quỷ', giống tên nước Xích Quỷ thời Kinh Dương Vương, cũng có thể là Hùng Vương số 1. (Di Cosmo [19] dựa theo thư tịch cổ của Tàu, cho biết có 2 thứ Bắc Địch: Xích Địch và Bạch Địch). Ngoài ra họ của vua nước Sở với lê dân đa số thuộc chủng Việt, truyền qua nhiều đời cũng là họ 'Hùng' cùng âm, nhưng viết khác (có thể phát âm: [Mị]) và mang nghĩa khác. Tức Hùng Vương số 1 cũng có thể là Hùng Dịch ở nước Sở. Ngoài ra, cũng có đề nghị từ một học giả Pháp ngày trước, Việt vương Câu Tiễn là Hùng Vương thuộc đời thứ 6. 2) Hùng Vương thứ 1 là con trai trưởng của Âu Cơ và Lạc Long Quân. Có hai trường hợp: (i) Âu và Lạc là hai thị tộc: Âu Cơ Thị (theo mẫu hệ) và Lạc Long Quân Thị (theo phụ hệ), và (ii) Âu Cơ và Lạc Long Quân đều là người thật. Trường hợp (i) dùng quan điểm Thị tộc sẽ cho Hùng Vương là một thị tộc mới, liên minh giữa hai thị-tộc, có thể gọi Hùng Thị. Thật vậy tại đền Hùng (núi Nghĩa Lĩnh, huyện Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phú), xây thời nhà Lý, theo [8], có bài vị ghi: - Đột ngột cao sơn - Cổ Việt Hùng Thị Bài vị ghi là 'Hùng Thị', tức thị tộc mang tên Hùng, chứ không phải Hùng Vương. Hiểu Hùng Vương như Hùng Thị cũng mang hàm ý, tộc người chủ lực ở xứ Việt cổ trong suốt 18 đời Hồng bàng, là một thị tộc duy nhất: Hùng Thị. Trường hợp người thật 396

3 9 6


(ii): Hùng Vương thứ nhất phải là một người mang hai giòng máu, Âu và Lạc, và Hùng Vương thứ hai trở đi, mang trong người ít lắm 3 giòng máu. Giòng máu thứ 3 là máu của Hùng hoàng hậu, người bản địa (rất có khả năng thuộc tộc Môn-Khmer). 3) Kiểm chứng với quyển sách về người Mường của Cuisinier [3] hoặc với bộ Thủy Kinh Chú của Lịch Đạo Nguyên [15], hay Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên [16] cho biết, theo quan sát của người Mường và người Hoa thời xưa, không phải chỉ có một mà lại có rất nhiều Hùng Vương, Lạc Vương hay Hùng Trưởng, ở xứ Việt cổ. Ở vài mường bản, người Mường thường gọi vị đó là vua Yịt Yàng, tức vua Việt (Yịt) ưa mặc áo vàng (Yàng), ở một xứ miền Kinh lân cận. Những vị này chia nhau cai trị những vùng đất ở miền Kinh, giống thể chế Quan Lang, Thổ Lang của người Mường. Ở phương diện này, Trần Trọng Kim trong quyển Việt Nam Sử Lược [1] có viết: “Khi đất Giao Châu còn gọi là Văn Lang hay là Âu Lạc thì người bản xứ ăn ở thế nào, phong tục làm sao, nay cũng không có di tích gì mà kê cứu ra cho rõ được. Có lẽ cũng tự hồ như Mường hay là Mán ở mạn thượng du đất Bắc Việt bây giờ. Giả sử có đem vua Hùng Vương họ Hồng Bàng hay An Dương Vương họ Thục mà sánh với mấy người Quan Lang ở mạn thượng du thì dễ thường cũng không xa sự thực là mấy.’ 4) Quan-điểm của Trần Trọng Kim về một xứ Việt cổ nhỏ bé, thật ra rất phù hợp với nhiều sử gia hiện đại. Trong đó có ý niệm về Mandala do Oliver Wolters đề xướng vào năm 1982, và ý niệm về Xứ Tù Trưởng (chiefdom) mà hiện nhiều sử gia Việt Nam ưa trích dẫn [6] [7] [17] [20] [21]. Mandala là một ý niệm, xuất xứ từ những đơn-vị xã-hội tôngiáo tại Ấn Độ và Tây Tạng, đại khái mang ý nghĩa trung tâm thờ phượng thần thánh và giao tiếp với vũ trụ. Trong ý nghĩa một tổ chức chính trị, Mandala lỏng lẻo hơn, và dưới cấp, một quốc gia, và có thể được biểu diễn bởi những vòng tròn không đồng tâm mà lại giao cắt với nhau. Tức một số nhà lãnh đạo có thể tòng phục hai ba minh chúa khác nhau, ở các trung tâm cách biệt nhau. Theo Boike Rehbein [22] từ Thái Lan tương đương với Mandala chính là [Muang], mà tiếng Việt gọi là 'Mường'. Xứ-Tù-Trưởng (chiefdom) [23] tuy giống Mandala ở chỗ không như, và dưới cấp tổ chức quốc gia, nhưng mang đặc điểm là những người có quyền hành trong tổ chức 'Xứ Tù Trưởng' đó, thường là bà con họ hàng với vị Tù Trưởng. Tức điểm đặc-trưng của Xứ Tù Trường chính là nhóm người cai trị thuộc dòng họ hàng bà con thân thuộc với nhau. 5) Mô-hình bình dân về Hùng Vương sẵn có từ xưa đến nay cũng có thể được giữ vững, với một số cải tiến, phát xuất từ lí luận của giải mã ở đây, như sau: a) Hùng Vương thứ 1, là quốc tổ mang hai giòng máu: Thái & Việt {tức Âu & Lạc}. b) Hùng Vương thứ 2 trở về sau, luôn mang trong người ít nhất 3 giòng máu. Giòng máu thứ 3 là giòng máu tộc người Việt bản địa tối cổ: Cũng có thể người Hoà Bình, hay Đông Sơn hay Sa Huỳnh hay Mỹ Sơn, hoặc Đa Đảo, hoặc Phù Nam. Hệ thống số đếm, và những từ cơ bản của đầu mình thân thể tứ chi, và của xã hội đơn sơ, đều có chung nguồn gốc với tộc người Môn-Khmer, Thái-cổ và Đa-đảo. c) Huyết tộc của tổ tiên Hùng Vương như: Thần Nông, Kinh Dương Vương, Động Đình Quân, v.v., đều thuộc Việt tộc nói chung. Có thể là Khương tộc, Miêu tộc, Lê tộc, Thái-cổ, và Lạc Việt. Thần Nông, mặc dù quê ở bên Tàu và người Tàu vẫn thờ như một thánh tổ, ngang vai vế với Hiên Viên, có tộc gốc là Khương, hay Việt (Thái). Người Hoa thờ Thần Nông bởi từ lâu họ đã nhìn nhận tộc Khương (hay Việt) chính là một trong những tộc người đã tiến tạo nên Hoa chủng. Thần Nông cũng là thánh tổ của dân Thái Lan ngày nay. Đây cũng là điểm hết sức gút mắt từ trước đến giờ sử sách Việt thường tránh né, bởi thiếu thốn hiểu biết hiện đại về gốc gác của 397

3 9 7


Thần Nông, và thường lầm ông là một người Tàu chay, hay một thị tộc thuộc chủng Hoa-Hạ. d) Thời điểm khởi đầu và thời điểm cuối của thời đại Hùng Vương bắt buộc phải giữ vững: 2879-258 TCN. Nhất là thời điểm khởi đầu. Tại sao vậy? Bởi như chúng ta đã thấy, 3 truyền thuyết về thời Hồng Bàng hết sức giống nhau giữa 3 nước: Trung Hoa, Việt Nam, và Triều Tiên (Hàn), và rất có thể cả 3 truyền thuyết đều có chung một nhóm tác giả. Thời điểm khởi đầu nước này không thể xảy ra sau nước kia, bởi theo quan niệm thông thường, như vậy có nghĩa nước này có thể là hậu duệ hoặc do nước kia thành lập. Như vậy, thuyết Hùng Vương, một nhà ảo thuật đại tài xuất hiện ở Gia Ninh vào thế kỉ thứ 7 TCN, trình bày trong Đại Việt Sử Lược, cần được thẳng tay gạt bỏ. e) So với 18 đời vua nhà Hạ ở Trung Hoa - 18 đời Hàn-Hùng ở Triều Tiên và 18 đời Hùng Vương ở Việt Nam mang nhiều tính cách vô lí hơn hết, bởi bình quân, mỗi một đời vua ở Triều Tiên kéo dài 87 năm, và ở xứ Việt, 146 năm. Nhưng không ai được quyền thay đổi con số 18 huyền nhiệm này hết, bởi ta chưa hiểu được trọn vẹn ý nghĩa của con số 18. Ngoài việc quan sát, qua loạt bài này, con số 18 có thể biểu tượng cho một chu kì kín hết sức tốt đẹp, của thời Hồng Bàng. Hoặc một ý niệm về liên tục. Hoặc đơn thuần, một con số gấp đôi con số 9 tượng trưng cho lãnh tụ, vua chúa, hay thiên tử. Hoặc một con số đã được dùng khá thuận phong-thủy (feng-shui) cho hai nước kia: Trung Hoa và Triều Tiên. f) Một điểm quan-trọng cần ghi nhớ: Triều nhà Hạ ở Trung Hoa, Bai-Dal tại Triều Tiên, và Hùng Vương tại Việt Nam, thật ra hãy còn thuộc thời huyền sử, tức chưa có bằng cớ gì xác đáng. 6) Xem lại mô hình về nhiều Hùng Vương với nhiều xứ Tù Trưởng, ta thấy: (a) Điểm khó khăn vẫn là xác định, có một hay nhiều Hùng Vương. Có nhiều chứng liệu cho biết truyền thuyết nghiêng về phía 'nhiều Hùng Vương', như sau:  Ấn bản truyền thuyết người Mường cho biết 100 người con của bà Âu ông Lạc bao gồm 50 trai 50 gái, chia nhau cai trị hai vùng đất của xứ Việt.  Theo ấn bản Việt, Hùng Vương thứ 1 chỉ cai trị vùng đồng bằng của xứ Việt cổ. Tức ít lắm cũng có 2 vùng khác nhau. Vùng rừng núi kia vẫn do đám con theo bà Âu chia nhau cai trị.  Ấn bản Việt cho 100 người con Âu-Lạc toàn là con trai. Điều này có nghĩa truyền thuyết bản Việt thừa nhận: (a) đất Việt cổ có sẵn người bản địa, sinh sống từ trước; (b) 100 vị hoàng-tử Âu-Lạc này sẽ là những người cai trị đầu tiên - chứ không phải hoàn toàn là người Việt đầu tiên. Bởi họ vẫn phải tìm vợ và lấy vợ từ khối người bản địa. (Người bản địa mới chính là người Việt cổ đầu tiên). Do ở thiếu thốn chứng liệu về chữ viết và con ngựa (phương tiện truyền thông, và quản trị hành chánh), rất khó có chuyện một vị vua duy nhất cai trị một xứ lớn rộng hơn một bộ lạc lớn hay một tỉnh lớn như ngày nay.  Nếu cho: Lạc Vương = Hùng Vương, các thư tịch cổ của Tàu (thí dụ: Thủy Kinh Chú) đều dùng tên gọi 'Lạc Vương' với số nhiều.  Tuy vậy nếu dùng truyền thuyết y như đã chép trong Việt Nam Sử Lược, ta phải hiểu việc chọn người con trưởng làm Hùng Vương thứ 1 ở vùng Kinh như biểu tượng cho: (a) việc lập quốc trong khung đối chiếu với thời nhà Hạ và thời BaiDal; (b) nhấn mạnh ở việc nhất thống các bộ lạc để tiến lên thể chế 'Nước Nhà'; và (c) nhấn mạnh ở việc lựa chọn Phụ Hệ, tại lãnh thổ ở vùng Kinh. 398

3 9 8


 Nói chung truyền thuyết chứa một thông điệp ngắn: Trung Hoa lập quốc ra sao, nước Việt cũng giống như vậy. Hơi gượng ép và có thể xa lìa sự thật, nhưng nói lên ước muốn độc lập, đồng đẳng, của các chủng Việt đối với tộc Hoa Hạ, cũng như các truyền thuyết của Tàu, Việt, và Hàn, có thể cùng một tác giả. (b) Địa bàn ban đầu của Hùng Thị bao gồm không phải một trung tâm, mà khá nhiều trung-tâm theo dạng 'mandala' hay xứ Tù trưởng - trải dài trên vùng đất chạy từ Dương Tử giang (khu Động Đình Hồ) xuống tới xứ Hồ Tôn hay Phù Nam. Ở chiều Đông Tây, từ Tứ-Xuyên - Vân Nam, đến tận biển Đông. Tức vùng đất của khối Bách Việt xa xưa. (c) Ngay tại xứ Việt cổ, cũng không chỉ có một trung-tâm duy nhất, mà nhiều trung tâm, tập trung ở những khu vực như: Hoà Bình, Đông Sơn, Sa Huỳnh, v.v. Tình trạng nhiều trung tâm sinh cư của dân Việt, cho đến thời nhà Hán tiến chiếm Nam Việt của Triệu Đà (khoảng năm 110 TCN) được phản ánh đầy đủ trong Hán Thư, ghi lại việc 'vua' xứ Tây Vu (xưa ở khu Phú Thọ / Phong Châu) bị một tướng lãnh tâm phúc tên Hoàng Đồng làm phản, giết chết, rồi đầu hàng nhà Hán [8] [25]. 7) Sở dĩ chúng ta phải trở đi trở lại ở mô hình một 'xứ tù trưởng' là bởi xưa nay, thật ra chưa có một chứng liệu nào về tổ chức hành chánh ở thời Hùng Vương. Ngoài một câu trích từ thư tịch cổ của Tàu, viết 'sau đó' cũng khoảng 500 năm: Có ruộng Lạc, Lạc Hầu và Lạc Tướng. Tổ chức hành chánh đi đôi với hình thành quốc gia, với nước nhà và nhà nước. Nội chuyện quan sát về các cơ chế dẫn đến việc thành lập 'Nước' cũng có thể là một đề tài hấp dẫn cho hằng chục, hằng trăm luận án tiến sĩ khắp nơi. Không phải là một vấn đề đơn giản, theo kiểu khi có phân biệt giai cấp là có nhà nước & nước nhà. Mà còn luôn luôn thay đổi theo địa hình, lối sống, và đời sống kinh tế của từng vùng. Thí dụ: Các chuyên gia về cổ sử Đông Nam Á ưa đưa ra các giả thuyết về Mandala như trên, hoặc thuyết dựa trên sự cần thiết của đoàn kết hay hợp chủng khi đối phó với một mối đe doạ chung từ bên ngoài {xem [26]}. Nhưng Nicola Di Cosmo [19] trong quan sát về việc tiến tới hình thái 'Nước' ban đầu, của khối dân Hung Nô ở miền Bắc nước Tàu, lại phải duyệt qua nhiều lí thuyết khác nhau về cơ chế thành lập quốc gia, khác hẵn với thuyết Mandala hay 'Đoàn kết và hợp nhất, để chống ngoại xâm'. Nói một cách khác, nội trong việc xác nhận 'nước' Văn Lang hay Xích Quỷ ra thế nào, chúng ta thấy cổ sử Việt Nam có rất nhiều vấn đề đối với khoa học hiện đại. Quan trọng hơn hết là phân biệt một số các lí thuyết về việc thành lập nước nhà và nhà nước. Rồi sau đó tìm kiếm những chứng tích có thể hỗ trợ cho từng lí thuyết một. Cả hai việc này từ xưa đến nay hoàn toàn vắng bóng trong các tủ sách về sử học của Việt Nam. Kết Đúng vào lúc chúng tôi viết những dòng chữ kết thúc loạt bài này, trên một vài mạng hay trao đổi i-meo giữa bạn bè, có lăng xê một mẩu tin sốt dẻo về một câu chuyện khá cũ: Người đầu tiên phát minh ra Giấy (paper) là một người Việt mang tên Thái Luân. Những chuyện bề ngoài có vẻ rất hào hứng như vậy, thật ra đối với người Hoa không có gì lạ hết. Bởi những lí do sau: 1. Cho đến ngày nay, người Hoa vẫn còn thói quen gọi người Phúc Kiến là người Mân, gọi tắt cho Mân-Việt. Người Chiết Giang / Giang Tô, gọi Ngô (tiếng Ngô), tắt cho NgôViệt. Người Vân-Nam còn gọi người Điền, thay cho Điền Việt. Đặc biệt nhất, người 399

3 9 9


Quảng Đông, tỉnh Quảng Đông, tiếng Quảng Đông, và thức ăn Quảng Đông, thường vẫn được gọi chung là [Yue] tức Việt. Việt Quảng Đông (Đông Việt) và Việt Quảng Tây (Tây Việt) được viết với bộ Mễ chỉ thóc gạo: 粵. Bằng chứng cho đến thế kỷ cuối đời nhà Thanh (khoảng năm 1802), khi vua Gia Long xin tấn phong vương với tên nước là Nam Việt, Thanh Triều cũng viện lẽ đã có hai tên rất giống là Tây Việt và Đông Việt, nằm ở vùng đất Nam Việt xưa của Triệu Đà, nên dùng tên Nam Việt không ổn và bắt buộc đổi thành Việt Nam. 2. Cho đến ngày nay, người Hoa ở miền Nam sông Dương Tử cũng còn nhớ họ thuộc chủng [Yue] tức Việt. Nhưng từ dạo có những cổ xúy của các danh nhân gốc 'Yue' như Tôn Dật Tiên, La Hương Lâm, kêu gọi sát nhập chủng Yue vào chung với Hán tộc, vào khoảng đầu thế kỷ 20, gần như tất cả những người Hoa đều nhất thống quan điểm rằng 'Yue' (Việt) tức là Hán. Hỏi bất cứ người Hoa nào, nhất là giới học thức, về tập hợp các tộc Hoa chính ra sao, sẽ được câu trả lời như Kim Dung đã trình bày trong các bộ truyện chưởng của ông, âm vọng tuyên bố của Tôn Trung Sơn ngày trước: Hoa tộc ngày nay bao gồm 5 thành phần, Hán, Mông, Mãn, Tạng và Hồi (hoặc Choang). Không nhắc nhở gì đến Việt trong đó. Nhưng nếu có người thắc mắc hỏi tiếp: 'Thế Việt tộc [Yue zu] thì sao?'. Câu trả lời tiếp theo sẽ hết sức ngắn gọn: 'Việt tộc tức là Hán tộc'. Lý thuyết giải mã về Hùng Vương ở đây cũng hoàn toàn đồng thuận với hội chứng nhịnguyên 'Họ và Ta' trong phân-biệt Hoa-Việt / Việt-Hoa, qua câu chuyện một người Việt tên Thái Luân đã phát minh ra giấy. Tuy nhiên chúng tôi xin phép nhấn mạnh những người Việt như Thái Luân (có lẽ thuộc tộc Thái cổ), Khương Tử Nha (Khương tộc), công chúa nước Việt, Miao Shan (Miêu Sơn => Miêu tộc) tức Phật Bà Quan Thế Âm, và hằng chục hằng trăm danh nhân Trung Hoa, tuy có thể mang tiếng người Việt, nhưng họ không phải là người Việt Nam. Bởi họ không có sanh đẻ và lớn lên tại nước Việt (Nam) xưa. Sở dĩ, người Việt tử thế hệ sinh sung về sau, cảm thấy tính cách hào hứng của vấn đề, bởi đa số có vẻ không biết và không ngờ rằng ngày nay ở bên Tàu, người ta vẫn có thói quen gọi tiếng Quảng Đông là tiếng Việt [Yue yu], và đồ ăn Quảng Đông là đồ ăn Việt [Yue cai]. Vấn đề 'những danh nhân Hoa là người Việt, nhưng không phải Việt Nam' có thể lan rộng ra đến nhiều thảo luận khác nhau, nhưng chúng tôi chỉ xin tóm tắt, bằng một thí dụ nhỏ về việc không bao giờ ta thấy người Tân Tây Lan hay người Úc tìm bất cứ một danh nhân nào người Anh hay Ái Nhĩ Lan rồi nói rằng những vị này cũng là người Tân Tây Lan hay Úc, bởi họ cùng mang giòng máu Anglo-Saxon, và có thể có cùng một thứ chủng tổ tiên. Hay xa hơn nữa phát minh nào của người Anh, người Đức cũng có thể nhận bừa là của người Đức, hay ngược lại, bởi ngày trước, khi người Anh chưa hình thành, có một bộ tộc chủ-lực ĂngLê mang tên Angles có gốc là vùng Angeln ở Đức. Lý thuyết về Hùng Vương ở đây thật ra rất khác với gần như tất cả những lí thuyết có sẵn từ trước đến giờ, qua những điểm chính yếu sau đây. 1. Tộc người Việt-Nam là một tộc hợp chủng. Qua hằng nghìn năm, đã hỗn hợp các thứ tộc người chủ lực như: Thái, Môn-Khmer, Hẹ, Miêu-Dao, Ngô, Mân, Đa Đảo, Hắc Nụy, Hắc Đảo. Có thể gọi thuộc nhóm Nam Môngoloid, nhưng rất ít máu Hoa-Hạ. Khác với các lí thuyết từ trước, chúng tôi không quan tâm nhiều đến việc xuất xứ, hay hướng đi từ Bắc xuôi Nam hay Tây sang Đông, hoặc ngược lại - mà chỉ truy tầm những biệt sắc chung, nhất là ngôn-ngữ, giữa các tộc người đóng góp, và người Việt Nam. Dù vậy, lý thuyết đã tập trung trọn vẹn tất cả các phương hướng đóng góp của những tộc thành 400

4 0 0


phần. Bao gồm trọn 5 hướng của thuyết Ngũ Hành: Đông, Tây, Nam, Bắc và bản địa. Hướng Bắc và Tây Bắc thì có tộc Thái-cổ, Môn-Khmer. Hướng Đông và Đông Bắc có các thứ Lạc Việt miền biển, đến xứ Việt cổ bằng đường bộ và đường biển. Trong những nhóm đến Việt Nam bằng đường biển, hay rời khỏi Việt Nam sau nầy, cũng có người Hlai (tức Lê tộc hay Khương) từ vùng Hải Nam, và Miêu từ vùng biển phía Bắc. Cũng có người Đa đảo và Hắc Đảo. Ở phía Nam, chúng tôi, lần đầu tiên gợi ý rằng ở thời tiền sử, dân phía Nam ở vùng Chiêm Thành, Chân Lạp hay Phù Nam, cũng là họ hàng bà con với người Việt tối cổ thuở ban đầu. Giao thoa với các tộc người từ hướng Tây, đa số thuộc chủng Môn-Khmer và Thái cổ. 2. Khám phá quan-trọng nữa là người Việt ở thời huyền sử xa xưa, cũng đã có mặt ở miền cực Bắc nước Tàu. Nằm trong những đám người du mục - viết theo kiểu tượng hình là { 越}. Thể hiện qua người Lạc [Luo] và người Miêu [Mo] {giống âm hiện đại người Hmong tự gọi họ: [Hmoob]}, cả hai đều viết với chữ 貉, sinh sống tại lưu vực sông Hoàng Hà. Nicola Di Cosmo [19] dựa vào Chiến Quốc Sách cho biết người Hoa khi xưa đã chú ý dân [Mo] 貉 và dân [Yueh] (Việt) 越 ưa giúp đỡ che chở lẫn nhau. Chữ 貉 [Mo] cũng được dùng để viết họ Lạc của Lạc Long Quân, và cũng được dùng để chỉ người Hẹ. Nhưng người [Hu] (Hồ) 胡 và người [Mo] (chúng tôi cho rằng [Mo] là âm xưa của 'Miao') 貉, lại thường được xếp vào khối Bắc Địch. Tức chúng ta có một kiểu Tam đoạn luận khá phức tạp: - [Mo] 貉 và [Yueh] 越 ưa giúp đỡ lẫn nhau. - [Mo] viết theo 貉 thường được đọc kiểu 'Hán-Việt' là [Lạc] {[Luo]} - [Luo] chính là chữ 'Luo' của 'Luo Yue' tức Lạc Việt. - Như vậy [Luo Yue] = [Mo Yue]. Hay người [Mo] cũng là người Việt. Nói một cách khác, người Lạc Việt thời xưa đã có mặt ở miền cực Bắc nước Tàu, và thường được xếp vào nhóm Đông Di hay Bắc Địch. Đại biểu của họ là người Hẹ hay người Miao {Mo}, cả hai thường được viết theo tiếng Tàu là [Luo] 貉, tức Lạc viết với bộ Trãi. 3. Lý thuyết ở đây, cũng chịu khó để ý đến lối nhìn của người Hàn (Triều Tiên) và người Thái-Lan đối với các thánh tổ hoặc thị tộc ở thời huyền sử như Xy Vưu và Thần Nông. Từ đó chúng ta thấy rõ, Xy Vưu Thị hay Thần Nông Thị không phải thuộc tộc người Hoa Hạ, nhưng lại là một trong những tộc người hợp chủng tiến tạo nên người Trung Hoa. Đây cũng chính là điểm mà sử Việt từ xưa đến nay, vẫn thiếu tự tin, bởi hoàn toàn theo sát các thư tịch cổ của người Tàu. 4. Việc 'thử xem lại truyền thuyết Hùng Vương' cũng đã gợi nên một ý muốn duyệt lại một thứ tiền đề rất quan trọng mà người Việt từ trước đến giờ thường chấp nhận không chút thắc mắc. Đó là cái thế nhị nguyên 'Họ và Ta' - Hoa Việt & Việt Hoa. Ngày xưa, phân biệt 'Hoa-Việt & Việt Hoa' thật sự nó ra làm sao? Nhất là khi để ý đến hội chứng tương phản: Người Kinh ít nhắc nhở đến Thần Nông (hoặc Xy Vưu) bởi thường lầm ông là Tàu, nhưng ở đầu thế kỷ 21, lại thích nhận Thái Luân, người phát minh ra giấy, là một người Việt. Và lại thích tảng lờ đi phân biệt giữa Thái Luân, người Việt, với Thái Luân người Việt Nam. Phải chăng nhị nguyên 'Hoa-Việt / Việt-Hoa' giữa nước An-Nam (hay Đại Việt) và Bắc triều, có lẽ cũng không khác thế nhị nguyên giữa các tộc Việt ở vùng Hoa Nam, và người Hoa Hạ ban đầu ở phía Bắc, cho đến đời nhà Minh bên Tàu hay nhà Lê tại An-Nam. Với bằng chứng, các phương ngữ ở Hoa Nam, mặc dù đã hợp nhất khá nhiều, vẫn còn khác với tiếng Tàu ở phía Bắc, có lẽ mãi mãi cho đến tận cùng của thời gian. Sử sách Việt cũng chưa hề xem lại danh sách các thái thú, tiết độ sứ, hay thứ sử bổ nhiệm tại xứ An Nam, cũng như gốc gác chủng tộc của họ, rồi đem ra so sánh 401

4 0 1


với các thái thú hay quan cai trị những vùng đất khác nhau ở miền Hoa Nam, ngày xưa. Cũng như nhóm chủ nhân, bổ nhiệm các quan cai trị này là ai? Rất có khả năng, rất ít khi họ cũng là chủ nhân của toàn lãnh thổ nước Tàu. Thí dụ: nước Đông Ngô ở thời Tam Quốc (220-280), gồm phần lớn Việt tộc, thừa kế nhà Đông Hán làm chủ xứ Giao Châu. Và phải chăng, thế nhị nguyên, Hoa-Yue (Việt Hoa Nam), chỉ thật sự chấm dứt ở bên Tàu vào đầu thế kỷ 20, khi Hán tộc và Yue (Việt) tộc bắt đầu nhận thức được mối nguy chung chính là sức tiến của người Tây Phương. Được đánh dấu bằng lời kêu gọi Hán-Yue đề huề của Tôn Dật Tiên. 5. Nhiều sử gia Âu Mỹ, như trình bày trong [6] [7] [26], bày tỏ ngạc nhiên khi cho biết nước An-Nam sau khoảng 10 thế kỷ người Tàu đô hộ, khi giành được độc lập vẫn còn giữ nhiều cá tính Đông Nam Á hơn là Tàu. Khi đưa ra những nhận xét như vậy, các sử gia Âu Mỹ, có lẽ cũng không để ý rằng phần lớn những tộc gốc tiến tạo nên người Việt Nam, như trình bày trong loạt bài này, có chung tổ tiên, nhiều với khối người Đông Nam Á, hơn là với người Trung Hoa (phía Bắc). Trong khi đó, tộc Việt cũng đã là một tộc chủ lực góp phần tiến tạo nên người Trung Hoa ngày nay. Cũng xin phép nhắc lại, đế quốc Ottoman (tiền thân Thổ Nhị Kì) đã từng chiếm đóng và cai trị xứ Hy Lạp khoảng 400 năm (1453-1821). Trong lúc cai trị họ cấm đoán người bản địa đủ điều, nhất là việc tự do xử dụng tiếng Hy Lạp. Nhưng đến lúc Hy Lạp giành được độc lập, người Hy Lạp vẫn là người Hy Lạp nói tiếng Hy Lạp như xưa. Sau cùng, chúng tôi xin phép ghi nhận 2 điểm quan trọng sau: 1. Hùng Vương, có thật hay không, không quan-trọng, nhưng tên ông luôn dính liền với tộc người Việt Nam. Từ ngàn xưa cho mãi đến ngàn sau. 2. Việc giải mã truyền thuyết Hùng Vương chỉ có thể thực hiện được khi tách ra được, và phân biệt những chủng chủ lực, đóng góp và tiến tạo nên tộc người Việt Nam. Theo sát với lời tâm sự của Lạc Long Quân với Âu Cơ: 'Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên'. Sự phân-biệt đó là một phương cách thiết yếu của khoa học. Chứ thật ra tộc người Việt Nam là một tộc người duy nhất. Nhưng nếu không có bất cứ một tộc nào trong các thứ tộc: Thái-cổ, Môn-Khmer, Hẹ, Ngô, Mân, Miêu-Dao, Đa đảo và Hắc đảo, v.v., chắc chắn đã không có tộc người Việt Nam, như ngày nay. 15 Tháng 9, 2006 N.N.

GHI CHÚ [1] Trần Trọng Kim (1971) Việt Nam Sử Lược. Trung Tâm Học Liệu của Bộ Giáo Dục xuất bản. Đại Nam tái xuất bản tại Hoa Kỳ. [2] http://chinalanguage.com/cgi-bin/dict.php [3] Jeanne Cuisinier (1946) Les Mương – Géographie Humaine et Sociologie. Institut d’Ethnographie. Paris [4] Trong tiếng Mường, 'Âu' họ gọi 'Ngu'. Tiếng Hẹ có thể phát âm [Yao] như [Ngiau] rất gần với [Ngu] trong 'Ngu Kơ'. [5] Điểm nổi bật trong phân biệt phụ hệ với mẫu hệ, do chúng tôi phát hiện, chính là lối gọi giản lược Chú - Bác và Cô cho tương đương tiếng Anh: Uncle / Aunt thay vì một lô các từ 402

4 0 2


phân biệt, theo kiểu Hoa Nam và phía Nam, như: Cô, Dì, Dượng, Cậu, Mợ, Chú, Bác, Thiếm, v.v. [6] Hermann Kulke (1986) The Early and Imperial Kingdom in Southeast Asian History. IN: David G. Marr & A.C. Milner (Ed.) (1986) Southeast Asia in the 9th to 14th centuries. Institute of Southeast Asian Studies – Singapore & Research School of Pacific Studies – ANU Canberra. pp 1-22. [7] (a) John K. Whitmore (1986) 'Elephants can actually swim': Contemporary Chinese views of late Ly Dai Viet. IN: David G. Marr & A.C. Milner (Eds) (1986) Southeast Asia in the 9th to 14th centuries. Institute of Southeast Asian Studies - Singapore & Research School of Pacific Studies - ANU Canberra. pp 118-133 [7] (b) Trần quốc Vượng (1986) Traditions, Acculturation, Renovation: The evolution of Vietnamese culture. IN: David G. Marr & A.C. Milner (Eds) (1986) Southeast Asia in the 9th to 14th centuries. Institute of Southeast Asian Studies - Singapore & Research Schơol of Pacific Studies - ANU Canberra. pp 272-277 [8] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu (USA) tái bản. [9] Khuyết Danh (1377-1388) Đại Việt Sử Lược. Bản dịch của Nguyễn Gia Tường. Nhà Xuất Bản Thành Phố HCM. Bộ Môn Châu Á Học Đại Học Tổng Hợp TP.HCM. [10] Vị trí chính xác của xứ Việt Thường trong tương quan với Việt Nam xưa nay, thật ra hãy còn bất nhất. Đại Việt Sử Lược [9] cho rằng đó là 1 trong 15 bộ của nước Văn Lang. An Nam Chí Lược, của hoàng thân lưu vong Lê Tắc, cho rằng thuộc địa hạt Thanh Hoá. Khâm Định Việt Sử viết dưới triều Nguyễn cho rằng thuộc Quảng Trị / Thuận Hoá. Trong khi thơ của Gia Long gởi cho vua nhà Thanh xem Việt Thường như toàn cõi phía Bắc Việt Nam. [11] Nguyễn văn Khang (chủ biên), Bùi Chỉ - Hoàng văn Hành (2002) Từ điển MườngViệt. Nxb Văn Hoá Dân Tộc (Hànội) [12] Cũng có một hai ngoại lệ, nhưng vẫn không cho thấy biến chuyển trực tiếp [Kh] => [H] giữa tiếng Mường & Việt. Thí dụ: [khảl] => hổ, hùm. [Kh] => [H] nhưng không trọn vẹn bởi âm sau: [ổ] (hổ) hay [ùm] (hùm) không liên hệ với [ảl] (khảl) trong Mường. Mặt khác, [khảl] cũng dùng chỉ 'con beo' (báo), và mang âm gần với [khai] tiền âm của con 'cầy' tức 'chó'. Trong khi đó [hổ] hay [hùm] mang liên hệ trực tiếp với âm quanthoại: 虎 [hu]. Còn 'beo' mang cùng gốc với tiếng Hẹ 彪 [biau] hay quan-thoại [biao]. Phương ngữ Hoa Nam cũng có từ 倀 phát âm rất giống 'Dần' theo Quảng Đông: [zan] hay [zaang], mang nghĩa con Cọp ma. Điểm chính của biến chuyển [Khảl] => [Hổ] là vẫn thiếu yếu tố 'ăn khớp' nguyên âm như kiểu [Kh] => [S] giữa Mường và Việt: [khức] => [sức]. [Khup tố] => [sụp đổ]. [13] Hãn = mồ hôi => tiếng Mông Cổ: [Khels]. [H] Hoa => [Kh] Mông Cổ [14] Nguyên lý ngữ học này cũng gây khá nhiều rắc rối. Xem hai từ [vưu] và [bưu]. Cả hai đều có phát âm Tàu y như nhau: [you]. Nhưng [vưu] mang nghĩa khác (như Xy Vưu) dùng chữ 'v' đứng đầu. [Bưu] mang nghĩa 'bưu điện', 'bưu chính', viết bắt đầu bằng 'B' nhưng thật ra âm xưa cổ phải là [By] => [Byưu] mới phù hợp với âm gốc Hoa [you]. Theo đúng quy tắc ngôn ngữ, 'Bưu' trong 'Bưu Cục' có thể được viết: 'Dưu', hay 'Vưu'. 'Vua' và 'Bua' cũng theo sát nguyên lý này. Có thể đã được viết khác nhau để phân biệt: 'bua chúa' (vua chúa) và 'phân bua'. Ở thế kỷ 17, 'vua' được viết như 'bua' - hoàn toàn che lấp âm [y] trong [byua]. Âm [by] trong [byua] không phải là đơn thuần âm Nam bộ, Mường, TàyNùng, Chăm-pa, v.v., nhưng là một âm quốc-tế - giống như phát âm [beauty] tiếng Anh hay [bienvenue] hoặc [bière] tiếng Pháp. Xin để ý một số từ phát âm kiểu Quảng Bình như sau: 403

4 0 3


Khoai to bồn thì tốt cô {bồn = vồn; cô = cổ/củ} Đâu ba lá thì bưa un {bưa = vừa} Con ca mất ma thì lâu khun {con ca = con gà; khun = khôn} Con cấy muôn giôn thì thâm khổ {con cấy = con gái; giôn = chồng} Mà con trai muôn vơ cũng thâm khổ (Để ý [khun]=[khôn]// u => ô) [15] Lịch Đạo Nguyên chú, Dương Thủ Kính, Hùng Hội Trinh sớ, Đoàn Hy Trọng điểm hiệu, Trần Kiều Dịch phúc hiệu (1999) Nguyễn Bá Mão dịch (2005). Thủy Kinh Chú Sớ. Nxb Thuận Hoá. [16] Ngô Sĩ Liên và cộng sự (1497). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Thanh Việt và Phạm Ngọc Luật hiệu đính theo bản dịch của Đào Duy Anh. Nxb Văn Hoá Thông Tin (2004). Bản của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam được trình bày đầy đủ trên mạng internet: perso.wanadoo.fr/charite [17] Chử Văn Tần (2003) Văn Hoá Đông Sơn - Văn Minh Việt Cổ. Nxb Khoa Học Xã Hội [18] Cụm từ 'biến âm' đánh lạc hướng nghiên cứu khá dễ. Bởi 'biến âm' sẽ khiến ta không chú ý đến, hoặc lướt qua, hiện-tượng về lời ăn tiếng nói của nhóm người nắm thế chủ động lịch trình chính trị trong qua khứ. Thí dụ, một sự vật hay động tác, nhóm người chủ lực ở kinh đô gọi nó là A. Nhóm người này đa số thuộc chủng 'aa' có chính quyền trong tay kéo dài chừng 100 năm, thì chuyển sang nhóm khác thuộc tộc 'bb'. Tộc 'bb' gọi sự vật hay động tác hoặc trạng thái 'A' bằng 'B'. Nhưng bởi họ nắm thế chủ động chính trị, do đó sẽ kéo theo học vấn và chữ nghĩa. Do đó trong thời đại chủng 'bb' chiếm đa số hay chủ lực ở kinh đô, từ 'A' sẽ dần dần được thay bằng 'B'. Nhà ngôn-ngữ thông thường sẽ cho là đã có biến âm từ 'A' sang 'B'. Nhưng thật ra, trước và sau thời chính quyền sang tay từ tộc 'aa' qua tộc 'bb', phần lớn người thuộc tộc 'aa' đã và sẽ gọi vật đó là A. Trong khi tộc 'bb' xưa và nay, đa số vẫn cứ gọi đó là B. Thí dụ: Dù / Ô; Bông / Hoa. Cả 'Dù' và 'Ô' đều thuộc các phương ngữ tiếng Hoa, mang nghĩa 'mưa'. Dù <=> [Yu] (quanthoại), tức 'Vũ', trong khi [Ô] = [U], tức [yu] (mưa) bị lột [y] theo kiểu tiếng Phúc Kiến. [U] cũng là âm Hán-Nhật để chỉ 'mưa'. Cả hai lối gọi 'Hoa' và 'Ô', thay vì Bông và Dù, đều là lối gọi của người Mân Việt (Phúc Kiến), hay tộc gốc của hoàng gia nhà Trần, và ta có thể liên kết việc thích dùng 'Hoa' và 'Ô' đến một sự kiện lịch sử: Vào thế kỷ 17 khi Mãn Thanh chiếm đóng toàn cõi Trung Hoa có rất nhiều dân quân người Yue ở Hoa Nam, nhất là Phúc Kiến đã tràn sang nương náu với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài [8] [24]. Còn [bông] là một lối gọi của người Hẹ [bung] và của nhiều tộc khác, như Mon-Khmer, Mã Lay, Champa, Mường, dành cho 'Hoa'. Trước thời nhà Lê và chúa Trịnh - chúa Nguyễn, ở khu vực Thăng Long, tộc chủ lực chính là những người thân thiết với họ nhà Trần (1225-1400), cũng mang gốc Mân Việt - những người mang khuynh hướng dùng âm 'Hoa' và 'Ô' thay vì 'Bông' và 'Dù'. Đây là một giả thuyết nhỏ nằm trong toàn khung lý thuyết về Hùng Vương, trình bày ở đây. Xin để ý thêm: Thay đổi giữa [u] và [ô] {kung fu <=> công phu} có thể là biến âm. Nhưng thay đổi giữa các phát âm: [U] {hay [Ô]} => [Wu] => [Ngu] => [Ngô] => [Ưng] {kí âm như 'NG'}, v.v., cho từ dùng để chỉ 'nước Ngô' bên Tàu, hay họ 'Ngô', hoặc Tàu Ô, hay họ 'Ưng' (Ng), v.v., lại là những âm vận tương đương của cùng một từ, giữa các phương ngữ (Hoa Nam). [19] Nicola Di Cosmo (2002) Ancient China and its enemies - The rise of nomadic power in East Asian history. Cambridge University Press. [20] Chandler, David (1983). A History of Cambodia. Westview Press, 1983. ISBN 0813335116 [21] Wolters, O.W. (1982) History, Culture and Region in Southeast Asian Perspectives. Institute of Southeast Asian Studies, 1982. ISBN 0877277257 404

4 0 4


[22] Boike Rehbein (2005) Configurations of Globalization in Laos and Cambodia. Does Faster Globalization mean Better Development. At: http://www.cgs.uiuc.edu/resources/conf_seminars_workshops/TS_Rehbein.pdf#search=%2 2oliver%20wolters%20mandala%22 [23] Giới viết sử tại Việt Nam thường dịch Chiefdom bằng Tù Trưởng Quốc. Vẫn thích dùng chữ 'Quốc' cho oai. Theo thiển ý, có tương phản khi dùng 'Tù Trưởng' đi với 'Quốc'. Bởi Chiefdom là một tổ chức lỏng lẻo hơn, và dưới cấp, 'quốc gia', và không phải là 'quốc'. Kingdom có thể dịch 'vương quốc' nhưng khi dịch Chiefdom ta phải dùng từ khác với 'quốc'. Bởi có tương phản giữa 'Quốc' và 'Tù Trưởng'. Giống như khi ta nói: Một Thiền Sư 'nổi tiếng', hay Một Cụ Già 'sexy'. [24] Nguyễn Văn Huy (1993) Người Hoa tại Việt Nam. Nxb NBC, Costa Mesa- California. [25] Lê Mạnh Thát: Bàn về một phương pháp khoa học tích cực trong công trình nghiên cứu văn hóa Việt Nam. http://www.khuongviet.com/kv-archive/KVso6/LeManhThat_uni.htm [26] David G. Marr & A.C. Milner (Eds) (1986) Southeast Asia in the 9th to 14th centuries. Institute of Southeast Asian Studies - Singapore & Research School of Pacific Studies ANU Canberra [27] Bangkok thường phiên âm sang tiếng Việt là 'Vọng Các'. Phát âm kiểu Nam bộ là [Byọng Các] có âm [B] ở đầu tường ứng với [B] trong Bangkok. Thật ra tiếng Thái-Lan cho Bangkok lại là 'Krungthep Mahanakorn', thường gọi tắt 'Krungthep'. Mang nghĩa 'thành phố lớn của linh hồn'. Có thể 'Bangkok' chỉ là âm thu gọn của [Mahanakorn]. Phát âm Quảng Đông giống [Mân Guk].

405

4 0 5


PH盻、 TRANG Hテ君H 蘯「NH

i


Hình 1: Hai kiểu 'dao găm' (thanh quất) giống nhau. Một tìm ở Sơn Tây (VN), một tại Hà Nam (TQ) {Trích: Nguyễn Khắc Ngữ 1981)Mỹ thuật cổ truyền Việt Nam. Tủ sách nghiên cứu sử địa (Montreal)}

Hình 2: Một phụ nữ Mường (trích: J. Cuisinier)

ii


Hình 3: Sinh hoạt tại các mường bản ở Yên Báy, Điên Lử, Mẫn Đức. {Trích: J. Cuisinier}

Hình 4: Một người Mường (trích: J. Cuisinier) iii


Hình 5: Người Miêu trắng tại Chapa. {Trích: 'Hìnhxưa': http://hinhxua.free.fr/autrefois/ethnies/page1/photo_ethnie_1_vn.htm }

Hình 6: Người dân tộc gần Sàigòn trong một dịp lễ khoảng đầu thế kỷ 20. {Trích: trang mạng 'Hìnhxưa'}

iv


Hình 7: Người Miêu đen ở Lao-Kay. {Trích: trang 'Hìnhxưa'}

v


Hình 8: Thiếu nữ Hmong Đen (Sapa – Lào Cai) {Bưu thiếp / Photo: Minh Lộc}

Hình 9: Người Dao Trắng {Postcard. Photo by: Tuyết Minh}

vi


Hình 10. Trái: người Dao Đỏ (Sapa). Phải: người Thái Đen (Sơn La) {Photo by: Tuyết Minh}

Hình 11. Trái: Hmong Đen (Lào Cai). Mặt: H’mong Hoa (Lai Châu) {Photo by: Tuyết Minh} vii


Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.