CHỈ ĐẠO BIÊN SOẠN LÃNH ĐẠO BAN CÔNG TÁC ĐẠI BIỂU
TỔ CHỨC THỰC HIỆN TRUNG TÂM BỒI DƯỠNG ĐẠI BIỂU DÂN CỬ
TRỤ SỞ 22 HÙNG VƯƠNG BA ĐÌNH - HÀ NỘI ĐT: 080 46002 FAX: 080 46003 Website: www.ttbd.gov.vn Email: ttbd@qh.gov.vn
MỤC LỤC Trang Mở đầu ............................................................................................................ 6 PHẦN I. MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ BÁO CHÍ ............... 8 1. Vai trò của Quốc hội và đại biểu Quốc hội với hoạt động của báo chí . 8 2. Vai trò của báo chí trong hoạt động nghị trường ................................... 9 3. Cơ chế hoạt động với báo chí của Quốc hội............................................ 11 a) Quy chế hoạt động báo chí của Quốc hội ................................................ 11 b) Đầu mối phụ trách báo chí trong kỳ họp .................................................. 12 c) Địa điểm tác nghiệp của báo chí trong kỳ họp ......................................... 12 d) Các cơ quan báo chí được dự đưa tin về kỳ họp...................................... 12 PHẦN II: XÂY DỰNG HÌNH ẢNH ĐBQH TRÊN BÁO CHÍ .............................. 14 1. Đối tượng và những vấn đề quan tâm của báo chí tại nghị trường...... 14 2. Thu hút sự quan tâm của báo chí qua phát biểu ý kiến ........................... 15 a) Vấn đề phát biểu ..................................................................................... 15 b) Phong thái biểu đạt................................................................................... 16 PHẦN III: KỸ NĂNG TRẢ LỜI PHỎNG VẤN TẠI HỘI TRƯỜNG .................... 19 1. Những đặc thù của phỏng vấn và trả lời phỏng vấn tại hội trường ...... 19 2. Một số điều cần nhớ khi trả lời phỏng vấn tại hội trường ..................... 21 a) Chuẩn bị sẵn sàng trả lời phỏng vấn ........................................................ 21 b) Ứng xử của đại biểu trong trả lời phỏng vấn ............................................ 22 c) Kỹ thuật tương tác với báo chí ................................................................. 23 d) Cách truyền tải nội dung ........................................................................... 23 e) Một số vấn đề nên và không nên khi trả lời phỏng vấn tại hội trường ....... 25 3. Xử lý các tình huống khó .......................................................................... 26
4
Phụ lục
Trang
1. Giới thiệu và phân tích bài học từ một cuộc phỏng vấn .......................... 29 a) Nội dung cuộc phỏng vấn ......................................................................... 29 b) Phân tích, bình luận về trả lời phỏng vấn .................................................. 31 2. Quy chế phỏng vấn trên báo chí ............................................................... 33 3. Quy chế Hoạt động nghiệp vụ của phóng viên trong các đại hội, hội nghị và các buổi lễ ................................................................................... 34
5
MỞ ĐẦU Trong những năm gần đây, hoạt động của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội luôn được sự quan tâm chú ý của các tầng lớp nhân dân. Nhiều phiên họp trong các kỳ họp của Quốc hội được truyền hình trực tiếp; nhiều vấn đề, nội dung nghị sự của kỳ họp được các phóng viên quan tâm đưa tin, phỏng vấn các đại biểu. Hiện nay sự hiện diện của báo chí đã trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động của Quốc hội. Theo Hiến pháp và pháp luật, Quốc hội, đại biểu Quốc hội có những chức năng, nhiệm vụ to lớn về lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng mong đợi của nhân dân, đưa các quyết sách của mình đến với nhân dân. Sự hợp tác với các cơ quan báo chí là một trong những yếu tố có thể hỗ trợ đại biểu Quốc hội hoàn thành các chức năng, nhiệm vụ của mình. Bởi lẽ, báo chí có thể gợi nên những vấn đề chính sách mà người dân quan tâm cần chú ý đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội; là một nguồn thông tin để Quốc hội, đại biểu Quốc hội tham khảo khi xem xét, thảo luận về chính sách; báo chí truyền thông, quảng bá chính sách, giúp truyền tải thông điệp chính sách tới đông đảo nhân dân. Bằng cách tìm hiểu công việc của các phóng viên, những gì họ cần, ngôn ngữ họ sử dụng, chia sẻ suy nghĩ, nhận định, quan điểm, thông tin về những vấn đề trong chương trình nghị sự, đại biểu Quốc hội sẽ tận dụng được cơ hội để đưa vấn đề của cử tri và bản thân mình quan tâm trở nên nổi bật... Với những lý do nêu trên, trong bối cảnh Quốc hội khóa XIV bắt đầu một nhiệm kỳ mới, có hai phần ba đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử biên soạn tập san: “Kỹ năng tiếp xúc với báo chí tại hội trường”. Tập san nhằm cung cấp một số kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng cơ bản cho đại biểu Quốc hội trong tiếp xúc với báo chí ở hội trường, với các nội dung sau đây: Phần I. Giới thiệu một số nội dung về mối quan hệ giữa Quốc hội và báo chí như: Vai trò của Quốc hội và đại biểu Quốc hội với hoạt động của báo chí và ngược lại, vai trò của báo chí trong hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; quy chế hoạt động ở Quốc hội dành cho báo chí, đầu mối liên hệ với báo chí; những cơ quan báo chí viết về Quốc hội. Phần II. Giới thiệu một số nội dung giúp đại biểu Quốc hội xây dựng hình ảnh trên báo chí, cụ thể là giúp đại biểu biết mối quan tâm của báo giới khi hoạt động ở nghị trường; cách thu hút sự chú ý của báo chí khi hoạt động ở kỳ họp.
6
Phần III. Giới thiệu cho đại biểu Quốc hội kỹ năng trả lời phỏng vấn báo chí, ứng xử, thái độ phù hợp với báo chí trong một số tình huống khó, có gợi ý cách xử lý “sự cố” truyền thông. Hy vọng tập san này sẽ giúp đại biểu Quốc hội khóa XIV nắm được những kỹ năng cơ bản trong quá trình tiếp xúc với báo chí, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cá nhân mình, cũng như Quốc hội nói chung.
7
PHẦN I MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ BÁO CHÍ Quốc hội và báo chí luôn có mối quan mật thiết với nhau. Hầu hết các hoạt động của Quốc hội đều có sự tham gia của báo chí, từ phiên họp toàn thể của Quốc hội đến những hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của UBTVQH, Đoàn đại biểu Quốc hội. Ngược lại, các hoạt động của Quốc hội thường xuyên được đăng tải trên các trang báo. Báo chí là một trong những kênh quan trọng để phổ biến, tuyên truyền hoạt động của Quốc hội cũng như chính sách pháp luật. Báo chí cần Quốc hội như một nguồn thông tin quan trọng của mình nhằm thu hút sự quan tâm của người đọc. Điều này cho thấy mối quan hệ hai chiều không thể tách rời giữa báo chí và Quốc hội. 1. Vai trò của Quốc hội và đại biểu Quốc hội với hoạt động của báo chí Trong mối quan hệ hai chiều giữa Quốc hội và báo chí, Quốc hội có vai trò quan trọng đối với hiệu quả hoạt động của báo chí. Trước hết, hoạt động của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội là nguồn sự kiện, nguồn thông tin quan trọng đối với báo chí. Nội dung kỳ họp Quốc hội, phiên họp của UBTVQH đều là sự kiện thu hút sự quan tâm của báo giới. Nguồn thông tin từ hoạt động của Quốc hội được ví như “đầu vào” quan trọng cho báo chí. Bên cạnh đó, việc theo dõi và đưa tin về các vấn đề thời sự chính trị diễn ra tại Quốc hội vốn được nhân dân rất quan tâm, sẽ nâng cao vị thế của báo trong công chúng cũng như giới truyền thông. Thứ hai, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đóng vai trò như tác nhân hỗ trợ việc chuyển tải thông tin của các cơ quan báo chí. Việc nhận được sự hợp tác ủng hộ của đại biểu là điều hết sức thuận lợi với báo chí
(Toàn cảnh hội trường Diên Hồng)
8
trong việc khai thác hoạt động nghị trường của báo chí. Theo nhiều nhận định của các nhà báo nghị trường, trong tìm hiểu khai thác và sử dụng các thông tin nghị trường, khi báo chí nhận được sự ủng hộ, hợp tác và tạo điều kiện của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, việc đưa tin phản ánh của báo chí sẽ thực chất hơn, phản ánh chân thực hoạt động nghị trường và theo đó là hiệu quả tác động sẽ sâu rộng hơn. Thứ ba, với chức năng lập hiến - lập pháp, Quốc hội ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có các cơ quan báo chí và các hoạt động của cơ quan báo chí, nhất là Luật báo chí qua các lần sửa đổi, bổ sung, mới đây là Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2016. Cơ sở pháp lý cho báo chí hoạt động phụ thuộc vào những quy định pháp luật do Quốc hội thông qua, làm căn cứ cho cơ quan báo chí tổ chức hoạt động vừa đúng quy định pháp luật vừa phục vụ cho tôn chỉ, mục tiêu của mình.
Năm 1989 Luật báo chí
Năm 1999 sửa đổi luật 1989
Năm 2016, ban hành luật báo chí năm 2016
2. Vai trò của báo chí trong hoạt động nghị trường Đại biểu Quốc hội là người được cử tri trực tiếp bầu, chịu trách nhiệm trước cử tri cả nước và cử tri nơi bầu ra mình. Đại biểu có trách nhiệm liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan và phổ biến tuyên truyền vận động nhân dân thưc hiện chính sách pháp luật. Báo chí là một trong những cầu nối quan trọng trong việc gắn kết giữa đại biểu Quốc hội với cử tri, là kênh thông tin hữu hiệu, đa dạng, phong phú, và là một trong những cộng sự tích cực của đại biểu Quốc hội. Do đó, việc cộng tác với báo chí trong quá trình hoạt động của mình là điều không thể thiếu đối với đại biểu Quốc hội cũng như cơ quan dân cử. Trong vai trò là người bạn đồng hành của cơ quan dân cử, báo chí nổi bật lên với những ý nghĩa sau: Thứ nhất, báo chí là phương tiện hiệu quả tạo dựng hình ảnh Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Báo chí cung cấp thông tin cho công chúng và kèm theo đó là những bình luận, đánh giá của nhiều bên khác nhau, giúp độc giả hiểu
9
được các khía cạnh khác nhau trong hoạt động của Quốc hội. Hình ảnh của Quốc hội không chỉ đến từ các hoạt động chung mang tính tập thể của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội mà còn đến từ hoạt động riêng của cá nhân các đại biểu Quốc hội. Những thông điệp cá nhân của từng đại biểu Quốc hội về các hoạt động của Quốc hội, những vấn đề cử tri đang quan tâm sẽ xây dựng hình ảnh riêng cá nhân đại biểu và toàn thể Quốc hội. Tổng hòa của các yếu tố đó tạo nên một Quốc hội minh bạch, công khai, hiệu quả. Thứ hai, với đặc thù trong hoạt động của mình, báo chí có cơ hội và khả năng nắm bắt nhanh nhạy mọi mặt của đời sống xã hội. Do đó, báo chí được xem là một trong những nguồn thông tin, là đầu mối gợi mở, dẫn dắt đại biểu đến với các vấn đề đang đặt ra của cuộc sống. Đại biểu Quốc hội có thể sử dụng những thông tin được đăng tải trên các báo phục vụ cho hoạt động lập pháp, giám sát cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Từ những thông tin do các phương tiện truyền thông đại chúng đăng tải, Quốc hội có thể thấy được những vấn đề nổi lên trong việc thực hiện các chính sách để từ đó đưa ra sự điều chỉnh kịp thời và đúng đắn. Trong khuôn khổ hoạt động của Quốc hội, đã có nhiều trường hợp đại biểu Quốc hội sử dụng thông tin của báo chí như là nguồn tư liệu trong việc chất vấn những người có trách nhiệm. Thứ ba, nhờ báo chí có sức lan tỏa rộng rãi, Quốc hội và các đại biểu Quốc hội có thể thông qua báo chí tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân ủng hộ hoạt động của mình cũng như những mục tiêu mà mình hướng tới. Các đại biểu Quốc hội có thể sử dụng sức lan tỏa này để truyền thêm xung lực cho các công cụ giám sát khác của mình, hoặc sử dụng báo chí như một diễn đàn nhằm bày tỏ chính kiến, quan điểm của mình về một vấn đề cụ thể, tạo thêm sức nặng cho các kiến nghị của đại biểu Quốc hội... Bên cạnh đó, báo chí có vai trò như công cụ hữu hiệu giúp đại biểu Quốc hội thực hiện trách nhiệm giải trình với cử tri, giúp cử tri hiểu rõ hơn về hoạt động của mình. Như chúng ta đã chứng kiến trong thời gian qua, không ít những trường hợp, một phần nhờ báo chí lên tiếng mạnh mẽ, việc ban hành chính sách đã được thay đổi theo hướng tích cực, hoặc là sửa đổi, bổ sung, hoặc dừng lại những chính sách bất cập hoặc chưa phù hợp. Thông tin do báo chí đưa ra đã tạo thành công luận, gây “xúc động” cho người làm chính sách; phản ánh quan điểm đa chiều của chuyên gia, của nhân dân về chính sách liên quan đến họ, có cái nhìn phản biện tích cực. Thứ tư, công việc của báo chí nghị trường là theo dõi và bám sát mọi hoạt động của Quốc hội nhằm khai thác, lựa chọn thông tin đưa đến với độc giả. Điều này đôi khi tạo ra sự phiền toái, bất tiện trong hoạt động của cơ quan dân cử. Tuy nhiên, điều này cũng tạo động lực vô hình giúp Quốc hội, đại biểu Quốc hội phải nỗ lực hơn, trách nhiệm hơn thúc đẩy hoạt động một cách tích cực của Quốc hội cũng như đại biểu Quốc hội.
10
(Hình ảnh ĐBQH trả lời trước báo chí)
Thứ năm, bản chất của cơ quan lập pháp là công khai, minh bạch và dân chủ. Việc báo chí “tham gia” vào quá trình hoạt động của Quốc hội sẽ làm rõ và nổi bật hơn bản chất này. Nhờ có báo chí mà cử tri đều biết, nghe, thấy các vấn đề của mình được quan tâm, xử lý như thế nào, sự cam kết của Chính phủ cũng được xác lập công khai, chế độ trách nhiệm được tăng cường . 3. Cơ chế hoạt động với báo chí của Quốc hội a) Quy chế hoạt động báo chí của Quốc hội Hoạt động của báo chí tại Quốc hội được quy định tại Quy chế Hoạt động nghiệp vụ của phóng viên trong các đại hội, hội nghị và các buổi lễ (ban hành kèm theo Quyết định số 10/2004/QĐ-BVHTT ngày 27 tháng 2 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin) và Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi năm 2015). Quy chế Hoạt động nghiệp vụ của phóng viên bao gồm 8 điều, trong đó có các điều quy định trách nhiệm và quyền hạn của Quốc hội đối với cơ quan báo chí, phóng viên, cũng như quyền hạn, nghĩa vụ của phóng viên với Quốc hội (Xem chi tiết trong phần Phụ lục). Theo Khoản 6, Điều 11, Nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi năm 2015, đại diện cơ quan báo chí“được tạo điều kiện thuận lợi tại khu vực dành riêng để tham dự, đưa tin về các phiên họp công khai tại kỳ họp Quốc hội và bảo đảm việc đưa tin chính xác, khách quan theo quy định của pháp luật về báo chí. Đồng thời, Tổng thư ký Quốc hội quy định cụ thể về việc hoạt động của đại diện cơ quan báo chí, thông tấn tại khu vực diễn ra kỳ họp Quốc hội” .
11
b) Đầu mối phụ trách báo chí trong kỳ họp Phòng Báo chí thuộc Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội có thể coi là đầu mối giữ mối quan hệ với báo chí trong và ngoài kỳ họp. “Người phát ngôn của Quốc hội” trên thực tế hiện nay là Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Vụ Thông tin hoàn toàn có thể giúp người phát ngôn chính thức của Quốc hội trong việc cung cấp thông tin thường xuyên cho báo giới thông qua Thông cáo báo chí hoặc công cụ khác có nguồn xác thực. Kể từ những kỳ cuối của Quốc hội khóa XIII, đầu mối phụ trách báo chí bắt đầu được đặt tại Trung tâm báo chí, tầng hầm B1, Hội trường Ba Đình mới (Nhà Quốc hội). Tại Trung tâm báo chí, các phóng viên được nhận tài liệu (bản in giấy) tại Bàn Thông tin, đồng thời có thể theo dõi hoạt động trong hội trường thông qua màn hình đặt tại đây. Khi có nội dung Quốc hội họp kín, thảo luận tại tổ, tại Đoàn đại biểu, Trung tâm báo chí sẽ ra thông cáo báo chí, hướng dẫn đưa tin gửi đến các cơ quan thông tấn báo chí. Ngược lại, đại biểu Quốc hội cũng có thể đề nghị Trung tâm báo chí liên hệ với các nhà báo, phóng viên nếu thấy cần. Trong kỳ họp, Trung tâm báo chí làm việc từ 7 giờ 30 đến 17 giờ 30 hàng ngày (trừ những ngày Quốc hội nghỉ). c) Địa điểm tác nghiệp của báo chí trong kỳ họp Phóng viên, đại diện cơ quan báo chí đưa tin về kỳ họp sẽ được tác nghiệp vào các giờ giải lao ở nhiều địa điểm khác nhau trong Nhà Quốc hội, như hội trường, các phòng họp, phòng phỏng vấn… Việc sử dụng địa điểm tác nghiệp trong thời gian diễn ra kỳ họp phải tuân thủ các quy định của Tổng Thư ký Quốc hội. Trong kỳ họp, các phóng viên sẽ được cấp thẻ của Ban tổ chức kỳ họp, và việc sử dụng thẻ phải tuân theo quy định, ví dụ không cho mượn thẻ (trường hợp vi phạm sẽ bị tịch thu và không được cấp lại); khi bị mất thẻ, cần phải báo ngay cho Trung tâm báo chí kỳ họp.
(Toàn cảnh cuộc họp báo tại Trung tâm báo chí tòa nhà Quốc hội)
d) Các cơ quan báo chí được dự đưa tin về kỳ họp Theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 của nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi (theo Nghị quyết 102/2015/QH13), căn cứ chương trình kỳ họp Quốc hội, đề nghị của Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội quyết định danh sách cơ quan báo chí được mời dự và đưa
12
tin về các phiên họp công khai của Quốc hội. Trong các khóa Quốc hội vừa qua, thông tin về kỳ họp Quốc hội được nhiều cơ quan báo chí theo dõi hàng ngày, đưa tin kịp thời, trên trang đầu các tờ báo giấy chính thống như Nhân Dân, Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Thanh Niên…đến chuyên mục thời sự hàng ngày ở các cơ quan báo hình, phát thanh như Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam… Đặc biệt, hoạt động của Quốc hội trong và sau kỳ họp đều được cập nhật đầy đủ trên diễn đàn chính thức của Quốc hội - báo Đại biểu nhân dân và trong các chuyên mục về Quốc hội trên các Đài Truyền hình, Đài phát thanh…
13
PHẦN II XÂY DỰNG HÌNH ẢNH ĐBQH TRÊN BÁO CHÍ Trên diễn đàn Quốc hội, xét về giá trị pháp lý, việc “ấn nút” của mỗi đại biểu là như nhau, nhưng tiếng nói của mỗi cá nhân đại biểu Quốc hội lại có “sức nặng” khác nhau đối với báo giới và cử tri. Cử tri sẽ tín nhiệm cho người có tiếng nói có trọng lượng. Đại biểu Quốc hội nào “chiếm lĩnh” được diễn đàn Quốc hội bằng lý lẽ thuyết phục, với hình ảnh ấn tượng và sự xuất hiện đều đặn, đại biểu đó sẽ có vị trí trong trái tim mến mộ của cử tri. 1. Đối tượng và những vấn đề quan tâm của báo chí tại nghị trường Trong suốt thời gian diễn ra kỳ họp, nhiều ý kiến phát biểu về nhiều vấn đề liên quan đến các nội dung của kỳ họp. Tuy nhiên không phải ý kiến nào cũng được báo chí ghi hình hay trích dẫn, không phải đại biểu nào cũng được quan tâm chú ý. Trên thực tế, báo chí hay đăng tải những hình ảnh, phát ngôn gây sự chú ý của công chúng, dư luận bởi sản phẩm trên báo chí phải thu hút được sự quan tâm đối với công chúng. Nói cách khác, những đại biểu Quốc hội tạo dựng được dấu ấn và nêu ra những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà dư luận quan tâm thường dễ thu hút sự chú ý của các phóng viên. Đại biểu Quốc hội thường được báo chí và các phóng viên tác nghiệp tại nghị trường quan tâm bao gồm: Đại biểu Quốc hội là Ủy viên Bộ Chính trị, các thành viên Chính phủ, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bí thư, Chủ tịch tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; Đại biểu Quốc hội là những “ngôi sao nghị trường”; Đại biểu Quốc hội là những đối tượng đặc biệt (trẻ, người dân tộc thiểu số, đại biểu tôn giáo, nhân sĩ, tri thức…); Đại biểu Quốc hội có ý kiến thẳng thắn, sắc sảo, quyết liệt trên nghị trường đúng tầm chính khách đề cập đến những vấn đề quốc kế dân sinh, vang vọng tiếng dân thể hiện tầm nhìn và đặc biệt là thể hiện dũng khí của người đại biểu; Đại biểu Quốc hội là những người liên quan trực tiếp tới các vấn đề quan trọng, các vấn đề “nóng”
(Đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận tại hội trường)
14
của kỳ họp. Những thông tin được quan tâm thường mang tính thời sự, nóng hổi, những bức xúc trong dư luận xã hội, những sự kiện đang diễn ra hoặc sẽ xảy ra trong tương lai gần, có tính dự báo, có thể ảnh hưởng đến lợi ích của người dân. Thông tin có mức độ ảnh hưởng càng lớn, đối tượng bị ảnh hưởng càng rộng thì mức độ quan tâm của báo chí càng cao. Đó là những thông tin ở tầm chính sách có sự tác động sâu rộng đến đời sống nhân dân như các sắc thuế, chính sách về y tế, giáo dục, lao động và độ tuổi lao động, bảo hiểm xã hội, các giải pháp kinh tế, bảo vệ môi trường,... Sự quan tâm của công chúng hiện nay đang hướng tới cuộc chiến thực phẩm bẩn, tiêu cực, tham nhũng, vấn đề hội nhập tham gia các hiệp định thương mại tự do, nhất là hiệp định TPP vừa mới được ký kết năm 2015. Bên cạnh đó, những ý kiến về tinh thần yêu nước, về bảo vệ chủ quyền các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, biên giới, hải đảo nói chung cũng được đón nhận nồng nhiệt. 2. Thu hút sự quan tâm của báo chí qua phát biểu ý kiến Kỳ họp Quốc hội là sự kiện thu hút sự quan tâm của hàng trăm cơ quan báo chí, phóng viên nhà báo trong và ngoài nước. Vì vậy mỗi đại biểu Quốc hội cần có kỹ năng để thu hút sự quan tâm của báo chí tại nghị trường. a) Vấn đề phát biểu Vấn đề được đại biểu Quốc hội lựa chọn để đưa lên diễn đàn Quốc hội được đánh giá là một tiêu chí quan trọng để “đo” tầm nhìn, tầm chính khách của đại biểu. Vì vậy, đại biểu Quốc hội cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi lựa chọn một vấn đề để phát biểu. Làm thế nào để lựa chọn đúng và trúng vấn đề? Đại biểu Quốc hội có thể thực hiện theo các bước hướng dẫn sau: Bước một, thu thập phân loại thông tin: trong bước này đại biểu Quốc hội thống kê những thông tin thu thập được về các vấn đề trong cuộc sống cũng như chính sách. Việc thu thập thông tin này có thể thực hiện bằng nhiều cách thức, theo nhiều nguồn khác nhau nhằm thẩm định sự tin cậy của thông tin. Đó là thông tin thường được thu thập qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, tiếp công dân, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thông tin hằng ngày trên các tờ báo, tại các hội nghị, hội thảo... Điều này giúp đại biểu đảm bảo được việc lựa chọn vấn đề để đưa ra ý kiến trên nghị trường Quốc hội là có cơ sở, có căn cứ. Tại bước này, sau khi có thông tin thu thập được, cần tiến hành sàng lọc các vấn đề theo các tiêu chí cụ thể như: chủ thể ban hành, đối tượng tác động, lĩnh vực giáo dục, y tế, kinh tế, quy mô, phạm vi ảnh hưởng...Trên cơ sở này, đại biểu phân loại được các thông tin để từ đó dễ dàng khoanh vùng các lĩnh vực phục vụ việc phân tích và lựa chọn vấn đề đưa lên nghị trường.
15
Bước hai, Lựa chọn vấn đề và thời điểm phát biểu: Sau khi xử lý cơ bản thông tin thu được, đại biểu cần xác định vấn đề được lựa chọn phát biểu ý kiến tại nghị trường. Đại biểu cần quan tâm đến hai yếu tố cơ bản sau để có thể thu hút sự quan tâm của báo chí: i)Thứ nhất, vấn đề được lựa chọn nên thuộc các lĩnh vực báo chí thường quan tâm (như đã đề cập ở trên). Tuy nhiên, không phải bất cứ lĩnh vực nào báo chí quan tâm, đại biểu Quốc hội đều có thể lựa chọn để phát biểu. Bởi vì, một đại biểu Quốc hội không thể biết hết mọi chuyện và có khả năng phát biểu sâu sắc về mọi vấn đề. Trong số lĩnh vực thường được báo chí quan tâm, đại biểu Quốc hội nên lựa chọn lĩnh vực nào mình có chuyên môn và sự am hiểu sâu sắc. Khi đó, ý kiến phát biểu của đại biểu sẽ sắc bén, thuyết phục hơn. ii) Thứ hai, thời điểm đưa ý kiến ra nghị trường cũng là một yếu tố quan trọng trong việc tạo ấn tượng với báo giới. Đại biểu Quốc hội nên chọn thời điểm đưa quan điểm của mình khi chưa có ai đề cập tới hoặc chưa có kết luận của người có thẩm quyền trong vấn đề đại biểu đề cập. Nếu chọn thời điểm theo kiểu “vuốt đuôi” hoặc “tát nước theo mưa” thì sẽ khó gây ấn tượng với bất kỳ đối tượng nào. Bởi vì, ý kiến đại biểu Quốc hội đưa ra sẽ chìm vào trong sự kiện đã được khơi ra hoặc đã được xử lý. Do đó, khi đưa một vấn đề lên nghị trường đại biểu cũng cần cân nhắc tới yếu tố này. Bước ba, xây dựng phương án phát biểu ý kiến. Việc diễn đạt một vấn đề có nhiều cách thức khác nhau phụ thuộc vào phong cách của mỗi đại biểu. Tuy nhiên, dù đại biểu lựa chọn cách thức như thế nào thì nội dung phát biểu bao giờ cũng hàm chứa các yếu tố sau: i) một là vướng mắc đang tồn tại, ii) hai là nguyên nhân của những vướng mắc, iii) ba là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với vướng mắc đang được đề cập, và iv) cuối cùng là những định hướng giải quyết những vướng mắc đó. Có thể không nhất thiết tất cả các các yếu tố trên đều được lựa chọn để trình bày một cách đầy đủ và theo trật tự như trên. Nhưng việc tuân thủ theo các nội dung trên sẽ giúp ý kiến phát biểu của đại biểu được đầy đủ và trọn vẹn. Xây dựng phương án phát biểu là việc làm cần thiết để đảm bảo ý kiến của đại biểu trên nghị trường được kết cấu một cách hợp lý, khoa học giúp đại biểu tự tin hơn khi phát biểu trước ống kính máy quay tại nghị trường. b) Phong thái biểu đạt Khả năng diễn đạt, cử chỉ thái độ, trang phục cũng là những yếu tố quan trọng cho việc tạo dấu ấn của đại biểu trên diễn đàn Quốc hội. Khả năng hùng biện là minh chứng cho thấy hiệu quả hoạt động của người đại biểu. Tuy nhiên, không phải đại biểu Quốc hội nào cũng có được khả năng hùng biện cuốn hút. Bài phát biểu hay cuốn hút đầu tiên phải bắt nguồn từ phong thái người phát biểu. Người phát biểu có phong cách tự tin, đĩnh đạc, giọng nói
16
(Hình ảnh đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường Quốc hội)
dứt khoát rõ ràng mạch lạc, âm điệu lôi cuốn, trong cách nói có sự nhấn nhá để tạo những điểm dừng là một điểm cộng đầu tiên cho sự thu hút của Quốc hội cũng như báo chí. Trong cách nói đại biểu cần lưu ý về tốc độ nói cũng như âm lượng nói. Tốc độ vừa phải của lời nói là 125 từ/ phút – là tốc độ nói đề người nghe có thể hiểu được thông điệp của mình. Thông thường, nhiều người lại hay nói nhanh hơn so với tốc độ chuẩn mà không để ý rằng nói với tốc độ nhanh sẽ khiến cho người nghe không theo kịp được với thông điệp dẫn đến việc truyền tải thông điệp đi sẽ không đạt hiệu quả cao. Phong thái của đại biểu Quốc hội không chỉ thể hiện qua phong cách phát biểu tự tin đĩnh đạc, mà còn thể hiện qua hình thức bên ngoài. Người đại biểu nên xây dựng cho mình một hình ảnh bên ngoài phù hợp với vai trò chính khách. Đối với đại biểu Quốc hội nam trang phục phù hợp sẽ là comple, cà vạt, áo sơ mi cổ cồn. Trường hợp đại biểu phục vụ trong lực lượng vũ trang có thể sử dụng quân phục thuộc ngành của mình. Đối với đại biểu Quốc hội nữ, nên ưu tiên lựa chọn áo dài khi tham gia các kỳ họp Quốc hội. Trường hợp không sử dụng được áo dài cần lựa chọn trang phục lịch sự và nên có chút trang điểm nhẹ. Đặc biệt đại biểu Quốc hội cần lưu tâm về trang phục của mình trong thời gian có lịch phát biểu ý kiến của mình. Bởi vì, đây sẽ là điểm đầu tiên mà báo giới để ý đến đại biểu. Trong quá trình phát biểu ý kiến, để tạo sức hút đại biểu Quốc hội nên kết hợp giữa lời nói và các cách thức biểu cảm phi ngôn ngữ như nét mặt, ánh mắt...ở mức độ hợp lý. Tiếp đến, để có một bài phát biểu ý kiến hay thu hút sự quan tâm của Quốc hội cũng như báo chí, đại biểu Quốc hội cần trình bày ý kiến một cách ngắn gọn, súc tích, có điểm nhấn và đi thẳng vào vấn đề Quốc hội và cử tri quan tâm, tập trung thảo luận, không vòng vo, nói giảm hay nói tránh. Việc
17
nói ngắn gọn và thẳng vào vấn đề sẽ khiến người nghe sẽ phải tập trung chú ý lắng nghe hơn. Khi một người nói thẳng vào một vấn đề, điều đó thường truyền tải thông điệp đến người nghe rằng thực sự có một vấn đề cần giải quyết và người đưa lên vấn đề đó là người đang cần được lắng nghe. Mặt khác, thời gian quy định dành mỗi đại biểu Quốc hội phát biểu lần đầu không quá 7 phút, lần 2 không quá 3 phút nên đại biểu phải tận dụng hết khoảng thời gian này để diễn đạt trọn vẹn, đầy đủ vấn đề chính. Tránh trường hợp nói với sự dẫn dắt dài dòng khiến người nghe không bắt được ý tứ của người phát biểu, đồng thời ảnh hưởng tới thời gian dành cho nội dung chính của ý kiến. Một lưu ý nữa là khi phát biểu ý kiến đại biểu không nên nhắc lại nội dung báo cáo đã nêu, hoặc ý kiến của đại biểu trước đã phát biểu. Trường hợp trùng ý kiến với các đại biểu đã phát biểu trước đại biểu chỉ cần khẳng định: “Nhất trí với nội dung báo cáo/ ý kiến phát biểu trước”. Thời gian còn lại dùng để phản biện những vấn đề chưa thống nhất, đồng tình, lý do không đồng tình với lý lẽ thuyết phục, có thể dẫn chứng một vài vụ việc cụ thể, nếu có các số liệu thì sẽ càng thuyết phục hơn. Ngôn ngữ sử dụng trong bài phát biểu cũng là một yếu tố thường được báo chí để ý. Đề diễn tả nội dung bài phát biểu, đại biểu nên lựa chọn các từ có thể lột tả được vấn đề. Một nghệ thuật rất hay thường được nhiều đại biểu sử dụng hiệu quả đó là dùng những hình ảnh so sánh hay châm ngôn để minh họa hoặc bình luận cho vấn đề mà mình nêu ra. Cách thức này có ưu điểm là khiến cho ý kiến sinh động, dễ nhớ, dễ hiểu tạo điểm nhấn cho toàn bộ nội dung của ý kiến. Bên cạnh việc quan tâm về nội dung ý kiến phát biểu, kỹ thuật phát biểu, phong thái của người đại biểu,...Kinh nghiệm thực tế cho thấy, để thu hút sự quan tâm của báo chí đại biểu nên xây dựng một mức độ thân thiết với đội ngũ phóng viên vì điều này cũng ảnh hưởng lớn trong việc “quảng bá” hình ảnh của đại biểu. Một người đại biểu có quan hệ mật thiết với giới báo chí sẽ dễ được lựa chọn để trích lời, và trong trường hợp đại biểu có lỡ lời thì báo giới cũng dễ dàng bỏ qua hơn.
18
PHẦN III KỸ NĂNG TRẢ LỜI PHỎNG VẤN TẠI HỘI TRƯỜNG Phỏng vấn là một cuộc đối thoại có chủ đích, là phương pháp thường xuyên được áp dụng và đạt hiệu quả tuyên truyền cao nhất. Thông thường, người chủ động trong phỏng vấn là phóng viên, còn đại biểu Quốc hội là người bị động trong việc này. Tuy nhiên, để biến bất lợi thành lợi thế nhằm làm chủ tình hình thậm chí là chiếm thế thượng phong trước báo chí, đại biểu Quốc hội cần có những thông tin và kỹ năng cần thiết trong việc trả lời phỏng vấn. 1) Những đặc thù của phỏng vấn và trả lời phỏng vấn tại hội trường Kỳ họp Quốc hội là sự kiện chính trị quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn trên toàn quốc. Do đó, các hoạt động tác nghiệp của báo chí nói chung và phỏng vấn nói riêng đều có những đặc thù riêng. Biết được những điểm riêng biệt này giúp đại biểu Quốc hội yên tâm hơn khi giao tiếp với báo giới. Thứ nhất, về địa điểm, không gian, và thời gian phỏng vấn: Trong kỳ họp, các phóng viên thường tận dụng những phút giải lao để thực hiện phỏng vấn đại biểu Quốc hội mình quan tâm tại hội trường. Phần lớn những cuộc phỏng vấn này là bất ngờ không được báo trước. Các phóng viên thường chờ đại biểu Quốc hội sẽ ra tiền sảnh thư giãn hoặc điểm tâm, giải khát để đề nghị được phỏng vấn. Vì vậy, những cuộc phỏng vấn này thường là những cuộc phỏng vấn nhanh, chớp nhoáng. Do đó, phóng viên sẽ thường đề cập thẳng vào vấn đề cần phỏng vấn, ít có sự vòng vo thăm dò ý tứ. Thứ hai, Về hình thức phỏng vấn: phỏng vấn tại hội trường thường là hình thức trực tiếp với 2 mô hình là 1-1 hoặc 1-n. Mô hình phỏng vấn 1-1 là mô hình phỏng vấn một phóng viên phỏng vấn một đại biểu Quốc hội . Mô hình 1-n là mô hình một đại biểu Quốc hội trả lời phỏng vấn nhiều phóng
( Đại biểu Quốc hội trả lời báo chí trong giờ giải lao)
19
viên. Có những trường hợp, có lúc đầu là “một đối một” (một đại biểu trả lời phỏng vấn một phóng viên), chỉ có một phóng viên đăng ký phỏng vấn, sau đó một số phóng viên khác tham gia “dự thính”, chụp ảnh, ghi âm. Có những trường hợp xuất hiện hàng chục phóng viên vây quanh đại biểu cùng tham gia phỏng vấn tập thể (mô hình 1-n), mỗi người một câu hỏi, như kiểu “họp báo lưu động”. Tại hành lang Quốc hội, không gian thường rộng, ồn ào, người đi lại lộn xộn, thời gian trả lời phỏng vấn ít, câu hỏi đa dạng, phức tạp, nội dung không được chuẩn bị trước, cho nên đại biểu Quốc hội cần bình tĩnh, chọn câu hỏi phỏng vấn để trả lời. Tập trung trả lời ngắn gọn, súc tích và khéo léo kết thúc cuộc phỏng vấn sớm để không ảnh hưởng tới việc tham gia phiên họp. Thứ ba, về đối tượng và nội dung phỏng vấn: đại biểu Quốc hội thường được các phóng viên quan tâm phỏng vấn nội dung liên quan tới nội dung của phiên họp, hoặc những vấn đề chuyên sâu, những vụ việc xảy ra có tính thời sự. Đối tượng được quan tâm tập trung vào đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm đang giữ các vị trí trong Chính phủ, các đại biểu là Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm chuyên trách và các đại biểu Quốc hội chuyên trách khác ở Trung ương, địa phương nắm vững vấn đề. Bên cạnh đó, tùy theo vào diễn biến cụ thể, báo chí còn quan tâm đến đại biểu có chức, thuộc thành phần đại diện trong xã hội như đại biểu trẻ, đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu có tôn giáo, đại biểu đại diện cho doanh nhân,…hoặc có mối liên hệ với vấn đề/địa phương đang có vấn đề được quan tâm hoặc đại biểu có phát biểu nổi bật tại hội trường. Các đối tượng khác nhau, báo chí sẽ quan tâm và phỏng vấn các nội dung khác nhau. Cụ thể: Với các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm giữ các vị trí trọng trách, lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành luôn được phóng viên nghị trường quan tâm với các vấn đề kinh tế - xã hội mang tính vĩ mô. Với đại biểu Quốc hội chuyên trách cả trung ương và ở địa phương, phóng viên phỏng vấn chủ yếu trong một số trường hợp sau: Một là, trước phiên chất vấn, phóng viên đặt câu hỏi với đại biểu Quốc hội về những vấn đề đại biểu quan tâm và việc đặt câu hỏi đối với người trả lời chất vấn. Sau phiên chất vấn, phóng viên thường phỏng vấn đại biểu về mức độ hài lòng với việc trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ. Hai là, phỏng vấn các đại biểu Quốc hội chuyên trách có ý kiến mang tính chất phản biện với một số vấn đề đang có ý kiến khác nhau về tình hình kinh tế - xã hội, hay một dự kiến chủ trương mới, chính sách pháp luật mới. Ba là, những vấn đề “nóng” đang được Quốc hội thảo luận ở hội trường liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội, giám sát chuyên đề và xây dựng pháp luật với đề nghị đại biểu có chính kiến và thông tin từ thực tiễn cơ sở hoặc trong ngành, lĩnh vực cụ thể (chẳng hạn như môi trường, vệ sinh an toàn thực
20
phẩm, giá thuốc, giá gạo,...). Với đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm ở địa phương, phóng viên thường quan tâm phỏng vấn về những sự kiện vừa mới xẩy ra hoặc trong thời gian diễn ra kỳ họp; quan điểm của đại biểu Quốc hội đối với vụ việc được đăng tải trước đó. Hoặc đối với các đại biểu Quốc hội thuộc thành phần đại diện trong xã hội thì tùy theo nội dung của kỳ họp mà có thể phỏng vấn. Ví dụ, đối với đại biểu Quốc hội đại diện cho doanh nhân, phóng viên phỏng vấn về Luật Doanh nghiệp, Luật thuế, Luật Hải quan,... khi Quốc hội có chương trình sửa đổi bổ sung luật này. Nếu đại biểu Quốc hội đại diện cho cán bộ y tế, phóng viên sẽ phỏng vấn về nội dung liên quan đến ngành y tế.v.v… 2. Một số điều cần lưu ý khi trả lời phỏng vấn tại hội trường a) Chuẩn bị sẵn sàng trả lời phỏng vấn Là đại biểu Quốc hội, dù ở bất kỳ một vị trí nào, đại biểu chuyên trách ở Trung ương, địa phương hoặc đại biểu kiêm nhiệm ở địa phương đều cần đến mối quan hệ giữa Quốc hội và báo chí. Đại biểu đều cần trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cơ bản về việc tiếp xúc với báo chí để luôn xây dựng được cho mình một tâm thế chủ động. Điều đầu tiên, đại biểu cần nắm vững những quy định của pháp luật về việc phỏng vấn và trả lời phỏng vấn để biết được giới hạn của việc phỏng vấn, từ đó điều chỉnh hoặc kiểm soát quá trình phỏng vấn. Những nội dung này được quy định trong Luật báo chí, Quy chế phỏng vấn báo chí do Bộ thông tin truyền thông ban hành... Bên cạnh đó, đại biểu cần nắm vững được nội dung trong nội quy, quy chế kỳ họp của Quốc hội để biết trong khuôn khổ kỳ họp Quốc hội, đại biểu cũng như phóng viên được phép và không được phép làm gì. Tiếp theo, việc nắm vững quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của đại biểu Quốc hội có thể giúp đại biểu điều tiết phạm vi, vấn đề được phỏng vấn. Khi trả lời phỏng vấn, đại biểu Quốc hội đang phát ngôn với tư cách của vị trí, chức danh mà đại biểu đang nắm giữ chứ không phải với tư cách cá nhân. Thêm vào đó, đại biểu Quốc hội cần dự trù khả năng, tình huống có thể xảy ra với cá nhân đại biểu. Trên cơ sở thực tiễn diễn ra tại hội trường, cộng với những vấn đề đang được báo chí quan tâm, đại biểu Quốc hội có thể xác định được có khả năng hay không mình sẽ là đối tượng được quan tâm. Nếu các dự đoán đều cho thấy khả năng cao được báo chí “quan tâm”, đại biểu Quốc hội nên chuẩn bị thông điệp mà mình muốn bày tỏ. Tất nhiên, trên thực tế không phải lúc nào cũng xảy ra giống như với dự tính của đại biểu. Nhưng việc này ít nhiều cũng giúp đại biểu tự tin hơn khi trả lời phỏng vấn, nếu khéo léo đại biểu Quốc hội có thể xoay được báo chí theo hướng của mình.
21
Cuối cùng là vấn đề tâm lý: Tâm lý là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn tới sự thành công của cuộc phỏng vấn. Bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, không né tránh là điều giúp đại biểu tự tin. Đại biểu Quốc hội hãy coi việc phỏng vấn là công việc thường ngày của phóng viên, giống như việc đại biểu cho ý kiến vào dự thảo các văn bản luật; đại biểu Quốc hội trả lời phỏng vấn là hỗ trợ và giúp phóng viên hoàn thành nhiệm vụ. Nếu cảm thấy hồi hộp có thể hít thở một hơi để lấy lại bình tĩnh. Những cảm giác này thường có ở những đại biểu Quốc hội mới được phỏng vấn và trả lời phỏng vấn, đối với những người đã có kinh nghiệm trong tiếp xúc báo chí thì gần như không còn cảm giác này. b) Ứng xử của đại biểu trong trả lời phỏng vấn Trong trả lời phỏng vấn, ứng xử của đại biểu Quốc hội là một trong hai điều được báo chí đánh giá cao nhất (điều còn lại là nội dung thông điệp). Thành công của cuộc phỏng vấn bị chi phối lớn bởi điều này. Do đó, trong ứng xử với báo chí nên lưu ý một số vấn đề: Khi tiếp xúc với báo chí, thân thiện, cởi mở, không ngần ngại trả lời phỏng vấn là điều mong đợi của báo chí với đại biểu Quốc hội . Đại biểu Quốc hội và phóng viên là những người cộng sự với mục tiêu trao đổi những vấn đề mà cả hai đang quan tâm. Đại biểu Quốc hội thể hiện cho phóng viên cảm nhận đươc sự thông hiểu đối với công việc các nhà báo nghị trường, sẵn sàng hợp tác vì lợi ích chung; cởi mở đúng mực với báo chí để tận dụng báo chí nhằm chuyển tới các đối tượng thông điệp của mình đồng thời tạo điều kiện gây thiện cảm với báo chí. Khi báo chí ngỏ ý phỏng vấn, trừ trường hợp có lý do đặc biệt không nên từ chối thẳng thừng, mà nên bày tỏ thái độ sẵn sàng hợp tác nhưng kèm theo đó là một câu nói để có thể tạo đường lui cho mình: “Vâng, tôi sẵn sàng hợp tác nếu tôi có thể”; đừng bao giờ để suy nghĩ tiêu cực rằng “Mình không làm được việc này” hoặc “Việc này không phải của mình” để đưa ra thái độ thiếu hợp tác với báo chí. Khi đối diện với câu hỏi tiêu cực, không nên bắt chước thái độ tiêu cực đó. Không tự ái, không bảo thủ, đặc biệt là không bao giờ bực bội, gay gắt hay sử dụng những lời châm chọc miệt thị. Khi phóng viên đeo bám dai dẳng, vượt quá mức cho phép, cần kiên quyết, khéo léo từ chối. Khi gặp tình huống phỏng vấn bất ngờ, đại biểu nên hỏi vấn đề mà phóng viên quan tâm. Nếu đó là vấn đề mà đại biểu cảm thấy chắc chắn thì có thể trả lời ngay, nếu không thì nên đề nghị phóng viên gửi câu hỏi qua email. Sau đó, đại biểu tìm kiếm tư liệu chắc chắn rồi gửi câu trả lời cho phóng viên qua email. Chỉ khi nào hiểu sâu sắc vấn đề thì mới nhận lời phỏng vấn. Trong trường
22
hợp đại biểu Quốc hội không biết, nắm không chính xác hoặc không đúng thẩm quyền, nên thẳng thắn, thành thực từ chối và giải thích rõ lý do từ chối. Các phóng viên nghị trường hầu hết đều có kinh nghiệm, được tòa soạn lựa chọn để thông tin về Quốc hội, khá chuyên nghiệp trong tác nghiệp, do đó, đại biểu Quốc hội nên thẳng thắn trong những trường hợp này. c) Kỹ thuật tương tác với báo chí Trước khi bắt đầu cuộc phỏng vấn, đại biểu Quốc hội nên dành vài phút trò chuyện với phóng viên để tạo không khí giao tiếp tự nhiên và quan hệ chân tình. Nên đưa phóng viên danh thiếp ngay từ đầu để tránh nhầm lẫn và dễ liên lạc, đính chính, bổ sung thông tin. Đồng thời, khéo léo hỏi xem phóng viên đặt câu hỏi là của báo nào để cân nhắc, tiết chế liều lượng thông tin trả lời, tuy nhiên những thông tin đưa ra đại biểu Quốc hội cần có lập luận chặn chẽ.
Yếu tố tạo nên hình ảnh người đại biểu Đại biểu cần có kiến thức uyên thâm, am hiểu sâu sắc Đại biểu cần có bản lĩnh, tự tin. Luôn thẳng thắn, trung thực, không né trách
Trong quá trình trả lời phỏng vấn, đại biểu Quốc hội phải chăm chú lắng nghe Gần gũi, thân thiện, đúng mực người đối thoại, có thể hỏi lại khi cần thiết để tạo câu chuyện được tự nhiên. Ngoài ra, lắng nghe còn thể hiện thái độ tôn trọng người đang nói chuyện với mình. Điều này góp phần tạo dựng hình ảnh đẹp của đại biểu Quốc hội với phóng viên. Bên cạnh đó lắng nghe còn là để hiểu sâu sắc hơn ý tứ trong câu hỏi của phóng viên, nhằm đưa ra câu trả lời phù hợp nhất. Trong trường hợp không nghe rõ hay không hiểu câu hỏi của phóng viên, đại biểu Quốc hội hỏi lại ngay câu hỏi, tránh việc trả lời “đại” làm ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc phỏng vấn cũng như hình ảnh của đại biểu. Sự trung thực là điều quan trọng đầu tiên khi đại biểu Quốc hội làm việc với báo chí. Bởi hơn ai hết, báo chí là những người có đủ khả năng để kiểm chứng thông tin. Hơn nữa, uy tín của đại biểu Quốc hội cũng sẽ phụ thuộc vào điều này. Thể hiện chính kiến trung thực là cách mà đại biểu thiết lập lòng tin cho người phỏng vấn. Khi không trả lời được câu hỏi, đại biểu Quốc hội không bao giờ được phép phỏng đoán mà thành thật nói rằng: tôi không thể trả lời câu hỏi này. d) Cách truyền tải nội dung Khi trả lời phỏng vấn, đại biểu Quốc hội nên trả lời thẳng vào vấn đề, không vòng vo, nêu thông điệp rõ ràng với tinh thần “kiệm lời, nhiều ý”. Không sử dụng những từ chung chung, không có nội hàm. Để truyền tải
23
thông điệp của mình, đại biểu Quốc hội có thể sử dụng những câu thành ngữ có hình tượng và dễ nhớ. Cần tránh dùng những từ ngữ khó hiểu hoặc dùng tiếng địa phương. Nên dùng ngôn từ thông thường, phổ thông để mọi người dễ hiểu. Trong trường hợp nội dung truyền tải là những điều quá sốc với người nghe, đại biểu Quốc hội nên sử dụng cách nói có hàm ý. Điều này, khiến cho câu trả lời vẫn mang được thông điệp của người nói mà không khiến người nghe cảm thấy khó chịu. Khi trả lời phỏng vấn cần có lập luận chặt chẽ, đúng mức, có tính xây dựng, với những thông tin đầy đủ, đáng tin cậy. Cần cân nhắc trước khi phát ngôn bởi những lời đại biểu Quốc hội phát ra sẽ được phóng viên ghi âm lại. Tuy nhiên, không vì thế mà tỏ ra dè dặt. Ngược lại, nên có thái độ vui vẻ, cởi mở, thoải mái trong tiếp xúc, quan hệ. Trong trả lời phỏng vấn với báo chí, cách chuyển tải vấn đề về chính sách, pháp luật khô khan thông qua việc trình bày những câu chuyện cụ thể có thể làm tăng tính thuyết phục và sự hấp dẫn của chính sách hay quy định pháp luật. Kể chuyện về những câu chuyện của những người dân bình thường gặp phải là cách đưa chính sách đến với mọi người. Hầu hết mọi người thích nghe câu chuyện về cá nhân nào đó hơn là chỉ nghe đơn thuần về các quy
CHIẾM THẾ THƯỢNG PHONG TRƯỚC BÁO CHÍ Cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển và Cựu Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Đức Thúy từng là những chính khách rất có cá tính, bản lĩnh trước chất vấn của đại biểu Quốc hội và các câu hỏi của phóng viên. Phong cách mạnh mẽ với cánh tay hay vung lên, khẩu khí quyết liệt mỗi khi trình bày một vấn đề quan trọng, không ngại ngần “phản công” đại biểu khi cần thiết, là một mẫu chính khách luôn chiếm thế thượng phong khi đối thoại. Mỗi khi có phóng viên đặt câu hỏi không đúng bản chất vấn đề, hoặc phóng viên nêu câu hỏi mà không hiểu rõ về vấn đề đó, ông Tuyển thường đáp rằng: “Tớ thấy câu hỏi của cậu chưa chuẩn, tớ thử đặt câu hỏi lại giúp cậu xem nhé”, ông Thúy lại võ vai phóng viên cùng lời đáp: “Này cô/cậu, tôi không thể có câu trả lời đúng cho một câu hỏi sai như vừa rồi”. Cả ông Tuyển, ông Thúy luôn nhận được sự tôn trọng của báo chí vì các ông dường như chưa bao giờ nè tránh ống kình truyền hình và máy ghi âm
24
định luật pháp hay việc tăng ngân sách. Ví dụ, để nói về chính sách mà đại biểu Quốc hội muốn đề cập là xây dựng thêm nhiều trường mẫu giáo, có thể bắt đầu bằng câu chuyện nhỏ về gia đình nhà A không tìm được trường mẫu giáo để gửi con, từ đó nêu câu chuyện lớn (chính sách): Chúng ta muốn xã hội dành cho trẻ em nhiều cơ hội bình đẳng hơn và môi trường an toàn hơn. Cố gắng cung cấp đầy đủ những thông tin khi các phóng viên cần (kể cả khi điều đó đòi hỏi đại biểu phải bỏ thêm công sức hoặc gửi tài liệu). Trong những trường hợp cần thiết, đại biểu Quốc hội nên thẳng thắn yêu cầu phóng viên cho xem lại bài viết trước khi đăng. e) Một số vấn đề nên và không nên khi trả lời phỏng vấn tại hội trường. Nên: - Tập trung vào thông điệp : Chỉ nên đưa ra và trao đổi một thông điệp thông qua lời nói hoặc ngôn ngữ cử chỉ của quý vị. - Nhắc lại : Nhắc lại những điểm cơ bản để kết thúc - Tránh dùng từ chuyên ngành hoặc biệt ngữ : mọi người không nắm bắt vấn đề chi tiết, do vậy cần phải đơn giản hóa thông tin. Nên giải thích thêm nếu dùng các thuật ngữ chuyên môn. - Ngắn gọn: Dù người trả lời có nói dài, phóng viên chỉ lấy những thông tin cần thiết. Vì vậy, nên nói ngắn gọn và nhắc lại những điểm quan trọng nhất. Không nên: - Có thái độ coi thường, hoặc e ngại tiếp xúc với báo chí, sợ báo chí. - Tiếp xúc với báo chí mà không có sự chuẩn bị chu đáo. - Muốn qua báo chí để đề cao vai trò cá nhân hoặc muốn thông qua công luận để nêu chuyện riêng của mình, của một nhóm người. - Chịu sự tác động từ bên ngoài hoặc từ các cơ quan báo chí để vội vàng bày tỏ chính kiến về những vấn đề phức tạp, trong khi tính chính xác của thông tin chưa được thẩm định, kiểm chứng. - Chú trọng vào những tranh luận, những vấn đề thứ yếu, những nội dung có tính học thuật, có yêu cầu chuyên môn sâu… chỉ thích hợp với những diễn đàn khác. 3. Xử lý các tình huống khó Tình huống khó trong phỏng vấn là những tình huống khiến cho đại biểu Quốc hội nhiều khi lúng túng không biết nên xử lý như thế nào. Sau đây là một số những tính huống khó điển hình và một số khuyến cáo:
25
Hỏi một đằng, đăng một nẻo: Đây là tình huống khá phổ biến. Phóng viên hỏi một vấn đề, người được phỏng vấn trả lời một vấn đề, nhưng khi lên trang báo thành một vấn đề khác, ý tứ, câu chữ khác. Đây được xem như là một trong những rủi ro tiêu biểu nhất khiến nhiều đại biểu Quốc hội e dè với báo chí. Để ngăn ngừa điều này xảy ra, nên đề nghị xem trước bài phỏng vấn trước khi đăng. Nếu trường hợp này đã diễn ra, cần yêu cầu phóng viên cũng như tờ báo đăng tải nội dung phỏng vấn phải đính chính, nếu cần phải chính thức xin lỗi người được phỏng vấn. Dùng từ không đúng ý: Tình huống khó thứ hai mà đại biểu Quốc hội e ngại với báo chí là bài phóng vấn dùng từ giật gân hoặc nói theo ý báo chí. Trường hợp này, báo chí đặt đại biểu Quốc hội vào mối quan hệ phức tạp với chính quyền và cử tri. Đây là điều tương đối bất lợi với đại biểu Quốc hội. Do đó, để dự phòng cho tình huống này, chỉ nên nói những điều mình biết, vấn đề chuyên môn cần tham khảo chuyên gia rồi mới trả lời, đề nghị cụ thể với phóng viên về việc rút tít bài báo. Để tránh gây ra phức tạp, nếu có thể, nên nói rõ mình không thích cách dùng từ giật gân để rút tít báo. Hỏi quá thẩm quyền: Trong quá trình phỏng vấn và trả lời phỏng vấn, phóng viên hỏi quá thẩm quyền của đại biểu Quốc hội thì cần đính chính lại câu trả lời và xem bài trước lúc đăng và đề nghị sửa lại theo ý mình. Được hỏi về mức độ hài lòng: Nhiều đại biểu Quốc hội được hỏi về mức độ hài lòng về trả lời chất vấn của Bộ trưởng cùng ngành. Đây là tình huống thường gặp đối với nhiều đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm ở địa phương khiến cho đại biểu Quốc hội e ngại, dè dặt khi trả lời phỏng vấn. Giải quyết tình huống này, đại biểu có thể dựa trên vị thế của mình là người đại diện cho quyền lợi của cử tri, lợi ích của toàn thể quốc gia; Vì vậy, nếu có ý kiến nhận định “khó nghe” nhưng đúng bản chất vấn đề, vì lợi ích chung thì được chấp nhận. Được hỏi về những vấn đề nhạy cảm: Trường hợp, phóng viên đi sâu vào đời tư hoặc vấn đề thuộc an ninh quốc gia, vấn đề chưa được công bố..., đại biểu nên né tránh một cách tế nhị, dí dỏm hoặc từ chối trả lời với lý do không thuộc thẩm quyền của mình. Ứng xử trước những “sự cố” truyền thông Trong hoạt động truyền thông, đã xảy ra nhiều “sự cố” gây phản ứng trong xã hội. Đối với đại biểu Quốc hội, tuy “sự cố” xảy ra ít nhưng có ảnh hưởng đến uy tín đại biểu. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, một số đại biểu Quốc hội là thành viên Chính phủ khi trả lời chất vấn hoặc đại biểu Quốc hội khác khi phát biểu do không đưa ra được câu trả lời thỏa đáng, lỡ lời, đưa thông tin sai lệch tạo nên sự phản ứng mạnh mẽ của độc giả và cử tri. Có đại biểu thông qua báo chí, đã phải công khai xin lỗi cử tri. Có đại biểu Quốc hội sử dụng cuộc phỏng vấn khác để giải thích, thanh minh.
26
Trước những sự cố truyền thông do chính mình gây ra hoặc từ phía khác, cần có thái độ bình tĩnh, cầu thị. Theo kinh nghiệm của nhiều người, nếu mình sai, hoặc chưa đúng thì nên nhận khuyết điểm, tìm cách giải thích thêm hoặc nói lại cho rõ vấn đề, nhưng không nên ngụy biện, đồng thời rút kinh nghiệm. Ngược lại, im lặng không phải là cách tốt nhất trước truyền thông, nhưng đã trả lời thì phải nhất quán với mọi đối tượng. Biết dừng lại đúng lúc trong cuộc tranh luận là một bài học được nhiều người chia sẻ.
27
SỰ CỐ XUÂN QUÝ TỴ
Chắc hẳn nhiều người còn nhớ sự kiện, vào đầu xuân Quý tị năm 2013, ông Hoàng Hữu Phước – đại biểu Quốc hội khóa XIII đã viết bài đả kích sử gia ĐBQH Dương Trung Quốc với lời lẽ chưa từng có trong ngôn ngữ nghị trường. Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận Đây là sự cố đặc biệt nghiêm trọng đối với cả hai vị đại biểu. Trước sự quan tâm của dư luận, ĐBQH Dương Trung Quốc không tắt điện thoại hay né tránh, ông lựa chọn cách ứng xử vừa tránh được sự đụng độ lời qua tiếng lại không đáng có, vừa khiến cho người khác phải đồng tình. Trong email trả lời câu hỏi của phóng viên báo Tuổi Trẻ, ông viết: Tôi đã đọc trên BBC những điều như bạn nói, được cho là của đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Hoàng Hữu Phước viết. Bốn vấn đề được đề cập đều là bốn nội dung đã được trao đổi tại Quốc hội trong kỳ họp vừa qua. Quốc hội ta tuy chưa có sự “đối lập” nhưng ý kiến khác biệt ngày càng nhiều. Theo tôi nhận xét, sinh hoạt ở Quốc hội luôn tôn trọng sự khác biệt ấy để việc trao đổi, tranh biện sẽ làm cho chất lượng những quyết định của Quốc hội ngày một cao hơn. Tất cả những ý kiến của tôi đều đươc trình bày tại diễn đàn Quốc hội, các sinh hoạt của Quốc hội hay phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi tôn trọng ý kiến khác mình, sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu những điều mình thấy bị thuyết phục. Rất tiếc là đại biểu Phước đã không nêu những vấn đề ấy tại diễn đàn Quốc hội... Vì thế, tôi không để tâm bình luận những điều được coi là phát ngôn của anh Phước. Còn lại đề công chúng bình luận và điều đó thì tôi lại quan tâm. Thân chào. Dương Trung Quốc Nguồn: Lê Kiên - Phòng viên báo tuổi trẻ Bài viết cho TTBDDBDC
28
PHỤ LỤC 1) Giới thiệu và phân tích bài học từ một cuộc phỏng vấn Ngày 4/4/2016, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài phỏng vấn ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa với tiêu đề “Chạy chức, chạy quyền là đầu tư siêu lợi nhuận”, được đông đảo độc giả đồng tình, đánh giá cao. Dưới đây là toàn văn bài phỏng vấn và kèm theo là phân tích, bình luận về một số bài học trong trả lời phỏng vấn của đại biểu Quốc hội. a. Nội dung cuộc phỏng vấn PV: Ông bình luận gì về "vấn nạn"chạy chức, chạy quyền vừa được một số Đại biểu Quốc hội nêu ra khi góp ý vào báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ sáng 29/3/2016? Ông Lê Văn Cuông: Theo dõi diễn biến cuộc sống và dư luận xã hội, tôi thấy vấn đề chạy chức, chạy quyền ngày càng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương khiến người ta không thể vô cảm. Trong khi đó chúng ta luôn miệng nói quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chặt chẽ, thế nhưng tại sao “con voi vẫn chui lọt lỗ kim”? Dư luận băn khoăn có những "mảng tối" trong công tác cán bộ là có cơ sở. Lĩnh vực nào “ngon” một chút, có sự hấp dẫn về quyền lực và bổng lộc thì sự nhòm ngó càng lớn, càng nhiều người tìm cách đoạt được. Nhìn chung vấn đề chạy chức, chạy quyền không từ một vị trí nào hết, chỉ là ở mức độ khác nhau mà thôi. Tôi ví dụ, chức trưởng thôn, về lợi ích kinh tế không lớn, nhưng về mặt quyền lực, danh tiếng khu dân cư, dòng họ thì không hề nhỏ. Từ quyền lực này sẽ thao túng quyền lực khác. Vậy nên, nhiều khi lương hay phụ cấp của các chức danh không cao, nhưng đằng sau mức lương tầm thường đó còn biết bao khoản lợi, bổng lộc, gấp hàng chục lần? Khi thấy được cái lợi ích trước mắt người ta sẽ chạy và tìm cách chạy. Trước đây, thời điểm còn là Đại biểu Quốc hội, tôi đã nhiều lần chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về vấn đề này, đồng thời đưa ra cảnh báo, nếu không ngăn chặn việc chạy chức, chạy quyền sẽ dẫn đến hậu họa khôn lường cho đất nước. Bởi lẽ những người có phẩm chất, năng lực nhưng không chịu chạy sẽ không được đề bạt, bổ nhiệm. Còn những kẻ kém tài, kém đức nhưng khéo chạy, biết cách chạy có thể sẽ dễ dàng leo lên các thang bậc của quyền lực. Và khi có quyền họ sẽ tìm cách thao túng, phá thủng nề nếp quản lý để đặc quyền, đặc lợi, kiềm chế và triệt tiêu những người thẳng thắn, tiếp tục đưa những kẻ nịnh nọt, chạy chức, chạy quyền vào bộ máy Nhà nước.
29
Gần đây, dư luận lại băn khoăn nhiều về tình trạng một bộ phận cán bộ công chức có bằng thật nhưng kiến thức giả. Nhiều người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện nhưng nhờ lo lót, chạy chọt nên vẫn được tuyển vào cơ quan Nhà nước và được đề bạt, bổ nhiệm, làm cho chất lượng đội ngũ cán bộ công chức giảm sút. Đến nay, tình trạng trên vẫn chưa có nhiều chuyển biến. PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân sinh ra “vấn nạn” này? Ông Lê Văn Cuông: Vấn nạn chạy chức chạy quyền không phải bây giờ mới có ở Việt Nam. Từ xa xưa trong dân gian đã lưu truyền tệ “mua quan, bán chức” với bao điều xấu xa. Thời chiến tranh, bao cấp khó khăn gian khổ, có xảy ra việc chạy chức, chạy quyền nghiêm trọng, phức tạp như bây giờ đâu. Nếu có cũng chỉ là những thứ lặt vặt không đáng kể hoặc ở mức độ không lớn, không nghiêm trọng như hiện nay. Thời đó, người ta cũng không có điều kiện tham ô như bây giờ. Câu hỏi đặt ra là vì sao bây giờ nạn chạy chức, chạy quyền lại phát triển mạnh mẽ đến như thế? Có thể trả lời được ngay, đó là vì cơ chế, mà trước hết là công tác cán bộ nhiều nơi, nhiều chỗ chưa được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch. Chừng nào công tác cán bộ vẫn do một người, một nhóm người quyết định, hoặc dân chủ còn hình thức thì chạy chức, chạy quyền vẫn còn đất sống.Thực tế thì chỉ những người yếu kém, tư lợi, tham chức, tham quyền mới chạy chọt. Họ bỏ ra một số vốn đầu tư cho việc chạy thì sau này rất có thể người ta sẽ yêu cầu cấp dưới phải chạy chọt, để thu lại những khoản tiền mình đã bỏ ra. Điều này làm cho bộ máy Nhà nước không còn trong sạch và rất có hại cho dân, cho nước. Cũng cần phải nói thêm rằng, mặc dù thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo cho ra lò hàng loạt Tiến sĩ được cho là không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn được nhiều địa phương, Bộ, Ngành... đánh giá là nhân tài, nên đã đề ra nhiều chính sách, chế độ cục bộ hấp dẫn để thu hút, ưu tiên trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm đề bạt. Vì vậy, có nhiều người cố chạy cho được tấm bằng Tiến sĩ để làm quan, dẫn đến nghịch lý, Viện nghiên cứu, các trường Đại học rất thiếu Giáo sư, Tiến sĩ. Nhưng tại các cơ quan hành chính nhà nước, nhất là ở cấp Bộ thì đi đâu cũng gặp Tiến sĩ. Tôi cũng đã nhiều lần phản ánh tình trạng sinh viên ra trường phải bỏ ra hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng để chạy việc, trong khi đó, có nhiều sinh viên mặc dù phẩm chất, năng lực khá nhưng vẫn bị loại ra ngoài vì không có tiền lót tay. Nhiều người cho rằng đầu tư cho chạy chức, chạy quyền là đầu tư siêu lợi nhuận. PV. Như ông nhận định có việc chạy chức, chạy quyền, nhưng vì sao việc “bắt tận tay”, xử lý tận gốc tình trạng này lại khó đến vậy? Ông Lê Văn Cuông: Không có người nào chạy chức, chạy quyền nào lại
30
đi báo cáo với cơ quan chức năng cả. Thế thì khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”. Tôi lấy ví dụ, trước đây, để được xuất vào bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh, mỗi người phải "nộp" hai mươi đến ba mươi triệu đồng. Sau đó, hành vi vi phạm của cán bộ cơ quan này đã bị cơ quan chức năng truy tố trước pháp luật. Hay chuyện có cán bộ bị kỷ luật ở vị trí này, sau đó không lâu lại được bổ nhiệm ở vị trí khác, cao hơn. Nếu không chạy thì làm sao có hiện tượng lạ đời như vậy? Điều này cho thấy rằng, tình trạng chạy chức, chạy quyền diễn ra ngầm, phức tạp. Chỉ có đi vào thực tế kiểm tra, xem xét cụ thể mới phát hiện được. Đây là trách nhiệm của cơ quan điều tra, trong việc phát hiện những đối tượng đó chạy đến đâu? chạy như thế nào? cách thức chạy ra làm sao? PV. Theo ông, làm thế nào để ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền hiện nay? Ông Lê Văn Cuông: Muốn ngăn chặn được tình trạng này, trước hết cần nhìn thẳng vào vấn đề, mạnh dạn mổ xẻ, tìm đúng căn nguyên của bệnh mới trị được. Ví dụ, trong công tác cán bộ, khi thực hiện việc tuyển chọn nhân sự cần phải đưa ra nhiều ứng cử viên và những người đó phải có chương trình hành động cụ thể. Họ phải thực hiện đối thoại với dân và phải đưa ra tập thể để bỏ phiếu. Do đó, dân chủ, công khai, minh bạch là liều thuốc tốt nhất để chữa căn bệnh chạy chức, chạy quyền. Cụ thể, phải tăng cường sự giám sát của nhân dân, trong việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Vấn đề này cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao nhất. Còn nếu cứ thực hiện công tác cán bộ theo kiểu tù mù, chủ yếu dựa vào sơ yếu lí lịch, không có chương trình hành động, không có nhiều đối tượng ngang sức ngang tài để cạnh tranh, đối thoại xem ai hơn ai để lựa chọn, thì chạy chức chạy quyền vẫn còn đất sống, thậm chí sống khỏe.
b. Phân tích, bình luận về trả lời phỏng vấn Nội dung của bài phỏng vấn đề cập đến vấn nạn chạy chức, chạy quyền đang diễn ra phổ biến ở mọi nơi, mọi cấp trên đất nước ta, khiến dư luận vô cùng bức xúc. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri của Đại biểu dân cử, cử tri
31
nhiều địa phương đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này và được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp, báo cáo trước Quốc hội. Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều Đại biểu đã thẳng thắn và cảnh báo nguy cơ, hậu họa cho đất nước nếu không kịp thời ngăn chặn kịp thời có hiệu quả. Đặc biệt trong một số văn kiện của Đảng cũng như ý kiến phát biểu của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng trên diễn đàn, nhiều lần đã đề cập đến vấn đề này. Mặt khác, qua số liệu theo dõi lượng độc giả đã truy cập, thích, chia sẻ, bình luận cho thấy, việc lựa chọn nội dung phỏng vấn của nhà báo là đúng, trúng và có tính thời sự nội dung phỏng vấn. Nội dung câu hỏi của phóng viên bao gồm 3 phần: Tình hình, nguyên nhân, giải pháp khắc phục vấn nạn chạy chức, chạy quyền, giúp cho bố cục bài phỏng vấn đầy đủ, cân đối, rõ ràng và chặt chẽ. Mặt khác, việc lựa chọn đối tượng phỏng vấn cũng rất phù hợp. Người được phỏng vấn đã nhiều lần đăng đàn phát biểu, và chất vấn về vấn nạn chạy chức, chạy quyền trên nghị trường, chứng tỏ phóng viên có sự theo dõi sát sao hoạt động của Quốc hội và của Đại biểu tại kỳ họp. Về phía người trả lời chất vấn, do tâm huyết và hiểu sâu về vấn đề nên trả lời hết sức tự tin, thẳng thắn, đi thẳng vào câu hỏi của phóng viên, không vòng vo, né tránh. Như vậy có thể rút ra bài học chung nhất, muốn có cuộc phỏng vấn chất lượng phải có sự cố gắng, đồng bộ từ hai phía (người đặt câu hỏi và người trả lời phỏng vấn). Phóng viên lựa chọn vấn đề phỏng vấn đúng, trúng có tính thời sự, được dư luận xã hội quan tâm, người trả lời phỏng vấn phù hợp với nội dung phỏng vấn (đúng vai, am hiểu sâu vấn đề, có kỹ năng, kinh nghiệm trả lời phỏng vấn) và đặt câu hỏi phỏng vấn ngắn gọn, nhưng cụ thể, rõ ràng, bố cục chặt chẽ. Đối với người trả lời phỏng vấn phải nhiệt tình, tâm huyết, hiểu sâu vấn đề phỏng vấn, có sự chuẩn bị, cập nhật thông tin, trả lời thẳng thắn, trung thực, trả lời thẳng vào câu hỏi, không vòng vo né tránh; mỗi đoạn, mỗi câu trả lời đều có thông điệp chính rõ ràng. Bên cạnh đó, người trả lời phỏng vấn phải xuất phát từ vị trí, tầm của một người từng đại diện cho lợi ích của nhân dân và của quốc gia để trả lời các câu hỏi của phỏng viên. Chẳng hạn như, ông khái quát vấn đề: “nạn chạy chức, chạy quyền ngày càng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương khiến người ta không thể vô cảm”. Trong quá trình trả lời, ông đã khá nhiều lần nêu thực trạng, nguyên nhân, giải pháp ở tầm khái quát, tổng thể như vậy. Ngược lại, những nhận định có tính khái quát cao được dẫn chứng bằng những lập luận, ví dụ cụ thể. Chẳng hạn, trong bài trả lời phỏng vấn, người trả lời phỏng vấn đã lấy ví dụ cụ thể nhưng không phải nói để nói chuyện đó, mà
32
để minh họa cho vấn đề chạy chức, chạy việc làm – là một vấn đề tầm quốc gia, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của cử tri. Đó là trường hợp để được vào bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh, mỗi người phải "nộp" hai mươi đến ba mươi triệu đồng. Hoặc hiện tượng chạy chức nhỏ như trưởng thôn cũng vì ham muốn quyền lực. Đồng thời, khi trả lời phỏng vấn cần lưu ý tính chất của báo chí là muốn thể hiện bằng ngôn ngữ dễ hiểu, rõ ràng, có tính thu hút độc giả, chứ không hẳn bằng ngôn ngữ nghị trường vốn nhiều khi khô khan, khó hiểu đối với độc giả bình thường. Chính vì vậy, trong bài này, người trả lời phỏng vấn đã sử dụng một cách hợp lý, đúng chỗ những câu thành ngữ đã quen thuộc như “con voi chui lọt lỗ kim”, “lạy ông tôi ở bụi này”, hoặc những từ ngữ thể hiện đúng bản chất vấn đề mà dễ nhớ, ấn tượng như: “nộp”, “đầu tư cho chạy chức, chạy quyền là đầu tư siêu lợi nhuận”, “liều thuốc tốt nhất để chữa căn bệnh chạy chức, chạy quyền”. Trong trả lời phỏng vấn báo chí, cách chuyển tải vấn đề chính sách, pháp luật khô khan qua những câu chuyện cụ thể có thể làm tăng tính thuyết phục và sự hấp dẫn của chính sách hay quy định pháp luật. Kể chuyện về những câu chuyện của những người dân bình thường gặp phải là cách đưa chính sách đến với mọi người. Hầu hết mọi người thích nghe câu chuyện về cá nhân nào đó hơn là chỉ nghe đơn thuần về các quy định pháp luật pháp hay về ngân sách nhà nước. Cuối cùng, câu trả lời cần thể hiện rõ mối quan tâm, nhiệt huyết, hiểu biết, sự theo đuổi vấn đề. Điều này có thể thấy rõ qua từ ngữ, hình ảnh, những câu chuyện mà đại biểu sử dụng, nhất là qua việc đề cập những lần phát biểu của bản thân mình về vấn đề này tại hội trường Quốc hội, trên báo chí. 2. Quy chế phỏng vấn trên báo chí Ban hành kèm theo Quyết định số 26/2002/QĐ-BVHTT ngày 26 tháng 9 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - thông tin Phỏng vấn là thể loại báo chí nhằm cung cấp thông tin cho công chúng thông qua việc đặt câu hỏi của nhà báo và trả lời của người được phỏng vấn. Để các cơ quan báo chí, người phỏng vấn và người trả lời phỏng vấn thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Báo chí, Bộ Văn hoá Thông tin ban hành quy định về phỏng vấn trên báo chí như sau: 1. Người phỏng vấn phải là người có đủ tư cách đại diện cho cơ quan báo chí thực hiện việc phỏng vấn. 2. Người phỏng vấn cần thông báo cho người được phỏng vấn biết mục đích, yêu cầu và nội dung phỏng vấn. Khi có yêu cầu của người được phỏng
33
vấn, người phỏng vấn phải gửi trước câu hỏi hoặc nói rõ yêu cầu để người được phỏng vấn chuẩn bị. Trường hợp cần phỏng vấn trực tiếp, không có sự thông báo trước thì phải được người trả lời phỏng vấn đồng ý. 3. Sau khi phỏng vấn, trên cơ sở thông tin, tài liệu của người trả lời cung cấp, người phỏng vấn có quyền thể hiện bài viết bằng các thể loại phù hợp. Trường hợp phỏng vấn chỉ nhằm thu thập thông tin, người phỏng vấn có thể viết bài theo yêu cầu của cơ quan báo chí; người phỏng vấn phải thể hiện chính xác, trung thực nội dung trả lời của người được phỏng vấn và chịu trách nhiệm về nội dung bài viết của mình. Đối với những bài phỏng vấn ghi rõ họ tên, chức danh, địa chỉ người trả lời phỏng vấn, nếu người được phỏng vấn yêu cầu xem lại nội dung trước khi đăng, phát, cơ quan báo chí và người phỏng vấn không được từ chối yêu cầu đó. Trường hợp do yêu cầu cần thông tin nhanh, nếu người phỏng vấn, cơ quan báo chí thể hiện chính xác, trung thực nội dung trả lời và người được phỏng vấn không có yêu cầu thì không nhất thiết phải gửi bài phỏng vấn cho người được phỏng vấn xem lại. 4. Khi nhận được đề nghị phỏng vấn của cơ quan báo chí hoặc của nhà báo, người được phỏng vấn tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan báo chí, nhà báo thực hiện nhiệm vụ phỏng vấn. Người được đề nghị phỏng vấn có thể từ chối trả lời phỏng vấn khi chưa chuẩn bị hoặc không có trách nhiệm và thẩm quyền trả lời. 5. Người được phỏng vấn có thể trả lời bằng văn bản theo câu hỏi đã gửi trước hoặc trả lời trực tiếp cho nhà báo ghi chép, thu nhanh, thu hình để đăng, phát trên báo chí. 6. Khi thực hiện việc biên tập bài trả lời phỏng vấn, cơ quan báo chí và nhà báo không được tự ý thêm bớt, cắt xén nội dung các câu hỏi và trả lời làm sai lệch nội dung của người trả lời phỏng vấn. Những ý kiến phát biểu không nhằm mục đích trả lời phỏng vấn báo chí tại các hội nghị, các cuộc gặp gỡ, các cuộc trao đổi, nói chuyện... có nhà báo tham dự thì nhà báo có thể ghi chép, tường thuật, lược thuật để đăng, phát trên báo chí phù hợp với mục đích, yêu cầu thông tin, nhưng không được dùng những ý kiến đó để chuyển thành bài phỏng vấn nếu không được sự đồng ý của người phát biểu. 7. Cơ quan báo chí, người phỏng vấn và người trả lời phỏng vấn đều phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đăng, phát trên báo chí. Trường hợp nội dung bài phỏng vấn vi phạm Luật Báo chí hoặc các quy
34
định khác của pháp luật thì căn cứ tính chất, mức độ sai phạm và trách nhiệm gây nên sai phạm để xử lý cơ quan báo chí, người phỏng vấn hoặc người trả lời phỏng vấn theo quy định của pháp luật. 3. Quy chế Hoạt động nghiệp vụ của phóng viên trong các đại hội, hội nghị và các buổi lễ Theo quy định tại các Điều 5 và Điều 7, Quốc hội có trách nhiệm của mình trong việc mời các cơ quan báo chí đến đưa tin, phối hợp tạo điều kiện cho họ đưa những thông tin chính xác và đầy đủ nhất về các hoạt động của Quốc hội. Cụ thể, Điều 5 quy định trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan chủ trì tổ chức kỳ họp (Quốc hội), như sau: “…1. Quyết định mời cơ quan báo chí, phóng viên báo chí theo dõi và đưa tin về hoạt động lễ tân do mình tổ chức. 2. Ban hành quy định phù hợp với pháp luật, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự và yêu cầu nghiệp vụ báo chí; có trách nhiệm hướng dẫn, thông báo các quy định làm việc cho các phóng viên hoạt động nghiệp vụ báo chí tại hoạt động lễ tân do mình tổ chức. 3. Cơ quan chủ trì tổ chức hoạt động lễ tân có trách nhiệm cung cấp chương trình hoạt động lễ tân; những thông tin, tài liệu được phép công bố công khai; bố trí vị trí thuận lợi, phù hợp với hoạt động nghiệp vụ báo chí; phù hợp với tính chất, yêu cầu của hoạt động lễ tân.” Còn tại Điều 7, Quốc hội và “các cơ quan có liên quan (đối ngoại, an ninh...), cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí ở Trung ương và địa phương và các cơ quan báo chí có trách nhiệm phối hợp, trao đổi các biện pháp, hình thức tổ chức bảo đảm cho báo chí làm tốt nhiệm vụ thông tin các hoạt động lễ tân.” Đối với các cơ quan báo chí và phóng viên, các phóng viên được hoạt động nghiệp vụ tại kỳ họp Quốc hội phải đáp ứng được tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 của Quy chế Hoạt động nghiệp vụ của phóng viên trong các đại hội, hội nghị và các buổi lễ, nghĩa là “phải có đủ tiêu chuẩn chính trị và nghiệp vụ báo chí phù hợp với tính chất và yêu cầu của hoạt động lễ tân và có thẻ nhà báo do Bộ Văn hóa - Thông tin cấp.” Cũng theo Quy chế này, cơ quan báo chí “có trách nhiệm cử phóng viên có đủ điều kiện quy định tại Điều 2 của Quy chế này tham gia hoạt động nghiệp vụ tại các hoạt động lễ tân theo giấy mời và các quy định cụ thể của cơ quan chủ trì tổ chức hoạt động lễ tân đó”, đồng thời “có trách nhiệm phối hợp và thực hiện các quy định của cơ quan chủ trì tổ chức hoạt động lễ tân và cơ quan quản lý Nhà nước về báo chỉ để quản lý hoạt động nghiệp vụ của
35
phóng viên cơ quan báo chí mình tại các hoạt động lễ tân” (Điều 3). Do đó, các phóng viên tác nghiệp tại kỳ họp Quốc hội có nhiều nhiệm vụ và quyền hạn được quy định rõ tại Điều 4 Quy chế, như: 1) phản ánh thông tin trung thực, kịp thời về nội dung các hoạt động theo quy định của pháp luật báo chí; 2) được cung cấp chương trình, thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung; bảo quản, sử dụng các thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật; 3) được tiếp xúc, trao đổi, phỏng vấn đại biểu theo quy định của pháp luật và Nội quy kỳ họp; 4) được hướng dẫn và sắp xếp vị trí làm việc thuận lợi, phù hợp với hoạt động nghiệp vụ; các thao tác nghiệp vụ của phóng viên phải bảo đảm yêu cầu trang trọng, không làm cản trở các hoạt động và bảo đảm an ninh cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và khách mời; 5)trang phục lịch sự, phù hợp với tính chất của hoạt động và thuần phong mỹ tục của dân tộc; 6) Thực hiện đúng các quy định về bảo đảm an ninh, trật tự và nội quy kỳ họp Quốc hội.
36
MỘT SỐ TẬP SAN ĐÃ PHÁT HÀNH
37
MỘT SỐ SÁCH ĐÃ PHÁT HÀNH
38