THÁNG 8
01.8 W Lời Chúa (Cn 18,9).
“Người biếng nhác việc bổn phận mình là anh em với quân phá hoại”. ¥ Lời thánh I-nhã Trong những công việc tốt lành và những việc đạo đức thánh thiện của bạn, hãy tránh xa mọi lười biếng và thờ ơ như những kẻ thù xấu xa nhất của bạn.1 §
Suy niệm
Lười biếng là lối sống tiêu cực và trong mọi thời đại lười biếng đều bị lên án, vì lười biếng làm cho con người không chỉ dậm chân tại chỗ, mà còn làm cho con người tụt hậu. Nói khác đi, lười biếng không đưa lại sự phát triển cho cá nhân, cho tập thể và cho xã hội. Trong đời sống Đức Tin, tâm linh và tông đồ, thánh I-nhã nhắc nhớ cần tránh xa mọi lười biếng và thờ ơ. Gạt bỏ thói lười biếng thích an nhàn không chịu lên đường vào những nơi gian khổ, để đem Tin Mừng và lòng thương xót của Chúa cho anh chị em. Gạn lọc kiểu thờ ơ vì sợ vất vả cho bản thân, nếu dấn thân phục vụ anh chị em nghèo khó và bất hạnh. Gạt bỏ thói lười biếng thích an nhàn lướt internet hàng giờ, để rồi dành thời gian cố gắng chăm chỉ học hỏi Lời Chúa cùng trau dồi đời sống thiêng liêng. Đúng thật, lười biếng không thể đi chung với công việc tốt lành và công việc đạo đức thánh thiện. Người tông đồ của Chúa Giê-su cần mặc lấy tinh thần siêng năng dấn thân phục vụ không quản ngại của Thầy mình. Con cái Chúa cần giống Chúa là sẵn sàng để mình bị tổn thương vì phục vụ anh chị em, sẵn sàng nhận phần thiệt, nhường cho anh chị em phần tốt hơn. §
Hồn sống trong ngày
Sách Châm Ngôn coi lười biếng như là con đường dẫn tới phá hoại. Thánh I-nhã nhìn lười biếng và thờ ơ như là những kẻ thù xấu xa nhất trong việc tông đồ. Hôm nay mời bạn cùng tôi suy xét xem, thái độ lười biếng có chỗ trong đời sống thường ngày cũng như trong việc tông đồ của chúng ta không? Nếu có, chúng ta xin Chúa thánh hoá và giúp chúng ta gạt bỏ thái độ đó. Ngoài ra, chúng ta tập làm một điều gì tốt lành đạo đức nhiều hơn một chút trong ngày hôm nay nhé!
1
Gabrielus Hevenesus, Scintillae Ignatianae 1705. Bản dich tiếng Việt “Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã”. Giuse Hoàng Thanh Phong SJ. và Giuse Phạm Đình Ngọc SJ. chuyển ngữ từ bản tiếng Anh. NXB. Tôn Giáo 2021. Lời của ngày 01.8.
02.8 W Lời Chúa (Mt 16,24). “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. ¥ Lời thánh I-nhã Những ai đặc biệt trổi vượt về nguồn gốc gia đình, sự hiểu biết hoặc thông minh, thì phải chăm lo từ bỏ mình nhiều hơn bao giờ hết; nếu không họ sẽ gây hại nhiều hơn là những người thấp hèn và ít học.2 §
Suy niệm
“Từ bỏ mình” gắn liền với đời sống của người môn đệ theo bước Chúa và của mỗi Ki-tô hữu. Từ bỏ mình là không bám chặt vào cái tôi của mình, không bám chặt vào thói ích kỷ chỉ đi tìm mình, không để cho thói tự kiêu cao ngạo đẩy cái tôi lên cao, và không trở thành nô lệ cho chính cái tôi vị kỷ. Từ bỏ mình là “ra khỏi mình”, là từ bỏ mọi khuynh hướng quy về mình, để nhường chỗ cho một giao động mới, giao động hướng về với Chúa Giê-su. Từ bỏ mình là không coi mình là trung tâm điểm. Chỉ có Chúa, Đấng là khởi đầu và cùng đích, là trung tâm điểm của đời bạn và đời tôi. Càng từ bỏ mình đi, chúng ta càng theo sát Chúa Giê-su hơn. Càng bám chặt vào mình, thì càng xa Chúa và có thể gây ra nhiều điều tệ hại. Thánh I-nhã nhìn thấy rõ rệt hậu quả tiêu cực của kiểu sống “bám vào mình”, nên ngài khuyên mọi người, đặc biệt những người môn đệ của Chúa đến từ gia đình danh giá, giỏi giang và thông minh, cần chú ý tập sống từ bỏ mình nhiều hơn, vì càng danh giá và càng học thức nhiều thì cám dỗ quy về mình càng lớn. Mong sao, bạn và tôi luôn quyết tâm với sự nâng đỡ của Thần Khí, liên lỉ tập “từ bỏ mình”, để nhờ đó người môn đệ không che mất đi bóng hình của Chúa trong việc tông đồ. §
Hồn sống trong ngày
“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24) Hôm nay chúng ta để câu Lời Chúa này vang vọng lại luôn mãi trong trí hiểu và tâm hồn nhé! Kế bên đó, mời bạn cùng tôi tập từ bỏ một điều gì đó mà mình thích và mình luôn bám víu vào, để qua đó chúng ta càng ngày càng ý thức sống tinh thần “từ bỏ mình”.
2
Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 02.8.
03.8 W Lời Chúa (2 Cr 11,14). “Lạ gì đâu! Vì chính Xa-tan cũng đội lốt thiên thần sáng láng!” ¥ Lời thánh I-nhã Để ngăn chúng ta làm điều tốt, ma quỷ thường gợi cho ta làm tốt hơn; liền sau đó, nó lại gây những khó khăn và những chướng ngại mới để cản trở chúng ta thực hiện những điều ấy.3 §
Suy niệm
Ảo ảnh, giả dối luôn có mặt trên hành trình tâm linh. Ngày xưa thánh Phao-lô đã nhắc nhớ các tín hữu cần chú ý trước các tông đồ giả, thợ gian xảo, đội lốt tông đồ của Đức Ki-tô, vì khi nghe theo những lời “đường mật” của họ, tín hữu không tìm đường tới với Chúa được, mà họ bị dẫn đến một con đường sai lạc và xa Chúa. Đường lối của Xa-tan, của ma quỷ đôi khi thật “sáng láng”, và lời chúng nói thì rất nhiều “đường mật” ngọt ngào, làm mát lòng người vào lúc đầu, làm cho mắt người thấy thật tốt trong cái nhìn đầu tiên. Rồi chúng còn thúc đẩy và gợi cho chúng ta tiếp tục phấn đấu hơn, cố gắng hơn để làm tốt hơn. Nhưng rồi điều gì xảy ra sau đó? Chúng bắt đầu ra tay hoạt động, giăng bẫy với các mưu mô ẩn ý và tồi tệ, như hãnh diện và kiêu hãnh về điều tốt mình làm; làm tốt thì cần được công nhận và khen ngợi, nhưng nếu không được khen và được chú ý, thì buồn và lên tiếng chỉ trích và cuối cùng không còn thiết làm điều tốt nữa. Cuối cùng ma quỷ thắng và đưa chúng ta lạc bước, xa Chúa, xa anh chị em, đánh mất chính mình. Kế bên đó còn biết bao hiệu ứng phụ rất tiêu cực xảy ra trong gia đình và cộng đoàn. §
Hồn sống trong ngày
Để không bị rơi vào bẫy độc của ma quỷ, hôm nay mời bạn cùng tôi tập sống tỉnh thức và nguyện cầu. Thật khiêm tốn, chúng ta luôn để hai lời cầu nguyện cuối cùng của kinh Lạy Cha vang lên trong môi miệng chúng ta nhiều bao nhiêu có thể trong ngày hôm nay: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ. Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ”. Cũng xin Chúa Thánh Thần tác động và ban ơn khôn ngoan phân định cho chúng ta. 3
Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 03.8.
04.8 W Lời Chúa (Mt 6,13) “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”. ¥ Lời thánh I-nhã Đặc điểm của thần dữ là giả dạng thần lành đi vào theo chiều hướng của linh hồn trung tín để rồi kéo linh hồn ra theo đường của nó; nghĩa là nó bày ra những tư tưởng tốt lành thánh thiện hợp với tâm hồn công chính, rồi lần lần gắng lôi kéo linh hồn ra theo những mưu mô ẩn kín và những ý đồi tệ của nó.4 §
Suy niệm
“Giả hiệu”, “giả dạng” là đặc điểm của thần dữ. Nhưng thế nào là giả? Giả có nghĩa là bên ngoài bao bì rất đẹp và bóng loáng, nhưng bên trong nội dung và chất lượng của món đồ thì “đụng đâu rơi đó”. Thần dữ có thể giả dạng thần lành với vẻ bên ngoài tốt lành thánh thiện bóng loáng. Có bóng loáng thì mới dễ dàng làm mát mắt người khác, thì mới tạo được tương quan, mới bước vào được căn nhà Đức Tin và tâm linh của con cái Chúa. Khi đã vào nhà được rồi, thần dữ chính hiệu lộ diện. Tháo chiếc áo bóng loáng bên ngoài ra, là những mưu mô ẩn kín và những ý hướng đồi tệ. Đó là chúng mưu mô kéo bạn và tôi theo bước chúng trên con đường xấu xa. Thật vậy, ma quỷ có thể cám dỗ chúng ta theo kiểu: Hăng say hết mình cho việc tông đồ, đến nỗi bỏ bê cầu nguyện, bỏ bê cả bổn phận gia đình. Không còn đi tìm Chúa, mà chỉ đi tìm công việc của Chúa, nhưng thực ra qua việc tông đồ đó, đích đến là đi tìm vinh danh cho mình. Khi mình không được vinh danh, thì phá đổ tất cả. “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”. Chúa Giê-su nhắc nhớ chúng ta khiêm tốn cầu xin Cha trên trời giúp đỡ chúng ta. §
Hồn sống trong ngày
Để không bị rơi vào bẫy độc của ma quỷ, hôm nay mời bạn cùng tôi tiếp tục tập sống tỉnh thức và nguyện cầu. Thật khiêm tốn, chúng ta luôn để hai lời cầu nguyện cuối cùng của kinh Lạy Cha vang lên trong môi miệng chúng ta nhiều bao nhiêu có thể trong ngày hôm nay: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ. Xin cứu chúng con ra khỏi sự dữ”. Cũng xin Chúa Thánh Thần tác động và ban ơn khôn ngoan phân định cho chúng ta. 4
Sách Linh Thao. Số 332.
05.8 W Lời Chúa (1Pr 5,8)
“Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ là thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong Đức Tin mà chống cự” ¥ Lời thánh I-nhã Ai đang được ơn an ủi nên nghĩ tới cách đương đầu với sầu khổ sẽ đến, và dành sức mạnh mới cho lúc đó.5 §
Suy niệm
Trong tiến trình tâm linh, có lúc chúng ta được tràn đầy ủi an, và cũng không ít lần chúng ta rơi vào tình trạng buồn chán và sầu khổ. Lúc sầu khổ, chắc chắn cần rất nhiều năng lượng thiêng liêng tốt lành để có thể vượt qua. Vì thế, thánh I-nhã mời gọi chúng ta chú ý khôn ngoan “đừng hoang phí các năng lượng tốt lành”, khi được Chúa cho sống trong trạng thái tốt với nhiều an ủi vui tươi, mà cần cẩn trọng, tỉnh thức và tiết độ, bằng cách gom góp “năng lượng thiêng liêng tốt lành”, sức mạnh mới đó, để rồi khi phải bước vào chặng đường nhiều bóng tối của sầu khổ, buồn chán, thì chúng ta lấy “năng lượng tốt lành” ra dùng, và từng bước vượt qua đoạn đường thử thách đó. Thánh Phê-rô tông đồ cũng nhắc nhớ các tín hữu cần cẩn trọng trong cuộc sống. Tỉnh thức và tiết độ, không khinh thường ma quỷ là thù địch như sư tử có thể đến đe doạ chúng ta bất cứ lúc nào. Với tinh thần tỉnh thức tiết độ, chúng ta đứng vững trong Đức Tin vào Thiên Chúa, để chiến đấu với sự dữ, chiến đấu với những sầu khổ vây quanh. §
Hồn sống trong ngày
Tỉnh thức tiết độ ngay lúc tâm hồn chúng ta mạnh khoẻ, ngay lúc chúng ta sống đạo đức tốt lành và rất an bình. Tỉnh thức tiết độ để gom góp, để “nạp” năng lương thiêng liêng tốt lành. Đó là hồn sống của ngày hôm nay. Ngay từ khi thức giấc, xin mời bạn cùng tôi chú ý đến các “năng lượng thiêng liêng tốt lành” là bình an, vui tươi, thanh thoát, sốt sắng và tràn đầy ủi an. Khi nhận ra, chúng ta khiêm tốn tri ân Chúa về các điều tốt lành đó, và tập sống “suy đi nghĩ lại về lòng thương xót tốt lành của Chúa”. Biết ơn và khiêm tốn trước Chúa, cũng như luôn ý thức về lòng thương xót của Chúa là cách thức chúng ta đang “nạp năng lượng tốt lành”, cho đến ngày “sau khi trời sáng, trời cũng có thể kéo mây đen” đến với chúng ta.
5
Sách Linh Thao. Số 323.
06.8 W Lời Chúa (Lc 22,24) “Sao anh em lại ngủ? Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22,44). ¥ Lời thánh I-nhã. Linh Thao tất cả những cách dọn và chuẩn bị linh hồn để xa bỏ những quyến luyến lệch lạc và sau đó tìm kiếm ý Chúa trong cách xếp đặt cuộc đời để mưu ích cho linh hồn mình.6 §
Suy niệm
“Linh Thao” thuật ngữ quen thuộc đối với những anh chị em đã từng đi tĩnh tâm theo linh đạo của thánh I-nhã, nhưng đối với anh chị em khác có thể còn rất lạ. Linh Thao là một tiến trình cầu nguyện dài lâu, không chỉ dừng lại trong các khoá Linh Thao ngắn hạn hay dài ngày. Linh Thao cần được sống động không chỉ trong “cô tịch” thinh lặng, mà còn được hoà quyện vào cuộc sống thường ngày với biết bao bận bịu lo toan, bởi vì Linh Thao giúp chúng ta “không mê ngủ” như các môn đệ ở vườn Cây Dầu, mà tỉnh thức “dậy cầu nguyện” như Chúa Giê-su mời gọi, cầu nguyện liên lỷ trong đời sống thường ngày: cầu nguyện khi gặp khó khăn, tri ân Chúa khi được ân sủng phủ bao, ca tụng tôn vinh Chúa nguồn mạch của lòng thương xót, chìm mình trong thinh lặng chiêm ngắm Chúa trong niềm hạnh phúc viên mãn, như hai người yêu nhau ngồi bên nhau mà chẳng cần lời lẽ gì. Linh Thao là tập thể thao cho linh hồn, có nghĩa là linh hồn sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, là linh hồn tỉnh thức cầu nguyện với Chúa Giê-su. Cầu nguyện với toàn bộ con người: với trí hiểu, ý chí, cảm tình và thân xác. Nhưng mục đích của Linh Thao và cầu nguyện là gì? Là gắn bó đời mình với Chúa, là cùng với Chúa sắp xếp lại cuộc sống của mình, là cùng với Ánh Sáng của Thần Khí nhận ra và xa tránh những gì là quyến luyến lệch lạc, nghĩa là tránh xa mọi cám dỗ mà thần dữ giăng ra, nhờ đó người sống tinh thần cầu nguyện, bước đi trên tiến trình Linh Thao, mỗi ngày được gần Chúa hơn, nên giống Chúa hơn và trở nên tự do hơn trong ơn gọi là con cái tự do của Thiên Chúa. §
Hồn sống trong ngày
“Sao anh em lại ngủ? Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ”. Hôm nay, mời bạn đưa lời của Chúa Giê-su vào trong ngày sống. Bạn hãy để lời nhắn gởi này vang lên vào buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối và vào đêm khuya nhé. Năm khắc thời gian Chúa mời gọi bạn và tôi chú ý tỉnh thức, cầu nguyện, vì ở bên Chúa chúng ta sẽ tránh được cám dỗ lệch lạc.
6
Linh Thao. Số 1.
07.8 W Lời Chúa (Mt 7,5). “Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em”. ¥ Lời thánh I-nhã Khi người khác phạm những sai lỗi, vì chỉ là thân phận con người, bạn nên nhìn thấy nơi họ như là trong một tấm gương, để bạn cũng loại bỏ nơi chính mình những lệch lạc phải loại đi7. §
Suy niệm
Sai lỗi, một điều thuộc về phận người, bởi vì thánh nhân cũng đã từng phạm lỗi mà. Sai lỗi của mình và sai lỗi của người. Cả hai đều rất thật. Nhưng sai lỗi sẽ “lỗi” hơn, khi tôi chỉ thích nhìn đến cái sai của anh chị em mình, để rồi so sánh chỉ trích, xa lánh và loại trừ anh chị em. Lời Chúa Giê-su nhắc nhớ trong bài giảng trên núi thật là thấm thía. Đừng xét đoán anh chị em. Điều đầu tiên cần làm là nhìn đến và lấy cái xà ra khỏi mắt của tôi và của bạn trước đã. Hơn nữa, chúng ta đâu có ở trong hoàn cảnh của anh chị em để mà xét đoán. Ráp-bi danh tiếng Hiller từng nói: “Đừng xét đoán ai cho đến khi chính anh đã ở trong hoàn cảnh của người ấy”. Thật vậy, bạn và tôi không hiểu và không biết sức mạnh của cơn cám dỗ mà người anh em hay chị em của chúng ta phải chịu đâu. Như thế, thay vì xét đoán người lầm lỡ, chúng ta xét mình, đấm ngực mình. Thánh I-nhã còn khuyên chúng ta tích cực hơn nữa. Đó là cảm thông với anh chị em lầm lỡ, vì họ cũng mang phận người như bạn và tôi. Ngoài ra, chúng ta cùng học nơi việc sai lỗi kia, để chúng ta khiêm tốn với sự soi sáng của Thần Khí biết loại bỏ đi những gì chúng ta có thể sai lỗi. Đó là cái xà, những lệch lạc trong suy tưởng, trong cảm xúc, trong lời nói và trong hành động. §
Hồn sống trong ngày
“Khi người khác phạm những sai lỗi, vì chỉ là thân phận con người, bạn nên nhìn thấy nơi họ như là trong một tấm gương, để bạn cũng loại bỏ nơi chính mình những lệch lạc phải loại đi”. “Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em”. Mời bạn cùng tôi học thuộc hay ghi lại hai lời trên vào trong tâm hồn và trí khôn, hoặc nếu bạn muốn có thể ghi vào trong Smartphone hay Iphone của bạn. Trong ngày bạn hãy coi lại nhiều lần, suy nghĩ và cầu nguyện với hai lời đó, và xin Chúa Thánh Thần ban cho bạn ơn khôn ngoan khiêm tốn nhận biết mình, và gạn lọc các lệch lạc cũng như lấy cái xà ra khỏi đôi mắt tâm hồn nhé! 7
Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 07.8.
08.8 W Lời Chúa (Tv 51,3) “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm”. ¥ Lời thánh I-nhã Mỗi lần sa ngã vào tội hay nết xấu riêng nào, hãy để tay lên ngực, hối tiếc vì đã sa ngã. Điều này có thể làm trước mặt nhiều người mà không ai chú ý đến.8 §
Suy niệm
Thánh Vịnh 51 mở đầu với lời cầu nguyện tràn đầy ăn năn hối lỗi của người lầm lỡ sa ngã. Một lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót và tình yêu nhân hậu của Ngài lớn hơn tội lỗi của con người chúng ta. Tin tưởng vào lòng thương xót vô bờ của Chúa, thánh I-nhã khuyên chúng ta luôn cố gắng xét mình nhìn lại. Khi nhận ra mình lại sa ngã vào một tội nào quen thuộc hay một nết xấu riêng của mình, thì không bao giờ nản lòng và thối lui. Có thể lầm lỡ đưa lại sầu khổ và buồn phiền, nhưng không bao giờ chìm mình trong sầu khổ, mà nên có hành động tích cực của ăn năn trong khiêm tốn. “Để tay lên ngực, hối tiếc vì đã sa ngã”. Một cử chỉ thật nhẹ nhàng nhưng đầy ý thức của tâm hồn hối hận ăn năn. Một cử chỉ bên ngoài của bàn tay đặt lên trái tim là trung tâm điểm của đời sống, để tự mình nhắc nhớ về thân phận mỏng dòn của đời người, để xin Chúa giàu lòng thương xót mở lượng hải hà chạm đến trái tim chúng ta, chữa lành và xoá bỏ nết xấu riêng, tội lỗi quen thuộc của ta. “Để tay lên ngực, hối tiếc vì đã sa ngã”. Một cử chỉ thật nhẹ nhàng bên ngoài đầy ý thức và có thể làm bất cứ nơi đâu: khi đi chợ, lúc ngồi trên xe bus, khi trò chuyện, lúc thảnh thơi đi dạo. Cử chỉ của trái tim khiêm tốn hướng về trái tim giàu lòng thương xót của Chúa. Chỉ có bạn với Chúa hiểu được tiếng nói của hai trái tim: trái tim khiêm tốn ăn năn và Trái Tim thương xót. §
Hồn sống trong ngày
Hôm nay bạn hãy nhớ đến một nết xấu riêng của bạn, một tội quen thuộc mà bạn hay mắc phải. Nhiều lần bao nhiêu có thể trong ngày, thật âm thầm bạn đặt tay trên ngực, cúi đầu và thầm cầu nguyện qua việc nhẩm đi nhắc lại lời cầu nguyện rất đẹp này: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm”.
8
Linh Thao. Số 27.
09.8 W Lời Chúa (Ga 15,8). “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy”. ¥ Lời thánh I-nhã Bạn hãy làm mọi thứ mà không mong được tán dương; nhưng hãy liệu sao cho mọi việc bạn làm không thể bị khiển trách cách chính đáng9. §
Suy niệm
Được vinh danh là điều nhiều người luôn kiếm tìm. Vinh danh trong sự nghiệp, vinh danh trong học vấn và cả vinh danh trong việc tông đồ nữa. Nhưng trớ trêu thay, chính vì đi tìm vinh danh cho bản thân trong việc tông đồ phục vụ, nên biết bao ganh tỵ, rạn nứt và đau thương cùng các hậu quả tiêu cực khác xảy ra. Hậu quả tệ hại nhất chính là người tông đồ đã đánh mất mục đích chính là: “làm cho Chúa được tôn vinh và danh Chúa được rạng sáng”. Như vậy, người tông đồ không còn là môn đệ Chúa nữa. Trong dụ ngôn vê cây nho và cành nho trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giê-su đã nhắc nhớ những cành nho tốt lành bám chặt vào Cây Nho là chính Chúa: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy”. Như thế, trong việc tông đồ phục vụ, người tông đồ, môn đệ Chúa, luôn hướng về một mục đích duy nhất: “Tôn vinh Cha trên trời, làm Danh Cha được cả sáng”. Cụ thể hơn, hoa trái của việc tông đồ không phải để người tông đồ “hái và hưởng dùng” cho riêng mình, mà là để cho hoa trái tông đồ toả ngát vinh quang Cha trên trời. Tương hợp với tâm tình này, thánh I-nhã nhắc nhớ chúng ta rằng: “Bạn hãy làm mọi thứ mà không mong được tán dương”. Như thế, “mình được tán dương” không phải là đích đến của người tông đồ, dù rằng lời tán dương có đem lại hương vị thích thú và động lực tích cực nào đi nữa. Đích đến mà chúng ta cần nhắm là “Chúa được tán dương” qua chính hoa trái tông đồ mà bạn và tôi cộng tác cùng làm. Với mục đích này ngay từ khởi đầu, chúng ta bắt tay dấn thân phục vụ. Như thế, chúng ta sẽ không bị khiển trách, vì chúng ta đã “từ bỏ” cái tôi và trở nên người môn đệ tự do cho Chúa và công việc của Chúa. §
Hồn sống trong ngày
Mời bạn nhớ lại một công việc tông đồ nào bạn đang làm, cũng như nhớ lại hoa trái của công việc tông đồ đó. Ta cùng suy xét xem, ta có đang đi tìm mình và mong muốn mình được tôn vinh qua hoa trái đó không? Ta đi tìm gì, khi đón nhận và thực hiện việc tông đồ? Sau đó, ta cùng khiêm tốn xin Chúa “cắt tỉa” khuynh hướng quy về bản thân của ta nhé! 9
Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 09.8.
10.8 W Lời Chúa (Mt 5,16). “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”. ¥ Lời thánh I-nhã Trong Chúa tôi nhận thấy điều này thật xứng hợp, là chúng ta cần phải tránh xa mọi sự hào nhoáng của việc tìm kiếm hư danh cũng như xao xuyến bất an, ngược lại chúng ta cần trở nên nên mẫu gương xây dựng cho người khác.10 §
Suy niệm
Nếu có ai hỏi bạn về căn tính Ki-tô hữu của bạn và tôi, chúng ta sẽ trả lời thế nào? Chúa Giê-su giúp cho chúng ta có được một câu trả lời rõ ràng: Bạn và tôi là ánh sáng thế gian, nghĩa là với căn tính là ánh sáng chúng ta có trách nhiệm chiếu toả ánh sáng vào thế gian, để qua đó mọi người nhận ra được những điều tốt lành đẹp đẽ mà chúng ta cố gắng thực hiện. Thật tốt khi chúng ta sống và chu toàn trách nhiệm đó. Nhưng chưa đủ, vì có nguy cơ tiếp nối, là chúng ta có thể đi tìm mình, đi tìm sự hào nhoáng và vinh danh cho bản thân qua việc tốt chúng ta làm. Vì thế, như thánh I-nhã mời gọi, chúng ta cần phải tránh xa mọi sự hào nhoáng của việc tìm kiếm hư danh cũng như xao xuyến bất an. Quan trọng là chúng ta cần chú tâm cố gắng trở nên mẫu gương xây dựng cho người khác noi theo, để rồi anh chị em có thể cùng chúng ta bước theo Chúa, và cùng trở nên ánh sáng chiếu soi vào thế giới, hầu mọi người cùng bạn và tôi hướng về mục đích duy nhất là: tôn vinh Cha của chúng ta, Đấng ngự trên trời, qua chính chính sự cộng tác đơn hèn của chúng ta. §
Hồn sống trong ngày
Hôm nay bạn hãy làm một việc gì tốt lành để sống tinh thần ánh sáng chiếu soi. Nhưng khi làm đừng khoe khoang tự đắc, mà khiêm tốn và ý thức: việc tốt lành này chỉ để tôn vinh Cha trên trời.
10
Ignatius von Loyola. Brief und Unterweisung. Echter Verlag 1993. Brief von Ignatius an an Antonio de Araoz, Rom, 3. April 1548. S.233.
11.8 W Lời Chúa (Lc 22,42). “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha”. ¥ Lời thánh I-nhã Cần phải giữ cho mình được bình tâm đối với mọi tạo vật trong tất cả những gì nằm trong sự tự do của ta và không bị cấm, đến nỗi chúng ta không ước muốn sức khỏe hơn bệnh tật, giàu sang hơn nghèo khổ, danh vọng hơn nhục nhã, sống lâu hơn chết yểu và tương tự thế đối với mọi sự khác, nhưng chỉ ước muốn và lựa chọn cái gì dẫn đưa chúng ta tới cứu cánh của mình hơn cả.11 §
Suy niệm
Cuộc sống luôn có nhiều chọn lựa, và đặc biệt chọn lựa sẽ nên khó khăn khi con người rơi vào hoàn cảnh tế nhị. Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giê-su đối diện với chén đắng là con đường thương khó, Thánh Giá cũng như cái chết, và Ngài đã phải chiến đấu với bản thân. Mang phận con người Chúa đã chọn con đường “xin xa chén đắng”, nhưng với tình yêu nối kết với Cha và vâng phục Cha cùng sứ mạng Cha trao, Chúa “ném mình” vào trong thánh ý của Cha trên trời: Xin vâng theo ý Cha. Để đón nhận thánh ý Cha trên trời, để “ném mình” vào trong bàn tay Cha và để Cha tự định liệu đời ta, không phải là chuyện dễ dàng. Vì thế, thánh I-nhã đã nhắc nhớ trong phần Nguyên Lý Nền Tảng của Linh Thao, là chúng ta cần có thái độ bình tâm. Bình tâm là thái độ của tâm hồn bình lặng không nghiêng chiều “chọn chén đắng” hơn “xa chén đắng”, chọn sức khỏe hơn bệnh tật, giàu sang hơn nghèo khổ, danh vọng hơn nhục nhã, sống lâu hơn chết yểu. Trên hết và nền tảng là chúng ta hỏi xem, thánh ý Chúa dành cho ta là gì trong hoàn cảnh này, và khi nhận ra được thánh ý Chúa, chúng ta xin Chúa Thánh Thần ban ơn ngoan nguỳ vâng phục và sống trọn vẹn theo thánh ý Chúa như Chúa Giê-su. §
Hồn sống trong ngày
Bình tâm là thái độ bạn và tôi tập sống hôm nay nhé! Chúng ta chú ý đến một sự kiện hay một điều gì mà chúng ta cần phải chọn lựa. Đừng vội theo ý riêng của mình, dù cho là ý tốt. Đặt điều đó hay sự kiện đó cũng như đặt cả ý riêng của mình trước Chúa. Trong cầu nguyện ta xin Chúa soi sáng, để nhận ra ý Chúa và thực thi. Ý Chúa luôn đưa lại hoa trái an bình, giúp thăng tiến đời sống Tin Cậy Mến và làm cho tương quan giữa người và người triển nở hơn.
11
Linh Thao. Số 23.
12.8 W Lời Chúa (Gv 10,4). “Nếu người trên có đùng đùng nổi giận, bạn cũng chớ bỏ đi, vì thái độ bình tĩnh giúp tránh được biết bao lỗi lầm”. ¥ Lời thánh I-nhã Đừng quyết định về bất cứ điều gì khi tâm trí bị thiên lệch hoặc bởi tình cảm hoặc bởi rất chán nản. Hãy tạm gác vấn đề đó lại cho tới khi mọi lo lắng tan đi, để bạn có thể quyết định theo lý trí chín chắn, chứ không phải do xung động mách bảo12. §
Suy niệm
Chuyện kể về một vị samurai đến thu nợ của người đánh cá. Người đánh cá nói: “Tôi xin lỗi, nhưng năm vừa qua thật tệ, tôi không có đồng nào để trả ngài.” Vị samurai nổi nóng, rút kiếm ra định giết người đánh cá ngay lập tức. Rất nhanh trí, người đánh cá nói: “Tôi cũng học võ và sư phụ tôi khuyên không nên đánh nhau khi đang tức giận.” Vị samurai nhìn người đánh cá một lúc, sau đó từ từ hạ kiếm xuống. “Sư phụ của ngươi rất khôn ngoan. Sư phụ của ta cũng dạy như vậy. Ðôi khi ta không kiểm soát được nỗi giận dữ của mình. Ta sẽ cho ngươi thêm một năm để trả nợ và lúc đó chỉ thiếu một xu thôi chắc chắn ta sẽ giết ngươi”. Câu chuyện đưa lại cho chúng ta sứ điệp khôn ngoan trong cách cư xử giữa người với người, như lời của sách Giảng Viên nhắc nhớ: “Nếu người trên có đùng đùng nổi giận, bạn cũng chớ bỏ đi, vì thái độ bình tĩnh giúp tránh được biết bao lỗi lầm”. Thật vậy, khi đối diện với những nóng giận của người khác, đặc biệt là của cha mẹ, của bề trên, của chef trong công việc, cảm xúc ta sẽ bị kéo theo và những tư tưởng tiêu cực cũng sẽ xuất hiện. Lúc đó tâm trí bị thiên lệch, ta có thể buồn phiền, chán nản, và rồi tư tưởng hướng tới việc làm thôi thúc chúng ta đi đến một quyết định tương hợp tâm trí thiên lệch. Trong trường hợp này, thánh I-nhã khuyên chúng ta đừng để cho tình trạng tiêu cực này chi phối. Bình tâm lại và với sự khôn ngoan kiên nhẫn, ta “tạm gác vấn đề đó lại cho tới khi mọi lo lắng tan đi, để ta có thể quyết định theo lý trí chín chắn, chứ không phải do xung động mách bảo”. §
Hồn sống trong ngày
Nếu bạn đã có trải nghiệm nào về một quyết định không chín chắn vì bị chi phối bởi tâm trí thiên lệch cũng như cảm xúc nóng giận, bạn hãy nhớ lại trải nghiệm đó trong cầu nguyện và xin Chúa thánh hoá giúp bạn có được bài học tốt nhé. Ngoài ra, xin bạn chú ý đến cảm xúc tiêu cực mà bạn có hôm nay. Bạn hãy tạo khoảng cách và “nói chuyện” với cảm xúc tiêu cực đó, để bạn không để cho cảm xúc tiêu cực đó làm chủ bạn.
12
Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 12.8.
13.8 W Lời Chúa (Cl 2,5) “Tuy xa cách về thể xác, nhưng tôi vẫn ở với anh em về tinh thần, và vui mừng thấy anh em giữ hàng ngũ trật tự và vững tin vào Đức Ki-tô”. ¥ Lời thánh I-nhã Con người bên trong có trật tự, thì trật tự ấy chảy tràn ra bên ngoài.13 §
Suy niệm
Trong thư gởi tín hữu thành Cô-lô-xê, thánh Phao-lô diễn tả niềm vui, khi ngài thấy các tín hữu ở đó giữ hàng ngũ trật tự, nghĩa là sống có kỷ luật và tuân theo huấn lệnh của Chúa truyền, cũng như giữ vững niềm tin vào Đức Ki-tô. Như vậy, thánh nhân đã vui mừng khen ngợi và khuyến khích các tín hữu tiếp tục sống tinh thần tốt lành đó. Giữ kỷ luật, có trật tự bên trong tâm hồn có nghĩa là tâm hồn “gắn chặt” với chính huấn lệnh của Chúa, với tinh thần của Tin Mừng, với sự hướng dẫn của Thần Khí. Tâm hồn với “hồn kỷ luật” sẽ đưa lại nhiều hoa trái tốt lành cho bản thân là sự bình an, thanh thoát và đời sống tự do làm con cái Chúa. Ngoài ra, hoa trái tốt lành của “tâm hồn kỷ luật” cũng tuôn chảy ra bên ngoài đến với các anh chị em khác, như thánh I-nhã nói, để như vết dầu loang, ảnh hưởng tốt lành đến mọi người. Cuối cùng, tất cả đều cùng trở nên con cái tự do tốt lành của Chúa. §
Hồn sống trong ngày
Khi thức giấc mời bạn cùng tôi tri ân Chúa về đêm qua, và âm thầm xin Chúa cho ta có một ngày sống luôn có “hồn kỷ luật và trật tự”. Cụ thể nghĩ gì, nói gì và làm gì chúng ta đều theo sự hướng dẫn của Thần Khí, tương hợp với huấn lệnh Chúa.
13
Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 13.8.
14.8 W Lời Chúa (Mt 26,33-35). “Ông Phê-rô liền thưa: ‘Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã’. Đức Giê-su bảo ông: ‘Thầy bảo thật anh: nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần’. Ông Phê-rô lại nói: ‘Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy’. Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy”. ¥ Lời thánh I-nhã Ai toan tính canh tân thế giới, phải bắt đầu từ chính mình, nếu không người ấy chỉ tốn công vô ích14. §
Suy niệm
Khi Chúa Giê-su tiên báo về việc các môn đệ sẽ vấp ngã, Phê-rô mạnh miệng nói rằng: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã”. Thật tuyệt! Phê-rô đã gián tiếp so sánh mình với anh em, để qua đó diễn tả lòng trung thành của ông. Hơn nữa, Phê-rô còn đưa cả cuộc sống để chứng tỏ lòng mình: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy”. Có thể, trái tim của Phê-rô dành cho Chúa là thật, nhưng khi va chạm thực tế như “vàng thử lửa”, thì mới biết rõ rệt lời ông nói từ trái tim và hành động có tương hợp nhau không. Chúa Giê-su lắng nghe và chắc chắn Ngài biết rõ trái tim của Phê-rô, và Chúa cũng thấu hiểu sự yếu đuối dễ thoái lui của ông. Sau khi chối Chúa ba lần, Phê-rô trở về lại với con người thật của mình, để rồi khóc lóc ăn năn hối lỗi. Cuối cùng, ông trở thành một nhân chứng sống động cho Chúa, một vị tông đồ cả với quá khứ lầm lỡ và biết bắt đầu lại từ chính mình. Bắt đầu từ mình là trở về với mình, là “tu thân” trước hết, để rồi sau đó là hành trình cộng tác với Chúa trong việc tông đồ rao truyền Lời Chúa và Nước Chúa. Thật vậy, chúng ta cần phải khiêm tốn, phải bắt đầu từ chính mình, như thánh I-nhã nói, nếu chúng ta muốn bắt đầu hành trình theo Chúa và cộng tác với Chúa để thay đổi thế giới. Cuộc đời I-nhã luôn là một cuộc đời “tu thân”. Từ biến cố bị thương ở Pamplona I-nhã bước vào một hành trình ăn năn, hối lỗi, từ bỏ mình, tu tỉnh bản thân, ra khỏi mình, để rồi cuộc đời Ngài hoàn toàn quảng đại hiến dâng cho Chúa. Chính vì thế, I-nhã đã gởi đến cho con cái và những ai sống theo linh đạo của ngài một tâm tình thật tốt lành: “Ai toan tính canh tân thế giới, phải bắt đầu từ chính mình, nếu không người ấy chỉ tốn công vô ích”. §
Hồn sống trong ngày
Hôm nay mời bạn cùng tôi phản tỉnh lại. Có điều gì ta cần phải “tu – sửa đổi” trong lúc này? Khi nhận ra điều đó, ta xin Chúa ban ơn để giúp ta “tu thân” điều đó nhé! 14
Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 14.8.
15.8 W Lời Chúa (Ga 8,7). “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. ¥ Lời thánh I-nhã Nếu tội của người anh em quá hiển nhiên mà bạn không thể làm ngơ cách chính đáng, thì đừng khiển trách người phạm tội, nhưng khiển trách sự nặng nề của cơn cám dỗ người ấy gặp, vì nhớ rằng chính bạn có thể sẽ vấp ngã nặng nề như người ấy, hay còn tệ hơn nữa.15 §
Suy niệm
Xét đoán, lên án và kết tội người khác là khuynh hướng mà con người thường hay mắc vào. Có lẽ một đàng vì con người không chấp nhận lầm lỡ tội lỗi, đàng khác “đeo bám” theo các hành động xét đoán lên án và kết tội người khác, chính là thói kiêu căng ngạo mạn của bản thân và những điều tiêu cực khác quy về chính mình. Lời Chúa Giê-su nói với đám đông đưa người phụ nữ ngoại tình đến với Chúa và bắt Chúa xét xử chị là một lời thức tỉnh mạnh mẽ. Khi thấy người khác lầm lỡ và tội lỗi, thì nên thế nào? Thánh I-nhã đưa ra những thái độ rất tích cực: trước hết là đừng khiển trách lên án người phạm tội, vì người đó cũng đáng thương lắm à! Vậy điều gì nên khiển trách? “Khiển trách sự nặng nề của cơn cám dỗ người ấy gặp”. Một cách thức khá lạ lẫm, một cuộc đối thoại với chính cám dỗ nặng nề, để qua đó “sự dữ với cám dỗ” lộ diện. Tiếp đến, là một hành động nhớ lại thân phận yếu đuối mỏng dòn của mình, cũng như ý thức rằng: “mình có thể sẽ vấp ngã nặng nề như người ấy, hay còn tệ hơn nữa”, nếu mình rơi vào cám dỗ nặng nề đó. Tinh thần phản tỉnh, khiêm tốn và ý thức về phận người của mình là những thái độ cần thiết trên hành trình sống Đức Tin. Đúng thật, ai ai trong chúng ta cũng sẽ bỏ đi không dám kết án chị phụ nữ tội lỗi, khi Chúa Giê-su chạm đến cái cốt lõi thật hèn yếu của chúng ta. §
Hồn sống trong ngày
Hôm nay mời bạn cùng tôi phản tỉnh lại một lần nữa. Có điều gì ta cần phải “tu – sửa đổi” trong lúc này? Khi nhận ra điều đó, ta xin Chúa ban ơn để giúp ta “tu thân” điều đó nhé!
15
Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 15.8.
16.8 W Lời Chúa (Mt 20,28). “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em”. ¥ Lời thánh I-nhã Về phần rỗi của tha nhân, uy quyền là cần thiết, nhưng không phải thứ quyền lực tham dự vào uy quyền phù phiếm của thế gian.16 §
Suy niệm
Uy quyền là điều cần thiết trong việc phục vụ và việc tông đồ. Đi đôi với uy quyền là trách nhiệm và yêu thương, để phục vụ anh chị em và để giúp cho phần rỗi linh hồn của anh chị em tốt hơn nữa. Trong việc tông đồ và với trách nhiệm được trao, như trưởng ca đoàn, trưởng các hội đoàn Công Giáo tiến hành, là Ban Chấp Hành của Cộng Đoàn Giáo Xứ, khi nào ta còn thực thi uy quyền theo tinh thần “dùng uy quyền để phục vụ và yêu thương”, thì ta đang sống đúng tinh thần Tin Mừng Chúa mời gọi: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em”. Tuy nhiên, đi theo với uy quyền luôn là cám dỗ người tông đồ lạc bước vào trong con đường phù phiếm thế gian. Thánh I-nhã nhận ra rõ ràng điều này và ngài đã nhắc nhớ chúng ta cẩn trọng không dùng uy quyền theo kiểu của thế gian, là đi tìm cái tôi của mình, đánh bóng “danh mình”, thoả mãn khuynh hướng thích quyền lực. Chắc chắn sự dữ sẽ không buông tha, nếu người tông đồ có trách nhiệm và được trao uy quyền lại có khuynh hướng thích làm lớn theo kiểu thế gian, mà quên đi căn tính “người phục vụ”. §
Hồn sống trong ngày
Hôm nay mời bạn và tôi âm thầm phục vụ anh chị em trong một việc nào đó nhé! Phục vụ với tâm tình yêu thương và khiêm tốn, mà không cần khoe khoang, không cần tỏ mình ra, không đi tìm cái tôi của mình.
16
Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 16.8.
17.8 W Lời Chúa (Tv 34,14-15). “Ai là người thiết tha được sống, ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc chứa chan? Phải giữ mồm giữ miệng, đừng nói lời gian ác điêu ngoa; hãy làm lành lánh dữ, tìm kiếm bình an, ăn ở thuận hoà”. ¥ Lời thánh I-nhã Tránh mọi thứ ngoan cố; nhưng khi bạn đã bắt đầu điều gì đó cách tốt đẹp, hãy bám chặt vào nó, và không thối lui cách hèn nhát vì chán nản hay thất vọng.17 §
Suy niệm
Là người ai cũng tha thiết và ao ước muốn làm điều tốt đẹp, vì điều tốt đẹp làm nên giá trị cuộc sống và giúp cho bạn cùng tôi vui sống trong yêu thương và hạnh phúc. Nhưng đôi khi thật khó để bền bỉ với điều tốt đẹp. Nản chí và thối lui có thể xuất hiện, chỉ vì một lời dèm pha, một phản ứng làm mất lòng mình hay vì sự mệt mỏi và sầu khổ nhất định trong tâm hồn. Có thể còn những lý do khác làm “nhụt chí” người con cái Chúa. Thánh I-nhã cho chúng ta một lời khuyên hữu ích: “khi bạn đã bắt đầu điều gì đó cách tốt đẹp, hãy bám chặt vào nó, và không thối lui cách hèn nhát vì chán nản hay thất vọng”. Lời khuyên này tương hợp với hình ảnh và tính cách sống của người hiệp sĩ, mà thánh I-nhã là một mẫu gương điển hình. Kiên vững trong điều tốt đã khởi sự. Bền bỉ thi hành và tiếp tục dấn thân với ý chí mạnh mẽ. Không sợ hãi lời dèm pha. Không tìm lời khen ngợi. Không nhát đảm “giữa đường bỏ cuộc”. Làm điều tốt và bền bỉ với điều tốt, vì điều ta làm tốt cho anh chị em, vì điều ta làm giúp cho cuộc sống con cái Chúa được thăng tiến, vì Chúa rất hài lòng điều ta thực hiện. Vì thế, lời thánh vịnh thật đẹp vang lên kêu gọi chúng ta kiên trung sống tốt lành: “Phải giữ mồm giữ miệng, đừng nói lời gian ác điêu ngoa; hãy làm lành lánh dữ, tìm kiếm bình an, ăn ở thuận hoà”. §
Hồn sống trong ngày
Mời bạn cùng tôi nhớ lại một điều tốt chúng ta đã khởi sự và hiện đang làm. Có lúc nào ta đã nhụt chí muốn rút lui? Nếu có thì tại sao? Âm thầm xin Chúa giúp mình vững vàng, bền bỉ và trung kiên với điều tốt đang thực hiện.
17
Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 17.8.
18.8 W Lời Chúa (Rm 6,13) “Anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa”. ¥ Lời thánh I-nhã Phục vụ thế gian cách nửa vời thì không sao; nhưng phục vụ Thiên Chúa cách nửa vời thì không thể chịu được.18 §
Suy niệm
Thánh Phao-lô kêu gọi tín hữu ở Rô-ma, sau khi xa lánh sự bất chính và lìa bỏ con đường phục vụ tội lỗi, nghĩa là họ như những người trở về từ cõi chết, giờ đây họ cần chú tâm hoàn toàn bước đi trên con đường mới. Đó là con đường phục vụ Thiên Chúa qua cách sống công chính của họ. Đàng sau lời kêu gọi này, chúng ta thấy phảng phất hình ảnh của chính thánh Phaolô. Sau khi ngài được ơn hoán cải trở về, sống đối với ngài là Đức Ki-tô. Ngoài ra, thánh nhân còn “đòi hỏi” các tín hữu phải hiến toàn thân phục vụ cho Thiên Chúa. Đó là cách thức sống của các tín hữu, của các vị thánh. Thánh I-nhã sau khi đã được Chúa ban ơn hoán cải qua biến cố bị thương ở Pamplona, Ngài cũng đã lần mò để tìm ra con đường theo Chúa. Cuối cùng Ngài đã sống tinh thần phục vụ Chúa cách triệt để và hoàn toàn. Vì thế, thánh nhân kêu gọi bạn và tôi cần chú ý, khi sống tinh thần phục vụ Chúa ta cần dấn thân hoàn toàn, đừng giữ lại gì cho riêng mình, và tránh hoàn toàn lối sống phục vụ nửa vời, làm cho xong, làm cho có việc để gọi là phục vụ, là làm việc tông đồ. §
Hồn sống trong ngày
Hôm nay bạn hãy chú ý đến một điều bạn phục vụ Chúa và Giáo Hội hay phục vụ anh chị em. Bạn hãy chú tâm phục vụ với toàn bộ con người của bạn, không theo kiểu nửa vời, cũng không chờ đợi lời khen và sự công nhận.
18
Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 18.8.
19.8 W Lời Chúa (Rm 7,15) “Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm”. ¥ Lời thánh I-nhã Thực sự hiếm có ai biết được hết những yếu đuối của mình, trừ khi Thiên Chúa tỏ lộ chúng cách đặc biệt cho họ19. §
Suy niệm
Lời của thánh I-nhã mở ra cho chúng ta nhận ra một điểm: Khi chúng ta khiêm tốn cầu xin Chúa soi sáng giúp cho chúng ta nhận biết mình hơn, thì Chúa sẽ ban ơn để chúng ta nhận ra được hết những yếu đuối của bản thân. Nghĩa là Thiên Chúa, Đấng dựng nên chúng ta, thấu hiểu bạn và tôi hơn cả chúng ta hiểu biết mình. Điều đó rất thật, vì kinh nghiệm sống cho chúng ta nhận biết những khoảnh khắc “tôi chẳng hiểu tôi”, như chính thánh Phao-lô chia sẻ về cuộc chiến đấu nội tâm của Ngài. Đó là tôi không hiểu tại sao tôi lại làm những điều tôi không muốn, và rồi có những điều tôi muốn mà tôi lại không làm. Dù muốn hay không, vẫn luôn có một sự giằng co trong con người chúng ta. Hơn nữa, đôi khi con người không thể thắng được khuynh hướng và sức mạnh của sự dữ, của xác thịt. Vì thế, mà thánh Phao-lô đã thốt lên rằng: “Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” (Rm 7,24). Trong khiêm tốn và tin tưởng, thánh nhân đã nhận ra chính Chúa Giê-su là Đấng cứu thoát: “Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!” (Rm 7,25). Thật hồng phúc cho chúng ta, vì Chúa Giê-su thấu suốt mọi tâm can chúng ta, cả thiện lẫn ác, và cũng chính Ngài giải thoát chúng ta khỏi khuynh hướng tiêu cực của thần dữ. §
Hồn sống trong ngày
Hồn sống hôm nay là gì vậy? Xin mời bạn cùng tôi dành vài giây phút. Chúng ta đọc kinh sáng soi và xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn ta nhận ra được một lầm lỗi nào mà chúng ta vướng mắc, dù rằng chúng ta không muốn làm điều đó. Trong âm thầm, đọc kinh cáo mình và khiêm tốn xin Chúa biến đổi chúng ta.
19
Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 19.8.
20.8 W Lời Chúa (Lc 23,42-43). “Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: ‘Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!’ Và Người nói với anh ta: ‘Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng’.”. ¥ Lời thánh I-nhã Tưởng tượng đang ở trước mặt Đức Kitô Chúa chúng ta nằm trên Thánh Giá, tâm sự cùng Ngài: vì đâu Chúa là Đấng Tạo Hóa, Chúa đã xuống thế làm người, và vì đâu Chúa là Đấng hằng sống, Chúa đã chịu chết và chết như thế này vì tội lỗi tôi.20. §
Suy niệm
Hoán cải ăn năn là điều căn bản và quan trọng trong đời sống Đức Tin và tâm linh của bạn và tôi, những Ki-tô hữu. Trong tiến trình Linh Thao, thánh I-nhã đã giúp cho mọi người suy gẫm về chính lầm lỡ của bản thân, bằng cách “đặt mình trước Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng yêu thương chúng ta, đang bị treo trên Thánh Giá”. Với tâm tình khiêm tốn, mắt hướng nhìn lên Thánh Giá Chúa, bạn cùng tôi mở lời với Chúa: “Chúa ơi, Chúa là Đấng dựng nên con và muôn loài muôn vật, Chúa cao cả và uy quyền, nhưng tại sao Chúa lại trở nên người và mặc lấy phận xác hèn mỏng dòn của chúng con? Tại sao Chúa lại đón nhận các điều tệ hại nhân loại chúng con gây ra và chịu chết đau đớn trên Thánh Giá vậy? Vì sao Chúa lại chết thương tâm như vậy?” Vì tội lỗi của nhân loại chúng ta đó bạn! Nhưng không chỉ thế! Cuộc sống của bạn và của tôi không chỉ dừng lại ở thứ Sáu tuần thánh. Chúa chết để cứu độ mỗi phận người chúng ta, vì Chúa không muốn đánh mất chúng ta, như ngày xưa Chúa không đánh mất anh trộm lành trên Thánh Giá và đáp lời cầu xin của anh: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”. Đó là tình yêu cao vời của Đấng Tạo Dựng. Ngài tạo dựng nên ta để ta sống hạnh phúc vĩnh cửu tại ngôi vườn vinh phúc. Vì tội lỗi, ta đã đánh mất nguồn hạnh phúc đó. Năng động của tình yêu lại tiếp tục chảy, để rồi Chúa mặc lấy phận người chúng ta, để cứu độ và đưa chúng ta về lại “ngôi vườn hạnh phúc vĩnh cửu” của ngày đầu tiên đó. §
Hồn sống trong ngày
Xin mời bạn cùng tôi khiêm tốn trở về với phận người hèn yếu tội lỗi của mình, như người trộm lành trên thập giá. Cùng với anh, chúng ta cầu nguyện thật nhiều lần với Chúa lời này nhé: “Chúa Giê-su ơi, khi Chúa vào Nước của Chúa, xin nhớ đến con!” 20
Linh Thao. Số 53a.
21.8. W Lời Chúa (Pl 1,21). “Đối với tôi, sống là Đức Kitô”. ¥ Lời thánh I-nhã Cũng nhìn vào chính mình tôi mà tự hỏi: tôi đã làm gì? tôi đang làm gì? và tôi phải làm gì cho Chúa Kitô. Cuối cùng nhìn Chúa treo trên Thánh Giá như thế và suy ngắm theo những điều hiện đến trong trí tôi.21. §
Suy niệm
Các vị ẩn tu sống vào thế kỷ thứ hai và thứ ba trong sa mạc ở Ai-cập đã kể lại một câu truyện sau: “Ngày nọ một thầy tu trẻ tìm đến với vị ẩn tu lớn tuổi nhiều kinh nghiệm và đầy khôn ngoan. Anh ta hỏi: ‘Thưa cha, xin cha giải thích cho con, tại sao có nhiều người đã đến để tập sống đời tu trì, nhưng chỉ có một số người trung thành ở lại, phần nhiều thì lại trở về’. Vị ẩn tu trả lời: ‘Con hãy nghe một câu truyện giống như thế. Khi một con chó nhìn thấy con thỏ, thì nó sẽ săn lùng và đuổi bắt con thỏ đó. Nó vừa chạy vừa sủa to. Các con chó khác nghe tiếng sủa của con chó này, thì cũng bắt đầu chạy theo. Cả một đàn chó cùng chạy, nhưng chỉ có một con chó chăm chú nhìn con thỏ đang chạy, và chỉ có nó thực sự mới theo sát con thỏ với đôi mắt mở to. Các con chó còn lại không nhìn thấy con thỏ, chúng chỉ cắm đầu cắm cổ chạy theo mà không có mục đích rõ rệt, và rồi hết con này đến con khác bỏ cuộc, vì chúng mệt mỏi và hết sức. Như thế, con nào có mục đích rõ rệt và luôn hướng nhìn đến mục đích mà nó có, thì sẽ bền đỗ đến cùng, và cuối cùng sẽ bắt được con thỏ, sẽ đạt được mục đích của nó”. Vị ẩn tu già nói tiếp: “Con thấy chưa, với các tu sĩ cũng thế. Chỉ có những ai giữ đôi mắt của mình luôn hướng nhìn lên Chúa Giê-su, Đấng bị đóng đinh vì chúng ta, thì người đó sẽ đạt được đích đến”. Quy về Chúa Ki-tô là con đường và lẽ sống của các vị thánh. Thánh Phao-lô thốt lên trong thư gởi tín hữu thành Phi-lip-phê: “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô”. Trong cuộc chiến đấu cho Đức Tin, thánh tông đồ dân ngoại kêu gọi các tín hữu không sợ hãi, mà một lòng một dạ với Chúa Giê-su, và chăm chú về Ngài trong suốt hành trình cuộc sống. Thánh I-nhã, cũng mời gọi bạn và tôi, trong hành trình tâm linh, khi chúng ta thống hối ăn năn, lúc chúng ta dấn thân trong phục vụ, điều quan trọng chúng ta luôn hướng nhìn lên Chúa Giêsu trên Thánh Giá và tự hỏi: “Tôi đã làm gì, tôi đang làm gì, và tôi phải làm gì cho Chúa Kitô, Đấng đã yêu thương và cứu chuộc tôi?” §
Hồn sống trong ngày
Hôm nay mời bạn cùng tôi hãy dành ít nhất 15 phút, ở trước Thánh Giá Chúa Giê-su, suy gẫm về tình yêu Chúa Giê-su dành cho ta trong suốt đời. Cuối cùng, rút ra một điều gì ta cần làm, cần sống cho Chúa Giê-su, như là một nghĩa cử đơn sơ đáp lại tình yêu Chúa. 21
Linh Thao. Số 53b.
22.8 W Lời Chúa (Ga 21,15). “Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: ‘Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?’ Ông đáp: ‘Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy’. Đức Giê-su nói với ông: Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”. ¥ Lời thánh I-nhã Xin được lòng hiểu biết thâm sâu về Chúa, Đấng đã làm người vì tôi, để được yêu mến Ngài hơn và theo Ngài.22 §
Suy niệm
Để hành trình theo bước Chúa thật sự có ý nghĩa, được trọn vẹn và tràn đầy sức sống, người tín hữu cần liên lỷ xin Chúa ba điều mà thánh I-nhã gợi ý: “Hiểu biết thâm sâu về Chúa Giê-su, để qua đó yêu mến Chúa nhiều hơn và theo Chúa Giê-su sát hơn”. Thật vậy, ai biết Chúa càng nhiều với tâm hồn và với cả tri thức, người đó càng được hút đến gần hơn với trái tim Chúa, và khi chìm sâu trong tình yêu của Chúa, thì người đó lại càng ao ước và cố gắng theo bước Chúa sát hơn. Đó là con đường hội nhất của đầu, của trái tim và của đôi chân. Nói khác đi là con đường của toàn bộ con người theo bước Chúa. Thánh Phê-rô, tông đồ cả theo bước Chúa với trái tim đầy lửa, nhưng lại vấp ngã ngay sau khi đã thề hứa trung thành. Với lòng thương xót Chúa ban và giọt nước mắt ăn năn của thánh nhân, ngài tìm lại được con đường theo Chúa. Trên đường đó, Phê-rô đã khẳng quyết tình yêu của ngài với Đấng Phục Sinh đến ba lần. “Thầy biết con yêu mến Thầy”. Yêu qua trí hiểu, yêu qua trái tim và yêu qua đôi chân đấy chứ! Phần bạn và tôi thì thế nào? Chúng ta theo bước Chúa với tâm tình nào vậy? Chúng ta hiểu biết Chúa ra sao? Cái hiểu của tri thức và cái hiểu của trái tim. Bước đường theo Chúa của chúng ta lúc này ra sao, có theo gần hay là đi xa xa Chúa, hay là đã mất bóng dáng Chúa rồi? §
Hồn sống trong ngày
Hôm nay, xin bạn cùng tôi dành ra ba khoảnh khắc trong ngày: Trưa – chiều và tối. Mỗi khoảnh khắc gồm ba phút và chúng ta suy gẫm thân thưa với Chúa Giê-su lời cầu nguyện sau: “Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa. Xin cho con được lòng hiểu biết thâm sâu về Chúa hơn, để con yêu mến Chúa nhiều hơn và theo Chúa sát hơn”.
22
Linh Thao. Số 104.
23.8 W Lời Chúa (Rm 8,35). “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?”. ¥ Lời thánh I-nhã Sau khi xong lễ, lúc cầu nguyện, vài ba rung cảm nội tâm mới, thổn thức và nước mắt, tất cả trong tình yêu mến Chúa Giêsu. Thưa với Người là ước mong thà chết với Người còn hơn sống với ai khác.23 §
Suy niệm
Kế bên tập sách Linh Thao, thánh I-nhã còn để lại một số tác phẩm khác. Trong đó có Nhật Ký tâm hồn hay còn gọi là Những cảm nghiệm nội tâm. Nhật ký này do thánh I-nhã viết hầu như mỗi ngày trong vòng hơn một năm, từ ngày 2.2.1544 đến ngày 27.2.1545. Đặc biệt, ngài diễn tả lại những rung cảm nội tâm và những kinh nghiêm thiêng liêng thần bí của ngài. Lời thánh I-nhã chúng ta đọc hôm nay được trích từ nhật ký đề ngày 02.3.1544. Với ân sủng thiêng liêng Chúa ban, thánh I-nhã chìm sâu trong tương quan với Chúa Giê-su: “tất cả trong tình yêu mến Chúa Giê-su”. Tình yêu dành cho Chúa Giê-su là tất cả đối với thánh nhân, đến nỗi ngài mong ước kết hiệp mãi mãi với Chúa, sống gần bên và gắn bó với Chúa. Ngoài Chúa ra, thánh I-nhã không muốn sống với ai khác. Đó là lẽ sống của ngài. Trong tâm tình sâu lắng này, có thể nói không có gì tách thánh nhân ra khỏi tình yêu dành cho Chúa Giê-su, như lời thánh Phao-lô diễn tả: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? ”. §
Hồn sống trong ngày
Hôm nay, mời bạn cùng tôi chọn một tấm hình Chúa Giê-su. Ta đưa theo tấm hình đó vào hành trình ngày sống. Ba khoảnh khắc trong ngày, và mỗi khoảnh khắc gồm ba phút ta suy gẫm thân thưa với Chúa Giê-su lời cầu nguyện sau: “Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa. Xin cho con được lòng hiểu biết thâm sâu về Chúa hơn, để con yêu mến Chúa nhiều hơn và theo Chúa sát hơn”.
23
Thánh I-nhã, Những rung cảm nội tâm. Người dịch: Hoàng Sóc Sơn. Số 95.
24.8 W Lời Chúa (Mt 13,27-30). “Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: ‘Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?’ Ông đáp: ‘Kẻ thù đã làm đó!’ Đầy tớ nói: ‘Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?’ Ông đáp: ‘Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi’.”. ¥ Lời thánh I-nhã Đừng gạt bỏ những gì không phải xấu xa tự bản chất, vì có thể có sự lạm dụng, làm như vậy có thể khép đường làm vinh danh Thiên Chúa hơn.24 §
Suy niệm
Dụ ngôn cỏ lùng và lúa tốt có một điểm rất lạ: người chủ không đồng ý với đề nghị của đầy tớ là nhổ ngay cỏ lùng, ngược lại ông muốn để cho cỏ lùng cùng lớn lên với lúa tốt cho tới mùa gặt rồi tính: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt”. Câu trả lời của Chủ không tương hợp với suy nghĩ và tính cách của đầy tớ, của con người. Sự khôn ngoan của con người không phải là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Thực ra, Thiên Chúa để cỏ lùng và lúa tốt cùng lớn lên chung với nhau, vì nơi Thiên Chúa tràn đầy sự hy vọng. Thiên Chúa hy vọng kẻ xấu hay điều xấu là cỏ lùng một ngày nào đó sẽ được lúa tốt là người lành thánh, điều lành thánh ảnh hưởng, và nhờ đó cỏ lùng có thể trở thành lúa tốt. Qua dụ ngôn này, chúng ta thấy Chúa luôn đặt niềm hy vọng nơi con người. Trong tâm tình này, chúng ta nhận ra ý tưởng của thánh I-nhã thật chí lý. Đừng gạt và loại bỏ ngay những gì bề ngoài mang dáng vẻ xấu xí, vì cái bề ngoài đó không thể tỏ lộ bản chất thật bên trong. Hơn nữa, ở bên trong vẫn tiềm ẩn những tiềm lực tốt, một lúc nào đó có thể Chúa sẽ cho “vươn mình” và nở rộ hương thơm, để qua đó Thiên Chúa được vinh danh. Có lẽ đó chính là kinh nghiệm của thánh I-nhã, từ một hiệp sĩ theo đuổi vinh danh trần thế, với ơn Chúa đã trở nên hiệp sĩ làm vinh danh Thiên Chúa. Kế bên I-nhã, chúng ta còn nhận ra các vị thánh với quá khứ thật nhiều “cỏ lùng”. Đó là thánh Augustino, thánh Charles de Foucauld. Vâng, “Thiên Chúa biết vẽ những đường thẳng trên những đường cong”. §
Hồn sống trong ngày
Tình yêu luôn kiên nhẫn và luôn nuôi nấng niềm hy vọng. Hôm nay, mời bạn cùng tôi nhìn đến một ai đó mà chúng ta cho rằng không biết bao giờ họ mới được biến đổi. Trong âm thầm, chúng ta nhớ đến họ, dâng họ lên Chúa và cầu nguyện cho họ, để Chúa biến đổi họ nhé! 24
Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 24.8.
25.8 W Lời Chúa (Mc 6,31). “Người bảo các ông: ‘Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút’. Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa”. ¥ Lời thánh I-nhã Một ít thánh thiện và sức khỏe thể xác tốt thì giúp đỡ các linh hồn được nhiều hơn là rất thánh thiện nhưng ít sức khỏe25. §
Suy niệm
Sau những ngày vất vả rao giảng Lời Chúa và giúp đỡ cùng xức dầu, chăm sóc và chữa lành những người đau yếu, các tông đồ trở về. Mác-cô thuật lại rằng, khi trở về các ông đã kể lại cho Chúa Giê-su nghe những gì các ông đã làm trên hành trình sứ vụ. Sau đó, Chúa Giê-su mời gọi các môn đệ cần phải tìm nơi thanh vắng, để các ông thanh thản nghỉ ngơi. Thái độ của Chúa Giê-su cho chúng ta nhận biết điều Chúa quan tâm là sức khoẻ của các môn đệ. Cuộc sống người tông đồ không chỉ là bận bịu lo toan và hoàn thành sứ vụ, mà thanh vắng và nguyện cầu, nghỉ ngơi và giải trí lành mạnh, cũng như trách nhiệm lo cho sức khoẻ thân xác và tinh thần của bản thân, cũng cần được người tông đồ chú ý tới. Thánh I-nhã đã chú ý tới điều này và nhắc nhớ bạn và tôi chú ý đến sức khoẻ thân xác, vì “một ít thánh thiện và sức khỏe thể xác tốt thì giúp đỡ các linh hồn được nhiều hơn là rất thánh thiện nhưng ít sức khỏe”. §
Hồn sống trong ngày
Hồn sống hôm nay là 20 phút sống nghỉ ngơi và thanh thản trong thanh vắng bên Chúa. Bỏ hết mọi sự bạn nhé, nhất là cần phải bỏ điện thoại smartphone hay Iphone qua một bên. Bạn hãy tìm nơi nào bạn thanh vắng cho 20 phút nghỉ ngơi này!
25
Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 25.8.
26.8 W Lời Chúa (2Cr 5,9). “Nhưng, dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Chúa”. ¥ Lời thánh I-nhã Có phải Thiên Chúa đặt bạn trong thế giới này để rồi bạn có thể sống như thể chẳng có thiên đàng hay hỏa ngục? Có phải việc được cứu độ là việc dễ dàng đến độ bạn chẳng cần phải băn khoăn gì về nó?26 §
Suy niệm
Cuộc sống của bạn và của tôi thật là huyền nhiệm. Trong sự huyền nhiệm này chúng ta vẫn nhận biết và xác tín rằng: Vì yêu thương bạn và tôi, Thiên Chúa đã cho chúng ta vào đời. Vào đời với trách nhiệm Chúa trao, là sống để tôn vinh và phụng sự Chúa, là sống có trách nhiệm với linh hồn của mình, nói khác đi sống cuộc đời đúng theo Chúa muốn, và theo tinh thần của thánh Phao-lô là sống với “tham vọng là làm đẹp lòng Chúa”. Thánh I-nhã nhắc nhớ chúng ta về trách nhiệm này cách rõ rệt qua vấn nạn ngài đặt ra: “Có phải Thiên Chúa đặt bạn trong thế giới này để rồi bạn có thể sống như thể chẳng có thiên đàng hay hỏa ngục? Có phải việc được cứu độ là việc dễ dàng đến độ bạn chẳng cần phải băn khoăn gì về nó?”. Lời của thánh nhân mời gọi chúng ta tránh xa lối sống vô trách nhiệm với chính linh hồn mình, lối sống không màng tới đời sau, lối sống chỉ đi tìm thoả mãn những gì mình thích và không màng tới điều Thiên Chúa mong muốn nơi chúng ta. Tích cực hơn, chúng ta cố gắng và nỗ lực sống với tham vọng: làm đẹp lòng Chúa. Làm đẹp lòng Chúa trong lời nói, làm đẹp lòng Chúa trong suy nghĩ, làm đẹp lòng Chúa trong hành động. Chắc chắn, khi bạn và tôi làm đẹp lòng Chúa trong mỗi khoảnh khắc và mỗi hơi thở, thì đời sống ở đời này của chúng ta có khép lại, thì cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu bên Chúa ở đời sau lại mở ra cho chúng ta. §
Hồn sống trong ngày
Hôm nay mời bạn cùng tôi chú ý làm đẹp lòng Chúa 3 điều sau: Nói điều gì tốt lành làm đẹp lòng Chúa. Suy nghĩ điều gì tích cực làm Chúa vui lòng và hành động một điều gì làm cho Chúa “mỉm cười”. 26
Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 26.8.
27.8 W Lời Chúa (Lc 12,20-21). “Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó". ¥ Lời thánh I-nhã Nếu chúng ta phải chết lúc này, thì điều gì sẽ xảy ra cho chúng ta? Chúng ta sẽ trả lẽ thế nào về bao sự giàu có, ân huệ và bạn hữu bị ra hư hỏng27? §
Suy niệm
“Sống ở đời để làm gì?” Là con cái của Chúa, bạn và tôi nên trả lời câu hỏi trên như thế nào? Nhìn vào cuộc sống, người người chạy theo tiền bạc vật chất. Bất kể làm lụng vất vả bao nhiêu, bất kể sức khoẻ thế nào, vẫn “đầu tắt mặt tối” làm giàu cho bản thân. Có người làm đến kiệt sức, rồi bệnh hoạn đến trong thời gian ngắn, và cái chết “xếp hàng” đến ngay sau. Của cải thu tích trong nhà băng, con số trong tài khoản thật dài, nhưng không thể tiễn biệt người ra đi một lời nào cả. Rồi có cả gia đình dựa trên của cải vật chất được gọi là “đại gia”, nghĩa là “gia đình bự”. Tiền nhiều vung tay, nên đành phải chạy theo tiền đang bay, đến nỗi con cái cũng không còn thấy bóng dáng cha mẹ ở nhà. Để trấn an con, để tỏ cho con biết mình quan tâm, cha mẹ trong “gia đình bự” trao tay con cái tiền núi, tiền thùng, đồ hiệu đánh bóng mọi thứ của cải con dùng. Nhưng kết cục là không ít “thiếu gia”, tên con cái của “đại gia”, trở thành những bạn trẻ “thiếu gia đình”, đã tìm đến xì ke, ma tuý và rồi đánh mất hoàn toàn ý nghĩa cuộc sống. “Sống ở đời để làm giàu”. Đó là câu trả lời cho câu hỏi trên. Nhưng với con cái Chúa cần phải thêm vài chữ: “Sống ở đời để làm giàu trước mặt Thiên Chúa”, như Tin Mừng nhắc nhớ. Chỉ khi nào ta ý thức “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”, thì khi Chúa đến gõ cánh cửa đời ta, các thiên thần mới xuất hiện ở cửa thiên quốc, nở nụ cười mở cửa đón nhận chúng ta vào. Cái chết đến không bao giờ hẹn trước. Thánh I-nhã gởi đến chúng ta một câu nói theo thể đặt điều kiện bất ngờ, để chúng ta ý thức sống đời này cho thật ý nghĩa, và khi cái chết đến chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng: “Nếu chúng ta phải chết lúc này, thì điều gì sẽ xảy ra cho chúng ta? Chúng ta sẽ trả lẽ thế nào về bao sự giàu có, ân huệ và bạn hữu bị ra hư hỏng?” §
Hồn sống trong ngày
“Sống ở đời để làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. Hôm nay, mời bạn cùng tôi làm một điều gì đó diễn tả chúng ta đang làm giàu trước mặt Thiên Chúa. 27
Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 27.8.
28.8 W Lời Chúa (Hc 1,18). “ Lòng kính sợ Đức Chúa là tuyệt đỉnh của khôn ngoan, mang lại bình an và sức khoẻ dồi dào”. ¥ Lời thánh I-nhã Có lúc ma quỷ lấy đi tất cả nỗi sợ hãi để bạn vấp ngã; lúc khác nó gia tăng sợ hãi, để bạn có thể đầu hàng, và cả hai đều hủy hoại bạn.28 §
Suy niệm
Dù muốn dù không, sợ hãi vẫn đến với phận người. Có nỗi sợ dễ dàng huỷ hoại cuộc sống của bạn và của tôi, nhưng cũng có nỗi sợ thật ích lợi cho đời sống Đức Tin và tâm linh của ta. Sách Huấn Ca viết: “Lòng kính sợ Đức Chúa là tuyệt đỉnh của khôn ngoan, mang lại bình an và sức khoẻ dồi dào”. Như thế, kính sợ Chúa là nỗi sợ thật cần thiết, bởi vì lòng kính Sợ Chúa không huỷ hoại cuộc sống chúng ta, mà ngược lại còn “đẩy” chúng ta đến gần với Chúa. Hơn nữa, lòng kính sợ Chúa còn là cái khung quý báu, để chúng ta ý thức sống đúng huấn luyện Chúa truyền và xa tránh mọi cám dỗ của thần dữ, của ma quỷ, và không sa lầy vào vũng bùn tội lỗi. Thánh I-nhã cho chúng ta nhận ra mánh lới của ma quỷ, là chúng dùng “sợ hãi” để thao túng chúng ta. Đôi khi nó đưa sợ hãi tới và đôi khi nó lấy sợ hãi đi, nhưng rốt cùng nó muốn đẩy đưa chúng ta đến sự huỷ hoại. Thật vậy, có lúc ma quỷ “nói nhỏ” với chúng ta “đừng sợ gì cả, chẳng ai biết đâu, cứ chơi bời cho thoả chí; đừng sợ gì cả, chẳng ai có quyền trách cứ bạn, cứ thoả mãn đam mê nhục dục, cờ bạc, ma tuý cho thoả lòng”. Nhưng cuối cùng là ngõ cụt đợi ta ở cuối đường và cái chết thê lương chào đón chúng ta. Vì thế, kính sợ Thiên Chúa chính là tuyệt đỉnh của khôn ngoan mà con cái Chúa, là bạn và tôi cần có. Thật vậy, càng kính sợ Chúa, chúng ta càng không dễ dàng “mắc bẫy” ma quỷ. Càng kính sợ Chúa, chúng ta càng tìm được bình an trong tâm hồn và thể xác chúng ta lại được mạnh khoẻ. §
Hồn sống trong ngày
Bạn hãy chọn cho bạn một cách sống diễn tả “lòng kính sợ Chúa”. Có thể là quỳ sụp trước Chúa, có thể là chắp tay hướng nhìn lên Chúa… Trong suốt ngày sống hôm nay, bạn hãy làm cử chỉ đó nhiều như có thể nhé!
28
Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 28.8.
29.8 W Lời Chúa (Ep 4,1-2). “Anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau”. ¥ Lời thánh I-nhã Đừng bao giờ mâu thuẫn với bất cứ ai, dù có lý do hay không; nhưng luôn chấp nhận những gì người khác chấp thuận29. §
Suy niệm
Tương quan giữa người và người luôn là điều thật quý báu. Vì qua tương quan đó, mỗi người có thể sống tinh thần yêu thương và được yêu thương, và từ đó cuộc sống được thăng tiến và trở nên phong phú dồi dào hơn. Tuy nhiên, vì sự khác biệt giữa nhau, nên không phải lúc nào tương quan cũng đằm thắm, hài hoà và vui vẻ được. Có những lúc căng thẳng nặng nề đến và không ít lần tương quan đứng trước bờ vực đổ vỡ. Chưa kể đến những tật xấu của mỗi người, cũng như sự yếu đuối thiếu trưởng thành của con người dễ bị cảm xúc tiêu cực “buồn, giận, ghen…” điều khiển. Như thế, làm sao để có thể giữ tương quan với người khác được tốt đẹp? Thánh I-nhã khuyên chúng ta tránh mâu thuẫn với người khác, tránh cách sống “chỉ trích và chống đối người khác”, ngược lại đón nhận họ như họ là, chấp nhận họ với những gì họ có. Nhưng đón nhận và chấp nhận một cách tích cực dựa trên chính tình bác ái yêu thương, cùng sự khiêm tốn, hiền lành và kiên nhẫn. Đó cũng là điều mà thánh Phao-lô mời gọi các tín hữu ở Ê-phê-sô: “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau”. Đức mến, tình bác ái chính là nền tảng, là động lực và là “ánh sao” hướng dẫn chúng ta sống tương quan với người trong gia đình, và với anh chị em khác chúng ta gặp trên đường. §
Hồn sống trong ngày
Hôm nay, mời bạn cùng tôi ý thức tập sống để đức mến và tình bác ái hướng dẫn chúng ta. Cụ thể, nhìn lại suy nghĩ, cảm xúc đang có, ta tự hỏi xem các suy nghĩ và cảm xúc này có đến từ tình bác ái và đức mến không? Trước khi nói bất cứ lời nào, trước khi viết bất cứ dòng chữ nào trên facebook, Viber, WhatsApp… và trước khi đưa tay thực hiện điều gì, đều suy xét xem lời nói, dòng chữ và hành động này có đến từ tình bác ái và đức mến không.
29
Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 29.8.
30.8 W Lời Chúa (Đnl 13,6). “Anh em phải khử trừ sự gian ác không cho tồn tại giữa anh em”. ¥ Lời thánh I-nhã Những gì độc hại trong sách thì phát tán xa, trừ khi ngăn chặn nó ngay từ đầu.30 §
Suy niệm
Cuộc sống không chỉ có không khí trong lành, mà bao làn khói đen đang bao phủ đời người. Tâm hồn con người không chỉ mang những nét đẹp và tốt lành như yêu thương, bác ái, tin tưởng, thứ tha, cảm thông, mà trong con người chúng ta vẫn luôn có những điều rất tối tăm của sự ác đeo bám. Đôi khi sự tối tăm đó đến từ bên trong chúng ta, và đôi khi chúng ta thấy sự tối tăm với vị gian ác độc hại đến từ bên ngoài và tìm cách “đeo bám” chúng ta. Thánh I-nhã nhận biết rõ rệt sự nguy hiểm của những gì độc hại có thể làm lụn bại phận người, nên ngài đã mời gọi bạn và tôi tỉnh thức: “Những gì độc hại trong sách thì phát tán xa, trừ khi ngăn chặn nó ngay từ đầu”. Vâng, ngay từ đầu bạn nhé! Khi thấy phảng phất “mùi hôi” khó ngửi của độc hại, chúng ta cần phải ngăn chặn chúng ngay. Đừng để cảm xúc tức tối với ai đó làm cho mình “giận mất khôn”. Đừng để cho cảm xúc “ghen tỵ” với ai đó làm cho mình thốt lên những lời “thiếu trưởng thành và thiếu khôn ngoan”. Đừng để cho cảm xúc nhục dục nổi lên qua hình ảnh thiếu lành mạnh hay qua cử chỉ cám dỗ của ai đó làm cho mình “nhảy vào tương quan” nguy hiểm có thể làm tan nát gia đình, làm đổ vỡ đời sống hôn nhân vợ chồng. Lời Chúa trong sách Đệ Nhị Luật cũng mời gọi chúng ta: “Anh em phải khử trừ sự gian ác không cho tồn tại giữa anh em”. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng mỗi người chúng ta nhận ra sự gian ác và độc hại có thể làm cho tâm hồn chúng ta ra nhơ bẩn, và làm cho cuộc sống chúng ta mất đi bình an và hạnh phúc, và giúp chúng ta biết tránh xa sự độc hại gian ác đó. §
Hồn sống trong ngày
“Anh em phải khử trừ sự gian ác không cho tồn tại giữa anh em. Những gì độc hại trong sách thì phát tán xa, trừ khi ngăn chặn nó ngay từ đầu”. Hôm nay, mời bạn cùng tôi dành 30 phút cầu nguyện với câu Lời Chúa và lời thánh I-nhã ở trên. Trong cầu nguyện và dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, ta cùng suy xét xem có gì là độc hại và gian ác đang “đeo bám”, ảnh hưởng và điều khiển cuộc sống ta? Có thể viết xuống những điều đó, và xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết gạt bỏ chúng nhé! 30
Lời hay ý đẹp của Thánh I-nhã. Lời của ngày 30.8.
31.8 W Lời Chúa (1Tx 5,21-22). “Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa”. ¥ Lời thánh I-nhã Đặc tính của kẻ thù là yếu nhược, khiếp đảm và bỏ chạy với những chước cám dỗ của nó, khi người tập tành trong đàng thiêng liêng thẳng tay chống trả các cám dỗ của nó bằng cách làm điều ngược hẳn lại.31. §
Suy niệm
Xấu và tốt như mảnh tối và mảnh sáng có mặt ở khắp nơi. Lúc thì bất ngờ, khi thì trong dự liệu.Lúc thì dễ dàng nhận ra, khi thì phải mày mò mới biết cái gì là tối và xấu thật, cái gì là sáng và tốt thật. Là con người, bạn và tôi phải đối diện với xấu và tốt, tối và sáng. Đối diện có nghĩa là chúng ta “đứng thẳng với khả năng phân định xem xét” mọi sự trong ánh sáng của Thần Khí. Thánh Phao-lô khuyên nhủ các tín hữu rất rõ ràng, để nhận biết tốt và xấu cần cân nhắc mọi sự. Cân nhắc là cẩn trọng và không vội vàng, là từng bước suy đi nghĩ lại, là so sánh điều này điều khác, là suy xét và lựa chọn điều tốt ra khỏi điều xấu, mảnh sáng ra khỏi mảnh tối. Cuối cùng là thái độ quyết định gìn giữ cái tốt và mảnh sáng cho đời mình, và gạn lọc cùng lánh xa mảnh tối và điều xấu xa. Thánh I-nhã là một trong những bậc thầy của phân định thiêng liêng. Trong các quy tắc phân định, ngài còn giúp chúng ta nhận biết cách thức và khuynh hướng hoạt động của thần dữ yếu nhược trước những tâm hồn tràn đầy sức mạnh của Thần Khí Chúa. Vì thế, ngài đã đưa ra cho chúng ta một cách để xa lánh và gạn lọc điều xấu, mảnh tối và thần dữ. Đó là: làm điều ngược hẳn lại – agere contra. Bị cám dỗ vào facebook để tán gẫu với một người đang có ý gạ gẫm ta, ta liền làm điều ngược lại là không vào internet, để điện thoại ở nhà và ra ngoài đi dạo hay tập thể dục một lúc lâu. Bị cám dỗ hùa theo nói xấu người khác, ta liền làm điều ngược lại là chấm dứt câu chuyện nói xấu người khác, và thay vào đó là lần chuỗi cầu nguyện cho người bị nói xấu. Bị cám dỗ trong cảm xúc là ghen tỵ với ai đó và trong đầu tự nhiên có ý nghĩ xấu về người kia và dự định sẽ nói những lời làm mất lòng họ, ta liền làm điều ngược lại là “nói không” với cảm xúc ghen tỵ, và đi làm một điều gì tốt lành cho bản thân. §
Hồn sống trong ngày
Ta chú ý tập xa lánh một điều gì tiêu cực, xấu xa và tối tăm với cách thức “agere contra” nhé! 31
Linh Thao. Số 325b.
Quaûng Ñaïi Hieán Daâng Lôøi kinh cuûa Thaùnh Ignatio Loyola
q = 65 - Taâm tình
Laïy Chuùa Gieâ
bieát phuïng söï
ñi
Chuùa
nhö
maø khoâng tính
toaùn,
hôn laø ñöôïc bieát
con
ngöôøi
Chuùa. Naøy laø töï
con moïi söï
hieåu cuûa con
Ngaøi.
CODA
Xin
ban
A
phuïng
tình
bieát
cho
thaân maø khoâng mong chôø phaàn thöôûng naøo
yù
Chuùa.
Con xin daâng
Chuùa
con. Nhöõng gì con coù xin daâng laïi cho
söï,
ñaïi,
do, yù chí cuûa con. Naøy laø trí Naøy laø töï do, yù chí cuûa con.
ñeàu
ñaáu khoâng ngaïi thöông tích, bieát laøm
thi haønh
quaûng
con ñang
cuûa
bieát soáng
ñöôïc
bieát chieán
vieäc khoâng tìm nghæ ngôi, bieát hieán
con
Chuùa ñaùng
su! Xin Chuùa daïy
Lm. AÂn Ñöùc, 91
ñeàu thuoäc veà thuoäc veà
yeâu
vaø
-
men!
nhôù, trí hieåu cuûa Naøy laø trí nhôù, trí
Chuùa. Xin duøng Chuùa.
aân
con theo thaùnh yù
suûng
-
1.
Chuùa.
A
-
-
2.
Chuùa.
men!