6 minute read
Tâm tình của một “nhà báo” không chuyên
Tâm tình
CỦa MỘT “NHà báo” kHÔNG CHuyêN
Advertisement
Cẩm hường Từ khi trở thành cộng tác viên của bản tin Đầu tư Phát triển, khi tháng 6 đến, nghe báo đài nhắc nhiều đến Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, lòng tôi lại bồi hồi, xao xuyến…
Người ta hay bảo cái nghiệp nó chọn người chứ không phải người chọn nghiệp. Thời đi học tôi rất mê viết lách, thích văn thơ nhưng lại học kinh tế. Rồi tôi tốt nghiệp và về đầu quân BIDV Tiền Giang từ năm 2008. Tôi đã công tác ở phòng Khách hàng doanh nghiệp, Quản trị tín dụng, Quản lý rủi ro, và giờ là phòng Khách hàng cá nhân. Ở mỗi phòng nghiệp vụ là một mảng chuyên môn khác biệt và mới mẻ, là mảnh đất màu mỡ để học hỏi và rút ra nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Tôi bận rộn và say mê trong“cuộc hôn nhân” nhiều hạnh phúc và đầy gia vị với BIDV. Tôi ưa vận động và thích lăn xả với các phong trào của cơ quan, các hoạt động đoàn thể. Là bí thư đoàn thanh niên nhiệm kỳ 2017-2019 và hiện là ủy viên ban chấp hành CĐCS, tôi có thêm nhiều điều kiện để hòa mình vào những chuyến đi thiện nguyện, các phong trào thể thao, văn nghệ gắn kết giữa anh em đồng nghiệp, góp bước chân vào những hoạt động hướng đến cộng đồng, tất cả trở thành chất liệu cuộc sống, thành những kỷ niệm không thể nào quên. Như một cái duyên, tôi trở thành cộng tác viên của bản tin Đầu tư Phát triển. Tôi còn nhớ như in cảm giác ấy, vui mừng như gặp lại “bạn cũ” khi lại tiếp tục được nuôi dưỡng đam mê viết lách của mình. Và cảm giác lần đầu tiên bài của mình được đăng, một cảm xúc rất khó tả. Nhưng khi đã có cái quyền được viết, thì viết gì, viết như thế nào mới là điều quan trọng hơn hết, và không ít lần khiến tôi trăn trở. Đối với tôi, được viết là cả một niềm vinh hạnh, không phải viết cho vui hay viết cho có bài để gửi. Ở chi nhánh, có rất nhiều hoạt động, nhiều phong trào mang màu sắc rất riêng, nếu không viết kịp thời, sẽ không đảm bảo được tính thời sự và chính xác. Có những tấm gương người tốt việc tốt, những chân dung cuộc sống nếu như không có người viết về họ, sẽ không ai hoặc ít người biết đến, như ngọc giấu ẩn trong đá, không thể kịp thời biểu dương và nhân rộng. Tôi thầm nghĩ, là nhà báo chuyên nghiệp hay chỉ là một cộng tác viên kiêm nhiệm với công tác chuyên môn, một khi có trong tay quyền được viết thì phải thật công tâm và có trách nhiệm trên ngòi bút của mình.
Nhân tháng 6 – tháng của những nhà văn nhà báo, tôi xin gửi lời chúc đến tất cả các anh chị, các bạn đang công tác liên quan đến nghiệp cầm bút, và các biên tập viên, cộng tác viên giống như tôi, chúng ta đều có quyền tự hào và đáng được trân trọng với những gì chúng ta đã viết bằng tất cả tâm, tình và trí tuệ!
Và tôi sẽ tiếp tục viết bằng tất cả sự đam mê và nhiệt thành của một cộng tác viên bản tin Đầu tư và Phát triển!
“Em ơi, nắng rọi ở trên đầu Chắc tay phím gõ những thanh cao Tình yêu chan chứa tim mùa cũ Viết tiếp cho vừa những ngày sau…”
Bắt đầu từ đó!
mộng Châu
15 năm công tác trong ngành Ngân hàng, tôi đâu ngờ có ngày lại trở về với nghề viết. Cái duyên đưa tôi đến với nghề, khiến tôi thay đổi suy nghĩ đã có của cô học sinh chuyên văn không thích “cầm bút” ngày nào…
Tôi vốn là dân chuyên văn nhưng tôi không thích viết văn. Má tôi vẫn thường nói:
Con học văn nhưng sao khô khan quá! Tính khí như con trai.
Tôi nhoẻn miệng cười:
Biết sao giờ hả má? Má sinh con ra là vậy mà! Vả lại, tại con thích vậy!
Và rồi năm tháng trôi qua, tôi bước chân vào ngưỡng cửa đại học. Tôi cũng không có suy nghĩ gì về nghề viết lách. Bởi tôi từng nghĩ, mình chẳng biết viết về cái gì? Viết như thế nào? Độc giả của mình là ai? Và rất nhiều câu hỏi cứ đặt ra...
Ra trường, với hành trang kiến thức sau 4 năm đại học, tôi xin vào làm việc tại ngân hàng. Công việc và cuộc sống mưu sinh hàng ngà khiến tôi quên mất mình vốn dĩ là học sinh lớp chuyên văn ngày nào.
Và thời gian cứ thế trôi qua, 15 năm công tác tại ngân hàng, tôi cũng chẳng còn bận tâm đến điều đó nữa.
…
Một ngày đầu năm 2018, đơn vị tôi tổ chức phát cơm từ thiện cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện đa khoa và Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh Tiền Giang. Tôi vốn là Bí thư Đoàn thanh niên nên hầu như tất cả các hoạt động phong trào tại đơn vị đều tham gia. Tôi cảm thấy việc phát cơm này thật ý nghĩa, vừa nâng cao hình ảnh, vừa thể hiện tính nhân văn và tình người của BIDV. Thế là tôi sưu tầm những bức ảnh đẹp và hỏi thăm các anh chị đi trước về cách gửi bài đăng đến Bản tin Đầu tư và Phát triển. Tôi cặm cụi viết. Bài viết đầu tay với tôi cũng khá vất vả. Tôi chăm chút từng câu, từng chữ...
Công sức của tôi đã được bù đắp khi tháng đó, bài của tôi được đăng trên Bản tin Đầu tư và Phát triển. Cảm giác vui sướng thật khó tả. Tôi không nghĩ là mình lại có thể làm được. Chợt nhớ lại những suy nghĩ trước đó, tôi nhận ra rằng mình đã hoàn toàn sai. Tôi có thể viết, viết mọi vấn đề xảy ra trong đời sống hàng ngày đang được mọi người quan tâm, viết bằng cảm xúc thật sự của chính mình.
Và thế là, “nghề viết lách” của rôi bắt đầu từ đó!
Tôi say mê viết thêm những bài cộng tác cho bản tin Đầu tư Phát triển và luôn tìm thấy niềm yêu thích trong công việc này. Những bài viết mang lại cho tôi niềm vui và sự hứng khởi sau những giờ làm việc chuyên môn căng thẳng. Đến với nghề tay trái này là cái duyên, nhưng tôi biết để theo đuổi nó còn phải nỗ lực rất nhiều.
Nhân kỉ niệm 96 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, kính chúc toàn thể các anh/chị phóng viên, nhà báo lời chúc tốt đẹp nhất. Chúc anh/chị thật nhiều sức khỏe, giàu nhiệt huyết vững bước với nghề và gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng nền báo chí Việt Nam.