Sổ tay Giảm thiểu – Phân loại – Tái chế rác thải nhựa

Page 1

Giảm thiểu - Phân loại - Tái chế Rác thải nhựa Chương trình tái chế rác thải đô thị nhằm giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa trong thành phố, trên sông và ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế

NHÀ XUẤT BẢN THUẬN HÓA



TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN XÃ HỘI

SỔ TAY GIẢM THIỂU – PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

NHÀ XUẤT BẢN THUẬN HÓA HUẾ - 2019



TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI Địa chỉ: 2/33 Nguyễn Trường Tộ, TP Huế | Email: info@csrd.vn | Điện thoại: 0234.3837714 | Fax: 0234.3837714

SỔ TAY GIẢM THIỂU – PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

Chịu trách nhiệm xuất bản: Phạm Thị Diệu My Trần Mai Hương Trần Thị Thanh Tâm Võ Thị Tố Như Hoàng Thế Vĩnh Cố vấn nội dung/đồ họa: Hoàng Thế Vĩnh


Bản quyền thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD) Chương trình tái chế rác thải đô thị nhằm giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa trong thành phố, trên sông và ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế Nhà tài trợ: Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Thời gian thực hiện dự án: 2018 - 2019

Tranh: Trần Thị Hoàng Anh - THCS Trần Cao Vân

6


Lời mở đầu Ô nhiễm chất thải nhựa hiện nay đang là một vấn đề lớn của toàn cầu mà chúng ta cần sự chung tay hỗ trợ và hành động của các cộng đồng quốc tế, các quốc gia và địa phương. Thành phố Huế cũng đã và đang đóng góp một phần vào vấn đề toàn cầu này. Mỗi ngày, thành phố Huế có gần 20 tấn chất thải nhựa và một phần trong số đó đã thải ra sông Hương và trực tiếp trôi ra biển. Với sứ mệnh bảo vệ môi trường mà cụ thể là hướng đến việc giảm thiểu, phân loại và tái chế chất thải nhựa trong và xung quanh thành phố Huế, năm 2018, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội (CSRD) đã bắt đầu thực hiện Dự án “Chương trình tái chế rác thải đô thị nhằm giảm thiểu sự ô nhiễm chất thải nhựa trong thành phố, trên sông và ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) tài trợ. Dự án đã tiến hành thực hiện chuỗi các hoạt động tại 06 trường, bao gồm 02 trường Trung học Phổ thông (THPT) là Quốc Học và Bùi Thị Xuân, 04 trường Trung học Cơ sở (THCS) là trường Trần Cao Vân, Phan Sào Nam, Nguyễn Thị Minh Khai và Hoàng Kim Hoán. Hiện tại chúng tôi đang có kế hoạch nhân rộng mô hình dự án ra một số trường khác. “Sổ tay Giảm thiểu – Phân loại – Tái chế rác thải nhựa” là ấn phẩm đầu tiên được thực hiện trong khuôn khổ dự án do CSRD tiến hành biên tập, in ấn và phát hành. Vấn đề rác thải NHỰA chưa bao giờ đáng lo ngại như lúc này. Việc nâng cao nhận thức, giáo dục ý thức của cộng đồng nói chung và của các bạn học sinh nói riêng là một việc làm cần thiết và cần có những định hướng lâu dài. Sổ tay tập trung chính vào nội dung giải thích các khái niệm liên quan đến rác thải, tình trạng rác thải nhựa hiện nay ở nước ta, hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn theo 03 nhóm loại chính là GIẤY NHỰA/KIM LOẠI - HỖN HỢP, các sáng kiến và tấm gương thực hành tốt khi tham gia hoạt động của dự án. Chúng tôi hy vọng cuốn Sổ tay này sẽ là một tài liệu hữu ích đối với các bạn học sinh, phía nhà trường và các bậc phụ huynh trong việc hướng dẫn thực hành giảm thiểu, phân loại và tái chế rác thải NHỰA. Chúng tôi xin gửi lời cám ơn chân thành đến Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đã hỗ trợ phía CSRD thực hiện các dự án trong thời gian qua, cũng như hỗ trợ tài chính để hoàn thành và xuất bản ấn phẩm này. Xin được gửi lời cám ơn quý các cơ quan ban ngành, quý nhà trường cùng các bạn học sinh đã tham gia và thực hiện tích cực và hiệu quả các hoạt động trong khuôn khổ dự án. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

7


Tranh: Trần Thị Diệu Linh, -THPT Chuyên Quốc Học

“Chúng ta tạo ra nhựa. Chúng ta dựa dẫm vào nhựa. Giờ thì chúng ta đang ngập ngụa trong chúng.” - National Graphic

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

8


MỤC LỤC

01 02 03 04 05

TỔNG QUAN VỀ RÁC THẢI VÀ RÁC THẢI NHỰA ••• Một số định nghĩa ••• Rác thải nhựa đến từ đâu? ••• Rác thải nhựa trong sinh hoạt ••• Rác thải nhựa sẽ đi về đâu? ••• Rác thải tồn tại bao lâu? ••• Rác thải nhựa đang đe dọa hành tinh chúng ta như thế nào? ••• Hiện trạng rác thải nhựa ở Việt Nam và Thừa Thiên Huế ra sao? •••

CHÚNG TA CẦN LÀM GÌ? ••• Có thể làm gì để hạn chế rác thải nhựa? ••• Lợi ích của việc tái chế nhựa ••• Những dấu hiệu khả quan về hạn chế rác thải nhựa ••• Bạn và cộng đồng có thể làm gì? •••

PHÂN LOẠI RÁC TẠI NGUỒN ••• Các loại rác thải? ••• Vì sao cần phân loại rác thải? ••• Phân loại rác thải được thực hiện như thế nào trong dự án này? ••• Chất thải nguy hại trong sinh hoạt ••• Tái sử dụng đồ nhựa với sự sáng tạo •••

KẾT QUẢ, HÌNH ẢNH CỦA DỰ ÁN TẠI CÁC TRƯỜNG ••• Các trường tham gia dự án ••• Một số kết quả ••• Một số hình ảnh tiêu biểu của dự án •••

NHỮNG CÂU CHUYỆN TRUYỀN CẢM HỨNG ••• Hạt nhân nhỏ lan tỏa ••• Cam kết bền vững của tập thể lớp 7/8 ••• Toàn trường chung tay, nói ngay “không nhựa!” •••

NGUỒN THAM KHẢO CHÚ THÍCH

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

9


••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

10

Tranh: Lớp 10 Sử-Địa -THPT Chuyên Quốc Học

Tranh:


PHẦN 1 TỔNG QUAN VỀ RÁC THẢI VÀ RÁC THẢI NHỰA 1.

Một số định nghĩa Rác thải: Các chất liệu, vật thể hoặc sản phẩm mà người sử dụng vứt bỏ đi sau khi chúng đã được sử dụng, bị hư hỏng hay vì buộc phải vứt bỏ đi vì lý do nào đó khác. Rác thải được phân làm nhiều loại dựa trên đặc tính của chúng, như: rác thải nhựa, rác thải giấy, rác thải kim loại, rác thải khí hay dựa trên tính chất hóa học: rác thải vô cơ hay rác thải hữu cơ, rác có thể phân hủy hoặc không thể phân hủy. Nhựa và rác thải nhựa: Thuật ngữ “nhựa” để chỉ các vật liệu được làm từ nhiều vật chất như carbon, hydro, oxy, nitơ, clo và lưu huỳnh. Nhựa được tạo thành từ những phân tử qua quá trình nhựa hóa, tạo hình bằng nhiệt và áp suất. Nhựa không thể tự phân hủy. Chúng chỉ có thể bị phân hủy dưới ánh sáng mặt trời hoặc bị phân rã thành các mảnh nhỏ. Hạt vi nhựa: Những hạt nhựa siêu nhỏ có kích thước nhỏ hơn 5mm mà mắt thường không thể nhìn thấy. Với kích thước này, chúng dễ dàng lọt qua các hệ thống xử lý và đi vào bất cứ đâu: trôi nổi trong đại dương, trong bụng của tôm cá, trong nước uống sinh hoạt hoặc trong thức ăn của con người. Khoảng 10% các sản phẩm làm đẹp, tẩy rửa và áo quần được làm từ các hạt vi nhựa. Phân loại rác: Việc dựa vào nguồn gốc, đặc tính hoặc mục đích sử dụng của các loại rác để phân chúng theo các nhóm phù hợp với quy định về phân loại rác của địa phương hoặc quốc gia mà bạn sống. Phân loại rác thải tại nhà có thể phân thành các loại: rác tái chế được, rác hữu cơ và các rác còn lại. Tái sử dụng: Việc sử dụng lại một vật gì đó (mà thường là sẽ bị vứt bỏ) không chỉ một mà qua nhiều lần, với các mục đích sử dụng có thể khác nhau nhưng không cần qua quá trình tái sản xuất. Tái chế: Các hoạt động sử dụng vật liệu từ rác thải để sản xuất ra các sản phẩm, vật liệu và vật chất với mục đích sử dụng ban đầu hoặc cho các mục đích khác1.

2. Rác thải nhựa đến từ đâu? Theo Liên Hiệp Quốc, mỗi năm chúng ta thải ra hơn 2,12 tỷ tấn rác thải. Đáng lo hơn, 99% những thứ mà chúng ta mua được vứt đi chỉ trong vòng 6 tháng. Trong số 2,12 tỷ tấn rác thải mỗi năm, 91% rác thải nhựa không được tái chế2.

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

11


Rác thải nhựa đến từ các hoạt động của con người, từ sinh hoạt, ăn uống, vui chơi đến sản xuất, đi lại và làm việc. Hiện nay, chúng ta sản xuất khoảng 300 triệu tấn nhựa mỗi năm3, tức gần bằng với tổng trọng lượng dân số trái đất. Lịch sử “xâm chiếm” của rác thải nhựa4: • • • •

Những năm 1950 – 1970: Chỉ một số lượng nhựa nhỏ được sản xuất, do đó công tác quản lý cũng dễ dàng. Những năm 1990: Tổng lượng nhựa sản xuất ra tăng gần gấp 3 so với 2 thập niên trước đó. Những năm 2000: Lượng nhựa sản xuất ra trong 1 thập niên còn cao hơn so với tổng lượng nhựa sản xuất ra trong 40 năm trước đó. Hiện nay: Mỗi năm có hơn 400 triệu tấn nhựa được làm ra và chúng không ngừng tăng mỗi ngày. Các nhà khoa học ước tính đã có 8,3 tỷ tấn nhựa đã được làm ra kể từ những năm 1950. Đáng lo ngại hơn, 60% các sản phẩm nhựa bị thải vào môi trường hoặc bị chôn lấp dưới đất. Nếu tình hình này vẫn tiếp diễn, sẽ có nhiều rác thải nhựa hơn là cá trong đại dương của chúng ta vào năm 2050.

Toàn thế giới tạo ra hơn

400 triệu tấn nhựa mỗi năm

Ngành tạo ra lượng nhựa lớn nhất là ĐÓNG GÓI – chủ yếu với các sản phẩm chỉ dùng 1 lần

Khác 12% Dệt may 14%

Đóng gói 36%

Tiêu dùng 10%

Xây dựng 16% Điện/điện tử 4%

Máy công nghiệp 1%

Giao thông vận tải 7%

Nhựa được tạo ra trên toàn cầu tính theo các ngành công nghiệp vào năm 2015*1

*Nguồn: Geyer, Jambeck và Law (2015) và Chương trình Môi trường LHQ (2017)

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

12


Do dân số và nhu cầu của con người ngày càng tăng, lượng nhựa thải ra môi trường cũng vì thế không ngừng cao hơn qua các năm. Nhìn vào biểu đồ bên trên, chúng ta có thể thấy ngành tạo ra nhiều nhựa nhất chính là ngành đóng gói với 36% tổng lượng nhựa toàn cầu (năm 2015). Đây cũng là ngành phát thải nhựa nhiều nhất với 141 triệu tấn nhựa chỉ riêng năm 2015. 3. Rác thải nhựa trong sinh hoạt Nhựa là thành phần chính của rất nhiều sản phẩm mà chúng ta đang sử dụng hằng ngày và với số lượng rất cao. Hơn 99% sản phẩm nhựa được làm từ các hóa chất chiết xuất từ dầu mỏ, khí thiên nhiên và than đá – 3 nguồn nguyên liệu gây ô nhiễm môi trường, ngày đang cạn kiệt và không thể tái tạo được. Ở phần sau của sách, chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn về các loại sản phẩm nhựa phổ biến, tên hóa học, đặc tính, các sản phẩm thông dụng và cách phân loại chúng.

Tranh: N.T.H.Yến, L.T.B.Huyền, H.H.Quỳnh, H.N.B.Thịnh, T.L.N.Minh - THPT Bùi Thị Xuân

4. Rác thải nhựa sẽ đi về đâu? Rác thải, bao gồm rác thải nhựa, khi được thu gom, sẽ có 3 cách để xử lý: đốt, chôn lấp hoặc tái chế. Khi không được thu gom, rác sẽ bị thải vào môi trường một cách vô kiểm soát. Chẳng hạn, bị thải xuống hồ, kênh, sông hay biển hoặc đơn giản là nằm chất đống ở đâu đó. Nhiều rác thải không được thu gom và xử lý một cách triệt để sẽ bị các con sông mang ra biển gây ô nhiễm các đại dương. Mỗi năm, có đến 8 triệu tấn rác thải nhựa bị các dòng sông cuốn trôi ra biển5. Dòng Mê Kông chảy qua Việt Nam mỗi năm đem theo 33.431 tấn rác thải nhựa ra đại dương6.

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

13


Do còn thiếu những biện pháp và cơ chế quản lý rác thải hiệu quả, Việt Nam cùng với Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Thái Lan là 5 nước đóng góp khoảng ½ lượng rác thải nhựa toàn cầu đổ ra các đại dương7. Những nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật hay các nước châu Âu tuy có lượng rác thải nhựa lớn hơn, nhưng lại có hệ thống quản lý rác thải hiệu quả.

Bị đốt

Bị chôn lấp

Được tái chế

Bị thải ra môi trường

Tranh: Nguyễn Quang Kỳ Phương & Đặng Lê Uyển Nhi - THCS Trần Cao Vân

“Đường đi” của rác thải nhựa.

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

14


5. Rác thải tồn tại bao lâu? Dưới đây là thời gian mà các nhà khoa học ước tính để các loại rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa bị phân hủy hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên. Có thể thấy, đa số đồ nhựa thuộc vào loại có thời gian phân hủy lâu nhất, đến 1.000 năm hoặc có thể tồn tại vĩnh viễn.

Thùng giấy 2 tháng

Cuộn giấy vệ sinh 3 tháng

Bong bóng 6 tháng

Đầu lọc thuốc lá 10 năm

Túi ny lông 10-20 năm

Bốt cao su 50-80 năm

Lon bia/nước ngọt 200 năm

Lưỡi câu 600 năm

Bỉm em bé 450 năm

Dụng cụ ăn bằng nhựa 100-1.000 năm

Thủy tinh 4.000 năm

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

Chai nhựa 1.000 năm hoặc KHÔNG BAO GIỜ

15


6. Rác thải nhựa đang đe dọa hành tinh chúng ta như thế nào? Như đã nói, do được làm từ nguyên liệu không thân thiện môi trường và một số có chứa các chất độc hại, rác thải nhựa đang tác động vô cùng nghiêm trọng đến hành tinh chúng ta trên rất nhiều phương diện. •

Ảnh hưởng sức khỏe con người Rất nhiều sản phẩm từ nhựa được chế biến từ các hóa chất nguy hại, do đó, chúng tiềm ẩn những tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, như gây tổn hại hệ nội tiết và giảm khả năng sinh sản. Đáng lo hơn, theo các nhà khoa học, vẫn còn nhiều tác động mà chúng ta chưa biết được đầy đủ.

Gây hại cho sinh vật Tờ National Graphic đã báo động rằng “nhựa đang biến đại dương thành một bãi chiến trường đầy rẫy bom mìn đối với động vật biển”8. Thật vậy, rác thải nhựa khiến các động vật biển ăn, nuốt phải làm chúng nghẹt thở, tắc nghẽn hoặc tổn thương hệ tiêu hóa. Một số loại rác thải nhựa có thể khiến động vật biển bị mắc kẹt, như lưới, chai nhựa, dây dợ hoặc vỏ lon. Mỗi năm, có khoảng 1 triệu chim biển, 100.000 động vật có vú dưới biển, rùa và vô số tôm cá bị giết do rác thải nhựa trong đại dương9.

Ảnh: Red Funnel

Ô nhiễm đất đai Đất đai bị ô nhiễm do rác thải nhựa khi bị chôn dưới lòng đất sẽ kết hợp với nước và các chất khác để hình thành các chất hóa học nguy hại, gây giảm chất lượng đất và giảm khả năng của đất trong việc hỗ trợ sự phát triển của cây cối và vi sinh vật và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Ô nhiễm nước Các chất gây hại trong quá trình nhựa phân hủy khi bị chôn dưới đất gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Rác nhựa và hạt vi nhựa trôi nổi trong sông hồ, đại dương sẽ khiến chất lượng nước ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe và sự sống của các loài thủy sinh vật.

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

16


Ô nhiễm chuỗi thức ăn Ước tính có khoảng 5,3 nghìn tỷ hạt và mảnh nhựa trôi nổi trong các đại dương10 và con số này đang tăng lên từng ngày. Chúng trở thành thức ăn của động vật biển và cuối cùng có thể chui vào dạ dày của chúng ta.

Ảnh: Red Funnel

Ô nhiễm không khí Ô nhiễm không khí gia tăng bởi các hoạt động đốt bỏ rác thải nhựa - hoạt động phổ biến để tiêu hủy chúng. Hít thở không khí bị ô nhiễm bởi nhựa sẽ gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp nói riêng và sức khỏe nói chung của con người và các loài động vật.

Gây thiệt hại về kinh tế và du lịch Ô nhiễm rác thải nhựa là nguyên nhân khiến nhiều quốc gia phải tiêu tốn nhiều ngân sách để làm sạch, tốn đất đai để chôn lấp hoặc khiến nhiều điểm và hoạt động du lịch bị tạm dừng, trì trệ hoạt động, gây tổn thất đáng kể cho nền kinh tế.

Ảnh: Red Funnel

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

17


••• 13 SỰ THẬT GÂY SỐC VỀ RÁC THẢI NHỰA Rác thải nhựa đang hủy hoại hành tinh xanh của chúng ta! Chúng lan khắp các đại dương, đầu độc các loài sinh vật dưới biển, làm ô nhiễm nguồn nước và cuối cùng là gây hại cho chính loài người và hủy hoại hệ sinh thái toàn cầu. Sau đây là một số “sự thật” nêu ra bởi Quỹ môi trường toàn cầu Liên Hiệp Quốc và các cơ quan nghiên cứu có thể khiến bạn phải “giật mình”11:

1

8.3 TỶ TẤN nhựa đã được sản xuất kể từ khi nó xuất hiện vào những năm 1950. Lượng nhựa được sản xuất trong một năm gần bằng TOÀN BỘ trọng lượng của cả nhân loại.

2

Hầu như tất cả các MẢNH NHỰA đã được tạo ra VẪN TỒN TẠI ở một số hình dạng hoặc hình thức nào đó khác (ngoại trừ một lượng nhỏ được đốt đi).

3

91% rác thải nhựa KHÔNG được tái chế. Hầu hết các loại nhựa rất khó phân hủy và có thể tồn tại hàng trăm hoặc thậm chí hàng NGÀN NĂM.

4

Cứ MỖI PHÚT, gần HAI TRIỆU túi nhựa sử dụng một lần được phân phối trên toàn thế giới.

5

Cứ MỖI PHÚT, MỘT TRIỆU chai nhựa được mua trên toàn thế giới và số chai nhựa sử dụng mỗi năm sẽ tăng thành một nửa NGHÌN TỶ vào năm 2021. Có chưa đến một nửa số chai nhựa đó được tái chế.

6

8 TRIỆU TẤN nhựa bị trôi dạt ra các đại dương MỖI NĂM.

7

Số lượng hạt vi nhựa trong đại dương đang thậm chí CAO hơn gấp nhiều lần số NGÔI SAO trong dải ngân hà.

8

Nếu việc sản xuất nhựa không được hạn chế, trọng lượng rác thải nhựa sẽ còn cao HƠN CẢ CÁ trong các đại dương vào NĂM 2050.

9

90% số NƯỚC ĐÓNG CHAI được phát hiện có HẠT VI NHỰA.

10

100 NĂM là thời gian để nhựa TIÊU HỦY hoàn toàn khi ở trong môi trường.

11

83% lượng NƯỚC MÁY có lẫn chứa hạt vi nhựa.

12

100.000 động vật biển có vú và vô số cá bị CHẾT do rác thải nhựa MỖI NĂM.

13

17 TRIỆU THÙNG DẦU được dùng để sản xuất chai nước nhựa MỖI NĂM.

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

18


••• NHỮNG HÌNH ẢNH ĐÁNG BUỒN…

Ảnh: Pinterest/Stock Images/Google Images

“Cho đến giờ, chúng ta vẫn chưa hiểu biết hết về những tác động của rác thải nhựa đối với động thực vật và con người.” - Chương trình Môi trường LHQ

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

19


7. Hiện trạng rác thải nhựa ở Việt Nam và Thừa Thiên Huế ra sao? Theo Liên Hiệp Quốc, Việt Nam xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới12. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường thải ra hơn 01 túi ni-lông một ngày bao gồm cả túi to, túi nhỏ và những túi siêu nhỏ. Theo đó, mỗi ngày hàng triệu túi ni-lông được sử dụng và thải ra môi trường. Tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilông13. Tại Thừa Thiên Huế, theo khảo sát năm 2015, mỗi ngày toàn tỉnh thải ra môi trường 650 tấn rác (riêng thành phố Huế 200 tấn), trong đó có 6% là rác nhựa, ni-lông, tương đương 35 tấn14. Con số này không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, theo báo cáo của công ty TNHH NN Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO), trong năm 2014, tổng khối lượng rác thải do đơn vị xử lý chỉ đạt 275 tấn/ngày, tức mới khoảng 40% lượng rác thải ra.

NĂM 2019

NĂM 2050

Tỷ lệ 1:5

Tỷ lệ 1:1

Tranh: Đỗ Kim Ánh Dương - THCS Hoàn Kim Hoán

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

20


Tranh: Nguyễn Thiên Phú - THPT Chuyên QuốC Học

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

21


PHẦN 2 CHÚNG TA CẦN LÀM GÌ? 1. Có thể làm gì để hạn chế rác thải nhựa? Refuse Từ chối Recycle Tái chế

Regift Mang tặng

Reduce

Rethink Thay đổi nhận thức Repair Sửa chữa

Giảm thiểu

Reuse Tái sử dụng

Nếu thực sự muốn bắt đầu làm những việc tuy nhỏ nhưng có ích cho môi trường, bạn có thể thực hành những lời khuyên dễ nhớ theo mô hình 7 chữ R sau đây: •

Rethink - Thay đổi nhận thức: Đây là bước đi đầu tiên quan trọng nhất cho hành trình thay đổi của bạn. Hãy luôn ý thức về sự tiêu dùng của bạn, mối quan hệ của bạn với mọi thứ xung quanh và mối quan hệ của bạn với hành tinh.

Refuse - Từ chối: Hãy từ chối sử dụng những gì bạn không cần đến.

Reduce - Cắt giảm: Hãy cắt giảm lượng sản phẩm nhựa mà bạn tiêu thụ.

Reuse - Tái sử dụng: Hãy sử dụng lại những đồ cũ hay biến chúng thành những đồ vật có ích.

Repair - Sửa chữa: Hãy sửa chữa hoặc phục hồi đồ vật hơn là dễ dàng vứt bỏ chúng đi.

Regift - Biếu tặng: Hãy chia sẻ những thứ mà bạn không dùng tới cho người cần chúng.

Recycle - Tái chế: Hãy góp phần vào quy trình tái chế rác thải nhựa, chẳng hạn như phân loại rác đúng cách.

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

22


2. Lợi ích của việc tái chế nhựa Lợi ích về mặt kinh tế: • • • •

Tiết kiệm năng lượng và tài nguyên; Giảm lượng rác thải rắn bị chôn lấp, nhờ đó tiết kiệm diện tích các bãi chôn lấp (tức cũng tiết kiệm đất đai) và giảm áp lực cho các bãi chôn lấp vốn đa phần đang bị quá tải; Giúp cải thiện hiệu quả quá trình tái chế và biến rác thải thành các sản phẩm hữu ích như phân hữu cơ; Tiết kiệm chi phí cho việc xử lý chất thải. Lợi ích về mặt môi trường:

• • • •

Giảm ô nhiễm môi trường (như ô nhiễm đại dương, đất đai, không khí và nguồn nước…); Giảm phát thải khí nhà kính (do cắt giảm việc đốt xăng dầu hoặc các năng lượng khác để làm ra các sản phẩm nhựa mới); Bảo vệ các loài sinh vật khỏi tác động của rác thải nhựa, qua đó góp phần bảo tồn đa dạng sinh học; Bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên thông qua việc tiết kiệm và tái sử dụng nhựa. Lợi ích về mặt xã hội:

• •

Tăng cường nhận thức cho người dân và xã hội; Khuyến khích lối sống thân thiện với môi trường và hướng đến sự bền vững.

3. Những dấu hiệu khả quan về hạn chế rác thải nhựa Hiện đã có gần 100 quốc gia ban hành các quy định cấm và hạn chế các sản phẩm nhựa. Tuy các quy định này áp dụng ở nhiều mức độ và các lĩnh vực khác nhau, nhưng đã phần nào cho thấy sự nhìn nhận nghiêm túc của các quốc gia về vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa. Đặc biệt, người dân đã bắt đầu có sự nhận thức ngày càng cao và thể hiện các hành động cá nhân và cộng đồng mạnh mẽ, rộng rãi. Họ tẩy chay các loại ống hút hay dụng cụ ăn bằng nhựa, tham gia dọn rác tại bãi biển và trong đại dương cũng như hạn chế việc mua sắm không cần thiết hoặc nghiêm khắc hơn trong lựa chọn các sản phẩm thân thiện môi trường. Điều này khiến các nhà sản xuất, doanh nghiệp phải thay đổi theo hướng tích cực để đáp ứng nhu cầu của những người tiêu dùng văn minh và có trách nhiệm.

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

23


Một số điểm sáng: • • • • • •

Scotland đã cắt giảm được 9.000.000.000 túi nhựa sau 4 năm đánh thuế đồ dùng nhựa. 250 nhãn hàng lớn, trong đó có Coca Cola và Nestle đã đưa ra tuyên bố cho tới năm 2025 họ sẽ đảm bảo 100% sản phẩm nhựa được dùng sẽ có thể tái sử dụng, tái chế và phân hủy được. Nghị viện châu Âu đã ban hành luật cấm hoàn toàn việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Đạo luật này sẽ có hiệu lực từ 2021. Trung Quốc cấm sử dụng túi ni-lông từ 2008, theo ước tính đến nay họ đã giảm được 66% lượng túi ni-lông lưu thông, tương đương 40.000.000.000 túi… Đến cuối 2018, đã có 32 nước cấm sử dụng túi ni-lông, trong đó có khoảng một nửa đến từ châu Phi. Trong thời gian gần đây, để hưởng ứng lời kêu gọi giảm thiểu rác thải nhựa, nhiều siêu thị ở Việt Nam đã đồng loạt sử dụng lá chuối để gói rau thay cho túi ni-lông.

4. Bạn và cộng đồng có thể làm gì? Dù đã có nhiều nỗ lực trên thế giới để giảm thiểu rác thải nhựa, vẫn còn đó rất nhiều việc phải làm và chúng ta phải tích cực chạy đua với thời gian. Bạn, với tư cách cá nhân hoặc cùng cộng đồng của mình, có thể đóng góp sức mình vào chiến dịch toàn cầu có tính quan trọng sống còn này chỉ bằng việc thực hành những điều nhỏ nhất hàng ngày. Ở cấp độ cá nhân, bạn có thể nghĩ về những việc làm không hề quá khó sau: •

Luôn mang theo túi đựng khi đi chợ hay mua sắm;

Không sử dụng dụng cụ ăn uống hay ống hút bằng nhựa;

Hạn chế sử dụng túi ni-lông, hộp xốp và các đồ nhựa dùng 1 lần;

Nhặt rác thải nhựa khi bạn thấy chúng;

Luôn mang theo bình/cốc uống nước cá nhân sử dụng nhiều lần;

Tuyên truyền gia đình, người thân và bạn bè về tác hại của rác thải nhựa; đồng thời khuyến khích mọi người thực hiện phân loại rác tại nguồn;

Dùng hộp, túi sử dụng nhiều lần để gói, đựng và bảo quản đồ ăn;

Dùng lọ thủy tinh để đựng gia vị, ngũ cốc, cải muối thay hũ nhựa;

Sử dụng tã vải cho em bé thay vì tã dùng một lần;

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

24


Chọn mua những sản phẩm không đóng gói bằng ni-lông hoặc nhựa;

Sửa chữa, tái sử dụng những sản phẩm nhựa như túi ni-lông, bình nhựa, đồ chơi…;

Cho tặng những đồ vật bằng nhựa mà bạn không dùng đến, thay vì vứt bỏ đi;

Trả lại đồ đựng hàng hóa có thể tái sử dụng như: két bia… Và tất nhiên còn nhiều điều nữa mà bạn có thể làm trong cuộc sống hàng ngày, ví dụ như một số gợi ý trong bảo quản đồ ăn mà không dùng đồ nhựa dưới đây: Quấn rau diếp trong khăn trà và để vào tủ lạnh

Cắt bỏ phần dưới và đựng trong cốc thủy tinh để trong tủ lạnh hay chỗ mát

Bảo quản cà chua, chuối hay quả có hạt trong ngăn đông tủ lạnh

Bọc bằng giấy sáp ong

Cuộn bánh mì trong vải và để vào hộp gỗ

Bỏ đứng cần tây và thả cà Giữ thức ăn thừa trong

rốt trong nước

Bỏ vào lồng đựng thức ăn

lọ hoặc đậy nắp và bỏ tủ lạnh

hoặc hộp giữ nhiệt tốt

Tranh: THPT Chuyên Quốc Học, tham khảo từ www.ecowithem.com

Ở cấp độ cộng đồng, chúng ta có thể cùng nhau: •

Hạn chế sự phụ thuộc vào các sản phẩm nhựa;

Giữ gìn vệ sinh môi trường ở nơi công cộng, quanh khu phố chúng ta ở;

Tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất, xí nghiệp;

Tăng mức thuế, phí lên các sản phẩm nhựa gây ô nhiễm hoặc cấm sử dụng;

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

25


Cải thiện hiệu quả quản lý rác thải; nhất là cùng thực hiện tốt chương trình phân loại rác thải tại nguồn của địa phương, ngăn chặn rác thải nhựa bị đổ, trôi ra biển;

Gia tăng nguồn ngân sách cho các hoạt động làm sạch môi trường.

Tranh: Lớp 11 Hóa 1 - THPT Chuyên Quốc Học

“Những người tạo nên sự khác biệt lớn nhất chính là những người làm những việc nhỏ một cách kiên trì.” - Ngạn ngữ Anh

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

26


PHẦN 3 PHÂN LOẠI RÁC TẠI NGUỒN 1. Các loại rác thải? Trên thế giới, mỗi quốc gia có sự khác nhau trong hệ thống phân loại rác. Tuy nhiên, thường thấy các nhóm chính sau: rác thải hữu cơ, chất thải rắn có thể tái chế (nhựa, kim loại, thủy tinh, giấy), rác thải không thể tái chế và chất thải rắn nguy hại (xem hình bên dưới).

Nhựa

Kim loại

Giấy

Thủy tinh

Hữu cơ

Nguy hại

Tranh: Nguyễn Quang Anh Thi - THPT Chuyên Quốc Học

Tuy nhiên ở nhiều địa phương của Việt Nam, rác thải chỉ được chia thành hai nhóm: vô cơ hoặc hữu cơ, hoặc ba nhóm: hữu cơ, kim loại, giấy và thủy tinh và chất thải khác. Trong khuôn khổ dự án này, các thùng rác được trang bị tại các trường là 3 thùng rác: (1) thùng màu xanh lá cây cho rác thải giấy, (2) thùng màu xanh dương cho rác thải kim loại/nhựa/thủy tinh và (3) thùng màu vàng cho rác thải hỗn hợp. 2. Vì sao cần phân loại rác thải? Một trong những hành động nhỏ nhưng lại có ý nghĩa rất lớn - đó là phân loại rác thải tại nguồn/tại nhà trước khi rác được thu gom. Phân loại rác thải tại nguồn/nhà đúng cách và thường xuyên sẽ giúp ích đáng kể cho quá trình thu gom, xử lý và tái chế rác thải, bao gồm cả rác thải nhựa, nhằm giảm thiểu sự lãng phí về tài nguyên và hạn chế các mối nguy hại cho môi trường. Hiện nay, đa số các địa phương ở Việt Nam chỉ mới thực hiện thu gom các chất thải rắn (sinh hoạt và công nghiệp), còn nước thải và khí thải ít được

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

27


xử lý trước khi thải ra môi trường tự nhiên. Việc phân loại, thu gom và tái chế chất thải rắn ở nước ta vẫn đang còn triển khai hạn chế và chưa đồng bộ. Điều này do nhiều nguyên nhân, như hệ thống và phương tiện thu gom còn hạn chế, thiếu nguồn kinh phí hoặc công nghệ xử lý, tái chế hoặc ý thức và hành động của người dân và doanh nghiệp chưa được tốt.

Tranh: Quỳnh Thy - THPT Chuyên Quốc Học

Trong tình hình hệ thống thu gom, phân loại và xử lý của Việt Nam còn nhiều hạn chế, việc phân loại rác tại nguồn (nhà, cơ sở sản xuất…) thường xuyên và đúng cách sẽ góp phần gia tăng tỷ lệ rác thải được được tái chế và giảm lượng rác bị thải vào môi trường, bao gồm cả rác thải nhựa. Trường học được xem là một trong những nơi phát sinh nhiều rác thải – do đó, việc phân loại rác tại các trường học cần được thực hiện tích cực và hiệu quả để góp phần quản lý và tái sử dụng rác thải tốt hơn. Trong phần sau, chúng ta sẽ chỉ tìm hiểu về phân loại chất thải rắn sinh hoạt và cách thức phân loại chất thải rắn (sau đây gọi là rác thải) tại trường học – một trong những hợp phần chính của dự án này. 3. Phân loại rác thải được thực hiện như thế nào trong dự án này? Dự án hỗ trợ các trường học thực hiện phân loại rác thải rắn theo 3 nhóm chính, đó là: • • •

Rác thải giấy Rác thải nhựa/kim loại (và thủy tinh) Rác thải hỗn hợp

Sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu từng nhóm rác thải cụ thể trên để tiến hành phân loại đúng cách.

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

28


RÁC THẢI GIẤYGIẤY RÁC THẢI Bỏ vào thùng màu XANH LÁ CÂY Cần phân loại thành hai nhóm: Có thể tái chế và không thể tái chế. Các loại giấy CÓ THỂ tái chế • • • • • • •

Sách báo, tạp chí, tờ rơi, giấy viết/in, hộp quà Bao bì đóng gói bằng giấy Hộp/thùng các-tông Giấy dùng cho phong bì, túi quà Giấy lịch Hộp khăn giấy, hộp bánh quy Thùng giấy đựng sữa/nước trái cây

Các loại rác thải giấy KHÔNG THỂ tái chế • • • • • • • • • • • Tranh: N.H. Anh, T.B. Nhi, T.P.P. Uyên, Đ.P.Đ. Huy, T.V. Nhân - THPT Bùi Thị Xuân

Giấy lau, giấy vệ sinh đã sử dụng Giấy các-bon (giấy than) Giấy tráng bóng và có sáp hoặc giấy có ép ni-lông Giấy dầu, giấy chống thấm nước Giấy bóng kính Giấy xốp nhiệt Giấy in nhiệt Tã giấy, giấy dán tường qua sử dụng Ảnh tráng phim Giấy nhôm gói đồ ăn, kẹo Giấy đựng sơn, hóa chất hoặc gói thực phẩm

Các loại rác thải giấy không thể tái chế cần được tách riêng với các loại có thể tái chế để chờ đơn vị chức năng đến thu gom.

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

29


••• QUY TRÌNH TÁI CHẾ GIẤY Sử dụng

Phân loại và thu gom

Phân phối

Hoàn thiện sản phẩm

Sản xuất giấy mới

Sản xuất bột giấy

Tranh: Nguyễn Thị Khánh Nhi - THCS Phan Sào Nam

“Sự ô nhiễm – nếu bạn không loại bỏ nó, thì nó sẽ loại bỏ bạn” - The Fresh quote

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

30


RÁC THẢI NHỰA VÀ KIM LOẠI

RÁC THẢI NHỰA VÀ KIM LOẠI Bỏ vào thùng MÀU XANH DƯƠNG Rác thải nhựa: Rác thải nhựa có rất nhiều chủng loại, tùy theo công thức hóa học loại nhựa dùng làm vật liệu. Chúng ta có thể dựa vào các kí hiệu của từng loại nhựa ghi ở đáy hoặc phần dưới thân của bất kỳ sản phẩm nhựa. Bảng tổng hợp ở trang sau cho bạn biết về các loại nhựa được dùng phổ biến, đặc tính và các sản phẩm thông dụng của mỗi loại, cũng như những loại nào có thể được tái chế và an toàn để đựng thức ăn. Bạn cần tìm hiểu bảng này để có thể tự mình phân loại đúng. Rác thải kim loại: Đa số kim loại sử dụng trong sinh hoạt có thể được tái chế, bao gồm một số sản phẩm thông dụng như sau: • • • • •

Vỏ lon nước ngọt Hộp thức ăn, hộp sữa Vỏ lon sơn Dụng cụ bằng kim loại Các loại bình xịt

Rác thải thủy tinh: Các chai, lọ, bình, hũ,… bằng thủy tinh cũng cần được phân loại và tái chế như kim loại.

Tranh: N.H. Anh, T.B. Nhi, T.P.P. Uyên, Đ.P.Đ. Huy, T.V. Nhân - THPT Bùi Thị Xuân

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

31


••• BẢNG TỔNG HỢP CÁC LOẠI NHỰA PHỔ BIẾN* Mã chất liệu

Tên hóa học

Polyethylene Terephthalate

High Density Polyethylene

Polyvinyl Chloride

Low Density Polyethylene

Đặc tính

Sản phẩm thông dụng

Khả năng tái chế

An toàn để đựng đồ ăn

Trong suốt, cứng, khó tan, cách khí và độ ẩm tốt, mềm chảy ở 80°C

• Chai nước giải khát, chai nước lọc, chai dầu ăn • Khay đựng rau, quả và các loại bao bì, hộp đựng thức ăn • Sợi tổng hợp

Thường được tái chế

Cứng hoặc hơi cứng, chống chịu hóa chất và độ ẩm, bề mặt giống sáp, mờ, độ bền nhiệt cao, mềm chảy ở 110°C, dễ được nhuộm màu, chế tạo hoặc tạo hình

• Hộp sữa, nước trái cây hoặc các loại tương tự • Chai đựng các loại nước tẩy rửa, làm sạch như chai xà phòng, sữa tắm, nước rửa chén, rửa bồn cầu • Chai dầu gội

Thường được tái chế

PVC-U: Bền, cứng, có thể trong suốt, có thể hàn dính, mềm chảy ở 80°C PVC-P: Dẻo, trong suốt, đàn hồi, có thể hàn dính

• Ống nước bằng nhựa, áo mưa, khung cửa bằng nhựa • Vỏ dây điện • Nhựa xốp và các loại phụ tùng nhựa ở ô tô, xe máy

Ít hoặc không bao giờ được tái chế

X

• Bì đựng bánh mì, mì ăn liền • Bì/hộp đựng thức ăn đông lạnh hay túi đựng đồ tạp hóa • Vỏ cuộn phim • Một số loại chai đựng • Bì trong và dẻo để bọc áo quần

Ít được tái chế

Mềm, dẻo, bề mặt giống sáp, hơi mờ, trơ về mặt hóa học, nhưng kém bền vật lý hơn HDPE, mềm chảy ở 95°C, dễ bị trầy xướt

*Nguồn: Hiệu chỉnh từ Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (2014)

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

32


Polypropylene

Cứng nhưng vẫn dẻo, bề mặt giống sáp, mềm chảy ở 140°C, hơi mờ, chống thấm, bền

Có thể trong suốt như gương, màu giống thủy tinh, bền, mờ và hơi cứng, mềm chảy ở 95°C Polystyrene /Expanded Polystyrene

Khác (vd: polycarbonate, polylactide, tritan,…)

Bao gồm các sản phẩm từ hỗn hợp các loại chất dẻo. Đặc tính phụ thuộc vào vật liệu nhựa hoặc các loại vật liệu kết hợp.

• Hộp đựng bơ, cà phê • Khay/hộp đựng đồ ăn có thể cho vào lò vi sóng • Hộp sữa chua, chai đựng nước lọc, lọ đựng thuốc, chai đựng nước xi-rô hoặc nước sốt cà chua, tương ớt, ống hút • Đồ làm vườn và thảm chùi chân ngoài trời

Thường được tái chế

• Đồ xốp đựng thức ăn, hộp đựng trứng, bao bì/hộp bảo vệ đồ chơi hoặc đồ điện và các vật liệu xây dựng cách nhiệt • Các loại dụng cụ ăn uống dạng cứng sử dụng một lần • Vỏ đĩa CD

Khó hoặc rất ít khi được tái chế

x

• Các loại nắp, van, hộp đựng đồ y tế • Đồ điện • Các loại thùng, chai cỡ lớn dùng đựng chất lỏng, nước uống, đồ ăn • Vỏ máy điện thoại, máy tính • Bình nước thể thao

Rất khó tái chế

x

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

33


••• QUY TRÌNH TÁI CHẾ NHỰA -

Sử dụng

Hoàn thiện, phân phối

Quy trình tái chế nhựa

Phân loại tại nguồn

Thu gom

Xử lý và tái sản xuất

Lưu trữ, phân loại

“Nhựa – loại vật liệu được tạo ra để tồn tại vĩnh viễn nhưng lại dùng để làm ra các sản phẩm mà chúng ta sử dụng chỉ trong phút chốc.” - Upstream

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

34


RÁC THẢI HỖN HỢP

RÁC THẢI HỖN HỢP

Các loại rác không tái chế được của hai nhóm trên sẽ được cho vào thùng rác hỗn hợp có MÀU VÀNG, thường bao gồm các loại rác sau: •

• • • • • • • • •

Nhãn chai, túi ni-lông các loại (trong đó bao gồm bì bánh kẹo và bì mỳ ăn liền) Hộp xốp Giấy ăn, giấy vệ sinh, băng vệ sinh Ly và dĩa giấy dùng 1 lần Đồ gốm, sứ Vỏ sò, vỏ trứng Cành cây, lá cây Đồ da, đồ cao su, xăm lốp Dù, đồng hồ, băng video, đĩa CD Các loại rác không tái chế được thuộc hai nhóm rác trên

Các rác thải hữu cơ như thức ăn thừa, lá cây cần được đóng gói riêng (nếu được) trước khi cho vào thùng hoặc phân loại riêng.

Tranh: N.H. Anh, T.B. Nhi, T.P.P. Uyên, Đ.P.Đ. Huy, T.V. Nhân - THPT Bùi Thị Xuân

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

35


4. Chất thải nguy hại trong sinh hoạt: Ngoài các loại rác thải thông thường kể trên, chúng ta sẽ đôi lúc gặp phải những loại rác thải có đặc tính nguy hại (có độc tính, độc tố, ăn mòn, gây kích thích, hoạt tính, có thể cháy, nổ…). Theo thống kê (2016)15, tỷ lệ chất thải nguy hại bị thải lẫn vào chất thải sinh hoạt mang đến bãi chôn lấp là 0,02 - 0,82%. Chất thải nguy hại trong sinh hoạt thường là: pin, ắc-quy, đèn tuýp, nhiệt kế thủy ngân vỡ, bao bì chất tẩy rửa, vỏ hộp sơn, vec-ny, vỏ hộp thuốc nhuộm tóc, lọ sơn móng tay, vỏ bao thuốc trừ sâu, vỏ bao thuốc chuột, bình xịt côn trùng, bơm kim tiêm của những người nghiện chích ma túy... Tuy chiếm tỷ lệ rất thấp, nhưng loại chất thải này đặc biệt nguy hại nếu bị thải ra môi trường. Khi vứt bỏ các chất thải nguy hại như trên, chúng ta cần phân loại, đóng gói riêng, cẩn thận và có thể ghi chú ở bên ngoài bì, hộp đựng rồi đem đến cho các cơ sở thu gom gần nhất để họ có biện pháp xử lý (nếu địa phương chưa có hệ thống thu gom rác thải nguy hại). Bạn không nên tự mình xử lý chúng theo những cách chưa được kiểm chứng là đúng đắn về mặt khoa học – ví dụ như đem bỏ các chất thải này vào chai nhựa, đổ cát rồi chôn dưới đất. 5. Tái sử dụng đồ nhựa với sự sáng tạo Như chúng ta biết, có rất nhiều đồ vật bằng nhựa có thể được tái sử dụng nhiều lần hoặc được “hóa thân” thành những vật dụng mới để phục vụ cho những mục đích thiết thực khác, qua đó giúp giảm nhu cầu mua sắm các vật dụng tiêu dùng và giúp tiết kiệm chi phí cho bạn. Sau đây là một số ý tưởng về tái sử dụng đồ nhựa mà bạn có thể tham khảo để thực hiện ngay tại nhà, trường học hay nơi làm việc của mình. Đầu tiên là các sản phẩm sáng tạo, xinh xắn từ các bạn học sinh trong quá trình tham gia dự án này. Ngoài ra, bạn cũng có thể xem thêm một số hình ảnh ở trang tiếp sau đó để lấy cảm hứng cho các ý tưởng sáng tạo của riêng mình.

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

36


Sản phẩm handmade dễ thương của các bạn THPT Chuyên Quốc Học giúp làm đẹp thêm không gian học tập.

Tranh: Lê Thành Đạt – THCS Nguyễn Thị Minh Khai

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

37


\

Các bạn học sinh THCS Trần Cao Vân và các món quà handmade dành tặng thầy cô nhân Ngày 20/11.

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

38


Các bạn học sinh THCS Nguyễn Thị Minh Khai, THCS Phan Sào Nam và THPT Chuyên Quốc Học với ý tưởng sáng tạo về tái chế rác trong lĩnh vực thời trang.

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

39


••• THỎA SỨC SÁNG TẠO VỚI ĐỒ NHỰA ĐÃ QUA SỬ DỤNG

Ảnh: Pinterest/ Google Images Các bạn thấy đấy, có quá nhiều ý tưởng để biến đồ nhựa đã sử dụng thành những vật dụng hữu ích và dễ thương phải không nào? Ngoài ra, bạn có thể lên Google hoặc trang Pinterest.com để tìm thêm ý tưởng tái chế và sáng tạo cho các đồ vật của mình.

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

40


rest/Google Images

Các bạn thấy đấy, có quá nhiều ý tưởng để biến đồ nhựa đã sử dụng thành những vật dụng hữu ích và dễ thương phải không nào? Ngoài ra, bạn có thể lên Google hoặc trang Pinterest.com để tìm thêm ý tưởng tái chế và sáng tạo cho các đồ vật của mình. Tranh: Lớp 12 Lý, THPT Chuyên Quốc Học

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

41


PHẦN 4 KẾT QUẢ, HÌNH ẢNH CỦA DỰ ÁN TẠI CÁC TRƯỜNG

06 trường học tham gia dự án: • • • •

THPT Chuyên Quốc Học THPT Bùi Thị Xuân THCS Nguyễn Thị Minh Khai THCS Phan Sào Nam

• •

THCS Trần Cao Vân THCS Hoàng Kim Hoán Dự án là cơ hội để các bạn học sinh:

✓ ✓ ✓

Nâng cao nhận thức và kiến thức về rác thải và bảo vệ môi trường thông qua hàng loạt sự kiện truyền thông, hoạt Tranh: Phạm Hoàng Long Nhật động ngoại khóa được tổ chức trong và THPT Chuyên Quốc Học ngoài trường học; Có các hành động cụ thể để làm sạch và bảo vệ môi trường, thông qua việc thực hành phân loại rác tại trường, tại nhà và tham gia các chiến dịch làm sạch môi trường; Mở rộng kết nối và trưởng thành hơn thông qua việc giao lưu, học hỏi, trao đổi, thực hành và tổ chức một số hoạt động cùng với dự án; Tận hưởng niềm vui từ những hành động bảo vệ môi trường tuy đơn giản nhưng rất mới lạ và thiết thực; Có cơ hội để khám phá bản thân, khơi nguồn và khởi xướng những ý tưởng sáng tạo, ý nghĩa và lan tỏa hành động. Sau hơn 7 tháng (tháng 9/2018 – 4/2019), các bạn học sinh tại 6 trường đã thu gom được hơn 2.170 kg rác tái chế và bán được gần 5.000.000 đồng. Tuy chưa nhiều nhưng đây là kết quả cụ thể mà các bạn đã tạo ra từ những hành động nhỏ nhưng thường xuyên và cộng hưởng của mình. Ngoài ra, chính các bạn học sinh, cùng với thầy cô và các cán bộ dự án đã tổ chức nhiều chiến dịch dọn sạch rác thải tại các điểm nóng ở Huế, như bãi biển, sông, hồ hay các khu di tích, điểm du lịch ở Huế…. Sau các chiến dịch, đã có hàng trăm bao tải rác được thu gom, đưa về xử lý đúng cách và thậm chí đem bán để gây quỹ.

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

42


Sau đây là một số hình ảnh hoạt động của các bạn học sinh trong dự án:

Các hoạt động truyền thông và thi đố vui kiến thức.

Hoạt động phân loại rác tại các trường.

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

43


Các chiến dịch làm sạch bờ biển, khu di tích, điểm du lịch với sự tham gia của 09 trường là THPT Chuyên Quốc Học, THPT Bùi Thị Xuân, THCS Trần Cao Vân, THCS Phan Sào Nam, THCS Nguyễn Thị Minh Khai, THCS Hoàng Kim Hoán, THCS Phạm Văn Đồng, TH Vĩnh Dương, TH Thái Dương vào tháng 04/2019.

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

44


PHẦN 5 NHỮNG CÂU CHUYỆN TRUYỀN CẢM HỨNG Thông qua dự án, đã có những cá nhân và tập thể đã tạo nên được những sự thay đổi tuy nhỏ nhưng thực sự thiết thực và ý nghĩa. Chúng ta cùng tìm hiểu một số câu chuyện điển hình mang lại cảm hứng sau đây:

Hạt nhân nhỏ lan tỏa Bạn Nguyễn Nữ Diệu Liên - lớp 8/1 trường Trung học cơ sở Hoàng Kim Hoán, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà là một trong những tấm gương thực hành phân loại và thu gom rác thải tái chế tốt. Bên cạnh hoàn thành tốt việc học tập, Diệu Liên còn là thành viên trong Câu lạc bộ Môi trường Xanh của trường cùng với rất nhiều các thành viên khác tham gia hoạt động về chủ đề bảo vệ môi trường, thực hành giảm thiểu, phân loại và tái chế rác thải. Diệu Liên là một hạt nhân năng động trong việc truyền cảm hứng thay đổi cho các bạn cùng lứa và cả những người lớn tuổi hơn.

Cam kết bền vững của tập thể lớp 7/8 Từ việc nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa thông qua các hoạt động dự án, cô giáo Lê Nguyễn Thanh Phương và tập thể các bạn học sinh lớp 7/8 trường THCS Trần Cao Vân đã đồng thuận và nhắc nhở nhau sử dụng bình đựng nước cá nhân thay cho bình đựng nước uống một lần từ cuối tháng 12/2018. Mọi người sớm nhận ra nhiều lợi ích từ việc làm này: nước mang từ nhà đi sẽ an toàn hơn cho sức khỏe, giảm chi phí mua nước uống và cuối cùng là hạn chế rác thải nhựa dùng 1 lần ra môi trường. Vượt qua những khó khăn ban đầu, đặc biệt là sự chưa đồng lòng và nghiêm túc của một số bạn trong việc tuân thủ “cam kết chung”, giờ đây các bạn trong lớp 7/8 luôn mang theo bình đựng nước cá nhân mỗi khi rời khỏi nhà. Hành động này đã dần trở thành thói quen và sự tự giác của tập thể đoàn kết này. Đặc biệt, các thành viên lớp cho biết họ vẫn sẽ duy trì thói quen này về lâu dài, đồng thời sẽ lan tỏa hành động của chính mình với các thành viên trong gia đình, cũng như các bạn học sinh trong toàn trường.

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

45


Toàn trường chung tay, nói ngay “không nhựa!” Trong chuyến ra quân dọn rác tại hồ Tả Trạch vào tháng 04/2019, các thầy cô và học sinh trường THCS Phan Sào Nam đã không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Tất cả đều mang bình nước, chén đũa cá nhân. Mọi người mang theo bình nước 20 lít để uống chung, dùng các vật dụng có nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên như mẹt tre, lá chuối để đựng thức ăn, sử dụng găng tay dùng nhiều lần để thu gom rác thải.

Bên cạnh việc thực hiện những hành động cụ thể, thiết thực, các thầy cô giáo và học sinh của trường thường xuyên có các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong việc sử dụng hạn chế rác thải nhựa, vật dụng từ nguyên liệu nhựa dùng 1 lần. Đây chính là nền tảng tuyệt vời để toàn trường hướng đến những thay đổi to lớn hơn nữa trong việc hạn chế rác thải nhựa trong môi trường học đường nói riêng và xã hội nói chung.

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

46


Tranh: Nguyễn Thị Hoài Minh - THCS Nguyễn Thị Minh Khai

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

47


NGUỒN THAM KHẢO

1. 8 steps to solve the ocean's plastic problem. (2018). Retrieved from https://www.weforum.org/agenda/2018/03/8-steps-to-solve-the-oceans-plastic-problem

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường. (2016). Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016. Hà Nội, Việt Nam: NXB Tài nguyên-Môi trường và Bản đồ Việt Nam.

3. Causes, Effects and Solutions of Plastic Pollution. Retrieved from https://www.conserveenergy-future.com/causes-effects-solutions-of-plastic-pollution.php

4. Dengler, R., & Dengler, R. (2017). Humans have made 8.3 billion tons of plastic. Where does it all go?. Retrieved from https://www.pbs.org/newshour/science/humans-made-83-billion-tons-plastic-go

5. Geyer, R., Jambeck, J., & Law, K. (2017). Production, use, and fate of all plastics ever made. Science Advances, 3(7), e1700782. doi: 10.1126/sciadv.1700782

6. Hướng dẫn phân loại đối với rác thải gia dụng và có thể tái chế. Retrieved from https://www.asr-chemnitz.de/fileadmin/files/Flyer/Sortierhilfe_vietn.pdf

7. Madaan, S. Fatal Effects of Plastic Pollution. Retrieved from https://www.eartheclipse.com/pollution/fatal-effects-of-plastic-pollution.html

8. Tons

of waste dumped - globally, this year. (2019). Retrieved from http://www.theworldcounts.com/counters/shocking_environmental_facts_and_statistics /world_waste_facts

9. UN Environment. (2014). Valuing Plastic Publication. Retrieved from https://wedocs.unep.org/bitstream/handle/20.500.11822/10970/wbrs16_4_valuing_plas tic_new.pdf?amp%3BisAllowed=&sequence=1

10. UN Environment. (2018). Single-use plastics: A roadmap for sustainability. Retrieved from https://wedocs.unep.org/bitstream/handle/20.500.11822/25496/singleUsePlastic_sustain ability.pdf?isAllowed=y&sequence=1

11. UN Environment. (2019). Guidance on the interpretation of key provisions of Directive 2008/98/EC on waste.

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

48


CHÚ THÍCH 1

https://ec.europa.eu/eurostat/documents/342366/351758/Guidance+on+municipal+waste/3106 067c-6ad6-4208-bbed-49c08f7c47f2 2

http://www.theworldcounts.com/counters/shocking_environmental_facts_and_statistics/world_ waste_facts 3

https://www.unenvironment.org/interactive/beat-plastic-pollution/

4

https://www.unenvironment.org/interactive/beat-plastic-pollution/

5

https://www.unenvironment.org/interactive/beat-plastic-pollution/

6

https://www.unenvironment.org/interactive/beat-plastic-pollution/

7

https://ourworldindata.org/plastic-pollution

8

https://www.nationalgeographic.com/magazine/2018/06/plastic-planet-animals-wildlifeimpact-waste-pollution/ 9

https://sustainabledevelopment.un.org/content/documents/Ocean_Factsheet_Pollution.pdf

10

https://www.sas.org.uk/our-work/plastic-pollution/plastic-pollution-facts-figures/

11

https://www.earthday.org/2018/03/07/fact-sheet-end-plasticpollution/?eType=EmailBlastContent&eId=f921557b-da6a-41e4-a82c-662486f4ec93 https://sustainabledevelopment.un.org/content/documents/Ocean_Factsheet_Pollution.pdf https://www.unenvironment.org/interactive/beat-plastic-pollution/ 12

http://vea.gov.vn/en/news/news/Pages/Community-commits-to-anti-plastic-waste-to-cleanup-the-world.aspx 13

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 - Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam

14

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế (HUSTA)

15

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 - Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam

••• SỔ TAY GIẢM THIỂU - PHÂN LOẠI – TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

49


Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD), trụ sở tại Huế, Việt Nam là một tổ chức phi chính phủ (NGO) với sứ mệnh hoạt động vì lợi ích công bằng cho các cộng đồng dễ bị tổn thương do thay đổi các điều kiện bên ngoài. CSRD thực hiện hoạt động ở các tỉnh lân cận tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung – Việt Nam cũng như các nước thuộc tiểu vùng sông Mê-Kông. Địa chỉ: 2/33 Nguyễn Trường Tộ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế Ấn phẩm được xuất bản với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Tranh: Nguyễn Đào Ngọc Hạnh - THPT Chuyên Quốc Học


Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.