chuyen-nho-nha-quynh

Page 1


BIỂU GHI BIÊN MỤC TRƯỚC XUẤT BẢN DO THƯ VIỆN KHTH TP.HCM THỰC HIỆN General Sciences Library Cataloging-in-Publication Data Lê Đỗ Quỳnh Hương, 1974Chuyện nhỏ nhà Quỳnh : tản văn / Lê Đỗ Quỳnh Hương. - T.P. Hồ Chí Minh : Trẻ, 2016. 246tr. ; 20 cm. 1. Tản văn. 2. Văn học Việt Nam -- Thế kỷ 21.I. Ts. 1. Prose literature. 2. Vietnamese literature -- 21st century. 895.92284 -- ddc 23 L433-H96




Thay lời ngỏ

N

hớ hồi ra mắt tản văn đầu tay của mình vào năm ngoái, một bạn phóng viên có hỏi mình, vì sao lại không chọn những bài viết chia sẻ về gia đình, về ký ức tuổi thơ, chốn quê hương thân thiết, vì cô ấy nghĩ những gì mình trải qua hẳn cũng đã là ký ức đồng cảm của nhiều người cùng thế hệ. Mình nói với cô ấy, mình yêu từng dòng ký ức của mình về những chặng đời xa xưa ấy, yêu từng khoảnh khắc đã trải qua trong chốn thân thương cùng gia đình lớn với cha mẹ, các chị em, và gia đình nhỏ của mình với anh xã và con trai. Nhưng tác phẩm đầu tay ra mắt nên là một cái gì đó hữu dụng cụ thể hơn những hoài niệm, là cái ai đọc vào cũng có thể lảy ra được chút gì để 5


tham khảo, hoặc vui hơn, là có thể thử đem áp dụng vào cuộc sống. Vì thế “An nhiên mà sống” đã là một chọn lựa ưu tiên. Và nó ít nhiều cũng đã đáp ứng được ‘nhiệm vụ’. Nay, lại thêm một năm nữa trôi qua. Trang mình lại dày thêm những bài viết nhận được nhiều tương tác từ các bạn đọc. Bên cạnh tản văn chính thức để kỷ niệm năm thứ ba trang Quynh Huong Le Do bầu bạn cùng bạn xa gần là “Thương còn không hết..., ghét nhau chi!”, mình xin phép ra mắt thêm ấn bản này. Đúng theo lời gợi ý của cô bạn phóng viên năm trước, là nơi tập hợp những tản mạn, hoài niệm, những yêu thương và nhung nhớ về những chặng đời trong quá trình mình từng sống, từng cảm nghiệm. Là những lát cắt rời rạc, đôi khi vụn vặt, đời thường, hy vọng cũng mang đến cho các bạn chút gì đồng cảm, hoặc niềm vui, hoặc đơn giản, chỉ là một sự thư giãn giải trí khi đọc về một gia đình bình thường trong hàng triệu gia đình bình thường khác trong xã hội này, nhưng đầy cố gắng để hướng về nhau, yêu thương nhau, cố gắng sống tử tế với nhau và với mọi người. Sài Gòn, tháng 6.2016 Lê Đỗ Quỳnh Hương

6


Nhà Quỳnh



“Nhà có năm nàng Hương”*

T

a nói hồi trước đến giờ có kha khá bạn gửi tin nhắn riêng trên trang mình cũng có, comment hỏi cũng có, mà gặp mặt hỏi trực tiếp cũng có. Đại loại là không biết mình có bà con họ hàng gì với một số bạn phát thanh viên khác cùng tên lót ‘Quỳnh’ như mình, hoặc có cùng họ ‘Lê Đỗ’ như mình không. Rồi có bạn hỏi, hồi đó có học chung anh bạn có họ Lê Đỗ bảo là em trai của chị, có đúng không. Rồi lại hỏi, sao rõ ràng tên chị là Quỳnh Hương, trong các cuộc trò chuyện hay viết thân tình đó đây, chị chỉ toàn xưng ‘Quỳnh’ không vậy... * Tựa bài lấy cảm hứng từ bộ phim “Nhà có năm nàng tiên”.

9


Nhà bạn Quỳnh Hương không có một mụn con trai nào hết, một lèo bốn đứa con gái, đều lấy họ là Lê Đỗ và kết bằng chữ Hương. Mà cái tích để ra một loạt các em ‘Lê Đỗ... Hương’ này nghe ra cũng khá là thú vị. Nghe đồn là hồi xưa Anh Ba Chung (là cha mình đó) với Chị Tư Hương (là mẹ mình chứ ai!) có hẹn với nhau là, nếu sinh ra con trai sẽ đặt tên cuối là Chung, còn sinh ra con gái sẽ đặt tên Hương để kỷ niệm tên đẹp của chàng và nàng. Kết quả ra một lèo bốn cái tên “Lê Đỗ... Hương”, mỗi cái cách đều nhau hai năm. Suy ra, Anh Ba Chung bị ‘lỗ’ nặng rồi nhỉ! Tuy nói là ‘lỗ’ cho vui, chứ thực sự từ lúc chưa có trí khôn gì mấy cho tới lúc trưởng thành như bây giờ, cả mấy chị em nhà mình, chưa bao giờ đứa nào nhận ra được chút gì gọi là buồn hay tủi thân vì chẳng có mụn con trai nối dõi nào nơi cha mình cả. Cha mình hồi đó rất khó tính, khó hơn bây giờ nhiều, nhưng ông phà phà chở đám con gái nhà ông (ở trong Nam mình hồi đó chẳng biết khái niệm ‘lũ vịt giời’) đi chơi đó đây bằng chiếc xe đạp đòn vông hay xe Vespa 150 chạy nghiêng như con vịt bầu. Ông bạn nào lỡ nói chơi: “Nhà ông mai mốt tụi nó đi hết, ông bà cô quạnh nhen” là ông giận, nghỉ chơi luôn, vì “Nghe vậy tụi nhỏ nó buồn sao”. Bởi vậy, tụi mình sống, lúc sướng có lúc cực khổ có, nhưng được cái cả mấy đứa con gái cứ hiên ngang lớn lên, chả hề biết tự ti với mấy gã con trai là gì! 10


Liên quan đến cái sự tên Hương cũng có nhiều chuyện buồn cười. Hồi đó, cứ mỗi lần vô năm học, có bạn mới đến nhà tìm: “Dạ, bác cho con gặp Hương...” là y như rằng mẹ hoặc cha mình sẽ “E hèm, vậy chứ con muốn kiếm Hương nào?” Sau này khi mình nhập môn dẫn chương trình, mình cùng nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên dẫn chương trình Câu lạc bộ Âm nhạc với Đời sống. Anh Hiên là một cây nói lái, bữa đó ảnh vui miệng chọc mình: “Vậy em ‘thương Hiên’ đi em!” Mình thiệt thà đáp: “Dạ, mẹ em tên Thiên Hương đó anh”, khán giả cười rần lên, mình mới sực nhớ ra, chết mồ, mình mới ‘móc lò’ anh Hiên thì phải! Sau này gặp lại, ảnh cứ nhắc hoài vụ này, chỉ có vậy thôi mà mấy anh em cứ cười gần chết, thiệt nhớ. Cũng vì ‘Nhà có năm nàng Hương’, nên quy định với nhau lấy tên lót làm tên chính trong nhà. Vậy mới có sự tình là bạn bè mình, đồng nghiệp, người quen thân... dần dần đều gọi mình theo tên này, kể cả mình khi trò chuyện với mọi người cũng xưng Quỳnh, hoặc Quỳnh Hương, không thể nào xưng ‘Hương’ trống không cho được. Bởi vậy sau này có phỏng vấn trò chuyện với báo chí, điều đầu tiên mình xin ‘giơ tay có ý kiến’ là bài viết của phóng viên vui lòng đừng để mình xưng ‘Hương’ trong những câu trả lời, bởi vì nó chẳng giống mình chút nào! Tới giờ, đi ra đường, ai kêu “Chị Hương, chị Hương”, không chừng mình còn chẳng biết họ đang gọi mình nữa nha. Nhà có năm nàng Hương cùng với một ‘người đàn ông đẹp trai nhất trong nhà’, chúng mình đã cùng nhau đi 11


qua những tháng ngày không phải lúc nào cũng êm đềm, mật ngọt, nhưng tựu trung lại, tràn đầy tình thương mến dành cho nhau và những bài học làm người nhẹ nhàng mà cha mẹ dạy cho bốn đứa con gái chúng mình. Để rồi khi lớn lên, đến phiên mỗi đứa lập gia đình, vui buồn sướng khổ đều trải, mới nhận thấy, những bài học ngày xưa, những tình yêu thương ngày xưa tích lũy được từ mái ấm lớn đó, đã giúp chúng mình thật nhiều trong việc dựng xây những mái ấm nhỏ của riêng mình. 26.10.2013

12


Anh Ba Chung với Chị Tư Hương

A

nh Ba Chung tuổi Dần, Chị Tư Hương tuổi Thân. Chẳng biết có bị đúng trong tứ hành xung ông bà mình hay nói không, mà trong tất cả các đôi bố - mẹ các bạn có cặp tuổi này mình biết, hình như chỉ còn có Anh Ba Chung – Chị Tư Hương nhà mình là còn trụ lại được, chắc nhờ hồi xưa bà ngoại sợ nên không cho làm đám cưới rình rang, coi như để qua mặt thánh thần. Còn trụ lại được, nhưng mà khắc khẩu nha, ba bữa gây bốn bữa giận. Đám con gái nói, hay gây vậy, hồi xưa bày đặt yêu nhau đắm đuối làm chi! Anh Ba Chung nói: “Ai biết, hồi xưa bả hiền lành dịu dàng lắm mà!” Chị Tư Hương nói: 13


“Ai biết, hồi xưa chả đâu có khó ưa như bi giờ!” Ý là, cái thời xưa, Chị Tư Hương còn là sinh viên sư phạm cộng đồng, thướt tha nền nã, eo con kiến nhỏ rứt, còn Anh Ba Chung mảnh khảnh đẹp trai, y như tài tử Lưu Đức Hoa hồi hai mươi tuổi, vậy đó mà... Ở trong nhà, Anh Ba Chung có tật hay ‘bỏ bụng’ rồi giận. Nhờ vậy đám bốn đứa con gái tụi mình được trui rèn cái phản xạ ngó sắc mặt đoán ý! Nhìn mặt Anh Ba Chung âm u là phải tự đoán coi mình đã làm gì sai, rồi sắp sửa phải làm gì để ‘điều chỉnh tình hình’ (nhiều khi mình nghĩ, có khi nào ‘khả năng phản xạ, đoán ý’ giúp mình thành công trong công việc MC, phần lớn nhờ được rèn luyện vụ này từ nhỏ không ta). Còn Chị Tư Hương, ngoài cái tánh bao đồng, làm ‘cảnh sát quốc tế’ (nguyên văn lời Anh Ba Chung) gánh vác chuyện ta bà trước giờ, về già còn phát triển thêm vụ nói năng rổn rảng. Giờ con cái lên Sài Gòn hết trơn rồi, chàng và nàng ở một mình nguyên nhà, vài bữa đám con gái lại được nghe ‘hung tin’: Chàng và nàng giận nhau rồi! Lần này cũng y như vậy đó! Không biết vụ gì mà nghe đồn Anh Ba Chung giận, bỏ cơm hai ba ngày nay rồi. Chị Tư Hương đi lên Sài Gòn ăn đám cưới, sẵn ngoe nguẩy méc với đám con gái. Đám con gái cũng quen rồi, cười haha, nói, con không cần biết lỗi phải thuộc về ai. Chàng và nàng về tự hòa giải với nhau đi, không tụi con nghỉ chơi, không gọi điện thoại về nữa, coi ai nhớ thì biết!

14


Nói vậy chứ mấy đứa con gái cũng lại phải mở nhóm kín ra để bàn luận cách giải quyết chớ bộ. Xong rồi tỏa ra, đứa thì alo xoa dịu bạn trai, đứa thì dỗ dành bạn gái. Vậy là điệp vụ hòa giải lần này của nhóm kín coi như tạm ổn. Thở ra một cái! Ta nói kỳ lắm nha, ở nhà đông con thường phải có một đứa làm ‘con cừu đen’, nói chung là nghịch nghịch. Đàng này bốn đứa con gái nhà này không có đứa nào nghịch nghịch hết, thì đổi lại, chàng và nàng dưới ấy lại nghịch quá trời quá đất, báo hại mấy đứa con gái lắm phen vừa lên ruột, vừa đổ mồ hôi! Không biết rồi sẽ mất bao lâu Anh Ba Chung và Chị Tư Hương mới chịu làm huề với nhau, như n lần trước đây đã từng. Tụi mình đề nghị, Anh Ba Chung nghe thấy thì tranh thủ chạy bay xuống làm lành với Chị Tư Hương đi nhen! Sẵn được cung cấp cái cớ sinh động đáng yêu như vầy, Anh Ba Chung chỉ cần đưa cho Chị Tư Hương một cái hình đẹp thiệt đẹp của chàng và nàng chụp tình thương mến thương cùng nhau hồi Tết năm ngoái là hai người hòa nhau liền đó mà! Ta nói “thương nhau lắm cắn nhau đau” hay sao, vài bữa gây vài bữa giận vậy đó, chứ đám con gái lâu lâu lại thấy Anh Ba Chung xớ rớ nắm tay, bóp vai Chị Tư Hương lúc nàng làm bếp hoài hà, lâu lâu ‘bất cẩn’ còn thấy chàng thơm một phát lên má nàng nữa! Mà hai người cũng mới có người bảy lăm, người sáu chín chớ đâu có lớn tuổi gì

15


cho cam! Mà, nói tới đây mới sực phát hiện ra: Anh Ba Chung ‘chuyên gia’ giận Chị Tư Hương, chớ toàn là thấy chàng thơm nàng thôi heng, mà đó giờ hiếm thấy chỉ thơm lại ảnh. Hay là nàng đợi khuất mắt mấy đứa con gái rồi mới thơm riêng? À, ai biết được, dám có lắm đó! 28.12.2013

16


Mẹ

T

ranh thủ ngày chủ nhật để ráng viết cho xong một phần kịch bản “Tựa đóa hoa đời”, sợ sáng mai bắt đầu lao vô mùa Tiếng hát mãi xanh sẽ không có cái đầu đủ tĩnh để cảm kiểu Thay lời muốn nói. Cứ tưởng hổm rày không khí lên lên xuống xuống xả ra liên tục như vầy, chắc sẽ được lý tính hơn chút khi đọc thư và gõ kịch bản. Lúc đầu, thì đúng thiệt là vậy đó. Ai dè, từ từ càng về sau càng ngấm, tới cái đoạn một anh con trai tả bàn tay má ảnh ở Lâm Đồng, hái chè (trà) thuê cho người ta mà bị chứng tê tay không mang bao tay được, “...những đọt chè mềm thì đỡ còn những đọt chè điếc thì dai lắm, khứa vào tay Má không biết bao nhiêu là vết hằn ngang dọc, 17


thậm chí những vết hằn sâu còn tạo ra những cái khe mà Má hay nói vui là “nó há miệng đòi ăn”, rồi cười. Nhưng có lẽ Má đang cười ra nước mắt khi những vết cắt kia chỉ cần đụng nhẹ vào là đau buốt tới tận gan rồi”. Mình ứa nước mắt. Tới đoạn nữa, một anh khán giả gốc Bắc đang sống ở Biên Hòa, gọi cha mẹ là Cậu – Mợ, ảnh kể hồi đó nhà con tới mười đứa, mợ anh tất bật chạy chợ kiếm cơm, mà mỗi sáng thức dậy anh đều thấy đủ mười phần ăn sáng mà mợ anh đã để sẵn, lúc thì cơm chiên khi xôi, chè,... đều là những món do mợ anh tự làm từ sáng sớm trước khi tất bật chạy chợ. Rồi tới khi đàn con khôn lớn, mợ anh lại lâm bạo bệnh mà mất. “Trong thời gian mợ tôi nằm bệnh, có những đêm ngủ, tôi nằm mơ thấy Mợ tôi đã qua đời, giật mình tỉnh giấc, thấy nước mắt mình đã chảy”. Cái là mình thút thít luôn. Mà trong những chủ đề về Mẹ suốt mười mấy năm làm Thay lời muốn nói, tụi mình nhận được cơ man nào là thư khán giả, con trai cũng như con gái. Những cánh thư tả những chi tiết nhỏ, nhỏ xíu, nhưng luôn làm tụi mình xúc động vô cùng bởi độ chân thành của những người viết. Thay lời muốn nói kỳ này cũng vậy, cũng đâu chỉ có mỗi hai câu chuyện trên khiến người ta muốn rưng rưng vì tình mẹ? Một người con trai kể chuyện mẹ tha mấy đứa con nhỏ “lăn lộn ở các bến xe, bến tàu, sạp chợ” cho đến ngày các con khôn lớn, “Mẹ nói Mẹ thì ít chữ, lại không có của cải, gia tài Mẹ để lại cho các con là 18


chữ Đức”. Rồi tới một người con khác: “...Trên đôi quang gánh của Mẹ tôi, thúng trước Mẹ gánh tôi, còn thúng sau là chồng nón lá...” Tự nhiên dòng suy nghĩ trôi về buổi sáng hôm qua, tình cờ đọc được bài viết của một chị bạn cũ mà mình vẫn âm thầm theo dõi trên facebook. Bình thường các status của chị khá tếu táo, bất cần đời, làm mình đọc đôi khi cũng hơi sốc sốc. Ai dè trong bài viết này, cũng cái kiểu bất cần đời tếu táo đó, chị kể lại hồi ức những buổi sáng ngày xưa, chị luôn phải thức dậy trong tiếng quát mắng chì chiết của người mẹ khiến chị mặc cảm không dám để ý người con trai hàng xóm. Thấy thương chị thiệt là thương mà không biết nói làm sao. Rồi đọc tiếp tới mấy cái comment đầy chia sẻ bên dưới bài viết, những “Em cũng vậy”, “Chị cũng thế” cùng những hồi ức về sự quát mắng, cáu bẳn ở mẹ nối dài, mình nhận ra, điều đó đã trở thành một dạng ám ảnh hoặc những vết thương sâu trong hành trình những người con khi trưởng thành, như chính những anh chị comment chia sẻ ấy thừa nhận. Có lẽ cái thời trước, nhà nhà lam lũ người người vất vả đã khiến cho không ít bà mẹ trở nên bẳn tính thường trực mà quên cho các con thấy rằng thực ra, lòng mẹ cũng thương con biển trời lai láng (các anh chị đồng cảm với bài viết của chị bạn mình cũng thừa nhận như thế, khi lớn lên rồi họ mới hiểu). Thế nhưng, đọc rồi tự nhiên gắn kết những câu chuyện kể về tình mẹ của những khán 19


giả Thay lời muốn nói, mới chợt nhận ra, có lẽ người ảnh hưởng đầu tiên và lớn nhất đến cuộc đời của một con người sau này, cho đời con an ổn hơn hay trằn trọc nặng nề hơn, chính là người mẹ. Mẹ mình, hồi tụi mình còn nhỏ cũng đã nhận ra bà không hề là một người hoàn hảo. Tuy vậy, trong trái tim và trí óc non nớt của mình hồi đó, sao mà thương và ‘ghiền’ mẹ vậy, gắn dính với mẹ như mấy con gà con chạy theo gà mẹ, lóc nhóc len nhen. Cuộc sống khi đầy đủ lúc khó khăn, mẹ cũng từ một người phụ nữ được yêu chiều mà phải lăn ra cuộc sống, “miệng bằng tay tay bằng miệng”, kiếm tiền nuôi gia đình bằng đủ thứ nghề tay trái tay phải. Không được như cha, mẹ chẳng dạy tụi mình câu ca dao tục ngữ làm người nào hết, nhưng cái cách bà đối nhân xử thế, giúp đỡ người nghèo người khó, những câu chuyện “làm điều thiện để tích đức và tránh cái ác để không bị trừng phạt”, cái cách bà nhẫn nhịn và dạy đám con gái tụi mình vẫn kính trọng cha hết mực dẫu có lúc cha mình lâm vào khó khăn làm ăn thất bại... khiến tụi mình thực sự kính trọng và thêm yêu mẹ. Lớn lên rồi, tới phiên mình làm mẹ, mới phát hiện ra, hóa ra cái cách mẹ áp vào nuôi dạy chúng mình, chính là cách bà ngoại từng nuôi mẹ và các cậu dì. Giờ cách mình đang áp vào nuôi dạy con trai mình, mình nhận ra cũng bảy phần mười cách mình được hấp thu từ mẹ. Bảy phần chứ chẳng tròn mười, bởi có những 20


điểm ở mẹ mà mình thấy không hay, mình đã âm thầm tự rút kinh nghiệm và tránh không lặp lại những điều ấy với con mình. Cũng có thể, mai mốt con trai lớn khôn, nó cũng sẽ nhìn lại cái cách mình từng nuôi dạy nó để rút tỉa những điều hay mà dạy dỗ con nó, hay ngược lại, cũng thấy những điều không phải ở mình mà tự động điều chỉnh. Nhớ có đêm về khuya lơ khuya lắc, đi làm chương trình về còn nán lại dưới bếp, ngồi uống sữa đậu nành với mẹ. Thấy mình chộn rộn sau một chương trình quá sức vừa ý, mẹ cười: “Hồi xưa mẹ chụp hình cho người ta, cũng vậy nè. Chụp về mà đẹp là hớn hở luôn”. Ngày trước, cha mẹ mình từng có một tiệm hình cũng khá có tiếng ở Long An mà. Ờ, hình như cái máu dạt dào cảm hứng này là mấy chị em mình cũng được thừa hưởng từ Chị Tư Hương nè. Nhỏ lớn bên cạnh nàng, thấy nàng làm cái gì cũng hừng hực, làm cái gì cũng xăng xái, rồi cái lây cái tính này của nàng từ khi nào không biết luôn. Tới giờ, không biết tới phiên Tin Nhái lây được phần nào cái máu đó của mình không, nhưng mình hay nói với con, đã làm gì thì làm cho tới, được không gì tính sau. Có vậy rồi con mới ra màu sắc của con được. Ai mà dám nói được trước tương lai, thế nhưng, sau những gì mình cảm nhận được, mình nghiệm ra càng thêm rõ, rằng tuy chẳng ai có thể chọn được cha mẹ sinh 21


ra mình, nhưng mình lại hoàn toàn có thể giúp con cái có một cuộc sống tươi sáng, lạc quan hơn mai sau, định hình cho tính cách của nó được tốt hơn. Ừ, hoàn toàn có thể, chỉ bằng vào cách mình thể hiện tình cảm thương yêu và gần gũi, quan tâm đến con cái mình, lấy mình làm gương sống cho nó, những ngày hiện tại. 3.3.2014

22


Người đàn ông mình thương suốt đời

A

nh Ba Chung, người đã dành cho mình sự nghiêm khắc suốt thuở nhỏ, và sự bao dung gần gụi suốt một thời trưởng thành. Người đã dạy tụi mình, rằng “Đi tới đâu tránh làm phiền người ta”. Rằng “Vươn lên nhưng không đạp người ta xuống”. Rằng “Biết đủ là đủ”. Và hàng tỉ những câu phương ngôn, châm ngôn, phương châm sống khác nhất thời liệt kê không xuể, nhưng trong một trường hợp cụ thể sẽ ‘xuất khẩu thành ngôn’, và trong nhà lủ khủ gắn những câu những ý hay lời thiện, để nhìn mà nhớ mà sống. Và để dạy lại cho con trai mình. 23


Người bạn lớn để mình chia sẻ mọi kế hoạch, ước mơ; ‘cái hốc cây’ thật lớn để mình trút vào nhhững nỗi buồn, đau, cay đắng, lo lắng..., kể cả những nỗi niềm khó nói nhất, ‘phụ nữ’ nhất. Một người đàn ông chỉ có bốn đứa con gái, không một đứa con trai để nối dõi tông đường như lẽ thường người ta hay đòi hỏi, và là một người cha bình thường không giàu, không phải ông này bà kia để đám con nó dựa hơi. Một người đàn ông bên cạnh nhiều điểm tốt cũng không ít tính xấu, để cho đám con gái triệt để nhận thức rằng làm người ai cũng có chỗ tốt chỗ xấu.

24


Bữa nay là ngày người đàn ông ấy đúng bảy sáu tuổi. Sáng ngồi ăn sáng cùng nhau, người cãi: “Sau bữa nay là cha được bảy mươi bảy rồi chớ!” Ngộ nhen, tới gần tám chục rồi mà vẫn còn ham cộng thêm dư tuổi, là sao cà?! Cha à, tụi con chỉ muốn nói, làm người cha bình thường cũng được, làm một người chả có sự nghiệp gì đặc sắc cũng được. Cái thành công vĩ đại nhất của Cha, cùng Mẹ, là nuôi lớn lên được cả bốn đứa con gái lành lặn, mạnh khỏe, biết thương yêu cha mẹ và thương gia đình riêng của chúng nó, biết lo cho những người xung quanh, và “biết đủ là đủ”. Vậy thôi, cũng đủ làm người đàn ông chúng con thương suốt đời rồi, người ạ. 7.7.2014

25


Thư cũ gửi cha mẹ

H

ôm kia dọn dẹp nhà quá nửa đêm, trong mớ sổ nhật ký cũ rơi ra một tờ giấy đôi photocopy ngả vàng, một bên chụp bì thư ghi địa chỉ: “Gửi Tiệm chụp hình Hương”, đi kèm địa chỉ tiệm chụp hình cũ của nhà mình ở Long An, nét chữ của chị Diễm mình. Rồi ngay bên dưới là mấy dòng chữ cũng của chị ấy: “Cha, Mẹ, Con không thể viết được như bé Quỳnh hoặc làm bất cứ chuyện gì như chị Hai, nhưng trong một ngày quan trọng như thế này (nếu không có nó cách đây hai mươi mấy năm thì đã chẳng có tụi con) con muốn Cha Mẹ tin chắc một

26


điều rằng một ngày nào đó trong tương lai Cha Mẹ sẽ hãnh diện vì con như đã từng... Diễm.” Tò mò! Hồi đó mình đã viết gì vậy để chị Diễm photo lại gửi cha mẹ vậy cà? Lật đật buông mớ tập sổ bụi bặm xuống, nhìn sang phần chữ mình viết dài sọc, và ngấu nghiến đọc luôn. “Nhân đám cưới bạc 14.4.1992, Kính tặng Cha Mẹ tôi, Có những khi người ta không đủ ngôn từ để diễn đạt cái mà người ta cảm nhận. Trong mắt tôi, Cha Mẹ tôi luôn luôn đẹp. Và có lẽ trong mắt các chị em tôi cũng thế. Luôn luôn tuyệt vời. Cha tôi nghiêm khắc, phần nào hơi quá nghiêm khắc nữa là khác. Có lẽ đó là một đức tính nằm trong phần máu di truyền từ đời các ông tôi và nay được phát hiện trong máu chị Diễm tôi. Tôi sợ. Nhưng tôi vẫn yêu cái nghiêm khắc đó hết sức. Với chúng bạn, tôi vẫn có cái gì đó để tự hào. Không phải ai cũng có cơ hội để sợ người cha đẻ ra mình. Và, những lúc sợ hãi nhất, tôi vẫn nhớ đến hình ảnh Cha tôi nằm bò ra sàn nhà làm cọp để bốn đứa con cưỡi lên lưng. Mẹ tôi là chất dung hòa. Không biết từ bao giờ tôi nhận thức được rằng ở trong lòng Mẹ tôi sẽ chẳng còn sợ gì hết. Ấm áp. Và yên ổn. 27


Giờ đây, khi đã sau hơn nửa năm tưởng chừng đã quen với đời tự lập, không dưng chỉ cơn mưa đầu mùa cũng làm tôi muốn khóc. Vì nhớ nhà? Một từ không đủ nghĩa. Tôi nhớ Cha Mẹ tôi và các chị em tôi. Tôi nhớ những tối mưa cúp điện với đầy đủ các thành viên trong nhà. Tôi nhớ. Một đứa bạn cùng quê chở chị Diễm đi học về. Nó hỏi vọng lên: - Mưa vầy nhớ nhà không? Giọng nó kỳ kỳ. Bây giờ tóc Cha tôi bạc hết rồi, và gương mặt Mẹ tôi đã chẳng còn đầy đặn như ngày xưa nữa. Là bởi thời gian. Tôi sợ...Và cũng có lẽ vì những lo âu toan tính đời thường, xoay sở loay hoay nuôi đủ bốn đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, và tuổi đua đòi. Tôi bứt rứt. Nhưng giờ đây, tất cả những bứt rứt của tôi cũng như những ân hận của các chị em tôi cũng chẳng đủ làm tóc Cha tôi đen hơn, hay khuôn mặt Mẹ tôi đầy hơn. Hai mươi lăm năm đánh đổi tuổi trẻ, Cha Mẹ tôi đã được những gì? Tôi không biết. Nhưng mỗi lần tôi làm được cái gì, người đầu tiên tôi nghĩ đến, là Cha tôi. Và kế đến, Mẹ tôi. Bây giờ họ đã chẳng thể tự hào sung sướng về những thành quả của chính mình, thì ít ra, cũng có thể tự hào về những đứa con. Có những khi người ta không đủ ngôn từ để diễn đạt cái mà người ta cảm nhận. Tôi luôn luôn thiếu ngôn từ để diễn đạt những gì tôi nghĩ về Cha Mẹ tôi”.

28


Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.