Tập san: Kỹ năng lễ tân ngoại giao dành cho ĐBQH

Page 1



CHỈ ĐẠO BIÊN SOẠN LÃNH ĐẠO BAN CÔNG TÁC ĐẠI BIỂU

TỔ CHỨC THỰC HIỆN TRUNG TÂM BỒI DƯỠNG ĐẠI BIỂU DÂN CỬ

TRỤ SỞ 22 HÙNG VƯƠNG BA ĐÌNH - HÀ NỘI ĐT: 080 46002 FAX: 080 46003 Website: www.ttbd.gov.vn Email: ttbd@qh.gov.vn


MỤC LỤC Trang Lời giới thiệu................................................................................................... 5 I. MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ LỄ TÂN NHÀ NƯỚC ............................... 6 1. Khái niệm về lễ tân ..................................................................................... 6 2. Nguyên tắc sử dụng biểu tượng quốc gia ............................................... 6 3. Bố trí không gian và sắp xếp vị trí chỗ ngồi trong hội trường ............... 12 II: MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ LỄ TÂN Ở QUỐC HỘI .......................................... 16 1. Nghi lễ trong kỳ họp Quốc hội .................................................................. 16 2. Hình thức họp và quy tắc lễ tân trong các cuộc họp ở Quốc hội ............ 18 III. MỘT SỐ KỸ NĂNG LỄ TÂN DÀNH CHO ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI..................23 1. Tuân thủ các quy tắc, thông lệ về lễ tân khi tham gia các hoạt động ở Quốc hội ................................................................................... 23 2. Kỹ năng trong giao tiếp ngoài cuộc họp .................................................. 25 3. Tham gia tiệc chiêu đãi .............................................................................. 28 Phụ lục 1. Nguyên tắc treo Quốc kỳ Việt Nam với cờ các nước khác ..................... 36 2. Một số quy định về nghi thức lễ tân đón tiếp đoàn của Quốc hội .......... 37

4


LỜI GIỚI THIỆU Lễ tân là hình thức hoạt động thể hiện các mối quan hệ giữa các chủ thể trong nội bộ một quốc gia, giữa nhà nước với người dân, giữa quốc gia này với quốc gia khác. Đây là hoạt động không thể thiếu của các cơ quan, tổ chức khác nhau, trong đó có Quốc hội. Trên cương vị của mình, ĐBQH tham gia rất nhiều các hoạt động với nhiều nghi thức lễ tân khác nhau, bao gồm cả lễ tân đối nội và lễ tân đối ngoại. Hơn nữa, các hoạt động của Quốc hội, ĐBQH có tầm ảnh hưởng lớn trên cả nước, thu hút sự quan tâm, đánh giá của người dân, cơ quan truyền thông, các tổ chức quốc tế. Mỗi lời ăn, tiếng nói, cử chỉ của ĐBQH đều có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động nói chung. Như vậy, công việc của người đại biểu đòi hỏi cần phải trang bị những kiến thức, kỹ năng về lễ tân. Xuất phát từ bối cảnh, cũng như nhu cầu công tác của ĐBQH, tập san Kỹ năng lễ tân dành cho đại biểu Quốc hội tập trung cung cấp những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong lễ tân với ba phần: Phần I trình bày một số nội dung cơ bản về lễ tân nhà nước, gồm có khái niệm về lễ tân; sử dụng các biểu tượng quốc gia như Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca; các nguyên tắc lễ tân trong bố trí không gian và sắp xếp vị trí chỗ ngồi trong hội trường. Phần II giới thiệu một số nội dung về lễ tân ở Quốc hội như: tổ chức Kỳ họp Quốc hội theo nghi thức nhà nước và phù hợp với nội dung công việc; các hình thức họp và quy tắc lễ tân trong các cuộc họp ở Quốc hội; một số quy tắc, thông lệ về lễ tân trong hoạt động của Quốc hội. Phần III trình bày một số kỹ năng về lễ tân ĐBQH cần được trang bị như: Tuân thủ các quy tắc, thông lệ về lễ tân khi tham gia các hoạt động ở Quốc hội (trang phục; ứng xử; xưng hô phù hợp); kỹ năng giao tiếp ngoài cuộc họp như thái độ, phong cách trong giao tiếp; chào hỏi, bắt tay; trao và nhận danh thiếp; sử dụng ngôn ngữ cơ thể trong giao tiếp; kỹ năng tham gia các loại tiệc chiêu đãi; một số kiến thức, kỹ năng trong hoạt động lễ tân đối ngoại. Ngoài ra, tập san còn có phần Phụ lục trích dẫn một số quy định về việc đón, đưa tiễn các đoàn công tác của Quốc hội. Trong khuôn khổ tài liệu phục vụ ĐBQH, tập san này trình bày chọn lọc những nội dung khái quát, tổng quan về một số nội dung liên quan, cung cấp nguồn thông tin tham khảo, hỗ trợ ĐBQH tham gia các hoạt động lễ tân ở Quốc hội.

5


I. MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ LỄ TÂN NHÀ NƯỚC Phần này trình bày một số kiến thức cơ bản trong lễ tân nhà nước, tập trung vào các cuộc họp. Đây là những nội dung có ý nghĩa quan trọng, bởi sai sót trong lễ tân có thể ảnh hưởng đến cả nội dung, kết quả công việc. Mặt khác, ngoài việc tuân thủ “kịch bản”, lễ tân cũng rất cần linh hoạt trong từng tình huống. Như nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã từng nhận xét khi nói về công tác lễ tân: “Rất chu tất nhưng phải rất biến hóa trong lễ tân”. Những kiến thức, kinh nghiệm tại mục này không chỉ dành cho người trực tiếp làm lễ tân, mà có ý nghĩa cả đối với những người chỉ đạo, tham gia hoạt động lễ tân như ĐBQH. 1. Khái niệm về lễ tân Lễ tân là từ Hán – Việt, có nghĩa là những nghi lễ đối đãi khách, có thể là khách trong nước, có thể là khách nước ngoài; còn trong các ngôn ngữ phương Tây đều sử dụng từ “protocol” để chỉ công việc này. Công việc lễ tân xuất hiện từ khi các thực thể quốc gia ra đời và thịnh hành trong thời kỳ phong kiến; riêng ở nước Trung Hoa cổ đại, người ta rất coi trọng chữ “lễ”, bao hàm cả những nghi thức lễ tân. Ngày nay, lễ tân nhà nước là tổng hợp các qui định về nghi thức, thủ tục trong việc đón, tiễn, giao tiếp với khách nhằm giải quyết các công việc có liên quan đến quan hệ nội bộ, quan hệ hành chính nhà nước, giữa các nhà nước và giữa nhà nước với công dân. Cùng với thời gian, nghi thức lễ tân ở các nước và Việt Nam được đơn giản hóa hơn, nhưng vẫn khá phức tạp và bao quát các hoạt động như: sử dụng biểu tượng quốc gia; cách mời, đón tiếp, bố trí vị trí, ngôi thứ của khách; các tổ chức các loại tiệc tùng chiêu đãi; cách ăn, cách mặc; cách trang trí trụ sở, phòng họp, phòng khách…Riêng lễ tân ngoại giao còn có nghi lễ đón tiếp, tổ chức các hoạt động khác nhau có liên quan đến khách nước ngoài; quản lý các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam và các cơ quan đại diện ở Việt Nam ở nước ngoài. Về vai trò của lễ tân trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đây là một nội dung tác nghiệp rất quan trọng, giúp cho việc mở rộng, củng cố, thúc đẩy việc giải quyết các mối quan hệ có liên quan đến chức năng quản lý của mỗi cơ quan, tổ chức, Nhà nước. Lễ tân xuất phát từ nhu cầu của Nhà nước, thể hiện và phục vụ chính sách, pháp luật của Nhà nước. Lễ tân là công việc cần thiết để tạo điều kiện cho hoạt động của cơ quan nhà nước được tiến hành thuận lợi. 2. Nguyên tắc sử dụng biểu tượng quốc gia Biểu tượng quốc gia là hình ảnh tượng trưng và đại diện cho một quốc gia, bắt buộc sử dụng tại các sự kiện có yếu tố nhà nước để thể hiện quyền lực và quyền lãnh thổ của mỗi quốc gia. Trong lễ tân nhà nước, việc sử dụng các

6


biểu tượng quốc gia là Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. a. Quốc kỳ Đặc điểm Quốc kỳ: Theo quy định, Quốc kỳ nước CHXHCN Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh; điểm giữa ngôi sao vàng đặt đúng điểm giữa (điểm giao nhau của hai đường chéo) Quốc kỳ; khoảng cách từ điểm giữa ngôi sao đến đầu cánh sao bằng một phần năm chiều dài của Quốc kỳ; một cánh sao có trục vuông góc với cạnh dài Quốc kỳ và hướng thẳng lên phía trên theo đầu cột treo Quốc kỳ; từ đầu cánh sao này đến đầu cánh sao đối diện là đường thẳng, không phình ở giữa, cánh sao không bầu; hai mặt của Quốc kỳ đều có ngôi sao vàng trùng khít nhau; nền Quốc kỳ màu đỏ tươi, ngôi sao màu vàng tươi.

(Quốc kỳ Việt Nam)

Nguyên tắc treo Quốc kỳ: Quốc kỳ được treo theo 2 cách trong 2 trường hợp: Trường hợp một, Quốc kỳ được treo trên cột treo Quốc kỳ: Trong trường hợp này, Quốc kỳ được treo theo cách cánh sao có trục vuông góc với cạnh dài Quốc kỳ hướng thẳng lên phía trên theo đầu cột treo Quốc kỳ. Trường hợp hai, Quốc kỳ được gắn trên nền của phông hậu của lễ đài: Quốc kỳ sẽ được treo sao cho cạnh dài song song với mặt đất, cạnh ngắn vuông góc với mặt đất, cánh sao có trục vuông góc với cạnh dài của Quốc kỳ được treo hướng lên trên. Lưu ý, trong cả hai trường hợp đều không được để ngược ngôi sao. Địa điểm và thời gian treo Quốc kỳ: Theo quy định, Quốc kỳ được treo trong các phòng họp, hội trường của các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước và các đoàn thể khi họp những buổi

7


họp long trọng. Trong các dịp các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị, tết cổ truyền của dân tộc và theo thông báo của trung ương và chính quyền địa phương, Quốc kỳ có thể được treo ngoài trời. Ngoài ra, Quốc kỳ được treo hoặc mang đi ở những nơi tổ chức mít tinh, diễu hành, động viên quần chúng, phát động thi đua sản xuất, thực hiện các phong trào cách mạng. Đối với, Các cơ quan Nhà nước, các nhà trường (kể cả học viện), các đơn vị vũ trang, các cửa khẩu biên giới, các cảng quốc tế phải có cột cờ và treo Quốc kỳ trước công sở, hoặc nơi trang trọng trước cửa cơ quan, Quốc kỳ phải đúng tiêu chuẩn về kích thước, màu sắc đã được Hiến pháp quy định. Các trụ sở như: Phủ Chủ tịch, trụ sở Quốc hội, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trụ sở Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm soát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, Cột cờ Hà Nội, trụ sở Ủy ban nhân dân các cấp (trừ Ủy ban nhân dân phường ở thành phố, thị xã), các cửa khẩu và cảng quốc tế phải treo Quốc kỳ 24/24 giờ hàng ngày. Trụ sở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các đơn vị vũ trang, nhà trường treo Quốc kỳ từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày. Tuy nhiên, đối với tất cả các cơ quan và đơn vị nói trên, đặc biệt là các cơ quan đối ngoại, khi có khách nước ngoài từ cấp Bộ trưởng trở lên đến thăm chính thức phải treo cờ quốc gia của khách cùng với Quốc kỳ nước ta theo nguyên tắc lễ tân ngoại giao được trình bày chi tiết trong phần phụ lục. Cách bài trí Quốc kỳ trong phòng họp Trong cuộc họp, các hoạt động mít tinh, lễ kỷ niệm, lễ trao tặng và đón nhận danh hiệu vinh dự nhà nước, Quốc kỳ được sử dụng và bài trí trang trọng theo nguyên tắc: Quốc kỳ được treo bên trái của lễ đài (nhìn từ dưới lên). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, Quốc kỳ được treo cùng với các biểu tượng khác như cờ Đảng, chân dung hoặc tượng các lãnh tụ, cần tuân thủ những trật tự sau đây:

8


i) Trường hợp Quốc kỳ cùng treo cờ Đảng, cần tuân nguyên tắc treo cờ bên trái lễ đài và theo trật tự Quốc kỳ ở bên phải cờ Đảng ở bên trái theo hướng nhìn từ dưới lễ đài; ii) Trường hợp ảnh hoặc chân dung lãnh tụ được treo cùng Quốc kỳ, yêu cầu treo ảnh lãnh tụ thấp hơn Quốc kỳ hoặc trên nền Quốc kỳ và dưới ngôi sao; iii) Khi cùng treo Quốc kỳ, cờ Đảng và sử dụng tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh, yêu cầu đặt tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh trên bục cao phía dưới ngôi sao hoặc ở phía dưới, giữa ngôi sao. Cờ Đảng được treo sao cho hình búa liềm theo chiều thẳng đứng. Trường hợp cờ được treo trên cột thì đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh chếch phía trước bên phải cột cờ (nhìn từ phía hội trường lên) và không được cao hơn cột cờ. b. Quốc huy Quốc huy là một trong những biểu tượng của quốc gia; bên cạnh Quốc

(Quốc huy Việt Nam)

kỳ và Quốc ca, Quốc huy thể hiện chế độ, hình ảnh đặc trưng của quốc gia. Quốc huy thường được sử dụng trên các ấn phẩm quốc gia như tiền tệ, hộ chiếu, giấy tờ,... Theo Điều 13, Hiến pháp Việt Nam năm 2013, Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, xung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng và dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Treo Quốc huy: Quốc huy được treo trang trọng tại phía trên cổng chính hoặc tòa nhà chính, thường tại các địa điểm sau: Trụ sở của Chính phủ; Nhà Quốc hội; Trụ sở Uỷ ban Nhân dân tỉnh, huyện, xã, thành phố và thị xã; Bộ ngoại giao, các đại sứ quán, lãnh sự quán Việt Nam tại nước ngoài. Quốc huy có thể treo ở lễ đài các ngày lễ lớn 1/5, 2/9 do Chính phủ hoặc các cấp

9


chính quyền địa phương tổ chức. In quốc huy: Quốc huy được in trong các văn bản, giấy tờ sau đây: Huân chương, Bằng khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; Các văn bản ngoại giao như: Quốc thư, uỷ nhiệm thư, Thư giới thiệu của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng bộ ngoại giao; Hộ chiếu; Công hàm, thiếp mời, phong bì của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ ngoại giao; Các thư từ, thiếp mời, phong bì của Chủ tịch Quốc hội trong việc giao thiệp với các cơ quan nước ngoài; Công văn, thiếp mời, phong bì của các đại sứ quán và lãnh sự quán ở nước ngoài. c. Quốc ca và nghi lễ chào cờ Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca (Điều 13, Hiến pháp Việt Nam năm 2013). Quốc ca được sử dụng trong các buổi lễ chào cờ tại các công sở nhà nước, trường học, các nghi lễ sinh hoạt chính trị của đất nước, các đoàn thể, các lễ hội quốc gia, các sự kiện thể thao cấp Nhà nước và Quốc tế…Bên cạnh đó, Quốc ca được cử trong một số hoạt động ngoại giao nhất định theo thứ tự: cử Quốc ca của nước bạn trước, sau đó mới cử Quốc ca của nước chủ nhà. Quốc thiều là nhạc của bài Quốc ca (Tiến quân ca). Theo thông lệ quốc tế, Quốc thiều được sử dụng trong các trường hợp sau: i) Đón tiễn các đoàn Nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ, theo nguyên tắc: Trong hoạt động đón khách, cử Quốc thiều nước bạn trước rồi đến Quốc thiều nước chủ nhà; Trong hoạt động tiễn khách, cử Quốc thiều nước chủ nhà trước rồi đến Quốc thiều nước bạn. ii) Trong các cuộc chiêu đãi, mít-tinh và các cuộc lễ tiết có liên quan đến hai nước, các cuộc hội nghị, hội thảo, thi đấu quốc tế…cũng cử Quốc thiều theo nguyên tắc: Khai mạc, cử Quốc thiều nước khách trước, nước chủ nhà sau; Bế mạc, cử Quốc thiều nước chủ nhà trước, nước khách sau. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, Quốc thiều chỉ cử khi đón các đoàn nguyên thủ quốc gia sang thăm chính thức Việt Nam ở điểm đón chính thức đầu tiên, có lãnh đạo cao nhất đón. Đoàn về thăm địa phương, không cử Quốc thiều khi đón, tiễn. Địa phương chỉ cử Quốc thiều khi đăng ký tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo, thi đấu quốc tế…. Nghi lễ chào cờ, hát Quốc ca được tổ chức tại nhiều sự kiện khác nhau. Tùy thuộc vào đặc điểm của sự kiện cũng như tình hình thực tế của mỗi sự kiện, nghi lễ chào cờ được thực hiện linh hoạt. Tuy nhiên, nguyên tắc chung là thống nhất và không có sự khác biệt. Nghi lễ chào cờ có thể được chia thành 3 bước: Bước 1: Chuẩn bị

10


Tập hợp hay mời mọi người vào vị trí. Yêu cầu mọi người đứng nghiêm hay đứng lên nếu đang ngồi, giữ yên lặng, bỏ mũ, nón xuống. Nếu mũ nón là một phần của đồng phục đang mặc phục vụ nghi lễ chào cờ thì không cần phải bỏ xuống. Khẩu lệnh trong giai đoạn này tương đối linh hoạt, phụ thuộc vào đối tượng tham gia lễ chào cờ. Người lệnh: Mời đồng bào/đại biểu/...đứng dậy/đứng nguyên tại vị trí/ngừng mọi hoạt động..., chỉnh lại trang phục, hướng về phía quốc kỳ chuẩn bị làm lễ chào cờ. Nếu có lễ rước cờ thì sẽ thực hiện tại giai đoạn này. Bước 2: Thực hiện nghi thức Sau khi hoàn tất giai đoạn chuẩn bị, tất cả mọi người tham gia buổi lễ chào cờ đã sẵn sàng cho thực hiện nghi thức. Người xướng lệnh sẽ phát khẩu lệnh: “Chào cờ - Chào” hoặc “Nghiêm - Chào cờ - Chào”. Quân nhạc cử quốc thiều hoặc sử dụng Quốc thiều đã được thu âm sẵn tùy theo hoàn cảnh và tính chất của từng hoạt động. Người tham dự hát Quốc ca. Chú ý: Trong quá trình chào cờ và hát Quốc ca, người tham dự phải đứng thẳng, trang phục nghiêm chỉnh, mặt hướng quay về phía lễ đài, ánh mắt hướng về phía Quốc kỳ. Đối với người thuộc lực lượng vũ trang có thể thực hiện theo nghi thức của ngành. Bước 3: Kết thúc Sau khi dừng Quốc ca, người xướng lệnh phát khẩu lệnh: Thôi. Lễ chào cờ kết thúc, mọi người thực hiện hoạt động tiếp theo. 3. Bố trí không gian và sắp xếp vị trí chỗ ngồi trong hội trường

(Lễ chào cờ tại Quảng trường Ba Đình)

11


Hội trường là nơi tổ chức các sự kiện quan trọng với số lượng người tham gia lớn với nhiều tư cách khác nhau. Do đó, việc bố trí không gian và sắp xếp vị trí chỗ ngồi là điều quan trọng biểu hiện ý nghĩa của sự kiện và vai trò của từng đối tượng tham gia. Để tránh lúng túng trong khi tham gia các hoạt động lễ tân nói chung cũng như ở Quốc hội, ĐBQH cũng cần biết cách bố trí chỗ ngồi. Để tiện theo dõi, trong phần này các nguyên tắc sẽ được phân định thành các nội dung cơ bản sau: Thứ nhất, quy định về không gian lễ đài Trong không gian lễ đài, việc sử dụng các biểu tượng Quốc gia phải tuân theo quy định về sử dụng cờ, quốc kỳ, tượng hoặc hình ảnh lãnh tụ như đã đề cập. Về trang trí phông, hoa trang trí và khẩu hiệu của buổi lễ được quy định: i) Tiêu đề buổi lễ được thể hiện bằng kiểu chữ chân phương trên nền phông về phía bên phải lễ đài. Nếu kết hợp trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng phải ghi đầy đủ danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng cao nhất được đón nhận; ii) Hoa trang trí đặt ở phía dưới, trước tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lẵng hoa của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng được đặt ở vị trí trang trọng. Không đặt nhiều lẵng hoa, cây cảnh trên lễ đài; iii) Khẩu hiệu của buổi lễ được treo ở vị trí nổi bật, phù hợp với không gian hội trường. Nội dung khẩu hiệu do Ban Tổ chức quyết định. Chú ý: Bên ngoài hội trường treo Quốc kỳ ở vị trí trang trọng, cờ trang trí, băng khẩu hiệu, tạo cảnh quan phù hợp với buổi lễ. Đối với bục diễn giả, tùy theo không gian và điều kiện cụ thể của hội trường, có thể bố trí trên sân khấu (phía bên phải sân khấu) hoặc phía dưới trước sân khấu. Lưu ý, không đặt bục diễn giả che lấp tiêu đề trên phông hậu; nếu đặt hoa trang trí trên bàn của bục diễn giả, không đặt hoa che lấp mặt người nói; mi-crô trên bục diễn giả được đặt ngay ngắn, thuận tiện cho người nói. Thứ hai, nguyên tắc sắp xếp bàn chủ tịch: căn cứ vào tính chất của buổi lễ, Ban Tổ chức quyết định việc bố trí bàn Đoàn Chủ tịch buổi lễ. Bàn Đoàn Chủ tịch thường được bố trí ở giữa sân khấu. Tùy theo số lượng thành viên Đoàn Chủ tịch, Ban Tổ chức quyết định số hàng (cao dần về phía sau) nhưng hàng sau cùng người ngồi không được che khuất tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tiêu đề buổi lễ. Trong quy định của pháp luật không hướng dẫn chi tiết thứ tự bố trí chỗ ngồi, tuy nhiên, theo thông lệ, Đoàn Chủ tịch được bố trí ngồi theo chức vụ quan trọng từ giữa ra hai bên và từ phía trước ra phía sau, từ phải sang trái.

12


7

Thứ ba, nguyên tắc và khách mời

5 2

4 1

6 3

8

xác định vị trí đại biểu

Về vị trí của người tham dự sự kiện thường được bố trí theo ngôi thứ lễ tân. Nguyên tắc xác định ngôi thứ lễ tân phục thuộc nhiều yếu tố: - Cấp bậc và chức vụ chính thức mà một người đang nắm giữ là một yếu tố quan trọng để xác lập danh sách theo thứ tự lễ tân. Cấp bậc và chức vụ có thể do nhà nước hay một tổ chức chính trị, xã hội một quốc gia hay một tổ chức quốc tế cử hoặc bổ nhiệm. Một người có chức vụ cao sẽ có vị trí cao trong thứ tự lễ tân trên cơ sở so sánh cấp bậc và chức vụ của người khác tham gia trong hoạt động đó. Người có chức vụ cao nhất và quan trọng nhất xếp vào vào vị trí được coi là hàng đầu. - Thâm niên: Đối với những người có cùng hay tương đương với nhau về cấp bậc, chức vụ, người có thâm niên nắm giữ cương vị đó lâu hơn được xếp vị trí cao hơn trong danh sách lễ tân. Người trong quá khứ đã từng giữ chức vụ cao hơn hoặc bằng chức vụ hiện tại, cũng thường được ưu tiên xếp trước một người có cùng chức vụ, mặc dù thâm niên chức vụ hiện tại không lâu bằng. - Độ tuổi: Kính trọng người nhiều tuổi là một nguyên tắc trong phép lịch sự xã giao trong giao tiếp xã hội. Trong xác định ngôi thứ, người nhiều tuổi được ưu tiên xếp trước người trẻ tuổi hơn nếu họ có cấp bậc, chức vụ ngang nhau hoặc không chênh lệch nhiều. - Uy tín: Trong cuộc sống, ngoài những người đang giữ những cương vị chính thức được cử hay bổ nhiệm có rất nhiều người mà uy tín của họ được xã hội công nhận và được công chúng biết đến như một người nổi tiếng, có ảnh hưởng trong xã hội. Họ có thể là một nhà khoa học, một người hoạt động xã hội hay là một người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ cũng có thể là một doanh nhân thành đạt v.v… Khi sắp xếp thứ tự lễ tân, những người này rất được coi trọng. Nếu là một hoạt động lễ tân, những người này thường được xếp sau những quan chức có chức vụ quan trọng. Đây cũng là một hình thức thể hiện về mặt hình thức và tổ chức nhằm đánh giá cao sự đóng góp cho xã hội nói chung của những vị khách này. Ngoài ra, trong hoạt động lễ tân còn có sự tham gia của những người tiền nhiệm, đã từng giữ các chức vụ trong bộ máy nhà nước hay một chức vụ điều hành, quản lý của một tổ chức. Theo nguyên tắc lễ tân, người tiền

13


nhiệm thường được xếp ngay sau người đương nhiệm. Đối với người giữ cương vị danh dự, trong danh sách lễ tân được xếp ngay sau người giữ chức vụ chính thức. Đối với vị trí chỗ ngồi của khách mời được quy định ngồi theo thứ tự từ giữa ra hai bên, từ phía trước ra phía sau. Mặc dù không có quy định chi tiết vị trí ngồi của khách ở vị trí nào trong không gian hội trường, tuy nhiên theo thông lệ, vị trí ngồi của khách mời trong hội trường bao giờ cũng được sắp xếp ở vị trí trang trọng, gần lễ đài, thường ở hai bên cánh gà của hội trường và tuân theo nguyên tắc xác định ngôi thứ trong hoạt động lễ tân. 4

2

1

3

6

4

2

1

3

5

12

10

8

7

9

11

Ngoài việc xác định vị trí chỗ ngồi của người tham dự trong cuộc họp, míttinh. Theo ngôi thứ lễ tân, một số yếu tố khác cũng thường được cân nhắc như: Tính đại diện của khách. Một người mặc dù cấp bậc hay chức vụ có thể khiêm tốn với các khách mời khác, song nếu họ đại diện chính thức cho một cơ quan hay tổ chức, cần được ưu tiên trong việc bố trí chỗ, tương đương với những người tham dự với cùng tư cách mặc dù có chức vụ thấp hơn. Ưu tiên phụ nữ: Là một nguyên tắc được coi trọng trong công tác lễ tân. Đây cũng xuất phát từ cử chỉ lịch sự trong giao tiếp xã hội, nam giới thường lịch sự nhường chỗ cho nữ giới. Nữ giới cùng cấp hay cấp bậc tương đương thường được xếp trước nam giới. Vị trí danh dự: Trong lễ tân, bên phải luôn được công nhận là vị trí ưu tiên. Khi các quan chức xuất hiện trên lễ đài tuỳ thuộc vào cách bố trí các thứ tự ưu tiên trên đoàn Chủ tịch. Theo tập quán chung có những cách bố trí như sau: + Khi lên thang gác và khi ra lễ đài mà vị trí ưu tiên ở đầu hàng thì người có vị trí cao nhất đi đầu hàng rồi tiếp sau theo thứ tự giảm dần.

14


+ Khi vị trí ưu tiên ở cuối hàng thì ngôi thứ theo thứ tự từ cuối hàng đi lên đầu hàng và người có vị trí thấp đi trước. + Trường hợp nhân vật cao nhất đi giữa thì người có vị trí thứ hai đi trước nhân vật đó. Vị trí thứ 3 đi sau. Tuy nhiên, để làm nổi bật vị trí ưu tiên, gần đây người ta thường bố trí nhân vật có vị trí cao nhất xuất hiện trước, tiếp theo là người ngồi kế tiếp cho đến người ngồi cuối cùng của nửa hàng bên trái và tiếp theo là người ngồi kế tiếp của nửa hàng bên phải từ giữa trở ra cho đến hết hoặc ngược lại. + Trường hợp đi theo hàng ngang thì tuỳ trường hợp mà bố trí người có vị trí cao nhất đi ở phía cuối bên phải hoặc cuối bên trái hoặc ở giữa. + Nếu số người là số chẵn thì lấy vị trí số 1 ở nửa hàng bên phải làm vị trí ưu tiên, giống như treo cờ. Đây cũng là cách vận dụng để phù hợp với nguyên tắc ưu tiên bên phải.

15


II. MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ LỄ TÂN Ở QUỐC HỘI 1. Nghi lễ trong kỳ họp Quốc hội Kỳ họp Quốc hội là hoạt động chính trị có tầm ảnh hưởng to lớn, cần phải được tổ chức trang nghiêm theo nghi thức nhà nước và phù hợp với nội dung công việc. Theo thông lệ, trước mỗi kỳ họp Quốc hội thường tổ chức hai nghi thức bao gồm: Lễ đặt vòng hoa, viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lễ chào cờ và hát quốc ca. Bên cạnh đó, theo quy định mới của Hiến pháp 2013, một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn phải tuyên thệ nhậm chức tại hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội của kỳ họp đầu tiên của Quốc hội mỗi khóa. Trường hợp, có sự thay đổi nhân sự ở những chức danh trên, nghi lễ này sẽ được tổ chức vào kỳ họp gần nhất. Lễ đặt vòng hoa, vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh: Trước mỗi kỳ họp, theo thông lệ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Đại biểu Quốc hội sẽ vào viếng lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại biểu xếp hàng tại đường Bắc Sơn để vào lăng (trường hợp trời mưa đại biểu tập kết tại đại sảnh, tầng 1, Nhà Quốc hội và vào lăng theo hướng từ cửa chính Nhà Quốc hội qua đường Độc Lập). Tại lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo Ban Quản lý lăng đón và hướng dẫn đoàn đặt vòng hoa và vào lăng. Đại biểu Quốc hội mặc lễ phục, không mang túi xách, tắt điện thoại di động. Sau khi viếng Bác, đại biểu Quốc hội đi bộ về Nhà Quốc hội theo hướng dẫn của Ban Quản lý lăng.

Các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên Văn phòng Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và công chức, viên chức, người lao động các Vụ, Cục, đơn vị trong Văn phòng Quốc hội nếu tham gia cùng Đoàn vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng phải tuân thủ các quy định như đại biểu Quốc hội; xếp hàng phía sau cùng, ưu tiên đại biểu Quốc hội vào viếng trước.

16


Nghi lễ chào cờ và hát quốc ca: Chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca là một nghi thức thiêng liêng thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Theo nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 102/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2015, trước khi Chủ tịch Quốc hội khai mạc và sau khi Chủ tịch Quốc hội bế mạc kỳ họp, Quốc hội làm lễ chào cờ. Tại lễ chào cờ, quân nhạc cử Quốc thiều, đại biểu Quốc hội và những người tham dự hát Quốc ca. Lễ chào cờ được thực hiện theo quy định chung. Nghi lễ tuyên thệ nhậm chức của một số chức danh: Lời tuyên thệ là một lời hứa hoặc khẳng định của một người trước khi nhận nhiệm vụ, thường là trong các cơ quan công quyền hoặc cơ quan tôn giáo. Tuyên thệ nhậm chức là nghi thức mà lãnh đạo các cấp ở nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện từ lâu. Ở Việt Nam, theo quy định, “sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao phải tuyên thệ trung thành với tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp”. Bên cạnh việc tuyên thệ về sự trung thành, nội dung khác trong lời tuyên thệ do người tuyên thệ quyết định phù hợp với trách nhiệm được giao. Tại nghi lễ tuyên thệ, đội nghi lễ gồm 3 cảnh vệ thực hiện lễ rước cờ Tổ quốc đi trước và 2 cảnh vệ đi sau mang bản Hiến pháp đặt trên bục tuyên thệ. Đội nghi lễ bước vào hội trường Quốc hội từ bên phải lễ đài theo nhạc lệnh. Người tuyên thệ đứng trước Cờ tổ quốc và thực hiện nghi thức chào Cờ tổ quốc trước và sau khi đọc lời tuyên thệ. Khi đọc lời tuyên thệ, người tuyên thệ phải đứng trước Quốc kỳ tuyên thệ, tay trái đặt lên Hiến pháp, tay phải vuông, hướng lòng bàn tay ra phía trước. Thời gian tuyên thệ không quá 03 phút. Trong hội trường, người chứng kiến lễ tuyên thệ phải đứng lên, nghiêm trang để tham gia buổi lễ. Sau khi thực hiện nghi thức tuyên thệ, người tuyên thệ đọc bài diễn văn phát biểu nhận chức. Nội dung bài phát biểu hàm chứa quan điểm, định hướng, lời hứa và quyết tâm thực hiện trách nhiệm của mình.

17


2. Hình thức họp và quy tắc lễ tân trong các cuộc họp ở Quốc hội Tại kỳ họp Quốc hội, các phiên họp được Quốc hội quyết định và ghi trong chương trình kỳ họp Quốc hội bao gồm 5 hình thức họp: i) Phiên họp toàn thể của Quốc hội; ii) Phiên họp do Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức để thảo luận, xem xét về các nội dung thuộc chương trình kỳ họp; iii) Phiên họp do Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tổ chức thảo luận về nội dung trong chương trình kỳ họp thuộc lĩnh vực phụ trách; iv) Phiên họp Tổ đại biểu Quốc hội; v) Phiên họp Đoàn đại biểu Quốc hội. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Quốc hội họp với các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội khác có liên quan trao đổi về những vấn đề trình Quốc hội xem xét, quyết định. Đối với các hình thức họp khác nhau sẽ có cách thức tổ chức khác nhau, phù hợp với tính chất của từng hình thức. a. Trong phiên họp toàn thể của Quốc hội Phiên họp toàn thể của Quốc hội là hình thức hoạt động chủ yếu và quyết định đến thành công của kỳ họp. Tại phiên họp toàn thể, Quốc hội nghe thuyết trình về dự án, đề án, trình bày báo cáo; thảo luận và quyết định các vấn đề trong chương trình kỳ họp. Mặt khác, phiên họp toàn thể của Quốc hội thường hay có sự tham dự của các vị khách mời trong nước và quốc tế, các cơ quan truyền thông báo chí. Do đó, bên cạnh việc quan tâm đến công tác chuyên môn, công tác tổ chức cần tuân thủ nguyên tắc lễ tân như đã trình bày tại Phần I để đảm bảo tính quyền lực, uy nghiêm của Quốc hội.

18


Ngoài ra, tại phiên họp toàn thể của Quốc hội cũng cần chú ý một số quy định, yếu tố đặc thù sau: Thứ nhất, Chủ tọa kỳ họp: Theo quy định, chủ tọa phiên họp toàn thể là Chủ tịch Quốc hội. Các phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch Quốc hội chủ tọa phiên họp theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội khai mạc và bế mạc kỳ họp. Trừ trường hợp kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội khóa trước khai mạc kỳ họp. Thứ hai, thành phần khách mời tham dự phiên họp toàn thể bao gồm: - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thành viên Chính phủ; Tổng Kiểm toán nhà nước; người đứng đầu cơ quan do Quốc hội thành lập không phải là đại biểu Quốc hội được mời tham dự các kỳ họp Quốc hội, có trách nhiệm tham dự các phiên họp toàn thể của Quốc hội khi thảo luận về những vấn đề có liên quan đến ngành, lĩnh vực mà mình phụ trách. Người được mời tham dự kỳ họp Quốc hội được phát biểu ý kiến về vấn đề thuộc ngành, lĩnh vực mà mình phụ trách nếu được Chủ tịch Quốc hội đồng ý hoặc phát biểu ý kiến theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội. - Khách mời danh dự trong nước, quốc tế do Chủ tịch Quốc hội quyết định theo đề nghị của Tổng thư ký Quốc hội. Tổng thư ký Quốc hội trao đổi, thống nhất với Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội về khách mời danh dự quốc tế trước khi báo cáo Chủ tịch Quốc hội. - Đại diện cơ quan nhà nước, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan báo chí có thể được mời dự các phiên họp công khai của Quốc hội. Căn cứ chương trình kỳ họp Quốc hội, đề nghị của Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội quyết định danh sách người được mời quy định tại khoản này. - Công dân có thể được dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội. Tổng thư ký Quốc hội tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội. Thứ ba, Vị trí của đại biểu và khách mời: Không gian hội trường Diên Hồng được thiết kế 2 tầng. Tầng 1 được chia thành 3 dãy chính, 2 dãy phụ hai bên. Mỗi dãy được chia thành các hàng được đánh theo thứ tự của bảng chữ cái (A,B,C,…). Vị trí chỗ ngồi tầng 1 dành cho đại biểu Quốc hội và khách mời là các vị lão thành, nguyên lãnh đạo và các Bộ ngành; tầng 2, dành cho khách mời ngoại giao và khách mời dự thính. Cụ thể: Tầng 1 của Hội trường: Trên lễ đài, bố trí bàn dành cho Đoàn Chủ tịch, gồm có Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội.

19


Phía dưới hội trường, theo ngôi thứ lễ tân và theo thông lệ, hàng A của dãy trung tâm phải bố trí vị trí ngồi cho lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận tổ quốc Việt Nam theo đặc thù công việc. Đối với đại biểu Quốc hội, chỗ ngồi được bố trí theo Đoàn và thường có sự luân chuyển theo các kỳ họp. Sự luân chuyển thường điều chỉnh theo vần A-B-C-…(tên tỉnh/thành phố). Trình tự luân chuyển chỗ ngồi mỗi kỳ họp theo nguyên tắc sau: Khu vực trên, khu vực giữa, khu vực cuối của Hội trường; Từ giữa ra hai bên, từ phải qua trái và ngược lại. Đối với các đồng chí nguyên Tổng Bí thư, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch nước được bố trí ngồi hàng A, cạnh dãy trung tâm; Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư (không phải đại biểu Quốc hội), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và khách mời được bố trí chỗ ngồi dãy bên phải; Các đồng chí đại diện Các Bộ ngành được bố trí ngồi bên trái dãy bên trái của hội trường theo hướng nhìn từ lễ đài xuống. Tầng 2 của Hội trường: được bố trí vị trí ngồi cho khách mời ngoại giao (khu vực giữa của tầng) và khách mời Hội đồng nhân dân (bố trí tại tầng 2, Phòng Diên Hồng). Trước khi kỳ họp diễn ra, Văn phòng Quốc hội sẽ gửi phiếu báo chỗ ngồi, số ghế của các đại biểu Quốc hội theo Đoàn và vị trí của khách mời. b. Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp để thảo luận, xem xét về các nội dung thuộc chương trình kỳ họp. Đại biểu Quốc hội, đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan được mời tham dự phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Địa điểm tổ chức các cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường được tổ chức tại phòng họp Tân Trào, Tòa nhà Quốc hội. Không gian phòng họp được thiết kế có lễ đài, chính giữa lễ đài được gắn biểu tượng Quốc huy, phía dưới Quốc huy đặt tượng Bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên phải lễ đài treo Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thông tin về phiên họp được thể hiện trên nền phông của lễ đài. Về hình thức bố trí phiên họp: Bàn họp của Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội được bố trí 2 lớp, lớp trong thiết kế theo hình chữ nhật kín, lớp ngoài hình chữ U. Ở vòng lớp trong, phía trên cùng là Đoàn Chủ tịch (gồm có Chủ tịch và các Phó Chủ tịch). Việc bố trí vị trí chỗ ngồi bàn Chủ tịch tuân thủ quy tắc lễ tân về xác định ngôi thứ. Hai bên trái và phải của Đoàn Chủ tịch là chỗ ngồi của Chủ nhiệm các Ủy ban. Bàn đối diện với Đoàn Chủ tịch là chỗ ngồi của các khách mời chính, đại diện các cơ quan, bộ ngành. Vòng ngoài là chỗ ngồi của Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban, ĐBQH và các khách mời khác.

20


Trình tự phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tiến hành như sau: Chủ tọa nêu các nội dung cần tập trung thảo luận; Các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận; Đại biểu Quốc hội, đại diện cơ quan, tổ chức hữu quan tham dự phát biểu ý kiến; Chủ tọa phát biểu kết thúc phiên họp. c. Phiên họp do Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tổ chức Mục đích: Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tổ chức phiên họp để thảo luận, xem xét về các nội dung thuộc chương trình kỳ họp năm trong lĩnh vực phụ trách. Đại biểu Quốc hội, đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan được mời tham dự phiên họp . Địa điểm: Thường là các phiên họp của HĐND và các Ủy ban của Quốc hội được tổ chức tại phòng họp riêng của các cơ quan này. Thành phần: gồm có các đại biểu thuộc Hội đồng dân tộc, các Ủy ban. Các đại biểu Quốc hội không phải là thành viên của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có thể đăng ký hoặc được mời tham gia phiên họp. Bố trí chỗ ngồi: Bàn họp của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban thường được sắp xếp theo hình chữ nhật. Thường trực Ủy ban và khách mời danh dự (nếu có) ngồi ở dãy bàn phía trên cùng, các đại biểu ngồi xung quanh. Các cán bộ, chuyên viên phục vụ ngồi ở vòng ngoài. Tuy nhiên, việc sắp xếp chỗ ngồi còn phụ thuộc vào diện tích phòng ốc và trang thiết bị trong phòng. Trình tự phiên họp do Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tổ chức tại kỳ họp được tiến hành như sau: Chủ tọa nêu những nội dung đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận; Đại biểu Quốc hội thảo luận; Chủ tọa phát

21


biểu kết thúc phiên họp. d. Phiên thảo luận Tổ Tại mỗi kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Tổ đại biểu Quốc hội, chỉ định Tổ trưởng, Phó Tổ trưởng Tổ đại biểu Quốc hội. Tổ trưởng Tổ đại biểu Quốc hội điều hành việc thảo luận Tổ (trường hợp Tổ trưởng vắng mặt thì Phó Tổ trưởng được phân công chủ tọa phiên họp). Thành phần: Tùy theo số lượng đại biểu của mỗi Đoàn, mỗi Tổ đại biểu có thể gồm từ 1 đến 4 Đoàn với số lượng từ khoảng 20 đến 30 đại biểu (riêng Đoàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, do số lượng đại biểu đông nên thường được chia thành một Tổ riêng). Ngoài ra, mỗi Tổ có bộ phận thư ký gồm cán bộ, chuyên viên Văn phòng Quốc hội và cán bộ, chuyên viên Văn phòng phục vụ Đoàn ĐBQH cùng phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của đồng chí Tổ trưởng. Bố trí chỗ ngồi: Thông thường, bàn họp tổ đại biểu thường được bố trí theo hình chữ nhật. Chủ tọa ngồi ở ghế chính giữa của bàn phía trên cùng điều hành phiên họp. Các đại biểu ngồi xung quanh. Bộ phận thư ký ngồi ở vòng ngoài. Trình tự tiến hành phiên thảo luận tổ: Chủ tọa nêu những nội dung đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận; Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến; Chủ tọa phát biểu kết thúc phiên họp. Ghi biên bản họp tổ: Chủ tọa chỉ đạo bộ phận Thư ký làm biên bản thảo luận Tổ và ký xác nhận vào biên bản trước khi gửi Đoàn Th­ư ký kỳ họp để tổng hợp báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội. Như các kỳ họp trước đây: 01 chuyên viên của Văn phòng Quốc hội ghi biên bản theo thứ tự nội dung của bản gợi ý thảo luận; cán bộ phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội ghi biên bản theo thứ tự phát biểu của đại biểu. e. Phiên họp Đoàn Thành phần: gồm có các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đại biểu, thư ký Đoàn. Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chủ tọa phiên họp Đoàn đại biểu Quốc hội. Trường hợp Trưởng đoàn vắng mặt thì Phó trưởng đoàn được phân công chủ tọa phiên họp. Bố trí chỗ ngồi: Bàn họp Đoàn thường được sắp xếp theo hình chữ nhật. Chủ tọa ngồi phía đầu bàn, các đại biểu trong đoàn ngồi hai bên tay trái và phải của chủ tọa. Thư ký đoàn sẽ ngồi ở vòng ghế ngoài hoặc phía đối diện bàn chủ tọa trong trường hợp còn ghế trống. Trình tự phiên họp thảo luận ở Đoàn: Chủ tọa nêu những nội dung đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận; Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến; Chủ tọa phát biểu kết thúc phiên họp.

22


III. MỘT SỐ KỸ NĂNG LỄ TÂN DÀNH CHO ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI 1. Tuân thủ các quy tắc, thông lệ về lễ tân khi tham gia các hoạt động ở Quốc hội Trên diễn đàn Quốc hội, để đáp ứng các nguyên tắc lễ tân, đồng thời mang phong cách riêng biệt, đại biểu cần lưu ý một số nội dung sau: Một là, trang phục của đại biểu: Diễn đàn Quốc hội là nơi hội họp, gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc của các thành phần đại diện cho nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau, nhiều phiên họp còn được truyền hình trực tiếp đến cử tri và được đông đảo người dân quan tâm theo dõi. Do đó, đại biểu cần chú ý lựa chọn trang phục sao cho phù hợp với vai trò chính khách của mình. Nói chung trang phục cần chỉnh tề, trang nhã, nghiêm túc, lịch sự; sử dụng đúng lúc, đúng chỗ. Chỉnh tề có nghĩa lành lặn, may ngay ngắn, may đo đúng kích thước, đúng thời trang, là ủi phẳng phiu. Trang nhã có nghĩa là màu sắc không sặc sỡ, kiểu cách không lập dị. Tránh để các vật dụng như bao thuốc, bật lửa, bút, kính hoặc lược ở túi áo quần, nhất là túi áo ngực. Đối với đại biểu nữ, nên ưu tiên lựa chọn áo dài khi tham gia kỳ họp. Tuy nhiên, không nên mặc những chiếc áo dài có màu sắc quá sặc sỡ, thêu thùa rối rắm. Trường hợp không sử dụng áo dài, cần lựa chọn trang phục lịch sự, kín đáo như vest công sở, tránh mặc những bộ quá cầu kỳ, quá chật, quá bó, hay quá ngắn. Không nên trang điểm quá mức, xức nước hoa quá đậm. Khi tham gia kỳ họp đối với đại biểu nam, trang phục thông thường và phổ biến là bộ comple, vest tông hoặc áo vest công sở, quần âu, áo sơ mi. Các đại biểu cũng có thể chọn trang phục phù hợp với ngành nghề của mình đại diện (như lực lượng vũ trang, nhà sư…). Màu giày và tất nên hài hòa với màu quần áo, tuyệt đối không đi tất trắng vì chỉ có vận động viên mới dùng. Đặc biệt trong thời gian truyền hình trực tiếp phiên họp toàn thể của Quốc hội hoặc có lịch phát biểu, thảo luận, chất vấn của mình, đại biểu cần quan tâm hơn đến trang phục vì đây là thời điểm nhiều người quan tâm theo dõi. Hai là, ứng xử của đại biểu trong hội trường: Thái độ ứng xử của đại biểu trong hội trường cũng là một điểm đáng chú ý để xây dựng hình ảnh của đại biểu. Thông thường, thời gian cho mỗi kỳ họp của Quốc hội kéo dài khoảng một tháng với khối lượng công việc lớn. Ngoài ra, tại mỗi kỳ họp có tương đối nhiều hoạt động ngoài lề của những phiên họp toàn thể. Điều này dễ dẫn tới trạng thái mệt mỏi của đại biểu, có thể “ngủ gật”. Sự thiếu tập trung, lơ đãng có thể bị phát hiện, ảnh hưởng đến hình ảnh của đại biểu. Sau đây là một số “mẹo” có thể giúp đại biểu tập trung hơn trong công việc cũng như trong kỳ họp Quốc hội. Cách 1: Áp dụng phương pháp Pomodoro. Đây là phương pháp xây dựng dựa trên nguyên lý trạng thái làm việc hiệu quả của con người. Áp dụng

23


phương pháp này, đại biểu lựa chọn mục tiêu đặt ra của mình. Đặt chế độ nhắc 25 phút, đại biểu tập trung hết sức trong khoảng thời gian 25 phút đó, nghỉ 5 phút. Sau đó lại quay lại làm việc tập trung. Thực hiện như thế khoảng 4 lần, đại biểu có thể làm việc tập trung kéo dài khoảng 100 phút và nghỉ 20 phút. Áp dụng phương pháp này, đại biểu có thể duy trì mức độ tập trung suốt cả ngày làm việc. Cách 2: Áp dụng phương pháp đổ rác bộ não: Phương pháp này áp dụng để ngăn chặn những ý nghĩ bất chợt của bộ não. Bộ não của chúng ta có đặc điểm rất đặc biệt là rất dễ nảy sinh một luồng suy nghĩ và chỉ một vài phút sau thì chúng ta đã bị dẫn dắt đến ý nghĩ khác mà không hề biết. Gặp tình trạng này, đại biểu có thể ghi tất cả những ý nghĩ, ý tưởng đó ra một quyển số, mảnh giấy, máy tính,...để khi có thời gian sẽ xem lại. Và ngay lập tức, quay trở lại với công việc hiện tại. Khi chúng ta viết suy nghĩ bất chợt đó ra và lưu trữ ở một nơi nào đó, luồng suy nghĩ đó không mất đi, nhưng chúng ta có thể chủ động được lựa chọn thời điểm nào sẽ quay lại với suy nghĩ này. Cách 3: Để tránh sự mất tập trung, đại biểu có thể để trên bàn mình một lời nhắc nhờ như: “tập trung nghe” hay “quay trở lại ngay”,...Những lời nhắc nhở này sẽ giúp đại biểu tránh sa đà vào những suy nghĩ không đúng nội dung của công việc. Ngoài ra, đại biểu còn có thể thực tập nhiều phương pháp khác để luyện tập và duy trì sự tập trung của mình như phương pháp thiền, chia nhỏ công việc để thực hiện,... Một số điều cần chú ý: Trong khi ngồi trong hội trường, đại biểu cần ngồi thẳng, ngay ngăn, không nên ngồi nghiêng ngả hay nói chuyện với người bên cạnh, đi lại nhiều trong hội trường cùng như làm việc riêng. Đại biểu hết sức lưu ý, không hút thuốc trong hội trường cũng như trong khuôn viên của tòa nhà Quốc hội, cần hút thuốc đúng nơi quy định, không xả thuốc. Ba là, phong thái của đại biểu: Hình ảnh của đại biểu sẽ được tôn lên rất nhiều khi người đại biểu luôn tự tin, bản lĩnh tâm huyết và hứng thú với những điều mình đề cập. Tuy nhiên, tự tin bản lĩnh của đại biểu không phải tự nhiên mà có, cần có sự trau dồi và luyện tập thường xuyên. Đại biểu không nên chờ đợi mọi kiến thức, kỹ năng của mình đầy đủ trọn vẹn mới dám đứng lên phát biểu. Nhất là những đại biểu mới, trẻ thường có ý nghĩ e dè ngại ngùng, nên mạnh dạn bước qua giới hạn của chính bản thân mình. Bốn là, xưng hô ở Quốc hội: Quốc hội là cơ quan đại diện, cơ quan lập pháp, nơi mỗi ĐBQH có vị thế bình đẳng với các đại biểu khác, dù chức vụ có thể khác nhau trong công tác. Vì vậy, xưng hô ở Quốc hội cũng cần phù hợp với những đặc điểm này. Ở hầu hết nghị viện các nước, mỗi khi phát biểu, tranh luận tại các phiên họp toàn thể hay họp Ủy ban, nghị sỹ không xưng hô trực tiếp với người cần tranh luận, mà chỉ nói: “Thưa Chủ tọa”, với hàm ý giữ sự khách quan, đề cao vai trò của chủ tọa là người cầm trịch ở giữa; nghị sỹ

24


tranh luận với ý kiến, quan điểm, chứ không phải với con người cụ thể; có gì cần tranh luận lại thì qua sự điều hành của chủ tọa. Ở Quốc hội nước ta, mỗi khi phát biểu, đại biểu thường nói: “Kính thưa Quốc hội”. Có lẽ chúng ta cũng nên chuyển sang cách xưng hô qua chủ tọa khi phát biểu ở các phiên họp của Quốc hội. Bên cạnh đó, phiên họp của Quốc hội không phải là cuộc họp của cơ quan Đảng, vì vậy không nên xưng hô “đồng chí” ở đây. Tại phiên họp ở Quốc hội, khi xưng hô trực tiếp, có thể nói: Anh/Chị Tôi; còn khi xưng hô gián tiếp, có thể dùng Ông/Bà A, B, C. Trong phiên họp cần tránh cách xưng hô trong giao tiếp ngoài đời như “Thưa chị…, em có quan điểm như sau…”. Mặt khác, cách xưng hô như vậy có thể phù hợp trong thời gian giải lao, ăn trưa, tiệc tối… Ngoài ra, để xây dựng hình ảnh chính khách của mình đại biểu cần quan tâm đến một số kỹ năng như kỹ năng phát biểu, thảo luận, tranh luận tại hội trường; kỹ năng tiếp xúc báo chí;...Tuy nhiên, chúng không liên quan đến kỹ năng lễ tân, vì vậy đã được đề cập trong các ấn phẩm, tài liệu khác của Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử phát hành và tập huấn trong các hội nghị bồi dưỡng. 2. Kỹ năng trong giao tiếp ngoài cuộc họp Giao tiếp của đại biểu là một phần nội dung của lễ tân nhà nước thể hiện vai trò chính khách của đại biểu cũng như văn hóa nghị trường. Bên cạnh những lưu ý về lễ tân trong hội trường, những vấn đề bên lề các cuộc họp Quốc hội cũng là nội dung đại biểu nên quan tâm như thái độ, phong cách trong giao tiếp; chào hỏi, bắt tay; trao và nhận danh thiếp; sử dụng ngôn ngữ cơ thể trong giao tiếp. a. Một số điểm lưu ý chung trong giao tiếp Giao tiếp tại nghị trường của đại biểu diễn ra trên cương vị chính khách với những người có uy tín trong xã hội, đại diện cho các cơ quan nhà nước, tầng lớp nhân dân và các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước. Do đó, trong quá trình giao tiếp đại biểu cần tỏ thái độ đúng mực, thân thiện, tôn trọng và bản lĩnh. Điều này sẽ là yếu tố quyết định đến mọi ứng xử của đại

25


biểu không chỉ trong giao tiếp mà còn trong cả quá trình hoạt động tại Quốc hội. Để xây dựng một phong cách giao tiếp chuyên nghiệp, hấp dẫn và thu hút, đại biểu cần biết hai kỹ thuật cơ bản: nói và nghe. Nói những điều chân thành với thái độ hoà nhã, niềm nở, lịch sự; điềm đạm kiêm tốn. Không đề cao cá nhân một cách lộ liễu, nhưng cũng không nhún nhường quá mức. Nói đủ để cho người nói chuyện với mình hiểu được câu chuyện và hứng khởi với câu chuyện của mình. Nghe là biết dừng đúng lúc và lắng nghe những người khác, hưởng ứng câu chuyện của người khác, khiến cho người giao tiếp với mình có thêm hứng thú. Trong khi giao tiếp, tránh nói quá to hoặc quá nhỏ, quá nhanh hoặc quá chậm; ngắt lời người khác; vừa nói vừa nhìn chằm chằm hoặc chỉ chỏ vào người khác. Chỗ đông người không nói chuyện mà hai hoặc vài người hiểu với nhau. Tránh hỏi về đời tư, thu nhập, chuyện riêng tư...Khi chào hỏi, nói chuyện, không nên nhai kẹo, ăn uống, ngậm thuốc lá, đội mũ nón, đút tay túi quần; tránh những cử chỉ và tư thế bất nhã như ngọ nguậy người, ngoáy tai, cắn móng tay, nhổ râu, rung đùi, rung chân... b. Giới thiệu, chào hỏi và bắt tay Giới thiệu, chào hỏi, bắt tay là những cử chỉ xã giao thông thường trong giao tiếp, song để làm cho đúng phép xã giao, đúng vị thế, đại biểu cần lưu ý một số vấn đề sau: Khi mới gặp nhau lần đầu, chủ nhà hoặc một người khác đứng ra giới thiệu hai người chưa quen nhau. Trong các nghi lễ chính thức thì chủ nhà hoặc viên chức lễ tân giới thiệu chức tước trước, họ tên sau. Trong các cuộc tiếp xúc bình thường người ta giới thiệu tên trước, chức sau. Việc giới thiệu thường theo trình tự: giới thiệu người có địa vị thấp cho người có địa vị cao; giới thiệu người ít tuổi cho người cao tuổi, giới thiệu nam cho nữ, giới thiệu nữ cho người cao tuổi hơn, có cương vị cao hơn và cho người tu hành… Nếu hai người cùng tuổi và cùng địa vị thì giới thiệu người đến sau cho người đến trước. Khi giới thiệu động thời có thể trao danh thiếp. Trong chào hỏi và bắt tay cần thực hiện theo nguyên tắc: Người ít tuổi chào người cao tuổi trước, người có địa vị thấp chào người có địa vị cao hơn trước. Không chủ động bắt tay người cao tuổi hơn, người có chức vụ cao hơn, các chức sắc tôn giáo, khi người đó chủ động

26


bắt tay mới bắt tay đáp lễ. Trường hợp người cao tuổi lại có địa vị thấp hơn thì cả hai nên cùng chìa tay cho nhau. Nếu giữa những người có cùng độ tuổi, địa vị xã hội tương đương, nam nên chào phụ nữ trước, người đến sau chào người đến trước. Khi bắt tay chào hỏi, đại biểu nên hướng sự chú ý đến người mình chào, người mình bắt tay, thân mật, đầu hơi nghiêng về phía người đó, nhưng không cúi gập người một cách khúm núm. Nếu là người có quan hệ gần gũi và thân tình, giữa nam giới với nhau có thể siết chặt hơn bình thường và giữ ít lâu. Nếu bắt tay nữ thì nên nắm vừa phải, nam giới khi bắt tay nữ giới không nên siết chặt tay. Không bắt tay quá lâu, lắc mạnh, lắc nhiều lần, nhất là khi bắt tay phụ nữ. Không nên sử dụng tay trái khi bắt tay, không đứng trên bậc thang để bắt tay người ở dưới bậc thang, không bắt tay hai người cùng một lúc... Trong tình huống đối với một nhóm người, khi chào hỏi đại biểu nên chào và bắt tay tất cả mọi người trong nhóm, không nên để sót người nào vì điều này dễ gây hiểu lầm có sự phân biệt. Tuy nhiên, khi giao tiếp với một số lượng người tương đối lớn, đại biểu có thể chỉ bắt tay một số người gần mình và gật đầu chào với những người xung quanh hoặc hơi nghiêng người thể hiện phép lịch sự. Người được chào nên lịch sự chào trả lời. Trường hợp, người được chào đang bận giao tiếp với người khác hoặc có việc riêng, có thể chỉ cần cười hoặc gật đầu thể hiện sự nhận biết của mình với người mới. c. Cách trao, nhận danh thiếp: Danh thiếp dùng để giới thiệu, thiết lập và giữ mối quan hệ. Danh thiếp in bằng giấy cứng. Trên danh thiếp có in tên, chức vụ, địa chỉ cơ quan, số điện thoại, fax... Danh thiếp chỉ nên ghi chức danh chủ yếu, tránh kiểu danh thiếp ghi đầy các chức danh “thượng vàng hạ cám” như kiểu khoe mẽ, vừa rối, không đẹp. Danh thiếp thường được trao khi lần đầu gặp nhau. Trao danh thiếp: Để danh thiếp ở nơi dễ lấy nhất (túi áo trên); Lấy danh thiếp khi gặp đối tác: Phải trao trước mặt, phía tay phải của khách, nên dùng hai tay để trao danh thiếp, không nên âm thầm để lên mặt bàn. Nhận danh thiếp: Nhận bằng hai tay thể hiện thái độ trân trọng; Cúi đầu chào về hướng danh thiếp; Để danh thiếp trên bàn, ngay trước mặt khi trao đổi với đối tác; Nếu không có bàn, sau khi nhận, nên bỏ danh thiếp vào túi hoặc sổ tay; Không nên cho danh thiếp vào túi quần hoặc vừa cầm, vừa mân mê, xem đi, xem lại nhiều lần. d. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể Ngôn ngữ cơ thể là hình thức giao tiếp phi ngôn từ, đóng vai trò rất quan trọng trong việc thể hiện thái độ, tình cảm của người nói. Theo nhiều nghiên

27


cứu của các nhà khoa học, thông tin chuyển tải qua ngôn ngữ cơ thể chiếm 70-80%, chỉ khoảng từ 20-30% là chuyển tải qua từ ngữ. Đa phần con người thường ít tự nhận biết về ngôn ngữ cơ thể của riêng mình, vì thế việc tự kiểm soát các cử chỉ của mình là khá khó khăn. Tuy nhiên, nếu chịu khó để ý và thực hành, ngôn ngữ cơ thể sẽ cộng hưởng cùng ngôn ngữ nói giúp chúng ta chuyển tải thông điệp một cách ấn tượng và hiệu quả. Giao tiếp bằng mắt: Khi nói chuyện, hãy nhìn thẳng vào người đối diện thể hiện sự quan tâm và khích lệ. Tuy nhiên, không nên nhìn chằm chằm, hay đảo mắt lên xuống liên tục; tránh ánh nhìn vô hồn; tránh nhìn đi nơi khác và nhìn xuống thể hiện sự e ngại, thiếu tự tin, thiếu tin cậy trong giao tiếp. Ngoài ra, dù nói chuyện với bất kỳ ai cũng không nên tập trung ánh mắt vào khiếm khuyết trên cơ thể họ. Nụ cười: Nụ cười thân thiện là cách giao tiếp hiệu quả. Nụ cười tạo hiệu ứng lan tỏa sự cởi mở, ấm áp và vui vẻ đối với những người xung quanh. Tư thế: Tư thế là dấu hiệu thể hiện phong cách, sự tự tin và bình tĩnh của mỗi người. Khi giao tiếp, không nên thõng vai hay quá gồng mình, điều đó thể hiện thái độ miễn cưỡng hoặc không thoải mái. Tư thế tốt nhất khi đối diện với người khác là hơi rướn ngực, vai mở rộng. Hạn chế việc khua chân múa tay, cử động không ngừng trong lúc nói chuyện. Khoảng cách: Khoảng cách giữa hai người khi trò chuyện cho thấy mức độ quan hệ và sự tôn trọng không gian riêng tư giữa hai bên. Nếu mối quan hệ giữa những đối tượng giao tiếp không quá thân thiết, không nên đứng quá gần sẽ làm đối phương cảm thấy bị lấn át và không dễ chịu (ví dụ mùi cơ thể, hơi thở…). Nên chú ý đến khoảng cách hợp lý khi nói chuyện sẽ tạo nên sự hài hòa, thoải mái và mang đến hiệu quả giao tiếp tốt hơn. Khi giao tiếp, cần tránh một số ngôn ngữ cơ thể tiêu cực như: xem đồng hồ, ngắm móng tay, sờ, chạm vào mặt người khác, gãi đầu, gãi cổ, chớp mắt liên tục, nhìn chằm chằm, cử động và lắc lư cơ thể quá nhiều, khoanh tay… 3. Tham gia tiệc chiêu đãi ĐBQH phải tham gia nhiều cuộc chiêu đãi khác nhau. Cùng với phép lịch sự xã giao thông thường trong giao tiếp xã hội, hoạt động này có rất nhiều quy tắc bất thành văn mà mỗi một người tham dự không thể không tự ý thức. Sau đây là một số trong những quy tắc đó: a. Chuẩn bị cho tiệc chiêu đãi Trước mỗi tiệc chiêu đãi đại biểu cần: - Tìm hiểu chủ nhà là ai, ở cấp nào, mục đích của buổi chiêu đãi, thành phần dự tiệc, hình thức tiệc (tiệc đứng, tiệc ngồi)…Có quy định trang phục cho buổi tiệc hay không.

28


- Thông báo với chủ tiệc: có đi dự hay không (để chủ tiệc không bị động, lúng túng). Nếu thiệp mời đích danh thì không nên đưa người khác đi thế. Nếu có sự thay đổi người thì nên báo cho người mời biết và đề nghị gửi thiệp mời khác. - Khi nhận được giấy mời nên hồi âm càng sớm càng tốt. - Ăn mặc chỉnh tề, đúng đắn, phù hợp với sự kiện được mời. - Đến trước giờ khai mạc chừng 05 phút (không nên đến muộn hoặc quá sớm); khi đến, chào chủ nhân bữa tiệc và cảm ơn về lời mời tham dự. - Đối với các tiệc chiêu đãi quan trọng, thường có sơ đồ xếp bàn tiệc đặt trước cửa phòng tiệc, trước khi vào phòng tiệc nên quan sát để nhận biết chỗ ngồi của mình để tránh đi lại lộn xộn. Nếu không có sơ đồ hoặc giấy ghi tên để ở bàn tiệc thì nên tìm bàn có người quen, người cùng cấp để ngồi. b. Cách dùng bữa ăn Âu - Khi ngồi xuống ghế thì lấy khăn ăn trải trên hai đùi, không cài khăn lên cổ áo hay thắt lưng. Chỉ dùng khăn ăn để chấm thức ăn ở miệng. - Tư thế ngồi: thẳng lưng và chỉ cúi đầu khi ăn, không chống khuỷu tay lên trên bàn; ngồi ngay ngắn, không ngả ngốn, chân tay để gọn để tránh làm phiền người ngồi bên cạnh và đối diện. - Khi bắt đầu ăn, chờ cho chủ và khách chính lấy thức ăn rồi mới lấy cho mình. - Không nên dùng đũa hay dao dĩa của mình lấy thức ăn cho người khác. Chỉ dùng thìa, dao, dĩa, đũa, khăn lau miệng, bánh mì, bơ, nước chấm… dành cho mình; tốt nhất là để người bên cạnh dùng rồi mình mới dùng để tránh nhầm lẫn.

29


- Nếu cần dùng muối, hồ tiêu, tăm ở xa thì không nhoài người ra lấy mà nhờ nhân viên phục vụ hay những người ngồi gần đó chuyển tới hộ. - Ăn uống từ tốn, không lấy thức ăn đầy đĩa (nếu tự phục vụ); lấy vừa đủ thức ăn, ăn hết mới lấy tiếp, không lấy món không thích rồi bỏ; không ăn miếng to mà cắt từng miếng nhỏ. Nếu ăn bánh mì thì ăn miếng nào bẻ miếng nấy. Không gây tiếng động khi húp canh, nhai thức ăn và không nhổ bã. - Không dùng tay xé thức ăn trừ trường hợp ăn tôm, cua, thịt gà thì được dùng tay, sau khi ăn rửa tay vào bát đựng nước chanh hay nước chè đặt bên cạnh đĩa. - Tránh để vương vãi thức ăn; không được vét đĩa, vét bát. Xương, bã, thức ăn dư thừa cần gạt gọn sang một góc đĩa. - Nhỡ có món không ăn được thì tránh đụng đũa, nếu được hỏi thì viện cớ như không quen ăn cay, do bệnh tật…; nếu đã nhỡ ăn thì chịu khó “ngậm đắng nuốt cay” mà nuốt chứ không được nhổ ra, cùng lắm thì viện cớ ra ngoài vào buồng vệ sinh để xử lý, bất luận thế nào cũng không nên chê bai. Nếu lỡ ăn phải ớt cay, nên xin một ly nước ấm để giải cay, không nên hít, hà, phun hoặc oẹ tại chỗ. - Các món súp thường do người phục vụ lấy giúp nhưng khi ăn không nên thổi cho nguội. Khi phục vụ mang thức ăn ra, nên nghiêng người sang một bên. - Ngồi cạnh phụ nữ nên mời và nhường phụ nữ lấy thức ăn trước. Không dùng dụng cụ ăn của mình để lấy thức ăn mời người khác, không ép uống rượu hoặc ép ăn những món mà người khác có ý không thích. - Tại tiệc ngồi, lấy dao, nĩa, thìa ăn từ phía ngoài vào phía đĩa, từ cái xa đĩa ăn nhất và kết thúc với cái sát đĩa ăn. Nếu không rành thì tinh tế quan sát người khác rồi làm theo. Tránh cầm nhầm của người khác. - Dùng nĩa, dao để cắt cần cẩn thận không nên để thức ăn văng ra ngoài; đối với người thuận tay phải, cầm muỗng, dao bằng tay phải. Dao dùng để xắt, không dùng để xăm thức ăn vào miệng. Nĩa cầm tay trái khi tay phải đang cầm dao. Nếu chỉ dùng nĩa (không có dao) thì cầm bằng tay phải. Muốn nói chuyện khi ăn, nên gác dao nĩa lên mép đĩa lớn. Tuyệt đối không cầm và khua dao, nĩa khi nói chuyện. Tránh làm rơi muỗng, nĩa, chén, dao… - Cách đặt dao nĩa xuống đĩa lớn mang ý nghĩa khác nhau: khi ăn xong hoặc không muốn ăn nữa (mặc dù trong đĩa còn thức ăn) thì đặt dao nĩa dọc trong đĩa lớn hoặc gác chéo dao nĩa lên nhau trong đĩa. Nếu còn đang ăn hoặc muốn ăn thêm thì đặt dao nĩa lên hai bên mép đĩa lớn. - Trong khi ăn nhỡ ho, sặc, nấc hay hóc xương cần che miệng, uống nước để trấn tĩnh, nếu cần thì lặng lẽ ra ngoài cho tới khi ổn mới trở lại phòng tiệc;

30


nếu gặp sự cố như đánh đổ thức ăn, thức uống thì cần bình tĩnh để người phục vụ dọn dẹp. - Trong khi ăn tránh nhai tóp tép; Không nên vừa nhai thức ăn vừa trả lời với khách. - Khi uống cần tuân thủ “rượu nào thức ấy”: rượu mạnh trắng đi với món khai vị, vang đỏ đi với món thịt, vang trắng đi với hải sản, rượu mạnh hay liqueur đi với đồ tráng miệng… Nên uống từng ngụm nhỏ, rượu mạnh thì nhâm nhi, không nên ngửa cổ uống hừng hực và càng không nên ngoắc tay nhau uống hoặc lớn tiếng la “Dzô, dzô” như phổ biến hiện nay. Thực ra trong ngoại giao người ta uống rượu cốt làm đầu câu chuyện, chứ không bao giờ uống tới mức say xỉn vì dễ ba hoa lỡ lời và làm mất tư thế. - Khi được phục vụ thêm mà không muốn ăn thì lịch sự cảm ơn; ngược lại khi đã ăn hết món dù có muốn cũng nên tránh xin thêm. Ăn xong nên tránh xỉa răng, cùng lắm khi xỉa phải che miệng. c. Tham dự tiệc đứng: Tiệc đứng thường không sắp xếp chỗ ngồi. Mục đích của việc tổ chức tiệc đứng để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu nhất của khách khi tới dự một bữa tiệc là ăn uống và gặp gỡ. Đây là loại tiệc khá năng động, khách ăn không những được thưởng thức những món ăn mà còn được giao lưu, trao đổi, trò chuyện với những khách khác. Trong buổi tiệc, khách đến bàn gắp thức ăn và đứng hoặc di chuyển trong phòng trong lúc ăn. Tuy nhiên, một số nơi có thể thể sắp xếp một vài bàn VIP dành cho chủ tiệc và khách chính, đặt ở phía bên tay phải của phòng. Trong phòng tiệc cũng có thể sắp xếp một số bàn tròn để khách để thức ăn và đứng nói chuyện xung quanh. Một số lưu ý khi dự tiệc đứng: - Trong cũng như sau khi ăn, khách tham dự nên tìm chỗ đứng trò chuyện với người cùng cấp và cương vị với mình. - Nên nhường dao, muỗng, nĩa, chén, thức ăn... cho người có chức vụ, người cao tuổi, người phụ nữ, khách nước ngoài trước. - Lấy thức ăn vừa đủ lòng đĩa, hết thì lấy thêm; tránh để thừa thức ăn trên đĩa. - Khi lấy thức ăn xong nên lùi xa bàn để nhường chỗ cho người khác.

31


Chú ý không lấy quá nhiều thức ăn cùng một lúc. Có thể quay lại lấy thêm món ăn đó khi trong đĩa đã hết thức ăn. - Khi ăn xong, gác dao nĩa chéo theo hình chữ X lên đĩa có nghĩa là bạn đã ăn xong để phục vụ đến thu dọn. d. Giao tiếp trong tiệc chiêu đãi Trong các bữa tiệc chiêu đãi, nhìn chung chỉ ngồi xuống ghế khi được chủ tiệc mời, nếu ngồi cạnh phụ nữ thì khẽ kéo ghế mới họ ngồi trước và khi ăn xong cần kéo ghế mời họ rời bàn trước. Không nên cắm đầu ăn mà nên chuyện trò với người đối diện và những người ngồi bên cạnh, đồng thời tránh nói với tới những người ngồi xa mình. Không nên nói khi người ta đang ăn; không nên cướp lời và nói dài dòng; không nói oang oang, cười hô hố, nhất là chưa nói rõ ý đã tự cười; khi nói chuyện với người ngồi cạnh thì chỉ nên hơi quay đầu, không quay lưng về phía người ngồi cạnh phía khác. Trong lúc người chủ trì bữa tiệc phát biểu, nên lắng nghe không nên nói chuyện ồn ào hoặc ăn uống gây mất cảm tình. Nên làm quen, trò chuyện với người ngồi bên cạnh để tạo không khí vui vẻ, đầm ấm. Chiêu đãi là một dịp tốt để tất cả mọi người tham dự trao đổi, chuyện trò. Khi vào bàn tiệc, nên đến bắt tay chào hỏi những người ngồi cạnh hoặc trước mặt mình, tự giới thiệu về mình để làm quen. Trong bữa ăn có thể nói chuyện về thời tiết, khí hậu, sở thích, món ăn… Cần tránh sa vào những chuyện chính trị phức tạp và những vấn đề có thể gây tranh cãi như tôn giáo, sắc tộc... Trong trường hợp gặp những vấn đề gây tranh cãi thì đừng tham gia hoặc tìm cách lái câu chuyện sang chủ đề khác. Khi kết thúc tiệc, cũng như lúc đến, người được mời cần đến chào, cảm ơn chủ nhà và nói một lời khen về bữa ăn. Nếu có việc cần phải về sớm, nên gặp chủ nhà giải thích để được thông cảm. 4. Một số nội dung về lễ tân đối ngoại Theo khoản 2 điều 11, Quy chế hoạt động đối ngoại của Quốc hội (2016), khi được mời hoặc yêu cầu, Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, đối ngoại nhân dân ở trong và ngoài nước. Vì vậy, tìm hiểu về lễ tân đối ngoại là điều cần thiết. Ở nước ta, lễ tân ngoại giao cũng tuân theo các quy định, thông lệ quốc tế nhưng mang nhiều sắc thái Việt Nam. Người để lại dấu ấn sâu đậm nhất về vấn đề này chính là Bác Hồ. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, người có cơ hội được đi và phục vụ Bác Hồ, nhiều lần chứng kiến nhiều cử chỉ “phá cách”, đầy tính nhân văn của Bác trong các hoạt động ngoại giao, đã kể lại một câu chuyện về Bác như sau: Mỗi khi sang Liên Xô Bác thường được bạn bố trí ở biệt thự trên đồi Lê nin hoặc ở ngoại ô Mát-xcơ-va. Phía bạn phục vụ rất chu đáo và trang trọng. Thế nhưng Bác lại không cho người phục vụ mang thức

32


ăn cho từng người mà yêu cầu để trên tủ buýt-phê, ai muốn ăn gì tự ra lấy, ăn xong dọn bát đĩa bẩn vào bếp. Phía bạn rất khó xử vì không đảm bảo nghi thức lễ tân vì tới ăn còn có các nhà lãnh đạo Liên xô, song bác nói cứ làm vậy chắc các đồng chí ấy cũng thông cảm và làm theo. Quả nhiên các nhà lãnh đạo Liên Xô đến ăn cơm với Bác rất vui vẻ làm theo Bác. Có thể nói, một cử chỉ lễ tân tuy nhỏ của Bác nhưng mang đậm tính nhân văn, tính con người, rất dung dị và gần gũi, giảm thiểu sự quan cách, bệnh hình thức phù phiếm. Khi tham gia các đoàn tiếp khách quốc tế, đoàn công tác nước ngoài: Các đại biểu cần tìm hiểu và nắm chắc thông tin về nội dung chuyến công tác, chương trình làm việc, các cuộc gặp gỡ tiếp xúc, thông tin nơi đến; chuẩn bị kỹ phần tham gia của mình, những vấn đề mình quan tâm, muốn tìm hiểu và trao đổi cũng như những vấn đề mà phía đối tác có thể hỏi; tìm hiểu và nắm thông tin về các đối tác sẽ gặp. Chuẩn bị trang phục lịch sự, phù hợp với từng sự kiện mà mình được mời tham gia. Trong công tác lễ tân đối ngoại của Quốc hội, có nhiều câu chuyện được truyền tai nhau để nhắc nhở nhau phải chú ý để tránh những sơ suất ảnh hưởng đến công việc. Chuyện chào hỏi: Trong giao tiếp ngoại giao, chào hỏi đúng cách cũng cần có kỹ năng. Nhiều dân tộc có truyền thống chào hỏi rất khác biệt. Ví dụ, dân các nước theo đạo Phật như Lào, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ… thường chắp tay, hơi cúi mình. Đối với người theo đạo Hồi thì nam giới không được bắt tay phụ nữ. Khi đón và tiễn khách người Nhật luôn gập mình rất cung kính. Người Âu – Mỹ hay ôm hôn. Thổ dân New Zealand đón khách băng cử chỉ phùng mang, trợn mắt, chân dẫm thình thịnh…Các ĐBQH được phân công đi công tác nước ngoài cũng cần biết những phong tục này để ứng xử cho phù hợp. Chuyện ôm hôn: Để biểu tỏ thái độ thân tình khi gặp nhau hoặc khi tạm biệt người ta còn ôm hôn nhau. Đối với người Âu – Mỹ thì cách này phổ biến hơn, trái lại đối với người châu Á thì ít hơn. Hôn thế nào cũng có nhiều cách, ví dụ người Nga thường hôn ba lần vào má; đối với phụ nữ chỉ hôn tay (thực ra chỉ là cử chỉ tượng trưng chứ không hôn thật). Một số nước chỉ ôm thân mật mà không hôn. Chuyện ăn: Trong các bữa tiệc đối ngoại mà ĐBQH tham gia, nếu biết được lịch sử hay “triết lý” chế biến món này hay món kia để chia sẻ với khách, làm cho chuyện trò thêm hay, đồng thời cũng là cách quảng bá cho văn hóa ẩm thực nước mình. Ví dụ ở Trung Quốc mỗi món ăn lại kèm theo một câu chuyện. Ví dụ món ta quen gọi là “thịt kho Tàu” thì ở Hàng Châu được gọi là “ thịt kho theo kiểu Tô Đông Pha” – tên một nhà thơ nổi tiếng vốn làm quan ở đó. Người Trung Quốc kể rằng ông được dân rất tin yêu nên

33


thường biếu ông rất nhiều thịt. Để bảo quản được lâu, ông ta đã nghĩ ra cách kho thịt như vậy. Hay người ta còn kể rằng, sở dĩ có món cơm rang Triều Châu vì một lần vua Càn Long đời Thanh vi hành xuống Giang Nam (tức phía nam sông Dương Tử). Khi nhà vua tới Triều Châu thì trời đã tối bèn rẽ vào một quán bên đường để ăn cơm. Chủ quán không còn thức ăn gì nên đành vét cơm nguội trộn với các loại thức ăn còn lại rang lên, nhà vua đói bụng ăn rất ngon. Còn dân Tây Âu lại hiểu biết tường tận và có thể thao thao bất tuyệt về từng loại rượu: nho giống gì, được trồng ở đâu, vào năm nào, tháng nào, bảo quan trong hầm rượu bao lâu… Ẩm thực nước nào cũng có “triết lý” riêng. Ví dụ, ngưới Nhật quan niệm những thứ thiên nhiên ban tặng là tuyệt hảo, con người chỉ nên hưởng thụ, không cần chế biến do đó họ hay ăn hải sản sống. Trái lại người Trung Quốc coi con người có thể chế biến mọi thứ tinh xảo tới mới thực khách không thể nhận biết món đó được chế biến từ nguyên liệu gì. Chẳng thế mà sang Quảng Châu ăn thịt chó không biết là thịt gì! Theo giáo sư Trần Văn Khê, món ăn Việt Nam thể hiện triết lý hài hòa các vị chua, chát, cay, nồng… bổ sung hỗ trợ cho nhau cả về mùi vị lẫn tác dụng. Khi chiêu đãi các Đoàn thăm Việt Nam, nhiều đồng chí lãnh đạo của ta thường lưu ý cán bộ phục vụ hỏi trước xem phía Đoàn có ăn kiêng, hay dị ứng với các món ăn gì để tránh. Thực tế, có nhiều khách ăn chay, kiêng hải sản, kiêng một số loại thịt… nên việc làm tuy nhỏ đó đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho phía bạn về sự chu đáo của nước chủ nhà. Chuyện mặc: Năm 2015, Đoàn Đại biểu Quốc hội ta thăm Iran. Iran là đất nước theo đạo Hồi nên trước khi đến Iran, Đoàn đã cẩn thận tìm hiểu về phong tục và tập quán của Iran. Tuy nhiên, thực tế, Đoàn vẫn gặp tình huống khó xử vì mặc dù đã tìm hiểu nhưng không biết các quy định của bạn lại chặt chẽ như vậy. Thành phần tham gia đoàn của ta có đại biểu nữ nên ngay khi xuống máy bay các đại biểu nữ đã phải chuẩn bị một khăn choàng dài để chùm kín đầu. Nhưng thỉnh thoảng khi di chuyển, khăn lại tuột xuống ngang đầu. Ngày lập tức, phía bạn có người đến nhắc nhở phải chỉnh lại trang phục, chùm lại khăn cho kín đáo. Trên đường phố của Iran cũng có các cảnh sát đạo đức thường xuyên đi tuần để kiểm tra xem mọi người có ăn mặc đúng quy định không. Nói chung, thông lệ về trang phục trong đối ngoại khá rắc rối, mặc dù đã được đơn giản hóa so với trước đây. Vì vậy, nếu được tham gia các hoạt động đối ngoại, đại biểu nên làm theo hướng dẫn của bên tổ chức hoạt động lễ tân, hoặc hỏi lễ tân của Quốc hội. Trong các chuyến công tác nước ngoài, nếu bắt buộc phải mặc những lễ phục phức tạp của Âu-Mỹ thì tốt nhất là theo cán bộ lễ tân đi thuê ở các cửa hiệu chuyên dụng.

34


Chuyện chuyên cơ: Trong một chuyến công tác nước ngoài của Chủ tịch Quốc hội (năm 2010), khi kết thúc chuyến thăm ở nước sở tại để về nước, đoàn đi chuyên cơ nên hành lý sẽ tập kết để chuyển ra sân bay trước, đại biểu đi sau. Thành phần tháp tùng Chủ tịch ở lại là những cán bộ cốt cán. Ngày hôm trước, cả đoàn đã được thông báo tập kết hành lý để chuyển đồ ra sân bay vào sáng sớm hôm sau. Do vội vàng, tối hôm đó, cán bộ lễ tân của Chủ tịch Quốc hội đóng hết đồ cá nhân, và đóng luôn cả bộ quần áo dự định sẽ mặc ngày hôm sau vào va li hành lý, chỉ để lại bộ đồ ngủ để mặc. Sáng hôm sau, khi hành lý đã chuyển đi xong, và đoàn chuẩn bị rời đi, thì đồng chí lễ tân Chủ tịch mới bàng hoàng phát hiện ra bộ quần áo mình định mặc đã trót đóng vào vali hành lý và không kịp để lấy lại nữa. Mà lúc đó, vào sáng sớm nên cũng không kịp đi mua đồ vì các cửa hàng chưa mở. Đồng chí lễ tân lo lắng, hớt hải chạy đi mượn đồ của các đồng chí khác để mặc, nhưng mọi người cũng đã đóng hành lý gửi đi hết. Chỉ còn người duy nhất để lại ít đồ trong hành lý xách tay, đó là Chủ tịch. Không còn cách nào khác, đồng chí lễ tân đành bẽn lẽn đến trình bày và mượn đồ của Chủ tịch để mặc cho kịp ra sân bay với đoàn. Chuyện thật như đùa và cũng là một bài học nhớ đời cho các cán bộ làm công tác lễ tân đối ngoại về tính cẩn thận, chu đáo.

35


PHỤ LỤC 1. Nguyên tắc treo Quốc kỳ Việt Nam với cờ các nước khác Trong quan hệ đối ngoại, Quốc kỳ được sử dụng theo nhiều cách thức khác nhau. Thông thường có hai cách, cách thứ nhất là treo cờ chính thức như một cách thể hiện sự trọng thị, tôn trọng và bình đẳng quốc gia. Cách thứ hai là sử dụng cách điệu Quốc kỳ như một cách trang trí tạo không khí ngày hội. Trường hợp treo Quốc kỳ hai nước, theo thông lệ, nếu đứng từ ngoài nhìn vào, cờ nước chủ nhà bên phía tay phải, cờ nước khách bên phía trái (cờ khách – cờ chủ nhà). Trường hợp treo cờ nhiều nước theo hàng ngang, nếu đứng từ ngoài nhìn vào hàng cờ, có thể sắp xếp theo hai cách: Cách thứ nhất: Bắt đầu theo thứ tự: Cờ Việt Nam, tiếp theo là cờ nước khác theo thứ tự anphabel (V – A – B – C – D -…). Nếu có hai hàng cờ theo hai bên, thực hiện nguyên tắc cờ Việt Nam ở vị trí trước nhất của hàng bên phải kể từ ngoài vào. Cách thứ hai, điểm bắt đầu được tính từ giữa trở ra hai bên, theo thứ tự ưu tiên bên trái - bên phải. Vị trí trung tâm thường dành cho cờ của nước chủ nhà. Đây là cách thông thường trong lễ tân ngoại giao. Khi treo cờ các nước thành viên ASEAN và cờ tổ chức ASEAN, thông thường được sắp xếp theo trật tự A, B, C, chữ cái tên nước (tiếng Anh) từ trái sang phải, cờ tổ chức ASEAN ở vị trí chung cực (B – C – I – L – Ma – Mi – P – S – T – V – cờ ASEAN). Tại lễ ký kết, vị trí cờ được treo hoặc đặt theo vị trí chỗ ngồi của thành viên tham dự ký kết. Trong treo Quốc kỳ của nước ta với Quốc kỳ của nước khác, các cờ phải làm đúng kiểu mẫu, làm bằng nhau và treo đều nhau, không treo lá to lá nhỏ, lá cao lá thấp. Không được treo Quốc kỳ rách, vá, bạc màu hoặc có nhiều đường xếp nếp…Khi treo nhiều cờ trong cùng một thời khắc và cùng địa điểm, phải thống nhất kích thước các lá cờ theo kích thước cờ Việt Nam. Nếu cờ nước ngoài có tỷ lệ rộng/dài hơn 2/3 thì chiều rộng của cờ các nước ngoài không được lớn hơn chiều rộng của cờ Việt Nam. Nếu cờ nước ngoài có tỷ lệ rộng/dài nhỏ hơn 2/3 thì chiều dài của cờ nước ngoài không dài hơn cờ Việt Nam kích tấc các cột cờ bằng nhau, mỗi cột cờ chỉ treo một lá cờ.

36


2. Một số quy định về nghi thức lễ tân đón tiếp đoàn của Quốc hội Trích Nghị định 145/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 quy định về tổ chức ngày kỳ niệm, nghi thức trao tặng đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua, nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài. Điều 35. Đón, tiếp Chủ tịch Quốc hội thăm chính thức 1. Đón đoàn tại sân bay: a) Thành phần: Chủ nhiệm (hoặc Phó Chủ nhiệm) Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội hoặc Chủ nhiệm (hoặc Phó Chủ nhiệm) Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Nhóm Nghị sỹ hữu nghị, Vụ trưởng Vụ Đối ngoại Văn phòng Quốc hội, Vụ trưởng Vụ khu vực Bộ Ngoại giao; b) Tặng hoa Chủ tịch Quốc hội nước khách và Phu nhân (Phu quân). 2. Lễ đón chính thức: a) Chủ tịch Quốc hội chủ trì lễ đón; b) Thành phần: Phu nhân (Phu quân) Chủ tịch Quốc hội nếu Phu nhân (Phu quân) Chủ tịch Quốc hội nước khách đi cùng, Chủ nhiệm (hoặc Phó Chủ nhiệm) Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Chủ nhiệm (hoặc Phó Chủ nhiệm) Văn phòng Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội, quan chức có chức vụ tương ứng với thành phần chính thức đoàn khách và yêu cầu đón, tiếp; c) Nghi thức: Chủ tịch Quốc hội và Phu nhân (Phu quân) đón Chủ tịch Quốc hội nước khách và Phu nhân (Phu quân) tại nơi xe đỗ; Tặng hoa Chủ tịch Quốc hội nước khách và Phu nhân (Phu quân); Có hai hàng tiêu binh danh dự. 3. Hội đàm chính thức: Tùy theo thỏa thuận, hai Chủ tịch Quốc hội hội đàm hoặc hội kiến. 4. Tiếp xúc cấp cao: Căn cứ vào yêu cầu và điều kiện cụ thể của chuyến thăm để thu xếp. 5. Chiêu đãi chính thức: a) Chủ tịch Quốc hội chủ trì tiệc chiêu đãi; b) Thành phần: Phía Việt Nam: Các vị tham gia lễ đón, hội đàm; trong trường hợp cần thiết, mời một số đại biểu Quốc hội, quan chức, nhân sĩ, trí thức, đại diện doanh nghiệp có nhiều quan hệ với nước khách cùng dự; Phía khách: Các thành viên chính thức, một số quan chức tùy tùng, Đại

37


sứ và một số cán bộ ngoại giao Đại sứ quán; c) Chủ tịch Quốc hội đọc diễn văn chào mừng, Chủ tịch Quốc hội nước khách đọc diễn văn đáp từ; d) Tại tiệc chiêu đãi có biểu diễn nghệ thuật chào mừng đoàn. 6. Tiễn đoàn tại sân bay: Thành phần và nghi lễ thực hiện như khi đón. Điều 38. Đón, tiếp Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thăm chính thức 1. Đón, tiễn tại sân bay: a) Lãnh đạo cấp vụ Bộ Ngoại giao đón, tiễn Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước khách; b) Lãnh đạo cấp vụ Văn phòng Quốc hội đón, tiễn Phó Chủ tịch Quốc hội nước khách. 2. Lễ đón, hội đàm, chiêu đãi: a) Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chủ trì các hoạt động chính thức đối với khách đồng cấp; b) Lễ đón: Tặng hoa Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước khách (sau đây gọi là Trưởng đoàn khách); c) Thành phần Việt Nam tham dự lễ đón và hội đàm: Các quan chức tương ứng với thành phần của đoàn khách và yêu cầu nội dung làm việc; d) Chiêu đãi: Phía Việt Nam: Các vị tham gia đón, tiễn, hội đàm. Trong trường hợp cần thiết, mời một số quan chức, nhân sĩ, trí thức, đại diện doanh nghiệp có nhiều quan hệ với nước khách cùng dự; Phía khách: các thành viên chính thức, một số quan chức tùy tùng và một số cán bộ ngoại giao Đại sứ quán; Chủ tiệc phát biểu chúc rượu, Trưởng đoàn khách phát biểu đáp từ. 3. Tiếp xúc cấp cao: Căn cứ vào yêu cầu và điều kiện cụ thể của chuyến thăm để thu xếp. Điều 39. Đón, tiếp khách cấp cao nước ngoài thăm làm việc 1. Đón, tiếp Nguyên thủ Quốc gia, Nguyên thủ Quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền, Người đứng đầu Chính phủ nước ngoài thăm làm việc thực hiện như đối với chuyến thăm chính thức nhưng không tổ chức lễ đón chính thức, không trang trí đường phố, không có hai hàng tiêu binh danh dự tại sân bay. Tại tiệc chiêu đãi, chủ tiệc đọc lời chúc rượu, Trưởng đoàn

38


khách đáp từ. 2. Đón, tiếp Chủ tịch Quốc hội, Phó Nguyên thủ Quốc gia, Phó Nguyên thủ Quốc gia đồng thời là lãnh đạo Đảng cầm quyền thăm làm việc thực hiện như đối với chuyến thăm chính thức nhưng không tổ chức lễ đón chính thức. 3. Đón, tiếp Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội thăm làm việc thực hiện như đối với chuyến thăm chính thức nhưng không tổ chức lễ đón chính thức. 4. Thành phần dự tiệc chiêu đãi đối với các chuyến thăm làm việc: Phía Việt Nam: Các vị tham gia đón, tiễn, làm việc; Phía khách: Các thành viên chính thức, một số quan chức tùy tùng và đại diện Đại sứ quán. Điều 42. Đón, tiếp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội hoặc cấp tương đương 1. Đón, tiếp Bộ trưởng hoặc cấp tương đương: a) Lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ, cơ quan mời khách đón, tiễn đoàn tại sân bay; b) Bộ trưởng hoặc cấp tương đương mời khách chủ trì đón, tiếp, hội đàm, chiêu đãi; c) Tiếp xúc cấp cao: Căn cứ vào yêu cầu và điều kiện cụ thể của chuyến thăm để thu xếp; d) Thành phần tham dự các hoạt động chính thức do Bộ trưởng hoặc cấp tương đương mời khách quyết định. 2. Đón, tiếp Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội hoặc cấp tương đương: a) Lãnh đạo Vụ Đối ngoại Văn phòng Quốc hội đón, tiễn đoàn tại sân bay; b) Chủ nhiệm Ủy ban hoặc cấp tương đương mời khách chủ trì đón, tiếp, hội đàm, chiêu đãi; c) Tiếp xúc cấp cao: Căn cứ vào yêu cầu và điều kiện cụ thể của chuyến thăm để thu xếp; d) Thành phần tham dự các hoạt động chính thức do Chủ nhiệm Ủy ban hoặc cấp tương đương mời khách quyết định. 3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng quy định về nghi lễ đón, tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an và lãnh đạo của lực lượng vũ trang nước ngoài thăm Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế và mức độ đón, tiếp khách của Việt Nam được quy định tại Nghị định này, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét,

39


quyết định. Điều 43. Đón, tiếp một số khách khác 8. Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội tổ chức đón, tiếp các cựu Chủ tịch Quốc hội nước ngoài, Phó Chủ tịch Quốc hội nước ngoài, Tổng Thư ký AIPA, IPU và các tổ chức liên Nghị viện đến thăm theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội. Điều 44. Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tại Đài tưởng niệm 1. Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tại Đài Tưởng niệm được thu xếp theo thỏa thuận của hai bên. 2. Đối với Nguyên thủ Quốc gia, Nguyên thủ Quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền, Người đứng đầu Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Phó Nguyên thủ Quốc gia, Phó Nguyên thủ Quốc gia đồng thời là lãnh đạo Đảng cầm quyền nước ngoài thăm cấp nhà nước, thăm chính thức, thăm làm việc: a) Tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đón và hướng dẫn đoàn vào viếng; b) Tại Đài Tưởng niệm, Trưởng Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đón và hướng dẫn đoàn tưởng niệm; có hai hàng tiêu binh danh dự. Khi mặc niệm, Quân nhạc cử nhạc “Hồn tử sĩ’. 3. Đối với khách nước ngoài khác từ cấp Bộ trưởng hoặc tương đương trở lên, đại diện Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng dẫn đoàn vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm tại Đài Tưởng niệm. Tại Đài Tưởng niệm có mở băng nhạc “Hồn tử sĩ’. Điều 45. Người tháp tùng và vị trí của Đại sứ Việt Nam tại nước khách e) Chủ nhiệm hoặc Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tháp tùng Chủ tịch Quốc hội nước khách thăm chính thức; Điều 46. Treo cờ và trang trí 3. Đối với chuyến thăm chính thức, thăm làm việc của Chủ tịch Quốc hội: Treo Quốc kỳ hai nước trước cửa nhà VIP-A sân bay quốc tế Nội Bài, nơi đón tiếp khách, phòng hội đàm, phòng tiếp xúc cấp cao, phòng ký kết văn kiện, phòng họp báo, phòng chiêu đãi; nơi ở của Trưởng đoàn khách, nơi Trưởng đoàn khách đến thăm. 5. Đối với chuyến thăm chính thức, thăm làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội và cấp tương đương nước ngoài: Treo Quốc kỳ hai nước tại nơi đón tiếp, phòng hội đàm, phòng ký kết văn kiện, phòng họp báo, phòng chiêu đãi, nơi ở

40


của Trưởng đoàn khách, nơi Trưởng đoàn khách đến thăm. 7. Trên xe chở khách cấp cao nước ngoài, cấp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội và tương đương thăm cấp nhà nước, thăm chính thức, thăm làm việc có treo Quốc kỳ hai nước. Điều 47. Phòng khách danh dự, trải thảm đón, tiễn khách nước ngoài tại sân bay 1. Tại các sân bay quốc tế ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan quản lý sân bay thu xếp phòng khách danh dự (phòng VIP-A) để đón, tiếp các đoàn khách từ cấp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội và tương đương trở lên. Tại các sân bay khác ở địa phương, cơ quan quản lý thu xếp phòng khách danh dự đối với khách từ cấp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội và tương đương trở lên, tùy theo điều kiện thực tế của mỗi sân bay. 2. Khi đón, tiễn Nguyên thủ Quốc gia, Nguyên thủ Quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền, Người đứng đầu Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Phó Nguyên thủ Quốc gia nước ngoài thăm cấp nhà nước, thăm chính thức, thăm làm việc, thảm đỏ được trải từ chân cầu thang máy bay đến nơi đỗ xe ô tô của Trưởng đoàn. Điều 48. Xe hộ tống, xe dẫn đường 2. Đối với chuyến thăm làm việc, thăm cá nhân, quá cảnh của Chủ tịch Quốc hội, Phó Nguyên thủ Quốc gia, Phó Nguyên thủ Quốc gia đồng thời là lãnh đạo Đảng cầm quyền, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước ngoài, có xe cảnh sát dẫn đường trong các hoạt động chính thức, không có mô-tô hộ tống. 3. Đối với chuyến thăm chính thức, thăm làm việc, quá cảnh của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội và cấp tương đương nước ngoài, có xe cảnh sát dẫn đường trong các hoạt động chính thức. Đối với khách cấp cao nước ngoài thăm cá nhân, có xe cảnh sát dẫn đường trong một số hoạt động chính. Điều 54. Tiễn và đón Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm, dự hội nghị quốc tế ở nước ngoài Thành phần tiễn và đón Đoàn tại sân bay được quy định như sau: 4. Chủ nhiệm hoặc Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Chủ nhiệm hoặc Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tiễn và đón Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội.

41


TÀI LIỆU THAM KHẢO 1) Vũ Khoan, Vài ngón nghề ngoại giao, NXB Chính trị quốc gia sự thật, 2016. 2) Lưu Kiếm Thanh (2000), Nghi thức Nhà nước, Nhà xuất bản thống kê, Hà Nội. 3) Học viện quan hệ quốc tế (2002), từ điển thuật ngữ ngoại giao, NXB thế giới, Hà Nội. 4) Nghị định 154/2004/NĐ-CP ngày 9.8.2004 của Chính phủ về nghi thức nhà nước trong tổ chức mít tinh, lễ kỷ niệm; trao tặng và đón nhận danh hiệu vinh dự nhà nước, Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. 5) Điều lệ số 974-TTg ngày 21 tháng 7 năm 1956 của Thủ tướng Chính phủ về việc hướng dẫn sử dụng Quốc kỳ; Thông tư số 68/ VHTT-TT ngày 24 tháng 8 năm 1993 của Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). 6) Nghị định 145/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 quy định về tổ chức ngày kỳ niệm, nghi thức trao tặng đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua, nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài 7) Nội quy kỳ họp ban hành kèm theo Nghị quyết số: 102/2015/QH13 Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2015.

42




Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.