Báo Thơ • Tháng 12 năm 2021 • Phụ Bản

Page 1

Báo Thơ • Tháng 12 năm 2021 • Phụ Bản Email: tanhinhthuc@yahoo.com • www.thotanhinhthuc.org

___________________________________________________________________________

KHẾ IÊM VỚI HÀNH TRÌNH DẤN THÂN TẬN HIẾN, SÁNG TẠO THƠ _______________________________

Domino – Nhà xuất bản Đà Nẵng

Trần Hoài Anh


Thơ • 2

1. Trong “Thư tạ ơn” xem như lời mở đầu về Tuyển tập Thơ của đời mình, Khế Iêm đã chia

sẻ: “Ba tập thơ Thanh Xuân, Dấu Quê, Thơ Khác gộp lại thành một tuyển tập, chẳng khác nào ghi lại dấu vết một đời thơ. Thơ là hình thái của sáng tạo. Sáng tạo thì phải đổi mới. Đổi mới không phải là cách dùng chữ, mà là đổi mới thể thơ (…). Khởi đầu từ thời còn trẻ, với thơ vần điệu (Thanh Xuân), khi định cư tại Hoa Kỳ, tôi sáng tác bằng song ngữ Anh Việt, với loại thơ cấu trúc (Dấu Quê) và Tân hình thức (Thơ Khác), kết hợp giữa vần điệu và tự do, như hồi tưởng lại một thời, đất nước quê hương. Nói chung, mỗi thời kỳ một khác, thể hiện mỗi giai đoạn của cuộc đời. Nếu mỗi người trong chúng ta, khi sinh ra, đều có một lý tưởng, thì những văn nghệ sĩ, với mối cảm xúc tràn đầy, đã làm cho tâm hồn mộng mơ của họ góp phần thăng hoa nền văn hóa”1. Và, hành trình sáng tạo thơ của Khế Iêm là hành trình đổi mới và cách tân không ngừng. Khát khao “cách mạng” trong tư duy thơ Khế Iêm cần thiết cho thơ như hơi thở cần cho sự sống con người. Vì thế, dù làm thơ lục bát, thơ tự do, thơ cấu trúc hay thơ tân hình thức, thì cảm hứng chủ đạo trong thơ Khế Iêm vẫn là cảm hứng cách tân, đổi mới thi pháp thơ để chuyển tải tình tự dân tộc cùng những suy tưởng, cảm xúc của thi nhân về cuộc đời, về thân phận trong cõi nhân sinh như một nỗi ám ảnh của vô thức và tâm linh. Thơ Khế Iêm luôn “trôi” trong dòng chảy của tâm thức văn hóa Việt và tư tưởng văn hóa Đông – Tây. Đây là một sự “hôn phối” nhiệm mầu của tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại kết tinh trong một tư duy thơ giàu chất suy tưởng: Tư duy thơ Khế Iêm. Vì vậy, trong sâu thẳm cõi thơ Khế Iêm từ Thanh Xuân đến Dấu Quê và Thơ Khác là hồn quê với nỗi nhớ cố hương da diết bàng bạc trong những diễn ngôn mang tình tự dân tộc chan chứa trong những câu thơ đầy ám gợi mà khi đọc lên, ta không khỏi thấy nao lòng: “Chống gậy trông đồi hoa/ Hỏi thăm về quê nhà/ Áng mây màu cước bạc/ Cảnh trời muôn dặm xa” (Mong); “Ngun ngút chân đồi qua/ Lãng quên tình quê nhà/ Bến người, hoa bướm đậu/ Khe khẽ trăng vù xa” (Vù xa); “Về thôi, hẳn mộng đồng xanh/ Đã tan chưa hạt nước quanh mắt ngàn/ Thuở lời, vọng tiếng chim ran/ Đò quê, mật sóng giữa đàng lá không” (Lá không); “An nhiên, cát bụi lên đồng/ Gác khuya hắng gọi thuyền sông, bến bờ/ Dội ngoài dâu bãi, rung tơ/ Bóng câu đứt mạch nằm trơ, vó sầu” (Vó sầu) “Lênh đênh biển biếc một chiều/ Quanh thôn sóng rộng dập dìu khói xây/ Mây trôi chở cội nắng đầy/ Lỡ thân tan nhạt làm rầy nước non” (Nước non) … Và những hình ảnh thơ giàu tính biểu tượng như: quê nhà, xóm quê, mùa quê, quê mưa, tình quê, chân đồi, đồng xanh, tiếng chim, đò quê, thuyền sông, dâu bãi, nước non … đã tạo nên mỹ cảm sâu sắc về văn hóa và tình yêu quê hương, đất nước cũng lớn lên từ đó trong tâm hồn người dân Việt. 2. Như đã nói, thơ Khế Iêm là sự hợp hôn nhiệm mầu của văn hóa Việt với văn hóa Đông – Tây. Vì vậy, trong tâm thức Khế Iêm, bên cạnh sự ám ảnh của văn hóa Việt còn có sự ám ảnh của tư tưởng Đông – Tây, mà trước tiên là nỗi ưu tư về những được mất vô thường, những căn duyên nghiệp chướng, những khổ đau, bi cảm của kiếp người, nhuần thấm tinh thần triết lý Phật giáo trong từng câu thơ: "Nhè nhẹ gieo bóng sương/ Với tay tới vô thường/ Quê mưa lẻ tiếng nhạn/ Líu lo lời mán mường” (Mán Mường); “Một cuống mắt non/ Khơi sầu thiên cổ/ Một chút duyên con/ Nằm trong loang lổ/ Không mất không còn/ Hồn thu rất nhỏ” (Rất nhỏ); “Xập xòe chim chóc


3 • Tân Hình Thức

liệng/ Cỏ ngát, hoa ngoài song/ Khói búp, cửa xuân lỏng/ Mang mang tình, như không” (Như không); “Ta tắt tiếng từ bao giờ không biết/ Lúc nhìn em lồ lộ ngoài hư không/ Lúc ta theo vồ vập màu chiều tà/ Và chỉ thấy bụi rơi cùng nắng lạ/ Ta ngây dại đến vô cùng thảng thốt/ Khi sinh ra trên mặt đất đầy ưu sầu/ Một bể sầu xô dạt dưới chân non/ Một mảnh chiều phiêu dạt giữa mây rong/ Em không thấy rằng ta là tro bụi/ Và sinh ra từ một ánh trăng suông” (Thanh xuân) … Hay sự ám ảnh từ ý niệm triết học vô vi, xuất thế, của tư tưởng Lão – Trang, kết tinh thành những ảo mộng giữa cõi nhân gian hiển hiện trong từng câu thơ giàu tính triết luận: “Thong dong về non xanh/ Ngày hư hơi gió lành/ Quán không lòng mong tưởng/ Một chòm mây mai danh” (Gửi Lão Tử) “Chết giữa rạng đông/ Chạy rông bãi mộng/ Mặt trời rất rộng/ Như bông mênh mông” (Chết) “Đứng không hớp một chén mây/ Nằm trong thiên cổ có hay ta về/ Hỏi thăm cây cối nín khe/ Một chòi gió đựng mấy the nắng sầu/ Lặng thinh hít bụi mơ hồ/ Trong giây lâu đã đến bờ hư sinh/ Thả thuyền vớt ánh bình minh/ Ghé qua vô tận lấy bình tang thương” (Chuyển mộng) “Gác mái, con đò trôi / Chở trăm dòng, cội đời/ Mắt liếc cõi mây nổi/ Ngổn ngang hồn mộng rời (Hồn mộng); “Thấp thoáng chim bay qua/ Động nghe lòng khóc òa/ Hương xa, đóa quỳnh nở/ Ấm êm, tình mộng là ...” (Tình mộng). “Hoa trôi, hoài giang đầu/ Mơ mơ thôn làng dâu/ Hắt hiu, dấu du sĩ/ Mênh mông môi, rượu sầu” (Rượu sầu) … Và một bình diện khác từ những suy tưởng mang ý niệm triết học trong thơ Khế Iêm, bên cạnh tư tưởng Phật – Lão là sự hiện hữu của tư tưởng triết học hiện sinh với nỗi khát khao, trăn trở đi tìm cái tôi bản thể, cho dù đó là cái tôi cô đơn, lưu đày, sầu khổ hay cái tôi với những khát vọng không thành trong kiếp nhân sinh mà bài thơ “Héo Tàn” là một minh chứng: “Hắn bước vào quá khứ/ hắn là quá khứ nơi/ căn gác dưới lớp tôn /mái tôn những trưa hè /nắng nóng hắn là nắng/ nóng ngồi đó hẳn là/ ngồi đó quay lại một /thời niên thiếu chậm trôi/ bây giờ đã chìm trong/ ký ức như chiếc bóng/ đậm đặc quạnh hiu kéo/ dài cho đến khi hắn/ như hạt bụi bị cuốn/ vào cơn bão thời đại/ mịt mù sương khói bỏ/ lại đằng sau những người/ sống trong ngôi nhà nửa/ xây tường nửa gác gỗ/ bây giờ không còn ai/ và ngôi nhà cũng không/ còn họ đã đi xa xa /rồi mang theo thời niên/ thiếu đơn độc lặng câm/ của hắn hắn nhớ họ/ nhiều họ và hắn như/ giọt mưa tung tóe trên/ hè phố và mỗi tia/ nước là một ngả đường/ đời trần trụi bây giờ/ họ ở đâu những người/ anh em của hắn hắn/ khóc những giọt nước mắt/ khô bên cạnh mối sầu/ thương và quá khứ hắn/ bước ra phút giây như/ chiếc lá đã héo tàn”. (Héo tàn) Có lẽ, trong tận cùng những ưu tư của nhân loại, dù Đông hay Tây, đều gặp nhau ở khao khát đi tìm lời giải về hai căn đề của triết học, đó là thế giới luận và bản thể luận, trong đó việc khám phá, giải mã về sự hiện hữu của cái tôi bản thể, có lẽ là điều ám ảnh nhất. Đây là một ẩn ngữ mang màu sắc dụ ngôn trong thơ Khế Iêm, để lại ấn tượng sâu sắc, có sức cuốn hút tâm tưởng người đọc. Thế nên, sự kết hợp nhiệm mầu giữa văn hóa Việt và tư tưởng Đông – Tây là những phẩm tính văn hóa mang ý niệm triết luận đã làm nên một hệ giá trị trong thơ Khế Iêm. Đó là một thi giới hiện sinh trôi trong dòng chảy tư tưởng Đông phương đã gợi thức biết bao điều ngẫm ngợi về sự mỏng manh của kiếp người: “Chờ đợi/ Mất hút/ Lặng lẽ/ Lá rơi trong khoảnh khắc/ Ẩn mật/ Mộng gõ tăm tối mắt rộn rã/ Thoảng đưa hương ngâu thôn đời xa/ Thõng tay giữa chợ/ Gió háo hức/ Mang máng nhớ đất trời chật chội/ Vội vã/ Quát tháo/ Lửa dìu dặt/ Chõng tre ngơ ngác ngó quanh quất/ (Cứ khuấy mãi bùn ao đục/ Chẳng hiểu lòng như một chốn mơ)/ Tắt ký ức/ Và sáng/ Bụi/ Hôn ám/


Thơ • 4

Để ngỡ con đường dẫn về nẻo trọ/ Ngỡ dòng trăng là chuyến đò trôi/ Và trăm năm/ Chìm/ Trong khung hẹp” (Tắt). 3. Có thể nói, những ưu lo về cuộc đời, về thân phận, về quê hương là một thông điệp nhân sinh giàu tính nhân văn được kết tinh từ những giá trị văn hóa dân tộc và tư tưởng Đông Tây mà Khế Iêm muốn chuyển tải qua thơ để kiếm tìm một sự đồng cảm, sẻ chia với tha nhân. Và suy cho cùng, hành trình dấn thân, tận hiến, sáng tạo, đổi mới thi pháp thơ của Khế Iêm cũng là khát vọng đi tìm con đường để thơ được tồn sinh, nhằm thực hiện lý tưởng nhân bản nầy. Vì vậy, những bài thơ trong tuyển tập của Khế Iêm là sự minh chứng sinh động cho khát vọng dấn thân, tận hiến, sáng tạo không ngừng để cách tân thơ Việt. Ta hãy nghe thi nhân chia sẻ: “Thơ không còn tùy thuộc vào nỗ lực từ cá nhân mà là những vận động rộng lớn của cả một thế hệ, như một trào lưu, xác định tiếng nói và bản chất của một nền văn hóa ở một thời điểm đặc biệt của lịch sử thi ca. Nhưng nhà thơ khi chọn một ngôn ngữ bởi sự quyến rũ và lòng yêu mến, và là ngôn ngữ họ có khả năng nhất để biểu hiện thơ, ở đây là tiếng Việt, cớ gì không hợp quần, nhiều phong cách làm một phong cách, nhiều tiếng nói làm một tiếng nói, thành một phong trào đầy tự tin và hào hứng”2. Thế nên, nhìn từ phương diện: thi đề, thi ảnh, nhịp điệu, ngữ ngôn, giọng điệu… những bài thơ của Khế Iêm trong Thanh Xuân như: Từ Biệt, Vô Đề, Vay, Một Mình, Tình, Khói, Mùa Đông Quê Hương, Cảnh, Nhánh Sầu, Lệ, Phiêu Diêu, Tỉnh Mộng, Trưa, Tàn Đông, Nghe Đàn, Tự Ca, Mắt Cũ, Xẩm Ca, Góc Trọ, Rã Rời, Hoa Khói, Cội Thề, Mong Manh, Như Không, Vù Xa, Thơ Dại, Hồn Mộng, Phiêu Khúc, Cõi Vạn Chiều, Lá Không, Vó Sầu, Nước Non, Phố Người, Thoáng Say, Mù Sa, Sầu Lên, Thuyền Sao, Rượu Sầu, Và Hoa, Xuân Tứ, Phân Ly, Thanh Xuân, Ưu Sầu … phần nào mang hơi hướm thi ca Tiền chiến (1932-1945) và thơ tự do của nhóm Sáng Tạo trong văn học miền Nam (1954-1975). Và, dù có ý thức đổi mới thi pháp thơ thì tư duy thơ Khế Iêm trong Thanh Xuân cũng không thoát khỏi trường mỹ cảm của thi ca truyền thống mà bài thơ Chuyển mộng làm theo thể thơ lục bát: “Đứng không hớp một chén mây/ Nằm trong thiên cổ có hay ta về/ Hỏi thăm cây cối nín khe/ Một chòi gió đựng mấy the nắng sầu/ Lặng thinh hít bụi mơ hồ/ Trong giây lâu đã đến bờ hư sinh/ Thả thuyền vớt ánh bình minh/ Ghé qua vô tận lấy bình tang thương/ Lặng nghe gió cuốn mặt ghềnh/ Cái thân vô mệnh buồn tênh đã chìm/ Cuối đời rời rã cánh chim/ Mượn dòng nước bạc in lìm mà gieo/ Em đi mất mộng xuân thì/ Ôm thinh không ngủ thấy gì trăng sao …”. (Chuyển mộng), hay bài Phiêu diêu làm theo thể thơ ngũ ngôn “Khói nhang ngoài hiên chiều/ Vẩn vơ, hoa bao nhiêu/Trôi đâu, tình vạn thuở/ Bèo dâu thôi, phiêu diêu” (Phiêu diêu) là những bài thơ tiêu biểu mang âm hưởng thi ca tiền chiến trong Thanh Xuân của Khế Iêm. Còn bài thơ Nhánh sầu: “Với ngày, tiếng nói là miểng nhọn/ Đập vỡ những chiều xanh tóc gai / Với thời, bao nỗi mắt ẩm ướt/ Ôi chăng, chảy trôi nước tất bật/ Bồi hồi những trái tim đồi xa/ Dập vùi chút dĩ vãng chập chững/ Bình nguyên thản nhiên trong lòng ta/ Lần theo ngàn sương, bẫy ương ngạnh/ Thở đi, bao la thay hừng đông/ Thổi ra những thương tích bầm vập/ Gõ ran những chảo đời có thật/ Nghe ầm vang sóng rời đầu nguồn/ Đã chở tro về chôn bến nhớ/ Đã ngờ trong một thoáng từ ly/ Là mở ngỏ ý tình, bỡ ngỡ/ Ta uống nhầm rượu hay, cơn sầu bi.” là bài thơ viết với lối thơ không vần theo tinh thần của nhóm Sáng Tạo. Nhưng đến Dấu Quê, thì Khế Iêm đã có một sự bứt phá trong hành trình đổi mới tư duy trong thi pháp thơ mà trước tiên là sự đổi mới cấu trúc thơ như anh đã chia sẻ: “Đề cập tới thơ cổ


5 • Tân Hình Thức

điển, tiền chiến hay thơ tự do Việt không phải là để phán đoán. Mà rút ra từ kinh nghiệm của chính tôi. Ở thời kỳ đầu, tôi làm đủ thể loại từ thơ vần đến thơ tự do, chủ ý làm mới cảm xúc và ngôn ngữ và thấy rằng cũng chỉ làm mới Tiền Chiến, và nếu có một chút giá trị thì đó là giá trị của một chặng đường đã qua (tập thơ Thanh Xuân). Tới thời kỳ thứ hai, tôi thoát hẳn ra bằng cách sử dụng dòng động lực và sự chuyển động của ngôn ngữ, đi tìm một cấu trúc mới (tập thơ Dấu Quê)”3. Và những bài thơ trong Dấu Quê như: Níu lại, Nhau Qua, Cà Phê, Ngẫm ra, Đêm, Giận, Hoa Thị, Ngày, Trầm Mình, Với Gió, Ngọn Nguồn, Khẽ gọi, Dấu Vết, Rơi ra, Bình Minh, Quay Gót, Muông Thú, Phiền Muộn, Lời, Cánh sầu, Cỏ Ngàn, Quay, Chấm Phá, Máng Rơm, Phiêu lãng, Vô Lý, Thiếu Phụ, Chiều, Đá, Cội Nguồn, Trong Cõi, Hỏi, Kiếm Sống … mà cấu trúc bài thơ Biển xanh là một minh chứng: BIỂN XANH mồ hôi đá

hòa sền sệt với bóng tối bôi mặt bật ruộng dâu ra ngoài biển

xanh Và với niềm khát khao sáng tạo đổi mới thi pháp thơ, cho dẫu Khế Iêm tiếp tục khám phá nhưng rồi, thi nhân đã không thể vượt qua chính mình. Bởi, sáng tạo nào cũng không chấp nhận sự đóng băng, sự trì trệ, bảo thủ khi mãi giam mình trong một “thành trì” nhằm che chắn cho những giới hạn của mình. Điều này hoàn toàn đi ngược với qui luật của sự sáng tạo, trong đó có sáng tạo thi ca. Bởi, trong quan niệm của Khế Iêm: “Vấn đề không phải đi xa hay đi gần mà tôi nhận ra thơ có quyền năng và chỉ có thơ mà thôi, cho chúng ta biết giới hạn và thất bại của mình. Nhà thơ đều là những kẻ thất bại và nếu không nhận ra điều đó, có lẽ chẳng bao giờ họ trở thành nhà thơ”4, nên anh đã tự nguyện dấn thân chọn thơ Tân hình thức như một chọn lựa hiện sinh cho hành trình sáng tạo thi ca của mình, cho dù đây không phải là sự chọn lựa dễ dàng, thuận buồm xuôi gió mà tập Thơ Khác với những bài thơ viết theo lối thơ Tân Hình Thức như: Cái Hộp, Bậc Thang, Chiếc Ghế, Bài Thơ Không Vần, Trang Sách, Câu Nói, Ảnh Ảo, Tủ Lạnh, Con Mèo Đen, Giữa Ai và Ai, Người Đàn Bà, Chuyện Đời Anh, Buổi Chiều, Buổi Sáng, Chúng Ta, Cô Gái Da Đen, Cô Gái Soi Gương, Khổ Đau, Con Chim Chết, Tức Cảnh, Vở Kịch, Ý Nghĩ, Bài Thơ Xe Đạp, Héo Tàn, Vô Đề, Một Thời Thơ, Nói … mà ngay thi đề mỗi bài thơ như một biểu tượng của sự “nổi loạn” hiện sinh đã là một minh chứng cho khát vọng dấn thân trên hành trình đi tìm sự tồn sinh cho thơ Việt, dẫu rằng anh có thể nhận lấy “thất bại”. Song, trong quan niệm của Khế Iêm: “Thất bại làm cho nhà thơ nhận ra được chính mình và mọi người, thúc giục họ phải đi tới mãi, cho đến bao giờ không còn đi được nữa. Phủ nhận chẳng qua là phủ nhận những thất bại để làm một thất bại khác. Vấn đề là thất bại lớn hay nhỏ, và chúng ta có dám đối mặt với nó hay không”5. 4. Có thể nói, hành trình đến với thơ Tân hình thức của Khế Iêm, theo chúng tôi, cũng là một thể nghiệm và đúng hơn là một thực nghiệm cần thiết trong quá trình sáng tạo để tìm ra một hướng đi mới cho thơ anh cũng như thơ Việt. Vì thế, có thể xem sự chọn lựa nầy cũng là một ứng xử văn hóa của việc tiếp nhận và sáng tạo thi ca. Ta hãy đọc bài thơ “Người đàn bà”, theo tôi, đây là một trong những bài thơ hay, thể hiện khát khao sáng tạo và tài năng thơ của Khế Iêm minh chứng cho những giá trị độc đáo của thơ Tân hình thức, không chỉ ở nội dung


Thơ • 6

tư tưởng mà trong cả nghệ thuật biểu hiện. Đó là một bài thơ với những ẩn ngữ giàu tính biểu tượng và mỹ cảm, minh chứng cho sự chọn lựa tất yếu trong hành trình sáng tạo thi ca của một thi sĩ đích thực và dũng khí: “Người đàn bà ngủ với người đàn ông/ không phải chồng của mình, trong căn phòng/ không phải căn phòng của mình, với cái/ tôi không phải cái tôi của mình, vào/ buổi tối không giống buổi tối nào (vào/ buổi tối không khác buổi tối nào), giữa/ nhà ga đầy muỗi mòng và nước đái / ngựa, nhai lại bất cứ thứ gì có/ thể nhai lại, bôi xóa bất cứ thứ/ gì có thể bôi xóa, ném vào đống/ đồ đạc cũ, mảnh báo cũ, kể về/ nỗi nhọc nhằn đồi trụy; xỏ chân vào/ đôi guốc mộc, và bước qua ngưỡng cửa,/ để đi tìm người chồng nơi những người/ đàn ông không phải chồng của mình. Biết/ thế thì. Thôi thế thì. Người đàn bà/ đánh mất quá khứ, hay quá khứ đã/ tàn phai, thất thiệt, từ hàng trăm năm/ trước, rằng đã có một thời, đã có,/ “một thời áo trắng xa xôi”. Người đàn/ bà quay gót, trở về căn phòng không/ phải căn phòng của mình, với cái tôi/ không phải cái tôi của mình, dửng dưng,/ như sự thật chẳng bao giờ có thật.” (Người đàn bà) Và để hiểu rõ, thấu cảm hơn ý thức đổi mới thi pháp thơ mà Khế Iêm xem như một sứ mệnh lịch sử mà thi ca đặt trên vai mình, ta hãy nghe lời tâm sự thành thực của anh trong tuyển tập thơ, khi anh chia sẻ: “Tập thơ ‘Dấu Quê’ được sáng tác trong khoảng 1994 – 1996, xuất bản lần thứ nhất tháng 12 – 1996. Đây là tập thơ tự do, sau tập thơ vần điệu được sáng tác tại Việt Nam, tập 'Thanh Xuân', theo phong cách truyền thống thơ Việt, ý ở ngoài lời. Thơ tự do 'Dấu Quê' chủ vào việc tìm kiếm cấu trúc thơ trong quan điểm hình thức và nội dung là một, khác hẳn với những dòng thơ tự do Việt Nam trước đó, đặc biệt là vào thập niên 1960s ở cả miền Nam lẫn miền Bắc, chủ vào cái hay của ngôn từ.”6 Nhưng: “Sau 'Dấu Quê', tôi không còn làm thơ vần điệu hay thơ tự do nữa, mà chuyển qua thơ Tân hình thức Việt, một thể lọai nối kết được rất nhiều yếu tố thơ từ truyền thống tới hiện đại, từ thơ tiếng Anh tới thơ tiếng Việt. Đưa tới khả năng, báo hiệu những sáng tác mang tính tập thể. Bởi trong thời đại của mạng xã hội, mỗi cá nhân vừa hiện diện, vừa không hiện diện, mập mờ giữa ảo và thực. Mạng xã hội nối kết và hoà tan con người thành những hiện thân (avatar) vô danh. Vì thế, sáng tác đơn lẻ của một cá nhân cần kết hợp với những sáng tác tập thể để đáp ứng với tầm vóc của thời đại.”7 Bởi, nói như Aimé césaire: “Nhà thơ là môt kẻ rất già nua và rất mới mẻ, rất phức tạp và rất giản dị, ở quảng biên thùy đã từng qua lại, giữa mộng và thực, sáng và tối, ẩn và hiện; trong cơn đảo lộn bất thần ở nội tâm, y tìm kiếm và nhận được một thứ ám hiệu, tiếng mật ước để hiểu ngầm mà giao ứng, và đi tới mãnh liệt”8. 5. Thực ra, sự dấn thân, tận hiến trong sáng tạo thơ, không chỉ là “đặc quyền” riêng có của Khế Iêm mà đó là phẩm tính của những tài năng thi ca khát khao sáng tạo những giá trị mới. Thơ ca là tinh hoa của văn hóa mà văn hóa thì luôn biến đổi, văn hóa không biến đổi là một thứ văn hóa chết. Vì thế, sự biến đổi trong hành trình sáng tạo thơ ca cũng là một tất yếu. Nhà thơ đích thực và khao khát sáng tạo phải là nhà thơ không bao giờ bằng lòng với những sáng tạo của mình mà luôn khao khát dấn thân để tìm cho thơ những chân trời nghệ thuật mới. Bởi thế, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, những thiên tài thi ca dân tộc, dẫu từ tuổi thiếu thời, khi bắt đầu làm thơ đã mê thơ Đường và viết những bài thơ Đường rất hay được các nhà thơ “tiền bối” khen ngợi. Thế mà khi lớn lên, được tiếp nhận văn hóa Phương Tây, Hàn Mặc Tử, Bích Khê đã mạnh dạn “ly khai” Đường thi thẳng tiến đến lãnh địa của thơ tượng trưng và siêu thực, nhờ vậy, Hàn Mặc Tử đã để lại cho đời thi phẩm Gái Quê bất tử được Chế Lan Viên ngợi ca: “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mạc Tử”9. Còn Bích Khê thì sáng tạo


7 • Tân Hình Thức

nên thi phẩm Tinh huyết, mà một nhà phê bình văn học tài năng, tinh tế trong cảm thụ thi ca như Hoài Thanh cũng phải tự nhận: “Tôi thấy trong đó có những câu thơ thật đẹp. Nhưng tôi không dám chắc bài thơ đã nói hết cùng tôi những nỗi niềm riêng của nó. Hình như vẫn còn gì nữa (…) Thơ Bích Khê, đọc đôi ba lần thì cũng như chưa đọc”10. Còn trong cái nhìn của Chế Lan Viên thì thơ Bích Khê là một “đỉnh núi lạ”. Lạ, nghĩa là đã sáng tạo nên cái mới vậy! Hay Nguyễn Vỹ, một trong những nhà thơ mà khao khát làm mới thơ đã khiến ông “nổi loạn” đề ra lối thơ Thị giác như một dấu ấn của tín hiệu cách tân thơ thời Tiền chiến làm “khó chịu” bao người, trong đó có nhà phê bình Hoài Thanh. Vì vậy, trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã “phê phán” Nguyễn Vỹ với những lời mai mỉa, chua chát khi cho rằng: “Nguyễn Vỹ đã đến giữa làng thơ với chiêng trống xập xoèng inh cả tai. Chúng ta đổ nhau ra xem. Nhưng chúng ta lại chưng hửng trở vào vì ngoài cái lối ăn mặc và những điệu bộ lố lăng lúc đầu ta thấy con người ấy không có gì.”11 Nhưng rồi, cũng chính Hoài Thanh, lại ngợi ca thi tài của Nguyễn Vỹ khi xác quyết: “Một bài như bài Sương rơi rất được nhiều người thích. Người ta thấy Nguyễn Vỹ đã sáng tạo ra một nhạc điệu riêng để tả một cái gì đang rơi. Cái gì đó có thể là những giọt sương cũng có thể là những giọt lệ hay những giọt gì vẫn rơi đều đều, chậm chậm trong lòng ta mỗi lúc vẩn vơ buồn ta đứng một mình trong lặng lẽ”12. Hay trong văn học miền Nam (19541975), với khao khát cách tân thơ Việt, các nhà thơ trong nhóm Sáng Tạo cũng muốn làm cuộc “cách mạng” thơ ca nhằm “phủ định” Thi ca Tiền chiến, để “khai sinh” một kiểu thơ với thi pháp mới: Thơ tự do không vần. Bởi, nói như Thanh Tâm Tuyền: “Mỗi thời đại có một ngôn ngữ thơ riêng”13. Và Tô Thùy Yên cho rằng: “Nhiệm vụ người làm thơ là bơm chất máu của sự sống thời đại vào ngôn ngữ có vẻ đã khô héo”14. Dẫn ra những thi tài với khao khát cách tân thơ như: Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Nguyễn Vỹ, hay các nhà thơ trong nhóm Sáng Tạo, những người không muốn mình trở thành những “phóng thể” ngủ yên trong bầu khí quyển thi ca quen thuộc đến “nhàm chán” để được “bình an”, hưởng một chút “vinh hoa”, không dám nghĩ khác, viết khác, dám “lột xác” mình, đi tìm những giá trị mới của thơ ca, cốt để khẳng định rằng: Tinh thần dấn thân, tận hiến cho sự cách tân thơ của Khế Iêm không bao giờ đơn độc, và việc khen chê khi đánh giá sự đổi mới của một hiện tượng văn chương nào đó cũng là điều bình thường trong quá trình tiếp nhận văn học. Vì vậy, những ý kiến trái chiều về sự cách tân trong hành trình sáng tạo thơ của Khế Iêm, trong đó có thơ Tân hình thức cũng là điều tất yếu. Song, tôi tin, rồi cuộc đời sẽ hiểu anh, những nhà thơ chân chính, khao khát cách tân sẽ đồng cảm với anh và lịch sử thơ ca sẽ vinh danh những cống hiến của anh cho thơ trong một ngày không xa. Bởi, trong hành trình sáng tạo, Khế Iêm, không chỉ tự đổi mới thơ mình mà tinh thần dấn thân, tận hiến, sáng tạo thi ca của anh, còn thể hiện ở những hành động cụ thể. Đó là việc anh sáng lập tờ tạp chí Thơ, nhằm tạo diễn đàn cho các nhà thơ sáng tác và giới thiệu những lý thuyết mới về thơ. Không những thế, để cổ xúy cho thơ Tân hình thức cùng với việc duy trì tờ báo để đăng tải các sáng tác thơ Tân hình thức như một sự ứng dụng cho thể thơ này, Khế Iêm còn viết một tiểu luận thơ “Vũ điệu không vần” (Nxb. Đà Nẵng, 2019) với 600 trang, in đẹp, sang trọng, chủ yếu để tặng bàn bè và những người yêu thơ; Điều đó cũng đã cho thấy sự tâm huyết, dấn thân, tận hiến và khát vọng sáng tạo, đổi mới thơ của anh tha thiết, mãnh liệt đến dường nào!? Thơ là một trong những tinh tú của vũ trụ văn chương. Đã là tinh tú thì thơ phải luôn tỏa sáng, nghĩa là luôn tiếp nhận cái mới để tự thay đổi mình, không biến mình trở thành nhạt nhòa, nhàm chán. Vì sự nhạt nhòa, nhàm chán, công thức, sẽ là căn nguyên giết chết thơ. Thơ Khế Iêm là thơ mang tinh thần khai phóng mà một trong những biểu hiện của sự khai phóng, đó là hành trình đổi mới, khám phá và sáng tạo thơ. Từ Thanh Xuân đến Dấu Quê và Thơ Khác, hành


Thơ • 8

trình sáng tạo thơ của Khế Iêm là sự khám phá chính cái tôi bản thể của mình, không chỉ trong những cảm thức về văn hóa, về tư tưởng mang ý niệm triết học mà cả khát khao không ngừng đổi mới tư duy và thi pháp thơ xem như một tất yếu trong tiến trình vận động của nền văn học. Vì vậy, nếu để nói một điều gì đó khái quát nhất về nhà thơ Khế Iêm, Tôi xác quyết: Khế Iêm là một thi sĩ suốt đời dấn thân, tận hiến vì những khát khao sáng tạo cho sự cách tân, đổi mới thi pháp thơ, đúng như như Guillaume Apollinaire đã viết: “Nhà thơ là kẻ tìm ra được những hứng thú mới, dẫu hứng thú đó khó chịu đựng. Có thể thành nhà thơ ở mọi lĩnh vực: miễn là thích phiêu lưu và đi khám phá.”15 Phải chăng, Khế Iêm là nhà thơ của những khát vọng “phiêu lưu và khám phá” để tìm con đường tồn sinh hữu hiệu nhất cho sáng tạo thơ ca!? Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp, Những ngày đại dịch Covid Sài Gòn, 01/11/2021 1/ Khế Iêm, Con đường thơ, Toàn tập, tr.10 2/ Khế Iêm, Vũ điệu không vần, Nxb. Đà Nẵng, 2019, tr.16 3/ Khế Iêm, Vũ điệu không vần, Nxb. Đà Nẵng, 2019, tr.17 4/ Khế Iêm, Vũ điệu không vần, Nxb. Đà Nẵng, 2019, tr.17 5/ Khế Iêm Vũ điệu không vần, Nxb. Đà Nẵng, 2019, tr.17 6/ Tuyển thơ Khế Iêm, tr.988 7/ Tuyển thơ Khế Iêm, tr.988 8/ Đoàn Thêm (trích dịch), Quan niệm về sáng tác thơ, Viện Đại học Huế xuất bản, 1962, tr. 48 9/ Người mới số 5 ra ngày 23-11-1940, (dẫn theo Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb.Văn học, H, 2003, tr.199) 10/ Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb.Văn học, H, 2003, tr.228 11/ Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb.Văn học, H, 2003, tr.106 12/ Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb.Văn học, H, 2003, tr.107 13/ Nhiều tác giả, Thảo luận về văn nghệ tiền chiến …. về thơ, Sáng Tạo xuất bản, Sài Gòn, 1965, tr.135 14/ Nhiều tác giả, Thảo luận về văn nghệ tiền chiến …. về thơ, Sáng Tạo xuất bản, Sài Gòn, 1965, tr.134 15/ Đoàn Thêm (trích dịch), Quan niệm về sáng tác thơ, Viện Đại học Huế xuất bản, 1962, tr.44

Địa chỉ liên lạc: PGSTS. Trần Hoài Anh Khoa Văn hóa học - Trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh NR. 130/2; Đường 30; Phường 6; Q. Gò Vấp; Tp. HCM (Mọi thông tin xin liên lạc về NR. Cám ơn!)


Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.