Tu tuong Phat giao cua dai thi hao Nguyen Du

Page 1

TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO CỦA ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU NGUYỄN DU ĐÃ CHỊU ẢNH HƯỞNG PHẬT GIÁO NHƯ THẾ NÀO ..................... 2 1/ NGUYỄN DU VÀ CUỘC ĐỜI ................................................................................ 3 2/ NGUYỄN DU VÀ PHẬT GIÁO ........................................................................... 18 TÌM HIỂU TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO CỦA ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU .............. 32 GIÁ TRỊ TRIẾT HỌC TÔN GIÁO TRONG TRUYỆN KIỀU ..................................... 38 NGUYỄN DU VÀ PHÂN KINH THẠCH ĐÀI ............................................................ 58 GÓP PHẦN TÌM HIỂU TRIẾT LÝ ĐẠO PHẬT TRONG TRUYỆN KIỀU ............... 79 TÂM THIỀN NGUYỄN DU QUA THƠ CHỮ HÁN.................................................... 93 ĐỌC THƠ CHỮ HÁN CỦA NGUYỄN DU ............................................................... 104 1. Nhân cách của một kẻ sĩ ....................................................................................... 105 2. Nhân sinh quan của Nguyễn Du ........................................................................... 109 3. Kim Cang Bát Nhã - Tư tưởng chủ đạo trong thi ca Nguyễn Du ......................... 113

1


NGUYỄN DU ĐÃ CHỊU ẢNH HƯỞNG PHẬT GIÁO NHƯ THẾ NÀO Đại Lãn Viết về cụ Nguyễn Du mà chúng ta không nói đến lòng thương vô hạn của cụ đối với chính mình đối với tha nhân, đối với xã hội thì đó là một vấn đề thiếu sót; viết về Nguyễn Du mà không nói đến Phật giáo thì đó cũng là một thiếu sót quan trọng, vì toàn bộ sự nghiệp văn thơ của cụ đều phát xuất từ hai quan điểm này để từ đó cụ gởi gắm tâm sự của cụ lại cho người hậu thế. Vì vậy cho nên khi nghiên cứu về văn thơ của cụ thì bắt buộc chúng ta phải biết về nhân sinh của chính cụ và qua quan niệm khổ của Phật giáo. Theo giáo lý của đức Đạo sư thì nền tảng căn bản của việc học Phật được đặt trên ba học Giới-Định-Tuệ, cho nên Thiền định được coi như là một pháp môn tu học chung cho cả hai thừa Đại và Tiểu trong việc hoàn thiện ba nghiệp thâ-khẩu-ý thanh tịnh để chấm dứt khổ đau mà đức Đạo sư đã căn cứ vào những hiện tượng duyên khởihiện hữu-vô thường-biến dịch của nhân sinh và vũ trụ mà xác nhận rằng: “Thế gian là giả tạm, bất toàn, trống rỗng, là đau khổ”. Ngay đến những trạng thái mà người đời cho rằng hạnh phúc an vui cũng luôn bị luật vô thường chi phối nên chúng chỉ là những trạng thái có được giả tạm không thật hữu, nên chúng cũng thuộc về đau khổ. Do đó, đau khổ bao gồm tất cả mọi ý nghĩa được quan niệm có được phát xuất từ ba phương diện: Khổ-khổ (Dukkha-dukkha), hoại-khổ (viparināma-dukkha), và hành-khổ (samkhāra-dukkha) [ba phương diện này chúng tôi đã giải thích phẩn dẫn nhập], bằng vào giải thoát khổ đau do ba nghiệp sinh ra, khi hành giả đạt được giải thoát hoàn toàn khổ đau thì tự nhiên an lạc hạnh phúc hiển bày. Và theo cái học của Thiền thì gồm có: Thiền Thế gian, và Thiền Tiểu thừa Thiền Đại thừa (Như lai Thiền) cuối cùng là Thiền của Tối thượng thừa (Tổ sư Thiền). Ba loại Thiền trước được y cứ vào văn tự của kinh điển để học và thực tập, nhưng riêng Tối thượng thừa Thiền thì không y cứ vào văn tự của kinh điển thông thường mà chỉ tạm mượn những kinh nào khế họp với căn cơ bén nhạy tạo ra những nghi tình bất hợp lý đối với thế trí biện thông của thế gian, cộng với những duyên sống để khai mở những vướng mắc của vô minh khổ đau cho hành giả mà thôi, nên Tổ sư Bồ-đề Đạt-ma đã chủ trương “Dĩ tâm truyền tâm, bất lập văn tự.[1] ” Ở đây Nguyễn Du tiên sinh cũng đã từng học Thiền và thực tập thiền qua kinh Kim cương (một quyển Kinh mà Thiền tông Trung hoa mượn làm duyên, để y cứ cho những người mới bước chân vào Tối thượng thừa Thiền thực tập của Hoàng Mai ngũ tổ và, cũng nhờ Kinh Kim cương mà Tổ Huệ Năng thành vị tổ sư thứ sáu của Thiền tông Trung hoa[2]. Nhưng vì sao tiên sinh đã từng thực tập Thiền bằng cách độc tụng tư duy về kinh Kim cương hàng nghìn lần mà cũng vẫn chưa ngộ được chỗ rốt ráo của kinh, trong khi chỉ qua cái nhìn lại “dưới chân đài phân kinh” của Thái tử Lương Chiêu Minh xưa kia còn để lại, thì ngộ ra được cái bổn lai diện mục rốt ráo của Kinh Kim Cương chính “Vô Tự” thị chân kinh (Tối thượng thừa Thiền)? Thật ra ở đây cụ Tiên Điền, nếu trước đó đã không độc tụng hàng nghìn lần kinh Kim Cương thì chưa chắc qua cái nhìn đó cụ có thể ngộ ra được chỗ rốt 2


ráo của kinh được! Nhưng chính nhờ đã huân tập hàng nghìn lần về nghi tình “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm, 應無所住而生其心”[3] (nên sinh tâm mình vào nơi không có chỗ trụ). Vậy nơi nào là nơi không có chỗ trụ? Đây chính là cái nghi tình được tạo ra bỡi thiền Công Án hay Tham Thoại Đầu của Tổ sư Thiền mà cụ đã được huân tập kinh qua đến mức vừa đầy; bây giờ chỉ cần giọt nước cuối cùng đổ vào nghi tình đó thì cái nghi tình đó sẽ bùng vỡ. Ở đây chính cái nhìn lại “Dưới chân đài phân kinh” là giọt nước cuối cùng để Tiên sinh ngộ ra được “Vô tự” chính là chân kinh, cũng chính là không chỗ trụ. Giờ đây đích thị Nguyễn Du tiên sinh đã trở thành một Thiền sư. Nhưng trước khi để trở thành một Thiền sư thì Nguyễn Du tiên sinh trước đó cụ đã kinh qua những năm tháng dài độc tụng tư duy, nghiền ngẫm về kinh Kim Cương, và trước đó nữa tuy chúng ta không biết được cụ đã học tập những kinh sách nào được ghi lại qua văn thơ, nhưng qua tư tưởng Phật giáo, mà cụ đã thể hiện trong văn thơ để lại ngoài truyện Kiều ra, cho chúng ta thấy rằng Phật giáo Tiểu thừa đã ăn sâu vào trong tiềm thức của cụ qua nhân quả báo ứng của mỗi cá thể được thay thế bỡi mệnh Trời, thể hiện tư tưởng nhân duyên sống của nhân sinh, qua đó chúng bị luật vô thường luôn chi phối đổi thay. Mệnh Trời ở trong truyện Kiều chỉ là một tiền đề được cụ nêu lên để đại diện cho một quan niệm của Nho giáo, bằng vào nhân bản tính qua tác nhân tạo nghiệp của con người theo luật tắc nhân quả báo ứng của Phật giáo mà phủ định đi tính siêu hình Định mệnh hay Thiên mệnh của Nho giáo, điều này nếu không muốn nói là điều sai lầm của Nho giáo mà cụ nhìn ra được. (việc này chúng tôi sẽ bàn kỹ qua nghiên cứu truyện Kiều). 1/ NGUYỄN DU VÀ CUỘC ĐỜI Qua tiểu sử của cụ, ngoại trừ mười năm của thời thơ ấu an ổn sống trong vòng tay của mẹ và gia đình tại Thăng Long và quê nhà Tiên Điền, Hà Tĩnh; nhưng sau đó những biến cố cứ mãi dồn dập đổ lên đầu cậu bé Nguyễn Du: mười tuổi cha mất, mười hai tuổi mẹ lại qua đời không gì bất hạnh và đoạn trường hơn là làm đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ vào cái tuổi đang còn ham chơi, đang cần chỗ nương tựa… và cũng từ đó bắt đầu cụ nếm mùi thăng trầm khổ ải tủi nhục trong nương nhờ ở tạm từ nơi này qua nơi khác và, cũng luôn tùy thuộc vào sự thăng trầm của những người thân. Việc đổi thay triều đại, việc lên voi xuống chó chỉ trong tích tắc và, những hậu quả đầy khổ đau tất yếu theo sau qua chánh báo (cá nhân) cùng y báo (gia đình-xã hội), đã nói lên được tính vô thường khổ đau luôn hiện hữu qua cuộc sống nhân sinh và riêng cá nhân cụ. Hơn bốn mươi ba năm còn lại trên cõi đời, trong khoảng thời gian này, nhất là mười năm giang hồ cát bụi, sống xa mái ấm gia đình lúc nào cụ cũng mang một nỗi buồn đau rộng lớn, thương mình, thương những người thân, thương cho những đồng loại phải chịu đày đọa khổ cực. Cửa nhà tan nát đổi thay trong kiếp người bên cạnh những đổi thay của ngoại cảnh thiên nhiên, thời thế loạn lạc chia ly, kế sinh nhai mịt mờ phía trước, thân phận ăn đậu ở nhờ tủi cực khôn nguôi, nỗi lo lắng luôn dằn vặt trong nếp tư 3


duy suy nghĩ, đến nỗi mới ba mươi tuổi trên đầu mà tóc trắng bạc phơ, tư tưởng muốn sống nơi vắng vẻ vô sự cũng bắt đầu xuất hiện: “… Hà năng lạc phát quy lâm khứ, Ngọa thính tùng phong hưởng bán vân.” 何能落髮歸林去 臥聽松風響半雲 (Tự thán II)** Dich: … Làm sao xuống tóc về rừng ẩn, Nằm nghe tùng hát gió đưa mây.” Tư tưởng muốn xuống tóc vào rừng ở ẩn làm một người vô sự trước cuộc sống là một dấu hiệu tự quy hướng vế chính mình để dọn đường cho việc nghiên cứu Phật pháp và thực hành độc kinh Phật, trở thành một hành giả tu tập thiền sau này của cụ. Tư tưởng này xuất hiện trong khoảng thời gian mười năm lưu lạc giang hồ cát bụi đã hình thành qua những kinh nghiệm sống, kinh qua trong những đắng cay khổ nhục của cuộc sống lưu đày rày đây mai đó của một thân lữ thứ trên quê hương rộng mà không có nhà, có thể đây là thời gian từ năm 1786-1795. Sau mười năm lưu lạc giang hồ cụ đã trở về sống với núi rừng dưới chân núi Hồng Lĩnh bên dòng Lam giang và, cuối cùng cũng không tránh được phải ra làm quan với một thái độ bất đắc dĩ, để từ đó cụ ghi lại cuộc đời mình qua những vần thơ chữ Hán đầy thương đau và buồn chán, nghiệt ngã cho chính mình và tha nhân cùng xã hội. Những hình ảnh cụ ghi lại qua thơ văn không ngoài cái quan niệm vô thường-khổ-không của Phật giáo như trên chúng tôi đã trình bày đối với cuộc đời qua khổ-khổ, hoại khổ, hành khổ, đầy ngậm ngùi đớn đau, đầy xúc động trong một cái nhìn sâu xa từ hiện tượng đến bản chất của chúng. Cái nhìn tận căn đẽ này chính là cái nhìn chánh kiến của Phật giáo, từ mê qua ngộ. Khi là mê thì các pháp trở thành pháp thế gian, pháp hữu lậu, pháp khổ đau; còn khi chúng ta ngộ ra rồi thì các pháp này trở thành pháp xuất thế gian, pháp vô lậu, pháp an vui giải thoát. Từ một cậu bé tuổi vừa lên năm đã theo gia đình về quê nội tại Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh dưới núi Hồng Lĩnh, cạnh sông Lam, khi cha mình cáo lão từ quan về quê vào năm Tân mão 1771[4] . Đây là dấu hiệu mở màn của bước chân đầu cho những bước phong trần khổ ải sau này của cụ. Sau khi cậu bé Nguyễn Du theo cha và gia đình về quê thì, năm năm sau người cha mất đi và, tiếp hai năm nữa là mất luôn cả người mẹ thân yêu. Bây giờ cậu bé Nguyễn Du thật sự đã trở thành trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ; mới mười hai tuổi đầu mà cậu bé phải chịu một nỗi mất mát đớn đau đoạn trường đến thế thì cuộc đời của cậu sẽ ra sao sau này? Đây là những kí ức được Nguyễn Du tiên sinh ghi lại khi nhớ lại ngày mới bước chân về lại làng quê nội trên bến Giang Đình cùng cha mình và gia đình, trong đó có cậu bé Nguyễn Du lúc 5 tuổi và, từ đó cho đến những năm biến động sau này cho cả gia đình và cá nhân cậu bé. Những hình ảnh đó và những 4


biến động trong cuộc sống của gia đình sau này được cụ ghi lại một cách tổng quát, nhưng chúng nói lên được cái quan niệm vô thường-khổ đau của đạo Phật luôn hiện hữu trong cuộc sống và, chính cụ là người đã trải qua và kinh nghiệm trong cuộc sống của chính mình, của gia đình, của xã hội qua bài thơ Giang Đình hữu cảm: “Ức tích ngô ông tạ lão thì, Phiêu phiêu bồ tứ thử giang mi. Tiên chu kích thủy thần long đấu, Bảo cái phù không thụy hạc phi. Nhất tự y thường vô mịch xứ, Lưỡng đê yên thảo bất thăng bi. Bách niên đa thiểu thương tâm sự, Cận nhật trường an đại dĩ phi.[5] ” 憶昔吾翁謝老時 飄飄蒲駟此江湄 仙舟激水神龍鬥 寶蓋浮空瑞鶴飛 一自衣裳無覓處 兩隄煙草不勝悲 百年多少傷心事 近日長安大已非 (Giang Đình hữu cảm) Dịch: Nhớ lúc xưa, cha ta cáo lão, Tấp nập ngựa xe bến sông này. Thuyền tiên rẽ nước rồng giao đấu, Lọng quý trên không hạc gieo lành. Từ khi xiêm áo không tìm thấy, Khói cỏ đôi bờ chịu bi thương. Cận nhật kinh thành nhiều khác lạ, Trăm năm nhiều ít chuyện thương tâm! Qua bài thơ này Nguyễn Du tiên sinh đã ghi lại những kí ức những cảnh tượng đã xảy ra khi cha cáo lão từ quan về làng, khi mình còn là một cậu bé vừa lên năm nào ngựa xe trên bến dưới thuyền, cờ lọng quý che phủ rợp trời cho đến khi áo xiêm lộng lẫy không còn tìm thấy nữa và, những biến động gia đình xảy ra sau đó; mọi việc vô thường đều đổi thay một cách nhanh chóng, từ hình thức trạng thái tâm lý này đổi sang hính thức trạng thái tâm lý khác. Ngay đến khói cỏ bên đôi bờ đê không còn xanh nữa mà đã theo lòng người bi thương không kém và, những biến động khác thường nơi kinh đô cũng thay đổi. Lòng người thay đổi, thế sự đổi thay. Từ những thay đổi này: nếu là lìa xa những người chúng ta thương yêu quí mến như cha mẹ, anh chị em, bà con quyến 5


thuộc bạn bè và, những hoàn cảnh yêu thích của ta (thuộc về ái biệt ly); cùng những gì mà chúng ta mong muốn đạt được: như mong cùng chung sống với nhau, không chia lìa ngăn cách, nhưng chúng không thuận tình với mong ước của chúng ta (thuộc về cầu bất đắc) thì, tất cả những điều đó mang đến cho cá nhân Nguyễn Du tiên sinh và cả cho chúng ta những đều đau khổ thương tâm hết. Trên là những nét chấm phá về cuộc đời long đong chìm nổi khổ đau mà Nguyễn Du tiên sinh đã kinh qua và nhìn thấy ngay trong cuộc sống của chính mình và tha nhơn trong xã hội. Trước hết cá nhân tiên sinh đối với với gia đình anh em họ hàng thân thích và, nơi quê hương cố chủ; vì biến cố gia đình: cha mẹ mất sớm sau đó mang đến tình trạng gia đình ly tán, thậm chí đến nơi ở cũng không còn nữa. Ngay bản thân của Nguyễn Du tiên sinh phải cậy nhờ vào anh em cùng những thân nhân khác mà sống lay lất qua ngày. Thời gian ly tán này (ái biệt ly) là một thời gian tạo ra những biến động về tâm lý cho cậu bé Nguyễn Du, một cảm thức đau khổ về nỗi chia ly và một mặc cảm ăn nhờ ở đậu sinh ra đau buồn và hận cho chính thân mình không làm gì được trong khi đầu đã bạc mà thời gian cứ qua đi: “…Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán, Bạch đầu đa hận tuế thời thiên …” 鴻嶺無家兄弟散 白頭多恨歲 時遷 (Quỳnh Hải nguyên tiêu)[6] Dịch: … Hồng Lĩnh không nhà anh em vắng, Bạc đầu hận lắm tháng năm qua… hay: “ … Cố hương đệ muội âm hao tuyệt, Bất kiến bình an nhất chỉ thư.” 故鄉 弟妹音耗絕 不見平安一紙書 (Sơn cư mạn hứng)** Dịch: … Đệ muội quê nhà bặt âm tín, Thư báo bình an chẳng thấy nào! Từ ly tán cửa nhà, anh em mỗi người mỗi ngả theo sự thăng trầm của chánh báo và y báo, vì vậy tin tức quê nhà và cả anh em cũng bặt vô âm tín. Đây là một thứ tình cảm mong muốn được tin nhau, được gặp lại nhau mà không được nên mang bộ mặt “Cầu bất đắc”, thì sẽ sinh ra khổ đau, từ đó:

6


“ … Nhất phiến hương tâm thiềm ảnh hạ, Kinh niên biệt lệ nhạn thinh sơ…” 一片鄉 心蟾影下 經年別淚 雁聲初 (Sơn cư mạn hứng)** Dịch: … Bao năm lệ biệt đầu tiếng nhạn Một tấm lòng quê nhớ dưới trăng… Hay: “ … Ky lữ đa niên đăng hạ lệ, Gia hương thiên lý nguyệt trung tâm…” 羈旅多年燈下淚 家鄉 千里月中心 (Xuân dạ)** Dịch: … Bao năm làm khách đèn chong lệ, Nghìn dặm quê nhà trăng dõi tâm … Lệ nhỏ dưới đèn, dưới trăng biểu hiện cho hình ảnh cụ Nguyễn Du đang là người lữ khách sống nương nơi quê người, một thân một mình cô độc vào những lúc nhớ nhà, nhớ quê, nhớ người thân mà không được toại nguyện trong việc gặp lại nên phải âm thầm chịu đựng nỗi dày vò thương nhớ khổ đau. Nó là hình ảnh giải tỏa nỗi nhớ nhung khổ nhục qua giọt lệ âm thầm rơi dưới đèn dưới trăng; chỉ có đèn và trăng là vật chứng giám nỗi niềm riêng tư cho lữ khách. Cho dù cụ lúc nào cũng nghĩ nhớ đến quê nhà, nhưng không có cách nào để giải quyết nỗi nhớ thương đó nên đành chấp nhận nó như chấp nhận nỗi bất hạnh của chính mình: “… Hành nhân hồi thủ xứ, Vô ná cố hương sầu.” 行人回首處 無那故鄉 愁 (Tái du Tam Điệp sơn)** Dịch: “… Người đi quay đầu nhìn quê cũ, Đành vậy! thương sầu cố hương thôi.” Đành chấp nhận thân tàn xin gởi quê người, vì thân xác này trở thành trở ngại cho việc đi đứng trở về thăm quê, nhưng hồn người, tư tưởng người không phải là vật có chất ngại nên tự do tự tại trong việc đi về thăm viếng cố hương. Đây cũng là một hình thức để an ủi và chia sẻ làm vơi đi nỗi thương nhớ vì xa quê: 7


“… Đỗ vũ nhât thinh xuân khứ hỉ, Hồn hề quy lai bi cố hương.” 杜宇一聲春去矣 魂兮歸來悲故鄉 (Ngẫu thư công quán bích I)** Dịch: … Một tiếng cuốc kêu xuân đã qua, Hồn ơi về lại, thương cố hương.” Và cứ như vậy nỗi thương nhớ quê nhà cứ dày vò tâm hồn và thân xác cụ như vậy là mười năm trường, vẫn là kẻ khách lữ phong trần tha phương cầu thực, sống bám nhờ vào người, trong khi trên đầu tóc bạc lại bạc thêm: “Thập tải phong trần khứ quốc xa, Tiêu tiêu bạch phát ký nhân gia…” 十載風塵去國賒 蕭蕭白髮寄人家 (U cư II)** Dịch: Mười năm gió bụi quê xa cách, Tóc bạc phất phơ cậy nhà người…” Mười năm gió bụi khổ đau thương nhớ cũng đủ đề cho cụ nhìn rõ ra được chân tướng của cuộc đời qua khía cạnh “ái biệt ly” là khổ, “cầu bất đắc” là khổ. Đây chỉ mới là hai khía cạnh của tám khía cạnh khổ theo đức Đạo sư đã dạy. Trong thời gian mười năm giang hồ cát bụi và, những năm còn lại trên cõi đời cụ còn có những nỗi khổ khác nữa được thể hiện qua trong cuộc sống như: Sống, già, bệnh, tử[7] , oán thù đối mặt nhau, năm uẩn không đều hòa. Đây là những hiện tượng tất yếu phải kinh qua của đời người cho bất cứ một cá nhân nào hiện hữu thì phải bước qua và, chúng cũng trở thành những nguyên nhân đưa đến những kết quả khổ đau khác trong cuộc đời mà cá nhân cụ và mọi người phải gánh chịu: Hoàn cảnh loạn lạc của chiến tranh cũng đưa đến chia lìa chết chóc người thân, tan nát nhà cửa về gia đình cũng như xã hội về măt kinh tế, chúng là hậu quả của “Oán tắng hội” sinh ra đau khổ đổ lệ u hoài cho kiếp người; “… Tang tử binh tiền thiên lý lệ, Thân bằng đăng hạ sổ hàng thư Ngư long lãnh lạc nhàn thu da, Bách chủng u hoài vị nhất sư.” 桑梓乒 前千里淚 親朋燈下數行書 魚龍冷落閒秋夜 8


百種幽懷未一攄 (Bát muộn)** Dịch: … Bà con dưới đèn vài tin nhắn, Quê nhà binh lửa, lệ rơi xa Đêm thu tịch mịch cá rồng lặng Trăm mối u hoài một chưa vơi.” Ai trong chúng ta không lo không sợ cho những người thân yêu của mình trước cơn binh lửa nơi quê nhà, khi chúng ta từ nghìn dặm xa không giúp gì được cho họ, chỉ biết cầu nguyện và dùng nước mắt của mình để tạm vơi đi niềm đau khổ đang dày vò; trong khi đó cụ ở xa quê cũng phải kiên dè và sợ sệt lẫn nhau khi ở quê người. “… Dị hương dưỡng chuyết sơ phòng tục, Loạn thế toàn sinh cửu úy nhơn …” 異鄉 養拙初防俗 亂世全生久畏人 (U cư I)** Dịch: … Quê người tỏ vụng phòng thế tục, Đời loạn luôn sanh sợ mọi người…” Đây là một kế sống an toàn dành cho những nạn nhân tha hương của thời thế loạn lạc, kẽo không vô tình sẽ làm đối tượng cho mọi sự đối đầu thù địch nghi ngờ. Hay chiến tranh loạn lạc cũng có thể đưa người về cõi chết hay tù tội, điều đó chúng ta không thể nào lường trước được. Ngay bản thân cụ Tiên điền Nguyễn Du cũng là nạn nhân của tù tội do oán ghét chế độ Tây sơn đang hiện hữu trước mắt cụ vào lúc bấy giờ mà ra: “ … Tứ hải phong trần gia quốc lệ, Thập tuần lao ngục tử sinh tâm …” 四海風塵家國淚 十旬牢獄死生心 (Mỵ trung mạn hứng)** dịch: Gió bụi khởi khắp nơi, lệ nước nhà, Lao ngục mười tuần, lòng lo sống chết …” Chỉ có ngục tù Nguyễn Du tiên sinh mới có đủ thời gian để ngồi tư duy suy nghĩ về nỗi sống chết. Con người thì ai cũng có tâm lý ham sống sợ chết, đó là một thứ tâm 9


lý bình thường, nhưng đối với cụ vì một chút tâm sự không biết ngõ cùng ai, vì nó sâu thẳm như dòng Quế giang dưới chân núi Hồng Lĩnh, đó chính là nỗi khổ tâm của cụ: “… Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ, Hồng sơn sơn hạ Quế giang thâm.” 我有寸心無與語 鴻山山下桂江深 (Mỵ trung mạn hứng)** Dịch: Ta có tấc lòng không biết bày tỏ cùng ai, Vì nó sâu thẳm như sông Lam dưới núi Hồng. Tấc lòng sâu thẳm như thế nào mà không biết đem nó ra để bày tỏ cùng ai? Cái sâu thẳm ở đây vì nguy hiểm khó nói ra, hay là cái sâu thẳm không ai dò biết được như đáy dòng sâu Lam dưới núi Hồng? Ở đây đối với cụ Nguyễn Du chúng ta có thể hiểu theo nghĩa nào cũng được, vì hiện thực một nghĩa và cũng có thế: “Bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.” Đó là những nỗi đau của riêng cá nhân cụ Nguyễn Du; nhưng cũng có thể là nỗi đau chung của mọi người qua kiếp người. Thật ra cuộc đời đâu chỉ giới hạn trong những trạng huống có thể gây ra đau khổ như vậy đâu (nhơn tai), mà còn nữa: Nào là cái đau khổ vỉ thiên nhiên (thiên tai) có thể ập đến cho chúng ta bất cử giờ phút nào: “… Cố hương hạn cửu phương nông, Thập khẩu hài nhi thái sắc đồng …” 故鄉 亢旱久妨農 十口孩兒菜色同 (Ngẫu hứng IV)** Dịch: … Cố hương hạn hán hại nhà nông, Mười đứa con thơ mặt xanh rờn… Một thân một mình nơi tha hương đất khách, nhưng cụ vẫn canh cánh bên lòng về mười đứa con thơ tại quê nhà lâm vào thiên tai hạn hán mất mùa, không đủ cái ăn cái mặc, thân thể xanh như lá rau, không sắc tố hồng cầu do thiếu ăn. Và có gì đau khổ lo lắng hơn khi thân đang mang bệnh nặng nằm liệt giường, còn phải lo cái ăn cho mười miệng trẻ đang đói chờ ăn từ nơi quê nhà đang réo gọi nữa! “… Thập khẩu đề cơ hoành lĩnh bắc, Nhất thân ngọa bệnh đế thành động …” 十口啼饑橫嶺北 一身臥病帝城東 10


(Ngẫu đề)** Dịch: … Mười miệng đòi ăn, bắc hoành sơn, Một thân nằm bệnh, đông kinh thành … Một thân một mình nơi đất khách lại bị bệnh, người thân không có, bạn bè mới nơi ở cũng không nhiều nên đành âm thầm chịu đựng với con bệnh cũ dằn dai, cô đơn buồn khổ trong những ngày xuân: “Trường đồ nhựt mộ tân du thiểu, Nhất thất xuân hàn cựu bệnh đa…” 長途日暮新遊少 一室春寒舊病多 (U cư II)** Dịch: Đường dài chiều tối, bạn mới ít, Xuân lạnh một nhà bệnh cũ mang… Trong khi sống nơi đất khách quê người thân thì nhiều bệnh tật, tâm thì lúc nào cũng buồn bực, nhưng khi cụ đã về lại quê nhà rồi mà bệnh tật càng ngày càng tăng chứ không giảm và nổi buồn đau cũng theo đó mà tăng thêm, càng ngày bệnh càng trầm trọng hơn: “Đa bệnh đa sầu khí bất thư, Thập tuần khốn ngọa Quế giang cư …” 多病多愁氣不舒 十旬困臥桂江居 (Ngọa bệnh I)** Dịch: Mười tuần nằm khổ bên sông Quế Nhiều bệnh nhiều sầu khí chẳng thông… Không có buồn nào bằng cái buồn người bị bệnh nặng mà không người chăm sóc hỏi han và, như vậy bệnh càng nặng hơn. Nhiều lúc buồn quá cụ Nguyễn Du phải nghĩ đến làm sao tìm loại thuốc tiên nào để cụ uống cho mau lành bệnh, hoặc xin thấy được ánh sáng vi diệu hiển hiện chiếu xuống cõi trần gian phá tan màng u ám cho nhân loại được nhờ: “… Thập niên túc tật vô nhân vấn, Cửu chuyển hoàn đan hà xứ tầm. An đắc huyền quang minh nguyệt hiện, Dương quang hạ chiếu phá quần âm.” 11


十年夙疾無人問 九轉還丹何處尋 安得玄關明月見 陽光下照破群陰 (Ngọa bệnh II)** Dịch: Mười năm tật bệnh không người hỏi, Tìm đâu thuốc tiên luyện chín lần? Mong hiện ánh sáng trăng màu nhiệm, Ánh dương chiếu xuống phá quần âm. Qua những bài thơ trích đoạn ở trên, chúng tôi chỉ trích ra một ít trong những số bài thơ chữ Hán được cụ Nguyễn Du gởi gắm tâm sự của mình vào những khổ đau buồn thương nỗi nhớ mà cụ đã trải qua trong những biến động của gia đình trong loạn lạc chia ly, nhà tan cửa nát, con thơ nheo nhóc đói khổ, thiên tai hạn hán, chiến tranh, tù tội, tật bệnh vây quanh suốt kiếp người cụ Nguyễn Du cũng như mọi người trong chúng ta. Chúng là những nguyên nhân đưa đến khổ đau cho nhân thế. Ở đây là những nguyên nhân trực tiếp giáng xuống đầu người, chúng có thể nhìn thấy rõ được: “Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên, Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên. xuân lan thu cúc thành hư sự, hạ thử đông hàn đoạt thiếu niên.” 壯士白頭悲向ẻ 天 雄心生計兩茫然 春蘭秋菊成虛 事 夏暑冬寒奪少年 (tạp thi I)** Dịch: Nhìn trời tráng sĩ buồn đầu bạc, Kế sống, hùng tâm vẫn mịt mờ. Xuân lan thu cúc thành chuyện huyễn, Hạ nóng đông hàn cướp tuổi hoa.” Những điều đó cụ Nguyễn Du cũng không ngoài ngoại lệ. Cụ buồn đau vì chí lớn, kế sống riêng cá nhân mình vẫn còn mờ mịt, cộng thêm gia đình ly tán mỗi người vì miếng cơm manh áo mà phải lầm than phiêu bạc khắp nơi nên đầu đã bạc lại bạc thêm. Đây là những điều mà chính Nguyễn Du tiên sinh đang kinh qua và chứng kiến trong chính cuộc đời của cụ, nỗi khổ đau buồn lo đến đỗi mới ba mươi tuổi mà đầu đã bạc trắng, trong khi công danh sự nghiệp chưa thành qua bài thơ “tự thán” cụ viết; 12


“Sinh vị thành danh thân dĩ suy, Tiêu tiêu bạch phát mộ phong xuy.” 生未成名身已衰 蕭蕭白髮暮風吹 (Tự thán I)** Dịch: Sống chưa thành danh thân đã suy Lưa thưa tóc bạc gió chiều lay. Chính vô thường mang lại cho chúng ta cái khổ đau. Qua đó, vì tâm tư ý nghĩ vô thường luôn luôn thay đổi (tâm vô thường), vì hoàn cảnh hiện tượng, vật chất chung quanh cuộc sống chúng ta vô thường luôn thay đổi (vật vô thường) chúng ta không giữ được, nên sinh ra đau khổ cho mọi người như chúng ta đã thấy qua những lời dạy của đức Đạo sư. Nguyễn Du tiên sinh thời gian nương nhờ nơi Quỳnh Hải, Cụ đau lòng khi nhìn đám cỏ xanh nơi quê người khi mùa xuân đến mà liên tưởng nhớ về Nam Phổ, nhìn nụ hàn mai mà nghĩ đến mùa xuân qua bài Xuân nhật ngẫu hứng. “… Nam phố thương tâm khan lục thảo, Đông hoàng sinh ý lậu hoàng mai ...” 南浦傷心看綠草 東皇生意漏寒梅 (Xuân nhật ngẫu hứng)** Dịch: Nhìn cỏ xanh thương tâm Nam Phổ, Nhú mai vàng chớm ý Đông Quân… Nhưng còn những nguyên nhân giáng tiếp mà chúng ta trong nhất thời khó hình dung ra được, đối với Cụ, Cụ nhìn thấy tất cả từ hiện tượng bên ngoài đến bản chất bên trong, đó chính là vô thường biến hoại, là thủ phạm chính cho mọi bất toàn trong cuộc sống của chúng ta, tạo ra không biết bao nhiêu là khổ nạn cho kiếp người: “… Cổ kim vị kiến thiên niên quốc, Hình thế không lưu bách chiến danh. Mạc hướng thanh hoa thôn khẩu vọng, Điệp sơn bất cải cựu thời thanh.” 古今未見千年國 形勢空留百戰名 莫向清華村口望 疊山不改舊時青 (Vị Hoàng doanh)** Dich: 13


Nước nghìn năm xưa nay chưa thấy, Hình thể mất, còn danh trăm trận. Đừng ngóng nhìn thôn Thanh Hoa nữa, Điệp sơn như ngày nào vẫn xanh. Triều đại nào tồn tại nghìn năm chúng ta chưa thấy! Ngay đến doanh trại Vị Hoàng ngày xưa là nơi đóng quân trấn giữ đời nhà Lê; nhưng nay hình thể quân trại không còn nữa, mà chỉ còn trên cái danh là nơi xưa kia đã từng xảy ra trăm trận chiến thôi. Đừng nhìn những cảnh đổi thay đó nữa mà hãy nhìn rặng Điệp sơn vẫn còn xanh như ngày nào! Bản chất của màu xanh thì không bao giờ thay đổi, nhưng chỉ thay đồi nơi hiện tượng hình dáng bên ngoài thôi. cũng giống như Triều đại thì có thể thay vua đổi chúa, thay đổi chế độ, chứ còn dân tộc đất nước thì muôn đời không đổi vì nó là bản chất. Trong cuộc sống có những thay đổi bình thường về hình thức chúng ta thấy được, nhưng cũng có những biến đổi tinh thần chúng ta không nhìn thấy được, vì nó thuộc về vô hình. còn hiện tượng thì luôn tùy thuộc vào thời gian mà thay đổi như: “ Đào hoa đào diệp lạc phân phân, Môn yềm tà phi nhất viện bần. Trú cửu đốn vong thân thị khách, Niên thâm cánh giác lão tùy thân…” 桃花桃葉落紛紛 門掩斜扉一院貧 住久頓忘身是客 年深更覺老隨身 (U cư I)** Dịch: Hoa lá cây đào rơi lác đát, Nhà nghèo cổng đóng cửa liêu xiêu. Ở lâu quên hẵn mình là khách, Năm tháng càng qua thân càng già…” Những hiện tượng như lá đào hao đào, cổng đóng, cửa liêu xiêu chúng ta có thể dùng mắt để thấy được cái thay đổi của nó; nhưng thời gian qua đi thì chúng ta khó mà hình dung được sự thay đổi này trong nguyên nhân, mà chỉ nhìn được qua kết quả của nó chúng ta mới nhận thấy được sự thay đổi của chúng. Thời gian vô thường đã tác hại và biến hoại tất cả từ con người đến mọi vật xung quanh trong cuộc sống, không gì là không bị lệ thuộc vào chúng: Hoa lá cây trái, nhà cửa, thân người nói chung là chỉ cho vật chất vật lý v.v… không gì không bị biến hoại thay đổi: “Thập tải trần ai ám ngọc trừ, Bách niên thành phủ bán hoang khư…” 14


十載塵埃暗玉除 百年城府半荒墟 (Bát muộn)** Dịch: “Mười năm bụi phủ mờ thềm ngọc, Thành quách trăm năm nửa hoang tàn…” Hay: “…Thành quách suy di nhận sự cải, Kỷ xứ tang điền biến thương hải…” 城郭推移人事改 幾處桑田變滄海 (Long Thành cầm giả ca)** Dịch: Thành quách đổi thay việc người đổi, Bao cảnh ruộng dâu biến biển khơi… Vô thường biến đổi luôn tạo ra những cú sốc đau cho những người cố chấp luôn muốn sở hữu mọi thứ về cho mình, cho bản ngã, cho cái ta trường tồn bất diệt mà nuôi lớn lòng tham lam, sân hận, si mê; biến chúng ta thành những kẻ nô lệ cho chúng mà đẻ ra không biết là bao nhiêu đau khổ đắng cay cho chúng ta, nhưng cuối cùng chúng ta sẽ được gì khi chúng ta nhắm mắt buông tay, cũng chỉ hai bàn tay trắng. Nguyễn Du tiên sinh đã nhìn ra được bản chất của mọi sự vật là vô thường mang đến khổ đau nên đã khuyên chúng ta: “Cổ thời minh nguyệt chiếu tân thành, Do thị Thăng Long cựu đế kinh. Cù hạn tứ khai mê cựu tích, Quản huyền nhất biến tạp tân thanh. Thiên niên phú quý cung tranh đoạt, Tảo tuế thân bằng bán tử sinh. Thế sự phù trầm hưu thán tức, Tự gia đầu bạch diệt tinh tinh.[8] ” 古時明月照新城 由是昇龍舊帝京 衢巷四開迷舊跡 管弦一變雜新聲 千年富貴供爭奪 早歲 親朋半死生 世事浮沈休嘆息 自家頭白亦星星。 (Thăng Long 2) 15


Quách Tấn dịch: Thành mới trăng xưa bóng tỏ mờ Thăng Long nghìn trước chốn kinh đô Dấu xưa khuất lấp đường xe ngựa Điệu mới xô bồ nhịp trúc tơ Danh lợi mồi ngon đua cướp giựt Bạn bè lớp trước sống lưa thưa Nổi chìm thế sự đừng tham nữa Mái tóc mình đây cũng bạc phơ Danh lợi quyền lực là những món mồi khá hấp dẫn đối với những ai ham danh lợi và quyền lực; rốt cuộc những thứ đó cuối cùng cũng để nuôi lớn lòng tham lợi, tham danh, tham quyền lực nuôi lớn bản ngã chúng ta mà thôi. Nhưng có ai trong chúng ta được cái này rồi mà không muốn đạt được cái nhiều hơn, cao hơn để bỏ đầy túi tham của mình không? Tâm lý thông thường của chúng ta là “được voi đòi tiên,” hay “đứng núi này trông núi nọ”, cũng với mục đích là để thõa mãn lòng thanh danh, tham lợi, muốn biến mọi vật chung quanh thuộc về sở hữu cá nhân mình, gia đình mình … Nhưng càng chạy theo nó thì những khổ nhọc cay đắng càng theo sau và, những oán đối củng tùy theo đó mà hình thành tạo thành nghiệp nhân oán đối với tha nhân theo sau đó. Chúng ta còn được gì sau khi nhắm mắt xuôi tay? cũng chỉ: “… Bá đồ dẫn diệt thiên niên hậu, Cổ mộ hoàn lương tam xích thu…” 伯圖泯滅千年後 古墓荒涼三尺秋 (Á phụ mộ)[9] Dịch: Mộ xưa ba thước thu cỏ lạnh Nghiệp bá tan tành sau nghìn năm. Theo Nguyễn Du tiên sinh thì, sự nghiệp đồ vương cũng tan tành theo mây khói nghìn năm sau, xác thân nằm đưới ba thước đất, cỏ lạnh úa tàn bao phủ mùa thu chỉ còn lại là một nấm mồ cổ, nhiều khi không người coi sóc hoang phế điêu tàn, không một ai thấy mà không khởi lên tấm lòng hoài cổ thương tâm, đối với những đổi thay biến hoại của những vật thể có hình thì có hoại diệt, không có gì tồn tại mãi trên thế gian này. Tuy chúng tạo cho mọi người trong chúng ta những cú sốc, những vết thương lòng nhức nhối, những nỗi đau khổ triền miên; nhưng chúng ta phải nhìn lại chính chúng ta đã làm được gì trước định luật vô thường biến đổi luôn luôn đó, trong khi mỗi ngày qua đi tóc trên đầu chúng ta lại bạc thêm giỏi lắm cũng chỉ đến trăm năm!: “… Thế sự phù trầm hưu thán tức, Tự gia đầu bạch diệc tinh tinh.” 16


世事浮沈休嘆息 自家頭白亦星星 (Thăng Long II)** Dịch: … Thôi đừng than thở chuyện đời chìm nổi, Tóc bạc đầu mình từng sợi bạc phơ. Cũng cái nhìn lại chính mình này đã cảnh tĩnh được chính cụ trong cuộc sống tang thương đầy khổ cực này. Cho dù cái khổ về vật chất hay tinh thần đến đâu đi nữa cũng không làm cho cụ biến được bản chất chính con người cụ: “… Phong trần đội lý lưu bì cốt Khách chẩm tiêu tiêu lưỡng mấn bồng.” 風塵隊裏留皮骨 客枕蕭蕭兩鬢蓬 (Trệ khách)** Dịch: … Tóc rối hai màu bơ phờ, gối khách Vẫn giữ thân trong gió bụi muôn ngàn. Sở dĩ cụ Nguyễn Du tiên sinh đã giữ được thân mình trong cát bụi phong ba là chính nhờ vào cụ có một cái nhìn tinh tế và sâu thẳm đối với cuộc đời cũng như đối với các sự vật chung quanh cuộc sống, đó là cái nhìn trong vô thường bến dịch vẫn còn có cái thường còn không biến đổi, nó chính là bản thể của sự vật. Tuy mọi hiện tượng bên ngoài của sự vật luôn bị vô thường biến khác nhung bản chất của chúng vẫn trường tồn trong cái không trường tồn. Chúng vẫn trong sáng như ngày nào, chúng vẫn xanh như ngày nào, chúng vẫn hồng như mọi buổi chiều ráng hạ, chỉ có sắc màu (của ráng chiều thì lúc nào cũng màu hồng, lá của cây rừng thì lúc nào cũng là một màu xanh, ánh sáng mặt trời mặt trăng vẫn sáng như ngày nào) là không đổi: “Vô cùng kim cổ thương tâm xứ Y cựu thanh sơn tịch chiếu hồng.” 無窮今古傷心處 依舊青山夕照紅 (Mạn hứng II)** Dịch: Điều thương tâm xưa nay vô cùng tận Núi biếc như xưa chiều chiếu ráng hồng.

17


2/ NGUYỄN DU VÀ PHẬT GIÁO Đọc qua thơ chữ Hán của cụ Nguyễn Du chúng ta gặp những bài thơ Cụ thường nói đến, trong vô thường biến hoại luôn có cái thường còn bất biến mà đạo Phật thường gọi là “Vô thường tức thị thường”. Qua hai câu thơ trên Nguyễn Du tiên sinh cho chúng ta thấy rằng trong vô thường biến hoại của hiện tượng giới của sự vật theo nhân quả luôn luôn có sự hiện hữu của thường tồn bất biến của bản thể sự vật đó chính là thật thể: Như vầng trăng sáng không bao giờ thay đổi bất cứ nơi đâu bất cứ thời đại nào, lúc nào nó cũng sáng như màu nguyên thỉ; hay lá cây xanh, ráng chiều hồng cũng là những hình ảnh của những ẩn dụ cho những chân lý bất biến theo giáo lý Tiểu thừa giáo nhà Phật, hay: “… Đạt nhân tâm cảnh quang như nguyệt Xử sĩ môn tiền thanh giả sơn…” 達人心境光如月 處仕門前青假山 (Tạp ngâm 2)** Dịch: Tấm lòng đạt nhân vầng trăng sáng, Trước nhà ẩn sĩ núi giả, xanh. Chính nhờ có cái nhìn muôn vật giữa cuộc đời này nó mang ý nghĩa “Vô thường tức thị thường” của Phật giáo nên cụ Nguyễn Du cho dù lúc nào cũng sống trong khổ đau của cuộc đời mà cụ vẫn không bị cuộc đời quật ngã, vẫn hiên ngang sống. Người đạt đạo, nhà ẩn sĩ được cụ Nguyễn Du đem sánh với vầng trăng sáng, với màu xanh của núi xanh là những hình ảnh cụ lấy làm ẩn dụ cho chân lý, cho tấm lòng trong sáng của ý đạo mà theo thuật ngữ chuyên môn của Phật giáo gọi là: “Tâm vô phân biệt” là “Chân tâm” là “Tâm vô sự”. Từ cái nhìn đạt lý này, đã đưa cụ về với Phật một cách tự nguyện và tự biến thành mình là hành giả tu tập thiền định sau này. Qua mười năm biến động xa quê nhà, những gì mà cụ đã kinh qua trong đau thương tiếc nhớ khi lăng lóc giữa cát bụi phong ba của cuộc đời: Một mặc dù cụ nhìn thấy rõ bộ mặt thật của cuộc đời trong khổ đau qua vô thường-khổ-không theo quan điểm của Phật giáo và mặc khác cũng từ đây cụ đâm ra không thích sống với đời nữa, muốn xuống tóc vào rừng ẩn tu làm người vô sự và, cũng từ đó cụ quyết tâm học Phật và thực hành trong tu tập như trong bài Đề Nhị Thanh động: “ … Mãn cảnh giai không hà hữu tướng…” 滿境皆空何有相? (Đề Nhị Thanh động)** 18


Dịch: … Mọi cảnh đều không, có tướng sao? Trước hết, từ khi cụ nhìn ra được hiện tượng và bản chất của mọi sự vật trên cõi đời này rồi thì, tư tưởng muốn xuống tóc ẩn tu làm người vô sự đã đưa cụ đến việc học Phật và thực hành theo những lời Phật dạy tùy căn cơ có được của mình. Thật ra ở đây không ai biết được cụ đã học Phật từ bao giờ và học ở đâu? để đẻ ra cái kết quả là cụ đã trở thành một hành giả tu tập Thiền, đề có thời gian huân tập và ngộ đạo qua bài thơ: “Lương Chiêu Minh Thái tử phân kinh thạch đài” nhân chuyến làm sứ đi Trung Quốc. Việc học kinh Phật cũng giống như cụ đã học Nho giáo vậy. Không biết cụ học Nho giáo vào lúc nào và học những kinh sách nào, học ở nơi đâu? với cuộc đời năm chìm bảy nổi lênh đênh từ nơi này đến nơi khác, lo toan vì miếng cơm manh áo cũng đủ đứt hơi rồi huống chi là học hành; thế mà theo như tiểu sử của cụ cho chúng ta biết rằng cụ đã từng đi thi và đỗ tam trường trong một kỳ thi Hương và sau đó cụ không đi thi tiếp nữa! Thì việc học Phật của cụ cũng vậy, chỉ biết qua bài thơ chính cụ làm ra qua bài “Lương Chiêu Minh Thái tử phân kinh thạch đài” Như vậy cụ đã tập Thiền Công án qua hàng nghìn lần độc tụng về Kinh Kim Cương và cũng đã ngộ được bản Kinh này qua “Vô tự” thị chân kinh. Theo chúng tôi nghĩ thì có thể cụ bắt đầu học Phật Khoảng thời gian từ 1786-1795, đây là khoảng thời gian mười măn giang hồ gió bụi của cụ. Vì bài thơ cụ làm ra để tỏ tâm sự chán đời muốn xuống tóc vào rừng ẩn tu cũng trong khoảng thời gian này. “… Hà năng lạc phát quy lâm khứ, Ngọa thính tùng phong hưởng bán vân.” 何能落髮歸林去 臥聽松風響半雲 (Tự thán II)** Dich: … Làm sao xuống tóc về rừng ẩn, Nằm nghe tùng hát gió đưa mây.” Có lẽ đây là giai đoạn quyết định chuyển mình cho một bươc đi mới sau này của cụ. Theo chúng tôi trong hiện tại hoặc sau này, việc cụ không tiếp tục theo đuổi con đường thi cử để thực hiện “chí cỡi mây” của mình theo cái học của Nho gia vào lúc bấy giờ, như bài thơ người anh ruột Nguyễn Nễ gởi cho cụ khi cụ còn lưu lạc trong đó có câu: “Tự hữu lăng vân chí” (Người vốn có chí cỡi mây) có hai lý do: Thứ nhất nhờ cụ đã nhìn rõ được cả hai bộ mặt thật của hiện tượng (vô thường-khổ đau) cùng bản chất của mọi sự vật là không, do nhân duyên hòa hợp mà hiện hữu ở trên đời này nên đã quyết định không tiếp tục con đường khoa hoạn nữa. Thứ hai có lẽ cụ không muốn cộng tác với triều đình Tây Sơn nên không tiếp tục ra thi cử nữa. Dù là lý do nào đi nữa thì đây vẫn là quyết định không muốn “cỡi mây” nữa mà muốn làm người vô sự: “nằm 19


nghe tùng hát gió đưa mây”. Từ đây cuộc đời của cụ cũng bắt đầu chuyển đổi cho việc học Phật và thực hành sống theo nếp sống vô sự của Phật, vì cụ đã nhận thức rằng: "Trướng vọng hồng trần diễu vô tế Bất tri nhật nhật thử trung hành". 悵望紅塵渺無際 不知日日此中行 (Từ Châu Đê Thượng Vọng)** Dịch: Trông xuống bụi hồng xa mờ mịt Sớm chiều trong đó bước quẩn quanh. Vì lợi danh quyền lực cuối cùng cũng chỉ mang đến khổ đau và trói buộc chân chúng ta vào vòng dây oan nghiệt chạy quanh suốt đời mãn kiếp trong chốn hồng trần không bao giờ thoát ra khỏi được chúng; chỉ vì chúng ta không biết bước đi như thế nào để mang đến sự giải thoát khổ đau của vòng luân hồi lẩn quẩn đó. Giờ đây cụ quyết theo bước đi vô sự như một vị Tăng an nhiên thả giấc ngủ dưới những làng mây cô đọng chung quanh giấc cô miên lãng đãng trong rừng núi hoang vu vắng vẻ. Một cảnh quan biểu hiện lên sắc thái tự tại thong dong trong cuộc sống: "… Đình vân xứ xứ tăng miên định Lạc nhật sơn sơn viên khiếu ai Nhất chú đàn hương tiêu tuệ nghiệp Hồi đầu dĩ cách vạn trùng nhai". 停雲處處僧眠定 落口山山猿咡哀 一炷檀香消慧業 回頭已隔萬重崖 (Vọng Quan Âm miếu)** Dịch: Mây đọng nơi nơi Thầy an giấc, Chiều xuống non non vượn kêu thương. Đốt nén hương đàn tiêu nghiệp tuệ, Quay đầu đã cách vạn trùng nhai. Ở đây chỉ cần biết quay đầu lại là bờ giác ngộ giải thoát, chúng cách xa bờ sinh tử luân hồi muôn trùng trên mặt sự tướng; nhưng trên mặt lý thể thì sinh tử tức là Niếtbàn, khác nhau chỉ có mê và ngộ mà thôi. Quay đầu tức là ngộ, là Phật, là vô lậu, là giải thoát, là an vui; không quay đầu tức là mê, là chúng sanh, là hữu lậu, là trói buộc, là khổ đau. Đem tâm mê chúng sanh mà hiểu Phật thì Phật cũng thành ma, như cụ đã từng viết: 20


“ … Sắc không cảnh giới mang bất ngộ, Si tâm quy Phật Phật sinh ma …” 色空境界茫不悟 癡心歸佛佛生魔 (Phân Kinh thạch đài)** Dịch: … Cảnh giới sắc không, mê chẳng biết, Tâm mê hiểu Phật, Phật thành ma… Nhờ cụ đã nhìn ra được chỗ ách yếu của phương cách tu hành và, cũng từ đó hành giả theo Phật có thể thực hành để đạt được sự thể ngộ chân lý qua cuộc sống bằng vào thực hành tu tập để đạt đến trạng thái hư linh không tịch rỗng rang này, chứ không phải mang kiến thức mê muội nhị nguyên để nói về cảnh giới Phật, cảnh giới thiền là có được. Sự có được này theo cụ cũng chỉ là kiến thức mê; khi mê mà nói về Phật thì Phật đó cũng trở thành mê như Kinh Viên Giác đức Đạo sư đã dạy ngài Kim Cang Tạng rằng: Kim Cang Tạng đương tri Như Lai tịch diệt tánh Vị tằng hữu chung thỉ Nhược dĩ luân hồi tâm Tư duy tức toàn phục Đản chí luân hồi tế Bất năng nhập Phật hải Thí như tiêu kim khoáng kim phi tiêu cố hữu Tuy phục bản lai kim Chung dĩ tiêu thành tựu nhất thành chân kim thể Bất phục trùng vi khoáng Sanh tử dữ Niết-bàn Phàm phu cập chư Phật Đồng vi không hoa tướng Tư duy do huyễn hóa Hà huống kết hư vọng Nhược năng liễu thử tâm Nhiên hậu cầu Viên Giác. 金剛藏當知如來寂滅性 未曾有終始若以輪迴心 思惟即旋復但至輪迴際 不能入佛海譬如銷金鑛 金非銷故有雖復本來金 終以銷成就一成真金體 不復重為鑛生死與涅槃 凡夫及諸佛同為空花相 思惟猶幻化何況詰虛 妄 若能了此心然後求圓覺 “ Kim Cang Tạng nên biết Như lai tánh vắng lặng Chưa từng có chung thỉ Nếu dùng tâm luân hồi Suy nghĩ cảnh giới Phật Cảnh Phật thành luân hồi 21


Phật tánh tuy sẵn có Phải tu mới hiển hiện Cũng như vàng sẵn có Phải lọc quặng mới thành Khi đã thành vàng y Không trở lại làm quặng Sanh tử và Niết bàn Phàm phu cùng chư Phật Thảy đều như hoa đớm Tâm suy nghĩ đã huyễn Nên lời nói cũng huyễn Làm sao nhập được chơn Nếu rõ được tâm này Mới cầu được Viên giác.[10] ” Nếu muốn có cuộc sống bình an vô sự theo cụ Nguyễn Du thì cần phải đạt đến chỗ tâm linh rỗng rang (hư linh), sau đó chúng ta làm gì cũng không có lỗi với Đạo; nhưng trước hết chúng ta phải thực hành ngay trong cuộc sống: “ … Tiện sát bắc song cao ngọa giả, Bình cư vô sự đáo hư linh.” 羨殺北窗高臥者 平居無事到虛 靈 (Ký hữu)** Dịch: … Muốn làm người nằm cao nơi cửa bắc Sống yên vô sự đạt đến hư linh. Khi mà con người sống bình an vô sư thì chính đó là cuộc sống của người đạt đến chỗ tâm linh rỗng rang, không bị cái gì trói buộc được. Đó là một điều mà ai là người tu Phật cũng mong muốn đạt đến cảnh giới như vậy và, ở đây cụ Nguyễn Du cũng vậy, mong muốn rằng cá nhân cụ có một cuộc sống bình yên vô sự như hình ảnh của vị sư và trẻ mục đồng mà cụ đã từng thấy qua: “… Sơn tăng đối trúc lưỡng vô dạng, Mục thụ kỵ ngưu nhất bất như …” 山僧對竹兩無恙 牧豎騎牛一不如 (lạng sơn đạo trung)** Dịch: … Sư bên khóm trúc vô sự cả, Đệ nhất mục đồng cưỡi lưng trâu… Cụ đưa ra bốn hình ảnh: Nhà sư núi và khóm trúc bên nhau nhưng cả hai đều vô sự, trên mặt hình thức khác nhau không liên quan, trên mặt tinh thần cũng không can hệ với nhau, sư có nếp sống vô sự của sư, khóm trúc có cái thể hiện vô sự của nó; cũng vậy hai hình ảnh mục đồng và trâu cũng vậy mục đồng đang nghiêu ngao trên lưng trâu, mặc cho trâu thong thả trên đường về. Đây là những hình ảnh vô sự không can hệ 22


lệ thuộc vào nhau để trở thành trói buộc, mà ngược lại nó là những hình ảnh vô ngại tự tại dung thông trong cuộc sống. Vì sống bình an vô sự chính là lối sống không bị lệ thuộc trói buộc vào bất cứ điều kiện nào, mặc dù người sống vẫn sống chung với các duyên sống chung quanh, nhưng người đó không bị nhiễm vào những tác nhân tạo ra nghiệp của thế gian. Ở đây cụ Nguyễn Du cũng đang thực hành cách sống vô sự này qua: “Bất sầu cửu lộ triêm y duệ Thả hỷ tu mi bất nhiễm trần". 不愁久露霑衣裔 且喜鬚眉不染塵 (Dạ hành)** Dịch: Tay áo dầm sương không ngại ướt Mày râu, mừng chẳng nhiễm trần ai. Những hình ảnh ẩn dụ của cụ đưa ra cho chính bản thân mình, đó chính là bước đi giải thoát vô ngại của đạo Phật. Vẫn bước đi trong cuộc đời chứ không phải lánh đời, mà vẫn sống, vẫn ăn, vẫn uống, vẫn hít thở, nói chung là vẫn làm tất cả mọi chuyện như người thế gian không khác; nhưng chỉ khác với người thế gian là sống với nó mà không bị đời làm nhiễm, không bị đời trói buộc qua tác nhân không chấp ngã, không chấp pháp, làm với quan niệm vô ngã, vô pháp thì đó chính là hành động vô sự, không bị nhiễm, không bị trói buộc. Đó chính là lối sống của cụ: “… Tiếu đề tuẫn tục can qua tế, Giam mặc tàng sinh lão bệnh dư. 笑啼徇俗干戈際 緘默藏生老病餘 (Tạp Thi II)** Dịch: …Theo đời cười khóc qua thời loạn, Già bệnh rồi im lặng yên thân.” Vậy muốn cho cõi lòng chúng ta lúc nào cũng trong sáng qua cuộc sống thì, chỉ có cách im lặng mà sống hay sống bằng cách vô sự, không nhiễm ô đời, không để chuyện đời vướng mắc vào tâm mình, tức là chúng ta sống với tâm vô phân biệt. Đó là lối sống với tâm không còn phân biệt chấp trước vào sự vật; tùy duyên mà sống không cưỡng lại duyên, không cưỡng lại đời như chuyện khóc cười theo đời, theo thời cuộc thăng trầm, hưng phế; nhưng không để cho đời và thời cuộc trói buộc cuộc sống chúng ta. Nếu chúng ta để tâm chúng ta bị trói buộc vào những việc đó của đời, vào thời cuộc của đời thì chúng ta sẽ bị đau khổ vì sự trói buộc đó. Đau khổ là hậu quả của mọi tác 23


nhân tạo ra nghiệp do cuộc sống của chúng ta mang lại. Theo đó cụ Nguyễn Du đã để lại cho chúng ta một kinh nghiệm sống của chính cụ qua tâm không sau khi nghiệp chướng đươc tiêu trừ: “ … Lão khứ vị tri sinh kế chuyết, Chướng tiêu thời giác túc tâm không …” 老去未知生計拙 障消時覺夙心空 (Thôn Dạ)** Dịch: … Già rồi vẫn còn vụng về sinh kế Khi nghiệp tiêu mới biết tâm không… Tâm không ở đây chính là tâm trong sáng, tâm vô sự, tâm chân thật, khi nghiệp của chúng ta đã tạo ra đã được tiêu trừ rồi thì chính ngay lúc đó chúng ta giải thoát được khổ đau và, cuộc sống của chúng ta cũng trở nên tự tại an lạc được thể hiện, nên cụ lúc nào cũng ao ước là phải thực hiện cho bằng được tâm vô sự này. Bài thơ “Thôn dạ” ở trên, cụ nói đến cái quả khi chúng ta tiêu trừ được nghiệp chướng thì tâm không còn gì để trói buộc, tâm trở nên rỗng rang, hay bảo là tâm không, hiện tiền; nhưng bằng cách nào để tiêu nghiệp nói chung, riêng cái nghiệp trí tuệ tức là cái nghiệp của thế trí biện thông, là nghiệp của trí tuệ thiện thuộc pháp hữu lậu. Như kinh nghiệm ở trên cụ Nguyễn Du đã cho chúng ta biết rằng: Khi nghiệp chướng tiêu trừ thì tâm chúng ta trở nên rỗng rang không gì trói buộc, đó là một kinh nghiệm tâm linh có được từ nơi cuộc sống đã dạy cho cụ, để từ đó cụ bắt đầu cho cuộc sống của chính mình qua: “ … Vị hữu văn chương sinh nghiệt chướng, Bất dung trần cấu tạp thanh hư …” 未有文章生孽障 不容塵垢雜清虛 (Ngọa bệnh I)** Dịch: … Chưa thấy văn chương sinh nghiệt chướng, Không để bụi nhơ vấy rỗng trong. Vì bụi nhơ chính là chướng nghiệp chúng có khả năng làm mờ đi bản tính rỗng rang thanh tịnh của chúng ta, và mặc khác chúng kéo chúng ta vào con đương sinh tử khổ đau. Vì vậy cho nên cụ Nguyễn Du dứt khoát đoạn trừ với bụi nhơ bằng cách không để chúng vấy vào tâm không rỗng rang của chúng ta và, lấy văn chương để tiêu khiển. 24


Vì chính văn chương không phải tự nó sinh ra chướng nghiệt, mà chính tâm vọng động của chúng ta tạo ra những nghiệp chướng bằng vào thân-khẩu-ý làm công cụ cho ba độc tham lam, sân hận, si mê phát triển nuôi lớn ngã chấp và pháp chấp tạo ra mọi thứ đau khổ ràng buộc mà đức Đạo sư gọi là nghiệp và, khi nghiệp đã trừ đi hết rồi thì tâm sẽ trở nên vắng lặng trong sáng, tinh thần nhẹ nhõm an lạc tự hiện ra: “… Tam lan song hạ ngâm thinh tuyệt, Điểm điểm tinh thần du thái sơ.” 三蘭窗下吟聲絕 點點精神遊太初 (ngọa bệnh I)** Dịch: … Dưới cửa tam lan im bặt tiếng, Tinh thần nhẹ nhõm dạo thái sơ. Tức là chỉ cho trạng thái tinh thần lân lân nhẹ nhõm rỗng rang vô tận nguyên sơ chưa bị nhiễm ô. Khi mà mọi duyên trần cảnh bên ngoài bị cắt đứt thì, tâm thần trở nên nhẹ nhàng thư thái lân lân, vì tâm lúc này không bị ràng buộc bỡi các duyên trói buộc, dù là duyên tốt hay là duyên xấu cũng ảnh hưởng đế sự ràng buộc lệ thuộc làm cho tâm mất đi sự rỗng rang trong sáng vắng lặng. Đối với cụ Nguyễn Du lúc này cụ đã làm chủ được tâm mình nên đối những cảnh sắc bên ngoài không làm ảnh hưởng đến cõi lòng của cụ nữa, cho dù đó là việc hoa nở hay hoa tàn lá vàng hay lá xanh, lá rụng hay đâm chồi nẩy lộc, cũng không còn ảnh hưởng tác động làm cho nó lay động nữa: "… Diệp lạc hoa khai nhãn tiền sự Tứ thời tâm kính tự như như". 葉落花開眼前事 四時心鏡自如如 (Tạp thi II)* Dịch: … Lá rụng hoa khai ngay trước mắt, Cõi làng năm tháng vẫn không thay. Tức là tấm lòng của cụ vẫn trong sáng rỗng rang như cái bản lai diện mục của nó từ nguyên thỉ chưa nhuốm bụi trần phiền não sinh tử vậy. Vì trong hiện tại cõi lòng cụ được như như, như vậy là nhờ cụ đang trụ tâm mình vào thiền định. Có lẽ cụ đang tham công án thiền: “Làm thế nào để tâm có thể trụ vào nơi không có chỗ trụ?” Đây là một Công Án Thiền cụ rút ra từ cốt tủy của bản kinh Kim Cương, một bản kinh nền tảng của Thiền Trung Quốc nói riêng cũng như Thiền của các nước Đại thừa Phật giáo khác nói chung, kể từ Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn trở xuống. Cụ Nguyễn Du đã đang nổ lực thực hành nó, cho nên tâm của cụ lúc nào cũng ở trong nghi tình thiền định này: 25


"… Mãn cảnh giai không hà hữu tướng Thử tâm thường định bất ly Thiền...” 滿境皆空何有相 此心常定不離禪 (Đề Nhị Thanh Động)** Dịch: … Mọi cảnh đều không, có tướng sao? Tâm này thường định, chẳng lìa Thiền…” Thời gian mà cụ bắt đầu có ý muốn xa lánh đời để xuống tóc ẩn tu là thời gian cuối những năm từ 1786-1795, lúc này cụ gần 30 tuổi và thời gian mà cụ sống không lìa thiền đã thể hiện ra trong bài thơ này là vào những năm 1802-1804 tức là khoảng 36 hay 37 tuổi. Như vậy, việc chuyển hướng về với đạo Phật là khá sớm và, việc cụ tự nói lên sự tu tập độc tụng kinh Kim Cương đến hàng nghìn lần không phải là những lời nói ngoa. (Ở đây chúng tôi xin mở ngoặc một tí, vấn đề tu tập của Phật giáo nó không mang bất cứ một hình thức nào nhất định hết, vì bản thân của sự tu tập này nền tảng căn bản và mục đích cuối cùng của nó là làm thanh tịnh ba nghiệp thân-miệng-ý, để mọi người không tạo ra nghiệp khổ đau mà thôi, cho nên việc tu tập cũng có rất nhiều cách: độc, tụng, học hành, lễ bái hay làm bất cứ phương cách nào như chúng ta thường nghe là vô lượng pháp môn tu, ở bất cứ nơi đâu, ở chùa hay ở tại thế gian cũng có thể tu tập được hết, với mục đích là để làm cho ba nghiệp của thân-miệng-ý không tạo ra tác nhân nghiệp và, dành cho bất cứ ai muốn thực hành điều đó, chứ không phải chỉ dành cho các vị xuất gia vào chùa làm một tỳ kheo hay một tỳ kheo ni mới gọi là tu theo đạo Phật, còn những người không mang hình thức này không phải là người của Phật giáo. Vì quan niệm sai lầm này chúng tôi gặp rất nhiều khi đọc những bài viết bình luận phê bình trong Văn học Việt nam, khi viết về Phật giáo. Có nhiều người, họ cho rằng chỉ có người đi tu ở chùa theo Phật mới gọi là những người tu theo đạo Phật còn những tại gia không ở chùa thì không phải là người của đạo Phật!.) Sở dĩ cụ Nguyễn Du đã lựa chọn cho mình một phương pháp tu cho thích hợp với cuộc sống và căn cơ của chính cụ cho nên Thiền Công Án là một phương pháp Thiền Định làm thanh tịnh ba nghiệp thân-miệng-ý của cụ. Vì trong Thiền Công Án này có nhiều cách để huân tập nghi tình trong lúc tu như: Tham thoại đầu về nghi tình công Án này, hoặc tham nghi tình Công Án bằng cách tụng đi tụng lại cho đến lúc miên mật ngay trong giấc ngủ cũng khởi lên, huân tập nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm như vậy cho đến khi nào nghi tình này lớn mạnh, chỉ cần nhờ một duyên cuối cùng tác động lên nó, thì Công Án nghi tình sẽ bùng vỡ ngay, đó gọi là ngộ. Cũng vậy việc đọc kinh cũng giống như vậy, với mục đích là huân tập đọc đi đọc lai làm cho nghi tình càng ngày càng lớn hơn và, cho đến lúc nào đó, chỉ cần một duyên cuối cùng cũng đủ bùng vỡ, như trường hợp của cụ Nguyễn Du cũng vậy. Phân Kinh Thạch Đài là duyên cuối cùng, là giọt nước cuối cùng cho nghi tình Kinh Kim Cương của cụ bùng vỡ. Có 26


nhiều người nghĩ rằng đọc kinh không phải tu, nhưng đó là một ý nghĩ sai lầm! Vì đọc kinh cũng là một phương pháp cắt đứt hết mọi duyên khác, chỉ định tâm vào bản kinh và, việc định tâm vào bản kinh chính là thiền định; vì lúc chúng ta định tâm vào kinh thì mọi duyên khác bên ngoài chúng ta cắt đứt, chỉ còn có biết bản kinh thôi. Lúc này thân chúng ta ngồi một chỗ, hay nằm một chỗ, thay vì đọc bằng miệng như tụng, chúng ta dùng mắt để độc và miệng thì giữ im lặng; như vậy thì ba nghiệp thân-miệng-ý chúng ta đang định vào trong kinh không tạo ra các nghiệp. Vậy là ba nghiệp thânmiệng-ý chúng ta ngay lúc đó không tạo ra nghiệp dữ rồi, đó là một cách tu trong muôn ngàn cách tu khác. Ở đây ai trong chúng ta bảo đọc không phải là tu đây!!!? Tu chỉ có một cái nghĩa đơn giản là sửa và, thiền định là một cách sửa tâm hay nhất đối với những người có căn cơ này. Việc lựa chọn kinh Kim Cương để cụ Nguyễn Du tu tập bằng cách đọc kinh là một trong muôn nghìn cách tu thiền định trong đạo Phật, với mục đích là để làm lắng động cái vọng tâm đang lăng xăng chạy theo vô minh tạo ra nghiệp khổ, mà cắt đứt dần mọi thứ tạp niệm của ý tạo ra những tạp niệm của thân tạo tác, miệng tạo tác. Lâu ngày chầy tháng dần nhờ sự cắt đứt này mà tâm từ từ trở nên trong sáng rỗng rang trở lại. Theo Cụ Nguyễn Du, cũng giống như nước giếng xưa vốn vắng lặng trong sạch không bị người khuấy động, trăng sáng chiếu soi thấy bóng rõ ràng, vì đó là bản chất vắng lặng của nước. Nếu khuấy động lên thì chúng sẽ đục, ánh trăng sáng sẽ không còn thấy được nữa. Tâm của chúng ta cũng vậy không dao động trước mọi duyên thì với bản chất trong sáng thanh tịnh của nó thì tự nó sẽ chiếu soi khắp cả và, cũng có khả năng hiển thị tất cả qua bà thơ ẩn dụ đạo ý: "Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh Tỉnh thủy vô ba đào Bất vị nhân khiên xả Thử tâm chung bất giao Túng bị nhân khiên xả Nhất giao hoàn phục chỉ Trạm trạm nhất phiến tâm Minh nguyệt cổ tỉnh thủy". 明月照古井 井水無波濤 不被人牽捨 此心終不搖 縱被人牽捨 一搖還復止 湛湛一片心 明月古井水 (Đạo Ý)** 27


Dịch: Trăng sáng chiếu giếng xưa Nước giếng không gợn sóng Không bị người khuấy động Tâm này thật chẳng động Nếu bị người khuấy động Lay động rồi lại dừng Một cõi tâm lắng đọng Như trăng soi giếng xưa. Thật ra đó chỉ là một thí dụ, cụ đưa để ví dụ cho tâm con người và nước giếng xưa tạm để chúng ta hiểu được rằng tâm ta khi định một chỗ thì nó sẽ hiển thị ra công dụng sáng trong vắng lặng cũng giống như nước giếng xưa nếu khuấy động làm cho nó đục thì nó sẽ không thấy vật gì hết, còn nếu để nguyên không khuấy động thì nó sẽ lắng trong. Đó là một thứ kinh nghiệm được cụ rút ra từ cuộc sống của chính cụ, để cho ta thấy rằng sở dĩ thường ngày chúng ta không thấy được tâm trong sáng vắng lặng rỗng rang của chúng ta, mà chỉ thấy hoàn toàn là những phiền não khổ đau làm cho chúng ta đau khổ; tâm vật lý này luôn vô thường, luôn tạo ra cho chúng ta những thứ phiền não khổ đau từ: xa lìa người thân, những vật mà mình đang sở hữu thuộc về của mình cũng sinh ra đau khổ; những ai mình ghét bỏ, thù oán, hoặc những vật mà chúng ta không thích, không ưa mà luôn xuất hiện trước chúng ta cũng tạo ra những đau khổ; những điều mà chúng ta ước muốn thuộc về chúng ta (vât chất lẫn tinh thần), mà chúng ta tìm cầu không được cũng làm cho chúng ta đau khổ; nói chung là mọi thay đổi trong cuộc sống bất như ý chúng ta là mang lại cho chúng ta những đau khổ. Chính những đau khổ này nó vấy đục tâm tư chúng ta, nó làm cho tâm tư chúng ta tối tăm u ám như nước giếng xưa đang trong lành bị chúng ta khuấy đục lên vậy, công dụng hiển thị sáng soi không còn nữa. Do đó chúng ta muốn tâm chúng ta trong lành sáng tỏ thì đối với mọi sự vật từ tinh thần cho đến vật chất chúng ta chỉ cần không đắm nhiễm chạy theo nó để bị trói buộc bị khuấy dục lên thì đó chính là tâm vô sự, đó chính là Phật, là tâm không như cụ đã từng viết: “… Phật bổn thị không bất trước vật…” 佛本是空不著物 (Phân kinh thạch đài)** Phật vốn là Không, chẳng chấp vật. Khi tâm chúng ta không chấp vào mọi sự vật chung quanh cuộc sồng từ tinh thần cho đến vật chất thì đó chính là Phật. Phật này bản thể là tính không, tướng của Phật là không vì sự hiện hữu của sắc thân nên Phật do nhân duyên tích hợp mà tác thành, thân Phật này không có thực thể, nó chỉ là một giả hợp của Năm uẩn: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc là một tích hợp của đất, nước gió, lửa (thuộc vật chất); thọ, tưởng, hành thức 28


là tích hợp của tinh thần (thuộc tâm). Vậy thì từ vật chất đến tinh thần đều do nhân duyên hòa hợp nà hiện hữu, nên sự hiện hữu của Phật này là một hiện hữu giả danh, vì Phật chỉ là một giả danh nên Phật vốn là Không. Khi Phật đã không thì tâm cũng không. Vậy tâm chúng ta đục hay trong cũng từ nơi ta cả chứ không ai làm cho tâm ta lu mờ và sáng trong được, cho nên cụ khuyên chúng ta nên: "… Nhân liễu thử tâm nhân tự độ, Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu…" 人了此心人自度 靈山只在汝心頭 (Phân kinh thạch đài)** Dịch: … Người rõ tâm này, người tự độ, Linh Sơn[11] chỉ ở nơi tâm ngươi … Vì thường thì chúng ta hay cầu Phật ở nơi bên ngoài chúng ta, tức là vong thân cầu Phật tại Linh sơn, rất nhiều người nổ lực tìm cầu Phật bên ngoài mà bỏ quên ông Phật chính mình nơi mỗi người, đó là một cái nhìn vô minh thiếu chánh kiến, nên lầm đường lạc lối cầu Phật bên ngoài. Theo cái nhìn thấu tâm đạt lý của cụ Nguyễn Du thì khi chúng ta đã tỏ rõ bản tâm của mình rồi thì chính mỗi người phải tự mình độ lấy chính mình ra khỏi vô minh mờ tối của chính mình tạo ra đó thì tự nhiên tâm rỗng rang trong sáng của chính mình hiện hữu chứ không cần phải dựa dẫm vào bất cứ thế lực nào khác ngoài chúng ta. Nhiều nhà nghiên cứu về Nguyển Du mà không biết chữ Hán hay biết mà không đọc những tập thơ cụ viết bằng chữ Hán để biết cuộc đời của cụ đã chịu ảnh hưởng Phật giáo như thế nào mà viết về Nguyễn Du và Phật giáo thì, đương nhiên có những cái nhìn tưởng tượng lệch lạc về vấn đề này. Qua những điều chúng tôi trích dẫn từ văn thơ của cụ như vậy, ai dám bảo cụ không phải là người của Phật giáo? không phải là người tu theo Phật nào?! Những điều chính cụ viết ra không chịu hiểu không chịu đọc rồi ngồi đó tưởng tượng sai lầm rằng Nguyễn Du ảnh hưởng tâm học của người này người kia v.v… đem áp đặt lên người cụ, trong khi thơ cụ không có bất cứ chỗ nào đề cập đến chủ trương tâm học. Bỡi vì “Người rõ tâm này, người tự độ, Linh Sơn (chỗ Phật nói pháp) chỉ tại tâm ngươi” không phải là “tức tâm tức Phật, tức Phật tức tâm“. Tâm tức là Phật, Phật tức là tâm sao? Mà theo cụ thì sở dĩ chúng ta không nhận ra được tự tánh tâm mình, không nhận ra bản lai diện mục của chính mình là vì chúng ta tìm Phật bên ngoài, chạy rông từ kiếp này sang kiếp, từ nơi này đến nơi kia để tìm; nhưng rốt cùng tìm mãi không ra chỉ vì ngưởi chỉ đi tìm cái bóng của minh không thôi, trong khi bản lai diện mục lù lù nơi chính ta mà ta không biết, càng chạy đi tìm thì càng lạc lối càng xa quê hương xứ sở nguyên sơ của chính mình chỉ vì vô minh phiền não che lấp nên không thấy đó thôi: 29


"Niên niên thu sắc hồn như hử Nhân tại tha hương bất tự tri". 年年秋色魂如許 人在他鄉 不自知 (Giang Đầu Tản Bộ)** Sắc thu hồn vẫn luôn như vậy Vì mãi xa nhà không biết thôi. Tóm lại qua những bài thơ mà chúng tôi đã trích dẫn trong ba tập thơ chữ Hán của cụ Nguyễn Du cho chúng ta một cái nhìn đúng về nhà thơ đã ảnh hưởng sâu đậm Phật giáo trong đời sống “bất ly Thiền” hằng ngày của cụ, là một nhà thơ vĩ đại không những là của Việt Nam ta không thôi, mà cụ còn là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất thế giới nữa. Cái vĩ đại của Cụ nhờ vào hai yếu tố thứ nhất bỡi một thứ trí tuệ nghiệp được huân tập di truyền từ nhiều kiếp trước cộng với cái trí tuệ nghiệp được huân tập từ kiếp này, từ cuộc sống qua đó Phật giáo là một tác động quan trọng đối cuộc sống của cụ, nhất là Thiền tông là một nhân tố tác động chính yếu cho việc cụ khám phá ra bộ mặt thật của chính mình cũng như mọi sự vật khác, để từ đó cụ sáng tác ra những tác phẩm mang tính nhân bản triệt để hơn qua Truyện Kiều và Văn Tế thập loại chúng sanh mang đậm tư tưởng Phật giáo trong việc phủ nhận thuyết Thiên mệnh của Nho giáo đã làm hủ hóa khiến con người không tự mình vương lên trong cuộc sống được: “ … Ngẫm hay muôn sự tại trời, Trời kia đã bắt làm người có thân. Bắt phong trần phải phong trần, Cho thanh cao mới được phần thanh cao. …” (Kiều) Với quan niệm mệnh trời như vậy thì chúng ta còn làm được gì, đành phải bó tay bó chân thôi! “… Thôi đành nhắm mắt đưa chân. Thử xem con tạo xoay vần ra sao?...” (Kiều) Đúng là với quan niệm như vậy nó làm cho con người trở nên yếu mền, nhu nhược. Đây mới là quan niệm làm cho con người bi quan yếm thế của Nho giáo đối với cuộc sống, chứ không phải quan niệm đời là khổ của Phật giáo là quan niệm bi quan yếm thế như nhiều người lầm tưởng. Vì đời chỉ là kết quả khổ, phát sinh từ nguyên nhân, chính con người của mỗi cá nhân mang đến kết quả đó mà thôi chứ đời không phải là nguyên nhân sinh ra đau khổ. Vậy muốn quả khổ này mất đi thì chỉ cần triệt tiêu nguyên nhân sinh ra khổ thì đời tự nhiên hết khổ thế thôi. Vậy thì việc gì Phật giáo phải bi quan yếm thế như một số người hiểu biết lệch lạc sai lầm về Phật giáo vậy! Ở đây với quan niệm mệnh Trời bắt làm người có thân, bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao thì, đây mới chính là quan niệm làm cho con người 30


trở nên bi quan yếm thế không tự chủ trước cuộc sống. Nhưng đó là quan niệm mệnh trời của Nho giáo mà cụ đưa ra làm tiền đề và, tiếp theo đó cụ đưa ra quan điểm tự tác tự thọ, của Phật giáo qua nhân quả báo ứng để kết luận, tức là tự con người làm thì tự con người nhận lấy cái quả đó, mà phủ nhận cái quyền sinh sát của mệnh Trời kia. Thật sự nếu có Trời đi chăng nữa thì Trời theo cụ chỉ là một cán cân mà thôi: “Có đâu thiên vị người nào, Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai. …”(Kiều) Như vậy thì Trời đâu có thiên vị và làm theo ý Trời được, mà phải lệ thuộc vào tác nhân của người tạo ra mà theo đó mới bắt người chịu những kết quả tương ứng với những tác nhân trước đó của họ. Vậy thì mệnh Trời đã bị con người tước đoạt rồi, vì Trời nếu có, bây giờ chỉ làm một cán cân, cân gúp cho con người trong việc cân tội phước, họa phúc, nặng nhẹ thế nào thôi. Vì vấn đề nặng nhẹ có được do chính con người tạo ra. Bây giờ con người đại diện cho chữ tài và Trời đại diện cho chữ mệnh cả hai bình đẳng như nhau trên mặt lý tính. Ở đây chúng tôi chỉ bàn sơ qua việc này để kết luận cho bài viết này, việc này chúng tôi sẽ bàn chi tiết hơn trong phần thứ hai, bài kế tiếp về “Từ Thiên mệnh đến Nhân mệnh” trong truyện Kiều. ………………………………. * Bài này trích một phần từ bài viết: - Nguyễn Du “Từ Thiên mệnh đến Nhân mệnh” trong truyện Kiều. **Sách tham khảo: - Tổng tập Văn Học Việt Nam tập 13, 14. - Tố Như thi, Quách Tấn dịch, NXB An Tiêm, Sài Gòn 1973. - Nguyễn Du toàn tập, Mai Quốc Liên chủ biên, NXB Văn học 1996. - Nguyễn Du, niên phổ và tác phẩm của Nguyễn Thạch Giang và Trương Chính, NXB Văn hoá thông tin. Chú Thích: [1] 以心傳心。不立文字(Đ.T. 48, trang 03713b13 Huyết mạch luận, Thiếu thất lục môn). [2] 為說金剛經。至應無所住而生其心。惠能言下大悟 Đ.T. 48, Pháp Bảo Đàn Kinh, phẩm hành do trang 0349a [3] Đ. 48, Pháp Bảo Đàn Kinh, phẩm hành do trang 0349a [4] Tổng tập Văn Học Việt nam trọn bộ 42 tập (tập 14,) trang 650 phần chú thích. [5] Tổng tập Văn Học Việt nam trọn bộ 42 tập (tập 14,) trang 649. [6] Tổng tập Văn Học Việt nam trọn bộ 42 tập (tập 14,) trang 622. [7] Tử ở đây mang ý nghĩa sống chết trong từng sát-na một. Chỉ cho sự sống chết thay 31


đổi nhau của những tế bào để tạo nên sự tiến hóa, kể cả tâm lý thay đổi. Sự thay đổi này chính là sự sống chết thay nhau trong từng giây từng khắc. Nếu không có sự thay đổi này thì con người sinh ra lúc nào cũng vẫn là một giọt máu, không có những hiện tượng trẻ lên ba, trẻ lên mười, để trở thành thiếu niên, thanh niên và cuối cùng già yếu và chết đi. Ở đây nói đến tính hiện hữu của Duyên khởi tánh không của cuộc sống. [8] Tố Như thi, Quách Tấn dịch, NXB An Tiêm, Sài Gòn 1973. trang 170 [9] Nguyễn Du toàn tập, Mai Quốc Liên chủ biên, NXB Văn học 1996. [10] Đ. 17, No. 0842, Đại Phương Quảng Viên Giác Tu-đa-la liễu nghĩa, trang: 0915c22 (HT. Thích Thiện Hoa dịch.) [11] Linh Sơn: gọi cho đủ là Linh Thứu sơn, là chỉ cho núi Linh Thứu nơi đức Đạo sư nói pháp độ sinh khi Ngài còn tại thế. Có hai thời kỳ đức Đạo sư nói pháp ở nơi đây: Một, thời kỳ đức Đạo sư thuyết Kinh Pháp Hoa. Hai, thời đức Đạo sư phó pháp cho Tôn giả Ma-ha Ca-diếp (theo Thiền tông) “Dĩ tâm truyền tâm”.

TÌM HIỂU TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO CỦA ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU TS. Nguyễn Phạm Hùng Nguyễn Du (1765-1820) tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, biệt hiệu Hồng Sơn Liệp Hộ, Nam Hải Điếu Đồ, sinh trưởng trong gia đình phong kiến quý tộc có nhiều danh vọng, quê gốc ở làng Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Cha và anh của ông giữ những chức vụ quan trọng trong phủ chúa Trịnh. Thời trẻ ông tập ấm một chức quan võ nhỏ của cha nuôi họ Hà ở Thái Nguyên. Năm 1787, Tây Sơn ra Bắc diệt Trịnh, ông bắt đầu thời kỳ “Thập tải phong trần” (Mười năm gió bụi). Sau ông phục vụ nhà Nguyễn, làm đến Hữu Tham tri Bộ Lễ, từng được cử làm chánh sứ đi sứ Trung Quốc. Ông là đại thi hào dân tộc, tác giả kiệt tác Truyện Kiều và nhiều tác phẩm thấm đẫm tinh thần nhân văn khi đấu tranh mãnh liệt cho quyền sống, quyền hạnh phúc của con người, phơi bày nỗi thống khổ của kẻ bị trị, cũng như phơi bày những sự tàn ác của chế độ phong kiến. Vì những cống hiến kiệt xuất về mặt văn học, năm 1965, nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông, ông được UNESCO công nhận là Danh nhân Văn hoá thế giới đầu tiên của Việt Nam. Chúng ta thường biết đến Nguyễn Du với tư cách là một nhà thơ mang tinh thần nhân đạo chủ nghĩa cao cả, một nhà thơ hiện thực sâu sắc, một con người của cuộc đời trần thế gian nan, đã viết nên những tác phẩm bất hủ về quyền sống của con người bằng một thứ nghệ thuật trác tuyệt. Tác phẩm của ông bày tỏ nỗi cảm thương sâu sắc đối với nỗi thống khổ của con người “có con mắt trông thấu sáu cõi và tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”, khiến cho các tác phẩm như “có máu sa ở đầu ngọn bút”. Nhưng chúng ta không biết rằng, ông còn là một nhà Thiền học, một tín đồ Phật giáo từ trong tâm khảm. Tinh thần Thiền học đã thấm nhuần trong nhãn quan của ông 32


đối với cuộc đời, cũng như thấm nhuần trong nhiều sáng tác quan trọng của ông. Nó chính là một động lực để ông sáng tác, một mục tiêu để ông gửi gắm, và một cứu kính để ông nương tựa. Nó là một phần quan trọng trong tư tưởng nghệ thuật của ông. Người ta gọi thời đại của Nguyễn Du là thời đại bão táp, thời đại của những đổi thay. Những cảnh “thay đổi sơn hà”, những “cuộc bể dâu” diễn ra liên tục. Và con người quay cuồng trong khổ nạn của mọi đổi thay lịch sử. Bằng chính cuộc đời “dâu bể” của mình, Nguyễn Du nhận ra rằng, con người muốn tồn tại thì phải vượt ra ngoài mọi sự đổi thay, vượt lên trên mọi sự điên đảo, vượt lên cái hằng biến để thường trụ vào cái vĩnh viễn, cái bất biến. Nhưng vượt lên bằng cách nào? Bằng chính con người đầy những “tham, sân, si” của mình, hay trông đợi vào một phép màu của tạo hoá? Tất cả những điều đó, theo ông, đều là khong thể. Ông cho rằng, con người ta chỉ có thể tồn tại được, chỉ có thể vượt qua được thực tại khổ đau bằng một thái độ “vô chấp”, bằng một tinh thần từ bi hỉ xả được quán chiếu trong hành động và suy nghĩ. Trong bể khổ trầm luân, con người cố vùng vẫy thoát ra, nhưng nào thoát được. Bởi người ta không nhận thức được rằng, tất cả những thứ đó chỉ là thứ “bào ảnh” làm mê hoặc con người. Ông muốn mọi người phải nhận thấy rằng, cuộc đời này chỉ là những sát na của ảo ảnh, để cuối cùng “vạn cảnh giai không”. Trong bài thơ “Đề động Nhị Thanh”, ông viết: Mãn cảnh giai không hà hữu tướng, Thử tâm thường định bất ly thiền. Đại sư vô ý diệc vô tận, Phủ thán thành trung đa biến thiên. Dịch nghĩa: Khắp cõi đều là không thì làm gì có sắc tướng? Lòng này thường yên định, không xa đạo Thiền. Đức Phật không có tâm ý mà bao la vô tận, Ngậm ngùi nhìn xuống những đổi thay trong thành. Hệ luỵ của cuộc đời, những đớn đau của thân kiếp, là gì nếu như không phải vì con người ta còn cố bám víu lấy cái “sắc”, cái “hữu”, còn câu chấp vào chuyện có không. Nên chăng là hãy trở về, trở về với chính mình, với “bản lai diện mục” của chính mình. Nhưng ý thức là một chuyện, thực tế lại là chuyện khác. Cả cuộc đời ông vẫn phải gắn bó với bao điều khiến cho ông đau khổ, khiến cho ông phải chứng kiến những xót xa của mọi kiếp người, khiến cho ông “không có bệnh mà người lúc nào cũng cứ cúi khom” (vô bệnh cố câu câu). Ông cảm thương những số phận bất hạnh cũng chính là cảm thương cho thân kiếp của mình, “thương người mà lại thương mình xót xa”. Ông hổ thẹn vì đã phản bội chính cái tư tưởng xuất thế mà ông hằng nguyện ước. Trong bài thơ “Trông, chùa Thiên Thai”, ông viết: 33


Khả liên bạch phát cung khu dịch, Bất dữ thanh sơn tương thuỷ chung. Dịch nghĩa: Thương mình đầu bạc còn phải lận đận, Không được cùng núi xanh trọn nghĩa thuỷ chung. Chúng tôi cho rằng, lời phát biểu sâu sắc nhất về tư tưởng Thiền học của Nguyễn Du là trong bài thơ “Lương Chiêu Minh Thái tử phân kinh thạch đài” (Đài đá phân kinh của Thái tử Chiêu Minh nhà Lương). Trong lần đi sứ Trung Quốc, Nguyễn Du đã đến dưới đài phân kinh của Thái tử Chiêu Minh, con của Lương Vũ Đế (502-549), một người rất sùng đạo Phật. Đài đá đã mòn hết chữ, chỉ còn hai chữ “phân kinh”, ghi lại câu chuyện vị Thái tử nhà Lương nhìn đời bằng con mắt “phân biệt”: Đây là nơi Thái tử Chiêu Minh đời Lương chia kinh Đài đá chỉ còn hai chữ “Phân kinh”. Dưới đài đá này, ông giác ngộ ra yếu chỉ của đạo Phật. Ông nhận thấy cái mờ mịt trong nhận thức và cái vô nghĩa trong công việc “chia kinh” của vị Thái tử xưa: Đạo Phật vốn là không, không nhờ vào vật: Đâu có kinh mà phải chia? … Văn thiêng không ở ngôn ngữ Kinh Kim Cương là gì, kinh Pháp Hoa là gì? Giữa sắc với không, mờ mịt không hiểu rõ U mê mà theo Phật, thì Phật thành ma Theo ông, làm sao có thể “chia kinh” được, làm sao có thể dùng con mắt “phân biệt” để giải minh được Phật lý, mà phải biết mở con mắt “vô phân biệt” để nhận thức nó, thì mới có thể tự mình chứng lấy được chân lý. Bởi vì “Linh Sơn chỉ ở trong lòng người”. Trong bài thơ của mình, ông đã nhắc lại gần như nguyên văn lời kệ tiêu biểu cho phép “đốn” nổi tiếng của sư Huệ Năng, vị tổ sư thứ sáu của Thiền tông Trung Quốc: Minh kính diệc phi đài Bồ đề bản vô thụ (Minh kính cũng không phải là đài Bồ đề vốn không phải là cây) Nguyễn Du từng trăn trở nhiều về Phật pháp, về Thiền lý, nhưng như ông nói, chỉ khi đứng dưới đài phân kinh của Thái tử Chiêu Minh, ông mới giác ngộ được chân lý: 34


Ta đọc kinh Kim Cương hàng nghìn lượt Những ý nghĩa sâu xa trong đó phần nhiều không rõ ràng Khi đến dưới đài Phân kinh này Mới biết “kinh không chữ” mới thật là chân kinh Chỉ khi chứng qua cảnh huống cụ thể này, ông mới thực sự giác ngộ được lời dạy của kinh Kim Cương: “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” (chớ có trụ vào một cái gì mà sinh ra tâm mình). Tác phẩm trình bày trực tiếp nhất tư tưởng Phật giáo của Nguyễn Du là bài “Văn tế thập loại chúng sinh”. Đây là bài văn tế đặc biệt trong kho tàng văn tế của Việt Nam, nó được Nguyễn Du làm ra để khóc các cô hồn nhân ngày lễ “xá tội vong nhân” rằm tháng bảy hàng năm. Trong bài văn này, Nguyễn Du đã thể hiện một sự thương cảm vô bờ bến đối với nỗi thống khổ của mọi kiếp người trong cuộc đời. Có thể khi sinh thời, con người ta mỗi người một cảnh, có số phận, có địa vị khác nhau, có kẻ sang người hèn, kẻ cao người thấp, có kẻ gây oán chuốc thù, có người chịu oan khiên, đầy đoạ… từ đứa trẻ “lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha” cho đến “những kẻ mũ cao áo rộng”. Nhưng tất cả đều cùng chịu cái chết oan nghiệt: Kìa những kẻ chìm sông lạc suối Cũng có người sẩy cối sa chân Có người leo giếng đứt dây Người trôi nước lũ, kẻ lây lửa thành Ngf thì mắc sơn tinh thuỷ quái Người thì sa nanh sói ngà voi Có người có đẻ không nuôi Có người sa sảy, có người khốn thương… Họ đều là những oan hồn vất vưởng: Mỗi người một nghiệp khác nhau Hồn siêu phách lạc biết đâu bây giờ? Nên họ đều cần được yêu thương, cần được thông cảm. Có người cho rằng tác phẩm này có tính hạn chế, vì nó đã thể hiện một thái độ “mơ hồ giai cấp”, một “tình yêu vô bờ bến”, một tình thương không giới hạn. Điều đó không đúng. Nguyễn Du không nói tới người sống. Nguyễn Du chỉ nói tới người đã chết. Và ông chỉ nói tới những “oan hồn”, cần được “xá tội vong nhân”. Dù khi sinh thời, người đó như thế nào, nhưng nếu bị chết oan khuất, thì đều đáng thương, đều được cảm thông. Đây là một tư tưởng lớn. Tư tưởng nhân văn cao cả đó chỉ có thể có được trên nền tảng của tư tưởng Phật giáo. Chỉ có thể là tư tưởng bác ái của nhà Phật mới đủ sức bao quát và cứu khổ cho mọi loài, không phân biệt giai cấp, tầng lớp, già trẻ, lớn bé như thế. Tất cả chúng sinh đều trở nên nhỏ bé và đều cần được cứu giúp như 35


nhau. Lời thơ của Nguyễn Du cất lên, như mời gọi, như động viên, như nhắn nhủ mọi kiếp khổ đau: Nhờ Đức Phật siêu sinh tịnh độ, Bóng hào quang cứu khổ độ u. Rắp hoà tứ hải quần chu, Não phiền rũ sạch, oán thù rửa không. … Nhờ phép Phật oai linh dũng mãnh, Trong giấc mê khua tỉnh chiêm bao. … Mười loài là những loài nào? Gái trai già trẻ đều vào nghe kinh. Kiếp phù sinh như hình bào ảnh, Có chữ rằng “vạn cảnh giai không” … Ai ơi lấy Phật làm lòng, Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi. Nhưng có lẽ tư tưởng Phật giáo của Nguyễn Du được trình bày một cách đặc sắc nhất là trong tác phẩm bất hủ “Truyện Kiều”. Tư tưởng Phật giáo được ông trình bày một cách nghệ thuật qua các hình tượng thơ, qua hành động của các nhân vật, các tình huống của câu chuyện, các diễn biến và xung đột của cốt truyện… Tư tưởng nghệ thuật căn bản của Nguyễn Du trong tác phẩm này là đấu tranh cho quyền sống, quyền hạnh phúc của con người. Ông ca ngợi những con người “tài tình” của mọi thời đại, và ông cho rằng họ phải có quyền được sống, được hưởng hạnh phúc. Nhưng giấc mơ hạnh phúc của những con người tài tình nhanh chóng tan vào mây khói trước thực tế đổi thay, trước biến động khôn lường của số phận. Giấc mơ đó tan vỡ như mối tình của đôi trai tài gái sắc Kim Trọng – Thuý Kiều. Ông lên tiếng chống lại bất công và sự chà đạp tàn bạo của chế độ phong kiến đối với con người. Trong xã hội khi mà cái xấu, cái ác ngang nhiên hoành hành, thì số phận con người không lấy gì làm đảm bảo. Vì thế, Nguyễn Du đã từng mơ những giấc mơ công lý. Ông muốn có một người anh hùng như Từ Hải “đội trời đạp đất ở đời” để đạp bằng mọi bất công, để ân oán phân minh, để con người được báo ân và trả thù, để mong cầu một cuộc sống an ổn và công bằng. Nhưng giấc mơ ấy vẫn chỉ là một giấc mơ. Sau bao sảng khoái hào hùng, là một thực tế ảm đạm. Từ Hải bị giết, và Thuý Kiều lại tiếp tục cuộc đời nhơ khổ. Dường như tất cả mọi con đường đều đã đóng lại trước mắt nàng Kiều. Dường như nàng khó lòng mà thoát ra khỏi cái “trường dạ tối tăm trời đất” của chế độ phong kiến. Cuối cùng thì Thuý Kiều cũng phải gieo mình xuống sông Tiền Đường để trốn khỏi cuộc đời. Nhưng Nguyễn Du không đành để cho nàng chết. Trong lúc bi phẫn đến tột độ, Nguyễn Du đã tìm đến một giải pháp cuối cùng, là để nàng Kiều nương nhờ nơi 36


cửa Phật. Chỉ có cửa Phật mới có thể cứu rỗi được con người khỏi đau khổ. Chỉ có nhà Phật mới có khả năng “thả một bè lau” đưa người đến Bến Giác, đến với hạnh phúc. Nguyễn Du muốn nhà Phật cứu giúp nàng, tái sinh cho nàng, để nàng được sống mà không phải lo luỵ khổ đau. Và thế là, sau 15 năm lưu lạc, đoạ đầy, nàng Kiều nhận ra rằng, cửa Phật mới là chốn dung thân của nàng. Có lẽ trong lịch sử văn học Việt Nam, không có ai phản ánh một cách sâu sắc và thuyết phục bằng Nguyễn Du về vai trò của Phật giáo đối với việc cứu người trong những hoạn nạn. Có thể Nguyễn Du đến với nhà Phật là do bế tắc trong hiện thực. Từ “tư tưởng Tài Tình” với thái độ “thương người tiếc tài”, Nguyễn Du đi đến “tư tưởng chữ Tâm” nhưng là với thái độ bảo vệ Tài Tình tuyệt đối. Đây là một chuyển biến tư tưởng hết sức quan trọng của Nguyễn Du. Đọc tác phẩm “Truyện Kiều”, thấy rằng, tư tưởng Phật giáo không phải một sự lựa chọn có tính tình thế, hay ngẫu nhiên, hay vì quẫn bách của Nguyễn Du. Triết lý nhân sinh của nhà Phật đã từng là một sự lựa chọn từ rất sớm của ông. Bởi từ rất sớm, ông đã nhận thấy sự vô vọng của việc giải thoát con người khỏi đau khổ trong cuộc đời hiện thực. Trong quá trình đi tìm chân lý, đi tìm giải pháp cho câu hỏi tồn tại của con người, ông đã dừng lại ở Phật giáo. Không phải chỉ đến khi Thuý Kiều hết đường sống thì ông mới cho nàng đi tu. Ngay từ khi bắt tay vào viết “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã hình dung thấy cái đích phải đến của nàng là như vậy. Có thể có người cho rằng đây là một sự khiên cưỡng của ông, hay là một tấn bi kịch bất đắc dĩ. Nhưng tôi cho rằng, đây là một sự lựa chọn từ khi Nguyễn Du để cho nàng Kiều bước chân vào cuộc đời này. Từ cái buổi chiều xuân định mệnh trong khung cảnh thiên nhiên đẹp tuyệt vời “Cỏ non xanh rợn chân trời, cành lê trắng điểm một vài bông hoa” để Kim Kiều gặp gỡ, và nhất là từ cái đêm “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” đi tìm hạnh phúc của cô gái 15 tuổi ấy, bàn chân cô bắt đầu bước trên con đường đời đầy chông gai và bất trắc. Bàn chân ấy còn phải đi hết chặng đường 15 năm oan khổ mới đến được cái đích của cuộc đời, là chốn cửa Thiền. Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã thể hiện rõ triết lý Phật giáo trong việc giải quyết vấn đề số phận con người. Triết lý Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong việc giải toả những bế tắc, tuyệt vọng trong tâm trạng nhà thơ khi dẫn dắt nhân vật đi trong cái xã hội vạn ác ấy. Không phải ngẫu nhiên mà ở những khúc quanh, đoạn gấp, trong những biến cố quan trọng nhất của cuộc đời Thuý Kiều, Phật giáo thường xuất hiện như một lực lượng phù trợ có hiệu lực, linh nghiệm và huyền bí nhất. Chỉ những khi Thuý Kiều đau khổ, tuyệt vọng và bất lực nhất, thì lại được sự an ủi và cứu giúp có hiệu quả nhất của nhà Phật. Đó chính là lối thoát cho số phận con người chứ không phải là một triết lý giải thoát cho tư tưởng. Vì thế, trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du thường dành những vần thơ đẹp đẽ và tin tưởng nhất cho nhà Phật: 37


- Cho hay giọt nước cành dương Lửa lòng tưới tắt mọi đường tình duyên - Cửa Thiền vào cữ cuối xuân Bóng hoa đầy đất vẻ ngân ngang trời. - Nạn xưa trút sạch làu làu Duyên xưa chưa dễ biết đâu chốn này. - Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài. - Có trời mà cũng tại ta, Tu là cõi phúc, tình là dây oan. Đây là một tác phẩm xuất sắc về đường đi và cái đích mà con người hữu tình trong “hội đoạn trường” cần phải đến trong cái xã hội vạn ác. Đúng là Nguyễn Du muốn “thả một bè lau” để đưa Thuý Kiều vượt qua bể khổ để đến với bến bờ hạnh phúc. Có thể bến bờ hạnh phúc đó chỉ là một giấc mơ. Nhưng “trong trường dạ tối tăm trời đất” ấy, có được một giấc mơ đẹp như thế thì thật đáng quý đến nhường nào. TS Nguyễn Phạm Hùng (Tạp chí Nghiên cứu Phật học) Người gửi bài: Tâm Minh Nguyễn Ngọc Gia

GIÁ TRỊ TRIẾT HỌC TÔN GIÁO TRONG TRUYỆN KIỀU THÍCH THIÊN ÂN Khoa trưởng Đại học Văn Khoa Vạn Hạnh Trưởng ban Sử học Đại học Văn khoa Sài Gòn Nếu "thơ là người” thì qua cuốn Truyện Kiều chúng ta có thể thấy được một Nguyễn-Du đầy kinh-nghiệm lịch-lãm trên đường đời, một Nguyễn-Du dồi-dào tìnhthương và ý-chí, dù gặp phải bao nhiêu trở ngại gian truân. Cái hay cái đẹp của Truyện Kiều không những ở chỗ ngôn-từ hoa-lệ, văn-chương thẩm mỹ, ý-tứ thâm-trầm phong-phú, mà còn ở chỗ tác-giả đã mượn cốt người trong truyện để miêu-tả một cách khéo-léo tài tình những thăng trầm vinh nhục của cuộc đời, 38


những vui buồn thương ghét của con người và những tan hợp bèo mây của thực-trạng xã-hội. Cao xa hơn nữa, Nguyễn-Du đã dùng truyện Kiều để diễn đạt một quan-niệm triết lý nhân-sinh, một giá-trị triết-học tôn-giáo. Theo ý chúng tôi, điểm đặc sắc của truyện Kiều là ở đó, và có lẽ vì thế nên quần-chúng Việt-Nam, nhất là các giới bình-dân đã đón nhận truyện Kiều như một vật thân yêu, nếu không phải là chính của lòng mình, đời mình. Cổ-nhân đã nói "Dĩ văn tải đạo" (Lấy văn-chương mà chở đạo-lý). Câu nói ấy rất thích hợp cho truyện Kiều. Vì thế chúng tôi không đồng-ý với quan-niệm khe-khắt của một số người đã phê bình: Truyện Kiều là một tác-phẩm khêu gợi lòng tà-dâm dụcvọng, là vi-phạm đến luân-lý đạo đức. Trái lại, đọc Truyện Kiều chúng ta thấy: bàngbạc trong văn trong lời những đức tính hy-sinh vô-cùng, những kham-nhẫn tột-độ của kiếp nhân-sinh thống khổ. Khi đọc truyện Kiều, dù tâm-hồn có sắt-đá bao nhiêu ta cũng không thề dằn lòng mà không rung-cảm, thương cho nàng Kiều vì số "tài-ba bạc-mệnh” thương cho Nguyễn-Du "sinh bất phùng thời", thương cho ta, thương cho những người đã sinh ra trong cuộc thế phù-du ảo-mộng... Lòng thương ấy là gì, nếu không phải là chữ "Nhân" của Khổng-Từ, chữ "Kiêm-ái” của Mặc-Tử, chữ "Bác-ái" của Jesus Christ và chữ "Từbi" của đức Phật? Tuy nhiên, ở đây chúng tôi không có ý đề-cao giá-trị văn-chương nghệ-thuật của truyện Kiều, cũng không có ý muốn so sánh Nguyễn-Du với các nhà đại-văn-hào của nhân-loại, Thiết nghĩ việc ấy coi như thừa vì chính tác-phẩm và tác-giả đã tự chứng minh cho giá-trị của mình trong quá trình văn-học-sử Việt-Nam và Thế-giới. Vì vậy, ở đây chúng tôi chỉ có ý muốn khai-thác một khía cạnh - khía cạnh triết-học tôn-giáo của truyện Kiều - hầu góp một vài nhận xét về truyện Kiều trong văn-đàn Việt-Nam, đồng thời cũng để gọi là món quà văn nghệ trong dịp Kỷ-niệm đệ-nhị-bách chu-niên của một nhà văn tiền-bối, cụ Tiên-Điền Nguyễn-Du mà thôi.

39


Văn Hóa Nguyệt San, Năm thứ XIV, Quyển 10&11 (Tháng 10&11, 1965) Số đặc biệt: Đệ Nhị Bách Chu Niên Thi Hào Nguyễn Du (Nguồn: Kệ sách Học xá)

Thưa quý vị, Đứng về khía cạnh triết-học tôn-giáo, chúng ta thấy tư-tưởng triết-học nổi bật nhất trong truyện Kiều là tư-tưởng triết-học Phật-giáo. Điều này cũng không lấy gì làm lạ, vì như chúng ta đã biết: Nguyễn-Du là một nhà Nho-học uyên-thâm, và ở nước ta thời ấy từ Nho-học bước qua Phật-học rất gần, bởi lẽ hầu hết kinh-điển của Phật-giáo đều viết bằng chữ Hán. Vả lại, sống trong một mảnh đất "đất lành chim đậu" với truyền-thống "Tam-giáo đồng-quy” này thì không những một mình Nguyễn-Du mà đến cả các nhà văn-hóa đương thời hầu hết đều ảnh-hưởng bởi tinh-thần này. Một hệ-thống triết-học xuất-thế của Phật-học, một kỷ-cương luân-lý lễ-nghĩa của Nho-học và một khuynh-hướng vô- vi phóng-khoáng của Lão-Trang đã hòa-hợp với nhau như nước với sữa, bổ-túc cho nhau như các bộ-phận trong con người để tổng-hợp hòa-đồng thành một nền văn-hóa Việt-Nam có mấy nghìn năm lịch-sử.

Do đó, truyện Kiều với cụ Nguyễn-Du nói riêng, các tác- phẩm với những nhà văn tiền-bối nói chung, là xây dựng cơ-sở trên nền tảng "Tam-giáo” ấy. Riêng về Truyện Kiều thì dù có nhiều đoạn đề-cập đến những đạo nghĩa luân thường của Nho40


học và những ước-vọng tiêu-dao phóng-khoáng của Lão-Trang, nhưng kỳ thật ảnh hưởng của tư- tưởng triết-học Phật-giáo bao giờ cũng sâu đậm hơn, Thật vậy, điểm độc-đáo của triết-học Phật-giáo là thuyết-minh sự vô-thường hữu-hạn của vũ-trụ nhân-sinh. Đứng về vũ trụ nhân-sinh, Phật giáo chủ-trương rằng: Vạn-vật giữa đời này là nhân-duyên hòa-hơp với nhau mà sanh, nên không có một vật nào là thật-có, tất cả đều như huyễn, Vì thế nhân sinh, và vũ trụ là vô thường, giảhuyễn, hữu-hạn và đau khổ, Dựa vào quan điểm này của đạo Phật, Cụ Nguyễn-Du trong Truyện Kiều đã mở đầu cho cuốn truyện của mình bằng những câu thơ sau đây: Trăm năm trong cõi người ta, Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau. Trải qua một cuộc bể dâu, Những điều trông thấy mà đau-đớn lòng! Trong 4 câu thơ mở đầu này chúng ta thấy: Tác-giả đã phác-họa ra trước mắt ta một cảnh đời đau thương áo-não của những vô-thường biển đổi, những thăng trầm vinh nhục, những bãi biển nương dâu của cuộc đời. Vì thế đã sinh ra kiếp người, không ai tránh khỏi cảnh vô thường, đau khổ và chết chóc. Chết trẻ, chết già, chết bệnh, chết hoạn, chết vì bao nhiêu thử-thách gian-truân của cuộc đời, ít người sống vượt khỏi giới hạn 100 năm, Đối với kiếp người tuy 3 vạn 6 ngàn ngày là dài, nhưng đối với thời gian vô tận thì nó ngắn-ngủi làm sao! Để diễn tả rõ ràng về ý-kiến của mình đối với kiếp người vô- thường biển-đổi, Cụ Nguyễn-Du trong Truyện Kiều đã viết như sau: Đạm-Tiên nàng ấy xưa là ca-nhi, Nổi danh tài-sắc một thì, Xôn-xao ngoài cửa thiếu gì yến-anh, Phận hồng-nhan có mỏng-manh, Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên-hương. Một người con gái đã mang nặng số-kiếp "đào-hoa bạc-mệnh”, đã chịu chung sốphận “trâm gãy bình rơi” ở nửa chừng xuân thì làm gì có chồng con gia-đình, lấy ai mà săn-sóc hương-khói, sớm viếng tối thăm? Đứng trước cảnh-tượng vắng-vẻ quạnh-hiu của một nấm mồ chôn người con gái bạc-mệnh ấy, tác-giả viết; Sè sè nấm đất bên đường, Dàu dàu ngọn cỏ nửa vòng nửa xanh. Rồi thi: 41


Trải bao thỏ lặn ác tà, Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm! Thật là thê-lương áo-não, thật là buồn-thảm đau-thương cho một kiếp người! Suy nghĩ rồi ngẫm đến ta, ai mà không chạnh lòng nghĩ đến số-phận mình trong giờ phút tửbiệt ấy? Nhưng định-lý vô-thường của cuộc đời không những chỉ diễn-hiện trong lúc tửbiệt mà thôi, nó còn đến với ta trong từng giờ từng phút, trong những cảnh sinh ly nữa! Trong Truyện Kiều, Cụ Nguyễn-Du đã lấy Thúy- Kiều và Kim-Trọng làm điển-hình để diễn-tả cảnh sinh-ly ấy qua 2 câu thơ sau: Ông Tơ gàn quải chi nhau, Chưa vui sum-hợp đã sầu chia phôi! Rồi đứng trtrớc cảnh tai-trời vạ-gió, oan-ức phân-ly của gia-đình, em gái Kiều là nàng Thúy-Yân đã than-thở: Cơ trời dâu bể đa-đoan, Một nhà để chị riêng oan một mình! Cuối cùng, cái gì sẽ đến đã đến và Cụ Nguyễn-Du đã đệt vào trong cảnh sinh-ly ấy giữa nàng Kiều với những người thân-thích trong gia-đình như sau: Đau lòng kẻ ở người đi, Lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tầm. Trời hôm mây kéo tối rầm, Rầu rầu ngọn cỏ, đầm đầm cành sương. Và sau đó, khi những người thân-thích trong gia-đình "sau cơn bĩ cực đến thời thái lai" các tai-biến hoạn-nạn đều tiêu-tan, mọi người gia-quyến được đoàn-tụ vui-vầy trong vinh-hiển thì riêng chỉ một nàng Kiều còn lận-đận lao-lung, chìm nổi phiêu-bạc trong bể-khổ mênh-mông không bờ-bến. Thương ôi không hợp mà tan, Một nhà vinh-hiển riêng oan một nàng! Nhưng vì sao nàng Kiều phải đau-khổ như thế? Trước hết, trên nguyên-tắc chung của kiếp người chúng ta thấy: Sở dĩ nàng Kiều phải đau-khổ là vì nàng đã sanh ra trong cuộc đời này, nghĩa là đã mang lấy một xác thân con người. Đức Khổng-Tử đã nói:

42


"Ngô hữu đại hoạn vị ngô hữu thân, Ngô nhược vô thân hà hoạn chi hữu"? Nghĩa là: "Ta có đại-hoạn vì ta có thân, Ta nếu không thân làm gì có hoạn"? Cũng đồng một quan-niệm như thế, Cụ Nguyễn-Du đã viết: Ngẫm hay muôn sự tại Trời, Trời kia đã bắt làm người có thân. Hai đoạn văn trên là gián-tiếp giải-thích định-lý: Đời là bể-khổ của đạo Phật. Trong Phật-giáo, Đức Phật đã dùng thuyết "Tứ đế" để diễn-tả định-luật này. Sở đĩ có đau-khổ (Khổ-đế) là vì có gây ra nguyên-nhân của khổ (Tập-đế). Ngược lại cũng thế. Sở dĩ có quả-vị Niết-bàn an-vui (Diệt-đế) là vi đã thực-hành theo các phương-pháp chân-chánh (Đạo-đế). Cho nên chúng ta thấy rằng: vì có gây ra nguyên-nhân đau khổ nên phải chịu kết-quả khổ, và khổ là một định-luật không thay đổi của cụộc đời. Nhưng đó là định-lý chung của mọi người. Riêng đối với nàng Kiều thi ngoài định-lý chung trên, còn có những nguyên-nhân khác nữa. Trước hết, vì nàng Kiều là người đã làm theo bổn-phận người con, biết hy-sinh minh để cứu cơn tai-biến của gia-đình cha mẹ. Nàng đã: Sao cho cốt-nhục vẹn tuyền, Trong khi ngộ biến tùng quyền biết sao. Duyên hội-ngộ đức cù lao, Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn? Để lời thệ-ước minh sơn, Làm con trước phải đền ơn sinh-thành. Nàng Kiều đã vì phụ-thân, vì gia-biến, vì những người thân-thích trong gia-đình, nên đã hy-sinh tình yêu, hy-sinh hạnh-phúc cá-nhân, ra đi với nghĩa-vụ của người con hiếu-thảo. Và cũng từ đó, nàng bắt đầu gánh chịu bao điều oan-trái đắng cay, bao cảnh đọa-đày lao-khổ của kiếp phong-trần! Nào là: Từ đây góc bể chân trời, Nắng mưa thui-thủi, quê người một thân! Nào là: 43


Hóa nhi thật có nỡ lòng, Làm chi dày tía vò hồng lắm nao! Nào là: Giọt riêng tầm-tã tuôn mưa, Phần căm nỗi khách, phần dơ nỗi mình! Nào là: Khi tỉnh rượu lúc tàn canh, Giật mình mình lại thương mình xót xa. Khi sao phong gấm rủ là, Giờ sao tan tác như hoa giữa đường. Nào là: Trúc côn ra sức đập vào, Thịt nào chẳng nát, gan nào chẳng kinh. Xót thay đào lý một cành, Một phen mưa gió tan tành một phen! Nào là: Lâm-chuy chút nghĩa đèo bòng, Nước non để chữ tương phùng kiếp sau Bốn phương mây trắng một màu, Trông vời cố quốc biết đâu là nhà? Nếu đức Phật đã đạy “Đời là một bề khổ mênh-mông không bờ bến", và “Nước mắt của chúng sanh tràn đầy bốn bề đại-dương" thì những gian-khổ oan-khiên, những nhớ nhung thương tiếc, những thử thách gian-truân cùa nàng Kiều trong kiếp sống đọa đày sương gió lại càng khổ-đau nhiều hơn nữa. Nhìn cuộc đời của nàng Kiều ai mà không xót xa thương hại? Chính vì cảm thông vời niềm trắc-ẩn của chúng ta nên cụ Nguyễn-Du trong Truyện Kiều đã thay ta than một lời than bất tuyệt như sau: Thương thay cũng một thân người, Hại thay mang lấy sắc tài làm chi! Những là oan-khổ lưu-ly, Chờ cho hết kiếp còn gì là thân?

44


Đến đây, chúng ta cần đặt lại câu hỏi: Vì sao cũng đồng một thân người mà nàng Kiều lại bị đọa đày lao khổ đến thế? Ngoài lý-do vì đã mang lấy thân người, vì phụ thân, gia-biến, vì mọi người trong gia đình, còn có lý-do nào khác nữa chăng? Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta cần tìm hiều nguyên nhân đau-khổ theo quan-niệm của Phật-giáo. Đức Phật dạy: “Khổ có 8 thứ là sanh-khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, cầu không được là khổ, xa-lìa người thân là khổ, gặp-gỡ kẻ oán-thù là khổ, thân-tâm không điều-hòa là khổ". Nguyên-nhân của các nỗi khổ ấy là tham, sân, si, là mê-mờ dục vọng, nói vắn-tắt là vì cái tâm tham-dục-chấp-trước của con người. Vậy thì muốn hết khổ ta cần phải tu luyện và phải chấm-dứt cái tâm tham-dục chấp-trước ấy đi. Cái tâm tham-dục chấp-trước ấy hiểu một cách phổ-thông tức là tình dục của con người. Dựa vào thuyết-lý này, Cụ Nguyễn-Du đã miêu tả nguyên-nhân khổ-đau của nàng Kiều như sau: Thúy-Kiều sắc-sảo khôn ngoan, Vô-duyên là phận hồng-nhan đã đành. Lại mang lấy một chữ "tình", Khư khư mình buộc lấy mình vào trong! Thật đúng như thế. Nếu nàng Kiều cũng như ai, trong khi chấp kinh tùng quyền nàng cắt đứt tình yêu-thương đối với Kim-Trọng, bớt những lo âu thương-nhớ đối với những người thân-thích trong gia-đình thì có lẽ những nỗi khổ đau của nàng cũng được nhẹ bớt một phần nào chăng? đây thì không. Trong những bước đường lao-đao lận-đận, chịu nhiều đọa đày gian-khổ của thề-xác và tinh-thần, bao giờ nàng cũng hồi-tưởng đến những người thân ở quê hương xứ-sở, nhớ đến những lời thề trăng hẹn nước, tiếc rẻ những kỷ-niệm êm-đẹp của thời xưa. Những nỗi-niềm thương-nhớ ấy đã được diễn-tả trong lời tự-than của nàng Kiều sau đây: Biết thân đến bước lạc-loài, Nhị-đào thà bẻ cho người tình-chung. Vì ai ngăn đón gió Đông, Thiệt lòng khi ở đau lòng khi đi! Hay là: Tiếc thay chút nghĩa cũ-càng, Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng. Duyên em dầu nối chỉ hồng, May ra khi đã tay bồng tay mang. Tấc lòng cố-quốc tha-hương, Đường kia nỗi nọ, ngổn-ngang bời-bời! 45


Ở một chỗ khác trong Truyện Kiều, Cụ Nguyễn-Du lại vẽ ra một nàng Kiều đatình đa-cảm trong sổ phận hẩm-hiu của một người con gái xa tình-quân bằng nhữngcâu thơ như: Người về chiếc bóng năm canh, Kẻ đi muôn dặm một mình xa-xôi, Vầng trăng ai xẻ làm đôi, Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường. Thật đúng là chữ "Tính" đã trói buộc nàng Kiều trong vòng lao-lý, cô-đơn, nhớ thương và đau khổ. Điều này đã được xác-nhận trong giáo-lý của đạo Phật bằng một câu sau đây: "Nước bao giờ cũng chảy xuống; tham-muốn và tình-dục sẽ đưa con người vào đau khổ". Vâng chính lòng tham muốn và tình-dục đẩy con người vào trong vòng trầm-luân đau-khổ, hay nói theo danh-từ của Phật-giáo là nghiệp-báo luân-hồi. Là một nhà nho-học thâm-sâu, thông-hiểu Phật-lý, Cụ Nguyễn Du đã cảm-nhận một cách sâu-sắc thuyết nghiệp-báo luân-hồi này. Cho nên chúng ta thường thấy bàngbạc tản-mác trong Truyện Kiều những câu thơ như sau: Kiếp xưa đã vụng đường tu, Kiếp này chẳng kẻo đền-bù mới xuôi. Dẫu sao bình đã vỡ rồi, Lấy thân mà trả nợ đời chơ xong! Hay câu: Người này nặng kiếp oan-gia, Còn nhiều nợ lắm sao đà thác oan! Hay câu: Làm cho sống đọa thác đày, Đoạn-trường cho hết kiếp này mới thôi. Hay câu: Kiếp này duyên đã phụ duyên, Dạ-đài còn biết sẽ đền lai sanh. Hay câu : Phận sao bạc chẳng vừa thôi, Khăng khăng buộc mãi lấy người hồng-nhan 46


Đã đành túc-trái tiền oan, Cũng liều ngọc nát hoa tàn mà chi. Dựa vào thuyết-nghiệp báo luân hồi của đạo Phật, chứng ta thấy rằng: Chết không phải là hết. Chết chỉ là một sự thoát-xác, đổi từ trạng-thái sinh hoạt này qua trạng thái sinh hoạt khác, đau khổ hoặc sung-sướng hơn kiếp này, tùy theo nghiệp nhân mình đã gây tạo ra ở kiếp trước mà thôi. Người Việt-Nam chúng ta nói riêng, các dân tộc Á-Đông nói chung phần nhiều đều hấp-thụ theo tư-tưởng nghiệp-báo luân-hồi này, nên không bao giờ chứng ta tin: Chết là mất hẳn. Thật thế, một tiếng trống còn gây được vang âm trong những buổi chiều thăm thẳm ở những núi đồi thung lũng; một viên đá rơi vào mặt nước còn khuấy động lên được những làn sóng lăn tăn lan dần đến nơi vô tận, huống nữa là một kiếp người kết-tinh của nhiều động-tác gây nên bởi hai phần vật-thể và tinh-thần? Có lẽ cũng vì lẽ ấy nên người Việt-Nam chúng ta thường có thói quen tín rằng: sau khi chết, vật-chất tan-rã, nhưng linh hồn vẫn còn tồn-tại, nhất là những người thácoan, chưa trả hết nợ trần duyên trong cuộc thế. Linh-hồn ấy thường ở trong chốn u-linh, phảng-phất trong hương khói, và thường bay trở về trần-thế để viếng thăm những nơi có nhiều liên hệ với mình trong khi còn sống, nhất là những ngày húy kỵ, chạp-giỗ v.v... Cũng vì thế nên các gia-đình ở Việt-Nam và các nước Á-Đông thường có tục-lệ tồ-chức những đình-đám linh-đình trong những ngày kỵ-giỗ. Cụ Nguyễn-Du đã diễn-tả tập-quán và lòng tin ấy của giời bình-dân Việt-Nam qua lời căn-dặn của nàng Kiều đối với em gái là nàng Thúy-Vân như sau: Mai sau dầu có bao giờ, Đốt lò hưong ấy so tơ phiếm này. Trông ra ngợn cỏ lá cây, Thấy hiu hiu gió là hay chị về. Hồn còn mang nặng lời thề, Nát thân bồ-liễu đền nghì trúc-mai. Dạ-đài vắng mặt khuất lời, Rảy xin chén nước cho người thác oan. Nhưng có một điều chúng ta cần nhắc lại ở đây rằng: Theo đạo Phật thì ở giữa đời này không có một cái gì tự-nhiên mà có, ngẫu-nhiên mà sanh. Nàng Kiều sở dĩ mang lấy nghiệp-báo "sống-đọa thác-đày" như thế cũng không phải ngẫu-nhiên mà có, tự-nhiên mà sanh. Chính là do túc duyên tiền định, hay nói đúng theo danh-từ đao Phật là theo luật nhân-quả, tức là gây nhân gì thì phải chịu quả ấy. Gây nhân ác thì chiu đau khổ, gây nhân lành thì được hưởng kết quả sung-sướng hạnh-phúc. 47


Luật nhân-quả này đã đưực Cụ Nguyễn-Du diễn-tả một cách phổ-thông qua lời báo-mộng cho nàng Kiều của Đạm-Tiên như sau: Rỉ rằng nhân-quả dở-dang, Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao? Số còn nặng nghiệp má đào, Người dù muốn quyết, Trời nào đã cho? Ở một đoạn khác Cụ Nguyễn-Du lại tiếp: Vả trong thần mộng mấy lời, Túc-nhân âu cũng có Trời ở trong. Kiếp này trả nợ chưa xong, Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau? Hay là: Cho hay muôn sự tại Trời, Phụ người chẳng bõ khi người phụ ta. Mấy người bạc-ác tinh-ma, Mình làm mình chịu kêu mà ai thương? Nhưng trong Truyện Kiều những câu thơ diễn-tả về đạo-lý nhân-quả của đạo Phật rõ-ràng và phổ-thông hơn cả có lẽ là hai câu sau đây: Nàng rằng: Lồng-lộng trời cao, Hại nhân nhân hại sự nào tại ta? Đấy là gì nếu không phải là trình bày một cách khác đi vấn-đề “Thiện-nhân thiện báo, ác-nhân ác báo” (Làm lành thì quả-báo tốt, làm ác thì quả-báo xấu) của Nho-học? Xét sâu vào vấn-đề, chúng ta thấy rằng: những câu như trên ngoài ảnh-hưởng với thuyết nhân-quả của Phật-giáo, Cụ Nguyễn-Du đã đưa ra một vấn-đề rất gần với thuyết "Thiên-mệnh" của Nho-giáo. Và theo Cụ Nguyễn-Du trong Truyện Kiều thì thuyết "Thiên-mệnh" này cũng chính là định lý nhân-quả của đạo Phật. Bởi lẽ đó, có nhiều người trong giới bình-dân Việt-Nam, kể cả nàng Kiều, đều tin một cách chắc-chắn rằng: Họa phúc, may hay rủi, vui hay buồn, tất cả đều đo tiền-định, do Thiên mệnh. Nàng đã tự bào-chữa cho cái tính đa-sầu đa-cảm của mình bằng hai câu thơ sau đây: Rằng: quen mất nết đi rồi, Tẻ vui thôi cũng tính Trời biểt sao? Đối với giới bình-dân Việt-Nam, không những tính-tình là đo "Thiên-mệnh", mà người ta còn tin rằng: mọi thăng trầm vinh-nhục của kiếp người, mọi thay đổi biến 48


thiên của trời đất muôn vật, tất cả đều do Thiên-định. Cỏ lẽ cũng vì thế nên mỗi khi có tai nạn bất ngờ xảy đến như thiên-tai, thủy-nạn, hỏa-hoạ, bệnh tật, mất mùa v.v... họ thường tổ-chức những cuộc sám-tạ, tế-lễ, hay ăn chay nằm đất để cầu trời khấn Phật. Có một điều lạ ở đây là: Dù Nguyễn-Du là một nhà Nho-học uyên-thâm, nhưng ông không chịu dừng lại ở thuyết "Thiên mệnh", hoàn toàn phó-mặc số-phận kiếp người cho tha-lực như quan-niệm của Nho giáo, trái lại ông còn tiến xa hơn để đi gần đến định-lý "Nhân-quả”, hướng mạnh đến tiêu-chuẩn tự-lực tự-cường theo quan-niệm của Phật-giáo. Theo Cụ Nguyễn-Du thì dù có thiên-mệnh tiền-định đi nữa, nhưng cũng có nhiều lúc do hành-vi, ngôn ngữ và ý-nghĩ của con người trong hiện-kiếp mà thay đổi. Tiên-sinh đã diễn-tả quan-niệm của mình về vấn-đề này qua những câu thơ sau: Sinh rằng: giải cấu là duyên Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều. Hay câu: Khi nên Trời cũng chiều người, Nhẹ-nhàng nợ trước, đền bồi duyên sau. Rồi đến đoạn khác, Cụ Nguyễn-Du lại diễn-tả ý-tưởng của mình qua lời của Đạm-Tiên trong khi tái ngộ với nàng Kiều ở sông Tiền-Đường như sau: Chị sao phận mỏng đức dày, Kiếp xưa đã vậy lòng này dễ ai. Tâm thành đã thấu đến trời, Bán mình là hiều, cứu người là nhân. Một niềm vì nước vì dân, Âm-công cất một đồng cân đã già. Đoạn-trường sổ rút tên ra, Đoạn-trường thơ phải đưa mà trả nhau. Còn nhiều hưởng thọ về lâu, Duyên xưa đầy-đặn, phúc sau dồi-dào. Thật ra, nàng Kiều với "oan-nợ túc khiên" do tiền-định, và với những đọa-đày lao-khổ trong bước đường lưu-lạc cô-đơn chúng ta rất có thể đã chờ đợi cái kết-quả của phút hẹn-hò trong lần báo-mộng trước của Đạm-Tiên đối vời nàng Kiều, ấy là: Hãy xin hết kiếp liễu bồ, Sông Tiền-Đường hãy hẹn-hò về sau.

49


Nhưng không. Thúy Kiều là một người con gái hiếu-nghĩa vô-song, tác-giả không muốn chấm dứt cuộc đời cùa nàng trong một kết-luận đau thương, áo-não và bất công đến thế. Ông đã muốn thể-hiện đạo-lý "thiện-nhân thiện báo, ác nhân ác báo" của Nho-giáo và Phật-giáo qua cuộc đời của nàng Kiều. Mọi người, kể cả nàng Kiều phải được đáp-ứng tương-xứng với những hành vi, ngôn-ngữ và ý-nghĩa của mình đã tạo ra. Bởi thế tác giả đã làm cho nàng Kiều sống lại, thoát-ly mọi oan-khiên tiền-định ở sông Tiền-Đường. Dựa vào sự-kiện này ta có thể quan-niệm rằng: Đối với nàng Kiều, sông TiềnĐường là một kết-chung của cuộc đời hồng-nhan bạc-phận, cuộc đời phó-mặc cho tiềnđịnh rủi-may, bất lực trước mọi hoàn cảnh éo-le thử-thách; nhưng đồng thời sông TiềnĐường đối vời nàng Kiều cũng là một khởi-điểm cho cuộc đời mới, cuộc đời hướng đến tự-lực và nội-tâm, rưới tắt trần-duyên, trau dồi đức-hạnh giải-thoát. Cuộc đời ấy theo Cụ Nguyễn-Du là: Phật-tiền thảm lấp sầu vùi, Ngày pho thủ tự, đêm nhồi tâm-hương, Cho hay giọt nước cành dương, Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần-duyên. Điểm đặc biệt của đạo Phật là ở chỗ: đại-phàm con người dù tội-lỗi bao nhiêu, nhơ-nhớp đến bậc nào, nhưng nếu biết thành-tâm sám-hối thì cũng có thề trở thành người hiền-lương trong sạch được. Bởi vì theo Phật-giáo thì cái tội-lỗi nhơ-nhớp của con người không phải hoàn-toàn do ở ngoại-diện, mà lại căn-cứ vào những ý-niệm tiềm-tàng trong tâm thức của người ấy. Có người dù có một bề ngoài hiền-lành sang-trọng, nhưng nếu trong lòng chấtchứa những bất-lương gian-ác thì đó là người tội-ác xấu-xa, và trái lại, dù có một bề ngoài thấp-kém thô-bạo, nhưng nếu trong lòng ẩn-chứa những đức-tánh hiền lương thiện-mỹ thì đó là người trong-sạch cao-quý. Đức Phật ngày xưa đã từng độ cho một người chuyên làm nghề gánh phân, ở giai cấp hạ-tiện bần-cùng nhất của xã-hội Ấn-Độ; trong lịch sử Phật-giáo Trung-Hoa cũng thường kể lại câu chuyện: có một người suốt đời làm nghề đồ tể, chuyên bán thịt heo, nhưng khi sắp lâm-chung biết hồi tâm hướng thiện, nên cuối cùng cũng được giải-thoát. Câu "Nhất cú Di-Đà vô biệt niệm, bất lao đồn chỉ đáo Tây-phương" hay câu "Hồi đầu thị ngạn" của Tịnh-Độ-tông trong Phậtgiáo là chứng minh cho điển-tích này. Ở đây nàng Kiều cũng thế, dù trong bước đường "sóng gió ba đào", nàng đã bao lần thăng trầm vinh-nhục, mấy phen lầu xanh gác tía, nhưng đó chỉ là số-phận của người "bán mình chuộc cha", chứ thâm-tâm thì không muốn như thế. Nàng đã nhiều lần chán ngán số kiếp long-đong, ê-chề với cảnh lầu xanh gác-tía và đã tự than thở: 50


Chém cha cái số hoa đào, Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi! Căn cứ vào ý-nghĩa "chấp-kinh tùng quyền", căn cứ vào tâm-niệm "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn", căn cứ vào tấm lòng hiếu-nghĩa đối với cha mẹ gia-đình, nhất là căn cứ vào niềm chung-thủy đối với tình-quân trong câu thơ: Tái sinh chưa dứt hương-thề, Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc-mai. Nợ tình chưa trả cho ai, Khối tình mang xuống tuyền-đài chưa tan! thì chúng ta có thể hiểu đươc cảnh ngộ và tâm-tình của nàng Kiều rối. Không những đối với Kim-Trọng, chàng trai đã chiếm trọn tình yêu của nàng, đến như đối với Từ-Hải, người gá nghĩa trong bước đường luân-lạc, nàng cũng có một niềm chung-thủy như thế. Có người cho rằng: nàng Kiều là người "một dạ hai lòng", mưu mô phản trắc, vì đã đưa Từ-Hải đến cảnh sa-cơ thất-mạng, nhưng chúng ta hãy căn-cứ vào tấm lòng của nàng trong bài thơ sau đây rồi sẽ phê-phán. Thơ rằng: Khóc rằng: trí dũng có thừa, Bởi nghe lời thiếp đến cơ-hội này. Mặt nào trông thấy nhau đây, Thà liều sống chết một ngày có nhau. Và "tấm lòng” ấy đã trở thành sự thật. Nàng Kiều đã nhảy xuống Tiền-Đường để tự-vẫn. Căn-cứ vào niềm chung-thủy của nàng Kiều đối với tình quân qua hai bài thơ trên, dù có khe-khắt đến đâu ta cũng phải tán-đồng quan-điểm của Tam-Hợp Đạo-cô trong đoạn thơ sau đây: Xét trong tội-nghiệp Thúy-Kiều, Mắc điều tình ái, khỏi điều tà-dâm. Lấy tình thâm trả tình thâm, Bán mình đã động hiếu tâm đến Trời. Hại một người, cứu trăm người, Biết đường khinh trọng, biết lời phải chăng. Thừa công-đức ấy ai bằng, Túc-khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi. Vâng, nhờ công-đức hy-sinh cho cha mẹ gia-đình, nhờ tấm lòng trung chánh đối với người tình-quân, nhờ nước sông Tiền-Đường rửa sạch bụi-trần tơ-duyên, nhất là 51


nhờ ý-chí sám-hối, cắt đứt duyên-nợ ba-sinh, nên từ đó nàng đã trở thành một người trong sạch từ thân đến tâm, từ trong ra ngoài. Vì thế ta cũng không ngạc-nhiên đến lòng từ-bi quảng-đại của đạo Phật qua hành-vi cứu rỗi của Ni-Sư Giác-Duyên qua lời tường thuật sau đây: Khi nàng gieo ngọc trầm châu, Đón nhau, tôi đã gặp nhau rước về. Cùng nhau nương cửa Bồ Đề, Thảo-am đó cũng gần kề chẳng xa. Thật là một nghĩa-cử cao đẹp! Cửa Bồ-Đề thật là quảng-đại vô-biên! Nếu Cụ Nguyễn-Du cũng cố chấp vào những giáo điều khô cứng, câu nệ bảo-thủ theo những lềlối thông thường như những người khác, không chịu linh-động khai-thông ra thì rất khó mà có một kết-luận từ-bi nhân-đức như thế. Tuy-nhiên, đôi khi cũng vì kết-luận này nên đã có những người vịn vào đó mà mỉa-mai xuyên-tạc Phật-giáo! Ở đây chúng tôi không có ý-muốn thanh-minh hay bênh vực cho Phật-giáo, vì việc ấy thiết-nghĩ như thừa. Chúng tôi chỉ muốn nhân sự-kiện này để đề-cập đến một vấn-đề khác, vấn-đề chú-trọng đến phần tâm-thức của Phật-giáo mà thôi. Trong kinhluận của Phật-giáo thường chép: “Tam-giới duy-tâm, vạn pháp duy-thức". Vì thế theo đạo Phật thì tâm là chủ-tể của muôn vật, Tâm là động-cơ chính thúc đầy ta đi đến hànhđộng, và hành-động đó thiện hay ác, tốt hay xấu, một phần lớn là phải căn-cứ vào tâm. Tâm thiện thì dù bề ngoài có vẻ độc-ác thô động, như trường-hợp cha mẹ đánhđập đứa con hư, thầy giáo trừng-phạt cậu học trò lười-nhác v.v... đều thuộc về thiện. Trái lại, nếu tâm ác dù bề ngoài có vẻ êm dịu ngọt-ngào, như trường-hợp người thợ săn rình-mò để sập bẫy con vật, kẻ nịnh thần dùng những lời ngon-ngọt đề lung-lạc tâm vua v.v... cũng đều thuộc về ác. Do đó muốn phê-phán một việc làm thiện hay ác, tốt hay xấu, chúng ta cần phải căn-cứ vào tâm-niệm và kết-quả của việc làm ấy, chứ không thể hoàn-toàn dựa vào những động-tác bên ngoài được. Ở đây, nàng Kiều cũng thế. Muốn xét giá-trị của nàng Kiều, nhất là phê-phán việc làm của nàng, chúng ta cần phải đựa vào tâm-niệm và kết quả của việc làm ấy, mới khỏi thiên-lệch, cố-chấp và bất công. Số-phận của nàng Kiều, cũng như việc làm của nàng, Cụ Nguyễn-Du qua lời an-ủi và giải-thích của Kim-Trọng đã trình-bày như sau: Xưa nay trong đạo đàn bà, Chữ "trinh" kia cũng có ba bảy đường. Có khi biến có khi thường, Có quyền nào phải một đường chấp kinh. 52


Như nàng lấy "hiếu" làm trinh, Bụi nào cho đục được mình ấy vay? Người nội cuộc như Kim Trọng mà còn có thái độ và nhận-xét ấy đối với nàng Kiều, thì những người như chúng ta trong khi phê phán nàng Kiều, truyện Kiều, cũng như tác-giả của nó, có nên có một thái-độ quá khe-khắt gò bó chăng? Câu trả lời này chúng tôi xin nhường lại cho quí vị hiện-diện ở đây và quí vị học-giả cao-minh khác. Như trên chúng ta đã thấy: tâm có một cương-vị đặc-biệt trong việc quyết-định giá-trị những hành-vi thiện-ác, tốt xấu của kiếp người, thì dĩ nhiên ngoài cương-vị ấy, tâm còn có những sức mạnh khác nữa. Sức mạnh chúng tôi muốn đề-cập ở đây là sức mạnh chế-tác của tâm. Chế tác bằng tư tưởng, bằng tâm-tình và bằng khái-niệm. Sức mạnh của tư-tưởng là sức mạnh đã làm cho con người khác-biệt với các loài động-vật thực-vật khác qua lời nói của một triết-gia Âu-Tây sau đây: "Con người là một cây sậy có tư-tưởng." Sức mạnh của tâm-tình là thể-hiện trong câu: Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu, Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ? Và sức mạnh của khái-niệm là: "Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại." Hoặc: "Nhất nhật bất kiến như tam thu hề". Khái-niệm về không gian và thời-gian này đã được diễn-đạt trong Truyện Kiều bằng 2 câu thơ sau: Sầu đong càng khắc càng đầy, Ba thu dọn lại một ngày dài ghê! Đó là gì nếu không phải là triết-lý duy-tâm duy-thức của Phật-giáo. Ngoài những khía-cạnh tư-tưởng, tâm-tình và khái-niệm trên, trong Truyện Kiều, Cụ Nguyễn-Du còn diễn-tả sức mạnh của tâm, tức là triết-lý duy-tâm duy-thức cửa Phật-giáo qua hai câu thơ tuyệt-tác sau đây nữa. Đó là:

53


Lĩnh lời nàng mớỉ theo sang, Biết đâu địa-ngục, thiên-đàng là đâu? Vâng, đúng như thế. Thiên-đàng và đia-ngục không phải ở đâu xa lạ, mà chính ngay ở trước mắt ta, bên cạnh ta bàng-bạc khắp cả cõi đời này, không biết đâu mà phân biệt được. Hạnh-phúc và đau khổ cũng thế. Đức Phật đã dạy: Tri túc chi nhân, tuy ngọa địa thượng, nhi vi an lạc. Bất tri túc giả, tuy xử thiên đường, nhi bắt xứng ỷ. (Người biết đủ thì dù nằm trên đất cũng được an-lạc. Người không biết đủ thì dù ở trên thiên-đường cũng không vừa ý). Căn-cứ vào thuyết lý này chúng ta thấy: Hạnh-phúc hay đau-khổ, đầy-đủ hay thiếu-thốn, tất cả đều do lòng mình. Thiên-đường hay địa ngục không có phươnghướng và ranh-giới nhất-định, ở đâu cũng có cả. Ngay trong kiếp sống của con người và trong thế-giới nhân-gian này cũng có. Cụ Nguyễn-Du đã diễn-đạt tư tưởng của mình qua hai câu thơ sau: Nước trôi hoa rụng đã yên, Hay đâu địa ngục ở miền nhân-gian? Nếu đem các câu thơ trên của Nguyễn-Du so-sánh với hai câu sau đây của Trung Hoa; "Ngưu ẩm thủy thành nhũ, Xà ẩm thủy thành độc” (Trâu uống nước thành sữa, Rắn uống nước thành độc) Rồi đem so-sánh với mấy câu thơ sau đây của thi-sĩ Milton: "The mind is its own place and in itself, Can make a heaven of hell, A hell of heaven". (Bản-chất của tâm là có thể, Tạo cảnh thiên-đường trong địa ngục, Tạo cảnh địa-ngục trong thiên-đường). thì chúng ta sẽ thấy điểm không “hẹn mà gặp" giữa muôn cảm-hứng của các thi-nhân Đông và Tây trong những cố-gẳng diễn-đạt triết-học duy-tâm duy-thức của Phật-giáo. 54


Vì chủ-trương "Tam giới duy tâm, vạn-pháp duy-thức" nên Phật-giáo phủ-nhận mọi sức mạnh siêu-nhiên và tự-nhiên ở bên ngoài. Phật giáo quy-định mọi giá-trị, mọi khía-cạnh cùa cuộc đời về cho sức mạnh của tự-tâm. Tâm tạo thiên-đường địa-ngục, tâm tạo niết-bàn sanh-tử, tâm tạo Phật chúng-sanh, tâm lạo hạnh-phúc đau khổ v.v... Nói một cách khác, tâm (hoặc là nghiệp-lực) tạo ra tất cả và tâm là chủ-động-lực của đời mình. Tổng-hợp cả 2 quan-niệm của Phật-giáo và Nho-giáo về sức mạnh của tự-tâm, Cụ Nguyễn-Du trong truyện Kiều đã diễn-đạt ý-tưởng của mình qua lời của Ni-cô TamHợp như sau: Sư rằng: Phúc họa tại Trời, Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra. Có Trời mà cũng tại ta, Tu là cõi phúc, tình là dây oan. Và sau khi phác-họa đầy đủ mọi khía-cạnh của cuộc đời, mọi thay đổi biến-thiên của nhân-sinh vũ trụ và mọi thăng-trầm vinh-nhục của nàng Kiều, ở đoạn-kết của cuốn Truyện, Cụ Nguyễn-Du đã viết: Đã mang lấy nghiệp vào thân, Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa. Thiện-căn ở tại lòng ta, Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài. Thưa quí vị, Từ trên đến đây chúng tôi đã cùng với qúi vị xét qua một vài khía-cạnh triết-học tôn-giáo trong Truyện Kiều. Chúng tôi nói một vài khía-cạnh, vì trong Truyện Kiều ẩn chứa nhiều quan-niệm nhân-sinh, triết-học tôn-giáo, thực-trạng xã-hội và khía-cạnh tâm-lý của con người đầy đủ cả cảc phương-diện tốt xấu, khen chê, vinh nhục, thịnh suy, thiện ác v.v... muôn màu muôn sắc, không làm sao diễn tả hết trong thời- gian và phạm-vi của một bài thuyết-trình được. Tuy nhiên, có lẽ quí vị cũng đồng ý với chúng tôi rằng: khi đọc Truyện Kiều chúng ta không thể nào không thổn thức cho số-kiếp đọa đày lao khổ của nàng Kiều. Chính tâm-trạng này đưa đến cho chúng ta một liên tưởng "suy người rồi nghĩ đến ta", và từ đó tự nhiên trào dậy trong lòng một tình thương man-mác. Thương cho số-phận đào hoa bạc-phận của nàng Kiều chăng? Thương cho Nguyễn-Du lận-đận trên đường công danh sự-nghiệp của thời Lê-mạt Nguyễn-sơ chăng? Hay thương cho ta, cho mọi người đang sống trong cảnh bèo mây mộng-ảo ở chốn trầm-luân khổ-hải nầy chăng? 55


Không, tình thương ấy không có thời-gian và định-hướng. Ta thương cho tất cả. Đấy là gì nếu không phải là lòng từ bi của đạo Phật? Và như thế ta đã đáp lại nỗi lòng băn-khoăn thao-thức của Cụ Nguyễn Du trong hai câu thơ: Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố-Như? (Không biết rồi đây ba trăm năm sau, Trong thiên-hạ ai người khóc Tố-Như?) Một nhà văn đã dịch 2 câu thơ ấy ra Anh-văn như sau: Three hundred years after I die, Who will remember and weep over Tố Như? Song song với ý-niệm về tình thương ấy, khi đọc truyện Kiều chúng ta cảm thấy: Con người trước hết là một vật yếu hèn bất lực, nhưng nhờ ý-chí phấn-đấu liên-tục nên cuối cùng con người sẽ thắng được định-mệnh, vượt khỏi mọi bất công thử thách để xây-dựng cho tương-lai của mình. Câu châm-ngôn của Tây phương "Thất-bại là mẹ đẻ của thành-công", và câu phương-ngôn của Đông-phương "Nanatsu taori, yatsu okiru” (Nhật-Bản), (Ngã xuống bảy lần, lần thứ tám đứng dậy) đã được thể-hiện hoàn-toàn trong nhân-vật chính của truyện Kiều, đó là nàng Kiều. Đấy là gì nếu không phải là triết-lý nhân-bản, truyền-thống của các dân-tộc Á-Đông? Thêm một điều nữa, đọc Truyện Kiều chúng ta thấy: Tác-phẩm này là thể-hiện của một tinh-thần tổng-hợp đẹp đẽ của các nền tư tưởng Đông phương là Phật giáo, Nho-giáo và Lão-giáo. Ba nền triết-học này đã dung-hòa linh-động trong công-cuộc đúc-kết thành sắc-thái đặc-biệt và phong-phú của nền văn-hóa Việt-Nam. Chính sắcthái này đã tạo ra truyền thống dung-hợp nhưng không nô-lệ, hiền hòa nhưng bất-khuất của dân tộc ta trải qua bao cuộc chống xâm lăng, giành độc-lập của ông cha chúng ta từ xưa, và ngay cả thế-hệ của chúng ta bây giờ nữa. Có lẽ vì lý-do trên, nên đại đa-số quần-chúng Việt-Nam từ bình-dân cho đến giới trí-thức đều ham-thích đọc Truyện Kiều, công nhận giá-trị của Truyện Kiều, nhất là giá-trị đóng-góp cùa nó trong các lãnh-vực văn-học, triết-học, tôn-giáo, xã-hội và tưtưởng của Việt-Nam. Và có lẽ cùng vì thế nên người Việt-Nam chúng ta đón nhận tácphẩm Truyện Kiều như một vật thân-yêu phản-chiếu từ đời mình, lòng mình vậy. Để kết luận bài thuyết-trình hôm nay, thiết-nghĩ không gì hơn là mượn lời của ông Tổng-Ủy-Viên Văn-Hóa Xã-Hội, kiêm Ủy-Viên Giáo Dục trong bài diễn-văn đọc 56


tại Nhà Văn-Hóa ngày mồng 3-10-65 nhân-dịp khai-mạc lễ kỷ-niệm 200 năm của Thihào Nguyễn-Du. Trong bài diễn-văn ấy có một đoạn như sau: "Trong nền văn-chương thế-giới, Truyện Kiều cũng như bản trường-ca Rubaiyat của Omar Khayyam xứ Ba-Tư, Bhavagad Gita của Ấn Độ, đã tự-nhiên thành một áng văn-chương tiêu-biểu cho cả một dân-tộc. Không có một tác phẩm vănchương nào đã được phổ-biến một cách sâu rộng như thế trong dân gian, từ những người thượng-lưu trí-thức cho đến người nông-dân hay lao-động cần-cù không biết đọc biết viết và chưa bao giờ ra khỏi lũy tre xanh. Không có một công-trình sáng-tạo nào đã qua sự phê-phán của thời-gian, qua những lúc hiểu lầm, qua sự nổi chìm của lịch sử, mà càng ngày lại càng trong-sáng hơn như Truyện Kiều. "Văn chương Truyện Kiều có những câu mà thi-tứ phải hiểu qua tinh hoa của thơ Lý-Đỗ; và có những hình ảnh, những rung-cảm, những âm-điệu mà thơ tượng-trưng hay siêu-thực của Tây-phương cận-đại mới khám-phá ra. Nhưng đồng thời cũng vẫn là văn kể chuyện, giản dị, bình-dân và nhẹ-nhàng, để người ta có thể, dưới ánh đèn dầu của một căn nhà tranh vách đất, đọc cho nhau nghe trong những buổi tối gia-đình hầu an-ủi nghỉ ngơi sau một ngày mệt-nhọc. "Truyện Kiều cũng đã vượt lên trên cái quan-niệm chật hẹp của những nhà Nhocổ, cái quan-niệm "Văn chương luân-lý", "Văn-chương giáo điều", cái quan-niệm đã làm cho các Cụ ta cấm đàn bà con gái đọc Kiều và đã gây ra một cuộc tranh luận mà dư-âm, từ đầu thế-kỷ tới bây giờ vẫn còn vang trong sách giáo-khoa. Truyện Kiều trong văn-chương Việt-Nam là cuốn tiểu thuyết tâm-lý đầu tiên, và đồng thời — một điều chưa từng thấy trong văn-chương thế-giới — cũng là một bức bích-họa xã-hội vô cùng chân thật và rộng lớn". Theo chúng tôi giá-trị văn-chương, nghệ-thuật, thẩm-mỹ của Truyện Kiều là ở đó, và giá-trị triết-học tôn giáo trong tinh-thần tổng-hợp linh-động của "Tam-giáo đồng-quy” cũng thể-hiện trong Truyện Kiều ở đó. Vì thế gạt ra ngoài những ý-kiến dịđồng, những lời khen chê phê-phán qua dòng thời-gian và lịch-sử, chúng tôi muốn xácđịnh nơi đây sự đóng góp của Truyện Kiều trong nền văn-hóa của dân-tộc và nhân-loại.

Thích Thiên Ân Nguồn: Văn Hóa Nguyệt San Năm thứ XIV, Quyển 10&11 (Tháng 10&11, 1965) Số đặc biệt: Đệ Nhị Bách Chu Niên Thi Hào Nguyễn Du

57


NGUYỄN DU VÀ PHÂN KINH THẠCH ĐÀI Đại Lãn

Qua nội dung bài thơ này, Nguyễn Du tiên sinh đã cho chúng ta biết được sự thông hiểu về giáo lý Đại thừa nhà Phật nói chung và, nhất là Thiền Tông Phật giáo nói riêng của cụ, không những về mặt nghiên cứu học hỏi thâm hiểu thông suốt sâu xa không thôi, mà ngay cả đến vấn đề thực hành trong tu tập để đưa đến sự đạt ngộ về Thiền qua “Vô Tự” là chân kinh cũng được cụ thể hiện rốt ráo nữa. Tượng Nguyễn Du 梁昭明太子分經石臺 梁朝昭明太子分經處 石臺猶記分經字 臺基蕪沒雨花中 百草驚寒盡枯死 不見遺經在何所 往事空傳梁太子 太子年少溺菸文 強作解事徒紛紛 佛本是空不著物 何有乎經安用分 靈文不在言語科 孰為金剛為法華 色空境界茫不悟癡心歸佛佛生魔一門父子多膠蔽一念之中魔自至山陵不涌蓮花臺白馬朝渡長江水楚林禍木 池殃魚經卷燒灰臺亦圯空留無益萬千言後世愚僧徒聒耳吾聞世尊在靈山說 法渡人如恆河沙數人了此心人自 渡靈山只在汝心頭明鏡亦非臺菩提本無樹我讀金剛千遍零其中奧旨多不明及到分經石臺下終知無字是眞經. 阮攸

Phiên âm: 58


Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài. Lương triều Chiêu Minh thái tử phân kinh xứ, Thạch đài do kí “Phân kinh” tự. Đài cơ vu một vũ hoa trung, Bách thảo kinh hàn tận khô tử. Bất kiến di kinh tại hà sở? Vãng sự không truyền Lương thái tử Thái tử. Thái tử niên thiếu nịch ư văn, Cưỡng tác giải sự đồ phân phân. Phật bản thị không bất trước vật, Hà hữu hồ kinh an dụng phân? Linh văn bất tại ngôn ngữ khoa, Thục vi Kim Cương vi Pháp Hoa? Sắc không cảnh giới mang bất ngộ, Si tâm quy Phật Phật sinh ma. Nhất môn phụ tử đa giao tế, Nhất niệm chi trung ma tự chí. Sơn lăng bất dũng liên hoa đài. Bạch mã triêu độ Trường Giang thủy, Sở lâm họa mộc trì ương ngư, Kinh quyển thiêu hôi đài diệc dĩ. Không lưu vô ích vạn thiên ngôn, Hậu thế ngu tăng đồ quát nhĩ. Ngô văn Thế Tôn tại Linh Sơn, Thuyết pháp độ nhân như Hằng Hà sa số. Nhân liễu thử tâm nhân tự độ, Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu. Minh kính diệc phi đài, Bồ Đề bản vô thụ. Ngã độc Kim Cương thiên biến linh, Kì trung áo chỉ đa bất minh Cập đáo phân kinh thạch đài hạ, Chung tri vô tự thị chân kinh . Việt dịch: Đài đá 'phân kinh’ của thái tử Lương Chiêu Minh. Nơi phân kinh Chiêu Minh thái tử [1] Đài đá còn in chữ phân kinh. 59


Nền hoang hoa dại phủ trong mưa, Trăm cỏ chết khô run sợ rét. Chẳng thấy lưu kinh ở nơi nào? Việc chỉ nghe qua Lương Thái tử, Ấu thời người lại thích văn chương. Cưỡng bày chú giải thêm lộn xộn. Phật vốn là không, vật chấp nào, Vậy có kinh nào để đặt chia? Văn linh nào nhờ nơi ngôn ngữ, Kim Cương, Pháp Hoa là kinh gì? Cảnh giới sắc không mà không tỏ, Lòng mê theo Phât, Phật thành ma. Cha con một nhà đều mù cả, Một niệm khởi lên ma tự đến. Lăng tẩm, đài sen không tự mọc, Một sớm trường giang bạch mã qua, Cây lây rừng Sở ao cá vạ, Kinh đốt ra tro đài sập luôn. Muôn vạn nghìn lời thôi vô ích, Tăng ngu hậu thế miệng lia thia. Tôi nghe Thế tôn tại Linh Sơn, Nói pháp độ người như số cát [2] Người tỏ tâm này người tự độ, Linh sơn chỉ tại tấm lòng ngươi. Gương sáng trong veo cũng không đài, Bồ-đề xưa nay vốn không cây. Ta đọc Kim Cương hơn nghìn biến, Áo chỉ trong kinh không tỏ nhiều. Cho đến dưới đài đá phân kinh, Cuối cùng “Vô tự” biết là chân kinh. Qua nội dung bài thơ này, Nguyễn Du tiên sinh đã cho chúng ta biết được sự thông hiểu về giáo lý Đại thừa nhà Phật nói chung và, nhất là Thiền Tông Phật giáo nói riêng của cụ, không những về mặt nghiên cứu học hỏi thâm hiểu thông suốt sâu xa không thôi, mà ngay cả đến vấn đề thực hành trong tu tập để đưa đến sự đạt ngộ về Thiền qua “Vô Tự” là chân kinh cũng được cụ thể hiện rốt ráo nữa. Thường những người nghiên cứu Phật Giáo về Truyện Kiều mà không đọc qua thơ chữ Hán của Cụ thì hầu hết đều có những cái nhìn sai lạc về Phật Giáo nói chung và về cụ Nguyễn Du nói riêng. Vì Nhân duyên, tác nhân thọ quả, tội phước báo ứng của Phật giáo trong truyện Kiều của Cụ Nguyễn Du được Cụ đưa vào để phủ định thuyết Thiên mệnh của Nho Giáo để trả lại sứ mệnh của con người do chính con người tạo ra trong chức năng tự tác 60


tự thọ chứ không phải đưa ra để dung hợp hay, đưa ra để tạo sự mâu thuẫn giữa thiên mệnh và nhân mệnh tạo thành một thế giới quan tiêu cực hỗn tạp như một số tác giả đã nói. Ở đây chúng tôi sẽ đưa ra một số nhận định đại diện cho các nhà phê bình từ xưa đến nay về Phật giáo theo quan niệm hiểu của họ rồi đem gán cho cụ Nguyễn Du qua truyện Kiều và, qua đó chúng ta đem so sánh với cái thâm hiểu Phật giáo của Cụ Nguyễn Du nói chung và Thiền tông nói riêng qua bài thơ trên chính Cụ đã làm, nhân chuyến đi sứ Trung Quốc, về sự thâm hiểu và ngộ nhập vào lý Không Trung đạo của Phật giáo như thế nào? Để từ đó chúng ta đánh giá đúng thật sự về Cụ Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng Phật giáo như thế nào, chứ không phải như những nhà học giả phê bình bằng vào sự tưởng tượng của chính mình đem áp đặt lên cho Cụ, rồi bảo quan niệm của Cụ về Phật Giáo như thế này, như thế nọ theo ý riêng tư của mình, trong khi họ không hiểu biết một cách chính xác gì về Phật giáo, hay có biết Phật giáo cũng thuộc dạng nửa vời, hời hợt, sai lạc khi đề cập về Phật giáo trong truyện Kiều của cụ Nguyễn Du! Theo cụ Trần Trọng Kim trong “Lý thuyết Phật học trong truyện Kiều. [3]” thì cho rằng: “ Theo đạo Phật ở đời không có gì là không có nhân duyên, mà cái nhân duyên đó kết hợp thành cái nghiệp. Cái phần tốt, phần hay của nàng Kiều là ở chỗ dù khổ sở thế nào, cũng giữ được cái tâm trong sạch, cái bụng nhân nghĩa và cái sức cố gắng mà phấn đấu với cái nghiệp chướng của mình. Cái giá trị của con người ta ở đời cốt ở chỗ ấy, mà cái nhân cách của con người ta có rõ rệt ra là cũng ở chỗ ấy.” “Cái thuyết nhân quả và cái nghiệp của nhà Phật gần giống như cái thuyết định mệnh (déterminisme) của triết học bên Tây. Nhưng chỉ khác ở chỗ cái định mệnh của nhà Phật là do tự mình định ra, chứ không phải tự ở sức ngoài sai khiến. Thành thử cái thuyết nhân quả vẫn để cho mình có cái hoàn toàn tự do. Mình phải theo cái nghiệp tự mình gây ra cho mình, chứ không phải cái nghiệp tự đâu gây ra mà bắt mình phải chịu.” Và cũng trong bài này, chỗ khác cụ viết: “Nguyễn Du không chỉ giải diễn cái tư tưởng của Phật học ở trong Truyện Kiều mà thôi, tiên sinh còn làm bài Văn tế thập loại chúng sinh cũng theo đúng cái tư tưởng ấy.” Chỗ khác cụ Trần Trọng Kim viết, “cứ như ý tôi thì Truyện Kiều bày tỏ một cách rất rõ ràng cái lý thuyết nhân quả của nhà Phật.” và cụ Trần Trọng Kim, cho Truyện Kiều là một tác-phẩm “văn dĩ tải đạo” thật sâu sắc. Điều này chứng tỏ “tiên sinh là một người học rộng, tinh thông cả Nho học và Phật học.” Còn theo cụ Đào Duy Anh trong Khảo luận về “truyện Thúy Kiều" [4] đã viết: “Nhưng Nguyễn Du không phải là một nhà nho thuần túy. Cái tình đa cảm, những kinh nghiệm đau đớn đã đem Nguyễn Du đến Phật giáo. Ông không thỏa mãn đối với cái luật ‘bỉ sắc tư phong,’ vì nó mới chỉ là một nhận xét tuồng như đúng mà 61


chưa cắt nghĩa rõ ràng về lý do. Người ta vẫn chưa hiểu tại sao lại có cái luật thừa trừ như thế. Ông không chịu rằng người ta không có trách nhiệm gì về sự cân nhắc họa phúc của Trời. Ông bèn lấy chữ nghiệp của nhà Phật mà phát huy cho chữ mệnh của nhà nho. Theo luật nhân quả của Phật thì những điều người ta làm ở kiếp này là nguyên nhân sẽ sinh ra kết quả ở kiếp sau, mà những điều người ta làm ở kiếp trước là nguyên nhân sinh ra kết quả ở kiếp này. Những việc làm trước sinh ra kết quả ở sau gọi là nghiệp.” Và chỗ khác Cụ viết: “Thực ra tư tưởng nhờ thiện tâm mà giảm nhẹ bớt được nghiệp chướng để hưởng thụ ngay ở kiếp này thì không đúng hẳn với quan niệm nhân quả thuần túy của nhà Phật, nhưng nó lại rất đúng với quan niệm nghiệp báo hay báo ứng phổ thông trong dân gian. Chính như cái tư tưởng ‘trời định’ (tỷ-dụ, khi Đạm Tiên báo cho Kiều là ‘Đoạn trướng [đã] sổ rút tên ra’ hoặc khi sư Tam Hợp cho rằng Kiều tuy có ‘hại một người [Từ Hải, nhưng] cứu muôn người’ thì ‘khi nên, trời cũng chiều người’) ... cũng không có quan hệ gì với Phật lý, nhưng vốn là điều người mình tin lắm, vô luận là người theo Phật hay theo Nho. Vậy ta nên nói rõ rằng tư tưởng Phật giáo của Nguyễn Du ở đây là theo tín ngưỡng thông thường của dân chúng.” Còn Theo Cao Huy Đỉnh Triết lý đạo Phật trong truyện Kiều [5] đã viết: “Trong cái khối thế giới quan tiêu cực hỗn hợp của Truyện Kiều,” ông viết, “triết lý Phật chiếm một liều lượng lớn, vì chất bi quan yếm thế của nó dễ diễn tả nhất những nỗi day dứt siêu hình ở trong tâm trạng con người, nhất là phụ nữ, nạn nhân cực khổ nhất của xã hội phong kiến, càng là nạn nhân cực khổ nhất của thời đại Nguyễn Du. Đạo Nho lúc này đây chỉ còn có những con người đa tình, phong nhã hào hoa như Kim Trọng, những con người tầm thường sống trong khuôn phép tầm thường như Thúy Vân, như Vương Quan, những con người biết yêu biết khóc nhưng không dám hành động như Thúc Sinh, những ông quan lừng chừng như viên tri phủ, những vị trọng thần ‘mặt sắt cũng ngây vì tình’ như Hồ Tôn Hiến. Đạo Nho rõ ràng đang suy sụp cùng với cả cái nền tảng xã hội phong kiến của nó. Cương thường đạo lý của nó không còn sức hấp dẫn nữa.” Ở đoạn khác Cao Huy Đỉnh viết: “Phải chăng đây là mối cảm tình đặc biệt của Nguyễn Du và thời đại ông đối với Phật giáo? Nó át hẳn cái lý của Nho giáo mà ông phải theo một cách gượng gạo. Chữ ‘nghiệp’ [làm] mê muội và an ủi tâm hồn yếu đuối quả đã hấp dẫn được lòng người đang sợ hãi cái thực tại đầy đau thương và thổi thêm luồng gió bi quan vào trong cơn bão táp thời đại Nguyễn Du và trong Truyện Kiều.” Và theo Trần Đình Sử, Thi Pháp truyện kiều [6], trong phần Truyện Kiều như một đối tượng của văn học so sánh, đã viết: 62


“Thực ra đạo Phật đã bị khúc xạ khi đi vào truyện Kiều. Nhận xét về sự hỗn dung, pha trộn Phật – Nho là rất có căn cứ. Trong thơ chữ Hán đã có nhiều bài, nhiều câu thể hiện cho tư tưởng Phật như: “Hà năng lạc phát “ (Làm sao có thể gọt tóc vào rừng đi tu), “Mãn cảnh giai không hà hữu tướng, thử tâm thường định bất ly thiền” (Đầy trời là không, không hình tướng, tâm này thường định vào ý thiền). Còn trong truyện Kiều thì nghiệp và mệnh trời bổ sung cho nhau, nhân ái và từ bi bổ sung cho nhau. Nhưng tính chất dung hợp cũng đã làm nhạt nhòe tư tưởng Phật giáo.” Đó là những quan điểm đại diện cho các khuynh hướng của các nhà học giả phê bình từ xưa đến nay viết về Phật giáo theo truyện Kiều của cu Nguyễn Du mà chúng tôi đã trích ra, và sau đây chúng tôi sẽ trình bày Phật giáo của Nguyễn Du qua sự thâm hiểu và đạt ngộ củ Cụ như thế nào theo bài thơ mà chính cụ đã viết nhận chuyến đi sứ Trung quốc: Qua toàn bộ ý tưởng bài thơ này không những cụ Nguyễn Du đã thâm hiểu một cách triệt để về tư tuởng Phật giáo Đại thừa, mà nhất là tư tưởng Thiền tông kinh qua thực hành độc tụng Kinh Kim Cương. Một bản kinh mà Phật giáo Thiền tông Trung quốc đã y cứ vào đó để cho các hành giả Thiền tu tập [7]. Một bài thơ mà trong đó nó chuyên chở cả hệ thống Thiền tông từ Ấn Độ nơi khơi mào Thiền tại Linh Thứu sơn qua “Niêm Hoa Vi Tiếu” giữa đức Đạo sư và Tôn giả Ma-ha Ca-diếp trong việc truyền trao Tâm ấn “Chánh Pháp nhãn tạng, diệu tâm Niết bàn thực tướng vô tướng truyền riêng ngoài giáo" [8], truyền mãi cho đến Ngài Bồ-đề Đạt-ma và cho đến Lục tổ Huệ Năng Đại sư Tại Trung quốc đều được gói gém trọn trong một bài thơ này để cuối cùng nói lên chỗ sở ngộ của mình về Kinh Kim Cương. Ngoài những ý chính này ra, Nguyễn Du tiên sinh cũng để cảnh tỉnh những ai làm việc với tâm hữu sự vì chút danh hay chút lợi đều đi ngược lại với tư tưởng Thiền giải thoát của đức Đạo sư cả. Dưới đây chúng tôi sẽ phân tích và chứng minh những điều đó qua thực tế của bài thơ: Để đi vào chủ đề bài thơ Nguyễn Du tiên sinh nhân đi thăm viếng những nơi có lẽ theo người Trung quốc lúc đó thì “Phân Kinh Thạch Đài” xưa kia của Thái tử Lương Chiêu Minh là một nơi có tiếng tăm nên được nhà nước Trung Hoa vào lúc bấy giờ hướng dẫn cho các sứ thần nước khác đến viếng thăm hay ít ra chỉ đặc biệt dành cho cụ Nguyễn Du nước Việt nam nhân chuyến đi sứ Trung quốc vào năm 1813 này thôi ? Vào đầu bài thơ Cụ viết: 梁朝昭明太子分經處 石臺猶記分經字 臺基蕪沒雨花中 63


百草驚寒盡枯死 不見遺經在何所.

Phiên âm: “ Lương triều Chiêu Minh thái tử phân kinh xứ, Thạch đài do kí “Phân kinh” tự Đài cơ vu một vũ hoa trung Bách thảo kinh hàn tận khô tử Bất kiến di kinh tại hà sở.” Dịch nghĩa: Nơi phân kinh Chiêu Minh thái tử [9] Đài đá còn in chữ phân kinh; Nền hoang hoa dại phủ trong mưa, Trăm cỏ chết khô run sợ rét. Chẳng thấy lưu kinh ở nơi nào? Sự hiện hữu và đổi thay của mọi hiện tượng tất cả đều do nhân duyên đủ đề hình thành và biến dịch và chúng bị luật vô thường chi phối nên muôn sự muôn vật thuộc vật lý và cả tâm lý cũng bị chúng chi phối làm thay đổi biến dịch tất cả, không có một vật thể nào có thể được gọi là trường tồn vĩnh viễn với thới gian hết. Ở đây đài phân kinh xưa kia của Thái Tử Lương Chiêu Minh cũng nằm trong quy luật tất yếu này, cụ Nguyễn Du đến viếng nơi này chỉ còn thấy những hiện vật trơ mờ hai chữ “phân kinh”, mà không thấy kinh lưu lại nơi nào? Còn chăng chỉ một nền đá hoang tản phủ đầy hoa cỏ dại nằm trong mưa, trăm loại cỏ cây chết vì sợ giá lạnh khắc nghiệt của thời tiết. Đối với hiện thực của cảnh vật được cụ Nguyễn Du chứng kiến qua con mắt của mình khi viếng thăm nơi này chỉ có vậy thôi, còn việc nghe qua tai thì Cụ viết tiếp như sau: 往事空傳梁太子 太子年少溺菸文 強作解事徒紛紛 Phiên âm: “Vãng sự không truyền Lương Thái tử 64


Thái tử niên thiếu nịch ư văn, Cưỡng tác giải sự đồ phân phân. Dịch nghĩa: Việc chỉ nghe qua Lương Thái tử; Ấu thời người lại thích văn chương, Cưỡng bày chú giải thêm lộn xộn. Về nội dung của việc phân kinh này như thế nào thì trong hiện tại chỉ thấy qua những sự kiện đổi thay của sự vật còn nội dung và ý nghĩa của nó thì chỉ có nghe qua người nói lại biết rằng Thái tử họ Lương lúc còn trẻ tuổi thích văn chương thi phú, thích nghiên cứu trước tác nên đã cưỡng bày ra việc đem kinh ra giảng giải chú thích, nhưng cuối cùng nó chỉ mang lại cho người đọc và người đi sau thêm phần lộn xộn rắc rối mà thôi. Cụ Nguyễn Du đã phê bình việc làm này của Thái tử Lương Chiêu Minh và cho cả những người đi sau như chúng ta nữa, đó là một việc làm trói buộc trái với đạo lý giải thoát của đức Đạo sư, Cụ viết tiếp: “佛本是空不著物 何有乎經安用分 靈文不在言語科 孰為金剛為法華 色空境界茫不悟 癡心歸佛佛生魔 一門父子多膠蔽. Phiên âm: “Phật bản thị không bất trước vật Hà hữu hồ kinh an dụng phân Linh văn bất tại ngôn ngữ khoa Thục vi Kim Cương vi Pháp Hoa Sắc không cảnh giới mang bất ngộ Si tâm quy Phật Phật sinh ma Nhất môn phụ tử đa giao tế. 65


Dịch nghĩa: “Phật vốn là không, không chấp vật Vậy có kinh nào để đặt chia? Văn linh nào nhờ nơi ngôn ngữ Kim Cương, Pháp Hoa là kinh gì? Cảnh giới sắc không mà không tỏ Lòng mê theo Phât, Phật thành ma Cha con một nhà [10] đều mù cả. Ngay đến Phật dù mang hình thức vật hay là tâm cũng đều là hư vọng, giả danh như huyễn đứng về mặt tướng, còn nếu đứng về mặt thể thì là Không, là tánh không, vì tất cả đều hiện hữu nhờ vào các duyên mà có. Có này chỉ là một tập hợp của năm uẩn (sắc (đất, nước, gió, lửa) thọ, tưởng hành, thức) không có bản chất nhất định nào của năm uẩn này làm chủ nên nó là không. Tóm lại Phật, nếu đứng về mặt tướng thì Phật là như huyễn, nếu đứng về mặt thể thì là tánh không, cho nên ở đây cụ Nguyễn Du đã nói lên được chỗ tột cùng của tướng chân thật của Phật là Không. Và ở đây tướng và thể của Phật là như huyễn và, tánh của Phật là tánh không, vậy chúng ta dựa vào cái gì để mà chấp trước? Ngay đến Phật còn không, huống chi là kinh pháp, vậy chúng ta lấy gì đặt để và phân chia? Như trong Kinh Kim Cương đức Đạo sư đã dạy: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. (Phàm vật gì có tướng mạo, đều là hư vọng.)” Và cũng trong Kinh kim Cương chỗ khác đức Đạo sư dạy: “Nhứt thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điễn, ứng tác như thị quán. [11] (Tất cả pháp có tạo tác, như mộng, huyễn, bọt, ảnh, như sương cũng như điện, nên quán chúng như vậy). Do vậy cho nên cụ Nguyễn Du đã phê bình sự sai lầm của Thái tử Lương Chiêu Minh trong cách hiểu Phật và giáo pháp của Ngài nên đã làm một công việc không có ích lợi gì hết, Thái tử chỉ hiểu biết Phật qua hình thức mà thôi còn cốt tủy của Phật và giáo pháp của Ngài lại không hiểu biết gì hết nên bày ra việc phân chia kinh điển luận giải lôi thôi! Như Cụ đã nói Văn linh không cần nhờ vào ngôn ngữ. Ở đây cái linh văn chính là phần cốt tủy nội dung của nó chứ không phải ở nơi ngôn ngữ lời nói; chính kinh Kim Cương, kinh Pháp Hoa cũng vậy. Pháp Hoa, Kim cương chỉ là sự tập hợp của ngôn ngữ, mà ngôn chỉ là mang hình thức nâng đỡ cho nội dung của nó chứ ngôn ngữ không phải là nội dung của chính nó, do đó chúng ta không nên chấp vào hình thức văn tự của Pháp Hoa hay Kim Cương, vì hình thức không là gì hết, nếu chúng ta căn cứ vào hình thức ngôn ngữ để đánh giá nó thì đó là một việc làm theo cụ Nguyễn Du là sai lầm, không đúng tôn chỉ và, xa lìa cốt tủy của nó. Theo cụ Nguyễn Du nếu muốn thông hiểu Phật pháp cho đúng thì phải thông hiểu cảnh giới sắc-không, bằng không hiểu cảnh giới sắckhông thì chúng ta là những kể mê không bao giờ hiểu đúng những lời dạy của Phật hết; cho dù chúng ta đem lòng mê muội này để đi theo Phật, thì theo Cụ, Phật mà chúng ta theo đó cũng thành ma mà thôi! Để kết luận cho việc làm này của Thái tử Lương Chiêu Minh, Cụ Nguyễn Du đã bảo Thái tử và cha của Thái tử là Lương Vũ Đế cả nhà 66


hai cha con đều mù cả là vậy. Vì sao ở đây cụ Nguyễn Du bảo cả hai cha con của Lương Vũ đế đều mù cả? Vì như theo Pháp bảo Đàn kinh [12]: “Một hôm Lục Tổ đăng đàn nói pháp thì, Vi Thứ Sử hỏi Sư rằng: “Đệ tử có nghe khi Đạt-ma mới giáo hóa cho Lương Võ Đế. Đế có hỏi rằng: "Một đời Trẫm xây dựng chùa chiền, cúng dường chúng Tăng, bố thí thiết trai, vậy có công đức gì không?" Đạt Ma dạy: "Thật chẳng có công đức gì cả". Đệ tử chưa rõ được lý này, mong Hòa Thượng vì đệ tử mà chỉ dạy. Sư dạy: “Thật chẳng có công đức gì cả, chớ nghi ngờ lời nói của Thánh xưa. Vì Võ Đế mang tâm tà nên chẳng hiểu chánh pháp. Việc xây dựng chùa chiền, cúng dường Tăng chúng, bố thí thiết trai là những việc cầu phước, chẳng thể đem phước đó để làm công đức được. Công đức thì ở trong pháp thân chứ chẳng phải ở việc tu phước.” Theo Phân kinh thạch đài của Thái tử Lương Chiêu Minh và những điều hỏi của Vua cha Lương Vũ Đế đối với Tổ sư Bồ-đề Đạt-ma về công đức làm phước theo nhân quả thì ở đây rõ ràng cũng giống việc làm của người con thôi. Vì vậy cho nên Cụ Nguyễn Du mới bảo là “Cha con một nhà đều mù cả” là như vậy. Qua việc phê bình này rõ ràng Cụ Nguyễn Du không những chỉ thâm hiểu về Giáo lý Đại Thừa không thôi, mà nhất là đối với Thiền tông Cụ cũng thông suốt tất cả về cả hai mặt về lịch sử truyền thừa và tư tưởng, nhất là việc thực hành Thiền tông hằng ngày của Cụ, chúng tôi sẽ đề cập đến sau. Ở đây chúng tôi xin đề cập đến sự thông hiểu Giáo lý Đại thừa của Cụ, nếu đối với Phật giáo Đại thừa mà Cụ chưa thông hiểu thì đương nhiên trong bài thơ này cụ đã không lấy kinh Pháp Hoa ra để làm điển tích thí dụ cùng với kinh Kim Cương một bản kinh được Thiền tông Trung Hoa lấy làm nền tảng tu học cho các tồng đồ của mình. Kinh Pháp Hoa một bản kinh trung gian đưa người Tiểu thừa lên Đại thừa qua nhịp cầu khai Quyền – hiển Thật (Vì Quyền pháp ba thừa dẫn độ chúng sanh nên tạm nói có ba thừa, với mục đích là phương tiện nói Quyền để mà hiển Thật, tức là tạm vì căn cơ chúng sanh mà nói ba thừa để hiển bày một thừa, đó chính là Phật thừa). Từ cửa Tích môn 14 phẩm trước Phật phương tiện nói pháp ba thừa (thời gian nói kinh pháp từ khi Đạo sư thành đạo cho đến Pháp Hoa hội thượng thì pháp ba thừa là phương tiện, quyền pháp, còn pháp nhất thừa, tức Phật thừa mới là Thật pháp) đến cửa Bản môn 14 phẩm sau của Kinh Pháp Hoa (đức Đạo sư thuyết về Thân Phật từ lúc thị hiện Đản sinh cho đến lúc thành đạo dưới bóng cây Boddhi và cho đến nay (lúc nói kinh Pháp Hoa), thân này chẳng phải là thật thân của Ngài, mà đã từ lâu ngài đã thành tựu pháp thân chân thật rồi, vì muốn cứu độ chúng sanh nên Ngài mới phương tiện mượn ứng hóa thân này thành tựu dưới bóng cây Bồ-đề hóa độ mà thôi.) Với mục đích nhằm khai quyền hiển thật mới thật sự nhìn ra được tướng chân thật của các pháp vốn là Không, tướng chúng là tướng Không tịch, xưa nay chúng thường là tướng tịch diệt không sở hữu, như một đoạn trong bài kệ trong Kinh Pháp Hoa [13] đức Đạo sư dạy Tôn giả Xá-lợi-phất: 67


“……. 是故舍利弗! 我為設方便, 說諸盡苦道, 我雖說涅槃,

示之以涅槃。 是亦非真滅,

諸法從本來, 常自寂滅相。 佛子行道已, 來世得作佛, 我有方便力, 開示三乘法。 一切諸世尊, 皆說一乘道, 今此諸大眾, 皆應除疑惑, 諸佛語無異, 唯一無二乘。…” Phiên âm: “…Thị cố Xá-lợi-phất, Ngã vị thuyết phương tiện, Thuyết chư tận khổ đạo, Thị chi dĩ Niết –bàn. Ngã tuy thuyết Niết-bàn, Thị diệc chi chân diệt; Chư pháp tùng bản lai, Thường tự tịch diệt tướng. Phật tử hành đạo dĩ, Lai thế đắc tác Phật, Ngã hữu phương tiện lực, 68


Khai thị tam thừa pháp. Nhất thiết chư Thế Tôn, Giai thuyết nhất thừa đạo; Kim thử chư đại chúng, Giai ưng trừ nghi hoặc, Chư phật ngữ vô dị, Duy nhất vô nhị thừa …” Dịch nghĩa: Cho nên Xá-lợi-phất Vì phương tiện Ta nói Thuyết con đường hết khổ Dẫn đạo đến Niết-bàn. Tuy Ta nói Niết-bàn Đó cũng chẳng diệt thật Các Pháp từ xưa nay Thường ở tướng tịch diệt. Phật tử đã hành đạo, Đời sau được làm Phật; Ta có sức phương tiện. Khai mở pháp ba thừa. Tất cả các Thế Tôn, Đều nói đạo Nhất thừa, Nay trong đại chúng này, Cần phải trừ nghi hoặc, Chư Phật không khác lời, Chỉ một, không hai thừa. Ở đây Cụ nhờ đã thâm hiểu kinh Pháp Hoa của Đại thừa về cốt tủy của nó nên đồng với Kinh Kim Cương trên mặt lập tông chỉ về thật tướng của các pháp, nên Cụ đã đưa kinh Pháp Hoa và Kinh Kim Cương vào đây như là một điển tích, từ đó phương tiện phá hủy mọi hình thức có tính ước lệ trói buộc, mà đi sâu vào thật tướng của các pháp, xa lìa hết mọi vọng tưởng phân biệt chấp trước của các pháp hữu vi hữu lậu, đạt đến cứu cánh Không tịch Niết-bàn tối hậu. Chỉ có như vậy mới hiểu đúng và đi đúng con đường Trung Đạo của đức Đạo sư để lại mà thôi. Đó là sự thâm hiểu Phật pháp Đại 69


thừa qua kinh Pháp Hoa và kinh Kim cương của Cụ, và nhất là Cụ Nguyễn Du đã lựa chọn bộ kinh Kim Cương lấy làm nền tảng cơ bản cho pháp tu của mình, trong thực hành tu tập thường ngày khi chưa thâm ngộ ra thực tướng của các pháp. Theo chân lý tối hậu của đức Đạo sư thì khi chúng ta chưa tỏ ngộ được cảnh giới sắc không thì như cụ đã nói lòng mê theo Phật cũng thành ma, dù chúng ta có nói đến cảnh giới thực chứng của thánh trí đi chăng nữa thì, cảnh giới đó cũng biến thành ma như trong kinh Viên Giác đức Đạo sư đã dạy ngài Kim Cang Tạng và, ở đây với cụ Nguyễn du cũng vậy: “Lòng mê theo Phật, Phật thành ma.” Cho nên theo cụ khi chúng ta chưa ngộ đạo thì chúng ta đang sống với cảnh giới mê vọng, nên trong mọi ý nghĩ khởi lên đều mang hình bóng của mê lầm, mà theo đức Phật thì thế giới mê lầm vọng tưởng là thế giới của ma. Vì sao thế giới vọng tưởng mê lầm gọi là thế giới của ma, vì ma đại diện cho thế lực vô minh vọng tưởng điên đảo sai lầm tạo ra khổ đau, vì vậy nên đức Phật bảo muốn thoát khổ được vui an ổn hạnh phúc thật sự thì phải giải thoát khổ qua con đường trung đạo bát chánh. Cũng vì lý do này nên cụ Nguyễn Du đã khuyên cáo các vị Tăng sau này trong đó có chúng ta là: “Một niệm khởi lên ma tự đến.” Hãy cẩn thận trong mọi ý nghĩ mang mầm móng trói buộc phiền não khổ đau. Vì mọi ý nghĩ của chúng ta khi còn là chúng sanh thì ý nghĩ khởi lên đều mang mần móng của khổ đau và trói buộc phiền não do ba độc tham sân si gây nên cả. Đây chính là tác nhân vọng tưởng điên đảo của ma mà chúng ta gây nên và sau đó sẽ đưa đến những thọ quả tương ứng với những tác nhân mà chúng ta đã gây ra. Tất cả mọi hiện tượng tâm vật lý của thế giới quan có được này đều phát sinh từ chánh báo (nghiệp báo chính mà chúng ta đã tạo ra kiếp trước nay thọ quả báo qua kiếp người trong hiện tại) cùng y báo (xứ sở là duyên đủ và hợp với chánh báo nơi chúng ta sinh ra) của các hữu tình chúng sanh cả, chúng lệ thuộc vào luật tắc nhân quả mê lầm điên đảo của hữu lậu pháp tạo ra chứ không có bất cứ hiện tượng nào được gọi là ngẫu nhiện hay tự nhiên sinh ra, mà chúng phải do nhân duyên đủ hòa hợp nhau mà hiện hữu: 一念之中魔自至 山陵不涌蓮花臺 白馬朝渡長江水 楚林禍木池殃魚 經卷燒灰臺亦圯 空留無益萬千言 後世愚僧徒聒耳 70


Phiên âm: “Nhất niệm chi trung ma tự chí. Sơn lăng bất dũng liên hoa đài. Bạch mã triêu độ Trường Giang thủy, Sở lâm họa mộc trì ương ngư, Kinh quyển thiêu hôi đài diệc dĩ. Không lưu vô ích vạn thiên ngôn, Hậu thế ngu tăng đồ quát nhĩ.” Dịch nghĩa: “Một niệm khởi lên ma tự đến. Lăng tẩm, đài sen không tự mọc, Một sớm trường giang bạch mã qua, Cây lây rừng Sở ao cá vạ, Kinh đốt ra tro đài sập luôn. Muôn vạn nghìn lời thôi vô ích, Tăng ngu hậu thế miệng lải nhải.” Trong một niệm khởi lên phải phát xuất từ một nguyên nhân nào đó, lăng tẩm không tự dưng mọc lên đài sen, ngựa trắng vượt trường giang vào một sớm không phải là không có nguyên nhân, nguyên nhân đưa đến kết quả rừng Sở cháy và, rừng Sở cháy là nguyên nhân đưa đến vạ lây cho cá, kinh đã đốt đâu còn nữa, đài cũng sập luôn, tất cả mọi hiện tượng sinh ra và biến dịch đi đều có nguyên nhân của nó. Chúng bị luật vô thường chi phối, không có bất cứ hiện tượng tâm vật lý nào tồn tại mãi mãi với thời gian, do đó chúng ta không thể chấp vào bất cứ hiện tượng có được do nhân duyên đủ hòa hợp mà hiện hữu đó cho là có thật là chân lý, mà chúng chỉ là những hiện hữu giả hợp, giả danh do nhân duyên sinh ra, nên chúng không có tự tánh hay bản thể nhất định nào và, như vậy chúng là không, không có sở hữu. Vậy thì viêc gì chúng ta phải nhiều lời về chúng, vì những hiện hữu đó rồi sẽ bị luật vô thường chi phối không còn là chính nó nữa, nên sự đánh giá của chúng ta về sự hiện hữu tạm thời này là không đúng như cụ Nguyễn Du đã cảnh cáo trong câu: “Muôn vạn nghìn lời thôi vô ích.” nhiều lúc làm hại cho người đi sau và, nhất là những vị tăng vô học đời sau sẽ dựa vào đó mà rêu rao thuyết giảng nhảm nhí! Chúng chả có ích lợi gì, khi chúng không còn là chính chúng trong giây phút sau đó, như một tế bào chẳng hạn, điều này chúng rất phù hợp với nền khoa học hiện đại của chúng ta đang phát triển. Qua đây chúng ta thấy kiến thức và sự thâm hiểu Phật giáo Đại thừa của cụ Nguyễn Du thật là sâu sắc và chính xác; để từ sự thâm hiểu sâu xa và chính xác này đã đưa cụ Nguyễn Du đến việc thực hành Phật giáo Thiền tông qua kiến thức thông hiểu lịch sử truyền thừa Thiền Tông từ Ấn Độ đến Trung hoa như dưới đây chính cụ đã tự viết lên sự thật đó. 71


“吾聞世尊在靈山 說 法渡人如恆河沙數 人了此心人自渡 靈山只在汝心頭 明鏡亦非臺 菩提本無樹. Phiên âm: “Ngô văn Thế Tôn tại Linh Sơn Thuyết pháp độ nhơn như Hằng hà sa số Nhơn liễu thử tâm nhơn tự độ Linh sơn chỉ tại nhữ tâm đầu Minh kính diệc phi đài Bồ-đề bổn vô thọ. Dịch nghĩa: Tôi nghe Thế tôn tại Linh Sơn [14] Nói pháp độ người như số cát [15] Người tỏ tâm này người tự độ, Linh sơn chỉ tại tấm lòng ngươi. Gương sáng trong veo cũng không đài, Bồ-đề xưa nay vốn không cây. Như trên chúng tôi đã đề cập đến, Linh Thứu sơn chính là đỉnh núi đức Thế Tôn đã mở ra pháp hội truyền trao Phật tâm tông cho người đồ đệ của mình là Tôn giả Maha Ca-diếp, như lịch sử truyền thừa của phái này đã truyền dạy. Chính trong pháp hội Linh sơn đức Thế Tôn ở giữa đại chúng cầm cành hoa giơ lên giữa mọi người và im lặng; nhưng trong chúng này không có một người nào thấu hiểu được việc làm của đức Đạo sư mang ý nghĩa gì, nên mọi người hoàn toàn im lăng, duy nhất chỉ có một mình Tôn giả Ma-ha Ca-diếp là rạng mặt mỉm cười, đức Đạo sư liền tuyên bố: “Ta có chánh pháp nhãn tạng diệu tâm Niết-bàn, thực tướng vô tướng, bất lập văn tự, truyền riêng ngoài giáo. Nay trao lại cho Ma-ha Ca-diếp tôn giả" [16]. Từ Tôn giả Ma-ha Ca-diếp truyền xuống Tôn giả A-nan và cho đến Bồ-đề Đạt-ma Tổ 28 của Ấn Độ và cũng là Tổ thứ nhất của Thiền tông Trung Hoa. Từ Bồ-đề Đạt-ma truyền xuống Đại sư Huệ Năng tổ thứ sáu của Trung Hoa. Qua đoạn thơ trên Cụ Nguyễn Du đã cho chúng ta thấy rằng 72


không những cụ chỉ thâm hiểu sâu xa về Phật giáo Đại thừa không thôi, mà ngay đến Thiền sử truyền thừa bên Thiền tông Người cũng nắm vững một cách rõ ràng và hệ thống. Thiền Trung hoa nổi lên từ Lục Tổ mà vị Tổ thứ năm là Thiền sư Hoằng Nhẫn thầy truyền lại y bát cho Lục Tổ Huệ Năng qua Kinh Kim Cương, nhưng bài kệ nổi tiếng của ngài Huệ năng như dưới đây, không phải là bài kệ chính thức ngộ đạo của Ngài: “菩提本無樹 明鏡亦非臺 本來無一物 何處惹塵埃。”[17] Bồ đề bổn vô thọ Minh kính diệc phi đài Bổn lai vô nhất vật Hà xứ nhạ trần ai? “Bồ-đề vốn không cây Gương sáng cũng không đài Xưa nay không một vật Nơi nào bụi nhơ bám?” Mà nó phát xuất từ cuộc đối đầu lại tư tưởng Thiền giáo của Thần Tú qua bài kệ: “身是菩提樹 心如明鏡臺 時時常拂識 勿使惹塵埃。” Thân thị Bồ-đề thọ Tâm như minh kính đài Thời thời thường phất thức Vật sử nhá trần ai [18]. “Thân là cây Bồ-đề Tâm như đài gương sáng Luôn luôn siêng lau chùi Chớ đẻ bụi nhơ bám!” 73


Nhằm để phủ định phương pháp Thiền tiệm tu luôn luôn siêng lau chùi bụi nhơ nơi tâm mình của Đại sư Thần Tú, mà chủ trương ngược lại chỉ cần thấy tánh tức khắc thành Phật không cần phải siêng năng lau chùi như chủ trương của Thần Tú qua hai câu: “Người tỏ tâm này, người tự độ, Linh Sơn chỉ tại tấm lòng ngươi!”. Linh sơn ở đây chỉ là một ẩn dụ được cụ đưa ra để tỏ ra chính nó là cõi lòng của mỗi người. Thứ nữa là nói lên tinh thần không một vật xưa nay của các pháp vốn không, không có sở hữu vì tính duyên khởi tính không của chúng. Đó là những gì cụ Nguyễn Du đã học hỏi được từ lịch sử Thiền từ Pháp Hội Linh Sơn nơi đất Ấn Độ đến Hoàng Mai nơi đất Trung hoa, cụ đã mượn nửa bài kệ trên của Lục Tổ Đại sư dạy lại cho chúng ta nhân cuộc viếng thăm Phân kinh thạch đài của Thái tử Lương Chiêu Minh nhà Lương Trung quốc. Qua đoạn thơ trên cụ cho chúng ta thấy rằng, Núi Linh thứu là một danh sơn, nơi xưa kia đức Đạo sư đã từng thuyết nhiều bộ kinh Đai thừa quan trọng và, độ vô số chúng sanh như số cát sông Hằng, mà Cụ đã nhắc lại trong bài thơ này. Nơi đây cũng là nơi chính đức Đạo sư truyền trao chánh pháp nhãn tạng cho Tôn giả Ma-ha Ca-diếp vị Tổ đầu tiên của Thiền tông Ấn Độ để truyền mãi về sau này sang Trung quốc qua hai câu cụ mượn lại trong bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng: “Gương sáng trong veo cũng không đài, Bồ-đề xưa nay vốn không cây.” để phủ định những hiện tượng đang hiện hữu có được đều là hư vọng như trong kinh Kim cương chính đức Đạo sư đã dạy: “Phàm vật gì có tướng đều là hư vọng" [19]. Từ những thâm hiểu về Phật giáo Đại thừa và nhất là đối với Thiền tông nên từ đó Cụ đã trở thành một hành giả tu tập Thiền theo Kinh Kim Cương. Không biết sự tu tập Thiền của Cụ có Thầy hướng dẫn hay không? Điều này chúng ta không thấy trong văn thơ Cụ để lại, nhưng có một điều chính đích thân cụ nói ra trong thơ văn của mình là đã từng đọc tụng hàng nghìn lần kinh Kim Cương đó là một việc có thật như đoạn thơ kết của bài thơ trong Phân Kinh Thạch Đài dưới dây: 我讀金剛千遍零 其中奧旨多不明 及到分經石臺下 終知無字是眞經.” Phiên âm: Ngã độc Kim Cương thiên biến linh, Kì trung áo chỉ đa bất minh Cập đáo phân kinh thạch đài hạ, Chung tri vô tự thị chân kinh .” Dịch nghĩa: 74


Ta đọc Kim Cương hơn nghìn biến, Áo chỉ trong kinh không tỏ nhiều. Cho đến dưới đài đá phân kinh, Cuối cùng “Vô tự” biết là chân kinh.” Việc độc tụng kinh Kim Cương, nếu như không phải là một hành giả tu Thiền tông thì dứt khoát không bao giờ có ai bỏ hàng nghìn lần ra để ngồi đó mà đọc tụng kinh Kim Cương chơi hay nghiên cứu, mà chỉ có những hành giả hành trì Thiền tông mới làm được những việc này. Vì bản thân bộ kinh Kim Cương không phải là một bộ kinh dễ đọc tụng, vì chúng đòi hỏi người độc tụng phải có trình độ căn cơ vượt lên trên hệ thống nhân quả, phải là người nắm bắt được thật tướng của các pháp qua kiến thức nhờ vào định thức Duyên khởi mới có thể phù hợp với bản kinh này. Nếu người nào không có trình độ này thì chỉ cần độc tụng qua một lần thì sẽ thối lui, hoặc có độc tụng đi nữa cũng dưới dạng độc tụng để tu phước mà thôi. Hơn nữa như chính Cụ Nguyễn Du trong bài thơ đề động Nhị Thanh đã từng viết là: “…滿境皆空何有相 此心常定不離禪。 Phiên âm: "… Mãn cảnh giai không hà hữu tướng Thử tâm thường định bất ly Thiền..." [20] Dịch: … Mọi cảnh đều không, có tướng sao? Tâm này thường định, chẳng lìa Thiền…” Đích thị là Cụ đã tự giới thiệu cho mọi người biết là Tâm cụ không bao giờ lìa Thiền định, có nghĩa là cụ luôn luôn ở trong thiền định. Vậy thì những việc làm của Cụ đó không phải là một việc làm của hành giả đang hành Thiền tu tuệ đó là gì!? Vì cốt tủy của bộ kinh Kim Cương chính là một phương pháp tu để trụ tâm và hàng phục Tâm mình qua công án: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm? [21] (Nên trụ vào không chỗ, mà sinh tâm mình.)”. Xưa kia Lục Tổ Huệ Năng cũng qua Công án này mà ngộ lý Thiền và, bây giờ cụ Nguyễn Du cũng qua Kinh Kim Cương để thực tập Thiền hàng nghìn lần độc tụng và cuối cùng Cụ cũng tỏ ngộ được bộ kinh này qua “Đài đá phân kinh” nhân tố cuối cùng của một quá trình tu tập đó đã làm bùng vỡ nghi tình của công án Thiền thuộc kinh Kim Cương. Nó là giọt nước cuối cùng đổ vào công án nghi tình này làm bùng vỡ tâm hữu vô của Cụ. Qua việc ngộ kinh Kim cương này cụ giờ đây đích thực là một thiền sư, là Thiền sư Tố Như – Nguyễn Du theo nghĩa truyền thửa của nó chứ 75


không còn là một học giả Phật học hay học giả của Thiền tông chỉ hiểu biết qua trên mặt kiến thức không thôi. Qua bài thơ này Cụ Nguyễn Du đã tự giới thiệu cho chúng ta biết rằng Cụ là người thông hiểu Phật pháp Đại thừa và nhất là thông hiểu lịch sử truyền thừa Thiền Tông và không những thế chính Cụ là một hành giả tu tập Thiền tông như thế nào? Ở đây chúng tôi không phải là những người không thông hiểu gì về Phật giáo và nhất là văn thơ chữ Hán của Cụ để rồi tự tưởng tượng ra một thứ Phật giáo theo kiểu của mình rồi áp đặt lên cho cụ, mà chính những gì cụ là người thông hiểu và hành trì Phật giáo theo cách riêng của Cụ mà viết về chính mình đã am hiểu và thực hành Phật giáo như vậy. Những gì Cụ đã viết về Phật giáo của chính Cụ như vậy, nếu chúng ta đem so sánh với những bài viết của những nhà học giả nghiên cứu phê bình văn học Việt nam từ trước cho đến nay, hoàn toàn là những cái nhìn sai lạc về Phật giáo theo cách am hiểu và thực hành của chính cụ. Theo tinh thần và nội dung của bài thơ này chúng ta thấy nó không phù hợp gì với những cách nhìn về Phật giáo của Cụ Nguyễn Du qua truyện Kiều cả. Qua đây chúng ta mới thấy việc nghiên cứu về một tác giả về một khuynh hướng nào đó, nhất là vấn đề tôn giáo chúng ta nên cẩn trọng: Thứ nhất phải hiểu qua toàn bộ sự nghiệp văn chương của tác giả và nhất là những đối tượng mang tính cách tư tưởng tôn giáo và triết học, chúng ta phải biết rành và thông hiểu về những phạm trù đặt biệt này, nếu hai vấn đề này mà chúng ta không nắm vững thì tốt nhất là đừng nên viết về họ và viết về những phạm trù đặc biệt mà chúng ta không thông hiểu, hay thông hiểu một cách cạn cợt nửa vời rồi đem áp đặt quan điểm của mình lên cho tác giả đó. Ở đây khi nghiên cứu về truyện Kiều của cụ Nguyễn Du viết về Phật giáo cũng vậy, chúng tôi thấy những nhà học giả nghiên cứu phê bình viết về Phật giáo theo Truyện Kiều của Cụ Nguyễn Du, họ viết theo lối tưởng tượng áp đặt quan điểm hiểu biết cạn cợt nửa vời hay sai lạc của mình về Phật giáo rồi cho đó là quan điểm của Cụ Nguyễn Du về Phật giáo trong truyện Kiều. Như quan điểm của cụ Đào Duy Anh viết về Phật giáo theo Cụ Nguyễn Du, “Thực ra tư tưởng nhờ thiện tâm mà giảm nhẹ bớt được nghiệp chướng để hưởng thụ ngay ở kiếp này thì không đúng hẳn với quan niệm nhân quả thuần túy của nhà Phật, nhưng nó lại rất đúng với quan niệm nghiệp báo hay báo ứng phổ thông trong dân gian.” Còn Cao huy Đỉnh thì viết “Phải chăng đây là mối cảm tình đặc biệt của Nguyễn Du và thời đại ông đối với Phật giáo? Nó át hẳn cái lý của Nho giáo mà ông phải theo một cách gượng gạo. Chữ ‘nghiệp’ [làm] mê muội và an ủi tâm hồn yếu đuối quả đã hấp dẫn được lòng người đang sợ hãi cái thực tại đầy đau thương và thổi thêm luồng gió bi quan vào trong cơn bão táp thời đại Nguyễn Du và trong Truyện Kiều.” Và Trần đình Sử viết: “Thực ra đạo Phật đã bị khúc xạ khi đi vào truyện Kiều. Nhận xét về sự hỗn dung, pha trộn Phật – Nho là rất có căn cứ. Trong thơ chữ Hán đã có nhiều bài, nhiều câu thể hiện cho tư tưởng Phật như: “Hà năng lạc phát “ (Làm sao có thể gọt tóc vào rừng đi tu), “Mãn cảnh giai không hà hữu tướng, thử tâm thường 76


định bất ly thiền” (Đầy trời là không, không hình tướng, tâm này thường định vào ý thiền). Còn trong truyện Kiều thì nghiệp và mệnh trời bổ sung cho nhau, nhân ái và từ bi bổ sung cho nhau. Nhưng tính chất dung hợp cũng đã làm nhạt nhòe tư tưởng Phật giáo.” Phật giáo của Cụ Nguyễn Du trong tuyện Kiều có phải như những tác giả trên đã viết như vậy hay không? Hay đó chỉ là những tưởng tượng theo cái nhìn cá nhân của họ rồi bảo cụ quan niệm Phật giáo như vậy theo phạm trù tư tưởng của họ để viết về phạm trù tư tưởng Phật giáo của Nguyễn Du qua truyện kiều!? Qua sự thâm hiểu Phật pháp của cụ Nguyễn Du như trong bài thơ trên đúng là chúng không liên hệ gì đến một cái Phật giáo được họ hiểu mù mờ gượng ép đồng hóa với dân gian xã hội, trong khi Phật giáo cụ Nguyễn Du đưa vào truyện Kiều là để phủ định quan điểm Thiên mệnh của Nho giáo vào lúc bấy giờ của cụ Nguyễn Du. Điều này muốn tìm hiểu rõ xin quí độc giả tìm đọc bài “Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng Phật giáo như thế nào?” (trong “THỎNG TAY VÀO CHỢ” NXB Văn Hóa Sài Gòn 2007 tháng 12, của Đại Lãn). Có lẽ những nhà học giả phê bình trên do vì không am hiểu Phật giáo, nhất là những thuật ngữ chuyên môn của Phật giáo, cho nên dù ai là người giỏi Hán ngữ nhiều đến đâu, nhưng đối với những thuật ngữ chuyên môn của nhà Phật mà không am hiểu thì cũng phải hiểu sai tư tưởng và dịch sai mà thôi. Ở đây chúng tôi đơn cử tác giả Trần Đình Sử trong Thi pháp truyện Kiều có đưa ra những câu thơ mà tác giả gọi là có ảnh hưởng đến Phật giáo của cụ Nguyễn Du rồi hiểu và dịch sai ý tác giả; qua kiểu dịch như vậy thì, đúng là họ đã làm hại Nguyễn Du và làm hại Phật giáo, chỉ vì họ không am hiểu những thuật ngữ Phật giáo mà cụ Nguyễn Du đã dùng trong thơ của cụ như câu thơ: “Mãn cảnh giai không hà hữu tướng, thử tâm thường định bất ly thiền” mà tác giả Trần Đình Sử dịch như vầy(Đầy trời là không, không hình tướng, tâm này thường định vào ý thiền). Chữ “cảnh” ở đây mà dịch là “trời, bầu trời” thì không đúng và sai nghĩa hoàn toàn. Vì chữ “Cảnh” ở đây nó là một thuật ngữ của Phật giáo chỉ cho những đối tượng của “Căn”, tức là chỉ cho năm “trần cảnh” ở bên ngoài thân con người như sắc, thinh, hương. vị, xúc; chúng là những đối tượng của mắt, tai, mũi, lưỡi và thân con người, mà thuật ngữ Phật giáo thường gọi là “Ngũ căn” (năm căn), còn chữ Cảnh thường gọi là “Ngũ cảnh” hay “Ngũ trần cảnh”. Ở đây vì tác giả Trần Đình Sử không am hiểu thuật ngữ của Phật giáo nên đã dịch sai câu thơ này của cụ Nguyễn Du. câu thơ trên chúng ta phải dịch như vầy: “Mọi vật đều không, có tướng nào? Mọi vật ở đây chỉ cho mọi hiện tượng bên ngoài như núi sông nhà cửa cây cối, những vật gì có hình tướng để mắt chúng ta thấy được đều thuộc về “sắc”, cùng những âm thinh, tiếng động mà tai chúng ta nghe được chung quanh, gọi là “thinh”, và những mùi thơm, hôi, thối v.v… mà mũi chúng ta ngửi thấy được thuộc về “hương” những vị đắng, cay, ngọt, bùi v.v… mà lưỡi chúng ta nếm được thuộc “vị”, cùng những vật chung quanh khi chúng ta tiếp xúc có lạnh, nóng, ấm, mát, trơn, nhám v.v.. qua thân thì thuộc về “xúc”. Tất cả những vật này đều là không, vì sự hiện hữu của chúng là do các duyên đủ hòa hợp mà thành, vậy cái thành này là giả hợp, nên sự hiện hữu này không có thật thể; chúng cũng sẽ theo duyên 77


mà biến dịch không còn nữa theo luật vô thường tác động, nên chúng không có bất cứ một bản tính nào nhất định để gọi là thật có cả, cuối cùng chúng là không. Thì chữ Không này mới là chữ không của Phật giáo, là chữ không của cụ Nguyễn Du dùng trong bài thơ này, chứ không phải nghĩa không là trống rỗng, không có gì hết, hay là hư không. Vì ở đây tác giả Trần Đình Sử hiểu chữ “giai không” có nghĩa là đều không, trống rỗng, không có gì hết nên dịch sai chữ “cảnh”, và còn một chữ “Hà” trong câu thơ tác giả Trần Đình Sử bỏ không dịch, vì chữ Hà theo ngôn ngữ Thiền thì nó là một chữ rất quan trọng trong việc tạo ra nghi tình cho hành giả khi tu tập. Theo ngôn ngữ Hán thì dịch như vậy vửa sai vửa sót đối với thuật ngữ tư tưởng Phật giáo, đó là một cách dịch hoàn toàn sai sót, bất cẩn. Còn câu thơ tiếp Trần Đình sử dịch như vậy cũng chưa hoàn chỉnh mà còn xa lìa ý của cụ Nguyễn Du nữa. Ở đây theo Cụ, không lìa Thiền, tức là tâm của Cụ luôn luôn định một chỗ, đó là Thiền. Vậy Thiền ở đây là “Thiền sự” chứ không phải “Thiền ý” như tác giả đã dịch, vì Cụ đã và đang thực tập Thiền theo Kinh Kim Cương trong độc tụng như Cụ đã nói trong bài thơ. Vì vậy cho nên khi chúng ta nghiên cứu về một tác phẩm của một tác giả nào đó phải am hiểu hai việc mà chúng tôi đã nêu ra, nếu không việc nghiên cứu của chúng ta trở thành vô ích không có giá trị. Khi chúng ta viết về người khác thì phải trung thực với những liên hệ đối với tác giả đó về mọi mặc nếu có, nếu không vậy thì những nhận xét của chúng ta thiếu khách quan và trở thành những cưỡng ép chủ quan thiếu tính thuyết phục, tự biến mình thành những người thiếu liêm khiết tri thức. Tóm lại qua bài thơ này cụ Nguyễn Du cho chúng ta thấy rằng Cụ không những là một người am hiểu sâu xa về Phật giáo mà còn là một hành giả tu tập Thiền tông qua Kinh Kim Cương và, cuối cùng kết quả đạt được là đã thấu triệt ngộ nhập được Không lý của Phật giáo để trở thành một Thiền sư thực thụ theo tính truyền thừa, cho dù không người để ấn chứng cho những sở ngộ của cụ vào lúc đó; nhưng với những gì Cụ đã để lại qua văn thơ đã nói lên được giá trị đích thực của một hành giả tu tập Thiền và những kết quả có được qua “Vô tự” thị chân kinh thì chúng ta không nghi ngờ gì nữa về giá trị đích thực của nó là một Thiền sư theo nghĩa như thực. Ở đây chúng tôi không phải làm cái việc “Thấy người sang bắt quàng làm họ.” mà đó chính là cái giá trị đích thực của một hành giả đã từng cưu mang “Thử tâm thường định bất ly Thiền” trong cuộc sống của Người. Và cũng nhờ cái giá trị đích thực này mà Cụ đã được những người đi sau tôn vinh như là người thông đạt sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời như Mộng Liên Đường chủ nhân đã khen qua truyện Kiều [22]. Vì theo nhà Phật chỉ có những vị đạt ngộ mới thông hiểu được các pháp, mới thông suốt ba cõi, sáu đường và, tấm lòng mới nghĩ suốt cả nghìn đời mà thôi.

[1] Thái tử Chiêu Minh đời nhà Lương. [2] Cát sông Hằng. [3] Tập san Khai Trí Tiến Đức số 1. năm 1940. 78


[4] Khảo luận về “Truyện Thúy Kiều”. Quan hải tùng thư, Huế, 1943. [5] Triết lý đạo Phật trong truyện Kiều, trong sách kỷ niệm 200 năm, năm sinh Nguyễn Du, NXB Khoa học xả hội, 1967. [6] Thi pháp Truyện kiều, Trần Đình Sử, nhà xuất bản Giáo Dục, 2005. [7] Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn Đại sư đã lấy kinh Kim Cương cho các đệ tử dưới trướng của mình tu tập độc tụng và, Lục Tổ Huệ năng cũng nhờ vào cậu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (應無所住而生其心)trong kinh Kim Cương mà ngộ lý thiền. Pháp bảo Đàn Kinh. Đ. 48. [8] Giáo ngoại biệt truyền. Đ.84, tra. 166c. [9] Thái tử Chiêu Minh đời nhà Lương. [10] Cha con một nhà: Chỉ cho Lương Võ Đế và Lương Chiêu Minh. [11] Kinh Kim Cương, bản Kinh mà cụ Nguyễn Du đã từng độc tụng hàng nghìn lần. [12] Pháp bảo Đàn Kinh, Phẩm nghi Vấn, Đ. 48. tra. 351c [13] Phẩm Phương tiện, Kinh Pháp Hoa, Đ. 09a, tra. 0007c [14] Linh Sơn: tức Núi Linh Thứu (Gridhrakuta) [15] Cát sông Hằng. [16] Ngũ Đăng hội Nguyên. Đ. 80, tra. 0028b [17] Pháp Bảo Đàn Kinh, Phẩm Hành Do [18] Pháp Bảo Đàn Kinh, Phẩm Hành Do. [19] Đ. 07, tra. 0749a. Kim Cương Bát-nhã kinh. Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng, (凡所有相,皆是虛妄) [20] Đề Nhị Thanh động. [21] Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật kinh. Đ.07, tra. 0749c [22] “Tố Như Tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấy cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nài có cái bút lực ấy.” So sánh dị bản Truyện Kiều của Lê Quế, Nhà xuất bản Hội nhà văn, Hà Nội 2006.

GÓP PHẦN TÌM HIỂU TRIẾT LÝ ĐẠO PHẬT TRONG TRUYỆN KIỀU LÊ VĂN QUÁN GS.TS. Đại học KHXH & Nhân văn, HN (http://hannom.vass.gov.vn/noidung/TapChi/Pages/baiviet.aspx…) Nội dung Truyện Kiều (K) diễn tả phong phú, sinh động về cuộc đời của các nhân vật càng cụ thể bao nhiêu thì triết lý đạo Phật của Nguyễn Du lại càng xa với ý niệm bấy nhiêu. Triết lý của tác phẩm được toát ra từ nội dung hình tượng, ở những số phận, hành động của nhân vật và bằng những biện pháp nghệ thuật. Truyện Kiều mang ảnh hưởng của đạo Phật, nhưng qua thời gian, không gian đạo Phật đã có biến đổi. Ở thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, đạo Phật ở Việt Nam, qua truyện thơ thì lại càng biến 79


đổi. Nguyễn Du viết Truyện Kiều theo luân lý của hiện thực, theo tiếng gọi của tình cảm, trước khi theo giáo lý của nhà Phật. Vì thế, Hoàng Ngọc Hiến đã nói: “…xa lạ với nội dung hình tượng của tác phẩm, những lời thuyết lý dù được diễn đạt hùng hồn đến đâu, cũng chỉ là ngẫu nhiên đối với tác phẩm”(1). Trong Truyện Kiều, cuộc đời gian truân của nàng Kiều được thuyết lý bằng tài mệnh tương đố, tiền oan nghiệp chướng (duyên nghiệp nhân quả), và tình là dây oan của đạo Phật. Qua nội dung Truyện Kiều có thể nói được rằng, Nguyễn Du là nhà thơ tiến bộ, trước khi là triết học duy tâm. Tác giả Truyện Kiều đã lấy nội dung hình tượng xác định lời thuyết lý. Ngay ở đoạn phát đoan, tuy là lời bình ngoài cốt truyện của tác giả, nhưng nội dung đoạn thơ biểu hiện có tính chất triết lý, có giá trị tổng kết, và cũng có thể gọi đoạn thơ này là ngôn ngữ thuyết lý: Trăm năm trong cõi người ta, Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau. Trải qua một cuộc bể dâu, Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Lạ gì bỉ sắc tư phong, Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen. Cảo thơm lần giở trước đèn Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh. (K, c.8) Tám câu thơ mở đầu có tính chất khái quát nội dung mang ý nghĩa bộc lộ thế giới quan, nhân sinh quan của tác giả bằng phong cách ngôn ngữ sinh động tạo cho thơ ca gần gũi với tư duy triết học. Trong xã hội cũ, cuộc đời là bể khổ. Truyện Kiều phản ánh rõ cuộc sống phức tạp đó. Nguyễn Du đã đi từ “Tài mệnh tương đố” và “bỉ sắc tư phong” của Nho giáo đến “nghiệp báo”, “luân hồi” của Phật giáo; từ trung, hiếu, tiết, nghĩa của Khổng Tử đến “lòng “từ bi bác ái” và “tu nhân tích đức” của Thích Ca. Nguyễn Du đi theo triết lý và cảm quan của đạo Phật ở mấy mặt sau: 1. Đối với nàng Kiều, nghiệp, tướng số, bạc mệnh, là một lực lượng siêu nhiên nào đó bắt nàng phải đau khổ, không được chết, không được đi tu để trốn nợ đời, khi chưa đền bù tội lỗi. Chính vì thế cái nghiệp của nàng Kiều không thoát khỏi vòng trói buộc của tạo hóa:

80


Số còn nặng nghiệp má đào, Người dù muốn quyết trời nào đã cho. (K, c.998). Nàng tin như vậy, và nàng phải chịu cái số mệnh như thế. Tuy Đạm Tiên là sứ giả của số mệnh nhận xét đạo đức của Kiều theo lễ giáo tiết hạnh của Nho gia, nhưng tác giả Truyện Kiều không chỉ thuần túy dựa vào đạo Nho, mà ông còn là nhà thơ đa sầu, đa cảm, đã từng trải nghiệm những đau đớn của cuộc đời. Cho nên ông lợi dụng triết lý Nho gia để đay nghiến “tài mệnh tương đố” ngay từ đầu: Trăm năm trong cõi người ta, Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau. (K, c.2152). Làm như vậy, Nguyễn Du mới thỏa mãn được nỗi lòng căm giận của mình đối với mệnh, hay nói đúng hơn là đối với xã hội phong kiến. Để xoa dịu và an ủi nỗi khổ đau cá nhân, Nguyễn Du vận dụng triết lý đạo Phật. Khi tâm trạng con người khi day dứt, khi nàng Kiều đang sợ hãi trước một cuộc sống đầy rẫy bất công thì triết lý đạo Phật mang chất bi quan yếm thế lại trỗi dậy trong tâm trạng bất an của con người, nhất là phụ nữ, nạn nhân cực khổ nhất của xã hội phong kiến, cũng là nạn nhân khổ cực nhất của thời đại Nguyễn Du. Đạo Phật có một thế giới u linh, huyền ảo phản chiếu tâm trạng đau khổ, vui buồn của con người qua hiện tượng khấn vái, mộng triệu, chiêm bao, oan hồn, ma quỷ: Buổi ngày chơi mả Đạm Tiêm, Nhắp đi thoắt thấy ứng liền chiêm bao. (K, c.230). …. Hay là: Ma đưa lối, quỷ dẫn đường, Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi. (K, c.2666). Trong xã hội Truyện Kiều, những con người như Kim Trọng, Thúy Vân, Thúc Ông, bà mẹ Kiều v.v… đều tin vào mọi thứ tôn giáo, nghĩa là tin vào sức mạnh của thần linh sẽ diễn ra qua lễ tảo mộ, hội Đạp Thanh, ma chay, cầu hồn. Những thầy bói, thầy cúng, những đạo cô, bà vãi và cả trời, Phật, ma, đều nghĩ và làm như nhau cả. Trong xã hội phong kiến Việt Nam, nhất là xã hội của thời đại Nguyễn Du thì những 81


thứ tôn giáo, triết lý, đạo đức hỗn tạp ấy đều thống nhất với nhau trong một hoàn cảnh chung của thời đại thống trị bất nhân, lừa lọc, hại người. Đúng như GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn đã nói: “Thời đại thống trị của sự bất lương, hủ bại, độc đoán, phản bội, xấu xa, tàn sát từ bên trên, của sự nghèo khổ, đói khát, đau thương, chết chóc oan uổng và của những cuộc đảo lộn từ bên dưới”(2). Thời đại có bao nhiêu nước mắt thảm sầu, bao nhiêu con người bị oan trái, bao nhiêu mối tình hờn tủi, chia tay…, khiến cho con người phải băn khoăn về cái lẽ sống chết của mình, và một mối hoài nghi tuyệt vọng mà nàng Kiều phân vân tự hỏi: "Thấy người nằm đó biết sau thế nào?" (K, c.110). Và lẽ tất nhiên Nguyễn Du nghĩ đến cái “nghiệp” của nhà Phật: Đã mang lấy nghiệp vào thân, Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa. (K, c.3250). Vì theo giáo lý của đạo Phật, nghiệp là tâm khởi niệm thân làm theo, tất cả hành vi đã làm hoặc khởi niệm mà chưa làm đều gọi là nghiệp. “Nguyên tắc của nghiệp là “gieo gió gặt bão” và nguyên tắc ấy chi phối toàn thể đời sống của Phật tử; bởi vì, sự thực, cái dựng lên cá biệt tính của một người không có gì khác hơn chính là nghiệp của y”(3). “Tất cả các loại hữu tình sinh ra theo nghiệp của chúng: thiện nhân sinh thiên đường, ác nhân sinh địa ngục và ai thực hành chánh đạo thì chứng đắc niết bàn. Do tụ tập lục độ nên có thể làm ích lợi chúng sinh bằng nhiều đường hướng, và chắc chắn sẽ được hưởng phước lạc, không những chỉ đời này mà cả đến đời sau. Nghiệp có thể chỉ có hai loại: tư (catara) hay nội tâm và tư sở tác (Cetayitva) phát hiện bằng lời và bằng vận động của thân”(4). Theo đó, Nguyễn Du càng tâm đắc với đạo Phật. Ông bèn lấy chữ nghiệp của đạo Phật bổ sung cho chữ mệnh của đạo Nho. Nguyễn Du dựa trên luật nhân quả của đạo Phật bổ sung cho chữ mệnh của đạo Phật để kết án cá nhân là, tự mình gieo mầm khổ ở kiếp trước, thì tự mình phải chịu lấy quả khổ ở kiếp này: Kiếp xưa đã vụng đường tu, Kiếp này chửng kẻo đền bù mới xuôi! (K,c.1196). Rõ ràng, đây là tiếng nói của nàng Kiều suy nghĩ về nghiệp báo. Người đã có cái nghiệp như thế, tất là đa tình, đa cảm. Nguyễn Du mượn lời Đạm Tiên để báo cho nàng biết nỗi khổ cực khó có thể thoát được. Đạm Tiên nói:

82


Rỉ rằng: “Nhân quả dở dang, Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao? Số còn nặng nợ má đào, Người mà muốn chết, trời nào có cho!” (K, c.998). Tác giả mượn lời Đạm Tiên, để nói cái số mệnh của Kiều rất mong manh, mệnh của Kiều là do nghiệp của nàng quyết định. Nàng đã có cái nghiệp sầu khổ nằm sẵn trong mình, “cho nên từ lời nói cho đến tiếng đàn đánh ra, đều có cái giọng đau đớn, sầu khổ. Người có cái nghiệp như thế ắt là đa sầu, đa cảm, hai cái đó là cái mối vô hình, cái dây vô thường dử người ta vào chỗ đứng với cái sự nghiệp”(5). Nguyễn Du mang một nỗi lòng, vì “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, ngụ một ý nghĩa cứu thời, những mong tìm phương cứu vớt người đời thoát nơi khổ ải. Tác giả Nguyễn Du là một nhà văn hiện thực , ông đã hiểu thấu cái tâm lý phức tạp của con người và ông lại đem cái triết lý đạo Phật qua lời Đạm Tiên để bộc lộ tâm tư của mỗi hạng người trong xã hội đương thời. Nàng Kiều oán trách thằng bán tơ, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, những lũ ác nhân, những bọn buôn người v.v…, là hiện thân của nghiệp báo đã tạo nên cái địa ngục trần gian. Trái lại, Đạm Tiên là sứ giả của nghiệp báo, là linh hồn của con người cũng đau khổ như nàng Kiều, tiêu biểu cho thế hệ phụ nữ trước nàng, thông cảm với nỗi khổ của nàng, an ủi nàng, bày cho nàng kinh nghiệm sống để trở về cuộc đời trần thế mà nàng yêu tha thiết. Nhờ thế mà về sau nàng được sum họp với những người nàng yêu nhất trên trần thế này, chứ không phải là hưởng quả báo tốt ở thiên đường: Còn nhiều hưởng thụ về sau, Duyên xưa đầy đặn, phúc sau dồi dào. (K, c.2747) Nguyễn Du đã phải mượn đến vong linh của Đạm Tiên và đức độ của sư Tam Hợp để thanh minh biện hộ cho nàng Kiều. Chỉ đáng tiếc sự biện hộ thanh minh ấy không phải là người của cuộc sống thực. Ở nơi mà Kiều nghe theo tiếng gọi hồn nhiên của lòng mình, muốn được yêu thương và hạnh phúc, muốn được làm người thì nàng chỉ thấy toàn chuyện ma đưa lối quỷ đưa đường và chung quanh cái chết của Từ Hải. Lũ quan lại cam tâm làm việc đổi trắng thay đen gán cho Kiều những điều hết sức phũ phàng. Cái lũ đầu trâu mặt ngựa, cái bọn buôn thịt bán người, và cả Tổng đốc Hồ Tôn Hiến cho đến triều đình nằm trong khuôn khổ của giáo lý và nhân sinh quan phong kiến đều có dã tâm hủy diệt Kiều: Trong tay đã sẵn đồng tiền, Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì! (K, c.690) 83


Về đạo lý làm người, Nguyễn Du từ trong lòng cuộc sống truy tìm những giá trị đạo đức chân chính (tuy không tránh khỏi mâu thuẫn và hạn chế). Giá trị này chỉ có thể tìm thấy ở những con người bị vùi dập như nàng Kiều. Những đau khổ dồn nén vào một mình Thúy Kiều cũng là những đau khổ mà nhân dân lao động phải chịu đựng trong chế độ cũ. Những khát vọng đạo đức của nhân dân luôn gắn liền với thực tiễn, gắn liền với đời sống, xa lạ với những thứ tín điều hình thức. Về hình thức thì Kiều không bảo vệ được trinh tiết của mình, Kiều mất nết theo trai. Đó là lối suy luận của các bậc vương giả qua hình tượng nghệ thuật, nhưng đối với Nguyễn Du thì lối suy luận ấy hoàn toàn bị phá sản. Nguyễn Du đưa ra vấn đề đạo đức cụ thể, gắn liền với vấn đề xã hội cụ thể, thông qua một cuộc đời cụ thể. Đành rằng nàng Kiều sống trong xã hội phong kiến, chịu sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến. Song, Nguyễn Du để cho sư Tam Hợp sau này chứng minh trước thiên hạ về mệnh của nàng Kiều: Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều, Mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm. Lấy tình thâm, trả nghĩa thâm, Bán mình đã động hiếu tâm đến trời! (K, c.2884) Việc làm của Kiều là đúng, Kiều bị cuốn vào chữ trinh cũng là để tự thanh minh về vấn đề động đến phẩm giá của mình, động đến cả mối tình của nàng và Kim Trọng: Chữ trinh còn một chút này Chẳng cầm cho vững, lại giày cho tan! (K, c.3162) Nếu nàng Kiều mắc điều tình ái, tức là mắc vào vòng dục vọng, say đắm dục vọng thì không thể nào thoát khổ, và dường như nghiệp báo lại ám ảnh, khiến cho nàng sợ hãi: Một mình lưỡng lự canh chầy, Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh. (K, c.218) 2. Theo đạo Phật thì ở đời thường có vấn đề quan hệ giữa “nhân đức” và “duyên phúc”, “tu nhân tích đức” ở kiếp này sẽ được đền bù bằng duyên phúc kiếp sau. Cho nên nàng Kiều chịu đựng cho qua đau khổ, “ quằn quại trong vũng lầy”, và những lúc đó thì nàng nói đến cái nghiệp. Có dịp nào trở lại với tình yêu thì nàng lại sống chân thực với tâm hồn mình. Cho đến “Phật tiền thảm lấp sâu vùi” và “Giọt nước cành dương” cũng không thể dập tắt được lửa lòng của nàng.

84


Và Nguyễn Du đã cho nàng Kiều đi tu, trong không khí nhà chùa tưởng như ngăn cách nàng khỏi cuộc đời, nhưng ý thức tôn giáo và ý thức trần thế trong tâm hồn nàng vẫn cứ xung đột nhau, lòng nàng bị xé lẻ trong cái bi kịch thường xuyên ấy: Cửa thiền then chặt lưới mau, Nói lời trước mặt, rơi châu vắng người, Gác kinh, viện sách, đôi nơi, Trong gang tấc lại gấp mười quan san! (K, c.1938) Thúy Kiều sinh ra là để yêu thương, để sống trong sự hài hòa, nhưng chỉ gặp toàn những sự hiểm độc, thô bạo, chà đạp. Lúc tĩnh lặng, hồi tưởng lại, Kiều nhớ cha mẹ, nhớ hai em, nhớ tình thân và mong có ngày sum họp. Lòng yêu cuộc sống đã đưa nghệ thuật Nguyễn Du tới một mức độ trữ tình tuyệt diệu cá thể hóa được muôn vàn tâm trạng phổ biến, tổng kết được tất cả nghệ thuật thơ trữ tình của ca dao và dân ca. Tinh thần phê phán những dục vọng xấu xa trong xã hội phong kiến thối nát đã làm cho ngòi bút hiện thực của ông vô cùng sắc sảo. Nguyễn Du phê phán những dục vọng xấu xa, nó làm dơ bẩn con tim của mình, và từ đó ngòi bút của ông có ý nghĩa phê phán cái xấu và đề cao cái tốt trong xã hội. Chữ “tâm” của Nguyễn Du có ý nghĩa giữ cho con tim mình trong sạch không dính dấp với dục vọng xấu xa để bảo đảm những tình cảm tự nhiên giữa người với người trong cuộc sống xã hội như lòng hiếu thảo với cha mẹ, lòng chung thủy với người yêu, tình thương mến đồng loại v.v… “Như vậy “tâm” có tính chất tích cực, thực tiễn, không hoàn toàn giống với tâm gốc “Phật vốn là không”(6): Sự đời đã tắt lửa lòng Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi?” (K, c.3046) Khi ấy, tiếng đàn của nàng Kiều nghe thanh thoát, trong lặng như phảng phất mà màu lạc quan của Lão Tử, thực hiện một sự hài hòa giữa tinh thần con người và bản chất vũ trụ: Khúc đâu đầm ấm dương hòa, Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh? Khúc đâu êm ái xuân tình, Ấy hồn Thục đế, hay mình đỗ quyên? Trong sao châu nhỏ duềnh quyên, Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông! (K, c.3204) 85


Theo Cao Huy Đỉnh nàng có cử chỉ khác thường là cuốn dây đàn và từ bỏ nghệ thuật như muốn nói rằng mình quyết bỏ dục vọng và đau khổ để cho tâm hồn siêu thoát. “Ngòi bút hiện thực của Nguyễn Du là có dụng ý nâng hình tượng Kiều lên thành tượng trưng tuyệt đối cho lòng trong trắng, kết tinh hết thảy cái đẹp, cái thanh khiết, cái hài hòa của tự nhiên. Cách lý tưởng hóa ấy rất phổ biến trong văn học phương Đông. Nó được nuôi dưỡng bằng mỹ cảm Phật giáo, Lão giáo và cũng rất gần gũi với quan niệm của nhân dân. Hình tượng hoa sen ở trong nghệ thuật Phật giáo và trong ca dao là sự gần gũi ấy: Nhị vàng bông trắng lá xanh, Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.(7) Đạo Phật là vì nhân sinh, vì cuộc sống hạnh phúc của con người trong mối quan hệ với tự nhiên và xã hội. Trọng tâm giáo dục của đạo Phật là “giải thoát khổ đau”. Giáo lý của đạo Phật là tránh những luận thuyết viển vông, siêu hình, kéo con người trở về thực tại, quan sát, khảo sát sự thật của sự vật đúng với “Pháp tính” (chân lý, bản chất, qui luật). Nghĩa là nhìn cái gì cũng phải đúng với sự tồn tại khách quan của nó, để tìm con đường giải quyết sự “đau khổ” của thực tại. Khái niệm về “khổ” của đạo Phật là một thực tế thuộc “đối tượng nhận thức”, một thực tại khách quan cần tìm hiểu đúng đắn, đánh giá chính xác để tìm ra nguồn gốc và tìm ra “con đường diệt khổ”. Đạo Phật chỉ làm công việc thức tỉnh tâm trí của muôn sinh, thiết thực vun bồi đức tin: tin tưởng ở khả năng trí tuệ con người tự mình giải thoát lấy mình và nhận thức đúng đắn chân lý khách quan. Đạo Phật hướng dẫn con người trở về với thực tế và nhận thức những vấn đề trong cuộc sống. Vì thế, tác giả Nguyễn Du tin vào cái thuyết: “nhân quả” của đạo Phật. Nếu người ta giữ tâm theo điều thiện ở kiếp trước thì sẽ được hưởng phúc ở kiếp sau. Thúy Kiều nhờ được những công đức đã làm, nhờ sự bồi đắp của lòng thiện mà được hưởng ngay kết quả ở kiếp này. Ý tưởng đó, Nguyễn Du đã mượn lời Đạm Tiên để tỏ bày: Chị sao phận mỏng đức dày, Kiếp xưa đã vậy, lòng này dễ ai! Tâm thành đã thấu tới trời, Bán mình là hiếu, cứu người là nhân. (K, c.2718) 3. Kiều vẫn sống theo tài, tình cho đến cuối đời. Tư cách của nhân vật Kiều trong tác phẩm được mở rộng trong hình tượng Truyện Kiều với tư cách của một con người tuyệt tài tuyệt sắc, đức hạnh, đa tình. Nội dung chữ tài là tài năng và nhan sắc, là tình và đức 86


hạnh, là những gì tốt đẹp ở con người. Có thể nói “tài” là bản chất con người luôn luôn vươn tới chân, thiện, mỹ. “Tài là một giá trị thực tại, cho nên nó có thể “hiển hiện” ở con người nàng Kiều như một nội dung hình tượng. “Còn số mệnh là một thực thể siêu hình, nó không có hiệu lực thực tại. Trong thế giới Truyện Kiều tồn tại và hiệu lực của số mệnh không “hiển hiện” được, ngay sự hiển hiện của Đạm Tiên cũng không ngoài “trận gió cuốn cờ” và những “dấu giày in rêu”(8). Trong thế giới Truyện Kiều sự chi phối của số mệnh thường là biểu hiện một cách gián tiếp thông qua bọn tham quan ô lại, bọn buôn thịt bán người… những thủ phạm trực tiếp gây ra số kiếp long đong của nàng Kiều. Hiện thân của bọn người này là những đồi phong bại tục. Đây là thực tại của những thiết chế của chế độ phong kiến suy tàn. Như vậy, mâu thuẫn giữa chế độ phong kiến và bản chất con người là lấy ý nghĩa đích thực, là bản chất của thế giới hiện tượng được mô tả bằng nội dung hình tượng Truyện Kiều. Vì thế, tài và tình tự nó vẫn có giá trị, nhưng nếu không có cái tâm để làm chỗ nương tựa, thì tài với tình dễ bị xiêu đổ, cho nên Nguyễn Du mới nói: Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. (K, c.3252) Cũng có thể nói, Phật giáo đặt vấn đề giữa quan hệ đạo đức và hạnh phúc. “Tu nhân tích đức” thì được đền bù bằng “duyên phúc” ở kiếp sau, đời sau. Do đó, Nguyễn Du cho Kiều đi tu và kiếp sau Tiền Đường Kiều đoạn tuyệt với đạo Phật: Có trời mà cũng tại ta, Tu là cõi phúc, tình là dây oan. (K, c.2658). Nguyễn Du, một con người gắn với cuộc đời, cũng như Thúy Kiều, một tâm hồn thiết tha, rạo rực với những vui buồn ở trên đời mà lại quyến rũ bởi ngọn nến lung linh, hiu hắt của bàn thờ Phật. Điều mà Kiều chống đối với tất cả sức sống hồn nhiên của mình, chính là số mệnh. Từ thực tế cuộc sống, Kiều linh cảm một cách đau đớn, day dứt, mãnh liệt, nhưng hoàn toàn bất lực dưới hình thức định mệnh, số kiếp. Thúy Kiều xót thương cho Đạm Tiên cũng là xót thương cho chính mình: "Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung" (K, c.84). Xét cho cùng cũng là mâu thuẫn giữa khát vọng của con người và thực tại xã hội. Kiều đi vào tu hành là bước đường cùng và bao giờ cũng mang theo một tâm trạng của một kẻ lánh nạn, một cuộc sống tạm bợ, chờ ngóng một lối ra.

87


Sự thật thì Kiều không bao giờ tin rằng mình là một tín đồ nghiêm chỉnh của đạo Phật. Nguyễn Du mà có trách nhiệm với đạo Phật thì không để Khuyển Ưng ập đến bắt cóc Kiều vào đúng lúc Kiều đang khấn vái cầu xin sự phù hộ của Phật: Nén hương đến trước thiên đài, Nỗi lòng khấn chửa cạn lời vân vân. Dưới hoa dậy lũ ác nhân, Ầm ầm khốc quỷ kinh thần mọc ra! Đầy sân gươm tuốt sáng lòa, Thất kinh nàng chửa biết là làm sao. Thuốc mê đâu đã tưới vào, Mơ màng như giấc chiêm bao biết gì! Vực ngay lên ngựa tức thì, Phòng đào viện sách, bốn bề lửa dong. Sẵn đây vô chủ bên sông, Đem vào để đó, lận sòng ai hay? (K, c.1650) Tu hành là xa lánh cuộc sống, từ bỏ làm người. Nàng Kiều đang mang nặng tình đời, Nguyễn Du là người có trách nhiệm với cuộc sống, mà Kiều lại phải nhận lấy cuộc sống tu hành. Tuy có phần triết lý tiêu cực, nhưng đó lại là lời tố cáo chế độ phong kiến hèn mạt, không có công lý, chà đạp lên quyền sống con người. Và đó cũng là một trong những mâu thuẫn của thời đại Nguyễn Du, của thế giới quan Nguyễn Du. Ở cái thời đại với những bọn quan lại “Trông lên mặt sắt đen sì”, “Máu tham hễ thấy hơi đồng là mê” thì những người có tài lỗi lạc như Cao Bá Quát, Ngô Thì Nhậm khó có thể phát huy. Những người quốc sắc ở Trung Quốc như Tây Thi, Điêu Thuyền, Dương Quý Phi không được hưởng trọn hạnh phúc, cuối cùng phải chết thê thảm. Những người tài sắc hơn người như thế thường bị những kẻ tầm thường ghen ghét, nhất là khi bọn ấy có chức trọng quyền cao thì lại càng tàn bạo ngang nhiên trù dập người khác. Trong Truyện Kiều, Kiều bị đọa đầy, lưu lạc là do định mệnh, “trời ghét má hồng” tạo hóa ghen ghét: Rằng: Hồng nhan tự thưở xưa, Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu? (K, c.108) Chứng tỏ Nguyễn Du xót thương cái tình của Kiều, tất cả đổ riệt cho số mệnh. Bạc mệnh hay nghiệp chướng đối với nàng Kiều đều chỉ là một lực lượng siêu nhiên bắt nàng phải đau khổ. Vì những lực lượng ấy mà Kiều mượn lời sư Tam Hợp để kết án tài, tình của mình: 88


Lại mang lấy một chữ tình, Khư khư mình buộc lấy mình vào trong. Vậy nên những chốn thong dong, Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng. (K, c.2664) Hay là Kiều tự than thân trách phận: Có tài mà cậy chi tài, Chữ tài liền với chữ tai một vần. (K, c.3248) 4. Trong Truyện Kiều, con người sống có đức độ được đền bù, còn kẻ sống bạc ác sẽ bị trừng phạt ngay trong cuộc đời này. Nghĩa là tự thưởng phạt có thể ở trên thiên đường cũng có thể ở dưới địa ngục, còn Nguyễn Du thì sự thưởng phạt ngay trên trần thế. Khi có điều kiện là tiêu diệt cho được mọi sự cản trở của cuộc sống, tiêu diệt cái ác, cái xấu để bảo vệ quyền sống cho con người, Nguyễn Du đã làm được điều đó. Nếu suy rộng ra thì đó là hình phạt chân chính của nhân dân đối với những lực lượng xã hội độc ác, và là sự ưu đãi xứng đáng cho những lực lượng phù trợ chính nghĩa. Đó là, thái độ sống của nàng Kiều. Chẳng những ở Truyện Kiều mà trong hầu hết các truyện Nôm khuyết danh đều đề cập đến bản chất của người phụ nữ, dám đứng lên chống lại những bất công của chế độ phong kiến và những điều tai ương trong xã hội. Chẳng hạn, truyện Lưu nữ tướng có nói đến tình yêu, đến hôn nhân, đến hạnh phúc lứa đôi, nhưng chủ đề tác phẩm nhằm ca ngợi ý chí kiên cường, bất khuất của người phụ nữ dám đứng lên dựng cờ khởi nghĩa chống lại đám vua quan tàn bạo, gian ác. Đó cũng là tinh thần kiên trinh bất khuất của phụ nữ Việt Nam. Đặc điểm nổi bật của Truyện Kiều là khuynh hướng hiện thực và tính chất nhân đạo. Dưới chế độ phong kiến, người bóc lột người, quần chúng lao động phải chịu mọi điều khổ đau. Do đó, họ phải tìm đến một sức mạnh siêu nhiên, hy vọng cuộc đời của họ sẽ được bảo vệ và cứu giúp. Khi khoa học tự nhiên còn chưa phát triển, con người thường hy vọng ở lực lượng thần linh đặt niềm tin vào tôn giáo. Giáo lý của đạo Phật đề xướng từ bi, bác ái, cứu khổ, cứu nạn có sức thuyết phục con người và có lúc đã là một trong những nguồn gốc của lòng thương người, của chủ nghĩa nhân đạo. Nhân vật Thị Kính trong truyện Quan Âm Thị Kính là một biểu tượng tốt đẹp của người phụ nữ thời bấy giờ, nên được mọi người đồng cảm thương yêu. Một con người nhẫn nhục, chịu đựng, sống ngay thẳng, trong trắng, thì mọi nỗi oan sẽ được sáng tỏ, ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác: Nàng rằng: “Lồng lộng trời cao, Hại nhân nhân hại, sự nào tại ta!” (K, c.2382) 89


Qua tòa án báo ơn báo oán của nàng Kiều và Từ Hải càng chứng tỏ, Nguyễn Du đi theo dòng triết lý đó. Nguyễn Du không tách rời đạo đức với cuộc sống, cho nên trong Truyện Kiều hình thành một quan niệm về đạo đức, về giá trị của người phụ nữ. Nguyễn Du đã đưa ra một mẫu người bị xã hội dồn nén lên đầu tất cả những sự nhục nhã ê chề, mà người đàn bà dưới thời phong kiến phải chịu đựng, nhưng cũng chính người phụ nữ ấy trong cuộc đời đắng cay vẫn giữ được đạo làm người, vẫn bảo vệ được nhân phẩm của mình, và trong hoàn cảnh của mình đã hành động một cách xứng đáng được mọi người đồng tình (trừ khi Kiều khuyên Từ Hải ra hàng). Trong cuộc báo ơn báo oán, Từ Hải ngồi giữa “Trướng hùm” cùng với Thúy Kiều, Từ Hải tin tưởng, yêu quí tài sắc của Kiều và chính thức phát biểu: Từ rằng: Ân oán hai bên, Mặc nàng xử quyết báo đền cho minh (K, c.2320) Sau lời nói của Từ Hải, giữa thanh thiên bạch nhật, Thúy Kiều làm chủ cái tòa án xã hội ấy, nàng kiêu hãnh tự giới thiệu về quãng đời từ nô lệ xác thịt và tinh thần đến địa vị làm chủ của mình: "Hoa nô kia với Trạc Tuyền cũng tôi" (K, c.2344). Với tư thế chính nghĩa, với tư thế của người chiến thắng, nàng Kiều tuyên bố thực hiện công lý một cách dứt khoát: "Báo ơn rồi sẽ trả thù" (K, c.2323). Ở đây, Nguyễn Du hòa lẫn triết lý “mệnh trời” của Nho giáo: Cho hay muôn sự tại trời, Phụ người chẳng bõ khi người phụ ta! (K, c.2392) Với triết lý nhân quả của Phật giáo: Những người bạc ác tinh ma, Mình làm mình chịu kêu mà ai thương! (K, c.2394) Đặc biệt nổi bật nhất là, Nguyễn Du say sưa với triết lý hành động của nhân dân, một triết lý công bằng, giàu tính nhân văn, hợp lẽ tự nhiên. Và triết lý này đã tác động mạnh mẽ đến hai triết lý trên: Ác giả ác báo vần xoay, Hại nhân nhân hại xưa nay lẽ thường. “Lẽ thường” mà Kiều vẫn nhớ, là lẽ sống trong dân gian: 90


Ơn ai một chút chẳng quên, Oán ai một chút để bên dạ này. Cho nên mở đầu cuộc trả ơn báo oán, Thúy Kiều đa tạ những người đã cưu mang mình. Thúy Kiều một con người đa sầu, đa cảm có thể tuôn lệ “khóc người đời xưa”, một con người không phải sinh ra là để hành hạ, trả thù người khác, nhưng vì thói đời còn nhiều bạc ác, ranh ma nên cần có sự trừng trị những kẻ xấu, những thế lực hung tàn, lừa lọc đó. Cảnh tượng “Dưới cờ gươm tuốt nắp ra” biểu hiện chuẩn bị sẵn sàng đợi chờ trừng trị Hoạn Thư. Hoạn Thư, cô tiểu thư con quan Lại bộ, kẻ lừa dối, giày vò, đầy đọa Kiều đáng phải bị trị tội. Nhưng Kiều mở đầu cuộc gặp gỡ bằng câu nói mát: "Tiểu Thư cũng có bây giờ đến đây!" (K, c.2358). Nghe đến hai chữ “Tiểu Thư”, Hoạn Thư thấm thía, mỉa mai, xưa kia mình hành xử Kiều “Bắt khoan bắt nhặt đến lời”, “Làm cho đau đớn ê chề cho coi”, bây giờ mình phải “khấu đầu dưới trướng” của Kiều, người đã từng làm Hoa nô cho mình. Sau một hồi đấu lý quyết liệt giữa nàng Kiều và Hoạn Thư được Nguyễn Du mô tả một cách tài tình, uyển chuyển của mối quan hệ vừa căm thù vừa đồng cảm giữa hai tính cách của hai con người. Nguyễn Du đã mổ xẻ cái hiện thực oái oăm phức tạp của tâm lý con người: Rằng: “Tôi chút dạ đàn bà, Ghen tuông thì cũng người ta thường tình! (K, c.2366) “Thường tình” của “chút đàn bà”, của “thói hồng nhan”. Nó là một chân lý của lòng người phụ nữ mà dân gian ta vẫn thường nói: “Ớt nào là ớt chẳng cay, Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng”. Cái “lẽ thường” ấy không phải chỉ có ở Hoạn Thư, có ở mọi người phụ nữ, kể cả Thúy Kiều cũng nằm trong quỹ đạo ấy mà thôi. Với lời lẽ trần tình, với thái độ “khấu đầu dưới trướng”, Hoạn Thư nhận lỗi hết về mình: "Trót lòng gây việc chông gai" (K, c.2371). Tất nhiên, Thúy Kiều với bản chất con người trung hậu, tấm lòng nhân nghĩa, nàng liền nói: "Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen" (K, c. 2376) 91


Và Thúy Kiều xử sự phân minh, dứt khoát truyền lệnh tha bổng Hoạn Thư: "Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay" (K, c.2378). Đấy là triết lý hành động nhân đạo của nhân dân. Tâm lý những nhân vật chính trong Truyện Kiều là phản chiếu tâm sự Nguyễn Du, nghĩa là nỗi lòng - chí hướng, đau đớn và hy vọng. Nguyễn Du tự mình phủ định những quan điểm tôn giáo của chính mình và khẳng định giá trị chân thực chủ nghĩa nhân đạo của nhân dân. Triết lý chủ yếu của Truyện Kiều nằm ẩn dưới triết lý “mệnh”, “nghiệp” và được phát triển bởi triết lý hành động nhân đạo của nhân dân. Nguyễn Du là nhà thơ trữ tình tiến bộ đang tìm cách chống đối nhà triết học duy tâm, ánh sáng hiện thực đang xua đuổi triết lý thần bí, cái hợp lý ẩn dưới cái phi lý, nội dung xã hội dần dần lấn bước khái niệm siêu hình, văn học hình tượng chi phối cuộc xung đột bi kịch giữa cá nhân và xã hội, giữa quyền sống của nhân dân với những thế lực phong kiến hủ bại, suy đồi. Trong xung đột, trong đấu tranh, bài ca thắng lợi thuộc về lực lượng chính nghĩa và tiến bộ. Mọi người hồn nhiên, háo hức mê thơ Kiều, hồ hởi tiến lên làm chủ vận mệnh của mình. Trong Truyện Kiều, triết lý Phật giáo là tín ngưỡng thông thường của dân chúng, theo xu thế chủ nghĩa nhân đạo, gắn bó chặt chẽ với chủ nghĩa hiện thực, không còn thuần nhất lấy thiện trị ác một cách tuyệt đối như lời dạy của Phật. Qua tính chất không thuần nhất của triết lý Phật giáo trong Truyện Kiều, chúng ta thấy trí tưởng tượng định mệnh cũng như tư tưởng tài - mệnh - tâm vừa day dứt lòng mà lại dễ bác bỏ, dễ phủ định bởi cái xã hội của nó. Ở Truyện Kiều quan hệ giữa người và người là những quan hệ xã hội gắn liền với vị trí xã hội, với tâm lý riêng của từng người. Tất cả những điều liên quan ấy tạo tiền đề cho chúng ta tìm đến những mâu thuẫn phức tạp trong nhân vật Thúy Kiều, trong thế giới quan phức tạp của Nguyễn Du, để rồi xác định chân giá trị Truyện Kiều là chủ nghĩa nhân đạo của nhân dân ta. Chú thích: (1) Hoàng Ngọc Hiến: Triết lý Truyện Kiều, in trong Nguyễn Du về tác giả và tác phẩm, Nxb. Giáo dục,1998, tr.546. (2) Nguyễn Khánh Toàn:Nguyễn Du et son temps, Etudes Vietnamienes, Avril(tháng 41995), tr.16. (3)(4) Daisetz Teitaro Suzuki: Thiền luận, quyển trung, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh,1992, tr.403. (5) Trần Trọng Kim: Lý thuyết Phật học trong Truyện Kiều, in trong Nguyễn Du về tác giả và tác phẩm, Nxb. Giáo dục, 1998, tr.275. (6)(7) Cao Huy Đỉnh: Triết lý đạo Phật trong Truyện Kiều, in trong Nguyễn Du về tác giả và tác phẩm, Nxb. Giáo dục, 1998, tr.560; 561. 92


(8) Hoàng Ngọc Hiến, Bđd, tr.548./. (Tạp chí Hán Nôm, Số 5(102) 2010; Tr.56-66)

TÂM THIỀN NGUYỄN DU QUA THƠ CHỮ HÁN Lê Thu Yến TÓM TẮT Thơ chữ Hán Nguyễn Du đã có nhiều công trình nghiên cứu; tuy nhiên, do nội dung phong phú, đề tài đa dạng nên vẫn còn nhiều vấn đề chưa khai thác hết. Nguyễn Du học nhiều hiểu rộng, thông suốt Nho, Phật, Đạo, đặc biệt là với đạo Phật. Ông đã viếng nhiều cảnh chùa, đã đọc kinh Kim Cang hơn nghìn lần, đã hiểu sâu về Phật đạo nhưng ông vẫn đi theo con đường riêng của mình chứ không đi theo con đường của Phật. Bài viết này giới thiệu cách nhìn của Nguyễn Du về Phật giáo qua thơ chữ Hán của ông Trong thơ chữ Hán, Nguyễn Du thường ít phát biểu quan niệm của mình về đạo Phật một cách rõ ràng như một số tác giả khác. Chúng ta thấy Trần Quang Triều khi viết về một cảnh chùa: Tâm khôi oa giác mộng Bộ lí đáo thiền đường. (Đề Gia Lâm tự) (Lòng nguội lạnh với giấc mơ đua chen danh lợi Dạo bước đến cửa thiền) Trong đó bộc lộ rõ ý hướng giác ngộ đạo Phật trước phong cảnh thanh tịnh của chùa chiền. Hay Huyền Quang, Thiền tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm, trong thơ mình cũng đã thể hiện tinh thần vong ngôn: Vương thân vương thế dĩ đô vương Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật Cúc hoa khai xứ tức trùng dương. (Cúc hoa II) (Quên mình, quên đời, quên tất cả 93


Ngồi lâu lặng lẽ, một giường thấm lạnh Cuối năm ở trong núi không có lịch Nhìn hoa cúc nở biết đã đến tiết trùng dương) Ngay cả Nguyễn Trãi cũng đã có những giây phút “quên” thể hiện đúng chất thiền: Cá trung chân hữu ý Dục ngữ hốt hoàn vương. (Tiên Du tự) (Trong cảnh ấy thực có ý Muốn nói ra bỗng lại quên) Nguyễn Du trong Truyện Kiều có nhắc đến một số khái niệm liên quan đến nhà Phật như: duyên, nghiệp, phúc, họa, thiện căn… Còn trong thơ chữ Hán, ngoài bài Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài trực tiếp phát ngôn về đạo Phật còn lại ít thấy ông nhắc đến các khái niệm của nhà Phật. Tuy nhiên chất thiền bàng bạc trong nhiều bài thơ cảm tác của ông trong nhiều thời điểm khác nhau: khi tâm sự với bạn, khi tiễn bạn lên đường nhận nhiệm vụ mới, khi đi thăm viếng các ngôi chùa cổ, khi đi đường trong đêm, thôn xóm về đêm… Có khi chỉ là một thời khắc bình thường nào đó cũng khơi gợi nơi ông chút ý vị thiền. Cho nên có nhà nghiên cứu cho rằng Nguyễn Du là một bậc hành giả tu thiền. Điều này có chính xác không? 1. Hình như trong cuộc sống của ông, cái duyên đưa ông đến với Phật cũng không nhiều, nhưng có lẽ do ảnh hưởng khá sâu từ công phu học tập của ông từ nhỏ. Đất nước ta thế kỉ XVIII- XIX có nhiều nho sĩ học giỏi, kiến thức rộng. Ngoài Nho học, họ còn hiểu biết nhiều và rất tinh thông Phật và Đạo. Đạo Phật ở nước ta đã từng là quốc giáo do đó ít nhiều ảnh hưởng đến tầng lớp sĩ phu phong kiến. Đạo Phật từ bi hỉ xả giúp đời cứu người như một chân lí tác động mạnh đến mọi tầng lớp. Chính vì thế dù học Nho trong thời điểm Nho học lên ngôi, nhưng đạo Phật vẫn có sức níu giữ sự tin tưởng lớn lao trong số đông tầng lớp nhân dân. Chùa trong thời điểm này được dựng lên khá nhiều, nhà Nguyễn ủng hộ Phật giáo. Nguyễn Ánh trước khi lên ngôi năm 1802 thì đã có một số lần lánh nạn tại nhiều ngôi chùa ở Đàng Trong. Và khi lên ngôi ông đã nhiều lần cho thỉnh Đại tạng, xây dựng nhiều ngôi chùa lớn ở Huế (Báo quốc, Thiên Mụ, Thuyền Tôn…). Nhiều quan chức triều Nguyễn cũng đã giao du với các thiền sư lúc bấy giờ. Nguyễn Du có lẽ cũng như vậy. Trong bài thơ Đề Nhị Thanh động, Nguyễn Du đã nói: 94


Mãn cảnh giai không hà hữu tướng Thử tâm thường định bất li thiền. (Mọi cảnh đều là không thì làm gì có tướng Tâm này thường định không rời xa đạo thiền) Ý thơ này chứng tỏ ông quan tâm nhiều đến đạo Phật, và trong nhiều ngã đường học đạo, ông cố níu giữ tâm mình thường định không xa đạo thiền. Cho nên, đây không thể là một phát ngôn không có sự nghiền ngẫm. Lòng tự dặn lòng như vậy thì chắc chắn ông không quên được điều mình tâm niệm, theo đuổi. Trong một số bài thơ khác ít nhiều ông đề cập tấm lòng tự nhiên thư thái như không như là một mong muốn, ao ước: Diệp lạc hoa khai nhãn tiền sự Tứ thời tâm kính tự như như. (Tạp thi II) (Lá rơi hoa rụng việc trước mắt Bốn mùa tấm lòng như gương vẫn tự nhiên thư thái như không) Hoặc làm thế nào để không có việc gì bận đến tâm linh trong sáng: Tiễn sát bắc song cao ngọa giả Bình cư vô sự đáo hư linh. (Kí hữu) (Thèm chết đi được như người nằm khểnh bên song cửa sổ phía Bắc Thường ngày không có việc gì bận đến tâm linh trong sáng) Và ông cố giữ điều đó. Nếu có phải ra ngoài nơi gió bụi hoặc phải va chạm hay đi trong sương đêm thì ông vẫn muốn mình giữ thân mình được trong sạch: Mạc mạc trần ai mãn thái không Bế môn cao chẩm ngọa kì trung. (Kí hữu) (Bụi trần mù mịt đầy bầu trời Đóng cửa đầu gối cao nằm trong nhà) Cuộc đời đầy ô trọc nhơ đục, ông muốn ẩn mình để khỏi rơi vào gió bụi mờ mịt như thế. Có thể Nguyễn Du mong muốn rằng con người mình được rong chơi trong 95


một thế giới yên tĩnh tuyệt đối như Bát Nhã tâm kinh đã nói: “Tâm trí huệ thinh thinh rộng lớn/ Sáng trong ngần chẳng bợn mảy trần…/…Vận tâm ấy lặng trong sáng suốt /Cõi bờ kia một bước đến nơi”. Cho nên ông tuyệt đối không để cho trần cấu nhơ đục có thể nhiễm vào người mình: Vị hữu văn chương sinh nghiệp chướng Bất dung trần cấu tạp thanh hư Tam lan song hạ ngâm thanh tuyệt Điểm điểm tinh thần du thái sơ. (Ngọa bệnh I) (Chưa từng có văn chương nào sinh ra nghiệp chướng Không cho bụi bặm lẩn vào hồn trong trẻo Dưới cửa sổ trồng nhiều lan, tiếng ngâm nga vừa dứt Tinh thần dần dần xa chơi trong cõi thái hư) Ông luôn lo lắng bất an khi cuộc sống này dẫy đầy trần ai ô tạp và ông quyết tâm không để cho tâm hồn mình vướng vào thế giới ô trọc ấy hoặc bị nó làm cho thay đổi dần khi phải sống cùng với nó: Bất sầu cửu lộ triêm y duệ Thả hỉ tu mi bất nhiễm trần. (Dạ hành) (Không buồn sương đêm thấm ướt vạt áo Hãy mừng là mày râu không nhuốm bụi) Những lúc như thế này rõ ràng suy nghĩ của ông đậm chất thiền. Ông mong muốn cảnh giới ngoài kia không ảnh hưởng đến ông và nếu có thể thì cần cắt đứt mọi duyên trần để ông có thể tự do tự tại theo ý mình. Và có lúc ông cũng tự nhận ra cái điều mà lâu rồi ông luôn vướng mắc: Lão khứ vị tri sinh kế chuyết Chướng tiêu thời giác túc tâm không. (Thôn dạ) (Già đến rồi chưa biết mình vụng đường sinh kế Lúc nghiệp chướng tiêu mới biết cái tâm vốn là không)

96


Cái tâm vốn là không nhưng do mình vụng đường sinh kế, nhiều nghiệp chướng nên đã không nhận ra. Theo Bát Nhã tâm kinh: “Sắc, không chung ở một nhà/ Không chẳng khác sắc, sắc nào khác không/ Ấy sắc tướng cũng đồng không tướng” Những điều trên đây Nguyễn Du phát biểu như một người muốn gạt bỏ tất cả những suy tư, những ưu sự để tìm đến một cõi riêng, như không muốn bị trói buộc bởi những mối nhân duyên dù tốt đẹp hay đớn đau để tâm hồn thực sự lâng lâng với trời mây, như muốn không nhìn thấy việc đời sớm nở hay tối tàn để cõi lòng không còn vướng bận… Nhưng có thật như thế không? 2. Dù ông đọc kinh Kim Cang hàng vạn lần trong cuộc đời, dù lòng ông cố giữ thường định không rời xa đạo thiền, dù ông rất hiểu kinh không chữ mới thật là chân kinh… thì ông vẫn là ông giữa cuộc đời trần trụi, ông đóng cửa nhưng lòng ông vẫn dõi theo cuộc đời ngoài kia. Cuộc đời ấy không phải là cuộc đời sôi động nhộn nhịp mà người ta theo đuổi, ước ao chiếm hữu hoặc làm chủ được nó, mà đó là một cuộc đời đầy dẫy những hận thù, tham lam, chém giết, hãm hại, sát phạt… và thế gian này còn biết bao người dân phải hứng chịu những đau khổ triền miên ấy. Với cuộc đời như vậy, và với thân phận một nhà Nho thì ông đã làm được gì cho non sông đất nước này? Với cuộc đời như vậy thì một tâm hồn nhạy cảm đau đời, như dây đàn lúc nào cũng rung lên những âm thanh thống thiết, ông đã làm gì để cuộc đời này thôi bớt những dằn vặt, day dứt, khổ đau? Nếu hiểu và chấp nhận cuộc sống này là vô thường như lí lẽ của nhà Phật, mà vô thường cũng là hằng thường thì có lẽ Nguyễn Du không đau lòng, không day dứt, không băn khoăn về nhiều lẽ đời như vậy. Tuyệt đối hóa cuộc sống trong khi cuộc sống vốn có rồi không, hưng rồi phế, cười rồi khóc… thì người ta sẽ cảm thấy hụt hẫng biết bao nhiêu. Nguyễn Du không tuyệt đối hóa cuộc sống, vì cuộc đời đâu đã chút nào được bình yên để mà mong ước được với tới một mức cao hơn, một lộ trình tốt đẹp hơn. Ông chỉ mong ước sao cho đời bớt điêu linh, sao cho con người bớt đau khổ. Biết đời là bể khổ nhưng ông không chấp nhận điều đó ông muốn thế giới này phải yên vui, con người phải được tận hưởng niềm vui sống. Ông tâm niệm mình phải làm điều gì cho ước muốn đó nhưng thời thế đã không chọn ông. Xung quanh ông, người hành khất, người chạy loạn, người phu xe vất vả, người hái củi đói nghèo… tràn ngập, người phụ nữ tài hoa mà bạc mệnh, người hiền người tài bị vùi dập… còn tràn lan, nhan nhản khắp nơi… mà ông không làm gì được. Như vậy làm sao ông có thể an tâm để mà rong chơi trên cõi thái hư, làm sao cái tâm có thể thư thái như không được? Nếu được làm một Bồ tát chắc Nguyễn Du cũng nguyện mình trước khi thành Phật sẽ làm cho bao linh hồn hết khổ sở đớn đau giống như Bồ tát Địa Tạng đã phát nguyện: “Kể từ nay cho tới trăm ngàn muôn ức kiếp về sau, hễ nơi nào có thế giới còn có các 97


chúng sanh chịu tội khổ nơi địa ngục cùng 3 cõi ác, con nguyện sẽ cứu vớt và làm cho tất cả đều xa lìa các nẻo ác… Những kẻ mắc tội báo như thế thành Phật cả rồi thì sau đó con mới thành chánh giác” (Trích Kinh Địa tạng Bồ tát bổn nguyện, phẩm thứ tư). Ai cũng hiểu để trở thành Phật phải trải qua bao nhiêu kiếp tu hành và đạt được từng bước những quả vị nào đó. Nếu muốn thành Phật thì ngài Địa Tạng đã có thể thành Phật từ bao nhiêu kiếp trước nhưng vì thương xót chúng sinh còn chịu nhiều khổ nạn nên ông mới nguyện làm thế nào cho họ quy kính Tam Bảo, vĩnh viễn xa lìa sinh tử, đến được Niết bàn an lạc, khi đó Ngài mới thành Phật. Đó là một hạnh nguyện độ sanh lớn lao cao cả mà không biết đến trăm ngàn, muôn, ức kiếp nào mới có thể đạt thành được. Sẽ là khập khiễng khi so sánh nhưng Nguyễn Du cũng có ước ao lớn tương tự như vậy. Mối lo của ông là mối lo nghìn năm “Thiên tuế trường ưu vị tử tiền” mà. Mong muốn của ngài Địa Tạng và tư tưởng của Nguyễn Du có thể cùng chung đích đến nhưng con đường đi của họ không giống nhau. Ngài Địa Tạng đang thực hiện sứ mệnh của mình, còn Nguyễn Du chỉ mới đang lần dò tìm kiếm và chắc cũng không tìm ra một hướng đi nào rõ ràng cho mình. Ông chỉ biết đem hiểu biết, tài năng của mình để giúp đời theo khả năng có thể. Nguyễn Du hiểu biết về phật pháp qua kinh Kim Cang, Bát Nhã tâm kinh, qua thiền định… không có nghĩa là ông bước chân vào cõi Phật như một bậc hành giả tu thiền, Đến với thế giới này, đôi khi ông còn chưa xác định mình là ai, trong cõi ta bà này ông cũng còn lơ ngơ đứng ở ngã ba đường, còn không xác định được đâu là thực đâu là mộng: Tri giao quái ngã sầu đa mộng Thiên hạ hà nhân bất mộng trung. (Ngẫu đề) (Bạn bè thân thiết lấy làm lạ rằng sao ta hay sầu mộng Nhưng thiên hạ ai là người không ở trong mộng?) Riêng khía cạnh sầu mộng này cũng đã lí giải Nguyễn Du không thể đi theo trọn con đường của Phật. Nguyễn Du có cái lo của người lo trước nỗi lo của thiên hạ, giống như Nguyễn Trãi, nhưng có lẽ còn ẩn tiềm và lặng sâu hơn nữa đó là nỗi đau đời động thấu tận tim gan, máu thịt mới có được những vần thơ quặn thắt, đau đớn như máu chảy trên đầu ngọn bút. Cùng là một Nguyễn Du, có thể là một Nguyễn Du bình thường có sự gần gũi thân thương với bao kiếp người dưới đáy của xã hội; có thể là một Nguyễn Du với tầm vóc nhân văn, nhân đạo cao vời vượt ra ngoài đời sống hiện thực, hay cũng có thể là một Nguyễn Du với những mong ước, khao khát thoát khỏi vòng cương tỏa để 98


được thăng hoa đến một đỉnh trời nào đó tự do, tự tại, nhẹ như nước mây, thong dong như gió ngàn. Có lẽ là như vậy, có nhiều Nguyễn Du trong một Nguyễn Du. Ông là một nhà Nho với ý hướng giúp đời, giúp người (Thái Bình mại ca giả, Sở kiến hành, Trở binh hành), ông là một đạo sĩ muốn cưỡi mây một mình lên tiên (Hoàng Hà) và ông cũng là một người biết hành thiền (Tạp thi, Đề Nhị Thanh động). Thơ ông phong phú, đa dạng, nhiều mặt, trải rộng và khơi sâu phản ánh nhiều vấn đề của thời đại ông. Thiền chỉ là một mặt, một vấn đề. Làm sao chúng ta không hiểu được sự khát khao trong ông khi ông trải nghiệm bản thân mình trong ba động của cuộc đời, trong vòng kềm tỏa của hiện thực mà vẫn ngưỡng vọng về một cõi thái hư với tấm lòng thản nhiên như không. Đó chỉ là mong ước, một mong ước thật đẹp mà có lẽ chẳng bao giờ thành hiện thực. Điều đó giải thích vì sao trong thơ ông, chúng ta thường thấy hình ảnh ông chài gối đầu ngủ trên chiếc thuyền lẻ loi dưới trăng: Đoản soa ngư chẩm cô chu nguyệt. (Hoàng Mai kiều vãn diểu) (Ông chài gối đầu trên chiếc áo ngắn trong con thuyền lẻ loi dưới trăng) Hay ông già nằm ngủ khi sắc đêm phủ lên bức rèm: Thanh Thảo thôn tiền ngọa lão ông Giang Nam dạ sắc thướng liêm lung. (Thôn dạ) (Trước thôn Thanh Thảo một ông già nằm Sắc đêm ở phía Nam song phủ lên bức rèm cửa) Vị sư già ngủ yên trong mây núi Hồng: Lão nạp an miên Hồng Lĩnh vân Phù âu tĩnh túc noãn sa tân. (Dạ hành) (Vị sư già ngủ yên trong mây núi Hồng Chim âu yên ngủ đêm trên bãi cát ấm) Hay nhà sư trên núi ngồi trước trúc:

99


Sơn tăng đối trúc lưỡng vô dạng Mục thụ ki ngưu nhất bất như. (Lạng sơn đạo trung) (Nhà sư trên núi ngồi trước trúc, cả hai đều bình thường Trẻ mục đồng cởi trâu ung dung là một điều ta chẳng bằng) Và vị sư triều trước già trong mây trắng: Tiên triều tăng lão bạch vân trung. (Vọng Thiên Thai tự) (Vị sư triều trước già trong mây trắng) Một nhà sư nằm ngủ vô tư trong mây trắng phủ dày: Cổ tự vô danh nan vấn tấn Bạch vân thâm xứ ngọa sơn tăng. (Thương Ngô trúc chi ca IV) (Chùa cổ không có tên, khó hỏi thăm Trong tầng núi cao đầy mây trắng che dày, có nhà sư nằm ngủ) Hay vị sư nằm yên giấc lúc mây ngừng trôi: Đình vân xứ xứ tăng miên định Lạc nhật sơn sơn viên khiếu ai. (Vọng Quan Âm miếu) (Chốn chốn mây ngừng trôi, sư nằm yên giấc Núi núi bóng chiều rơi, tiếng vượn kêu thương) Những bậc cao nhân ẩn sĩ hay những nhà sư trong núi đều có chung trạng thái vô sự, vô ưu… đỉnh cao của sự thoát tục miên viễn. Với Nguyễn Du, đó là lí tưởng mà ông hằng ao ước. Hình như ông mong muốn mình đạt đến cái vô sự, vô ưu… của các vị sư hay các cao nhân kia nhưng thực tế sự đời luôn níu kéo ông và làm cho ông nặng lòng, đau đớn, day dứt, khắc khoải... Làm sao ông có thể buông bỏ được. Mong là mong thế thôi, ông là con người của sự triền miên suy tư không dứt, làm sao có thể đạt đến trạng huống như trên. Ông luôn có một nỗi niềm không biết bày tỏ cùng ai “Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ”, có một mối u sầu chưa từng một lần được mở ra “Nhất sinh u tứ vị tằng khai”, có trăm nỗi u 100


hoài không dứt ra được “Bách chủng u hoài vị nhất sư”… Cái quan trọng là ông không thể không quan tâm, không thể không day dứt thì làm thế nào có thể yên lòng mà hòa vào mây trắng, chìm ngập trong lá vàng cùng cỏ cây mây nước cho được. Hình ảnh những ngôi chùa ngàn năm mây phủ hay như vùi trong lá vàng vẫn là hình ảnh vừa hiện thực vừa huyễn mộng như một cõi nào trong mơ mà con người mong đạt đến: Cổ tự thiên niên không mộ vân (Vọng Tương Sơn tự) (Ngôi chùa cổ ngàn năm luống phủ mây chiều) Cổ tự thu mai hoàng diệp lí (Vọng Thiên Thai tự) (Mùa thu chùa cổ như vùi trong lá vàng) Hình như nó hiện hữu ở một thế giới xa xăm nào, vừa như có, vừa như không, rất khó nắm bắt. Có phải đó là thế giới trong tiềm thức Nguyễn Du do dấu ấn Phật giáo mang lại. Vị sư già chìm trong mây trắng, giấc ngủ êm không vướng bận nghiệp chướng trần ai, giấc ngủ sâu chứng tỏ cái tâm rỗng không, thanh tịnh không sân hận, mê si, giấc ngủ nhẹ nhàng không gợn đục, êm ái, rũ hết phong trần… đó là điều mà những bậc hành giả tu thiền hằng ngày trải nghiệm. Nguyễn Khuyến cũng đã từng mơ về một không gian như thế: Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá/ Sư cụ nằm chung với khói mây (Nhớ cảnh chùa Đọi). Nguyễn Du dù muốn lắm nhưng ông vẫn cảm thấy mình không đạt được những điều mà mình hằng nguyện ước: Khả liên bạch phát cung khu dịch Bất dữ thanh sơn tương thủy chung. (Vọng Thiên Thai tự) (Khá thương mình đầu bạc rồi vẫn phải chịu để người sai khiến Không cùng với núi xanh giữ được thủy chung) Những mong muốn ấy cứ theo mãi theo hoài trong tâm trí Nguyễn Du: Tùng hoa bách tử khẳng hứa thực Bạch đầu khứ thử tương an quy. (Hoàng Mai sơn thượng thôn) (Hoa tùng, hoa bách mà ăn được Khi đầu bạc không về đây thì về đâu?) 101


Nguyễn Du rất biết những phiền lụy của cuộc đời, những khổ đau thuộc thân kiếp thường là do con người cố bám chắc vào cái “sắc”, cái “hữu”, là do còn chấp nê vào chuyện “có”, “không”. Con người cần phải trở về với chính mình, với bản lai diện mục của chính mình. Đó là biết, là ý thức nhưng biết và ý thức là một chuyện, còn thực tế là lại là chuyện khác. Cả cuộc đời ông kinh qua những điều trông thấy, ông chứng kiến cảnh trần gian dâu bể, cảnh đau khổ của mọi kiếp người, cảnh tang thương đói khát, cảnh sống dật dờ lang thang đầu sông cuối bể… điều đó đã làm cho ông day dứt, làm cho ông “vô bệnh cố câu câu” không có bệnh mà lưng cứ phải cúi khom khom để có thể âm thầm thực hiện được phần nào lí tưởng chưa đạt thành của mình. Và những mong muốn, khao khát mãi là những mong muốn, khát khao… Tu, đơn giản là sửa, thiền định là một cách để sửa tâm. Nguyễn Du chọn kinh Kim Cang cho mình có lẽ cũng để làm lắng đọng cái vọng tâm luôn bất an của mình. Đọc kinh là một trong những cách tu thiền định trong đạo Phật với mục đích làm cho cái tâm của mình nguôi dần những ưu tư, lo lắng, hoặc những tạp niệm do thân tạo tác chuyển dần sang tâm trong sáng, vô ưu, vô sự. Bài Đạo ý cho chúng ta thấy rõ điều đó: Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh Tỉnh thủy vô ba đào Bất bị nhân khiên xỉ Thử tâm chung bất dao Túng bị nhân khiên xỉ Nhất dao hoàn phục chỉ Trạm trạm nhất phiến tâm Minh nguyệt cổ tỉnh thủy. (Trăng sáng chiếu giếng xưa/ Nước giếng không gợn sóng/ Không bị người khuấy động/ Tâm này thật chẳng động/ Nếu bị người khuấy động/ Lay động rồi lại lặng yên/ Một tấm lòng thanh trong/ Như trăng sáng soi giếng xưa) Bản chất của nước giếng vốn là trong lặng, thanh sạch. Không bị người khuấy động, nước bình lặng, an yên. Khi bị người khuấy động, nước lay chuyển gợn sóng và sau đó lại trở về yên lặng. Tấm lòng con người cũng vậy, có vọng động, chao đảo, ngả nghiêng nhưng rồi cũng trở về với bản chất yên lặng, thanh tịnh. Tâm không dao động trước mọi duyên thì tâm sẽ như ánh trăng, chiếu sáng khắp cả. Nguyễn Du sống như 102


vậy, bình lặng thanh sạch mà đi hết kiếp người. Còn nếu buông bỏ hoặc làm ngơ với cuộc đời đầy khổ đau, uất hận nhưng cũng lắm yêu thương này thì có lẽ Nguyễn Du không làm được. Sợi tóc bạc trên đầu mỗi ngày qua bạc thêm, làm ưu tư thêm lòng người khách nổi trôi phiêu dạt. Thanh sam tẩu biến hồng trần lộ. (Đồng Lư lộ thượng dao kiến Sài sơn) (Chiếc áo xanh đi khắp đường bụi hồng) Bạch đầu thiên lí tẩu thu phong. (Nhiếp khẩu đạo trung) (Mái đầu bạc vẫn lặn lội trong gió thu ngoài nghìn dặm) Gần 60 lần trong 250 bài thơ chữ Hán Nguyễn Du đã nói đến đầu bạc, điều đó chứng tỏ trong con người ông nỗi lo cho người, cho đời là nỗi lo bạc tóc không thể rũ bỏ được. Bước chân của ông là bước chân lặn lội kiếm tìm sự bình yên nhưng không phải cho cá nhân mình mà là cho cả đời này. Có thể có sự trùng khít với lí tưởng của đạo Phật nhưng Nguyễn Du vẫn chọn đi con đường của riêng mình. Những điều ông trông thấy làm cho ông đau đớn lòng và mãi vẫn là như vậy. Khổ đau là có thật, nỗi đau đời vẫn hiện hữu trong con người ông, nỗi lo nghìn năm “thiên tuế trường ưu” vẫn là nỗi ám ảnh không nguôi. Nguyễn Du chưa từng phát ngôn đời là bể khổ hay cuộc sống vô thường, ông cũng chưa bao giờ nhận mình là một Phật tử hay một hành giả tu thiền nhưng ông đã đọc kinh Kim Cang hơn nghìn lần, đã thấu hiểu được chân lí nhà Phật, đã từng ao ước có được cuộc sống vô ưu, vô sự của các nhà sư trong núi… Ông đã từng mượn tay người tu hành để thả một bè lau cứu người trong Truyện Kiều, đã từng thay mặt nhà Phật đem tư tưởng từ bi bác ái để cứu vớt những cô hồn trong Văn chiêu hồn, cũng đã từng mang tâm thiền thả hồn mình miên man vào những cõi, những miền thoát tục trong thơ chữ Hán… Nhưng hơn hết, ông vẫn bước đi trên đôi chân trần tục của mình, trên con đường khúc khuỷu chông chênh của đời mình và mãi ông không thực hiện được điều tốt đẹp nhất mà ông hằng mong ước. TÀI LIỆU THAM KHẢO Nguyễn Phạm Hùng. (29/12/2010). Tìm hiểu tư tưởng Phật Giáo của Đại thi hào Nguyễn Du (Tạp chí Nghiên cứu Phật học). Truy cập: http://thuvienhoasen.org/a8360/tim-hieu-tu-tuong-phat-giao-cua-dai-thi-hao-nguyendu Đại Lãn. (03/12/2013). Nguyễn Du và Phật giáo. Tạp chí Sông Hương, Truy cập: 103


http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p75/c143/n13495/Nguyen-Du-Phat-giao.html Lê Thái Phong. (21/3/2015). Triết lí về Phật giáo của Đại thi hào Nguyễn Du. Báo Nghệ An, Truy cập: http://www.baonghean.vn/xa-hoi/van-hoa/201503/triet-ly-ve-phat-giao-cua-daithi-haonguyen-du-2526093/ Lê Văn Quán. (2010). Góp phần tìm hiểu triết lí đạo Phật trong Truyện Kiều. Tạp chí Hán Nôm, Số 5(102), trang 56-66. Lê Thu Yến. (1999). Đặc điểm nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du, NXB Thanh niên.

ĐỌC THƠ CHỮ HÁN CỦA NGUYỄN DU Thích Nguyên Hiền

Học giả Mai Quốc Liên có lần viết : "Thơ chữ Hán Nguyễn Du là những áng văn chương nghệ thuật trác tuyệt, ẩn chứa một tiềm năng vô tận về ý nghĩa. Nó mới lạ và độc đáo trong một nghìn năm thơ chữ Hán của ông cha ta đã đành, mà cũng độc đáo so với thơ chữ Hán của Trung Quốc nữa". (*) Truyện Kiều là một kiệt tác của Nguyễn Du, là linh hồn của văn học Việt Nam, điều đó hẳn không ai dám phủ nhận. Cũng bởi giá trị có một không hai của nó mà khi nói đến Nguyễn Du, người ta nói ngay đến Truyện Kiều. Do vậy ít người để ý đến phần còn lại trong văn nghiệp của ông. Thực ra, Truyện Kiều là tác phẩm diễn nôm, nói theo cách của một nhà nghiên cứu, "lỡ tay" mà thành kiệt tác, còn thơ chữ Hán mới đích là sáng tác, nên xem nó là phát ngôn viên chính thức của Nguyễn Du. Học giả Mai Quốc Liên có lần viết : "Thơ chữ Hán Nguyễn Du là những áng văn chương nghệ thuật trác tuyệt, ẩn chứa một tiềm năng vô tận về ý nghĩa. Nó mới lạ và 104


độc đáo trong một nghìn năm thơ chữ Hán của ông cha ta đã đành, mà cũng độc đáo so với thơ chữ Hán của Trung Quốc nữa". (*) Quả đúng như vậy. Người viết bài này đã có may mắn được đọc hết gần 250 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du, trong lòng bội phần kính phục. Xin góp nhặt đôi vần để phát họa vài nét về nhân cách, tấm lòng và tư tưởng của bậc Đại thi hào dân tộc. 1. Nhân cách của một kẻ sĩ Nguyễn Du sinh ra trong thời đại nhiễu nhương, chứng kiến bao nhiêu cảnh bọt bèo dâu bể. Triều Lê sụp đổ, 11 tuổi mồ côi cha, 13 tuổi mất mẹ, suốt thời trai trẻ ăn nhờ ở đậu, có lúc làm con nuôi người ta, "Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán", Nguyễn Du trải qua 10 năm gió bụi. Sau ra làm quan với triều Nguyễn, tâm hồn chàng trai xứ Nghệ đã thuộc về những con người đáng thương trong xã hội. Với một tấm lòng mẫn cảm, dào dạt yêu thương và vô cùng tinh khiết, những vần thơ chữ Hán của cụ Tiên Điền như những giọt lệ đầy bi tráng nhỏ xuống lòng đời trái đắng, vọng lên những âm thanh thống thiết mà vẫn hiên ngang một nhân cách phi thường. "Độc Tiểu Thanh Ký" có lẽ là bài thơ phát họa rõ nét nhất giọt lệ và nụ cười của một trang chí sĩ. Hãy đọc những câu cuối : "Cổ kim hận sự thiên nan vấn Phong vận kỳ oan ngã tại cư Bất tri tam bách dư niên hậu Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như". Nỗi hận xưa nay trời khó hỏi, nỗi oan ức của những người phong nhã "ta tự nai lưng ra cán đáng" (*). Chẳng biết 300 năm sau thiên hạ còn ai khóc cho Tố Như chăng ? Hương hồn Tố Như Tử nếu linh thiêng trở lại, chắc ông chẳng bận tâm làm gì cái chuyện "tam bách dư niên hậu" ! Điều đáng ray rức là thân phận con người, ta nên oán nó hay không nên oán nó ? Thân phận như bèo trôi giữa ba đào thế thái, Nguyễn Du không tự đánh mất mình hoặc ngồi ôm tay bó gối. Ông nhập thế một cách trọn vẹn, lòng hướng về những bậc tài danh kim cổ. Mỗi lúc gặp lại hình ảnh người xưa, ông luôn liên hệ đến mình, soi rọi lại chính mình để gọi về một chút niềm kiêu hãnh. Về văn chương, ông luôn xem Đỗ Phủ là bậc thầy thiên cổ. Niềm kính trọng ấy chưa từng thôi nghỉ : "Thiên cổ văn chương thiên cổ sư, Bình sinh bội phục vị thường ly". (Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng Mộ 1) 105


Hay : "Mỗi độc nho quan đa ngộ thân, Thiên niên nhất khốc Đỗ Lăng nhân". (Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng Mộ 2) (Mỗi lần đọc câu "Mũ áo nhà Nho thường làm lụy thân mình", lại một lần khóc thương người đất Đỗ Lăng sống nghìn năm trước). Khi nghĩ về Giả Thái Phó ở Trường Sa, Nguyễn Du có ý cho rằng mình là người nghìn năm sau hiểu lòng Khuất Nguyên hơn Giả Nghị. Tương Đàm với đây gần nhau chỉ trong gang tấc, sống cách nhau nghìn năm, gặp nhau mà hai bên không có gì trái nhau : "Tương Đàm chỉ xích tương lân cận Thiên cổ tương phùng lưỡng bất vi". (Trường Sa Giả Thái Phó). Khi đi sứ sang Trung Quốc, đến thăm mộ của Liễu Hà Huệ, ông viết : "Bi tàn một tự mai hoang thảo Thiên cổ văn phong nhất há xa". (Liễu Hà Huệ Mộ) (Bia tàn chữ mất vùi trong cỏ Ngàn năm nghe tiếng xuống xe chào). (*) Xuống xe để tỏ lòng tôn kính trước mộ của một tịnh nhân như Liễu Hà Huệ, đối với một vị sứ thần nhà Nguyễn như Nguyễn Du phỏng có mấy người ? Cũng với niềm kính trọng ấy, ông trách người đời không để tâm đến những bậc chí nhân ưu thời mẫn thế. Và ông cảm thương cho tấm lòng cô trung tiết liệt của Tam Lư Đại Phu Khuất Nguyên, khi những cái đỏm dáng bên ngoài đã gượng gạo bắt chước người xưa : "Thiên cổ thùy nhân lân độc tỉnh Tứ phương hà xứ thác cô trung Cận thời mỗi hiếu vi kỳ phục Sở bội tiêu lan cánh bất đồng". (Tương Đàm Điếu Tam Lư Đại Phu) (Nghìn xưa ai xót người thức tỉnh Khắp chốn gửi đâu một tấm lòng Thời nay kẻ thích trang phục lạ 106


Tiêu lan họ mặc chẳng giống ông). Đọc những câu thơ trên, thoạt nghe, ta ngỡ Nguyễn Du chỉ là người đa sầu đa cảm. Chính bạn bè ông cũng nghĩ như thế. Nhưng ngẫm cho cùng, cuộc đời là cuộc mộng, ai sống trong cõi đời này mà chẳng mộng. Ông tự bạch : "Tri giao quái ngã sầu đa mộng Thiên hạ hà nhân bất mộng trung". (Ngẫu Đề) Điều đáng nói là giữa chốn huyễn hóa tám vạn khói sương này, người mộng tự tìm cho mình một đời sống thanh tao, thoát tục, dẫu biết rằng cảnh phù sinh khó mà dứt đoạn. "Tiễn nhĩ dã âu tùy thủy khứ Phù sinh lao lục kỷ thời hưu". (Đồng Lung Giang) (Giá được như đàn âu lội nước Cõi đời lao nhọc lúc nào thôi). Hay : "Ná đắc khiêu ly phù thế ngoại Trường tùng thọ hạ tối nghi nhân". (Sơn Thôn) (Ước gì nhảy khỏi ra vòng tục Dưới bóng cây tùng thích biết bao). Có lúc, hình ảnh Đào Tiềm thong dong vô sự làm ông thèm thuồng ao ước : "Tiễn sát bắc song cao ngọa giả Bình cư vô sự đáo hư linh". (Ký Hữu) (Thèm được như người bên cửa Bắc (*) Ngày ngày chẳng việc bận đến tâm). Khác với người đồng thời và đồng hương với mình, Nguyễn Công Trứ thường nói : "Làm trai đứng ở trong trời đất Phải có danh gì với núi sông".

107


Đáng mặt anh hùng lắm ! Thì Nguyễn Du cũng chẳng ra làm quan đấy thôi ! Nhưng Nguyễn Công Trứ sau bao nhiêu năm "Xuống Đông Đông tĩnh, lên Đoài Đoài yên" lại thốt ra một câu vô cùng chua chát : "Trên trường danh lợi vinh liền nhục Giữa cuộc trần ai khóc lộn cười". Nguyễn Du thì "Giữa đường ngẫu hứng" đã ý thức rõ sự phù phiếm của cuộc đời. Cái nhìn của ông thật là tinh tế và sâu sắc : "Phục lạp tử tôn không loại tửu Thế gian phú quý đẳng phù vân Bách niên đáo để giai như thị Hồi thủ mang mang nhất phiến trần". (Đồ Trung Ngẫu Hứng) (Lễ bày rượu tưới phiền con cháu Chức trọng tiền nhiều mây hợp tan Kết cục trăm năm đều thế cả Ngoảnh trông một áng bụi mơ màng). (Ngô Linh Ngọc dịch) Ý thức sâu sắc cõi đời là giả tạm, Nguyễn Du tự vạch cho mình một lối về, một chốn về mà ở đó không còn những oái oăm phiền muộn, đơn sơ với hoa tùng quả bách, với mây trắng nước trong : "Tùng hoa bách tử khẳng hứa thực Bạch đầu khứ thử tương an quy". (Hoàng Mai Sơn Thượng Thôn) (Hoa tùng quả bách mà ăn được Đầu bạc về đây chứ về đâu ?) Còn biết bao nhiêu câu thơ nói về con người hồn hậu, trong sáng này. Những tưởng như bao nhiêu sĩ phu bất đắc chí giữa "Vạn lý lợi danh khu bạch phát", vay mượn một chữ Nhàn có vẻ rất trữ tình để thoa dịu những đớn đau thất bại trên đường đời. Nhưng Nguyễn Du khác họ nhiều lắm. Ông thèm được như Đào Tiềm, thương cảm Khuất Nguyên và kính trọng Đỗ Phủ, nhưng tư tưởng của ông thì không như họ. Ông có một niềm tin vững chắc ở bản tâm mình, và đó là niềm vui lớn nhất khi ông mang tất cả chí nam nhi trở về với những phút giây yên tĩnh. Thỉnh thoảng vụt lên trong thi ca những dòng chữ siêu thoát và thiền vị đến không ngờ : "Vô ngôn độc đối đình tiền trúc Sương tuyết tiêu thời hợp hóa long". 108


(Ký Hữu) (Lặng lẽ trước sân nhìn khóm trúc Tan tuyết rồi xem trúc hóa rồng). Cao Bá Quát một đời chỉ cúi đầu trước hoa mai (Nhất sanh đê thủ bái mai hoa). Còn Nguyễn Du thì có lần suốt 3 tháng chống chọi với cái rét ghê người để được nhìn thấy hoa mai nở trên đỉnh núi : "Nhương tận khổ hàn tam duyệt nguyệt Lĩnh đầu lạc đắc khán mai hoa". (Từ Châu Đạo Trung) Tôi đã vô tình liệt kê quá nhiều, hẳn có thể làm bạn khó chịu. Nhưng thiển nghĩ, mấy trăm bài thơ, bài nào cũng hay, câu nào cũng đẹp, tôi chỉ sợ để rơi rớt bao nhiêu châu ngọc khi vẽ lại một nhân cách, một tấm lòng ... Đôi vần vụng dại, ngâm lên cùng khói hương tưởng niệm, cung chiêu "Người cha tóc trắng" của văn học Việt Nam. 2. Nhân sinh quan của Nguyễn Du Nếu đặt vấn đề Nguyễn Du và Phật giáo, hẳn có người sẽ lên tiếng dị nghị : Suốt mấy trăm bài thơ, có chỗ nào Nguyễn Du nói đến Phật đâu ? Rồi người ta sẽ viện dẫn bao nhiêu từ ngữ trong thơ ông để cho rằng ông đã tìm đến Lão Trang, nào là "hạc hĩnh", "mã đề", nào là "hoạn hữu thân", "dưỡng chuyết", nào là "ngọa thính tùng phong hưởng bán vân", "sài môn trú tĩnh sơn vân bế"... Thực ra Nguyễn Du không muốn quên đời, Lão Trang trong ông chỉ là cốt cách của một Nho sĩ thức thời, và thường thì tư tưởng Lão Trang được thi nhân mượn để tỏ bày cái nội tâm trong sáng, thanh khiết giữa cuộc đời ô trược mà thôi. Làm sao một kẻ tự xưng là "Hồng sơn liệp hộ" (phường đi săn ở núi Hồng Lĩnh) lại có thể là đồ đệ Lão Trang ? Có chăng ông là một Nho sĩ. Ở thời đại Nho giáo độc tôn, ở thời đại mà cái học chỉ toàn là lý học, Nguyễn Du sẽ nói gì ? Viết gì ? "Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên, hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên". Hùng tâm và sinh kế, cả hai cái ấy hẳn đã làm ray rức hồn người lắm lắm ! Sau THANH HIÊN THI TẬP và NAM TRUNG TẠP NGÂM, Nguyễn Du viết BẮC HÀNH TẠP LỤC. BẮC HÀNH TẠP LỤC là đỉnh cao nghệ thuật trong văn nghiệp của ông. Trên đường đi sứ sang Trung Quốc, Nguyễn Du đã đến viếng hết di tích của các danh nhân kim cổ. Ông gửi gắm tâm sự mình qua những vần thơ, xẻ chia và cảm thông cũng những "người ngàn năm trước". Ông đã đánh giá nền văn hóa Trung Hoa cổ đại, từ Tiên Tần cho đến Đường Tống. Ông viết về Khuất Nguyên đến Đỗ Phủ, từ Tam Hoàng đến Tào Tháo ... Tất cả là một sự kính thương nhưng buồn giận, kính nhi viễn chi, rồi khái quát cuộc đời với những nhận định vô cùng bi tráng, vô cùng lạ lẫm : "Đại địa xứ xứ giai Mịch La" (*) 109


Khi đến thăm mộ Kỳ lân, một vật thiêng được người Trung Hoa xem là điềm báo Thánh nhân xuất thế, ông bảo nếu vậy thì thời ấy sao Kỳ lân không lượn chơi đất phương Nam : "Nhược đạo năng vị Thánh nhân xuất Đương thế hà bất Nam du tường". (Kỳ Lân Mộ) Rõ ràng, Nguyễn Du cũng thao thức với nỗi đau thế sự, cũng xót xa cùng đất nước nhiễu nhương. Nhưng ông tự nghĩ : Sao ta lại đem trong sạch hay tỉnh táo để nhìn đời, để phải như cánh bèo trôi dạt rất đáng thương : "Hà dĩ thanh tỉnh khan thế sự Phù bình nhiễu nhiễu cánh kham ai". (Lưu Linh Mộ) Ngôn ngữ là cửa ngõ của tâm hồn, nhưng chưa hẳn là chính tâm hồn ấy. Nói một cách khác, thi ca Nguyễn Du phơi bày một nhận thức sâu sắc về cuộc đời; và ẩn nấp sau những vần thơ mẫn cảm ấy là một chữ "Tâm" vô cùng sâu rộng, một tư tưởng vừa siêu thoát vừa hiện thực, vừa tích cực vừa khoan hòa, thấm đẫm vị Thiền Phật giáo. Ngôn ngữ thiên tài bao giờ cũng khiến người ta ngộ nhận. Nguyễn Du tự xưng mình là Hồng sơn liệp hộ, nhưng có phường săn nào lại có cái buồn và nỗi đau man mác đến dường ấy. Bi kịch và bi kịch cứ trùm lên bầu không khí thi ca Nguyễn Du, nhưng nỗi niềm riêng vẫn canh cánh bên lòng trang lữ thứ : "Vô cùng kim cổ thương tâm xứ Nhất phiến hàn thanh tống cổ kim". Văn thiêng không ở trong lời (Linh văn bất tại ngôn ngữ khoa), Nguyễn Du không hề nói đến Phật giáo, nhưng thái độ, quan điểm của ông luôn nhuốm đầy nhân sinh quan Phật giáo. Trước hết là nhận thức về Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã. Đâu đâu trong thơ ông cũng toát lên cái nhìn chín chắn, không hư dối về cuộc đời. Đó là sự thật về cái Khổ (Khổ đế), sự thật thứ nhất trong bốn sự thật mà một hành giả tu tập Phật giáo phải ý thức rõ ràng. Nguyễn Du hay nói về cái đầu bạc, ông có vẻ bị ám ảnh bởi sương tuyết thời gian phủ lên mái tóc xanh trai trẻ của mình. Lúc mới 30 tuổi Nguyễn Du đã viết : "Hư danh vị phóng bạch đầu nhân" (Mạn Hứng). Rồi suốt ba tập thơ, chỗ nào cũng thấy ông nói về mái đầu tóc trắng. Thảo nào đã có người gọi ông là "Người cha tóc trắng của thi ca và tư tưởng Việt Nam, ngồi im lặng trên mây núi Hồng, già với gió Thu ..."(*). Nhìn mình, nhìn người, nhìn đời, chỗ nào Nguyễn Du cũng thấy vô thường chi phối, toàn thể nhân sinh thế thái qua cái đầu bạc : 110


"Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên"... "Nại hà đầu dĩ bạch như ngân"... "Bạch phát thu phong không tự ta"... "Vạn lý lợi danh khu bạch phát"... "Nhất lộ giai lai duy bạch phát"... "Bạch đầu khứ thử tương an quy"... "Bạch đầu vô lại chuyết tàng thân"... "Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long" ... Còn rất nhiều những câu có chữ "bạch đầu", "bạch phát" như thế. Khỏi cần phải luận bàn, ta cũng đủ thấy nhận thức về vô thường trong ông như thế nào. Tôi chợt nhớ một câu thơ của Đỗ Phủ : "Người đầu bạc giữa lớp sóng bạc" (Bạch đầu lãng lý bạch đầu nhân). Đi giữa lớp sóng bạc của cuộc đời, mái đầu xanh cũng bạc trắng, bạc trắng như chính nỗi lòng người cô lữ. Bước đi trong cuộc đời như thế khác nào bước đi trong đêm tối, Nguyễn Du hướng về hình ảnh những bậc xuất thế, xuất thế giữa lòng thế tục. Bài "Dạ Hành" là bài thơ tôi thích nhất của Nguyễn Du. Ông mô tả hình ảnh vị Sư già ngủ trên mây núi Hồng Lĩnh giữa đêm tối : "Lão nạp an miên Hồng Lĩnh vân Phù âu tĩnh túc noãn sa tân Nam minh tàn nguyệt phù thiên lý Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân Hắc dạ hà kỳ mê thất hiểu Bạch đầu vô lại chuyết tàng thân Bất sầu cửu lộ triêm y duệ Thả hỷ tu mi bất nhiễm trần". (Sư già ngủ giữa mây Hồng Lĩnh Bãi ấm âu nằm lặng giấc say Biển rộng trăng trôi ngàn dặm thẳm Đường xưa gió quất một thân gầy Đêm đen dường mãi quên không sáng Ẩn vụng xui thêm tóc bạc đầy Vạt áo dầm sương đâu ngại ướt Mày râu mừng chẳng bụi trần ray). (Ngô Linh Ngọc dịch). Hai câu cuối thật thần tình, thật ý vị. Không ngại sương đêm thấm ướt vạt áo, chỉ mừng là mày râu không dính bụi. Ô hay ! Vị Sư già nằm giữa mây núi, mày râu Sư chắc bạc trắng như mây, trinh tuyền lắm lắm, vì có bụi trần hồng nào mà nhuộm đỏ ? Chỉ có sương đêm làm ướt áo đôi chút. Lạnh chút thôi, mà thanh thản biết dường nào ! 111


Hình ảnh đẹp, ngôn từ cũng cực kỳ đẹp, hẳn cái nhìn kia cũng xuất phát từ một tấm lòng rất đẹp. Chúng ta còn bắt gặp hình ảnh này trong bài Vọng Quan Âm Miếu : ... Tăng yên ngủ khi mây ngừng trôi khắp chốn, tiếng vượn kêu khi trời lặn trên những ngọn đồi. Đốt một nén hương để tiêu tuệ nghiệp, quay đầu nhìn lại đã cách muôn lớp núi : "Đình vân xứ xứ tăng miên định Lạc nhật sơn sơn viên khiếu ai Nhất chú đàn hương tiêu tuệ nghiệp Hồi đầu dĩ cách vạn trùng nhai". Lạ nhất trong bài này là câu thứ bảy : "Nhất chú đàn hương tiêu tuệ nghiệp". Sao lại là tiêu tuệ nghiệp ? Có phải tác giả muốn nói đến cái nghiệp do trí tuệ gây ra ? Tức Sở tri chướng, Thế trí biện thông ? Quả là ít ai dám dịch chữ này. Đi trong cuộc đời, trái tim của "Người tóc bạc" luôn hướng về những mảnh đời bèo dạt mây trôi, về người đẹp gảy đàn vô danh ở thành Thăng Long, về nàng Tiểu Thanh, hay cả nàng Thúy Kiều bạc mệnh. Nói chung, Nguyễn Du thường nói đến những người tầm thường, những điều mà ta đã biết. Nhưng đó lại là cái vĩ đại, vĩ đại nhờ ông vừa đau khổ vừa nói. "Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy" (Phạm Quý Thích), ông đau khổ, nhưng là cái đau khổ thánh thiện. Ông nói về những người đau khổ, nhưng thực ra ông đã khơi mở một chủ nghĩa nhân đạo đặc thù cho cả hồn Việt. Chỉ có tâm lượng của người con đất Việt, thụ bẩm một cách toàn triệt nền tảng Từ bi mới có được những tuyệt tác như thế. Đúng như lời của Mộng Liên Đường chủ nhân đã nói : "... nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy..." (*) Đôi lúc, ông cũng muốn gán chiếc áo màu lông chim túc sương để đổi lấy một cuộc say, nhưng tóc trên đầu đã bạc trắng thì biết làm thế nào : "Dục điển túc sương mưu nhất túy Nại hà đầu dĩ bạch như ngân". (Quảng Tế Ký Thắng) Chính vì không thể đổi lấy một cuộc say, nên Nguyễn Du đã thao thức. Phải có một lối thoát, duy tại con người không biết lấy mà thôi, ông buồn trông áng bụi hồng mờ mịt không bờ bến mà tự trách ngày ngày mình vẫn đi lại trong ấy mà không biết : "Trướng vọng hồng trần diễu vô tế Bất tri nhật nhật thử trung hành". (Từ Châu Đê Thượng Vọng) 112


Cũng với ý ấy, có một câu thơ vô cùng đặc sắc, hệt như lời vịnh của một Thiền sư : "Niên niên thu sắc hồn như hử Nhân tại tha hương bất tự tri". (Giang Đầu Tản Bộ) (Hồn thu vẫn tự bao giờ Người xa quê cũ chẳng ngờ đó thôi). 3. Kim Cang Bát Nhã - Tư tưởng chủ đạo trong thi ca Nguyễn Du Điều đáng ghi nhận là ở thời đại Nguyễn Du, Phật giáo Việt Nam không còn chiếm địa vị độc tôn như thời Lý Trần, thậm chí có thể nói là hết mức suy đồi. Khi nhà Minh sang xâm lược nước ta, tướng Trương Phụ đã đem toàn bộ kinh điển Phật giáo về Kim Lăng hoặc thiêu đốt hết. Nho giáo cùng với chế độ thi cử đã lấn át hết tư tưởng của giới trí thức đương thời, ít người có điều kiện nghiên cứu kỹ Phật giáo. Và, Phật giáo trong lòng nhân sĩ chỉ là một mớ tư tưởng chán đời, yếm thế. Khi đọc thơ chữ Hán của Nguyễn Du, tôi lại vô cùng ngạc nhiên trước những câu thơ đầy hào khí : "Nhân liễu thử tâm nhân tự độ Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu". Hay : "Mãn cảnh giai không hà hữu tướng Thử tâm thường định bất ly thiền". Nguyễn Du chưa bao giờ tự xưng mình là Phật tử. Nhưng người học Phật có thể xem ông là "Đạo hữu". Người cha của thi ca Việt Nam lại là người từng đọc Kinh Kim Cang đến hơn 1000 lần (Ngã độc Kim Cang thiên biến linh), hẳn toàn bộ sự nghiệp thi ca của ông thấm đẫm tư tưởng Phật giáo. Ta thử đọc một vài bài thơ nói về ý đạo, để xem sự thâm nhập kinh điển Phật giáo của Nguyễn Du sâu thẳm dường nào : "Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh Tỉnh thủy vô ba đào Bất vị nhân khiên xả Thử tâm chung bất giao Túng bị nhân khiên xả Nhất giao hoàn phục chỉ Trạm trạm nhất phiến tâm 113


Minh nguyệt cổ tỉnh thủy". (Đạo Ý) (Trăng sáng soi giếng xưa Nước giếng không gợn sóng Không bị người khuấy động Tâm này chẳng giao động Nếu bị người khuấy động Lay động rồi lại dừng Một chữ Tâm lóng lặng Như trăng soi giếng xưa). Trong bài nói về ý đạo trên, Nguyễn Du đã xác định Tâm chính là Đạo. Nghĩa chữ Tâm ở đây chỉ có trong kinh điển Phật giáo. Tâm thể thì thường hằng vắng lặng, dù sóng gió ba đào có làm mặt nước tâm giao động chút ít, nhưng rồi mặt nước cũng trở về trạng thái nguyên ủy của mình. Trong bài Tạp Thi, ông viết : "Diệp lạc hoa khai nhãn tiền sự Tứ thời tâm kính tự như như". (Hoa rơi lá rụng chỉ là việc trước mắt, bốn mùa gương tâm vẫn chẳng có gì thay đổi). Tâm, Phật, chúng sanh đồng nhất thể. Tất cả các pháp đều lưu xuất từ nhất tâm này. Phật và chúng sanh, mê và ngộ, giải thoát và trói buộc ... tất cả đều ở Nhất tâm. Người liễu đạt được Tâm này thì tự mình độ thoát. Tam tạng kinh điển Phật thuyết ở Linh Thứu sơn cũng ở tại tâm người mà thôi : "Nhân liễu thử tâm nhân tự độ Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu". Khi chưa liễu ngộ được tâm này thì vạn tượng sum la đều khởi, phàm thánh chia hai, núi là núi, sông là sông. Khi liễu ngộ được tâm này rồi thì gương Tâm sáng rỡ như ánh trăng - Đại viên cảnh trí - gặp nhân chiếu nhân, gặp vật chiếu vật, không phân biệt, thực tại vẫn là thực tại. Núi không phải là núi nên núi là núi. Chẳng rõ người chưa thực ngộ lý này có thể viết một cách tự nhiên được một câu thơ thế này chăng : "Đạt nhân tâm kính quang như nguyệt Xử sĩ môn tiền thanh giả sơn". (Tạp Ngâm II) (Tâm người đạt ngộ ngời gương nguyệt Trước sân ẩn sĩ núi xanh rờn). 114


Tất cả các pháp đều không. Không có nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng (KINH KIM CANG). Nguyễn Du viết : "Mãn cảnh giai không hà hữu tướng Thử tâm thường định bất ly Thiền. Đại sư vô ý diệc vô tận Phủ thán thành trung đa biến thiên". (Đề Nhị Thanh Động) Tâm này thường ở trong Định và chẳng xa rời việc chứng ngộ của Thiền. Các cụ thâm nho ở Hà Nội đã không hiểu nên dịch quá xa nghĩa của nguyên tác : "Lòng khăng khăng chỉ hướng về Thiền" (*). Chẳng hề có "khăng khăng" hay "hướng về", "thường định" ở đây là "thường ở trong Định" và "bất ly Thiền" tức ngay nơi tâm là Thiền. Có lẽ Nguyễn Du cũng nhiều lần đọc Pháp Bảo Đàn mới có cái khẩu khí của Huệ Năng như thế. Khi đi sứ sang Trung Quốc, đến "Đài chia kinh" của Thái tử Chiêu Minh nhà Lương, Nguyễn Du cảm tác một bài thơ khá dài, khá lạ so với toàn bộ thơ chữ Hán của ông (hầu hết thơ chữ Hán của ông gồm 8 câu). Ông cười chê việc làm của Chiêu Minh Thái tử, cho rằng việc chữ nghĩa có dính dáng gì đến sự vắng lặng của Tâm đâu mà phân kinh với chiết tự. Trong bài có đoạn viết : "Phật bản thị không bất trước vật Hà hữu hồ kinh, an dụng phân ? Linh văn bất tại ngôn ngữ khoa Thục vi Kim Cang vi Pháp Hoa Sắc không cảnh giới mang bất ngộ Si tâm quy Phật Phật sinh ma Nhất môn phụ tử đa giao tế Nhất niệm chi trung ma tự chí ..." (Tạm dịch : Phật vốn là không, không dính mắc mọi vật, có dính dáng gì đến kinh đâu mà phải chia. Văn thiêng không phải ở ngôn ngữ, cái gì là Kinh Kim Cang, Kinh Pháp Hoa ? Giữa "Sắc" và "Không" mờ mịt không nhận ra được. Quy y Phật với cái tâm si mê như thế thì Phật sinh ra ma. Cả nhà cha con đều mù quáng cả, thì chỉ trong một niệm là ma tự tìm đến ngay ...). Đặc biệt là đoạn cuối của bài thơ này : "Ngô văn Thế Tôn tại Linh Sơn Thuyết pháp độ nhân như hằng hà sa số Nhân kiến thử tâm nhân tự độ 115


Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu Minh kính diệc phi đài Bồ - đề bổn vô thụ Ngã độc Kim Cang thiên biến linh Kỳ trung áo nghĩa đa bất minh Cập đáo phân kinh thạch đài hạ Tài tri vô tự thị chân kinh". (Tạm dịch : Ta nghe nói Đức Thế Tôn tại núi Linh Thứu, thuyết pháp độ hằng hà sa số người. Người liễu ngộ được tâm thì người tự độ thoát, Linh Sơn chỉ ở tại tâm người mà thôi. Không có đài gương sáng, nào có cây Bồ-đề. Ta đọc hơn ngàn biến Kinh Kim Cang, những ý nghĩa sâu kín trong đó phần nhiều ta không rõ. Đến hôm nay tới đài chia kinh này mới biết rằng Vô tự chính là Chân kinh). Một bài thơ, cũng có thể xem là một ngữ lục Thiền. Vô hình trung, bài thơ hé mở thế giới tâm chứng của Nguyễn Du. Hay nói một cách khác - Kim Cang Bát Nhã đã là tư tưởng dẫn đạo trong đời sống và thi ca của Tố Như Tử. Tôi đã trích dẫn khá nhiều, nhưng hoàn toàn chưa nói đến bút pháp đặc biệt trong thơ chữ Hán Nguyễn Du. Truyện Kiều đã làm cho Nguyễn Du được xem là 1 trong 5 hoặc 3 thi hào vĩ đại nhất của nhân loại, thì đối với thơ chữ Hán, quả là một kho tàng để chúng ta khai thác và học hỏi. Mùa Xuân nằm đọc thơ của người xưa mà thấy lòng rưng rưng muốn khóc. Ước gì các bậc thạc học thâm nho để tâm khai triển, phân tích và diễn giải thật nhiều, để hàng hậu tấn chúng tôi được nhuần ân học hỏi. ***** (*) Lời nói đầu NGUYỄN DU TOÀN TẬP, quyển 1, trang 7 - NXB Văn Học. (*) Chữ của Bùi Giáng dùng để dịch câu này. (*) Người viết không có ý dịch thơ, vì muốn diễn Nôm cho dễ hiểu, song cũng cố gắng dịch những câu nào thấy tiện. Nếu có bản dịch nào hay được trích dẫn vào đây thì sẽ đề tên dịch giả, còn lại là của người viết tạm dịch. (*) Khi Đào Tiềm từ quan về vườn thường nằm khểnh ở cửa sổ phía Bắc hưởng thư nhàn, người đời gọi ông là "Bắc song xử xỉ". (*) Mịch La là tên dòng sông nơi Khuất Nguyên trầm mình. (*) IM LẶNG VÀ HỐ THẲM - Phạm Công Thiện, An Tiêm, 1967. 116


(*) Trích lại từ "Vài nhận xét về Truyện Kiều ... " của Bùi Giáng - NXB Hội Nhà Văn, 1998. (*) Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Hà Nội, 1978. Đoạn này lấy ý trong "Nguyễn Du - Đại thi hào dân tộc", Phạm Công Thiện - Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới, California, Hoa Kỳ, 1996. (1) Đầu đội trời cao. (4) Eo truyền chánh pháp. (2) Chân đạp đạp đất bằng. (5) Tam giáo cộng đồng. (3) Lưng chứa kinh luân. (6) Mười phương chầu cúng. http://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-vn/van-hoc-vn/3382-doc-tho-chu-hancua-nguyen-du.html

Tl Edited

117


Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.