11 minute read

VÉN GAI ĐỂ HÁI HOA HỒNG

PAULINE ERICA TAY

Dẫu rằng đam mê dẫn lối nhưng nếu không kiên gan vượt qua vô vàn trở ngại, hẳn thành công đã không đến với tiến sĩ nghiên cứu tế bào gốc Pauline Erica Tay. Khởi nghiệp ngay buổi đầu khó khăn những năm 2000 đến khi ngành công nghiệp này sẵn sàng đi vào giai đoạn trưởng thành, “nữ tướng” tài năng hân hoan tận hưởng quả ngọt khi các ứng dụng trị liệu đã thử nghiệm lâm sàng, kịp thời tiếp cận đông đảo người tiêu dùng trong tương lai không xa.

Advertisement

THEO ZARA ZHUANG

PHOTOGRAPHY CHINO SARDEA STYLING CK KOO GROOMING BENEDICT CHOO USING YSL BEAUTE PHOTOGRAPHY ASSISTANCE GEORGE RUEBAN ON THE COVER PLEATED DRESS FROM PLEATS PLEASE ISSEY MIYAKE, PLEATED COAT FROM HOMME PLISSE ISSEY MIYAKE

Bản lĩnh thép mà Pauline Erica Tay hiện có được tôi rèn trong suốt những năm đầu đời đến khi trưởng thành thông qua phương pháp giáo dục có phần khắt khe của hai đấng sinh thành. Từng khát khao có được một cậu con trai cá tính, họ áp đặt cách răn dạy cô gái bé nhỏ không khác gì bọn con trai đồng lứa tuổi. “Tôi dễ rơi nước mắt trong mọi tình huống. Khi đó, ông nghiêm nghị bảo tôi phải mạnh mẽ. Vì có như thế thì tôi mới có cơ hội trụ lại trong xã hội vốn tồn tại nhiều sự ganh đua”, cô kể lại. Và Tay tin rằng công việc của cha mình - một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm tại cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm và thú y Agri-Food & Veterinary Authority trước đây của Singapore - phần nào đó tác động tiềm thức thiên về khoa học mà cô theo đuổi.

“NỮ TƯỚNG” BẢN LĨNH TRONG NGÀNH NGHIÊN CỨU Y SINH

Từ đầu, Pauline Erica Tay không định hướng sự nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu. “Thực tế, tôi không muốn trở thành nhà nghiên cứu - mà là một tư vấn viên công nghệ sinh học. Nhưng tôi nhận ra rằng để mang đến lời tư vấn thuyết phục trong ngành thương mại công nghệ sinh học, bản thân phải hiểu về khoa học. Rõ ràng, bằng MBA không đủ để cho phép bạn thương mại hóa một sản phẩm khoa học hoặc y tế”, Tay bộc bạch.

Tay tiếp tục lấy bằng tiến sĩ sinh học tế bào gốc và mất tám năm để thực hiện nghiên cứu, một quyết định mà một số đồng nghiệp cho biết là khá điên rồ. Thu hẹp khoảng khách giữa thế giới kinh doanh và thế giới khoa học, Tay hiện diện tại ngã tư giao giữa lĩnh vực khoa học, kinh doanh, chính trị và cộng đồng. Trong vai trò Giám đốc Điều hành Celligenics, cơ quan khoa học công nghệ & nghiên cứu (A*STAR) chuyên về công nghệ tế bào gốc và ứng dụng, tiến sỹ Tay dẫn dắt tổ chức này trong ba năm nỗ lực sáng tạo những phương pháp trị liệu với khả năng trị liệu nâng cao.

USP của công ty dựa trên kỹ thuật trích xuất một quần thể phụ của tế bào gốc từ máu cuống rốn, tạo ra chiết xuất không tế bào có khả năng tự tái tạo, chữa lành các vết thương, thậm chí có hiệu quả cao trong chống ung thư. Trong năm 2018, Celligenics bắt đầu mở rộng với nguồn vốn kêu gọi từ Best World International có trụ sở tại Singapore, để phát triển cũng như phân phối các sản phẩm chăm sóc da cùng sức khỏe toàn diện, với các thương hiệu bao gồm DR’s Secret và Avance.

Hiện nay và về lâu dài, Celligenics tập trung vào việc đưa các sản phẩm dược mỹ phẩm ra thị trường, thông qua hợp tác với các thương hiệu để tạo nên các dòng chăm sóc da cao cấp, sau vòng gọi vốn khác để thử nghiệm lâm sàng tại Singapore và hải ngoại. Công ty lên kế hoạch giới thiệu các sản phẩm dựa trên tế bào gốc với các ứng dụng chữa bệnh, như miếng dán, hoặc các loại gel cho người cao tuổi đái tháo đường và thuốc dạng tiêm tăng cường tái tạo sụn do thoái hóa.

KHÓ KHĂN KHÔNG CHÙN BƯỚC

Như diều gặp gió, Celligenics tăng trưởng khi Singapore đầu tư vào công nghiệp y sinh. Tiến sỹ Tay cho biết: “Tôi nghĩ chúng tôi đã ở đúng nơi và đúng thời điểm”. Singapore đã định vị mình như một trung tâm nghiên cứu tế bào gốc, hệ gen học và sinh học phân tử, từ khi quốc gia này thiết lập đa dạng các viện y sinh ở Biopolis từ đầu những năm 2000. Và cuối tháng 3 vừa qua, chính phủ thông báo thúc đẩy R&D (nghiên cứu & phát triển) trong công nghệ kỹ thuật số và tự động hóa (một phần đề án 19 tỷ đô Sing, 5 năm Nghiên cứu, Đổi mới và Khởi nghiệp 2020 được đưa ra vào năm 2016). Họ sẽ đầu tư thêm 500 triệu đô Sing, trong đó 80 triệu đô dành cho sản xuất liệu pháp tế bào gốc. Liệu pháp tế bào gốc sẽ là một trong những thị trường phát triển mạnh nhất trong 10 năm tới hoặc hơn thế nữa. Singapore có hơn 15 năm nghiên cứu, và nhiều liệu pháp tế bào gốc sẽ được thử nghiệm lâm sàng và hứa hẹn sớm đến với người bệnh. Điều này mở ra nhiều thị trường theo phương pháp sản xuất quy mô lớn.

Tế bào gốc có nguồn gốc từ sơ sinh, như là lấy từ cuống rốn, có thể tồn tại và tự tái tạo trong khoảng thời gian dài, khiến chúng phù hợp hơn để sản xuất. Về lý thuyết, Celligenics làm việc với nguồn dây rốn hiến tặng và công ty tìm ra phương pháp phát triển các tế bào được lựa chọn cũng như sản xuất số lượng lớn mà không cần tìm kiếm nguồn tài trợ khác.

Theo cô Tay, có thể mất nhiều năm để các ứng dụng liệu pháp tế bào gốc tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, bắt đầu chuẩn bị từ bây giờ có nghĩa là các hệ thống đã sẵn sàng khi nhu cầu tăng. Châu Á dự kiến vượt châu Âu với tư cách thị trường chăm sóc sức khỏe lớn thứ hai thế giới vào năm 2025. Cụ thể là Đông Nam Á với các quốc gia đang trên đà phát triển là quê hương của các thị trường mới nổi - nơi nhu cầu về các trị liệu công nghệ cải tiến, hiệu quả sẽ phù hợp, do sự gia tăng các nguyên do liên quan đến phong cách sống, ăn kiêng và lão hóa. “Nhiều liệu pháp nghiên cứu và chữa trị chúng tôi đề cập tại Celligenics sẽ làm giảm bớt các rối loạn mới mà nền kinh tế đang phát triển đối mặt. Tuy nhiên, bạn không nên lo ngại rằng các liệu pháp này đắt đỏ, bởi vì nó nằm trong khả năng chi trả của tầng lớp trung lưu ở các quốc gia đang phát triển”, Tay cho hay.

Theo báo cáo tháng 7 năm 2019 từ Coherent Market Insights, quy mô thị trường tế bào gốc hệ toàn cầu đạt giá trị ước tính 33,6 tỷ USD vào năm 2026, một dấu hiệu cho thấy tiềm năng bùng nổ của các liệu pháp và ứng dụng tế bào gốc. Nhiều phương pháp trị liệu bằng tế bào gốc đã có trong R&D, bắt đầu được áp dụng trong các thử nghiệm lâm sàng, chẳng hạn như cấy ghép tế bào xương người được tạo ra từ tế bào mỡ hoặc tế bào cơ tạo từ tế bào xương. Tiến sĩ Tay vững tin: “Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thể cung cấp nó cho thị trường đại chúng với giá cả hợp lý hay không. Hãy tưởng tượng một ngày không xa, bạn có thể đi đến một hiệu thuốc và chọn một phương pháp chữa trị đơn giản từ tế bào gốc. Nếu ngày đó đến, chúng tôi hoàn toàn có thể đạt được ước tính hàng chục tỷ đồng trở lên vào năm 2026”.

LẶNG THẦM XÂY CẦU NỐI THÀNH CÔNG

Sau khi thực hiện nghiên cứu ở viện y sinh của A*STAR, cô thành lập và đóng vai trò cố vấn kỹ thuật tại Intellectual Property Intermediary Singapore trước khi hỗ trợ bộ phận Đổi Mới và Doanh Nghiệp của NRF, hoạt động nhằm thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học. Trên tiến trình sự nghiệp thăng hoa, cô sáng lập Tuần lễ Đổi mới & Công nghệ Singapore (hoặc SWITCH), để kết nối người khởi nghiệp quốc tế, các nhà cải tiến, đầu tư, xúc tác và chuyên gia công nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất, kỹ thuật, khoa học, kinh tế bền vững và kỹ thuật số. Phiên bản năm ngoái diễn ra hồi tháng 11 thu hút hơn 60.000 người tham gia, 569 diễn giả và khoảng 1.000 nhà triển lãm. Tay cho biết: “Khát vọng nghề nghiệp của tôi xoay quanh mong muốn có thể tạo ra tác động gì đó có lợi cho mọi người. Tôi hạnh phúc khi chứng kiến thành công của họ”.

Với Tay, cho dù các kết quả nghiên cứu tốt hay tài năng đến nhường nào, nếu hệ sinh thái không hỗ trợ sự phát triển công ty cùng các liệu pháp thì không ai được hưởng lợi. Qua tham khảo các trung tâm cải tiến như Boston và San Francisco, cô nhận thấy việc thiết lập hệ thống sinh thái trong đó các công ty cùng học viện hoạt động để tương trợ phát triển chuỗi giá trị thu hút công nghệ từ nghiên cứu và phát triển vào thị trường. Nếu hệ sinh thái không tồn tại, các công ty sẽ gây áp lực nặng nề lên ngân sách chính phủ và không thể vượt qua một điểm cụ thể. “Thậm chí ngày nay Singapore vẫn đang phát triển điều đó. Chúng tôi không lớn mạnh như một vài hệ sinh thái kinh doanh trưởng thành khác, và đó là lý do tại sao tôi chọn làm nhiều việc để hỗ trợ kết nối giữa R&D và công nghiệp đồng thời tích cực xây dựng hệ sinh thái xung quanh”, Tay nhấn mạnh.

Một yếu tố khác là công ty của Tay tin tưởng vào sức mạnh công nghệ tiên phong (deep tech) được biến đổi từ công nghệ dựa trên các khám phá khoa học và cải tiến công nghệ. Bây giờ, chúng ta hãy nghĩ về công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo, các chất liệu mới cùng rô bốt. Khi đến với A*STAR vào thời điểm đầu thiên niên kỷ, cô Tay đã chứng kiến sự phát triển của ngành y sinh Singapore buổi đầu phải hứng chịu nhiều nghi ngờ và chỉ trích. Nữ tiến sĩ chia sẻ: “Đã rất nhiều lần, nhiều người lưỡng lự rằng có nên hồi trả các khoản đầu tư vì nền công nghiệp khi ấy không hề khởi sắc. Nhưng chúng tôi đã cố gắng thuyết phục rằng nên tiếp tục. Tôi muốn nói rằng công nghệ tiên phong là một tổng thể. Khi công tác tại NRF, tôi là một trong những người hăng hái khuyến khích đầu tư vào khởi nghiệp công nghệ tiên phong. Trước đó, phần lớn đầu tư hướng về khởi nghiệp digital”.

Duy trì lợi thế trong khoa học và kỹ thuật cho phép Singapore tự tin cạnh tranh toàn cầu. Theo Tay, bạn có thể sao chép một mô hình doanh nghiệp, nhưng nếu lồng vào đó yếu tố khoa học và kỹ thuật thì việc bắt chước trở nên khó hơn rất nhiều. Trên hết, nếu ngưng đầu tư vào công nghệ tiên phong thì con người không thể có những sản phẩm tương lai.

VIỄN CẢNH 30 NĂM TỚI

Năm 2050 chúng ta sẽ có:

• Cấy ghép một số loại mô bị thiếu mất

• Có thể chữa ung thư dựa trên các tế bào gốc tùy chọn

• Vật liệu phụ trợ có nguồn gốc từ tế bào gốc, như keo và chỉ cần thiết cho phẫu thuật và thuốc tiêm tăng cường quá trình phục hồi sau phẫu thuật

• Hiểu rõ hơn về các hệ thống sinh học trong khoa học phương Tây hoặc tế bào, các cơ quan và bộ phận liên kết thế nào với phần còn lại cơ thể người

Và Pauline Erica Tay vững tin rằng sẽ sớm thôi chúng ta có thể nhìn thấy:

• Mã hóa dữ liệu vào DNA trở thành chế độ lưu trữ phổ biến. Chúng ta huấn luyện một cỗ máy, trên tất cả, để hiểu và mô phỏng con người. Hãy tưởng tượng khi kết hợp nó với một sản phẩm y sinh học, bạn có thể liên kết thông điệp trong DNA với thông điệp trên máy tính. Về lý thuyết sẽ không thực hiện được. Chỉ là công nghệ hiện tại chưa đủ trình cho phép ta làm điều đó. Nhưng nếu vượt qua các rào cản công nghệ, con người tất nhiên dễ dàng biến giấc mơ thành hiện thực.

• Con người du hành từ chiều này sang chiều khác. “Tôi hào hứng với suy nghĩ một ngày nào chúng ta có thể du hành thời gian” - Tay mường tượng. Và đây có lẽ là một chặng đường dài mà nhân loại, mà cụ thể là các nhà nghiên cứu cần kiên trì để đi đến đích.

This article is from: