3 minute read
Tủ sách Hay – Sạch – Đẹp
Sách và thói quen đọc sách có vai trò quan trọng trong hành trình học hỏi, trưởng thành của mỗi cá nhân. Đối với một doanh nghiệp, việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc sách không chỉ góp phần nâng cao giá trị nguồn nhân lực, mà còn thúc đẩy quá trình đổi mới, sáng tạo trong hoạt động kinh doanh. Hưởng ứng đề án “Xây dựng và thực hành văn hoá học hỏi - sáng tạo” nhằm làm tiền đề cho sự đổi mới, sáng tạo và phát triển của BIDV, Quầy sách chi nhánh Từ Sơn đã ra đời bối cảnh thật đặc biệt: hướng tới kỷ niệm 65 năm thành lập BIDV và 15 năm thành lập chi nhánh Từ Sơn.
Quầy sách được đặt tại Tầng 7 trụ sở chi nhánh, nằm trong khuôn viên khu vực sinh hoạt chung của chi nhánh. Không gian của khu vực quầy sách rất yên tĩnh, khung cảnh đẹp, bao quát cả thành phố. Mỗi tủ sách được trang trí nhẹ nhàng, và phân chia ngay ngắn theo chủ đề phục vụ trong công việc và đời sống như kỹ năng bán hàng, sách hay về cuộc sống, tủ sách văn học, tủ sách về sức khỏe, lãnh đạo, quản lý… Với phương châm sách là tài sản chung của tất cả mọi người, mỗi cán bộ đều có thể chia sẻ những cuốn sách hay với đồng nghiệp cũng như mượn sách tại thư viện dễ dàng. Sau mỗi giờ làm việc hay vào các giờ nghỉ trưa, cán bộ chi nhánh có thể thỏa sức hòa mình vào không gian đọc yên tĩnh và thả hồn vào những trang sách hay.
Advertisement
Trong kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0, cán bộ ngân hàng thời đại mới nếu phối hợp hài hòa việc khai thác thế mạnh của internet cùng với đọc sách truyền thống chắc chắn sẽ mang lại cho mỗi người những phương pháp thu nạp tri thức hiệu quả, thiết thực không chỉ cho việc học tập mà còn cả cho cuộc sống và sự nghiệp. nguyễn HoA
Người Thăng long
“Người Thăng Long” là tiểu thuyết của Nhà văn Hà Ân viết về triều đại nhà Trần trong bối cảnh trước và trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai, với nhân vật chính là Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật - một người Thăng Long nổi tiếng thanh lịch, cởi mở và tài hoa. Sự trưởng thành của Chiêu Văn Vương trong tâm hồn và hành động gắn liền với sự chuẩn bị của nhà Trần cho cuộc kháng chiến chống lại đội quân hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ, gắn liền với quá trình gắn kết ngày càng bền chặt của dòng họ Đông A.
Đã từng đọc nhiều tiểu thuyết lịch sử của Việt Nam viết về triều đại nhà Trần nhưng tôi vẫn yêu thích các tiểu thuyết của Nhà văn Hà Ân hơn cả. Dưới ngòi bút tài tình của ông, những sự kiện diễn ra cách đây hơn 700 năm hiện ra rất sống động, giống như ông đã từng được chứng kiến những sự kiện đó vậy. Đọc tiểu thuyết, tôi có thể cảm nhận được sự trang trọng đến nghẹt thở của buổi lễ thề ở đền Đồng Cổ, không khí sôi động của trận phết ở sân điện Thiên An, không khí khẩn trương chuẩn bị chiến tranh của triều đình và người dân Thăng Long, sự ác liệt của trận đánh ở cửa Hàm Tử... Các nhân vật lịch sử cũng được ông miêu tả rất tinh tế. Nội dung của tiểu thuyết bám sát vào các tình tiết của chính sử, không hư cấu quá đà nhưng tiểu không khô khan, cứng nhắc. Đó chính là cái tài của Nhà văn Hà Ân, và cũng là lý do tại sao tôi thích các tác phẩm của ông đến vậy. THu TrAng