Lễ công bố chi hội Y học sinh sản Việt Nam và hội thảo Nội tiết sinh sản | KS. Sheraton, 17/12/2011
TỔNG QUAN VỀ NỘI TIẾT SINH SẢN Vương Thị Ngọc Lan
GIỚI THIỆU Nội tiết sinh sản có vai trò quan trọng trong cơ thể người phụ nữ. Các loại nội tiết sinh sản phối hợp hoạt động với nhau và gây tác động dẫn truyền theo một trục gọi là trục hạ đồi – tuyến yên – buồng trứng. Ở mức độ tế bào, các nội tiết sinh sản gắn kết với thụ thể trên màng hay trong nhân để gây tác động. Sự chế tiết nội tiết từ các cơ quan của trục kết hợp với các cơ chế phản hồi đảm bảo cho sự điều hòa của hoạt động sản xuất nội tiết tố để duy trì đặc tính nữ, sự phát triển nang noãn, chu kỳ kinh nguyệt bình thường và đặc biệt là khả năng sinh sản của người phụ nữ. Mô hình hoạt động của trục ha đồi – tuyến yên – buồng trứng là một hiện tượng sinh học đặc biệt và duy nhất trong cơ thể người phụ nữ.
TRỤC HẠ ĐỒI - TUYẾN YÊN - BUỒNG TRỨNG Trục hạ đồi-tuyến yên-buồng trứng bắt đầu hoạt động từ lúc dậy thì cho đến tuổi mãn kinh. Sự điều hòa hoạt động của trục chủ yếu gồm các hiện tượng chế tiết nội tiết, tương tác giữa nội tiết tố với thụ thể ở tế bào của cơ quan đích và các cơ chế phản hồi. Các nội tiết tố của hạ đồi và tuyến yên được tiết ra dưới dạng xung. Vào giai đoạn mới dậy thì, các xung chế tiết nội tiết của trục này còn chưa ổn định, khiến hiện tượng phóng noãn xảy ra không thường xuyên, dẫn đến kinh nguyệt không đều hoặc có thể rối loạn kinh nguyệt dạng rong kinh rong huyết. Trong độ tuổi sinh sản, trục hạ đồituyến yên hoạt động một cách điều hòa nhằm kiểm soát hoạt động của buồng trứng, giúp buồng trứng đảm bảo chức năng ngoại tiết và nội tiết một cách đều đặn, nhờ đó kinh nguyệt của người phụ nữ xảy ra có tính chu kỳ. Đến giai đoạn tiền mãn kinh, các nang noãn của buồng trứng không còn nhạy cảm với tác động của các nội tiết tố trục hạ đồi-tuyến yên-buồng trứng, dẫn đến hiện tượng rối loạn phóng noãn và rối loạn kinh nguyệt tương tự như tuổi dậy thì. Cuối cùng, hiện tượng hành kinh chấm dứt hoàn toàn khi không còn xảy ra hiện tượng phóng noãn. Trong giai đoạn chuyển tiếp giữa 2 chu kỳ kinh, vùng hạ đồi tiết ra các xung GnRH (Gonadotrophin Releasing Hormone). GnRH được vận chuyển qua hệ tĩnh mạch cửa đến tuyến yên, gắn vào thụ thể của GnRH tại tuyến yên và kích thích tuyến yên tiết ra FSH (Follicle Stimulating Hormone) và LH (Luteinizing Hormone). FSH và LH gây tác động tại buồng trứng, kích thích các nang noãn của buồng trứng phát triển, đồng thời
Tổng quan về nội tiết sinh sản | Trang 11