6 minute read

9. HỆ THỐNG PCCC CƠ BẢN BAO GỒM NHỮNG

GÌ?

Dù tuần tra cẩn thận và có hệ thống camera quan sát. Tuy nhiên, các nhân viên an ninh sẽ không thể phát hiện tất cả các đám cháy xảy ra tại nơi làm việc. Tại tòa nhà bạn làm việc có thể có một số loại hệ thống ngăn chặn và phát hiện lửa để đảm báo an toàn PCCC ngay tại cơ sở, điều quan trọng là mỗi nhân viên an ninh cần nắm rõ từng hệ thống đó - và biết cách chúng hoạt động như thế nào?

a. Hệ thống báo cháy

Hệ thống báo cháy có vai trò quan trọng trong công tác Phòng cháy Chữa cháy trong tòa nhà. Nó giúp phát hiện nguy cơ cháy ngay từ khi có khói. Hệ thống báo cháy bao gồm: Trung tâm báo cháy, Thiết bị đầu vào (đầu báo khói, đầu báo nhiệt, công tắc khẩn) và Thiết bị đầu ra (chuông báo cháy, đèn báo cháy).

⮰ Tủ trung tâm báo cháy: là nơi hiển thị những thông tin liên quan đến trạng thái hoạt động của hệ thống. Khi có báo động hoặc có lỗi kỹ thuật, nó báo cho biết nơi nào đã xảy ra sự cố có cháy nổ, nhờ đó mọi người có thể nhanh chóng chọn biện pháp ứng phó thích hợp.

⮰ Thiết bị đầu vào: là thiết bị nhạy cảm với các hiện tượng liên quan đến sự cháy (nhiệt độ tăng, khói, tia lửa, ánh sáng…) bao gồm: cảm biến nhiệt, cảm biến khói và nút nhấn kích hoạt báo cháy.

» Thiết bị cảm biến khói là thiết bị tự động nhận biết có khói giúp ta phát hiện kịp thời các sự cố có thể xảy ra như cháy nổ và truyền tín hiệu đến trung tâm báo cháy để kích hoạt báo động. Thiết bị cảm biến này được sử dụng nhiều vì chi phí thấp, hoạt đông 24/24, lắp đặt được ở nhiều nơi và dễ bảo trì. Đây là những thiết bị thường hay bắt gặp trong nhà ở hoặc các căn hộ, nhà xưởng…

» Thiết bị đầu báo nhiệt là thiết bị báo cháy hoạt động dựa trên nhiệt độ của môi trường xung quanh. Khi nhiệt độ của môi trường tại nơi lắp đặt thiết bị tăng lên và đạt đến mức độ xác định, ứng với ngưỡng đã được chỉ định cho đầu báo cháy nhiệt thì thiết bị sẽ gửi tín hiệu về trung tâm báo cháy.

» Nút ấn báo cháy là một trong những thiết bị đơn giản nhưng quan trọng của hệ thống báo cháy. Nó rất dễ sử dụng, thường được lắp đặt trên tường, ngang với tầm mắt người trưởng thành.

⮰ Thiết bị đầu ra: nhận tín hiệu từ trung tâm báo cháy truyền đến và có tính năng phát đi các thông tin bằng âm thanh (chuông, còi), bằng tín hiệu phát sáng (đèn) giúp mọi người nhận biết đang có hiện tượng cháy xảy ra.

» Chuông báo cháy là một loại thiết bị có khả năng phát ra âm thanh to và rõ khi có đám cháy xảy ra. Chuông báo cháy là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống báo cháy. Mục đích là để thông báo cho những người xung quanh biết được sự cố đang xảy ra. Có phương án xử lý, di tản kịp thời.

» Đèn báo cháy là một trong những thiết bị đầu ra của hệ thống báo cháy.

Thiết bị này sẽ phát ra ánh sáng tín hiệu cảnh báo về sự cố hỏa hoạn mỗi khi công tắc khẩn cấp hoạt động. Điều này giúp báo động cho những người xung quanh biết có sự cố xảy ra để tìm lối thoát nạn hoặc xử lý nhanh chóng nhất.

Quy định bắt buộc với hệ thống báo cháy

⮰ Tín hiệu cảnh báo giúp người nhận tín hiệu kịp thời thoát nạn để bảo toàn tính mạng và tài sản. Người chịu trách nhiệm nhanh chóng xác định vị trị để sử dụng thiết bị, hệ thống chữa cháy nhằm dập tắt đám cháy kịp thời.

⮰ Các thiết bị trong hệ thống báo cháy được liên kế chặt chẽ với nhau. Nó gồm trung tâm báo cháy, hệ thống dây tín hiệu, đầu báo cháy các loại, nút nhấn khẩn, còi, loa báo cháy, đèn thoát nạn, loa hướng dẫn thoát nạn, các module liên động với các hệ thống khác, …

⮰ Hệ thống báo cháy phải đáp ứng chức năng tự động đóng cửa chống cháy, thu hồi thang máy về tầng trệt khi có tín hiệu báo cháy, nhận diện và giám sát các hoạt động cụ thể được cài đặt như van hoặc thiết bị kèm công tắc giám sát, mở van hệ thống phun nước.

⮰ Hệ thống báo cháy được kết nối với hệ thống thông gió, điều hướng, thoát khói và hệ thống điều áp cầu thang của tòa nhà quy định phải lắp các hệ thống này.

b. Hệ thống chữa cháy

Hệ thống chữa cháy bao gồm nhiều thiết bị được sử dụng để dập tắt đám cháy hoặc ngăn sự lan rộng của đám cháy.

Hệ thống chữa cháy tự động Sprinkler: Hệ thống chữa cháy tự động được bố trí song song với hệ thống báo cháy để kịp thời dập tắt đám cháy đang có nguy cơ bùng phát trong các phòng của căn hộ hay hành lang công cộng của tòa nhà khi lực lượng PCCC chưa đến kịp. Đầu Sprinkler hoạt động ở nhiệt độ ≥ 68oC khi có đám cháy xảy ra. Và đầu Sprinkler ở khu vực bếp được thiết kế hoạt động khi ở nhiệt độ ≥ 91oC. Các đầu Sprinkler được thiết kế phun từ trần xuống hoặc phun ngang và có bán kính hoạt động 2m

Hệ thống chữa cháy vách tường: Hệ thống chữa cháy vách tường bao gồm các tủ chữa cháy. Trong tủ này bao gồm cuộn dây chữa cháy, vòi chữa cháy và bình chữa cháy CO2. Trong trường hợp đám cháy bùng phát lớn, hệ thống Spinkler không thể dập tắt được thì lúc này lực lượng cứu hỏa phải sử dụng đến hệ thống này.

Hệ thống chữa cháy bằng bột: Khu vực hầm để xe của tòa nhà là khu vực dễ cháy nhất và cũng nguy hiểm nhất khi xảy ra cháy. Nước không thể dập tắt lửa cháy từ xăng, vì vậy để dập tắt đám cháy phải sử dụng loại bột đặc biệt dành cho công tác chữa cháy. Khi sử dụng bột sẽ có tác dụng bao phủ toàn bộ bề mặt đám cháy giúp ngăn không cho lửa tiếp xúc với Ô-xi.

Hệ thống tường nước ngăn cháy: Hệ thống này thường được lắp đặt tại khu vực tầng hầm và các vị trí quan trọng, có tác dụng ngăn không cho đám cháy lây lan đến các khu vực khác.

Máy phát điện dự phòng: Trong trường hợp xảy ra sự cố cháy, toàn bộ hệ thống Phòng cháy Chữa cháy của tòa nhà sẽ được cấp nguồn từ máy này. Hệ thống điện này hoạt động độc lập với hệ thống điện trong Tòa nhà và được bố trí ở khu vực an toàn được ngăn chặn không cho đám cháy lan vào.

Hệ thống hút khói hành lang: Nguyên nhân dẫn đến tử vong khi xảy ra cháy là do ngạt khói. Vì vậy hệ thống hút khói hành lang sẽ giúp đưa khói ra khỏi tòa nhà để khách hàng có thể dễ dàng thoát ra cầu thang thoát hiểm và di chuyển ra ngoài.

Cầu thang thoát hiểm: Các tòa nhà cao tầng phải tính toán rất kỹ lưỡng việc bố trí thang thoát hiểm sao cho đáp ứng việc di chuyển của khách hàng khi xảy ra sự cố và buồng thang thoát hiểm cũng thường có 2 lớp cửa và 2 ngăn tách biệt nhau giữa tầng hầm và các tầng trên để tránh khói tràn vào khi xảy ra cháy.

Hệ thống tạo áp cầu thang thoát hiểm và thông gió hầm: Hệ thống này được thiết kế nhằm mục đích tránh khói cháy xâm nhập vào khu vực cầu thang, tạo lối thoát hiểm cho khách hàng và lối vào cho lực lượng chữa cháy khi xảy ra sự cố cháy. Hệ thống này rất cần thiết cho việc Phòng cháy

Chữa cháy tại các tòa nhà cao tầng và đặc biệt là tòa nhà chung cư.

This article is from: