Thử đọc lại Kim Dung 4: Lộc Ðỉnh Ký Nguyên Nguyên Lộc Ðỉnh Ký từ lâu đã nổi tiếng một trong những tác phẩm hay nhất của Kim Dung. Thế nhưng không biết vì lý do này hay lý do nọ, cho đến lễ Phục Sinh 2003 tại hạ vẫn chưa có dịp đọc hay xem qua phim tập Hong-Kong truyện đó. Tựu chung có lẽ bởi những định kiến về sở thích của tuổi trẻ. Tuổi chỉ thích truyện kiếm hiệp, truyện chưởng thuần túy, chứ không thích lăng nhăng chính trị hay những chuyện thâm cung bí sử. Thế, một khi biết được phong phanh rằng không những nhân vật chính trong truyện Lộc Ðỉnh Ký, Vi Tiểu Bảo, chẳng phải là một cao thủ võ lâm, các vị đại sư của Thiếu Lâm hoặc Võ Ðang không mấy khi xuất hiện, lại thêm bối cảnh được dựng chung quanh vài Thái Giám ở triều đình nhà Thanh, tại hạ đành hẹn lần hẹn hồi cho đến chừng nào có dịp hãy hay. Nước chảy qua cầu và thời gian trôi qua nhanh. Thấm thoát từ ngày Lộc Ðỉnh Ký đầu tiên xuất hiện trên chốn giang hồ đến nay cũng đã hơn 30 năm. Những người đọc truyện Kim Dung năm xưa qua những bản dịch của Hàn Giang Nhạn, Từ Khánh Phụng bây giờ đã đi vào tuổi lão. Kim Dung cũng đã tròn tuổi tám mươi. Duy chỉ có vài ba hiện tượng đáng để ý, đã mặc nhiên từ chối định luật đào thải của thời gian. Thứ nhất các phim ảnh HongKong, Ðài Loan, rồi ”Trung Hoa lục địa” cứ quay đi quay lại những pho truyện của Kim Dung thành phim tập chiếu từng kỳ trên Tivi rồi chuyển sang băng video cho mướn khắp nơi trên thế giới. Nhất là ở những nơi có cộng đồng người Ðông Nam Á định cư. Gần như bất cứ tài tử nào nổi tiếng hoặc đang lên cũng đều được mời đóng những vai chính của các truyện Kim Dung. Phim Tiếu Ngạo Giang Hồ đã được quay ít lắm cũng 4 lần, trong đó vai Lệnh Hồ Xung có một lần do Châu Nhuận Phát đóng. Jet Li cũng đã từng thủ vai Trương Vô Kỵ lẫn Lệnh Hồ Xung. Tony Leung tức Lương Triều Vĩ vai Trương Vô Kỵ (Ỷ Thiên Ðồ Long) và Vi Tiểu Bảo (Lộc Ðỉnh Ký). Ca sĩ số 1 của Hongkong Andy Lau vai Khang Hy hoàng đế cũng trong Lộc Ðỉnh Ký. Và thích hợp nhất cho nhân vật Hoàng Dung trong Anh Hùng Xạ Ðiêu từ trước đến giờ vẫn là vai do tài tử đoản mệnh Ôn Mỹ Linh đóng. Hiện tượng lạ lùng nữa không đếm xỉa gì đến sức xoáy hao mòn của thời gian chính là việc say mê đọc truyện Kim Dung truyền qua nhiều thế hệ. Có thể nói thế hệ hiện nay mê đọc Kim Dung tại Việt Nam đã là thế hệ thứ ba hay thứ tư, kể từ khi Cô Gái Ðồ Long xuất hiện tại Sàigòn vào khoảng năm 1962. Dịch giả cũng chuyển qua nhiều thế hệ. Có nhiều dịch giả tại Việt Nam, và cũng có những nhà chuyển ngữ sinh sống bên ngoài Việt Nam. Tin tức mới nhất thu thập từ internet cho biết hiện nay ở Sàigòn, tại mỗi tiệm sách lớn, hằng tháng trung bình có chừng 30 người mua các bộ truyện Kim Dung mới được dịch lại. Một con số khá lớn đối với các tiểu thuyết ra đời cách đây hơn 30 năm (LTG: bài nầy viết vào năm 2003).
1