6 minute read

Học tập trong thời toàn cầu hóa cạnh tranh

HOÀNG VĂN THỌ*

Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, cạnh tranh giữa các tổ chức thuộc mọi loại hình khác nhau ngày một gay gắt. Để doanh nghiệp đứng vững và phát triển, nâng tầm vị thế, một giải pháp hiệu quả nhận được nhiều sự quan tâm là xây dựng tổ chức học tập…

Advertisement

Những hình mẫu về học tập

Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều tổ chức đang được coi là hình mẫu về tổ chức học tập (TCHT). Kết quả các tổ chức đó thu nhận được thông qua phát triển tổ chức học tập là rất đáng chú ý.

AT&T, hãng cung cấp dịch vụ điện thoại di động lớn thứ hai và dịch vụ điện thoại cố định lớn nhất ở Hoa Kỳ, từng phát triển chương trình đào tạo có tên “AT&T Innovative Training Program”. Mục tiêu của chương trình là thúc đẩy năng suất của các kỹ sư phần mềm. Qua đó, hãng xác định “star performent” và hoạt động tốt nhất của họ, sau đó giao cho họ nhiệm vụ đào tạo và hỗ trợ huấn luyện. Kết quả là năng suất của các kỹ sư đã tăng 10% ngay trong năm, tăng 25% mỗi năm sau đó, cải thiện đáng kể nhận thức của các nhà quản lý về năng suất của kỹ sư.

Tại Google, 80% hoạt động đào tạo là hướng dẫn, tập huấn nội bộ (Googler-to-Googler). Bên cạnh đào tạo trên lớp, công ty sử dụng hình thức bài học nhỏ (microlearning). Một trong số cách học rất hiệu quả là email gợi ý (whisper course) gửi đến các nhà quản lý. Theo khảo sát của Google, các nhà quản lý sau ”whisper course” cải thiện 22 - 40% cách thức điều hành. Google cũng khẳng định, văn hóa học tập là văn hóa chia sẻ. Nhân viên chia sẻ những gì họ học, bí quyết, kinh nghiệm trong công việc qua blog và những buổi trình bày. Công ty còn có thư viện (Userlike Library), nơi mọi người chia sẻ những cuốn sách yêu thích. Để khuyến khích học ngoài giờ làm việc, công ty sử dụng hình thức trả lương ngoài giờ.

Tại Việt Nam, Vingroup cũng là ví dụ điển hình. Năm 2017, Vingroup đặt tham vọng trở thành “Tập đoàn học tập”, tạo điều kiện cho mọi thành viên điều kiện nâng cao kiến thức, phát triển bản thân. Học tập là yêu cầu bắt buộc và là cách để nhân viên đáp ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường. Đặt ra mục tiêu 100% quản lý đều phải dạy và 100% nhân viên toàn hệ thống đều phải học, công ty đã thể chế hóa việc học tập và chia sẻ bằng cách quy định mỗi nhân viên phải hoàn thành thời gian giảng dạy và tham gia các khóa đào tạo tùy theo thâm niên và cấp bậc (tập trung hoặc đào tạo trong công việc - training on job). Mỗi cấp

quản lý mỗi tuần phải dành 1giờ đào tạo cho nhân viên. Mỗi năm, 1 nhân viên có khoảng 100 giờ đào tạo, không đạt chỉ tiêu sẽ bị cắt phúc lợi bổ sung (không phạt).

BIDV cần phải làm gì?

Đề án ‘’Xây dựng và thực hành văn hóa học hỏi, sáng tạo tại BIDV’’ được công bố tháng 4/2019. Đề án đặt mục tiêu: ‘’Đến năm 2025, BIDV sẽ trở thành tổ chức học tập, sáng tạo’’ và được Ban lãnh đạo BIDV đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, để hệ thống có thể đạt được mục tiêu đó, các đơn vị thành viên phải là “tổ chức học tập con” và cần thiết thực hiện một số giải pháp:

Thứ nhất, xây dựng môi trường (văn hóa, chính sách…) khuyến khích học hỏi, sáng tạo. Môi trường đó đáp ứng yêu cầu: Toàn thể người lao động cảm thấy “an toàn” trong việc học hỏi, đóng góp, phát huy sáng tạo; đánh giá cao sự khác biệt; cởi mở với những ý tưởng mới; có thời gian cho việc học hỏi, đánh giá công việc để tự hoàn thiện; ghi nhận và truyền thông rộng rãi giá trị văn hóa học hỏi (truyền thông, hình thành những câu chuyện, giai thoại về tinh thần học hỏi, sáng tạo…).

Thứ hai, xây dựng hệ thống hạ tầng hướng tới học tập, sáng tạo. Cụ thể là xây dựng quy trình, nguyên tắc thực hành, công cụ để có thể tổ chức học tập thành công (quy định về việc tổ chức học tập; hệ thống thư viện, máy móc, công nghệ; đội ngũ giảng viên). Hiện nay, một số quy định/công cụ thực hiện phổ biến, đã chứng minh hiệu quả mà các đơn vị có thể áp dụng như: Quy trình AAR (After Action Review), Phương pháp 5W1H (What? Where? … How?);…

Thứ ba, thúc đẩy vai trò của lãnh đạo đơn vị trong học tập, sáng tạo. Lãnh đạo là ‘’linh hồn của tổ chức’’, vì vậy lãnh đạo đơn vị vừa phải là tấm gương vừa chú trọng chỉ đạo quyết liệt đến công tác tổ chức họp tập.

Thứ tư, phát triển học tập cá nhân. Nội dung này sẽ bao gồm: thiết lập các sổ tay nghiệp vụ; xây dựng bộ tài liệu giới thiệu về đơn vị, các hoạt động nghiệp vụ và các chuẩn mực; tổ chức chương trình đào tạo thường xuyên nhằm duy trì và phát triển thói quen học tập, duy trì nền tảng kiến thức chuyên môn và cập nhật kiến thức mới.

Thứ năm, phát triển học hỏi nhóm thông qua một số giải pháp như: Khuyến khích giải quyết công việc theo nhóm nghiệp vụ và nhóm đa chức năng; lên kế hoạch, thực hành việc phân công hướng dẫn, kèm cặp cán bộ mới; Hướng dẫn việc thực hiện thường xuyên công tác đánh giá lại công việc theo nhóm, sử dụng các phương pháp khoa học [AAR, PDCA (Plan - Do - Check – Act)]; xây dựng quy trình/hướng dẫn cơ chế quản lý tri thức trong đơn vị từ hoạt động nhóm.

Là một định chế lớn nên cán bộ, nhân viên BIDV còn cần tăng cường học hỏi từ môi trường bên ngoài (từ đối tác, đối thủ, tổ chức cập nhật thông tin, tiếp xúc với các định chế, hiệp hội bên ngoài…).

Học tập là một cuốn vở không có trang cuối. Với BIDV, trở thành một tổ chức học tập cần được coi là một trong những trọng tâm trong Chiến lược phát triển, có như vậy mới có thể đảm bảo sự trường tồn và phát triển bền vững.

(*) Phó Trưởng Ban Chính sách và Giám sát hệ thống

This article is from: