Thứ Sáu, ngày 25 tháng 06 năm 2021
Số 629
Mỹ công bố kế hoạch chia sẻ vaccine Covid-19 liên quan Việt Nam Mỹ công bố kế hoạch chia sẻ 55 triệu liều trong 80 triệu liều vaccine Covid-19 dư thừa cho thế giới, trong đó cung cấp cho Việt Nam vừa trực tiếp vừa qua COVAX. Nhà Trắng cho biết trong 55 triệu liều vaccine Covid-19 tiếp theo được chia sẻ cho thế giới, 41 triệu liều sẽ được chuyển tới các nước thông qua cơ chế phân phối COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Washington cũng xác định các nước sẽ nhận được vaccine Covid-19 của nước này thông qua COVAX, trong đó 14 triệu liều được chuyển đến các quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe, 16 triệu liều cho châu Á và khoảng 10 triệu liều đến châu Phi. Tại châu Á, những quốc gia và vùng lãnh thổ được Mỹ chia sẻ vaccine Covid-19 gồm Việt Nam, Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Afghanistan, Maldives, Bhutan, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Lào, Papua New Guinea, Đài Loan, Campuchia và các đảo Thái Bình Dương.
Một nhân viên y tế cầm các liều vaccine Covid-19 của Moderna và Pfizer tại trung tâm tiêm chủng ở El Paso, Texas, Mỹ, hôm 6/5. Ảnh: Reuters.
Đối với 14 triệu liều v a c c i n e Covid-19 còn lại, Mỹ sẽ trực tiếp gửi tới những quốc gia và khu vực có nhu cầu, trong đó cũng có Việt Nam, Philippines và các nước như A i C ậ p , Jordan, Iraq.
"Chia sẻ hàng triệu liều vaccine của Mỹ tới các quốc gia khác là cam kết lớn từ chính phủ Mỹ", Nhà Trắng tuyên bố, thêm rằng "Mỹ sẽ không sử dụng vaccine của mình để đổi lấy sự ủng hộ từ các nước khác". Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trước đó thông báo Washington sẽ hoàn tất việc chia sẻ 80 triệu liều vaccine Covid-19 dư thừa cho thế giới vào cuối tháng sau. Blinken khẳng định Mỹ muốn đảm bảo mọi liều vaccine Covid-19 nước này chia sẻ cho thế giới đều phải "an toàn và hiệu quả". Tính tới ngày 18/6, khoảng 65,1% người dân ở Mỹ đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19. Tốc độ tiêm chủng của nước này phải tăng gấp đôi trong hai tuần tới để hoàn thành mục tiêu Tổng thống Biden kỳ vọng là tiêm chủng cho 70% dân số trước ngày quốc khánh 4/7. Chính quyền Mỹ cũng đang nỗ lực đưa ra nhiều sáng kiến để khuyến khích người dân nhanh chóng tiêm vaccine, như mở xổ số vaccine với giải thưởng tới một triệu USD hay đưa đón tận nơi người đi tiêm chủng. Nước này hiện ghi nhận hơn 34,4 triệu ca nhiễm và hơn 617.000 ca tử vong do nCoV. Ngọc Ánh (Theo NBC)
Nhà máy hạt nhân duy nhất của Iran đóng cửa khẩn cấp Nhà máy hạt nhân duy nhất của Iran đóng cửa khẩn cấp tạm thời nhưng không được giải thích, truyền hình nhà nước loan tin. Một giới chức thuộc công ty điện quốc doanh Tavanir, Gholamali Rakhshanimehr, nói trong một chương trình truyền hình ngày 20/6 là nhà máy Bushehr bắt đầu đóng cửa ngày 19/6 và sẽ kéo dài “trong ba hay bốn ngày.” Không nêu chi tiết, ông nói thêm kết quả có thể là do mất điện.
Nhà máy hạt nhân Bushehr của Iran.
Đây là lần đầu tiên Iran loan báo đóng cửa khẩn cấp nhà máy tại thành phố cảng Bushehr. Nhà máy này hoạt động vào năm 2011 với sự giúp đỡ của Nga. Iran được yêu cầu gởi các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng trở về Nga như là một biện pháp không phổ biến hạt nhân. Tin này được đưa ra giữa lúc các nhà ngoại giao nói những tiến bộ hơn nữa đã đạt được tại các cuộc thảo luận ngày 20/6 giữa Iran và các cường quốc toàn cầu nhằm phục hồi thỏa thuận cột mốc 2015 để kìm chế việc phát triển hạt nhân của Iran mà chính quyền ông Trump đã rút khỏi. Các nhà ngoại giao nói hiện tùy thuộc vào các chính phủ liên hệ đến những cuộc thương thuyết để có các quyết định chính trị. Trước đây trong ngày, ông Tavanir đưa ra một tuyên bố nói rằng nhà máy hạt nhân Bushehr đã được sửa chữa, nhưng không cho biết thêm chi tiết. Tuyên bố nói việc sửa chữa sẽ kéo dài cho đến ngày 25/6. Vào tháng Ba, viên chức hạt nhân Mahmoud Jafari nói nhà máy có thể ngưng hoạt động vì Iran không thể mua phụ tùng và trang bị từ Nga vì những chế tài ngân hàng Mỹ áp đặt vào năm 2018. Bushehr được vận hành bằng uranium sản xuất tại Nga chớ không phải Iran, và được Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế của Liên hiệp quốc theo dõi. IAEA công nhận biết được phúc trình về nhà máy, nhưng từ chối bình luận. Việc xây dựng nhà máy, trên bờ biển phía bắc giáp Vịnh Ba Tư, bắt đầu dưới thời Shah Mohammad Reza Pahlavi của Iran vào giữa những năm 1970. Sau cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979, nhà máy bị liên tục tấn công trong cuộc chiến Iran-Iraq. Nga sau đó hoàn tất việc xây dựng nhà máy. Nhà máy tọa lạc gần đường phay hoạt động và được xây để chịu được những trận động đất mạnh, thỉnh hoảng bị lay chuyển vì các rung động nhỏ. Trong những ngày gần đây, không có động đất đáng kể được báo cáo tại khu vực này. Trong khi đó Liên hiệp châu Âu ngày 20/6 chủ tọa phiên họp cuối cùng tại Vienna của vòng đàm phán thứ sáu giữa Nga, Trung Quốc, Đức, Pháp, Anh và Iran. Các nước liên hệ đến thương thuyết đã nỗ lực giải quyết những vấn đề quan trọng chính là làm thế nào đưa Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân cột mốc mà cựu Tổng thống Donald Trump đã đơn phương rút khỏi vào năm 2018. Ông Trump cũng khôi phục và tăng cường các chế tài để cố buộc Iran tái thương thuyết thỏa thuận với nhiều nhượng bộ. Cuộc họp là lần đầu tiên kể từ khi chánh án tối cao, nay là tổng thống tân cử, có đường lối cứng rắn, thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 18/6. Một số nhà ngoại giao bày tỏ quan ngại là việc đắc cử của ông Ebrahim Raisi có thể làm phức tạp thêm khả năng trở lại thỏa thuận hạt nhân.