8 minute read

BẢN TÌNH CA XỨ MẶT TRỜI

RYOKAN

Khi vị kiến trúc sư khéo léo chắt lọc từng chút tinh hoa của xứ sở hoa anh đào để đặt vào thiết kế căn hộ của mình, đó sẽ là một tổ ấm đẹp đẽ như tranh, khơi gợi xúc cảm bình yên và chắp cánh cho một cuộc sống an yên ngập tràn những điều thơ mộng.

Advertisement

THEO LUO JINGMEI

Trong quyển sách “Design as Art” của nhà thiết kế nổi tiếng Bruno Munari, ông đã chia sẻ rằng trách nhiệm của một nhà thiết kế là phải biến những thứ thực dụng nhất trở nên tràn đầy cảm hứng sáng tạo. “Nghệ thuật không nên tách rời khỏi cuộc sống, và rằng ta không nên tạo ra những thứ đẹp đẽ chỉ để nhìn ngắm, hơn là những thứ có thể sử dụng nhưng lại kém bắt mắt. Nếu những vật dụng hàng ngày của chúng ta đều mang vẻ đẹp đầy nghệ thuật chứ không phải được tạo nên từ những công thức kết hợp tầm thường, chúng ta sẽ tự hào phô bày chúng, đồng thời dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ thiết kế cũng sẽ được công nhận và tôn vinh”.

Công cuộc cải tạo căn hộ được thực hiện bởi một studio thiết kế nội thất Singapore mang tên UPSTAIRS. Bước vào không gian này, chúng ta sẽ cảm nhận sâu sắc sự chăm chút mà nhà thiết kế đặt vào từng chi tiết dù là nhỏ nhất. Nhờ đó, “quả ngọt” hái được chính là một căn hộ vô cùng duyên dáng cũng như ngập tràn tình yêu. Ryokan Modern nuông chiều mọi giác quan của vị gia chủ qua những thiết kế tinh tế và đẹp đẽ bậc nhất. Vượt xa khái niệm về một không gian sống gia đình, căn hộ này như sân khấu nghệ thuật thiêng liêng của nhà thiết kế với sứ mệnh làm cho cuộc sống của những vị gia chủ được vây quanh bởi muôn vàn nét tinh hoa của văn hóa phương Đông vốn nổi danh vì tầng tầng lớp lớp những điều bí ẩn. Ngay từ tên gọi, căn hộ đã ẩn ý khéo léo đến thẩm mỹ giàu chiều sâu được khơi nguồn cảm hứng từ xúc cảm khi chúng ta rung động bằng cả trái tim. Những vị gia chủ tại đây là người hâm mộ nhiệt thành của phong cách Nhật Bản và Trung Hoa, vậy nên họ muốn gửi gắm cảm xúc say mê vào chính không gian sống vốn đã nhiều năm quen thuộc với gia đình mình. Khi không có hứng thú du ngoạn, họ sẽ trở về làm việc ngay tại tổ ấm, tự tặng cho mình chút bình yên và tĩnh lặng để tâm trí được thả lỏng giữa guồng quay cuộc sống không ngừng xoay chuyển.

“Viên ngọc” Ryokan nằm tại một vị thế không thể nào nên thơ hơn - ngay trong một biệt thự Nassim gạch đỏ cổ điển được xây dựng từ năm 1977, được bao quanh bởi rặng cây đại thụ sum sê. Và sẽ chẳng gì tuyệt diệu hơn là vào một ngày nắng đẹp, bạn bước chân ra ban công, hít thở không khí trong lành mang theo chút hương thơm của cỏ cây hoa lá, tự do tận hưởng khoảng lặng ngọt ngào hiếm hoi giữa cuộc sống. Tuy thế, nơi đây vẫn chưa thật sự được xem là hoàn hảo. Về mặt không gian, căn hộ rộng 3.500m2 này vẫn còn nhiều diện tích chưa được sử dụng hợp lý với những ngóc ngách còn bị cô lập. Thêm vào đó, cách thức bố trí phòng khách và phòng ăn mang đặc trưng của chung cư cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 khiến chúng có vẻ bị tách biệt khi đặt trong phong cách sống hiện đại.

Những tín đồ văn hóa xứ Phù Tang sẽ nhanh chóng nhận ra tinh thần của những nhà trọ truyền thống Nhật Bản thấp thoáng nơi đây, minh chứng cụ thể nhất là qua một loạt sự sắp đặt không gian mà kiến trúc sư Cheok thực hiện rất tài tình. Phòng tắm dành riêng cho khách - nơi vốn ít được chủ nhà để tâm - nay được thu hẹp lại, tường nhà bếp được mở thêm một cánh cửa nhằm tạo lối vào hai chiều giúp cho nhà bếp được nối thẳng với phòng ăn. Đặc biệt hơn, khu vực thiếu ánh sáng bên ngoài phòng ngủ được cải tạo thành khoảng sân trong nhà, và cũng được trang trí bằng họa tiết Seigaiha nhằm hòa hợp với phong cách chung.

Cảm quan thẩm mỹ tinh tế mà giàu chiều sâu của người Nhật đã từng khiến cả thế giới ngưỡng mộ nay được tái hiện không thể xuất sắc hơn qua lối bài trí bonsai lơ lửng trên những thanh kim loại mỏng, trong khi bên dưới là một chiếc khay được phủ lớp sơn mài mô phỏng ao nước xanh mát. Cách thức này vừa trừu tượng hóa một cách lãng mạn các yếu tố đậm chất Nhật, vừa ứng dụng vào chi tiết thực tế một cách thành công và đầy thẩm mỹ. “Phong cách Nhật Bản vốn đã quá nổi tiếng về sự toàn mỹ và vô khuyết, thể hiện trong từng vật dụng như bức bình phong bằng giấy hay chiếu nghỉ tatami. Thật khó để có thể cải tiến chúng trở nên tốt hơn, vì thế chúng tôi chọn cách nâng cấp quá trình sản xuất. Hướng đi này thật sự mới mẻ, táo bạo; và chúng tôi tự hào khi là người tiên phong thực hiện”- Dennis Cheok, người thiết kế chính của UPSTAIRS chia sẻ.

Một chi tiết thú vị nữa chính là bậc thang chuyển giao từ phòng giải trí sang phòng khách được trang trí bằng họa tiết naguri khắc tay kỳ công. Ý tưởng tuyệt vời này còn được áp dụng lên khoảng sân và đặc biệt là phòng ngủ của gia chủ, từ đó mềm mại hóa đi mọi vật dụng nội thất trong nhà theo một cách rất tao nhã. Các vị khách đến thăm nhà sẽ thán phục khi bước chân trên sàn gỗ sồi tự nhiên, tấm gỗ veneer ốp lên tường hay trầm trồ trước tác phẩm điêu khắc giàu ý nghĩa được đặt trang trọng ngay tiền sảnh. Cách thức phân lớp thông minh sẽ cho phép các khu vực trong nhà được kết nối lại với nhau và các thành viên trong gia đình có thể tình cờ chạm mặt ở khắp mọi nơi. Đặc biệt, sự bố trí của những bức bình phong góp phần giảm bớt ánh sáng chiếu vào bên trong. Về tổng thể, căn nhà được trang bị những nội thất hiện đại nhưng kiến trúc sư Cheok đã lồng ghép một chút yếu tố tôn vinh truyền thống gia đình. Chẳng hạn như hốc tường trang trí bằng đồng ốp đá cẩm thạch Athena trong phòng ăn trở thành lớp nền tuyệt vời làm nổi bật những bảo vật gia truyền được đặt trên chiếc bàn tròn to lớn hiệu Molteni & C. Asterias; được kiến trúc sư Cheok kết hợp với những chiếc ghế tông màu tối cùng hãng.

Toàn bộ không gian căn nhà là “sân khấu” để Cheok thỏa sức kết hợp các mảng tối và sáng, truyền thống và hiện đại. Bên cạnh phòng ăn là một nhà bếp thoáng má. Hai hộp đèn được đặt dưới sàn và một đặt trên bàn vừa cô tác dụng chiếu sáng, lại vừa giúp che giấu một ống nước đặt ngang dưới sàn và một ống nước dựng thẳng đứng ngay chính giữa đảo bếp. Cheok hình dung chúng sẽ tỏa sáng lung lunh như những chiếc đèn lồng khi màn đêm buông xuống.

Vun vén cho tổng thể một cách khéo léo đến vậy đồng nghĩa với việc kiến trúc sư Cheok đặt cả trái tim yêu thích nghệ thuật của mình vào từng chi tiết bé nhỏ. Chẳng hạn như dải họa tiết gỗ naguri trên tường được chạm khắc bởi chính đôi tay của một giảng viên tại Osaka với yêu cầu cực kỳ khắt khe về tính chính xác. Những mái ngói hình thành nên các mô hình seigaiha được làm thủ công, mỗi mái ngói đều có độ cong khác nhau và được lựa chọn cẩn thận từng mảnh để đảm bảo chúng xếp chồng lên nhau một cách chính xác. Nếu như các khu vực sinh hoạt chính sử dụng tông màu nhạt hơn thì phòng tắm ngược lại, được ốp đá cẩm thạch đen huyền bí và trang trí thêm mái ngói saigaiha màu than, làm bật lên các tác phẩm điêu khắc trên đường thẳng và mặt phẳng.

Đối với Cheok và các cộng sự, đây là một trong những dự án thách thức nhất, nhưng cũng thành công vang dội nhất cho đến nay. Và sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi ngôi nhà tràn ngập hơi thở nghệ thuật này vẫn luôn giữ được vị trí độc tôn của một công trình kiến trúc để đời và rất đáng ngưỡng vọng.

This article is from: