7 minute read
tạo nền tảng để đất nước phát triển nhanh và bền vững Vượt qua thách thức, tiến đến thành tựu mới
Vượt qua thách thức
tiến đến thành tựu mới
Advertisement
Hà AN
2021- năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng ngân hàng cũng có thuận lợi từ những thành tựu đã đạt được trong nhiều năm qua. Linh hoạt trong giải pháp, kiên định với mục tiêu, các ngân hàng kỳ vọng tiếp tục vượt qua thách thức, tiến đến thành tựu mới.
từ Định hướng của ngân hàng nhà nước
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trên cơ sở chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và các đánh giá, nhận định về tình hình kinh tế, vĩ mô, tiền tệ và các mục tiêu đặt ra cho năm 2021, NHNN đã xây dựng và bắt đầu triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngay từ những ngày đầu năm. Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, lãnh đạo NHNN yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành tập trung triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm.
Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thuận lợi, rõ ràng cho hoạt động điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Hai là, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng phù hợp với mục tiêu ổn định lạm phát (bình quân khoảng 4%), ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, tăng Dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi. Năm 2021, NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12%; tín dụng tăng khoảng 12%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Ba là, điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…
Bốn là, tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống. Xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2021- 2025. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của TCTD, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, các đối tượng là TCTD còn yếu kém. Thực hiện tăng vốn cho các NHTM do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ nhằm bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng…
Sáu là, tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hệ số tín nhiệm và niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào cơ chế, chính sách và hoạt động của ngành ngân hàng.
Bảy là, tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, công tác chỉ đạo điều hành…
Lãnh đạo NHNN yêu cầu, trên cơ sở mục tiêu định hướng của NHNN, các TCTD xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2021 phù hợp với định hướng, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của NHNN; Tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay…
…Đến thách thức Đối với nhtm
Thời điểm này, hầu hết NHTM đã xây dựng xong kế hoạch kinh doanh. Điểm chung của các kế hoạch được công bố tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 là ngân hàng vẫn đặt mục tiêu về lợi nhuận cao
hơn năm ngoái; tiếp tục tái cơ cấu mở rộng thị phần vào những thị trường ngách mà ngân hàng có lợi thế; đồng thời nâng cao năng lực quan trị điều hành, khả năng cạnh tranh trên thương trường. Mục tiêu và giải pháp của mỗi NHTM khác nhau, nhưng để thực hiện thắng lợi kế hoạch hoạt động kinh doanh năm nay, NH đều phải vượt qua những thách thức: tiếp tục tái cơ cấu, xử lý nợ xấu; giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay; đồng thời đảm bảo tăng trưởng tín dụng sao cho an toàn, hiệu quả…
Trước mắt, thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN sắp được ban hành. Tinh thần chung là các TCTD sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro cho những khoản đã cơ cấu lại nợ cho khách hàng từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2020. Theo thống kê của NHNN, đến 25/12/2020 các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 355 nghìn tỷ đồng. Để giảm sức ép cho TCTD, NHNN đã xây dựng phương án giãn thời hạn phải trích lập dự phòng của các khoản nợ này trong ba năm. Các chuyên gia dự báo, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, các TCTD “tính đúng, tính đủ” tỷ lệ nợ xấu của dư nợ gần 355 nghìn tỷ đồng sẽ khiến tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể nhích tăng lên 3,5 - 4% trong năm 2021; Kịch bản xấu hơn, nền kinh tế phục hồi chậm, sản xuất kinh doanh của khách hàng ngưng trệ thì tỷ lệ này có thể lên đến 14%.
Việc phải tăng trích lập dự phòng rủi ro sẽ làm tăng chi phí, dẫn đến giảm lợi nhuận của NH. Chưa kể, năm nay NHNN yêu cầu các TCTD tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên cũng sẽ khiến NIM của NH thấp. Thu từ tín dụng thấp buộc NH phải tăng thu từ mảng phi tín dụng. Để giải bài toán này các NHTM đã, đang thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ. Thuận lợi là trong bối cảnh “bình thường mới” nhu cầu và thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi, hướng đến sử dụng nhiều hơn sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Các NH đều có cơ hội mở rộng thị phần nhờ số hóa sản phẩm dịch vụ. Tuy nhiên, cùng với cơ hội, thách thức cũng rất lớn. Bởi, không chỉ các NHTM mà tới đây nhiều tổ chức cung ứng dịch vụ khác cũng sẽ được tham gia thị trường dịch vụ tài chính số. Đơn cử, sau khi eKYC chính thức được cấp phép, tới đây sẽ có thêm nhiều đơn vị không phải là NH được triển khai. Không những thế, thời gian tới cơ quan quản lý sẽ cho triển khai thí điểm hàng loạt cơ chế mới, mở rộng sân chơi đến nhiều tổ chức, đơn vị ngoài Ngành. NHNN đang hối hợp với Bộ, ngành liên quan nghiên cứu và đã có Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép thí điểm các mô hình dịch vụ tương tự mô hình NHTM giao đại lý cung ứng các dịch vụ thanh toán; Triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Một cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng cũng đang được xây dựng…
Nhiều NHTM đang tranh thủ sự khởi sắc thị trường chứng khoán để lên sàn, tăng vốn hóa thị trường; hay tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài… Nếu không duy trì được những con số đẹp trong báo cáo tài chính, ngân hàng sẽ khó thu hút được nhà đầu tư, mất lợi thế trong đàm phán với đối tác. Hơn nữa trong bối cảnh thị trường có nhiều yếu tố bất định, ngân hàng không chỉ cần sức khỏe tài chính mà còn phải có năng lực quản trị, điều hành tốt để đứng vững, tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên thị trường.