Báo Giấy • Tháng 8 năm 2019 • Năm thứ 5 • Số 56

Page 1

Báo Giấy • Tháng 8 năm 2019 • Năm thứ 5 • Số 56 Email: baogiaytanhinhthuc@gmail.com • www.thotanhinhthucviet.vn ___________________________________________________________________________

Thư Tòa Soạn

S

ố Báo giấy 55, chúng tôi có đề cập tới nhà văn, dịch giả Hoàng Ngọc Biên và nhà thơ Tô Thùy Yên (số này với bài của nhà phê bình Đặng Tiến). Nhắc tới Tô Thùy Yên, chúng ta không khỏi gợi nhớ tới nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, đã mất cách nay đã hơn 10 năm. (Xin đọc phần tưởng niệm Thái Tuấn và Thanh Tâm Tuyền trong website www.thotanhinhthuc.org.) Tuần tự, chúng tôi xin gửi tới bạn đọc phụ bản của một số họa sĩ nổi tiếng ở miền Nam cũ như Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Đinh Cường ... Trong số này, chúng tôi cũng trân trọng giới thiệu tập tiểu luận “Vũ Điệu Không Vần Toàn Tập”, trước kia gồm 3 cuốn: Vũ Điệu Không Vần, Tân Hình Thức Nghĩ Về Cách Làm Thơ, Thơ và Không Thơ. Nhưng nay chỉnh sửa lại, bỏ bớt những trang trùng lặp và gom lại thành một cuốn duy nhất. Bạn đọc có thể đón đọc tại Việt Nam với nhà xuất bản Domino Books. Tại hải ngoại, bạn đọc có thể mua trực tiếp tại nhà in Barnes & Noble, qua nhà xuất bản Tan Hinh Thuc Publishing Club (xin liên lạc với chúng tôi để biết cách mua), chỉ với giá in. “Vũ Điệu Không Vần Toàn Tập gồm 35 tiểu luận cùng phần dịch thuật, cung cấp thông tin chi tiết về ngôn ngữ, luật tắc trong sáng tác và thưởng ngoạn, ghi nhận những chặng đường tìm kiếm trong sáng tạo.” Cuốn sách, gồm 632 trang khổ 6 x 9 Inches (15 x 23 cm), được coi như lý thuyết thơ Việt, vì bất cứ một dòng thơ mới nào xuất hiện cũng đều phải đưa ra quan điểm sáng tác, hướng dẫn người làm thơ. Thơ Tân hình thức Việt tiếp nhận ảnh hưởng từ những phong trào tiền phong thơ Mỹ, hình thành một thể thơ riêng biệt, kết hợp cả tự do lẫn vần điệu, phù hợp với ngôn ngữ và văn hóa Việt. Nhưng điều đó chưa quan trọng bằng sự cung cấp kiến thức, hiểu biết toàn bộ về thơ, và cả những chủ đề liên quan tới thơ như Hiệu ứng Cánh bướm, Nghiên cứu Não bộ, Giáo dục Cổ điển phương Tây ... Trở lại lý thuyết thơ, đó là một hiện tượng chỉ xảy ra ở thế kỷ 20, với thơ phương Tây, đặc biệt là thơ Mỹ. Hay nói khác, thế kỷ 20 là một thế kỷ của lý thuyết với những phong trào thơ, và những chủ thuyết triết học. Về thơ, chúng ta có Dada, Siêu thực, phái Hình tượng (Imagist), Beat Generation, Black Mountain, Tự thú (confessionalist), Thơ Ngôn ngữ (Language Poetry) ... Thơ cần lý thuyết, vì nếu không, thực hành sẽ không bao giờ bay cao, theo công thức: kiến thức + tưởng tượng = sáng tạo. Kiến thức là yếu tố căn bản trong sáng tạo. Còn tưởng tượng, tùy thuộc vào khả năng của từng người. Lý thuyết khởi đi từ thực hành, nếu không có thực hành (sáng tạo) sẽ không bao giờ có lý thuyết. Về Khoa học: thuyết Tương đối (theory of relativity) của Einstein, Hình học Fractal,


Thơ • 2

thuyết Hỗn mang (chaos); về hội họa: Chủ nghĩa hiện thực, Ấn tượng, Trừu tượng Biểu hiện, Pop Art ... Về triết học: chủ nghĩa Hiện đại, chủ nghĩa Hiện sinh, chủ nghĩa Cấu trúc, Hậu cấu trúc, Hậu hiện đại ... Qua thế kỷ 21, triết học suy tàn vì là bộ môn chỉ dựa vào lý thuyết. Hội họa, quay về nguồn cội với chủ nghĩa Tân hiện thực, kiến trúc với Tân chiết trung. Về khoa học, chuyển qua một thời kỳ văn minh mới, internet hay thời đại ảo. Thơ, dù tự do hay thể luật, người làm thơ chỉ cần dựa vào lý thuyết đã có sẵn, để sáng tác những bài thơ hay. Cuối cùng, thơ dù bất cứ thể nào, vấn đề là phải đưa ra được, và đạt tới tiêu chuẩn hay, mang tính phổ quát, còn nếu không, thì cũng chẳng đi đến đâu, như những phong trào tiền phong thơ tự do Mỹ, nay đã chìm vào quá khứ. Trong số này, chúng tôi cũng trân trọng giới thiệu tập tự do: Thơ Phan Huyền Thư, gồm 5 phần với 59 bài thơ: Đạo Thơ, Tập Khóc, Chĩnh Buồn, Có Tìm Thấy Mùa Xuân, Ứa Ra Từ Hai Bầu Thời Tiết. Phan huyền thư sống bằng việc viết và sản xuất các format chương trình truyền hình, điện ảnh, sân khấu và ca nhạc, và được người pháp đào tạo chuyên nghiệp về đạo diễn điện ảnh. Đã xuất bản các tập thơ: Nằm nghiêng – nhà xuất bản Hội nhà văn. 2002; Rỗng ngực – nhà xuất bản Lao động. 2007; Sẹo độc lập – nhà xuất bản Hội nhà văn và công ty Nhã nam. 2014


TÔ THÙY YÊN (1938-2019) NHÀ THƠ VIỆT NAM Đặng Tiến

N

hà thơ Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, từ trần tại Houston (Hoa Kỳ) lúc 21g15 ngày 21-5-2019, thọ 81 tuổi. Vào tuổi ấy, và sau bao nhiêu gian truân, ông ra đi vẫn gây ra nhiều tiếc nuối trong giới độc giả trong và ngoài nước. Cái tang chung cho giới văn học đặt ra một câu hỏi khẩn thiết: tác phẩm Tô Thùy Yên đứng ở đâu trong dòng văn học Việt Nam hôm nay? Tựa đề bài này khẳng định: Tô Thùy Yên là nhà thơ Việt Nam. Không phải là nhà thơ hải ngoại hay của Miền Nam cũ. Lý do đơn giản: ông là người Việt Nam, viết văn, làm thơ bằng tiếng Việt Nam. Huống hồ đời ông gắn bó với lịch sử đất nước trong mỗi chặng đường, thơ ông đầy ắp tình tự dân tộc, thắm thiết phong cảnh quê hương, ngôn ngữ Việt Nam phong phú, đa dạng, vừa uyên bác vừa sâu đậm lời ăn tiếng nói dân gian, tục ngữ, ca dao. Thơ ông đặc sắc, từ nội dung nhân đạo, tư tưởng cao sâu đến lời thơ tài hoa, hào sảng, giàu hình ảnh lạ trong tiết điệu thân quen. Nghệ thuật vi diệu của ông làm vinh dự cho tiếng Việt và văn hóa Việt. Tô Thùy Yên là nhà thơ Việt Nam bên cạnh Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Tản Đà. Tôi đã ngần ngại nhiều ngày trước khi đưa ra nhận định như trên, e rằng mình chủ quan, quá lời, cho đến khi đọc trên mạng ngày 28-5, bài của nhà thơ Thanh Thảo, không được đăng trên các báo giấy trong nước, có đoạn: “Tô Thùy Yên là một nhà thơ lớn (…) khi một nhà thơ Việt được công nhận bởi tài năng và nhân cách của mình, thì dù họ sống ở xa tổ quốc, thơ họ vẫn thuộc về đất nước, về dân tộc Việt Nam. Đó là thơ của một nhà thơ Việt thuần chất, trong đau khổ vẫn giữ được phẩm chất người của mình, vẫn yêu thương mà không oán hận, dù số phận mình hết sức trớ trêu”. Thanh Thảo, sau 20 năm đọc thơ Tô Thùy Yên đã nắm bắt được hai yếu tố chính: chất dân tộc và chất người, làm nên nhân cách nhà thơ. Tôi đặt tên cho bài viết: Tô Thùy Yên nhà thơ Việt Nam, tưởng là đã chắc nịch, trong khi Thanh Thảo dùng chữ “nhà thơ Việt” ngắn gọn hơn, nhưng sắc bén, sâu xa hơn cái quốc hiệu tôi đưa ra. Thanh Thảo, cùng với Tô Thùy Yên là nhà thơ, họ sử dụng ngôn ngữ theo trực cảm, từ đáy vực tâm linh của lời nói. Lại nhớ đến Trần Đĩnh, tác giả Đèn Cù khi anh nhận xét “Tô Thùy Yên là nhà địa chất học đầu tiên nhặt lên những quặng chữ chưa ai từng phát hiện để đặt chúng bên nhau mà phát xạ” (Văn Việt 28-5-2019). Tôi thấy an tâm vì mình vinh danh thơ Tô Thùy Yên, nhất là vào giờ vĩnh biệt nhà thơ, không phải là chủ quan quá đáng.


Về tư tưởng và nghệ thuật Tô Thùy Yên, tôi đã từng sơ lược trình bày trong bài Ngựa phi đường xa, đăng trên báo Khởi Hành, California, số 20, tháng 12-1998. Từ bấy đến nay, non hai mươi năm, tình hình văn nghệ, báo chí đã không khá khẩm hơn, thậm chí còn u ám hơn. Văn thơ, đáng lẽ phải làm cho con người gần nhau, lại gây thêm tị hiềm, chia rẽ, thậm chí thù hận. Riêng Tô Thùy Yên thì có địa vị riêng, thơ ông đứng bên ngoài cõi ta bà đó và gây được sự đồng thuận giữa độc giả trong và ngoài nước, nhờ nội dung nhân ái và nghệ thuật vi diệu; và cũng nhờ kỹ thuật thông tin mạng hiện đại. Nhiều người truy cập được toàn bộ thơ văn Tô Thùy Yên, trong và ngoài nước, với ít nhiều thiện tâm, thiện chí, dù chính kiến, quá khứ có khác nhau, họ cũng thấy gần gũi qua những câu thơ: Ta về như lá rơi về cội, Bếp lửa nhân quần ấm tối nay Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống Giải oan cho cuộc biển dâu này Bài Ta Về làm 1985 khi tác giả vừa ra khỏi trại tù cải tạo, tuy có nhắc lại những lao khổ qua “mười năm chết dấp”; nhưng không thù hận. Ông xem những điêu linh, chiến tranh, lao lý, đổi đời như là hiện tượng tự nhiên, một cuộc biển dâu như người xưa vẫn quan niệm, mà Ôn Như Hầu hay Nguyễn Du đã từng nhắc lại đâu đó. Để bôi xóa quá khứ, để nuôi dưỡng sự sống, tác giả rót chén rượu giải oan, giống ai xưa đã lập đàn giải oan trên sông Tiền Đường, giải trừ oan nghiệt cho chúng sinh, cho một bếp lửa nhân quần ầm tối nay. Bếp lửa đầu tiên của loài người là của bộ lạc, rồi đến bếp lửa gia đình, không có kích cỡ nhân quần như nơi Tô Thùy Yên. Vì tâm hồn ông như vậy. Tầm nhìn (sinh thời ông ưa dùng chữ vision) như vậy thấy được thế giới vui từ mỗi lẻ loi. Thơ Tô Thùy Yên là chuyện Con Người, chuyện một thân phận lẻ loi trong một nhân quần hạnh phúc. Chất thơ tinh luyện trong trước tác Tô Thùy Yên là nhân phẩm con người, từ đó ông thẩm quyền dõng dạc: “thơ còn con người còn” trong một bài nói tại Seattle ngày 26-7-1997; ông giải thích thêm, phân biệt “văn nghệ giải trí, giải muộn khác với văn nghệ ở cấp độ cao nhất là văn nghệ giải oan, giải thoát”. Dù sao thơ cũng cần đến những ẩn dụ hào hoa, chứ kỳ thật để giải oan cho cuộc biển dâu này, Tô quân không cần rưới chút rượu hồng nào cả. Thơ ông là đủ để hóa giải. Tấm lòng cao quý như vậy, trong một tác phẩm lớn lao như vậy, mà cho đến nay độc giả trong nước không mấy người biết đến vì nhà cầm quyền không cho phép in ấn, thậm chí không cho chép nhắc tới. Dù chỉ đăng tin buồn. Người cộng sản không ưa Tô Thùy Yên thì chuyện dễ hiểu, nhưng khắc nghiệt đến mực ấy thì quả là bất thường, gây thiệt thòi cho quần chúng độc giả; nhất là giới trẻ không tiếp cận được với một nguồn thơ giàu có của đất nước họ. Mà giới chống cộng trong hay ngoài nước, cũng chưa chắc gì đã ưa lối thơ này, mà nhiều người chê là “thiếu lửa”, ví dụ bài Ta Về nổi tiếng. Họ đòi hỏi ở một nạn nhân cộng sản tính chiến đấu cao hơn, và ngờ vực tác giả còn giữ nhiều liên hệ với giới văn nghệ quốc nội và đã đôi ba lần về thăm đất nước. Nghe nói tập thơ cuối cùng mới in gần đây tại Mỹ không bán, tác giả xuất bản để tặng bạn bè.


5 • Tân Hình Thức

Cuối cùng, thơ Tô Thùy Yên không dễ đọc. Độc giả trích dẫn nhiều, nhưng chỉ trích những câu, những đoạn vừa ý. Nói rằng tác giả dùng nhiều lời ăn tiếng nói dân gian, nhiều tục ngữ ca dao, nhưng không phải là người đọc nào cũng nắm bắt. Ngay hai câu đầu của Ta Về được truyền tụng nhiều nhất: Ta về – một bóng trên đường lớn Thơ chẳng ai đề vạt áo phai. Muốn hiểu cặn kẽ thì phải biết câu ca dao, có lẽ xuất phát từ quan họ: Người về ta chẳng cho về Ta níu áo lại ta đề câu thơ… Thậm chí, cuối tập Thắp Tạ (2004) tác gỉa còn thêm phần phụ chú để giải thích …thơ mình. Bài thơ làm 1999 có câu thật hay: Em về giồng dưới qua bưng gió Dạ bời bời nỗi sậy niềm mây Câu thơ tự nó đã hay, không cần giải thích. Nhưng tác giả đã tiết lộ xuất xứ từ ca dao Nam bộ: Em về giồng Dứa qua truông Gió day bông sậy, bỏ buồn cho anh, Tô Thùy Yên là nhà thơ uyên bác. Ông thông thạo thơ cổ điển Trung Quốc, có lần, trong trại học tập đã chép tặng bạn một bài thơ dài của Đỗ Phủ bằng chữ Hán. Ông đọc hầu hết thi ca Pháp hiện đại và đặc biệt thích Saint John Perse, một tác gỉa khó đọc. Ngoài ra ông tinh tường triết học Tây phương, do đó, câu thơ ông trầm tích nhiều ý tưởng hay ẩn dụ phức tạp, dễ khiến người đọc lạc lõng. Tô Thùy Yên lại là người cầu toàn, trau chuốt câu thơ “Tôi giựt giành đổ máu với tôi/từng chữ một”, do đó câu thơ có lúc hồn nhiên, có lúc cầu kỳ. Thơ cần cảm hứng, nhưng Tô Thùy Yên khổ luyện thi hứng của mình, thành những bài thơ dài; (nhờ ngẫu hứng mà làm được vài ba câu thơ hay thì không khó, nhiều người làm được). Thơ, cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật khác, đòi hỏi những công trình dài hơi, khả năng lao động trí tuệ bền bỉ, rung cảm sâu lắng. Tô Thùy Yên muốn làm thi sĩ thực sự, chứ không chỉ là một tao nhân mặc khách, “ngứa cổ hát chơi”. Và cuối cùng, ông đã là một nhà thơ đích thực, ở tầm cỡ thế giới. Ngày nay, thơ ông phổ biến nhiều nhờ qua mạng Internet, nhưng đọc thơ trên mạng thì có cái gì đó phù du. Tóm lại có những lý do khách quan, khiến tác phẩm Tô Thùy Yên khó đến với quảng đại quần chúng. Mà nay còn có chuyện cấm đoán nữa, thì càng thêm khó khăn, tai hại.


Thơ • 6

Giá trị thơ Tô Thùy Yên, về mặt tư tưởng, tình cảm, nghệ thuật, tôi đã trình bày nhiều ở phần đầu, và viện dẫn chứng từ của nhà thơ Thanh Thảo, nhà văn Trần Đĩnh, những tác gia nghiêm túc mà tên tuổi đủ bảo đảm cho lời nói, cất lên từ trong nước. Quý ở chỗ đó. Phần sau là đặt tác phẩm vào thời sự, với những nghịch cảnh đáng tiếc. Phong trào Thơ Mới 1932-1945 nở rộ nhanh chóng và ảnh hưởng lâu dài, là nhờ sách báo và nhà trường thời đó. Ngày nay xã hội Việt Nam không còn được hai ưu thế đó. Ngay việc bình luận, nghiên cứu cũng bị phân tán, ngăn chặn, xuyên tạc. Nhân một đám tang, chúng tôi muốn nêu lên vấn nạn chung, cho tác phẩm Tô Thùy Yên, mà cũng cho trước tác nhiều tác gia khác. Cho hay khi con người sống có ích thì chết cũng có ích. Và chúng tôi tin vào lời Tô Thùy Yên, ngày ông còn cả tiếng cùng nhân loại: Thơ còn con người còn. ĐẶNG TIẾN Orléans, 28-5-2019


7 • Tân Hình Thức

Trịnh Minh Hiếu CHIẾT XUẤT Tôi được chiết xuất từ cha mẹ dòng sông đất đai quê hương đồng gió nội ngày xưa từ mặt người vội vã vất vả nông sâu đồng trưa chang chang nước bỏng cua ngoi lên bờ mẹ thụp sâu gánh mạ tôi chiết xuất từ lời ru con cò bả lả chú ong nâu nâu bác trâu cày ruộng đồng sâu nghĩa vợ tình chồng tào khang ăn đời ở kiếp chiết xuất từ bóng tối kẻ thù bóng sáng gương mặt bạn bè sợi thời gian chão chằng năm tháng xanh xanh ngày bạc bạc mái đầu xưa gội nửa mây trời thoáng một góc đời tôi làm hạt mưa của mẹ chi chi chành chành chi chi … Trịnh Minh Hiếu Cục Nghệ thuật biểu diễn 32 Nguyễn Thái Học, Hà Nội

Nguyễn Hải Thảo LỘ TRÌNH Băng băng qua cánh đồng chữ tôi lang thang vượt lên chính mình như gã độc hành trên cát nóng sa mạc thả ước mơ về một ngụm nước một bóng râm. Con đường trước mặt thăm thẳm xa mùa hạ dài đăng đẳng thấp thoáng những bụi xương rồng trổ bông chào đón tôi với nụ cười của lửa thênh thang mây thênh thang tôi thênh thang gót giày tôi đi (14.05.2018)

Nguyễn Thanh Sơn BẢN TANGO CHO MỘT CUỘC TÌNH Bảnh mắt ra giai điệu Mùa hè tràn ngập lối Xưa nắng chói lòa tâm Hồn nhạt nhòa mưa. Ôi Lạ chưa. Giai điệu mùa Hè lại nhớ mưa xưa Nhiệt độ 36*C mùa hè Cay xè đôi mắt mưa Nắng nhảy múa trong lùm Cây đầu ngày gây cho Ta nỗi đau dịu dàng ước Mơ mưa. Nhớ mùa hè Đã xa. Xa như nỗi Buồn chưa bao giờ cũ Mối tình xa xưa mưa Mùa hè bên hiên nhà


Thơ • 8

Em nhớ nụ cười đôi Hàm răng trắng tròn như Hạt mưa. Ta hôn hạt Mưa như hôn làn môi Em ngọt ngào như mưa Mùa hè đã xa đã xa Bóng hình em luôn in Sâu trong tâm hồn ta.

Đài Sử NGANG VỀ QUÁ KHỨ́ bataan philippines trại chuyển tiếp gặp chú nơi đó. cu tí con chú khi ấy còn bé. chuyện những người vượt biển. không biết bây giờ cu tí đã được mấy đứa con. ngày tháng ở bataan không dài. chập chùng cùng đồi núi. và những con suối. gặp nhau cũng chỉ vài câu quen thuộc bataan có chừng 10 vùng tôi ở vùng 8 gần cuối trại. ở giữa trại là chợ. chúng tôi hay đi uống cà phê tận đầu trại. hỏi về những dự tính những ngày sắp tới. thui chột. vùng núi đồi bataan những ngày mưa lúc chiều tàn thật buồn mưa trắng xoá tứ bề những hàng cây đứng trên lưng núi oằn mình. tiếng gió rít trong đêm nghe rợn người. những người trong trại chuyển tiếp này đã mất tất cả. ngay tiếng nói của mình. chỉ có

thể ú ớ về tương lai không hình dáng. bataan sáu tháng cưu mang. rồi tôi đến. rồi chú đến. rồi mỗi người một cách. cuộc sống cách nào rồi cũng qua. còn lại bataan. còn lại những tình thân. còn lại nhau. khi ngang về con dốc quá khứ thân yêu.

Phạm Quyên Chi MỘT CHIẾC BÓNG TÀN HÌNH Tấm màn trên sa mạc Lất phất bay và phút Lỡ tay người lữ khách Chém lên vết chém tấm Màn rách nhưng cách bay Của nó không còn lất Phất chính vết chém từ Cánh tay kia đã khiến Con lừa đứng im tấm Màn ấy đã quay về làm Miếng vải với nhiều lỗ Hỏng nhìn vào lỗ hỏng Mới thấy nỗi cô quạnh Của người lữ khách trong Cảnh lang bạt và cần Làm điều gì đó hơn Là ngồi lặng im chém Lên miếng vải xơ xác Từ đó người lữ khách Không biết có còn muốn Chém mạnh tay hơn hay Đã bỏ đi thật xa Đi thật xa cũng không Biết bầu trời nào có Một cánh chim trời đang Bay nó bay vào khoảng Thời gian người ta tự Tay chém vào thân xác !


9 • Tân Hình Thức

Bạch Diệp CƠN DÔNG Cơn dông nào vừa ngang Qua thành phố đôi mắt Bầu trời mọng nước như Chúng ta vừa ngang qua Nhau một ánh nhìn thành Sẹo trên vòng hông áo Ướt nhớ một bàn tay Tình cờ lần chạm với Những chữ nặng trĩu đè Trên trán em xám như Mây ý nghĩ trên bầu Trời tháng sáu hỡi anh Sao không mở tung cánh Cửa ngoài kia cỏ mượt Xanh ngoài kia mưa long Lanh tắm gội những con Đường xanh như ngọc kìa Anh thảm cúc trắng dịu Dàng dâng lời kinh sám hối đưa ta qua dòng Sông khổ ải ngoài kia Tiếng ai cười lanh lảnh Như là cơn dông chưa Từng ngang qua vai em Chưa từng trĩu nước như Mắt em chợt hé ánh Trăng xanh dịu cựa mình Hồi sinh ...

Trần Văn Quyết CON MẮM ƯƠN Trước khi làm thân mắm em là con cá tươi tung tăng bơi tung tăng bơi tung tăng chơi tung tăng ngoài dòng sông ngoài biển khơi đùa trên đầu con sóng bao mộng mơ bao hi vọng cuộc đời

em đi lang thang em đi phiêu du qua muôn trùng khơi biết đâu sóng xô lũ tràn cuốn em vào sàn em nhảy lên vũ điệu miên man miên man ánh bạc tung tăng tróc vây tróc mang tróc mắt tróc cả niềm tung tăng em thành con cá ươn em thành niềm thê lương cũng may đời còn thương em thành con mắm ươn mềm nhuyễn giữa muôn gia vị cuộc sống em khao khát thành con mắm thơm. Thứ 3, 16/10/2018

Nguyễn Thị Ngọc Nhung GÚT THẮT Những sợi dây đủ cỡ đủ màu cứng mềm dầy mỏng sần sùi thô nhám giữ chúng tôi lại với nhau hình như lúc có lúc không lúc dần mỏng gần đứt đợi bị bứt đi khi tôi phân vân tự hỏi sao lại là những thứ dây như thế chằng chịt níu kéo cột giữ kềm kẹp người với người với tôi với ai và ai và các thứ liên hệ


Thơ • 10

tương quan ngã nhào khi một đời vừa xong những sợi dây lắm gút thắt nghiệt ngã rối rắm chiều dài vô tận nhưng trí nhớ lũ người có hạn và tôi dần quên như mọi người rồi sẽ quên đầu mối dây nơi nào lúc nào chặp lại từ đâu để rồi quấn quíu tôi với những tấm ảnh trắng đen ảnh màu lợt lạt đến ảnh ảo dễ tẩy xóa bôi bỏ đàn ông đàn bà con nít người già lố nhố dịp này lễ nọ phố xá nhà cửa ruộng vườn lục bình trôi hàng dừa lào rào lá quét vèo chớp mắt không thấy đâu những bữa ăn gút dây nhỏ dần lớn dần chặt rồi lỏng lẻo theo những cơn giận bất đồng bất an tuổi già không cùng thời người trẻ dần lớn dần xa con cái thành cha mẹ thành tro thành bụi gút thắt dần cởi dần thắt dần buông dần lơi rồi đứt để thắt gút mới để một mình trong chiều đứng ngó quanh ơi năm xưa gặp nhau chứng cớ còn lại lũ con bần thần cố níu cố lôi sợi dây đang mỏng nơi này dày lên nơi khác

Xuân Thủy ĂN THƠ Tôi đọc mãi một bài thơ một bài thơ tôi đọc mãi mà không sao thuộc được cả không hiểu vì sao tôi không thể thuộc được một bài thơ mà mỗi lần khát tôi chỉ chực vục đầu vào bài thơ là đọc đọc lấy đọc để để thỏa cơn khát của mình cơn khát được sống đúng nghĩa một con người mà dường như tôi không được làm một con người vì bị tước đoạt đi hay chính tôi đã hèn mọn mà tước bỏ nó đi trước hay sau đôi mắt buồn của lòng tôi khao khát mãi khi cứ phải sống sống mà không được làm người thì làm sao thuộc lòng một bài thơ hay vục đầu vào đó thể thỏa cơn khát của mình trước đã cho đến khi cơn khát thèm đã hết khát thèm tàm tạm thì đôi mắt tôi mới nhìn thấy được một bài thơ hay nay đã nát bươm hết cả trong hàm răng của mình tôi.


11 • Tân Hình Thức

Trần Hoàng Phố TRỜI NÓNG ĐIÊN LÀM THƠ TÂN HÌNH THỨC ĐIÊN ĐIÊN 1. Bạn ra đường với một cái tủ đá một cái máy lạnh và ba bốn cái quạt để bớt nóng đầu và điên như mấy ông bà quốc hội đề ra các luật điên cấm bôi nhọ lãnh đạo luật sư tố cáo thân chủ cấm nói xấu lãnh đạo bí thư đem cả họ làm quan nghị hấp man dây chập mạch xứng với chế độ dân chủ chập mạch teo não nhũn trí tuệ nói tầm xèng tầm bậy 2 bạn ra đường với cái đầu ướp lạnh để khỏi điên như Cục Chương Thứ Ái nóng điên teo tim teo chim như bộ vô văn hóa du côn ra công văn điên chọc cho người ta chưởi rồ dại ngu 3. bạn ra đường trời nóng như hun lửa xông khói bạn rất điên như bộ dục chơi trò thử nghiệm bỏ biên chế cho nó công bằng bỏ biên chế mấy tay bộ trưởng thứ trưởng có cái đầu dài dại cái miệng nhừa nhựa nói bậy nói bạ không xứng với vị trí đảm đương cải tiến cải lùi xoành xoạch giỏi nghĩ cách tiêu tiền vay nợ công thiên tài 4. bạn ra đường trời nóng như điên như dại với trái tim ướp đá và cái đầu máy lạnh để khỏi điên hấp man như cái sân gôn sân bay nằm nóng như chảo lửa trong đầu mấy ông tướng ham đánh gôn hơn đánh giặc thuộc quân đội gôn bảo vệ lợi ích gôn điên vì gôn ngụy biện mạt vận vì gôn điên

Hường Thanh CẦU MÓNG những con ong làm tổ ở đó nơi gầm cầu xanh nhạt những cặp chân dính vào cặp mắt gầm cầu xanh nhạt những cặp tay ong trẻ mọng bám vào bám vào tháng ngày dưới gầm cầu xanh nhạt những tiếng cười làm tổ ở đó đó là tiếng cười của những con ong trẻ mọng sinh sống dưới gầm cầu Móng chúng đã quen các ngày mưa lũ bão qua những cặp chân dính vào cặp mắt vắt vẻo những thanh sắt xanh nhạt những cặp tay bám vào bám vào bên dưới nước nước cuồn cuộn chảy nơi gầm cầu những giọt nước mắt làm tổ ở đó. 26.9.2016


Thơ • 12

THƠ Alan Burns

W

illiam Carlos Williams cũng như bất cứ người nào, đến rất gần với việc nhận thức ra lý tưởng mới của chủ nghĩa hình tượng, nhất là trong những bài thơ như “The Great Figure” và “The Red Wheelbarrow”. Trong những bài thơ khác, đáng chú ý là “The Wind Increases” (1934) và “A Sort of a Song” (1944), Williams bình luận về loại thơ ông muốn làm. “The Wind Increases” là một hình thức thơ trên trang giấy (spatial poem); nói một cách khác, bài thơ dùng cách sắp đặt chữ trên trang giấy như một cách diễn tả. Bài thơ nói về gió, và những chỗ thụt đầu dòng không bình thường khiến cho các chữ có vẻ như “gió cuốn đi”. Bài thơ còn nói về bản chất của nhà thơ (“nếu có bất cứ bản chất nào”). Bám vào sự tương tự hữu cơ được chuộng bởi các nhà lãng mạn, Williams so sánh chữ của nhà thơ với cây cối bị gió thổi. Thơ phải được neo lại, nhưng nó cũng phải ghi vào sổ “hình thức / của chuyển động”, cách mà một cây đang chịu gió thổi ra sao. Thứ hình dạng như thế rõ ràng vừa phức tạp vừa tương đối tự do, nhưng nó sẽ không dễ tàn nếu gió không thể thổi nó đi mất. Thơ thực sự, nói một cách khác, vừa ngẫu nghiên vửa lâu dài: nó giảng hòa những mâu thuẫn này. Ý của Williams, dù là mới lạ trong dạng thức, cũng trở lại “Nghệ thuật” (đã bàn luận dưới “Art & Beauty”) của Emerson và Melville; về mặt tinh thần bài thơ cũng có vẻ rất gần với trích dẫn chơi chữ bởi Thoreau đã dùng làm đề từ cho đoạn này. Trong “A Sort of a Song”, Williams đưa ra lối đặt trong ngoặc “No idea / but in things” đã tái công thức lại đề mục chính trong “Ars Poetica” của MacLeish. Williams thúc đẩy nhà thơ làm thơ và phát minh, và cũng xem tự chính thơ vừa là một con rắn sẵn sàng cắn vừa là một đóa hoa chẻ đá (để nở). Như trong “The Wind Increases”, ông đặt chỗ nhấn vào tính nguyên thủy sửng sốt và tính ngoan cố không ngờ của chữ của nhà thơ thật, cũng như nhấn mạnh vào mối kết nối giữa thi ca và thiên nhiên.


13 • Tân Hình Thức

J.V. Cunningham trình bày rõ ràng một phản-bác chua chát chống lại dòng chính thơ Mỹ với “For My Contemporaries” (1942). Đặc trưng thì Cunningham bất đồng quan điểm với việc bám vào một khái niệm hữu cơ thơ tự-do của số đông. Thay vào đấy, ông tự đồng tình với phát biểu (đang) nổi tiếng của Robert Frost, rằng làm thơ tự do giống như đánh tennis không có lưới ngăn giữa. Cunningham loại bỏ truyền thống lãng mạn tự biểu hiện và thế vào đấy là các nhà thơ Latin và Phục Hưng nghiêm khắc hơn như kiểu mẫu, chuộng nói đến tác phẩm của mình là “thơ vần” (verse), để phân biệt nghịch lại “thơ” (tự do). Thơ vần, mà ông nhắc đến là những sáng tác vận luật và vần nhịp chặt chẽ, ông cho rằng, thuộc về công chúng với những căn bản khách quan ưu tú, trong khi thơ, ý ông muốn nói là thơ tự do, đã biến thành riêng tư hay thuộc nhóm văn học, với những phẩm chất căn bản chủ quan và phần lớn là độc đoán, gần-như-tôn-giáo. Không nghi ngờ gì nữa, nhiều nhà thơ và nhà phê bình Mỹ, bắt đầu với Emerson và Whitman, đã cố sức tìm trong thơ tự do vài ý nghĩa tư tưởng cũng như phẩm chất “Mỹ” riêng biệt không rõ nghĩa, trong khi đó, lại quên mất rằng các nhà thơ người Anh như Christopher Smart, William Blake, và Martin Farquhar Tupper đã dùng nó trước cả Whitman, rằng Vers libre của Pháp đã gây hứng cho phong trào hiện đại, và rất nhiều nhà thơ Mỹ hay nhất và đặc sắc nhất – từ Bryant và Longfellow cho đến Melville và Dickinson cho đến Robinson và Frost – từng làm thơ theo vận luật. “For My Contemporaries” kể ra cách Cunningham, với lương tâm, từ bỏ “thơ” để theo “vận luật”. Những câu ngắn trong bài thơ tương phản với câu dài, sưng phồng lên, như Cunningham đã nói, với “tiếng động tinh thần” – mà ngay lập tức, kết hợp với Whitman và các nhà thơ hiện đại hậu duệ. Bài thơ nhấn mạnh vào khó khăn và tính nguyên thủy của sự khéo léo tài giỏi và chiều theo những người có ý đánh giá thấp hoặc ngay cả bất chấp đạo lý truyền thống của vận luật. Đoạn thơ cuối nhức nhối sắp đặt cảm giác và khéo léo với vận luật, dường như cũng sắp đặt thơ (tự do) với điên khùng. (Những tình cảm tương tự có thể tìm thấy trong vài bài thơ ngắn về nghèo khổ viết bởi đồng nghiệp thông cảm quen biết với Cunningham, Yvor Winters, gồm có “To a Young Writer”, “On Teaching the Young”, và “Time and the Garden”). Văn phong gay gắt biểu thị của Cunningham mở đầu hình ảnh tự nhiên và dạng thức hữu cơ bị chỉ trích hoàn toàn. “For My Contemporaries” hơi khó chịu nhưng là một phát biểu cá nhân không chối cãi về việc kháng cự lại những phương thức có ưu thế của thơ Mỹ. Nó trêu chọc một cách nào đó rằng tất cả mọi phát biểu thông minh rõ ràng không đồng quan điểm, và không có gì đáng nghi ngờ, đã được dùng đề tạo hứng cho phong trào “tân hình thức” qua vài thập niên qua, liên kết với tác phầm của những nhà thơ-kiêm-phê-bình xuất sắc như Timothy Steele và Dana Gioia. Mặt khác, “American Poetry” (1963) của Louis Simpson, tương tự như “Poetry” của Moore trong cách nó kêu gọi những bài thơ tạp nhạp có thể “tiêu hóa” bất cứ gì hiện hữu trên thế giới, kể cả “uranium”. Simpson, giống Moore và không giống Cunningham, đứng ở dòng chính tư tưởng Mỹ về thơ, nối dài từ thời Emerson và Whitman. Không có lý thuyết gia chủ yếu nào về thơ Mỹ lại muốn giới hạn chủ đề của thơ đối với đề tài “thi ca” bình thường. Tất cả mọi thứ trên thế giới, như Emerson ám chỉ trong bài tiểu luận “The Poet”, phải được xem là nguyên liệu thích hợp cho tưởng tượng thơ sử dụng. Simpson thể hiện cụ thể thơ Mỹ qua hình ảnh một con cá mập, khi bị mổ bụng có thể tìm thấy đủ thứ kinh ngạc (Simpson đưa ra thí dụ chiếc giày, tượng trưng cho bất cứ điều gì “không thơ lắm” mà ta có thể tìm thấy trong một bài thơ Mỹ xác thực). Ông phát triển hình ảnh này xa hơn nữa gồm trong hai câu: con “cá mập” phải bơi không biết mệt qua “sa mạc” của văn hóa Mỹ, và nó phải, trong những điều kiện vô nhân đạo như thế, xoay sở để tìm hay giữ được tiếng nói “hầu như người”. Nối kết với thiên nhiên trong bài thơ ở mức độ tinh tế nhất – “những mặt trăng” và “sa mạc” không hẳn gợi lên được một đồng quê lý


Thơ • 14

tưởng – nhưng đây cũng là một phần của quan điểm. Những vệt cắt vô cùng lớn của Mỹ châu hiện đại lồ lộ thiếu vắng bất cứ di tích nào của thiên nhiên, nhưng thơ, vẫn thích nghi và hỗn tạp như Emerson đã tiên đoán, phải xông tới và tìm những nguồn hứng mới; nó phải, một cách đối nghịch, làm thơ không có nét thơ. Không có bài thơ nào nói đến bây giờ đã nắm được câu hỏi căn bản và khó nhất trên tất cả: Thơ là gì? “Because You Asked about the Line between Poetry and Prose” (1980) của Howard Nemerov bắt đầu làm việc đó, cho dù hơi gián tiếp một chút. Trong bài thơ súc tích hình tượng này, Nemerov chỉ ra một cách duyên dáng những bóng màu xám tách biệt thơ với văn xuôi. Ông làm như thế với minh họa ẩn dụ: khoảng khắc hạt mưa lạnh cóng biến thành tuyết. Khoảnh khắc đích xác của sự thay đổi này thì tránh né cái nhìn chăm chú nhưng chính sự thay đổi thì không thể hoài nghi được. Nói một cách khác, Nemerov từ chối phân biệt hẳn hòi giữa thơ và văn xuôi. Phân ranh mập mờ nhưng khác biệt – thứ mà A.R. Ammons trong “Corsons Inlet” gọi là “đường cắt căng ra” (sharpeness spread out). Nemerov chứng tỏ, qua thí dụ sáng lòa của mình, rằng đường ranh chính xác giữa các thứ liên quan với nhau rất khó để vẽ chính xác. Khi nào thì “trung niên” chấm dứt và “cao niên” bắt đầu? Chúng ta có thể khó nói ra mặc dù vẫn tin rằng mình có thể nhận biết trung niên hay người già khi gặp mặt. Trong vài trường hợp nào đó một thí dụ cụ thể, có thể nhiều tranh luận trừu tượng đáng giá. Phần lớn thơ được dự đoán theo khái niệm này, và ở đây, Nemerov chưa viết về thơ mà chỉ mới đưa ra một thí dụ hay, thơ là gì. Dana Gioia thăm dò một khía cạnh khác của thơ trong “The Next Poem” (1991), một trình bày nổi bật về hy vọng mà tất cả mọi nhà thơ thực hành sẽ đồng tình. Gioia diễn tả ý tưởng Platonic của một bài thơ mà trong đó ông (và nhiều nhà thơ thể luật) khao khát mỗi lần đặt viết lên giấy (hoặc là, gõ gõ mấy cái lên phím). Bài thơ mà ông nghĩ đến sẽ có câu mở đầu khó quên, sẽ làm ra cách sử dụng thể thơ một cách chuyên môn và hữu cơ, sẽ dùng vần tinh vi, phối hợp các ngôn ngữ thông thường với âm nhạc sinh động, kinh ngạc, tránh phần mảnh và khó hiểu, và và với sự ẩn tàng chắc chắn đầy ý nghĩa. “Giờ thì có vẻ tốt hơn trước,” ông than vãn, khi nó thật sự được làm xong. Gioia kềm giữ giấc mơ hoàn hảo bằng những thỏa hiệp cứng ngắc và bất mãn của sự trình diễn hiện thời. Nhiều nhà thơ cố làm “bài thơ hoàn hảo”, trong khi biết rằng điều đó rất khó. Tuy vậy, Gioia ám chỉ, chính tự giấc mơ, là thứ tạo ra hứng cho vài bài thơ hay, vì nếu không có một hoàn hảo lý tưởng sẽ không có căng thẳng theo đuổi cái tuyệt hay. Bài thơ, minh họa qua nhiều quan tâm, những tư cách đáng ganh tị mà nó kể ra từng chi tiết, kết thúc bằng một suy diễn sâu sắc: nhà thơ như người câu cá, chờ đợi con cá kế tiếp cắn câu và hy vọng sau rốt, đó sẽ là “con cá lớn”. Điểm Thọ dịch


Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.