Ánh Sáng Á Châu (Light of Asia) Tác giả : Sir Edwin Arnold Pháp dịch : L. Sorg Việt dịch : Đoàn Trung Còn --o0o—
Lời Tựa Quyển Ánh Sáng Á Châu này tức là chuyện kể đời của Phật Thích Ca bằng văn thi, bản chánh soạn bằng Anh ngữ, do công phu của nhà văn hào người Anh tên là Sir Edwin Arnold sáng tác bằng văn vần một cách thanh nhã và đoan trang. Ông Léon Sorg dịch ra Pháp văn nhan đề " La lumière de l'Asie". Nay tôi nương theo quyển Pháp văn mà dịch ra Việt văn, nhan đề "Ánh sáng Á Châu". Mặc dầu dịch ra văn vần thì rất khó khăn và phải phí rất nhiều thời gian, nhưng tôi cũng cố gắng phiên dịch bằng thi thượng lục hạ bát, mong rằng với thể văn ấy, bạn đọc cũng như tôi, chúng ta ắt dễ cảm hóa để hấp thụ Giáo lý thanh cao, Triết học thâm thúy, Siêu hình tinh vi mà các nhà tôn giáo, văn hóa, triết học và khoa học Âu Mỹ đời nay đều công nhận một cách kính phục . Thật vậy, Đức Phật Thích Ca có sống đời cách nay hai ngàn rưỡi năm. Tuy là hàng Vương giả sang trọng, nhưng ngài hòa mình vào các tầng lớp nhân dân, nhứt là ngài thường đoái tưởng tới hạng bình dân, tới hạng nghèo hèn, chia bát cơm manh áo do họ thân tặng, uống chén nước bát sữa do bàn tay lem luốc của họ kính dâng . Nhân các dịp gần gủi thân mật ấy, Ngài đem lý từ hòa, hỷ xả mà giáo hóa họ, đem lẽ tiến hóa mà cảm thông họ. Nhờ vậy, vào thời buổi ấy, ở Ấn độ, người ta sống một đời sống rất hạnh phúc, kẻ lê thứ thì kính mến nhà trí thức, nhà tôn giáo, nhà cai trị, nhà quân quyền. Còn kẻ bề trên nhờ hấp thụ Phật lý mà đem lòng thương tưởng lê dân, cộng tác với Phật trong việc thanh bình đất nước: người người trở nên hòa lạc, thân ái từ tâm tư đến ngôn ngữ và hành vi vậy. Chẳng những riêng đối với loài người trong các giai cấp, mà đối với hạng thú cầm sống trong cảnh đọa lạc hoặc trong cảnh kém tiến hóa, đối với các linh hồn bị trừng phạt nơi cảnh thấp vì đã lỡ lạc lầm, cùng đối với các Thần Tiên đương hưởng phước ở cảnh cao nhờ trước đã sống đời một cách phước thiện, Đức Phật cũng hằng tiếp xúc với họ để an ủi họ hoặc để nâng chí họ trên đường tiến tu tiến đức. Khi xem qua quyển sách nầy, quí bạn sẽ thấy rằng Giáo lý của Phật không phải là mê tín, không phải là dị đoan. Mà là một nền Đạo đầy đủ, đáng tôn, đáng kính, thuần lương, ôn hòa, rất hợp với tư tưởng của đa số các nhà trí thức ngàn đời. Trong đó, có chứa thuyết trung-dung, lẽ luân thường của Khổng Tử, lý vô vi thanh tịnh của Lão Tử, lẽ huyền bí, tín ngưỡng và giải thoát của Gia Tô, lý tu thân chỉnh tâm của các nhà triết học Hy lạp, nhứt là những lẽ cao siêu về sinh vật, về vũ trụ, mà các nhà khoa học gần đây đều công nhận và các nhà khoa học hiện nay đương tìm tòi thêm ra để biện minh cho rành rẽ.
Vả lại, quyển " Ánh Sáng Á Châu " nầy có cái đặc sắc là không thần quyền hóa đức Phật, không đề cao địa vị thánh thần của Ngài, mà đặt Ngài vào vị trí một Người, cùng cảm những mối cảm của nhân gian, nhưng biết kiềm chế các mối cảm ấy để thoát ly khỏi lãnh vực cảm xúc, trìu mến mà trở nên tự tại, giải thoát và giải thoát cho đời. Như lúc Thái tử sắp bước ra khỏi thâm cung, bấy giờ người vợ hiền đang ngủ yên, thì có mấy câu: Ngài rằng: "Nệm ấm chăn tơ, Trượng phu thôi chẳng bao giờ nằm đây! » Ba lần Ngài cất bước đi, Ba lần trở lại, ấy vì Da-Du... Trước khi thót lên ngựa để ra khỏi hoàng thành, trước khi rời kinh đô Ca-tỳ-la-vệ để lên non tu luyện, thì có những câu: Thương cha, mến vợ rất sâu, Còn hơn yêu chỗ vui cầu của ta, Nhưng nay đành phải lìa xa, Tầm phương cứu vợ, cứu cha, cứu đời. Và sau khi thành Đạo, sau khi thành Phật đã nhiều năm, bấy giờ Ngài trở về kinh thành Ca-tỳla-vệ mà hóa độ thân nhơn, thì có những câu: Ngài đà nguyện dứt tình nồng, Không còn đụng chạm thịt hồng nữ nhơn. Tại sao lúc nọ đứng gần, Để cho vợ cũ ân cần ôm hôn? Ngài rằng: Quảng đại tâm hồn Cũng còn luyến ái như phồn nhỏ nhen. Mặc dầu cao nhã đáng khen, Chớ đem Giải thoát làm phiền người ta. Vậy mong rằng các bạn đem lòng bình thản, lòng an nhiên, lòng thanh tịnh, lòng kính tín mà xem đi xem lại quyển sách này, ắt sẽ được vững tâm trên con đường Đạo lý, sẽ vững chí để lần bước theo gót các trang Hiền Thánh ngàn xưa mà người đời hằng tôn kính vậy.
Sài Gòn, tháng năm dương lịch 1965 Phật tử ĐOÀN TRUNG CÒN ---o0o----
Ánh Sáng Á Châu
Tác giả : Sir Edwin Arnold Việt dịch : Đoàn Trung Còn , link: http://www.vietgle.vn/trithucviet/detail.aspx?pid=N0FDRjBCMEE&key=%C4%90o%C3%A0n+Tr ung+C%C3%B2n&type=A0 http://sachxua.net/forum/index.php?topic=1916.0
)()()(
Phần thứ nhất ĐẢN SANH VÀ THỜI NIÊN THIẾU
Từ cung trời Ðâu-suất, Bồ-tát được Phạm thiên và Tứ Thiên vương thỉnh mời tái sinh xuống thế. The Bodhisatta (Buddha-to-be) was invited by Brahma and Four Celestial Kings to be born in the world from Tusita Heaven.
Trên trời, giữa Hội quần Tiên, Thế-Tôn quyết định giáng miền trần gian. Bấy giờ, điềm lạ ứng ban, Thần-Tiên khắp chốn hân hoan, bảo lần: "Phật Ngài sắp xuống cõi trần, Ấy là kỳ chót mang thân độ đời." Thế-Tôn truyền dạy mấy lời: "Rằng ta giáng thế một đời nữa thôi,
Tử-sanh ta sắp khỏi rồi, Và chư đệ tử những người theo ta. Rồi ta chọn họ Thích Ca, Vua hiền dân thiện gần tòa Tuyết san [1]." ***
Khi Hoàng hậu Maha Ma-da, mẹ của Ðức Phật, thụ thai, bà nằm mộng thấy một voi trắng từ một ngọn núi vàng bạc mang một đóa hoa sen đến dâng cho bà. In the day Sirimahamaya, the Buddha's mother, conceived a child, she had dreamt that there was a white elephant descended from the silver and golden mountains and brought her a lotus.
Đêm kia, hoàng hậu nghỉ an, Gần vua Tịnh Phạn [2], bên màn thấy qua: Một ngôi sao đẹp túa ra,
Trên trời sa xuống sáng lòa hào-quang, Bên trên, bạch tượng rõ ràng, Sáu ngà oanh liệt, đoan trang thay là. Lướt mây xuống tới cung bà, Do hông bên mặt Ma-Da [3] mà vào. Hoàng phi tỉnh giấc mộng đào, Thấy lòng khoan khoái biết bao mà lường! Bấy giờ cõi thế mười phương, Hào quang êm dịu mịn màng chiếu ngay; Núi non hùng vĩ lung lay, Bông hoa đua nở như ngày ban trưa. Tấm lòng hoàng hậu thích ưa, Chiếu đi Địa ngục, độ vừa Âm ty. Khắp trong các cảnh mê si, Nghe ra có tiếng tiên tri như vầy: "Rằng nay kẻ chết tỉnh ngay, Chúng sanh mờ mịt được ngày tấn tinh; Đua nhau lướt tới nẻo lành, Vì chưng Đức Phật giáng sanh giữa trần!" Khắp trong các giới Tiên Thần, Đâu đâu đều cũng được phần an vui; Thế gian muôn vật tỉnh tươi, Một luồng gió thiện lại bồi thổi qua. Sáng ngày tin ấy truyền ra, Mấy ông Đạo sĩ bàn xa mấy lời:
"Mộng điềm Hoàng hậu tuyệt vời, Thánh nhơn Thái tử đầu thai vào nhà. Một trang lỗi lạc tài ba, Giúp trong muôn vật, độ qua muôn loài. Nếu Ngài chẳng thuận ở ngai [4] , Thì đi cứu thế, khiến đời dứt mê." ***
Ðản Sanh: Vào đêm trăng tròn tháng tư, năm 625 trước Tây lịch, Ðức Phật ra đời tại vườn Lâm-tì-ni. Sau khi sinh ra, Ngài bước bảy bước, mỗi bước có hiện ra một hoa sen nâng đở chân Ngài. Ngài tuyên bố là Ngài là người đáng tôn thờ nhất. Birth: On the Full Moon Day of Vesak month, 625 B.C.E., the Buddha was born in Lumbini Park. Immediately after being born, he walked for seven steps, and there was a lotus holding him up at every step. He said he was the most exalted one in the world.
Đức Bà ngày tháng gần kề,
Một hôm dạo cảnh vườn huê giải sầu. Dưới cây đứng tựa hồi lâu, Lá tươi sáng rỡ, hoa mầu thơm tho. Cây linh quật nhánh che cho, Đất linh nảy nở hoa to hầu bà. Đá kia cũng cảm sâu xa, Tuôn ra suối nước cho bà tắm chơi. Bấy giờ Hoàng tử ra đời, Băm hai (32) tướng tốt chói ngời trong thân. Tin nầy thấu đến trào thần, Kiệu hoa đem tới ân cần một khi. Thiên Vương hiện xuống bốn vì, Ghé lưng vào kiệu khiêng đi như thường. Tiên Thần ở khắp các phương, Cũng đều hiện đến trên đường rất đông; Cõi Trời ai cũng vui lòng, Vì nơi Dương thế được hồng phước ban; Ấy là đức Phật giáng phàm, Trở về cõi thế cứu an vật người. *** Đức vua Tịnh Phạn chẳng nguôi, Dữ lành chẳng rõ, hên xui chẳng tường. Mấy thầy tường số khuyên thường, Hoàng nam mạng lớn Đại Vương [5] đó mà, Cả ngàn năm mới hiện ra,
Có theo bửu vật thảy là bảy phương [6]; Lễ mừng sắp đặt tinh tường, Trên đường quét sạch, mùi hương rưới cùng. Đèn treo, cờ phất, trống thùng, Chúng dân ăn lễ thảy đồng vui thay! Múa men, đánh võ, hát hay, Địch đờn, đu lộn, chạy bay đủ điều. Những nhà thương khách dập dìu, Lễ mừng đem nạp rất nhiều món xinh: Ngọc, ngà chói nước sáng anh, Dầu thơm, khăn khiếu tốt lành mịn trơn. Lại thêm vua chúa nước gần, Tặng mừng trân báu thập phần tinh vi. Tướng xinh Hoàng tử chúng vì, Đặt tên Tất-Đạt [7] nhờ uy phát cùng. ***
Khi ẩn sĩ Kaladevila đến thăm hoàng nhi, vị hoàng tử trẻ lập tức hiện ra trên đầu vị ẩn sĩ. Vua Tịnh-phạn, cha của Ngài, và dòng họ Thích-ca, đãnh lễ với Ngài. When a hermit named Kaladevila visited the child, the prince mystically appeared on the head of the hermit. King Suddhodanama, his father, and all the Sakyans bowed before the prince.
Khách xa bỗng thấy một ông, Tư-Đà đạo sĩ [8] có công tu trì, Việc đời thị thị phi phi, Ngoài tai dẹp để chẳng ghi vào lòng. Nhơn khi nhập định cội tòng, Nghe thần mách bảo Thế hùng giáng lâm. Ông người tu đắc Phép thâm, Lâu năm tập luyện, giữ tâm tịnh thành. Ông vào, vua rất hoan nghinh, Và bà Hoàng hậu đem trình Hoàng lang.
Tiên nhơn làm lễ vội vàng, Giập đầu xuống đất, niệm vang mấy lời: " Bạch Ngài, tôi kính thờ Ngài, Từ bi Phật Tổ chẳng sai đâu mà: Hào quang vàng hực chói xa, Bàn chơn, trước ngực hiện ra dấu lành [9]. Ba mươi hai tướng tinh anh, Tám mươi tướng nhỏ khuôn linh tô bồi, Hẳn ngài Phật Tổ đó rồi, Từ bi thuyết pháp lần hồi độ sinh. Tôi đây chẳng thọ Pháp linh, Vì tôi già cả lanh quanh gần tàn. Nhưng nay tôi được vui an, Vì tôi trông rõ dung nhan đức Thầy." Trước vua, Ông Đạo tâu ngay : " Hoa nầy thật hiếm nở rày trần dương ; Cả muôn năm mới hiện tường, Mùi thơm Trí huệ bốn phương bay cùng. Ngọt ngào như mật ổ ong, Là lòng bác ái phổ trong muôn loài. Hoàng gia hạnh phúc trên đời, Được Hoa sen lạ cõi Trời nở ra. Nhưng rồi vua phải lụy sa, Vì chưng Hoàng tử xuất gia tu hành. Lệnh bà Hoàng hậu hiền lành,
Trổ sanh đức Phật, ắt dành phước sâu. Cho nên dứt sự khổ đau, Trở về Tiên cảnh cách sau bảy ngày." *** Khen tài ông Đạo đoán hay, Ma-Da hoàng hậu đúng ngày qui Tiên, Sanh lên Đao Lợi [10] là miền, Thiên thần tôn-trọng, tiếp liên hầu bà. Còn phần Thái tử Đạt-Đa, Ba-Xà hoàng hậu [11] rước mà dưỡng nuôi. Môi nhà phổ khuyến ngọt bùi, Đã từng nhờ vú của người mà nên. *** Đạt-Đa tám tuổi lớn lên, Vua cha định chọn thầy riêng dạy Chàng, Đặng sau nối giữ ngôi vàng, Sợ e thành Phật nhiều đàng khổ ghê [12]. Triệu chư quan chức tựu tề, Hỏi: “Ai thông thái giỏi bề văn chương?“. Các quan đồng ứng tỏ tường: Ngài Tỳ-Xa-Mật hẳn trang hiền tài, Dẫu kinh kệ, dẫu sách ngoài, Việc văn việc võ, cả hai đều đồng. Vua bèn triệu đến đền rồng, Phong cho chức trọng khai thông con mình.
Một hôm vừa đến ngày lành, Thích Ca Hoàng tử đứng nhanh hầu thầy: Tay nâng bảng ngọc, bút chì, Mắt thời ngó xuống, chờ ghi lời truyền. Tôn sư chầm chậm hô lên Bài kinh cầu nguyện Đấng trên Thiên Tào [13] . Kinh nầy thật ít truyền trao, Riêng nhà quí phái nghe vào tu tâm. Đạt-Đa cầm bút chú chăm, Viết bài Kinh ấy ra trăm ngàn hình. Viết theo chữ các dân tình, Viết từ chữ cổ đến thành chữ kim, Viết theo tiếng nói các miền, Của người động đá với ven biển hồ, Những người thờ rắn đất sâu, Những người thờ lửa, thờ lâu mặt trời, Những nhà phù phép cao vời, Những vì ở chốn điện đài cố kiên. Khen tài Thái tử siêu nhiên, Các tuồng chữ lạ tiếp liên viết rành. Tôn sư rất thỏa tấm tình, Bảo rằng : Thôi hãy học hành tính phân [14] . Ta đây đếm trước một lần , Trăm ngàn [15] trò sẽ liệu chừng học theo. Đạt-Đa tập cũng đúng chìu,
Một, Mười, Trăm,... Vạn đếm đều như nhau. Nhưng còn nối tiếp thêm sau, Thật là tỉ mỉ khó âu biết tường. Đếm ngay tới vật tiểu lường, Tới loài nguyên tử [16] , bụi đường khó trông ; Số sao đêm tối cũng thông [17], Bao nhiêu giọt nước biển hồng đếm ra ; Tính luôn số cát Hằng hà [18] Tinh thông tới giọt mưa sa cõi trần, Mưa hoài trong cả vạn năm, Sức ngài biết nổi bao lăm giọt rời : Tính qua Đại Kiếp [19] chẳng chơi, Ngàn muôn triệu ức năm dài đó chi ; Đại Tiên hưởng phước đủ đầy, Lâu dài rồi mới giáng đi xuống trần. *** Tôn sư chừ mới tỏ phân: Trò mà giỏi vậy có cần tôi chi? Thôi còn môn nữa nói đi, Kỷ hà học với đường ghi đó mà. Đạt-Đa nhỏ nhẹ phân qua: "Xin Thầy nghe trẻ trình ra mấy điều: Bắt từ vật nhỏ mà nêu, Người đời khó nổi hiểu nhiều như đây, Sức đo phương tiện ai tày,
Đo lần lên tới bụi đầy cõi ni; Bụi kia bảy hột nhập đi, Ấy bằng một sợi râu thì chuột ta; Bảy lần hột lúa mạch nha, Với lưng vò vẻ [20] thật là bằng nhau; Mạch nha mười hột kê vào, Tức bằng một lóng tay dao của người; Mười hai lóng, một gang rồi, Kế là thước chỏ [21], sào khơi đó mà. Cũng dùng cung ná, giáo ta, Hai mươi cây giáo hiệp là một hơi. Ấy là trên khoảng đường dài, Một người phải chạy một hơi cho vừa, Bắt qua phép tính cái "gưa" [22] Một gưa bốn chục hơi thưa tiếp bền; Do-tuần [23] bốn chục gưa trên, Như thầy muốn nữa tôi nên chỉ tường, Do-tuần dài dặc trên đường, Chứa bao nhiêu bụi tôi lường cũng xong. Nói rồi tính một hơi ròng, Bao nhiêu hột bụi kể hồng đúng y. " Tôn sư chừ mới lạy quỳ: "Thầy là ngài đó, tôi ni đáng trò; Nay tôi tôn kính, xưng to : Ngài thông tất cả chẳng dò sách chi,
Thế mà ngài cũng kính vì, Làm như chẳng biết đặng đi học hành”. *** Ngài từng cung kính thầy mình, Tuy Ngài trổi sức thông minh nhiều lần. Nói năng êm ái, ân cần, Mặc dầu quảng bác, giữ phần chẳng kiêu. Nết đi, cách đứng đáng yêu, Mặt mày ra vẻ đúng chìu Đông cung. Nhỏ nhoi, nhu nhượng, lành lòng, Nhưng mà gan dạ anh hùng biết đâu; Trong khi săn lộc rừng sâu, Đố ai tế ngựa chạy mau bằng Ngài; Và khi đua cộ đền đài [24], Chính Ngài đệ nhứt thị oai hơn người. Những cơn săn bắn vui cười, Ngài thường bỏ dở, thả loài thú ra ; Lại trong mấy cuộc đua xa, Thấy người mệt nhọc, ngài thà dừng chơn, Thấy chư hoàng tử thua, buồn, Chạnh lòng Ngài chẳng nỡ hơn làm gì. Hoặc trong trí tưởng đều chi, Tức thì bỏ cuộc vui đi chẳng màng: Lâu ngày đức ấy tràng mang, Cũng như cây cỏ to tàng về sau.
Nhưng Ngài chẳng biết âu sầu, Chẳng hề khổ não đớn đau khóc vùi. Có khi họ tỏ khúc nôi, Nhưng mình chẳng khổ, chẳng nguy, chẳng tường. *** Một hôm xuân nở ngoài vườn, Có bầy hạc nội thuận đường bay khơi, Lần về Hy Mã là nơi, Thảy đều vui với bạn đời mến yêu. Xảy đâu gặp chuyện buồn hiu, Mà con hạc chúa mắc điều họa đây: Đề-Bà thế tử nhắm ngay, Bắn lên một mũi tên bay vào mình; Chim kia bị nạn thình lình, Tức thì sa xuống thân hình đỏ tươi [25]. Đạt-Đa Thái tử đến bươi, Dịu dàng lượm lấy, ôm thôi vào lòng. Ngài ngồi chơn xếp vào trong, Cũng như Đức Phật nhập vòng thiền na [26]; Tay Ngài sửa cánh chim sa, Vỗ về mơn trớn, như cha thương tình. Thấy chim dứt sự hãi kinh, Ngài bèn nhổ lấy mũi tên phá đời. Kế Ngài lựa lá mát tươi, Trộn cùng mật tốt rịt nơi vết trầy.
Bấy giờ thử đặt vào tay, Mũi tên nhọn vắt đâm rày rất đau. Ngài vừa mơn trớn vuốt đầu, Vừa sa nước mắt, ưu sầu hạt rơi [27]. Một người bỗng bước tới nơi, Tâu rằng : " Thế tử cho vời kiếm chim. Bị tên một mũi sa liền, Như Ngài bắt được, xin phiền trả giao. " Đạt-Đa hoàng tử lời trao : "Chim kia chẳng chết, nỡ nào trả ai ! Em ta bắn chửa được tài, Sức bay giết được, mạng loài thì không. " Đề-Bà đáp lại cũng thông : "Hạc rừng chẳng lẽ khi không rớt liền ; Chim sa chết sống nằm yên, Vốn là của kẻ đầu tiên bắn nhằm; Trên mây, ai được giam cầm, Nhưng mà sa xuống là phần của tôi. Xin anh giao trả cho rồi, Công tôi đã bắn thì tôi hưởng nhờ. " Thích Ca ôm hạc úm hơ, Phán rằng: Chưa dễ trông chờ nơi đây; Từng phen bác ái, từ bi, Rộng quyền ta có thiếu gì của sao? Món nầy vừa mới thâu vào,
Ta đây sẽ có biết bao mà lường! Tự ta biết lấy sức đương, Từ bi ta sẽ dạy tường chúng sanh; Đứng ra chỉ rõ nẻo lành, Nhờ ta, sự khổ bớt hành bớt đau. Đó dầu chẳng nghĩ trước sau, Việc nầy xử lý cho nhau có tòa. Các quan nhóm họp xét qua, Luận bàn, cãi lẽ chưa ra thể nào. Một ông Sư lạ bước vào, Lý hay giảng giải thanh tao gọi là: "Mạng đời ví đáng kể ra, Kẻ mong hại vật kém xa người lành; Ai mà cứu tử hồi sanh, Đáng cho con vật theo mình tỏ ơn. Một người cứu vớt, đỡ đần, Một người phá hoại, toan phần sát sanh, Chim kia nhờ kẻ cứu lành, Thôi thì giao nó người đành giữ luôn." Mấy lời sau trước vừa buông, Cả tòa ai cũng phục luồng lý sâu; Vua hay, ngự giá thỉnh cầu, Nhưng nhà Sư lạ ẩn đâu chẳng tường. Có người thấy rắn bò ngang, Cho rằng Tiên Thánh phàm dương hóa hình.
Thế Tôn tế độ muôn linh, Kể từ lúc nọ cứu sanh chim rừng. Sự tình đau khổ tưng bừng, Ngài vừa cảm thấy mới chừng đầu tiên: Chính vì con hạc bị tên, Trị lành, Ngài thả về miền núi non. *** Một hôm vua phán cùng con: "Trời xuân, theo Trẫm hương thôn ngắm nhìn. Con xem đất tốt vườn xinh, Những người trồng tỉa mặc tình hưởng qua; Nầy là đất tốt của ta, Đủ đều huê lợi nuôi nhà chúng dân; Đâu đâu đều cũng siêng cần, Kho vua đầy đặn, thuế phần cũng xuê ; Nước cha cai trị chỉnh tề, Chừng cha trăm tuổi giao về cho con. Mùa nầy đẹp đẽ vẹn tròn, Cò xanh, hoa mịn, lá non trên cành, Gần xa mấy đám ruộng lành Nông phu cười cợt kêu quanh vui vầy." Cha con dạo khắp đó đây, Trải qua vườn tược, cỏ cây, suối nguồn, Bò cày trên thửa ruộng vuông, Vai to mang ách trì luôn cả mình,
Đất như thịt mỡ kéo lên, Bủa ra như lượn sóng trên mặt hồ, Sức người cày ruộng tiếp xô, Lưỡi cày đạp xuống ăn vô sâu hàng. Trong đoàn dừa, nước suối mương, Móng tay [28], lá sả dọc đường nở ra. Kìa người gieo mạ ngoài xa, Vừa đi vừa rảy hột sa túa bùa. Khắp rừng vui vẻ cười đùa, Tiếng nơi hang ổ ca khua vang lừng; Và trong bờ bụi lưng chừng, Dế, ong, rắn mối tưng bừng dấy rân, Vui xuân đây đó dự phần, Cành xoài chim đẹp phô thân đủ màu. Loài chim gõ-kiến lau chau, Mổ vào cây cối kiếm sâu mà nhờ; Thứ chim có mỏ cong quơ, Đuổi loài bươm bướm phất phơ từng hồi; Sóc rằn cũng chạy kiếm mồi, Và phường se-sẻ ăn thôi no cành; Có loài chim nhỏ xinh xinh, Thường đi đủ bảy, tỏ tình kết giao. Trên cành, gần lối bờ ao, Chim mèo thích cá đậu cao mà chờ. Cò ngà quanh quẩn trâu tơ,
Trên không diều ó lờ đờ liệng chơi. Bên chùa màu sắc chói ngời, Đoàn công nhảy múa nhặt lơi đủ đường ; Chim câu tố hộ trên tường, Xa xa tiếng trống của phường rước dâu. Vui thay trong cõi hoàn cầu! Nhìn xuân, Thái- tử cũng hầu ái lân: Nhưng Ngài ngó kỷ cõi trần, Toàn là gai nhọn ẩn lần dưới hoa! Kìa ngươi nắng táp mưa sa, Mồ hôi đổ hột mới là có ăn: Dưới trời nắng bủa hung hăng, Miệng hô "thá ví", tay phăng đôi bò, Kiến thì rắn mối ăn no, Cả hai bị ó rình mò xớt ngay; Chim mèo tầm cá cũng hay, Con diều lại chận giựt ngay miếng mồi. Bướm kia lòe lẹt phấn vôi, Chim sâu bắt được một thôi nuốt liền. Chim ăn no bụng đứng yên, Có loài két dữ xớt khiêng lên cành. Đâu đâu cũng sự đấu tranh, Giết rồi bị giết, quẩn quanh nơi vòng; Cảnh đời ngoài mặt tươi trong, Nhưng mà chứa ẩn vô cùng nạn lây;
Hại nhau đủ cuộc vần xây, Từ loài trùng dế đến ngay loài người; Ai mà muốn sống vui cười, Cùng trong đồng loại giết mười, giết trăm! Nhìn sâu, Ngài phải khổ tâm: Thương người làm ruộng hằng năm đói nghèo; Thương bò cổ bị ách treo, Thương đoàn sanh chúng cùng theo tranh phần! "Vui chi cái cuộc thế trần, Bao nhiêu cơm trắng, bao lần mồ hôi! Thân bò lao khổ vô hồi! Xót nơi hang ổ đứng ngồi đánh nhau; Dưới nước thảm, trên trời sầu, Đâu đâu đều cũng một màu đấu tranh. Thôi thôi tôi phải xét rành, Phụ-vương lui bước, mặc tình cho con ." *** Nói rồi, chân Phật xếp tròn, Cội cây ngồi tưởng tân toan cõi trần. Gốc nguồn sự khổ xét lần, Xét luôn cách thế diệt mầm khổ lao. Từ bi đức rộng lướt vào, Tấm lòng bác ái nâng cao trí Ngài. Dốc lòng cứu khổ cho đời, Ngài bèn gom trí nhập nơi Định thần [29].
Thoát vòng nhơ bẩn phàm trần, Thoát tình luyến ái, thoát thân buộc ràng. Trí Ngài lúc ấy rảnh rang, Đạt vào cảnh tịnh Sơ thoàn [30] đó chi.
Trong buổi lễ Hạ điền, Hoàng tử Sĩ-đạt-ta ngồi dưới một cụm cây to bóng mát và hành thiền. Mặc dù các bóng cây khác dần dần ngã dài ra theo thời gian trong ngày, bóng cây nơi Ngài ngồi thiền vẫn giữ yên như cũ. Vua cha rất vui mừng, và một lẫn nữa cúi đầu lễ Ngài. During ploughing ceremony, Prince Siddhattha sat down in the shade of a tree and was soon lost in meditation. Though the shadows of all the trees had lengthened, the shadow of the tree under which the prince was seated had not moved. His father was overjoyed and bowed before him again.
*** Bỗng đâu Tiên-trưởng năm vì Lướt mây bay tới tức thì phải ngưng; Hỏi: "Ai sức lạ lẫy lừng,
Làm cho ta lại tạm dừng chốn ni?" Chư Tiên nhận xét rất hay, Biết rằng có Đấng cao tay dưới trần. Các vì ngó xuống một lần, Thấy đầu đức Phật túa lằn hào quang; Ngài đương nghĩ cứu các đàng [31], Bỗng trong bụi rậm tiếng vang như vầy : "Chư Tiên! hãy đáp xuống đây, Lễ mầng đức Phật ra tay độ đời ". Năm ông Tiên trưởng xuống nơi, Đến gần ra mắt, ngâm bài xưng công [32]. Lễ rồi, mấy ổng thẳng xông, Tin lành đem rảy khắp trong Tiên Thần. *** Một người vua phái đến gần, Thấy ông Hoàng tử đương cơn định thiền; Xế qua, mặt nhựt chói nghiêng, Nhưng còn bóng mát che riêng hầu Ngài. Viên quan bỗng nhận ra lời: "Để cho Thái tử yên nơi thuận lèo; Lòng Ngài bóng tối còn đeo, Bóng ta còn hãy dựa theo mà chầu!"
[1] Himalaya ( Hy Mã Lạp Sơn) núi cao nhất ở hoàn cầu.
[2] Suddhôdana (Tịnh-Phạn vương): cha của Thái tử Thích Ca. [3] Tên bà Hoàng hậu, mẹ của Thái tử Thích Ca. [4] Nếu Ngài chẳng ở ngai vàng mà làm một vị Vua cai trị hoàn cầu. [5] Vương tứ thiên hạ (Chakravartin), [6] Vương tứ thiên hạ có bảy món báu: cái vành để đánh giặc, hột ngọc, con ngựa bay, con bạch tượng, vị quan thông minh, vị tướng tài và bà vợ tuyệt đẹp. [7] Tất-Đạt-Đa (Siddârtha), nguyên chữ là Savârthasiddh, nghĩa là làm cho vật chi cũng thạnh phát. [8] A-tư-Đà (Asita): vị Tiên nhơn đắc Ngũ-Thông. [9] Bàn chân có dấu Bánh xe, trước ngực có dấu chữ Vạn (kiết tường). [10] Đao lợi ( Ciel Trayastrinshas ) ở cảnh Tiên dục-giới. [11] Ba-xà-ba-Đề (Mahâprâjâpathi), em bà Ma-Da, vợ kế vua Tịnh-Phạn. [12] Vua lo cho Thái-tử học để thái-tử khỏi bỏ nhà ra đi tu mà chịu các nỗi khổ hạnh. [13] Bài kinh cầu nguyện chữ Phạn như vầy : Om, tatsavi-turvarenyam Bhargo devasya dhimahi Dhiyoyora prachodayât. Dịch nghĩa: Kính trọng đấng Thái-Dương (Soleil divin), chúng ta hãy quán tưởng đến sự sáng suốt vô cùng của đấng Thái Dương để Ngài soi sáng tâm trí ta. [14] Học toán số. [15] Đọc từ một (1) cho đến 100.000 (chữ Phạn : un lakh ) là 100.000. [16] Nguyên tử; vật rất nhỏ. [17] Tính tới số sao trên trời đêm hôm. [18] Biết tính tới số cát dưới sông Hằng Hà bên Ấn Độ. [19] Đại-kiếp: Maha-Kalpa. Một Đại-kiếp có 4.320 triệu năm. [20] Ong vò-vẽ. [21] Thước đo từ bàn tay tới cùi chỏ. [22] Gưa, chữ Phạn gow, là 40 hơi dài (40 souffles). [23] Do-tuần (yôdjana): 16 dặm tàu. [24] Cầm cương cho xe cộ chạy các nẻo trong thành vua. [25] Vì dính máu.
[26] Nhập định, suy nghĩ về đạo lý. [27] Ngài khóc cho con hạc chịu đau vì trúng tên. [28] Hoa móng tay. [29] Nhập định (État d'extase). [30] Sơ-thoàn (Sơ-thiền) : Premier pas dans le sentier. [31] Chúng-sanh thọ khổ trong sáu đàng Luân hồi. [32] Ngâm bài kệ xưng công đức của Phật.
---o0o----
Phần thứ hai HÔN PHỐI
Lễ Thành hôn: Các vị trời đến rải nước chúc phúc từ vỏ sò khi Thái tử Sĩ-đạt-đa kết hôn với Công chúc Dadu-đà-la. Thái tử sống hạnh phúc trong ba cung điện trong mọi ngày và đêm.
Wedding Ceremony: The gods gave the holy water from the conch when Prince Siddhatha married Princess Yasodhara. The prince was very happy in his three palaces all days and nights.
THẾ-TÔN
mười tám tuổi đầu,
Đức Vua truyền cất ba lầu an cư ; Cái bằng đà tốt cưa tư, Cây hương lợp chắc, ấm trừ tiết đông ; Cái nhì cẩm thạch gân trong, Mùa hè ẩn mát khỏi nồng nực chi ; Cái sau lợp ngói xanh rì, Mùa thu chiêm-bặc [1] nở đầy thơm tho. Theo nhà, vườn suối quanh co, Chòm hoa, bồn cỏ, chỗ chờ nghỉ chơn. Dạo chơi thong thả chi sờn, Càng lâu, càng thấy lắm cơn sướng kỳ! Đạt-Đa đương tuổi dậy thì, Máu hồng mãnh liệt chảy đầy trong thân; Nhưng Ngài có lúc định thần, Có hồi suy xét truy lần viễn vông; Cảnh như mặt nước gương trong, Kế cơn sóng dợn chẳng trông thấy hình. *** Đức Vua dòm thấu nỗi tình, Triệu chư quan chức phán rành mấy câu: "Các khanh hãy xét buổi đầu, Lời ông đạo sĩ vào chầu nơi đây,
Lại thêm tướng số mấy thầy, Đã nghe mộng triệu lời bày cũng thông. Trẻ nầy ta mến vô song, Sau nầy ra mặt anh hùng Đại vương. Một tay chinh phục phi thường, Các vua khiếp sợ đều nhường bực trên; Ý ta muốn vậy cũng nên, Song còn e nỗi xuống lên bất kỳ: Con ta sẽ chán cõi nầy, Bước vào nẻo Đạo, đường đầy khổ thô; Công trình chẳng hiểu ra mô, Mà đành bỏ cả cơ đồ nước non! Lúc nầy Hoàng tử lo toan, Trong đều đi lại tính lòn thoát thân. Các quan mưu trí như thần, Xét coi cách thế nào hơn tỏ bày. Làm sao Hoàng tử đổi thay, Đặng chàng bước tới đường đầy oai vinh? Làm sao điềm trước hiển linh, Đặng cho Thái tử trị quanh hoàn cầu?" *** Một ông quan lão quỳ tâu : "Bạch Ngài, tình ái thuốc mầu đó chi. Nếu mà có gái phương phi, Tơ tình bủa khéo bắt ghì như chơi.
Tấm lòng Hoàng tử còn tươi, Chưa từng biết sắc, biết cười cợt duyên; Môi thơm chưa được kề bên, Với con mắt đẹp khiến quên cõi trời! Hãy tầm gái lịch, bạn trai, Giúp chàng vui hưởng cuộc đời thì xong. Những ai quyết chí dốc lòng, Dây đồng, tói sắt chẳng trông giam cầm; Nhưng mà sợi tóc mỹ nhân, Buộc vào dính cứng chẳng cần sức chi." *** Các quan chịu kế tinh vi, Nhưng vua còn hãy hồ nghi, ngỡ ngàng : "Mỹ nhân kén chọn cho chàng, Sau nầy có biết bước đàng thế nao ? Ái tình há một giống sao ? Cung phi dầu lắm, lảng xao không chừng!" Một ông quan khác tỏ phân : "Cảnh nầy như lộc trên rừng mê chơi, Đến chừng tên bắn tới nơi, Thôi đành nạp mạng há nài thác oan! Chẳng phân kẻ thế, ông hoàng, Mùi tình nếm phải, tránh đàng sao xong! Có tuồng mặt, có hình dung, Làm cho mình thích như trong cõi Trời;
Lại như thấy một ít người, Có chìu đẹp đẽ hơn hồi rạng đông. Thế nầy nghĩ lại cũng xong, Xin Vua mở cuộc mời ròng mỹ nhơn. Tranh nhau sắc lịch thua hơn, Ngồi trên, Hoàng tử ban phần thưởng xuê. Cô nào bước tới hầu kề, Mặt mày hoan lạc, phải lề lối sang, Làm cho Thái tử nhìn tường, Thích tình chàng mới tìm đường ái ân. Như vầy chọn lựa cân phân, Tự do luyến ái phước phần cũng nên." *** Lời nầy chấp thuận dưới trên, Hôm sau có kẻ rao rền khắp nơi: Các cô mỹ nữ được mời , Vào đền Thái tử ban thời của xinh. Mỗi cô được tặng đã đành, Cô nào đẹp nhứt phần mình trổi hơn. Các cô thiếu nữ ân cần, Cùng nhau tề tựu ở gần cửa vô. Ai ai đều cũng điểm tô, Rửa mình, chải tóc, ướp đồ thơm tho; Long nheo đánh phấn láng o [2], Áo quần, khăn khíu như hoa tốt màu.
Tay chơn son phết làu làu, Ngôi sao giữa trán đỏ au chói ngời [3]. Cảnh tình xem thật tốt tươi, Bao nhiêu thiếu nữ trước ngôi bước lần; Thảy đều mắt ngó xuống chân, Lấy làm bối rối, tỏ phần khiếp thay! Thấy Ngài cao thượng sợ ngay, Tuy Ngài trầm tỉnh, mặt mày hòa vui. Mỗi cô bước tới trước ngôi, Rước nâng lễ vật, lui cui rút hình ; Cô nào công chúng hoan nghinh, Được Ngài cười mỉm với mình chút chi, Tức thời hốt hoảng chạy đi, E mình thấp thỏi, người thì cao sang. Cả đoàn mỹ nữ đi ngang, Của đà ban hết, bạn loan chưa nhìn. Cuối cùng một ả bước lên, Da-Du [4] trinh nữ rất nên mặn mà ; Các quan chừ mới thấy qua, Đông cung nhổm dậy người đà khác đi. Hình nàng, Tiên nữ cung mây, Tướng đi như thể hoa ti [5] trên Trời; Mắt nàng như mắt con nai, Đương mùa thích cuộc duyên hài tóc tơ; Mặt nàng đẹp đẽ khó ngờ,
Dẫu bao nhiêu tiếng cũng chưa tả rành, Nàng nhìn thẳng, mắt sáng anh, Hai tay chắp lại trên mình nở nang, Đưa ra cổ ngực đoan trang, Hỏi rằng: "Điện hạ tặng sang món nào? Ngài rằng : "Phát hết chớ sao, Song ta còn có món trao đỡ đàng, Ở người đẹp đẽ muôn vàng, Xứ nầy rỡ tiếng nhờ nàng đó nghe ! " Sợi dây ngọc bích mang theo, Cởi ra khỏi ngực mà đeo cho nàng. Hai người nhìn đã chán chường, Ái tình lúc ấy hào quang nháng liền. *** Về sau thành Phật giảng truyền, Có người hỏi lại căn duyên sự nầy: Tại sao vừa thấy mà ngây, Tấm lòng Thánh Chúa cũng vầy tình men? Ngài rằng: "Ta trước có quen [6], Những đời quá khứ từng phen vợ chồng: Thuở xưa, ở chốn núi đồng, Một chàng tuổi trẻ con dòng đi săn, Một hôm giữa cảnh suối, ngàn, Đứng ra giám thị mấy nàng tranh chơi; Dưới rừng thông, chạy khắp nơi,
Cũng như thỏ giỡn lúc trời sẫm qua. Một cô, chàng kết vòng hoa, Nháng ra như thể sao loè trên không; Một cô chàng thưởng lông công, Kết cùng lông trĩ, gà rừng, gà lôi; Một cô, tặng trái thông đồi, Còn cô sau chót giựt mồi cuộc đua; Chàng đem nai nhỏ trao cô, Trao luôn tình ái khá tua mặn nồng. Với nhau vui vẻ rừng tòng, Sống thời đồng tịch, chết cùng đồng quan. Các ngươi thấy đó khá bàn: Giống chôn xa thẳm cũng làn mọc lên; Những tuồng thiện ác, khổ hên, Oán thương mến ghét có phen tái hồi. Việc làm những kiếp xa xôi, Thảy đều sống lại để rồi báo lâm. Lá kia sáng láng, tối tăm, Trái nầy ngọt dịu, dằng chằng bởi duyên. Ta là chàng mới nói trên, Da-Du, nàng ấy bạn hiền thuở xưa. Bánh xe sanh tử còn đưa, Thì còn thấy lại việc xưa báo đền." *** Phát đồ đâu đó vừa yên,
Các quan nhìn rõ nghe liền hết trơn. Trở vào tâu lệnh Thiên nhan, Hoàng nam tưởng đã phàn nàn chẳng ai. Bỗng đâu bước tới bên ngai, Da-Du con lão Xu-rai-Phật-đà [7] Thấy nàng, chàng ngẩn người ra, Hai bên bốn mắt nhìn qua rõ ràng; Ngọc đeo chàng lấy tặng nàng, Ngó nhau cũng đủ tỏ tường tình thâm. Vua nghe vui vẻ phán rằng: "Mồi ngon kiếm được, hãy tầm cách xoay, Chim ưng duỗi cánh trên mây, Lấy mồi ta nhử xuống đây mắc hàm. Sai quan qua đó hội đàm, Hỏi cô gái ấy, cưới đem vào đền". *** Nhưng trong họ Thích tục truyền: Cưới người sang trọng phải nên tranh tài; Con vua thì cũng như ai, Thắng người tranh cuộc, duyên hài mới xong. Cha cô gái đẹp bảo cùng: Các ông hoàng tử cũng đồng mến yêu, Quý ngài về tấu giữa triều, Cung, thương, kỵ mã đủ điều thì vâng; Nếu chàng sức có trổi hơn,
Thắng người đoạt cuộc, lão mầng gả ngay. Nhưng e chàng chẳng tài hay, Vì không từng thoát khỏi bầy cấm cung." Vua nghe, rất đỗi sầu lòng, Vì lo Thái tử thất trong diễn tràng. Tài tình gẫm lại nhiều trang, Đề-Bà bắn giỏi tiếng vang trong thành, Ác-Xu- Na [8] cỡi ngựa lanh, Nan-Đà [9] thí võ có danh chúng tường. Cười thầm, tâu với Phụ vương: "Những môn thao lược con thường học qua; Nay xin cha kíp truyền ra, Môn nào ai giỏi thì con đấu cùng. Khó gì cái cuộc kiếm cung, Con không để mất tình chung đâu mà." Lịnh truyền bảy bữa chẳng xa, Đông cung Tất Đạt đứng ra sánh bày. Ai mà thắng cuộc đấu nầy, Da-Du mỹ nữ sẽ vầy căn duyên. *** Đến ngày nhứt định như trên, Vương tôn công tử bốn bên tựu về; Những người thị tứ thôn quê, Cùng nhau hội lại vì mê cuộc nầy. Mỹ nhơn cũng có đến đây,
Bà con cha mẹ bao vây bên mình; Làm như đám cưới linh đình, Trống kèn chập trổi rang rình rất xuê, Cộ xe kết tuội treo huê, Có thêm màn trướng, nệm kề dưới lưng. Mấy con bò có bông chưng, Màu vàng tô điểm trên sừng ửng ra. Đề-Bà cũng gốc hoàng gia, Đứng ra xin cưới con nhà trâm anh; Nan-Đà vương tử tài danh, Ác-Xu-Na cũng ra tranh vợ hiền. Kế là Thái tử bước lên, Cỡi con Càn-Trắc [10] hí rền đám đông. Cuộc nầy ngựa chửa từng trông, Đến nay thấy lạ nên vùng hí lên. Đông cung Ngài cũng ngạc nhiên, Trông qua dân chúng sống bên hoàng thành. Tuy là họ chẳng như mình, Uống, ăn, mặc, ở, chẳng vinh sang bằng; Nhưng mà vốn một tâm càn, Khoái vui, sầu não cũng hằng trải qua. Da-Du, vừa mới thấy ra, Nụ cười ửng nở mặt hoa đức Thầy. Tay gò cương lụa thẳng ngay, Chân liền bước xuống, miệng rày hô lên:
"Ai người tài trí bực trên, Mới là đáng đoạt ngọc liền quý ưa. Ta đây có đáng hay chưa, Hãy ra mà thử cho vừa lòng đi". Nan-Đà bày cuộc bắn thi, Trống đồng đem để cách thì sáu gưa [11] ; Ác-xu-Na sức cũng vừa, Đề-Bà xin để tám gưa thẳng lằn. Hoàng nam Tất Đạt bảo rằng : Trống ta hãy để xa bằng mười gưa. Thật là xa lắc chẳng vừa, Trông như đồng điếu [12] hồi xưa thường dùng. Bấy giờ ai nấy giương cung, Nan-Đà bắn lủng trống đồng đã treo, Ác-xu-Na bắn lủng theo, Đề-Bà bắn tới có chiều chính hơn: Mọi nguời ai cũng khen rân, Da-Du thục nữ có phần ngại lo. Ngồi che tay áo co ro, Sợ e Thái tử để cho trật ngoài. Cung vàng [13] Ngài nắm thảnh thơi, Dây cung hẳn thật gân loài thú se; Ai người sức mạnh chúng ghê, Mới là giương nổi kéo xê nửa phần. Đạt-Đa có ý cười thầm,
Thẳng tay kéo hết chẳng cần sức chi. Hai đầu giáp lại tức thì, Cây cung lúc ấy gãy đi chỗ cầm. Phán rằng : "Đồ bỏ ai ham, Cung nào đáng nữa, khá đem đến hầu. " Có người hiểu việc liền tâu, "Trong đền thờ phượng, tớ âu nhớ tường: Cung vua Sư-Tử Hiện-Vương [14], Đời xưa còn đó chờ trang đặc kỳ." Ngài rằng : "Đi lấy lại đây, Cung thần mới xứng vào tay ta cầm." Quân khiêng cung ấy lại gần, Sườn làm bằng thép, cẩn gân bằng vàng; Hai đầu cuốn lại bằng ngang, Cũng như sừng quới bò mang trên đầu. Đạt-Đa thử sức cung sau, Để trên đầu gối kéo đâu hai lần. Bấy giờ bảo mấy hoàng thân: "Các em kéo thử xem chừng ra sao? " Mấy ông kéo chẳng được nào, Thôi đành để xuống mà giao đức Thầy. Ngài liền đón lấy vào tay, Nghiêng mình giương nỏ, kéo dây mạnh vào. Nghe ra có tiếng thanh tao, Ngồi nhà kẻ tật hỏi: nào tiếng chi?
Người nhà đáp lại một khi: "Tiếng cung đền Thánh kêu đi khắp cùng. Hôm nay Hoàng tử giương cung, Và Ngài sắp bắn trống đồng để xa." Cây tên Thái tử rút ra, Tra vào, kéo thẳng, tay đà buông đi, Mũi tên nhọn lướt đường mây, Bắn vào lủng trống để thì tót xa; Sức còn nên lại lướt qua, Bay trên đồng ruộng ngó ra mịt mù.
Thái tử Hoàng tử Sĩ-đạt-ta có tài thiện xảo bắn cung, và đã nâng cánh cung rất nặng mà từ trước đến nay có rất ít người nâng và dùng nó. Việc hiển thị sức mạnh phi thường nầy chứng tỏ Ngài sẽ là Ðế Vương Vũ trụ. Prince Siddhatha showed his skill in archery by lifting a bow which no one within memory of man had ever been able to draw or lift it. It was known from his marvellous strength that he would become Universal Monarch.
*** Đề-Bà bày cuộc gươm đua, Cội cây sáu ngón chém đùa đứt trơn. Ác-xu-Na sức trổi hơn, Lựa cây bảy ngón, gươm trân chặt liền. Nan-Đà kiếm thuật chúng kiêng, Cây dày chín ngón, người bèn chém ngay. Đến phiên Thái tử ra tay, Có hai cây lớn mọc bày theo nhau, Lưỡi gươm nương sức nhiệm mầu, Phụp vào một cái, lìa đầu hai cây; Gươm Ngài chém thật rất ngay, Hai cây đều đứt, đứng y như thường. Nan-Đà vội vã lời buông: Lưỡi gươm chẳng phủn, tìm đường trở lui. Mỹ nhơn lo sợ bồi hồi, Xem hai cây nọ nhánh chồi còn nguyên. Thần phong làm gió nổi lên, Hai tàn cây mịch ngã trên mặt đồi. *** Quân đem ngựa giỏi tới rồi, Chạy quanh đồng cỏ ba hồi thật mau; Nhưng con Càn-Trắc dẫn đầu, Lướt ăn hạng nhứt, bỏ sau xa vời.
Ngựa Ngài sức chạy rất tài, Trong mồm nước dãi chảy nhoài đường đi, Nước vừa thấm đất một khi, Hai mươi lằn giáo nó thì chạy xong. Nan-Đà nói giữa đám đông: "Cỡi con Càn Trắc ta không thua mà, Bây giờ ngựa chứng đem ra, Xem ai cỡi giỏi mới là đáng hơn." Mã phu được lệnh đem dâng, Ngựa ô đen hắc như cơn tối trời; Ba dây lòi tói cột ngoai, Mắt xem dữ tợn, mũi ngời nở bung; Bộ đồ bắt kế đã không, Móng chơn bằng sắt chưa dùng đóng mang; Là vì ngựa hãy còn hoang, Chưa ai lên cỡi tập đường bước thông. Ba vì thế tử lên xong, Bị con ngựa chứng vẫy vùng té ngay; Áo quần bụi bặm dính đầy, Lại thêm hổ thẹn tài nầy thô sơ. Ác-xu-Na sức có thừa, Được ngồi trên ngựa, tay quơ mở xiềng; Hai chơn thúc lấy hai bên, Cái hàm thiết ngựa, người bèn siết vô. Một phen sợ sệt, điên rồ,
Cánh đồng ngựa hoảng chạy phô một vòng. Thình lình trở mặt sau hông, Miệng nhăn răng dữ, chơn vùng đá lên; Làm cho chàng té một bên, Và toan lướt tới đạp trên thân hình. Nhờ đoàn giữ ngựa mắt lanh, Mau chân chạy tới tách rành ra cho. Mọi người khi ấy nói to : "Ngựa yêu, Hoàng tử hãy lo chớ gần, Ruột gan tợ bão tưng bừng, Máu me như thể lửa phừng đỏ au." Đạt-Đa Thái tử yêu cầu: " Dây xiềng bỏ hết, mặc dầu ta đương." Nắm nơi gáy ngựa nhẹ nhàng, Buông lời nhỏ nhắn dịu dàng dễ nghe; Bàn tay bên mặt lấy che, Đắp trên mắt ngựa, vuốt ve mặt dài; Kéo lần từ cổ tới vai, Lòn qua hông ngựa, tay Ngài măn mo. Lạ lùng ai cũng nhận cho, Thấy con ngựa dữ co ro hiền lành. Chẳng còn cứng cổ tinh ranh, Đứng êm dường thể biết rành kỉnh vâng. Để cho Thái-tử lên lưng, Chơn lần bước tới, ý tuân theo Ngài.
Xem ra, công chúng ghê ai? Hô rằng: "Tất-Đạt cao tài hết trơn, Thôi đừng tranh nữa còn hơn. Có ai qua nổi người Nhơn trong Đền." Mấy vì tranh đấu hô lên: " Thật Ngài đệ nhứt, đứng trên bọn nầy." Cha cô mỹ nữ nói ngay: " Lòng ta cũng muốn chàng nay thắng người; Chúng ta đã mến chàng rồi, Bây giờ thêm phục, hết hồi nghi nan. Lạ cho kẻ ở điện đàn, Miệt mài trong cuộc truy hoan đã nhiều; Thế mà cung kiếm cao siêu, Hơn người vượt bể, lên đèo, xuống hang. Nay chàng thắng cuộc vẻ vang, Hãy đem bạn ngọc mỹ nương về đền." Dứt lời, Công chúa đứng lên, Vòng hoa lài tốt cầm bên tay mình, Lướt qua khỏi đám chung quanh, Khăn vàng sọc sặm phủ xinh trán đầu [15]. Tướng nàng trân trọng làu làu, Đi qua trước mặt vương hầu chư công. Đến nơi giáp mặt Đông cung, Xem Ngài rất đẹp, đứng cùng ngựa ô, Ngựa thần đưa thẳng cổ to,
Để cho Ngài vịn đặng chờ mỹ nương. Cúi chào Hoàng tử thiện lương, Mặt nàng sáng rỡ có đường khoái vui, Vòng hoa nàng tặng Ngài đeo, Nghiêng đầu ngực bạn, bùi ngùi yêu thương. Hai chơn quì xuống gọn gàng, Thưa rằng : " Tiện-thiếp vì chàng xin theo." Mọi người ai nấy mừng reo, Trông ra đôi bạn mỹ miều xứng thay! Cùng nhau tay lại cầm tay, Càng thuần vẻ ngọc càng say tấm tình. Bước đi nàng vấn khăn xinh, Khăn vàng sọc sặm bên mình thường mang. *** Chừng Ngài thành Phật mở đàng, Trong khi truyền Giáo, chúng thường hỏi thưa, Hỏi qua nghĩa cũ tình xưa, Tại sao nàng vấng khăn tua đen vàng, Và đi dáng điệu oai cường, Xem trong công chúng như dường chẳng ai? Thế Tôn phán dạy mấy lời: "Việc này ta rõ, người đời khó thông; Tử sanh còn mắc trong vòng, Việc xưa tình cũ thảy đồng tái sanh. Những đời từ trước khó rành,
Vẫn còn hiện lại cho mình cũng y. Ta đây nhớ việc thuở kia, Hằng sa năm trước, có khi bao đời ! Bây giờ ngôi Phật viễn khơi, Ngày xưa làm cọp ở nơi rừng già, Ngày ngày ẩn dưới hố xa, Nằm trong bụi cỏ đợi mà hươu nai; Chúng đi ăn cỏ hôm mai, Đến gần sẽ nạp mạng đời chớ lo ! Có khi dưới ánh sao mờ, Ta đi kiếm thịt ăn cho đỡ lòng, Lơ thơ đường suối nẻo cong, Người không chừa bỏ, thú hòng ngại đâu! Trong khi ta ở rừng sâu, Hoặc nơi lầy rậm, đế lau mọc đầy, Ta cùng chúng bạn họp bầy, Bỗng con cọp cái làm gây mối thù. Cọp nầy tốt đẹp đứng đầu, Vàng đen xen lẫn hai màu nơi thân; Cũng như khăn của mỹ nhân, Vì ta nàng đội trong sân võ đài. Trong rừng lũ cọp tranh tài, Nanh qua vuốt lại chẳng ai nhịn nhường. Dưới hoa, cọp cái nhìn tường, Trông ta cùng bạn máu hường tuông trôi.
Sau cùng, ta thắng được rồi, Nàng bèn đi đến, tỏ hồi vui ưng ; Bước ngang mấy vị vua rừng, Nàng không đoái chúng vừa chừng thua ta. Hông ta đương lúc thở ra, Lưỡi nàng liếm lấy chừng là vuốt ve. Tướng nàng lúc ấy oai ghê, Song song đôi lứa đề huề rừng sâu. Bánh xe Sanh tử lần lâu, Thấp cao đều chuyển, đâu đâu cũng vần." *** Bên người chịu gả mỹ-nhân, Chọn ngày tháng tốt châu-trần kết duyên. Gối bằng vàng thiệt kê lên, Trải ra khảm quí lót trên mà ngồi: Dây bông giăng sẵn đó rồi, Tơ hồng nối lấy hai người bên tay; Bánh ngon cắt bẻ ra ngay, Cơm ăn dầu xức cũng bầy hết ra. Sữa tươi son đỏ trộn pha, Thả rơm hai cọng là đà trôi xê: Song song hai cọng giao kề, Ấy là điềm tốt tình kia tới già. Có người đem bếp lửa ra, Vợ chồng bảy bước lướt qua ba vòng [16];
Kế là bố thí bần cùng, Sư tăng, chùa miễu cũng đồng cúng dâng. Các sư cầu phước cầu phần, Kệ kinh, thần chú đọc rân trong ngoài. Áo xiêm đôi bạn hòa hai, Buộc ràng nhau lại, sống đời có nhau. Cha cô mỹ nữ liền tâu: "Con tôi rày đã về hầu Ngài đây; Sắn bìm nương tựa bóng cây, Xin người quân tử khá hay rộng tình! " Trống kèn chập trổi liên thinh, Họ hàng đưa gái về dinh nhà chồng, Từ đây phu phụ họp đồng, Càng lâu càng thắm càng nồng tấm yêu. *** Ái tình thắt buộc vẫn nhiều, Nhưng vua chưa chắc, còn điều hồ nghi. Cất nên ngục thất tinh vi, Kiểu nhà khéo lạ cảnh chi chẳng bằng, Để cho Thái tử ở ăn, Hưởng đời thư thả vui hằng hơn ai. Giữa nơi cảnh đất cất đài, Có hòa núi biếc mọc ngay lên trời. Dưới chơn núi, có dòng khơi [17], Từ non Hy-Mã [18] là nơi phát nguồn,
Chảy lần như vậy mãi luôn, Sau cùng đổ cả mà tuôn sông Hằng [19]. Phía Nam cây lớn chặn ngang, Tách riêng biệt thự bởi tàng nhánh cao. Cảnh đền êm ái thanh tao, Chẳng nghe thấy tiếng xôn xao thị thiền. Lâu lâu, một ngọn gió xiên, Bạt vào nghe tiếng dưới miền chợ xa. Trên phía Bắc, núi Hy-Ma [20], Dốc cao chớn chở thấy mà phát ghê; Phân ra hàng ngũ chỉnh tề, Trên thì tuyết phủ chẳng hề rã tan, Núi cao lên chí mây ngàn, Xem ra to lớn, đủ giàn oai-nghi. Đảnh thì nhiều cái khác đi, Nhọn, tròn, bằng phẳng, trơn lì cũng nên. Nhiều hòn xanh biếc nhô lên, Có hòn nhọn lểu như kim đồng hồ. Hố sâu thăm thẳm đường vô, Có nhiều vực hiểm dốc phô ra ngoài. Thấy vầy, trí nghĩ vượt khơi, Tưởng điều cao thượng, xa vời đâu đâu, Dường như bay bổng tít mù, Ta cùng Tiên Thánh gặp nhau luận đàm. Dưới miền tuyết phủ hằng năm,
Ấy toàn rừng rậm tối tăm mịt mờ; Xen vào những thác nên thơ, Nước tuôn sáng rỡ, mây lờ đờ trôi. Phía dưới nữa, mấy cảnh đồi, Bá, tùng, cổ thọ mọc thôi dẫy đầy, Trĩ kêu, beo rống vang vầy, Chiên rừng bé hé, ó bầy la rân. Dưới thấp nữa, cảnh đồng gần, Xem ra như khảm trải chân bàn thờ. Đồi cao, rừng rậm, non mờ, Xa trông như thể bàn thờ Thánh linh. Những nhà mỹ thuật tài tình, Chọn nơi cao ráo cất đình nguy nga; Hai bên xây tháp mấy tòa, Với nhiều phòng ốc cột hoa rỡ ràng. Mấy cây đà lớn bắt ngang, Thảy đều chạm trổ những tích nước nhà: Tích nàng mỹ nữ Ra-Đa [21], Cùng ông hiền thánh Rích-Na [22] yêu vì; Lại còn mấy chuyện ly kỳ, Si-Ta [23] trinh nữ thọ nguy giữa rừng, Hung thần ép buộc phải ưng, Chồng nàng đến kịp liệu chừng cứu ra. Tích cô gái đẹp Rô-Ba [24], Cũng là chuyện ngộ trên đà có ghi,
Giữa nhà, cửa lớn oai nghi, Khắc hình Voi thánh [25], thần nầy rất linh: Tục người Ấn Độ kinh thành, Hình Voi biểu hiện thông minh, phú cường. Lần theo mấy nẻo trong vườn, Đi qua sân rộng đến giàn cửa trong; Cửa bằng cẩm thạch gân hồng, Thanh ngang, tấm ngạch cũng đồng đá xinh. Đàn hương nhiều cửa rất tinh, Với nhiều khuôn chạm họa hình tốt tươi, Bước qua ngạch cửa dạo chơi, Phía trong, phòng thất lắm nơi trang hoàng; Thang lầu nhiều cái đẹp sang, Hành lang mấy dãy có tường có song. Vách thì họa khéo vô cùng, Cột nhà xây dựng dính chùm với nhau. Có làm hồ chứa nước sâu, Hoa sen đua nở làu làu tốt xinh; Pha lê nhiều chậu trắng tinh, Chứa đoàn cá lội, vàng, xanh, đỏ, hồng. Ngoài vườn ánh sáng tươi trong, Xem ra bầy lộc đương cùng nhau ăn. Một đoàn chim chóc lăng xăng, Khoe nhiều màu sắc trong lằn dừa xanh. Dài theo mấy kẹt vách thành,
Chim câu làm ổ sống sanh mãn đời. Ở trong sân gạch sáng ngời, Bầy công qua lại, đuôi phơi tốt lành. Cò ngà lông lá trắng tinh, Với chim mèo đậu đưa mình trở vô. Két xanh cổ tợ son tô, Bay theo ăn trái tựa hồ chín cây; Mấy con rắn mối nhác thay, Cũng đeo rào sắt phơi ngay bóng trời; Ít con sóc nhỏ quen hơi, Vào tay mổ hột của người đưa ra; Cảnh nhà hẳn thật an hòa, Kìa con rắn hổ dưới hoa ngủ ngày; Rắn nầy cho chủ điềm may, Nằm khoanh hơ nắng chói rày ấm lưng. Con dê chạy giỡn tưng bừng, Đây bầy khỉ đột nháy trừng quạ kia. Thảy đều bác ái đề huề, Kẻ hầu người hạ sớm khuya chí bền, Bao giờ có lệnh bề trên, Tức thì kẻ dưới chạy lên ứng chào, Mặt mày ai nấy thanh tao, Nói lời dịu ngọt, việc nào cũng lanh; Mọi người vui vẻ làm lành, Tuân lời chỉ bảo, thích tình thi ân,
Cuộc đời phỉ chí muôn phần, Cũng như dòng nước bên gần có hoa; Hẳn là một cảnh trào ca, Da-Du rày đã làm bà hoàng-phi. *** Có trăm phòng thất tinh vi, Lại còn một chỗ ẩn đi xa vòng; Chốn nầy khéo léo vô song, Những điều bày trí thích lòng hưởng qua. Một sân rộng rãi tách ra, Bốn bề vách phủ, cách xa cõi ngoài, Giữa là hồ nước trong ngời, Làm bằng cẩm thạch trắng tươi sáng lòa. Dựa bờ, thang bực, miệng hồ, Thảy đều cẩn đá bông hoa tốt màu, Chốn nầy mát mẻ hơn đâu, Ở chơi cũng sướng, giải sầu cũng xuê. Tỷ như trong buổi mùa hè, Mà đi trên tuyết có bề thích ưa, Ánh trời chiếu xuống buổi trưa, Lòn qua cánh cửa, thấu vừa tới trong, Chẳng còn nóng nảy, nực nồng, Dịu dàng, mát mịn như lồng ánh mai, Êm đềm tình ái thanh mai, Ban trưa lại giống sớm mai và chiều.
Phía trong cửa, chốn mỹ miều, Phòng loan lộng lẫy, khác chiều thế gian; Ánh đèn dịu chiếu trướng màn, Thắp bằng dầu tốt, thơm tràn chỗ dư. Cửa hông bằng ốc xà cừ, Màn treo có kết sao như giăng hàng; Mùng tơ, trướng phủ bằng vàng, Để cho ngọc nữ riêng nàng bước qua. Trong phòng khó nhận cho ra, Ban ngày hay tối cũng là như nhau, Mịn màng ánh sáng một màu, Trưa, chiều cũng thấy như đầu buổi nay. Gió lòn mát mẻ đêm ngày, Lúc nào cũng có tiếng hay địch đờn. Kẻ hầu dâng các món hơn, Bánh làm có tuyết trên sườn Hy-ma; Trái cây còn đọng sương sa, Mứt thì đủ thứ ăn qua ngọt ngào; Nước dừa mới bẻ đưa vào, Chén ngà đựng lấy dồi dào vẻ tươi; Một đoàn vũ nữ vui cười, Múa men, hầu rượu, vóc người như mai. Lại thêm bọn nhạc trổ tài, Chực hầu dưới trướng ngày dài lẫn đêm. Chờ Ngài tỉnh giấc mộng êm,
Tức thì xướng họa cho thêm vui lòng; Dưới hoa, nhạc trổi lung tung, Hòa cùng tiếng hát mặn nồng tình yêu. Mấy cô vũ nữ mỹ miều, Ôm nhau nhảy múa có chiều gợi duyên, Dưới chân lục lạc khua lên, Hai tay dịu nhiễu rập bên tiếng cầm. Trong phòng nồng nực hương trầm, Với mùi chiêm-bặc [26] âm thầm xông ra. Dường như Thái tử ngà ngà, Tựa đầu tay bạn [27] ngủ qua một thời; Đạt-Đa hưởng đủ sự đời, Ở trong đền ấy quên ngoài chúng sanh! *** Đức vua truyền dạy rành rành: Trong cung Thái tử khéo trình lời phân; Chẳng ai được phép than thân, Chết, già, đau ốm chẳng cần nói ra. Cô nào hình sắc phôi pha, Hai chân mệt mỏi nhảy ca chẳng đồng, Tức thì xa lánh cấm cung, Để cho Thái tử khỏi trông mà buồn. Có quan hầu cận coi luôn, Chẳng cho ai nói đến tuồng thế gian: Choán đầy sầu, khổ, khóc, than,
Sợ, lo, đau đớn, với giàn hỏa thiêu. Ca nhi vũ nữ kém chiều, Tóc xen màu bạc, phạm điều lịch thanh. Hoa khô, lá rụng xa cành, Có người hái quét, chẳng đành để lâu. Bao nhiêu những cảnh u sầu, Các quan phải liệu mà hầu tránh ra. Vua rằng: "Thái tử Đạt Đa, Trong khi niên thiếu cách xa khổ đời, Khỏi điều trước mắt bên tai, Khỏi điều suy nghĩ, trí thời được êm; Rồi ra cõi Đạo chẳng tìm, Lên ngôi trị nước càng thêm vững lòng; Một mình oai thế anh hùng, Các nơi xếp giáp phục tùng sức cao." *** Đông cung ngự cảnh thanh tao, Nhưng mà đâu có khác nào ngục trung, Ái tình buộc giữ chim lồng, Mấy điều thỏa dục như song nhốt Ngài. Đức vua xây vách thành dài, Ngoài thì cửa sắt phải gài hai bên; Cả trăm người mới dở lên, Trong khi mở đóng tiếng rền thấu xa. Vua còn làm cửa thêm ra,
Có hai cái nữa mới là chắc tay. Vậy nên muốn thoát đền nầy, Phải qua ba bận cửa dày, song to, Cắt người đứng giữ siêng lo, Vua truyền: "Chẳng được mở cho kẻ nào, Dầu là Thái tử trong trào, Nếu người trái lịnh thì ta chém đầu." ***
[1] Chiêm-bạc hoa (champaks): thứ hoa Sứ ở Ấn Độ rất thơm. [2] Có một thứ phấn làm bằng kim khí để thoa long nheo. [3] Người đàn bà Ấn độ có tục để nơi trán kẽ giữa lông mày một món đồ trang điểm bằng ngọc. [4] Da-du-đà-la (Ysôdhara) . [5] Parvati : Tiên trên trời, vợ của đức Shiva. [6] Chúng ta có quen từ những đời trước. [7] Soubra-Bouddha. [8] Arjouna . [9] Nanda . [10] Ngựa Càn (Kiền)-Trắc (Kantaka) . [11] Phía trước đã có nói rằng một người chạy đặng bốn chục hơi thở thì bằng một gưa, hay là nói cho rõ hơn, một gưa là 1.300 thước chơn ăng lê (1.300 pieds anglais). [12] Hồi xưa dùng đồng điếu bằng miểng sò, miểng ốc. [13] Cung sơn vàng và đỏ. [14] Sư Tử Hiện Vương ( Sinhahânou). [15] Cái khăn choàng màu vàng xen lẫn màu đen sạm.
[16] Phong tục Ấn Độ của phái Bà La Môn thì làm lễ đi vòng theo ngọn lửa ba lần. [17] Sông Rohini. [18] Himalaya. [19] Sông Hằng-Hà (Gange). [20] Himalaya. [21] Ra-Đa (Radha). [22] Rích-Na (Krishna). Ra-Đa là tình nhơn của Rích-Na. Ông nầy là một vị Thánh sống rất có danh tiếng ở Ấn Độ. Người ta có làm nhiều thi ca về tình sử của ông. [23] Si-Ta (Sita): vợ của Ra-Ma, nàng là cốt chuyện thần tiên Ra-ma-da-na ( Ramayana ). [24] Rô-Ba (Draupadi): Mỹ nữ, cốt chuyện Ma-ha-ba-ra-ta (Ma-ha Bharata). [25] Voi Thánh, tiếng Phạn : Ga-nết-ha ( Ganesha ) là một vị Thiên-thần, mình người đầu voi, hình vẽ ngồi thòng vòi xuống nghiêng nghiêng. [26] Chiêm-bặc (Champak): một thứ hoa Sứ hương thơm rất quý. [27] Ngủ trên tay vợ. ---o0o----
Phần thứ ba BA TÍN HIỆU
Thế Tôn yên trụ đền lầu, Ăn chơi vui thỏa, bạn bầu bao quanh, Nào dè sự khổ chúng sanh, Buồn, lo, sầu tủi, già đành chết mon? Kê đầu trên ngực bạn loan, Da-Du quạt mát, giữ tròn thảo ngay.
Bỗng Ngài nửa tỉnh nửa say, Ngồi lên, hô lớn: "Cõi này! cõi Ta! Ta nghe! Ta biết! Ta ra!" Làm cho nàng sợ, hỏi là việc chi? Bấy giờ Ngài luống xót bi, Nhãn quang từ ái chiếu đi xa vời; Mặt như tiên ở cõi Trời, Trông chàng, nàng sợ, bời bời tấc son, Thấy nàng hoảng hốt, nỉ non, Ngài cười an ủi bạn loan tỉnh lòng. Và Ngài truyền lịnh nơi cung, Đem đờn ra gảy nội trong ít bài. Một cây đờn gáo dây dài, Để nơi ngạch cửa, lai rai gió lồng. *** Cũng là một sự lạ lùng, Gió lòn lại trổi tơ đồng nhặt khoan. Nhạc âm nghe rõ cả đoàn, Một mình Thái Tử nghe toàn tiếng linh; Thần tiên mách bảo đinh ninh, Hòa cùng dây bạc ca thinh như vầy: "Chúng tôi là tiếng gió bay, Bay đi kiếm sự an bày trong tâm, Nhưng mà hết tháng qua năm, Cái bề an lạc chẳng tầm đâu ra.
Đời người như gió thoảng qua, Thở than, khóc lóc, phá dài đấu tranh. Chúng tôi đâu có biết rành: Tại sao có sự sống sanh của người? Cội nguồn của cuộc sống đời, Sống trên dương thế khắp nơi chi vầy? Dầu Ngài hay chúng tôi đây, Chẳng qua hình ảnh cõi nầy vốn Không. Vui chi cái cuộc não nùng, Khổ sầu đưa tới trong lòng mãi đi ? Vui chi mà hưởng cuộc nầy, Năm năm, tháng tháng, ngày ngày như nhau. Ái tình ví được bền lâu, Thì đành vui hưởng về sau cho dài. Một cơn gió thoảng: cuộc đời, Cũng như tiếng lạ lai rai dây đờn, Chúng tôi trải khắp cảnh trần, Rày đây mai đó lần lần bay đi. Hôm nay nương mấy đường dây, Chúng tôi than thở cho khuây tấm lòng; Bản vui khó nổi hát thông, Vì đi lắm chỗ thấy ròng khổ đau, Biết bao con mắt khóc sầu, Với bàn tay siết chán câu chẳng bền! Chúng tôi rầu rĩ ca lên,
Nhưng mà trong dạ chẳng quên cười thầm: Người đời ai cũng lạc lầm, Mê theo cuộc sống chẳng tầm thấy xa; Chẳng qua bóng dáng đó mà, Hiện rồi lại mất, lộ và rã tan, Nhưng Ngài chẳng phải kẻ thường, Sanh ra cứu thế, đắc đường chúng sanh, Thời giờ sắp tới bên mình, Thế trần đương đợi đức Linh cứu nàn; Mắt mù, họ bước chẳng an, Lanh quanh trong chốn trần gian khổ sầu. Xin Ngài đứng dậy cho mau, Tỉnh đi chớ có nghĩ lâu làm gì! Chúng tôi tiếng gió bay đi, Xin Ngài cất bước, chơn ghi dấu đàng, Đi mà tầm cảnh Lạc bang, Đi ra, dứt bỏ tình thương lại nhà; Từ nay thương khắp gần xa, Chúng sanh thương hết mới là từ bi; Xót người đau khổ lâm li, Xin Ngài dứt bỏ ngôi vì một phen; Đi ra cứu kẻ thấp hèn, Độ người sa lệ, giải phiền, thoát thân. Chúng tôi than thở trên đờn, Vì Ngài chưa hiểu thế nhơn việc đời.
Tiếng nương dây bạc reo chơi, Nực cười cho kẻ theo nơi bóng hình, Chúng tôi cười kẻ si tình, Bóng mà tưởng thiệt, giam mình vào trong." *** Một hôm ở chốn đền rồng, Cầm tay bà vợ thong dong buổi chiều; Một cô cung nữ mỹ miều, Tay đờn miệng hát ít nhiều bản xưa, Hát chầu một tích tình tơ, Chuyện con ngựa lạ, xa lơ muôn trùng; Nơi người da trắng ở đông, Chiều về trời lặn trong vùng biển khơi. Đông cung than thở mấy lời: Si-Tra [1] khêu gợi cái bài gió đưa. Nàng thuật tích, ta thích ưa, Nhưng ta nhớ chuyện gió thưa trên đờn. Da-Du! Bạn hãy trã ơn, Lấy ra hạt ngọc mà ban cho người; Ờ nầy bạn tốt nàng ơi! Có chăng một cõi xa vời mênh mông? Nơi nào có bóng trời hồng, Buổi chiều xen lặn vào vùng biển xanh? Người xa có giống tánh mình? Nơi xa lắm kẻ khổ tình hay chăng?
Biết bao kẻ khổ vô ngần, Nhưng ta đâu rõ mà phăng vớt dùm! Lắm khi mặt nhựt lộ dòm, Ánh ngời sáng chói, đỏ lòm phương Đông; Tự ta hỏi lấy, ngại ngùng, Ai người trước nhứt đứng trông mà chào? Lắm khi sum họp má đào, Đương cơn vầng nhựt lặn vào cõi Tây; Lòng ta lại muốn đi ngay, Vì ta ưng thấy mặt mày dân kia. Chúng ta đâu có riêng chia, Người xa muôn dặm, há lòng lìa yêu ? Lúc nầy, ta luống buồn hiu, Môi nồng, tình ái chẳng xiêu tấc sầu. Si-Tra biết lắm xứ mầu, Ngựa nàng thuật đó, ở đâu mà tầm? Ngựa hay, dây khấu ta cầm, Ôi! đành gác lại cung thâm điện rồng; Ấp thành, làng mạc ruổi giong, Rồi ta sẽ biết trần hồng bao xa, Hoặc tra cánh thứu [2] vào ta, Ta liền bay tới Hy-Ma núi Thần; Vượt trên cảnh tuyết mấy lần, Mặc tình nhìn xuống bang lân, nước ngoài. Sao ta không biết xem coi?
Sao không chịu khó tìm tòi mà trông? Nay ta xin hỏi cho thông, Những chi hiện có ngoài vòng cửa cao?" *** Tiếp theo, có kẻ tâu chào: "Bạch Ngài điện hạ! Xiết bao cảnh tình: Hoàng thành, chợ búa, chùa đình, Vườn hoa, đồng ruộng, rạch kinh, đại hà, Rừng sâu, núi lớn bao la, Kế là Đại quốc Tần-Bà [3] Đế vương; Lại nhiều đồng rộng khó lường, Với bao dân chúng kể hàng triệu lên!" Đạt-Đa đáp: " Vậy thì nên! Bảo chàng Xa-Nặc đứng bên xe hầu; Mai nầy, vầng nhựt ngay đầu. Ngoài thành du ngoạn, mặc dầu xem qua," Có người chạy báo vua cha: " Đông cung có dặn long xa sẵn bày; Đón Người giờ ngọ mai đây, Đặng Người viếng cảnh nọ nầy ngoại ô." Thánh vương nghe tấu liền cho, Sai người truyền bá dặn dò thế ni: "Đô thành trang bị uy nghi, Đừng cho thấy những cảnh chi gợi phiền; Mù, què, bệnh tật triền miên,
Ghẻ cùi, già cả chớ nên ra ngoài." Mé đường quét dọn một ngoai, Nước trong đem tưới lộ nhai khắp cùng; Ở nơi ngạch cửa giao thông, Mấy bà rắc rải bột hồng mạt hương; Lá hoa kết tụi treo giương, Tuôn-si [4] cành quý phô trương ngõ nhà; Vách tường sơn lại phết qua, Trên cây cờ phất, cột thờ điểm tô. Ở nơi đại lộ tứ cù, Nhựt thần [5] tượng Thánh ngự vô bàn thờ. Hoàng thành chỉnh bị bấy giờ, Dường như đô thị huyền cơ nhiệm mầu. Trên đường, chiêng trống trổi mau, Nhơn viên cáo thị truyền tâu như vầy: "Quí vì công chúng nghe đây, Nhà vua phán dạy hiện bày nghiêm trang : Mù, què, bệnh, tật, ghẻ sang, Cùng người già cả, chớ mang ra ngoài, Đừng đem thiêu đốt xác hài, Hãy chờ chiều tối, bi ai tống hành. Đó là Thánh chỉ dạy rành, Su-đà-na [6] Chúa ở thành chúng ta." ***
Ngày nọ, Thái tử Sĩ-đạt-ta dạo chơi trong thành và thấy bốn dấu hiệu của một ông già, một người bệnh hoạn, một tử thi, và một ẩn sĩ. Ngài trân quý dấu hiệu sau cùng. One day Prince Siddhattha went into the city and saw the four signs of and old man, a man afflicted with a loathsome, a corpse, and an ascetic. He appreciated the last one.
Cảnh tình đẹp đẽ rườm rà, Khắp thành La Vệ [7] nhà nhà dọn chưng, Đông cung ngự đến vừa chừng, Xe loan rực rỡ sau lưng đôi bò. Bạch ngưu thạnh tráng, cổ to, Bướu mang ách chạm, sơn tô đẹp màu. Chúng dân khánh hạnh chen nhau, Hoan hô vang dậy, ca âu tưng bừng. Đạt-Đa trông thấy cũng mừng, Dân trung, áo đẹp, chí hừng cười rân.
Ngài rằng: "Thế giới đẹp, hân; Trai thì hòa, gái cần, nết na. Ta đây có giúp chi mà, Họ nay được vậy, ấy là nhờ đâu? Ta yêu dân chúng như nhau, Họ nào có biết tình sâu lòng nầy? " Một chàng Thích tử đâu đây, Ném hoa mà tặng đức Thầy ngự du. Ngài liền truyền lịnh mã phu: "Hãy mời trẻ ấy mặc dầu lên xe!" "Nước ta tình cảnh cũng xuê, Làm vua cai trị có bề thích ưa ! Dân đây thỏa dạ chẳng vừa, Vì ta đến họ như trưa hôm nầy. Nhà nhà nếu được vui vầy, Khiến cho đô thị đủ đầy hân hoan, Thì ta hạnh phúc châu toàn, Ích chi vật khác mà toan có nhiều ; Nầy Xa-Nặc! cứ thuận chiều, Dẫy xe qua khỏi bấy nhiêu cửa nhà; Đặng ta thấy hết gần xa, Cảnh đời tươi thắm nay ta mới tường." Giá loan trực chỉ trên đường, Đó đây dân chúng chạy bương áp vào. Trước xe, vài kẻ đón chào,
Vòng hoa cầm lấy, thảy trao đôi bò ; Hông bò trơn mịn, vuốt mò, Có người bánh ngọt quả to hiến mời. Ai ai đều cũng tỏ lời: "Chúc nguyền Điện-hạ sống đời muôn xuân. " Chiếu vua đã được kính tuân, Người người hoà duyệt, cảnh hân hoan chào. *** Bỗng đâu một kẻ lạc vào, Khốn cùng, rách rưới, hỗn hào, lọ lem; Từ nơi hang lỗ ẩn êm, Lướt ra giữa lộ chẳng thèm kể ai. Già khù, má tóp, xuội vai, Da nhăn, đen đúa, sát ngoài xương khô. Lưng còm mang nặng xuân thu, Đôi vành mắt đỏ, lù lù ghèn xanh. Miệng móm sọm, hàm trống quanh, Rút co vì bại, vì kinh đám người, Gậy cùng, tay ốm chống bơi, Hai chơn lảo đảo như người quá say. Tay kia bóp lấy sườn gầy, Phát ra hơi thở lẫn lây khổ buồn; Than rằng: "Cô bác khá thương, Tớ xin bố thí, chết đường nay mai! " Tay sè, cổ lại ho dai,
Mắt nheo lia lịa, miệng nài thi ân. Quân hầu kéo xển, quở rân: "Đông cung ngự tới, lão lần tránh xa." Trên xe, Thái tử dứt nà: "Khoan! Khoan! Xa-Nặc! đó là người chi? Cúp lưng, tiều tụy, dị kỳ, Trong đời có những kẻ vầy hay chăng? Tại sao ngươi thốt la rằng: Tớ xin bố thí, chết bằng nay mai? Hình thù ốm yếu, xương lòi, Chính người chẳng được cơm xơi chớ gì? Kẻ nầy khốn khổ lắm thay! " Viên quan hộ giá trình bày lược qua: "Tâu Điện-hạ! Đó người già, Tuổi dư tám chục, lưng đà uốn cong; Xưa người mình khoẻ, mắt trong, Bây giờ lão mại, cạn dòng nhựa thân. Tráng cường, nghị lực, trí căn, Hao mòn, lụn bại, lần lần dứt thôi. Đèn kia dầu mỡ cạn rồi, Mảnh tim nát ngướu, ánh bồi hồi băng. Đó là kết quả tuổi hằng, Tại sao Điện hạ nằng nằng chú tâm?" Đông cung tiếp đó hỏi thăm : "Già nầy là một, hay trăm triệu người?"
"Bạch Ngài! Xa-Nặc đáp lời, Những ai cao tuổi, chịu nơi khổ Già." Nhưng mà Thái tử hỏi qua: "Nếu ta trường thọ, cũng là vậy sao? Da-Du, thể nữ tại trào, Tám mươi há cũng má đào lợt phai?" "Bạch Ngài! Như vậy chẳng sai." Ngài truyền:" Xa-Nặc! hãy dời trở lui; Quay về cung điện thế thôi, Đã trông tận mắt, việc ôi không ngờ! " *** Đường về nghĩ cảnh Già lờ, Ngự vào cung cấm, dật dờ buồn thiu. Đến khi cơm dọn buổi chiều, Trái ngon bánh ngọt dẫu nhiều chẳng xơi. Mấy cô vũ nữ đền đài, Tranh khoe sắc thắm, nhưng Ngài chẳng trông. Da-Du thấy sự lạ lùng, Quì bên chân bạn, rỉ cùng Trượng phu: "Tại sao Điện hạ ưu sầu, Chẳng vui với thiếp như hầu các hôm? " Ngài rằng: "Ta luống bồn chồn, Vui vầy há dễ hưởng luôn được nào? Đến chừng kỷ trưởng niên cao, Hai ta rồi sẽ hư hao, yếu, còm.
Vai kề, má dựa, tay ôm, Thời gian phá hoại, mùi thơm lụn tàn. Đó như cơn tối chập chờn, Xóa bôi ánh sáng trên ngàn cheo veo; Màn đen buông xuống lưng đèo, Lần lần bao phủ, nhìn theo thấy gì? Phát minh việc ấy hôm nay, Lòng ta lo sợ, tính ngay phương nào? Tình yêu bảo vệ làm sao, Cho thời gian khỏi đưa vào lão nguy? " Trọn đêm Ngài mảng nghĩ suy, Chẳng an giấc điệp, chẳng khuây nỗi sầu. *** Đêm nay vua tại điện lầu, Nằm mơ thấy những điềm đâu bàng hoàng: Một cây cờ lớn đặt ngang, Mặt trời ở giữa, thế hàng Đế Thiên [8]; Bỗng đâu gió mạnh thổi lên, Xé tan cờ quý, xô miền bụi dơ. Một đoàn Tiên Thánh hờ cơ, Bay ngang đáp xuống, lượm cờ lắm lem; Thuận tay, cờ ấy được đem, Cửa Đông thành quách dựng kèm để yên. Điềm hai, vua lại thấy liền: Mười con voi lớn, mép bên có ngà;
Nặng nề chơn bước, dội xa, Từ phương Nam đến, trải qua dặm dài. Ngồi trên voi trước, thảnh thơi, Đạt-Đa Thái Tử, lắm người theo sau. Điềm ba, một chiếc xe mầu, Ánh quang chói lói, chạy mau trên đường. Bốn con tuấn mã trước cương, Phun ra khói trắng, bọt đường lửa than. Trên xe Thái tử ngồi an; Kế là điềm bốn, long nhan thấy vầy: Một bánh xe, tự nó quây, Tum bằng vàng thiệt, căm đầy bửu châu; Trên vành, chữ lạ thành câu, Bánh xe quay mãi, lửa mầu phóng ra; Lại thêm có tiếng nhạc ca, Từ trong Luân bảo ngâm nga tiêu thiều. Điềm năm trống lớn là điều, Nửa đường thành phố, nửa chiều núi non; Tay cầm dùi sắt nện luôn. Hoàng nam đánh trống, bon bon tiếp liền, Dường như sấm sét chuyển rền, Không gian tràn ngập, thấu lên tận trời. Sáu là điềm Tháp cao vời, Vượt trên đô thị, nóc thời mây bao; Đạt-Đa đứng đảnh Tháp cao,
Rải ra bốn hướng trân hào bửu châu; Ngọc như mưa giội trên đầu, Mọi người chạy đến, giành nhau báu nầy. Cái điềm thứ bảy là đây: Lòng vua lo sợ, nghe đầy tiếng than; Sáu người khóc kể kêu van, Nghiến răng, bụm mặt, chứa chan mạch sầu. *** Bảy điềm vua thấy trước sau, Những thầy bói giỏi giải mầu chẳng xong. Vua bèn tỏ nỗi hận lòng: "Nhà ta có nạn, chẳng ông nào rành! Thánh Tiên cho thấy mộng linh, Nhưng không ai biết biện trình tương lai." Kinh thành ưu lự cảm hoài, Vì vua thấy mộng chẳng ai biết bàn. Một ông tu sĩ ẩn nhàn, Áo choàng da thú, miệng loan trước đền: "Đưa ta vào tới Bệ tiền, Mộng vua, ta biết giải liền kiết hung." Bảy điềm lạ vừa nghe xong, Đạo nhơn ứng tiếng, khiêm cung, kính nhường: "Chào mừng gia quyến Đại-vương, Phước lành sáng rỡ, nhựt quang chẳng bì! Bảy điềm vua sợ trước đây,
Tức là triệu chứng việc hay sắp vời. Điềm đầu cờ hiệu vua Trời, Giương ra rồi bị tơi bời vất tung; Đó là đạo cũ cáo chung, Một nền Đạo mới vẫy vùng hiện ra; Thánh Tiên gẫm cũng như ta, Thay ngôi đổi vị hẳn là luật xưa; Kiếp kỳ sánh tợ ngày giờ, Lâu rồi cũng hết, tiếp hờ kiếp sau. Mười con voi lớn theo nhau, Bước đi rúng động địa cầu: điềm hai, Nghĩa là Mười món Trí tài, Của Ngài Thái tử bỏ đời vương gia ; Trí Ngài chấn động sơn hà, Ngài đem Chơn lý bủa ra khắp cùng. Bốn con tuấn mã hơi nồng, Kéo xe sáng chói thẳng xông lên đường ; Đó là bốn lý oai cường, Đưa Ngài Thái tử tới phương ánh ngời. Bánh xe quay chuyển chẳng ngơi, Tum vàng ở giữa, vành ngoài chữ linh ; Đó là Luân bảo Pháp lành, Hoàng nam sẽ chuyển, chúng sanh thỏa nhìn. Trống to, dùi sắt nện lên, Đạt-Đa đứng đánh, tiếng rền khắp nơi;
Điềm này là biểu hiệu Lời Ngài đem truyền bá cho đời hiểu thông. Một ngôi Tháp vượt chín từng, Nghĩa là kinh Phật lướt xông tít mù; Từ trên Tháp, rải bửu châu, Đó là Pháp thí phàm phu, thiên, thần. Sáu người thê thảm khóc rân, Tay thì bụm mặt, than thân phận mình; Đó là điềm bảy chứng minh, Sáu thầy ngoại đạo hẳn đành chịu thua; Lý minh, lẽ vững giúp vua, Hoàng nam bác bẻ thuyết thô Sáu Thầy. Tâu Thánh Chúa! Hãy mầng đi! Vua giàu đệ nhất chẳng bì Đông cung. Mặc dầu người đắp nâu sòng, Còn hơn áo mịn vàng ròng phô trương. Ấy là mộng điệp Đại vương! Bảy ngày đêm nữa, việc đương hiện bày." Dứt lời, đạo sĩ kiếu đi, Tám lần cúi xá, lại quỳ ba phen. Vua sai sứ giả đi liền, Kiếm tìm ông Đạo, của tiền thưởng công. Trở về tâu trước đền rồng: "Chúng tôi theo lão vào trong Nguyệt từ [9], Chim mèo xám đậu bàn thờ,
Chúng tôi vào đó từ từ nó bay." Thiên thần âu cũng có khi, Hiện thân chim chóc như vầy biết đâu! Vua cho rằng lạ, ưu sầu, Ngài bèn xuống lệnh: siêng hầu Đông-cung; Bày thêm nhiều cuộc vui nồng, Buộc tâm Hoàng tử ở vùng điện xinh. Lại tăng binh giữ cửa thành, Nhưng ai ngăn nổi sức linh số phần? Bấy giờ Hoàng tử muốn cần, Nhìn xem cuộc sống nhơn dân, thế tình; Cảnh nầy rất đẹp, rất xinh, Nếu không chạm phải tình hình Thời gian. Trình vua Tinh Phạn lời van: "Xin Cha cho Trẻ viếng an kinh thành; Kỳ rồi Cha khiến dân lành, Dẹp người khổ não, chỉ dành cảnh vui. Nhưng con đã hiểu rõ rồi, Đó là chẳng phải khúc nôi cuộc đời. Nay con muốn biết mọi nơi, Chúng dân, đường xá, sanh nhai, nghiệp nghề. Phụ vương cho Trẻ trọn bề, Cải trang ra khỏi vườn huê du nhàn. Cho con thong thả hoàn toàn, Mai nầy thầy tớ liệu toan lên đường."
Giữa triều vua phán rõ ràng: "Kỳ nhì du ngoạn ắt chàng sửa sai? Tự do Hoàng tử dạo chơi, Để chàng thăm viếng mọi nơi thỏa tình. Các quan rồi sẽ phúc trình, Lòng Chàng biến chuyển, trở thành ra sao." *** Bữa sau, giờ ngọ khai mào, Hoàng nam, Xa-Nặc tiêu dao ra đền, Ấn vua nhìn thấy ở trên, Quân canh vội mở chốt then cửa ngoài. Khách thương một vị thảnh thơi, Một thầy thơ ký gót hài theo sau: Đạt-Đa, Xa-Nặc, kẻ hầu, Hai người cải dạng, ai đâu mà dè? Trên đường thẳng tới đề huề, Xen cùng bá tánh chợ quê đủ mùi. Thị thành cảnh vật buồn vui, Thầy trò thấy đủ lần hồi như đây: Đường đi xinh lịch giải bày, Kẻ qua, người lại, rù rì, xôn xao. Những người buôn bán ngồi vào, Đậu, mè, gia vị sắp bao quanh mình, Khách mua khi đã thuận tình, Lần trong dãy thắt xuất trình đồng ngân.
Nữa là tính thiệt đo hơn, Bên thì nói thách, bên lần giảm đi. Tiếng la eo óc chốn ni, Khiến người nép tránh cho đây qua lề. Bánh xe bằng đá nặng nề, Bò to chậm bước, đồ kê gập ghềnh. Những người khiêng kiệu co quanh, Vừa đi vừa hát ân tình, ca dao. Những phu đội vác bôn đào, Cổ to, lưng rộng, dạt dào mồ hôi. Mấy trang nội trợ lui cui, Ôm ghè từ giếng mà lui về nhà. Nhiều cô thiếu phụ nữa là, Bồng con dưới nách hết ra lại vào. Hàng bánh mứt, ruồi xôn xao, Kìa người thợ dệt rạt rào đưa thoi. Cối xay nghiến bạt, bột lòi, Chó đi thơ thẩn kiếm moi đồ thừa. Thợ làm binh khí sớm trưa, Tạo nên áo giáp phòng ngừa chiến tranh. Thợ rèn đốt lửa ngọn xanh, Nướng cây cuốc sắt, trui thanh giáo dài. Trong trường, giáo thọ giảng bài, Trẻ con họ Thích hợp lời ca ngâm, Ngồi vòng bán nguyệt, nghiêm thâm,
Học qua lịch sử cả trăm Thánh Thần. Mấy người thợ nhuộm áo quần, Đem phơi ngoài nắng đủ ngần trắng xanh. Quân nhân đương lúc bộ hành, Thuẫn, gươm khua động cạch canh đó mà. Những người chăn giữ lạc đà, Ngồi trên cổ bướu, lại qua vóc mình. Bà-la-môn nết hạnh lành, Sát-lỵ, Phệ-xá với ngành Thủ-la; Bốn hàng ấy ở nước nhà, Tu hành, trị quốc, thương gia, ruộng vườn. Ở đây, quần chúng chen bươn, Nhìn nhà dụ dẫn phô trương độc xà; Người nầy nói chuyện vui pha, Cườm tay để rắn quấn ba bảy vòng; Kèn bầu, người thổi dài dòng, Khiến con rắn dữ vẫy vùng múa men. Đàng kia, một đám trống kèn, Tàn tơ, ngựa đẹp, dân hiền vu qui, Trước thần, hoa quả sẵn bày, Nàng nầy cầu tự hoặc vì viễn phu. Xa xa, dãy tiệm đồng thau, Thợ đem đập nắn đèn dầu, nồi niêu, Thầy trò Hoàng tử dắt dìu, Dưới tường chùa miễu dài theo cửa đền;
Cuối thành quách, có rạch bên, Hai người qua đó, bước lên nhịp cầu. *** Bên đường bỗng có tiếng sầu : "Quí ngài tế độ, đỡ đầu tôi lên ; Ôi thôi! cứu vớt một phen, Không thì tôi chết ở trên vệ đường!" Ấy người Bệnh dịch thảm thương, Rẩy run, lăn lộn, bụi vương áo quần ; Trên mình nổi mụt đỏ rần, Mồ hôi khắp trán, miệng lần rút co; Đương cơn nguy kịch đáng lo, Mắt thì lơ láo, hẹn hò giờ đi! Cỏ bên lộ, cố bám ghì, Gượng mà chỗi dậy, rồi thì té ngay; Tứ chi run rẩy ghê thay, Miệng đành kêu thốt: "Ai hay cứu dùm!". Đạt-Đa chạy tới, lum khum, Đỡ người bạc phận, mắt trùm tình yêu. Đầu người ấp gối nâng niu [10], Bóp xoa êm dịu, thấy chiều tỉnh tươi. Hỏi thăm: "Có bớt chăng người? Bệnh chi mang lấy mà ngươi té nhào? "Nầy Xa-Nặc! bởi lẽ nào, Người kia hồi hộp, kêu gào, rên la?
Tại sao va muốn nói ra, Lưỡi đơ miệng cứng, thật là thảm thương? " Viên ngự giả đáp tỏ tường : "Tâu Ngài! kẻ ấy đã vương Bệnh rồi. Bất hòa, tứ đại rối nùi, Máu me như thể nước sôi, lửa nồng. Trái tim xưa nhảy đều đồng, Bây giờ lúc chậm, lúc vùng đập lia, Gân như dây ná đứt lìa, Nhượng chân, thận, cổ hết bề cử đương. Sắc duyên, vui vẻ, tráng cường, Bây giờ tản mác xa đường còn chi! Lúc nầy cơn bệnh phát nguy, Kìa người mó máy như truy bệnh tình. Đỏ lòm, cặp mắt liếc quanh, Nghiến răng, nghẹt thở như mình ngộp hơi. Người kia muốn chết rồi đời, Đương khi hành bệnh, thác thời sao xong! Bệnh còn sát hại gân trong, Tứ chi hết cảm, bệnh hòng thoát ly, Rồi tầm chốn khác hành vi; Nhưng Ngài đừng có ôm chi người nầy, Bệnh tình có thể nhiễm lây, E Ngài chẳng khỏi vướng dây lan truyền." Đông cung tiếp tục vỗ khuyên,
Nhưng Ngài cũng hỏi cơ duyên cho tường: "Há còn nhiều bệnh đáng thương? Ta đây có thể cũng vương chớ gì?" Chàng Xa-Nặc đáp tức thì: "Mọi người đều phải chứng nầy hoặc kia: Tên ghim, dao búa chém lìa, Yếu đau, ghẻ lác, đằm đìa phong đơn; Có người nóng lạnh từng cơn. Hoặc đau kiết lỵ, vân vân mọi đường." Đông cung mới hỏi rõ ràng: "Đương khi bệnh đến, mình thường thấy chăng? " Chàng Xa-Nặc ứng đáp rằng: "Bệnh như rắn ẩn, buông phăng cắn mình; Lại như cọp dữ đang rình, Từ trong bụi rậm thình lình phóng ra; Bệnh như lằn chớp trên xa, Đánh người bên nọ, dung tha bên nầy." "- Người đời há sợ hằng ngày?" "- Tâu lên Điện-hạ! như vầy chớ sao?" "- Thế thì không kẻ tự hào: Đêm nay ngon giấc, thức vào ngày mai?" "- Bạch Ngài! thật vậy chẳng sai, Không ai dám chắc tương lai của mình." "- Biết bao đau đớn chực rình, Thân hư, tâm khổ, rồi sinh cái Già!"
"- Nếu mình sống được lâu xa." "- Ví bằng thiếu sức lướt qua bệnh trầm, Hoặc người chẳng muốn cự cầm, Kẻ mong kết thúc cái mầm khổ đau; Hay người chỉ biết rên sầu, Cũng như kẻ bệnh kê đầu tay ta ; Hay người tuổi đã quá già, Đương tình cảnh ấy, dứt ra thế nào ?" "Bạch Ngài! đành chết chớ sao!" "- Thế là cái Chết bước vào phải không?" "- Bạch Ngài! chết đến đau cùng, Bất kỳ giờ khắc, xứ vùng đâu đâu. Kẻ nầy còn tới bạc đầu, Phần đông thống khổ, yếu đau, gầy mòn; Nhưng rồi ai cũng chẳng còn, Kìa xem cái Chết đương lòn bước qua!" *** Đạt-Đa Hoàng tử trông ra: Đoàn người chậm bước, lệ sa đằm đìa; Hướng theo phía rạch xa kia, Một người dẫn lộ lắc lia lọ sành, Than hồng chứa đựng đầy bình; Phía sau nhiều kẻ gia đình lần theo, Mọi đồ tang phục mang đeo, Áo quần xào xể, hò reo nằn nì:
"Ra-Ma! Ngài hãy chứng tri, Cầu Ra-Ma đủ từ bi độ đời." Sau cùng, đến cái quan tài; Tre đan ở giữa, cán ngoài bốn cây; Nằm trên là một cái thây, Chân đưa phía trước, ốm gầy, cứng đơ: Miệng hủng xuống, mắt chẳng đưa, Hông sâu, nhăn nhó, bụi dơ đỏ vàng. Vừa khi tới ngã tư đàng, Phu khiêng quay cáng, đầu sang phía tiền; "Ra-Ma", hô lớn liền liền, Chúng đưa thi thể đến miền bờ sông. Giàn thiêu cất sẵn chờ trông, Tử thi đặt đó, chất chồng củi lên. Xót người nằm đó ngủ quên, Dầu cơn lạnh lẽo, cũng yên giấc hoè! Nơi trống trải, gió bốn bề, Thân hình để lộ chẳng che áo quần. Bốn bên, lửa bắt lần lần, Ngọn bò lên liếm bốn phần giàn thiêu. Bỗng nhiên lửa túa mạnh chiều, Chụp thây mà cắn, ngọn phèo phèo phun. Thịt da nứt lắt lẻo tung; Khói xông dầy đặc, sau cùng mỏng manh. Tro tàn tạ, đỏ rồi xanh,
Xương thừa vài mảnh rắc quanh bên đàn. Đông cung tỏ vẻ phàn nàn: "Đây là kết cuộc nhơn gian chớ gì?" Chàng Xa-Nặc đáp lời ni: "Ấy là cảnh tượng chung qui người đời. Trên giàn một kẻ nằm dài, Qua cơn hỏa táng, sót vài miếng xương; Mấy con quạ đói kêu vang, Chẳng thèm mổ gặm, tầm đường bay đi. Nhưng mà người ấy trước đây, Uống, ăn, cười, giỡn, vui say ái tình, Ở đời, yêu cuộc sống sinh, Rồi thì ai biết tình hình xảy ra? Một cơn giông tố rừng già, Trên đường trật bước, ao sa thấm bùn; Hoặc rắn cắn, hoặc dao vung, Cảm hàn, xương cá, ngói tung nhằm đầu. Cuộc đời nhơn đó giảm thâu, Người ta phải chết, còn đâu tiếc hồi! Uống, ăn, vui, khổ, dứt rồi, Môi hôn chẳng cảm, lửa bồi chẳng đau. Mũi không ngửi biết nữa đâu, Mặc dầu thịt khét, mặc dầu hương hoa, Miệng không biết vị nữa là, Tai không nghe tiếng, mắt lòa hết trông.
Thân bằng cố hữu khóc ròng, Mau thiêu xác ấy, kẻo mòng giòi bu! Số phần nhục thể vậy ru! Xấu hèn cũng chết, sang giàu cũng queo! Cứ như Kinh điển mà theo, Tử sanh luân chuyển, biết gieo chốn nào? Rồi còn trở lại làm sao ? Còn cơn tử khổ, còn vào hỏa thiêu! Nhơn gian luẩn quẩn bấy nhiêu, Cái vòng như vậy là điều tử sanh." *** Đạt Đa ngước mặt trời xanh, Mắt Ngài chiếu giọt lệ lành Thần Tiên. Kế Ngài nhìn xuống đất liền, Đượm nồng đức tánh Từ Hiền Xót Bi. Nhìn trời nhìn đất liền khi, Dường như Ngài muốn nối vầy dưới trên. Uy nghi Ngài mới đứng lên, Dáng người bác ái, sức bền tự tin. Hô rằng: "Trần lụy ta nhìn, Lưới sanh tử khổ bủa ghì chẳng tha. Hoàn cầu mang bệnh trầm kha, Lạc là giả dối, phước là trêu ngươi. Lao đao cực nhọc kiếp người, Vui chưa tròn hưởng, Khổ vùi tấm thân.
Trẻ thấy đó, lão lại gần, Người yêu vật mến vội phân tách mình. Sống rồi thì chết rã hình, Kế là tiếp tục sanh thành đôi nơi, Bánh xe luân chuyển chẳng ngơi, Trong vòng Sanh Tử người đời mãi lâm: Ham chi vui sướng lạc lầm, Để rồi thọ khổ thân tâm đủ đường . Ta đây cũng đã bị lường, Nhìn đời tốt đẹp cũng dường lạch sông; Dưới ánh nắng, nước xuôi dòng, Lờ đờ mãi mãi như không vội vàng. Sông đời nước chảy ngang tàng, Vội tuôn vườn ruộng, nhập hàng biển dơ! Bức màn án mắt thuở giờ, Nay đà bị xé, rách trơ rã rời. Ta từng theo hạnh người đời, Nguyện cầu Tiên Thánh các Ngài chẳng nghe! Hẳn là có sự chở che, Ai ai cũng muốn nhờ về Sức Linh! Biết đâu các đấng như mình, Cũng đều cầu nguyện, nhờ bênh vực giùm! Thánh Thần sức yếu chẳng trùm, Không phương cứu kẻ lum khum khẩn cầu! Ta không nỡ để khóc sầu,
Nếu ta đủ sức đỡ đầu đắc chơn! Phạm Thiên tạo hóa thế gian, Tại sao bỏ chúng lâm nàn thế ni? Vì Ngài có đủ quyền uy, Bỏ đời chẳng cứu, tốt gì mà khoe? Nếu Ngài thế lực kém bề, Xưng danh Thiên Chủ khó nghe lắm mà! Nầy Xa Nặc! trở về nhà, Mắt ta xem đủ, nữa là thế thôi!" *** Vua nghe thuật rõ khúc nôi, Truyền ba tốp lính canh ngoài cửa cung; Không ai ra khỏi, vào trong, Ngày đêm đều vậy, cho xong hạn kỳ; Vì vua nằm mộng trước đây, Giữ cho qua khỏi số ngày thì êm. ***
[1] Tchitra, tên cô cung nữ vừa hát. [2] thứu : chim ó (vautour). [3] Tần-bà-sa-la (Bimbasâra): Vị vua lớn nhứt ở Ấn-Độ hồi đời Phật. [4] Toulsi: giống cây thơm có tánh cách thiêng liêng. Mỗi gia đình Ấn-Độ quí trọng cây ấy một cách đặc biệt; Khi người Ấn Độ phát thệ trước tòa họ phải ăn một lá toulsi do một thầy Bà-la-môn trao ra . [5] Nhựt thần (Souryadéva): Thần mặt trời.
[6] Su-đà-na (Souddhôdana) dịch nghĩa: Tịnh-Phạn, cha của Thái tử Tất-đạt-đa. [7] La-vệ tức Ca-tỳ-la vệ (Kapilavastou), kinh đô vua Tịnh-Phạn. [8] Mặt trời là tượng trưng đức Đế Thiên Đế Thích (Indra) . [9] Nguyệt từ : Đền thờ Thần Mặt trăng (Tchandra, La lune). [10] Thái-tử ôm đầu người bệnh kê lên đầu gối của Ngài.
---o0o----
Phần thứ tư TỪ BỎ
Ðại Xuất Gia: Khi hoàng nam La-hầu-la chào đời, Thái tử Sĩ-đạt-ta quyết định lìa bỏ đời sống thế tục. Ngài đến thăm Da-du-đà-la lần cuối. Và Ngài thấy các cung phi nằm ngủ mê mệt, như những xác chết xấu xí trong nghĩa địa.
Great Renunciation: In the day Rahula, his son, was born, Prince Siddhattha decided to renounce the world. He saw a last sight to Yasodhara. And he happened to see his ladies in waiting who were sleeping, showing him their various kinds of ugly manners like cemetery.
Nhưng khi trải đủ ngày đêm, Thế Tôn thực hiện cái điềm ra đi. Đền vàng kêu khóc ai bì, Vua cha rầu rĩ, dân thì đau thương. Nhưng rồi có sự lạ thường: Chúng-sanh giải-thoát, Đạo đương phổ truyền. Những ai nghe Lý diệu huyền, Trở nên tự tại, được quyền tự do. *** Màn đêm trải khắp đồng to, Trời xuân, trăng tỏ, người lo cúng thần (1). Trên cây xoài đỏ lần lần, Vô-ưu (2) nương gió, hương phản phức cùng. Thị thành, làng xóm, ruộng đồng, Đâu đâu cũng hưởng phước hồng duyên may. Từ từ, đêm xuống cung nầy, Bầu trời hương tỏa, sao đầy không gian; Gió xuân trên đỉnh Tuyết san, Hiu hiu thổi xuống nghe man mác người. Hướng đông sau đỉnh núi khơi, Kìa vầng nguyệt rạng lần hồi vượt lên; Ánh trăng chiếu khắp bốn bên
Sông Rô-hi-ni và trên núi rừng. Đồng bằng, sủng vực sáng trưng, Chiếu trên cung điện đương chừng ngủ say. Cửa ngoài, lính gác nghiêm bày, Trống canh đổi hiệp, hô ngay khẩu truyền. Đêm khuya ai nấy ngủ yên, Chỉ nghe chó sói hú rền xa xa; Lại trong mấy cụm vườn hoa, Nỉ non tiếng dế tấu hòa chẳng ngơi. *** Trăng lòn đá chạm thông hơi, Rọi ngay vách phấn, chiếu nơi rền nhà; Trăng soi thấy nhóm gái ta, Cảnh như phòng ốc Tiên nga Thiên đàng (3), Đó là mỹ nữ dịu dàng, Lọc lừa kỹ lưỡng mới mang vào đền. Mỗi cô đương lúc nghỉ yên, Dường như ngọc tốt ở bên đá thường. Lần hồi nhìn khắp cung đường, Cô nầy thấy đẹp hơn nàng bên kia. Càng nhìn càng thấy thích mê, Cũng như xem ngọc nằm kề với nhau; Hạt nào cũng chiếu đủ màu, Khó mà phân biệt hơn nhau những gì! Các cô cung nữ nằm đây,
Tay chơn nửa kín, nửa bày lộ ra; Tóc huyền gài thắt dây hoa, Hoặc buông phủ ót như là sóng xao. Qua cơn mệt mỏi giỡn nhào, Bây giờ ngon giấc mộng đào đêm xuân. Tỷ như chim chóc tập quần, Trọn ngày ca hát, lần vần yêu nhau; Mệt rồi lấy cánh phủ đầu, Sáng ra thì lại mặc dầu ca yêu. Trên trần, có những đèn treo, Bình, dây bạc chạm, chế nhiều dầu thơm, Đèn soi hiệp với trăng dòm, Các nàng đề đạm nằm gom thấy tường: Phập phồng mấy bộ ngực dương, Tay son nắm chặt hoặc trương ra ngoài; Mặt hồng với cặp mày ngài, Đôi môi hơ hở, răng ngời như châu; Mắt thời hai mí nhuyễn nhu, Lông nheo dài chấm đôi bầu má non. Cổ tay tròn trịa thon thon, Chơn đeo lục lạc với lòn thủy tinh; Cô kia trở giấc cựa mình, Tức thì reo tiếng lanh tanh ngọt ngào. Kia kìa nằm đó cô nào, Cây đờn để sát má đào mỹ nhơn;
Tay măng còn vịn dây đờn, Như đương gẫy khúc, chập chờn ngủ quên. Một cô khác nữa nằm bên, Tay ôm con lộc đã quen hơi nàng; Thú nầy hiền hậu dễ thương, Mảng mê ăn những hoa hường nàng trao; Tớ thầy vào giấc mộng đào, Hoa còn nửa đóa ở vào tay cô; Đương khi con lộc kê đầu, Hoa hường một cánh dính vào mép môi. Đàng kia hai ả thành đôi, Kết hoa rồi lại ngủ ngồi bên hoa. Lại thêm cô khác nữa là, Xỏ nhiều thứ ngọc cho ra chuỗi chuyền; Dây hồng một sợi nối liền, Quanh cườm tay đẹp, ngọc hiền chiếu ra; Cuối cùng, ngọc bích đó là, Khắc hình Thần Thánh, mạ qua vàng ròng. Khi nàng xỏ chuỗi vừa xong, Buông mình xuống đó, vào trong giấc hoè. Trong vườn con rạch ro re, Ru như mỹ nữ đê mê giấc nồng; Tỷ như hường mới đơm bông, Chờ khi rựng sáng nở tung ánh trời. Đó là cung cấm phòng Ngài,
Phía trong là trướng những người đẹp hơn; Gôn-Ga, Gô-Tá-mi (4) nương, Hai cô hầu cận cung loan ái tình. Trướng buông, màu thắm lẫn xanh, Thêu toàn kim tuyến chận ranh cửa đền. *** Cửa chiên-đàn chạm khắc tên, Vào ba bước nữa là bên loan phòng. Phòng nầy lộng lẫy vô song, Dưới đông sàng có bệ rồng lụa nhung; Bước chơn lên đó thung dung, Như đi trên khảm bằng bông nem (5) đều. Vách tường gắn ngọc rất nhiều, Vốn là ngọc điệp Hải triều Tích Lan (6). Trần nhà bạch ngọc một gian, Cẩn hồ văn đẹp, dùng toàn bửu châu; Đỏ, xanh, vàng, tím đủ màu, Tạo hình sen với chim sâu, chim rừng; Hoa hoè một cảnh tưng bừng, Đỉnh bầu vòng nguyệt ở chừng trên cao. Vách tường, cửa sổ, song rào, Xen theo kẻ hở, trăng vào, gió vô, Bìm, lài với các hoa mùa, Hương theo chiều gió, tỏa lùa phòng trung. Mặc dầu cảnh đẹp tình trong,
Chẳng chi sánh kịp đôi lòng mến yêu: Thích Ca Hoàng tử mỹ miều, Da-Du bạn ngọc đủ chiều đoan trang. *** Màn loan ngồi tựa bên chàng, Áo xiêm để hở tuột hàng đôi bên, Hai tay ôm trán, buồn rên, Từ từ lụy nhỏ ở trên má hồng. Ba phen hôn hít tay chồng, Thưa rằng: "Quân tử đem lòng dạy khuyên", Ngài rằng: "Bạn có chi phiền?" Nhưng nàng chẳng đáp, chỉ riêng than thầm. Cuối cùng nàng mới phát âm: Thiếp vừa nằm mộng, suy tầm không ra. Ban đầu vui thích đó là, Con mang bên dạ nó đà cựa hông; Tim thiếp đương nhảy nơi lòng, Hòa cùng nhựa sống tình nồng, phước may. Nhưng khi vừa chợp mắt nầy, Thấy ba mộng dữ, lòng đây kinh hoàng: Một con bò trắng nghinh ngang, Đôi sừng to lớn ngưu vương đồng bằng. Ngang đường, bò ấy lướt băng, Bửu châu giữa trán chiếu lằn như sao. Như hoàn Căn-thá (7) ánh hào,
Rạng soi Địa phủ khác nào ban trưa. Từ từ ngang lộ chân đưa, Ngưu vương đến cửa chẳng chừa nhà ai. Ngăn bò, không một sức ai, Trong đền Đế Thích, ứng lời nói to: "Các ngươi chẳng chận được bò, Ôi thôi Đô-thị! Vinh hoa dứt lìa." Chẳng ai cản nổi bò kia, Thiếp liền kêu khóc, ôm ghì cổ to. Thiếp đem hết sức cản bò, Và truyền cửa nẻo tấn cho vững vàng. Nhưng rồi rống tiếng Ngưu vương, Lắc đầu nhè nhẹ, thoát ngang tay nầy. Lật nhào chướng ngại đó đây, Lướt đi đụng ngã những tay vệ phòng. Đó là điềm trước vừa xong, Bốn vì rực rỡ hiện trong điềm nhì: Mắt chiếu sáng, vẻ phương phi, Dường như bốn chúa Tu-di ngự thường (8). Trên trời, rạng tỏ hào quang, Bay quanh Bốn Vị là hàng Thần Tiên. Cùng nhau đáp xuống đây liền, Cửa thành phấp phới ngọn Thiên đế tràng. Cờ nầy tuột xuống vội vàng, Thay vào một ngọn bảo tràng oai vinh.
Phất phơ, ngọc đỏ chói anh, Cờ viền dây bạc, chữ linh thêu vào, Chúng sanh hoan hỉ kính chào, Gió đông rựng sáng lao xao tung cờ, Mọi người đọc chữ thiên cơ, Hoa trời thơm đẹp như mưa túa đầy." *** Đông cung phán dạy lời nầy: "Đó nàng thấy được mộng hay điềm lành." Công nương liền mới thưa trình: "Rồi em nghe tiếng hãi kinh hô rền: Thì giờ sắp đến một bên! Thì giờ sắp đến, chẳng nên lơ là!" "Kế em trông thấy điềm ba: Toan rờ quân tử, chỉ là gối không; Màn loan lạnh ngắt như đồng, Cẩm bào bỏ đó, ông chồng hà phang? Vía em thức giấc vội vàng, Thấy dây ngọc đái của chàng quấn em; Nó liền hóa rắn cắn em; Xuyến vòng rơi rớt, lấm lem, tan tành, Hoa lài kết mái tóc xanh, Lần lần biến thể mà thành bụi nhơ. Nệm giường nghiêng ngã xơ rơ, Trướng đào xài xể, xác xơ thế là!
Bạch ngưu kêu rống xa xa , Cờ thêu một bức tỏa ra trước đền. Lại nghe có tiếng vang rền, "Thì giờ đã đến, chớ nên chần chờ!" Tiếng la làm tỉnh giấc mơ, Những điềm thấy đó triệu cơ thế nào? Em đây sắp chết hay sao? Hoặc Chàng bỏ thiếp? Kẻ nào bắt Anh?" Trông nàng với vẻ hiền lành, Đạt-Đa bèn nói : "Hãy đành làm vui! Nỗi buồn thôi hãy lấp vùi, Nếu nàng để dạ yêu tôi vững bền. Đành rằng mộng triệu nói trên, Hẳn là bóng dáng việc bên sau nầy; Đành rằng Thần Thánh ngôi vì, Cũng còn rúng động, đổi thay nữa là; Đành rằng trần thế trải qua, Một cơn chờ đợi người ta cứu nàn. Dầu sao nàng hãy chắc an, Luôn luôn ta mến bạn loan những ngày. Đã từ nhiều tháng đến nay, Ta từng nghĩ xét phương hay cứu trần; Nhằm khi cơ hội một lần, Việc chi phải vẹn, chắc phần vẹn xong. Tâm ta quảng đại bao dong,
Với người xa lạ, chạnh lòng xót thương. Ta đây cũng khổ thường thường, Mặc dầu khổ não chẳng vương lấy mình. Huống chi những kẻ thân tình, Cùng ta chung sống, ta đành bỏ quên ? Nhứt là bạn ngọc hữu duyên, Lòng ta khắn khít theo bên với nàng. Nàng là từ mẫu rõ ràng, Cùng ta chăn gối mơ màng canh khuya. Tâm ta vượt biển trời kia, Đầy tình thương xót người quê kẻ thành. Như chim câu liệng trời xanh, Nhớ thương tổ ấm, dẫu mình bay xa; Tâm ta cũng trở lại nhà, Nặng tình cô bạn diệu hòa thanh tao. Tương lai dầu có thế nào, Nhớ con bò rống với hào cờ thêu. Nàng nên biết chắc một điều: Bao giờ ta cũng mến yêu bạn đời; Việc ta tìm kiếm hiện thời, Kiếm cho bá tánh, cho người tình chung. Nàng nên dập mối sầu nung, Hai ta chịu khổ, người đồng an vui. Hôn nàng, cảm tạ bồi hồi, Cầu nàng được phước về hồi thuở sau;
Hôn ta, nàng phải biết câu : Tình ta thương chúng, chẳng sâu bằng nàng. Thôi em nằm nghỉ trên giường, Ta thì bước xuống, đêm trường thức luôn." *** Công nương nằm xuống, lụy tuôn, Ngủ và kêu mớ, thấy luôn điềm rồi. Lại nghe tiếng thúc liên hồi: "Thì giờ đã đến! Đến rồi đó chi!" Đạt-Đa vội ngảnh mặt đi, Chị Hằng hướng Bắc, sao bầy tấu lia: "Đây là cảnh tối trời khuya, Hai đường chọn một: Ngôi kia, Từ nầy, Hoặc làm Quốc chủ trị vì, Hoặc Nhà tịch tĩnh ra đi cứu đời." Gió khuya thầm thỉ bên tai, Nhắc lời khuyên của các ngài Thần Tiên. Mảng nhìn tinh tú liên miên; Chư Thần hầu chực quanh miền Thế Tôn. Ngài rằng : "Thời khắc tới dồn, Hãy đi cho kịp, bồn chồn nữa chi? Bạn ơi đương ngủ ở đây, Má đào xui khiến hành vi cứu đời. Đôi ta cần phải tách rời, Vận ta ghi rõ trong trời lặng yên.
Ngày đêm lần bước tiếp liên, Nay mình đến đích hiển nhiên đó là. Chẳng mong kế vị vua cha, Chẳng ham thống lãnh, can qua phải dùng, Loan xa chẳng ngự Tây Đông, Càng nhiều oanh liệt, máu hồng càng tuôn. Thà rằng lần bước đường truông, Nằm giường cát bụi, ở luôn ruộng đồng; Bạn ta nhơn vật nghèo cùng, Áo quần thô xấu, ăn dùng đồ xin, Khi thì động tối lần vin, Có khi bụi rậm gót in trong ngoài. Quyết làm như vậy chẳng sai, Vì ta nghe rõ tiếng đời kêu than; Chạnh lòng bi xót thế gian, Xả thân nầy đề cứu an hồng trần. Chư thiên lớn nhỏ xa gần, Vị nào quyền thế, trọn phần Từ Bi? Có ai thấy được chư vì? Những người thờ phụng được chi hưởng nhờ? Ích chi cho kẻ nguyện thờ? Ích chi cơm bánh, dầu bơ nạp thần? Ích chi niệm chú có vần, Tế sinh vật, cất đền thần nguy nga? Nuôi chi thầy cúng vậy mà?
Xi-Hoa, Tỳ-Nữu, Xu-rà (9) cứu ai ? Kệ kinh tụng đọc hôm mai, Chỉ lời sợ sệt với lời a dua. Cứ theo phép đó mà hùa, Ai người có thể đuổi đùa Khổ Sanh? Khổ biệt ly, khổ ái tình, Khổ vì Bệnh rét thân hình run en, Khổ chết thảm, khổ đọa hèn, Sanh đi sanh lại bao phen khổ sầu! Nhiều dục vọng, lắm buồn rầu, Bạn nào thoát khỏi vực sâu khổ phiền? Nữ nhơn chay lạc cữ kiêng, Những ai đắc Đạo, tên biên mấy người? Những cô ca kệ chẳng lười, Có ai gặt hái quả tươi, hạt lành? Cô nào cúng sữa trắng tinh, Tuôn-xi lá quý kính thành chưng ra, Đến khi nở nhụy khai hoa, Thử xem có khỏi kêu la khóc ròng? Thiên Thần thiện, ác khác dòng, Thảy đều yếu sức, không mong thi hành; Tuy thương xót, lại chẳng bênh, Cũng như người thế, chuyển sanh, đổi dời. Kìa Kinh điển dạy phải lời, Kiếp sanh phát khởi từ nơi thấp cùng:
Hết nguyên tử tới vi trùng, Loài sâu, loài rắn, cá cùng chim bay, Thú, người, quỉ dữ, thần ngay, Lần lên Thiên thượng, đến Vì tuyệt cao. Rồi đành lui bước chớ sao, Cát bùn, nguyên tử trở vào như xưa. Những loài sanh sống sớm trưa, Từng làm quyến thuộc thích ưa với mình. Độ người dứt cuộc tử sinh, Thế gian tỏ ngộ, vô minh vén màn; Hết lòng lo sợ bất an, Bỏ đi ích kỷ, bạo tàn hết len, Ai người cứu thế một phen, Ắt gồm phương tiện, chúng bèn qui y! Tưởng thời tiền sử xa đây, Mùa đông gió lạnh phân thây bao người! Bỗng đâu có kẻ khéo bươi, Từ nơi toại thạch mà khơi lửa hồng. Người xưa săn thịt ăn dùng, Cũng như lang cẩu chạy dông bắt mồi; Có người gieo hạt trên đồi, Bắt đầu có lúa lần hồi nuôi nhau. Người xưa ra dấu u au, Về sau chế đặt tiếng, câu sách bài, Có ai tọa hưởng cuộc đời,
Mà không nhờ ở công người phát minh? Khen người tầm tỏi, đấu tranh, Đem lòng bác ái quên mình, làm nhân! Như ai quyền thế ở trần, Giàu to, mạnh khoẻ, định phần làm vua; Như ai chưa tới già nua, Trẻ trung , hạnh phúc, đương mùa ái ân; Như ai da mặt chẳng nhăn, Hưởng đầy khoái lạc, duyên phần cõi ni, Mặc tình chọn lựa tùy nghi, Như ta đây vậy, không chi, thiếu, buồn, Chẳng qua thấy kẻ lệ tuôn, Chạnh lòng thương xót, khổ luôn tới mình! Người như vậy, đủ sức lành, Của đem thí hết, vì lòng thương dân. Kế người xả bỏ tấm thân, Suy cầu Chơn lý, kéo phăng bí huyền. Người đem ý chí cần chuyên, Tìm nơi Địa ngục, cảnh Tiên, cõi người, Sau cùng, màn kín vén khơi, Con đường mở trống, mười mươi vẹn tròn. Đáng công thí xả nước non, Làm Thầy thắng phục hoàn toàn Tử-Sanh. Việc nầy ta sắp thi hành, Ta đành bỏ Nước, vì tình Nước, Dân,
Tâm ta thông cảm người trần, Hôn nay ta quyết xả thân cứu đời. Ớ sao nhấp nhánh bên trời! Ta ra đi, thuận lời mời các ngươi. Nầy đất thảm! vì mọi người , Ta đành bỏ cả: vui cười, tuổi xanh, Ngôi vàng, ngày đẹp, đêm thanh, Với nàng Công Chúa dứt tình khó thay! Cứu em, cứu cả cõi nầy, Cứu luôn con trẻ chuyển lay dạ nàng; Nay còn cương quyết dễ dàng, Đến ngày bồng ẵm, lỡ làng chí ta, Vợ, con, thân phụ, bá gia! Hãy dằn sầu não cho qua một thời, Rồi đây Ánh sáng bựt ngời, Pháp ta sẽ dạy người đời, chúng sanh. Hôm nay ta quyết cất mình, Chừng nào trở lại, tất thành công tu." *** Trên chân Công chúa, cọ đầu, Lặng nhìn mặt vợ, cùng nhau giã từ, Quanh giường chân bước từ từ, Hai tay chắp lại, kính như bàn thờ. Ngài rằng :"Nệm ấm chăn tơ, Trượng phu thôi chẳng bao giờ nằm đây."
Ba lần Ngài cất bước đi, Ba lần trở lại, ấy vì Da-Du. Kế Ngài kéo áo lên đầu, Lui ra, vén bước trướng châu phía ngoài. Ở đây thiêm thiếp giấc dài, Gôn-Đa, Gô-Tá là hai cận hầu, Kế là mỹ nữ nhiều cô, Nằm như những cánh sen đâu trên tòa. Ngài rằng : "Nét ngọc mặn mà, Khổ tâm ta lắm vì xa các nàng; Ví bằng chẳng tách nẻo đường, Cái già, cái chết, sẽ vương chúng mình. Các cô đương ngủ đã đành, Cũng như người thác, có hành động chi. Kìa hoa hường nọ chết đi, Mùi thơm, sắc đẹp còn gì ở đâu? Tỷ như đèn thắp hết dầu, Ánh hồng tia sáng bay đâu mất rồi? Đêm ôi! kéo mắt bịt môi, Đừng cho ai khóc, đặng tôi lên đường! Nhờ vào các bạn mỹ nương, Đời ta đã được thường thường sướng vui. Lòng ta chạnh tưởng bồi hồi: Đó đây như đám cây đồi đứng chung; Mùa xuân, sanh nẩy mạnh hùng,
Sang đông tàn tạ, sống cùng xuân sau; Hoặc khi rìu búa chém nhàu, Cây nào cũng ngã, còn đâu lâm tòng? Cảnh tình ấy, ta chẳng mong, Vì không nỡ thấy những dòng lệ rơi. Giã từ các bạn nữ ơi! Đời đương xuân đẹp, ta thời hy sinh. Đi tầm giải thoát, Quang minh" ; Đông cung nhẹ bước, lách mình trong đêm. *** Ngàn sao yêu thích nhìn xem, Gió khuya hôn vạt áo xiêm của Ngài; Kiểng hoa ngự uyển đua khai, Tỏa mùi thơm phức tận nơi mũi rồng. Trên mặt đất, khắp núi đồng, Từ non Hy-Mã tới vùng Ấn Dương, Xảy ra rúng động bất thường, Tâm hồn Đại địa như dường cầu mong, Chư kinh thuật tích Thế hùng, Chép rằng thiên nhạc trổi cung ngọt ngào. Tiên Thần chen chúc lao xao, Đường đêm tăm tối, ánh hào sáng trong, Bấy giờ trong chốn hư không, Tấm tình hỷ lạc cảm thông đầy trời. Thiên vương Bốn vị quyền oai,
Từ miền Thượng giới giáng nơi cửa đền; Thần binh, thần tướng hầu bên, Can qua bằng ngọc, cung tên bạc vàng; Chắp tay ngó sững vị Hoàng, Ngài đương đươm lệ nhìn hàng sao giăng; Miệng môi ngậm lại chẳng rằng, Chương trình Bác-ái phải phăng thế nào? Bước vào đêm tối, kêu gào: "Xa-Nặc! thắng Càn-Trắc (10) vào cho ta ! " Xa phu nhè nhẹ ló ra, Tâu rằng: Hoàng tử dạy qua việc gì? Trời khuya đường lối đó đây, Ngựa làm sao chở tớ thầy được cho? Ngài rằng: "Đừng nói tiếng to, Mau đem ngựa đến, kẻo lo trễ giờ. Đền vàng là ngục giam thưa, Muốn tìm chơn lý, phải chừa hoàng cung. Nay ta quyết định lướt xông, Kiếm cho được Đạo để dùng cứu nhơn." Chàng Xa-Nặc tỏ thiệt hơn: "Ngày xưa các vị thiên văn đã truyền: Con trai Tịnh Phạn vua hiền, Về sau thống lãnh, cầm quyền chư vương. Nay sao Ngài lại lên đường, Bỏ lìa trần thế, giàu sang, quyền hành?
Tại sao ôm bát quẩn quanh, Vào đồng cát cháy, bỏ thành thị vui ? " Ngài rằng: "Chỉ muốn vậy thôi, Ta nào có thích chi ngôi trị vì. Nước ta là Cõi Cực kỳ, Hơn chư quốc thổ đổi thay, chết, già. "Hãy đem Càn-Trắc cho ta." Xa phu lại nói thiết tha mấy lời: "Hãy nên nghĩ tới Cha Ngài, Đức vua sẽ khổ vì rời Đông cung; Cũng nên tưởng nghĩa vợ chồng, Công nương chỉ biết cậy trông nơi Ngài. Nay đành lìa bỏ cả hai, Cha già, vợ yếu, lấy ai đỡ đần?" Đạt-Đa giải đáp thiệt hơn: "Nếu ai yêu vật mình cần phải theo, Đặng riêng hưởng thú cho nhiều, Đó là yêu quấy mà đeo khổ sầu. Thương cha, mến vợ rất sâu, Còn hơn yêu chỗ vui cầu của ta; Nhưng nay đành phải lìa xa, Tầm phương cứu vợ, cứu cha, cứu đời. Mau mau dắt ngựa đến nơi." Tức thì Xa Nặc vâng lời đi mau. Buồn rầu bước tới nơi tàu,
Vói lên máng cỏ mà thâu vật thường: Hàm thiếc bạc, bộ dây cương, Có thêm xà tích, dây ràng ức cu. Siết dây, móc khóa tiếp nhau, Đem con Càn-Trắc buộc đầu vào khoen. Chải rồi, tra bộ đồ quen, Vuốt ve lông mịn, tuyết ghen ánh ngời! Nhung vuông trải đắp ngựa tài, Phủ thêm chiếc nệm, yên thời để trên, Dây chằng nhận ngọc quấn bên, Buộc từ hông, bụng lần lên mũi, đầu, Bàn đạp vàng chạm thả sâu, Cuối cùng phủ lưới, ngọc châu lòng thòng. Trang hoàng, tuấn mã vừa xong, Dắt ra đến cửa, Đông cung sẵn chờ. Thấy gia chủ, ngựa mừng ưa, Hý vui lớn tiếng, mũi vừa phồng lên. Trong Kinh có dạy cũng nên : "Tiếng con Càn-Trắc hý rền trong đêm, Ngựa chòi móng sắt dội thêm, Nhưng mà ai nấy ngủ êm như thường; Chư Thiên phép lạ khó lường, Ngăn ngừa tiếng dội, không phương lọt ngoài." ***
Thái tử Tất-đạt-ta xuất gia, rời bỏ gia đình. Ngài cùng người thị giả, Xa-nặc, cởi ngựa đến bờ sông Anoma. Prince Siddhattha renounced the world. He accompanied by his confidant, Channa, rode to the bank of Anoma River.
Gục đầu con ngựa hùng oai. Đạt-Đa nựng cổ láng ngời, phán qua : Nầy Bạch mã! đừng hý la, Hãy đưa ta đến nơi xa ngàn trùng; Đêm nay ta phải thẳng xông, Quyết tìm chơn lý, thành công mới đành. Nầy tuấn mã! hãy liệt oanh, Trước ngàn gươm nhọn, chớ sanh ngại ngần; Tường cao, hào hố đón ngăn, Cũng đừng sợ sệt, cứ phăng lướt đường,
Thúc hông, hô chạy, buông cương, Ngươi nên vượt lẹ cũng dường gió giông; Chạy mau như lửa cháy bùng, Tớ nên đem hết lòng trung giúp thầy. Tức là ngươi có công dày, Cùng ta cứu thoát cõi nầy cho xong. Chẳng riêng nhơn loại nầy không, Ta đi là để giúp trong các loài; Mặc dầu chúng chẳng nói lời, Kém bề trí huệ, nhưng hoài đớn đau. Vậy nay ngươi hãy mau mau, Mạnh hùng chở chủ mà thâu đường trường. *** Thót lên yên rất nhẹ nhàng, Vuốt ve lông gáy, ngựa giương cất mình. Dưới móng sắt, sỏi nhánh anh, Cái hàm thiết động, âm thinh khua rền. Không ai nghe được tiếng trên, Thiên Thần Xu-đá (11) theo bên ém liền. Trong Kinh lại cũng có biên: Đương khi người, ngựa đến miền cửa trong, Dạ xoa lót vải lạ lùng, Gót chơn ngựa đạp mà không tiếng gì. Đại môn bước tới một khi, Cửa nầy ba lớp sắt dày tiếp liên.
Trăm người khó mở ra liền, Êm đềm cửa chánh tự nhiên vẹt rồi. Bình thường tiếng dội xa xôi, Chốt to xiềng nặng, nay thôi chẳng rền. Hai giàn cửa kế như trên, Ngựa Đông cung tới, tự ên mở chờ. Trên đường êm lặng như tờ, Quân canh tinh nhuệ nằm đờ dọc ngang ; Bỏ rơi kiếm, thuẫn, cung, thương, Có luồng gió thổi mê man lính tuần. Thừa cơ họ ngủ quây quần, Đông cung cỡi ngựa phi thân khỏi thành. ***
Thái tử Sĩ-đạt-ta cắt tóc với một nhát gươm. Prince Siddhattha took a sword and cut off his hair with one blow.
Sao mai xuống mí trời xanh, Rạng đông gió mát thổi quanh địa cầu; A-nô-ma(12) sóng lau chau, Sông nầy biên giới địa đầu quốc gia. Gò cương, nhảy xuống cỏ hoa, Ngài ôm Bạch mã hôn xoa trán đầu. Phán cùng Xa-Nặc như ru: "Công người xứng đáng, sẽ thâu phước lành; Phước nầy phổ khắp chúng sanh, Ta yêu mến mãi tấc thành của người, Vậy ngươi dắt ngựa phản hồi, Mão châu, áo ngự, đây thôi chẳng cần; Dây ngọc đái, chiếc gươm thần, Tóc dài đậm đuộc, ta lần cắt xong; Hãy đem về tận trào trung, Dâng lên Chúa thượng, cúc cung tỏ bày: Vua cha đừng nhớ lo chi, Chừng ta về Nước, uy nghi đến mười, Đạo mầu sẽ được sáng tươi, Do nhờ tu ẩn, chẳng lười đấu tranh. Tâu dùm với đức vua lành;
Ta thâu thế giới, nếu thành Đạo cao, Vì là công trạng lớn lao, Lại vì từ ái gồm bao vật người! Chỉ người hy vọng ở người, Không ai chịu khó tìm tòi như ta, Bỏ lìa trần thế chăng là, Để mà cứu độ cả và chúng-sanh. ***
Chú thích (1) Vào khoảng tháng ba dương-lịch, tức nhằm đêm mồng tám tháng hai âm-lịch, ngày sanh nhựt đức Rama. (2) Vô-ưu (Phạn : Asôka), cây dùng để dâng lên đức Shiva. (3) Những cung nữ ấy cũng như các tiên nữ ở thiên đường của đức Đế Thích (Indra). (4) Gôn-Ga (Gunga), Gô-tá-mi (Gotsani), hai cung phi kế tiếp Du-đà-la, vợ chánh. (5) Nem, tiếng Pháp: Nim (6) Tích-lan (Ceylan): Tiếng xưa là Lăng-già (Lanka) hiện nay là một quốc gia độc lập, đảo ở phía Nam Ấn-độ; tên mới là Sri Lanka. (7) Căn-thá (Kantha): Viên ngọc mà Rồng lớn giữ. Rồng nầy ở phía dưới mặt đất. (8) Tứ Đại Thiên-vương cai-trị 4 cõi trời, ở lưng chừng núi Tu -Di. (9) Xi-Hoa ( Shiva), Tỳ-Nữu (Vichnou), Xu-rà (Sourya) là những Thiên Thần đạo Bà-la-môn. (10) Càn (Kiền)-trắc (Kantaka) là một con ngựa hay nhất triều vua Tịnh-Phạn. (11) Xu-đá (Soudhas): Trong sạch. Tiếng Xu-Đá dùng để gọi giai cấp cao sang, hoặc giống người A-ry-an. (12) A-nô-ma (Anoma): Con sông làm ranh giới miền trên của nước vua Tịnh Phạn.
---o0o----
Phần thứ năm TÌM ĐẠO
Chung quanh Vương xá (1) đô thành, Năm non đẹp đẽ giương mình chở che: Bai-ba-ra (2) núi xanh lè, Lác thơm, thốt nốt bao che bên ngoài; Bi-bu-la (3) núi thứ hai, Núi Sa-xu-tí lai-rai dưới triền; Ta-bô-hoăng (4) có ao liền, Nước gương soi bóng, đá viên đen sì; Đông Nam núi Sái-la-ri (5) Là nơi diều ó kết bầy náu nương; Rát-na-di-rí (6) Đông-phương, Núi nầy bảo thạch thường thường hiện ra. Một đường cong quẹo lại qua, Mặc dầu lát đá, người ta đi mòn; Băng vườn trồng nghệ, tre tròn, Dưới cây hồng táo, xoài hòn, xoài thanh, Đi gần ngọc thạch trắng, xanh, Những hòn đá dựng, những cành hoa thơm, Cuối cùng, vách núi đứng chờm, Phía Tây quẹo lại, đá dòm chơi vơi; Trong là cảnh động thanh bai,
Nhiều cây sung mọc, bao ngoài, phủ che. Đến đây bạn hãy kiêng dè, Cổi giày, cúi mặt, còn e lỗi niềm? Bao la cõi thế rộng kiêm, Đây là Thánh địa tôn nghiêm, báu mầu. Chốn nầy Đức Phật ngồi lâu, Chịu cơn nắng lửa, mưa dầu, tiết đông; Chỉ mang một tấm áo sồng, Ăn nhờ bá tánh nhủ lòng làm duyên. Đêm nằm trên cỏ tạm yên, Sài lang ngoài động liền liền sủa tru; Rừng trồi cọp đói gầm lâu, Thế Tôn vững chí ngồi tu đêm ngày. Đem thân vàng ngọc đọa đày, Kiêng ăn, cữ mặc, canh chày nghĩ sâu. Trong cơn thẳm định hằng lâu, Trơ như bàn thạch, mặc dầu ngồi yên. Trên đầu gối, sóc nhảy lên, Con chim cúc mẹ ấp bên chơn Thầy; Bát cơm để sẵn gần tay, Bồ-câu bu lại cả bầy mổ ăn. *** Giữa trưa, Ngài nhập định thần, Nắng nung mặt đất, vách ngăn nực nồng; Trời chiều tỏa ánh cuối cùng,
Ngài không nhìn thấy vầng hồng miền Tây. Màn đêm bao phủ cỏ cây, Bầu trời tinh tú đó đây nháng ngời, Trống chiêng thành thị bời bời, Chim mèo kêu hú, nhiều nơi tranh giành. Cảnh tình ban tối diễn quanh, Ngài không nghe thấy, vì mình nghĩ suy. Đến khuya còn hãy ngồi đây, Bấy giờ mặt đất tiếng gì cũng êm. Chỉ trừ những vật ăn đêm, Bụi cây bò lết lại thêm kêu gào; Những niềm sợ, oán rêu rao, Tham lam, sẻn, giận lết vào tâm si. Kế Ngài ngủ tạm vài thì, Trời chưa rựng sáng, thường khi thức rồi. Ra nơi hòn đá lặng ngồi, Nhìn xem thế giới đương hồi ngủ mê; Mắt Ngài bừng chói sáng ghê; Tâm tư bao quát mọi bề chúng sanh; Trên đồng gợn sóng xanh xanh, Tiếng xì xào khiến giựt mình những ai; Mọi người thức giấc ban mai, Phương Đông lố thấy cảnh trời lạ thay! Ban đầu màn tối còn dày, Kế lần lần sáng, đổi thay nhiều màu,
Sau cùng tỏ rõ làu làu, Thái dương lộ chiếu địa cầu ánh vui. *** Tu Tiên hạnh chẳng thụt lùi, Ngài chào Mặt Nhựt vừa hồi mọc ra; Kế làm lễ tắm đó là, Theo con đường quẹo mà qua thị thành. Làm theo khất sĩ hạnh lành, Tay ôm bình bát đi quanh các đường. Trông Ngài tướng Thánh phi thường, Nhơn dân chen chúc cúng dường rất mau. Thấy Ngài đi đứng ở đâu, Mấy bà sai trẻ lạy hầu dưới chơn: Chúng hôn chéo áo, cười mơn, Kính dâng sữa, bánh Thượng nhơn thọ dùng. Tướng đi khả ái, thung dung, Mặt mày sáng rỡ vì lòng Đại Bi; Vẻ người lo lắng tràn đầy, Lo cho đồng loại đó đây khắp cùng. Nhiều cô thiếu nữ nhìn trông, Đem lòng luyến ái, mơ màng oai nghi. Nhưng Ngài ôm bát đắp y, Chúc nguyền thí chủ rồi thì về non; Ngài cùng đạo sĩ vầy tròn, Nghe và hỏi Lý để còn đạt thông.
***
Tự hành hạ thể xác: Thái tử Sĩ-đạt-ta, vị Phật sắp thành, hành pháp ép xác trong 6 năm đến khi Ngài trở nên rất gầy yếu. Xương trong thân lộ ra ngoài. Nhưng sự hành hạ xác thân không đưa đến giải thoát. Khi Ngài nghe một bài hát do Phạm thiên Indra đánh đàn, Ngài liên tưởng đến loại đàn với dây không căng không chùng, và từ đó Ngài khám phá con đường trung dung, Trung Ðạo. Self-mortification: Prince Siddhattha, the Buddha-to-be, practised self-mortification for six years until he became very thin. His bones showed prominently. But his austerities did not lead him to deliverance. When he listened to a song played by Indra, he thought of a stringed instrument and discovered the Middle Way.
Rát-na-di-rí non tòng, Ở lưng chừng núi, mắt trông xuống thành; Trên là động cốc u thanh, Nhiều thầy tu ẩn chuyên hành khổ thân: Xác nầy nghịch với hồn thần, Thể như con vật mình cần trói, thâu; Phải nhiều khổ hạnh ghê sầu,
Đến khi hết cảm khổ đau mới đành, Các thầy khảo kẹp thần kinh, Cũng như ngục tối đương hành tội nhơn. Tỳ kheo (7), Du chỉ (8) lâm sơn, Các thầy Phạm chí (9) cô đơn, ốm gầy. Thầy nầy dở hỏng hai tay, Để luôn như vậy đêm ngày thịt teo; Tay đờ, lắt léo rụi queo, Như thân cây héo có đèo cành khô. Thầy kia nắm cứng tay vô, Lâu ngày móng nhọn phủng nhô khỏi lòng (10). Có thầy đi dép cặm chông, Hoặc dùng đá bén xẻ hông, trán, đùi; Hoặc là lấy lửa tự thui, Cây gai, sắt nhọn đem giùi thịt da. Bùn tro mình mẩy trét thoa, Nằm trên đống rác, áo là giẻ tơi. Có người ở chỗ thây phơi, Ngồi trên giàn hỏa tại nơi nhị tỳ; Chung quanh diều ó có bầy, Kêu la trên mảnh tử thi vụn vằn. Xi-hoa, tên một vị thần, Có người niệm cả ngàn lần ngày đêm; Ngồi lâu, chơn bại như nêm, Quanh mình rắn quấn lại thêm hú rền.
Nhóm người ghê tởm như trên, Phơi mình dưới nắng, ghẻ lên đầy đầu; Mắt ghèn, gân rút, úa xàu, Dường như kẻ chết để lâu năm ngày! Ở đây nằm cứng một thầy, Đong ngàn hột thóc tự tay mình lường. Rồi nhai từng hột thấy thương, Lâu ngày chết đói là thường đó a! Một người nghiền đậu nát ra, Ăn cùng lá đắng, tránh quà ngọt ngon. Có thầy khốn khổ hư mòn, Thân hình tự hủy, chẳng còn mắt, môi; Chơn què, tai điếc hỡi ơi, Cam bề khổ hạnh để bồi phước sau! Thế Tôn ngó một thầy tu, Là người thượng-thủ, giây lâu phán rằng: " Các ông chịu khổ ai bằng! Trải qua nhiều tháng tôi hằng ở đây. Tôi tầm Chơn lý cao vi, Các ông lại chỉ rõ hay ép mình. Đời người xấu tệ hẳn đành, Tại sao lại phải thêm hành khổ thân?" Thầy kia nhỏ nhẹ phân trần: "Kinh rằng nếu kẻ thịt gân hãm kềm, Chịu đau càng bữa càng thêm,
Đến chừng hơi thở sắp êm muốn ngừng, Chỉ chờ cái chết đáng mừng, Khổ hành như vậy, tội phừng cũng tiêu; Thần hồn trong sạch phiêu phiêu, Vượt lò lửa thảm, cao siêu ngàn trùng". Đông cung khi ấy phán cùng: "Kìa vầng mây nổi như nhung trên trời, Cất mình khỏi sóng biển khơi, Rồi như giọt lệ mưa rơi phũ phàng; Kế theo đường hiểm, ngách, mương, Kinh, ngòi, sông, rạch mà sang Hằng hà; Cuối cùng trở lại biển xa, Là nơi mây ấy tách ra lúc đầu, Thánh hiền khổ hạnh khá lâu, Kế là hưởng phước, rồi sau cũng hoàn. Há không phải thế mà bàn? Có lên phải xuống, mua an thì xài, Máu dùng để chuộc cảnh Trời, Xong rồi, lao khổ lại vời chẳng thôi. " Thầy kia than thở bồi hồi: "Khổ lao trở lại, biết ôi thế nầy ? Chúng tôi chẳng chắc chuyện gì, Tối rồi, lại sáng, nguy đi yên về. Xác thân là vật chán chê, Làm cho Thần Trí khó bề lên cao,
Muốn cho hồn hưởng phước hào, Hãy đem khổ vắn đổi trao vui bền!" Đạt-Đa chận lại, hỏi lên: "Dẫu cho phước lạc báo đền triệu năm, Rồi ra tàn tạ, bặt tăm, Hoặc chăng có cảnh bao lăm chẳng dời? Các huynh hoan hỷ trả lời: Thần Tiên địa vị có đời đời chăng?" Mấy sư Du-chỉ đáp rằng: "Riêng ngài Đại-Phạm thường hằng trên ngôi, Thần Tiên có số mà thôi." Bấy giờ Đức Phật khuyên đôi ba điều: "Dường như trong sạch, dám liền, Quý ông hãy ráng tỏ chiều thông minh. Bỏ đi những lối hủy mình, Há đem sầu thảm mà rinh mơ mòng? Hồn tôn trọng, xác phế vong, Gớm nhờm, đày đọa, hủy trong thân hình, Chẳng kham đảm phụ trí minh, Ác vàng chưa lặng, bỏ mình đường xa! Tỷ như tuấn mã thuần hòa, Trải cơn vất vả cũng là bỏ đi; Buồn thay tu sĩ các thầy, Cảnh xưa lao nhọc phá chi tan tành ? Nơi nầy song dũ bao quanh,
Cho nguồn ánh sáng đặng mình trông ra: Rạng đông lố dạng chăng là? Phía nào đường tốt để mà dời chơn?" Mấy thầy ẩn sĩ la rân: "Chúng tôi chọn nẻo, rồi lần chơn đi; Dẫu cho lửa dữ phủ đầy, Sẵn lòng chờ chết, cớ chi thối từ? Đường nào tốt, Ngài biết ư ? Nếu không thì cứ thư thư phản hồi! " *** Ngài đành từ giã, than ôi, Người ta sợ chết, lôi thôi sợ hoài. Có người lại muốn sống dai, Nhưng không dám mến cuộc đời mình đây, Họ bèn hành khổ thân nầy, Đặng làm đẹp dạ các vì Thần Tiên? Họ sa Địa ngục triền miên, Lửa nầy chưa dứt, đốt liền lửa sau ? Hoặc cơn cuồng tín rất sâu, Thần hồn dễ bỏ xác đau đớn nầy? Đạt-Đa phân tỏ như vầy: "Hỡi hoa đồng nội, cánh xây theo trời! Khoái vui dưới ánh sáng ngời, Thỏa thay hương dịu, sắc tươi áo là. Chưa từng thấy một đóa hoa,
Bỏ đời trong sạch, liệng xa sắc lành! Ớ nầy các cội dừa xinh! Ngọn toan lên tới trời xanh kia là, Chí lâm hít gió Hy-ma ? Cùng luồng gió mát biển xa thổi vào. Hỡi dừa có bí thuật nào, Thích vui từ thuở mới chào ngày xuân? Nay dừa có trái đeo thân, Chuyển tàu lá rậm như ngân ca cầm. Kìa loài vui chốn thọ lâm, Chim sâu, anh võ, phi cầm các ngươi! Há chê mạng sống hiện thời, Cũng không khổ hạnh, tìm đời tốt sau, Người ta, chúa tể hoàn cầu, Giết loài chim chóc, đứng đầu thông minh, Trí người nuôi bởi máu tanh, Gia tăng trong sự khổ mình hại thân."
*** Thế Tôn đương nói vân vân, Bụi bay lên núi quây quần như mây. Chiên dê đen trắng một bầy, Từ từ bước tới lại hay nghỉ ngừng: Con thì ăn cỏ ven rừng, Con thì tách lộ, lưng chừng suối khe.
Có con ra khỏi bạn bè, Mục đồng kêu lại, đá que chọi liền; Tiếp đưa đoàn thú thuận hiền, Từ trên gò nổng xuống miền đồng quê. Đôi chiên theo mẹ dựa kề, Một con trúng đá, mà tê liệt giò; Máu tuôn, phải nhắc cò cò, Con kia vượt trước, mẹ lo chạy càn; Cảnh tình chiên mẹ bất an, Theo con nầy, sợ lạc đàn con kia. Thế Tôn nhìn thấy việc ni, Ôm con chiên bệnh, vân vi mấy lời: "Yên lòng, hỡi mẹ chiên ơi! Ta bồng con bậu, theo ngươi lên đường; Dầu xa, ta cũng coi thường, Thà rằng cứu giúp thú đương ngặt mình. Còn hơn cùng bạn tu hành, Trong hang ngồi ngắm thế tình khổ đau." Hỏi chư mục tử lời sau: "Cớ chi trời xế dẫn đầu chiên dê? Chiều tà người thú đề huề, Hồi nào đã có luật lề nầy ư ?" Mấy người sằn-dã đáp từ : "Trăm dê hiệp với trăm trừu nầy đây, Chúng tôi được lệnh dắt đi,
Đức vua sẽ giết đêm ni tế thần." Đức Thầy vội để lời phân: "Ta cùng đến đó, theo chân các người." Dưới ánh nắng, bụi mịt trời, Ôm con chiên nhỏ, thảnh thơi bước đều. Kìa con chiên mẹ chăm chìu; Bí be nhỏ nhẹ mà theo chơn Ngài. *** Cả đoàn đến mé sông dài, Một nàng thiếu phụ tỏ lời nỉ non: "Hôm qua, Ngài đoái đến con, Tấm thân cô quạnh chỉ còn một trai, Dưới hoa, trẻ dại, giỡn chơi, Bỗng đâu rắn lại quấn ngoài cổ tay. Lưỡi le như chỉa ghê thay; Con tôi cười cợt, quấy rầy lưỡi kia; Trẻ liền nín lạnh, xanh lè, Tại sao hết giỡn, môi lìa sữa tôi? Kẻ nầy nói: Bị nọc rồi; Kẻ kia lại bảo: Chết thôi còn gì! Tiếc con, há để mất đi, Tôi tìm hỏi thuốc duy trì mắt xanh. Dấu răng nhỏ tí khó minh, Rắn kia cợt giỡn, há đành cắn sao? Một người mách: "Ở non cao,
Có ông Đạo sĩ thanh tao, áo vàng; Kìa Ngài đi tới trên đàng, Hỏi cho con bậu phép phương cứu nàn." Đến Ngài, tôi khiếp sợ than, Dở lên tấm vải che làn mặt con. Tôi xin thành kính, cúi lòn, Hỏi Ngài linh dược, giữ còn anh nhi. Ngài không hất hủi tôi đi, Nhưng Ngài nhìn trẻ, mà đầy lòng yêu; Tay Ngài rờ nó nhẹ chiều, Kế Ngài kéo vải phủ đều mặt tai, Dạy rằng : "Thiếu phụ nàng ơi! Ta rành môn thuốc cứu đời, mẹ, con, Tô-la (11) hột cải hỏi đôn, Tránh nhà của kẻ bà con từ trần, Ráng xin hột cải thuốc thần, Đó Ngài phán dạy ân cần với tôi". Mỉm cười, Phật đáp: "Thế thôi, Mà nàng kiếm giống được rồi hay chưa?" Tôi ôm thân lạnh, trẻ thơ, Núi rừng, thành thị, đến thưa từng nhà: "Cho tôi hột cải tô-la ". Bạn nghèo thương mến, lấy ra tặng liền. Nhưng tôi tiếp hỏi chẳng quên : "Trong nhà trước đã qui tiên người nào:
Vợ, chồng, con, cái, cần lao?" Họ đồng đáp lại: "Chị sao hỏi kỳ? Thác nhiều, sống ít đó chi" Tôi bèn trả cải, lần đi mỗi nhà. Kẻ nầy nói: "Cải đây là, Nhưng mà đứa tớ ngày qua mãn phần". Kẻ nọ bảo : "Ấy vật cần, Nhưng chồng tôi đã lánh trần từ lâu". Có kẻ thốt: "Giống sẵn hầu, Mà người trồng tỉa chết đâu mùa rồi ". "Qui hoàn hột cải vậy thôi, Nhà nào lại chẳng có người tử vong? Tôi đành để trẻ bờ sông, Lạy Ngài cầu thuốc để hòng cứu con." Phật rằng: "Cô chớ lo toan, Thuốc nầy chẳng được, lại còn thuốc kia, Trẻ thơ vú mẹ đã lìa, Từ hôm qua ngủ giấc hòe ngàn thu. Nay nàng nên biết lấy câu: Khắp trong thế giới khóc sầu như ngươi; Khổ riêng dầu nặng mười mươi, Hòa đồng chung chịu, lưng vơi nhiều phần, Ta đành tuôn hết huyết thân, Nếu công việc ấy dứt ngăn lệ nàng, Nếu thông bí mật phũ phàng,
Khiến tình Luyến ái đeo mang khổ sầu. Kẻ đưa người đến giàn lầu, Cũng như đoàn thú dê trừu thấy đây. Ta đương tìm kiếm Lẽ nầy; Nàng về an táng tử thi con mình. " *** Mục đồng, Thái tử vào thành, Trên sông Xô-Ná (12) quang minh cuối cùng! Bóng to tỏa xuống lộ trung, Lòn theo cửa lớn có đông lính tuần, Ngài ôm chiên nhỏ đến gần, Làm cho lính tráng tần ngần trở lui. Người ta sắp đặt xe rồi, Kẻ buôn, người bán, mừng vui nhìn Thầy: Thợ rèn đương nện, ngừng tay, Chức công buông cửi, ký nầy nghỉ biên. Kìa người đổi bạc, lãng tiền, Bạch ngưu ăn lúa người quên giữ gìn; Sữa tươi tràn chảy khỏi bình, Mấy người bán sữa cố nhìn Tôn nhan. Nhiều cô tựu hội hỏi han : "Ông kia ôm lễ có doan lạ thường! Vốn Ngài Đế-Thích đó ư? Hay là Chúa thượng hiện cư Thiên đường ?" Mấy người khác nói rõ ràng:
" Thượng nhơn ở núi với hàng tu Tiên." Ngài đi, trí nghĩ triền miên: "Tiếc thay thiếu kẻ chăn chiên giữ trừu! Chúng đi đêm tối mịt mù, Không người dắt nẻo, dao tu sẵn bày, Khác chi đoàn thú hiện đây, Chiên ta biết nói, thú nầy lại câm! Có người tâu lệnh Muôn năm: "Một nhà ẩn sĩ giáng lâm kinh thành; Dắt theo đoàn vật hy sinh, Mà vua định hiến chư Linh nơi đàn". *** Tế phòng vua đã ngự an, Bạch-y tu sĩ (13) bày ban tụng trì ; Bàn thờ đặt giữa phòng nầy, Trên thì ngọn lửa mấy thầy khéo nung, Trầm hương giụm lại, ngọn xông, Vì vèo, quày liếm rượu nồng, mỡ tươi. Một dòng suối đỏ, đặc, lười, Lượn quanh giàn hỏa, khói khươi nực nồng. Đó là huyết thú chảy ròng, Mặc dầu thấm cát, cũng không bớt gì. Một con dê cái nằm ghì, Thân hình lốm đốm, sừng thì nhô ra; Kề dao trên cổ dê ta,
Mấy ông thầy cúng ngâm nga mấy lời : "Kính trình Thần Thánh đến nơi! Tần-Bà Đại Đế đương thời khởi dâng. Quí vì nên tỏ lòng mừng, Trong dòng máu đỏ, thịt hừng thơm tho. Tội vua từ nhỏ đến to, Xin đem đổ trút vào cho dê nầy; Thiêu dê, thiêu cả tội lây, Bây giờ tôi sắp ra tay một lần". Nhẹ nhàng, Phật bảo vua Tần : "Đừng cho kẻ ấy sát thân mạng nầy". Đồng thời, Ngài tháo hết dây, Chẳng ai ngăn cản Bực đầy oai phong. Kế Ngài xin phép giải thông : Mọi người đều dễ dứt xong mạng đời; Bảo tồn thì chẳng có ai; Chúng sanh ham sống, so tài đấu tranh; Sống là quí báu, tốt xinh, Phận hèn cũng thích đời sanh kéo dài. Lòng lành tôn trọng cuộc đời, Thương người yếu thế, chống loài cường gian. Ngài thay đoàn thú, thở than, Đem lời phương tiện kêu oan, phân trần: Loài người van vái Thiên Thần, Đối cùng thú vật, không phần xót thương.
Những loài sanh sống thế thường, Thảy đều liên đới bởi đường tông thân; Thú mà mình giết để ăn, Vẫn thường dâng nạp những phần sữa, lông. Chúng tin ta thật trọn lòng, Nhưng ta cắt cổ mà không ngại gì! Ngài nương Kinh điển giải bày: Có người đời tới đọa đày thú, chim; Thú, cầm mang lốt hiện kim, Mãn đời rồi sẽ tấn lên làm người. Tế sanh là phạm tội rồi, Vì mình chận cuộc Luân hồi định phân. Phật bèn phán tiếp ân cần: Há đem huyết rửa tinh-thần được ư? Thánh Tiên nếu sẵn hiền từ, Ắt không ham thích máu chư thú cầm; Các ngài nếu có ác tâm, Máu không mua chuộc mà tầm hiến dâng! Tội làm thì trả mới ưng, Lẽ nào đổ trút trên lưng thú lành ? Chiếu theo Nhân Quả rành rành: Thiện thì thiện trả, ác đành ác lai; Thân làm, miệng nói, lòng khai, Báo nương ba nghiệp, không sai lạc gì; Cùng nhau liên tiếp ba thì (14),
Nhân đi, Quả lại, vần xây chẳng ngừng. Từ Bi, Phật giải đúng chừng, Lại thêm cốt cách, lẫy lừng oai nghiêm. Đồ trang bị đã dẹp dìm, Trên tay thầy cúng còn triêm máu hồng! Đức vua tỏ vẻ khiêm cung, Đến gần, tay chắp ngưỡng trông, vái chào. *** Bấy giờ, Đức Phật truyền trao: Thế gian hưởng phước thanh cao thâm trầm, Nếu chư vạn vật hảo tâm, Kết giao, yêu mến, không tầm ăn nhau. Hạt vàng, trái láng, cải rau, Lại thêm nước sạch, mặc dầu no nê. Lời Ngài phán dạy cao xuê, Khiến chư tu sĩ bỏ bê cúng thờ. Hôm sau có sắc chỉ đưa, Truyền rao bằng miệng, lại vừa khắc ghi: "Đức vua tuyên lệnh như vầy: Súc sanh bị giết xưa rày để ăn, Hoặc dùng cúng tế Thiên Thần, Từ nay cấm nhặt sát thân mạng nào. Cần gì món thịt thú sao ? Mạng sinh vốn một, vật nào khác ta! Từ bi nên bủa ra xa,
Ta thương súc vật như là thương thân." Đó là sắc chỉ định phân, Chúng sanh từ đấy hưởng ân thái bình, Loài người, chim chóc, súc sinh, Vui nghe đức Phật giảng kinh sông Hằng. *** Tâm Ngài bác ái công bằng, Đối cùng mọi vật sức năng sinh tồn, Thú cầm vẫn có tâm hồn, Cũng như người thế, khổ buồn, sướng vui. Trong Kinh, có chép việc rồi: Thuở xưa Đức Phật làm người La-môn (15), Ở gần Đa-lít (16) hương thôn, Trong Muôn-đa (17) động đương lâm hạn càn. Ruộng đồng lúa chết khô khan, Ao hồ theo trảng lại hoàn đất teo. Cỏ rau, cây cối héo queo, Chúng sanh xuống núi qua đèo kiếm ăn. Một con cọp cái đói nằm, Bốn bề vách đá nắng hâm nực nồng; Lưỡi le khỏi miệng lòng thòng, Thở hơi hào hển, mắt trông xanh lè; Áo rằn xếp lớp phủ che, Xương sườn lộ ngắn như tre mái nhà; Cọp con đôi trẻ rên la,
Kéo chằng, rút rỉa vú đà cạn khô. Mẹ gầy liếm trẻ như ru, Thấy con thiếu sữa, bèn tru vang rền. Trước tình cảnh thảm như trên, Thế Tôn từ ái phát lên ý nầy: "Mau dùng phương tiện sẵn đây, Cứu thân cọp mẹ với bầy hai con. Chiều nay chúng chẳng sống còn, Nếu không vật thực tươi giòn cấp cho. Không ai thương xót liệu lo, Cọp nầy thiếu máu, nằm co chết gầy. Nếu ta tiếp dưỡng thú nầy, Chẳng ai bị hại, riêng đây thiệt mình; Cảnh tình thúc giục hy sinh, Tấm lòng từ ái há đành hư hao? " Nghĩ rồi đức Phật chẳng nao: Cổi giầy, bỏ trượng, bạch bào, với khăn, Cổi luôn dây quí đạo căn (18), Bước ra khỏi bụi, đi phăng đến gần. Đứng trên cát, Ngài tỏ phân: "Ớ trang hổ mẫu! đồ cần ăn đây." Thú đương hấp hối tỉnh ngay, Hét gầm, nhảy tới, lật xây tặng phần; Cẳng vồ, móc thịt ra ăn, Máu theo móng hổ tua văng ra ngoài,
Hơi nồng thú mẹ hòa hài, Với hơi hấp hối đức Ngài Từ-Bi ! *** Chẳng riêng độ chúng hôm nay, Dứt ngăn việc sát tế tay ác thần, Ngàn xưa Phật đã thi ân, Cứu loài sinh vật qua cơn tử nàn. Vua Tần (19) nghe tiếng đồn loan: Ngài là Thái-tử mưu toan Đạo lành. Vua cầu Ngài ở với mình: "Thân là Hoàng tử, há hành khổ sao ? Tay Ngài để nắm quyền cao, Sướng gì ôm bát, nhà nào cũng xin? Đông cung, Trẫm sẽ nhận nhìn, Dạy dân giúp nước, rồi gìn giữ ngôi, Đền vua, Ngài ngự với tôi, Trẫm tầm thục nữ sánh đôi với Ngài." Đạt-Đa chí hướng chẳng dời, Đáp rằng: "Việc ấy ta thời hưởng qua; Bỏ mà tầm Lý sâu xa, Dẫu ngôi Đế-Thích, lòng ta chẳng màng. Đã toan làm bực Pháp vương, Rừng Già-da (20) ấy ta đương tiến hành; Chốn nầy tu tập chẳng thành, Tuy dày khổ hạnh, có Kinh, bạn hiền,
Chừng nào đắc Đạo vẹn tuyền, Bấy giờ trở lại đáp đền nghĩa ông." *** Đi quanh Thái-tử ba vòng, Vua Tần đỉnh lễ, cầu mong cho Ngài. U-Ran huy hóa (21) đến nơi, Lòng Ngài chưa vững, mặt Ngài xanh xao; Sáu năm tầm tỏi công lao, Thân hình ốm yếu, hư hao thảm phiền. Ngài còn ghé viếng chư hiền: A-la-ra (22), Ú-ra (23) miền cao sơn ; Viếng luôn Năm vị Đạo-nhơn, Luận bàn, vấn đáp, họ còn tự ty; Đồ theo Kinh điển xưa ni, Không cầu Giải thoát, tôn vì Phạm thiên, Trí căn họ vẫn đảo điên, Càng nghe càng chán, Ngài liền tách xa, ***
Chú Thích (1) Vương xá (Rajagriha): Kinh đô nước Ma-kiệt-đề (Magatha). Vua Tần-bà-la-sa (Bimbasâra) trị vì ở đó hồi đức Phật ra đời.Thuở ấy, tại Ấn-độ thành Vương xá là oai vinh hơn hết, vì vua Tần-bàsa-la là chúa tể ở Ấn Độ. (2) Bai-ba-ra (Baihâra). (3) Bi-bu-la (Bipoula).
(4) Ta-bô-hoăng (Topovan). (5) Sái-la-ri (Sailâgiri). (6) Rát-na-di-ri (Ratnagiri). (7) Tỳ-kheo (bhikchou,bhiksou) : những người phát nguyện cử kiêng ba mục đích của người đời : vui sướng, giầu sang, tình ái. Tu trì đạo lý; dứt bỏ lòng ham muốn, lòng lo sợ, tánh tự cao. (8) Du-chỉ (Yoghis) : Những thầy tu luyện Du-già là các phương pháp để đạt trí huệ, bỏ ảnh hưởng của vật chất đối với tâm linh, dứt trừ bản ngã. (9) Phạm-chí (brahmacharis): thầy tu khổ hạnh phái Bà-la-môn. (10) Móng tay đâm thủng ngang lòng bàn tay mà trổ ra ngoài. (11) Tô-la (Tôla) : Cân lường Ấn độ, nặng bằng một ru-pi (roupie) tức tám grammes. (12) Xô-ná (Sona). (13) Mấy thầy Bà-la-môn mặc lễ phục trắng. (14) Ba thì : Quá khứ, Hiện-tại, Vị-lai. (15) La-môn, tức Bà-la-môn (Brahmane), người đạo Bà-la-môn trong chủng tánh Bà la-môn. (16) Đa-lít (Dâlidd). (17) Muôn-Đa (Mounda). (18) Dây quí đạo căn; Tiếng pháp dịch: cordon sacré, sợi dây quấn bằng ba sợi chỉ mà người dòng Bà-la-môn đeo nơi cổ, trước ngực, tượng trưng dòng quí phái tu sĩ, lãnh đạo tinh thần. Người Bà-lamôn, khi được tám tuổi thì thọ lễ đeo dây ấy. (19) Vua Tần-bà-sa-la (Bimbisâra) ở thành Vương-xá (Rajagriha) (20) Già-da (Gâya). (21) U-ran huy-hó (Ouralvilva) (22) A-la-ra (Alâra) (23) Ú-ra (Oudra). ---o0o----
Phần thứ sáu
GIÁC NGỘ
Ở theo lưu vực Hằng hà, Có ngàn vườn tược cùng là non xanh, Rạch sông uốn khúc chảy quanh, Cây cao bóng mát đơm cành quả, hoa. Có rừng tên gọi Già-da(1), Và miền đỏ thắm Bà-rà-bà sơn (2); Sông Phan-gu (3) nước trong ngần, Lượn theo vùng ấy, chảy gần Ưu-Lâu (4) ; Chốn nầy là cảnh hoang vu, Bụi gai động cát lù lù đó đây. Cuối cùng một cảnh rừng cây, Tàng cao, lá sậm hiện ngay giữa trời, Một con rạch ẩn dưới chồi, Sen xanh lẫn trắng bời bời cá, quy. Dựa bờ, thôn Xớ-ná-ni (5), Nhà tranh yên ổn, bao vây những dừa; Dân làng chất phát có thừa, Quanh năm chuyên việc cày bừa ruộng nương. *** Miền này yên tĩnh đủ đường, Ở nơi rừng vắng Phật thường nghĩ suy. Người đời trăm mối khổ nguy, Mạng căn nhiều lối, kinh nghì nhiều môn.
Xét xem cầm thú sinh tồn, Gẫm trong thanh tĩnh chứa dồn huyền linh. Ở nơi cảnh giới u minh, Có nhiều bí mật phải phanh cho tường; Nghĩ cho cuộc sống bình thường, Là dây liên lạc hai đường viễn khơi (6): Tỷ như cầu móng trên trời, Nối liền hai áng mây lài hai bên; Bỗng đâu nhập cõi vô biên, Các màu cực đẹp tự nhiên rã lìa. Tháng này rồi đến tháng kia, Ở trong rừng ấy, sớm khuya tham thiền. Mảng ngồi lẳng lặng triền miên , Giờ ăn đã tới, Ngài quên nhiều lần. Có khi ra khỏi định thần, Bát không để đó, tìm ăn sơ sài. Trái rừng vài quả bên Ngài , Khỉ quơ, két mổ, rụng rơi khỏi cành. Vậy nên duyên úa dáng xanh, Nhiệt thành tuyệt thực thân hình mòn hao ; Lần hồi mất vẻ thanh tao, Băm hai tướng quý chẳng sao lộ bày. Trẻ trung Hoàng tử mọi ngày, Bây giờ còn lại xác gầy đáng thương! Tỷ như chiếc lá héo vàng,
Chẳng còn giữ vẻ mịn màng tươi xanh. *** Một hôm đuối mất sức mình, Ngã ra trên đất như hình tử thi; Hơi thở dứt, mạch ngừng đi, Toàn thân lợt lạt, tứ chi chẳng dời, Một chàng mục tử đến nơi, Thấy Ngài nhắm mắt, nằm dài như đau; Trời giờ ngọ chiếu xuống đầu, Chàng đi bẻ nhánh dụm đâu che Người. Sẵn đem sữa nóng còn tươi, Bóp ra từng giọt nhểu môi cho Ngài. Tránh ra chẳng đụng hình hài, E thân hạ tiện phạm đời thanh cao (7). Kinh rằng những nhánh dụm vào, Tức thì hoa nở, mọc cao, trái đầy; Bạc vàng xen lẫn lùm cây, Trông như trướng gấm khi vua ngự hành. Mục đồng lễ kính chí thành, Tưởng Ngài là bực Thánh linh cõi Trời. Thế Tôn vừa lúc tỉnh lai, Ngài lần ngồi dậy muốn xơi sữa bò, Mục đồng phúc đáp đắn đo: "Bạch Ngài! không thể tiện cho sữa này, Thủ-đà (8) giai cấp tiện ti,
Đụng Ngài, lo sợ nhiễm lây thân lành. " Thế Tôn phân giải đành rành: "Nhu cầu, trắc ẩn tạo thành bà con, Sang, hèn máu vẫn màu son, Mặn là nước mắt, há toan lựa dòng? Ai sanh trán sẵn điểm hồng (9), Và nơi cổ ngực lòng thòng dây linh? Công bằng thì được thăng vinh, Gây điều tệ ác, bị khinh, đọa đày. Em cho ta sữa hôm nay, Chừng ta thành Đạo em lây hưởng nhờ. " Chàng nghe vui khoái lòng tơ, Hai tay bưng sữa mà đưa Ngài dùng.
Nàng Sujata cúng dường vị Bồ-tát một bát cháo sữa với mật ong. Sujata tưởng Ngài là một vị trời. Sau khi thọ thực, Ngài ném cái bát ấy vào dòng nước (và bát ấy từ từ trôi ngược dòng). Sujata offered the Buddha-to-be a gold bowl full of milk mixed with rice flour and honey. Sujata thought he was a god. After taking that meal, the Buddha-to-be threw the bowl into the water.
*** Một hôm có một đám đông, Những trang thiếu nữ chung cùng đi qua; Áo quần lòe loẹt tố sa, Ấy là vũ nữ múa ca đền thờ. Mấy chàng nhạc sĩ theo đưa, Chàng này vỗ trống, cặm cờ lông công; Chàng kia thổi địch hiệp cùng, Một chàng trỗi nhịp tơ đồng ba dây. Mấy cô theo lối đường mây, Từ trên gò nổng xuống vầy lễ vui; Dưới chân, lục lạc khua hồi, Trên tay, vòng xuyến từng hồi chạm kêu. Dây đờn trỗi nhịp với tiêu, Mấy cô vũ nữ họa theo ít bài: "Tiếng đàn khởi bản thanh bai, Tức thời khiêu vũ hòa hài thêm vui; Lên cung, dùn, thẳng vừa hồi, Ắt làm thích thú khách ngồi dự xem. So cung, thẳng lắm chẳng êm, Dây đồng phải đứt, nhạc thêm bất thành;
Dây dùn thì lại mất thinh, Giữ nơi Trung Đạo mới tinh sắt cầm." Lời ca vũ nữ bỗng trầm, Hòa cùng tiếng địch, tiếng cầm bay xa; Dường như hồ điệp phớt qua, Lan tràn khoảng trống rừng già đường truông, Nào dè giọng hát khéo luồn, Thánh nhơn ngồi tĩnh nghe luôn đủ bài. *** Nhạc đoàn đi phía trước Ngài, Thế Tôn ngước trán hùng oai phán rằng: "Đây là một chuyện thường hằng: Kẻ ngu thuyết dạy cho hàng trí khôn. Cứu đời, muốn trỗi nhạc ngôn, Nhưng ta lại kéo thẳng chồn sợi dây. Bây giờ Chơn lý hiển bày, Mắt ta mờ đục nào hay thấy tường? Sức ta tới mức cùng đường, Chính là phải lúc ta đương cần dùng. Ước mong có kẻ ứng cung, Nếu ta thác sớm đời không hưởng gì." *** Ở trong xóm Xớ-ná-ni, Có người thôn trưởng hành vi hiền từ. Bò dê, tiền bạc có dư,
Thường hay bố thí cho chư bần hàn. Cả nhà vui vẻ bằng an, Tu-Đà-Xa (10) vợ khôn ngoan mỹ miều, Hiền lương trung hậu đáng yêu, Nói lời êm dịu, có chiều cao vinh. Thật là hạt ngọc tốt lành, Thờ chồng trọn đạo, gia đình yên vui. Chỉ còn một nỗi buồn thôi : Chưa sanh trai trẻ tiếp mồi lửa hương. Nàng hay chiêm bái điện đường, Lục-mi (11) thần nữ nàng thường cúng dâng. Linh-gam (12) đá dựng to vầng, Nhiều đêm trăng tỏ nàng tầng đến nơi, Đi quanh thần đá kính mời: Hương hoa, cơm bánh đồng thời cầu con. Nàng còn cúng vái cơm ngon, Đồ ăn mỹ vị bát toàn vàng y. Hiến cho thần chúa rừng cây, Nếu nàng sanh hạ hài nhi nối dòng. Bây giờ đã được thỏa lòng, Con trai ba tháng nằm trong bọc nàng. Tu-Xà-Đa bước vội vàng, Vào rừng cúng lễ Thần hoàng tạ ơn. Tay nầy bồng trẻ báu trân, Tay kia vịn lấy thức ăn trên đầu.
Ra-Đa (13) là một gái hầu, Đã đi từ trước quét lau đàn nầy. Quấn dây thắm trọn thân cây, Rồi nàng đi đến trình bày chủ nhơn: "Thưa cô! kìa vị linh thần, Hiện ra ngồi đó, tay chân kiết già. Quanh đầu ánh sáng chói lòa, Vẻ người cao lớn, hiền hòa anh linh. Phúc thay cô cháu chúng mình, Gặp hàng tiên thánh thình lình như nay! " Ngỡ là Thần chúa rừng cây, Tu-Xà-Đa sợ, lạy quỳ vái van: "Thánh linh sức rộng phước ban, Nay Ngài hiện lại, chúng con thấy tường ; Xin Ngài nhận lễ tầm thường, Thức ăn bằng sữa, trắng dường tuyết đông. " Múc đồ vào bát vừa xong, Rưới lên tay Phật nước hồng thơm tho. Ngài ngồi lẳng lặng ăn no, Tu-Xà cung kính, đứng cho xa Ngài. Thức ăn công hiệu không hai , Làm cho sanh lực phục lai tức thì. Đêm ngày kiêng cữ bấy nay, Chỉ là giấc mộng, còn gì hại đâu? Thân tráng kiện, tâm vững mầu,
Quyết còn cất cánh, há cầu nghỉ yên? Tỷ như chim chán cảnh hèn, Bỏ lìa sa mạc, làm quen giang hà. Mặc tình lượn lại bay qua, Nước trong tẩy sạch cổ và đầu chim. Thấy Ngài mặt mũi trang nghiêm , Nàng càng tôn kính, hỏi thêm mấy lời: "Phải chăng Thiên chủ là Ngài? Lễ con hiến cúng hợp xơi chăng là? " Thế Tôn phán hỏi Tu-Xà: "Thức ăn đem đó vốn là món chi? " Tu-Xà-Đa bạch tức thì: "Chuồng bò có sẵn đủ bầy trăm con, Thảy đều đẻ, sữa căng tròn, Tự tôi nặn lấy, nuôi còn năm mươi; Năm mươi bò trắng sữa tươi, Tôi dùng bổ dưỡng hai mươi lăm bò. Kế dùng sữa ấy đem cho, Mười hai bò khác uống no nê lòng, Rồi đem sữa ấy chuyển dùng, Dưỡng nuôi sáu lứa đẹp trong các bầy. Cuối cùng nặn sữa bò nầy, Nấu trong nồi bạc, gia vì chất thơm, Chiên đàn trộn lộn với cơm, Hiệp thành một món mà đơm cúng dường.
Trước tôi phát nguyện rõ ràng, Nếu sanh nam tử, liệu lường lễ chay. Nay tôi có đứa con này, Đời tôi hạnh phúc đủ đầy vậy thôi. " *** Thế Tôn dở nhẹ vải nôi, Rờ đầu đứa bé, miệng vui phán rằng: "Nguyện ngươi phước lạc, an bằng, Nguyện cho đứa trẻ đời hằng nhẹ lo. Công ngươi giúp mỗ rất to, Ta người đồng loại, chớ cho là Thần. Vốn ta Thái tử anh quân, Nay làm lữ khách dò lần Quang minh. Sáu năm khổ nhọc tu hành, Cũng chưa nhìn thấy ánh linh chói lòa. Sẽ tầm cho đặng đó mà, Ánh kia vừa lố, thân ta ngã nhào, Khỏe nhờ thực phẩm nàng trao, Đồ ăn rất bổ vì vào nhiều thân. Cũng như sanh tử lắm lần, Người thêm tấn hóa, bớt phần u mê. Phải chăng nàng những chấp nê, Cuộc đời đủ sức tạo bề sướng vui? Sống đời, tình ái thế thôi, Chỉ hai món ấy đủ rồi phải chăng? "
*** Tu-Xà-Đa đáp lại rằng: "Bạch Ngài! bụng dạ thiếp hằng nhỏ nhoi, Đám mưa thưa thớt hẹp hòi, Làm cho hoa huệ nước oi đầy tràn. Chồng vui ve, trẻ cười ran, Nhà thường hòa ái, phước ban đủ rồi. Tháng ngày thích thú lần trôi, Lo tròn nội trợ là tôi thỏa lòng. Trời lố mọc, tôi thức xong, Nguyện cầu, dâng cúng chư vong thánh thần. Sửa vườn, tưới nước, vun phân, Kêu người ăn ở chia phân việc làm. Giữa trưa chồng thiếp đi nằm, Đầu kê bụng vợ đương cầm quạt quơ. Trời chiều phẳng lặng như tờ, Vợ chồng đoàn tụ, thiếp đưa bánh mời. Dưới đèn chong ánh sao trời, Nguyện cầu, chuyện vãn rồi thời ngủ nghê. Sống đầy hạnh phúc, phải lề, Tôi còn roi chút trai kề lửa hương. Trong Kinh có dạy rõ ràng: Ai trồng cây mát che đàng mà đi, Cùng là đào giếng cứu nguy, Sanh trai tuấn tú, thác thì siêu thăng.
Tôi tin Kinh điển lẽ bằng, Vốn không trí tuệ cho bằng Thánh xưa; Các Ngài biết rõ huyền cơ, Luận đàm đạo lý với chư linh thần. Tôi nay suy xét cân phân, Thiện thì thiện đến, ác lần ác theo. Sự tình như vậy thảy đều, Xưa nay khắp chốn một chiều như trên. Cội lành, trái ngọt mọc lên, Cây loài độc địa, quả nên đắng chằng. Tôi xem: dữ tạo thù hằn, Làm lành vầy bạn, nhẫn bằng yên thân. Đến khi mình tách cõi trần, Cũng là có đủ phước phần như nay, Biết đâu càng được thêm hay, Lúa gieo một hột, sanh rày năm mươi. Trong rừng cây nhỏ yếu lười, Ẩn hoa chiêm-bặc, sắc tươi trắng vàng. Có khi sự khổ đa mang, Người không nhẫn nỗi lang thang bụi hồng. Tỷ như con thiếp mạng chung, Tim này sẽ nát, mà không tiếc gì! Bấy giờ hôn hít tử thi, Rồi theo phu tướng mà đi khắp cùng. Cam lòng giữ vẹn chữ tòng,
Chờ chồng thác trước mới mong tới mình. Một mai nếu mất bạn tình, Tôi lên giàn hỏa, hai hình đồng thiêu. Kinh xưa có chép dạy điều: Phụ nhơn tử tiết mà theo với chồng, Tình yêu như vậy đắc công, Muôn năm chồng hưởng phước trong Thiên đường. Cho nên lòng thiếp vui thường, Không lo, không sợ, xót thương nghèo hèn, Làm lành tùy phận nhỏ nhen, Tuân theo pháp luật, giữ bền lạc quan." Thế Tôn ứng tỏ lời ban; "Ngươi cho bài học cả ngàn vị sư; Dầu cho giản dị danh từ, Nhưng còn thông rõ hơn chư khóa trình. Thà ngươi không có học hành, Miễn là nghĩa vụ, công bình vẹn xong. Sống đời như một cụm bông, Bóng ngươi che mát, giữ trông trẻ nầy. Ánh quang Chơn lý gắt gay, Không dùng chiếu diệu lá cây mịn màng; Phải chờ nhiều thuở khác sang, Lá hoa sẽ trổ vinh quang dưới trời. Ngươi tôn ta bực đức tài, Ta nay kính trọng ngươi thời hảo tâm;
Ngươi thông đường lối chẳng lầm, Như chim câu nọ xa xăm biết về. Giúp người hy vọng giữ bề, Ngươi còn chỉ cách tu tề chí cao. Nguyện ngươi được phước dồi dào, Nguyện ta thành đạt công lao cứu trần! Vốn ngươi tưởng mỗ là Thần; Xin ngươi hộ niệm ân cần cho ta." *** Nàng rằng: "Tôi rất thiết tha Cầu Ngài Đạo nghiệp cao xa mau thành!" Nàng vừa nhìn đứa con mình, Nó đưa hai cánh hoan nghinh đức Thầy! Bấy giờ, Ngài khoẻ khoắn ngay, Nhờ dùng món bổ vừa dâng của nàng. Ăn xong, đứng dậy gọn gàng, Ngài đi đến một cội tàng lớn kia; Cây nầy, sau gọi Bồ-Đề (14) Tươi xanh muôn thuở chứng ghi Đạo Lành. Cội cây, Chơn lý viên thành, Đó là tiền định sẵn dành Thánh ngôi. Đức Thầy vẫn biết vậy rồi, Nghiêm trang bước tới, sắp ngồi dưới cây. Ớ nầy trần thế đó đây! Tỏ niềm vui thoả vì Thầy đến nơi!
Tàng cao giăng rộng trên khơi, Rễ như cột trụ điện đài thông nhau; Đất đai cảm động Lẽ mầu, Trổ sanh hoa đẹp, cỏ màu xanh tươi. Cành cây hạ xuống che Người, Gió sông thổi tới, đượm rười mùi sen. Cọp, beo, heo, lộc lẫn xen, Đêm nay hòa thuận, nhìn xem mặt Ngài. Một con rắn độc hiện lai, Tỏ niềm cung kính mà quơi cái đầu. Mấy con bướm đẹp đủ màu, Lắc lư đôi cánh, quạt hầu Thế-tôn. Chim diều đánh rớt mồi ngon, Sóc rằn chuyền nhánh, ngó dòm Như lai. Chim hoành hoạch dựa ổ dài, Kêu lên vui vẻ, chào Ngài Thích Ca. Giống bay, giống chạy xướng ca, Đến loài bò lết cũng là hân hoan. Dưới mặt đất, trên không gian, Hòa đồng tiếng hát, ngân loan mấy lời: "Kính chào Cứu thế Thương đời! Giận, Kiêu, Dục, Sợ, Nghi ngờ dẹp lui! Hiến thân cho thế hẳn rồi, Vậy Ngài bước tới mà ngồi Cội cây; Thế trần hộ niệm Ngài đây,
Chúng nhờ đức Phật dứt dây khổ nàn. Ngài nên chinh phục hoàn toàn! Nay là đêm chót thế gian trông chờ!" ***
Màn đêm vừa phủ bụi mờ, Bồ-tát chiến thắng Ma vương Vasavatti và đoàn tùy tùng khuấy nhiễu Ngài tại cội cây Bồ-đề. Một vị nữ thần từ lòng đất hiện ra để giúp Ngài đánh bại Ma vương. Sau đó, Ma vương chịu khuất phục, và ca tụng Ngài. The Buddha-to-be defeated Vasavatti Mara, King of Evil, and his companies who attacked him at the Bodhi tree. A goddess of great beauty emerged from the earth and helped the hero defeat Mara. Then the King Mara payed him his homage.
Cội cây đại thọ bấy giờ ngồi yên. Ma-vương rất đổi ưu phiền,
Biết Ngài là Phật tới phiên đắc thành; Ngài toan giải thoát chúng sanh, Ra đi cứu độ hữu-tình trần ai. Ma-vương liền phát lệnh sai Âm binh, quỉ-mỵ các nơi tụ về. Trích-Na, Ra-Gá, Ra-ti (15), Các đoàn mê dục, ngu si, tham tàn, Những phường u-ám, nhát gan, Chúng sanh ghét Phật, mưu toan bất tường. Dầu ai trí huệ phi thường, Cũng không biết được chiến trường ra sao. Quỷ ma dùng cách thế nào, Đêm nay dẹp phá Lý cao Phật-đà? Có khi giữa cuộc bão sa, Sấm vang, sét giáng, chớp lòa bao giăng, Dường như chỉa nhọn nhiều răng, Bầu trời đỏ rực đứt phăng đủ chiều. Khi dùng mưu chước mỹ miều, Chúng cho xuất hiện sắc nhiều cảm mê. Trỗi câu hát xướng tình huê, Đem lời rủ rỉ dựa kề gợi duyên! Có khi hứa hẹn oai quyền, Hoặc cho Chơn-lý là phiền luống công. Giặc ma như vậy ở trong, Hay là cảnh tượng ngoài vòng thân tâm?
Các ngài thử xét thậm thâm, Tôi theo Kinh cổ chép cầm thi ca. *** Mười điều tội lỗi hiện ra, Có nhiều thế lực, Vua Ma kết bè. Tội đầu, Vị-ngã (16) chẳng e, Miễn mình cao vượt, há dè đến ai! Xướng rằng: "Ngài tới Phật đài, Mặc cho kẻ khác miệt mài âm u, Miễn Ngài đầy đủ công tu, Mau lên Thiên Thượng mặc dầu hưởng Vui." Phật rằng: "Lẽ đó là tồi, Bất công đưa lại lôi thôi tai nàn, Gạt ta, ngươi chớ có toan, Hãy đi lừa kẻ chỉ an phận mình." Tội hai, Nghi-hoặc (17) hẳn đành, Kề bên tai Phật dỗ dành khúc nôi: "Việc chi cũng ảnh bào thôi, Thấy xa hiểu rộng, than ôi ích gì! Ngài theo bóng dáng đó chi, Hãy đi cho khỏi chốn nầy còn hơn. Đành cam, chẳng cứu người trần, Làm sao cản được xa luân quay hoài?" Phật rằng: "Nghi-hoặc chàng ơi! Gã là nghịch tặc tinh bai hại người!
Ngụy tài đó đến vẹn mười, Ta không bị gạt bởi ngươi đâu mà." Chấp nê giới cấm (18) tội ba, Tín tâm mù quáng, mê sa lạy quì; Hiện thân phụ nữ một khi, Có hai chìa khóa cầm tay lù lù: Chìa nầy đóng cửa Ngục tù, Chìa kia mở nẻo lên khu Thiên đường. Nàng rằng: "Nếu đó can trường, Dẹp như Kinh Kệ, phế hàng Thần Tiên, Bỏ đi tượng ảnh trong đền, Phá luôn tôn giáo từng phen hộ trì." Phật rằng: "Ngươi xúi bỏ đi, Chẳng qua bỏ cái hình hay đổi dời: Nhưng còn Chơn lý đời đời, Vậy ngươi mau trở vào nơi tối mò." Thứ tư, một gã thử dò, Có tuồng dạn dĩ, ra trò lẳng lơ; Ca-ma Vua cả tình tơ (19) Tiên, Người kính phục, trông chờ duyên may. Tươi cười, bước đến dưới cây, Cung vàng cầm sẵn, kết dây hoa hồng; Mang theo dục tiễn lòng thòng, Mũi là năm ngọn lửa nồng đốt tâm. Quanh chàng, trong khoảng sơn lâm,
Nhiều đoàn mỹ nữ mày tằm, mắt xinh, Tay trổi nhạc, miệng ca tình, Đêm thanh lẳng lặng nghe trình bản hay; Chị Hằng, tinh tú ngừng xây, Lắng nghe giọng hát tỏ bày, nguyệt hoa. Các nàng cám dỗ Phật-đà, Ca rằng: "Tam giới, đàn bà là hơn; Mông thơm ngát, ngực hoa hờn, Vóc mình đề đạm, cân phân thấy thèm, Máu sôi vì mảnh thân em, Lòng chàng nên chuộng, mà xem tót vời; Thiên đường hẳn thật là nơi, Người trần vui thỏa phước đời như Tiên. Dầu cho lao khổ há phiền, Miễn là thú hứng liền liền đổi thay! Khi cùng bạn ngọc choàng tay, Trăm ngàn khổ não cũng bay mất rồi! Một hơi thở sướng đủ thôi, Trần-gian phó mặc, kề môi với nàng." Miệng ca, tay múa dịu dàng, Mắt ngời tình tứ, môi hường cười duyên. Khiêu dâm vũ khúc tiếp liền, Trích đôi hán ngọc, chơn tiên, tay mềm, Dường như hoa lú lom lem, Lộ màu, nhưng nhụy còn kèm ở trong
Đêm thanh vũ nữ trổ hồng, Há còn cảnh sắc mặn nồng hơn đây? Mỗi cô lần đến cội cây, Cô sau càng đẹp, càng gây men tình. Thưa Rằng: "Tất-Đạt đại huynh, Em hầu bên bạn, miệng xinh hiến chàng; Bạn nên nhìn thiếp rõ ràng, Xuân xanh hương vị em đang vừa thì." Thế Tôn trí chẳng lung lay, Ca-ma thấy vậy, quơ cây cung thần. Cả đoàn vũ nữ lui chân, Một hình tuyệt đẹp bước lần tới nơi: Da-Du hiền nội của Ngài, Mắt sa giọt thảm, đưa hai tay bầu. Nàng rên ngọt dịu, ưu sầu, Kêu tên Thái tử, yêu cầu thở than: "Thưa Ngài em khổ muôn ngàn, Xa nhau, em những lệ tràn vì ai! Nhớ chăng hạnh phúc cả hai, Cảnh nhà khoái lạc, sông dài Rô-hi ? Nhiều năm chàng đã ra đi, Nay xin trở lại xum vầy với nhau! Kề môi, dựa má, nghiêng đầu, Dứt cơn mơ mộng, héo xàu đó đi. Chàng nên đoái tới thiếp đây,
Vẫn là bạn ngọc những ngày ấp yêu!" Phật rằng: "Hỡi bóng mỹ miều! Giả làm hiền nội, đánh liều gạt ta. Không đành quở mắng đó a, Vậy ngươi vội vã lánh xa cho rồi." Trong rừng, dội tiếng như lôi, Trọn đoàn mỹ nữ đều lui gót hài. Đương khi mưa gió mịt trời, Tội tình tiếp tục tới nơi đủ mười: Thứ năm, Sân (20) hiện ra người, Ngực đầy những rắn bám bươi vú nàng; Giận nhau hút gió kêu vang, Xen cùng tiếng chửi rủa quàng chửi xiên. Nàng Sân sức chẳng đáng kiêng, Thánh nhơn nhìn tới, nàng liền nín ngay; Rắn kia thun lại tức thì, Răng tua lưỡi nhọn một khi thụt vào. Sáu là Luyến Sắc giới (21) cao, Hiện ra Thiên thượng cảnh nào cũng xuê. Bảy là Vô-sắc ái (22) kia, Mối lòng tham trước của bề siêu linh; Công tu Giải thoát sắp thành, Nhưng còn mong hưởng Thiên đình vô biên, Tám là Kiêu-mạn (23) chẳng hiền, Chín là Tự ái ưa thiên trong mình,
Thứ mười nữ tặc vô minh (24), Dắc theo một lũ dị hình gớm ghê, Lết bò, bay nhảy, cà tê, Cũng như cóc nhái, dơi kia đen sì. Vô minh, nữ quái xấu hì, Màn đêm vì nó, càng dày mịt thêm; Núi non rúng động dưới thềm, Gió gào, mây lủng, mưa đêm dầm dề. Sao băng, đất động bốn bề, Bầu trời chớp nháng, tiếng ghê vang rền: Hăm he, nguyền rủa, kêu rên, Quỉ thần Hắc-ám ứng lên phá Thầy. Phật-đà chẳng kể đếm chi, Ngài ngồi an tĩnh, đức dày chở che ; Giữ cơn giông tố nặng đè, Cây Bồ-đề vẫn không hề động diêu, Lá êm chiếu ánh đều đều, Cũng như những buổi trời chiều trăng trong, Hét la, chấn động hãi hùng, Đạo tràng yên ổn như không việc gì. *** Canh ba, cảnh vật thanh di, Quỷ ma tản lạc, gió lay mát trời. Tam-Bồ-đề định (25) tới nơi, Thế Tôn nhìn thấy mọi đời đã qua;
Thấy gần rồi lại thấy xa, Năm trăm năm chục số là tiền-thân. Tỷ như người nọ đăng sơn, Quay nhìn cảnh vật dưới chơn của mình: Đây là đường nhỏ uốn quanh, Dài theo vực, hố, rừng xanh rậm rì. Nọ là mấy chỗ bưng, lầy, Người từng mỏi mệt trở xây dưới bùn. Kìa là mấy đảnh hãi hùng. Thiếu đều trật té nhưng vùng gượng lên. Dưới kia, đồng cỏ tươi bền, Động hang, thác nước gần bên ao hồ. Ruộng đồng mút mắt tít mù, Đó là khởi điểm lộ đồ non cao. Lịch trình Phật chẳng khác nào, Ngoái nhìn những thuở lao nhao, thấp hèn, Lần lên đời đẹp đáng khen, Đến nay đạt Cảnh cao ven trọn lành. Tiền thân gieo giống đã đành, Hậu thân gặt hái quả mình tạo ra. Tạm ngừng, rồi lướt đường xa, Duy trì phước cũ, lỗi qua phải đền; Mỗi đời, lành tạo việc hên, Dữ thì chuyện xấu theo bên thân mình. Chết rồi chẳng dứt sự tình,
Thiếu, thừa tạm gác để dành về sau, Đó là toán thuật rất mầu, Phước kia tội nọ ghi sâu chẳng lầm; Đến khi đời khác tái lâm, Được, thua, thân, ý do mầm thuở xưa. *** Nửa đêm khi ấy cũng vừa, A-bì-nhã (26) trí thừa ưa đắc liền; Phật nhìn khắp cả các miền : Địa cầu, nhựt, nguyệt tiếp liên tinh thần; Vô lường, vô số khó phân, Thảy đều tuần tự chuyển vần tự nhiên. Tỷ như biển cả vô biên, Chứa nhiều hải đảo đứng yên ngàn đời; Không gian ví tợ biển khơi, Hoàn cầu như đảo số thời biết bao! Thế Tôn thấy các ngôi sao, Cái nào vua chúa, cái nào quan, dân; Nhỏ hầu theo lớn hưởng ân, Ở trong vũ trụ, tách phân từng đoàn, Cùng nhau dìu dắt, bảo toàn, Đem nguồn ánh sáng chiếu tràn lẫn nhau. Ngài nhìn thấy cõi xa sâu, Những ngôi nhỏ bé xây hầu ngôi to, Cứ theo thế ấy lần dò,
Mà sanh năm, tháng, ngày, giờ phân minh. Ngài tường tuổi thọ chư tinh, Đó là kiếp số (27) nhơn tình khó thông. Các ngôi tinh tú đều đồng : Sanh rồi Trụ, Dị, Diệt cùng nối nhau. Phật nhìn từ chỗ chí sâu, Lần lên đỉnh thượng hoàn cầu mỗi nơi ; Lặng xem hình thức, chuyển dời, Pháp nghi chế-định khiến sai âm thầm, Pháp nầy thế lực cao thâm, Tối tăm nhờ đó đi tầm quang minh; Tử rồi thì lại hoàn sinh, Trống không thành có, sắc hình hiện ra; Vật chi trước đã xấu xa, Lần hồi tốt đẹp, sau là toàn chân. Pháp nầy có trật tự ngầm, Không ai ban bố, cản ngăn được nào; Còn hơn các vị Tiên cao, Toàn quyền, bất biến, không sao luận bàn. Quyền nầy tạo tác, phá tan, Tạo ra trở lại, trị an muôn loài. Tốt xinh, thành thật, ích đời, Là ba lẽ Đạo hạp nơi quyền hành. Thuận theo đạo ấy là lành, Ví bằng chống nghịch, chẳng thành công đâu.
Côn trùng tùy phận há cầu? Chim diều xớt thịt để hầu nuôi con; Sương mai chói, ánh sao tròn, Cũng đem công tác xen bò việc chung, Sanh rồi, kế đến tử vong, Con người phải biết thác trong nhơn nghì; Ở ăn hạp lễ chúng vì, Giúp nhơn cứu vật trong khi lâm nàn; Đừng làm trở ngại Tuần-hoàn, Chớ ngăn sức tiến muôn ngàn tánh linh. Lý như vậy, Ngài thấy rành, Giữa đêm ngồi tĩnh dưới cành cây cao. *** Canh tư vừa mới bước vào, Phật tường khổ não mạng nào cũng mang. Ác tà với khổ dựa nương, Làm cho đình trệ bước đường chánh chơn. Tỷ như khói với bợn nhờn, Làm cho nghẹt lửa trong cơn luyện vàng. Trước là Khổ đế (27) hiện tuờng, Khổ là cái bóng, đời thường mang đeo, Mình đi cái Khổ đi theo, Khổ mà lìa được, mạng teo dứt liền. Có nhiều trạng thái Khổ phiền: Mới sanh, khôn lớn, tật nguyền, già nua.
Yêu thương với lại oán thù, Vui chơi cực nhọc, được thua, giựt giành, Không ai khỏi bị khổ hành, Nều mình chẳng có Đạo lành đón ngăn. Hết vui thì khổ lằn-nhằn, Bề ngoài sung sướng, tâm căn khổ sầu. Vô-minh, lẽ ấy hiểu sâu, Tức là xa lánh mưu mô gạt mình; Chẳng còn yêu thích đời sanh, Mà người có thể tự mình thoát ly. Mắt bền chiếu thấy như vầy: Vô-minh (28) duyên trước, Hành (29) nầy tới sau; Thức (30) rồi Danh Sắc (31) nối nhau, Kế là Lục-Nhập (32) , Xúc (33) câu, Thọ (34) tình. Giận, mừng, vui, não, ghét, ganh. Kế là cái Ái (35) phát sanh, mong cầu : Thanh nhàn, phước lạc, sang, giàu, Danh cao, nghiệp cả, gồm thâu nước nhà, Thiếp thê, tình ái mặn mà, Món ngon, vật lạ, tố sa, đền đài, Dòng quí phái, há nhường ai, Đấu tranh mau dễ hoặc dài thời gian. Thánh hiền cắt Ái dây oan, Chẳng tầm, chẳng hại, chẳng toan tranh giành; Dằn lòng trả nợ tiền sanh,
Dứt trừ phiền não, Nghiệp (36) mình sạch trong; Bấy giờ người chẳng cần mong, Cuộc đời sẽ tới ở trong Tiên, Người; Hoặc là tạo một đời tươi, Khổ sầu vi tế lần hồi tiêu tan. Con Đường đi đã vẹn toàn, Chẳng còn bị gạt bởi đoàn ảo hư ; Ngũ-ấm (37) há dối nữa ư? Các dây trói buộc (38) , cắt trừ đã xong, Chẳng còn luẩn quẩn trong Vòng, Một phen tỉnh giác, toại lòng, hết mê. Lớn hơn đại đế ngôi xuê, Các Trời há dễ sánh bề phước an; Dứt rồi kiếp sống lầm than, Được Đời sống mới : Niết bàn viễn miên, Cảnh nầy khoái lạc hơn Tiên, Lìa xa khổ não, ưu phiền, đổi thay. ***
Giác Ngộ: vào buổi sớm mai vào ngày trăng tròn tháng tư (tháng Vesak), năm 588 trước Tây lịch, Ðức Phật thực chứng Tứ Diệu Ðế: Khổ, Nguyên Nhân của Khổ, sự Diệt Khổ, và Con Ðường Diệt Khổ. Enlightenment: At dawn on the Full Moon Day of Vesak month, 588 B.C., the Buddha enlightened the Four Noble Truths, i.e., Suffering, the Cause of Suffering, the Cessation of Suffering, and the Way leading to the Cessation of Suffering.
Rạng đông bỗng hiện ra ngay, Chiến công của Phật tô bày hiển vang. Kìa chòm lửa rực Đông Phương. Phủng qua những bức nhung trường tối đen. Sao mai mờ mịt lặn chen, Những lằn ánh tỏ túa xen nhiều vùng. Núi non mờ ám xa trông,
Là nơi chào đón vầng hồng trước tiên. Trăm hoa còn hãy ngủ yên, Dưới lằn gió ấm, mắt hiền hé ra. Quang minh lẹ bước đến ta, Lướt theo ngọn cỏ là đà dưới sương ; Đêm rồi hạt lệ thảm thương, Sáng nay, sương hóa kim-cương chói ngời. Ánh vui tỏa khắp đất đai, Vàng ròng viền ở phía ngoài mây đen. Tàu dừa như tụi tò-ten, Cúi mình niềm nở đón khen ánh vàng; Ánh soi khoảng trống rừng hoang, Soi dòng sông rộng xem dường bửu châu ; Chiếu sang nai lộc bụi sâu, Bảo rằng : Trời đã bắt đầu ban mai. Ở trong tổ ấm trên khơi, Chim còn gục mỏ dưới hai cánh mình, Hào quang phớt mặt, nhủ rành : "Các con! Hãy ngắm cảnh xinh ban ngày." Muôn chim khởi sự trình bày, Bản ca điệu hát đó đây chào mừng : Tiếng nầy như sáo xa chừng, Tiếng kia như trổi vang lừng quốc ca ; Tiếng như đờn ngọt phớt qua, Tiếng như chát chúa, tiếng la vang rền ;
Có con rủ rỉ êm đềm, Có con như tỏ nổi niềm ái ân. *** Đêm rồi Phật thắng Ma quân, Sáng nay cảnh vật hỷ hân trong ngoài. Nhứt là ở giữa nhơn loài, Hiện ra khí hậu hòa hài, thanh cao, Kẻ hung bạo cất con dao, Những tay trộm cướp bỏ bao ngọc vàng ; Kẻ buôn bạc đếm đàng hoàng, Ác thì hóa thiện, thiện đương trọn lành. Các vua chiến đấu tạm đình, Kẻ mang bệnh hoạn cất mình cười reo ; Mạng chung hơi thở cheo leo, Hở môi cười nụ, tuân theo số phần. Bình minh đem lại vẻ hân, Cảnh vui dường ấy do căn lạ thường. Da-Du (39) ngồi ở bên giường, Nét vui bỗng hiện trên gương mặt sầu, Dường như bà cảm lẽ sâu: Hết cơn bỉ cực, bắt đầu thới lai. An vui khắp cả mọi nơi, Thần linh mừng rỡ tỏ lời xướng ca. Chư thiên ở cõi cao xa, Hô rằng: "Công việc hẳn là xong xuôi!"
Thầy tu, dân chúng nối đuôi, Cho là đại sự mà vui vẻ nhìn. Từ nơi rừng bụi, lầy sình, Tấm lòng Bác Ái mặc tình phát huy. Hươu rằn ăn cỏ chẳng nghi, Gần bên cọp mẹ, con bầy bú đeo; Đoàn heo lại với đoàn cheo, Cùng nhau uống nước quanh theo bờ hồ. Thỏ nương gọp đá ra vô, Chim ưng đứng đó mỏ đùa dưới lông. Rắn nằm hơ dưới ánh nồng, Da ngời như ngọc, móc không ló ngoài. Diều ngơ cho cưởng vãng lai, Cò xanh mơ mộng, cá chơi gần mình. Chim sâu đậu nghỉ trên cành, Để cho doàn bướm mặc tình trở xây. Tinh thần đức Phật cảm lây, Loài người thú vật, chim bay bốn bề. Ngài còn ngồi cội Bồ đề, Thắng rồi giặc Quỷ, phước về Nhơn gian. Quang minh của Phật lan tràn, Sánh cùng mặt nhựt, cả ngàn lần hơn. *** Thế Tôn đứng dậy, hân hân, Xướng lên tiếng Kệ, xa gần nghe qua:
"Ta đà ở khắp từng nhà, Mảng tìm gia chủ cất tòa ngục giam; Đấu tranh cực mãi phải cam, Nay ta biết được người làm nhà đây. Người ôi! thôi chớ đắp xây, Vách tường chứa đựng những bầy khổ đau; Từ nay, chớ dựng nóc lầu, Đừng đâm đà nữa, vì đâu còn nhà! Cột rường gãy hết rồi mà! Vô minh huyễn hoặc tạo ra môn đình! Nay ta đến chỗ cao vinh, Mục tiêu Giải thoát đã tranh đoạt rồi."(40) ****
Chú Thích (1) Già-da (Gâya). (2) Bà-ra-ba (Barabar). (3) Phan-gu (Phalgou). (4) Ứu-lâu-tần-loa (Ourouvelaya). (5) Xớ-ná-ni ( Senânni). (6) Cuộc sống nối liền cho hai cảnh cách nhau: cảnh thanh tĩnh và cảnh u-minh vừa nói trên. (7) Bên Ấn-độ theo tục lệ Bà-la-môn, người giai cấp dưới chẳng dám đụng người giai cấp trên, e mình làm hoen ố sự trong sạch của người. (8) Thủ-đà (Soudra): Bên Ấn-độ theo truyền thống Bà-la-môn, có bốn hạng người; Tứ chủng : 1. Bà-la-Môn chủng; 2. Sát-đế-lỵ chủng; 3. Phệ-xá chủng; 4. Thủ đà chủng. Thủ-đà cũng viết: Thú-đàla, là giai cấp làm ruộng rẫy, nông dân. Ngoài ra còn có giai cấp cùng đinh (chiên-đà-la).
(9) Người hạng Bà-la-môn và hạng Sát-đế-lỵ có vẽ giữa trán một điểm đỏ, để tượng trưng; điểm đỏ ấy kêu là Tin-ca (Tilka). (10) Tu-xà-da (Soudjâta, Sujata). (11) Lục-mi (loukshmi), nữ thần ban bố sự phong phú thạnh vượng, vợ của Thần Vishou (Tỳ-nữu). (12) Linh-gam (lingam) đá nhọn đầu, biểu hiện Sức tạo tác. (13) Ra-da (Radha). (14) Bồ-đề (Boudhi) : Vì Phật đắc Bồ-đề (Đạo) nơi cội cây ấy, nên về sau người ta gọi là cây Bồđề. Ấy là cây Pipal, ficus religiousa, hiện còn ở gần tỉnh Bihar ngày nay (Bodh Gaya, Bồ đề đạo tràng). (15) Trishna, Raga, Arati. (16) Vị-Ngã, Ngã-kiến, Pháp : Égoisme, Moi; Phạn : Attavâda ; chỉ kể mình là trọng. (17) Nghi-hoặc: Pháp : Doute; Phạn : Visikitcha; Hồ nghi đối với chánh pháp. (18) Chấp-nê Giới cấm (Phạn: Silabbat-paramâsa) : chấp nệ giới hạnh nhỏ mà bỏ Đại-đạo, ham lễ bái cầu nguyện mà không tĩnh tâm Giải-thoát. (19) Phạn : Kama, lòng ái-dục, mong cuộc vui sướng tình ái vợ chồng, vui thích Năm dục (Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc) trong Dục-giới, từ cảnh Người tới cảnh Tiên. (20) Sân : Pháp : Haine ; Phạn : Patigha. (21) Luyến Sắc-giới, Phạn: Rouparaga, Thích hưởng các cảnh Thần Tiên trong cõi Sắc giới, cao hơn Dục-giới (Kama). (22) Vô-sắc-ái tức Vô-sắc-giới-ái, Vô-sắc-giới-dục ; Phạn : Arouparaga. Lòng mong hưởng cảnh Tiên Vô-sắc giới. Vô-sắc giới có bốn cảnh từ thấp đến cao là : 1) Không-vô biên xứ 2) Thức vôbiên xứ 3) Vô-sở hữu xứ 4) Phi tưởng phi phi tưởng xứ. (23) Kiêu mạn : Phạn : Mano ; Pháp : Orgueil. (24) Tự-ái: Phạn : Ouddhatcha ; Pháp : Amour-propre. (25) Vô-minh : Phạn : Avidya ; Pháp : Ignorance. (26) Tam-Bồ-đề-định: Phạn : Sammâ-Sambouddh. Cũng viết : Tam- miệu Tam-Bồ-đề ; Dịch nghĩa: Chánh-đẳng Chánh-giác. (27) A-bì-nhã: Abhidjna. Đắc cảnh trí nầy, Phật nhìn thấy các thế giới, các tinh tú trong hoàn vũ. Cũng như đắc phép định Sammâ-Sambouddh nói trên, Phật thấy đủ các tiền thân của Ngài.
(28) Kiếp hay Kiếp ba (Kalpa); Dịch-giả Arnold chú giải: Một Kiếp có 4.320 triệu năm. Có Tiểu kiếp, Trung kiếp, Đại kiếp. Theo Phật học từ điển : 1 Tiểu kiếp: 16.800.000 năm ; 1 Trung kiếp: 336.000.000 năm; 1 Đại kiếp: 1.344.000.000 năm. (29) Khổ đế: Chơn lý của sự Khổ : Phạn : Doukha-Sarya. Tất cả là Bốn đế (Tứ đế, Tứ diệu đế): Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế. (30) Vô-minh: Phạn: Avidya ; Pháp : Ignorance, Illusion. (31) Hành: Phạn: Sankhâra, Samskàrà ; Pháp: Impression, Penchant pervers ; Sự chuyển động trong tâm, sự toan tính nơi lòng. (31) Thức: Phạn : Vijnànà ; Pháp: Conscience ; Sự biết. (32) Danh sắc: Phạn: Nâma-Rupa ; Pháp: Nom et Forme ; Tức là thân tâm, ngũ uẩn : gồm Thọ, Tưởng, Hành, Thức, kêu là Danh; Sắc-tướng, hình chất, kêu là Sắc. (33) Lục-nhập: Phạn : Sadâyatana ; Pháp: Six sens ; Sáu căn trong nhập với Sáu trần ngoài. (34) Xúc: Phạn: Sparca ; Pháp: Contact ; Sự đụng chạm. (35) Thọ: Phạn: Védana ; Pháp: Sensation, Vie des sens ; Thọ cảm thường tình của các căn. (36) Ái: Phạn: Trisnà ; Pháp: Désir ; Ham muốn, ưa thích. Từ Vô-minh tới Ái là tám nhân duyên đầu trong Thập-nhị nhơn-duyên ; Còn bốn nhơn duyên nữa là: Thủ, Hữu, Sanh, Tử, Lão Bệnh. (37) Nghiệp: Phạn: Karma. Tư tưởng và hành động từ các đời trước đến đời nầy hiệp thành một Sức, có thiện, có ác, hoặc toàn thiện. (38) Ngũ-ấm, ngũ uẩn: Phạn: Skandas; Pháp: Cinq agrégats; Năm món ( Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức) hiệp lại mà che khuất chơn lý, tự thể, làm cho chúng sanh luân-hồi. (39) Dây trói buộc: Phạn: Oupâdânas; Pháp: Liens. (40) Da-Du (Yasôdhara): Vợ cũ của đức Thích-Ca. (41) Bài kệ trên đây mà tôi đã dịch nghĩa rộng, do theo chữ Pháp. Kinh chữ Hán gọi là "Tứ cú thành Đạo". Vừa khi thành La-hán hoặc thành Phật, mỗi vị đều có đọc bài Kệ nầy: Chư lậu dĩ tận, Phạm hạnh dĩ lập; Sở tác dĩ biện, Bất thọ hậu hữu.
Mọi sự phiền não đã hết, Đức hạnh thanh tịnh đã lập; Việc làm của mình đã xong, Chẳng còn chịu thân sau nữa. ---o0o----
Phần thứ bảy
TRỞ VỀ
Nhiều năm dài dặc lần trôi, Đức vua Tịnh Phạn đứng ngồi buồn tênh. Thường khi ngự giữa triều đình, Thánh hoàng nhớ giọng, tưởng hình Đông cung. Da-Du cũng mảng sầu lòng, Xuân thu nhiều lượt, mà chồng bặt tin. Lúc nào nghe tiếng đồn lên, Có nhà tu ẩn đến bên hoàng thành, Lệnh truyền sứ giả đăng trình, Thảy đều về tấu đành rành như sau: Chúng tôi có gặp chư tu, Ở nơi vắng lặng, không đâu là nhà. Hỏi thăm Thái Tử Thích Ca, Không ai biết mặt cùng là nghe tên. Hoặc Chàng ẩn dật xa miền, Thay tên đổi họ, quy tiên không chừng! *** Một hôm nhằm lúc đầu xuân, Cành xoài trổ nụ, đất bừng khí tươi. Trong vườn, Công chúa lặng người, Dưới chân, dòng nước gợi khơi ảnh hình: Nhớ ngày bên rạch trong xanh, Hoa sen chứng kiến đôi mình kề nhau!
Mắt từng lả chả giọt châu, Mí nay mệt mỏi, má dàu dàu thon; Môi son rút lại, hết tròn, Tóc theo quả phụ, cuốn lòn, giấu che. Nàng không trang sức hoa hòe, Chỉ dùng tang phục, chẳng khoe ngọc vàng. Hai bàn chân nhỏ, mịn màng, Không còn đi đứng lẹ làng như xưa. Hồi nào Chàng gọi, Thiếp thưa, Bước thoang như lộc, nhẹ đưa lá hồng. Mắt nàng đèn ánh tình nồng, Trước như mặt nhựt soi trong tối thầm ; Bây giờ lờ lệch, lạc lầm, Cảnh xuân tươi đẹp, chẳng hăm hở nhìn. Một tay nâng đới ngọc lên, Vật Chàng để lại, nàng gìn kỷ cang. Ôi! đêm khổ nhứt của nàng! Thương nhau, Chàng phải lên đường đi xa! Tay kia dắt đứa con nhà, La-hầu-La (1) trẻ thật là tiên phong. Đó là tín vật của chồng, Nay đầy bảy tuổi, chơi rong bên nàng. Trẻ thơ vui dạ nhìn sang, Hoa xuân rạng nở điểm trang cảnh trần. Mẹ con chầm chậm rời chân,
Quanh theo hồ rộng, sen phưng phức mùi. La-hầu-La rất sướng vui, Thảy cơm cho cá khoe đuôi xanh, hồng. Mẹ thời ngước mặt lên không, Buồn trông đoàn nhạn, bà mong than rằng: "Ớ nầy các bạn phi thăng! Cho ta nhắn gởi, rồi phăng lên đường; Ví bằng gặp chỗ của Chàng, Da-Du là vợ sẵn sàng hy sinh. Miễn chàng mở miệng phân minh, Hoặc chàng mơn trớn cho đành nhớ nhung." Con chơi giỡn, mẹ ước mong ; Bỗng vài thể nữ nội cung đến trình: "Thưa bà! do cửa Nam thành, Đế-lê, Bạt-lỵ (2) hai anh mới vào. Ấy là thương khách danh cao, Đến đây với mọi trân hào biển non: Đồ tơ lụa, lưỡi dao con, Bát đồng, ngà chạm, món ngon vật lành; Thuốc men, chim lạ, báu xinh, Nhứt là đem đến món mình ước mong: Hai người có thấy Đức Ông. Đạt-Đa Thái tử là chồng Quý nương! Thấy Ngài tận mặt rõ ràng, Cả hai đảnh lễ, cúng dường thức ăn.
Ứng theo lời Sấm đã phân, Nay Ngài thành Phật, dương trần kính tôn; Cứu người trọn cả xác, hồn, Cứu luôn muôn loại sanh tồn thế gian. Lời Ngài dịu ngọt an nhàn, Từ, Bi, Hỷ, Xả rộng lan đất trời. Xứ ta sắp tiếp đón Ngài, Đó là lời mách của hai lữ hành." *** Niềm vui, mạch nhảy thình thình, Cũng như tuyết rã đổ quanh sông Hằng; Da-Du đứng dậy thẳng băng, Vỗ tay, cười lớn, lệ lăn theo tròng; Truyền rằng "Hãy rước vào trong, Dựa kề dưới trướng mà thông tin nhàn, Như người khát nước, cổ khan, Ta đây ham biết việc toan tỏ bày. Đưa hai người ấy vào đây, Ta nghe chuyện thật, thưởng ngay ngọc vàng, Các cô cũng đến cho tường, Rồi ta ban thưởng mỗi nàng đáng công." Hai người thương khách vào cung, Trên đường vàng hực, thung dung tiến lần; Mỹ nhân quanh đó nhìn trân, Hai chàng ngơ ngẩn cung tần nguy nga.
Khi vừa vào tới trướng hoa, Bỗng nghe cất tiếng dịu hòa, thê lương: "Kính chào khách quý viễn phương, Các ngài đã gặp, cúng dường Thích Ca; Trượng phu của thiếp đó mà, Đắc thành Phật đạo, người ta kính vì. Độ đời, cất bước ra đi, Rồi đây về tới xứ nầy, quê hương. Xin chư quí khách tỏ tường, Nếu là như vậy, thiếp đương rước mừng: Nhà nầy, hai vị nghỉ lưng, Kể như thân thích và đừng ngại chi." Đế-Lê ứng đáp tức thì: "Chúng tôi có gặp đức Thầy Thánh nhơn; Đê đầu làm lễ dưới chơn, Ngài đà đạt Cảnh cao hơn Đế hoàng. Bồ đề thọ, ấy Đạo tràng, Nghiệp to thành tựu, sắp mang cứu đời. Ngài đương mạnh khoẻ thảnh thơi, Không mang tật bệnh, chẳng vời khổ nguy. Như Trời thoát tục suy vi, Mặt mày sáng rỡ, chứng ghi lý lành. Ngài đi tới mỗi thị thành, Giảng chư phương tiện cao minh, an hòa, Lòng người theo đạo Thích Ca,
Cũng như lá rụng, nương đà gió giông; Lại như đoàn thú ngoài đồng, Theo người dắt dẫn rõ thông mục trường. Chúng tôi nghe Pháp lạ thường, Do Ngài thuyết diễn tại vườn Ni-ca (3). Gần bên thành phố Già-da (4), Đầu mùa mưa tới, Ngài qua xứ nầy." *** Da-Du nghe thuật vui thay! Nghẹt hơi, bà chỉ vân vi mấy lời: "Tin lành đưa tới tận nơi, Tôi cầu quí vị đời đời phước an. Nhưng khi nghiệp cả thành toàn, Có chi biểu hiện, mưu toan thế nào? " Bấy giờ Bạt-Lỵ nói vào: "Lời người sơn cốc làm nao lòng mình: Trọn đêm khủng khiếp giao tranh, Hư không mờ ám, đủ hình quỉ ma; Đất rúng động, nước ngập nhà, Do Ma vương giận tạo ra dọa Ngài. Kế trời rựng sáng khắp nơi, Nhựt quang mới chiếu, lòng đời khởi mong; Bấy giờ Đạo cả thành công, Cội cây ngồi lặng, mặt trông tươi nhuần. Ngài còn trầm tọa nhiều tuần,
Mặc dầu Giải-thoát, còn quằn quại lo, Như người ôm khối vàng to, Tâm tư nặng trĩu, đương dò dứt nghi. Người đời ưa thích lỗi nghì, Đeo theo cảm giác tà tay gạt mình; Họ không có trí thấy lanh, Cũng không sức phá các tình trói ngăn. Làm sao họ biết lần phăng Mười hai Duyên (5) chánh phải cần dứt xong ? Làm sao hiểu Pháp thoát Vòng, Đạo nầy mới mẻ, họ không dám hành ? Ví như Phật bỏ chúng sanh, Nghĩ rằng người thế chẳng thành Đạo cao, Ngài bèn chẳng khứng truyền trao, Chúng ta há hưởng dồi dào phước thâm ? Thế Tôn đem đức từ tâm Phổ vào tư-tưởng đương lâm Định-Thiền. Bỗng nghe tiếng dữ hét liền: "Chắc ta mất cả thế quyền, chúng dân." Tiếp theo, có tiếng vang lơn: "Xin Ngài truyền Đạo, thi ơn cứu đời." Thế-Tôn nhìn chúng mọi nơi: Kẻ nầy cần phải nghe thời Pháp linh; Kẻ kia chưa đủ sức mình, Khá tua chờ đợi, thi hành về sau.
Tỷ như nhựt chiếu sen bàu, Đoá thì nở rạng, đóa đầu búp non. Mỉm cười, Phật phán vẹn tròn, "Ta đi truyền Giáo, thâu gom tín đồ." ***
Ðức Phật giảng bài Pháp đầu tiên (Chuyển Pháp Luân) cho năm ẩn sĩ tại vườn Nai, Sarnath. The Buddha preached the First Sermon to the five ascetics in the Deer Park, Sarnath.
Khách rằng: Xuống núi, vào đò, Thành Ba-la-nại (6), Ngài thâu Năm người; Chỉ cho cách diệt Luân hồi, Việc làm quá khứ tô bồi đời nay,
Địa ngục khổ, tự mình xây, Nếu không mê dục, lên ngay thiên đường, Pháp luân khởi chuyển tỏ tường, Ngày rằm tháng bốn (7) tại vườn Lộc Viên (8): Trong hàng Năm vị người Tiên, Kiều-Trần-Như (9) trước hiểu liền Tứ Chơn (10), Đắc La-Hán quả an toàn; Bà-sa-Ba (11) với Ma-Nam (12), Bạc-Đề (13), Kể luôn Át-Bệ (14) trọn bề, Chơn nhơn Năm vị lần kề đắc thông.
Ðức Phật giảng pháp cho Da-xá. Sau đó, Ngài truyền giới cho Da-xá và 54 người bạn (cùng với 5 anh em Kiều Trần Như, đây là 60 vị đệ tử A-la-hán đầu tiên). Vợ và cha mẹ của Da-xá là những Phật tử đầu tiên qui y Tam Bảo. The Buddha gave a sermon to Yasa. Later he gave Yasa and his fifty-four friends ordination. Yasa's parents and wife were the first people who accepted the Triple Gem as their refuge.
Hoàng nam Da-Xá (15) đến cùng, Năm mươi bốn bạn ngưỡng mong Đạo mầu; Nhập môn, lễ Phật, cạo đầu, Trong vườn Lộc-uyển cùng nhau tu hành. Những người nghe Phật giảng kinh, Tâm sanh an-lạc, huệ linh phổ vào; Như nơi đồng bái mưa dào, Hoa thơm, cỏ đẹp hồng hào, xanh tươi. Khách thương thuật tiếp: Sáu mươi Là chư Tăng số, người người sạch trong; Phật sai truyền Đạo các vùng, Còn Ngài ngự đến nước ông Tần-Bà. Nhiều hôm giảng lý gần xa, Độ cho vua chúa cả và chúng dân, Giảng về từ ái, bi lân, Luân hồi, Nhơn, Quả, Tứ ân đáp đền. Tần-Bà ngưỡng mộ cúng lên Trúc-lâm tịnh xá êm đềm dễ tu. Vua sai chạm đá mấy câu: "Như lai tuyên bố Nhơn đầu, Quả đuôi; Thế Tôn truyền dạy chúng tôi
Pháp môn thoát khổ, đánh lui lỗi lầm." *** Khách thương nói: Tại Trúc-lâm (16), Có ban Tăng chúng cao thâm tu trì, Phật chuyên giáo hóa hằng ngày, Những ai nghe giảng qui y lẹ làng; Chín trăm người mặc áo vàng, Cũng như y phục Phật mang nơi mình; Đều đi truyền bá Đạo lành, Noi theo lời Phật ban hành dưới đây: "Càng làm dữ, nợ càng vay, "Làm lành trừ khấu tội gây bởi mình; "Hãy lo lánh dữ, tạo lành, "Giữ gìn ý tứ, là hành Đạo ta (17)." *** Thuật xong chuyện đức Phật-đà, Hai người được thưởng nhiều quà tốt xuê; Quí hơn của tặng vừa kê, Là lời cảm tạ của bà Công nương. Kế bà hỏi nữa cho tường: "Thế Tôn ngự tới do đường nào đi?" Khách thương đáp lại tức thì : Do-tuần (17) sáu chục, thành nầy trở ra, Rẽ qua Vương-xá đó là, Phật theo đường đó mà qua xứ nầy.
Bò đi tám cố (18) một ngày, Chúng tôi phí một tháng chầy đến nơi." Tin nầy vừa đến tận tai, Vua đòi quan chức của ngài chín ông. Lệnh truyền cỡi ngựa thẳng xông, Nối nhau tầm đến Đông-cung, thưa rằng: "Đức vua Tịnh Phạn cỗi cằn, Vì xa Thái tử tính hằng bảy năm; Mảng tìm, nhưng lại bặt tăm, Vậy nay Hoàng tử về cầm quyền vua. Nhớ Ngài, dân chúng héo khô, E vua nhắm mắt chẳng tua thấy Ngài." Da-Du công chúa cũng sai Chín viên mã-kỵ nhắn lời dưới đây: "La-hầu-La mẫu kính bày, Tựa nơi gác tía, ngày ngày luống trông; Tỷ như hoa phấn buồn lòng, Vì gương trăng tỏ vẫn không tái hồi, Vô-ưu (19) hoa lá bồi hồi, Đợi chờ thục nữ đến ngồi dưới cây. Nếu Ngài đắc quả cao dày, Xin chia cho vợ, sớt lây con mình. Nhưng bà công chúa cố tình Cầu Ngài trở lại gia đình như xưa." Các trang sứ giả tốc thừa,
Bước vào vườn Trúc, nhằm giờ thuyết kinh. Mảng nghe Phật, quên cáo trình, Quên vua Tịnh-Phạn, quên hình Da-Du; Mắt nhìn Phật dạy tín đồ, Tai nghe Kim Khẩu diễn phô lý từ; Viên dung, hùng biện, chơn như, Lời thanh, lẽ nhã chiếu chư vật, người. Tỷ như ong dạo hoa tươi, Tổ dầu đủ mật, cũng bươi thêm vào; Trời đêm mưa gió chẳng nao, Miễn là thoả chí núc hào nhụy bông. Sứ vua lại cũng như ong, Mộ nghe Phật thuyết, quên công hành trình, Bỏ luôn mọi việc của mình, Nhập đoàn tăng chúng hầu quanh đức Thầy. Cuối cùng vua phái một vì, Ưu-Đà-Di vẫn thường khi trung thành, Làm quan nhứt phẩm trào đình, Đã cùng Thái tử kết tình bạn son. Đi vào Vườn Trúc đường mòn, Ưu-Đà-Di hái bông gòn nhét tai, Cho nên người khỏi cảm hoài, Bèn trình vương mệnh và lời công nương.
Vua Tịnh-phạn và Công chúa Da-du-đà-la khuyên La-hầu-la đến đòi Ðức Phật phần gia tài di sản. Ðức Phật cho phép cậu xuất gia Sa-di. Vua Tịnh-phạn rất buồn phiền về việc này. Sau đó, nhà vua đề nghị Ðức Phật không làm lể xuất gia cho những ai chưa có sự đồng ý của cha mẹ. Ðức Phật chấp nhận đề nghị đó. King Suddhodana and Princess Yasodhara suggested Rahula to ask to the Buddha for his heritage. The Buddha gave him ordination as a novice. Suddhodana was very sorry. He then asked the Buddha not to give ordination to any one who is not granted by his parents. The Buddha accepted his proposal.
*** Cúi đầu một cách dịu dàng, Thế tôn phán với các hàng dự nghe: "Phải rồi, ta sẽ trở về, Viếng thăm cha ruột, trọn bề hiếu thân. Nay mình thoát khỏi trầm luân, Đến nơi Bờ Giác, đủ Nhân, Ái, Từ, Cho nên báo đáp, kính thờ Mẹ sanh, cha dưỡng, ơn như biển trời.
Nay anh lui gót kính lời Rằng ta sắp sửa về nơi quê nhà." Trong thành ngoài quận nghe qua, Chúng dân dự bị để mà đón nghinh. Dựng lên ở cửa Nam thành, Đài hoa rực rỡ, trướng xanh lẫn hồng. Xa xa trên các lộ công, Cành tươi đơm kết thành vòng nguyệt thơm; Nước lài, trầm thuỷ cả ôm, Đựng đầy bì-đại (20), lom khom tưới đường. Mỗi nhà cờ xí phô trương, Voi to bành rộng sắp hàng nghiêm tinh. Trống chiêng chực đánh liên thinh, Các vì họ Thích đến nghinh tiếp Ngài. Những trang vũ nữ điện đài Rảy hoa, nhảy múa, hát bài âu ca. Ngựa Ngài sẽ bước trên hoa, Đường đi tốt đẹp, vui la khắp thành; Đó là sắc chỉ ban hành, Chúng dân nghe kỷ trống đoành báo tin. *** Kiệu đưa công chúa tiến lên, Trước hàng công chúng, đón bên khán đài. Ni-câu-đà (21) uyển bao ngoài, Chà là, cây vả, mọi loài trái hoa,
Bóng mát mẻ, khí vui hòa, Nẽo cong, hồn cỏ, cũng đà sửa san. Theo đường ra khỏi cửa Nam, Đến vùng chòi lá bần hàn lê dân; Họ là giai cấp hạ phần, La-môn, Sát-lỵ (22) chẳng gần, sợ dơ! Họ đương bứt rứt đợi chờ, Trời chưa rựng sáng, đứng hờ nhìn ra. Trống khua, voi rống đàng xa, Họ leo đại thọ, đứng mà dòm quanh. Không ai đi đến phía thành, Họ bèn quét cửa, sửa cành lá treo. Thấy người hành cước, hỏi theo: Cớ chi trể nãi, vắng teo bóng Ngài? Công nương cặp mắt sầu giai, Ngó đoàn bần tiện, nhìn ngoài đường xa. Lắng tai nghe kẻ lại qua, Coi ai biết được tin nhà Đông cung! Từ xa lần tới một Ông, Vai mang tấm áo vàng ròng thầy tu, Đầu cạo tóc, tay ôm bầu, Ghé từng chòi lá cần cầu hóa trai; Nhận đồ, chú nguyện ít lời, Nhà nào không thí thì Ngài cũng vui! Có hai người nữa nối đuôi,
Mặc đồ vàng hực, bước xuôi theo hầu. Riêng Người ôm bát dắt đầu, Tướng đi nghiêm chỉnh, vẻ mầu đáng tôn; Đức oai cảm động tâm hồn, Chúng dân cúng thí, lạy, hôn chân Ngài. Nhiều người xót phận lưng vơi, Bánh, cơm chẳng có đặng mời nhà tu. Nữ, nam, già, trẻ theo sau, Xì xào:"Ai đó? Tiên đâu giáng trần?" Ngài vừa chậm bước đến gần, Cửa đài mở rộng, nghe rân tiếng nàng: "Tất-Đạt-Đa! Ơi hỡi chàng!" Công nương kêu khóc, nằm ngang chân Thầy. *** Về sau, bà cũng tu trì, Có người thỉnh Phật giải bày cho thông : "Ngài đà nguyện dứt tình nồng. Không còn đụng chạm thịt hồng nữ nhơn. Tại sao lúc nọ đứng gần, Để cho vợ cũ ân cần ôm hôn?" Ngài rằng: "Quảng đại tâm hồn Cũng còn luyến ái như phồn nhỏ nhen. Mặc dầu cao nhã đáng khen, Chớ đem Giải thoát làm phiền người ta ; Lưới tình ví được thoát ra,
Nhờ vào kiên nhẫn, hiền hòa, thông minh. Ba kỳ dài dặc thử mình, Sau rồi Bồ tát mới thành Đạo thâm. Trước là Bồ tát phát tâm, Kế là Bất thối, Bổ lâm (23) cuối cùng. Thuở xưa, ta mới dự dòng : Phát tâm Bồ tát hay mong chuyện lành; Ta hằng tầm kiếm Huệ Minh, Nhưng đôi mắt trí chưa tinh chút nào. Kìa vườn đu đủ dồi dào, Hể bao nhiêu hạt là bao năm rồi; Tên Ram thuở ấy là tôi, Chuyên buôn bán ngọc, ở đồi miền Nam. Lục-Mi (24), nội trợ của Ram Chuyển thân từ đó, nay làm công-nương (24); Đôi ta xưa ngụ một làng, Dựa bờ biển cả ở ngang Lăng-già (25). Bấy giờ ta phải đi xa, Lo bề sinh hoạt vì nhà chẳng dư, Lục-Mi rơi lụy từ từ, Khuyên ta chớ mạo nạn ư biển, rừng. Nàng rằng: "Nếu thật yêu cưng, Sao chàng lại nỡ băng chừng dặm xa?" Nhưng rồi ta bước chân ra, Đi vào Biển cả, xông pha bão bùng,
Đấu tranh với vật thủy trung, Lướt muôn khổ nhọc, ngàn trùng sóng giăng. Đem lên hạt ngọc như trăng, Các vua ắt sẽ trả bằng giá cao. Miền non, vui vẻ trở vào, Nhưng nhằm thuở đói hại bao dân lành! Thiếu ăn, kiệt quệ sức mình, Mà ta đem được ngọc xinh về nhà. Hiền thê nằm thiếp xót xa, Vì không cơm cháo đã qua nhiều ngày. Ta hô: "Như ở tại đây, Ai cho chút gạo cứu rày vợ tôi; Đồ ăn nếu nhận được rồi, Tôi đem ngọc quí đáp bồi công ơn. " Bước vào một gã hương lân, Trao thăng rưỡi (26) gạo và cầm ngọc đi. Lục-Mi hồi tỉnh tỏ bày : "Chàng yêu như vậy, có chi quí bằng!" Thuở xưa ngọc sáng tợ trăng, Ta đem mà chuộc mạng căn bạn vàng. Đời nay ta được ngọc sang, Từ trong Biển Trí mà mang ra ngoài: Nhơn duyên đủ số mười hai (27) Với nền diệu pháp không phai, chẳng lờ. Ngọc nầy chẳng bán bao giờ,
Tặng không cho kẻ căn cơ hạp dùng. Nầy là đụn kiến, ổ ong, Với Tu-Di đảnh há đồng lớn cao? Nọ là sương đọng thành ao, Há như biển cả rộng bao do-tuần? Thuở xưa thí một vật cần, Đời nay ta thí muôn lần đức oai. Tình yêu ví được rộng dài, Nhờ về tự chủ, ra ngoài giác quan; Tình yêu thật rất khôn ngoan Biết nương lòng dạ yếu non người đời; Da-Du lễ kính dưới ngai, Thuận chiều ta dắt lên đài Phước An." *** Vua nghe Thái tử hồi loan, Đầu thì cạo tóc, vấn toàn áo nâu, Tay ôm bình bát thỉnh cầu Những nhà bần tiện thí đồ ăn dư. Vua phiền, quên nghĩa phụ từ, Bứt chòm râu bạc, ói ư đền vàng. Bước ra một cách lẹ làng, Khiến chư quan chức ngỡ ngàng, sợ lo. Thót kên chiến mã thật to, Hằm hằm khí sắc, quanh co các đường. Chúng dân thấy việc lạ thường,
Kêu nhau: "Vua tới, mau đương lạy chào!" Đến chùa, quẹo khỏi vách rào, Nam môn lố thấy với bao dân tình. Người ta đầy nghẹt đường thành, Càng lâu càng đặc, theo quanh đức Thầy. Cha con bốn mắt chiếu lây, Vua liền hết giận, lòng đầy yêu thương. Mắt hiền nhìn thẳng phụ vương, Từ từ ngó xuống, chân đương cúi quỳ. Đức vua cảm động tức thì, Thấy con mình lộ đủ đầy đức, oai, Đỉnh đầu có ánh chói ngời, Người người kính mộ mà dời chân theo. Tuy nhiên, vua trách mấy điều: "Cớ chi về nước có chiều ẩn thân? Ngày xưa sống tựa thiên thần, Nay sao áo bã, dép rơm, cạo đầu ? Cần chi Người phải ôm bầu, Ghé nơi chòi rách, chực cầu miếng ăn? Dòng vua phú quý ai hơn, Kẻ hầu người hạ, sơn trân hải vì. Con về, nên dự lễ nghi, Đao thương, người ngựa đứng quỳ tiếp nghinh. Kìa xem trên lộ quân binh, Chúng dân khắp cả thị thành chờ con.
Nhiều năm con bỏ nước non, Cha già sầu thảm, mỏi mòn trên ngôi; Công nương chịu phận góa côi, Vải bò đạm bạc, nhạc bôi chẳng màng. Nay nàng mặc áo rỡ ràng Để mà đón rước một chàng ăn xin!" Phật rằng: "Tập quán như in, Người trong Chủng tộc kính tin giữ tròn." Vua rằng: "Chủng tộc của con, Trăm ngôi truyền nối, nay còn nơi ta, Kể từ Thủy tổ Sam-ma (Maha-Sammât), Không hề có việc xấu xa như vầy." Thế Tôn hoan hỷ giải bày: "Giống dòng phàm thế, tôi nay chẳng bàn, Ý tôi muốn nói đến ban Phật-Đà tiếp nối muôn ngàn từ xưa. Tôi là vị Phật hiện thừa, Thi hành những việc Phật xưa đã hành; Chuyện chi hiện xảy đến mình, Phật xưa đã gặp tình hình như nay. Một vì Vua cả trước đây, Ngự ra thành ngoại, uy nghi chỉnh tề; Đón chào Thái tử trở về, Nhưng chàng ăn mặc theo bề ẩn tu. Ấy là vị Phật hòa nhu,
Đức, oai cao cả hơn vua hoàn cầu. Phật xưa quỳ gối, cúi đầu, Tỏ lòng cung kính ơn sâu sanh thành. Lệ này, tôi cũng thi hành, Và đem Của Báu mà trình tặng cha." *** Đức vua kinh ngạc hỏi qua: "Bảo trân nói đó vậy là những chi?" Cầm tay Hoàng-thượng dắt đi, Thế Tôn lần bước giữa bầy lê dân. Bên cha, bên vợ theo gần, Ngài bèn bày tỏ lý chân nghĩa mầu: Bốn nền Diệu đế gồm thâu, Cũng như hải ngạn chứa bầu biển khơi. Giải thêm Chánh Đạo tám nơi, Cũng là Tám Định, Bốn Thời Quả linh, Cứ theo pháp ấy tu hành, Niết-bàn chứng đắc, Tử sanh chẳng còn. Ba người vào tới lầu son, Vua nâng lấy bát cho con của ngài. Công nương mắt phụng chói ngời, Không còn ngấn lệ vắn dài như xưa. Đêm nay ai nấy hưởng nhờ, Đức lành yên tĩnh Đạo vừa phát huy. *****
Chú Thích (1) La-hầu-La (Rahoula) : Con trai của Thái-Tử Tất-Đạt-Đa và công chúa Da-Du-đà-la. Theo sách nầy, La-hầu-La sanh ra sau khi Thái-Tử đi xuất gia. (2) Đế-lê-phú-bà (Tripousha), Bạt-lỵ-ca (Bhallouk). (3) Vườn Ni-ca (Bosquet Tchirnika). (4) Thành phố nầy ở sát bên núi Gìa-da, cách chỗ cây Bồ-đề chừng hai chục dặm. Khi Phật thành Đạo, Ngài từ giã cây Bồ-đề ở Già-da sơn mà vào Già da thành (Gaya). Kế Ngài ngự đến Ba-la-nại (Bénarès) mà độ năm vị chơn nhơn. (5) Mười hai Duyên : Duyên, chữ Phạn : Nidâna, tức nhơn duyên. Mười hai duyên, tức thập nhị Nhơn-duyên, từ Vô minh tới Tử, từ Tử trở lại Vô-minh. (6) Ba-la-nại: Bénarès, một đô thị lớn ở Ấn-độ, (7) Tháng Vaishya, âm lịch Ấn-độ lối cuối tháng 5 dương lịch (8) Lộc-viên, Lộc-uyển (Phạn: Mrgadavà; Pháp: Parc aux daims, Parc aux gazelles), trong vườn nầy có rất nhiều con lộc (nai). (9) Kiều-trần-như (Kaudinya) người dẫn đầu trong năm vị. (10) Tứ-chơn: Tứ chơn đế, Tứ diệu đế. (11) Bà-sa-Ba (Basava). (12) Ma-Nam (Mâhanâma). (13) Bạc-đề (Bhadrika). (14) Át-Bệ (Asvadjit). (15) Da-Xá (Yasad). (16) Trúc-lâm : Phạn : Venuvana ; Pháp : Bois de Bambous. Cảnh vườn tre gần thành Vương xá, kinh đô nước Ma-kiệt-đề của vua Tần-bà-sa-la. (17) Bốn câu trên đây đồng nghĩa với bài kệ bốn câu bằng Hán văn : Chư ác mạc tác, Chúng thiện phụng hành; Tự tịnh kỳ ý, Thị chư Phật giáo.
Đừng tạo ra việc ác, Hãy làm hết điều lành; Tâm ý giữ cho sạch, Đó là chư Phật dạy.
(17) Do-tuần (Yodjans) : số mực để đo lường bên Ấn Độ, mỗi do-tuần là 16 dặm, mỗi dặm (lý) là 576 thước tây (m).
(18) Cố (Koss ): số mực để đo đường. Xe bò 1 ngày đi cố, 1 cố có lẽ từ 8 đến 10 ngàn thước tây (m). (19) Vô-Ưu (Asôka) : Truyện thần thoại Ramayana thuật rằng nàng Sita trốn trong bụi cây vô-ưu, bị ác thần Ravana quấy nhiễu, nhưng nàng chống cự được thắng lợi. Vì vậy nên hàng phụ nữ Ấn Độ tôn kính cây vô ưu và hái hoa của cây ấy mà ăn. (20) Bì-đại (Pháp: outre): dãy đựng nước làm bằng da con thú (da dê). (21) Phía ngoại thành Ca-tỳ-la-vệ, có cảnh vườn cây Ni-câu đà (Nyagrodha), dịch nghĩa: Vô-tiết, cây không có đốt. Cũng viết: Ni-câu-luật-đà, Ni-cư-đà. (22) La-môn (Bà-la-môn) , Sát-lỵ là hai giai cấp thanh cao nhứt ở Ấn-độ. Kế đó có hai giai cấp: Phệ-xá (Vaisyas, thương nhân, trưởng giả), Thủ-đà (Soudra, nông dân, thợ thuyền). Ngoài ra có giai cấp hèn hạ nhứt kêu là Chiên-đà-la (candâla) mà phong tục Bà-la-môn cho là ô-trược, cùng đinh (Harijans). (23) Ba thời kỳ: Thời kỳ làm Bồ-tát phát tâm, tức Tân phát ý Bồ tát. Thời kỳ làm bất thối chuyển Bồ tát. Thời kỳ Bồ lâm tức Nhứt bổ xứ Bồ-tát , còn giáng sanh một lần nữa thì thành Phật. (24) Lục-Mi (Loukshmi) . (25) Lục-Mi, vợ của Ram là một tiền thân của công chúa Da-Du-đà-la, vợ Thái-tử Tất-đạt-đa. (25) Lăng-già (Lanka) , tức là nước Tích-lan (Ceylan), tên mới là Sri Lanka. Miền Nam Ấn-độ là bán Đảo Đề căn (Dekhan), ngó ngang Tích lan. (26) Thăng rưởi, tức một lít rưởi. Chữ Ấn Độ: ba xe (sères), mỗi xe bằng nửa lít. (27) Thập Nhị Nhơn duyên do Phật dạy cho tín đồ tu định để dứt luân hồi khổ não.
---o0o----
Phần thứ tám NHẬP NIẾT BÀN
Vào ngày Magha, Ðức Phật truyền Ðại Giới Bổn cho 1250 vị Tỳ kheo, và tóm tắt: "Không làm các điều ác; Gắng làm các điều lành; Luôn tu tâm tịnh ý; Chư Phật đều dạy thế." On Magha Day, the Buddha gave Ovadapatimokkha to 1250 monks, and summarized: "Not to do bad; to do good; purify one's mind; these are the teaching of the Buddhas".
Một vùng đồng cỏ xanh rì, Ven Cô-há-ná (1), sông nầy chảy nhanh. Từ Ba-la-nại đại thành, Theo chiều Đông Bắc lộ trình ngưu xa. Năm ngày mới tới đó mà, Dưới là vườn tược, trên là Tuyết-sơn (2). Triền non nghiêng xuống lần lần, Bóng cây mát mẻ, hương phưng phức cùng. Hiện nay ở tại trong vùng, Nơi không khí thánh còn lồng tịnh hương!
Gió chiều man mác, dịu dàng, Phớt trên bụi rậm, các hàng đá xưa. Ấy tòa kiến trúc còn thừa, Rễ xen kẽ hở, nhành đưa lá vào; Một màn xanh mịt phủ bao, Rong rêu, cỏ dại, lá xao chập chồng. Rắn dài ra khỏi vách phòng, Nằm trên cẩm thạch, mở vòng, tháo thân, Một con rắn mối lẹ chơn, Chạy trên nền đá láng trơn đền rồng. Dưới ngôi đổ vỡ tứ tung, Kìa con chồn xám nằm trông yên lành. Núi sông, gió mát, đồng xanh, Vẫn không thay đổi, tình hình như xưa. Ngoài ra, mọi vật tiêu mờ, Ca-tỳ-la-vệ (3) hiện giờ phế hoang! Còn đâu là cánh đồi vàng, Cùng ngôi Phật giảng với hàng bà con? Trong Kinh, sự tích hãy còn, Ngự-lâm có suối, đường mòn, hồ sen; Hoa đình, biệt thự lần xen, Ở nơi vườn ấy, Phật quen thuyết truyền. Chúng dân cung kính lặng yên, Nghe lời khuyến thiện cho miền Á châu. Chúng sanh vô số ứng hầu,
Một hôm chứng cuộc thuyết mầu bao la. Phật ngồi bên mặt vua cha, Triều-thần, Thích-chủng, Đề-Bà, A-Nan. Đủ đầy thân thích, bá quan, Đều quanh theo Phật, ngồi an nối liền. Xá-Lỵ-Phất, Mục-Kiền-Liên, Hai vị đệ tử đại hiền đứng sau. Dựa theo gối Phật, đứng hầu, La-hầu-La trẻ ngước đầu ngó cha. Ngồi bên chơn Phật có bà Da-Du nay đã thoát ra não phiền, Thấy rằng tình ái thiêng liêng Há cần xác-thịt không miên trường gì! Sanh, Già, Bệnh, Chết từ đây, Đạt-Đa, công chúa viễn ly dễ dàng. Bà cầm tay Phật nhẹ nhàng, Áo bà phủ vạt y vàng Như Lai, Cảnh tình hòa lạc, thanh bai, Chúng sanh ba cõi chờ Ngài diễn phân. Bài hay, khó tả cho cân, Xuất từ Kim khẩu, dạy răn mọi loài. Tôi là soạn giả hậu lai, Có lòng mộ Phật trọn đời từ bi; Thuật biên Thánh truyện ly kỳ, Phải nương cổ điển là vì trí sơ.
Thời gian làm chữ lu mờ, Người nay khó đạt nghĩa xưa diệu mầu. Bài văn Phật giảng rộng sâu, Tôi đây cũng biết, mặc dầu qua loa. Dự nghe quanh chốn pháp tòa, Dương là phần ít, âm là phần đông: Vô biên, vô số các ông Ở miền Thiên thượng thảy đồng xuống đây; Chư linh kẻ thác xum vầy, Các hồn địa ngục cũng quy tựu về. Trời chiều nán lại chẳng xê, Ánh hồng chiếu rạng non tê êm đềm; Dường như chỗ sủng là đêm, Ánh vàng chểm chệ ở trên non tòng. Đương khi sáng, tối chập chồng, Bóng như thiên nữ vẻ trông hữu tình; Mây luồn như tóc cuốn xanh, Sao giăng tợ ngọc viền quanh mão vàng; Trăng như chiếc mão vinh sang, Tối là tấm áo nàng mang theo mình; Hơi nàng thở, tức gió thanh Phớt phơ trên những đồng xanh tít mù. Trong khi Phật thuyết pháp mầu, Kẻ rừng, người ruộng, sang giàu, hèn đê, Những người ngoại quốc tựu tề
Nghe Ngài nói tiếng của quê hương mình. Trẻ, già cùng các chúng sanh, Cảm lòng từ ái, hoan nghinh đức Thầy. Mặc dầu bò, chạy, lội, bay, Khỉ, hùm, nai, gấu, sói hay ó diều, Chim câu, khổng tước mỹ miều, Rắn, dơi, cóc, cá cũng đều lắng nghe; Thâu bác ái, phát Bồ đề, Rồi đây siêu thoát khỏi bề súc sanh. Trước vua, trong pháp hội lành, Thế Tôn giảng thuyết đành rành dưới đây: *** Án A-Di-Đà-Dà (4) nầy; Chớ dùng lời nói trình bày vô biên; Đừng dùng tư tưởng tiếp liên Toan dò Vô-tận là miền thậm thâm! Đành rằng kẻ hỏi thì lầm, Người nào giải đáp cũng lầm lạc ngay. Vậy nên nín lặng là hay, Kinh rằng Nguyên thủy chỉ đầy U minh; Bấy giờ vạn vật chưa sinh, Phạm-Thiên nhập định một mình trong đêm. Chớ nên nghĩ tưởng Phạm-Thiên Cùng là nguyên thủy mà thêm rối lòng. Trí phàm mắt thịt khó thông,
Lần hồi màn tối sẽ bùng vẹt ra. Theo đường, tinh tú lại qua Mà không gạn hỏi gần xa thế nào. Có sanh, có tử chớ sao, Sướng rồi lại khổ, nhơn vào quả ra; Thời gian, giòng nước đời ta, Chậm, mau, lên, xuống, lại, qua chẳng ngừng; Bắt từ nguồn ngọn xa chừng, Chảy lần tới biển mới ưng dứt nguồn. Thái dương rút nước biển luôn, Biến thành mây nhuyễn bay luồn, chuyển mưa; Non cao, nước xuống tuôn bờ, Cứ đi đi mãi, chẳng giờ nghỉ ngơi. Như vầy đủ hiểu cuộc đời, Các cơn phát hiện, Đất, Trời, Thế gian, Mọi điều biến dị nguy an, Bánh xe luân chuyển tuần hoàn mạnh ghê; Đấu tranh, Sức lực theo về, Không ai cản nổi hoặc xê nghịch vòng (5). Thôi đừng cầu nguyện uổng công, U minh chẳng có sáng trong tí gì. Hỏi chi thanh tĩnh vô vi, Vẫn là yên lặng có chi ứng lời! Cũng đừng khổ hạnh mòn hơi, Trí thêm mòn thảm, mà đời phế vong!
Anh em, các chị đừng mong, Thần không tư vị mà hòng cúng dâng; Chớ đem huyết nhục lễ mừng, Trái tươi, bánh ngọt cũng đừng dọn mâm. Đạo Giải thoát, tự mình tầm, Mình xây ngục tối, mình cầm quyền to. Chư linh oai thế khó dò, Loài người, mọi chúng quanh co Sáu đường. Thảy do Hạnh Nghiệp tạo thường, Hoặc đem phước lạc hoặc vương nạn sầu. Việc rồi đưa tới việc sau, Dữ theo với dữ, lành câu sự lành, Chư vị các cảnh Thiên đình, Hiện nay hưởng quả tu hành đã qua; Quỷ yêu chốn thấp phải sa, Vốn xưa bày chuyện phá gia, hại đời. Không chi tồn tại chẳng dời, Phước dày cũng hết, tội khơi cũng mòn. Tôi đòi thân phận héo hon, Nhờ công thiện đức, làm con Đế hoàng. Đến như vua chúa cao sang, Do cơn lầm lỗi, lang thang cõi trần! Mạng ngươi, Đế Thích khó hơn, Nhưng ngươi có thể mang thân dế, trùng. Muôn đời lên tới mức cùng,
Muôn đời mới xuống đến vùng thấp nê. Xa luân còn mãi đi về, Con người chẳng nghĩ, chẳng hề dừng chân. Kẻ lên có thể tuột lần, Kẻ nào sa xuống lại cần trèo lên! *** Chân tăm cứ vẫn quay bền, Nều ngươi dính mãi trong niền Bánh xe! Ắt lòng Đức Phật phải se, Tâm hồn vạn vật chỉnh e khổ sầu! Nhưng ngươi chẳng dính mãi đâu! Tâm hồn vạn vật ôn nhu, dịu dàng; Tấm lòng Đức Phật nhẹ nhàng, Chí cao há dễ nhịn nhường khổ nguy! Việc tươi đẹp ắt phát huy, Sau cùng đến mức tinh vi, hoàn toàn. Bây giờ ngôi Phật ngự an, Ta từng khóc kể, lầm than bao lần! Nay ta vui sướng, cười rân, Vì ta tự tại mười phân vẹn mười! Anh em thảm khổ hổ ngươi, Tại mình tất cả, trách người sao đang. Không ai đốc xúi, cản ngang, Khiến mình sống thác, đeo mang trong Vòng; Lăn qua lộn lại lòng dòng,
Khóc than, sầu não, bại vong, tán lìa; Vậy ta chỉ bảo cho nghe: Thấp hơn Địa ngục, trên lề Thượng thiên, Xa hơn tinh tú các miền, Vượt ra cảnh giới Phạm-Thiên hẳn rồi, Ấy Năng lực thánh một ngôi, Khởi từ vô thủy đến hồi vô chung; Thường hằng như cõi hư không, Chắc như Sự thật, theo cùng Thiện, Minh, Tuân hành luật lệ của mình, Tường vi nhờ Nó mà sanh hoa hồng; Cánh sen nhờ Nó đơm bông, Mùa xuân do Nó dệt xong áo dài. Điểm to những áng mây trời, Khiến lông khổng tước chói ngời như châu. Các sao là những đài lầu, Gió, mưa, ánh sáng ứng hầu, kính vâng. Làm cho tâm ám sáng bừng, Từ nơi quả trứng, trĩ rừng nở ra. Sức nầy động tác mãi mà, Chuyển lòng Giận, Hại, hóa ra dịu, hiền; Giữ gìn những trứng chim quyên, Bảo tồn mật ngọt trong viền ổ ong. Chim câu trắng, con kiến hồng Ở theo Luật ấy, hiểu thông cũng rành.
Phụng hoàng vỗ cánh mây xanh, Đem mồi về ổ, tuân hành Sức kia. Làm cho sói mẹ quay về, Khiến người cô thế được bề ái thân. Không chán thối, chẳng tần ngần, Yêu thương tất cả đồng phần như nhau: Nó căn sữa mẹ đầy bầu, Lại còn đem nọc vào đầu răng đen. Trong trời rộng rãi vô biên, Địa cầu, tinh tú luân phiên điều hoà; Sức kia tàng trữ dưới xa Bạc, vàng, mã não, mọi tòa bửu châu. Thường thường định đặt cơ mầu, Nương chơn tùng bá, ẩn đầu rừng xanh; Dưỡng nuôi thảo mộc dị hình, Phát minh hoa, lá, ngọn ngành nhỏ to. Giết rồi, cứu sống lại cho, Chẳng qua thực hiện đắn đo Mạng trời. Tử và Khổ tựa thoi dài, Ái, Sinh là những chỉ gai dệt vào. Sức kia chẳng ngán chút nào, Làm rồi lại phá, sửa sao cho thuần. Bàn tay khéo léo quây quần, Món đồ tạo tác lần lần tinh vi. Đó là trước mắt thường khi,
Việc người chẳng thấy còn hay hơn nhiều. Tâm tình, trí thức đủ điều, Nghĩ suy chủng tộc, hướng chiều quốc gia, Thảy tùy Pháp lý bao la, Tuy là chẳng hiện, nhưng mà đỡ nâng; Chẳng ai nghe tiếng nói năng, Nhưng còn phát mạnh hơn vầng bão to. Từ Bi là lộc ấm no, Bạo tàn từng khiến thảm lo mọi người. Sức linh, ai dám chê cười? Tuân hành được việc, nghịch lười bại vong. Thưởng ban người thiện ẩn công, Phạt răn kẻ ác giấu tung tích mình. Thấy cùng khắp, xét tình hình, Phước trao chánh trực, nạn dành tà tây. Chẳng thù hận, chẳng nới tay, Đo lường đúng mực, không hay lạc lầm. Pháp nầy chẳng hạn bao lăm, Mai này Nó xử, hoặc cầm về sau. Kẻ mưu sát ắt đứt đầu, Quan tòa bất chánh bị thâu quyền hành, Dối người, tội hại lấy mình, Tham lam mất của, giựt giành mất ăn. Đó là Lẽ Pháp (6) công bằng, Không ai trốn tránh hoặc ngăn được nào.
Tâm là Từ ái dồi dào, Quả là An lạc, mức cao : Trọn Lành. *** Trong Kinh có dạy đành rành: Đời nay là quả của mình từ xưa: Lỗi quá khứ, khổ hiện giờ, Trước mình làm phải, nay nhờ phước đeo. Người ta gặt cái đã gieo, Hãy xem vườn ấy, mè theo với mè. Lúa trồng, gặt lúa há e? U minh, Tịch tĩnh hiểu nghe lẽ nầy. Mạng người sẵn định như đây, Xưa gieo mè, lúa, trổ nay lúa, mè; Đời xưa trồng cỏ độc nè, Đời nay gặt độc, nặng đè xót đau ; Nếu người tỉnh ngộ, siêng mau, Nhổ loài cỏ độc, trồng sâu giống lành, Rồi đây ruộng tốt, mùa xinh, Mình và bá tánh mặc tình hưởng vui. Nếu ai biết cội khổ nguy, Bền gan nhận lấy cho rồi khổ xưa. Thi hành Chơn lý, lòng Từ, Không sanh tệ hại, dối lừa, tham riêng; Chịu kham khổ, rất dịu hiền, Lấy ơn trả oán, chẳng phiền kẻ ngu.
Lần hồi hòa nhã, ôn nhu, Công bình, thanh khiết, tâm tu chơn thành. Nhổ lên rễ Dục quấn quanh, Làm cho hết tríu cuộc sanh sống nầy. Làm xong những việc như vầy, Mạng chung, Đời mới ắt xây móng nền. Nợ nần cũ đã xóa tên, Chỉ còn Thiện mới, vững bền, tốt tươi. Chẳng cần mạng số làm người, Xử xong nghiệp thế, ra ngoài trần gian. Chẳng còn khổ cực, gian nan, Tội tình hết vướng, đắc An trọn bề. Niết-Bàn, người được nhập về. Thường hằng, bất diệt, ngoài lễ tồn vong. Án Ma-Ni Bát-Di Hồng (7)! Giọt sương tản mác vào lòng Biển khơi. *** Đó là lẽ Nghiệp (8) cao vời, Lỗi lầm, Phiền não phải rời khỏi tâm; Đời tàn lụn, dầu chẳng châm, Hết Sanh thì Nghiệp hết tầm hiện ra. Chớ nên kể đến cái Ta: Ta nay, Ta đã, Ta là về sau. Lại đừng nghĩ nhớ tới câu: "Ta lìa thân khác mà đầu thân ni,
Cũng như lữ khách đó đây, Đổi thay chỗ trọ trong khi viễn hành." Bao nhiêu đời trước hợp thành, Xây đời hiện tại, đời sanh sau nầy; Tạo thân thể, cảnh nhà đây, Như tằm kéo kén, ngày ngày ở trong; Sắm thêm vật phẩm, tùy dùng, Như trong trứng rắn, phụ tùng răng, lưng; Lại như hạt giống sậy rừng, Sa vào đất, đá rồi bừng mọc cây. Thân tâm đáo lại chốn nầy, Thọ nhiều hạnh phúc hoặc hay khổ nàn. Ác tà khí thác chẳng an, Những phần ô trược mê man, dật dờ, Phiêu lưu gió, bụi, bợn nhơ, Sớm thì chịu lạnh, đến trưa chịu nồng. Người hiền gặp lúc mạng chung, Gió lành thổi mát, Đời trông huy hoàng. Như sông chảy giữa đồng hoang, Ẩn đây, hiện đó lại càng đẹp xinh. Vậy nên công đức đắc thành Tạo ra thời đại hòa bình, an cư. Nhưng cần phải có lòng Từ Giữa người trong xứ cũng như nước ngoài. Có chi trở ngại hỡi ai ?
Ấy là ám độn gạt đời: Vô minh. Con người lạc nẻo đã đành, Ngỡ là cảnh giả là hình chánh chơn; Chạy theo bóng dáng chẳng sờn, Được rồi, ham nữa, sanh hờn, khổ, đau. Đường "Trung đạo", nếu muốn cầu, Quyết mau tiến tới để thâu Niết-bàn, Hãy nghe ta giảng từng ban, Bốn nền Diệu-đế vẹn toàn dưới đây: *** Đế đầu tức thị Khổ đây, Chớ nên mê lụy, đắm say cuộc đời. Chỉ là thống thiết hỡi ơi, Não nề, tồn tại, hòa hài tách xa. Khổ thay khi mới sanh ra, Khổ vì thất vọng, thạnh là khổ luôn; Âm suy khổ, bệnh khổ buồn, Già nua cũng khổ, chết tuôn khổ sầu. Trọn đời khổ, có gì đâu? Thế nhơn thường lại tham cầu ái ân; Má đào, môi thắm, vóc trơn, Có ngày cháy khét, chịu phần hỏa thiêu, Chiến công rực rỡ bao nhiêu, Vua tài, tướng mạnh cũng đều bỏ thây. Thế gian cảnh đẹp phô bày,
Chúng sanh tranh sống lại quày giết nhau. Trời như ngọc tốt một bầu, Nhân dân đói khát, vái cầu chẳng mưa. Hỏi người bệnh tật dây dưa, Hỏi người chống gậy, răng thưa, mù lòa: Sống đời thú vị chăng a? Đáp rằng: Khen trẻ tu-oa chào đời! *** Tập là Diệu-đế thứ hai, Nhơn duyên khổ não chẳng ngoài ái tâm (9). Căn, trần hai thứ đụng nhằm, Nháng ra thành lửa mê lầm, tríu, tham. Chẳng qua ảnh dối, mộng xàm, Các người đeo riết, chẳng làm sao buông; Giữa là bản ngã vọng cuồng, Chung quanh cảnh giới như tuồng huyễn vu. Các người như kẻ đui mù, Chẳng nhìn ánh sáng nhiệm mầu, rất cao; Các người tai điếc hay sao, Chẳng nghe tiếng gió ngọt ngào trên khơi? Miệng câm nên chẳng đáp lời Cùng trang chơn thật bỏ đời phỉnh ngoa. Vậy nên giành giựt, tham tà, Làm cho mặt đất can qua diễn bày. Bị lầm, bao kẻ nuốt cay,
Mắt sa giọt lệ, tâm đầy xót đau. Vậy sanh phiền não, oán-thù, Ghét ganh, tật đố, giận nhau cả đời. Năm nầy hung bạo máu rơi, Năm kia giết hại, phơi thây đầy đồng. Chỗ nào có lúa dòng dòng, Tức xen cỏ dại, rễ bông hại người. Giống lành cam phận hổ ngươi, Thiếu phân, thiếu đất, tốt tươi được nào? Tâm lạc nẻo, độc uống vào, Nghiệp sanh ra nữa, khát khao lại nhiều, Căn (10) nương cảnh (11) ngoại mà đeo, Làm cho Bản-ngã mãi theo vọng lầm. *** Đế ba, Diệt khổ thân tâm, Thắng lòng Tự ái, tình thâm với đời; Rễ phiền não, bứng rã rời, Giữ không chấn động ở nơi lòng mình. Tình yêu chuyển biến tốt xinh, Con người tự chủ, cao vinh hơn thần; Trở nên phú túc vô ngần, Nhờ ơn bố thí, tu thân, khuyên lành; Những công của ấy theo mình, Sống thì giữ lấy, thác đành đem theo. Bấy giờ khổ não ắt tiêu,
Tử, sanh phải dứt, đèn treo hết dầu! Nợ xưa trút sạch làu làu, Sổ nầy trắng trẻo, người thâu Phước lành. *** Thứ tư, Đạo đế giải rành, Con đường bằng phẳng, thinh thinh hầu kề. Mọi người có thể theo về, Noi đường Bát-Chánh đắc bề Lạc, An. Xưa nay, tu sĩ muôn ngàn, Đã từng tới đỉnh đầy tràn tuyết, mây. Triều non chỗ dịu, chỗ gay, Ai lên thì ắt có ngày tới nơi. Bấy giờ trên đỉnh tót vời, Trông xa thấy một cảnh trời khác xưa. Những người dõng lực có thừa, Lướt đường thẳng, tắt lại vừa cheo leo. Những ai yếu sức cũng trèo. Nghỉ chân nhiều chặng và theo đường dài. Đó là Bát-Chánh-Đạo khai, Đưa về an tĩnh, dốc, lài khác nhau; Đầu non tuyết phủ trắng phau, Yếu thì đến chậm, dạn mau tới miền. *** Noi theo Chánh Kiến đầu tiên, Pháp (12) lành nên giữ, Nghiệp (13) hiền khá tuân;
Do Nhơn Quả (14) tạo hiện thân, Hãy lo kiềm chế sáu phần giác quan. Chánh Tư duy, biết xét bàn, Thương người xót vật, lo toan hiền lành, Chẳng tham, chẳng giận, chẳng ganh. Dường như gió mát, đời mình nhẹ trôi. Thứ ba là Chánh Ngữ rồi, Giữ mồm như lính đứng ngồi Ngọ môn; Nói lời thành thật, ôn tồn, Cũng như chầu bực quý tôn vua hiền . Bốn là Chánh Nghiệp tiếp liền, Lỗi lầm giảm bớt, phước điền cao thâm; Việc làm phát lộ từ tâm, Như trong hạt chuỗi thấy ngầm sợi dây. Lại còn bốn nẻo vinh thay, Muốn noi thì phải rảnh tay việc trần. Chánh Mạng với Chánh Tinh-cần (15), Chánh-Niệm, Chánh-Định đủ phần tám ban, Ớ hồn yếu cánh chớ toan Bay lên mặt nhựt muôn ngàn cao xa! Ở đây, không khí dịu hòa, Vật dùng quen thuộc vốn là không nguy. Riêng nhà dõng lực khó bì, Tự mình có thể vượt đi xa đường. Thương con mến vợ đạo thường,
Đó là việc tốt chẳng phường hại chi. Bạn bè có lại có đi, Lâu lâu giải trí vậy thì cũng nên. Của tiền giúp kẻ khóc rên, Ở ăn hiền hậu, hưởng bền phước ân. Lo lo, sợ sợ, ngại ngần, Tuy là sái quấy, tinh thần vẫn quen. Nếu cần, hãy rán bòn chen, Leo thang từng nấc, tập rèn nết na. Tháng ngày tiến hóa dần dà, Trước nương hữu tướng, kế qua vô hình. Hạ, Trung rồi tới Thượng hành, Tùy theo căn tánh của mình mà lên, Như vầy, dễ đạt mức trên, Tội mòn, tình giảm, nhập đền Thế-tôn. *** Sơ-Quả (16) đắc, Tứ đế ôn, Tu hành Bát Chánh, Pháp môn Niết-bàn. Kế thâu Nhị-Quả (17), tâm an, Không nghi Chánh pháp, dị đoan dẹp trừ ; Chẳng mê sách vở, ni sư, Còn sanh một thuở, nhập ư Niết-bàn. Quả Ba (18) cao trổi khó bàu, Tinh thần oai mãnh lại hoàn tịnh thanh; Từ tâm yêu khắp chúng sanh,
Luân hồi tái thế hẳn bành cáo chung, Quả Tư, La hán viên dung, Của hàng Thánh giả Lục thông, Phật Đà. Lần hồi Bốn Quả trải qua, Cuối cùng hành giả lìa xa Mười Lầm : Kiến thân, thủ giới, nghi tâm, Giận hờn, ái luyến, tình thâm dục trần, Ngưỡng mong cõi Sắc cao hơn, Hoặc Tham vô sắc, kiêu lờn, rối ren, Vô minh lầm lạc từng quen, Sau cùng dứt được, dự chen Niết bàn, Nương minh đảnh tuyết Thái san, Ngó lên vô tận một màn xanh xanh. Thần tiên thấp, muốn như mình, Tang thương Tam giới chẳng chinh tấc lòng. Tử sanh, mình hết vướng vòng, Nghiệp không tạo tác nhà phòng làm chi. Chẳng cầu, nhưng có đủ đầy, Tiêu tan Bản ngã, hòa vầy Hư không. Niết bàn chẳng phải là Không, Cũng không phải có, khó mong hiểu tường; Đó là nguồn sáng khôn lường, Phước linh vượt khỏi thế thường, thời gian. Hãy vào Cửa đạo vui an, Càng nhiều sân hận, càng lan khổ hình.
Ốm đau gây bởi dục tình, Giác quan là bọn gạt mình vậy thôi. Hãy vào Cửa đạo cho rồi, Tình yêu, sở thích bỏ trôi chả cần. Hãy vào Cửa đạo vững chân, Suối lành, nước tịnh thoả phần khát khao. Muôn hoa trường thọ ngạt-ngào, Nở dài theo lộ, đón chào khách tu. Canh tàn khắc lụn như ru, Gởi thân vào Đạo, xuân thu thanh-nhàn! Pháp hơn vàng ngọc thế-gian, Diệu hơn mật ngọt, vượt ngàn cuộc vui. *** Tu hành muốn chẳng thối lui, Hãy nghe Năm giới đầu đuôi cho rành: Lòng thương chẳng giết mạng sanh, Vật đương tiến hóa thì mình đỡ nâng. Khi cho, khi nhận tùy ưng, Của tiền phi nghĩa thì đừng đoạt thâu. Không láo xược, chẳng phao vu, Do lòng trong sạch nói câu chơn thành. Giữ gìn thân tỉnh, tâm minh, Rượu nồng chớ uống, đồ tanh chớ cầm. Tránh điều hoa nguyệt tà dâm, Ra vào nghiêm chỉnh, ngồi nằm đoan trang.
*** Phật bèn giảng dạy Luân thường: Mẹ cha, con cái, lân bàng, anh em. Những ai còn bị buộc kèm, Thê thằng tử phược lèm nhèm chẳng ra; Những ai chưa lướt cao xa, Hãy làm phước thiện, hiền hòa, tu thân; Trên đường Bát chánh dò lần, Sống cho trong sạch, nghĩa, nhân, khiêm, nhường; Chúng sanh lên xuống Sáu đường, Mình thương tất cả như thương lấy mình. Việc chi tồi tệ hiện hình, Đó là kết quả tội tình buổi xưa; Việc chi tốt đẹp chúng ưa, Do nhơn thiện phước ban sơ tạo thành. Nhờ công thứ tự tu hành, Thoát ly bản ngã, đức lành độ tha. Chuyển sanh, hưởng phước thêm ra, Dự hàng Bất thối chẳng xa Bồ đề. Phật bèn thuật chuyện tu tề: Thế Tôn lúc trước ngự về Trúc lâm, Nước Ma-kiệt, chốn phúc âm, Kinh-đô Vương-xá, trung tâm Đạo mình ; Một hôm, nhằm lúc bình minh, Dạo chơi gặp một thư sinh con nhà.
Thi-Ca-La-Việt tên là, Bà-la-Môn chủng, nết-na tu hành. Gội đầu, rửa mặt, kỳ mình, Bước ra khỏi nước, kính thành Sáu phương : Đông, Tây, Nam, Bắc hướng thường, Phương Trên, Phương Dưới cũng đương lạy quỳ, Phật rằng: "Lễ bái việc chi ? " Bạch Ngài : "Tiên tổ dạy thì phải vâng ; Ánh trời buổi sáng vừa hừng, Trước khi làm lụng, lạy mừng dưới, trên; Cùng là lễ kính bốn bên, Cầu xa tai ách, phước bền gia trung." Thế Tôn gạn đục lòng trong: "Thôi đừng rảy gạo khắp cùng sáu phương. Hãy đem tư tưởng hiền lương Với hành động thiện, khéo lường phổ xa: Đông phương là mẹ với cha, Hào quang từ đó phát ra thế trần. Nam phương thầy dạy ân cần, Mình theo học tập hưởng phần phước son. Tây phương là vợ với con, Gia đình êm thấm, cơm ngon buổi chiều. Bắc phương là bạn mến yêu, Đồng bào, đồng loại dắt dìu với nhau. Hạ phương tức kẻ tớ hầu,
Mình nên đùm bọc, bảo câu ngọt ngào. Thượng phương, biểu hiện hùng hào, Thánh hiền, đạo đức, tiên cao, linh thần. Sáu phương kính, phận sự cần, Thi hành được vậy, phước gần họa xa (19)." *** Đó là khuyên kẻ tại gia; Với hàng Tăng chúng, Phật đà thuyết cao. Dạy cho Thập giới (21) thanh tao, Tam-môn (22), Tam trí (23), khiến vào Lục thông (24), Lục-ba-la mật (25) gắng công, Dạy luôn Bát-Định (26) thoát vòng lao luy. Trước là dạy phép Tam Quy (27) Sống nơi tịnh thất, an di, thanh bần. Cơm rau, nước mát là cần, Tam y, bình bát đủ phần nghiêm trang. Tăng già giáo hội vinh vang, Tiếp truyền độ thế, áo vàng cà sa. *** Trọn đêm Phật ngự Pháp tòa, Chẳng ai buồn ngủ, nghe và thích ưa. Thế Tôn thuyết diễn mãn giờ, Đức vua lễ bái, rồi thưa mấy lời : "Từ bi nhờ lượng của Ngài, Nhận tôi đệ tử vào nơi Hội lành."
Da-Du công chúa kính trình: "Xin truyền Pháp Bảo con mình Hầu-La" (28) Ba người (29) nhập Đạo Phật-đà, Pháp môn giải thoát cho nhà tĩnh tu. Đến đây xin phép ngừng câu, Tôi người ngưỡng mộ đức mầu Thích Ca, Ngài thương tất cả chúng ta, Tiếc tôi biết ít, nói ra kém bề. ***
Ðức Phật nhập Bát-Niết-bàn trong rừng Sala, gần thành Kusinara, năm 543 trước Tây lịch, sau 45 năm hoằng pháp độ sinh.
The Buddha entered into Pari-Nibbana at the Sal grove in Kusinara city, 543 B.C.E., after preaching for the welfare of the peoples for forty-five years.
Kể từ thành Đạo Bồ đề, Bốn mươi chín tuế chợ quê giảng truyền, Thuyết bằng ngôn ngữ các miền, Chỉ cho mọi lối dứt phiền, đắc an, Ánh minh Ấn Độ rọi lan, Á châu rồi lại khắp tràn Năm châu. Gió lành bủa cả hoàn cầu, Sức linh Phước huệ đổi sầu hóa vui. Trong Kinh có chép đủ hồi, Thị thành, tinh xá, Phật lui tới thường; Các vua ghi tích cúng dường, Khắc trên hòn đá, nẻo đường, động thanh, Đến khi sự nghiệp hoàn thành, Như lai nhập diệt, pháp lành còn soi. Đạo nầy, vô số người noi, Niết Bàn mục đích, nhắm coi mà về. Phật Đà oai đức cao xuê, Dung tha đệ tử vụng về câu văn! Trí phàm khôn độ thánh căn, Lời thơ yếu ớt khó phăng Lòng Từ! Phật là đèn sáng, Đạo sư (30), Qui-y với Phật, dứt trừ tối tăm. Pháp Ngài, Đạo lý thậm thâm,
Qui y với Pháp là nhằm lẽ hay. Tăng là trong sạch hằng ngày, Qui y Tăng chúng đức dày giúp nên. Sương ngời trên cánh hoa sen, Trông vào vầng nhựt lộ lên, chiếu cùng. Án Ma-ni Bát-di hồng! Bình-minh lố thấy, vầng hồng sáng trưng. Giọt sương như ngọc chiếu bừng, Tản vào Biển rộng, lâng lâng, vô cùng.
Dịch xong năm 1961 Đoàn Trung Còn
Chú Thích (1) Cô-há-ná (Kohâna). (2) Tuyết-sơn, dịch nghĩa chữ Hy-mã-lạp-nhã (Himalaya). (3) Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastou): Kinh-đô xứ vua Tịnh-Phạn, Thái-tử Thích-Ca sanh trưởng ở đó, lập gia đình ở đó, nửa đêm bỏ thành mà xuất gia. Sau khi thành Đạo, Ngài trở về thành ấy mà giáo hóa vua cha , vợ cũ, quan dân. (4) Án A-Di-Đà-Dà (Om Amitaya): câu chơn-ngôn có sức linh thủ hộ người niệm. (5) Bánh xe luân chuyển ấy do sự Đấu tranh và Sức lực thúc đẩy nó quay mãi mà không ai ngăn cản nổi, không ai làm xê dịch nổi. (6) Pháp, Đạt ma (Dharma). (7) Âm theo Phạn: Om Mani Padmé, Om! (8) Nghiệp ; Phạn: Karma ; Nghiệp hợp bởi hai phần: Nhơn (Nghiệp-nhơn) và Quả (Nghiệp-quả) thiện hoặc ác. (9) Ái, tức Ái-dục ; Phạn: Trishna. (10) Trong là sáu căn ; (11) ngoài là sáu cảnh (sáu trần).
(12) Pháp (Dharma). (13) Nghiệp (Karma). (14) Cái nghiệp (Karma) hợp lại bởi hai phần: Nhơn tức nghiệp nhơn , Quả, tức Nghiệp Quả. (15) Chánh Tinh cần, tức Chánh Tinh tấn. (16) Sơ Quả: Phạn: Tu-đà-hoàn (Sotapatti). (17) Nhị-Quả: Quả thứ nhì ; Phạn: Tư-đà-hàm (Sakadagami). (18) Quả thứ ba, Phạn: A-na-hàm (Anâgâmi). (19) Nghiệp, Phạn: Karma. (20) Đoạn trên đây trích ở Thi-Ca-La-Việt Kinh ; Kinh nầy tôi có dịch, xuất bản chung với quyển Na-Tiên Tỳ-Kheo kinh. (21) Thập Giới (Phạn : Dasa-sila) : Mười Giới cấm. 1) Chẳng giết mạng sống, 2) Chẳng trộm cắp, 3) Chẳng dâm dục, 4) Chẳng nói bậy, 5) Chẳng uống rượu, 6) Chẳng sửa tóc đẹp, hương tốt thoa mình, 7) Chẳng đóng vai trò múa hát, cũng chẳng tới xem nghe, 8) Chẳng được ngồi trên giường lớn cao rộng, 9) Chẳng được ăn quá ngọ, 10) Chẳng được chứa tiền bạc, vàng, đồ quí. (22) Tam môn, tức Tam giải thoát môn: Không, Vô-tướng, Vô-tác (Vô nguyện). (23) Tam trí: Thinh văn Trí, Duyên giác Trí, Phật Trí. (24) Lục thông: Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Thần túc thông, Túc mạng thông, Lậu tận thông. (25) Lục Ba-la-mật: Bố thí, Trì Giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí huệ. Sáu đại hạnh của Bồ tát tu để mau thành Phật. (26) Bát Định: 1) Sơ Thiền định, 2) Đệ nhị Thiền-định, 3) Đệ tam Thiền định, 4) Đệ tứ Thiền định, 5) Không có vô biên xứ định 6) Thức vô-biên xứ Định, 7) Vô sở hữu xứ Định, 8) Phi tưởng phi tưởng xứ Định. (27) Tam quy: Qui y Phật, Qui y Pháp, Qui y Tăng. (28) Hầu-La tức La-hầu La (Rahoula) con trai của Thái-tử Tất-Đạt-Đa và bà Da-Du-đà-la. (29) Ba người: Vua cha Tịnh-phạn, công chúa Da-Du vợ cũ của Thái-tử, La-hầu-La con của Thái-tử và Công-chúa.
---o0o----
Bản vi tính, sưu tầm và hiệu đính : Nguyên Định, Mùa Vu-Lan 2006, PL 2550 ; bổ sung Mùa Vu Lan 2011, PL 2555. Nguồn : - Sách Yếng sáng Á châu, Đoàn Trung Còn, Phật học Tùng thơ 24, Sàigòn 1965, In lần nhứt ; - Weblink : http://www.quangduc.com/tho/147anhsangac.html
---o0o----
THE LIGHT OF ASIA ( the Great Renunciation of the Life and teachings of Buddha)
Prince of India and Founder of Buddhism (as told in verse by an Indian Buddhist). By Sir Edwin Arnold ---o0o---
Content Preface Book 01 : Birth and Youth Book 02 : The Wedding Book 03 : The Three signs Book 04 : Renunciation Book 05 : The search Book 06 : Enlightenment Book 07 : The Return Book 08 : Parinibbana About Author Notices of the Light of Asia
Source: http://www.quangduc.com/English/buddha/08lightasia.html http://www.phx-ult-lodge.org/light_of_asia.htm
This uplifting poem has always been one for our favourites, so it's lovely to see this new and well-bound edition. Though written more than a hundred years ago, it still retains the power to move us in a way that no prose rendering of the life of the Buddha can. Its vivid, jewelled language makes us see the eagle wheeling in the sky, the snake beneath the rock,the moonlight shining on the floor while all in the palace sleep. The spreading branches of the Tree of Wisdom...And we cannot but admire the courage, determination and self-sacrifice of the Indian price who, out of compassion, left his palace to find a remedy for the sufferings of the world.
---o0o---
PREFACE. In the following Poem I have sought, by the medium of an imaginary Buddhist votary, to depict the life and character and indicate the philosophy of that noble hero and reformer, Prince Gautama of India, the founder of Buddhism. A generation ago little or nothing was known in Europe of this great faith of Asia, which had nevertheless existed during twenty-four centuries, and at this day surpasses, in the number of its followers and the area of its prevalence, any other form of creed. Four hundred and seventy millions of our race live and die in the tenets of Gautama; and the spiritual dominions of this ancient teacher extend, at the present time, from Nepal and Ceylon over the whole Eastern Peninsula to China,
Japan, Tibet, Central Asia, Siberia, and even Swedish Lapland. India itself might fairly be included in this magnificent empire of belief, for though the profession of Buddhism has for the most part passed away from the land of its birth, the mark of Gautama's sublime teaching is stamped ineffaceably upon modern Brahmanism, and the most characteristic habits and convictions of the Hindus are clearly due to the benign influence of Buddha's precepts. More than a third of mankind, therefore, owe their moral and religious ideas to this illustrious prince, whose personality, though imperfectly revealed in the existing sources of information, cannot but appear the highest, gentlest, holiest, and most beneficent, with one exception, in the history of Thought. Discordant in frequent particulars, and sorely overlaid by corruptions, inventions, and misconceptions, the Buddhistical books yet agree in the one point of recording nothing -- no single act or word -- which mars the perfect purity and tenderness of this Indian teacher, who united the truest princely qualities with the intellect of a sage and the passionate devotion of a martyr. Even M. Barthelemy St. Hilaire, totally misjudging, as he does, many points of Buddhism, is well cited by Professor Max Muller as saying of Prince Siddartha, "Sa vie n'a point de tache. Son constant héroisme égale sa conviction ; et si la théorie qu'il préconise est fausse, les exemples personnels qu'il donne sont irréprochables. Il est le modèle achevé de toutes les vertus qu'il prêche; son abnégation, sa charité, son inaltérable douceur ne se démentent point un seul instant. . . . Il prépare silencieusement sa doctrine par six années de retraite et de méditation; il la propage par la seule puissance de la parole et de la persuasion pendant plus d'un demi-siècle, et quand il meurt entre les bras de ses disciples, c'est avec la sérénite d'un sage qui a pratiqué le bien toute sa vie, et qui est assuré d'avoir trouvé le vrai." To Gautama has consequently been given this stupendous conquest of humanity; and -- though he discountenanced ritual, and declared himself, even when on the threshold of Nirvana, to be only what all other men might become -- the love and gratitude of Asia, disobeying his mandate, have given him fervent worship. Forests of flowers are daily laid upon his stainless shrines, and countless millions of lips daily repeat the formula, "I take refuge in Buddha!" The Buddha of this poem -- if, as need not be doubted, he really existed -- was born on the borders of Nepal, about 620 B.C., and died about 543 B.C. at Kusinagara in Oudh. In point of age, therefore, most other creeds are youthful compared with this venerable religion, which has in it the eternity of a universal hope, the immortality of a boundless love, an indestructible element of faith in final good, and the proudest assertion ever made of human freedom. The extravagances which disfigure the record and practice of Buddhism are to be referred to that inevitable degradation which priesthoods always inflict upon great idea committed to their charge. The power and sublimity of Gautama's original doctrines should be estimated by their influence, not by their interpreters; nor by that innocent but lazy and ceremonious church which has arisen on the foundations of the Buddhistic Brotherhood or "Sangha." I have put my poem into a Buddhist's mouth, because, to appreciate the spirit of Asiatic thoughts, they should be regarded from the Oriental point of view; and neither the miracles which consecrate this record, nor the philosophy which it embodies, could have been otherwise so naturally reproduced. The doctrine of Transmigration, for instance -- startling to modern minds -- was established and thoroughly accepted by the Hindus of Buddha's time; that period when Jerusalem was being taken by Nebuchadnezzar, when Nineveh was falling to the Medes, and Marseilles was founded by the Phocaeans. The exposition here offered of so antique a system is of necessity incomplete, and -- in obedience to the laws of poetic art -- passes rapidly by many matters philosophically most important, as well as over the long ministry of Gautama. But my purpose has been obtained if any just conception be here conveyed of the lofty character of this noble prince, and of the general purport of his doctrines. As to these there has arisen prodigious controversy
among the erudite, who will be aware that I have taken the imperfect Buddhistic citations much as they stand in Spence Hardy's work, and have also modified more than one passage in the received narratives. The views, however, here indicated of "Nirvana," "Dharma," "Karma," and the other chief features of Buddhism, are at least the fruits of considerable study, and also of a firm conviction that a third of mankind would never have been brought to believe in blank abstractions, or in Nothingness as the issue and crown of Being. Finally, in reverence to the illustrious Promulgator of this "Light of Asia," and in homage to the many eminent scholars who have devoted noble labors to his memory, for which both repose and ability are wanting to me, I beg that the shortcomings of my too-hurried study may be forgiven. It has been composed in the brief intervals of days without leisure, but is inspired by an abiding desire to aid in the better mutual knowledge of East and West. The time may come, I hope, when this book and my "Indian Song of Songs" will preserve the memory of one who loved India and the Indian peoples. EDWIN ARNOLD, C.S.I. London, July, 1879.
---o0o---
THE LIGHT OF ASIA ( the Great Renunciation of the Life and teachings of Buddha) Prince of India and Founder of Buddhism (as told in verse by an Indian Buddhist). By Sir Edwin Arnold ---o0o---
1. Book the First.
Birth and Youth The Scripture of the Saviour of the World, Lord Buddha -- Prince Siddártha styled on earth -In Earth and Heavens and Hells Incomparable, All-honored, Wisest, Best, most Pitiful; The Teacher of Nirvana and the Law. Thus came he to be born again for men. Below the highest sphere four Regents sit Who rule our world, and under them are zones Nearer, but high, where saintliest spirits dead Wait thrice ten thousand years, then Eve again; And on Lord Buddha, waiting in that sky, Came for our sakes the five sure signs of birth So that the Devas knew the signs, and said "Buddha will go again to help the World." "Yea!" spake He, "now I go to help the World This last of many times; for birth and death End hence for me and those who learn my Law. I will go down among the Sâkyas, Under the southward snows of Himalay, Where pious people live and a just King." That night the wife of King Suddhôdana, Maya the Queen, asleep beside her Lord, Dreamed a strange dream; dreamed that a star from heaven -Splendid, six-rayed, in color rosy-pearl, Whereof the token was an Elephant Six-tusked and whiter than Vahuka's milk -Shot through the void and, shining into her, Entered her womb upon the right. Awaked, Bliss beyond mortal mother's filled her breast, And over half the earth a lovely light Forewent the morn. The strong hills shook; the waves Sank lulled; all flowers that blow by day came forth As 'twere high noon; down to the farthest hells Passed the Queen's joy, as when warm sunshine thrills Wood-glooms to gold, and into all the deeps A tender whisper pierced. "Oh ye," it said, "The dead that are to live, the live who die, Uprise, and hear, and hope! Buddha is come!" Whereat in Limbos numberless much peace Spread, and the world's heart throbbed, and a wind blew With unknown freshness over lands and seas.
And when the morning dawned, and this was told, The grey dream-readers said "The dream is good! The Crab is in conjunction with the Sun The Queen shall bear a boy, a holy child Of wondrous wisdom, profiting all flesh, Who shall deliver men from ignorance, Or rule the world, if he will deign to rule." In this wise was the holy Buddha born. Queen Maya stood at noon, her days fulfilled, Under a Palsa in the Palace-grounds, A stately trunk, straight as a temple-shaft, With crown of glossy leaves and fragrant blooms; And, knowing the time come -- for all things knew -The conscious tree bent down its boughs to make A bower about Queen Maya's majesty, And Earth put forth a thousand sudden flowers To spread a couch, while, ready for the bath, The rock hard by gave out a limpid stream Of crystal flow. So brought she forth her child Pangless -- he having on his perfect form The marks, thirty and two, of blessed birth; Of which the great news to the Palace came. But when they brought the painted palanquin To fetch him home, the bearers of the poles Were the four Regents of the Earth, come down From Mount Sumeru -- they who write men's deeds On brazen plates -- the Angel of the East, Whose hosts are clad in silver robes, and bear Targets of pearl: the Angel of the South, Whose horsemen, the Kumbhandas, ride blue steeds, With sapphire shields: the Angel of the West, By Nâgas followed, riding steeds blood-red, With coral shields: the Angel of the North, Environed by his Yakshas, all in gold, On yellow horses, bearing shields of gold. These, with their pomp invisible, came down And took the poles, in caste and outward garb Like bearers, yet most mighty gods; and gods Walked free with men that day, though men knew not: For Heaven was filled with gladness for Earth's sake, Knowing Lord Buddha thus was come again. *** But King Suddhôdana wist not of this; The portents troubled, till his dream-readers Augured a Prince of earthly dominance, A Chakravartîn, such as rise to rule Once in each thousand years; seven gifts he has --
The Chakra-ratna, disc divine; the gem; The horse, the Aswa-ratna, that proud steed Which tramps the clouds; a snow-white elephant, The Hasti-ratna, born to bear his King; The crafty Minister, the General Unconquered, and the wife of peerless grace, The Istrî-ratna, lovelier than the Dawn. For which gifts looking with this wondrous boy, The King gave order that his town should keep High festival; therefore the ways were swept, Rose-odors sprinkled in the street, the trees Were hung with lamps and flags, while merry crowds Gaped on the sword-players and posturers, The jugglers, charmers, swingers, rope-walkers, The nautch-girls in their spangled skirts and bells That chime light laughter round their restless feet; The masquers wrapped in skins of bear and deer. The tiger-tamers, wrestlers, quail-fighters, Beaters of drum and twanglers of the wire, Who made the people happy by command. Moreover from afar came merchant-men, Bringing, on tidings of this birth, rich gifts In golden trays; goat-shawls, and nard and jade, Turkises, "evening-sky" tint, woven webs -So fine twelve folds bide not a modest face -Waist-cloths sewn thick with pearls, and sandal-wood; Homage from tribute cities; so they called Their Prince Savârthasiddh, "All-Prospering," Briefer, Siddártha. *** 'Mongst the strangers came A grey-haired saint, Asita, one whose ears, Long closed to earthly things, caught heavenly sounds, And heard at prayer beneath his peepul-tree The Devas singing songs at Buddha's birth. Wondrous in lore he was by age and fasts; Him, drawing nigh, seeming so reverend, The King saluted and Queen Maya made To lay her babe before such holy feet; But when he saw the Prince the old man cried "Ah, Queen, not so!" and thereupon he touched Eight times the dust, laid his waste visage there, Saying, "O Babe! I worship! Thou art He! I see the rosy light, the foot-sole marks, The soft curled tendril of the Swastika, The sacred primal signs thirty and two, The eighty lesser tokens. Thou art Buddh, And thou wilt preach the Law and save all flesh
Who learn the Law, though I shall never hear, Dying too soon, who lately longed to die; Howbeit I have seen Thee. Know, O King! This is that Blossom on our human tree Which opens once in many myriad years -But opened, fills the world with Wisdom's scent And Love's dropped honey; from thy royal root A Heavenly Lotus springs: Ah, happy House! Yet not all-happy, for a sword must pierce Thy bowels for this boy -- whilst thou, sweet Queen! Dear to all gods and men for this great birth, Henceforth art grown too sacred for more woe, And life is woe, therefore in seven days Painless thou shalt attain the close of pain." Which fell: for on the seventh evening Queen Maya smiling slept, and waked no more, Passing content to Trâyastrinshas-Heaven, Where countless Devas worship her and wait Attendant on that radiant Motherhead. But for the Babe they found a foster-nurse, Princess Mahâprajâpati -- her breast Nourished with noble milk the lips of Him Whose lips comfort the Worlds. *** When th' eighth year passed The careful King bethought to teach his son All that a Prince should learn, for still he shunned The too vast presage of those miracles, The glories and the sufferings of a Buddh. So, in full council of his Ministers, "Who is the wisest man, great sirs," he asked, "To teach my Prince that which a Prince should know?" Whereto gave answer each with instant voice "King! Viswamitra is the wisest one, The furthest seen in Scriptures, and the best In learning, and the manual arts, and all." Thus Viswamitra came and heard commands; And, on a day found fortunate, the Prince Took up his slate of ox-red sandal-wood, All-beautified by gems around the rim, And Sprinkled smooth with dust of emery, These took he, and his writing-stick, and stood With eyes bent down before the Sage, who said, "Child, write this Scripture," speaking slow the verse "Gâyatrî" named, which only High-born hear: -Om, tatsaviturvarenyam
Bhargo devasya dhîmahi Dhiyo yo na prachodayât. "Acharya, I write," meekly replied The Prince, and quickly on the dust he drew -Not in one script, but many characters -The sacred verse; Nagri and Dakshin, Nî, Mangal, Parusha, Yava, Tirthi, Uk, Darad, Sikhyani, Mana, Madhyachar, The pictured writings and the speech of signs, Tokens of cave-men and the sea-peoples, Of those who worship snakes beneath the earth, And those who flame adore and the sun's orb, The Magians and the dwellers on the mounds; Of all the nations all strange scripts he traced One after other with his writing-stick, Reading the master's verse in every tongue; And Viswamitra said, "It is enough, Let us to numbers. After me repeat Your numeration till we reach the Lakh, One, two, three, four, to ten, and then by tens To hundreds, thousands." After him the child Named digits, decads, centuries; nor paused, The round lakh reached, but softly murmured on "Then comes the kôti, nahut, ninnahut, Khamba, viskhamba, abab, attata, To kumuds, gundhikas, and utpalas, By pundarîkas unto padumas, Which last is how you count the utmost grains Of Hastagiri ground to finest dust; But beyond that a numeration is, The Kâtha, used to count the stars of night; The Kôti-Kâtha, for the ocean drops; Ingga, the calculus of circulars; Sarvanikchepa, by the which you deal With all the sands of Gunga, till we come To Antah-Kalpas, where the unit is The sands of ten crore Gungas. If one seeks More comprehensive scale, th' arithmic mounts By the Asankya, which is the tale Of all the drops that in ten thousand years Would fall on all the worlds by daily rain; Thence unto Maha Kalpas, by the which The Gods compute their future and their past." "Tis good," the Sage rejoined, "Most noble Prince, If these thou know'st, needs it that I should teach The mensuration of the lineal?"
Humbly the boy replied, "Acharya!" "Be pleased to hear me. Param芒nus ten A parasukshma make; ten of those build The trasarene, and seven trasarenes One mote's-length floating in the beam, seven motes The whisker-point of mouse, and ten of these One likhya; likhyas ten a yuka, ten Yukas a heart of barley, which is held Seven times a wasp-waist; so unto the grain Of mung and mustard and the barley-corn, Whereof ten give the finger-joint, twelve joints The span, wherefrom we reach the cubit, staff, Bow-length, lance-length; while twenty lengths of lance Mete what is named a 'breath,' which is to say Such space as man may stride with lungs once filled, Whereof a gow is forty, four times that A y么jana; and, Master! if it please, I shall recite how many sun-motes lie From end to end within a y么jana." Thereat, with instant skill, the little Prince Pronounced the total of the atoms true. But Viswamitra heard it on his face Prostrate before the boy; "For thou," he cried, Art Teacher of thy teachers -- thou, not I, Art Guru. Oh, I worship thee, sweet Prince! That comest to my school only to show Thou knowest all without the books, and know'st Fair reverence besides." Which reverence Lord Buddha kept to all his schoolmasters, Albeit beyond their learning taught; in speech Right gentle, yet so wise; princely of mien, Yet softly-mannered; modest, deferent, And tender-hearted, though of fearless blood; No bolder horseman in the youthful band E'er rode in gay chase of the shy gazelles; No keener driver of the chariot In mimic contest scoured the Palace-courts; Yet in mid-play the boy would ofttimes pause, Letting the deer pass free; would ofttimes yield His half-won race because the laboring steeds Fetched painful breath; or if his princely mates Saddened to lose, or if some wistful dream Swept o'er his thoughts. And ever with the years Waxed this compassionateness of our Lord, Even as a great tree grows from two soft leaves To spread its shade afar; but hardly yet Knew the young child of sorrow, pain, or tears, Save as strange names for things not felt by kings,
Nor ever to be felt. But it befell In the Royal garden on a day of spring, A flock of wild swans passed, voyaging north To their nest-places on Him창laya's breast. Calling in love-notes down their snowy line The bright birds flew, by fond love piloted; And Devadatta, cousin of the Prince, Pointed his bow, and loosed a wilful shaft Which found the wide wing of the foremost swan Broad-spread to glide upon the free blue road, So that it fell, the bitter arrow fixed, Bright scarlet blood-gouts staining the pure plumes. Which seeing, Prince Sidd창rtha took the bird Tenderly up, rested it in his lap -Sitting with knees crossed, as Lord Buddha sits -And, soothing with a touch the wild thing's fright, Composed its ruffled vans, calmed its quick heart, Caressed it into peace with light kind palms As soft as plantain-leaves an hour unrolled; And while the left hand held, the right hand drew The cruel steel forth from the wound and laid Cool leaves and healing honey on the smart. Yet all so little knew the boy of pain That curiously into his wrist he pressed The arrow's barb, and winced to feel it sting, And turned with tears to soothe his bird again. Then some one came who said, "My Prince hath shot A swan, which fell among the roses here, He bids me pray you send it. Will you send?" "Nay," quoth Sidd창rtha, "if the bird were dead To send it to the slayer might be well, But the swan lives; my cousin hath but killed The god-like speed which throbbed in this white Wing." And Devadatta answered, "The wild thing, Living or dead, is his who fetched it down; 'Twas no man's in the clouds, but fall'n 'tis mine, Give me my prize, fair Cousin." Then our Lord Laid the swan's neck beside his own smooth cheek And gravely spake, "Say no! the bird is mine, The first of myriad things which shall be mine By right of mercy and love's lordliness. For now I know, by what within me stirs, That I shall teach compassion unto men And be a speechless world's interpreter, Abating this accursed flood of woe, Not man's alone; but, if the Prince disputes, Let him submit this matter to the wise And we will wait the word." So was it done;
In full divan the business had debate, And many thought this thing and many that, Till there arose an unknown priest who said, "If life be aught, the savior of a life Owns more the living thing than he can own Who sought to slay -- the slayer spoils and wastes The cherisher sustains, give him the bird:" Which judgment all found just; but when the King Sought out the sage for honor, he was gone; And some one saw a hooded snake glide forth, -The gods come ofttimes thus! So our Lord Buddh Began his works of mercy. Yet not more Knew he as yet of grief than that one bird's, Which, being healed, went joyous to its kind. *** But on another day the King said, "Come, Sweet son! and see the pleasaunce of the spring, And how the fruitful earth is wooed to yield Its riches to the reaper; how my realm -Which shall be thine when the pile flames for me -Feeds all its mouths and keeps the King's chest filled. Fair is the season with new leaves, bright blooms, Green grass, and cries of plough-time." So they rode Into a land of wells and gardens, where, All up and down the rich red loam, the steers Strained their strong shoulders in the creaking yoke Dragging the ploughs; the fat soil rose and rolled In smooth dark waves back from the plough; who drove Planted both feet upon the leaping share To make the furrow deep; among the palms The tinkle of the rippling water rang, And where it ran the glad earth 'broidered it With balsams and the spears of lemon-grass. Elsewhere were sowers who went forth to sow; And all the jungle laughed with nesting-songs, And all the thickets rustled with small life Of lizard, bee, beetle, and creeping things Pleased at the spring-time. In the mango-sprays The sun-birds flashed; alone at his green forge Toiled the loud coppersmith; bee-eaters hawked Chasing the purple butterflies; beneath, Striped squirrels raced, the mynas perked and picked, The nine brown sisters chattered in the thorn, The pied fish-tiger hung above the pool, The egrets stalked among the buffaloes,
The kites sailed circles in the golden air; About the painted temple peacocks flew, The blue doves cooed from every well, far off The village drums beat for some marriage-feast; All things spoke peace and plenty, and the Prince Saw and rejoiced. *** But, looking deep, he saw The thorns which grow upon this rose of life: How the swart peasant sweated for his wage, Toiling for leave to live; and how he urged The great-eyed oxen through the flaming hours, Goading their velvet flanks: then marked he, too, How lizard fed on ant, and snake on him, And kite on both; and how the fish-hawk robbed The fish-tiger of that which it had seized; The shrike chasing the bulbul, which did chase The jewelled butterflies: till everywhere Each slew a slayer and in turn was slain, Life living upon death. So the fair show Veiled one vast, savage, grim conspiracy Of mutual murder, from the worm to man, Who himself kills his fellow; seeing which -The hungry ploughman and his laboring kine, Their dewlaps blistered with the bitter yoke, The rage to live which makes all living strife -The Prince Sidd창rtha sighed. "Is this," he said, "That happy earth they brought me forth to see? How salt with sweat the peasant's bread! how hard The oxen's service! in the brake how fierce The war of weak and strong! i' th' air what plots! No refuge e'en in water. Go aside A space, and let me muse on what ye show." So saying, the good Lord Buddha seated him Under a jambu-tree, with ankles crossed -As holy statues sit -- and first began To meditate this deep disease of life, What its far source and whence its remedy. So vast a pity filled him, such wide love For living things, such passion to heal pain, That by their stress his princely spirit passed To ecstasy, and, purged from mortal taint Of sense and self, the boy attained thereat Dhy창na, first step of "the path." There flew High overhead that hour five holy ones,
Whose free wings faltered as they passed the tree. "What power superior draws us from our flight?" They asked, for spirits feel all force divine, And know the sacred presence of the pure. Then, looking downward, they beheld the Buddh Crowned with a rose-hued aureole, intent On thoughts to save; while from the grove a voice Cried, "Rishis! this is He shall help the world, Descend and worship." So the Bright Ones came And sang a song of praise, folding their wings, Then journeyed on, taking good news to Gods. But certain from the King seeking the Prince Found him still musing, though the noon was past, And the sun hastened to the western hills: Yet, while all shadows moved, the jambu-tree's Stayed in one quarter, overspreading him, Lest the sloped rays should strike that sacred head; And he who saw this sight heard a voice say, Amid the blossoms of the rose-apple, "Let be the King's son! till the shadow goes Forth from his heart my shadow will not shift." ---o0o---
2. Book the Second.
The Wedding Now, when our Lord was come to eighteen years, The King commanded that there should be built Three stately houses, one of hewn square beams With cedar lining, warm for winter days; One of veined marbles, cool for summer heat; And one of burned bricks, with blue tiles bedecked, Pleasant at seed-time, when the champaks bud -Subha, Suramma, Ramma, were their names. Delicious gardens round about them bloomed, Streams wandered wild and musky thickets stretched, With many a bright pavilion and fair lawn In midst of which Sidd창rtha strayed at will, Some new delight provided every hour; And happy hours he knew, for life was rich, With youthful blood at quickest; yet still came The shadows of his meditation back, As the lake's silver dulls with driving clouds. Which the King marking, called his Ministers: Bethink ye, sirs! how the old Rishi spake," He said, "and what my dream-readers foretold. This boy, more dear to me than mine heart's blood, Shall be of universal dominance, Trampling the neck of all his enemies, A King of kings -- and this is in my heart; -Or he shall tread the sad and lowly path Of self-denial and of pious pains, Gaining who knows what good, when all is lost Worth keeping; and to this his wistful eyes Do still incline amid my palaces. But ye are sage, and ye will counsel me; How may his feet be turned to that proud road Where they should walk, and all fair signs come true Which gave him Earth to rule, if he would rule?" The eldest answered, "Maharaja! love Will cure these thin distempers; weave the spell Of woman's wiles about his idle heart. What knows this noble boy of beauty yet, Eyes that make heaven forgot, and lips of balm? Find him soft wives and pretty playfellows; The thoughts ye cannot stay with brazen chains A girl's hair lightly binds."
And all thought good, But the King answered, "If we seek him wives, Love chooseth ofttimes with another eye; And if we bid range Beauty's garden round, To pluck what blossom pleases, he will smile And sweetly shun the joy he knows not of." Then said another, "Roams the barasingh Until the fated arrow flies; for him, As for less lordly spirits, some one charms, Some face will seem a Paradise, some form Fairer than pale Dawn when she wakes the world, This do, my King! Command a festival Where the realm's maids shall be competitors In youth and grace, and sports that S창kyas use. Let the Prince give the prizes to the fair, And, when the lovely victors pass his seat, There shall be those who mark if one or two Change the fixed sadness of his tender cheek; So we may choose for Love with Love's own eyes, And cheat his Highness into happiness." This thing seemed good; wherefore upon a day The criers bade the young and beautiful Pass to the palace, for 'twas in command To hold a court of pleasure, and the Prince Would give the prizes, something rich for all, The richest for the fairest judged. So flocked Kapilavastu's maidens to the gate, Each with her dark hair newly smoothed and bound, Eyelashes lustred with the soorma-stick, Fresh-bathed and scented; all in shawls and cloths Of gayest; slender hands and feet new-stained With crimson, and the tilka-spots stamped bright. *** Fair show it was of all those Indian girls Slow-pacing past the throne with large black eyes Fixed on the ground, for when they saw the Prince More than the awe of Majesty made beat Their fluttering hearts, he sate so passionless, Gentle, but so beyond them. Each maid took With down-dropped lids her gift, afraid to gaze; And if the people hailed some lovelier one Beyond her rivals worthy royal smiles, She stood like a scared antelope to touch The gracious hand, then fled to join her mates Trembling at favor, so divine he seemed, So high and saint-like and above her world.
Thus filed they, one bright maid after another, The city's flowers, and all this beauteous march Was ending and the prizes spent, when last Came young Yasôdhara, and they that stood Nearest Siddârtha saw the princely boy Start, as the radiant girl approached. A form Of heavenly mould; a gait like Parvati's; Eyes like a hind's in love-time, face so fair Words cannot paint its spell; and she alone Gazed full -- folding her palms across her breasts -On the boy's gaze, her stately neck unbent. "Is there a gift for me?" she asked, and smiled. "The gifts are gone," the Prince replied, "yet take This for amends, dear sister, of whose grace Our happy city boasts;" therewith he loosed The emerald necklet from his throat, and clasped Its green beads round her dark and silk-soft waist; And their eyes mixed, and from the look sprang love. Long after -- when enlightenment was full -Lord Buddha -- being prayed why thus his heart Took fire at first glance of the Sâkya girl, Answered, "We were not strangers, as to us And all it seemed; in ages long gone by A hunter's son, playing with forest girls By Yamun's springs, where Nandadevi stands, Sate umpire while they raced beneath the firs Like hares at eve that run their playful rings; One with flower-stars crowned he, one with long plume Plucked from eyed pheasant and the jungle-cock, One with fir-apples; but who ran the last Came first for him, and unto her the boy Gave a tame fawn and his heart's love beside. And in the wood they lived many glad years, And in the wood they undivided died. Lo! as hid seed shoots after rainless years, So good and evil, pains and pleasures, hates And loves, and all dead deeds, come forth again Bearing bright leaves or dark, sweet fruit or sour. Thus I was he and she Yasôdhara; And while the wheel of birth and death turns round, That which hath been must be between us two." But they who watched the Prince at prize-giving Saw and heard all, and told the careful King How sate Siddârtha heedless, till there passed Great Suprabuddha's child, Yasôdhara; And how -- at sudden sight of her -- he changed, And how she gazed on him and he on her,
And of the jewel-gift, and what beside Passed in their speaking glance. The fond King smiled: Look! we have found a lure; take counsel now To fetch therewith our falcon from the clouds. Let messengers be sent to ask the maid In marriage for my son." But it was law With Sâkyas, when any asked a maid Of noble house, fair and desirable, He must make good his skill in martial arts Against all suitors who should challenge it; Nor might this custom break itself for kings. Therefore her father spake: "Say to the King, The child is sought by princes far and near; If thy most gentle son can bend the bow, Sway sword, and back a horse better than they, Best would he be in all and best to us: But how shall this be, with his cloistered ways?" Then the King's heart was sore, for now the Prince Begged sweet Yasôdhara for wife -- in vain, With Devadatta foremost at the bow, Ardjuna master of all fiery steeds, And Nanda chief in sword-play; but the Prince Laughed low and said, "These things, too, I have learned; Make proclamation that thy son will meet All comers at their chosen games. I think I shall not lose my love for such as these." So 'twas given forth that on the seventh day The Prince Siddârtha summoned whoso would To match with him in feats of manliness, The victor's crown to be Yasôdhara. *** Therefore, upon the seventh day, there went: The Sâkya lords and town and country round Unto the maidân; and the maid went too Amid her kinsfolk, carried as a bride, With music, and with litters gayly dight, And gold-horned oxen, flower-caparisoned. Whom Devadatta claimed, of royal line, And Nanda and Ardjuna, noble both, The flower of all youths there, till the Prince came Riding his white horse Kantaka, which neighed, Astonished at this great strange world without: Also Siddârtha gazed with wondering eyes On all those people born beneath the throne, Otherwise housed than kings, otherwise fed,
And yet so like -- perchance -- in joys and griefs. But when the Prince saw sweet Yasôdhara, Brightly he smiled, and drew his silken rein, Leaped to the earth from Kantaka's broad back, And cried, "He is not worthy of this pearl Who is not worthiest; let my rivals prove If I have dared too much in seeking her." Then Nanda challenged for the arrow-test And set a brazen drum six gows away, Ardjuna six and Devadatta eight; But Prince Siddârtha bade them set his drum Ten gows from off the line, until it seemed A cowry-shell for target. Then they loosed, And Nanda pierced his drum, Ardjuna his, And Devadatta drove a well-aimed shaft Through both sides of his mark, so that the crowd Marvelled and cried; and sweet Yasôdhara Dropped the gold sari o'er her fearful eyes, Lest she should see her Prince's arrow fail. But he, taking their bow of lacquered cane, With sinews bound, and strung with silver wire, Which none but stalwart arms could draw a span, Thrummed it -- low laughing -- drew the twisted string Till the horns kissed, and the thick belly snapped: "That is for play, not love," he said; "hath none A bow more fit for Sâkya lords to use?" And one said, "There is Sinhahânu's bow, Kept in the temple since we know not when, Which none can string, nor draw if it be strung." "Fetch me," he cried, "that weapon of a man!" They brought the ancient bow, wrought of black steel Laid with gold tendrils on its branching curves Like bison-horns; and twice Siddârtha tried Its strength across his knee, then spake -- "Shoot now With this, my cousins!" but they could not bring The stubborn arms a hand's-breadth nigher use; Then the Prince, lightly leaning, bent the bow, Slipped home the eye upon the notch, and twanged Sharply the cord, which, like an eagle's wing Thrilling the air, sang forth so clear and loud That feeble folk at home that day inquired "What is this sound?" and people answered them, "It is the sound of Sinhahânu's bow, Which the King's son has strung and goes to shoot;" Then fitting fair a shaft, he drew and loosed, And the keen arrow clove the sky, and drave Right through that farthest drum, nor stayed its flight, But skimmed the plain beyond, past reach of eye.
Then Devadatta challenged with the sword, And clove a Talas-tree six fingers thick; Ardjuna seven; and Nanda cut through nine; But two such stems together grew, and both Siddârtha's blade shred at one flashing stroke, Keen, but so smooth that the straight trunks upstood, And Nanda cried, "His edge turned!" and the maid Trembled anew seeing the trees erect, Until the Devas of the air, who watched, Blew light breaths from the south, and both green crowns Crashed in the sand, clean-felled. Then brought they steeds, High-mettled, nobly-bred, and three times scoured Around the maidân, but white Kantaka Left even the fleetest far behind -- so swift, That ere the foam fell from his mouth to earth Twenty spear-lengths he flew; but Nanda said, "We too might win with such as Kantaka Bring an unbroken horse, and let men see Who best can back him!" So the syces brought A stallion dark as night, led by three chains, Fierce-eyed, with nostrils wide and tossing mane, Unshod, unsaddled, for no rider yet Had crossed him. Three times each young Sâkya Sprang to his mighty back, but the hot steed Furiously reared, and flung them to the plain In dust and shame; only Ardjuna held His seat awhile, and, bidding loose the chains, Lashed the black flank, and shook the bit, and held The proud jaws fast with grasp of master-hand, So that in storms of wrath and rage and fear The savage stallion circled once the plain Half-tamed; but sudden turned with naked teeth, Gripped by the foot Ardjuna, tore him down, And would have slain him, but the grooms ran in Fettering the maddened beast. Then all men cried, "Let not Siddârtha meddle with this Bhût, Whose liver is a tempest, and his blood Red flame;" but the Prince said, "Let go the chains, Give me his forelock only," which he held With quiet grasp, and, speaking some low word, Laid his right palm across the stallion's eyes, And drew it gently down the angry face, And all along the neck and panting flanks, Till men astonished saw the night-black horse Sink his fierce crest and stand subdued and meek, As though he knew our Lord and worshipped him. Nor stirred he while Siddârtha mounted, then
Went soberly to touch of knee and rein Before all eyes, so that the people said, "Strive no more, for Siddârtha is the best." And all the suitors answered "He is best!" And Suprabuddha, father of the maid, Said, "It was in our hearts to find thee best, Being dearest, yet what magic taught thee more Of manhood 'mid thy rose-bowers and thy dreams Than war and chase and world's work bring to these. But wear, fair Prince, the treasure thou hast won." Then at a word the lovely Indian girl Rose from her place above the throng, and took A crown of môgra-flowers and lightly drew The veil of black and gold across her brow, Proud pacing past the youths, until she came To where Siddârtha stood in grace divine, New lighted from the night-dark steed, which bent Its strong neck meekly underneath his arm. Before the Prince lowly she bowed, and bared Her face celestial beaming with glad love; Then on his neck she hung the fragrant wreath, And on his breast she laid her perfect head, And stooped to touch his feet with proud glad eyes, Saying, "Dear Prince, behold me, who am thine!" And all the throng rejoiced, seeing them pass Hand fast in hand, and heart beating with heart, The veil of black and gold drawn close again. Long after -- when enlightenment was come -They prayed Lord Buddha touching all, and why She wore this black and gold, and stepped so proud, And the World-honored answered, "Unto me This was unknown, albeit it seemed half known; For while the wheel of birth and death turns round, Past things and thoughts, and buried lives come back. I now remember, myriad rains ago, What time I roamed Himâla's hanging woods, A tiger, with my striped and hungry kind; I, who am Buddh, couched in the kusa grass Gazing with green blinked eyes upon the herds Which pastured near and nearer to their death Round my day-lair; or underneath the stars I roamed for prey, savage, insatiable, Sniffing the paths for track of man and deer. Amid the beasts that were my fellows then, Met in deep jungle or by reedy jheel, A tigress, comeliest of the forest, set The males at war; her hide was lit with gold,
Black-broidered like the veil Yasôdhara Wore for me; hot the strife waxed in that wood With tooth and claw, while underneath a neem The fair beast watched us bleed, thus fiercely wooed. And I remember, at the end she came Snarling past this and that torn forest-lord. Which I had conquered, and with fawning jaws Licked my quick-heaving flank, and with me went Into the wild with proud steps, amorously. The wheel of birth and death turns low and high." *** Therefore the maid was given unto the Prince A willing spoil; and when the stars were good -Mesha, the Red Ram, being Lord of heaven -The marriage feast was kept, as Sâkyas use, The golden gadi set, the carpet spread, The wedding garlands hung, the arm-threads tied, The sweet cake broke, the rice and attar thrown, The two straws floated on the reddened milk, Which, coming close, betokened "love till death;" The seven steps taken thrice around the fire, The gifts bestowed on holy men, the alms And temple offerings made, the mantras sung, The garments of the bride and bridegroom tied. Then the grey father spake : "Worshipful Prince, She that was ours henceforth is only thine; Be good to her, who hath her life in thee." Wherewith they brought home sweet Yasôdhara, With songs and trumpets, to the Prince's arms, And love was all in all. Yet not to love Alone trusted the King; love's prison-house Stately and beautiful he bade them build, So that in all the earth no marvel was Like Vishramvan, the Prince's pleasure-place. Midway in those wide palace-grounds there rose A verdant hill whose base Rohini bathed, Murmuring adown from Himalaya's broad feet, To bear its tribute into Gunga's waves. Southward a growth of tamarind trees and sâl, Thick set with pale sky-colored ganthi flowers, Shut out the world, save if the city's hum Came on the wind no harsher than when bees Hum out of sight in thickets. Northwards soared The stainless ramps of huge Himâlaya's wall, Ranged in white ranks against the blue -- untrod, Infinite, wonderful -- whose uplands vast,
And lifted universe of crest and crag, Shoulder and shelf, green slope and icy horn, Riven ravine, and splintered precipice, Led climbing thought higher and higher, until It seemed to stand in heaven and speak with gods. Beneath the snows dark forests spread, sharp laced With leaping cataracts and veiled with clouds: Lower grew rose-oaks and the great fir groves Where echoed pheasant's call and panther's cry, Clatter of wild sheep on the stones, and scream Of circling eagles: under these the plain Gleamed like a praying-carpet at the foot Of those divinest altars. Fronting this The builders set the bright pavilion up, Fair-planted on the terraced hill, with towers On either flank and pillared cloisters round. Its beams were carved with stories of old time -Radha and Krishna and the sylvan girls -Sita and Hanuman and Draupadi; And on the middle porch God Ganesha, With disc and hook -- to bring wisdom and wealth -Propitious sate, wreathing his sidelong trunk. By winding ways of garden and of court The inner gate was reached, of marble wrought, White with pink veins; the lintel lazuli, The threshold alabaster, and the doors Sandal-wood, cut in pictured panelling; Whereby to lofty halls and shadowy bowers Passed the delighted foot, on stately stairs, Through latticed galleries, 'neath painted roofs And clustering columns, where cool fountains -- fringed With lotus and nelumbo -- danced, and fish Gleamed through their crystal, scarlet, gold, and blue. Great-eyed gazelles in sunny alcoves browsed The blown red roses; birds of rainbow wing Fluttered among the palms; doves, green and grey, Built their safe nests on gilded cornices; Over the shining pavements peacocks drew The splendors of their trains, sedately watched By milk-white herons and the small house-owls. The plum-necked parrots swung from fruit to fruit; The yellow sunbirds whirred from bloom to bloom, The timid lizards on the lattice basked Fearless, the squirrels ran to feed from hand, For all was peace: the shy black snake, that gives Fortune to households, sunned his sleepy coils Under the moon-flowers, where the musk-deer played,
And brown-eyed monkeys chattered to the crows. And all this house of love was peopled fair With sweet attendance, so that in each part With lovely sights were gentle faces found, Soft speech and willing service, each one glad To gladden, pleased at pleasure, proud to obey; Till life glided beguiled, like a smooth stream Banked by perpetual flow'rs, Yas么dhara Queen of the enchanting Court. But innermost, Beyond the richness of those hundred halls, A secret chamber lurked, where skill had spent All lovely fantasies to lull the mind. The entrance of it was a cloistered square -Roofed by the sky, and in the midst a tank Of milky marble built, and laid with slabs Of milk-white marble; bordered round the tank And on the steps, and all along the frieze With tender inlaid work of agate-stones. Cool as to tread in summer-time on snows It was to loiter there; the sunbeams dropped Their gold, and, passing into porch and niche, Softened to shadows, silvery, pale, and dim, As if the very Day paused and grew Eve In love and silence at that bower's gate For there beyond the gate the chamber was, Beautiful, sweet; a wonder of the world! Soft light from perfumed lamps through windows fell Of nakre and stained stars of lucent film On golden cloths outspread, and silken beds, And heavy splendor of the purdah's fringe, Lifted to take only the loveliest in. Here, whether it was night or day none knew, For always streamed that softened light, more bright Than sunrise, but as tender as the eve's; And always breathed sweet airs, more joy-giving Than morning's, but as cool as midnight's breath; And night and day lutes sighed, and night and day Delicious foods were spread, and dewy fruits, Sherbets new chilled with snows of Himalaya, And sweetmeats made of subtle daintiness, With sweet tree-milk in its own ivory cup. And night and day served there a chosen band Of nautch girls, cup-bearers, and cymballers, Delicate, dark-browed ministers of love, Who fanned the sleeping eyes of the happy Prince, And when he waked, led back his thoughts to bliss With music whispering through the blooms, and charm
Of amorous songs and dreamy dances, linked By chime of ankle-bells and wave of arms Of musk and champak and the blue haze spread From burning spices soothed his soul again To drowse by sweet Yas么dhara; and thus Sidd芒rtha lived forgetting. *** Furthermore, The King commanded that within those walls No mention should be made of death or age, Sorrow, or pain, or sickness. If one drooped In the lovely Court -- her dark glance dim, her Faint in the dance -- the guiltless criminal Passed forth an exile from that Paradise, Lest he should see and suffer at her woe. Bright-eyed intendants watched to execute Sentence on such as spake of the harsh world Without, where aches and plagues were, tears and fears, And wail of mourners, and grim fume of pyres. 'Twas treason if a thread of silver strayed In tress of singing-girl or nautch-dancer; And every dawn the dying rose was plucked, The dead leaves hid, all evil sights removed: For said the King, "If he shall pass his youth Far from such things as move to wistfulness, And brooding on the empty eggs of thought, The shadow of this fate, too vast for man, May fade, belike, and I shall see him grow To that great stature of fair sovereignty When he shall rule all lands -- if he will rule -The King of kings and glory of his time." Wherefore, around that pleasant prison-house -Where love was gaoler and delights its bars, But far removed from sight -- the King bade build A massive wall, and in the wall a gate With brazen folding-doors, which but to roll Back on their hinges asked a hundred arms; Also the noise of that prodigious gate Opening, was heard full half a y么jana. And inside this another gate he made, And yet within another -- through the three Must one pass if he quit that Pleasure-house. Three mighty gates there were, bolted and barred, And over each was set a faithful watch; And the King's order said, "Suffer no man To pass the gates, though he should be the Prince: This on your lives -- even though it be my son."
---o0o---
3. Book the Third.
The Three Signs In which calm home of happy life and love Ligged our Lord Buddha, knowing not of woe, Nor want, nor pain, nor plague, nor age, nor death, Save as when sleepers roam dim seas in dreams, And land awearied on the shores of day, Bringing strange merchandise from that black voyage. Thus ofttimes when he lay with gentle head Lulled on the dark breasts of Yas么dhara, Her fond hands fanning slow his sleeping lids, He would start up and cry, My world! Oh, world! I hear! I know! I come ! And she would ask, "What ails my Lord?" with large eyes terror-struck For at such times the pity in his look Was awful, and his visage like a god's. Then would he smile again to stay her tears, And bid the vinas sound; but once they set A stringed gourd on the sill, there where the wind Could linger o'er its notes and play at will -Wild music makes the wind on silver strings -And those who lay around heard only that; But Prince Sidd芒rtha heard the Devas play, And to his ears they sang such words as these: -We are the voices of the wandering wind, Which moan for rest and rest can never find; Lo! as the wind is so is mortal life, A moan , a sigh, a sob, a storm, a strife. Wherefore and whence we are ye cannot know, Nor where life springs nor whither life doth go: We are as ye are, ghosts from the inane, What pleasure have we of our changeful pain? What pleasure hast thou of thy changeless bliss? Nay, if love lasted, there were joy in this; But life's way is the wind's way, all these things Are but brief voices breathed on shifting strings. O Maya's son! because we roam the earth Moan we upon these strings; we make no mirth, So many woes we see in many lands, So many streaming eyes and wringing hands. Yet mock we while we wail, for, could they know, This life they cling to is but empty show; 'Twere all as well to bid a cloud to stand,
Or hold a running river with the hand. But thou that art to save, thine hour is nigh! The sad world waiteth in its misery, The blind world stumbleth on its round of pain; Rise, Maya's child! wake! slumber not again! We are the voices of the wandering wind: Wander thou, too, O Prince, thy rest to find; Leave love for love of lovers for woe's sake Quit state for sorrow, and deliverance make. So sigh we, passing o'er the silver strings, To thee who know'st not yet of earthly things; So say we; mocking, as we pass away, These lovely shadows wherewith thou dost play. Thereafter it befell he sate at eve Amid his beauteous Court, holding the hand Of sweet Yas么dhara, and some maid told -With breaks of music when her rich voice dropped -An ancient tale to speed the hour of dusk, Of love, and of a magic horse, and lands Wonderful, distant, where pale peoples dwelled, And where the sun at night sank into seas. Then spake he, sighing, "Chitra brings me back The wind's song in the strings with that fair tale. Give her, Yas么dhara, thy pearl for thanks. But thou, my pearl! is there so wide a world? Is there a land which sees the great sun roll Into the waves, and are there hearts like ours, Countless, unknown, not happy -- it may be -Whom we might succor if we knew of them? Ofttimes I marvel, as the Lord of day Treads from the east his kingly road of gold, Who first on the world's edge hath hailed his beam, The children of the morning; oftentimes, Even in thine arms and on thy breasts, bright wife, Sore have I panted, at the sun's decline, To pass with him into that crimson west And see the peoples of the evening. There must be many we should love -- how else? Now have I in this hour an ache, at last, Thy soft lips cannot kiss away: oh, girl! O Chitra! you that know of fairyland! Where tether they that swift steed of the tale? My palace for one day upon his back, To ride and ride and see the spread of the earth Nay, if I had yon callow vulture's plumes -The carrion heir of wider realms than mine -How would I stretch for topmost Himalay,
Light where the rose-gleam lingers on those snows, And strain my gaze with searching what is round! Why have I never seen and never sought? Tell me what lies beyond our brazen gates." Then one replied, "The city first, fair Prince! The temples, and the gardens, and the groves, And then the fields, and afterwards fresh fields, With nullahs, maidâns, jungle, koss on koss; And next King Bimbasâra's realm, and then The vast flat world, with crores on crores of folk." "Good," said Siddârtha, "let the word be sent That Channa yoke my chariot --at noon Tomorrow I shall ride and see beyond." *** Whereof they told the King: "Our Lord, thy son, Wills that his chariot be yoked at noon, That he may ride abroad and see mankind." "Yea!" spake the careful King, "'tis time he see! But let the criers go about and bid My city deck itself, so there be met No noisome sight; and let none blind or maimed, None that is sick or stricken deep in years, No leper, and no feeble folk come forth." Therefore the stones were swept, and up and down The water-carriers sprinkled all the streets From spirting skins, the housewives scattered fresh Red powder on their thresholds, strung new wreaths, And trimmed the tulsi-bush before their doors. The paintings on the walls were heightened up With liberal brush, the trees set thick with flags, The idols gilded; in the four-went ways Suryadeva and the great gods shone 'Mid shrines of leaves; so that the city seemed A capital of some enchanted land. Also the criers passed, with drum and gong, Proclaiming loudly, "Ho! all citizens, The King commands that there be seen to-day No evil sight: let no one blind or maimed, None that is sick or stricken deep in years, No leper, and no feeble folk go forth. Let none, too, burn his dead nor bring them out Till nightfall. Thus Suddhôdana commands." So all was comely and the houses trim Throughout Kapilavastu, while the Prince Came forth in painted car, which two steers drew, Snow-white, with swinging dewlaps and huge humps
Wrinkled against the carved and lacquered yoke. Goodly it was to mark the people's joy Greeting their Prince; and glad Sidd창rtha waxed At sight of all those liege and friendly folk Bright-clad and laughing as if life were good. "Fair is the world," he said, "it likes me well! And light and kind these men that are not kings, And sweet my sisters here, who toil and tend; What have I done for these to make them thus? Why, if I love them, should those children know? I pray take up yon pretty S창kya boy Who flung us flowers, and let him ride with me. How good it is to reign in realms like this! How simple pleasure is, if these be pleased Because I come abroad! How many things I need not if such little households hold Enough to make our city full of smiles! Drive, Channa! through the gates, and let me see More of this gracious world I have not known." So passed they through the gates, a joyous crowd Thronging about the wheels, whereof some ran Before the oxen, throwing wreaths, some stroked Their silken flanks, some brought them rice and cakes, All crying, "Jai! jai! for our noble Prince!" Thus all the path was kept with gladsome looks And filled with fair sights -- for the King's word was That such should be -- when midway in the road, Slow tottering from the hovel where he hid, Crept forth a wretch in rags, haggard and foul, An old, old man, whose shrivelled skin, sun-tanned, Clung like a beast's hide to his fleshless bones. Bent was his back with load of many days, His eyepits red with rust of ancient tears, His dim orbs blear with rheum, his toothless jaws Wagging with palsy and the fright to see So many and such joy. One skinny hand Clutched a worn staff to prop his quavering limbs, And one was pressed upon the ridge of ribs Whence came in gasps the heavy painful breath. "Alms!" moaned he, "give, good people! for I die To-morrow or the next day!" then the cough Choked him, but still he stretched his palm, and stood Blinking, and groaning 'mid his spasms, "Alms!" Then those around had wrenched his feeble feet Aside, and thrust him from the road again, Saying, "The Prince! dost see? get to thy lair!" ***
But that Siddârtha cried, "Let be! let be! Channa! what thing is this who seems a man, Yet surely only seems, being so bowed, So miserable, so horrible, so sad? Are men born sometimes thus? What meaneth he Moaning 'to-morrow or next day I die?' Finds he no food that so his bones jut forth? What woe hath happened to this piteous one?" Then answer made the charioteer, "Sweet Prince! This is no other than an aged man. Some fourscore years ago his back was straight, His eye bright, and his body goodly: now The thievish years have sucked his sap away, Pillaged his strength and filched his will and wit; His lamp has lost its oil, the wick burns black; What life he keeps is one poor lingering spark Which flickers for the finish: such is age; Why should your Highness heed?" Then spake the Prince -"But shall this come to others, or to all, Or is it rare that one should be as he?" "Most noble," answered Channa, "even as he, Will all these grow if they shall live so long." "But," quoth the Prince, "if I shall live as long Shall I be thus; and if Yasôdhara Live fourscore years, is this old age for her, Jâlîni, little Hasta, Gautami, And Gunga, and the others?" "Yea, great Sir!" The charioteer replied. Then spake the Prince: "Turn back, and drive me to my house again! I have seen that I did not think to see." Which pondering, to his beauteous Court returned Wistful Siddârtha, sad of mien and mood; Nor tasted he the white cakes nor the fruits Spread for the evening feast, nor once looked up While the best palace-dancers strove to charm: Nor spake -- save one sad thing -- when wofully Yasôdhara sank to his feet and wept, Sighing, "Hath not my Lord comfort in me?" "Ah, Sweet!" he said, "such comfort that my soul Aches, thinking it must end, for it will end, And we shall both grow old, Yasôdhara! Loveless, unlovely, weak, and old, and bowed. Nay, though we locked up love and life with lips So close that night and day our breaths grew one Time would thrust in between to filch away My passion and thy grace, as black Night steals The rose-gleams from yon peak, which fade to grey And are not seen to fade. This have I found, And all my heart is darkened with its dread,
And all my heart is fixed to think how Love Might save its sweetness from the slayer, Time, Who makes men old." So through that night he sate Sleepless, uncomforted. *** And all that night The King Suddh么dana dreamed troublous dreams. The first fear of his vision was a flag Broad, glorious, glistening with a golden sun, The mark of Indra; but a strong wind blew, Rending its folds divine, and dashing it Into the dust; whereat a concourse came Of shadowy Ones, who took the spoiled silk up And bore it eastward from the city gates. The second fear was ten huge elephants, With silver tusks and feet that shook the earth, Trampling the southern road in mighty march; And he who sate upon the foremost beast Was the King's son -- the others followed him, The third fear of the vision was a car, Shining with blinding light, which four steeds drew, Snorting white smoke and champing fiery foam; And in the car the Prince Sidd芒rtha sate. The fourth fear was a wheel which turned and turned, With nave of burning gold and jewelled spokes, And strange things written on the binding tire, Which seemed both fire and music as it whirled. The fifth fear was a mighty drum, set down Midway between the city and the hills, On which the Prince beat with an iron mace, So that the sound pealed like a thunderstorm, Rolling around the sky and far away. The sixth fear was a tower, which rose and rose High o'er the city till its stately head Shone crowned with clouds, and on the top the Prince Stood, scattering from both hands, this way and that, Gems of most lovely light, as if it rained Jacynths and rubies; and the whole world came, Striving to seize those treasures as they fell Towards the four quarters. But the seventh fear was A noise of wailing, and behold six men Who wept and gnashed their teeth, and laid their palms Upon their mouths, walking disconsolate. These seven fears made the vision of his sleep, But none of all his wisest dream-readers Could tell their meaning. Then the King was wroth, Saying, "There cometh evil to my house, And none of ye have wit to help me know
What the great gods portend sending me this." So in the city men went sorrowful Because the King had dreamed seven signs of fear Which none could read; but to the gate there came An aged man, in robe of deer-skin clad, By guise a hermit, known to none; he cried, "Bring me before the King, for I can read The vision of his sleep;" who, when he heard The sevenfold mysteries of the midnight dream, Bowed reverent and said, "O Mahar창j! I hail this favored House, whence shall arise A wider-reaching splendor than the sun's! Lo! all these seven fears are seven joys, Whereof the first, where thou didst see a flag Broad, glorious, gilt with Indra's badge -- cast down And carried out, did signify the end Of old faiths and beginning of the new, For there is change with gods not less than men, And as the days pass kalpas pass at length. The ten great elephants that shook the earth The ten great gifts of wisdom signify, In strength whereof the Prince shall quit his state And shake the world with passage of the Truth. The four flame-breathing horses of the car Are those four fearless virtues which shall bring Thy son from doubt and gloom to gladsome light; The wheel that turned with nave of burning gold Was that most precious Wheel of perfect Law Which he shall turn in sight of all the world. The mighty drum whereon the Prince did beat, Till the sound filled all lands, doth signify The thunder of the preaching of the Word Which he shall preach; the tower that grew to heaven The growing of the Gospel of this Buddh Sets forth; and those rare jewels scattered thence The untold treasures are of that good Law To gods and men dear and desirable. Such is the interpretation of the tower; But for those six men weeping with shut mouths, They are the six chief teachers whom thy son Shall, with bright truth and speech unanswerable, Convince of foolishness. O King! rejoice; The fortune of my Lord the Prince is more Than kingdoms, and his hermit-rags will be Beyond fine cloths of gold. This was thy dream! And in seven nights and days these things shall fall." So spake the holy man, and lowly made
The eight prostrations, touching thrice the ground; Then turned and passed; but when the King bade send A rich gift after him, the messenger Brought word, "We came to where he entered in At Chandra's temple, but within was none Save a grey owl which fluttered from the shrine." The gods come sometimes thus. But the sad King Marvelled, and gave command that new delights Be compassed to enthrall Sidd芒rtha's heart Amid those dancers of his pleasure-house, Also he set at all the brazen doors A doubled guard. Yet who shall shut out Fate? For once again the spirit of the Prince Was moved to see this world beyond his gates, This life of man, so pleasant if its waves Ran not to waste and woful finishing In Time's dry sands. "I pray you let me view Our city as it is," such was his prayer To King Suddh么dana. "Your Majesty In tender heed hath warned the folk before To put away ill things and common sights, And make their faces glad to gladden me, And all the causeways gay; yet have I learned This is not daily life, and if I stand Nearest, my father, to the realm and thee, Fain would I know the people and the streets, Their simple usual ways, and workday deeds, And lives which those men live who are not kings. Give me good leave, dear Lord! to pass unknown Beyond my happy gardens; I shall come The more contented to their peace again, Or wiser, father, if not well content. Therefore, I pray thee, let me go at will Tomorrow, with my servants, through the streets." And the King said, among his Ministers, "Belike this second flight may mend the first. Note how the falcon starts at every sight New from his hood, but what a quiet eye Cometh of freedom; let my son see all, And bid them bring me tidings of his mind." *** Thus on the morrow, when the noon was come, The Prince and Channa passed beyond the gates, Which opened to the signet of the King; Yet knew not they who rolled the great doors back
It was the King's son in that merchant's robe, And in the clerkly dress his charioteer. Forth fared they by the common way afoot, Mingling with all the S창kya citizens, Seeing the glad and sad things of the town: The painted streets alive with hum of noon, The traders cross-legged 'mid their spice and grain, The buyers with their money in the cloth, The war of words to cheapen this or that, The shout to clear the road, the huge stone wheels, The strong slow oxen and their rustling loads, The singing bearers with the palanquins, The broad-necked hamals sweating in the sun, The housewives bearing water from the well With balanced chatties, and athwart their hips The black-eyed babes; the fly-swarmed sweetmeat shops, The weaver at his loom, the cotton-bow Twanging, the millstones grinding meal, the dogs Prowling for orts, the skilful armorer With tong and hammer linking shirts of mail, The blacksmith with a mattock and a spear Reddening together in his coals, the school Where round their Guru, in a grave half-moon, The S창kya children sang the mantras through, And learned the greater and the lesser gods; The dyers stretching waistcloths, in the sun Wet from the vats -- orange, and rose, and green; The soldiers clanking past with swords and shields, The camel-drivers rocking on the humps, The Brahman proud, the martial Kshatriya, The humble toiling Sudra; here a throng Gathered to watch some chattering snake-tamer Wind round his wrist the living jewellery Of asp and n창g, or charm the hooded death To angry dance with drone of beaded gourd; There a long line of drums and horns, which went, With steeds gay painted and silk canopies, To bring the young bride home; and here a wife Stealing with cakes and garlands to the god To pray her husband's safe return from trade, Or beg a boy next birth; hard by the booths Where the swart potters beat the noisy brass For lamps and lotas; thence, by temple walls And gateways, to the river and the bridge Under the city walls. *** These had they passed
When from the roadside moaned a mournful voice, "Help, masters! lift me to my feet; oh, help Or I shall die before I reach my house!" A stricken wretch it was, whose quivering frame, Caught by some deadly plague, lay in the dust Writhing, with fiery purple blotches specked; The chill sweat beaded on his brow, his mouth Was dragged awry with twitchings of sore pain, The wild eyes swam with inward agony. Gasping, he clutched the grass to rise, and rose Half-way, then sank, with quaking feeble limbs And scream of terror, crying, "Ah, the pain Good people, help!" whereon Sidd창rtha ran, Lifted the woful man with tender hands, With sweet looks laid the sick head on his knee, And while his soft touch comforted the wretch, Asked, "Brother, what is ill with thee? what harm Hath fallen? wherefore canst thou not arise? Why is it, Channa, that he pants and moans, And gasps to speak and sighs so pitiful?" Then spake the charioteer: "Great Prince! this man Is smitten with some pest; his elements Are all confounded; in his veins the blood, Which ran a wholesome river, leaps and boils A fiery flood; his heart, which kept good time, Beats like an ill-played drum-skin, quick and slow; His sinews slacken like a bow-string slipped; The strength is gone from ham, and loin, and neck, And all the grace and joy of manhood fled: This is a sick man with the fit upon him. See how he plucks and plucks to seize his grief, And rolls his bloodshot orbs, and grinds his teeth, And draws his breath as if 'twere choking smoke. Lo! now he would be dead, but shall not die Until the plague hath had its work in him, Killing the nerves which die before the life; Then, when his strings have cracked with agony And all his bones are empty of the sense To ache, the plague will quit and light elsewhere. Oh, sir! it is not good to hold him so! The harm may pass, and strike thee, even thee." But spake the Prince, still comforting the man, "And are there others, are there many thus? Or might it be to me as now with him?" "Great Lord!" answered the charioteer, "this comes In many forms to all men; griefs and wounds, Sickness and tetters, palsies, leprosies, Hot fevers, watery wastings, issues, blains
Befall all flesh and enter everywhere." "Come such ills unobserved?" the Prince inquired. And Channa said, "Like the sly snake they come That stings unseen; like the striped murderer, Who waits to spring from the Karunda bush. Hiding beside the jungle path; or like The lightning, striking these and sparing those, As chance may send." "Then all men live in fear?" "So live they, Prince!" "And none can say, 'I sleep Happy and whole to-night, and so shall wake?' " "None say it." "And the end of many aches, Which come unseen, and will come when they come, Is this, a broken body and sad mind, And so old age?" "Yea, if men last as long." "But if they cannot bear their agonies, Or if they will not bear, and seek a term; Or if they bear, and be, as this man is, Too weak except for groans, and so still live, And growing old, grow older, then what end?" "They die, Prince." "Die?" "Yea, at the last comes death, In whatsoever way, whatever hour. Some few grow old, most suffer and fall sick, But all must die -- behold, where comes the Dead!" *** Then did Sidd창rtha raise his eyes, and see Fast pacing towards the river brink a band Of wailing people, foremost one who swung An earthen bowl with lighted coals, behind The kinsmen shorn, with mourning marks, ungirt, Crying aloud, "O Rama, Rama, hear! Call upon Rama, brothers;" next the bier, Knit of four poles with bamboos interlaced, Whereon lay stark and stiff, feet foremost, lean, Chapfallen, sightless, hollow-flanked, a-grin, Sprinkled with red and yellow dust -- the Dead, Whom at the four-went ways they turned head first, And crying "Rama, Rama!" carried on To where a pile was reared beside the stream; Thereon they laid him, building fuel up -Good sleep hath one that slumbers on that bed! He shall not wake for cold albeit he lies Naked to all the airs -- for soon they set
The red flame to the corners four, which crept, And licked, and flickered, finding out his flesh And feeding on it with swift hissing tongues, And crackle of parched skin, and snap of joint, Till the fat smoke thinned and the ashes sank Scarlet and grey, with here and there a bone White midst the grey -- the total of the man. Then spake the Prince: "Is this the end which comes To all who live?" "This is the end that comes To all," quoth Channa; "he upon the pyre -Whose remnants are so petty that the crows Caw hungrily, then quit the fruitless feast -Ate, drank, laughed, loved, and lived, and liked life well. Then came -- who knows? -- some gust of jungle-wind, A stumble on the path, a taint in the tank, A snake's nip, half a span of angry steel, A chill, a fishbone, or a falling tile, And life was over and the man is dead; No appetites, no pleasures, and no pains Hath such; the kiss upon his lips is nought, The fire-scorch nought; he smelleth not his flesh A-roast, nor yet the sandal and the spice They burn; the taste is emptied from his mouth, The hearing of his ears is clogged, the sight Is blinded in his eyes; those whom he loved Wail desolate, for even that must go, The body, which was lamp unto the life, Or worms will have a horrid feast of it. Here is the common destiny of flesh: The high and low, the good and bad, must die, And then, 'tis taught, begin anew and live Somewhere, somehow, -- who knows? -- and so again The pangs, the parting, and the lighted pile: -Such is man's round." *** But lo! Sidd창rtha turned Eyes gleaming with divine tears to the sky, Eyes lit with heavenly pity to the earth; From sky to earth he looked, from earth to sky, As if his spirit sought in lonely flight Some far-off vision, linking this and that, Lost -- past -- but searchable, but seen, but known. Then cried he, while his lifted countenance Glowed with the burning passion of a love Unspeakable, the ardor of a hope Boundless, insatiate: "Oh! suffering world,
Oh! known and unknown of my common flesh, Caught in this common net of death and woe, And life which binds to both! I see, I feel The vastness of the agony of earth, The vainness of its joys, the mockery Of all its best, the anguish of its worst; Since pleasures end in pain, and youth in age, And love in loss, and life in hateful death, And death in unknown lives, which will but yoke Men to their wheel again to whirl the round Of false delights and woes that are not false. Me too this lure hath cheated, so it seemed Lovely to live, and life a sunlit stream For ever flowing in a changeless peace; Whereas the foolish ripple of the flood Dances so lightly down by bloom and lawn Only to pour its crystal quicklier Into the foul salt sea. The veil is rent Which blinded me! I am as all these men Who cry upon their gods and are not heard Or are not heeded -- yet there must be aid! For them and me and all there must be help! Perchance the gods have need of help themselves Being so feeble that when sad lips cry They cannot save! I would not let one cry Whom I could save! How can it be that Brahm Would make a world and keep it miserable, Since, if all-powerful, he leaves it so, He is not good, and if not powerful, He is not God? -- Channa! lead home again! It is enough! mine eyes have seen enough!" Which when the King heard, at the gates he set A triple guard, and bade no man should pass By day or night, issuing or entering in, Until the days were numbered of that dream. ---o0o---
4. Book the Fourth.
Renunciation But when the days were numbered, then befell The parting of our Lord -- which was to be -Whereby came wailing in the Golden Home, Woe to the King and sorrow o'er the land, But for all flesh deliverance, and that Law Which -- whoso hears -- the same shall make him free. Softly the Indian night sinks on the plains At full moon in the month of Chaitra Shud, When mangoes redden and the asôka buds Sweeten the breeze, and Rama's birthday comes, And all the fields are glad and all the towns. Softly that night fell over Vishramvan, Fragrant with blooms and jewelled thick with stars, And cool with mountain airs sighing adown From snow-flats on Himâla high-outspread; For the moon swung above the eastern peaks, Climbing the spangled vault, and lighting clear Rohini's ripples and the hills and plains, And all the sleeping land, and near at hand Silvering those roof-tops of the pleasure-house, Where nothing stirred nor sign of watching was, Save at the outer gates, whose warders cried Mudra, the watchword, and the countersign Angana, and the watch-drums beat a round; Whereat the earth lay still, except for call Of prowling jackals, and the ceaseless trill Of crickets on the garden grounds. Within -Where the moon glittered through the lace-worked stone, Lighting the walls of pearl-shell and the floors Paved with veined marble -- softly fell her beams On such rare company of Indian girls, It seemed some chamber sweet in Paradise Where Devîs rested. All the chosen ones. Of Prince Siddârtha's pleasure-home were there, The brightest and most faithful of the Court, Each form so lovely in the peace of sleep, That you had said "This is the pearl of all!" Save that beside her or beyond her lay Fairer and fairer, till the pleasured gaze Roamed o'er that feast of beauty as it roams From gem to gem in some great goldsmith-work,
Caught by each color till the next is seen. With careless grace they lay, their soft brown limbs Part hidden, part revealed; their glossy hair Bound back with gold or flowers, or flowing loose In black waves down the shapely nape and neck. Lulled into pleasant dreams by happy toils, They slept, no wearier than jewelled birds Which sing and love all day, then under wing Fold head till morn bids sing and love again. Lamps of chased silver swinging from the roof In silver chains, and fed with perfumed oils, Made with the moonbeams tender lights and shades, Whereby were seen the perfect lines of grace, The bosom's placid heave, the soft stained palms Drooping or clasped, the faces fair and dark, The great arched brows, the parted lips, the teeth Like pearls a merchant picks to make a string, The satin-lidded eyes, with lashes dropped Sweeping the delicate cheeks, the rounded wrists, The smooth small feet with bells and bangles decked, Tinkling low music where some sleeper moved, Breaking her smiling dream of some new dance Praised by the Prince, some magic ring to find, Some fairy love-gift. Here one lay full-length, Her vina by her cheek, and in its strings The little fingers still all interlaced As when the last notes of her light song played Those radiant eyes to sleep and sealed her own. Another slumbered folding in her arms A desert-antelope, its slender head Buried with back-sloped horns between her breasts Soft nestling; it was eating -- when both drowsed -Red roses, and her loosening hand still held A rose half-mumbled, while a rose-leaf curled Between the deer's lips. Here two friends had dozed Together, weaving m么gra-buds, which bound Their sister-sweetness in a starry chain, Linking them limb to limb and heart to heart, One pillowed on the blossoms, one on her. Another, ere she slept, was stringing stones To make a necklet -- agate, onyx, sard, Coral, and moonstone -- round her wrist it gleamed A coil of splendid color, while she held, Unthreaded yet, the bead to close it up Green turkis, carved with golden gods and scripts. Lulled by the cadence of the garden stream, Thus lay they on the clustered carpets, each A girlish rose with shut leaves, waiting dawn
To open and make daylight beautiful. This was the antechamber of the Prince; But at the purdah's fringe the sweetest slept -Gunga and Gotami -- chief ministers In that still house of love. The purdah hung, Crimson and blue, with broidered threads of gold, Across a portal carved in sandal-wood, Whence by three steps the way was to the bower Of inmost splendor, and the marriage-couch Set on a dais soft with silver cloths, Where the foot fell as though it trod on piles Of neem-blooms. All the walls were plates of pearl, Cut shapely from the shells of Lanka's wave; And o'er the alabaster roof there ran Rich inlayings of lotus and of bird, Wrought in skilled work of lazulite and jade, Jacynth and jasper; woven round the dome, And down the sides, and all about the frames Wherein were set the fretted lattices, Through which there breathed, with moonlight and cool airs, Scents from the shell-flowers and the jasmine sprays; Not bringing thither grace or tenderness Sweeter than shed from those fair presences Within the place -- the beauteous Sâkya Prince, And hers, the stately, bright Yasôdhara. Half risen from her soft nest at his side, The chuddah fallen to her waist, her brow Laid in both palms, the lovely Princess leaned With heaving bosom and fast falling tears. Thrice with her lips she touched Siddârtha's hand, And at the third kiss moaned, "Awake, my Lord! Give me the comfort of thy speech!" Then he -"What is it with thee, O my life?" but still She moaned anew before the words would come; Then spake, "Alas, my Prince! I sank to sleep Most happy, for the babe I bear of thee Quickened this eve, and at my heart there beat That double pulse of life and joy and love Whose happy music lulled me, but -- aho! -In slumber I beheld three sights of dread, With thought whereof my heart is throbbing yet. I saw a white bull with wide branching horns, A lord of pastures, pacing through the streets, Bearing upon his front a gem which shone As if some star had dropped to glitter there, Or like the kantha-stone the great Snake keeps To make bright daylight underneath the earth.
*** Slow through the streets towards the gates he paced, And none could stay him, though there came a voice From Indra's temple, 'If ye stay him not, The glory of the city goeth forth.' Yet none could stay him. Then I wept aloud, And locked my arms about his neck, and strove, And bade them bar the gates; but that ox-king Bellowed, and, lightly tossing free his crest, Broke from my clasp, and bursting through the bars, Trampled the warders down and passed away. The next strange dream was this: Four Presences Splendid, with shining eyes, so beautiful They seemed the Regents of the Earth who dwell On Mount Sumeru, lighting from the sky With retinue of countless heavenly ones, Swift swept unto our city, where I saw The golden flag of Indra on the gate Flutter and fall; and lo! there rose instead A glorious banner, all the folds whereof Rippled with flashing fire of rubies sewn Thick on the silver threads, the rays wherefrom Set forth new words and weighty sentences Whose message made all living creatures glad; And from the east the wind of sunrise blew With tender waft, opening those jewelled scrolls So that all flesh might read; and wondrous blooms Plucked in what clime I know not -- fell in showers, Colored as none are colored in our groves." Then spake the Prince: "All this, my Lotus-flower! Was good to see." "Ay, Lord," the Princess said, Save that it ended with a voice of fear Crying, 'The time is nigh! the time is nigh!' Thereat the third dream came; for when I sought Thy side, sweet Lord! ah, on our bed there lay An unpressed pillow and an empty robe -Nothing of thee but those! -- nothing of thee, Who art my life and light, my king, my world! And sleeping still I rose, and sleeping saw Thy belt of pearls, tied here below my breasts, Change to a stinging snake; my ankle-rings Fall off, my golden bangles part and fall; The jasmines in my hair wither to dust; While this our bridal-couch sank to the ground, And something rent the crimson purdah down; Then far away I heard the white bull low,
And far away the embroidered banner flap, And once again that cry, 'The time is come!' But with that cry -- which shakes my spirit still I woke! O Prince! what may such visions mean Except I die, or -- worse than any death -Thou shouldst forsake me or be taken?" *** Sweet As the last smile of sunset was the look Sidd芒rtha bent upon his weeping wife. "Comfort thee, dear!" he said, "if comfort lives In changeless love; for though thy dreams may be Shadows of things to come, and though the gods Are shaken in their seats, and though the world Stands nigh, perchance, to know some way of help, Yet, whatsoever fall to thee and me, Be sure I loved and love Yas么dhara. Thou knowest how I muse these many moons, Seeking to save the sad earth I have seen; And when the time comes, that which will be will. But if my soul yearns sore for souls unknown, And if I grieve for griefs which are not mine, Judge how my high-winged thoughts must hover here O'er all these lives that share and sweeten mine So dear! and thine the dearest, gentlest, best, And nearest. Ah, thou mother of my babe! Whose body mixed with mine for this fair hope, When most my spirit wanders, ranging round The lands and seas -- as full of ruth for men As the far-flying dove is full of ruth For her twin nestlings -- ever it has come Home with glad wing and passionate plumes to thee, Who art the sweetness of my kind best seen, The utmost of their good, the tenderest Of all their tenderness, mine most of all. Therefore, whatever after this betide, Bethink thee of that lordly bull which lowed, That jewelled banner in thy dream which waved Its folds departing, and of this be sure, Always I loved and always love thee well, And what I sought for all sought most for thee. But thou, take comfort; and, if sorrow falls, Take comfort still in deeming there may be A way of peace on earth by woes of ours; And have with this embrace what faithful love Can think of thanks or frame for benison -Too little, seeing love's strong self is weak --
Yet kiss me on the mouth, and drink these words From heart to heart therewith, that thou mayst know -What others will not -- that I loved thee most Because I loved so well all living souls. Now, Princess! rest, for I will rise and watch." *** Then in her tears she slept, but sleeping sighed -As if that vision passed again -- "The time! The time is come!" Where at Sidd창rtha turned, And, lo! the moon shone by the Crab the stars In that same silver order long foretold Stood ranged to say, "This is the night choose thou The way of greatness or the way of good: To reign a King of kings, or wander lone, Crownless and homeless, that the world be helped." Moreover, with the whispers of the gloom Came to his ears again that warning song, As when the Devas spoke upon the wind: And surely Gods were round about the place Watching our Lord, who watched the shining stars. "I will depart," he spake; "the hour is come! Thy tender lips, dear sleeper, summon me To that which saves the earth but sunders us; And in the silence of yon sky I read My fated message flashing. Unto this Came I, and unto this all nights and days Have led me; for I will not have that crown Which may be mine: I lay aside those realms Which wait the gleaming of my naked sword: My chariot shall not roll with bloody wheels From victory to victory, till earth Wears the red record of my name. I choose To tread its paths with patient, stainless feet, Making its dust my bed, its loneliest wastes My dwelling, and its meanest things my mates: Clad in no prouder garb than outcasts wear, Fed with no meats save what the charitable Give of their will, sheltered by no more pomp Than the dim cave lends or the jungle-bush. This will I do because the woful cry Of life and all flesh living cometh up Into my ears, and all my soul is full Of pity for the sickness of this world; Which I will heal, if healing may be found By uttermost renouncing and strong strife. For which of all the great and lesser Gods
Have power or pity? Who hath seen them -- who? What have they wrought to help their worshippers? How hath it steaded man to pray, and pay Tithes of the corn and oil, to chant the charms, To slay the shrieking sacrifice, to rear The stately fane, to feed the priests, and call On Vishnu, Shiva, Surya, who save None -- not the worthiest -- from the griefs that teach Those litanies of flattery and fear Ascending day by day, like wasted smoke? Hath any of my brothers 'scaped thereby The aches of life, the stings of love and loss, The fiery fever and the ague-shake, The slow, dull sinking into withered age, The horrible dark death -- and what beyond Waits -- till the whirling wheel comes up again, And new lives bring new sorrows to be borne, New generations for the new desires Which have their end in the old mockeries? Hath any of my tender sisters found Fruit of the fast or harvest of the hymn, Or bought one pang the less at bearing-time For white curds offered and trim tulsi-leaves? Nay; it may be some of the Gods are good And evil some, but all in action weak; Both pitiful and pitiless, and both -As men are -- bound upon this wheel of change, Knowing the former and the after lives. For so our scriptures truly seem to teach, That -- once, and wheresoe'er, and whence begun -Life runs its rounds of living, climbing up From mote, and gnat, and worm, reptile, and fish, Bird and shagged beast, man, demon, deva, God, To clod and mote again; so are we kin To all that is; and thus, if one might save Man from his curse, the whole wide world should share The lightened horror of this ignorance Whose shadow is chill fear, and cruelty Its bitter pastime. Yea, if one might save And means must be! There must be refuge! Men Perished in winter-winds till one smote fire From flint-stones coldly hiding what they held, The red spark treasured from the kindling sun. They gorged on flesh like wolves, till one sowed corn, Which grew a weed, yet makes the life of man; They mowed and babbled till some tongue struck speech, And patient fingers framed the lettered sound. What good gift have my brothers, but it came From search and strife and loving sacrifice?
If one, then, being great and fortunate, Rich, dowered with health and ease, from birth designed To rule -- if he would rule -- a King of kings If one, not tired with life's long day but glad I' the freshness of its morning, one not cloyed With love's delicious feasts, but hungry still; If one not worn and wrinkled, sadly sage, But joyous in the glory and the grace That mix with evils here, and free to choose Earth's loveliest at his will: one even as I, Who ache not, lack not, grieve not, save with griefs Which are not mine, except as I am man; If such a one, having so much to give, Gave all, laying it down for love of men, And thenceforth spent himself to search for truth, Wringing the secret of deliverance forth, Whether it lurk in hells or hide in heavens. Or hover, unrevealed, nigh unto all: Surely at last, far off, sometime, somewhere, The veil would lift for his deep-searching eyes, The road would open for his painful feet, That should be won for which he lost the world, And Death might find him conqueror of death. This will I do, who have a realm to lose Because I love my realm, because my heart Beats with each throb of all the hearts that ache, Known and unknown, these that are mine and those Which shall be mine, a thousand million more Saved by this sacrifice I offer now. Oh, summoning stars! I come! Oh, mournful earth! For thee and thine I lay aside my youth, My throne, my joys, my golden days, my nights, My happy palace -- and thine arms, sweet Queen! Harder to put aside than all the rest! Yet thee, too, I shall save, saving this earth; And that which stirs within thy tender womb, My child, the hidden blossom of our loves, Whom if I wait to bless my mind will fail. Wife! child! father! and people! ye must share A little while the anguish of this hour That light may break and all flesh learn the Law. Now am I fixed, and now I will depart, Never to come again till what I seek Be found -- if fervent search and strife avail." *** So with his brow he touched her feet, and bent
The farewell of fond eyes, unutterable, Upon her sleeping face, still wet with tears; And thrice around the bed in reverence, As though it were an altar, softly stepped With clasped hands laid upon his beating heart, "For never," spake he, "lie I there again!" And thrice he made to go, but thrice came back, So strong her beauty was, so large his love: Then, o'er his head drawing his cloth, he turned And raised the purdah's edge: There drooped, close-hushed, In such sealed sleep as water-lilies know, The lovely garden of his Indian girls; That twin dark-petalled lotus-buds of all Gunga and Gotami -- on either side, And those, their silk-leaved sisterhood, beyond. Pleasant ye are to me, sweet friends!" he said, And dear to leave; yet if I leave ye not What else will come to all of us save eld Without assuage and death without avail? Lo! as ye lie asleep so must ye lie A-dead; and when the rose dies where are gone Its scent and splendor? when the lamp is drained Whither is fled the flame? Press heavy, Night! Upon their down-dropped lids and seal their lips, That no tear stay me and no faithful voice. For all the brighter that these made my life, The bitterer it is that they and I, And all, should live as trees do -- so much spring, Such and such rains and frosts, such winter-times, And then dead leaves, with maybe spring again, Or axe-stroke at the root. This will not I, Whose life here was a God's! -- this would not I, Though all my days were godlike, while men moan Under their darkness. Therefore farewell, friends! While life is good to give, I give, and go To seek deliverance and that unknown Light!" *** Then, lightly treading where those sleepers lay, Into the night Siddartha passed: its eyes, The watchful stars, looked love on him: its breath, The wandering wind, kissed his robe's fluttered fringe The garden-blossoms, folded for the dawn, Opened their velvet hearts to waft him scents From pink and purple censers: o'er the land, From Himalaya unto the Indian Sea, A tremor spread, as if earth's soul beneath
Stirred with an unknown hope; and holy books Which tell the story of our Lord -- say, too, That rich celestial musics thrilled the air From hosts on hosts of shining ones, who thronged Eastward and westward, making bright the night -Northward and southward, making glad the ground. Also those four dread Regents of the Earth, Descending at the doorway, two by two, -With their bright legions of Invisibles In arms of sapphire, silver, gold, and pearl -Watched with joined hands the Indian Prince, who stood, His tearful eyes raised to the stars, and lips Close-set with purpose of prodigious love. Then strode he forth into the gloom and cried, "Channa, awake! and bring out Kantaka!" "What would my Lord?" the charioteer replied -Slow-rising from his place beside the gate -To ride at night when all the ways are dark?" "Speak low," Siddârtha said, "and bring my horse, For now the hour is come when I should quit This golden prison where my heart lives caged To find the truth; which henceforth I will seek, For all men's sake, until the truth be found." "Alas! dear Prince," answered the charioteer, "Spake then for nought those wise and holy men Who cast the stars and bade us wait the time When King Suddhôdana's great son should rule Realms upon realms, and be a Lord of lords? Wilt thou ride hence and let the rich world slip Out of thy grasp, to bold a beggar's bowl? Wilt thou go forth into the friendless waste That hast this Paradise of pleasures here?" The Prince made answer, "Unto this I came, And not for thrones: the kingdom that I crave Is more than many realms -- and all things pass To change and death. Bring me forth Kantaka!" "Most honored," spake again the charioteer, Bethink thee of my Lord thy father's grief! Bethink thee of their woe whose bliss thou art -How shalt thou help them, first undoing them?" Siddârtha answered, "Friend, that love is false Which clings to love for selfish sweets of love But I, who love these more than joys of mine -Yea, more than joy of theirs -- depart to save Them and all flesh, if utmost love avail Go, bring me Kantaka!" Then Channa said,
"Master, I go!" and forthwith, mournfully, Unto the stall he passed, and from the rack Took down the silver bit and bridle-chains, Breast-cord and curb, and knitted fast the straps, And linked the hooks, and led out Kantaka: Whom tethering to the ring, he combed and dressed, Stroking the snowy coat to silken gloss; Next on the steed he laid the numdah square, Fitted the saddle-cloth across, and set The saddle fair, drew tight the jewelled girths, Buckled the breech-bands and the martingale, And made fall both the stirrups of worked gold. Then over all he cast a golden net, With tassels of seed-pearl and silken strings, And led the great horse to the palace door, Where stood the Prince; but when he saw his Lord. Right glad he waxed and joyously he neighed, Spreading his scarlet nostrils; and the books Write, "Surely all had heard Kantaka's neigh, And that strong trampling of his iron heels, Save that the Devas laid their unseen wings Over their ears and kept the sleepers deaf." Fondly Sidd창rtha drew the proud head down, Patted the shining neck, and said, "Be still, White Kantaka! be still, and bear me now The farthest journey ever rider rode; For this night take I horse to find the truth, And where my quest will end yet know I not, Save that it shall not end until I find. Therefore to-night, good steed, be fierce and bold! Let nothing stay thee, though a thousand blades Deny the road! let neither wall nor moat Forbid our flight! Look! if I touch thy flank And cry, 'On, Kantaka!' let whirlwinds lag Behind thy course! Be fire and air, my horse! To stead thy Lord, so shalt thou share with him The greatness of this deed which helps the world For therefore ride I, not for men alone, But for all things which, speechless, share our pain And have no hope, nor wit to ask for hope. Now, therefore, bear thy master valorously!" Then to the saddle lightly leaping, he Touched the arched crest, and Kantaka sprang forth With armed hoofs sparkling on the stones and ring Of champing bit; but none did hear that sound, For that the Suddha Devas, gathering near, Plucked the red mohra-flowers and strewed them thick Under his tread, while hands invisible Muffled the ringing bit and bridle chains.
Moreover, it is written when they came Upon the pavement near the inner gates, The Yakshas of the air laid magic cloths Under the stallion's feet, so that he went Softly and still. *** But when they reached the gate Of tripled brass -- which hardly fivescore men Served to unbar and open -- lo! the doors Rolled back all silently, though one might hear In daytime two koss off the thunderous roar Of those grim hinges and unwieldy plates. Also the middle and the outer gates Unfolded each their monstrous portals thus In silence as Sidd창rtha and his steed Drew near; while underneath their shadow lay, Silent as dead men, all those chosen guards -The lance and sword let fall, the shields unbraced, Captains and soldiers -- for there came a wind, Drowsier than blows o'er Malwa's fields of sleep, Before the Prince's path, which, being breathed, Lulled every sense aswoon: and so he passed Free from the palace. When the morning star Stood half a spear's length from the eastern rim, And o'er the earth the breath of morning sighed Rippling Anoma's wave, the border-stream, Then drew he rein, and leaped to earth and kissed White Kantaka betwixt the ears, and spake Full sweet to Channa: "This which thou hast done Shall bring thee good and bring all creatures good. Be sure I love thee always for thy love. Lead back my horse and take my crest-pearl here, My princely robes, which henceforth stead me not, My jewelled sword-belt and my sword, and these The long locks by its bright edge severed thus From off my brows. Give the King all, and say Sidd창rtha prays forget him till he come Ten times a Prince, with royal wisdom won From lonely searchings and the strife for light; Where, if I conquer, lo! all earth is mine -Mine by chief service! -- tell him -- mine by love Since there is hope for man only in man, And none hath sought for this as I will seek, Who cast away my world to save my world."
---o0o---
5. Book the Fifth
The Search Round Rajagriha five fair hills arose, Guarding King Bimbas창ra's sylvan town: Baibh창ra green with lemon-grass and palms; Bipulla, at whose foot thin Sarsuti Steals with warm ripple; shadowy Tapovan, Whose steaming pools mirror black rocks, which ooze Sovereign earth-butter from their rugged roofs South-east the vulture-peak Sail창giri; And eastward Ratnagiri, hill of gems. A winding track, paven with footworn slabs, Leads thee by safflower fields and bamboo tufts Under dark mangoes and the jujube-trees, Past milk-white veins of rock and jasper crags, Low cliff and flats of jungle-flowers, to where The shoulder of that mountain, sloping west, O'erhangs a cave with wild figs canopied. Lo! thou who comest thither, bare thy feet And bow thy head! for all this spacious earth Hath not a spot more dear and hallowed. Here Lord Buddha sate the scorching summers through, The driving rains, the chilly dawns and eves; Wearing for all men's sakes the yellow robe, Eating in beggar's guise the scanty meal Chance-gathered from the charitable; at night Couched on the grass, homeless, alone; while yelped The sleepless jackals round his cave, or coughs Of famished tiger from the thicket broke. By day and night here dwelt the World-honored, Subduing that fair body born for bliss With fast and frequent watch and search intense Of silent meditation, so prolonged That ofttimes while he mused -- as motionless As the fixed rock his seat -- the squirrel leaped Upon his knee, the timid quail led forth Her brood between his feet, and blue doves pecked The rice-grains from the bowl beside his hand. Thus would he muse from noontide -- when the land Shimmered with heat, and walls and temples danced In the reeking air -- till sunset, noting not The blazing globe roll down, nor evening glide,
Purple and swift, across the softened fields; Nor the still coming of the stars, nor throb Of drum-skins in the busy town, nor screech Of owl and night-jar; wholly wrapt from self In keen unravelling of the threads of thought And steadfast pacing of life's labyrinths. Thus would he sit till midnight hushed the world Save where the beasts of darkness in the brake Crept and cried out, as fear and hatred cry, As lust and avarice and anger creep In the black jungles of man's ignorance. Then slept he for what space the fleet moon asks To swim a tenth part of her cloudy sea; But rose ere the False-dawn, and stood again Wistful on some dark platform of his hill, Watching the sleeping earth with ardent eyes And thoughts embracing all its living things, While o'er the waving fields that murmur moved Which is the kiss of Morn waking the lands, And in the east that miracle of Day Gathered and grew. At first a dusk so dim Night seems still unaware of whispered dawn, But soon -- before the jungle-cock crows twice -A white verge clear, a widening, brightening white, High as the herald-star, which fades in floods Of silver, warming into pale gold, caught By topmost clouds, and flaming on their rims To fervent golden glow, flushed from the brink With saffron, scarlet, crimson, amethyst; Whereat the sky burns splendid to the blue, And, robed in raiment of glad light, the King Of Life and Glory cometh! Then our Lord, After the manner of a Rishi, hailed The rising orb, and went -- ablutions made -Down by the winding path unto the town; And in the fashion of a Rishi passed From street to street, with begging-bowl in hand, Gathering the little pittance of his needs. Soon was it filled, for all the townsmen cried, "Take of our store, great sir!" and "Take of ours!" Marking his godlike face and eyes enwrapt; And mothers, when they saw our Lord go by, Would bid their children fall to kiss his feet, And lift his robe's hem to their brows, or run To fill his jar, and fetch him milk and cakes. And ofttimes as he paced, gentle and slow, Radiant with heavenly pity, lost in care
For those he knew not, save as fellow-lives, The dark surprised eyes of some Indian maid Would dwell in sudden love and worship deep On that majestic form, as if she saw Her dreams of tenderest thought made true, and grace Fairer than mortal fire her breast. But he Passed onward with the bowl and yellow robe, By mild speech paying all those gifts of hearts, Wending his way back to the solitudes To sit upon his hill with holy men, And hear and ask of wisdom and its roads. *** Midway on Ratnagiri's groves of calm, Beyond the city, but below the caves, Lodged such as hold the body foe to soul, And flesh a beast which men must chain and tame With bitter pains, till sense of pain is killed, And tortured nerves vex torturer no more -Yogis and Brahmacharis, Bhikshus, all A gaunt and mournful band, dwelling apart. Some day and night had stood with lifted arms, Till -- drained of blood and withered by disease -Their slowly-wasting joints and stiffened limbs Jutted from sapless shoulders like dead forks From forest trunks. Others had clenched their hands So long and with so fierce a fortitude, The claw-like nails grew through the festered palm. Some walked on sandals spiked; some with sharp flints Gashed breast and brow and thigh, scarred these with fire, Threaded their flesh with jungle thorns and spits, Besmeared with mud and ashes, crouching foul In rags of dead men wrapped about their loins. Certain there were inhabited the spots Where death-pyres smouldered, cowering defiled With corpses for their company, and kites Screaming around them o'er the funeral-spoils: Certain who cried five hundred times a day The names of Shiva, wound with darting snakes About their sun-tanned necks and hollow flanks One palsied foot drawn up against the ham. So gathered they, a grievous company; Crowns blistered by the blazing heat, eyes bleared, Sinews and muscles shrivelled, visages Haggard and wan as slain men's, five days dead; Here crouched one in the dust who noon by noon Meted a thousand grains of millet out, Ate it with famished patience, seed by seed,
And so starved on; there one who bruised his pulse With bitter leaves lest palate should be pleased; And next, a miserable saint self-maimed, Eyeless and tongueless, sexless, crippled, deaf; The body by the mind being thus stripped For glory of much suffering, and the bliss Which they shall win -- say holy books -- whose woe Shames gods that send us woe, and makes men gods Stronger to suffer than Hell is to harm. Whom sadly eying spake our Lord to one, Chief of the woe-begones: "Much-suffering sir! These many moons I dwell upon the hill -Who am a seeker of the Truth -- and see My brothers here, and thee, so piteously Self-anguished; wherefore add ye ills to life Which is so evil?" Answer made the sage: " Tis written if a man shall mortify His flesh, till pain be grown the life he lives And death voluptuous rest, such woes shall purge Sin's dross away, and the soul, purified, Soar from the furnace of its sorrow, winged For glorious spheres and splendor past all thought." "Yon cloud which floats in heaven," the Prince replied, "Wreathed like gold cloth around your Indra's throne, Rose thither from the tempest-driven sea; But it must fall again in tearful drops, Trickling through rough and painful water-ways By cleft and nullah and the muddy flood, To Gunga and the sea, wherefrom it sprang. Know'st thou, my brother, if it be not thus, After their many pains, with saints in bliss? Since that which rises falls, and that which buys Is spent; and if ye buy heav'n with your blood In hell's hard market, when the bargain's through The toil begins again!" "It may begin," The hermit moaned. "Alas! we know not this, Nor surely anything; yet after night Day comes, and after turmoil peace, and we Hate this accursed flesh which clogs the soul That fain would rise; so, for the sake of soul, We stake brief agonies in game with Gods To gain the larger joys." "Yet if they last A myriad years," he said, "they fade at length, Those joys; or if not, is there then some life Below, above, beyond, so unlike life It will not change? Speak! do your Gods endure
For ever, brothers?" "Nay," the Yogis said, "Only great Brahm endures: the Gods but live." Then spake Lord Buddha: "Will ye, being wise, As ye seem holy and strong-hearted ones, Throw these sore dice, which are your groans and moans, For gains which maybe dreams, and must have end? Will ye, for love of soul, so loathe your flesh, So scourge and maim it, that it shall not serve To bear the spirit on, searching for home, But founder on the track before nightfall, Like willing steed o'er-spurred? Will ye, sad sirs, Dismantle and dismember this fair house, Where we have come to dwell by painful pasts; Whose windows give us light -- the little light -Whereby we gaze abroad to know if dawn Will break, and whither winds the better road?" Then cried they, "We have chosen this for road And tread it, Rajaputra, till the close Though all its stones were fire -- in trust of death. Speak, if thou know'st a way more excellent; If not, peace go with thee!" Onward he passed, Exceeding sorrowful, seeing how men Fear so to die they are afraid to fear, Lust so to live they dare not love their life, But plague it with fierce penances, belike To please the Gods who grudge pleasure to man; Belike to balk hell by self-kindled hells; Belike in holy madness, hoping soul May break the better through their wasted flesh. "Oh, flowerets of the field!" Sidd창rtha said, "Who turn your tender faces to the sun -Glad of the light, and grateful with sweet breath Of fragrance and these robes of reverence donned Silver and gold and purple -- none of ye Miss perfect living, none of ye despoil Your happy beauty. Oh, ye palms! which rise Eager to pierce the sky and drink the wind Blown from Malaya and the cool blue seas, What secret know ye that ye grow content, From time of tender shoot to time of fruit, Murmuring such sun-songs from your feathered crowns? Ye, too, who dwell so merry in the trees -Quick-darting parrots, bee-birds, bulbuls, doves -None of ye hate your life, none of ye deem To strain to better by foregoing needs! But man, who slays ye -- being lord -- is wise,
And wisdom, nursed on blood, cometh thus forth In self-tormentings!" While the Master spake Blew down the mount the dust of pattering feet, White goats and black sheep winding slow their way, With many a lingering nibble at the tufts, And wanderings from the path, where water gleamed Or wild figs hung. But always as they strayed The herdsman cried, or slung his sling, and kept The silly crowd still moving to the plain. A ewe with couplets in the flock there was, Some hurt had lamed one lamb, which toiled behind Bleeding, while in the front its fellow skipped, And the vexed dam hither and thither ran, Fearful to lose this little one or that; Which when our Lord did mark, full tenderly He took the limping lamb upon his neck, Saying, "Poor woolly mother, be at peace! Whither thou goest I will bear thy care; 'Twere all as good to ease one beast of grief As sit and watch the sorrows of the world In yonder caverns with the priests who pray." "But," spake he to the herdsmen, "wherefore, friends! Drive ye the flocks adown under high noon, Since 'tis at evening that men fold their sheep?" And answer gave the peasants: "We are sent To fetch a sacrifice of goats five score, And five score sheep, the which our Lord the King Slayeth this night in worship of his gods." Then said the Master: "I will also go!" So paced he patiently, bearing the lamb Beside the herdsmen in the dust and sun, The wistful ewe low-bleating at his feet. Whom, when they came unto the river-side, A woman -- dove-eyed, young, with tearful face, And lifted hands -- saluted, bending low: "Lord! thou art he," she said, "who yesterday Had pity on me in the fig-grove here, Where I live lone and reared my child; but he Straying amid the blossoms found a snake, Which twined about his wrist, whilst he did laugh And tease the quick forked tongue and opened mouth Of that cold playmate. But, alas! ere long He turned so pale and still, I could not think Why he should cease to play, and let my breast Fall from his lips. And one said, 'He is sick Of poison;' and another, 'He will die.'
But I, who could not lose my precious boy, Prayed of them physic, which might bring the light Back to his eyes; it was so very small That kiss-mark of the serpent, and I think It could not hate him, gracious as he was, Nor hurt him in his sport. And some one said, 'There is a holy man upon the hill -Lo! now he passeth in the yellow robe Ask of the Rishi if there be a cure For that which ails thy son.' Whereon I came Trembling to thee, whose brow is like a god's, And wept and drew the face cloth from my babe, Praying thee tell what simples might be good. And thou, great sir! didst spurn me not, but gaze With gentle eyes and touch with patient hand; Then draw the face-cloth back, saying to me, 'Yea! little sister, there is that might heal Thee first, and him, if thou, couldst fetch the thing; For they who seek physicians bring to them What is ordained. Therefore, I pray thee, find Black mustard-seed, a tola; only mark Thou take it not from any hand or house Where father, mother, child, or slave hath died; It shall be well if thou canst find such seed.' Thus didst thou speak, my Lord!" The Master smiled Exceeding tenderly. "Yea! I spake thus, Dear Kisag么tami! But didst thou find The seed?" "I went, Lord, clasping to my breast The babe, grown colder, asking at each hut -Here in the jungle and towards the town -'I pray you, give me mustard, of your grace, A tola -- black;' and each who had it gave, For all the poor are piteous to the poor; But when I asked, 'In my friend's household here Hath any peradventure ever died -Husband or wife, or child, or slave?' they said: 'O Sister! what is this you ask? the dead Are very many, and the living few!' So with sad thanks I gave the mustard back, And prayed of others; but the others said, 'Here is the seed, but we have lost our slave!' 'Here is the seed, but our good man is dead!' 'Here is some seed, but he that sowed it died Between the rain-time and the harvesting!' Ah, sir! I could not find a single house Where there was mustard-seed and none had died! Therefore I left my child -- who would not suck
Nor smile -- beneath the wild-vines by the stream, To seek thy face and kiss thy feet, and pray Where I might find this seed and find no death, If now, indeed, my baby be not dead, As I do fear, and as they said to me." "My sister! thou hast found," the Master said, "Searching for what none finds -- that bitter balm I had to give thee. He thou lovedst slept Dead on thy bosom yesterday: to-day Thou know'st the whole wide world weeps with thy woe The grief which all hearts share grows less for one. Lo! I would pour my blood if it could stay Thy tears and win the secret of that curse Which makes sweet love our anguish, and which drives O'er flowers and pastures to the sacrifice -As these dumb beasts are driven -- men their lords. I seek that secret: bury thou thy child!" *** So entered they the city side by side, The herdsmen and the Prince, what time the sun Gilded slow Sona's distant stream, and threw Long shadows down the street and through the gate Where the King's men kept watch. But when these saw Our Lord bearing the lamb, the guards stood back, The market-people drew their wains aside, In the bazaar buyers and sellers stayed The war of tongues to gaze on that mild face; The smith, with lifted hammer in his hand, Forgot to strike; the weaver left his web, The scribe his scroll, the money-changer lost His count of cowries; from the unmatched rice Shiva's white bull fed free; the wasted milk Ran o'er the Iota while the milkers watched The passage of our Lord moving so meek, With yet so beautiful a majesty. But most the women gathering in the doors Asked, "Who is this that brings the sacrifice So graceful and peace-giving as he goes? What is his caste? whence hath he eyes so sweet? Can he be S창kra or the Devaraj?" And others said, "It is the holy man Who dwelleth with the Rishis on the hill." But the Lord paced, in meditation lost, Thinking, "Alas! for all my sheep which have No shepherd; wandering in the night with none To guide them; bleating blindly towards the knife Of Death, as these dumb beasts which are their kin."
Then some one told the King, "There cometh here A holy hermit, bringing down the flock Which thou didst bid to crown the sacrifice." The King stood in his hall of offering, On either hand the white-robed Brahmans ranged Muttered their mantras, feeding still the fire Which roared upon the midmost altar. There From scented woods flickered bright tongues of flame, Hissing and curling as they licked the gifts Of ghee and spices and the Soma juice, The joy of Indra. Round about the pile A slow, thick, scarlet streamlet smoked and ran, Sucked by the sand, but ever rolling down, The blood of bleating victims. One such lay, A spotted goat, long-horned, its head bound back With munja grass; at its stretched throat the knife Pressed by a priest, who murmured, "This, dread gods, Of many yajnas cometh as the crown From Bimbas창ra: take ye joy to see The spirted blood, and pleasure in the scent Of rich flesh roasting 'mid the fragrant flames; Let the King's sins be laid upon this goat, And let the fire consume them burning it, For now I strike." But Buddha softly said, "Let him not strike, great King!" and therewith loosed The victim's bonds, none staying him, so great His presence was. Then, craving leave, he spake Of life, which all can take but none can give, Life, which all creatures love and strive to keep, Wonderful, dear and pleasant unto each, Even to the meanest; yea, a boon to all Where pity is, for pity makes the world Soft to the weak and noble for the strong. Unto the dumb lips of his flock he lent Sad pleading words, showing how man, who prays For mercy to the gods, is merciless, Being as god to those; albeit all life Is linked and kin, and what we slay have given Meek tribute of the milk and wool, and set Fast trust upon the hands which murder them. Also he spake of what the holy books Do surely teach, how that at death some sink To bird and beast, and these rise up to man In wanderings of the spark which grows purged flame. So were the sacrifice new sin, if so The fated passage of a soul be stayed. Nor, spake he, shall one wash his spirit clean
By blood; nor gladden gods, being good, with blood; Nor bribe them, being evil; nay, nor lay Upon the brow of innocent bound beasts One hair's weight of that answer all must give For all things done amiss or wrongfully, Alone, each for himself, reckoning with that The fixed arithmic of the universe, Which meteth good for good and ill for ill, Measure for measure, unto deeds, words, thoughts; Watchful, aware, implacable, unmoved; Making all futures fruits of all the pasts. Thus spake he, breathing words so piteous With such high lordliness of ruth and right, The priests drew back their garments o'er the hands Crimsoned with slaughter, and the King came near, Standing with clasped palms reverencing Buddh; While still our Lord went on, teaching how fair This earth were if all living things be linked In friendliness and common use of foods, Bloodless and pure; the golden grain, bright fruits, Sweet herbs which grow for all, the waters wan, Sufficient drinks and meats. Which when these heard, The might of gentleness so conquered them, The priests themselves scattered their altar-flames And flung away the steel of sacrifice; And through the land next day passed a decree Proclaimed by criers, and in this wise graved On rock and column: "Thus the King's will is: -There hath been slaughter for the sacrifice And slaying for the meat, but henceforth none Shall spill the blood of life nor taste of flesh, Seeing that knowledge grows, and life is one, And mercy cometh to the merciful." So ran the edict, and from those days forth Sweet peace hath spread between all living kind, Man and the beasts which serve him, and the birds, On all those banks of Gunga where our Lord Taught with his saintly pity and soft speech. For aye so piteous was the Master's heart To all that breathe this breath of fleeting life, Yoked in one fellowship of joys and pains, That it is written in the holy books How, in an ancient age -- when Buddha wore A Brahman's form, dwelling upon the rock Named Munda, by the village of D창lidd -Drought withered all the land: the young rice died Ere it could hide a quail; in forest glades A fierce sun sucked the pools; grasses and herbs
Sickened, and all the woodland creatures fled Scattering for sustenance. At such a time, Between the hot walls of a nullah, stretched On naked stones, our Lord spied, as he passed, A starving tigress. Hunger in her orbs Glared with green flame; her dry tongue lolled span Beyond the gasping jaws and shrivelled jowl; Her painted hide hung wrinkled on her ribs, As when between the rafters sinks a thatch Rotten with rains; and at the poor lean dugs Two cubs, whining with famine, tugged and sucked, Mumbling those milkless teats which rendered nought, While she, their gaunt dam, licked full motherly The clamorous twins, yielding her flank to them With moaning throat, and love stronger than want, Softening the first of that wild cry wherewith She laid her famished muzzle to the sand And roared a savage thunder-peal of woe. Seeing which bitter strait, and heeding nought Save the immense compassion of a Buddh, Our Lord bethought, "There is no other way To help this murderess of the woods but one. By sunset these will die, having no meat: There is no living heart will pity her, Bloody with ravin, lean for lack of blood. Lo! if I feed her, who shall lose but I, And how can love lose doing of its kind Even to the uttermost?" So saying, Buddh Silently laid aside sandals and staff, His sacred thread, turban, and cloth, and came Forth from behind the milk-bush on the sand, Saying, "Ho! mother, here is meat for thee!" Whereat the perishing beast yelped hoarse and shrill, Sprang from her cubs, and, hurling to the earth That willing victim, had her feast of him With all the crooked daggers of her claws Rending his flesh, and all her yellow fangs Bathed in his blood: the great cat's burning breath Mixed with the last sigh of such fearless love. Thus large the Master's heart was long ago, Not only now, when with his gracious ruth He bade cease cruel worship of the Gods. And much King Bimbas창ra prayed our Lord -Learning his royal birth and holy search -To tarry in that city, saying oft, "Thy princely state may not abide such fasts; Thy hands were made for sceptres, not for alms. Sojourn with me, who have no son to rule,
And teach my kingdom wisdom, till I die, Lodged in my palace with a beauteous bride." But ever spake Siddârtha, of set mind, "These things I had, most noble King, and left, Seeking the Truth; which still I seek, and shall; Not to be stayed though Sâkra's Palace ope'd Its doors of pearl and Devîs wooed me in. I go to build the Kingdom of the Law, Journeying to Gaya and the forest shades, Where, as I think, the light will come to me; For nowise here among the Rishis comes That light, nor from the Shasters, nor from fasts Borne till the body faints, starved by the soul. Yet there is light to reach and truth to win; And surely, O true Friend, if I attain I will return and quit thy love." Thereat Thrice round the Prince King Bimbasâra paced, Reverently bending to the Master's feet, And bade him speed. So passed our Lord away Towards Uravilva, not yet comforted, And wan of face, and weak with six years' quest. But they upon the hill and in the grove -Alâra, Udra, and the ascetics five -Had stayed him, saying all was written clear In holy Shasters, and that none might win Higher than Sruti and than Smriti -- nay, Not the chief saints! -- for how should mortal man Be wiser than the Jnana-Kând, which tells How Brahm is bodiless and actionless, Passionless, calm, unqualified, unchanged, Pure life, pure thought, pure joy? Or how should man Be better than the Karmma-Kând, which shows How he may strip passion and action off, Break from the bond of self, and so, unsphered, Be God, and melt into the vast divine, Flying from false to true, from wars of sense To peace eternal, where the silence lives? But the Prince heard them, not yet comforted. ---o0o---
6. Book the Sixth
Enlightenment Thou who wouldst see where dawned the light at last, North-westwards from the "Thousand Gardens" go By Gunga's valley till thy steps be set On the green hills where those twin streamlets spring Nilâjan and Mohâna; follow them, Winding beneath broad-leaved mahúa-trees, 'Mid thickets of the sansár and the bir, Till on the plain the shining sisters meet In Phalgú's bed, flowing by rocky banks To Gâya and the red Barabar hills. Hard by that river spreads a thorny waste, Uruwelaya named in ancient days, With sandhills broken; on its verge a wood Waves sea-green plumes and tassels 'thwart the sky, With undergrowth wherethrough a still flood steals, Dappled with lotus-blossoms, blue and white, And peopled with quick fish and tortoises. Near it the village of Senáni reared Its roofs of grass, nestled amid the palms, Peaceful with simple folk and pastoral toils. There in the sylvan solitudes once more Lord Buddha lived, musing the woes of men, The ways of fate, the doctrines of the books, The lessons of the creatures of the brake, The secrets of the silence whence all come, The secrets of the gloom whereto all go, The life which lies between, like that arch flung From cloud to cloud across the sky, which hath Mists for its masonry and vapory piers, Melting to void again which was so fair With sapphire hues, garnet, and chrysoprase. Moon after moon our Lord sate in the wood, So meditating these that he forgot Ofttimes the hour of food, rising from thoughts Prolonged beyond the sunrise and the noon To see his bowl unfilled, and eat perforce Of wild fruit fallen from the boughs o'erhead, Shaken to earth by chattering ape or plucked By purple parokeet. Therefore his grace Faded; his body, worn by stress of soul, Lost day by day the marks, thirty and two, Which testify the Buddha. Scarce that leaf, Fluttering so dry and withered to his feet
From off the sâl-branch, bore less likeliness Of spring's soft greenery than he of him Who was the princely flower of all his land. *** And once at such a time the o'erwrought Prince Fell to the earth in deadly swoon, all spent, Even as one slain, who hath no longer breath Nor any stir of blood; so wan he was, So motionless. But there came by that way A shepherd-boy, who saw Siddârtha lie With lids fast-closed, and lines of nameless pain Fixed on his lips -- the fiery noonday sun Beating upon his head -- who, plucking boughs From wild rose-apple trees, knitted them thick Into a bower to shade the sacred face. Also he poured upon the Master's lips Drops of warm milk, pressed from his she-goat's bag, Lest, being of low caste, he do wrong to one So high and holy seeming. But the books Tell how the jambu-branches, planted thus, Shot with quick life in wealth of leaf and flower And glowing fruitage interlaced and close, So that the bower grew like a tent of silk Pitched for a king at hunting, decked with studs Of silver-work and bosses of red gold. And the boy worshipped, deeming him some God; But our Lord gaining breath, arose and asked Milk in the shepherd's lota. "Ah, my Lord, I cannot give thee," quoth the lad; "thou seest I am a Sudra, and my touch defiles!" Then the World-honored spake: "Pity and need Make all flesh kin. There is no caste in blood, Which runneth of one hue, nor caste in tears, Which trickle salt with all; neither comes man To birth with tilka-mark stamped on the brow, Nor sacred thread on neck. Who doth right deeds Is twice-born, and who doeth ill deeds vile. Give me to drink, my brother; when I come Unto my quest it shall be good for thee." Thereat the peasant's heart was glad, and gave. And on another day there passed that road A band of tinselled girls, the nautch-dancers Of Indra's temple in the town, with those Who made their music -- one that beat a drum Set round with peacock-feathers, one that blew The piping bánsuli, and one that twitched
A three-string sitar. Lightly tripped they down From ledge to ledge and through the chequered paths To some gay festival, the silver bells Chiming soft peals about the small brown feet, Armlets and wrist-rings tattling answer shrill; While he that bore the sitar thrummed and twanged His threads of brass, and she beside him sang – "Fair goes the dancing when the sitar's tuned; Tune us the sitar neither low nor high, And we will dance away the hearts of men. The string overstretched breaks, and the music flies The string o'erslack is dumb, and music dies; Tune us the sitar neither low nor high." So sang the nautch-girl to the pipe and wires, Fluttering like some vain, painted butterfly From glade to glade along the forest path, Nor dreamed her light words echoed on the ear Of him, that holy man, who sate so rapt Under the fig-tree by the path. But Buddh Lifted his great brow as the wantons passed, And spake: "The foolish ofttimes teach the wise I strain too much this string of life, belike, Meaning to make such music as shall save. Mine eyes are dim now that they see the truth, My strength is waned now that my need is most; Would that I had such help as man must have, For I shall die, whose life was all men's hope." *** Now, by that river dwelt a landholder Pious and rich, master of many herds, A goodly chief, the friend of all the poor; And from his house the village drew its name -"Senåni." Pleasant and in peace he lived, Having for wife Sujâta, loveliest Of all the dark-eyed daughters of the plain; Gentle and true, simple and kind was she, Noble of mien, with gracious speech to all And gladsome looks -- a pearl of womanhood -Passing calm years of household happiness Beside her lord in that still Indian home, Save that no male child blessed their wedded love. Wherefore with many prayers she had besought Lukshmi; and many nights at full-moon gone Round the great Lingam, nine times nine, with gifts Of rice and jasmine wreaths and sandal oil,
Praying a boy; also Suj창ta vowed -If this should be -- an offering of food Unto the Wood-God, plenteous, delicate, Set in a bowl of gold under his tree, Such as the lips of Devs may taste and take. And this had been: for there was born to her A beauteous boy, now three months old, who lay Between Suj창ta's breasts, while she did pace With grateful foot-steps to the Wood-God's shrine, One arm clasping her crimson sari close To wrap the babe, that jewel of her joys, The other lifted high in comely curve To steady on her head the bowl and dish Which held the dainty victuals for the God. But Radha, sent before to sweep the ground And tie the scarlet threads around the tree, Came eager, crying, "Ah, dear Mistress! look! There is the Wood-God sitting in his place, Revealed, with folded hands upon his knees. See how the light shines round about his brow! How mild and great he seems, with heavenly eyes! Good fortune is it thus to meet the gods." So, -- thinking him divine, -- Suj창ta drew Tremblingly nigh, and kissed the earth and said, With sweet face bent "Would that the Holy One Inhabiting this grove, Giver of good, Merciful unto me his handmaiden, Vouchsafing now his presence, might accept These our poor gifts of snowy curds, fresh-made, With milk as white as new-carved ivory!" Therewith into the golden bowl she poured The curds and milk, and on the hands of Buddh Dropped attar from a crystal flask -- distilled Out of the hearts of roses: and he ate, Speaking no word, while the glad mother stood In reverence apart. But of that meal So wondrous was the virtue that our Lord Felt strength and life return as though the nights Of watching and the days of fast had passed In dream, as though the spirit with the flesh Shared that fine meat and plumed its wings anew, Like some delighted bird at sudden streams Weary with flight o'er endless wastes of sand, Which laves the desert dust from neck and crest. And more Suj창ta worshipped, seeing our Lord Grow fairer and his countenance more bright: "Art thou indeed the God?" she lowly asked, And hath my gift found favor?
But Buddh said, "What is it thou dost bring me?" "Holy one!" Answered Suj창ta, "from our droves I took Milk of a hundred mothers, newly-calved, And with that milk I fed fifty white cows, And with their milk twenty-and-five, and then With theirs twelve more, and yet again with theirs The six noblest and best of all our herds. That yield I boiled with sandal and fine spice In silver lotas, adding rice, well grown From chosen seed, set in new-broken ground, So picked that every grain was like a pearl. This did I of true heart, because I vowed Under thy tree, if I should bear a boy I would make offering for my joy, and now I have my son and all my life is bliss!" Softly our Lord drew down the crimson fold, And, laying on the little head those hands Which help the worlds, he said, "Long be thy bliss And lightly fall on him the load of life! For thou hast holpen me who am no God, But one, thy Brother; heretofore a Prince And now a wanderer, seeking night and day These six hard years that light which somewhere shines To lighten all men's darkness, if they knew! And I shall find the light; yea, now it dawned Glorious and helpful, when my weak flesh failed Which this pure food, fair Sister, hath restored, Drawn manifold through lives to quicken life As life itself passes by many births To happier heights and purging off of sins. Yet dost thou truly find it sweet enough Only to live? Can life and love suffice?" Answered Suj창ta, "Worshipful! my heart Is little, and a little rain will fill The lily's cup which hardly moists the field. It is enough for me to feel life's sun Shine in my Lord's grace and my baby's smile, Making the loving summer of our home. Pleasant my days pass filled with household cares From sunrise when I wake to praise the gods, And give forth grain, and trim the tulsi-plant, And set my handmaids to their tasks, till noon, When my Lord lays his head upon my lap Lulled by soft songs and wavings of the fan; And so to supper-time at quiet eve, When by his side I stand and serve the cakes. Then the stars light their silver lamps for sleep,
After the temple and the talk with friends. How should I not be happy, blest so much, And bearing him this boy whose tiny hand Shall lead his soul to Swerga, if it need? For holy books teach when a man shall plant Trees for the travellers' shade, and dig a well For the folks' comfort, and beget a son, It shall be good for such after their death; And what the books say that I humbly take, Being not wiser than those great of old Who spake with gods, and knew the hymns and charms, And all the ways of virtue and of peace. Also I think that good must come of good And ill of evil -- surely -- unto all -In every place and time -- seeing sweet fruit Groweth from wholesome roots, and bitter things From poison-stocks; yea, seeing too, how spite Breeds hate, and kindness friends, and patience peace Even while we live; and when 'tis willed we die Shall there not be as good a 'Then' as 'Now'? Haply much better! since one grain of rice Shoots a green feather gemmed with fifty pearls, And all the starry champak's white and gold Lurks in those little, naked, grey spring-buds. Ah, Sir! I know there might be woes to bear Would lay fond Patience with her face in dust; If this my babe pass first I think my heart Would break -- almost I hope my heart would break! That I might clasp him dead and wait my Lord -In whatsoever world holds faithful wives -Duteous, attending till his hour should come. But if Death called Senรกni, I should mount The pile and lay that dear head in my lap, My daily way, rejoicing when the torch Lit the quick flame and rolled the choking smoke. For it is written if an Indian wife Die so, her love shall give her husband's soul For every hair upon her head a crore Of years in Swerga. Therefore fear I not. And therefore, Holy Sir! my life is glad, Nowise forgetting yet those other lives Painful and poor, wicked and miserable, Whereon the gods grant pity! but for me, What good I see humbly I seek to do, And live obedient to the law, in trust That what will come, and must come, shall come well." Then spake our Lord, "Thou teachest them who teach,
Wiser than wisdom in thy simple lore. Be thou content to know not, knowing thus Thy way of right and duty: grow, thou flower! With thy sweet kind in peaceful shade -- the light Of Truth's high noon is not for tender leaves Which must spread broad in other suns and lift In later lives a crowned head to the sky. Thou who hast worshipped me, I worship thee Excellent heart! learnéd unknowingly. As the dove is which flieth home by love. In thee is seen why there is hope for man And where we hold the wheel of life at will. Peace go with thee, and comfort all thy days As thou accomplishest, may I achieve! He whom thou thoughtest God bids thee wish this." "May'st thou achieve," she said, with earnest eyes Bent on her babe, who reached its tender hands To Buddh -- knowing, belike, as children know, More than we deem, and reverencing our Lord; But he arose -- made strong with that pure meat -And bent his footsteps where a great Tree grew, The Bôdhi-tree (thenceforward in all years Never to fade, and ever to be kept In homage of the world), beneath whose leaves It was ordained that Truth should come to Buddh: Which now the Master knew; wherefore he went With measured pace, steadfast, majestical, Unto the Tree of Wisdom. Oh, ye Worlds! Rejoice! our Lord wended unto the Tree! Whom -- as he passed into its ample shade, Cloistered with columned dropping stems, and roofed With vaults of glistening green -- the conscious earth Worshipped with waving grass and sudden flush Of flowers about his feet. The forest-boughs Bent down to shade him; from the river sighed Cool wafts of wind laden with lotus-scents Breathed by the water-gods. Large wondering eyes Of woodland creatures -- panther, boar, and deer -At peace that eve, gazed on his face benign From cave and thicket. From its cold cleft wound The mottled deadly snake, dancing its hood In honor of our Lord; bright butterflies Fluttered their vans, azure and green and gold, To be his fan-bearers; the fierce kite dropped Its prey and screamed; the striped palm-squirrel raced From stem to stem to see; the weaver-bird Chirped from her swinging nest; the lizard ran; The koïl sang her hymn; the doves flocked round; Even the creeping things were 'ware and glad.
Voices of earth and air joined in one song, Which unto ears that hear said, "Lord and Friend Lover and Saviour! Thou who hast subdued Angers and prides, desires and fears and doubts, Thou that for each and all hast given thyself, Pass to the Tree! The sad world blesseth thee Who art the Buddh that shall assuage her woes. Pass, Hailed and Honored! strive thy last for us, King and high Conqueror! thine hour is come; This is the Night the ages waited for!" *** Then fell the night even as our Master sate Under that Tree. But he who is the Prince Of Darkness, Mara -- knowing this was Buddh Who should deliver men, and now the hour When he should find the Truth and save the worlds -Gave unto all his evil powers command. Wherefore there trooped from every deepest pit The fiends who war with Wisdom and the Light, Arati, Trishna, Raga, and their crew Of passions, horrors, ignorances, lusts, The brood of gloom and dread; all hating Buddh, Seeking to shake his mind; nor knoweth one, Not even the wisest, how those fiends of Hell Battled that night to keep the Truth from Buddh: Sometimes with terrors of the tempest, blasts Of demon-armies clouding all the wind, With thunder, and with blinding lightning flung In jagged javelins of purple wrath From splitting skies; sometimes with wiles and words Fair-sounding, 'mid hushed leaves and softened airs From shapes of witching beauty; wanton songs, Whispers of love; sometimes with royal allures Of proffered rule; sometimes with mocking doubts. Making truth vain. But whether these befell Without and visible, or whether Buddh Strove with fell spirits in his inmost heart, Judge ye: -- I write what ancient books have writ. The ten chief Sins came -- Mara's mighty ones, Angels of evil -- Attav창da first, The Sin of Self, who in the Universe As in a mirror sees her fond face shown, And crying "I" would have the world say "I," And all things perish so if she endure. "If thou be'st Buddh," she said, "let others grope Lightless; it is enough that thou art Thou Changelessly; rise and take the bliss of gods
Who change not, heed not, strive not." But Buddh spake "The right in thee is base, the wrong a curse; Cheat such as love themselves." Then came wan Doubt He that denies -- the mocking Sin -- and this Hissed in the Master's ear, "All things are shows, And vain the knowledge of their vanity; Thou dost but chase the shadow of thyself; Rise and go hence, there is no better way Than patient scorn, nor any help for man, Nor any staying of his whirling wheel." But quoth our Lord, "Thou hast no part with me, False Visikitcha, subtlest of man's foes." And third came she who gives dark creeds their power, SÎlabbat-paramâsa, sorceress, Draped fair in many lands as lowly Faith, But ever juggling souls with rites and prayers; The keeper of those keys which lock up Hells And open Heavens. "Wilt thou dare," she said, Put by our sacred books, dethrone our gods, Unpeople all the temples, shaking down That law which feeds the priests and props the realms? But Buddha answered, "What thou bidd'st me keep Is form which passes, but the free Truth stands; Get thee unto thy darkness." Next there drew Gallantly nigh a braver Tempter, he, Kama, the King of passions, who hath sway Over the gods themselves, Lord of all loves, Ruler of Pleasure's realm. Laughing he came Unto the Tree, bearing his bow of gold Wreathed with red blooms, and arrows of desire Pointed with five-tongued delicate flame which stings The heart it smites sharper than poisoned barb: And round him came into that lonely place Bands of bright shapes with heavenly eyes and lips Singing in lovely words the praise of Love To music of invisible sweet chords, So witching, that it seemed the night stood still To hear them, and the listening stars and moon Paused in their orbits while these hymned to Buddh Of lost delights, and how a mortal man Findeth nought dearer in the three wide worlds Than are the yielded loving fragrant breasts Of Beauty and the rosy breast-blossoms, Love's rubies; nay, and toucheth nought more high Than is that dulcet harmony of form Seen in the fines and charms of loveliness Unspeakable, yet speaking, soul to soul, Owned by the bounding blood, worshipped by will Which leaps to seize it, knowing this is best,
This the true heaven where mortals are like gods, Makers and Masters, this the gift of gifts Ever renewed and worth a thousand woes. For who hath grieved when soft arms shut him safe, And all life melted to a happy sigh, And all the world was given in one warm kiss? So sang they with soft float of beckoning hands, Eyes lighted with love-flames, alluring smiles; In dainty dance their supple sides and limbs Revealing and concealing like burst buds Which tell their color, but hide yet their hearts. Never so matchless grace delighted eye As troop by troop these midnight-dancers swept Nearer the Tree, each daintier than the last, Murmuring "O great Siddârtha! I am thine, Taste of my mouth and see if youth is sweet!" Also, when nothing moved our Master's mind, Lo! Kama waved his magic bow, and lo! The band of dancers opened, and a shape Fairest and stateliest of the throng came forth Wearing the guise of sweet Yasôdhara. Tender the passion of those dark eyes seemed Brimming with tears; yearning those outspread arms Opened towards him; musical that moan Wherewith the beauteous shadow named his name, Sighing "My Prince! I die for lack of thee What heaven hast thou found like that we knew By bright Rohini in the Pleasure-house, Where all these weary years I weep for thee? Return, Siddârtha! ah! return. But touch My lips again, but let me to thy breast Once, and these fruitless dreams will end! Ah, look! Am I not she thou lovedst?" But Buddh said, "For that sweet sake of her thou playest thus Fair and false Shadow! is thy playing vain; I curse thee not who wear'st a form so dear, Yet as thou art so are all earthly shows. Melt to thy void again!" Thereat a cry Thrilled through the grove, and all that comely rout Faded with flickering wafts of flame, and trail Of vaporous robes. Next under darkening skies And noise of rising storm came fiercer Sins, The rearmost of the Ten; Patigha -- Hate -With serpents coiled about her waist, which suck Poisonous milk from both her hanging dugs, And with her curses mix their angry hiss.
Little wrought she upon that Holy One Who with his calm eyes dumbed her bitter lips And made her black snakes writhe to hide their fangs. Then followed Ruparaga -- Lust of days -That sensual Sin which out of greed for life Forgets to live; and next him Lust of Fame, Nobler Aruparaga, she whose spell Beguiles the wise, mother of daring deeds, Battles and toils. And haughty Mano came, The Fiend of Pride; and smooth Self-Righteousness, Uddhachcha; and -- with many a hideous band Of vile and formless things, which crept and flapped Toad-like and bat-like -- Ignorance, the Dam Of Fear and Wrong, Avidya, hideous hag, Whose footsteps left the midnight darker, while The rooted mountains shook, the wild winds howled, The broken clouds shed from their caverns streams Of levin-lighted rain; stars shot from heaven, The solid earth shuddered as if one laid Flame to her gaping wounds; the torn black air Was full of whistling wings, of screams and yells, Of evil faces peering, of vast fronts Terrible and majestic, Lords of Hell Who from a thousand Limbos led their troops To tempt the Master. *** But Buddh heeded not, Sitting serene, with perfect virtue walled As is a stronghold by its gates and ramps; Also the Sacred Tree -- the B么dhi-tree -Amid that tumult stirred not, but each leaf Glistened as still as when on moonlit eves No zephyr spills the glittering gems of dew; For all this clamor raged outside the shade Spread by those cloistered stems: In the third watch, The earth being still, the hellish legions fled, A soft air breathing from the sinking moon, Our Lord attained Samm芒-sambuddh; he saw By light which shines beyond our mortal ken The line of all his lives in all the worlds, Far back and farther back and farthest yet, Five hundred lives and fifty. Even as one, At rest upon a mountain-summit, marks His path wind up by precipice and crag, Past thick-set woods shrunk to a patch; through bogs, Glittering false-green; down hollows where he toiled Breathless; on dizzy ridges where his feet
Had well-nigh slipped; beyond the sunny lawns, The cataract and the cavern and the pool, Backward to those dim flats wherefrom he sprang To reach the blue; thus Buddha did behold Life's upward steps long-linked, from levels low Where breath is base, to higher slopes and higher Whereon the ten great Virtues wait to lead The climber skyward. Also, Buddha saw How new life reaps what the old life did sow: How where its march breaks off its march begins; Holding the gain and answering for the loss; And how in each life good begets more good, Evil fresh evil; Death but casting up Debit or credit, whereupon th' account In merits or demerits stamps itself By sure arithmic -- where no tittle drops -Certain and just, on some new-springing life Wherein are packed and scored past thoughts and deeds, Strivings and triumphs, memories and marks Of lives foregone: And in the middle watch Our Lord attained Abhidjna -- insight vast Ranging beyond this sphere to spheres unnamed, System on system, countless worlds and suns Moving in splendid measures, band by band Linked in division, one yet separate, The silver islands of a sapphire sea Shoreless unfathomed, undiminished, stirred With waves which roll in restless tides of change. He saw those Lords of Light who hold their worlds By bonds invisible, how they themselves Circle obedient round mightier orbs Which serve profounder splendors, star to star Flashing the ceaseless radiance of life From centres ever shifting unto cirques Knowing no uttermost. These he beheld With unsealed vision, and of all those worlds, Cycle on epicycle, all their tale Of Kalpas, Mahakalpas -- terms of time Which no man grasps, yea, though he knew to count The drops in Gunga from her springs to the sea, Measureless unto speech -- whereby these wax And wane; whereby each of this heavenly host Fulfils its shining life and darkling dies. Sakwal by Sakwal, depths and heights he passed Transported through the blue infinitudes, Marking -- behind all modes, above all spheres, Beyond the burning impulse of each orb --
That fixed decree at silent work which wills Evolve the dark to light, the dead to life, To fulness void, to form the yet unformed, Good unto better, better unto best, By wordless edict; having none to bid, None to forbid; for this is past all gods Immutable, unspeakable, supreme, A Power which builds, unbuilds, and builds again, Ruling all things accordant to the rule Of virtue, which is beauty, truth, and use. So that all things do well which serve the Power, And ill which hinder; nay, the worm does well Obedient to its kind; the hawk does well Which carries bleeding quarries to its young; The dewdrop and the star shine sisterly, Globing together in the common work; And man who lives to die, dies to live well So if he guide his ways by blamelessness And earnest will to hinder not but help All things both great and small which suffer life. These did our Lord see in the middle watch. But when the fourth watch came the secret came Of Sorrow, which with evil mars the law, As damp and dross hold back the goldsmith's fire. Then was the Dukha-satya opened him First of the "Noble Truths;" how Sorrow is Shadow to life, moving where life doth move; Not to be laid aside until one lays Living aside, with all its changing states, Birth, growth, decay, love, hatred, pleasure, pain Being and doing. How that none strips off These sad delights and pleasant griefs who lacks Knowledge to know them snares; but he who knows Avidya -- Delusion -- sets those snares, Loves life no longer but ensues escape. The eyes of such a one are wide, he sees Delusion breeds Sankh창ra, Tendency Perverse: Tendency Energy -- Vidnn창n -Whereby comes Namar청pa, local form And name and bodiment, bringing the man With senses naked to the sensible, A helpless mirror of all shows which pass Across his heart; and so Vedan창 grows -'Sense-life' -- false in its gladness, fell in sadness, But sad or glad, the Mother of Desire, Trishna, that thirst which makes the living drink Deeper and deeper of the false salt waves Whereon they float, pleasures, ambitions, wealth,
Praise, fame, or domination, conquest, love; Rich meats and robes, and fair abodes, and pride Of ancient lines, and lust of days, and strife To live, and sins that flow from strife, some sweet, Some bitter. Thus Life's thirst quenches itself With draughts which double thirst, but who is wise Tears from his soul this Trishna, feeds his sense No longer on false shows, files his firm mind To seek not, strive not, wrong not; bearing meek All ills which flow from foregone wrongfulness, And so constraining passions that they die Famished; till all the sum of ended life – The Karma -- all that total of a soul Which is the things it did, the thoughts it had, The 'Self' it wove -- with woof of viewless time, Crossed on the warp invisible of acts -The outcome of him on the Universe, Grows pure and sinless; either never more Needing to find a body and a place, Or so informing what fresh frame it takes In new existence that the new toils prove Lighter and lighter not to be at all, Thus "finishing the Path;" free from Earth's cheats; Broken from ties -- from Upâdânas -- saved From whirling on the wheel; aroused and sane As is a man wakened from hateful dreams. Until -- greater than Kings, than Gods more glad! -The aching craze to live ends, and life glides -Lifeless -- to nameless quiet, nameless joy, Blessed NIRVANA -- sinless, stirless rest -That change which never changes! Lo! the Dawn Sprang with Buddh's Victory! lo! in the East Flamed the first fires of beauteous day, poured forth Through fleeting folds of Night's black drapery. High in the widening blue the herald-star Faded to paler silver as there shot Brighter and brightest bars of rosy gleam Across the grey. Far off the shadowy hills Saw the great Sun, before the world was 'ware, And donned their crowns of crimson; flower by flower Felt the warm breath of Mom and 'gan unfold Their tender lids. Over the spangled grass Swept the swift footsteps of the lovely Light, Turning the tears of Night to joyous gems, Decking the earth with radiance 'broidering. The sinking storm-clouds with a golden fringe,
Gilding the feathers of the palms, which waved Glad salutation; darting beams of gold Into the glades; touching with magic wand The stream to rippled ruby; in the brake Finding the mild eyes of the antelopes And saying "it is day;" in nested sleep Touching the small heads under many a wing And whispering, "Children, praise the light of day!" Whereat there piped anthems of all the birds, The Köil's fluted song, the Bulbul's hymn, The "morning, morning" of the painted thrush, The twitter of the sunbirds starting forth To find the honey ere the bees be out The grey crow's caw, the parrot's scream, the strokes Of the green hammersmith, the myna's chirp, The never finished love-talk of the doves: Yea! and so holy was the influence Of that high Dawn which came with victory That, far and near, in homes of men there spread An unknown peace. The slayer hid his knife; The robber laid his plunder back; the shroff Counted full tale of coins; all evil hearts Grew gentle, kind hearts gentler, as the balm Of that divinest Daybreak lightened Earth. Kings at fierce war called truce; the sick men leaped Laughing from beds of pain; the dying smiled As though they knew that happy Morn was sprung From fountains farther than the utmost East; And o'er the heart of sad Yasôdhara, Sitting forlorn at Prince Siddârtha's bed, Came sudden bliss, as if love should not fail Nor such vast sorrow miss to end in joy. So glad the World was -- though it wist not why That over desolate wastes went swooning songs Of mirth, the voice of bodiless Prets and Bhuts Foreseeing Buddh; and Devas in the air Cried "It is finished, finished!" and the priests Stood with the wondering people in the streets Watching those golden splendors flood the sky And saying "There hath happed some mighty thing." Also in Ran and Jungle grew that day Friendship amongst the creatures; spotted deer Browsed fearless where the tigress fed her cubs, And cheetahs lapped the pool beside the bucks; Under the eagle's rock the brown hares scoured While his fierce beak but preened an idle wing; The snake sunned all his jewels in the beam With deadly fangs in sheath; the shrike let pass
The nestling-finch; the emerald halcyons Sate dreaming while the fishes played beneath, Nor hawked the merops, though the butterflies -Crimson and blue and amber -- flitted thick Around his perch; the Spirit of our Lord Lay potent upon man and bird and beast, Even while he mused under that Bôdhi-tree, Glorified with the Conquest gained for all And lightened by a Light greater than Day's. Then he arose -- radiant, rejoicing, strong -Beneath the Tree, and lifting high his voice Spake this, in hearing of all Times and Worlds: -Anékajátisangsârang Sandhdwissang anibhisang Gahakárakangawesanto Dukkhájátipunappunang. Gahakárakadithósi; Punagehang nakáhasi; Sabhátephásukhábhaggá, Gahakútangwisang khitang; Wisangkháragatang chittang; Janhánangkhayamajhagá. MANY A HOUSE OF LIFE HATH HELD ME -- SEEKING EVER HIM WHO WROUGHT THESE PRISONS OF THE SENSES, SORROW-FRAUGHT; SORE WAS MY CEASELESS STRife! BUT NOW, THOU BUILDER OF THIS TABERNACLE -- THOU! I KNOW THEE! NEVER SHALT THOU BUILD AGAIN THESE WALLS OF PAIN, NOR RAISE THE ROOF-TREE OF DECEITS, NOR LAY FRESH RAFTERS ON THE CLAY; BROKEN THY HOUSE IS, AND THE RIDGE-POLE SPLIT! DELUSION FASHIONED IT! SAFE PASS I THENCE -- DELIVERANCE TO OBTAIN. ---o0o---
7. Book the Seventh.
The Return Sorrowful dwelt the King Suddhôdana All those long years among the Sâkya Lords Lacking the speech and presence of his Son; Sorrowful sate the sweet Yasôdhara All those long years, knowing no joy of life, Widowed of him her living Liege and Prince And ever, on the news of some recluse Seen far away by pasturing camel-men Or traders threading devious paths for gain, Messengers from the King had gone and come Bringing account of many a holy sage Lonely and lost to home; but nought of him The crown of white Kapilavastu's line, The glory of her monarch and his hope, The heart's content of sweet Yasôdhara, Far-wandered now, forgetful, changed, or dead. But on a day in the Wasanta-time, When silver sprays swing on the mango-trees And all the earth is clad with garb of spring, The Princess sate by that bright garden-stream Whose gliding glass, bordered with lotus-cups, Mirrored so often in the bliss gone by Their clinging hands and meeting lips. Her lids Were wan with tears, her tender cheeks had thinned Her lips' delicious curves were drawn with grief; The lustrous glory of her hair was hid -Close-bound as widows use; no ornament She wore, nor any jewel clasped the cloth -Coarse, and of mourning-white -- crossed on her breast. Slow moved and painfully those small fine feet Which had the roe's gait and the rose-leaf's fall In old years at the loving voice of him. Her eyes, those lamps of love, -- which were as if Sunlight should shine from out the deepest dark, Illumining Night's peace with Daytime's glow Unlighted now, and roving aimlessly, Scarce marked the clustering signs of coming Spring So the silk lashes drooped over their orbs. In one hand was a girdle thick with pearls, Siddârtha's -- treasured since that night he fled -(Ah, bitter Night! mother of weeping days When was fond Love so pitiless to love Save that this scorned to limit love by life?)
The other led her little son, a boy Divinely fair, the pledge Siddârtha left -Named Rahula -- now seven years old, who tripped Gladsome beside his mother, light of heart To see the spring-blooms burgeon o'er the world. So while they lingered by the lotus-pools And, lightly laughing, Rahula flung rice To feed the blue and purple fish; and she With sad eyes watched the swiftly-flying cranes, Sighing, "Oh! creatures of the wandering wing, If I ye shall light where my dear Lord is hid, Say that Yasôdhara lives nigh to death For one word of his mouth, one touch of him!" So, as they played and sighed -- mother and child -Came some among the damsels of the Court Saying, "Great Princess! there have entered in At the south gate merchants of Hastinpûr Tripusha called and Bhalluk, men of worth, Long travelled from the loud sea's edge, who bring Marvellous lovely webs pictured with gold, Waved blades of gilded steel, wrought bowls in brass, Cut ivories, spice, simples, and unknown birds, Treasures of far-off peoples; but they bring That which doth beggar these, for He is seen Thy Lord, -- our Lord, -- the hope of all the land Siddârtha! they have seen him face to face, Yea, and have worshipped him with knees and brows, And offered offerings; for he is become All which was shown, a teacher of the wise, World-honored, holy, wonderful; a Buddh Who doth deliver men and save all flesh By sweetest speech and pity vast as Heaven: And, lo! he journeyeth hither these do say." Then -- while the glad blood bounded in her veins As Gunga leaps when first the mountain snows Melt at her springs -- uprose Yasôdhara And clapped her palms, and laughed, with brimming tears Beading her lashes. "Oh! call quick," she cried, "These merchants to my purdah, for mine ears Thirst like parched throats to drink their blessed news. Go bring them in, -- but if their tale be true, Say I will fill their girdles with much gold, With gems that Kings shall envy: come ye too, My girls, for ye shall have guerdon of this If there be gifts to speak my grateful heart." So went those merchants to the Pleasure-House, Full softly pacing through its golden ways
With naked feet, amid the peering maids, Much wondering at the glories of the Court. Whom, when they came without the purdah's folds, A voice, tender and eager, filled and charmed With trembling music, saying, "Ye are come From far, fair Sirs! and ye have seen my Lord Yea, worshipped -- for he is become a Buddh, World-honored, holy, and delivers men, And journeyeth hither. Speak! for, if this be, Friends are ye of my House, welcome and dear." Then answer made Tripusha, "We have seen That sacred Master, Princess! we have bowed Before his feet; for who was lost a Prince Is found a greater than the King of kings. Under the B么dhi-tree by Phalg煤's bank That which shall save the world hath late been wrought By him -- the Friend of all, the Prince of all -Thine most, High Lady! from whose tears men win The comfort of this Word the Master speaks. Lo! he is well, as one beyond all ills, Uplifted as a god from earthly woes, Shining with risen Truth, golden and clear. Moreover as he entereth town by town, Preaching those noble ways which lead to peace, The hearts of men follow his path as leaves Troop to wind or sheep draw after one Who knows the pastures. We ourselves have heard By Gaya in the green Tch卯rnika grove Those wondrous lips and done them reverence: He cometh hither ere the first rains fall." Thus spake he, and Yas么dhara, for joy, Scarce mastered breath to answer, "Be it well Now and at all times with ye, worthy friends! Who bring good tidings; but of this great thing Wist ye how it befell?" Then Bhalluk told Such as the people of the valleys knew Of that dread night of conflict, when the air Darkened with fiendish shadows, and the earth Quaked, and the waters swelled with Mara's wrath. Also how gloriously that morning broke Radiant with rising hopes for man, and how The Lord was found rejoicing 'neath his Tree. But many days the burden of release -To be escaped beyond all storms of doubt, Safe on Truth's shore -- lay, spake he, on that heart A golden load; for how shall men -- Buddh mused -Who love their sins and cleave to cheats of sense, And drink of error from a thousand springs --
Having no mind to see, nor strength to break The fleshly snare which binds them -- how should such Receive the Twelve Nidânas and the Law Redeeming all, yet strange to profit by, As the caged bird oft shuns its opened door? So had we missed the helpful victory If, in this earth without a refuge, Buddh Winning the way, had deemed it all too hard For mortal feet, and passed, none following him. *** Yet pondered the compassion of our Lord, But in that hour there rang a voice as sharp As cry of travail, so as if the earth Moaned in birth-throe "Nasyami aham bhû Nasyati lóka!" SURELY I AM LOST, I AND MY CREATURES: then a pause, and next A pleading sigh borne on the western wind, "Sruyatâm dharma, Bhagwat!" OH, SUPREME! LET THY GREAT LAW BE UTTERED! Whereupon The Master cast his vision forth on flesh, Saw who should hear and who must wait to hear, As the keen Sun gilding the lotus-lakes Seeth which buds will open to his beams And which are not yet risen from their roots Then spake, divinely smiling, "Yea! I preach! Whoso will listen let him learn the Law." Afterwards passed he, said they, by the hills Unto Benares, where he taught the Five, Showing how birth and death should be destroyed, And how man hath no fate except past deeds, No Hell but what he makes, no Heaven too high For those to reach whose passions sleep subdued. This was the fifteenth day of Vaishya Mid-afternoon and that night was full moon. But, of the Rishis, first Kaundinya Owned the Four Truths and entered on the Paths; And after him Bhadraka, Asvajit, Basava, Mahanâma; also there Within the Deer-park, at the feet of Buddh, Yasad the Prince with nobles fifty-four Hearing the blessed word our Master spake Worshipped and followed; for there sprang up peace And knowledge of a new time come for men In all who heard, as spring the flowers and grass When water sparkles through a sandy plain. These sixty -- said they -- did our Lord send forth, Made perfect in restraint and passion-free,
To teach the Way; but the World-honored turned South from the Deer-park and Isipatan To Yashti and King Bimbasâra's realm, Where many days he taught; and after these King Bimbasâra and his folk believed, Learning the law of love and ordered life. Also he gave the Master, of free gift, -Pouring forth water on the hands of Buddh The Bamboo-Garden, named Wéluvana, Wherein are streams and caves and lovely glades; And the King set a stone there, carved with this: Yé dharma hetuppabhawá Yesan hétun Tathágató; Aha yesan cha yo nirodhó Ewan wadi Maha samano. "What life's course and cause sustain These Tathâgato made plain; What delivers from life's woe That our Lord hath made us know." And, in that Garden -- said they -- there was held A high Assembly, where the Teacher spake Wisdom and power, winning all souls which heard, So that nine hundred took the yellow robe -Such as the Master wears, -- and spread his Law And this the gáthá was wherewith he closed: Sabba pápassa akaranan; Kusalassa upasampadá; Sa chitta pariyodapanan Etan Budhánusásanan. "Evil swells the debts to pay, Good delivers and acquits; Shun evil, follow good; hold sway Over thyself. This is the Way." Whom, when they ended, speaking so of him, With gifts, and thanks which made the jewels dull, The Princess recompensed. "But by what road Wendeth my Lord?" she asked: the merchants said, "Yôjans threescore stretch from the city-walls To Rajagriha, whence the easy path Passeth by Sona hither and the hills. Our oxen, treading eight slow koss a day, Came in one moon." Then the King hearing word, Sent nobles of the Court -- well-mounted lords -Nine separate messengers, each embassy Bidden to say, "The King Suddhôdana -Nearer the pyre by seven long years of lack,
Wherethrough he hath not ceased to seek for thee Prays of his son to come unto his own, The Throne and people of this longing Realm, Lest he shall die and see thy face no more." Also nine horsemen sent Yasôdhara Bidden to say, "The Princess of thy House -Rahula's mother -- craves to see thy face As the night-blowing moon-flower's swelling heart Pines for the moon, as pale asôka-buds Wait for a woman's foot: if thou hast found More than was lost, she prays her part in this, Rahula's part, but most of all thyself." So sped the Sâkya Lords, but it befell That each one, with the message in his mouth, Entered the Bamboo-Garden in that hour When Buddha taught his Law; and -- hearing -- each Forgot to speak, lost thought of King and quest, Of the sad Princess even; only gazed Eye-rapt upon the Master; only hung Heart-caught upon the speech, compassionate, Commanding, perfect, pure, enlightening all, Poured from those sacred lips. Look! like a bee Winged for the hive, who sees the môgras spread And scents their utter sweetness on the air, If he be honey-filled, it matters not; If night be nigh, or rain, he will not heed; Needs must he light on those delicious blooms And drain their nectar; so these messengers One with another, hearing Buddha's words, Let go the purpose of their speed, and mixed, Heedless of all, amid the Master's train. Wherefore the King bade that Udayi go -Chiefest in all the Court, and faithfullest, Siddârtha's playmate in the happier days -Who, as he drew anear the garden, plucked Blown tufts of tree-wool from the grove and sealed The entrance of his hearing; thus he came Safe through the lofty peril of the place And told the message of the King, and her's. *** Then meekly bowed his head and spake our Lord Before the people, "Surely I shall go! It is my duty as it was my will; Let no man miss to render reverence To those who lend him life, whereby come means To live and die no more, but safe attain
Blissful Nirvana, if ye keep the Law, Purging past wrongs and adding nought thereto, Complete in love and lovely charities. Let the King know and let the Princess hear I take the way forthwith." This told, the folk Of white Kapilavastu and its fields Made ready for the entrance of their Prince. At the south gate a bright pavilion rose With flower-wreathed pillars and the walls of silk Wrought on their red and green with woven gold. Also the roads were laid with scented boughs Of neem and mango, and full mussuks shed Sandal and jasmine on the dust, and flags Fluttered; and on the day when he should come It was ordained how many elephants -With silver howdahs and their tusks gold-tipped Should wait beyond the ford, and where the drums Should boom "Sidd芒rtha cometh" where the lords Should light and worship, and the dancing-girls Where they should strew their flowers with dance and son, So that the steed he rode might tramp knee-deep In rose and balsam, and the ways be fair; While the town rang with music and high joy. This was ordained, and all men's ears were pricked Dawn after dawn to catch the first drum's beat Announcing, "Now he cometh!" But it fell -Eager to be before -- Yas么dhara Rode in her litter to the city-walls Where soared the bright pavilion. All around A beauteous garden smiled -- Nigr么dha named Shaded with bel-trees and the green-plumed dates, New-trimmed and gay with winding walks and banks Of fruits and flowers; for the southern road Skirted its lawns, on this hand leaf and bloom, On that the suburb-huts where base-borns dwelt Outside the gates, a patient folk and poor, Whose touch for Kshatriya and priest of Brahm Were sore defilement. Yet those, too, were quick With expectation, rising ere the dawn To peer along the road, to climb the trees At far-off trumpet of some elephant, Or stir of temple-drum; and when none came, Busied with lowly chares to please the Prince; Sweeping their door-stones, setting forth their flags, Stringing the fluted fig-leaves into chains, New furbishing the Lingam, decking new Yesterday's faded arch of boughs, but aye
Questioning wayfarers if any noise Be on the road of great Siddârtha. These The Princess marked with lovely languid eyes, Watching, as they, the southward plain, and bent Like them to listen if the passers gave News of the path. So fell it she beheld *** One slow approaching with his head close shorn, A yellow cloth over his shoulder cast, Girt as the hermits are, and in his hand An earthen bowl, shaped melonwise, the which Meekly at each hut-door he held a space, Taking the granted dole with gentle thanks And all as gently passing where none gave. Two followed him wearing the yellow robe, But he who bore the bowl so lordly seemed, So reverend, and with such a passage moved, With so commanding presence filled the air, With such sweet eyes of holiness smote all, That, as they reached him alms the givers gazed Awestruck upon his face, and some bent down In worship, and some ran to fetch fresh gifts Grieved to be poor; till slowly, group by group, Children and men and women drew behind Into his steps, whispering with covered lips, "Who is he? who? when looked a Rishi thus?" But as he came with quiet footfall on Nigh the pavilion, lo! the silken door Lifted, and, all unveiled, Yasôdhara Stood in his path crying, "Siddârtha! Lord!" With wide eyes streaming and with close-clasped hands, Then sobbing fell upon his feet, and lay. Afterwards, when this weeping lady passed Into the Noble Paths, and one had prayed Answer from Buddha wherefore -- being vowed Quit of all mortal passion and the touch, Flower-soft and conquering, of a woman's hands -He suffered such embrace, the Master said: "The greater beareth with the lesser love So it may raise it unto easier heights. Take heed that no man, being 'scaped from bonds, Vexeth bound souls with boasts of liberty. Free are ye rather that your freedom spread By patient winning and sweet wisdom's skill. Three eras of long toil bring Bodhisats Who will be guides and help this darkling world Unto deliverance, and the first is named
Of deep 'Resolve,' the second of 'Attempt,' The third of 'Nomination.' Lo! I lived In era of Resolve, desiring good, Searching for wisdom, but mine eyes were sealed. Count the grey seeds on yonder castor-clump, So many rains it is since I was Ram, A merchant of the coast which looketh south To Lanka and the hiding-place of pearls. Also in that far time Yas么dhara Dwelt with me in our village by the sea, Tender as now, and Lukshmi was her name. And I remember how I journeyed thence Seeking our gain, for poor the household was And lowly. Not the less with wistful tears She prayed me that I should not part, nor tempt Perils by land and water. 'How could love Leave what it loved?' she wailed; yet, venturing, I Passed to the Straits, and after storm and toil And deadly strife with creatures of the deep, And woes beneath the midnight and the noon, Searching the wave I won therefrom a pearl Moonlike and glorious, such as Kings might buy Emptying their treasury. Then came I glad Unto mine hills, but over all that land Famine spread sore; ill was I stead to live In journey home, and hardly reached my door Aching for food -- with that white wealth of the sea Tied in my girdle. Yet no food was there; And on the threshold she for whom I toiled -More than myself -- lay with her speechless lips Nigh unto death for one small gift of grain Then cried I, 'If there be who hath of grain, Here is a kingdom's ransom for one life: Give Lukshmi bread and take my moonlight pearl.' Whereat one brought the last of all his hoard, Millet -- three seers -- and clutched the beauteous thing. But Lukshmi lived and sighed with gathered life, 'Lo! thou didst love indeed!' I spent my pearl Well in that life to comfort heart and mind Else quite uncomforted, but these pure pearls, My last large gain, won from a deeper wave -The Twelve Nid芒nas and the Law of Good -Cannot be spent, nor dimmed, and most fulfil Their perfect beauty being freeliest given. For like as is to Meru yonder hill Heaped by the little ants, and like as dew Dropped in the footmark of a bounding roe Unto the shoreless seas, so was that gift
Unto my present giving; and so love -Vaster in being free from toils of sense -Was wisest stooping to the weaker heart; And so the feet of sweet Yasôdhara Passed into peace and bliss, being softly led." *** But when the King heard how Siddârtha came Shorn, with the mendicant's sad-colored cloth, And stretching out a bowl to gather orts From base-borns' leavings, wrathful sorrow drove Love from his heart. Thrice on the ground he spat, Plucked at his silvered beard, and strode straight forth Lackeyed by trembling lords. Frowning he clomb Upon his war-horse, drove the spurs, and dashed, Angered, through wondering streets and lanes of folk, Scarce finding breath to say, "The King! bow down!" Ere the loud cavalcade had clattered by: Which -- at the turning by the Temple-wall Where the south gate was seen -- encountered full A mighty crowd; to every edge of it Poured fast more people, till the roads were lost, Blotted by that huge company which thronged And grew, close following him whose look serene Met the old King's. Nor lived the father's wrath Longer than while the gentle eyes of Buddh Lingered in worship on his troubled brows, Then downcast sank, with his true knee, to earth In proud humility. So dear it seemed To see the Prince, to know him whole, to mark That glory greater than of earthly state Crowning his head, that majesty which brought All men, so awed and silent, in his steps. Nathless the King broke forth, "Ends it in this That great Siddârtha steals into his realm, Wrapped in a clout, shorn, sandalled, craving food Of low-borns, he whose life was as a God's? My son! heir of this spacious power, and heir Of Kings who did but clap their palms to have What earth could give or eager service bring? Thou should'st have come apparelled in thy rank, With shining spears and tramp of horse and foot. Lo! all my soldiers camped upon the road, And all my city waited at the gates; Where hast thou sojourned through these evil years Whilst thy crowned fattier mourned? and she, too, there Lived as the widows use, foregoing joys; Never once hearing sound of song or string.
Nor wearing once the festal robe, till now When in her cloth of gold she welcomes home A beggar spouse in yellow remnants clad. "Son! why is this?" "My Father!" came reply, "It is the custom of my race." "Thy race," Answered the King "counteth a hundred thrones From Maha Samm芒t, but no deed like this." "Not of a mortal line," the Master said, "I spake, but of descent invisible, The Buddhas who have been and who shall be: Of these am I, and what they did I do, And this which now befalls so fell before That at his gate a King in warrior-mail Should meet his son, a Prince in hermit-weeds And that, by love and self-control, being more Than mightiest Kings in all their puissance, The appointed Helper of the Worlds should bow -As now do I -- and with all lowly love Proffer, where it is owed for tender debts, The first-fruits of the treasure he hath brought Which now I proffer." Then the King amazed Inquired "What treasure?" and the Teacher took Meekly the royal palm, and while they paced Through worshipping streets -- the Princess and the King On either side -- he told the things which make For peace and pureness, those Four noble Truths Which hold all wisdom as shores shut the seas, Those eight right Rules whereby who will may walk -Monarch or slave -- upon the perfect Path That hath its Stages Four and Precepts Eight, Whereby whoso will live -- mighty or mean Wise or unlearned, man, woman, young or old Shall soon or late break from the wheels of life Attaining blest Nirvana. So they came Into the Palace-porch, Suddh么dana With brows unknit drinking the mighty words, And in his own hand carrying Buddha's bowl, Whilst a new light brightened the lovely eyes Of sweet Yas么dhara and sunned her tears; And that night entered they the Way of Peace.
---o0o---
8. Book the Eighth.
Parinibbana A broad mead spreads by swift Kohâna's bank At Nagara; five days shall bring a man In ox-wain thither from Benares' shrines Eastward and northward journeying. The horns Of white Himâla look upon the place, Which all the year is glad with blooms and girt By groves made green from that bright streamlet's wave. Soft are its slopes and cool its fragrant shades, And holy all the spirit of the spot Unto this time: the breath of eve comes hushed Over the tangled thickets, and high heaps Of carved red stones cloven by root and stem Of creeping fig, and clad with waving veil Of leaf and grass. The still snake glistens forth From crumbled work of lac and cedar-beams To coil his folds there on deep-graven slabs; The lizard dwells and darts o'er painted floors Where Kings have paced; the grey fox litters safe Under the broken thrones; only the peaks, And stream, and sloping lawns, and gentle air Abide unchanged. All else, like all fair shows Of life, are fled -- for this is where it stood, The city of Suddhôdana, the hill Whereon, upon an eve of gold and blue At sinking sun Lord Buddha set himself To teach the Law in hearing of his own. Lo! ye shall read it in the Sacred Books How, being met in that glad pleasaunce-place -A garden in old days with hanging walks, Fountains, and tanks, and rose-banked terraces Girdled by gay pavilions and the sweep Of stately palace-fronts -- the Master sate Eminent, worshipped, all the earnest throng Catching the opening of his lips to learn That wisdom which hath made our Asia mild; Whereto four hundred crores of living souls Witness this day. Upon the King's right hand He sate, and round were ranged the Sâkya Lords Ananda, Devadatta -- all the Court. Behind stood Seriyut and Mugallan, chiefs Of the calm brethren in the yellow garb, A goodly company. Between his knees
Rahula smiled with wondering childish eyes Bent on the awful face, while at his feet Sate sweet Yas么dhara, her heartaches gone, Foreseeing that fair love which doth not feed On fleeting sense, that life which knows no age, That blessed last of deaths when Death is dead, His victory and hers. Wherefore she laid Her hand upon his hands, folding around Her silver shoulder-cloth his yellow robe, Nearest in all the world to him whose words The Three Worlds waited for. I cannot tell A small part of the splendid lore which broke From Buddha's lips: I am a late-come scribe Who love the Master and his love of men, And tell this legend, knowing he was wise, But have not wit to speak beyond the books And time hath blurred their script and ancient sense, Which once was new and mighty, moving all. A little of that large discourse I know Which Buddha spake on the soft Indian eve. Also I know it writ that they who heard Were more -- lakhs more -- crores more -- than could be seen, For all the Devas and the Dead thronged there, Till Heaven was emptied to the seventh zone And uttermost dark Hells opened their bars Also the daylight lingered past its time In rose-leaf radiance on the watching peaks, So that it seemed Night listened in the glens And Noon upon the mountains; yea! they write, The evening stood between them like some maid Celestial, love-struck, rapt; the smooth-rolled clouds Her braided hair; the studded stars the pearls And diamonds of her coronal; the moon Her forehead-jewel, and the deepening dark Her woven garments. 'Twas her close-held breath Which came in scented sighs across the lawns While our Lord taught, and, while he taught, who heard -Though he were stranger in the land, or slave, High caste or low, come of the Aryan blood, Or Mlech or Jungle-dweller -- seemed to hear What tongue his fellows talked. Nay, outside those Who crowded by the river, great and small,
The birds and beasts and creeping things -- 'tis writ -Had sense of Buddha's vast embracing love And took the promise of his piteous speech; So that their lives -- prisoned in shape of ape, Tiger, or deer, shagged bear, jackal, or wolf, Foul-feeding kite, pearled dove, or peacock gemmed. Squat toad, or speckled serpent, lizard, bat; Yea, or of fish fanning the river-waves -Touched meekly at the skirts of brotherhood With man who hath less innocence than these; And in mute gladness knew their bondage broke Whilst Buddha spake these things before the King: -Om, AMITAYA! measure not with words Th' Immeasurable: nor sink the string of thought Into the Fathomless. Who asks doth err, Who answers, errs. Say nought! The Books teach Darkness was, at first of all, And Brahm, sole meditating in that Night: Look not for Brahm and the Beginning there! Nor him, nor any light Shall any gazer see with mortal eyes, Or any searcher know by mortal mind, Veil after veil will lift -- but there must be Veil upon veil behind. Stars sweep and question not. This is enough That life and death and joy and woe abide; And cause and sequence, and the course of time, And Being's ceaseless tide, Which, ever-changing, runs, linked like a river By ripples following ripples, fast or slow -The same yet not the same -- from far-off fountain To where its waters flow Into the seas. These, steaming to the Sun, Give the lost wavelets back in cloudy fleece To trickle down the hills, and glide again; Having no pause or peace. This is enough to know, the phantasms are; The Heavens, Earths, Worlds, and changes changing them A mighty whirling wheel of strife and stress Which none can stay or stem. Pray not! the Darkness will not brighten! Ask Nought from the Silence, for it cannot speak! Vex not your mournful minds with pious pains! Ah! Brothers, Sisters! seek Nought from the helpless gods by gift and hymn, Nor bribe with blood, nor feed with fruit and cakes; Within yourselves deliverance must be sought; Each man his prison makes.
Each hath such lordship as the loftiest ones; Nay, for with Powers above, around, below, As with all flesh and whatsoever lives, Act maketh joy and woe. What hath been bringeth what shall be, and is, Worse -- better -- last for first and first for last; The Angels in the Heavens of Gladness reap Fruits of a holy past. The devils in the underworlds wear out Deeds that were wicked in an age gone by. Nothing endures: fair virtues waste with time, Foul sins grow purged thereby. Who toiled a slave may come anew a Prince For gentle worthiness and merit won; Who ruled a King may wander earth in rags For things done and undone. Higher than Indra's ye may lift your lot, And sink it lower than the worm or gnat; The end of many myriad lives is this, The end of myriads that. Only, while turns this wheel invisible, No pause, no peace, no staying-place can be; Who mounts will fall, who falls may mount; the spokes Go round unceasingly! **** If ye lay bound upon the wheel of change, And no way were of breaking from the chain, The Heart of boundless Being is a curse, The Soul of Things fell Pain. Ye are not bound! the Soul of Things is sweet, The Heart of Being is celestial rest; Stronger than woe is will: that which was Good Doth pass to Better -- Best. I, Buddh, who wept with all my brothers' tears, Whose heart was broken by a whole world's woe, Laugh and am glad, for there is Liberty! Ho! ye who suffer! know Ye suffer from yourselves. None else compels, None other holds you that ye live and die, And whirl upon the wheel, and hug and kiss Its spokes of agony, Its tire of tears, its nave of nothingness. Behold, I show you Truth! Lower than hell, Higher than heaven, outside the utmost stars, Farther than Brahm doth dwell, Before beginning, and without an end, As space eternal and as surety sure,
Is fixed a Power divine which moves to good, Only its laws endure. This is its touch upon the blossomed rose, The fashion of its hand shaped lotus-leaves; In dark soil and the silence of the seeds The robe of Spring it weaves; That is its painting on the glorious clouds, And these its emeralds on the peacock's train; It hath its stations in the stars; its slaves In lightning, wind, and rain. Out of the dark it wrought the heart of man, Out of dull shells the pheasant's pencilled neck; Ever at toil, it brings to loveliness All ancient wrath and wreck. The grey eggs in the golden sun-bird's nest Its treasures are, the bees' six-sided cell Its honey-pot; the ant wots of its ways, The white doves know them well. It spreadeth forth for flight the eagle's wings What time she beareth home her prey; it sends The she-wolf to her cubs; for unloved things It findeth food and friends. It is not marred nor stayed in any use, All liketh it; the sweet white milk it brings To mothers' breasts; it brings the white drops, too, Wherewith the young snake stings. The ordered music of the marching orbs It makes in viewless canopy of sky; In deep abyss of earth it hides up gold, Sards, sapphires, lazuli. Ever and ever bringing secrets forth, It sitteth in the green of forest-glades Nursing strange seedlings at the cedar's root, Devising leaves, blooms, blades. It slayeth and it saveth, nowise moved Except unto the working out of doom; Its threads are Love and Life; and Death and Pain The shuttles of its loom. It maketh and unmaketh, mending all; What it hath wrought is better than hath been; Slow grows the splendid pattern that it plans Its wistful hands between. This is its work upon the things ye see, The unseen things are more; men's hearts and minds, The thoughts of peoples and their ways and wills, Those, too, the great Law binds. Unseen it helpeth ye with faithful hands,
Unheard it speaketh stronger than the storm. Pity and Love are man's because long stress Moulded blind mass to form. It will not be contemned of any one; Who thwarts it loses, and who serves it gains; The hidden good it pays with peace and bliss, The hidden ill with pains. It seeth everywhere and marketh all: Do right -- it recompenseth! do one wrong -The equal retribution must be made, Though DHARMA tarry long. It knows not wrath nor pardon; utter-true Its measures mete, its faultless balance weighs; Times are as nought, to-morrow it will judge, Or after many days. By this the slayer's knife did stab himself; The unjust judge hath lost his own defender; The false tongue dooms its lie; the creeping thief And spoiler rob, to render. Such is the Law which moves to righteousness, Which none at last can turn aside or stay; The heart of it is Love, the end of it Is Peace and Consummation sweet. Obey! **** The Books say well, my Brothers! each man's life The outcome of his former living is; The bygone wrongs bring forth sorrows and woes The bygone right breeds bliss. That which ye sow ye reap. See yonder fields! The sesamum was sesamum, the corn Was corn. The Silence and the Darkness knew! So is a man's fate born. He cometh, reaper of the things he sowed, Sesamum, corn, so much cast in past birth; And so much weed and poison-stuff, which mar Him and the aching earth. If he shall labor rightly, rooting these, And planting wholesome seedlings where they grew, Fruitful and fair and clean the ground shall be, And rich the harvest due. If he who liveth, learning whence woe springs, Endureth patiently, striving to pay His utmost debt for ancient evils done In Love and Truth alway; If making none to lack, he throughly purge The lie and lust of self forth from his blood;
Suffering all meekly, rendering for offence Nothing but grace and good: If he shall day by day dwell merciful, Holy and just and kind and true; and rend Desire from where it clings with bleeding roots, Till love of life have end: He -- dying -- leaveth as the sum of him A life-count closed, whose ills are dead and quit, Whose good is quick and mighty, far and near, So that fruits follow it. No need hath such to live as ye name life; That which began in him when he began Is finished: he hath wrought the purpose through Of what did make him Man. Never shall yearnings torture him, nor sins Stain him, nor ache of earthly joys and woes Invade his safe eternal peace; nor deaths And lives recur. He goes Unto NIRVANA. He is one with Life Yet lives not. He is blest, ceasing to be. OM, MANI PADME, OM! the Dewdrop slips Into the shining sea! **** This is the doctrine of the KARMA. Learn! Only when all the dross of sin is quit, Only when life dies like a white flame spent Death dies along with it. Say not "I am," "I was," or "I shall be," Think not ye pass from house to house of flesh Like travellers who remember and forget, Ill-lodged or well-lodged. Fresh Issues upon the Universe that sum Which is the lattermost of lives. It makes Its habitation as the worm spins silk And dwells therein. It takes Function and substance as the snake's egg hatched Takes scale and fang; as feathered reed-seeds fly O'er rock and loam and sand, until they find Their marsh and multiply. Also it issues forth to help or hurt. When Death the bitter murderer doth smite, Red roams the unpurged fragment of him, driven On wings of plague and blight. But when the mild and just die, sweet airs breathe; The world grows richer, as if desert-stream Should sink away to sparkle up again Purer, with broader gleam.
So merit won winneth the happier age Which by demerit halteth short of end; Yet must this Law of Love reign King of all Before the Kalpas end. What lets? -- Brothers! the Darkness lets! which breeds Ignorance, mazed whereby ye take these shows For true, and thirst to have, and, having, cling To lusts which work you woes. Ye that will tread the Middle Road, whose course Bright Reason traces and soft Quiet smoothes; **** Ye who will take the high Nirvana-way List the Four Noble Truths. The First Truth is of Sorrow. Be not mocked! Life which ye prize is long-drawn agony: Only its pains abide; its pleasures are As birds which light and fly. Ache of the birth, ache of the helpless days, Ache of hot youth and ache of manhood's prime; Ache of the chill grey years and choking death, These fill your piteous time. Sweet is fond Love, but funeral-flames must kiss The breasts which pillow and the lips which cling; Gallant is warlike Might, but vultures pick The joints of chief and King. Beauteous is Earth, but all its forest-broods Plot mutual slaughter, hungering to live; Of sapphire are the skies, but when men cry Famished, no drops they give. Ask of the sick, the mourners, ask of him Who tottereth on his staff, lone and forlorn, "Liketh thee life?" -- these say the babe is wise That weepeth, being born. **** The Second Truth is Sorrow's Cause. What grief Springs of itself and springs not of Desire? Senses and things perceived mingle and light Passion's quick spark of fire: So flameth Trishna, lust and thirst of things. Eager ye cleave to shadows, dote on dreams; A false Self in the midst ye plant, and make A world around which seems; Blind to the height beyond, deaf to the sound Of sweet airs breathed from far past Indra's sky; Dumb to the summons of the true life kept For him who false puts by.
So grow the strifes and lusts which make earth's war, So grieve poor cheated hearts and flow salt tears; So wax the passions, envies, angers, hates; So years chase blood-stained years With wild red feet. So, where the grain should grow, Spreads the bir창n-weed with its evil root And poisonous blossoms; hardly good seeds find Soil where to fall and shoot; And drugged with poisonous drink the soul departs, And fierce with thirst to drink Karma returns; Sense-struck again the sodden self begins, And new deceits it earns. **** The Third is Sorrow's Ceasing. This is peace To conquer love of self and lust of life, To tear deep-rooted passion from the breast, To still the inward strife; For love to clasp Eternal Beauty close; For glory to be Lord of self, for pleasure To live beyond the gods; for countless wealth To lay up lasting treasure Of perfect service rendered, duties done In charity, soft speech, and stainless days: These riches shall not fade away in life, Nor any death dispraise. Then Sorrow ends, for Life and Death have ceased; How should lamps flicker when their oil is spent? The old sad count is clear, the new is clean; Thus hath a man content. **** The Fourth Truth is The Way. It openeth wide, Plain for all feet to tread, easy and near, The Noble Eightfold Path; it goeth straight To peace and refuge. Hear! Manifold tracks lead to yon sister-peaks Around whose snows the gilded clouds are curled; By steep or gentle slopes the climber comes Where breaks that other world. Strong limbs may dare the rugged road which storms, Soaring and perilous, the mountain's breast; The weak must wind from slower ledge to ledge With many a place of rest. So is the Eightfold Path which brings to peace; By lower or by upper heights it goes. The firm soul hastes, the feeble tarries. All
Will reach the sunlit snows. The First good Level is Right Doctrine. Walk In fear of Dharma, shunning all offence; In heed of Karma, which doth make man's fate; In lordship over sense. The Second is Right Purpose. Have good-will To all that lives, letting unkindness die And greed and wrath; so that your lives be made Like soft airs passing by. The Third is Right Discourse. Govern the lips As they were palace-doors, the King within; Tranquil and fair and courteous be all words Which from that presence win. The Fourth is Right Behavior. Let each act Assoil a fault or help a merit grow: Like threads of silver seen through crystal beads Let love through good deeds show. Four higher roadways be. Only those feet May tread them which have done with earthly things; Right Purity, Right Thought, Right Loneliness, Right Rapture. Spread no wings For sunward flight, thou soul with unplumed vans! Sweet is the lower air and safe, and known The homely levels: only strong ones leave The nest each makes his own. Dear is the love, I know, of Wife and Child; Pleasant the friends and pastimes of your years; Fruitful of good Life's gentle charities; False, though firm-set, its fears. Live -- ye who must -- such lives as live on these Make golden stair-ways of your weakness; rise By daily sojourn with those phantasies To lovelier verities. So shall ye pass to clearer heights and find Easier ascents and lighter loads of sins, And larger will to burst the bonds of sense, Entering the Path. Who wins To such commencement hath the First Stage touched; He knows the Noble Truths, the Eightfold Road; By few or many steps such shall attain NIRVANA's blest abode. Who standeth at the Second Stage, made free From doubts, delusions, and the inward strife, Lord of all lusts, quit of the priests and books, Shall live but one more life. Yet onward lies the Third Stage: purged and pure Hath grown the stately spirit here, hath risen To love all living things in perfect peace. His life at end, life's prison
Is broken. Nay, there are who surely pass Living and visible to utmost goal By Fourth Stage of the Holy ones -- the Buddhs -And they of stainless soul. Lo! like fierce foes slain by some warrior, Ten sins along these Stages lie in dust, The Love of Self, False Faith, and Doubt are three, Two more, Hatred and Lust. Who of these Five is conqueror hath trod Three stages out of Four: yet there abide The Love of Life on earth, Desire for Heaven, Self-Praise, Error, and Pride. As one who stands on yonder snowy horn Having nought o'er him but the boundless blue, So, these sins being slain, the man is come NIRVANA'S verge unto. Him the Gods envy from their lower seats; Him the Three Worlds in ruin should not shake; All life is lived for him, all deaths are dead; Karma will no more make New houses. Seeking nothing, he gains all; Foregoing self, the Universe grows "I": If any teach NIRVANA is to cease, Say unto such they lie. If any teach NIRVANA is to live, Say unto such they err; not knowing this, Nor what light shines beyond their broken lamps, Nor lifeless, timeless bliss. Enter the Path! There is no grief like Hate! No pains like passions, no deceit like sense! Enter the Path far hath he gone whose foot Treads down one fond offence. Enter the Path! There spring the healing streams Quenching all thirst! there bloom th' immortal flowers Carpeting all the way with joy! there throng Swiftest and sweetest hours! **** More is the treasure of the Law than gems; Sweeter than comb its sweetness; its delights Delightful past compare. Thereby to live Hear the Five Rules aright: -Kill not -- for Pity's sake -- and lest ye slay The meanest thing upon its upward way. Give freely and receive, but take from none By greed, or force or fraud, what is his own. Bear not false witness, slander not, nor lie; Truth is the speech of inward purity.
Shun drugs and drinks which work the wit abuse; Clear minds, clean bodies, need no Soma juice. Touch not thy neighbor's wife, neither commit Sins of the flesh unlawful and unfit. These words the Master spake of duties due To father, mother, children, fellows, friends; Teaching how such as may not swiftly break The clinging chains of sense -- whose feet are weak To tread the higher road -- should order so This life of flesh that all their hither days Pass blameless in discharge of charities And first true footfalls in the Eightfold Path; Living pure, reverent, patient, pitiful, Loving all things which live even as themselves; Because what falls for ill is fruit of ill Wrought in the past, and what falls well of good; And that by howsomuch the householder Purgeth himself of self and helps the world, By so much happier comes he to next stage, In so much bettered being. This he spake, As also long before, when our Lord walked By Rajagriha in the bamboo-grove: For on a dawn he walked there and beheld The householder Singala, newly bathed, Bowing himself with bare head to the earth, To Heaven, and all four quarters; while he threw Rice, red and white, from both hands. "Wherefore thus Bowest thou, Brother?" said the Lord; and he, "It is the way, Great Sir! our fathers taught At every dawn, before the toil begins, To hold off evil from the sky above And earth beneath, and all the winds which blow." Then the World-honored spake: "Scatter not rice, But offer loving thoughts and acts to all. To parents as the East where rises light; To teachers as the South whence rich gifts come; To wife and children as the West where gleam Colors of love and calm, and all days end; To friends and kinsmen and all men as North; To humblest living things beneath, to Saints And Angels and the blessed Dead above: So shall all evil be shut off, and so The six main quarters will be safely kept." But to his own, them of the yellow robe -They who, as wakened eagles, soar with scorn From life's low vale, and wing towards the Sun – To these he taught the Ten Observances
The Dasa-Sîl, and how a mendicant Must know the Three Doors and the Triple Thoughts; The Sixfold States of Mind; the Fivefold Powers; The Eight High Gates of Purity; the Modes Of Understanding; Iddhi; Upekshâ The Five Great Meditations, which are food Sweeter than Amrit for the holy soul; The Jhâna's and the Three Chief Refuges. Also he taught his own how they should dwell; How live, free from the snares of love and wealth; What eat and drink and carry -- three plain cloths, -Yellow, of stitched stuff, worn with shoulder bare -A girdle, almsbowl, strainer. Thus he laid The great foundations of our Sangha well, That noble Order of the Yellow Robe Which to this day standeth to help the World. So all that night he spake, teaching the Law: And on no eyes fell sleep -- for they who heard Rejoiced with tireless joy. Also the King, When this was finished, rose upon his throne And with bared feet bowed low before his Son Kissing his hem; and said, "Take me, O Son! Lowest and least of all thy Company." And sweet Yasôdhara, all happy now, -Cried "Give to Rahula -- thou Blessed One! The Treasure of the Kingdom of thy Word For his inheritance." Thus passed these Three Into the Path **** ** Here endeth what I write Who love the Master for his love of us. A little knowing, little have I told Touching the Teacher and the Ways of Peace. Forty-five rains thereafter showed he those In many lands and many tongues and gave Our Asia light, that still is beautiful, Conquering the world with spirit of strong grace: All which is written in the holy Books, And where he passed and what proud Emperors Carved his sweet words upon the rocks and caves: And how -- in fulness of the times -- it fell The Buddha died, the great Tathâgato, Even as a man 'mongst men, fulfilling all: And how a thousand thousand crores since then Have trod the Path which leads whither he went Unto NIRVANA where the Silence lives.
**** AH! BLESSED LORD! OH, HIGH DELIVERER! FORGIVE THIS FEEBLE SCRIPT, WHICH DOTH THEE WRONG. MEASURING WITH LITTLE WIT THY LOFTY LOVE. AH! LOVER! BROTHER! GUIDE! LAMP OF THE LAW! I TAKE MY REFUGE IN THY NAME AND THEE! I TAKE MY REFUGE IN THY LAW OF GOOD! I TAKE MY REFUGE IN THY ORDER! OM! THE DEW IS ON THE LOTUS! -- RISE GREAT SUN! AND LIFT MY LEAF AND MIX ME WITH THE WAVE. OM MANI PADME HUM, THE SUNRISE COMES! THE DEWDROP SLIPS INTO THE SHINING SEA!
---o0o---
Source: http://www.quangduc.com/English/buddha/08lightasia.html http://www.phx-ult-lodge.org/light_of_asia.htm
SIR EDWIN ARNOLD
Link: http://en.wikipedia.org/wiki/Edwin_Arnold Edwin Arnold was born in Gravesend on 10th June, 1832. He went to Oxford University where he won the Newdigate prize for poetry. After university he taught at King Edward's School, Birmingham and Bombay University in India. Arnold returned to England in 1861 and joined the staff of the Daily Telegraph. On the death of Thornton Leigh Hunt in 1873, Arnold was appointed editor of the newspaper. His views were less liberal than those of Hunt and the paper began to question the policies of the government led by William Gladstone. Arnold was particularly upset by attempts to cut defence expenditure and claimed that Gladstone would "fling half our Empire overboard and jettison India herself in order to teach Britain modesty." Whereas Hunt used to describe Gladstone in the Daily Telegraph as the "People's William", Arnold favoured the more imperialistic policies of his Conservative opponent, Benjamin Disraeli. Arnold recruited staff that shared his political opinions and worked closely with Ellis Ashmead Bartlett, a strong advocate of British Imperialism in the House of Commons. Under the editorship of Arnold circulation of the newspaper continued to grow. In 1870 the daily average circulation was 196,855 and by 1877 it had risen to 242,215. Arnold had a deep love of exploration and persuaded the proprietor, Edward Levy-Lawson, to spend large sums of money to obtain dramatic stories. This included joining with Bennett of the New York Herald to finance Stanley's search for David Livingstone in Africa. The Daily Telegraph also largely financed Sir Harry Johnson's exploration of Kilimanjaro in 1884. A loyal supporter of the Conservative Party, Arnold was granted a knighthood by the Marquess
of Salisbury in 1888. Later that year he resigned as editor of the Daily Telegraph and became the paper's travelling commissioner. Arnold wrote the highly acclaimed, The Great Renunciation (1879). Other titles written by Arnold include India Revisted (1886), Seas and Lands (1891), Wandering Worlds (1894) and East and West (1896). Edwin Arnold, who suffered from failing eyesight in his later years, died on 24th March, 1904. (1) Harry Levy-Lawson, The Story of the Daily Telegraph (1955) All the traditions of the Daily Telegraph were Liberal. From the beginning it supported Palmerston. For Gladstone it coined the title of "the People's William" and for many years Edward Levy-Lawson saw Gladstone or Montagu Corry, his confidential secretary, almost daily. Edward Arnold who in Eastern policy was continually and vehemently against Gladstone. The break was gradual. During Disraeli's second administration the Daily Telegraph "crossed the floor" and became a Conservative newspaper.
---o0o---
NOTICES OF "THE LIGHT OF ASIA." (1) Rev. Wm. H. Channing, London. [Extract from a Letter to a Friend in Concord, Mass.] "The Light of Asia " is a poem in which the effort is made to bring before our modern age, in the Western world, that sublime embodiment of the finest genius of the Orient, in its prime, whom we call BUDDHA, in living form, and to sketch this outline of his speculative and ethical systems in vivid pictorial representation. And marvellously successful has the effort of the poet proved. Those who are most familiar with the semi-historical, semi-legendary biographies of Prince Sidd창rtha Gautama, will be the most prompt to admit that never has the image of the serene and heroic, saintly and gentle sage been more beautifully portrayed than in this poem; and from infancy, through youth and manhood, to his new birth in extreme age, his whole growth towards perfection is so glowingly brought before the reader, that he feels as if lifted into personal communion with this grand and lovely teacher of the "Way to Peace." Buddha lives and moves and speaks again in these pages, as he lived and moved and taught amid the sacred groves of India. But one of the chief charms of the poem is the singularly vital reality with which the very scenery and climate, the people and the communities, the manners, dwellings, and actual society of Hindostan, two thousand years or more ago, is made to pass, as if in palingenesia, before and around us. The long-buried past is reanimated at the poet's touch. And from the midst of the rush and turmoil of our restless modern age we enter, behind a lifted veil, into the tranquil stillness, calm dignity, and meditative quiet of the East, as if from sultry, dusty, summer noon we could bathe our fevered brows, in the fresh, sweet, dewy air of a spring morning. And the contrast rejuvenates our fagged and weary powers delightfully. One is the more surprised, in reading this poem, to learn that the writer has created this lovely work of art, not in the stilness of a country solitude, nor amid the cloistered aisles of universities, but right in the throng and uproar of this bustling metropolis. For the poet is one of the most indefatigable editors of the daily press in London, and every morning, week in, week out, addresses the largest circle of readers approached by any writer of "leaders" in Great Britain, or probably in Christendom; for Edwin Arnold is editor-in-chief of the Daily Telegraph, which has an average circulation of a quarter of a million of copies, with probably four readers a copy. And certainly no editor writes on a wider range of topics, political, social, scientific, &c. That, amidst the responsibilities, interruptions, anxieties, harassing cares, and ever-varying distractions of such a life, a poet could evoke, in his few hours for quiet thought, an epic in eight books, on one of the loftiest themes for spiritual contemplation, and one of the purest ideal types of a heavenly human life known in history, is certainly a surprising instance of concentrated power. Within my experience, or my acquaintance with literary efforts, no greater success of this kind has been attained; for to my certain knowledge this book was only conceived and begun last September, and has been perfected and published in one of the most disturbed and trying periods that this nation has passed through for this generation at least.
This effort, indeed, has been a labor of love, and so a rest and refreshment to the poet; for
Edwin Arnold is an impassioned lover of India, and has for years been a loving admirer of Buddha. So the poem wrote itself out of his memory and imagination. Trained at Oxford, where he won honors as a classic, and gained the Newdigate Prize for Poetry, after publishing a small volume of poems, Mr. Arnold went in early life to Hindostan, where he was appointed as Principal of the Deccan College at Poona. Here he resided for seven years, acquiring a knowledge of the Sanscrit and other Indian languages, and translating the very interesting "Book of Good Counsels," the "Hitopordesa," which has long been a valued text-book for Sanscrit scholars, as it is accompanied with an interlinear text and vocabulary, &c. In India be became the friend of Lord Dalhousie, John Lawrence (the saviour of the Punjaub, afterward Lord Lawrence), and other leading statesmen; and was on the road to preferment when he was compelled to leave his much-loved India by the death of a child and the illness of his young wife. After his return, he wrote and published, in two volumes, an important and instructive "History of Lord Dalhousie's Administration," and printed another volume of poems, and a translation of one of the books of Herodotus. Becoming then engaged as a sub-editor in the Telegraph, where during our civil war he defended the cause of freedom and confidently predicted the triumph of the Republic, he gradually rose to higher influence, until, after the death of Thornton Hunt, he was advanced to the responsible post of editor-in-chief, and has become greatly distinguished as a writer of powerful "leaders." But amidst his incessant toil, he has still found leisure for literary work, having translated a volume of the poets of Greece, accompanied by biographical and critical notices, and an exquisitely beautiful version of the "Indian Song of Songs," -- one of the most characteristic productions of Hindoo literature. And now, at length, he has found a fit sphere for his poetic genius in this representation of Buddha, in which he has embodied his own highest ideals and aspirations. In speaking thus warmly, and enthusiastically even, of this poem, it is nowise my wish or end to indorse Mr. Arnold's view of Buddha and his system; for, in several very important and even essential points my estimate of Gautama differs very widely from the poet's, both as to the character of the MAN, and the principles and tendency of his philosophical and moral SYSTEM. But Goethe's prime rule of criticism has long been my guide, -- "Before passing judgment on a book, a work of art, a scheme of doctrine, or a person, first give yourself up to a sympathetic appreciation of them." Now Mr. Arnold has conceived and composed his poem as a HINDOO BUDDHIST. In that spirit let this beautiful book be read, -- and then criticised.
(2)
DR. RIPLEY, in the New York Tribune.
The fruits of an earnest study of Oriental literature and of a personal residence of several years in India are embodied in this stately poetical romance. From the dim and shadowy legends of the princely founder of the great religion of the East, scanty and uncertain as they prove to be under the hand of critical research, Mr. Arnold has constructed a poem, which for affluence of imagination, splendor of diction, and virile descriptive power, will not be easily matched among
the most remarkable productions in the literature of the day. His starting-point is the historical importance of the Buddhist faith, which has existed during twenty-four centuries, and now surpasses in the number of its followers and the extent of its prevalence any other form of religious belief. Not less than four hundred and seventy millions of our race live and die in the tenets of Gautama. His spiritual dominions at the present time reach from Nepaul and Ceylon over the whole Eastern Peninsula to China, Japan, Thibet, Central Asia, Siberia, and even Swedish Lapland. "More than a third of mankind, therefore," Mr. Arnold remarks, "owe their moral and religious ideas to this illustrious Prince, whose personality, thought imperfectly revealed in the existing sources of information, cannot but appear the highest, gentlest, holiest, and most beneficent, with one exception, in the history of Thought." Not a single act or word is recorded "which mars the perfect purity and tenderness of this Indian teacher, who united the truest princely qualities with the intellect of a sage and the passionate devotion of a martyr." The author has put his poem into the mouth of an Indian Buddhist, because the spirit of Asiatic thought must be regarded from an Oriental point of view, in order to gain a correct appreciation of its significance. After relating the circumstances attending the birth of Prince Sidd창rtha (known as the founder of a religion by the name of Buddha), the poet proceeds to describe his education under the discipline provided by his wise and liberal father, who spared none of the resources of an Oriental monarchy for the training and culture of the youthful Prince. He early displayed a precocity of intellect and character, which surpassed the highest skill of his teachers, and presaged a future of marvellous import: -Which reverence Lord Buddha kept to all his schoolmasters, Albeit beyond their learning taught; in speech Right gentle, yet so wise, princely of mien, Yet softly-mannered; modest, deferent, And tender-hearted, though of fearless blood; No bolder horseman in the youthful band E'er rode in gay chase of the shy gazelles No keener driver of the chariot In mimic contests scoured the Palace-courts; Yet in mid-play the boy would oftfimes pause, Letting the deer pass free; would ofttimes yield His half-won race because the laboring steeds Fetched painful breath; or if his princely mates Saddened to lose, or if some wistful dream Swept o'er his thoughts. And ever with the years Waxed this compassionateness of our Lord, Even as a great tree grows from two soft leaves To spread its shade afar; but hardly yet Knew the young child of sorrow, pain, or tears, Save as strange names for things not felt by kings, Nor ever to be felt. The poet then relates an instance illustrating the early development of the "quality of mercy" in the bosom of the Prince. It happened one vernal day that a wild swan was shot by an idle courtier as the flock flew near the palace, and the wounded bird fell into the hands of Sidd창rtha. As he soothed the frightened, fluttering bird with tender touch, and drew the arrow from its side, he pressed the barb into his own wrist to make trial of the pain: --
Then some one came who said, "My Prince hath shot A swan, which fell among the roses here. He bids me pray you send it. Will you send? "Nay," quoth Sidd창rtha, "if the bird were dead To send it to the slayer might be well, But the swan lives; my cousin hath but killed The god-like speed which throbbed in this white wing." And Devadatta answered, "The wild thing, Living or dead, is his who fetched it down; 'T was no man's in the clouds, but fall'n 't is mine, Give me my prize, fair Cousin." Then our Lord Laid the swan's neck beside his own smooth cheek And gravely spake, "Say no! the bird is mine, The first of myriad things which shall be mine By right of mercy and love's lordliness. For now I know, by what within me stirs, That I shall teach compassion unto men And be a speechless world's interpreter, Abating this accursed flood of woe, Not man's alone, but if the Prince disputes, Let him submit this matter to the wise And we will wait their word." So was it done; In full divan the business had debate, And many thought this thing and many that, Till there arose an unknown priest who said, "If life be aught, the saviour of a life Owns more the living thing than he can own Who sought to slay -- the slayer spoils and wastes, The cherisher sustains, give him the bird"; Which judgment all found just; but when the King Sought out the sage for honor, he was gone; And some one saw a hooded snake glide forth, -The gods come ofttimes thus! So our Lord Buddh Began his works of mercy. His experience of human suffering upon a visit with his father to different scenes in the royal domain, is greatly enlarged by the suggestive spectacle, and a fresh impulse is given to his already deep sympathy with the woes of his kind: -On another day, the King said, "Come, Sweet son! and see the pleasaunce of the Spring, And how the fruitful earth is wooed to yield Its riches to the reaper; how my realm -Which shall be thine when the pile flames for me -Feeds all its mouths and keeps the King's chest filled. Fair is the season with new leaves, bright blooms, Green grass, and cries of plough-time." So they rode Into a land of wells and gardens, where, All up and down the rich red loam, the steers
Strained their strong shoulders in the creaking yoke Dragging the ploughs; the fat soil rose and rolled In smooth dark waves back from the plough; who drove Planted both feet upon the leaping share To make the furrow deep; among the palms The tinkle of the rippling water rang, And where it ran the glad earth 'broidered it With balsams and the spears of lemon-grass. Elsewhere were sowers who went forth to sow And all the jungle laughed with nesting-songs, And all the thickets rustled with small life Of lizard, bee, beetle, and creeping things Pleased at the Spring-time. In the mango-sprays The sun-birds flashed; alone at his green forge Toiled the loud coppersmith; bee-eaters hawked Chasing the purple butterflies; beneath, Striped squirrels raced, the mynas perked and picked, The nine brown sisters chattered in the thorn, The pied fish-tiger hung above the pool, The egrets stalked among the buffaloes, The kites sailed circles in the golden air; About the painted temple peacocks flew, The blue doves cooed from every well, far off The village drums beat for some marriage-feast All things spoke peace and plenty, and the Prince Saw and rejoiced. But, looking deep, he saw The thorns which grow upon this rose of life How the swart peasant sweated for his wage, Toiling for leave to live; and how he urged The great-eyed oxen through the flaming hours, Goading their velvet flanks: then marked he, too, How lizard fed on ant, and snake on him, And kite on both; and how the fish-hawk robbed The fish-tiger of that which it had seized; The shrike chasing the bulbul, which did chase The jewelled butterflies; till everywhere Each slew a slayer and in turn was slain Life living upon death. So the fair show Veiled one vast, savage, grim conspiracy Of mutual murder, from the worm to man, Who himself kills his fellow; seeing which -The hungry ploughman and his laboring kine, Their dewlaps blistered with the bitter yoke, The rage to live which makes all living strife -The Prince Sidd창rtha sighed. "Is this," he said, "That happy earth they brought me forth to see? How salt with sweat the peasant's bread! how hard The oxen's service! in the brake how fierce The war of weak and strong! i' th' air what plots! No refuge e'en in water. Go aside
A space, and let me muse on what ye show." So saying, the good Lord Buddha seated him Under a jambu-tree, with ankles crossed, -As holy statues sit, -- and first began To meditate this deep disease of life, What its far source and whence its remedy. So vast a pity filled him, such wide love For living things, such passion to heal pain, That by their stress his princely spirit passed To ecstasy, and, purged from mortal taint Of sense and self, the boy attained thereat Dhyana, first step of "the path." Upon the attainment of his eighteenth year by the Prince, three sumptuous palaces were built by command of his father, surrounded with delicious blooming gardens, diversified with sportive streams and odorous thickets, in which Sidd창rtha strayed at will, with a new pleasure for every hour. The lad was happy, life was rich, and his youthful blood moved quickly in his veins: -Yet still came The shadows of his meditation back, As the lake's silver dulls with driving clouds. The heart of the King was troubled at these signs, and he consulted his ministers as to the course to be pursued with the son, dearer to him than his heart's blood, and destined to trample on the neck of all his enemies, in the sway of universal dominion. A shrewd old fox among the counsellors recommended the power of love as the cure for the waywardness of the boy: -"Find him soft wives and pretty playfellows, Eyes that make heaven forget, and lips of balm." The King feared lest the dainty boy should not find a wife to his mind, if permitted to range the garden of Beauty at will, and accepted the advice of another counsellor that a festival should be appointed in which the maids of the realm should contend for the palm of youth and grace: -"Let the Prince give the prizes to the fair, And, when the lovely victors pass his seat, There shall be those who mark if one or two Change the fixed sadness of his tender cheek; So we may choose for Love with Love's own eyes, And cheat his Highness into happiness." This thing seemed good; wherefore upon a day The criers bade the young and beautiful Pass to the palace, for 't was in command To hold a court of pleasure, and the Prince Would give the prizes, something rich for all, The richest for the fairest judged. So flocked Kapilavastu's mailens to the gate, Each with her dark hair newly smoothed and bound, Eyelashes lustred with the soorma-stick,
Fresh-bathed and scented; all in shawls and cloths Of gayest; slender hands and feet new-stained With crimson, and the tilka-spots stamped bright. Fair show it was of all those Indian girls Slow-pacing past the throne with large black eyes Fixed on the ground, for when they saw the Prince More than the awe of Majesty made beat Their fluttering hearts, he sate so passionless, Gentle but so beyond them. Each maid took With down-dropped lids her gift, afraid to gaze; And if the people hailed some lovelier one, Beyond her rivals worthy royal smiles, She stood like a scared antelope to touch The gracious hand, then fled to join her mates Trembling at favor, so divine he seemed, So high and saint-like and above her world. Thus filed they, one bright maid after another, The city's flowers, and all this beauteous march Was ending and the prizes spent, when last Came young Yasôdhara, and they that stood Nearest Siddârtha saw the princely boy Start, as the radiant girl approached. A form Of heavenly mould; a gait like Parvati's; Eyes like a hind's in love-time, face so fair Words cannot paint its spell; and she alone Gazed full -- folding her palms across her breasts -On the boy's gaze, her stately neck unbent. "Is there a gift for me?" she asked, and smiled. "The gifts are gone," the Prince replied, "yet take This for amends, dear sister, of whose grace Our happy city boasts;" therewith he loosed The emerald necklet from his throat, and clasped Its green beads round her dark and silk-soft waist; And their eyes mixed, and from the look sprang love. The King determined to send messengers to demand the maiden of her father in marriage for his son; but it was the law of the country that, when any one asked a maid of a noble house, he should make good his claim by martial and athletic arts against all challengers. The father accordingly replied that his child was sought by princes far and near, and if her lover could bend the bow, or wield the sword, or back a horse better than they, it would be the best thing for all; but he was afraid that such a cloistered youth would have no chance in so grave a contest. But the Prince only laughed at this, and declared that he was ready to meet all comers at their chosen games. The day at length came, and Siddârtha won the prize at shooting with the bow, and cleaving trees with the sword, when the turn came for the trial of horsemanship: -Then brought they steeds, High-mettled, nobly bred, and three times scoured Around the maidan, but white Kantaka Left even the fleetest far behind -- so swift,
That ere the foam fell from his mouth to earth Twenty spear-lengths he flew; but Nanda said, "We too might win with such as Kantaka; Bring an unbroken horse, and let men see Who best can back him." So the syces brought A stallion dark as night, led by three chains, Fierce-eyed, with nostrils wide and tossing mane, Unshod, unsaddled, for no rider yet Had crossed him. Three times each young Saky Sprang to his mighty back, but the hot steed Furiously reared, and flung them to the plain In dust and shame; only Ardjuna held His seat awhile, and, bidding loose the chains, Lashed the black flank, and shook the bit, and held The proud jaws fast with grasp of master-hand, So that in storms of wrath and rage and fear The savage stallion circled once the plain Half-tamed; but sudden turned with naked teeth, Gripped by the foot Ardjuna, tore him down, And would have slain him, but the grooms ran in Fettering the maddened beast. Then all men cried, "Let not Siddârtha meddle with this Bhut, Whose liver is a tempest, and his blood Red flame;" but the Prince said, "Let go the chains, Give me his forelock only," which he held With quiet grasp, and, speaking some low word, Laid his right palm across the stallion's eyes, And drew it gently down the angry face, And all along the neck and panting flanks, Till men astonished saw the night-black hors Sink his fierce crest and stand subdued and meek, As though he knew our Lord and worshipped him. Nor stirred he while Siddârtha mounted then Went soberly to touch of knee and rein Before all eyes, so that the people said, "Strive no more, for Siddârtha is the best." The maid was thus given to the Prince, the marriage-feast was kept, the gifts bestowed on holy men, the alms and temple-offerings made, and the garments of the bride and bridegroom tied. The old gray father spoke to the Prince to be good to her whose life was now to be only in him. The sweet Yasôhara was brought home, with songs and trumpets, to the Prince's arms, and "Love was all in all": -Yet not to love Alone trusted the King; love's prison-house Stately and beautiful he bade them build, So that in all the earth no marvel was Like Vishramvan, the Prince's pleasure-place. Midway in those wide palace-grounds there rose A verdant hill whose base Rohini bathed,
Murmuring adown from Himalay's broad feet, To bear its tribute into Gunga's waves. Southward a growth of tamarind-trees and sal, Thick set with pale sky-colored ganthi flowers, Shut out the world, save if the city's hum Came on the wind no harsher than when bees Hum out of sight in thickets. Northwards soared The stainless ramps of huge Himala's wall, Ranged in white ranks against the blue -- untrod, Infinite, wonderful -- whose uplands vast, And lifted universe of crest and crag, Shoulder and shelf, green slope and icy horn, Riven ravine, and splintered precipice Led climbing thought higher and higher, until It seemed to stand in heaven and speak with gods. Beneath the snows dark forests spread, sharplaced With leaping cataracts and veiled with clouds Lower grew rose-oaks and the great fir groves Where echoed pheasant's call and panther's cry Clatter of wild sheep on the stones, and scream Of circling eagles: under these the plain Gleamed like a praying-carpet at the foot Of those divinest altars. Fronting this The builders set the bright pavilion up, Fair-planted on the terraced hill, with towers On either flank and pillared cloisters round. Its beams were carved with stories of old time -Radha and Krishna and the sylvan girls -Sita and Hanuman and Draupadi; And on the middle porch God Ganesha, With disc and hook -- to bring wisdom and wealth -Propitious sate, wreathing his sidelong trunk. By winding ways of garden and of court The inner gate was reached, of marble wrought, White with pink veins; the lintel lazuli, The threshold alabaster, and the doors Sandal-wood, cut in pictured panelling; Whereby to lofty halls and shadowy bowers Passed the delighted foot, on stately stairs, Through latticed galleries, 'neath painted roofs And clustering columns, where cool fountains -- fringed With lotus and nelumbo -- danced, and fish Gleamed through their crystal, scarlet, gold, and blue. Great-eyed gazelles in sunny alcoves browsed The blown red roses; birds of rainbow wing Fluttered among the palms; doves, green and gray, Built their safe nests on gilded cornices; Over the shining pavements peacocks drew The splendors of their trains, sedately watched By milk-white herons and the small house-owls.
The plum-necked parrots swung from fruit to fruit The yellow sunbirds whirred from bloom to bloom, The timid lizards on the lattice basked Fearless, the squirrels ran to feed from hand, For all was peace: the shy black snake, that gives Fortune to households, sunned his sleepy coils Under the moon-flowers, where the musk-deer played, And brown-eyed monkeys chattered to the crows. And all this house of love was peopled fair With sweet attendance, so that in each part With lovely sights were gentle faces found, Soft speech and willing service, each one glad To gladden, pleased at pleasure, proud to obey Till life glided beguiled, like a smooth stream Banked by perpetual flow'rs, Yas么dhara Queen of the enchanting Court. The interior of the palace is described as the scene of Oriental luxury and delight, on which the author lavishes all the resources of his art to present the strange contrast between the effeminate indulgences of Sidd芒rtha's youth and the subsequent austere, lonely years of preparation in which he receives the holy anointing as a chosen prophet of humanity: -But innermost, Beyond the richness of those hundred halls, A secret chamber lurked, where skill had spent All lovely fantasies to lull the mind. The entrance of it was a cloistered square -Roofed by the sky, and in the midst a tank -Of milky marble built, and laid with slabs Of milk-white marble; bordered round the tank And on the steps, and all along the frieze With tender inlaid work of agate-stones. Cool as to tread in summertime on snows It was to loiter there; the sunbeams dropped Their gold, and, passing into porch and niche, Softened to shadows, silvery, pale, and dim, As if the very Day paused and grew Eve In love and silence at that bower's gate; For there beyond the gate the chamber was, Beautiful, sweet; a wonder of the world! Soft light from perfumed lamps through windows fell Of nakre and stained stars of lucent film On golden cloths outspread, and silken beds, And heavy splendor of the purdah's fringe, Lifted to take only the loveliest in. Here, whether it was night or day none knew. For always streamed that softened light, more bright Than sunrise, but as tender as the eve's; And always breathed sweet airs, more joy-giving Than morning's, but as cool as midnight's breath;
And night and day lutes sighed, and night and day Delicious foods were spread, and dewy fruits, Sherbets new chilled with snows of Himalay, And sweetmeats made of subtle daintiness, With sweet tree-milk in its own ivory cup. And night and day served there a chosen band Of nautch girls cup-bearers, and cymballers, Delicate, dark-browed ministers of love, Who fanned the sleeping eyes of the happy Prince, And when he waked, led back his thoughts to bliss With music whispering through the blooms, and charm Of amorous songs and dreamy dances, linked By chime of ankle-bells and wave of arms And silver vina-strings; while essences Of musk and champak and the blue haze spread From burning spices soothed his soul again To drowse by sweet Yasôdhara; and thus Siddârtha lived forgetting. But no enchantment of earth's delights could stay the soaring spirit which sought the crown of renunciation, the sacrifice of self for the deliverance of the race. The fated hour of consummation now struck. Standing by the couch of his sleeping wife, Siddârtha announces his resolution: -"I will depart," he spake; "the hour is come! Thy tender lips, dear sleeper, summon me To that which saves the earth but sunders us; And in the silence of yon sky I read My fated message flashing. Unto this Came I, and unto this all nights and days Have led me; for I will not have that crown Which may be mine: I lay aside those realms Which wait the gleaming of my naked sword: My chariot shall not roll with bloody wheels From victory to victory, till earth -Wears the red record of my name. I choose To tread its paths with patient, stainless feet, Making its dust my bed, its loneliest wastes My dwelling, and its meanest things my mates: Clad in no prouder garb than outcasts wear, Fed with no meats save what the charitable Give of their will, sheltered by no more pomp Than the dim cave lends or the jungle-bush. This will I do because the woful cry Of life and all flesh living cometh up Into my ears, and all my soul is full Of pity for the sickness of this world Which I will heal, if healing may be found By uttermost renouncing and strong strife. For which of all the great and lesser Gods
Have power or pity? Who hath seen them -- who? What have they wrought to help their worshippers? How hath it steaded man to pray, and pay Tithes of the corn and oil, to chant the charms, To slay the shrieking sacrifice, to rear The stately fane, to feed the priests, and call On Vishnu, Shiva, Surya, who save None -- not the worthiest -- from the griefs that teach Those litanies of flattery and fear Ascending day by day, like wasted smoke? ...... If one, then, being great and fortunate, Rich, dowered with health and ease, from birth designed To rule -- if he would rule -- a King of kings; If one, not tired with life's long day but glad I' the freshness of its morning, one not cloyed With love's delicious feasts, but hungry still If one not worn and wrinkled, sadly sage, But joyous in the glory and the grace That mix with evils here, and free to choose Earth's loveliest at his will: one even as I, Who ache not, lack not, grieve not, save with griefs Which are not mine, except as I am man; -If such a one, having so much to give, Gave all, laying it down for love of men, And thenceforth spent himself to search for truth, Wringing the secret of deliverance forth, Whether it lurk in hells or hide in heavens, Or hover, unrevealed, nigh unto all: Surely at last, far off, sometime, somewhere, The veil would lift for his deep-searching eyes, The road would open for his painful feet, That should be won for which he lost the world, And Death might find him conqueror of death. This will I do, who have a realm to lose, Because I love my realm, because my heart Beats with each throb of all the hearts that ache, Known and unknown, these that are mine and those Which shall be mine, a thousand million more Saved by this sacifice I offer now. Oh, summoning stars! I come! Oh, mournful earth! For thee and thine I lay aside my youth, My throne, my joys, my golden days, my nights, My happy palace -- and thine arms, sweet Queen! Harder to put aside than all the rest! Yet thee, too, I shall save, saving this earth; And that which stirs within thy tender womb, My child, the hidden blossom of our loves, Whom if I wait to bless my mind will fail. Wife! child! father! and people! ye must share
A little while the anguish of this hour That light may break and all flesh learn the Law. Now am I fixed, and now I will depart, Never to come again till what I seek Be found -- if fervent search and strife avail." We need cull no further specimens from this rich Oriental flower-garden to show that Mr. Arnold has presented the world with a poem equally striking for the novelty of its conception, its vigor of execution, and the exquisite beauty of its descriptive passages. The originality of its plan is fully sustained by its power of invention, splendor of coloring, and force of illustration. Mr. Arnold's imaginative gifts are combined with a singularly acute historical sense, and a rare perception of the music of rhythmical harmonies and the curious significance of a felicitous phrase. Nor is his poem to be regarded merely in the light of imagination or history. It forms a grave ethical treatise, shadowing forth in the legendary life of Siddârtha some of the deepest mysteries and loftiest experiences of the human soul. The great doctrine of renunciation, so earnestly insisted on by Goethe and Carlyle, is in fact the key-note of the poem, and the evolution of character from an exclusive devotion to self to a tender charity for our kind, which is so lucidly set forth in the philosophy of Herbert Spencer, is illustrated with all the charms of a fascinating narrative and the enchantments of melodious verse. As an exposition of the religious system of Buddha we reckon this poem as no more successful than the numerous similar attempts in prose. We have no sufficient data for the solution of the problem. But as a magnificent work of imagination, and a sublime appeal in the interests of the loftiest human virtue, we tender it the sincerest welcome, and grasp the author by the hand as a genuine prophet of the soul.
THE END. ******
FOOTNOTES: • Devas = celestial spirits • Sakyas = name of a royal
race in the northern frontiers of Magadha, hence Buddha’s title "Sakya Muni" or the "Sakya sage"
• Siddartha
= Buddha’s proper name, meaning "He who has reached the goal"
• Swastika = a Buddhist • Lakh = ten thousand
emblem, still in use today
• Dhyana = meditation • Rishis = seers • Maharaja = great king • Barasingh = a stag • Tilka-spot = the beauty-spot between the eyebrows • Maidan = Anglo-Indian word, "parade ground".
of Hindu women
• Sari
= garment of Hindu women, wound round the body with one end thrown over the shoulder. • Syces = groom. (Anglo-Indian word) • Jheel = a pool or lagoon in India after a flood. • Gadi = seat cushion. • Mantra = hymn or metrical passage (prayer or formula) • Purdah = curtain with which Indian women are screened from strangers. • Nautch girl = Indian dancing girl. • Vina-string = Hindu musical instrument of the guitar kind. • Yojana = nine English miles. • Maya = Buddha’s mother’s name. • Nullah = ravine, river-bed • Koss = a distance of over two English miles • Crore = million (Hindu word). • Channa = Buddha’s driver. • Guru = Hindu religious teacher. • Kshastriya = the second caste of warriors. • Sudra = the lowest, fourth caste, the servant class. • Lota = brass pot. • Rama = Hindu god, seventh incarnation of Vishnu. • Chaitra-Shud = march-april. • Chuddar = a kind of fine plain-coloured shawl. • Vishnu, Shiva, Surya =Vishnu, the second of the Hindu Trinity, who takes care of the universe, and who incarnates as avataras to help mankind. Shiva, the third of the Trinity, the Destroyer; sometimes regarded as One God.(Brahma, as the creator Prajapati, lord of all creatures, is the other member.) • Surya is the Sun-God. • Yaksha = goblin, spirit. • Brahmachari = Bramana student • Bhikshu = monk,devotee. • Rajaputra = son of a king, prince; "putra" means son. • Sakra = another name for Indra. • Devaraj = ruler of the gods. • Yajna = sacrifice. • Devi = feminine celestial spirit. • Shaster = also shastra, a Hindu sacred book, particularly a book of laws. • Sruti = the Vedas, orally handed down and considered as divine revelation. • Smriti = name of a religious scripture. • Jnana-Kand = the knowledge portion of the Vedas. • Karma-Kand = the ritualistic portion of the Vedas. • Bodhi-Tree = the Wisdom-Tree, famous in Buddhist scriptures; bodhi, wisdom. • Samma-sambuddh = highest knowledge, perfect wisdom; the final liberation from the errors of mortal perceptions • Abhidjna = supernatural powers. • Kalpa and mahakalpa = world epoch and super epoch. • Dukkha-Satya = the truth regarding sorrows. • Karma = action of life, with its law of consequences in the present and future life. • Nidana = cause. The twelve Nidana form the chain of causation which carries on the misery of the world. • Howdah = a seat with canopy and railing for the rider on elephant’s back.
• Iddhi = dominion of spirit over matter, also certain major powers (Sanscrit: riddhi) • Upeksha = the discipline of ignoring non-essentials. • Amrit = nectar, or the immortal drink of the Vedic gods. • Jhana = pali for Sancrit Dhyyana, meditation, beatific vision. • Three Chief Refuges = the Buddha, the Doctrine and the Order (or Church ).
---o0o---
Réf : VAS0003 en vente chez : L'Art 36 55
et l'Affiche - Cliquez ici - Nice, France - 33+ 04 93 62
ARNOLD Edwin, Sir. THE LIGHT OF ASIA, or THE GREAT RENUNCIATION. [Gautama, buddhism] ... being The Life and Teaching Of GAUTAMA, Prince of India and Founder of Buddhism". Kegan Paul, Trench, Trubner & Co. LTD, London, 1926. 1 vol. format 9 X 13,7 cm, 157 pp. Edition originale. Avec 12 photographies de Lady Eardley-Wilmot. Ouvrage anglophone. La vie et les enseignements de Buddha, en vers. Ex. très frais. Rel. plein cuir, premier plat orné d'un motif doré, titre en réserve dorée sur le plat et le dos, tranche de tête dorée. Joli petit volume. Très bon état. - Prix : 38.00 €
Réf : 3913 en vente chez : Librairie 21 35
Ancienne Clagahé - Cliquez ici - Lyon, France - 04 78 37
Arnold, Edwin : La lumière de l'Asie. Le grand renoncement (Mahabhinishkramana). La vie et la doctrine de Gautama prince indien et fondateur du boudhisme (selon le récit d'un boudhiste indien). Traduit de l'anglais avec l'autorisation de l'auteur et augmenté d'un avant-propos et de notes par Léon Sorg. Paris, Chamuel, 1899 ; in-8, broché ; 150 pp., (1) f. (couverture de relais de Chacornac, 1902). - Prix : 120.00 €
Réf : ES0006 en vente chez : L'Art 36 55
et l'Affiche - Cliquez ici - Nice, France - 33+ 04 93 62
ARNOLD Edwin. LA LUMIERE DE L'ASIE - LE GRAND RENONCEMENT (Mahabhinishkramana). L. Chamuel, Paris, 1899. La vie et la doctrine de Gautama, Prince indien et fondateur du Bouddhisme (Selon le récit d'un bouddhiste indien). 1 vol. In-8 , 150 pp. Traduction de l'anglais, avant-propos et notes par Léon Sorg. Reliure demi-chagrin à gros grain, dos à 5 nerfs, titre doré. Coins et coiffes lég. frottés. - Prix : 29.00 €
Réf : ORD0631d en vente chez : Librairie 59 24
Les Vieux Ordinaires - Cliquez ici - Toulon, France - 04 94 89
ARNOLD Edwin.La lumière de l'Asie.- Le grand renoncement (Mahabhinishkramana). La vie et la doctrine de Gautama Prince indien et fondateur du Bouddhisme (Selon le récit d'un bouddhiste indien. Traduit de l'anglais par Léon Sorg. Chhamuel. 1899. In-8 br. 150pp. Couverture détachée, dos abimé. - Prix : 30.00 €
/////////////////////////////////////////////////////////////////////////////////
Tranh Minh Họa Cuộc Đời Đức Phật Thích Ca Life Of the Buddha
Cách đây nhiều năm, tại một vương quốc nhỏ ở phía Bắc Ấn Ðộ, có một sự kiện xảy ra làm thay đổi toàn thể thế giới, Hoàng hậu Ma Da (Maya), vợ của vua Tịnh Phạn (Suddhodana), trong lúc ngủ đã có một giấc mơ tuyệt diệu. Bà mơ thấy một luồng ánh sáng trắng từ bầu trời chiếu xuống thân thể mình, theo luồng ánh sáng này là một con voi chiến, thân hình trắng xóa với sáu chiếc ngà. Luồng ánh sáng và con voi này bay càng lúc càng gần và cuối cùng nhập vào thân bà. Lúc ấy Hoàng hậu Ma Da tỉnh dậy với một niềm hoan hỷ tràn đầy, chưa từng có trước đây... Sau đó vào đêm trăng tròn tháng tư, năm 625 trước Tây lịch, Ðức Phật ra đời tại vườn Lâm-tì-ni. Sau khi sinh ra, Ngài bước bảy bước, mỗi bước có hiện ra một hoa sen nâng đở chân Ngài. Ngài tuyên bố là Ngài là người đáng tôn thờ nhất.
1. Từ cung trời Ðâu-suất, Bồ-tát được Phạm thiên và Tứ Thiên vương thỉnh mời tái sinh xuống thế. The Bodhisatta (Buddha-to-be) was invited by Brahma and Four Celestial Kings to be born in the world from Tusita Heaven.
2. Khi Hoàng hậu Maha Ma-da, mẹ của Ðức Phật, thụ thai, bà nằm mộng thấy một voi trắng từ một ngọn núi vàng bạc mang một đóa hoa sen đến dâng cho bà.
In the day Sirimahamaya, the Buddha's mother, conceived a child, she had dreamt that there was a white elephant descended from the silver and golden mountains and brought her a lotus.
3. Ðản Sanh: Vào đêm trăng tròn tháng tư, năm 625 trước Tây lịch, Ðức Phật ra đời tại vườn Lâm-tì-ni. Sau khi sinh ra, Ngài bước bảy bước, mỗi bước có hiện ra một hoa sen nâng đở chân Ngài. Ngài tuyên bố là Ngài là người đáng tôn thờ nhất. Birth: On the Full Moon Day of Vesak month, 625 B.C.E., the Buddha was born in Lumbini Park. Immediately after being born, he walked for seven steps, and there was a lotus holding him up at every step. He said he was the most exalted one in the world.
4. Khi ẩn sĩ Kaladevila đến thăm hoàng nhi, vị hoàng tử trẻ lập tức hiện ra trên đầu vị ẩn sĩ. Vua Tịnh-phạn, cha của Ngài, và dòng họ Thích-ca, đãnh lễ với Ngài. When a hermit named Kaladevila visited the child, the prince mystically appeared on the head of the hermit. King Suddhodanama, his father, and all the Sakyans bowed before the prince.
5. Trong buổi lễ Hạ điền, Hoàng tử Sĩ-đạt-ta ngồi dưới một cụm cây to bóng mát và hành thiền. Mặc dù các bóng cây khác dần dần ngã dài ra theo thời gian trong ngày, bóng cây nơi Ngài ngồi thiền vẫn giữ yên như cũ. Vua cha rất vui mừng, và một lẫn nữa cúi đầu lễ Ngài. During ploughing ceremony, Prince Siddhattha sat down in the shade of a tree and was soon lost in meditation. Though the shadows of all the trees had lengthened, the shadow of the tree under which the prince was seated had not moved. His father was overjoyed and bowed before him again.
6. Thái tử Hoàng tử Sĩ-đạt-ta có tài thiện xảo bắn cung, và đã nâng cánh cung rất nặng mà từ trước đến nay có rất ít người nâng và dùng nó. Việc hiển thị sức mạnh phi thường nầy chứng tỏ Ngài sẽ là Ðế Vương Vũ trụ. Prince Siddhatha showed his skill in archery by lifting a bow which no one within memory of man had ever been able to draw or lift it. It was known from his marvellous strength that he would become Universal Monarch.
7. Lễ Thành hôn: Các vị trời đến rải nước chúc phúc từ vỏ sò khi Thái tử Sĩ-đạt-đa kết hôn với Công chúc Da-du-đà-la. Thái tử sống hạnh phúc trong ba cung điện trong mọi ngày và đêm. Wedding Ceremony: The gods gave the holy water from the conch when Prince Siddhatha married Princess Yasodhara. The prince was very happy in his three palaces all days and nights.
8. Ngày nọ, Thái tử Sĩ-đạt-ta dạo chơi trong thành và thấy bốn dấu hiệu của một ông già, một người bệnh hoạn, một tử thi, và một ẩn sĩ. Ngài trân quý dấu hiệu sau cùng. One day Prince Siddhattha went into the city and saw the four signs of and old man, a man afflicted with a loathsome, a corpse, and an ascetic. He appreciated the last one.
9. Ðại Xuất Gia: Khi hoàng nam La-hầu-la chào đời, Thái tử Sĩ-đạt-ta quyết định lìa bỏ đời sống thế tục. Ngài đến thăm Da-du-đà-la lần cuối. Và Ngài thấy các cung phi nằm ngủ mê mệt, như những xác chết xấu xí trong nghĩa địa. Great Renunciation: In the day Rahula, his son, was born, Prince Siddhattha decided to renounce the world. He saw a last sight to Yasodhara. And he happened to see his ladies in waiting who were sleeping, showing him their various kinds of ugly manners like cemetery.
10. Thái tử Tất-đạt-ta xuất gia, rời bỏ gia đình. Ngài cùng người thị giả, Xa-nặc, cởi ngựa đến bờ sông Anoma. Prince Siddhattha renounced the world. He accompanied by his confidant, Channa, rode to the bank of Anoma River.
11. Thái tử Sĩ-đạt-ta cắt tóc với một nhát gươm. Prince Siddhattha took a sword and cut off his hair with one blow.
12. Tự hành hạ thể xác: Thái tử Sĩ-đạt-ta, vị Phật sắp thành, hành pháp ép xác trong 6 năm đến khi Ngài trở nên rất gầy yếu. Xương trong thân lộ ra ngoài. Nhưng sự hành hạ xác thân không đưa đến giải thoát. Khi Ngài nghe một bài hát do Phạm thiên Indra đánh đàn, Ngài liên tưởng đến loại đàn với dây không căng không chùng, và từ đó Ngài khám phá con đường trung dung, Trung Ðạo. Self-mortification: Prince Siddhattha, the Buddha-to-be, practised self-mortification for six years until he became very thin. His bones showed prominently. But his austerities did not lead him to deliverance. When he listened to a song played by Indra, he thought of a stringed instrument and discovered the Middle Way.
13. Nàng Sujata cúng dường vị Bồ-tát một bát cháo sữa với mật ong. Sujata tưởng Ngài là một vị trời. Sau khi thọ thực, Ngài ném cái bát ấy vào dòng nước (và bát ấy từ từ trôi ngược dòng). Sujata offered the Buddha-to-be a gold bowl full of milk mixed with rice flour and honey. Sujata thought he was a god. After taking that meal, the Buddha-to-be threw the bowl into the water.
14. Bồ-tát chiến thắng Ma vương Vasavatti và đoàn tùy tùng khuấy nhiễu Ngài tại cội cây Bồ-đề. Một vị nữ thần từ lòng đất hiện ra để giúp Ngài đánh bại Ma vương. Sau đó, Ma vương chịu khuất phục, và ca tụng Ngài. The Buddha-to-be defeated Vasavatti Mara, King of Evil, and his companies who attacked him at the Bodhi tree. A goddess of great beauty emerged from the earth and helped the hero defeat Mara. Then the King Mara payed him his homage. 15. Giác Ngộ: vào buổi sớm mai vào ngày trăng tròn tháng tư (tháng Vesak), năm 588 trước Tây lịch, Ðức Phật thực chứng Tứ Diệu Ðế: Khổ, Nguyên Nhân của Khổ, sự Diệt Khổ, và Con Ðường Diệt Khổ. Enlightenment: At dawn on the Full Moon Day of Vesak month, 588 B.C., the Buddha enlightened the Four Noble Truths, i.e., Suffering, the Cause of Suffering, the Cessation of Suffering, and the Way leading to the Cessation of Suffering. 16. Ba người con gái của Ma vương tìm mọi cách để quyến rủ Ngài. Nhưng họ đều thất bại. The three daughters of King of Evil (Mara) tried to solace and fascinate the Buddha. But their endeavour was in vain. 17. Hai thương gia, tên là Tapussa và Bhalika, đến dâng cơm. Tứ Thiên Vương dâng Ngài bốn bình bát. Ngài biến chúng thành một bát duy nhất. Two merchants named Tapussa and Bhalika gave the Buddha his barley meal. The Kings of four directions offered the Buddha four bowls. He made them to be one bowl. 18. Phạm Thiên thỉnh mời Ðức Phật giảng dạy Giáo Pháp vì hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại. The Buddha was invited by Brahma to go and preach for the welfare of the peoples of the world. 19. Ðức Phật giảng bài Pháp đầu tiên (Chuyển Pháp Luân) cho năm ẩn sĩ tại vườn Nai, Sarnath. The Buddha preached the First Sermon to the five ascetics in the Deer Park, Sarnath. 20. Ðức Phật giảng pháp cho Da-xá. Sau đó, Ngài truyền giới cho Da-xá và 54 người bạn (cùng với 5 anh em Kiều Trần Như, đây là 60 vị đệ tử A-la-hán đầu tiên). Vợ và cha mẹ của Da-xá là những Phật tử đầu tiên qui y Tam Bảo. The Buddha gave a sermon to Yasa. Later he gave Yasa and his fifty-four friends ordination. Yasa's parents and wife were the first people who accepted the Triple Gem as their refuge.
21. Ðức Phật giảng bài Kinh Lửa Cháy cho anh em Ca-diếp Uruvela, Nadi, Gaya, cùng với 1000 đệ tử của họ, sau đó họ trở thành đệ tử của Ðức Phật và đắc quả A-la-hán. The Buddha gave a sermon on fire to Uruvela Kassapa, Nadi Kassapa, Gaya Kassapa, as well as their 1000 disciples, and made them all attain Arahatship. 22. Vào ngày Magha, Ðức Phật truyền Ðại Giới Bổn cho 1250 vị Tỳ kheo, và tóm tắt: "Không làm các điều ác; Gắng làm các điều lành; Luôn tu tâm tịnh ý; Chư Phật đều dạy thế." On Magha Day, the Buddha gave Ovadapatimokkha to 1250 monks, and summarized: "Not to do bad; to do good; purify one's mind; these are the teaching of the Buddhas". 23. Vào ngày Hoàng tử Nanda, em cùng cha khác mẹ, sửa soạn lễ kết hôn, Ðức Phật giao bát cho Nanda. Nanda miễn cưởng mang bát đi theo Ðức Phật về tinh xá. Sau đó, Ðức Phật truyền giới xuất gia cho Nanda, và đem chàng đi xem các cung trời. Về sau, Nanda đắc quả A-la-hán. In the day Prince Nanda, his younger brother, entering wedding ceremony, the Buddha gave his bowl to Nanda. Nanda unwillingly carried it following the Buddha to his residence. The Buddha gave him ordination and took him to see the fairies. Later he became an Arahat. 24. Vua Tịnh-phạn và Công chúa Da-du-đà-la khuyên La-hầu-la đến đòi Ðức Phật phần gia tài di sản. Ðức Phật cho phép cậu xuất gia Sa-di. Vua Tịnh-phạn rất buồn phiền về việc này. Sau đó, nhà vua đề nghị Ðức Phật không làm lể xuất gia cho những ai chưa có sự đồng ý của cha mẹ. Ðức Phật chấp nhận đề nghị đó. King Suddhodana and Princess Yasodhara suggested Rahula to ask to the Buddha for his heritage. The Buddha gave him ordination as a novice. Suddhodana was very sorry. He then asked the Buddha not to give ordination to any one who is not granted by his parents. The Buddha accepted his proposal. 25. Ðề-bà-đạt-ta đã tìm đủ cách hại Ðức Phật trong nhiều tiền kiếp. Ông ta gây chia rẻ Tăng đoàn, và tạo thương tích nơi chân Ðức Phật. Quả đất không chịu nổi ông ta. Vì thế, mặt đất nứt ra. Những ngọn lửa cực mạnh bùng cháy ra. Ðề-bà-đạt-ta rơi vào trong đám lửa ấy và tan biến. Devadatta tried against the Buddha by all means for many thousands of births. He made schism in the Order and hurted the Buddha till the Buddha's foot was bruised. The earth could not uphold him. The ground opened. The fierce flames burst forth. Devadatta sank amidst the flames and disappeared. 26. Bà Kiều-đàm-di (Ba-xa-ba-đề), di mẫu của Ðức Phật, dâng cúng Ngài bộ y do chính bà tự tay dệt ra. Tuy nhiên, Ðức Phật khuyên bà nên dâng bộ y đó cho cả Tăng đoàn, như thế bà sẽ được phước báo nhiều hơn. Prajapati, his step-mother, offered the Buddha a pair of her own hand-made robes. But the Buddha told her to offer them to the Order, since she would get more merits.
27. Ðức Phật châm lửa thiêu xác vua cha Tịnh-phạn trong buổi lễ Trà Tỳ, và dạy tứ chúng về lòng hiếu thảo. The Buddha gave flame to the remains of King Suddhodana at the Cremation Ceremony, and taught the four Buddhist companies on filial piety. 28. Ðức Phật đến cung trời Ðao-lợi để giảng Thắng Pháp (Vi Diệu Pháp) cho thân mẫu là Hoàng hậu Ma-ha Ma-da. The Buddha ascended to Tavatimsa heaven and preached to Abhidhamma to his mother, Mahamaya. 29. Vào ngày Ðức Phật từ cung trời Ðao-lợi trở về, chư thiên và loài người tề tụ nghênh đón. Ðức Phật dùng thần thông cho họ thấy được toàn thể mọi thế giới. In the day the Buddha was descending from Tavatimsa heaven, both men and gods were crowded. The Buddha mystically showed all worlds to the crowd. 30. Angulimala, tên cướp sát nhân, định giết mẹ của hắn. Khi gặp Ðức Phật đang đi trì bình, hắn đổi ý và muốn sát hại Ðức Phật. Hắn chạy theo Ðức Phật và gọi Ngài hãy đứng lại. Ngài trả lời là Ngài đã dừng lại từ lâu, có nghĩa là Ngài đã ngưng mọi hành động sát hại. Angulimala tỉnh ngộ, quăng bỏ khí giới, và xin thọ giới. Về sau, ông ta đắc quả A-lahán. Angulimala, the bandit, tried to kill his mother. When he saw the Buddha walking for alms round, he changed his mind and wanted to kill the Budha and ordered Him to stop. The Buddha said He had already stopped, He meant He had stopped from killing. Angulimala suddently understood, dropped his weapon, and asked to be ordained. He later became an Arahat. 31. Ðức Phật nhập Bát-Niết-bàn trong rừng Sala, gần thành Kusinara, năm 543 trước Tây lịch, sau 45 năm hoằng pháp độ sinh. The Buddha entered into Pari-Nibbana at the Sal grove in Kusinara city, 543 B.C.E., after preaching for the welfare of the peoples for forty-five years. 32. Phân chia Xá-lợi của Ðức Phật: Một vị bà-la-môn tên là Tona khuyên các vua đến từ bảy vương quốc không nên tranh nhau về Xá-lợi của Phật, mà hãy nghiêm túc thực hành theo Giáo Pháp. Sau đó, vị nầy phân chia đồng đều các phần Xá-Lợi cho các vị vua đó. Division of the Buddha's relics: A brahmin named Tona told the kings of seven countries to stop fighting for the Buddha's relics and better to practise the Dharma. He divided the relics to those kings proportionally. Source: http://vinhanonline.com/index.php?option=com_content&view=article&id=634:cuoc-doiduc-phat-thich-ca&catid=95:chung-nhan-phat-giao&Itemid=278
000 )()()( 000