Ngoại Thương
hành trình của tôi
1
Ngoại Thương
hành trình của tôi
2
Thành phố Hồ Chí Minh Tháng 8, 2015
3
Lời nói đầu Xin chào K54! Cuộc hành trình mang tên Ngoại Thương của các em vậy đã kết thúc được 1/4 chặng đường rồi. Không biết mấy đứa đã nhận được gì sau gần một năm trời nhỉ? Anh chị vẫn còn nhớ chính xác thời điểm ấy, chiều 24 tháng 8, điểm chuẩn chính thức của Ngoại Thương năm 2015 đã được công bố. Gần một ngàn thanh niên vỡ òa trong niềm vui chiến thắng - một cảm giác tự hào xen lẫn hồi hộp đến khó tả. Hồi hộp vì các em biết đậu Đại học không phải là kết thúc, mà đó chỉ mới là sự khởi đầu - khởi đầu cho một môi trường mới, mối quan hệ mới và những thử thách mới. Chuyến đi này, cũng như nhiều chuyến đi khác, không được trải thảm bằng hoa hồng và sự đùm bọc của bố mẹ. Sẽ có lúc chúng ta cảm thấy tuyệt vọng, chán nản vô cùng! Ta tự hỏi tại sao mọi thứ lại bất công thế, tại sao chúng ta phải chịu khổ như vậy, sao trường chúng ta không được như những ngôi trường khác,... Và có lúc ta sẽ đánh mất đi nhiệt huyết, mục tiêu của bản thân. Những lúc như thế, hãy nhớ về lý do mà mình bắt đầu chuyến đi. Hãy đọc lại những dòng cảm xúc khi các em còn tươi mới nhất, nhiệt huyết nhất, sẵn sàng đón nhận mọi thử thách mà không hề run sợ. Vì khi đó ta cảm nhận rõ nhất một điều: chúng ta tự hào là sinh viên Ngoại Thương! 4
Hãy luôn nhớ rằng không phải tự nhiên mà các em xuất hiện ở nơi đây, trở thành một phần của Ngoại Thương và tiếp tục viết nên câu chuyện của chính mình. Mỗi khi cảm thấy mơ hồ và lạc lõng, hãy cầm cuốn sách này trên tay và nhớ về lý do mà mình bắt đầu nhé!
Dự án hỗ trợ tân sinh viên K54 2015 5
6
Tạm biệt những năm tháng ấy Đào Gia Tuấn
7
Tạm biệt những năm tháng cấp ba dưới mái trường mang đầy ước mơ và kỉ niệm... Tạm biệt bạn bè và thầy cô, mái trường thân thương với những nụ cười hồn nhiên vô tư. Tôi lại phải bước tiếp, đến một chân trời lớn hơn, với những hoài bão và trách nhiệm lớn hơn, một chân trời rộng mở với biết bao thử thách. Những năm tháng cấp ba trôi qua thật êm đềm, mà lại nhanh quá, để con người ta dù cứ cố lớn mà vẫn nhỏ, rồi đến phút cuối cùng mới nhận ra bản thân vẫn là đứa trẻ dại khờ với những suy nghĩ ngây ngô đến lạ, với những yêu thương vừa chớm nở đã vội bay đi và nhận ra bản thân đã hời hợt với chúng như thế nào. Khác hẳn thường ngày, với sự sáo rỗng và buồn chán mà bản thân đã từng nghĩ về chúng, tôi nhận ra những mong ước thuở học trò mới thật ngây thơ, ấm áp làm sao. Bất giác cảm thấy nhớ, người mình không nên nhớ, thương người chưa bao giờ định thương. Nhớ cả những kẻ đáng ghét, mà khi ngẫm lại, chỉ biết cười xòa, vì giờ lại nhận ra, cả mình, cả họ, đều trẻ con, ngông nghênh biết nhường nào. Mái trường cấp ba, nhớ nhất là những cơn mưa. Trời miền nam thì chẳng mấy khi mưa, mà khi đã mưa thì mưa dầm, mưa dề mãi không dứt. Trên từng hạt mưa lại kèm theo luồng gió mát dịu mà chỉ cần cảm nhận thôi, đã mang cho mỗi người bao suy nghĩ vô định. Suy nghĩ của tuổi học trò thì bâng quơ lắm... chỉ có bạn bè, học tập, rồi thậm chí cả những ước mơ. Những ước mơ thì to lớn lắm, nhưng lại bình dị, bởi lẽ chúng chẳng mang chút tư lợi cá nhân, chỉ có niềm tin vào tương lai với một trái tim ngập tràn hi vọng đến phải gọi là ngây ngô, khờ khạo.
8
Mỗi ước mơ đều có những nhiệm vụ riêng, có những ước mơ có thể đi theo một người suốt cuộc đời, nhưng lại có những ước mơ chỉ mang nhiệm vụ là làm cho người ấy trưởng thành hơn, và sau khi đã thực hiện hết nhiệm vụ của chúng thì những ước mơ ấy ở lại dĩ vãng với dòng thời gian. Chớp mắt thôi, có những ước mơ đã mất đi, có những ước mơ còn mãi, dù thế nào thì phải bước đi từ bây giờ, những ước mơ ấy mới dần thành hiện thực. Buổi tiệc chia tay, mấy đứa bạn ai cũng khóc, nhiều lúc cứ hỏi tại sao lại khóc, lúc học cùng nhau thì không quan tâm, vô tư, nhưng đến khi nhận ra rằng sẽ chẳng bao giờ quay lại thời học sinh, chẳng bao giờ có thể có những người quan tâm nhau một cách hồn nhiên như một đứa trẻ. Chỉ có những đứa trẻ mới có thể trưởng thành, và cũng chỉ có những đứa trẻ đó mới biết chúng đã trưởng thành như thế nào. Ba năm không giúp con người ta thật sự trưởng thành, tuy nhiên, ba năm đã giúp chúng tôi, những đứa trẻ, theo dõi nhau trưởng thành, trở thành những con người khác, tốt cũng có, xấu cũng có nhưng điều quan trọng nhất đó chính là dù như thế nào chúng tôi vẫn sống dưới một tập thể, một gia đình khác không kém phần thiết yếu để tạo nên những sự khác biệt cần thiết, độc nhất và duy nhất cho mỗi người. Cô chủ nhiệm của tôi đã từng bảo chúng tôi được học chung với nhau là một cái duyên, càng về những giây phút cuối cùng còn ngồi bên nhau thì những điều đó lại càng đúng hơn. Cảm giác chia xa luôn làm con người ta sợ, tuy nhiên, cảm giác sợ rằng mình sẽ bị lãng quên, lại càng đáng sợ bội phần.
9
Ba năm, những thay đổi về tâm hồn có thể mang lại cho người ta biết bao cảm xúc. Lần đầu chạm đến yêu thương, có những người mang một trái tim ấm áp để tiếp tục bước đi, mong mỏi kiếm tìm người phù hợp, có người mang trái tim đầy sẹo, để rồi chẳng thể mở lời với bất cứ ai nữa.Nhưng,dù kết quả như thế nào thì, tuổi học trò là tuổi đẹp nhất của tình yêu, với những năm tháng chỉ biết tìm kiếm yêu thương mà chẳng bao giờ hỏi tại sao. Những năm tháng chỉ biết đợi chờ chứ chẳng biết ai đó có ngóng trông mình không, hay lắm lúc chỉ là nhớ mong một mình. Đôi lúc, chỉ một nụ cười của một ai đó có thể đem đến cả trăm nghìn suy nghĩ, những ước mơ hoài bão cao đẹp lại nhen nhóm từ người rất thương mà chưa bao giờ dám nói... Đến lúc kết thúc, lúc nào cũng mang chút ít dư vị tiếc nuối, vì những điều không dám làm, những lời không dám nói vẫn cứ kẹt lại ở cuộc đời học sinh đầy mùi kỉ niệm... Có thể nói, tạm biệt cũng là một sự bắt đầu. Giờ đây, khi đã vượt qua giai đoạn sóng gió nhất của 12 năm học, giảng đường đại học đang rộng mở. Sự hào hứng xen lẫn dư âm của một thời phổ thông cứ trộn lẫn vào nhau mà tạo ra một cảm giác “thèm” rất lạ. Thèm Thèm tìm kiếm những trãi nghiệm mới Thèm tìm kiếm những yêu thương mới Thèm được dấn thân, được làm những thứ mình không dám làm, cháy hết mình vì tuổi trẻ
10
Nhưng cũng.... Thèm được sống lại những năm tháng vô lo, vô nghĩ, hồn nhiên với bạn bè. Thèm được thương, người mà mình chưa từng định thương Thèm được ở trong vùng an toàn, với sự bảo bọc của gia đình Cả hai mặt của cảm xúc cứ hỗn độn, cứ đan lẫn vào nhau, cứ mang đến những nỗi bâng khuâng bất tận Vậy đấy….
11
Tái bút: Có lẽ nhiều bạn sẽ cảm thấy bài viết lạc đề vì không đả động gì đến chữ “hành trình đến Ngoại Thương”. Hành trình mang một nghĩa rất rộng. Theo quan niệm của riêng bản thân mình thì những năm tháng cấp ba mới là một hành trình, hành trình để mang đến một chút khác biệt, một chút cá tính trong mỗi con người. Chính cuộc hành trình đã mang đến cho mình sư lựa chọn Ngoại Thương, nơi của những con người dám nói, và dám thực hiện. Hi vọng mọi người có thể tìm được một chút cấp ba của bản thân trong bài viết. Cảm ơn mọi người vì đã dành chút thời gian để đọc.
12
NGOẠI THƯƠNG Bước tạo đà cho những thành công Vy Hoài Anh
13
…nếu biết tao sẽ yêu mày thế này, thì tao đã yêu mày từ cái nhìn đầu tiên rồi Trước khi thực sự bước vào phòng thi, nguyện vọng của
14
em là trường đại học kinh tế luật, sau khi ra khỏi phòng thi, em chỉ còn mong cho điểm không thấp lắm để ba mẹ khỏi ngại với họ hàng gần xa, huhu. Không phải em chưa từng nghĩ đến Ngoại Thương, mà nó chính là ước mơ suốt những tháng ngày năm 11. Nhưng đến khi thực sự vào quá trình ôn thi đại học rồi, em mới cảm thấy FTU sao mà là một ước mơ xa vời quá, em bắt đầu nghĩ mình nên thực tế chọn UEL hoặc nhân văn. Thời gian tháng cuối cùng ôn thi quả thực là một cơn ác mộng mà dường như em không bao giờ dám trải qua 1 lần nữa. Em bị stress. Thật ra không phải lo vì bài vở mà là vì sợ mình sẽ làm không tốt, sợ đến nỗi tối thức đến ba bốn giờ sáng, nước mắt cứ tự chảy ra, thậm chí khó thở và luôn cảm thấy mình thật vô dụng. BFF của em còn sợ em bị tâm thần. May mắn sao trong thời gian đó đã có một người luôn bên cạnh, thức khuya nói chuyện đến khi nào em cảm thấy ổn mới thôi. Bây giờ thì người đó đã không còn bên cạnh, nhưng em vẫn luôn biết ơn rất nhiều. Khoảng thời gian chờ điểm, lại là 1 quãng ngày dài kinh khủng... Lòng lo phập phồng, làm gì cũng ko nên thân. 20 ngày chờ điểm, em bị sốt xuất huyết hơn 1 tuần nên cũng bớt suy nghĩ. Cũng may mắn nhỉ? Ngày có điểm, cao hơn dự kiến, ba má đều bất ngờ. Nhưng nếu ngồi suy nghĩ lại, phải chăng mình đã quá tự ti về bản thân, luôn lo sợ mình làm không tốt nên mới dẫn đến tâm lý mệt mỏi như vậy. Điều làm em gắn bó với FTU nhất không gì khác chính
15
là quãng thời gian hai mươi ngày nộp hồ sơ. Lân la các trang facebook thì em tìm đc các group hỗ trợ K54. Các anh chị luôn nhiệt tình giúp đỡ mấy đứa lơ ngơ như em, hỏi gì cho dù ngu ngốc lắm mấy anh chị cũng ráng trả lời tận tình. Lúc được giúp đỡ như vậy, em chỉ muốn hét to vô mặt đứa nào nói sinh viên FTU chảnh luôn. Tìm hiểu nhiều hơn về trường mình, em lại càng muốn đc làm sinh viên chính thức hơn nữa, em muốn đc tham gia các câu lạc bộ, được gặp anh Âu Vĩnh Chương, anh Quốc Đạt, chị “Nợn Nợn” (không hiểu sao em ấn tượng chị này dã man luôn ấy). Hôm chốt hồ sơ vừa rồi, điểm của em gần như chắc chắn sẽ đậu, cả nhà đều mừng, nhưng có 1 điều đặc biệt hơn, đó là lần đầu tiên trong cuộc đời em thấy trên gương mặt ba sự tự hào. Có lẽ, thực sự em đã làm đc 1 việc có thể khiến ba vui lòng rồi. Cám ơn Ngoại Thương, ngôi trường mà em chắc chắn sẽ yêu cho đến cuối cùng. Sang năm mong sao em đc làm một học tỷ để giúp đỡ các em K55 nữa. Cuối cùng, FTU à, nếu biết tao sẽ yêu mày thế này, thì tao đã yêu mày từ cái nhìn đầu tiên rồi.
16
Không đề Huỳnh Bảo Ngân
17
“Không có gì đẹp hơn những tháng ngày theo đuổi và biến ước mơ thành hiện thực.”
18
Tôi đã từng đọc ở đâu đó rằng: “Những người mà chúng ta gặp không phải tình cờ. Họ đi ngang đời ta là có một lí do nào đó”. Nhưng với tôi, điều này còn chưa đủ. Đâu chỉ con người mà còn có những sự việc, những cái tên tình cờ bước qua nhưng nó có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc đời của chúng ta. Tôi biết đến Ngoại Thương cũng bằng một sự tình cờ như thế. Chuyện là khi tôi còn là một cô học sinh lớp 6, trong đầu chưa có bất kì một định hướng nào về nghề nghiệp và tương lai của mình thì một hôm, tôi tình cờ đọc được bốn chữ “ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG” trên báo. Rất ấn tượng, bốn từ ấy đánh động vào tâm hồn tôi. Trái tim tôi như được khai hoá bằng một thứ ánh sáng diệu kỳ. Tôi chạy đi hỏi mẹ Ngoại thương có nghĩa là gì. Mẹ đùa rằng: “Ngoại thương là thương bà ngoại. Thế con có thương bà ngoại không?”. Tôi gật gù đồng ý: “Thế là mình phù hợp với Ngoại thương nhất rồi, còn ai thương ngoại hơn mình chứ!” Và cứ thế, tình yêu Ngoại thương trong tôi lớn dần. Từ một cô bé chỉ thích Ngoại thương qua cái tên (mà còn hiểu sai nghĩa của nó nữa chứ) cho đến một cô học sinh phổ thông ý thức đầy đủ về tương lai cũng như có một hiểu biết nhất định về ngôi trường mình sẽ thi vào. So với các bạn cùng trang lứa thì tôi luôn cố gắng không ngừng bởi vì tôi biết mình muốn gì, mình theo đuổi cái gì và mình học để làm gì. Câu trả lời chỉ có một: Đó là vào được Ngoại thương - Tôi chưa bao giờ có một ước mơ mãnh liệt đến vậy. Năm học 12 là một năm học vô cùng căng thẳng và áp lực, áp lực từ mọi phía: nhà trường, gia đình, bè bạn. Lịch học thì dày đặc, có ngày chỉ ngủ chưa đầy năm
19
tiếng. Vì thế đôi khi tôi quá mệt mỏi và nghĩ đến việc buông bỏ tất cả. Chính lúc này đây, động lực mạnh mẽ nhất, quyết định nhất khiến tôi vực dậy chính là giấc mơ Ngoại thương luôn cháy bỏng trong tôi. Những lúc tôi yếu mềm nhất cũng là lúc những ca từ, giai điệu của bài hát: “Thủ lĩnh Ngoại thương” vang lên, thúc giục trái tim tôi. “Tôi luôn luôn là tôi, cam go không ngại chi. Chỉ cần một niềm tin thì mọi việc sẽ qua thôi”. Đúng rồi, tinh thần Ngoại thương là phải như thế chứ. Tôi có thêm dũng khí và sức mạnh để chiến đấu. Cuối cùng, tôi thi được 25,75 điểm khối A1, một số điểm khá an toàn so với năm trước. Tôi tự tin nộp hồ sơ vào đại học Ngoại thương. Tôi. Một cô gái. Vóc người nhỏ nhắn, vai đeo ba lô, tay cầm túi hồ sơ, bước vào cánh cửa Ngoại thương. Khoảnh khắc đó với tôi thật thiêng liêng quá đỗi. “Mình nhất định sẽ là K54 của Phờ Tu”- tôi quả quyết như vậy. Nhưng người ta vẫn thường hay nói: “Đời không như là mơ”. Trong những ngày đầu của đợt xét tuyển, tôi đứng thứ 100 nhưng càng về sau, số hạng cứ tăng dần tỉ lệ thuận với nỗi lo lắng của gia đình và bản thân. Tôi yêu Ngoại thương nhiều bao nhiêu thì cũng đau nhiều như thế ấy. Trách làm sao được khi có quá nhiều người giỏi hơn mình, có năng lực hơn mình. Càng nghĩ càng suy sụp. Giấc mơ Ngoại thương gần mà xa quá. Nhưng ngọn
20
lửa của tình yêu, của hi vọng cứ âm ỉ trong tôi và bùng lên mạnh mẽ khi biết đến ngày 20/8, tôi vẫn nằm trong top an toàn. Gương mặt tôi rạng rỡ hẳn lên. Tâm hồn khô héo bỗng nhiên được tưới mát bởi dòng suối ngọt lịm, vị ngọt của niềm vui, của hạnh phúc, của những ước mơ được chinh phục. “Không có gì đẹp hơn những tháng ngày theo đuổi và biến ước mơ thành hiện thực”. Quả thật năm học 12 rất khó khăn vất vả nhưng nếu có thể, tôi vẫn muốn sống lại khoảng thời gian ấy, quay về những tháng ngày học tập không mệt mỏi để chinh phục ước mơ. Và giờ, NGOẠI THƯƠNG ơi, tôi chạm được rồi.
21
Hành trình đến Ngoại Thương cảm nhận mình hạnh phúc đến nhường nào Nhược Nam
22
Tôi không biết phải bắt đầu câu chuyện của mình từ đâu. “Cháu muốn thi vào trường gì? - Dạ ngoại thương, nhưng mà nó khó quá”. Lúc đó chắc khoảng cấp hai, và lí do duy nhất cho ước muốn điên cuồng của tôi đó là tiền. Thật. Tiền. Ngại quá khi tôi ao ước được vào ngoại thương chỉ vì sau này có nhiều cơ hội làm giàu hơn, mà bản thân thậm chí chả biết ngoại thương là gì? Học ra công việc sẽ như thế nào? Đơn giản trong hình dung của tôi có lẽ là những việc liên quan đến thương mại, đến giao dịch, nước ngoài gì đó. Sở dĩ tôi khao khát kiếm thật nhiều tiền là để khẳng định chính mình. Gia đình tôi có năm người con, và đều là nữ. Đáng lẽ việc sinh hạ ngũ long công chúa là điều đáng phải ngưỡng mộ, nhưng ngược lại, mẹ tôi chỉ nhận được cái nhìn thương cảm và xót xa, xen lẫn chút trách móc của những người lớn tuổi. Gia đình sống ở một vùng quê nơi đất cố đô, ba tôi lại là con trưởng trong nhà, nên việc có con trai nối dõi là điều vô cùng qua trọng. Nhưng thật trớ trêu, sau bao nhiêu lần cố gắng, vẫn là con gái. Cuối cùng, là tôi, cũng là con gái. Tôi được nghe kể buổi chiều tôi hân hoan chào đời, cũng là lúc mẹ tôi nuốt nước mắt vào trong, nằm quay lưng không nói một lời. Ba tôi tất tả chạy lên trạm xá, cố an ủi vợ và chị gái đầu đang học 12 của tôi, bởi lúc đó chị cũng tức giận. Suốt mấy ngày sau, người thay tã, bồng bế tôi, mang tôi đi xin sữa ( lúc đó mẹ tôi đã gần 40, lại sinh nhiều con nên không còn sữa cho tôi nữa), là ba. Xin sữa được bốn, năm ngày ba tôi quyết định bán con lợn béo, vốn dĩ để ăn mừng ngày đầy tháng nếu tôi là con trai, để mua sữa cho
23
tôi. Nghe đâu hồi đó phải đặt ở thành phố, rồi đạp xe đạp lên mang về. Tôi may mắn hơn các chị bởi được “đầu tư” khủng, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn phải chịu những ánh mắt thất vọng của người lớn tuổi trong gia đình. ”Con đã nói rồi, sinh làm gì cho lắm, lấy gì nuôi nổi!” “Chà, giá nó là con trai thì tốt biết mấy”. Tôi vô tư nhưng vẫn luôn buồn về điều đó. Ai cũng xem tôi là phận gái, sau này chẳng mấy là theo chồng, rồi ba mẹ cũng đến già với nhau, không có ai thờ tự. Nhưng gánh nặng nhất vẫn là ba mẹ tôi, khi không làm tròn bổn phận của “con trưởng, dâu trưởng”. Vậy mà từ khi nhận thức được cuộc sống, tôi luôn tự hào vì tình yêu thương của ba mẹ. Ba tôi, một con người có tri thức và sâu sắc, không bao giờ tỏ thái độ muốn tôi là con trai. Ba biết những thiệt thòi của tôi nên cưng tôi nhất nhà. Tình thương với các chị thường giấu bên trong, thương đôi khi chỉ là đòn roi nghiêm khắc, nhưng với tôi, ba thường biểu lộ tình yêu vô bờ trước mặt mọi người, có lẽ để tôi bớt tủi thân. Tôi đã theo ba đi khắp nơi, dù chỉ trong ngôi làng nhỏ của mình, nhưng điều tuyệt vời hơn cả là tôi biết mình không bị hắt hủi, mình vẫn được yêu thương. Tâm hồn tôi cũng được bồi đắp thêm trên những đồng lúa mênh mông, những con kênh nối dài,những con đường đất nhỏ ngoằn nghèo vô tận, mà ở đó, luôn có bóng dáng một người cha đã già và đứa bé chạy lon ton. Cũng chính ba tôi là người đặt cho tôi 1 cái tên không đụng hàng: Trần Xuân Nhược Nam. Đó là tên nhân vật chính trong bộ phim “Một gia đình Thượng Hải”, ba tôi xem thời gian tôi mới sinh, ở 1 nhà giàu nhất trong làng.
24
Nhược Nam trong phim là một cô bé có hoàn cảnh giống gia đình tôi, nhưng sau này, cô đã vô cùng thành đạt và giàu có. Ba tôi mong muốn tôi cũng mạnh mẽ và thành công như vậy. Ngược lại, mẹ tôi thường ít nói, và không mấy khi biểu lộ yêu thương với tôi. Lúc đầu, tôi luôn nghĩ rằng có lẽ mẹ không thích tôi chào đời. Nhưng sau này tôi mới biết mẹ tôi bị người lớn trong nhà gây áp lực như thế nào, thậm chí còn đòi lấy vợ hai cho ba, đó là lí do mẹ không mấy khi biểu lộ tình thương ra ngoài. Điều mà đến bây giờ, khi đi xa, tôi mới cảm nhận được. Các chị tôi dần cũng yêu thương tôi nhiều hơn, nhưng khoảng cách tuổi khá xa làm tôi không thực sự hiểu được các chị. Từ đó, tôi mang trong mình ước mơ phải thành công, giàu có, để không ai xem thường tôi được nữa. Tôi muốn quảng đời còn lại ba mẹ tôi, các chị tôi được sung sướng, để ai cũng phải ngưỡng mộ những người con của ba mẹ tôi, để tôi không còn bị xem thường. Ngoại thương trở thành nơi tôi khát khao vươn tới. Một kỉ niệm khác về FTU mà tôi vẫn luôn nhớ mãi. Hồi đó là lớp 10. Bài văn đầu năm với chủ đề : “Viết về người bạn của anh( chị ) sau 20 năm gặp lại.” Đề khá dễ nhưng để viết cho hay thì khó phết. Trước hôm trả bài, cô giáo tủm tỉm cười nhìn cả lớp: “Cô không biết sao chứ trong lớp ta một một bạn viết bài rất thú vị. Ai đời lại miêu tả bạn mình 20 năm sau đi bán cá.” Cả lớp ồ lên, đứa cười, đứa hả miệng trố mắt. Tôi cười ha hả và không quên “xót xa” cho đứa nào xấu số. Thật tội nghiệp hết sức. Tiết văn tiếp theo, cô trả bài cho cả lớp. Mấy đứa bàn dưới truyền tay nhau cái gì mà có vẻ bí hiểm thế không biết. Chợt có đứa nào kều kều lưng tôi, đưa lên 1 bài văn. Tôi nhớ nguyên văn có đoạn như sau: “ Sau 20 năm, tôi mới về thăm lại quê hương của mình. Giờ tôi đã là giám đốc của một công ty lớn, có tiền đồ và khá thành đạt. Lướt qua 1 khu chợ nhỏ, tôi bỗng thấy bóng dáng ai trông quen thuộc. Sau một hồi suy nghĩ, mới chợt nhận ra, là Nam. Cô bạn thân học chung từ thời lớp tám. Tôi bước xuống
25
xe và đi về phía cô ấy. Hình như Nam cũng nhận ra tôi, nhưng có vẻ khá bối rối. Tôi chìa tay ra bắt, nhưng cô ấy thụt lại, sợ mùi cá làm bẩn tay tôi (đọc đến đây tôi đã thấy khá hoa mắt chóng mặt). Sau một hồi hỏi han, tôi mới biết Nam tốt nghiệp đại học ngoại thương, nhưng thất nghiệp nên giờ phải đi bán cá.”( hic, ối giời ôi, thật không thể chịu nổi nữa). Tôi há hốc mồm, phừng phừng máu lửa, quay ngoắt về phía thằng Phúc- lớp trưởngtác giả bài văn “đáng yêu” này. Thế mà cô cho bài đó tận 8 điểm cơ đấy. lại thêm lời phê “sáng tạo” nữa. Hắn ta thì đang nhe răng cười , van lạy lia lịa. Ừ thì tôi có hơi đanh đá thiệt, nhưng đến nổi nào phải đi bán cá. Lại học ngoại thương ra nữa chứ. Hic. Vậy mà trước đó tôi lại cười cho “kẻ xấu số” kia. Rốt cục phải 3 ly chè miễn phí tôi mới chịu tạm tha cho hắn. Thật là ấm ức quá mà!!!!!. Sau này, khi biết tôi đỗ vào ngoại thương, mấy đứa bạn chí cốt lại lôi chuyện cũ ra: “ráng học cho giỏi, không lại thất nghiệp đi bán cá. Cửa hàng cá tươi : o Nam. Haha.” (ở quê tôi cô gọi là o). Hài, thật là tủi thân vì lũ bạn xấu xa này quá!!!! Bây giờ, không đơn giản là học FTU để làm giàu, tôi còn yêu hơn ngôi trường này bởi các anh chị khóa trên quá đỗi nhiệt tình và tốt bụng. Tôi cũng hiểu hơn về ngôi trường này danh giá cỡ nào, và công việc sau khi ra trường thú vị làm sao. Đây sẽ là nơi tôi hoàn thiện mình hơn, học tập tốt hơn và là nơi chắp cánh cho bao nhiêu ước mơ, dự định phía trước của mình. Hành trình đến với FTU của tôi không đơn độc. Bởi tôi đang đi để thực hiện ước mơ, hi vọng của mình. Xung quanh tôi là bao nhiêu tình thương của gia đình, bao nhiêu người bạn “tốt”. Nơi đó có nhiều người sẳn sàng giúp đỡ tôi, bao bọc tôi. Và cũng chính nơi đó, tôi cảm thấy mình hạnh phúc đến nhường nào. K54. Fighting!!!!!!
26
27
Hành trình của tôi Cao Thị Thuỳ Dung
28
“Tôi muốn khẳng định mình, tôi muốn 1 công việc mạo hiểm đi liền với thành công,tôi hiếu thắng cũng được, ngốc cũng không sao.”
29
Tại sao cậu chọn Ngoại Thương? Với tôi, Ngoại Thương đến với tôi từ năm lớp sáu khi tôi bắt đầu học tiếng anh, anh trai đã nói với tôi “Ráng học anh đi sau này học Ngoại Thương giàu lắm nhưng phải thật giỏi mới vào được cơ!”. Vậy đấy Ngoại Thương là trường đại học đầu tiên tôi biết, trong tâm trí non nớt bấy giờ thì Ừ ngoại thương thật tuyệt. Và cũng không biết từ bao giờ Ngoại Thương trở thành mục tiêu của tôi dù tôi không biết mình muốn gì, muốn làm nghề gì và cũng không biết Ngoại Thương đào tạo cái gì nữa. Lên cấp ba, ba năm vật lộn trong lớp chuyên Hóa với một rừng toàn thi y với dược tôi bắt đầu hoang mang.Ừ đấy, ngoại thương là ước mơ từ nhỏ nhưng tôi hiểu gì về nó nào? Tôi có thật sự yêu nó chăng hay chỉ coi đó là 1 thách thức? Với tôi nó thật mơ hồ. Tôi bắt đầu tìm hiểu, không biết từ lúc nào đam mê ngoại thương đã ngấm vào máu, từ những câu lạc bộ, hoạt động tập thể đã cuốn hút tôi. Và tôi mong được trở thành 1 phần trong đó. Nhớ những ngày lê lết các trang K53 - One Step Closer to FTU2, K52 - Next generation of FTU2... các video nữa. Và tôi chợt nhận ra tôi yêu Ngoại Thương từ lúc nào rồi. Nhưng lên 12 tôi lại hoang mang, giữa đam mê của mình - Ngoại thương- và thực tế - mong muốn của bố mẹ mong tôi theo cảnh sát tôi không biết nên chọn như thế nào,Thầy của tôi bảo giữa theo đuổi đam mê nhưng có khả năng thất nghiệp và thực tế một con đường bằng phẳng được trải rộng ra rồi, công việc an nhàn tôi lựa chọn như thế nào?
30
Không biết nữa, phải chăng tình yêu ngoại thương trong tôi không đủ lớn nên tôi không có can đảm chọn theo đuổi đam mê chăng? Hay tại tôi không đủ dũng cảm vượt qua thực tế, nhút nhát không dám theo đuổi ước mơ chăng? Tôi phân vân, nhưng vẫn quyết định sơ tuyển Công an. Thi xong, có kết quả, ừ đấy tôi có thể đậu công an rồi nhưng tôi vẫn phân vân.Một công việc nhàn hạ có phải điều tôi muốn không? Tôi muốn khẳng định mình,tôi muốn 1 công việc mạo hiểm đi liền với thành công, tôi hiếu thắng cũng được, ngốc cũng không sao… Tôi muốn sống đúng với con người của tôi, tôi yêu tự do. Nhưng tôi sợ, tôi sợ phải hối hận vì quyết định của mình, sợ tôi trở thành gánh nặng của ba mẹ, không thể vì theo đuổi đam mê mà không nghĩ đến gia đình. Tôi sợ cái tự do không gò bó mà tôi đeo đuổi chỉ là phù phiếm... Mọi chuyện cứ như vậy nếu tôi không xem được video nụ cười ngoại thương, FTU It’s me... của các anh chị FTU làm. Tôi lại nghĩ tôi còn trẻ,tôi muốn trải nghiệm cuộc sống này,tôi không muốn cuộc sống tôi chỉ nhàm chán sáng đi chiều về 1 vòng tuần hoàn. Và tôi khao khát kiếm tiền để hưởng thụ cuộc sống theo cách tôi muốn. theo đuổi thứ tự do mọi người coi là phù phiếm nên tôi quyết định nộp FTU. Rồi đến hai mươi ngày nộp hồ sơ thần thánh, được chứng kiến, trải nghiệm sự đoàn kết gắn bó “quân dân một lòng”, thấp thỏm từng ngày mong chờ cái bảng “tử thần”, cái giây phút vỡ òa khi có tên mình trên danh sách trúng tuyển, cái cảnh tưởng list friend rực màu đỏ có lẽ không bao giờ tôi có thể quên được, mãi mãi. Tôi không biết tương lai tôi sẽ ra sao, có lâm vào tình trạng thất nghiệp như bao thế hệ sinh viên Việt Nam
31
hay không nhưng tôi tin tôi sẽ không bao giờ hối hận vì trót yêu FTU. Với tôi, cháy hết mình vì đam mê, cố gắng hết mình theo đuổi thứ mình muốn không hoài phí tuổi trẻ thật tuyệt rồi phải không? K54 FIGHTING.
32
Game thủ Nguyên Khang
33
Đọc tiêu đề có lẽ mọi người cũng đã phần nào dự đoán được điều mà mình sắp nói. Phải mình đã từng nói với bố mẹ mình như thế “ Nếu con không vô được Ngoại Thương hả...ưm... con sẽ luyện tập trở thành game thủ !” Mình lúc đầu không biết về Ngoại Thương nhiều, nhưng mình thích kinh tế, mình thích mua bán, mình thích bất động sản nhưng mình không hiểu gì nhiều về những thứ đó. Thế rồi mình tình cờ biết tới trường qua một cuộc đối thoại với bạn của mẹ mình, mình tìm hiểu và đã quyết định thi vào Ngoại Thương từ đó, từ năm lớp chín. Vào năm lớp mười, mười một, mình cũng không thực sự quá cố gắng học để thi đậu vì mình nghĩ điểm tầm 23 hay 23,5 thì mình có thể vượt qua, vì mình thi A1. thế nhưng tới lớp mười thì Bộ thay đổi quy chế thi và mình thật sự đã rất lo lắng. Mình còn nhớ mồn một cái cảm giác sợ hãi mỗi khi mình lười biếng. Nếu mình không vào được Ngoại Thương, không biết còn có nơi đâu để mình “trao thân gửi phận” nữa rồi. Có những lúc nói ra ước mơ nhưng tụi bạn cứ cười rồi thách thức coi mình có đủ khả năng để đậu không, mình cũng cười đáp trả nhưng trong lòng mình.. lại rất sợ! Ba tháng ôn thi, mình đã rất quyết tâm. “Lỡ mày không vô được thì sao?” “Thì tao sẽ làm ca sĩ, dancer, hay game thủ.” Mình đáp dửng dưng. “Xạo mày, m hát như ## bày đặt...!” Có nhiều lúc mình cảm thấy quá chán nản rồi vì phải ôn thi quá nhiều. Mình đã đốt cháy giai đoạn, học gấp rút và ôn thi gấp rút hơn bao giờ hết để có thể trở nên “thánh” hơn. Nhưng vào những lúc đó, mình không thể
34
tiếp tục ôn được nổi nữa. Còn vài ngày cuối mình quyết định thi kèm với niềm tin. Mình thi điểm cũng khá cao, cao hơn những năm trước cũng nhiều, thế nên trong lòng mình hoàn toàn yên tâm, tin tưởng là mình sẽ đậu. Trong 20 ngày nộp hồ sơ, mình nghe rất nhiều tin tức than vãn điểm công này kia hay Bộ đã thất bại trong quá trình cải cách. Mình không quan tâm, mình không thi để so điểm hay để minh chứng cho việc cải cách của Bộ là đúng hay sai. Mình thi để đậu! 20 ngày “tất bật” Mình chả làm gì cả, Mình chỉ ngồi chơi game, Đi đâu đó với bạn bè, Và, Chưa bao giờ mình nghĩ mình sẽ “out”. Đậu rồi. Bây giờ thì mình sắp trở thành tân sinh viên rồi, trong lòng mình háo hức muốn được thử thách lắm nhưng mà dù sao cũng phải bình tĩnh, vì mình nghe nói đại học rớt môn là chuyện bình thường xí quách luôn. Nói thật thì mình cũng mê game nhưng làm game thủ thì có chút gì đó hơi phiêu lưu một tí, với lại mình chơi cũng chả giỏi giang gì. Giống như cái cách mình hát và thằng bạn mình nó phê bình vậy! Mình chỉ nói với bố mẹ mình vậy thôi, chứ... Mình chưa bao giờ tin mình sẽ rớt. Hihi.
35
Chiến thắng chính bản thân mình! Khánh Ly
36
“10 tháng ôn thi trong cố gắng, 3 ngày đi thi trong nỗ lực, 19 ngày chờ đợi trong lo lắng, 20 ngày mong chờ trong hồi hộp.”
37
Những ngày tháng đầu tiên là học sinh lớp mười, tôi đã mơ về Ngoại Thương, mơ về một cuộc sống sinh viên Ngoại Thương nhưng chưa hiểu được thi Đại học sẽ khó khăn đến nhường nào nên cứ thế khát khao rồi mong ước - hoài bão của những năm tháng còn là học sinh. Thấm thoát cũng đến năm cuối, tình yêu với Ngoại Thương chưa bao giờ là đủ, cũng chưa bao giờ muốn tắt nhưng những gì chông gai mà tôi phải đối mặt trong suốt năm mười hai khiến tôi lo lắng và tìm kiếm một giải pháp an toàn. Tôi từng nghĩ đến UEH - con đường mà tôi thấy vừa sức với mình và tiếc nuối nghĩ về FTU. Thì ra thực hiện ước mơ của bản thân khó đến nhường nào. Bạn tôi từng nói :”97 sinh ra trong thời loạn lạc” và có lẽ là đúng như thế, một sự đổi mới từ bộ giáo dục dành cho những “chú trâu 97” - thi tốt nghiệp và đại học gộp chung thành Kì thi THPT Quốc gia, xét đại học sau khi đã biết kết quả thi… Hiển nhiên, điều đó như một cú nổ giáng xuống những học sinh cùng lứa với tôi: hân hoan, mừng rỡ, lo lắng, bối rối,… mọi cung bậc cảm xúc đều xuất hiện. Tôi lại thầm nghĩ:”Lẽ nào đây là cơ hội để mình chạm đến Ngoại Thương?”. “Quyết tâm đậu Ngoại Thương” - và tôi một lòng phấn đấu từ ngày ấy, nắm lấy cơ hội duy nhất này để thực hiện ước mơ của mình. Tất nhiên mọi thứ đều không dễ dàng, không có con đường nào trải toàn hoa hồng. Không có kì thi thử nào tôi làm tốt và hết sức mình, có thể kết quả ấy tốt với người khác nhưng với tôi thì nó chưa làm cho tôi thấy một cảm giác an toàn về kì thi chính thức. Nhưng biết làm gì hơn ngoài nỗ lực, nỗ lực và nỗ lực... Nhiều lúc tôi mệt mỏi và muốn chùn bước, may thay có một người bạn thân an ủi và động viên tôi tất cả. Ngày
38
đi thi - tôi mang theo tất cả những hành trang mà mình có để “chiến đấu”, làm hết sức bản thân mình là những gì tôi luôn ghi nhớ. Thi xong môn cuối cùng, tôi thở phào nhẹ nhõm và tự nhủ:”Đã cố gắng hết mình thì tôi sẽ đậu Ngoại Thương một cách đường hoàng, nếu không thì tôi cũng đã tôn trọng ước mơ của chính mình và sẽ không bao giờ hối hận” 22/07/2015 - 15 giờ 35 phút: Tôi đã nhìn thấy kết quả, mọi thứ tuyệt vời hơn tôi tưởng, tôi đã làm tốt hơn những gì mình đặt ra. Và dĩ nhiên tôi sẽ nộp đơn vào Ngoại Thương. Tôi chọn ngày sinh nhật của mình đi nộp hồ sơ, bởi lẽ vào ngày sinh nhật của mình có một điều ước và tôi muốn dùng điều ước này thực hiện những bước cuối cùng của hành trình vào FTU. Một con bé đã nhiều lần đã lên Sài Gòn nhưng vẫn thấy lạ lẫm, một con bé ngày hôm ấy tròn 18 tuổi đã đi đến Ngoại Thương nộp hồ sơ. Ngôi trường thu hết vào tầm mắt, nhanh chóng đến đọc thông báo ở bảng tin. Và một điều làm tôi bối rối: Tôi không tìm thấy phòng nộp lệ phí - ngó nghiêng khắp nơi chỉ thấy phòng 101, 102, 104, không hề thấy 103, chạy ra rồi lại chạy vô, may sao có bạn nữ nào tìm thấy và chỉ biết chạy theo, cảm giác như đã qua ải đầu tiên. Hoàn thành thủ tục, tôi ngồi một lúc lâu ở hàng ghế đá trong trường rồi mới rời đi và nhen nhóm niềm hi vọng. Hai mươi ngày trong căng thẳng và hồi hộp, những tưởng số điểm ấy là an toàn vậy mà vừa đủ để tôi hạ cánh vào nguyện vọng một. Tối 24/08 công bố điểm chuẩn, tôi sung sướng không biết nói gì hơn, từ giây phút ấy tôi sẽ là sinh viên Ngoại
39
Thương, sẽ là một mảnh ghép của FTU. Tôi nhận ra mình càng yêu ngôi trường này hơn khi gặp những anh chị đi trước đầy nhiệt tình, những người bạn mới vô cùng tinh nghịch và năng động… Tôi mơ về cuộc sống mới, mơ về những thay đổi FTU làm nên trong bản thân tôi… 10 tháng ôn thi trong cố gắng, 3 ngày đi thi trong nỗ lực, 19 ngày chờ đợi trong lo lắng, 20 ngày mong chờ trong hồi hộp!!! Tất cả những quãng thời gian ấy sẽ không bao giờ phai mờ trong tôi, là minh chứng rõ nét đưa tôi chạm vào Ngoại Thương… Và quan trọng hơn hết: Tôi đã chiến thắng bản thân mình!
40
Chẳng bao giờ chỉ là một cái tên! Nguyễn Thị Thu Hồng
41
Tuổi 20 giàu hoài bão hơn tất cả các tuổi khác. Khi 15 tuổi những gì người ta muốn thường ở dạng ước mơ Khi 30, 40 tuổi nó là những dự định Nhưng khi 20 tuổi, nó chắc chắn là hoài bão. Và hoài bão thì to hơn ước mơ và viễn vông hơn dự định. Hãy làm điều mình muốn để sau này không phải nói 2 chữ “nếu như”. Bước chân vào giảng đường Đại học, mỗi người mang trong mình một nỗi niềm riêng. Có người vui sướng với giấc mơ thuở nhỏ dại nay thành hiện thực. Có kẻ cũng hồ hởi không kém vì kiếm được một chân trong một trường danh tiếng để bố mẹ, thầy cô được tự hào, được nở mũi với bà con lối xóm, và bản thân thì được người đời tán dương. Nhưng cũng có những đứa bon chen vì những lí do… “linh tinh” khác. Và tớ thuộc diện thứ ba. Ngoại Thương đã bước vào cuộc đời tớ như thế nào nhỉ? Hồi đó mới lớp 6, tớ đúng chất là một mọt sách luôn í. Cuộc đời tớ khi ấy chỉ xoay quanh chữ học nên hồi đó lực học khá ổn, bị bà cô dạy Toán dụ khị: “Mai mốt thi Ngoại Thương đi em. Học trường đó ra nhiều tiền lắm. Chưa ra trường người ta đã bốc đi làm.” Thế là tớ về dõng dạc tuyên bố với pama rằng: “Mai mốt con sẽ thi Ngoại Thương” mặc dù lúc ấy chẳng biết Ngoại Thương là cái khỉ khô gì. Cũng từ đó, pama tớ nuôi ảo tưởng về con gái mình “Con bé còn nhỏ đã có chí lớn, có ước mơ rõ ràng” và dùng nó để rủa xả bọn em tớ mỗi khi tụi nó học hành chểnh mảng. Có lần tụi nó hỏi tớ: “Chị có ước mơ vào Ngoại Thương thiệt hả?”. Tớ nhìn nó sửng sốt “ Tao? Có hả? Hồi nào vậy?” Nghĩ mà tội sắp nhỏ. Khi ấy, trong tôi, Ngoại Thương chỉ đơn thuần là một cái tên…
42
Lên cấp ba, nhờ học vào cái lớp quậy nhất nhì trường, mà tớ mới có cơ hội kết bạn với những con người thật tuyệt vời. Tụi nó thông minh, tài năng, vui vẻ và bá đạo, quan trọng hơn cả là mọi người luôn yêu thương và đoàn kết như anh em một nhà. Chính tụi nó đã kéo tớ ra khỏi cái vỏ bọc ngày xưa. Tớ đã sống nhiều hơn và đúng nghĩa hơn. Tụi tớ cùng nhau bước qua những ngày tươi đẹp nhất của cuộc đời học sinh, cùng làm những việc điên rồ, dại khờ và tuyệt vời nhất. Nghe có vẻ không liên quan nhưng đó là lí do chủ yếu tớ muốn bước vào giảng đường Ngoại Thương. Tớ muốn sống đúng nghĩa hơn, năng động hơn, muốn tắm mình trong tuổi trẻ đầy nhiệt huyết chứ không phải đống sách đầy bụi bặm. Và thật sự mà nói trong 20 ngày trời đánh, lăn lộn vật vã bên cái lap, căng mắt theo dõi từng phút từng giây, thót tim với sàn chứng khoán biến thiên khôn lường theo chiều tăng vọt, tớ đã nhận ra tớ đã không sai khi chọn FTU là nơi “trao phân gửi thận”, ý lộn “ trao thân gửi phận” suốt bốn năm đại học. Các anh chị FTU quá là tuyệt vời, vui vẻ, hòa đồng, luôn theo sát bọn em và luôn sẵn sàng giúp đỡ. Tớ biết có một số bạn luôn kỳ thị những người không phải vì mơ ước mà vào trường, tước đoạt đi cơ hội của những con người thực sự có đam mê cháy bỏng. Nhưng nghĩ lại có bao nhiêu người chọn trường là vì ước mơ. Nói vui thì chúng ta chọn trường dựa vào ba tiêu chí “ Trường ngon, việc tốt, lương cao”. Nói thật thì những thông tin về nghề nghiệp quá chung chung, ta lại thiếu trải nghiệm nên đăng kí trường rồi mà vẫn cứ mù mờ không biết mình thực sự thích cái gì. Nhưng tớ tin rồi tớ sẽ tìm ra đam mê thực sự của mình ở ngôi trường tuyệt vời ông mặt trời này.
43
Trước đây, tớ vẫn luôn nghĩ học Đại học là một chuyện hiển nhiên, tại vì không học ĐH thì… làm gì bây giờ. Nhưng bây giờ tớ mới hiểu: Đại học là một trong vô vàn cách người ta chọn để bước vào tương lai, để trưởng thành hơn, để khám phá mình là ai và mình thích gì. Đó là nơi để ta học tập (một phần), vui chơi (là chủ yếu), để cháy hết mình, để sống trọn vẹn với những hoài bão tuổi trẻ. Tớ xin trích một câu nói tớ rất tâm đắc trong 1 clip của các anh chị FTUers Tuổi 20 giàu hoài bão hơn tất cả các tuổi khác. Khi 15 tuổi những gì người ta muốn thường ở dạng ước mơ Khi 30, 40 tuổi nó là những dự định Nhưng khi 20 tuổi, nó chắc chắn là hoài bão. Và hoài bão thì to hơn ước mơ và viễn vông hơn dự định. Hãy làm điều mình muốn để sau này không phải nói 2 chữ “nếu như”. Ngoại Thương… chẳng bao giờ chỉ là một cái tên.
44
45
Bước tạo đà thành công Nguyễn Gia Bảo
46
Tôi là 1 học sinh chuyên toán. Thực tế thì đại học Ngoại Thương không phải là lựa chọn đầu tiên và duy nhất của tôi. Thích học chuyên toán từ năm lớp 8, ban đầu ước muốn của tôi là trở thành một giáo viên dạy toán. Bên cạnh đam mê học Toán, tôi học tốt lẫn lý, hóa, anh văn.. và rất lười học văn ^^ ( tôi cũng từng là 1 game thủ >.<). Đồng hành cùng nhiều cuộc thi Toán, chỉ biết học, học và thi, thắng có, thua cũng nhiều, mãi đến tận cuối năm lớp 11 thì tôi đột nhiên đánh mất động lưc để tiếp tục học chuyên Toán (sau 1 năm thành công trong việc thi thố của tôi). Tôi bắt đầu cảm thấy mất phương hướng, không biết mình muốn gì, không muốn mình muốn trở thành người như thế nào .Và ý định trở thành 1 giáo viên Toán đã dập tắt trong tôi từ ngày đó. Sau một thời gian tìm hiểu nhiều thứ khác, tôi lại tìm được hai nguồn hứng thú mới, khoa học kĩ thuật và suy luận chính trị. Ừ. Thật đấy! Từ đó mở ra hai hướng để tôi phát triễn sự nghiệp của bản thân. Trở thành một anh chàng kĩ thuật hoặc dấn thân vào lĩnh vực kinh tế, Bách Khoa hoặc Ngoại Thương. Mãi đến thời gian gần đây, sau khi đọc vài cuốn sách của những doanh nhân triệu phú tỉ phú thế giới và tham khóa học về kĩ năng và tư duy, tôi tin rằng kinh tế sẽ là lĩnh vực lí tưởng để tôi thành công và đam mê, và tôi đã quyết định chọn Ngoại Thương. Tôi không coi Ngoại Thương là ước mơ, là nguyện vọng tột đỉnh của mình. Tôi có ước mơ cao hơn, xa hơn nữa. Ngoại Thương đối với tôi là một mục tiêu cơ bản và quan trọng, là một bàn đạp tuyệt vời nhất, lý tưởng nhất và phù hợp nhất để làm nền tảng phát triển sự nghiệp sau này của riêng mình.Tôi vui mừng vì mình đã vào được Ngoại Thương và biết rằng mình đã quyết định đúng!
47
Tôi biết rằng mình đang đi những bước đầu tiên vững chắc trên con đường chinh phục những ước mơ, mục tiêu lớn nhất của cuộc đời mình. NGOẠI THƯƠNG! CHÚNG MÌNH LÀM QUEN VÀ YÊU NHAU NHÉ :)
48
Những năm tháng hi vọng Hồng Nhung
49
Không ai có thể cho ta biết ta có thể bay cao, bay xa đến đâu ngoại trừ chính bản thân ta. …
50
Đã từ lâu trong tâm trí của con bé ấy nó muốn trở thành một nữ doanh nhân. Ước mơ của một con bé khi chưa hiểu rõ hai từ doanh nhân đó nghĩa là gì. Nó nhìn những con người xung quanh nó, cô cậu của nó, anh chị của nó, nhiều người đều đi theo con đường kinh doanh. Nó thấy mấy anh chị đi làm, đi họp, đi công tác này nọ và nó chỉ thích được như vậy. Nó thích được một ngày nào đó mình cũng trở thành một người bận rộn như vậy, nó thích được dấn thân theo con đường kinh tế và đặc biệt là khi thấy người lớn làm ăn này nọ với các đối tác nước người, bắn tiếng anh như gió thì nó thích biết bao nhiêu. Nó bật ti vi xem các chương trình CEO mặc dù không hiểu người ta đang nói gì. Nó xem các chương trình có các MC nói chuyện với người nước ngoài dù nó không hiểu nội dung đó như thế nào. Nhưng nó thích. Nó thích được làm những công việc đó trong tương lai. Lớn lên tí nữa, nó bắt đầu ý thức được nhiều việc và nó khám phá ra một điều mà nó may mắn có được đó là nó có khả năng tự học tiếng Anh khá tốt. Nó bắt đầu theo dõi báo chí, thời sự, internet và sau một thời gian, nó quyết định đặt ước mơ của mình vào Ngoại Thương khi mà nó chỉ là một nữ sinh lớp tám. Bước vào cấp ba, nó bắt đầu ý thức được sức học của nó không giỏi như nó đã ảo tưởng. Lúc này nó bắt đầu lung lay và thay vì suốt ngày nghĩ đến phờ-tu, nó bắt đầu nghĩ đến đại học kinh tế Sài Gòn. Nó bắt đầu sợ khi mà lúc nó còn chưa học năm cuối thì quy chế tuyển sinh vẫn là chọn trường rồi mới thi. Nó sợ rủi ro xảy ra, sợ lỡ nó rớt Ngoại Thương thì nó sẽ đi về đâu. Và rồi đến năm mười hai thì quy chế mới bắt đầu, thế là không một chút đắn đo, trong đầu nó chỉ có hai chữ Ngoại Thương.
51
Thế rồi từng ngày qua đi nó không dám chia sẻ với ai về ước mơ của nó, nó sợ họ chê nó mơ cao sẽ làm nó nản lòng. Rồi một ngày nó cũng quyết định kể với mẹ nó nghe về dự định của mình, mẹ chỉ ủng hộ nó chứ không hề chê nó, nó yêu mẹ biết bao nhiêu. Nhưng mẹ đã tham khảo ý kiến nhiều người về dự định của nó. Cậu nó thì nói: “Con bé nó không có miệng lưỡi lanh lẹ, cũng không có ngoại hình xinh đẹp như người ta, lại ít nói và thụ động, vào đó rồi có theo kịp người ta không mà vào.”, câu nói đó là câu nói khiến nó nhớ mãi cho đến bây giờ. Nó cũng ý thức được nhược điểm của bản thân. Nó biết nó không xinh đẹp, nó biết nó không thông minh, không lanh lẹ cũng không biết ăn nói - những khả năng cần thiết của một sinh viên, đặc biệt là sinh viên ngành kinh tế như Ngoại Thương. Nó nhớ cái lúc nó ngồi nói chuyện với thằng bạn rằng nó thi Ngoại Thương thì thằng bạn nó chỉ nhẹ quay đầu và nói: “mơ mộng quá”. Và nhiều, rất nhiều người xung quanh nó đều lắc đầu hoặc tỏ vẻ có chút cho nó là mơ mộng hão huyền. Những năm tháng 12, nó cày cuốc thật “trâu bò” và nó đã tự đặt mục tiêu cho mình là phải được 25 điểm. Và rồi kì thi đại học trôi qua, ngày nó nộp hồ sơ và có tên trong bảng xếp hạng, nó không nói nên lời vì với 26 điểm nó vẫn có nguy cơ rớt rất cao. Nó bắt đầu hoang mang, bà con nó bảo nó vào sài gòn rút hồ sơ nhưng nó vẫn không nghe, nó vẫn hy vọng bởi vì trong đầu nó, chưa bao giờ nó nghĩ đến một trường nào khác cả. Những ngày tháng ngồi ở nhà mong ngóng bảng xếp hạng có lẽ là chuỗi ngày dài hàng thế kỷ đối với nó. Nó đau tim, nó tuột huyết áp mỗi lần thấy mình tụt cả chục hạng. Ngày 3/8, đứng thứ 58, ngày 6 thứ 185, và mãi cho đến ngày 12 nó đã xuống đến hàng thủ 300 mấy.
52
Nó trực facebook cả ngày lẫn đêm và có lẽ những ngày tháng đó facebook là công cụ rất hữu dụng với nó. Nó cứ như một người nghiện facebook điên cuồng và nó bắt đầu cảm thấy nó hơi sống ảo. Nó đổi ảnh đại diện là ngoại thương, nó kết bạn với tất cả những ai học ngoại thương và những ai sắp là tân sinh viên ngoại thương. Nó bắt đầu làm quen, nói chuyện với nhiều người trên facebook, nó tham gia vào các diễn đàn ở trên đó. Thật sự là nó rất cảm thấy biết ơn và ngưỡng mộ những anh chị phờ-tu. Mặc dù bận rộn việc học nhưng các anh chị vẫn rất nhiệt tình tư vấn, ủng hộ tinh thần cho các em. Nó rất vui khi được trò chuyện, chia sẻ nỗi lo cùng những bạn cùng cảnh ngộ với nó. Thế là ngày qua ngày, cái ngày công bố kết quả cũng đến, và, nó đã đậu. Lúc nhìn thấy tên mình trong danh sách trúng tuyển, nó còn không biết là mình đang tỉnh hay mơ. Mọi thứ sao đến nhẹ nhàng quá, nó thậm chí không nhớ là mình đã làm như thế nào để có ngày hôm nay, ngày mà nó đã chờ đợi, đã hy vọng, đã mong ngóng từ lâu. Nó lần lần như người mất hồn. Ngoại Thương ơi! Vậy là nó sắp trở thành một sinh viên Ngoại Thương rồi hay sao? Đây là sự thật sao? Bạn bè cấp 3 của nó bây giờ hãy gọi nó là :”dân ngoại thương”. Một cảm giác sung sướng lan lan trong lòng nó. Nó không chỉ vui vì nó đã đỗ đại học mà niềm vui lớn hơn của nó là nó đã làm được cái điều mà bấy lâu nay bao nhiêu người nghĩ nó sẽ không bao giờ làm được. Nó đã không khiến bản thân mình phải hối tiếc. Những ngày sắp nhập học, nó lại nằm suy nghĩ tự vấn bản thân. Nó cảm thấy nó chẳng có tài lẻ nào, hát không hay, ngoại hình không đẹp, không biết ăn nói, không thông minh, bản tính nhút nhát lại dễ bị lừa,… Nó tự ý thức được bản thân nó còn không biết bao nhiêu là tật
53
xấu, nhưng nó không buồn vì nó đã nhận ra một bài học rằng: Con người sinh ra không phải ai cũng hoàn thiện, đến trường không chỉ để học chữ mà còn là nơi để hoàn thiện bản thân. Nó tự hứa với lòng mình sẽ thay đổi, thay đổi thật sự, kiến tạo một con người khác khi bước vào giảng đường mới. Phải để cho những người nghĩ mình không làm được nhìn những gì mà mình đã làm được. Ngoại Thương ơi! Ngôi nhà tiếp theo của nó. Nó đặt vào đó bao nhiêu niềm tin và nó đã sẵn sàng thay đổi, đối mặt với chông gai. Những con người nhiệt huyết, năng động ở phờ-tu đã truyền ngọn lửa niềm tin cho nó. Con đường mang tên Ngoại Thương đang trải dài trước mắt đó, rồi đây sẽ có biết bao nhiêu gập ghềnh dáng cho nó nhưng nó sẽ được mài giũa từng ngày. Không ai có thể cho ta biết ta có thể bay cao, bay xa đến đâu ngoại trừ chính bản thân ta. Nó hy vọng…
54
Dù chỉ nhìn được có một mét ở phía trước thì vẫn cứ bước! Nguyễn Hoàng Anh
55
Lớp bảy. Ngồi ăn cơm nghe bố kể chuyện ngày xưa. Bố bảo: “ Trước bố thích Ngoại Thương lắm nhưng cuối cùng lại nhảy sang học Kinh tế Quốc dân, hay cún sau này học Ngoại Thương nhỉ?” Đang ăn cơm, nghe bố nói thế, mình ngẩng đầu lên dõng dạc: “ Vâng, con sẽ vào trường đấy.” Nghĩ lại hồi đấy có biết vào Ngoại thương nó cam go, phải đánh nhau sứt đầu mẻ trán thế nào đâu, chỉ nghĩ bố mình cool ngầu, pro, đánh máy vi tính như đánh đàn, chỉ đạo nghệ thuật qua máy điện thoại như đang nhìn thấy cái màn hình máy tính ở trước mắt như thế mà còn không vào được Ngoại thương, thế thì “con hơn cha là nhà có phúc”, để nhà có phúc mình phải vào được! Sau đấy thì mình cũng lân la hỏi han bạn bè, người thân Ngoại thương như thế nào và lúc đấy mới sáng mắt ra. Để vào được ngôi trường ấy khó như thế, nhìn lại bản thân còn đang chật vật chỉ để theo kịp được lớp, bỗng mình thấy chả có tí hi vọng nào. Lớp tám, lớp chín. Ngoại thương vẫn đứng đầu bảng trong các trường đại học mình muốn học sau này, thế nhưng giờ cấp ba còn chưa biết mình sẽ học trường nào, mình quên bẵng giấc mơ ấy đi mất, chỉ chăm chăm học mong kết quả thi chuyển cấp không quá tệ. Lên cấp ba. Đời đôi khi nó lại hơn mơ, trước tưởng bản thân mình chả đỗ trường chuyên nào, giờ hóa ra mình cũng vào được, dù chỉ là lớp cận chuyên. Vào lớp, học được hai năm, kết quả không tệ nhưng cũng chả phải hạng giỏi nhất, bắt đầu có suy nghĩ về nghề nghiệp mình làm sau
56
này. Khi thì mơ làm hacker, lập trình viên, lúc thì thích làm thủ thư để được đọc sách thỏa thích chả ai cấm. Cơ mà đến cuối cùng, dù có muốn làm gì đi chăng nữa, khi nghĩ đến việc thích học trường đại học nào, mình vẫn chọn Ngoại thương, căn bản là chấp niệm quá sâu rồi. Lớp mười hai. Sau khi đặt mục tiêu quyết vào Ngoại thương, mình quyết tâm phải đạt được điểm thật cao. Thế là lao đầu vào học. Quá trình này kéo dài trong vòng một tháng, rồi khi thấy bản thân vẫn gần như là dậm chân tại chỗ: toán, lí thì làng nhàng, anh thì làm mãi vẫn cứ 5, 6. Mình bắt đầu thấy nản. Học thế này thì đến bao giờ mới có thể vào được ngoại thương. Thế là chán, thế là chơi. Lên lớp thì vẫn lôi bài ra làm đấy, cơ mà tối về ăn cơm tắm rửa xong là dẹp, dẹp hết, không có học hành gì nữa. Tưởng chừng mọi chuyện vẫn cứ kéo dài như thế mãi cho đến khi một hôm ra hiệu sách, mình vô tình thấy quyển Săn học bổng của Vương Quyên. Quyển sách đấy rất hay, nhưng ấn tượng nhất với mình vẫn là câu nói của người bố đối với con: “...chỉ cần nhìn vào chỗ cách xa năm mét về phía trước, tự nhiên con sẽ tìm thấy đường đi.” Phải nói là chưa câu nào lại khiến cho mình ngộ ra nhiều điều đến thế. Trước giờ mình cứ đặt mục tiêu, để rồi đến ngày hôm sau khi nghĩ về sự khó khăn vất vả của nó lại chùn bước và bỏ cuộc. Trong khi đó, nếu mình chỉ đơn giản không nghĩ gì hết, cứ kiên trì làm theo từng bước một, đi từng đoạn ngắn không phải là năm, mà thậm chí chỉ có một mét, thì đến cuối cùng dù có không hoàn thành được đi chăng nữa, ít ra mình cũng đã đi được một chặng đường, không có dậm chân tại chỗ than rằng đích đến quá xa.
57
Thế là bắt đầu từ ngày hôm đó, mình tiếp tục cuộc hành trình đến Ngoại thương với một sự hào hứng hơn bao giờ hết. Tất nhiên, sau đó cũng có rất nhiều lần mình lại như muốn bỏ cuộc, cảm thấy thất vọng với bản thân, nghĩ rằng mình không làm được, nhưng mỗi lần ấy mình lại nghĩ đến cái thuyết một mét phía trước mà cố bước tiếp. Và bởi vì đây là một cuộc hành trình với cái kết có hậu, nên mình đã đỗ rồi, hớ hớ hớ. Hôm biết được chạy xung quanh nhà như một con rồ, gọi điện hết cho người này người kia khoe loạn xạ, cười đến mỏi cả miệng mà vẫn không dừng được, lúc nào cũng phải nhếch hai mép lên thành hình vòng cung. Tóm lại là Ngoại thương ơi yêu bạn lắm, bạn cũng yêu thương mình trong bốn năm tới nhá.
58
Ngoại Thương Lan Anh
59
NGOẠI THƯƠNG - Đó là tất cả những gì mọi người khuyên tôi theo đuổi suốt mấy năm trời, còn tôi, lại chỉ biết lắc đầu cười trừ. Thành thực mà nói, đó là ước mơ của tôi, nhưng lại là một ước mơ mơ hồ, không rõ ràng, không định hướng. Ban đầu, tôi biết đến nó như là trường của một người chị mà tôi rất ngưỡng mộ. Chỉ đơn giản là mọi người kể cho tôi nghe về thành công của chị ý, về tất cả mọi thứ mà chị ý có được ở đó và bảo tôi nhìn đó mà học tập. Cho nên, tôi cũng chỉ đơn thuần là biết thế, và tự nhủ cứ cố gắng đi! Lúc đó, với tôi, Ngoại thương là thứ mà tôi hướng đến, nhưng lại theo cái cách mà người ta vẫn gọi là “theo trào lưu”. Tôi vốn là một đứa khá tự tin, bởi tôi nghĩ bất cứ một ai học ở một trường huyện và được thầy cô yêu quý đều như thế cả. Có thể bạn không dám nói với ai, nhưng đôi lúc bạn sẽ cảm thấy mình giống như ngôi sao sáng nhất giữa vũ trụ mà tất cả mọi người đều ngước nhìn. Nhưng rồi mọi thứ thay đổi khi vào cấp ba. Lên thành phố, học ở một trường chuyên, tôi hiểu tôi chẳng là cái gì hay ho như tôi vẫn nghĩ, ít nhất thì tôi đã thua rất nhiều người ở cái điều kiện học tập đủ đầy của họ. Mỗi sáng dậy sớm hơn một tí, đêm về thức khuya hơn một tí, tôi nghĩ rằng chỉ có cố gắng hơn người ta thật nhiều thì tôi mới có tư cách để ngang hàng với người ta, để bù đắp lại cho những điểm xuất phát đầu tiên của tôi. Quãng thời gian miệt mài học tập và tích cực tham gia các hoạt động xã hội ấy đã giúp tôi có thể tự tin đứng cạnh những người bạn mới và được họ coi trọng một phần nào. Và cứ thế, tôi cùng họ theo đuổi giấc mơ Ngoại thương.
60
Tuy nhiên, khi lên mười hai, mọi thứ lại thay đổi chóng mặt. Tôi nhận ra nó với tôi quá đỗi xa lạ, tôi chẳng biết chút nào về nó, và có vẻ tôi chẳng có một đam mê nào, càng không có một định hướng nào cho tương lai. Thế là, trong khi mọi người càng nỗ lực nhiều hơn trong vòng đua cuối cùng thì bản thân tôi lại có vẻ quá mệt mỏi cho những tháng ngày đã cố gắng trước đó. Tôi chán ngấy việc ngày ngày phải cắm cúi vào viêc học trong khi chả biết để làm gì. Tôi tìm hiểu thật nhiều trường, nhiều ngành, và cố gắng tìm cho mình một sở thích nhưng tôi đã loại nó ra khỏi tất cả suy nghĩ của tôi. Bởi tôi cho rằng nó xa vời quá, dù tôi có nỗ lực nhiều thêm nữa cùng không với đến đó được, mà bản thân tôi bấy giờ lại đã quá ngán ngẩm việc nỗ lực rồi. Tôi nghĩ là tôi sẽ vào UEH. Suốt một năm trời tôi tìm hiểu về UEH với suy nghĩ đó sẽ là đích đến của tôi. Nhưng đồng thời, tôi cũng tham gia vào một số group trên facebook của nó, mặc dù chẳng mấy khi ngó ngàng đến. Rồi đến ngày cuối cùng bước ra khỏi phòng thi, khi mà bản thân tôi và gia đình khá là tự tin về kết quả, mọi người lại tiếp tục hướng tôi đến nó. Tôi chỉ cười không nói gì, nhưng lúc đó, trong tôi cũng nhen nhóm một ý định rằng nếu tôi đủ 25 điểm, tôi sẽ thử nghĩ về nó. Rõ là các bạn yêu Ngoại thương, say mê Ngoại thương đang ra sức mắng nhiếc tôi, rằng một đứa chẳng hề yêu thích gì lại đang ở đây, là một K54 và đẩy các bạn khác ra ngoài. Tôi sẽ không chối đâu, bởi thật ra tôi chẳng có một sở thích gì cho riêng mình. Nhưng từ đó, tôi bắt đầu để ý đến, bất kể là trên facebook hay báo đài, bắt gặp bất cứ ai, bất cứ cái gì liên quan đến nó là tôi sẽ nhìn kĩ hơn một chút, nghe kĩ hơn một chút, để rồi dần dần cái sắc đỏ FTU nó ăn sâu vào tim tự bao giờ.
61
Tôi thấy yêu hơn các anh chị là sinh viên Ngoại thương, thấy ngưỡng mộ và trân trọng tài năng và nhiệt huyết của các anh chị. Từ sâu trong đáy lòng, tôi cũng muốn được như thế. Yêu một nơi không hẳn là phải yêu từng gốc cây, ghế đá như người ta vẫn hay nói. Tình yêu với Ngoại thương của tôi nó cứ lớn dần lên theo tình yêu mỗi con người nơi đây. Ngày biết điểm, tôi òa khóc bởi chưa bao giờ tôi nghĩ rằng Ngoại thương lại gần với tôi đến thế. Hi vọng cứ dần nhen nhóm trong tôi, cùng với một tình yêu Ngoại thương nhẹ nhàng, không đến mức sống chết cùng nó nhưng lại như một sức mạnh vô hình để tôi tìm lại sự tự tin cho mình. Tôi biết khi tôi viết ra những dòng này sẽ có những người yêu Ngoại thương thực sự chán ghét, nhưng tôi nghĩ bất cứ ai cũng có quyền yêu Ngoại thương theo cách của riêng mình, không hẳn là mãnh liệt nhưng cũng đủ để tôi vững bước trên con đường dài bốn năm tới. Hành trình đến với Ngoại thương của tôi, nói là suốt năm năm cũng được, mà nói là 20 ngày cũng được, nhưng tôi hi vọng mình sẽ là một K54 thật xứng đáng với những gì NGOẠI THƯƠNG đã cho tôi.
62
63
Tấm vé đến với ước mơ Hiền Phương
64
Ước mơ - trong kí ức của tôi là 1 điều gì đó tưởng như xa xôi lắm, kì diệu lắm, thật sự tôi chỉ ước mình có thật nhiều tiền, mình được làm ông nọ bà kia. Không phải lo đến chuyện tiền nong. Cuộc sống có nhiều điều kì diệu. Càng lớn tôi càng nhận ra cuộc sống này là một cuộc đua. Bạn sẽ không được tính nếu là người đứng thứ hai. Đó câu nói trong một bộ phim tôi đã rất thích - nó thay đổi suy nghĩ thay đổi cuộc đời tôi - 3 idiots. Tôi bị cuốn vào một cuộc đua, chỉ biết học và học - đến với những lớp học thêm chỉ toàn những bạn thi y dược - các bạn ấy học rất giỏi và tôi - đã cố gắng để đua theo các bạn ấy. Nhưng đến một ngày tôi nhận ra thật sự bản thân mình thích gì, bản thân mình muốn làm gì - nhờ một người thầy tôi thật sự yêu quí. “Có bao giờ con thật sự nghĩ mình thích làm bác sĩ ko?” - Vâng tôi rất sợ máu và sợ cả cái mà người ta gọi là “lương y” nữa. Tôi không đủ tự tin và không dám thừa nhận rằng tôi đã học theo mà chưa từng đam mê đến một lần. Thời gian đó tôi thật sự khủng hoảng - làm sao đối diện với bản thân, làm sao đối diện vs mẹ. Chỉ còn hai tháng nữa thôi là thi đại học rồi. Tôi được một cậu bạn - một người rất đa tài, đã động viên và giúp đỡ tôi rất nhiều khi tìm đến Ngoại Thương - một ngôi trường mới, năng động và đầy nhiệt huyết. Tôi sợ hãi khi chính bản thân mình biết chắc mình sẽ k thể đậu đc. Tôi phải đấu tranh tư tưởng với mẹ về việc bỏ thi y dược, ngôi trường mà tôi đã đầu tư hai năm để chuyển sang Ngoại Thương, đón nhận hướng đi khác cho cuộc đời tôi - Sống đúng với chính mình để không còn phải hối hận cho tuổi 18 này nữa. Tôi trải qua cái cảm giác sống vs ước mơ là như thế nào.
65
Tôi phải giấu mẹ học thêm Văn và Anh để thi vào Ngoại thương, với lí do là để được tốt nghiệp. Tôi kham trên vai mình năm môn một lúc. Đó là quãng thời gian kinh khủng nhất cuộc đời tôi. Tôi đã vượt qua và nhận đc sự đồng ý của mẹ. Tôi thầm cảm ơn cuộc đời này, dù không biết đến Ngoại Thương sớm hơn nhưng giờ đây tôi đã thực hiện được bước đầu tiên rồi. Chỉ muốn hét lên trong hạnh phúc khi mình là Tân sinh viên K54 đại học Ngoại thương. Có lẽ cuộc đời có nhiều ngã rẽ, và tôi đã tìm được ngã rẽ cho riêng mình. Tôi không chắc mình sẽ thành công rực rỡ hay kiếm được nhiều tiền, nhưng tôi biết tôi sẽ không bao giờ hối hận với lựa chọn ngày hôm nay. Tôi chọn Ngoại Thương. Tôi chọn ngôi trường này để chắp cánh cho những ước mơ của mình. Để tôi không hối hận vì đã lừa dối bản thân mình quá lâu. Tôi sẽ không còn ngại ngùng mà che đậy bản thân trong chiếc vỏ thua kém người khác nữa. Tôi sẽ sống đầy nhiệt huyết và đam mê như các anh chị vậy. Tôi muốn thắp sáng ngọn lửa ấy trong trái tim của những bạn sinh viên khác và cả những thế hệ sau này nữa. “Hãy chọn Ngoại Thương là điểm dừng chân tuyệt vời nhất, cho những đam mê và khát khao cháy bổng, cho tuổi 18 tuyệt vời và hạnh phúc nhất” Thầm cảm ơn thầy cô, bạn bè và đặc biệt là mẹ - người đã cho con thêm niềm tin và đến vs FTU. “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy Cho ta thêm ngày nữa để yêu thương...”
66
Một chữ ngờ đầy ý nghĩa! Hương
67
“Ngoại thương trong tôi là những lần mẹ đưa tôi đi học, là những lần mang cơm cho tôi ăn để có sức đi từ chỗ học này sang chỗ khác và mưa gió vẫn cứ hành hạ mẹ như thế. Và tôi biết tôi cũng khiến mẹ mệt mỏi nhường nào. Ngoại thương trong tôi là đôi bàn tay thô, chai sạn, gân guộc của mẹ, là nét âu lo hằn in trên đôi mắt, là những giọt nước mắt mà mẹ chỉ dám khóc khi tôi ngủ say…”
68
Đúng là chẳng ai biết được chứ “ngờ”. Cái ngờ cho một lần vấp ngã,chữ ngờ hiện diện trong cuộc đời để tôi biết mình đứng ở đâu. Cái ngờ đó là sự hoán đổi của biết bao giọt nước mắt, nỗi đau khi đường đời còn quá nhiều chông gai. Chính nó khiến tôi bất lực, khiến tôi tự ti, khiến tôi nghĩ dù có cố gắng thế nào đi nữa mình cũng chỉ nhỏ bé lắm, có tài cán gì mà có thể mỉm cười với hai chữ” thành công”. Vậy có ai đó làm ơn, làm ơn cho tôi biết chữ “ngờ” đó còn xuất hiện đến khi nào? Nhưng rồi giờ đây khi nhìn vào hiện tại, tôi chợt mỉm cười với nó, tôi chợt yêu nó đến lạ lung. Tôi tự hỏi : “ Phải chăng chính nó đã làm nên điều tuyệt diệu?” Đúng vậy, tôi đã là một FTUer các bạn ạ. Cũng giống như các bạn, tôi trải qua ba năm đủ để nói là dùi mài kinh sử, tạm đủ để goi là công sức học hành giờ được hái trái. Cũng như bao K54 khác tôi đã chờ đợi, tôi hạnh phúc khi được sống trong thời gian đấy: chờ đợi, lo lắng, chờ đợi, lo lắng,… Cứ như thế một vòng tuần hoàn của cảm xúc diễn ra trong 20 ngày. Nhưng nó lại quá đẹp các bạn nhỉ? Đẹp đến nỗi tôi cảm thấy mình thật may mắn khi không bỏ cuộc! Giờ đây khi tôi ngồi trước máy tính để nhớ lại và viết như một bài văn của nỗi lòng. Và tôi tự hỏi ai nói đại học là cái đích , thành công rồi? Quả thật nó là cái đích nhưng nào phải cuối cùng. Nói thật cái đích “tạm thời” đó là vậy nhưng không phải vậy. Nếu như bạn bè đã chọn ngoại thương là mục tiêu ngay từ lớp mười đôi khi còn từ cấp hai nhưng tôi lại là phút chót. Nhìn từ xa ngoại thương với tôi là mơ hồ, tôi lo lắng liệu tôi có thể hòa nhập? Nhưng ở đấy tôi lại thấy các anh chị dễ thương lắm, nhiệt tình lắm. Tôi chưa từng thấy những sinh viên nào năm trên như anh chị. Tôi nhớ những lần inbox hỏi đủ thứ vậy mà chẳng thấy một lời phàn nàn nào từ những con người chưa từng gặp một lần. Ngoại thương đơn giản chỉ là vậy, đủ để tôi vững tin hơn, đủ để tôi gắn bó cho
69
một hành trình dài. Ngoại thương vốn dĩ không chỉ là một mái trường, mà còn là gia đình. Không phải sáo rỗng bởi nó là nơi khiến tôi nhớ về người mẹ của mình. Lạ thật các bạn nhỉ? Nhưng nó là vậy đấy. Để được là một FTUer nào chỉ có mình tôi gian khổ, mẹ tôi còn vất vả gấp bao lần tôi không dám đong đo bằng con số cụ thể. Ngoại thương trong tôi là những lần mẹ đưa tôi đi học, là những lần mang cơm cho tôi ăn để có sức đi từ chỗ học này sang chỗ khác và mưa gió vẫn cứ hành hạ mẹ như thế. Và tôi biết tôi cũng khiến mẹ mệt mỏi nhường nào. Ngoại thương trong tôi là đôi bàn tay thô, chai sạn, gân guộc của mẹ, là nét âu lo hằn in trên đôi mắt, là những giọt nước mắt mà mẹ chỉ dám khóc khi tôi ngủ say… Ngoại thương với tôi gắn với sự đắng cay của một đời người mẹ. Nó có những gam màu buồn như thế. Nhưng ngoại thương với tôi nào chỉ có vậy. Bởi đó chính là trái ngọt mẹ và tôi cũng hái. Tôi còn nhớ như in nụ cười hạnh phúc của mẹ khi biết tôi đã đỗ vào ngoại thương. Nó là cái quá khứ để mẹ và tôi cố gắng theo đuổi, là hiện tại để vui mừng và là tương lai để tôi thực hiện ước mơ. Tôi yêu ngoại thương không phải chỉ là trường “ngon” mà còn là những điều như thế. Ngoại thương bất giác đã là là một phần kỉ niệm… Chữ “ngờ” cho một kết thúc đẹp, Chữ “ ngờ” cho một hoài bão bay xa, Chữ “ngờ” để biết tôi đã gắn kết với ngoại thương tự bao giờ….
70
Ngoại thương Khánh Ngân
71
Đó có lẽ cũng là một chút gì đó gọi là an ủi những khổ nhọc, những buổi trưa chở tôi đi học vì thấy thương không nỡ cho đi xe đạp. Ninh Thuận là một tỉnh đầy nắng và gió, thời tiết rất khắc nghiệt, vì thương con nên ba mẹ tôi phải thay phiên nhau chở tôi đi học, đêm đi học thêm về thì chạy xuống đón lên sợ con gái đi ngoài đường một mình lỡ có ai chọc ghẹo… “Gì chứ? Ngoại thương ư? Mơ à? Học hành lười nhác như m thì làm sao vô nổi?” Tôi từng nghĩ như thế. Để rồi năm lớp mười, mười một, Ngoại thương vẫn chỉ là mơ tưởng, chỉ là một thứ xa xỉ đối với đứa con gái cung sư tử mơ mộng nhưng lười nhác ở một tỉnh nhỏ không tiếng tăm - Ninh Thuận. Thế nhưng dần dà, sở thích trong tôi lại thay đổi, đích đến của tôi không còn là ngành gì bên kinh tế hay là Ngoại thương nữa, mà đó là ngành Nhật Bản học trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Tôi thích con người Nhật, cách họ đứng lên sau những cú sốc, những tai ương ập lên đất nước nhỏ bé mà kiên cường này, từ nền giáo dục tự lập từ nhỏ đến cách xếp hàng một cách hoàn hảo dù đó là đói rét hay ngập lụt. Sau khi thi đại học xong và có điểm trong tay, lúc này sự phân vân trong tôi bắt đầu bùng cháy. Một bên là sở thích của bản thân, thứ mà mình đã tìm hiểu hết web này đến web khác, hết clip này đến clip khác và một bên là lời khuyên của thầy cô, bạn bè và đặc biệt là cha mẹ người luôn mong muốn mình thành công. “Ừ có thể điểm mình sẽ đậu hết cả hai nên quan trọng là chọn trường nào đây?” Và tôi đã chọn Ngoại thương. Trong 20 ngày mòn mỏi chờ đợi kết quả, thật sự đã có lúc tôi chùn bước. “Sao điểm lại cao thế này? Thôi chết mình lọt ra ngoài chỉ tiêu rồi?? Chắc mẹ (người rất mong
72
muốn tôi học NT) sẽ buồn lắm luôn!...” Tôi đã tìm hiểu lượng thí sinh nộp vào Nhân văn, và tôi thấy rằng với số điểm 24,5 tôi có thể đậu vào ngành Nhật Bản học mà tôi mong muốn. Thế nhưng, sao tôi không có cái cảm giác háo hức, mong đợi như khi nộp vào Ngoại thương? Sao tôi cảm thấy nếu có đậu Nhân văn thì đó cũng chỉ là thất bại của bản thân tôi ở Ngoại Thương? Tôi không thấy cảm giác nhộn nhịp lo lắng nơi Nhân văn vì tôi biết chắc tôi sẽ đậu không cần suy nghĩ khi nộp vào. Và tôi vẫn cứ chờ. Chờ ở Ngoại thương. Thực ra rất nhiều lần, nói chuyện với ba mẹ thông qua internet, tôi thấy ba mẹ tôi buồn, buồn vì có rất nhiều người giỏi nộp vào Ngoại thương, có rất nhiều những số điểm cao chót vót, rằng là có lẽ tôi phải vào Nhân văn thôi, để đảm bảo sự an toàn cho tôi. Và tôi nhận ra, ba mẹ tôi mong ngóng giấc mơ Ngoại thương biết bao, tôi lại càng muốn đậu để ba mẹ tôi thực sự vui và cảm thấy tự hào về đứa con gái út của mình. Đó có lẽ cũng là một chút gì đó gọi là an ủi những khổ nhọc, những buổi trưa chở tôi đi học vì thấy thương không nỡ cho đi xe đạp. Mọi người biết đấy, Ninh Thuận là một tỉnh đầy nắng và gió, thời tiết rất khắc nghiệt, vì thương con nên ba mẹ tôi phải thay phiên nhau chở tôi đi học, đêm đi học thêm về thì chạy xuống đón lên sợ con gái đi ngoài đường một mình lỡ có ai chọc ghẹo. Tôi biết, tôi hiểu và tôi cầu trời rằng “Trời ơi hãy giúp con vô được Ngoại thương, con muốn ba mẹ con vui chớ không phải lo lắng về ngành con sẽ học như bây giờ...”. Thế là tôi cố thủ, trên tinh thần “liều ăn nhiều” tôi đã lì lợm giữ nguyên hồ sơ nơi ấy. Nhưng điều tôi thực sự lo lắng là đêm 19, nghe “hung tin” từ một người bạn “Bà đọc tin chưa? Trường mình có điều kiện môn Toán trên 8 đó”. Run rẩy, lo lắng. Lập tức tôi vào trang K54 FTU2 - Hỗ trợ tân sinh viên trên Facebook, lo lắng đọc từng trạng thái, từng bình luận của các thành viên cho tới một giờ sáng, tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm và
73
đánh một giấc tới sáng. Toán tôi thi không trên 8 nhưng may mắn cho tôi là tổng điểm tôi trên điểm sàn là 0.25. Không phẩy hai mươi lăm - con điểm tối thiểu nhưng nó đã mang lại cơ hội cho tôi để vào ngôi trường này, mang lại mức an toàn không cần phải xét thêm tiêu chí phụ thế nhưng tôi vẫn quyết định lên trường để chắc chắn thêm. Và thế là sáng 20, vượt mười cây số từ Thủ đức lên Bình Thạnh để thăm dò tình hình, chứng kiến cảnh người đông quá trời, tôi đâm ra lo lắng sợ sẽ có nhiều người nộp hồ sơ, nhưng không, họ đều như tôi hay như ba mẹ tôi, mong muốn bản thân mình hay con mình được vào ngôi trường danh giá này. Và tôi thực sự yên tâm khi được các thầy ở ban đào tạo giải thích rõ về điểm và điều kiện vào trường. Tôi về thẳng Thủ Đức một mạch. Sao nhỉ? “Ngoại thương chỉ được cái mác thôi, chỉ hưởng từ cơ sở phía Bắc thôi, thực sự không biết có đào tạo gì hay trong đó không...” Tôi đã gạt qua những lời nói không có bằng chứng đó vì tôi nhận ra, học được hay không là ở bản thân mình, ai mà cầm bút chì vẽ cho mình hoài được. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với hình ảnh những anh chị khóa trước lên trường hằng ngày để cập nhật thông tin, đem chúng đến cho những người mong muốn vào được Ngoại thương như tôi, chúng rất bổ ích. Tôi thực sự rất ngưỡng mộ những sinh viên trong ngôi trường này. Họ sao mà nhiệt tình, tận tâm hết sức và tôi - một FTUer tương lai, cũng muốn được như họ, muốn học hỏi ở những anh chị ấy lòng nhiệt thành vì trường và vì đàn em tương lai. Tôi yêu FTU2, tôi gắn bó với FTU2 và tôi cũng rất gắn bó với Hội hỗ trợ tân sinh viên, tôi rất quý những anh chị ấy.
74
75
Nơi tình yêu bắt đầu Hiền Thanh
76
Mình cảm thấy vô cùng may mắn khi mà sắp được sống chung cùng một mái trường với nhiều anh chị năng động giỏi giang, nhiều bạn bè cùng tuổi mình rất thân thiện và vui tính. Và quan trọng hơn cả là mình đã bước được đến ngưỡng cửa - điểm đích, mà mình mong muốn. Ở nơi đó, mình hy vọng sẽ có một gia đình lớn, sẽ cùng mình trải qua bốn năm thanh xuân rực rỡ đầy màu sắc, sẽ lưu lại trong mình nhiều kỉ niệm đẹp, dạy cho mình nhiều bài học hay. Bản thân cũng không phải thuộc dạng siêu trong lớp, nhưng tình yêu đối với Ngoại Thương bén rễ lúc nào không hay. Để rồi từ đó, ước mong được trở thành một Phờ Tu ờ luôn luôn nhen nhóm ở trong tim. Lớp chín, lớp mười mình học chuyên sinh. Cấp ba trường mình bắt phân ban và mình đã đăng kí học ban tự nhiên, và chỉ chăm chút cho những môn học ấy. Những môn như anh, văn cứ như thế chìm vào quên lãng ~ Tập trung học tiếng anh trở lại là vào cuối học kì 1 lớp 11. Mình khi ấy chỉ nghĩ rằng: phải học thật nhiều từ vựng và thật giỏi tiếng anh!!!! Vì khi đó những bộ anime Manga mình thích đều rất lâu mới có vietsub và mình đã rất ghét việc phải chờ. Kế hoạch học tiếng anh như điên khi ấy bắt đầu. Năm mười hai, một mình mình chuyển lớp. Vào môi trường mới, những người bạn mới, cảm giác cô độc và đơn điệu rất là khó chịu. Nhưng mình vẫn vượt qua được. Trong lớp mới của mình đa số là các bạn gái, rất chăm chỉ, siêng năng, xinh đẹp và giỏi giang. Đầu năm, tụi nó hỏi mình thi trường gì. Mình không hề do dự mà trả lời: “Chắc T thi Ngoại Thương á!”
77
Giữa năm, tụi nó lại hỏi. Lần này mình hơi lung túng, cười cho qua. : ”Chắc T thi ngôn ngữ, hay những thứ đại loại vậy.” “Sao nghe bảo thi Ngoại thương mà T?” “Ừ, thì thích Ngoại thương thật, mấy anh chị ở đó siêu dễ thương với siêu nhiệt tình luôn. Nhưng mà trình T sao vào nổi.” Cuối năm: Tụi nó lại hỏi. Mình rất vui vẽ trả lời: “Tao đi Bách khoa mày ạ, đi ngành kỹ thuật y sinh, đứa nào sau này muốn chụp X quang nhớ ghé tao ủng hộ. Tao tính phí gấp đôi cho. Hehe” Vì khi đó mình nghĩ, dù sao KTYS cũng liên quan đến môn Sinh của mình. Rồi thời gian đến, thời gian đi, thi đại học xong rồi về nhà chờ kết quả. Vui nhất là khi nhận được điểm mình từ facebook con bạn. Cảm giác lúc đó như vỡ òa trong sung sướng. Gọi điện cho ba, cho mẹ, chỉ muốn báo tin ngay cho ba mẹ biết (lúc đó mình đang ở quê). “Ba, mẹ ! Chắc con đỗ Ngoại Thương rồi á!” Vừa chờ điện thoại, vừa hát bài “Nụ cười Ngoại Thương”, vừa nhảy tưng tưng như con nào mới trốn viện. Sau đó là 20 ngày hành xác tinh thần kéo dài đằng đẵng của bô giáo dục. Điểm chuẩn thì tiếp tục vẫn lạm phát và đã có một ngày mình đã đinh ninh rằng” Không được vào FTU rồi, không được làm FTUers rồi! Ngoại thương đi xa quá...
78
Cảm giác khi đó buồn hơn so với tưởng tượng, và mình có khi đã khóc nữa…” Mình thích FTU, thích nó chẳng qua vì chất nóng của nó. Cái nhiệt mà có lẽ ít trường mang đến được cho mình. Thích nó từ khi nào cũng không biết. Thích và ngưỡng mộ lắm những con người mà mình chưa từng bao giờ gặp mặt, biết tên. Những con người mà đã không màng mệt mõi đem ngọn lửa của chính họ lan tỏa và thắp sáng ra nhiều ngã đường để tiếp thêm động lực cho một thế hệ Ngoại Thương tiếp theo. Mình đã xem đi, xem lại hàng trăm lần có lẽ những video của YMC!,của FTU zone! Từ “Ngoại thương, thì làm sao?” đến “Nụ cười Ngoại Thương” rồi “bài ca sơ-vin” và cả những câu nói tinh túy của các bậc đàn anh đàn chị trong trường. Những điều đó, đã giúp mình phần nào vượt qua những khó khăn khi ôn tập, những lúc uy sụp trong tinh thần. Đa phần dòng họ mình không ủng hộ mình đi Ngoại Thương. Có lẽ là do sợ mình điểm thấp không đậu nổi, rồi lại uổng phí một năm. Nhưng cái chính là do bọn họ đều bảo. rằng :”Ngoại thương giờ ra không có việc làm đâu. Em suy nghĩ cho kĩ vào.” Ban đầu mình cũng rất xúc động nhưng có lẽ họ đúng một phần nào. Vì cả nước có hơn 178.000 cử nhân thất nghiệp thì chuyện có học Ngoại Thương hay không, có học đại học quốc gia hay không? Có học y ra hay không? Mà không có bản lĩnh, không đủ nhanh nhẹn, không đủ gan dạ và khéo léo cũng đều có mức độ thất nghiệp giống nhau thôi. Mình chỉ mỉm cười và nói thật nhẹ nhàng: “Học gì giờ ra cũng thất nghiệp hết thôi chị ạ. Đã là thất nghiệp hết thì cứ chọn cho mình cái trường nào mà mình thích để mình tha hồ ăn chơi trong đó bốn năm cho khỏi hối tiếc với cái cuộc đời. Với lại thành công đối với con người là cả
79
một quá trình chứ không phải là điểm đích. Vì nếu điểm đích là thành công thì tất cả mọi người trên thế giới này đều có chung điểm đích rồi. Học hành rồi thi cử, rồi vào trường ngon, ra kiếm việc làm tốt, làm ổn định, rồi thì cưới vợ gả chồng, rồi thì sinh con bế cháu, nuôi cho tụi nói lớn, rồi già, rồi chết! Cuộc sống như thế thì quá vô vị còn gì? Chị nghĩ có đúng không?” “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời; sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người.” N.OSTROVSKI Giờ, mình đã chính thức là K54 của trường rồi. Cảm giác đậu được vào trường không vui mừng bằng cảm giác mình báo tin mình đỗ cho ba mẹ với họ hàng nhà mình biết. Cảm giác ba mình tự hào khi “Khoe khoang” chuyện con gái mình với bác hàng xóm. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời! Nói chung là, mình yêu Ngoại Thương. Và mình sẽ cháy hết mình vì nó. Không phải vì cái tên, mà là vì chính mình, chính những con người nơi đây, chính những gì mình sắp được trải nghiệm. Mình biết sẽ có cả những khi stress nặng nề, đau buồn hay suy sụp khi mình không thích ứng kịp thời với hoàn cảnh. Nhưng những điều ấy rồi cũng sẽ được thay bằng những niềm vui, những ngọt ngào, những gì chúng ta - những K54 dễ thương, xứng đáng được hưởng sau bao nhiêu đêm thức trắng, sau bao nhiêu hy vọng được thắp sáng.
80
Nếu thật sự không như mình nghĩ, có lẽ mình chỉ sẽ buồn một chút. Cũng giống như khi đó mình đã buồn khi chuyển sang lớp mới vậy. Khi bạn bè bảo mình dại, mình khờ thì mình mỉm cười và “Tao buồn nhưng không hối hận mày ạ!” Thì giờ đây cũng giống như vậy, có lẽ sẽ buồn nhưng sẽ không hối hận vì những gì mình đã quyết định ngày hôm nay. Ngoại Thương là mục đích điểm của bao người và mình tự hào về chính mình vì đã chạm được nó! Chạm vào thôi chưa đủ vì mình muốn cái điểm đích mà mình yêu phải ngày càng sáng hơn, sáng mãi, lấp lánh như ánh mặt trời vậy. You only live at once!
81
Đam mê và tự hào Nguyễn Ngọc Vân Anh
82
“Có lẽ còn quá sớm để tự mãn với những gì mình đã đạt được, tôi sẽ phải cố gắng hơn nữa để xứng đáng với tên gọi “sinh viên Ngoại Thương” và cũng là để hiện thực hóa đam mê của chính mình…”
83
Tôi của ba năm về trước có lẽ là một cô gái chẳng mảy may quan tâm đến hai chữ “Ngoại Thương” hay ít nhất là những vấn đề thuộc về kinh tế. Đôi khi tôi còn mạo muội nghĩ rằng kinh tế thật là nhàm chán và tôi sẽ không bao giờ có ý định lập nghiệp với ngành nghề này. Nói đùa một tí đó là “ghét của nào trời trao của ấy”, tôi không biết từ khi nào tôi bỗng thích thú với lĩnh vực này, cụ thể là Ngoại Thương. Tôi tự đặt câu hỏi với chính mình liệu có phải tôi đang bị cám dỗ bởi danh tiếng của một ngôi trường tốt nhất nhì Sài Gòn về mảng kinh tế? Tôi bắt đầu tìm hiểu mọi thông tin về Trường đại học Ngoại Thương, hiểu được định nghĩa Ngoại Thương, những việc làm sau khi tốt nghiệp và triển vọng của công việc đó trong tương lai. Một điều làm tôi cảm thấy rất hào hứng đó là môi trường học tập ở trường, ở các câu lạc bộ, đội, nhóm cùng những hoạt động của anh chị sinh viên ở đây thật sự năng động và bổ ích. Có lẽ nào tôi đã “say nắng” Ngoại Thương mất rồi? Những quan niệm khô khan về Ngoại thương bắt đầu nhạt dần và được tô đậm bằng những mảng màu cháy bỏng của niềm đam mê và lòng nhiệt huyết. Trong tâm thức của một tân sinh viên còn rất đỗi non nớt trong lĩnh vực này, tôi cho rằng làm kinh tế thật sự là một nghệ thuật của sự kết hợp những kĩ năng và kiến thức, chẳng khác gì hội họa. Với niềm đam mê ấy tôi quyết tâm thi đỗ vào Ngoại thương nhưng song song đó là biết bao lo lắng, trăn trở. Tôi là một học sinh chuyên Toán nhưng thật sự chỉ là một học sinh kha khá trong lớp, toán cũng tạm, anh văn thì đủ để chém gió, còn vật lý thì... thấp lè tè, nhắc đến vật lý là y như rằng tôi với nó là quan gia
84
ngõ hẹp, học cách nào cũng không khá lên được. Nhìn mức điểm sàn của những năm trước mà tôi không khỏi lo lắng, ba tháng trước khi thi đại học tôi hậm hực vào Ngoại thương bao nhiêu thì hai tháng sau đó tôi nản chí bấy nhiêu. Thời gian ấy quả thực rất khó khăn, trong dạ thì muốn mà khả năng không đủ, nhiều lúc đang ăn cơm với gia đình tôi bật khóc như một con dở hơi, ba mẹ cũng không hiểu tại sao tôi khóc, hỏi mãi tôi mới rặn ra được cái lí do. Không biết có ai giống như tôi không nhỉ, càng học càng thấy thiếu, mà càng thấy thiếu thì nỗi bất an tăng lên bội lần, thế là cứ ôn, ôn nữa, ôn hoài cho đến khi hết “nhét” nổi. Quãng thời gian ôn tập chuẩn bị thi đại học ấy đúng là rất kinh khủng, vừa “đau khổ” vừa “mắc cười”, mà giờ nhìn lại tôi tự hào biết bao về độ “trâu bò” của mình. Là một tân sinh viên, thế hệ K54 của trường đại học Ngoại thương, sinh ra trong “thời loạn lạc” do cải cách giáo dục, tôi thừa nhận rằng vào Ngoại thương không dễ dàng chút nào, tôi cùng các bạn đã phải trải qua lắm gian nan, trở ngại về mặt tinh thần và đôi lúc kiệt sức vì học tập. Tôi đã từng nản chí nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tôi bỏ cuộc. Dù có những lúc cảm thấy mệt mỏi muốn thốt lên rằng “ba mẹ ơi con mệt lắm”, nhưng chưa bao giờ “ước mơ Ngoại Thương” lụi tàn trong tôi. Hoài bão ấy cứ âm ỉ, cứ mỗi lúc nó yếu đi lại được tiếp thêm sức mạnh bới gia đình, thầy cô, bạn bè và những anh chị hỗ trợ tân sinh viên. Ngày hôm nay tôi chính thức trở thành thành viên của ngôi nhà FTU2 đầy đam mê và nhiệt huyết, lòng vẫn còn vui sướng và hân hoan, cảm giác lâng lâng vẫn còn tràn ngập quanh tôi, bởi lẽ cả sau này cũng vậy, đó là một bước ngoặt, một thành công tôi đạt được trong cuộc đời mình. Chắc hẳn đây là giây phút tôi tự hào về bản thân
85
mình và thầm cảm ơn những người đã đồng hành cùng với tôi trong suốt chặng đường dài ấy. Có lẽ còn quá sớm để tự mãn với những gì mình đã đạt được, tôi sẽ phải cố gắng hơn nữa để xứng đáng với tên gọi “sinh viên Ngoại Thương” và cũng là để hiện thực hóa đam mê của chính mình.
86
Ngoại thương từng là ước mơ của tôi Nguyễn Thị Yến Nhi
87
“Tại sao chọn Ngoại Thương?”
88
Chưa bao giờ nghĩ tôi sẽ thi vào Ngoại thương vì so với việc chọn nơi đó thì rớt đại học càng đáng sợ hơn, nhưng năm nay thật sự khác... Vẫn là ngành kinh tế đối ngoại nhưng có thể học ở Kinh tế luật cũng được, tôi đã từng nghĩ thế! Trong thời gian ôn thi đầy căng thẳng bởi áp lực thời gian của kì thi quan trọng nhất con đường học sinh của tui, có thể nói đó là khoảng thời gian khủng hoảng trầm trọng khi mà mỗi đêm đều thao thức suy nghĩ đến một hai giờ sáng, lúc đó cứ cảm giác học bao nhiêu là đủ, bao nhiêu là yên tâm. Tôi không muốn trải qua chuyện đó lần nào nữa... Bản thân hơi tự ti nhỉ? Nhưng tôi không lo lắng trong cô đơn đâu nhé, lúc đó bên cạnh tôi còn hai đứa khác nữa, tụi nó là bạn thân thương thắm thiết của tui từ hồi lớp tám rồi. Tuy cấp ba học khác trường với tụi nó, và cả sự khác biệt trong ước mơ về con đường Đại Học nhưng chỉ tụi nó mới mang lại hạnh phúc cho tui. Những lần chạy xô học thêm, trốn học đi chơi, lê la công viên hàng quán, mười hai à đã nói là phải học thật chăm chỉ không chơi một phút nào rồi mà (lúc nào nghĩ tôi cũng thở dài chán nản)… Khi biết điểm tôi tin rắng chắc mình chơi rất ít nhỉ? Với số điểm khá cao (đối với tôi) trên tay, tôi tự tin nộp Ngoại Thương từ ngày 3 luôn vì hơi sợ... Tại sao chọn Ngoại Thương? Có một bạn lạ đã hỏi như thế, lúc đó tôi trả lời là vì cái mác. Không biết sao lại nghĩ thế? Nhưng trên hết đó là môi trường học tập tốt nhất có cái ngành mà tôi yêu thích. Càng tìm hiểu về nó tôi càng hứng thú vì các câu lạc bộ, các bạn tân sinh viên K54 cùng trang lứa, chưa gì hết các bạn đã thoải mái trò chuyện, chia sẻ sở thích của nhau đồ, ngày nào bảng tin tôi cũng có tin để đọc về FTU. Năng động hay tăng động? Sao cũng được miễn là giúp tôi thay đổi... (tôi hơi trầm tính). Tôi vui và hạnh phúc
89
lắm, các anh chị khóa trước cứ nhiệt tình sao sao ấy. Giấc mơ của tôi và giờ nó không còn là giấc mơ nữa, tôi cảm nhận mình đang bước từng bước chạm đến mơ ước, bậc thang ngoại thương là nơi vững chắc mà tôi sẽ đặt chân. Một chút tự hào thêm tí lo sợ, xen lẫn tùm lum thứ. Tôi tuyên bố sẽ yêu FTU trong 4 năm và hơn thế, người yêu à!
90
91
Can đảm để yêu Võ Thanh Hòa
92
Trước tiên, tớ viết những dòng này cho tớ của tuổi mười tám, tuổi của những nhiệt huyết, những hoài bão thanh xuân khi bước đến ngưỡng cửa mới của cuộc đời, rằng tớ đã từng can đảm mơ ước, can đảm bước đến cánh cửa Ngoại Thương như thế; những ngày tháng mà tớ biết chắc rằng mai này khi những ướt mưa, va vấp của cuộc đời làm tớ già cỗi và kiệt quệ thì sẽ chẳng tìm đâu ra được những cảm xúc son trẻ ngày ấy. Tuổi mười tám mở ra trước mắt tớ muôn lối rẽ xa lạ mang tên Đại Học. Đứng lập lờ giữa những bờ ý niệm của lựa chọn, tớ đã nghĩ đến hành trình mang tên Nhân Văn, Sư Phạm và vân vân… Thật lâu như vậy, tớ cứ sống với những mơ ước mà đôi khi bản thân mình còn đầy ngờ vực, lấp lửng. Hai tiếng Ngoại Thương bắt đầu vang lên nơi ngực trái của tớ chỉ bốn tháng trước kì thi quốc gia. Hơi muộn đúng không các cậu? Nhưng ngay từ khi ấy, tớ mới bắt đầu tìm thấy con đường mình thật sự muốn bước đi, muốn thử thách chính bản thân mà không hề nao núng, hoài nghi. Tại sao tớ và các cậu lại chọn Ngoại Thương nhỉ? Một con đường không hề bằng phẳng và dễ dàng. Liệu mai này chúng ta có hối tiếc gì về lựa chọn của ngày hôm nay không? Đừng vội trả lời mà cùng tớ lắng nghe trái tim mách bảo gì nhé! “Ai rồi cũng khác” nhưng tớ tin rằng nếu chúng ta mãi giữ được lửa nhiệt huyết trong tim thì mọi khó khăn, thách thức phía trước chỉ còn là hạt cát. Với tớ, cuộc đua giành tấm vé vào cánh cửa Ngoại Thương không chỉ cần khối óc mà cả lòng can đảm. Khoảng thời gian trước đây, chưa khi nào tớ có đủ tự tin để nói với mọi người rằng mình thi Ngoại Thương. Bởi trong mắt tớ, ngôi trường ấy thật to lớn, thật ngoài tầm với của tớ. Tớ giấu Ngoại Thương rất kĩ, chỉ trong tim tớ thôi. Tớ đã tự mình chiến đấu với những cơn buồn ngủ lúc hai giờ sáng, với
93
đống bài vở cứ chồng chất mỗi ngày, với những áp lực vô hình bủa vây và cả những lần mỏi mệt đến muốn bỏ cuộc. Đến ngày lên đường đi thi, ngày nhận được kết quả, rồi tự mình điền vào phiếu xét tuyển Ngoại Thương, và cả sau hai mươi ngày đến ngược thời gian chờ đợi, tớ biết rằng lòng can đảm thầm lặng của mình là hoàn toàn xứng đáng và những cố gắng, nỗ lực không ngừng sẽ mang lại thành quả thật ngọt ngào. Phờ Tu 2 của chúng ta tuy bé, nhưng những con người ở đây lại không hề bé một chút nào nhỉ! Chặng đường vừa qua, các anh chị đã không ngừng giúp đỡ tớ và các cậu vững bước hơn trước những ngỡ ngàng, lạ lẫm của cánh cửa Đại Học và tiếp thêm ngọn lửa tình yêu Ngoại Thương cho chúng ta. Tớ thật sự rất biết ơn những mảnh ghép thật tuyệt ấy của Ngoại Thương. Các cậu cũng vậy, có đúng không? Sau cùng, tớ muốn nói rằng, những người đã dám ước mơ vươn đến cánh cửa Ngoại Thương đều là những người trẻ có đầy can đảm và nhiệt huyết với ngôi trường này. Dù đã trở thành một mảnh ghép của Phờ Tu hay phải ngậm ngùi chia tay thì tớ vẫn tin một điều rằng, mai này khi bất giác nhớ về tuổi mười tám Thanh Xuân mà chúng ta đã từng sống trọn vẹn và đủ đầy nhất ý nghĩa của hai từ ấy, chúng ta sẽ đều mỉm cười rằng mình đã từng sống mơ ước như thế, hoài bão như thế và đáng trân quý như thế. Giờ đây, cánh cửa Ngoại Thương chỉ mới mở ra, hành trình phía trước vẫn cần rất nhiều can đảm ở tớ và các cậu. Vậy nên hãy cùng tớ nắm tay đi qua những năm tháng Đại Học đáng sống này nhé! Yêu thương các cậu, K54. Yêu thương mọi người, FTU-er <3…
94
Ftu, you are my future Huỳnh Minh Phúc
95
There were days summer left behind The days were longer but I didn’t mind Staring at the deep blue sky I know what my future’s like When FTU is all by my side. Hey FTU, will you be my girl? When I saw you, my heart started to swirl I was like a little bird Finding out my little world I’m sure this love will last forever Looking back at the days were gone It’s been a tough time, I reckon For you, for me, and for all But still we keep moving on To infinity and beyond! Here I am, in front of your gate You and me, nothing can separate Let us celebrate This memorable day When you hold me in a warm embrace. In my mind, there’s always a picture Of a place where we are together A sense of wonder And extreme honor FTU, you are my future!
96
Hành trình lạc mất và tìm thấy Phan Thị Hoài Thương
97
“Ở Ngoại Thương, có lẽ tôi đã lạc mất đi người bạn thân nhất của mình”
98
Nói đến NGOẠI THƯƠNG - ai trong chúng ta cũng có riêng cho mình những dòng suy nghĩ. Chúng đều rất chân thành và ấm áp, và tôi cũng muốn chia sẻ với mọi người, vài tâm tư nho nhỏ (có thể rất sến) của tôi! Ngày đó khi được thầy cô, gia đình hỏi về ước mơ trong tương lai thì mỗi lần họ hỏi, tôi lại cho họ một câu trả lời khác nhau, đơn giản vì lúc đó, tôi chưa thật sự biết mình muốn gì và còn nhiều mông lung - theo đúng kiểu gió chiều nào xoay chiều ấy... Cho đến một ngày, tôi tìm được người bạn đầu tiên của tôi, người đã đưa tôi ra khỏi cuộc sống bị cô lập và giúp tôi hòa nhập vào một nơi có thứ tình cảm đặc biệt - là ‘’tình bạn”. Và cũng chính từ người bạn đó, tôi đã tìm ra mơ ước của mình từ tình yêu to lớn của người đó dành cho Ngoại Thương. Nghe có vẻ hơi bắt chước, nhưng tôi thật sự đã tìm thấy đam mê của mình từ những lần chuyện trò cùng bạn ấy. Từ lúc chung một ước mơ, chúng tôi ngày càng thân thiết, cùng nhau động viên, san sẻ nhiều khó khăn trong cuộc sống. Hành trình tìm đến cánh cổng Ngoại Thương chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng tôi vẫn gắng dốc sức, không phải chỉ vì bản thân, vì ba mẹ, mà còn vì muốn vào ngày nhập học, tôi sẽ cùng người bạn đó đường hoàng bước qua cánh cổng Ngoại Thương. Nhưng thật trớ trêu ... khi một ngày tôi biết bạn mình đã không thể đạt được mong ước bao năm đó, và cũng từ ngày ấy, tôi và bạn đó đã không còn thân thiết nữa... Thật khó mà diễn tả hết cái cảm giác này, vui mừng - khi đã đỗ vào Ngoại Thương, mà lại rất đau lòng - khi đánh mất một điều quý giá trong cuộc sống. Tôi đã nghĩ rất
99
nhiều, về tôi, về bạn ấy, cả về tình bạn của chúng tôi... Liệu có liều thuốc nào có thể hàn gắn để chúng tôi được thoải mái và vui vẻ như trước? Ở Ngoại Thương, có lẽ tôi đã lạc mất đi người bạn thân nhất của mình... Có lẽ, tôi sẽ mãi nghĩ rằng mình lại cô độc một lần nữa, nếu tôi không gia nhập group K54 của các anh chị Ngoại Thương. Tại đây, tôi đã tìm thấy được những người bạn vô cùng quý giá. Họ là những người tôi mới quen, tuy lạ lẫm, nhưng lại vô cùng nồng nhiệt và thân thiện. Họ là những người mang đến cho tôi một niềm tin mãnh liệt rằng tôi sẽ không đơn độc trên chặng đường sắp tới... Và cũng chính các bạn, đã khơi dậy trong tôi sự nhiệt tình, hăng hái của ngày trước, khiến tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc hơn rất nhiều lần khi đã trở thành một sinh viên K54 của Ngoại Thương. Ở Ngoại Thương, tôi đã tìm thấy những điều thật ấm áp và đầy mới mẻ... Giờ đây, tôi sẽ càng yêu Ngoại Thương, bằng cả tình yêu to lớn mà tôi đã vun đắp với người bạn cũ và bằng cả tình yêu mới mẻ giữa những người bạn mới. Yêu lắm... Ngoại Thương...
100
Hành trình của tôi Nguyễn Quang Hoàng Lâm
101
“Từ bây giờ tôi vẫn sẽ viết tiếp những trang sách của riêng tôi và tôi biết chắc rằng FTU là một phần không thể thiếu trong tôi từ nay về sau…”
102
Thông thường, sau khi một kỷ niệm kết thúc, cũng chính là lúc chúng ta lưu giữ lại những hình ảnh về kỷ niệm đấy bằng một cách nào đó. Người ta thường chọn cách chụp hình lại để lưu giữ và chia sẻ trên mạng xã hội. Còn đối với tôi , tôi lưu giữ những cuộc hành trình đã trải qua bằng cách viết lách, viết để chia sẻ cảm xúc và những trải nghiệm mà mình trân trọng nhất. Vừa kết thúc một chuyến hành trình có thể nói đánh dấu một mốc sự kiện lớn trong cuộc đời mình, chuyến hành trình mang tên Ngoại Thương. Nếu như không có cuộc thi , tôi vẫn sẽ viết. Vừa để lưu giữ lại và cũng có một chút hy vọng đây sẽ là một cái gì đấy có ích đối với một ai đó đã đọc qua, biết đâu đấy, sẽ có một em 98 nào đấy đọc vào, em sẽ phì cười, quên đi cái căng thẳng lúc ôn thi và bản thân lại tràn đầy quyết tâm. Và đây là chuyến hành trình của tôi . I’m ready for this journey. 1. Ngoại thương đã đến với tôi như nào? Hành trình nào cũng vậy thôi, đều có một xuất phát điểm và đích đến. Xuất phát của tôi có thể hơi sớm nhưng tôi xem đó là một điều khá tự hào (tự hào vì biết mình thi Đại Học nào sớm hơn các bạn). Năm lớp sáu, khi còn mông lung lắm về hai chữ Đại Học, thì mẹ đã định hướng cho tôi về trường đại học kinh tế. Con nít mà, chỉ biết đón nhận nó theo một cách ngẫu nhiên mặc nhiên không hề hoài nghi gì về những định hướng đấy. Và cứ thế, khi đi đâu, tôi cũng cứ bô bô với bạn bè đồng trang lứa về cái Đại Học mà tôi sẽ thi vào mà không quan tâm đến những ánh mắt khó hiểu của tụi nó. Lên lớp bảy, trong một lần đi xe với mẹ, tôi buộc miệng hỏi: Thế là con sẽ thi đại học kinh tế mẹ nhỉ? Mẹ ngồi trước nên tôi không biết biểu cảm của bà lúc ấy như thế
103
nào, chỉ nghe được mẹ nói rằng: “Không, con sẽ thi Đại Học Ngoại Thương, giống như anh Tý xóm mình vậy.” Và tôi cá rằng mẹ cũng không thể hình dung được vẻ mặt cực kỳ khó hiểu của tôi lúc này. Và cứ thế, tôi luôn miệng hỏi bà về ngôi trường lạ lạ ấy cũng như là sự thay đổi quyết định bất ngờ của mẹ tôi. Về sau thì tôi mới biết được: Anh Tý hàng xóm tôi cực kỳ giỏi giang và tiền lương rất cao và đấy chắc hẳn là lý do mẹ xoay tôi nhanh như vậy. Và lần đó cũng chính là lần đầu tôi biết đến FTU. Tôi coi đó là cái duyên giữa tôi và FTU. Kể từ lần đấy, có một ái lực gì đấy rất khó giải thích của tôi đối với trường. Lại thêm chuyện cuối năm lớp bẩy, nhà tôi bắt net nên tôi lại càng cơ hội để tìm hiểu trường hơn. Những gì mà tôi tìm hiểu được khi ấy: trường là một nơi có điểm chuẩn đầu khối A và D cao nhất toàn miền nam, đang còn nhỏ mà, ngoài chuyện điểm số ra thì còn gì khác đáng để bận tâm nữa. Thế là tôi yêu “em” từ đó, một cái yêu rất vụng dại, rất ngây thơ của một đứa con nít đối với trường (yêu vì trường có điểm chuẩn đầu vào cao nhất). Cái tình yêu này tôi thấy giống như yêu ai đấy chỉ vì cái vẻ bề ngoài, tưởng chừng là cái tình yêu bất chợt, chóng đến rồi chóng đi, ấy thế mà nó cứ càng ngày càng to bự ra. Đến nỗi, lên lớp tám, trong giờ mỹ thuật, lớp chúng tôi được giao đề tài vẽ ước mơ của em, tôi đã tìm google hình ảnh FTU để tái hiện ngôi trường và vẽ tôi đứng cạnh đấy, giá như cô giáo không chấm điểm vẽ đẹp hay xấu mà chỉ chấm ước mơ của tôi to bự như thế nào thì có lẽ tôi đã ăn hẳn con 10 (thực tế là 6,5). Rồi cuối cấp, có thể ví tôi như một cậu nhóc đang trong thời kỳ chết mê chết mệt một cô bé nào đấy (mà cô bé ấy chính là FTU) ,trong khi bạn bè đồng trang lứa thì mơ
104
ước về ngôi trường chuyên của tỉnh, còn tôi, vẫn cứ yêu FTU đến khó hiểu, tôi ôn thi vào chuyên cũng chỉ với mục đích rút ngắn khoảng cách của tôi với FTU. Điều tôi tự hào nhất lúc bấy giờ đó là tự mình thuyết trình về FTU trong một buổi sinh hoạt lớp về định hướng tương lai. Cái cảm giác một tập thể lắng nghe mình nói rất tuyệt mặc dù những điều ấy tôi cũng chỉ ghi chú lại từ Wiki. Và hơn bao giờ hết, đấy chính là khoảnh khắc tôi biết được rằng, tôi đã thật sự yêu FTU rồi. 2. Tôi chính thức chinh phục Ngoại Thương. Tôi rõ ràng là một đứa lo xa. Khi đỗ lớp chuyên toán tại một trường chuyên của tỉnh, tôi lại cảm thấy lo lắng nhiều hơn vui mừng. Trong khi bạn bè đi du lịch ở tận mấy phương trời, tôi ở nhà lấy SGK ra đọc trước và chỉ biết rằng lên cấp ba thì sự học của tôi đã được coi là ôn thi Đại Học rồi. Hai năm lớp 10 và 11, tôi cứ chìm đắm trong những suy nghĩ về FTU. Học thêm đối với tôi cũng chỉ là hình thức, tôi dành hết thời gian vào hoạt động đoàn và tìm tòi trước về đề thi Đại Học hơn là học bài để kiếm điểm trên lớp. Tôi nghĩ đấy cũng chính là lý do tôi chẳng thể tìm cho mình một người bạn gái. Lên năm cuối cấp, thực sự đây là năm học có nhiều thăng trầm nhất đối với tôi và cũng chính là bước quyết định tôi có chinh phục được FTU không: - Tôi bắt đầu đọc sách lớp 12 từ hồi tháng năm của năm 11 và chính thức leo lên máy cày vào tháng sáu. Tôi đã chọn cách học trực tuyến thay vì đi học thêm như bạn bè đồng trang lứa. - Vì học lớp toán nên môn toán với tôi khá thoải mái, tôi đã học xong chương trình toán từ năm 11, cái tôi dồn hết sức lực vào lúc này đó là Lý và Anh. Có lẽ do xuất phát
105
sớm nên tôi được khá nhiều lợi thế, trong khi bạn bè tôi vẫn học mấy bài vỡ lòng về dao động điều hòa, hàm số, các chủ đề ngữ pháp thì tôi đã chuẩn bị luyện đề. - Về mặt kiến thức, tôi nghĩ tôi đã trang bị cho mình cũng tương đối nhưng lúc nào tôi cũng cảm thấy căng thẳng vì thấy mình tuy học sớm nhưng khoảng thời gian học bài ở nhà vẫn chưa đủ nhiều. Tháng 11 là lúc tôi bắt đầu tập bấm giờ để luyện đề cả 3 môn. - Càng dần về sau , tôi càng thấy căng thẳng vì tôi cảm thấy thời gian học ở nhà của tôi ngày càng ít đi. Cho đến khi, tôi chọn cách tự học ở quán cà phê. Tôi nhận ra rằng căn bệnh khó học ở nhà xảy ra không phải chỉ ở mình tôi, chính vì thế tôi thu nhận thêm được vài đứa bạn có cùng chí hướng. Và cái khoảng thời gian ở quán cà phê của chúng tôi, tôi nghĩ, sẽ chẳng bao giờ tôi quên được. Khoảng thời gian đấy xứng đáng được gọi là một trải nghiệm thật sự. Chúng tôi ăn ngủ ôn thi gì cũng ở quán cà phê thân thương ấy, làm quen được với chị chủ quán và càng về sau thì còn thân như bạn bè, không những thế, anh chồng chị chủ quán còn là cựu học sinh trường chúng tôi. Buổi sáng chúng tôi hẹn nhau ôn tập lại chuyên đề , buổi chiều cả đám bấm giờ làm đề toán còn buổi tối, đám khối B thì làm đề Hóa, Sinh còn đám A1 thì làm đề Lý Anh, lâu lâu đói bụng lại rủ nhau đi ăn hủ tiếu xe đẩy. Rồi sinh nhật tôi, sinh nhật chị chủ quán được bạn bè tổ chức hoành tá tràng cũng tại quán cà phê ấy. Tôi cá rằng, trong khoảng ba tháng ôn thi cuối cùng ấy, chúng tôi là những sỹ tử hạnh phúc nhất quả đất. Chuyện gì đến rồi cũng đến, kỳ thi đã đi qua tôi khá nhẹ nhàng, điểm ước chừng sau khi làm bài xong trùng với điểm thật của tôi (26,25 chưa kể điểm cộng), tôi đã thực sự mỉm cười hài lòng. Không chỉ có tôi, đám bạn cà phê học bài của tôi điểm cũng mỹ mãn không kém, đứa thì vào lớp Việt Pháp của Bách Khoa, đứa thì đầu bảng Răng Hàm
106
Mặt YDS, lại còn có trường hợp từ một đứa học hành rất lơ mơ sau mấy tháng ôn thi cùng chúng tôi lại thi trên 27đ (tôi biết cũng một phần là do đề thi). Các bạn , các anh chị biết không, điều khiến tôi thực sự hài lòng, hài lòng còn hơn cả việc đậu được FTU, đấy chính là tôi đã có một khoảng thời gian vô giá cùng bạn bè của tôi, chúng tôi thân nhau dần dần và cùng giúp nhau tiến bộ trong học tập, và hơn bao giờ hết chúng tôi đều có những mục tiêu, những lý tưởng phấn đấu cho bản thân mình. Đấy chính là điều nối kết chúng tôi lại với nhau. 3. Đến lúc tôi cắm cờ trên cái đích tôi mới chinh phục và chuẩn bị cho hành trình mới rồi. Với điểm số kể cả cộng gần 28, tôi tự tin rằng mình chắc chắn sẽ đậu, thế nên tôi tự gọi mình là người ngoài cuộc của sàn chứng khoán năm 2015. Đấy có lẽ là một điều may mắn đối với tôi, không bận tâm gì về chuyện đậu rớt, tôi có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về những bước đi trong tương lai. Do đó trong tôi bắt đầu xuất hiện những băn khoăn, lo lắng về việc mình phải làm gì trong 4 năm đại học. Khác với thời học sinh, tôi ôn thi theo một khuôn mẫu có sẵn, còn bây giờ tôi phải tự tìm tòi bên ngoài để đầu tư cho mình những kỹ năng phù hợp với yêu cầu các nhà tuyển dụng sau này bởi tôi biết rằng khi đã chọn cho mình ngành kinh tế thì điểm số trên trường cũng như cái bằng thật sự là chưa đủ. Thế nhưng, lại thêm một điều thuận lợi đối với tôi, dàn tân sinh viên K54 chúng tôi có một hậu thuẫn vô cùng chắc chắn, đấy là những anh chị đi trước, từ những thông tin chi tiết về trường, những hướng dẫn tận tình cho đến những buổi offline giao lưu,… thật sự đấy là một điều rất
107
ý nghĩa đối với chúng tôi. Và cũng qua bài viết, tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến những hậu phương ấy. Bây giờ, tôi không đặt mục tiêu cho mình là phải làm cho một tập đoàn lớn nào đấy, cũng không mơ mộng gì về tiền lương nghìn đô (như trong truyền thuyết), tôi chỉ biết rằng, khi nào còn có thể thì tôi vẫn sẽ cố gắng. Từ bây giờ tôi vẫn sẽ viết tiếp những trang sách của riêng tôi và tôi biết chắc rằng FTU là một phần không thể thiếu trong tôi từ nay về sau…
108
109
Những ngày Ngoại thương với phố biển Nha Trang Nguyễn Quan Hà
110
“Ly nước ngọt... uống sao cho say đây cô nhỉ?”
111
................................................ Phú Yên, ngày 28/08/2015 Gửi cô chú, Không biết dạo này cô chú có khỏe không, mọi việc đều ổn ạ? Dạo này con bận nhiều quá, đến cuộc gọi hỏi thăm cũng vắng dần... Cô chú ơi!... con đỗ Đại học Ngoại Thương rồi! Con vẫn nhớ như in ngày con xách ba lô lên và đi, mang giấc mơ Ngoại Thương ấp ủ bao lâu cùng ba vào Nha Trang, chuẩn bị cho hai ngày thi quan trọng trong cuộc đời mình.Suốt chặng đường dài đi xe máy 120 cây số, đón lấy không khí lành lạnh dưới chân đèo Cả, vượt qua bao cái nắng trên đèo Cổ Mã cho đến khi thấy cát trắng bao lấy làng chài , và rồi thành phố biển Nha Trang hiện ra nơi con sẽ biến ước mơ của mình thành hiện thực. Con cứ đinh ninh rằng: mình sẽ thuê một phòng trọ nào đó, trải qua sáu ngày vất vả ở xứ người: ôn và thi. Nhưng rồi Ba và con gặp cô chú - những người công nhân xa lạ, bình thường sống trong căn trọ nhỏ. Cô chú đón con với một sự nồng nhiệt và mến khách của những người con đất Phú xa quê. Nơi trọ của cô chú có hai phòng, và cô chú dành hẳn phòng của bé Messi để con có nơi yên tĩnh tập trung ôn thi. Bộ quần áo cho hai ngày thi - gấp đầy nếp nhăn trong ba lô nặng, cô dặn kĩ đến hai ba lần... “để đó cô ủi”. Mấy bộ quần áo con mặc hằng ngày - “để đó cô giặt , con chỉ cần tập trung ôn thi thôi...”
112
...Con thương cô lắm... Áp lực kì thi, con ăn uống không được.Và cô sẵn sàng nấu đủ các món , chỉ mong con hợp khẩu vị . Cô mua sẵn trái cây và cả sữa để ép con uống. Cô luôn ân cần hỏi han, việc học trước kia, ý định ngành gì, trường nào,... Thỉnh thoảng vài câu bông đùa cho khuây khỏa. Cô và chú tiếp thêm sức lực rất lớn cho con đấy... Mấy ngày thi, con làm bài tốt, cô còn mua cho con kem socola đặc - thứ con thích nhất. Chú thì liên tục động viên con, không được xem đáp án, cứ thoải mái... rớt thì thôi, cày cuốc ở quê vẫn còn... .......... .... Và rồi hai ngày thi chóng vánh qua đi, ngày cuối con ở lại Nha Trang, buổi trưa con không ngủ được, hai cô cháu nói chuyện rôm rả làm cả nhà thức cả. Con hỏi cô có nhà sách nào gần đó không. Cô bảo có hai chỗ. Và rồi con được cô tận tình chở đến tận nơi, trước khi đi còn dặn “nếu không thấy quyển nào hợp thì cứ gọi cô, cô đưa sang hiệu khác “. Chiều hôm đó, con cùng cô mua sò về nướng cho cả nhà... Ly nước ngọt... uống sao cho say đây cô nhỉ? Tối, con hỏi cô chú về chuyện tiền nong trong đúng một tuần ở lại. Cô chú nhất quyết không nhận. Con thuyết phục, rồi nói hết những suy nghĩ của bản thân đến ướt cả mi mắt... Cô chú vẫn không nhận... Sáng hôm sau, con rời Nha Trang lúc trời chưa sáng với
113
bao lời nhắn nhủ... “Cố gắng học, giữ gìn sức khỏe, sau này có vào đây chơi thì ghé thăm cô chú nha”... Con chỉ im lặng. Lời tạm biệt ba thay con nói hộ. Lúc về đi qua cầu Trần Phú, ngồi trên xe, gió nhè nhẹ trong hơi sương mờ, con nghe trong khóe mắt mình... là nụ cười của cô và bé Messi... là lời khuyên dí dỏm của chú, là bát canh... là vị socola đắng... ... Con thấy ấm ... Ngày 20/7, cô gọi hỏi con biết điểm chưa, sao cô hồi hộp quá, web gì mà vô chả được; khi nào biết điểm, con nhắn cho cô mừng với; dạo này con làm gì, ra sao, có tăng được “kí” nào chưa chứ cô thấy con “ớm” quá... Bỗng con thấy sợ, sợ mình thiếu cẩn trọng trong lúc làm bài, sợ mình điểm thấp, rồi lại sợ phải biết điểm thi. Con ước tính mình chỉ đạt 24 điểm thôi. 24 điểm dự tính, con sẽ làm được gì với ước mơ Ngoại Thương, 24 điểm... sẽ là gì đối với sự giúp đỡ ân cần của cô chú, với sự kì vọng của bố mẹ, thầy cô và những tháng ngày thâu đêm suốt sáng... Rồi ngày con biết điểm thi, con gọi cô báo điểm với biết bao cảm xúc hân hoan vỡ òa... Cô bắt máy với tiếng gọi thân thương “Hà hửnggggg”... Con vui lắm cô chú ạ. Con đã nắm chắc tấm vé vào Ngoại Thương như đã hằng mơ ước. Để rồi giờ đây con có thể ngồi viết những dòng này như một sự sẻ chia với bao cảm xúc yêu thương, một kỉ niệm đẹp mà con sẽ nhớ mãi trong suốt chặng đường dài sắp tới của mình... Cô chú à, với con như một cổ tích đời thường vậy. Hành trình con đi có sự giúp đỡ của cô chú, con biết ơn nhiều lắm. Và đó là động lực rất lớn để con cố gắng nhiều hơn nữa ở môi trường mới này. Con sẽ không làm cô chú thất vọng. Con sẽ quay lại thăm cô chú vào một ngày không
114
xa . Một lời hẹn với Nha Trang - nơi có những con người mộc mạc thương yêu. Chúc cô chú mọi điều tốt đẹp nhất. Chúc cho bà luôn vui cười, hạnh phúc; chúc bé mau lớn, mạnh khỏe... Con thương nhiều... ! Quan Hà.
115
Ngoại thương trong tim tôi Phùng Thúy Hằng
116
“Thiên đường là do mình tạo ra, là do chính thái độ của mình nhìn nhận sự việc, đừng cố thay đổi mình vì người khác mà hãy tin vào chính bản thân mình”.
117
“Ngoại Thương”- hai từ ấy không biết đã đi vào tiềm thức của tôi từ lúc nào, chỉ biết là đã từ rất lâu rồi, ngấm dần vào tôi qua những lời tán thưởng của mọi người xung quanh, từ gia đình cho đến thầy cô, bạn bè. Ngay từ cấp 2, tôi đã ý thức được rằng thi Đại Học là một điều gì đó rất lớn lao, là bước ngoặt của cả cuộc đời, và ý nghĩ được bước chân vào Ngoại Thương - ngôi trường đại học mà mọi người vẫn tán thưởng thấp thoáng xuất hiện trong đầu tôi, nhưng vẫn còn khá mơ hồ. Mục tiêu trước mắt trước mắt của tôi lúc đó là thi đậu vào trường chuyên cấp 3 của tỉnh, mà ở nơi đó, con đường đến với Đại Học như mọi người vẫn nói với tôi là sẽ được rút ngắn lại. Một cô bé chưa từng bước chân ra cuộc đời, luôn ở trong vòng tay bảo bọc của ba mẹ chỉ biết đi theo con đường mà người lớn đã vạch sẵn. Đối với tôi cho đến lúc đó, con đường ấy thực sự đúng đắn và thích hợp với mình. Và tôi cũng đã đỗ vào trường chuyên của tỉnh, lại thêm khẳng định hơn về quyết định phấn đấu vào Ngoại Thương vì nghe qua những gì được kể lại là hầu hết học sinh lớp chuyên Anh đều thi vào ngôi trường ấy. Thật sự mà nói, được học trong một ngôi trường danh tiếng như thế vừa được nhiều người ngưỡng mộ lại vừa làm bố mẹ tự hào mà bản thân mình cũng thêm phần hãnh diện. Tôi đã nghĩ như thế đấy. Và con đường đến với Ngoại Thương dần dần được vẽ nên cho đến khi tôi học 12, cái năm mà chính mình phải xác định một cách nghiêm túc ngành nghề, nguyện vọng, sở thích để ôn thi đại học. Khoảng thời gian ấy, lớp tôi được các anh chị khóa trước, được thầy cô hướng nghiệp rất nhiều, rồi lại được tham quan rất nhiều trường đại học. Mỗi trường, mỗi ngành tôi đều thấy có cái hay riêng nhưng Ngoại Thương với tôi lúc ấy vẫn giữ vị trí số 1 cho
118
đến khi tôi nghe được rất nhiều ý kiến trái chiều về ngôi trường này, cả về điều kiện học tập lẫn thái độ của sinh viên. Và điều làm tôi thay đổi quyết định mạnh mẽ nhất chính là khi tình cờ đọc được một bản tin về cách ứng xử của sinh viên Ngọai Thương khi phỏng vấn xin việc. Lúc này, tôi thật sự lung lay, bạn bè lớp tôi cũng vậy, đa phần đều ngả sang hướng khác. Và lúc ấy tôi cũng đã chọn một điểm đến khác cho mình... Xin thú thật, khoảng thời gian ấy tôi không phải chọn một điểm đến mà là mỗi tuần một điểm đến! Cứ mỗi cuối tuần về nhà, tôi lại thao thao bất tuyệt với mẹ về những lựa chọn mới, về dự định mới ở một ngôi trường không phải là Ngoại Thương. Nhưng cứ mỗi lần nghe ai nói gì không hay về quyết định ấy là tôi lại lung lay, lại đổi ý. Rồi ba mẹ cũng không an tâm về con gái, bạn bè tôi cũng phải thốt lên: “Con Hằng phải đến phút bù giờ mới biết được nó chọn gì”, cho đến tận ngày thi, tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản thi xong đã rồi tính. Kì thi trôi qua một cách trọn vẹn, tôi xả hơi thoải mái và bắt đầu cuộc chiến chọn trường khi đã gần đến ngày xét tuyển nguyện vọng một. Tôi vẫn cứ “gió chiều nào xoay chiều ấy”, không có chút bản lĩnh, chính kiến nào. Tôi thật sự hoảng sợ, cuống cuồng, không biết mình phải làm thế nào. Cũng không nhớ rõ điều gì đã khiến tôi giác ngộ mà dành cả một ngày để nhìn lại lại bản thân, xem mình muốn gì, thích gì. Và cái đam mê, sở thích của tôi cũng khá mơ hồ, đơn giản là biết nhiều ngôn ngữ để có thể giao tiếp với nhiều người, đi đây đi đó, được tham gia những hoạt động sôi nổi, được sống trong một môi trường năng động. Thật tình cờ, trong khi đang tìm hiểu thông tin về các trường, tôi biết đến Group “Hỗ trợ tân sinh viên” của các anh chị Ngoại thương và bắt đầu theo dõi. Những tin
119
tức về điểm số được cập nhật thường xuyên kèm theo những lời chia sẻ chân tình và đầy nhiệt huyết của các anh chị thực sự khiến tôi thức tỉnh. Không chỉ đơn thuần là tin tức, là danh sách, bảng điểm, trong đó còn chứa đựng bao tình cảm, tâm huyết của anh chị dành cho lứa học sinh mới chúng em, là những chia sẻ thú vị về ngôi trường này. Niềm tin về Ngoại Thương trong tôi đã hoàn toàn trở lại. Tôi cảm nhận được ngọn lửa đang rực cháy ở nơi đây, hoàn toàn không phải những gì người ta vẫn đồn đại. Đây chính là môi trường mà em muốn sống, là những con người thân thiện, tài giỏi mà em muốn học hỏi, kết thân, đó là sự cống hiến hết mình với những dự án tương lai cho thế hệ tương lai. Và đây chính là niềm vui, niềm đam mê thật sự của tôi. Quyết định nộp hồ sơ giờ đây đã có định hướng rõ ràng: “Đại học Ngoại thương thẳng tiến!”, quả là phút bù giờ vẫn làm nên chuyện. Hành trình đến với Ngoại thương của tôi gian nan thế đấy! Và tôi cũng tự nhận ra một điều rằng: “Thiên đường là do mình tạo ra, là do chính thái độ của mình nhìn nhận sự việc, đừng cố thay đổi mình vì người khác mà hãy tin vào chính bản thân mình”. Bây giờ tôi có thể tự tin khẳng định: “Nộp hồ sơ vào Ngoại thương là sự lựa chọn đúng đắn nhất, chắc chắn thời sinh viên của tôi cũng sẽ là những kỉ niệm đẹp nhất của cuộc đời!” Tiếp tục noi theo truyền thống thế hệ đi trước với những dự án tâm huyết cho đàn em tương lai…
120
Chút tình nhắn gửi Ngoại thương Nguyễn Anh Tài
121
Nhớ năm xưa thuở còn thơ dại Tôi trải lòng thoải mái rong chơi Ung dung bỏ mặc sự đời Nhởn nhơ việc học, thảnh thơi an nhàn Càng nghĩ thấu, đời càng hư cấu: Đám bạn bè con cháu danh gia Đứa đầy nội thất sofa Kẻ tiền phung phí mẹ cha nuông chiều. Còn nghèo khó, nơi nào chẳng có Tránh sao đây sóng gió cuộc đời. Thuyền trôi lơ đễnh giữa khơi Thuyền không đến bến, thuyền về nơi đâu? Lòng nghe thấy nỗi sầu da diết Tuổi lớn khôn đã biết nghĩ suy Mai này biết phải làm gì, Ăn chơi như thế sao bì được ai? Nhớ những lúc lời thầy đã nhắc Ráng học hành sẽ ắt thành công Thành công nào phải viễn vong Thành công là bởi một lòng siêng năng. Từ dạo ấy, tôi dần hiểu thấu Mặc đêm ngày, nung nấu quyết tâm Sáng ra sách vở quanh năm Đêm về tính hướng khỏi nhầm đường đi. Cửa đại học tuy thì rộng mở Khổ mai này, bỡ ngỡ lối ra Google, máy tính tôi tra Đứng đầu kinh tế là ra trường mình
122
Thuyền đã có bến tình để ghé Nắng Sài Gòn chợt lóe chút thương D5 tên một con đường Ngoại Thương tên một mái trường tôi yêu Đến thành phố một chiều oi ả Chút lá vàng lan tỏa đam mê “Ngoại Thương viết những câu thề Chàng trai năm ấy say mê vô cùng Ngoại Thương giấu những thẹn thùng Nơi đây tôi đã tận cùng tình si Ngoại Thương gửi chút mê ly Bao chàng trai trẻ say vì nắng mai Ngoại Thương có gái có trai Có người dẫn lối hiền tài trăm nơi Ngoại Thương tôi nguyện một lời: Một lần chót hẹn một đời chót yêu”
123
124
Một con đường khác Nguyễn Hữu Quỳnh Hương
125
“Chúng ta sẽ trở thành những gì chúng ta nghĩ”, hãy nghĩ, hãy tìm, hãy chọn, hãy cứ lên một con đường mà bạn nghĩ là đúng đắn, thì dẫu có vất vả, cũng không có cớ để lùi bước.
126
“Nếu chị chọn sư phạm hay nhân văn thì chị chỉ đang trốn trong một vỏ bọc an toàn mà chị thích tạm thời nhưng chị sẽ không thoả mãn đâu, vì đó không phải là hình tượng chị hướng đến.” - cho đến ngày nhận kết quả đậu Ngoại Thương, trong đầu tôi vẫn văng vẳng câu nói đó của cậu em lớp dưới. Tôi - một cô gái dân huyện. Tôi vẫn sẽ là một cô bé bình thường: ngoan ngoãn, chăm học, đạt nhiều thành tích và thi đậu vào lớp chuyên Toán của một trường Chuyên tỉnh nếu cái này ấy không xảy ra -ngày bố mẹ phát hiện tôi bỏ học toán và qua đội tuyển văn của trường để bồi dưỡng, đi thi thố. Và ê chề hơn, trong lần đầu tiên thử sức mình ở một con đường hoàn toàn mới ấy, tôi rớt. Tất nhiên một đứa con gái chuyên Toán qua thi văn, rớt - là điều mà ai cũng nghĩ hiển nhiên. Thậm chí tôi còn được dịp để nhiều người ác ý nghĩ tự hỏi: “Tại sao lại có một đứa lớp Toán ngồi trong lớp Văn thế?” hay “Nó đang làm cái gì ở đây vậy?”. Tôi đã nhiều lần tự hỏi: Động lực nào khiến mình cứ quyết tâm thi quốc gia môn văn cho bằng được như thế. Hình như từ cái thưở ấy, có một câu trả lời như con sóng ngầm âm ỉ mang tên Ngoại Thương chảy trong suy nghĩ. Gia đình tôi không có ai làm kinh tế, cũng chẳng ai hướng ngoại, muốn con đi du học. Nên phải đậu được một trường Đại học ở Việt Nam là điều mà bất cứ đứa con cháu nào trong dòng họ phải xem là bổn phận. Tôi cũng thế. Từ những năm cấp II tôi được ba mẹ đắp bồi những cái tên Y Dược, Ngoại Thương và luôn nghĩ, phải vào được hai trường đấy. Nói ra có xấu hổ không khi có thể bất cứ người nào cũng nghĩ đến hai trường đấy vì cái danh? Lúc tôi thi vào trường chuyên, bố mẹ một mực
127
ngăn cản, cứ hỏi lí do vào để làm gì. Cái thưở ấy suy nghĩ một đứa con nít nhỏ bé lắm, tôi từng mạnh miệng trả lời: “Để có thể đậu được Y Dược, Ngoại thương”. Và không hiểu sao, từ khi là một chuyên toán, cái bập bênh hai trường Y và Ngoại Thương ngày càng khập khiễng. Tôi bước vào những ngày đầu cấp III với ước mơ trong trẻo là một bác sĩ. Để ước mơ ấy ngày càng dễ dàng thành hiện thực tôi lập tức đăng kí vào đội tuyển sinh của trường. Mà cuộc đời lại ngộ, đôi khi lí trí và trái tim không đập chung một nhịp. Tôi vẫn tự nhủ rằng hãy cứ phải học cho xong Sinh học tế bào, nhớ cho kĩ phương trình phản ứng để thành bác sĩ, nhưng sao tâm hồn vẫn đập khi mấy đứa bạn chuyên Văn cùng phòng kí túc xá cứ rôm rỉ hôm nay nó được học bài thơ này, hôm kia nó được cho thảo luận vấn đề này. Nhiều lúc tôi lơ đễnh nhập cuộc đọc thơ, bàn tác phẩm cùng chúng nó. Chưa kể, có lúc thèm được như tụi chuyên Văn quá, hôm nào cô dạy văn lớp kế bên giảng bài lại len lén xin đi vệ sinh để chần chừ ba năm phút qua học lóm ngoài cửa sổ. Thậm chí, tôi còn xin đề của lớp bạn về làm rồi nộp cô. Có lúc tỉnh lại, tôi lại dằn vặt mình, trời ơi, mình đang làm gì vậy, mình học chuyên toán, mình bồi dưỡng môn sinh mà một chữ cũng không động đến, cứ chơi đùa bay nhảy, làm sao thành bác sĩ? Rồi tôi lại tự vấn: Vào được Y dược rồi, có cơ hội nào cho tôi tham gia các câu lạc bộ hát hò, đóng kịch hay vẽ vời, có cơ hội được thuyết trình, chinh phục người nghe, có cơ hội nào được vui chơi nhảy múa? Và làm sao để tôi được thoả mãn cái cảm giác học văn - học những biến chuyển tinh vi trong suy nghĩ con người và đưa ra nhiều cách nghĩ đa chiều về cuộc sông? Những lúc ấy, áo blouse trắng mờ dần, thay thế vào ấy là cái nền đo đỏ mang tên Ngoại Thương. Một đợt sóng trào đánh như đánh vào dây thần kinh liều lĩnh của tôi. Ngày
128
tôi nhận kết quả thi HSG tỉnh lớp 10, cả đội tuyển sinh chỉ có mình tôi giải khuyến khích, ai cũng giải ba trở lên. Con sóng ấy mạnh lên, vỡ bờ… Mùa hè năm lên lớp 11. Một đêm yên tĩnh vùng huyện nhỏ. Bố mẹ nói chuyện trên nhà. Tôi nhấc máy lên, gọi cho cô chủ nhiệm lớp Văn và bất ngờ hỏi: “Cô ơi, nếu em muốn học đội tuyển Văn, thì sao ạ”. Cô trả lời. Sau ngày hôm ấy, tôi đều đặn mỗi tuần qua lớp văn học một lần để theo học. Tôi từ bỏ áo blouse. Trong câu hỏi “Em muốn vào trường gì ngày ấy chỉ còn hai tiếng Ngoại Thương”. Nói ra có xấu hổ không khi đến năm 11 tôi nói rằng muốn vào Ngoại Thương dù chưa biết học về gì, như thế nào. Chỉ đơn thuần biết cái tối giản là một trường kinh tế. Thi rớt đợt chọn đội tuyển Quốc Gia năm 11 ấy, cô dạy văn hỏi tôi: “Năm sau em muốn vào trường gì? Em có muốn tiếp tục không?”. Lúc đó tôi thật sự hoang mang, quay về giấc mơ bác sĩ ư? Có thật sự thích và kịp không? Trong khi tôi còn muốn học văn, nhưng nếu không có giải rõ ràng tôi sẽ mất luôn cả cơ hội đậu Ngoại Thương, và có thể là không trường nào khác. Một đứa học sinh học cũng có tiếng ở huyện mới dám thi vào trường chuyên của tỉnh giờ trở về với ba chữ rớt đại học ư? Ba tiếng đó như là một câu trả lời thất bại cho quyết định khăng khăng phải vào trường chuyên, phải vào chuyên Toán, phải sống theo sở thích của người khác, theo những quan niệm xu thời là môn tự nhiên được coi trọng. Nói học chuyên Toán ai chả muốn, nhưng tôi thì sao, rõ ràng cái văn chương đã ru tôi lớn, ngay từ nhỏ bố đã ngâm bên tai những câu thơ da diết, mạch ngầm ấy cứ chảy nhưng sao định kiến học tự nhiên mới giỏi đã làm tôi lạc mất mình phù hợp gì, muốn
129
làm mình. Tôi thừa nhận, tôi không nên thi Toán, không nên thi Sinh, không nên thi bác sĩ. Sẽ đánh đổi tất cả để học văn, để yêu văn, và nếu có giải, tôi sẽ rộng bước hơn để vào Ngoại Thương. Văn và ngoại thương, đó là động lực ban đầu khiến tôi vượt qua mọi ánh mắt nhìn khó hiểu của nhiều người, khiến tôi vượt qua những kiến thức hoàn toàn mới lạ mà tôi chưa bao giờ lường trước. Nhiều khi tôi tự hỏi, mình học lớp 12 rồi, nếu không được lần này là mất tất cả, vì quyết tâm theo đuổi nó là cũng hết năm học, đến lúc đó quay lại liệu có kịp cho hai từ Đại Học? Tôi học ngày học đêm, nhai đi nhai lại mớ lí luận mà các bạn chuyên văn đã học qua từ lâu, có nhiều đêm cô giao bài chưa làm xong kịp cũng không dám đi ngủ, cứ phải ngồi đến hai ba giờ sáng để viết, viết, hai khoé tay chai lằn nếp bút, chợp mắt tí là 5 giờ sáng phải dậy cho kịp lên trường học đội tuyển. Và đôi lúc, các bạn khác về rồi, tôi vẫn còn phải ngồi lại để cô chữa bài, rồi cũng khóc khi sao viết mãi mà chẳng lên tay, các ý cứ rối rắm, không giải quyết được vấn đề. Cũng không dám bỏ cuộc gì giải quốc gia với tôi không chỉ là cái danh mà còn là giấc mơ Ngoại Thương. Nhiều khi mệt quá cũng muốn nghỉ để ngủ một giấc cho say nhưng lại sợ, sợ một điều gì không biết. Càng học văn, càng yêu văn, tôi lại càng dấn sâu vào nó, cho đến nỗi nhìn ai nói câu gì cũng có thể nghĩ đến các chiều hướng khác nhau. Nó lậm đến nỗi cứ cố gắng vì một điều gì đó thiêng liêng. Văn làm cho tôi có lúc quên mất Ngoại Thương. Văn làm tôi muốn trở nên an phận, cứ bình lặng đắm chìm vào mớ hỗn độn cuộc đời do tác
130
giả viết nên, để an nhiên thành một giáo viên đứng trên bục giảng. Rồi tôi lại cố gắng hơn, lại càng sợ hơn cái chữ “rớt”. Rớt Quốc Gia là rớt cả Đại Học, vì tôi đã quay ngựa giữa dòng… Ám ảnh nhất là trước ngày thi Quốc Gia bốn hôm tôi sốt cao, lúc đó cứ muốn khóc mà không dám khóc, cũng chẳng dám nói với ai vì sợ người khác lo, sợ là điềm xấu, cứ một mình lẳng lặng mua vỉ thuốc uống rồi tự dặn lòng mình đã cố gắng hai năm, không thể thất bại trong ba tiếng được. Ngày nhận kết quả, tôi đã khóc. Khóc vì mình đã chịu đựng quá lâu. Giờ thì con đường đến với Ngoại Thương hay bất cứ trường nào có liên quan đến Văn dễ dàng hơn. Tôi như người đi gánh hàng được trở về sau một ngày dài nặng trĩu. Rồi cũng thật lạ, con đường đến với Ngoại Thương vẫn chưa thật nhanh chóng vì trước tôi xuất hiện vật cản Sư phạm hay là học chuyên sâu hơn về văn. Tôi đã từng đấu tranh với bố mẹ rằng mình muốn làm cô giáo, muốn học văn. Bố mẹ khuyên ngăn, cấm cản. Rồi tôi lại trách bố mẹ, sao lại áp đặt tôi một lần nữa, như cái hồi muốn học chuyên thì phải thi chuyên Toán… Tôi chỉ thật sự giật tỉnh khi nghe câu nói của cậu em cùng trường. Và sau đó, tôi đã từng nói với ai đó: “Trên cuộc đời con người có hai thứ là điều muốn làm và hình tượng hướng đến. Nếu em chỉ làm điều em muốn thì em sẽ mãi không bao giờ thoả mãn. Chi bằng em cứ hãy cố gắng hướng đến mục đích đề ra, lúc đó, em vẫn có thể làm điều em muốn vậy”. Tôi nghĩ được vậy vì cậu em đã khuyên tôi, và tôi cũng nhận ra rằng hãy cứ thật chín chắn, vì bất kì sở thích nhất thời nào cũng là thứ ta đắm đuối vô định. Hãy cứ tin vào thứ mạch chảy ngầm âm ỉ
131
từ nhỏ - Ngoại Thương. Tôi bây giờ sắp là một cô gái Ngoại Thương, bố mẹ nhắc tôi nhớ từ cái thuở lên sáu đã bắt dì dọn cá bàn con ra bán siro, năm lớp tám lại cùng bạn bè hùn hạp chế tác đi ra chợ trời bán giỏ xách. Và năm 18 tuổi lại bày một quán hàng ăn vặt nho nhỏ cho thoả thuê sở thích bán buôn, trải nghiệm những bất cập khi mở một cửa hàng nhỏ. Được nói chuyện với những bạn bè cùng chí hướng, mạch ngầm sở thích đích thực trong tôi như được khai phá thành một mạch lưu mãnh liệt để tôi quyết tâm hơn nữa thi được vào Ngoại Thương, được đánh thức điều tôi yêu đích thực. Hãy cứ để văn, để toán, để sinh là một kí ức đẹp đẽ mà ba năm cấp ba tôi từng khóc từng cười và cũng là động lực để tôi có thể tự tin khi ở Ngoại Thương. Tôi biết rằng cách chọn đến ngoại thương bằng con đường khác này sẽ khiến tôi gặp không ít khó khăn đến Ngoại Thương, và bốn năm sinh viên còn đánh những cú thật đau làm thôi bật tỉnh như thuở “quay ngựa giữa dòng”. Nhưng tôi tin, bằng tất cả những gì tôi đã từng hết mình, từng sống, từng trải nghiệm sẽ giúp tôi nâng mình lên vậy. “Chúng ta sẽ trở thành những gì chúng ta nghĩ”, hãy nghĩ, hãy tìm, hãy chọn, hãy cứ lên một con đường mà bạn nghĩ là đúng đắn, thì dẫu có vất vả, cũng không có cớ để lùi bước. À, mà nếu có một từ gì để nói, tôi chỉ muốn thầm thì: “Ngoại Thương, cảm ơn cậu vẫn là một vi mạch chảy dù âm ỉ hay mãnh liệt trong dòng máu tớ! Tớ tin mình không sai, khi chọn cậu, là nơi đỗ tiếp theo trong bốn năm đời tớ sống”!
132
133
Kí ức một chiều mưa Trương Hoàng Bảo Châu
134
“Ngoại Thương là nơi hội tụ thần thánh bốn phương tám hướng, một đứa con gái bình thường như tôi làm sao có thể vào được?”
135
Chiều hôm ấy, chiều mưa nặng hạt, mưa như đang gột rửa bao nhọc nhằn của biết bao con người sau 20 ngày đối đầu trên “sàn chứng khoán” tuyển sinh đại học, cao đẳng, và cũng trong cơn mưa hôm ấy 1 người con gái đã đánh cược tương lai của mình tại ngôi trường Ngoại Thương - 1 ngôi trường chắp cánh bao mơ ước... Con đường của tôi đến với Ngoại Thương không giống như bao người khác, không phải là một ước mơ được ấp ủ từ bé, không phải là giấc mộng được nuôi dưỡng suốt bao năm, mà Ngoại Thương đến với tôi bằng một con đường gấp khúc và chúng tôi gắn với nhau bằng hai từ số phận. Từ lúc còn học cấp 3, ba mẹ tôi luôn ao ước con gái của họ sẽ trở thành một sinh viên Ngoại Thương, nhưng lúc ấy tôi biết sức mình tới đâu và như thế nào. Ngoại Thương là nơi hội tụ thần thánh bốn phương tám hướng, một đứa con gái bình thường như tôi làm sao có thể vào được? Hai năm sau, vì là một người với giấc mộng được đi khắp nơi trên thế giới, làm quen nhiều bạn từ nhiều quốc gia nên trong đầu đứa con gái mười bảy tuổi đã bắt đầu nhen nhóm cái ước muốn là học trường quốc tế. Nhưng rồi đến những ngày tháng cấp ba sắp khép lại, bất chợt tôi lại có ý định “đại học một đời thi một lần vậy sao mình không đi thi đại học?” và tôi đã quyết định ôn luyện thi đại học. Và tất cả mọi thứ quay lại ban đầu từ ngay giây phút ấy... Ngày nhận được kết tôi khá là vui vì nó cao hơn những gì tôi mong đợi và tôi quyết định đánh cược một lần tương lai mình vào Ngoại Thương. Ngày lên trường không hiểu sao lòng tôi nao nức đến lạ, bước vào cổng trường mà lòng ngập tràn hạnh phúc. Chắc là do cái duyên cái phận. Nhưng rồi sau đó... muốn
136
ở bên nhau thì phải cùng nhau vượt qua sóng gió. Với số điểm mình có, tôi không thể ngờ rằng chuyện cầm tấm vé vào Ngoại Thương của tôi lại mong manh đến vậy. Vì sợ rớt nên tôi đã quyết định rút hồ sơ. Ngày lên trường, khi xe đi vào con đường D5, lòng tôi chùn xuống, tôi cứ cố mở mắt thật to nhìn từng ngõ ngách của con đường ấy vì cứ nghĩ rằng sau này hằng ngày mình sẽ không còn được đi nữa. Dù Ngoại Thương là một ngôi trường hơi nhỏ, nằm trên con đường nhỏ, vào mùa mưa thì ngập úng, sáu tầng lầu không hề thang máy,… nhưng tôi vẫn chấp nhận, chấp nhận tất cả. Khi ngồi ở dãy hành lang chờ đợi rút hồ sơ, tôi đảo mắt quanh sân tường, nhìn thấy các anh các chị mặc đồng phục của trường mà tôi khao khát biết bao. Ai ai cũng đều mang balo, chân mang giày đa số là thể thao sải những bước chân thật nhanh, như để bắt kịp cái cuồng quay hối hả và bộn bề của nhịp sống thành phố. Nhìn cảnh tượng ầy, khao khát trong tôi bỗng trỗi dậy mãnh liệt hơn, tôi muốn được như các anh các chị. Vậy là tôi quyết tâm chiến đấu đến giây phút cuối cùng, tôi quyết không vì sợ hãi mà rút hồ sơ quá sớm, 4h15 vẫn còn kịp mà. Tôi đã đợi được đến giây phút thầy Huyên thông báo và đã chiến thắng. Và bây giờ tôi đã trở thành một tân sinh viên của Ngoại Thương. Chính những hình ảnh của anh chị đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh để gắng gượng đến giây phút quan trọng đó. Ngày hôm đó, 1 buổi chiều mưa, tôi đã trở thành một thành viên của gia đình Ngoại Thương! Và rồi mai đây, suốt 4 năm học phía trước, tôi sẽ không bao giờ hối hận vì những điều đã qua và sẽ thật trân trọng những gì mà Ngoại Thương đã đang và sẽ cho tôi!
137
Có thể nào chỉ là vì thích? Nguyễn Như Quỳnh
138
“Ừ thì Ngoại Thương nghe cũng hay!!!”
139
Khúc giao mùa thật nhẹ nhàng và yên bình khi những cái nắng mùa hạ uốn mình qua tấm lụa xanh biếc của bầu trời để hoá thành những cơn gió dịu êm, mát mẻ của mùa thu - mùa tựu trường... Năm 2014... sắp lên 12 rồi giờ mình phải chọn nghề gì đây? Chọn trường nào đây? chọn ngành nào đây? Tôi đã tự vấn bản thân không biết bao nhiêu lần như thế nhưng lần nào cũng như nhau cả thôi. Những câu hỏi ấy cũng được ba mẹ và họ hàng tôi hỏi nhiều lần lắm! Cho đến khi một ngày cái tên Ngoại Thương như khẽ vờn qua kẽ tai tôi trong lời nói của người bác... Ừ thì Ngoại Thương nghe cũng hay!!! Rồi tôi bắt đầu tìm hiểu về nó như một thói quen tôi đã từng làm với một vài trường trước đó. Tôi nhận ra một môi trường học tập khiến tôi vô cùng thích thú và muốn được trải nghiệm trong những tháng ngày đại học đẹp đẽ nhanh cũng không nhanh mà chậm cũng không chậm của cuộc đời mình - thời sinh viên. Tôi đã có một sự thay đổi hơi ngoạn mục đối với bản thân mình khi chuyển một cái vèo từ khối A sang A1 trong khi tôi học giỏi hoá hơn anh văn rất nhiều và trong năm 10 và 11 tôi không hề đụng tới anh văn gì cả... nhưng tôi biết rằng bởi vì một giấc mơ Ngoại Thương nên tôi phải thế vì vào Ngoại Thương là cần anh văn và là vì tôi không thể đảm bảo cho khối A của mình tới mức điểm đó được! Ừ thì là đánh cược vậy, giữa hoá và anh văn tôi chọn anh văn! Năm 2015... khúc giao mùa ấy như bàn tay dịu êm của người mẹ hiền mà từng bước một dẫn dắt tôi đến với ngôi nhà FTU - ngôi nhà của sự năng động, học hỏi và
140
giao lưu và còn là minh chứng cho quyết định của tôi là không sai! Có thể nào không? Có thể nào là rằng tôi muốn thi vào Ngoại Thương chỉ vì môi trường học ở đây được không? Không cần nghĩ nhiều là mình phải học ngành này rồi sau này ra làm cái này cái kia!! :)
141
Một môi trường sẽ biến đứa rụt rè trở nên năng động Lê Xuân Ngọc Anh
142
“Còn nữa, mình còn có ý nghĩ vô cùng ngây thơ rằng, Ngoại Thương toàn những bạn nhà giàu…”
143
“Ngoại Thương - một môi trường mà đến cả đứa rụt rè cũng trở thành tăng động, à nhầm, năng động” - lời chị mình K49 truyền dạy thế đó. Thấy mấy bạn đồng trang lứa sớm xác định được đam mê riêng, mình thấy cũng xót ruột lắm tại bản than trước giờ chỉ biết học, học, và học. Đến cả hoạt động lớp hay trường cấp 3 cũng ít dám tham gia, dành thời gian lo học. Chả bận tâm ước mơ của mình là gì, nên học Đại học nào, mục đích từ cấp một đến hết cấp ba của mình chỉ là lấy được điểm số và thành tích học tập thôi, một con ma bị ám ảnh điểm số một cách hoàn hảo. Để rồi, có điểm, điểm cao, rồi được gì? Ngày ngày mình vắt tay lên trán suy nghĩ, rốt cuộc mình thích cái gì? Rốt cuộc mục đích cuộc đời mình ngoài ham mê thành tích còn có gì nữa không? Lúc đó mình không nghĩ tới Ngoại Thương đâu, bởi nơi này rõ ràng là không hợp với một đứa chỉ biết ở nhà cắm cúi cày như mình, chính ba mẹ cũng hướng mình như vậy, hướng mình vào Sư phạm hay An ninh để an nhàn cuộc sống. Cứ tưởng đời mình sẽ an phận như vậy, mãi mãi trở thành một mommy girl đúng nghĩa… Rồi bước ngoặt chính là đây, chị mình, mặc dù bù lu bù loa với công việc, vẫn dành rất nhiều thời gian để thuyết phục mình vào Ngoại Thương. Mình e dè lắm, nhiều câu hỏi cứ vây quanh. Ngoại Thương toàn những bạn giỏi Tiếng Anh, mình dân khối A dốt tiếng Anh vào đây liệu có bị lạc lõng? Ngoại Thương toàn những bạn tinh thần năng nổ giỏi giao tiếp, liệu đứa con gái khô khan như mình có hòa đồng được? Còn nữa, mình còn có ý nghĩ vô cùng ngây thơ rằng, Ngoại Thương toàn những bạn nhà giàu (huhu, giờ nghĩ lại cảm thấy rất trẻ con luôn) có
144
điều kiện, liệu mình có bị cô đơn không? Chị mình đã trả lời hết, Ngoại Thương không “sang chảnh khó gần“ như mình nghĩ, chị mình trước đây cũng có suy nghĩ tương tự, nhưng không, Ngoại Thương đã biến chị ấy thành một con người khác trước đây, năng động hơn, liều lĩnh hơn, dám bắt lấy cơ hội dù chỉ 1%, dám apply vào công ty lớn mặc dù giữa trăm người chỉ tuyển một người. Và mình bắt đầu tìm hiểu Ngoại Thương, và từng ngày đều cảm thấy quyết định nộp hồ sơ vào ngôi trường này là đúng đắn. Điều làm mình cảm thấy yêu nhất chính là sự nhiệt tình của các anh chị, kế tiếp là sự thân thiện dễ thương của những người bạn mới. Lần đầu tiên từ lúc lập facebook đến giờ tỉnh dậy thấy có đến mấy chục bạn add friend, và thì ra mọi người đều có những lo lắng y như mình. Năm ngày nữa mới vô Sài Gòn, thấy các bạn đi off với mấy anh chị từ vòng giữ xe mà nôn nao muốn nhập học quá chừng. Muốn lập team chơi ma sói, muốn lập team đi hát kara mặc dù hát nốt cao không nổi, muốn thử cảm giác đi tình nguyện là như thế nào, muốn thử khả năng làm việc nhóm của mình đến đâu. Quá nhiều điều chờ đợi ở phía trước. FTU, WAIT FOR ME, I’M COMINGGGGGGG.
145
146
Đường còn dài Đặng Hoàng Nam
147
“Có đam mê là có kiên trì, đúng không Hai?”
148
1.Trong nhà chỉ có hai chị em, cách nhau những 13 năm trời. Có nghĩa là hồi bả mới vào đại học thì mình cũng mới chập chững vô lớp một. Nói chung là con nít lớp một còn ngu lắm, nên bả nói gì mình nghe đó. Hồi đó bả học ở thành phố, cuối tháng nào cũng bắt xe về nhà. Tiền bạc thì nhà không dư dả nên ba má hay lo lắng, hỏi han này nọ. Bả toàn cười, có quán cơm rẻ lắm mẹ à, con vừa được chị kia cho lại bộ sách không cần mua đâu ba. Cái nụ cười khiến người khác an tâm. 2. Mỗi lần bả về, mình đều có một cái gì đó mới để chơi. Chiếc xe hơi nhỏ xíu bạc màu, cuốn truyện sờn gáy trong nhà sách cũ. Má hay la, mày đi học tiền ăn còn không đủ mua cho em ba cái tào lao này làm gì. Lại cười, không sao đâu má, mấy cái này rẻ rề người ta bán ngoài đường chứ có gì đâu, cho thằng Tí nó chơi. Bả kể trên thành phố có nhiều cái đẹp lắm cơ, hay lắm cơ, rẻ lắm cơ, mà mày phải học thiệt giỏi tao mới mua cho đó nghen. Nói chung là con nít còn ngu lắm, nên bả nói gì mình nghe đó thôi. 3. Mấy năm cuối bả học nhiều, lần nào về ba má cũng suýt xoa, mày làm gì mà người còn như cọng bún vậy. Dạo này bài hơi nhiều mẹ ạ, con ráng tốt nghiệp là khỏe thôi. Ba trầm ngâm, má đi nấu món bả thích, mình thì cầm cuốn sách cũ trên tay nhảy tưng tưng, bả thì lại cười.
149
Bả nói trên thành phố bây giờ người ta xây nhà cao ơi là cao luôn nha Tí, đường đẹp ơi là đẹp luôn nha. Có con đường mà cả chục chiếc xe tải chạy còn lọt đó, mày tin không. Mình cười, chị hai nói dóc chị hai nói dóc, mai mốt em cũng học đại học em lên em coi phải không. Ừ thì mày học đại học đi rồi biết, mà phải học giỏi mới được lên thành phố với chị đó nghen! Nói chung là con nít còn ngu lắm, nên bả nói gì mình nghe đó thôi. 4. Bả ra trường, làm nhân viên IT cho một công ti chứng khoán. Bả cưới chồng, sinh được hai đứa con một trai một gái, mua được một căn chung cư nho nhỏ ở ngoại ô. Thằng con trai bả cách mình 13 tuổi, có nghĩa là mình vào đại học khi nó vừa lên lớp một. Ngày mình lên thành phố thi kì thi quốc gia cũng là ngày con gái bả tròn hai tháng. Mình ở chung cư bả, hỏi bả sao hồi xưa khổ vậy mà chị vừa học vừa sống được hay vậy. Bả cười, mày có đam mê thì mày mới có kiên trì thôi. Thi xong, bả hỏi thế nếu đậu thì mình học ở đâu. Mình cười cười, thế chị quên mất rồi à? 5. - A, chị hai về! Hôm nay chị hai có mang sách gì cho Tí không? - Có chứ sao không, này nhá, “Đắc nhân tâm: Cách chinh phục thiên hạ” nhá! - Sao toàn chữ không vậy, lại cũ mèm hà, em thích truyện tranh cơ! - Thôi ngoan nè, chỗ đó hết truyện tranh cũ rồi, mày đọc cuốn này đi cũng hay lắm đó.
150
- Tí không được vòi quà của chị nha con! Chị làm gì có nhiều tiền mà mua truyện cho mày hoài con. ... - A chị hai về! - Chị hai ơi chị hai, em đọc xong cuốn sách kia rồi, hay lắm hay hơn cả truyện tranh cơ! - Sao hôm trước mày đòi truyện tranh mà. - Em nghĩ lại rồi. Sau này em muốn làm một doanh nhân bự thiệt là bự nói gì ai cũng phải nghe! - Cái đó phải học giỏi mới làm được à nghen! Sau này giỏi lên thành phố học Ngoại Thương là chị mở tiệc cho mày luôn! - Ngoại Thương là gì vậy chị? - (Mẹ vọng vào cười) Ha ha, thằng Tí mà đậu được Ngoại Thương, tao bao tiệc cả xóm! Vô dọn cơm nè suốt ngày mơ mộng viễn vông. ... Nói chung là con nít còn ngu lắm, nên bả nói gì mình nghe đó thôi. 6. Bả cười, hồi đó mình hết tiền không mua được truyện cho nó nên lấy sách cũ của mình đem về cho nó đọc, vậy mà nó cũng thích, khờ ghê. Thằng con bả năm nay vào lớp một, từ lúc mình lên ngày nào nó cũng quấn mình. Mình hỏi thế sau này con thích làm gì, nó kêu làm họa sĩ, vẽ thật nhiều tranh đem bán mua nhà lầu xe hơi. Hai chị em cười to. Cái cười khiến người khác an tâm. 7. Bả chở mình đi nộp hồ sơ. Lúc ra bả hỏi thế đã chắc chắn chưa. Mình cười bảo sao mà biết được.
151
Mọi thứ chỉ vừa bắt đầu thôi. Đường còn dài ngoằn, mịt mù. ... Có đam mê là có kiên trì, đúng không Hai?
152
Có điều gì đó mà tôi gọi là định mệnh Nguyễn Anh Sa
153
“Và tôi tin rằng có một điều gì đó mà tôi gọi là định mệnh...”
154
Tôi từng đánh mất niềm tin vào chính mình. Tôi không cho phép bản thân mơ quá cao, tự nhủ rằng một trường top giữa đã là quá ổn. Ngay cả khi bước vào năm lớp 12, tôi cũng không hề có một động lực nhất định mà chỉ học một cách máy móc đến chán nản. Là thành viên trong lớp chọn của trường, phải nói là khi nhìn bạn bè nó học nhiều, tôi nóng mặt tới cỡ nào. Đứa thì Y, đứa lại Công An. Thôi được rồi, mình sẽ chọn Ngoại Thương làm mục tiêu - đam mê ngày nào tưởng chừng đã vụt tắt nay lại cháy sáng. Với điểm chuẩn như năm ngoái thì tôi nghĩ mình có thể làm được. Nhưng rồi một ngày... Bộ Giáo Dục đổi quy chế thi, nó thực sự làm tôi hoang mang. Nếu như vậy thì đề thi có lẽ sẽ dễ hơn. “Chắc 24,5 tao mới dám nộp quá mày à” - tôi than thở với nhỏ bạn. Rồi chính tôi cũng biết rằng thời gian không còn nhiều và điểm số đó là khá chát. Nhưng thôi, cứ cố vì biết điểm mới nộp mà. :) Tôi vùi đầu vào chồng đề, khi căng thẳng quá thì lại nghe một bản baroque. Cứ như vậy cho đến ngày thi... Đêm trước đó, tôi không hề ngủ được, sợ lắm!! Khi trống đánh rồi phải mười phút sau tôi mới nhấc nỗi cây bút lên. Cứ như thế ngày một, ngày hai. Tôi cũng chẳng buồn dò đáp án. Cho đến khi biết điểm, phải nói là nó vượt xa sự mong đợi, cho rằng mình đã làm được, đã bước một bước xa và giờ chỉ ngồi đợi nộp hồ sơ nữa là đậu chắc. Cơ mà mọi việc nó không như tôi tưởng tượng... Mỗi lần cập nhật danh sách là tôi lại bị đẩy xuống tới tận đâu, hoài rồi tôi cũng dần chấp nhận rằng cơ hội không dành cho mình. Mấy lần định lên trường rút rồi mà sao cứ chần chừ.
155
- Hay thôi để mai đi cũng được ! Chắc phải ba, bốn cái ngày mai. Ngay tối hôm trước ngày tôi quyết định đi rút thì công bố điểm lệch. Tôi lại mong chờ và đến khi có điểm chuẩn thì tôi biết mình đã đúng khi không ngừng gửi gắm hy vọng vào Ngoại Thương. Người ta hay nói có duyên thì sẽ gặp lại, sau bao nhiêu biến cố tưởng chừng như không thể thì tôi vẫn gặp lại Ngoại Thương bằng ánh mắt tự hào. Và tôi tin rằng có một điều gì đó mà tôi gọi là định mệnh...
156
Ước mơ và hành trình Lê Hoàng Yên Nhi
157
“Hãy tự tin bước theo hướng của ước mơ. Hãy sống cuộc đời bạn đã mường tượng.”
158
Cũng chẳng phải bản thân có ý định viết gì nhiều vì vốn dĩ mình không phải là đứa văn hay chữ tốt, tình cờ lướt face thấy dự án in thành sách của các anh chị nên mới nảy ý định viết mấy dòng này, ít ra cũng là lưu lại tên mình trong một cái gì đó của Ngoại Thương để bắt đầu cho 4 năm đầy thú vị này. Hơi ngoài lề một chút nhưng cảm thấy rất may mắn khi được vào Ngoại Thương, là K54 năng động, và đặc biệt được các anh chị chiếu cố rất nhiều. Dù được học trong một môi trường cũng cực kì tốt ở Huế nhưng chưa ở đâu tôi thấy các anh chị lứa trên lại tận tình đến vậy. Chăm sóc, chỉ bảo, sự nhiệt tình... là những gì chúng tôi nhận được mặc dù còn chưa chính thức bước chân vào trường. Nói về hành trình đến với Ngoại Thương, bản thân cũng không biết nên bắt đầu từ đâu nữa. Có lẽ từ lúc bước chân vào cấp ba Ngoại Thương đã tồn tại trong tiềm thức. Là một con người luôn đặt ra kế hoạch, tôi lấy Ngoại Thương làm mục tiêu để phấn đấu, thậm chí tôi còn định hướng cả cuộc đời mình như sau này làm nghề gì, ở đâu. Nhưng lúc ấy, tình yêu đối với Ngoại Thương không lớn như bây giờ, tôi biết đến Ngoại Thương chỉ như là một ngôi trường thuộc top và có điểm chuẩn cao; một phần nào đó bản thân lại muốn thử thách, đi đến Hồ Chí Minh để sống một mình. Tôi tự gọi đó là sự nông nỗi, chưa bao giờ suy nghĩ về những gì mình thực sự thích, thế mà nhờ vào phút nông nỗi ấy, giờ tôi hài lòng vì mình đã đạt được, tôi không một phút giây nào cảm thấy ân hận khi quyết định chọn Ngoại Thương làm điểm dừng chân kế tiếp. Trong một buổi tư vấn tại trường, tôi nhìn thấy gian hàng Ngoại Thương. Ở đó tôi thấy các anh chị học rất giỏi của trường tôi đã từng học chuyên Anh, chuyên Hóa,... tôi tự thấy bản thân nhỏ bé, bởi tôi chưa từng nghĩ khả năng
159
của mình đủ. Tôi ngại bước đến, tôi sợ người ta thấy tôi rồi nghĩ rằng “con kia học bình thường mà cũng bày đặt thi Ngoại Thương”. Tôi tự ti mặc dù tôi nghĩ rằng mình học cũng rất ổn. Nhưng các anh chị rất nhiệt tình, kéo tôi xuống và kể cho tôi nghe tất tần tật những cái hay ở Ngoại Thương, cái thú vị của mỗi ngành, và rằng các anh chị đã rất vui khi được học ở đó. Tình yêu dành cho Ngoại Thương trong tôi càng lúc càng vững chắc. Kể từ hôm đó, tôi càng quyết tâm hơn nữa. Họ hàng, bạn bè, hay cả những cô thầy hỏi tôi dự định thi trường gì thì tôi không ngần ngại mà trả lời: “Dạ trường Ngoại Thương Sài Gòn”. Ngoại Thương xuất hiện nhiều hơn trong cuộc sống của tôi: qua cái hình nền điện thoại màu đỏ mà tôi vẫn luôn đặt, qua cái miếng dán siêu vẹo chữ FTU mà tôi tự cắt rồi dán lên tường và còn qua cả cái quyết tâm đậu Đại Học luôn túc trực trong trí óc tôi. Lúc trước học, cái gì khó tôi bỏ qua, tôi ngại phải tìm tòi suy nghĩ, nhưng từ khi quyết tâm thi vào Ngoại Thương tôi kiên nhẫn hơn, suy nghĩ và học hỏi ở các bạn giỏi. Tôi nhận ra rằng Ngoại Thương không chỉ thay đổi tôi ở cách suy nghĩ mà còn rèn luyện thêm tính quyết tâm và hướng giải quyết vấn đề. Bây giờ chỉ còn đúng một ngày nữa tôi sẽ bay vào Hồ Chí Minh, chỉ còn hơn 24 tiếng để tôi đặt chân đến ngôi trường mà tôi đã mơ ước. Tôi không biết tôi đã đọc được ở đâu, nhưng có một quyển sách đã dạy tôi rằng: “Hãy tự tin bước theo hướng của ước mơ. Hãy sống cuộc đời bạn đã mường tượng”. Lúc tôi ngồi trong phòng thi, dưới cái nóng vã mồ hôi ở xứ Huế, tôi run sợ, tôi đã không nghĩ mình sẽ làm được. Thực ra lúc ấy tôi có ý định từ bỏ, tôi còn nghĩ đến việc sẽ chỉ học tại Huế mà thôi, vì mình có lẽ sẽ không được điểm cao. Vậy mà nghĩ lui nghĩ lại, tôi tự nhủ bản thân hãy tự tin lên và thế là tôi làm
160
được. Ước mơ đến với Ngoại Thương sẽ không bao giờ trở thành hiện thực nếu như tôi không có cái suy nghĩ nông nổi ngày ấy, và cả chút tự tin mới đây. Thực sự mà nói, nếu như lúc trước tôi quyết định thi một trường khác chắc tôi sẽ không có những cảm giác háo hức như bây giờ. Ngoại Thương là một bầu trời lớn với biết bao thế hệ sinh viên năng động, giỏi giang, tuy không biết bản thân có kham nỗi cái danh hiệu ấy không nhưng tôi sẽ cố gắng để bốn năm ở Ngoại Thương sẽ không phải là những năm tháng sống hoài sống phí. Tôi cũng không có ý định viết một bài dài như thế này, nhưng thực ra đây chỉ là những dòng tâm sự rất chân thật mà tôi muốn chia sẻ với mọi người và tôi chọn cách để bắt đầu cho bốn năm tiếp theo là in tên mình trên trang sách của cuốn “Ngoại Thương - Hành trình của tôi”.
161
Mối tình tưởng chừng bị quên lãng Huỳnh Thị Bích Chi
162
“…thực ra tình yêu đó chưa bao giờ tắt, chỉ là có một thời gian ngủ vùi dưới nỗi sợ vô căn cứ...”
163
“Tại sao phải là Ngoại Thương?” - Tôi đã liên tục hỏi bản thân mình khi lên lớp mười. Mười tám năm qua, con đường tôi đi hình như rất rõ ràng. Ngay từ Tiểu học, tôi đã yêu thích môn Văn, xác định sẽ thi Chuyên Văn. Đến lúc học cấp Hai, con của đồng nghiệp mẹ tôi đậu Đại học Ngoại Thương, thế là tôi biết đến Ngoại Thương. Trong tâm trí của một đứa học sinh bé nhỏ, Ngoại Thương là một trường danh tiếng, ai có thể học ở đó chắc chắn là người rất giỏi. Vào được Ngoại Thương, sau này sẽ có thể giàu có. Thế là tôi xác định rằng Ngoại Thương sẽ là đích đến của mình. Nhưng sự yêu thích nhất thời của một con nhỏ non nớt đã không đủ giữ tình yêu của tôi dành cho ngôi trường này. Những năm sau đó, tôi phát hiện ra mình chẳng giỏi Toán, tư duy logic chẳng bằng người khác. Điểm Toán luôn không bao giờ như mong ước, lại cộng thêm tôi chẳng yêu thích môn Tiếng Anh chút nào. Tôi cố gắng, nhưng dường như ngày càng rời xa “mối tình đầu” của mình. Mẹ muốn tôi học Tiếng Anh rồi thi vào Chuyên Anh để tạo đà vào Ngoại Thương sau này. Nhưng tôi đã bất chấp, tôi thi vào Chuyên Văn như xác định ban đầu. Những năm cấp Ba gắn bó với môn Văn, tôi vẫn nhớ đến Ngoại Thương, nhưng rồi luôn tự bảo lòng đó chỉ là một chàng Bạch mã hoàng tử mà mình sẽ không bao giờ chạm vào được. Công việc học tập, thi cử cuốn tôi khỏi những suy nghĩ sẽ vào Ngoại Thương. Mỗi lần mẹ nhắc: “Học Tiếng Anh đi con, không học Tiếng Anh sao vào được Ngoại Thương chứ!”, tôi tìm cách thoái thác. Tôi lấy chuyện ôn thi Học sinh giỏi Văn để tránh né môn học đáng ghét đó. Rồi tôi nghĩ: “Tại sao cứ phải là Ngoại Thương chứ? Không vào được Ngoại Thương thì sao chứ? Mình sẽ không làm doanh nhân, mình sẽ là một nhà văn, một giáo viên hay
164
một luật sư... Tại sao cứ nhất thiết là Ngoại Thương ?” Thực ra, tôi cũng không xác định chính xác rằng mình sẽ học gì nếu không đậu Ngoại Thương. Mọi người ai cũng cố gắng thi vào Ngoại Thương, còn tôi, tôi biết chắc mình không đủ năng động, cũng không nhanh nhẹn, Tiếng Anh hay Toán đều không bằng người khác, thế là tôi dồn tâm sức cho môn Văn yêu thích của mình. Có lẽ mọi chuyện thế là kết thúc rồi. Tôi nghĩ duyên nợ của tôi với ngôi trường Đại học này giống như chuyện tình của cô bé Lọ Lem với Bạch Mã hoàng tử vậy. Biết rõ là không thể nhưng trong đầu cô bé Lọ Lem vẫn mơ về hoàng tử của mình. Thời gian trôi nhanh như lật một trang sách. Năm mười hai, lứa 97 chúng tôi lại có một sự thay đổi lớn trong phương thức thi và tuyển sinh Đại học. Tôi không lo lắng lắm vì nghĩ cứ làm bài tốt thì mọi chuyện sẽ ổn thôi. Ngày thi thử Đại học ở trường, tôi thất vọng vô cùng vì môn Tiếng Anh chỉ được 5.75. Chưa bao giờ tôi nghĩ nó lại tệ đến thế, cho dù tôi chưa bao giờ ưa nó cả. Thế này thì cho dù mình có thực sự muốn nộp đơn vào Ngoại Thương cũng chẳng thể thành sự thực được. Lúc đó, mẹ đã bên cạnh tôi, thay vì nổi giận, mẹ cổ vũ tôi, mẹ khiến tôi nhận ra những năm tháng qua, tại sao tôi lại yếu đuối đến thế, không dám theo đuổi ước mơ của mình. Đại học Ngoại Thương một lần nữa hiện ra trong tâm trí tôi thật đẹp đẽ, sáng ngời. Một tháng trước ngày thi, tôi dồn tâm sức học Tiếng Anh. Có lẽ chưa bao giờ tôi học Tiếng Anh nhiều như thế, cày đề, học từ vựng, ngữ pháp. Có những lúc mải miết đến mức quên thời gian. Đến lúc này, tôi như chú ngựa chỉ có thể phi nước đại để về đích, không có thời gian để do dự nữa.
165
Và rồi chú ngựa cũng về đến đích. Cái đích đầu tiên chính là vượt qua bản thân, cả môn Toán và Tiếng Anh đều thành công ngoài mong đợi. Cái đích tiếp theo chính là vượt qua nỗi sợ, sự tự ti để nộp hồ sơ vào trường Ngoại Thương. Dù tôi có được những ưu tiên nhất định đảm bảo mình đã đậu Ngoại Thương, nhưng ngày công bố danh sách thí sinh trúng tuyển, tôi vẫn vui một niềm vui thật khó tả. Niềm vui khi bản thân đã có thể làm điều mà lâu nay luôn trốn tránh. Vui như nàng Lọ Lem tìm lại được Hoàng tử của mình. Có lẽ tình cảm của tôi dành cho ngôi trường này không nồng nhiệt, không cháy bỏng bằng nhiều bạn khác. Nhưng tôi cũng muốn thể hiện một chút. Tôi cảm giác mình thật may mắn và hạnh phúc. Tôi đã tìm lại “mối tình tưởng chừng bị quên lãng” và nhận ra rằng, thực ra tình yêu đó chưa bao giờ tắt, chỉ là có một thời gian ngủ vùi dưới nỗi sợ vô căn cứ. Phải mạnh mẽ theo đuổi ước mơ của bản thân. “Ngoại Thương yêu dấu, em tới đây!”
166
167
Con đường nhiều ngã rẽ Phạm Trần Phương Nga
168
“Không cần biết là trường nào, không cần biết là tốt hay không, những công sức đã bỏ ra chỉ để vào được Ngoại Thương, thì bây giờ, nhất quyết phải chọn Ngoại Thương.”
169
Bài viết này không phải của một con người hoàn hảo, càng không phải của một cá nhân với tình yêu mãnh liệt hay ý chí kiên quyết vào được ngôi trường này từ những ngày đầu. Bài viết này tôi viết với những hồi ức đắn đo, những cám dỗ của cuộc sống và mọi người xung quanh. Bài viết này tôi viết về hành trình của chính mình, người đã suýt nữa vẫy tay tạm biệt với Ngoại Thương. Từ ngày còn bé, khi hai từ ‘đại học’ là một khái niệm xa lạ, tôi đã biết đến Ngoại Thương, ngôi trường danh giá nhất nhì của thành phố. Mọi nỗ lực học hành của tôi đều dành hết cho giấc mơ này. Lúc bé mà, ai cũng nghĩ cuộc đời là màu hồng, con đường nào cũng đầy hoa. Chắc hẳn các bạn cũng như tôi, bước lên từng lớp nhìn thấy điểm mình ngày càng đi xuống mà đau như cuối cùng cũng đạp lên những chông gai đầu tiên của cuộc đời. Càng bước đi càng thấy khó khăn, những con điểm ngày càng xa vời. Tôi thừa nhận, bỏ cuộc lúc ấy là một cơn cám dỗ vô cùng lớn. Nhưng tôi đã bước tiếp. Đã nhắm mắt nhìn thẳng vào đích đến mà tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, tự nhủ rằng cánh cổng vào ngôi trường mơ ước dù là không thể với đến vẫn có thể là động lực để cố gắng hết sức mình. Con đường của tôi không chỉ chông gai mà còn nhiều ngã rẽ. Năm cuối cấp, tôi tự hỏi bản thân liệu mọi công sức của mình có phải đang hoài phí? Tôi băn khoăn liệu mình có đang tìm đến đúng ước mơ và đam mê hay chỉ đơn giản chạy theo cái mác trường giỏi? Nhiều ngành nghề hấp dẫn khác, nhiều ngôi trường tuyệt vời khác bỗng trở nên vô cùng quyến rũ, những đích đến mà tôi không phải khổ cực như lúc này.
170
Có lẽ các bạn không tin vào duyên số. Còn tôi thì tin rằng lúc ấy có một thế lực vô hình nào đã bảo tôi tìm hiểu kĩ hơn và nảy sinh đam mê với ngành kinh tế này, đã không cho tôi bỏ cuộc vào phút chót của những ngày cận kề thi cử áp lực. Ai ai cũng than trách bộ giáo dục đã đem chúng ta ra làm chuột bạch, tôi thì lại thầm cám ơn cách thay đổi này, vì nếu không, sự tự ti trong tôi chắc đã không cho phép tôi đặt Ngoại Thương làm nguyện vọng của mình. Ngày có điểm tôi mừng rơi nước mắt. Nhưng ngã rẽ của tôi không kết thúc ở đó, nó mở ra nhiều cám dỗ về trường học, về cơ sở vật chất, những lời ra tiếng vào của họ hàng xung quanh, những lo sợ về môi trường học cạnh tranh sắp tới. Tôi lại đứng giữa ngã ba đường, và lần này, không còn thời gian để day dưa quyết định.Trong những ngày phân vân ấy, một người bạn đã nói với tôi rằng : “Không cần biết là trường nào, không cần biết là tốt hay không, những công sức đã bỏ ra chỉ để vào được Ngoại Thương, thì bây giờ, nhất quyết phải chọn Ngoại Thương.” Câu nói ấy đã chấm dứt mọi lối vào ngã rẽ, chỉ còn một con đường duy nhất mà tôi biết dù phía trước thế nào tôi cũng nguyện sẽ bước đi, con đường dẫn đến Ngoại Thương. Giờ ở đây, là một phần của tập thể K54, càng ngày tôi càng tự tin hơn về lựa chọn của mình là đúng. Hành trình đưa tôi đến Ngoại Thương dừng lại nhưng lại có một hành trình khác mở ra - tương lai mà tôi có thể tự hào nói rằng, năm đó, mình đã chọn Ngoại Thương.
171
Điểm hẹn của quyết tâm Đỗ Thị Hạnh Trinh
172
“…sau 776 giờ chờ đợi, điểm chuẩn được công bố, giọt nước mắt tớ, mẹ tớ, bố tớ... lăn dài”
173
“Hãy vươn đến bầu trời, dù không thể hái được vì sao sáng nhất nhưng ít ra, bạn cũng có thể đứng giữa muôn vàn tinh tú để thắp sáng ước mơ”. Từ ngày lập facebook, tớ đã thay hình đại diện đến lần thứ bao nhiêu rồi nhỉ? Không thể đếm hết được, và mỗi lần đổi đều lưu lại một cảm xúc. Nhưng lần thay đổi này lại là một khởi đầu, đánh dấu sự vỡ òa của biết bao tâm trạng, chưa bao giờ tim tớ đập mạnh, tay tớ lóng ngóng như thế… nhấp chuột đi… với một biểu tượng hình tròn màu đỏ K54… Hạnh phúc ngập tràn, có phải sự thật không? Ngày 24/8, một ngày tớ sẽ không bao giờ quên trong đời, sau 776 giờ chờ đợi, điểm chuẩn được công bố, giọt nước mắt tớ, mẹ tớ, bố tớ... lăn dài. Cánh cổng ngoại thương đã mở ra chào đón tớ. Mới hôm nao còn đứng ngoài nhìn vào đầy khao khát, ngày mai thôi tớ đã tự hào bước vào cổng trường với hình tròn K54 đỏ yêu dấu trên vai áo tân sinh viên. Là con gái út bố mẹ chăm chút bằng bao nhiêu tình thương thì cũng gởi gắm vào tớ bấy nhiêu kì vọng. Bố thích tớ học Y, mẹ lại mong muốn tớ vào Sư Phạm. Có hư không nhỉ khi tớ lại âm thầm chọn cho mình một hướng đi riêng từ khi bước vào cổng trường Trung Học: Đại học Ngoại Thương, là lựa chọn, là mục tiêu phấn đấu của tớ. Nhẹ nhàng mà cháy bỏng đam mê, nhưng cũng đầy áp lực Đam mê ấy bắt đầu từ lúc tớ tìm hiểu về ba kí tự F-T-U. CLICK vào trang cs2.ftu.edu.vn và các group trên facebook, tớ biết thêm bề dày lịch sử của trường với phong phú những hoạt động đoàn hội cùng sự sôi nổi nhiệt huyết của các câu lạc bộ. Trong tớ lúc ấy, Ngoại Thương quả thực là một thế giới tuyệt vời với biết bao điều kì diệu… Bước tiếp theo, và cũng không ít khó khăn là thuyết phục bố mẹ, các chiêu trò được tớ sử dụng triệt
174
để, nhưng cũng chỉ nhận lại những cái lắc đầu, bố mẹ sợ tớ khổ vì đặc trưng ngành, vì phải xác định sống xa gia đình mãi mãi, vì tớ là con gái… càng hiểu lòng bố mẹ bao nhiêu thì khát vọng đến với Ngoại Thương càng cháy bỏng bấy nhiêu! Có mâu thuẫn không đây, những đam mê thôi thúc đã không cho tớ bỏ cuộc. “Kết quả thi của con sẽ là câu trả lời của bố mẹ” - lời bố chắc nịch. Tớ hiểu: lối đi của tớ đã được mở ra nhưng không phải chỉ có hoa hồng. Bắt đầu những nỗ lực để chinh phục đường đua dài… Bước vào những ngày tháng ôn thi Đại Học tớ mới thấy mọi thứ không đơn giản: Bài tập chồng chất, lịch học dày đặc, điểm chuẩn của trường mấy năm trước khá cao, và là mục tiêu của phần đa học sinh giỏi cá nước… tớ lo lắng lao vào học, học đến kiệt sức, suy nhược, stress. Mỗi ngày tớ đều sợ trời sáng, tớ ao ước thời gian có thể trôi chậm một chút hay một ngày có thể nào có hơn 24 giờ. Tớ cảm giác mỗi ngày trôi qua là mỗi bước Ngoại Thương xa dần, xa dần... Tớ cảm thấy kiến thức mình không đủ, tự ti mình là học sinh trường huyện, áp lực phải đậu ngay nguyện vọng 1 vì thành tích mười hai năm học sinh giỏi - gánh trên vai niềm tự hào của mẹ cha… Cầm một hộp sữa mẹ đưa, lại thấy nỗi lo trĩu nặng. May mắn thay khi bên cạnh tớ luôn có những thầy cô tâm huyết đồng hành, những kiến thức và kinh nghiệm, những động viên và chia sẻ, những câu chuyện vui ẩn chứa bao nhiêu bài học sâu sắc về cái giá của sự thành công… Đó là những hành trang quý báu, những bệ đỡ tình thần, những nấc thang mầu nhiệm nâng bước chân tớ đến gần với cánh cổng Ngoại thương. Là Mẹ - tài xế riêng của tớ mỗi ngày và thức cùng tớ mỗi đêm không mệt mỏi. Là Bố với một kế hoạch hoàn hảo cho hành
175
trình biến ước mơ thành sự thật của tớ, với điểm ăn, ở, phương tiện đi lại, những địa điểm thăm quan sau đó… Tớ đúng là người hạnh phúc nhất trần gian... “Hãy vươn đến bầu trời, dù không thể hái được vì sao sáng nhất nhưng ít ra, bạn cũng có thể đứng giữa muôn vàn tinh tú để thắp sáng ước mơ”. Ngày đi thi, tớ đã nhẩm thật thuộc câu danh ngôn ấy, khoác ba lô lên vai và bước vào phòng đầy tự tin. Có thể sau bao cố gắng tớ vẫn không chạm được đến Ngoại Thương, nhưng tớ vẫn sẽ tự hào vì mình đã biết ước mơ, dám nỗ lực theo đuổi thì không còn gì phải hối tiếc… Giờ đây khi tên mình được nằm trong danh sách trúng tuyển, khi có thể cùng K54 và các anh chị nhuộm đỏ facebook, tớ cảm thấy háo hức và hạnh phúc đến lạ. Tớ biết bước qua cánh cổng Ngoại Thương cuộc đời tớ cũng sẽ sang trang mới với nhiều hành trình khó khăn và gian nan hơn. Nhưng tớ tin với nhiệt huyết của bản thân cùng thế hệ K54 đoàn kết và các anh chị khóa trên thân thiện thì không gì là không thể… Phải không nhỉ? Hành trình Ngoại Thương không chỉ có những nỗ lực của tớ mà còn là sự sát cánh của thầy cô và bố mẹ những người hi sinh nhưng không bao giờ mong chờ được đền đáp. Hơn thế là sự hỗ trợ nhiệt tình của các anh chị FTUers. Với tớ, hành trình ấy là cả một khung trời kỉ niệm đáng nhớ mà sau này, những lúc tớ chùn bước, nó sẽ là động lực để tớ đi lên. Quả đúng như các anh chị đã nói “Không có gì đẹp hơn những tháng ngày theo đuổi và biến ước mơ thành hiện thực.” NGOẠI THƯƠNG ƠI…Tớ đến rồi!
176
Con đường đến với đam mê Ẩn danh
177
“Nếu ngày ấy tôi chọn cánh cửa Nhạc viện làm điểm đến thì giờ đây, tôi, có lẽ đã theo tiếng trầm bổng của piano đến những khoảng không nào đó và tôi, đã vĩnh viễn mất đi một thứ gọi là sở thích rồi.”
178
Thật lòng mà nói thì hành trình đến với Ngoại thương của tôi khá là trắc trở khi chưa có định hướng từ đầu. Ngoại thương á? Đó mới chỉ là ước mơ mà tôi chớm nghĩ từ cuối năm 11 bởi lẽ trước đó niềm đam lớn nhất của đời tôi là được đỗ vào lớp thanh nhạc của Nhạc viện. Đặt ra mục tiêu sớm cho bản thân, tôi cứ ngỡ là ước mơ ấy sẽ “thuận buồm xuôi gió”… Cho đến một ngày - ngày đã làm thay đổi cuộc đời tôi và cũng chính ngày ấy cuộc đời tôi rẽ vào một bước ngoặt khác. Chính xác lúc ấy là vào buổi tối, ngoài trời thì mưa rả rích, còn tôi thì mải mê với “Kiss the rain” bằng những cảm xúc khó tả. Bỗng nhiên, tiếng ba vang lên, nó át cả tiếng đàn, nó còn xua tan cả không khí lặng lẽo của đêm mưa ấy.. “Con à ! Ba có chuyện muốn nói với con !” Lúc ấy, trong tôi rất sợ, sợ tôi đã làm chuyện gì sai và sắp hứng một cơn thịnh nộ của ba nhưng không. Bằng giọng trầm ấm, ba hướng lòng tôi về tương lai phía trước. “Ba biết con gái của ba thích ca hát. Con theo đuổi những gì con thích là đúng, nhưng con biết không? “Xướng ca vô loài”. Con phải thật sự có tài năng thì mới thăng tiến cho tương lai sau này được. Làm ca sĩ sau này sướng khổ không biết trước được... Ba thật sự không ủng hộ...” Tôi cứ giả vờ như mình không biết, không nghe, không thấy ba nói gì nhưng lời nói nó cứ rõ mồn một trong đầu tôi thì làm sao mà trốn tránh. Tôi không đáp trả lại gì chỉ biết chạy thật nhanh vào phòng, đóng sầm cửa lại và dìm mình vào bóng tối. Thất vọng có, chán nản có! Thế là bao công sức tôi bỏ ra đều công cốc! Tôi giận ba lắm, lúc ấy chỉ muốn chạy ào xuống và nói là tôi sẽ không từ bỏ nhưng tôi không đủ can đảm và mạnh mẽ để nói nữa rồi...
179
Nó còn đáng sợ hơn cả cái ý nghĩ sắp hứng cơn thịnh nộ của ba nữa... Nỗi buồn nào rồi cũng có lúc sẽ nguôi ngoai và lúc đấy tôi chỉ biết trông chờ vào thời gian mà thôi. Cho đến những ngày cuối năm 11, trên đường đi học về, tôi tình cờ thấy những anh chị mặc những bộ đồng phục bắt mắt với hàng chữ đỏ trên tay áo “Trường Đại Học Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM”. Thật sự thì hôm ấy cũng chẳng có gì đặc biệt khi tôi được trò chuyện với một anh sinh viên khoá K50 chuyên ngành kinh tế đối ngoại. Nhờ anh mà tôi biết thêm nhiều về môi trường nơi đây và quan trọng hơn hết, những anh chị luôn cởi mở, nhiệt huyết, năng nổ trong công việc. Một thoáng, tôi cũng chưa thay đổi ý định về tương lai, cho đến khi tối hôm đó, tôi lân la tìm thông tin về trường trên mạng, tôi cứ mãi kiếm tìm về môi trường giảng dạy, chất lượng đào tạo cũng như những chương trình du học nước ngoài... Có lẽ lúc ấy tôi đến với trường cũng chỉ vì những điều ấy thôi - điều mà bất cứ một sinh viên nào cũng căn cứ vào để chọn trường. “Chẳng lẽ mày quên mất rằng âm nhạc là niềm đam mê lớn của mày rồi sao” - tôi tự hỏi lòng mình. Ừ nhỉ, chẳng lẽ lại vì những lời nói, lại vì một thoáng thích thú mà bỏ đi ca hát…Tôi nghẹn ngào… Tôi thật rối, thật nhức đầu, gục xuống máy tính.. Chợt nhạc chuông “Somewhere I belong” vang lên từ chiếc điện thoại, tôi không bắt máy, cứ để cho đoạn nhạc reo... Giọng của Linkin Park không lẫn vào đâu được, nó như dội lại trong tim tôi. Chợt một ý nghĩ loé lên trong đầu “FTU có câu lạc bộ hát không nhỉ?”. Thế là tôi tìm hết mục này đến mục kia, chợt câu lạc bộ “Sóng đa tần” đặt ra bao nhiêu dấu chấm hỏi trong tôi. Trong khi các câu lạc bộ khác thì đã quá rõ như: Câu lạc bộ Tiếng nhật, Quản trị kinh doanh,...thì “Sóng đa tần” bước đầu gây sự thích thú cho tôi bởi cái tên “độc, lạ” của nó. Qua tìm hiểu, “Sóng đa tần”
180
có đến bốn đội với những chức năng khác nhau. Song như các bạn biết rồi đấy, tôi ấn tượng với “Đội hát The Glam” .Tôi tròn mắt nhìn, đúng là “Đội hát The Glam” đây rồi! Tôi cứng đơ cả người khi đọc những bảng thành tích của The Glam và liên tưởng đến một ngày mình cũng được đứng lên sân khấu như các anh chị để hát lên tiếng hát của lòng mình... Ôi! Nghĩ đến đấy thôi tôi đã vui sướng biết nhường nào! Bất giác tôi quên đi Nhạc viện mà thay vào đó là hình ảnh ngôi trường Ngoại Thương với những nụ cười rạng rỡ của thầy cô, của các anh chị khoá trên đón chào những tân sinh viên. Tôi lại chợt nhớ đến anh - người đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi để tìm hiểu về ngôi trường này trong những lúc tuyệt vọng. Rồi tôi nghĩ đến bản thân mình, tự nhủ là mình yếu đuối, nhút nhát, rụt rè thế này thì liệu tôi học có tốt không, có hoà nhập ổn không. Một mớ câu hỏi về bản thân chợt ùa về... Cảm thấy không thể giải quyết được, tôi quyết hỏi mẹ. Tôi sợ mẹ sẽ không bằng lòng vì mẹ vẫn thường nói tính cách của tôi không hợp với kinh tế mà... Thế nhưng, mẹ lại ủng hộ cho quyết định của tôi, mẹ muốn tôi thay đổi: mạnh mẽ hơn, quyết đoán, và bản lĩnh hơn và quan trọng là chính bản thân tôi cũng muốn mình thay đổi. Nhìn thấy quyết tâm của tôi, mẹ nói bây giờ đã thấy tôi có một sự thay đổi lớn rồi, động viên tôi cố gắng nhiều hơn nữa. Và buổi tối hôm ấy, tôi không ngủ được vì cứ mãi nghĩ đến tương lai phía trước và cũng bởi vì không biết phải nói sao với ba... Tôi thấy không yên lòng...Nếu lần này mà ba không ủng hộ nữa thì tôi sẽ tức điên lên mất! Bằng một niềm tin về bản thân, tôi chạy một mạch xuống phòng và nói với ba, hi vọng ba ủng hộ quyết định này. Quả thật, ba đã dành cả một buổi tối để phân tích những điều bất cập và cả những khó khăn khi học một ngành mà tôi không có tí kinh nghiệm nào nhưng may mắn thay ba vẫn tin tưởng vào quyết định này. Tôi reo lên vì vui sướng vì từ nay gia đình đã là điểm
181
tựa vững chắc để tôi vững bước đi trên con đường mà tôi đã chọn: được hoà nhập với bạn bè và môi trường của FTU, được thay đổi tính cách trước đây để trở thành một người năng động, được cùng các anh chị tham gia những cuộc thi hát để thỏa mãn đam mê và quan trọng là được rèn giũa thành một người bản lĩnh,mạnh mẽ trong công việc sau này... Với hi vọng đến với đam mê, thay đổi bản tính của mình, tôi đã dành toàn tâm toàn ý cho Ngoại Thương từ ngày ấy. Câu chuyện của tôi chỉ có thế thôi song nó vẫn mãi là một kỉ niệm không quên bởi lẽ cuộc đời của tôi từ đây đã chuyển sang một hướng khác, nó tươi sáng hơn khi có sự cân bằng giữa kiến thức và đam mê, khi đi từ tuyệt vọng sang hi vọng.. Có lẽ cánh cửa đến với Ngoại thương cũng không còn xa với tôi nữa... Dù không phải là sinh viên Nhạc viện, là một sinh viên ngành kinh tế , tôi vẫn có thể theo đuổi niềm đam mê của mình. Và bây giờ khi viết lên những dòng chữ này tôi chợt nghĩ “Nếu ngày ấy tôi chọn cánh cừa Nhạc viện làm điểm đến thì giờ đây, tôi, có lẽ đã theo tiếng trầm bổng của piano đến những khoảng không nào đó và tôi đã vĩnh viễn mất đi một thứ gọi là sở thích rồi.”
182
A sweet dream Nguyễn Huân Đan Nguyên
183
Last night I dreamed Of red and white Red of roses White of lights. FTU - it’s you all my nights. The day we met My heart was beating in a different way No matter what they said A goal was set A fight to fight. The time I’d been through Was not always rainbow and butterflies Rocky mountains painted the sky. But I’ve got a dream inside my mind FTU - the reason I fight. Now I see you before my eyes Swelled in my heart A love A pride Says “ Do you see that? Sweet dream come true. Told you ‘bout that, didn’t I?” Oh friends, tonight I will still dream Of red and white FTU The reason I smile. :)
184
185
Bàn đạp dài tới ước mơ Lê Thị Hạnh
186
“Ngoại Thương không phải là con đường mà tôi chọn ngay từ đầu nhưng đó có lẽ là con đường cuối cùng mà tôi lựa chọn.”
187
Cũng không biết phải kể, phải viết từ đâu. Nhìn các bạn K54 lần lượt chia sẻ về hành trình đến với Ngoại Thương của các bạn ấy mà mình cũng thấy ham, cũng muốn viết nhiều điều về con đường đi tới Phờ Tu 2 của chính mình… Nhưng mà sức lực có hạn nên tôi không vào được, mà cũng không có hộ khẩu thành phố để có cơ hội vô Nguyễn Thượng Hiền hay Bùi Thị Xuân này nọ. Muốn học trường chuyên tỉnh thì ba mẹ lại bảo “Học trên thành phố còn có anh chị làm việc trên đó quản, về nhà thì có ba mẹ còn học ở chuyên tỉnh rồi ở trọ ai quản, không lo học hư sao?‘’ Cuối cùng phải về trường huyện học, cũng rất quê với bạn bè dưới đó nhưng mà cũng nhờ vậy mà quyết tâm và nỗ lực trong tôi dâng trào hơn. Tôi không muốn một lần nữa lại phải thất bại trong kì thi đại học như kì thi chuyển cấp vừa qua. Giống như nhiều bạn khác cùng trang lứa, Ngoại Thương không phải là con đường mà tôi lựa chọn ngay từ ban đầu. Hồi cấp 2 khi được mọi người hỏi sau này muốn làm nghề gì tôi đều trả lời là muốn làm một giáo viên dạy toán bởi lẽ trong nhà anh chị toàn là giáo viên, ba mẹ cũng muốn tôi theo nghiệp giáo viên để có một công việc ổn định trong xã hội, không phải bon chen quá như nhiều ngành nghề khác mà lúc đó thì tôi chỉ giỏi toán nữa không đi dạy toán thì dạy gì bây giờ. Vậy là chỉ biết ráng học để nạp thật nhiều kiến thức sau này còn đi dạy cho người ta chứ dạy không tốt người ta đuổi dạy mất.. Vậy mà suy nghĩ đó chỉ tồn tại tới cuối năm lớp 9 khi nghe chị bảo “Hay là em đi Ngoại Thương đi, học trường đó mai mốt ra khỏi lo thất nghiệp với lương cũng cao nữa” . Nghe vậy ai mà không ham chứ? Con nhà nông mà. Tôi bắt đầu tìm hiểu về ngôi trường này, nhưng mà cũng chỉ biết sơ sơ là trường thuộc top trường kinh tế,
188
học ra thì có thể nói tiếng anh rồi làm việc cho công ty nước ngoài nữa. Thật sự nghe cũng thấy thích rồi. Lúc đó trong đầu cũng tự nhủ là trong kì thi chuyển cấp sắp tới phải thi đậu vào trường chuyên thành phố để cơ hội vào Ngoại Thương cao hơn. Cũng ôn luyện cật lực để có tấm vé vào trường chuyên top của thành phố Hồ Chí Minh như Lê Hồng Phong, Năng Khiếu vì chỉ có 2 trường này là nhận học sinh tỉnh thôi.. Học cấp 3, tôi tiếp xúc với mạng nhiều hơn, tìm hiểu và biết nhiều hơn về FTU2, về những thành tích đáng nể của trường cũng như môi trường năng động với những con người nhiệt huyết nơi đây. Dần dần tôi thực sự yêu Ngoại Thương và mong mỏi sẽ đậu vào đại học này để tôi có bàn đạp bước vào cuộc sống và tiến gần với ước mơ được làm việc cho những công ty lớn, được làm việc trong môi trường tiếng anh mà tôi yêu thích. Có thể nói không có gì dễ dàng cả, nói thì dễ mà làm thì không dễ chút nào. Ngoại Thương đâu phải muốn nói vào là vào được. Nguyên năm 12 có lẽ là giai đoạn luyện thi đầy khó khăn, áp lực và có cả nước mắt mà tôi cũng như nhiều bạn phải trải qua để chạy đua với tấm vé vào đại học. Hết bài vở trên trường rồi lại học thêm, học trên mạng, tự học...học bao nhiêu, cày bao nhiêu cũng không thấy đủ cả, càng học càng thấy lo và thấy mệt mỏi hơn. Nhiều lúc muốn buông xuôi, muốn bỏ hết không học nữa, muốn gục ngã thì lại nghĩ nhiều hơn tới ước mơ, tới cha mẹ và người thân, nghĩ tới công sức bấy lâu nay mình cố gắng và nghĩ tới ngày mình hạnh phúc khi được vào Ngoại Thương tôi lại càng phải tự đứng dậy và bước tiếp. Bốn tháng cuối tôi vừa học nhiều, vừa mang tâm lí sợ không vô Ngoại Thương nổi, cũng có nghĩ đến UEH (kinh tế) hay UEL (kinh tế-luật) nhưng chưa bao giờ có ý định
189
là sẽ từ bỏ Ngoại Thương hoàn toàn. Có lần bạn trong lớp hỏi tôi tính thi trường gì, tôi trả lời là Ngoại Thương vậy mà bạn ấy chỉ cười nhạt. Biết là bạn ấy nghĩ tôi mơ xa quá, biết là bị coi thường với năng lực hiện tại nhưng không sao đó vẫn là ước mơ của tôi, tôi chỉ biết im lặng và cố gắng hơn nữa để một ngày nào đó những cố gắng của tôi phần nào được người khác ghi nhận và không bị xem thường nữa. Và rồi kì thi tuyển sinh đại học đến gần... Ba ngày trước khi thi tôi đã ôn hết những gì tôi có thể làm được nhưng vẫn rất lo, trong đầu cứ khư khư ý nghĩ rằng khi vào phòng thi chắc run lắm, sợ sẽ không làm tốt được. Nhưng ngược lại, khi đi thi không khí đông vui hơn đi học nhiều, các anh chị sinh viên tình nguyện đã đón chào chúng tôi từ cổng rất nhiệt tình, còn phát nước miễn phí cho thí sinh nữa. Nhờ vậy mà tôi cảm thấy tự tin khi bước vào phòng thi hơn. Sau hai ngày thi (tôi thi A1 nên chỉ có hai ngày thôi) cùng với hai mươi ngày mòn mỏi đợi điểm cuối cùng tôi cũng biết điểm và khá hài lòng với những gì mình đạt được tuy là không cao. Chờ biết điểm đã hồi hộp rồi mà khúc nộp hồ sơ và chờ cập nhật thứ hạng còn khiến con người ta đau tim và hồi hộp hơn. Nộp hồ sơ vào Ngoại Thương mà quả thật như đang chơi cổ phiếu ấy, điểm mình thì không cao mà thích trường này quá rồi nên rất hoang mang.
Sàn giao dịch cứ biến động khôn lường...
Thứ hạng thì mỗi ngày mỗi tụt xuống, lo càng thêm lo nhưng vẫn không rút cho tới ngày trường công bố ngưỡng điểm an toàn tự nhiên cảm thấy nhẹ lòng hơn, quyết định không rút nữa. Trong thời gian chờ đợi cập nhật thứ hạng tôi cũng hay theo dõi nhiều trang báo để cập nhật thông tin, nhiều lúc đọc mà cũng cảm thấy xúc động vì thấy nhiều quý phụ huynh và các bạn ở tỉnh phải
190
lặn lội đường xa lên để nộp rút hồ sơ kịp thời. Không khí căng thẳng của việc nộp rút diễn ra từng ngày từng giờ đặc biệt là càng về những ngày cuối của chặng đường tuyển sinh. Nhiều phụ huynh đã phải bỏ cả công việc chạy tới các trường đại học từ rất sớm và ở lại trưa trong đó để chờ đếm xem hôm đó có bao nhiêu người nộp hồ sơ vào trường, họ đăng kí ngành gì, có giống ngành con mình không? Từ đó tính toán ra xác suất và khả năng đậu rớt của con mình. Tôi thật sự đã cảm thấy mình rất may mắn vì chỉ nộp một lần và không phải rút nữa. Hôm được người bạn tốt bụng báo mình có tên trong danh sách trúng tuyển của trường là lúc tôi cảm thấy vui sướng biết bao, cả ba mẹ cũng mừng cho tôi nữa (tôi thầm cảm ơn người đã báo tin). 12 năm đèn sách vậy là không uổng công rồi. Cuối cùng mình đã là sinh viên FTU2 - K54, thật sự tự hào về điều đó. Nhiều người nói là sinh viên Ngoại Thương chảnh rồi này nọ vậy mà tôi lại thấy tự hào khi là tân sinh viên trường này. Thực sự mà nói lúc đầu tôi cũng nghĩ chắc sinh viên trường này chảnh thật, nhưng khi tham gia các group của FTU2 tôi nhận ra nhiều điều, cảm thấy các anh chị nơi đây (đặc biệt là K53) rất nhiệt huyết và tận tình giúp đỡ những tân sinh viên ‘’ngơ ngơ ngáo ngáo’’ như chúng tôi dù là những câu hỏi ngớ ngẩn nhất như “Chụp hình thẻ ở trường có được cười không hả anh Quốc Đạt?”, anh chị cũng hỗ trợ tài liệu cho 97ers để phục vụ cho kì thi tiếng anh đầu vào và tài liệu cho sinh viên năm nhất. Sống giữa bầu không khí sôi động cùng các bạn tân sinh viên và anh chị thế này tôi hạnh phúc lắm. Ngoại Thương không phải là con đường mà tôi chọn ngay từ đầu nhưng đó có lẽ là con đường cuối cùng mà tôi lựa chọn. Biết là chặng đường bốn năm tới sẽ rất gian nan nhưng tôi sẽ sống hết mình với Phờ Tu 2, để sau này không phải hối hận về những gì tôi đã làm hôm nay.
191
Mong rằng với môi trường năng động của FTU2 tôi sẽ bớt đi phần nào sự nhút nhát, e dè và ngày một trở nên hoàn thiện hơn. Cảm ơn và yêu Ngoại Thương nhiều lắm.
192
Chật mà chất! _
Phạm Ngọc Minh Thông
193
“Ngoại Thương ơi”, tôi nghiêng mình hỏi nhỏ “Biết bao giờ mới chinh phục được em?” Giấc mộng đó kéo dài trong muôn thuở Lặng lẽ như hoa sớm nở tối tàn. Ba năm, một tháng, hai mươi ngày, Em, chừng ấy thôi, đủ khiến tôi ray rứt Khi là ý chí cùng vô vàn cơ hội Khi là nỗi ám ảnh, thúc giục và hững hờ. Thương cha mẹ, quý mấy năm đèn sách Quyết tâm phấn đấu, từ bỏ âu lo Học cho đến cả bơ phờ mặt mũi Rải bông hồng đến đón em về nhà. Hai mươi ngày ấy còn hơn cả địa ngục Có lúc hụt hẫng chẳng thốt nên lời, Mấy khi lâng lâng trong niềm sung sướng Gồng mình sống chỉ vì em đấy thôi! Ai cũng giấu những góc khuất chật hẹp, Bó buộc bản thân, kìm hãm tâm hồn Nhưng em tôi đã xóa đi tất cả Vực lòng tôi những ước vọng màu hồng. Kế từ nay ta sống chung một nhà Bốn năm dài vỏn vẹn nửa hecta Không sao đâu, đã có tôi che chở Như túp lều tranh chứa hai quả tim vàng. Ngoại Thương tuy chật, nhưng mà “chất” lắm! Chật, nhưng thiếu gì năng động Chật, nhưng thấm đẫm tình người Chật, nhưng dễ dàng bứt phá Chật, nhưng tự hào làm sao!
194
CƠ TRỜI VÀ DUYÊN SỐ BẮT ĐẦU CUỘC HÀNH TRÌNH MANG TÊN NGOẠI THƯƠNG Nguyễn Thị Thu Huyền
195
“Tôi từng là học sinh của một lớp chọn ban A, từng ước mơ, mong mỏi được đậu vào trường Đại học Kinh tế TP.HCM; nhưng lại đậu vào FTU2 khối A1…” Tôi tin đó là Cơ trời và Duyên số.”
196
Có lẽ như số ít bạn, mãi đến năm lớp 12, mình mới nghiêm chỉnh xác định ngôi trường Đại học mình muốn vào. Lúc bấy giờ trong đầu mình chỉ có Đại học Kinh Tế - nơi có anh chị nhà mình học (có lẽ mình sẽ “chủ động” hơn trong môi trường học tập) mà chưa bao giờ dám mơ ước sẽ đậu vào ngôi trường mang tên Ngoại Thương. 1. Kì thi Đại học kết thúc: với kết quả nhắm chừng trên cả mong đợi khoảng 24, mình tự nhủ mình chắc là đậu Kinh tế rồi. Anh chị trong nhà đùa rằng nộp thử Ngoại Thương đi. “Thôi nộp sao nổi, năm nay tụi nó điểm cao quá trời, ra điểm 25 thì may ra em nộp“. Ấy mà ngày có kết quả : mình đạt 25.5 khối A1…Thế là giấc mơ Ngoại thương của mình bắt đầu từ đó. Ngày qua ngày tìm tòi mọi thứ về Ngoại Thương, theo dõi tất cả các trang FTU, cập nhật liên tục về thông tin tuyển sinh, điểm chuẩn,.. giấc mơ ấy càng gần hơn khi đến vài ngày cuối cùng mình vẫn đứng vững “hạng 700 mấy khoảng 1000”. Mình bắt đầu “nảy sinh tình cảm” với FTU khi mình “hơi” chắc mình đậu rồi (vì chỉ sợ thích rồi, mến rồi mà rớt thì tủi buồn lắm). 2. Thời trung học phổ thông: mình là đứa học sinh khá là tự ti, ít nói trong giao tiếp, hiếm khi nào tham gia hoạt động của Đoàn, câu lạc bộ trong trường, tình nguyện hay chiến dịch Hoa phượng đỏ,… Nên là mình đã tự nhủ với lòng rằng phải thay đổi hoạt động nhiều hơn và năng nổ hơn, có lẽ là phải vô cùng điên rồ và táo bạo trong những năm Đại học này! Bước đầu trong kế hoạch đó chính là tham gia Đại hội Võ lâm FTU2 - nhóm Hóng Hớt. Có lẽ bạn sẽ nghĩ tham gia có buổi ấy có gì thấm thoát mấy đâu, mà với mình nó lại khá là đặc biệt. Giao lưu với các anh chị và các bạn chưa
197
gặp một lần nào, mình đã phần nào cởi mở tự tin hơn, cơ mà xíu thôi. Thôi thì, viết bao nhiêu cũng không đủ và không thể nào truyền tải hết được những tình cảm dành cho mọi thứ của FTU2 chỉ mới trong một tháng tròn này, đặc biệt là dưới dòng chữ đánh máy của một đứa Văn cộc lốc, là mình. Biết sao mà chưa gì mình đã YÊU FTU mất rồi không? Mình... Ghiền FTU bởi môi trường vô cùng năng động và nhiều cơ hội. Thích FTU2 bới ngôi trường bé nhỏ xinh xinh mà đầu đủ tiện nghi chứ không phải dạng vừa đâu. Yêu FTU bởi các anh chị sinh viên, các bạn 97-ers đầy nhiệt huyết, luôn kề vai sát cánh nhau trong những ngày đấu tranh vật vờ với điểm số và cả những ngày đi HÓNG. “Tôi từng là học sinh của một lớp chọn ban A, từng ước mơ, mong mỏi được đậu vào trường Đại học Kinh tế TP.HCM; nhưng lại đậu vào FTU2 khối A1...” - Tôi tin đó là Cơ trời và Duyên số.”
198
Hành trình yêu Trần Thị Cẩm Nhung
199
“FTU là ước mơ của em từ rất lâu rồi. Vì vốn văn chương có hạn nên em đành dùng cách khác người này. Đây là bản lời cho bài hát Y.Ê.U của Min được em chế tác thành 1 tiêu phẩm riêng dành cho FTU. Dưới nền nhạc của bài hát Y.Ê.U, tình yêu FTU trong em tuy chưa được thể hiện rõ nét do giới hạn về âm điệu, nhưng mong là tất cả mọi người sẽ cảm nhận được nó.”
200
F.T.U - hành trình yêu..
F.T.U là khát khao của em trong biết bao ngày Là mục tiêu cho em để bước tiếp Là cơn mơ yêu thương em ngóng bao ngày Từng phút giây tuyệt vời. F.T.U là ngày đêm em âu lo rất ưu phiền Từng buồn lo theo em mùa ôn thi Vì tình yêu F.T.U trong em quá tuyệt vời Nguyện thề sẽ luôn cố gắng Rồi thời gian ôn thi em vẫn luôn miệt mài Rồi ngày tháng thi em đã cố gắng hết mình Bằng trái tim này, để xây giấc mơ vô F.T.U Hãy đến đây thật gần nhé F.T.U Để cảm nhận những yêu thương của em biết bao ngày, dành hết cho F.T.U. Vẫn mong em được kết quả cao, ngọt ngào cho tháng năm mệt nhoài Ngày nắng xanh ngời, nguyện ước sẽ đến bên F.T.U. F.T.U là thời gian mỗi sớm ngóng điểm hết mình Là buồn lo trông mong bảng sắp xếp Là từng cơn đau tim khi mỗi hạng lùi Nguyện thề sẽ theo F.T.U mãi Rồi thời gian trôi qua cổng F.T.U đón em Rồi ngày tháng bên F.T.U sẽ không còn cách xa Bên nhau suốt đời, cùng xây giấc mơ bao năm
201
Hãy bên em thật gần nhé F.T.U Để cảm nhận những yêu thương của em biết bao ngày , dành hết cho F.T.U Hãy trao em nhiệt huyết đắm say, ngọt ngào cho trái tim em này Ngày nắng xanh ngời, nguyện ước có F.T.U trọn đời. Dù thời gian trôi qua vẫn luôn yêu F.T.U Dù ngày tháng gian nan sẽ không cách rời Bên nhau suốt đời, cùng xây giấc mơ bao năm Hãy trao em nhiệt huyết đắm say, ngọt ngào cho trái tim em này Ngày nắng xanh ngời, nguyện ước có F.T.U trọn đời.
202
203
Kết thúc của hành trình không có sự bắt đầu Dương Quỳnh Vy
204
“...tôi sẽ bắt đầu một hành trình mới mà điểm xuất phát không đâu khác chính là Ngoại Thương.”
205
Một đêm trăng tròn mùa thu cách đây ba năm, khi tôi vẫn còn là một học sinh chuẩn bị vào cấp ba đầy hồn nhiên và trẻ con,đột nhiên ba tôi đã hỏi rằng “Sau này con có muốn thi vào trường Ngoại Thương không?” Vậy là tôi cũng đột nhiên “Dạ có”.Vốn dĩ tôi chưa biết bất cứ điều gì về về ngôi trường mang tên Ngoại thương. Nhưng tôi tin vào sự lựa chọn của ba, và từ đó bến đỗ đại học duy nhất mà tôi muốn tới chính là Ngoại Thương. Chưa bao giờ trước đó tôi tin vào một điều gì như thế... Càng về sau tôi lại càng biết rằng Ngoại Thương là một trường đại học danh tiếng bậc nhất miền nam, phải thật nỗ lực thì mới có thể hy vọng có một tấm vé cho bản thân. Và rồi những hoang mang, lo sợ bắt đầu bủa quanh. Tôi tự hỏi có khi nào mình đã lựa chọn sai hay là mình đã với cao quá chăng? Nghĩ thế nào tôi vẫn muốn được vượt qua những ngày tháng chắc hẳn áp lực để có một ngày trở thành sinh viên Ngoại Thương. Khi ấy gia đình sẽ tự hào về tôi lắm. Từ ấy tôi chăm chỉ học hành và ấp ủ giấc mơ Ngoại thương. Giấc mơ đến với tôi một cách ngẫu nhiên như thế, đã không thể bắt đầu thì tôi sẽ là người kết thúc nó... Rồi xuân qua đông tới, tôi cũng như bạn bè cùng trang lứa đón nhận kì thi có nhiều đổi mới, tôi không thể tránh khỏi những băn khoăn dồn dập, nhưng nếu từ bỏ tôi sẽ chỉ là một con người hèn nhát. Sau chuỗi ngày thi cử, chờ điểm, chờ bảng xếp hảng, chờ danh sách đậu, chờ giấy báo trúng tuyển, tưởng chừng như những áp lực vô hình có thể làm tôi vỡ tung nhưng ước muốn mãnh liệt được bước chân vào cánh cổng Ngoại Thương cổ vũ tôi gạt nhẹ những dòng nước mắt mệt mỏi để tiếp tục chiến đấu những ngày cuối cùng. Lần đầu tiên tôi thấy sợ hãi và yếu đuối như thế.
206
Biết bao đêm tôi đã không ngủ được, biết bao lần tôi tưởng tượng ra viễn cảnh rớt đại học, biết bao nhiêu lần truy cập vào web trường...Tất cả những khó khăn ấy rồi cũng qua, tôi cũng đã chờ được tới khi nó kết thúc. Và một kết thúc không thể khiến tôi hạnh phúc hơn. Tôi tự cảm thấy bản thân đã làm đúng khi đã để ước mơ của mình chiến thắng mọi thứ. Sự thật là tôi sẽ gắn bó với ngôi trường thân yêu đó trong bốn năm sao? Cảm xúc tôi vỡ òa, trong lòng không ngừng rộn ràng... “Ngoại thương ơi, chị đã tương tư em ba năm rồi đấy, em có biết chị đã chịu đựng thế nào không? Tại sao em lại luôn khiến chị cảm thấy lo lắng, bất an như thế? Tại sao em lại có sức hút mãnh liệt như thế, khiến chị không thể nào từ bỏ. Nhưng chị cũng cảm ơn em đã đứng phía cuối con đường ấy chờ chị, không có em chị đã không mạnh mẽ được như thế...” Đó là những lời tôi muốn nói nhất vào lúc này. Cuộc đời còn dài, khó khăn chưa hết, thử thách đang chờ, nhưng tôi không cho phép mình từ bỏ, tôi sẽ bắt đầu một hành trình mới mà điểm xuất phát không đâu khác chính là Ngoại Thương. Tôi tin đây là con đường mình nên đi dẫu cho tương lai phía trước vẫn còn là một dấu chấm lửng...
207
Chọn thứ mình giỏi nhất, chứ không phải thứ mình thích nhất Lê Mỹ Ngân
208
“Một khi chúng ta đã đặt ra mục tiêu một cách nghiêm túc, chúng ta phải có trách nhiệm thực hiện nó cho bằng được.”
209
Câu chuyện của mình thực ra không quá phi thường hay đáng ngưỡng mộ .Mình có một cuộc sống đầy đủ, có điều kiện học tập (điển hình sách vở có đủ nhiều để nó tràn từ trên bàn xuống gầm bàn và lết đến tận giường ngủ). Đây chỉ là những dòng tâm sự của mình về một sự tình cờ mà mình nghĩ đó chính là duyên số giữa mình và Ngoại Thương. Mình chưa từng nghĩ đến việc vào Ngoại Thương. Ít nhất là trong năm 12. Đại học đối với một số người là một sự lựa chọn ngẫu nhiên. Họ nhắm những ngành vừa sức họ, phần còn lại là để ngành chọn người chứ không phải người chọn ngành. Mình, tự hào thay, lại khác họ. Đối với mình, con đường nghệ thuật có một sức hấp dẫn mãnh liệt. Không phải phóng đại đâu, mình tin chắc những sĩ tử khối H, V đều cảm thấy vậy. Có những anh chị chấp nhận luyện thi nhiều năm liền chỉ để vào ngôi trường nghệ thuật họ mong ước, kiên trì và bền bỉ. Mình cũng nghe những ngành khác như y, bác sĩ, và cả kinh tế của Ngoại Thương,... Có những người đam mê hết mình, dồn hết tâm huyết để đạt được giấc mơ của mình. Nhưng riêng những anh chị ngành nghệ thuật là gần gũi mình nhất, nên mình cảm nhận được nhiệt huyết đối với nghệ thuật của họ rõ ràng và sâu sắc hơn. Và hơn cả, một yếu tố mà có thể nói là quan trọng nhất khiến mình muốn theo đuổi nghệ thuật chính là mình có năng khiếu về lĩnh vực ấy. Những điều trên đã giúp mình đi đến một quyết định chắc chắn như đinh đóng cột “Mình sẽ vào Kiến Trúc”. Nó giống như là, một khi con người ta có một cái đích mà họ muốn có cho bằng được, họ sẽ làm bất cứ giá nào để đạt được nó.
210
Nghe có vẻ dễ nhưng nó không hề dễ dàng tí nào. Mình không có bất cứ sự chuẩn bị nào cả. Những bạn cùng trang lứa thi đều luyện vẽ hai ba năm trời còn chưa tự tin. Mình chỉ là một con gà mờ mà lại đòi làm nên kì tích trong một năm? Con đường mình đi hết sức lạc lõng. Cũng phải thôi vì mình tự ôn luyện môn vẽ. Hoàn cảnh của mình khó mà giải thích cặn kẽ được. Hiểu đơn giản, nó giống như bạn bơi một mình giữa biển vậy, vô phương hướng. Mình không biết phương pháp học vẽ của mình là có đúng hay không, cứ đà này mình có đậu hay không?. Mình làm bài vẽ xong nếu cảm thấy hài lòng thì mình lại tự hỏi người chấm nhìn bài mình có hài lòng không? Mình tìm đến sự giúp đỡ của anh chị đi trước nhưng cấu trúc thi ngày một thay đổi quá khác biệt nên mình không thật sự cảm thấy kinh nghiệm của họ hoàn toàn hữu ích. Khác với các môn tự nhiên có bài kiểm tra chấm điểm cho biết sức của mình tới đâu thì môn năng khiếu lại hết sức mập mờ. Nó giống môn văn phần nghị luận văn học vậy, cùng một bài có người chấm mình 3 điểm, có người lại chấm 3.5 điểm. Chấm theo cấu trúc là một lẽ nhưng phần cảm tính của người chấm thi vẫn chi phối rất cao, đặc biết là môn năng khiếu. Mình rất lo sợ là mình không thể đậu nổi Kiến Trúc hay nói cách khác điểm vẽ trên 5. Mình đã trải qua khoảng thời gian ấy với bao nhiều là ý nghĩ tự khích lệ bản thân mình.. “Mình sẽ làm được. Mình muốn vào Kiến Trúc, mình phải làm được”. May thay, hai tháng cuối cùng mình tìm được một người thầy dạy vẽ đã dẫn mình đến một con đường đúng đắn, một phương pháp chắc chắn. Mình đã nghĩ “Chắc hẳn sẽ có cơ hội nào đó cho mình”…. Nhưng trớ trêu thay, mình học được thầy ấy không được bao lâu thì mình lại bị buộc nghỉ học thêm vẽ để tập trung ôn thi đại học. Vì cả ba mẹ thầy cô đều cho rằng Kiến Trúc là một lựa chọn quá phiêu lưu. Họ bảo mình có khả năng khối D và A1 hơn.
211
“Không được nản lòng”.. Mình dán câu ấy lên bàn học, tự nhắc mỗi buổi sáng phải nhìn nó mà không được từ bỏ. “Mình đã lỡ phóng lao rồi, mình phải theo lao”. Giờ nghĩ lại mình cũng không hiểu nổi mình đã vượt qua giai đoạn ấy như thế nào, nhưng chắc chắn rằng nó rất khó khăn, vắt kiệt sức mình. Có thể mình nói quá, nhưng mình cảm thấy như lính chiến đấu vậy. Ngày nào cũng phải tự nhủ bản thân không được gục ngã, không được từ bỏ. Rồi mình tự than thở sao khổ quá rồi tự tát vào mặt “không được than như vậy”. Và cuối cùng mình đã làm được, mình đủ chỉ tiêu để vào Kiến Trúc. Và cả Ngoại Thương. Mình cũng không tin nổi đâu. Thế bạn hỏi tại sao mình đổ công sức vậy mà không vào Kiến Trúc mà vô Ngoại Thương để viết linh tinh làm gì? Xin thưa, đó là vì mình “chọn thứ mình giỏi nhất, chứ không phải thứ mình thích nhất”, như mình đã nói trên. Theo đuổi đam mê là một động lực học tập phi thường. Trong suốt quá trình mình nỗ lực vì mực tiêu nghệ thuật của mình, mình nhận thấy mình khá khối D hơn (Mặc dù đôi khi điểm tệ đến mức chót lớp bị thầy mời phụ huynh các kiểu. Thật nghịch lý đúng không?) . Mình không muốn đánh mất thứ mình có khả năng làm tốt chỉ vì không tập trung vào nó. Nhưng mục tiêu đã đặt là vẫn phải làm. Mình vẫn học, vẫn kiên trì, quyết tâm không được đi ngược lại những lời mình đã nói “Mình muốn vào Kiến Trúc”. Thế là mình phải nỗ lực cả hai thứ cùng một lúc. Và mình đã làm được. Nhưng một khi bạn đạt được nó rồi thì sao nữa? Tất nhiên là sẽ đi tiếp. Chỉ là mình chọn một con đường khác hơn với những gì người ta thường làm thôi. Mình muốn thử sức bản thân mình với thứ mình giỏi, thử đẩy giới hạn mình thêm nữa. Đam mê mình sẽ vẫn theo đuổi. Có ai cấm vào Ngoại Thương thì không được vẽ đâu chứ?
212
Ngoại Thương sẽ là một thử thách mới của mình. Một khi chúng ta đã đặt ra mục tiêu một cách nghiêm túc, chúng ta phải có trách nhiệm thực hiện nó cho bằng được. Và lần này, Ngoại Thương sẽ là người bạn lớn đồng hành với mình suốt quá trình mình thực hiện mục tiêu tiếp theo... Xin chào Ngoại Thương. #heybaby #ImeanyouFTU
213
Những tháng ngày mơ mộng Nguyễn Thị Minh Thư
214
Tuổi thanh xuân là cơn mưa rào vội vã.. Dại dột. Yêu. Say… Với một con bé, cơn mưa rào ấy đã bắt đầu nặng hạt từ những rung động rất đỗi nhẹ nhàng, mà… cũng rất đỗi lạ thường! Đã từ bao giờ, mỗi sớm mai thức dậy, con bé lại biết tự đặt cho mình vô vàn những câu hỏi: Sáng nay, nó sẽ lại đến trường. Nó sẽ được học những gì? Nó học để làm gì? Tình cờ, giữa những băn khoăn nhỏ dại ấy, có một câu hỏi cứ luôn mãi vấn vương tâm trí nó.. Nó thật sự thích làm gì? Người ta vẫn thường nói: Thời gian sẽ trả lời tất cả. Thế nhưng, đó có phải là sự thật…? Thời gian sẽ không đưa ra câu trả lời nào cả, đơn giản chỉ là vì nó đã làm bản thân ta quên mất câu hỏi mà thôi. Những năm tháng cấp ba êm đềm và tươi đẹp trôi qua như một giấc mơ nồng ấm. Kỉ niệm về bạn bè, về thầy cô sẽ mãi trở thành một mảnh kí ức không thể tách rời. Và rồi, con bé ngây thơ ngày nào, giờ đây đã phải chấp nhận để tâm hồn mình lớn lên, lớn lên dần cùng những hành trình dài và rộng mở đang chờ nó phía trước. Những suy nghĩ giản đơn cũng đã phải biết vượt qua chính cái giới hạn của nó để hướng về một con đường… Con đường mang tên: Đại học.
215
Con bé đã đi thật nhiều, cười thật nhiều, khóc cũng thật nhiều, mà cũng lắng nghe thật nhiều. Những hạt cát thời gian cứ thế mà len lỏi qua cái eo hẹp cuộc sống, nó càng muốn lắng nghe thật rõ, thật sâu cái nhịp đập của khát khao và cả của trách nhiệm. Hai chữ Ngoại Thương đến với nó qua một câu nói tình cờ của nhỏ bạn thân: “ Tao sẽ thi Ngoại Thương, tao rất thích trường đó”. Vậy đấy, rồi nó bắt đầu tìm hiểu, bắt đầu có những định hướng rõ ràng đầu tiên trong đời. Nhưng rồi, áp lực về điểm số để vào trường là không hề nhỏ. Con bé thật sự hoang mang! Nó dần nghĩ: Nó thì làm sao có thể vào nổi ngôi trường này nhỉ? Cuộc sống là một món quà bất ngờ của tạo hóa. Và món quà ấy đã đến khi nó cầm trên tay bảng điểm thi. Có một thứ gì bỗng bừng sáng và hé mở trong trước mắt nó. Nó thấy một ngôi trường với chiếc logo đỏ rực, cái sắc đỏ mang theo biết bao niềm hạnh phúc và tự hào, cái sắc đỏ mà nó đã từng nghĩ đến nhưng rồi lại trôi đi trong chính ý nghĩ của nó. Những câu nói cứ nhảy múa trong đầu nó “ Mày đã làm được rồi đấy. Mày đã có thể đậu Ngoại Thương rồi đấy”. Nó bất giác nở nụ cười, nhẹ nhàng nhưng tràn đầy hi vọng! Giờ đây, khi chỉ còn cái ngày nhập học không xa nữa, nhìn lại cả một con đường dài mà con bé đã đi qua, nó cảm thấy yêu bản thân nó vô cùng. Con đường tuy rất dài mà cũng thật rất ngắn. Mười hai năm đến trường, mười hai năm áo trắng -quần xanh đối với nó dường như đã khép lại chỉ sau vỏn vẹn ba ngày đầu tiên của tháng Bảy rực nắng. Trên con đường suốt mười hai năm ấy, vấp ngã có, hoa hồng có, mệt mỏi có, nản chí có... Sau tất cả, con bé cuối cùng đã biết rằng: Nó phải có lòng tin ở bản thân nó, phải biết tin tưởng chính bản thân nó. Và con bé thấy mãn nguyện về lựa chọn cuối cùng của nó.
216
Hơn bao giờ hết, nó cảm thấy yêu quý ngôi trường Đại học của nó, nơi có những anh chị nhiệt tình đang vẫy tay chào nó, nơi có những điều mà nó sẽ biến không thể thành có thể, nơi của những điều mới mẽ mà nó chưa từng nghĩ đến. Và đó hiển nhiên rồi, đó cũng chính là nơi nó sẽ bắt đầu một hành trình mới mà chính nó cũng không thể nói trước được! Những tháng ngày mơ mộng… Gửi ngôi trường mà con bé mong chờ biết bao!
217
Hành trình của sự may mắn Văn Xuân Thành
218
“Không phải chỉ những niềm vui mà cả những nỗi đau cũng là sự may mắn…
219
Tôi may mắn vì sinh ra trong một gia đình khá giả, nên việc duy nhất tôi cần chỉ là đi học, học cho thật giỏi mà thôi. Đó cũng là việc duy nhất mà tôi giỏi. Nhờ vậy mà tôi mới can đảm ước mơ vào FTU và đã thực hiện được nó. Tôi may mắn khi lên lớp 12 đã gặp được ba thầy cô tuyệt vời với chuyên môn sâu rộng các môn Toán, Lý, Anh, không chỉ truyền đạt về mặt kiến thức mà luôn uốn nắn tôi về cách làm người, truyền và giữ ngọn lửa quyết tâm trong tôi mỗi ngày. Tôi vẫn nhớ như in câu nói của cô dạy toán: “Con phải làm sao để ông trời nhìn xuống thấy thương thì ổng mới giúp con”. Mỗi khi tôi cảm thấy chán nản, cảm thấy muốn từ bỏ mọi thứ, thì tôi lại nhớ lời của cô và lại đứng lên chiến đấu tiếp Tôi may mắn vì có con bạn thân tuyệt vời, luôn luôn lắng nghe và có mặt mỗi khi tôi cần. Những cuộc gọi điện thoại nửa đêm, những ly trà đào tán gẫu trước giờ học, tôi mãi không bao giờ quên được. Nếu không có nó, chắc tôi không còn ngồi đây mà chia sẻ cuộc hành trình này nữa.. Tôi may mắn vì đã biết thế nào là yêu khi bước sang tuổi 17 cũng như nếm trải những cay đắng của nó. Nhờ vậy, việc bị thất tình trước khi thi một tháng không còn có thể khiến tôi suy sụp. Tôi phải sống cho thật tốt, vì đó là cách trả thù ngọt ngào nhất. Tôi may mắn vì đã nhận được những lời khinh thường lẫn thách thức từ mọi người. Bị chửi, bị ghét, bị cô lập,… những thứ mà tôi nhận được từ cấp 2 đã khiến một đứa con trai phải bật khóc mỗi đêm khi nghĩ về. Dù muốn nhưng tôi không cho phép bản thân mình gục ngã. “What doesn’t kill you will make you stronger”.
220
Tôi đứng lên, sống tiếp mà trong lòng lúc nào cũng sôi sục mơ về một ngày bản thân mình được công nhận. Và giờ tôi ở đây, ở FTU, đứng lên trên tất cả những kẻ đã từng làm tôi tổn thương. Nhưng đó chỉ là sự bắt đầu. Tôi còn cả một hành trình phía trước. Nếu bạn đang phải vật lộn với một điều gì trong cuộc sống, hãy nhớ đến câu này “Everything happens for a reason”. Một ngày nào đó khi nhìn lại, bạn sẽ mỉm cười và thầm cảm ơn nó.
221
Ước mơ và hành trình Lê Hoàng Yến Nhi
222
“…tôi không một phút giây nào cảm thấy ân hận khi quyết định chọn Ngoại Thương làm điểm dừng chân kế tiếp..”
223
Cũng chẳng phải bản thân có ý định viết gì nhiều vì vốn dĩ mình cũng không phải là đứa văn hay chữ tốt, tình cờ lướt face thấy dự án in thành sách của các anh chị nên mới nảy ý định viết mấy dòng này, ít ra cũng là lưu lại tên mình trong một cái gì đó của Ngoại Thương để bắt đầu cho bốn năm đầy thú vị này. Hơi ngoài lề một chút, nhưng cảm thấy rất may mắn khi được vào Ngoại Thương, là K54 năng động, và đặc biệt được các anh chị chiếu cố rất nhiều. Dù được học trong một môi trường cũng cực kì tốt ở Huế nhưng chưa ở đâu tôi thấy các anh chị lứa trên lại tận tình đến vậy. Chăm sóc, chỉ bảo, sự nhiệt tình.. là những gì chúng tôi nhận được mặc dù còn chưa chính thức bước chân vào trường. Nói về hành trình đến với Ngoại Thương, bản thân cũng không biết nên bắt đầu từ đâu nữa. Có lẽ từ lúc bước chân vào cấp 3 Ngoại Thương đã tồn tại trong tiềm thức. Là một con người luôn đặt ra kế hoạch, tôi lấy Ngoại Thương làm mục tiêu để phấn đấu, thậm chí tôi còn định hướng cả cuộc đời mình như sau này làm nghề gì, ở đâu.. Nhưng lúc ấy, tình yêu đối với Ngoại Thương không lớn như bây giờ. Tôi biết đến Ngoại Thương chỉ như là một ngôi trường thuộc top và có điểm chuẩn cao, một phần nào đó bản thân lại muốn thử thách, đi đến Hồ Chí Minh để sống một mình. Tôi tự gọi đó là sự nông nỗi, chưa bao giờ suy nghĩ về những gì mình thực sự thích, thế mà nhờ vào giây phút ấy, giờ tôi hài lòng vì mình đã đạt được mục tiêu, tôi không một phút giây nào cảm thấy ân hận khi quyết định chọn Ngoại Thương làm điểm dừng chân kế tiếp. Trong một buổi tư vấn tại trường, tôi nhìn thấy gian hàng Ngoại Thương. Ở đó tôi thấy các anh chị học rất giỏi của trường tôi đã từng học chuyên Anh, chuyên Hóa,... tôi tự
224
thấy bản thân nhỏ bé, bởi tôi chưa từng nghĩ khả năng của mình đủ. Tôi ngại bước đến, tôi sợ người ta thấy tôi rồi nghĩ rằng “con kia học bình thường mà cũng bày đặt thi Ngoại Thương”. Tôi tự ti mặc dù tôi nghĩ rằng mình học cũng rất ổn. Nhưng các anh chị rất nhiệt tình, kéo tôi xuống và kể cho tôi nghe tất tần tật những cái hay ở Ngoại Thương, cái thú vị của mỗi ngành, và rằng các anh chị đã rất vui khi được học ở đó. Tình yêu dành cho Ngoại Thương trong tôi càng lúc càng vững chắc… Kể từ hôm đó, tôi càng quyết tâm hơn nữa. Họ hàng, bạn bè, hay cả những cô thầy hỏi tôi dự định thi trường gì thì tôi không ngần ngại mà trả lời: “Dạ trường Ngoại Thương Sài Gòn”. Ngoại Thương xuất hiện nhiều hơn trong cuộc sống của tôi: qua cái hình nền điện thoại màu đỏ mà tôi vẫn luôn đặt, qua cái miếng dán siêu vẹo chữ FTU mà tôi tự cắt rồi dán lên tường và còn qua cả cái quyết tâm đậu Đại Học luôn túc trực trong trí óc tôi. Lúc trước học, cái gì khó tôi bỏ qua, tôi ngại phải tìm tòi suy nghĩ, nhưng từ khi quyết tâm thi vào Ngoại Thương tôi kiên nhẫn hơn, suy nghĩ và học hỏi ở các bạn giỏi. Tôi nhận ra rằng Ngoại Thương không chỉ thay đổi tôi ở cách suy nghĩ mà còn rèn luyện thêm tính quyết tâm và hướng giải quyết vấn đề. Bây giờ chỉ còn đúng một ngày nữa tôi sẽ bay vào thành phố Hồ Chí Minh, chỉ còn hơn 24 tiếng để tôi đặt chân đến ngôi trường mà tôi đã mơ ước. Tôi không biết tôi đã đọc được ở đâu, nhưng có một quyển sách đã dạy tôi rằng: “Hãy tự tin bước theo hướng của ước mơ. Hãy sống cuộc đời bạn đã mường tượng” . Lúc tôi ngồi trong phòng thi, dưới cái nóng vã mồ hôi ở xứ Huế, tôi run sợ, tôi đã không nghĩ mình sẽ làm được. Thực ra lúc ấy tôi có ý định từ bỏ, tôi còn nghĩ đến việc sẽ chỉ học tại Huế mà thôi, vì mình có lẽ sẽ không được điểm cao. Vậy mà nghĩ
225
lui nghĩ lại, tôi tự nhủ bản thân hãy tự tin lên và thế là tôi làm được. Ước mơ đến với Ngoại Thương sẽ không bao giờ trở thành hiện thực nếu như tôi không có cái suy nghĩ nông nổi ngày ấy, và cả chút tự tin mới đây. Thực sự mà nói, nếu như lúc trước tôi quyết định thi một trường khác chắc tôi sẽ không có những cảm giác háo hức như bây giờ. Ngoại Thương là một bầu trời lớn với biết bao thế hệ sinh viên năng động, giỏi giang, tuy không biết bản thân có kham nỗi cái danh hiệu ấy không nhưng tôi sẽ cố gắng để 4 năm ở Ngoại Thương sẽ không phải là những năm tháng sống hoài sống phí. Tôi cũng không có ý định viết một bài dài như thế này, nhưng thực ra đây chỉ là những dòng tâm sự rất chân thật mà tôi muốn chia sẻ với mọi người và tôi chọn cách để bắt đầu cho 4 năm tiếp theo là in tên mình trên trang sách của cuốn “Ngoại Thương - Hành trình của tôi”.
226
227
Hành trình mới Hồ Lê Xuân Thủy
228
“Những gày ấy...là những ngày không cho người ta đến một phút giây để thư giãn nhưng cho cả hàng giờ để tin tưởng và yêu thương…”
229
“Đi qua thời thơ ấu, xếp tạm những cánh bướm vàng trong câu hát ngày xưa, tiếc nuối tháng năm bằng một niềm đau rất thật, khẽ khàng gật đầu chấp nhận “Ta đã lớn rồi”...” Những ngày tháng tám mưa ngâu, trời không còn làm giông làm gió như những ngày mưa đầu mùa, thi thoảng vài cơn mưa nặng hạt đột nhiên kéo đến. Mưa khiến những tâm hồn non trẻ như được tưới thêm những sắc thanh mới - trải lòng, già dặn và cô đơn. May mắn thay, trời mưa không trêu ngươi người đang ngồi viết, nên ai đó cũng mỉm cười mãn nguyện và nói với những người trân quý rằng “Con đậu ngoại thương rồi này” Những tháng ngày rảnh rỗi, vụng tâm trầm mặc nghĩ suy về những năm tháng đã cùng mình đi qua, ấy vậy mà đã 12 năm ngày ngày kề vai mang cặp đến trường. Trên chuyến hành trình mà ba mẹ đã gắng công chèo lái bằng tình yêu, mồ hôi và cả lòng kiên trì ấy, ai đó được chở cũng chẳng lúc nào quên trách nhiệm của mình. Thế là, lại có thêm một ước mơ mang tên Ngoại thương... Hành trình đến ngoại thương là những chuỗi ngày giúp tôi nhận ra mình thực sự trưởng thành. Từ ước mơ ngây ngô, vụng dại đến những khi trắng đêm để vun trồng cho ước mơ ấy. Từ cô bé chỉ biết ngắm nhìn những quả bóng của cuộc đời bay thật cao nay đã có thể vững tin trên đôi chân của mình. Những ngày ấy... là những ngày không cho người ta đến một phút giây để thư giãn nhưng cho cả hàng giờ để tin tưởng và yêu thương. Khó khăn thật, vất vả thật, nhưng là những ngày tôi không thể quên bởi những phấn đấu cho thành công đầu đời. Làm tôi thêm vững tin vào triết lí sâu xa mà nếu chỉ nói suông, hẳn người ta sẽ chỉ bĩu môi mà cười thầm: “... sau bao ngày chỉ có cát vàng với trời xanh nay được thấy
230
chà là xanh tươi hiện ra trước mắt.” Đi qua thời thơ ấu, xếp tạm những cánh bướm vàng trong câu hát ngày xưa, tiếc nuối tháng năm bằng một niềm đau rất thật, khẽ khàng gật đầu chấp nhận “Ta đã lớn rồi”... Đi qua tuổi thiếu thời tươi đẹp, cố nhiên - một chút tiếc nuối, một chút sững sờ nhưng lại hàng nghìn hi vọng. Đi qua những tháng ngày vất vả, thành công đã hé cười. Tuy biết rằng đây chỉ là khởi sự nhưng thật sự tươi đẹp và đáng tin. Chưa từng gắn bó nên tôi không yêu Ngoại thương bằng niềm yêu của một phần tuổi trẻ. Ngoại thương với tôi là mảnh đất gieo hi vọng, trồng niềm tin. Thật mong rằng Ngoại thương sẽ cùng tôi viết nên những hồi ức đẹp, tạo ra một tương lai hạnh phúc cho bản thân và những người mà tôi yêu quý.
231
Ước mơ chung Hàng Thủy Tiên
232
Những dòng sau đây, không phải là một bài dự thi, đó là một câu chuyện... Tôi đã “n’’ lần thấy hối tiếc... 15/06/2013. Đôi lúc, thiếu can đảm một phút, là mất cả một cơ hội. Tôi đỗ vào một trường huyện với số điểm mà ít nhất cũng vào được lớp cận chuyên. Ngồi ngẫm lại, chẳng hiểu có buồn không nhưng trong lòng nao nao quá. Tôi có buồn không? Can đảm ơi, sao mày rời bỏ tao vào thời điểm quyết định? Nhưng thôi... Trường không chuyên chắc gì không đỗ được Đại Học. Tôi thà làm á khoa của một trường huyện còn hơn làm chiếc bóng lặng lẽ trong một trường chuyên. Tôi đang tự an ủi mình? Và đôi lúc thứ mình nghĩ “tồi tệ’’ lại là thứ tốt đẹp nhất... Ngôi trường và Bố... Là một đứa thi học sinh giỏi tin năm lớp 8.Lên lớp 9, đầu học kì đăng ký thi văn, cuối học kì đăng ký toán. Người xưa có câu: “Một nghề cho chính, còn hơn chín mười nghề’’, quả không sai. Hơn hai năm chinh phạt trên đấu trường các cuộc thi học sinh giỏi, tôi tay trắng. Bởi thế, vừa lên cấp 3, tôi chọn ngay một “nghề chính’’ của mình - tôi thi lí. Tôi bén duyên với trường vì tôi thiếu can đảm. Tôi bén duyên với bố vì tôi từng học ngu lí nhất thời cấp 2 đến nỗi chỉ biết giở sách giải và học thuộc. Có nhiều cái nghịch lí cùng tồn tại trong một chỉnh thể hoàn chỉnh. Tôi càng ghét, càng dốt lí tôi càng muốn chinh phục nó. Trường tôi trước giờ chưa có tiền lệ thi vào Ngoại Thương,
233
đó cũng là một điều dễ hiểu khi ai cũng ái ngại khi nghe dự định thi vào Ngoại Thương của tôi. Chỉ có bố. Bố là người duy nhất khiến tôi tự tin khi nhắc đến ước mơ của mình. Bố chỉ lắng nghe và mỉm cười. Nụ cười ấy rất hiền. Cái sự hiền từ ấy có lẽ mãi mãi tôi chỉ tìm thấy ở bố. Tôi san sẻ một phần “giấc mơ Ngoại Thương’’ cho bố. Đó là những chuỗi ngày thức đến 23 giờ để cố gắng giải xong cái đề. Những đêm trời mưa, trong lớp học thêm có tụi nhỏ và bố, tôi còn nhớ rõ cái chậu cái xô dưới đất, rồi cái phòng học lũ chúng tôi gắn bó ba năm, mỗi tuần ba buổi, lại vẫn thường được gọi đích danh là “nhà hoang’’. Ba năm, chẳng bao giờ nhắc đến chuyện học phí, nhưng, chẳng bao giờ lũ chúng tôi thiếu tài liệu. Đó là cách đơn giản bố san sẻ một phần ước mơ cho tôi, cho lũ bạn. Bố - người thầy làm tôi tin nghề giáo vẫn là nghề cao quý giữa cái xã hội bị đồng tiền chi phối quá nhiều này. Ngoại Thương và Mẹ… Mẹ. Đúng nghĩa của từ ấy. Tôi từng đã viết rất nhiều bài, dùng rất nhiều từ ngữ hay để viết và ca ngợi về những người tôi chưa bao giờ gặp như Bill Gates, bầu Đức, Steven Jobs,..Nhưng tôi chưa một lần viết về mẹ. Người vĩ đại hơn mọi vĩ nhân trên địa cầu. Ngay từ nhỏ, tôi đã là đứa rất bướng bĩnh chỉ thích làm những việc mình thích, cãi lời mẹ, có lẽ là chuyện thường nhật. Như những người mẹ khác, mẹ có giận, có nói không thèm quan thì cũng chỉ được vài phút. Lí do đơn giản, vì tôi gọi mẹ là mẹ, và chẳng người mẹ nào ghét con mình được quá một giây. Mẹ đã từng muốn tôi trở thành một giáo viên, một công chức để ‘’học xong còn về đây làm cho có công ăn chuyện làm với người ta, lương có ít thì mẹ lo cho mấy năm đầu, lấy chồng về có việc làm cũng không bị người ta xem thường’’. Có lúc tôi đã nghĩ từ bỏ giấc mơ Ngoại Thương của mình để đi theo con đường của mẹ, việc đầu tiên
234
trong đời tôi làm theo ý mẹ. Chỉ cho đến một ngày, khi can đảm đến đúng lúc, tôi nói với mẹ, con sẽ thi Ngoại Thương, đoán trước sẽ là một câu không đồng ý, nhưng không, nó ngược lại với những điều tôi nghĩ, mẹ chưa bao giờ có ý định phản đối, ngược lại còn ủng hộ nhiệt tình. Hầu hết chúng ta thường nghĩ sai về mẹ mình. Chúng ta thường không khó chịu, bực dọc với người lạ nhưng lại như thế rất nhiều với người thân, đặc biệt là mẹ . Vậy, tại sao?... Đó là cảm giác an toàn. Mẹ. Không bao giờ bỏ rơi chúng ta giữa trời mưa mặc dù có ướt sũng để chạy đi mua áo mưa hay đơn giản là nhường cho ta chiếc áo. Đã bao lần bạn về nhà cầm bát cơm mà hỏi mẹ ăn chưa? Bạn rút sạch thẻ để mua mớ áo, mớ quần mà chẳng thấy tiếc, có bao giờ dừng lại nghĩ Tết rồi mẹ may áo mới chưa? Tôi không phải là đứa vô tình, nhưng quả thật tôi là đứa vô tư, vô tư đến độ vô tâm. Và cách mẹ quan tâm bao giờ cũng thầm lặng. Để vô tình đôi khi bất chợt nhận ra, mình nợ mẹ một món nợ, mà dù có tốt nghiệp Ngoại Thương rồi có thành tỉ phú đi chăng nữa cũng chẳng bao giờ trả hết. Mẹ, dắt tôi đến Ngoại Thương theo cách thầm lặng của bà. Không bao giờ nói ra nhưng luôn ở sau ủng hộ. Mẹ - “người san sẻ ước mơ” lớn nhất đời tôi. “Hành trình’’ của tôi là đó, là một chuỗi ngày dài phấn đấu bên cạnh những người đồng hành đích thực, đưa bạn đến ước mơ. Tôi cố gắng để thực hiện giấc mơ của ba mẹ, của thầy, của mọi người và hơn hết là của tôi.Bước chân vào ngưỡng cửa Ngoại Thương đó chỉ là chạm tay đến một phần ước mơ ,tôi biết,vì ước mơ của tôi không chỉ dừng lại ở việc đỗ Đại học.
235
236
237
Mục lục Lời nói đầu
3
Tạm biệt những năm tháng ấy
6
Đào Gia Tuấn
NGOẠI THƯƠNG, bước tạo đà cho những thành công
12
Không đề
16
Hành trình đến Ngoại Thương cảm nhận mình hạnh phúc đến nhường nào
21
Hành trình của tôi
27
Game thủ
32
Chiến thắng chính bản thân mình!
35
Chẳng bao giờ chỉ là một cái tên!
40
Bước tạo đà thành công
45
Những năm tháng hi vọng
48
Dù chỉ nhìn được có một mét ở phía trước thì vẫn cứ bước!
54
Ngoại Thương
58
Vy Hoài Anh
Huỳnh Bảo Ngân
Nhược Nam
Cao Thị Thuỳ Dung
Nguyên Khang
Khánh Ly
Nguyễn Thị Thu Hồng
Nguyễn Gia Bảo
Hồng Nhung
Nguyễn Hoàng Anh
Lan Anh
238
Tấm vé đến với ước mơ
63
Một chữ ngờ đầy ý nghĩa! Hương
66
Ngoại thương
70
Nơi tình yêu bắt đầu
75
Đam mê và tự hào
81
Ngoại thương từng là ước mơ của tôi
86
Can đảm để yêu
91
Ftu, you are my future
94
Hành trình lạc mất và tìm thấy
96
Hiền Phương
Khánh Ngân
Hiền Thanh
Nguyễn Ngọc Vân Anh
Nguyễn Thị Yến Nhi
Võ Thanh Hòa
Huỳnh Minh Phúc
Phan Thị Hoài Thương
Hành trình của tôi
100
Những ngày Ngoại thương với phố biển Nha Trang
109
Ngoại thương trong tim tôi
115
Chút tình nhắn gửi Ngoại thương
120
Một con đường khác
124
Nguyễn Quang Hoàng Lâm
Nguyễn Quan Hà
Phùng Thúy Hằng
Nguyễn Anh Tài
Nguyễn Hữu Quỳnh Hương
239
Kí ức một chiều mưa
133
Có thể nào chỉ là vì thích?
137
Một môi trường sẽ biến đứa rụt rè trở nên năng động
141
Đường còn dài
146
Có điều gì đó mà tôi gọi là định mệnh
152
Ước mơ và hành trình
156
Mối tình tưởng chừng bị quên lãng
161
Con đường nhiều ngã rẽ
167
Điểm hẹn của quyết tâm
171
Con đường đến với đam mê
176
A sweet dream
182
Bàn đạp dài tới ước mơ
185
Chật mà chất!
192
Cơ trời và duyên số bắt đầu cuộc hành trình mang tên Ngoại Thương
194
Trương Hoàng Bảo Châu
Nguyễn Như Quỳnh
Lê Xuân Ngọc Anh
Đặng Hoàng Nam
Nguyễn Anh Sa
Lê Hoàng Yên Nhi
Huỳnh Thị Bích Chi
Phạm Trần Phương Nga
Đỗ Thị Hạnh Trinh
Ẩn danh
Nguyễn Huân Đan Nguyên
Lê Thị Hạnh
Phạm Ngọc Minh Thông
Nguyễn Thị Thu Huyền
240
Hành trình yêu
198
Kết thúc của hành trình không có sự bắt đầu
203
Chọn thứ mình giỏi nhất, chứ không phải thứ mình thích nhất
207
Những tháng ngày mơ mộng
213
Hành trình của sự may mắn
217
Ước mơ và hành trình
221
Hành trình mới
227
Ước mơ chung
231
Trần Thị Cẩm Nhung
Dương Quỳnh Vy
Lê Mỹ Ngân
Nguyễn Thị Minh Thư
Văn Xuân Thành
Lê Hoàng Yến Nhi
Hồ Lê Xuân Thủy
Hàng Thủy Tiên
241
Ngoại Thương - hành trình của tôi Dự án hỗ trợ tân sinh viên K54
Chịu trách nhiệm xuất bản: PHẠM QUỐC ĐẠT Biên tập: NGUYỄN HÀ TRANG PHẠM QUỐC ĐẠT TRẦN NÔNG LA VY Thiết kế bìa: HUỲNH NGỌC XUÂN TRƯỜNG Trình bày HUỲNH NGỌC XUÂN TRƯỜNG PHẠM QUANG TRƯỜNG HOÀNG
The Thirteen Trường Đại học Ngoại Thương cơ sở 2 15 D5, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
242
243
Từ bây giờ tôi vẫn sẽ viết tiếp những trang sách của riêng tôi và tôi biết chắc rằng FTU là một phần không thể thiếu trong tôi từ nay về sau... - Trích Ngoại Thương hành trình của tôi
244