6 minute read

1.5.2. Trình bày những ứng dụng kỹ thuật của vật lí

Bởi thế, dạy học vật lí không thể tách rời với thực tiễn cuộc sống mà phải luôn tạo cơ sở với những tình huống xuất phát thực tế và giải thích phù hợp, dựa trên đặc điểm nhận thức của học sinh. Dạy học vật lí gắn với thực tế cuộc sống là một hoạt động thống nhất giữa giáo dục, giáo duỡng với môi truờng kinh tế - xã hội. Điều này cũng được quy định tại điều 28 của Luật Giáo dục: “Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học, khả năng làm việc theo nhóm; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn …”

Hầu hết các bài tập vật lí đều gắn liền với các hiện tượng tự nhiên, các ứng dụng trong kỹ thuật. Do vậy, có thể nói tính thực tiễn của bài học vật lí là các sản phẩm mà GV cần truyền đạt cho HS theo yêu cầu của môn học thông qua ví dụ thực tế, bài tập thực tế, thí nghiệm và các ứng dụng kỹ thuật.

Advertisement

Các ứng dụng của vật lí trong thực tiễn rất phong phú và đa dạng. Vì vậy, việc tăng cường tính thực tiến của bài học trong dạy học sẽ làm cho bài dạy trở nên sinh động hơn, gây được hứng thú đối với HS, nhờ đó có thể tích cực hóa hoạt động nhận thức của học sinh trong quá trình dạy học. Do đó, việc tăng cường tính thực tiến của bài học được coi là một trong những biện pháp góp phần đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường THPT hiện nay.

Dạy học vật lí gắn với thực tiễn góp phần phát huy nhân cách của HS, thông qua việc khuyến khích các tư duy ngẫu hứng ngay trong quá trình lĩnh hội kiến thức, hình thành ở học sinh rất nhiều đức tính quan trọng và rất cần thiết cho việc học tập của các em, cũng như trong đời sống của các em sau này. Dạy học gắn với thực tiễn làm các em học tập thoải mái hơn, tinh thần, thái độ học tập cũng tốt hơn. Trong quá trình dạy học GV không chỉ kích thích hứng thú học tập của HS mà cách tổ chức học tập gắn liền với thực tiễn cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình học tập của HS. Qua những thảo luận, tranh luận, ý kiến của mỗi cá nhân được bộc lộ, được khẳng định hay bác bỏ, qua đó những

hiểu biết của họ được hình thành hay chính xác hóa, mặt khác trong việc học tập theo nhóm, tất cả mọi HS từ người học kém đến người học giỏi đều có thể trình bày ý kiến của mình, tức là có điều kiện để tự thể hiện mình, điều đó có kích thích rất mạnh đến hứng thú học tập của HS. Từ đó rèn luyện cho HS rất nhiều kỹ năng sống và làm việc (giao tiếp, hợp tác, tổ chức, quản lý, ra quyết định…) và kỹ năng thu thập và xử lý thông tin từ những nguồn thông tin khác nhau (thực tiễn, tài liệu, sách báo, internet…) đó là những kỹ năng cần thiết của một công dân trong thời kỳ hội nhập 1.4. Thực trạng dạy học Vật lí gắn với thực tiễn ở các trường THPT trên địa bàn Thị Xã ba Đồn – Quảng Bình

Vật lí học là môn khoa học thực nghiệm, đặc điểm nổi bật là phần lớn kiến thức vật lí trong chương trình trung học phổ thông đều có liên hệ với thực tế cuộc sống và là cơ sở vận dụng cho nhiều ngành kĩ thuật. Sự phong phú về kiến thức, sự đa dạng về các loại hình thí nghiệm và mối liên hệ chặt chẽ giữa kiến thức vật lí với thực tế đời sống là những lợi thế không nhỏ đối với tiến trình đổi mới phương pháp dạy học bộ môn, đặc biệt là đổi mới theo hướng tăng cường tính thực tiễn của bài học.

Qua khảo sát thực tế ở các trường THPT trên địa bàn Thị Xã Ba Đồn tỉnh Quảng Bình cho thấy, việc dạy học vật lí ở một số trường phổ thông vẫn còn nặng về lý thuyết, giáo viên ít liên hệ thực tiễn, ít sử dụng bài tập thực tế. Việc đổi mới phương pháp dạy học còn chậm, hình thức dạy học theo lối “thông báo - tái hiện” còn phổ biến, tình trạng “dạy chay” vẫn chưa được khắc phục triệt để; các phương pháp dạy học tích cực chưa được vận dụng một cách có hiệu quả; khả năng vận dụng kiến thức vật lí trong đời sống của học sinh rất hạn chế.

Thực trạng chung là học sinh có thể vận dụng các định luật vật lí để giải bài tập tính toán thì được, nhưng không thể vận dụng định luật để làm sáng tỏ được những vấn đề xuất hiện trong thực tiễn và đời sống. Chẳng hạn: Học sinh có thể vận dụng định luật Jun – Lenxơ để tính được lượng điện năng bị tiêu hao trong quá trình truyền tải, nhưng lại không thể giải thích được tại sao phải dùng đường

dây 500kv để truyền tải điện năng … Do đó, trong các giờ học vật lí, học sinh còn thờ ơ và thường “ngại” trả lời các câu hỏi liên quan đến thực tế cuộc sống, mặc dù đa số học sinh cho rằng giải thích được các câu hỏi như thế là rất thú vị. Trong khi vận dụng, hầu hết học sinh chỉ quan tâm đến các bài tập tính toán mà ít chú ý đến bài tập định tính và các câu hỏi thực tế. Học sinh đồng nhất việc giải bài tập vật lí như là giải toán, chỉ quan tâm đến con số mà không để ý đến đơn vị, cũng như bản chất của các hiện tượng vật lí liên quan, như vậy kiến thức học được đã không được phát huy mà còn làm cho HS cảm thấy mệt mỏi vì kiến thức học quá xa rời với thực tế của cuộc sống. từ đó các em không say mê, yêu thích môn học vật lí.

Một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng trên có thể kể đến là:

Đối với người dạy:

Trong việc dạy lí thuyết cũng như bài tập, đa số GV dành nhiều thơi gian và công sức để dạy cho HS nắm được các định luật, nhận diện được các kiểu, các dạng bài tập vật lí và cách vận dụng các công thức vật lí cho từng kiểu loại bài toán đó mà ít chú trọng đến việc làm sang tỏ bản chất của hiện tượng mô tả trong đề, phải chăng đích đến cũng chỉ là để kịp thời gian cho bài thi trắc nghiệm trong các kỳ thi đạt chỉ tiêu của nhà trường đề ra?

Trong các giờ học vật lí, giáo viên còn ít sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, hình thức thảo luận nhóm ít được vận dụng vì số lượng HS trong một lớp quá đông, việc sử dụng thí nghiệm biểu diễn, thiết bị dạy học của giáo viên chưa nhiều, cơ hội để các em được quan sát, được tiếp cận với các thí nghiệm thực hành, được rèn luyện các thao tác là rất hạn chế. Việc kiểm tra đánh giá chưa chú trọng nhiều đến vấn đề vận dụng kiến thức vào thực tiễn đời sống, chưa có nhiều bài tập có nội dung thực tế, mà chủ yếu vận dụng chỉ thiên về những bài tập tính toán. Các câu hỏi thực tế và bài tập định tính thường phức tạp, tốn nhiều thời gian cho việc giải và chấm bài nên giáo viên thường ngại.

This article is from: