7 minute read
Độc đáo vườn bưởi cảnh cổ thụ ở Hưng Yên
ĐỘC ĐÁO
vườn bưởi cảnh cổ thụ Ở HƯNG YÊN
Advertisement
HỮU MINH
Bưởi dáng trực, bưởi dáng bay, dáng huyền, bưởi tam thân, bưởi sơn thủy, bưởi phu thê, quần thụ…có vô vàn thế, dáng và tên gọi tạo nên sự độc đáo cho những chậu bưởi cảnh cổ thụ có trị giá hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng đang được các nhà vườn ở Hưng Yên đưa ra thị trường dịp Tết Quý Mão.
Để tận mắt được nhìn ngắm những chậu bưởi cảnh cổ thụ trăm triệu độc nhất vô nhị, chúng tôi đã tìm gặp anh Phạm Văn Hoàn (SN 1988) - chủ vườn bưởi cảnh HKTS Garden cổ thụ nổi tiếng ở Văn Giang (Hưng Yên), một trong những người đi tiên phong trong việc tạo ra dòng chậu bưởi cảnh cổ thụ độc đáo.
CHỦ KÉN CHẬU, CÂY KÉN KHÁCH
Vào thời điểm cách Tết chừng 1 tháng rưỡi, đi dọc mạn thị trấn Văn Giang (Hưng Yên), không khó để du khách có thể nhìn thấy những vườn bưởi cảnh cổ thụ trĩu trịt, lúc lỉu quả. Theo những người chủ vườn ở đây, mùa Tết của bưởi cảnh cổ thụ đã bắt đầu. Do giá trị lớn nên mùa của bưởi cảnh cổ thụ trưng Tết thường sớm hơn cây hoa cảnh Tết thông thường khoảng 1 tháng. Các chậu bưởi cảnh cổ thụ tùy từng kích cỡ, dáng thế, ý tưởng tạo chậu sẽ có mức giá khác nhau, dao động từ vài triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/chậu. Chưa tính giá trị thành phẩm, đầu tư cho một vườn bưởi cảnh cổ thụ vài tỷ đồng là chuyện hết sức bình thường.
Anh Hoàn cắt cành gốc bưởi cổ thụ mới được đưa về để chuẩn bị cho vụ 2 năm tới.
Vườn bưởi cổ thụ cảnh tiền tỷ của anh Hoàn đã sẵn sàng phục vụ Tết Quý Mão
Vì lẽ đó, những nhà vườn đầu tư làm bưởi cảnh cổ thụ ở Văn Giang cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Anh Hoàn cho biết, với vụ bưởi cảnh cổ thụ năm nay, vườn nhà anh đã chuẩn bị hàng trăm chậu. Những chậu bưởi phổ thông đã được khách đặt mua buôn cả vườn. Những chậu còn lại là hàng độc đáo, anh thiết kế riêng để bán lẻ. Đối tượng khách chủ yếu là các đại gia có khuôn viên biệt phủ rộng và có thú chơi cây cảnh độc đáo. Phổ khách hàng rộng từ Bắc cho tới Nam và thường là những khách quen. Số lượng khách thuê trưng Tết có nhưng không nhiều. Chủ yếu khách mua đứt chậu.
“Thời điểm này (giữa tháng 11 âm lịch - PV) các khách chơi chậu độc lạ đã bắt đầu rục rịch liên hệ
Quả bưởi được lựa chọn ghép cây bưởi cảnh cổ thụ là bưởi Diễn hoặc bưởi đỏ.
Gốc bưởi cổ thụ có “thâm niên” lớn nhất trong vườn cây cảnh HKTS.
mua. Mấy hôm trước tôi vừa chuyển 1 chậu về Quảng Ninh, sắp tới sẽ có chậu được chuyển vào phía Nam. Các chậu này thường có mức giá trên dưới 100 triệu, nặng cỡ 4- 5 tấn nên việc vận chuyển cũng rất khó khăn. Thông thường với những chậu cây như vậy, dù xa, tôi vẫn trực tiếp theo xe vào để đảm bảo giao hàng an toàn tận nơi và hướng dẫn cho khách cách chăm bón. Vì lẽ đó, khách của các năm sau cũng chủ yếu là khách quen hoặc khách đã mua giới thiệu”.
Theo anh Hoàn, 1 chậu bưởi cảnh cổ thụ thường trưng được từ tháng Chạp đến hết tháng 4 năm sau. Trái bưởi cảnh chủ yếu là bưởi Diễn, hoặc có một số chậu là bưởi đỏ, được chăm dưỡng hoàn toàn tự nhiên nên gia chủ có thể ăn trái. Cũng có nhiều chủ chơi muốn có tiếp quả, nhà vườn sẽ trực tiếp hỗ trợ ghép quả để có thể chơi lứa tiếp theo.
“Mỗi chậu cây là tâm huyết của cả người trồng lẫn người chơi, bởi với mức giá đó, tôi nghĩ không phải ai cũng chọn cây bưởi để trưng. Vì lẽ đó, tôi rất trân trọng khách hàng của mình khi có một niềm say mê chung với cây bưởi – thứ cây giản dị và đặc trưng của quê hương. Và thực tế, mỗi lần tiếp xúc một vị khách mua cây, tôi lại học được rất nhiều bài học quý giá về cuộc sống”, anh Hoàn tâm sự.
VÌ SAO CÓ TÊN GỌI BƯỞI CẢNH CỔ THỤ?
Tên gọi “bưởi cảnh cổ thụ” bắt đầu xuất hiện và thịnh hành trên thị trường có lẽ khoảng 5 năm trở lại đây. Sở dĩ có tên gọi này là bởi những chậu bưởi cảnh cổ thụ này được tạo bởi các gốc bưởi có tuổi đời đến hàng chục năm, được ghép mắt, ghép quả, tạo thế để trở thành những chậu bưởi cảnh trưng chơi.
Theo chủ vườn HKTS Garden, để tạo ra 1 chậu bưởi cảnh cổ thụ cần thời gian khoảng 2 năm. Trước tiên, các nhà vườn phải đi tìm mua các gốc bưởi cổ thụ, chủ yếu ở vùng Bắc Giang, Hòa Bình hoặc Tuyên Quang. Các gốc bưởi cổ thụ khi được chuyển về, sẽ được trồng chăm dưới đất, cưa cành và ghép mắt bưởi Diễn. Khi cây được 1 tuổi sẽ được đánh lên chậu, quy trình tạo thế, ghép thêm quả (bên cạnh những quả tự nhiên - quả được chọn ghép cũng là bưởi Diễn chính tông) sẽ được thực hiện trong vòng 1 năm, trước khi chậu bưởi được đem ra bày bán. Đây cũng chính là giai đoạn để chủ vườn thể hiện sự sáng tạo, dồn tâm huyết và tạo ý tưởng cho từng chậu cây. Giá trị gia tăng của các chậu cây được quyết định trong giai đoạn này.
“Mỗi chậu bưởi cảnh cổ thụ sẽ có chủ đề, tên gọi và hàm chứa một ý tưởng riêng. Nó là một quần thể có kiến trúc hài hòa từ thế cây, số lượng cây, dáng chậu, màu sắc chậu, các họa tiết phù điêu đắp trên chậu, các chất liệu phụ trợ thêm vào (gỗ lũa, đá, cỏ, hoa, nước…) để cùng tạo nên một ý nghĩa. Vì lẽ đó, thông thường với những chậu có giá trị cao, tôi thường trực tiếp đắp chậu thủ công để làm nổi bật được ý tưởng của mình. Những năm trước, tôi có các chậu mang tên “Cổ vật đương đại”, “Hai dòng sữa mẹ”, “Cội nguồn”… Năm nay, với ý tưởng chung tay vượt khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, tôi làm các chậu thể hiện sự đoàn kết, chung sức, mạnh mẽ với chủ đề “1 cây làm chẳng lên non, 3 cây chụm lại nên hòn núi cao”. Đặc biệt, năm nay tôi sử dụng thêm yếu tố nước ở chậu cây để vừa tạo hài hòa phong thủy vừa đem lại cảm giác thôn quê nhẹ nhàng”, anh Hoàn chia sẻ.
Xen giữa câu chuyện của chúng tôi, là những cuộc điện thoại và những cuộc ghé thăm của khách mua cũng như giới truyền thông ở vườn bưởi của anh Hoàn. Trong cái lạnh se sắt của ngày đông, anh xuýt xoa nói: “Vào mùa bưởi cảnh cổ thụ rồi, lại bắt đầu chuỗi ngày ngủ xe, ngủ lán trông bưởi. Nhưng mùa nào cũng vui vì năm nào cũng là một sản phẩm mới. Lợi nhuận cũng chưa hẳn là thành công vì đầu tư lớn, nhiều rủi ro và kén khách, nhưng tôi hạnh phúc vì tạo được những sản phẩm độc đáo, nâng được giá trị cây cảnh quê mình”.
Mỗi chậu cảnh cổ thụ được xếp vào hàng “hoa hậu” thường có cân nặng từ 4-5 tấn với hàng trăm quả lúc lỉu. Để vận chuyển đi xa, từng quả bưởi đều phải được bọc cẩn thận. Đôi khi, phải đặt lồng sắt để cố định cây trong quá trình vận chuyển.