6 minute read
Những bước đi kiên định trong bối cảnh nhiều biến động
Những bước đi kiên định
TRONG BỐI CẢNH NHIỀU BIẾN ĐỘNG
Advertisement
Hà An Trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và hàng loạt Ngân hàng Trung ương các nước liên tục tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng vừa quyết định tăng lãi suất điều hành. NHNN cũng đã có những động thái quyết liệt nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế...
Tăng lãi suấT điều hành - bước đi hợp lý và có Trách nhiệm
Ngày 22/9/2022, FED quyết định tăng lãi suất thêm 0,75% và sau 05 lần điều chỉnh tăng lãi suất, đưa lãi suất điều hành (federal funds rate) lên mức 3-3,25%/năm, đồng thời FED dự báo tiếp tục tăng lãi suất và duy trì trên 4%/năm sau năm 2023 để kiềm chế lạm phát; chỉ số USD tăng cao kỷ lục so với nhiều năm trở lại đây. Việc FED liên tục gia tăng lãi suất đã kích hoạt động thái tương tự ở một loạt Ngân hàng Trung ương trên thế giới. Động thái tăng lãi suất của FED cũng khiến nhiều đồng tiền giảm giá mạnh so với đô la Mỹ. Lũy kế từ cuối năm 2021 tới 20/09/2022, so với USD, Yên Nhật (JPY) giảm 25,18%, Won (KRW) giảm 17,57%, Nhân dân tệ (CNY) giảm 10,9%, Euro (EUR) giảm 13,49%, Bảng Anh (GBP) giảm 20,02%...
Trong khi đó, từ đầu năm 2022 đến nay, theo tính toán của giới chuyên môn VND mới mất giá khoảng 4,2%. Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế mở, hơn 90% nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị phục vụ cho xuất khẩu đều phải nhập khẩu. Do đó, việc để đồng VND mất giá lớn sẽ tác động tiêu cực đến nhập khẩu, tác động đến mặt bằng giá trong nước. Do đó, theo ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN: Ưu tiên lớn nhất trong điều hành chính sách tiền tệ là phải cố gắng giữ tỷ giá ổn định, từ đó hạ nhiệt lạm phát. Nhưng về nguyên lý, không thể cùng lúc ổn định lãi suất và tỷ giá. Khi FED tăng nhanh, mạnh lãi suất với tốc độ tăng cao
nhất trong vòng 40 năm đã dẫn đến mặt bằng chung tỷ giá toàn cầu xáo trộn, buộc một loạt NHTW thế giới tăng lãi suất để đảm bảo tỷ giá đồng tiền của họ không mất giá quá lớn.
Tại Việt Nam, ngày 23/9/2022, NHNN quyết định điều chỉnh tăng thêm 1% đối với các mức lãi suất điều hành tái cấp vốn, tái chiết khấu, cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng; tăng thêm 0,3% đối với trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; tăng thêm 1% đối với trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng. “NHNN thấy rằng cần phải điều chỉnh lãi suất để làm sao một mặt hóa giải những cú sốc kinh tế vĩ mô, cũng như neo giữ được tâm lý kỳ vọng lạm phát của dân chúng và đạt được những mục tiêu về lạm phát mà Chính phủ, NHNN đặt ra từ đầu năm, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Phạm Chí Quang phân tích thêm.
Việc tăng lãi suất điều hành của NHNN được các chuyên gia đánh giá là bước đi hợp lý và có trách nhiệm với kinh tế vĩ mô nói chung. Vì khi FED tăng lãi suất thì áp lực đối với tỷ giá hối đoái của Việt Nam cũng tăng lên, đồng nghĩa với việc buộc đồng Việt Nam phải giảm giá trị, trong khi thâm hụt cán cân vãng lai của Việt Nam trong năm là khá lớn. Việc tăng lãi suất điều hành của NHNN trong bối cảnh hiện nay vừa làm giảm áp lực lên lạm phát, đồng thời cũng giúp một phần giảm áp lực lên tỷ giá. Mức tăng 1 điểm phần trăm là không quá lớn, không tác động nhiều đến việc hỗ trợ quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng lại tăng thêm khả năng Việt Nam có thể giữ được ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngay sau khi NHNN tăng lãi suất, các ngân hàng thương mại lập tức điều chỉnh tăng lãi suất huy động khiến một mặt bằng lãi suất huy động mới được thiết lập (sau cả một quá trình liên tục tăng nhỏ giọt từ đầu năm đến nay). Hiện lãi suất huy động tăng khoảng 1,5% so với cuối năm 2021. Các kỳ hạn dưới 6 tháng đã ở mức trần 5%; lãi suất cao nhất trên thị trường đã ở mức gần 8%/năm. Với lộ trình tăng lãi suất của FED, các chuyên gia dự báo sang năm 2023, NHNN sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất cơ bản khiến mặt bằng lãi suất huy động sẽ tăng thêm ít nhất 0,5% nữa.
Kiên định mục Tiêu Kiểm soáT lạm pháT
Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021. Tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, nhờ đó đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng. NHNN đã có đợt điều chỉnh room tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại...
Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động mạnh, chính sách tiền tệ trong nước bị tác động lớn, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, mục tiêu quan trọng ưu tiên số một trong điều hành là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm giá trị tiền đồng. Mục tiêu thứ hai là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tạo điều kiện nhanh chóng để khôi phục nền kinh tế sau dịch, đảm bảo tăng trưởng kinh tế trên 6,5% như mục tiêu Quốc hội đề ra. Đồng thời, tiếp tục đảm bảo thanh khoản của các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế; đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng bằng các công cụ kiểm soát, các chỉ số đảm bảo an toàn của các tổ chức tín dụng, tăng cường công tác thanh tra, giám sát. Về lãi suất, NHNN điều hành phù hợp với diễn biến lạm phát và thị trường trong và ngoài nước. NHNN sẽ kêu gọi các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí, ứng dụng công nghệ hiện đại để giảm bớt chi phí, từ đó hạ lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Đối với tỷ giá, NHNN tiếp tục điều hành đảm bảo ổn định tỷ giá, duy trì trạng thái ngoại tệ hợp lý theo nhu cầu thị trường.
Trong điều hành tín dụng, NHNN kiên định mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%. Bởi, trong bối cảnh hiện nay việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phẩn kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.