6 minute read
Cháy bỏng đam mê với nghệ thuật nhiếp ảnh
TẠ TRUNG KIÊN
Cháy bỏng đam mê
Advertisement
VỚI NGHỆ THUẬT NHIẾP ẢNH
Nhiếp ảnh đến với tôi thật tự nhiên, như định mệnh sắp đặt từ trước. Hồi còn nhỏ, tôi có cái tật ở mắt, cứ nhìn ai là nháy nháy, rất buồn cười. Bọn bạn đặt cho biệt danh là “Kiên phó nháy”. Không ngờ, biệt danh đó đã vận vào cuộc sống, giờ tôi trở thành một phó nháy thực sự với niềm đam mê nhiếp ảnh luôn cháy bỏng
Tôi thực sự đam mê và bước chân vào làng nhiếp ảnh nghiệp dư từ năm 2013. Giai đoạn đầu chỉ chụp linh tinh, thích gì chụp nấy, không có chủ đề hay chọn lọc gì. Sự hiểu biết về thiết bị mình đang có, kỹ năng chụp ảnh và xử lý hậu kỳ cho file ảnh sau khi chụp gần như bằng không. Sau gần một năm cầm máy, tôi nhận ra là ảnh mình chụp không thấy đẹp hơn chút nào, trái lại còn xấu đi. Tôi thực sự hoang mang không biết phải bắt đầu từ đâu, nhiều lúc muốn bỏ cuộc chơi vì cảm thấy không còn động lực. Cũng may, tôi gặp được người bạn chơi ảnh tri kỷ, so tuổi đời là đàn em nhưng về nhiếp ảnh là bậc thầy của mình. Chú em nhiệt tình chỉ bảo cách chụp ảnh, các kỹ thuật cơ bản, sử dụng ánh sáng, bối cảnh, tư duy ảnh, định hướng thể loại ảnh… Từ đó, niềm đam mê nhiếp ảnh quay lại với tôi và càng ngày càng lớn dần theo năm tháng.
Tôi đã định hướng được thể loại ảnh mình sẽ theo đuổi và tập trung vào nó, đó là: ảnh đời thường, ảnh đường phố, ảnh phong cảnh. 02 thể loại: ảnh đời thường, ảnh đường phố không đòi hỏi quá nhiều về
thiết bị nhưng đòi hỏi rất nhiều về tư duy, góc nhìn và chớp thời điểm chụp ảnh sao cho tấm ảnh phải biết nói với người xem. Đây là thể loại ảnh dễ mà khó. Cho đến nay, tôi cũng có một chút thành tựu trong thể loại ảnh này…
Lúc trước, tôi rất hay đi đêm, nhất là những hôm mưa phùn gió bấc đêm Hà Nội, cầm máy ảnh lang thang để ghi lại những khoảng khắc cuộc sống của những người lao động, về những góc phố với những ánh đèn lung linh trong mưa… Nhiều khi lang thang đến 4-5 giờ sáng mới về nhà, tay chân lạnh ngắt, bụng rỗng cồn cào nhưng tinh thần vô cùng phấn chấn vì một đêm thu hoạch, “săn” được những khoảnh khắc đắt giá.
Với thể loại thứ 3: ảnh phong cảnh, đây là thể loại mà hầu hết anh em chơi ảnh ban đầu đều tham gia. Nhưng để theo đuổi được dài lâu đòi hỏi sự quyết tâm cao vì để có những bức ảnh phong cảnh đẹp, bạn phải đi rất nhiều nơi, phải thức khuya, dậy sớm để săn những cảnh đẹp khi bình minh lên, khi hoàng hôn xuống và vô vàn khoảng khắc ấn tượng của mây, trăng, sao... Nói không quá, mấy nhiếp ảnh gia chuyên chụp phong cảnh, ông nào cũng ngơ ngáo như người trên mây.
Gần 10 năm cầm máy, tuy trình độ ảnh không lên là bao so với các bạn trẻ bây giờ vì thời gian đầu tư cho nhiếp ảnh không nhiều và tài chính cũng có hạn, không thể nâng cấp thiết bị thường xuyên để phù hợp với thời đại. Nhưng trong thời gian đó, nhiếp ảnh mang lại cho tôi được rất nhiều thứ mà trước đây, khi chưa thực sự chơi ảnh tôi không thể có. Đó là những người bạn cùng sở thích đam mê; những chuyến đi sáng tác vô tiền khoáng hậu có cả niềm vui, nỗi buồn, thuận lợi, khó khăn nhưng đều là những trải nghiệm tuyệt vời, cùng đó là những kỷ niệm không bao giờ quên…
Nhiếp ảnh có nhiều thể loại. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc ra đời tấm ảnh đẹp. Bằng kinh nghiệm cầm máy của mình, tôi xin tổng kết một số điểm cơ bản sau:
1. Lựa chọn ánh sáng, góc chụp và khoảng khắc. Nhiếp ảnh là trò chơi của ánh sáng nên nếu bạn biết tìm những thời điểm ánh sáng thích hợp với đối tượng của bạn thì bức ảnh sẽ mang lại rất nhiều cảm xúc. Góc chụp cũng vô cùng quan trọng, từ một sự việc, một nhân vật, một thời điểm tưởng như rất bình thường, nhưng với một góc chụp hợp lý sẽ mang lại cho bức ảnh nhiều thông điệp và cảm xúc cho người xem. Khoảnh khắc chụp cũng vậy. Trong cả chuỗi hành động của chủ thể, chỉ cần chụp đúng khoảng khắc cần thiết thì bức ảnh sẽ được tạo ra vô cùng ấn tượng.
2. Thiết bị: Theo thể loại nào thì sẽ đầu tư thiết bị theo thể loại đó. Có những thể loại đòi hỏi thiết bị rất cao cấp, đắt tiền như chụp chim, mẫu studio, kiến trúc, sản phẩm. Nhưng có những thể loại không cần đầu tư nhiều vào thiết bị như báo chí, đời thường, đường phố. Các thể loại còn lại như Phong cảnh, Macro,… thì có đến đâu chơi đến đó, thiết bị tốt chiếm 50% chất lượng ảnh cho thể loại này.
3. Hậu kỳ: Đây là khâu rất quan trọng cho một bức ảnh đẹp. Một bức ảnh gốc,tuỳ vào trình độ của người sửa ảnh và phần mềm chỉnh sửa sẽ cho ra những sản phẩm hoàn toàn khác nhau về chất lượng. Đã là chơi ảnh thì nên học hậu kỳ dù là sử dụng phần mềm đơn giản nhất và chỉ can thiệp ảnh ở góc độ ánh sáng, màu sắc đến can thiệp sâu là kích thước chủ thể, cắt ghép, tô vẽ… bằng các phần mềm chuyên nghiệp. Hậu kỳ cũng là con dao hai lưỡi, không nên lạm dụng và phụ thuộc quá nhiều vào nó. Quan trọng là bạn phải chụp được ảnh gốc tốt, hậu kỳ chỉ giúp ảnh đẹp hơn. Để biến cái không thành có, cái dở thành hay, các phần mềm chỉnh sửa ảnh bây giờ làm tốt, nhưng sản phẩm sẽ mất hết tính chân thực và cảm xúc trong đó. Nếu sản phẩm đó làm ra để phục vụ một mục đích nào đó thì mới nên sử dụng phần mền chỉnh sửa tối đa cho khâu hậu kỳ.
4. Sự chăm chỉ chụp và chịu khó giao lưu học hỏi là một yếu tố vô cùng quan trọng. Nó giúp ta hoàn thiện các kỹ năng chụp, sửa ảnh, đưa ảnh đến với người xem….