TVBN 30.6

Page 1

Chương trình tư vấn NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI MONG CON Kỳ I, tháng 06/2012 Tổng quan các bước chuẩn bị cho 1 chu kì thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) (ăn uống, chi phí, tâm lý, giấy tờ thủ tục…) Về ăn uống và tâm lý Thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) là kỹ thuật hỗ trợ sinh sản giúp điều trị vô sinh, đặc biệt là hỗ trợ các trường hợp tắt vòi trứng, bơm tinh trùng nhiều lần, điều trị cách khác mà chưa có con. TTTON được ví như một cuộc chạy marathon chứ không phải đua tốc độ, nghĩa là bệnh nhân có thể phải lặp đi lặp lại nhiều lần, có chu kì thành công, có chu kì thất bại. Khi điều trị vô sinh hay TTTON, không như đua tốc độ 100m là tới liền, do vậy bệnh nhân cần chuẩn bị tâm lý cho mình. Có nhiều bệnh nhân thấy rằng khi định làm TTTON thì phải nghỉ việc, nghỉ ngơi tuyệt đối nhưng điều đó không làm tăng tỉ lệ có thai. Các kĩ thuật điều trị vô sinh nói chung không đòi hỏi nhập viện hay điều gì khẩn cấp để bệnh nhân phải nghỉ việc… Như vậy, cuộc sống sinh hoạt của bệnh nhân đang diễn ra tự nhiên thế nào thì cứ giữ nguyên thế đó khi điều trị TTTON. TTTON không có sự xáo trộn nào cho công việc làm hay chế độ ăn uống. Cần lưu ý rằng, điều trị vô sinh có thể phải kéo dài vài năm, do đó, đừng để việc điều trị làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Cần sắp xếp như thế nào để vừa điều trị vừa sống và làm việc như bình thường. Một số bệnh nhân tin những thông tin truyền miệng và áp dụng không hợp lý nên tự làm mình vất vả, tâm lý trở nên căng thẳng, đang điều trị mà căng thẳng thì cũng ảnh hưởng đến kết quả có thai. Do vậy, sự chuẩn bị tốt nhất là công việc bệnh nhân như thế nào, ăn uống ra sao thì vẫn giữ như thế đó. Quan trọng là bệnh nhân hiểu về kĩ thuật, biết thông tin về kĩ thuật điều trị, đừng quan trọng hóa, trầm trọng hóa. Có nhiều bệnh nhân tránh điều trị TTTON, lý do vì sợ đó là bước cuối cùng. Chẳng thà điều trị kĩ thuật đơn giản, bất cứ kỹ thuật gì vì bệnh nhân nghĩ rằng đằng sau còn kĩ thuật TTTON, nghĩa là chưa phải đi tới bước cuối cùng. Do vậy nếu bác sĩ chỉ định phải TTTON, bệnh nhân sẽ nghĩ không còn cách nào khác nữa, là bước cuối cùng, nếu không được thì tuyệt vọng. Điều đó sai vì với nhiều bệnh nhân, kĩ thuật TTTON là kĩ thuật đầu tiên để điều trị vì đúng chỉ định. Vì vậy, bệnh nhân không nên quan trọng hóa vấn đề, không nên nghĩ đó là bước cuối cùng, sau đó là không còn gì nữa. Do vậy, tâm lý rất quan trọng. Cần chuẩn bị tâm lý để hiểu nó, chấp nhận nó, vẫn làm việc, vẫn có cuộc sống bình thường vừa điều trị vô sinh, TTTON. Về thủ tục pháp lý


Ở Việt Nam, khi tiến hành TTTON yêu cầu trước hết phải là vợ chồng. Ở Việt Nam, luật hôn nhân gia đình qui định một vợ một chồng, do đó các nghị định hướng dẫn của chính phủ về TTTON đều phụ thuộc qui định trên. Do vậy bệnh nhân sẽ cần giấy đăng kí kết hôn, giấy chứng minh nhân dân hoặc passport của vợ chồng. Về kinh phí Kinh phí dành cho TTTON sẽ gồm hai khoản lớn: Khoản chi phí thứ nhất là thuốc tiêm kích thích buồng trứng. Mỗi tháng, phụ nữ chỉ có một nang trứng rụng, nhưng nếu chỉ có một trứng thì chỉ có một phôi hoặc thậm chí không có phôi. Với một phôi, tỉ lệ đậu thai rất là thấp. Do đó để tăng cơ hội có thai thì phải tăng số trứng, dẫn đến tăng số phôi có được. Khi đó sẽ chuyển 3-4 phôi/lần vào tử cung, dư phôi có thể đông lạnh, trữ lại để dành sau này sử dụng. Nếu bệnh nhân thất bại lần đầu thì không phải tiến hành lại từ đầu mà chỉ cần rã đông phôi trữ, chuyển tiếp và sẽ có cơ hội có thai khác, ít tốn kém. Hoặc bệnh nhân thành thực hiện lần đầu đã có thai, trữ lại các phôi đó, một hai ba năm sau lại chuyển, bệnh nhân sẽ có em bé khác. Do vậy phải kích thích buồng trứng để tăng số lượng trứng, tăng số lượng phôi. Chi phí để kích thích buồng trứng chiếm khoảng 1/2 đến 2/3 tổng chi phí điều trị. Khoản chi phí thứ hai là chi phí thực hiện kĩ thuật. Nghĩa là khi bệnh nhân tới bệnh viện, đóng tiền tại bệnh viện để thực hiện kĩ thuật chọc hút trứng, kĩ thuật nuôi cấy phôi, những môi trường dụng cụ thí nghiệm lấy phôi và chuyển phôi vào buồng tử cung… Những thao tác, những dụng cụ thực hiện liên quan đến TTTON được kiểm soát cực kì chặt chẽ. Chúng ta thực hiện nhiều thao tác nhưng nói tới tận cùng chúng ta đang làm gì? Chúng ta đang tạo ra con người, tạo ra 1 em bé sẽ sống, sẽ phát triển, là tương lai, là rường cột của nước nhà trong mấy mươi năm tới. Như đất nước Đan Mạch có 6% em bé sinh ra đời là từ kĩ thuật TTTON. Do đó, cần em bé ra đời khỏe mạnh, bình thường, vì vậy những kĩ thuật ảnh hưởng đến sự bình thường của em bé không nên làm. Bệnh nhân nên biết rằng các dụng cụ, trang thiết bị liên quan tới phôi, tới trứng, tới tinh trùng được kiểm soát về chất lượng rất nghiêm ngặt. Ví dụ lọ lấy tinh trùng, bệnh nhân có thể thấy đơn giản nhưng tại sao khi bác sĩ dặn dò bệnh nhân lấy tinh trùng, bác sĩ đều trực tiếp đưa lọ lấy tinh trùng và yêu cầu lấy vào đó, đừng lấy vào vật gì khác. Lý do vì lọ đó được làm bằng nhựa trung tính, không có độc cho tinh trùng, không độc cho các tế bào, được kiểm soát cực kì nghiêm ngặt. Hay như kim chọc hút trứng, kim cũng được làm bằng chất liệu không độc và cách tiệt trùng rất đặc biệt để không ảnh hưởng đến phôi, trứng và tinh trùng. Vì sử dụng những trang thiết bị có yêu cầu kĩ thuật chặt chẽ nên chi phí liên quan đến TTTON khá cao. Tất cả nhiều thứ dồn lại nên tổng chi phí cho 1 ca TTTON ở Việt Nam vào khoảng 55-60 triệu đồng. So với mức thu nhập của người Việt Nam là cao nhưng so với chi phí TTTON trên thế giới thì thuộc loại thấp nhất.


Hỏi: Tỷ lệ thành công của kỹ thuật TTTON? ThS. Vương Thị Ngọc Lan: Tỷ lệ thành công (tỷ lệ có thai) trong TTTON của một lần chuyển phôi trung bình 30-42% tùy từng trung tâm. Tuy vậy, một lần bệnh nhân điều trị có thể có nhiều phôi, nghĩa là một lần thực hiện có thể tạo được nhiều phôi để có thể chuyển phôi nhiều lần. Một lần chuyển phôi tỷ lệ thành công là 30-40%, nếu không thành công sẽ rã đông phôi, chuyển tiếp thì tỷ lệ thành công sẽ cộng dồn thêm cho 1 chu kì điều trị. Hỏi: Cách thức ăn uống khi thực hiện TTTON? ThS. Vương Thị Ngọc Lan: Ăn uống như bình thường. Bởi vì hiện tại chưa có thuốc nào hay chất nào trong thức ăn nào, đồ uống nào có thể giúp bổ trứng. Tuy nhiên, có một số yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng trứng: - Thứ nhất, bệnh nhân béo phì sẽ ảnh hưởng chất lượng trứng. Do đó, bệnh nhân đừng để tăng cân nhiều quá. Khi phụ nữ tăng cân nhiều thì số trứng giảm đi, chất lượng trứng cũng giảm theo. - Thứ hai, không để quá gầy. Quá gầy cũng làm ít trứng. Có một số người bị bệnh chán ăn thần kinh, tức là nhìn thấy đồ ăn là không ăn được. Gầy quá cũng ảnh hưởng tới chất lượng và số lượng trứng. Hỏi: Sau khi chuyển phôi xong, cách sinh hoạt như thế nào? ThS. Vương Thị Ngọc Lan: Thật ra, sau khi chuyển phôi xong thì bệnh nhân có thể đứng lên và đi về được. Hầu hết các trung tâm TTTON trên thế giới, bệnh nhân đi tới, vào phòng chuyển phôi thay đồ, lên bàn nằm chuyển phôi, chuyển phôi xong, bệnh nhân xuống mặc đồ, chào bác sĩ rồi đi về, tức là tự lái xe hơi đi về (nước ngoài chủ yếu đi lại bằng xe hơi). Ở Việt Nam, tâm lý bệnh nhân vẫn còn lo ngại, có nhiều điều căng thẳng nên thường bác sĩ sẽ để bệnh nhân ở phòng nằm chờ 2-3 giờ, nằm yên theo dõi để nếu có thắc mắc lo âu gì sau khi chuyển phôi, có thể hỏi và bác sĩ sẽ giải quyết hỗ trợ. Tuy nhiên, việc nằm hay ngồi hay đi đứng không ảnh hưởng tới kết quả có thai của TTTON. Đặc biệt có một số nguyên nhân ảnh hưởng đến tỷ lệ có thai: - Bệnh nhân sau chuyển phôi nằm bất động, buồn tiểu mà không dám đi, nhịn tiểu đến một lúc thần kinh ức chế, bí tiểu, cổ bàng quang bị khóa lại. Bàng quang lúc đó căng lên do ứ nước tiểu đến mức không chịu đựng được, gây bức xúc thần kinh, kích thích làm tử cung co bóp. Việc này ảnh hưởng đến tỷ lệ có thai. Một số bệnh nhân, do thần kinh bị ức chế, phải đặt ống thông tiểu và tập đi tiểu trở lại. - Một số bệnh nhân nằm bất động sau chuyển phôi có thể bị tình trạng huyết khối tĩnh mạch gây tắc mạch chân, hay nặng hơn, các cục huyết khối có thể chạy lên phổi gây thuyên tắc phổi, lên não gây thuyên tắc não gây ra liệt, tai biến mạch máu


não. Thực tế, các bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm bản thân đã có cơ địa thuyên tắc mạch do lớn tuổi, tình trạng thay đổi nội tiết khi điều trị vô sinh, có thai trong chu kỳ điều trị... Do đó, để hạn chế biến chứng này, bệnh nhân nên vận động, làm việc nhẹ nhàng sau chuyển phôi chứ không nên nằm bất động hoàn toàn. Hỏi: Vòi trứng ứ dịch, cắt hay là không cắt? ThS. Vương Thị Ngọc Lan: Nếu vòi trứng bị tắt và ứ dịch thì cần phải nội soi khảo sát… Nên cắt bỏ vòi trứng hay kẹp vòi trứng khi vòi trứng có tổn thương nặng, không còn chức năng và dính nhiều vì nếu để vòi trứng lại thì cũng không sử dụng được mà còn làm giảm tỉ lệ thành công và nguy cơ thai ngoài tử cung khi điều trị. Với các trường hợp vòi trứng tổn thương nhẹ, chỉ cần tháo dịch, tái tạo loa vòi để phục hồi chức năng vòi trứng. Không cần cắt vòi trứng thường qui, nhất là vòi trứng không tổn thương trước khi làm thụ tinh trong ống nghiệm. Hỏi: Kĩ thuật nuôi trứng non diễn ra thế nào? ThS. Vương Thị Ngọc Lan: Kĩ thuật nuôi trứng non tiếng Anh là IVM (In-Vitro Maturation of Oocytes), kĩ thuật TTTON tiếng Anh là IVF (In-Vitro Fertilization). Nuôi trứng non là gì? Đó là kĩ thuật chọc hút trứng non từ các nang nhỏ trong buồng trứng, lấy ra khỏi cơ thể người phụ nữ, nuôi trưởng thành bên ngoài cơ thể, sau đó thụ tinh với tinh trùng tạo phôi và chuyển phôi trở lại buồng tử cung. Với kĩ thuật TTTON bình thường, bác sĩ tiêm thuốc làm cho trứng lớn, trưởng thành bên trong cơ thể người phụ nữ rồi chọc hút, lấy trứng trưởng thành. Còn với kĩ thuật nuôi trứng non bác sĩ chỉ tiêm ít thuốc, lấy trứng non trong cơ thể người phụ nữ và nuôi bên ngoài cho trứng trưởng thành. Những công đoạn còn lại giống với TTTON bình thường, tức là cho tinh trùng gặp trứng, tạo phôi, chuyển phôi…v..v… Ưu điểm của kỹ thuật nuôi trứng non so với TTTON thông thường: - Thứ nhất, kỹ thuật nuôi trứng non không phải tiêm nhiều thuốc kích thích buồng trứng nên tổng chi phí cho 1 chu kỳ IVM vào khoảng 27-35 triệu đồng. - Thứ hai, do không tiến hành kích thích buồng trứng nên không bị biến chứng là quá kích buồng trứng. Tuy nhiên kĩ thuật IVM chỉ có kết quả tương đương với kĩ thuật TTTON khi bệnh nhân có hội chứng buồng trứng đa nang. Buồng trứng phải nhiều nang, đa nang, khi đó mới lấy được nhiều trứng non, nuôi trưởng thành và tạo thành nhiều phôi. Như vậy, tỷ lệ thành công mới cao. Kĩ thuật IVM thường áp dụng cho bệnh nhân có hội chứng buồng trứng đa nang. Kĩ thuật này ít tốn chi phí, an toàn và tỷ lệ có thai gần như tương đương với IVF.


Hỏi: Cách cho thuốc để thu được trứng non có ảnh hưởng đến chất lượng trứng hay tỉ lệ thành công hay không? ThS. Vương Thị Ngọc Lan: Câu trả lời là không. Vì bệnh nhân có hội chứng buồng trứng đa nang thì ngày nào của chu kỳ kinh cũng giống nhau, chu kì kinh thường 2-3 tháng mới có 1 lần. Do đó thời điểm cho chọc hút trứng non không liên quan tới tỉ lệ thành công. Hỏi: Nguyên nhân của quá kích buồng trứng? ThS. Vương Thị Ngọc Lan: Cơ chế bệnh sinh của quá kích buồng trứng vẫn chưa xác định được. Nhưng người ta thấy rằng sau kích thích buồng trứng có nhiều nang trứng, có tiêm mũi hCG để chọc hút lấy trứng hoặc để làm rụng trứng thì có khả năng quá kích buồng trứng. Một số bệnh nhân có ít trứng nhưng cũng có thể có quá kích buồng trứng nhưng tỉ lệ thấp hơn các bệnh nhân có nhiều trứng. Quá kích buồng trứng là biến chứng của kích thích buồng trứng, thường xảy ra ở phụ nữ trẻ tuổi hoặc có nhiều nang. Cách điều trị là truyền dịch, uống nước hoặc giảm áp nếu bụng căng cứng. Quá kích buồng trứng được chia làm 2 dạng: sớm (khởi phát trong vòng 1 tuần sau chuyển phôi) và muộn (khởi phát sau 1 tuần sau chuyển phôi). Thông thường, hCG tiêm trước chọc hút trứng được thải ra khỏi cơ thể qua đường tiểu trong vòng 1 tuần, do đó, các trường hợp quá kích buồng trứng sớm và không có chuyển phôi thường nhẹ và hồi phục nhanh. Quá kích buồng trứng muộn thường kéo dài hơn và nặng hơn, do hCG gây quá kích buồng trứng muộn là do thai tiết ra khi có hiện tượng làm tổ. Thai càng phát triển thì hCG càng tăng, do đó, quá kích buồng trứng càng kéo dài hơn. Khi hCG đã tăng đến đỉnh ở tuổi thai khoảng 8 tuần thì tình trạng quá kích sẽ hồi phục và giảm dần. Cách giải quyết triệt để nhất là nạo thai nhưng bỏ thai không phải là điều mong muốn. Tuy nhiên, các bác sĩ sẽ có cách làm cho quá kích buồng trứng hồi phục sớm hơn mà vẫn duy trì được thai, vẫn có cách duy trì sao cho giảm quá kích buồng trứng mà vẫn giữ được thai. Hiện nay, với các phác đồ kích thích buồng trứng hiện đại, các bác sĩ ngày càng có nhiều phương án để phòng tránh quá kích buồng trứng. Ví dụ bệnh nhân có nguy cơ quá kích buồng trứng thì chỉ định làm IVM nuôi trứng non ngay từ đầu để tránh quá kích buồng trứng hoặc gia giảm một số thuốc nhất định để làm giảm tình trạng quá kích buồng trứng. Nhưng trong quá trình điều trị mà bệnh nhân có triệu chứng quá kích buồng trứng như đau, căng bụng thì cần báo bác sĩ điều trị ngay để xử lý kịp thời, tránh quá kích buồng trứng nặng. Hỏi: Về cách thức xin trứng, gen em bé là hoàn toàn gen của người cho trứng? ThS. Vương Thị Ngọc Lan: Gen em bé ko hoàn toàn mang gen của người cho trứng. Suy nghĩ tích cực, cần xin trứng do bệnh nhân không còn trứng nữa hoặc


trứng xấu và điều trị không có thai. Khi xin trứng, đương nhiên em bé sẽ mang một phần gen của người cho trứng và gen của chồng nhưng gen nào thể hiện ra ngoài thì chưa chắc chắn. Ngoài ra mức độ đóng góp gen của người cho trứng vào em bé là bao nhiêu cũng chưa chắc chắn. Đặc biệt, yếu tố tích cực là người vợ mang thai, vẫn mang nặng đẻ đau, sinh nở bình thường, giấy chứng sinh là tên của vợ. Một số bệnh nhân rất căng thẳng, suy nghĩ về việc em bé này không có gen của tôi mà gen người cho trứng…v…v... Bệnh nhân nên suy nghĩ tích cực hơn theo hướng “mình điều trị vì mình không còn trứng nữa, con mình sẽ mang gen của chồng mình rất nhiều và sinh ra giống chồng mình”. Hỏi: Trước khi chuyển phôi có nên sử dụng thuốc giảm co thắt tử cung không? ThS. Vương Thị Ngọc Lan: Khi đo cơn co tử cung trước thời điểm chuyển phôi, các bác sĩ ghi nhận một số trường hợp có cơn co tử cung nhiều. Cơn co tử cung có liên quan với tình trạng nội tiết trong cơ thể người phụ nữ khi điều trị. Ảnh hưởng của cơn co tử cung là làm cho phôi có thể bị tống ra ngoài ngay thời điểm chuyển phôi hay bị đẩy lên vòi trứng gây tình trạng thai ngoài tử cung. Sau khi thao tác chuyển phôi được thực hiện xong, cơn co tử cung không ảnh hưởng đến khả năng có thai. Do đó, các trường hợp có cơn co tử cung nhiều, bệnh nhân sẽ được truyền thuốc giảm co ngay trước, trong và ngay sau chuyển phôi. Ngoài ra, chúng tôi cũng ghi nhận một số trường hợp có thất bại làm tổ nhiều lần (thất bại sau chuyển phôi nhiều lần, mặc dù phôi tốt, niêm mạc tử cung đẹp), nếu được truyền thuốc giảm co cũng cải thiện tỉ lệ có thai, dù tại thời điểm chuyển phôi không hề có cơn co tử cung. Lý giải cho điều này, các bác sĩ nhận thấy sau truyền thuốc giảm co, lưu lượng máu tới nội mạc tử cung tốt hơn nên tạo điều kiện cho phôi làm tổ. Hỏi: Về độ dày niêm mạc tử cung, có người quá mỏng, có người quá dày. Ý nghĩa như thế nào? ThS. Vương Thị Ngọc Lan: Người ta nghiên cứu nếu niêm mạc tử cung quá mỏng, mỏng hơn 6mm ở ngày chuyển phôi thì chuyển phôi sẽ không có thai. Do vậy cần phải đảm bảo niêm mạc tử cung dày hơn 6mm. Bình thường bác sĩ thường cố gắng đảm bảo niêm mạc tử cung dày trung bình từ 9 đến 12mm, đây là điều kiện lý tưởng để phôi làm tổ. Do vậy bệnh nhân sẽ được chỉ định phải trữ phôi, đông lạnh phôi nếu niêm mạc mỏng và bác sĩ cho dùng thuốc để niêm mạc dày lên. Một số bệnh nhân có bệnh lý đặc biệt như dính lòng tử cung hoặc bị teo niêm mạc tử cung thì dùng thuốc rất khó khăn để niêm mạc dày lên. Những trường hợp đó nên kiên trì. Một số bệnh nhân phải dùng thuốc kéo dài đến 2-3 tháng thì niêm mạc mới dày lên, có khi 2-3 năm nhưng cuối cùng cũng có thai. Do vậy những trường hợp niêm mạc tử cung quá mỏng thì thật sự là phải kiên trì. Đối với trường hợp niêm mạc tử cung quá dày thì phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao niêm mạc tử cung quá dày. Nó có những bệnh lý liên quan tới việc dày niêm mạc tử


cung như tăng sinh nội mạc tử cung, polyp nội mạc tử cung, nhân xơ tử cung dưới niêm… Những trường hợp đó phải nạo bỏ đi và chuẩn bị niêm mạc khác để có thai. Nếu cần, có thể phải thực hiện nội soi buồng tử cung chẩn đoán và điều trị nguyên nhân rồi mới chuyển phôi. Hỏi: Về đánh giá chất lượng tinh trùng của nam giới? BS. Vũ Nhật Khang: Như đã biết, chất lượng tinh trùng của người đàn ông càng ngày càng đi xuống. Về xu hướng, theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, chất lượng tinh trùng từ năm 1999 tới năm 2010 có sự thay đổi rất lớn. Có những yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng tinh trùng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá, hiện tại chưa có 1 loại thuốc nào hay chất nào làm tăng chất lượng tinh trùng ngoại trừ 1 trường hợp duy nhất là suy tuyến sinh dục ảnh hưởng tới khả năng sinh tinh trùng. Chỉ có những thứ như rượu bia, thuốc lá là gây độc cho tinh trùng thì không nên sử dụng trong suốt quá trình tiến hành TTTON hoặc trong suốt thời kì chuẩn bị có thai. Với một người đàn ông uống rượu nhiều quá thì không thể chỉ ngưng 1 tháng mà chất lượng tinh trùng tăng cao, quá trình đó phải kéo dài 3-6 tháng mới cải thiện được. Ngoài ra bệnh nhân có thể duy trì cuộc sống lành mạnh, không thức khuya dậy sớm, sẽ làm cho chất lượng tinh trùng cải thiện. Ngoài ra, hiện nay, người ta đang nghiên cứu nếu thiếu những chất oxy hóa có thể làm tinh trùng yếu đi, chất lượng hình dạng tinh trùng kém đi. Do đó, khi bổ sung những chất oxy hóa thì có thể tăng chất lượng tinh trùng. Về Linh tử đan, Linh tử đan là thực phẩm chức năng bổ sung, có chứa L-Arginine, LCarnitine, nhân sâm, kẽm. Vậy Linh tử đan có ảnh hưởng tới tỷ lệ thành công của IVF hay không? Người ta nghiên cứu thấy rằng L-Arginine, L-Carnitine, nhân sâm, kẽm có khả năng làm tăng tỷ lệ thành công khi làm TTTON nhưng không làm tăng tỷ lệ có thai khi quan hệ vợ chồng bình thường, chỉ tăng khi áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản. Hỏi: Trước ngày chuyển phôi mà vợ chồng quan hệ thì tỉ lệ thành công có cao hơn hay không ? ThS. Vương Thị Ngọc Lan: Cho tới hiện tại, việc quan hệ vợ chồng trước khi chuyển phôi có làm tăng tỉ lệ có thai không thật sự vẫn chưa biết. Có nghiên cứu cho rằng tăng, nguyên nhân vì khi tinh trùng đi ngang qua buồng tử cung, nó đánh thức niêm mạc tử cung đang ngủ yên để niêm mạc tử cung chuẩn bị đón nhận phôi. Đó là cơ chế lý giải nhưng thật sự vẫn chưa chắc chắn. Có những nghiên cứu cho rằng quan hệ vợ chồng trước chuyển phôi không cải thiện tỉ lệ có thai vì trường hợp người chồng không có tinh trùng thì không thể xảy ra việc tinh trùng bơi qua đánh thức niêm mạc dậy, và trường hợp như vậy, khi chuyển phôi, thậm chí tỷ lệ có thai còn cao hơn trường hợp có tinh trùng bình thường.


Hỏi: Khi xin trứng thì tỷ lệ thành công có cao hơn khi sử dụng trứng của mình hay không? ThS. Vương Thị Ngọc Lan: Khi người phụ nữ càng lớn tuổi thì tỷ lệ có thai giảm do chất lượng trứng giảm. Do vậy khi xin trứng, tỷ lệ có thai cao hơn, vì người cho trứng phải là người dưới 35 tuổi, bình thường, đã có chồng con. Do vậy, trứng của người bình thường và trẻ tuổi cho tỷ lệ có thai cao nên đa số trường hợp xin trứng, tỷ lệ có thai cao hơn. Hỏi: Lộ tuyến cổ tử cung là như thế nào, có ảnh hưởng tới TTTON không? ThS. Vương Thị Ngọc Lan: Lộ tuyến cổ tử cung là một tình trạng bình thường, không phải viêm như mọi người vẫn nghĩ. Vậy lộ tuyến cổ tử cung là gì? Bình thường cổ tử cung hình ống, trong ống có biểu mô tuyến, chế tiết chất nhầy. Vì lí do gì biểu mô tuyến này chạy ra ngoài, nằm bên trên mặt ngoài cổ tử cung gây ra lộ tuyến cổ tử cung. Nhiều bệnh nhận thấy lộ tuyến như vậy cứ đặt thuốc âm đạo nhưng thật ra không cần thiết. Lộ tuyến chỉ gây khó chịu cho người phụ nữ, gây tiết dịch làm phụ nữ cảm thấy ẩm ướt âm đạo và nghĩ bị viêm nhưng thật tế không phải. Thường thì lộ tuyến không cần điều trị gì và không ảnh hưởng tới khả năng thụ tinh, thụ thai và kết quả TTTON. Hỏi: AOA là gì? ThS. Vương Thị Ngọc Lan: AOA là một kỹ thuật hoạt hóa noãn sau khi thực hiện tiêm tinh trùng vào bào tương noãn. Đây là một kĩ thuật hỗ trợ thụ tinh cho những trường hợp tinh trùng bất thường rất nặng. Bình thường tinh trùng xâm nhập vào trứng thì đánh thức trứng dậy và trứng bắt đầu phân chia, thụ tinh, tạo phôi. Nhưng có những trường hợp tinh trùng bất thường quá nặng, nên khi tinh trùng xâm nhập vào trứng thì tinh trùng không đủ sức để đánh thức trứng dậy để phân chia và tạo phôi. Do vậy, trường hợp đó cần làm thêm một kĩ thuật nữa gọi là hoạt hóa noãn. Sau khi tinh trùng xâm nhập vào trứng, hoạt hóa noãn sẽ được thực hiện nhằm báo động cho trứng thức dậy và nhận ra rằng có tinh trùng để bắt đầu phân chia tạo thành phôi. Kĩ thuật này giúp hỗ trợ tạo phôi ở các tinh trùng bất thường rất nặng. Kĩ thuật này không hề ảnh hưởng tới em bé hay phôi tạo em bé. Hỏi: Buồng trứng đa nang là gì? Buồng trứng đa nang có ảnh hưởng tới TTTON không? ThS. Vương Thị Ngọc Lan: Buồng trứng đa nang là một dạng rối loạn nội tiết tố phụ nữ. Thống kê cho thấy có rất nhiều người bị hội chứng này nhưng không phải tất cả đều bị vô sinh. Nghĩa là những người mắc hội chứng buồng trứng đa nang vẫn có thể có con bình thường. Những phụ nữ mắc hội chứng này thường vô kinh, và do không có nang trứng phát triển nên không có con. Các bác sĩ thường dùng thuốc gây phóng noãn cho các bệnh nhân này để họ có con. Khi cần thụ tinh trong ống nghiệm, các bác sĩ thường áp dụng kĩ thuật nuôi trứng non đối với những phụ nữ có


hội chứng buồng trứng đa nang để tránh tình trạng quá kích buồng trứng. Những bệnh nhân này, khi thực hiện tiêm thuốc làm TTTON, rất dễ dẫn đến nguy cơ quá kích buồng trứng do buồng trứng có quá nhiều nang. Hỏi: Bệnh lý lạc nội mạc tử cung (LNMTC) là gì? Nó có liên quan tới kĩ thuật TTTON hay không? ThS. Vương Thị Ngọc Lan: Bình thường nội mạc tử cung (NMTC) nằm trong lòng tử cung nhưng vì một lý do nào đó, NMTC không còn ở vị trí đó mà làm tổ và đậu lên buồng trứng hay ruột… nên người ta gọi là bệnh lý lạc nội mạc tử cung. Khi NMTC đậu lên buồng trứng được gọi là u lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng. Hiện tượng này làm dính, làm cho buồng trứng không có các nang trứng tốt và số lượng trứng giảm đi rất nhanh, rối loạn phóng noãn, gây ảnh hưởng tới kết quả có thai. Những người mắc bệnh lý LNMTC nên điều trị vô sinh sớm và không nên trì hoãn. U LNMTC khi ở kích thước lớn (>4cm) thì cần phẫu thuật bóc u. Một trong các nguy cơ của phẫu thuật bóc u LNMTC ở buồng trứng là giảm số lượng trứng dự trữ hay thậm chí suy buồng trứng sau mổ, làm giảm khả năng có thai. Tóm lại, bệnh nhân có u LNMTC nên điều trị vô sinh sớm nếu mong muốn có con. Hỏi: Phôi trữ lạnh khi rã đông có bị yếu hay không? Điều gì làm phôi yếu đi và chết? ThS. Vương Thị Ngọc Lan: Có một ví dụ nôm na là các bạn có thấy sự khác nhau giữa thịt tươi và thịt đông lạnh không? Thịt khi đem đông lạnh rồi rã ra thì chất lượng sẽ khác đôi chút. Nhưng hiện nay, với việc trữ lạnh phôi, có rất nhiều kĩ thuật đông lạnh-rã đông phôi. Khác với kĩ thuật đông lạnh phôi chậm ngày trước (phôi được đông lạnh từ từ, 1 phôi ở 37oC thì khi đông lạnh 1 chu kỳ mất 2,5 giờ, rất hao tốn thời gian, công sức và tỉ lệ sống không cao), từ năm 2005 đến nay, trên thế giới phát triển 1 kĩ thuật đông phôi cực nhanh, gọi là thủy tinh hóa, đông phôi cực nhanh và rã phôi cực nhanh, chỉ mất 15 phút. Nhờ kĩ thuật mới này, tỉ lệ phôi chết sau rã đông cực thấp và sống gần như 100%. Đó là một trong những tiến bộ rất lớn và hiện tại, toàn bộ cơ sở TTTON chúng tôi đều sử dụng kĩ thuật này. Chỉ có 1 số trường hợp rất ít sau khi rã đông, 1 số tế bào phôi bị chết. Nguyên nhân chết thường là chất lượng phôi ban đầu không tốt nhưng ta vẫn cố gắng giữ lại. Ngoài ra trong quá trình giảm nhiệt độ, phôi có thể bị ảnh hưởng và chết bớt. Nhưng với những ca mà chúng tôi đang thực hiện, 100% phôi đông lạnh và rã đông đều sống. Hỏi: Tại sao bệnh nhân sau khi chuyển phôi xong, thử thai cho kết quả là có thai nhưng lại bị ra máu? Sau đó được chỉ định cho thuốc dừng thai kì, khi siêu âm lại thì thai vẫn sống? ThS. Vương Thị Ngọc Lan: Trường hợp này gọi là thai không bình thường và xảy ra vào khoảng 5% chu kì TTTON. Trong tự nhiên, cũng có trường hợp thai lưu khi người phụ nữ mang thai thì trong TTTON cũng có trường hợp sẩy thai như vậy. Tức là phôi sau khi được đưa vào buồng tử cung, bám vào tử cung nhưng sau đó, phôi


không phát triển tiếp, thoái hóa, sẩy thai và thai bị lưu... Một số bệnh nhân tự trách mình đã không giữ kĩ, đi lại nhiều quá hay ăn uống kém... Nhưng thực ra không phải vậy, phôi không phát triển là do bản thân phôi bất thường từ ban đầu. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng không nên quá lo lắng vì còn những phôi khác, sau khi rã đông vẫn có khả năng phát triển bình thường. Hỏi: Phôi được tạo thành do xin trứng, nay khi sử dụng hết phôi, muốn xin lại, có thể xin lại trứng từ người đã cho trứng được không? ThS. Vương Thị Ngọc Lan: Bệnh nhân hoàn toàn có thể nhận trứng từ người đã cho trứng vì điều này không trái với qui định pháp lý là 1 người chỉ cho trứng cho 1 người. Về mặt kĩ thuật, 1 người có thể tiêm thuốc kích thích buồng trứng tối đa đến 6 lần. Do vậy chúng ta vẫn có thể xin trứng từ người cũ để làm phôi. Hỏi: Điều gì ảnh hưởng tới chất lượng phôi? ThS. Vương Thị Ngọc Lan: Giữa trứng và tinh trùng thì trứng ảnh hưởng nhiều tới chất lượng phôi vì nó mang toàn bộ bào tương của phôi lúc mới hình thành. Chỉ một số trường hợp tinh trùng bị bất thường quá nặng không thể tạo phôi. Hỏi: Kĩ thuật chọc hút lấy tinh trùng được thực hiện tối đa bao nhiêu lần? ThS. Vương Thị Ngọc Lan: Kĩ thuật chọc hút lấy tinh trùng từ mào tinh áp dụng cho các trường hợp vô sinh bế tắc, tinh trùng không ra ngoài được tuy quá trình sản xuất tinh trùng vẫn bình thường. Đối với những trường hợp bất sản sinh tinh thì chúng ta có thể lấy tinh trùng từ tinh hoàn để làm TTTON. Vì vậy nếu bạn không tìm thấy tinh trùng trong tinh dịch hoặc tinh trùng bị yếu một chút thì vẫn có khả năng có thai. Hỏi: Sức khỏe của em bé sinh ra trong TTTON như thế nào? Để làm cho em bé bình thường, có cần kiểm tra nhiễm sắc thể của người mẹ trước khi làm TTTON hay không? ThS. Vương Thị Ngọc Lan: Đa phần người bình thường chúng ta đều có nhiễm sắc thể bình thường. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta bình thường, phôi của chúng ta cũng có khả năng bị bất thường về NST. Đó là những trường hợp sinh con bị hội chứng Down. Hội chứng Down là em bé đó có 3 NST thứ 21 (thay vì 2 như bình thường) mặc dù ba mẹ hoàn toàn khỏe mạnh. Do vậy quá trình thụ thai là sự kết hợp giữa trứng của người mẹ với tinh trùng từ tinh hoàn người cha và không phải do máu của người đàn ông hay người phụ nữ. Vì vậy chúng ta không thể tránh được bệnh cho em bé bằng cách kiểm tra NST của bố mẹ. Trên thế giới, người ta đã phát triển một kĩ thuật gọi là chẩn đoán di truyền tiền làm tổ. Nghĩa là khi chúng ta làm TTTON, trước khi phôi được đưa vào buồng tử cung, chúng ta lấy ra 1 tế bào phôi và kiểm tra di truyền xem có bình thường hay không. Phôi bình thường sau khi đưa vào sẽ phát triển thành em bé khỏe mạnh. Nếu không bình thường ta sẽ loại ngay từ đầu. Tuy nhiên kĩ thuật này sẽ tiết lộ cho chúng ta biết được giới tính của


em bé và có thể xảy ra việc chọn lựa giới tính. Do đó, Bộ Y tế hiện tại chưa cho phép thực hiện kĩ thuật này ở Việt Nam vì có thể dẫn đến sự mất cân bằng giới tính. Hỏi: Sau khi giảm thai, bệnh nhân có đi làm bình thường được không? ThS. Vương Thị Ngọc Lan: Sau khi giảm thai bệnh nhân vẫn có thể đi làm bình thường. Kĩ thuật giảm thai là kĩ thuật giảm bớt số lượng thai trong buồng tử cung. Thời kỳ đầu của TTTON ở Việt Nam, để tỉ lệ thành công cao, bác sĩ chuyển từ 3-4 phôi vào buồng tử cung và đôi khi tất cả 3-4 phôi đều đậu trên buồng tử cung. Việc mang 3-4 thai sẽ gây cho bệnh nhân nhiều trở ngại như khả năng tỉ lệ sẩy thai cao (70-80%), quá trình dưỡng thai rất vất vả, nhiều trường hợp sinh non và em bé chết, hoặc em bé sống nhưng bị bệnh (chậm phát triển, mù, điếc…). Đến năm 2001, các bác sĩ TTTON đã tiến hành kĩ thuật giảm thai và từ đó tới nay hầu như không để đa thai. Ngoài ra do có nhiều tiến bộ trong hệ thống nuôi cấy phôi, nên các bác sĩ chỉ cần giảm số lượng phôi chuyển cho bệnh nhân mà bệnh nhân vẫn có thể có thai. Số lượng phôi chuyển giảm giúp giảm nguy cơ đa thai. Và sau khi giảm thai, bệnh nhân vẫn có thể sinh hoạt bình thường như trường hợp mang thai mà không có giảm thai. Hỏi: Khi thực hiện TTTON thì kiêng xuất tinh trong bao lâu? BS. Vũ Nhật Khang: Theo tổ chức Y tế thế giới khuyên cáo nên kiêng 3-5 ngày. Hỏi: Thoát vị đĩa đệm có ảnh hưởng tới khả năng mang thai không? ThS. Vương Thị Ngọc Lan: Thoát vị đĩa đệm không ảnh hưởng tới kết quả có thai nhưng làm quá trình mang thai khó khăn hơn. Bình thường cột sống con người cong, đến ngang thắt lưng thì hơi ưỡn ra. Khi thai càng lớn thì cột sống càng ưỡn ra trước nhiều, nên nhiều phụ nữ thường bị đau lưng khi mang thai. Nếu thoát vị đĩa đệm thì sẽ ảnh hưởng nhiều hơn, gây ra nhiều đau đớn hơn. Do đó nếu có vấn đề về thoát vĩ đĩa đệm, nên điều trị nội khoa trước, tốt nhất là điều trị chuyên khoa của bác sĩ chuyên về cột sống để giải quyết vấn đề bằng nội khoa hoặc phẫu thuật. Sau khi điều trị thành công và bác sĩ điều trị thoát vĩ đĩa đệm cho phép mang thai thì tiến hành điều trị vô sinh. Hỏi: Tỉ lệ thành công của chuyển phôi tươi và phôi trữ lạnh ra sao? ThS. Vương Thị Ngọc Lan: Tỉ lệ chuyển phôi thành công của phôi tươi cao hơn phôi trữ lạnh một chút. Tỉ lệ chuyển phôi trữ lạnh cao hơn khi gặp các trường hợp niêm mạc tử cung không tốt. Ví dụ một chu kỳ điều trị, đến lúc chuyển phôi mà niêm mạc tử cung xấu thì chuyển phôi chắc chắn không có thai. Vì vậy để chuyển phôi thành công thì cần hai điều kiện là phôi tốt và niêm mạc tử cung đẹp. Do cần 2 điều kiện đó, một bên phôi tốt, niêm mạc tử cung cực kì xấu và một bên phôi trữ không tốt bằng nhưng niêm mạc đẹp thì bên thứ hai tỷ lệ thành công cao hơn. Do vậy cần có sự cân bằng giữa phôi tươi và phôi trữ với niêm mạc tử cung.


Hỏi: Táo bón có ảnh hưởng tới chất lượng TTTON không? ThS. Vương Thị Ngọc Lan: Táo bón không ảnh hưởng tới chất lượng TTTON. Sau khi chuyển phôi cần chú ý ăn uống nghỉ ngơi bình thường. Có một số bệnh nhân sau khi chuyển phôi nghe truyền miệng kiêng ăn uống, kết quả là ảnh hưởng đến sức khỏe. Hỏi: Kích thích buồng trứng nhiều có gây ung thư buồng trứng không? ThS. Vương Thị Ngọc Lan: Đây là một vấn đề mà bác sĩ làm TTTON rất quan tâm. Nghĩa là sử dụng thuốc kích thích trên buồng trứng bao nhiêu chu kì là tối đa, sẽ ảnh hưởng tới bệnh nhân? Hiện tại có rất nhiều nghiên cứu thấy rằng không có sự liên quan giữa kích thích buồng trứng và ung thư buồng trứng. Người ta thấy những bệnh nhân vô sinh tức là những người không rụng trứng thì bản thân những người đó đã có nguy cơ ung thư buồng trứng cao hơn người khác. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác thấy rằng kích thích buồng trứng làm tăng nguy cơ gây ung thư buồng trứng, đặc biệt riêng với một số loại thuốc. Do vậy tổng kết chung của các bác sĩ điều trị TTTON trên thế giới đồng thuận là không kích thích buồng trứng quá 6 chu kỳ điều trị, vì kích thích buồng trứng quá 6 chu kỳ sẽ tăng nguy cơ ung thư buồng trứng. Tăng nguy cơ không có nghĩa là bị bệnh. Bệnh nhân cần phân biệt giữa nguy cơ và bị bệnh. Nguy cơ chỉ là có khả năng mắc bệnh cao hơn chứ không phải chắc chắn sẽ mắc bệnh. Hỏi: AMH là gì ? ThS. Vương Thị Ngọc Lan: AMH là 1 xét nghiệm nội tiết dùng để đánh giá dự trữ buồng trứng (số trứng còn lại trong buồng trứng của người phụ nữ ở một thời điểm bất kỳ). Những nghiên cứu gần đây cho thấy AMH chính xác hơn các xét nghiệm nội tiết từ trước đến nay dùng trong khảo sát dự trữ buồng trứng. Ngoài ra, AMH còn có thể dự đoán ai có khả năng đáp ứng buồng trứng quá nhiều gây nguy cơ quá kích buồng trứng. Trước đây, chúng ta có xét nghiệm FSH nhưng FSH không giúp dự đoán đáp ứng buồng trứng nhiều, kém chính xác hơn AMH trong dự đoán đáp ứng buồng trứng kém. Hơn nữa, AMH thuận lợi hơn FSH rất nhiều ở chỗ lấy máu bất kì ngày nào trong chu kì kinh vẫn được, trong khi xét nghiệm FSH phải lấy máu ngày 2, ngày 3 chu kì kinh thì mới chính xác.


Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.